Nghị Định Số: 158/2018/NĐ-CP

 CHÍNH PHỦ
——-

 Số: 158/2018/NĐ-CP

 CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

 Hà Nội, ngày 2tháng 11 năm 2018

  

 

 NGHỊ ĐỊNH

 QUY ĐỊNH VỀ THÀNH LẬP, TỔ CHỨC LẠI, GIẢI THỂ TỔ CHỨC HÀNH CHÍNH

 

 Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

 Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

 Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ;

 Chính phủ ban hành Nghị định quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể tổ chức hành chính.

  

 Chương I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

 

 Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

 Nghị định này quy định về nguyên tắc, điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền thành lập, tổ chức lại, giải thể tổ chức hành chính.

 Điều 2. Đối tượng áp dụng

 1. Các tổ chức hành chính do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập và trực tiếp chỉ đạo, quản lý.

 2. Các tổ chức hành chính của bộ, cơ quan ngang bộ (sau đây gọi tắt là bộ), gồm:

 a) Văn phòng, thanh tra, vụ, cục, tổng cục và tổ chức tương đương thuộc cơ cấu tổ chức của bộ;

 b) Văn phòng, thanh tra (nếu có), vụ, cục và tổ chức tương đương thuộc cơ cấu tổ chức của tổng cục và tổ chức tương đương tổng cục (sau đây gọi tắt là tổng cục);

 c) Phòng thuộc cơ cấu tổ chức của văn phòng, thanh tra, vụ (nếu có), cục và tổ chức tương đương thuộc bộ;

 d) Phòng thuộc cơ cấu tổ chức của văn phòng, cục và tổ chức tương đương thuộc tổng cục;

 đ) Chi cục và tổ chức tương đương thuộc cơ cấu tổ chức của cục thuộc bộ (sau đây gọi tắt là chi cục thuộc cục thuộc bộ);

 e) Chi cục và tổ chức tương đương thuộc cơ cấu tổ chức của cục thuộc tổng cục (sau đây gọi tắt là chi cục thuộc cục thuộc tổng cục);

 g) Phòng và tổ chức tương đương thuộc cơ cấu tổ chức của chi cục thuộc cục thuộc bộ;

 h) Phòng và tổ chức tương đương thuộc cơ cấu tổ chức của chi cục thuộc cục thuộc tổng cục.

 3. Các tổ chức hành chính của cơ quan thuộc Chính phủ (nếu có).

 a) Tổ chức hành chính thuộc cơ cấu tổ chức của cơ quan thuộc Chính phủ;

 b) Phòng thuộc cơ cấu tổ chức của tổ chức hành chính thuộc cơ quan thuộc Chính phủ.

 4. Các tổ chức hành chính ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi tắt là cấp tỉnh), gồm:

 a) Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (sau đây gọi tắt là sở);

 b) Văn phòng, thanh tra, phòng chuyên môn, nghiệp vụ, chi cục và tổ chức tương đương thuộc cơ cấu tổ chức của sở;

 c) Phòng thuộc cơ cấu tổ chức của chi cục thuộc sở;

 d) Các tổ chức hành chính khác thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

 đ) Văn phòng, phòng, chi cục và tổ chức tương đương thuộc cơ cấu tổ chức của tổ chức hành chính khác thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

 5. Các tổ chức hành chính ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi tắt là cấp huyện), gồm:

 a) Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện (sau đây gọi tắt là phòng cấp huyện);

 b) Các tổ chức hành chính khác thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện.

 6. Nghị định này không áp dụng đối với việc thành lập, tổ chức lại, giải thể các cơ quan sau:

 a) Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;

 b) Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

 c) Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp huyện;

 d) Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.

 Điều 3. Giải thích từ ngữ

 Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

 1. Tổ chức hành chính là tổ chức được giao chức năng tham mưu giúp người đứng đầu cơ quan, tổ chức thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước hoặc tổ chức thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực hoặc tham mưu về công tác quản trị nội bộ của cơ quan, tổ chức và được thành lập theo quy định của pháp luật.

 2. Tổ chức tương đương là tổ chức hành chính có vị trí, chức năng, nhiệm vụ như các tổ chức hành chính quy định tại khoản 2 và điểm b, điểm đ khoản 4 Điều 2 Nghị định này nhưng có tên gọi khác và được thành lập theo quy định của pháp luật

 3. Tổ chức lại tổ chức hành chính là việc sắp xếp, kiện toàn lại các tổ chức hành chính dưới các hình thức: chia tách, sáp nhập, hợp nhất, chuyển đổi hoặc điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ để hình thành tổ chức hành chính mới.

 Điều 4. Nguyên tắc thành lập, tổ chức lại, giải thể tổ chức hành chính

 1. Việc thành lập, tổ chức lại, giải thể tổ chức hành chính phải bảo đảm đúng điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền quy định tại Nghị định này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan; chỉ thành lập tổ chức mới trong trường hợp cá biệt thật sự cần thiết do yêu cầu thực tiễn.

 2. Việc thành lập, tổ chức lại tổ chức hành chính phải bảo đảm không vượt khung số lượng tổ chức theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoặc quy định của cấp có thẩm quyền.

 Điều 5. Điều kiện thành lập, tổ chức lại, giải thể tổ chức hành chính

 1. Tổ chức hành chính được thành lập khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

 a) Có cơ sở pháp lý;

 b) Đáp ứng các tiêu chí thành lập theo quy định của pháp luật;

 c) Có phạm vi, đối tượng quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực hoặc lĩnh vực quản lý nội bộ của tổ chức hành chính;

 d) Có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn không chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức hành chính khác;

 đ) Loại hình và quy mô tổ chức hành chính được thành lập phải phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức và yêu cầu cải cách hành chính nhà nước.

 2. Tổ chức hành chính được tổ chức lại trong các trường hợp sau:

 a) Tổ chức hành chính được tổ chức lại khi có sự điều chỉnh về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, phạm vi, đối tượng quản lý theo quy định của cơ quan hoặc người có thẩm quyền;

 b) Tổ chức hành chính được tổ chức lại khi hoạt động không hiệu quả theo đánh giá của cơ quan có thẩm quyền quản lý.

 Việc tổ chức lại để hình thành tổ chức hành chính mới phải đáp ứng các tiêu chí, điều kiện thành lập tổ chức hành chính quy định tại khoản 1 Điều này.

 3. Tổ chức hành chính được giải thể trong trường hợp tổ chức đó không còn chức năng, nhiệm vụ, phạm vi, đối tượng quản lý.

  

 Chương II. TRÌNH TỰ, THỦ TỤC THÀNH LẬP, TỔ CHỨC LẠI, GIẢI THỂ TỔ CHỨC HÀNH CHÍNH

 

 Mục 1. THÀNH LẬP

 Điều 6. Đề án thành lập

 1. Đề án thành lập tổ chức hành chính do cơ quan, tổ chức đề nghị thành lập xây dựng, trình cơ quan hoặc người có thẩm quyền xem xét, quyết định thành lập.

 2. Nội dung đề án, gồm:

 a) Sự cần thiết và cơ sở pháp lý;

 b) Mục tiêu, phạm vi, đối tượng quản lý;

 c) Loại hình và tên gọi của tổ chức hành chính;

 d) Vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức;

 đ) Báo cáo giải trình về việc đáp ứng các tiêu chí thành lập tổ chức theo quy định của pháp luật;

 e) Dự kiến vị trí việc làm, biên chế công chức theo vị trí việc làm, cơ cấu công chức theo ngạch, bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; có trụ sở làm việc, trang thiết bị, phương tiện làm việc và cơ chế tài chính cần thiết để bảo đảm cho tổ chức hành chính hoạt động sau khi được thành lập;

 g) Phương án thành lập và lộ trình triển khai hoạt động của tổ chức hành chính;

 h) Kiến nghị của cơ quan, tổ chức xây dựng đề án thành lập tổ chức hành chính (nếu có);

 i) Các nội dung khác thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành và hướng dẫn của bộ quản lý ngành, lĩnh vực.

 Điều 7. Tờ trình thành lập

 1. Tờ trình thành lập tổ chức hành chính do cơ quan, tổ chức đề nghị thành lập xây dựng để trình cơ quan hoặc người có thẩm quyền quyết định thành, lập.

 2. Nội dung tờ trình, gồm:

 a) Sự cần thiết và cơ sở pháp lý;

 b) Quá trình xây dựng đề án;

 c) Nội dung chính của đề án;

 d) Những vấn đề còn có ý kiến khác nhau và những vấn đề liên quan.

 3. Tờ trình thành lập phải do người đứng đầu cơ quan, tổ chức đề nghị thành lập ký, trình cơ quan hoặc người có thẩm quyền quyết định thành lập.

 4. Cơ quan, tổ chức đề nghị thành lập đối với các tổ chức hành chính như sau:

 a) Bộ Nội vụ đề nghị thành lập tổ chức quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định này;

 b) Bộ đề nghị thành lập các tổ chức quy định tại điểm a, điểm b khoản 2 Điều 2 Nghị định này;

 c) Văn phòng, thanh tra, vụ, cục và tổ chức tương đương thuộc bộ đề nghị thành lập tổ chức quy định tại điểm c khoản 2 Điều 2 Nghị định này;

 d) Tổng cục thuộc Bộ đề nghị thành lập các tổ chức quy định tại điểm d, điểm e, điểm h khoản 2 Điều 2 Nghị định này;

 Trường hợp Bộ trưởng phân cấp cho Tổng cục trưởng quyết định thành lập tổ chức quy định tại điểm h khoản 2 Điều 2 Nghị định này thì cơ quan đề nghị là cục thuộc tổng cục.

 đ) Cục thuộc bộ đề nghị thành lập các tổ chức quy định tại điểm đ, điểm g khoản 2 Điều 2 Nghị định này;

 e) Cơ quan thuộc Chính phủ đề xuất với bộ (cơ quan được Chính phủ phân công quản lý) để bộ đề nghị thành lập tổ chức quy định tại điểm a khoản 3 Điều 2 Nghị định này;

 g) Tổ chức hành chính thuộc cơ quan thuộc Chính phủ đề nghị thành lập tổ chức quy định tại điểm b khoản 3 Điều 2 Nghị định này;

 h) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đề nghị thành lập tổ chức quy định tại điểm a khoản 4 Điều 2 Nghị định này;

 i) Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đề nghị thành lập các tổ chức quy định tại điểm b, điểm c khoản 4 Điều 2 Nghị định này;

 k) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đề nghị thành lập các tổ chức quy định tại điểm d khoản 4, điểm b khoản 5 Điều 2 Nghị định này thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ theo quy định của pháp luật;

 Trường hợp pháp luật quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập tổ chức quy định tại điểm d khoản 4 và Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thành lập tổ chức quy định điểm b khoản 5 Điều 2 Nghị định này thì cơ quan đề nghị thành lập tương ứng là cơ quan chuyên môn tham mưu quản lý nhà nước về lĩnh vực tổ chức bộ máy thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân Cấp huyện.

 l) Tổ chức hành chính khác thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đề nghị thành lập tổ chức quy định tại điểm đ khoản 4 Điều 2 Nghị định này;

 m) Ủy ban nhân dân cấp huyện đề nghị thành lập các tổ chức quy định tại điểm a khoản 5 Điều 2 Nghị định này.

 Điều 8. Lấy ý kiến tham gia của các cơ quan, tổ chức liên quan

 Cơ quan, tổ chức đề nghị thành lập tổ chức hành chính phải gửi dự thảo đề án, tờ trình và dự thảo văn bản của cơ quan hoặc người có thẩm quyền quyết định thành lập đến các cơ quan, tổ chức liên quan theo quy định của pháp luật để lấy ý kiến tham gia bằng văn bản đối với việc thành lập tổ chức hành chính trước khi gửi cơ quan có thẩm quyền thẩm định.

 Điều 9. Hồ sơ thành lập

 1. Hồ sơ gửi cơ quan, tổ chức thẩm định:

 a) Văn bản đề nghị thẩm định được ký tên, đóng dấu của cơ quan, tổ chức đề nghị thành lập theo quy định;

 b) Dự thảo tờ trình thành lập tổ chức hành chính;

 c) Dự thảo đề án thành lập tổ chức hành chính;

 d) Dự thảo văn bản của cơ quan hoặc người có thẩm quyền quyết định thành lập tổ chức hành chính;

 đ) Ý kiến bằng văn bản của các cơ quan liên quan về việc thành lập tổ chức hành chính;

 e) Báo cáo của cơ quan, tổ chức đề nghị thành lập về việc tiếp thu, giải trình ý kiến của các cơ quan liên quan.

 2. Hồ sơ trình cơ quan hoặc người có thẩm quyền quyết định thành lập tổ chức hành chính:

 a) Tờ trình của cơ quan, tổ chức đề nghị thành lập tổ chức hành chính;

 b) Đề án thành lập tổ chức hành chính;

 c) Dự thảo văn bản của cơ quan hoặc người có thẩm quyền quyết định thành lập tổ chức hành chính;

 d) Văn bản thẩm định của cơ quan có thẩm quyền;

 đ) Báo cáo của cơ quan đề nghị thành lập về việc tiếp thu, giải trình ý kiến của cơ quan thẩm định;

 e) Báo cáo của cơ quan, tổ chức đề nghị thành lập về việc tiếp thu, giải trình ý kiến của các cơ quan liên quan (kèm theo văn bản tham gia ý kiến của các cơ quan liên quan) và các tài liệu khác có liên quan đến thành lập tổ chức hành chính;

 g) Văn bản thông báo ý kiến của cấp có thẩm quyền đối với trường hợp thành lập tổ chức hành chính quy định tại điểm a khoản 2 và điểm a khoản 3 Điều 2 Nghị định này làm tăng đầu mối tổ chức hành chính thuộc bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

 Điều 10. Trình tự gửi và tiếp nhận hồ sơ thành lập

 1. Cơ quan, tổ chức đề nghị thành lập tổ chức hành chính gửi 01 bộ hồ sơ thành lập tổ chức hành chính đến cơ quan, tổ chức thẩm định được quy định tại Điều 11 Nghị định này để thẩm định; đối với các cơ quan có liên quan để phối hợp hoặc để biết thì chỉ ghi tên các cơ quan đó vào mục nơi nhận của văn bản hoặc tờ trình đề nghị thành lập.

 2. Cơ quan, tổ chức tiếp nhận hồ sơ thành lập tổ chức hành chính phải lập danh mục hồ sơ theo quy định.

 3. Hồ sơ gửi là văn bản chính được ký tên, đóng dấu của cơ quan, tổ chức đề nghị thành lập và các tài liệu khác có liên quan theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định này.

 Điều 11. Thẩm định thành lập tổ chức

 1. Cơ quan, tổ chức thẩm định

 Đối với việc thành lập các tổ chức hành chính thì cơ quan thẩm định được quy định như sau:

 a) Bộ Nội vụ là cơ quan thẩm định đối với các tổ chức hành chính thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ;

 b) Vụ (cục hoặc ban) tổ chức cán bộ thuộc bộ, cơ quan thuộc Chính phủ là tổ chức thẩm định đối với các tổ chức hành chính thuộc thẩm quyền quyết định của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ;

 c) Cơ quan chuyên môn tham mưu quản lý nhà nước về lĩnh vực tổ chức bộ máy thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là cơ quan thẩm định đối với các tổ chức hành chính thuộc thẩm quyền quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

 d) Cơ quan chuyên môn tham mưu quản lý nhà nước về lĩnh vực tổ chức bộ máy thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện là cơ quan thẩm định đối với các tổ chức hành chính thuộc thẩm quyền quyết định của Ủy ban nhân dân cấp huyện.

 2. Nội dung thẩm định, gồm:

 a) Sự cần thiết và cơ sở pháp lý của việc thành lập tổ chức;

 b) Mục tiêu, phạm vi, đối tượng, tên gọi, loại hình tổ chức, địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của tổ chức hành chính;

 c) Hồ sơ, thủ tục thành lập tổ chức theo quy định;

 d) Điều kiện bảo đảm hoạt động đối với tổ chức hành chính khi được thành lập;

 đ) Việc đáp ứng các tiêu chí thành lập tổ chức theo quy định của pháp luật;

 e) Tính khả thi của việc thành lập tổ chức hành chính;

 g) Dự thảo văn bản của cơ quan hoặc người có thẩm quyền quyết định thành lập tổ chức hành chính.

 Đối với những vấn đề chưa rõ hoặc còn có ý kiến khác nhau thì cơ quan, tổ chức thẩm định yêu cầu cơ quan, tổ chức đề nghị thành lập tổ chức hành chính phải có văn bản giải trình bổ sung hoặc theo ủy quyền của người có thẩm quyền quyết định thành lập tổ chức hành chính tổ chức họp với cơ quan, tổ chức trình đề án và các cơ quan có liên quan để làm rõ và báo cáo cơ quan hoặc người có thẩm quyền quyết định.

 3. Trường hợp quyết định thành lập tổ chức hành chính là văn bản quy phạm pháp luật, việc thẩm định còn phải tuân thủ các quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

 Điều 12. Báo cáo thành lập tổ chức hành chính

 1. Việc thành lập các tổ chức hành chính quy định tại điểm a khoản 2 và điểm a khoản 3 Điều 2 Nghị định này làm tăng đầu mối tổ chức hành chính thuộc cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thì cơ quan đề nghị thành lập tổ chức phải báo cáo Chính phủ để trình xin ý kiến cấp có thẩm quyền.

 2. Trình tự, thủ tục báo cáo thành lập tổ chức hành chính, gồm:

 a) Cơ quan đề nghị thành lập tổ chức quy định tại khoản 1 Điều này xây dựng dự thảo đề án thành lập theo Điều 6, dự thảo tờ trình thành lập theo Điều 7 và gửi lấy ý kiến tham gia theo Điều 8 Nghị định này;

 b) Cơ quan đề nghị thành lập có trách nhiệm tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến tham gia của các cơ quan có liên quan để hoàn thiện dự thảo đề án và dự thảo tờ trình thành lập tổ chức, gửi Bộ Nội vụ và Bộ Tư pháp thẩm định (kèm theo văn bản tham gia ý kiến của các cơ quan có liên quan);

 c) Cơ quan đề nghị thành lập có trách nhiệm tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định của Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, hoàn thiện đề án và trình Chính phủ cho ý kiến;

 d) Cơ quan đề nghị thành lập có trách nhiệm tiếp thu, giải trình ý kiến của các Thành viên Chính phủ để hoàn thiện đề án, trình xin ý kiến cấp có thẩm quyền.

 Điều 13. Quyết định thành lập

 1. Cơ quan hoặc người có thẩm quyền quyết định thành lập căn cứ vào văn bản đề nghị thành lập, văn bản thẩm định và văn bản thông báo ý kiến của cấp có thẩm quyền (đối với việc thành lập tổ chức hành chính quy định tại điểm a khoản 2 và điểm a khoản 3 Điều 2 Nghị định này làm tăng đầu mối tổ chức hành chính thuộc bộ, cơ quan thuộc Chính phủ) để quyết định việc thành lập tổ chức hành chính.

 2. Hình thức văn bản thành lập tổ chức hành chính phải phù hợp với thẩm quyền quyết định thành lập tổ chức hành chính và quy định của các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

 Điều 14. Xử lý hồ sơ và thời hạn giải quyết việc thành lập

 1. Về thẩm định thành lập tổ chức hành chính:

 a) Thành lập tổ chức hành chính thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thì thời hạn thẩm định là 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan, tổ chức thẩm định phải có văn bản thẩm định gửi cơ quan, tổ chức đề nghị thành lập;

 b) Thành lập tổ chức hành chính thuộc thẩm quyền quyết định của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương thì thời hạn thẩm định là 10 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan, tổ chức thẩm định phải có văn bản thẩm định gửi cơ quan, tổ chức đề nghị thành lập.

 2. Về quyết định thành lập tổ chức hành chính

 Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày cơ quan, tổ chức đề nghị thành lập tổ chức hoàn thiện hồ sơ theo ý kiến của cơ quan, tổ chức thẩm định và trình theo quy định, cơ quan hoặc người có thẩm quyền ra quyết định thành lập.

 Trường hợp cơ quan hoặc người có thẩm quyền quyết định thành lập không đồng ý việc thành lập tổ chức hành chính thì có ý kiến bằng văn bản (nêu rõ lý do) gửi cơ quan, tổ chức đề nghị thành lập tổ chức hành chính.

 Mục 2. TỔ CHỨC LẠI, GIẢI THỂ

 Điều 15. Đề án, tờ trình tổ chức lại tổ chức hành chính

 1. Nội dung đề án tổ chức lại tổ chức hành chính, gồm:

 a) Các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị định này;

 b) Thực trạng tổ chức và hoạt động của tổ chức hành chính trước khi tổ chức lại;

 c) Phương án xử lý về tổ chức bộ máy, nhân sự, tài chính, tài sản, đất đai và các vấn đề khác có liên quan;

 d) Các văn bản của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác nhận về tài chính, tài sản, đất đai, các khoản vay, nợ phải trả và các vấn đề khác có liên quan (nếu có);

 đ) Quy định trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức hành chính và các cá nhân có liên quan đối với việc thực hiện phương án tổ chức lại tổ chức hành chính và thời hạn xử lý.

 2. Nội dung tờ trình tổ chức lại tổ chức hành chính thực hiện như đối với tờ trình thành lập tổ chức hành chính quy định tại Điều 7 Nghị định này.

 Điều 16. Đề án, tờ trình giải thể tổ chức hành chính

 1. Nội dung đề án giải thể tổ chức hành chính, gồm:

 a) Sự cần thiết và cơ sở pháp lý của việc giải thể;

 b) Phương án xử lý về tổ chức bộ máy, nhân sự, tài chính, tài sản, đất đai và các vấn đề khác có liên quan;

 c) Các văn bản của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác nhận về tài chính, tài sản, đất đai, các khoản vay, nợ phải trả và các vấn đề khác liên quan (nếu có);

 d) Quy định trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức hành chính và các cá nhân có liên quan đối với việc thực hiện phương án giải thể tổ chức hành chính và thời hạn xử lý.

 2. Nội dung tờ trình giải thể tổ chức hành chính thực hiện như đối với tờ trình thành lập tổ chức hành chính quy định tại Điều 7 Nghị định này.

 Điều 17. Hồ sơ và trình tự, thủ tục giải quyết việc tổ chức lại, giải thể tổ chức hành chính

 1. Hồ sơ tổ chức lại, giải thể tổ chức hành chính, gồm:

 a) Đề án tổ chức lại, giải thể tổ chức hành chính;

 b) Tờ trình tổ chức lại, giải thể tổ chức hành chính;

 c) Dự thảo văn bản của cơ quan hoặc người có thẩm quyền quyết định tổ chức lại, giải thể tổ chức hành chính;

 d) Các văn bản của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác nhận việc hoàn thành nghĩa vụ về tài chính, tài sản, đất đai, các khoản vay, nợ phải trả và các vấn đề khác có liên quan (nếu có).

 2. Việc lấy ý kiến tham gia của các cơ quan, tổ chức liên quan; trình tự gửi và tiếp nhận hồ sơ; thẩm định; xử lý hồ sơ và thời hạn giải quyết việc tổ chức lại, giải thể tổ chức hành chính được thực hiện như quy định đối với việc thành lập tổ chức hành chính.

  

 Chương III. THẨM QUYỀN VÀ TRÁCH NHIỆM

 

 Điều 18. Thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

 1. Chính phủ ban hành các quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể tổ chức hành chính.

 2. Chính phủ quy định tiêu chí thành lập tổ chức hành chính theo quy định của pháp luật.

 3. Chính phủ quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể tổ chức hành chính quy định tại điểm a khoản 2 và Điểm a khoản 3 Điều 2 Nghị định này.

 4. Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể tổ chức hành chính quy định tại khoản 1, điểm b khoản 2 Điều 2 Nghị định này (trừ các tổ chức thuộc Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam); quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể tổ chức hành chính quy định tại điểm d khoản 4 và điểm b khoản 5 Điều 2 Nghị định này theo quy định của pháp luật.

 Điều 19. Thẩm quyền và trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Nội vụ

 1. Trình cơ quan hoặc người có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật về tổ chức hành chính, văn bản hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ, biểu mẫu, chế độ báo cáo phục vụ công tác quản lý tổ chức hành chính.

 2. Trình Chính phủ quy định tiêu chí chung về thành lập, tổ chức lại, giải thể các tổ chức hành chính quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4, khoản 5 Điều 2 Nghị định này.

 3. Tổng hợp, cập nhật thông tin về tổ chức hành chính trong phạm vi cả nước và báo cáo các cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

 Điều 20. Thẩm quyền và trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ

 1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ thực hiện thẩm quyền, trách nhiệm sau:

 a) Trình cơ quan hoặc người có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền quy định cụ thể tiêu chí thành lập tổ chức hành chính theo ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật;

 b) Quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể tổ chức hành chính quy định tại điểm c, điểm d, điểm đ, điểm e, điểm g, điểm h khoản 2 Điều 2 Nghị định này hoặc phân cấp cho Tổng cục trưởng quyết định thành lập tổ chức quy định tại điểm h khoản 2 Điều 2 Nghị định này.

 2. Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể tổ chức hành chính quy định tại điểm b khoản 3 Điều 2 Nghị định này.

 Điều 21. Thẩm quyền và trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện

 1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể tổ chức hành chính quy định tại điểm a khoản 4 Điều 2 Nghị định này.

 2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể tổ chức hành chính quy định tại điểm b, điểm c, điểm đ khoản 4 Điều 2 Nghị định này; quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể tổ chức hành chính quy định tại điểm d khoản 4 Điều 2 Nghị định này theo quy định của pháp luật.

 3. Ủy ban nhân dân cấp huyện trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể tổ chức hành chính quy định tại điểm a khoản 5 Điều 2 Nghị định này.

 4. Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể tổ chức hành chính quy định tại điểm b khoản 5 Điều 2 Nghị định này theo quy định của pháp luật.

 Điều 22. Chế độ cung cấp thông tin, báo cáo về tổ chức hành chính

 Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tổ chức hành chính khác do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm:

 1. Cung cấp thông tin về tổ chức hành chính thuộc thẩm quyền quản lý cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật.

 2. Định kỳ tổng hợp gửi báo cáo số liệu về tổ chức hành chính thuộc thẩm quyền quản lý về Bộ Nội vụ trước ngày 20 tháng 12 hàng năm để tổng hợp theo quy định.

  

 Chương IV. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

 

 Điều 23. Quy định chuyển tiếp

 1. Cơ quan, tổ chức đã gửi đề án, tờ trình đến cơ quan hoặc người có thẩm quyền quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể tổ chức hành chính trước ngày Nghị định này có hiệu lực, nhưng chưa được cơ quan hoặc người có thẩm quyền ra quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể tổ chức hành chính thì tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định số 83/2006/NĐ-CP ngày 17 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục thành lập, tổ chức lại, giải thể tổ chức hành chính nhà nước.

 2. Riêng đối với việc thành lập các tổ chức hành chính quy định tại điểm a khoản 2 và điểm a khoản 3 Điều 2 Nghị định này làm tăng đầu mối tổ chức hành chính thuộc cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thì cơ quan, tổ chức đề nghị thành lập tổ chức phải báo cáo, xin ý kiến theo quy định tại Điều 12 Nghị định này.

 Điều 24. Hiệu lực thi hành

 Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 10 tháng 01 năm 2019, thay thế Nghị định số 83/2006/NĐ-CP ngày 17 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục thành lập, tổ chức lại, giải thể tổ chức hành chính nhà nước.

 Điều 25. Trách nhiệm thi hành

 Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, người đứng đầu cơ quan do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp huyện và các cơ quan, tổ chức liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

  

Nơi nhận:
– Ban Bí thư Trung ương Đảng;
– Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
– Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
– HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
– Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
– Văn phòng Tổng Bí thư;
– Văn phòng Chủ tịch nước;
– Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
– Văn phòng Quốc hội;
– Tòa án nhân dân tối cao;
– Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
– Kiểm toán nhà nước;
– Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
– Ngân hàng Chính sách xã hội;
– Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
– Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
– Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
– VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT,
các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
– Lưu: VT, TCCV (2). XH

 TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG

 

 Nguyễn Xuân Phúc

 

 

 

  

  

  

  

  

 Tag: tiền hải bù mập phú riềng đảo cồn cỏ lộc thổ châu bàu bàng vân đồn hương sơn nậm pồ la nghi trần chu vũ quang chư pưh anh đông bác ái buôn đôn bình liêu ba vì 50 kỷ niệm kim ninh củ cô tô mỹ sê cư kuin 550 can sốp cộp minh chơn phước ty sông lô vĩnh dầu tiếng doanh giang gian hậu tĩnh 150 khê ngọc hồi 190 130 lịch sử krông nô mường khương yên nào kontum đô lương linh điện tân núi đak pơ đam rông sóc 40 sa thầy thái thụy 30 thạnh hóa 70 an dương 180 bán 60 bôi kịch lễ kế hoạch khỏe đổng giáo dục phổ đạt chuẩn phong trào kết nông thôn chống hại thuốc lá học tai nạn thương tích tiểu thân đẳng y tế đường nhũng