Quy định & Cách tra cứu đăng ký khám chữa bệnh ban đầu

Nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu là gì?

       Căn cứ tại Khoản 1 Điều 26 Luật Bảo hiểm y tế quy định như sau:

 Người tham gia bảo hiểm y tế có quyền đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến xã, tuyến huyện hoặc tương đương; trừ trường hợp được đăng ký tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến tỉnh hoặc tuyến trung ương theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế

       Cơ sở khám chữa bệnh ban đầu là những cơ sở khám và chuẩn đoán bệnh lần đầu tiên, sau đó xem xét tình trạng bệnh nhân nếu không đủ điều kiện, cơ sở vật chất để điều trị thì sẽ tiến hành làm thủ tục để chuyển lên tuyến trên.

       Theo quy định tại Điều 7 Thông tư số 40/2015/TT-BYT, Cơ sở khám chữa bệnh ban đầu phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

  • Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.
  • Người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh phải có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.
  • Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 3 Thông tư 40/2015/TT-BYT nếu chưa có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh thì phải có đủ điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, bảo đảm đáp ứng nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh thông thường và xử trí cấp cứu ban đầu, cung ứng, cấp phát thuốc trong phạm vi hoạt động chuyên môn theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh.
  • Phòng khám bác sĩ gia đình tư nhân độc lập: Có đủ điều kiện theo quy định của Bộ Y tế về điều kiện cấp giấy phép hoạt động đối với phòng khám bác sĩ gia đình tư nhân độc lập.
  • Riêng đối với Phòng khám đa khoa thì phải có ít nhất 02 (hai) chuyên khoa nội và ngoại; Đối với phòng khám đa khoa có khám bệnh, chữa bệnh cho trẻ em, ngoài 02 (hai) chuyên khoa trên, phải có chuyên khoa nhi.

Có được chọn nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu không?

       Căn cứ tại Điều 8 Thông tư số 40/2015/TT-BYT Quy định đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu và chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế:

 Người tham gia bảo hiểm y tế được quyền đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu (sau đây gọi tắt là khám bệnh, chữa bệnh ban đầu) tại một trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quy định tại Điều và Điều Thông tư này không phân biệt địa giới hành chính, phù hợp với nơi làm việc, nơi cư trú và khả năng đáp ứng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

       Như vậy, người tham gia bảo hiểm y tế có quyền đăng ký KCB ban đầu tại tuyến xã và tương đương; tuyến huyện và tương đương không phân biệt địa giới hành chính, phù hợp với nơi làm việc, nơi cư trú và khả năng đáp ứng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến đó.

       Ngoài ra, người tham gia còn được phép đăng ký tại cơ sở khám chữa bệnh tại tuyến tỉnh hoặc tương đương, tuyến trung ương khi thuộc các trường hợp quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 9 Thông tư số 40/2015/TT-BYT

Có được thay đổi nơi khám chữa bệnh ban đầu không?

       Theo quy định tại Khoản 2 Điều 26 Luật Bảo hiểm y tế năm 2008 sửa đổi bổ sung năm 2014 quy định như sau:

 Người tham gia bảo hiểm y tế được thay đổi cơ sở đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu vào đầu mỗi quý

       Thay đổi nơi khám chữa bệnh ban đầu là quyền lợi của người tham gia Bảo hiểm y tế, trong trường hợp người tham gia bảo hiểm y tế phải làm việc lưu động hoặc đến tạm trú tại địa phương khác thì được khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phù hợp với tuyến chuyên môn kỹ thuật và nơi người đó đang làm việc lưu động, tạm trú.

Tra cứu nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu

 Cách 1. Tra cứu bằng tin nhắn

 Theo Công văn số 815/CNTT-PM ngày 29/7/2019 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, chỉ với chiếc điện thoại đơn giản, người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) đã có thể biết được thông tin thẻ thông qua một tin nhắn.

 Theo đó, người dân soạn tin nhắn theo cú pháp:

 BH THE {mã thẻ BHYT} gửi 8079

 Cước phí: 1.000 đồng/tin nhắn.

 Ví dụ: BH THE DN4010120806898 gửi 8079

 Nội dung tin nhắn người tham gia BHYT nhận được:

 Mã thẻ: DN4010120806898. Nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu: Bệnh viện Thanh Nhàn. Giá trị sử dụng từ 01/01/2020 đến 31/12/2020. Thời điểm đủ 05 năm liên tục từ ngày 01/4/2024.

 Cách 2. Tra cứu trực tuyến

 Ngoài cách tra cứu bằng tin nhắn, người tham gia BHYT cũng có thể tra cứu thông tin trực tuyến trên website của Bảo hiểm xã hội Việt Nam theo các bước dưới đây:

 Bước 1. Truy cập trang web của Bảo hiểm xã hội Việt Nam tại địa chỉ:

 https://baohiemxahoi.gov.vn/pages/default.aspx và bấm chọn “Tra cứu trực tuyến”.

 Bước 2. Chọn “Tra cứu giá trị sử dụng thẻ BHYT”.

tra cứu thông tin thẻ bảo hiểm y tế

 Hướng dẫn tra cứu thông tin thẻ bảo hiểm y tế (Ảnh minh họa)

 Bước 3. Điền đầy đủ, chính xác thông tin vào các mục:

 – Mã thẻ

 – Họ và tên

 – Ngày/năm sinh

 – Tích chọn “Tôi không phải là người máy

 – Chọn “Tra cứu”.

 Bước 4. Kết quả trả về

 Sau khi bấm tra cứu, hệ thống sẽ trả về thông tin của người tham gia BHYT.

 Ví dụ: “Họ tên: Nguyễn Thị A, Ngày sinh…, Thẻ có giá trị sử dụng: Từ ngày 01/01/2020 đến ngày 31/12/2020.”

 Quyền lợi: Được quỹ BHYT thanh toán 80% chi phí KCB thuộc phạm vi chi trả BHYT (có giới hạn tỷ lệ thanh toán một số thuốc, hóa chất, vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế); 100% chi phí KCB tại tuyến xã và chi phí cho một lần KCB thấp hơn 15% tháng lương cơ sở”.

 Với 02 cách tra cứu nêu trên, người dân có thể lựa chọn hình thức tra cứu phù hợp để biết được chính xác nhất giá trị thẻ bảo hiểm y tế của mình.

 

  

  

  

 Tag: 2019 danh sách lại 2018