Nghị định 76/2020/NĐ-CP của Chính phủ

 CHÍNH PHỦ
——–

 CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

 Số: 76/2020/NĐ-CP

 Hà Nội, ngày 01 tháng 7 năm 2020

  

 NGHỊ ĐỊNH

 QUY ĐỊNH CHI TIẾT ĐỐI TƯỢNG, TRÌNH TỰ, THỦ TỤC, THẨM QUYỀN CẤP, THU HỒI, HỦY GIÁ TRỊ SỬ DỤNG GIẤY THÔNG HÀNH

 Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

 Căn cứ Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam ngày 22 tháng 11 năm 2019;

 Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an;

 Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết đối tượng, trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp, thu hồi, hủy giá trị sử dụng giấy thông hành.

 Chương I

 QUY ĐỊNH CHUNG

 Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

 Nghị định này quy định về đối tượng, trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp, thu hồi, hủy giá trị sử dụng giấy thông hành đối với công dân Việt Nam.

 Điều 2. Đối tượng áp dụng

 Nghị định này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và công dân Việt Nam.

 Điều 3. Phạm vi sử dụng của giấy thông hành

 1. Giấy thông hành biên giới Việt Nam – Campuchia có giá trị sử dụng trong phạm vi tỉnh biên giới đối diện của Campuchia tiếp giáp Việt Nam.

 2. Giấy thông hành biên giới Việt Nam – Lào có giá trị sử dụng trong phạm vi tỉnh biên giới đối diện của Lào tiếp giáp Việt Nam.

 3. Giấy thông hành xuất, nhập cảnh vùng biên giới Việt Nam – Trung Quốc có giá trị sử dụng trong phạm vi vùng biên giới đối diện của Trung Quốc tiếp giáp Việt Nam.

 Chương II

 CẤP GIẤY THÔNG HÀNH

 Điều 4. Đối tượng được cấp giấy thông hành

 1. Đối tượng được cấp giấy thông hành biên giới Việt Nam – Campuchia gồm cán bộ, công chức, viên chức, công nhân đang làm việc trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có trụ sở tại tỉnh có chung đường biên giới với Campuchia được cử sang tỉnh biên giới đối diện của Campuchia công tác.

 2. Đối tượng được cấp giấy thông hành biên giới Việt Nam – Lào:

 a) Công dân Việt Nam có hộ khẩu thường trú tại tỉnh có chung đường biên giới với Lào;

 b) Công dân Việt Nam không có hộ khẩu thường trú ở các tỉnh có chung đường biên giới với Lào nhưng làm việc trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có trụ sở tại tỉnh có chung đường biên giới với Lào.

 3. Đối tượng được cấp giấy thông hành xuất, nhập cảnh vùng biên giới Việt Nam – Trung Quốc:

 a) Công dân Việt Nam thường trú tại các xã, phường, thị trấn tiếp giáp đường biên giới Việt Nam – Trung Quốc;

 b) Cán bộ, công chức làm việc tại các cơ quan nhà nước có trụ sở đóng tại huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh của Việt Nam tiếp giáp đường biên giới Việt Nam – Trung Quốc được cử sang vùng biên giới đối diện của Trung Quốc để công tác.

 Điều 5. Hồ sơ đề nghị cấp giấy thông hành

 1. 01 tờ khai theo Mẫu M01 ban hành kèm theo Nghị định này đã điền đầy đủ thông tin. Tờ khai của các trường hợp dưới đây thì thực hiện như sau:

 a) Người quy định tại khoản 1, điểm b khoản 2 và điểm b khoản 3 Điều 4 Nghị định này thì tờ khai phải có xác nhận và đóng dấu giáp lai ảnh của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trực tiếp quản lý;

 b) Người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của Bộ luật Dân sự, người chưa đủ 14 tuổi thì tờ khai do cha, mẹ hoặc người đại diện theo pháp luật khai và ký tên, có xác nhận và đóng dấu giáp lai ảnh của Trưởng công an xã, phường, thị trấn nơi người đó thường trú;

 c) Người chưa đủ 16 tuổi đề nghị cấp chung giấy thông hành xuất, nhập cảnh vùng biên giới Việt Nam – Trung Quốc với cha hoặc mẹ thì tờ khai phải do cha hoặc mẹ khai và ký tên.

 2. 02 ảnh chân dung, cỡ 4cm x 6cm. Trường hợp người chưa đủ 16 tuổi đề nghị cấp chung giấy thông hành với cha hoặc mẹ thì dán 01 ảnh 3 cm x 4cm của trẻ em đó vào tờ khai và nộp kèm 01 ảnh 3 cm x 4cm của trẻ em đó để dán vào giấy thông hành.

 3. Giấy tờ khác đối với các trường hợp dưới đây:

 a) 01 bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh đối với người chưa đủ 14 tuổi;

 b) 01 bản chụp có chứng thực giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp chứng minh người đại diện theo pháp luật đối với người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của Bộ luật Dân sự, người chưa đủ 14 tuổi. Trường hợp bản chụp không có chứng thực thì xuất trình bản chính để kiểm tra, đối chiếu;

 c) Giấy thông hành đã được cấp, nếu còn giá trị sử dụng;

 d) Giấy giới thiệu của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đối với trường hợp ủy quyền nộp hồ sơ.

 Điều 6. Ủy quyền nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy thông hành

 1. Người đang làm việc trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có tư cách pháp nhân có thể ủy quyền cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đó nộp hồ sơ và nhận kết quả thay.

 2. Trường hợp doanh nghiệp được ủy quyền nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy thông hành thì trước khi nộp hồ sơ, doanh nghiệp đó phải gửi cho cơ quan cấp giấy thông hành 01 bộ hồ sơ pháp nhân, gồm:

 a) Bản sao hoặc bản chụp có chứng thực quyết định thành lập doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; nếu bản chụp không có chứng thực thì xuất trình bản chính để kiểm tra, đối chiếu;

 b) Văn bản giới thiệu mẫu con dấu và mẫu chữ ký của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.

 3. Việc gửi hồ sơ pháp nhân nêu tại khoản 2 Điều này chỉ thực hiện một lần, khi có sự thay đổi nội dung trong hồ sơ thì doanh nghiệp gửi văn bản bổ sung.

 Điều 7. Nơi nộp hồ sơ

 1. Người đề nghị cấp giấy thông hành biên giới Việt Nam – Campuchia nộp hồ sơ tại cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh có chung đường biên giới với Campuchia nơi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp người đó làm việc có trụ sở.

 2. Người đề nghị cấp giấy thông hành biên giới Việt Nam – Lào nộp hồ sơ tại cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh có chung đường biên giới với Lào nơi người đó có hộ khẩu thường trú hoặc nơi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp người đó làm việc có trụ sở.

 3. Người đề nghị cấp giấy thông hành xuất, nhập cảnh vùng biên giới Việt Nam – Trung Quốc quy định tại điểm a khoản 3 Điều 4 Nghị định này nộp hồ sơ tại Công an xã, phường, thị trấn tiếp giáp đường biên giới Việt Nam – Trung Quốc nơi người đó có hộ khẩu thường trú.

 4. Người đề nghị cấp giấy thông hành xuất, nhập cảnh vùng biên giới – Việt Nam – Trung Quốc quy định tại điểm b khoản 3 Điều 4 Nghị định này nộp hồ sơ tại Công an huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh của Việt Nam tiếp giáp đường biên giới Việt Nam – Trung Quốc nơi cơ quan người đó có trụ sở.

 Điều 8. Trình tự thực hiện

 1. Người đề nghị cấp giấy thông hành nộp 01 bộ hồ sơ theo quy định tại Điều 5 Nghị định này.

 2. Khi nộp hồ sơ, người đề nghị phải xuất trình giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân còn giá trị sử dụng để đối chiếu.

 3. Trường hợp cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được ủy quyền nộp hồ sơ và nhận kết quả thì người được cử đi nộp hồ sơ xuất trình giấy giới thiệu, giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân còn giá trị sử dụng của bản thân và của người ủy quyền để kiểm tra, đối chiếu.

 4. Người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của Bộ luật Dân sự, người chưa đủ 14 tuổi thông qua người đại diện theo pháp luật của mình làm thủ tục.

 5. Người được giao nhiệm vụ có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp giấy thông hành; kiểm tra, đối chiếu; thu lệ phí và cấp giấy hẹn trả kết quả.

 6. Người đề nghị cấp giấy thông hành phải nộp lệ phí; nếu có yêu cầu nhận kết quả tại địa điểm khác với cơ quan quy định tại Điều 7 thì phải trả phí dịch vụ chuyển phát.

 Điều 9. Thời hạn và thẩm quyền giải quyết

 1. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ hợp lệ, cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh có chung đường biên giới với Campuchia, cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh có chung đường biên giới với Lào cấp giấy thông hành và trả kết quả cho người đề nghị. Trường hợp chưa cấp thì trả lời bằng văn bản, nêu lý do.

 2. Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ hợp lệ, Công an xã, phường, thị trấn tiếp giáp đường biên giới Việt Nam – Trung Quốc; Công an huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh tiếp giáp đường biên giới Việt Nam – Trung Quốc cấp giấy thông hành và trả kết quả cho người đề nghị. Trường hợp chưa cấp thì trả lời bằng văn bản, nêu lý do.

 Chương III

 THU HỒI, HỦY GIÁ TRỊ SỬ DỤNG GIẤY THÔNG HÀNH

 Điều 10. Các trường hợp thu hồi, hủy giá trị sử dụng giấy thông hành

 1. Giấy thông hành còn thời hạn bị mất.

 2. Giấy thông hành đã cấp cho người thuộc trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.

 3. Giấy thông hành của người thuộc trường hợp chưa cấp giấy tờ xuất nhập cảnh do thực hiện hành vi bị nghiêm cấm.

 Điều 11. Hủy giá trị sử dụng giấy thông hành còn thời hạn bị mất

 1. Trường hợp bị mất giấy thông hành ở trong nước, trong thời hạn 48 giờ kể từ khi phát hiện giấy thông hành bị mất, người bị mất giấy thông hành trực tiếp nộp hoặc gửi đơn trình báo mất giấy thông hành theo Mẫu M02 ban hành kèm theo Nghị định này cho cơ quan cấp giấy thông hành. Nếu vì lý do bất khả kháng không nộp hoặc gửi đơn theo thời hạn quy định thì phải giải thích cụ thể về lý do bất khả kháng.

 2. Trường hợp bị mất giấy thông hành ở nước ngoài, trong thời hạn 48 giờ kể từ khi phát hiện giấy thông hành bị mất, người bị mất giấy thông hành phải báo cho cơ quan chức năng của nước sở tại để làm các thủ tục xác nhận việc mất giấy thông hành và được tạo điều kiện cho xuất cảnh; khi về nước phải trình báo về việc mất giấy thông hành với đơn vị kiểm soát xuất nhập cảnh của Việt Nam tại cửa khẩu.

 3. Đơn vị kiểm soát xuất nhập cảnh tại cửa khẩu có trách nhiệm tiếp nhận trình báo của người bị mất giấy thông hành ở nước ngoài và cấp giấy chứng nhận nhập cảnh theo Mẫu M03 ban hành kèm theo Nghị định này cho người bị mất giấy thông hành.

 4. Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ khi nhận được đơn trình báo mất giấy thông hành hoặc giấy chứng nhận nhập cảnh của đơn vị kiểm soát xuất nhập cảnh tại cửa khẩu, cơ quan cấp giấy thông hành thực hiện việc hủy giá trị sử dụng giấy thông hành bị mất và thông báo cho bộ đội biên phòng tỉnh nơi công dân được cấp giấy thông hành.

 Điều 12. Thu hồi, hủy giá trị sử dụng giấy thông hành của người thuộc trường hợp chưa cấp giấy tờ xuất nhập cảnh do thực hiện hành vi bị nghiêm cấm

 1. Khi có căn cứ xác định người thuộc trường hợp chưa cấp giấy tờ xuất nhập cảnh quy định tại khoản 1 Điều 21 của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, cơ quan cấp giấy thông hành kiểm tra, yêu cầu người đã được cấp giấy thông hành nộp lại giấy thông hành còn thời hạn để hủy giá trị sử dụng.

 2. Trường hợp không thu hồi được giấy thông hành còn thời hạn thì cơ quan cấp giấy thông hành thực hiện việc hủy giá trị sử dụng giấy thông hành và thông báo cho bộ đội biên phòng tỉnh nơi công dân được cấp giấy thông hành.

 Chương IV

 ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

 Điều 13. Hiệu lực thi hành

 Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2020.

 Điều 14. Quy định chuyển tiếp

 Giấy thông hành đã được cấp trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành có giá trị sử dụng đến hết thời hạn ghi trong giấy thông hành.

 Điều 15. Trách nhiệm thi hành

 1. Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao và Ủy ban nhân dân các tỉnh có chung đường biên giới đất liền với Campuchia, Lào, Trung Quốc kiểm tra, hướng dẫn thực hiện Nghị định này.

 2. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

  

 

 Nơi nhận:
– Ban Bí thư Trung ương Đảng;
– Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
– Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
– HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
– Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
– Văn phòng Tổng Bí thư;
– Văn phòng Chủ tịch nước;
– Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
– Văn phòng Quốc hội;
– Tòa án nhân dân tối cao;
– Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
– Kiểm toán Nhà nước;
– Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
– Ngân hàng Chính sách xã hội;
– Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
– Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
– Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
– VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
 Lưu: VT, QHQT(2).

 TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG

 Nguyễn Xuân Phúc

  

 Phụ lục

 (Kèm theo Nghị định số 76/2020/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2020 của Chính phủ)

 Mẫu M01

Tờ khai đề nghị cấp giấy thông hành

 Mẫu M02

Đơn trình báo mất giấy thông hành

 Mẫu M03

Giấy chứng nhận nhập cảnh

  

 Mẫu M01

 

 CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

—————

 

 TỜ KHAI

 ĐỀ NGHỊ CẤP GIẤY THÔNG HÀNH

 Ảnh cỡ 4x6cm mới chụp, mặt nhìn thẳng, đầu để trần, không đeo kính màu, phông nền trắng (1)

  

 1. Họ và tên (chữ in hoa)……………………………………………………. 2. Giới tính: Nam □ Nữ □

 3. Sinh ngày…. tháng…. năm………………. Nơi sinh (tỉnh, Tp)………………………………………

4. Số giấy CMND/thẻ CCCD                         Ngày cấp: …./…./…

 5. Dân tộc ………………….. 6. Tôn giáo ………………….  7. Số điện thoại…………………..

 8. Địa chỉ đăng ký hộ khẩu thường trú…………………………………………………………………

 …………………………………………………………………………………………………………………..

 9. Chỗ ở hiện nay …………………………………………………………………………………………..

 10. Nghề nghiệp …………………………………………………………………………………………….

 11. Tên, địa chỉ cơ quan, tổ chức doanh nghiệp nơi đang làm việc (nếu có) ……………….

 …………………………………………………………………………………………………………………..

 12. Cửa khẩu qua lại………………………………………………………………………………………..

13. Trẻ em dưới 16 tuổi đề nghị cấp chung giấy thông hành(2):

 – Họ và tên (chữ in hoa)………………………………………………………………..

 – Sinh ngày…tháng…năm … Nơi sinh (tỉnh, thành phố)…………………………

 14. Nội dung đề nghị (3):………………………………………………………………..

 Tôi xin chịu trách nhiệm trước pháp luật về lời khai trên./.

Ảnh mới chụp của trẻ em đi cùng giấy thông hành, cỡ 3x4cm, mặt nhìn thẳng đầu để trần, không đeo kính màu, phông nền trắng (1)

  

 Xác nhận của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hoặc Trưởng Công an xã, phường, thị trấn(4)
(Ký và ghi rõ họ tên, chức vụ, đóng dấu)

 Làm tại……… , ngày…… tháng……… năm….

 Người đề nghị
(Ký và ghi rõ họ tên)

  

 Ghi chú:

 1. Dán 01 ảnh vào khung, kèm theo 01 ảnh để cấp giấy thông hành.

 2. Dành cho trường hợp trẻ em dưới 16 tuổi đề nghị cấp chung giấy thông hành xuất nhập cảnh vùng biên giới Việt Nam – Trung Quốc.

 3. Ghi rõ nội dung đề nghị. Ví dụ: Đề nghị cấp giấy thông hành biên giới Việt Nam – Campuchia; Đề nghị cấp giấy thông hành biên giới Việt Nam – Lào; Đề nghị cấp giấy thông hành xuất, nhập cảnh vùng biên giới Việt Nam – Trung Quốc.

 4. Xác nhận của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong trường hợp người đề nghị cấp giấy thông hành là cán bộ, công chức, viên chức, công nhân hoặc xác nhận của Trưởng Công an phường, xã, thị trấn nơi thường trú trong trường hợp người đề nghị cấp giấy thông hành là trẻ em dưới 14 tuổi…

  

 Mẫu M02

 CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

—————

 ĐƠN TRÌNH BÁO MẤT GIẤY THÔNG HÀNH

 (Dùng cho công dân Việt Nam bị mất giấy thông hành ở trong nước)

 Kính gửi:…………………………. (1)                                   

 1. Họ và tên (chữ in hoa) ..………………………………………………. 2. Giới tính: Nam □ Nữ □

 3. Sinh ngày … tháng … năm……………………….. Nơi sinh (tỉnh, thành phố)…………………..

4. Số giấy CMND/thẻ CCCD                         Ngày cấp: …./…./…

 5. Số điện thoại………………………………………………………………………………………………..

 6. Địa chỉ nơi đăng ký hộ khẩu thường trú……………………………………………………………..

 …………………………………………………………………………………………………………………….

 7. Chỗ ở hiện nay……………………………………………………………………………………………..

 8. Số giấy thông hành bị mất:………………………………. ngày cấp:………….. /……. /………..

 9. Cơ quan cấp giấy thông hành:…………………………………………………………………………

 10. Giấy thông hành trên đã bị mất vào hồi:……………………… giờ…….. , ngày…./……. /….

 11. Tại ……………………………………………………………………………………………………..

 12. Hoàn cảnh và lý do bị mất giấy thông hành:

 ……………………………………………………………………………………………………………………………..

 ……………………………………………………………………………………………………………………………..

 ……………………………………………………………………………………………………………………………..

 Tôi xin cam đoan nội dung trình báo trên đây là đúng sự thật và xin chịu trách nhiệm trước pháp luật./.

  

 Xác nhận của Trưởng Công an xã, phường, thị trấn(2)
(Ký và ghi rõ họ tên, chức vụ, đóng dấu)

 Làm tại……… , ngày…… tháng……… năm….

 Người đề nghị
(Ký và ghi rõ họ tên)

  

 Ghi chú:

 1. Ghi rõ tên cơ quan đã cấp giấy thông hành.

 2. Trường hợp gửi đơn trình báo qua đường bưu điện thì đơn phải có xác nhận của Trưởng Công an xã, phường, thị trấn nơi công dân đang cư trú.

  

 Mẫu M03

 ………(1)……….
——–

 CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

 Số: ……………..

 …......, ngày…. tháng…. năm……..

  

 GIẤY CHỨNG NHẬN NHẬP CẢNH

 (Cấp cho người bị mất giấy thông hành ở nước ngoài nhập cảnh về nước)

 …………………. (1)………………….. chứng nhận người có chi tiết nhân thân như sau đã nhập cảnh Việt Nam:

 1. Họ và tên (chữ in hoa): ..………………………………………………… 2. Giới tính: Nam □ Nữ □

 3. Sinh ngày … tháng … năm                 Nơi sinh (tỉnh, thành phố)………………………………

4. Số giấy CMND/thẻ CCCD                         Ngày cấp: …./…./…..

 5. Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú trước khi ra nước ngoài: ……………………………………….

 …………………………………………………………………………………………………………………………….

 6. Thông tin của trẻ em đi kèm trong giấy thông hành (nếu có)(2):

 – Họ và tên: ……………………….……………… Giới tính: Nam □ Nữ □

 – Sinh ngày………….. tháng…………… năm……………

 Người có tên nêu trên đã nhập cảnh về Việt Nam ngày ……… /……../………

 Nơi nhập cảnh(3)……………………………………………………………………………………………………..

 

Nơi nhận:
– …. 
(4)

– …… (5)
– Lưu ……

 ……….. , ngày …… tháng .năm…….
NGƯỜI CÓ THẨM QUYỀN
(Ký, ghi rõ họ tên, chức vụ, đóng dấu)

  

 Ghi chú:

 1. Tên cơ quan cấp giấy chứng nhận nhập cảnh.

 2. Đối với trường hợp người chưa đủ 16 tuổi đề nghị cấp chung giấy thông hành xuất, nhập cảnh vùng biên giới Việt Nam – Trung Quốc với cha hoặc mẹ.

 3. Tên cửa khẩu hoặc đường qua lại biên giới nơi công dân nhập cảnh.

 4. Tên người đề nghị.

 5. Cơ quan cấp giấy thông hành.