Mô hình chấp nhận công nghệ tam

 Mô hình chấp nhận công nghệ tam

1Tổng quan nghiên cứu

 Nghiên cứu của Rezaee và cộng sự (2010) tại Mỹ nhằm mục tiêu đánh giá quan điểm của các nhóm khác nhau về việc hội tụ giữa US GAAP và IFRS cho thấy phần lớn người được khảo sát đều đồng tình rằng việc hội tụ này sẽ có lợi cho doanh nghiệp, người sử dụng thông tin, kiểm toán viên và cả những nhà lập quy. Kế thừa từ Rezaee và cộng sự (2010) là nghiên cứu của Moqbel và cộng sự (2013) về sự đồng thuận đối với việc áp dụng IFRS tại Mỹ. Theo nhóm tác giả, công nghệ thông tin đóng vai trò lớn trong quy trình chuyển đổi sang IFRS. Các tác giả kiểm định nhận thức của những người được khảo sát về rủi ro, tính hữu ích, sự quen thuộc của IFRS thông qua mô hình chấp nhận công nghệ TAM (Technology Acceptance Model) và thuyết hành vi dự định TPB (Theory of Planned Behavior). Kết quả nghiên cứu cho thấy, tất cả các biến đều có tác động đến việc áp dụng IFRS.

 Nghiên cứu của Joshi và cộng sự (2008) về nhận thức của người làm kế toán và kiểm toán về việc áp dụng IFRS tại Bahrain. Kết quả nghiên cứu cho thấy lợi ích lớn nhất từ việc áp dụng IFRS là tăng tính so sánh của thông tin kế toán, tăng độ tin cậy và tính minh bạch, lợi ích từ việc áp dụng sẽ vượt trội chi phí, cho dù việc áp dụng IFRS, vốn dựa trên các nguyên tắc, cũng có không ít khó khăn. Kế thừa từ nghiên cứu của Joshi và cộng sự (2008), nhóm tác giả đến từ Thổ Nhĩ Kỳ, Bozkurt và cộng sự (2013) đã kiểm định về nhận thức của người làm kế toán và kiểm toán về việc áp dụng IFRS tại Thổ Nhĩ Kỳ. Kết quả nghiên cứu cho thấy khi việc triển khai chi tiết các văn bản hướng dẫn áp dụng IFRS tăng lên và khi có sự hiểu biết về IFRS tăng lên thông qua tập huấn áp dụng, lợi ích của việc áp dụng IFRS cũng sẽ tăng lên đối với các doanh nghiệp. Ngược lại, kết quả nghiên cứu cho thấy sự nhận thức của kế toán viên và kiểm toán viên về lợi ích của IFRS không đóng vai trò quyết định đối với lợi thế của áp dụng IFRS.

 Djatej và cộng sự (2012) đã vận dụng lý thuyết hành vi dự định TPB để nghiên cứu mức độ ảnh hưởng của các nhân tố hành vi của người làm kế toán đến khả năng áp dụng sớm IFRS tại Mỹ. Một cuộc khảo sát 138 chuyên gia đã được thực hiện, sử dụng thang đo Likert và kiểm định bằng phương pháp hồi quy bình phương tối thiểu từng phần PLS để phù hợp với cỡ mẫu nhỏ. Kết quả cho thấy 2 nhân tố: Nhận thức về áp lực xã hội và Nhận thức về sự kiểm soát là có tác động nhận đến dự định áp dụng IFRS của người làm kế toán. Tuy nhiên, nhân tố thái độ lại không có ảnh hưởng đến việc áp dụng IFRS tại Mỹ.

2. Cơ sở lý thuyết và mô hình nghiên cứu

2.1. Lý thuyết Hành vi dự định TPB

 Lý thuyết về hành vi dự định TPB được phát triển bởi Ajzen vào năm 1985 từ lý thuyết Hành động hợp lý TRA (Theory of Reasoned Action) được Ajzen và Fishbein xây dựng (Ajzen & Fishbein, 1980; Fishbein & Ajzen, 1975), đây được xem là lý thuyết đầu tiên trong lĩnh vực nghiên cứu tâm lý xã hội. Lý thuyết hành động hợp lý đề cập đến ý định hành vi, yếu tố này được quyết định bởi thái độ đối với hành vi và các quy chuẩn xã hội xoay quanh việc thực hiện hành vi. Hai nhân tố chính trong mô hình này tác động lên ý định hành vi gồm có Thái độ (Attitude) và Nhận thức về áp lực xã hội (Subjective norms, hay còn gọi là Chuẩn chủ quan). Tuy nhiên, chính Ajzen (1991) nhận ra thuyết TRA vẫn còn có những hạn chế, vì TRA giả định khi mọi người hình thành ý định hành động thì họ sẽ được tự do hành động, trong thực tế, quyền tự do hành động sẽ bị kiềm hãm bởi môi trường. Để khắc phục hạn chế này, Ajzen đã bổ sung nhân tố Nhận thức về sự kiểm soát (Perceived behavioral control) nhằm phản ánh vấn đề này vào lý thuyết TPB trên cơ sở phát triển 2 yếu tố đã có sẵn từ thuyết TRA.

  • Thái độ: là thái độ của một người về một hành vi cụ thể được đo lường bằng niềm tin rằng việc thực hiện hành vi đó là có ích.
  • Nhận thức về áp lực xã hội: đây là nhân tố mang tính cộng đồng, cụ thể là áp lực từ những người xung quanh (cũng có thể hiểu là kỳ vọng) hoặc áp lực cộng đồng sẽ có thể ảnh hưởng đến người có ý định thực hiện hành vi.
  • Nhận thức về sự kiểm soát: đây là nhận thức về những nguồn lực sẵn có và khả năng nắm bắt thời cơ khi thực hiện một hành vi cụ thể. Khi người thực hiện hành vi cho rằng, họ có nhiều nguồn lực cũng như khả năng nắm lấy cơ hội và cảm nhận ít có những trở ngại thì sự nhận thức về kiểm soát của họ đối với hành vi càng lớn. Nguồn lực và khả năng nắm bắt cơ hội có thể hiểu là nguồn lực về tài chính, con người, và cơ sở vật chất. Đối với nhân tố Nhận thức về sự kiểm soát, cụ thể trong bối cảnh áp dụng IFRS, Theo Djatej và cộng sự (2012) cần phải có sự đầu tư rất lớn về tiền bạc, hệ thống máy tính và đào tạo nhân sự. Tương tự, công bố của Bộ Tài chính Việt Nam (2019) trong nghiên cứu phối hợp với Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA) cũng cho thấy, việc áp dụng IFRS cần có sự cập nhật về hệ thống và công nghệ. Đặc biệt là vấn đề về chi phí đầu tư ban đầu, điều khiến doanh nghiệp sẽ phải cân nhắc rất nhiều.

2.2. Mô hình Chấp nhận công nghệ TAM

 Bên cạnh mô hình TPB, một mô hình khác cũng vận dụng từ Lý thuyết hành động hợp lý TRA là mô hình Chấp nhận công nghệ (TAM) do Davis (1989) phát triển. Các nhân tố về dự định của mô hình bao gồm nhận thức về sự hữu ích (perceived usefulness) và nhận thức về độ dễ sử dụng (perceived ease of use). Trong đó, nhận thức về sự hữu ích tức là mức độ mà người sử dụng cảm nhận về việc áp dụng hệ thống công nghệ sẽ làm tăng hiệu quả công việc.

 Kế thừa và kết hợp mô hình TAM và mô hình TPB, Taylor và Todd (1995) trong một nghiên cứu về tác động của kinh nghiệm quá khứ đối với việc áp dụng công nghệ đã đề xuất mô hình kết hợp TAM và TPB với sự tác động của biến Nhận thức về sự hữu ích đối với ý định hành vi, bên cạnh 3 nhân tố chính của mô hình TPB là Thái độ, Nhận thức về áp lực xã hội và Nhận thức về sự kiểm soát.

2.3. Giả thuyết nghiên cứu và mô hình nghiên cứu đề xuất (Hình 1)

 Từ các nghiên cứu liên quan đến việc áp dụng IFRS và các lý thuyết nền đã trình bày, nghiên cứu này đều xuất các giả thuyết và mô hình nghiên cứu như sau:

  • H1: Nhận thức về tính hữu ích có tác động cùng chiều với thái độ
  • H2: Nhận thức về tính hữu ích có tác động cùng chiều với ý định áp dụng IFRS
  • H3: Thái độ có tác động cùng chiều với ý định áp dụng IFRS
  • H4: Nhận thức về áp lực xã hội có tác động cùng chiều với ý định áp dụng IFRS
  • H5: Nhận thức về sự kiểm soát có tác động cùng chiều với ý định áp dụng IFRS

 Hình 1: Mô hình nghiên cứu đề xuất

 Hình 1: Mô hình nghiên cứu đề xuất

 Nguồn: Tác giả xây dựng dựa trên mô hình của Taylor và Todd (1995)

3. Phương pháp và kết quả nghiên cứu

 Nghiên cứu áp dụng cả 2 phương pháp định tính và định lượng. Trong đó phương pháp định tính được thực hiện thông quan việc thảo luận trực tiếp với các chuyên gia (nhà nghiên cứu, công ty kiểm toán, các doanh nghiệp niêm yết) để xây dựng các biến quan sát cho phù hợp với điều kiện tại Việt Nam dựa vào các nghiên cứu đi trước của Rezaee và cộng sự (2010), Djatej và cộng sự (2012). Kết quả là có 19 biến quan sát của 5 khái niệm nghiên cứu được sử dụng cho giai đoạn tiếp theo là nghiên cứu định lượng, cụ thể các thang đo được mã hóa như sau: Ý định áp dụng IFRS (APDUNG: 3 biến quan sát), Nhận thức về tính hữu ích (HUUICH: 6 biến quan sát), Nhận thức về sự kiểm soát (KIEMSOAT: 3 biến quan sát), Thái độ (THAIDO: 3 biến quan sát), Nhận thức về áp lực xã hội (XAHOI: 4 biến quan sát).

 Đã có 159 người tham gia trả lời bảng khảo sát chính thức sử dụng thang đo Likert 5 mức độ, được thực hiện từ tháng 11 đến tháng 12 năm 2019, hầu hết là những người phụ trách công tác kế toán (kế toán trưởng, kế toán tổng hợp, phó giám đốc tài chính hoặc các vị trí quản lý liên quan đến kế toán) hoặc những kế toán viên có kinh nghiệm trên 5 năm tại các doanh nghiệp ở thành phố Hồ Chí Minh, bao gồm một số doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn HSX. Cỡ mẫu 159 cũng phù hợp với kỹ thuật phân tích PLS-SEM (mô hình phương trình cấu trúc bình phương tối thiểu từng phần) bằng phần mềm SmartPLS 3.2.8, theo Hair và cộng sự (2017), PLS-SEM phù hợp trong trường hợp phải chọn lọc đối tượng khảo sát, cụ thể là trong nghiên cứu này, với đối tượng khảo sát là những người quản lý hoặc có kinh nghiệm lâu năm, sẽ khiến cho cỡ mẫu nhỏ vì không thuộc đối tượng khảo sát đại trà.

3.1. Đánh giá thang đo

 Theo Hair và cộng sự (2017), 2 vấn đề quan trọng đầu tiên cần phải xem xét khi đánh giá thang đo là giá trị hội tụ và độ tin cậy nhất quán nội tại. Trong đó, theo Hair và cộng sự (2017), giá trị hội tụ được đánh giá thông qua 3 chỉ số: hệ số tải ngoài, độ tin cậy của biến quan sát và tổng phương sai trích. Cụ thể hơn, ngưỡng chấp nhận đối với hệ số tải ngoài và độ tin cậy của biến quan sát đạt yêu cầu lần lượt là trên 0.7 và trên 0.5; ngưỡng chấp nhận đối với tổng phương sai trích của các thang đo là trên 0.5. Đối với độ tin cậy nhất quán nội tại, Hair và cộng sự (2017) sử dụng 2 chỉ số là độ tin cậy tổng hợp (CR) và Cronbach’s Alpha với ngưỡng đạt yêu cầu của 2 chỉ số này là đều phải lớn hơn 0.6 hoặc tốt nhất là mức trên 0.7. Kết quả phân tích cho thấy tất cả các chỉ số về giá trị hội tụ và độ tin cậy nhất quán nội tại của các biến trong mô hình đều đạt yêu cầu.

 Bảng 1. Kết quả kiểm định giá trị hội tụ và độ tin cậy của thang đo

Biến tiềm ẩn Biến quan sát Giá trị hội tụ Độ tin cậy nhất quán nội tại

  

    Hệ số tải ngoài Độ tin cậy của biến quan sát Tổng phương sai trích Độ tin cậy tổng hợp Cronbach’s Alpha
APDUNG AD1 0.926 0.857 0.757 0.903 0.836
  AD2 0.923 0.852      
  AD3 0.749 0.561      
HUUICH HI1 0.757 0.573 0.610 0.902 0.871
  HI2 0.854 0.729      
  HI3 0.814 0.663      
  HI4 0.909 0.826      
  HI5 0.805 0.648      
  HI6 0.813 0.661      
KIEMSOAT KS1 0.847 0.717 0.723 0.887 0.813
  KS2 0.741 0.549      
  KS3 0.745 0.555      
THAIDO TD1 0.726 0.527 0.771 0.910 0.852
  TD2 0.849 0.721      
  TD3 0.852 0.726      
XAHOI XH1 0.85 0.723 0.698 0.902 0.854
  XH2 0.858 0.736      
  XH3 0.88 0.774      
  XH4 0.896 0.803      

 Nguồn: Tác giả tổng hợp và tính toán dựa trên phần mềm SmartPLS 3.2.8

 Tiếp theo, để đánh giá thang đo cần phải xem xét giá trị phân biệt. Theo Hair và cộng sự (2017), có thể dùng chỉ số HTMT để đánh giá giá trị phân biệt và có thể bỏ qua các chỉ số quen thuộc như Fornell-Lacker hay hệ số tải chéo (cross loadings), với điều kiện chỉ số này không được bằng 1 và nhỏ hơn 0.9 thì càng tốt. Kết quả trong Bảng 2 cho thấy không có chỉ số HTMT nào vượt qua 0.9 tức là đều đạt yêu cầu. Như vậy các khái niệm nghiên cứu trong mô hình đều đảm bảo được giá trị phân biệt.

 Bảng 2. Kết quả kiểm định giá trị phân biệt

  APDUNG HUUICH KIEMSOAT THAIDO XAHOI
APDUNG          
HUUICH 0.87        
KIEMSOAT 0.616 0.484      
THAIDO 0.875 0.885 0.481    
XAHOI 0.898 0.825 0.594 0.859  

 Nguồn: Tác giả tổng hợp từ phần mềm SmartPLS 3.2.8

3.2. Đánh giá mô hình cấu trúc

 Theo Hair và cộng sự (2017), cần phải xem xét đầu tiên khi đánh giá mô hình cấu trúc đó là vấn đề cộng tuyến, nếu chỉ số phóng đại phương sai (VIF) nằm trong khoảng lớn hơn 0.2 và nhỏ hơn 5 thì mô hình không vi phạm vấn đề cộng tuyến. Các chỉ số trong bảng inner VIF nhỏ nhất là 1.000 và lớn nhất là 2.961, tức là nằm trong ngưỡng chấp nhận được. Chỉ số tiếp theo cần đánh giá là hệ số xác định R2, đây là chỉ số đánh giá các biến nội sinh trong mô hình. Theo Hair và cộng sự (2017), giá trị R2 là 0,75 thể hiện cấu trúc nội sinh mạnh, mức 0,5 là trung bình và 0,25 là mức yếu. Kết quả nghiên cứu cho thấy giá trị R2 của các biến nội sinh trong mô hình nghiên cứu là 0.588 (biến THAIDO) và 0.707 (biến APDUNG), tức là khả năng dự đoán của mô hình ở mức khá mạnh. Bên cạnh việc đánh giá hệ số R2, theo Hair và cộng sự (2017), cần phải xem xét hệ số tác động f2 đối với tất cả mối quan hệ trong mô hình cấu trúc để đánh giá xem sự thay đổi của R2 khi một biến ngoại sinh bị loại bỏ có thể ảnh hưởng đến biến nội sinh hay không, cụ thể, ftối thiểu phải lớn hơn 0.02. Kết quả nghiên cứu từ phần mềm Smart PLS cho thấy hệ số f2 có giá trị nhỏ nhất 0.035 và lớn nhất là 1.426, tất cả đều trên ngưỡng tối thiểu.

 Để kiểm định giả thuyết nghiên cứu và hệ số tác động, thủ tục bootstrapping 5.000 lần sẽ được áp dụng để tính toán hệ số đường dẫn Path coefficient và giá trị p-value để xác định mức độ tác động và ý nghĩa thống kê của các giả thuyết trong mô hình nghiên cứu. Kết quả cho thấy biến HUUICH có tác động mạnh đến THAIDO, trong khi đó biến APDUNG chịu tác động theo thứ tự lần lượt từ cao xuống thấp bởi các biến XAHOI, HUUICH, THAIDO và KIEMSOAT. Tất cả các giả thuyết đều được chấp nhận do đều có ý nghĩa thống kê ở mức 5%.

 Bảng 3. Kết quả kiểm định hệ số tác động và giả thuyết nghiên cứu

Giả thuyết liên quan Mối quan hệ Hệ số tác động Giá trị t P Values
H1 HUUICH -> THAIDO 0.767 19.073 0.000
H2 HUUICH -> APDUNG 0.293 3.268 0.000
H3 THAIDO -> APDUNG 0.248 2.723 0.006
H4 XAHOI -> APDUNG 0.212 3.374 0.001
H5 KIEMSOAT -> APDUNG 0.118 2.011 0.044

 Nguồn: Tác giả tổng hợp từ phần mềm SmartPLS 3.2.8  

 Tiếp theo để đánh giá sự liên quan mang tính dự báo của mô hình đường dẫn, Hair và cộng sự (2017) khuyến nghị áp dụng thủ tục dò tìm (blindfolding) để tính hệ số Q² và q². Trong đó, nếu giá trị Q² lớn hơn 0 sẽ cho thấy rằng các biến ngoại sinh có sự liên quan mang tính dự báo (predictive relevance) cho các biến nội sinh trong mô hình. Kết quả nghiên cứu cho thấy giá trị Q² của biến APDUNG là 0.499 và Q² của biến THAIDO là 0.425, cả hai đều đạt yêu cầu do có kết quả lớn hơn 0. Đối với hệ số tác động q², thủ tục blindfolding được lặp lại bằng cách loại bỏ lần lượt từng biến độc lập trong mô hình cấu trúc, với ngưỡng đạt yêu cầu tương tự hệ số f². Kết quả tính toán cho thấy biến ngoại sinh có sự liên quan dự báo trung bình đối với các biến nội sinh, với giá trị thấp nhất là 0.096 cho mối quan hệ của biến KIEMSOAT với biến APDUNG và cao nhất là 0.138 cho mối quan hệ của biến THAIDO với biến APDUNG.

5. Kết luận

 Kết quả nghiên cứu cho thấy, hai nhân tố quan trọng hàng đầu trong việc áp dụng IFRS là Nhận thức về tính hữu ích và Thái độ. Vì vậy, để áp dụng thành công IFRS, Bộ Tài chính cần phải có cơ chế khuyến khích đặc biệt và hỗ trợ phù hợp đối các doanh nghiệp, phải làm sao để họ thấy được lợi ích và hiểu được trách nhiệm trong việc áp dụng IFRS. Đề án áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế vào Việt Nam của Bộ Tài chính (2019) cũng nêu rõ việc các doanh nghiệp đều chưa thật sự sẵn sàng và cần được đào tạo về IFRS, lộ trình chuẩn bị, bao gồm cả việc nâng cấp hệ thống thông tin, phần mềm cần kéo dài trong 2-3 năm, dựa trên kinh nghiệm từ doanh nghiệp ở châu Âu và ở Nhật. Chính vì vậy, Bộ Tài chính cần xây dựng một lộ trình rõ ràng hơn, cụ thể hơn, nhằm xây dựng một hệ thống chuẩn mực mang tính quốc tế nhưng phải phù hợp với tình hình Việt Nam. Đặc biệt, cần phải nghiên cứu và ban hành những thông tư hướng dẫn chi tiết các IFRS cho những đối tượng doanh nghiệp phù hợp, vì rất nhiều nghiên cứu trên thế giới đã cho thấy việc thiếu vắng những hướng dẫn về IFRS đã gây nên rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp khi đã áp dụng (Jermakowicz và Gornick-Tomaszewski, 2006). Ngoài ra, một vấn đề cũng cần phải lưu ý là ý kiến World Bank đưa ra trong Báo cáo đánh giá sự tuân thủ các chuẩn mực và quy tắc trong lĩnh vực kế toán kiểm toán tại Việt Nam vào năm 2016, đó là: báo cáo tài chính của một số tổ chức tài chính và doanh nghiệp nhà nước Việt Nam được trình bày trên cơ sở ưu tiên tuân thủ các quy chế tài chính đặc thù ngành do Chính phủ ban hành hơn là tuân thủ các chuẩn mực kế toán, điều này cũng là một cản trở đối với việc áp dụng IFRS và cần có những giải pháp khi quá trình áp dụng IFRS được thực thi trong tương lai.