Giám định tư pháp là gì – Khó khăn vướng mắc

Giám định tư pháp là gì

 Giám định tư pháp là việc sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận về chuyên môn những vấn đề có liên quan đến vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự (sau đây gọi chung là vụ án) do người giám định tư pháp thực hiện theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng nhằm phục vụ cho việc giải quyết các vụ án.

Khó khăn vướng mắc trong giám định tư pháp

trước yêu cầu nâng cao chất lượng hoạt động giám định tư pháp, đặc biệt là phục vụ cho công cuộc đấu tranh, phòng, chống tham nhũng trong tình hình mới thì pháp luật về giám định tư pháp đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế:
    Một là, một số văn bản chưa được ban hành để hướng dẫn Luật giám định tư pháp. Luật giám định tư pháp năm 2012 và pháp luật về tố tụng quy định chưa đầy đủ, cụ thể về căn cứ, cách thức trưng cầu, đánh giá, sử dụng kết luận giám định, dẫn đến tình trạng một số trường hợp lạm dụng giám định, việc đánh giá, sử dụng kết luận giám định nhiều vụ việc còn lúng túng; quy định về thời hạn giám định chưa đầy đủ nên thời gian thực hiện giám định trong các vụ án kinh tế, tham nhũng thường bị kéo dài.
    Hai là, quy định trách nhiệm của cơ quan trưng cầu giám định và cá nhân, cơ quan, tổ chức thực hiện giám định chưa rõ ràng, thiếu chế tài bảo đảm thực hiện… dẫn đến một số trường hợp còn đùn đẩy, chậm trễ thực hiện giám định; việc phối hợp giữa cơ quan trưng cầu với cơ quan thực hiện giám định còn nhiều vướng mắc, chất lượng kết luận giám định trong một số trường hợp chưa đáp ứng yêu cầu.
    Ba là, cơ chế tài chính hiện hành về chi phí giám định tư pháp, nhất là quy trình, thủ tục thanh toán chưa phù hợp với đặc thù hoạt động giám định, gây ách tắc nhiều vụ việc giám định tư pháp.
    Bốn là, hiện nay tổ chức pháp y trong ngành y tế, công an và quân đội, nhất là ở địa phương đều có trung tâm pháp y và giám định viên pháp y làm giám định pháp y tử thi ở phòng kỹ thuật hình sự công an cấp tỉnh nên dẫn đến sự trùng lặp, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ của hai lực lượng này.
    Năm là, phần lớn giám định viên chưa được đào tạo chuyên sâu về nghiệp vụ; các giám định viên kiêm nhiệm có tâm lý e ngại không muốn làm giám định vì trách nhiệm pháp lý cao, trong khi các điều kiện thực hiện giám định chưa bảo đảm.
    Sáu là, về hoạt động giám định: Đa số các cơ quan tố tụng thường tập trung trưng cầu tổ chức giám định công lập, chưa trưng cầu các tổ chức chuyên môn có năng lực ở ngoài khu vực nhà nước; nhiều trường hợp việc giám định kéo dài ảnh hưởng đến thời hạn giải quyết, nhiều vụ án phải tạm đình chỉ để chờ kết quả giám định; một số cơ quan, tổ chức được trưng cầu còn từ chối, đùn đẩy việc tiếp nhận trưng cầu giám định; điều kiện thực hiện giám định ở nhiều lĩnh vực, nhất là trong lĩnh vực giám định không có tổ chức chuyên trách như tài chính, ngân hàng, môi trường, giao thông, khoa học công nghệ… còn hạn chế, chưa thực sự được bảo đảm nên việc giám định bị chậm hoặc gặp nhiều khó khăn, có thể ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng giám định; chất lượng kết luận giám định trong một số trường hợp chưa thực sự bảo đảm, còn chung chung, không rõ ràng những nội dung được yêu cầu, nhất là kết luận giám định trong trường hợp là nguồn chứng cứ quan trọng chứng minh tội phạm và nhiều khi là nguồn chứng cứ duy nhất khiến cơ quan tiến hành tố tụng lúng túng, khó khăn trong giải quyết vụ án; có sự khác nhau giữa các kết luận giám định về cùng một vấn đề được trưng cầu trong một số trường hợp, gây khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng…
Tag: xây dựng lệnh thuvienphapluat báo cáo tổng 2014 tác