Tam quyền phân lập là gì – Tìm hiểu về tam quyền phân lập

Tam quyền phân lập là gì

 Thuyết tam quyền phân lập là  học thuyết về tổ chức bộ máy nhà nước tư sản do Lôckơ, Môngtexkiơ, Ruxô sáng lập dựa trên quan điểm cho rằng phải hạn chế sự độc quyền bằng việc không tập trung quá nhiều quyền lực nhà nước vào tay một cơ quan nhất định, bằng sự kiểm soát và khống chế lẫn nhau giữa các hệ thống cơ quan nhà nước khác nhau.

 Quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp được giao cho các cơ quan khác nhau trongnhà nước: quyền lập pháp giao cho nghị viện, quyền hành pháp giao cho chính phủ, quyền tư pháp giao cho tòa án.

 Tam quyền phân lập là nhằm dùng quyền lực kiểm soát và kiềm chế quyền lực. Theo mô hình phân quyền của Môngtexkiơ không chấp nhận việc một cơ quan nhà nước đứng trên hoặc nắm trọn vẹn cả 3 quyền.

 Mặt tích cực của học thuyết tam quyền phân lập thể hiện ở chỗ nó ngăn ngừa được sự chuyên chế rất dễ phát sinh ở xã hội mà sự thống trị thuộc về thiểu số thành viên trong xã hội. Tư tưởng tam quyền phân lập đã trở thành một trong những nội dung cơ bản của học thuyết nhà nước pháp quyền tư sản.

Nội dung cơ bản

 Nội dung cốt lõi của học thuyết này cho rằng, quyền lực nhà nước luôn có xu hướng tự mở rộng, tự tăng cường vai trò của mình. Bất cứ ở đâu có quyền lực là xuất hiện xu thế lạm quyền và chuyên quyền, cho dù quyền lực ấy thuộc về ai. Do vậy, để đảm bảo các quyền tự do cơ bản của công dân, ngăn ngừa các hành vi lạm quyền của các chủ thể nắm giữ quyền lực nhà nước thì phải thiết lập pháp chế nhằm giới hạn quyền lực nhà nước. Cách tốt nhất để chống lạm quyền là giới hạn quyền lực bằng các công cụ pháp lý và cách thực hiện không phải là tập trung quyền lực, mà là phân chia nó ra.

 Muốn hạn chế quyền lực nhà nước thì trước hết phải phân quyền, và sau đó phải làm cho các nhánh quyền lực đã được phân chỉ được phép hoạt động trong phạm vi quy định của pháp luật. Sau này, trong một bức thư gửi cho một người cùng thời, ông Samuel Kercheval, Thomas Jefferson – tổng thống thứ 3 của Hoa Kỳ, đã chỉ rõ thêm của sự phân quyền không đơn thuần chỉ diễn ra ở một chiều ngang, mà còn cần thiết ở cả chiều dọc, và ở bất cứ lĩnh vực nào của nhà nước.

 “Sự phân quyền” mà Jefferson đã mô tả như sau:

  • Phân bổ quyền lực chính quyền giữa các nhánh riêng rẽ của chính quyền.
  • Sự phân chia các quyền lực đó theo một cách thức sao cho chức năng của một nhánh chính quyền trong một vấn đề cụ thể thì bị giới hạn bởi chức năng của một nhánh khác có thẩm quyền về cùng vấn đề ấy hoặc về một vấn đề khác có liên quan. Thường được gọi là: “các biện pháp kiểm soát và đối trọng quyền lực lẫn nhau” – “checks and balance.” Về cốt lõi, đây là một hệ thống nằm ngay bên trong chính quyền nhằm đảm bảo tính trách nhiệm của chính quyền, được gọi là kiểm tra, giám sát bên trong. Vì sự kiểm tra này tạo ra một cơ chế mặc nhiên ai nắm và được phân công sử dụng quyền lực nhà nước cũng phải bị kiểm tra, theo nguyên tắc phòng ngừa, còn cơ chế kiểm tra được tiến hành từ bên ngoài hầu như chỉ được tiến hành một khi đã có hậu quả xảy ra.
  • Khía cạnh thứ ba của sự phân bổ này là sự phân chia quyền lực của chính quyền theo ngành, dọc theo cách thức sao cho mỗi một nhiệm vụ của chính quyền được giao cho đơn vị nào nhỏ nhất, cơ sở nhất trong chính quyền mà có thể đảm trách được nhiệm vụ đó.

Phân quyền ngang

 Đây là cách thức phân quyền cổ điển mà mầm mống là của Aristotle, được hoàn thiện bởi J. Locke, C.L. Montesquieu và J. Rousseau. Nội dung cơ bản của phân quyền ngang cũng ít thay đổi trong thời đại hiện nay:

  • Quyền lực nhà nước được phân chia thành các nhánh khác nhau, do các cơ quan khác nhau nắm giữ để không một cá nhân hay tổ chức nào nắm được trọn vẹn quyền lực nhà nước. Điển hình như là: ở Mỹ, nghị viện nắm quyền lập pháp, chính phủ tổng thống nắm quyền hành pháp, còn tòa án nắm quyền tư pháp.
  • Hoạt động của các cơ quan quyền lực công có sự chuyên môn hóa, mỗi cơ quan chỉ hoạt động nhằm thực hiện chức năng riêng của mình, không làm ảnh hưởng tới hoạt động của các cơ quan khác.
  • Quyền lực giữa các cơ quan quyền lực cân bằng, không có loại quyền lực nào vượt trội hơn. Các cơ quan quyền lực giám sát, kiềm chế đối trọng và chế ước lẫn nhau, để không có một cơ quan nào có khả năng lạm quyền.

 Ở nhiều nhà nước hiện nay, tư tưởng phân quyền ngang có một số thay đổi, mà chủ yếu là số nhánh quyền lực được phân chia ra từ quyền lực nhà nước. Ở một số nước Nam Mỹ, quyền lực nhà nước nhiều khi được chia thành 4, 5, 6, … bộ phận. Ví dụ: Nicaragoa có thêm quyền kiểm tra do Tổng thanh tra thực hiện; Argentina phân làm 6 quyền; VNCH chia quyền làm 4 phần, thêm quyền giám sát của Tối cao pháp viện.

 Có ba mức độ biểu hiện của cách thức phân quyền ngang trong bộ máy nhà nước tư sản hiện nay:

  1. Phân quyền cứng rắn được áp dụng trong chính thể cộng hòa tổng thống, đặc điểm là chính phủ phải chịu trách nhiệm trước nhân dân như: Hoa Kỳ, Philipine,…
  2. Phân quyền mềm dẻo được áp dụng trong chính thể đại nghị, chính phủ phải chịu trách nhiệm trước quốc hội, như: Anh, Nhật,…
  3. Phân quyền trong chính thể cộng hòa hỗn hợp, chính phủ vừa phải chịu trách nhiệm trước nhân dân vừa phải chịu trách nhiệm trước quốc hội, như ở các nước Pháp, Nga,…

Phân quyền dọc

 Để hạn chế quyền lực nhà nước thì quyền lực nhà nước không chỉ phân chia theo chiều ngang thành các ngành lập pháp, hành pháp và tư pháp mà còn phải tiếp tục phân chia ở chiều dọc giữa trung ương và địa phương. Chính ở sự phân quyền này mà quyền lực nhà nước trung ương bị hạn chế. Đến lượt mình, quyền lực của cơ quan địa phương – chính phủ địa phương lại bị phân chia thành lập pháp địa phương và hành pháp địa phương.

Nội dung chủ yếu của tư tưởng phân quyền dọc như sau

  • Tồn tại hệ thống các cơ quan quyền lực nhà nước do dân bầu ở các cấp địa phương, song song với bộ máy nhà nước trung ương.
  • Có sự phân công nhiệm vụ, trách nhiệm và quyền hạn cụ thể giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương trong những lĩnh vực cụ thể; mà chủ yếu là chính quyền trung ương sẽ giải quyết các vấn đề công, vì lợi ích của cả cộng đồng xã hội, như vấn đề: chủ quyền lãnh thổ, dịch vụ công, …; còn chính quyền địa phương sẽ phụ trách các vấn đề phát triển kinh tế – xã hội, giáo dục, văn hóa ở địa phương, ngoài ra còn có thể chủ động tiến hành hợp tác, giao lưu với các địa phương khác hoặc các tổ chức quốc tế trong quyền hạn của mình.

 Tổ chức và hoạt động của các cấp chính quyền trong nhiệm vụ và quyền hạn của mình là tương đối độc lập với nhau. Chính quyền trung ương không có quyền điều hành, chỉ đạo chính quyền địa phương, mà chỉ có thể xây dựng chủ trương chính sách, tạo dựng khuôn khổ pháp lý, và kiểm tra, giám sát hoạt động của các chính quyền cấp dưới, mọi phạm vi của chính quyền địa phương sẽ do Tòa án Hành chính xét xử độc lập.

Phân quyền dọc được thực hiện theo hai phương pháp

Phân quyền theo lãnh thổ

 là cách phân quyền của chính quyền trung ương cho chính quyền địa phương theo địa giới hành chính – lãnh thổ. Việc tổ chức quản lý những vùng lãnh thổ này cần thiết phải tính đến nguyện vọng và ý chí của cộng đồng dân cư. Vì vậy, tham gia vào cơ chế vận hành bộ máy chính quyền địa phương, ngoài các cơ quan quản lý còn có cả các cơ quan do dân cư hợp thành trực tiếp hoặc gián tiếp bầu ra. Việc tổ chức cơ quan ở đây mang nhiều tính chất tự quản. Các đơn vị hành chính không có quyền độc lập chính trị. Để tổ chức thực hiện những vấn đề về phát triển địa phương, các đơn vị hành chính theo quy định của pháp luật có quyền thành lập các hội đồng tự quản địa phương, chịu sự kiểm tra của đại diện cơ quan quyền lực nhà nước cấp trên. Cơ cấu tự trị yêu cầu chính quyền địa phương phải có một cơ quan ra nghị quyết và một cơ quan thi hành các nghị quyết đó, giống như mô hình Nghị viện và Chính phủ.

Phân quyền theo chuyên môn

 Là cách phân quyền giữa các bộ chuyên môn với chính quyền địa phương. Ví dụ: ở New Zealand, chính phủ không quản lý bất kỳ bệnh viện công nào, tất cả bệnh viện được giao về cho các bang. Các quan chức cao cấp Chính phủ khi bị bệnh cũng phải đến các bệnh viện ở bang.

 Tùy theo tiêu chí các cấp chính quyền địa phương, thì có thể chia các cấp địa phương thành 4 cấp như Đức, Camerun, Senegan, …; 3 cấp như Italia, Ấn độ, …; 2 cấp như Đan Mạch, Nhật Bản, …; thậm chí 5 cấp như Pháp. Thường cơ quan địa phương được tổ chức thành 3 cấp. Ví dụ như ở Việt Nam là trung ương – tỉnh – huyện – xã.

 Nguyên tắc phân quyền dọc còn được thể hiện trong mối liên hệ giữa nhà nước liên bang và các bang. Việc tổ chức nhà nước của các nước liên bang trước hết phải có sự phân biệt thẩm quyền giữa liên bang và các bang. Các bang của liên bang nhà nước tư sản không có chủ quyền về mặt đối nội và đối ngoại. Hiến pháp liên bang nghiêm cấm các bang ký kết hợp tác với nước ngoài về những vấn đề chính trị. Trong việc tổ chức nhà nước liên bang vấn đề rất quan trọng là phân chia quyền lực giữa liên bang với các bang, phân chia theo chiều dọc. Việc phân chia quyền lực nhà nước theo chiều dọc giữa liên bang và các bang có 3 hình thức:

  1. Những thẩm quyền đặc biệt chỉ có ở liên bang.
  2. Những thẩm quyền đặc biệt của các bang.
  3. Những thẩm quyền chung của liên bang và các bang.

 Nhằm hạn chế quyền lực nhà nước các bang, hiến pháp liên bang thường liệt kê nhiệm vụ, quyền hạn của thành viên. Ngoài những nhiệm vụ, quyền hạn được liệt kê thì bang không được giải quyết. Hoặc ngược lại, nhà nước liên bang vẫn tôn trọng chủ quyền của các thành viên hợp thành thì lại có xu hướng liệt kê các quyền hạn hữu hạn cho liên bang.

Áp dụng vào thực tế

 Ở Mỹ, Quốc hội, hiến pháp Hoa Kỳ quy định tất cả các quyền lập pháp đều thuộc về quốc hội bao gồm thượng viện và hạ viện. Việc thiết lập 2 viện với cơ chế kiềm chế nhau giữa chúng sẽ làm giảm bớt ưu thế của cơ quan lập pháp để nó cân bằng với bộ máy hành pháp. Từ năm 1913, 2 viện đều được cử tri bầu ra, thẩm quyền lập pháp của 2 viện gần như ngang nhau, cả 2 đều có thể nêu sáng kiến lập pháp, 1 đạo luật chỉ được coi là thông qua nếu có đủ số phiếu thuận của cả 2 viện, và sau khi được thông qua các dự luật ấy đều được trình được lên tổng thống. Nếu tổng thống ký phê chuẩn thì dự luật sẽ trở thành luật còn nếu không phê chuẩn thì sẽ gửi trả lại viện đã khởi xướng để xem lại, nếu được thông qua, dự luật sẽ được chuẩn sang viện kia xem xét. Cả trong lĩnh vực quốc phòng cũng có sự phân quyền giữa lập pháp và hành pháp. Quốc hội có quyền tuyên bố chiến tranh và phân bổ ngân sách cho quốc phòng. Tổng thống là tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang và chịu trách nhiệm cao nhất về quốc phòng của đất nước trong lĩnh vực tư pháp, thượng viện có quyền xét xử các vụ án nhân viên chính quyền lạm dụng công quyền. Nếu tổng thống bị xét xử thì chánh án tòa án tối cao sẽ chủ tọa, các vụ án ấy phải do hạ viện khởi tố và khi xét xử thượng viện chỉ có quyền cách chức hoặc truất quyền đảm nhận mọi chức vụ trong chính quyền của bị cáo rồi trao trả bị cáo cho 1 tòa án thường của ngành tư pháp. Tóm lại thẩm quyền của Quốc hội Mỹ được quy định theo hướng bảo đảm cho nó vừa độc lập vừa có toàn quyền khi thực hiện các chức năng của mình. Vừa đủ khả năng kiềm chế đối trọng với tổng thống.

 Tổng thống cũng đảm nhiệm 1 chức năng tuyệt đối là có quyền hành pháp, tổng thống vừa đứng đầu nhà nước vừa đứng đầu bộ máy hành pháp, vừa thực hiện chức năng của nguyên thủ quốc gia, vừa thực hiện chức năng của thủ tướng chính phủ, lại gần như độc lập với Quốc hội. Nên có quyền hành rất lớn, và thực sự là trung tâm quyền lực của bộ máy nhà nước. Nhiệm kỳ 4 năm và không ai có thể hơn 2 lần giữ cương vị tổng thống. Các bộ trưởng chỉ là người giúp việc cho TT, thực hiện các chính sách của TT, và không được mâu thuẫn với đường lối chính sách của TT. Đối với việc tổ chức và hoạt động của Quốc hội, TT có quyền ủy nhiệm người thay vào các ghế thượng nghị sĩ bị khuyết trong thời gian thượng viên không họp. Trong lĩnh vực tư pháp, TT là tổng tư lệnh lục quân và hải quân có quyền phong cấp cho các lực lượng vũ trang, tuyên bố tình trạng khẩn cấp ngoài ra TT có thể thấy TT Mỹ thực hiện mọi nhiệm vụ quyền hành 1 cách độc lập, TT và chính phủ không chịu trách nhiệm trước Quốc hội. Cũng độc lập với các thành viên khác của chính phủ nhờ quyền hoàn toàn quyết định các chính sách của chính phủ không cần qua nội các. Hoàn toàn nắm quyền điều hành và quản lý mọi lĩnh vực của đát nước.

 Chủ thể của quyền tư pháp là tòa án tối cao và các tòa án cấp dưới, hệ thống tòa án Mỹ được pháp luật trao cho những quyền năng hoàn toàn độc lập để giữ thế “kiềng 3 chân” trong việc thực hiện quyền lực nhà nước. Độc lập với hành pháp và lập pháp, hơn thế còn độc lập với cả dân chúng. Vì nó không được nhân dân bầu không phải chịu trách nhiệm gì trước nhân dân. Thẩm phán được hình thành bằng con đường bổ nhiệm và sau khi được bổ nhiệm, thẩm phán sẽ giữ chức vụ suốt đời nếu vẫn giữ đức hạnh xứng đáng. Ngoài sự phân quyền theo chiều ngang, ở Mỹ còn thể hiện rõ sự phân quyền theo chiều dọc, giữa liên bang và tiểu bang, giữa TW và địa phương trong 3 lĩnh vực hành lập tư pháp.

 Ở Pháp, lập pháp thuộc về nghị viện, hành pháp thuộc về tổng thống và chính phủ, còn quyền tư pháp thuộc về hệ thống tòa án. Nghị viện có 2 chức năng cơ bản là lập pháp và giám sát hoạt động của chính phủ. Quan hệ giữa lập pháp và hành pháp mật thiết hơn so với chính thể cộng hòa tổng thống. Cùng với tổng thống và chính phủ, hội đồng bảo hiến trở thành thế lực thứ 3 hạn chế quyền lực của nghị viện. HDBH có chức năng đảm bảo tính hợp pháp của việc bầu cử nghị sĩ 2 viện khi có sự khiếu nại, vai trò kiềm chế lập pháp của HDBH phần nào giống với vai trò của tòa án tối cao ở Mỹ và tòa án Hiến pháp ở Đức. Quyền hành pháp do chính phủ mà thực chất là tổng thống nắm. Vị trí của TT hiện tại là mô hình kết hợp giữa vị trí của TT Mỹ và TT Đức. TT có quyền hoạch định chính sách quốc gia, chủ tọa đồng bộ trưởng để thông qua chính sách này, có quyền ân xá, bổ nhiệm thủ tướng, các đại sứ, các chức vụ dân sự. Quyền tư pháp do hệ thống tòa án nắm, ở pháp có 2 hệ thống tòa án, tòa án thường và tòa án hành chính, cùng với đó còn có các tòa án đặc biệt như tòa án thương mại, lao động, bảo hiểm xã hội, kiểm soát hoạt động cơ quan tư pháp là hội đồng thẩm phán tối cao do tổng thống là chủ tọa. Bộ trưởng bộ tư pháp là phó chủ tịch.

 Hiện nay, tổ chức bộ máy nhà nước tại Việt Nam, về bản chất vẫn bảo đảm tính tập quyền xã hội chủ nghĩa, song trên thực tế đã vận dụng những hạt nhân hợp lý của thuyết phân quyền, nghĩa là nhấn mạnh đến khía cạnh phân công quyền lực: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp”. Đây là bước phát triển trong nhận thức của Đảng Cộng sản Việt Nam về nguyên tắc tập quyền xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới.

  

  

  

 Tag: tiếng mê cung phim cube (mê 1997) bình tân trời đông chưa em chày farmstay hàn