Tìm Hiểu Về Liên Hợp Quốc

 I. Hoàn cảnh ra đời của Tổ chức Liên Hiệp Quốc

 Trong lúc chiến tranh đang tiếp diễn, vấn đề thành lập một tổ chức quốc tế mới có tên gọi Tổ chức Liên Hiệp Quốc, thay cho Hội Quốc Liên, đã được đặt ra trong Hiến chương Đại Tây Dương (8.1941), tại các Hội nghị thượng đỉnh Teheran (12.1943) và Yalta (2.1945). Dự thảo Hiến chương Liên Hiệp Quốc được soạn thảo tại Hội nghị Dumbarton Oaks (9-10.1944) và được thông qua ở Hội nghị San Francisco diễn ra từ ngày 24.4 đến ngày 26.6.1945 với sự tham gia của đại diện 50 quốc gia.

 Ngày 24.10.1945, sau khi bản Hiến chương được đa số các quốc gia tham dự Hội nghị San Francisco phê chuẩn, Tổ chức Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã chính thức ra đời.

 II. Các mục tiêu và nguyên tắc của tổ chức Liên Hiệp Quốc

 ─ Ba mục tiêu: Giữ gìn hòa bình và an ninh thế giới ; thiết lập các quan hệ hữu nghị giữa các nước trên nền tảng bình đẳng giữa các dân tộc và quyền tự quyết của họ; giải quyết các vấn đề quốc tế trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, tri thức và nhân đạo bằng cách phát triển sự tôn trọng nhân quyền.

 ─ Năm nguyên tắc cơ bản: Các thành viên LHQ đều bình đẳng về chủ quyền ; giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế ; cấm có các hành động đe doạ hay sử dụng bạo lực; LHQ có thể thông qua các biện pháp chống các nước không phải thành viên nếu họ đe dọa hòa bình ; LHQ không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia thành viên, trừ phi nước này đe dọa hòa bình

 III. Vai trò của LHQ

 – Là diễn đàn quốc tế, vừa hợp tác vừa đấu tranh nhằm duy trì hòa bình và an ninh thế giới, giữ vai trò quan trọng trong việc giải quyết các tranh chấp và xung đột khu vực.

 – Thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị và hợp tác quốc tế về kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, …giữa các quốc gia thành viên.

 – Giúp đỡ các dân tộc về kinh tế, văn hóa, ý tế, nhân đạo, giáo dục.

 IV. Cơ cấu tổ chức:

 LHQ gồm 6 cơ quan chính là:

 – Đại hội đồng (ĐHĐ): là cơ quan đại diện rộng rãi nhất của LHQ, hiện gồm 193 quốc gia thành viên. Các thành viên ĐHĐ đều bình đẳng, không phân biệt quốc gia lớn hay nhỏ, mỗi quỗc gia thành viên đều được một phiếu bầu. Từ năm 2006, Hội đồng Nhân quyền được thành lập trực thuộc Đại hội đồng thay thế cho Ủy ban Nhân quyền thuộc Hội đồng Kinh tế – Xã hội trước đây.

 – Hội đồng Bảo an (HĐBA): có trách nhiệm chính là duy trì hoà bình và an ninh quốc tế. Theo đó, HĐBA có thể áp dụng các biện pháp nhằm giải quyết hoà bình các tranh chấp, xung đột và khi cần thiết, có thể sử dụng các biện pháp, kể cả cưỡng chế và vũ lực, nhằm loại trừ các mối đe doạ, phá hoại hoà bình, hoặc các hành động xâm lược. Theo Điều 25 Hiến Chương LHQ, các quyết định của HĐBA có tính chất ràng buộc và tất cả các thành viên của LHQ đều có trách nhiệm phải tôn trọng và thi hành.

 – Hội đồng Kinh tế – Xã hội (ECOSOC): là cơ quan soạn thảo và điều phối các chính sách thúc đẩy hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội và nhân quyền của LHQ, và được đặt dưới quyền của ĐHĐ. Phần lớn các nghị quyết và quyết định của ĐHĐ LHQ về kinh tế, xã hội và nhân đạo đều bắt nguồn từ các khuyến nghị do ECOSOC trình lên.

 – Hội đồng Quản thác[1]: có nhiệm vụ giám sát các vùng lãnh thổ quản thác theo các thoả thuận riêng với quốc gia quản lý các vùng lãnh thổ này.
– Toà án Quốc tế: Chức năng chính của Toà án Quốc tế là giải quyết hoà bình các tranh chấp quốc tế, các vụ kiện do các quốc gia đưa lên phù hợp với luật pháp quốc tế. Mục tiêu của Toà án là áp dụng các tập quán quốc tế để thiết lập các quy tắc được các quốc gia liên quan chính thức công nhận; các thông lệ quốc tế được chấp nhận như luật; các nguyên tắc chung của luật pháp quốc tế được các quốc gia công nhận; các phán quyết của các toà án… Toà án cũng khuyến nghị cho ĐHĐ, HĐBA về lĩnh vực luật pháp, các vấn đề luật pháp nổi lên trong phạm vi hoạt động của các cơ quan này.

 – Ban Thư ký: Do Tổng Thư ký (TTK) đứng đầu và một số nhân viên tuỳ theo yêu cầu của tổ chức. TTK do ĐHĐ bổ nhiệm, theo kiến nghị của HĐBA. TTK là chức vụ hành chính cao nhất của LHQ. TTK LHQ hiện nay là ông Antonio Guterres, quốc tịch Bồ Đào Nha là TTK thứ 9 và có nhiệm kỳ từ 1/1/2017 đến 31/12/2021.

 V. QUAN HỆ VIỆT NAM – LIÊN HỢP QUỐC:

 Việt Nam chính thức gia nhập Liên hợp quốc (LHQ) ngày 20/9/1977. Kể từ đó, quan hệ của Việt Nam với LHQ ngày càng phát triển. Ngay sau khi tham gia LHQ, Việt Nam đã tranh thủ được sự đồng tình và ủng hộ của các nước thành viên Liên hợp quốc để Đại hội đồng LHQ khóa 32 (1977) thông qua Nghị quyết 32/2 kêu gọi các nước, các tổ chức quốc tế viện trợ, giúp đỡ Việt Nam tái thiết sau chiến tranh. Mặt khác, chúng ta cũng tranh thủ được sự giúp đỡ về nguồn vốn, chất xám, kỹ thuật của LHQ phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế–xã hội của đất nước. LHQ trở thành một diễn đàn để Việt Nam triển khai các yêu cầu của chính sách đối ngoại. Vị thế và vai trò của Việt Nam tại LHQ ngày càng được nâng cao. Việt Nam cũng đã chủ động và tích cực phối hợp với các nước Không liên kết và đang phát triển để đấu tranh và bảo vệ các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương LHQ như nguyên tắc về bình đẳng chủ quyền, không can thiệp công việc nội bộ các nước, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực… đồng thời và bảo vệ lợi ích của các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam. Ngày nay, khi Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển mới, việc đẩy mạnh mối quan hệ này và nâng cao hơn nữa hiệu quả của việc sử dụng nguồn hỗ trợ của LHQ nhằm phục vụ trực tiếp cho các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội là rất cần thiết.

 VI. Hiến chương LHQ

 Tham khảo:

 https://thuvienphapluat.vn/van-ban/van-hoa-xa-hoi/Hien-Chuong-Lien-hop-quoc-1945-229045.aspx

 Tag: nào lịch 12 sáng đích gì bao nhiêu tháng điểm đâu gian phố bang ai vì sao nghĩa địa bày kỷ niệm nêu quá hình rõ lhpn bởi tuyên bố