Mô hình sản xuất nông nghiệp sạch

 Mô hình sản xuất nông nghiệp sạch

 Các mô hình khởi nghiệp nông nghiệp sạch hiện nay tập trung chủ yếu trên đối tượng là rau ăn lá kết hợp với việc phát triển hệ thống canh tác gồm có hệ thống trồng rau thủy canh tĩnh, thủy canh hồi lưu, aquaponic, khí canh, tưới nhỏ giọt trên nền giá thể… Các mô hình đều có một số điểm chung như khi thực hiện đó là canh tác trong nhà màng kết hợp hệ thống giảm nhiệt như lưới cắt nắng hay tưới phun sương, ứng dụng các hệ thống quản lý môi trường canh tác một cách nghiêm ngặt…

 Nhóm nghiên cứu Nguyễn Thị Ngọc Thảo, Nguyễn Thị Thu Hằng, Phạm Nguyễn Kim Tuyến, Nguyễn Huy Hoàng Phi, Dương Nhật Phú, Nguyễn Xuân Dũ, Trường đại học Sài Gòn cho rằng, một xu hướng khác trong khởi nghiệp nông nghiệp sạch là canh tác theo phương pháp canh tác tự nhiên. Mô hình canh tác tự nhiên là mô hình hạn chế tối đa thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học, nguồn phân bón chủ yếu được sử dụng là phân bón hữu cơ được ủ từ các phụ phẩm nông nghiệp kết hợp với các ưu thế từ địa bàn, khiến cho vốn đầu tư các mô hình sản xuất nông nghiệp tự nhiên thấp và giá thành sản phẩm có tính cạnh tranh cao.

 Nhóm nghiên cứu đề xuất một mô hình có thể giải quyết các vấn đề nêu trên, quy mô sản xuất được áp dụng với diện tích từ 5.000 m2, phương pháp canh tác ứng dụng phương pháp tự nhiên, củng cố và phát triển hệ sinh thái bản địa kết hợp với hệ thống quản lý thông minh giúp tiết kiệm nước và cân bằng điều kiện canh tác.

 Nhà lưới chống côn trùng canh tác rau an toàn – hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu

 Việc áp dùng nhà lưới chống côn trùng đúng quy chuẩn có thể hạn chế sự tấn công từ các loại sâu bệnh hại, từ đó giảm và ngưng việc sử dụng các loại thuốc trừ sâu. Nhà lưới trong mô hình là kiểu nhà lưới kín, sử dụng khung thép, độ cao 2,5 – 3 m, lưới sử dụng là lưới chống côn trùng đạt tiêu chuẩn kích thước lỗ từ 100 g/cm3, đảm bảo độ bền và độ thông thoáng phù hợp với yêu cầu phát triển cây rau ăn lá.

 Phân bón hữu cơ

 Lượng phân chuồng hoai mục trong canh tác rau an toàn chiếm 90% tổng lượng phân bón sử dụng (trong cả hai giai đoạn bón lót và bón thúc), phân chuồng hoai mục đa phần có nguồn gốc từ phân bò và phân gà. Mô hình được xây dựng tại huyện Củ Chi, do đó, lượng phân chuồng phát sinh từ các nông hộ chăn nuôi bò và gà tại khu vực là rất lớn, đáp ứng được nhu cầu phân bón, đồng thời chi phí vận chuyển thấp.

 Diệt cỏ bằng phương pháp che phủ

 Phương pháp diệt cỏ truyền thống không thể tránh khỏi sự lệ thuốc và lạm dụng các loại thuốc diệt cỏ có nguồn gốc hóa học.

 Phương pháp che phủ dựa trên nguyên lý loại bỏ các điều kiện thích hợp cho sự phát triển của cỏ như cách ly ánh sáng, loại bỏ không gian phát triển. Vật liệu che phủ có thể là các phụ phẩm nông nghiệp như rơm, lá cây… Với quy mô canh tác lớn, các thùng giấy hay màng phủ nông nghiệp có thể được sử dụng với hiệu quả diệt cỏ hoàn toàn sau 7 ngày che phủ. Ngoài ra, với phương pháp này, dinh dưỡng của đất có thể được cải thiện bởi nguồn dinh dưỡng từ sự hoai mục của cỏ.

 Hệ thống giám sát IoT – phương pháp quản lý canh tác và tiết kiệm

 Nông nghiệp ứng dụng IoT là việc số hóa các hoạt động sản xuất kinh doanh đến chế biến, tiêu dùng thông qua các thiết bị cảm biến, công nghệ điều hành và tự động hóa. Với việc lắp đặt các bộ cảm biến (bao gồm cảm biến nhiệt độ, ẩm độ, pH đất) kết hợp với phần mềm quản lý, việc giám sát các điều kiện canh tác được tốt hơn, tiết kiệm lượng nước tưới hiệu quả và năng suất cây trồng ổn định.

 Từ thực tế sản xuất rau ăn lá trên địa bàn TP.HCM, mô hình đã được nghiên cứu và chuyển đổi cho phù hợp với các yêu cầu sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Với quy mô canh tác 5.000 m2, mô hình cần 3 lao động để duy trì hoạt động tốt, ngoài ra, nguồn vốn khởi điểm dao động từ 150.000 đến 200.000 đồng/m2.

 Trước thực trạng an toàn vệ sinh thực phẩm hiện nay, nguồn cung ứng rau ăn lá có nguồn gốc rõ ràng và đảm bảo chất lượng có nhu cầu thị trường rất lớn. Vì vậy, khởi nghiệp từ nông nghiệp an toàn, sạch vẫn là cơ hội và thách thức đối với thế hệ trẻ hiện nay. Mô hình được đề xuất đáp ứng được các yêu cầu sản xuất rau an toàn và phù hợp với các điều kiện thực tế trong sản xuất rau an toàn tại TP.HCM.

 Theo nhóm nghiên cứu, trong quá trình vận hành mô hình, khi sản xuất các loại rau, cho thấy đáp ứng của từng loại rau ăn lá đối với các loại phân chuồng khác nhau. Vì vậy, cần có những nghiên cứu chi tiết hơn về cách sử dụng phân chuồng hoai mục cho từng loại rau và cần bổ sung thêm nguồn phân xanh, phân ủ từ rác thải hữu cơ để tăng năng suất cây trồng đạt hiệu quả tối ưu.

 Quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ

Khi thực phẩm hữu cơ trở thành sản phẩm được nhiều người tiêu dùng lựa chọn thì nhà sản xuất có xu hướng thực hiện quy trình canh tác rau hữu cơ để phục vụ nhu cầu người tiêu dùng.
Theo Australian Organic Market Report, nông nghiệp hữu cơ đang là phong trào của thế giới với diện tích nuôi trồng ở mức 43 triệu hécta (ha), tạo ra thị trường có giá trị vào khoảng 80 tỷ USD, tuy nhiên con số này chưa đến 5% giá trị của thị trường nông sản chính thống.
Trước xu hướng người tiêu dùng ngày càng quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe và phát triển bền vững, nhu cầu thực phẩm hữu cơ tại nhiều thị trường được dự báo đang có xu hướng gia tăng.
Tại Việt Nam, hiện nay cả nước có trên 76.000 ha đất sản xuất nông nghiệp được công nhận sản xuất hữu cơ (organic). Một số sản phẩm hữu cơ đã có chỗ đứng vững trên thị trường như rau sạch, chè hữu cơ, thịt sạch, tôm sạch… Tuy nhiên, nông nghiệp hữu cơ chỉ chiếm khoảng 0,7% tổng diện tích canh tác của cả nước và là một con số quá nhỏ bé so với 43 triệu ha canh tác của thế giới.
Hay nói cụ thể hơn, sản phẩm hữu cơ tại Việt Nam hiện còn khá mới mẻ đối với số đông người tiêu dùng.
Thị trường nông nghiệp hữu cơ có giá thành sản phẩm hữu cơ còn cao; các tiêu chuẩn đánh giá còn yếu và thiếu, chưa có các hệ thống chứng nhận rõ ràng. Trong khi đó, hầu hết người tiêu dùng còn chưa phân biệt được khái niệm “sản phẩm hữu cơ” nhiều lúc còn nhầm lẫn giữa sản phẩm sạch và sản phẩm organic.
Khi thực phẩm hữu cơ đang trở thành sản phẩm được nhiều người tiêu dùng lựa chọn thì nhà sản xuất có xu hướng thực hiện quy trình canh tác rau hữu cơ để phục vụ nhu cầu người tiêu dùng. Tuy nhiên, để thực hiện một quy trình sản xuất rau hữu cơ không phải đơn giản và cần phải tuân thủ theo những bước cơ bản.
Hiện nay trên cả nước đã hình thành nhiều mô hình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hữu cơ và đã thu được nhiều thành quả. Công ty cổ phần thương mại – dịch vụ Mùa là một trong những đơn vị đầu tiên tại Việt Nam đã được cấp chứng nhận đạt chuẩn hữu cơ của Mỹ và EU cho trang trại rau Organica tại Long Thành, Đồng Nai. Đây là trang trại trồng rau quả nhiệt đới đầu tiên tại Việt Nam được chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ của hai tổ chức trên. Liên tục trong các năm 2016, 2017 và 2018 trang trại Organica Long Thành đều đạt chuẩn hữu cơ của USDA và EU organic farming.
Quy trình canh tác rau hữu cơ
Lựa chọn vùng trồng

 Lịch sử của vùng trồng không sử dụng hóa chất trong ít nhất 3 năm liền kề và có giấy tờ xác minh việc này hoặc đã qua giai đoạn chuyển đổi với sự cho phép của cơ quan chứng nhận. Toàn bộ vùng trồng phải được bao quanh bởi hàng rào cách ly với khu vực xung quanh (vùng đệm) để tránh lây nhiễm các hóa chất từ những vườn xung quanh cũng như từ những hộ lân cận vào khu vực sản xuất hữu cơ.

Tiếp theo, người trồng rau phải lấy mẫu đất, mẫu nước ngầm ở mảnh đất này đem đi phân tích các chỉ tiêu như độ pH, kim loại nặng, chỉ số COD, BOD,… xem có đạt tiêu chuẩn canh tác hay không. Nếu không đạt thì phải có cách xử lý, nếu xử lý khó quá thì … chuyển qua tìm mảnh đất khác. Do khó như vậy nên để trồng hữu cơ tại Việt Nam, người ta thường phải đi về các vùng sâu, vùng xa những nơi ít bị tác động bởi con người, bởi công nghiệp và ô nhiễm.
Nguồn giống
Giống sử dụng trong sản xuất hữu cơ phải là giống được sản xuất hoàn toàn bằng phương pháp hữu cơ. Nếu không hoàn toàn băng phương pháp hữu cơ thì phải có sự xem xét và phê duyệt của cơ quan cấp chứng nhận (nguồn gốc giống, giống bản địa…). Trường hợp tự chọn giống thì phải có hồ sơ thu hoạch và giữ giống. Nếu không phải giống hữu cơ, thì hạt giống và cây con không được xử lý hóa chất nhất là nguồn giống làm các loại rau mầm. Trường hợp hạt giống không xử lý không có sẵn trên thị trường, thì chỉ chấp nhận hạt giống và vật liệu trồng được xử lý với các chất cho phép của cấp có thẩm quyền và nằm trong danh mục quy định được phép.
Dinh dưỡng
Mục tiêu của quản lý dinh dưỡng đất đai là duy trì và cải thiện độ màu mỡ của đất và giảm thiểu sự xói mòn đất. Điều này được thực hiện bằng cách áp dụng kiểu canh tác luân canh cây trồng, phân hữu cơ và cây trồng cây che phủ đất. Tăng cường nguồn hữu cơ từ chế phẩm sinh học xử lý môi trường, phân bón hữu cơ hoặc các biện pháp cải tạo đất.
Đất cần được thử nghiệm để xác định độ pH và mức độ phốt pho, kali, canxi và magiê. Các bộ dụng cụ kiểm tra đất đai (test kit) ở một số nước thường có sẵn ở bộ phận khuyến nông địa phương hoặc từ các phòng thí nghiệm dịch vụ phân tích nông nghiệp. Các mức dinh dưỡng trong đất sẽ chỉ ra lượng chất dinh dưỡng bổ sung cần thiết để giúp cho rau tăng trưởng và phát triển tối ưu.
Người trồng rau hữu cơ không được sử dung phân hóa học, phân người hay phân chuồng chưa ủ hoai.
Quy trình ủ phân hữu cơ
Phân ủ hoai được trang trại ủ từ tồn dư thực vật trong trang trại và phân động vật được thu gom từ các hộ chăn nuôi vùng lân cận. Tất cả các công đoạn từ thu gom vật liệu ủ đến quy trình ủ phân cần được lưu lại. Quy trình ủ phân cần tuân theo nguyên tắc sau:

 Tỷ lệ, nguồn gốc, thành phần đống ủ phải đảm bảo tỷ lệ C/N (Carbon / Nitơ) khoảng 25 – 40 tức là khoảng 7 phần xác thực vật và 3 phần phân chuồng. Nguyên liệu ủ phải đảm bảo không có nguồn gốc từ sản xuất công nghiệp, không nhiễm hóa chất.

Trong quá trình ủ phải đảm bảo nhiệt độ đống ủ đạt đến 55 – 76 độ C trong 15 ngày đầu liên tiếp để giết chết các vi sinh vật có hại và hạt cỏ dại. Độ ẩm của đống ủ khoảng 50 -55% hay nắm vào thấy rịn nước là đạt.
Thời gian ủ từ 45 – 60 ngày, đảo trộn 5 lần trong 15 ngày đầu để duy trì nhiệt độ đống ủ. Các lần đảo tiếp theo có thể cách nhau 7 – 10 ngày. Kết thúc ủ phân, đống ủ trước khi đem ra sử dụng phải đảm bảo không mùi hôi, dạng hạt màu đen, tới xốp, không có ấu trùng kiến vương
Biện pháp kiểm soát cỏ dại
Quản lý cỏ dại hữu cơ là thúc đẩy ức chế cỏ dại chứ không phải là loại bỏ chúng. Quản lý có dại bằng cách tăng cường các cách tăng cường khả năng cạnh tranh của cây trồng hoặc là trồng xen cây trồng tạo tương tác phytotoxic thực vật tác động lên cỏ dại. Nông dân canh tác hữu cơ tích hợp kinh nghiệm truyền thống, công nghệ sinh học trong nông nghiệp, cơ khí, vật lý và hóa học để quản lý cỏ dại mà không cần thuốc diệt cỏ nhân tạo.

 Tiêu chuẩn hữu cơ đòi hỏi luân canh cây trồng hàng năm, có nghĩa là một loài cây duy nhất không thể phát triển trong cùng một vị trí mà không có luân phiên xen kẽ loài cây trồng khác nhau. Luân canh cây trồng hữu cơ thường xuyên bao gồm cây che phủ ức chế cỏ dại và các loại cây trồng có chu kỳ sống khác nhau để ngăn cỏ dại kết hợp với một cây trồng cụ thể. Hiện nay có nhiều nghiên cứu đang tiếp tục phát triển các phương pháp hữu cơ để thúc đẩy sự tăng trưởng của vi sinh vật tự nhiên ức chế sự phát triển hoặc nảy mầm của cỏ dại.

Kiến thức bản địa khác được sử dụng để nâng cao khả năng cạnh tranh cây trồng và giảm áp lực cỏ dại bao gồm lựa chọn giống cây trồng cạnh tranh, trồng mật độ cao, khoảng cách giữa các hàng chặt chẽ, và trồng muộn (trồng cây chuyển sang từ vườn ươm) để tạo điều kiện cho cây trồng phát triển trước.
Thực hành kiểm soát cỏ dại bằng cơ giới và vật lý được sử dụng trên các trang trại hữu cơ có thể được thực hiện một số biện pháp kỹ thuật như: làm đất; nhổ; đốt và che phủ – chặn cỏ dại xuất hiện với các vật liệu hữu cơ, tấm phủ plastic hoặc vải, nilon.
Cỏ dại có thể được kiểm soát bằng cách dùng các loại động vật ăn cỏ.
Quản lý sâu bệnh hại:
Dưới đây là những cách thức được sử dụng để quản lý sâu bệnh hại
 Làm nhà lưới ngăn ngừa côn trùng
 Luân canh
 Xen canh
 Trồng cây theo đúng mật độ
 Che phủ đất bằng cây họ đậu, bón phân hữu cơ ủ hoai để gia tăng dinh dưỡng cho đất, từ đó cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng tiếp theo sinh trưởng tốt, tăng khả năng chống chịu sâu bệnh.
 Vệ sinh vườn thường xuyên để dịch hại không có nơi trú ẩn.
 Xua đuổi bằng thảo dược tỏi, ớt, hạt neem…

 Mô hình nông nghiệp hữu cơ

 Tham quan trang trại Hoa Viên (xã Yên Bình, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội) diện tích 60 ha hôm nay, ít ai ngờ cơ ngơi này hơn 10 năm trước còn là vùng đất hoang sơ. Đến nay, trang trại có hơn 1.000 con lợn nái, mỗi năm cung cấp cho thị trường hơn 10 nghìn con lợn giống, lợn thương phẩm, gần 350 tấn rau sạch các loại.

 Chủ nhân trang trại này là chị Trương Kim Hoa, người phụ nữ cách đây 10 năm, đã rời thành thị lên cải tạo vùng đất còn hoang sơ trở thành mô hình chăn nuôi, trồng trọt hữu cơ lớn của Thủ đô.

 Từ nuôi lợn hữu cơ bằng thuốc nam

 10 năm trước, Yên Bình là xã miền núi của tỉnh Hòa Bình, với 40% dân số là đồng bào dân tộc Mường, được sáp nhập về huyện Thạch Thất, TP Hà Nội. Chị Trương Kim Hoa nhớ lại, những ngày đầu lập nghiệp, chị phải đối mặt với rất nhiều khó khăn: hơn 90% đường trong xã là đường đất. Mùa mưa lầy lội, mùa hè bụi đất mịt mù, khiến việc giao thông đi lại của người dân vất vả. Cơ sở vật chất của xã gần như không có gì, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa chủ yếu là nhà cấp 4, xuống cấp trầm trọng; có thôn còn chưa có điện, kênh mương nội đồng chưa xây dựng…

 Thực hiện Chương trình 02 về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2011 – 2015 của Thành ủy Hà Nội, Yên Bình được quan tâm đầu tư, trong đó một nguồn vốn lớn dành để xây dựng hạ tầng giao thông, tạo đà cho phát triển kinh tế – xã hội. Khi tất cả đường liên thôn, liên xã được bê-tông hóa, hồ thủy lợi, kênh mương, đường điện được khởi công, người dân phấn khởi, sẵn sàng góp công, góp của, hiến đất mở đường. Từ đó, vùng đất này dần thay da đổi thịt, hoạt động thương mại dịch vụ phát triển. Người dân trước đây vốn chỉ biết trông vào canh tác rau màu giá trị thấp, nay đã nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống bằng kinh doanh, buôn bán hoặc chuyển đổi sang nuôi ong, nuôi dê sinh sản; chuyển đổi vườn tạp sang trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như thanh long đỏ, bưởi đỏ…

 Nơi này, sở hữu một đặc sản: thịt lợn rừng, do nhiều nạc nhưng mềm, ít mỡ, lớp da dày nhưng giòn, ngọt, thơm, hàm lượng cholesterol thấp, được thực khách ưa chuộng. Đón bắt được tâm lý người tiêu dùng, chị Hoa quyết định đầu tư vào nuôi và cung cấp con giống và thịt lợn rừng. Chị Hoa chia sẻ: Chúng tôi quyết định tạo một hướng đi riêng, phát triển thị trường “ngách”, thị trường cao cấp. Phương pháp nuôi lợn ở đây là thả bán tự nhiên, chế độ cho ăn chủ yếu rau, củ, quả như ngô, khoai, sắn, thân chuối, thân ngô, rau tự trồng, cây cỏ rừng… không sử dụng thức ăn tổng hợp, không kích thích tăng trưởng, sử dụng chế phẩm vi sinh để lên men thức ăn. Trong quá trình chăn nuôi, để giảm chi phí, tăng năng suất đàn và an toàn với người sử dụng, công ty sử dụng các kháng sinh tự nhiên từ cây thuốc nam như: Gừng, tỏi, sài đất, khổ sâm, mía dò, lược vàng, hoàn ngọc, ngũ sắc, nhọ nồi, cỏ xước… trong việc phòng và chữa bệnh cho lợn. Bởi vậy, có những thời điểm dịch bệnh, giá lợn thương phẩm ngoài thị trường tụt xuống chỉ còn 14 nghìn đồng/kg, giá lợn rừng của Hoa Viên ổn định 250 nghìn đồng/kg.

 Đến trồng rau sạch hữu cơ

 Không chỉ cung cấp con giống, thương phẩm lợn rừng chất lượng cao, trang trại Hoa Viên còn sở hữu một vùng trồng rau hữu cơ quy mô lớn đầu tiên tại Hà Nội. Chị Trương Kim Hoa cho biết: Phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ là hướng phát triển bền vững không những đem lại sản phẩm tốt nhất cho người tiêu dùng, mà còn bảo đảm sức khỏe cho người sản xuất, góp phần cải tạo đất đai trở nên màu mỡ, phì nhiêu. Vùng đất này sở hữu nguồn đất sạch, nước sạch, không khí trong lành, mát mẻ, hoàn toàn phù hợp trồng những sản vật đó. Do vậy, gia đình tôi quyết định trồng rau hữu cơ vào năm 2013. Chất thải của lợn rừng là một nguồn phân bón hữu cơ để nuôi giun quế và tiếp tục tận dụng phân chuồng hoai mục, được xử lý vệ sinh để chăm bón cho cây. Nước tưới rau lấy tại đầu nguồn suối Vua Bà, không dùng thuốc bảo vệ thực vật.

 Để mang đến người tiêu dùng những nông sản hữu cơ, đồng nghĩa với việc quy trình sản xuất rau của trang trại phải loại bỏ hoàn toàn các thành phần hóa học ra khỏi sản xuất. Với tiêu chí năm không: Không thuốc trừ sâu hóa học, không thuốc diệt cỏ, không phân bón hóa học, không chất biến đổi gen và không chất kích thích sinh trưởng; do đó, tất cả các công đoạn sản xuất từ làm cỏ, bắt sâu, chăm bón trang trại đều phải hoàn toàn tự nhiên. Thay vì sử dụng thuốc diệt cỏ như đối với cây trồng khác, những công nhân của trang trại làm cỏ bằng phương pháp thủ công. Để ngăn ngừa sâu bệnh, trang trại sử dụng các loại bẫy bắt côn trùng bằng công nghệ sinh học, các loại thuốc trừ sâu làm bằng chế phẩm gừng, tỏi chưng cất và phát triển thiên địch…

 Từ diện tích ban đầu chỉ khoảng 5.000 m2, đến nay, diện tích đất trồng rau hữu cơ ở trang trại Hoa Viên lên tới hơn 10ha. Tại đây có cả triệu gốc rau rừng thương hiệu “Rau đại ngàn” được cấp chứng nhận hữu cơ phù hợp tiêu chuẩn IFOAM, với các giống rau quý hiếm như rau sắng (ngót rừng), bò khai (dạ hiến), rau mỏ, rau dền chua đỏ, hoa và củ chuối rừng, măng rừng, sung nếp… tỏa đi ba chục điểm phân phối trong thành phố. Ngoài rau rừng, các loại rau ăn lá, rau ăn củ, quả khác như: Rau chùm ngây, rau ngót, rau cải các loại, hoa thiên lý, rau muống tiến vua, rau lang ngọt, rau dền, mướp hương, bầu, bí, su su… Hoa Viên cũng trồng một số loại cây ăn quả theo quy trình hữu cơ như: Thanh long ruột đỏ, mít Thái-lan, xoài, sấu, khế ngọt, bưởi Diễn, chuối tiêu hồng… nhằm đa dạng hóa sản phẩm phục vụ người tiêu dùng.

 Giờ đây, người dân quanh vùng phấn khởi bởi từ ngày có trang trại của chị Hoa, đời sống của người dân nơi đây được cải thiện rõ rệt. Trang trại thu hút hơn 100 lao động, chủ yếu là lao động nữ quanh vùng đến làm việc, với mức lương từ 5 đến 7 triệu đồng/tháng; hiện đang sử dụng hàng chục lao động thường xuyên với mức lương từ bốn đến bảy triệu đồng/người/tháng, trong đó 90% là phụ nữ địa phương. Chị Đặng Thị Xuân, Tổ rau số 5 cho biết: Trước khi đến làm việc tại trang trại Hoa Viên, chúng tôi chẳng biết đến khái niệm trồng rau hữu cơ. Sau một thời gian làm việc tại đây, mọi người trong tổ đã học tập quy trình này về áp dụng tại gia đình và tuyên truyền cho các chị em trong xóm thực hiện theo phương pháp này. Chúng tôi rất mừng khi được lao động trong môi trường an toàn, lại có thu nhập ổn định.

 Kể từ ngày đầu tư phát triển trang trại, chị Hoa cho biết, chưa được tiếp cận đồng vốn nào từ Nhà nước, mà chủ yếu là do gia đình bán đất, bán nhà, cộng với nguồn vay ngân hàng. Do vậy, chị mong muốn Nhà nước quan tâm, hỗ trợ chính sách, tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi; chính quyền TP Hà Nội có sự đầu tư bài bản, giúp các doanh nghiệp tiếp tục mở rộng đầu tư phát triển sản xuất. Bởi, khi mở rộng diện tích canh tác sản xuất hữu cơ không chỉ cải tạo đất đai trở nên mầu mỡ, tạo công ăn việc làm bền vững cho đồng bào các xã trong huyện, mà còn tạo nên một lá phổi xanh cho Thủ đô.

tag: hiệp án giáo 9 tình cp eco vân