Thông tin về hóa đơn kế toán cần biết có hiệu lực từ ngày 14/11/2019

 Thông tin về hóa đơn kế toán cần biết có hiệu lực từ ngày 14/11/2019

 Trong thời đại mà công nghệ thông tin phát triển như vũ bão như hiện nay thì việc áp dụng công nghệ vào việc quản lý hành chính trong các lĩnh vực như đăng ký kinh doanh, thuế, hải quan, bảo hiểm…..ngày càng được quan tâm. Việc sử dụng hóa đơn điện tử thay thế hóa đơn giấy cũng là một trong số công việc góp phần hoàn thành chương trình xây dựng chính phủ điện tử của nước ta. Bên cạnh đó việc sử dụng hóa đơn điện tử trong phát hành; hạch toán và lưu trữ đã mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp như: tiết kiệm thời gian, chi phí in ấn, gửi hóa đơn dễ dàng, không sợ mất, cháy, thất lạc hóa đơn…. Bộ Tài Chính đã ban hành Thông tư 68/2019/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 119/2018/NĐ-CP về hóa đơn điện tử (HĐĐT) khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ chính thức có hiệu lực từ ngày 14/11/2019. Trong đó có một số thông tin mà doanh nghiệp đặc biệt là người quản lý doanh nghiệp và kế toán cần lưu ý 13 thông tin về hóa đơn kế toán cần biết từ ngày 14/11/2019 như dưới đây:

 1. Từ ngày 01/11/2020, các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ, cá nhân kinh doanh phải thực hiện đăng ký áp dụng HĐĐT theo hướng dẫn tại Thông tư 68/2019.

 2. Về nội dung HĐĐT

 Cơ bản giống với nội dung hóa đơn giấy tại Thông tư 39/2014/TT-BTC và có bổ sung thêm chỉ tiêu: Mã của cơ quan thuế (CQT) đối với HĐĐT có mã của CQT; Phí, lệ phí thuộc NSNN  và nội dung khác liên quan (nếu có).

 Theo Khoản 2 Điều 151 Luật quản lý thuế 2019 thì tới ngày 01/7/2022 mới bắt buộc mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân áp dụng quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử. Tuy nhiên, tại Công văn 4178, Tổng cục Thuế tiếp tục khẳng định giống như ở Nghị định 119/2018/NĐ-CP: “Từ ngày 01/11/2020, các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ, cá nhân kinh doanh phải thực hiện đăng ký áp dụng hóa đơn điện tử”. Như vậy, có sự chênh nhau giữa Luật với văn bản dưới Luật, rất mong Chính phủ sớm có văn bản xử lý kịp thời sự khác biệt này nhằm đảm bảo tính thống nhất của pháp luật để người dân được biết và thuận tiện áp dụng – Đây là ý kiến của Luật gia Bùi Tường Vũ, Giám đốc thư viện pháp luật

 3. 07 trường hợp HĐĐT không cần có đầy đủ các nội dung

  • HĐĐT bán hàng tại siêu thị, trung tâm thương mại mà người mua là cá nhân không kinh doanh;
  • HĐĐT bán xăng dầu cho khách hàng là cá nhân không kinh doanh;
  • HĐĐT là tem, vé, thẻ;
  • Chứng từ điện tử dịch vụ vận tải hàng không xuất qua website và hệ thống thương mại điện tử được lập theo thông lệ quốc tế cho người mua là cá nhân không kinh doanh được xác định là HĐĐT;
  • Hóa đơn của hoạt động xây dựng, lắp đặt; hoạt động xây nhà để bán có thu tiền theo tiến độ theo hợp đồng;
  • Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển điện tử;
  • Hóa đơn sử dụng cho thanh toán Interline giữa các hãng hàng không được lập theo quy định của Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế.

 Thông tin về hóa đơn kế toán cần biết từ ngày 14/11/2019

 4. Định dạng HĐĐT

 Tổng cục Thuế xây dựng và công bố thành phần chứa dữ liệu nghiệp vụ HĐĐT, thành phần chứa dữ liệu chữ ký số và cung cấp công cụ hiển thị các nội dung của HĐĐT theo quy định.

 5. Về việc áp dụng HĐĐT

 Thực hiện theo quy định tại Điều 12 của Nghị định 119; trường hợp sử dụng HĐĐT không có mã của CQT thì các lĩnh vực được xác định theo ngành kinh tế cấp 4 theo Danh mục hệ thống ngành kinh tế quốc dân tại Quyết định 27/2018/QĐ-TTg ngày 7/6/2018.

 6. Các trường hợp rủi ro cao về thuế sử dụng HĐĐT có mã của CQT

 Doanh nghiệp thuộc loại rủi ro cao về thuế là doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu dưới 15 tỷ đồng và có một trong tám (08) dấu hiệu nêu tại Khoản 3 Điều 6 Thông tư 68/2019 thì sử dụng HĐĐT có mã của Cơ quan thuế trong 12 tháng hoạt động liên tục.

 7. Sử dụng HĐĐT có mã theo từng lần phát sinh

 Tổ chức, doanh nghiệp, hộ, cá nhân thuộc diện được cấp HĐĐT có mã của CQT theo từng lần phát sinh tại Khoản 4 Điều 6 Thông tư 68 thực hiện gửi đơn đề nghị cấp HĐĐT cho CQT và khai, nộp thuế GTGT, thuế TNCN, thuế TNDN và các loại thuế, phí khác (nếu có) trước khi được cấp.

 8. 07 trường hợp ngừng sử dụng HĐĐT có mã và không có mã của CQT

 Bao gồm 07 trường hợp được nêu tại Điều 9 và Điều 15 Thông tư 68.

 Đơn vị thuộc trường hợp ngừng sử dụng hóa đơn được tiếp tục sử dụng HĐĐT có mã hoặc không có mã sau khi thông báo với CQT về việc tiếp tục kinh doanh hoặc được cơ quan thuế khôi phục mã số thuế, được bãi bỏ quyết định cưỡng chế nợ thuế.

 9. Về việc xử lý HĐĐT có mã/hóa đơn điện tử không mã có sai sót

 Căn cứ theo điều 24 Nghị định 119/2018/NĐ-CP và Điều 17 Thông tư 68/2019/TT-BTC hướng dẫn như sau:

 9.1. Trường hợp hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế đã gửi cho người mua có phát hiện sai sót (do người bán hoặc người mua phát hiện) thì xử lý như sau:

 a) Trường hợp có sai sót về tên, địa chỉ của người mua nhưng không sai mã số thuế, các nội dung khác không sai sót:

 -> Thì Người bán thông báo cho người mua về việc hóa đơn có sai sót và không phải lập lại hóa đơn.

 – Trường hợp dữ liệu hóa đơn điện tử đã gửi cơ quan thuế thì người bán thực hiện thông báo với cơ quan thuế theo Mẫu số 04 (Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 119/2018/NĐ-CP, tải về dưới cuối bài viết).

 b) Trường hợp có sai về mã số thuế, về số tiền ghi trên hóa đơn, sai về thuế suất, tiền thuế hoặc hàng hóa không đúng quy cách, chất lượng:

 Bước 1: Người bán và người mua lập văn bản thỏa thuận ghi rõ sai sót.

 Bước 2: Người bán lập hóa đơn điện tử mới thay thế cho hóa đơn điện tử đã lập có sai sót.
-> Hóa đơn điện tử mới thay thế hóa đơn điện tử đã lập có sai sót phải có dòng chữ “Thay thế cho hóa đơn ký hiệu mẫu số, ký hiệu hóa đơn…số hóa đơn…, ngày… tháng… năm”.
-> Người bán ký số, ký điện tử trên hóa đơn điện tử mới thay thế hóa đơn điện tử đã lập có sai sót sau đó người bán gửi cho người mua.

 -> Trường hợp dữ liệu hóa đơn điện tử có sai sót đã gửi cơ quan thuế thì người bán thực hiện thông báo với cơ quan thuế theo Mẫu số 04 (Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 119/2018/NĐ-CP, tải về dưới cuối bài viết) và gửi dữ liệu hóa đơn điện tử mới theo phương thức và thời gian nêu tại Điều 16 Thông tư 68.
– Chi tiết việc gửi dữ liệu hóa đơn điện tử mới theo phương thức và thời gian.

 2. Trường hợp sau khi nhận dữ liệu hóa đơn điện tử, cơ quan thuế phát hiện hóa đơn điện tử đã lập có sai sót:

 -> Thì cơ quan thuế thông báo cho người bán theo Mẫu số 05 (Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 119/2018/NĐ-CP) để người bán kiểm tra sai sót.

 – Trong thời gian 02 ngày kể từ ngày nhận được thông báo của cơ quan thuế, người bán thực hiện thông báo với cơ quan thuế theo Mẫu số 04 (Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 119/2018/NĐ-CP) về việc hủy hóa đơn (nếu có).
+) Nếu người bán thông báo hủy hóa đơn điện tử đã lập thì người bán lập hóa đơn điện tử mới để gửi người mua và gửi lại dữ liệu hóa đơn đến cơ quan thuế.
+) Nếu người bán không thông báo với cơ quan thuế thì cơ quan thuế tiếp tục thông báo cho người bán về sai sót của hóa đơn đã lập để người bán thực hiện điều chỉnh hoặc hủy hóa đơn.

 – Cơ quan thuế thông báo về việc tiếp nhận và kết quả xử lý theo Mẫu số 04 cho người bán.
– Hóa đơn điện tử đã hủy không có giá trị sử dụng nhưng vẫn được lưu trữ để phục vụ tra cứu.

 Thông tin về hóa đơn kế toán cần biết từ ngày 14/11/2019

 10. Về xử lý sự cố khi sử dụng HĐĐT có mã

 Quy định chi tiết tại Điều 12 Thông tư số 68/2019/TT-BTC của Bộ Tài chính dưới đây:

 “Điều 12. Xử lý sự cố

 1. Trường hợp hệ thống cấp mã của cơ quan thuế gặp sự cố, Tổng cục Thuế thực hiện các giải pháp kỹ thuật chuyển sang hệ thống dự phòng và có trách nhiệm thông báo trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế về các sự cố nêu trên.

 2. Trường hợp do lỗi hệ thống hạ tầng kỹ thuật của tổ chức cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử thì tổ chức cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử có trách nhiệm thông báo cho người bán được biết, phối hợp với Tổng cục Thuế để được hỗ trợ kịp thời. Tổ chức cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử phải khắc phục nhanh nhất sự cố, có biện pháp hỗ trợ người bán lập hóa đơn điện tử để gửi cơ quan thuế cấp mã trong thời gian ngắn nhất.

 3. Trường hợp người bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế nhưng gặp sự cố dẫn đến không sử dụng được hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế thì thông báo với cơ quan thuế để hỗ trợ xử lý sự cố. Trong thời gian xử lý sự cố người bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ có yêu cầu sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế thì đến cơ quan thuế để sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế.”

 11. Hiệu lực thi hành các văn bản về HĐĐT

 Từ 14/11/2019 đến 31/10/2020, các văn bản sau vẫn có hiệu lực thi hành:

  • Thông tư 32/2011/TT-BTC ngày 14/3/2011;
  • Thông tư 191/2010/TT-BTC ngày 01/12/2010;
  • Thông tư 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014;
  • Quyết định 1209/QĐ-BTC ngày 23/6/2015;
  • Quyết định 526/QĐ-BTC ngày 16/4/2018;
  • Quyết định 2660/QĐ-BTC ngày 14/12/2016;
  • Thông tư 37/2017/TT-BTC ngày 27/4/2017.

 Từ ngày 01/11/2020, các Thông tư, Quyết định của Bộ Tài chính nêu trên hết hiệu lực thi hành.

 12. Trước ngày 31/10/2020

 Cơ sở kinh doanh nhận được thông báo áp dụng HĐĐT của CQT mà chưa có cơ sở hạ tầng để thực hiện thì gửi dữ liệu hóa đơn đến CQT theo Mẫu số 03 (Phụ lục Nghị định 119)  cùng với việc nộp tờ khai thuế GTGT.

 13. Áp dụng HĐĐT với  cơ sở giáo dục, cơ sở y tế công lập

 Đã sử dụng Phiếu thu tiền thì tiếp tục sử dụng Phiếu thu tiền đã sử dụng.

 Nếu nhận được thông báo áp dụng HĐĐT của CQT thì:

  • Gửi dữ liệu hóa đơn đến cơ quan thuế theo Mẫu số 03 (Phụ lục Nghị định 119)  cùng với việc nộp tờ khai thuế GTGT nếu chưa có đủ cơ sở hạ tầng thực hiện.
  • Thực hiện đăng ký sử dụng HĐĐT nếu đã đủ điều kiện và cơ sở hạ tầng thông tin.

 Nội dung bài viết