Tìm Hiểu Về Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh

 I. Lịch sử ngày thành lập Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh (15/05/1941)

 15-5-1941 Thành lập đội thiếu niên nhi đồng cứu quốc (đội Thiếu niên Tiền Phong Hồ Chí Minh ngày nay) Từ khi ra đời Đảng ta rất quan tâm đến công tác giáo dục thế hệ trẻ. Ngày 26 tháng 3 năm 1931, Đảng ta đã sáng lập ra Đoàn Thanh niên Cộng sản Đông Dương và giao nhiệm vụ cho Đoàn trực tiếp phụ trách việc giáo dục thiếu niên và nhi đồng, tổ chức con em thợ thuyền, nông dân bị áp bức vào các tổ chức thích hợp với các em lúc đó như Đồng tử quân, Hồng nhi đội… tiền thân cho đội Thiếu niên tiền phong và đội nhi đồng Hồ Chí Minh hiện nay

 Ngày 8.2.1941, Bác Hồ về nước trực tiếp chỉ đạo cách mạng Việt Nam. Tháng 5.1941, hội nghị trung ương Đảng lần thứ 8 họp và ra những nghị quyết cực kỳ quan trọng trong đó có chủ trương thành lập Mặt trận Việt Minh để đoàn kết toàn dân đánh Pháp, đuổi Nhật, giành độc lập tự do cho Tổ quốc.

 Đúng lúc ấy, ngày 15.5.1941, Đảng ta đã ra chỉ thị cho Đoàn thành lập đội Thiếu niên Tiền Phong và Hội Nhi đồng cứu vong và tổ chức thí điểm ngay tại Pác Bó (Cao Bằng). Sự kiện này có ý nghĩa lịch sử đối với công tác thiếu niên và nhi đồng ở nước ta, vì thế ngày 15.5.1941 được coi là ngày chính thức thành lập Đội.

 Hoạt động của đội thời kỳ này nhằm vào mục đích “Dự bị vào giúp đánh Tây, đánh Nhật làm cho Việt Nam hoàn toàn độc lập” (điều lệ Hội Nhi đồng cứu vong). Các em trong đội được tổ chức học quốc ngữ, học hát những bài ca cách mạng. Các em còn tham gia bảo vệ cán bộ cách mạng, làm liên lạc cho các đội Cứu quốc quân, Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân.. Kim Đồng, tấm gương tiêu biểu cho thế hệ thiếu niên thời kỳ đấu cách mạng đã anh dũng hy sinh ngay bên con suối Lênin, gần hang Pác Bó của Bác Hồ, bảo vệ cán bộ thoát khỏi vòng vây của kẻ thù trong hoàn cảnh hiểm nghèo.

 Sau cách mạng tháng Tám, Hội Nhi đồng cứu vong được đổi tên thành Hội Nhi đồng cứu quốc. Tháng 3.1951, Hội đổi tên thành Đội Thiếu nhi Tháng Tám. Trong giai đoạn này các em đã tham gia công tác Trần Quốc Toản, giúp đỡ các gia đình thương binh, liệt sĩ neo đơn. Tiêu biểu cho thế hệ chống Pháp là Lê Văn Tám (Sài Gòn) với danh hiệu bất tử Em bé đuốc sống, Dương Văn (Hà Nội) tự tay bắn chết 3 tên Pháp và hy sinh anh dũng tại trận phục kích địch ở trận Xấu Giá (Sơn Tây), và Vừ A Dính (Lai Châu)… Các đơn vị nổi tiếng như: Đội Thiếu niên du kích Đình Bảng, Đội Thiếu niên du kích thành Huế, Đội Thiếu niên du kích Đồng Tháp Mười…

 Hòa bình lập lại, tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ hai (tháng 11.1956), Đội Thiếu nhi tháng Tám được đổi tên thành Đội Thiếu niên Tiền Phong cho cả hai lứa tuổi thiếu niên và nhi đồng. Ngày 19.3.1961, Ban Bí thư trung ương Đảng lại giao cho Trung ương Đoàn tổ chức riêng lứa tuổi nhi đồng vào Đội Nhi đồng tháng Tám.

 Vào dịp kỷ niệm 20 năm thành lập Đội, ngày 15.5.1961, Bác Hồ ra lời dặn 5 điều tiếng mở đầu phong trào thi đua học tập, làm kế hoạch nhỏ góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội.

 Làm theo 5 điều Bác dạy, đội viên và thiếu niên trường cấp I Hải Nhân (Thanh Hóa), trường cấp 2 Bắc Lý (Hà Nam Ninh), trường cấp 1, 2 Cẩm Bình (Nghệ Tĩnh) đã ghi vào lịch sử Đội những trang mới. Năm 1962, từ xã Liên Sơn (Tiên Sơn, Hà Bắc) đã khởi phát phong trào thiếu niên làm nghìn việc tốt.

 Trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, thiếu niên hai miền Nam Bắc đã biểu lộ tinh thần yêu nước nồng nàn cùng cha anh đánh giặc. Truyền thống anh hùng của Kim Đồng, Lê Văn Tám được tiếp tục phát huy với tên tuổi của Đoàn Văn Luyện, Kơ-pa-kơ-lơng… (miền Nam), của Nguyễn Bá Ngọc, Nguyễn Đỗ Hùng (miền Bắc). Các em đã góp phần xứng đáng vào công việc sản xuất, bảo vệ trị an, nêu lên nhiều tấm gương học tốt và tham gia tích cực công tác Trần Quốc Toản. Thiếu niên Việt Nam đã làm tròn trách nhiệm Đảng giao.

 Vâng lời bác dạy

 Làm nghìn việc tốt

 Chống Mỹ cứu nước

 Thiếu niên sẵn sàng

 Sau khi Bác Hồ mất, ngày 30.1.1970 thể theo nguyện vọng của thiếu niên và nhi đồng cả nước, Ban chấp hành trung ương Đảng đã quyết định cho Đoàn và Đội mang tên Bác. Từ đó đến nay Đội có tên:

 Đội Thiếu niên Tiền Phong Hồ Chí Minh

 Đội Nhi đồng Hồ Chí Minh

 Từ tổ chức 8 thiếu niên đầu tiên trong đó có Lý Tự Trọng do Bác Hồ tổ chức khi Người về Quảng Châu (Trung Quốc) nhen nhúm ngọn lửa cách mạng, ngày nay Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh và Đội Nhi đồng Hồ Chí Minh đã có hàng triệu đội viên vai mang khăn quàng đỏ thắm, tiêu biểu cho thế hệ măng non đất nước, niềm tin và hy vọng của Tổ quốc Việt Nam.

 II. Khẩu hiệu của Đội

 “Vì Tổ quốc xã hội chủ nghĩa

 Vì lý tưởng của Bác Hồ vĩ đại: Sẵn sàng!”

 Lời hứa: của đội viên thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh

 1) Thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy:

 Điều 1: Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào.

 Điều 2: Học tập tốt, lao động tốt.

 Điều 3: Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt.

 Điều 4: Giữ gìn vệ sinh thật tốt.

 Điều 5: Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm.

 2) Tuân theo Điều lệ Đội

 3) Giữ gìn danh dự Đội

 III. Ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh

 Đội TNTP Hồ Chí Minh được thành lập theo nhu cầu tất yếu của lịch sử đất nước, bởi lẽ lịch sử Đội TNTP Hồ Chí Minh và phong trào thiếu nhi Việt Nam là bộ phận hữu cơ trong lịch sử dân tộc, lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, và lịch sử Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

 Trước ngày thành lập Đội, thiếu nhi cũng đã tập hợp hoạt động theo nhóm nhưng không có sự thống nhất chỉ mang tính chất theo từng địa phương vì một mục đích chung là cùng cha anh tham gia cách mạng. Ngày 15 tháng 5 năm 1941, Đội Nhi đồng cứu quốc ra đời nhằm tập hợp thiếu nhi vào một tổ chức thống nhất từ Trung ương đến từng địa phương dưới sự hướng dẫn, phụ trách của Đoàn Thanh niên, giáo dục các em theo tinh thần cách mạng và coi các em là một lực lượng cách mạng.

 Đội TNTP Hồ Chí Minh thành lập cho thấy thiếu niên, nhi đồng đã có tổ chức của mình, có Điều lệ và nguyên tắc hoạt động riêng của tổ chức mình. Tổ chức Đội được thành lập có vai trò to lớn trong việc hình thành và phát triển toàn diện nhân cách của thiếu niên nhi đồng.

 Việc thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh còn có tầm quan trọng vì tập hợp các em trong cùng độ tuổi thiếu niên nhi đồng, như vậy các em có cùng chung về mặt tâm lí, yêu thích hoạt động cùng nhau học hỏi, được rèn luyện và trưởng thành.

 IV. Câu chuyện về anh Kim Đồng, người đội trưởng đầu tiên của Đội

 Kim Đồng tên thật là Nông Văn Dền, người đội trưởng đầu tiên của Đội, sinh năm 1928, người dân tộc Nùng, ở thôn Nà Mạ, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Nhà Kim Đồng rất nghèo. Cha bị chết vì nạn phu phen lao dịch của thực dân Pháp. Anh trai đi công tác luôn. ở nhà chỉ có mẹ tàn tật và người em họ mồ côi là Cao Sơn.

 Từ bé, Kim Đồng đã có tinh thần yêu nước, căm ghét giặc Pháp. Vùng quê hương Kim Đồng là nơi có phong trào cách mạng rất sớm. Ngày 15 tháng 5 năm 1941, Đội Nhi đồng cứu quốc được thành lập có 5 đội viên và Kim Đồng được bầu là đội trưởng đầu tiên của Đội. Trong công tác, Kim Đồng luôn tỏ ra dũng cảm và có nhiều mưu trí.

 Một lần, sau khi làm nhiệm vụ dẫn cán bộ vào căn cứ, Kim Đồng đang trên đường trở về nhà thì nghe có tiếng động lạ ở trong rừng. Kim Đồng liền rủ Cao Sơn tìm cách báo động cho các anh cán bộ đang ở trong xóm biết. Sau khi quan sát, Kim Đồng đã nhìn thấy bọn lính đang lợi dụng sương mù phục kích trên đường vào xóm và im lặng đợi bắt người. Kim Đồng bảo Cao Sơn lùi về phía sau, chạy về báo cáo. Đợi cho bạn đi rồi, Kim Đồng ngắm kĩ địa hình, để chạy vọt qua suối, lên phía rừng. Như vậy, bọn lính sẽ phải nổ súng hoặc kêu lên. Chúng nó sẽ bị lộ. Quả nhiên, thấy có bóng người chạy, bọn giặc lên đạn và hô: “Đứng lại!”.

 Kim Đồng không dừng chân. Giặc bắn theo. Anh Kim Đồng đã anh dũng hi sinh. Hôm ấy là sáng sớm ngày 15 tháng 02 năm 1943.

 V. Các biểu trưng của đội

 Huy hiệu Đội: hình tròn, ở trong có hình búp măng non trên nền cờ đỏ sao vàng, ở dưới có băng chữ “SẴN SÀNG”. Nền đỏ sao vàng là cờ Tổ Quốc, Măng non tượng trưng cho lứa tuổi thiếu niên là thế hệ tương lai của dân tộc Việt Nam. Băng chữ “SẴN SÀNG” là khẩu hiệu hành động của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh. Đeo huy hiệu Đội nhắc nhở đội viên học tập và rèn luyện để sẵn sàng kế tục sự nghiệp cách mạng của Đảng, của Bác Hồ.

 Cờ Đội: nền đỏ, hình chữ nhật, chiều rộng bằng 2/3 chiều dài. Ở giữa có hình huy hiệu Đội, đường kính huy hiệu bằng 2/5 chiều rộng cờ. Cờ Đội tượng trưng cho truyền thống cách mạng, truyền thống Đội, tượng trưng cho lòng yêu Tổ Quốc, niềm vinh dự và tự hào của Đội. Dưới cờ Đội hàng ngũ sẽ chỉnh tề hơn, thúc giục đội viên tiến lên. Mỗi chi đội và liên đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh đều có cờ Đội. Chiều rộng cờ bằng 2/5 chiều dài cán cờ.

 Khăn quàng đỏ: hình tam giác cân, có đường cao bằng 1/4 cạnh đáy. Khăn quàng đỏ là một phần cờ Tổ quốc, màu đỏ tượng trưng cho lý tưởng cách mạng. Đeo khăn quàng đỏ, đội viên Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh tự hào về Tổ quốc, về Đảng Cộng sản Việt Nam, về Bác Hồ, về nhân dân Việt Nam và nguyện phấn đấu để trở thành Đoàn viên Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Đội viên đeo khăn quàng đỏ khi đến trường, trong mọi sinh hoạt và hoạt động của Đội.

 Đội ca: bài hát Cùng nhau ta đi lên, do nhạc sĩ Phong Nhã sáng tác.

 Ngày truyền thống: 15 tháng 5.

 Hành khúc Đội: bài hát Đi ta đi lên do nhạc sĩ Phong Nhã sáng tác.

  

  

  

  

  

 Tag: nào 75 hcm mấy ai quá trình bao nhiêu đâu dội thập phố (sgk tv tr 11) viện pccc sở mẫu quy phòng cháy chữa thiêu tình bàn cư