Quy định thành lập viện đào tạo

 Quy định thành lập viện đào tạo

 BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

 TRƯỜNG ĐH KINH TẾ QUỐC DÂN

 –––––––––––––

 

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

 Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

 ––––––––––––––––––––––––

  

 
THÀNH LẬP
VIỆN NGÂN HÀNG – TÀI CHÍNH TRÊN CƠ SỞ CHUYỂN ĐỔI MÔ HÌNH TỔ CHỨC CỦA KHOA NGÂN HÀNG – TÀI CHÍNH

 (Ban TV Đảng ủy và Đảng ủy thông qua tại phiên họp ngày 15.12.2011)

  1. CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

 Đề án thí điểm thành lập Viện Ngân hàng – Tài chính (School of Banking & Finance) có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng trên cơ sở nâng cấp Khoa Ngân hàng – Tài chính hiện nay được xây dựng dựa trên những căn cứ sau:

  1. Luật Giáo dục 2005 và Nghị định 75/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục 2009.
  2. Nghị quyết 14/2005/NQ-CP ngày 02/11/2005 của Chính phủ về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006 – 2020.
  3. Nghị định 43/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập.
  4. Nghị quyết Đại hội X của Đảng Cộng sản Việt Nam và Thông báo kết luận số 242 – TB/TW ngày 15/4/2009 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 (khoá VIII) về phương hướng phát triển giáo dục và đào tạo đến năm 2020.
  5. Nghị quyết số 35/2009/QH12 ngày 19/6/2009 của Quốc hội khoá XII về chủ trương, định hướng đổi mới một số cơ chế tài chính trong giáo dục và đào tạo từ năm học 2010 – 1011 đến năm học 2014 – 2015.
  6. Chỉ thị số 296/CT-TTg ngày 27/2/2010 của Thủ tướng chính phủ về đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010 – 2012.
  7. Nghị quyết số 05 – NQ/BCSĐ ngày 06/01/2010 của Ban cán sự Đảng bộ Giáo dục và Đào tạo về Đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010 – 2012 và Chương trình hành động của Bộ Giáo dục Đào tạo triển khai thực hiện Nghị quyết 05 – NQ/BCSĐ.
  8. Quyết định số 58/2010/QĐ-TTg ngày 22/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành “Điều lệ trường đại học”.
  9. Đề án Thí điểm đổi mới thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với một số trường Đại học công lập (Dự thảo lần 4 ngày 27 tháng 4 năm 2011) của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
  10. Quy hoạch phát triển trường Đại học Kinh tế Quốc dân đến năm 2020 và Chiến lược phát triển trường Đại học Kinh tế Quốc dân giai đoạn 2006 – 2020.
  11. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Trường Đại học KTQD nhiệm kỳ 26 (2011-2015).
  12. Nhiệm vụ và chương trình công tác của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhiệm kỳ 2008 – 2013.
  13. SỰ CẦN THIẾT THÀNH LẬP VIỆN NGÂN HÀNG – TÀI CHÍNH
    • Thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ lần thứ 26 (nhiệm kỳ 2011-2015) về đổi mới mô hình tổ chức và thực hiện cơ chế phân cấp, giao quyền tự chủ hợp lí cho các đơn vị trong trường.

 Báo cáo chính trị của Đại hội Đảng bộ lần thứ 26 (nhiệm kỳ 2011-2015) của Trường Đại học KTQD đã đề ra nhiệm vụ “Kiên quyết thực hiện đổi mới đồng bộ có lộ trình mô hình và cơ cấu tổ chức bộ máy của nhà trường theo hướng hiện đại, tinh giản, hiệu quả và phát triển” và ”Xây dựng và thực hiện cơ chế phân cấp và giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị trong trường bảo đảm tăng cường quản lý thống nhất đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động cho các đơn vị trong trường, tạo điều kiện cho các đơn vị thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của mình”. Hiện nay, mô hình tổ chức của trường về cơ bản đã được hoàn thiện với sự phân định thành 4 khối đơn vị và quy định rõ chức năng, nhiệm vụ theo Quyết định số 1724/QĐ-ĐHKTQD-TCCB ngày 11/11/2010 và sửa đổi, bổ sung theo Quyết định số 749/QĐ-ĐHKTQD-TCCB ngày 11/11/2011 của Hiệu trưởng, cụ thể:

  • Khối 1 bao gồm 15 đơn vị chức năng;
  • Khối 2 bao gồm 26 đơn vị đào tạo (bao gồm các Khoa, Viện, Trung tâm đào tạo). Trong đó, có 4 đơn vị (Viện ĐTQT, Viện QTKD, Trung tâm ĐTLT, Trung tâm Pháp – Việt đào tạo về quản lý) vừa là đơn vị đào tạo vừa là đơn vị chức năng;
  • Khối 3 bao gồm 4 đơn vị NCKH và đào tạo SĐH theo dự án (chức năng chính là nghiên cứu khoa học);
  • Khối 4 bao gồm 6 đơn vị dịch vụ và phục vụ.

 Tuy nhiên, hiện nay các Khoa đào tạo thuộc khối 26 đơn vị đào tạo chưa được phân cấp, phân quyền một cách hợp lý do vị thế của Khoa không phải là đơn vị có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng và cũng không phải là đơn vị chức năng để có thể sử dụng tư cách pháp nhân của trường khi làm việc với các cơ quan ngoài trường. Điều này dẫn đến tình trạng vị thế của các Khoa không tương xứng với chức năng, nhiệm vụ và phạm vi hoạt động của Khoa. Do không có tư cách pháp nhân nên việc các Khoa tổ chức khai thác và tìm kiếm các hợp đồng đào tạo ngắn hạn và nghiên cứu khoa học, tư vấn đều lệ thuộc vào trường, không có sự chủ động. Các Khoa chuyên ngành chủ yếu thực hiện các nhiệm vụ đào tạo theo kế hoạch và chỉ tiêu của trường, việc thực hiện các chương trình liên kết không được chú trọng do không có tư cách pháp nhân và không được phân cấp, phân quyền. Thực tế hiện nay, trong số các Khoa chuyên ngành chỉ duy nhất có Khoa Toán có chương trình đào tạo cấp bằng liên kết với nước ngoài (chương trình định phí bảo hiểm).  Trong khi đó, mô hình và cơ chế quản lý trong các trường đại học nước ngoài ngày càng theo hướng tăng quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị đào tạo trực thuộc (các School). Đối với Việt Nam, Chỉ thị 296/CT-TTg ngày 27/2/2010 của Thủ tướng chính phủ về đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010 – 2012 đã chỉ ra rằng đổi mới quản lý giáo dục đại học là khâu đột phá để nâng cao chất lượng và phát triển toàn diện giáo dục đại học, làm tiền để triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm khắc phục các yếu kém trong ngành, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục đại học. Đổi mới quản lý giáo dục đại học là con đường tất yếu đi tới mục tiêu nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục đại học, đồng thời giải pháp đổi mới cơ chế quản lý cũng trở nên rõ ràng: phi tập trung hoá, phân cấp chức năng và trách nhiệm một cách mạnh mẽ thông qua việc trao quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm, trong đó bao gồm cả tự chủ về tài chính, cho các trường. Hiện nay, xu thế giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường đại học ngày càng rõ ràng. Bởi vậy, trong bản thân các trường đại học cũng phải chủ động xây dựng cơ chế phân cấp, giao quyền tự chủ cho các đơn vị trực thuộc, trong đó quan trọng nhất là các Khoa, Viện đào tạo.

 Vì vậy, trước xu thế mở rộng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường đại học, cần thiết bản thân các trường đại học phải thí điểm chuyển đổi mô hình tổ chức một số Khoa lớn như Khoa Ngân hàng – Tài chính từ mô hình đơn vị đào tạo phụ thuộc, không có tư cách pháp nhân sang mô hình đơn vị có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng, được phân cấp giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trên tất cả các lĩnh vực hoạt động.

 Việc chuyển đổi mô hình từ Khoa đào tạo sang Viện có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng và thực hiện các chức năng nghiên cứu và đào tạo như Viện Đào tạo Quốc tế và một số Viện, Trung tâm khác đã khẳng định là hướng đi đúng. Song song với chuyển đổi mô hình tổ chức, Trường sẽ thay đổi căn bản cơ chế phân cấp quản lý để tạo điều kiện cho các Viện đào tạo (mô hình School) phát triển theo hướng tự chủ. Trên cơ sở đó, sau này ở quy mô quản lý cấp trường sẽ tinh giản bộ máy quản lý hành chính, tập trung vào thực hiện xây dựng và ban hành các chính sách lớn ảnh hướng đến sự tồn tại và phát triển của trường như: công tác quy hoạch; công tác xây dựng chiến lược và kế hoạch; xây dựng và ban hành các quy chế, quy định về quản lý các hoạt động trong trường; công tác thanh tra, kiểm soát, giám sát toàn diện các hoạt động của trường; điều phối, cân đối, phối hợp các hoạt động trường; quản lý tài chính nhằm đảm bảo sự cân bằng tương đối về nhiệm vụ và thu nhập trong toàn trường.

 Thực tế, tại Trường Đại học KTQD, việc đề xuất thành lập mô hình mô hình Viện có tư cách pháp nhân thay thế mô hình Khoa đã được đề cập từ Nghị quyết của Đảng ủy nhiệm kỳ 25 (nhiệm kỳ 2005-2010) với đề xuất xây dựng mô hình trường đại học 4 cấp: Trường – Viện – Khoa – Bộ môn.

 Tuy nhiên, hiện nay để giảm thiểu các đầu mối quản lý nhưng vẫn đảm bảo Viện có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng, mô hình tổ chức của trường vẫn giữ nguyên theo mô hình 3 cấp: Trường (University) – Viện (School)/Khoa (Faculty) – Bộ môn (Department). Trong đó, các Viện (bao gồm Viện có chức năng chính là đào tạo như Viện Ngân hàng – Tài chính – mô hình School và các Viện có chức năng chính là nghiên cứu – mô hình Institute) sẽ có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng.

  • Mô hình các đơn vị đào tạo có con dấu và tài khoản riêng, được giao quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm sẽ có nhiều ưu điểm hơn so với mô hình Khoa đào tạo hiện nay.

 Mô hình Viện có con dấu và tài khoản riêng tại kho bạc và ngân hàng thương mại, được Trường phân cấp quản lý và giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm sẽ có nhiều ưu điểm hơn so với mô hình Khoa đào tạo hiện nay, thể hiện trên các khía cạnh chủ yếu như:

 Thứ nhất, Viện có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng sẽ được cấp Giấy chứng nhận hoạt động khoa học và công nghệ để chủ động đi đấu thầu, khai thác các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và tư vấn. Hiện nay nguồn đề tài và dự án nghiên cứu rất nhiều song do không có tư cách pháp nhân nên các Khoa rất khó chủ động trong tổ chức lực lượng tham gia đấu thầu và khai thác các đề tài, dự án nghiên cứu và tư vấn.

 Thứ hai, Viện có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng vừa thực hiện các nhiệm vụ đào tạo đại học và sau đại học theo kế hoạch chung của trường vừa có cơ hội khai thác, tìm kiếm các chương trình hợp tác về đào tạo đại học và sau đại học trong nước và nước ngoài.

 Thứ ba, Viện có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng sẽ được phân cấp triệt để trong tuyển sinh và tổ chức đào tạo ngắn hạn cấp bằng có đóng dấu của Viện cũng như của Trường.

 Thứ tư, do mô hình Viện là đơn vị có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng nên Viện có thể mở ra nhiều dịch vụ khác theo quy định tại Nghị định 115/2005/NĐ-CP ngày 05/09/2005 quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học và công nghệ công lập và Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập.

 Thứ năm, mô hình Viện có có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng sẽ tạo điều kiện cho Viện thí điểm việc phân cấp tự chủ về tài chính để nâng cao thu nhập, tránh hiện tượng bình quân chủ nghĩa trong trả lương và thu nhập tăng thêm như hiện nay.

 Thứ sáu, mô hình Viện có có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng sẽ tạo điều kiện cho Viện khai thác các nguồn lực bên ngoài, có thể tham gia liên danh, liên kết trong hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học.

  • Việc chuyển đổi mô hình từ Khoa đào tạo sang Viện đào tạo và nghiên cứu có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng là phù hợp với xu thế đổi mới mô hình tổ chức đối với các trường đại học có quy mô đào tạo lớn.

 Trường Đại học KTQD là một trong 15 trường đại học trọng điểm quốc gia, có quy mô đào tạo lớn (xem Bảng 1). Trong đó, Khoa Ngân hàng – Tài chính là 1 trong 3 Khoa có quy mô đào tạo lớn nhất trường. Nếu tính tổng số sinh viên bậc đại học và sau đại học tại tất cả các bậc, hệ, quy mô của Khoa Ngân hàng – Tài chính gần bằng 1/2 so với quy mô của Học viện Ngân hàng hoặc Học viện Tài chính.

 

 Bảng 1: Quy mô đào tạo hàng năm của Trường Đại học KTQD

  

STT BẬC ĐÀO TẠO Quy mô đã đào tạo hàng năm đã thực hiện
2005 2006 2007 2008 2009 2010
               
I ĐẠI HỌC            
1.1 Đại học chính quy 15,692 15,972 16,169 16,418 17,855 18,288
1.1.1 Chương trình đại trà 15,594 15,742 15,762 15,654 16,050 15,557
1.1.2 Chương trình tiên tiến   90 157 209 304 366
1.1.3 Chương trình chất lượng cao           75
  POHE       26 65 141
1.1.4 Đào tạo theo địa chỉ       229 987 1,548
1.1.5 Chương trình EBBA         49 151
1.1.6 Liên kết quốc tế cấp bằng 98 140 250 300 400 450
2 Đại học phi chính quy 24,053 31,189 32,997 38,298 39,139 40,240
2.1.1 Đại học vừa làm vừa học 18,732 25,096 24,771 27,179 25,720 22,413
2.1.2 Liên thông CĐ lên Đại học VHVL 1,025 1,114 1,350 1,400 1,462 1,250
  Liên thông CĐ lên Đại học CQ 810 900 1,100 1,497 2,063 3,816
2.1.3 Liên thông TC lên Đại học VHVL           1,329
  Liên thông TC lên Đại học CQ           495
2.1.4 Đào tạo cấp bằng thứ 2 VHVL 3,074 3,675 4,270 5,165 5,625 6,368
  Đào tạo cấp bằng thứ 2 CQ 300 300 300 300 500 550
2.1.5 Đào tạo từ xa     1,108 2,757 3,769 4,019
2.1.6 Cao đẳng VLVH 112 104 98      
II THẠC SĨ 2,408 2,840 3,043 3,258 3,447 3,742
2.1 Cao học trong nước 1,737 2,105 2,295 2,354 2,507 2,891
2.2 Liên kết quốc tế cấp bằng 375 410 382 454 410 343
2.3 Thạc sĩ Điều hành cao cấp            
2.4 Nước ngoài – KTQD đồng cấp bằng 83 72 56 72 82 71
2.5 Chương trình EMBA (VQTKD) 213 253 310 378 448 437
               
III TIẾN SĨ 248 251 255 268 276 311
  Tiến sĩ trong nước 241 244 247 260 274 310
  Tiến sĩ liên kết nước ngoài 7 7 8 8 2 1
  TỔNG SỐ 42,401 50,252 52,464 58,242 60,717 62,581

 Nguồn: Thống kê từ các đơn vị đào tạo

 Để phù hợp với quy mô đào tạo ngày càng lớn, nhiều trường đại học đã bắt đầu chuyển đổi mô hình tổ chức từ mô hình: Trường – Khoa (không có tư cách pháp nhân) – Bộ môn sang mô hình Trường – Viện (có tư cách pháp nhân) – Bộ môn. Chủ trương chuyển đổi mô hình này đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo ủng hộ thông qua các quyết định thành lập các Viện (school) trên cơ sở nâng cấp các Khoa thuộc thuộc Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Hiện nay, tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội chỉ duy trì mô hình Khoa đào tạo (đơn vị đào tạo phụ thuộc, không có tư cách pháp nhân) đối với 5 đơn vị đào tạo đặc thù là: Khoa Giáo dục quốc phòng, Khoa Giáo dục Thể chất, Khoa Lý luận chính trị, Khoa Ngoại ngữ, Khoa sư phạm kỹ thuật. Đối với các Khoa còn lại, Trường Đại học Bách khoa đã hoàn thành chuyển đổi thành Viện (mô hình School) có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng và thực hiện đầy đủ 3 chức năng: đào tạo, nghiên cứu và dịch vụ (Trong đó, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ký quyết định chuyển Khoa thành Viện đối với các Khoa do Bộ GD&ĐT thành lập; Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa ký quyết định chuyển Khoa thành Viện đối với các Khoa do Trường thành lập). Các trường đại học khối kinh tế như Trường Đại học Kinh tế TP.Hồ Chí Minh cũng đã thành lập mô hình Viện đào tạo có tư cách pháp nhân như Viện đào tạo quốc tế.

 Trong Điều lệ trường đại học ban hành kèm theo Quyết định số 58/2010-QĐ-TTg ngày 22/09/2010, mô hình Viện đào tạo (School) trực thuộc các trường đại học cũng đã được thể chế hóa một cách rõ ràng tại Điều 32. Vì vậy, trong bối cảnh Trường Đại học KTQD chưa thể và có lẽ chưa nên chuyển sang mô hình trường đại học 4 cấp vì thêm nhiều đầu mối hành chính, cần thiết phải thí điểm nghiên cứu mở rộng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm để nâng cao hiệu quả hoạt động của các Khoa đào tạo sang mô hình Viện có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng. Đối với Trường Đại học KTQD, việc chọn Khoa Ngân hàng – Tài chính để thực hiện thí điểm mô hình Viện đào tạo có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, được phân cấp quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm là vì các lý do sau:

 Thứ nhất, Khoa Ngân hàng – Tài chính là một trong các khoa lớn nhất trường, có nhiều tiềm năng phát triển theo mô hình Viện có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng;

 Thứ hai, Khoa Ngân hàng – Tài chính là đơn vị có nhiều chuyên ngành đào tạo và có truyền thống, hiện tại nhu cầu xã hội là khá lớn nên sẽ phù hợp khi thực hiện thí điểm phân cấp quản lý, tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

 Thứ ba, việc thí điểm chuyển đổi thành công mô hình Viện đào tạo Ngân hàng – Tài chính sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa khi sáp nhập các đơn vị thuộc cùng ngành đào tạo Ngân hàng – Tài chính vào Viện cũng như thành lập các Viện khác theo từng nhóm ngành.

 Thứ tư, Khoa Ngân hàng – Tài chính là đơn vị đào tạo cần được sự quan tâm, tạo điều kiện của trường trong bối cảnh hiện nay để đảm bảo cho Khoa được phát triển bền vững, ổn định xứng đáng với vị thế của Khoa do nhiều thế hệ đã gây dựng trong nhiều năm qua.

  • Việc thí điểm chuyển đổi mô hình Khoa đào tạo sang Viện đào tạo có tư cách pháp nhân là phù hợp với yêu cầu phát triển của trường đại học định hướng nghiên cứu

 Trước xu thế của giáo dục đại học Việt Nam đang chuyển dần từ hệ thống giáo dục đại học dành cho giới tinh anh sang đại chúng với sự hình thành nhiều trường đại học và số lượng sinh viên ngày càng gia tăng, các trường đại học thuộc tốp trên như Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cần phải xác định chiến lược phát triển riêng.

 Tại Đại hội Đảng bộ lần thứ 26 (nhiệm kỳ 2010-2015), Trường Đại học KTQD đã xác định tầm nhìn đến năm 2020 “trở thành đại học định hướng nghiên cứu, có chất lượng cao về đào tạo và nghiên cứu khoa học. Một số ngành, chuyên ngành đào tạo của trường được kiểm định và công nhân bởi các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đại học có uy tín trên thế giới”.

 Trường đại học nghiên cứu được hiểu là một định chế giáo dục đặc biệt với sứ mệnh là nơi kiến tạo tri thức mới thông qua hoạt động nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, mô hình tổ chức của đại học nghiên cứu có sự kết nối chặt chẽ giữa nghiên cứu và giảng dạy, trong đó hoạt động đào tạo tập trung vào hệ sau đại học (bậc Thạc sỹ và Tiến sỹ) và hệ đại học có chọn lọc với chất lượng cao (đào tạo đại học theo hướng tinh hoa). Hệ thống các tiêu chí của một trường đại học nghiên cứu bao gồm:

  • Nhóm 1: Các tiêu chí về tiềm lực con người
  • Tỷ lệ người học/Giảng viên thấp (trung bình khoảng 10-15 Sinh viên/1 Giảng viên;
  • Tỷ lệ GS, PGS trong giảng viên cơ hữu của trường cao (trung bình khoảng trên 30%)
  • Tệ lệ người học sau đại học trên tổng số người học cao (45-50%)[1]
  • Nhóm 2: Có tiềm lực về đào tạo và NCKH
  • Quy mô lớn, đa ngành, đa lĩnh vực (trung bình khoảng 100 chương trình mỗi bậc đào tạo)
  • Tỷ lệ các đơn vị nghiên cứu và chuyển giao công nghệ cao so với các đơn vị quản lý và tổ chức đào tạo đại học và sau đại học trong cơ cấu tổ chức của Nhà trường (trung bình khoảng 50%) [2]
  • Tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm cao:
  • Tự do về học thuật: là một thành tố không thể thiếu được của một trường đại học nghiên cứu theo lí tưởng của Humboldt. Trường đại học phải là nơi mà các giá trị cơ bản được trình bày, tranh luận, thách thức và nghiên cứu, một nơi tự do và không bị ràng buộc. Trường đại học nghiên cứu phải có một không gian học thuật, cho phép nhà khoa học theo đuổi những yêu cầu học thuật mà không bị can thiệp hoặc bị kìm hãm từ những lực lượng nào khác.
  • Tự chủ về quản lý: các trường đại học nghiên cứu và các đơn vị trực thuộc trường đại học nghiên cứu được trao quyền tự quyết định về các hoạt động.
  • Kinh phí dành cho NCKH lớn, được Nhà nước ưu tiên đầu tư và từ nhiều nguồn khác nhau.

 

  • Nhóm 3: Có hoạt động NCKH và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao
  • Thời gian dành cho NCKH nhiều (trung bình trên 50%)
  • Số lượng công bố khoa học và công bố khoa học quốc tế lớn (trung bình khoảng 1 bài/3GV)
  • Đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao bậc đại học, nhất là bậc sau đại học.
  • Có quan hệ mật thiết với doanh nghiệp

 Như vậy, vấn đề quan trọng nhất để có thể chuyển đổi sang mô hình đại học nghiên cứu là phải thay đổi về cơ chế quản trị, chuyển từ tập trung sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm cả về học thuật và tổ chức. Bên cạnh đó, với đặc điểm riêng biệt, trong dài hạn Trường Đại học KTQD không thể thành lập thêm nhiều đơn vị chuyên về nghiên cứu mà cần có các đơn vị kết hợp giữa đào tạo và nghiên cứu do đó, con đường đúng đắn nhất là chuyển đổi mô hình Khoa đào tạo đơn thuần sang mô hình Viện có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng thực hiện cả nhiệm vụ đào tạo các bậc hệ và thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu cũng như cung cấp các dịch vụ khác trong lĩnh vực đào tạo.

  • MỤC TIÊU THÀNH LẬP VIỆN NGÂN HÀNG – TÀI CHÍNH

 Việc thí điểm thành lập Viện Ngân hàng – Tài chính trên cơ sở nâng cấp Khoa Ngân hàng – Tài chính hiện nay nhằm đạt được các mục tiêu sau:

  • Thí điểm đổi mới mô hình các đơn vị đào tạo phụ thuộc thông qua việc chuyển đổi mô hình Khoa Ngân hàng – Tài chính từ đơn vị đào tạo phụ thuộc, không có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng sang mô hình Viện Ngân hàng – Tài chính có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoảng riêng, được phân cấp quản lý để thực hiện đầy đủ 3 chức năng: đào tạo, nghiên cứu khoa học và dịch vụ.
  • Tạo vị thế mới cho Khoa Ngân hàng – Tài chính tương xứng với quy mô đào tạo và vai trò của Khoa trong tổng thể của Trường.
  • Thực hiện đổi mới mô hình tổ chức và cơ chế quản lý của trường theo hướng năng động và hiệu quả, phân cấp quản lý và giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị.
  • Tạo tiền đề và là cơ sở để tiếp tục hoàn thiện mô hình phát triển của Trường cho những năm của nhiệm kỳ tiếp theo theo hướng gọn nhẹ – tinh giản – hiệu quả và hội nhập.
  1. CƠ SỞ CỦA VIỆC LỰA CHỌN TÊN GỌI: VIỆN NGÂN HÀNG – TÀI CHÍNH

 Việc chọn tên gọi đơn vị mới là Viện Ngân hàng – Tài chính (tiếng Anh là School of Banking & Finance) dựa trên các cơ sở sau:

  • Kế thừa những nội dung chính yếu tên gọi cũ của Khoa Ngân hàng – Tài chính;
  • Tên gọi Viện (School) có nghĩa bao quát, đảm bảo Viện thực hiện đầy đủ chức năng: đào tạo, nghiên cứu và dịch vụ. Các Viện nghiên cứu của trường sẽ thống nhất tên dịch sang tiếng Anh là Institute với lĩnh vực chính là nghiên cứu và nếu được Hiệu trưởng cho phép chỉ thực hiện đào tạo sau đại học theo các dự án hợp tác hoặc các chương trình đặc thù.
  • Tên gọi Viện Ngân hàng – Tài chính sẽ tạo thuận lợi khi giao dịch và xin cấp phép cho thực hiện nghiên cứu khoa học và tư vấn;
  • Tên gọi Viện Ngân hàng – Tài chính khi phiên dịch sang tiếng Anh là School of Banking & Finance là phù hợp với tên gọi của các School của các trường đại học nước ngoài có cùng lĩnh vực hoạt động.
  • Tên gọi Viện Ngân hàng – Tài chính phù hợp với tên của ngành đào tạo.
  1. VỊ TRÍ PHÁP LÝ CỦA VIỆN NGÂN HÀNG – TÀI CHÍNH
  2. Viện Ngân hàng – Tài chính (sau đây gọi tắt là Viện) được thành lập theo Quyết định của Hiệu trưởng Trường Đại học KTQD trên cơ sở nâng cấp Khoa Ngân hàng – Tài chính trực thuộc Trường Đại học KTQD.
  3. Viện là đơn vị sự nghiệp có thu, có trụ sở riêng, có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng và được mở tài khoản (tiền Việt Nam và ngoại tệ) tại các ngân hàng hoặc kho bạc nhà nước. Viện được thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo phân cấp quản lý của Trường.
  4. 3. Viện thuộc quyền điều hành và quản lý trực tiếp của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (sau đây gọi tắt là Trường), hoạt động trên cơ sở tuân thủ chính sách, pháp luật của Nhà nước, các qui định của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.
  5. 4. Viện được thực hiện hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo phân cấp quản lý của Hiệu trưởng Trường Đại học KTQD.
  6. CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ VÀ TỔ CHỨC BỘ MÁY VIỆN NGÂN HÀNG – TÀI CHÍNH
    • Chức năng

 Viện Ngân hàng – Tài chính là đơn vị sự nghiệp có thu, tự chủ theo phân cấp về tài chính, có tài khoản riêng và có tư cách pháp nhân; hạch toán theo các nguyên tắc tài chính của Nhà nước và Trường Đại học Kinh tế quốc dân. Ngoài chức năng nhiệm vụ như các khoa đào tạo, Viện Ngân hàng – Tài chính có chức năng đào tạo, tư vấn và nghiên cứu về ngân hàng – tài chính cho các tổ chức và cá nhân có nhu cầu; thực hiện các chức năng quản lý đào tạo, quản lý nhân sự, quản lý sinh viên, học viên và quản lý tài chính theo sự phân cấp của Hiệu trưởng.

 Các chức năng cụ thể của Viện là:

  1. Tổ chức thực hiện các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và tư vấn (theo quy định hiện hành) trong lĩnh vực ngân hàng – tài chính và các lĩnh vực khác (khi được Hiệu trưởng cho phép).
  2. Được Hiệu trưởng phân cấp tổ chức, quản lý và thực hiện các chương trình đào tạo chính quy chất lượng cao ở các bậc đại học, cao học và tiến sỹ chủ yếu trong lĩnh vực ngân hàng – tài chính.
  3. Hợp tác và liên kết với các tổ chức trong nước và ngoài nước thực hiện nghiên cứu, tư vấn và đào tạo cấp bằng và không cấp bằng về ngân hàng – tài chính và các lĩnh vực có liên quan.
  • Nhiệm vụ
  1. Các nhiệm vụ chung:
  2. Xây dựng và trình Hiệu trưởng phê duyệt và tổ chức thực hiện chiến lược và kế hoạch phát triển của Viện và các đơn vị trong Viện phù hợp với định hướng phát triển chung của Trường;
  3. Xây dựng và trình Hiệu trưởng phê duyệt và tổ chức thực hiện kế hoạch tài chính hàng năm;
  4. Triển khai thực hiện các kế hoạch công tác của Trường và phối hợp tốt với các đơn vị trong Trường, các tổ chức đoàn thể có liên quan trong Trường để thực hiện nhiệm vụ được giao và các nhiệm vụ chung của Trường;
  5. Quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực và tài sản được giao.
  6. Các nhiệm vụ về đào tạo
  7. Chủ trì, tổ chức quản lý theo phân cấp các chương trình đào tạo cấp bằng (Degree Programmes) chính quy chất lượng cao, các chương trình đào tạo đặc thù bằng tiếng Việt và tiếng Anh ở bậc đại học, cao học và tiến sỹ trong lĩnh vực ngân hàng – tài chính dưới nhiều hình thức cho phù hợp với nhu cầu của người học và đảm bảo chất lượng đào tạo.
  8. Phối hợp với Phòng Quản lý đào tạo, Viện Đào tạo sau đại học và các đơn vị có liên quan trong xây dựng các chương trình đào tạo;
  9. Phối hợp với các đơn vị chức năng xây dựng các quy định về quản lý đào tạo cho các chương trình đào tạo do Viện quản lý;
  10. Chủ trì tổ chức và phối hợp với các đơn vị trong và ngoài trường thiết kế và phát triển các loại hình đào tạo liên kết, liên thông với các trường đại học nước ngoài. Thực hiện các chương trình hợp tác đào tạo ở bậc đại học và sau đại học với các tổ chức đào tạo, nghiên cứu khoa học về ngân hàng – tài chính của Chính phủ, các tổ chức phi chính phủ, các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

 đ. Chủ trì, tổ chức thiết kế và triển khai các chương trình đào tạo và bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng (Non-degree programmes) về ngân hàng – tài chính cho cán bộ quản lý của tổ chức và doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế theo nội dung hình thức, thời gian địa điểm phù hợp với yêu cầu của người học và các đơn vị.

  1. Các nhiệm vụ nghiên cứu và tư vấn về ngân hàng – tài chính
  2. Tổ chức thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học và nghiên cứu ứng dụng về ngân hàng – tài chính và các lĩnh vực có liên quan
  3. Tổ chức nghiên cứu và ứng dụng các thành tựu khoa học tiên tiến về công nghệ quản lý phục vụ cho các đối tượng có nhu cầu, giới thiệu các kinh nghiệm và mô hình phát triển tiêu biểu cho các nhà quản lý trong và ngoài nước.
  4. Tư vấn trong lĩnh vực ngân hàng – tài chính và các lĩnh vực liên quan nhằm nâng cao năng lực cho các tổ chức và cộng đồng doanh nghiệp;
  5. Chủ động khai thác và tổ chức thực hiện những đề tài nghiên cứu ứng dụng, phổ biến kinh nghiệm và các dự án tư vấn về ngân hàng – tài chính cho các tổ chức và các cá nhân có nhu cầu.

 đ. Đầu mối quản lý, tổ chức thực hiện các dự án nghiên cứu tư vấn trong nước và quốc tế được Hiệu trưởng giao.

  1. Nhiệm vụ quản lý hoạt động đào tạo, tư vấn và nghiên cứu ứng dụng
  2. Hàng năm đề xuất và xin phê duyệt chỉ tiêu và tổ chức tuyển sinh cho các hệ đào tạo đại học và sau đại học về ngân hàng – tài chính;
  3. Tham gia các Hội đồng và Ban giúp việc hội đồng tuyển sinh các chương trình đào tạo đại học và sau đại học được giao theo sự phân công của Hiệu trưởng;
  4. Tiếp nhận và quản lý các sinh viên đạo học, cao học viên và nghiên cứu sinh trúng tuyển vào Viện theo phân cấp của Hiệu trưởng;

 đ. Khai thác, trực tiếp ký và triển khai thực hiện các hợp đồng đào tạo ngắn hạn, hợp đồng tư vấn và hợp đồng nghiên cứu với các tổ chức cá nhân có nhu cầu. Ra quyết định cấp chứng chỉ và cấp chứng chỉ cho học viên học các chương trình đào tạo và bồi dưỡng ngắn hạn do Viện tổ chức.

  1. e. Phối hợp với các đơn vị trong Trường xây dựng các chương trình đào tạo cho các chuyên ngành có liên quan theo quy định của Trường.
  2. Các nhiệm vụ quản lý tài chính, quản lý tài sản
  3. Chủ trì, phối hợp với Phòng Tài chính – Kế toán xây dựng các mức học phí của các chương trình đào tạo đặc thù do đơn vị chủ trì quản lý trình Hiệu trưởng phê duyệt;
  4. Xây dựng quy chế thu chi nội bộ trình Hiệu trưởng phê duyệt để có căn cứ chi tiêu cho các hoạt động thường xuyên của Viện;
  5. Xây dựng và quyết định về các mức học phí cho các chượng trình đào tạo ngắn hạn tại Viện hoặc đơn giá của các hợp đồng đào tạo, hợp đồng tư vấn, hợp đồng nghiên cứu với các tổ chức và cá nhân có nhu cầu đảm bảo đủ chi và có tích lũy hợp lý;
  6. Tổ chức các hoạt động thu chi đúng nguyên tắc theo các chế độ quản lý tài chính hiện hành đối với đơn vị tự chủ. Thực hiện chế độ báo cáo tài chính đối với Trường theo quy định;

 đ. Thực hiện quản lý và sử dụng hiệu quả tài sản được giao theo quy định của Trường và pháp luật hiện hành

  1. Các nhiệm vụ khác
  2. a. Phát triển quan hệ hợp tác quốc tế về đào tạo, nghiên cứu khoa học và bồi dưỡng và trao đổi giảng viên với các trường đại học nước ngoài. Hợp tác, trao đổi và thực hiện các dự án viện trợ của các nước, các tổ chức quốc tế trong khuôn khổ chương trình và kế hoạch hợp tác quốc tế.
  3. b. Tiếp nhận và tạo điều kiện cho giảng viên nước ngoài giảng dạy và làm việc tại trường và Viện;
  4. c. Đầu mối phối hợp với các đơn vị chức năng thực hiện các lớp đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên của Viện và Trường theo yêu cầu của Hiệu trưởng;
  5. d. Quản lý toàn diện về nhân sự và đại diện cho cá nhân quan hệ với trường và các tổ chức thuộc trường. Đề xuất nhu cầu và phối hợp đơn vị chức năng tham gia vào quá trình tuyển dụng viên chức, lao động hợp đồng theo đúng quy định hiện hành

 đ. Phối hợp với các tổ chức đoàn thể trong trường phát triển và tổ chức thực hiện các hoạt động đoàn thể trong Viện

  1. e. Chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho viên chức và lao động do Viện quản lý
  2. g. Quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực của Viện theo đúng quy định của Trường và pháp luật hiện hành.
  3. h. Tổ chức xây dựng, quản lý hệ thống thông tin và thư viện của Viện theo quy định hiện hành của Trường, phù hợp với yêu cầu của các đối tác quốc tế.
  4. i. Xây dựng một cơ cấu tổ chức và cơ chế điều hành thích hợp để không ngừng nâng cao trình độ của đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý thông qua các chương trình đào tạo bồi dưỡng trong và ngoài nước nhằm nâng cao chất phục vụ và hiệu suất công tác.
  5. k. Quản lý nhân sự, tài chính, tài sản của Viện theo quy định hiện hành của Nhà nước và của Trường. Thực hiện công tác thi đua, khen thưởng theo quy định của Trường.
  6. l. Hợp tác với các đơn vị khác trong Trường thực hiện các nhiệm vụ chung của Trường, của Viện và nhiệm vụ của các đơn vị có liên quan.
  7. m. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Hiệu trưởng giao.
  • Tổ chức bộ máy

 Cơ cấu tổ chức và cán bộ của Viện Ngân hàng – Tài chính gồm:

  1. Ban lãnh đạo Viện:
  • 01 Viện trưởng phụ trách chung;
  • 1->2 Phó Viện trưởng giúp việc cho Viện trưởng, chịu trách nhiệm trước Viện trưởng về các mảng công việc được uỷ quyền và phân công.
  1. Văn phòng Viện và các Ban

 – Văn phòng Viện

 – Ban đào tạo

 Trong giai đoạn đầu thành lập Viện cho đến khi có các chương trình đào tạo mới do Viện tự khai thác, bộ máy hành chính của Viện gộp chung Văn phòng Viện và Ban đào tạo.

  1. Các Bộ môn/Trung tâm trực thuộc Viện:

 (1) Bộ môn Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ;

 (2) Bộ môn Tài chính công (tách từ Bộ môn Lý thuyết Tài chính tiền tệ & Tài chính công);

 (3) Bộ môn Thị trường chứng khoán;

 (4) Bộ môn Tài chính quốc tế;

 (5) Bộ môn Ngân hàng Thương mại;

 (6) Bộ môn Tài chính doanh nghiệp;

 (7) Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và tư vấn về ngân hàng, tài chính & chứng khoán.

  1. Hội đồng khoa học và đào tạo

 Hội đồng khoa học và đào tạo của Viện là tổ chức tư vấn cho Viện trưởng về căn cứ khoa học để xem xét và quyết định các vấn đề về nội dung, tổ chức và quản lý đào tạo, nghiên cứu khoa học và công nghệ của Viện.

  1. Cán bộ, giảng viên, nhân viên của Viện bao gồm:
    1. Cán bộ, giảng viên, nhân viên trong biên chế viên chức Nhà nước được tuyển dụng theo quy định của Nhà nước và Trường;
    2. Cán bộ, giảng viên, nhân viên hợp đồng được tuyển dụng theo nhu cầu của Viện và ký hợp đồng với Trường;
    3. Cán bộ, giảng viên, nhân viên kiêm nhiệm thực hiện theo thoả thuận hợp đồng lao động dưới 3 tháng ký với Viện và báo cáo Trường;
    4. Cán bộ, giảng viên và cộng tác viên khoa học được mời theo nhu cầu của Viện.
    5. Các tổ chức đoàn thể: Tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam, Công đoàn, Đoàn Thanh niên và các tổ chức chính trị-xã hội trong Viện.

 Tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam, Công đoàn, Đoàn Thanh niên và các tổ chức chính trị – xã hội khác trong Viện hoạt động theo Điều lệ các tổ chức, Hiến pháp, Pháp luật và Quy chế của Viện, phù hợp với quy định của pháp luật, của Trường.

  • MỘT SỐ YÊU CẦU KHI TỔ CHỨC THÀNH LẬP VIỆN NGÂN HÀNG – TÀI CHÍNH
  • Việc thí điểm thành lập Viện Ngân hàng – Tài chính phải theo quy trình từng bước và phải đảm bảo nguyên tắc tập trung, dân chủ, đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng ủy và quyền hạn của Hiệu trưởng.

 Căn cứ vào Quy định về chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ cơ sở trong các đơn vị sự nghiệp và Quy chế làm việc của BCH Đảng bộ Trường Đại học KTQD (Điều 2, Điều 11, Điều 12, Điều 15) và quyền hạn của Hiệu trưởng quy định tại Điều 36 Điều lệ trường đại học, Điều 14 của Quy chế tổ chức và hoạt động của Trường Đại học KTQD, để đảm bảo nguyên tắc tập trung, dân chủ, đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng ủy và quyền hạn của Hiệu trưởng trong việc quyết định thí điểm thành lập Viện Ngân hàng – Tài chính trên cơ sở nâng cấp Khoa Ngân hàng – Tài chính hiện nay, quy trình các bước tổ chức triển khai được cụ thể như sau:

  • Bước 1 (Thực hiện trong khoảng 20/11-12/12/2011): Tổ công tác xây dựng dự thảo Đề án thành lập Viện Ngân hàng – Tài chính và dự thảo Quy chế tổ chức và hoạt động của Viện.
  • Bước 2 (Thực hiện trong khoảng 12-15/12/2011): Trên cơ sở dự thảo Đề án tổng thể, Ban Thường vụ Đảng ủy và Đảng ủy họp thảo luận, thống nhất ban hành Nghị quyết về chủ trương thành lập Viện Ngân hàng – Tài chính trên cơ sở nâng cấp Khoa Ngân hàng – Tài chính.
  • Bước 3 (Thực hiện trong khoảng từ 19-25/12/2011): Trên cơ sở Nghị quyết của Đảng ủy, giao Ban Giám hiệu họp thống nhất và thảo luận rộng rãi trong cán bộ chủ chốt và toàn thể viên chức Khoa Ngân hàng – Tài chính để hoàn thiện Đề án chi tiết, chủ yếu tập trung vào Quy chế tổ chức và hoạt động của Viện. Mục đích thảo luận là đóng góp cho Đề án chi tiết và Quy chế tổ chức và hoạt động của Viện, không thảo luận về chủ trương có thành lập Viện hay không vì chủ trương do Hiệu trưởng quyết định trên cơ sở Nghị quyết của Đảng ủy. Trên cơ sở đó, Hiệu trưởng ban hành quyết định thành lập Viện và phê duyệt Quy chế tổ chức và hoạt động của Viện.
  • Bước 4 (Thực hiện trong khoảng từ: 26-30/12/2011): Kiện toàn nhân sự (nếu có phát sinh). Đối với các nhân sự quan trọng (nếu có phát sinh), trong trường hợp cần thiết, Ban Thường vụ Đảng ủy và Đảng ủy sẽ thống nhất ngay sau khi thống nhất về chủ trương thành lập Viện tại Bước 2.
  • Bước 5 (Thực hiện trong khoảng từ: 15-30/12/2011): Hoàn thiện các cơ chế phân cấp và khắc dấu, mở tài khoản cho Viện. Chuẩn bị các nguồn lực cho Viện.
  • Bước 6: (Thực hiện trong khoảng từ: 2-6/01/2012): Công bố quyết định và ra mắt Viện.
  • Bước 7: Viện hoạt động và qua quá trình hoạt động sẽ bổ sung, hoàn thiện về cơ chế quản lý và mô hình tổ chức, nhân sự (nếu có phát sinh).
  • Bước 8: Tổng kết, đánh giá mô hình thí điểm. Dự kiến thực hiện sau 1 năm hoạt động.
  • Đảm bảo sự ổn định tối đa trong cơ cấu tổ chức và nhân sự của từng bộ phận thuộc Viện sau khi được thành lập.

 Giai đoạn đầu khi thành lập Viện cần đảm bảo sự ổn định tối đa trong cơ cấu tổ chức và nhân sự của từng bộ phận thuộc Viện. Sau 6 tháng, trên cơ sở thực tế hoạt động và đề xuất của Ban lãnh đạo Viện, Trường sẽ xem xét điều chỉnh cơ cấu tổ chức Viện nếu thấy cần thiết để đáp ứng yêu cầu phát triển dài hạn của Viện.

  • Đảm bảo thành lập Viện phải song hành với việc đổi mới cơ chế cho Viện hoạt động theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm và hiệu quả. Thực hiện phân cấp quản lý tối đa cho Viện song phải đảm bảo sự quản lý, giám sát của Trường.

 Ngoài việc thông qua Quy chế tổ chức và hoạt động của Viện, Trường xần xây dựng cơ chế phân cấp để giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho Viện. Tạo điều kiện về cơ sở vật chất cho Viện phát triển.

 

 [1] Tỷ lệ sinh viên cao học và NCS Tiến sỹ trên tổng số sinh viên của Đại học Harvard năm 2206 là 59%; Standford là 64%; MIT là 60% và Đại học Bắc Kinh là 53%.

 [2] Đại học nghiên cứu Seuol có tỷ lệ đơn vị đào tạo đại học/đơn vị quản lý đào tạo SĐH/ đơn vị NCKH và chuyển giao công nghệ là 16/5/60; Đại học nghiên cứu North Carolina có tỷ lệ là 10/1/50;