Đánh giá tình hình tài chính của công ty

 Đánh giá tình hình tài chính của công ty

 Phân tích tình hình tài chính doanh nghiệp là sử dụng một tập hợp các khái niệm, phương pháp và các công cụ cho phép xử lý các thông tin kế toán và các thông tin khác về quản lý nhằm đánh giá tình hình tài chính của một doanh nghiệp, đánh giá rủi ro, mức độ và chất lượng hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Xây dựng quy trình phân tích tài chính thống nhất, đáp ứng được nhu cầu tổng hợp thông tin đồng thời xây dựng kế hoạch phát triển cho mỗi doanh nghiệp đòi hỏi các nhà quản trị tài chính phải am hiểu sâu sắc về tình hình tài chính, cũng như khả năng phân tích các chỉ tiêu tài chính. Trên thực tế, hoạt động phân tích tình hình tài chính tại các doanh nghiệp nói chung và tại Công ty cổ phần Tư vấn Sông Đà nói riêng vẫn còn nhiều hạn chế, chưa phát huy hết vai trò quan trọng trong việc điều hành hoạt động của doanh nghiệp.

 I. Cơ sở lý luận về phân tích tài chính doanh nghiệp

 Phân tích tài chính là tổng thể các phương pháp được sử dụng để đánh giá tình hình tài chính đã qua và hiện tại, giúp cho nhà quản lý đưa ra được quyết định quản lý chuẩn xác và đánh giá được doanh nghiệp, từ đó giúp những đối tượng quan tâm đi tới những dự đoán chính xác về mặt tài chính của doanh nghiệp, qua đó có các quyết định phù hợp với lợi ích của chính họ.

 Quy trình thực hiện phân tích tài chính ngày càng được áp dụng rộng rãi trong mọi đơn vị kinh tế được tự chủ nhất định về tài chính. Sự phát triển của các doanh nghiệp, các ngân hàng và của thị trường vốn đã tạo nhiều cơ hội để chứng tỏ phân tích tài chính thực sự là có ích và vô cùng cần thiết.

 Phân tích tài chính là một hệ thống các phương pháp nhằm đánh giá tình hình tài chính và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp trong một thời gian hoạt động nhất định. Trên cơ sở đó, giúp các nhà quản trị doanh nghiệp đưa ra các quyết định chuẩn xác trong quá trình kinh doanh. Bởi vậy, việc thường xuyên tiến hành phân tích tình hình tài chính sẽ giúp cho các nhà quản trị doanh nghiệp và các cơ quan chủ quản cấp trên thấy được bức tranh về thực trạng hoạt động tài chính, xác định đầy đủ và đúng đắn những nguyên nhân, mức độ ảnh hưởng của các nhân tố tới tình hình tài chính của doanh nghiệp. Từ đó có những giải pháp hữu hiệu để ổn định và tăng cường tình hình tài chính của doanh nghiệp

 II. Thực trạng phân tích tài chính tại Công ty cổ phần Tư vấn Sông Đà

 1. Những mặt đạt được trong phân tích tài chính

 Đội ngũ cán bộ thực hiện hoạt động phân tích tài chính doanh nghiệp đều là những cán bộ có trình độ chuyên môn cao, vốn kinh nghiệm tích lũy lớn và đều là những thành viên gắn bó rất lâu dài với công ty. Những đánh giá đưa ra hết sức xác thực và có sự chuẩn hóa cao. Công ty cổ phần Tư vấn Sông Đà đã xây dựng được phần mềm phân tích riêng. Các cán bộ phân tích không cần mất quá nhiều thời gian để đưa ra các chỉ số. Các chỉ số đưa ra đa dạng hơn, giúp cán bộ phân tích theo nhiều chiều hướng khác nhau. Công ty đã tiến hành phân tích các chỉ tiêu quan trọng trong phân tích tình hình tài chính doanh nghiệp để đánh giá sự biến động cũng như đưa ra các giải pháp sử dụng tài chính của công ty một cách có hiệu quả, như: Phân tích sự biến động tài sản, nguồn vốn; phân tích kết quả hoạt động kinh doanh, phân tích tình hình công nợ và khả năng thanh toán; phân tích tình hình hoạt động; phân tích khả năng sinh lời.

 2. Những hạn chế trong phân tích tài chính công ty

 Bên cạnh những kết quả đã đạt được như trình bày ở trên, hoạt động phân tích tài chính tại Công ty cổ phần Tư vấn Sông Đà vẫn còn tồn tại một số hạn chế cần khắc phục sau:

 a. Về nội dung phân tích

 Nội dung phân tích nhìn chung đã đánh giá được khái quát tình hình tài chính của Công ty cổ phần Tư vấn Sông Đà. Tuy nhiên hệ thống các chỉ tiêu của hoạt động phân tích vẫn còn rời rạc chưa đồng bộ và thống nhất, hoạt động phân tích mới chỉ so sánh sự biến động, so sánh với trung bình ngành để xét tính phù hợp hay không, chứ chưa phân tích so sánh với đối thủ cạnh tranh và các DN có liên quan khác, chưa phân tích đến những tác động ảnh hưởng của các yếu tố kinh tế – xã hội,… Vì vậy, kết quả của đội ngũ phân tích đưa ra chưa đầy đủ và sắc bén.

 b. Về phương pháp phân tích

 Phương pháp công ty sử dụng là phương pháp truyền thống: So sánh và tỷ lệ. Chính vì vậy, cán bộ phân tích sẽ ít bị vấp váp trong công tác phân tích. Nhưng hoạt động phân tích tại công ty chủ yếu dừng lại ở việc phân tích các chỉ tiêu đơn lẻ rời rạc, chắp vá, chưa hình thành một chuỗi sự kiện có liên quan đến nhau. Phương pháp Dupont là phương pháp phân tích sự tác động tương hỗ giữa các tỷ số tài chính, biến một chỉ tiêu tổng hợp thành một hàm số của một loạt các biến số. Như vậy, do công ty chưa sử dụng phương pháp này nên hệ thống các chỉ tiêu của hoạt động phân tích chưa được đồng bộ và thống nhất.

 c. Về tài liệu phân tích

 Hệ thống thông tin sử dụng trong phân tích còn chưa đầy đủ, chủ yếu dựa vào số liệu trên Bảng cân đối kế toán và báo cáo kết quả kinh doanh và so sánh giữa các năm với nhau mà chưa có sự so sánh với các công ty cùng ngành, số liệu trung bình ngành,… Các thông tin về tình hình kinh tế – xã hội trong nước và thế giới, thông tin về các chính sách của Nhà nước, về xu hướng phát triển chung của ngành, thông tin về các đối thủ cạnh tranh, các đối tác gần như chưa được cập nhật và phổ biến.

 e. Về chỉ tiêu tài chính

 Các chỉ tiêu tài chính vẫn còn thiếu rất nhiều:

 – Nhóm chỉ tiêu về khả năng thanh toán: Hệ số vòng quay khoản phải thu, Tốc độ luân chuyển hàng tồn kho, Phân tích rủi ro về khả năng thanh toán dài hạn.

 – Nhóm chỉ tiêu về khả năng sinh lời: Hệ số vòng quay vốn, tỷ suất sinh lời trên vốn cổ phần thường (ROCE), thu nhập trên mỗi cổ phiếu thường (EPS).

 – Chưa thấy được sức mạnh tác dụng của đòn bẩy tài chính. Khi nhìn vào tỷ số này, chủ nợ có thể nhìn thấy được tỷ lệ góp vốn của chủ DN để có thể an tâm cho các món vay. Về phía DN khi huy động vốn bằng cách vay nợ, chủ DN sẽ được lợi mà vẫn nắm được quyền điều khiển DN. Khi DN tạo ra được lợi nhuận trên tiền vay nhiều hơn so với tiền lãi phải trả thì phần lợi nhuận dành cho các chủ sở hữu sẽ gia tăng.

 3. Nguyên nhân của những hạn chế

 Thứ nhất, công tác phân tích tình hình tài chính tại Công ty cổ phần Tư vấn Sông Đà chưa được tổ chức phù hợp, chưa theo đúng qui trình đặt ra. Việc phân tích chỉ được thực hiện vào cuối năm mà không được tổ chức thường xuyên, liên tục trong năm nên có những thời điểm, những tình huống cần sự phân tích và dự báo về hoạt động của Công ty cổ phần Tư vấn Sông Đà để ra quyết định phù hợp thì tại Công ty chưa thực hiện được.

 Thứ hai, các nhà quản lý có thể lợi dụng nguyên tắc kế toán để chủ động tạo ra các tỷ số tài chính như ý muốn của mình khiến cho việc phân tích báo cáo tài chính không còn là công cụ đánh giá khách quan.

 Thứ ba, đội ngũ phân tích tài chính hiện nay vẫn kiêm nhiệm cả nghiệp vụ kế toán, chưa thành lập được bộ phận chuyên trách.

 Thứ tư, chỉ tiêu trung bình ngành được xây dựng do cán bộ phân tích thực hiện. Chính vì vậy, độ chuẩn xác chưa cao. Hơn nữa, tại mỗi thời điểm các chỉ số của các đơn vị khác cùng ngành sẽ có những biến động. Tuy nhiên, bộ phận phân tích tại Công ty cổ phần Tư vấn Sông Đà chưa thể cập nhật và sửa đổi thường xuyên.

 Thứ năm, mức độ tin cậy của các số liệu trên báo cáo tài chính không cao, kể cả các báo cáo tài chính đã qua kiểm toán nên kết quả phân tích và đánh giá tình hình tài chính công ty thông qua phân tích báo cáo tài chính thường chỉ có giá trị tham khảo hơn là phản ánh thực trạng.

 Thứ sáu, hệ thống văn bản pháp quy thường xuyên thay đổi, chưa có qui định bắt buộc về công tác phân tích tài chính ở doanh nghiệp. Hiện nay ở nước ta vẫn chưa có số liệu thống kê về hệ thống các chỉ tiêu trung bình ngành. Điều này làm giảm đi phần nào ý nghĩa trong việc đánh giá tình hình tài chính tại Công ty cổ phần Tư vấn Sông Đà

 Thứ bảy, sự phát triển của công nghệ thông tin có vai trò hết sức quan trọng đối với công tác phân tích tài chính. Tuy nhiên, trên thực tế nước ta, công nghệ thông tin chưa thực sự là công cụ đắc lực cho hoạt động phân tích tài chính tại các doanh nghiệp.

 III. Những điều kiện cơ bản để nâng cao hiệu quả phân tích tình hình tài chính tại Công ty cổ phần Tư vấn Sông Đà

 Một là, cần hoàn thiện công tác tổ chức phân tích tình hình tài chính

 Để có thể thực hiện tốt các giải pháp hoàn thiện phân tích tình hình tài chính thì trước tiên Công ty cần phải hoàn thiện công tác tổ chức phân tích tình hình tài chính. Cần có một quy chế rõ ràng và một đội ngũ phân tích đầy đủ khả năng đáp ứng yêu cầu của công việc. Nếu vấn đề tổ chức không được thực hiện tốt thì việc phân tích sẽ rất khó đạt được kết quả như mong muốn.

 Hai là, nâng cao mức độ quan tâm của lãnh đạo Công ty cổ phần Tư vấn Sông Đà đến hoạt động phân tích tình hình tài chính. Công ty có thể chuyên môn hóa công việc tại phòng tài chính kế toán. Cán bộ phân tích vẫn trực thuộc tại phòng tài chính kế toán, nhưng chỉ chuyên môn hóa trong công việc phân tích.

 Ba là, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ thực hiện công tác phân tích tài chính. Với tình hình hiện nay, các DN nói chung và Công ty cổ phần Tư vấn Sông Đà nói riêng nên chú trọng chọn lựa và bồi dưỡng nghiệp vụ cho nhân viên sao cho phù hợp.

 Bên cạnh việc chú trọng đầu tư cho bộ phận phân tích trong doanh nghiệp, lãnh đạo Công ty cũng cần kết hợp sử dụng giải pháp thuê chuyên gia phân tích khi cần thiết để đảm bảo đáp ứng yêu cầu quản lý tài chính. Việc này sẽ có những thuận lợi là đưa ra những kết quả chính xác về tình hình tài chính, có những ý kiến đề xuất tư vấn hợp lý cho ban lãnh đạo kịp thời, tạo điều kiện nâng cao năng lực và kinh nghiệm cho các cán bộ trong Công ty.

 Bốn là, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng thông tin dùng cho công tác phân tích tình hình tài chính. Hiện nay thông tin sử dụng tại Công ty cổ phần Tư vấn Sông Đà vẫn còn chưa đầy đủ và hoàn chỉnh, chất lượng thông tin chưa thật tốt nên đã phần nào làm giảm chất lượng công tác phân tích. Vì vậy, để hoàn thiện công tác tài chính, Công ty cần nâng cao chất lượng hệ thống thông tin bao gồm cả thông tin trong và ngoài Công ty.

 Năm là, nâng cấp, cải thiện điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ công tác phân tích.

 Công ty cần có kế hoạch nâng cấp, cải thiện điều kiện cơ sở vật chất trong Công ty nói chung và phục vụ công tác phân tích tài chính nói riêng. Điều kiện làm việc thuận lợi các phòng ban đều hoạt động tốt thì hiệu quả công việc cũng được nâng cao.

 Sáu là, về phía Nhà nước cần hoàn thiện chế độ kế toán, chuẩn mực kế toán, chuẩn mực kiểm toán và chính sách pháp luật để phù hợp với sự phát triển nền kinh tế trong quá trình hội nhập, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế và giúp các doanh nghiệp hòa nhập.

 Bẩy là, Bộ Tài chính và các ngành, các cấp có liên quan cần có sự phối hợp để mở các khóa đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên nghiệp vụ phân tích hoạt động kinh doanh nói chung và hoạt động phân tích tài chính nói riêng cho các cán bộ chuyên môn của các doanh nghiệp.

 IV. Kết luận

 Phân tích tình hình tài chính nhất thiết phải là hoạt động thường xuyên và liên tục đối với các doanh nghiệp, không những thế phải trở thành một hệ thống phân tích chung cho từng ngành nghề từng lĩnh vực riêng biệt, để các doanh nghiệp căn cứ vào đó mà điều chỉnh sao cho tình hình tài chính của doanh nghiệp mình ngày càng vững chắc và phù hợp với quy mô chung của từng ngành nghề kinh doanh.

 

 

 

 Từ khóa: Phân tích tài chính, Công ty cổ phần Tư vấn Sông Đà, doanh nghiệp, điều hành hoạt động.