Kinh nghiệm du lịch điện biên

  • Lên Điện Biên vào dịp kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5 để hòa mình và chung vui cùng người dân Điện Biên trong dịp đặc biệt này. Tuy nhiên, dịp lễ này Điện Biên đặc biệt đông do các đoàn đổ về với số lượng rất lớn. Nếu đi dịp này các bạn nên đặt phòng khách sạn tại Tp Điện Biên Phủ trước khoảng 1-2 tháng.
  • Đi vào khoảng tháng 3 dương lịch là mùa hoa Ban nở trắng trời Tây Bắc.
  • Tháng 12 dương lịch, đoạn đường Quốc lộ 6 đi Điện Biên hoa dã quỳ nở vàng rực 2 bên đường.
  • Đi vào khoảng tháng 8-9 để kết hợp đi ngắm lúa ở một số vùng khác như Mù Cang Chải, Sa Pa
  • Đi vào tháng 11 để kết hợp đi ngắm hoa cải ở Mộc Châu.
  • Nếu muốn leo A Pa Chải các bạn nên tránh thời điểm mùa hè bởi tầm này là mùa mưa Tây Bắc cùng với cái nắng oi của mùa hè sẽ rất mệt mỏi và mất sức.

Hướng dẫn đi đến Điện Biên

 Đường bộ lên Điện Biên sẽ qua đèo Pha Đin, một trong tứ đại đỉnh đèo miền Bắc (Ảnh – ThànhRx)

 Điện Biên nằm cách khá xa Hà Nội (vào khoảng 500km để tới Tp Điện Biên Phủ) do đó thời gian di chuyển tới Điện Biên khá dài. Hiện chỉ có 2 cách để tới Điện Biên là phương tiện đường bộ hoặc đường hàng không.

Phương tiện cá nhân

 Từ Hà Nội tới Điện Biên (thành phố Điện Biên Phủ) vào khoảng 500km, với địa hình đèo núi thì các bạn sẽ mất khoảng 10-12 tiếng để di chuyển tới đây. Quãng đường chạy dọc QL6 đi qua rất nhiều địa điểm đẹp như Mai Châu, Mộc Châu, Sơn La… mà các bạn có thể dừng lại trước khi tới đây.

Phương tiện công cộng

Đường bộ

 Xe giường nằm đi Điện Biên chạy hàng ngày tại Bến xe Mỹ Đình, thời gian xe chạy vào khoảng 12-13 tiếng. Đi bằng xe giường nằm có một lợi thế nữa là có thể gửi xe máy kèm theo. Nếu không thích đi bằng ô tô các bạn cũng có thể lập lịch trình đi xe máy thẳng từ Hà Nội lên Điện Biên, với chặng đường khoảng 500km bạn sẽ mất nguyên một ngày để di chuyển thẳng.

 Xem thêm bài viết: Xe khách đi Điện Biên (Cập nhật 10/2020)

Đường không

 Vasco hiện là hãng hàng không duy nhất có đường bay tới Điện Biên (Ảnh – Du Nguyen)

 Hiện tại Vietnam Airlines Vasco (một hãng con của Vietnam Airlines) là hãng duy nhất khai thác đường bay Hà Nội – Điện Biên, máy bay sử dụng cho đường bay này là ATR 72 với tần suất 2 chuyến một ngày. Thời gian bay lên tới Điện Biên chỉ khoảng 1 tiếng nên sẽ tiết kiệm hơn rất nhiều so với việc đi bằng ô tô.

Nên đi Điện Biên mùa nào?

 Điện Biên có khí hậu nhiệt đới gió mùa núi cao nên nhiệt độ khá mát mẻ với nhiệt độ trung bình từ 21 đến 230C. Mưa lớn thường tập trung vào các tháng 6, 7, 8. Bạn nên tránh đi du lịch đến Điện Biên trong thời gian này vì đường đi sẽ khá trơn trượt, dễ sạt lở, không phù hợp để đi chơi hay ngắm cảnh. Các tháng khô hạn bắt đầu từ tháng 12 năm trước đến tháng 3 năm sau. Tuy vậy các tháng này thường có nhiệt độ về đêm khá thấp – đôi khi nhiệt độ hạ chỉ còn 120C.

 Bạn cũng có thể ghé thăm Điện Biên vào kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ (ngày 7/5) để tham gia vào các hoạt động văn hóa. Ngoài ra, bạn có thể chọn một trong các tháng sau để du lịch Điện Biên ngắm cảnh như tháng 3 (mùa hoa Ban), tháng 9 (mùa lúa chín), tháng 12 (mùa hoa Dã Quỳ).

Những điểm nào nên tham quan khi đến Điện Biên

 Các di tích nổi bật ngay trung tâm thành phố bao gồm đồi A1, C1, C2, D1, cứ điểm Hồng Cúm, đồi Độc Lập, sân bay Mường Thanh, hầm tướng de Castries, nghĩa trang liệt sĩ, tượng đài chiến thắng Điện Biên – gồm ba bức tượng bộ đội với chiều cao 16,6 m bằng đồng thau nằm ở đồi D1, bảo tàng lịch sử – nơi lưu giữ những kỷ vật lịch sử trong chiến thắng “chấn động địa cầu” nằm đối diện nghĩa trang liệt sĩ trên đồi A1.

 Ngoài ra, bạn nên ghé thăm Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ nằm trong một khu rừng nguyên sinh ở xã Mường Phăng, cách thành phố 25 km. Hay thư giãn ở suối khoáng nóng U Va và suối khoáng nóng Hua Pe là những khu nghỉ dưỡng có cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng. Nếu còn thời gian ở Điện Biên bạn có thể ghé thăm hồ Pá Khoang với thảm thực vật phong phú, cảnh sắc thiên nhiên đầy màu sắc cùng những rừng hoa phong lan tuyệt đẹp quanh hồ; hay cánh đồng Mường Thanh rộng lớn, trải dài hơn 20 km và rộng 6 km, được mệnh danh là “cái kho” chứa đầy ngô lúa.

 Còn nhiều địa danh nổi bật khác phải kể đến như Thành Bản Phủ, đền thờ Hoàng Công Chất, vườn anh đào Mường Phăng, các bản làng văn hóa của cộng đồng người dân tộc tiểu số, tháp Mương Luân, động Xá Nhè, tháp Chiềng Sơ… Một địa danh nổi bật khác cũng rất thu hút cộng động phượt thủ trên cả nước là cực Tây A Pa Chải – ngã ba biên giới giữa Việt Nam, Lào, Trung Quốc cách trung tâm Điện Biên 250km.

Tượng đài chiến thắng Điện Biên

 Quần thể tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ (Ảnh – Bá Dũng Nguyễn)

 Quần thể tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ gồm 3 bộ đội đứng quay lưng vào nhau, nâng một em bé Thái, trên cùng là lá cờ quyết chiến quyết thắng. Tượng có chiều cao 16,6m, chất liệu bằng đồng thau, trong ruột kết cấu bê tông cốt thép, trọng lượng 220 tấn. Bệ tượng cao 3,6m kết cấu bêtông cốt thép, bên ngoài ốp đá mỹ nghệ, gồm 3 tầng hình chữ nhật xếp chéo lên nhau. Do nhà điêu khắc Nguyễn Hải – người từng được trao giải thưởng Hồ Chí Minh thiết kế trên cơ sở tượng Điện Biên Phủ của ông trong thập niên 60 (1960 – 1965).

 Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ được đặt trên đồi D1 nằm ở vị trí trung tâm thành phố Điện Biên Phủ – tỉnh Điện Biên. Trên cơ sở tham khảo ý kiến của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng việc thực hiện một kế hoạch khảo sát, Viện Quy hoạch Đô thị – Nông thôn (Bộ Xây dựng) đã đề xuất chọn địa điểm đồi D1. Nằm ở vị trí trung tâm khu di tích, cao khoảng 50m so với cánh đồng Mường Thanh, đây là địa điểm mà cả khu vực thị xã đều nhìn thấy …

 Ngày 23 tháng 2 năm 2004 tượng đài “Chiến thắng Điện Biên” được chia thành 12 phần đã được 11 chiếc xe rơmooc siêu nặng vận chuyển từ Nam Định đưa về thành phố Điện Biên.

Đồi A1

 Toàn cảnh đồi A1 (Ảnh – yoshiiaki ishii)

 Đồi A1 nằm ở phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, là cứ điểm quan trọng bậc nhất trong tập đoàn cứ điểm của thực dân Pháp ở Điện Biên Phủ. Đồi A1 nằm dài theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, bao gồm 2 đỉnh: Tây Bắc cao hơn 490m, Đông Nam cao hơn 493m. A1 là ký hiệu mà quân đội Việt Nam đặt cho quả đồi. Sáng ngày 7/5/1954 quân đội Việt Nam đã chiếm được đồi A1.

 Hiện nay, trên đỉnh Tây Bắc của đồi A1 có đài kỷ niệm được xây theo kiểu “Tam sơn”, ở giữa cao, hai bên thấp và đều có hình mái đầu đạo. Phía trước là lư hương, ở giữa là tấm bia, phù hiệu Quốc kỳ, sao vàng nền tròn đỏ, xung quanh là vòng tương hoa.

 Bên cạnh đài kỷ niệm là xác một trong hai chiếc xe tăng nặng 18 tấn được Quan Ba Hécvuê đưa từ trung tâm Mường Thanh lên để phản kích quân đội Việt Nam. Một di tích quan trọng nữa là cái hố hình phễu to bằng cái “ao đình” cạn. Đó là dấu tích trận nổ khối bộc phá nghìn cân của quân ta mà chiến sĩ ta thường gọi “đào hầm để trị hầm”, trị cả hầm, cả lô cốt cố thủ của giặc.

Nghĩa trang liệt sỹ Đồi A1

 Nghĩa trang liệt sỹ Điện Biên Phủ trên đồi A1 (Ảnh – Hoang Duy)

 Nghĩa trang liệt sỹ A1, nằm cách điểm di tích lịch sử đồi A1 (thành phố Điện Biên Phủ) vài trăm mét về phía nam, được xây dựng năm 1958.

 Nơi đây có 644 ngôi mộ là những cán bộ, chiến sỹ quân đội đã hy sinh anh dũng trong chiến dịch Điện Biên Phủ hầu hết là các ngôi mộ vô danh, chỉ có 4 ngôi mộ có tên là các anh hùng liệt sỹ: Tô Vĩnh Diện, Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn, Trần Can. Không gian Nghĩa trang rất yên tĩnh, không khí trong lành, môi trường xanh, sạch, đẹp. Hàng ngày, nghĩa trang mở cửa từ sáng đến chiều tối để đón du khách từ các tỉnh trong nước và quốc tế viếng thăm.

Hầm Đờ Cát

 Hầm chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ (Ảnh – tùng đào duy)

 Hầm chỉ huy của tướng Đờ Cát nằm ở trung tâm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, thuộc cánh đồng Mường Thanh, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Cấu trúc và cách bố trí, sắp xếp của căn hầm vẫn còn được giữ nguyên. Xung quanh hầm là hàng rào phòng thủ với hệ thống dây kẽm gai dày đặc và bốn chiếc xe tăng. Hầm Đờ Cát dài 20m và rộng 8m, bao gồm bốn gian dùng cho cả nơi ở và làm việc.

Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ

 Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ nằm trong khu rừng Mường Phăng (Ảnh – Minh Tran)

 Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ nằm trong một khu rừng nguyên sinh tại địa phận xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, cách thành phố Điện Biên Phủ 25 km về phía đông. Đây là nơi làm việc của các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Hoàng Văn Thái… Gần với Sở chỉ huy có đài quan sát trên đỉnh núi độ cao trên 1.000m, từ đài quan sát này có thể bao quát hoạt động và diễn biến ở thung lũng Mường Thanh. Sở chỉ huy gồm:

  • Chòi canh gác số 1
  • Hầm thông tin liên lạc
  • Đài quan sát
  • Lán ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp
  • Lán ở và làm việc của Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái
  • Đường hầm xuyên núi dài 96m nối liền lán của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái
  • Hầm của ban cố vấn Trung Quốc
  • Nhà hội trường
  • Hầm ban chính trị
Bảo tàng chiến thắng Điện Biên Phủ

 Bảo tàng chiến thắng Điện Biên Phủ (Ảnh – ミンハイ)

 Bảo tàng Điện Biên tọa lạc tại Phố 1, P Mường Thanh, Tp Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. Bảo tàng Điện Biên Phủ được xây dựng vào năm 1984 nhân dịp kỷ niệm 30 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

 Vào cuối năm 2003, bảo tàng Điện Biên Phủ đã tiến hành nâng cấp và chỉnh lý lại khu trưng bầy. Đến nay bảo tàng có 5 khu trưng bầy với 274 hiện vật và 122 bức tranh theo từng chủ đề sau:

  • Vị trí chiến lược của Điện Biên Phủ.
  • Tập đoàn cứ điểm của địch tại Điện Biên Phủ.
  • Đảng chuẩn bị đường lối chỉ đạo cho chiến dịch Điện Biên Phủ.
  • Ảnh hưởng của chiến thắng Điện Biên Phủ.
  • Điện Biên Phủ ngày nay.

Cầu Mường Thanh

 Cầu Mường Thanh (Ảnh – Nguyen Chat)

 Được Pháp gọi là cầu “Prenley”, là cây cầu bắc qua sông Nậm Rốm, ở địa điểm cách ngã ba đường 279 hiện nay khoảng 300 m. Cây cầu là một công trình quân sự nằm trong phân khu trung tâm của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Cầu sắt Mường Thanh là chiếc cầu dã chiến được làm sẵn và vận chuyển từ nước Pháp sang lắp ghép tại Điện Biên. Toàn bộ cây cầu dài 40m, rộng 5m. Hai bên thành cầu là những thanh sắt chống đỡ đơn giản không có trục giữa, sàn cầu lát bằng gỗ, dưới là những thanh dầm bằng sắt được liên kết với nhau rất chắc chắn.

Cánh đồng Mường Thanh

 Cánh đồng Mường Thanh (Ảnh – DucTiep)

 Từ lâu, câu truyền khẩu “Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc” đã ăn sâu trong tiềm thức của mỗi người dân Tây Bắc với ngụ ý xếp hạng các cánh đồng. So với cánh đồng Mường Lò, Yên Bái; cánh đồng Mường Than, Lai Châu, cánh đồng Mường Tấc, Sơn La, cánh đồng Mường Thanh, Điện Biên được đánh giá là rộng lớn nhất. Nằm trên độ cao hơn 400 m so với mặt nước biển, cánh đồng Mường Thanh trải dài hơn 20 km với chiều rộng trung bình 6 km.

 Nằm giữa lòng chảo Điện Biên, cánh đồng Mường Thanh được ví như một “cái kho” khổng lồ chứa đầy ngô lúa. Từ cuối tháng 9, lúa mùa khu vực lòng chảo Mường Thanh bắt đầu chín rộ, khiến du khách ghé thăm ngỡ như đi giữa mùa vàng. Một cảm giác thân thuộc của cánh đồng quê Bắc Bộ trải dài ngút mắt, nhưng vẻ đẹp kiêu hùng của cánh đồng lúa bốn bề núi bọc cũng chẳng hề xen lẫn.

 Không chỉ nổi tiếng về diện tích mênh mông, với điều kiện thâm canh thuận lợi, cánh đồng Mường Thanh còn mang đến cho đời những hạt ngọc thơm ngon đặc biệt với thương hiệu gạo Điện Biên nổi tiếng. Hạt gạo nhỏ, có hương thơm tự nhiên, khi nấu cơm trắng, dẻo ngọt và có vị đậm đà. Hạt gạo từ cánh đồng Mường Thanh đã mang đến vẻ đẹp trù phú cho vùng đất Điện Biên vốn vang danh với những chiến công hiển hách.

 Nói đến cánh đồng “Nhất Thanh” không thể không nhắc đến dòng sông Nậm Rốm đầy ắp phù sa, bồi đắp ngày ngày. Từ góc độ nào, sông Nậm Rốm cũng hiện ra như một nét vẽ xanh biếc giữa bức tranh lúa đồng rộng lớn. Hai bên bờ cây cối xanh mướt, điểm tô những chùm hoa chuối sắc đỏ lung linh, nghiêng mình soi bóng. Bắc qua sông Nậm Rốm là cầu Mường Thanh yên bình và thơ mộng. Hiện cầu chỉ dành cho xe đạp, xe máy và người đi bộ, nhiều người đến đây để tìm về quá khứ oanh liệt một thời.

 Nguồn: https://cungphuot.info/kinh-nghiem-du-lich-dien-bien-post4918.cp

  

  

  

  

  

  

  

 Tag: phóng vụ giết hoan hô duyên báo ubnd sản hát nữ đồ án trầm giáo dục y chợ đẳng sư phạm an ninh tv vân cổng tử giao gà tour nhiêu lời mời 10 thảo bệnh đa khoa nhạc dự tuần tốt huế tai nạn tức online vnpt bông ủy 2018 pc mới hôm séng cù si tám hãy biết “giải tác? thiệu thoại vé thịt trâu bếp nhé phim pồ gái ship cúp nai múa nếp nương mp3 học viettel tuyển tải kinh kỹ thuật chít mã him lam ức tím phát ảng fpt thcs tịch cục thuế hại chuỗi vtv tài nghề ruby lừng lẫy chấn gì tra khám beat mẹ óc chó zip code hạc vỹ bất cẩm