Tìm Hiểu Lịch Sử – Nhà Đường

 Triều Đại Đường (618 SCN – 907 SCN) là thời kỳ hoàng kim của nền văn minh Trung Hoa. Vào cuối thời nhà Tùy (581 SCN – 618 SCN), thiên hạ đại loạn, năm 617 SCN, Lý Thế Dân xúi giục Đường Vương Lý Uyên khởi binh ở Thái Nguyên. Đến năm thứ 5 Vũ Đức (622 SCN) cơ bản đã bình định xong thiên hạ. Lý Thế Dân nhờ lập công hiển hách nên được sắc phong là Thiên sách thượng tướng. Năm Vũ Đức thứ 9 (626 SCN) ông lên ngôi kế vị, lấy hiệu là Thái Tông. Niên hiệu của Đường Thái Tông là Trinh Quán, ông đã khai sáng ra thời kỳ thịnh trị của Trinh Quán trong lịch sử Trung Quốc.

 Thái Tông được mệnh danh là “Văn võ đại thánh đại quảng hiếu” hoàng đế, ông không chỉ có đầu óc mưu lược, tài năng quân sự phi thường, mà còn là một nhà thơ, nhà văn và nhà thư pháp kiệt xuất. Ông thành lập văn quán, mở kỳ thi chiêu mộ nhân tài, ông rất biết dùng người và sẵn sàng nghe lời phê bình của người khác.

 Triều đại nhà Đường quân sự phát triển, lãnh thổ phía Tây trải khắp đến biên giới Kazakhstan ngày nay, nhưng ông đã lựa chọn chính sách tu dưỡng đức, dựa vào nền văn hóa tiên tiến và nền cai trị sáng suốt để thu phục các dân tộc thiểu số.

 Đường Thái Tông yêu mến dân chúng, những năm Trinh Quán là thời kỳ chính trị thanh liêm nhất, xã hội thái bình nhất, tỷ lệ tội phạm thấp nhất trong lịch sử Trung Quốc. Trong sách sử ghi chép: “Tự do kinh doanh, không có đạo tặc, nhà tù bỏ trống, trâu ngựa đầy đồng, cửa nhà không khóa, nhiều lần mùa màng bội thu, một đấu gạo chỉ 3, 4 quan tiền, khách lữ hành đi từ kinh thành đến núi non, từ Sơn Đông ra đến biển đều không phải dự trữ lương thực, có thể xin được đồ ăn dọc đường”. Các mặt văn hóa, giáo dục, quân sự thời kỳ này đều đạt được những thành tựu rực rỡ, lưu truyền ngàn năm. Hoàng đế Đại Đường cho rằng bản thân mình là hậu duệ của Lão Tử – người sáng lập Đạo gia. Trong thời Trinh Quán, Huyền Trang đi lấy kinh từ Ấn Độ trở về, Đường Thái Tông đích thân dẫn văn võ bá quan đến bên cầu Chu Tước nghênh đón, ông viết bài tựa “Đại Đường Tam Tạng Thánh Giáo”. Trong các kỳ thi đều lấy các sách kinh điển của Nho gia làm nội dung chính. Triều đại nhà Đường là thời kỳ tam giáo Nho, Phật, Đạo cùng hưng thịnh.

 Đại Đường là thời kỳ mở cửa toàn diện hiếm có trong lịch sử Trung Quốc. Các nước trên thế giới đều cử sứ giả hoặc các lưu học sinh đến Trung Quốc học tập các mặt thương mại, văn hóa, tôn giáo. Đại Đường mang phong thái biển lớn có thể dung chứa trăm sông, ai đến cũng không từ chối. Lúc đó tại Trường An ước tính có hơn 10 vạn người ngoại quốc. Có gần 400 quốc gia cống nạp cho nhà Đường. Cố Vương Duy có bài thơ rằng “Cửu thiên xương hạp khai cung điện, vạn quốc y quan bái miện lưu” (Tạm dịch: Cổng trời thiên cung mở ra cung điện, Các quan từ vạn quốc chỉnh tề bái quân vương).

 Thời kỳ hưng thịnh Đại Đường cũng là thời kỳ đỉnh cao của thơ ca, xuất hiện rất nhiều thi nhân kiệt xuất như Lý Bạch, Đỗ Phủ, Vương Duy, Bạch Cư Dị. Từ thời kỳ thịnh trị Trinh Quán đến thời Khai Nguyên thịnh thế, đất nước Trung Quốc đã trải qua gần 130 năm sung túc, phồn vinh. Năm Thiên Bảo thứ 14 (755 SCN) xảy ra cuộc nổi loạn An Sử, nhà Đường từ thịnh vượng bước vào giai đoạn suy vong.

  

  
Tag: trình bày nào