5 năm thực hiện “Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 01/7/2014 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế” trên địa bàn tỉnh Thái Bình

 Sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình đã tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt quán triệt những nội dung cơ bản của Nghị quyết; đồng thời chỉ đạo sao lục văn bản Nghị quyết tới tất cả các cấp ủy, các tổ chức trong hệ thống chính trị của tỉnh để tổ chức học tập, quán triệt. Ban hành Kế hoạch số 99-KH/TU ngày 22/9/2014 thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị.

 Trong 05 năm qua, tỉnh Thái Bình đã tăng cường hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, cơ chế chính sách để đẩy mạnh và phát triển công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của các cơ quan nhà nước thuộc tỉnh, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh đã hoàn thiện và bổ sung quy trình, tiêu chuẩn, hệ thống chỉ tiêu đánh giá về xây dựng Chính quyền điện tử (CQĐT) tỉnh. Các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và nhân dân đã nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và những thành quả mang lại của CNTT; về mục tiêu, nhiệm vụ phát triển CNTT trong chiến lược phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế của tỉnh.

 Ứng dụng CNTT nhằm thực hiện ba đột phá chiến lược

 Trong 05 năm qua, tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, từng bước hoàn thiện các nội dung chỉ đạo của Chính phủ về xây dựng CQĐT của tỉnh. Đã hoàn thiện và bổ sung hệ thống chỉ tiêu; thực hiện đánh giá mức độ ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh từ năm 2017; triển khai và ứng dụng chỉ tiêu đánh giá xếp hạng CQĐT cấp huyện, cấp xã để đánh giá xếp hạng CQĐT cho cấp huyện từ năm 2018. Đồng thời quan tâm tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy ứng dụng CNTT trong công tác quản lý nhà nước, trong hoạt động điều hành, tác nghiệp của các đơn vị sự nghiệp và các doanh nghiệp thuộc tỉnh để đẩy mạnh tiến trình cải cách hành chính, xây dựng chính phủ điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 của tỉnh.

 Việc ứng dụng và phát triển CNTT trên địa bàn tỉnh đã bám sát Quy hoạch phát triển ứng dụng CNTT của tỉnh đến năm 2020; kiến trúc CQĐT tỉnh Thái Bình, phiên bản 1.0 đã được UBND tỉnh phê duyệt, đã tổ chức thực hiện theo 4 quan điểm và 3 đột phá chiến lược được Bộ Chính trị đề ra trong Nghị quyết số 36-NQ/TW. Hằng năm, các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động xây dựng kế hoạch ứng dụng, phát triển CNTT tại đơn vị bảo đảm đáp ứng yêu cầu phát triển, nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị và phù hợp với kế hoạch ứng dụng, phát triển CNTT chung của tỉnh.

 Duy trì, nâng cấp các ứng dụng CNTT dùng chung của tỉnh đã có, triển khai chữ ký số chuyên dùng của Chính phủ trong hoạt động của các cơ quan thuộc hệ thống chính trị của tỉnh đến cấp xã và xác thực văn bản điện tử, kê khai thuế điện tử, kê khai bảo hiểm xã hội qua mạng và đang triển khai  trong các hoạt động dịch vụ công của kho bạc và tài chính. Các cơ quan Đảng, cơ quan Nhà nước các cấp đã thực hiện quản lý, điều hành công việc qua Mạng văn phòng điện tử liên thông; 95% các văn bản được số hóa (trừ văn bản mật), 90% các văn bản được gửi liên thông qua mạng có sử dụng chữ ký số để xác thực. Các cuộc họp của UBND tỉnh với các huyện, thành phố bước đầu được tổ chức dưới hình thức trực tuyến, cấp xã thực hiện họp tập trung tại điểm cầu của huyện. 100% các thông tin được công khai, minh bạch trên Cổng Thông tin điện tử của tỉnh và các cổng thành phần của cơ quan nhà nước theo đúng quy định hiện hành.

 Tỉnh đã ban hành danh mục dịch vụ và quy trình chung để thực hiện các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 theo đúng lộ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; cơ quan nhà nước cấp tỉnh, huyện đã thực hiện phê duyệt quy trình điện tử thực hiện các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của cơ quan để phục vụ người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng tốt hơn. Thực hiện đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động sản xuất kinh doanh và quản lý toàn diện các hoạt động của doanh nghiệp, trước hết là các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp Nhà nước của tỉnh; bước đầu hoàn thiện các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu để quản lý nguồn nhân lực, lao động, trong thực hiện các chính sách xã hội đối với người có công, công tác giảm nghèo; quản lý tài chính, tài nguyên, bảo vệ môi trường; ứng phó với biến đổi khí hậu; công tác cứu hộ, cứu nạn, phòng chống thiên tai và bảo trợ xã hội.

 Xây dựng hạ tầng thông tin quốc gia

 Mức độ hiện đại hóa, chuẩn hóa, đồng bộ, liên thông bảo đảm khả năng tiếp cận và sử dụng của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân.

 Hằng năm, các cơ quan, đơn vị đều ưu tiên đầu tư, nâng cấp hệ thống máy tính, mạng nội bộ của các cơ quan nhà nước, của các tổ chức chính trị – xã hội thuộc tỉnh để có thể khai thác, sử dụng các hệ thống ứng dụng CNTT dùng chung của tỉnh. Từng bước xây dựng các cơ sở dữ liệu quan trọng của tỉnh như: xây dựng hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu dùng chung; xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai của 05 huyện, thành phố; đã xây dựng xong phân khu chi tiết trong xây dựng của tỉnh; hoàn thành cơ sở dữ liệu của ngành Thông tin và Truyền thông; cơ sở dữ liệu người có công của ngành lao động, thương binh và xã hội, cơ sở dữ liệu về cán bộ công chức, viên chức Sở Nội vụ; một số cơ sở dữ liệu của ngành Y tế, Giáo dục và Đào tạo của tỉnh đang được hình thành; đang thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành về tài nguyên môi trường để chia sẻ thông tin về tài nguyên môi trường một cách hiệu quả. Tỉnh đã đầu tư xây dựng, nâng cấp Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh đạt chuẩn để lưu trữ hệ thống thông tin số của tỉnh và tạo cơ sở hạ tầng để kết nối các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của tỉnh với Trung ương; đồng thời xây dựng, hoàn thiện kết nối Mạng diện rộng, đáp ứng các quy định về Mạng chuyên dùng cấp 2 của tỉnh theo các quy định hiện hành bảo đảm liên thông từ cấp tỉnh, huyện đến cấp xã.

 Ứng dụng CNTT trong các tổ chức và doanh nghiệp

 Việc ứng dụng CNTT trong các tổ chức và doanh nghiệp được triển khai rộng rãi, thiết thực, hiệu quả theo từng nhiệm vụ cụ thể, trong tất cả các ngành, các lĩnh vực, nhất là các ngành kinh tế, kỹ thuật để nâng cao sức cạnh tranh. Đã triển khai và khai thức có hiệu quả các ứng dụng CNTT của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương vào các hoạt động chỉ đạo, điều hành của tỉnh. Các doanh nghiệp viễn thông trong tỉnh đã đẩy mạnh triển khai các ứng dụng CNTT của ngành ra cộng đồng để phục vụ công tác quản lý của các ngành Giáo dục và Y tế. Một số bệnh viện lớn của tỉnh đã thực hiện dùng bệnh án điện tử có ký số; các ngành hải quan, bảo hiểm xã hội và thuế đều sử dụng kê khai và giao dịch qua mạng đối với các hoạt động có liên quan của cơ quan Nhà nước, các tổ chức và doanh nghiệp trong tỉnh. Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt từ các dịch vụ của ngân hàng kết nối liên thông với các dịch vụ VNPT Pay, Viettel Pay để làm tiền đề thanh toán phí, lệ phí của các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4.

 Phát triển công nghiệp CNTT

 Tỉnh đã ư tiên hỗ trợ, áp dụng các chuẩn kỹ năng, quy trình quản lý và sản xuất tiên tiến. Đầu tư nghiên cứu; phát triển, ứng dụng các sản phẩm phần mềm dùng chung trong các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của toàn tỉnh đảm bảo hoạt động hiệu quả và đảm bảo an toàn, an ninh thông tin. Toàn tỉnh hiện có 26 doanh nghiệp CNTT, chủ yếu phục vụ kinh doanh dịch vụ, mua bán sản phẩm CNTT, chưa có doanh nghiệp tập trung đầu tư để phát triển phần mềm; trên địa bàn tỉnh cũng chưa có các công ty phần mềm, khu CNTT tập trung; việc thu hút dự án đầu tư của nước ngoài về CNTT còn hạn chế.

 Phát triển nguồn nhân lực CNTT

 Tổ chức quản lý CNTT gồm: BCĐ xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh Thái Bình, cơ quan chuyên trách về CNTT là Sở Thông tin và Truyền thông cùng 85 cán bộ chuyên môn và phụ trách về CNTT tại các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và cấp huyện.

 Công tác chuẩn bị nguồn nhân lực phục vụ cho ứng dụng và phát triển CNTT được tỉnh quan tâm, bước đầu đã tuyển dụng mới và xây dựng được đội ngũ cán bộ chuyên môn đủ trình độ và năng lực đảm đương các nhiệm vụ cơ bản của ngành, lĩnh vực.

 Bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, giữ vững chủ quyền quốc gia.

 Công tác bảo đảm an toàn, an ninh thông tin luôn được tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện, bố trí kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng về an toàn, bảo mật; các hệ thống thông tin quan trọng, dùng chung của tỉnh đều được Ban Cơ yếu Chính phủ thực hiện giám sát, áp dụng chính sách ghi lưu tập trung biên bản hoạt động cần thiết để phục vụ công tác điều tra, khắc phục sự cố mạng lưới với thời hạn lưu giữ theo đúng hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông. Theo số liệu từ hệ thống giám sát an toàn thông tin mạng của Ban Cơ yếu Chính phủ, năm 2018 có 57.874 lượt cảnh báo tấn công, trong đó chủ yếu là cảnh báo tấn công từ địa chỉ Blacklist là 33.490 lượt; cảnh báo tấn công web là 11.070 lượt; dò quét /khai thác lỗ hổng là 9.321 lượt; cảnh báo phát hiện mã độc là 1.729 lượt…Tỉnh đã bố trí cán bộ trực Trung tâm Tích hợp dữ liệu của tỉnh 24/24 giời để đảm bảo an toàn cho các hệ thống ứng dụng CNTT dùng chung của tỉnh; thường xuyên phối hợp với Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam, Trung tâm Giám sát an ninh mạng của Ban Cơ yếu Chính phủ tăng cường theo dõi, phát hiện, cảnh báo sớm các vụ tấn công vào Trung tâm Tích hợp dữ liệu của tỉnh.

 Về kiện toàn, bổ sung chức năng ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng đối với BCĐ xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh Thái Bình: BCĐ đã kịp thời các Văn bản chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn về an toàn thông tin tới các cơ quan nhà nước thuộc tỉnh. Đội ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng của tỉnh đã thực hiện kiểm tra việc đảm bảo an toàn an ninh thông tin, phối hợp thực hiện bóc gỡ virus, mã độc tại nhiều cơ quan, đơn vị; tổ chức diễn tập ứng phó sự cố năm 2018 đảm bảo sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan nhà nước cấp tỉnh, huyện khi có sự cố xảy ra. Tháng 5 năm 2019 đã khai trương Trung tâm giám sát an toàn thông tin mạng để phát hiện, cảnh báo sớm các nguy cơ tấn công nhằm đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, giữ vững chủ quyền quốc gia trên không gian mạng.

 Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 36-NQ/TW, tỉnh Thái Bình cần triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp sau: xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách đẩy mạnh triển khai xây dựng, phát triển Chính quyền điện tử tỉnh Thái Bình; xây dựng nền tảng công nghệ phát triển Chính phủ điện tử phù hợp với xu thế phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam; xây dựng, phát triển Chính quyền điện tử tỉnh Thái Bình bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa ứng dụng CNTT với cải cách hành chính, đổi mới lề lối, phương thức làm việc phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn; xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh Thái Bình bảo đảm gắn kết chặt chẽ với bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng, an ninh quốc gia, bảo vệ thông tin cá nhân; bảo đảm các nguồn lực triển khai xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh Thái Bình; thực hiện nghiêm túc, hiệu quả việc đánh giá, xếp hạng ứng dụng CNTT, an toàn thông tin mạng trong hoạt động của cơ quan Nhà nước và đánh giá xếp hạng chính quyền điện tử cấp huyện, cấp xã hàng năm; triển khai các biện pháp nâng cao nhận thức, khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng CNTT vào quản lý, điều hành và các khâu trong quá trình sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính cạnh tranh và năng lực hội nhập.

                                                                                                                Quang Minh

 Nguồn: https://thaibinh.gov.vn/tin-tuc/van-hoa-xa-hoi/5-nam-thuc-hien-nghi-quyet-so-36-nq-tw-ngay-01-7-2014-cua-bo.html

  

  

  

  

  

  

 Tag: 1/7/2014 01/7/2014 36 2014