Thanh toán và quyết toán khác nhau như thế nào

 Thanh toán và quyết toán khác nhau như thế nào

 Tại Điều 18, Nghị định số 48/2010/NĐ-CP ngày 7/5/2010 của Chính phủ về hợp đồng trong hoạt động xây dựng quy định việc thanh toán như sau:

 Việc thanh toán hợp đồng xây dựng phải phù hợp với loại hợp đồng, giá hợp đồng và các điều kiện trong hợp đồng mà các bên đã ký kết.

 Các bên thỏa thuận trong hợp đồng về số lần thanh toán, giai đoạn thanh toán, thời điểm thanh toán, thời hạn thanh toán, hồ sơ thanh toán và điều kiện thanh toán.

 Bên giao thầu phải thanh toán đầy đủ (100%) giá trị của từng lần thanh toán cho bên nhận thầu sau khi đã giảm trừ tiền tạm ứng, tiền bảo hành công trình theo thỏa thuận trong hợp đồng, trừ trường hợp các bên có quy định khác.

 Thời hạn thanh toán do các bên thỏa thuận nhưng không quá 14 ngày làm việc kể từ ngày bên giao thầu nhận đủ hồ sơ thanh toán hợp lệ theo thỏa thuận trong hợp đồng và được quy định cụ thể như sau:

 – Trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị thanh toán hợp lệ của bên nhận thầu, chủ đầu tư phải hoàn thành các thủ tục và chuyển đề nghị thanh toán tới cơ quan cấp phát, cho vay vốn;

 – Trong thời hạn 7  ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ thanh toán hợp lệ của chủ đầu tư, cơ quan cấp phát, cho vay vốn phải chuyển đủ giá trị của lần thanh toán cho bên nhận thầu.

 Quyết toán hợp đồng xây dựng

 Tại Điều 21 Nghị định 48/2010/NĐ-CP quy định:  Quyết toán hợp đồng là việc xác định tổng giá trị cuối cùng của hợp đồng xây dựng mà bên giao thầu có trách nhiệm thanh toán cho bên nhận thầu khi bên nhận thầu hoàn thành tất cả các công việc theo thỏa thuận trong hợp đồng.

 Hồ sơ quyết toán hợp đồng do bên nhận thầu lập phù hợp với từng loại hợp đồng và giá hợp đồng. Nội dung của hồ sơ quyết toán hợp đồng xây dựng phải phù hợp với các thỏa thuận trong hợp đồng, bao gồm các tài liệu sau:

 – Biên bản nghiệm thu hoàn thành toàn bộ công việc thuộc phạm vi hợp đồng;

 – Bản xác nhận giá trị khối lượng công việc phát sinh (nếu có) ngoài phạm vi hợp đồng;

 – Bảng tính giá trị quyết toán hợp đồng xây dựng (gọi là quyết toán A-B), trong đó nêu rõ phần đã thanh toán và giá trị còn lại mà bên giao thầu có trách nhiệm thanh toán cho bên nhận thầu;

 – Hồ sơ hoàn công, nhật ký thi công xây dựng công trình đối với hợp đồng có công việc thi công xây dựng;

 – Các tài liệu khác theo thỏa thuận trong hợp đồng.

 – Thời hạn giao nộp hồ sơ quyết toán hợp đồng do các bên thỏa thuận nhưng không được quá 60 ngày kể từ ngày nghiệm thu hoàn thành toàn bộ nội dung công việc cần thực hiện theo hợp đồng, bao gồm cả công việc phát sinh (nếu có); trường hợp hợp đồng có quy mô lớn thì được phép kéo dài thời hạn giao nộp hồ sơ quyết toán hợp đồng nhưng không quá 120 ngày.

 Trường hợp ông Trần Mạnh hỏi về việc công ty ông là nhà thầu xây dựng ký hợp đồng xây dựng với bên giao thầu xây dựng là chủ đầu tư. Theo luật sư, điều khoản về thanh toán trong hợp đồng đã ký mà ông cung cấp là phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều 18 Nghị định 48/2010/NĐ-CP. Bên giao thầu phải có nghĩa vụ thanh toán cho công ty ông  5% giá trị hợp đồng mà họ còn giữ khi hợp đồng được quyết toán.

 Việc quyết toán hợp đồng xây dựng phải tuân thủ quy định tại Điều 21 Nghị định 48/2010/NĐ-CP. Nếu công ty ông Mạnh đã lập hồ sơ quyết toán nộp cho bên giao thầu đúng thời hạn, mà bên giao thầu kéo dài thời gian duyệt quyết toán để chậm thanh toán trả 5% giá trị hợp đồng, thì công ty ông Mạnh có quyền yêu cầu bên giao thầu thực hiện đúng điều khoản thanh toán đã ký.

 Hai bên cần thương lượng giải quyết trên cơ sở nội dung hợp đồng đã ký kết. Trường hợp hai bên không đạt được thỏa thuận, việc giải quyết tranh chấp được thực hiện thông qua hòa giải, Trọng tài hoặc Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.

 Thời hạn đề nghị Trọng tài hoặc thời hiệu khởi kiện lên Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng xây dựng là 2 năm, kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp các bên bị xâm phạm.