BỘ TÀI CHÍNH |
 CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
 Số: 01/2020/TT-BTC |
 Hà Nội, ngày 03 tháng 01 năm 2020 |
 THÔNG TƯ
 QUY ĐỊNH MỨC THU, CHẾ ĐỘ THU, NỘP, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG PHÍ QUẢN LÝ VÀ GIÁM SÁT HOẠT ĐỘNG BẢO HIỂM
 Căn cứ Luật phí và lệ phí ngày 25 tháng 11 năm 2015;
 Căn cứ Luật ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;
 Căn cứ Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phí và lệ phí;
 Căn cứ Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 7 nam 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
 Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế;
 Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí quản lý và giám sát hoạt động bảo hiểm.
 Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
 1. Thông tư này quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí quản lý và giám sát hoạt động bảo hiểm.
 2. Thông tư này áp dụng đối với:
 a) Tổ chức kinh doanh bảo hiểm đã được cấp phép thành lập và hoạt động tại Việt Nam.
 b) Các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến thu, nộp phí quản lý và giám sát hoạt động bảo hiểm.
 Điều 2. Người nộp phí và tổ chức thu phí
 1. Người nộp phí là các tổ chức kinh doanh bảo hiểm đã được cấp phép thành lập và hoạt động tại Việt Nam, bao gồm:
 a) Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam.
 b) Doanh nghiệp tái bảo hiểm.
 c) Doanh nghiệp môi giới bảo hiểm.
 2. Cục Quản lý, giám sát Bảo hiểm (Bộ Tài chính) tổ chức thu phí theo quy định tại Thông tư này.
 Điều 3. Mức thu phí
 Mức thu phí quản lý và giám sát hoạt động bảo hiểm như sau:
 1. Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam: 0,03% phí bảo hiểm gốc (sau khi trừ các khoản hoàn, giảm phí bảo hiểm gốc).
 2. Doanh nghiệp tái bảo hiểm: 0,03% phí nhận tái bảo hiểm (sau khi trừ các khoản hoàn, giảm phí nhận tái bảo hiểm).
 3. Doanh nghiệp môi giới bảo hiểm: 0,03% doanh thu hoạt động môi giới bảo hiểm.
 Điều 4. Kê khai, thu, nộp phí
 1. Người nộp phí thực hiện nộp phí quản lý và giám sát hoạt động bảo hiểm vào tài khoản phí chờ nộp ngân sách của tổ chức thu phí mở tại Kho bạc nhà nước. Phí quản lý và giám sát hoạt động bảo hiểm tính theo năm và nộp 02 kỳ.
 a) Chậm nhất là ngày 31 tháng 8 hàng năm, người nộp phí tính và nộp phí quản lý và giám sát hoạt động bảo hiểm cho 06 tháng đầu năm (kỳ 1), như sau:
 Số phí phải nộp = phí bảo hiểm gốc (hoặc phí nhận tái bảo hiểm hoặc doanh thu hoạt động môi giới bảo hiểm) 06 tháng đầu năm x 0,03%.
 b) Chậm nhất là ngày 30 tháng 4 năm sau, người nộp phí tính và nộp phí quản lý và giám sát hoạt động bảo hiểm cho năm tài chính trước liền kề (kỳ 2) như sau:
 Số phí phải nộp = phí bảo hiểm gốc (hoặc phí nhận tái bảo hiểm hoặc doanh thu hoạt động môi giới bảo hiểm) năm tài chính trước liền kề x 0,03% – số phí đã nộp kỳ 1.
 2. Chậm nhất là ngày 05 hàng tháng, tổ chức thu phí phải gửi số tiền phí quản lý và giám sát hoạt động bảo hiểm đã thu của tháng trước vào tài khoản phí chờ nộp ngân sách mở tại Kho bạc nhà nước.
 3. Tổ chức thu phí thực hiện kê khai, nộp phí quản lý và giám sát hoạt động bảo hiểm thu được với cơ quan thuế theo tháng, quyết toán năm theo hướng dẫn tại khoản 3 Điều 19 và khoản 2 Điều 26 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06 tháng 11 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật quản lý thuế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế và Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ. Tổ chức thu phí nộp 52% số tiền phí quản lý và giám sát hoạt động bảo hiểm thu được vào ngân sách nhà nước theo chương, mục, tiểu mục của Mục lục ngân sách nhà nước.
 Điều 5. Quản lý và sử dụng phí
 Tổ chức thu phí được để lại 48% tiền phí quản lý và giám sát hoạt động bảo hiểm thu được để sử dụng cho hoạt động giám sát, thu phí theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phí và lệ phí.
 Điều 6. Tổ chức thực hiện và điều khoản thi hành
 1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 02 năm 2020 và áp dụng từ năm tài chính 2020.
 2. Các nội dung khác liên quan đến thu, nộp, chứng từ thu, công khai chế độ thu phí quản lý và giám sát hoạt động bảo hiểm không đề cập tại Thông tư này được thực hiện theo quy định tại Luật phí và lệ phí; Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phí và lệ phí; Thông tư số 328/2016/TT-BTC ngày 26 tháng 12 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thu và quản lý các khoản thu ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước; Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06 tháng 11 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật quản lý thuế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế và Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ; Thông tư số 303/2016/TT-BTC ngày 15 tháng 11 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn việc in, phát hành, quản lý và sử dụng các loại chứng từ thu tiền phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước.
 3. Trường hợp các văn bản quy phạm pháp, luật quy định viện dẫn tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì thực hiện theo văn bản mới được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.
 4. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu, hướng dẫn bổ sung./.
Nơi nhận: – Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng; – Văn phòng Tổng Bí thư; – Văn phòng Quốc hội; – Văn phòng Chủ tịch nước; – Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; – Tòa án nhân dân tối cao; – Kiểm toán nhà nước; – Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; – Cơ quan Trung ương của các đoàn thể; – UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; – Sở Tài chính, Cục Thuế, KBNN thành phố Hà Nội; – Công báo; – Cổng thông tin điện tử của chính phủ; – Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp); – Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính; – Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính; – Lưu: VT, CST (CST5). |
 KT. BỘ TRƯỞNG  Vũ Thị Mai |