Quy định về mua sắm tài sản công

 Quy định về mua sắm tài sản công

 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc hoàn thiện một bước hệ thống tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý chặt chẽ, sử dụng có hiệu quả tài sản công.

 Đổi mới về tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công

 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (TSC) năm 2017 lần đầu tiên luật hóa các quy định về tiêu chuẩn, định mức (Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước năm 2008 chưa có quy định về tiêu chuẩn, định mức). Triển khai Luật Quản lý, sử dụng TSC, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hệ thống tiêu chuẩn, định mức sử dụng TSC thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ gồm: Tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp (Nghị định số 152/2017/NĐ-CP); tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô (Nghị định số 04/2019/NĐ-CP) và tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc thiết bị (Quyết định số 50/2017/QĐ-CP). Trong các văn bản trên có nhiều điểm mới quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng TSC đảm bảo sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, thuận tiện trong quản lý, sử dụng TSC. Theo đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng các loại TSC phổ biến (sử dụng cho từng các chức danh và sử dụng chung cho cơ quan, tổ chức, đơn vị); đối với TSC chuyên dùng phục vụ cho hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao thẩm quyền cho các bộ, ngành, địa phương ban hành, hoặc phân cấp thẩm quyền ban hành.

 Những quy định mới về tiêu chuẩn, định mức đối với từng loại TSC như sau:

 Tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp

 Để phù hợp với Luật Quản lý, sử dụng TSC cũng như hệ thống pháp luật về cán bộ công chức, viên chức… và thực tế quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, Nghị định số 152/2017/NĐ-CP có một số nội dung mới như sau:

 Một là, quy định rõ tiêu chuẩn, định mức đối với 02 nhóm đối tượng: (i) Tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc đối với cơ quan nhà nước, cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam và các tổ chức; (ii) Tiêu chuẩn, định mức sử dụng cơ sở hoạt động sự nghiệp đối với đơn vị sự nghiệp công lập.

 Hai là, quy định cụ thể về việc xác định diện tích đất của trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, cụ thể: (i) Căn cứ diện tích nhà làm việc, công trình sự nghiệp thuộc trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp theo tiêu chuẩn, định mức quy định của Nghị định số 152/2017/NĐ-CP; (ii) Quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng theo quy định của pháp luật về đất đai về xây dựng và các quy định pháp luật liên quan.

 Ba là, bổ sung định mức các loại diện tích trong nhà làm việc, công trình sự nghiệp tính theo kích thước thông thủy. Tổng diện tích làm việc của các chức danh được xác định trên cơ sở biên chế, số lượng người làm việc được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc theo định hướng biên chế, số lượng người làm việc đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt (nếu có) tại thời điểm xác định.

 Bốn là, về diện tích làm việc của chức danh: Điều chỉnh, bổ sung tiêu chuẩn, định mức của một số chức danh như: Điều chỉnh định mức đối với chức danh Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao…; bổ sung định mức với chức danh của Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương… Diện tích làm việc tối đa cho từng chức danh được quy định theo 04 cấp (Trung ương, tỉnh, huyện, xã).

 Năm là, về diện tích sử dụng chung: Theo quy định trước đây, tổng diện tích trụ sở làm việc ngoài phần diện tích làm việc của các chức danh còn có: (i) diện tích bộ phận công cộng và kỹ thuật (phòng khách, phòng họp, phòng tiếp dân, phòng tổng đài điện thoại, bộ phận thông tin…); (ii) Diện tích bộ phận phụ trợ và phục vụ (diện tích các sảnh chính, sảnh phụ và hành lang, thường trực bảo vệ…), không bao gồm diện tích cầu thang, diện tích nhà để xe, phòng hội nghị và phòng hội trường; được thực hiện theo tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam và được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Quy định này còn có sự trùng lắp, dẫn đến còn nhiều cách hiểu khác nhau giữa “diện tích bộ phận công cộng và kỹ thuật”; “Diện tích bộ phận phụ trợ và phục vụ”…

 Vì vậy, Nghị định số 152/2017/NĐ-CP quy định diện tích sử dụng chung là diện tích sử dụng phục vụ hoạt động chung trong trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức, bao gồm: Phòng họp (bao gồm hội trường dưới 100 chỗ ngồi); phòng khách; phòng thường trực, bảo vệ; phòng y tế…; nhà làm việc của đội xe và diện tích cần thiết khác không thuộc diện tích làm việc của các chức danh, diện tích chuyên dùng.

 Nghị định số 152/2017/NĐ-CP cũng quy định trong trường hợp cần bố trí diện tích sử dụng chung cao hơn thì: (i) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định đối với trường hợp có yêu cầu về diện tích tăng dưới 10% so với quy định; (ii) Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định đối với trường hợp có yêu cầu về diện tích tăng từ 10% trở lên so với quy định theo đề nghị của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, UBND cấp tỉnh.

 Sáu là, về diện tích chuyên dùng: Diện tích chuyên dùng gồm: (i) Diện tích chuyên dùng trong diện tích nhà làm việc thuộc trụ sở làm việc và cơ sở hoạt động sự nghiệp; (ii) Diện tích công trình sự nghiệp của đơn vị sự nghiệp công lập…

 Tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô

 Nghị định số 04/2019/NĐ-CP ngày 11/01/2019 của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô (thay thế Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg ngày 04/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ) có những nội dung mới cơ bản sau:

 Về phạm vi, đối tượng áp dụng: Bổ sung thêm doanh nghiệp thuộc cơ quan của Đảng;

 – Về tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng xe ô tô: (i) Tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô đối với chức danh có hệ số phụ cấp chức vụ từ 1,25 đến 1,3 và tương đương: Cơ bản giữ như quy định trước đây, các chức danh này được bố trí xe để đưa đón từ nơi ở đến cơ quan và đi công tác. Trường hợp các chức danh tự nguyện nhận khoán kinh phí sử dụng xe ô tô thì Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy, UBND cấp tỉnh, Hội đồng thành viên Tập đoàn kinh tế căn cứ tình hình thực tế của đơn vị mình, phương án nhận khoán và số lượng chức danh nhận khoán kinh phí, để xem xét, quyết định việc khoán kinh phí và số lượng xe ô tô trang bị, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả giữa việc bố trí xe ô tô phục vụ công tác với việc khoán kinh phí sử dụng xe ô tô. Trường hợp tất cả các chức danh có tiêu chuẩn sử dụng xe ô tô các bộ, ngành, địa phương áp dụng khoán kinh phí sử dụng xe ô tô cho toàn bộ công đoạn thì không trang bị xe ô tô phục vụ chức danh.

 (ii) Đối với xe ô tô phục vụ công tác chung: Điều chỉnh giảm định mức sử dụng xe phục vụ công tác chung của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước; trừ các cơ quan, tổ chức, đơn vị đóng tại địa bàn miền núi, hải đảo, địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.

 (iii) Đối với xe ô tô chuyên dùng: Quy định chặt chẽ hơn về tiêu chuẩn, định mức sử xe ô tô chuyên dùng theo hướng quy định cụ thể về tiêu chuẩn nhận biết và quy trình ban hành để giảm thiểu sự trục lợi trong quá trình thực hiện.

 – Về quản lý xe ô tô phục vụ công tác chung: Điều chỉnh phương thức quản lý xe để sử dụng có hiệu quả số xe được trang bị; việc quản lý xe được thực hiện theo phương thức giao cho một cơ quan, đơn vị sự nghiệp hoặc doanh nghiệp công ích quản lý xe tập trung để bố trí cho chức danh có đủ tiêu chuẩn khi đi công tác. Trường hợp cơ quan, tổ chức, đơn vị có trụ sở không nằm chung với trụ sở các bộ, cơ quan trung ương, cơ quan UBND tỉnh thì Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định việc giao cho cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng xe.

 – Về khoán kinh phí sử dụng xe ô tô và thuê dịch vụ xe ô tô: Nhân rộng mô hình khoán xe theo hướng quy định chế độ khoán bắt buộc đối với các chức danh ở các đơn vị dưới cấp Sở, cấp Cục (như các chi cục, trung tâm…); đồng thời, quy định phương thức khoán linh hoạt, thuận tiện và giao quyền cho các bộ, ngành, địa phương xem xét, quyết định đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế.

 – Về sắp xếp lại, xử lý xe ô tô: Các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp nhà nước sau khi rà soát, sắp xe ô tô theo tiêu chuẩn, định mức mà phát sinh xe dôi dư thì thực hiện việc xử lý theo các hình thức về xử lý tài sản quy định tại Luật Quản lý, sử dụng TSC (khác so với trước đây là bộ, ngành, địa phương gửi kết quả về Bộ Tài chính để đối chiếu và cho ý kiến); đồng thời, các bộ, ngành, địa phương thường xuyên cập nhật số liệu xe ô tô vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản nhà nước theo quy định.

 Tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị

 Quyết định số 50/2017/QĐ-TTg ngày 31/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị (thay thế Quyết định số 58/2015/QĐ-TTg ngày 17/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ) cũng quy định một số nội dung mới như sau:

 Về tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị văn phòng phổ biến: Chức danh áp dụng tiêu chuẩn, định mức: Bổ sung đối với các chức danh có hệ số lãnh đạo từ 0,2 đến 0,6.

 Về tiêu chuẩn, định mức: Điều chỉnh giá của một số máy móc, thiết bị để phù hợp với thực tế, cụ thể: máy vi tính để bàn và máy tính xách tay từ 13 triệu đồng lên 15 triệu đồng; máy in từ 7 triệu đồng lên 10 triệu đồng/máy…

 Về máy móc, thiết bị phục vụ hoạt động chung của cơ quan, tổ chức, đơn vị: Máy móc, thiết bị sử dụng tại các phòng hoạt động chung (kế thừa quy định hiện hành tại Quyết định số 58/2015/QĐ-TTg). Bổ sung nhóm máy móc thiết bị gắn với nhà, vật kiến trúc, công trình xây dựng và máy móc, thiết bị sử dụng chung khác phục vụ hoạt động chung của cơ quan, đơn vị, tổ chức. Việc trang bị máy móc, thiết bị phục vụ hoạt động chung của cơ quan, tổ chức, đơn vị do Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị quyết định.

 Đối với máy móc, thiết bị chuyên dùng chia thành 02 nhóm: (i) Máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ hoạt động cung cấp dịch vụ công thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo; (ii) Máy móc, thiết bị chuyên dùng khác:

 – Đối với máy móc, thiết bị thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo: Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và đào tạo quy định chi tiết hướng dẫn về tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị chuyên dùng thuộc lĩnh vực y tế và giáo dục. Trên cơ sở đó, các bộ, cơ quan trung ương, UBND cấp tỉnh (sau khi có ý kiến thống nhất của thường trực HĐND cùng cấp) ban hành hoặc phân cấp thẩm quyền ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị chuyên dùng thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục tại cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc phạm vi quản lý.

 Trường hợp Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa quy định chi tiết hướng dẫn theo quy định, các bộ, cơ quan trung ương, UBND cấp tỉnh trước khi ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị chuyên dùng phải có văn bản lấy ý kiến của Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo…

 – Đối với máy móc, thiết bị chuyên dùng không thuộc lĩnh vực Y tế, Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành, cơ quan trung ương, UBND cấp tỉnh (sau khi có ý kiến thống nhất của thường trực HĐND cùng cấp) ban hành hoặc phân cấp thẩm quyền ban hành.

 Những vấn đề đặt ra

 Triển khai Luật Quản lý, sử dụng TSC, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan, người có thẩm quyền đã ban hành hệ thống tiêu chuẩn, định mức sử dụng TSC nhằm: (i) Tạo hành lang pháp lý quan trọng trong quản lý, sử dụng TSC; (ii) Làm căn cứ để lập kế hoạch và dự toán ngân sách; giao, đầu tư xây dựng, mua sắm, thuê tài sản, khoán kinh phí sử dụng TSC; quản lý, sử dụng và xử lý TSC tại cơ quan, tổ chức, đơn vị; (iii) Góp phần sử dụng TSC và ngân sách nhà nước (NSNN) tiết kiệm, hiệu quả.

 Tuy nhiên, việc sử dụng công cụ tiêu chuẩn, định mức sử dụng TSC trong công tác quản lý TSC và quản lý chi NSNN hiện nay còn nhiều hạn chế, dẫn đến giảm hiệu quả quản lý, sử dụng TSC và chi ngân sách cho mua sắm TSC. Tồn tại này xuất phát từ 3 nhóm nguyên nhân sau: (i) Hệ thống tiêu chuẩn, định mức ban hành chưa đầy đủ, chưa phù hợp với thực tiễn; (ii) Việc áp dụng tiêu chuẩn, định mức trong quản lý TSC và quản lý chi NSNN còn hạn chế; (iii) Trong công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán còn chưa quan tâm đúng mức đến việc áp dụng tiêu chuẩn, định mức sử dụng TSC và xử lý nghiêm minh, triệt để các sai phạm liên quan đến áp dụng tiêu chuẩn, định mức sử dụng TSC.

 Nâng cao hiệu quả sử dụng công cụ tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công

 Để phát huy hiệu quả của công cụ tiêu chuẩn, định mức sử dụng TSC trong quản lý TSC và quản lý chi NSNN, cần sớm triển khai những nội dung sau:

 Một là, xác định các khoảng trống, các quy định pháp lý chưa phù hợp để tiếp tục hoàn thiện các quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng TSC.

 Theo các Điều 24, 26 của Luật Quản lý, sử dụng TSC thì việc ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng TSC được phân cấp cho rất nhiều cơ quan, người có thẩm quyền. Hiện tại, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hệ thống tiêu chuẩn, định mức sử dụng TSC gồm: Tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp (Nghị định số 152/2017/NĐ-CP); tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô (Nghị định số 04/2019/NĐ-CP) và tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc thiết bị (Quyết định số 50/2017/QĐ-CP).

 Đối với các văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị được phân cấp, đến nay còn cơ bản chưa được kiện toàn: (i) Các Thông tư do Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ban hành quy định chi tiết về tiêu chuẩn, định mức sử dụng TSC chuyên dùng thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục áp dụng cho phạm vi cả nước; (ii) Các quyết định của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương và cơ quan, người được phân cấp quy định tiêu chuẩn, định mức TSC chuyên dùng cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương; (iii) Các quyết định của Thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng TSC chuyên dùng áp dụng cho đơn vị mình.

 Luật Quản lý, sử dụng TSC mặc dù đã có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 nhưng đến nay còn nhiều văn bản quy định và hướng dẫn về tiêu chuẩn, định mức sử dụng TSC công tác xây dựng chưa được ban hành. Vì vậy, cần thực hiện việc đánh giá các văn bản quy định về tiêu chuẩn, định mức thi hành Luật Quản lý, sử dụng của các bộ quản lý chuyên ngành; các bộ, ngành, địa phương, các đơn vị sự nghiệp công lập đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư và các cơ quan, tổ chức, đơn vị được phân cấp thẩm quyền ban hành tiêu chuẩn, định mức. Bên cạnh đó, cần đánh giá tổng kết những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong việc ban hành các tiêu chuẩn, định mức cũng như tình hình áp dụng các quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng TSC đã ban hành. Qua đó, đẩy nhanh tiến độ ban hành và hoàn thiện các văn bản quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng TSC.

 Hai là, tăng cường sử dụng công cụ tiêu chuẩn, định mức sử dụng TSC trong quản lý chi NSNN.

 Chi NSNN để hình thành tài sản phục vụ hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị như: chi đầu tư xây dựng, mua sắm, thuê tài sản, khoán kinh phí sử dụng tài sản… chiếm tỷ trọng lớn trong chi NSNN. Luật Quản lý, sử dụng TSC đã quy định “tiêu chuẩn, định mức sử dụng TSC được sử dụng làm căn cứ để lập kế hoạch và dự toán ngân sách; giao, đầu tư xây dựng, mua sắm, thuê tài sản, khoán kinh phí sử dụng TSC…”. Tuy nhiên, trong quá trình quản lý chi NSNN còn có lúc chưa quan tâm đầy đủ việc chấp hành quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng TSC trong lập, chấp hành và quyết toán NSNN, dẫn đến giảm hiệu quả trong quản lý chi NSNN liên quan đến hình thành tài sản; lập dự toán ngân sách không sát với nhu cầu thực tế; mua sắm chưa phù hợp tiêu chuẩn, định mức sử dụng TSC.

 Ba là, tăng cường sử dụng công cụ tiêu chuẩn, định mức trong quản lý TSC.

 TSC tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị sau khi được hình thành phải được bố trí, sử dụng, khai thác và xử lý theo đúng quy định về tiêu chuẩn, định mức. Tuy nhiên, trên thực tế, việc áp dụng tiêu chuẩn, định mức trong các khâu quản lý này hiện nay còn hạn chế, dẫn đến việc bố trí, sử dụng và xử lý TSC chưa đúng tiêu chuẩn, định mức và chế độ sử dụng.

 Bốn là, đánh giá tình hình thực hiện kiểm tra, thanh tra, giám sát việc áp dụng tiêu chuẩn, định mức sử dụng TSC và việc xử lý vi phạm trong chấp hành chế độ về tiêu chuẩn, định mức sử dụng TSC.