Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự

 Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự

Người điều khiển phương tiện giao thông khi lưu thông phải mang theo các loại giấy tờ theo quy định của pháp luật. Nếu không có những giấy tờ này thì sẽ bị xử phạt tùy theo từng lỗi vi phạm. Theo điều 58 Luật giao thông đường bộ 2008, người lái xe khi điều khiển phương tiện phải mang theo 04 loại giấy tờ cần thiết là: Đăng ký xe, giấy phép lái xe đối với người điều khiển xe cơ giới quy định tại Điều 59 của Luật GTĐB, giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới quy định tại Điều 55 của Luật GTĐB, giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
Khi tham gia giao thông người điều khiển phương tiện phải mang theo giấy tờ gốc, không được sử dụng giấy tờ sao y. Tại Điều 3, Nghị định 23/2015/NĐ- CP quy định bản sao được cấp từ sổ gốc có giá trị sử dụng thay cho bản chính trong các giao dịch. Tuy nhiên đối với hoạt động quản lý hành chính nhà nước trong đó có hoạt động đảm bảo an toàn giao thông đường bộ, xử lý vi phạm hành chính thì không được sử dụng giấy tờ sao y mà phải sử dụng bản chính. Ngoài ra, Nghị định 46/2016/NĐ-CP có quy định một số lỗi cần áp dụng biện pháp bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép Lái xe; tạm giữ giấy tờ xe (giấy phép lái xe; đăng ký xe; chứng nhận kiểm định…) để người vi phạm phải thực hiện việc nộp phạt rồi mới trao trả lại giấy tờ chính. Vì vậy người tham gia giao thông buộc phải mang theo giấy tờ xe bản gốc khi tham gia giao thông. Đối với một số trường hợp xe mua trả góp, xe thế chấp ngân hàng (phía ngân hàng giữ giấy đăng ký) thì người tham gia giao thông buộc phải sử dụng giấy do phía ngân hàng cung cấp thay thế cho giấy đăng ký xe (có giấu đỏ và chữ ký xác nhận của phía ngân hàng – Không phải bản phô tô công chứng).
Giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm bảo hiểm xe cơ giới là một trong những loại giấy tờ cần thiết cần phải mang theo khi tham gia giao thông. Sở dĩ Nhà nước bắt buộc đối với bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới nhằm bảo vệ những quyền lợi hợp pháp của những người bị thiệt hại do lỗi của các chủ phương tiện gây ra, đồng thời cũng là bảo vệ lợi ích của toàn xã hội. Ngoài ra, việc quy định bắt buộc còn nâng cao trách nhiệm trong việc điều khiển xe, giúp cho các cơ quan quản lý số lượng đầu xe đang lưu hành và thống kê đầy đủ các vụ tai nạn, cũng như những nguyên nhân của nó để có các biện pháp đề phòng và hạn chế tổn thất một cách có hiệu quả. Hơn nữa, tính bắt buộc còn xuất phát từ việc thi hành nghiêm túc những quy định trong bộ luật dân sự, thể hiện sự công minh, công bằng của pháp luật.
Mức phạt vi phạm
Điều 21 nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 80.000 đồng đến 120.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực; Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực.
Như vậy có thể nói, để tránh bị xử phạt khi tham gia giao thông, người điều khiển phương tiện phải mang theo các loại giấy tờ và tuân thủ theo đúng các quy định trên./.
tag: nghỉ hưởng hóa gì giáo viên dạy chất nhập khẩu chuyên dùng tập huấn nghiệp kinh doanh vận tải