Điều kiện thành lập chi bộ

Điều kiện thành lập chi bộ

 Theo quy định tại Khoản 2 Điều 21 Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam 2011 có quy định về điều kiện về số lượng để được thành lập chi bộ đảng như sau:

 Ở xã, phường, thị trấn có từ ba đảng viên chính thức trở lên, lập tổ chức cơ sở đảng (trực thuộc cấp uỷ cấp huyện). Ở cơ quan, doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp, đơn vị quân đội, công an và các đơn vị khác có từ ba đảng viên chính thức trở lên, lập tổ chức đảng (tổ chức cơ sở đảng hoặc chi bộ trực thuộc đảng uỷ cơ sở); cấp uỷ cấp trên trực tiếp xem xét, quyết định việc tổ chức đảng đó trực thuộc cấp uỷ cấp trên nào cho phù hợp; nếu chưa đủ ba đảng viên chính thức thì cấp uỷ cấp trên trực tiếp giới thiệu đảng viên sinh hoạt ở tổ chức cơ sở đảng thích hợp.

 Bên cạnh đó, tại Mục 19 Quy định 29-QĐ/TW năm 2016 thi hành Điều lệ Đảng do Ban Chấp hành Trung ương ban hành, có quy định về điều kiện để được thành lập chi bộ Đảng tại các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp như sau:

 Ở các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, chi bộ trực thuộc đảng ủy được giao quyền cấp trên cơ sở, được xác định là chi bộ cơ sở phải có các điều kiện sau đây:

 Có các tổ đảng trực thuộc;

 – Chính quyền cùng cấp phải là đơn vị cơ sở, có tư cách pháp nhân, có vị trí quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh;

 – Do đảng ủy được giao quyền cấp trên cơ sở quyết định sau khi có ý kiến đồng ý bằng văn bản của cấp ủy cấp trên trực tiếp.

 – Đối với Đảng bộ Quân đội và Đảng bộ Công an thực hiện theo quy định của Bộ Chính trị.

QUY TRÌNH THÀNH LẬP TỔ CHỨC ĐẢNG Ở CÁC XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN MỚI THÀNH LẬP SAU KHI SÁP NHẬP

 I. Cơ sở pháp lý:

 1. Khoản 3, Điều 10, Điều lệ Đảng quy định: “Cấp ủy cấp trên trực tiếp quyết định lập hoặc giải thể đảng bộ, chi bộ trực thuộc”.

 2. Khoản 5, Điều 13, Điều lệ Đảng quy định: “Từ tổ chức cơ sở đảng đến đảng bộ trực thuộc Trung ương nếu được thành lập mới, chia tách, hợp nhất, sáp nhập trong nhiệm kỳ, thì cấp ủy cấp trên trực tiếp chỉ định cấp ủy chính thức; chỉ đạo xây dựng hoặc bổ sung nhiệm vụ cho phù hợp”.

 3. Điểm 16.5 (Khoản 5), Mục 16 (Điều 13, Điều 31), Quy định số 29-QĐ/TW, ngày 25/7/2016 của Ban Chấp hành Trung ương về thi hành Điều lệ Đảng: “Trong nhiệm kỳ của cấp ủy, nếu có sự thay đổi về tổ chức như: thành lập mới, chia tách, hợp nhất, sáp nhập thì cấp ủy cấp trên trực tiếp chỉ định cấp ủy chính thức, bí thư, phó bí thư, ban thường vụ theo Khoản 5, Điều 13, Điều lệ Đảng; cấp ủy được chỉ định bầu ủy ban kiểm tra, chủ nhiệm ủy ban kiểm tra theo Điều 31, Điều lệ Đảng và Quy chế bầu cử trong Đảng”.

 4. Tiết b, điểm 10.5, Mục 10, Hướng dẫn số 01-HD/TW ngày 20/9/2016 của Ban Bí thư Trung ương quy định: Sau khi cấp ủy có thẩm quyền quyết định thành lập mới, chia tách hoặc sáp nhập tổ chức đảng thì cấp ủy cấp trên trực tiếp tiến hành làm thủ tục chuyển giao tổ chức và chuyển sinh hoạt đảng tập thể cho đảng viên trong mỗi cấp như sau:

 Việc chuyển giao, tiếp nhận tổ chức đảng, đảng viên trong phạm vi nội bộ đảng bộ cơ sở, đảng bộ cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng, đảng bộ trực thuộc Trung ương thì cấp ủy cơ sở, cấp ủy cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng, cấp ủy trực thuộc Trung ương ra quyết định chuyển giao và tổ chức thực hiện việc chuyển giao, tiếp nhận tổ chức đảng và đảng viên”.

 5. Tiết  b,  Điểm  3.3.3,  Khoản  3,  Mục  3.3,  Phần  2  Hướng  dẫn  số 09-HD/BTCTW, ngày 05/6/2017 của Ban Tổ chức Trung: “Nếu trong phạm vi đảng bộ huyện và tương đương thì cấp ủy huyện và tương đương ra quyết định chuyển giao tổ chức đảng và đảng viên, đảng ủy cơ sở nơi giao và nơi nhận lập biên bản bàn giao sổ danh sách đảng viên của các chi bộ trực thuộc, kèm theo hồ sơ đảng viên, ký tên, đóng dấu của cấp ủy nơi giao, nơi nhận vào trang đầu sổ danh sách đảng viên và biên bản bàn giao”.

 II. Thẩm quyền, trình tự thành lập đảng bộ xã, phường, thị trấn mới sau sáp nhập và thủ tục chuyển giao tổ chức đảng, đảng viên

 1. Thẩm quyền thành lập đảng bộ xã, phường, thị trấn mới sau sáp nhập.

 Căn cứ quy định của Điều lệ Đảng và các văn bản hướng dẫn thi hành Điều lệ Đảng; Quy định về phân cấp quản lý cán bộ của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, thì ban thường vụ cấp ủy cấp huyện có thẩm quyền:

 – Quyết định thành lập đảng bộ xã, phường, thị trấn mới sau khi sáp nhập.

 – Quyết định chỉ định ban chấp hành, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư đảng bộ của xã, phường, thị trấn mới.

 – Ra quyết định chuyển giao tổ chức đảng và đảng viên của đảng bộ sáp nhập về đảng bộ mới thành lập.

 – Ban chấp hành đảng bộ xã, phường, thị trấn sau khi được chỉ định, tiến hành bầu ủy ban kiểm tra, chủ nhiệm ủy ban kiểm tra theo Điều 31, Điều lệ Đảng và Quy chế bầu cử trong Đảng.

 2. Cách tính nhiệm kỳ và tên gọi của Đảng bộ mới

 2.1. Tên của đảng bộ cấp xã mới thành lập được lấy theo tên của đơn vị hành chính mới theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

 2.2. Cách tính nhiệm kỳ đại hội thực hiện theo quy định tại Điểm 12.2, Mục 12, Hướng dẫn số 01-HD/TW, ngày 20/9/2016, như sau:

 – Đảng bộ cấp xã được thành lập do chia tách, sáp nhập thì cách tính số thứ tự nhiệm kỳ đại hội là: số thứ tự đại hội qua các thời kỳ lịch sử (kể cả thời gian chia tách, sáp nhập) cộng thêm nhiệm kỳ hiện tại.

 Ví dụ: Đảng bộ xã X có thời gian trước khi chia tách, sáp nhập là 10 nhiệm kỳ + thời gian chia tách, sáp nhập 3 nhiệm kỳ + nhiệm kỳ hiện tại là Đại hội lần thứ 14.

 – Đảng bộ xã được thành lập mới hoặc được thành lập từ nhiều đơn vị khác nhau thì tính nhiệm kỳ đầu tiên.

 3. Thủ tục chuyển giao tổ chức đảng, đảng viên

 Thủ tục chuyển giao tổ chức đảng, đảng viên thực hiện theo Hướng dẫn số 01-HD/TW ngày 20/9/2016 của Ban Bí thư Trung ương về một số vấn đề cụ thể thi hành Điều lệ Đảng và Hướng dẫn 09-HD/BTCTW ngày 05/6/2017 của Ban Tổ chức Trung ương về nghiệp vụ công tác đảng viên, trong đó lưu ý một số nội dung sau:

 3.1. Để chuẩn bị thủ tục thành lập đảng bộ cấp xã mới sau khi sáp nhập, ban thường vụ cấp ủy cấp huyện, giao ban tổ chức cấp ủy chỉ đạo các đảng bộ thuộc đối tượng sáp nhập tiến hành thống kê, kiểm kê số chi bộ, đảng viên, hồ sơ đảng viên, sổ sách, cơ sở vật chất, trang thiết bị và các công việc cần thiết khác… của từng đảng bộ.

 3.2. Ngay sau khi ban thường vụ cấp ủy cấp huyện công bố quyết định thành lập đảng bộ mới, ban tổ chức cấp ủy tham mưu cho ban thường vụ ban hành quyết định chuyển giao tổ chức đảng và đảng viên, đồng thời chủ trì, hướng dẫn, để đảng ủy cơ sở nơi giao (các đảng ủy cũ) và nơi nhận (đảng ủy mới thành lập) lập biên bản bàn giao theo đúng quy định, cụ thể như sau:

 – Bàn giao sổ danh sách đảng viên của các chi bộ trực thuộc, kèm theo hồ sơ đảng viên, ký tên, đóng dấu của cấp ủy nơi giao, nơi nhận vào trang đầu sổ danh sách đảng viên và biên bản bàn giao;

 – Bàn giao tài chính, cơ sở vật chất;

 – Hồ sơ, sổ sách của đảng ủy về công tác chuyên môn, công tác tài chính;

 – Bàn giao con dấu của đảng ủy xã, phường, thị trấn cũ cho cấp ủy cấp trên theo quy định;

 3.3. Đảng ủy của đảng bộ cấp xã mới có trách nhiệm lưu trữ, quản lý hồ sơ của đảng bộ, hồ sơ đảng viên theo đúng quy định của Điều lệ Đảng.

 III. Quy trình chỉ định ban chấp hành, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư của đảng bộ cấp xã mới được thành lập

 1. Tiêu chuẩn, cơ cấu, số lượng cấp ủy viên

 a. Về tiêu chuẩn:

 Lựa chọn, giới thiệu nhân sự tham gia ban chấp hành đảng bộ, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư đảng ủy ở đơn vị hành chính cấp xã mới, phải đảm bảo tiêu chuẩn chung của cán bộ theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 (khóa VIII); Chỉ thị 35 – CT/TW ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; trong đó, chú ý một số vấn đề cụ thể sau:

 – Trong tình hình hiện nay cần nhấn mạnh về lập trường tư tưởng chính trị, năng lực thực tiễn thể hiện bằng hiệu quả công việc; uy tín trong Đảng, trong nhân dân; khả năng nắm bắt, xử lý có hiệu quả những vấn đề mới; đoàn kết, quy tụ đội ngũ cán bộ; dân chủ, sâu sát, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; công tâm, khách quan trong công tác cán bộ; nghiêm túc khắc phục, sửa chữa những khuyết điểm, yếu kém sau kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết TW4 khóa XI, khóa XII. Lãnh đạo chủ chốt của cấp ủy phải thực sự tiêu biểu về trí tuệ, đạo đức, uy tín, năng lực thực tiễn và sự cống hiến, được cán bộ, đảng viên, nhân dân tín nhiệm.

 – Các đồng chí bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND phải có năng lực, kinh nghiệm về công tác đảng và công tác chính quyền; các đồng chí dự kiến giới thiệu bầu vào các chức vụ lãnh đạo chủ chốt HĐND, UBND phải có năng lực, kinh nghiệm quản lý, điều hành hoạt động của HĐND, UBND.

 b. Về trình độ đào tạo:

 Cán bộ thuộc diện ban thường vụ cấp ủy cấp huyện quản lý phải có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên; lý luận chính trị từ trung cấp trở lên. Cán bộ diện đảng ủy xã, phường, thị trấn quản lý nói chung phải có trình độ trung cấp chuyên môn và trung cấp lý luận chính trị trở lên, ít nhất phải có 1 bằng trung cấp chuyên môn hoặc trung cấp lý luận chính trị; đối tượng khác (bí thư chi bộ thôn, bản, phố dự kiến tham gia đảng ủy viên) do đảng ủy xem xét, quyết định.

 Không cơ cấu những cán bộ, đảng viên vào cấp ủy trong các trường hợp:

 + Không gương mẫu thực hiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước hoặc vi phạm những điều đảng viên, cán bộ, công chức không được làm.

 + Cán bộ, đảng viên có 02 năm trong nhiệm kỳ 2015 – 2020 xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ; là người đứng đầu mà địa phương (cũ) có 02 năm không hoàn thành nhiệm vụ hoặc để địa phương mất đoàn kết, tham nhũng nghiêm trọng.

 c. Về sức khỏe: Các đồng chí được giới thiệu tham gia cấp ủy, ứng cử các chức danh lãnh đạo chủ chốt phải có đủ sức khỏe (theo kết luận của cơ quan y tế có thẩm quyền trong thời gian không quá 6 tháng đến thời điểm thực hiện quy trình nhân sự), để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao.

 d. Về độ tuổi: Lựa chọn để chỉ định tham gia cấp ủy đối với những đồng chí đủ tuổi tham gia trọn nhiệm kỳ cấp ủy 2020-2025 (nam sinh từ tháng 4/1965 và nữ sinh từ tháng 4/1970 trở lại đây). Trường hợp đặc biệt, cũng phải đủ tuổi tái cử cấp ủy nhiệm kỳ 2020-2025 (nam sinh từ tháng 10/1962 và nữ sinh từ tháng 10/1967 trở lại đây). Riêng các đồng chí dự kiến giới thiệu ứng cử các chức danh lãnh đạo HĐND, UBND nhiệm kỳ 2021-2026 (nam sinh từ tháng 11/1963 và nữ sinh từ tháng 11/1968 trở lại đây).

 e. Về cơ cấu cấp ủy: Phấn đấu đạt tỷ lệ cấp ủy viên nữ từ 15% trở lên; tỷ lệ cán bộ trẻ dưới 40 tuổi từ 10% trở lên. Ngoài ra, căn cứ tình hình cụ thể, đặc thù của mỗi địa phương, ban thường vụ cấp ủy cấp huyện xem xét, cho ý kiến để cơ cấu cấp ủy viên phù hợp với đặc điểm vùng miền, phù hợp giữa các xã cũ với nhau.

 f. Cơ cấu cấp ủy viên theo hướng sau:

 Bí thư đảng ủy, phó bí thư đảng ủy, chủ tịch, phó chủ tịch UBND, phó chủ tịch HĐND, chủ tịch ủy ban Mặt trận Tổ quốc, trưởng các tổ chức chính trị – xã hội, trưởng công an, quân sự xã, phường, thị trấn và một số bí thư chi bộ thôn, bản, phố và chi bộ trường học, trạm Y tế…

 g. Cơ cấu  ban thường vụ cấp ủy theo hướng sau:

 Bí thư, phó bí thư trực đảng; phó bí thư – chủ tịch UBND cấp xã (nếu bố trí 03 thường vụ cấp ủy); chủ tịch HĐND chuyên trách; phó bí thư phụ trách xây dựng tổ chức cơ sở đảng và phát triển đảng viên hoặc chủ tịch Mặt trận Tổ quốc hoặc phó chủ tịch HĐND hoặc phó chủ tịch UBND (nếu bố trí 05 thường vụ cấp ủy).

 h. Về số lượng

 – Đảng bộ có từ 200 đảng viên trở lên:

 + Số lượng cấp ủy viên: từ 13 đến 15 đồng chí.

 + Số lượng ban thường vụ: từ 03 đến 05 đồng chí;

 + Bí thư: 01 đồng chí (tiếp tục thực hiện chủ trương bí thư cấp ủy hoặc phó bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch hội đồng nhân dân);

 + Phó bí thư: 02 đồng chí (01 Phó bí thư trực đảng; 01 phó bí thư – Chủ tịch UBND).

 – Đảng bộ có dưới 200 đảng viên:

 + Số lượng cấp ủy viên từ 11 đến 13 đồng chí.

 + Số lượng ban thường vụ 03 đồng chí;

 + Bí thư: 01 đồng chí (tiếp tục thực hiện chủ trương bí thư cấp ủy hoặc phó bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch hội đồng nhân dân);

 + Phó bí thư: 02 đồng chí (01 Phó bí thư trực đảng; 01 phó bí thư – Chủ tịch UBND).

 2. Số lượng, cơ cấu ủy ban kiểm tra đảng ủy

 – Số lượng: Từ 3 đến 5 ủy viên;

 – Chủ nhiệm là phó bí thư trực đảng;

 – Phó chủ nhiệm là đảng ủy viên kiêm công tác văn phòng đảng ủy hoặc chức danh phù hợp khác;

 – Các ủy viên khác là đảng ủy viên hoặc đảng viên là trưởng các đoàn thể (Hội nông dân, Hội cựu chiến binh, Hội phụ nữ, Mặt trận Tổ quốc, Đoàn thanh niên) và thanh tra nhân dân;

 – Tiêu chuẩn ủy viên ủy ban kiểm tra: Theo Khoản 2, Mục I, Hướng dẫn số 04-HD/UBKTTU, ngày 18/11/2014 của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Hướng dẫn công tác nhân sự ủy ban kiểm tra tại đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015-2020;

 – Việc bầu ủy ban kiểm tra, chủ nhiệm, phó chủ nhiệm ủy ban kiểm tra đảng ủy thực hiện theo Quy chế bầu cử trong Đảng.

 3. Quy trình chỉ định ban chấp hành, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư của đảng bộ cấp xã mới được thành lập

 Bước 1:

 Sau khi HĐND tỉnh thông qua Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh, ban thường vụ cấp ủy cấp huyện căn cứ quy định của Điều lệ Đảng, pháp luật của Nhà nước, căn cứ thực tiễn công tác cán bộ của địa phương, giao ban tổ chức cấp ủy tiến hành gặp gỡ, trao đổi với ban thường vụ, ban chấp hành đảng bộ các xã, phường, thị trấn thuộc diện sắp xếp, trên cơ sở đó xây dựng Phương án thành lập đảng bộ; Phương án nhân sự của đơn vị hành chính cấp xã mới (số lượng, cơ cấu, nhân sự ban chấp hành, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư cấp ủy; chủ nhiệm, phó chủ nhiệm, ủy viên ủy ban kiểm tra đảng ủy và các chức danh cán bộ chủ chốt khác diện ban thường vụ cấp ủy cấp huyện quản lý); Phương án chuyển giao tổ chức đảng và đảng viên.

 Bước 2: Hội nghị thường trực cấp ủy cấp huyện

 Ban Tổ chức cấp ủy trình thường trực cấp ủy cấp huyện thảo luận, cho ý kiến: Phương án thành lập đảng bộ; Phương án nhân sự của đơn vị hành chính cấp xã mới; Phương án chuyển giao tổ chức đảng và đảng viên, trước khi trình ban thường vụ cấp ủy cho ý kiến.

 Bước 3: Hội nghị ban thường vụ cấp ủy cấp huyện

 Trên cơ sở nội dung do thường trực cấp ủy chuẩn bị, ban thường vụ cấp ủy thảo luận, thống nhất Phương án thành lập đảng bộ, Phương án nhân sự của đơn vị hành chính cấp xã mới; Phương án chuyển giao tổ chức đảng và đảng viên.

 Bước 4: Tổ chức hội nghị lấy ý kiến giới thiệu của ban chấp hành, ban thường vụ tại mỗi xã, phường, thị trấn thuộc diện sáp nhập

 (1) Hội nghị lấy ý kiến giới thiệu của các đồng chí ủy viên ban chấp hành đảng bộ tại mỗi xã, phường, thị trấn thuộc diện sáp nhập.

 Ban Tổ chức cấp ủy cấp huyện chủ trì, phối hợp với thường vụ đảng ủy xã, phường, thị trấn thuộc diện sáp nhập tổ chức để ban chấp hành đảng bộ thảo luận Phương án thành lập đảng bộ, Phương án nhân sự của đơn vị hành chính cấp xã mới dự kiến thành lập, Phương án chuyển giao tổ chức đảng và đảng viên, sau đó tiến hành lấy phiếu giới thiệu về Phương án nhân sự. Ban tổ chức cấp ủy cấp huyện thu phiếu, kiểm phiếu (kết quả kiểm phiếu không công bố tại hội nghị này).

 (2) Hội nghị lấy ý kiến giới thiệu của các đồng chí ủy viên ban thường vụ đảng ủy tại mỗi xã, phường, thị trấn thuộc diện sáp nhập.

 Ban Tổ chức cấp ủy cấp huyện chủ trì, xin ý kiến Phương án thành lập đảng bộ, Phương án nhân sự của đơn vị hành chính cấp xã mới dự kiến thành lập, Phương án chuyển giao tổ chức đảng và đảng viên, do ban thường vụ cấp ủy cấp huyện chuẩn bị; sau đó tiến hành lấy phiếu giới thiệu về Phương án nhân sự. Ban tổ chức cấp ủy cấp huyện thu phiếu, kiểm phiếu (kết quả kiểm phiếu không công bố tại hội nghị này).

 Bước 5: Tổ chức hội nghị chung của ban chấp hành, ban thường vụ các xã, phường, thị trấn thuộc diện sáp nhập, để lấy ý kiến giới thiệu.

 (1) Hội nghị chung của các đồng chí ủy viên ban chấp hành đảng bộ các xã, phường, thị trấn thuộc diện sáp nhập.

 Ban Tổ chức cấp ủy cấp huyện chủ trì, phối hợp với thường vụ đảng ủy các xã, phường, thị trấn tổ chức hội nghị chung để ban chấp hành đảng bộ các xã, phường, thị trấn thảo luận Phương án thành lập đảng bộ, Phương án nhân sự của đơn vị hành chính cấp xã mới, Phương án chuyển giao tổ chức đảng và đảng viên, sau đó tiến hành lấy phiếu giới thiệu về Phương án nhân sự. Ban tổ chức cấp ủy cấp huyện thu phiếu, kiểm phiếu (kết quả kiểm phiếu không công bố tại hội nghị này).

 (2) Hội nghị chung của các đồng chí ủy viên ban thường vụ đảng ủy các xã, phường, thị trấn thuộc diện sáp nhập.

 Ban Tổ chức cấp ủy cấp huyện chủ trì, xin ý kiến Phương án thành lập đảng bộ, Phương án nhân sự của đơn vị hành chính cấp xã mới, Phương án chuyển giao tổ chức đảng và đảng viên do ban thường vụ cấp ủy cấp huyện chuẩn bị; sau đó tiến hành lấy phiếu giới thiệu về Phương án nhân sự. Ban tổ chức cấp ủy cấp huyện thu phiếu, kiểm phiếu (kết quả kiểm phiếu không công bố tại hội nghị này).

 Bước 6: Ban Thường vụ cấp ủy cấp huyện xem xét, quyết định

 Trên cơ sở kết quả giới thiệu tín nhiệm của các hội nghị tại bước 4 và bước 5, căn cứ tình hình cụ thể, ban thường vụ cấp ủy cấp huyện thảo luận, quyết định nhân sự chỉ định ban chấp hành, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư đảng ủy, nhân sự bầu ủy ban kiểm tra, chủ nhiệm ủy ban kiểm tra và các chức danh cán bộ chủ chốt khác theo thẩm quyền. Đồng thời, quyết định Phương án thành lập đảng bộ, Phương án chuyển giao tổ chức đảng, đảng viên.

  

  

  

 Tag: đâu giám