Lịch sử quá trình tái chinh phục bán đảo Iberia

 Quá trình Reconquista (“reconquest”-tái chinh phục) là một khoảng thời gian gần 770 năm trong lịch sử của bán đảo Iberia , bắt đầu sau khi hoàn tất cuộc xâm lược của Hồi giáo Umayyad vào vương quốc Kitô giáo Visigothic trong năm 718 cho đến sự đầu hàng của các Tiểu vương quốc Granada , nhà nước Hồi giáo cuối cùng vào năm 1492.

 Chinh phục bán đảo Tây Ban Nha.

 Đầu thế kỷ thứ 8, bán đảo Iberia (Hispania) nằm dưới sự cai trị của vương quốc 200 năm tuổi Visigoth. Sự sụp đổ nhanh chóng của vương quốc này đến nay vẫn còn gây nhiều tranh cãi, đỉnh điểm là trận chiến Guadalete khi quân đội Visigoth đại bại và Roderic, vị vua cuối cùng của người Visigoth tử trận.

 Sau hơn 30 năm chinh phục toàn vùng Bắc Phi, người Hồi giáo bắt đầu lên kế hoạch xâm chiếm Iberia. Năm 687 dưới triều đại vua Erwig đã có các cuộc tấn công thăm dò đầu tiên trên bờ biển Levantine. Năm 710, sau khi giành quyền kiểm soát thành phố cảng Ceuta của Byzantine bên bờ biển Bắc Phi, lực lượng Hồi giáo (chủ yếu là người Berber) do Tariq chỉ huy đã xâm nhập vào bán đảo (eo biển Gibraltar là địa danh ghép từ tên ông: Gebel al-Tariq) và bắt đầu cướp bóc các khu vực phía Nam. Đầu năm sau, Musa ibn Nusair, thống đốc Bắc Phi của nhà Umayyad chính thức cho phép ông toàn quyền chinh phục Tây Ban Nha.

Vương quốc Visigoth năm 700:

 Vương quốc Visigoth năm 700:

 Tây Ban Nha thời Visigoth đầy rẫy mâu thuẫn và chứa đựng nhiều yếu tố tiêu cực hơn là tích cực. Sau khi miền Tây La Mã sụp đổ, cũng như các khu vực khác nơi đây lập tức bị sa sút về kinh tế, thương mại hàng hải hầu như biến mất, gần như không còn sử dụng tiền vàng trong giao dịch và nếu có thì cũng chỉ ở giá trị không đến 10 cara. Giao thông đường biển suy giảm đến mức mà một bức thư của Recaredo gửi cho Giáo hoàng phải mất hàng năm trời mới nhận được hồi âm, vì cần chừng ấy thời gian để tìm ra con tàu có thể qua lại giữa Ý và Tây Ban Nha. Các trung tâm kinh tế tiêu điều do địa chủ và quý tộc lui về điền trang riêng, cùng với sự biến mất của nghị viện thành phố. Một trong những khuyết tật di căn từ thời Đế chế là chế độ quân chủ dựa trên bỏ phiếu. Về lý thuyết thì mọi công dân đều có quyền bầu cử, nhưng trên thực tế chỉ những người giàu có và mạnh mẽ nhất mới có chân trong Officium Palatinum (Cung điện hoàng gia) và Aura Regia (Hội đồng hoàng gia). Việc mua bán phiếu và cả soán ngôi đều có sự nhúng tay của tầng lớp giáo sĩ cao cấp. Mọi nỗ lực của vua chúa nhằm chấm dứt tính ích kỷ và vô chính phủ của quý tộc, cũng như củng cố quân đội thường kết thúc trong thất bại. Qua hàng thế kỷ không đụng tới đao kiếm, người Visigoth đã đánh mất năng khiếu chinh chiến vốn làm họ nổi danh từ thời đế chế La Mã. Tệ hại hơn, khi các điền chủ và quý tộc bị ép buộc thực hiện nghĩa vụ quân sự, họ thường gửi đi những nông nô kém cỏi nhất. Dân Do Thái bị kỳ thị và đàn áp dữ dội do Kitô giáo được tuyên bố là tôn giáo chính, vì thế họ nhanh chóng đón tiếp cuộc xâm lăng sau này. Sự sụt giảm dân số là một vấn đề nghiêm trọng: bệnh dịch hạch, hạn hán và nạn đói đã xóa xổ 1/3 cư dân trên bán đảo chỉ trong vòng 20 năm trước khi người Hồi giáo đến.

Vua, quý tộc, giáo sĩ và các tầng lớp dân chúng vương quốc Visigoth

 Vua, quý tộc, giáo sĩ và các tầng lớp dân chúng vương quốc Visigoth

Phục trang, vũ khí và nhà cửa

 Phục trang, vũ khí và nhà cửa

 Cuộc khủng hoảng chính trị vốn đã kéo dài hàng thập kỷ trước đó vẫn tiếp diễn, sự đấu đá tranh giành vương quyền giữa hai gia tộc Wamba – Égica (Wittiza) và Chindasvinto – Recesvinto (Roderic) quyết liệt đến mức mà một số sử gia đã coi phe Wittiza như là kẻ chủ mưu hay đồng minh của cuộc chinh phục Hồi giáo. Theo chính sử, đức vua Wittiza mất năm 25 tuổi mà không chỉ định người kế vị chính thức, nguyên nhân cái chết của ông đến nay vẫn còn là ẩn số; sau đó theo luật Visigothic thượng viện đã bầu chọn công tước xứ Baetica, Don Rodrigo (Roderic) làm vua, đăng quang ở Toledo. Việc tìm hiểu chính xác những gì đã xảy ra ở thời điểm này là hết sức khó khăn, do bị đời sau lồng vào nhiều huyền thoại cũng như yếu tố tiểu thuyết. Một số câu chuyện có thể xem là gần đúng: cách vua Roderic lên kế vị không rõ ràng, thành viên gia tộc Wittiza chạy sang Tangier (thuộc Marốc) thỉnh cầu sự giúp đỡ, và người Hồi giáo chỉ đơn giản là lợi dụng nó. Cùng thời gian này, các quý tộc ở vùng Đông Bắc bầu chọn 1 thành viên Wittiza khác lên làm vua (Agila II), ông trị vì một cách độc lập và thậm chí còn cho đúc tiền xu riêng. Vương quốc Visigoth lâm vào tình trạng xung đột và ly khai trầm trọng chỉ vài tháng trước khi bị xâm lược.

 Quan điểm lịch sử có bốn hướng lý giải cuộc xâm lược Hồi giáo:

 1. Lực lượng Hồi giáo được cử đến hỗ trợ một phe trong nội chiến với hy vọng hưởng lợi từ sự cướp bóc và nhằm xây dựng liên minh trong tương lai.

 2. Một lực lượng trinh sát được gửi sang để thăm dò sức mạnh quân sự của vương quốc Visigoth.

 3. Làn sóng đầu tiên của cuộc tổng xâm lăng Hồi giáo.

 4. Là chuyến thám hiểm quân sự lớn, bất thường và ban đầu không có mục đích chiến lược lâu dài.

Lính Ả Rập ở Tây Ban Nha:

 Lính Ả Rập ở Tây Ban Nha:

 Khi nhận được tin, vua Roderic đang vây hãm thành Pamplona, một cứ điểm của các quý tộc ủng hộ vua Agila II. Ông lập tức đưa quân về phương Nam nghênh chiến với Tariq, lúc này đang tiến đến Seville. Ngày 19 hoặc 26 tháng 7 năm 711 ở đâu đó trong thung lũng Guadalquivir hay bên sông Guadalete, hai đội quân đã gặp nhau tại trận đánh mang tính quyết định số phận bán đảo Iberia. Phía Umayyad có chừng 12.300 (7000 của Tariq và 5000 viện quân từ Bắc Phi, thêm 300 kỵ binh người Ả Rập), một phần ba trong số này là kỵ binh mặc áo giáp xích (chain mail) và đội mũ sắt có khăn xếp quấn quanh (tiếng Ả Rập: mujaffafa); bên Visigoth tập trung được khoảng 33.000, gồm nhiều tư binh của các gia tộc và quý tộc trung thành, thậm chí do thiếu người, Roderic chấp nhận cả sự giúp đỡ của gia tộc đối lập Wittiza. Khi trận đánh đang diễn ra, một cánh kỵ binh bất ngờ phản bội (có lẽ đã được bí mật thỏa thuận từ trước), họ để ngỏ sườn cho kỵ binh Hồi giáo tràn qua đột kích thẳng vào hàng ngũ bộ binh phía sau (theo biên niên sử, chính con trai vua Wittiza là chỉ huy cánh quân phản phúc này). Quân Visigoth hỗn loạn và hoàn toàn tan vỡ, bản thân vua Roderic bị bao vây và hi sinh trong những giờ cuối cùng của trận chiến, người ta nhận ra xác con ngựa ở ven sông nhưng thi thể của ông không bao giờ được tìm thấy. Tariq chỉ tổn thất khoảng 3000 lính trong khi gần như toàn quân Kitô giáo bị tiêu diệt.

Trận Guadalete

 Trận Guadalete

  Ngay sau chiến thắng, ông tiến quân về Toledo, hầu như không gặp sức kháng cự nào đáng kể, và vơ vét được nhiều chiến lợi phẩm đến nỗi làm thống đốc Bắc Phi Musa ibn Nusair phải ghen tị khi biết tin và mang mọi lực lượng mình có sang Tây Ban Nha vào đầu năm 712. Sau khi hội quân ở Toledo, họ chia hai đường đánh lên Tây Bắc và men theo thung lũng sông Ebro sang phía Đông.

 Cuộc xâm lược của người Hồi giáo tiếp tục khoét sâu thêm các mâu thuẫn nội tại của vương quốc Visigoth. Musa mang đến khoảng 18.000 lính, chủ yếu là dân Ả Rập, và còn một số cánh quân nhỏ hơn chắc chắn đã vượt eo biển đến tiếp viện sau đó. Tuy nhiên, lẽ ra vài chục nghìn lính Hồi giáo đã phải bị nuốt gọn bởi hàng triệu người bản xứ nếu như họ có ý chí chiến đấu, vấn đề là dân chúng Iberia không có tinh thần chống ngoại xâm và các tầng lớp quý tộc thì không đủ uy tín để kêu gọi kháng chiến. Bộ máy hành chính hoàn toàn vô dụng, để lộ ra những điểm yếu cố hữu của nhà nước Visigoth. Cái chết của vua Roderic và sự thảm bại của đạo quân hoàng gia đã tạo nên khoảng trống quyền lực rất lớn, lúc đầu làm các thủ lĩnh Hồi giáo bất ngờ và về sau tích cực lợi dụng. Các đời vua kế tiếp, dù tự xưng hay bầu chọn đều không được chấp nhận rộng rãi. Mất tinh thần và vô tổ chức do thiếu quyền lực trung ương, các thành phố lần lượt đầu hàng có điều kiện, các điều kiện này thường biến đổi đa dạng tùy theo hoàn cảnh cũng như tính khí của kẻ thắng trận. Có 2 kiểu thoả thuận đầu hàng: “sulh” cho phép giữ lại tài sản và tôn trọng sinh hoạt riêng, cũng như được tiếp tục thờ phượng; “‘ahd” tương tự nhưng có thêm quyền tự trị nhiều hoặc ít. Cả hai đều phải thừa nhận sự cai trị Hồi giáo, thề trung thành và đóng thuế cố định hằng năm (gizya là một dạng thuế thân đánh vào người không theo đạo Hồi, bất kể dân tự do hay nô lệ). Trong một số trường hợp khác, người ta ký hiệp ước nhằm giữ lại bất cứ thứ gì có thể, kể cả chấp nhận tôn giáo mới như trường hợp công quốc Banu Qasi. Tinh thần chung là bao vây tấn công cho đến khi các thành lũy đầu hàng và các vùng chịu bảo hộ hay chấp nhận làm chư hầu. Với những nơi tổ chức kháng cự, sự trừng phạt rất khốc liệt: thành Zaragoza bị đánh chiếm, thiêu hủy một phần, toàn bộ dân chúng bị thảm sát và phụ nữ bị bán làm nô lệ. Thành Tarragona thậm chí còn bị san thành bình địa, không một ai sống sót. Ngoại lệ duy nhất là Merida, nhờ một phần giáp sông, tường thành vững chắc và tinh thần chiến đấu ngoan cường, thành phố này cầm cự được gần 1 năm và nhận được sự tôn trọng của người Ả Rập ngay cả khi đầu hàng ngày 30/6/712. Nói chung, sự tàn phá của quân Hồi giáo là đáng kể, biên niên sử Mozarabe viết năm 754 nhấn mạnh rằng “dù cho các chi đều biến thành lưỡi thì cũng không thể miêu tả hết vô số chuyện tồi tệ chúng đã reo rắc ở Tây Ban Nha”, sử gia Al Makkari hồi tưởng về chiến dịch Tây Bắc như sau “chúng không để nhà thờ nào không bị đốt cháy, không để chiếc chuông nào không bị đập vỡ”. Đến năm 715, trừ vài khu vực hẻo lánh và kín đáo (như thung lũng Andorra), hầu hết các thành phố và thị trấn trên toàn bán đảo Iberia đã bị chinh phục.

Các chiến dịch Hồi giáo ở Tây Ban Nha và miền Nam Pháp

 Các chiến dịch Hồi giáo ở Tây Ban Nha và miền Nam Pháp

  Năm 718-719, người Hồi Giáo tiến đến dãy Pyrennes, đánh đuổi tàn quân Thiên Chúa Giáo còn lại về các vùng núi hiểm trở phía Bắc và phía Tây. Lúc này lãnh thổ Tây Ban Nha chỉ còn quần đảo Balearic (Mallorca) là vẫn trong quyền kiểm soát của đế chế Byzantine, vài năm sau nó lệ thuộc vào sự bảo vệ của vương quốc Frank và thoát khỏi số phận chinh phục Ả Rập mãi đến năm 902-903.

 Theo truyền thống, các tướng lĩnh Hồi giáo được ban quyền hành rất rộng, và thường hoạt động độc lập sau khi nhận chỉ thị ngắn gọn. Khi các nhà chinh phục lãnh thổ xa trung ương đạt được nhiều chiến tích, họ sẽ thu được nhân tâm, uy tín và sự ủng hộ của binh lính dưới quyền, điều này trở thành một mối lo ngại đáng kể cho Caliph. Sự nghi ngờ này còn được đổ thêm dầu bằng những âm mưu và tranh đấu nội bộ giữa các chỉ huy. Cuối cùng thì nhiều công thần trên khắp thế giới Hồi giáo đều lần lượt được thay thế bởi các lãnh đạo trẻ hơn, vốn trung thành với Damacus. Ở Tây Ban Nha, Abd al-Aziz – con trai thống đốc Musa và là chủ thành Seville bị ám sát. Musa và Tariq đều bị triệu hồi về Damacus, Musa nhận cáo buộc tham ô kho báu hoàng gia Visigoth và bị đâm chết trong một thánh đường năm 716. Tariq bị tước hết quyền lực và chết trong nghèo đói.

 Ở miền Bắc, một quý tộc Visigoth là Pelagius (Pelayo) ban đầu thừa nhận quyền lực nhà Umayyad để được quyền tự trị, song đến năm 722 ông lãnh đạo cuộc nổi dậy chống lại quân Hồi giáo và lập nên vương quốc Asturias, ban đầu chỉ là 1 lãnh thổ nhỏ nơi biên địa phía Bắc. Do khu vực này xa xôi, cằn cỗi, địa hình rất phức tạp và chẳng có thành phố hay trung tâm hành chính nào quan trọng nên bị người Hồi giáo bỏ qua sau thất bại ở trận Covadonga. Vương quốc Asturias sống sót qua nhiều thập kỷ và dần dần mở rộng lãnh thổ ra toàn miền Bắc Tây Ban Nha, tạo tiền để cho quá trình Reconquista về sau.

 800px-Península_ibérica_750.svg

 Những vùng bị chinh phục được tổ chức lại thành tỉnh Al-Andalus theo cách gọi Hồi giáo, lấy thành Seville làm thủ phủ. Chính quyền Umayyad bãi bỏ mọi luật chống dân Do Thái, vốn ủng hộ nhiệt tình ngay khi bắt đầu các chiến dịch đến nỗi mà các sử gia Tây Ban Nha sau này đã gọi họ là “trợ thủ của quân xâm lược”. Dân Kitô giáo vẫn được giữ một số nhà thờ, dùng một số luật Visigoth giải quyết tranh chấp pháp lý, và cũng như họ người Do Thái được đối xử tử tế mặc dù người không theo Hồi giáo chỉ được coi như công dân hạng hai. Ở nhiều vùng, người Hồi giáo đặt chế độ giữ các con tin quan trọng để đảm bảo không còn sự chống đối. Những nhà cai trị mới nhanh chóng hòa nhập với tầng lớp cựu quý tộc Visigoth, nhất là phe Wittiza, nhiều người trong số này hưởng lợi từ lượng tài sản kếch xù của các đối thủ chính trị cũ: hàng ngàn điền trang kèm nông nô và vô số vàng bạc châu báu. Một số quý tộc từ bỏ kháng chiến và cải sang đạo Hồi, thậm chí kết hôn với các thủ lĩnh Hồi Giáo (trường hợp nổi tiếng nhất là Egilona, vợ góa vua Roderic tái giá với Abd al-Aziz ibn).

 Một hiện tượng đáng quan tâm thời kỳ này là sự cải đạo của dân bản xứ. Sau khi nghiên cứu các văn bản và tư liệu thần học đạo Hồi, giáo sư Richard W. Buliet đã trình bày một kiểu mẫu cải đạo từ từ nhưng chắc chắn: chừng 10% trong thế kỷ 8, ít hơn 20% một chút ở thế kỷ 9, tối thiểu 50% ở thế kỷ 10-thời kỳ hoàng kim của vương quốc Cordoba; và đến thế kỷ 12 thì hầu như toàn bộ dân số Al Andalus đã theo Hồi giáo. Quá trình này diễn ra rất nhanh ở tầng lớp nông dân, trái ngược với quy chuẩn chung là người thôn quê sẽ gắn bó với tôn giáo truyền thống của họ. Không ít người cải trực tiếp từ đa thần giáo sang đạo Hồi. Mặc dù sống tương đối hòa bình với nhau trong hàng thế kỷ, nhưng ưu thế của Hồi giáo so với Kitô giáo và Do Thái giáo là không thể bàn cãi. Về nguyên tắc, không cho phép tồn tại các cuộc hôn nhân khác tôn giáo, nếu có thì con cái sinh ra phải được nuôi dạy theo tín lý đạo Hồi. Các hoạt động thờ cúng nơi công cộng của tôn giáo khác bị cấm, và người ta không thể xây nhà thờ hay giáo đường Do Thái mà không cần giấy phép đặc biệt. Các nô lệ hứa theo Hồi giáo đều sẽ được trả tự do. Có ghi chép về viên tổng trấn Ocba sùng tín tới mức cho mọi tù binh rơi vào tay ông ta hai lựa chọn: chịu chết hoặc cải sang đạo Hồi; ít nhất 2000 người được cho là đã chọn cách thứ hai.

 Đồng tiền mới được đúc có cả chữ Ả Rập và Latin, văn hóa và ngôn ngữ Hồi giáo cũng xâm nhập mạnh mẽ (ngày nay khoảng 4000 từ trong tiếng Tây Ban Nha là vay mượn từ tiếng Ả Rập). Ẩm thực và thời trang cũng như nền kiến trúc Tây Ban Nha trở nên phong phú nhờ hòa hợp ba nền văn hóa Do Thái, Ả Rập và Thiên Chúa Giáo. Các công nghệ Hồi giáo hay Hy Lạp đã được Ả Rập hóa cũng theo chân người Berber du nhập vào đây, chẳng hạn như phân bố chịu tải và mái vòm cong. Dưới triều đại Abd al-Rahman, Đại Thánh Đường Cordoba được khởi công xây dựng và được công nhận là toà nhà Hồi giáo đẹp nhất thế giới.

Đại Thánh Đường

 Đại Thánh Đường

 Cuộc xâm chiếm Hồi giáo là một sự kiện quan trọng làm thay đổi vận mệnh Tây Ban Nha, khiến nó ngả về châu Phi và phương Đông cho đến khi tiềm lực phương Bắc của châu Âu đủ mạnh để kéo nó quay lại quỹ đạo của mình. Chuyển động con lắc này, với rất nhiều dao động, kéo dài gần 8 thế kỷ cho đến khi quân Thiên Chúa Giáo chiếm eo biển Gibraltar và chấm dứt vĩnh viễn khả năng bị người châu Phi can thiệp. Hai giai đoạn chênh lệch lớn về thời gian (tám năm xâm chiếm và tám thế kỷ tái chiếm) có thể giải thích bằng mối quan hệ mật thiết giữa người Hồi giáo hai bờ eo biển, trong khi sự giúp đỡ qua các đường đèo núi Pyrenees thường rất ít ỏi và phân tán. Nói chung, khi bỏ qua các yếu tố tôn giáo thì phương Tây giàu có không cần đất đai Tây Ban Nha, trong khi các dân tộc Bắc Phi luôn thèm khát các vùng đất bên kia eo biển.

 Thuật ngữ Reconquista ra đời vào thế kỷ 14 do các giáo sĩ cổ xúy sự bành trướng đặt tên, mang hàm nghĩa Thập Tự Chinh, nhằm giành lại những vùng đất của người Hồi giáo về tay Thiên Chúa giáo. Huyền thoại này về sau trở thành một phần lịch sử chính trị, và là tâm lý dân tộc Tây Ban Nha.

 Thế kỷ 8:

 Sử liệu về Don Pelayo không còn nhiều. Theo truyền thuyết, ông là một nhà quý tộc Visigoth, con trai của Công tước Favila, từng chiến đấu trong trận Guadalete như một ngự lâm quân. Năm 718, Anbasa ibn Suhaym Al-Kalbi-thống đốc mới của Al-Andalus ra lệnh tăng gấp đôi thuế đánh vào tín đồ Kitô giáo cũng như trưng thu nhiều tải sản của người Do Thái, gây nên những biến động mà các chính quyền địa phương yếu kém không thể ngăn chặn. Pelayo cũng lãnh đạo một cuộc nổi loạn bằng cách chống đối việc đóng các loại thuế . Bị bắt và giam giữ ở Cordoba, tuy nhiên ông trốn thoát được và quay về để lãnh đạo một cuộc nổi dậy thứ hai, quy tụ dân địa phương cũng như người tị nạn từ miền Nam và được các quý tộc ở Galicia bầu làm vua. Họ đánh bại các đơn vị đồn trú Umayyad, trục xuất được Munuza – thống đốc tỉnh và thành lập vương quốc Asturias (lấy theo tên một ngọn núi phía Tây Bắc bán đảo), định đô ở thành phố Cangas de Onís. Trong vài năm đầu, cuộc khởi nghĩa này không phải mối đe dọa đáng kể với các thủ lĩnh Hồi giáo, vốn đang bận bịu với chiến dịch ở Pháp. Tuy nhiên trên đường rút về Cordoba sau thảm bại ở Toulouse (721), thống đốc Anbasa ibn Suhaym Al-Kalbi quyết định trấn áp vương quốc non trẻ để xốc lại tinh thần cho binh lính.

Tượng Don Pelayo ở Asturia

 Tượng Don Pelayo ở Asturia

 Đầu năm 722, đạo quân do Al Qama và cựu thống đốc Munuza chỉ huy tràn ngập các khu vực, đẩy lực lượng của Pelayo qua sông Pilona vào sâu trong núi Auseva. Chỉ còn 300 người đối diện với khoảng 800-1400 lính Hồi giáo truy kích (sách thời Trung cổ chép con số 187.000) nhưng Pelayo kiên quyết không hạ vũ khí dù có các nỗ lực chiêu hàng của Don Oppa, cựu hoàng thân Visigoth. Ông ẩn nấp để chờ đợi đối phương trong một hang động bên sườn núi, nơi địa lợi giúp hạn chế đáng kể uy lực của các cung thủ người Moor, hang Covadonga. Trong cơn bão dữ dội sáng hôm sau, trận đánh diễn ra quyết liệt và đẫm máu: bên Kitô giáo nắm thế chủ động và “gan dạ có thừa” nhưng bị áp đảo về số lượng. Cuối cùng khi đã làm chủ được chiến trường, bên cạnh Pelayo chỉ còn 10 chiến binh sống sót, quân Hồi giáo bỏ chạy để lại khoảng 600 xác chết, trong đó có chỉ huy Al Qama. Chiến thắng Covadonga mang ý nghĩa rất quan trọng và được coi như sự kiện khởi đầu Reconquista. Dân địa phương phấn khích khi nghe tin và tổ chức truy đuổi, giết thêm hàng trăm lính Hồi giáo rã ngũ, cũng như cầm vũ khí gia nhập quân khởi nghĩa. Vài ngày sau, khi Munuza được tăng viện và quay lại phục thù thì lực lượng mới của Pelayo đã sẵn sàng để đối phó, quân xâm lược tiếp tục bị đánh tơi bời gần thị trấn Proaza, Munuza bị chém đầu và người Hồi giáo không bao giờ dám thách thức sự độc lập của Asturia nữa.

 Các vị vua đầu tiên của Asturias tự coi mình là “Princeps” (hoàng tử), sau đó là “rex” (vua). Pelayo mất năm 737, con trai ông, vua Favila chỉ cầm quyền được một thời gian ngắn rồi bất ngờ chết khi đi săn. Đây là một tai nạn hiếm gặp trong những cuộc thử thách lòng dũng cảm của tầng lớp quý tộc, vốn thịnh hành vào thời kỳ đó. Con rể Pelayo lên kế vị, hiệu là Alfonso I. Chính sách chung là mở rộng lãnh thổ bằng những hoạt động quân sự, liên minh và hôn nhân chính trị, đến năm 775 biên giới vương quốc đã bao gồm phần lớn vùng Tây Bắc Iberia, (riêng Pamplona-xứ Basque không chịu thần phục và vẫn đấu tranh đòi độc lập đến tận ngày nay). Do dân số ít nên thường có những cuộc xâm lấn phía Nam không phải để chiếm lãnh thổ, mà là lùng bắt và di dân lên miền Bắc. Các quân vương Asturia khôi phục lại phong cách triều chính của người Visigoth, ban tặng nhiều đất đai cho Giáo Hội và dùng giới tăng lữ làm lực lượng đối trọng với giới quý tộc.

 Sự tồn tại của Asturia bé nhỏ bên cạnh vương quốc Hồi giáo rộng lớn có thể lý giải bằng hai nguyên nhân chính. Thứ nhất: người Ả Rập không thích khí hậu lạnh lẽo và ẩm ướt vùng rừng núi Tây Bắc, họ đánh giá thấp mối hiểm nguy tiềm tàng này nên hạn chế gửi quân, hãn hữu lắm mới có chuyện điều binh đi chinh phạt. Thứ hai: suốt thời gian này chủ lực nhà Umayyad đang phải tập trung đối phó với vương quốc Frank. Vua Charles Martel tiêu diệt quân Hồi giáo tại Tour (732), đánh đuổi người Ả Rập đến tận xứ Septimania và Narbonne. Con trai ông, vua Pepin Lùn bao vây Narbonne suốt 7 năm nhưng bất thành do thiếu thủy quân để chặn đường tiếp tế từ biển.

 Có thể nói rằng những năm giữa thế kỷ thứ 8 là giai đoạn đi xuống thấp nhất của lịch sử Tây Ban Nha. Người ta phải dò dẫm từng bước một khi nghiên cứu thời kỳ này, bởi vì không còn bất cứ tài liệu công hay tư nào được lưu giữ và các nhà chép sử Ả Rập thì hoàn toàn không biết gì về dân bản xứ. Họ kể rất chi tiết về các cuộc đấu đá nội bộ, nhưng không ghi chép 1 dòng nào về tầng lớp dân bị trị. Suy luận một cách logic thì hẳn là trong thời loạn lạc ấy, dân chúng cũng tham gia cướp phá các nhà thờ, cung điện; trong khi nô lệ, nông nô tranh thủ tìm kiếm cơ hội giành tự do và cải thiện đời sống. Trong số các tổng trấn Hồi giáo không thiếu người tài năng, nhưng họ không thể triển khai hiệu quả bất cứ chính sách nào do thời gian cầm quyền quá ngắn (20 lãnh đạo Al-Andalus kế tiếp nhau trong 40 năm) và tính vô kỷ luật của quân đội. Xã hội trở nên hỗn loạn cả về vật chất lẫn tinh thần. Do hậu quả chiến tranh, sản xuất nông nghiệp đình trệ và rất vô tổ chức; các điền chủ chạy trốn kéo theo cả nông nô của họ. Nhiều đồng ruộng bị bỏ hoang, đường sá không được quản lý và sửa chữa, trong khi các nỗ lực của chính quyền mới để lập địa bạ và định mức tô thuế không mang lại nhiều kết quả. Các sắc dân di cư từ Trung Đông và Bắc Phi (người bán đảo Ả Rập, Yemen, Syria, Berber) không chỉ thù địch lẫn nhau mà còn xung đột với người bản xứ:. Dân gốc Tây Ban Nha chia làm 2 loại: Mozarabe là những người còn giữ Kitô giáo, nhưng trên nhiều mặt đã bị Ả Rập hóa, như lấy tên Ả Rập, dùng thơ ca Ả Rập, không ăn thịt lợn…vv…; còn Muladi là người đã cải đạo và hoàn toàn bị Hồi giáo hóa. Mâu thuẫn sắc tộc âm ỉ cuối cùng cũng bùng phát thành cuộc nổi dậy lớn.

 Tuy đạt nhiều thành tích trong công cuộc xâm chiếm, người Berber Bắc Phi, vừa cải sang Hồi giáo, bị đối xử phân biệt và coi như lớp hạ đẳng. Họ bị đẩy về các vùng đất nghèo khổ như Leon và miền Đông, trong khi người Ả Rập chiếm cứ các khu vực màu mỡ nhất ở thung lũng sông Ebro và Guadalquivir, trong chiến trận người Berber thường bị đưa lên tuyến đầu và phân chia chiến lợi phẩm không công bằng. Ba nguyên nhân chính là: cuộc Đại nổi dậy chống lại người Ả Rập ở Morocco, sự bất mãn của dân Berber Tây Ban Nha, và tình trạng khổ cực trong năm 740. Do khó khăn tài chính, các thống đốc Ả Rập ban hành lệnh thu thuế thân với cả những cộng đồng phi Ả Rập đã cải sang đạo Hồi (vi phạm trực tiếp luật Hồi giáo), đây là giọt nước cuối cùng làm tràn ly. Tháng 10 năm 741, đơn vị Berber ở Galicia truất phế chỉ huy Ả Rập, tập hợp với các đội quân xung quanh và tiến xuống miền Nam. Được rất đông dân chúng tham gia, quân khởi nghĩa chia làm ba cánh: một tiến về Toledo, một đánh chiếm Cordoba (thủ phủ Umayyad), và mục tiêu thứ 3 là thành phố ven biển miền Nam Algeciras, nơi có hạm đội sẽ giúp chuyên chở lính Berber bổ sung từ Bắc Phi. Ở giai đoạn cao nhất của cuộc nổi dậy, liên hệ giữa Tây Ban Nha Hồi giáo với nhà Umayyad hoàn toàn bị cắt đứt. Damacus phải đưa một đội quân viễn chinh hùng hậu (30.000 lính tinh nhuệ Syria và Ai Cập) từ đầu kia Địa Trung Hải sang đàn áp. Đến mùa xuân năm 742, sau nhiều trận chiến dữ dội, lực lượng này đánh bại cả 3 cánh quân và dìm cuộc khởi nghĩa này trong biển máu.

Các chiến dịch ở Bắc Tây Ban Nha và miền Nam Pháp thập niên 730-740, cuộc nổi dậy Berber ở góc cưới bên trái:

 Các chiến dịch ở Bắc Tây Ban Nha và miền Nam Pháp thập niên 730-740, cuộc nổi dậy Berber ở góc cưới bên trái:

 Năm 750, khi gia tộc Abbasid lật đổ vương triều Umayyad và ra lệnh giết tất cả thành viên dòng họ này, Abd al-Rahman I (cháu nội của vị giáo chủ thành Damacus) trốn thoát được và đến Tây Ban Nha đang trong tình trạng hỗn quân hỗn quan tháng 9 năm 755. Với đội quân ít ỏi 5000 người, quá nửa là lính đánh thuê, ngày 13 tháng 3 năm 756 ở Al-Musara-vùng ngoại ô Cordoba, ông đánh bại Emir Yusef (Emir-tước hiệu Ả Rập dùng để chỉ chức vụ thủ hiến thành Cordoba) và lập nên tiểu vương quốc Cordoba. Triều đại Hồi giáo độc lập đầu tiên là một cuộc đấu tranh liên miên để đàn áp li khai, mua cuộc lòng trung thành, hài hòa lợi ích giữa các sắc tộc. Suốt 32 năm cầm quyền, Abd al-Rahman I sử dụng tất cả các thủ đoạn để củng cố và xây dựng lại vương quốc mới. Ông đàn áp đẫm máu phong trào khởi nghĩa của tầng lớp bình dân Cordoba, cũng như hành hình những kẻ đầu sỏ li khai ở Toledo, nhưng lại đàm phán với cộng đồng Kitô giáo để nhượng phế tích nhà thờ Thánh Vicente cho việc xây dựng Đại Thánh Đường. Abd al-Rahman I cũng mở đầu truyền thống xây dựng đội quân đánh thuê thường trực, với đủ loại người và thân phận, kể cả nô lệ nước ngoài.

Các chiến dịch thập niên 750-760

 Các chiến dịch thập niên 750-760

 Với các vương quốc Thiên Chúa giáo, thời kỳ hỗn loạn của Al-Andalus lại là cơ hội tốt để bành trướng xuống phương Nam. Khi thấy các đơn vị Hồi giáo đồn trú biên giới Galicia đột nhiên rút lui, vua Alfonso I nhanh chóng đưa quân tiếp quản một vùng đất đai rộng lớn từ Tây Bắc Galicia, thành Leon đến bờ sông Ebro. Quân Asturias đốt phá nhà cửa, làng mạc, xua đuổi dân chúng lên núi, tạo ra một khu vực sa mạc hóa trong thung lũng sông Douro ngăn cách với miền Nam, biên giới này được giữ nguyên trong vài thế kỷ tiếp theo. Cũng nhân dịp thống đốc Yusuf ibn ‘Abd al-Rahman al-Fihri đang chạy khắp nơi dẹp loạn, vua Pepin Lùn gia tăng áp lực cùng những lời hứa hẹn, và thành Narbonne sinh biến, mở cổng đầu hàng năm 759 làm người Hồi giáo vĩnh viễn mất các lãnh thổ bên kia dãy núi Pyrenees. Năm 777, các thủ lĩnh Hồi giáo (Zaragoza , Girona , Barcelona , Huesca…) liên minh với đế chế Carolingian, họ đồng ý dâng thành Zaragoza đế đổi lấy viện trợ quân sự, và theo thỏa thuận vua Charlemagne đem quân vượt dãy Pyrenees năm sau. Bất ngờ vào phút cuối thành Zaragoza đóng cửa và từ chối giao nộp, Charlemagne ra lệnh tấn công nhưng không thể hạ được. Trên đường rút về, hậu đội của ông bị quân Basque phục kích và tiêu diệt trên đèo Roncevaux, trận đánh này là nguồn gốc của bản Trường ca Roland nổi tiếng thời Trung Cổ.

 Chiến tranh với người Frank kéo dài suốt những năm còn lại của thế kỷ này. Năm 788, Hisham Al-Reda, tiểu vương thứ hai của Cordoba , lên nắm quyền và đẩy mạnh các hoạt động quân sự chống lại Vương quốc Asturias và Frank . Năm 791, tướng Yusuf ibn Bujt đánh bại vua Asturia Bermudo ở bờ sông Burbia, Bermudo quay về thoái vị, đi tu và nhường ngôi cho Alfonso II. Đến năm 792, Hisham chính thức tuyên bố thánh chiến (Jihad). Khoảng 100.000 quân Hồi giáo chia làm 2 mũi thọc sâu vào Asturias và đến tận thành Narbonne. Đạo quân tiến vào Frank bị bá tước William – em họ vua Charlemagne đánh lui tại sông Orbieu (thực tế trận này người Frank thua, nhưng quân Hồi giáo cũng bị tổn thất nặng đến nỗi không thể tiếp tục tiến xa hơn nữa). Cánh còn lại chiếm được thủ đô Oviedo năm 794. Sau 3 lần cử sứ giả đến Toulouse và Aix-la-Chapelle, vua Alfonso II vận động được sự ủng hộ của cả vua Charlemagne lẫn Giáo hoàng, nhờ vậy vương quốc Asturias – lần đầu tiên được chính thức công nhận, có được viện trợ của đế chế Carolingian trong suốt cuộc chiến.

 Sau khi cướp bóc và tàn phá thủ đô Oviedo, quân Hồi giáo rút về qua Camino Real del Puerto de la Mesa, một con đường La Mã cổ dẫn đến thành Leon. Trong cuộc đột kích bất ngờ, quân Asturias do vua Alfonso II chỉ huy tràn xuống từ các dốc núi, trận Lutos kết thúc bằng sự đại bại của quân Cordoba, với phần lớn lực lượng bị tiêu diệt và 1 trong 2 chỉ huy chết trận (theo sách chép tay thời Trung Cổ người Hồi giáo mất tới 70.000 lính). Trên đà thắng lợi, Alfonso II tiến quân đến tận Lisbon và chiếm thành này, nhưng không trú đóng lâu dài. Tuy nhiên xét một cách toàn diện, các chiến dịch của Hisham đã mang về một lượng chiến lợi phẩm và nô lệ khổng lồ, tái khẳng định ưu thế quân sự của người Hồi giáo, và làm quá trình Tái Chinh Phục chậm lại nhiều năm.

 Ngay sau khi Hisham mất năm 796, Louis Pious – con cả và là đồng hoàng đế với Charlemagne cùng bá tước William phản công, họ mang lực lượng lớn vượt dãy Pyrenees năm 799 và vây hãm Barcelona trong 2 năm, thành này đầu hàng ngày 8/12/801.

 Thế kỷ 9

 Năm 806, Pamplona (xứ Basque) bị tái chiếm khỏi tay người Hồi giáo và trở thành một phần lãnh thổ của đế chế Carolingian.

 Tại Marca Hispanica-biên giới chính trị, quân sự phía Nam, vua Charlemagne lập một loạt các quận nhỏ dọc dãy Pyrenees: Pamplona, Aragon , Sobrarbe, Ribagorza, Urgel, Cerdanya và Roussillon……nói chung trừ Pamplona các khu vực này không đủ khả năng để tấn công người Hồi giáo như vương quốc Asturia, nhưng địa hình đồi núi giúp các quận trên tương đối an toàn trước các cuộc chinh phục từ phương Nam. Vùng phiên dậu này không suy chuyển suốt 2 thế kỷ sau đó.

Bản đồ khu vực Marca Hispanica

 Bản đồ khu vực Marca Hispanica

 Năm 814, cái chết của vua Charlemagne đã kích thích sự xâm chiếm trở lại của người Hồi giáo. 2 năm sau, trong một trận đánh kéo dài 13 ngày ở thị trấn Pancorbo thuộc xứ Basque, họ đánh tan tác liên quân Franks-Asturia, vô tình tạo điều kiện cho Inigo Arista-một thủ lĩnh địa phương nổi dậy. Ông lập liên minh với người em cùng cha khác mẹ Musa ibn Musa, lãnh tụ Banu Qasi (một công quốc Hồi giáo bán tự trị ở phía Nam). Dân xứ Basque tổ chức kháng chiến chống lại cả vương quốc Cordoba lẫn đế chế Carolingian. Năm 824 đạo quân trấn áp Frank tiếp tục bị phục kích và lại đại bại ở đèo Roncevaux (trận thứ 2). Sau chiến thắng này, Inigo Arista trở thành lãnh đạo uy quyền nhất và đăng quang vương vị Pamplona (Navarre), vương quốc do ông sáng lập về sau được Giáo hoàng công nhận và tồn tại đến năm 1076 thì hợp nhất với vương quốc Aragon.

 Năm 814 cũng là năm xuất hiện một trong những sự kiện mang tính ý thức hệ mạnh nhất, góp phần hình thành bản sắc dân tộc Tây Ban Nha: hài cốt được cho là của Đại Thánh James (thánh Santiago hay thánh Giacobe)-một trong 12 Tông Đồ của Chúa được phát hiện ở giáo xứ Iria Flavia thuộc Santiago de Compostela, Galicia. Theo truyền thuyết, sau khi bị vua Herod Agrippa chém đầu, thi hài Thánh James đã được các môn đồ mang đến bán đảo Iberia bằng đường biển và an táng tại một nơi nào đó thuộc Galicia. Vua Alfonso II được cho là khách hành hương đầu tiên, và việc phát hiện ra ngôi mộ này được xem là một thành công chính trị to lớn cho vương quốc Asturia: họ sở hữu 1 trong 3 thánh địa thiêng liêng nhất của Kitô giáo (cùng Rome và Ephesus, nơi an táng các Tông Đồ khác). Bắt đầu từ thế kỷ 8, Thánh James được xem là vị thánh bảo trợ của Tây Ban Nha. Nhiều thánh tích khác về sau cũng được tuyên bố là tìm thấy (đặc biệt là Virgen del Pilar-Đức mẹ đồng trinh Pilar), dẫn đến dòng người hành hương từ khắp nơi đổ về Asturia, khuấy động sự nhiệt tình và sùng tín của tín đồ Kitô giáo châu Âu trong những thế kỷ về sau. Đối với nhiều người, việc hành hương cũng không khác gì đi chiến đấu ở Đất Thánh. Con đường hành hương nổi tiếng này, trên mọi khía cạnh đã trực tiếp kết nối Asturia với phương Tây, điểm cuối cùng của nó là vùng đất mà ngày nay có tên Bồ Đào Nha. Nhà thờ Santiago de Compostela được xây dựng, trở thành trung tâm tế lễ của Tây Ban Nha và là một trong những nhà thờ ấn tượng nhất châu Âu Trung Cổ. Huyền thoại này phát triển đến nỗi mà về sau người ta đã sáng tạo ra cả 1 trận đánh không có thực để tôn vinh nó (ngày 23/5/844, vua Asturia Ramiro I đánh bại quân Hồi giáo ở Clavijo, phía bắc thung lũng sông Ebro nhờ sự giúp đỡ của Thánh James trên lưng bạch mã). Rất nhiều sử gia đã phê phán chuỗi sự kiện này: thánh James chết ở Palestine sau khi giải tán các môn đồ, và nơi tìm thấy ngôi mộ là một khu nghĩa địa La Mã cổ; về phần Virgen del Pilar thì trước thế kỷ 13 thậm chí không có thông tin gì về nhân vật này.

Thánh James trong trận Clavijo:

 Thánh James trong trận Clavijo:

 Giai đoạn giữa thế kỷ được đánh dấu bằng sự xuất hiện của người phương Bắc (Viking). Sau 50 năm thám hiểm vùng Tây Bắc châu Âu và lập nên nhiều khu định cư ở Normandy, Scotland, Ireland, người Viking bắt đấu tiến xuống phía Nam, mục tiêu đầu tiên là bán đảo Iberia. Năm 844, quân Viking đánh phá Gijon, đổ bộ ở La Coruna nhưng gặp phải sự chống trả mạnh mẽ của vua Asturia Ramiro I, ông phải tạm ngưng chiến sự với người Hồi giáo để tập trung đối phó mối nguy hiểm mới này. Những cánh buồm màu nâu của người Viking không chỉ dừng lại ở Galicia, ngày 20 tháng 8 năm 840 họ đổ bộ xuống khu vực xung quanh thành Lisbon và bắt đầu cướp bóc vùng nông thôn trong suốt 13 ngày; các đơn vị đồn trú và dân quân Hồi giáo địa phương lần lượt kéo đến nhưng cuối cùng phải rút lui sau khi bị đánh bại 3 trận liên tiếp. Tuy nhiên cuộc tấn công vào thành phố chính đã bị đẩy lui, sau đó người Viking đi ngược sông Guadalquivir tiến sâu vào nội địa đến 50 dặm (80km). Mặc dù đã được thống đốc Wahb Allah ibn Hazm của Lisbon cảnh báo từ trước (trong một thông báo khẩn gửi tới tất cả các thành phố và thị trấn ghi: có ít nhất 54 tàu chiến và một lượng tương đương các thuyền nhỏ hơn đang ở ngoài khơi Lisbon), nhưng tiểu vương Rahman II vẫn chủ quan và bị bất ngờ khi hay tin thành Seville bị đánh chiếm. Nhà chép sử Isa b. Ahmad Arrazi cho biết lính Viking từ 80 tàu đã đổ bộ, cướp phá các giáo xứ, phá hủy nhà thờ và ba ngày sau đã tiến đến thành Seville (29/9/844). Dân quân ở đây trang bị kém và không am hiểu chiến thuật, phần lớn đã bỏ trốn lên núi sau khi chứng kiến cảnh vài chiếc tàu liều lĩnh kháng cự bị tên lửa bắn ra tro. Thậm chí những đàn ngựa chăn thả dọc bờ sông cũng không kịp thu hồi và toàn bộ rơi vào tay người Viking. Thành phố bị cướp bóc và đốt phá suốt 7 ngày, chỉ còn nhà thờ Hồi giáo bằng đá là nguyên vẹn do quá kiên cố để phá hủy. Những ai không kịp di tản đều bị tàn sát và phụ nữ, trẻ em bị giữ làm con tin. Tin tức bay về Cordoba gây hoảng sợ diện rộng, dân chúng trong thành tự tổ chức, trang bị khí giới, phục kích và tiêu diệt được một nhóm Viking xâm nhập.

 Sau 40 ngày kể từ khi thành Seville thất thủ, Rahman II mới tập trung xong lực lượng và mở cuộc phản công vào ngày 23 hoặc 24 tháng Safar (tháng 2-theo lịch Hồi giáo-tức ngày 11/11/844), có vẻ như ông đã nhử đối phương rời tàu và bất ngờ tung kỵ binh đột kích, quân Viking bị đánh thiệt hại nặng ở trận Tablada gần Seville: hơn 1000 người chết, 400 bị bắt và khoảng 30 tàu chiến bị phá hủy. Để thị uy, Rahman II ra lệnh chặt đầu và treo cổ tất cả tù binh ngay trước mặt đối phương. Tuy ở thế yếu hơn nhưng người Viking vẫn còn giữ được rất nhiều con tin và tù binh, nên chiến sự nhanh chóng ngừng lại nhường chỗ cho các cuộc thương lượng. Cuối cùng một số lớn thực phẩm, y phục và tiền chuộc đã được trao để đổi lấy tự do cho tất cả con tin, sau đó quânViking được phép giương buồm rời đi trong hòa bình. Tuy vậy trên đường rút lui, họ còn thử đánh thành Lisbon lần thứ hai. Một số người ở lại Tây Ban Nha và cải sang đạo Hồi, tập trung ở Coria del `, Carmona và Moron de la Frontera, sau này họ nổi tiếng với các trang trại gia súc và xưởng sản xuất pho mát.

 Tuy đã thành công trong việc đẩy lui cướp biển, nhưng với Rahman II thì sự kiện vừa qua là một cú sốc thật sự, ông nhanh chóng cho gia cố tường thành, xây dựng các kho vũ khí, xưởng đóng tàu, tổ chức huấn luyện thủy quân (giai đoạn 848-849 hạm đội Hồi giáo đã có 300 tàu đủ các loại) và thiết lập cả một hệ thống trạm quan trắc cũng như tháp cảnh báo dọc bờ biển Đại Tây Dương. Tất cả những nỗ lực này đã mang lại hiệu quả: năm 858 người Viking quay trở lại với 62 tàu, nhưng không thể đổ quân xuống bởi toàn bộ bờ biển Tây Al-Andalus tới biên giới Pháp đều đã có tàu bè đi lại tuần tra, thậm chí họ còn bị công kích khi thử vào vịnh Biscay. Khi dong buồm xuôi xuống phương Nam qua eo Gibralta thì sự phòng ngự yếu dần và cuối cùng thì quân Viking cũng tấn công được vào thành phố cảng Algeciras, tuy vậy lần này sự chiếm đóng rất ngắn ngủi: họ nhanh chóng bị dân quân Hồi giáo đánh bật ra. Người ta nói rằng cánh cửa của nhà thờ địa phương được làm từ gỗ lấy ở một con thuyền Viking bị bắt giữ.

Các chiến dịch Viking ở Tây Ban Nha từ 840-859

 Các chiến dịch Viking ở Tây Ban Nha từ 840-859

 Cuộc tấn công nổi tiếng nhất của người Viking ở Tây Ban Nha có lẽ là lần đột kích năm 859. Musa ibn Musa-thủ lĩnh công quốc Banu Qasi, giận dữ vì bị bội ước, đã cho phép quân Viking đi dọc suốt lãnh thổ của mình để bất ngờ tấn công vào mặt sau vương quốc Pamplona. Trong số tù binh bị bắt có cả vua Garcia Iniguez I. Người ta đã thỏa thuận mua tự do cho ông bằng số tiền khổng lồ: khoảng 70.000-90.000 đồng dinar vàng, riêng thái tử bị giữ lại cho đến khi toàn bộ tiền chuộc được thanh toán.

 Có thể hiểu được cảm giác của Garcia Iniguez I lúc bấy giờ bởi ngay sau khi được thả, ông tổng động viên quân đội và cùng với vua Asturia Ordono I tiến đánh Banu Qasi. Hai bên gặp nhau ở chiến trường cũ, thị trấn Albelda khi đó đã được cải tạo thành pháo đài kiên cố còn Musa cùng đạo quân chủ lực đóng trên ngọn đồi Monte Laturce bên cạnh. Ordono I để một nửa lực lượng của mình vây thành, còn lại tập trung tấn công Musa. Trận chiến được phía Kitô giáo miêu tả là rất dữ dội kết thúc với thảm bại của người Hồi giáo, Musa mất hơn 12.000 kỵ binh, nằm gục trên lưng ngựa bởi một mũi tên và suýt nữa bị bắt sống nếu không được một người lính theo đạo Thiên Chúa cứu. Trong trại quân Hồi giáo người ta tìm thấy các rương châu báu mà vua Charles Hói dùng chuộc tù binh trước kia. Vài ngày sau, pháo đài Albaida đầu hàng Ordono I và bị thiêu hủy. Thất bại khiến Musa bị cách chức Thống đốc và sức mạnh của công quốc Banu Qasi cũng chấm dứt từ thời điểm này.

 Thập niên 50 của thế kỷ 9 xuất hiện một phong trào tôn giáo kỳ quặc ở Cordoba. Theo luật Hồi giáo bất cứ ai buông lời xúc phạm hoặc phỉ báng Tiên Tri Muhammed cũng như đạo Hồi sẽ bị chém đầu, việc đóng cửa các tu viện thời gian này đã làm bùng phát các hành vi như vậy ngay chốn công cộng. Linh mục Eulogius khuyến khích việc đó như là một cách để củng cố đức tin của cộng đồng Kitô giáo. Ông còn giúp một thiếu nữ quý tộc người Moor (tên là Leocritia) cải sang đạo Thiên Chúa và che giấu, bảo vệ cô trước sự giận dữ của gia đình. Cả hai bị bắt, kết án tử hình và chém đầu tháng 3/850, gây phản ứng dây chuyền mãnh liệt trong toàn bộ người Mozarabe; họ coi đây là sự tuẫn đạo. Đến năm 852, tổng cộng 48 linh mục, tu sĩ và giáo dân đã bắt chước Eulogius, công khai vi phạm luật chống phỉ báng Hồi giáo và ung dung chịu chết để thể hiện sự sùng đạo của mình. Tiểu vương Rahman II rõ ràng là không thoải mái gì khi chứng kiến những chuyện như vậy. Theo yêu cầu của ông, người ta đã tổ chức một hội nghị (Hội đồng quản lý giám mục Mozarabe) cấm tín đồ thực hiện các hành vi tương tự, và ra tuyên bố rằng những trường hợp đó không phải người tử vì đạo mà chỉ là những kẻ tự sát thôi. Phong trào cuối cùng bị đàn áp và kết thúc năm 859.

 Năm 860, trong một cuộc đột kích, con trai Rahman II và là tân vương Cordoba, Muhammad I đánh bại quân Pamplona và bắt được thái tử Fortun Garcés, dẫn đến việc vương quốc này suốt 20 năm sau không có vua và phải cử nhiếp chính vương trị vì. Công chúa Onneca Fortúnez cũng bị bắt và sau đó kết hôn với Abdullah I (con trai Muhammad I), đây là cuộc hôn nhân đầu tiên giữa một vị công chúa Kitô giáo với một hoàng tử Hồi giáo mà sử sách có ghi chép. Bà được đặt tên Ả Rập là Durr (Pearl), sinh được hai con gái và một con trai. Phả hệ của tất cả các vị vua và giáo chủ nhà Umayyad đều bắt nguồn từ cuộc hôn nhân này (một điều thú vị là về sau người cháu nội-quốc vương Rahman III thừa kế từ bà đôi mắt xanh và mái tóc đỏ nhạt, ông đã phải nhuộm râu tóc để nhìn giống người Ả Rập hơn là châu Âu). Năm 882 Fortun Garcés được thả, Onneca Fortúnez quay về Pamplona theo cha và tiếp tục cưới người em họ là Aznar Sánchez de Larraún, các con của họ (2 gái và 1 trai) trở thành tổ tiên trực hệ của hoàng gia Tây Ban Nha ngày nay.

 Ngày 5/2/865, Muhammad I mở đầu cuộc chinh phạt mới vào vương quốc Asturia. Vua Ordono I đưa quân tiếp chiến, nhưng do chủ quan và trinh sát kém, ông không biết rằng Muhammad I đang đợi ở hẻm núi Morcuera trước mặt cùng với tất cả lực lượng. Hôm đó là thứ Năm ngày 9 tháng 8 năm 865. Sách sử Hồi giáo mô tả trận này như “một vụ thảm sát khủng khiếp” kéo dài từ bình minh cho đến trưa. Khi trận đánh kết thúc, họ đếm được tổng cộng 20.472 xác lính Asturia. Thất bại này tiếp tục kéo quá trình Tái Chinh Phục chậm thêm nhiều năm nữa.

 Hai vị vua đều được kế nghiệp bởi các hoàng tử tài giỏi, và cuộc đối đầu dần dần chuyển sang Al-Mundhir và Alfonso III (lên kế vị năm 866). Sau nhiều năm giao tranh có thắng có bại, đến năm 878 Alfonso III đã trả được mối hận xưa tại trận Polvoraria (đoạn sông Órbigo hợp lưu sông Esla- phía bắc tỉnh Zamora ngày nay). Lần này đến lượt người Asturia đặt phục binh trên núi Socastro. Quân Hồi giáo sập bẫy khi đang tiến men theo bờ phải sông Órbigo, họ rút chạy đến thung lũng Valdemora thì bị đuổi kịp và đại bại lần nữa. Sử gia Ả Rập Ibn al-Athir chỉ cho biết chiến dịch năm 878 kết thúc với tổn thất nặng nề của cả hai bên. Phía Asturia thì các con số chi tiết hơn: ít nhất 15.000 lính Hồi giáo thiệt mạng, chỉ còn 10 người bò ra từ đống xác chết. Cùng thời gian đó, một chư hầu trung thành của Alfonso III là bá tước Hermenegildo Gutiérrez giữ vững được Porto và Coimbra trước mọi cuộc tấn công Hồi giáo. Hai thất bại liên tiếp khiến Al-Mundhir đành phải ký hòa ước 3 năm và trả bồi thường chiến phí. Lần đầu tiên vương quốc Corboba chấp nhận hòa bình.

 Tuy vậy chẳng bao lâu sau, hòa ước này bị hai phe vứt sang một bên, có lẽ vì Alfonso III chưa thỏa mãn còn Muhammad I thì muốn phục thù. Đích thân Muhammad I chỉ huy hạm đội vòng lên tập kích Galicia, nhưng phải rút về do thiệt hại nặng bởi một cơn bão. Trong lúc đó vua Alfonso III tiếp tục đánh bại hoàng tử Al-Mundhir ở núi Oxifer dọc sông Guadiana. Thêm một kỷ niệm buồn nữa vào năm 883, khi Al-Mundhir mở chiến dịch bất thành chinh phạt nhà Muladi của Banu Qasi, đồng minh chiến lược với Asturia; Alfonso III mỉa mai đối thủ bằng cách gửi đề nghị hòa bình cho đội quân Hồi giáo đang rút lui sau khi thua trận Cellorigo. Chiến sự cứ thế giằng co đến năm 884 thì lắng xuống do hai bên đã kiệt sức và phải đối phó nhiều vấn đề nghiêm trọng mới phát sinh trong nước.

 Trong khi Alfonso III nhanh chóng đập tan cuộc khởi loạn của các quý tộc xứ Astorga, thì nội tình phía Hồi giáo phức tạp hơn hẳn. Ibn Marwan-con trai thống đốc Merida, được sự trợ giúp của Asturia đã đánh thắng quân Cordoba ở Serra da Estrela, bắt sống chỉ huy gửi cho Alfonso III như một lời cảm ơn (ông kiếm được một khoản lớn từ tiền chuộc viên tướng này). Các thất bại nặng nề tiếp theo ở Merida và Sierra de Monsalud càng làm lộ rõ sự yếu kém của vương quốc Cordoba và tăng cường uy tín cho Ibn Marwan. Năm 884 một thỏa thuận đã được ký kết, theo đó Ibn Marwan được thừa nhận là thủ lĩnh vương quốc Badajoz rộng lớn gồm các thung lũng của sông Guadiana và miền nam Bồ Đào Nha, thỏa thuận này được các Emir Cordoba tái xác nhận đến năm 912. Triều đại của ông kéo dài đến năm 930 còn vương quốc Badajoz thì mãi đến 1086 mới bị người Thiên Chúa giáo chinh phục.

Ibn Marwan

 Ibn Marwan

Vương quốc Badajoz giai đoạn cực thịnh (1037)

 Vương quốc Badajoz giai đoạn cực thịnh (1037)

 Cuộc nổi dậy lớn khác do Omar ben Hafsun (Umar), một người muladi xuất thân tướng cướp lãnh đạo, kéo dài từ năm 880 đến tận 928. Omar nổi tiếng về sự mạnh mẽ và lòng dũng cảm phi thường trong chiến trận. Ông kích động dân chúng bằng cách chỉ ra những điều bất công, sưu cao thuế nặng và sự áp bức người muladi, mozarabe dưới thời Rahman II cũng như các Emir kế nhiệm. Từ pháo đài Bobastro ở phía bắc tỉnh Malaga, phong trào khởi nghĩa lan ra khắp nơi: Archidona, Ecija, Baena, Lucenta, Elvira….đều bị chiếm. Các thành công chủ yếu ở vùng nông thôn, do Omar không được sự ủng hộ của quý tộc và tư sản thành thị. Vì thế tuy chiếm được các thành phố lớn nhưng thường quân khởi nghĩa không có khả năng đóng giữ lâu dài. Năm 882, Omar đánh hòa với tiểu vương Al-Mundhir trong một trận chiến mà chỉ huy quân đồng minh Pamplona thiệt mạng (lúc này García Iniguez đã 84 tuổi). Một năm sau, ông trở thành thủ lĩnh của tất cả các lực lượng chống đối ở các tỉnh phía Tây và Nam của vương quốc Cordoba, tuy nhiên Omar đã thất bại trong nỗ lực dựng lên mầm mống của một nhà nước thực sự. Là mối đe dọa chủ yếu với vương quốc, ông bị Al-Mundhir dồn hết lực lượng tấn công sau khi đã yên ổn các mặt trận khác; vì vậy đến năm 888 nhiều khu vực lần lượt bị quân Cordoba đánh bại hay bức hàng, Omar bị ép lui về pháo đài Bobastro và tại đây ông buộc phải ký hiệp ước đầu hàng để đổi lấy lệnh ân xá.

 Tình hình xoay chuyển khi Al-Mundhir bị người em Abdullah I ám sát ngay trong năm đó, vương quốc Cordoba bắt đầu phân rã do các quý tộc nổi loạn không thừa nhận Abdullah I là Emir. Omar lập tức bác bỏ hiệp ước và tận dụng tình hình hỗn loạn để đánh chiếm hai tỉnh Malaga và Granada, thậm chí biên giới lãnh địa này còn gồm một phần Cordoba. Ông được công nhận là thống đốc, giữ quan hệ chặt chẽ với các thủ lĩnh phiến quân khác và còn lập liên minh với công quốc Banu Qasi. Tuy nhiên, ngày 16 tháng 5 năm 891 ở pháo đài Poley phía Nam Cordoba, Omar bị Abdullah I đánh cho đại bại và phải rút về Bobastro đến khi mất năm 917, các con ông còn kháng chiến đến năm 928 mới bị dập tắt, riêng người con gái Argentea không chịu đầu hàng nên bị chém đầu năm 831 (sau này bà được Giáo hội phong thánh như một trinh nữ tử vì đạo). Một trong những nguyên nhân khiến sức mạnh của quân nổi dậy suy giảm là do đánh mất sự ủng hộ của người muladi (người gốc Tây Ban Nha cải sang Hồi giáo). Là dân muladi nhưng Omar đã bí mật quay về với đạo Thiên Chúa của tổ tiên và mãi đến năm 899 mới công khai điều đó với tên thánh là Samuel (quốc vương Rahman III đã cho quật mộ ông lên để chứng minh Omar ngay từ nhỏ đã không làm lễ cắt bao qui đầu theo giáo luật của đạo Hồi).

 Câu chuyện của Omar chỉ là một phần nhỏ trong bối cảnh hỗn loạn và những cuộc nổi dậy khắp nơi làm rung chuyển Tây Ban Nha Hồi giáo vào cuối thế kỷ 9, đặc biệt là các khu vực phía Nam. Bất bình chung nảy sinh do nhiều nguồn gốc: tính kiêu ngạo của tầng lớp quý tộc thống trị người Ả Rập (số lượng chừng 50.000), cố gắng bất thành của các thủ lĩnh Hồi giáo để củng cố một nhà nước thiếu sự đồng tình của dân thành thị, vì vậy họ phải dựa vào đội quân đánh thuê. Yêu cầu duy trì đạo quân đánh thuê thường trực cùng sự xa hoa của triều đình làm phát sinh chi phí lớn, đòi hỏi phải thu nhiều thuế, một nhiệm vụ khó khăn khi mà xã hội Al-Andalus đã nảy sinh quá nhiều chuyện phiền phức. Do số người cải sang đạo Hồi ngày càng tăng khiến nguồn thu thuế thân từ các tín đồ phi-Hồi giáo giảm sút, nên rốt cuộc thì người ta đánh thuế lên cả những dân theo đạo Hồi vi phạm giáo luật, đây là một trong những nguyên nhân khiến cho dân muladi bất mãn và nhiều người đi theo Omar. Các phong trào dị giáo bùng phát ở đô thị, kích động và làm ô nhiễm tư tưởng người mozarabe (dân Tây Ban Nha theo Thiên Chúa Giáo). Các cuộc tranh luận và bút chiến tôn giáo giai đoạn này rất thịnh hành. Nổi tiếng nhất trong các tà giáo này là thuyết Con Nuôi của Elipando, tổng giám mục xứ Todedo: Jeus không phải Chúa mà là con nuôi của Thánh Alah.

 Tài liệu tham khảo:

 – Bách Khoa Sự Kiện Lịch Sử Thế Giới, Các hình thái quốc gia, 2004.
– Tây Ban Nha-3000 năm lịch sử, Antonio Dominguez Ortiz
– Wikipedia
– Internet
– Người Viking ở bán đảo Iberia, Fundación Reina Isabella de Dinamarca, 2004.
– Cuộc thám hiểm của người Viking ở Tây Ban Nha thế kỷ 9, Víctor Emanuel Aguirre.
– Moors against Majus, David Nicolle- Internet

 – https://nghiencuulichsu.com/2015/05/13/lich-su-qua-trinh-reconquista-tai-chinh-phuc-ban-dao-iberia/