Thủ tục đăng ký điện kinh doanh

 Thủ tục đăng ký điện kinh doanh

 Khi đăng ký điện hộ kinh doanh, hộ kinh doanh có thể đăng ký mua điện kinh doanh hoặc đăng ký mua điện để sinh hoạt. Luật Ngô Gia xin chia sẻ một số quy định về điều kiện đăng ký điện kinh doanh và cách đăng ký điện kinh doanh của công ty điện lực Việt Nam.

 thủ tục đăng ký điện kinh doanh

 Thủ tục mua điện phục vụ chính cho mục đích sinh hoạt

 Khi đăng ký mua điện, khách hàng cần có 02 giấy đăng ký mua điện sau:

 – Giấy đề nghị mua điện sinh hoạt

 – Một trong các giấy tờ có liên quan đến địa điểm mua điện (bản sao có chứng thực hoặc công chứng):

 + Hộ khẩu thường trú hoặc sổ tạm trú;

 + Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở hoặc quyết định phân nhà hoặc hợp đồng mua bán nhà;

 +Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (trên đất đã có nhà ở);

 + Hợp đồng thuê nhà.

 Trường hợp không có một trong các giấy tờ liên quan đến địa điểm mua điện thì Giấy đề nghị mua điện có xác nhận của UBND phường, xã tại nơi đề nghị mua điện.

 Đối với khách hàng thay mặt cho khu tập thể, cụm dân cư, hồ sơ có thêm giấy ủy quyền hợp pháp của các hộ sử dụng điện chung trong khu tập thể, cụm dân cư (có chữ ký của các hộ và công chứng hoặc chứng thực của cơ quan có thẩm quyền hoặc xác nhận của UBND phường, xã nơi đăng ký mua điện).

 Đối với khách hàng đang sử dụng điện chung với công tơ của khách hàng khác, có nhu cầu tách mới (ký HĐMBĐ trực tiếp với Đơn vị Điện lực), hồ sơ có thêm:

 – Sổ hộ khẩu của hộ tách mới (bản sao có chứng thực hoặc công chứng);

 – Bản xác nhận đã thanh toán hết nợ tiền điện của chủ HĐMBĐ đang dùng chung hoặc bản cam kết của khách hàng có nhu cầu tách mới về việc đã hoặc sẽ chịu trách nhiệm thanh toán hết nợ tiền điện với chủ HĐMBĐ đang dùng chung.

 cách đăng ký điện kinh doanh

 Thủ tục mua điện phục vụ cho mục đích kinh doanh

 Khi đăng ký mua điện, khách hàng cần có 04 giấy tờ sau:

 – Giấy đăng ký mua điện kinh doanh

 – Bảng kê thiết bị điện, chế độ và công suất sử dụng điện.

 – Một trong các giấy tờ liên quan đến địa điểm mua điện (bản sao có chứng thực hoặc công chứng):

 + Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở;

 + Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;

 + Hợp đồng thuê nhà có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền;

 + Hợp đồng thuê đất có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền.

 Một trong các giấy tờ liên quan đến khách hàng mua điện (bản sao có chứng thực hoặc công chứng):

 – Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện;

 – Giấy phép đầu tư;

 – Quyết định thành lập đơn vị.

 Trường hợp không có một trong các giấy tờ liên quan đến địa điểm mua điện hoặc liên quan đến khách hàng thì có Giấy xác nhận của cơ quan quản lý của cấp có thẩm quyền hay chính quyền địa phương tại nơi đăng ký mua điện.

 Đối với khách hàng đăng ký sử dụng điện kinh doanh, dịch vụ có công suất đăng ký sử dụng cực đại từ 40kW trở lên, hồ sơ có thêm biểu đồ phụ tải và đặc tính kỹ thuật công nghệ của thiết bị sử dụng điện.

 Đối với khách hàng sử dụng điện có sản lượng điện tiêu thụ bình quân từ 1.000.000 kWh/tháng trở lên có trách nhiệm thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng trước khi hợp đồng mua bán điện có hiệu lực.

 Giá trị bảo đảm thực hiện hợp đồng do các bên mua, bán điện thỏa thuận, nhưng không vượt quá 15 ngày tiền điện, được tính trên cơ sở sản lượng điện tiêu thụ trung bình tháng đăng ký trong hợp đồng mua bán điện và giá điện năng giờ bình thường được áp dụng.

 Bên bán điện có quyền ngừng cấp điện cho bên mua điện trong trường hợp bên mua điện không thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng, không duy trì biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng.