Bộ Luật Dân Sự 33/2005/QH11

 CHƯƠNG XXIV

 THỪA KẾ THEO PHÁP LUẬT

 Điều 674. Thừa kế theo pháp luật

 Thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định.

 Điều 675. Những trường hợp thừa kế theo pháp luật

 1. Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong những trường hợp sau đây:

 a) Không có di chúc;

 b) Di chúc không hợp pháp;

 c) Những người thừa kế theo di chúc đều chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn vào thời điểm mở thừa kế;

 d) Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối quyền nhận di sản.

 2. Thừa kế theo pháp luật cũng được áp dụng đối với các phần di sản sau đây:

 a) Phần di sản không được định đoạt trong di chúc;

 b) Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật;

 c) Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối quyền nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn vào thời điểm mở thừa kế.

 Điều 676. Người thừa kế theo pháp luật

 1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

 a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

 b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

 c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

 2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

 3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

 Điều 677. Thừa kế thế vị

 Trong trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.

 Điều 678. Quan hệ thừa kế giữa con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi và cha đẻ, mẹ đẻ

 Con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định tại Điều 676 và Điều 677 của Bộ luật này.

 Điều 679. Quan hệ thừa kế giữa con riêng và bố dượng, mẹ kế

 Con riêng và bố dượng, mẹ kế nếu có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con thì được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định tại Điều 676 và Điều 677 của Bộ luật này.

 Điều 680. Việc thừa kế trong trường hợp vợ, chồng đã chia tài sản chung, đang xin ly hôn, đã kết hôn với người khác

 1. Trong trường hợp vợ, chồng đã chia tài sản chung khi hôn nhân còn tồn tại mà sau đó một người chết thì người còn sống vẫn được thừa kế di sản.

 2. Trong trường hợp vợ, chồng xin ly hôn mà chưa được hoặc đã được Toà án cho ly hôn bằng bản án hoặc quyết định chưa có hiệu lực pháp luật, nếu một người chết thì người còn sống vẫn được thừa kế di sản.

 3. Người đang là vợ hoặc chồng của một người tại thời điểm người đó chết thì dù sau đó đã kết hôn với người khác vẫn được thừa kế di sản.

 CHƯƠNG XXV

 THANH TOÁN VÀ PHÂN CHIA DI SẢN

 Điều 681. Họp mặt những người thừa kế

 1. Sau khi có thông báo về việc mở thừa kế hoặc di chúc được công bố, những người thừa kế có thể họp mặt để thoả thuận những việc sau đây:

 a) Cử người quản lý di sản, người phân chia di sản, xác định quyền, nghĩa vụ của những người này, nếu người để lại di sản không chỉ định trong di chúc;

 b) Cách thức phân chia di sản.

 2. Mọi thoả thuận của những người thừa kế phải được lập thành văn bản.

 Điều 682. Người phân chia di sản

 1. Người phân chia di sản có thể đồng thời là người quản lý di sản được chỉ định trong di chúc hoặc được những người thừa kế thoả thuận cử ra.

 2. Người phân chia di sản phải chia di sản theo đúng di chúc hoặc đúng thoả thuận của những người thừa kế theo pháp luật.

 3. Người phân chia di sản được hưởng thù lao, nếu người để lại di sản cho phép trong di chúc hoặc những người thừa kế có thoả thuận.

 Điều 683. Thứ tự ưu tiên thanh toán

 Các nghĩa vụ tài sản và các khoản chi phí liên quan đến thừa kế được thanh toán theo thứ tự sau đây:

 1. Chi phí hợp lý theo tập quán cho việc mai táng;

 2. Tiền cấp dưỡng còn thiếu;

 3. Tiền trợ cấp cho người sống nương nhờ;

 4. Tiền công lao động;

 5. Tiền bồi thường thiệt hại;

 6. Thuế và các khoản nợ khác đối với Nhà nước;

 7. Tiền phạt;

 8. Các khoản nợ khác đối với cá nhân, pháp nhân hoặc chủ thể khác;

 9. Chi phí cho việc bảo quản di sản;

 10. Các chi phí khác.

 Điều 684. Phân chia di sản theo di chúc

 1. Việc phân chia di sản được thực hiện theo ý chí của người để lại di chúc; nếu di chúc không xác định rõ phần của từng người thừa kế thì di sản được chia đều cho những người được chỉ định trong di chúc, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

 2. Trong trường hợp di chúc xác định phân chia di sản theo hiện vật thì người thừa kế được nhận hiện vật kèm theo hoa lợi, lợi tức thu được từ hiện vật đó hoặc phải chịu phần giá trị của hiện vật bị giảm sút tính đến thời điểm phân chia di sản; nếu hiện vật bị tiêu hủy do lỗi của người khác thì người thừa kế có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.

 3. Trong trường hợp di chúc chỉ xác định phân chia di sản theo tỷ lệ đối với tổng giá trị khối di sản thì tỷ lệ này được tính trên giá trị khối di sản đang còn vào thời điểm phân chia di sản.

 Điều 685. Phân chia di sản theo pháp luật

 1. Khi phân chia di sản nếu có người thừa kế cùng hàng đã thành thai nhưng chưa sinh ra thì phải dành lại một phần di sản bằng phần mà người thừa kế khác được hưởng, để nếu người thừa kế đó còn sống khi sinh ra, được hưởng; nếu chết trước khi sinh ra thì những người thừa kế khác được hưởng.

 2. Những người thừa kế có quyền yêu cầu phân chia di sản bằng hiện vật; nếu không thể chia đều bằng hiện vật thì những người thừa kế có thể thoả thuận về việc định giá hiện vật và thoả thuận về người nhận hiện vật; nếu không thoả thuận được thì hiện vật được bán để chia.

 Điều 686. Hạn chế phân chia di sản

 Trong trường hợp theo ý chí của người lập di chúc hoặc theo thoả thuận của tất cả những người thừa kế, di sản chỉ được phân chia sau một thời hạn nhất định thì chỉ khi đã hết thời hạn đó di sản mới được đem chia.

 Trong trường hợp yêu cầu chia di sản thừa kế mà việc chia di sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của bên vợ hoặc chồng còn sống và gia đình thì bên còn sống có quyền yêu cầu Toà án xác định phần di sản mà những người thừa kế được hưởng nhưng chưa cho chia di sản trong một thời hạn nhất định, nhưng không quá ba năm, kể từ thời điểm mở thừa kế; nếu hết thời hạn do Toà án xác định hoặc bên còn sống đã kết hôn với người khác thì những người thừa kế khác có quyền yêu cầu Toà án cho chia di sản thừa kế.

 Điều 687. Phân chia di sản trong trường hợp có người thừa kế mới hoặc có người thừa kế bị bác bỏ quyền thừa kế

 1. Trong trường hợp đã phân chia di sản mà xuất hiện người thừa kế mới thì không thực hiện việc phân chia lại di sản bằng hiện vật, nhưng những người thừa kế đã nhận di sản phải thanh toán cho người thừa kế mới một khoản tiền tương ứng với phần di sản của người đó tại thời điểm chia thừa kế theo tỷ lệ tương ứng với phần di sản đã nhận, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

 2. Trong trường hợp đã phân chia di sản mà có người thừa kế bị bác bỏ quyền thừa kế thì người đó phải trả lại di sản hoặc thanh toán một khoản tiền tương đương với giá trị di sản được hưởng tại thời điểm chia thừa kế cho những người thừa kế, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

 PHẦN THỨ NĂM

 QUY ĐỊNH VỀ CHUYỂN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

 CHƯƠNG XXVI

 NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

 Điều 688. Căn cứ xác lập quyền sử dụng đất

 1. Đất đai thuộc hình thức sở hữu nhà nước, do Chính phủ thống nhất quản lý.

 2. Quyền sử dụng đất của cá nhân, pháp nhân, hộ gia đình, chủ thể khác được xác lập do Nhà nước giao đất, cho thuê đất hoặc công nhận quyền sử dụng đất.

 3. Quyền sử dụng đất của cá nhân, pháp nhân, hộ gia đình, chủ thể khác cũng được xác lập do được người khác chuyển quyền sử dụng đất phù hợp với quy định của Bộ luật này và pháp luật về đất đai.

 Điều 689. Hình thức chuyển quyền sử dụng đất

 1. Việc chuyển quyền sử dụng đất được thực hiện thông qua hợp đồng, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này.

 2. Hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất phải được lập thành văn bản, có công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật.

 3. Việc thừa kế quyền sử dụng đất được thực hiện theo quy định tại các điều từ Điều 733 đến Điều 735 của Bộ luật này.

 Điều 690. Giá chuyển quyền sử dụng đất

 Giá chuyển quyền sử dụng đất do các bên thoả thuận hoặc do pháp luật quy định.

 Điều 691. Nguyên tắc chuyển quyền sử dụng đất

 1. Cá nhân, pháp nhân, hộ gia đình, chủ thể khác sử dụng đất được pháp luật cho phép chuyển quyền sử dụng đất mới có quyền chuyển quyền sử dụng đất.

 2. Khi chuyển quyền sử dụng đất, các bên có quyền thoả thuận về nội dung của hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất nhưng phải phù hợp với quy định của Bộ luật này và pháp luật về đất đai.

 3. Bên nhận chuyển quyền sử dụng đất phải sử dụng đất đúng mục đích, đúng thời hạn ghi trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở địa phương tại thời điểm chuyển quyền sử dụng đất.

 Điều 692. Hiệu lực của việc chuyển quyền sử dụng đất

 Việc chuyển quyền sử dụng đất có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

 CHƯƠNG XXVII

 HỢP ĐỒNG CHUYỂN ĐỔI QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

 Điều 693. Hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất

 Hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó các bên chuyển giao đất và chuyển quyền sử dụng đất cho nhau theo quy định của Bộ luật này và pháp luật về đất đai.

 Điều 694. Nội dung của hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất

 Hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất bao gồm các nội dung sau đây:

 1. Tên, địa chỉ của các bên;

 2. Quyền, nghĩa vụ của các bên;

 3. Loại đất, hạng đất, diện tích, vị trí, số hiệu, ranh giới và tình trạng đất;

 4. Thời điểm chuyển giao đất;

 5. Thời hạn sử dụng đất của bên chuyển đổi; thời hạn sử dụng đất còn lại của bên được chuyển đổi;

 6. Chênh lệch về giá trị quyền sử dụng đất, nếu có;

 7. Quyền của người thứ ba đối với đất chuyển đổi;

 8. Trách nhiệm của các bên khi vi phạm hợp đồng.

 Điều 695. Nghĩa vụ của các bên chuyển đổi quyền sử dụng đất

 Các bên chuyển đổi quyền sử dụng đất có các nghĩa vụ sau đây:

 1. Chuyển giao đất cho nhau đủ diện tích, đúng hạng đất, loại đất, vị trí, số hiệu và tình trạng đất như đã thoả thuận;

 2. Sử dụng đất đúng mục đích, đúng thời hạn;

 3. Chịu lệ phí về việc chuyển đổi quyền sử dụng đất đối với diện tích đất mà mình được chuyển đổi và thực hiện các nghĩa vụ của người sử dụng đất theo quy định của Bộ luật này và pháp luật về đất đai;

 4. Thanh toán tiền chênh lệch, nếu giá trị quyền sử dụng đất chuyển đổi của một bên cao hơn, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

 Điều 696. Quyền của các bên chuyển đổi quyền sử dụng đất

 Các bên chuyển đổi quyền sử dụng đất có các quyền sau đây:

 1. Yêu cầu bên kia giao đất đủ diện tích, đúng hạng đất, loại đất, vị trí, số hiệu và tình trạng đất như đã thoả thuận;

 2. Yêu cầu bên kia giao cho mình toàn bộ giấy tờ hợp pháp về quyền sử dụng đất;

 3. Được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với đất đã chuyển đổi;

 4. Được sử dụng đất theo đúng mục đích, đúng thời hạn.

 CHƯƠNG XXVIII

 HỢP ĐỒNG CHUYỂN NHƯỢNG QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

 Điều 697. Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất

 Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên chuyển nhượng quyền sử dụng đất chuyển giao đất và quyền sử dụng đất cho bên nhận chuyển nhượng, còn bên nhận chuyển nhượng trả tiền cho bên chuyển nhượng theo quy định của Bộ luật này và pháp luật về đất đai.

 Điều 698. Nội dung của hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất

 Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất bao gồm các nội dung sau đây:

 1. Tên, địa chỉ của các bên;

 2. Quyền, nghĩa vụ của các bên;

 3. Loại đất, hạng đất, diện tích, vị trí, số hiệu, ranh giới và tình trạng đất;

 4. Thời hạn sử dụng đất của bên chuyển nhượng; thời hạn sử dụng đất còn lại của bên nhận chuyển nhượng;

 5. Giá chuyển nhượng;

 6. Phương thức, thời hạn thanh toán;

 7. Quyền của người thứ ba đối với đất chuyển nhượng;

 8. Các thông tin khác liên quan đến quyền sử dụng đất;

 9. Trách nhiệm của các bên khi vi phạm hợp đồng.

 Điều 699. Nghĩa vụ của bên chuyển nhượng quyền sử dụng đất

 Bên chuyển nhượng quyền sử dụng đất có các nghĩa vụ sau đây:

 1. Chuyển giao đất cho bên nhận chuyển nhượng đủ diện tích, đúng hạng đất, loại đất, vị trí, số hiệu và tình trạng đất như đã thoả thuận;

 2. Giao giấy tờ có liên quan đến quyền sử dụng đất cho bên nhận chuyển nhượng.

 Điều 700. Quyền của bên chuyển nhượng quyền sử dụng đất

 Bên chuyển nhượng quyền sử dụng đất có quyền được nhận tiền chuyển nhượng quyền sử dụng đất; trường hợp bên nhận chuyển nhượng chậm trả tiền thì áp dụng theo quy định tại Điều 305 của Bộ luật này.

 Điều 701. Nghĩa vụ của bên nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất

 Bên nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất có các nghĩa vụ sau đây:

 1. Trả đủ tiền, đúng thời hạn và đúng phương thức đã thoả thuận cho bên chuyển nhượng quyền sử dụng đất;

 1/01/clip_image001.gif” width=”2″ />2. Đăng ký quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai;

 3. Bảo đảm quyền của người thứ ba đối với đất chuyển nhượng;

 4. Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật về đất đai.

 Điều 702. Quyền của bên nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất

 Bên nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất có các quyền sau đây:

 1. Yêu cầu bên chuyển nhượng quyền sử dụng đất giao cho mình giấy tờ có liên quan đến quyền sử dụng đất;

 2. Yêu cầu bên chuyển nhượng quyền sử dụng đất giao đất đủ diện tích, đúng hạng đất, loại đất, vị trí, số hiệu và tình trạng đất như đã thoả thuận;

 3. Được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với đất được chuyển nhượng;

 4. Được sử dụng đất theo đúng mục đích, đúng thời hạn.

 CHƯƠNG XXIX

 HỢP ĐỒNG THUÊ, THUÊ LẠI QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

 Mục 1

 HỢP ĐỒNG THUÊ QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

 Điều 703. Hợp đồng thuê quyền sử dụng đất

 Hợp đồng thuê quyền sử dụng đất là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên cho thuê chuyển giao đất cho bên thuê để sử dụng trong một thời hạn, còn bên thuê phải sử dụng đất đúng mục đích, trả tiền thuê và trả lại đất khi hết thời hạn thuê theo quy định của Bộ luật này và pháp luật về đất đai.

 Điều 704. Nội dung của hợp đồng thuê quyền sử dụng đất

 Hợp đồng thuê quyền sử dụng đất bao gồm các nội dung sau đây:

 1. Tên, địa chỉ của các bên;

 2. Quyền, nghĩa vụ của các bên;

 3. Loại đất, hạng đất, diện tích, vị trí, số hiệu, ranh giới và tình trạng đất;

 4. Thời hạn thuê;

 5. Giá thuê;

 6. Phương thức, thời hạn thanh toán;

 7. Quyền của người thứ ba đối với đất thuê;

 8. Trách nhiệm của các bên khi vi phạm hợp đồng;

 9. Giải quyết hậu quả khi hợp đồng thuê quyền sử dụng đất hết hạn.

 Điều 705. Nghĩa vụ của bên cho thuê quyền sử dụng đất

 Bên cho thuê quyền sử dụng đất có các nghĩa vụ sau đây:

 1. Đăng ký việc cho thuê quyền sử dụng đất;

 2. Chuyển giao đất cho bên thuê đủ diện tích, đúng vị trí, số hiệu, hạng đất, loại đất và tình trạng đất như đã thoả thuận;

 3. Cho thuê quyền sử dụng đất trong thời hạn được giao, được thuê;

 4. Kiểm tra, nhắc nhở bên thuê bảo vệ, giữ gìn đất và sử dụng đất đúng mục đích;

 5. Nộp thuế sử dụng đất, trừ trường hợp có thoả thuận khác;

 6. Báo cho bên thuê về quyền của người thứ ba đối với đất thuê.

 Điều 706. Quyền của bên cho thuê quyền sử dụng đất

 Bên cho thuê quyền sử dụng đất có các quyền sau đây:

 1. Yêu cầu bên thuê quyền sử dụng đất trả đủ tiền thuê;

 2. Yêu cầu bên thuê quyền sử dụng đất chấm dứt ngay việc sử dụng đất không đúng mục đích, hủy hoại đất hoặc làm giảm sút giá trị sử dụng của đất; nếu bên thuê không chấm dứt ngay hành vi vi phạm thì bên cho thuê có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng, yêu cầu bên thuê trả lại đất đang thuê và bồi thường thiệt hại;

 3. Yêu cầu bên thuê trả lại đất khi thời hạn cho thuê đã hết.

 Điều 707. Nghĩa vụ của bên thuê quyền sử dụng đất

 Bên thuê quyền sử dụng đất có các nghĩa vụ sau đây:

 1. Sử dụng đất đúng mục đích, đúng ranh giới, đúng thời hạn cho thuê;

 2. Không được hủy hoại, làm giảm sút giá trị sử dụng của đất và phải thực hiện các yêu cầu khác như đã thoả thuận trong hợp đồng thuê quyền sử dụng đất;

 3. Trả đủ tiền thuê quyền sử dụng đất đúng thời hạn, đúng địa điểm và theo phương thức đã thoả thuận; nếu việc sử dụng đất không sinh lợi thì bên thuê vẫn phải trả đủ tiền thuê, trừ trường hợp có thoả thuận khác;

 4. Tuân theo các quy định về bảo vệ môi trường; không được làm tổn hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất xung quanh;

 5. Trả lại đất đúng tình trạng như khi nhận sau khi hết thời hạn thuê, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

 Điều 708. Quyền của bên thuê quyền sử dụng đất

 Bên thuê quyền sử dụng đất có các quyền sau đây:

 1. Yêu cầu bên cho thuê chuyển giao đất đủ diện tích, đúng vị trí, số hiệu, hạng đất, loại đất và tình trạng đất như đã thoả thuận;

 2. Được sử dụng đất thuê ổn định theo thời hạn như đã thoả thuận;

 3. Được hưởng hoa lợi, lợi tức từ việc sử dụng đất;

 4. Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng theo quy định tại Điều 426 của Bộ luật này;

 5. Yêu cầu bên cho thuê giảm, miễn tiền thuê trong trường hợp do bất khả kháng mà hoa lợi, lợi tức bị mất hoặc bị giảm sút.

 Điều 709. Chậm trả tiền thuê quyền sử dụng đất

 Khi bên thuê chậm trả tiền thuê quyền sử dụng đất theo thoả thuận thì bên cho thuê có thể gia hạn; nếu hết thời hạn đó mà bên thuê không thực hiện nghĩa vụ thì bên cho thuê có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng, yêu cầu bên thuê trả lại đất. Bên cho thuê có quyền yêu cầu bên thuê trả đủ tiền trong thời gian đã thuê kể cả lãi đối với khoản tiền chậm trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước quy định tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán.

 Điều 710. Bồi thường thiệt hại do đất bị thu hồi

 1. Khi bên cho thuê hoặc bên thuê cố ý vi phạm nghĩa vụ của người sử dụng đất dẫn đến việc Nhà nước thu hồi đất thì bên vi phạm phải bồi thường thiệt hại cho bên kia.

 2. Trong trường hợp hợp đồng thuê quyền sử dụng đất đang có hiệu lực nhưng do nhu cầu về quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và phát triển kinh tế mà Nhà nước thu hồi đất thì hợp đồng thuê quyền sử dụng đất chấm dứt trước thời hạn.

 Trong trường hợp bên thuê đã trả tiền trước thì bên cho thuê phải trả lại cho bên thuê khoản tiền còn lại tương ứng với thời gian chưa sử dụng đất; nếu bên thuê chưa trả tiền thì chỉ phải trả tiền tương ứng với thời gian đã sử dụng đất.

 Bên cho thuê được Nhà nước bồi thường thiệt hại do thu hồi đất theo quy định của pháp luật, còn bên thuê được Nhà nước bồi thường thiệt hại về hoa lợi có trên đất.

 Điều 711. Quyền tiếp tục thuê quyền sử dụng đất khi một bên chết

 1. Trong trường hợp bên cho thuê quyền sử dụng đất là cá nhân chết thì bên thuê vẫn được tiếp tục thuê quyền sử dụng đất cho đến hết thời hạn thuê.

 2. Trong trường hợp bên thuê quyền sử dụng đất là cá nhân chết thì thành viên trong hộ gia đình của người đó được tiếp tục thuê quyền sử dụng đất cho đến hết thời hạn thuê nhưng phải báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

 Điều 712. Chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong thời hạn cho thuê quyền sử dụng đất

 Khi thời hạn cho thuê quyền sử dụng đất đang còn, bên cho thuê vẫn có quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người khác nếu được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép, nhưng phải báo cho bên thuê biết để bên thuê thực hiện nghĩa vụ với bên nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

 Bên thuê vẫn được tiếp tục thuê cho đến hết thời hạn thuê quyền sử dụng đất theo hợp đồng.

 Điều 713. Chấm dứt hợp đồng thuê quyền sử dụng đất

 1. Hợp đồng thuê quyền sử dụng đất chấm dứt trong các trường hợp sau đây:

 a) Hết thời hạn thuê và không được gia hạn thuê;

 b) Theo thoả thuận của các bên;

 c) Nhà nước thu hồi đất;

 d) Một trong các bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng hoặc hủy bỏ hợp đồng theo thoả thuận hoặc theo quy định của pháp luật;

 đ) Bên thuê quyền sử dụng đất là cá nhân chết mà trong hộ gia đình của người đó không còn thành viên nào khác hoặc có nhưng không có nhu cầu tiếp tục thuê;

 e) Diện tích đất thuê không còn do thiên tai;

 g) Các trường hợp khác do pháp luật quy định.

 2. Khi hợp đồng thuê quyền sử dụng đất chấm dứt, người thuê quyền sử dụng đất phải khôi phục tình trạng đất như khi nhận đất, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác. Tài sản gắn liền với đất được giải quyết theo thoả thuận của các bên.

 Mục 2

 HỢP ĐỒNG THUÊ LẠI QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

 Điều 714. Hợp đồng thuê lại quyền sử dụng đất

 Trong trường hợp pháp luật không có quy định khác thì quy định tại các điều từ Điều 703 đến Điều 713 của Bộ luật này cũng được áp dụng đối với hợp đồng thuê lại quyền sử dụng đất.

 CHƯƠNG XXX

 HỢP ĐỒNG THẾ CHẤP QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

 Điều 715. Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất

 Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên sử dụng đất (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng quyền sử dụng đất của mình để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ dân sự với bên kia (sau đây gọi là bên nhận thế chấp). Bên thế chấp được tiếp tục sử dụng đất trong thời hạn thế chấp.

 Điều 716. Phạm vi thế chấp quyền sử dụng đất

 1. Quyền sử dụng đất có thể được thế chấp một phần hoặc toàn bộ.

 2. Trường hợp người sử dụng đất thế chấp quyền sử dụng đất thì nhà, công trình xây dựng khác, rừng trồng, vườn cây và các tài sản khác của người thế chấp gắn liền với đất chỉ thuộc tài sản thế chấp, nếu có thoả thuận.

 Điều 717. Nghĩa vụ của bên thế chấp quyền sử dụng đất

 Bên thế chấp quyền sử dụng đất có các nghĩa vụ sau đây:

 1. Giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bên nhận thế chấp;

 2. Làm thủ tục đăng ký việc thế chấp; xoá việc đăng ký thế chấp khi hợp đồng thế chấp chấm dứt;

 3. Sử dụng đất đúng mục đích, không làm hủy hoại, làm giảm giá trị của đất đã thế chấp;

 4. Thanh toán tiền vay đúng hạn, đúng phương thức theo thoả thuận trong hợp đồng.

 Điều 718. Quyền của bên thế chấp quyền sử dụng đất

 Bên thế chấp quyền sử dụng đất có các quyền sau đây:

 1. Được sử dụng đất trong thời hạn thế chấp;

 2. Được nhận tiền vay do thế chấp quyền sử dụng đất theo phương thức đã thoả thuận;

 3. Hưởng hoa lợi, lợi tức thu được, trừ trường hợp hoa lợi, lợi tức cũng thuộc tài sản thế chấp;

 4. Được chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất đã thế chấp nếu được bên nhận thế chấp đồng ý;

 5. Nhận lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau khi đã thực hiện xong nghĩa vụ thế chấp.

 Điều 719. Nghĩa vụ của bên nhận thế chấp quyền sử dụng đất

 Bên nhận thế chấp quyền sử dụng đất có các nghĩa vụ sau đây:

 1. Cùng với bên thế chấp đăng ký việc thế chấp;

 2. Trả lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi bên thế chấp đã thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm bằng thế chấp.

 Điều 720. Quyền của bên nhận thế chấp quyền sử dụng đất

 Bên nhận thế chấp quyền sử dụng đất có các quyền sau đây:

 1. Kiểm tra, nhắc nhở bên thế chấp quyền sử dụng đất bảo vệ, giữ gìn đất và sử dụng đất đúng mục đích;

 2. Được ưu tiên thanh toán nợ trong trường hợp xử l‎ý quyền sử dụng đất đã thế chấp.

 Điều 721. Xử lý quyền sử dụng đất đã thế chấp

 Khi đã đến hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm bằng thế chấp quyền sử dụng đất mà bên thế chấp không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì quyền sử dụng đất đã thế chấp được xử lý theo thoả thuận; nếu không có thỏa thuận hoặc không xử lý được theo thoả thuận thì bên nhận thế chấp có quyền khởi kiện tại Toà án.

 CHƯƠNG XXXI

 HỢP ĐỒNG TẶNG CHO QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

 Điều 722. Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất

 Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao quyền sử dụng đất cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, còn bên được tặng cho đồng ý nhận theo quy định của Bộ luật này và pháp luật về đất đai.

 Điều 723. Nội dung của hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất

 Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất bao gồm các nội dung sau đây:

 1. Tên, địa chỉ của các bên;

 2. Lý do tặng cho quyền sử dụng đất;

 3. Quyền, nghĩa vụ của các bên;

 4. Loại đất, hạng đất, diện tích, vị trí, số hiệu, ranh giới và tình trạng đất;

 5. Thời hạn sử dụng đất còn lại của bên tặng cho;

 6. Quyền của người thứ ba đối với đất được tặng cho;

 7. Trách nhiệm của các bên khi vi phạm hợp đồng.

 Điều 724. Nghĩa vụ của bên tặng cho quyền sử dụng đất

 Bên tặng cho quyền sử dụng đất có các nghĩa vụ sau đây:

 1. Giao đất đủ diện tích, đúng hạng đất, loại đất, vị trí, số hiệu và tình trạng đất như đã thoả thuận;

 2. Giao giấy tờ có liên quan đến quyền sử dụng đất cho bên được tặng cho để làm thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất.

 Điều 725. Nghĩa vụ của bên được tặng cho quyền sử dụng đất

 Bên được tặng cho quyền sử dụng đất có các nghĩa vụ sau đây:

 1. Đăng ký quyền sử dụng đất tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về đất đai;

 2. Bảo đảm quyền của người thứ ba đối với đất được tặng cho;

 3. Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật về đất đai.

 Điều 726. Quyền của bên được tặng cho quyền sử dụng đất

 Bên được tặng cho quyền sử dụng đất có các quyền sau đây:

 1. Yêu cầu bên tặng cho giao đủ diện tích, đúng hạng đất, loại đất, vị trí, số hiệu và tình trạng đất như đã thoả thuận;

 2. Được sử dụng đất theo đúng mục đích, đúng thời hạn;

 3. Được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.