LUẬT TỔ CHỨC CƠ QUAN ĐIỀU TRA HÌNH SỰ 99/2015/QH13

 Dvdn247 luôn cố gắng cập nhất nội dung bộ văn bản pháp luật mới nhất, những sửa đổi và mục lục. Quý độc giả có thể copy văn bản luật về file word thay vì download và tải về

 

QUỐC HỘI
Số: 99/2015/QH13
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 26 tháng 11 năm 2015

 LUẬT

 TỔ CHỨC CƠ QUAN ĐIỀU TRA HÌNH SỰ

 _________________

 

 Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

 Quốc hội ban hành Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự.

 Chương I

 NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

 Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

 Luật này quy định về nguyên tắc tổ chức điều tra hình sự; tổ chức bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan điều tra; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; Điều tra viên và các chức danh khác trong điều tra hình sự; quan hệ phân công, phối hợp và kiểm soát trong hoạt động điều tra hình sự; bảo đảm điều kiện cho hoạt động điều tra hình sự và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

 Điều 2. Đối tượng áp dụng

 1. Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.

 2. Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng, Điều tra viên, Cán bộ điều tra của Cơ quan điều tra; Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng và cán bộ điều tra của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.

 3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

 Điều 3. Nguyên tắc tổ chức điều tra hình sự

 1. Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật.

 2. Bảo đảm sự chỉ đạo, chỉ huy tập trung thống nhất, hiệu lực, hiệu quả; phân công, phân cấp rành mạch, chuyên sâu, tránh chồng chéo và được kiểm soát chặt chẽ; điều tra kịp thời, nhanh chóng, chính xác, khách quan, toàn diện, đầy đủ, không để lọt tội phạm và không làm oan người vô tội.

 3. Cơ quan điều tra cấp dưới chịu sự hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ của Cơ quan điều tra cấp trên; cá nhân chịu trách nhiệm trước cấp trên và trước pháp luật về hành vi, quyết định của mình.

 4. Chỉ cơ quan, người có thẩm quyền quy định trong Luật này mới được tiến hành hoạt động điều tra hình sự.

 Điều 4. Hệ thống Cơ quan điều tra

 1. Cơ quan điều tra của Công an nhân dân.

 2. Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân.

 3. Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

 Điều 5. Cơ quan điều tra của Công an nhân dân

 1. Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an; Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Cơ quan An ninh điều tra Công an cấp tỉnh).

 2. Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an; Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh); Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện).

 Điều 6. Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân

 1. Cơ quan An ninh điều tra Bộ Quốc phòng; Cơ quan An ninh điều tra quân khu và tương đương.

 2. Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng; Cơ quan điều tra hình sự quân khu và tương đương; Cơ quan điều tra hình sự khu vực.

 Điều 7. Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao

 1. Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

 2. Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương.

 Điều 8. Nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan điều tra

 1. Tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.

 2. Tiếp nhận hồ sơ vụ án do cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra chuyển giao.

 3. Tiến hành điều tra các tội phạm, áp dụng mọi biện pháp do luật định để phát hiện, xác định tội phạm và người thực hiện hành vi phạm tội; lập hồ sơ, đề nghị truy tố.

 4. Tìm ra nguyên nhân, điều kiện phạm tội và yêu cầu các cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng các biện pháp khắc phục và ngăn ngừa.

 Điều 9. Các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra

 1. Các cơ quan của Bộ đội biên phòng được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra gồm có Cục trinh sát biên phòng; Cục phòng, chống ma túy và tội phạm; Đoàn đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm; Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng cấp tỉnh; Ban chỉ huy Biên phòng Cửa khẩu cảng; Đồn biên phòng.

 2. Các cơ quan của Hải quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra gồm có Cục Điều tra chống buôn lậu; Cục Kiểm tra sau thông quan; Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Chi cục Hải quan cửa khẩu.

 3. Các cơ quan của Kiểm lâm được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra gồm có Cục Kiểm lâm; Chi cục Kiểm lâm vùng; Chi cục Kiểm lâm cấp tỉnh; Hạt Kiểm lâm.

 4. Các cơ quan của lực lượng Cảnh sát biển được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra gồm có Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển; Bộ Tư lệnh vùng Cảnh sát biển; Cục Nghiệp vụ và pháp luật; Đoàn đặc nhiệm phòng, chống tội phạm ma túy; Hải đoàn; Hải đội; Đội nghiệp vụ.

 5. Các cơ quan của Kiểm ngư được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra gồm có Cục Kiểm ngư, Chi cục Kiểm ngư vùng.

 6. Các cơ quan của Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra gồm có Cục Quản lý xuất nhập cảnh; các cục nghiệp vụ an ninh ở Bộ Công an; Phòng Quản lý xuất nhập cảnh; các phòng nghiệp vụ an ninh thuộc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Công an cấp tỉnh) và Đội An ninh ở Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Công an cấp huyện); Cục Cảnh sát giao thông; Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường; Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; Phòng Cảnh sát giao thông; Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường; Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Trại giam.

 7. Các cơ quan khác trong Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra gồm có Trại giam, đơn vị độc lập cấp trung đoàn và tương đương.

 Điều 10. Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra

 Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra khi thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực quản lý của mình mà tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm hoặc phát hiện hành vi phạm tội đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì tiến hành các hoạt động kiểm tra, xác minh và điều tra theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự và Luật này.

 Điều 11. Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động điều tra

 1. Viện kiểm sát kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động điều tra nhằm bảo đảm cho hoạt động điều tra của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra tuân thủ các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự và Luật này; phải phát hiện kịp thời và yêu cầu, kiến nghị Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra khắc phục vi phạm pháp luật trong hoạt động điều tra.

 2. Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thực hiện yêu cầu, quyết định của Viện kiểm sát theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự; xem xét, giải quyết, trả lời kiến nghị của Viện kiểm sát theo quy định của pháp luật.

 Điều 12. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân trong hoạt động điều tra hình sự

 1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ phát hiện, tố giác, báo tin về tội phạm, vụ việc phạm tội, kiến nghị khởi tố; có trách nhiệm thực hiện yêu cầu, quyết định và tạo điều kiện để Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, người có thẩm quyền điều tra hình sự thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong hoạt động điều tra hình sự.

 2. Cơ quan nhà nước có trách nhiệm thông báo ngay cho Cơ quan điều tra mọi hành vi phạm tội xảy ra trong cơ quan và trong lĩnh vực quản lý của mình; có quyền kiến nghị và gửi tài liệu có liên quan cho Cơ quan điều tra để xem xét khởi tố đối với người có hành vi phạm tội; thực hiện yêu cầu và tạo điều kiện để Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, người có thẩm quyền điều tra hình sự thực hiện nhiệm vụ điều tra.

 3. Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có trách nhiệm tiếp nhận, xem xét, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; thông báo kết quả giải quyết cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đã kiến nghị, tố giác, báo tin về tội phạm và phải áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ người đã tố giác tội phạm.

 Điều 13. Giám sát của cơ quan, tổ chức, đại biểu dân cử đối với hoạt động điều tra hình sự

 Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận giám sát hoạt động điều tra của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, người có thẩm quyền điều tra hình sự theo quy định của pháp luật.

 Trong phạm vi trách nhiệm của mình, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải xem xét, giải quyết và thông báo kết quả giải quyết cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đã yêu cầu, kiến nghị theo quy định của pháp luật.

 Điều 14. Những hành vi bị nghiêm cấm

 1. Làm sai lệch hồ sơ vụ án; truy cứu trách nhiệm hình sự người không có hành vi phạm tội; không truy cứu trách nhiệm hình sự người có hành vi phạm tội đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự; ra quyết định trái pháp luật; ép buộc người khác làm trái pháp luật; làm lộ bí mật điều tra vụ án; can thiệp trái pháp luật vào việc điều tra vụ án hình sự.

 2. Bức cung, dùng nhục hình và các hình thức tra tấn hoặc đối xử, trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo, hạ nhục con người hay bất kỳ hình thức nào khác xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

 3. Cản trở người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can thực hiện quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa, trợ giúp pháp lý; quyền khiếu nại, tố cáo; quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự.

 4. Cản trở người bào chữa, người thực hiện trợ giúp pháp lý thực hiện việc bào chữa, trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật.

 5. Chống đối, cản trở hoặc tổ chức, lôi kéo, xúi giục, kích động, cưỡng bức người khác chống đối, cản trở hoạt động điều tra hình sự; xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người thi hành công vụ trong điều tra hình sự.

 Chương II

 TỔ CHỨC BỘ MÁY, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA CƠ QUAN ĐIỀU TRA CỦA CÔNG AN NHÂN DÂN

 Mục 1

 TỔ CHỨC BỘ MÁY, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA CƠ QUAN AN NINH ĐIỀU TRA

 Điều 15. Tổ chức bộ máy của Cơ quan An ninh điều tra

 1. Tổ chức bộ máy của Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an gồm có các phòng điều tra, phòng nghiệp vụ và Văn phòng Cơ quan An ninh điều tra.

 2. Tổ chức bộ máy của Cơ quan An ninh điều tra Công an cấp tỉnh gồm có các đội điều tra, đội nghiệp vụ và bộ máy giúp việc Cơ quan An ninh điều tra.

 Điều 16. Nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an

 1. Tổ chức công tác trực ban hình sự, tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; phân loại và trực tiếp giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố thuộc thẩm quyền giải quyết của mình hoặc chuyển ngay đến cơ quan có thẩm quyền để giải quyết.

 2. Tiến hành điều tra vụ án hình sự về các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc có yếu tố nước ngoài thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan An ninh điều tra Công an cấp tỉnh quy định tại khoản 2 Điều 17 của Luật này nếu xét thấy cần trực tiếp điều tra; vụ án đặc biệt nghiêm trọng thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan An ninh điều tra của Công an nhân dân do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hủy để điều tra lại.

 3. Hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ điều tra và kiểm tra việc chấp hành pháp luật, nghiệp vụ trong hoạt động điều tra, xử lý tội phạm của Cơ quan An ninh điều tra Công an cấp tỉnh; hướng dẫn các cơ quan của lực lượng An ninh nhân dân thuộc Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thực hiện hoạt động điều tra.

 4. Kiến nghị với cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng biện pháp khắc phục nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh tội phạm.

 5. Tổ chức sơ kết, tổng kết công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và công tác điều tra, xử lý tội phạm trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan An ninh điều tra của Công an nhân dân.

 6. Giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.

 Điều 17. Nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan An ninh điều tra Công an cấp tỉnh

 1. Tổ chức công tác trực ban hình sự, tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; phân loại và trực tiếp giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố thuộc thẩm quyền giải quyết của mình hoặc chuyển ngay đến cơ quan có thẩm quyền để giải quyết.

 2. Tiến hành điều tra vụ án hình sự về các tội phạm quy định tại Chương XIII, Chương XXVI và các tội phạm quy định tại các điều 207, 208, 282, 283, 284, 299, 300, 303, 304, 305, 309, 337, 338, 347, 348, 349 và 350 của Bộ luật hình sự khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân; tiến hành điều tra vụ án hình sự về tội phạm khác liên quan đến an ninh quốc gia hoặc để bảo đảm khách quan theo sự phân công của Bộ trưởng Bộ Công an.

 3. Hướng dẫn các cơ quan của lực lượng An ninh nhân dân thuộc Công an cấp tỉnh được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thực hiện hoạt động điều tra.

 4. Kiến nghị với cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng biện pháp khắc phục nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh tội phạm.

 5. Tổ chức sơ kết, tổng kết công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và công tác điều tra, xử lý tội phạm của lực lượng An ninh nhân dân thuộc Công an cấp tỉnh báo cáo Thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an.

 6. Giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định Bộ luật tố tụng hình sự.

 Mục 2

 TỔ CHỨC BỘ MÁY, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA CƠ QUAN CẢNH SÁT ĐIỀU TRA

 Điều 18. Tổ chức bộ máy của Cơ quan Cảnh sát điều tra

 1. Tổ chức bộ máy của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an gồm có:

 a) Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra;

 b) Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (gọi tắt là Cục Cảnh sát hình sự);

 c) Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và chức vụ;

 d) Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy;

 đ) Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, xâm phạm sở hữu trí tuệ (gọi tắt là Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về buôn lậu).

 2. Tổ chức bộ máy của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh gồm có:

 a) Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra;

 b) Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (gọi tắt là Phòng Cảnh sát hình sự);

 c) Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và chức vụ;

 d) Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy;

 đ) Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, xâm phạm sở hữu trí tuệ (gọi tắt là Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về buôn lậu).

 3. Tổ chức bộ máy của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện gồm có:

 a) Đội Điều tra tổng hợp;

 b) Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (gọi tắt là Đội Cảnh sát hình sự);

 c) Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ;

 d) Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy.

 Căn cứ tình hình tội phạm và yêu cầu thực tiễn, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định thành lập từ một đến bốn đội trong Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện quy định tại khoản này; quyết định giải thể, sáp nhập, thu gọn đầu mối các đội trong Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện.

 Điều 19. Nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an

 1. Tổ chức công tác trực ban hình sự, tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; phân loại và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố thuộc thẩm quyền giải quyết của mình hoặc chuyển ngay đến cơ quan có thẩm quyền để giải quyết.

 2. Tiến hành điều tra vụ án hình sự thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh về những tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, xảy ra trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia nếu xét thấy cần trực tiếp điều tra; các vụ án đặc biệt nghiêm trọng thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hủy để điều tra lại.

 3. Hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ điều tra và kiểm tra việc chấp hành pháp luật, nghiệp vụ trong công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và công tác điều tra, xử lý tội phạm đối với các cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh, Công an cấp huyện; hướng dẫn các cơ quan của lực lượng Cảnh sát nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thực hiện hoạt động điều tra.

 4. Kiến nghị với cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng biện pháp khắc phục nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh tội phạm.

 5. Tổ chức sơ kết, tổng kết công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và công tác điều tra, xử lý tội phạm thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan Cảnh sát điều tra của Công an nhân dân.

 6. Giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.

 Điều 20. Nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh

 1. Tổ chức công tác trực ban hình sự, tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; phân loại và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố thuộc thẩm quyền giải quyết của mình hoặc chuyển ngay đến cơ quan có thẩm quyền để giải quyết.

 2. Tiến hành điều tra vụ án hình sự về các tội phạm quy định tại khoản 2 Điều 21 của Luật này khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc các tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện xảy ra trên địa bàn nhiều huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, phạm tội có tổ chức hoặc có yếu tố nước ngoài nếu xét thấy cần trực tiếp điều tra.

 3. Hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ điều tra và kiểm tra việc chấp hành pháp luật, nghiệp vụ trong công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và công tác điều tra, xử lý tội phạm đối với Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện; hướng dẫn các cơ quan của lực lượng Cảnh sát nhân dân thuộc Công an cấp tỉnh được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thực hiện hoạt động điều tra.

 4. Kiến nghị với cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng các biện pháp khắc phục nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh tội phạm.

 5. Tổ chức sơ kết, tổng kết công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và công tác điều tra, xử lý tội phạm trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện.

 6. Giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.

 Điều 21. Nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện

 1. Tổ chức công tác trực ban hình sự, tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; phân loại và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố thuộc thẩm quyền giải quyết của mình hoặc chuyển ngay đến cơ quan có thẩm quyền để giải quyết.

 2. Tiến hành điều tra vụ án hình sự về các tội phạm quy định tại các chương từ Chương XIV đến Chương XXIV của Bộ luật hình sự khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp huyện, trừ các tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Cơ quan An ninh điều tra của Công an nhân dân.

 3. Kiến nghị với cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng biện pháp khắc phục nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh tội phạm.

 4. Kiểm tra, hướng dẫn Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận, kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm.

 5. Tổ chức sơ kết, tổng kết công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và công tác điều tra, xử lý tội phạm của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện.

 6. Giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.

 Chương III

 TỔ CHỨC BỘ MÁY, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA CƠ QUAN ĐIỀU TRA TRONG QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN

 Mục 1

 TỔ CHỨC BỘ MÁY, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA CƠ QUAN AN NINH ĐIỀU TRA TRONG QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN

 Điều 22. Tổ chức bộ máy của Cơ quan An ninh điều tra trong Quân đội nhân dân

 1. Tổ chức bộ máy của Cơ quan An ninh điều tra Bộ Quốc phòng gồm có các phòng điều tra, phòng nghiệp vụ và bộ máy giúp việc.

 2. Tổ chức bộ máy của Cơ quan An ninh điều tra quân khu và tương đương gồm có Ban điều tra và bộ máy giúp việc.

 Căn cứ vào nhiệm vụ và tổ chức của Quân đội nhân dân trong từng thời kỳ, Chính phủ trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội quyết định việc thành lập hoặc giải thể Cơ quan An ninh điều tra quân khu và tương đương.

 Điều 23. Nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan An ninh điều tra Bộ Quốc phòng

 1. Tổ chức công tác trực ban hình sự, tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; phân loại và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố thuộc thẩm quyền giải quyết của mình hoặc chuyển ngay đến cơ quan có thẩm quyền để giải quyết.

 2. Tiến hành điều tra vụ án hình sự thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan An ninh điều tra quân khu và tương đương về những tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, xảy ra trên địa bàn nhiều quân khu và tương đương hoặc có yếu tố nước ngoài nếu xét thấy cần trực tiếp điều tra; vụ án đặc biệt nghiêm trọng thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan An ninh điều tra của Quân đội nhân dân do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hủy để điều tra lại.

 3. Hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ điều tra và kiểm tra việc chấp hành pháp luật, nghiệp vụ trong hoạt động điều tra, xử lý tội phạm của Cơ quan An ninh điều tra quân khu và tương đương; hướng dẫn Bộ đội biên phòng, lực lượng Cảnh sát biển, các cơ quan khác của Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thực hiện hoạt động điều tra theo thẩm quyền.

 4. Kiến nghị với cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng biện pháp khắc phục nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh tội phạm.

 5. Tổ chức sơ kết, tổng kết công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và công tác điều tra, xử lý tội phạm trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan An ninh điều tra trong Quân đội nhân dân.

 6. Giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.

 Điều 24. Nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan An ninh điều tra quân khu và tương đương

 1. Tổ chức công tác trực ban hình sự, tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; phân loại và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố thuộc thẩm quyền giải quyết của mình hoặc chuyển ngay đến cơ quan có thẩm quyền để giải quyết.

 2. Cơ quan An ninh điều tra quân khu và tương đương điều tra vụ án hình sự về các tội phạm quy định tại Chương XIII, Chương XXVI và các tội phạm quy định tại các điều 207, 208, 282, 283, 284, 299, 300, 303, 304, 305, 309, 337, 338, 347, 348, 349 và 350 của Bộ luật hình sự khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự.

 3. Kiến nghị với cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng biện pháp khắc phục nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh tội phạm.

 4. Tổ chức sơ kết, tổng kết công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và công tác điều tra, xử lý tội phạm của Cơ quan An ninh điều tra quân khu và tương đương báo cáo Thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra Bộ Quốc phòng.

 5. Giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.

 Mục 2

 TỔ CHỨC BỘ MÁY, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA CƠ QUAN ĐIỀU TRA HÌNH SỰ TRONG QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN

 Điều 25. Tổ chức bộ máy của Cơ quan điều tra hình sự trong Quân đội nhân dân

 1. Tổ chức bộ máy của Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng gồm có các phòng điều tra, phòng nghiệp vụ và bộ máy giúp việc.

 2. Tổ chức bộ máy của Cơ quan điều tra hình sự quân khu và tương đương gồm có Ban điều tra và bộ máy giúp việc.

 3. Tổ chức bộ máy của Cơ quan điều tra hình sự khu vực gồm có bộ phận điều tra và bộ máy giúp việc.

 4. Căn cứ vào nhiệm vụ và tổ chức của Quân đội nhân dân trong từng thời kỳ, Chính phủ trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội quyết định việc thành lập, sáp nhập, giải thể Cơ quan điều tra hình sự quân khu và tương đương, Cơ quan điều tra hình sự khu vực.

 Điều 26. Nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng

 1. Tổ chức công tác trực ban hình sự, tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; phân loại và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố thuộc thẩm quyền giải quyết của mình hoặc chuyển ngay đến cơ quan có thẩm quyền để giải quyết.

 2. Tiến hành điều tra vụ án hình sự thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra hình sự quân khu và tương đương về những tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, xảy ra trên địa bàn nhiều quân khu và tương đương, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia nếu xét thấy cần trực tiếp điều tra; vụ án đặc biệt nghiêm trọng thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra hình sự trong Quân đội nhân dân do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hủy để điều tra lại.

 3. Thực hiện kiểm tra, hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ điều tra và kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và công tác điều tra, xử lý tội phạm đối với các Cơ quan điều tra hình sự quân khu và tương đương, Cơ quan điều tra hình sự khu vực; hướng dẫn Bộ đội biên phòng, lực lượng Cảnh sát biển, các cơ quan khác của Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thực hiện hoạt động điều tra theo thẩm quyền.

 4. Kiến nghị với cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng biện pháp khắc phục nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh tội phạm.

 5. Tổ chức sơ kết, tổng kết công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và công tác điều tra, xử lý tội phạm thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan điều tra hình sự trong Quân đội nhân dân.

 6. Giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.

 Điều 27. Nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan điều tra hình sự quân khu và tương đương

 1. Tổ chức công tác trực ban hình sự, tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; phân loại và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố thuộc thẩm quyền giải quyết của mình hoặc chuyển ngay đến cơ quan có thẩm quyền để giải quyết.

 2. Tiến hành điều tra vụ án hình sự về các tội phạm quy định tại khoản 2 Điều 28 của Luật này khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự quân khu và tương đương hoặc các tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra hình sự khu vực nếu xét thấy cần trực tiếp điều tra.

 3. Hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ điều tra và kiểm tra việc chấp hành pháp luật, nghiệp vụ trong công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và công tác điều tra, xử lý tội phạm đối với Cơ quan điều tra hình sự khu vực; hướng dẫn các cơ quan khác của Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thực hiện hoạt động điều tra theo thẩm quyền.

 4. Kiến nghị với cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng biện pháp khắc phục nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh tội phạm.

 5. Tổ chức sơ kết, tổng kết công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và công tác điều tra, xử lý tội phạm thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan điều tra hình sự quân khu và tương đương.

 6. Giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.

 Điều 28. Nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan điều tra hình sự khu vực

 1. Tổ chức công tác trực ban hình sự, tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; phân loại và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố thuộc thẩm quyền giải quyết của mình hoặc chuyển ngay đến cơ quan có thẩm quyền để giải quyết.

 2. Tiến hành điều tra vụ án hình sự về tội phạm quy định tại các chương từ Chương XIV đến Chương XXV của Bộ luật hình sự khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự cùng cấp, trừ các tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương và Cơ quan An ninh điều tra trong Quân đội nhân dân.

 3. Kiến nghị với cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng biện pháp khắc phục nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh tội phạm.

 4. Tổ chức sơ kết, tổng kết công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và công tác điều tra, xử lý tội phạm thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan điều tra hình sự khu vực.

 5. Giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.

 Chương IV

 TỔ CHỨC BỘ MÁY, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA CƠ QUAN ĐIỀU TRA CỦA VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

 Điều 29. Tổ chức bộ máy Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao

 1. Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao gồm có các phòng điều tra và bộ máy giúp việc.

 2. Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương gồm có Ban điều tra và bộ phận giúp việc.

 Điều 30. Nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao

 1. Tổ chức công tác trực ban hình sự, tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; phân loại và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố thuộc thẩm quyền giải quyết của mình hoặc chuyển ngay đến cơ quan có thẩm quyền để giải quyết.

 2. Tiến hành điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm về tham nhũng, chức vụ quy định tại Chương XXIII và Chương XXIV của Bộ luật hình sự xảy ra trong hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc Cơ quan điều tra, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án, người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân.

 3. Kiến nghị với cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng biện pháp khắc phục nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh tội phạm.

 4. Tổ chức sơ kết, tổng kết công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và công tác điều tra, xử lý tội phạm thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

 5. Giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.

 Điều 31. Nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương

 1. Tổ chức công tác trực ban hình sự, tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; phân loại và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố thuộc thẩm quyền giải quyết của mình hoặc chuyển ngay đến cơ quan có thẩm quyền để giải quyết.

 2. Tiến hành điều tra vụ án hình sự về các tội phạm quy định tại khoản 2 Điều 30 của Luật này khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự.

 3. Kiến nghị với cơ quan, tổ chức áp dụng các biện pháp khắc phục nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh tội phạm.

 4. Tổ chức sơ kết, tổng kết công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và công tác điều tra, xử lý tội phạm thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương.

 5. Giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.

 Chương V

 NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA CƠ QUAN ĐƯỢC GIAO NHIỆM VỤ TIẾN HÀNH MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG ĐIỀU TRA

 Điều 32. Nhiệm vụ, quyền hạn điều tra của Bộ đội biên phòng

 1. Bộ đội biên phòng khi thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực quản lý của mình mà phát hiện tội phạm quy định tại Chương XIII và các điều 150, 151, 152, 153, 188, 189, 192, 193, 195, 207, 227, 235, 236, 242, 247, 248, 249, 250, 251, 252, 253, 254, 255, 256, 303, 304, 305, 306, 309, 330, 337, 338, 346, 347, 348, 349 và 350 của Bộ luật hình sự xảy ra trong khu vực biên giới trên đất liền, bờ biển, hải đảo và các vùng biển do Bộ đội biên phòng quản lý thì những người quy định tại khoản 2 Điều này có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

 a) Đối với tội phạm ít nghiêm trọng trong trường hợp phạm tội quả tang, chứng cứ và lai lịch người phạm tội rõ ràng thì quyết định khởi tố vụ án hình sự, khám nghiệm hiện trường, khám xét, lấy lời khai, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu liên quan trực tiếp đến vụ án, trưng cầu giám định khi cần thiết, khởi tố bị can, tiến hành các biện pháp điều tra khác theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, kết thúc điều tra và chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát có thẩm quyền trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án;

 b) Đối với tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hoặc tội phạm ít nghiêm trọng nhưng phức tạp thì quyết định khởi tố vụ án hình sự, khám nghiệm hiện trường, khám xét, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu liên quan trực tiếp đến việc giải quyết, lấy lời khai, trưng cầu giám định khi cần thiết và chuyển hồ sơ vụ án cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án;

 c) Áp dụng biện pháp ngăn chặn, cưỡng chế theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.

 2. Cục trưởng Cục trinh sát biên phòng có quyền hạn quy định tại khoản 1 Điều này đối với tội phạm quy định tại Chương XIII của Bộ luật hình sự.

 Cục trưởng Cục phòng, chống ma túy và tội phạm, Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm có quyền hạn quy định tại khoản 1 Điều này đối với tội phạm quy định tại các điều 150, 151, 152, 153, 188, 189, 193, 207, 227, 242, 247, 248, 249, 250, 251, 252, 253, 254, 304, 305, 309, 337, 338, 346, 347, 348, 349 và 350 của Bộ luật hình sự.

 Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Chỉ huy trưởng Biên phòng Cửa khẩu cảng, Đồn trưởng Đồn biên phòng có quyền hạn quy định tại khoản 1 Điều này đối với tội phạm quy định tại Chương XIII và các điều 150, 151, 152, 153, 188, 189, 193, 207, 227, 242, 247, 248, 249, 250, 251, 252, 253, 254, 304, 305, 309, 337, 338, 346, 347, 348, 349 và 350 của Bộ luật hình sự.

 Đồn trưởng Đồn biên phòng đóng ở vùng sâu, vùng xa có quyền hạn quy định tại khoản 1 Điều này. Chính phủ quy định về Đồn biên phòng thuộc vùng sâu, vùng xa.

 3. Cục trưởng Cục trinh sát biên phòng, Cục trưởng Cục phòng, chống ma túy và tội phạm, Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm, Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Chỉ huy trưởng Biên phòng Cửa khẩu cảng, Đồn trưởng Đồn biên phòng trực tiếp tổ chức và chỉ đạo các hoạt động điều tra theo thẩm quyền, quyết định phân công hoặc thay đổi cấp phó trong việc điều tra vụ án hình sự, kiểm tra các hoạt động điều tra, quyết định thay đổi hoặc huỷ bỏ các quyết định không có căn cứ và trái pháp luật của cấp phó, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.

 Khi Cục trưởng Cục trinh sát biên phòng, Cục trưởng Cục phòng, chống ma túy và tội phạm, Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm, Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Chỉ huy trưởng Biên phòng Cửa khẩu cảng, Đồn trưởng Đồn biên phòng vắng mặt thì một cấp phó được uỷ nhiệm thực hiện các quyền hạn của cấp trưởng quy định tại khoản 2 Điều này và phải chịu trách nhiệm trước cấp trưởng và trước pháp luật về nhiệm vụ được giao.

 4. Khi được phân công điều tra vụ án hình sự, Phó Cục trưởng Cục trinh sát biên phòng, Phó Cục trưởng Cục phòng, chống ma túy và tội phạm, Phó Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm, Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Phó Chỉ huy trưởng Biên phòng Cửa khẩu cảng, Phó Đồn trưởng Đồn biên phòng có quyền áp dụng các biện pháp điều tra quy định tại khoản 1 Điều này.

 5. Cục trưởng, Phó Cục trưởng Cục trinh sát biên phòng; Cục trưởng, Phó Cục trưởng Cục phòng, chống ma túy và tội phạm; Đoàn trưởng, Phó Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm; Chỉ huy trưởng, Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Chỉ huy trưởng, Phó Chỉ huy trưởng Biên phòng Cửa khẩu cảng; Đồn trưởng, Phó Đồn trưởng Đồn biên phòng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi và quyết định của mình.

 Điều 33. Nhiệm vụ, quyền hạn điều tra của Hải quan

 1. Cơ quan Hải quan khi thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực quản lý của mình mà phát hiện tội phạm quy định tại các điều 188, 189 và 190 của Bộ luật hình sự thì Cục trưởng Cục điều tra chống buôn lậu, Cục trưởng Cục kiểm tra sau thông quan, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

 a) Đối với tội phạm ít nghiêm trọng trong trường hợp phạm tội quả tang, chứng cứ và lai lịch người phạm tội rõ ràng thì quyết định khởi tố vụ án hình sự, lấy lời khai, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu liên quan trực tiếp đến vụ án, khám người, khám nơi cất giữ hàng hóa trong khu vực kiểm soát của Hải quan, trưng cầu giám định khi cần thiết, khởi tố bị can, tiến hành các biện pháp điều tra khác theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, kết thúc điều tra và chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát có thẩm quyền trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án;

 b) Đối với tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hoặc tội phạm ít nghiêm trọng nhưng phức tạp thì quyết định khởi tố vụ án hình sự, lấy lời khai, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu liên quan trực tiếp đến vụ án, khám người, khám nơi cất giữ hàng hóa trong khu vực kiểm soát của Hải quan, chuyển hồ sơ vụ án cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án.

 2. Cục trưởng Cục điều tra chống buôn lậu, Cục trưởng Cục kiểm tra sau thông quan, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu trực tiếp tổ chức và chỉ đạo các hoạt động điều tra, quyết định phân công hoặc thay đổi cấp phó trong việc điều tra vụ án hình sự, kiểm tra các hoạt động điều tra, quyết định thay đổi hoặc huỷ bỏ các quyết định không có căn cứ và trái pháp luật của cấp phó, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.

 Khi Cục trưởng Cục điều tra chống buôn lậu, Cục trưởng Cục kiểm tra sau thông quan, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu vắng mặt thì một cấp phó được uỷ nhiệm thực hiện các quyền hạn của cấp trưởng quy định tại khoản này và phải chịu trách nhiệm trước cấp trưởng và trước pháp luật về nhiệm vụ được giao.

 3. Khi được phân công điều tra vụ án hình sự, Phó Cục trưởng Cục điều tra chống buôn lậu, Phó Cục trưởng Cục kiểm tra sau thông quan, Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu có quyền áp dụng các biện pháp điều tra quy định tại khoản 1 Điều này.

 4. Cục trưởng, Phó Cục trưởng Cục điều tra chống buôn lậu; Cục trưởng, Phó Cục trưởng Cục kiểm tra sau thông quan; Cục trưởng, Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Chi cục trưởng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi và quyết định của mình.

 Điều 34. Nhiệm vụ, quyền hạn điều tra của Kiểm lâm

 1. Cơ quan Kiểm lâm khi thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực quản lý của mình mà phát hiện tội phạm quy định tại các điều 232, 243, 244, 245, 313 và 345 của Bộ luật hình sự thì Cục trưởng Cục Kiểm lâm, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm vùng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

 a) Đối với tội phạm ít nghiêm trọng trong trường hợp phạm tội quả tang, chứng cứ và lai lịch người phạm tội rõ ràng thì quyết định khởi tố vụ án, khám nghiệm hiện trường, khám xét, lấy lời khai, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu liên quan trực tiếp đến vụ án, trưng cầu giám định khi cần thiết, khởi tố bị can, tiến hành các biện pháp điều tra khác theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, kết thúc điều tra và chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát có thẩm quyền trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án;

 b) Đối với tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hoặc tội phạm ít nghiêm trọng nhưng phức tạp thì quyết định khởi tố vụ án, khám nghiệm hiện trường, khám xét, lấy lời khai, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu liên quan trực tiếp đến vụ án, chuyển hồ sơ vụ án cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án.

 2. Cục trưởng Cục Kiểm lâm, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm vùng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm trực tiếp tổ chức và chỉ đạo các hoạt động điều tra, quyết định phân công hoặc thay đổi cấp phó trong việc điều tra vụ án hình sự, kiểm tra các hoạt động điều tra, quyết định thay đổi hoặc huỷ bỏ các quyết định không có căn cứ và trái pháp luật của cấp phó, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.

 Khi Cục trưởng Cục Kiểm lâm, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm vùng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm vắng mặt thì một cấp phó được uỷ nhiệm thực hiện các quyền hạn của cấp trưởng quy định tại khoản này và phải chịu trách nhiệm trước cấp trưởng và trước pháp luật về nhiệm vụ được giao.

 3. Khi được phân công điều tra vụ án hình sự, Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm vùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm có quyền áp dụng các biện pháp điều tra quy định tại khoản 1 Điều này.

 4. Cục trưởng, Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm; Chi cục trưởng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm vùng; Chi cục trưởng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm; Hạt trưởng, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi và quyết định của mình.

 Điều 35. Nhiệm vụ, quyền hạn điều tra của lực lượng Cảnh sát biển

 1. Các đơn vị thuộc lực lượng Cảnh sát biển khi thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực quản lý của mình mà phát hiện tội phạm quy định tại Chương XIII và các điều 188, 189, 227, 235, 236, 237, 242, 249, 250, 251, 252, 253, 254, 272, 273, 282, 284, 303, 304, 305, 309, 311, 346, 347 và 348 của Bộ luật hình sự xảy ra trên các vùng biển và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do lực lượng Cảnh sát biển quản lý thì những người quy định tại khoản 2 Điều này có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

 a) Đối với tội phạm ít nghiêm trọng trong trường hợp phạm tội quả tang, chứng cứ và lai lịch người phạm tội rõ ràng thì quyết định khởi tố vụ án hình sự, khám nghiệm hiện trường, khám xét, lấy lời khai, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu liên quan trực tiếp đến vụ án, trưng cầu giám định khi cần thiết, khởi tố bị can, tiến hành các biện pháp điều tra khác theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, kết thúc điều tra và chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát có thẩm quyền trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án;

 b) Đối với tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hoặc tội phạm ít nghiêm trọng nhưng phức tạp thì quyết định khởi tố vụ án hình sự, khám nghiệm hiện trường, khám xét, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu liên quan trực tiếp đến việc giải quyết, lấy lời khai, trưng cầu giám định khi cần thiết và chuyển hồ sơ vụ án cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án;

 c) Áp dụng biện pháp ngăn chặn, cưỡng chế theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.

 2. Tư lệnh Cảnh sát biển, Tư lệnh vùng Cảnh sát biển, Cục trưởng Cục nghiệp vụ và pháp luật, Hải đoàn trưởng, Hải đội trưởng và Đội trưởng Đội nghiệp vụ Cảnh sát biển có quyền hạn quy định tại khoản 1 Điều này.

 Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng, chống tội phạm ma túy có quyền hạn quy định tại khoản 1 Điều này đối với các tội phạm quy định tại các điều 249, 250, 251, 252, 253 và 254 của Bộ luật hình sự.

 3. Tư lệnh Cảnh sát biển, Tư lệnh vùng Cảnh sát biển, Cục trưởng Cục nghiệp vụ và pháp luật, Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng, chống tội phạm ma túy, Hải đoàn trưởng, Hải đội trưởng và Đội trưởng Đội nghiệp vụ Cảnh sát biển trực tiếp tổ chức, chỉ đạo các hoạt động điều tra theo thẩm quyền, quyết định phân công hoặc thay đổi cấp phó trong việc điều tra vụ án hình sự, kiểm tra các hoạt động điều tra, quyết định thay đổi hoặc huỷ bỏ các quyết định không có căn cứ và trái pháp luật của cấp phó, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.

 Khi Tư lệnh Cảnh sát biển, Tư lệnh vùng Cảnh sát biển, Cục trưởng Cục nghiệp vụ và pháp luật, Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng, chống tội phạm ma túy, Hải đoàn trưởng, Hải đội trưởng và Đội trưởng Đội nghiệp vụ Cảnh sát biển vắng mặt thì một cấp phó được uỷ nhiệm thực hiện các quyền hạn của cấp trưởng quy định tại khoản này và phải chịu trách nhiệm trước cấp trưởng và trước pháp luật về nhiệm vụ được giao.

 4. Khi được phân công điều tra vụ án hình sự, Phó Tư lệnh Cảnh sát biển, Phó Tư lệnh vùng Cảnh sát biển, Phó Cục trưởng Cục nghiệp vụ và pháp luật, Phó Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng, chống tội phạm ma túy, Phó Hải đoàn trưởng, Phó Hải đội trưởng và Phó Đội trưởng Đội nghiệp vụ Cảnh sát biển có quyền áp dụng các biện pháp điều tra quy định tại khoản 1 Điều này.

 5. Tư lệnh, Phó Tư lệnh Cảnh sát biển; Tư lệnh vùng, Phó Tư lệnh vùng Cảnh sát biển; Cục trưởng, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ và pháp luật; Đoàn trưởng, Phó Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng, chống tội phạm ma túy; Hải đoàn trưởng, Phó Hải đoàn trưởng; Hải đội trưởng, Phó Hải đội trưởng; Đội trưởng, Phó Đội trưởng Đội nghiệp vụ Cảnh sát biển phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi và quyết định của mình.

 Điều 36. Nhiệm vụ, quyền hạn điều tra của Kiểm ngư

 1. Cơ quan Kiểm ngư khi thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực quản lý của mình mà phát hiện tội phạm quy định tại các điều 111, 242, 244, 245, 246, 305 và 311 của Bộ luật hình sự xảy ra trên các vùng biển và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Kiểm ngư quản lý thì Cục trưởng Cục Kiểm ngư, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm ngư vùng có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

 a) Đối với tội phạm ít nghiêm trọng trong trường hợp phạm tội quả tang, chứng cứ và lai lịch người phạm tội rõ ràng thì quyết định khởi tố vụ án, khám nghiệm hiện trường, khám xét, lấy lời khai, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu liên quan trực tiếp đến vụ án, trưng cầu giám định khi cần thiết, khởi tố bị can, tiến hành các biện pháp điều tra khác theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, kết thúc điều tra và chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát có thẩm quyền trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án;

 b) Đối với tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hoặc tội phạm ít nghiêm trọng nhưng phức tạp thì quyết định khởi tố vụ án, khám nghiệm hiện trường, khám xét, lấy lời khai, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu liên quan trực tiếp đến vụ án, chuyển hồ sơ vụ án cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án.

 c) Áp dụng biện pháp ngăn chặn, cưỡng chế theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.

 2. Cục trưởng Cục Kiểm ngư, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm ngư vùng trực tiếp tổ chức và chỉ đạo các hoạt động điều tra, quyết định phân công hoặc thay đổi cấp phó trong việc điều tra vụ án hình sự, kiểm tra các hoạt động điều tra, quyết định thay đổi hoặc huỷ bỏ các quyết định không có căn cứ và trái pháp luật của cấp phó, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.

 Khi Cục trưởng Cục Kiểm ngư, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm ngư vùng vắng mặt thì một cấp phó được uỷ nhiệm thực hiện các quyền hạn của cấp trưởng quy định tại khoản này và phải chịu trách nhiệm trước cấp trưởng và trước pháp luật về nhiệm vụ được giao.

 3. Khi được phân công điều tra vụ án hình sự, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm ngư vùng có quyền áp dụng các biện pháp điều tra quy định tại khoản 1 Điều này.

 4. Cục trưởng, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư; Chi cục trưởng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm ngư vùng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi và quyết định của mình.

 Điều 37. Nhiệm vụ, quyền hạn điều tra của các cơ quan thuộc lực lượng An ninh trong Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra

 1. Trong khi làm nhiệm vụ của mình mà phát hiện sự việc có dấu hiệu tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan An ninh điều tra của Công an nhân dân thì Cục trưởng, Trưởng phòng của các cơ quan an ninh quy định tại khoản 6 Điều 9 của Luật này quyết định khởi tố vụ án hình sự, lấy lời khai, khám nghiệm hiện trường, khám xét, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu liên quan trực tiếp đến vụ án, chuyển hồ sơ vụ án cho Cơ quan An ninh điều tra có thẩm quyền trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án.

 Đội An ninh ở Công an cấp huyện trong khi làm nhiệm vụ của mình mà phát hiện sự việc có dấu hiệu tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan An ninh điều tra Công an cấp tỉnh thì tiến hành ngay việc truy bắt người có hành vi phạm tội chạy trốn, lấy lời khai, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu liên quan trực tiếp đến vụ án và báo ngay cho Cơ quan An ninh điều tra Công an cấp tỉnh.

 2. Cục trưởng, Trưởng phòng quy định tại khoản 1 Điều này trực tiếp tổ chức và chỉ đạo các hoạt động điều tra, quyết định phân công hoặc thay đổi cấp phó trong việc điều tra vụ án hình sự, kiểm tra các hoạt động điều tra, quyết định thay đổi hoặc huỷ bỏ các quyết định không có căn cứ và trái pháp luật của cấp phó, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.

 Khi Cục trưởng, Trưởng phòng vắng mặt thì một cấp phó được ủy nhiệm thực hiện các quyền hạn của cấp trưởng quy định tại khoản này và phải chịu trách nhiệm trước cấp trưởng và trước pháp luật về nhiệm vụ được giao.

 3. Khi được phân công điều tra vụ án hình sự, Phó Cục trưởng, Phó Trưởng phòng có quyền áp dụng các biện pháp điều tra quy định tại khoản 1 Điều này.

 4. Cục trưởng, Phó Cục trưởng; Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi và quyết định của mình.

 Điều 38. Nhiệm vụ, quyền hạn điều tra của các cơ quan thuộc lực lượng Cảnh sát trong Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra

 1. Trong khi thi hành nhiệm vụ mà phát hiện sự việc có dấu hiệu tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra thì Cục trưởng, Giám đốc, Trưởng phòng, Giám thị của các cơ quan Cảnh sát quy định tại khoản 6 Điều 9 của Luật này quyết định khởi tố vụ án hình sự, lấy lời khai, khám nghiệm hiện trường, khám xét, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu liên quan trực tiếp đến vụ án, chuyển hồ sơ vụ án cho Cơ quan Cảnh sát điều tra có thẩm quyền trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án.

 Trường hợp người phạm tội trốn khỏi nơi giam, Giám thị Trại giam ra quyết định truy nã và tổ chức lực lượng truy bắt người bỏ trốn.

 2. Cục trưởng, Giám đốc, Trưởng phòng, Giám thị quy định tại khoản 1 Điều này trực tiếp tổ chức và chỉ đạo các hoạt động điều tra, quyết định phân công hoặc thay đổi cấp phó trong việc điều tra vụ án hình sự, kiểm tra các hoạt động điều tra, quyết định thay đổi hoặc huỷ bỏ các quyết định không có căn cứ và trái pháp luật của cấp phó, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.

 Khi Cục trưởng, Giám đốc, Trưởng phòng, Giám thị vắng mặt thì một cấp phó được ủy nhiệm thực hiện các quyền hạn của cấp trưởng quy định tại khoản này và phải chịu trách nhiệm trước cấp trưởng và trước pháp luật về nhiệm vụ được giao.

 3. Khi được phân công điều tra vụ án hình sự, Phó Cục trưởng, Phó Giám đốc, Phó Trưởng phòng, Phó Giám thị có quyền áp dụng các biện pháp điều tra quy định tại khoản 1 Điều này.

 4. Cục trưởng, Phó Cục trưởng, Giám đốc, Phó Giám đốc, Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng, Giám thị, Phó Giám thị Trại giam phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi và quyết định của mình.

 Điều 39. Nhiệm vụ, quyền hạn điều tra của các cơ quan khác trong Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra

 1. Giám thị Trại giam trong khi làm nhiệm vụ của mình mà phát hiện sự việc có dấu hiệu tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra hình sự đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì quyết định khởi tố vụ án hình sự, khám nghiệm hiện trường, lấy lời khai, khám xét, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu liên quan trực tiếp đến vụ án, chuyển hồ sơ vụ án cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án.

 Trường hợp người phạm tội trốn khỏi nơi giam, Giám thị Trại giam ra quyết định truy nã và tổ chức lực lượng truy bắt người bỏ trốn.

 Khi Giám thị Trại giam vắng mặt thì một cấp phó được ủy nhiệm thực hiện các quyền hạn của cấp trưởng quy định tại khoản này và phải chịu trách nhiệm trước cấp trưởng và trước pháp luật về nhiệm vụ được giao.

 2. Thủ trưởng đơn vị độc lập cấp trung đoàn và tương đương khi phát hiện những hành vi phạm tội thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân, xảy ra trong khu vực đóng quân của đơn vị thì có quyền lập biên bản phạm tội quả tang, lấy lời khai, khám xét, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu liên quan đến hành vi phạm tội, áp dụng biện pháp ngăn chặn theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, chuyển hồ sơ vụ án cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án.

 Khi Thủ trưởng đơn vị độc lập cấp trung đoàn và tương đương vắng mặt thì một cấp phó được ủy nhiệm thực hiện các quyền hạn của cấp trưởng quy định tại khoản này và phải chịu trách nhiệm trước cấp trưởng và trước pháp luật về nhiệm vụ được giao.

 3. Giám thị, Phó Giám thị Trại giam, Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng đơn vị độc lập cấp trung đoàn và tương đương phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi và quyết định của mình.

 Chương VI

 QUAN HỆ PHÂN CÔNG VÀ PHỐI HỢP TRONG HOẠT ĐỘNG ĐIỀU TRA HÌNH SỰ

 Điều 40. Quan hệ giữa các cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra

 1. Quan hệ giữa các cơ quan điều tra, giữa Cơ quan điều tra với cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, giữa các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra là quan hệ phân công và phối hợp.

 2. Cơ quan điều tra có trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ điều tra đối với cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải thực hiện yêu cầu bằng văn bản của Cơ quan điều tra.

 3. Cơ quan điều tra có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ vụ án do cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra chuyển giao theo thẩm quyền và thông báo kết quả giải quyết cho cơ quan đã chuyển giao hồ sơ vụ án.

 4. Đối với sự việc có dấu hiệu phạm tội mà chưa xác định rõ thẩm quyền điều tra thì Cơ quan điều tra nào phát hiện trước phải áp dụng ngay các hoạt động điều tra theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự và Luật này; khi đã xác định được thẩm quyền điều tra thì chuyển vụ án cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.

 5. Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra sau khi khởi tố vụ án hình sự, áp dụng biện pháp ngăn chặn theo thẩm quyền phải gửi ngay các quyết định đó cho Viện kiểm sát và thông báo cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền biết.

 6. Các đơn vị Cảnh sát nhân dân, An ninh nhân dân, Kiểm soát quân sự có trách nhiệm hỗ trợ và thực hiện yêu cầu của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên và của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trong hoạt động điều tra.

 Điều 41. Uỷ thác điều tra

 Khi cần thiết, Cơ quan điều tra có thể uỷ thác cho Cơ quan điều tra khác tiến hành một số hoạt động điều tra. Quyết định uỷ thác phải ghi rõ yêu cầu cụ thể. Cơ quan điều tra được uỷ thác có trách nhiệm thực hiện đầy đủ những việc được uỷ thác theo thời hạn mà Cơ quan điều tra uỷ thác yêu cầu.

 Trong trường hợp Cơ quan điều tra được uỷ thác không thể thực hiện được từng phần hoặc toàn bộ những việc uỷ thác thì phải thông báo ngay bằng văn bản và nêu rõ lý do cho Cơ quan điều tra đã uỷ thác biết.

 Điều 42. Quan hệ giữa đơn vị điều tra và đơn vị trinh sát

 1. Quan hệ giữa đơn vị điều tra và đơn vị trinh sát là quan hệ phối hợp, hỗ trợ trong phát hiện, ngăn chặn, điều tra, xử lý và phòng ngừa tội phạm.

 2. Trong quan hệ với đơn vị điều tra, đơn vị trinh sát có trách nhiệm sau đây:

 a) Áp dụng các biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật để phát hiện hành vi vi phạm pháp luật và cung cấp thông tin cho đơn vị điều tra để điều tra, xử lý;

 b) Áp dụng biện pháp nghiệp vụ để hỗ trợ đơn vị điều tra tiến hành hoạt động điều tra, thu thập tài liệu, chứng cứ, ngăn chặn tội phạm và truy bắt người phạm tội;

 c) Áp dụng các biện pháp cần thiết để phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao;

 d) Phát hiện sơ hở, thiếu sót trong quản lý nhà nước, quản lý xã hội, quản lý kinh tế để kiến nghị với cơ quan, tổ chức hữu quan có biện pháp khắc phục;

 đ) Áp dụng các biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật để hạn chế, loại trừ nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh tội phạm, vi phạm pháp luật.

 3. Trong quan hệ với đơn vị trinh sát, đơn vị điều tra có trách nhiệm sau đây:

 a) Cung cấp thông tin về tội phạm và người phạm tội cho đơn vị trinh sát để thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định tại khoản 2 Điều này;

 b) Phối hợp với đơn vị trinh sát đánh giá, xác định những sơ hở, thiếu sót trong quản lý nhà nước, quản lý xã hội, quản lý kinh tế để kiến nghị với cơ quan, tổ chức hữu quan có biện pháp khắc phục;

 c) Đánh giá nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh tội phạm, phương thức, thủ đoạn phạm tội trong các vụ án hình sự để trao đổi, phối hợp với đơn vị trinh sát thực hiện công tác phòng ngừa, phát hiện tội phạm.

 4. Thủ trưởng Cơ quan điều tra quyết định việc áp dụng các biện pháp cần thiết trong phối hợp hoạt động giữa đơn vị điều tra và đơn vị trinh sát trong điều tra vụ án hình sự. Các biện pháp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này phải được giữ bí mật theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.

 Điều 43. Trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan Công an, Quân đội các cấp đối với hoạt động điều tra hình sự

 Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Thủ trưởng cơ quan Công an, Quân đội các cấp có liên quan đến tổ chức, hoạt động điều tra hình sự có trách nhiệm sau đây:

 1. Thực hiện đúng quy định của pháp luật để bảo đảm tính độc lập, khách quan trong quyết định, hành vi tố tụng của Điều tra viên và các chức danh khác trong hoạt động điều tra hình sự;

 2. Bảo đảm các điều kiện cần thiết về nhân lực, cơ sở vật chất, kỹ thuật, trang thiết bị, kinh phí và điều kiện cần thiết khác cho hoạt động điều tra hình sự;

 3. Chỉ đạo, tổ chức các lực lượng phối hợp, hỗ trợ cho hoạt động điều tra hình sự;

 4. Tiến hành các hoạt động, biện pháp theo quy định của Luật Công an nhân dân, Luật An ninh quốc gia và pháp luật khác có liên quan để thu thập thông tin, tài liệu cần thiết hỗ trợ cho hoạt động điều tra hình sự;

 5. Tổ chức lực lượng hỗ trợ các cơ quan tiến hành tố tụng trong áp dụng các biện pháp ngăn chặn, thu thập chứng cứ và bảo vệ các hoạt động tố tụng hình sự;

 6. Tiến hành các biện pháp theo quy định của pháp luật để ngăn ngừa các hành vi cản trở, làm sai lệch kết quả điều tra, xử lý vụ án hình sự.

 Điều 44. Trách nhiệm của Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an

 1. Công an xã có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, lấy lời khai ban đầu và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo các tài liệu, đồ vật có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.

 2. Công an phường, thị trấn, Đồn Công an có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo các tài liệu, đồ vật, có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.

 3. Trường hợp Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an phát hiện, bắt giữ, tiếp nhận người phạm tội quả tang, người đang bị truy nã thì thu giữ, tạm giữ vũ khí, hung khí và bảo quản tài liệu, đồ vật, có liên quan, lập biên bản bắt người, lấy lời khai ban đầu, bảo vệ hiện trường theo quy định của pháp luật; giải ngay người bị bắt lên cơ quan Công an cấp trên trực tiếp hoặc báo ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.

 Chương VII

 THỦ TRƯỞNG, PHÓ THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN ĐIỀU TRA, ĐIỀU TRA VIÊN VÀ CÁN BỘ ĐIỀU TRA

 Điều 45. Điều tra viên

 1. Điều tra viên là người được bổ nhiệm để làm nhiệm vụ điều tra hình sự.

 2. Điều tra viên gồm có các ngạch sau đây:

 a) Điều tra viên sơ cấp;

 b) Điều tra viên trung cấp;

 c) Điều tra viên cao cấp.

 Điều 46. Tiêu chuẩn chung của Điều tra viên

 1. Là công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có phẩm chất đạo đức tốt, liêm khiết, trung thực, bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần kiên quyết bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa.

 2. Có trình độ đại học An ninh, đại học Cảnh sát hoặc cử nhân luật trở lên.

 3. Có thời gian làm công tác pháp luật theo quy định của Luật này.

 4. Đã được đào tạo về nghiệp vụ điều tra.

 5. Có sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao.

 Điều 47. Tiêu chuẩn bổ nhiệm Điều tra viên sơ cấp

 Người có đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 46 của Luật này, là sĩ quan Công an nhân dân tại ngũ, sĩ quan Quân đội nhân dân tại ngũ, cán bộ Viện kiểm sát nhân dân và có đủ các điều kiện sau đây thì có thể được bổ nhiệm làm Điều tra viên sơ cấp:

 1. Có thời gian làm công tác pháp luật từ 04 năm trở lên;

 2. Có năng lực điều tra các vụ án thuộc loại tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng;

 3. Đã trúng tuyển kỳ thi vào ngạch Điều tra viên sơ cấp.

 Điều 48. Tiêu chuẩn bổ nhiệm Điều tra viên trung cấp

 1. Người có đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 46 của Luật này và có đủ các điều kiện sau đây thì có thể được bổ nhiệm làm Điều tra viên trung cấp:

 a) Đã là Điều tra viên sơ cấp ít nhất là 05 năm;

 b) Có năng lực điều tra các vụ án thuộc loại tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng;

 c) Có khả năng hướng dẫn các hoạt động điều tra của Điều tra viên sơ cấp;

 d) Đã trúng tuyển kỳ thi vào ngạch Điều tra viên trung cấp.

 2. Trường hợp do nhu cầu cán bộ của Cơ quan điều tra, người có đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 46 của Luật này, các điểm b, c và d khoản 1 Điều này, đã có thời gian làm công tác pháp luật từ 09 năm trở lên thì có thể được bổ nhiệm làm Điều tra viên trung cấp.

 Điều 49. Tiêu chuẩn bổ nhiệm Điều tra viên cao cấp

 1. Người có đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 46 của Luật này và có đủ các điều kiện sau đây thì có thể được bổ nhiệm làm Điều tra viên cao cấp:

 a) Đã là Điều tra viên trung cấp ít nhất 05 năm;

 b) Có năng lực điều tra các vụ án thuộc loại tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp;

 c) Có khả năng nghiên cứu, tổng hợp, đề xuất biện pháp phòng, chống tội phạm;

 d) Có khả năng hướng dẫn các hoạt động điều tra của Điều tra viên sơ cấp, Điều tra viên trung cấp;

 đ) Đã trúng tuyển kỳ thi vào ngạch Điều tra viên cao cấp.

 2. Trong trường hợp do nhu cầu cán bộ của Cơ quan điều tra, người có đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 46 của Luật này, các điểm b, c, d và đ khoản 1 Điều này, đã có thời gian làm công tác pháp luật từ 14 năm trở lên thì có thể được bổ nhiệm làm Điều tra viên cao cấp.

 Điều 50. Bổ nhiệm Điều tra viên trong trường hợp đặc biệt

 Trong trường hợp đặc biệt, người được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền điều động đến công tác tại Cơ quan điều tra, tuy chưa được đào tạo về nghiệp vụ điều tra, chưa đủ thời gian quy định tại điểm a khoản 1 các điều 48 và 49 của Luật này, nhưng có đủ các tiêu chuẩn khác được quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 46, điểm b và điểm c khoản 1 Điều 48, các điểm b, c và d khoản 1 Điều 49 của Luật này thì có thể được bổ nhiệm làm Điều tra viên trung cấp, Điều tra viên cao cấp.

 Điều 51. Nhiệm kỳ của Điều tra viên

 Điều tra viên được bổ nhiệm lần đầu có thời hạn là 05 năm; trường hợp được bổ nhiệm lại hoặc nâng ngạch thì thời hạn là 10 năm.

 Điều 52. Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra

 1. Thủ trưởng Cơ quan điều tra có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

 a) Chỉ đạo, điều hành, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch công tác, quyết định các vấn đề về công tác của Cơ quan điều tra do mình làm Thủ trưởng; chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp trên;

 b) Chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc tổng kết công tác điều tra hình sự của Cơ quan điều tra do mình làm Thủ trưởng và Cơ quan điều tra cấp dưới;

 c) Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra hoạt động nghiệp vụ điều tra của Cơ quan điều tra cấp dưới;

 d) Quyết định phân công Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Cán bộ điều tra trong việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và điều tra vụ án hình sự; kiểm tra các hoạt động giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và điều tra của Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra và Điều tra viên;

 đ) Quyết định thay đổi hoặchủy bỏ các quyết định không có căn cứ và trái pháp luật của Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra và Điều tra viên; quyết định thay đổi Điều tra viên;

 e) Giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra;

 g) Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

 Khi Thủ trưởng Cơ quan điều tra vắng mặt, một Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra được Thủ trưởng ủy nhiệm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ trưởng. Phó Thủ trưởng chịu trách nhiệm trước Thủ trưởng về nhiệm vụ được ủy nhiệm.

 2. Khi điều tra vụ án hình sự, Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.

 3. Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những hành vi và quyết định của mình.

 Điều 53. Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Điều tra viên

 1. Điều tra viên được tiến hành các hoạt động kiểm tra, xác minh và các hoạt động điều tra thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra theo sự phân công của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra.

 2. Điều tra viên thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự khi được phân công giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và điều tra vụ án hình sự.

 3. Điều tra viên có trách nhiệm sau đây:

 a) Áp dụng các biện pháp theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự và pháp luật khác có liên quan để điều tra, xác định sự thật vụ án một cách khách quan, toàn diện, đầy đủ;

 b) Tuân theo pháp luật và chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra;

 c) Từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi trong các trường hợp do Bộ luật tố tụng hình sự quy định;

 d) Chấp hành quy định của pháp luật về những việc cán bộ, công chức hoặc cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân không được làm.

 4. Điều tra viên chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra về hành vi, quyết định của mình.

 Điều 54. Những việc Điều tra viên không được làm

 1. Những việc mà pháp luật quy định cán bộ, công chức hoặc cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân không được làm.

 2. Tư vấn cho người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác làm cho việc giải quyết vụ án, vụ việc không đúng quy định của pháp luật.

 3. Can thiệp vào việc giải quyết vụ án, vụ việc hoặc lợi dụng ảnh hưởng của mình tác động đến người có trách nhiệm giải quyết vụ án, vụ việc.

 4. Đưa hồ sơ, tài liệu vụ án, vụ việc ra khỏi cơ quan nếu không vì nhiệm vụ được giao hoặc không được sự đồng ý của người có thẩm quyền.

 5. Tiếp bị can, bị cáo, đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác trong vụ án, vụ việc mà mình có thẩm quyền giải quyết ngoài nơi quy định.

 Điều 55. Hội đồng thi tuyển Điều tra viên sơ cấp, Điều tra viên trung cấp, Điều tra viên cao cấp

 1. Hội đồng thi tuyển Điều tra viên cao cấp, Điều tra viên trung cấp và Điều tra viên sơ cấp trong Công an nhân dân được quy định như sau:

 a) Hội đồng thi tuyển Điều tra viên cao cấp trong Công an nhân dân và Điều tra viên trung cấp, Điều tra viên sơ cấp ở các Cơ quan điều tra Bộ Công an gồm có Chủ tịch là Thứ trưởng Bộ Công an do Bộ trưởng Bộ Công an chỉ định; các ủy viên là đại diện lãnh đạo Tổng cục Chính trị Công an nhân dân, đại diện lãnh đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra, Cơ quan An ninh điều tra, Cục Tổ chức Cán bộ và Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp Bộ Công an;

 b) Hội đồng thi tuyển Điều tra viên trung cấp, Điều tra viên sơ cấp ở Cơ quan điều tra Công an cấp tỉnh và Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện gồm có Chủ tịch là Giám đốc Công an cấp tỉnh; các ủy viên là đại diện lãnh đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra, Cơ quan An ninh điều tra, Phòng Tổ chức Cán bộ và Phòng Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp hoặc Phòng Tham mưu Công an cấp tỉnh;

 c) Danh sách uỷ viên Hội đồng thi tuyển Điều tra viên trong Công an nhân dân do Bộ trưởng Bộ Công an quyết định theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng thi tuyển.

 2. Hội đồng thi tuyển Điều tra viên trong Quân đội nhân dân gồm có Chủ tịch là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chỉ định; các ủy viên là đại diện lãnh đạo Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, đại diện lãnh đạo Cơ quan điều tra hình sự, Cơ quan An ninh điều tra, Cục Cán bộ và Vụ Pháp chế Bộ Quốc phòng.

 Danh sách uỷ viên Hội đồng thi tuyển Điều tra viên trong Quân đội nhân dân do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng thi tuyển.

 3. Hội đồng thi tuyển Điều tra viên ở Viện kiểm sát nhân dân tối cao gồm có Chủ tịch là Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao chỉ định; các ủy viên là đại diện Uỷ ban kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đại diện lãnh đạo Viện kiểm sát quân sự Trung ương, Cơ quan điều tra và Vụ Tổ chức Cán bộ Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

 Danh sách uỷ viên Hội đồng thi tuyển Điều tra viên ở Viện kiểm sát nhân dân tối cao do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quyết định theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng thi tuyển.

 4. Hội đồng thi tuyển Điều tra viên sơ cấp, Điều tra viên trung cấp, Điều tra viên cao cấp có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

 a) Tổ chức thi tuyển Điều tra viên sơ cấp, Điều tra viên trung cấp, Điều tra viên cao cấp;

 b) Công bố danh sách những người trúng tuyển;

 c) Đề nghị cấp có thẩm quyền bổ nhiệm người đã trúng tuyển làm Điều tra viên sơ cấp, Điều tra viên trung cấp, Điều tra viên cao cấp.

 5. Quy chế làm việc của Hội đồng thi tuyển Điều tra viên sơ cấp, Điều tra viên trung cấp, Điều tra viên cao cấp thuộc Công an nhân dân do Bộ trưởng Bộ Công an quy định, thuộc Quân đội nhân dân do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định, thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định.

 Điều 56. Bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Điều tra viên

 1. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức và cấp, thu hồi Giấy chứng nhận Điều tra viên trong Công an nhân dân do Bộ trưởng Bộ Công an quy định, trong Quân đội nhân dân do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định, trong Viện kiểm sát nhân dân tối cao do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định.

 2. Điều tra viên đương nhiên được miễn nhiệm chức danh Điều tra viên khi nghỉ hưu, chuyển công tác khác.

 Điều tra viên có thể được miễn nhiệm chức danh Điều tra viên vì lý do sức khoẻ, hoàn cảnh gia đình hoặc vì lý do khác mà xét thấy không thể bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao.

 3. Điều tra viên đương nhiên bị mất chức danh Điều tra viên khi bị kết tội bằng bản án của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật hoặc bị kỷ luật bằng hình thức tước danh hiệu Công an nhân dân, tước quân hàm sĩ quan Quân đội nhân dân, buộc thôi việc.

 4. Tùy theo tính chất và mức độ vi phạm, Điều tra viên có thể bị cách chức chức danh Điều tra viên nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

 a) Vi phạm trong công tác điều tra vụ án hình sự;

 b) Vi phạm quy định tại Điều 14 của Luật này;

 c) Bị kỷ luật bằng hình thức cách chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức;

 d) Vi phạm về phẩm chất đạo đức.

 Điều 57. Bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra

 1. Điều tra viên cao cấp hoặc Điều tra viên trung cấp có năng lực tổ chức, chỉ đạo hoạt động điều tra thì có thể được bổ nhiệm làm Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra.

 2. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức và cấp, thu hồi Giấy chứng nhận Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân do Bộ trưởng Bộ Công an quy định, trong Quân đội nhân dân do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định, trong Viện kiểm sát nhân dân tối cao do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định.

 Điều 58. Hạn tuổi phục vụ của Điều tra viên

 1. Hạn tuổi phục vụ cao nhất của Điều tra viên là sĩ quan trong Công an nhân dân, Quân đội nhân dân thực hiện theo quy định của Luật Công an nhân dân, Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. Tuổi nghỉ hưu của Điều tra viên của Viện kiểm sát nhân dân tối cao thực hiện theo quy định của Bộ luật lao động.

 2. Trường hợp Cơ quan điều tra của Công an nhân dân và trong Quân đội nhân dân có nhu cầu, nếu Điều tra viên có đủ phẩm chất, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, có sức khỏe tốt và tự nguyện thì có thể được kéo dài tuổi phục vụ theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nhưng không quá 60 tuổi đối với nam và 55 tuổi đối với nữ, trừ nữ sĩ quan cấp tướng.

 Điều 59. Cán bộ điều tra

 1. Cán bộ điều tra thuộc Cơ quan điều tra được quy định như sau:

 a) Người có đủ tiêu chuẩn quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 5 Điều 46 của Luật này có thể được bổ nhiệm làm Cán bộ điều tra để giúp Điều tra viên thực hiện một số hoạt động điều tra hình sự;

 b) Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cấp, thu hồi Giấy chứng nhận Cán bộ điều tra thuộc Công an nhân dân do Bộ trưởng Bộ Công an quy định, thuộc Quân đội nhân dân do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định, ở Viện kiểm sát nhân dân tối cao do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định;

 c) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự và Luật này.

 2. Khi tiến hành điều tra vụ án, Thủ trưởng cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phân công người thuộc cơ quan, đơn vị làm Cán bộ điều tra giúp mình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn điều tra theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự và Luật này. Cán bộ điều tra thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự và Luật này.

 3. Cán bộ điều tra chịu trách nhiệm trước Điều tra viên, Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Thủ trưởng cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra và trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

 Chương VIII

 BẢO ĐẢM ĐIỀU KIỆN CHO HOẠT ĐỘNG ĐIỀU TRA HÌNH SỰ

 Điều 60. Chế độ, chính sách đối với người làm công tác điều tra hình sự

 1. Sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ Quân đội nhân dân công tác trong các cơ quan điều tra được phong, thăng cấp bậc hàm lực lượng vũ trang nhân dân và hưởng chế độ, chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật.

 2. Cán bộ, công chức công tác tại Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao được hưởng chế độ, chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật.

 3. Điều tra viên, Cán bộ điều tra được hưởng lương, phụ cấp và các chế độ, chính sách, quyền lợi khác theo quy định của pháp luật.

 4. Trong công tác điều tra hình sự, tập thể, cá nhân có thành tích thì được khen thưởng, bị thiệt hại về tài sản thì được đền bù; cá nhân bị tổn hại về danh dự thì được khôi phục, thiệt hại về tính mạng, sức khỏe thì được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.

 Điều 61. Bảo đảm biên chế, đào tạo, bồi dưỡng trong công tác điều tra hình sự

 1. Nhà nước bảo đảm biên chế cần thiết cho Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.

 2. Người làm công tác điều tra hình sự phải được huấn luyện, đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, pháp luật phù hợp với nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

 Điều 62. Bảo đảm cơ sở vật chất phục vụ hoạt động điều tra hình sự

 1. Căn cứ yêu cầu công tác điều tra hình sự, địa bàn hoạt động và điều kiện kinh tế – xã hội, Nhà nước bảo đảm cơ sở vật chất của Cơ quan điều tra gồm có đất đai, trụ sở, công trình; trang thiết bị, công cụ hỗ trợ, phương tiện giao thông, thông tin liên lạc, kỹ thuật nghiệp vụ và các điều kiện vật chất, kỹ thuật khác, nhất là đối với Cơ quan điều tra đóng ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, địa bàn trọng yếu về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

 Việc trang bị, quản lý sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ.

 2. Trong trường hợp cấp thiết, để ngăn chặn hành động phạm tội, đuổi bắt người phạm tội, cấp cứu người bị nạn, Điều tra viên được huy động, sử dụng phương tiện giao thông, thông tin liên lạc của cơ quan, tổ chức và cá nhân, kể cả những người điều khiển phương tiện ấy, trừ phương tiện của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế và của những người được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự và phải hoàn trả ngay khi tình huống cấp thiết không còn; trường hợp xảy ra thiệt hại thì Cơ quan điều tra có trách nhiệm bồi thường theo quy định của pháp luật.

 Điều 63. Bảo đảm kinh phí cho hoạt động điều tra hình sự

 Nhà nước bảo đảm kinh phí cho hoạt động điều tra hình sự. Việc lập dự toán, sử dụng và quyết toán kinh phí cho hoạt động điều tra hình sự được thực hiện theo Luật ngân sách nhà nước.

 Chương IX

 TRÁCH NHIỆM CỦA CHÍNH PHỦ, CÁC BỘ, NGÀNH VÀ ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG TRONG CÔNG TÁC ĐIỀU TRA HÌNH SỰ

 Điều 64. Trách nhiệm quản lý về công tác điều tra hình sự

 1. Chính phủ thống nhất quản lý về công tác điều tra hình sự, có trách nhiệm sau đây:

 a) Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về điều tra hình sự;

 b) Chỉ đạo thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về điều tra hình sự;

 c) Chỉ đạo phổ biến, giáo dục pháp luật về điều tra hình sự;

 d) Đình chỉ, bãi bỏ theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền đình chỉ, bãi bỏ quy định về điều tra hình sự trái với quy định của Hiến pháp, Bộ luật tố tụng hình sự, Luật này và pháp luật khác có liên quan;

 đ) Quy định chế độ báo cáo về điều tra hình sự;

 e) Hợp tác quốc tế về điều tra hình sự.

 2. Bộ Công an giúp Chính phủ thực hiện trách nhiệm quy định tại khoản 1 Điều này.

 Điều 65. Trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Công an

 1. Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về điều tra hình sự để thực hiện chức năng quản lý ngành, lĩnh vực do Bộ Công an phụ trách.

 2. Chỉ đạo và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về điều tra hình sự.

 3. Tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật về điều tra hình sự.

 4. Đình chỉ, bãi bỏ theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền bãi bỏ những quy định về điều tra hình sự trái với quy định của Hiến pháp, Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật hình sự, Luật này và pháp luật khác có liên quan.

 5. Chủ trì, phối hợp ban hành các biểu mẫu, giấy tờ, sổ sách về điều tra hình sự.

 6. Quản lý hệ thống tổ chức, biên chế và hoạt động của Cơ quan điều tra của Công an nhân dân; trang bị phương tiện, đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện cán bộ làm công tác điều tra trong Công an nhân dân; bồi dưỡng, huấn luyện, chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; tổ chức sơ kết, tổng kết, nghiên cứu khoa học về công tác điều tra hình sự.

 7. Quản lý cơ sở dữ liệu về điều tra hình sự.

 8. Thực hiện chế độ báo cáo về công tác điều tra hình sự theo quy định của Chính phủ.

 9. Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm về điều tra theo quy định của pháp luật.

 Điều 66. Trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng

 1. Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về điều tra hình sự để thực hiện chức năng quản lý ngành, lĩnh vực do Bộ Quốc phòng phụ trách.

 2. Chỉ đạo và tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật về điều tra hình sự trong Quân đội nhân dân.

 3. Tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật về điều tra hình sự trong Quân đội nhân dân.

 4. Đình chỉ, bãi bỏ theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền bãi bỏ những quy định về điều tra hình sự trái với quy định của Hiến pháp, Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật hình sự, Luật này và pháp luật khác có liên quan.

 5. Quản lý hệ thống tổ chức, biên chế và hoạt động của Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân; trang bị phương tiện, đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện cán bộ làm công tác điều tra hình sự trong Quân đội nhân dân; tổ chức sơ kết, tổng kết, nghiên cứu khoa học về công tác điều tra hình sự trong Quân đội nhân dân.

 6. Thực hiện chế độ báo cáo về công tác điều tra hình sự theo quy định của Chính phủ.

 7. Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm về điều tra hình sự theo quy định của pháp luật.

 Điều 67. Trách nhiệm của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao

 1. Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về điều tra hình sự để thực hiện chức năng quản lý ngành, lĩnh vực do Viện kiểm sát nhân dân tối cao phụ trách.

 2. Chỉ đạo và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về điều tra hình sự trong Viện kiểm sát nhân dân.

 3. Tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật về điều tra hình sự trong Viện kiểm sát nhân dân.

 4. Đình chỉ, bãi bỏ theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền bãi bỏ những quy định về điều tra hình sự trái với quy định của Hiến pháp, Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật hình sự, Luật này và pháp luật khác có liên quan.

 5. Quản lý về tổ chức, biên chế và hoạt động của Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao; trang bị phương tiện, đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện cán bộ làm công tác điều tra trong Viện kiểm sát nhân dân tối cao; tổ chức sơ kết, tổng kết, nghiên cứu khoa học về công tác điều tra trong Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

 6. Thực hiện chế độ báo cáo về công tác điều tra hình sự theo quy định của Chính phủ.

 7. Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm về điều tra theo quy định của pháp luật.

 Điều 68. Trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Tài chính

 1. Chỉ đạo các cơ quan của Hải quan thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự và Luật này.

 2. Trang bị phương tiện; tổ chức việc bồi dưỡng, huấn luyện cán bộ làm công tác điều tra hình sự trong các cơ quan của Hải quan; tổ chức sơ kết, tổng kết về công tác điều tra hình sự trong các cơ quan Hải quan.

 3. Thực hiện chế độ báo cáo về công tác điều tra hình sự theo quy định của Chính phủ.

 4. Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về điều tra theo quy định của pháp luật.

 Điều 69. Trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

 1. Chỉ đạo các cơ quan Kiểm lâm, Kiểm ngư thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự và Luật này.

 2. Trang bị phương tiện; tổ chức việc bồi dưỡng, huấn luyện cán bộ làm công tác điều tra hình sự trong các cơ quan Kiểm lâm, Kiểm ngư; tổ chức sơ kết, tổng kết về công tác điều tra hình sự trong các cơ quan Kiểm lâm, Kiểm ngư.

 3. Thực hiện chế độ báo cáo về công tác điều tra hình sự theo quy định của Chính phủ.

 4. Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm về điều tra theo quy định của pháp luật.

 Điều 70. Trách nhiệm của các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

 1. Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý thực hiện các quy định của pháp luật về điều tra hình sự.

 2. Phối hợp với nhau, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong quản lý về điều tra hình sự.

 3. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về điều tra hình sự.

 Chương X

 ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

 Điều 71. Hiệu lực thi hành

 1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2016.

 2. Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự số 23/2004/PL-UBTVQH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Pháp lệnh số 30/2006/PL-UBTVQH11 và Pháp lệnh số 09/2009/PL-UBTVQH12 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

 Điều 72. Quy định chuyển tiếp

 1. Quy định về tên gọi tại điểm c và điểm d khoản 1 Điều 18 của Luật này thay thế tên gọi Cục Cảnh sát kinh tế và Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng quy định tại điểm d khoản 1 Điều 24 của Luật Công an nhân dân số 73/2014/QH13.

 2. Những vụ án đang được các Cơ quan điều tra giải quyết theo thẩm quyền quy định trong Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự số 23/2004/PL-UBTVQH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Pháp lệnh số 30/2006/PL-UBTVQH11 và Pháp lệnh số 09/2009/PL-UBTVQH12 nhưng đến ngày Luật này có hiệu lực mà chưa kết thúc điều tra thì tiếp tục điều tra cho đến khi kết thúc điều tra vụ án.

 3. Kể từ ngày Luật này có hiệu lực, Điều tra viên sơ cấp, Điều tra viên trung cấp, Điều tra viên cao cấp đã được bổ nhiệm theo quy định của Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự số 23/2004/PL-UBTVQH11 đã được sửa đổi, bổ sung mốt số điều theo Pháp lệnh số 30/2006/PL-UBTVQH11 và Pháp lệnh số 09/2009/PL-UBTVQH12 thì tiếp tục giữ chức danh đó cho đến hết nhiệm kỳ.

 Điều 73. Quy định chi tiết

 Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định chi tiết các điều, khoản được giao trong Luật./.

 ____________________________________________________________

 Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2015./.

CHỦ TỊCH
(Đã ký)
Nguyen Sinh Hung