Hợp đồng theo đơn giá cố định là gì – Quy định về hợp đồng theo đơn giá cố định

Hợp đồng theo đơn giá cố định là gì

 Theo quy định tại Khoản 2 Điều 62 Luật Đấu thầu 2013 thì hợp đồng theo đơn giá cố định được quy định cụ thể như sau:

 Hợp đồng theo đơn giá cố định là hợp đồng có đơn giá không thay đổi trong suốt thời gian thực hiện đối với toàn bộ nội dung công việc trong hợp đồng. Nhà thầu được thanh toán theo số lượng, khối lượng công việc thực tế được nghiệm thu theo quy định trên cơ sở đơn giá cố định trong hợp đồng.

 Việc thanh toán đối với loại hợp đồng theo đơn giá cố định được thực hiện theo Điều 96 Nghị định 63/2014/NĐ-CP, cụ thể như sau:

 – Nguyên tắc thanh toán:

 + Giá trị thanh toán được tính bằng cách lấy đơn giá cố định trong hợp đồng nhân với khối lượng, số lượng công việc thực tế mà nhà thầu đã thực hiện;

 + Đối với công việc xây lắp, trường hợp khối lượng công việc thực tế mà nhà thầu đã thực hiện để hoàn thành theo đúng thiết kế ít hơn khối lượng công việc nêu trong hợp đồng, nhà thầu chỉ được thanh toán cho phần khối lượng thực tế đã thực hiện. Trường hợp khối lượng công việc thực tế mà nhà thầu đã thực hiện để hoàn thành theo đúng thiết kế nhiều hơn khối lượng công việc nêu trong hợp đồng, nhà thầu được thanh toán cho phần chênh lệch khối lượng công việc này với đơn giá không thay đổi nêu trong hợp đồng;

 + Chủ đầu tư, tư vấn giám sát và nhà thầu chịu trách nhiệm xác nhận vào biên bản nghiệm thu khối lượng hoàn thành để làm cơ sở thanh toán cho nhà thầu.

 – Hồ sơ thanh toán bao gồm:

 + Biên bản nghiệm thu khối lượng thực hiện trong giai đoạn thanh toán có xác nhận của đại diện nhà thầu, chủ đầu tư và tư vấn giám sát (nếu có);

 + Bản xác nhận khối lượng điều chỉnh tăng hoặc giảm so với hợp đồng có xác nhận của đại diện nhà thầu, chủ đầu tư và tư vấn giám sát (nếu có);

 + Bảng tính giá trị đề nghị thanh toán trên cơ sở khối lượng công việc hoàn thành đã được xác nhận và đơn giá ghi trong hợp đồng;

 + Đề nghị thanh toán của nhà thầu, trong đó nêu rõ khối lượng đã hoàn thành và giá trị hoàn thành, giá trị tăng (giảm) so với hợp đồng, giá trị đã tạm ứng, giá trị đề nghị thanh toán trong giai đoạn thanh toán;

 + Đối với công việc mua sắm hàng hóa: Tùy tính chất của hàng hóa để quy định hồ sơ thanh toán cho phù hợp như hóa đơn của nhà thầu, danh mục hàng hóa đóng gói, chứng từ vận tải, đơn bảo hiểm, Giấy chứng nhận chất lượng, biên bản nghiệm thu hàng hóa, Giấy chứng nhận xuất xứ và các tài liệu, chứng từ khác liên quan.

Quy định về hợp đồng theo đơn giá cố định

 + Khối lượng công việc chủ yếu và tiêu chuẩn áp dụng:

 Trong hợp đồng theo đơn giá cố định cần phải nêu cụ thể nội dung khối lượng công việc chủ yếu và những tiêu chuẩn áp dụng đối với tùy từng sản phẩm của hợp đồng xây dựng để tiến hành thực hiện.

 + Thời gian và tiến độ thực hiện:

 Trong hợp đồng bắt buộc phải có những nội dung sau: thời gian bắt đầu và thời gian hoàn thành (tính đến thời điểm bàn giao xong sản phẩm của hợp đồng); tiến độ thực hiện (tổng tiến độ của dự án, tiến độ riêng của từng danh mục, từng công việc).

 Nếu bên giao thầu với bên nhận thầu ký kết với nhau nhiều hợp đồng để thực hiện các công việc xây dựng thì tiến độ thực hiện giữa các hợp đồng phải phù hợp với tổng tiến độ của dự án. Hai bên phải thiết lập các phụ lục phần không tách rời của hợp đồng để quy định chi tiết yêu cầu về tiến độ đối với từng hợp đồng/ từng công việc phải thực hiện.

 + Giá hợp đồng:

 Giá hợp đồng theo đơn giá cố định được xác định theo sự thoả thuận của bên giao thầu và bên nhận thầu và không thay đổi trong quá trình thực hiện hợp đồng xây dựng, trừ các trường hợp sau (phải có quy định trong hợp đồng ngay khi ký):

 – Phát sinh điều chỉnh hoặc bổ sung khối lượng công việc so với hợp đồng:

 Nếu công việc phát sinh có đơn giá trong hợp đồng thì giá trị phần thay đổi được tính theo đơn giá đó. Nếu công việc phát sinh không có đơn giá trong hợp đồng thì giá trị phần thay đổi được tính dựa vào đơn giá địa phương nơi xây dựng tại thời điểm phát sinh, nếu không có đơn giá địa phương thì hai bên thỏa thuận để xây dựng mức giá mới và chỉ được áp dụng khi có phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền. Nếu khối lượng công việc tăng hoặc giảm lớn hơn 20% so với trong hợp đồng thì hai bên sẽ thỏa thuận để xác định đơn giá mới.

 – Khi Nhà nước thay đổi chính sách:

 Những chính sách ảnh hưởng có sự thay đổi như: tiền lương, giá nguyên vật liệu mà nhà nước quản lý giá hay thay đổi tỷ giá hối đoái (nếu phần vốn có sử dụng ngoại tệ),…. thì có thể thay đổi đơn giá nếu có sự cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

 – Lý do bất khả kháng:

 Các bên có thể thỏa thuận điều chỉnh lại giá trị hợp đồng phù hợp với quy định của pháp luật. Những lý do bất khả kháng được chấp nhận: động đất, bão, lũ, sóng thần, hỏa hoạn, các loại thiên tai khác; chiến tranh hoặc có nguy cơ xảy ra chiến tranh; …

 Đơn giá cố định được hai bên giao thầu và nhận thầu xác định ngay lúc ký hợp đồng xây dựng và là căn cứ để tính giá trị thanh toán khi công việc hoàn thành.

 Công thức tính giá trị thanh toán:

 Giá trị thanh toán hợp đồng = Đơn giá cố định x khối lượng/ số lượng công việc thực tế nhà thầu thực hiện.

 + Tạm ứng hợp đồng:

 Việc tạm ứng được thực hiện ngay sau khi hợp đồng theo đơn giá cố định có hiệu lực theo sự thỏa thuận của các bên. Mức tạm ứng được xác định theo sự thỏa thuận, nếu không có thỏa thuận được thực hiện theo quy định của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình.

 + Thanh toán hợp đồng

 Hai bên có thể thực hiện thanh toán theo giai đoạn hoặc theo khối lượng công việc hoàn thành hoặc thanh toán toàn bộ hợp đồng sau khi hoàn thành dựa trên đơn giá đã được xác định và khối lượng công việc thực tế thực hiện.

 + Tạm dừng, huỷ bỏ hợp đồng xây dựng:

 – Đối với việc tạm dừng thực hiện hợp đồng: một bên có quyền đơn phương tạm dừng nếu bên kia có lỗi và phải báo cho bên kia biết bằng văn bản. Hai bên sẽ bàn bạc để đưa ra cách giải quyết nhằm mục đích tiếp tục thực hiện hợp đồng đã ký kết. Mọi hệ quả phát sinh do tạm dừng hợp đồng do các bên thỏa thuận với nhau.

 – Đối với việc hủy bỏ hợp đồng: các bên đều có quyền hủy bỏ hợp đồng theo những quy định trong hợp đồng và phải thông báo trước cho bên kia.

 Mọi trường hợp phát sinh mà không thể thỏa thuận được, hai bên có thể giải quyết bằng hòa giải, Trọng tài hoặc Tòa án.

 + Quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng:

 Là cơ sở để giải quyết những bất đồng hay khi có tranh chấp; cũng như là những quy định ràng buộc trong quá trình thực hiện hợp đồng nên các bên tham gia hợp đồng cần phải quy định cụ thể và rõ ràng.

 + Hiệu lực của hợp đồng: 

 Như các loại hợp đồng khác, hiệu lực của hợp đồng theo đơn giá cố định được hai bên thỏa thuận và quy định trong hợp đồng.

 

  

  

  

  

 Tag: mẫu phí phòng nào