Lịch sử thành lập đài loan

 Lịch sử thành lập đài loan

 Không rõ về những cư dân đầu tiên đã định cư tại Đài Loan, nối tiếp họ là những người Nam Đảo (Austronesia). Hòn đảo bị người Hà Lan thuộc địa hóa vào thế kỷ thứ XVII, theo sau là một dòng người Hán nhập cư đến từ các nơi tại Phúc Kiến và Quảng Đông ở Trung Quốc đại lục. Người Tây Ban Nha cũng từng thiết lập nên một điểm định cư ở phía bắc hòn đảo trong một thời gian ngắn, song họ đã bị người Hà Lan trục xuất vào năm 1642. Tên tiếng Hán của hòn đảo, (臺灣, “Đài Loan”), có nguồn gốc từ một thuật ngữ thổ dân; trong quá khứ (từ thế kỷ XVI), hòn đảo được người phương Tây gọi là Formosa (từ tiếng Bồ Đào Nha Ilha Formosa, “Hòn đảo xinh đẹp”).

 Năm 1662, một nhân vật trung thành với nhà Minh (tức thế lực đã mất quyền kiểm soát Trung Quốc đại lục vào năm 1644) là Trịnh Thành Công đã đánh bại người Hà Lan và thiết lập một căn cứ cho các chiến dịch của mình trên hòn đảo. Nhà Thanh đã đánh bại quân của họ Trịnh vào năm 1683. Từ đó, các vùng đất tại Đài Loan dần dần hợp nhất vào Đại Thanh trước khi nó cùng với Bành Hồ bị nhượng cho Đế quốc Nhật Bản vào năm 1895 sau chiến tranh Thanh-Nhật. Đài Loan sản xuất lúa gạo và mía đường để xuất cảng sang chính quốc Nhật Bản và cũng đóng vai trò là một căn cứ cho hoạt động mở rộng thuộc địa của Nhật Bản ra Đông Nam Á và Thái Bình Dương trong Chiến tranh Thế giới thứ 2. Nền giáo dục của đế quốc Nhật Bản đã được áp dụng tại Đài Loan và nhiều người Đài Loan đã từng chiến đấu cho người Nhật trong chiến tranh.

 Năm 1945, sau khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ 2, Trung Hoa Dân Quốc do Quốc Dân đảng đã trở thành chính thể quản lý Đài Loan. Năm 1949, khi để mất quyền kiểm soát đối với Trung Quốc đại lục sau Nội chiến Trung Quốc, chính quyền Trung Hoa Dân Quốc của Quốc Dân đảng đã rút đến Đài Loan và Tưởng Giới Thạch đã tuyên bố áp đặt thiết quân luật tại hòn đảo. Nhật Bản chính thức từ bỏ tất cả chủ quyền lãnh thổ tại Đài Loan vào năm 1952 trong Hiệp ước San Francisco. Quốc Dân đảng cai quản Đài Loan (cùng với Kim Môn, Ô Khâu và quần đảo Mã Tổ ở phía đối diện của eo biển Đài Loan) như một nhà nước độc đảng trong suốt 40 năm, cho đến khi Tưởng Kinh Quốc tiến hành cải cách dân chủ vào thập niên 1980[1] Các cải cách được tiếp tục dưới thời người kế nhiệm Tưởng Kinh Quốc là Lý Đăng Huy, mà đỉnh cao là cuộc bầu cử tổng thống trực tiếp đầu tiên vào năm 1996. Năm 2000, Trần Thủy Biển đắc cử tổng thống và trở thành Tổng thống đầu tiên tại Đài Loan không phải là đảng viên của Quốc Dân đảng. Ông tái cử vào năm 2004. Một đảng viên Quốc Dân đảng là Mã Anh Cửu đã đắc cử tổng thống vào năm 2008, và tái cử vào năm 2012.
Vào cuối bậc Pleistocen muộn, mực nước biển thấp hơn khoảng 140 m so với ngày nay, tầng đáy nông của eo biển Đài Loan trở thành một cầu lục địa cho phép các động vật ở lục địa có thể vượt qua.[2] Bằng chứng cổ xưa nhất về sự xuất hiện của con người trên đảo Đài Loan bao gồm ba mảnh sọ và một răng hàm được tìm thấy tại Xú Quật (臭屈) và Cương Tử Lâm (岡子林), tại khu Tả Trấn, thành phố Đài Nam. Các mẫu vật này có niên đại từ 20.000 đến 30.000 năm.[3][4] Các hiện vật lâu đời nhất là các công cụ đá cuội được đẽo thuộc nền văn hóa thời đại đồ đá cũ được tìm thấy trong bốn hang động ở Trường Tân, Đài Đông, có niên đại từ 15.000 đến 5.000 năm trước, và chúng tương tự như các hiện vật tại các di chỉ cùng thời kỳ tại Phúc Kiến. Một nền văn hóa tương tự cũng được tìm thấy tại mũi Nga Loan ở cực nam của Đài Loan, đã tiếp tục tồn tại cho đến 5.000 năm trước.[5][6] Vào lúc bắt đầu thế Toàn Tân vào khoảng 10.000 năm trước, mực nước biển dâng lên, tạo thành eo biển Đài Loan và tách rời hòn đảo khỏi lục địa châu Á.[2]

 Khoảng năm 3.000 TCN, văn hóa Đại Bộn Khang thuộc thời đại đồ đá mới (đặt tên theo một nơi tại thành phố Tân Bắc) đột ngột xuất hiện và được truyền bá nhanh chóng ra các vùng ven biển của hòn đảo. Các di chỉ của nền văn hóa này có đặc trưng là các đồ gốm có đường vân, rìu đá được đánh bóng với đầu rìu làm bằng đá phiến. Các cư dân trồng lúa và kê, song cũng phụ thuộc rất nhiều vào việc đánh bắt các loài hải sản. Hầu hết các học giả tin rằng nền văn hóa này không có nguồn gốc từ người Trường Tân mà được đưa đến qua eo biển bởi những người là tổ tiên của thổ dân Đài Loan hiện nay, họ nói các ngôn ngữ Nam Đảo thời kỳ đầu.[7][8] Một số người này sau đó đã di cư từ Đài Loan đến các hòn đảo ở Đông Nam Á và sau đó ra khắp Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Nhóm ngôn ngữ Mã Lai-Đa Đảo nay được nói trên một khu vực rộng lớn từ Madagascar đến Hawaii, đảo Phục Sinh và New Zealand, song chỉ tạo thành một nhánh của Ngữ hệ Nam Đảo, các nhánh khác của ngữ hệ này chỉ được tìm thấy tại Đài Loan.[9][10][11][12]

 Kế thừa văn hóa Đại Bộn Khanh là một loạt các nền văn hóa khác trên khắp hòn đảo, bao gồm văn hóa Đại Hồ và văn hóa Doanh Bộ. Đồ sắt đã xuất hiện vào lúc bắt đầu thời Công Nguyên trong những nền văn hóa như Điểu Tùng.[13]

 Các đồ tạo tác bằng kim loại sớm nhất là các hàng hóa thương mại, song vào khoảng năm 400 SCN, sắt rèn đã được sản xuất tại địa phương bằng cách sử dụng lò nung, một kỹ thuật có lẽ được đưa đến từ Philippines.[14]

 Các bản văn gây tranh cãi có từ thời Trung Quốc cổ đại đã chỉ ra rằng người Hán có thể đã biết về sự tồn tại của đảo chính Đài Loan từ thời Tam Quốc, họ phân chia các hải đảo xa bờ với các tên gọi như Đại Lưu Cầu và Tiểu Lưu Cầu (từ nguyên, song có lẽ không phải là ngữ nghĩa, tương tự như quần đảo Ryūkyū (Lưu Cầu)), mặc dù không tên gọi nào trong đó tương ứng một cách rõ ràng với đảo chính Đài Loan.

 

 tag: lịch   ai   hình   phát   triển