Quyết định thành lập phường

 Quyết định thành lập phường

CHÍNH PHỦ

  

 ––––

  

 Số: 545/TTr-CP

  

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

 Độc lập – Tự do – Hạnh phúc                  

 ––––––––––––––––––––––––––––

  

 Hà Nội, ngày   21 tháng  11  năm 2017

 TỜ TRÌNH

 Về việc thành lập phường Tiền Châu, phường Nam Viêm thuộc thị xã

 Phúc Yên và thành lập thành phố Phúc Yên thuộc tỉnh Vĩnh Phúc

 Kính gửi: Ủy ban thường vụ Quốc hội.

 Chính phủ đã chỉ đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúcphối hợp với Bộ Nội vụ lập Đề án thành lập phường Tiền Châu, phường Nam Viêm thuộc thị xã Phúc Yên và thành lập thành phố Phúc Yên thuộc tỉnh Vĩnh Phúc. Căn cứ đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc(Tờ trình số 27/TTr-UBND ngày 06/02/2017 và Tờ trình số 254/TTr-UBND ngày 06/9/2017) và của Bộ Nội vụ (Tờ trình số 5360/TTr-BNV ngày 06/10/2017), Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội như sau:

  1. HIỆN TRẠNG TỈNH VĨNH PHÚC VÀ THỊ XÃ PHÚC YÊN
  2. Theo niêm giám thống kê năm 2016, tỉnh Vĩnh Phúc có 1.235,3 km2 diện tích tự nhiên và dân số khoảng 1.066.000 người, 09 đơn vị hành chính cấp huyện (01 thành phố, 01 thị xã và 07 huyện), 137 đơn vị hành chính cấp xã (112 xã, 13 phường và 12 thị trấn).
  3. Thị xã Phúc Yên120,13 km2 diện tích tự nhiên, 155.435 người và 10 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc (06phường và 04 xã).
  4. PHƯƠNG ÁN THÀNH LẬP 02 PHƯỜNG VÀ THÀNH PHỐ PHÚC YÊN[1]
  5. Thành lập 02 phường thuộc thị xã Phúc Yên

 – Thành lập phường Tiền Châu trên cơ sở toàn bộ 7,14 km2 diện tích tự nhiên và 12.689 người của xã Tiền Châu.

 – Thành lập phường Nam Viêm trên cơ sở toàn bộ 5,88 km2 diện tích tự nhiên và 8.489 người của xã Nam Viêm.

 2.Thành lập thành phố Phúc Yên thuộc tỉnh Vĩnh Phúctrên cơ sở toàn bộ  120,13 km2 diện tích tự nhiên, 155.435 người và 10 đơn vị hành chính cấp xã của thị xã Phúc Yên (sau khi thành lập 02 phường Tiền Châu và Nam Viêm).

  1. Kết quả sau khi thành lập 02 phường và thành phố

 – Thành phố Phúc Yên có 120,13 km2 diện tích tự nhiên, 155.435 người và 10 đơn vị hành chính cấp xã, gồm: 08 phường (Trưng Trắc, Trưng Nhị, Hùng Vương, Phúc Thắng, Xuân Hòa, Đồng Xuân, Tiền Châu, Nam Viêm) và 02 xã (Ngọc Thanh, Quang Minh).

 – Tỉnh Vĩnh Phúc giữ nguyên số lượng đơn vị hành chính cấp huyện (09 đơn vị) và cấp xã (137 đơn vị) nhưng có chuyển 01 thị xã thành 01 thành phố (từ 01 thành phố, 01 thị xã và 07 huyện thành 02 thành phố và 07 huyện) và chuyển 02 xã thành 02 phường (từ 13 phường, 12 thị trấn và 112 xã thành 15 phường, 12 thị trấn và 110 xã).

 III. SỰ CẦN THIẾT VÀ ĐIỀU KIỆN, TIÊU CHUẨN THÀNH LẬP 02 PHƯỜNG VÀ THÀNH PHỐ PHÚC YÊN THUỘC TỈNH VĨNH PHÚC

  1. Sự cần thiết
  2. a) Xã Tiền Châu (khu vực đề nghị thành lập phường Tiền Châu) và xã Nam Viêm (khu vực đề nghị thành lập phường Nam Viêm) là 2 trong 10 đơn vị hành chính cấp xã của thị xã Phúc Yên. Thị xã Phúc Yên hiện nay có hai khu vực nội thị, khu vực nội thị 1 (gồm các phường Trưng Nhị, Trưng Trắc, Hùng Vương, Phúc Thắng), trung tâm hành chính của thị xã nằm trong khu vực này, khu vực nội thị 2 (gồm các phường Xuân Hòa, Đồng Xuân). Xã Nam Viêm nằm ở vị trí trung tâm và kết nối 2 khu vực nội thị của thị xã. Xã Tiền Châu nằm ở phía Tây Bắc của thị xã Phúc Yên, có đường Quốc lộ 2 đi qua, có vị trí giáp ranh với khu vực nội thị 1 và xã Nam Viêm. Trong những năm qua, thực hiện các quy hoạch để phát triển mở rộng không gian đô thị, hạ tầng đô thị của 02 xã như: giao thông, điện chiếu sáng, cấp thoát nước, trường học, trạm y tế… được đầu tư xây dựng theo hướng đồng bộ, hiện đại. Nhiều công trình, dự án, khu đô thị mới đã được đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp như: Khu đô thị Hùng Vương – Tiền Châu, khu đô thị Đầm Diệu, đường Nguyễn Tất Thành, tỉnh lộ 308, đường từ Quốc lộ 2 đi UBND xã Tiền Châu, mặt đê Ba Hanh… Hai xã đã được Bộ Xây dựng đánh giá đạt tiêu chuẩn về trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị quy định tại Phụ lục 2 Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 ngày (tại Văn bản số 03/BXD-PTĐT ngày 18/01/2017 của Bộ Xây dựng về việc đánh giá các tiêu chuẩn hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị xã Tiền Châu, Nam Viêm, thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc).

 Sự phát triển kinh tế – xã hội của hai xã trong những năm gần đây có những chuyển biến căn bản: cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, thương mại và dịch vụ, tỷ trọng ngành nông nghiệp giảm mạnh, kéo theo sự chuyển dịch mạnh về cơ cấu lao động. Hiện tại, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp trên địa bàn xã Tiền Châu chiếm 81,87%, xã Nam Viêm chiếm 83,97% tổng số lực lượng lao động. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao, sinh hoạt của người dân đã theo nếp sống văn minh đô thị và không có sự cách biệt với các phường nội thị. Những thay đổi về kinh tế – xã hội và quá trình đô thị hoá đã, đang đặt ra cho các xã này nhiều vấn đề cấp thiết trong quản lý cần giải quyết như: quản lý kinh tế; quản lý quy hoạch xây dựng, kiến trúc; quản lý kết cấu hạ tầng kỹ thuật; quản lý dân cư; phòng chống các tệ nạn; bảo đảm trật tự công cộng, cảnh quan và bảo vệ môi trường. Vì vậy, mô hình quản lý chính quyền nông thôn như hiện nay không còn phù hợp, cần thiết thành lập phường Tiền Châu, phường Nam Viêm tạo tiền đề pháp lý cho việc thiết lập mô hình tổ chức bộ máy quản lý đô thị.

 b)Thị xã Phúc Yên nằm ở phía Đông Nam tỉnh Vĩnh Phúc, có hệ thống giao thông thuận lợi với các tuyến đường Cao tốc Nội Bài – Lào Cai, đường Nguyễn Tất Thành, đường Quốc lộ 2A, Quốc lộ 23, đường sắt Hà Nội – Lào Cai đi qua. Thị xã nằm liền kề với thành phố Hà Nội, gần với sân bay quốc tế Nội Bài,là cửa ngõ kết nốithành phố Hà Nội với các tỉnh miền núi phía Bắc. Vì thế, thị xã có nhiều cơ hội, lợi thế để mở rộng thị trường, thu hút đầu tư, giao lưu kinh tế, văn hoá – xã hội với các vùng miền trong cả nước và quốc tế.

 Về liên kết mạng lưới đô thị, thị xã Phúc Yên nằm trong mạng lưới đô thị trên hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) – Hạ Long bao gồm chuỗi đô thị Côn Minh – Lào Cai – Yên Bái – Việt Trì – Vĩnh Yên – Hà Nội – Hải Phòng – Hạ Long; có sự liên kết công nghiệp được hình thành dọc theo vành đai kinh tế Côn Minh – Hà Nội – Hải Phòng, trở thành hạt nhân của hoạt động sản xuất công nghiệp, bao gồm: hành lang công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm miền Bắc liên kết với tỉnh Vĩnh Phúc; hành lang công nghiệp Quốc lộ 2 – Quốc lộ 18 (Vĩnh Phúc – Hà Nội – Bắc Ninh – Hải Dương) và các hành lang khác, như: hành lang công nghiệp Quốc lộ 1, hành lang công nghiệp Quốc lộ 5.

  Tại Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 05/5/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050, thị xã Phúc Yên được xác định là đô thị vùng Thủ đô, có chức năng là đô thị vệ tinh của thành phố Hà Nội, liên kết với các đô thị quanh Hà Nội (như Vĩnh Yên, Sơn Tây, Hòa Lạc, Xuân Mai…) để hình thành hành lang tăng trưởng bao quanh thành phố Hà Nội, hỗ trợ và giảm tải cho Thủ đô trong các lĩnh vực đào tạo phát triển đô thị, dịch vụ du lịch và thương mại. Quyết định số 768/QĐ-TTg ngày 06/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã định hướng đô thị Vĩnh Phúc (trong đó hạt nhân đô thị là thành phố Vĩnh Yên và thị xã Phúc Yên) là trung tâm cấp vùng về thương mại, du lịch sinh thái nghĩ dưỡng, y tế và đào tạo chất lượng cao của Vùng Thủ đô Hà Nội.

 Trong những năm qua, thị xã Phúc Yên đã đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững.Tốc độ tăng trưởng GDP giai đoạn 2014 – 2016 là 14,42%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Năm 2016: Công nghiệp – xây dựng: 90,93%; thương mại, dịch vụ: 8,5%; nông, lâm, ngư nghiệp: 0,57%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2016 đạt 75,2 triệu đồng/người/năm, cao gấp 1,55 lần bình quân cả nước. Tổng thu ngân sách trên địa bàn thị xã đạt cao (năm 2016 là 22.799 tỷ đồng), trở thành một trong những đơn vị cấp huyện dẫn đầu trong cả nước. Cân đối thu – chi ngân sách hàng năm đều có dư. Trên địa bàn thị xã có nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có hiệu quả, thu hút nhiều lao động, mang lại nguồn thu lớn. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài như: Công ty Toyota Việt Nam, Công ty Honda Việt Nam, Công ty Toyota Boshoku… Hệ thống y tế – giáo dục hoàn thiện. Trên địa bàn thị xã có trường Đại học sư phạm Hà Nội II, trường Đại học Kiến trúc (cơ sở 2) và hệ thống các trường cao đẳng, dạy nghề; đáp ứng tốt nhu cầu của người dân trong và ngoài tỉnh. Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, đầu tư phát triển đô thị được chú trọng quan tâm. Không gian đô thị được mở rộng, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đô thị được đầu tư, chỉnh trang, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt xã hội của người dân. Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thị xã Phúc Yên tỉ lệ 1/10.000 đã được UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt tại Quyết định số 2676/QĐ-UBND ngày 05/8/2004; Đồ án Quy hoạch chung xây dựng đô thị Vĩnh Phúc, tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1883/QĐ-TTg ngày 26/10/2011. Trên cơ sở đó, thị xã đã triển khai quy hoạch chi tiết các khu đô thị, các khu dân cư, các khu du lịch, đầu tư xây dựng mới các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trên địa bàn. Nhiều khu đô thị mới, khu du lịch – nghỉ dưỡng, trung tâm thương mại được hình thành như Khu đô thị mới Đồng Sơn, Xuân Hòa, Hùng Vương, khu du lịch sinh thái Flamingo đạt tiêu chuẩn 5 sao, trung tâm thương mại Phúc Yên Plaza, trung tâm thương mại Đồng Sơn… Ngày 21/01/2013, thị xã Phúc Yên đã được công nhận là đô thị loại III tại Quyết định số 93/QĐ-BXD của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.

 Quá trình phát triển kinh tế – xã hội và phát triển đô thị trên địa bàn thị xã đã tác động lớn đến đời sống cũng như sinh hoạt của nhân dân. Quan hệ sản xuất, văn hóa sinh hoạt, văn minh đô thị, quan hệ giao dịch hành chính… của người dân đã chuyển sang môi trường đô thị hiện đại hơn. Từ đó, đặt ra yêu cầu mới đối với công tác quản lý hành chính lãnh thổ, cần có bộ máy chính quyền của đô thị có trình độ phát triển cao hơn, đủ năng lực để tổ chức, chỉ đạo và thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn đang trong quá trình đô thị hóa nhanh, với hàng loạt vấn đề bất cập mới nảy sinh như: quản lý kinh tế đô thị, quản lý kiến trúc cảnh quan và môi trường đô thị; phòng chống tệ nạn xã hội… Do vậy, việc thành lập thành phố Phúc Yên thuộc tỉnh Vĩnh Phúc là cần thiết để tạo tiền đề pháp lý và tạo điều kiện cho thị xã hoàn thành tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội và quản lý hành chính nhà nước trên địa bàn. Việc thành lập thành phố Phúc Yên thuộc tỉnh Vĩnh Phúc sẽ phát huy mạnh mẽ chức năng đô thị trung tâm công nghiệp – thương mại – dịch vụ, du lịch của tỉnh; tạo thương hiệu thu hút đầu tư trong và ngoài nước góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế – xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, tạo động lực mới lan tỏa, thúc đẩy tiến trình đô thị hóa của cả tỉnh Vĩnh Phúc.

 Từ những lý do nêu trên, việc thành lập 02 phường và thành phố là cần thiết, đáp ứng nguyện vọng của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Vĩnh Phúcnói chung và thị xã Phúc Yên nói riêng.

  1. Về điều kiện

 Việc thành lập phường Tiền Châu, phường Nam Viêm và thành lập thành phố Phúc Yên đã bảo đảm 05 điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 128 Luật tổ chức chính quyền địa phương, cụ thể:

 – Bảo đảm phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội, quy hoạch chung xây dựng đô thị Vĩnh Phúc, tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, chương trình phát triển đô thị của thị xã Phúc Yên.

 – Tạo tiền đề pháp lý cho việc thiết lập mô hình tổ chức bộ máy quản lý đô thị, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền các phường và thành phố, tạo tiền đề và động lực phát triển, phát huy tiềm năng, lợi thế của đô thị Phúc Yên nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và nâng cao đời sống của nhân dân trên địa bàn trong giai đoạn tới;

 – Góp phần bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, nhất là đối với đô thị công nghiệp thu hút một lượng lớn công nhân từ các tỉnh khác đến làm ăn, sinh sống và học sinh, sinh viên từ các trường đại học, cao đẳng;

 – Thành lập 02 phường và thành phố Phúc Yên đã bảo đảm sự đồng thuận của nhân dân; phù hợp với các yếu tố lịch sử, văn hóa của địa phương và tạo sự thuận lợi trong sản xuất, kinh doanh của người dân, thể hiện đầy đủ vị thế, thực tiễn phát triển sau nhiều năm nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trên địa bàn;

 – Việc thành lập 02 phường và thành phố Phúc Yên đã bảo đảm đạt các tiêu chuẩn theo quy định.

  1. Về tiêu chuẩn

 Căn cứ các tiêu chuẩn của phường và tiêu chuẩn của thành phố thuộc tỉnh quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đánh giá như sau:

  1. a) Đối với 02xã Tiền Châu và Nam Viêm:đạt đủ 03/03 tiêu chuẩn thành lập phường thuộc thị xã, gồm: quy mô dân số, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế – xã hội, hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị. Riêng tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên áp dụng quy định tại điểm c khoản 2 Điều 31 Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 do 02 phường được đề nghị thành lập trên cơ sở nguyên trạng 02 xã, không làm tăng đơn vị hành chính (không phải đánh giá).
  2. b) Đối với thị xã Phúc Yên:

 – Thị xã Phúc Yên hiện nay đạt 03/04 tiêu chuẩn của thành phố thuộc tỉnh, gồm: quy mô dân số, loại đô thị, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế – xã hội, chưa đạt tiêu chuẩn tỷ lệ số phường trên tổng số đơn vị hành chính cấp xã. Riêng tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và số đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc áp dụng quy định tại điểm c khoản 2 Điều 31 Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 do thành phố Phúc Yên được đề nghị thành lập trên cơ sở nguyên trạng thị xã Phúc Yên, không làm tăng đơn vị hành chính (không phải đánh giá).

 – Sau khi thành lập 02 phường Tiền Châu và Nam Viêm, thị xã Phúc Yên sẽ đạt đủ 04/04 tiêu chuẩn (khi đó tỷ lệ số phường trên tổng số đơn vị hành chính cấp xã của thị xã là 80%, đạt quy định từ 65% trở lên).

 (Phụ lục đánh giá chi tiết các tiêu chuẩn thành lập 02 phường và thành phố Phúc Yên, kèm theo).

  1. VỀ ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG VÀ CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

 Đề án đã đánh giá các tác động về kinh tế – xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh khi thành lập 02 phường và thành phố (Báo cáo đánh giá tác động, kèm theo). Đồng thời đã phân tích rõ nhu cầu và các giải pháp về tổ chức bộ máy, biên chế cán bộ, công chức và vốn đầu tư phát triển trên địa bàn sau khi 02 phường và thành phố được thành lập. Cụ thể là:

  1. Về tổ chức bộ máy và biên chế

 Do việc thành lập 02 phường và thành phố Phúc Yên trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của 02 xã và thị xã Phúc Yên(không tăng đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã) nên không làm tăng tổ chức, biên chế cán bộ, công chức cấp huyện, cấp xã do tỉnh Vĩnh Phúc quản lý. Riêng việc tổ chức lực lượng công an chính quy ở 02 phườngmới được thành lập, tỉnh đã chỉ đạo Công an tỉnh Vĩnh Phúc và UBND thị xã Phúc Yêncó phương án bố trí trong số lực công an chính quy trên địa bàn cho phù hợp để không làm tăng biên chế lực lượng công an của tỉnh Vĩnh Phúc.

  1. Về vốn đầu tư phát triển

 Theo kế hoạch giai đoạn 2017-2020, thị xã Phúc Yên sẽ ưu tiên thực hiện các dự án cấp thiết nhằm cải thiện môi trường sống của người dân như cải thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và môi trường đô thị. Ưu tiên các dự án tại khu vực ngoại thành có tốc độ đô thị hóa nhanh nhưng phát triển chưa đồng bộ. Ước tính nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2017 – 2020 khoảng 6.452,312 tỷ đồng, trong đó dự kiến:

 – Về nguồn vốn đầu tư: Vốn từ ngân sách địa phương là 2.652,312 tỷ đồng (chiếm 41%); vốn từ doanh nghiệp và các nguồn hợp pháp khác 3.800 tỷ đồng (chiếm 59%).

 – Về sử dụng vốn đầu tư: Xây dựng khu dân cư và khu đô thị là 3.800 tỷ đồng; xây dựng kết cấu hạ tầng xã hội là 1.750,532 tỷ đồng; hạ tầng kỹ thuật là 610,03 tỷ đồng; xây dựng các hạngmục đầu tư khác 291,75 tỷ đồng.

  1. VỀ HỒ SƠ, THỦ TỤC

 Hồ sơ, thủ tục thành lập phường Tiền Châu, phường Nam Viên thuộc thị xã Phúc Yên và thành lập thành phố Phúc Yênđã đáp ứng đủ theo quy định, cụ thể là: Đề án đã được lấy ý kiến cử tri của 02 xã đề nghị thành lập phường và thị xã Phúc Yên(có 93,17% tổng số cử tri xã Tiền Châu nhất trí với việc thành lập phường Tiền Châu; có 94,1% tổng số cử tri xã Nam Viêm nhất trí với việc thành lập phường Nam Viêm và 94,41% tổng số cử tri thị xã Phúc Yên nhất trí với việc thành lập thành phố Phúc Yên thuộc tỉnh Vĩnh Phúc, kết quả lấy ý kiến cử tri đã được đăng tải công khai trên trang thông tin điện tử của Chính phủ); Đề án đã được Hội đồng nhân dân tỉnh, Hội đồng nhân dân thị xã Phúc Yên và Hội đồng nhân dân cấp xã của thị xã Phúc Yên thông qua và tán thành về chủ trương thành lập 02 phường và thành phố. Trên cơ sở đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc có Tờ trình số 27/TTr-UBND ngày 06/02/2017 và Tờ trình số 254/TTr-UBND ngày 06/9/2017 báo cáo Chính phủ xem xét, trình Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định.

 Căn cứ đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc và Tờ trình số 5360/TTr-BNV ngày 06/10/2017 của Bộ Nội vụ, Chính phủ đã biểu quyết thông qua Đề án trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc thành lập phường Tiền Châu, phường Nam Viêm thuộc thị xã Phúc Yên và thành lập thành phố Phúc Yên.

 Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định (Đề án của Chính phủ, Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội và các tài liệu liên quan, kèm theo)./.

Nơi nhận:

 – Như trên;

 – Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;

 – Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (80b);

 – Văn phòng Quốc hội (120b);

 – Bộ Nội vụ (10b);

 – UBND tỉnh Vĩnh Phúc;

 – VPCP: BTCN,PCN Nguyễn Văn Tùng,

 Các Vụ: TH,PL,TCCV, CN, QHĐP;

 – Lưu: VT, NC (3b).

TM. CHÍNH PHỦ

 TUQ.THỦ TƯỚNG

 BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ

 (Đã ký)

  

 Lê Vĩnh Tân

                 [1]Diện tích tự nhiên, dân số và địa giới hành chính của các đơn vị mới được thành lập thể hiện cụ thể trong Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

 

 

 

 

 

 Tag: mỹ xá hố cạn quận thẩm kỷ niệm lễ nha