Lịch Sử Thành Lập Apple Và Những Bài Học Xung Quanh

 I. Lịch sử hình thành và phát triển công ty apple

 Ba sáng lập viên của Apple là Steve Wozniak, Steve Jobs và Ronald Wayne. Trước khi trở thành đồng sáng lập công ty máy tính Apple, Steve Wozniak đã từng là một kỹ sư điện tử. Năm 1975, ông bắt đầu tham dự vào sự kiện Homebrew Computer Club, lần đầu ra mắt sản phẩm máy tính của riêng mình cùng 2 cộng sự.

 Nơi làm việc chính thức đầu tiên của công ty máy tính Apple chính là gara để xe của bố mẹ Steve Jobs. Đây cũng là một điểm chung với “gã khổng lồ tìm kiếm” khi 2 nhà đồng sáng lập Google cũng bắt đầu sự nghiệp ở một gara để xe.

 Sản phẩm đầu tiên của Apple Inc. chính là chiếc máy tính Apple thế hệ I, chỉ bao gồm 1 bo mạch chủ với CPU, RAM và chip xử lý đồ họa cơ bản. Người dùng phải mua kèm với một bộ vỏ máy cùng bàn phím, màn hình riêng tùy theo nhu cầu. Giá cho một bộ máy tính “sơ khai” này là… 666 USD.
Một điều không phải ai cũng biết, Steve Wozniak chính là “cha đẻ” cho mọi mẫu thiết kế của các thế hệ máy tính Apple trước khi rời khỏi công ty.
Trong khi đó, Steve Jobs lại có trách nhiệm quản lý các vấn đề kinh doanh thiết yếu, thuyết phục các nhà đầu tư để mắt đến và “rót vốn” vào Apple. Cuối cùng, triệu phú Mike Markkula là người đầu tiên nhận ra tiềm năng của Apple và đầu tư một khoản trị giá 250,000 USD, hỗ trợ cho Apple trong suốt giai đoạn non trẻ của công ty này. Theo đó, Markkula nắm trong tay 1/3 số cổ phiếu của Apple lúc bấy giờ.

 Cũng chính Markkula là người có công đưa Apple chính thức đi vào hoạt động khi đưa Michael Scott lên làm Chủ tịch kiêm CEO đầu tiên của Apple Inc. vào năm 1977, với lý do cả 2 Steve đều quá trẻ để đảm nhận chức vụ CEO vào thời điểm đó.

 Năm 1977 cũng chứng kiến sự ra đời của máy tính Apple thế hệ thứ 2, chiếc máy tính cá nhân được dự đoán là sẽ “đánh chiếm cả thế giới” vào thời điểm đó. Không lâu sau, dự đoán đó nhanh chóng trở thành hiện thực.

 Điều mang lại công rực rỡ đến cho Apple II chính là phần mềm VisiCalc, giúp đưa chiếc máy tính này đến gần hơn với đối tượng khách hàng là các doanh nghiệp lớn. Với VisiCalc, Apple cũng chính thức trở thành “kẻ đối đầu” với 2 thương hiệu máy tính hàng đầu lúc bấy giờ là Tandy và Commodore.

 Cho đến năm 1978, Apple mới có cho riêng mình một văn phòng làm việc thực sự, cùng đội ngũ nhân viên và dây chuyền sản xuất máy tính Apple thế hệ thứ 2.

 Vào năm 1980, Apple cho ra mắt máy tính Apple III dành riêng cho đối tượng khách hàng doanh nghiệp, như một động thái trực tiếp đáp trả sự đi lên nhanh chóng của 2 công ty đối thủ IBM và Microsoft. Tuy nhiên, Apple III dường như lại không thể thỏa mãn một Steve Jobs đầy tham vọng. Lúc này, một hướng đi khác đã xuất hiện trong suy nghĩ của ông, với sự ra đời của máy tính Lisa.

 Sau khi được “giác ngộ” bởi Xerox PARC, Steve Jobs quyết định làm nên một cuộc “đại cách mạng” cho sản phẩm của Apple, với sự xuất hiện của GUI – giao diện tương tác người dùng, tương tự như những gì đang xuất hiện trên các thế hệ máy tính hiện nay. Kết quả là sự ra đời của chiếc máy tính Lisa vào năm 1983. Không may mắn là doanh số của Lisa lại… thấp thảm hại, lý do chính đến từ giá bán quá cao vào thời điểm đó trong khi không được tối ưu các phần mềm hỗ trợ.

 Không bỏ cuộc, Steve Jobs khởi xướng một dự án lớn thứ 2 với sự ra đời của chiếc máy tính Apple Macintosh, đánh dấu bước ngoặt cho Apple khi được công nhận là mẫu máy tính thân thiện nhất với người dùng. Ngoài ra, Macintosh còn được các chuyên gia thiết kế đồ họa ưa chuộng bởi những đột phá về hiển thị, cho dù màn hình máy tính lúc đó vẫn chỉ gồm 2 màu trắng đen cùng giá bán rất cao.

 Trong thời kỳ quảng bá cho Macintosh vào năm 1983, John Sculley trở thành vị CEO mới của Apple. Trước đó, Sculley vẫn đang là CEO trẻ tuổi nhất của Pepsi. Tuy nhiên, Steve Jobs đã thành công trong việc thuyết phục Sculley về làm việc cho Apple chỉ với một câu nói nay đã trở thành “huyền thoại”: “Anh định bán nước ngọt cả đời hay sẽ cùng tôi thay đổi thế giới?”

 Năm 1984, Apple công bố đoạn phim quảng cáo dài 1 phút trên TV, góp phần đưa Apple trở thành “cái tên của mọi gia đình”. Đoạn phim quảng cáo có tên “1984” được đạo diễn bởi Ridley Scott, tiêu tốn của công ty tới 1,5 triệu USD. Điều đặc biệt là đoạn phim này chỉ được phát sóng một lần duy nhất, trong thời gian diễn ra sự kiện Super Bowl XVIII năm 1984.

 Đây cũng đánh dấu thời điểm sự cạnh tranh giữa Steve Jobs và Bill Gates lên đến đỉnh điểm. Ban đầu, Microsoft được đề nghị viết phần mềm cho máy tính Macintosh của Apple. Nhưng kế hoạch này bất ngờ đổ bể vào năm 1983, khi Microsoft tiết lộ đang nghiên cứu cho ra đời giao diện tương tác người dùng của riêng mình có tên Windows.

 Ở thời điểm đó, tuy có doanh thu rất cao nhưng Apple Macintosh vẫn chưa đủ sức đánh bại “kẻ tiên phong” IBM. Chính điều này dẫn tới trục trặc trong mối quan hệ giữa Steve Jobs – người đứng đầu đội ngũ chế tạo Macintosh với lối tư duy độc đáo – và Sculley – người sở hữu tầm nhìn kinh doanh khá thực dụng và bảo thủ. Mâu thuẫn giữa 2 người ngày một dâng cao kể từ thất bại của máy tính Lisa cùng với doanh số bán ra của Macintosh không được như mong đợi.

 Mọi thứ dường như thay đổi khi đến năm 1985, Steve Jobs bắt đầu lên kế hoạch “đảo chính” nhằm “lật đổ vương triều” của John Sculley. Tuy nhiên, đáng buồn là hầu hết ban quản trị của Apple lại đứng về phía Sculley, rốt cục Steve Jobs mới là người bị “đá” ra khỏi bộ máy điều hành. Dường như không còn gì để mất, Steve Jobs bán lại toàn bộ cổ phiếu của mình ở Apple và bắt tay ngay vào xây dựng công ty máy tính NeXT, nơi anh được toàn quyền quyết định vận mệnh của mình.

 Sau khi Steve Jobs “dứt áo ra đi” khỏi đội ngũ Apple, Steve Wozniak cũng quyết định rời bỏ công ty này không lâu sau đó. Chia sẻ về lý do kết thúc công việc tại đây, ông nói rằng đã từ lâu Apple đã không còn gây cảm hứng làm việc cho ông, và rằng công ty này đang ngày càng đi sai hướng. Ông cũng bán toàn bộ cổ phiếu của mình tại Apple trước khi đi theo con đường sự nghiệp riêng.

 Khi cả 2 Steve đã quyết tâm ra đi, John Sculley dường như nắm trong tay cả vận mệnh của Apple. Thời gian đầu, khi mọi thứ vẫn còn khá khả quan, Apple cho ra mắt sản phẩm máy tính xách tay PowerBook và hệ điều hành System 7 vào năm 1991. Hệ điều hành System 7 đánh dấu bước ngoặt lớn cho Apple khi trở thành hệ điều hành màu đầu tiên cho các máy Macintosh, cho đến khi hệ điều hành OS X ra đời năm 2001.

 Thập niên 90 chứng kiến không ít khó khăn của Apple khi công ty này phải chật vật nhằm giữ vững vị trí của mình trong thị trường máy tính đang không ngừng thay đổi. Đáng buồn là những nỗ lực đó đều không đem lại kết quả khả quan. Thậm chí “đứa con tinh thần” của John Sculley – máy tính bảng Newton MessagePad ra đời năm 1993 – lại bị coi là cú flop tệ hại nhất trong lịch sử Apple. Được tung ra thị trường với sứ mệnh “khai sáng” khái niệm “trợ lý cá nhân kỹ thuật số”, tuy nhiên, sản phẩm này lại có doanh số cực kỳ đáng thất vọng bởi giá bán quá cao – 700 USD – cùng những tính năng không thực sự ấn tượng.

 Thế nhưng, không chịu rút kinh nghiệm từ sai lầm trước đó, CEO John Sculley lại tiếp tục dẫm vào vết xe đổ của chính mình khi dành quá nhiều thời gian, công sức và tiền bạc nhằm đưa hệ điều hành System 7 vào bộ vi xử lý PowerPCc hoàn toàn mới của IBM/Motorola, thay vì bộ xử lý Intel đang rất được ưa chuộng lúc bấy giờ bởi giá thành phải chăng và dễ sử dụng

 Với hàng loạt báo cáo đáng thất vọng từ việc kinh doanh, hội đồng quản trị của Apple nhận thấy CEO John Sculley đã chưa làm tròn trách nhiệm. Kết quả là ngay sau khi Apple không đạt được chỉ tiêu lợi nhuận quý đầu năm 1993, John Sculley đã bị sa thải, và Michael Spindler được bổ nhiệm vào vị trí CEO. Năm 1994, máy tính Macintosh đầu tiên chạy bộ vi xử lý PowerPC đã được bán ra thị trường. Tuy nhiên, may mắn lại chưa mỉm cười với Apple khi bị ánh hào quang của Microsoft lúc bấy giờ che khuất. Cuối cùng, sau thất bại trong đàm phán sáp nhập với hàng loạt tập đoàn công nghệ lớn như IBM, Sun MicroSystems và Philips, hội đồng quản trị của Apple đã nhất trí đưa Gil Amelio lên thay thế CEO đương nhiệm vào năm 1996.
Chiến dịch quảng cáo đầy ấn tượng “Think Different” (Nghĩ khác đi) của Apple được triển khai vào năm 1997, với sự góp mặt của hàng loạt nghệ sĩ và nhà khoa học nổi tiếng. Tên gọi của chiến dịch này cũng chính là châm ngôn làm việc của Steve Jobs trong mọi thời kỳ, cho dù có góp mặt ở Apple hay không.
Dưới bàn tay lãnh đạo của Steve Jobs, Apple vẫn duy trì mối quan hệ “thân tình” với Microsoft, nơi đã rót một khoản vốn đầu tư khổng lồ trị giá 150 triệu USD cho Apple vào năm 1997. Thời gian này cũng đánh dấu sự tin tưởng của Steve Jobs dành cho khiếu thẩm mỹ của Jony Ive – người có nhiệm vụ thiết kế toàn bộ cho mẫu máy tính iMac ra đời năm 1998. Cho đến năm 2001, Apple giới thiệu hệ điều hành Mac OS X, dựa trên những gi Steve Jobs đã nghiên cứu khi còn điều hành công ty máy tính NeXT. Thành công rực rỡ của Mac OS X dần dần che lấp những con số đáng thất vọng trong quá khứ của System 7, đưa Mac OS X trở thành một trong những hệ điều hành phổ biến nhất trên thế giới.

 Và đương nhiên, chiến thắng rực rỡ nhất của Apple đã thuộc về tay Steve Jobs với dòng sản phẩm có sức ảnh hưởng đầy ngoạn mục – iPhone. Ra mắt lần đầu tiên năm 2007, đây không chỉ là thành tựu đáng tự hào nhất của Apple, mà còn là bước ngoặt đáng ghi nhớ trong lịch sử chế tạo smartphone của thế giới. Với iPhone, thành công liên tiếp tìm đến, đưa Apple trở thành thương hiệu có giá trị nhất thế giới trong nhiều năm.

 II. Những câu chuyện ngoài lề thú vị về công ty apple

 Chuyện thứ 1: Steve Jobs không khoan nhượng cho sai lầm

 Trong những năm gần đây, các sản phẩm của Apple có thể nói là “bất khả chiến bại”. Khi mới ra đời chúng có thể bị cười nhạo, bị chê bôi, bị chế giễu. Nhưng tất cả đều thành công vang dội. Thử nhìn vào Macbook Air bị giới chuyên môn chỉ trích vì giá thành cao ngất ngưởng với dung lượng thấp đến thảm hại và tốc độ xử lý rùa bò.

 Thế nhưng thực tế thì sao? Đến tận bây giờ vẫn chẳng có laptop “siêu di động” nào lật đổ được ngôi vị của MBA. iPad cũng vậy, bị chế giễu là “chiếc iPod Touch phóng to” nhưng sự thực là vị trí thống trị của iPad. Con số 20 triệu iPad bán ra ở thời điểm hiện tại sau 1 năm ra mắt đã là minh chứng hùng hồn cho sự thành công của nó.

 Nói thế không có nghĩa là sản phẩm nào của Apple cũng thành công vang dội như vậy. Apple cũng có những sản phầm tồi. Và khi 1 sản phẩm của Apple được công bố khi chất lượng không được đảm bảo, “bão tố” lập tức giáng lên đầu bộ phận phát triển sản phẩm đó.

 Một ví dụ điển hình của trường hợp này là vào mùa hè năm 2008, Apple cho ra đời phiên bản iPhone 3G cùng với dịch vụ Mobile Me. Mobile Me thực ra là dịch vụ nâng cấp của email @mac.com trước đó với việc bổ sung thêm các tính năng đồng bộ dữ liệu của iPhone với Mobile Me. Hiểu 1 cách đại khái, Mobile Me cung cấp dịch vụ đồng hóa sao lưu danh bạ, tin nhắn, ảnh chụp… từ các máy Mac và iDevices lên 1 ổ cứng trên mạng. Thời gian đó tôi cũng nhờ 1 anh bạn ở Mỹ mua hợp đồng dịch vụ này 1 năm để dùng thử (với giá 99$/năm, khá cắt cổ nếu so với các dịch vụ cùng loại).

 Và tôi cảm thấy rất thất vọng, Mobile Me tỏ ra vô cùng chậm chạp, nhất là khi sử dụng các tính năng như iDisk, đồng hóa ảnh, danh bạ. Thậm chí cả tính năng email trước đó hoạt động rất tốt trên dịch vụ @mac.com giờ đây cũng trở nên chậm chạp khi chuyển sang @me.com. Và không phải riêng mình tôi gặp những vấn đề kiểu này mà còn rất nhiều người sử dụng khác cũng gặp những khó khăn tương tự. Mobile Me thực sự là 1 sản phẩm khiếm khuyết của Apple ngay trong ngày ra mắt.
Nhưng đến giờ thì có vẻ như những khó chịu mà người sử dụng như tôi gặp phải chẳng thấp thám gì so với những rắc rối mà nhóm phát triển Mobile Me gặp phải với Steve Jobs. Một buổi chiều xấu trời sau khi Mobile Me “lên sóng” vài ngày, cả nhóm phát triển của Mobile Me bị “điệu” đến trước mặt Steve Jobs. Trước tiên, Steve ngồi xuống đan tay vào nhau, đặt trên mặt bàn và hỏi các thành viên trong nhóm: “Ai ở đây có thể cho tôi biết Mobile Me cần có những chức năng gì?”

 Tất nhiên các thành viên phát triển Mobile Me cũng không phải loại dốt nát cuối cùng cũng đưa được câu trả lời vừa ý Steve Jobs về chức năng của sản phẩm mà họ phát triển. Nhận được câu trả lời thích đáng, Steve bình thản nói tiếp: “Vậy thì thế quái nào mà nó (Mobile Me) lại không làm tốt những tính năng đó?”. Trong nửa tiếng tiếp theo, Steve dành thời gian xỉ vả nhóm phát triển về việc họ không hoàn thành nhiệm vụ của mình. “Các anh đã bôi nhọ thanh danh của Apple, và các anh nên căm ghét chính mình vì đã làm thất vọng lẫn nhau”.

 Nhưng sự trừng phạt của Jobs dành cho sai lầm của nhân viên thuộc cấp không dừng lại ở đó.

 Chuyện thứ 2: Steve Jobs và những lời mỉa mai

 Có lẽ chúng ta đều nghĩ rằng Steve Jobs có vẻ như “miễn nhiễm” với tất cả các loại mỉa mai từ phía báo giới cũng như dư luận. Và cũng có rất nhiều cơ sở để chúng ta tin tưởng như vậy. Lấy 1 vài ví dụ như sự kiện iPhone 4 bị lỗi ăng ten, khi cả giới công nghệ như sôi lên vì sự “cẩu thả” này của Apple, thì Steve Jobs vẫn “bình chân như vại”. Scandal theo dõi người sử dụng của iOS 4? Chuyện nhỏ.

 Thế nhưng qua những gì mà tác giả Lanshiky tiết lộ, có lẽ cách ứng xử với chỉ trích của Steve Jobs lại không được bình thản như người ta vẫn tưởng. Cũng trong buổi “tổng xỉ vả” các thành viên của nhóm Mobile Me vừa nói ở trên, Steve Jobs ngậm ngùi kết luận: “Mossberg, bạn của chúng ta, đã không còn viết những điều tốt đẹp về Apple nữa”. Mossberg mà Steve đề cập ở đây là Walt Mossberg, phụ trách mảng công nghệ của tờ báo tiếng tăm Wall Street Journal, người đã thẳng tay viết ra một bài báo phê bình gay gắt những khuyết điểm của Mobile Me.

 Và ngay tại đương trường, Steve sa thải luôn hầu hết thành viên của nhóm phát triển Mobile Me. Những người còn “sống sót” sau cuộc thanh trừng này cuối cùng cũng “kéo” được Mobile Me đi theo đúng sự kỳ vọng của Steve Jobs.

 Bài học từ câu chuyện này? Nếu bạn làm việc cho Steve Jobs, thì hãy cố gắng đừng để báo chí chỉ trích phần việc của mình, nếu không bạn sẽ phải tìm chỗ làm mới.

 Câu chuyện thứ 3: Triết lý của Steve Jobs

 Giả thiết là nếu bạn làm việc cho Apple và chuẩn bị bước vào vị trí Phó Chủ Tịch (Vice President) trở lên, thì bạn hãy sẵn sàng tinh thần để nghe bài thuyết trình mà Steve Jobs sẽ nói với bạn. Steve Jobs luôn có 1 bài “giảng đạo” dành cho những ai chuẩn bị lãnh trọng nhiệm ở Apple.

 Đó là giả thiết, còn nếu như bạn không phải là nhân viên Apple và có lẽ cũng chẳng bao giờ bước chân vào cái ghế phó chủ tịch mà vẫn muốn được nghe bài “diễn văn giữa 2 người” của Steve thì đừng lo, vì hình như những bài diễn văn kiểu này của ông chỉ có duy nhất… 1 nội dung. Và Adam Lanshinky rất may là đã tìm được “dị bản” của 1 trong những bài nói chuyện đó.

 Đại khái nội dung của nó như sau (dưới lời của Jobs): “Có 1 hôm thùng rác trong văn phòng tôi không được dọn dẹp, tôi hỏi người quét dọn vì sao không đổ rác. “Vì khóa cửa đã đổi mà tôi thì không có chìa”, người quét dọn trả lời. Tôi đồng ý. Đó là 1 lý do bào chữa hợp lý, và hoàn toàn chấp nhận được vì nói cho cùng anh ta chỉ là 1 người kiếm sống bằng nghề quét dọn. Người quét rác được quyền giải thích vì sao và tại ai mà anh ta không hoàn thành công việc hoặc công việc do anh ta quản lý xảy ra lỗi lầm. Tóm lại, một người quét rác được phép bào chữa về sai lầm của mình, còn những người lãnh đạo thì không. Ở đâu đó giữa vị trí của 1 anh quét rác và 1 CEO có lằn ranh ngăn cách giữa việc được bào chữa về sai lầm của mình hay không. Và anh sẽ vượt qua lằn ranh đó khi anh ngồi vào cái ghế phó chủ tịch”.

 Bài diễn văn ngắn gọn của Jobs chắc chắn là đã gây ấn tượng mạnh mẽ với những ai ngồi vào ghế Phó Chủ Tịch của Apple. Bằng chứng là từ đó tới nay, bất chấp sự khắc nghiệt của Jobs, chưa 1 phó chủ tịch nào gây ra sai lầm đủ lớn để bị sa thải. Tất cả đều hiểu rằng, chỉ cần phạm 1 sai lầm và anh sẽ không còn đường quay lại. Apple không tha thứ cho cả những sai lầm nhỏ nhặt nhất.

 Bài học lớn nhất mà chúng ta có thể rút ra được từ câu chuyện này: “Nguyên tắc số 1 để trở thành người lãnh đạo: Lỗi lầm luôn thuộc về phần anh.”

  

  

  

  

  

 Tag: việt nam id hãng quốc logo