Các chính sách cho công ty mới thành lập

 + Chính sách thuế môn bài cho công ty mới thành lập

 Doanh nghiệp có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng, mức thuế môn bài cả năm là 3 triệu VND.

 Doanh nghiệp có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư dưới 10 tỷ đồng, mức thuế môn bài cả năm là 2 triệu VND.

 Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế khác mức thuế môn bài cả năm là 1 triệu VND.

 Với công ty thành lập sau 30/6 thì sẽ đóng mức thuế môn bài bằng 1 nửa so với mức trên

 + Chính sách thuế gtgt và kê khai thuế cho công ty mới thành lập

 Doanh nghiệp mới thành lập thực hiện khai thuế giá trị gia tăng theo quý. Sau khi sản xuất kinh doanh (SXKD) đủ 12 tháng thì từ năm dương lịch tiếp theo sẽ căn cứ theo mức doanh thu bán hàng hoá, dịch vụ của năm dương lịch trước liền kề (đủ 12 tháng) để thực hiện khai thuế GTGT theo tháng hay theo quý. Tổng doanh thu bán hàng hoá và cung cấp dịch vụ từ 50 tỷ đồng trở xuống thì khai theo quý, trên 50 tỷ đồng thì khai theo tháng.

 Doanh nghiệp có hay không phát sinh thuế GTGT đều phải lập tờ khai thuế theo mẫu 01/GTGT đối với đơn vị SXKD, đối với Doanh nghiệp đang thực hiện dự án đầu tư chưa SXKD thì kê khai mẫu 02/GTGT. Thời hạn nộp tờ khai thuế GTGT quý là chậm nhất ngày 30 tháng đầu tiên của quý tiếp theo, đối với tờ khai tháng tháng chậm nhất là ngày 20 của tháng tiếp theo.

 + Chính sách miễn thuế cho công ty khi mới thành lập

 Các doanh nghiệp được ưu đãi về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp được quy định tại Điều 19, Điều 20 và Điều 21 Thông tư 78/2014/TT-BTC ngày 18/06/2014 được sửa đổi bổ sung tại Điều 6 Thông tư 151/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014 và Thông tư 96/2015/TT-BTC ngày 22/06/2015

 Doanh nghiệp có thể tìm đọc theo trình tự

 Điều 19. Thuế suất ưu đãi

 Điều 20. Ưu đãi về thời gian miễn thuế, giảm thuế

 Điều 21. Các trường hợp giảm thuế khác

 PHỤ LỤC DANH MỤC ĐỊA BÀN ƯU ĐÃI THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP

 + Chính sách công ty mới thành lập có được chỉ định thầu không

 Trường hợp nào được chỉ định thầu?

 Chỉ định thầu là một trong 7 hình thức lựa chọn nhà thầu được quy định trong Luật Đấu thầu, do thủ tục lựa chọn nhà thầu đơn giản và thời gian thực hiện ngắn nên nhiều chủ đầu tư mong muốn áp dụng hình thức này để đẩy nhanh tiến độ của gói thầu/dự án.

 Điều 22 của Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 (Luật Đấu thầu 2013) quy định đối với gói thầu thuộc trường hợp chỉ định thầu quy định tại Khoản 1 Điều này và đáp ứng điều kiện chỉ định thầu quy định tại Khoản 2 Điều này được áp dụng hình thức chỉ định thầu để lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu.

 Tuy nhiên trường hợp gói thầu vẫn có thể áp dụng một trong các hình thức lựa chọn nhà thầu khác quy định tại Luật Đấu thầu 2013 như đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh… thì khuyến khích áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu khác.

 Cụ thể, tại Điều 22 của Luật đấu thầu quy định:

 1. Chỉ định thầu đối với nhà thầu được áp dụng trong các trường hợp sau đây:

 a) Gói thầu cần thực hiện để khắc phục ngay hoặc để xử lý kịp thời hậu quả gây ra do sự cố bất khả kháng; gói thầu cần thực hiện để bảo đảm bí mật nhà nước; gói thầu cần triển khai ngay để tránh gây nguy hại trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe và tài sản của cộng đồng dân cư trên địa bàn hoặc để không ảnh hưởng nghiêm trọng đến công trình liền kề; gói thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế để triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trong trường hợp cấp bách;

 b) Gói thầu cấp bách cần triển khai nhằm mục tiêu bảo vệ chủ quyền quốc gia, biên giới quốc gia, hải đảo;

 c) Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa phải mua từ nhà thầu đã thực hiện trước đó do phải bảo đảm tính tương thích về công nghệ, bản quyền mà không thể mua được từ nhà thầu khác; gói thầu có tính chất nghiên cứu, thử nghiệm; mua bản quyền sở hữu trí tuệ;

 d) Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế xây dựng được chỉ định cho tác giả của thiết kế kiến trúc công trình trúng tuyển hoặc được tuyển chọn khi tác giả có đủ điều kiện năng lực theo quy định; gói thầu thi công xây dựng tượng đài, phù điêu, tranh hoành tráng, tác phẩm nghệ thuật gắn với quyền tác giả từ khâu sáng tác đến thi công công trình;

 đ) Gói thầu di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật do một đơn vị chuyên ngành trực tiếp quản lý để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng; gói thầu rà phá bom, mìn, vật nổ để chuẩn bị mặt bằng thi công xây dựng công trình;

 e) Gói thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công, gói thầu có giá gói thầu trong hạn mức được áp dụng chỉ định thầu theo quy định của Chính phủ phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội trong từng thời kỳ.

 2. Việc thực hiện chỉ định thầu đối với gói thầu quy định tại các điểm b, c, d, đ và e khoản 1 Điều này phải đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

 a) Có quyết định đầu tư được phê duyệt, trừ gói thầu tư vấn chuẩn bị dự án;

 b) Có kế hoạch lựa chọn nhà thầu được phê duyệt;

 c) Đã được bố trí vốn theo yêu cầu tiến độ thực hiện gói thầu;

 d) Có dự toán được phê duyệt theo quy định, trừ trường hợp đối với gói thầu EP, EC, EPC, gói thầu chìa khóa trao tay;

 đ) Có thời gian thực hiện chỉ định thầu kể từ ngày phê duyệt hồ sơ yêu cầu đến ngày ký kết hợp đồng không quá 45 ngày; trường hợp gói thầu có quy mô lớn, phức tạp không quá 90 ngày;

 e) Nhà thầu được đề nghị chỉ định thầu phải có tên trong cơ sở dữ liệu về nhà thầu của cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động đấu thầu.

 3. Đối với gói thầu thuộc trường hợp chỉ định thầu quy định tại khoản 1 Điều này và đáp ứng điều kiện chỉ định thầu quy định tại khoản 2 Điều này nhưng vẫn có thể áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu khác quy định tại các điều 20, 21, 23 và 24 của Luật này thì khuyến khích áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu khác.

 4. Chỉ định thầu đối với nhà đầu tư được áp dụng trong các trường hợp sau đây:

 a) Chỉ có một nhà đầu tư đăng ký thực hiện;

 b) Chỉ có một nhà đầu tư có khả năng thực hiện do liên quan đến sở hữu trí tuệ, bí mật thương mại, công nghệ hoặc thu xếp vốn;

 c) Nhà đầu tư đề xuất dự án đáp ứng yêu cầu thực hiện dự án khả thi và hiệu quả cao nhất theo quy định của Chính phủ.

 Chi tiết cách thức thực hiện được quy định tại Điều 54, 55, 56 của Nghị định 63/2014/NĐ-CP ngày 26/06/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu.

 + Chính sách cơ cấu thành lập công ty

 Theo quy định tại Luật doanh nghiệp 2005 thì

 Điều 46: Cơ cấu tổ chức quản lý công ty

 Công ty TNHH 2 thành viên trở lên có Hội đồng thành viên, Giám đốc, hoặc Tổng giám đốc

 Công ty TNHH có từ 11 thành viên trở lên phải thành lập Ban kiểm soát; trường hợp có ít hơn 11 thành viên, có thể thành lập Ban kiểm soát phù hợp với yêu cầu quản trị công ty. Quyền, nghĩa vụ, tiêu chuẩn, điều kiện và chế độ làm việc của Ban kiểm soát, Trưởng ban kiểm soát do Điều lệ công ty quy định.

 Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Giám đốc, Tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật của công ty theo quy định tại Điều lệ công ty phải thường trú tại Việt Nam; trường hợp vắng mặt ở Việt Nam trên 30 ngày phải ủy quyền bằng văn bản cho người khác theo quy định tại Điều lệ công ty để thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của công ty.

 Bạn có thể thấy có rất nhiều cơ chế thuận lợi cho việc thành lập công ty lúc này bạn hãy xem xét giữa những cơ chế và năng lực hiện tại để đề ra phương án thành lập công ty hợp lý nhất