Luật Số 41/2019/QH14

 Điều 101. Việc lao động, học tập của người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ

 1. Người chấp hành án là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, chiến sĩ, công nhân và viên chức quốc phòng, công nhân công an, người lao động nếu được tiếp tục làm việc tại cơ quan, tổ chức thì được bố trí công việc bảo đảm yêu cầu giám sát, giáo dục, được hưởng tiền lương và chế độ khác phù hợp với công việc mà họ đảm nhiệm, được tính vào thời gian công tác, thời gian tại ngũ theo quy định của pháp luật.

 2. Người chấp hành án được cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp tiếp nhận học tập thì được hưởng quyền lợi theo quy chế của cơ sở đó.

 3. Người chấp hành án không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó chấp hành án tạo điều kiện tìm việc làm.

 4. Người chấp hành án thuộc đối tượng được hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, người đang hưởng chế độ bảo hiểm xã hội thì thực hiện theo quy định của pháp luật.

 5. Người chấp hành án không có việc làm hoặc bị mất việc làm trong thời gian chấp hành án thì phải thực hiện một số công việc lao động phục vụ cộng đồng.

 Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày người chấp hành án được xác định là không có việc làm hoặc bị mất việc làm, Công an cấp xã có trách nhiệm báo cáo bằng văn bản với Ủy ban nhân dân cùng cấp; trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm báo cáo cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện.

 Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo của Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện phải xem xét, quyết định buộc người chấp hành án thực hiện một số công việc lao động phục vụ cộng đồng.

 Báo cáo của Ủy ban nhân dân cấp xã, quyết định của cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện phải nêu rõ loại công việc, thời gian lao động phục vụ cộng đồng dự kiến buộc người chấp hành án phải thực hiện.

 Căn cứ quyết định buộc người chấp hành án phải thực hiện một số công việc lao động phục vụ cộng đồng, Ủy ban nhân dân cấp xã giao cho người chấp hành án thực hiện một số công việc lao động phục vụ cộng đồng dưới sự giám sát của Công an cấp xã.

 Điều 102. Giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ

 1. Người chấp hành án có thể được Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án quân sự khu vực quyết định giảm thời hạn chấp hành án khi có đủ các điều kiện sau đây:

 a) Đã chấp hành được một phần ba thời hạn án phạt; đối với người dưới 18 tuổi thì phải chấp hành được một phần tư thời hạn án phạt;

 b) Trong thời gian thử thách người chấp hành án đã chấp hành nghiêm chỉnh các nghĩa vụ theo quy định tại Điều 99 của Luật này; tích cực học tập, lao động, sửa chữa lỗi lầm hoặc lập thành tích trong lao động, bảo vệ an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khen thưởng;

 c) Bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự trong trường hợp có nghĩa vụ dân sự.

 2. Người chấp hành án mỗi năm được xét giảm thời hạn chấp hành án 01 lần, mỗi lần có thể được giảm từ 03 tháng đến 09 tháng.

 3. Người chấp hành án có thể được giảm thời hạn chấp hành án nhiều lần nhưng phải bảo đảm thời gian thực tế chấp hành án là một phần hai mức án, đối với người chấp hành án là người dưới 18 tuổi thì phải bảo đảm thời gian thực tế chấp hành án là hai phần năm mức án.

 4. Người chấp hành án đã lập công, người đã quá già yếu hoặc người bị bệnh hiểm nghèo đã chấp hành được một phần tư thời hạn án phạt thì có thể được xét giảm thời hạn chấp hành án, mức giảm mỗi lần cao nhất là 01 năm nhưng phải bảo đảm thời gian thực tế chấp hành án là hai phần năm mức án.

 5. Người chấp hành án là người dưới 18 tuổi nếu lập công hoặc bị bệnh hiểm nghèo thì được xét giảm ngay. Trường hợp đã chấp hành được hai phần năm mức án thì có thể được giảm hết thời hạn còn lại.

 Điều 103. Thủ tục giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ

 1. Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục người chấp hành án có trách nhiệm rà soát người đủ điều kiện giảm thời hạn chấp hành án, báo cáo cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu kèm theo tài liệu có liên quan để đề nghị giảm thời hạn chấp hành án.

 2. Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện lập hồ sơ và có văn bản đề nghị giảm thời hạn chấp hành án đối với người có đủ điều kiện gửi đến Tòa án và Viện kiểm sát cùng cấp. Trường hợp xét thấy không đủ điều kiện lập hồ sơ giảm thời hạn chấp hành án, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện có văn bản thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã được giao giám sát, giáo dục người chấp hành án.

 Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu lập hồ sơ và có văn bản đề nghị giảm thời hạn chấp hành án đối với người có đủ điều kiện gửi đến Tòa án và Viện kiểm sát quân sự khu vực. Trường hợp xét thấy không đủ điều kiện lập hồ sơ giảm thời hạn chấp hành án, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu có văn bản thông báo cho đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục người chấp hành án.

 3. Hồ sơ đề nghị giảm thời hạn chấp hành án bao gồm:

 a) Đơn đề nghị giảm thời hạn chấp hành án của người chấp hành án;

 b) Bản sao bản án. Đối với trường hợp xét giảm thời hạn chấp hành án từ lần thứ hai thì bản sao bản án được thay bằng bản sao quyết định thi hành án;

 c) Văn bản đề nghị giảm thời hạn chấp hành án của Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục người chấp hành án;

 d) Trường hợp người chấp hành án được khen thưởng hoặc lập công thì hồ sơ phải có quyết định khen thưởng hoặc giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc người chấp hành án lập công; trường hợp bị bệnh hiểm nghèo thì phải có kết luận của bệnh viện cấp tỉnh, bệnh viện cấp quân khu trở lên về tình trạng bệnh của họ; tài liệu thể hiện đã thực hiện được một phần nghĩa vụ dân sự;

 đ) Trường hợp người chấp hành án đã được giảm thời hạn chấp hành án thì phải có bản sao quyết định giảm thời hạn chấp hành án;

 e) Tài liệu khác có liên quan.

 4. Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị giảm thời hạn chấp hành án, Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện, Chánh án Tòa án quân sự khu vực nơi người chấp hành án cư trú hoặc làm việc thành lập Hội đồng và tổ chức phiên họp để xét, quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ. Thành phần Hội đồng gồm 03 Thẩm phán; phiên họp có sự tham gia của Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp. Trường hợp hồ sơ phải bổ sung theo yêu cầu của Tòa án thì thời hạn mở phiên họp được tính từ ngày nhận được hồ sơ bổ sung.

 5. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định về việc chấp nhận toàn bộ, chấp nhận một phần hoặc không chấp nhận giảm thời hạn chấp hành án, Tòa án phải gửi quyết định đó cho người chấp hành án, Viện kiểm sát cùng cấp, Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp, cơ quan đề nghị giảm thời hạn chấp hành án, Tòa án đã ra quyết định thi hành án, Sở Tư pháp nơi Tòa án ra quyết định cho giảm thời hạn chấp hành án có trụ sở.

 Điều 104. Thủ tục miễn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ

 1. Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, Viện kiểm sát quân sự khu vực nơi người chấp hành án đang cư trú, làm việc, tự mình hoặc theo đề nghị của cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu xem xét, lập hồ sơ đề nghị Tòa án cùng cấp xét miễn chấp hành án. Hồ sơ bao gồm:

 a) Bản sao bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật;

 b) Văn bản đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát;

 c) Văn bản đề nghị của cơ quan thi hành án hình sự trong trường hợp cơ quan này đề nghị;

 d) Đơn xin miễn chấp hành án của người bị kết án hoặc người đại diện theo quy định của pháp luật;

 đ) Xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc người bị kết án đã lập công; kết luận của bệnh viện cấp tỉnh, bệnh viện cấp quân khu trở lên về tình trạng bệnh của người bị kết án bị bệnh hiểm nghèo; xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc người bị kết án chấp hành tốt pháp luật, có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn.

 2. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều này, Chánh án Tòa án có thẩm quyền thành lập Hội đồng và tổ chức phiên họp để xét, quyết định miễn chấp hành án. Thành phần Hội đồng gồm 03 Thẩm phán; phiên họp có sự tham gia của Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp. Trường hợp hồ sơ phải bổ sung theo yêu cầu của Tòa án thì thời hạn mở phiên họp được tính từ ngày nhận được hồ sơ bổ sung.

 3. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định về việc miễn chấp hành án, Tòa án phải gửi quyết định đó cho người bị kết án, Viện kiểm sát cùng cấp, Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp, Tòa án đã ra quyết định thi hành án, cơ quan thi hành án hình sự cùng cấp, Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục người chấp hành án, Sở Tư pháp nơi Tòa án đã ra quyết định miễn chấp hành án có trụ sở.

 Điều 105. Xử lý vi phạm đối với người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ

 1. Trường hợp người chấp hành án cố ý vi phạm nghĩa vụ quy định tại Điều 99 của Luật này thì Công an cấp xã, đơn vị quân đội lập biên bản về việc vi phạm. Trường hợp đã lập biên bản về việc vi phạm nghĩa vụ 02 lần nhưng người chấp hành án vẫn tiếp tục vi phạm thì Công an cấp xã đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã được giao giám sát, giáo dục tổ chức kiểm điểm người đó; trường hợp người chấp hành án do đơn vị quân đội giám sát, giáo dục thì đơn vị quân đội tổ chức kiểm điểm người đó.

 Việc kiểm điểm phải được lập thành biên bản, lưu hồ sơ giám sát, giáo dục và báo cáo cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu.

 2. Người chấp hành án đã bị kiểm điểm nhưng tiếp tục cố ý không chấp hành nghĩa vụ quy định tại Điều 99 của Luật này thì không được xem xét giảm thời hạn chấp hành án. Tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính hoặc xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự.

 Điều 106. Trách nhiệm giám sát, giáo dục của cơ quan, tổ chức và gia đình đối với người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ

 1. Cơ quan, tổ chức có liên quan có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội trong việc giám sát, giáo dục người chấp hành án.

 2. Gia đình người chấp hành án có trách nhiệm phối hợp trong việc giám sát, giáo dục và thông báo kết quả chấp hành án của người chấp hành án cho Ủy ban nhân dân cấp xã được giao giám sát, giáo dục khi có yêu cầu; phải có mặt tại cuộc họp kiểm điểm người chấp hành án theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục.

 Chương VI

 THI HÀNH ÁN PHẠT CẤM CƯ TRÚ, QUẢN CHẾ

 Mục 1. THI HÀNH ÁN PHẠT CẤM CƯ TRÚ

 Điều 107. Thủ tục thi hành án phạt cấm cư trú

 1. Hai tháng trước khi hết thời hạn chấp hành án phạt tù đối với phạm nhân có hình phạt bổ sung là cấm cư trú, Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu có trách nhiệm thông báo bằng văn bản về nội dung quy định tại khoản 1 Điều 46 của Luật này cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi người đó về cư trú và nơi người đó bị cấm cư trú, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó về cư trú và nơi người đó bị cấm cư trú.

 2. Ngay sau khi phạm nhân có hình phạt bổ sung là cấm cư trú chấp hành xong án phạt tù, trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu nơi người đó chấp hành án phải gửi giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù, bản sao bản án, bản sao quyết định thi hành án cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi người chấp hành án về cư trú.

 3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được các văn bản quy định tại khoản 2 Điều này, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi người chấp hành án về cư trú có trách nhiệm lập hồ sơ thi hành án phạt cấm cư trú và sao gửi các tài liệu cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người chấp hành án về cư trú và Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người chấp hành án bị cấm cư trú. Hồ sơ bao gồm:

 a) Bản sao bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật;

 b) Bản sao quyết định thi hành án phạt tù;

 c) Giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù;

 d) Tài liệu khác có liên quan.

 4. Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được các tài liệu quy định tại khoản 3 Điều này, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người chấp hành án cư trú có trách nhiệm triệu tập người chấp hành án và yêu cầu cam kết việc chấp hành án, lập hồ sơ giám sát, giáo dục người chấp hành án. Hồ sơ bao gồm:

 a) Các tài liệu quy định tại khoản 3 Điều này;

 b) Cam kết của người chấp hành án; nhận xét về quá trình chấp hành án phạt cấm cư trú;

 c) Biên bản vi phạm nghĩa vụ của người chấp hành án (nếu có);

 d) Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với người chấp hành án (nếu có);

 đ) Quyết định của Tòa án về miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú còn lại (nếu có);

 e) Tài liệu khác có liên quan.

 5. Trước khi hết thời hạn cấm cư trú 03 ngày hoặc trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được quyết định miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú còn lại, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người chấp hành án cư trú bàn giao hồ sơ giám sát, giáo dục người chấp hành án cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện để cấp giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt cấm cư trú. Giấy chứng nhận phải gửi cho người chấp hành án, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người chấp hành án cư trú, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người chấp hành án bị cấm cư trú, Tòa án đã ra quyết định thi hành án, Sở Tư pháp nơi cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện cấp giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt cấm cư trú có trụ sở.

 6. Trường hợp người chấp hành án chết, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người chấp hành án cư trú thông báo cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện để thông báo cho Tòa án đã ra quyết định thi hành án. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo, Tòa án đã ra quyết định thi hành án phải ra quyết định đình chỉ thi hành án và gửi cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, Viện kiểm sát cùng cấp, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người chấp hành án cư trú, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người chấp hành án bị cấm cư trú, Sở Tư pháp nơi Tòa án đã ra quyết định thi hành án có trụ sở.

 Điều 108. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người chấp hành án về cư trú

 1. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người chấp hành án về cư trú có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

 a) Tiếp nhận hồ sơ, tổ chức giám sát, giáo dục người chấp hành án; tạo điều kiện để họ lao động, học tập bình thường;

 b) Triệu tập người chấp hành án để thông báo thi hành bản án; phổ biến quyền và nghĩa vụ và những quy định có liên quan đến việc chấp hành án;

 c) Nhận xét bằng văn bản và lưu hồ sơ theo dõi về quá trình chấp hành án phạt cấm cư trú khi người đó chuyển nơi cư trú;

 d) Yêu cầu người chấp hành án cam kết và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình; có biện pháp giáo dục, phòng ngừa khi người đó có dấu hiệu vi phạm pháp luật;

 đ) Báo cáo cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện để đề nghị Tòa án có thẩm quyền xem xét việc miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú còn lại cho người chấp hành án;

 e) Báo cáo cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền về kết quả thi hành án.

 2. Công an cấp xã có nhiệm vụ tham mưu, trực tiếp giúp Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại khoản 1 Điều này.

 Điều 109. Quyền và nghĩa vụ của người chấp hành án phạt cấm cư trú

 1. Người chấp hành án phạt cấm cư trú có các quyền sau đây:

 a) Khi có lý do chính đáng và được sự đồng ý của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi bị cấm cư trú thì người chấp hành án phạt cấm cư trú được đến địa phương đó; thời gian lưu trú do Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đến quyết định nhưng mỗi lần không quá 05 ngày;

 b) Khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật thì được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú đề nghị miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú theo quy định của Luật này.

 2. Người chấp hành án phạt cấm cư trú có các nghĩa vụ sau đây:

 a) Không được cư trú ở những nơi đã bị cấm cư trú, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;

 b) Chấp hành nghiêm chỉnh cam kết của mình trong việc tuân thủ pháp luật;

 c) Có mặt theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người chấp hành án cư trú.

 Điều 110. Thủ tục miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú còn lại

 1. Khi người chấp hành án phạt cấm cư trú có đủ điều kiện quy định tại khoản 6 Điều 62 của Bộ luật Hình sự, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người chấp hành án cư trú báo cáo cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện lập hồ sơ đề nghị Tòa án cùng cấp xét miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú còn lại, đồng thời sao gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp. Hồ sơ bao gồm:

 a) Bản sao bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật; bản sao quyết định thi hành án;

 b) Văn bản đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp xã;

 c) Văn bản đề nghị của cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện;

 d) Đơn xin miễn chấp hành án của người bị cấm cư trú;

 đ) Tài liệu khác có liên quan.

 2. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều này, Chánh án Tòa án có thẩm quyền thành lập Hội đồng và tổ chức phiên họp để xét, quyết định miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú còn lại. Thành phần Hội đồng gồm 03 Thẩm phán; phiên họp có sự tham gia của Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp. Trường hợp hồ sơ phải bổ sung theo yêu cầu của Tòa án thì thời hạn mở phiên họp được tính từ ngày nhận được hồ sơ bổ sung.

 3. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định về việc miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú còn lại, Tòa án phải gửi quyết định đó cho người chấp hành án, Viện kiểm sát cùng cấp, Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp, Tòa án đã ra quyết định thi hành án, cơ quan thi hành án hình sự cùng cấp, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú và nơi người đó bị cấm cư trú, Sở Tư pháp nơi Tòa án đã ra quyết định miễn chấp hành án có trụ sở.

 Điều 111. Xử lý người chấp hành án phạt cấm cư trú vi phạm nghĩa vụ

 1. Trường hợp người chấp hành án đến lưu trú mà chưa được phép hoặc lưu trú quá thời hạn cho phép thì Trưởng Công an, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền, buộc họ rời khỏi địa phương và thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người chấp hành án cư trú.

 2. Trường hợp người chấp hành án phạt cấm cư trú không chấp hành nghĩa vụ quy định tại điểm b và điểm c khoản 2 Điều 109 của Luật này thì không được xem xét miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú còn lại.

 Mục 2. THI HÀNH ÁN PHẠT QUẢN CHẾ

 Điều 112. Thủ tục thi hành án phạt quản chế

 1. Hai tháng trước khi hết thời hạn chấp hành án phạt tù đối với phạm nhân có hình phạt bổ sung là quản chế, Giám thị trại giam có trách nhiệm thông báo bằng văn bản về nội dung quy định tại khoản 1 Điều 46 của Luật này cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó về cư trú để chấp hành án phạt quản chế.

 2. Khi phạm nhân có hình phạt bổ sung là quản chế chấp hành xong án phạt tù, trại giam phải giao người bị quản chế kèm theo bản sao bản án, bản sao quyết định thi hành án, giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù, nhận xét kết quả chấp hành án phạt tù và tài liệu có liên quan cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó về cư trú. Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện phải giao ngay người đó cho Ủy ban nhân dân cấp xã để kiểm soát, giáo dục.

 3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận người chấp hành án, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện phải lập hồ sơ thi hành án phạt quản chế và sao gửi các tài liệu cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người chấp hành án về cư trú. Hồ sơ bao gồm:

 a) Bản sao bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật;

 b) Bản sao quyết định thi hành án phạt tù;

 c) Giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù;

 d) Biên bản giao người bị quản chế;

 đ) Tài liệu về quá trình chấp hành án phạt tù và tài liệu khác có liên quan.

 4. Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được các tài liệu quy định tại khoản 3 Điều này, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người chấp hành án cư trú có trách nhiệm triệu tập người chấp hành án và yêu cầu cam kết việc chấp hành án, lập hồ sơ kiểm soát, giáo dục người chấp hành án phạt quản chế. Hồ sơ bao gồm:

 a) Các tài liệu quy định tại khoản 3 Điều này;

 b) Cam kết của người chấp hành án phạt quản chế;

 c) Nhận xét về quá trình chấp hành án phạt quản chế;

 d) Biên bản vi phạm nghĩa vụ của người chấp hành án (nếu có);

 đ) Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với người chấp hành án (nếu có);

 e) Quyết định của Tòa án về miễn chấp hành thời hạn quản chế còn lại (nếu có);

 g) Tài liệu khác có liên quan.

 5. Trước khi hết thời hạn quản chế 03 ngày hoặc trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được quyết định của Tòa án về miễn chấp hành thời hạn quản chế còn lại, Ủy ban nhân dân cấp xã bàn giao hồ sơ kiểm soát, giáo dục cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện để cấp giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt quản chế. Giấy chứng nhận phải gửi cho người chấp hành án, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú, Tòa án đã ra quyết định thi hành án, Sở Tư pháp nơi cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện cấp giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt quản chế có trụ sở.

 6. Trường hợp người chấp hành án chết, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người chấp hành án cư trú thông báo cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện để thông báo cho Tòa án đã ra quyết định thi hành án. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo, Tòa án đã ra quyết định thi hành án phải ra quyết định đình chỉ thi hành án và gửi cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, Viện kiểm sát cùng cấp, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người chấp hành án cư trú, Sở Tư pháp nơi Tòa án đã ra quyết định thi hành án có trụ sở.

 Điều 113. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người chấp hành án phạt quản chế về cư trú

 1. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người chấp hành án về cư trú có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

 a) Tiếp nhận người chấp hành án và hồ sơ thi hành án phạt quản chế; tổ chức kiểm soát, giáo dục người chấp hành án; tạo điều kiện để họ lao động, học tập bình thường tại nơi bị quản chế; nhận xét bằng văn bản và lưu hồ sơ theo dõi về quá trình chấp hành án;

 b) Triệu tập người chấp hành án để thông báo thi hành bản án, phổ biến quyền và nghĩa vụ và những quy định có liên quan đến việc chấp hành án;

 c) Yêu cầu người chấp hành án cam kết và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình; có biện pháp giáo dục, phòng ngừa khi người đó có dấu hiệu vi phạm pháp luật; triệu tập người bị quản chế trong trường hợp cần thiết; cấp giấy phép cho người chấp hành án đi khỏi nơi quản chế theo quy định tại Điều 115 của Luật này;

 d) Định kỳ 03 tháng 01 lần nhận xét quá trình chấp hành án gửi cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện;

 đ) Báo cáo cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện để đề nghị Tòa án có thẩm quyền xem xét việc miễn chấp hành thời hạn quản chế còn lại cho người chấp hành án;

 e) Báo cáo cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền về kết quả thi hành án.

 2. Công an cấp xã có nhiệm vụ tham mưu, trực tiếp giúp Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại khoản 1 Điều này.

 Điều 114. Quyền và nghĩa vụ của người chấp hành án phạt quản chế

 1. Người chấp hành án có các quyền sau đây:

 a) Sinh sống cùng gia đình tại nơi quản chế;

 b) Lựa chọn việc làm thích hợp, trừ những ngành, nghề hoặc công việc mà người chấp hành án không được làm theo quy định của pháp luật; được hưởng thành quả lao động do mình làm ra;

 c) Tự do đi lại trong phạm vi xã, phường, thị trấn nơi quản chế;

 d) Được xét miễn chấp hành thời hạn quản chế còn lại theo quy định tại Điều 117 của Luật này.

 2. Người chấp hành án có các nghĩa vụ sau đây:

 a) Chịu sự kiểm soát, giáo dục của Ủy ban nhân dân cấp xã và nhân dân địa phương; không được tự ý rời khỏi nơi quản chế;

 b) Mỗi tháng một lần vào tuần đầu của tháng, trình diện và báo cáo với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi quản chế việc chấp hành quy định về quản chế;

 c) Có mặt tại địa điểm quy định khi Ủy ban nhân dân cấp xã triệu tập, nếu vắng mặt phải có lý do chính đáng;

 d) Chấp hành nghiêm chỉnh chính sách, pháp luật và quy định của chính quyền địa phương; tích cực lao động, học tập, cải tạo để trở thành người có ích cho xã hội;

 đ) Trường hợp được phép đi khỏi nơi quản chế, người chấp hành án phạt quản chế phải khai báo tạm vắng; trình diện, xuất trình giấy phép, làm thủ tục đăng ký tạm trú, lưu trú với Công an cấp xã nơi đến theo quy định; trở về nơi quản chế đúng thời hạn và trình diện với Ủy ban nhân dân cấp xã.

 Điều 115. Giải quyết trường hợp người chấp hành án phạt quản chế đi khỏi nơi quản chế

 1. Trường hợp có lý do chính đáng, người chấp hành án có thể được cấp giấy phép đi khỏi nơi quản chế. Thẩm quyền cấp giấy phép như sau:

 a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi quản chế cấp giấy phép đi lại trong phạm vi cấp huyện nơi quản chế;

 b) Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện cấp giấy phép đi lại trong phạm vi cấp tỉnh nơi quản chế;

 c) Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh cấp giấy phép đi ra ngoài phạm vi cấp tỉnh nơi quản chế.

 2. Thời hạn người chấp hành án được phép đi khỏi nơi quản chế do người có thẩm quyền cấp giấy phép quyết định, nhưng mỗi lần không quá 10 ngày. Trường hợp người chấp hành án phải đi chữa bệnh thì thời gian đi khỏi nơi quản chế theo thời gian điều trị của cơ sở chữa bệnh.

 Điều 116. Xử lý người chấp hành án phạt quản chế vi phạm nghĩa vụ

 1. Trường hợp người chấp hành án vi phạm nghĩa vụ quy định tại khoản 2 Điều 114 của Luật này thì Công an cấp xã lập biên bản vi phạm nghĩa vụ, lưu hồ sơ thi hành án.

 2. Người chấp hành án phạt quản chế đi khỏi nơi quản chế mà không có giấy phép hoặc vi phạm quy định ghi trong giấy phép nếu không có lý do chính đáng thì thời gian này không được tính vào thời hạn chấp hành án phạt quản chế.

 Người chấp hành án phạt quản chế vi phạm nghĩa vụ quy định tại khoản 2 Điều 114 của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

 Điều 117. Thủ tục miễn chấp hành thời hạn quản chế còn lại

 1. Khi người chấp hành án phạt quản chế có đủ điều kiện quy định tại khoản 6 Điều 62 của Bộ luật Hình sự, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi quản chế báo cáo cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện lập hồ sơ đề nghị Tòa án cùng cấp xét miễn chấp hành thời hạn quản chế còn lại, đồng thời gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp. Hồ sơ bao gồm:

 a) Bản sao bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật; bản sao quyết định thi hành án phạt tù;

 b) Văn bản đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi quản chế;

 c) Văn bản đề nghị của cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện;

 d) Đơn xin miễn chấp hành án của người chấp hành án phạt quản chế;

 đ) Tài liệu khác có liên quan.

 2. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều này, Chánh án Tòa án có thẩm quyền thành lập Hội đồng và tổ chức phiên họp để xét, quyết định miễn chấp hành thời hạn quản chế còn lại. Thành phần Hội đồng gồm 03 Thẩm phán; phiên họp có sự tham gia của Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp. Trường hợp hồ sơ phải bổ sung theo yêu cầu của Tòa án thì thời hạn mở phiên họp được tính từ ngày nhận được hồ sơ bổ sung.

 3. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định về việc miễn chấp hành thời hạn quản chế còn lại, Tòa án phải gửi quyết định đó cho người chấp hành án, Viện kiểm sát cùng cấp, Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp, Tòa án đã ra quyết định thi hành án, cơ quan thi hành án hình sự cùng cấp, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi quản chế, Sở Tư pháp nơi Tòa án đã ra quyết định miễn chấp hành án có trụ sở.

 Chương VII

 THI HÀNH ÁN PHẠT TRỤC XUẤT

 Điều 118. Quyết định thi hành án phạt trục xuất

 1. Trường hợp trục xuất là hình phạt chính hoặc là hình phạt bổ sung trong trường hợp hình phạt chính là phạt tiền thì Tòa án đã xét xử sơ thẩm phải ra quyết định thi hành án. Quyết định phải ghi rõ họ, tên, chức vụ người ra quyết định; bản án được thi hành; họ, tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của người chấp hành án; hình phạt bổ sung; tên cơ quan có nhiệm vụ thi hành.

 2. Trường hợp trục xuất là hình phạt bổ sung thì quyết định thi hành án phải ghi đầy đủ hình phạt chính và hình phạt bổ sung, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này.

 Điều 119. Thông báo thi hành án phạt trục xuất

 1. Trường hợp ra quyết định thi hành án phạt trục xuất theo quy định tại khoản 1 Điều 118 của Luật này, Tòa án phải gửi ngay quyết định cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh và Viện kiểm sát cùng cấp, Sở Tư pháp nơi Tòa án đã ra quyết định thi hành án có trụ sở. Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh phải tống đạt quyết định thi hành án cho người chấp hành án và thông báo ngay cho Bộ Ngoại giao Việt Nam, cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của nước mà người đó mang quốc tịch hoặc cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế mà người đó làm việc, cơ quan, tổ chức đã bảo lãnh người đó vào Việt Nam. Trường hợp người chấp hành án đang bị tạm giam thì phải gửi quyết định này cho trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi đang tạm giam người đó để tống đạt cho người chấp hành án.

 2. Trường hợp phạm nhân có hình phạt bổ sung là trục xuất theo quy định tại khoản 2 Điều 118 của Luật này thì 02 tháng trước khi hết thời hạn chấp hành án phạt tù, Giám thị trại giam phải thông báo bằng văn bản cho phạm nhân đó và cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi trại giam đóng. Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh phải thông báo cho Bộ Ngoại giao Việt Nam, cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của nước mà người đó mang quốc tịch hoặc cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế mà người đó làm việc, cơ quan, tổ chức đã bảo lãnh người đó vào Việt Nam.

 Điều 120. Hồ sơ thi hành án phạt trục xuất

 1. Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh lập hồ sơ thi hành án phạt trục xuất.

 2. Hồ sơ thi hành án phạt trục xuất bao gồm:

 a) Bản sao bản án có hiệu lực pháp luật; quyết định thi hành án phạt trục xuất hoặc bản sao quyết định thi hành án phạt tù trong trường hợp trục xuất là hình phạt bổ sung;

 b) Bản sao hộ chiếu hoặc bản sao giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu của người chấp hành án;

 c) Giấy tờ chứng nhận đã chấp hành xong hình phạt, nghĩa vụ khác;

 d) Tài liệu khác có liên quan.

 Điều 121. Lưu trú trong thời gian chờ xuất cảnh

 1. Trong thời gian chờ xuất cảnh, người chấp hành án phải lưu trú tại nơi được cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh chỉ định.

 2. Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh đưa người chấp hành án phạt trục xuất vào cơ sở lưu trú của Bộ Công an nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

 a) Không có nơi thường trú, tạm trú;

 b) Nhập cảnh trái phép hoặc phạm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng;

 c) Tự ý rời khỏi nơi lưu trú được chỉ định hoặc không chấp hành các biện pháp quản lý, giám sát của cơ quan có thẩm quyền;

 d) Có hành vi vi phạm pháp luật hoặc có căn cứ cho rằng người đó có thể thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian chờ xuất cảnh;

 đ) Có hành vi bỏ trốn, chuẩn bị bỏ trốn hoặc hành vi khác gây khó khăn cho việc thi hành án phạt trục xuất;

 e) Mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm;

 g) Tự nguyện xin vào cơ sở lưu trú.

 3. Thủ tục đưa người chấp hành án phạt trục xuất vào cơ sở lưu trú được thực hiện như sau:

 a) Trường hợp người chấp hành án đang tại ngoại thì cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh phải áp giải người chấp hành án đến cơ sở lưu trú;

 b) Trường hợp người chấp hành án đang bị tạm giam thì sau khi nhận được quyết định thi hành án, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi tạm giam phải giao người chấp hành án cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh để áp giải vào cơ sở lưu trú;

 c) Khi phạm nhân có hình phạt bổ sung là trục xuất chấp hành xong án phạt tù thì trại giam phải giao người chấp hành án cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh để áp giải vào cơ sở lưu trú.

 4. Trường hợp người chấp hành án chết trong thời gian chờ xuất cảnh thì cơ sở lưu trú hoặc nơi lưu trú được chỉ định phải báo ngay cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có thẩm quyền để xác định nguyên nhân chết. Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh phải thông báo bằng văn bản hoặc bằng fax cho Tòa án đã ra quyết định thi hành án phạt trục xuất, Bộ Ngoại giao Việt Nam, cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của nước mà người đó mang quốc tịch hoặc cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế mà người đó làm việc, cơ quan, tổ chức đã bảo lãnh người đó vào Việt Nam. Sau khi được cơ quan có thẩm quyền cho phép, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức mai táng. Trường hợp thân nhân hoặc đại diện hợp pháp của người chết đề nghị được nhận tử thi, tro cốt về mai táng và tự chịu chi phí thì cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh xem xét, giải quyết.

 5. Chính phủ quy định chi tiết chế độ ăn, ở, sinh hoạt, thăm gặp, khám bệnh, chữa bệnh đối với người chấp hành án phạt trục xuất trong thời gian lưu trú tại cơ sở lưu trú, chi phí mai táng đối với người chấp hành án phạt trục xuất chết tại cơ sở lưu trú.

 Điều 122. Giải quyết trường hợp người chấp hành án phạt trục xuất bỏ trốn

 1. Trường hợp người chấp hành án bỏ trốn thì cơ sở lưu trú hoặc nơi lưu trú chỉ định phải lập biên bản và thông báo ngay cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi có cơ sở lưu trú hoặc nơi lưu trú chỉ định. Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nhận được thông báo phải tổ chức truy bắt ngay. Trường hợp truy bắt không có kết quả thì trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày người chấp hành án bỏ trốn, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh phải ra quyết định truy nã.

 2. Người chấp hành án bỏ trốn ra đầu thú thì cơ quan tiếp nhận lập biên bản và thông báo cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh đến nhận và đưa người đó vào cơ sở lưu trú.

 Điều 123. Thực hiện buộc rời khỏi lãnh thổ Việt Nam

 1. Đến thời hạn người chấp hành án phải rời khỏi lãnh thổ Việt Nam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh phối hợp với cơ quan quản lý xuất nhập cảnh có thẩm quyền tiến hành kiểm tra căn cước của người chấp hành án phạt trục xuất và áp giải người đó đến địa điểm xuất cảnh và buộc rời khỏi lãnh thổ Việt Nam. Người chấp hành án phạt trục xuất được mang theo tài sản hợp pháp của mình khi rời khỏi lãnh thổ Việt Nam. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày thi hành xong án phạt trục xuất, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh phải thông báo việc thi hành án phạt trục xuất cho Tòa án đã ra quyết định thi hành án, Viện kiểm sát cùng cấp, Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia.

 2. Tòa án đã ra quyết định thi hành án có thẩm quyền quyết định kéo dài thời hạn buộc phải rời khỏi lãnh thổ Việt Nam đối với người chấp hành án thuộc một trong các trường hợp sau đây:

 a) Đang ốm nặng, đang phải cấp cứu không thể đi lại được và được cơ quan y tế hoặc bệnh viện từ cấp tỉnh trở lên xác nhận;

 b) Phải chấp hành bản án khác hoặc thực hiện nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật Việt Nam;

 c) Có lý do chính đáng khác chưa thể rời khỏi lãnh thổ Việt Nam được Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh xác nhận.

 3. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định kéo dài thời hạn buộc phải rời khỏi lãnh thổ Việt Nam đối với người chấp hành án, Tòa án phải gửi quyết định đó cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi Tòa án đã ra quyết định thi hành án có trụ sở, Viện kiểm sát cùng cấp.

 Điều 124. Chi phí trục xuất

 Người chấp hành án phạt trục xuất phải chịu chi phí vé máy bay, ô tô, tàu hỏa, tàu biển để rời khỏi lãnh thổ Việt Nam; trường hợp người chấp hành án phạt trục xuất không có khả năng tự chịu chi phí thì cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh phối hợp với cơ quan quản lý xuất nhập cảnh yêu cầu cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của nước mà người đó mang quốc tịch hoặc cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế mà người đó làm việc, cơ quan, tổ chức đã bảo lãnh người đó vào Việt Nam giải quyết kinh phí đưa người chấp hành án phạt trục xuất về nước; trường hợp đã yêu cầu mà cơ quan, tổ chức đó vẫn chưa giải quyết được kinh phí nhưng vì lý do an ninh quốc gia cần phải trục xuất ngay thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh báo cáo cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an quyết định việc sử dụng ngân sách nhà nước chi trả vé máy bay, ô tô, tàu hỏa, tàu biển cho người chấp hành án phạt trục xuất.

 Chương VIII

 THI HÀNH ÁN PHẠT TƯỚC MỘT SỐ QUYỀN CÔNG DÂN

 Điều 125. Thủ tục thi hành án phạt tước một số quyền công dân

 1. Hai tháng trước khi hết thời hạn chấp hành án phạt tù đối với phạm nhân có hình phạt bổ sung là tước một số quyền công dân, Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh trong trường hợp phạm nhân chấp hành án tại cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện có trách nhiệm thông báo bằng văn bản về nội dung quy định tại khoản 1 Điều 46 của Luật này cho Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, Sở Tư pháp nơi người đó về cư trú.

 2. Ngay sau khi phạm nhân có hình phạt bổ sung là tước một số quyền công dân chấp hành xong án phạt tù, trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu nơi người đó chấp hành án phải gửi giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù, bản sao bản án, bản sao quyết định thi hành án cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi người chấp hành án về cư trú.

 3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được các văn bản quy định tại khoản 2 Điều này, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi người chấp hành án về cư trú có trách nhiệm lập hồ sơ thi hành án phạt tước một số quyền công dân và thông báo bằng văn bản cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó về cư trú. Hồ sơ bao gồm:

 a) Bản sao bản án của Tòa án có hiệu lực pháp luật; bản sao quyết định thi hành án phạt tù;

 b) Giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù;

 c) Tài liệu khác có liên quan.

 4. Trường hợp người chấp hành án phạt tước một số quyền công dân là người được hưởng án treo thì sau khi nhận được bản án, quyết định thi hành án do Tòa án ra quyết định thi hành án gửi, Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện lập hồ sơ và thông báo cho cơ quan nơi người chấp hành án làm việc, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú.

 5. Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi người bị tước một số quyền công dân về cư trú có nhiệm vụ theo dõi, giám sát việc thực hiện thi hành án phạt tước một số quyền công dân theo bản án của Tòa án; cung cấp danh sách người bị tước một số quyền công dân khi có đề nghị của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền.

 Khi hết thời hạn chấp hành án, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện phải cấp giấy chứng nhận đã chấp hành xong án phạt tước một số quyền công dân. Giấy chứng nhận phải gửi cho người chấp hành án, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú, Tòa án đã ra quyết định thi hành án, Sở Tư pháp nơi cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện cấp giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt có trụ sở.

 6. Trường hợp người chấp hành án chết, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người chấp hành án cư trú thông báo cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện để thông báo cho Tòa án đã ra quyết định thi hành án. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo, Tòa án đã ra quyết định thi hành án phải ra quyết định đình chỉ thi hành án và gửi cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, Viện kiểm sát cùng cấp, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người chấp hành án cư trú, Sở Tư pháp nơi Tòa án đã ra quyết định thi hành án có trụ sở.

 Điều 126. Tước quyền ứng cử đại biểu cơ quan quyền lực nhà nước

 Trong thời gian bị tước quyền ứng cử đại biểu cơ quan quyền lực nhà nước, người chấp hành án không được tham gia ứng cử đại biểu cơ quan quyền lực nhà nước.

 Điều 127. Tước quyền làm việc trong cơ quan nhà nước

 1. Trong thời gian bị tước quyền làm việc trong cơ quan nhà nước, người chấp hành án không được dự tuyển hoặc tiếp tục làm việc trong cơ quan nhà nước.

 2. Trường hợp người chấp hành án đang là cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan nhà nước mà bị tước quyền làm việc trong cơ quan nhà nước thì cơ quan nơi người đó làm việc phải ra quyết định hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền ra quyết định buộc thôi việc hoặc đình chỉ công tác trong thời hạn bị tước quyền làm việc trong cơ quan nhà nước đối với người đó.

 Điều 128. Tước quyền phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân

 1. Trong thời gian bị tước quyền phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân, người chấp hành án không được đăng ký nghĩa vụ quân sự, dự tuyển hoặc tiếp tục làm công chức, viên chức, công nhân quốc phòng trong Quân đội nhân dân, dự tuyển hoặc tiếp tục phục vụ trong Công an nhân dân.

 2. Trường hợp người chấp hành án đang là quân nhân, công chức, viên chức, công nhân quốc phòng trong Quân đội nhân dân hoặc đang phục vụ trong cơ quan, đơn vị Công an nhân dân mà bị tước quyền phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân thì cơ quan, đơn vị nơi người đó làm việc phải ra quyết định hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền ra quyết định buộc người đó ra khỏi lực lượng vũ trang nhân dân.

 Chương IX

 THI HÀNH ÁN PHẠT CẤM ĐẢM NHIỆM CHỨC VỤ, CẤM HÀNH NGHỀ HOẶC LÀM CÔNG VIỆC NHẤT ĐỊNH

 Điều 129. Thủ tục thi hành án phạt cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định

 1. Hai tháng trước khi hết thời hạn chấp hành án phạt tù đối với phạm nhân có hình phạt bổ sung là cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi người đó đang chấp hành án phạt tù phải thông báo bằng văn bản về việc thi hành án phạt cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định cho Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện nơi người đó về cư trú, cơ quan thi hành án hình sự và Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu nơi có đơn vị quân đội người đó làm việc.

 2. Ngay sau khi phạm nhân có hình phạt bổ sung cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định chấp hành xong án phạt tù, trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh phải gửi giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù, bản sao bản án, bản sao quyết định thi hành án cho Sở Tư pháp, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện nơi người chấp hành án về cư trú, cơ quan thi hành án hình sự và Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu nơi có đơn vị quân đội người đó làm việc.

 3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được các văn bản quy định tại khoản 2 Điều này, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu lập hồ sơ thi hành án phạt cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định và thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người chấp hành án cư trú, đơn vị quân đội nơi người đó làm việc. Hồ sơ bao gồm:

 a) Bản sao bản án có hiệu lực pháp luật; bản sao quyết định thi hành án phạt tù;

 b) Giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù;

 c) Tài liệu khác có liên quan.

 4. Trường hợp người có hình phạt bổ sung là cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định phải chấp hành hình phạt chính là cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù cho hưởng án treo thì thời hạn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật. Tòa án ra quyết định thi hành án phải gửi bản án, quyết định thi hành án cho Sở Tư pháp, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện nơi người đó cư trú, cơ quan thi hành án hình sự và Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu nơi có đơn vị người đó làm việc. Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu nhận được quyết định thi hành án phải lập hồ sơ và thông báo cho cơ quan, tổ chức, đơn vị quân đội nơi người chấp hành án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định làm việc, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú.

 5. Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu có nhiệm vụ theo dõi, giám sát việc thi hành án phạt cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định theo bản án của Tòa án. Trong thời gian chấp hành án, nếu phát hiện người chấp hành án đảm nhiệm chức vụ, hành nghề hoặc làm công việc bị cấm thì cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu thông báo cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc để buộc người đó nghiêm chỉnh chấp hành bản án.

 6. Khi hết thời hạn chấp hành án, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu cấp giấy chứng nhận đã chấp hành xong án phạt cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định. Giấy chứng nhận phải gửi cho người chấp hành án, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú, cơ quan, tổ chức, đơn vị quân đội nơi người đó làm việc, Tòa án đã ra quyết định thi hành án, Sở Tư pháp nơi cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện cấp giấy chứng nhận có trụ sở.

 7. Trường hợp người chấp hành án chết, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú, đơn vị quân đội nơi người đó làm việc thông báo cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu để thông báo cho Tòa án đã ra quyết định thi hành án. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo, Tòa án đã ra quyết định thi hành án phải ra quyết định đình chỉ thi hành án và gửi cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu, Viện kiểm sát cùng cấp, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người chấp hành án cư trú, đơn vị quân đội nơi người chấp hành án làm việc, Sở Tư pháp nơi Tòa án đã ra quyết định thi hành án có trụ sở.

 Điều 130. Nghĩa vụ của người chấp hành án phạt cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định

 1. Báo cáo về chức vụ, nghề hoặc công việc bị cấm đảm nhiệm cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú.

 2. Không được tiếp tục hoặc phải từ chối đảm nhiệm chức vụ, hành nghề hoặc làm công việc nhất định đã bị cấm.

 3. Không được ứng cử vào chức vụ đã bị cấm.

 4. Trường hợp không còn làm việc trong cơ quan, tổ chức hoặc thay đổi nơi làm việc phải báo cáo Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú.

 5. Có mặt khi cơ quan có thẩm quyền triệu tập liên quan đến việc chấp hành án của mình.

 Điều 131. Trách nhiệm thi hành án phạt cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định

 1. Cơ quan, tổ chức nơi người chấp hành án làm việc có trách nhiệm sau đây:

 a) Ra quyết định cách chức hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền ra quyết định cách chức người chấp hành án khỏi chức vụ bị cấm đảm nhiệm và thông báo công khai trong cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc;

 b) Không được đề cử, đề bạt, bổ nhiệm, bố trí người chấp hành án vào chức vụ, công việc, nghề bị cấm;

 c) Báo cáo kết quả thi hành án cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu;

 d) Thông báo cho cơ quan, tổ chức nơi người chấp hành án được chuyển đến làm việc về việc người đó đang chấp hành án; cơ quan, tổ chức nơi người chấp hành án chuyển đến có trách nhiệm thực hiện các quy định tại các điểm a, b và c khoản này.

 2. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người chấp hành án cư trú có trách nhiệm sau đây:

 a) Thông báo công khai bản án tại nơi người chấp hành án về cư trú;

 b) Báo cáo kết quả thi hành án cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện;

 c) Trường hợp người chấp hành án chuyển đến nơi cư trú mới phải thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi chuyển đến về việc người đó đang chấp hành án. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó chuyển đến có trách nhiệm thực hiện quy định tại điểm a và điểm b khoản này.

 Chương X

 THI HÀNH BIỆN PHÁP TƯ PHÁP

 Mục 1. QUY ĐỊNH CHUNG VỀ THI HÀNH BIỆN PHÁP TƯ PHÁP

 Điều 132. Quyết định áp dụng biện pháp tư pháp

 1. Quyết định áp dụng biện pháp tư pháp bao gồm:

 a) Quyết định của Tòa án, Viện kiểm sát về áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh;

 b) Bản án, quyết định của Tòa án về áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng.

 2. Quyết định áp dụng biện pháp tư pháp phải ghi rõ tên cơ quan, họ, tên, chức vụ người ra quyết định; họ, tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của người chấp hành biện pháp tư pháp; tên cơ quan có nhiệm vụ thi hành.

 3. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định, cơ quan ra quyết định phải gửi quyết định đó cho cá nhân, cơ quan sau đây:

 a) Người chấp hành biện pháp tư pháp, người đại diện của người đó;

 b) Viện kiểm sát cùng cấp trong trường hợp Tòa án ra quyết định;

 c) Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi người chấp hành biện pháp tư pháp cư trú;

 d) Cơ sở chữa bệnh tâm thần trong trường hợp bắt buộc chữa bệnh;

 đ) Cơ quan đề nghị Tòa án, Viện kiểm sát áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh.

 Điều 133. Cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ thi hành biện pháp tư pháp

 1. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được giao nhiệm vụ bắt buộc chữa bệnh tâm thần có nhiệm vụ thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh cho người bị áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh.

 2. Trường giáo dưỡng có nhiệm vụ thi hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng.

 Điều 134. Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát trong thi hành biện pháp tư pháp

 1. Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát trong việc áp dụng và thi hành các biện pháp tư pháp được thực hiện theo quy định tại Chương này.

 2. Viện kiểm sát thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thi hành biện pháp tư pháp theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

 Điều 135. Bảo đảm điều kiện thi hành các biện pháp tư pháp

 1. Nhà nước bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, kinh phí để thi hành các biện pháp tư pháp.

 2. Nhà nước khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân và gia đình tham gia vào việc giáo dục người phải chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng.

 Mục 2. THI HÀNH BIỆN PHÁP TƯ PHÁP BẮT BUỘC CHỮA BỆNH

 Điều 136. Thẩm quyền đề nghị áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh, hồ sơ đưa người vào cơ sở bắt buộc chữa bệnh

 1. Thẩm quyền đề nghị áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh được quy định như sau:

 a) Cơ quan đang thụ lý giải quyết vụ án trong giai đoạn điều tra có quyền đề nghị Viện kiểm sát cùng cấp;

 b) Trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh trong giai đoạn thi hành án có quyền đề nghị Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu nơi phạm nhân chấp hành án.

 2. Cơ quan đề nghị áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh có trách nhiệm lập hồ sơ đưa người vào cơ sở bắt buộc chữa bệnh. Hồ sơ bao gồm:

 a) Quyết định của Viện kiểm sát hoặc Tòa án về áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh;

 b) Kết luận của Hội đồng giám định pháp y tâm thần;

 c) Lý lịch cá nhân của người chấp hành biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh;

 d) Tài liệu khác có liên quan.

 3. Trường hợp Viện kiểm sát, Tòa án tự mình quyết định áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh thì Viện kiểm sát, Tòa án đã ra quyết định có trách nhiệm lập hồ sơ và đề nghị cơ quan đang thụ lý giải quyết vụ án trong giai đoạn điều tra hoặc trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện trong giai đoạn thi hành án đưa người vào cơ sở bắt buộc chữa bệnh.

 Điều 137. Đưa người vào cơ sở bắt buộc chữa bệnh

 1. Ngay sau khi nhận được quyết định áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh, cơ quan đang giải quyết vụ án trong giai đoạn điều tra hoặc trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện trong giai đoạn thi hành án có nhiệm vụ giao người bị bắt buộc chữa bệnh và hồ sơ kèm theo cho cơ sở chữa bệnh tâm thần được chỉ định theo quyết định của Viện kiểm sát hoặc quyết định của Tòa án, đồng thời sao gửi quyết định áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh cho cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.

 2. Cơ sở chữa bệnh tâm thần được Viện kiểm sát hoặc Tòa án chỉ định có trách nhiệm tiếp nhận người bị bắt buộc chữa bệnh và hồ sơ kèm theo, lập biên bản giao nhận. Cơ quan có trách nhiệm đưa người vào cơ sở chữa bệnh tâm thần phải thông báo cho gia đình hoặc thân nhân của người bị bắt buộc chữa bệnh về nơi người đó đang chữa bệnh.

 Điều 138. Tổ chức điều trị cho người bị bắt buộc chữa bệnh

 1. Cơ sở chữa bệnh tâm thần có trách nhiệm quản lý, tổ chức điều trị bệnh cho người bị bắt buộc chữa bệnh và không được phân biệt đối xử.

 2. Trong thời gian bắt buộc chữa bệnh, thân nhân của người bị bắt buộc chữa bệnh được gặp và phối hợp chăm sóc người bị bắt buộc chữa bệnh và phải chấp hành đúng quy định về thăm gặp, chăm sóc của cơ sở chữa bệnh tâm thần.

 3. Trường hợp người bị bắt buộc chữa bệnh bỏ trốn, cơ sở chữa bệnh tâm thần phải lập biên bản và thông báo ngay cho cơ quan đề nghị áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh và gia đình của người đó biết để phối hợp truy tìm, đưa người đó trở lại cơ sở chữa bệnh tâm thần.

 4. Kinh phí điều trị do cơ quan đề nghị áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh hoặc Viện kiểm sát, Tòa án tự mình quyết định áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh chi trả từ nguồn ngân sách nhà nước.

 Điều 139. Đình chỉ thi hành biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh

 1. Khi người bị bắt buộc chữa bệnh đã khỏi bệnh, thủ trưởng cơ sở chữa bệnh tâm thần thông báo cho cơ quan đề nghị áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh để yêu cầu Hội đồng giám định y khoa tiến hành giám định về tình trạng bệnh của người đó.

 Căn cứ vào kết luận của Hội đồng giám định y khoa về việc người đó đã khỏi bệnh, cơ quan đề nghị áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh đề nghị Tòa án hoặc Viện kiểm sát đã ra quyết định áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh ra quyết định đình chỉ việc thi hành biện pháp này.

 2. Tòa án hoặc Viện kiểm sát đã ra quyết định đình chỉ thi hành biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh có trách nhiệm gửi quyết định cho cơ quan đề nghị áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh để thông báo cho cơ sở chữa bệnh tâm thần và thân nhân của người đó.

 3. Sau khi nhận được quyết định đình chỉ, cơ quan đề nghị áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh phải đến nhận người bị bắt buộc chữa bệnh. Việc giao nhận phải lập biên bản, trong đó ghi rõ thời gian chữa bệnh tại cơ sở chữa bệnh tâm thần.

 Điều 140. Giải quyết trường hợp người bị bắt buộc chữa bệnh chết

 1. Trường hợp người bị bắt buộc chữa bệnh chết, thủ trưởng cơ sở chữa bệnh tâm thần phải báo ngay cho cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có thẩm quyền để xác định nguyên nhân chết, thông báo cho thân nhân của người chết, cơ quan quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 136 của Luật này.

 2. Sau khi được cơ quan điều tra và Viện kiểm sát có thẩm quyền cho phép, cơ sở chữa bệnh tâm thần có trách nhiệm mai táng. Kinh phí cho việc mai táng do ngân sách nhà nước cấp. Trường hợp thân nhân của người chết đề nghị nhận tử thi để mai táng và tự chịu chi phí thì cơ sở chữa bệnh tâm thần giao cho họ thực hiện. Việc tổ chức mai táng phải bảo đảm an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường.

 Mục 3. THI HÀNH BIỆN PHÁP TƯ PHÁP GIÁO DỤC TẠI TRƯỜNG GIÁO DƯỠNG

 Điều 141. Thủ tục thi hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng

 1. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày ra bản án, quyết định áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng, Tòa án phải gửi bản án, quyết định cho người đó, người đại diện của người đó và cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi người dưới 18 tuổi cư trú.

 2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được bản án, quyết định của Tòa án, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi người dưới 18 tuổi cư trú phải báo cáo cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an để ra quyết định đưa người dưới 18 tuổi vào trường giáo dưỡng.

 3. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo của cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an ra quyết định đưa người dưới 18 tuổi vào trường giáo dưỡng và gửi cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện.

 4. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định của cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện phải lập hồ sơ và bàn giao người dưới 18 tuổi vào trường giáo dưỡng. Hồ sơ bao gồm:

 a) Bản sao bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật;

 b) Quyết định đưa người dưới 18 tuổi vào trường giáo dưỡng;

 c) Sơ yếu lý lịch có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã;

 d) Danh bản;

 đ) Tài liệu khác có liên quan.

 5. Khi tiếp nhận người phải chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng (sau đây gọi là học sinh), Hiệu trưởng trường giáo dưỡng phải kiểm tra hồ sơ và lập biên bản giao nhận, tổ chức khám sức khỏe cho học sinh. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận học sinh, Hiệu trưởng trường giáo dưỡng phải thông báo việc đã tiếp nhận học sinh cho người đại diện của người đó.

 Điều 142. Hoãn, tạm đình chỉ chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng

 1. Người dưới 18 tuổi có thể được hoãn chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng trong trường hợp sau đây:

 a) Bị bệnh nặng, đang cấp cứu hoặc vì lý do sức khỏe khác mà không thể đi lại được và được cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ cấp huyện trở lên xác nhận;

 b) Có lý do chính đáng khác được Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện xác nhận.

 2. Đối với trường hợp hoãn chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện có nhiệm vụ làm thủ tục đề nghị Tòa án đã ra quyết định áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng xem xét, quyết định hoãn. Hồ sơ bao gồm:

 a) Đơn đề nghị của người phải chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc của người đại diện của họ;

 b) Kết luận của cơ sở y tế từ cấp huyện trở lên về tình trạng bệnh của người phải chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng;

 c) Giấy bảo lãnh của người đại diện của người phải chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng, có xác nhận của chính quyền địa phương.

 3. Trường hợp học sinh trường giáo dưỡng bị bệnh nặng thì Hiệu trưởng trường giáo dưỡng lập hồ sơ và có văn bản đề nghị Tòa án cấp huyện nơi có trường giáo dưỡng xem xét, quyết định tạm đình chỉ. Hồ sơ đề nghị tạm đình chỉ thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều này.

 4. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị, Chánh án Tòa án cấp huyện phải xem xét, quyết định.

 5. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định về việc hoãn, tạm đình chỉ chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng, Tòa án đã ra quyết định hoãn, tạm đình chỉ phải gửi quyết định đó cho cá nhân, cơ quan sau đây:

 a) Người phải chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng, người đại diện của người đó;

 b) Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện đã đề nghị áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng;

 c) Viện kiểm sát cùng cấp;

 d) Tòa án đã ra quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng trong trường hợp tạm đình chỉ.

 6. Khi không còn lý do hoãn, tạm đình chỉ, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi người bị áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng cư trú phải thông báo cho Tòa án đã ra quyết định và đưa người đó vào trường giáo dưỡng.

 Điều 143. Giải quyết trường hợp người phải chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng bỏ trốn

 1. Trường hợp người đã có quyết định áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng bỏ trốn thì cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi người đó cư trú phải ra quyết định truy tìm, đưa người đó vào trường giáo dưỡng và báo cáo kết quả cho cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an.

 2. Khi phát hiện người phải chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng bỏ trốn đang bị truy tìm thì cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm báo cho cơ quan công an hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất hoặc bắt giữ và đưa đến các cơ quan này. Khi tiếp nhận, lưu giữ người đó, cơ quan công an phải lập biên bản và đưa ngay họ vào trường giáo dưỡng.

 Điều 144. Chế độ quản lý học sinh

 1. Học sinh phải chịu sự giám sát, quản lý của cán bộ, giáo viên trường giáo dưỡng và chấp hành nghiêm chỉnh nội quy của nhà trường.

 2. Căn cứ vào độ tuổi, giới tính, sức khỏe, trình độ học vấn, tính chất và mức độ vi phạm, trường giáo dưỡng bố trí học sinh thành các đội, lớp, tổ, nhóm và phân công giáo viên trực tiếp phụ trách.

 3. Trường hợp học sinh bỏ trốn thì Hiệu trưởng trường giáo dưỡng ra quyết định và tổ chức truy tìm. Thời gian học sinh bỏ trốn không được tính vào thời hạn chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng. Khi bắt giữ mà học sinh có hành vi chống đối thì được áp dụng biện pháp cưỡng chế cần thiết theo quy định của pháp luật. Ủy ban nhân dân và cơ quan công an các cấp có trách nhiệm phối hợp trong việc truy tìm, bắt giữ học sinh bỏ trốn. Khi phát hiện người bị truy tìm, người phát hiện có trách nhiệm báo ngay cho cơ quan công an, Ủy ban nhân dân nơi gần nhất hoặc bắt giữ và đưa đến các cơ quan này.

 Khi bắt được người bỏ trốn hoặc nhận bàn giao người đó, cơ quan công an phải lập biên bản, lấy lời khai, lưu giữ và quản lý người bỏ trốn, thông báo ngay cho trường giáo dưỡng đã ra quyết định truy tìm. Khi nhận được thông báo, trường giáo dưỡng đã ra quyết định truy tìm phải cử người đến ngay để nhận và đưa học sinh bỏ trốn về trường giáo dưỡng. Việc giao, nhận học sinh bỏ trốn phải lập biên bản. Thời gian lưu giữ được tính vào thời hạn chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng.

 Điều 145. Thực hiện lệnh trích xuất học sinh

 1. Khi có văn bản yêu cầu của cơ quan, người tiến hành tố tụng có thẩm quyền về việc trích xuất học sinh thì cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an ra lệnh trích xuất.

 2. Trường hợp cần trích xuất học sinh phục vụ yêu cầu giáo dục hoặc khám bệnh, chữa bệnh thì Hiệu trưởng trường giáo dưỡng ra lệnh trích xuất.

 3. Nội dung lệnh trích xuất thực hiện theo quy định khoản 4 Điều 40 của Luật này.

 4. Cơ quan yêu cầu trích xuất chịu trách nhiệm đưa và trả học sinh được trích xuất đến trường giáo dưỡng đúng thời gian đã ghi trong lệnh trích xuất; khi giao nhận phải lập biên bản. Chi phí cho việc đi lại, ăn, ở của học sinh được trích xuất do ngân sách nhà nước bảo đảm, trừ trường hợp học sinh được đưa về gia đình chữa bệnh quy định tại khoản 2 Điều 151 của Luật này.

 Thời gian trích xuất được tính vào thời hạn chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng.

 Điều 146. Chế độ học văn hóa, giáo dục hướng nghiệp, học nghề, lao động

 1. Học sinh ở trường giáo dưỡng được học văn hóa, giáo dục hướng nghiệp, học nghề theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

 Đối với học sinh chưa đạt trình độ phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở thì việc học văn hóa là bắt buộc. Đối với học sinh khác thì tùy khả năng, điều kiện thực tế mà tổ chức cho họ học tập phù hợp.

 2. Ngoài giờ học tập, học sinh phải tham gia lao động do trường tổ chức. Trường giáo dưỡng có trách nhiệm sắp xếp công việc phù hợp với lứa tuổi và sức khỏe của học sinh để bảo đảm sự phát triển bình thường về thể chất; không bố trí những công việc nặng nhọc, nguy hiểm, độc hại.

 Thời gian lao động của học sinh không được nhiều hơn thời gian học tập. Thời gian học tập và lao động không quá 07 giờ trong 01 ngày và không quá 35 giờ trong 01 tuần.

 Kết quả lao động của học sinh được sử dụng phục vụ sinh hoạt, học tập và bổ sung vào quỹ hòa nhập cộng đồng, quỹ khen thưởng của học sinh.

 3. Học sinh được nghỉ ngày thứ bảy, chủ nhật, ngày lễ, tết theo quy định của pháp luật.

 4. Kinh phí mua sách vở, đồ dùng học tập cho học sinh do ngân sách nhà nước cấp.

 Điều 147. Kiểm tra, đánh giá, xếp loại học sinh và tổ chức thi

 1. Trường giáo dưỡng có trách nhiệm tổ chức kiểm tra, đánh giá, xếp loại học sinh và tổ chức thi học kỳ, kết thúc năm học, chuyển cấp, thi tuyển chọn học sinh giỏi hoặc hình thức thi khác.

 2. Sổ điểm, học bạ, hồ sơ và các biểu mẫu liên quan đến việc học tập của học sinh phải theo mẫu thống nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

 3. Chứng chỉ học văn hóa, học nghề do trường giáo dưỡng cấp cho học sinh có giá trị như chứng chỉ của cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp.

 Điều 148. Chế độ sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, vui chơi giải trí

 Ngoài giờ học văn hóa, học nghề, lao động, học sinh được tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, đọc sách báo, xem truyền hình và các hoạt động vui chơi giải trí khác do trường giáo dưỡng tổ chức.

 Điều 149. Chế độ ăn, mặc của học sinh

 1. Học sinh được bảo đảm tiêu chuẩn định lượng về gạo, rau xanh, thịt, cá, đường, nước mắm, dầu ăn, bột ngọt, muối, chất đốt.

 Ngày lễ, tết theo quy định của pháp luật, học sinh được ăn thêm nhưng mức ăn không quá 05 lần tiêu chuẩn ăn ngày thường.

 Học sinh được bảo đảm ăn, uống hợp vệ sinh. Chế độ ăn đối với học sinh ốm đau, bệnh tật, thương tích do y sỹ hoặc bác sỹ chỉ định.

 2. Hằng năm, học sinh được cấp quần áo, chăn, chiếu, màn và các đồ dùng sinh hoạt khác; học sinh nữ được cấp thêm đồ dùng cần thiết cho vệ sinh cá nhân.

 3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

 Điều 150. Chế độ ở và đồ dùng sinh hoạt của học sinh

 1. Căn cứ vào giới tính, độ tuổi, đặc điểm nhân thân, tính chất, mức độ phạm tội của học sinh, trường sắp xếp chỗ ở, sinh hoạt phù hợp trong các buồng tập thể. Buồng ở phải bảo đảm thoáng mát về mùa hè, kín gió về mùa đông, hợp vệ sinh môi trường. Diện tích chỗ nằm tối thiểu cho mỗi học sinh là 2,5 m2.

 2. Học sinh được bố trí giường hoặc sàn nằm có chiếu trải và được phép sử dụng đồ dùng sinh hoạt cá nhân của mình, trừ những đồ vật bị cấm sử dụng trong trường giáo dưỡng. Đồ dùng cần thiết cho sinh hoạt của học sinh được trường cho mượn hoặc cấp.