Cách trình bày 1 ý tưởng kinh doanh

 Cách trình bày 1 ý tưởng kinh doanh

 Khi bạn có ý định khởi nghiệp, cho dù ý định đó nhỏ hay lớn thì bước đầu tiên bạn cần phải làm. Đó là viết kế họach kinh doanh của bạn ra giấy nếu bạn muốn thành công.

 Tại sao phải viết kế hoạch kinh doanh?

 Khi nảy sinh ý định kinh doanh và bắt đầu khởi nghiệp người ta thường chỉ nghĩ đến các ý tưởng kinh doanh mới mà không suy nghĩ một cách đầy đủ, chi tiết, nghiên cứu và đánh giá tiềm năng cũng như những khó khăn, rủi ro của dự án. Thời gian đầu là khoảng thời gian những nhà kinh doanh mới này là những người muốn đưa ý tưởng kinh doanh vào thị trường một cách nhanh chóng vì cho rằng cánh cửa cơ hội sẽ chỉ có trong một thời gian rất ngắn và đôi khi họ thiếu kinh nghiệm cũng như sự nghiêm túc trong kinh doanh. Do đó, họ thường bỏ qua giai đoạn nghiên cứu và lập một kế hoạch chiến lược cho ý tưởng, dự đoán khó khăn để đối phó với những rào cản có thể gặp phải. Một nhà kinh doanh khôn ngoan hiểu rõ tầm quan trọng của kế hoạch kinh doanh. Những kế hoạch sẽ cho biết dự án có đi đến thành công hay không. Thiếu những kế hoạch và nghiên cứu là một trong những nguyên nhân cơ bản nhất làm những nhà kinh doanh bị thất bại trong những năm đầu của quá trình hoạt động. Và nếu bạn dành thời gian để viết kế hoạch kinh doanh trước khi bắt đầu, thì những thất bại sẽ khó xảy ra.

 Bắt đầu viết kế hoạch như thế nào?

 Nhiều người cảm thấy khó khi bắt đầu viết ra 1 kế hoạch kinh doanh, họ thường đặt ra nhiều câu hỏi như: Khi nào nên bắt đầu? Chi tiết kế hoạch như thế nào? Dài bao nhiêu trang?… Và nhiều vấn đề sẽ làm họ lúng túng. Trước khi viết, bạn hãy liệt kê những câu hỏi tập trung vào mọi khía cạnh của việc bắt đầu kinh doanh và trả lời những câu hỏi này một cách rõ ràng, càng rõ ràng bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Những câu trả lời này có thể sẽ dẫn đến những thông tin khác và những câu hỏi khác. Độ dài cũng là một vấn đề đáng lưu ý. Bản kế hoạch chỉ nên bao gồm những gì thật sự cần thiết để cung cấp đầy đủ thông tin. Có nhiều yếu tố quyết định đến độ dài của bản kế hoạch, phụ thuộc vào sự phức tạp của ý tưởng và đòi hỏi những nguồn tài chính tiềm năng, một bản kế hoạch có thể dài 30 trang không bao gồm phụ lục. Bạn cũng không cần lo lắng quá nhiều về cách viết, hãy sử dụng ngôn ngữ đơn giản và trực tiếp, câu nên rõ ràng và chính xác. Quan trọng nhất, người viết nên sử dụng kiểu viết dễ hiểu nhất cho người thực hiện. Nên tránh những trạng từ diễn tả cảm xúc và khoa trương.

 Cấu trúc của một kế hoạch kinh doanh

 Kế hoạch kinh doanh nên được viết một cách logic để người đọc có thể theo dõi và biết được những gì họ có thể đọc tiếp theo. Dưới đây sẽ trình bày cấu trúc nên có của một bản kế hoạch kinh doanh.

 1. Trang bìa

 Hãy tạo một trang bìa thật đơn giản, bao gồm tên, địa chỉ, số điện thoại, số fax với mã vùng và địa chỉ email của công ty bạn. Tốt nhất là để hình ảnh sản phẩm hoặc nếu doanh nghiệp kinh doanh về dịch vụ hãy để logo của bạn lên trang bìa.

 2. Mục lục

 Mục lục rất quan trọng để giúp tìm kiếm thông tin một cách nhanh chóng và dễ dàng. Thông thường người ta không chú ý đến phần này, hoặc nếu có làm thì cũng làm sơ sài và hay quên đánh số trang.

 3. Tóm tắt dự án

 Phần tóm tắt dự án là một trong những phần quan trọng nhất của một kế hoạch kinh doanh. Đây cũng là một bản kế hoạch kinh doanh nhỏ được nói một cách thuyết phục trong hai trang giấy. Hầu hết những nhà kinh doanh thành công đều có những bản tóm tắt rõ ràng và súc tích về những nội dung kinh doanh cơ bản của họ. Nếu một người cảm thấy khó để nói chính xác những dự định mà họ sẽ làm, đó là dấu hiệu cho thấy họ chưa xác định một cách chính xác mục tiêu cũng như chưa sẵn sàng tham gia vào công việc.

 4. Kế hoạch quản lý và tổ chức

 Một trong những việc quan trọng nhất là tổ chức: Ai sẽ làm tốt những công việc được mô tả trong bản kế hoạch, ai sẽ là người quản lý đội, nhóm? Thành công của dự án phần lớn là từ người khởi đầu. Nhưng họ sẽ không làm một mình mà cần nhiều người tham gia vào dự án. Và họ phải tự tin rằng người quản lý được chọn có thể làm được những điều mà người kinh doanh dự định. Bạn cũng cần phải suy nghĩ đến vấn đề này trước khi bắt tay vào khởi nghiệp bằng việc phác thảo rõ ràng trong bản kế hoạch kinh doanh của mình.

 5. Kế hoạch sản phẩm/dịch vụ

 Sản phẩm/dịch vụ sẽ kinh doanh cũng phải được đề cập đến trong bản kế hoạch. Nên giải thích những chi tiết của sản phẩm, tuy nhiên nên tránh sa đà vào những thông tin chi tiết về kỹ thuật. Những thông tin này có thể cung cấp trong phần phụ lục của kế hoạch kinh doanh. Trong phần này bạn cũng cần phải khẳng định được sản phẩm hay dịch vụ của mình khả thi và sẵn sàng để kinh doanh.

 6. Kế hoạch marketing

 Trong kế hoạch kinh doanh nên viết một cách chi tiết và chính xác những gì mà công ty sẽ làm để bán sản phẩm của mình. Kế hoạch marketing nên bao gồm: Mục tiêu marketing là gì? Kế hoạch tổng quát để đưa sản phẩm ra thị trường; Ai là khách hàng mục tiêu? Phân khúc thị trường nào công ty sẽ phục vụ? Công ty sẽ sử dụng kênh phân phối nào? Đây là phần rất quan trọng bởi vì phân phối là trở ngại chính để sản phẩm đi đến thị trường. Ai sẽ là người cung cấp hàng hóa ra ngoài? Kế hoạch xúc tiến cho hoạt động kinh doanh là gì? Quảng cáo, quan hệ công chúng, hội chợ thương mại và những hoạt động khác cũng phải được lên kế hoạch. Ai sẽ là đối thủ cạnh tranh? Đây là điều quan trọng để nhận biết một cách chính xác những công ty mới sẽ cạnh tranh với mỗi đối thủ như thế nào. Thị trường sẽ trả bao nhiêu cho sản phẩm hay dịch vụ của công ty? Giá trị gia tăng gì công ty dành cho khách hàng?

 7. Kế hoạch tài chính

 Không thể có được kế hoạch tài chính khi tất cả những kế hoạch khác chưa được trình bày rõ ràng vì tổng số tiền phải dựa trên những kế hoạch mà bạn dự định làm. Trong bản kế hoạch kinh doanh của mình, bạn cần phải dự đoán được bao nhiêu tiền sẽ cần để đầu tư. Bạn cần phải hoạch định tài chính cho từng giai đoạn phát triển của công ty từ ý tưởng, bắt đầu, phát triển đến bão hòa và giai đoạn cuối là sáng kiến mới hay suy thoái.

 8. Kế hoạch hệ thống quản lý và điều hành

 Những nhà kinh doanh mới phải hiểu rõ tầm quan trọng của hệ thống quản lý và điều hành để chắc chắn rằng mọi việc phải được diễn ra như dự tính. Khi một công ty nhận đơn đặt hàng, nó cần sự vận động của tất cả các hoạt động. Trong bản kế hoạch kinh doanh, bạn nên trình bày mình sẽ thiết kế và thực hiện hệ thống quản lý và điều hành nên như thế nào.

 9. Kế hoạch phát triển

 Trong suốt quá trình hoạt động của mình, công ty bạn nên tiếp tục mở rộng kế hoạch kinh doanh. Vì thế cần phải dự đoán và hoạch định những sản phẩm/dịch vụ nào có khả năng mở rộng? Những thị trường nào khác sẽ phục vụ? Hoặc bạn định mở thêm văn phòng, chi nhánh ở đâu?

 10. Phụ lục

 Tất cả những tài liệu hỗ trợ nên để ở phần phụ lục để kế hoạch kinh doanh trở nên gọn gàng. Phụ lục có chiều dài dựa trên tổng số thông tin chi tiết cần có để hỗ trợ cho kế hoạch kinh doanh. Nếu phần phụ lục quá dài, có thể chia ra thành một tài liệu riêng. Nên có bản mục lục của phụ lục để có thể dễ dàng tìm những thông tin đặc biệt.

 Tính khả thi của ý tưởng kinh doanh

 Ý tưởng kinh doanh
Ý tưởng có giá trị xã hội không?

 Một ý tưởng kinh doanh đúng nghĩa phải có giá trị. Ý tưởng phải đưa ra được những sản phẩm, dịch vụ có ích, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng, góp phần nâng cao chất lượng sống của họ. Nếu ý tưởng đưa ra chỉ nhằm mang lại lợi nhuận cho một cá nhân, phục vụ cho tổ chức nào đó thì ý tưởng đó chẳng có giá trị về mặt xã hội và sẽ nhanh chóng thất bại.

 Ý tưởng có tính thuyết phục không?

 Một ý tưởng chỉ có thể trở thành ý tưởng kinh doanh khả thi khi nó thuyết phục và hấp dẫn được nhà đầu tư để họ sẵn sàng bỏ tiền vào sản phẩm hay dịch vụ mà nó đem lại. Không cần đến một kế hoạch kinh doanh dày cộp để trình bày ý tưởng đó có giá trị như thế nào, độc đáo đến đâu, mà chỉ cần một cuộc đối thoại ngắn với nhà đầu tư thật sự quan tâm. Nếu người sở hữu ý tưởng không chứng minh được sản phẩm (hay dịch vụ) từ ý tưởng ấy tuyệt vời thế nào thì khách hàng càng không thể hiểu rõ. Có người rất say mê với ý tưởng của mình và quá đề cao sự mới mẻ của nó mà không hề biết rằng ý tưởng ấy đã tồn tại và đã thất bại.

 Có thị trường cho ý tưởng không?

 Để trả lời cho câu hỏi này, phải thực hiện khảo sát và nghiên cứu thị trường một cách cẩn thận. Thị trường đang dư thừa cái gì, thiếu cái gì, còn khoảng trống nào cho mình không. Nếu không có chuyên môn, nên thuê chuyên gia tư vấn thực hiện công việc này một cách chuyên nghiệp nhằm giảm rủi ro ở mức tối thiểu. Một điều quan trọng nữa là các nhà đầu tư chuyên nghiệp thường chẳng mấy quan tâm đến tiềm năng phát triển sản phẩm (hay dịch vụ), mà xem xét ngay đến lợi nhuận có thể thu được. Một sản phẩm (hay dịch vụ) không mang lại lợi nhuận nghĩa là nó không có đất sống, không có gì để kỳ vọng cả.

 Điểm mạnh và yếu của ý tưởng?

 Xem xét hai mặt của một vấn đề luôn giúp ta có cái nhìn tỉnh táo hơn. Mọi ý tưởng dù tầm thường hay vĩ đại đều có thế mạnh và thế yếu, đều có tỷ lệ thành công hoặc thất bại như nhau khi đưa vào thực hiện. Ý tưởng có thể đưa ra một sản phẩm (hay dịch vụ) độc đáo nhưng thị trường lại không có nhu cầu hoặc nó không phù hợp với văn hóa truyền thống thì sao?

 Sẵn sàng hy sinh đến đâu cho ý tưởng?

 Cuối cùng, khi bắt tay vào thực hiện ý tưởng, người ta thường dành hết thời gian cho công việc mà bỏ quên cuộc sống riêng tư. Một kế hoạch kinh doanh dù hoàn hảo đến đâu cũng khó thành công mỹ mãn nếu người thực hiện theo đuổi nó một cách thái quá. Hãy kết hợp các mục tiêu kinh doanh và cả nhu cầu của đời sống cá nhân vào kế hoạch kinh doanh. Đó chính là động lực lớn nhất để nỗ lực thực thi ý tưởng, nhằm đạt cho được mục tiêu đã đề ra.

 Phương pháp viết đề án ý tưởng

 Cái khó của nhiều tác giả ý tưởng trong thời gian qua là cách diễn đạt ý tưởng của mình, sao cho xúc tích, rõ ràng và nêu được tầm quan trọng, tính khả thi của ý tưởng, nhằm thuyết phục nhà đầu tư (hay khách hàng) chọn sở hữu (mua).

 Muốn được như vậy, điều trước tiên là “ý tưởng gia” phải biết cách viết ĐỀ ÁN Ý TƯỞNG. Dưới đây, chúng tôi xin trình bày “dàn bài” viết, hay còn gọi là “phương pháp viết đề án ý tưởng”. Mời bạn đọc cùng theo dõi.

 Định nghĩa: Đề án Ý Tưởng là một tài liệu khoa học, được thực hiện nhằm mục đích trình bày, giới thiệu ý tưởng của mình một cách thuyết phục nhất, đáp ứng yêu cầu mà người viết đề án đã đặt ra.

 Các bước hình thành đề án:

 Đề án Ý Tưởng không khác mấy so với các đề án khoa học, đề án kinh doanh, bởi phần cốt lõi của nó vẫn bao gồm:

 – Đặt vấn đề.

 – Mô tả chi tiết.

 – Đầu tư.

 – Phân tích hiệu quả và dự báo lợi nhuận mang lại.

 – Đánh giá – Kết luận.

 Tuy nhiên, điểm khác biệt duy nhất của một đề án ý tưởng so với các đề án khác là phần “Khái quát ý tưởng cần trình bày”, được thể hiện ngay sau khi “Đặt vấn đề” và phần “Phát triển ý tưởng” nằm sau phần “Đánh giá – Kết luận”.

 Diễn giải

 1. Đặt vấn đề

 Người viết cần nêu được nhu cầu của con người hay công việc trong vấn đề có liên quan đến ý tưởng mà họ sắp trình bày, nêu được sự cần thiết khi ý tưởng đưa vào thực tế. Yêu cầu viết ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề chính.

 2. Khái quát ý tưởng

 – Nêu lên ý tưởng của chúng ta thuộc lĩnh vực nào? loại gì?

 – Tên gọi chính thức của ý tưởng.

 3. Mô tả chi tiết

 Đây là phần quan trọng của đề án ý tưởng.

 Nó đòi hỏi khả năng trình bày của người soạn đề án vừa mạch lạc, khúc chiết, xếp đặt các ý một cách có thứ tự, đảm bảo sự logic trong mọi vấn đề đưa ra.

 Các phần của ý tưởng, dù là ý tưởng ở bất cứ lĩnh vực nào cũng nêu được khả năng vận hành, điều hành, khi ý tưởng đưa ra thực tế.

 Việc mô tả ý tưởng cần được minh họa, nếu thấy cần thiết, nhất là các ý tưởng về chế tạo máy, thiết bị hay cơ khí vận hành.

 Trong trường hợp là các ý tưởng đơn thuần là câu chữ, là diễn đạt bằng văn tự thì việc minh họa bằng hình ảnh còn quan trọng hơn, vì nó làm rõ các ý mà chúng ta cần trình bày.

 4. Đầu tư

 Đây là phần rất khó trong đề án ý tưởng. Tuy nhiên nó lại rất cần thiết cho việc thuyết phục nhà đầu tư, người mua ý tưởng.

 Đầu tư tức là làm bài toán cộng tất cả các chi phí mà nhà đầu tư, người mua ý tưởng phải bỏ ra khi sở hữu ý tưởng của người bán.

 Nếu là việc đầu tư mua một ý tưởng chế tạo máy, ý tưởng về một phát minh cơ khí thì người viết cần nêu đầy đủ chi phí trang thiết bị, nhân công vận hành, … tính được giá thành từng sản phẩm làm ra và tổng chi phí đầu tư cho cả chương trình. Các thông số này có giá trị rất lớn trong phần sau.

 5. Phân tích hiệu quả và dự báo lợi nhuận mang lại

 Hiệu quả là bài toán trừ. Nó sẽ thuyết phục người mua ý tưởng đi đến quyết định cuối cùng, dứt khoát, nếu kết quả của bài toán là con số dương (+). Số dương càng cao, càng logic thì tính thuyết phục càng cao.

 Muốn thực hiện được điều này, người viết phải có cách lập luận hợp lý, rõ ràng, minh bạch.

 Xin lưu ý, việc thuyết phục người mua ý tưởng không thể dùng cách lập luận mập mờ, hay tìm cách đánh lừa khách hàng, tạo ra những con số ảo, không trung thực.

 Cũng như các phần trên, cách viết ở phần này cũng đòi hỏi sự mạch lạc trong hành văn, sắp xếp các ý trong tài liệu một cách có thứ tự, hợp lý.

 6. Đánh giá-Kết luận

 Việc đánh giá phải dựa vào các thông tin ở các phần trên. Đánh giá tạo tính khách quan, nhưng chỉ có một mục đích là nêu lên được lợi ích của việc cần thiết phải làm chủ sở hữu ý tưởng mà chúng ta đang chào bán, hoặc đang thuyết phục đầu tư, v.v…

 Phần kết luận cần viết ngắn gọn, logic cao nhất và cho thấy ý tưởng mà chúng ta đưa ra có giá trị cao, khả thi.

 7. Phát triển ý tưởng

 Đây là phần độc đáo nhất của đề án ý tưởng, tạo khác biệt lớn với các đề án ở các lĩnh vực khác.

 Việc phát triển ý tưởng là nêu cho được ý tưởng mà chúng ta vừa trình bày có khả năng mở rộng, triển khai ở qui mô lớn hơn, tạo giá trị lợi nhuận cao hơn.

 Ý tưởng viết trong đề án có thể được biến cách, xây dựng thành những ý tưởng mới hơn, độc đáo hơn và tất nhiên mang lại lợi ích lớn hơn.

 Đối với các nhà đầu tư, hay những nhà kinh doanh từ ý tưởng, phần này chính là cú dứt điểm đẹp nhất, quyết định họ đi đến việc chọn mua ý tưởng của chúng ta.

   Các  mẫu trình bày ý tưởng kinh doanh

 Dưới đây là mẫu cơ bản chung của 1 dự án kinh doanh, tất nhiên tùy theo độ phức tạp và lĩnh vực của dự án mà có các nội dung khác nhau. Xây dựng bản dự án kinh doanh là bước đầu tiên của khởi nghiệp, vì vậy bạn hãy cố gắng dành nhiều thời gian cho công việc này, rất tiếc là các bạn trẻ khởi nghiệp ở Việt Nam thường không thể viết nổi 1 bản dự án cơ bản, phần lớn đều do không chịu khó tìm hiểu, các mẫu dự án có sẵn rất nhiều trên Internet.

 Sau đây là các nội dung mà 1 dự án cần có.

 PHẦN 1 – GIỚI THIỆU VỀ DỰ ÁN

  • Tên dự án
  • Giới thiệu về dự án
  • Ý tưởng về dự án
  • Sự khác biệt
  • Phân tích cơ hội của dự án
  • Người sáng lập (hoặc ekip thực hiện).
  • Tính pháp lý của dự án (công ty, giấy phép liên quan đến dự án)

 PHẦN 2 – NỘI DUNG DỰ ÁN

  • Mô hình của dự án (dạng sơ đồ hình ảnh)
  • Mục tiêu của dự án (các mục tiêu chung, mục tiêu riêng, mục tiêu theo các giai đoạn)
  • Chiến lược của dự án
  • So sánh với các mô hình tương tự đang có
  • Tính khả thi của dự án
  • Sản phẩm và dịch vụ của dự án (nên có sản phẩm mẫu)
  • Xây dựng thương hiệu
  • Thị trường (thị trường trực tuyến, thị trường theo địa lý, thị trường ngách, ….)
  • Đối thủ cạnh tranh
  • Sự khác biệt
  • Kênh bán hàng (bán hàng qua online, qua đại lý, qua telesale, qua trực tiếp, … tùy theo dự án)
  • Chiến lược cạnh tranh (cần làm rõ được cách để cạnh tranh với các đối thủ đang có trên thị trường)
  • Kế hoạch marketing, truyền thông.
  • Xây dựng nền tảng cơ bản (văn phòng, nhà xưởng, CNTT, vv..)
  • Xây dựng website (APP, mạng xã hội)
  • Hệ thống quản lý
  • Kế toán tài chính
  • Nhà đầu tư, cổ đông
  • Hệ thống đối tác
  • Nhân sự thực hiện (người điều hành dự án, các thành viên, các bên tham gia)
  • Các giả định về sự tăng trưởng của dự án (doanh số, khách hàng, thị trường, ….)
  • Các vấn đề (kịch bản) sẽ xảy ra với dự án và phương án xử lý.
  • Các nội dung khác của dự án

 PHẦN 3 – THỰC HIỆN DỰ ÁN

  • Chiến lược chung
  • Lộ trình thực hiện (các giai đoạn của thực hiện dự án)
  • Dự toán chi phí (bóc tách các chi phí cho từng nội dung của dự án)
  • Bảng cân đối thu chi
  • Các nguồn thu lợi nhuận
  • Doanh thu dự kiến
  • Điểm hòa vốn
  • Đánh giá và dự đoán rủi ro
  • Phụ lục

 Một dự án kinh doanh ( Startup) cần đảm bảo tuân thủ quy trình cơ bản sau để đảm bảo tính chuyên nghiệp và giảm thiểu rủi ro của dự án, 4 giai đoạn của xây dựng dự án gồm có: Tìm kiếm ý tưởng khả thi – Xây dựng dự án sơ bộ – Xây dựng dự án điều chỉnh – Xây dựng dự án chi tiết.

 Hình thức bản dự án kinh doanh:

 Bản dự án kinh doanh nên được trình bày bằng Silde hoặc dạng văn bản (Office Word) với các yêu cầu:

  • Nội dung ngắn gọn, cô đọng
  • Có đánh chỉ mục rõ ràng, kèm theo các chú thích, hướng dẫn
  • Có các hình ảnh, biểu đồ minh họa để giúp dễ hiểu
  • Các số liệu cần có phân tích và căn cứ cụ thể.

 Form trình bày ý tưởng kinh doanh

 1. Hình thức chung về trình bày dự án kinh doanh

 Để tham gia cuộc thi, các thí sinh sẽ phải thiết kế ý tưởng kinh doanh dưới dạng một dự án kinh doanh, trong đó việc trình bày cần được thực hiện theo một số hướng dẫn như sau:

 1.1. Hình thức chung

 – Dự án kinh doanh được trình bày bằng file word, khổ A4.

 – Font chữ trình bày: Times New Roman, size: 13, khoảng cách dòng là 1,5 lines, mật độ chữ bình thường, canh đều trái phải (Justify).

 – Canh lề trang: top 2,5cm, bottom 2,5cm, Right 2cm, Left 3cm.

 – Header không ghi gì ngoại trừ đánh số thứ tự trang. Đánh số trang liên tục (trang 1 bắt đầu từ phần A- Giới thiệu chung) và trình bày ở giữa, phía đầu mỗi trang giấy.

 – Đối với các đề tài nộp tại vòng sơ loại (từ ngày 6/3-6/4/2019), các thí sinh nộp file mềm qua địa chỉ email cuộc thi Businessideas@uef.edu.vn

 1.2. Hình thức bố trí dự án kinh doanh theo thứ tự như sau (mẫu đính kèm):

 – Trang bìa chính (Mẫu 1)

 – Trang bìa phụ (nội dung ghi giống bìa chính in trên giấy trắng bình thường)

 – Giấy cam đoan (Mẫu 2)

 – Phiếu nhận xét đề tài (Mẫu 3)

 – Phiếu chấm điểm (Mẫu 4)

 – Nội dung dự án kinh doanh – Phục lục A (Áp dụng cho những đề tại lọt vào vòng bán kết)

 – Nội dung dự án kinh doanh – Phụ lục B (Áp dụng cho những đề tài nộp tại vòng sơ loại)

 – Nguồn tham khảo (nếu có)

 – Phụ lục (nếu có).

 1.3. Quy định về trình bày bảng biểu, hình vẽ, chữ viết tắt

 – Các bảng biểu, hình vẽ phải được đánh số thứ tự liên tục trong từng phần kế hoạch (ví dụ: Bảng 1.1 nghĩa là bảng số 1 trong phần 1 của dự án, đó là phần về kế hoạch Marketing…) .
– Mỗi bảng biểu, hình vẽ phải có tên tương ứng mô tả chính xác nội dung. Số thứ tự và tên bảng biểu được đặt ở vị trí trên cùng của bảng, số thứ tự và tên sơ đồ/hình vẽ được đặt ở vị trí dưới hình, có chú thích rõ ràng.

 2. Hướng dẫn về trình tự nội dung cần thuyết trình (Áp dụng cho đề tài lọt vào bán kết và chung kết)

 2.1 Cấu trúc bài thuyết trình:

 – Phần tiêu đề: Slide tiêu đề giới thiệu tên dự án, Tên tác giả thực hiện, Tên đơn vị đang công tác và làm việc. (1 slide)

 – Phần khái quát các chủ điểm chínhĐưa ra phác thảo các vấn đề chính mà tác giả cần trình bày. (1 slide)

 – Phần làm rõ từng kế hoạch của dự án: Tác giả lần lượt đi vào trình bày các chủ đề chính của dự án như sau (Mỗi chủ đề cần trình bày ngắn gọn trong 1-2 slide)

  • Những điểm chính, nổi bật trong kế hoạch Marketing
  • Những điểm chính, nổi bật trong kế hoạch sản xuất
  • Những điểm chính, nổi bật trong kế hoạch tổ chức và quản lý
  • Những điểm chính, nổi bật trong kế hoạch tài chính

 – Phần kết luận: Cần có 1 -2 slide để trình bày kết luận của tác giả về tính hiệu quả, ý nghĩa xã hội và các đóng góp khác của dự án để thuyết phục được BGK

 – Tài liệu tham khảo (nếu có): 1 slide

 – Lời cám ơn.

 2.2 Quy định về hình thức trình bày slide

 Tất cả slide nên được trình bày thống nhất như sau:

 – Font chữ Arial không chân trong tất cả slide

 – Tiêu đề của mỗi slide: Size 32; chữ in, bôi đậm, Tiểu mục cấp 1: Size 28

 – Phần nội dung trong slide: Size 24, chữ thường

 – Footer: Ghi tên dự án, số trang

 – Header: Logo của UEF, Logo của đơn vị hiện tại mà nhóm thực hiện dự án đang công tác, Logo của các đơn vị tài trợ (mẫu đính kèm)

 

 tag: thân   đình   em