Luật Số 41/2019/QH14

 Điều 151. Chế độ chăm sóc y tế đối với học sinh trường giáo dưỡng

 1. Học sinh được khám sức khỏe định kỳ; trường hợp học sinh bị ốm đau, bệnh tật, thương tích được điều trị tại cơ sở y tế của trường giáo dưỡng; trường hợp ốm đau, bệnh tật, thương tích nặng vượt quá khả năng điều trị của trường thì Hiệu trưởng trường giáo dưỡng quyết định đưa họ đến điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước. Chi phí khám bệnh, chữa bệnh do trường giáo dưỡng chi trả.

 2. Chi phí khám bệnh, chữa bệnh quy định tại khoản 1 Điều này do ngân sách nhà nước cấp. Kinh phí tổ chức cai nghiện ma túy, điều trị HIV/AIDS cho học sinh theo quy định của Bộ Tài chính. Trường hợp học sinh được nghỉ học để đưa về gia đình chữa bệnh thì gia đình học sinh phải chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh.

 3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

 Điều 152. Thủ tục giải quyết trường hợp học sinh chết

 Trường hợp học sinh chết, Hiệu trưởng phải báo ngay cho cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện nơi có trường giáo dưỡng để xác định nguyên nhân chết; đồng thời phải báo ngay cho thân nhân của người chết biết.

 Sau khi được cơ quan điều tra và Viện kiểm sát cho phép mai táng, trường giáo dưỡng có trách nhiệm tổ chức mai táng, báo cáo cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an và thông báo cho Tòa án đã ra quyết định áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng. Kinh phí cho việc mai táng do ngân sách nhà nước cấp. Trường hợp thân nhân của người chết đề nghị nhận tử thi để mai táng và tự chịu chi phí thì trường giáo dưỡng giao cho thân nhân của người chết thực hiện. Việc tổ chức mai táng phải bảo đảm an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường.

 Điều 153. Chế độ gặp thân nhân, liên lạc, nhận quà của học sinh trường giáo dưỡng

 1. Học sinh được gặp thân nhân tại nơi tiếp đón của trường giáo dưỡng và phải chấp hành đúng quy định về thăm gặp.

 2. Học sinh được gửi và nhận thư, nhận quà là tiền, đồ vật, trừ rượu, bia, thuốc lá, các chất kích thích khác, đồ vật và các loại văn hóa phẩm thuộc danh mục cấm. Trường giáo dưỡng có trách nhiệm kiểm tra thư, quà trước khi học sinh gửi hoặc nhận. Học sinh có tiền hoặc giấy tờ có giá thì phải gửi trường giáo dưỡng để quản lý và sử dụng theo quy định của trường giáo dưỡng.

 Điều 154. Chấm dứt trước thời hạn việc chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng

 Học sinh đã chấp hành được một phần hai thời hạn chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng, tích cực học tập, tu dưỡng và chấp hành tốt nội quy của trường thì Hiệu trưởng trường giáo dưỡng đề nghị Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có trường xem xét, quyết định chấm dứt trước thời hạn việc chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng. Tòa án đã ra quyết định chấm dứt trước thời hạn phải gửi quyết định đó cho học sinh, trường giáo dưỡng, Tòa án đã ra quyết định áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng, Viện kiểm sát cùng cấp, cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an, người đại diện của học sinh. Ngay sau khi nhận được quyết định, Hiệu trưởng trường giáo dưỡng phải làm thủ tục cho học sinh ra trường.

 Điều 155. Khen thưởng, xử lý vi phạm đối với học sinh

 1. Học sinh chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, nội quy của trường giáo dưỡng, có kết quả học tập đạt từ loại khá trở lên hoặc lập công thì được Hiệu trưởng quyết định khen thưởng bằng một hoặc một số hình thức sau đây:

 a) Biểu dương, tặng giấy khen, tặng quà;

 b) Cho đi tham quan do trường giáo dưỡng tổ chức.

 2. Học sinh vi phạm kỷ luật học tập, lao động hoặc có hành vi khác vi phạm nội quy của trường giáo dưỡng, thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà Hiệu trưởng quyết định xử lý bằng một trong các hình thức sau đây:

 a) Khiển trách;

 b) Cảnh cáo;

 c) Giáo dục cá biệt tại phòng riêng không quá 05 ngày;

 Học sinh bị giáo dục cá biệt phải làm bản kiểm điểm và tự kiểm điểm trước tổ hoặc lớp.

 3. Quyết định khen thưởng hoặc xử lý vi phạm được lưu vào hồ sơ học sinh.

 Điều 156. Thủ tục cho học sinh ra trường

 1. Hai tháng trước khi học sinh hết thời hạn chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng, Hiệu trưởng trường giáo dưỡng phải thông báo bằng văn bản cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó về cư trú và gia đình họ biết ngày ra trường.

 2. Vào ngày cuối cùng của thời hạn chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng, Hiệu trưởng trường giáo dưỡng phải cấp giấy chứng nhận đã chấp hành xong biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng cho học sinh ra trường và gửi giấy chứng nhận này cho cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an, Tòa án đã ra quyết định áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng và Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó về cư trú.

 3. Học sinh khi ra trường phải trả lại đồ dùng được trường cho mượn; được nhận lại tiền, giấy tờ có giá, tài sản và đồ vật gửi trường quản lý, các chứng chỉ học văn hóa, học nghề; được cấp tiền tàu xe, tiền ăn trong thời gian đi đường trở về nơi cư trú. Trường hợp hết thời hạn chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng mà học sinh vẫn chưa tiến bộ thì Hiệu trưởng phải có bản nhận xét riêng và kiến nghị các biện pháp giáo dục tiếp theo gửi Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi người đó về cư trú.

 4. Đối với học sinh đã chấp hành xong biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng mà không rõ cha, mẹ, nơi cư trú thì trường có trách nhiệm liên hệ với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có trường để đề nghị giúp đỡ, sắp xếp chỗ ăn, ở và tạo việc làm, học tập.

 5. Đối với học sinh dưới 16 tuổi hoặc bị ốm đau, bệnh tật đến ngày được ra trường mà không có thân nhân đến đón thì trường giáo dưỡng phải cử người đưa về giao cho gia đình hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó về cư trú.

 6. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ra trường, học sinh đã chấp hành xong biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng phải trình báo Ủy ban nhân dân cấp xã nơi về cư trú.

 Điều 157. Chi phí tổ chức thi hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng

 1. Chi phí tổ chức thi hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng do ngân sách nhà nước cấp. Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an có trách nhiệm xây dựng dự toán ngân sách hằng năm chi cho việc thi hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng, tổng hợp vào dự toán ngân sách hằng năm của cơ quan mình để Bộ Công an gửi Bộ Tài chính xem xét, trình cấp có thẩm quyền quyết định.

 2. Trường giáo dưỡng được tiếp nhận sự giúp đỡ về vật chất của Ủy ban nhân dân địa phương, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước, cá nhân và tổ chức nước ngoài để tổ chức dạy văn hóa, giáo dục hướng nghiệp và dạy nghề, mua sắm đồ dùng học tập và sinh hoạt cho học sinh.

 Chương XI

 THI HÀNH ÁN ĐỐI VỚI PHÁP NHÂN THƯƠNG MẠI

 Điều 158. Cơ quan được giao nhiệm vụ thi hành án

 1. Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu thi hành hình phạt, biện pháp tư pháp quy định tại các điều 78, 79, 80, 81 và điểm b, điểm c khoản 1 Điều 82 của Bộ luật Hình sự theo quy định của Luật này.

 2. Cơ quan thi hành án dân sự thi hành hình phạt tiền quy định tại Điều 77, biện pháp tư pháp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 82 của Bộ luật Hình sự theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.

 Điều 159. Quyết định thi hành án

 1. Quyết định thi hành án phải ghi rõ họ, tên, chức vụ người ra quyết định; bản án, quyết định được thi hành; cơ quan thi hành án hình sự; tên, địa chỉ, mã số doanh nghiệp, mã số thuế; hình phạt chính, hình phạt bổ sung, biện pháp tư pháp; thời hạn chấp hành án.

 2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định thi hành án, Tòa án đã ra quyết định phải gửi quyết định thi hành án cho các cơ quan, tổ chức sau đây:

 a) Pháp nhân thương mại chấp hành án;

 b) Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh hoặc cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu;

 c) Viện kiểm sát cùng cấp;

 d) Sở Tư pháp nơi Tòa án đã ra quyết định thi hành án có trụ sở;

 đ) Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

 Điều 160. Thủ tục thi hành án

 1. Pháp nhân thương mại chấp hành án thực hiện các thủ tục sau đây:

 a) Khi được cơ quan thi hành án hình sự triệu tập để thông báo, yêu cầu thi hành hình phạt, biện pháp tư pháp, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phải có mặt, trừ trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan;

 b) Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định thi hành án, pháp nhân thương mại phải công bố quyết định đó trên trang thông tin điện tử, ấn phẩm của pháp nhân thương mại và niêm yết công khai tại trụ sở chính và địa điểm kinh doanh của pháp nhân thương mại trong thời gian chấp hành án; thông báo việc chấp hành hình phạt, biện pháp tư pháp cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan;

 c) Pháp nhân thương mại bị đình chỉ hoạt động có thời hạn phải tạm dừng hoạt động đối với ngành, nghề trong một hoặc một số lĩnh vực bị đình chỉ hoạt động có thời hạn theo bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật;

 d) Pháp nhân thương mại bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn phải chấm dứt ngay hoạt động đối với ngành, nghề trong một hoặc một số lĩnh vực bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn hoặc toàn bộ hoạt động bị đình chỉ vĩnh viễn theo bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật;

 đ) Pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định thì không được tiếp tục kinh doanh, hoạt động đối với ngành, nghề trong lĩnh vực bị cấm trong thời hạn theo bản án, quyết định của Tòa án. Pháp nhân thương mại không được tiếp tục kinh doanh, hoạt động kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật;

 e) Pháp nhân thương mại bị cấm huy động vốn thì không được thực hiện một hoặc một số hình thức huy động vốn trong thời hạn bị cấm theo bản án, quyết định của Tòa án. Pháp nhân thương mại không được thực hiện việc huy động vốn kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật;

 g) Pháp nhân thương mại bị áp dụng biện pháp tư pháp buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu, buộc thực hiện một số biện pháp nhằm khắc phục, ngăn chặn hậu quả tiếp tục xảy ra thì phải thi hành theo bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật;

 h) Pháp nhân thương mại chấp hành án phải báo cáo bằng văn bản cho cơ quan thi hành án hình sự và cơ quan quản lý nhà nước đối với pháp nhân thương mại về việc chấp hành hình phạt, biện pháp tư pháp theo bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật;

 i) Thực hiện thủ tục khác theo quy định của pháp luật có liên quan.

 2. Cơ quan thi hành án hình sự thực hiện các thủ tục sau đây:

 a) Ngay sau khi nhận được quyết định thi hành án, cơ quan thi hành án hình sự phải công bố ngay quyết định đó trên trang thông tin điện tử của cơ quan mình và triệu tập người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại để thông báo, yêu cầu thi hành án. Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại được triệu tập hợp lệ mà không có mặt thì cơ quan thi hành án hình sự phải lập biên bản vắng mặt và tiếp tục tổ chức thi hành án;

 b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định thi hành án, cơ quan thi hành án hình sự phải gửi văn bản yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước đối với pháp nhân thương mại thực hiện một hoặc một số biện pháp quy định tại Điều 164 của Luật này;

 c) Chủ trì, phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước đối với pháp nhân thương mại và cơ quan khác có liên quan kiểm tra, giám sát trong quá trình pháp nhân thương mại chấp hành án;

 d) Ra quyết định cưỡng chế thi hành án theo quy định của Luật này; chủ trì, phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước đối với pháp nhân thương mại và cơ quan, tổ chức khác có liên quan cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan;

 đ) Cấp giấy chứng nhận chấp hành xong hình phạt, giấy chứng nhận chấp hành xong biện pháp tư pháp, công bố và gửi các văn bản này theo quy định tại Điều 166 của Luật này;

 e) Thực hiện thủ tục khác theo quy định của pháp luật.

 3. Cơ quan quản lý nhà nước đối với pháp nhân thương mại chấp hành án thực hiện các thủ tục sau đây:

 a) Thực hiện biện pháp quy định tại Điều 164 của Luật này ngay sau khi nhận được văn bản yêu cầu của cơ quan thi hành án hình sự kèm theo bản sao quyết định thi hành án và thông báo cho cơ quan thi hành án hình sự kết quả thực hiện;

 b) Công bố ngay trên cổng thông tin, trang thông tin điện tử của cơ quan mình, Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp quyết định thi hành án, các biện pháp đã được áp dụng đối với pháp nhân thương mại quy định tại Điều 164 của Luật này, giấy chứng nhận chấp hành xong hình phạt, giấy chứng nhận chấp hành xong biện pháp tư pháp;

 c) Phối hợp với cơ quan thi hành án hình sự và cơ quan khác có liên quan kiểm tra, giám sát pháp nhân thương mại trong quá trình chấp hành án;

 d) Phối hợp với cơ quan thi hành án hình sự và cơ quan, tổ chức khác có liên quan cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan;

 đ) Thực hiện thủ tục khác theo quy định của pháp luật.

 4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

 Điều 161. Hồ sơ thi hành án

 Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu có trách nhiệm lập hồ sơ thi hành án đối với pháp nhân thương mại. Hồ sơ bao gồm:

 1. Bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật;

 2. Quyết định thi hành án;

 3. Giấy triệu tập người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại;

 4. Văn bản của cơ quan thi hành án hình sự yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước đối với pháp nhân thương mại thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong thi hành án;

 5. Thông báo của cơ quan quản lý nhà nước đối với pháp nhân thương mại cho cơ quan thi hành án hình sự về thực hiện yêu cầu trong thi hành án và việc chấp hành án của pháp nhân thương mại;

 6. Báo cáo của pháp nhân thương mại về việc chấp hành án;

 7. Tài liệu thể hiện việc công bố thông tin về thi hành án theo quy định của Luật này;

 8. Biên bản về thi hành án;

 9. Tài liệu về việc cưỡng chế thi hành án (nếu có);

 10. Tài liệu về việc chấp hành xong hình phạt, chấp hành xong biện pháp tư pháp theo quy định của Luật này;

 11. Tài liệu khác có liên quan.

 Điều 162. Quyền, nghĩa vụ của pháp nhân thương mại chấp hành án

 1. Pháp nhân thương mại chấp hành án có các quyền sau đây:

 a) Được thông báo về việc thi hành án;

 b) Được nhận các quyết định liên quan trong quá trình chấp hành án;

 c) Được khiếu nại về thi hành án;

 d) Được cấp giấy chứng nhận chấp hành xong hình phạt, giấy chứng nhận chấp hành xong biện pháp tư pháp theo quy định của Luật này;

 đ) Được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

 2. Pháp nhân thương mại chấp hành án có các nghĩa vụ sau đây:

 a) Chấp hành nghiêm chỉnh bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật; quyết định, yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền trong thi hành án;

 b) Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phải có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan thi hành án hình sự;

 c) Công bố và niêm yết công khai quyết định thi hành án; thông báo việc chấp hành hình phạt và biện pháp tư pháp cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của Luật này;

 d) Báo cáo cơ quan thi hành án hình sự về việc chấp hành án.

 3. Pháp nhân thương mại chấp hành án có các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

 Điều 163. Cưỡng chế thi hành án

 1. Pháp nhân thương mại chấp hành án không chấp hành hoặc chấp hành không đầy đủ bản án, quyết định của Tòa án thì bị áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án. Pháp nhân thương mại phải chịu chi phí cưỡng chế thi hành án.

 2. Cơ quan thi hành án hình sự ra quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án.

 3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

 Điều 164. Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước đối với pháp nhân thương mại

 1. Căn cứ vào bản án, quyết định thi hành án và văn bản yêu cầu của cơ quan thi hành án hình sự, cơ quan quản lý nhà nước đối với pháp nhân thương mại, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm thực hiện một hoặc một số biện pháp sau đây:

 a) Sửa đổi hoặc đình chỉ hiệu lực giấy phép thành lập và hoạt động hoặc văn bản khác có giá trị tương đương đối với pháp nhân thương mại trong thời gian bị đình chỉ hoạt động có thời hạn; áp dụng biện pháp khác theo quy định của pháp luật để bảo đảm thi hành hình phạt đình chỉ hoạt động có thời hạn theo bản án, quyết định của Tòa án;

 b) Thu hồi hoặc xóa bỏ nội dung đăng ký của pháp nhân thương mại hoặc văn bản khác có giá trị tương đương; thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của pháp nhân thương mại, không cấp lại giấy phép thành lập, hoạt động đối với pháp nhân thương mại đã bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn; áp dụng biện pháp khác theo quy định của pháp luật để bảo đảm thi hành hình phạt đình chỉ hoạt động vĩnh viễn theo bản án, quyết định của Tòa án;

 c) Xóa bỏ nội dung đăng ký; sửa đổi, tạm dừng hiệu lực, thu hồi, từ chối hoặc không cấp lại một phần hoặc toàn bộ giấy phép hoặc văn bản khác có giá trị tương đương; đình chỉ một phần hoặc toàn bộ ngành, nghề, hoạt động của pháp nhân thương mại trong thời hạn bị cấm hoạt động, cấm kinh doanh đối với ngành, nghề trong lĩnh vực bị cấm; áp dụng biện pháp khác theo quy định của pháp luật để bảo đảm thi hành hình phạt cấm kinh doanh, cấm hoạt động theo bản án, quyết định của Tòa án;

 d) Tự mình hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức thuộc lĩnh vực quản lý sửa đổi, đình chỉ, hủy bỏ, thu hồi giấy phép; từ chối cấp phép, chấp thuận, tiến hành thủ tục để huy động vốn trong thời hạn bị cấm đối với pháp nhân thương mại; áp dụng biện pháp khác theo quy định của pháp luật để bảo đảm thi hành hình phạt cấm huy động vốn theo bản án, quyết định của Tòa án;

 đ) Áp dụng các biện pháp theo quy định của pháp luật để bảo đảm thi hành biện pháp tư pháp buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu, buộc thực hiện một số biện pháp nhằm khắc phục, ngăn chặn hậu quả tiếp tục xảy ra theo bản án, quyết định của Tòa án.

 2. Phối hợp với cơ quan thi hành án hình sự và cơ quan khác có liên quan kiểm tra, giám sát pháp nhân thương mại trong quá trình chấp hành hình phạt, biện pháp tư pháp.

 3. Thông báo bằng văn bản cho cơ quan thi hành án hình sự về việc thực hiện yêu cầu trong thi hành án và việc chấp hành án của pháp nhân thương mại.

 4. Phối hợp với cơ quan thi hành án hình sự và cơ quan, tổ chức khác có liên quan thi hành biện pháp cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

 5. Công bố quyết định, văn bản của cơ quan thi hành án hình sự và biện pháp được áp dụng đối với pháp nhân thương mại theo quy định của Luật này.

 6. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

 Điều 165. Chuyển giao nghĩa vụ thi hành án trong trường hợp pháp nhân thương mại tổ chức lại

 Trường hợp pháp nhân thương mại chấp hành án được chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp theo quy định của pháp luật thì pháp nhân thương mại kế thừa các quyền và nghĩa vụ của pháp nhân thương mại chấp hành án có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ thi hành án theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan. Pháp nhân thương mại không được lợi dụng việc chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp hoặc giải thể, phá sản để trốn tránh nghĩa vụ thi hành án.

 Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

 Điều 166. Cấp giấy chứng nhận chấp hành xong hình phạt, giấy chứng nhận chấp hành xong biện pháp tư pháp

 1. Pháp nhân thương mại chấp hành xong hình phạt, chấp hành xong biện pháp tư pháp thì được cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận chấp hành xong hình phạt, giấy chứng nhận chấp hành xong biện pháp tư pháp, trừ trường hợp pháp nhân thương mại bị kết án theo quy định tại Điều 79 của Bộ luật Hình sự.

 2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày cấp giấy chứng nhận chấp hành xong hình phạt, giấy chứng nhận chấp hành xong biện pháp tư pháp cho pháp nhân thương mại, cơ quan thi hành án hình sự phải công bố trên trang thông tin điện tử của cơ quan mình và gửi cho cơ quan quản lý nhà nước đối với pháp nhân thương mại, Tòa án đã ra quyết định thi hành án, cơ quan quy định tại điểm d và điểm đ khoản 2 Điều 159 của Luật này.

 Chương XII

 KIỂM SÁT THI HÀNH ÁN HÌNH SỰ

 Điều 167. Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát trong kiểm sát thi hành án hình sự

 1. Yêu cầu Tòa án cùng cấp và cấp dưới ra quyết định thi hành án hình sự đúng quy định của pháp luật; yêu cầu Tòa án, cơ quan thi hành án hình sự, cơ quan được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự tự kiểm tra việc thi hành án hình sự và thông báo kết quả cho Viện kiểm sát; cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến thi hành án hình sự.

 2. Trực tiếp kiểm sát việc thi hành án hình sự của cơ quan thi hành án hình sự cùng cấp và cấp dưới, cơ quan được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự; kiểm sát hồ sơ thi hành án hình sự của cơ quan thi hành án hình sự cùng cấp và cấp dưới, cơ quan được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự. Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu trực tiếp kiểm sát việc thi hành án phạt tù của trại giam đóng tại địa phương, địa bàn; kiểm sát việc thi hành án đối với pháp nhân thương mại.

 3. Quyết định trả tự do ngay cho người đang chấp hành án phạt tù không có căn cứ và trái pháp luật.

 4. Đề nghị miễn, hoãn, tạm đình chỉ, đình chỉ chấp hành án; tham gia phiên họp xét giảm, miễn thời hạn chấp hành án, tha tù trước thời hạn có điều kiện, hủy quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện, buộc chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo, rút ngắn thời gian thử thách.

 5. Kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu Tòa án, cơ quan thi hành án hình sự cùng cấp, cấp dưới, cơ quan được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự, người có thẩm quyền và cá nhân có liên quan trong thi hành án hình sự; yêu cầu đình chỉ việc thi hành, sửa đổi hoặc bãi bỏ quyết định có vi phạm pháp luật trong thi hành án hình sự; chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật.

 6. Tiếp nhận và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong quản lý, giáo dục người chấp hành án phạt tù; kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với việc thi hành án hình sự.

 7. Khởi tố hoặc yêu cầu cơ quan điều tra khởi tố vụ án hình sự khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm trong thi hành án hình sự theo quy định của pháp luật.

 8. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác trong kiểm sát thi hành án hình sự.

 Điều 168. Kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án hình sự

 1. Viện kiểm sát trực tiếp kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của Tòa án, cơ quan quản lý thi hành án hình sự, cơ quan thi hành án hình sự, cơ quan được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự.

 2. Khi kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án hình sự, Viện kiểm sát có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan quản lý thi hành án hình sự, cơ quan thi hành án hình sự, cơ quan được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự cùng cấp và cấp dưới thực hiện nhiệm vụ sau đây:

 a) Ra văn bản giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định tại Chương XIV của Luật này;

 b) Kiểm tra việc giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền và của cấp dưới; thông báo kết quả giải quyết cho Viện kiểm sát;

 c) Cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc giải quyết khiếu nại, tố cáo cho Viện kiểm sát.

 Điều 169. Trách nhiệm thực hiện yêu cầu, quyết định, kháng nghị, kiến nghị của Viện kiểm sát về thi hành án hình sự

 1. Đối với yêu cầu Tòa án ra quyết định thi hành án hình sự và cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến thi hành án hình sự phải thực hiện ngay; đối với yêu cầu Tòa án, cơ quan thi hành án hình sự, cơ quan được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự tự kiểm tra việc thi hành án hình sự và thông báo kết quả cho Viện kiểm sát phải thực hiện trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu.

 2. Đối với quyết định quy định tại khoản 3 Điều 167 của Luật này, cơ quan thi hành án hình sự phải thi hành ngay; nếu không nhất trí với quyết định đó thì vẫn phải thi hành, nhưng có quyền kiến nghị lên Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được kiến nghị, Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp phải giải quyết.

 3. Đối với kháng nghị về quyết định quy định tại khoản 4 Điều 167 của Luật này thì việc giải quyết được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.

 4. Đối với kháng nghị quy định tại khoản 5 Điều 167 của Luật này, Tòa án, cơ quan thi hành án hình sự, cơ quan được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được kháng nghị; nếu không nhất trí với kháng nghị đó thì các cơ quan này có quyền khiếu nại lên Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp; Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp phải giải quyết trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại. Quyết định của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp phải được thi hành.

 5. Đối với kiến nghị quy định tại khoản 5 Điều 167 của Luật này phải được xem xét, giải quyết, trả lời bằng văn bản trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được kiến nghị.

 Chương XIII

 BẢO ĐẢM ĐIỀU KIỆN CHO HOẠT ĐỘNG THI HÀNH ÁN HÌNH SỰ

 Điều 170. Biên chế, đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng cán bộ thi hành án hình sự

 1. Nhà nước bảo đảm biên chế, cán bộ cần thiết cho các cơ quan quản lý thi hành án hình sự, cơ quan thi hành án hình sự.

 2. Người làm công tác thi hành án hình sự phải được đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, pháp luật và kiến thức khác phù hợp với nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

 Điều 171. Bảo đảm cơ sở vật chất phục vụ hoạt động thi hành án hình sự

 Căn cứ yêu cầu công tác thi hành án hình sự, địa bàn hoạt động và điều kiện kinh tế – xã hội, Nhà nước bảo đảm cơ sở vật chất của cơ quan quản lý thi hành án hình sự, cơ quan thi hành án hình sự, bao gồm đất đai, trụ sở, công trình; trang thiết bị, vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện giao thông, thông tin liên lạc, kỹ thuật nghiệp vụ và các điều kiện vật chất, kỹ thuật khác; ưu tiên bảo đảm cơ sở vật chất cho cơ quan đóng ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, địa bàn trọng yếu về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

 Điều 172. Trang bị và sử dụng vũ khí, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, công cụ hỗ trợ trong thi hành án hình sự

 Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ Công an nhân dân, Quân đội nhân dân khi thực hiện nhiệm vụ thi hành án hình sự được trang bị và sử dụng vũ khí, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, công cụ hỗ trợ theo quy định của pháp luật.

 Điều 173. Cơ sở dữ liệu về thi hành án hình sự

 1. Cơ sở dữ liệu về thi hành án hình sự do Bộ Công an quản lý là một bộ phận của hệ cơ sở dữ liệu quốc gia về thông tin phòng, chống tội phạm nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước về thi hành án hình sự, đấu tranh phòng, chống tội phạm.

 2. Việc xây dựng, thu thập, lưu trữ, xử lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu về thi hành án hình sự do Chính phủ quy định.

 Điều 174. Bảo đảm kinh phí cho hoạt động thi hành án hình sự

 Nhà nước bảo đảm kinh phí cho hoạt động thi hành án hình sự. Việc lập dự toán, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho hoạt động thi hành án hình sự được thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

 Điều 175. Chế độ, chính sách đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thi hành án hình sự

 1. Cán bộ, công chức; công nhân công an; công nhân, viên chức quốc phòng và những người khác làm nhiệm vụ thi hành án hình sự được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.

 2. Sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ Quân đội nhân dân làm nhiệm vụ thi hành án hình sự được phong, thăng cấp bậc hàm lực lượng vũ trang nhân dân và hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.

 3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thi hành án hình sự có thành tích thì được khen thưởng; người bị thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản thì bản thân và gia đình được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.

 Chương XIV

 GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO TRONG THI HÀNH ÁN HÌNH SỰ

 Mục 1. KHIẾU NẠI VÀ GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI TRONG THI HÀNH ÁN HÌNH SỰ

 Điều 176. Quyền khiếu nại trong thi hành án hình sự

 1. Người, pháp nhân thương mại chấp hành án hình sự và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan (sau đây gọi là người khiếu nại) có quyền khiếu nại đối với quyết định, hành vi của cơ quan, người có thẩm quyền thi hành án hình sự nếu có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Việc khiếu nại của pháp nhân thương mại chấp hành án được thực hiện thông qua người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại.

 2. Thời hiệu khiếu nại lần đầu là 30 ngày kể từ ngày nhận hoặc biết được quyết định, hành vi thi hành án hình sự mà người khiếu nại cho rằng có vi phạm pháp luật. Thời hiệu khiếu nại lần hai là 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại của người có thẩm quyền.

 Trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan mà người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu thì thời gian có lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan đó không tính vào thời hiệu khiếu nại.

 Điều 177. Các trường hợp khiếu nại về thi hành án hình sự không được thụ lý giải quyết

 1. Quyết định, hành vi bị khiếu nại không liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại.

 2. Người khiếu nại là cá nhân không có năng lực hành vi dân sự đầy đủ mà không có người đại diện, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

 3. Người đại diện không có giấy tờ chứng minh về việc đại diện hợp pháp của mình.

 4. Thời hiệu khiếu nại đã hết.

 5. Việc khiếu nại đã có quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực thi hành.

 Điều 178. Thẩm quyền giải quyết khiếu nại trong thi hành án hình sự

 1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có liên quan trong quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành án hình sự ở xã, phường, thị trấn.

 2. Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi sau đây:

 a) Quyết định, hành vi trái pháp luật của Phó thủ trưởng, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ thuộc quyền quản lý của cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, trừ trường hợp quy định tại khoản 8 Điều này;

 b) Quyết định, hành vi trái pháp luật của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp xã được Tòa án giao giám sát, giáo dục đối với người chấp hành án;

 c) Quyết định giải quyết khiếu nại của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã được Tòa án giao giám sát, giáo dục đối với người chấp hành án.

 3. Trưởng Công an cấp huyện giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi sau đây:

 a) Quyết định, hành vi trái pháp luật của Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện;

 b) Quyết định giải quyết khiếu nại của Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện.

 4. Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi sau đây:

 a) Quyết định, hành vi trái pháp luật của sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ thuộc quyền quản lý của cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, trừ trường hợp quy định tại khoản 8 Điều này;

 b) Quyết định, hành vi trái pháp luật của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền trong thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại.

 5. Giám đốc Công an cấp tỉnh giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi sau đây:

 a) Quyết định, hành vi trái pháp luật của Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh;

 b) Quyết định giải quyết khiếu nại của Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, Trưởng Công an cấp huyện.

 6. Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi trái pháp luật của sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ thuộc quyền quản lý của cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an, trừ trường hợp quy định tại khoản 8 Điều này.

 7. Bộ trưởng Bộ Công an giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi sau đây, trừ trường hợp quy định tại khoản 8 Điều này:

 a) Quyết định, hành vi trái pháp luật của Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an;

 b) Quyết định giải quyết khiếu nại của Giám đốc Công an cấp tỉnh, Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an.

 8. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi trái pháp luật trong quản lý, giáo dục phạm nhân của người được giao quản lý, giáo dục phạm nhân.

 Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh giải quyết khiếu nại đối với quyết định giải quyết khiếu nại của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương giải quyết khiếu nại đối với quyết định giải quyết khiếu nại của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu. Quyết định giải quyết khiếu nại của Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên có hiệu lực thi hành.

 Điều 179. Thẩm quyền giải quyết khiếu nại về thi hành án hình sự trong Quân đội nhân dân

 1. Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi trái pháp luật trong thi hành án hình sự của sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, chiến sĩ của đơn vị quân đội, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu, trừ trường hợp quy định tại khoản 8 Điều 178 của Luật này.

 2. Tư lệnh quân khu và tương đương giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi sau đây, trừ trường hợp quy định tại khoản 8 Điều 178 của Luật này:

 a) Quyết định, hành vi trái pháp luật của Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu;

 b) Quyết định giải quyết khiếu nại của Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu.

 3. Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi trái pháp luật của sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, chiến sĩ thuộc quyền quản lý của cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng, trừ trường hợp quy định tại khoản 8 Điều 178 của Luật này.

 4. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi sau đây, trừ trường hợp quy định tại khoản 8 Điều 178 của Luật này:

 a) Quyết định, hành vi trái pháp luật của Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng;

 b) Quyết định, hành vi trái pháp luật của Tư lệnh quân khu và tương đương;

 c) Quyết định giải quyết khiếu nại của Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng, Tư lệnh quân khu và tương đương.

 Điều 180. Quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại trong thi hành án hình sự

 1. Người khiếu nại có các quyền sau đây:

 a) Tự mình khiếu nại hoặc thông qua người đại diện để khiếu nại trong bất kỳ thời gian nào của quá trình thi hành án hình sự;

 b) Rút khiếu nại trong bất kỳ thời gian nào của quá trình giải quyết khiếu nại;

 c) Được nhận văn bản trả lời về việc thụ lý giải quyết khiếu nại, nhận quyết định giải quyết khiếu nại;

 d) Được khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp đã bị xâm phạm, được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

 2. Người khiếu nại có các nghĩa vụ sau đây:

 a) Trình bày trung thực sự việc, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến việc khiếu nại cho người giải quyết khiếu nại; chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung trình bày và việc cung cấp các thông tin, tài liệu đó;

 b) Chấp hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực thi hành.

 Điều 181. Quyền và nghĩa vụ của người bị khiếu nại trong thi hành án hình sự

 1. Người bị khiếu nại có các quyền sau đây:

 a) Được thông báo về nội dung khiếu nại;

 b) Đưa ra bằng chứng về tính hợp pháp của quyết định, hành vi thi hành án hình sự bị khiếu nại;

 c) Được nhận quyết định giải quyết khiếu nại.

 2. Người bị khiếu nại có các nghĩa vụ sau đây:

 a) Giải trình về quyết định, hành vi thi hành án hình sự bị khiếu nại, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan khi cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền yêu cầu;

 b) Chấp hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực thi hành;

 c) Bồi hoàn, khắc phục hậu quả do quyết định, hành vi trái pháp luật của mình gây ra theo quy định của pháp luật.

 Điều 182. Nhiệm vụ và quyền hạn của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại trong thi hành án hình sự

 1. Tiếp nhận, giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi bị khiếu nại.

 2. Yêu cầu người khiếu nại, người bị khiếu nại giải trình, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến việc khiếu nại.

 3. Thông báo bằng văn bản về việc thụ lý để giải quyết, gửi quyết định giải quyết cho người khiếu nại.

 4. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc giải quyết khiếu nại của mình.

 Điều 183. Thời hạn giải quyết khiếu nại trong thi hành án hình sự

 1. Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu là 15 ngày kể từ ngày thụ lý khiếu nại.

 2. Thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai là 30 ngày kể từ ngày thụ lý khiếu nại.

 3. Trường hợp cần thiết, đối với những vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này có thể kéo dài thêm nhưng không quá 30 ngày.

 Điều 184. Tiếp nhận, thụ lý khiếu nại trong thi hành án hình sự

 1. Cơ quan, người có thẩm quyền phải tiếp nhận các khiếu nại trong thi hành án hình sự. Đối với khiếu nại của phạm nhân quy định tại khoản 8 Điều 178 của Luật này thì trong thời hạn 24 giờ kể từ khi tiếp nhận, Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện phải chuyển ngay khiếu nại cho Viện kiểm sát có thẩm quyền.

 2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được khiếu nại, cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này, Điều 178 và Điều 179 của Luật này phải thụ lý để giải quyết và thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại biết. Trường hợp không thụ lý khiếu nại để giải quyết thì phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

 Điều 185. Hồ sơ giải quyết khiếu nại trong thi hành án hình sự

 1. Hồ sơ giải quyết khiếu nại bao gồm:

 a) Đơn khiếu nại hoặc văn bản ghi nội dung khiếu nại;

 b) Văn bản giải trình của người bị khiếu nại;

 c) Biên bản thẩm tra, xác minh, kết luận;

 d) Quyết định giải quyết khiếu nại;

 đ) Tài liệu khác có liên quan.

 2. Hồ sơ giải quyết khiếu nại phải được đánh số bút lục và lưu giữ tại cơ quan giải quyết khiếu nại.

 Điều 186. Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại lần đầu trong thi hành án hình sự

 1. Sau khi thụ lý khiếu nại, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại quy định tại Điều 178 và Điều 179 của Luật này tiến hành xác minh, yêu cầu người khiếu nại, người bị khiếu nại giải trình, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến việc khiếu nại; gặp cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để làm rõ nội dung khiếu nại và ra quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu.

 2. Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu có hiệu lực thi hành nếu trong thời hiệu do Luật này quy định mà người khiếu nại không khiếu nại tiếp.

 Điều 187. Nội dung quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu trong thi hành án hình sự

 1. Ngày, tháng, năm ra quyết định.

 2. Họ, tên, địa chỉ của người khiếu nại, người bị khiếu nại.

 3. Nội dung khiếu nại.

 4. Kết quả xác minh nội dung khiếu nại.

 5. Căn cứ pháp luật để giải quyết khiếu nại.

 6. Kết luận về nội dung khiếu nại là đúng, đúng một phần hoặc sai toàn bộ.

 7. Giữ nguyên, sửa đổi, hủy bỏ hoặc yêu cầu sửa đổi, hủy bỏ một phần quyết định bị khiếu nại hoặc buộc chấm dứt việc thực hiện quyết định, hành vi bị khiếu nại.

 8. Việc bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do quyết định, hành vi trái pháp luật gây ra (nếu có).

 9. Hướng dẫn quyền khiếu nại tiếp theo của đương sự.

 Điều 188. Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại lần hai trong thi hành án hình sự

 1. Trường hợp tiếp tục khiếu nại thì người khiếu nại phải gửi đơn kèm theo bản sao quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu và tài liệu liên quan cho người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai.

 2. Trong quá trình giải quyết khiếu nại lần hai, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại quy định tại Điều 178 và Điều 179 của Luật này có quyền yêu cầu người giải quyết khiếu nại lần đầu, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại; triệu tập người bị khiếu nại, người khiếu nại khi cần thiết; xác minh, tiến hành các biện pháp khác theo quy định của pháp luật để giải quyết khiếu nại. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi nhận được yêu cầu phải thực hiện đúng các yêu cầu đó.

 3. Quyết định giải quyết khiếu nại lần hai có hiệu lực thi hành.

 Điều 189. Nội dung quyết định giải quyết khiếu nại lần hai trong thi hành án hình sự

 1. Ngày, tháng, năm ra quyết định.

 2. Họ, tên, địa chỉ của người khiếu nại, người bị khiếu nại.

 3. Nội dung khiếu nại.

 4. Kết quả xác minh nội dung khiếu nại.

 5. Căn cứ pháp luật để giải quyết khiếu nại.

 6. Kết luận về nội dung khiếu nại và việc giải quyết của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu.

 7. Giữ nguyên, sửa đổi, hủy bỏ hoặc yêu cầu sửa đổi, hủy bỏ một phần quyết định bị khiếu nại hoặc buộc chấm dứt thực hiện quyết định, hành vi bị khiếu nại; việc bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do quyết định, hành vi trái pháp luật gây ra.

 Mục 2. TỐ CÁO VÀ GIẢI QUYẾT TỐ CÁO TRONG THI HÀNH ÁN HÌNH SỰ

 Điều 190. Người có quyền tố cáo trong thi hành án hình sự

 Người chấp hành án và mọi công dân có quyền tố cáo với cơ quan, người có thẩm quyền về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ người có thẩm quyền nào trong thi hành án hình sự mà gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

 Điều 191. Quyền và nghĩa vụ của người tố cáo, người bị tố cáo trong thi hành án hình sự

 Quyền và nghĩa vụ của người tố cáo, người bị tố cáo trong thi hành án hình sự được thực hiện theo quy định của Luật Tố cáo.

 Điều 192. Thẩm quyền và thời hạn giải quyết tố cáo

 1. Thẩm quyền giải quyết tố cáo như sau:

 a) Người đứng đầu cơ quan, tổ chức giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của người thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan, tổ chức đó;

 b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của Trưởng Công an cấp xã;

 c) Trưởng Công an cấp huyện giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện;

 d) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã;

 đ) Giám đốc Công an cấp tỉnh giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh;

 e) Tư lệnh Quân khu và tương đương giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu;

 g) Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc phạm vi quản lý.

 h) Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý, giáo dục phạm nhân của người được giao quản lý, giáo dục phạm nhân.

 2. Thời hạn giải quyết tố cáo là không quá 30 ngày kể từ ngày thụ lý giải quyết tố cáo; đối với vụ việc phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo một lần nhưng không quá 30 ngày; đối với vụ việc đặc biệt phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo 02 lần, mỗi lần không quá 30 ngày.

 3. Tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật có dấu hiệu tội phạm được giải quyết theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

 Điều 193. Trách nhiệm giải quyết tố cáo

 1. Cơ quan, người có thẩm quyền, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết tố cáo kịp thời, đúng pháp luật; xử lý nghiêm minh người vi phạm; áp dụng biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn thiệt hại có thể xảy ra; bảo đảm cho quyết định giải quyết được thi hành nghiêm chỉnh và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.

 2. Người có thẩm quyền giải quyết tố cáo mà không giải quyết, thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết, giải quyết trái pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

 Chương XV

 NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA CƠ QUAN NHÀ NƯỚC TRONG QUẢN LÝ CÔNG TÁC THI HÀNH ÁN HÌNH SỰ

 Điều 194. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ trong quản lý nhà nước về thi hành án hình sự

 1. Thống nhất quản lý nhà nước về thi hành án hình sự trong phạm vi cả nước.

 2. Chỉ đạo các cơ quan của Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong thi hành án hình sự.

 3. Phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong thi hành án hình sự.

 4. Hằng năm, báo cáo Quốc hội về công tác thi hành án hình sự.

 Điều 195. Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Công an trong quản lý công tác thi hành án hình sự

 1. Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về thi hành án hình sự và có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

 a) Ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về thi hành án hình sự; phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, cơ quan khác có liên quan trong việc ban hành thông tư liên tịch quy định về việc phối hợp giữa các cơ quan này trong việc thực hiện trình tự, thủ tục thi hành án hình sự;

 b) Xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, kế hoạch về thi hành án hình sự; chỉ đạo và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về thi hành án hình sự;

 c) Đình chỉ, bãi bỏ theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền bãi bỏ những quy định về thi hành án hình sự trái với quy định của Luật này;

 d) Ban hành các biểu mẫu, giấy tờ, sổ sách về thi hành án hình sự;

 đ) Phổ biến, giáo dục pháp luật về thi hành án hình sự;

 e) Quản lý hệ thống tổ chức, biên chế và hoạt động của cơ quan thi hành án hình sự trong Công an nhân dân; quyết định thành lập, sáp nhập, giải thể cơ quan thi hành án hình sự trong Công an nhân dân theo quy định của Luật này; đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ, công nhân Công an trong thi hành án hình sự; bồi dưỡng, huấn luyện, chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, nhân viên cơ quan, tổ chức được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự;

 g) Chỉ đạo việc truy bắt người chấp hành án bỏ trốn; áp giải người có quyết định thi hành án hình sự để thi hành án; giải tán, tạm giữ người có hành vi cản trở, chống đối việc thi hành án; phối hợp với đơn vị vũ trang nhân dân khác và chính quyền địa phương để chủ động triển khai lực lượng hỗ trợ thi hành án hình sự trong trường hợp cần thiết; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của Luật này;

 h) Kiểm tra, thanh tra, khen thưởng, xử lý vi phạm trong công tác thi hành án hình sự; giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án hình sự theo quy định của Luật này;

 i) Quyết định kế hoạch phân bổ kinh phí, bảo đảm điều kiện cho hoạt động của cơ quan thi hành án hình sự;

 k) Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thi hành án hình sự;

 l) Tổng kết công tác thi hành án hình sự;

 m) Ban hành và thực hiện chế độ thống kê về thi hành án hình sự;

 n) Báo cáo Chính phủ về công tác thi hành án hình sự.

 2. Bộ trưởng Bộ Công an căn cứ yêu cầu quản lý người bị tạm giữ, tạm giam để quyết định đưa người chấp hành án phạt tù có thời hạn từ 05 năm trở xuống không phải là người dưới 18 tuổi, người nước ngoài, người mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm hoặc nghiện ma túy để phục vụ việc tạm giữ, tạm giam. Số lượng người chấp hành án phạt tù phục vụ việc tạm giữ, tạm giam được tính theo tỷ lệ trên tổng số người bị tạm giữ, tạm giam nhưng không vượt quá 15%.

 Điều 196. Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Quốc phòng trong quản lý công tác thi hành án hình sự

 1. Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm quản lý công tác thi hành án hình sự trong Quân đội nhân dân có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

 a) Ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về thi hành án hình sự trong Quân đội nhân dân; phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, cơ quan khác có liên quan trong việc ban hành thông tư liên tịch quy định về việc phối hợp giữa các cơ quan này trong việc thực hiện trình tự, thủ tục thi hành án hình sự;

 b) Quản lý hệ thống tổ chức, biên chế và hoạt động của cơ quan thi hành án hình sự trong Quân đội nhân dân; quyết định thành lập, sáp nhập, giải thể cơ quan thi hành án hình sự trong Quân đội nhân dân theo quy định của Luật này;

 c) Phối hợp với Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tư pháp trong việc xây dựng chương trình giáo dục pháp luật, giáo dục công dân; phối hợp với Bộ Công an trong việc tổng kết, thống kê, báo cáo Chính phủ về công tác thi hành án hình sự;

 d) Hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ thi hành án hình sự cho cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu; phổ biến, giáo dục pháp luật về thi hành án hình sự trong Quân đội nhân dân;

 đ) Khen thưởng, kỷ luật đối với quân nhân làm công tác thi hành án hình sự trong Quân đội nhân dân;

 e) Chỉ đạo việc truy bắt người chấp hành án bỏ trốn; áp giải người có quyết định thi hành án hình sự để thi hành án; giải tán, tạm giữ người có hành vi cản trở, chống đối việc thi hành án; phối hợp với đơn vị vũ trang nhân dân khác và chính quyền địa phương để chủ động triển khai lực lượng hỗ trợ thi hành án hình sự trong trường hợp cần thiết; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của Luật này;

 g) Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm về thi hành án hình sự trong Quân đội nhân dân theo quy định của Luật này;

 h) Quản lý, lập kế hoạch phân bổ kinh phí, bảo đảm cơ sở vật chất, phương tiện hoạt động thi hành án hình sự trong Quân đội nhân dân.

 2. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng căn cứ yêu cầu quản lý người bị tạm giữ, tạm giam trong các cơ sở giam giữ của Bộ Quốc phòng để quyết định đưa người chấp hành án phạt tù có thời hạn từ 5 năm trở xuống không phải là người dưới 18 tuổi, người nước ngoài, người mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm hoặc nghiện ma túy để phục vụ việc tạm giữ, tạm giam. Số lượng người chấp hành án phạt tù tại trại tạm giam được tính theo tỷ lệ trên tổng số người bị tạm giữ, tạm giam nhưng không vượt quá 15%.

 Điều 197. Nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân tối cao trong thi hành án hình sự

 1. Phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, cơ quan khác có liên quan trong việc ban hành thông tư liên tịch quy định về việc phối hợp giữa các cơ quan này trong việc thực hiện trình tự, thủ tục thi hành án hình sự.

 2. Hướng dẫn Tòa án các cấp trong việc ra quyết định thi hành án hình sự; chỉ đạo Tòa án các cấp phối hợp với cơ quan quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 11 của Luật này trong công tác thi hành án hình sự.

 3. Phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng trong việc tổng kết công tác thi hành án hình sự.

 4. Phối hợp với Bộ Công an trong việc thực hiện chế độ thống kê, báo cáo về công tác thi hành án hình sự.

 Điều 198. Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong thi hành án hình sự

 1. Phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, cơ quan khác có liên quan trong việc ban hành thông tư liên tịch quy định về việc phối hợp giữa các cơ quan này trong việc thực hiện trình tự, thủ tục thi hành án hình sự.

 2. Kiểm sát và chỉ đạo Viện kiểm sát các cấp thực hiện việc kiểm sát thi hành án hình sự theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

 3. Phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng trong việc tổng kết công tác thi hành án hình sự.

 4. Phối hợp với Bộ Công an trong việc thực hiện chế độ thống kê, báo cáo về công tác thi hành án hình sự.

 Điều 199. Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tư pháp trong thi hành án hình sự

 1. Phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, cơ quan khác có liên quan ban hành thông tư liên tịch quy định về việc phối hợp giữa các cơ quan này trong việc thực hiện trình tự, thủ tục thi hành án hình sự.

 2. Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng trong việc xây dựng chương trình giáo dục pháp luật, giáo dục công dân; phổ biến, giáo dục pháp luật về thi hành án hình sự.

 3. Chỉ đạo cơ quan thi hành án dân sự chủ trì, phối hợp với trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu trong việc cung cấp thông tin, chuyển giao giấy tờ, tiền, tài sản, việc thu, nộp tiền, tài sản có liên quan đến phạm nhân là người phải thi hành án dân sự, người được thi hành án dân sự; phối hợp với cơ quan thi hành án hình sự và cơ quan có liên quan trong thi hành án đối với pháp nhân thương mại.

 Điều 200. Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Y tế trong thi hành án hình sự

 Phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng trong việc chỉ đạo, hướng dẫn việc phòng, chống dịch bệnh, khám bệnh, chữa bệnh cho phạm nhân, học sinh trường giáo dưỡng; chỉ đạo công tác giám định theo thẩm quyền; tổ chức các cơ sở chuyên khoa y tế để thực hiện biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh theo quy định của Luật này.

 Điều 201. Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trong thi hành án hình sự

 1. Phối hợp với Bộ Công an trong chỉ đạo, hướng dẫn việc tổ chức lao động, dạy nghề và thực hiện chế độ, chính sách cho phạm nhân, học sinh trường giáo dưỡng.

 2. Chỉ đạo cơ quan chuyên môn về lao động, thương binh và xã hội thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các cơ sở bảo trợ xã hội tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em là con phạm nhân không có người thân nhận chăm sóc, nuôi dưỡng theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

 Điều 202. Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong thi hành án hình sự

 Phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng chỉ đạo, hướng dẫn việc xây dựng chương trình, tài liệu, đào tạo giáo viên, tham gia dạy văn hóa cho phạm nhân, học sinh trường giáo dưỡng theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

 Điều 203. Trách nhiệm của Bộ, cơ quan ngang Bộ trong thi hành án hình sự

 Bộ, cơ quan ngang Bộ, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng trong thi hành án hình sự.

 Điều 204. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong thi hành án hình sự

 1. Chỉ đạo việc tổ chức phối hợp với các cơ quan có liên quan, Ủy ban nhân dân cấp dưới trong công tác thi hành án hình sự trên địa bàn theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

 2. Chỉ đạo cơ quan chuyên môn, Ủy ban nhân dân cấp dưới và có chính sách phù hợp để khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tạo điều kiện để người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện tìm việc làm, ổn định cuộc sống, học nghề, hòa nhập cộng đồng.

 3. Yêu cầu Công an cấp tỉnh báo cáo công tác thi hành án hình sự ở địa phương.

 Điều 205. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp huyện trong thi hành án hình sự

 1. Chỉ đạo việc tổ chức phối hợp với các cơ quan có liên quan, Ủy ban nhân dân cấp xã trong giám sát, giáo dục người được hưởng án treo, người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tước một số quyền công dân; quản lý người được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện; kiểm soát, giáo dục người chấp hành án phạt quản chế theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

 2. Chỉ đạo cơ quan chuyên môn, Ủy ban nhân dân cấp xã và có chính sách phù hợp để khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tạo điều kiện để người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện tìm việc làm, ổn định cuộc sống, học nghề, hòa nhập cộng đồng.

 3. Yêu cầu Công an cấp huyện báo cáo công tác thi hành án hình sự ở địa phương.

 Chương XVI

 ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

 Điều 206. Hiệu lực thi hành

 1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2020.

 2. Luật Thi hành án hình sự số 53/2010/QH12 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 207 của Luật này.

 Điều 207. Quy định chuyển tiếp

 1. Đối với bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật mà đến ngày Luật này có hiệu lực chưa được thi hành hoặc chưa thi hành xong thì áp dụng các quy định của Luật này để thi hành, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

 2. Đối với việc thi hành án treo, án phạt cải tạo không giam giữ mà bản án được tuyên theo quy định của Bộ luật Hình sự số 15/1999/QH10 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 37/2009/QH12 thì vẫn áp dụng quy định của Luật Thi hành án hình sự số 53/2010/QH12 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật.

 3. Đối với việc thi hành bản án, quyết định theo Luật Thi hành án hình sự số 53/2010/QH12 nhưng đến ngày Luật này có hiệu lực mà còn khiếu nại, tố cáo thì việc giải quyết khiếu nại, tố cáo được áp dụng theo quy định của Luật Thi hành án hình sự số 53/2010/QH12 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật.

 Luật này được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 14 tháng 6 năm 2019.

  

 

 CHỦ TỊCH QUỐC HỘI

 Nguyễn Thị Kim Ngân

  

  

  

  

 Tag: 2010 2014 2018 2015 2017 thuvienphapluat 2008 thảo