THÔNG TƯ 32/2018/TT-BGDĐT

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
——-

 Số: 32/2018/TT-BGDĐT

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

 Hà Nội, ngày 26 tháng 12 năm 2018

 THÔNG TƯ

 BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG

 Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2005; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ngày 25 tháng 11 năm 2009;

 Căn cứ Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28 tháng 11 năm 2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; Nghị quyết số 51/2017/QH14 ngày 21 tháng 11 năm 2017 của Quốc hội điều chỉnh lộ trình thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28 tháng 11 năm 2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông;

 Căn cứ Nghị định số 69/2017/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

 Căn cứ Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục; Nghị định số 31/2011/NĐ-CP ngày 11 tháng 5 năm 2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục; Nghị định số 07/2013/NĐ-CP ngày 09 tháng 01 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi điểm b khoản 13 Điều 1 của Nghị định số 31/2011/NĐ-CP ngày 11 tháng 5 năm 2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục;

 Căn cứ Quyết định số 404/QĐ-TTg ngày 27 tháng 3 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông;

 Theo Biên bản thẩm định của các Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục phổ thông;

 Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư ban hành Chương trình giáo dục phổ thông.

 Điều 1. Ban hành kèm theo Thông tư này Chương trình giáo dục phổ thông, bao gồm:

  1. Chương trình tổng thể.
  2. Các chương trình môn học và hoạt động giáo dục của cấp tiểu học, cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông.

 Điều 2. Chương trình giáo dục phổ thông được thực hiện theo lộ trình như sau:

  1. Từ năm học 2020-2021 đối với lớp 1.
  2. Từ năm học 2021-2022 đối với lớp 2 và lớp 6.
  3. Từ năm học 2022-2023 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10.
  4. Từ năm học 2023-2024 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11.
  5. Từ năm học 2024-2025 đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12.

 Điều 3. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2019 và thay thế Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 05 tháng 5 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Chương trình giáo dục phổ thông.

  1. Chương trình giáo dục phổ thông ban hành kèm theo Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 05 tháng 5 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo được áp dụng cho đến khi các quy định tại Điều 2 của Thông tư này được thực hiện.
  2. Đối với các lớp của cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông chưa thực hiện được môn Ngoại ngữ theo lộ trình quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 và khoản 5 Điều 2 của Thông tư này, tiếp tục thực hiện theo Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 05 tháng 5 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Chương trình giáo dục phổ thông đến hết lớp 12.
  3. Đối với môn Giáo dục quốc phòng và an ninh, thực hiện theo quy định tại Thông tư số 02/2017/TT-BGDĐT ngày 13 tháng 01 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Chương trình giáo dục quốc phòng và an ninh trong trường trung học phổ thông.

 Điều 4. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc sở giáo dục và đào tạo, các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

Nơi nhận:
– Văn phòng Quốc hội;
– Văn phòng Chính phủ;
– Ủy ban VHGDTNTNNĐ của Quốc hội;
– Ban Tuyên giáo Trung ương;
– Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo;
– Hội đồng Quốc gia giáo dục và Phát triển nhân lực;
– Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
– Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
– Kiểm toán Nhà nước;
– Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp);
– Công báo;
– Như Điều 4 (để thực hiện);
– Cổng thông tin điện tử Chính phủ;
– Cổng thông tin điện tử Bộ GDĐT;
– Lưu: VT, Vụ GDTrH, Vụ GDTH , Vụ PC.
BỘ TRƯỞNG

 Phùng Xuân Nhạ

 CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG

 CHƯƠNG TRÌNH TỔNG THỂ

 (Ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

 MỤC LỤC

 LỜI NÓI ĐẦU

  1. QUAN ĐIỂM XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG
  2. MỤC TIÊU CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG

 III. YÊU CẦU CẦN ĐẠT VỀ PHẨM CHẤT VÀ NĂNG LỰC

  1. KẾ HOẠCH GIÁO DỤC
  2. ĐỊNH HƯỚNG VỀ NỘI DUNG GIÁO DỤC
  3. ĐỊNH HƯỚNG VỀ PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC VÀ ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ GIÁO DỤC

 VII. ĐIỀU KIỆN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG

 VIII. PHÁT TRIỂN CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG

  1. GIẢI THÍCH CHƯƠNG TRÌNH

 LỜI NÓI ĐẦU

 Sau hơn 30 năm đổi mới, đất nước ta đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Nước ta đã thoát ra khỏi tình trạng kém phát triển, bước vào nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Tuy nhiên, những thành tựu về kinh tế của nước ta chưa vững chắc, chất lượng nguồn nhân lực và sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao, môi trường văn hoá còn tồn tại nhiều hạn chế, chưa hội đủ các nhân tố để phát triển nhanh và bền vững.

 Cũng trong khoảng thời gian trước và sau khi nước ta tiến hành đổi mới, thế giới chứng kiến những biến đổi sâu sắc về mọi mặt. Các cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba và lần thứ tư nối tiếp nhau ra đời, kinh tế tri thức phát triển mạnh đem lại cơ hội phát triển vượt bậc, đồng thời cũng đặt ra những thách thức không nhỏ đối với mỗi quốc gia, nhất là các quốc gia đang phát triển và chậm phát triển. Mặt khác, những biến đổi về khí hậu, tình trạng cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái và những biến động về chính trị, xã hội cũng đặt ra những thách thức có tính toàn cầu. Để bảo đảm phát triển bền vững, nhiều quốc gia đã không ngừng đổi mới giáo dục để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trang bị cho các thế hệ tương lai nền tảng văn hoá vững chắc và năng lực thích ứng cao trước mọi biến động của thiên nhiên và xã hội. Đổi mới giáo dục đã trở thành nhu cầu cấp thiết và xu thế mang tính toàn cầu.

 Trong bối cảnh đó, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (khoá XI) đã thông qua Nghị quyết số 29/NQ-TW ngày 4 tháng 11 năm 2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28 tháng 11 năm 2014 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Ngày 27 tháng 3 năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 404/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

 Mục tiêu đổi mới được Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội quy định: “Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông nhằm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông; kết hợp dạy chữ, dạy người và định hướng nghề nghiệp; góp phần chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hoà đức, trí, thể, mĩ và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh.”

 Thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, chương trình giáo dục phổ thông mới được xây dựng theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh; tạo môi trường học tập và rèn luyện giúp học sinh phát triển hài hoà về thể chất và tinh thần, trở thành người học tích cực, tự tin, biết vận dụng các phương pháp học tập tích cực để hoàn chỉnh các tri thức và kĩ năng nền tảng, có ý thức lựa chọn nghề nghiệp và học tập suốt đời; có những phẩm chất tốt đẹp và năng lực cần thiết để trở thành người công dân có trách nhiệm, người lao động có văn hoá, cần cù, sáng tạo, đáp ứng nhu cầu phát triển của cá nhân và yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước trong thời đại toàn cầu hoá và cách mạng công nghiệp mới.

 Chương trình giáo dục phổ thông bao gồm chương trình tổng thể (khung chương trình), các chương trình môn học và hoạt động giáo dục.

 Việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông được thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục và pháp luật liên quan. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiến hành tổng kết, đánh giá chương trình và sách giáo khoa hiện hành nhằm xác định những ưu điểm cần kế thừa và những hạn chế, bất cập cần khắc phục; nghiên cứu bối cảnh kinh tế, chính trị, xã hội và văn hoá trong nước và quốc tế; triển khai nghiên cứu, thử nghiệm một số đổi mới về nội dung, phương pháp giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục; tổ chức tập huấn về lí luận và kinh nghiệm trong nước, nước ngoài về xây dựng chương trình giáo dục phổ thông. Trước khi ban hành chương trình, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức các hội thảo, tiếp thu ý kiến từ nhiều cơ quan, nhiều nhà khoa học, cán bộ quản lí giáo dục, giáo viên trong cả nước cũng như từ các chuyên gia tư vấn quốc tế và công bố dự thảo chương trình trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo để xin ý kiến các tầng lớp nhân dân. Chương trình đã được các Hội đồng Quốc gia Thẩm định chương trình giáo dục phổ thông xem xét, đánh giá và thông qua.

  1. QUAN ĐIỂM XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG
  2. Chương trình giáo dục phổ thông là văn bản thể hiện mục tiêu giáo dục phổ thông, quy định các yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực của học sinh, nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục và phương pháp đánh giá kết quả giáo dục, làm căn cứ quản lí chất lượng giáo dục phổ thông; đồng thời là cam kết của Nhà nước nhằm bảo đảm chất lượng của cả hệ thống và từng cơ sở giáo dục phổ thông.
  3. Chương trình giáo dục phổ thông được xây dựng trên cơ sở quan điểm của Đảng, Nhà nước về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; kế thừa và phát triển những ưu điểm của các chương trình giáo dục phổ thông đã có của Việt Nam, đồng thời tiếp thu thành tựu nghiên cứu về khoa học giáo dục và kinh nghiệm xây dựng chương trình theo mô hình phát triển năng lực của những nền giáo dục tiên tiến trên thế giới; gắn với nhu cầu phát triển của đất nước, những tiến bộ của thời đại về khoa học – công nghệ và xã hội; phù hợp với đặc điểm con người, văn hoá Việt Nam, các giá trị truyền thống của dân tộc và những giá trị chung của nhân loại cũng như các sáng kiến và định hướng phát triển chung của UNESCO về giáo dục; tạo cơ hội bình đẳng về quyền được bảo vệ, chăm sóc, học tập và phát triển, quyền được lắng nghe, tôn trọng và được tham gia của học sinh; đặt nền tảng cho một xã hội nhân văn, phát triển bền vững và phồn vinh.
  4. Chương trình giáo dục phổ thông bảo đảm phát triển phẩm chất và năng lực người học thông qua nội dung giáo dục với những kiến thức, kĩ năng cơ bản, thiết thực, hiện đại; hài hoà đức, trí, thể, mĩ; chú trọng thực hành, vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học để giải quyết vấn đề trong học tập và đời sống; tích hợp cao ở các lớp học dưới, phân hoá dần ở các lớp học trên; thông qua các phương pháp, hình thức tổ chức giáo dục phát huy tính chủ động và tiềm năng của mỗi học sinh, các phương pháp đánh giá phù hợp với mục tiêu giáo dục và phương pháp giáo dục để đạt được mục tiêu đó.
  5. Chương trình giáo dục phổ thông bảo đảm kết nối chặt chẽ giữa các lớp học, cấp học với nhau và liên thông với chương trình giáo dục mầm non, chương trình giáo dục nghề nghiệp và chương trình giáo dục đại học.
  6. Chương trình giáo dục phổ thông được xây dựng theo hướng mở, cụ thể là:
  7. a) Chương trình bảo đảm định hướng thống nhất và những nội dung giáo dục cốt lõi, bắt buộc đối với học sinh toàn quốc, đồng thời trao quyền chủ động và trách nhiệm cho địa phương, nhà trường trong việc lựa chọn, bổ sung một số nội dung giáo dục và triển khai kế hoạch giáo dục phù hợp với đối tượng giáo dục và điều kiện của địa phương, của nhà trường, góp phần bảo đảm kết nối hoạt động của nhà trường với gia đình, chính quyền và xã hội.
  8. b) Chương trình chỉ quy định những nguyên tắc, định hướng chung về yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực của học sinh, nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục và việc đánh giá kết quả giáo dục, không quy định quá chi tiết, để tạo điều kiện cho tác giả sách giáo khoa và giáo viên phát huy tính chủ động, sáng tạo trong thực hiện chương trình.
  9. c) Chương trình bảo đảm tính ổn định và khả năng phát triển trong quá trình thực hiện cho phù hợp với tiến bộ khoa học – công nghệ và yêu cầu của thực tế.
  10. MỤC TIÊU CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG

 Chương trình giáo dục phổ thông cụ thể hoá mục tiêu giáo dục phổ thông, giúp học sinh làm chủ kiến thức phổ thông, biết vận dụng hiệu quả kiến thức, kĩ năng đã học vào đời sống và tự học suốt đời, có định hướng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp, biết xây dựng và phát triển hài hoà các mối quan hệ xã hội, có cá tính, nhân cách và đời sống tâm hồn phong phú, nhờ đó có được cuộc sống có ý nghĩa và đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước và nhân loại.

 Chương trình giáo dục tiểu học giúp học sinh hình thành và phát triển những yếu tố căn bản đặt nền móng cho sự phát triển hài hoà về thể chất và tinh thần, phẩm chất và năng lực; định hướng chính vào giáo dục về giá trị bản thân, gia đình, cộng đồng và những thói quen, nền nếp cần thiết trong học tập và sinh hoạt.

 Chương trình giáo dục trung học cơ sở giúp học sinh phát triển các phẩm chất, năng lực đã được hình thành và phát triển ở cấp tiểu học, tự điều chỉnh bản thân theo các chuẩn mực chung của xã hội, biết vận dụng các phương pháp học tập tích cực để hoàn chỉnh tri thức và kĩ năng nền tảng, có những hiểu biết ban đầu về các ngành nghề và có ý thức hướng nghiệp để tiếp tục học lên trung học phổ thông, học nghề hoặc tham gia vào cuộc sống lao động.

 Chương trình giáo dục trung học phổ thông giúp học sinh tiếp tục phát triển những phẩm chất, năng lực cần thiết đối với người lao động, ý thức và nhân cách công dân, khả năng tự học và ý thức học tập suốt đời, khả năng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực và sở thích, điều kiện và hoàn cảnh của bản thân để tiếp tục học lên, học nghề hoặc tham gia vào cuộc sống lao động, khả năng thích ứng với những đổi thay trong bối cảnh toàn cầu hoá và cách mạng công nghiệp mới.

 III. YÊU CẦU CẦN ĐẠT VỀ PHẨM CHẤT VÀ NĂNG LỰC

  1. Chương trình giáo dục phổ thông hình thành và phát triển cho học sinh những phẩm chất chủ yếu sau: yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm.
  2. Chương trình giáo dục phổ thông hình thành và phát triển cho học sinh những năng lực cốt lõi sau:
  3. a) Những năng lực chung được hình thành, phát triển thông qua tất cả các môn học và hoạt động giáo dục: năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo;
  4. b) Những năng lực đặc thù được hình thành, phát triển chủ yếu thông qua một số môn học và hoạt động giáo dục nhất định: năng lực ngôn ngữ, năng lực tính toán, năng lực khoa học, năng lực công nghệ, năng lực tin học, năng lực thẩm mĩ, năng lực thể chất.

 Bên cạnh việc hình thành, phát triển các năng lực cốt lõi, chương trình giáo dục phổ thông còn góp phần phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu của học sinh.

  1. Những yêu cầu cần đạt cụ thể về phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi được quy định tại Mục IX Chương trình tổng thể và tại các chương trình môn học, hoạt động giáo dục.
  2. KẾ HOẠCH GIÁO DỤC

 Chương trình giáo dục phổ thông được chia thành hai giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12).

 Hệ thống môn học và hoạt động giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông gồm các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, các môn học lựa chọn theo định hướng nghề nghiệp (gọi tắt là các môn học lựa chọn) và các môn học tự chọn.

 Thời gian thực học trong một năm học tương đương 35 tuần. Các cơ sở giáo dục có thể tổ chức dạy học 1 buổi/ngày hoặc 2 buổi/ngày. Cơ sở giáo dục tổ chức dạy học 1 buổi/ngày và 2 buổi/ngày đều phải thực hiện nội dung giáo dục bắt buộc chung thống nhất đối với tất cả cơ sở giáo dục trong cả nước.

  1. Giai đoạn giáo dục cơ bản

 1.1. Cấp tiểu học

  1. a) Nội dung giáo dục

 Các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc: Tiếng Việt; Toán; Đạo đức; Ngoại ngữ 1 (ở lớp 3, lớp 4, lớp 5); Tự nhiên và Xã hội (ở lớp 1, lớp 2, lớp 3); Lịch sử và Địa lí (ở lớp 4, lớp 5); Khoa học (ở lớp 4, lớp 5); Tin học và Công nghệ (ở lớp 3, lớp 4, lớp 5); Giáo dục thể chất; Nghệ thuật (Âm nhạc, Mĩ thuật); Hoạt động trải nghiệm.

 Các môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 1 (ở lớp 1, lớp 2).

  1. b) Thời lượng giáo dục

 Thực hiện dạy học 2 buổi/ngày, mỗi ngày bố trí không quá 7 tiết học; mỗi tiết học 35 phút. Cơ sở giáo dục chưa đủ điều kiện tổ chức dạy học 2 buổi/ngày thực hiện kế hoạch giáo dục theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

 Bảng tổng hợp kế hoạch giáo dục cấp tiểu học

Nội dung giáo dục Số tiết/năm học
Lớp 1 Lớp 2 Lớp 3 Lớp 4 Lớp 5
Môn học bắt buộc
Tiếng Việt 420 350 245 245 245
Toán 105 175 175 175 175
Ngoại ngữ 1     140 140 140
Đạo đức 35 35 35 35 35
Tự nhiên và Xã hội 70 70 70    
Lịch sử và Địa lí       70 70
Khoa học       70 70
Tin học và Công nghệ     70 70 70
Giáo dục thể chất 70 70 70 70 70
Nghệ thuật (Âm nhạc, Mĩ thuật) 70 70 70 70 70
Hoạt động giáo dục bắt buộc
Hoạt động trải nghiệm 105 105 105 105 105
Môn học tự chọn
Tiếng dân tộc thiểu số 70 70 70 70 70
Ngoại ngữ 1 70 70      
Tổng số tiết/năm học (không kể các môn học tự chọn) 875 875 980 1050 1050
Số tiết trung bình/tuần (không kể các môn học tự chọn) 25 25 28 30 30

 1.2. Cấp trung học cơ sở

  1. a) Nội dung giáo dục

 Các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc: Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Giáo dục công dân; Lịch sử và Địa lí; Khoa học tự nhiên; Công nghệ; Tin học; Giáo dục thể chất; Nghệ thuật (Âm nhạc, Mĩ thuật); Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục của địa phương.

 Các môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2.

  1. b) Thời lượng giáo dục

 Mỗi ngày học 1 buổi, mỗi buổi không bố trí quá 5 tiết học; mỗi tiết học 45 phút. Khuyến khích các trường trung học cơ sở đủ điều kiện thực hiện dạy học 2 buổi/ngày theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

 Bảng tổng hợp kế hoạch giáo dục cấp trung học cơ sở

Nội dung giáo dục Số tiết/năm học
Lớp 6 Lớp 7 Lớp 8 Lớp 9
Môn học bắt buộc
Ngữ văn 140 140 140 140
Toán 140 140 140 140
Ngoại ngữ 1 105 105 105 105
Giáo dục công dân 35 35 35 35
Lịch sử và Địa lí 105 105 105 105
Khoa học tự nhiên 140 140 140 140
Công nghệ 35 35 52 52
Tin học 35 35 35 35
Giáo dục thể chất 70 70 70 70
Nghệ thuật (Âm nhạc, Mĩ thuật) 70 70 70 70
Hoạt động giáo dục bắt buộc        
Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp 105 105 105 105
Nội dung giáo dục của địa phương 35 35 35 35
Môn học tự chọn
Tiếng dân tộc thiểu số 105 105 105 105
Ngoại ngữ 2 105 105 105 105
Tổng số tiết học/năm học (không kể các môn học tự chọn) 1015 1015 1032 1032
Số tiết học trung bình/tuần (không kể các môn học tự chọn) 29 29 29,5 29,5
  1. Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp

 2.1. Nội dung giáo dục

 Các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc: Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Giáo dục thể chất; Giáo dục quốc phòng và an ninh; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục của địa phương.

 Các môn học lựa chọn gồm 3 nhóm môn:

 – Nhóm môn khoa học xã hội: Lịch sử, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật.

 – Nhóm môn khoa học tự nhiên: Vật lí, Hoá học, Sinh học.

 – Nhóm môn công nghệ và nghệ thuật: Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật (Âm nhạc, Mĩ thuật).

 Học sinh chọn 5 môn học từ 3 nhóm môn học trên, mỗi nhóm chọn ít nhất 1 môn học.

 Các chuyên đề học tập: Mỗi môn học Ngữ văn, Toán, Lịch sử, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lí, Hoá học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật có một số chuyên đề học tập tạo thành cụm chuyên đề học tập của môn học nhằm thực hiện yêu cầu phân hoá sâu, giúp học sinh tăng cường kiến thức và kĩ năng thực hành, vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học giải quyết những vấn đề của thực tiễn, đáp ứng yêu cầu định hướng nghề nghiệp. Thời lượng dành cho mỗi chuyên đề học tập là 10 tiết hoặc 15 tiết; tổng thời lượng dành cho cụm chuyên đề học tập của một môn học là 35 tiết/năm học. Ở mỗi lớp 10, 11, 12, học sinh chọn 3 cụm chuyên đề học tập của 3 môn học phù hợp với nguyện vọng của bản thân và khả năng tổ chức của nhà trường.

 Các trường có thể xây dựng các tổ hợp môn học từ 3 nhóm môn học và chuyên đề học tập nói trên để vừa đáp ứng nhu cầu của người học vừa bảo đảm phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường.

 Các môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2.

 2.2. Thời lượng giáo dục

 Mỗi ngày học 1 buổi, mỗi buổi không bố trí quá 5 tiết học; mỗi tiết học 45 phút. Khuyến khích các trường trung học phổ thông đủ điều kiện thực hiện dạy học 2 buổi/ngày theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

 Bảng tổng hợp kế hoạch giáo dục cấp trung học phổ thông

Nội dung giáo dục Số tiết/năm học/lớp
Môn học bắt buộc Ngữ văn 105
Toán 105
Ngoại ngữ 1 105
Giáo dục thể chất 70
Giáo dục quốc phòng và an ninh 35
Môn học lựa chọn
Nhóm môn khoa học xã hội Lịch sử 70
Địa lí 70
Giáo dục kinh tế và pháp luật 70
Nhóm môn khoa học tự nhiên Vật lí 70
Hoá học 70
Sinh học 70
Nhóm môn công nghệ và nghệ thuật Công nghệ 70
Tin học 70
Âm nhạc 70
Mĩ thuật 70
Chuyên đề học tập lựa chọn (3 cụm chuyên đề) 105
Hoạt động giáo dục bắt buộc Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp 105
Nội dung giáo dục của địa phương 35
Môn học tự chọn
Tiếng dân tộc thiểu số 105
Ngoại ngữ 2 105
Tổng số tiết học/năm học (không kể các môn học tự chọn) 1015
Số tiết học trung bình/tuần (không kể các môn học tự chọn) 29
  1. ĐỊNH HƯỚNG VỀ NỘI DUNG GIÁO DỤC

 Chương trình giáo dục phổ thông thực hiện mục tiêu giáo dục hình thành, phát triển phẩm chất và năng lực cho học sinh thông qua các nội dung giáo dục ngôn ngữ và văn học, giáo dục toán học, giáo dục khoa học xã hội, giáo dục khoa học tự nhiên, giáo dục công nghệ, giáo dục tin học, giáo dục công dân, giáo dục quốc phòng và an ninh, giáo dục nghệ thuật, giáo dục thể chất, giáo dục hướng nghiệp. Mỗi nội dung giáo dục đều được thực hiện ở tất cả các môn học và hoạt động giáo dục, trong đó có một số môn học và hoạt động giáo dục đảm nhiệm vai trò cốt lõi.

 Căn cứ mục tiêu giáo dục và yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực ở từng giai đoạn giáo dục và từng cấp học, chương trình mỗi môn học và hoạt động giáo dục xác định mục tiêu, yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực và nội dung giáo dục của môn học, hoạt động giáo dục đó. Giai đoạn giáo dục cơ bản thực hiện phương châm giáo dục toàn diện và tích hợp, bảo đảm trang bị cho học sinh tri thức phổ thông nền tảng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau trung học cơ sở; giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp thực hiện phương châm giáo dục phân hoá, bảo đảm học sinh được tiếp cận nghề nghiệp, chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng. Cả hai giai đoạn giáo dục cơ bản và giáo dục định hướng nghề nghiệp đều có các môn học tự chọn; giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp có thêm các môn học và chuyên đề học tập lựa chọn, nhằm đáp ứng nguyện vọng, phát triển tiềm năng, sở trường của mỗi học sinh.

  1. Giáo dục ngôn ngữ và văn học

 Giáo dục ngôn ngữ và văn học có vai trò quan trọng trong việc bồi dưỡng tình cảm, tư tưởng và hình thành, phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh. Thông qua ngôn ngữ và hình tượng nghệ thuật, nhà trường bồi dưỡng cho học sinh những phẩm chất chủ yếu, đặc biệt là tinh thần yêu nước, lòng nhân ái, tính trung thực và ý thức trách nhiệm; hình thành, phát triển cho học sinh các năng lực chung và hai năng lực đặc thù là năng lực ngôn ngữ, năng lực văn học.

 Ngoài nhiệm vụ hình thành, phát triển năng lực giao tiếp bằng tiếng Việt, ngoại ngữ và tiếng dân tộc thiểu số, giáo dục ngôn ngữ và văn học còn giúp học sinh sử dụng hiệu quả những phương tiện giao tiếp khác như hình ảnh, biểu tượng, kí hiệu, sơ đồ, đồ thị, bảng biểu,…

 Giáo dục ngôn ngữ được thực hiện ở tất cả các môn học và hoạt động giáo dục, trong đó Ngữ văn, Ngoại ngữ và Tiếng dân tộc thiểu số có vai trò chủ đạo. Giáo dục văn học được thực hiện chủ yếu ở môn Ngữ văn.

 1.1. Môn Ngữ văn

 Ngữ văn là môn học bắt buộc từ lớp 1 đến lớp 12. Ở cấp tiểu học, môn học có tên là Tiếng Việt, ở cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông, môn học có tên là Ngữ văn. Nội dung cốt lõi của môn học bao gồm các mạch kiến thức, kĩ năng cơ bản, thiết yếu về tiếng Việt và văn học, đáp ứng các yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực của học sinh ở từng cấp học; được phân chia theo hai giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp.

 – Giai đoạn giáo dục cơ bản

 Môn Ngữ văn (Tiếng Việt) giúp học sinh sử dụng tiếng Việt thành thạo để giao tiếp hiệu quả trong cuộc sống và học tập tốt các môn học và hoạt động giáo dục khác; hình thành và phát triển năng lực văn học, một biểu hiện của năng lực thẩm mĩ; đồng thời bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm để học sinh phát triển về tâm hồn, nhân cách.

 Chương trình được thiết kế theo các mạch chính tương ứng với các kĩ năng đọc, viết, nói và nghe. Kiến thức tiếng Việt và văn học được tích hợp trong quá trình dạy học đọc, viết, nói và nghe. Các ngữ liệu được lựa chọn và sắp xếp phù hợp với khả năng tiếp nhận của học sinh ở mỗi cấp học.

 – Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp

 Môn Ngữ văn củng cố các mạch nội dung của giai đoạn giáo dục cơ bản, giúp học sinh nâng cao năng lực ngôn ngữ và năng lực văn học, nhất là tiếp nhận văn bản văn học; tăng cường kĩ năng tạo lập văn bản nghị luận, văn bản thông tin có độ phức tạp hơn về nội dung và kĩ thuật viết; trang bị một số kiến thức lịch sử văn học, lí luận văn học có tác dụng thiết thực đối với việc đọc và viết về văn học.

 Ngoài ra, trong mỗi năm học, những học sinh có định hướng khoa học xã hội và nhân văn được chọn học một số chuyên đề học tập. Các chuyên đề này nhằm tăng cường kiến thức về văn học và ngôn ngữ, kĩ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn, đáp ứng sở thích, nhu cầu và định hướng nghề nghiệp của học sinh.

 1.2. Môn Ngoại ngữ

 Môn Ngoại ngữ giúp học sinh hình thành, phát triển năng lực ngôn ngữ (ngoại ngữ) để sử dụng một cách tự tin, hiệu quả, phục vụ cho học tập và giao tiếp, đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế của đất nước.

 Học sinh phổ thông bắt buộc phải học một ngoại ngữ (gọi là Ngoại ngữ 1) và được tự chọn thêm ít nhất một ngoại ngữ khác (gọi là Ngoại ngữ 2) theo nguyện vọng của mình và khả năng đáp ứng của cơ sở giáo dục.

 Ngoại ngữ 1 là môn học bắt buộc từ lớp 3 đến lớp 12. Cơ sở giáo dục có thể tổ chức học Ngoại ngữ 1 bắt đầu từ lớp 1, nếu học sinh có nhu cầu và cơ sở giáo dục có khả năng đáp ứng.

 Ngoại ngữ 2 là môn học tự chọn, có thể tổ chức dạy học bắt đầu từ lớp 6 và kết thúc ở bất kì lớp nào tuỳ theo nhu cầu của học sinh và khả năng đáp ứng của cơ sở giáo dục.

 Môn Ngoại ngữ phát triển toàn diện 4 kĩ năng nghe, nói, đọc, viết. Nội dung giáo dục ngoại ngữ được xây dựng liền mạch từ giai đoạn giáo dục cơ bản đến giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp trên cơ sở tham chiếu các khung trình độ ngoại ngữ quốc tế và Việt Nam.

 1.3. Môn Tiếng dân tộc thiểu số

 Dạy học tiếng dân tộc thiểu số là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước để giữ gìn và phát huy giá trị ngôn ngữ, văn hoá của các dân tộc thiểu số. Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh phổ thông là người dân tộc thiểu số có nguyện vọng, có nhu cầu được học tiếng dân tộc thiểu số.

 Môn Tiếng dân tộc thiểu số được dạy từ cấp tiểu học, sử dụng thời lượng tự chọn tương ứng của từng cấp học để tổ chức dạy học.

 Nội dung dạy học tiếng dân tộc thiểu số được quy định trong từng chương trình tiếng dân tộc thiểu số do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

 Điều kiện tổ chức dạy học và quy trình đưa tiếng dân tộc thiểu số vào dạy học ở cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện theo quy định của Chính phủ.

  1. Giáo dục toán học

 Giáo dục toán học góp phần hình thành và phát triển cho học sinh các phẩm chất chủ yếu, năng lực chung và năng lực toán học – biểu hiện tập trung của năng lực tính toán với các thành phần sau: tư duy và lập luận toán học, mô hình hoá toán học, giải quyết vấn đề toán học, giao tiếp toán học, sử dụng các công cụ và phương tiện học toán; phát triển kiến thức, kĩ năng then chốt và tạo cơ hội để học sinh được trải nghiệm, vận dụng toán học vào thực tiễn. Giáo dục toán học tạo lập sự kết nối giữa các ý tưởng toán học, giữa Toán học với thực tiễn, giữa Toán học với các môn học và hoạt động giáo dục khác, đặc biệt với các môn Khoa học, Khoa học tự nhiên, Vật lí, Hoá học, Sinh học, Công nghệ, Tin học để thực hiện giáo dục STEM.

 Giáo dục toán học được thực hiện ở nhiều môn học, hoạt động giáo dục như Toán, Vật lí, Hoá học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Hoạt động trải nghiệm và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp,… trong đó Toán là môn học cốt lõi được học bắt buộc từ lớp 1 đến lớp 12.

 Chương trình môn Toán được thiết kế theo cấu trúc tuyến tính kết hợp với “đồng tâm xoáy ốc” (đồng tâm, mở rộng và nâng cao dần), xoay quanh và tích hợp ba mạch kiến thức: Số, Đại số và Một số yếu tố giải tích; Hình học và Đo lường; Thống kê và Xác suất. Nội dung giáo dục toán học được phân chia theo hai giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp.

 – Giai đoạn giáo dục cơ bản

 Môn Toán giúp học sinh nắm được một cách có hệ thống các khái niệm, nguyên lí, quy tắc toán học cần thiết nhất cho tất cả mọi người, làm nền tảng cho việc học tập ở các trình độ học tập tiếp theo hoặc có thể sử dụng trong cuộc sống hằng ngày.

 – Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp

 Môn Toán giúp cho học sinh có cái nhìn tương đối tổng quát về toán học, hiểu được vai trò và những ứng dụng của toán học trong thực tiễn, những ngành nghề có liên quan đến toán học để học sinh có cơ sở định hướng nghề nghiệp, cũng như có khả năng tự mình tìm hiểu những vấn đề có liên quan đến toán học trong suốt cuộc đời.

  1. Giáo dục khoa học xã hội

 Giáo dục khoa học xã hội đóng vai trò chủ đạo trong việc giáo dục nhân sinh quan, thế giới quan, hoàn thiện nhân cách, giáo dục ý thức dân tộc, tinh thần yêu nước, các giá trị nhân văn, tinh thần cộng đồng và những phẩm chất tiêu biểu của công dân toàn cầu (bản lĩnh, kết nối, cá tính, yêu thương) trong xu thế phát triển, đổi mới, sáng tạo của thời đại.

 Mục tiêu xuyên suốt của giáo dục khoa học xã hội là góp phần giúp học sinh hình thành và phát triển những phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi trên cơ sở nắm vững hệ thống tri thức cơ bản về khoa học xã hội, chủ yếu là lịch sử và địa lí; chuẩn bị cho những công dân tương lai hiểu rõ hơn về thế giới mà họ đang sống, sự kết nối, tương tác giữa con người với con người, giữa con người với môi trường xung quanh, giữa dân tộc với thế giới; truyền cảm hứng cho học sinh khám phá bản thân, các vấn đề của đất nước, của khu vực và thế giới có liên quan trực tiếp đến cuộc sống; giúp học sinh hiểu biết, có tư duy độc lập và sáng tạo. Thông qua giáo dục khoa học xã hội, học sinh được hình thành và phát triển năng lực khoa học xã hội với các thành phần sau: nhận thức khoa học xã hội, tìm hiểu xã hội và vận dụng những kiến thức, kĩ năng đã học để tự tìm hiểu, khám phá bản thân, cộng đồng, xã hội, phân tích và giải quyết các vấn đề thuộc lĩnh vực xã hội, chính trị và văn hoá trong không gian và thời gian cụ thể; thực hiện đối thoại liên văn hoá trong thời đại toàn cầu hoá và hội nhập.

 Giáo dục khoa học xã hội được thực hiện ở nhiều môn học và hoạt động giáo dục, trong đó các môn học cốt lõi là: Tự nhiên và Xã hội (lớp 1, lớp 2 và lớp 3); Lịch sử và Địa lí (từ lớp 4 đến lớp 9); Lịch sử, Địa lí (cấp trung học phổ thông). Nội dung cốt lõi của các môn học này được tổ chức theo các mạch chính là đại cương, thế giới, khu vực, Việt Nam và địa phương, bảo đảm cấu trúc sau: quá trình tiến hoá (thời gian, không gian), quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước, kiến tạo nền văn minh – văn hiến của dân tộc Việt Nam; sự phát triển của tiến bộ xã hội và nguyên nhân của hưng thịnh, suy vong qua các thời kì của các quốc gia – dân tộc; các thành tựu chính về kinh tế, xã hội, văn hoá, văn minh; các cá nhân, tập đoàn người trong quan hệ hợp tác, cạnh tranh; điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên; đặc điểm dân cư, đặc điểm quần cư trong các không gian và thời gian lịch sử; cơ cấu và phân bố nền kinh tế; một số chủ đề liên môn kết nối các nội dung của lịch sử, địa lí kinh tế – xã hội, địa lí tự nhiên. Nội dung của các môn học này cũng có tính liên môn, tích hợp các lĩnh vực khác, như: giáo dục ngôn ngữ và văn học, giáo dục công dân, giáo dục quốc phòng và an ninh, giáo dục kinh tế và pháp luật,…

 Nội dung giáo dục khoa học xã hội được phân chia theo hai giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp.

 – Giai đoạn giáo dục cơ bản

 Giáo dục khoa học xã hội được thực hiện trong các môn học bắt buộc từ lớp 1 đến lớp 9. Ở lớp 1, lớp 2 và lớp 3, nội dung giáo dục khoa học xã hội được thực hiện trong môn Tự nhiên và Xã hội; lên lớp 4 và lớp 5, môn Tự nhiên và Xã hội tách thành hai môn Lịch sử và Địa lí, Khoa học. Ở cấp trung học cơ sở, môn Lịch sử và Địa lí gồm các nội dung giáo dục lịch sử, địa lí và một số chủ đề liên môn, đồng thời lồng ghép, tích hợp kiến thức ở mức độ đơn giản về kinh tế, văn hoá, khoa học, tôn giáo,… Các mạch kiến thức lịch sử và địa lí được kết nối với nhau nhằm soi sáng và hỗ trợ lẫn nhau. Ngoài ra có thêm một số chủ đề mang tính tích hợp, như: bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông; đô thị – lịch sử và hiện tại; văn minh châu thổ sông Hồng và sông Cửu Long; các cuộc đại phát kiến địa lí,…

 – Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp

 Lịch sử, Địa lí là các môn học lựa chọn ở lớp 10, lớp 11 và lớp 12.

 Ở lớp 10, môn Lịch sử giúp học sinh nắm được những đặc điểm tổng quát của khoa học lịch sử và khoa học địa lí, các ngành nghề có liên quan đến lịch sử và địa lí, khả năng ứng dụng kiến thức lịch sử và địa lí trong đời sống, đồng thời củng cố và mở rộng nền tảng tri thức, kĩ năng phổ thông cốt lõi đã hình thành ở giai đoạn giáo dục cơ bản thông qua các chủ đề và chuyên đề học tập về những vấn đề cơ bản của lịch sử và địa lí, tạo cơ sở vững chắc để học sinh có định hướng nghề nghiệp rõ ràng, phù hợp.

 Ở lớp 11 và lớp 12, môn Lịch sử chú trọng đến các chủ đề và chuyên đề học tập về các lĩnh vực của sử học, như: lịch sử chính trị, lịch sử kinh tế, lịch sử văn minh, lịch sử văn hoá, lịch sử quân sự và lịch sử xã hội, sự tương tác và hội nhập của Việt Nam vào khu vực và thế giới,…; môn Địa lí tập trung vào một số chủ đề và chuyên đề học tập về địa lí thế giới (khu vực, quốc gia tiêu biểu) và địa lí Việt Nam (tự nhiên, kinh tế – xã hội) nhằm hỗ trợ cho những học sinh có định hướng nghề nghiệp thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn cũng như một số ngành khoa học liên quan.

  1. Giáo dục khoa học tự nhiên

 Bên cạnh vai trò góp phần hình thành, phát triển các phẩm chất chủ yếu và năng lực chung cho học sinh, giáo dục khoa học tự nhiên có sứ mệnh hình thành và phát triển thế giới quan khoa học ở học sinh; đóng vai trò chủ đạo trong việc giáo dục học sinh tinh thần khách quan, tình yêu thiên nhiên, tôn trọng các quy luật của tự nhiên để từ đó biết ứng xử với tự nhiên phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững xã hội và môi trường. Giáo dục khoa học tự nhiên giúp học sinh dần hình thành và phát triển năng lực khoa học tự nhiên qua quan sát và thực nghiệm, vận dụng tổng hợp kiến thức, kĩ năng để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống; đồng thời cùng với các môn Toán, Vật lí, Hoá học, Sinh học, Công nghệ, Tin học thực hiện giáo dục STEM, một trong những xu hướng giáo dục được coi trọng ở nhiều quốc gia trên thế giới và được quan tâm thích đáng trong đổi mới giáo dục phổ thông của Việt Nam.

 Giáo dục khoa học tự nhiên được thực hiện trong nhiều môn học, hoạt động giáo dục mà cốt lõi là các môn Tự nhiên và Xã hội (lớp 1, lớp 2 và lớp 3); Khoa học (lớp 4 và lớp 5); Khoa học tự nhiên (cấp trung học cơ sở); Vật lí, Hoá học, Sinh học (cấp trung học phổ thông).

 Nội dung giáo dục khoa học tự nhiên được phân chia theo hai giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp.

 – Giai đoạn giáo dục cơ bản

 Ở cấp tiểu học, giáo dục khoa học tự nhiên tiếp cận một cách đơn giản một số sự vật, hiện tượng phổ biến trong cuộc sống hằng ngày, giúp học sinh có các nhận thức bước đầu về thế giới tự nhiên.

 Ở cấp trung học cơ sở, giáo dục khoa học tự nhiên được thực hiện chủ yếu thông qua môn Khoa học tự nhiên với việc tích hợp các kiến thức, kĩ năng về vật lí, hoá học và sinh học. Các kiến thức, kĩ năng này được tổ chức theo các mạch nội dung (chất và sự biến đổi chất, vật sống, năng lượng và sự biến đổi, Trái Đất và bầu trời), thể hiện các nguyên lí, quy luật chung của thế giới tự nhiên (tính cấu trúc, sự đa dạng, sự tương tác, tính hệ thống, quy luật vận động và biến đổi), đồng thời từng bước phản ánh vai trò của khoa học tự nhiên đối với sự phát triển xã hội và sự vận dụng kiến thức, kĩ năng về khoa học tự nhiên trong sử dụng và khai thác tài nguyên thiên nhiên một cách bền vững. Các nội dung này được sắp xếp chủ yếu theo logic tuyến tính, kết hợp một số nội dung đồng tâm nhằm hình thành nhận thức về thế giới tự nhiên và khoa học tự nhiên, giúp học sinh bước đầu vận dụng được kiến thức, kĩ năng đã học về khoa học tự nhiên trong đời sống.

 – Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp

 Giáo dục khoa học tự nhiên được thực hiện qua các môn Vật lí, Hoá học và Sinh học ở lớp 10, lớp 11 và lớp 12. Đây là các môn học thuộc nhóm môn khoa học tự nhiên được học sinh lựa chọn theo định hướng nghề nghiệp, sở thích và năng lực của bản thân. Chương trình mỗi môn học giúp học sinh tiếp tục phát triển năng lực khoa học tự nhiên dưới các góc độ đặc thù (vật lí, hóa học, sinh học); vừa bảo đảm phát triển tri thức và kĩ năng trên nền tảng những năng lực chung và năng lực khoa học tự nhiên đã hình thành ở giai đoạn giáo dục cơ bản, vừa đáp ứng yêu cầu định hướng nghề nghiệp vào một số ngành nghề cụ thể.

  1. Giáo dục công nghệ

 Giáo dục công nghệ hình thành, phát triển ở học sinh năng lực công nghệ với các thành phần sau: nhận thức, giao tiếp, sử dụng, đánh giá công nghệ và thiết kế kĩ thuật; giúp học sinh học tập, làm việc hiệu quả trong môi trường công nghệ ở gia đình, nhà trường và xã hội; góp phần định hướng nghề nghiệp và chuẩn bị cho học sinh các tri thức nền tảng để tiếp tục học lên, học nghề thuộc lĩnh vực công nghệ hoặc tham gia cuộc sống lao động.

 Cùng với các nội dung giáo dục khác, giáo dục công nghệ góp phần hình thành, phát triển ở học sinh các phẩm chất chủ yếu và năng lực chung. Với trọng tâm là hình thành và phát triển năng lực thiết kế, giáo dục công nghệ có nhiều cơ hội và lợi thế trong hình thành và phát triển năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo. Bên cạnh đó, giáo dục công nghệ còn góp phần hình thành và phát triển một số năng lực đặc thù khác như: năng lực ngôn ngữ, năng lực tính toán, năng lực tin học,…

 Giáo dục công nghệ được thực hiện thông qua nhiều môn học và hoạt động giáo dục, trong đó cốt lõi là phân môn Công nghệ trong môn Tin học và Công nghệ ở cấp tiểu học và môn Công nghệ ở cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông. Cùng với các môn Toán, Khoa học, Khoa học tự nhiên, Vật lí, Hoá học, Sinh học và Tin học, môn Công nghệ đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện giáo dục STEM.

 Nội dung giáo dục công nghệ được phân chia theo hai giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp.

 – Giai đoạn giáo dục cơ bản

 Giáo dục công nghệ trang bị cho học sinh những hiểu biết, kĩ năng phổ thông, cốt lõi về công nghệ; những tri thức và kĩ năng lựa chọn nghề nghiệp cho bản thân.

 Ở cấp tiểu học, học sinh được khám phá thế giới kĩ thuật, công nghệ thông qua các chủ đề đơn giản về công nghệ và đời sống, một số sản phẩm công nghệ trong gia đình mà học sinh tiếp xúc hằng ngày, an toàn với công nghệ trong nhà; được trải nghiệm thiết kế kĩ thuật, công nghệ thông qua các hoạt động thủ công kĩ thuật, lắp ráp các mô hình kĩ thuật đơn giản.

 Ở cấp trung học cơ sở, học sinh được trang bị những tri thức về công nghệ trong phạm vi gia đình; những nguyên lí cơ bản về các quá trình sản xuất chủ yếu; hiểu biết ban đầu về tư duy thiết kế; phương pháp lựa chọn, trải nghiệm nghề cùng với thông tin về các nghề nghiệp thuộc các lĩnh vực sản xuất chủ yếu thông qua các chủ đề: Công nghệ trong gia đình; Nông – lâm nghiệp và thuỷ sản; Công nghiệp và thiết kế kĩ thuật; Công nghệ và hướng nghiệp. Cuối cấp trung học cơ sở, ngoài các nội dung cốt lõi mà tất cả học sinh đều phải học, học sinh được lựa chọn học một số nội dung phù hợp với đặc điểm tâm – sinh lí và hứng thú của bản thân, phù hợp với đặc điểm và điều kiện của mỗi địa phương.

 – Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp

 Giáo dục công nghệ tiếp tục củng cố và hoàn thiện những kết quả đã đạt được trong giai đoạn giáo dục cơ bản, đồng thời trang bị cho học sinh những hiểu biết tổng quan và định hướng nghề về công nghệ thông qua các nội dung về bản chất của công nghệ; vai trò, ảnh hưởng của công nghệ với đời sống xã hội; mối quan hệ giữa công nghệ với các lĩnh vực, môn học và hoạt động giáo dục khác; một số lĩnh vực công nghệ phổ biến.

 Với tính chất định hướng nghề nghiệp, giáo dục công nghệ được thiết kế thành hai nhánh riêng biệt: Công nghệ định hướng Công nghiệp và Công nghệ định hướng Nông nghiệp. Cả hai định hướng này đều nhằm chuẩn bị cho học sinh thích ứng tốt nhất với đặc điểm, tính chất và yêu cầu của các ngành nghề kĩ thuật, công nghệ mà học sinh lựa chọn theo học.

  1. Giáo dục tin học

 Giáo dục tin học đóng vai trò chủ đạo trong việc chuẩn bị cho học sinh khả năng tìm kiếm, tiếp nhận, mở rộng tri thức và sáng tạo trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư và toàn cầu hoá; hỗ trợ đắc lực cho việc tự học của học sinh; tạo cơ sở vững chắc cho việc ứng dụng công nghệ kĩ thuật số, phục vụ phát triển nội dung kiến thức mới, triển khai phương thức giáo dục mới và hiện đại cho tất cả các môn học và hoạt động giáo dục; đồng thời cùng với các môn Toán, Khoa học, Khoa học tự nhiên, Vật lí, Hoá học, Sinh học, Công nghệ thực hiện giáo dục STEM.

 Giáo dục tin học góp phần hình thành, phát triển các phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi cho học sinh, đặc biệt có ưu thế trong việc hình thành, phát triển năng lực tin học với các thành phần sau: sử dụng và quản lí các phương tiện công nghệ thông tin và truyền thông; ứng xử phù hợp trong môi trường số; giải quyết vấn đề với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin và truyền thông; ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong học và tự học; hợp tác trong môi trường số.

 Giáo dục tin học được thực hiện chủ yếu thông qua phân môn Tin học trong môn Tin học và Công nghệ ở cấp tiểu học, môn Tin học ở cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông. Bên cạnh đó, ứng dụng tin học trong các môn học và hoạt động giáo dục khác cũng góp phần quan trọng vào giáo dục tin học.

 Nội dung giáo dục tin học gồm ba mạch kiến thức: Học vấn số hoá phổ thông, Công nghệ thông tin và truyền thông, Khoa học máy tính và được phân chia theo hai giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp.

 – Giai đoạn giáo dục cơ bản

 Môn Tin học giúp học sinh hình thành và phát triển khả năng ứng dụng tin học; bước đầu hình thành và phát triển tư duy giải quyết vấn đề với sự trợ giúp của máy tính; hiểu và tuân theo các nguyên tắc cơ bản trong chia sẻ và trao đổi thông tin.

 Ở cấp tiểu học, chủ yếu học sinh học sử dụng các phần mềm đơn giản hỗ trợ học tập, sử dụng thiết bị tin học tuân theo các nguyên tắc giữ gìn sức khoẻ, đồng thời bước đầu được hình thành tư duy giải quyết vấn đề có sự hỗ trợ của máy tính.

 Ở cấp trung học cơ sở, học sinh học sử dụng, khai thác các phần mềm thông dụng làm ra sản phẩm phục vụ học tập và đời sống; thực hành phát hiện và giải quyết vấn đề một cách sáng tạo với sự hỗ trợ của công nghệ kĩ thuật số; tổ chức, quản lí, tra cứu, tìm kiếm dữ liệu số hoá, đánh giá và lựa chọn thông tin.

 – Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp

 Môn Tin học có sự phân hoá sâu theo định hướng nghề nghiệp. Nội dung giáo dục tin học được tổ chức thành các nhóm chủ đề theo hai định hướng: Tin học ứng dụng và Khoa học máy tính. Tuỳ theo sở thích và định hướng nghề nghiệp của bản thân, học sinh được lựa chọn một trong hai định hướng trên thông qua việc chọn nhóm chủ đề tương ứng.

 Định hướng Tin học ứng dụng đáp ứng nhu cầu sử dụng máy tính như một công cụ của công nghệ kĩ thuật số trong học tập và làm việc. Nội dung Tin học ứng dụng tập trung vào những chủ đề sau: kết nối và sử dụng các thiết bị phần cứng, cài đặt phần mềm trên các thiết bị thông dụng, sử dụng các phần mềm công cụ, khai thác ứng dụng web, quản trị hệ thống ứng dụng.

 Định hướng Khoa học máy tính đáp ứng mục đích đi sâu vào hệ thống máy tính, chú trọng phát triển tư duy máy tính, khả năng tìm tòi, khám phá, phát triển các phần mềm và dịch vụ trên máy tính. Các chủ đề Khoa học máy tính tập trung trang bị cho học sinh nguyên lí biểu diễn và xử lí thông tin, kiến thức về thuật toán và lập trình; một số nguyên tắc thiết kế mạng máy tính.

  1. Giáo dục công dân

 Giáo dục công dân giữ vai trò chủ đạo trong việc giáo dục cho học sinh ý thức và hành vi của người công dân. Thông qua các bài học về lối sống, đạo đức, pháp luật, kinh tế, giáo dục công dân góp phần bồi dưỡng cho học sinh những phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi của người công dân, đặc biệt là tình cảm, nhận thức, niềm tin, cách ứng xử phù hợp với chuẩn mực đạo đức và quy định của pháp luật, có kĩ năng sống và bản lĩnh để học tập, làm việc và sẵn sàng thực hiện trách nhiệm công dân trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.

 Giáo dục công dân được thực hiện thông qua tất cả các môn học và hoạt động giáo dục, nhất là các môn khoa học xã hội và Hoạt động trải nghiệm, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, trong đó Đạo đức (ở cấp tiểu học), Giáo dục công dân (ở cấp trung học cơ sở), Giáo dục kinh tế và pháp luật (ở cấp trung học phổ thông) là những môn học cốt lõi.

 Nội dung chủ yếu của các môn Đạo đức, Giáo dục công dân, Giáo dục kinh tế và pháp luật là giáo dục đạo đức, kĩ năng sống, pháp luật và kinh tế. Các mạch nội dung của các môn học này phát triển xoay quanh các mối quan hệ của con người với bản thân, với người khác, với cộng đồng, đất nước, nhân loại, với công việc và với môi trường tự nhiên; được xây dựng trên cơ sở kết hợp các giá trị truyền thống và hiện đại, dân tộc và toàn cầu; mở rộng và nâng cao dần từ tiểu học, trung học cơ sở đến trung học phổ thông.

 Nội dung giáo dục công dân được phân chia theo hai giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp.

 – Giai đoạn giáo dục cơ bản

 Môn Đạo đức (ở cấp tiểu học) và môn Giáo dục công dân (ở cấp trung học cơ sở) là những môn học bắt buộc. Nội dung các môn học này định hướng chính vào giáo dục về giá trị bản thân, gia đình, quê hương, cộng đồng, nhằm hình thành cho học sinh thói quen, nền nếp cần thiết trong học tập, sinh hoạt và ý thức tự điều chỉnh bản thân theo các chuẩn mực đạo đức và quy định của pháp luật.

 – Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp

 Môn Giáo dục kinh tế và pháp luật (ở cấp trung học phổ thông) là môn học lựa chọn, dành cho những học sinh định hướng theo học các ngành nghề Giáo dục chính trị, Giáo dục công dân, Kinh tế, Hành chính và Pháp luật,… hoặc có sự quan tâm, hứng thú đối với môn học. Nội dung chủ yếu của môn học là học vấn phổ thông, cơ bản về kinh tế, pháp luật mang tính ứng dụng, thiết thực đối với đời sống và định hướng nghề nghiệp sau trung học phổ thông của học sinh; gắn kết với nội dung giáo dục đạo đức và kĩ năng sống, giúp học sinh có nhận thức đúng và thực hiện quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm công dân.

  1. Giáo dục quốc phòng và an ninh

 Giáo dục quốc phòng và an ninh bồi dưỡng cho học sinh những kiến thức, kĩ năng cơ bản về quốc phòng và an ninh để phát huy tinh thần yêu nước, truyền thống dựng nước và giữ nước, nâng cao ý thức, trách nhiệm, tự giác thực hiện nhiệm vụ quốc phòng và an ninh, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

 Giáo dục quốc phòng và an ninh ở trường tiểu học, trung học cơ sở được thực hiện tích hợp trong nội dung các môn học và hoạt động giáo dục, bảo đảm cho học sinh hình thành những hiểu biết ban đầu về truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc, về lực lượng vũ trang nhân dân; có ý thức kỉ luật, tinh thần đoàn kết, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào.

 Giáo dục quốc phòng và an ninh ở trường trung học phổ thông là môn học bắt buộc, bảo đảm cho học sinh có những hiểu biết ban đầu về nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân; về truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc, lực lượng vũ trang nhân dân và nghệ thuật quân sự Việt Nam; có kiến thức cơ bản, cần thiết về phòng thủ dân sự và kĩ năng quân sự; sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ quân sự bảo vệ Tổ quốc.

  1. Giáo dục nghệ thuật

 Giáo dục nghệ thuật góp phần hình thành, phát triển các phẩm chất chủ yếu và năng lực chung cho học sinh; đồng thời, thông qua việc trang bị những kiến thức cốt lõi, kĩ năng cơ bản về các lĩnh vực nghệ thuật, tập trung hình thành, phát triển năng lực thẩm mĩ và phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu nghệ thuật cho học sinh; giáo dục thái độ tôn trọng, khả năng kế thừa và phát huy những giá trị văn hoá, nghệ thuật truyền thống của dân tộc trong quá trình hội nhập và giao lưu với thế giới, đáp ứng mục tiêu giáo dục hài hoà về đức, trí, thể, mĩ cho học sinh.

 Giáo dục nghệ thuật được thực hiện thông qua nhiều môn học, mà cốt lõi là môn Âm nhạc và môn Mĩ thuật. Từ lớp 10 đến lớp 12, học sinh được lựa chọn môn học thuộc nhóm môn công nghệ và nghệ thuật phù hợp với định hướng nghề nghiệp, sở thích và năng lực của bản thân.

 9.1. Môn Âm nhạc

 Giáo dục âm nhạc tạo cơ hội cho học sinh được trải nghiệm và phát triển năng lực âm nhạc – biểu hiện của năng lực thẩm mĩ với các thành phần sau: thể hiện âm nhạc, cảm thụ và hiểu biết âm nhạc, ứng dụng và sáng tạo âm nhạc; góp phần phát hiện, bồi dưỡng những học sinh có năng khiếu âm nhạc. Đồng thời, thông qua nội dung các bài hát, các hoạt động âm nhạc và phương pháp giáo dục của nhà sư phạm, giáo dục âm nhạc góp phần phát triển ở học sinh các phẩm chất yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm, cùng các năng lực tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo để trở thành những công dân phát triển toàn diện về nhân cách, hài hoà về thể chất và tinh thần.

 Nội dung giáo dục âm nhạc được phân chia theo hai giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp.

 – Giai đoạn giáo dục cơ bản

 Âm nhạc là nội dung giáo dục bắt buộc từ lớp 1 đến lớp 9, bao gồm những kiến thức và kĩ năng cơ bản về hát, nhạc cụ, nghe nhạc, đọc nhạc, lí thuyết âm nhạc, thường thức âm nhạc. Nội dung giáo dục âm nhạc giúp học sinh trải nghiệm, khám phá và thể hiện bản thân thông qua các hoạt động âm nhạc nhằm phát triển năng lực thẩm mĩ, nhận thức được sự đa dạng của thế giới âm nhạc và mối liên hệ giữa âm nhạc với văn hoá, lịch sử cùng các loại hình nghệ thuật khác; đồng thời hình thành ý thức bảo vệ và phổ biến các giá trị âm nhạc truyền thống.

 – Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp

 Âm nhạc là môn học được lựa chọn theo nguyện vọng và định hướng nghề nghiệp của học sinh. Nội dung môn học bao gồm kiến thức và kĩ năng mở rộng, nâng cao về hát, nhạc cụ, nghe nhạc, đọc nhạc, lí thuyết âm nhạc, thường thức âm nhạc. Những học sinh có sở thích, năng khiếu hoặc định hướng nghề nghiệp liên quan có thể chọn học thêm một số chuyên đề học tập. Nội dung giáo dục âm nhạc giúp học sinh tiếp tục phát triển các kĩ năng thực hành, mở rộng hiểu biết về âm nhạc trong mối tương quan với các yếu tố văn hoá, lịch sử và xã hội, ứng dụng kiến thức vào đời sống, đáp ứng sở thích cá nhân và tiếp cận với những nghề nghiệp liên quan đến âm nhạc.

 9.2. Môn Mĩ thuật

 Giáo dục mĩ thuật trong nhà trường phổ thông góp phần hình thành, phát triển ở học sinh các phẩm chất chủ yếu và các năng lực chung, trọng tâm là khơi dậy và phát triển năng lực mĩ thuật – biểu hiện của năng lực thẩm mĩ với các thành phần sau: quan sát và nhận thức thẩm mĩ, sáng tạo và ứng dụng thẩm mĩ, phân tích và đánh giá thẩm mĩ; trên cơ sở đó giáo dục cho học sinh ý thức tôn trọng, kế thừa giá trị văn hoá, nghệ thuật dân tộc, tiếp cận giá trị thẩm mĩ thời đại, phát huy tinh thần sáng tạo phù hợp với sự phát triển xã hội.

 Chương trình môn Mĩ thuật kết hợp cấu trúc tuyến tính và cấu trúc đồng tâm, mở rộng nội dung Mĩ thuật tạo hình, Mĩ thuật ứng dụng; lồng ghép, tích hợp hoạt động thảo luận và thực hành nghệ thuật; tạo cơ hội để học sinh được trải nghiệm và ứng dụng mĩ thuật vào đời sống thực tế; giúp học sinh nhận thức được tầm quan trọng của mĩ thuật, mối liên hệ giữa mĩ thuật với đời sống, văn hoá, lịch sử, xã hội và các môn học, hoạt động giáo dục khác, góp phần phát triển hài hoà về đức, trí, thể, mĩ cho mọi học sinh, đồng thời phát hiện, bồi dưỡng những học sinh có năng khiếu.

 Nội dung giáo dục mĩ thuật được phân chia theo hai giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp.

 – Giai đoạn giáo dục cơ bản

 Mĩ thuật là nội dung giáo dục bắt buộc từ lớp 1 đến lớp 9. Chương trình tạo cơ hội cho học sinh làm quen và trải nghiệm kiến thức mĩ thuật thông qua nhiều hình thức hoạt động; hình thành, phát triển ở học sinh khả năng quan sát và cảm thụ nghệ thuật, nhận thức và biểu đạt thế giới; khả năng cảm nhận và tìm hiểu, thể nghiệm các giá trị văn hoá, thẩm mĩ trong đời sống và nghệ thuật.

 – Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp

 Mĩ thuật là môn học được lựa chọn theo nguyện vọng và định hướng nghề nghiệp của học sinh. Nội dung giáo dục mĩ thuật được mở rộng, phát triển kiến thức, kĩ năng mĩ thuật đã hình thành ở giai đoạn giáo dục cơ bản, tiếp cận các nhóm ngành nghề liên quan đến nghệ thuật thị giác và có tính ứng dụng trong thực tiễn; tạo cơ sở cho học sinh được tìm hiểu và có định hướng nghề nghiệp phù hợp với bản thân dựa trên nhu cầu thực tế, thích ứng với xã hội.

  1. Giáo dục thể chất

 Giáo dục thể chất trong nhà trường phổ thông góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh, trọng tâm là: trang bị cho học sinh kiến thức và kĩ năng chăm sóc sức khoẻ; kiến thức và kĩ năng vận động; hình thành thói quen tập luyện, biết lựa chọn môn thể thao phù hợp để luyện tập nâng cao sức khoẻ, phát triển thể lực; trên cơ sở đó giúp học sinh có ý thức, trách nhiệm đối với sức khoẻ của bản thân, gia đình và cộng đồng, thích ứng với các điều kiện sống, sống vui vẻ, hoà đồng với mọi người.

 Giáo dục thể chất được thực hiện ở nhiều môn học và hoạt động giáo dục như: Giáo dục thể chất, Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội, Khoa học, Khoa học tự nhiên, Sinh học, Hoạt động trải nghiệm, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp,… trong đó môn học cốt lõi, bắt buộc từ lớp 1 đến lớp 12 là Giáo dục thể chất.

 Nội dung giáo dục thể chất chủ yếu là rèn luyện kĩ năng vận động và phát triển tố chất thể lực cho học sinh bằng những bài tập thể chất đa dạng như: các bài tập đội hình đội ngũ, các bài tập thể dục, các trò chơi vận động, các môn thể thao và kĩ năng phòng tránh chấn thương trong hoạt động thể dục thể thao.

 Nội dung giáo dục thể chất được phân chia theo hai giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp.

 – Giai đoạn giáo dục cơ bản

 Môn Giáo dục thể chất giúp học sinh biết cách chăm sóc sức khoẻ và vệ sinh thân thể; hình thành thói quen tập luyện nâng cao sức khoẻ; thông qua các trò chơi vận động và tập luyện thể dục, thể thao hình thành các kĩ năng vận động cơ bản, phát triển các tố chất thể lực, làm cơ sở để phát triển toàn diện. Học sinh được lựa chọn nội dung hoạt động thể dục thể thao phù hợp với thể lực của mình và khả năng đáp ứng của nhà trường.

 – Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp

 Môn Giáo dục thể chất được thực hiện thông qua hình thức câu lạc bộ thể dục thể thao. Học sinh được chọn nội dung hoạt động thể thao phù hợp với nguyện vọng của mình và khả năng đáp ứng của nhà trường để tiếp tục phát triển kĩ năng chăm sóc sức khoẻ và vệ sinh thân thể, phát triển về nhận thức và năng khiếu thể thao, đồng thời giúp những học sinh có năng khiếu thể thao tự chọn định hướng nghề nghiệp phù hợp.

  1. Giáo dục hướng nghiệp

 Giáo dục hướng nghiệp bao gồm toàn bộ các hoạt động của nhà trường phối hợp với gia đình và xã hội nhằm trang bị kiến thức, hình thành năng lực định hướng nghề nghiệp cho học sinh, từ đó giúp học sinh lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực, tính cách, sở thích, quan niệm về giá trị của bản thân, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của gia đình và phù hợp với nhu cầu của xã hội. Giáo dục hướng nghiệp có ý nghĩa quan trọng góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện và phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và sau trung học phổ thông.

 Trong chương trình giáo dục phổ thông, giáo dục hướng nghiệp được thực hiện thông qua tất cả các môn học và hoạt động giáo dục, tập trung ở các môn Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật, Giáo dục công dân ở cấp trung học cơ sở, các môn học ở cấp trung học phổ thông và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp cùng với Nội dung giáo dục của địa phương.

 Hoạt động giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông được thực hiện thường xuyên và liên tục, trong đó tập trung vào các năm học cuối của giai đoạn giáo dục cơ bản và toàn bộ thời gian của giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp.

  1. Các chuyên đề học tập

 Chuyên đề học tập là nội dung giáo dục dành cho học sinh trung học phổ thông, nhằm thực hiện yêu cầu phân hoá sâu, giúp học sinh tăng cường kiến thức và kĩ năng thực hành, vận dụng kiến thức giải quyết một số vấn đề của thực tiễn, đáp ứng yêu cầu định hướng nghề nghiệp.

 Chuyên đề học tập của mỗi môn học do giáo viên môn học đó phụ trách. Ngoài ra, căn cứ nội dung cụ thể của chuyên đề học tập, nhà trường có thể bố trí nhân viên phòng thí nghiệm hoặc mời các doanh nhân, nghệ nhân,… có hiểu biết, kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực chuyên môn của những chuyên đề học tập có tính thực hành, hướng nghiệp hướng dẫn học sinh học những nội dung phù hợp của các chuyên đề học tập này.

  1. Hoạt động trải nghiệm và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp

 Hoạt động trải nghiệm và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp là hoạt động giáo dục do nhà giáo dục định hướng, thiết kế và hướng dẫn thực hiện, tạo cơ hội cho học sinh tiếp cận thực tế, thể nghiệm các cảm xúc tích cực, khai thác những kinh nghiệm đã có và huy động tổng hợp kiến thức, kĩ năng của các môn học khác nhau để thực hiện những nhiệm vụ được giao hoặc giải quyết những vấn đề của thực tiễn đời sống nhà trường, gia đình, xã hội phù hợp với lứa tuổi; thông qua đó, chuyển hoá những kinh nghiệm đã trải qua thành tri thức mới, kĩ năng mới góp phần phát huy tiềm năng sáng tạo và khả năng thích ứng với cuộc sống, môi trường và nghề nghiệp tương lai.

 Hoạt động trải nghiệm và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp là hoạt động giáo dục bắt buộc được thực hiện từ lớp 1 đến lớp 12; ở cấp tiểu học được gọi là Hoạt động trải nghiệm, ở cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông được gọi là Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp.

 Hoạt động trải nghiệm và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp phát triển các phẩm chất chủ yếu, năng lực cốt lõi của học sinh trong các mối quan hệ với bản thân, xã hội, môi trường tự nhiên và nghề nghiệp; được triển khai qua bốn mạch nội dung hoạt động chính: Hoạt động hướng vào bản thân, Hoạt động hướng đến xã hội, Hoạt động hướng đến tự nhiên và Hoạt động hướng nghiệp.

 Nội dung Hoạt động trải nghiệm và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp được phân chia theo hai giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp.

 – Giai đoạn giáo dục cơ bản

 Ở cấp tiểu học, nội dung Hoạt động trải nghiệm tập trung vào các hoạt động khám phá bản thân, hoạt động rèn luyện bản thân, hoạt động phát triển quan hệ với bạn bè, thầy cô và người thân trong gia đình. Các hoạt động xã hội và tìm hiểu một số nghề nghiệp gần gũi với học sinh cũng được tổ chức thực hiện với nội dung, hình thức phù hợp với lứa tuổi.

 Ở cấp trung học cơ sở, nội dung Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp tập trung hơn vào các hoạt động xã hội, hoạt động hướng đến tự nhiên và hoạt động hướng nghiệp; đồng thời hoạt động hướng vào bản thân vẫn được tiếp tục triển khai để phát triển các phẩm chất và năng lực của học sinh.

 – Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp

 Ngoài các hoạt động hướng đến cá nhân, xã hội, tự nhiên, nội dung Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp ở cấp trung học phổ thông tập trung hơn vào hoạt động giáo dục hướng nghiệp nhằm phát triển năng lực định hướng nghề nghiệp. Thông qua các hoạt động hướng nghiệp, học sinh được đánh giá và tự đánh giá về năng lực, sở trường, hứng thú liên quan đến nghề nghiệp, làm cơ sở để tự chọn cho mình ngành nghề phù hợp và rèn luyện phẩm chất và năng lực để thích ứng với nghề nghiệp tương lai.

  1. Nội dung giáo dục của địa phương

 Nội dung giáo dục của địa phương là những vấn đề cơ bản hoặc thời sự về văn hoá, lịch sử, địa lí, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp,… của địa phương bổ sung cho nội dung giáo dục bắt buộc chung thống nhất trong cả nước, nhằm trang bị cho học sinh những hiểu biết về nơi sinh sống, bồi dưỡng cho học sinh tình yêu quê hương, ý thức tìm hiểu và vận dụng những điều đã học để góp phần giải quyết những vấn đề của quê hương.

 Ở cấp tiểu học, nội dung giáo dục của địa phương được tích hợp với Hoạt động trải nghiệm. Ở cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông, nội dung giáo dục của địa phương có vị trí tương đương các môn học khác.

 Căn cứ chương trình giáo dục phổ thông, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, thẩm định, chỉnh sửa tài liệu về nội dung giáo dục của địa phương; chỉ đạo việc tổ chức biên soạn, thẩm định tài liệu về nội dung giáo dục của địa phương theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo và báo cáo để Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt.

  1. ĐỊNH HƯỚNG VỀ PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC VÀ ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ GIÁO DỤC
  2. Định hướng về phương pháp giáo dục

 Các môn học và hoạt động giáo dục trong nhà trường áp dụng các phương pháp tích cực hoá hoạt động của học sinh, trong đó giáo viên đóng vai trò tổ chức, hướng dẫn hoạt động cho học sinh, tạo môi trường học tập thân thiện và những tình huống có vấn đề để khuyến khích học sinh tích cực tham gia vào các hoạt động học tập, tự phát hiện năng lực, nguyện vọng của bản thân, rèn luyện thói quen và khả năng tự học, phát huy tiềm năng và những kiến thức, kĩ năng đã tích luỹ được để phát triển.

 Các hoạt động học tập của học sinh bao gồm hoạt động khám phá vấn đề, hoạt động luyện tập và hoạt động thực hành (ứng dụng những điều đã học để phát hiện và giải quyết những vấn đề có thực trong đời sống), được thực hiện với sự hỗ trợ của thiết bị dạy học, đặc biệt là công cụ tin học và các hệ thống tự động hoá của kĩ thuật số.

 Các hoạt động học tập nói trên được tổ chức trong và ngoài khuôn viên nhà trường thông qua một số hình thức chủ yếu sau: học lí thuyết; thực hiện bài tập, thí nghiệm, trò chơi, đóng vai, dự án nghiên cứu; tham gia xêmina, tham quan, cắm trại, đọc sách; sinh hoạt tập thể, hoạt động phục vụ cộng đồng.

 Tuỳ theo mục tiêu, tính chất của hoạt động, học sinh được tổ chức làm việc độc lập, làm việc theo nhóm hoặc làm việc chung cả lớp nhưng phải bảo đảm mỗi học sinh được tạo điều kiện để tự mình thực hiện nhiệm vụ học tập và trải nghiệm thực tế.

  1. Định hướng về đánh giá kết quả giáo dục

 Mục tiêu đánh giá kết quả giáo dục là cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, có giá trị về mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình và sự tiến bộ của học sinh để hướng dẫn hoạt động học tập, điều chỉnh các hoạt động dạy học, quản lí và phát triển chương trình, bảo đảm sự tiến bộ của từng học sinh và nâng cao chất lượng giáo dục.

 Căn cứ đánh giá là các yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực được quy định trong chương trình tổng thể và các chương trình môn học, hoạt động giáo dục. Phạm vi đánh giá bao gồm các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, môn học và chuyên đề học tập lựa chọn và môn học tự chọn. Đối tượng đánh giá là sản phẩm và quá trình học tập, rèn luyện của học sinh.

 Kết quả giáo dục được đánh giá bằng các hình thức định tính và định lượng thông qua đánh giá thường xuyên, định kì ở cơ sở giáo dục, các kì đánh giá trên diện rộng ở cấp quốc gia, cấp địa phương và các kì đánh giá quốc tế. Cùng với kết quả các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, các môn học và chuyên đề học tập lựa chọn, kết quả các môn học tự chọn được sử dụng cho đánh giá kết quả học tập chung của học sinh trong từng năm học và trong cả quá trình học tập.

 Việc đánh giá thường xuyên do giáo viên phụ trách môn học tổ chức, kết hợp đánh giá của giáo viên, của cha mẹ học sinh, của bản thân học sinh được đánh giá và của các học sinh khác.

 Việc đánh giá định kì do cơ sở giáo dục tổ chức để phục vụ công tác quản lí các hoạt động dạy học, bảo đảm chất lượng ở cơ sở giáo dục và phục vụ phát triển chương trình.

 Việc đánh giá trên diện rộng ở cấp quốc gia, cấp địa phương do tổ chức khảo thí cấp quốc gia hoặc cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức để phục vụ công tác quản lí các hoạt động dạy học, bảo đảm chất lượng đánh giá kết quả giáo dục ở cơ sở giáo dục, phục vụ phát triển chương trình và nâng cao chất lượng giáo dục.

 Phương thức đánh giá bảo đảm độ tin cậy, khách quan, phù hợp với từng lứa tuổi, từng cấp học, không gây áp lực lên học sinh, hạn chế tốn kém cho ngân sách nhà nước, gia đình học sinh và xã hội.

 Nghiên cứu từng bước áp dụng các thành tựu của khoa học đo lường, đánh giá trong giáo dục và kinh nghiệm quốc tế vào việc nâng cao chất lượng đánh giá kết quả giáo dục, xếp loại học sinh ở cơ sở giáo dục và sử dụng kết quả đánh giá trên diện rộng làm công cụ kiểm soát chất lượng đánh giá ở cơ sở giáo dục.

 VII. ĐIỀU KIỆN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG

  1. Tổ chức và quản lí nhà trường
  2. a) Nhà trường có sứ mệnh phát triển nhân cách cho mỗi học sinh và phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội trong điều kiện thường xuyên thay đổi; là trung tâm văn hoá giáo dục của địa phương; được giao quyền tự chủ theo quy định của pháp luật; thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương và cơ quan quản lí giáo dục các cấp.
  3. b) Cơ cấu tổ chức bộ máy và quản lí hoạt động giáo dục của nhà trường theo quy định của Điều lệ trường tiểu học, Điều lệ trường trung học do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
  4. Cán bộ quản lí, giáo viên, nhân viên
  5. a) Hiệu trưởng được đánh giá theo chu kì và được xếp loại đạt trở lên theo Chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông; được bồi dưỡng, tập huấn về lí luận chính trị, quản lí giáo dục và chương trình giáo dục phổ thông theo quy định.
  6. b) Số lượng và cơ cấu giáo viên (kể cả giáo viên thỉnh giảng, nếu có) bảo đảm để dạy các môn học và hoạt động giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông; 100% giáo viên có trình độ được đào tạo đạt chuẩn hoặc trên chuẩn; được xếp loại đạt trở lên theo Chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông; giáo viên được đảm bảo các quyền theo quy định của Điều lệ trường phổ thông và của pháp luật; giáo viên được bồi dưỡng, tập huấn về dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông.
  7. c) Nhân viên có trình độ chuyên môn đảm bảo quy định, được bồi dưỡng về nội dung chương trình giáo dục phổ thông có liên quan đến nhiệm vụ của mỗi vị trí trong nhà trường.
  8. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học

 Địa điểm, diện tích, quy mô nhà trường; khối phòng học tập; khối phòng hỗ trợ học tập; thư viện; khối phòng hành chính quản trị; khu sân chơi, thể dục thể thao; khối phụ trợ; khối phục vụ sinh hoạt; hạ tầng kĩ thuật và thiết bị dạy học tối thiểu bảo đảm theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

  1. Xã hội hoá giáo dục
  2. a) Quán triệt quan điểm phát triển giáo dục là sự nghiệp của Đảng, của Nhà nước và của toàn dân. Cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thành công chương trình giáo dục phổ thông; bảo đảm điều kiện thực hiện chương trình; thực hiện nghiêm túc các chính sách của Đảng, Nhà nước đối với giáo viên và cán bộ quản lí giáo dục cơ sở giáo dục phổ thông. Nhà trường chủ động tham mưu với cấp uỷ Đảng, chính quyền và phối hợp với các cá nhân, tổ chức ở địa phương để huy động đa dạng các nguồn lực tham gia các hoạt động giáo dục và hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất nhà trường, xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn.
  3. b) Phối hợp tốt giáo dục gia đình và giáo dục nhà trường. Gia đình, cha mẹ học sinh được hướng dẫn phối hợp và tham gia giáo dục con em theo yêu cầu của lớp học, cấp học; Ban đại diện cha mẹ học sinh có cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền, trách nhiệm và hoạt động theo Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh; nhà trường tạo điều kiện thuận lợi để Ban đại diện cha mẹ học sinh hoạt động.
  4. c) Phối hợp tốt giáo dục nhà trường và giáo dục xã hội. Nhà trường chủ động tổ chức, hướng dẫn học sinh tham gia các hoạt động Đoàn, Đội, Hội, hoạt động xã hội, tích cực góp phần thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, qua đó thực hiện giáo dục học sinh trong thực tiễn đời sống.

 VIII. PHÁT TRIỂN CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG

 Phát triển chương trình giáo dục phổ thông là hoạt động thường xuyên, bao gồm các khâu đánh giá, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chương trình trong quá trình thực hiện.

 Dựa trên nội dung và yêu cầu cần đạt của chương trình giáo dục phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức xây dựng chương trình giáo dục dành cho các đối tượng chuyên biệt (học sinh giỏi, học sinh khuyết tật, học sinh có hoàn cảnh khó khăn); các trường xây dựng kế hoạch giáo dục riêng cho trường mình một cách linh hoạt, mềm dẻo, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của địa phương, bảo đảm mục tiêu và chất lượng giáo dục.

 Trong quá trình thực hiện, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức khảo sát thực tế, tham khảo ý kiến các cơ quan quản lí giáo dục, các trường, cán bộ quản lí, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh và những người quan tâm để đánh giá chương trình, xem xét, điều chỉnh, xây dựng chương trình các môn học mới (nếu cần thiết) và hướng dẫn thực hiện các điều chỉnh (nếu có).

  1. GIẢI THÍCH CHƯƠNG TRÌNH
  2. Giải thích thuật ngữ

 Trong chương trình giáo dục phổ thông, các thuật ngữ dưới đây được hiểu như sau:

  1. a) Chương trình tổng thể: là văn bản quy định những vấn đề chung nhất, có tính chất định hướng của chương trình giáo dục phổ thông, bao gồm: quan điểm xây dựng chương trình, mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông và mục tiêu chương trình từng cấp học, yêu cầu cần đạt về phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi của học sinh cuối mỗi cấp học, hệ thống môn học và hoạt động giáo dục, thời lượng của từng môn học và hoạt động giáo dục, định hướng nội dung giáo dục bắt buộc ở từng cấp học đối với tất cả học sinh trên phạm vi toàn quốc, định hướng về phương pháp giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục, điều kiện thực hiện chương trình giáo dục phổ thông.
  2. b) Chương trình môn học và hoạt động giáo dục: là văn bản xác định vị trí, vai trò môn học và hoạt động giáo dục trong thực hiện mục tiêu giáo dục phổ thông, mục tiêu và yêu cầu cần đạt, nội dung giáo dục cốt lõi của môn học và hoạt động giáo dục ở mỗi lớp học hoặc cấp học đối với tất cả học sinh trên phạm vi toàn quốc, định hướng kế hoạch dạy học môn học và hoạt động giáo dục ở mỗi lớp và mỗi cấp học, phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục, đánh giá kết quả giáo dục của môn học và hoạt động giáo dục.
  3. c) Dạy học phân hoá: là định hướng dạy học phù hợp với các đối tượng học sinh khác nhau, nhằm phát triển tối đa tiềm năng vốn có của mỗi học sinh dựa vào đặc điểm tâm – sinh lí, khả năng, nhu cầu, hứng thú và định hướng nghề nghiệp khác nhau của học sinh.
  4. d) Dạy học tích hợp: là định hướng dạy học giúp học sinh phát triển khả năng huy động tổng hợp kiến thức, kĩ năng,… thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau để giải quyết có hiệu quả các vấn đề trong học tập và trong cuộc sống, được thực hiện ngay trong quá trình lĩnh hội tri thức và rèn luyện kĩ năng.

 đ) Giai đoạn giáo dục cơ bản: là giai đoạn giáo dục gồm 9 năm đầu tiên của giáo dục phổ thông (từ lớp 1 đến lớp 9) nhằm trang bị cho học sinh tri thức, kĩ năng nền tảng; hình thành, phát triển các phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi; chuẩn bị tâm thế cho việc thích ứng với những thay đổi nhanh chóng và nhiều mặt của xã hội tương lai; đáp ứng yêu cầu phân luồng sau trung học cơ sở theo các hướng: học lên trung học phổ thông, học nghề hoặc tham gia cuộc sống lao động.

  1. e) Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp: là giai đoạn giáo dục 3 năm cuối của giáo dục phổ thông (từ lớp 10 đến lớp 12) nhằm phát triển năng lực theo sở trường, nguyện vọng của từng học sinh, bảo đảm học sinh tiếp cận nghề nghiệp, chuẩn bị cho giai đoạn học sau giáo dục phổ thông có chất lượng hoặc tham gia cuộc sống lao động.
  2. g) Giáo dục STEM: là mô hình giáo dục dựa trên cách tiếp cận liên môn, giúp học sinh áp dụng các kiến thức khoa học, công nghệ, kĩ thuật và toán học vào giải quyết một số vấn đề thực tiễn trong bối cảnh cụ thể.
  3. h) Môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc: là môn học mà mọi học sinh đều phải học và hoạt động giáo dục mà mọi học sinh đều phải tham gia.
  4. i) Môn học lựa chọn: là môn học được học sinh chọn theo định hướng nghề nghiệp.
  5. k) Môn học tự chọn: là môn học không bắt buộc, được học sinh chọn theo nguyện vọng.
  6. l) Năng lực: là thuộc tính cá nhân được hình thành, phát triển nhờ tố chất sẵn có và quá trình học tập, rèn luyện, cho phép con người huy động tổng hợp các kiến thức, kĩ năng và các thuộc tính cá nhân khác như hứng thú, niềm tin, ý chí,… thực hiện thành công một loại hoạt động nhất định, đạt kết quả mong muốn trong những điều kiện cụ thể.
  7. m) Năng lực cốt lõi: là năng lực cơ bản, thiết yếu mà bất kì ai cũng cần phải có để sống, học tập và làm việc hiệu quả.
  8. n) Năng khiếu: là những năng lực đặc biệt về trí tuệ, văn nghệ, thể thao, kĩ năng sống,… nhờ tố chất sẵn có ở mỗi người.
  9. o) Phẩm chất: là những tính tốt thể hiện ở thái độ, hành vi ứng xử của con người; cùng với năng lực tạo nên nhân cách con người.
  10. p) Yêu cầu cần đạt: là kết quả mà học sinh cần đạt được về phẩm chất và năng lực sau mỗi cấp học, lớp học ở từng môn học và hoạt động giáo dục; trong đó, mỗi cấp học, lớp học sau đều có những yêu cầu riêng cao hơn, đồng thời bao gồm những yêu cầu đối với các cấp học, lớp học trước đó.
  11. Yêu cầu cần đạt về phẩm chất chủ yếu của học sinh
Phẩm chất Cấp tiểu học Cấp trung học cơ sở Cấp trung học phổ thông
Yêu nước
  – Yêu thiên nhiên và có những việc làm thiết thực bảo vệ thiên nhiên.

 – Yêu quê hương, yêu Tổ quốc, tôn trọng các biểu trưng của đất nước.

 – Kính trọng, biết ơn người lao động, người có công với quê hương, đất nước; tham gia các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa đối với những người có công với quê hương, đất nước.

– Tích cực, chủ động tham gia các hoạt động bảo vệ thiên nhiên.

 – Có ý thức tìm hiểu truyền thống của gia đình, dòng họ, quê hương; tích cực học tập, rèn luyện để phát huy truyền thống của gia đình, dòng họ, quê hương.

 – Có ý thức bảo vệ các di sản văn hoá, tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị của di sản văn hoá.

– Tích cực, chủ động vận động người khác tham gia các hoạt động bảo vệ thiên nhiên.

 – Tự giác thực hiện và vận động người khác thực hiện các quy định của pháp luật, góp phần bảo vệ và xây dựng Nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

 – Chủ động, tích cực tham gia và vận động người khác tham gia các hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị các di sản văn hoá.

 – Đấu tranh với các âm mưu, hành động xâm phạm lãnh thổ, biên giới quốc gia, các vùng biển thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của quốc gia bằng thái độ và việc làm phù hợp với lứa tuổi, với quy định của pháp luật.

 – Sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc.

Nhân ái
Yêu quý mọi người – Yêu thương, quan tâm, chăm sóc người thân trong gia đình.

 – Yêu quý bạn bè, thầy cô; quan tâm, động viên, khích lệ bạn bè.

 – Tôn trọng người lớn tuổi; giúp đỡ người già, người ốm yếu, người khuyết tật; nhường nhịn và giúp đỡ em nhỏ.

 – Biết chia sẻ với những bạn có hoàn cảnh khó khăn, các bạn ở vùng sâu, vùng xa, người khuyết tật và đồng bào bị ảnh hưởng của thiên tai.

– Trân trọng danh dự, sức khoẻ và cuộc sống riêng tư của người khác.

 – Không đồng tình với cái ác, cái xấu; không cổ xuý, không tham gia các hành vi bạo lực; sẵn sàng bênh vực người yếu thế, thiệt thòi,…

 – Tích cực, chủ động tham gia các hoạt động từ thiện và hoạt động phục vụ cộng đồng.

– Quan tâm đến mối quan hệ hài hoà với những người khác.

 – Tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của mọi người; đấu tranh với những hành vi xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

 – Chủ động, tích cực vận động người khác tham gia các hoạt động từ thiện và hoạt động phục vụ cộng đồng.

Tôn trọng sự khác biệt giữa mọi người – Tôn trọng sự khác biệt của bạn bè trong lớp về cách ăn mặc, tính nết và hoàn cảnh gia đình.

 – Không phân biệt đối xử, chia rẽ các bạn.

 – Sẵn sàng tha thứ cho những hành vi có lỗi của bạn.

– Tôn trọng sự khác biệt về nhận thức, phong cách cá nhân của những người khác.

 – Tôn trọng sự đa dạng về văn hoá của các dân tộc trong cộng đồng dân tộc Việt Nam và các dân tộc khác.

 – Cảm thông và sẵn sàng giúp đỡ mọi người.

– Tôn trọng sự khác biệt về lựa chọn nghề nghiệp, hoàn cảnh sống, sự đa dạng văn hoá cá nhân.

 – Có ý thức học hỏi các nền văn hoá trên thế giới.

 – Cảm thông, độ lượng với những hành vi, thái độ có lỗi của người khác.

Chăm chỉ
Ham học – Đi học đầy đủ, đúng giờ.

 – Thường xuyên hoàn thành nhiệm vụ học tập.

 – Ham học hỏi, thích đọc sách để mở rộng hiểu biết.

 – Có ý thức vận dụng kiến thức, kĩ năng học được ở nhà trường vào đời sống hằng ngày.

– Luôn cố gắng vươn lên đạt kết quả tốt trong học tập.

 – Thích đọc sách, báo, tìm tư liệu trên mạng Internet để mở rộng hiểu biết.

 – Có ý thức vận dụng kiến thức, kĩ năng học được ở nhà trường, trong sách báo và từ các nguồn tin cậy khác vào học tập và đời sống hằng ngày.

– Có ý thức đánh giá điểm mạnh, điểm yếu của bản thân, thuận lợi, khó khăn trong học tập để xây dựng kế hoạch học tập.

 – Tích cực tìm tòi và sáng tạo trong học tập; có ý chí vượt qua khó khăn để đạt kết quả tốt trong học tập.

Chăm làm – Thường xuyên tham gia các công việc của gia đình vừa sức với bản thân.

 – Thường xuyên tham gia các công việc của trường lớp, cộng đồng vừa sức với bản thân.

– Tham gia công việc lao động, sản xuất trong gia đình theo yêu cầu thực tế, phù hợp với khả năng và điều kiện của bản thân.

 – Luôn cố gắng đạt kết quả tốt trong lao động ở trường lớp, cộng đồng.

 – Có ý thức học tốt các môn học, các nội dung hướng nghiệp; có hiểu biết về một nghề phổ thông.

– Tích cực tham gia và vận động mọi người tham gia các công việc phục vụ cộng đồng.

 – Có ý chí vượt qua khó khăn để đạt kết quả tốt trong lao động.

 – Tích cực học tập, rèn luyện để chuẩn bị cho nghề nghiệp tương lai.

Trung thực
  – Thật thà, ngay thẳng trong học tập, lao động và sinh hoạt hằng ngày; mạnh dạn nói lên ý kiến của mình.

 – Luôn giữ lời hứa; mạnh dạn nhận lỗi, sửa lỗi và bảo vệ cái đúng, cái tốt.

 – Không tự tiện lấy đồ vật, tiền bạc của người thân, bạn bè, thầy cô và những người khác.

 – Không đồng tình với các hành vi thiếu trung thực trong học tập và trong cuộc sống.

– Luôn thống nhất giữa lời nói với việc làm.

 – Nghiêm túc nhìn nhận những khuyết điểm của bản thân và chịu trách nhiệm về mọi lời nói, hành vi của bản thân.

 – Tôn trọng lẽ phải; bảo vệ điều hay, lẽ phải trước mọi người; khách quan, công bằng trong nhận thức, ứng xử.

 – Không xâm phạm của công.

 – Đấu tranh với các hành vi thiếu trung thực trong học tập và trong cuộc sống.

– Nhận thức và hành động theo lẽ phải.

 – Sẵn sàng đấu tranh bảo vệ lẽ phải, bảo vệ người tốt, điều tốt.

 -Tự giác tham gia và vận động người khác tham gia phát hiện, đấu tranh với các hành vi thiếu trung thực trong học tập và trong cuộc sống, các hành vi vi phạm chuẩn mực đạo đức và quy định của pháp luật.

Trách nhiệm
Có trách nhiệm với bản thân – Có ý thức giữ gìn vệ sinh, rèn luyện thân thể, chăm sóc sức khoẻ.

 – Có ý thức sinh hoạt nền nếp.

– Có thói quen giữ gìn vệ sinh, rèn luyện thân thể, chăm sóc sức khoẻ.

 – Có ý thức bảo quản và sử dụng hợp lí đồ dùng của bản thân.

 – Có ý thức tiết kiệm thời gian; sử dụng thời gian hợp lí; xây dựng và thực hiện chế độ học tập, sinh hoạt hợp lí.

 – Không đổ lỗi cho người khác; có ý thức và tìm cách khắc phục hậu quả do mình gây ra.

– Tích cực, tự giác và nghiêm túc rèn luyện, tu dưỡng đạo đức của bản thân.

 – Có ý thức sử dụng tiền hợp lí khi ăn uống, mua sắm đồ dùng học tập, sinh hoạt.

 – Sẵn sàng chịu trách nhiệm về những lời nói và hành động của bản thân.

Có trách nhiệm với gia đình – Có ý thức bảo quản, giữ gìn đồ dùng cá nhân và gia đình.

 – Không bỏ thừa đồ ăn, thức uống; có ý thức tiết kiệm tiền bạc, điện nước trong gia đình.

– Quan tâm đến các công việc của gia đình.

 – Có ý thức tiết kiệm trong chi tiêu của cá nhân và gia đình.

– Có ý thức làm tròn bổn phận với người thân và gia đình.

 – Quan tâm bàn bạc với người thân, xây dựng và thực hiện kế hoạch chi tiêu hợp lí trong gia đình.

Có trách nhiệm với nhà trường và xã hội – Tự giác thực hiện nghiêm túc nội quy của nhà trường và các quy định, quy ước của tập thể; giữ vệ sinh chung; bảo vệ của công.

 – Không gây mất trật tự, cãi nhau, đánh nhau.

 – Nhắc nhở bạn bè chấp hành nội quy trường lớp; nhắc nhở người thân chấp hành các quy định, quy ước nơi công cộng.

 – Có trách nhiệm với công việc được giao ở trường, ở lớp.

 – Tích cực tham gia các hoạt động tập thể, hoạt động xã hội phù hợp với lứa tuổi.

– Quan tâm đến các công việc của cộng đồng; tích cực tham gia các hoạt động tập thể, hoạt động phục vụ cộng đồng.

 – Tôn trọng và thực hiện nội quy nơi công cộng; chấp hành tốt pháp luật về giao thông; có ý thức khi tham gia các sinh hoạt cộng đồng, lễ hội tại địa phương

 – Không đồng tình với những hành vi không phù hợp với nếp sống văn hoá và quy định ở nơi công cộng.

 – Tham gia, kết nối Internet và mạng xã hội đúng quy định; không tiếp tay cho kẻ xấu phát tán thông tin ảnh hưởng đến danh dự của tổ chức, cá nhân hoặc ảnh hưởng đến nếp sống văn hoá, trật tự an toàn xã hội.

– Tích cực tham gia và vận động người khác tham gia các hoạt động công ích.

 – Tích cực tham gia và vận động người khác tham gia các hoạt động tuyên truyền pháp luật.

 – Đánh giá được hành vi chấp hành kỉ luật, pháp luật của bản thân và người khác; đấu tranh phê bình các hành vi vô kỉ luật, vi phạm pháp luật.

Có trách nhiệm với môi trường sống – Có ý thức chăm sóc, bảo vệ cây xanh và các con vật có ích.

 – Có ý thức giữ vệ sinh môi trường, không xả rác bừa bãi.

 – Không đồng tình với những hành vi xâm hại thiên nhiên.

– Sống hoà hợp, thân thiện với thiên nhiên.

 – Có ý thức tìm hiểu và sẵn sàng tham gia các hoạt động tuyên truyền, chăm sóc, bảo vệ thiên nhiên; phản đối những hành vi xâm hại thiên nhiên.

 – Có ý thức tìm hiểu và sẵn sàng tham gia các hoạt động tuyên truyền về biến đổi khí hậu và ứng phó với biến đổi khí hậu.

– Hiểu rõ ý nghĩa của tiết kiệm đối với sự phát triển bền vững; có ý thức tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên; đấu tranh ngăn chặn các hành vi sử dụng bừa bãi, lãng phí vật dụng, tài nguyên.

 – Chủ động, tích cực tham gia và vận động người khác tham gia các hoạt động tuyên truyền, chăm sóc, bảo vệ thiên nhiên, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

  1. Yêu cầu cần đạt về năng lực chung của học sinh
Năng lực Cấp tiểu học Cấp trung học cơ sở Cấp trung học phổ thông
Năng lực tự chủ và tự học
Tự lực Tự làm được những việc của mình ở nhà và ở trường theo sự phân công, hướng dẫn. Biết chủ động, tích cực thực hiện những công việc của bản thân trong học tập và trong cuộc sống; không đồng tình với những hành vi sống dựa dẫm, ỷ lại. Luôn chủ động, tích cực thực hiện những công việc của bản thân trong học tập và trong cuộc sống; biết giúp đỡ người sống ỷ lại vươn lên để có lối sống tự lực.
Tự khẳng định và bảo vệ quyền, nhu cầu chính đáng Có ý thức về quyền và mong muốn của bản thân; bước đầu biết cách trình bày và thực hiện một số quyền lợi và nhu cầu chính đáng. Hiểu biết về quyền, nhu cầu cá nhân; biết phân biệt quyền, nhu cầu chính đáng và không chính đáng. Biết khẳng định và bảo vệ quyền, nhu cầu cá nhân phù hợp với đạo đức và pháp luật.
Tự điều chỉnh tình cảm, thái độ, hành vi của mình – Nhận biết và bày tỏ được tình cảm, cảm xúc của bản thân; biết chia sẻ tình cảm, cảm xúc của bản thân với người khác.

 – Hoà nhã với mọi người; không nói hoặc làm những điều xúc phạm người khác.

 – Thực hiện đúng kế hoạch học tập, lao động; không mải chơi, làm ảnh hưởng đến việc học và các việc khác.

– Nhận biết tình cảm, cảm xúc của bản thân và hiểu được ảnh hưởng của tình cảm, cảm xúc đến hành vi.

 – Biết làm chủ tình cảm, cảm xúc để có hành vi phù hợp trong học tập và đời sống; không đua đòi ăn diện lãng phí, nghịch ngợm, càn quấy; không cổ vũ hoặc làm những việc xấu.

 – Biết thực hiện kiên trì kế hoạch học tập, lao động.

– Đánh giá được những ưu điểm và hạn chế về tình cảm, cảm xúc của bản thân; tự tin, lạc quan.

 – Biết tự điều chỉnh tình cảm, thái độ, hành vi của bản thân; luôn bình tĩnh và có cách cư xử đúng.

 – Sẵn sàng đón nhận và quyết tâm vượt qua thử thách trong học tập và đời sống.

 – Biết tránh các tệ nạn xã hội.

Thích ứng với cuộc sống – Tìm được những cách giải quyết khác nhau cho cùng một vấn đề.

 – Thực hiện được các nhiệm vụ khác nhau với những yêu cầu khác nhau.

– Vận dụng được một cách linh hoạt những kiến thức, kĩ năng đã học hoặc kinh nghiệm đã có để giải quyết vấn đề trong những tình huống mới.

 – Bình tĩnh trước những thay đổi bất ngờ của hoàn cảnh; kiên trì vượt qua khó khăn để hoàn thành công việc cần thiết đã định.

– Điều chỉnh được hiểu biết, kĩ năng, kinh nghiệm của cá nhân cần cho hoạt động mới, môi trường sống mới.

 – Thay đổi được cách tư duy, cách biểu hiện thái độ, cảm xúc của bản thân để đáp ứng với yêu cầu mới, hoàn cảnh mới

Định hướng nghề nghiệp – Bộc lộ được sở thích, khả năng của bản thân.

 – Biết tên, hoạt động chính và vai trò của một số nghề nghiệp; liên hệ được những hiểu biết đó với nghề nghiệp của người thân trong gia đình.

– Nhận thức được sở thích, khả năng của bản thân.

 – Hiểu được vai trò của các hoạt động kinh tế trong đời sống xã hội.

 – Nắm được một số thông tin chính về các ngành nghề ở địa phương, ngành nghề thuộc các lĩnh vực sản xuất chủ yếu; lựa chọn được hướng phát triển phù hợp sau trung học cơ sở.

– Nhận thức được cá tính và giá trị sống của bản thân.

 – Nắm được những thông tin chính về thị trường lao động, về yêu cầu và triển vọng của các ngành nghề.

 – Xác định được hướng phát triển phù hợp sau trung học phổ thông; lập được kế hoạch, lựa chọn học các môn học phù hợp với định hướng nghề nghiệp của bản thân.

Tự học, tự hoàn thiện – Có ý thức tổng kết và trình bày được những điều đã học.

 – Nhận ra và sửa chữa sai sót trong bài kiểm tra qua lời nhận xét của thầy cô.

 – Có ý thức học hỏi thầy cô, bạn bè và người khác để củng cố và mở rộng hiểu biết.

 – Có ý thức học tập và làm theo những gương người tốt.

– Tự đặt được mục tiêu học tập để nỗ lực phấn đấu thực hiện.

 – Biết lập và thực hiện kế hoạch học tập; lựa chọn được các nguồn tài liệu học tập phù hợp; lưu giữ thông tin có chọn lọc bằng ghi tóm tắt, bằng bản đồ khái niệm, bảng, các từ khoá; ghi chú bài giảng của giáo viên theo các ý chính.

 – Nhận ra và điều chỉnh được những sai sót, hạn chế của bản thân khi được giáo viên, bạn bè góp ý; chủ động tìm kiếm sự hỗ trợ của người khác khi gặp khó khăn trong học tập.

 – Biết rèn luyện, khắc phục những

 hạn chế của bản thân hướng tới các giá trị xã hội.

– Xác định được nhiệm vụ học tập dựa trên kết quả đã đạt được; biết đặt mục tiêu học tập chi tiết, cụ thể, khắc phục những hạn chế.

 – Đánh giá và điều chỉnh được kế hoạch học tập; hình thành cách học riêng của bản thân; tìm kiếm, đánh giá và lựa chọn được nguồn tài liệu phù hợp với mục đích, nhiệm vụ học tập khác nhau; ghi chép thông tin bằng các hình thức phù hợp, thuận lợi cho việc ghi nhớ, sử dụng, bổ sung khi cần thiết.

 – Tự nhận ra và điều chỉnh được những sai sót, hạn chế của bản thân trong quá trình học tập; suy ngẫm cách học của mình, rút kinh nghiệm để có thể vận dụng vào các tình huống khác; biết tự điều chỉnh cách học.

 – Biết thường xuyên tu dưỡng theo mục tiêu phấn đấu cá nhân và các giá trị công dân.

Năng lực giao tiếp và hợp tác
Xác định mục đích, nội dung, phương tiện và thái độ giao tiếp – Nhận ra được ý nghĩa của giao tiếp trong việc đáp ứng các nhu cầu của bản thân.

 – Tiếp nhận được những văn bản về đời sống, tự nhiên và xã hội có sử dụng ngôn ngữ kết hợp với hình ảnh như truyện tranh, bài viết đơn giản.

 – Bước đầu biết sử dụng ngôn ngữ kết hợp với hình ảnh, cử chỉ để trình bày thông tin và ý tưởng.

 – Tập trung chú ý khi giao tiếp; nhận ra được thái độ của đối tượng giao tiếp.

– Biết đặt ra mục đích giao tiếp và hiểu được vai trò quan trọng của việc đặt mục tiêu trước khi giao tiếp.

 – Hiểu được nội dung và phương thức giao tiếp cần phù hợp với mục đích giao tiếp và biết vận dụng để giao tiếp hiệu quả.

 – Tiếp nhận được các văn bản về những vấn đề đơn giản của đời sống, khoa học, nghệ thuật, có sử dụng ngôn ngữ kết hợp với biểu đồ, số liệu, công thức, kí hiệu, hình ảnh.

 – Biết sử dụng ngôn ngữ kết hợp với biểu đồ, số liệu, công thức, kí hiệu, hình ảnh để trình bày thông tin, ý tưởng và thảo luận những vấn đề đơn giản về đời sống, khoa học, nghệ thuật.

 – Biết lắng nghe và có phản hồi tích cực trong giao tiếp; nhận biết được ngữ cảnh giao tiếp và đặc điểm, thái độ của đối tượng giao tiếp.

– Xác định được mục đích giao tiếp phù hợp với đối tượng và ngữ cảnh giao tiếp; dự kiến được thuận lợi, khó khăn để đạt được mục đích trong giao tiếp.

 – Biết lựa chọn nội dung, kiểu loại văn bản, ngôn ngữ và các phương tiện giao tiếp khác phù hợp với ngữ cảnh và đối tượng giao tiếp.

 – Tiếp nhận được các văn bản về những vấn đề khoa học, nghệ thuật phù hợp với khả năng và định hướng nghề nghiệp của bản thân, có sử dụng ngôn ngữ kết hợp với các loại phương tiện phi ngôn ngữ đa dạng.

 – Biết sử dụng ngôn ngữ kết hợp với các loại phương tiện phi ngôn ngữ đa dạng để trình bày thông tin, ý tưởng và để thảo luận, lập luận, đánh giá về các vấn đề trong khoa học, nghệ thuật phù hợp với khả năng và định hướng nghề nghiệp.

 – Biết chủ động trong giao tiếp; tự tin và biết kiểm soát cảm xúc, thái độ khi nói trước nhiều người.

Thiết lập, phát triển các quan hệ xã hội; điều chỉnh và hoá giải các mâu thuẫn – Biết cách kết bạn và giữ gìn tình bạn.

 – Nhận ra được những bất đồng, xích mích giữa bản thân với bạn hoặc giữa các bạn với nhau; biết nhường bạn hoặc thuyết phục bạn.

– Biết cách thiết lập, duy trì và phát triển các mối quan hệ với các thành viên của cộng đồng (họ hàng, bạn bè, hàng xóm,…).

 – Nhận biết được mâu thuẫn giữa bản thân với người khác hoặc giữa những người khác với nhau; có thiện chí dàn xếp và biết cách dàn xếp mâu thuẫn.

– Nhận biết và thấu cảm được suy nghĩ, tình cảm, thái độ của người khác.

 – Xác định đúng nguyên nhân mâu thuẫn giữa bản thân với người khác hoặc giữa những người khác với nhau và biết cách hoá giải mâu thuẫn.

Xác định mục đích và phương thức hợp tác Có thói quen trao đổi, giúp đỡ nhau trong học tập; biết cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ học tập theo sự hướng dẫn của thầy cô. Biết chủ động đề xuất mục đích hợp tác khi được giao nhiệm vụ; biết xác định được những công việc có thể hoàn thành tốt nhất bằng hợp tác theo nhóm. Biết chủ động đề xuất mục đích hợp tác để giải quyết một vấn đề do bản thân và những người khác đề xuất; biết lựa chọn hình thức làm việc nhóm với quy mô phù hợp với yêu cầu và nhiệm vụ.
Xác định trách nhiệm và hoạt động của bản thân Hiểu được nhiệm vụ của nhóm và trách nhiệm, hoạt động của bản thân trong nhóm sau khi được hướng dẫn, phân công. Hiểu rõ nhiệm vụ của nhóm; đánh giá được khả năng của mình và tự nhận công việc phù hợp với bản thân. Phân tích được các công việc cần thực hiện để hoàn thành nhiệm vụ của nhóm; sẵn sàng nhận công việc khó khăn của nhóm.
Xác định nhu cầu và khả năng của người hợp tác Nhận biết được một số đặc điểm nổi bật của các thành viên trong nhóm để đề xuất phương án phân công công việc phù hợp. Đánh giá được nguyện vọng, khả năng của từng thành viên trong nhóm để đề xuất phương án tổ chức hoạt động hợp tác. Qua theo dõi, đánh giá được khả năng hoàn thành công việc của từng thành viên trong nhóm để đề xuất điều chỉnh phương án phân công công việc và tổ chức hoạt động hợp tác.
Tổ chức và thuyết phục người khác Biết cố gắng hoàn thành phần việc mình được phân công và chia sẻ giúp đỡ thành viên khác cùng hoàn thành việc được phân công. Biết chủ động và gương mẫu hoàn thành phần việc được giao, góp ý điều chỉnh thúc đẩy hoạt động chung; khiêm tốn học hỏi các thành viên trong nhóm. Biết theo dõi tiến độ hoàn thành công việc của từng thành viên và cả nhóm để điều hoà hoạt động phối hợp; biết khiêm tốn tiếp thu sự góp ý và nhiệt tình chia sẻ, hỗ trợ các thành viên trong nhóm.
Đánh giá hoạt động hợp tác Báo cáo được kết quả thực hiện nhiệm vụ của cả nhóm; tự nhận xét được ưu điểm, thiếu sót của bản thân theo hướng dẫn của thầy cô. Nhận xét được ưu điểm, thiếu sót của bản thân, của từng thành viên trong nhóm và của cả nhóm trong công việc. Căn cứ vào mục đích hoạt động của các nhóm, đánh giá được mức độ đạt mục đích của cá nhân, của nhóm và nhóm khác; rút kinh nghiệm cho bản thân và góp ý được cho từng người trong nhóm.
Hội nhập quốc tế – Có hiểu biết ban đầu về một số nước trong khu vực và trên thế giới.

 – Biết tham gia một số hoạt động hội nhập quốc tế theo hướng dẫn của nhà trường.

– Có hiểu biết cơ bản về quan hệ giữa Việt Nam với một số nước trên thế giới và về một số tổ chức quốc tế có quan hệ thường xuyên với Việt Nam.

 – Biết tích cực tham gia một số hoạt động hội nhập quốc tế phù hợp với bản thân và đặc điểm của nhà trường, địa phương.

– Có hiểu biết cơ bản về hội nhập quốc tế.

 – Biết chủ động, tự tin trong giao tiếp với bạn bè quốc tế; biết chủ động, tích cực tham gia một số hoạt động hội nhập quốc tế phù hợp với bản thân và đặc điểm của nhà trường, địa phương.

 – Biết tìm đọc tài liệu nước ngoài phục vụ công việc học tập và định hướng nghề nghiệp của mình và bạn bè.

Năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo
Nhận ra ý tưởng mới Biết xác định và làm rõ thông tin, ý tưởng mới đối với bản thân từ các nguồn tài liệu cho sẵn theo hướng dẫn. Biết xác định và làm rõ thông tin, ý tưởng mới; biết phân tích, tóm tắt những thông tin liên quan từ nhiều nguồn khác nhau. Biết xác định và làm rõ thông tin, ý tưởng mới và phức tạp từ các nguồn thông tin khác nhau; biết phân tích các nguồn thông tin độc lập để thấy được khuynh hướng và độ tin cậy của ý tưởng mới.
Phát hiện và làm rõ vấn đề Biết thu nhận thông tin từ tình huống, nhận ra những vấn đề đơn giản và đặt được câu hỏi. Phân tích được tình huống trong học tập; phát hiện và nêu được tình huống có vấn đề trong học tập. Phân tích được tình huống trong học tập, trong cuộc sống; phát hiện và nêu được tình huống có vấn đề trong học tập, trong cuộc sống.
Hình thành và triển khai ý tưởng mới Dựa trên hiểu biết đã có, biết hình thành ý tưởng mới đối với bản thân và dự đoán được kết quả khi thực hiện. Phát hiện yếu tố mới, tích cực trong những ý kiến của người khác; hình thành ý tưởng dựa trên các nguồn thông tin đã cho; đề xuất giải pháp cải tiến hay thay thế các giải pháp không còn phù hợp; so sánh và bình luận được về các giải pháp đề xuất. Nêu được nhiều ý tưởng mới trong học tập và cuộc sống; suy nghĩ không theo lối mòn; tạo ra yếu tố mới dựa trên những ý tưởng khác nhau; hình thành và kết nối các ý tưởng; nghiên cứu để thay đổi giải pháp trước sự thay đổi của bối cảnh; đánh giá rủi ro và có dự phòng.
Đề xuất, lựa chọn giải pháp Nêu được cách thức giải quyết vấn đề đơn giản theo hướng dẫn. Xác định được và biết tìm hiểu các thông tin liên quan đến vấn đề; đề xuất được giải pháp giải quyết vấn đề. Biết thu thập và làm rõ các thông tin có liên quan đến vấn đề; biết đề xuất và phân tích được một số giải pháp giải quyết vấn đề; lựa chọn được giải pháp phù hợp nhất.
Thiết kế và tổ chức hoạt động – Xác định được nội dung chính và cách thức hoạt động để đạt mục tiêu đặt ra theo hướng dẫn.

 – Nhận xét được ý nghĩa của các hoạt động.

– Lập được kế hoạch hoạt động với mục tiêu, nội dung, hình thức hoạt động phù hợp.

 – Biết phân công nhiệm vụ phù hợp cho các thành viên tham gia hoạt động.

 – Đánh giá được sự phù hợp hay không phù hợp của kế hoạch, giải pháp và việc thực hiện kế hoạch, giải pháp.

– Lập được kế hoạch hoạt động có mục tiêu, nội dung, hình thức, phương tiện hoạt động phù hợp;

 – Tập hợp và điều phối được nguồn lực (nhân lực, vật lực) cần thiết cho hoạt động.

 – Biết điều chỉnh kế hoạch và việc thực hiện kế hoạch, cách thức và tiến trình giải quyết vấn đề cho phù hợp với hoàn cảnh để đạt hiệu quả cao.

 – Đánh giá được hiệu quả của giải pháp và hoạt động.

Tư duy độc lập Nêu được thắc mắc về sự vật, hiện tượng xung quanh; không e ngại nêu ý kiến cá nhân trước các thông tin khác nhau về sự vật, hiện tượng; sẵn sàng thay đổi khi nhận ra sai sót. Biết đặt các câu hỏi khác nhau về một sự vật, hiện tượng, vấn đề; biết chú ý lắng nghe và tiếp nhận thông tin, ý tưởng với sự cân nhắc, chọn lọc; biết quan tâm tới các chứng cứ khi nhìn nhận, đánh giá sự vật, hiện tượng; biết đánh giá vấn đề, tình huống dưới những góc nhìn khác nhau. Biết đặt nhiều câu hỏi có giá trị, không dễ dàng chấp nhận thông tin một chiều; không thành kiến khi xem xét, đánh giá vấn đề; biết quan tâm tới các lập luận và minh chứng thuyết phục; sẵn sàng xem xét, đánh giá lại vấn đề.
  1. Yêu cầu cần đạt về năng lực đặc thù của học sinh
  2. a) Năng lực ngôn ngữ

 Năng lực ngôn ngữ của học sinh bao gồm năng lực sử dụng tiếng Việt và năng lực sử dụng ngoại ngữ; mỗi năng lực được thể hiện qua các hoạt động: nghe, nói, đọc, viết.

 Yêu cầu cần đạt về năng lực ngôn ngữ đối với học sinh mỗi lớp học, cấp học được quy định trong chương trình môn Ngữ văn, chương trình môn Ngoại ngữ và được thực hiện trong toàn bộ các môn học, hoạt động giáo dục, phù hợp với đặc điểm của mỗi môn học và hoạt động giáo dục, trong đó môn Ngữ văn và môn Ngoại ngữ là chủ đạo.

  1. b) Năng lực tính toán

 Năng lực tính toán của học sinh được thể hiện qua các hoạt động sau đây:

 – Nhận thức kiến thức toán học;

 – Tư duy toán học;

 – Vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học.

 Năng lực tính toán được hình thành, phát triển ở nhiều môn học, hoạt động giáo dục, phù hợp với đặc điểm của mỗi môn học và hoạt động giáo dục. Biểu hiện tập trung nhất của năng lực tính toán là năng lực toán học, được hình thành và phát triển chủ yếu ở môn Toán. Yêu cầu cần đạt về năng lực toán học đối với học sinh mỗi lớp học, cấp học được quy định trong chương trình môn Toán.

  1. c) Năng lực khoa học

 Năng lực khoa học của học sinh được thể hiện qua các hoạt động sau đây:

 – Nhận thức khoa học;

 – Tìm hiểu tự nhiên, tìm hiểu xã hội;

 – Vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học.

 Năng lực khoa học được hình thành, phát triển ở nhiều môn học, hoạt động giáo dục, phù hợp với đặc điểm của mỗi môn học và hoạt động giáo dục, trong đó các môn học chủ đạo là: Tự nhiên và Xã hội, Khoa học, Lịch sử và Địa lí (ở cấp tiểu học); Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí (ở cấp trung học cơ sở); Vật lí, Hoá học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật (ở cấp trung học phổ thông). Chương trình mỗi môn học, hoạt động giáo dục giúp học sinh tiếp tục phát triển năng lực khoa học với mức độ chuyên sâu được nâng cao dần qua các cấp học (năng lực khoa học; năng lực khoa học tự nhiên, năng lực khoa học xã hội; năng lực vật lí, năng lực hóa học, năng lực sinh học; năng lực lịch sử và địa lí, năng lực lịch sử, năng lực địa lí).

 Yêu cầu cần đạt về năng lực khoa học đối với học sinh mỗi lớp học, cấp học được quy định trong chương trình các môn Tự nhiên và Xã hội, Khoa học, Lịch sử và Địa lí (ở cấp tiểu học); Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí (ở cấp trung học cơ sở); Vật lí, Hoá học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật (ở cấp trung học phổ thông).

  1. d) Năng lực công nghệ

 Năng lực công nghệ của học sinh được thể hiện qua các hoạt động sau đây:

 – Nhận thức công nghệ;

 – Giao tiếp công nghệ;

 – Sử dụng công nghệ;

 – Đánh giá công nghệ;

 – Thiết kế kĩ thuật.

 Yêu cầu cần đạt về năng lực công nghệ đối với học sinh mỗi lớp học, cấp học được quy định trong chương trình môn Công nghệ và được thực hiện ở chương trình của nhiều môn học, hoạt động giáo dục, phù hợp với đặc điểm của mỗi môn học và hoạt động giáo dục, trong đó môn Công nghệ là chủ đạo.

 đ) Năng lực tin học

 Năng lực tin học của học sinh được thể hiện qua các hoạt động sau đây:

 – Sử dụng và quản lí các phương tiện công nghệ thông tin và truyền thông;

 – Ứng xử phù hợp trong môi trường số;

 – Giải quyết vấn đề với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin và truyền thông;

 – Ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong học và tự học;

 – Hợp tác trong môi trường số.

 Yêu cầu cần đạt về năng lực tin học đối với học sinh mỗi lớp học, cấp học được quy định trong chương trình môn Tin học và được thực hiện trong toàn bộ các chương trình môn học, hoạt động giáo dục, phù hợp với đặc điểm của mỗi môn học và hoạt động giáo dục, trong đó môn Tin học là chủ đạo.

  1. e) Năng lực thẩm mĩ

 Năng lực thẩm mĩ của học sinh bao gồm năng lực âm nhạc, năng lực mĩ thuật, năng lực văn học; mỗi năng lực được thể hiện qua các hoạt động sau đây:

 – Nhận thức các yếu tố thẩm mĩ;

 – Phân tích, đánh giá các yếu tố thẩm mĩ;

 – Tái hiện, sáng tạo và ứng dụng các yếu tố thẩm mĩ.

 Yêu cầu cần đạt về năng lực thẩm mĩ đối với học sinh mỗi lớp học, cấp học được quy định trong chương trình các môn Âm nhạc, Mĩ thuật, Ngữ văn và được thực hiện trong chương trình của nhiều môn học, hoạt động giáo dục, phù hợp với đặc điểm của mỗi môn học và hoạt động giáo dục, trong đó ba môn học đã nêu là chủ đạo.

  1. g) Năng lực thể chất

 Năng lực thể chất của học sinh được thể hiện qua các hoạt động sau đây:

 – Chăm sóc sức khỏe;

 – Vận động cơ bản;

 – Hoạt động thể dục thể thao.

 Yêu cầu cần đạt về năng lực thể chất đối với học sinh mỗi lớp học, cấp học được quy định trong chương trình môn Giáo dục thể chất và được thực hiện trong chương trình của nhiều môn học, hoạt động giáo dục, phù hợp với đặc điểm của mỗi môn học và hoạt động giáo dục, trong đó môn Giáo dục thể chất là chủ đạo.

 CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG

 MÔN NGỮ VĂN

 (Ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

 MỤC LỤC

  1. ĐẶC ĐIỂM MÔN HỌC
  2. QUAN ĐIỂM XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH

 III. MỤC TIÊU CHƯƠNG TRÌNH

  1. YÊU CẦU CẦN ĐẠT
  2. NỘI DUNG GIÁO DỤC

 LỚP 1

 LỚP 2

 LỚP 3

 LỚP 4

 LỚP 5

 LỚP 6

 LỚP 7

 LỚP 8

 LỚP 9

 LỚP 10

 LỚP 11

 LỚP 12

  1. PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC

 VII. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ GIÁO DỤC

 VIII. GIẢI THÍCH VÀ HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

  1. DANH MỤC VĂN BẢN (NGỮ LIỆU) GỢI Ý LỰA CHỌN Ở CÁC LỚP

  

  1. ĐẶC ĐIỂM MÔN HỌC

 Ngữ văn là môn học thuộc lĩnh vực Giáo dục ngôn ngữ và văn học, được học từ lớp 1 đến lớp 12. Ở cấp tiểu học, môn học này có tên là Tiếng Việt; ở cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông có tên là Ngữ văn.

 Ngữ văn là môn học mang tính công cụ và tính thẩm mĩ – nhân văn; giúp học sinh có phương tiện giao tiếp, làm cơ sở để học tập tất cả các môn học và hoạt động giáo dục khác trong nhà trường; đồng thời cũng là công cụ quan trọng để giáo dục học sinh những giá trị cao đẹp về văn hóa, văn học và ngôn ngữ dân tộc; phát triển ở học sinh những cảm xúc lành mạnh, tình cảm nhân văn, lối sống nhân ái, vị tha,…

 Thông qua các văn bản ngôn từ và những hình tượng nghệ thuật sinh động trong các tác phẩm văn học, bằng hoạt động đọc, viết, nói và nghe, môn Ngữ văn có vai trò to lớn trong việc giúp học sinh hình thành và phát triển những phẩm chất tốt đẹp cũng như các năng lực cốt lõi để sống và làm việc hiệu quả, để học suốt đời.

 Nội dung môn Ngữ văn mang tính tổng hợp, bao gồm cả tri thức văn hoá, đạo đức, triết học,… liên quan tới nhiều môn học và hoạt động giáo dục khác như Lịch sử, Địa lí, Nghệ thuật, Giáo dục công dân, Ngoại ngữ, Tự nhiên và Xã hội, Hoạt động trải nghiệm, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp,… Môn Ngữ văn cũng liên quan mật thiết với cuộc sống; giúp học sinh biết quan tâm, gắn bó hơn với đời sống thường nhật, biết liên hệ và có kĩ năng giải quyết các vấn đề nảy sinh trong thực tiễn.

 Nội dung cốt lõi của môn học bao gồm các mạch kiến thức và kĩ năng cơ bản, thiết yếu về tiếng Việt và văn học, đáp ứng các yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực của học sinh ở từng cấp học; được phân chia theo hai giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp.

 Giai đoạn giáo dục cơ bản: Chương trình được thiết kế theo các mạch chính tương ứng với các kĩ năng đọc, viết, nói và nghe. Kiến thức tiếng Việt và văn học được tích hợp trong quá trình dạy học đọc, viết, nói và nghe. Các ngữ liệu được lựa chọn và sắp xếp phù hợp với khả năng tiếp nhận của học sinh ở mỗi cấp học. Mục tiêu của giai đoạn này là giúp học sinh sử dụng tiếng Việt thành thạo để giao tiếp hiệu quả trong cuộc sống và học tập tốt các môn học, hoạt động giáo dục khác; hình thành và phát triển năng lực văn học, một biểu hiện của năng lực thẩm mĩ; đồng thời bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm để học sinh phát triển về tâm hồn, nhân cách.

 Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp: Chương trình củng cố và phát triển các kết quả của giai đoạn giáo dục cơ bản, giúp học sinh nâng cao năng lực ngôn ngữ và năng lực văn học, nhất là tiếp nhận văn bản văn học; tăng cường kĩ năng tạo lập văn bản nghị luận, văn bản thông tin có độ phức tạp hơn về nội dung và kĩ thuật viết; trang bị một số kiến thức lịch sử văn học, lí luận văn học có tác dụng thiết thực đối với việc đọc và viết về văn học; tiếp tục bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm, tâm hồn, nhân cách để học sinh trở thành người công dân có trách nhiệm. Ngoài ra, trong mỗi năm, những học sinh có định hướng khoa học xã hội và nhân văn được chọn học một số chuyên đề học tập. Các chuyên đề này nhằm tăng cường kiến thức về văn học và ngôn ngữ, kĩ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn, đáp ứng sở thích, nhu cầu và định hướng nghề nghiệp của học sinh.

  1. QUAN ĐIỂM XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH

 Chương trình môn Ngữ văn tuân thủ các quy định cơ bản được nêu trong Chương trình tổng thể, đồng thời nhấn mạnh một số quan điểm sau:

  1. Chương trình được xây dựng trên nền tảng lí luận và thực tiễn, cập nhật thành tựu nghiên cứu về giáo dục học, tâm lí học và phương pháp dạy học Ngữ văn; thành tựu nghiên cứu về văn học và ngôn ngữ học; thành tựu văn học Việt Nam qua các thời kì; kinh nghiệm xây dựng chương trình môn Ngữ văn của Việt Nam, đặc biệt từ đầu thế kỉ XXI đến nay và xu thế quốc tế trong phát triển chương trình nói chung, chương trình môn Ngữ văn nói riêng những năm gần đây, nhất là chương trình của những quốc gia phát triển; thực tiễn xã hội, giáo dục, điều kiện kinh tế và truyền thống văn hoá Việt Nam, đặc biệt là sự đa dạng của đối tượng học sinh xét về phương diện vùng miền, điều kiện và khả năng học tập.
  2. Chương trình lấy việc rèn luyện các kĩ năng giao tiếp (đọc, viết, nói và nghe) làm trục chính xuyên suốt cả ba cấp học nhằm đáp ứng yêu cầu của chương trình theo định hướng năng lực và bảo đảm tính chỉnh thể, sự nhất quán liên tục trong tất cả các cấp học, lớp học. Các kiến thức phổ thông cơ bản, nền tảng về tiếng Việt và văn học được hình thành qua hoạt động dạy học tiếp nhận và tạo lập văn bản; phục vụ trực tiếp cho yêu cầu rèn luyện các kĩ năng đọc, viết, nói và nghe.
  3. Chương trình được xây dựng theo hướng mở, thể hiện ở việc không quy định chi tiết về nội dung dạy học mà chỉ quy định những yêu cầu cần đạt về đọc, viết, nói và nghe cho mỗi lớp; quy định một số kiến thức cơ bản, cốt lõi về tiếng Việt, văn học và một số văn bản có vị trí, ý nghĩa quan trọng của văn học dân tộc là nội dung thống nhất bắt buộc đối với học sinh toàn quốc.
  4. Chương trình vừa đáp ứng yêu cầu đổi mới, vừa chú trọng kế thừa và phát huy những ưu điểm của các chương trình môn Ngữ văn đã có, đặc biệt là chương trình hiện hành.

 III. MỤC TIÊU CHƯƠNG TRÌNH

  1. Mục tiêu chung
  2. a) Hình thành và phát triển cho học sinh những phẩm chất chủ yếu: yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực và trách nhiệm; bồi dưỡng tâm hồn, hình thành nhân cách và phát triển cá tính. Môn Ngữ văn giúp học sinh khám phá bản thân và thế giới xung quanh, thấu hiểu con người, có đời sống tâm hồn phong phú, có quan niệm sống và ứng xử nhân văn; có tình yêu đối với tiếng Việt và văn học; có ý thức về cội nguồn và bản sắc của dân tộc, góp phần giữ gìn, phát triển các giá trị văn hoá Việt Nam; có tinh thần tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại và khả năng hội nhập quốc tế.
  3. b) Góp phần giúp học sinh phát triển các năng lực chung: năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo. Đặc biệt, môn Ngữ văn giúp học sinh phát triển năng lực ngôn ngữ và năng lực văn học: rèn luyện các kĩ năng đọc, viết, nói và nghe; có hệ thống kiến thức phổ thông nền tảng về tiếng Việt và văn học, phát triển tư duy hình tượng và tư duy logic, góp phần hình thành học vấn căn bản của một người có văn hoá; biết tạo lập các văn bản thông dụng; biết tiếp nhận, đánh giá các văn bản văn học nói riêng, các sản phẩm giao tiếp và các giá trị thẩm mĩ nói chung trong cuộc sống.
  4. Mục tiêu cấp tiểu học
  5. a) Giúp học sinh hình thành và phát triển những phẩm chất chủ yếu với các biểu hiện cụ thể: yêu thiên nhiên, gia đình, quê hương; có ý thức đối với cội nguồn; yêu thích cái đẹp, cái thiện và có cảm xúc lành mạnh; có hứng thú học tập, ham thích lao động; thật thà, ngay thẳng trong học tập và đời sống; có ý thức thực hiện trách nhiệm đối với bản thân, gia đình, xã hội và môi trường xung quanh.
  6. b) Giúp học sinh bước đầu hình thành các năng lực chung, phát triển năng lực ngôn ngữ ở tất cả các kĩ năng đọc, viết, nói và nghe với mức độ căn bản: đọc đúng, trôi chảy văn bản; hiểu được nội dung, thông tin chính của văn bản; liên hệ, so sánh ngoài văn bản; viết đúng chính tả, ngữ pháp; viết được một số câu, đoạn, bài văn ngắn (chủ yếu là bài văn kể và tả); phát biểu rõ ràng; nghe hiểu ý kiến người nói.

 Phát triển năng lực văn học với yêu cầu phân biệt được thơ và truyện, biết cách đọc thơ và truyện; nhận biết được vẻ đẹp của ngôn từ nghệ thuật; có trí tưởng tượng, hiểu và biết xúc động trước cái đẹp, cái thiện của con người và thế giới xung quanh được thể hiện trong các văn bản văn học.

  1. Mục tiêu cấp trung học cơ sở
  2. a) Giúp học sinh tiếp tục phát triển những phẩm chất tốt đẹp đã được hình thành ở tiểu học; nâng cao và mở rộng yêu cầu phát triển về phẩm chất với các biểu hiện cụ thể như: biết tự hào về lịch sử dân tộc và văn học dân tộc; có ước mơ và khát vọng, có tinh thần tự học và tự trọng, có ý thức công dân, tôn trọng pháp luật.
  3. b) Tiếp tục phát triển các năng lực chung, năng lực ngôn ngữ, năng lực văn học đã hình thành ở cấp tiểu học với các yêu cầu cần đạt cao hơn. Phát triển năng lực ngôn ngữ với yêu cầu: phân biệt được các loại văn bản văn học, văn bản nghị luận và văn bản thông tin; đọc hiểu được cả nội dung tường minh và nội dung hàm ẩn của các loại văn bản; viết được đoạn và bài văn tự sự, miêu tả, biểu cảm, nghị luận, thuyết minh, nhật dụng hoàn chỉnh, mạch lạc, logic, đúng quy trình và có kết hợp các phương thức biểu đạt; nói dễ hiểu, mạch lạc; có thái độ tự tin, phù hợp với ngữ cảnh giao tiếp; nghe hiểu với thái độ phù hợp.

 Phát triển năng lực văn học với yêu cầu: phân biệt được các thể loại truyện, thơ, kí, kịch bản văn học và một số tiểu loại cụ thể; nhận biết được đặc điểm của ngôn ngữ văn học, nhận biết và phân tích được tác dụng của những yếu tố hình thức và biện pháp nghệ thuật gắn với mỗi thể loại văn học; nhận biết được giá trị biểu cảm, giá trị nhận thức, giá trị thẩm mĩ; phân tích được tính hình tượng, nội dung và hình thức của tác phẩm văn học; có thể tạo ra được một số sản phẩm có tính văn học.

  1. Mục tiêu cấp trung học phổ thông
  2. a) Giúp học sinh tiếp tục phát triển những phẩm chất đã được hình thành ở trung học cơ sở; mở rộng và nâng cao yêu cầu phát triển phẩm chất với các biểu hiện cụ thể: có bản lĩnh, cá tính, có lí tưởng và hoài bão, biết giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá Việt Nam; có tinh thần hội nhập và ý thức công dân toàn cầu.
  3. b) Tiếp tục phát triển các năng lực đã hình thành ở trung học cơ sở với các yêu cầu cần đạt cao hơn: đọc hiểu được cả nội dung tường minh và hàm ẩn của các loại văn bản với mức độ khó hơn thể hiện qua dung lượng, nội dung và yêu cầu đọc; đọc hiểu với yêu cầu phát triển tư duy phản biện; vận dụng được các kiến thức về đặc điểm ngôn từ văn học, các xu hướng – trào lưu văn học, phong cách tác giả, tác phẩm, các yếu tố bên trong và bên ngoài văn bản để hình thành năng lực đọc độc lập. Viết thành thạo kiểu văn bản nghị luận và thuyết minh tổng hợp (kết hợp các phương thức biểu đạt và các thao tác nghị luận), đúng quy trình, có chủ kiến, đảm bảo logic và có sức thuyết phục. Nói và nghe linh hoạt; có khả năng nghe và đánh giá được nội dung cũng như hình thức biểu đạt của bài thuyết trình; biết tham gia và có chủ kiến, cá tính, có thái độ tranh luận phù hợp trong tranh luận.

 Phát triển năng lực văn học với yêu cầu: phân biệt được tác phẩm văn học và các tác phẩm thuộc loại hình nghệ thuật khác; phân tích và nhận xét được đặc điểm của ngôn ngữ văn học; phân biệt được cái biểu đạt và cái được biểu đạt trong văn học; nhận biết và phân tích, cảm thụ tác phẩm văn học dựa vào đặc điểm phong cách văn học; có trí tưởng tượng phong phú, biết thưởng thức, tiếp nhận và đánh giá văn học; tạo ra được một số sản phẩm có tính văn học.

  1. YÊU CẦU CẦN ĐẠT
  2. Yêu cầu cần đạt về phẩm chất chủ yếu và năng lực chung

 Môn Ngữ văn góp phần hình thành, phát triển ở học sinh những phẩm chất chủ yếu và năng lực chung theo các mức độ phù hợp với môn học, cấp học đã được quy định tại Chương trình tổng thể.

  1. Yêu cầu cần đạt về năng lực đặc thù

 2.1. Yêu cầu cần đạt ở cấp tiểu học

  1. a) Năng lực ngôn ngữ

 Đọc đúng, trôi chảy và diễn cảm văn bản; hiểu được nội dung chính của văn bản, chủ yếu là nội dung tường minh; bước đầu hiểu được nội dung hàm ẩn như chủ đề, bài học rút ra từ văn bản đã đọc.

 Ở cấp tiểu học, yêu cầu về đọc gồm yêu cầu về kĩ thuật đọc và kĩ năng đọc hiểu. Đối với học sinh các lớp đầu cấp (lớp 1, lớp 2), chú trọng cả yêu cầu đọc đúng với tốc độ phù hợp và đọc hiểu nội dung đơn giản của văn bản. Đối với học sinh lớp 3, lớp 4 và lớp 5, chú trọng nhiều hơn đến yêu cầu đọc hiểu nội dung cụ thể, hiểu chủ đề, hiểu bài học rút ra được từ văn bản.

 Từ lớp 1 đến lớp 3, viết đúng chính tả, từ vựng, ngữ pháp; viết được một số câu, đoạn văn ngắn; ở lớp 4 và lớp 5 bước đầu viết được bài văn ngắn hoàn chỉnh, chủ yếu là bài văn kể, tả và bài giới thiệu đơn giản.

 Viết được văn bản kể lại những câu chuyện đã đọc, những sự việc đã chứng kiến, tham gia, những câu chuyện do học sinh tưởng tượng; miêu tả những sự vật, hiện tượng quen thuộc; giới thiệu về những sự vật và hoạt động gần gũi với cuộc sống của học sinh. Viết đoạn văn nêu những cảm xúc, suy nghĩ của học sinh khi đọc một câu chuyện, bài thơ, khi chứng kiến một sự việc gợi cho học sinh nhiều cảm xúc; nêu ý kiến về một vấn đề đơn giản trong học tập và đời sống; viết một số kiểu văn bản như: bản tự thuật, tin nhắn, giấy mời, thời gian biểu, đơn từ,…; bước đầu biết viết theo quy trình; bài viết cần có đủ ba phần (mở bài, thân bài, kết bài).

 Trình bày dễ hiểu các ý tưởng và cảm xúc; bước đầu biết sử dụng cử chỉ, điệu bộ thích hợp khi nói; kể lại được một cách rõ ràng câu chuyện đã đọc, đã nghe; biết chia sẻ, trao đổi những cảm xúc, thái độ, suy nghĩ của mình đối với những vấn đề được nói đến; biết thuyết minh về một đối tượng hay quy trình đơn giản.

 Nghe hiểu với thái độ phù hợp và nắm được nội dung cơ bản; nhận biết được cảm xúc của người nói; biết cách phản hồi những gì đã nghe.

  1. b) Năng lực văn học

 Phân biệt văn bản truyện và thơ (đoạn, bài văn xuôi và đoạn, bài văn vần); nhận biết được nội dung văn bản và thái độ, tình cảm của người viết; bước đầu hiểu được tác dụng của một số yếu tố hình thức của văn bản văn học (ngôn từ, nhân vật, cốt truyện, vần thơ, so sánh, nhân hoá). Biết liên tưởng, tưởng tượng và diễn đạt có tính văn học trong viết và nói.

 Đối với học sinh lớp 1 và lớp 2: nhận biết được văn bản nói về ai, về cái gì; nhận biết được nhân vật trong các câu chuyện, vần trong thơ; nhận biết được truyện và thơ.

 Đối với học sinh lớp 3, lớp 4 và lớp 5: biết cách đọc diễn cảm văn bản văn học; kể lại, tóm tắt được nội dung chính của câu chuyện, bài thơ; nhận xét được các nhân vật, sự việc và thái độ, tình cảm của người viết trong văn bản; nhận biết được thời gian và địa điểm, một số kiểu vần thơ, nhịp thơ, từ ngữ, hình ảnh đẹp, độc đáo và tác dụng của các biện pháp tu từ nhân hoá, so sánh. Hiểu được ý nghĩa hoặc bài học rút ra từ văn bản. Viết được đoạn, bài văn kể chuyện, miêu tả thể hiện cảm xúc và khả năng liên tưởng, tưởng tượng.

 2.2. Yêu cầu cần đạt ở cấp trung học cơ sở

  1. a) Năng lực ngôn ngữ

 Biết vận dụng kiến thức tiếng Việt cùng với những trải nghiệm và khả năng suy luận của bản thân để hiểu văn bản; biết đọc văn bản theo kiểu, loại; hiểu được nội dung tường minh và hàm ẩn của văn bản.

 Nhận biết và bước đầu biết phân tích, đánh giá nội dung và đặc điểm nổi bật về hình thức biểu đạt của văn bản; biết so sánh văn bản này với văn bản khác, liên hệ với những trải nghiệm cuộc sống của cá nhân; từ đó có cách nhìn, cách nghĩ và những cảm nhận riêng về cuộc sống, làm giàu đời sống tinh thần.

 Ở lớp 6 và lớp 7: viết được bài văn tự sự, miêu tả và biểu cảm; bước đầu biết viết bài văn nghị luận, thuyết minh, nhật dụng. Ở lớp 8 và lớp 9: viết được các bài văn tự sự, nghị luận và thuyết minh hoàn chỉnh, theo đúng các bước và có kết hợp các phương thức biểu đạt.

 Viết văn bản tự sự tập trung vào yêu cầu kể lại một cách sáng tạo những câu chuyện đã đọc; những điều đã chứng kiến, tham gia; những câu chuyện tưởng tượng có kết hợp các yếu tố miêu tả, biểu cảm; văn bản miêu tả với trọng tâm là tả cảnh sinh hoạt (tả hoạt động); văn bản biểu cảm đối với cảnh vật, con người và thể hiện cảm nhận về tác phẩm văn học; biết làm các câu thơ, bài thơ, chủ yếu để nhận biết đặc điểm một số thể thơ quen thuộc; viết được văn bản nghị luận về những vấn đề cần thể hiện suy nghĩ và chủ kiến cá nhân, đòi hỏi những thao tác lập luận tương đối đơn giản, bằng chứng dễ tìm kiếm; viết được văn bản thuyết minh về những vấn đề gần gũi với đời sống và hiểu biết của học sinh với cấu trúc thông dụng; điền được một số mẫu giấy tờ, soạn được một số văn bản nhật dụng như biên bản ghi nhớ công việc, thư điện tử, văn bản tường trình, quảng cáo và bài phỏng vấn. Viết đúng quy trình, biết cách tìm tài liệu để đáp ứng yêu cầu viết văn bản; có hiểu biết về quyền sở hữu trí tuệ và biết cách trích dẫn văn bản.

 Trình bày dễ hiểu các ý tưởng và cảm xúc; có thái độ tự tin khi nói trước nhiều người; sử dụng ngôn ngữ, cử chỉ điệu bộ thích hợp khi nói; kể lại được một cách mạch lạc câu chuyện đã đọc, đã nghe; biết chia sẻ những cảm xúc, thái độ, trải nghiệm, ý tưởng của mình đối với những vấn đề được nói đến; thảo luận ý kiến về vấn đề đã đọc, đã nghe; thuyết minh về một đối tượng hay quy trình; biết cách nói thích hợp với mục đích, đối tượng và ngữ cảnh giao tiếp; biết sử dụng hình ảnh, kí hiệu, biểu đồ,… để trình bày vấn đề một cách hiệu quả.

 Nghe hiểu với thái độ phù hợp và tóm tắt được nội dung; nhận biết và bước đầu đánh giá được lí lẽ, bằng chứng mà người nói sử dụng; nhận biết được cảm xúc của người nói; biết cách phản hồi những gì đã nghe một cách hiệu quả.

  1. b) Năng lực văn học

 Nhận biết và phân biệt được các loại văn bản văn học: truyện, thơ, kịch, kí và một số thể loại tiêu biểu cho mỗi loại; phân tích được tác dụng của một số yếu tố hình thức nghệ thuật thuộc mỗi thể loại văn học; hiểu nội dung tường minh và hàm ẩn của văn bản văn học. Trình bày được cảm nhận, suy nghĩ về tác phẩm văn học và tác động của tác phẩm đối với bản thân; bước đầu tạo ra được một số sản phẩm có tính văn học.

 Ở lớp 6 và lớp 7: nhận biết được đề tài, hiểu được chủ đề, ý nghĩa của văn bản đã đọc; nhận biết được truyện dân gian, truyện ngắn, thơ trữ tình và thơ tự sự; kí trữ tình và kí tự sự; nhận biết được chủ thể trữ tình, nhân vật trữ tình và giá trị biểu cảm, giá trị nhận thức của tác phẩm văn học; nhận biết và phân tích được tác dụng của một số yếu tố hình thức và biện pháp nghệ thuật gắn với đặc điểm của mỗi thể loại văn học (cốt truyện, lời người kể chuyện, lời nhân vật, không gian và thời gian, vần, nhịp, hình ảnh và các biện pháp tu từ như ẩn dụ, hoán dụ, nói quá, nói giảm nói tránh).

 Ở lớp 8 và lớp 9: hiểu được thông điệp, tư tưởng, tình cảm và thái độ của tác giả trong văn bản; nhận biết được kịch bản văn học, tiểu thuyết và truyện thơ Nôm, thơ cách luật và thơ tự do, bi kịch và hài kịch; nội dung và hình thức của tác phẩm văn học, hình tượng văn học; nhận biết và phân tích được tác dụng của một số yếu tố hình thức và biện pháp nghệ thuật thuộc mỗi thể loại văn học (sự kết hợp giữa lời người kể chuyện và lời nhân vật, điểm nhìn, xung đột, luật thơ, kết cấu, từ ngữ, mạch cảm xúc trữ tình; các biện pháp tu từ như điệp ngữ, chơi chữ, nói mỉa, nghịch ngữ). Nhận biết một số nét khái quát về lịch sử văn học Việt Nam; hiểu tác động của văn học với đời sống của bản thân.

 2.3. Yêu cầu cần đạt ở cấp trung học phổ thông

  1. a) Năng lực ngôn ngữ

 Biết vận dụng kiến thức tiếng Việt và kiến thức về bối cảnh lịch sử, xã hội, tư tưởng, triết học và quan niệm thẩm mĩ của các thời kì để hiểu các văn bản khó hơn (thể hiện qua dung lượng, độ phức tạp và yêu cầu đọc hiểu).

 Biết phân tích, đánh giá nội dung và đặc điểm nổi bật về hình thức biểu đạt của văn bản, nhất là những tìm tòi sáng tạo về ngôn ngữ, cách viết và kiểu văn bản. Học sinh có cách nhìn, cách nghĩ về con người và cuộc sống theo cảm quan riêng; thấy được vai trò và tác dụng của việc đọc đối với bản thân.

 Từ lớp 10 đến lớp 12: viết thành thạo kiểu văn bản nghị luận và thuyết minh về các đề tài gắn với đời sống và định hướng nghề nghiệp; viết đúng quy trình, có kết hợp các phương thức biểu đạt, kiểu lập luận và yếu tố nghệ thuật; có chủ kiến về một vấn đề xã hội.

 Viết được văn bản nghị luận và văn bản thông tin có đề tài tương đối phức tạp; văn bản nghị luận yêu cầu phân tích, đánh giá, so sánh giá trị của tác phẩm văn học; bàn về những vấn đề phù hợp với đối tượng gần đến tuổi thành niên, đòi hỏi cấu trúc và kiểu lập luận tương đối phức tạp, bằng chứng cần phải tìm kiếm từ nhiều nguồn; văn bản thuyết minh viết về những vấn đề có tính khoa học dưới hình thức một báo cáo nghiên cứu đúng quy ước; tuân thủ quyền sở hữu trí tuệ và tránh đạo văn.

 Bài viết thể hiện được cảm xúc, thái độ, những trải nghiệm và ý tưởng của cá nhân đối với những vấn đề đặt ra trong văn bản; thể hiện được một cách nhìn, cách nghĩ, cách sống mang đậm cá tính.

 Biết tranh luận về những vấn đề tồn tại các quan điểm trái ngược nhau; có thái độ cầu thị và văn hoá tranh luận phù hợp; có khả năng nghe thuyết trình và đánh giá được nội dung và hình thức biểu đạt của bài thuyết trình; có hứng thú thể hiện chủ kiến, cá tính trong tranh luận; trình bày vấn đề khoa học một cách tự tin, có sức thuyết phục. Nói và nghe linh hoạt; nắm được phương pháp, quy trình tiến hành một cuộc tranh luận.

  1. b) Năng lực văn học

 Phân tích và đánh giá văn bản văn học dựa trên những hiểu biết về phong cách nghệ thuật và lịch sử văn học. Nhận biết được đặc trưng của hình tượng văn học và một số điểm khác biệt giữa hình tượng văn học với các loại hình tượng nghệ thuật khác (hội hoạ, âm nhạc, kiến trúc, điêu khắc); phân tích và đánh giá được nội dung tư tưởng và cách thể hiện nội dung tư tưởng trong một văn bản văn học; nhận biết và phân tích được đặc điểm của ngôn ngữ văn học, câu chuyện, cốt truyện và cách kể chuyện; nhận biết và phân tích được một số đặc điểm phong cách nghệ thuật trong văn học dân gian, trung đại và hiện đại; phong cách nghệ thuật của một số tác giả, tác phẩm lớn.

 Nêu được những nét tổng quát về lịch sử văn học dân tộc (quá trình phát triển, các đề tài và chủ đề lớn, các tác giả, tác phẩm lớn; một số giá trị nội dung và hình thức của văn học dân tộc) và vận dụng vào việc đọc tác phẩm văn học.

 Tạo lập được một số kiểu văn bản văn học thể hiện khả năng biểu đạt cảm xúc và ý tưởng bằng hình thức ngôn từ mang tính thẩm mĩ.

  1. NỘI DUNG GIÁO DỤC
  2. Nội dung khái quát

 Nội dung dạy học được xác định dựa trên các yêu cầu cần đạt của mỗi lớp, gồm: hoạt động đọc, viết, nói và nghe; kiến thức (tiếng Việt, văn học); ngữ liệu.

 1.1. Yêu cầu cần đạt về các kĩ năng đọc, viết, nói và nghe

  1. a) Yêu cầu cần đạt về kĩ năng đọc

 – Kĩ thuật đọc: gồm các yêu cầu về tư thế đọc, kĩ năng đọc thành tiếng, kĩ năng đọc thầm, đọc lướt, kĩ năng ghi chép trong khi đọc,…

 – Đọc hiểu: đối tượng đọc gồm văn bản văn học, văn bản nghị luận, văn bản thông tin. Đọc hiểu mỗi kiểu văn bản và thể loại nói chung có các yêu cầu cần đạt sau:

 + Đọc hiểu nội dung văn bản thể hiện qua chi tiết, đề tài, chủ đề, tư tưởng, thông điệp,…;

 + Đọc hiểu hình thức thể hiện qua đặc điểm các kiểu văn bản và thể loại, các thành tố của mỗi kiểu văn bản và thể loại (câu chuyện, cốt truyện, truyện kể, nhân vật, không gian, thời gian, người kể chuyện, điểm nhìn, vần thơ, nhịp thơ, lí lẽ, bằng chứng,…), ngôn ngữ biểu đạt,…;

 + Liên hệ, so sánh giữa các văn bản, kết nối văn bản với bối cảnh lịch sử, văn hoá, xã hội, kết nối văn bản với trải nghiệm cá nhân người đọc; đọc hiểu văn bản đa phương thức,…;

 + Đọc mở rộng, học thuộc lòng một số đoạn, văn bản văn học chọn lọc.

  1. b) Yêu cầu cần đạt về kĩ năng viết

 – Kĩ thuật viết: gồm các yêu cầu về tư thế viết, kĩ năng viết chữ và viết chính tả, kĩ năng trình bày bài viết,…

 – Viết câu, đoạn, văn bản: gồm các yêu cầu về quy trình tạo lập văn bản và yêu cầu thực hành viết theo đặc điểm của các kiểu văn bản.

  1. c) Yêu cầu cần đạt về các kĩ năng nói và nghe

 – Kĩ năng nói: gồm các yêu cầu về âm lượng, tốc độ, sự liên tục, cách diễn đạt, trình bày, thái độ, sự kết hợp các cử chỉ, điệu bộ, phương tiện hỗ trợ khi nói,…

 – Kĩ năng nghe: gồm các yêu cầu về cách nghe, cách ghi chép, hỏi đáp, thái độ, sự kết hợp các cử chỉ, điệu bộ khi nghe, nghe qua các phương tiện kĩ thuật,…

 – Kĩ năng nói và nghe có tính tương tác: gồm các yêu cầu về thái độ, sự tôn trọng nguyên tắc hội thoại và các quy định trong thảo luận, phỏng vấn,…

 1.2. Kiến thức

  1. a) Tiếng Việt

 – Các mạch kiến thức tiếng Việt

 + Ngữ âm và chữ viết: âm, chữ, dấu thanh, quy tắc chính tả (chỉ học ở cấp tiểu học).

 + Từ vựng: mở rộng vốn từ, nghĩa của từ ngữ và cách dùng, cấu tạo từ, quan hệ nghĩa giữa các từ ngữ.

 + Ngữ pháp: dấu câu, từ loại, cấu trúc ngữ đoạn và cấu trúc câu, các kiểu câu và cách dùng.

 + Hoạt động giao tiếp: biện pháp tu từ, đoạn văn, văn bản và các kiểu văn bản, một số vấn đề về phong cách ngôn ngữ và ngữ dụng.

 + Sự phát triển của ngôn ngữ và các biến thể ngôn ngữ: từ mượn, từ ngữ mới và nghĩa mới của từ ngữ, chữ viết tiếng Việt, các biến thể ngôn ngữ phân biệt theo phạm vi địa phương, xã hội, chức năng, trong đó có văn bản đa phương thức (ngôn ngữ trong sự kết hợp với hình ảnh, kí hiệu, số liệu, biểu đồ, sơ đồ,…) như là một biến thể của giao tiếp ngôn ngữ.

 – Phân bổ các mạch kiến thức tiếng Việt ở từng cấp học

 + Cấp tiểu học: một số hiểu biết sơ giản về ngữ âm, chữ viết, từ vựng, ngữ pháp, hoạt động giao tiếp và biến thể ngôn ngữ (ngôn ngữ kết hợp với hình ảnh, số liệu); có khả năng nhận biết, bước đầu hiểu được các hiện tượng ngôn ngữ có liên quan và vận dụng trong giao tiếp.

 + Cấp trung học cơ sở: những hiểu biết cơ bản về từ vựng, ngữ pháp, hoạt động giao tiếp, sự phát triển ngôn ngữ và các biến thể ngôn ngữ (từ ngữ địa phương, biệt ngữ xã hội; ngôn ngữ kết hợp với hình ảnh, số liệu, biểu đồ, sơ đồ) giúp học sinh có khả năng hiểu các hiện tượng ngôn ngữ có liên quan và vận dụng trong giao tiếp.

 + Cấp trung học phổ thông: Một số hiểu biết nâng cao về tiếng Việt giúp học sinh hiểu, phân tích và bước đầu biết đánh giá các hiện tượng ngôn ngữ có liên quan, chú trọng những cách diễn đạt sáng tạo và sử dụng ngôn ngữ trong các báo cáo nghiên cứu và trong giao tiếp.

  1. b) Văn học

 – Các mạch kiến thức văn học

 + Lí luận văn học: một số vấn đề về lí luận văn học thiết thực, có liên quan nhiều đến đọc hiểu văn bản văn học.

 + Thể loại văn học: truyện, thơ, kịch, kí và một số thể loại tiêu biểu.

 + Các yếu tố của văn bản văn học: câu chuyện, cốt truyện, nhân vật, không gian, thời gian, người kể chuyện, điểm nhìn, vần, nhịp,…

 + Lịch sử văn học: một số tác giả lớn và những nét khái quát về lịch sử văn học Việt Nam được tổng kết ở cuối cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông.

 – Phân bổ các mạch kiến thức văn học từng cấp học

 + Cấp tiểu học: một số hiểu biết sơ giản về truyện và thơ, văn bản hư cấu và văn bản phi hư cấu; nhân vật trong văn bản văn học, cốt truyện, thời gian, không gian, từ ngữ, vần thơ, nhịp thơ, hình ảnh, lời nhân vật, đối thoại.

 + Cấp trung học cơ sở: những hiểu biết về các thể loại (truyện dân gian, truyện ngắn, thơ trữ tình và thơ tự sự; kí trữ tình và kí tự sự; tiểu thuyết và truyện thơ Nôm, thơ cách luật và thơ tự do, bi kịch và hài kịch); chủ thể trữ tình và nhân vật trữ tình; giá trị biểu cảm, giá trị nhận thức của tác phẩm văn học; một số yếu tố hình thức và biện pháp nghệ thuật thuộc mỗi thể loại văn học (người kể chuyện, người kể chuyện ngôi thứ nhất, người kể chuyện ngôi thứ ba, nhân vật, điểm nhìn, sự thay đổi người kể chuyện và điểm nhìn, xung đột, không gian và thời gian, lời người kể chuyện và lời nhân vật, mạch cảm xúc trữ tình, từ ngữ, hình ảnh, vần, nhịp, luật thơ, kết cấu); cuối lớp 9 có tổng kết sơ giản về lịch sử văn học.

 + Cấp trung học phổ thông: những hiểu biết về một số thể loại, tiểu loại ít thông dụng, đòi hỏi kĩ năng đọc cao hơn (thần thoại, sử thi, chèo hoặc tuồng, truyện và thơ hiện đại; tiểu thuyết hiện đại, hậu hiện đại); một số kiến thức lịch sử văn học, lí luận văn học có tác dụng thiết thực đối với việc đọc và viết văn bản văn học (câu chuyện, người kể chuyện toàn tri, người kể chuyện hạn tri, người kể chuyện và sự dịch chuyển, phối hợp điểm nhìn, cách kể, tứ thơ, đặc trưng của hình tượng văn học; phong cách văn học; những hiểu biết về lịch sử văn học và một số tác gia lớn); một số chuyên đề học tập tập trung vào kiến thức về các giai đoạn, trào lưu và phong cách sáng tác văn học.

 1.3. Ngữ liệu

  1. a) Tiêu chí lựa chọn ngữ liệu

 Trong môn Ngữ văn, ngữ liệu là một bộ phận cấu thành của nội dung giáo dục, góp phần quan trọng trong việc hình thành, phát triển ở học sinh những phẩm chất và năng lực được nêu trong chương trình. Chương trình chỉ nêu định hướng về các kiểu văn bản và thể loại được dạy ở từng lớp; riêng ở cấp tiểu học có quy định độ dài của văn bản.

 Để đáp ứng yêu cầu hình thành và phát triển phẩm chất và năng lực cho học sinh, ngữ liệu được lựa chọn bảo đảm các tiêu chí sau:

 – Phục vụ trực tiếp cho việc phát triển các phẩm chất và năng lực theo mục tiêu, yêu cầu cần đạt của chương trình.

 – Phù hợp với kinh nghiệm, năng lực nhận thức, đặc điểm tâm – sinh lí của học sinh ở từng lớp học, cấp học. Từ ngữ dùng làm ngữ liệu dạy tiếng ở cấp tiểu học được chọn lọc trong phạm vi vốn từ văn hoá, có ý nghĩa tích cực, bảo đảm mục tiêu giáo dục phẩm chất, giáo dục ngôn ngữ, giáo dục thẩm mĩ và phù hợp với tâm lí học sinh.

 – Có giá trị đặc sắc về nội dung và nghệ thuật, tiêu biểu về kiểu văn bản và thể loại, chuẩn mực và sáng tạo về ngôn ngữ.

 – Phản ánh được thành tựu về tư tưởng, văn học, văn hoá dân tộc; thể hiện tinh thần yêu nước, độc lập dân tộc, ý thức về chủ quyền quốc gia; có tính nhân văn, giáo dục lòng nhân ái, khoan dung, tình yêu chân thiện mĩ, tình yêu thiên nhiên, tinh thần hội nhập quốc tế, hướng đến những giá trị phổ quát của nhân loại.

 Chương trình có định hướng mở về ngữ liệu. Tuy vậy, để bảo đảm nội dung giáo dục cốt lõi, thống nhất trên cả nước, bên cạnh những văn bản gợi ý tác giả sách giáo khoa và giáo viên lựa chọn, chương trình quy định một số văn bản bắt buộc và văn bản bắt buộc lựa chọn.

  1. b) Tác phẩm bắt buộc

 – Nam quốc sơn hà (Thời Lý)

 – Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn

 – Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi

 – Truyện Kiều của Nguyễn Du

 – Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu

 – Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh

  1. c) Tác phẩm bắt buộc lựa chọn

 – Văn học dân gian Việt Nam

 + Chọn ít nhất 4 tác phẩm đại diện cho 4 thể loại trong kho tàng truyện dân gian Việt Nam: truyền thuyết, cổ tích, ngụ ngôn, truyện cười

 + Chọn ít nhất 3 bài ca dao về các chủ đề: quê hương đất nước; tình yêu, tình cảm gia đình; con người và xã hội (trữ tình hoặc trào phúng)

 + Chọn ít nhất 1 sử thi Việt Nam

 + Chọn ít nhất 1 truyện thơ của các dân tộc thiểu số Việt Nam

 + Chọn ít nhất 1 kịch bản chèo hoặc tuồng

 – Văn học viết Việt Nam, chọn ít nhất 1 tác phẩm của mỗi tác giả sau:

 + Thơ Nôm, văn nghị luận của Nguyễn Trãi

 + Thơ chữ Hán của Nguyễn Du

 + Thơ Nôm của Hồ Xuân Hương

 + Thơ Nôm của Nguyễn Đình Chiểu

 + Thơ Nôm của Nguyễn Khuyến

 + Truyện và thơ của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh

 + Truyện ngắn, tiểu thuyết của Nam Cao

 + Tiểu thuyết, phóng sự của Vũ Trọng Phụng

 + Thơ của Xuân Diệu trước Cách mạng tháng Tám

 + Thơ của Tố Hữu trước và sau Cách mạng tháng Tám

 + Truyện ngắn, kí của Nguyễn Tuân

 + Kịch của Nguyễn Huy Tưởng

 + Kịch của Lưu Quang Vũ

 – Văn học nước ngoài, chọn ít nhất 1 tác phẩm cho mỗi nền văn học sau: Anh, Pháp, Mĩ, Hy Lạp, Nga, Nhật Bản, Trung

 Quốc, Ấn Độ.

  1. Nội dung cụ thể

 LỚP 1

Yêu cầu cần đạt Nội dung
ĐỌC

 KĨ THUẬT ĐỌC

 – Ngồi (hoặc đứng) thẳng lưng; sách, vở mở rộng trên mặt bàn (hoặc trên hai tay). Giữ khoảng cách giữa mắt với sách, vở khoảng 25cm.

 – Đọc đúng âm, vần, tiếng, từ, câu (có thể đọc chưa thật đúng một số tiếng có vần khó, ít dùng).

 – Đọc đúng và rõ ràng đoạn văn hoặc văn bản ngắn. Tốc độ đọc khoảng 40 – 60 tiếng trong 1 phút. Biết ngắt hơi ở chỗ có dấu phẩy, dấu kết thúc câu hay ở chỗ kết thúc dòng thơ.

 – Bước đầu biết đọc thầm.

 – Nhận biết được bìa sách và tên sách.

 ĐỌC HIỂU

 Văn bản văn học

 Đọc hiểu nội dung

 – Hỏi và trả lời được những câu hỏi đơn giản liên quan đến các chi tiết được thể hiện tường minh.

 – Trả lời được các câu hỏi đơn giản về nội dung cơ bản của văn bản dựa vào gợi ý, hỗ trợ.

 Đọc hiểu hình thức

 – Nhận biết được hình dáng, hành động của nhân vật thể hiện qua một số từ ngữ trong câu chuyện dựa vào gợi ý của giáo viên.

 – Nhận biết được lời nhân vật trong truyện dựa vào gợi ý của giáo viên.

 Liên hệ, so sánh, kết nối

 – Liên hệ được tranh minh hoạ với các chi tiết trong văn bản.

 – Nêu được nhân vật yêu thích nhất và bước đầu biết giải thích vì sao.

 Đọc mở rộng

 – Trong 1 năm học, đọc tối thiểu 10 văn bản văn học có thể loại và độ dài tương đương với các văn bản đã học.

 – Thuộc lòng 4 – 5 đoạn thơ hoặc bài thơ đã học, mỗi đoạn thơ, bài thơ có độ dài khoảng 30 – 40 chữ.

 Văn bản thông tin

 Đọc hiểu nội dung

 – Hỏi và trả lời được những câu hỏi đơn giản về các chi tiết nổi bật trong văn bản.

 – Trả lời được câu hỏi: “Văn bản này viết về điều gì?” với sự gợi ý, hỗ trợ.

 Đọc hiểu hình thức

 – Nhận biết được trình tự của các sự việc trong văn bản.

 – Hiểu nghĩa của một số tín hiệu đơn giản, gần gũi với học sinh.

 Đọc mở rộng

 Trong 1 năm học, đọc tối thiểu 5 văn bản thông tin có kiểu văn bản và độ dài tương đương với các văn bản đã học.

KIẾN THỨC TIẾNG VIỆT

 1.1. Âm, vần, thanh; chữ và dấu thanh

 1.2. Quy tắc chính tả phân biệt: c và k, g và gh, ng và ngh

 1.3. Quy tắc viết hoa: viết hoa chữ cái đầu câu, viết hoa tên riêng

 2. Vốn từ theo chủ điểm: Từ chỉ sự vật, hoạt động, đặc điểm gần gũi

 3. Công dụng của dấu chấm, dấu chấm hỏi: đánh dấu kết thúc câu

 4.1. Từ xưng hô thông dụng khi giao tiếp ở nhà và ở trường

 4.2. Một số nghi thức giao tiếp thông dụng ở nhà và ở trường: chào hỏi, giới thiệu, cảm ơn, xin lỗi, xin phép

 5. Thông tin bằng hình ảnh (phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ)

 KIẾN THỨC VĂN HỌC

 1. Câu chuyện, bài thơ

 2. Nhân vật trong truyện

 NGỮ LIỆU

 1.1. Văn bản văn học

 – Cổ tích, ngụ ngôn, truyện ngắn, truyện tranh, đoạn văn miêu tả

 – Đoạn thơ, bài thơ (gồm cả đồng dao) Độ dài của văn bản: truyện và đoạn văn miêu tả khoảng 90 – 130 chữ, thơ khoảng 50 – 70 chữ

 1.2. Văn bản thông tin: giới thiệu những sự vật, sự việc gần gũi với học sinh

 Độ dài của văn bản: khoảng 90 chữ

 2. Gợi ý chọn văn bản: xem danh mục gợi ý

 3. Các từ ngữ có ý nghĩa tích cực, phù hợp với học sinh lớp 1

VIẾT

 KĨ THUẬT VIẾT

 – Biết ngồi viết đúng tư thế: ngồi thẳng lưng; hai chân đặt vuông góc với mặt đất; một tay úp đặt lên góc vở, một tay cầm bút; không tì ngực vào mép bàn; khoảng cách giữa mắt và vở khoảng 25cm; cầm bút bằng ba ngón tay (ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa).

 – Viết đúng chữ viết thường, chữ số (từ 0 đến 9); biết viết chữ hoa.

 – Đặt dấu thanh đúng vị trí. Viết đúng quy tắc các tiếng mở đầu bằng các chữ c, k, g, gh, ng, ngh.

 – Viết đúng chính tả đoạn thơ, đoạn văn có độ dài khoảng 30 – 35 chữ theo các hình thức nhìn – viết (tập chép), nghe – viết. Tốc độ viết khoảng 30 – 35 chữ trong 15 phút.

 VIẾT CÂU, ĐOẠN VĂN NGẮN

 Quy trình viết

 Bước đầu trả lời được những câu hỏi như: Viết về ai? Viết về cái gì, việc gì?

 Thực hành viết

 – Điền được phần thông tin còn trống, viết được câu trả lời, viết câu dưới tranh phù hợp với nội dung câu chuyện đã đọc hoặc đã nghe.

 – Điền được vào phần thông tin còn trống, viết câu nói về hình dáng hoặc hoạt động của nhân vật dưới tranh trong câu chuyện đã học dựa trên gợi ý.

 – Điền được phần thông tin còn trống, viết câu trả lời hoặc viết lại câu đã nói để giới thiệu bản thân dựa trên gợi ý.

NÓI VÀ NGHE

 Nói

 – Nói rõ ràng, thành câu. Biết nhìn vào người nghe khi nói.

 – Đặt được câu hỏi đơn giản và trả lời đúng vào nội dung câu hỏi.

 – Nói và đáp lại được lời chào hỏi, xin phép, cảm ơn, xin lỗi, phù hợp với đối tượng người nghe.

 – Biết giới thiệu ngắn về bản thân, gia đình, đồ vật yêu thích dựa trên gợi ý.

 – Kể lại được một đoạn hoặc cả câu chuyện đơn giản đã đọc, xem hoặc nghe (dựa vào các tranh minh hoạ và lời gợi ý dưới tranh).

 Nghe

 – Có thói quen và thái độ chú ý nghe người khác nói (nhìn vào người nói, có tư thế nghe phù hợp). Đặt một vài câu hỏi để hỏi lại những điều chưa rõ.

 – Nghe hiểu các thông báo, hướng dẫn, yêu cầu, nội quy trong lớp học.

 – Nghe một câu chuyện và trả lời được các câu hỏi: Ai? Cái gì? Khi nào? Ở đâu?

 Nói nghe tương tác

 – Biết đưa tay xin phát biểu, chờ đến lượt được phát biểu.

 – Biết trao đổi trong nhóm để chia sẻ những ý nghĩ và thông tin đơn giản

 LỚP 2

Yêu cầu cần đạt Nội dung
ĐỌC

 KĨ THUẬT ĐỌC

 – Đọc đúng các tiếng (bao gồm cả một số tiếng có vần khó, ít dùng). Thuộc bảng chữ cái tiếng Việt; biết phân biệt tên chữ cái (a, bê, xê,…) và âm (a, bờ, cờ,…) mà chữ cái và con chữ biểu hiện.

 – Đọc đúng và rõ ràng các đoạn văn, câu chuyện, bài thơ, văn bản thông tin ngắn. Tốc độ đọc khoảng 60 – 70 tiếng trong 1 phút. Biết ngắt hơi ở chỗ có dấu câu, chỗ ngắt nhịp thơ.

 – Bước đầu phân biệt được lời nhân vật trong đối thoại và lời người kể chuyện để đọc với ngữ điệu phù hợp.

 – Biết đọc thầm.

 – Nhận biết được thông tin trên bìa sách: tranh minh hoạ, tên sách, tên tác giả, nhà xuất bản.

 – Điền được những thông tin quan trọng vào phiếu đọc sách.

 ĐỌC HIỂU

 Văn bản văn học

 Đọc hiểu nội dung

 – Biết nêu và trả lời câu hỏi về một số chi tiết nội dung trong văn bản như: Ai? Cái gì? Làm gì? Khi nào? Ở đâu? Như thế nào? Vì sao?

 – Hiểu điều tác giả muốn nói qua văn bản đơn giản dựa vào gợi ý.

 Đọc hiểu hình thức

 – Nhận biết được địa điểm, thời gian, các sự việc chính của câu chuyện.

 – Nhận biết được hình dáng, điệu bộ, hành động của nhân vật qua ngôn ngữ và hình ảnh.

 – Nhận biết được thái độ, tình cảm giữa các nhân vật thể hiện qua hành động, lời thoại.

 – Nhận biết được vần trong thơ.

 Liên hệ, so sánh, kết nối

 Nêu được nhân vật yêu thích nhất và giải thích được vì sao.

 Đọc mở rộng

 – Trong 1 năm học, đọc tối thiểu 35 văn bản văn học có thể loại và độ dài tương đương với các văn bản đã học.

 – Thuộc lòng ít nhất 6 đoạn thơ, bài thơ hoặc đoạn văn đã học; mỗi đoạn thơ, bài thơ, đoạn văn có độ dài khoảng 30 – 45 chữ.

 Văn bản thông tin

 Đọc hiểu nội dung

 – Biết nêu và trả lời được câu hỏi về các chi tiết nổi bật của văn bản như: Ai? Cái gì? Làm gì? Khi nào? Ở đâu? Như thế nào? Vì sao?

 – Dựa vào gợi ý, trả lời được: Văn bản viết về cái gì và có những thông tin nào đáng chú ý dựa vào gợi ý.

 Đọc hiểu hình thức

 – Nhận biết được một số loại văn bản thông tin đơn giản, thông dụng qua đặc điểm của văn bản: mục lục sách, danh sách học sinh, thời khoá biểu, thời gian biểu, văn bản giới thiệu loài vật, đồ vật hoặc văn bản hướng dẫn thực hiện một hoạt động.

 – Nhận biết được trình tự các sự việc, hiện tượng nêu trong văn bản.

 Liên hệ, so sánh, kết nối

 – Nêu được các thông tin bổ ích đối với bản thân từ văn bản.

 – Nhận biết được thông tin cơ bản của văn bản thể hiện qua nhan đề, hình ảnh minh hoạ và chú thích hình ảnh.

 Đọc mở rộng

 Trong 1 năm học, đọc tối thiểu 18 văn bản thông tin có kiểu văn bản và độ dài tương đương với các văn bản đã học.

KIẾN THỨC TIẾNG VIỆT

 1. Bảng chữ cái tiếng Việt, sự khác nhau giữa tên chữ cái (a, bê, xê,…) và âm (a, bờ, cờ,…)

 2. Vốn từ theo chủ điểm

 3.1. Từ chỉ sự vật, hoạt động, tính chất

 3.2. Công dụng của dấu chấm, dấu chấm hỏi, dấu chấm than: đánh dấu kết thúc câu; dấu phẩy: tách các bộ phận đồng chức trong câu

 4.1. Hội thoại: lắng nghe, nói theo lượt lời

 4.2. Đoạn văn

 – Đoạn văn kể lại một sự việc

 – Đoạn văn miêu tả ngắn, đơn giản theo gợi ý

 – Đoạn văn nói về tình cảm của mình với những người thân yêu

 – Đoạn văn giới thiệu loài vật, đồ vật; văn bản hướng dẫn thực hiện một hoạt động, bưu thiếp, danh sách, mục lục sách, thời khoá biểu, thời gian biểu

 5. Thông tin bằng hình ảnh (phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ)

 KIẾN THỨC VĂN HỌC

 1. Đề tài (viết, kể về điều gì)

 2. Hình dáng, điệu bộ, lời thoại của nhân vật

 3. Tình cảm, thái độ giữa các nhân vật

 4. Vần trong thơ

 NGỮ LIỆU

 1.1. Văn bản văn học

 – Cổ tích, ngụ ngôn, truyện ngắn; đoạn (bài) văn miêu tả

 – Bài thơ, đồng dao, ca dao, vè

 Độ dài của văn bản: truyện khoảng 180 – 200 chữ, bài miêu tả khoảng 150 -180 chữ, thơ khoảng 70 – 90 chữ

 1.2. Văn bản thông tin

 – Văn bản giới thiệu về loài vật, đồ dùng; văn bản hướng dẫn một hoạt động đơn giản bao gồm cả dạng kí hiệu

 – Danh sách học sinh; mục lục sách; thời khoá biểu; thời gian biểu

 Độ dài của văn bản: khoảng 110 – 140 chữ

 2. Gợi ý chọn văn bản: xem danh mục gợi ý

VIẾT

 KĨ THUẬT VIẾT

 – Viết thành thạo chữ viết thường, viết đúng chữ viết hoa.

 – Viết hoa chữ cái đầu câu, viết đúng tên người, tên địa lí phổ biến ở địa phương.

 – Nghe – viết chính tả đoạn thơ, đoạn văn có độ dài khoảng 50 – 55 chữ, tốc độ khoảng 50 – 55 chữ trong 15 phút. Viết đúng một số từ dễ viết sai do đặc điểm phát âm địa phương.

 – Trình bày bài viết sạch sẽ, đúng quy định.

 VIẾT ĐOẠN VĂN NGẮN

 Quy trình viết

 – Xác định được nội dung bằng cách trả lời câu hỏi: “Viết về cái gì?”; viết nháp; dựa vào hỗ trợ của giáo viên, chỉnh sửa được lỗi dấu kết thúc câu, cách viết hoa, cách dùng từ ngữ.

 Thực hành viết

 – Viết được 4 – 5 câu thuật lại một sự việc đã chứng kiến hoặc tham gia dựa vào gợi ý.

 – Viết được 4 – 5 câu tả một đồ vật gần gũi, quen thuộc dựa vào gợi ý.

 – Viết được 4 – 5 câu nói về tình cảm của mình đối với người thân hoặc sự việc dựa vào gợi ý.

 – Viết được 4 – 5 câu giới thiệu về một đồ vật quen thuộc dựa vào gợi ý.

 – Biết đặt tên cho một bức tranh.

 – Biết viết thời gian biểu, bưu thiếp, tin nhắn, lời cảm ơn, lời xin lỗi.

 NÓI VÀ NGHE

 Nói

 – Nói rõ ràng, có thói quen nhìn vào người nghe.

 – Biết nói và đáp lại lời chào hỏi, chia tay, cảm ơn, xin lỗi, lời mời, lời đề nghị, chúc mừng, chia buồn, an ủi, khen ngợi, bày tỏ sự ngạc nhiên; đồng ý, không đồng ý, từ chối phù hợp với đối tượng người nghe.

 – Kể được một câu chuyện đơn giản (có hình ảnh) đã đọc, nghe, xem.

 – Nói ngắn gọn về một câu chuyện hoặc bài thơ đã đọc theo lựa chọn của cá nhân (tên văn bản, nội dung văn bản, nhân vật yêu thích).

 Nghe

 – Có thói quen và thái độ chú ý nghe người khác nói. Đặt được câu hỏi về những gì chưa rõ khi nghe.

 – Nghe một bài thơ hoặc bài hát, dựa vào gợi ý, nói một vài câu nêu cảm nhận của mình về bài thơ hoặc bài hát đó.

 – Nghe câu chuyện, dựa vào gợi ý, nêu ý kiến về nhân vật chính hoặc một sự việc trong câu chuyện.

 Nói nghe tương tác

 – Biết trao đổi trong nhóm về các nhân vật trong một câu chuyện dựa vào gợi ý.

 – Biết trao đổi trong nhóm về một vấn đề: chú ý lắng nghe người khác, đóng góp ý kiến của mình, không nói chen ngang khi người khác đang nói.

 LỚP 3

Yêu cầu cần đạt Nội dung
ĐỌC

 KĨ THUẬT ĐỌC

 – Đọc đúng và bước đầu biết đọc diễn cảm các đoạn văn miêu tả, câu chuyện, bài thơ; tốc độ đọc khoảng 70 – 80 tiếng trong 1 phút. Biết nghỉ hơi ở chỗ có dấu câu hay chỗ ngắt nhịp thơ.

 – Đọc theo ngữ điệu phù hợp với vai được phân trong một đoạn đối thoại có hai hoặc ba nhân vật.

 – Đọc thầm với tốc độ nhanh hơn lớp 2.

 – Đánh dấu được đoạn sách đang đọc.

 – Ghi chép ngắn gọn những nội dung quan trọng vào phiếu đọc sách hoặc sổ tay.

 ĐỌC HIỂU

 Văn bản văn học

 Đọc hiểu nội dung

 – Nhận biết được chi tiết và nội dung chính. Hiểu được nội dung hàm ẩn của văn bản với những suy luận đơn giản.

 – Tìm được ý chính của từng đoạn văn dựa trên các câu hỏi gợi ý.

 – Hiểu được điều tác giả muốn nói qua văn bản dựa vào gợi ý.

 Đọc hiểu hình thức

 – Nhận biết được điệu bộ, hành động của nhân vật qua một số từ ngữ trong văn bản.

 – Nhận biết được thời gian, địa điểm và trình tự các sự việc trong câu chuyện.

 – Nhận biết được vần và biện pháp tu từ so sánh trong thơ.

 – Nhận xét được về hình dáng, điệu bộ, hành động của nhân vật trong truyện tranh hoặc phim hoạt hình.

 Liên hệ, so sánh, kết nối

 – Lựa chọn một nhân vật trong tác phẩm đã học hoặc đã đọc, nêu tình cảm và suy nghĩ về nhân vật đó.

 – Lựa chọn một nhân vật hoặc địa điểm trong tác phẩm đã học hoặc đã đọc, mô tả hoặc vẽ lại được nhân vật, địa điểm đó.

 Đọc mở rộng

 – Trong 1 năm học, đọc tối thiểu 35 văn bản văn học (bao gồm văn bản được hướng dẫn đọc trên mạng Internet) có thể loại và độ dài tương đương với các văn bản đã học.

 – Thuộc lòng được ít nhất 8 đoạn thơ, bài thơ hoặc đoạn văn đã học; mỗi đoạn thơ, bài thơ, đoạn văn có độ dài khoảng 60 chữ.

 Văn bản thông tin

 Đọc hiểu nội dung

 – Trả lời được: Văn bản viết về cái gì và có những thông tin nào đáng chú ý?

 – Tìm được ý chính của từng đoạn trong văn bản.

 Đọc hiểu hình thức

 – Nhận biết được một số loại văn bản thông tin thông dụng, đơn giản qua đặc điểm của văn bản: văn bản thuật lại một hiện tượng gồm 2 – 3 sự việc, văn bản giới thiệu một đồ vật, thông báo ngắn, tờ khai đơn giản.

 – Nhận biết được cách sắp xếp thông tin trong văn bản theo trật tự thời gian.

 – Nhận biết được thông tin qua hình ảnh, số liệu trong văn bản.

 Liên hệ, so sánh, kết nối

 Nêu được những điều học được từ văn bản.

 Đọc mở rộng

 Trong 1 năm học, đọc tối thiểu 18 văn bản thông tin (bao gồm văn bản được hướng dẫn đọc trên mạng Internet) có kiểu văn bản và độ dài tương đương các văn bản đã học.

KIẾN THỨC TIẾNG VIỆT

 1. Cách viết nhan đề văn bản

 2.1. Vốn từ theo chủ điểm

 2.2. Từ có nghĩa giống nhau và từ có nghĩa trái ngược nhau

 3.1. Từ chỉ sự vật, hoạt động, tính chất

 3.2. Sơ giản về câu kể, câu hỏi, câu khiến, câu cảm: đặc điểm thể hiện qua dấu câu, qua từ đánh dấu kiểu câu và công dụng của từng kiểu câu

 3.3. Công dụng của dấu gạch ngang (đặt ở đầu dòng để đánh dấu lời nói trực tiếp của nhân vật); dấu ngoặc kép (đánh dấu phần trích dẫn trực tiếp hoặc lời đối thoại); dấu hai chấm (báo hiệu phần giải thích, liệt kê)

 4.1. Biện pháp tu từ so sánh: đặc điểm và tác dụng

 4.2. Sơ giản về đoạn văn và văn bản có nhiều đoạn: dấu hiệu nhận biết

 4.3. Sơ giản về lượt lời thể hiện qua trao đổi nhóm

 4.4. Kiểu văn bản và thể loại

 – Đoạn văn kể lại câu chuyện đã đọc hoặc một việc đã làm

 – Đoạn văn miêu tả đồ vật

 – Đoạn văn chia sẻ cảm xúc, tình cảm

 – Đoạn văn nêu lí do vì sao mình thích một nhân vật trong câu chuyện

 – Đoạn văn giới thiệu về đồ vật, văn bản thuật lại một hiện tượng gồm 2 – 3 sự việc, thông báo hoặc bản tin ngắn, tờ khai in sẵn

 5. Thông tin bằng hình ảnh, số liệu (phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ)

 KIẾN THỨC VĂN HỌC

 1. Bài học rút ra từ văn bản

 2. Địa điểm và thời gian

 3. Suy nghĩ và hành động của nhân vật

 NGỮ LIỆU

 1.1. Văn bản văn học

 – Cổ tích, ngụ ngôn, truyện ngắn; đoạn (bài) văn miêu tả

 – Bài thơ, đồng dao, ca dao, vè

 Độ dài của văn bản: truyện khoảng 200 – 250 chữ, bài miêu tả khoảng 180 – 200 chữ, thơ khoảng 80 – 100 chữ

 1.2. Văn bản thông tin

 – Văn bản giới thiệu một đồ vật, văn bản thuật lại một hiện tượng gồm 2 – 3 sự việc

 – Thông báo ngắn, tờ khai in sẵn

 Độ dài của văn bản: khoảng 120 – 150 chữ

 2. Gợi ý chọn văn bản: xem danh mục gợi ý

VIẾT

 KĨ THUẬT VIẾT

 – Viết thành thạo chữ viết thường, viết đúng chữ viết hoa.

 – Biết viết đúng tên người, tên địa lí Việt Nam và một số tên nhân vật, tên địa lí nước ngoài đã học.

 – Viết đúng những từ dễ viết sai do đặc điểm phát âm địa phương.

 – Viết đúng chính tả đoạn thơ, đoạn văn theo hình thức nghe – viết hoặc nhớ viết một bài có độ dài khoảng 65 – 70 chữ, tốc độ khoảng 65 – 70 chữ trong 15 phút.

 – Trình bày bài viết sạch sẽ, đúng quy định.

 VIẾT ĐOẠN VĂN, VĂN BẢN

 Quy trình viết

 Biết viết theo các bước: xác định nội dung viết (viết về cái gì); hình thành một vài ý lớn; viết thành đoạn văn; chỉnh sửa lỗi (dùng từ, đặt câu, dấu câu, viết hoa) dựa vào gợi ý.

 Thực hành viết

 – Viết được đoạn văn thuật lại một sự việc đã chứng kiến, tham gia.

 – Viết được đoạn văn ngắn miêu tả đồ vật.

 – Viết được đoạn văn ngắn nêu tình cảm, cảm xúc về con người, cảnh vật dựa vào gợi ý.

 – Viết được đoạn văn ngắn nêu lí do vì sao mình thích hoặc không thích một nhân vật trong câu chuyện đã đọc hoặc đã nghe.

 – Viết được đoạn văn ngắn giới thiệu về bản thân, nêu được những thông tin quan trọng như: họ và tên, ngày sinh, nơi sinh, sở thích, ước mơ của bản thân.

 – Viết được thông báo hay bản tin ngắn theo mẫu; điền được thông tin vào một số tờ khai in sẵn; viết được thư cho người thân hay bạn bè (thư viết tay hoặc thư điện tử).

NÓI VÀ NGHE

 Nói

 – Nói rõ ràng, tập trung vào mục đích nói và đề tài được nói tới; có thái độ tự tin và có thói quen nhìn vào người nghe, biết tránh dùng từ ngữ kém văn hoá.

 – Biết phát biểu ý kiến trước nhóm, tổ, lớp; giới thiệu các thành viên, các hoạt động của nhóm, tổ, lớp.

 – Nói được về một con người, đồ vật, vật nuôi dựa vào gợi ý.

 – Kể được một câu chuyện đơn giản đã đọc, nghe hoặc xem (có sự hỗ trợ, gợi ý); kết hợp lời kể, điệu bộ thể hiện cảm xúc về câu chuyện. Nói 2 – 3 câu về một tình huống do em tưởng tượng.

 – Nói được về một số đặc điểm của nhân vật thể hiện qua hình ảnh trong truyện tranh hay phim hoạt hình.

 Nghe

 – Chú ý nghe người khác nói. Đặt được những câu hỏi có liên quan để hiểu đúng nội dung đã nghe.

 – Biết hỏi và đáp kết hợp với cử chỉ, điệu bộ thích hợp.

 – Nghe một câu chuyện, tưởng tượng và diễn tả lại dáng vẻ hoặc hành động, lời nói của một nhân vật trong câu chuyện đó.

 Nói nghe tương tác

 – Chú ý lắng nghe, tập trung vào vấn đề trao đổi, không nói lạc đề.

 – Biết nói chuyện qua điện thoại với cách mở đầu và kết thúc phù hợp; lắng nghe để hiểu đúng thông tin; nói rõ ràng và tỏ thái độ thích hợp; tập trung vào mục đích cuộc nói chuyện.

 LỚP 4

Yêu cầu cần đạt Nội dung
ĐỌC

 KĨ THUẬT ĐỌC

 – Đọc đúng và diễn cảm các văn bản truyện, kịch, thơ, văn bản miêu tả: nhấn giọng đúng từ ngữ; thể hiện cảm xúc qua giọng đọc. Tốc độ đọc khoảng 80 – 90 tiếng trong 1 phút.

 – Đọc thầm với tốc độ nhanh hơn lớp 3.

 – Sử dụng được từ điển học sinh để tìm từ và nghĩa của các từ ngữ mới.

 – Ghi chép được vắn tắt những ý tưởng, chi tiết quan trọng vào phiếu đọc sách hoặc sổ tay.

 ĐỌC HIỂU

 Văn bản văn học

 Đọc hiểu nội dung

 – Nhận biết được một số chi tiết và nội dung chính của văn bản; dựa vào gợi ý hiểu được điều tác giả muốn nói qua văn bản.

 – Tóm tắt được văn bản truyện đơn giản.

 – Nhận biết được chủ đề văn bản.

 Đọc hiểu hình thức

 – Nhận biết được đặc điểm của nhân vật thể hiện qua hình dáng, điệu bộ, hành động, lời thoại.

 – Nhận biết được trình tự sắp xếp các sự việc trong câu chuyện theo quan hệ nhân quả.

 – Nhận biết được quan hệ giữa các nhân vật trong câu chuyện thể hiện qua cách xưng hô.

 – Nhận biết được hình ảnh trong thơ, lời thoại trong văn bản kịch

 – Hiểu tác dụng của biện pháp tu từ nhân hoá.

 Liên hệ, so sánh, kết nối

 – Nêu được tình cảm, suy nghĩ của bản thân sau khi đọc văn bản.

 – Nêu được câu chuyện, bài hoặc đoạn thơ mà mình yêu thích nhất và giải thích vì sao.

 – Nêu được cách ứng xử của bản thân nếu gặp những tình huống tương tự như tình huống của nhân vật trong tác phẩm.

 Đọc mở rộng

 – Trong 1 năm học, đọc tối thiểu 35 văn bản văn học (bao gồm văn bản được hướng dẫn đọc trên mạng Internet) có thể loại và độ dài tương đương với các văn bản đã học.

 – Thuộc lòng ít nhất 10 đoạn thơ, bài thơ hoặc đoạn văn đã học; mỗi đoạn thơ, bài thơ, đoạn văn có độ dài khoảng 80 chữ.

 Văn bản thông tin

 Đọc hiểu nội dung

 – Nhận biết được những thông tin chính trong văn bản.

 – Biết tóm tắt văn bản.

 Đọc hiểu hình thức

 – Nhận biết được đặc điểm của một số loại văn bản thông dụng, đơn giản và mối quan hệ giữa đặc điểm văn bản với mục đích của nó: văn bản chỉ dẫn các bước thực hiện một công việc hoặc cách làm, cách sử dụng một sản phẩm; thư thăm hỏi, thư cảm ơn hoặc xin lỗi; đơn (xin nghỉ học, xin nhập học); giấy mời, báo cáo công việc.

 – Nhận biết được bố cục của một văn bản thông tin thông thường: phần đầu, phần giữa (chính) và phần cuối.

 Liên hệ, so sánh, kết nối

 – Nêu được một vấn đề có ý nghĩa đối với bản thân hay cộng đồng được gợi ra từ văn bản đã đọc.

 – Nhận biết được thông tin qua hình ảnh, số liệu trong văn bản (văn bản in hoặc văn bản điện tử).

 Đọc mở rộng

 Trong 1 năm học, đọc tối thiểu 18 văn bản thông tin (bao gồm văn bản được hướng dẫn đọc trên mạng Internet) có kiểu văn bản và độ dài tương đương với các văn bản đã học.

KIẾN THỨC TIẾNG VIỆT

 1. Quy tắc viết tên riêng của cơ quan, tổ chức

 2.1. Vốn từ theo chủ điểm

 2.2. Công dụng của từ điển, cách tìm từ và nghĩa của từ trong từ điển

 2.3. Nghĩa của một số thành ngữ dễ hiểu

 2.4. Nghĩa của một số yếu tố Hán Việt thông dụng

 2.5. Tác dụng của việc lựa chọn từ ngữ trong việc biểu đạt nghĩa

 3.1. Danh từ, động từ, tính từ: đặc điểm và chức năng

 3.2. Danh từ riêng và danh từ chung: đặc điểm và chức năng

 3.3. Câu và thành phần chính của câu: đặc điểm và chức năng

 3.4. Trạng ngữ của câu: đặc điểm và chức năng (bổ sung thông tin)

 3.5. Công dụng của dấu gạch ngang ( đặt ở đầu dòng để đánh dấu các ý liệt kê); dấu gạch nối (nối các từ ngữ trong một liên danh); dấu ngoặc kép (đánh dấu tên của một tác phẩm, tài liệu); dấu ngoặc đơn (đánh dấu phần chú thích)

 4.1. Biện pháp tu từ nhân hoá: đặc điểm và tác dụng

 4.2. Câu chủ đề của đoạn văn: đặc điểm và chức năng

 4.3. Cấu trúc ba phần (mở bài, thân bài, kết bài) của văn bản: đặc điểm và chức năng của mỗi phần

 4.4. Kiểu văn bản và thể loại

 – Bài văn kể lại một sự việc bản thân đã chứng kiến; bài văn kể lại câu chuyện, có kèm tranh minh hoạ

 – Bài văn miêu tả: bài văn miêu tả con vật, cây cối

 – Đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một nhân vật

 – Đoạn văn nêu ý kiến về một câu chuyện, nhân vật hay một sự việc, nêu lí do vì sao có ý kiến như vậy

 – Văn bản hướng dẫn các bước thực hiện một công việc; giấy mời, đơn, thư, báo cáo công việc

 5. Thông tin bằng hình ảnh, số liệu (phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ)

 KIẾN THỨC VĂN HỌC

 1. Chủ đề

 2. Đặc điểm nhân vật

 3. Hình ảnh trong thơ

 3. Lời thoại trong kịch bản văn học

 NGỮ LIỆU

 1.1. Văn bản văn học

 – Truyện cổ, truyện ngắn; đoạn (bài) văn miêu tả

 – Đoạn thơ, bài thơ, đồng dao, ca dao, tục ngữ

 – Kịch bản văn học

 Độ dài của văn bản: truyện, kịch bản khoảng 280 – 330 chữ, bài miêu tả khoảng 200 – 250 chữ, thơ khoảng 100 – 120 chữ

 1.2. Văn bản thông tin

 – Văn bản chỉ dẫn các bước thực hiện một công việc hoặc cách làm, cách sử dụng một sản phẩm

 – Giấy mời

 -Thư thăm hỏi, thư cảm ơn, thư xin lỗi

 – Đơn (xin nghỉ học, xin nhập học)

 – Báo cáo công việc

 Độ dài của văn bản: khoảng 150 – 180 chữ

 2. Gợi ý chọn văn bản: xem danh mục gợi ý

VIẾT

 KĨ THUẬT VIẾT

 Viết đúng các tên riêng của tổ chức, cơ quan.

 VIẾT ĐOẠN VĂN, VĂN BẢN

 Quy trình viết

 – Biết viết theo các bước: xác định nội dung viết (viết về cái gì); quan sát và tìm tư liệu để viết; hình thành ý chính cho đoạn, bài viết; viết đoạn, bài; chỉnh sửa (bố cục, dùng từ, đặt câu, chính tả).

 – Viết đoạn văn, bài văn thể hiện chủ đề, ý tưởng chính; phù hợp với yêu cầu về kiểu, loại văn bản; có mở đầu, triển khai, kết thúc; các câu, đoạn có mối liên kết với nhau.

 Thực hành viết

 – Viết được bài văn thuật lại một sự việc đã chứng kiến (nhìn, xem) hoặc tham gia và chia sẻ suy nghĩ, tình cảm của mình về sự việc đó.

 – Viết được bài văn kể lại câu chuyện đã đọc, đã nghe hoặc viết đoạn văn tưởng tượng dựa vào câu chuyện đã đọc, đã nghe.

 – Viết được bài văn miêu tả con vật, cây cối; sử dụng nhân hoá và những từ ngữ gợi lên đặc điểm nổi bật của đối tượng được tả.

 – Viết được đoạn văn nêu tình cảm, cảm xúc của bản thân về một nhân vật trong văn học hoặc một người gần gũi, thân thiết.

 – Viết được đoạn văn ngắn nêu lí do vì sao mình thích câu chuyện đã đọc hoặc đã nghe.

 – Viết được văn bản ngắn hướng dẫn các bước thực hiện một công việc hoặc làm, sử dụng một sản phẩm gồm 2 – 3 bước.

 – Viết được báo cáo thảo luận nhóm, đơn theo mẫu, thư cho người thân, bạn bè.

NÓI VÀ NGHE

 Nói

 – Nói rõ ràng, tập trung vào mục đích và đề tài; có thái độ tự tin; biết kết hợp cử chỉ, điệu bộ để tăng hiệu quả giao tiếp.

 – Nói được về một đề tài có sử dụng các phương tiện hỗ trợ (ví dụ: tranh ảnh, sơ đồ,…).

 – Kể lại được một sự việc đã tham gia và chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ về sự việc đó.

 – Trình bày được lí lẽ để củng cố cho một ý kiến hoặc nhận định về một vấn đề gần gũi với đời sống.

 Nghe

 – Nghe và hiểu chủ đề, những chi tiết quan trọng trong câu chuyện.

 – Ghi lại được những nội dung quan trọng khi nghe ý kiến phát biểu của người khác.

 Nói nghe tương tác

 – Thực hiện đúng những quy định trong thảo luận: nguyên tắc luân phiên lượt lời, tập trung vào vấn đề thảo luận.

 – Biết đóng góp ý kiến trong việc thảo luận về một vấn đề đáng quan tâm hoặc một nhiệm vụ mà nhóm, lớp phải thực hiện.

 LỚP 5

Yêu cầu cần đạt Nội dung
ĐỌC

 KĨ THUẬT ĐỌC

 – Đọc đúng và diễn cảm các văn bản truyện, kịch bản, bài thơ, bài miêu tả, tốc độ đọc khoảng 90 – 100 tiếng trong 1 phút.

 – Đọc thầm với tốc độ nhanh hơn lớp 4.

 – Sử dụng được một số từ điển tiếng Việt thông dụng để tìm từ, nghĩa của từ, cách dùng từ và tra cứu thông tin khác.

 – Biết đọc theo những cách khác nhau (đọc lướt và đọc kĩ).

 – Ghi chép được vắn tắt những ý tưởng, chi tiết quan trọng vào phiếu đọc sách hoặc sổ tay.

 ĐỌC HIỂU

 Văn bản văn học

 Đọc hiểu nội dung

 – Nhận biết được một số chi tiết tiêu biểu và nội dung chính của văn bản. Hiểu được nội dung hàm ẩn dễ nhận biết của văn bản.

 – Chỉ ra được mối liên hệ giữa các chi tiết. Biết tóm tắt văn bản.

 – Hiểu chủ đề của văn bản.

 Đọc hiểu hình thức

 – Nhận biết được văn bản viết theo tưởng tượng và văn bản viết về người thật, việc thật.

 – Nhận biết được thời gian, địa điểm và tác dụng của chúng trong câu chuyện.

 – Hiểu từ ngữ, hình ảnh, biện pháp so sánh, nhân hoá trong văn bản.

 Liên hệ, so sánh, kết nối

 – Biết nhận xét về thời gian, địa điểm, hình dáng, tính cách của nhân vật qua hình ảnh trong truyện tranh hoặc phim hoạt hình.

 – Tìm được một cách kết thúc khác cho câu chuyện.

 – Nêu những điều học được từ câu chuyện, bài thơ, màn kịch; lựa chọn điều tâm đắc nhất và giải thích vì sao.

 Đọc mở rộng

 – Trong 1 năm học, đọc tối thiểu 35 văn bản văn học (bao gồm văn bản được hướng dẫn đọc trên mạng Internet) có thể loại và độ dài tương đương với các văn bản đã học.

 – Thuộc lòng ít nhất 10 – 12 đoạn thơ, bài thơ hoặc đoạn văn đã học; mỗi đoạn thơ, bài thơ, đoạn văn có độ dài khoảng 100 chữ.

 Văn bản thông tin

 Đọc hiểu nội dung

 – Nhận biết được những chi tiết tiêu biểu và các thông tin chính của văn bản.

 – Dựa vào nhan đề và các đề mục lớn, xác định được đề tài, thông tin chính của văn bản.

 – Nhận biết được mối liên hệ giữa các chi tiết. Biết tóm tắt văn bản.

 Đọc hiểu hình thức

 – Nhận biết được mục đích và đặc điểm của văn bản giải thích về một hiện tượng tự nhiên; văn bản giới thiệu sách hoặc phim; văn bản quảng cáo, văn bản chương trình hoạt động.

 – Nhận biết được bố cục (phần đầu, phần giữa (chính), phần cuối) và các yếu tố (nhan đề, đoạn văn, câu chủ đề) của một văn bản thông tin đơn giản.

 – Nhận biết được cách triển khai ý tưởng và thông tin trong văn bản theo trật tự thời gian hoặc theo tầm quan trọng.

 – Nhận biết được vai trò của hình ảnh, kí hiệu hoặc số liệu trong việc thể hiện thông tin chính của văn bản (văn bản in hoặc văn bản điện tử).

 Liên hệ, so sánh, kết nối

 – Nêu được những thay đổi trong hiểu biết, tình cảm, cách ứng xử của bản thân sau khi đọc văn bản.

 Đọc mở rộng

 Trong 1 năm học, đọc tối thiểu 18 văn bản thông tin (bao gồm văn bản được hướng dẫn đọc trên mạng Internet) có kiểu văn bản và độ dài tương đương với các văn bản đã học.

KIẾN THỨC TIẾNG VIỆT

 1.1. Quy tắc viết tên người, tên địa lí nước ngoài

 1.2. Một số trường hợp viết hoa danh từ chung để thể hiện sự tôn trọng đặc biệt

 2.1. Vốn từ theo chủ điểm

 2.2. Từ điển: cách tìm từ, nghĩa của từ, cách dùng từ và tra cứu thông tin khác

 2.3. Nghĩa của một số thành ngữ dễ hiểu, thông dụng

 2.4. Nghĩa của một số yếu tố Hán Việt thông dụng, “đồng âm khác nghĩa”

 2.5. Từ đồng nghĩa: đặc điểm và tác dụng

 2.6. Từ đa nghĩa và nghĩa của từ đa nghĩa trong văn bản.

 3.1. Đại từ và kết từ: đặc điểm và chức năng

 3.2. Câu đơn và câu ghép: đặc điểm và chức năng

 3.3. Công dụng của dấu gạch ngang (đặt ở giữa câu để đánh dấu bộ phận chú thích, giải thích trong câu); dấu gạch nối (nối các tiếng trong những từ mượn gồm nhiều tiếng)

 4.1. Biện pháp tu từ điệp từ, điệp ngữ: đặc điểm và tác dụng

 4.2. Liên kết giữa các câu trong một đoạn văn, một số biện pháp liên kết câu và các từ ngữ liên kết: đặc điểm và tác dụng

 4.3. Kiểu văn bản và thể loại

 – Bài văn viết lại phần kết thúc dựa trên một truyện kể

 – Bài văn tả người, phong cảnh

 – Đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc trước một sự việc hoặc một bài thơ, câu chuyện

 – Đoạn văn nêu ý kiến về một hiện tượng xã hội

 – Bài văn giải thích về một hiện tượng tự nhiên, bài giới thiệu sách hoặc phim, báo cáo công việc, chương trình hoạt động, có sử dụng bảng biểu; văn bản quảng cáo (tờ rơi, áp phích,…)

 5. Thông tin bằng hình ảnh, số liệu (phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ).

 KIẾN THỨC VĂN HỌC

 1. Chủ đề

 2. Kết thúc câu chuyện

 3. Chuyện có thật và chuyện tưởng tượng

 4. Chi tiết, thời gian, địa điểm trong câu chuyện; hình ảnh trong thơ

 5. Nhân vật trong văn bản kịch và lời thoại

 NGỮ LIỆU

 1.1. Văn bản văn học

 – Truyện dân gian, truyện ngắn, truyện khoa học viễn tưởng; đoạn (bài) văn miêu tả

 – Bài thơ, đoạn thơ, đồng dao, ca dao, tục ngữ

 – Kịch bản văn học

 Độ dài của văn bản: truyện và kịch bản khoảng 300 – 350 chữ, bài miêu tả khoảng 200 – 250 chữ, thơ khoảng 110 – 130 chữ

 1.2. Văn bản thông tin

 – Văn bản giải thích về một hiện tượng tự nhiên.

 – Văn bản giới thiệu sách, phim

 – Chương trình hoạt động; quảng cáo

 Độ dài của văn bản: khoảng 230 chữ

 2. Gợi ý chọn văn bản: xem danh mục gợi ý

VIẾT

 KĨ THUẬT VIẾT

 Biết viết hoa danh từ chung trong một số trường hợp đặc biệt khi muốn thể hiện sự tôn kính. Biết viết đúng tên người, tên địa lí nước ngoài.

 VIẾT ĐOẠN VĂN, VĂN BẢN

 Quy trình viết

 – Biết viết theo các bước: xác định mục đích và nội dung viết (viết để làm gì, về cái gì); quan sát và tìm tư liệu để viết; hình thành ý chính, lập dàn ý cho bài viết; viết đoạn, bài; chỉnh sửa (bố cục, dùng từ, đặt câu, chính tả).

 – Viết được đoạn văn, văn bản thể hiện rõ ràng và mạch lạc chủ đề, thông tin chính; phù hợp với yêu cầu về kiểu, loại; có mở đầu, triển khai, kết thúc; các câu, đoạn liên kết với nhau.

 Thực hành viết

 – Viết được bài văn kể lại câu chuyện đã đọc, đã nghe với những chi tiết sáng tạo.

 – Viết được bài tả người, phong cảnh có sử dụng so sánh, nhân hoá và những từ ngữ gợi tả để làm nổi bật đặc điểm của đối tượng được tả.

 – Viết được đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc của bản thân trước một sự việc hoặc một bài thơ, câu chuyện.

 – Viết được đoạn văn nêu lí do vì sao tán thành hoặc phản đối về một hiện tượng, sự việc có ý nghĩa trong cuộc sống.

 – Viết được đoạn văn giới thiệu về một nhân vật trong một cuốn sách hoặc bộ phim hoạt hình đã xem (hình dáng, cử chỉ, hành động, ngôn ngữ).

 – Viết được báo cáo công việc, chương trình hoạt động, có sử dụng bảng biểu.

NÓI VÀ NGHE

 Nói

 – Điều chỉnh được lời nói (từ ngữ, tốc độ, âm lượng) cho phù hợp với người nghe. Trình bày ý tưởng rõ ràng, có cảm xúc; có thái độ tự tin khi nói trước nhiều người; sử dụng lời nói, cử chỉ, điệu bộ thích hợp.

 – Sử dụng được các phương tiện hỗ trợ phù hợp để tăng hiệu quả biểu đạt.

 – Biết dựa trên gợi ý, giới thiệu về một di tích, một địa điểm tham quan hoặc một địa chỉ vui chơi.

 Nghe

 – Biết vừa nghe vừa ghi những nội dung quan trọng từ ý kiến của người khác.

 – Nhận biết được một số lí lẽ và dẫn chứng mà người nói sử dụng để thuyết phục người nghe.

 Nói nghe tương tác

 Biết thảo luận về một vấn đề có các ý kiến khác biệt; biết dùng lí lẽ và dẫn chứng để thuyết phục người đối thoại, biết tôn trọng sự khác biệt trong thảo luận, thể hiện sự nhã nhặn, lịch sự khi trình bày ý kiến trái ngược với người khác.

 LỚP 6

Yêu cầu cần đạt Nội dung
ĐỌC

 ĐỌC HIỂU

 Văn bản văn học

 Đọc hiểu nội dung

 – Nêu được ấn tượng chung về văn bản; nhận biết được các chi tiết tiêu biểu, đề tài, câu chuyện, nhân vật trong tính chỉnh thể tác phẩm.

 – Nhận biết được chủ đề của văn bản.

 – Nhận biết được tình cảm, cảm xúc của người viết thể hiện qua ngôn ngữ văn bản.

 – Tóm tắt được văn bản một cách ngắn gọn.

 Đọc hiểu hình thức

 – Nhận biết được một số yếu tố của truyện truyền thuyết, cổ tích, đồng thoại như: cốt truyện, nhân vật, lời người kể chuyện và lời nhân vật.

 – Nhận biết và phân tích được đặc điểm nhân vật thể hiện qua hình dáng, cử chỉ, hành động, ngôn ngữ, ý nghĩ của nhân vật.

 – Nhận biết được người kể chuyện ngôi thứ nhất và người kể chuyện ngôi thứ ba.

 – Nhận biết được số tiếng, số dòng, vần, nhịp của thơ lục bát.

 – Nhận biết và bước đầu nhận xét được nét độc đáo của bài thơ thể hiện qua từ ngữ, hình ảnh, biện pháp tu từ.

 – Nhận biết và nêu được tác dụng của các yếu tố tự sự và miêu tả trong thơ.

 – Nhận biết được hình thức ghi chép, cách kể sự việc, người kể chuyện ngôi thứ nhất của hồi kí hoặc du kí.

 Liên hệ, so sánh, kết nối

 – Nhận biết được những điểm giống nhau và khác nhau giữa hai nhân vật trong hai văn bản.

 – Nêu được bài học về cách nghĩ và cách ứng xử của cá nhân do văn bản đã đọc gợi ra.

 Đọc mở rộng

 – Trong 1 năm học, đọc tối thiểu 35 văn bản văn học (bao gồm cả văn bản được hướng dẫn đọc trên mạng Internet) có thể loại và độ dài tương đương với các văn bản đã học.

 – Học thuộc lòng một số đoạn thơ, bài thơ yêu thích trong chương trình.

 Văn bản nghị luận

 Đọc hiểu nội dung

 – Nhận biết được các ý kiến, lí lẽ, bằng chứng trong văn bản; chỉ ra được mối liên hệ giữa các ý kiến, lí lẽ, bằng chứng.

 – Tóm tắt được các nội dung chính trong một văn bản nghị luận có nhiều đoạn.

 Đọc hiểu hình thức

 Nhận biết được đặc điểm nổi bật của văn bản nghị luận.

 Liên hệ, so sánh, kết nối

 Nhận ra được ý nghĩa của vấn đề đặt ra trong văn bản đối với suy nghĩ, tình cảm của bản thân.

 Đọc mở rộng

 Trong 1 năm học, đọc tối thiểu 9 văn bản nghị luận (bao gồm cả văn bản được hướng dẫn đọc trên mạng Internet) có độ dài tương đương với các văn bản đã học.

 Văn bản thông tin

 Đọc hiểu nội dung

 – Nhận biết được các chi tiết trong văn bản; chỉ ra được mối liên hệ giữa các chi tiết, dữ liệu với thông tin cơ bản của văn bản.

 – Tóm tắt được các ý chính của mỗi đoạn trong một văn bản thông tin có nhiều đoạn.

 Đọc hiểu hình thức

 – Nhận biết và hiểu được tác dụng của nhan đề, sa pô, đề mục, chữ đậm, số thứ tự và dấu đầu dòng trong văn bản.

 – Nhận biết được văn bản thuật lại một sự kiện, nêu được mối quan hệ giữa đặc điểm văn bản với mục đích của nó.

 – Nhận biết được cách triển khai văn bản thông tin theo trật tự thời gian và theo quan hệ nhân quả.

 Liên hệ, so sánh, kết nối

 – Nhận biết được vai trò của các phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ ( hình ảnh, số liệu,…).

 – Chỉ ra được những vấn đề đặt ra trong văn bản có liên quan đến suy nghĩ và hành động của bản thân.

 Đọc mở rộng

 Trong 1 năm học, đọc tối thiểu 18 văn bản thông tin (bao gồm cả văn bản được hướng dẫn đọc trên mạng Internet) có kiểu văn bản và độ dài tương đương với các văn bản đã học.

KIẾN THỨC TIẾNG VIỆT

 1.1. Từ đơn và từ phức, từ ghép và từ láy

 1.2. Từ đa nghĩa và từ đồng âm

 1.3. Nghĩa của một số thành ngữ thông dụng

 1.4. Nghĩa của một số yếu tố Hán Việt thông dụng (ví dụ: bất, phi) và nghĩa của những từ có yếu tố Hán Việt đó (ví dụ: bất công, bất đồng, phi nghĩa, phi lí)

 2.1. Các thành phần chính của câu: mở rộng thành phần chính của câu bằng cụm từ

 2.2. Trạng ngữ: đặc điểm, chức năng liên kết câu)

 2.3. Công dụng của dấu chấm phẩy (đánh dấu ranh giới giữa các bộ phận trong một chuỗi liệt kê phức tạp); dấu ngoặc kép (đánh dấu cách hiểu một từ ngữ không theo nghĩa thông thường)

 3.1. Biện pháp tu từ ẩn dụ, hoán dụ: đặc điểm và tác dụng

 3.2. Đoạn văn và văn bản: đặc điểm và chức năng

 3.3. Lựa chọn từ ngữ và một số cấu trúc câu phù hợp với việc thể hiện nghĩa của văn bản

 3.4. Kiểu văn bản và thể loại

 – Văn bản tự sự: bài văn kể lại một trải nghiệm của bản thân, bài văn kể lại một truyện cổ dân gian

 – Văn bản miêu tả: bài văn tả cảnh sinh hoạt

 – Văn bản biểu cảm: thơ lục bát; đoạn văn ghi lại cảm xúc khi đọc bài thơ lục bát

 – Văn bản nghị luận: ý kiến, lí lẽ, bằng chứng; bài trình bày ý kiến về một hiện tượng trong học tập, đời sống

 – Văn bản thông tin: nhan đề, sa pô, đề mục, chữ đậm, số thứ tự và dấu đầu dòng; văn bản thuyết minh thuật lại một sự kiện; biên bản ghi chép về một vụ việc hay một cuộc họp, thảo luận

 4.1. Sự phát triển ngôn ngữ: hiện tượng vay mượn từ, từ mượn, sử dụng từ mượn

 4.2. Phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ: hình ảnh, số liệu

 KIẾN THỨC VĂN HỌC

 1.1. Tính biểu cảm của văn bản văn học

 1.2. Chi tiết và mối liên hệ giữa các chi tiết trong văn bản văn học

 1.3. Đề tài, chủ đề của văn bản; tình cảm, cảm xúc của người viết

 2.1. Các yếu tố: cốt truyện, nhân vật, lời người kể chuyện và lời nhân vật trong truyền thuyết, cổ tích, đồng thoại

 2.2. Người kể chuyện ngôi thứ nhất và người kể chuyện ngôi thứ ba

 2.3. Các yếu tố hình thức của thơ lục bát: số tiếng, số dòng, vần, nhịp

 2.4. Nhan đề, dòng thơ, khổ thơ, vần, nhịp, ngôn từ và tác dụng của các yếu tố đó trong bài thơ

 2.5. Yếu tố tự sự, miêu tả trong thơ

 2.6. Hình thức ghi chép, cách kể sự việc, người kể chuyện ngôi thứ nhất trong hồi kí hoặc du kí

 NGỮ LIỆU

 1.1. Văn bản văn học

 – Truyền thuyết, cổ tích, đồng thoại, truyện ngắn

 – Thơ, thơ lục bát

 – Hồi kí hoặc du kí

 1.2. Văn bản nghị luận

 – Nghị luận xã hội

 – Nghị luận văn học

 1.3. Văn bản thông tin

 – Văn bản thuật lại một sự kiện

 – Biên bản ghi chép

 – Sơ đồ tóm tắt nội dung

 2. Gợi ý chọn văn bản: xem danh mục gợi ý

VIẾT

 Quy trình viết

 Biết viết văn bản bảo đảm các bước: chuẩn bị trước khi viết (xác định đề tài, mục đích, thu thập tư liệu); tìm ý và lập dàn ý; viết bài; xem lại và chỉnh sửa, rút kinh nghiệm.

 Thực hành viết

 – Viết được bài văn kể lại một trải nghiệm của bản thân; dùng người kể chuyện ngôi thứ nhất chia sẻ trải nghiệm và thể hiện cảm xúc trước sự việc được kể.

 – Viết được bài văn kể lại một truyền thuyết hoặc cổ tích.

 – Viết được bài văn tả cảnh sinh hoạt.

 – Bước đầu biết làm bài thơ lục bát; viết đoạn văn ghi lại cảm xúc của mình sau khi đọc một bài thơ lục bát.

 – Bước đầu biết viết bài văn trình bày ý kiến về một hiện tượng mà mình quan tâm: nêu được vấn đề và suy nghĩ của người viết, đưa ra được lí lẽ và bằng chứng để làm sáng tỏ cho ý kiến của mình.

 – Bước đầu biết viết văn bản thuyết minh thuật lại một sự kiện.

 – Viết được biên bản ghi chép đúng quy cách, nêu đầy đủ các nội dung chính về một vụ việc hay một cuộc họp, cuộc thảo luận.

 – Tóm tắt được nội dung chính của một số văn bản đơn giản đã đọc bằng sơ đồ.

NÓI VÀ NGHE

 Nói

 – Kể được một trải nghiệm đáng nhớ đối với bản thân, thể hiện cảm xúc và suy nghĩ về trải nghiệm đó.

 – Kể được một truyền thuyết hoặc cổ tích một cách sinh động, biết sử dụng các yếu tố hoang đường, kì ảo để tăng tính hấp dẫn trong khi kể.

 -Trình bày được ý kiến về một vấn đề trong đời sống.

 Nghe

 Tóm tắt được nội dung trình bày của người khác.

 Nói nghe tương tác

 – Biết tham gia thảo luận trong nhóm nhỏ về một vấn đề cần có giải pháp thống nhất, biết đặt câu hỏi và trả lời, biết nêu một vài đề xuất dựa trên các ý tưởng được trình bày trong quá trình thảo luận.

  

 LỚP 7

Yêu cầu cần đạt Nội dung
ĐỌC

 ĐỌC HIỂU

 Văn bản văn học

 Đọc hiểu nội dung

 – Nêu được ấn tượng chung về văn bản; nhận biết được các chi tiết tiêu biểu, đề tài, câu chuyện, nhân vật trong tính chỉnh thể của tác phẩm.

 – Nhận biết được chủ đề, thông điệp mà văn bản muốn gửi đến người đọc

 – Nhận biết được tình cảm, cảm xúc của người viết thể hiện qua ngôn ngữ văn bản.

 – Tóm tắt được văn bản một cách ngắn gọn.

 Đọc hiểu hình thức

 – Nhận biết được một số yếu tố của tục ngữ: số lượng câu, chữ, vần.

 – Nhận biết được một số yếu tố của truyện ngụ ngôn và truyện khoa học viễn tưởng như: đề tài, sự kiện, tình huống, cốt truyện, nhân vật không gian, thời gian.

 – Nhận biết được tính cách nhân vật thể hiện qua cử chỉ, hành động, lời thoại; qua ý nghĩ của các nhân vật khác trong truyện; qua lời người kể chuyện.

 – Nhận biết và nêu được tác dụng của việc thay đổi kiểu người kể chuyện (người kể chuyện ngôi thứ nhất và người kể chuyện ngôi thứ ba) trong một truyện kể.

 – Nhận biết và nhận xét được nét độc đáo của bài thơ thể hiện qua từ ngữ, hình ảnh, vần, nhịp, biện pháp tu từ.

 – Nhận biết được chất trữ tình, cái tôi, ngôn ngữ của tuỳ bút, tản văn.

 Liên hệ, so sánh, kết nối

 – Nêu được những trải nghiệm trong cuộc sống giúp bản thân hiểu thêm về nhân vật, sự việc trong tác phẩm văn học.

 – Thể hiện được thái độ đồng tình hoặc không đồng tình với thái độ, tình cảm và cách giải quyết vấn đề của tác giả; nêu được lí do.

 Đọc mở rộng

 – Trong 1 năm học, đọc tối thiểu 35 văn bản văn học (bao gồm cả văn bản được hướng dẫn đọc trên mạng Internet) có thể loại và độ dài tương đương với các văn bản đã học.

 – Học thuộc lòng một số đoạn thơ, bài thơ yêu thích trong chương trình.

 Văn bản nghị luận

 Đọc hiểu nội dung

 – Nhận biết được các ý kiến, lí lẽ, bằng chứng trong văn bản; chỉ ra mối liên hệ giữa các ý kiến, lí lẽ, bằng chứng.

 – Xác định được mục đích và nội dung chính của văn bản.

 Đọc hiểu hình thức

 Nhận biết được đặc điểm của văn bản nghị luận về một vấn đề đời sống và nghị luận phân tích một tác phẩm văn học; chỉ ra được mối quan hệ giữa đặc điểm văn bản với mục đích của nó.

 Liên hệ, so sánh, kết nối

 Nêu được những trải nghiệm trong cuộc sống đã giúp bản thân hiểu hơn các ý tưởng hay vấn đề đặt ra trong văn bản.

 Đọc mở rộng

 Trong 1 năm học, đọc tối thiểu 9 văn bản nghị luận (bao gồm cả văn bản được hướng dẫn đọc trên mạng Internet) có độ dài tương đương với các văn bản đã học.

 Văn bản thông tin

 Đọc hiểu nội dung

 – Nhận biết được thông tin cơ bản của văn bản.

 – Nhận biết được vai trò của các chi tiết trong việc thể hiện thông tin cơ bản của văn bản.

 Đọc hiểu hình thức

 – Nhận biết được đặc điểm văn bản giới thiệu một quy tắc hoặc luật lệ trong trò chơi hay hoạt động, chỉ ra được mối quan hệ giữa đặc điểm văn bản với mục đích của nó.

 – Nhận biết và hiểu được tác dụng của cước chú, tài liệu tham khảo trong văn bản thông tin.

 – Nhận biết được cách triển khai các ý tưởng và thông tin trong văn bản (chẳng hạn theo trật tự thời gian, quan hệ nhân quả, mức độ quan trọng, hoặc các đối tượng được phân loại).

 Liên hệ, so sánh, kết nối

 – Nhận biết được tác dụng biểu đạt của một kiểu phương tiện phi ngôn ngữ trong một văn bản in hoặc văn bản điện tử.

 – Nêu được những trải nghiệm trong cuộc sống đã giúp bản thân hiểu hơn các ý tưởng hay vấn đề đặt ra trong văn bản.

 Đọc mở rộng

 Trong 1 năm học, đọc tối thiểu 18 văn bản thông tin ( bao gồm cả văn bản được hướng dẫn đọc trên mạng Internet) có kiểu văn bản và độ dài tương đương với các văn bản đã học.

KIẾN THỨC TIẾNG VIỆT

 1.1. Thành ngữ và tục ngữ: đặc điểm và chức năng

 1.2. Thuật ngữ: đặc điểm và chức năng

 1.3. Nghĩa của một số yếu tố Hán Việt thông dụng (ví dụ: quốc, gia)  và nghĩa của những từ có yếu tố Hán Việt đó (ví dụ: quốc thể, gia cảnh)

 1.4. Ngữ cảnh và nghĩa của từ trong ngữ cảnh

 2.1. Số từ, phó từ: đặc điểm và chức năng

 2.2. Các thành phần chính và thành phần trạng ngữ trong câu: mở rộng thành phần chính và trạng ngữ bằng cụm từ

 2.3. Công dụng của dấu chấm lửng (phối hợp với dấu phẩy, tỏ ý nhiều sự vật, hiện tượng tương tự chưa liệt kê hết; thể hiện lời nói bỏ dở hay ngập ngừng, ngắt quãng; làm giãn nhịp điệu câu văn, chuẩn bị cho sự xuất hiện của một từ ngữ biểu thị nội dung bất ngờ hay hài hước, châm biếm)

 3.1. Biện pháp tu từ nói quá, nói giảm nói tránh: đặc điểm và tác dụng

 3.2. Liên kết và mạch lạc của văn bản: đặc điểm và chức năng

 3.3. Kiểu văn bản và thể loại

 – Văn bản tự sự: bài văn kể lại sự việc có thật liên quan đến nhân vật và sự kiện lịch sử

 – Văn bản biểu cảm: bài văn biểu cảm; thơ bốn chữ, năm chữ; đoạn văn ghi lại cảm xúc sau khi đọc một bài thơ bốn, năm chữ.

 – Văn bản nghị luận: mối quan hệ giữa ý kiến, lí lẽ, bằng chứng; bài nghị luận về một vấn đề trong đời sống; bài phân tích một tác phẩm văn học

 – Văn bản thông tin: Cước chú và tài liệu tham khảo; bài thuyết minh dùng để giải thích một quy tắc hay luật lệ trong một trò chơi hay hoạt động; văn bản tường trình; văn bản tóm tắt với độ dài khác nhau

 4.1. Ngôn ngữ của các vùng miền: hiểu và trân trọng sự khác biệt về ngôn ngữ giữa các vùng miền

 4.2. Phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ: hình ảnh, số liệu

 KIẾN THỨC VĂN HỌC

 1.1. Giá trị nhận thức của văn học

 1.2. Đề tài và chủ đề của văn bản; mối liên hệ giữa chi tiết với chủ đề, cách xác định chủ đề văn bản; thái độ, tình cảm của tác giả thể hiện qua văn bản

 1.3. Văn bản tóm tắt

 2.1. Hình thức của tục ngữ

 2.2. Đề tài, sự kiện, tình huống, cốt truyện, không gian, thời gian, nhân vật của truyện ngụ ngôn và truyện khoa học viễn tưởng

 2.3. Người kể chuyện ngôi thứ nhất và người kể chuyện ngôi thứ ba; tác dụng của mỗi kiểu người kể chuyện trong một truyện kể

 2.4. Một số yếu tố hình thức của thơ bốn, năm chữ): số lượng câu, chữ, vần, nhịp

 2.5. Chất trữ tình, cái tôi, ngôn ngữ của tuỳ bút, tản văn

 3. Những trải nghiệm cuộc sống và việc hiểu văn học

 NGỮ LIỆU

 1.1. Văn bản văn học

 – Ngụ ngôn, truyện ngắn, truyện khoa học viễn tưởng

 – Thơ, thơ bốn chữ, năm chữ

 – Tuỳ bút, tản văn

 – Tục ngữ

 1.2. Văn bản nghị luận

 – Nghị luận xã hội

 – Nghị luận văn học

 1.3. Văn bản thông tin

 – Văn bản giới thiệu quy tắc hoặc luật lệ trong trò chơi hay hoạt động

 – Văn bản tường trình

 2. Gợi ý chọn văn bản: xem danh mục gợi ý

  

  

  

  

  

  

  

  

  

  

  

VIẾT

 Quy trình viết

 Biết viết văn bản bảo đảm các bước: chuẩn bị trước khi viết (xác định đề tài, mục đích, thu thập tư liệu); tìm ý và lập dàn ý; viết bài; xem lại và chỉnh sửa, rút kinh nghiệm.

 Thực hành viết

 – Viết được bài văn kể lại sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử; bài viết có sử dụng các yếu tố miêu tả.

 – Viết được bài văn biểu cảm (về con người hoặc sự việc).

 – Bước đầu biết làm một bài thơ bốn chữ hoặc năm chữ; viết đoạn văn ghi lại cảm xúc của mình sau khi đọc một bài thơ bốn, năm chữ.

 – Bước đầu biết viết bài văn nghị luận về một vấn đề trong đời sống trình bày rõ vấn đề và ý kiến (tán thành hay phản đối) của người viết; đưa ra được lí lẽ rõ ràng và bằng chứng đa dạng.

 – Bước đầu biết viết bài phân tích đặc điểm nhân vật trong một tác phẩm văn học.

 – Bước đầu biết viết văn bản thuyết minh về một quy tắc hay luật lệ trong trò chơi hay hoạt động.

 – Viết được văn bản tường trình rõ ràng, đầy đủ, đúng quy cách.

 – Biết tóm tắt một văn bản theo yêu cầu về độ dài khác nhau, đảm bảo được nội dung chính của văn bản.

NÓI VÀ NGHE

 Nói

 – Trình bày được ý kiến về một vấn đề đời sống, nêu rõ ý kiến và các lí lẽ, bằng chứng thuyết phục. Biết bảo vệ ý kiến của mình trước sự phản bác của người nghe.

 – Biết kể một truyện cười. Biết sử dụng và thưởng thức những cách nói thú vị, dí dỏm, hài hước trong khi nói và nghe. Có thái độ phù hợp đối với những câu chuyện vui.

 – Giải thích được quy tắc hoặc luật lệ trong một trò chơi hay hoạt động.

 Nghe

 – Tóm tắt được các ý chính do người khác trình bày.

 Nói nghe tương tác

 – Biết trao đổi một cách xây dựng, tôn trọng các ý kiến khác biệt.

 – Biết thảo luận trong nhóm về một vấn đề gây tranh cãi; xác định được những điểm thống nhất và khác biệt giữa các thành viên trong nhóm để tìm cách giải quyết.

 LỚP 8

Yêu cầu cần đạt Nội dung
ĐỌC

 ĐỌC HIỂU

 Văn bản văn học

 Đọc hiểu nội dung

 – Nêu được nội dung bao quát của văn bản; nhận biết được các chi tiết tiêu biểu, đề tài, câu chuyện, nhân vật trong tính chỉnh thể của tác phẩm.

 – Nhận biết và phân tích được chủ đề, tư tưởng, thông điệp mà văn bản muốn gửi đến người đọc thông qua hình thức nghệ thuật của văn bản; phân tích được một số căn cứ để xác định chủ đề.

 – Nhận biết và phân tích được tình cảm, cảm xúc, cảm hứng chủ đạo của người viết thể hiện qua văn bản.

 Đọc hiểu hình thức

 – Nhận biết và phân tích được vai trò của tưởng tượng trong tiếp nhận văn bản văn học.

 – Nhận biết được một số yếu tố của truyện cười, truyện lịch sử như: cốt truyện, bối cảnh, nhân vật, ngôn ngữ.

 – Nhận biết và phân tích được cốt truyện đơn tuyến và cốt truyện đa tuyến.

 – Nhận biết và phân tích được tác dụng của một số thủ pháp nghệ thuật chính của thơ trào phúng.

 – Nhận biết được một số yếu tố thi luật của thơ thất ngôn bát cú và thơ tứ tuyệt luật Đường như: bố cục, niêm, luật, vần, nhịp, đối.

 – Nhận biết và phân tích được nét độc đáo của bài thơ thể hiện qua từ ngữ, hình ảnh, bố cục, mạch cảm xúc.

 – Nhận biết và phân tích được một số yếu tố của hài kịch như: xung đột, hành động, nhân vật, lời thoại, thủ pháp trào phúng.

 Liên hệ, so sánh, kết nối

 – Hiểu mỗi người đọc có thể có cách tiếp nhận riêng đối với một văn bản văn học; biết tôn trọng và học hỏi cách tiếp nhận của người khác.

 – Nhận xét được nội dung phản ánh và cách nhìn cuộc sống, con người của tác giả trong văn bản văn học.

 – Nêu được những thay đổi trong suy nghĩ, tình cảm hoặc cách sống của bản thân sau khi đọc tác phẩm văn học.

 Đọc mở rộng

 – Trong 1 năm học, đọc tối thiểu 35 văn bản văn học ( bao gồm cả văn bản được hướng dẫn đọc trên mạng Internet) có thể loại và độ dài tương đương với các văn bản đã học.

 – Học thuộc lòng một số đoạn thơ, bài thơ yêu thích trong chương trình.

 Văn bản nghị luận

 Đọc hiểu nội dung

 – Nhận biết được luận đề, luận điểm, lí lẽ và bằng chứng tiêu biểu trong văn bản.

 – Phân tích được mối liên hệ giữa luận đề, luận điểm, lí lẽ và bằng chứng; vai trò của luận điểm, lí lẽ và bằng chứng trong việc thể hiện luận đề.

 Đọc hiểu hình thức

 Phân biệt được lí lẽ, bằng chứng khách quan (có thể kiểm chứng được) với ý kiến, đánh giá chủ quan của người viết.

 Liên hệ, so sánh, kết nối

 Liên hệ được nội dung nêu trong văn bản với những vấn đề của xã hội đương đại.

 Đọc mở rộng

 Trong 1 năm học, đọc tối thiểu 9 văn bản nghị luận (bao gồm cả văn bản được hướng dẫn đọc trên mạng Internet) có độ dài tương đương với các văn bản đã học.

 Văn bản thông tin

 Đọc hiểu nội dung

 – Phân tích được thông tin cơ bản của văn bản.

 – Phân tích được vai trò của các chi tiết trong việc thể hiện thông tin cơ bản của văn bản.

 Đọc hiểu hình thức

 – Nhận biết và phân tích được đặc điểm của một số kiểu văn bản thông tin: văn bản giải thích một hiện tượng tự nhiên; văn bản giới thiệu một cuốn sách hoặc bộ phim đã xem; chỉ ra được mối quan hệ giữa đặc điểm văn bản với mục đích của nó.

 – Nhận biết và phân tích được cách trình bày thông tin trong văn bản như theo trật tự thời gian, quan hệ nhân quả, mức độ quan trọng của đối tượng hoặc cách so sánh và đối chiếu.

 Liên hệ, so sánh, kết nối

 – Liên hệ được thông tin trong văn bản với những vấn đề của xã hội đương đại.

 – Đánh giá được hiệu quả biểu đạt của một kiểu phương tiện phi ngôn ngữ trong một văn bản cụ thể.

 Đọc mở rộng

 Trong 1 năm học, đọc tối thiểu 18 văn bản thông tin (bao gồm cả văn bản được hướng dẫn đọc trên mạng Internet) có kiểu văn bản và độ dài tương đương với các văn bản đã học.

KIẾN THỨC TIẾNG VIỆT

 1.1. Nghĩa của một số thành ngữ và tục ngữ tương đối thông dụng

 1.2. Sắc thái nghĩa của từ ngữ và việc lựa chọn từ ngữ

 1.3. Từ tượng hình và từ tượng thanh: đặc điểm và tác dụng

 1.4. Nghĩa của một số yếu tố Hán Việt thông dụng (ví dụ: vô, hữu) và nghĩa của những từ có yếu tố Hán Việt đó (ví dụ: vô tư, vô hình, hữu quan, hữu hạn)

 2.1. Trợ từ, thán từ: đặc điểm và chức năng

 2.2. Thành phần biệt lập trong câu: đặc điểm và chức năng

 2.3. Câu kể, câu hỏi, câu khiến, câu cảm; câu khẳng định và câu phủ định: đặc điểm và chức năng

 3.1. Biện pháp tu từ đảo ngữ, câu hỏi tu từ: đặc điểm và tác dụng

 3.2. Nghĩa tường minh và nghĩa hàm ẩn của câu

 3.3. Các đoạn văn diễn dịch, quy nạp, song song, phối hợp: đặc điểm và chức năng

 3.4. Kiểu văn bản và thể loại

 – Văn bản tự sự: bài văn kể lại một chuyến đi hay một hoạt động xã hội

 – Văn bản biểu cảm: thơ sáu chữ, bảy chữ; đoạn văn ghi lại cảm nghĩ về một bài thơ sáu, bảy chữ

 – Văn bản nghị luận: luận đề, luận điểm, lí lẽ và bằng chứng; bài thảo luận về một vấn đề của đời sống; bài phân tích một tác phẩm văn học

 – Văn bản thông tin: thông tin khách quan, ý kiến chủ quan và mục đích của văn bản; văn bản thuyết minh để giải thích một hiện tượng tự nhiên; bài giới thiệu một cuốn sách; văn bản kiến nghị

 4.1. Từ ngữ toàn dân và từ ngữ địa phương: chức năng và giá trị

 4.2. Biệt ngữ xã hội: chức năng và giá trị

 4.3. Phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ: hình ảnh, số liệu, biểu đồ,…

 KIẾN THỨC VĂN HỌC

 1.1. Tưởng tượng trong tác phẩm văn học

 1.2. Nhan đề và cách đặt nhan đề văn bản

 1.3. Đề tài và chủ đề, cách xác định chủ đề; kết cấu

 2.1. Cốt truyện, bối cảnh, nhân vật, ngôn ngữ trong truyện cười, truyện lịch sử

 2.2. Cốt truyện đơn tuyến và cốt truyện đa tuyến

 2.3. Các thủ pháp nghệ thuật chính của thơ trào phúng

 2.4. Một số yếu tố thi luật của thơ thất ngôn bát cú và thơ tứ tuyệt luật Đường: bố cục, niêm, luật, vần, nhịp, đối

 2.5. Một số yếu tố hình thức của một bài thơ: từ ngữ, hình ảnh, bố cục, mạch cảm xúc

 2.6. Xung đột, hành động, nhân vật, lời thoại, thủ pháp trào phúng trong kịch bản văn học (hài kịch)

 2.7. Một số yếu tố hình thức của thơ tự do (sáu, bảy chữ): số lượng câu, chữ, vần, nhịp

 3.1. Người đọc và cách tiếp nhận riêng đối với một văn bản văn học

 3.2. Nội dung phản ánh và cách nhìn cuộc sống, con người của tác giả

 NGỮ LIỆU

 1.1. Văn bản văn học

 – Truyện cười, truyện ngắn, truyện lịch sử

 – Thơ trào phúng, thơ thất ngôn bát cú, thơ tứ tuyệt luật Đường; thơ sáu, bảy chữ

 – Hài kịch

 1.2. Văn bản nghị luận

 – Nghị luận xã hội

 – Nghị luận văn học

 1.3. Văn bản thông tin

 – Văn bản thuyết minh giải thích một hiện tượng tự nhiên, văn bản giới thiệu một cuốn sách

 – Văn bản kiến nghị

 2. Gợi ý chọn văn bản: xem danh mục gợi ý

VIẾT

 Quy trình viết

 Biết viết văn bản bảo đảm các bước: chuẩn bị trước khi viết (xác định đề tài, mục đích, người đọc, hình thức, thu thập thông tin, tư liệu); tìm ý và lập dàn ý; viết bài; xem lại và chỉnh sửa, rút kinh nghiệm.

 Thực hành viết

 – Viết được bài văn kể lại một chuyến đi hay một hoạt động xã hội đã để lại cho bản thân nhiều suy nghĩ và tình cảm sâu sắc, có dùng yếu tố miêu tả hay biểu cảm hoặc cả 2 yếu tố này trong văn bản.

 – Bước đầu biết làm một bài thơ tự do (sáu, bảy chữ). Viết được đoạn văn ghi lại cảm nghĩ về một bài thơ tự do.

 – Viết được văn bản nghị luận về một vấn đề của đời sống, trình bày rõ vấn đề và ý kiến (đồng tình hay phản đối) của người viết về vấn đề đó; nêu được lí lẽ và bằng chứng thuyết phục.

 – Viết được bài phân tích một tác phẩm văn học: nêu được chủ đề; dẫn ra và phân tích được tác dụng của một vài nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật được dùng trong tác phẩm.

 – Viết được văn bản thuyết minh giải thích một hiện tượng tự nhiên hoặc giới thiệu một cuốn sách; nêu được những thông tin quan trọng; trình bày mạch lạc, thuyết phục.

 – Viết được văn bản kiến nghị về một vấn đề đời sống.

NÓI VÀ NGHE

 Nói

 – Trình bày được ý kiến về một vấn đề xã hội; nêu rõ ý kiến và các luận điểm; sử dụng lí lẽ và bằng chứng thuyết phục (có thể sử dụng công nghệ thông tin để tăng hiệu quả trình bày).

 – Biết trình bày bài giới thiệu ngắn về một cuốn sách (theo lựa chọn cá nhân): cung cấp cho người đọc những thông tin quan trọng nhất; nêu được đề tài hay chủ đề của cuốn sách và một số nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật.

 Nghe

 – Nghe và tóm tắt được nội dung thuyết trình của người khác.

 – Nắm bắt được nội dung chính mà nhóm đã trao đổi, thảo luận và trình bày lại được nội dung đó.

 Nói nghe tương tác

 – Biết thảo luận ý kiến về một vấn đề trong đời sống phù hợp với lứa tuổi.

 LỚP 9

Yêu cầu cần đạt Nội dung
ĐỌC

 ĐỌC HIỂU

 Văn bản văn học

 Đọc hiểu nội dung

 – Nêu được nội dung bao quát của văn bản; bước đầu biết phân tích các chi tiết tiêu biểu, đề tài, câu chuyện, nhân vật trong tính chỉnh thể của tác phẩm.

 – Nhận biết và phân tích được chủ đề, tư tưởng, thông điệp mà văn bản muốn gửi đến người đọc thông qua hình thức nghệ thuật của văn bản; phân tích được một số căn cứ để xác định chủ đề.

 – Nhận biết và phân tích được tình cảm, cảm xúc, cảm hứng chủ đạo của người viết thể hiện qua văn bản.

 Đọc hiểu hình thức

 – Nhận biết và phân tích được mối quan hệ giữa nội dung và hình thức của văn bản văn học.

 – Nhận biết và phân tích được một số yếu tố của truyện thơ Nôm như: cốt truyện, nhân vật, lời thoại.

 – Nhận biết và phân tích được một số yếu tố trong truyện truyền kì, truyện trinh thám như: không gian, thời gian, chi tiết, cốt truyện, nhân vật chính, lời người kể chuyện.

 – Nhận biết và phân biệt được lời người kể chuyện và lời nhân vật; lời đối thoại và lời độc thoại trong văn bản truyện.

 – Nhận biết và phân tích được một số yếu tố về thi luật của thơ song thất lục bát như: vần, nhịp, số chữ, số dòng trong một khổ thơ; sự khác biệt so với thơ lục bát.

 – Nhận biết và phân tích được nét độc đáo về hình thức của bài thơ thể hiện qua bố cục, kết cấu, ngôn ngữ, biện pháp tu từ.

 – Nhận biết và phân tích được một số yếu tố của bi kịch như: xung đột, hành động, cốt truyện, nhân vật, lời thoại.

 Liên hệ, so sánh, kết nối

 – Nhận biết được vai trò của người đọc và bối cảnh tiếp nhận đối với việc đọc hiểu tác phẩm văn học.

 – Nêu được những thay đổi trong suy nghĩ, tình cảm, lối sống và cách thưởng thức, đánh giá của cá nhân do văn bản đã học mang lại.

 – Vận dụng được một số hiểu biết về lịch sử văn học Việt Nam để đọc hiểu văn bản văn học.

 Đọc mở rộng

 – Trong 1 năm học, đọc tối thiểu 35 văn bản văn học (bao gồm cả văn bản được hướng dẫn đọc trên mạng Internet) có thể loại và độ dài tương đương với các văn bản đã học.

 – Học thuộc lòng một số đoạn thơ, bài thơ yêu thích trong chương trình.

 Văn bản nghị luận

 Đọc hiểu nội dung

 – Nhận biết và phân tích được luận đề, luận điểm, lí lẽ và bằng chứng tiêu biểu trong văn bản.

 – Phân tích được mối liên hệ giữa luận đề, luận điểm, lí lẽ và bằng chứng; vai trò của luận điểm, lí lẽ và bằng chứng trong việc thể hiện luận đề.

 – Biết nhận xét, đánh giá tính chất đúng và sai của vấn đề đặt ra trong văn bản.

 Đọc hiểu hình thức

 – Nhận biết và đánh giá được cách thuyết phục thường dùng trong quảng cáo thương mại.

 – Phân biệt được cách trình bày vấn đề khách quan (chỉ đưa thông tin) và cách trình bày chủ quan (thể hiện tình cảm, quan điểm của người viết).

 Liên hệ, so sánh, kết nối

 – Liên hệ được ý tưởng, thông điệp trong văn bản với bối cảnh lịch sử, văn hoá, xã hội.

 – Hiểu được cùng một vấn đề đặt ra trong văn bản, người đọc có thể tiếp nhận khác nhau.

 Đọc mở rộng

 Trong 1 năm học, đọc tối thiểu 9 văn bản nghị luận ( bao gồm cả văn bản được hướng dẫn đọc trên mạng Internet) có độ dài tương đương với các văn bản đã học.

 Văn bản thông tin

 Đọc hiểu nội dung

 – Phân tích được thông tin cơ bản của văn bản; giải thích được ý nghĩa của nhan đề trong việc thể hiện thông tin cơ bản của văn bản.

 – Đánh giá được vai trò của các chi tiết quan trọng trong văn bản.

 Đọc hiểu hình thức

 – Nhận biết và phân tích được đặc điểm của văn bản giới thiệu một danh lam thắng cảnh hoặc di tích lịch sử, bài phỏng vấn; chỉ ra được mối quan hệ giữa đặc điểm văn bản với mục đích của nó.

 – Nhận biết và phân tích được tác dụng của cách trình bày thông tin trong văn bản như: trật tự thời gian, quan hệ nhân quả, các đối tượng phân loại, so sánh và đối chiếu,…

 Liên hệ, so sánh, kết nối

 – Nhận biết và phân tích được quan hệ giữa phương tiện ngôn ngữ và phương tiện phi ngôn ngữ (như đồ thị, sơ đồ) dùng để biểu đạt thông tin trong văn bản.

 – Liên hệ, vận dụng được những điều đã đọc từ văn bản để giải quyết một vấn đề trong cuộc sống.

 Đọc mở rộng

 Trong 1 năm học, đọc tối thiểu 18 văn bản thông tin ( bao gồm cả văn bản được hướng dẫn đọc trên mạng Internet) có độ dài tương đương với các văn bản đã học.

KIẾN THỨC TIẾNG VIỆT

 1.1. Sự khác biệt về nghĩa của một số yếu tố Hán Việt dễ gây nhầm lẫn (ví dụ: đồng trong đồng dao, đồng âm, đồng minh; minh trong thanh minh, minh oan, u minh)

 1.2. Điển tích, điển cố (ví dụ: Ngưu Lang – Chức Nữ, Tái ông thất mã): đặc điểm và tác dụng

 1.3. Nghĩa và cách dùng tên viết tắt các tổ chức quốc tế quan trọng ( như: UN, UNESCO, UNICEF, WHO, WB, IMF, ASEAN, WTO,…)

 2.1. Biến đổi và mở rộng cấu trúc câu (thay đổi trật tự các thành phần trong câu, thêm thành phần phụ,…): đặc điểm và tác dụng

 2.2. Lựa chọn câu đơn – câu ghép, các kiểu câu ghép, các kết từ để nối các vế câu ghép

 2.3. Câu rút gọn và câu đặc biệt: đặc điểm và chức năng

 3.1. Biện pháp tu từ chơi chữ, điệp thanh và điệp vần: đặc điểm và tác dụng

 3.2. Sự khác nhau giữa cách dẫn trực tiếp và cách dẫn gián tiếp; cách dùng dấu câu khi dẫn trực tiếp và gián tiếp

 3.3. Kiểu văn bản và thể loại

 – Văn bản tự sự: truyện kể, mô phỏng một truyện đã đọc; truyện kể chuyển nội dung từ một truyện tranh

 – Văn bản biểu cảm: thơ tám chữ; đoạn văn ghi lại cảm nghĩ về một bài thơ tám chữ

 – Văn bản nghị luận: vai trò của luận điểm, lí lẽ và bằng chứng trong việc thể hiện nội dung văn bản nghị luận; bài nghị luận nêu vấn đề và giải pháp; bài phân tích một tác phẩm văn học

 – Văn bản thông tin: cách trình bày các ý tưởng và thông tin trong văn bản; hiệu quả biểu đạt của phương tiện phi ngôn ngữ trong văn bản thông tin; văn bản giải thích một hiện tượng xã hội; văn bản thuyết minh về một danh lam thắng cảnh hay một di tích lịch sử; quảng cáo, tờ rơi

 3.4. Một số lưu ý về tham khảo, trích dẫn tài liệu để tránh đạo văn

 4.1. Sự phát triển của ngôn ngữ: từ ngữ mới và nghĩa mới

 4.2. Một số hiểu biết sơ giản về chữ viết tiếng Việt: chữ Nôm và chữ Quốc ngữ

 4.3. Phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ: hình ảnh, số liệu, biểu đồ,…

 KIẾN THỨC VĂN HỌC

 1.1. Nội dung và hình thức văn bản văn học

 1.2. Cảm hứng chủ đạo và tư tưởng của tác phẩm

 2.1. Cốt truyện, nhân vật; lời thoại trong truyện thơ Nôm

 2.2. Không gian, thời gian, chi tiết, cốt truyện, nhân vật chính, lời người kể chuyện trong truyện truyền kì và truyện trinh thám

 2.3. Lời người kể chuyện và lời nhân vật; lời đối thoại và lời độc thoại trong văn bản truyện

 2.4. Thơ song thất lục bát: khổ thơ, số chữ, số dòng, vần, nhịp,

 2.5. Xung đột, hành động, cốt truyện, nhân vật, lời thoại trong kịch bản văn học (bi kịch)

 3. Sơ giản về lịch sử văn học và vai trò của lịch sử văn học trong đọc hiểu văn bản

 NGỮ LIỆU

 1.1. Văn bản văn học

 – Truyện truyền kì, truyện trinh thám

 – Thơ song thất lục bát, truyện thơ Nôm, thơ tám chữ

 – Bi kịch

 1.2. Văn bản nghị luận

 – Nghị luận xã hội

 – Nghị luận văn học

 1.3. Văn bản thông tin

 – Văn bản giới thiệu một danh lam thắng cảnh hoặc một di tích lịch sử

 – Bài phỏng vấn

 2. Gợi ý chọn văn bản: xem danh mục gợi ý

VIẾT

 Quy trình viết

 – Biết viết văn bản bảo đảm các bước: chuẩn bị trước khi viết (xác định đề tài, mục đích, người đọc, hình thức, thu thập thông tin, tư liệu); tìm ý và lập dàn ý; viết bài; xem lại và chỉnh sửa, rút kinh nghiệm.

 – Có hiểu biết và tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ, biết cách trích dẫn văn bản của người khác.

 Thực hành viết

 – Viết được một truyện kể sáng tạo, có thể mô phỏng một truyện đã đọc; sử dụng các yếu tố miêu tả và biểu cảm trong truyện.

 – Bước đầu biết làm một bài thơ tám chữ. Viết được đoạn văn ghi lại cảm nghĩ về một bài thơ tám chữ.

 – Viết được một bài văn nghị luận về một vấn đề cần giải quyết; trình bày được giải pháp khả thi và có sức thuyết phục.

 – Viết được một văn bản nghị luận phân tích một tác phẩm văn học: phân tích nội dung chủ đề, những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của tác phẩm và hiệu quả thẩm mĩ của nó.

 – Viết được bài thuyết minh về một danh lam thắng cảnh hay một di tích lịch sử, có sử dụng các sơ đồ, bảng biểu, hình ảnh minh hoạ.

 – Viết được một quảng cáo hoặc tờ rơi về một sản phẩm hay một hoạt động, sử dụng kết hợp phương tiện ngôn ngữ và phương tiện phi ngôn ngữ.

NÓI VÀ NGHE

 Nói

 – Biết kể một câu chuyện tưởng tượng (có bối cảnh, nhân vật, cốt truyện,…).

 – Trình bày được ý kiến về một sự việc có tính thời sự.

 – Thuyết minh được về một danh lam thắng cảnh hay một di tích lịch sử, có sử dụng các sơ đồ, bảng biểu, hình ảnh minh hoạ.

 Nghe

 – Nghe và nhận biết được tính thuyết phục của một ý kiến; chỉ ra được những hạn chế (nếu có) như lập luận thiếu logic, bằng chứng chưa đủ hay không liên quan.

 Nói nghe tương tác

 – Biết thảo luận về một vấn đề đáng quan tâm trong đời sống phù hợp với lứa tuổi.

 – Tiến hành được một cuộc phỏng vấn ngắn, xác định được mục đích, nội dung và cách thức phỏng vấn.

 LỚP 10

Yêu cầu cần đạt Nội dung
ĐỌC

 ĐỌC HIỂU

 Văn bản văn học

 Đọc hiểu nội dung

 – Biết nhận xét nội dung bao quát của văn bản; biết phân tích các chi tiết tiêu biểu, đề tài, câu chuyện, nhân vật và mối quan hệ của chúng trong tính chỉnh thể của tác phẩm.

 – Phân tích và đánh giá được chủ đề, tư tưởng, thông điệp mà văn bản muốn gửi đến người đọc thông qua hình thức nghệ thuật của văn bản; phân tích được một số căn cứ để xác định chủ đề.

 – Phân tích và đánh giá được tình cảm, cảm xúc, cảm hứng chủ đạo mà người viết thể hiện qua văn bản. Phát hiện được các giá trị đạo đức, văn hoá từ văn bản.

 Đọc hiểu hình thức

 – Nhận biết và phân tích được một số yếu tố của sử thi, truyện thần thoại như: không gian, thời gian, cốt truyện, nhân vật, lời người kể chuyện và lời nhân vật,…

 – Nhận biết và phân tích được một số yếu tố của truyện như: nhân vật, câu chuyện, người kể chuyện ngôi thứ 3 ( người kể chuyện toàn tri) và người kể chuyện ngôi thứ nhất (người kể chuyện hạn tri) điểm nhìn, lời người kể chuyện, lời nhân vật,…

 – Phân tích và đánh giá được giá trị thẩm mĩ của một số yếu tố trong thơ như từ ngữ, hình ảnh, vần, nhịp, đối, chủ thể trữ tình, nhân vật trữ tình.

 – Nhận biết và phân tích được một số yếu tố của văn bản chèo hoặc tuồng như: đề tài, tính vô danh, tích truyện, nhân vật, lời thoại, phương thức lưu truyền,…

 Liên hệ, so sánh, kết nối

 – Vận dụng được những hiểu biết về tác giả Nguyễn Trãi để đọc hiểu một số tác phẩm của tác giả này.

 – Nhận biết và phân tích được bối cảnh lịch sử – văn hoá được thể hiện trong văn bản văn học.

 – Liên hệ để thấy được một số điểm gần gũi về nội dung giữa các tác phẩm văn học thuộc hai nền văn hoá khác nhau.

 – Nêu được ý nghĩa hay tác động của tác phẩm văn học đối với quan niệm, cách nhìn, cách nghĩ và tình cảm của người đọc; thể hiện được cảm xúc và sự đánh giá của cá nhân về tác phẩm.

 Đọc mở rộng

 – Trong 1 năm học, đọc tối thiểu 35 văn bản văn học (bao gồm cả văn bản được hướng dẫn đọc trên mạng Internet) có thể loại và độ dài tương đương với các văn bản đã học.

 – Học thuộc lòng một số đoạn thơ, bài thơ yêu thích trong chương trình.

 Văn bản nghị luận

 Đọc hiểu nội dung

 – Nhận biết và phân tích được nội dung của luận đề, luận điểm, lí lẽ và bằng chứng tiêu biểu trong văn bản.

 – Xác định được ý nghĩa của văn bản. Phân tích được mối quan hệ giữa các luận điểm, lí lẽ và bằng chứng; vai trò của các luận điểm, lí lẽ và bằng chứng trong việc thể hiện nội dung chính của văn bản.

 – Dựa vào các luận điểm, lí lẽ và bằng chứng trong văn bản để nhận biết được mục đích, quan điểm của người viết.

 Đọc hiểu hình thức

 – Nhận biết và phân tích được cách sắp xếp, trình bày luận điểm, lí lẽ và bằng chứng của tác giả.

 – Nhận biết và phân tích được vai trò của các yếu tố biểu cảm trong văn bản nghị luận.

 Liên hệ, so sánh, kết nối

 Nhận biết và phân tích được bối cảnh lịch sử hoặc bối cảnh văn hoá, xã hội – Nêu được ý nghĩa hay tác động của văn bản đối với quan niệm sống của bản thân.

 Đọc mở rộng

 Trong 1 năm học, đọc tối thiểu 9 văn bản nghị luận (bao gồm cả văn bản được hướng dẫn đọc trên mạng Internet) có độ dài tương đương với các văn bản đã học.

 Văn bản thông tin

 Đọc hiểu nội dung

 – Biết suy luận và phân tích mối liên hệ giữa các chi tiết và vai trò của chúng trong việc thể hiện thông tin chính của văn bản.

 – Phân tích và đánh giá được đề tài, thông tin cơ bản của văn bản, cách đặt nhan đề của tác giả; nhận biết được mục đích của người viết.

 Đọc hiểu hình thức

 – Nhận biết được một số dạng văn bản thông tin tổng hợp: thuyết minh có lồng ghép một hay nhiều yếu tố như miêu tả, tự sự, biểu cảm, nghị luận; giải thích được mục đích của việc lồng ghép các yếu tố đó vào văn bản.

 – Nhận biết và phân tích được sự kết hợp giữa phương tiện giao tiếp ngôn ngữ và các phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ để biểu đạt nội dung văn bản một cách sinh động, hiệu quả.

 – Phân tích, đánh giá được cách đưa tin và quan điểm của người viết ở một bản tin.

 Liên hệ, so sánh, kết nối

 Nêu được ý nghĩa hay tác động của văn bản thông tin đã đọc đối với bản thân.

 Đọc mở rộng

 Trong 1 năm học, đọc tối thiểu 18 văn bản thông tin (bao gồm cả văn bản được hướng dẫn đọc trên mạng Internet) có kiểu văn bản và độ dài tương đương với các văn bản đã học.

KIẾN THỨC TIẾNG VIỆT

 1. Lỗi dùng từ và cách sửa

 2. Lỗi về trật tự từ và cách sửa

 3.1. Biện pháp tu từ chêm xen, liệt kê: đặc điểm và tác dụng

 3.2. Lỗi về liên kết đoạn văn và văn bản: dấu hiệu nhận biết và cách chỉnh sửa

 3.3. Kiểu văn bản và thể loại

 – Văn bản nghị luận: mục đích, quan điểm của người viết; cách sắp xếp, trình bày luận điểm, lí lẽ và bằng chứng; các yếu tố tự sự, biểu cảm trong văn bản nghị luận; bài nghị luận về một vấn đề xã hội; bài nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm văn học; bài nghị luận về bản thân

 – Văn bản thông tin: sự kết hợp giữa phương tiện ngôn ngữ và các phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ; sự kết hợp các phương thức biểu đạt; cách đưa tin và quan điểm của người viết; văn bản thuyết minh tổng hợp; nội quy, bản hướng dẫn ở nơi công cộng

 3.4. Cách đánh dấu phần bị tỉnh lược trong văn bản, cách chú thích trích dẫn và ghi cước chú

 4. Phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ: hình ảnh, số liệu, biểu đồ, sơ đồ,…

 KIẾN THỨC VĂN HỌC

 1. Cảm hứng chủ đạo của tác phẩm

 2.1. Câu chuyện, người kể chuyện ngôi thứ ba (người kể chuyện toàn tri), người kể chuyện ngôi thứ nhất (người kể chuyện hạn tri), điểm nhìn trong truyện

 2.2. Một số yếu tố của sử thi, truyện thần thoại: không gian, thời gian, cốt truyện, người kể chuyện, nhân vật, lời người kể chuyện và lời nhân vật,…; giá trị và sức sống của sử thi

 2.3. Giá trị thẩm mĩ của một số yếu tố hình thức trong thơ

 2.4. Một số yếu tố của kịch bản chèo hoặc tuồng dân gian: tính vô danh, đề tài, tích truyện, nhân vật, lời thoại, phương thức lưu truyền,…

 3.1. Bối cảnh lịch sử hoặc bối cảnh văn hoá, xã hội và tác phẩm

 3.2. Những hiểu biết cơ bản về Nguyễn Trãi giúp cho việc đọc hiểu một số tác phẩm tiêu biểu của tác gia này

 3.3. Sự gần gũi về nội dung giữa những tác phẩm văn học thuộc các nền văn hoá khác nhau

 3.4. Tác phẩm văn học và người đọc

 NGỮ LIỆU

 1.1. Văn bản văn học

 – Thần thoại

 – Truyện thơ dân gian, truyện ngắn, tiểu thuyết

 – Thơ trữ tình

 – Kịch bản chèo hoặc tuồng

 1.2. Văn bản nghị luận

 – Nghị luận văn học

 – Nghị luận xã hội

 1.3. Văn bản thông tin

 – Báo cáo nghiên cứu; văn bản thuyết minh có lồng ghép một hay nhiều yếu tố miêu tả, tự sự, biểu cảm, nghị luận

 – Nội quy, văn bản hướng dẫn

 2. Gợi ý chọn văn bản: xem danh mục gợi ý

VIẾT

 Quy trình viết

 – Viết được văn bản đúng quy trình, bảo đảm các bước đã được hình thành và rèn luyện ở các lớp trước; có hiểu biết về vấn đề quyền sở hữu trí tuệ và tránh đạo văn.

 Thực hành viết

 – Viết được một văn bản nghị luận về một vấn đề xã hội; trình bày rõ quan điểm và hệ thống các luận điểm; có cấu trúc chặt chẽ; sử dụng các bằng chứng thuyết phục: chính xác, tin cậy, thích hợp, đầy đủ.

 – Viết được một văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm văn học: chủ đề, những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật và tác dụng của chúng.

 – Viết được một bài luận thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen hay một quan niệm.

 – Viết được một bài luận về bản thân.

 – Viết được bản nội quy hoặc bản hướng dẫn ở nơi công cộng.

 – Viết được báo cáo kết quả nghiên cứu về một vấn đề, có sử dụng trích dẫn, cước chú và các phương tiện hỗ trợ phù hợp.

NÓI VÀ NGHE

 Nói

 – Biết thuyết trình về một vấn đề xã hội có sử dụng kết hợp phương tiện ngôn ngữ với các phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ.

 – Trình bày được báo cáo về một kết quả nghiên cứu hay hoạt động trải nghiệm.

 – Biết giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm văn học (theo lựa chọn cá nhân).

 Nghe

 – Nghe và nắm bắt được nội dung truyết trình, quan điểm của người nói. Biết nhận xét về nội dung và hình thức thuyết trình.

 Nói nghe tương tác

 – Biết thảo luận về một vấn đề có những ý kiến khác nhau; đưa ra được những căn cứ thuyết phục để bảo vệ hay bác bỏ một ý kiến nào đó; tôn trọng người đối thoại.

 CHUYÊN ĐỀ HỌC TẬP LỚP 10

Yêu cầu cần đạt Nội dung
Chuyên đề 10.1. TẬP NGHIÊN CỨU VÀ VIẾT BÁO CÁO VỀ MỘT VẤN ĐỀ VĂN HỌC DÂN GIAN
– Biết các yêu cầu và cách thức nghiên cứu một vấn đề văn học dân gian.

 – Biết viết một báo cáo nghiên cứu.

 – Vận dụng được một số hiểu biết từ chuyên đề để đọc hiểu và viết về văn học dân gian.

 – Biết thuyết trình một vấn đề của văn học dân gian.

1. Các yêu cầu và cách thức nghiên cứu một vấn đề văn học dân gian

 2. Cách viết một báo cáo nghiên cứu

 3. Một số vấn đề có thể nghiên cứu về văn học dân gian

 4. Yêu cầu của việc tổ chức thuyết trình một vấn đề của văn học dân gian

Chuyên đề 10.2. SÂN KHẤU HOÁ TÁC PHẨM VĂN HỌC
– Hiểu thế nào là sân khấu hoá tác phẩm văn học.

 – Biết cách tiến hành sân khấu hoá một tác phẩm văn học.

 – Biết đóng vai các nhân vật và biểu diễn.

 – Nhận biết được sự khác biệt giữa ngôn ngữ trong văn bản văn học và ngôn ngữ trong văn bản sân khấu.

1. Tác phẩm văn học và sân khấu hoá tác phẩm văn học

 2. Quy trình tiến hành sân khấu hoá một tác phẩm văn học

 3. Cách nhập vai, diễn xuất, thực hành sân khấu hoá tác phẩm văn học

 4. Ngôn ngữ trong văn bản văn học và ngôn ngữ (đa phương thức) trong văn bản sân khấu

Chuyên đề 10.3. ĐỌC, VIẾT VÀ GIỚI THIỆU MỘT TẬP THƠ, MỘT TẬP TRUYỆN NGẮN HOẶC MỘT TIỂU THUYẾT
– Biết cách đọc một tập thơ, tập truyện ngắn, một tiểu thuyết.

 – Biết cách viết bài giới thiệu một tập thơ, tập truyện ngắn, một tiểu thuyết.

 – Biết cách trình bày, giới thiệu một tập thơ, tập truyện ngắn, một tiểu thuyết.

1. Phương pháp đọc một tập thơ, tập truyện ngắn, một tiểu thuyết

 2. Cách viết bài giới thiệu một tập thơ, tập truyện ngắn, một tiểu thuyết

 3. Yêu cầu của việc trình bày, giới thiệu một tập thơ, tập truyện ngắn, một tiểu thuyết

 LỚP 11

Yêu cầu cần đạt Nội dung
ĐỌC

 ĐỌC HIỂU

 Văn bản văn học

 Đọc hiểu nội dung

 – Phân tích được các chi tiết tiêu biểu, đề tài, câu chuyện, sự kiện, nhân vật và mối quan hệ của chúng trong tính chỉnh thể của tác phẩm; nhận xét được những chi tiết quan trọng trong việc thể hiện nội dung văn bản.

 – Phân tích và đánh giá được chủ đề, tư tưởng, thông điệp mà văn bản muốn gửi đến người đọc thông qua hình thức nghệ thuật của văn bản; phân biệt chủ đề chính, chủ đề phụ trong một văn bản có nhiều chủ đề.

 – Phân tích và đánh giá được tình cảm, cảm xúc, cảm hứng chủ đạo của người viết thể hiện qua văn bản; phát hiện được các giá trị văn hoá, triết lí nhân sinh từ văn bản.

 Đọc hiểu hình thức

 – Nhận biết và phân tích được một số đặc điểm cơ bản của ngôn ngữ văn học. Phân tích được tính đa nghĩa của ngôn từ trong tác phẩm văn học.

 – Nhận biết và phân tích được một số yếu tố của truyện thơ dân gian và truyện thơ Nôm như: cốt truyện, nhân vật, người kể chuyện, độc thoại nội tâm, bút pháp miêu tả ngôn ngữ,…

 – Nhận biết và phân tích được một số yếu tố của truyện ngắn hiện đại như: không gian, thời gian, câu chuyện, nhân vật, người kể chuyện ngôi thứ 3 (người kể chuyện toàn tri) và người kể chuyện ngôi thứ nhất (người kể chuyện hạn tri), sự thay đổi điểm nhìn, sự nối kết giữa lời người kể chuyện, lời nhân vật,…

 – Nhận biết và phân tích được vai trò của yếu tố tượng trưng trong thơ. Đánh giá được giá trị thẩm mĩ của một số yếu tố trong thơ như ngôn từ, cấu tứ, hình thức bài thơ thể hiện trong văn bản.

 – Nhận biết và phân tích được một số yếu tố của bi kịch như: xung đột, hành động, lời thoại, nhân vật, cốt truyện, hiệu ứng thanh lọc,…

 – Nhận biết và phân tích được sự kết hợp giữa tự sự và trữ tình trong tùy bút hoặc tản văn; giữa hư cấu và phi hư cấu trong truyện kí.

 Liên hệ, so sánh, kết nối

 – Vận dụng được những hiểu biết về tác giả Nguyễn Du để đọc hiểu một số tác phẩm của tác giả này.

 – So sánh được hai văn bản văn học viết cùng đề tài ở các giai đoạn khác nhau; liên tưởng, mở rộng vấn đề để hiểu sâu hơn văn bản được đọc.

 – Vận dụng được kinh nghiệm đọc, trải nghiệm về cuộc sống và hiểu biết về lịch sử văn học Việt Nam để nhận xét, đánh giá văn bản văn học.

 – Phân tích được ý nghĩa hay tác động của văn bản văn học trong việc làm thay đổi suy nghĩ, tình cảm, cách nhìn và cách thưởng thức, đánh giá của cá nhân đối với văn học và cuộc sống.

 Đọc mở rộng

 Trong 1 năm học, đọc tối thiểu 35 văn bản văn học (bao gồm cả văn bản được hướng dẫn đọc trên mạng Internet) có thể loại và độ dài tương đương với các văn bản đã học. Học thuộc lòng một số đoạn thơ, bài thơ yêu thích trong chương trình.

 Văn bản nghị luận

 Đọc hiểu nội dung

 – Nhận biết và phân tích được nội dung của luận đề, các luận điểm, lí lẽ và bằng chứng tiêu biểu, độc đáo trong văn bản.

 – Phân tích được mối quan hệ giữa các luận điểm, lí lẽ và bằng chứng, quan hệ giữa chúng với luận đề của văn bản; nhận biết và giải thích được sự phù hợp giữa nội dung nghị luận với nhan đề của văn bản.

 – Xác định được nội dung và ý nghĩa của văn bản. Nhận biết được mục đích, thái độ và tình cảm của người viết.

 Đọc hiểu hình thức

 – Nhận biết và đánh giá được các lí lẽ và bằng chứng mà người viết sử dụng để bảo vệ quan điểm trong bài viết.

 – Nhận biết và phân tích được vai trò của các yếu tố thuyết minh hoặc miêu tả, tự sự trong văn bản nghị luận.

 Liên hệ, so sánh, kết nối

 – Liên hệ được nội dung văn bản với một tư tưởng, quan niệm, xu thế (kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, khoa học) của giai đoạn mà văn bản ra đời để hiểu sâu hơn.

 – Thể hiện được quan điểm đồng ý hay không đồng ý với nội dung chính của văn bản và giải thích lí do.

 Đọc mở rộng

 Trong 1 năm học, đọc tối thiểu 9 văn bản nghị luận (bao gồm cả văn bản được hướng dẫn đọc trên mạng Internet) có độ dài tương đương với các văn bản đã học.

 Văn bản thông tin

 Đọc hiểu nội dung

 – Biết suy luận và phân tích mối liên hệ giữa các chi tiết và vai trò của chúng trong việc thể hiện thông tin chính của văn bản.

 – Phân tích và đánh giá được đề tài, thông tin cơ bản của văn bản, cách đặt nhan đề của tác giả; nhận biết được thái độ và quan điểm của người viết.

 Đọc hiểu hình thức

 – Nhận biết được bố cục, mạch lạc của văn bản, cách trình bày dữ liệu, thông tin của người viết và đánh giá hiệu quả của chúng.

 – Phân tích và đánh giá được tác dụng của các yếu tố hình thức (bao gồm phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ) để làm tăng hiệu quả biểu đạt của văn bản thông tin.

 Liên hệ, so sánh, kết nối

 Thể hiện được thái độ đồng ý hay không đồng ý với nội dung của văn bản hay quan điểm của người viết và giải thích lí do.

 Đọc mở rộng

 Trong 1 năm học, đọc tối thiểu 18 văn bản thông tin ( bao gồm cả một số văn bản được hướng dẫn đọc trên mạng Internet) có kiểu văn bản và độ dài tương đương với các văn bản đã học.

KIẾN THỨC TIẾNG VIỆT

 1. Cách giải thích nghĩa của từ

 2. Lỗi về thành phần câu và cách sửa

 3.1. Biện pháp tu từ lặp cấu trúc, đối: đặc điểm và tác dụng

 3.2. Một số hiện tượng phá vỡ những quy tắc ngôn ngữ thông thường: đặc điểm và tác dụng

 3.2. Kiểu văn bản và thể loại

 – Văn bản nghị luận: mối quan hệ giữa các luận điểm, lí lẽ và bằng chứng với luận đề; sự phù hợp giữa nội dung với nhan đề của văn bản; mục đích, thái độ và tình cảm của người viết; các yếu tố thuyết minh, tự sự và biểu cảm trong văn bản nghị luận; bài nghị luận về một vấn đề xã hội; bài nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm nghệ thuật (văn học, điện ảnh, âm nhạc, hội hoạ, kiến trúc,…)

 – Văn bản thông tin: vai trò của các dữ liệu, thông tin trong việc thể hiện ý tưởng, nội dung chính hay thông điệp của văn bản; một số dạng văn bản thông tin tổng hợp; nhan đề, mục đích và thái độ của người viết văn bản; bài thuyết minh tổng hợp; báo cáo nghiên cứu

 3.3. Cách trình bày tài liệu tham khảo trong một tiểu luận hay báo cáo nghiên cứu

 4.1. Đặc điểm cơ bản của ngôn ngữ viết và ngôn ngữ nói

 4.2. Phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ: hình ảnh, số liệu, biểu đồ, sơ đồ,…

 KIẾN THỨC VĂN HỌC

 1.1. Chủ thể sáng tạo, thái độ và tư tưởng của tác giả trong văn bản

 1.2. Văn bản có nhiều chủ đề, chủ đề chính và chủ đề phụ; các chủ đề mang đặc trưng văn hoá dân tộc (tính dân tộc) và các chủ đề mang tính phổ biến trên thế giới (tính nhân loại)

 1.3. Đặc điểm của ngôn ngữ văn học và tính đa nghĩa của ngôn từ trong tác phẩm văn học

 2.1. Đặc điểm của truyện thơ dân gian, truyện thơ Nôm, truyện ngắn hiện đại, bi kịch, kí

 – Một số yếu tố của truyện thơ dân gian và truyện thơ Nôm như: cốt truyện, nhân vật, người kể chuyện, độc thoại nội tâm, bút pháp miêu tả ngôn ngữ,…

 – Truyện ngắn hiện đại: không gian, thời gian, câu chuyện, nhân vật, người kể chuyện, điểm nhìn và sự thay đổi điểm nhìn, lời người kể chuyện, lời nhân vật,…

 – Bi kịch: xung đột, hành động, lời thoại, nhân vật, cốt truyện, hiệu ứng thanh lọc,…

 – Sự kết hợp hư cấu và phi hư cấu trong truyện kí

 – Tuỳ bút hoặc tản văn: cái tôi trữ tình, kết cấu, ngôn ngữ,…

 2.2. Xung đột (mâu thuẫn) bên trong và xung đột bên ngoài

 2.3. Ý nghĩa, tác dụng của yếu tố tự sự trong thơ

 2.4. Vai trò của yếu tố tượng trưng trong thơ. Giá trị thẩm mĩ của một số yếu tố hình thức trong thơ: ngôn từ, cấu tứ, hình thức bài thơ thể hiện trên văn bản

 3.1. Cách so sánh hai văn bản văn học viết về cùng một đề tài

 3.2. Những hiểu biết cơ bản về Nguyễn Du giúp cho việc đọc hiểu một số tác phẩm tiêu biểu của ông

 3.3. Quan điểm của người viết và quan điểm của người đọc

 NGỮ LIỆU

 1.1. Văn bản văn học

 – Sử thi, truyện ngắn và tiểu thuyết hiện đại

 – Thơ, truyện thơ Nôm

 – Bi kịch

 – Truyện kí, tuỳ bút hoặc tản văn

 1.2. Văn nghị luận

 – Nghị luận xã hội

 – Nghị luận văn học

 1.3. Văn bản thông tin

 – Bài thuyết minh có lồng ghép một hay nhiều yếu tố như miêu tả, tự sự, biểu cảm, nghị luận

 – Báo cáo nghiên cứu

 2. Gợi ý chọn văn bản: xem danh mục gợi ý

VIẾT

 Quy trình viết

 Biết viết văn bản đúng quy trình, bảo đảm các bước đã được hình thành và rèn luyện ở các lớp trước.

 Thực hành viết

 – Viết được văn bản nghị luận về một vấn đề xã hội, trình bày rõ quan điểm và hệ thống các luận điểm; cấu trúc chặt chẽ, có mở đầu và kết thúc gây ấn tượng; sử dụng các lí lẽ và bằng chứng thuyết phục: chính xác, tin cậy, thích hợp, đầy đủ.

 – Viết được văn bản nghị luận về một tác phẩm văn học hoặc một bộ phim, bài hát, bức tranh, pho tượng; nêu và nhận xét về nội dung, một số nét nghệ thuật đặc sắc.

 – Viết được bài thuyết minh có lồng ghép một hay nhiều yếu tố như miêu tả, tự sự, biểu cảm, nghị luận.

 – Viết được báo cáo nghiên cứu về một vấn đề tự nhiên hoặc xã hội; biết sử dụng các thao tác cơ bản của việc nghiên cứu; biết trích dẫn, cước chú, lập danh mục tài liệu tham khảo và sử dụng các phương tiện hỗ trợ phù hợp.

NÓI VÀ NGHE

 Nói

 – Biết trình bày ý kiến đánh giá, bình luận một vấn đề xã hội; kết cấu bài có ba phần rõ ràng; có nêu và phân tích, đánh giá các ý kiến trái ngược; sử dụng kết hợp phương tiện ngôn ngữ với các phương tiện phi ngôn ngữ một cách đa dạng.

 – Biết giới thiệu một tác phẩm nghệ thuật theo lựa chọn cá nhân (ví dụ: tác phẩm văn học, tác phẩm điện ảnh, âm nhạc, hội hoạ).

 – Trình bày được báo cáo kết quả nghiên cứu về một vấn đề đáng quan tâm; biết sử dụng kết hợp phương tiện ngôn ngữ với phương tiện phi ngôn ngữ để nội dung trình bày được rõ ràng và hấp dẫn.

 Nghe

 Nắm bắt được nội dung truyết trình và quan điểm của người nói. Nêu được nhận xét, đánh giá về nội dung và cách thức thuyết trình. Biết đặt câu hỏi về những điểm cần làm rõ.

 Nói nghe tương tác

 Biết thảo luận về một vấn đề trong đời sống phù hợp với lứa tuổi; tranh luận một cách hiệu quả và có văn hoá.

 CHUYÊN ĐỀ HỌC TẬP LỚP 11

Yêu cầu cần đạt Nội dung
Chuyên đề 11.1. TẬP NGHIÊN CỨU VÀ VIẾT BÁO CÁO VỀ MỘT VẤN ĐỀ VĂN HỌC TRUNG ĐẠI VIỆT NAM
– Biết các yêu cầu và cách thức nghiên cứu một vấn đề văn học trung đại Việt Nam.

 – Biết viết một báo cáo nghiên cứu.

 – Vận dụng được một số hiểu biết từ chuyên đề để đọc hiểu và viết về văn học trung đại Việt Nam.

 – Biết thuyết trình một vấn đề của văn học trung đại Việt Nam.

1. Các yêu cầu và cách thức nghiên cứu một vấn đề văn học trung đại Việt Nam

 2. Cách viết một báo cáo nghiên cứu

 3. Một số vấn đề có thể nghiên cứu về văn học trung đại Việt Nam

 4. Yêu cầu của việc thuyết trình một vấn đề của văn học trung đại Việt Nam

Chuyên đề 11.2. TÌM HIỂU NGÔN NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG XÃ HỘI HIỆN ĐẠI
– Hiểu được ngôn ngữ là một hiện tượng xã hội và là một bộ phận cấu thành của văn hoá.

 – Nhận biết và đánh giá được các yếu tố mới của ngôn ngữ trong đời sống xã hội đương đại.

 – Biết vận dụng các yếu tố mới của ngôn ngữ đương đại trong giao tiếp.

1. Bản chất xã hội – văn hoá của ngôn ngữ

 2. Các yếu tố mới của ngôn ngữ: những điểm tích cực và hạn chế

 3. Cách vận dụng các yếu tố mới của ngôn ngữ đương đại trong giao tiếp

Chuyên đề 11.3. ĐỌC, VIẾT VÀ GIỚI THIỆU VỀ MỘT TÁC GIẢ VĂN HỌC
– Nhận biết được một số đặc điểm nổi bật về sự nghiệp văn chương và phong cách nghệ thuật của một tác giả lớn.

 – Biết cách đọc một tác giả văn học lớn.

 – Biết viết bài giới thiệu về một tác giả văn học đã đọc.

 – Vận dụng được những hiểu biết từ chuyên đề để đọc hiểu và viết về những tác giả văn học khác.

 – Biết thuyết trình về một tác giả văn học.

1. Khái niệm phong cách nghệ thuật, sự nghiệp văn chương của một tác giả

 2. Một số yêu cầu và cách thức đọc một tác giả văn học

 3. Cách viết bài giới thiệu về một tác giả văn học

 4. Thực hành đọc và viết về một số tác giả văn học lớn

 5. Yêu cầu của việc thuyết trình về một tác giả văn học

 LỚP 12

Yêu cầu cần đạt Nội dung
ĐỌC

 ĐỌC HIỂU

 Văn bản văn học

 Đọc hiểu nội dung

 – Phân tích được các chi tiết tiêu biểu, đề tài, câu chuyện, sự kiện, nhân vật và mối quan hệ của chúng trong tính chỉnh thể của tác phẩm; đánh giá được vai trò của những chi tiết quan trọng trong việc thể hiện nội dung văn bản.

 – Phân tích và đánh giá được chủ đề, tư tưởng, thông điệp mà văn bản muốn gửi đến người đọc thông qua hình thức nghệ thuật của văn bản; phân tích sự phù hợp giữa chủ đề, tư tưởng và cảm hứng chủ đạo trong văn bản.

 – Phân tích và đánh giá được giá trị nhận thức, giáo dục và thẩm mĩ của tác phẩm; phát hiện được các giá trị văn hoá, triết lí nhân sinh từ văn bản.

 Đọc hiểu hình thức

 – Nhận biết được một số đặc điểm cơ bản của phong cách cổ điển, hiện thực và lãng mạn qua các tác phẩm văn học tiêu biểu đã học.

 – Nhận biết và phân tích được một số yếu tố của truyện truyền kì như: đề tài, nhân vật, ngôn ngữ, thủ pháp nghệ thuật,…; đánh giá vai trò của yếu tố kì ảo trong truyện truyền kì, liên hệ với vai trò của yếu tố này trong truyện cổ dân gian.

 – Nhận biết và phân tích được một số yếu tố của tiểu thuyết (hiện đại, hậu hiện đại) như: ngôn ngữ, diễn biến tâm lí, hành động của nhân vật,…

 – Phân tích và đánh giá được sự phù hợp của người kể chuyện, điểm nhìn trong việc thể hiện chủ đề của văn bản.

 – Nhận biết và phân tích được một số yếu tố của thơ trữ tình hiện đại như: ngôn ngữ, hình tượng, biểu tượng, yếu tố tượng trưng, siêu thực trong thơ,…

 – Nhận biết và phân tích được một số yếu tố của hài kịch như: ngôn ngữ, xung đột, hành động, nhân vật, kết cấu, tình huống, thủ pháp trào phúng,…

 – Nhận biết và phân tích được một số yếu tố của phóng sự, nhật kí hoặc hồi kí như: tính phi hư cấu và một số thủ pháp nghệ thuật như: miêu tả, trần thuật; sự kết hợp chi tiết, sự kiện hiện thực với trải nghiệm, thái độ và đánh giá của người viết,…

 Liên hệ, so sánh, kết nối

 – Vận dụng được những hiểu biết về tác giả Hồ Chí Minh để đọc hiểu một số tác phẩm của tác giả này.

 – Nhận biết và phân tích được quan điểm của người viết về lịch sử, văn hoá, được thể hiện trong văn bản.

 – Vận dụng được kinh nghiệm đọc, trải nghiệm về cuộc sống và kiến thức văn học để đánh giá, phê bình văn bản văn học, thể hiện được cảm xúc, suy nghĩ của cá nhân về văn bản văn học.

 – Phân tích và đánh giá được khả năng tác động của tác phẩm văn học đối với người đọc và tiến bộ xã hội.

 – Vận dụng được kiến thức về lịch sử văn học và kĩ năng tra cứu để sắp xếp một số tác phẩm, tác giả lớn theo tiến trình lịch sử văn học; biết đặt tác phẩm trong bối cảnh sáng tác và bối cảnh hiện tại để có đánh giá phù hợp.

 Đọc mở rộng

 – Trong 1 năm học, đọc tối thiểu 35 văn bản văn học (bao gồm cả văn bản được hướng dẫn đọc trên mạng Internet) có thể loại và độ dài tương đương với các văn bản đã học.

 – Học thuộc lòng một số đoạn thơ, bài thơ yêu thích trong chương trình.

 Văn bản nghị luận

 Đọc hiểu nội dung

 – Nhận biết, phân tích được nội dung của luận đề, luận điểm, lí lẽ và bằng chứng tiêu biểu, độc đáo trong văn bản; chỉ ra mối liên hệ của chúng; đánh giá được mức độ phù hợp giữa nội dung nghị luận với nhan đề của văn bản.

 – Biết tiếp nhận, đánh giá nội dung với tư duy phê phán; nhận biết được mục đích,

 Đọc hiểu hình thức

 – Phân tích và đánh giá được cách tác giả sử dụng một số thao tác nghị luận (chẳng hạn chứng minh, giải thích, bình luận, so sánh, phân tích hoặc bác bỏ) trong văn bản để đạt được mục đích.

 – Phân tích được các biện pháp tu từ, từ ngữ, câu khẳng định, phủ định trong văn bản nghị luận và đánh giá hiệu quả của việc sử dụng các hình thức này.

 – Nhận biết và phân tích được vai trò của cách lập luận và ngôn ngữ biểu cảm trong văn bản nghị luận.

 Liên hệ, so sánh, kết nối

 Biết đánh giá, phê bình văn bản dựa trên trải nghiệm và quan điểm của người đọc.

 Đọc mở rộng

 – Trong 1 năm học, đọc tối thiểu 9 văn bản nghị luận ( bao gồm cả một số văn bản được hướng dẫn đọc trên mạng Internet) có độ dài tương đương với các văn bản đã học.

 Văn bản thông tin

 Đọc hiểu nội dung

 – Biết suy luận và phân tích mối liên hệ giữa các chi tiết, dữ liệu và vai trò của chúng trong việc thể hiện thông tin chính của văn bản.

 – Phân tích và đánh giá được đề tài, thông tin cơ bản của văn bản, cách đặt nhan đề của tác giả; đánh giá được thái độ và quan điểm của người viết.

 Đọc hiểu hình thức

 – Nhận biết được bố cục, mạch lạc của văn bản; đánh giá được sự phù hợp giữa nội dung và nhan đề văn bản; đề xuất được các nhan đề văn bản khác.

 – Đánh giá được cách chọn lọc, sắp xếp các thông tin trong văn bản. Phân biệt được dữ liệu sơ cấp và thứ cấp; nhận biết và đánh giá được tính mới mẻ, cập nhật, độ tin cậy của dữ liệu, thông tin trong văn bản.

 Liên hệ, so sánh, kết nối

 – So sánh được hiệu quả biểu đạt của văn bản thông tin chỉ dùng ngôn ngữ và văn bản thông tin có kết hợp với các yếu tố phi ngôn ngữ.

 – Đánh giá, phê bình được văn bản dựa trên trải nghiệm và quan điểm của người đọc.

 Đọc mở rộng

 Trong 1 năm học, đọc tối thiểu 18 văn bản thông tin (bao gồm cả một số văn bản được hướng dẫn đọc trên mạng) có kiểu văn bản và độ dài tương đương với các văn bản đã học.

KIẾN THỨC TIẾNG VIỆT

 1. Giữ gìn và phát triển tiếng Việt

 2. Lỗi logic, lỗi câu mơ hồ và cách sửa

 3.1. Biện pháp tu từ nói mỉa, nghịch ngữ: đặc điểm và tác dụng

 3.2. Kiểu văn bản và thể loại

 – Văn bản nghị luận: vai trò của các luận điểm, lí lẽ và bằng chứng; mục đích, tình cảm và quan điểm của người viết; các biện pháp làm tăng tính khẳng định, phủ định trong văn bản nghị luận; cách lập luận và ngôn ngữ biểu cảm; bài phát biểu trong lễ phát động một phong trào hoặc một hoạt động xã hội; bài nghị luận về một vấn đề có liên quan đến giới trẻ; bài nghị luận so sánh, đánh giá hai tác phẩm văn học cùng hoặc khác về thể loại

 – Văn bản thông tin: giá trị của đề tài, thông tin chính của văn bản; các loại dữ liệu và độ tin cậy của dữ liệu; thư trao đổi công việc; báo cáo kết quả của bài tập dự án hay kết quả nghiên cứu về một vấn đề tự nhiên hoặc xã hội

 3.3. Tôn trọng và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong học tập, nghiên cứu

 4.1. Đặc điểm cơ bản của ngôn ngữ trang trọng và ngôn ngữ thân mật: hiểu và vận dụng

 4.2. Phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ: hình ảnh, số liệu, biểu đồ, sơ đồ,…

 KIẾN THỨC VĂN HỌC

 1.1. Chức năng nhận thức, giáo dục và thẩm mĩ của văn học

 1.2. Sự phù hợp giữa chủ đề, tư tưởng và cảm hứng chủ đạo

 1.3. Một số biểu hiện của phong cách nghệ thuật trong văn học dân gian, văn học trung đại, văn học hiện đại, xu hướng hiện thực và lãng mạn chủ nghĩa; phong cách nghệ thuật của tác giả

 2.1. Một số yếu tố của truyện truyền kì, tiểu thuyết (hiện đại và hậu hiện đại), thơ trữ tình hiện đại, hài kịch, kí

 – Truyện truyền kì: đề tài, nhân vật, ngôn ngữ, thủ pháp nghệ thuật; đánh giá vai trò của yếu tố kì ảo trong truyện truyền kì, liên hệ với vai trò của yếu tố này trong truyện cổ dân gian

 – Tiểu thuyết (hiện đại và hậu hiện đại): ngôn ngữ, diễn biến tâm lí, hành động của nhân vật

 – Thơ trữ tình hiện đại: ngôn ngữ, hình ảnh, biểu tượng, yếu tố tượng trưng, siêu thực

 – Hài kịch: ngôn ngữ, nhân vật, tình huống, thủ pháp trào phúng

 – Phóng sự, nhật kí hoặc hồi kí: tính phi hư cấu, miêu tả, trần thuật; sự kết hợp chi tiết, sự kiện hiện thực với trải nghiệm, thái độ và đánh giá của người viết

 2.2. Diễn biến tâm lí của nhân vật và cách thức thể hiện tâm lí nhân vật của nhà văn

 2.3. Mối quan hệ của người kể chuyện, điểm nhìn trong việc thể hiện chủ đề của văn bản

 3.1. Những hiểu biết cơ bản về Hồ Chí Minh giúp cho việc đọc hiểu một số tác phẩm tiêu biểu của tác gia này

 3.2. Sơ giản về lịch sử văn học và vai trò của kiến thức nền về lịch sử văn học trong đọc hiểu văn bản

 NGỮ LIỆU

 1.1. Văn bản văn học

 – Truyện truyền kì, truyện ngắn và tiểu thuyết hiện đại

 – Thơ trữ tình hiện đại

 – Hài kịch

 – Phóng sự, nhật kí hoặc hồi kí

 1.2. Văn nghị luận

 – Nghị luận xã hội

 – Nghị luận văn học

 1.3. Văn bản thông tin

 – Thuyết minh có lồng ghép một hay nhiều yếu tố như miêu tả, tự sự, biểu cảm, nghị luận

 – Báo cáo nghiên cứu, thư trao đổi công việc

 2. Gợi ý chọn văn bản: xem danh mục gợi ý

VIẾT

 Quy trình viết

 Viết được văn bản đúng quy trình, bảo đảm các bước đã được hình thành và rèn luyện ở các lớp trước.

 Thực hành viết

 – Viết được một bài phát biểu trong lễ phát động một phong trào hoặc một hoạt động xã hội; trình bày rõ hệ thống các luận điểm; có cấu trúc chặt chẽ, có mở đầu và kết thúc gây ấn tượng; sử dụng các lí lẽ và bằng chứng thuyết phục: chính xác, tin cậy, thích hợp, đầy đủ; biết đặt ra các ý kiến phản bác để trao đổi, tranh luận lại; sử dụng các yếu tố thuyết minh và biểu cảm.

 – Viết được văn bản nghị luận về một vấn đề có liên quan đến tuổi trẻ.

 – Viết được văn bản nghị luận so sánh, đánh giá hai tác phẩm văn học.

 – Viết được văn bản dưới hình thức thư trao đổi công việc hoặc một vấn đề đáng quan tâm.

 – Viết được báo cáo kết quả của bài tập dự án hay kết quả nghiên cứu về một vấn đề tự nhiên hoặc xã hội; có sử dụng sơ đồ, bảng biểu, có thuyết minh các hình ảnh minh hoạ, có sử dụng trích dẫn, cước chú và biết trình bày phần tài liệu tham khảo.

NÓI VÀ NGHE

 Nói

 – Biết trình bày so sánh, đánh giá hai tác phẩm văn học.

 – Biết thuyết trình về một vấn đề liên quan đến cơ hội và thách thức đối với đất nước.

 – Biết trình bày báo cáo kết quả của bài tập dự án, sử dụng các phương tiện hỗ trợ phù hợp.

 Nghe

 – Nắm bắt được nội dung và quan điểm của bài thuyết trình. Nhận xét, đánh giá được nội dung và cách thức thuyết trình. Đặt được câu hỏi về những điểm cần làm rõ và trao đổi về những điểm có ý kiến khác biệt.

 Nói nghe tương tác

 – Tranh luận được một vấn đề có những ý kiến trái ngược nhau; tôn trọng người đối

 – Thể hiện được thái độ cầu thị khi thảo luận, tranh luận và biết điều chỉnh ý kiến khi cần thiết để tìm giải pháp trong các cuộc thảo luận, tranh luận.

 

 CHUYÊN ĐỀ HỌC TẬP LỚP 12

Yêu cầu cần đạt Nội dung
Chuyên đề 12.1. TẬP NGHIÊN CỨU VÀ VIẾT BÁO CÁO VỀ MỘT VẤN ĐỀ VĂN HỌC HIỆN ĐẠI VÀ HẬU HIỆN ĐẠI
– Biết các yêu cầu và cách thức nghiên cứu một vấn đề.

 – Biết viết một báo cáo nghiên cứu.

 – Hiểu và vận dụng được một số hiểu biết từ chuyên đề để đọc hiểu và viết về văn học hiện đại và hậu hiện đại.

 – Biết thuyết trình một vấn đề của văn học hiện đại, hậu hiện đại đã tìm hiểu.

1. Các yêu cầu và cách thức nghiên cứu một vấn đề

 2. Cách viết một báo cáo nghiên cứu

 3. Một số vấn đề có thể nghiên cứu về văn học hiện đại, hậu hiện đại

 4. Cách đọc văn bản văn học hiện đại và hậu hiện đại

 5. Yêu cầu của việc thuyết trình một vấn đề của văn học hiện đại, hậu hiện đại

Chuyên đề 12.2. TÌM HIỂU VỀ MỘT TÁC PHẨM NGHỆ THUẬT CHUYỂN THỂ TỪ VĂN HỌC
– Hiểu thế nào là chuyển thể tác phẩm văn học.

 – Biết cách tìm hiểu, giới thiệu, thuyết trình về một tác phẩm nghệ thuật được chuyển thể từ văn học.

 – Nêu được ý tưởng và cách thức tiến hành chuyển thể một tác phẩm văn học.

1. Tác phẩm văn học và chuyển thể tác phẩm văn học

 2. Một số điểm khác biệt cơ bản giữa tác phẩm văn học và tác phẩm chuyển thể từ tác phẩm văn học

 3. Cách chuyển thể một tác phẩm văn học thành bộ phim, tác phẩm hội hoạ, âm nhạc,…

Chuyên đề 12.3. TÌM HIỂU PHONG CÁCH SÁNG TÁC CỦA MỘT TRƯỜNG PHÁI VĂN HỌC: CỔ ĐIỂN, HIỆN THỰC HOẶC LÃNG MẠN
– Nhận biết được phong cách sáng tác của một trường phái (trào lưu) văn học qua một số đặc điểm cơ bản.

 – Biết các yêu cầu và cách thức tìm hiểu một phong cách sáng tác của một trường phái văn học.

 – Biết viết bài giới thiệu về phong cách sáng tác của một trường phái văn học.

 – Vận dụng được những hiểu biết từ chuyên đề để tìm hiểu về một số phong cách sáng tác của một trường phái văn học khác.

 – Biết thuyết trình về phong cách sáng tác của một trường phái văn học.

1. Phong cách sáng tác của một trường phái văn học: một số đặc điểm cơ bản

 2. Cách tìm hiểu phong cách của một trường phái văn học

 3. Cách viết bài giới thiệu về phong cách sáng tác của một trường phái văn học

 4. Thực hành tìm hiểu một số phong cách sáng tác của một trường phái văn học

 5. Yêu cầu của việc thuyết trình về phong cách sáng tác của một trường phái văn học

  1. PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC
  2. Định hướng chung

 Chương trình môn Ngữ văn vận dụng các phương pháp giáo dục theo định hướng chung là dạy học tích hợp và phân hóa; đa dạng hoá các hình thức tổ chức, phương pháp và phương tiện dạy học; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong học tập và vận dụng kiến thức, kĩ năng của học sinh.

 Căn cứ vào chương trình, giáo viên chủ động, linh hoạt xây dựng và tổ chức các bài học theo định hướng sau:

  1. a) Thực hiện yêu cầu tích hợp nội môn (cả kiến thức và kĩ năng), tích hợp liên môn và tích hợp những nội dung giáo dục ưu tiên (xuyên môn); thực hiện dạy học phân hóa theo đối tượng học sinh ở tất cả các cấp và phân hóa góp phần định hướng nghề nghiệp ở trung học phổ thông.
  2. b) Rèn luyện cho học sinh phương pháp đọc, viết, nói và nghe; thực hành, trải nghiệm việc tiếp nhận và vận dụng kiến thức tiếng Việt, văn học thông qua các hoạt động học bằng nhiều hình thức trong và ngoài lớp học; chú trọng sử dụng các phương tiện dạy học, khắc phục tình trạng dạy theo kiểu đọc chép, phát triển tư duy, rèn luyện kĩ năng sử dụng các phương tiện cho học sinh.
  3. c) Tăng cường, phát huy tính tích cực, tự lực của học sinh; dành nhiều thời gian cho học sinh nghiên cứu sách giáo khoa và tài liệu học tập, luyện tập, thực hành, trình bày, thảo luận, bảo vệ kết quả học tập để học sinh biết tự đọc, viết, nói và nghe theo những yêu cầu và mức độ khác nhau; kiểm tra, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ học tập của học sinh.
  4. Định hướng về phương pháp hình thành, phát triển các phẩm chất chủ yếu và năng lực chung

 Để hình thành, phát triển các phẩm chất chủ yếu và năng lực chung đã nêu trong Chương trình tổng thể, giáo viên lựa chọn những phương pháp giáo dục phù hợp với môn Ngữ văn và đối tượng học sinh; không chỉ thông qua những nội dung dạy học đa dạng, phong phú, giàu tính thẩm mĩ-nhân văn mà còn bằng các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học và cách kiểm tra, đánh giá trong hoạt động tiếp nhận và tạo lập văn bản với việc chú trọng phát huy tính chủ động, sáng tạo của học sinh.

  1. a) Phương pháp hình thành, phát triển các phẩm chất chủ yếu

 Thông qua phương pháp và hình thức tổ chức dạy đọc, viết, nói và nghe các kiểu, loại văn bản đa dạng, môn Ngữ văn trực tiếp hình thành và phát triển cho học sinh các phẩm chất chủ yếu với những biểu hiện chính sau đây:

 – Biết yêu thiên nhiên, yêu đất nước với những biểu hiện phong phú trong cuộc sống cũng như trong văn học; yêu quý và tự hào về truyền thống của gia đình, quê hương, đất nước; kính trọng, biết ơn người lao động, người có công với đất nước; biết trân trọng và bảo vệ cái đẹp; giới thiệu và giữ gìn các giá trị văn hoá, các di tích lịch sử; có lí tưởng sống và có ý thức sâu sắc về chủ quyền quốc gia và tương lai của dân tộc.

 – Biết quan tâm đến những người thân, tôn trọng bạn bè, thầy cô; biết nhường nhịn, vị tha; biết xúc động trước những con người và việc làm tốt, giữ được mối quan hệ hài hoà với người khác; biết cảm thông, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, tình yêu thương đối với những người xung quanh cũng như đối với các nhân vật trong tác phẩm; tôn trọng sự khác biệt về hoàn cảnh và văn hoá, biết tha thứ, độ lượng với người khác.

 – Chăm đọc sách báo; thường xuyên hoàn thành nhiệm vụ học tập, siêng năng trong công việc gia đình, nhà trường; yêu lao động, có ý chí vượt khó; tích cực rèn luyện để chuẩn bị nghề nghiệp cho tương lai.

 – Sống thật thà, ngay thẳng, thành thật với bản thân và người khác; yêu lẽ phải, trọng chân lí; thẳng thắn trong việc thể hiện những suy nghĩ, tình cảm của mình.

 – Biết giữ lời hứa, dám chịu trách nhiệm về lời nói, hành động và hậu quả do công việc mình đã làm; có thái độ và hành vi tôn trọng các quy định chung nơi công cộng; có ý thức sẵn sàng thực hiện trách nhiệm công dân; biết giữ gìn tư cách, bản sắc của công dân Việt Nam; đồng thời, biết tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hoá nhân loại để hội nhập quốc tế, trở thành công dân toàn cầu.

  1. b) Phương pháp hình thành, phát triển các năng lực chung

 Môn Ngữ văn có nhiều ưu thế trong việc góp phần hình thành và phát triển toàn diện các năng lực chung nêu trong Chương trình tổng thể. Những năng lực chung này được hình thành và phát triển không chỉ thông qua nội dung dạy học mà còn thông qua phương pháp và hình thức tổ chức dạy học mới với việc chú trọng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh trong hoạt động tiếp nhận và tạo lập văn bản.

 – Năng lực tự chủ và tự học

 Môn Ngữ văn hình thành, phát triển các kĩ năng đọc, viết, nói và nghe. Đây là công cụ quan trọng để học sinh học các môn học khác và tự học. Học sinh biết tự tìm kiếm, đánh giá và lựa chọn nguồn tài liệu phù hợp với các mục đích, nhiệm vụ học tập khác nhau; biết lưu trữ và xử lí thông tin bằng các hình thức phù hợp.

 Thông qua đọc, viết, nói và nghe các kiểu, loại văn bản đa dạng, môn Ngữ văn mang lại cho học sinh những trải nghiệm phong phú; nhờ đó, học sinh phát triển được vốn sống; có khả năng nhận biết cảm xúc, tình cảm, sở thích, cá tính và khả năng của bản thân; biết tự làm chủ để có hành vi phù hợp, sự tự tin và tinh thần lạc quan trong học tập và đời sống. Môn Ngữ văn cũng giúp học sinh có khả năng suy ngẫm về bản thân, tự nhận thức, tự học và tự điều chỉnh để hoàn thiện bản thân.

 – Năng lực giao tiếp và hợp tác

 Môn Ngữ văn là môn học đóng vai trò chủ đạo trong việc hình thành, phát triển năng lực giao tiếp cho học sinh.

 Qua môn Ngữ văn, học sinh biết xác định mục đích giao tiếp, lựa chọn nội dung, kiểu văn bản và thể loại, ngôn ngữ và các phương tiện giao tiếp khác phù hợp với ngữ cảnh và đối tượng giao tiếp để thảo luận, lập luận, phản hồi, đánh giá về các vấn đề trong học tập và đời sống; biết tiếp nhận các kiểu văn bản và thể loại đa dạng; chủ động, tự tin và biết kiểm soát cảm xúc, thái độ trong giao tiếp.

 Cũng qua môn Ngữ văn, học sinh phát triển khả năng nhận biết, thấu hiểu và đồng cảm với suy nghĩ, tình cảm, thái độ của người khác; biết sống hoà hợp và hoá giải các mâu thuẫn; thiết lập và phát triển mối quan hệ với người khác; phát triển khả năng làm việc nhóm, làm tăng hiệu quả hợp tác.

 – Năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo

 Năng lực giải quyết vấn đề trong môn Ngữ văn được thể hiện ở khả năng đánh giá nội dung của văn bản, biết làm rõ thông tin, ý tưởng mới và phức tạp từ các nguồn thông tin khác nhau; biết phân tích các nguồn thông tin độc lập để thấy được khuynh hướng, độ tin cậy của những thông tin và ý tưởng mới; biết quan tâm tới các chứng cứ khi nhìn nhận, đánh giá sự vật, hiện tượng; biết đánh giá vấn đề, tình huống dưới những góc nhìn khác nhau.

 Môn Ngữ văn đề cao vai trò của học sinh với tư cách là người đọc tích cực, chủ động, không chỉ trong hoạt động tiếp nhận mà còn trong việc tạo nghĩa cho văn bản. Khi viết, học sinh cần phải bắt đầu từ việc hình thành ý tưởng và triển khai ý tưởng một cách sáng tạo. Qua việc học môn Ngữ văn, nhất là đọc và viết về văn học, học sinh có được khả năng đề xuất ý tưởng, tạo ra sản phẩm mới; suy nghĩ không theo lối mòn, biết cách giải quyết vấn đề một cách sáng tạo, phù hợp với tình huống, bối cảnh.

  1. Định hướng về phương pháp hình thành, phát triển các năng lực đặc thù

 3.1. Phương pháp dạy đọc

 Mục đích chủ yếu của dạy đọc trong nhà trường phổ thông là giúp học sinh biết đọc và tự đọc được văn bản; thông qua đó mà bồi dưỡng, giáo dục phẩm chất, nhân cách học sinh. Đối tượng đọc gồm văn bản văn học, văn bản nghị luận và văn bản thông tin. Mỗi kiểu văn bản có những đặc điểm riêng, vì thế cần có cách dạy đọc hiểu văn bản phù hợp.

  1. a) Dạy đọc hiểu văn bản nói chung: Yêu cầu học sinh đọc trực tiếp toàn bộ văn bản, chú ý quan sát các yếu tố hình thức của văn bản, từ đó có ấn tượng chung và tóm tắt được nội dung chính của văn bản; tổ chức cho học sinh tìm kiếm, phát hiện, phân tích, suy luận ý nghĩa các thông tin, thông điệp, quan điểm, thái độ, tư tưởng, tình cảm, cảm xúc,… được gửi gắm trong văn bản; hướng dẫn học sinh liên hệ, so sánh giữa các văn bản, kết nối văn bản với bối cảnh lịch sử, văn hoá, xã hội, kết nối văn bản với trải nghiệm cá nhân học sinh,… để hiểu sâu hơn giá trị của văn bản, biết vận dụng, chuyển hoá những giá trị ấy thành niềm tin và hành vi ứng xử của cá nhân trong cuộc sống hằng ngày.
  2. b) Dạy đọc hiểu văn bản văn học: Văn bản văn học cũng là một loại văn bản, nên dạy đọc hiểu văn bản văn học cũng cần tuân thủ cách đọc hiểu văn bản nói chung. Tuy nhiên, văn bản văn học có những đặc điểm riêng vì thế giáo viên tổ chức cho học sinh tìm hiểu, giải mã văn bản văn học theo một quy trình phù hợp với đặc trưng của văn bản nghệ thuật. Học sinh cần được hướng dẫn, luyện tập đọc tác phẩm văn học theo quy trình từ tri nhận văn bản ngôn từ đến khám phá thế giới hình tượng nghệ thuật và tìm kiếm, đúc kết nội dung ý nghĩa; kĩ năng tìm kiếm, diễn giải mối quan hệ giữa cái “toàn thể” và chi tiết “bộ phận” của văn bản, phát hiện tính chỉnh thể, tính thống nhất về nội dung và hoàn chỉnh về hình thức của tác phẩm văn học.

 Phương pháp dạy đọc phải tập trung kích hoạt việc đọc tích cực, sáng tạo ở chủ thể đọc. Hướng dẫn và khích lệ học sinh chủ động, tự tin, phát huy vai trò “đồng sáng tạo” trong tiếp nhận tác phẩm; hứng thú tham gia kiến tạo nghĩa cho văn bản; biết so sánh đối chiếu, liên hệ mở rộng, huy động vốn hiểu biết cá nhân, sử dụng trải nghiệm cuộc sống của bản thân để đọc hiểu, trải nghiệm văn học, phát hiện những giá trị đạo đức, văn hoá và triết lí nhân sinh, từ đó biết vận dụng, chuyển hoá thành giá trị sống. Khi dạy học đọc hiểu, giáo viên chú ý giúp học sinh tự phát hiện thông điệp, ý nghĩa, góp phần lấp đầy “khoảng trống” của văn bản. Giáo viên có những gợi ý, nhưng không lấy việc phân tích, bình giảng của mình thay thế cho những suy nghĩ của học sinh; tránh đọc chép và hạn chế ghi nhớ máy móc. Sử dụng đa dạng các loại câu hỏi ở những mức độ khác nhau để thực hiện dạy học phân hóa và hướng dẫn học sinh đọc hiểu văn bản, hình thành kĩ năng đọc.

 Tuỳ vào đối tượng học sinh ở từng cấp học, lớp học và thể loại của văn bản văn học mà vận dụng các phương pháp, kĩ thuật và hình thức dạy học đọc hiểu cho phù hợp như: đọc diễn cảm, đọc phân vai, kể chuyện, đóng vai để giải quyết một tình huống, diễn kịch, sử dụng câu hỏi, hướng dẫn ghi chép trong tiến trình đọc bằng các phiếu ghi chép, phiếu học tập, nhật kí đọc sách, tổ chức cho học sinh thảo luận về văn bản, chuyển thể tác phẩm văn học từ thể loại này sang thể loại khác, vẽ tranh, làm phim, trải nghiệm những tình huống mà nhân vật đã trải qua,… Một số phương pháp dạy học khác như đàm thoại, vấn đáp, diễn giảng, nêu vấn đề,… cũng cần được vận dụng một cách phù hợp theo yêu cầu phát triển năng lực cho học sinh.

 3.2. Phương pháp dạy viết

 Mục đích của dạy viết là rèn luyện tư duy và cách viết, qua đó mà giáo dục phẩm chất và phát triển nhân cách học sinh. Vì thế khi dạy viết, giáo viên chú trọng yêu cầu tạo ra ý tưởng và biết cách trình bày ý tưởng một cách mạch lạc, sáng tạo và có sức thuyết phục.

 Giáo viên tập trung vào yêu cầu hướng dẫn học sinh các bước tạo lập văn bản, thực hành viết theo các bước và đặc điểm của kiểu văn bản. Thông qua thực hành, giáo viên hướng dẫn học sinh phân tích các văn bản ở phần đọc hiểu và văn bản bổ sung để nắm được đặc điểm của các kiểu văn bản, quy trình tạo lập văn bản; sử dụng các câu hỏi giúp học sinh xác định được mục đích và nội dung viết; giới thiệu các nguồn tư liệu, hướng dẫn cách tìm ý tưởng và phác thảo dàn ý; hướng dẫn học sinh viết văn bản; tự chỉnh sửa và trao đổi dựa trên các tiêu chí đánh giá bài viết.

 Ở cấp tiểu học, dạy viết có hai yêu cầu: dạy kĩ thuật viết và dạy viết đoạn văn, văn bản. Dạy kĩ thuật viết (tập viết, chính tả) chủ yếu sử dụng phương pháp thực hành theo mẫu. Dạy viết đoạn văn, bài văn một cách linh hoạt, có thể sử dụng các phương pháp như rèn luyện theo mẫu, đặt câu hỏi, thảo luận nhóm, viết sáng tạo,…

 Ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông, giáo viên yêu cầu học sinh thực hiện những nhiệm vụ phức tạp hơn như thu thập thông tin cho bài viết từ nhiều nguồn (tài liệu in, tài liệu trên mạng, phỏng vấn, thu thập dữ liệu từ thực tế); thảo luận, phân tích về tiêu chí đánh giá bài viết; biết tự chỉnh sửa, trao đổi trong nhóm để hoàn thiện bài viết và rút kinh nghiệm sau mỗi lần viết bài,… Ở hai cấp học này, ngoài việc tiếp tục phương pháp phân tích mẫu các kiểu văn bản, giáo viên chú ý hướng dẫn kĩ thuật viết tích cực nhằm giúp học sinh vừa thành thạo kĩ năng tạo lập theo từng kiểu văn bản, vừa phát triển tư duy phê phán, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo thể hiện qua bài viết. Bên cạnh các văn bản thông thường, học sinh còn được rèn luyện tạo lập văn bản điện tử và văn bản đa phương thức.

 Giáo viên sử dụng những phương pháp như phân tích mẫu, đặt câu hỏi, nêu vấn đề, gợi mở,… để hướng dẫn học sinh hình thành dàn ý, lựa chọn cách triển khai, diễn đạt; tổ chức cho học sinh thực hành viết văn bản, có thể viết từng phần: mở bài, kết bài, một hoặc một số đoạn trong thân bài.

 Tổ chức dạy viết đoạn và bài văn thường gồm các hoạt động chủ yếu như: nêu nhiệm vụ mà học sinh cần thực hiện; yêu cầu học sinh làm việc cá nhân, cặp đôi hoặc theo nhóm; tổ chức trình bày kết quả làm việc, thảo luận về các nhiệm vụ được giao và tự rút ra nội dung bài học; nhận xét, đánh giá,…; sau khi viết xong, học sinh cần có cơ hội nói, trình bày những gì đã viết.

 3.3. Phương pháp dạy nói và nghe

 Mục đích của dạy nói và nghe là nhằm giúp học sinh có khả năng diễn đạt, trình bày bằng ngôn ngữ nói một cách rõ ràng, tự tin; có khả năng hiểu đúng; biết tôn trọng người nói, người nghe; có thái độ phù hợp trong trao đổi, thảo luận. Dạy nói và nghe không chỉ phát triển năng lực giao tiếp mà còn giáo dục phẩm chất và nhân cách học sinh.

 Trong dạy nói, giáo viên hướng dẫn cho học sinh quan sát, phân tích mẫu đồng thời hướng dẫn cách làm và tổ chức cho học sinh thực hành; hướng dẫn cách thức, quy trình chuẩn bị một bài thuyết trình và trình bày trước nhóm, tổ, lớp; cách thức và quy trình chuẩn bị một cuộc thảo luận, tranh luận và cách tham gia thảo luận, tranh luận.

 Trong dạy nghe, giáo viên hướng dẫn học sinh cách nắm bắt được nội dung nghe, cách hiểu và đánh giá quan điểm, ý định của người nói; cách kiểm tra những thông tin chưa rõ; có thái độ nghe tích cực và tôn trọng người nói, tôn trọng những ý kiến khác biệt; cách hợp tác, giải quyết vấn đề với thái độ tích cực.

 Đối với kĩ năng nói nghe tương tác, giáo viên hướng dẫn học sinh biết lắng nghe và biết đặt câu hỏi để hiểu nội dung nghe, biết nói theo lượt lời trong hội thoại, biết dùng các phương tiện nghe nhìn khác để hỗ trợ cho lời trình bày miệng.

 Thực hành nghe nói là hoạt động chính, nhằm rèn kĩ năng nghe nói cho học sinh. Để tạo điều kiện cho mọi học sinh được thực hành nói, giáo viên linh hoạt trong việc tổ chức các hoạt động học tập như: yêu cầu từng cặp học sinh nói cho nhau nghe hoặc học sinh trình bày bài nói trước nhóm, lớp; tổ chức cho học sinh thảo luận, tranh luận, qua đó hiểu được tính chất tương tác của ngôn ngữ nói và hình thành thái độ tích cực, hợp tác khi trao đổi, thảo luận và có khả năng giải quyết vấn đề qua trao đổi, thảo luận; chia nhóm, lắng nghe nhận xét, rút kinh nghiệm dựa trên những hướng dẫn cụ thể về tiêu chí đánh giá mà giáo viên cung cấp.

 VII. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ GIÁO DỤC

  1. Mục tiêu đánh giá

 Đánh giá kết quả giáo dục trong môn Ngữ văn nhằm cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, có giá trị về mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực và những tiến bộ của học sinh trong suốt quá trình học tập môn học, để hướng dẫn hoạt động học tập, điều chỉnh các hoạt động dạy học, quản lí và phát triển chương trình, bảo đảm sự tiến bộ của từng học sinh và nâng cao chất lượng giáo dục.

  1. Căn cứ đánh giá

 Căn cứ đánh giá kết quả giáo dục trong môn Ngữ văn là các yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực đối với học sinh mỗi lớp học, cấp học đã quy định trong chương trình.

  1. Nội dung đánh giá

 Trong môn Ngữ văn, giáo viên đánh giá phẩm chất, năng lực chung, năng lực đặc thù và sự tiến bộ của học sinh thông qua các hoạt động đọc, viết, nói, nghe.

 Đánh giá hoạt động đọc: Tập trung vào yêu cầu học sinh hiểu nội dung, chủ đề của văn bản, quan điểm và ý định của người viết; xác định các đặc điểm thuộc về phương thức thể hiện, nhất là về mặt kiểu văn bản, thể loại và ngôn ngữ sử dụng; trả lời các câu hỏi theo những cấp độ tư duy khác nhau; lập luận, giải thích cho cách hiểu của mình; nhận xét, đánh giá về giá trị và sự tác động của văn bản đối với bản thân; thể hiện cảm xúc đối với những vấn đề được đặt ra trong văn bản; liên hệ, so sánh giữa các văn bản và giữa văn bản với đời sống.

 Đánh giá hoạt động viết: Tập trung vào yêu cầu học sinh tạo lập các kiểu văn bản: tự sự, miêu tả, biểu cảm, nghị luận, thuyết minh, nhật dụng. Việc đánh giá kĩ năng viết cần dựa vào các tiêu chí chủ yếu như nội dung, kết cấu bài viết, khả năng biểu đạt và lập luận, hình thức ngôn ngữ và trình bày,…

 Đánh giá hoạt động nói và nghe: Tập trung vào yêu cầu học sinh nói đúng chủ đề và mục tiêu; sự tự tin, năng động của người nói; biết chú ý đến người nghe; biết tranh luận và thuyết phục; có kĩ thuật nói thích hợp; biết sử dụng các phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ và phương tiện công nghệ hỗ trợ. Đối với kĩ năng nghe, yêu cầu học sinh nắm bắt nội dung do người khác nói; nắm bắt và đánh giá được quan điểm, ý định của người nói; biết đặt câu hỏi, nêu vấn đề, trao đổi để kiểm tra những thông tin chưa rõ; có thái độ nghe tích cực và tôn trọng người nói; biết lắng nghe và tôn trọng những ý kiến khác biệt.

 Đánh giá phẩm chất chủ yếu và năng lực chung trong môn Ngữ văn tập trung vào các hành vi, việc làm, cách ứng xử, những biểu hiện về thái độ, tình cảm của học sinh khi đọc, viết, nói và nghe; thực hiện chủ yếu bằng định tính, thông qua quan sát, ghi chép, nhận xét,…

  1. Cách thức đánh giá

 Đánh giá trong môn Ngữ văn thực hiện bằng hai cách: đánh giá thường xuyên và đánh giá định kì.

 Đánh giá thường xuyên được thực hiện liên tục trong suốt quá trình dạy học, do giáo viên môn học tổ chức; hình thức đánh giá gồm: giáo viên đánh giá học sinh, học sinh đánh giá lẫn nhau, học sinh tự đánh giá. Để đánh giá thường xuyên, giáo viên có thể dựa trên quan sát và ghi chép hằng ngày về học sinh, việc học sinh trả lời câu hỏi hoặc thuyết trình làm bài kiểm tra, viết phân tích và phản hồi văn học, viết thu hoạch, làm dự án sưu tầm tư liệu, làm bài tập nghiên cứu,…

 Đánh giá định kì được thực hiện ở thời điểm gần cuối hoặc cuối một giai đoạn học tập (cuối học kì, cuối cấp học) do cơ sở giáo dục tổ chức thực hiện để phục vụ công tác quản lí hoạt động dạy học, bảo đảm chất lượng giáo dục và phục vụ công tác phát triển chương trình, tài liệu học tập. Đánh giá định kì thường thông qua các đề kiểm tra hoặc đề thi viết. Đề thi, kiểm tra có thể yêu cầu hình thức viết tự luận (một hoặc nhiều câu); có thể kết hợp hình thức trắc nghiệm khách quan (câu hỏi trắc nghiệm khách quan) và hình thức tự luận (câu hỏi mở) để đánh giá đọc hiểu và yêu cầu viết bài văn về một chủ đề nào đó theo từng kiểu văn bản đã học trong chương trình. Có thể sử dụng hình thức kiểm tra vấn đáp (để đánh giá nói và nghe) nếu thấy cần thiết và có điều kiện. Trong việc đánh giá kết quả học tập cuối năm học, cuối cấp học, cần đổi mới cách thức đánh giá (cấu trúc đề, cách nêu câu hỏi, phân giải độ khó,…); sử dụng và khai thác ngữ liệu bảo đảm yêu cầu đánh giá được năng lực của học sinh, khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép tài liệu có sẵn; tránh dùng lại các văn bản ngữ liệu đã học để đánh giá được chính xác khả năng đọc hiểu và phân tích, cảm thụ tác phẩm văn học.

 Dù đánh giá theo hình thức nào cũng đều phải bảo đảm nguyên tắc học sinh được bộc lộ, thể hiện phẩm chất, năng lực ngôn ngữ, năng lực văn học, tư duy hình tượng và tư duy logic, những suy nghĩ và tình cảm của chính học sinh, không vay mượn, sao chép; khuyến khích các bài viết có cá tính và sáng tạo. Học sinh cần được hướng dẫn tìm hiểu để có thể nắm vững mục tiêu, phương pháp và hệ thống các tiêu chí dùng để đánh giá các phẩm chất, năng lực này.

 VIII. GIẢI THÍCH VÀ HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

  1. Giải thích thuật ngữ
  2. a) Một số thuật ngữ chuyên môn sử dụng trong chương trình

 – Giao tiếp đa phương thức: hình thức giao tiếp sử dụng nhiều phương tiện khác nhau, không chỉ phương tiện ngôn ngữ mà cả phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ.

 – Kiểu văn bản: các dạng văn bản dùng trong viết, được phân chia theo phương thức biểu đạt chính như văn bản tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh, nghị luận,…

 – Loại văn bản (type): các văn bản có cùng mục đích giao tiếp chủ yếu, bao gồm: văn bản văn học (bộc lộ, giãi bày tình cảm), văn bản nghị luận (thuyết phục), văn bản thông tin (thông báo, giao dịch,…).

 – Loại văn học (genre): loại hình văn bản văn học, gồm: truyện, thơ, kịch, kí.

 – Năng lực ngôn ngữ: khả năng sử dụng các phương tiện ngôn ngữ (ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp,…) để đọc, viết, nói và nghe.

 – Năng lực văn học: một biểu hiện của năng lực thẩm mĩ, là khả năng nhận biết, phân tích, tái hiện và sáng tạo các yếu tố thẩm mĩ thông qua hoạt động tiếp nhận và tạo lập văn bản văn học.

 – Ngữ liệu: từ âm, chữ cho đến văn bản hoặc trích đoạn văn bản thuộc các loại văn bản và thể loại thể hiện dưới các hình thức viết, nói hoặc đa phương thức, dùng làm chất liệu để dạy học.

 – Phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ: những hình ảnh, số liệu, đồ thị, bảng biểu,… góp phần biểu nghĩa trong giao tiếp.

 – Thể loại văn học: mỗi loại văn bản văn học bao gồm nhiều thể loại như: thần thoại, cổ tích, truyện ngắn, tiểu thuyết, ca dao, ngâm khúc, bi kịch, hài kịch,…

 – Văn bản biểu cảm: văn bản chủ yếu dùng để thể hiện tình cảm, cảm xúc.

 – Văn bản đa phương thức: văn bản có sự phối hợp phương tiện ngôn ngữ và các phương tiện khác như kí hiệu, sơ đồ, biểu đồ, hình ảnh, âm thanh.

 – Văn bản miêu tả: văn bản chủ yếu dùng để miêu tả.

 – Văn bản nghị luận: văn bản chủ yếu dùng để thuyết phục người đọc (người nghe) về một vấn đề nào đó.

 – Văn bản nhật dụng: văn bản chủ yếu dùng để đáp ứng nhu cầu giao tiếp hàng ngày.

 – Văn bản thông tin: văn bản chủ yếu dùng để cung cấp thông tin.

 – Văn bản thuyết minh: văn bản chủ yếu được dùng để giới thiệu một sự vật, hiện tượng.

 – Văn bản tự sự: văn bản chủ yếu dùng để kể lại một sự việc.

  1. b) Từ ngữ thể hiện mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt

 Chương trình môn Ngữ văn sử dụng một số động từ để thể hiện mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt về năng lực của học sinh. Một số động từ được sử dụng ở các mức độ khác nhau nhưng trong mỗi trường hợp thể hiện một hành động có đối tượng và yêu cầu cụ thể. Trong bảng liệt kê dưới đây, đối tượng, yêu cầu cụ thể của mỗi hành động được chỉ dẫn bằng các từ ngữ khác nhau đặt trong ngoặc đơn.

 Trong quá trình dạy học, đặc biệt là khi đặt câu hỏi thảo luận, ra đề kiểm tra đánh giá, giáo viên có thể dùng những động từ nêu trong bảng tổng hợp này hoặc thay thế bằng các động từ có nghĩa tương đương, sao cho phù hợp với tình huống sư phạm và nhiệm vụ cụ thể giao cho học sinh.

Mức độ Động từ mô tả mức độ
Biết đọc thuộc lòng (bài thơ, đoạn văn,…); kể lại (câu chuyện đã đọc, sự việc đã chứng kiến,…); nhận biết (đặc điểm kiểu văn bản, thể loại; tính toàn vẹn, chỉnh thể của văn bản; lí lẽ, bằng chứng, thông tin; biện pháp tu từ;…)
Hiểu nhận biết, phân tích (chủ đề, thông điệp; tình cảm, cảm xúc của người viết; cách triển khai ý tưởng;…); hiểu, xác định (đề tài, thông tin, cảm hứng chủ đạo,…); phân tích (đặc điểm kiểu văn bản, thể loại;…); hiểu (chủ đề, thông tin cơ bản,…); giải thích (tác dụng của biện pháp tu từ,…); tóm tắt (các ý chính của một đoạn, nội dung của văn bản,…); nhận xét, đánh giá (nội dung, hình thức, các biện pháp nghệ thuật, cách lập luận, đề tài, cách chọn lọc và sắp xếp thông tin, thái độ và quan điểm người viết;…)
Vận dụng vận dụng (kiến thức tiếng Việt, văn học, kinh nghiệm,…); so sánh (nhân vật, văn bản,…); liên hệ (văn bản với bản thân, văn bản với bối cảnh,…); viết (đoạn văn, văn bản,…); thuyết trình, trình bày (vấn đề, ý kiến, bài giới thiệu, báo cáo nghiên cứu,…)
  1. Thời lượng thực hiện chương trình
  2. a) Thời lượng thực hiện chương trình ở các lớp (theo số tiết học)
Lớp 1 Lớp 2 Lớp 3 Lớp 4 Lớp 5 Lớp 6 Lớp 7 Lớp 8 Lớp 9 Lớp 10 Lớp 11 Lớp 12
420 350 245 245 245 140 140 140 140 105 105 105

 Ở cấp trung học phổ thông, mỗi lớp có thêm 35 tiết cho các chuyên đề học tập lựa chọn.

  1. b) Thời lượng dành cho các nội dung giáo dục

 Thời lượng dành cho các nội dung giáo dục do tác giả sách giáo khoa và giáo viên chủ động sắp xếp căn cứ vào yêu cầu cần đạt ở mỗi lớp và thực tế dạy học. Tuy nhiên, cần bảo đảm tỉ lệ hợp lí giữa các thành phần sau:

 – Giữa trang bị kiến thức và rèn luyện kĩ năng (trọng tâm là rèn luyện kĩ năng thực hành, vận dụng).

 – Giữa các kiểu, loại văn bản đọc, viết, nói và nghe (dành thời lượng nhiều hơn cho đọc văn bản văn học).

 – Giữa các kĩ năng đọc, viết, nói và nghe (dành thời lượng nhiều hơn cho việc rèn luyện kĩ năng đọc); cụ thể tỉ lệ thời lượng dành cho các kĩ năng ở từng lớp như sau:

Nhóm lớp Đọc Viết Nói và nghe Đánh giá định kì
Từ lớp 1 đến lớp 3 khoảng 60% khoảng 25% khoảng 10% khoảng 5%
Từ lớp 4 đến lớp 5 khoảng 63% khoảng 22% khoảng 10% khoảng 5%
Từ lớp 6 đến lớp 9 khoảng 63% khoảng 22% khoảng 10% khoảng 5%
Từ lớp 10 đến lớp 12 khoảng 60% khoảng 25% khoảng 10% khoảng 5%
  1. b) Phân bổ số tiết cho các chuyên đề học tập ở mỗi lớp như sau:
Chuyên đề học tập Lớp 10 Lớp 11 Lớp 12
Chuyên đề 10.1: Tập nghiên cứu và viết báo cáo về một vấn đề văn học dân gian 10    
Chuyên đề 10.2. Sân khấu hoá tác phẩm văn học 15    
Chuyên đề 10.3. Đọc, viết và giới thiệu một tập thơ, một tập truyện ngắn hoặt 1 tiểu thuyết 10    
Chuyên đề 11.1: Tập nghiên cứu và viết báo cáo về một vấn đề văn học trung đại   10  
Chuyên đề 11.2: Tìm hiểu ngôn ngữ trong đời sống xã hội hiện đại   15  
Chuyên đề 11.3: Đọc, viết và giới thiệu về một tác giả văn học   10  
Chuyên đề 12.1. Tập nghiên cứu và viết báo cáo về một vấn đề văn học hiện đại và hậu hiện đại     10
Chuyên đề 12.2. Tìm hiểu về một tác phẩm nghệ thuật chuyển thể từ văn học     15
Chuyên đề 12.3. Tìm hiểu phong cách sáng tác của một trường phái văn học: Cổ điển, hiện thực hoặc lãng mạn.     10
  1. Thiết bị dạy học

 Thiết bị dạy học tối thiểu của môn Ngữ văn là tủ sách tham khảo, có đủ các loại văn bản lớn là văn bản văn học, văn bản nghị luận, văn bản thông tin; có đủ các hình thức sách truyện, sách truyện tranh. Trong mỗi loại văn bản lớn có đủ các tiểu loại: văn bản văn học gồm truyện, thơ, kịch, kí; văn bản nghị luận gồm nghị luận văn học và nghị luận xã hội; văn bản thông tin gồm văn bản thuyết minh và văn bản nhật dụng. Một số tranh ảnh như chân dung các nhà văn lớn có trong chương trình; tranh ảnh minh hoạ cho nội dung, nghệ thuật của một số tác phẩm lớn như Nam quốc sơn hà, Hịch tướng sĩ, Bình Ngô đại cáo, Truyện Kiều, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Tuyên ngôn Độc lập,…

 Những trường có điều kiện cần nối mạng Internet, có máy tính, màn hình và máy chiếu (projector); trang bị thêm một số phần mềm dạy học tiếng Việt; các CD, video clip có nội dung giới thiệu các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử của đất nước, quê hương của các nhà văn (để dạy và học văn bản thuyết minh); một số bộ phim hoạt hình, phim truyện được chuyển thể từ các tác phẩm văn học hoặc các CD, video clip ghi một số vở diễn từ các kịch bản văn học; các băng đĩa CD ghi bản nhạc được phổ từ các bài thơ đã chọn làm ngữ liệu dạy học hay một số văn bản đọc mở rộng, các cuộc giao lưu, nói chuyện chuyên đề của các nhà văn, nhà nghiên cứu, phê bình văn học; các sách giáo khoa Ngữ văn, sách văn học và các tài liệu giáo dục văn học dạng điện tử.

  1. Yêu cầu lựa chọn văn bản (ngữ liệu)

 Ngoài việc bảo đảm các tiêu chí đã nêu ở mục V, ngữ liệu dạy học trong môn Ngữ văn cần bảo đảm các yêu cầu sau:

  1. a) Bảo đảm tỉ lệ hợp lí giữa văn bản văn học với văn bản nghị luận và văn bản thông tin. Trong văn bản văn học, chú ý bảo đảm sự cân đối tương đối giữa các thể loại cơ bản (truyện, thơ, kí, kịch), giữa văn học trung đại và văn học hiện đại, giữa văn học dân gian và văn học viết, giữa văn học dân tộc Kinh và văn học dân tộc thiểu số, giữa văn học Việt Nam và văn học nước ngoài, giữa Đông và Tây. “Sự cân đối” được hiểu là một tỉ lệ thích hợp, chứ không phải có tỉ lệ bằng nhau. Ngữ liệu cho tất cả các lớp đều phải có văn bản truyện và thơ. Ngoài truyện và thơ, mỗi cấp học đều phải có văn bản kí hoặc kịch. Các lớp ở cấp tiểu học và đầu cấp trung học cơ sở ưu tiên văn học Việt Nam hiện đại và đương đại. Hạn chế hiện tượng một văn bản được sử dụng lặp lại ở nhiều lớp học, cấp học khác nhau.
  2. b) Bảo đảm sự phù hợp của văn bản với yêu cầu phát triển và thời lượng học tập của chương trình. Độ khó của các văn bản đọc tăng dần qua từng năm học. Thời gian để dạy học một văn bản phải tương thích với độ dài và độ phức tạp của nó để bảo đảm giáo viên có thể giúp học sinh tiếp cận đầy đủ và sâu sắc văn bản, cho học sinh có cơ hội đọc trực tiếp và trọn vẹn những tác phẩm được chọn học. Hạn chế việc dạy học trích đoạn, trừ trường hợp những tác phẩm văn học có dung lượng lớn như tiểu thuyết, hồi kí, sử thi, ví dụ:Truyện Kiềucủa Nguyễn Du.
  3. c) Bảo đảm kế thừa và phát triển các chương trình môn Ngữ văn đã có. Chương trình dựa vào 9 tác gia và các tác phẩm văn học được học trong chương trình và sách giáo khoa hiện hành, lựa chọn và bổ sung một số tác giả, tác phẩm có vị trí quan trọng, tiêu biểu cho thành tựu văn học dân tộc qua các giai đoạn để dạy học trong nhà trường với ba cấp độ: tác phẩm bắt buộc (tác giả sách giáo khoa và giáo viên bắt buộc thực hiện theo quy định của chương trình); tác phẩm bắt buộc lựa chọn (tác giả sách giáo khoa bắt buộc lựa chọn tác phẩm của tác giả có tên trong danh mục quy định của chương trình); tác phẩm gợi ý lựa chọn (tác giả sách giáo khoa tự lựa chọn tác phẩm theo danh mục gợi ý của chương trình). Riêng với 3 tác giả Nguyễn Trãi, Nguyễn Du và Hồ Chí Minh ở cấp trung học phổ thông có thêm bài khái quát giới thiệu về tác gia văn học. Căn cứ vào yêu cầu cần đạt ở mỗi lớp và danh sách các tác phẩm bắt buộc, tác phẩm bắt buộc lựa chọn được quy định, tác giả sách giáo khoa chọn thêm những văn bản phù hợp được khuyến nghị trong hoặc ngoài danh mục gợi ý ở cuối chương trình. Giáo viên và học sinh được chọn đọc một số văn bản mở rộng phù hợp với yêu cầu của chương trình và lứa tuổi để thảo luận trong nhóm, trong lớp.
  4. DANH MỤC VĂN BẢN (NGỮ LIỆU) GỢI Ý LỰA CHỌN Ở CÁC LỚP     
  5. Căn cứ tiêu chí lựa chọn văn bản (nêu tại mục V) và yêu cầu lựa chọn văn bản (nêu tại mục VIII), chương trình xây dựng danh mục văn bản (ngữ liệu) gợi ý lựa chọn ở các lớp. Danh mục văn bản này không phải là tất cả ngữ liệu của các lớp mà chỉ là những ví dụ minh hoạ về thể loại, kiểu văn bản, đề tài và sự phù hợp với nhận thức, tâm lí lứa tuổi; nhằm đáp ứng các yêu cầu cần đạt về đọc, viết, nói, nghe ở mỗi lớp.

 Để thuận tiện và linh hoạt trong việc lựa chọn ngữ liệu, các văn bản được gợi ý theo các nhóm lớp: lớp 1, lớp 2 và lớp 3; lớp 4 và lớp 5; lớp 6 và lớp 7; lớp 8 và lớp 9; lớp 10, lớp 11 và lớp 12 (Tên văn bản ở tất cả các lớp xếp theo thứ tự A, B, C). Các tác giả sách giáo khoa có thể dựa vào danh mục này để lựa chọn và tự tìm thêm các văn bản tương đương về thể loại và độ khó để biên soạn miễn là đáp ứng được các tiêu chí (nêu tại mục V) và yêu cầu lựa chọn văn bản (nêu tại mục VIII).

  1. Văn bản (ngữ liệu) gợi ý trong danh mục này được sắp xếp theo trình tự kiểu, loại văn bản (truyện, thơ, kịch, kí, nghị luận, thông tin). Số lượng văn bản ở mỗi kiểu, loại khác nhau, tuỳ theo yêu cầu cần đạt của chương trình. Danh mục bao gồm văn bản mới và văn bản đã, đang được sử dụng trong sách giáo khoa hiện hành (có sự phân bố lại cho phù hợp với yêu cầu cần đạt của các lớp), nhằm đảm bảo sự hài hoà giữa kế thừa và đổi mới. Riêng đối với văn bản thông tin, danh mục không giới thiệu tên văn bản cụ thể mà chỉ nêu đề tài và tên các kiểu văn bản để tác giả sách giáo khoa tuỳ ý lựa chọn. Các tác giả có tên ở danh mục này chỉ xuất hiện một lần trong cả ba cấp học, trừ một số tác giả tác phẩm bắt buộc đã nêu trong chương trình. Để tác giả sách giáo khoa có định hướng lựa chọn văn bản phù hợp với các nhóm lớp, danh mục này nêu hướng phân bổ cho cả những tác phẩm bắt buộc.

 LỚP 1, LỚP 2 VÀ LỚP 3

 Truyện, văn xuôi

 – Ba cô gái (Truyện cổ Tatar)

 – Bác Hồ kính yêu (Nhiều tác giả)

 – Bà cháu (Trần Hoài Dương)

 – Biển đẹp (Vũ Tú Nam)

 – Bông hoa cúc trắng (Truyện cổ Nhật Bản)

 – Con rắn vuông (Truyện cười Việt Nam)

 – Con chuột huênh hoang (Tiếng Việt 1, tập hai)

 – Con quạ thông minh (J. La Fontaine)

 – Con cò thông minh (Truyện cổ Khmer)

 – Chú lính chì dũng cảm (H. Andersen)

 – Cô bé quàng khăn đỏ (Truyện cổ Grim)

 – Há miệng chờ sung (Truyện cười Việt Nam)

 – Hồ Gươm (Ngô Quân Miện)

 – Không nên phá tổ chim (Quốc văn giáo khoa thư)

 – Kho báu trong vườn cây (Aesop)

 – Mồ Côi xử kiện (Cổ tích Việt Nam)

 – Sự tích cây vú sữa (Cổ tích Việt Nam)

 – Sự tích dưa hấu (Cổ tích Việt Nam)

 – …

 Thơ, ca dao, đồng dao

 – Anh Đom Đóm (Võ Quảng)

 – Bàn tay cô giáo (Nguyễn Trọng Hoàn)

 – Ca dao về cảnh đẹp quê hương, đất nước

 – Cái Bống (Ca dao Việt Nam)

 – Cái trống trường em (Thanh Hào)

 – Cánh cam lạc mẹ (Ngân Vịnh)

 – Cánh cửa nhớ bà (Đoàn Thị Lam Luyến)

 – Cây cau (Ngô Viết Dinh)

 – Chim chích cắn cổ diều hâu (Đồng dao)

 – Đi học (Minh Chính)

 – Gió từ tay mẹ (Vương Trọng)

 – Hoa nắng (Trương Nam Hương)

 – Làm anh (Phan Thị Thanh Nhàn)

 – Lời của cây (Trần Hữu Thung)

 – Mè hoa lượn sóng (Thạch Quỳ)

 – Mẹ (Trần Quốc Minh)

 – Ngôi nhà (Tô Hà)

 – Nhớ ơn (Đồng dao Việt Nam)

 – Ngày hôm qua đâu rồi? (Bế Kiến Quốc)

 – Ngưỡng cửa (Vũ Quần Phương)

 – Quả ngọt cuối mùa (Võ Thanh An)

 – Sang năm con lên bảy (Vũ Đình Minh)

 – Thả diều lên (Phạm Hổ)

 – Vè chim

 – …

 Văn bản thông tin

 – Văn bản chỉ dẫn một số tín hiệu dễ hiểu, gần gũi với học sinh.

 – Văn bản giới thiệu một số sự vật, hiện tượng.

 – Văn bản thông tin đơn giản, thông dụng như mục lục sách, thời khoá biểu.

 – Văn bản ngắn thuật 2 – 3 việc làm cụ thể.

 – Văn bản giới thiệu về loài vật, văn bản hướng dẫn thực hiện một hoạt động.

 – Văn bản giới thiệu (tả thực) một đồ vật.

 – Văn bản thuyết minh về một đối tượng.

 – Thông báo ngắn, tờ khai in sẵn.

 – …

 LỚP 4 VÀ LỚP 5

 Truyện, văn xuôi

 – Chuyện của Thần Nông (Cổ tích Việt Nam)

 – Con yêu bố chừng nào (Truyện tranh – Sam McBratney, A. Jeram)

 – Có con giun đất (Truyện cười dân gian Việt Nam)

 – Điều ước của vua Midas (Thần thoại Hy Lạp)

 – Kì diệu rừng xanh (Nguyễn Phan Hách)

 – Một người chính trực (Quỳnh Cư, Đỗ Đức Hùng)

 – Mua kính (Truyện cười dân gian Việt Nam)

 – Những ngày thơ ấu (Nguyên Hồng)

 – Những tấm lòng cao cả (E.Amicis)

 – Phân xử tài tình (Cổ tích Việt Nam)

 – Quê nội (Võ Quảng)

 – Sự tích cây nêu ngày Tết (Cổ tích Việt Nam)

 – Thái sư Trần Thủ Độ (Ngô Sĩ Liên)

 – Thư gửi các học sinh (Hồ Chí Minh)

 – Thương nhớ ngón tay (Trích Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ – Nguyễn Ngọc Thuần)

 – Tottochan cô bé bên cửa sổ (K. Tetsuko)

 – Trong rừng rậm (Trích Cậu bé rừng xanh – R. Kipling)

 – …

 Thơ, ca dao, câu đố

 – Bài ca về trái đất (Định Hải)

 – Bè xuôi sông La (Vũ Duy Thông)

 – Biển (Khánh Chi)

 – Bến cảng Hải Phòng (Nguyễn Hồng Kiên)

 – Ca dao về tình cảm gia đình

 – Cao Bằng (Trúc Thông)

 – Câu đố dân gian về sự vật, hiện tượng

 – Chợ Tết (Đoàn Văn Cừ)

 – Dòng sông mặc áo (Nguyễn Trọng Tạo)

 – Em nghĩ về trái đất (Nguyễn Lãm Thắng)

 – Lượm (Tố Hữu)

 – Sắc màu em yêu (Phạm Đình Ân)

 – Tiếng đàn ba-la-lai-ca trên sông Đà (Quang Huy)

 – Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai (Phùng Ngọc Hùng)

 – Truyện Kiều (Nguyễn Du)

 – Truyện cổ nước mình (Lâm Thị Mỹ Dạ)

 – Trước cổng trời (Nguyễn Đình Ảnh)

 – …

 Kịch

 – Cáo bị rơi xuống giếng (Aesop)

 – Con chim xanh (M. Maeterlinck)

 – Hoàng tử – Công chúa và chín vị thần… bị bắt (Minh Phương)

 – Lòng dân (Nguyễn Văn Xe)

 – Người công dân số Một (Hà Văn Cầu – Vũ Đình Phòng)

 – …

 Văn bản thông tin

 – Văn bản giới thiệu sách, phim.

 – Văn bản chỉ dẫn (đơn giản) các bước thực hiện một công việc hoặc làm? sử dụng một sản phẩm.

 – Thư cảm ơn hoặc xin lỗi, thư thăm hỏi; đơn (xin nghỉ học, xin nhập học); giấy mời, báo cáo công việc, chương trình hoạt động.

 – Văn bản giải thích về một hiện tượng tự nhiên.

 – Văn bản giới thiệu một quy trình.

 – Văn bản quảng cáo (tờ rơi, áp phích,…).

 – …

 LỚP 6 VÀ LỚP 7

 Truyện, tiểu thuyết

 – Buổi học cuối cùng (A. Daudet)

 – Búp sen xanh (Sơn Tùng)

 – Bức tranh của em gái tôi (Tạ Duy Anh)

 – Cô bé bán diêm (H. Andersen)

 – Đất rừng phương Nam (Đoàn Giỏi)

 – Dế Mèn phiêu lưu kí (Tô Hoài)

 – Điều không tính trước (Nguyễn Nhật Ánh)

 – Ếch ngồi đáy giếng (Truyện ngụ ngôn Việt Nam)

 – Lá cờ thêu sáu chữ vàng (Nguyễn Huy Tưởng)

 – Treo biển (Truyện cười dân gian Việt Nam)

 – Ông lão đánh cá và con cá vàng (A. Puskin)

 – Thánh Gióng (Truyền thuyết Việt Nam)

 – Thạch Sanh (Cổ tích Việt Nam)

 – …

 Thơ, ca dao, tục ngữ

 – Ca dao về tình yêu, tình cảm gia đình

 – Cảnh khuya (Hồ Chí Minh)

 – Bài thơ về tiểu đội xe không kính (Phạm Tiến Duật)

 – Dặn con (Trần Nhuận Minh)

 – Hành trình của bầy ong (Nguyễn Đức Mậu)

 – Khi con tu hú (Tố Hữu)

 – Mây và sóng (R. Tagore)

 – Mẹ (Đỗ Trung Lai)

 – Những cánh buồm (Hoàng Trung Thông)

 – Quê hương (Tế Hanh)

 – Sơn Tinh, Thuỷ Tinh (Nguyễn Nhược Pháp)

 – Tiếng vọng (Nguyễn Quang Thiều)

 – Tục ngữ Việt Nam

 – Viếng lăng Bác (Viễn Phương)

 – …

 Kí, tản văn

 – Cây tre Việt Nam (Thép Mới)

 – Cõi lá (Đỗ Phấn)

 – Cô Tô (Nguyễn Tuân)

 – Lòng yêu nước (I. Ehrenburg)

 – Một lít nước mắt (Kito Aya)

 – Người ngồi đợi trước hiên nhà (Huỳnh Như Phương)

 – Những năm ở tiểu học (trích Hồi kí Nguyễn Hiến Lê)

 – Thẳm sâu Hồng Ngài (Tống Lam Linh)

 – Thương nhớ mười hai (Vũ Bằng)

 – Tôi ăn Tết ở Côn Lôn (Khuông Việt)

 – Trưa tha hương (Trần Cư)

 – …

 Văn nghị luận

 – Bài nghị luận xã hội: về một hiện tượng mà mình quan tâm.

 – Bài nghị luận văn học: phân tích đặc điểm nhân vật và bài phân tích tác phẩm.

 – Bức thư của thủ lĩnh da đỏ (Seattle)

 – Đức tính giản dị của Bác Hồ (Phạm Văn Đồng)

 – Sự giàu đẹp của tiếng Việt (Đặng Thai Mai)

 – Tinh thần yêu nước của nhân dân ta (Hồ Chí Minh)

 – …

 Văn bản thông tin

 – Văn bản thuật lại một sự kiện lịch sử (thuyết minh).

 – Văn bản giới thiệu một quy tắc hay luật lệ trong trò chơi hay hoạt động (thuyết minh).

 – Văn bản kiến nghị; biên bản, tin nhắn, thư điện tử.

 – …

 LỚP 8 VÀ LỚP 9

 Truyện, tiểu thuyết

 – Bắt sấu rừng U Minh Hạ (Sơn Nam)

 – Chiếc lá cuối cùng (O. Henry)

 – Chiếc lược ngà (Nguyễn Quang Sáng)

 – Chuyện chiếc ấm sứt vòi (Trần Đức Tiến)

 – Đá trổ bông (Nguyễn Ngọc Tư)

 – Hai vạn dặm dưới đáy biển (J. Verne)

 – Hoàng tử bé (Antoine de Saint-Exupéry)

 – Tinh thần thể dục (Nguyễn Công Hoan)

 – Làng (Kim Lân)

 – Lão Hạc (Nam Cao)

 – Chuyện người con gái Nam Xương (Nguyễn Dữ)

 – Những ngôi sao xa xôi (Lê Minh Khuê)

 – Robinson Crusoe (D. Defoe)

 – Sherlock Holmes (A. Doyle)

 – Tôi đi học (Thanh Tịnh)

 – Tuổi thơ dữ dội (Phùng Quán)

 – Vũ trung tuỳ bút (Phạm Đình Hổ)

 – …

 Thơ, ca dao, truyện thơ Nôm

 – Bánh trôi nước, Mời trầu (Hồ Xuân Hương)

 – Bếp lửa (Bằng Việt)

 – Ca dao về con người, xã hội

 – Chân quê, Không đề (Nguyễn Bính)

 – Chó sói và chiên con, Ve và kiến (J. La Fontaine)

 – Con đường chưa đi (R. Frost)

 – Đây mùa thu tới (Xuân Diệu)

 – Đồng chí (Chính Hữu)

 – Hoàng Hạc lâu (Thôi Hiệu)

 – Hội Tây, Khóc Dương Khuê (Nguyễn Khuyến)

 – Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ (Nguyễn Khoa Điềm)

 – Lục Vân Tiên (Nguyễn Đình Chiểu)

 – Mộ (Chiều tối – Hồ Chí Minh)

 – Mùa xuân nho nhỏ (Thanh Hải)

 – Nam quốc sơn hà (Thời Lý)

 – Nói với con (Y Phương)

 – Ngôn chí số 20, Thuật hứng 24 (Nguyễn Trãi)

 – Ông đồ (Vũ Đình Liên)

 – Qua Đèo Ngang (Bà Huyện Thanh Quan)

 – Sang thu (Hữu Thỉnh)

 – Thuốc đắng (Mai Văn Phấn)

 – Mẹ Tơm (Tố Hữu)

 – Tống biệt (Tản Đà)

 – Truyện Kiều (Nguyễn Du)

 – Vịnh khoa thi Hương (Trần Tế Xương)

 – …

 Kịch, chèo

 – Bắc Sơn (Nguyễn Huy Tưởng)

 – Ông Jourdain mặc lễ phục (Moliere)

 – Quan Âm Thị Kính (chèo dân gian)

 – Quẫn (Lộng Chương)

 – Romeo và Juliet (W. Shakespeare)

 – …

 Văn nghị luận

 – Bài nghị luận xã hội: bàn về một vấn đề trong đời sống

 – Bài nghị luận văn học: phân tích tác phẩm văn học

 – Bàn luận về phép học (Nguyễn Thiếp)

 – Bàn về đọc sách (Chu Quang Tiềm)

 – Bình Ngô đại cáo (Nguyễn Trãi)

 – Chiếu dời đô (Lý Công Uẩn)

 – Đi bộ ngao du (Trích Emile hay về giáo dục – J. Rousseau)

 – Hịch tướng sĩ (Trần Hưng Đạo)

 – Phong cách Hồ Chí Minh (Lê Anh Trà)

 – …

 Văn bản thông tin

 – Văn bản giải thích một hiện tượng tự nhiên hoặc văn bản giới thiệu một cuốn sách hoặc bộ phim đã xem.

 – Văn bản giải thích một hiện tượng xã hội hoặc văn bản giới thiệu quy trình tiến hành một thí nghiệm.

 – Bản tin (báo in và báo mạng); văn bản tường trình, quảng cáo, bài phỏng vấn.

 – …

 LỚP 10, LỚP 11 VÀ LỚP 12

 Truyện, tiểu thuyết

 – AQ chính truyện hoặc Thuốc, Cố hương (Lỗ Tấn)

 – Đất (Anh Đức)

 – Người thầy đầu tiên (C. Aitmatov)

 – Chiếc thuyền ngoài xa, Mảnh trăng cuối rừng, Bến quê (Nguyễn Minh Châu)

 – Chí Phèo, Đời thừa (Nam Cao)

 – Chữ người tử tù (Nguyễn Tuân)

 – Đăm Săn (Sử thi Tây Nguyên)

 – Em bé thông minh (Cổ tích Việt Nam)

 – Em Dìn (Hồ Dzếnh)

 – Hai đứa trẻ (Thạch Lam)

 – Herakles đi tìm táo vàng (Thần thoại Hy Lạp)

 – Hoàng Lê nhất thống chí (Ngô gia văn phái)

 – Mây trắng còn bay (Bảo Ninh)

 – Mẫn và tôi hoặc Trước giờ nổ súng (Phan Tứ)

 – Một người Hà Nội (Nguyễn Khải)

 – Mùa lá rụng trong vườn (Ma Văn Kháng)

 – Muối của rừng (Nguyễn Huy Thiệp)

 – Những đứa con trong gia đình hoặc Ở xã Trung Nghĩa (Nguyễn Thi)

 – Người trong bao (A. Chekhov)

 – Odysseus (Homer)

 – Ông già và biển cả (E. Hemingway)

 – Số đỏ (Vũ Trọng Phụng)

 – Tam quốc diễn nghĩa (La Quán Trung)

 – Thuỷ nguyệt (Y. Kawabata)

 – Trăm năm cô đơn (G. Marquez)

 – …

 Thơ, truyện thơ, phú, văn tế

 – Xuất dương lưu biệt (Phan Bội Châu)

 – Bài ca ngất ngưởng (Nguyễn Công Trứ)

 – Bảo kính cảnh giới số 43 (Nguyễn Trãi)

 – Bên kia sông Đuống (Hoàng Cầm)

 – Bích Câu kì ngộ (Truyện thơ Nôm, Khuyết danh)

 – Chiều biên giới (Lò Ngân Sủn)

 – Chinh phụ ngâm (Đặng Trần Côn – Đoàn Thị Điểm)

 – Dấu chân qua trảng cỏ hoặc Đàn ghi ta của Lorca (Thanh Thảo)

 – Đất nước (Nguyễn Đình Thi)

 – Đây thôn Vĩ Dạ (Hàn Mặc Tử)

 – Độc Tiểu Thanh kí (Nguyễn Du)

 – Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng (Lý Bạch)

 – Lính đảo hát tình ca trên đảo (Trần Đăng Khoa)

 – Nhàn (Nguyễn Bỉnh Khiêm)

 – Nhớ (Nông Quốc Chấn)

 – Nối vòng tay lớn hoặc Nhớ mùa thu Hà Nội (Trịnh Công Sơn, phần lời? ca từ)

 – Phú sông Bạch Đằng (Trương Hán Siêu)

 – Quê hương (Giang Nam)

 – Sa hành đoản ca (Cao Bá Quát)

 – Sóng (Xuân Quỳnh)

 – Xống chụ xon xao (Truyện thơ dân tộc Thái)

 – Tạm biệt Huế (Thu Bồn)

 – Tặng phẩm của dòng sông (Inrasara)

 – Tây Tiến (Quang Dũng)

 – Thu điếu, Thu ẩm, Thu vịnh, Ông nghè tháng Tám (Nguyễn Khuyến)

 – Thu hứng 1 (bài 1) hoặc Đăng cao (Đỗ Phủ)

 – Tình ca ban mai hoặc Tiếng hát con tàu (Chế Lan Viên)

 – Tôi yêu em (A. Puskin)

 – Tràng giang (Huy Cận)

 – Truyện Kiều (Truyện thơ Nôm, Nguyễn Du)

 – Từ ấy, Việt Bắc, Ta đi tới (Tố Hữu)

 – Tự do (P. Eluard)

 – Tự tình 2 (Hồ Xuân Hương)

 – Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Chạy Tây (Nguyễn Đình Chiểu)

 – Vội vàng, Nguyệt cầm, Thơ duyên (Xuân Diệu)

 – …

 Kịch, tuồng, chèo

 – Âm mưu và tình yêu (F. Sile)

 – Giấc mộng đêm hè (W. Shakespeare)

 – Hồn Trương Ba, da hàng thịt (Lưu Quang Vũ)

 – Kim Nham (Chèo dân gian)

 – Mùa hè ở biển (Xuân Trình)

 – Nghêu, Sò, Ốc, Hến (Tuồng dân gian Việt Nam)

 – Rừng trúc (Nguyễn Đình Thi)

 – Vũ Như Tô (Nguyễn Huy Tưởng)

 – …

 

 – Ai đã đặt tên cho dòng sông? (Hoàng Phủ Ngọc Tường)

 – Cơm thầy, cơm cô (Vũ Trọng Phụng)

 – Đi trên đường Hà Nội (Đỗ Chu)

 – Người lái đò Sông Đà (Nguyễn Tuân)

 – Nhật kí Đặng Thuỳ Trâm (Đặng Thuỳ Trâm)

 – Quyết định khó khăn nhất (Trích Điện Biên Phủ – Điểm hẹn lịch sử – Võ Nguyên Giáp)

 – Sống để kể lại (G. Marquez)

 – Thần linh ơi, ta có các già làng (Trung Trung Đỉnh)

 – Thủ tục làm người còn sống (Minh Chuyên)

 – Thượng kinh kí sự (Hải Thượng Lãn Ông)

 – Trong giông gió Trường Sa ( nhiều tác giả)

 – Việc làng (Ngô Tất Tố)

 – …

 Văn nghị luận

 – Bài nghị luận xã hội: bàn về một vấn đề xã hội.

 – Bài nghị luận văn học: phân tích, đánh giá một tác phẩm văn học.

 – Cầu hiền chiếu (Ngô Thì Nhậm)

 – Bình Ngô đại cáo, Thư lại dụ Vương Thông (Nguyễn Trãi)

 – Hẹn hò với định mệnh (J. Nehru)

 – Hiền tài là nguyên khí quốc gia (Thân Nhân Trung)

 – Một thời đại trong thi ca (Hoài Thanh, Hoài Chân)

 – Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ dân tộc (Phạm Văn Đồng)

 – Thơ còn tồn tại được không (Diễn từ Nobel 1975 của E. Montale)

 – Tiếng mẹ đẻ, nguồn giải phóng các dân tộc bị áp bức (Nguyễn An Ninh)

 – Tôi có một giấc mơ (L. King)

 – Tuyên ngôn Độc lập (Hồ Chí Minh)

 – Trích diễm thi tập tự (Tựa Trích diễm thi tập – Hoàng Đức Lương)

 – Văn học và tác dụng chiều sâu trong việc xây dựng nhân cách văn hoá con người (Hoàng Ngọc Hiến)

 – …

 Văn bản thông tin

 – Văn bản thông tin tổng hợp: thuyết minh có lồng ghép một hay nhiều yếu tố như miêu tả, tự sự, biểu cảm, nghị luận.

 – Báo cáo kết quả nghiên cứu về một vấn đề tự nhiên hoặc xã hội, có sử dụng sơ đồ, bảng biểu, có thuyết minh các hình ảnh minh hoạ, có sử dụng trích dẫn, cước chú và phần tài liệu tham khảo.

 – Văn bản đa phương thức (kịch bản sân khấu hoá một tác phẩm có trong chương trình môn Ngữ văn được chuyển thể).

 CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG

 MÔN TOÁN

 (Ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

 MỤC LỤC

  1. ĐẶC ĐIỂM MÔN HỌC
  2. QUAN ĐIỂM XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH

 III. MỤC TIÊU CHƯƠNG TRÌNH

  1. YÊU CẦU CẦN ĐẠT
  2. NỘI DUNG GIÁO DỤC

 LỚP 1

 LỚP 2

 LỚP 3

 LỚP 4

 LỚP 5

 LỚP 6

 LỚP 7

 LỚP 8

 LỚP 9

 LỚP 10

 LỚP 11

 LỚP 12

  1. PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC

 VII. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ GIÁO DỤC

 VIII. GIẢI THÍCH VÀ HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

  

  1. ĐẶC ĐIỂM MÔN HỌC

 Toán học ngày càng có nhiều ứng dụng trong cuộc sống, những kiến thức và kĩ năng toán học cơ bản đã giúp con người giải quyết các vấn đề trong thực tế cuộc sống một cách có hệ thống và chính xác, góp phần thúc đẩy xã hội phát triển.

 Môn Toán ở trường phổ thông góp phần hình thành và phát triển các phẩm chất chủ yếu, năng lực chung và năng lực toán học cho học sinh; phát triển kiến thức, kĩ năng then chốt và tạo cơ hội để học sinh được trải nghiệm, vận dụng toán học vào thực tiễn; tạo lập sự kết nối giữa các ý tưởng toán học, giữa Toán học với thực tiễn, giữa Toán học với các môn học và hoạt động giáo dục khác, đặc biệt với các môn Khoa học, Khoa học tự nhiên, Vật lí, Hoá học, Sinh học, Công nghệ, Tin học để thực hiện giáo dục STEM.

 Nội dung môn Toán thường mang tính logic, trừu tượng, khái quát. Do đó, để hiểu và học được Toán, chương trình Toán ở trường phổ thông cần bảo đảm sự cân đối giữa “học” kiến thức và “vận dụng” kiến thức vào giải quyết vấn đề cụ thể.

 Trong quá trình học và áp dụng toán học, học sinh luôn có cơ hội sử dụng các phương tiện công nghệ, thiết bị dạy học hiện đại, đặc biệt là máy tính điện tử và máy tính cầm tay hỗ trợ quá trình biểu diễn, tìm tòi, khám phá kiến thức, giải quyết vấn đề toán học.

 Trong chương trình giáo dục phổ thông, Toán là môn học bắt buộc từ lớp 1 đến lớp 12. Nội dung giáo dục toán học được phân chia theo hai giai đoạn:

 – Giai đoạn giáo dục cơ bản: Môn Toán giúp học sinh hiểu được một cách có hệ thống những khái niệm, nguyên lí, quy tắc toán học cần thiết nhất cho tất cả mọi người, làm nền tảng cho việc học tập ở các trình độ học tập tiếp theo hoặc có thể sử dụng trong cuộc sống hằng ngày.

 – Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp: Môn Toán giúp học sinh có cái nhìn tương đối tổng quát về toán học, hiểu được vai trò và những ứng dụng của toán học trong thực tiễn, những ngành nghề có liên quan đến toán học để học sinh có cơ sở định hướng nghề nghiệp, cũng như có khả năng tự mình tìm hiểu những vấn đề có liên quan đến toán học trong suốt cuộc đời. Bên cạnh nội dung giáo dục cốt lõi, trong mỗi năm học, học sinh (đặc biệt là những học sinh có định hướng khoa học tự nhiên và công nghệ) được chọn học một số chuyên đề học tập. Các chuyên đề này nhằm tăng cường kiến thức về toán học, kĩ năng vận dụng kiến thức toán vào thực tiễn, đáp ứng sở thích, nhu cầu và định hướng nghề nghiệp của học sinh.

 Chương trình môn Toán trong cả hai giai đoạn giáo dục có cấu trúc tuyến tính kết hợp với “đồng tâm xoáy ốc” (đồng tâm, mở rộng và nâng cao dần), xoay quanh và tích hợp ba mạch kiến thức: Số, Đại số và Một số yếu tố giải tích; Hình học và Đo lường; Thống kê và Xác suất.

  1. QUAN ĐIỂM XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH

 Chương trình môn Toán quán triệt các quy định cơ bản được nêu trong Chương trình tổng thể; kế thừa và phát huy ưu điểm của chương trình hiện hành và các chương trình trước đó, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm xây dựng chương trình môn học của các nước tiên tiến trên thế giới, tiếp cận những thành tựu của khoa học giáo dục, có tính đến điều kiện kinh tế và xã hội Việt Nam. Đồng thời, chương trình môn Toán nhấn mạnh một số quan điểm sau:

  1. Bảo đảm tính tinh giản, thiết thực, hiện đại

 Chương trình môn Toán bảo đảm tính tinh giản, thiết thực, hiện đại thể hiện ở việc phản ánh những nội dung nhất thiết phải được đề cập trong nhà trường phổ thông, đáp ứng nhu cầu hiểu biết thế giới cũng như hứng thú, sở thích của người học, phù hợp với cách tiếp cận của thế giới ngày nay. Chương trình quán triệt tinh thần “toán học cho mọi người”, ai cũng học được Toán nhưng mỗi người có thể học Toán theo cách phù hợp với sở thích và năng lực cá nhân.

 Chương trình môn Toán chú trọng tính ứng dụng, gắn kết với thực tiễn hay các môn học, hoạt động giáo dục khác, đặc biệt với các môn học nhằm thực hiện giáo dục STEM, gắn với xu hướng phát triển hiện đại của kinh tế, khoa học, đời sống xã hội và những vấn đề cấp thiết có tính toàn cầu (như biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, giáo dục tài chính,…). Điều này còn được thể hiện qua các hoạt động thực hành và trải nghiệm trong giáo dục toán học với nhiều hình thức như: thực hiện những đề tài, dự án học tập về Toán, đặc biệt là những đề tài và dự án về ứng dụng toán học trong thực tiễn; tổ chức trò chơi học toán, câu lạc bộ toán học, diễn đàn, hội thảo, cuộc thi về Toán,… tạo cơ hội giúp học sinh vận dụng kiến thức, kĩ năng và kinh nghiệm của bản thân vào thực tiễn một cách sáng tạo.

  1. Bảo đảm tính thống nhất, sự nhất quán và phát triển liên tục

 Chương trình môn Toán bảo đảm tính thống nhất, sự phát triển liên tục (từ lớp 1 đến lớp 12), bao gồm hai nhánh liên kết chặt chẽ với nhau, một nhánh mô tả sự phát triển của các mạch nội dung kiến thức cốt lõi và một nhánh mô tả sự phát triển của năng lực, phẩm chất của học sinh. Đồng thời, chương trình môn Toán chú ý tiếp nối với chương trình giáo dục mầm non và tạo nền tảng cho giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học.

  1. Bảo đảm tính tích hợp và phân hoá

 Chương trình môn Toán thực hiện tích hợp nội môn xoay quanh ba mạch kiến thức: Số, Đại số và Một số yếu tố giải tích; Hình học và Đo lường; Thống kê và Xác suất; thực hiện tích hợp liên môn thông qua các nội dung, chủ đề liên quan hoặc các kiến thức toán học được khai thác, sử dụng trong các môn học khác như Vật lí, Hoá học, Sinh học, Địa lí, Tin học, Công nghệ, Lịch sử, Nghệ thuật,…; thực hiện tích hợp nội môn và liên môn thông qua các hoạt động thực hành và trải nghiệm trong giáo dục toán học.

 Đồng thời, chương trình môn Toán bảo đảm yêu cầu phân hoá. Đối với tất cả các cấp học, môn Toán quán triệt tinh thần dạy học theo hướng cá thể hoá người học trên cơ sở bảo đảm đa số học sinh (trên tất cả các vùng miền của cả nước) đáp ứng được yêu cầu cần đạt của chương trình; đồng thời chú ý tới các đối tượng chuyên biệt (học sinh giỏi, học sinh khuyết tật, học sinh có hoàn cảnh khó khăn,…). Đối với cấp trung học phổ thông, môn Toán có hệ thống chuyên đề học tập chuyên sâu và các nội dung học tập giúp học sinh nâng cao kiến thức, kĩ năng thực hành, vận dụng giải quyết các vấn đề gắn với thực tiễn.

  1. Bảo đảm tính mở

 Chương trình môn Toán bảo đảm định hướng thống nhất và những nội dung giáo dục toán học cốt lõi, bắt buộc đối với học sinh toàn quốc, đồng thời trao quyền chủ động và trách nhiệm cho địa phương và nhà trường trong việc lựa chọn, bổ sung một số nội dung giáo dục toán học và triển khai kế hoạch giáo dục phù hợp với đối tượng và điều kiện của địa phương, của cơ sở giáo dục.

 Chương trình môn Toán chỉ quy định những nguyên tắc, định hướng chung về yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực của học sinh, nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục và việc đánh giá kết quả giáo dục, không quy định quá chi tiết, để tạo điều kiện cho tác giả sách giáo khoa và giáo viên phát huy tính chủ động, sáng tạo trong thực hiện chương trình.

 Chương trình bảo đảm tính ổn định và khả năng phát triển trong quá trình thực hiện cho phù hợp với tiến bộ khoa học – công nghệ và yêu cầu của thực tế.

 III. MỤC TIÊU CHƯƠNG TRÌNH

  1. Mục tiêu chung

 Chương trình môn Toán giúp học sinh đạt các mục tiêu chủ yếu sau:

  1. a) Hình thành và phát triển năng lực toán học bao gồm các thành tố cốt lõi sau: năng lực tư duy và lập luận toán học; năng lực mô hình hoá toán học; năng lực giải quyết vấn đề toán học; năng lực giao tiếp toán học; năng lực sử dụng công cụ, phương tiện học toán.
  2. b) Góp phần hình thành và phát triển ở học sinh các phẩm chất chủ yếu và năng lực chung theo các mức độ phù hợp với môn học, cấp học được quy định tại Chương trình tổng thể.
  3. c) Có kiến thức, kĩ năng toán học phổ thông, cơ bản, thiết yếu; phát triển khả năng giải quyết vấn đề có tính tích hợp liên môn giữa môn Toán và các môn học khác như Vật lí, Hoá học, Sinh học, Địa lí, Tin học, Công nghệ, Lịch sử, Nghệ thuật,…; tạo cơ hội để học sinh được trải nghiệm, áp dụng toán học vào thực tiễn.
  4. d) Có hiểu biết tương đối tổng quát về sự hữu ích của toán học đối với từng ngành nghề liên quan để làm cơ sở định hướng nghề nghiệp, cũng như có đủ năng lực tối thiểu để tự tìm hiểu những vấn đề liên quan đến toán học trong suốt cuộc đời.
  5. Mục tiêu cấp tiểu học

 Môn Toán cấp tiểu học nhằm giúp học sinh đạt các mục tiêu chủ yếu sau:

  1. a) Góp phần hình thành và phát triển năng lực toán học với yêu cầu cần đạt: thực hiện được các thao tác tư duy ở mức độ đơn giản; nêu và trả lời được câu hỏi khi lập luận, giải quyết vấn đề đơn giản; lựa chọn được các phép toán và công thức số học để trình bày, diễn đạt (nói hoặc viết) được các nội dung, ý tưởng, cách thức giải quyết vấn đề; sử dụng được ngôn ngữ toán học kết hợp với ngôn ngữ thông thường, động tác hình thể để biểu đạt các nội dung toán học ở những tình huống đơn giản; sử dụng được các công cụ, phương tiện học toán đơn giản để thực hiện các nhiệm vụ học tập toán đơn giản.
  2. b) Có những kiến thức và kĩ năng toán học cơ bản ban đầu, thiết yếu về:

 – Số và phép tính: Số tự nhiên, phân số, số thập phân và các phép tính trên những tập hợp số đó.

 – Hình học và Đo lường: Quan sát, nhận biết, mô tả hình dạng và đặc điểm (ở mức độ trực quan) của một số hình phẳng và hình khối trong thực tiễn; tạo lập một số mô hình hình học đơn giản; tính toán một số đại lượng hình học; phát triển trí tưởng tượng không gian; giải quyết một số vấn đề thực tiễn đơn giản gắn với Hình học và Đo lường (với các đại lượng đo thông dụng).

 – Thống kê và Xác suất: Một số yếu tố thống kê và xác suất đơn giản; giải quyết một số vấn đề thực tiễn đơn giản gắn với một số yếu tố thống kê và xác suất.

  1. c) Cùng với các môn học và hoạt động giáo dục khác như: Đạo đức, Tự nhiên và xã hội, Hoạt động trải nghiệm,… góp phần giúp học sinh có những hiểu biết ban đầu về một số nghề nghiệp trong xã hội.
  2. Mục tiêu cấp trung học cơ sở

 Môn Toán cấp trung học cơ sở nhằm giúp học sinh đạt các mục tiêu chủ yếu sau:

  1. a) Góp phần hình thành và phát triển năng lực toán học với yêu cầu cần đạt: nêu và trả lời được câu hỏi khi lập luận, giải quyết vấn đề, thực hiện được việc lập luận hợp lí khi giải quyết vấn đề, chứng minh được mệnh đề toán học không quá phức tạp; sử dụng được các mô hình toán học (công thức toán học, phương trình đại số, hình biểu diễn,…) để mô tả tình huống xuất hiện trong một số bài toán thực tiễn không quá phức tạp; sử dụng được ngôn ngữ toán học kết hợp với ngôn ngữ thông thường để biểu đạt các nội dung toán học cũng như thể hiện chứng cứ, cách thức và kết quả lập luận; trình bày được ý tưởng và cách sử dụng công cụ, phương tiện học toán để thực hiện một nhiệm vụ học tập hoặc để diễn tả những lập luận, chứng minh toán học.
  2. b) Có những kiến thức và kĩ năng toán học cơ bản về:

 – Số và Đại số: Hệ thống số (từ số tự nhiên đến số thực); tính toán và sử dụng công cụ tính toán; ngôn ngữ và kí hiệu đại số; biến đổi biểu thức đại số, phương trình, hệ phương trình, bất phương trình; sử dụng ngôn ngữ hàm số để mô tả (mô hình hoá) một số quá trình và hiện tượng trong thực tiễn.

 – Hình học và Đo lường: Nội dung Hình học và Đo lường ở cấp học này bao gồm Hình học trực quan và Hình học phẳng. Hình học trực quan tiếp tục cung cấp ngôn ngữ, kí hiệu, mô tả (ở mức độ trực quan) những đối tượng của thực tiễn (hình phẳng, hình khối); tạo lập một số mô hình hình học thông dụng; tính toán một số yếu tố hình học; phát triển trí tưởng tượng không gian; giải quyết một số vấn đề thực tiễn đơn giản gắn với Hình học và Đo lường. Hình học phẳng cung cấp những kiến thức và kĩ năng (ở mức độ suy luận logic) về các quan hệ hình học và một số hình phẳng thông dụng (điểm, đường thẳng, tia, đoạn thẳng, góc, hai đường thẳng song song, tam giác, tứ giác, đường tròn).

 – Thống kê và Xác suất: Thu thập, phân loại, biểu diễn, phân tích và xử lí dữ liệu thống kê; phân tích dữ liệu thống kê thông qua tần số, tần số tương đối; nhận biết một số quy luật thống kê đơn giản trong thực tiễn; sử dụng thống kê để hiểu các khái niệm cơ bản về xác suất thực nghiệm của một biến cố và xác suất của một biến cố; nhận biết ý nghĩa của xác suất trong thực tiễn.

  1. c) Góp phần giúp học sinh có những hiểu biết ban đầu về các ngành nghề gắn với môn Toán; có ý thức hướng nghiệp dựa trên năng lực và sở thích, điều kiện và hoàn cảnh của bản thân; định hướng phân luồng sau trung học cơ sở (tiếp tục học lên, học nghề hoặc tham gia vào cuộc sống lao động).
  2. Mục tiêu cấp trung học phổ thông

 Môn Toán cấp trung học phổ thông nhằm giúp học sinh đạt các mục tiêu chủ yếu sau:

  1. a) Góp phần hình thành và phát triển năng lực toán học với yêu cầu cần đạt: nêu và trả lời được câu hỏi khi lập luận, giải quyết vấn đề; sử dụng được các phương pháp lập luận, quy nạp và suy diễn để hiểu được những cách thức khác nhau trong việc giải quyết vấn đề; thiết lập được mô hình toán học để mô tả tình huống, từ đó đưa ra cách giải quyết vấn đề toán học đặt ra trong mô hình được thiết lập; thực hiện và trình bày được giải pháp giải quyết vấn đề và đánh giá được giải pháp đã thực hiện, phản ánh được giá trị của giải pháp, khái quát hoá được cho vấn đề tương tự; sử dụng được công cụ, phương tiện học toán trong học tập, khám phá và giải quyết vấn đề toán học.
  2. b) Có những kiến thức và kĩ năng toán học cơ bản, thiết yếu về:

 – Đại số và Một số yếu tố giải tích: Tính toán và sử dụng công cụ tính toán; sử dụng ngôn ngữ và kí hiệu đại số; biến đổi biểu thức đại số và siêu việt (lượng giác, mũ, lôgarit), phương trình, hệ phương trình, bất phương trình; nhận biết các hàm số sơ cấp cơ bản (luỹ thừa, lượng giác, mũ, lôgarit); khảo sát hàm số và vẽ đồ thị hàm số bằng công cụ đạo hàm; sử dụng ngôn ngữ hàm số, đồ thị hàm số để mô tả và phân tích một số quá trình và hiện tượng trong thế giới thực; sử dụng tích phân để tính toán diện tích hình phẳng và thể tích vật thể trong không gian.

 – Hình học và Đo lường: Cung cấp những kiến thức và kĩ năng (ở mức độ suy luận logic) về các quan hệ hình học và một số hình phẳng, hình khối quen thuộc; phương pháp đại số (vectơ, toạ độ) trong hình học; phát triển trí tưởng tượng không gian; giải quyết một số vấn đề thực tiễn đơn giản gắn với Hình học và Đo lường.

 – Thống kê và Xác suất: Hoàn thiện khả năng thu thập, phân loại, biểu diễn, phân tích và xử lí dữ liệu thống kê; sử dụng các công cụ phân tích dữ liệu thống kê thông qua các số đặc trưng đo xu thế trung tâm và đo mức độ phân tán cho mẫu số liệu không ghép nhóm và ghép nhóm; sử dụng các quy luật thống kê trong thực tiễn; nhận biết các mô hình ngẫu nhiên, các khái niệm cơ bản của xác suất và ý nghĩa của xác suất trong thực tiễn.

  1. c) Góp phần giúp học sinh có những hiểu biết tương đối tổng quát về các ngành nghề gắn với môn Toán và giá trị của nó; làm cơ sở cho định hướng nghề nghiệp sau trung học phổ thông; có đủ năng lực tối thiểu để tự tìm hiểu những vấn đề liên quan đến toán học trong suốt cuộc đời.
  2. YÊU CẦU CẦN ĐẠT
  3. Yêu cầu cần đạt về phẩm chất chủ yếu và năng lực chung

 Môn Toán góp phần hình thành và phát triển ở học sinh các phẩm chất chủ yếu và năng lực chung theo các mức độ phù hợp với môn học, cấp học đã được quy định tại Chương trình tổng thể.

  1. Yêu cầu cần đạt về năng lực đặc thù

 Môn Toán góp phần hình thành và phát triển cho học sinh năng lực toán học (biểu hiện tập trung nhất của năng lực tính toán) bao gồm các thành phần cốt lõi sau: năng lực tư duy và lập luận toán học; năng lực mô hình hoá toán học; năng lực giải quyết vấn đề toán học; năng lực giao tiếp toán học; năng lực sử dụng công cụ, phương tiện học toán.

 Biểu hiện cụ thể của năng lực toán học và yêu cầu cần đạt cho từng cấp học được thể hiện trong bảng sau:

Thành phần năng lực Cấp tiểu học Cấp trung học cơ sở Cấp trung học phổ thông
Năng lực tư duy và lập luận toán học thể hiện qua việc:      
– Thực hiện được các thao tác tư duy như: so sánh, phân tích, tổng hợp, đặc biệt hoá, khái quát hoá, tương tự; quy nạp, diễn dịch. – Thực hiện được các thao tác tư duy (ở mức độ đơn giản), đặc biệt biết quan sát, tìm kiếm sự tương đồng và khác biệt trong những tình huống quen thuộc và mô tả được kết quả của việc quan sát. – Thực hiện được các thao tác tư duy, đặc biệt biết quan sát, giải thích được sự tương đồng và khác biệt trong nhiều tình huống và thể hiện được kết quả của việc quan sát. – Thực hiện được tương đối thành thạo các thao tác tư duy, đặc biệt phát hiện được sự tương đồng và khác biệt trong những tình huống tương đối phức tạp và lí giải được kết quả của việc quan sát.
– Chỉ ra được chứng cứ, lí lẽ và biết lập luận hợp lí trước khi kết luận.

  

– Nêu được chứng cứ, lí lẽ và biết lập luận hợp lí trước khi kết luận.

  

– Thực hiện được việc lập luận hợp lí khi giải quyết vấn đề.

  

– Sử dụng được các phương pháp lập luận, quy nạp và suy diễn để nhìn ra những cách thức khác nhau trong việc giải quyết vấn đề.
– Giải thích hoặc điều chỉnh được cách thức giải quyết vấn đề về phương diện toán học. – Nêu và trả lời được câu hỏi khi lập luận, giải quyết vấn đề. Bước đầu chỉ ra được chứng cứ và lập luận có cơ sở, có lí lẽ trước khi kết luận. – Nêu và trả lời được câu hỏi khi lập luận, giải quyết vấn đề. Chứng minh được mệnh đề toán học không quá phức tạp. – Nêu và trả lời được câu hỏi khi lập luận, giải quyết vấn đề. Giải thích, chứng minh, điều chỉnh được giải pháp thực hiện về phương diện toán học.
Năng lực mô hình hoá toán học thể hiện qua việc:      
– Xác định được mô hình toán học (gồm công thức, phương trình, bảng biểu, đồ thị,…) cho tình huống xuất hiện trong bài toán thực tiễn.

  

– Lựa chọn được các phép toán, công thức số học, sơ đồ, bảng biểu, hình vẽ để trình bày, diễn đạt (nói hoặc viết) được các nội dung, ý tưởng của tình huống xuất hiện trong bài toán thực tiễn đơn giản.

  

– Sử dụng được các mô hình toán học (gồm công thức toán học, sơ đồ, bảng biểu, hình vẽ, phương trình, hình biểu diễn,…) để mô tả tình huống xuất hiện trong một số bài toán thực tiễn không quá phức tạp. – Thiết lập được mô hình toán học (gồm công thức, phương trình, sơ đồ, hình vẽ, bảng biểu, đồ thị,…) để mô tả tình huống đặt ra trong một số bài toán thực tiễn.

  

– Giải quyết được những vấn đề toán học trong mô hình được thiết lập. – Giải quyết được những bài toán xuất hiện từ sự lựa chọn trên. – Giải quyết được những vấn đề toán học trong mô hình được thiết lập. – Giải quyết được những vấn đề toán học trong mô hình được thiết lập.
– Thể hiện và đánh giá được lời giải trong ngữ cảnh thực tế và cải tiến được mô hình nếu cách giải quyết không phù hợp. – Nêu được câu trả lời cho tình huống xuất hiện trong bài toán thực tiễn. – Thể hiện được lời giải toán học vào ngữ cảnh thực tiễn và làm quen với việc kiểm chứng tính đúng đắn của lời giải. – Lí giải được tính đúng đắn của lời giải (những kết luận thu được từ các tính toán là có ý nghĩa, phù hợp với thực tiễn hay không). Đặc biệt, nhận biết được cách đơn giản hoá, cách điều chỉnh những yêu cầu thực tiễn (xấp xỉ, bổ sung thêm giả thiết, tổng quát hoá,…) để đưa đến những bài toán giải được.
Năng lực giải quyết vấn đề toán học thể hiện qua việc:      
– Nhận biết, phát hiện được vấn đề cần giải quyết bằng toán học. – Nhận biết được vấn đề cần giải quyết và nêu được thành câu hỏi. – Phát hiện được vấn đề cần giải quyết. – Xác định được tình huống có vấn đề; thu thập, sắp xếp, giải thích và đánh giá được độ tin cậy của thông tin; chia sẻ sự am hiểu vấn đề với người khác.
– Lựa chọn, đề xuất được cách thức, giải pháp giải quyết vấn đề. – Nêu được cách thức giải quyết vấn đề. – Xác định được cách thức, giải pháp giải quyết vấn đề. – Lựa chọn và thiết lập được cách thức, quy trình giải quyết vấn đề.
– Sử dụng được các kiến thức, kĩ năng toán học tương thích (bao gồm các công cụ và thuật toán) để giải quyết vấn đề đặt ra. – Thực hiện và trình bày được cách thức giải quyết vấn đề ở mức độ đơn giản. – Sử dụng được các kiến thức, kĩ năng toán học tương thích để giải quyết vấn đề. – Thực hiện và trình bày được giải pháp giải quyết vấn đề.
– Đánh giá được giải pháp đề ra và khái quát hoá được cho vấn đề tương tự. – Kiểm tra được giải pháp đã thực hiện. – Giải thích được giải pháp đã thực hiện. – Đánh giá được giải pháp đã thực hiện; phản ánh được giá trị của giải pháp; khái quát hoá được cho vấn đề tương tự.
Năng lực giao tiếp toán học thể hiện qua việc:      
– Nghe hiểu, đọc hiểu và ghi chép được các thông tin toán học cần thiết được trình bày dưới dạng văn bản toán học hay do người khác nói hoặc viết ra.

  

– Nghe hiểu, đọc hiểu và ghi chép (tóm tắt) được các thông tin toán học trọng tâm trong nội dung văn bản hay do người khác thông báo (ở mức độ đơn giản), từ đó nhận biết được vấn đề cần giải quyết.

  

– Nghe hiểu, đọc hiểu và ghi chép (tóm tắt) được các thông tin toán học cơ bản, trọng tâm trong văn bản (ở dạng văn bản nói hoặc viết). Từ đó phân tích, lựa chọn, trích xuất được các thông tin toán học cần thiết từ văn bản (ở dạng văn bản nói hoặc viết). – Nghe hiểu, đọc hiểu và ghi chép (tóm tắt) được tương đối thành thạo các thông tin toán học cơ bản, trọng tâm trong văn bản nói hoặc viết. Từ đó phân tích, lựa chọn, trích xuất được các thông tin toán học cần thiết từ văn bản nói hoặc viết.
– Trình bày, diễn đạt (nói hoặc viết) được các nội dung, ý tưởng, giải pháp toán học trong sự tương tác với người khác (với yêu cầu thích hợp về sự đầy đủ, chính xác). – Trình bày, diễn đạt (nói hoặc viết) được các nội dung, ý tưởng, giải pháp toán học trong sự tương tác với người khác (chưa yêu cầu phải diễn đạt đầy đủ, chính xác). Nêu và trả lời được câu hỏi khi lập luận, giải quyết vấn đề. – Thực hiện được việc trình bày, diễn đạt, nêu câu hỏi, thảo luận, tranh luận các nội dung, ý tưởng, giải pháp toán học trong sự tương tác với người khác (ở mức tương đối đầy đủ, chính xác). – Lí giải được (một cách hợp lí) việc trình bày, diễn đạt, thảo luận, tranh luận các nội dung, ý tưởng, giải pháp toán học trong sự tương tác với người khác.
– Sử dụng được hiệu quả ngôn ngữ toán học (chữ số, chữ cái, kí hiệu, biểu đồ, đồ thị, các liên kết logic,…) kết hợp với ngôn ngữ thông thường hoặc động tác hình thể khi trình bày, giải thích và đánh giá các ý tưởng toán học trong sự tương tác (thảo luận, tranh luận) với người khác. – Sử dụng được ngôn ngữ toán học kết hợp với ngôn ngữ thông thường, động tác hình thể để biểu đạt các nội dung toán học ở những tình huống đơn giản.

  

– Sử dụng được ngôn ngữ toán học kết hợp với ngôn ngữ thông thường để biểu đạt các nội dung toán học cũng như thể hiện chứng cứ, cách thức và kết quả lập luận.

  

– Sử dụng được một cách hợp lí ngôn ngữ toán học kết hợp với ngôn ngữ thông thường để biểu đạt cách suy nghĩ, lập luận, chứng minh các khẳng định toán học.

  

– Thể hiện được sự tự tin khi trình bày, diễn đạt, nêu câu hỏi, thảo luận, tranh luận các nội dung, ý tưởng liên quan đến toán học. – Thể hiện được sự tự tin khi trả lời câu hỏi, khi trình bày, thảo luận các nội dung toán học ở những tình huống đơn giản. – Thể hiện được sự tự tin khi trình bày, diễn đạt, thảo luận, tranh luận, giải thích các nội dung toán học trong một số tình huống không quá phức tạp. – Thể hiện được sự tự tin khi trình bày, diễn đạt, thảo luận, tranh luận, giải thích các nội dung toán học trong nhiều tình huống không quá phức tạp.
Năng lực sử dụng công cụ, phương tiện học toán thể hiện qua việc:      
– Nhận biết được tên gọi, tác dụng, quy cách sử dụng, cách thức bảo quản các đồ dùng, phương tiện trực quan thông thường, phương tiện khoa học công nghệ (đặc biệt là phương tiện sử dụng công nghệ thông tin), phục vụ cho việc học Toán. – Nhận biết được tên gọi, tác dụng, quy cách sử dụng, cách thức bảo quản các công cụ, phương tiện học toán đơn giản (que tính, thẻ số, thước, compa, êke, các mô hình hình phẳng và hình khối quen thuộc,…) – Nhận biết được tên gọi, tác dụng, quy cách sử dụng, cách thức bảo quản các công cụ, phương tiện học toán (mô hình hình học phẳng và không gian, thước đo góc, thước cuộn, tranh ảnh, biểu đồ,…). – Nhận biết được tác dụng, quy cách sử dụng, cách thức bảo quản các công cụ, phương tiện học toán (bảng tổng kết về các dạng hàm số, mô hình góc và cung lượng giác, mô hình các hình khối, bộ dụng cụ tạo mặt tròn xoay,…).
– Sử dụng được các công cụ, phương tiện học toán, đặc biệt là phương tiện khoa học công nghệ để tìm tòi, khám phá và giải quyết vấn đề toán học (phù hợp với đặc điểm nhận thức lứa tuổi).

  

– Sử dụng được các công cụ, phương tiện học toán để thực hiện những nhiệm vụ học tập toán đơn giản.

 – Làm quen với máy tính cầm tay, phương tiện công nghệ thông tin hỗ trợ học tập.

– Trình bày được cách sử dụng công cụ, phương tiện học toán để thực hiện nhiệm vụ học tập hoặc để diễn tả những lập luận, chứng minh toán học.

 – Sử dụng được máy tính cầm tay, một số phần mềm tin học và phương tiện công nghệ hỗ trợ học tập.

– Sử dụng được máy tính cầm tay, phần mềm, phương tiện công nghệ, nguồn tài nguyên trên mạng Internet để giải quyết một số vấn đề toán học.

  

– Nhận biết được các ưu điểm, hạn chế của những công cụ, phương tiện hỗ trợ để có cách sử dụng hợp lí. – Nhận biết được (bước đầu) một số ưu điểm, hạn chế của những công cụ, phương tiện hỗ trợ để có cách sử dụng hợp lí. – Chỉ ra được các ưu điểm, hạn chế của những công cụ, phương tiện hỗ trợ để có cách sử dụng hợp lí. – Đánh giá được cách thức sử dụng các công cụ, phương tiện học toán trong tìm tòi, khám phá và giải quyết vấn đề toán học.
  1. NỘI DUNG GIÁO DỤC
  2. Nội dung khái quát
  3. a) Nội dung cốt lõi

 Nội dung môn Toán được tích hợp xoay quanh ba mạch kiến thức: Số, Đại số và Một số yếu tố giải tích; Hình học và Đo lường; Thống kê và Xác suất.

 Số, Đại số và Một số yếu tố giải tích là cơ sở cho tất cả các nghiên cứu sâu hơn về toán học, nhằm hình thành những công cụ toán học để giải quyết các vấn đề của toán học và các lĩnh vực khoa học khác có liên quan; tạo cho học sinh khả năng suy luận suy diễn, góp phần phát triển tư duy logic, khả năng sáng tạo toán học và hình thành khả năng sử dụng các thuật toán. Hàm số cũng là công cụ quan trọng cho việc xây dựng các mô hình toán học của các quá trình và hiện tượng trong thế giới thực.

 Hình học và Đo lường là một trong những thành phần quan trọng của giáo dục toán học, rất cần thiết cho học sinh trong việc tiếp thu các kiến thức về không gian và phát triển các kĩ năng thực tế thiết yếu. Hình học và Đo lường hình thành những công cụ nhằm mô tả các đối tượng, thực thể của thế giới xung quanh; cung cấp cho học sinh kiến thức, kĩ năng toán học cơ bản về Hình học, Đo lường (với các đại lượng đo thông dụng) và tạo cho học sinh khả năng suy luận, kĩ năng thực hiện các chứng minh toán học, góp phần vào phát triển tư duy logic, khả năng sáng tạo toán học, trí tưởng tượng không gian và tính trực giác. Đồng thời, Hình học còn góp phần giáo dục thẩm mĩ và nâng cao văn hoá toán học cho học sinh. Việc gắn kết Đo lường và Hình học sẽ tăng cường tính trực quan, thực tiễn của việc dạy học môn Toán.

 Thống kê và Xác suất là một thành phần bắt buộc của giáo dục toán học trong nhà trường, góp phần tăng cường tính ứng dụng và giá trị thiết thực của giáo dục toán học. Thống kê và Xác suất tạo cho học sinh khả năng nhận thức và phân tích các thông tin được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, hiểu bản chất xác suất của nhiều sự phụ thuộc trong thực tế, hình thành sự hiểu biết về vai trò của thống kê như là một nguồn thông tin quan trọng về mặt xã hội, biết áp dụng tư duy thống kê để phân tích dữ liệu. Từ đó, nâng cao sự hiểu biết và phương pháp nghiên cứu thế giới hiện đại cho học sinh.

 Ngoài ra, chương trình môn Toán ở từng cấp cũng dành thời lượng thích đáng để tiến hành các hoạt động thực hành và trải nghiệm cho học sinh chẳng hạn như: Tiến hành các đề tài, dự án học tập về Toán, đặc biệt là các đề tài và các dự án về ứng dụng toán học trong thực tiễn; tổ chức các trò chơi học toán, câu lạc bộ toán học, diễn đàn, hội thảo, cuộc thi về Toán; ra báo tường (hoặc nội san) về Toán; tham quan các cơ sở đào tạo và nghiên cứu toán học, giao lưu với học sinh có khả năng và yêu thích môn Toán,… Những hoạt động đó sẽ giúp học sinh vận dụng những tri thức, kiến thức, kĩ năng, thái độ đã được tích luỹ từ giáo dục toán học và những kinh nghiệm của bản thân vào thực tiễn cuộc sống một cách sáng tạo; phát triển cho học sinh năng lực tổ chức và quản lí hoạt động, năng lực tự nhận thức và tích cực hoá bản thân; giúp học sinh bước đầu xác định được năng lực, sở trường của bản thân nhằm định hướng và lựa chọn nghề nghiệp; tạo lập một số năng lực cơ bản cho người lao động tương lai và người công dân có trách nhiệm.

  1. b) Chuyên đề học tập

 Trong mỗi lớp ở giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, học sinh (đặc biệt là những học sinh có định hướng khoa học tự nhiên và công nghệ) được chọn học một số chuyên đề học tập. Các chuyên đề này nhằm:

 – Cung cấp thêm một số kiến thức và kĩ năng toán học đáp ứng yêu cầu phân hoá sâu (ví dụ: phương pháp quy nạp toán học; hệ phương trình bậc nhất ba ẩn; biến ngẫu nhiên rời rạc và các số đặc trưng của biến ngẫu nhiên rời rạc; phép biến hình phẳng; vẽ kĩ thuật; một số yếu tố của lí thuyết đồ thị); tạo cơ hội cho học sinh vận dụng toán học giải quyết các vấn đề liên môn và thực tiễn, góp phần hình thành cơ sở khoa học cho giáo dục STEM (ví dụ: các kiến thức về hệ phương trình bậc nhất cho phép giải quyết một số bài toán vật lí về tính toán điện trở, tính cường độ dòng điện trong dòng điện không đổi,…; cân bằng phản ứng trong một số bài toán hoá học,…; một số bài toán sinh học về nguyên phân, giảm phân,…; kiến thức về đạo hàm để giải quyết một số bài toán tối ưu về khoảng cách, thời gian, kinh tế;…).

 – Giúp học sinh hiểu sâu thêm vai trò và những ứng dụng của Toán học trong thực tiễn; có những hiểu biết về các ngành nghề gắn với môn Toán và giá trị của nó làm cơ sở cho định hướng nghề nghiệp sau trung học phổ thông.

 – Tạo cơ hội cho học sinh nhận biết năng khiếu, sở thích, phát triển hứng thú và niềm tin trong học Toán; phát triển năng lực toán học và năng lực tìm hiểu những vấn đề có liên quan đến Toán học trong suốt cuộc đời.

  1. Phân bố các mạch nội dung ở các lớp

 Nội dung trình bày tường minh, kí hiệu bằng dấu “x”.

Mạch Chủ đề Lớp
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12
SỐ, ĐẠI SỐ VÀ MỘT SỐ YẾU TỐ GIẢI TÍCH
Số học
Số tự nhiên x x x x x x            
Số nguyên           x            
Số hữu tỉ Phân số       x x x            
Số thập phân         x x            
Số hữu tỉ             x          
Số thực             x x x      
Ước lượng và làm tròn số   x x x x x x     x    
Tỉ số. Tỉ số phần trăm. Tỉ lệ thức và dãy tỉ số bằng nhau         x x x          
Đại số
Mệnh đề                   x    
Tập hợp                   x    
Biểu thức đại số     x x     x x        
Hàm số và đồ thị               x x x x x
Phương trình, hệ phương trình               x x x x  
Bất phương trình, hệ bất phương trình                 x x x  
Lượng giác                 x x x  
Luỹ thừa, mũ và lôgarit           x x       x  
Dãy số, cấp số cộng, cấp số nhân         x           x  
Đại số tổ hợp                   x    
Một số yếu tố giải tích
Giới hạn. Hàm số liên tục Giới hạn của dãy số                     x  
Giới hạn của hàm số                     x  
Hàm số liên tục                     x  
Đạo hàm                     x x
Nguyên hàm, tích phân                       x
HÌNH HỌC VÀ ĐO LƯỜNG
Hình học trực quan
Hình phẳng và hình khối trong thực tiễn x x x x x x x x x      
Hình học phẳng
Các hình hình học cơ bản (điểm, đường thẳng, đoạn thẳng)           x            
Góc           x x          
Tam giác           x x x x      
Tứ giác             x x x      
Đa giác đều                 x      
Hình tròn. Đường tròn                 x x    
Ba đường conic                   x    
Hệ thức lượng trong tam giác                 x x    
Vectơ trong mặt phẳng                   x    
Phương pháp toạ độ trong mặt phẳng                   x    
Hình học không gian
Đường thẳng và mặt phẳng trong không gian                     x  
Quan hệ song song trong không gian. Phép chiếu song song                     x  
Quan hệ vuông góc trong không gian. Phép chiếu vuông góc                     x  
Vectơ trong không gian                       x
Phương pháp toạ độ trong không gian                       x
Đo lường
Độ dài x x x x x x   x x x x  
Số đo góc       x   x     x   x  
Diện tích     x x x x x x x x x x
Dung tích. Thể tích   x x   x   x x x   x x
Khối lượng   x x x                
Nhiệt độ     x                  
Thời gian x x x x x              
Vận tốc         x           x  
Tiền tệ   x x x                
THỐNG KÊ VÀ XÁC SUẤT
Một số yếu tố thống kê   x x x x x x x x x x x
Một số yếu tố xác suất   x x x x x x x x x x x
HOẠT ĐỘNG THỰC HÀNH VÀ TRẢI NGHIỆM x x x x x x x x x x x x
  1. Nội dung cụ thể và yêu cầu cần đạt ở các lớp

 LỚP 1

Nội dung Yêu cầu cần đạt
SỐ VÀ PHÉP TÍNH
Số tự nhiên
Số tự nhiên Đếm, đọc, viết các số trong phạm vi 100 – Đếm, đọc, viết được các số trong phạm vi 10; trong phạm vi 20; trong phạm vi 100.

 – Nhận biết được chục và đơn vị, số tròn chục.

So sánh các số trong phạm vi 100 Nhận biết được cách so sánh, xếp thứ tự các số trong phạm vi 100 (ở các nhóm có không quá 4 số).
Các phép tính với số tự nhiên Phép cộng, phép trừ – Nhận biết được ý nghĩa của phép cộng, phép trừ.

 – Thực hiện được phép cộng, phép trừ (không nhớ) các số trong phạm vi 100.

 – Làm quen với việc thực hiện tính toán trong trường hợp có hai dấu phép tính cộng, trừ (theo thứ tự từ trái sang phải).

Tính nhẩm – Thực hiện được việc cộng, trừ nhẩm trong phạm vi 10.

 – Thực hiện được việc cộng, trừ nhẩm các số tròn chục.

Thực hành giải quyết vấn đề liên quan đến các phép tính cộng, trừ – Nhận biết được ý nghĩa thực tiễn của phép tính (cộng, trừ) thông qua tranh ảnh, hình vẽ hoặc tình huống thực tiễn.

 – Nhận biết và viết được phép tính (cộng, trừ) phù hợp với câu trả lời của bài toán có lời văn và tính được kết quả đúng.

HÌNH HỌC VÀ ĐO LƯỜNG
Hình học trực quan
Hình phẳng và hình khối Quan sát, nhận biết hình dạng của một số hình phẳng và hình khối đơn giản – Nhận biết được vị trí, định hướng trong không gian: trên – dưới, phải – trái, trước – sau, ở giữa.

 – Nhận dạng được hình vuông, hình tròn, hình tam giác, hình chữ nhật thông qua việc sử dụng bộ đồ dùng học tập cá nhân hoặc vật thật.

 – Nhận dạng được khối lập phương, khối hộp chữ nhật thông qua việc sử dụng bộ đồ dùng học tập cá nhân hoặc vật thật.

Thực hành lắp ghép, xếp hình gắn với một số hình phẳng và hình khối đơn giản Nhận biết và thực hiện được việc lắp ghép, xếp hình gắn với sử dụng bộ đồ dùng học tập cá nhân hoặc vật thật.
Đo lường
Đo lường Biểu tượng về đại lượng và đơn vị đo đại lượng – Nhận biết được về “dài hơn”, “ngắn hơn”.

 – Nhận biết được đơn vị đo độ dài: cm (xăng-ti-mét); đọc và viết được số đo độ dài trong phạm vi 100cm.

 – Nhận biết được mỗi tuần lễ có 7 ngày và tên gọi, thứ tự các ngày trong tuần lễ.

 – Nhận biết được giờ đúng trên đồng hồ.

Thực hành đo đại lượng – Thực hiện được việc đo và ước lượng độ dài theo đơn vị đo tự quy ước (gang tay, bước chân,…).

 – Thực hiện được việc đo độ dài bằng thước thẳng với đơn vị đo là cm.

 – Thực hiện được việc đọc giờ đúng trên đồng hồ.

 – Xác định được thứ, ngày trong tuần khi xem lịch (loại lịch tờ hàng ngày).

 – Giải quyết được một số vấn đề thực tiễn đơn giản liên quan đến đo độ dài, đọc giờ đúng và xem lịch (loại lịch tờ hằng ngày).

HOẠT ĐỘNG THỰC HÀNH VÀ TRẢI NGHIỆM
Nhà trường tổ chức cho học sinh một số hoạt động sau và có thể bổ sung các hoạt động khác tuỳ vào điều kiện cụ thể.

 Hoạt động 1: Thực hành ứng dụng các kiến thức toán học vào thực tiễn, chẳng hạn:

 – Thực hành đếm, nhận biết số, thực hiện phép tính trong một số tình huống thực tiễn hằng ngày (ví dụ: đếm số bàn học và số cửa sổ trong lớp học,…).

 – Thực hành các hoạt động liên quan đến vị trí, định hướng không gian (ví dụ: xác định được một vật ở trên hoặc dưới mặt bàn, một vật cao hơn hoặc thấp hơn vật khác,…).

 – Thực hành đo và ước lượng độ dài một số đồ vật trong thực tế gắn với đơn vị đo cm; thực hành đọc giờ đúng trên đồng hồ, xem lịch loại lịch tờ hằng ngày.

 Hoạt động 2: Tổ chức các hoạt động ngoài giờ chính khoá (ví dụ: các trò chơi học toán,…) liên quan đến ôn tập, củng cố các kiến thức cơ bản.

 LỚP 2

Nội dung Yêu cầu cần đạt
SỐ VÀ PHÉP TÍNH
Số tự nhiên
Số tự nhiên Số và cấu tạo thập phân của một số – Đếm, đọc, viết được các số trong phạm vi 1000.

 – Nhận biết được số tròn trăm.

 – Nhận biết được số liền trước, số liền sau của một số.

 – Thực hiện được việc viết số thành tổng của trăm, chục, đơn vị.

 – Nhận biết được tia số và viết được số thích hợp trên tia số.

So sánh các số – Nhận biết được cách so sánh hai số trong phạm vi 1000.

 – Xác định được số lớn nhất hoặc số bé nhất trong một nhóm có không quá 4 số (trong phạm vi 1000).

 – Thực hiện được việc sắp xếp các số theo thứ tự (từ bé đến lớn hoặc ngược lại) trong một nhóm có không quá 4 số (trong phạm vi 1000).

Ước lượng số đồ vật Làm quen với việc ước lượng số đồ vật theo các nhóm 1 chục.
Các phép tính với số tự nhiên Phép cộng, phép trừ – Nhận biết được các thành phần của phép cộng, phép trừ.

 – Thực hiện được phép cộng, phép trừ (không nhớ, có nhớ không quá một lượt) các số trong phạm vi 1000.

 – Thực hiện được việc tính toán trong trường hợp có hai dấu phép tính cộng, trừ (theo thứ tự từ trái sang phải).

Phép nhân, phép chia – Nhận biết được ý nghĩa của phép nhân, phép chia.

 – Nhận biết được các thành phần của phép nhân, phép chia.

 – Vận dụng được bảng nhân 2 và bảng nhân 5 trong thực hành tính.

 – Vận dụng được bảng chia 2 và bảng chia 5 trong thực hành tính.

Tính nhẩm – Thực hiện được việc cộng, trừ nhẩm trong phạm vi 20.

 – Thực hiện được việc cộng, trừ nhẩm các số tròn chục, tròn trăm trong phạm vi 1000.

Thực hành giải quyết vấn đề liên quan đến các phép tính đã học – Nhận biết ý nghĩa thực tiễn của phép tính (cộng, trừ, nhân, chia) thông qua tranh ảnh, hình vẽ hoặc tình huống thực tiễn.

 – Giải quyết được một số vấn đề gắn với việc giải các bài toán có một bước tính (trong phạm vi các số và phép tính đã học) liên quan đến ý nghĩa thực tế của phép tính (ví dụ: bài toán về thêm, bớt một số đơn vị; bài toán về nhiều hơn, ít hơn một số đơn vị).

HÌNH HỌC VÀ ĐO LƯỜNG
Hình học trực quan
Hình phẳng và hình khối Quan sát, nhận biết, mô tả hình dạng của một số hình phẳng và hình khối đơn giản – Nhận biết được điểm, đoạn thẳng, đường cong, đường thẳng, đường gấp khúc, ba điểm thẳng hàng thông qua hình ảnh trực quan.

 – Nhận dạng được hình tứ giác thông qua việc sử dụng bộ đồ dùng học tập cá nhân hoặc vật thật.

 – Nhận dạng được khối trụ, khối cầu thông qua việc sử dụng bộ đồ dùng học tập cá nhân hoặc vật thật.

Thực hành đo, vẽ, lắp ghép, tạo hình gắn với một số hình phẳng và hình khối đã học – Thực hiện được việc vẽ đoạn thẳng có độ dài cho trước.

 – Nhận biết và thực hiện được việc gấp, cắt, ghép, xếp và tạo hình gắn với việc sử dụng bộ đồ dùng học tập cá nhân hoặc vật thật.

 – Giải quyết được một số vấn đề thực tiễn đơn giản liên quan đến hình phẳng và hình khối đã học.

Đo lường
Đo lường Biểu tượng về đại lượng và đơn vị đo đại lượng – Nhận biết được về “nặng hơn”, “nhẹ hơn”.

 – Nhận biết được đơn vị đo khối lượng: kg (ki-lô-gam); đọc và viết được số đo khối lượng trong phạm vi 1000kg.

 – Nhận biết được đơn vị đo dung tích: l (lít); đọc và viết được số đo dung tích trong phạm vi 1000 lít.

 – Nhận biết được các đơn vị đo độ dài dm (đề-xi-mét), m (mét), km (ki-lô-mét) và quan hệ giữa các đơn vị đo độ dài đã học.

 – Nhận biết được một ngày có 24 giờ; một giờ có 60 phút.

 – Nhận biết được số ngày trong tháng, ngày trong tháng (ví dụ: tháng Ba có 31 ngày; sinh nhật Bác Hồ là ngày 19 tháng 5).

 – Nhận biết được tiền Việt Nam thông qua hình ảnh một số tờ tiền.

Thực hành đo đại lượng – Sử dụng được một số dụng cụ thông dụng (một số loại cân thông dụng, thước thẳng có chia vạch đến xăng-ti-mét,…) để thực hành cân, đo, đong, đếm.

 – Đọc được giờ trên đồng hồ khi kim phút chỉ số 3, số 6.

Tính toán và ước lượng với các số đo đại lượng – Thực hiện được việc chuyển đổi và tính toán với các số đo độ dài, khối lượng, dung tích đã học.

 – Thực hiện được việc ước lượng các số đo trong một số trường hợp đơn giản (ví dụ: cột cờ trường em cao khoảng 6m, cửa ra vào của lớp học cao khoảng 2m,…).

 – Tính được độ dài đường gấp khúc khi biết độ dài các cạnh.

 – Giải quyết được một số vấn đề thực tiễn liên quan đến đo lường các đại lượng đã học.

MỘT SỐ YẾU TỐ THỐNG KÊ VÀ XÁC SUẤT
Một số yếu tố thống kê
Một số yếu tố thống kê Thu thập, phân loại, sắp xếp các số liệu Làm quen với việc thu thập, phân loại, kiểm đếm các đối tượng thống kê (trong một số tình huống đơn giản).
Đọc biểu đồ tranh Đọc và mô tả được các số liệu ở dạng biểu đồ tranh.
Nhận xét về các số liệu trên biểu đồ tranh Nêu được một số nhận xét đơn giản từ biểu đồ tranh.
Một số yếu tố xác suất
Một số yếu tố xác suất Làm quen với các khả năng xảy ra (có tính ngẫu nhiên) của một sự kiện Làm quen với việc mô tả những hiện tượng liên quan tới các thuật ngữ: có thể, chắc chắn, không thể, thông qua một vài thí nghiệm, trò chơi, hoặc xuất phát từ thực tiễn.
HOẠT ĐỘNG THỰC HÀNH VÀ TRẢI NGHIỆM
Nhà trường tổ chức cho học sinh một số hoạt động sau và có thể bổ sung các hoạt động khác tuỳ vào điều kiện cụ thể.

 Hoạt động 1: Thực hành ứng dụng các kiến thức toán học vào thực tiễn, chẳng hạn:

 – Thực hành tính toán, đo lường và ước lượng độ dài, khối lượng, dung tích một số đồ vật trong thực tiễn; thực hành đọc giờ trên đồng hồ, xem lịch; thực hành sắp xếp thời gian biểu học tập và sinh hoạt của cá nhân hằng ngày, trong tuần,…

 – Thực hành thu thập, phân loại, ghi chép, kiểm đếm một số đối tượng thống kê trong trường, lớp.

 Hoạt động 2: Tổ chức các hoạt động ngoài giờ chính khoá (ví dụ: trò chơi học toán hoặc các hoạt động “Học vui – Vui học”,…) liên quan đến ôn tập, củng cố các kiến thức cơ bản.

 LỚP 3

Nội dung Yêu cầu cần đạt
SỐ VÀ PHÉP TÍNH
Số tự nhiên
Số tự nhiên Số và cấu tạo thập phân của một số – Đọc, viết được các số trong phạm vi 10 000; trong phạm vi 100 000.

 – Nhận biết được số tròn nghìn, tròn mười nghìn.

 – Nhận biết được cấu tạo thập phân của một số.

 – Nhận biết được chữ số La Mã và viết được các số tự nhiên trong phạm vi 20 bằng cách sử dụng chữ số La Mã.

So sánh các số – Nhận biết được cách so sánh hai số trong phạm vi 100 000.

 – Xác định được số lớn nhất hoặc số bé nhất trong một nhóm có không quá 4 số (trong phạm vi 100 000).

 – Thực hiện được việc sắp xếp các số theo thứ tự (từ bé đến lớn hoặc ngược lại) trong một nhóm có không quá 4 số (trong phạm vi 100 000).

Làm tròn số Làm quen với việc làm tròn số đến tròn chục, tròn trăm, tròn nghìn, tròn mười nghìn (ví dụ: làm tròn số 1234 đến hàng chục thì được số 1230).
Các phép tính với số tự nhiên Phép cộng, phép trừ – Thực hiện được phép cộng, phép trừ các số có đến 5 chữ số (có nhớ không quá hai lượt và không liên tiếp).

 – Nhận biết được tính chất giao hoán, tính chất kết hợp của phép cộng và mối quan hệ giữa phép cộng với phép trừ trong thực hành tính.

Phép nhân, phép chia – Vận dụng được các bảng nhân, bảng chia 2, 3,…, 9 trong thực hành tính.

 – Thực hiện được phép nhân với số có một chữ số (có nhớ không quá hai lượt và không liên tiếp).

 – Thực hiện được phép chia cho số có một chữ số.

 – Nhận biết và thực hiện được phép chia hết và phép chia có dư.

 – Nhận biết được tính chất giao hoán, tính chất kết hợp của phép nhân và mối quan hệ giữa phép nhân với phép chia trong thực hành tính.

Tính nhẩm Thực hiện được cộng, trừ, nhân, chia nhẩm trong những trường hợp đơn giản.
Biểu thức số – Làm quen với biểu thức số.

 – Tính được giá trị của biểu thức số có đến hai dấu phép tính và không có dấu ngoặc.

 – Tính được giá trị của biểu thức số có đến hai dấu phép tính và có dấu ngoặc theo nguyên tắc thực hiện trong dấu ngoặc trước.

 – Xác định được thành phần chưa biết của phép tính thông qua các giá trị đã biết.

Thực hành giải quyết vấn đề liên quan đến các phép tính đã học Giải quyết được một số vấn đề gắn với việc giải các bài toán có đến hai bước tính (trong phạm vi các số và phép tính đã học) liên quan đến ý nghĩa thực tế của phép tính; liên quan đến thành phần và kết quả của phép tính; liên quan đến các mối quan hệ so sánh trực tiếp và đơn giản (chẳng hạn: gấp một số lên một số lần, giảm một số đi một số lần, so sánh số lớn gấp mấy lần số bé).
Phân số
Phân số Làm quen với phân số – Nhận biết được về  thông qua các hình ảnh trực quan.

 – Xác định được  của một nhóm đồ vật (đối tượng) bằng việc chia thành các phần đều nhau.

HÌNH HỌC VÀ ĐO LƯỜNG
Hình học trực quan
Hình phẳng và hình khối Quan sát, nhận biết, mô tả hình dạng và đặc điểm của một số hình phẳng và hình khối

 đơn giản

– Nhận biết được điểm ở giữa, trung điểm của đoạn thẳng.

 – Nhận biết được góc, góc vuông, góc không vuông.

 – Nhận biết được tam giác, tứ giác.

 – Nhận biết được một số yếu tố cơ bản như đỉnh, cạnh, góc của hình chữ nhật, hình vuông; tâm, bán kính, đường kính của hình tròn.

 – Nhận biết được một số yếu tố cơ bản như đỉnh, cạnh, mặt của khối lập phương, khối hộp chữ nhật.

Thực hành đo, vẽ, lắp ghép, tạo hình gắn với một số hình phẳng và hình khối đã học – Thực hiện được việc vẽ góc vuông, đường tròn, vẽ trang trí.

 – Sử dụng được êke để kiểm tra góc vuông, sử dụng được compa để vẽ đường tròn.

 – Thực hiện được việc vẽ hình vuông, hình chữ nhật bằng lưới ô vuông.

 – Giải quyết được một số vấn đề liên quan đến gấp, cắt, ghép, xếp, vẽ và tạo hình trang trí.

Đo lường
Đo lường Biểu tượng về đại lượng và đơn vị đo đại lượng – Nhận biết được “diện tích” thông qua một số biểu tượng cụ thể.

 – Nhận biết được đơn vị đo diện tích: cm2 (xăng-ti-mét vuông).

 – Nhận biết được đơn vị đo độ dài: mm (mi-li-mét); quan hệ giữa các đơn vị m, dm, cm và mm.

 – Nhận biết được đơn vị đo khối lượng: g (gam); quan hệ giữa g và kg.

 – Nhận biết được đơn vị đo dung tích: ml (mi-li-lít); quan hệ giữa l và ml.

 – Nhận biết được đơn vị đo nhiệt độ (oC).

 – Nhận biết được mệnh giá của các tờ tiền Việt Nam (trong phạm vi 100 000 đồng); nhận biết được tờ tiền hai trăm nghìn đồng và năm trăm nghìn đồng (không yêu cầu học sinh đọc, viết số chỉ mệnh giá).

 – Nhận biết được tháng trong năm.

Thực hành đo đại lượng – Sử dụng được một số dụng cụ thông dụng (một số loại cân thông dụng, thước thẳng có chia vạch đến mi-li-mét, nhiệt kế,…) để thực hành cân, đo, đong, đếm.

 – Đọc được giờ chính xác đến 5 phút và từng phút trên đồng hồ.

Tính toán và ước lượng với các số đo đại lượng – Thực hiện được việc chuyển đổi và tính toán với các số đo độ dài (mm, cm, dm, m, km); diện tích (cm2); khối lượng (g, kg); dung tích (ml, l); thời gian (phút, giờ, ngày, tuần lễ, tháng, năm); tiền Việt Nam đã học.

 – Tính được chu vi của hình tam giác, hình tứ giác, hình chữ nhật, hình vuông khi biết độ dài các cạnh.

 – Tính được diện tích hình chữ nhật, hình vuông.

 – Thực hiện được việc ước lượng các kết quả đo lường trong một số trường hợp đơn giản (ví dụ: cân nặng của một con gà khoảng 2kg,…).

 – Giải quyết được một số vấn đề thực tiễn liên quan đến đo lường.

MỘT SỐ YẾU TỐ THỐNG KÊ VÀ XÁC SUẤT
Một số yếu tố thống kê
Một số yếu tố thống kê Thu thập, phân loại, sắp xếp các số liệu Nhận biết được cách thu thập, phân loại, ghi chép số liệu thống kê (trong một số tình huống đơn giản) theo các tiêu chí cho trước.
Đọc, mô tả bảng số liệu Đọc và mô tả được các số liệu ở dạng bảng.
Nhận xét về các số liệu trong bảng Nêu được một số nhận xét đơn giản từ bảng số liệu.
Một số yếu tố xác suất
Một số yếu tố xác suất Nhận biết và mô tả các khả năng xảy ra (có tính ngẫu nhiên) của một sự kiện Nhận biết và mô tả được các khả năng xảy ra (có tính ngẫu nhiên) của một sự kiện khi thực hiện (1 lần) thí nghiệm đơn giản (ví dụ: nhận ra được hai khả năng xảy ra đối với mặt xuất hiện của đồng xu khi tung 1 lần; nhận ra được hai khả năng xảy ra đối với màu của quả bóng lấy ra từ hộp kín đựng các quả bóng có hai màu xanh hoặc đỏ;…).
HOẠT ĐỘNG THỰC HÀNH VÀ TRẢI NGHIỆM
Nhà trường tổ chức cho học sinh một số hoạt động sau và có thể bổ sung các hoạt động khác tuỳ vào điều kiện cụ thể.

 Hoạt động 1: Thực hành ứng dụng các kiến thức toán học vào thực tiễn, chẳng hạn:

 – Thực hành các hoạt động liên quan đến tính toán, đo lường và ước lượng như: thực hành tính và ước lượng chu vi, diện tích của một số hình phẳng trong thực tế liên quan đến các hình phẳng đã được học; thực hành đo, cân, đong và ước lượng độ dài, khối lượng, dung tích, nhiệt độ,…

 – Thực hành thu thập, phân loại, sắp xếp số liệu thống kê (theo các tiêu chí cho trước) về một số đối tượng thống kê trong trường, lớp.

 Hoạt động 2: Tổ chức các hoạt động ngoài giờ chính khoá (ví dụ: trò chơi học Toán hoặc các hoạt động “Học vui – Vui học”; trò chơi liên quan đến mua bán, trao đổi hàng hoá; lắp ghép, gấp, xếp hình; tung đồng xu, xúc xắc,…) liên quan đến ôn

 tập, củng cố các kiến thức toán.

 LỚP 4

Nội dung Yêu cầu cần đạt
SỐ VÀ PHÉP TÍNH
Số tự nhiên
Số tự nhiên Số và cấu tạo thập phân của một số – Đọc, viết được các số có nhiều chữ số (đến lớp triệu).

 – Nhận biết được cấu tạo thập phân của một số và giá trị theo vị trí của từng chữ số trong mỗi số.

 – Nhận biết được số chẵn, số lẻ.

 – Làm quen với dãy số tự nhiên và đặc điểm.

So sánh các số – Nhận biết được cách so sánh hai số trong phạm vi lớp triệu.

 – Thực hiện được việc sắp xếp các số theo thứ tự (từ bé đến lớn hoặc ngược lại) trong một nhóm có không quá 4 số (trong phạm vi lớp triệu).

Làm tròn số Làm tròn được số đến tròn chục, tròn trăm, tròn nghìn, tròn mười nghìn, tròn trăm nghìn (ví dụ: làm tròn số 12 345 đến hàng trăm thì được số 12 300).
Các phép tính với số tự nhiên Phép cộng, phép trừ – Thực hiện được các phép cộng, phép trừ các số tự nhiên có nhiều chữ số (có nhớ không quá ba lượt và không liên tiếp).

 – Vận dụng được tính chất giao hoán, tính chất kết hợp của phép cộng và quan hệ giữa phép cộng và phép trừ trong thực hành tính toán.

Phép nhân, phép chia – Tính được số trung bình cộng của hai hay nhiều số.

 – Thực hiện được phép nhân với các số có không quá hai chữ số.

 – Thực hiện được phép chia cho số có không quá hai chữ số.

 – Thực hiện được phép nhân với 10; 100; 1000;… và phép chia cho 10; 100; 1000;…

 – Vận dụng được tính chất giao hoán, tính chất kết hợp của phép nhân và mối quan hệ giữa phép nhân với phép chia trong thực hành tính toán.

Tính nhẩm – Vận dụng được tính chất của phép tính để tính nhẩm và tính bằng cách thuận tiện nhất.

 – Ước lượng được trong những tính toán đơn giản (ví dụ: chia 572 cho 21 thì được thương không thể là 30).

Biểu thức số và biểu thức chữ – Làm quen với biểu thức chứa một, hai, ba chữ và tính được giá trị của biểu thức chứa một, hai, hoặc ba chữ (trường hợp đơn giản).

 – Vận dụng được tính chất phân phối của phép nhân đối với phép cộng trong tính giá trị của biểu thức.

Thực hành giải quyết vấn đề liên quan đến các phép tính đã học Giải quyết được một số vấn đề gắn với việc giải các bài toán có đến hai hoặc ba bước tính (trong phạm vi các số và phép tính đã học) liên quan đến thành phần và kết quả của phép tính; liên quan đến các mối quan hệ so sánh trực tiếp hoặc các mối quan hệ phụ thuộc trực tiếp và đơn giản (ví dụ: bài toán liên quan đến tìm số trung bình cộng của hai số; tìm hai số khi biết tổng và hiệu của hai số đó; bài toán liên quan đến rút về đơn vị).
Phân số
Phân số Khái niệm ban đầu về phân số – Nhận biết được khái niệm ban đầu về phân số, tử số, mẫu số.

 – Đọc, viết được các phân số.

Tính chất cơ bản của phân số – Nhận biết được tính chất cơ bản của phân số.

 – Thực hiện được việc rút gọn phân số trong những trường hợp đơn giản.

 – Thực hiện được việc quy đồng mẫu số hai phân số trong trường hợp có một mẫu số chia hết cho mẫu số còn lại.

So sánh phân số – So sánh và sắp xếp được thứ tự các phân số trong những trường hợp sau: các phân số có cùng mẫu số; có một mẫu số chia hết cho các mẫu số còn lại.

 – Xác định được phân số lớn nhất, bé nhất (trong một nhóm có không quá 4 phân số) trong những trường hợp sau: các phân số có cùng mẫu số; có một mẫu số chia hết cho các mẫu số còn lại.

Các phép tính với phân số Các phép tính cộng, trừ, nhân, chia với phân số – Thực hiện được phép cộng, phép trừ phân số trong những trường hợp sau: các phân số có cùng mẫu số; có một mẫu số chia hết cho các mẫu số còn lại.

 – Thực hiện được phép nhân, phép chia hai phân số.

 – Giải quyết được một số vấn đề gắn với việc giải các bài toán (có đến hai hoặc ba bước tính) liên quan đến 4 phép tính với phân số (ví dụ: bài toán liên quan đến tìm phân số của một số).

HÌNH HỌC VÀ ĐO LƯỜNG
Hình học trực quan
Hình phẳng và hình khối Quan sát, nhận biết, mô tả hình dạng và đặc điểm của một số hình phẳng đơn giản – Nhận biết được góc nhọn, góc tù, góc bẹt.

 – Nhận biết được hai đường thẳng vuông góc, hai đường thẳng song song.

 – Nhận biết được hình bình hành, hình thoi.

Thực hành đo, vẽ, lắp ghép, tạo hình gắn với một số hình phẳng và hình khối đã học – Thực hiện được việc vẽ đường thẳng vuông góc, đường thẳng song song bằng thước thẳng và êke.

 – Thực hiện được việc đo, vẽ, lắp ghép, tạo lập một số hình phẳng và hình khối đã học.

 – Giải quyết được một số vấn đề liên quan đến đo góc, vẽ hình, lắp ghép, tạo lập hình gắn với một số hình phẳng và hình khối đã học.

Đo lường
Đo lường Biểu tượng về đại lượng và đơn vị đo đại lượng – Nhận biết được các đơn vị đo khối lượng: yến, tạ, tấn và quan hệ giữa các đơn vị đó với kg.

 – Nhận biết được các đơn vị đo diện tích: dm2 (đề-xi-mét vuông), m2 (mét vuông), mm2 (mi-li-mét vuông) và quan hệ giữa các đơn vị đó.

 – Nhận biết được các đơn vị đo thời gian: giây, thế kỉ và quan hệ giữa các đơn vị đo thời gian đã học.

 – Nhận biết được đơn vị đo góc: độ (o).

Thực hành đo đại lượng – Sử dụng được một số dụng cụ thông dụng để thực hành cân, đo, đong, đếm, xem thời gian với các đơn vị đo đã học.

 – Sử dụng được thước đo góc để đo các góc: 60o; 90o; 120o; 180o.

Tính toán và ước lượng với các số đo đại lượng – Thực hiện được việc chuyển đổi và tính toán với các số đo độ dài (mm, cm, dm, m, km); diện tích (mm2, cm2, dm2, m2); khối lượng (g, kg, yến, tạ, tấn); dung tích (ml, l); thời gian (giây, phút, giờ, ngày, tuần lễ, tháng, năm, thế kỉ); tiền Việt Nam đã học.

 – Thực hiện được việc ước lượng các kết quả đo lường trong một số trường hợp đơn giản (ví dụ: con bò cân nặng khoảng 3 tạ,…).

 – Giải quyết được một số vấn đề thực tiễn liên quan đến đo độ dài, diện tích, khối lượng, dung tích, thời gian, tiền Việt Nam.

MỘT SỐ YẾU TỐ THỐNG KÊ VÀ XÁC SUẤT
Một số yếu tố thống kê
Một số yếu tố thống kê Thu thập, phân loại, sắp xếp các số liệu – Nhận biết được về dãy số liệu thống kê.

 – Nhận biết được cách sắp xếp dãy số liệu thống kê theo các tiêu chí cho trước.

Đọc, mô tả biểu đồ cột. Biểu diễn số liệu vào biểu đồ cột – Đọc và mô tả được các số liệu ở dạng biểu đồ cột.

 – Sắp xếp được số liệu vào biểu đồ cột (không yêu cầu học sinh vẽ biểu đồ).

Hình thành và giải quyết vấn đề đơn giản xuất hiện từ các số liệu và biểu đồ cột đã có – Nêu được một số nhận xét đơn giản từ biểu đồ cột.

 – Tính được giá trị trung bình của các số liệu trong bảng hay biểu đồ cột.

 – Làm quen với việc phát hiện vấn đề hoặc quy luật đơn giản dựa trên quan sát các số liệu từ biểu đồ cột.

 – Giải quyết được những vấn đề đơn giản liên quan đến các số liệu thu được từ biểu đồ cột.

Một số yếu tố xác suất
Một số yếu tố xác suất Kiểm đếm số lần lặp lại của một khả năng xảy ra nhiều lần của một sự kiện Kiểm đếm được số lần lặp lại của một khả năng xảy ra (nhiều lần) của một sự kiện khi thực hiện (nhiều lần) thí nghiệm, trò chơi đơn giản (ví dụ: trong một vài trò chơi như tung đồng xu, lấy bóng từ hộp kín,…).
HOẠT ĐỘNG THỰC HÀNH VÀ TRẢI NGHIỆM
Nhà trường tổ chức cho học sinh một số hoạt động sau và có thể bổ sung các hoạt động khác tuỳ vào điều kiện cụ thể.

 Hoạt động 1: Thực hành ứng dụng các kiến thức toán học vào thực tiễn và các chủ đề liên môn, chẳng hạn:

 – Thực hành các hoạt động liên quan đến tính toán, đo lường và ước lượng như: tính toán và ước lượng chu vi, diện tích, góc của một số hình phẳng trong thực tế liên quan đến các hình phẳng đã học; tính toán và ước lượng về khối lượng, dung tích,…; xác định năm, thế kỉ đánh dấu sự ra đời (diễn ra) của một số phát minh khoa học, sự kiện văn hoá – xã hội, lịch sử,…

 – Thực hành thu thập, phân tích, biểu diễn các số liệu thống kê (thông qua một số tình huống đơn giản gắn với những vấn đề phát triển kinh tế, xã hội hoặc có tính toàn cầu như biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, giáo dục tài chính, chủ quyền biển đảo, biên giới, giáo dục STEM,…).

 – Thực hành mua bán, trao đổi tiền tệ.

 Hoạt động 2: Tổ chức các hoạt động ngoài giờ chính khoá (ví dụ: trò chơi học toán hoặc các hoạt động “Học vui – Vui học”; trò chơi liên quan đến mua bán, trao đổi hàng hoá; lắp ghép, gấp, xếp hình; tung đồng xu, xúc xắc,…) liên quan đến ôn tập, củng cố các kiến thức toán hoặc giải quyết vấn đề nảy sinh trong tình huống thực tiễn.

 Hoạt động 3 (nếu nhà trường có điều kiện thực hiện): Tổ chức giao lưu với học sinh có năng khiếu toán trong trường và trường bạn.

 LỚP 5

Nội dung Yêu cầu cần đạt
SỐ VÀ PHÉP TÍNH
Số tự nhiên
Số tự nhiên và các phép tính với số tự nhiên Ôn tập về số tự nhiên và các phép tính với số tự nhiên Củng cố và hoàn thiện các kĩ năng:

 – Đọc, viết, so sánh, xếp thứ tự được các số tự nhiên.

 – Thực hiện được các phép tính cộng, trừ, nhân, chia các số tự nhiên. Vận dụng được tính chất của phép tính với số tự nhiên để tính nhẩm và tính hợp lí.

 – Ước lượng và làm tròn được số trong những tính toán đơn giản.

 – Giải quyết được vấn đề gắn với việc giải các bài toán có đến bốn bước tính liên quan đến các phép tính về số tự nhiên; liên quan đến quan hệ phụ thuộc trực tiếp và đơn giản.

Phân số
Phân số và các phép tính với phân số Ôn tập về phân số và các phép tính với phân số Củng cố và hoàn thiện các kĩ năng:

 – Rút gọn được phân số.

 – Quy đồng, so sánh, xếp thứ tự được các phân số trong trường hợp có một mẫu số chia hết cho các mẫu số còn lại.

 – Thực hiện được phép cộng, phép trừ các phân số trong trường hợp có một mẫu số chia hết cho các mẫu số còn lại và nhân, chia phân số.

 – Thực hiện được phép cộng, phép trừ hai phân số bằng cách lấy mẫu số chung là tích của hai mẫu số.

 – Nhận biết được phân số thập phân và cách viết phân số thập phân ở dạng hỗn số.

 – Giải quyết được vấn đề gắn với việc giải các bài toán (có một hoặc một vài bước tính) liên quan đến các phép tính về phân số.

Số thập phân
Số thập phân Số thập phân – Đọc, viết được số thập phân.

 – Nhận biết được số thập phân gồm phần nguyên, phần thập phân và hàng của số thập phân.

 – Thể hiện được các số đo đại lượng bằng cách dùng số thập phân.

So sánh các số thập phân – Nhận biết được cách so sánh hai số thập phân.

 – Thực hiện được việc sắp xếp các số thập phân theo thứ tự (từ bé đến lớn hoặc ngược lại) trong một nhóm có không quá 4 số thập phân.

Làm tròn số thập phân – Làm tròn được một số thập phân tới số tự nhiên gần nhất hoặc tới số thập phân có một hoặc hai chữ số ở phần thập phân.
Các phép tính với số thập phân Các phép tính cộng, trừ, nhân, chia với số thập phân – Thực hiện được phép cộng, phép trừ hai số thập phân.

 – Thực hiện được phép nhân một số với số thập phân có không quá hai chữ số ở dạng: a,b và 0,ab.

 – Thực hiện được phép chia một số với số thập phân có không quá hai chữ số khác không ở dạng: a,b và 0,ab.

 – Vận dụng được tính chất của các phép tính với số thập phân và quan hệ giữa các phép tính đó trong thực hành tính toán.

 – Thực hiện được phép nhân, chia nhẩm một số thập phân với (cho) 10; 100; 1000;… hoặc với (cho) 0,1; 0,01; 0,001;…

 – Giải quyết vấn đề gắn với việc giải các bài toán (có một hoặc một vài bước tính) liên quan đến các phép tính với các số thập phân.

Tỉ số. Tỉ số phần trăm
Tỉ số. Tỉ số phần trăm Tỉ số. Tỉ số phần trăm – Nhận biết được tỉ số, tỉ số phần trăm của hai đại lượng cùng loại.

 – Giải quyết được một số vấn đề gắn với việc giải các bài toán liên quan đến: tìm hai số khi biết tổng (hoặc hiệu) và tỉ số của hai số đó; tính tỉ số phần trăm của hai số; tìm giá trị phần trăm của một số cho trước.

 – Nhận biết được tỉ lệ bản đồ. Vận dụng được tỉ lệ bản đồ để giải quyết một số tình huống thực tiễn.

Sử dụng máy tính cầm tay Làm quen với việc sử dụng máy tính cầm tay để thực hiện các phép tính cộng, trừ, nhân, chia các số tự nhiên; tính tỉ số phần trăm của hai số; tính giá trị phần trăm của một số cho trước.
HÌNH HỌC VÀ ĐO LƯỜNG
Hình học trực quan
Hình phẳng và hình khối Quan sát, nhận biết, mô tả hình dạng và đặc điểm của một số hình phẳng và hình khối đơn giản – Nhận biết được hình thang, đường tròn, một số loại hình tam giác như tam giác nhọn, tam giác vuông, tam giác tù, tam giác đều.

 – Nhận biết được hình khai triển của hình lập phương, hình hộp chữ nhật và hình trụ.

Thực hành vẽ, lắp ghép, tạo hình gắn với một số hình phẳng và hình khối đã học – Vẽ được hình thang, hình bình hành, hình thoi (sử dụng lưới ô vuông).

 – Vẽ được đường cao của hình tam giác.

 – Vẽ được đường tròn có tâm và độ dài bán kính hoặc đường kính cho trước.

 – Giải quyết được một số vấn đề về đo, vẽ, lắp ghép, tạo hình gắn với một số hình phẳng và hình khối đã học, liên quan đến ứng dụng của hình học trong thực tiễn, liên quan đến nội dung các môn học như Mĩ thuật, Công nghệ, Tin học.

Đo lường
Đo lường Biểu tượng về đại lượng và đơn vị đo đại lượng – Nhận biết được các đơn vị đo diện tích: km2 (ki-lô-mét vuông), ha (héc-ta).

 – Nhận biết được “thể tích” thông qua một số biểu tượng cụ thể.

 – Nhận biết được một số đơn vị đo thể tích thông dụng: cm3 (xăng-ti-mét khối), dm3 (đề-xi-mét khối), m3 (mét khối).

 – Nhận biết được vận tốc của một chuyển động đều; tên gọi, kí hiệu của một số đơn vị đo vận tốc: km/h (km/giờ), m/s (m/giây).

Thực hành đo đại lượng Sử dụng được một số dụng cụ thông dụng để thực hành cân, đo, đong, đếm, xem thời gian, mua bán với các đơn vị đo đại lượng và tiền tệ đã học.
Tính toán và ước lượng với các số đo đại lượng – Thực hiện được việc chuyển đổi và tính toán với các số đo thể tích (cm3dm3m3) và số đo thời gian.

 – Tính được diện tích hình tam giác, hình thang.

 – Tính được chu vi và diện tích hình tròn.

 – Tính được diện tích xung quanh, diện tích toàn phần, thể tích của hình hộp chữ nhật, hình lập phương.

 – Thực hiện được việc ước lượng thể tích trong một số trường hợp đơn giản (ví dụ: thể tích của hộp phấn viết bảng,…).

 – Giải quyết được một số vấn đề thực tiễn liên quan đến đo thể tích, dung tích, thời gian.

 – Giải quyết được một số vấn đề gắn với việc giải các bài toán liên quan đến chuyển động đều (tìm vận tốc, quãng đường, thời gian của một chuyển động đều).

MỘT SỐ YẾU TỐ THỐNG KÊ VÀ XÁC SUẤT
Một số yếu tố thống kê
Một số yếu tố thống kê Thu thập, phân loại, sắp xếp các số liệu Thực hiện được việc thu thập, phân loại, so sánh, sắp xếp số liệu thống kê theo các tiêu chí cho trước.
Đọc, mô tả biểu đồ thống kê hình quạt tròn. Biểu diễn số liệu bằng biểu đồ thống kê hình quạt tròn – Đọc và mô tả được các số liệu ở dạng biểu đồ hình quạt tròn.

 – Sắp xếp được số liệu vào biểu đồ hình quạt tròn (không yêu cầu học sinh vẽ hình).

 – Lựa chọn được cách biểu diễn (bằng dãy số liệu, bảng số liệu, hoặc bằng biểu đồ) các số liệu thống kê.

Hình thành và giải quyết vấn đề đơn giản xuất hiện từ các số liệu và biểu đồ thống kê hình quạt tròn đã có – Nêu được một số nhận xét đơn giản từ biểu đồ hình quạt tròn.

 – Làm quen với việc phát hiện vấn đề hoặc quy luật đơn giản dựa trên quan sát các số liệu từ biểu đồ hình quạt tròn.

 – Giải quyết được những vấn đề đơn giản liên quan đến các số liệu thu được từ biểu đồ hình quạt tròn.

 – Nhận biết được mối liên hệ giữa thống kê với các kiến thức khác trong môn Toán và trong thực tiễn (ví dụ: số thập phân, tỉ số phần trăm,…).

Một số yếu tố xác suất
Một số yếu tố xác suất Tỉ số mô tả số lần lặp lại của một khả năng xảy ra (nhiều lần) của một sự kiện trong một thí nghiệm so với tổng số lần thực hiện thí nghiệm đó ở những trường hợp đơn giản Sử dụng được tỉ số để mô tả số lần lặp lại của một khả năng xảy ra (nhiều lần) của một sự kiện trong một thí nghiệm so với tổng số lần thực hiện thí nghiệm đó ở những trường hợp đơn giản (ví dụ: sử dụng tỉ số  để mô tả 2 lần xảy ra khả năng “mặt sấp đồng xu xuất hiện” của khi tung đồng xu 5 lần).
HOẠT ĐỘNG THỰC HÀNH VÀ TRẢI NGHIỆM
Nhà trường tổ chức cho học sinh một số hoạt động sau và có thể bổ sung các hoạt động khác tuỳ vào điều kiện cụ thể.

 Hoạt động 1: Thực hành ứng dụng các kiến thức toán học vào thực tiễn và các chủ đề liên môn, chẳng hạn:

 – Thực hành tổng hợp các hoạt động liên quan đến tính toán, đo lường và ước lượng như: tính toán và ước lượng thể tích của một số hình khối trong thực tiễn liên quan đến các hình đã học; tính toán và ước lượng về vận tốc, quãng đường, thời gian trong chuyển động đều.

 – Thực hành thu thập, phân tích, biểu diễn các số liệu thống kê (thông qua một số tình huống đơn giản gắn với những vấn đề phát triển kinh tế – xã hội hoặc có tính toàn cầu như biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, giáo dục tài chính, chủ quyền biên giới, biển đảo, giáo dục STEM,…).

 – Thực hành mua bán, trao đổi, chi tiêu hợp lí; thực hành tính tiền lãi, lỗ trong mua bán; tính lãi suất trong tiền gửi tiết kiệm và vay vốn.

 Hoạt động 2: Tổ chức các hoạt động ngoài giờ chính khoá (ví dụ: trò chơi “Bảy mảnh nghìn hình (tangram)” hoặc các hoạt động “Học vui – Vui học”; trò chơi liên quan đến mua bán, trao đổi hàng hoá; lắp ghép, gấp, xếp hình; tung đồng xu, xúc xắc,…) liên quan đến ôn tập, củng cố các kiến thức toán hoặc giải quyết vấn đề nảy sinh trong tình huống thực tiễn.

 Hoạt động 3 (nếu nhà trường có điều kiện thực hiện): Tổ chức giao lưu với học sinh có khả năng và yêu thích môn Toán trong trường và trường bạn.

 LỚP 6

Nội dung Yêu cầu cần đạt
SỐ VÀ ĐẠI SỐ
Số
Số tự nhiên Số tự nhiên và tập hợp các số tự nhiên. Thứ tự trong tập hợp các số tự nhiên – Sử dụng được thuật ngữ tập hợp, phần tử thuộc (không thuộc) một tập hợp; sử dụng được cách cho tập hợp.

 – Nhận biết được tập hợp các số tự nhiên.

 – Biểu diễn được số tự nhiên trong hệ thập phân.

 – Biểu diễn được các số tự nhiên từ 1 đến 30 bằng cách sử dụng các chữ số La Mã.

 – Nhận biết được (quan hệ) thứ tự trong tập hợp các số tự nhiên; so sánh được hai số tự nhiên cho trước.

Các phép tính với số tự nhiên. Phép tính luỹ thừa với số mũ tự nhiên – Thực hiện được các phép tính: cộng, trừ, nhân, chia trong tập hợp số tự nhiên.

 – Vận dụng được các tính chất giao hoán, kết hợp, phân phối của phép nhân đối với phép cộng trong tính toán.

 – Thực hiện được phép tính luỹ thừa với số mũ tự nhiên; thực hiện được các phép nhân và phép chia hai luỹ thừa cùng cơ số với số mũ tự nhiên.

 – Nhận biết được thứ tự thực hiện các phép tính.

 – Vận dụng được các tính chất của phép tính (kể cả phép tính luỹ thừa với số mũ tự nhiên) để tính nhẩm, tính nhanh một cách hợp lí.

 – Giải quyết được những vấn đề thực tiễn gắn với thực hiện các phép tính (ví dụ: tính tiền mua sắm, tính lượng hàng mua được từ số tiền đã có,…).

Tính chia hết trong tập hợp các số tự nhiên. Số nguyên tố. Ước chung và bội chung – Nhận biết được quan hệ chia hết, khái niệm ước và bội.

 – Vận dụng được dấu hiệu chia hết cho 2, 5, 9, 3 để xác định một số đã cho có chia hết cho 2, 5, 9, 3 hay không.

 – Nhận biết được khái niệm số nguyên tố, hợp số.

 – Thực hiện được việc phân tích một số tự nhiên lớn hơn 1 thành tích của các thừa số nguyên tố trong những trường hợp đơn giản.

 – Xác định được ước chung, ước chung lớn nhất; xác định được bội chung, bội chung nhỏ nhất của hai hoặc ba số tự nhiên; nhận biết được phân số tối giản; thực hiện được phép cộng, phép trừ phân số bằng cách sử dụng ước chung lớn nhất, bội chung nhỏ nhất.

 – Nhận biết được phép chia có dư, định lí về phép chia có dư.

 – Vận dụng được kiến thức số học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn (ví dụ: tính toán tiền hay lượng hàng hoá khi mua sắm, xác định số đồ vật cần thiết để sắp xếp chúng theo những quy tắc cho trước,…).

Số nguyên Số nguyên âm và tập hợp các số nguyên. Thứ tự trong tập hợp các số nguyên – Nhận biết được số nguyên âm, tập hợp các số nguyên.

 – Biểu diễn được số nguyên trên trục số.

 – Nhận biết được số đối của một số nguyên.

 – Nhận biết được thứ tự trong tập hợp các số nguyên. So sánh được hai số nguyên cho trước.

 – Nhận biết được ý nghĩa của số nguyên âm trong một số bài toán thực tiễn.

Các phép tính với số nguyên. Tính chia hết trong tập hợp các số nguyên – Thực hiện được các phép tính: cộng, trừ, nhân, chia (chia hết) trong tập hợp các số nguyên.

 – Vận dụng được các tính chất giao hoán, kết hợp, phân phối của phép nhân đối với phép cộng, quy tắc dấu ngoặc trong tập hợp các số nguyên trong tính toán (tính viết và tính nhẩm, tính nhanh một cách hợp lí).

 – Nhận biết được quan hệ chia hết, khái niệm ước và bội trong tập hợp các số nguyên.

 – Giải quyết được những vấn đề thực tiễn gắn với thực hiện các phép tính về số nguyên (ví dụ: tính lỗ lãi khi buôn bán,…).

Phân số Phân số. Tính chất cơ bản của phân số. So sánh phân số – Nhận biết được phân số với tử số hoặc mẫu số là số nguyên âm.

 – Nhận biết được khái niệm hai phân số bằng nhau và nhận biết được quy tắc bằng nhau của hai phân số.

 – Nêu được hai tính chất cơ bản của phân số.

 – So sánh được hai phân số cho trước.

 – Nhận biết được số đối của một phân số.

 – Nhận biết được hỗn số dương.

Các phép tính với phân số – Thực hiện được các phép tính cộng, trừ, nhân, chia với phân số.

 – Vận dụng được các tính chất giao hoán, kết hợp, phân phối của phép nhân đối với phép cộng, quy tắc dấu ngoặc với phân số trong tính toán (tính viết và tính nhẩm, tính nhanh một cách hợp lí).

 – Tính được giá trị phân số của một số cho trước và tính được một số biết giá trị phân số của số đó.

 – Giải quyết được một số vấn đề thực tiễn gắn với các phép tính về phân số (ví dụ: các bài toán liên quan đến chuyển động trong Vật lí,…).

Số thập phân Số thập phân và các phép tính với số thập phân. Tỉ số và tỉ số phần trăm – Nhận biết được số thập phân âm, số đối của một số thập phân.

 – So sánh được hai số thập phân cho trước.

 – Thực hiện được các phép tính cộng, trừ, nhân, chia với số thập phân.

 – Vận dụng được các tính chất giao hoán, kết hợp, phân phối của phép nhân đối với phép cộng, quy tắc dấu ngoặc với số thập phân trong tính toán (tính viết và tính nhẩm, tính nhanh một cách hợp lí).

 – Thực hiện được ước lượng và làm tròn số thập phân.

 – Tính được tỉ số và tỉ số phần trăm của hai đại lượng.

 – Tính được giá trị phần trăm của một số cho trước và tính được một số biết giá trị phần trăm của số đó.

 – Giải quyết được một số vấn đề thực tiễn gắn với các phép tính về số thập phân, tỉ số và tỉ số phần trăm (ví dụ: các bài toán liên quan đến lãi suất tín dụng, liên quan đến thành phần các chất trong Hoá học,…).

HÌNH HỌC VÀ ĐO LƯỜNG
Hình học trực quan
Các hình phẳng trong thực tiễn Tam giác đều, hình vuông, lục giác đều – Nhận dạng được tam giác đều, hình vuông, lục giác đều.

 – Mô tả được một số yếu tố cơ bản (cạnh, góc, đường chéo) của: tam giác đều (ví dụ: ba cạnh bằng nhau, ba góc bằng nhau); hình vuông (ví dụ: bốn cạnh bằng nhau, mỗi góc là góc vuông, hai đường chéo bằng nhau); lục giác đều (ví dụ: sáu cạnh bằng nhau, sáu góc bằng nhau, ba đường chéo chính bằng nhau).

 – Vẽ được tam giác đều, hình vuông bằng dụng cụ học tập.

 – Tạo lập được lục giác đều thông qua việc lắp ghép các tam giác đều.

Hình chữ nhật, hình thoi, hình bình hành, hình thang cân – Mô tả được một số yếu tố cơ bản (cạnh, góc, đường chéo) của hình chữ nhật, hình thoi, hình bình hành, hình thang cân.

 – Vẽ được hình chữ nhật, hình thoi, hình bình hành bằng các dụng cụ học tập.

 – Giải quyết được một số vấn đề thực tiễn gắn với việc tính chu vi và diện tích của các hình đặc biệt nói trên (ví dụ: tính chu vi hoặc diện tích của một số đối tượng có dạng đặc biệt nói trên,…).

Tính đối xứng của hình phẳng trong thế giới tự nhiên Hình có trục đối xứng – Nhận biết được trục đối xứng của một hình phẳng.

 – Nhận biết được những hình phẳng trong tự nhiên có trục đối xứng (khi quan sát trên hình ảnh 2 chiều).

Hình có tâm đối xứng – Nhận biết được tâm đối xứng của một hình phẳng.

 – Nhận biết được những hình phẳng trong thế giới tự nhiên có tâm đối xứng (khi quan sát trên hình ảnh 2 chiều).

Vai trò của đối xứng trong thế giới tự nhiên – Nhận biết được tính đối xứng trong Toán học, tự nhiên, nghệ thuật, kiến trúc, công nghệ chế tạo,…

 – Nhận biết được vẻ đẹp của thế giới tự nhiên biểu hiện qua tính đối xứng (ví dụ: nhận biết vẻ đẹp của một số loài thực vật, động vật trong tự nhiên có tâm đối xứng hoặc có trục đối xứng).

Hình học phẳng
Các hình hình học cơ bản Điểm, đường thẳng, tia – Nhận biết được những quan hệ cơ bản giữa điểm, đường thẳng: điểm thuộc đường thẳng, điểm không thuộc đường thẳng; tiên đề về đường thẳng đi qua hai điểm phân biệt.

 – Nhận biết được khái niệm hai đường thẳng cắt nhau, song song.

 – Nhận biết được khái niệm ba điểm thẳng hàng, ba điểm không thẳng hàng.

 – Nhận biết được khái niệm điểm nằm giữa hai điểm.

 – Nhận biết được khái niệm tia.

Đoạn thẳng. Độ dài đoạn thẳng Nhận biết được khái niệm đoạn thẳng, trung điểm của đoạn thẳng, độ dài đoạn thẳng.
Góc. Các góc đặc biệt. Số đo góc – Nhận biết được khái niệm góc, điểm trong của góc (không đề cập đến góc lõm).

 – Nhận biết được các góc đặc biệt (góc vuông, góc nhọn, góc tù, góc bẹt).

 – Nhận biết được khái niệm số đo góc.

Thực hành trong phòng máy tính với phần mềm toán học (nếu nhà trường có điều kiện thực hiện)
– Sử dụng phần mềm để hỗ trợ việc học các kiến thức hình học.

 – Thực hành sử dụng phần mềm để vẽ hình và thiết kế đồ hoạ liên quan đến các khái niệm: tam giác đều, hình vuông, hình chữ nhật, hình thoi, hình bình hành, hình thang cân, hình đối xứng.

MỘT SỐ YẾU TỐ THỐNG KÊ VÀ XÁC SUẤT
Một số yếu tố thống kê
Thu thập và tổ chức dữ liệu Thu thập, phân loại, biểu diễn dữ liệu theo các tiêu chí cho trước – Thực hiện được việc thu thập, phân loại dữ liệu theo các tiêu chí cho trước từ những nguồn: bảng biểu, kiến thức trong các môn học khác.

 – Nhận biết được tính hợp lí của dữ liệu theo các tiêu chí đơn giản.

Mô tả và biểu diễn dữ liệu trên các bảng, biểu đồ – Đọc và mô tả thành thạo các dữ liệu ở dạng: bảng thống kê; biểu đồ tranh; biểu đồ dạng cột/cột kép (column chart).

 – Lựa chọn và biểu diễn được dữ liệu vào bảng, biểu đồ thích hợp ở dạng: bảng thống kê; biểu đồ tranh; biểu đồ dạng cột/cột kép (column chart).

Phân tích và xử lí dữ liệu Hình thành và giải quyết vấn đề đơn giản xuất hiện từ các số liệu và biểu đồ thống kê đã có – Nhận ra được vấn đề hoặc quy luật đơn giản dựa trên phân tích các số liệu thu được ở dạng: bảng thống kê; biểu đồ tranh; biểu đồ dạng cột/cột kép (column chart).

 – Giải quyết được những vấn đề đơn giản liên quan đến các số liệu thu được ở dạng: bảng thống kê; biểu đồ tranh; biểu đồ dạng cột/cột kép (column chart).

 – Nhận biết được mối liên hệ giữa thống kê với những kiến thức trong các môn học trong Chương trình lớp 6 (ví dụ: Lịch sử và Địa lí lớp 6, Khoa học tự nhiên lớp 6,…) và trong thực tiễn (ví dụ: khí hậu, giá cả thị trường,…).

Một số yếu tố xác suất
Một số yếu tố xác suất Làm quen với một số mô hình xác suất đơn giản. Làm quen với việc mô tả xác suất (thực nghiệm) của khả năng xảy ra nhiều lần của một sự kiện trong một số mô hình xác suất đơn giản – Làm quen với mô hình xác suất trong một số trò chơi, thí nghiệm đơn giản (ví dụ: ở trò chơi tung đồng xu thì mô hình xác suất gồm hai khả năng ứng với mặt xuất hiện của đồng xu,…).

 – Làm quen với việc mô tả xác suất (thực nghiệm) của khả năng xảy ra nhiều lần của một sự kiện trong một số mô hình xác suất đơn giản.

Mô tả xác suất (thực nghiệm) của khả năng xảy ra nhiều lần của một sự kiện trong một số mô hình xác suất đơn giản Sử dụng được phân số để mô tả xác suất (thực nghiệm) của khả năng xảy ra nhiều lần thông qua kiểm đếm số lần lặp lại của khả năng đó trong một số mô hình xác suất đơn giản.
Thực hành trong phòng máy tính với phần mềm toán học (nếu nhà trường có điều kiện thực hiện)
Sử dụng được phần mềm để vẽ biểu đồ tranh; biểu đồ dạng cột/cột kép.
HOẠT ĐỘNG THỰC HÀNH VÀ TRẢI NGHIỆM
Nhà trường tổ chức cho học sinh một số hoạt động sau và có thể bổ sung các hoạt động khác tuỳ vào điều kiện cụ thể.

 Hoạt động 1: Tìm hiểu một số kiến thức về tài chính:

 – Làm quen với việc gửi tiền tiết kiệm và vay vốn ngân hàng; tính lỗ, lãi và dư nợ; thực hành tính lãi suất trong tiền gửi tiết kiệm và vay vốn.

 – Trả số tiền đúng theo hoá đơn hoặc tính tiền thừa khi mua hàng; thực hành ghi chép thu nhập và chi tiêu, cất giữ hoá đơn trong trường hợp cần sử dụng đến.

 Hoạt động 2: Thực hành ứng dụng các kiến thức toán học vào thực tiễn và các chủ đề liên môn, chẳng hạn:

 – Vận dụng kiến thức thống kê để đọc hiểu các bảng biểu trong môn Lịch sử và Địa lí lớp 6.

 – Thu thập và biểu diễn các dữ liệu từ một vài tình huống trong thực tiễn, ví dụ: thu thập nhiệt độ của địa phương tại mốc thời gian nhất định trong một tuần lễ, từ đó đưa ra những nhận xét về biến đổi thời tiết của địa phương trong tuần.

 Hoạt động 3: Tổ chức các hoạt động ngoài giờ chính khoá như thực hành ngoài lớp học, dự án học tập, các trò chơi học toán, cuộc thi về Toán, chẳng hạn:

 – Vận dụng tính đối xứng vào thực tiễn: gấp giấy tạo dựng các hình có trục đối xứng hoặc tâm đối xứng; sưu tầm các hình trong tự nhiên có tâm đối xứng hoặc có trục đối xứng; tìm kiếm các video về hình có tâm đối xứng, hình có trục đối xứng trong thế giới tự nhiên.

 – Vận dụng khái niệm ba điểm thẳng hàng vào thực tiễn như: trồng cây thẳng hàng, để các đồ vật thẳng hàng,…

 – Vận dụng các công thức tính diện tích và thể tích vào thực tiễn. Đo đạc và tính diện tích bề mặt, tính thể tích của các đồ vật có liên quan đến các hình đã học.

 Hoạt động 4 (nếu nhà trường có điều kiện thực hiện): Tổ chức giao lưu với học sinh có khả năng và yêu thích môn Toán trong trường và trường bạn.

 LỚP 7

Nội dung Yêu cầu cần đạt
SỐ VÀ ĐẠI SỐ
Số
Số hữu tỉ Số hữu tỉ và tập hợp các số hữu tỉ. Thứ tự trong tập hợp các số hữu tỉ – Nhận biết được số hữu tỉ và lấy được ví dụ về số hữu tỉ.

 – Nhận biết được tập hợp các số hữu tỉ.

 – Biểu diễn được số hữu tỉ trên trục số.

 – Nhận biết được số đối của một số hữu tỉ.

 – Nhận biết được thứ tự trong tập hợp các số hữu tỉ. So sánh được hai số

 hữu tỉ.

Các phép tính với số hữu tỉ – Thực hiện được các phép tính: cộng, trừ, nhân, chia trong tập hợp số hữu tỉ.

 – Mô tả được phép tính luỹ thừa với số mũ tự nhiên của một số hữu tỉ và một số tính chất của phép tính đó (tích và thương của hai luỹ thừa cùng cơ số, luỹ thừa của luỹ thừa).

 – Mô tả được thứ tự thực hiện các phép tính, quy tắc dấu ngoặc, quy tắc chuyển vế trong tập hợp số hữu tỉ.

 – Vận dụng được các tính chất giao hoán, kết hợp, phân phối của phép nhân đối với phép cộng, quy tắc dấu ngoặc với số hữu tỉ trong tính toán (tính viết và tính nhẩm, tính nhanh một cách hợp lí).

 – Giải quyết được một số vấn đề thực tiễn gắn với các phép tính về số hữu tỉ (ví dụ: các bài toán liên quan đến chuyển động trong Vật lí, trong đo đạc,…).

Số thực Căn bậc hai số học – Nhận biết được khái niệm căn bậc hai số học của một số không âm.

 – Tính được giá trị (đúng hoặc gần đúng) căn bậc hai số học của một số nguyên dương bằng máy tính cầm tay.

Số vô tỉ. Số thực – Nhận biết được số thập phân hữu hạn và số thập phân vô hạn tuần hoàn.

 – Nhận biết được số vô tỉ, số thực, tập hợp các số thực.

 – Nhận biết được trục số thực và biểu diễn được số thực trên trục số trong trường hợp thuận lợi.

 – Nhận biết được số đối của một số thực.

 – Nhận biết được thứ tự trong tập hợp các số thực.

 – Nhận biết được giá trị tuyệt đối của một số thực.

 – Thực hiện được ước lượng và làm tròn số căn cứ vào độ chính xác cho trước.

Tỉ lệ thức và dãy tỉ số bằng nhau – Nhận biết được tỉ lệ thức và các tính chất của tỉ lệ thức.

 – Vận dụng được tính chất của tỉ lệ thức trong giải toán.

 – Nhận biết được dãy tỉ số bằng nhau.

 – Vận dụng được tính chất của dãy tỉ số bằng nhau trong giải toán (ví dụ:

 chia một số thành các phần tỉ lệ với các số cho trước,…).

Giải toán về đại lượng tỉ lệ – Giải được một số bài toán đơn giản về đại lượng tỉ lệ thuận (ví dụ: bài toán về tổng sản phẩm thu được và năng suất lao động,…).

 – Giải được một số bài toán đơn giản về đại lượng tỉ lệ nghịch (ví dụ: bài toán về thời gian hoàn thành kế hoạch và năng suất lao động,…).

Đại số
Biểu thức đại số Biểu thức đại số – Nhận biết được biểu thức số.

 – Nhận biết được biểu thức đại số.

 – Tính được giá trị của một biểu thức đại số.

Đa thức một biến – Nhận biết được định nghĩa đa thức một biến.

 – Nhận biết được cách biểu diễn đa thức một biến; xác định được bậc của đa thức một biến.

 – Tính được giá trị của đa thức khi biết giá trị của biến.

 – Nhận biết được khái niệm nghiệm của đa thức một biến.

 – Thực hiện được các phép tính: phép cộng, phép trừ, phép nhân, phép chia trong tập hợp các đa thức một biến; vận dụng được những tính chất của các phép tính đó trong tính toán.

HÌNH HỌC VÀ ĐO LƯỜNG
Hình học trực quan
Các hình khối trong thực tiễn Hình hộp chữ nhật và hình lập phương – Mô tả được một số yếu tố cơ bản (đỉnh, cạnh, góc, đường chéo) của hình hộp chữ nhật và hình lập phương.

 – Giải quyết được một số vấn đề thực tiễn gắn với việc tính thể tích, diện tích xung quanh của hình hộp chữ nhật, hình lập phương (ví dụ: tính thể tích hoặc diện tích xung quanh của một số đồ vật quen thuộc có dạng hình hộp chữ nhật, hình lập phương,…).

Lăng trụ đứng tam giác, lăng trụ đứng tứ giác – Mô tả được hình lăng trụ đứng tam giác, hình lăng trụ đứng tứ giác (ví dụ: hai mặt đáy là song song; các mặt bên đều là hình chữ nhật) và tạo lập được hình lăng trụ đứng tam giác, hình lăng trụ đứng tứ giác.

 – Tính được diện tích xung quanh, thể tích của hình lăng trụ đứng tam giác, hình lăng trụ đứng tứ giác.

 – Giải quyết được một số vấn đề thực tiễn gắn với việc tính thể tích, diện tích xung quanh của một lăng trụ đứng tam giác, hình lăng trụ đứng tứ giác (ví dụ: tính thể tích hoặc diện tích xung quanh của một số đồ vật quen thuộc có dạng lăng trụ đứng tam giác, lăng trụ đứng tứ giác,…).

Hình học phẳng
Các hình hình học cơ bản Góc ở vị trí đặc biệt. Tia phân giác của một góc – Nhận biết được các góc ở vị trí đặc biệt (hai góc kề bù, hai góc đối đỉnh).

 – Nhận biết được tia phân giác của một góc.

 – Nhận biết được cách vẽ tia phân giác của một góc bằng dụng cụ học tập.

Hai đường thẳng song song. Tiên đề Euclid về đường thẳng song song – Mô tả được một số tính chất của hai đường thẳng song song.

 – Mô tả được dấu hiệu song song của hai đường thẳng thông qua cặp góc đồng vị, cặp góc so le trong.

 – Nhận biết được tiên đề Euclid về đường thẳng song song.

Khái niệm định lí, chứng minh một định lí Nhận biết được thế nào là một định lí, chứng minh một định lí.
Tam giác. Tam giác bằng nhau. Tam giác cân. Quan hệ giữa đường vuông góc và đường xiên. Các đường đồng quy của tam giác – Giải thích được định lí về tổng các góc trong một tam giác bằng 180o.

 – Nhận biết được liên hệ về độ dài của ba cạnh trong một tam giác.

 – Nhận biết được khái niệm hai tam giác bằng nhau.

 – Giải thích được các trường hợp bằng nhau của hai tam giác, của hai tam giác vuông.

 – Mô tả được tam giác cân và giải thích được tính chất của tam giác cân (ví dụ: hai cạnh bên bằng nhau; hai góc đáy bằng nhau).

 – Nhận biết được khái niệm: đường vuông góc và đường xiên; khoảng cách từ một điểm đến một đường thẳng. Giải thích được quan hệ giữa đường vuông góc và đường xiên dựa trên mối quan hệ giữa cạnh và góc đối trong tam giác (đối diện với góc lớn hơn là cạnh lớn hơn và ngược lại).

 – Nhận biết được đường trung trực của một đoạn thẳng và tính chất cơ bản của đường trung trực.

 – Nhận biết được: các đường đặc biệt trong tam giác (đường trung tuyến, đường cao, đường phân giác, đường trung trực); sự đồng quy của các đường đặc biệt đó.

Giải bài toán có nội dung hình học và vận dụng giải quyết vấn đề thực tiễn liên quan đến hình học – Diễn đạt được lập luận và chứng minh hình học trong những trường hợp đơn giản (ví dụ: lập luận và chứng minh được các đoạn thẳng bằng nhau, các góc bằng nhau từ các điều kiện ban đầu liên quan đến tam giác,…).

 – Giải quyết được một số vấn đề thực tiễn liên quan đến ứng dụng của hình học như: đo, vẽ, tạo dựng các hình đã học.

Thực hành trong phòng máy tính với phần mềm toán học (nếu nhà trường có điều kiện thực hiện)
– Sử dụng phần mềm để hỗ trợ việc học các kiến thức hình học.

 – Thực hành sử dụng phần mềm để vẽ hình và thiết kế đồ hoạ liên quan đến các khái niệm: tia phân giác của một góc, đường trung trực của một đoạn thẳng, các đường đặc biệt trong tam giác.

MỘT SỐ YẾU TỐ THỐNG KÊ VÀ XÁC SUẤT
Một số yếu tố thống kê
Thu thập và tổ chức dữ liệu Thu thập, phân loại, biểu diễn dữ liệu theo các tiêu chí cho trước – Thực hiện và lí giải được việc thu thập, phân loại dữ liệu theo các tiêu chí cho trước từ những nguồn: văn bản, bảng biểu, kiến thức trong các môn học khác và trong thực tiễn.

 – Giải thích được tính hợp lí của dữ liệu theo các tiêu chí toán học đơn giản (ví dụ: tính hợp lí, tính đại diện của một kết luận trong phỏng vấn; tính hợp lí của các quảng cáo;…).

Mô tả và biểu diễn dữ liệu trên các bảng, biểu đồ – Đọc và mô tả thành thạo các dữ liệu ở dạng biểu đồ thống kê: biểu đồ hình quạt tròn (pie chart); biểu đồ đoạn thẳng (line graph).

 – Lựa chọn và biểu diễn được dữ liệu vào bảng, biểu đồ thích hợp ở dạng: biểu đồ hình quạt tròn (cho sẵn) (pie chart); biểu đồ đoạn thẳng (line graph).

 – Nhận biết được những dạng biểu diễn khác nhau cho một tập dữ liệu.

Phân tích và xử lí dữ liệu Hình thành và giải quyết vấn đề đơn giản xuất hiện từ các số liệu và biểu đồ thống kê đã có – Nhận ra được vấn đề hoặc quy luật đơn giản dựa trên phân tích các số liệu thu được ở dạng: biểu đồ hình quạt tròn (cho sẵn) (pie chart); biểu đồ đoạn thẳng (line graph).

 – Giải quyết được những vấn đề đơn giản liên quan đến các số liệu thu được ở dạng: biểu đồ hình quạt tròn (cho sẵn) (pie chart); biểu đồ đoạn thẳng (line graph).

 – Nhận biết được mối liên hệ giữa thống kê với những kiến thức trong các môn học khác trong Chương trình lớp 7 (ví dụ: Lịch sử và Địa lí lớp 7, Khoa học tự nhiên lớp 7,…) và trong thực tiễn (ví dụ: môi trường, y học, tài chính,…).

Một số yếu tố xác suất
Một số yếu tố xác suất Làm quen với biến cố ngẫu nhiên. Làm quen với xác suất của biến cố ngẫu nhiên trong một số ví dụ đơn giản – Làm quen với các khái niệm mở đầu về biến cố ngẫu nhiên và xác suất của biến cố ngẫu nhiên trong các ví dụ đơn giản.

 – Nhận biết được xác suất của một biến cố ngẫu nhiên trong một số ví dụ đơn giản (ví dụ: lấy bóng trong túi, tung xúc xắc,…).

Thực hành trong phòng máy tính với phần mềm toán học (nếu nhà trường có điều kiện thực hiện)
Sử dụng được phần mềm để tổ chức dữ liệu vào biểu đồ hình quạt tròn (pie chart); biểu đồ đoạn thẳng (line graph).
HOẠT ĐỘNG THỰC HÀNH VÀ TRẢI NGHIỆM
Nhà trường tổ chức cho học sinh một số hoạt động sau và có thể bổ sung các hoạt động khác tuỳ vào điều kiện cụ thể.

 Hoạt động 1: Tìm hiểu một số kiến thức về tài chính:

 – Thực hành tính toán việc tăng, giảm theo giá trị phần trăm của một mặt hàng hoặc một kế hoạch sản xuất, kinh doanh.

 – Làm quen với giao dịch ngân hàng.

 – Làm quen với thuế và việc tính thuế.

 Hoạt động 2: Thực hành ứng dụng các kiến thức toán học vào thực tiễn và các chủ đề liên môn, chẳng hạn:

 – Vận dụng kiến thức thống kê để đọc hiểu các bảng biểu trong Lịch sử và Địa lí lớp 7, Khoa học tự nhiên lớp 7.

 – Thu thập, phân loại và biểu diễn dữ liệu (theo các tiêu chí cho trước) vào biểu đồ hình quạt tròn (pie chart) hoặc biểu đồ đoạn thẳng (line graph) từ một vài tình huống trong thực tiễn.

 Hoạt động 3: Tổ chức các hoạt động ngoài giờ chính khoá như thực hành ngoài lớp học, dự án học tập, các trò chơi học Toán, cuộc thi về Toán, chẳng hạn:

 – Tạo dựng các hình có liên quan đến tia phân giác của một góc, liên quan đến hai đường song song, liên quan đến hình lăng trụ đứng.

 – Vận dụng kiến thức về tam giác bằng nhau trong thực tiễn, ví dụ: đo khoảng cách giữa hai vị trí mà giữa chúng có vật cản hoặc chỉ đến được một trong hai vị trí.

 – Thu thập một số vật thể trong thực tiễn có dạng hình lăng trụ đứng và tính diện tích xung quanh của các vật thể đó.

 Hoạt động 4 (nếu nhà trường có điều kiện thực hiện): Tổ chức giao lưu với học sinh có khả năng và yêu thích môn Toán trong trường và trường bạn.

 LỚP 8

Nội dung Yêu cầu cần đạt
SỐ VÀ ĐẠI SỐ
Đại số
Biểu thức đại số Đa thức nhiều biến. Các phép toán cộng, trừ, nhân, chia các đa thức nhiều biến – Nhận biết được các khái niệm về đơn thức, đa thức nhiều biến.

 – Tính được giá trị của đa thức khi biết giá trị của các biến.

 – Thực hiện được việc thu gọn đơn thức, đa thức.

 – Thực hiện được phép nhân đơn thức với đa thức và phép chia hết một đơn thức cho một đơn thức.

 – Thực hiện được các phép tính: phép cộng, phép trừ, phép nhân các đa thức nhiều biến trong những trường hợp đơn giản.

 – Thực hiện được phép chia hết một đa thức cho một đơn thức trong những trường hợp đơn giản.

Hằng đẳng thức đáng nhớ – Nhận biết được các khái niệm: đồng nhất thức, hằng đẳng thức.

 – Mô tả được các hằng đẳng thức: bình phương của tổng và hiệu; hiệu hai bình phương; lập phương của tổng và hiệu; tổng và hiệu hai lập phương.

 – Vận dụng được các hằng đẳng thức để phân tích đa thức thành nhân tử ở dạng: vận dụng trực tiếp hằng đẳng thức; vận dụng hằng đẳng thức thông qua nhóm hạng tử và đặt nhân tử chung.

Phân thức đại số. Tính chất cơ bản của phân thức đại số. Các phép toán cộng, trừ, nhân, chia các phân thức đại số – Nhận biết được các khái niệm cơ bản về phân thức đại số: định nghĩa; điều kiện xác định; giá trị của phân thức đại số; hai phân thức bằng nhau.

 – Mô tả được những tính chất cơ bản của phân thức đại số.

 – Thực hiện được các phép tính: phép cộng, phép trừ, phép nhân, phép chia đối với hai phân thức đại số.

 – Vận dụng được các tính chất giao hoán, kết hợp, phân phối của phép nhân đối với phép cộng, quy tắc dấu ngoặc với phân thức đại số trong tính toán.

Hàm số và đồ thị Hàm số và đồ thị – Nhận biết được những mô hình thực tế dẫn đến khái niệm hàm số.

 – Tính được giá trị của hàm số khi hàm số đó xác định bởi công thức.

 – Xác định được toạ độ của một điểm trên mặt phẳng toạ độ; xác định được một điểm trên mặt phẳng toạ độ khi biết toạ độ của nó.

 – Nhận biết được đồ thị hàm số.

Hàm số bậc nhất y = ax + b (a ≠ 0) và đồ thị. Hệ số góc của đường thẳng y = ax + b (a ≠ 0). – Thiết lập được bảng giá trị của hàm số bậc nhất y = ax + b (a ≠ 0).

 – Vẽ được đồ thị của hàm số bậc nhất y = ax + b (a ≠ 0).

 – Nhận biết được khái niệm hệ số góc của đường thẳng y = ax + b (a ≠ 0).

 – Sử dụng được hệ số góc của đường thẳng để nhận biết và giải thích được sự cắt nhau hoặc song song của hai đường thẳng cho trước.

 – Vận dụng được hàm số bậc nhất và đồ thị vào giải quyết một số bài toán thực tiễn (ví dụ: bài toán về chuyển động đều trong Vật lí,…).

Phương trình Phương trình bậc nhất – Hiểu được khái niệm phương trình bậc nhất một ẩn và cách giải.

 – Giải quyết được một số vấn đề thực tiễn gắn với phương trình bậc nhất (ví dụ: các bài toán liên quan đến chuyển động trong Vật lí, các bài toán liên quan đến Hoá học,…).

HÌNH HỌC VÀ ĐO LƯỜNG
Hình học trực quan
Các hình khối trong thực tiễn Hình chóp tam giác đều, hình chóp tứ giác đều – Mô tả (đỉnh, mặt đáy, mặt bên, cạnh bên), tạo lập được hình chóp tam giác đều và hình chóp tứ giác đều.

 – Tính được diện tích xung quanh, thể tích của một hình chóp tam giác đều và hình chóp tứ giác đều.

 – Giải quyết được một số vấn đề thực tiễn gắn với việc tính thể tích, diện tích xung quanh của hình chóp tam giác đều và hình chóp tứ giác đều (ví dụ: tính thể tích hoặc diện tích xung quanh của một số đồ vật quen thuộc có dạng hình chóp tam giác đều và hình chóp tứ giác đều,…).

Hình học phẳng
Định lí Pythagore Định lí Pythagore – Giải thích được định lí Pythagore.

 – Tính được độ dài cạnh trong tam giác vuông bằng cách sử dụng định lí Pythagore.

 – Giải quyết được một số vấn đề thực tiễn gắn với việc vận dụng định lí Pythagore (ví dụ: tính khoảng cách giữa hai vị trí).

Tứ giác Tứ giác – Mô tả được tứ giác, tứ giác lồi.

 – Giải thích được định lí về tổng các góc trong một tứ giác lồi bằng 360o.

Tính chất và dấu hiệu nhận biết các tứ giác đặc biệt – Giải thích được tính chất về góc kề một đáy, cạnh bên, đường chéo của hình thang cân.

 – Nhận biết được dấu hiệu để một hình thang là hình thang cân (ví dụ: hình thang có hai đường chéo bằng nhau là hình thang cân).

 – Giải thích được tính chất về cạnh đối, góc đối, đường chéo của hình bình hành.

 – Nhận biết được dấu hiệu để một tứ giác là hình bình hành (ví dụ: tứ giác có hai đường chéo cắt nhau tại trung điểm của mỗi đường là hình bình hành).

 – Giải thích được tính chất về hai đường chéo của hình chữ nhật.

 – Nhận biết được dấu hiệu để một hình bình hành là hình chữ nhật (ví dụ: hình bình hành có hai đường chéo bằng nhau là hình chữ nhật).

 – Giải thích được tính chất về đường chéo của hình thoi.

 – Nhận biết được dấu hiệu để một hình bình hành là hình thoi (ví dụ: hình bình hành có hai đường chéo vuông góc với nhau là hình thoi).

 – Giải thích được tính chất về hai đường chéo của hình vuông.

 – Nhận biết được dấu hiệu để một hình chữ nhật là hình vuông (ví dụ: hình chữ nhật có hai đường chéo vuông góc với nhau là hình vuông).

Định lí Thalès trong tam giác Định lí Thalès trong tam giác – Giải thích được định lí Thalès trong tam giác (định lí thuận và đảo).

 – Mô tả được định nghĩa đường trung bình của tam giác. Giải thích được tính chất đường trung bình của tam giác (đường trung bình của tam giác thì song song với cạnh thứ ba và bằng nửa cạnh đó).

 – Giải thích được tính chất đường phân giác trong của tam giác.

 – Tính được độ dài đoạn thẳng bằng cách sử dụng định lí Thalès.

 – Giải quyết được một số vấn đề thực tiễn gắn với việc vận dụng định lí Thalès (ví dụ: tính khoảng cách giữa hai vị trí).

Hình đồng dạng Tam giác đồng dạng – Mô tả được định nghĩa của hai tam giác đồng dạng.

 – Giải thích được các trường hợp đồng dạng của hai tam giác, của hai tam giác vuông.

 – Giải quyết được một số vấn đề thực tiễn gắn với việc vận dụng kiến thức về hai tam giác đồng dạng (ví dụ: tính độ dài đường cao hạ xuống cạnh huyền trong tam giác vuông bằng cách sử dụng mối quan hệ giữa đường cao đó với tích của hai hình chiếu của hai cạnh góc vuông lên cạnh huyền; đo gián tiếp chiều cao của vật; tính khoảng cách giữa hai vị trí trong đó có một vị trí không thể tới được,…).

Hình đồng dạng – Nhận biết được hình đồng dạng phối cảnh (hình vị tự), hình đồng dạng qua các hình ảnh cụ thể.

 – Nhận biết được vẻ đẹp trong tự nhiên, nghệ thuật, kiến trúc, công nghệ chế tạo,… biểu hiện qua hình đồng dạng.

Thực hành trong phòng máy tính với phần mềm toán học (nếu nhà trường có điều kiện thực hiện)
– Sử dụng phần mềm để hỗ trợ việc học các kiến thức hình học.

 – Thực hành sử dụng phần mềm để vẽ hình và thiết kế đồ hoạ liên quan đến hình đồng dạng.

MỘT SỐ YẾU TỐ THỐNG KÊ VÀ XÁC SUẤT
Một số yếu tố thống kê
Thu thập và tổ chức dữ liệu Thu thập, phân loại, tổ chức dữ liệu theo các tiêu chí cho trước – Thực hiện và lí giải được việc thu thập, phân loại dữ liệu theo các tiêu chí cho trước từ nhiều nguồn khác nhau: văn bản; bảng biểu; kiến thức trong các lĩnh vực giáo dục khác (Địa lí, Lịch sử, Giáo dục môi trường, Giáo dục tài chính,…); phỏng vấn, truyền thông, Internet; thực tiễn (môi trường, tài chính, y tế, giá cả thị trường,…).

 – Chứng tỏ được tính hợp lí của dữ liệu theo các tiêu chí toán học đơn giản (ví dụ: tính hợp lí trong các số liệu điều tra; tính hợp lí của các quảng cáo,…).

Mô tả và biểu diễn dữ liệu trên các bảng, biểu đồ – Lựa chọn và biểu diễn được dữ liệu vào bảng, biểu đồ thích hợp ở dạng: bảng thống kê; biểu đồ tranh; biểu đồ dạng cột/cột kép (column chart), biểu đồ hình quạt tròn (cho sẵn) (pie chart); biểu đồ đoạn thẳng (line graph).

 – Nhận biết được mối liên hệ toán học đơn giản giữa các số liệu đã được biểu diễn. Từ đó, nhận biết được số liệu không chính xác trong những ví dụ đơn giản.

 – So sánh được các dạng biểu diễn khác nhau cho một tập dữ liệu.

 – Mô tả được cách chuyển dữ liệu từ dạng biểu diễn này sang dạng biểu diễn khác.

Phân tích và xử lí dữ liệu Hình thành và giải quyết vấn đề đơn giản xuất hiện từ các số liệu và biểu đồ thống kê đã có – Phát hiện được vấn đề hoặc quy luật đơn giản dựa trên phân tích các số liệu thu được ở dạng: bảng thống kê; biểu đồ tranh; biểu đồ dạng cột/cột kép (column chart), biểu đồ hình quạt tròn (pie chart); biểu đồ đoạn thẳng (line graph).

 – Giải quyết được những vấn đề đơn giản liên quan đến các số liệu thu được ở dạng: bảng thống kê; biểu đồ tranh; biểu đồ dạng cột/cột kép (column chart), biểu đồ hình quạt tròn (pie chart); biểu đồ đoạn thẳng (line graph).

 – Nhận biết được mối liên hệ giữa thống kê với những kiến thức trong các môn học khác trong Chương trình lớp 8 (ví dụ: Lịch sử và Địa lí lớp 8, Khoa học tự nhiên lớp 8,…) và trong thực tiễn.

Một số yếu tố xác suất
Một số yếu tố xác suất Mô tả xác suất của biến cố ngẫu nhiên trong một số ví dụ đơn giản. Mối liên hệ giữa xác suất thực nghiệm của một biến cố với xác suất của biến cố đó – Sử dụng được tỉ số để mô tả xác suất của một biến cố ngẫu nhiên trong một số ví dụ đơn giản.

 – Nhận biết được mối liên hệ giữa xác suất thực nghiệm của một biến cố với xác suất của biến cố đó thông qua một số ví dụ đơn giản.

Thực hành trong phòng máy tính với phần mềm toán học (nếu nhà trường có điều kiện thực hiện)

 – Sử dụng được phần mềm để vẽ biểu đồ.

 – Sử dụng được phần mềm để xác định được tần số.

 – Sử dụng được phần mềm mô tả thí nghiệm ngẫu nhiên.

HOẠT ĐỘNG THỰC HÀNH VÀ TRẢI NGHIỆM
Nhà trường tổ chức cho học sinh một số hoạt động sau và có thể bổ sung các hoạt động khác tuỳ vào điều kiện cụ thể.

 Hoạt động 1: Tìm hiểu một số kiến thức về tài chính như:

 – Lập kế hoạch chi tiêu của bản thân.

 – Làm quen với bài toán về đầu tư cá nhân (xác định vốn đầu tư để đạt được lãi suất mong đợi).

 – Hiểu được các bản sao kê của ngân hàng (bản sao kê thật hoặc ví dụ) để xác định giao dịch và theo dõi thu nhập và chi tiêu; lựa chọn hình thức thanh toán phù hợp.

 Hoạt động 2: Thực hành ứng dụng các kiến thức toán học vào thực tiễn và các chủ đề liên môn, chẳng hạn:

 – Vận dụng kiến thức Đại số để giải thích một số quy tắc trong Hoá học, Sinh học. Ví dụ: Ứng dụng phương trình bậc nhất trong các bài toán về xác định nồng độ phần trăm.

 Hoạt động 3: Tổ chức các hoạt động ngoài giờ chính khoá như thực hành ngoài lớp học, dự án học tập, các trò chơi học toán, cuộc thi về Toán, chẳng hạn:

 – Tìm kiếm hoặc thực hành tạo dựng các đoạn video về ứng dụng của hình chóp, hình đồng dạng phối cảnh trong thế giới tự nhiên.

 – Vận dụng kiến thức về tam giác đồng dạng và định lí Pythagore trong thực tiễn (ví dụ: đo khoảng cách giữa hai vị trí mà giữa chúng có vật cản hoặc chỉ đến được một trong hai vị trí).

 – Thực hành tính diện tích, thể tích của một số hình, khối trong thực tế.

 Hoạt động 4 (nếu nhà trường có điều kiện thực hiện): Tổ chức giao lưu với học sinh có khả năng và yêu thích môn Toán trong trường và trường bạn.

 LỚP 9

Nội dung Yêu cầu cần đạt
SỐ VÀ ĐẠI SỐ
Đại số
Căn thức Căn bậc hai và căn bậc ba của số thực – Nhận biết được khái niệm về căn bậc hai của số thực không âm, căn bậc ba của một số thực.

 – Tính được giá trị (đúng hoặc gần đúng) căn bậc hai, căn bậc ba của một số hữu tỉ bằng máy tính cầm tay.

 – Thực hiện được một số phép tính đơn giản về căn bậc hai của số thực không âm (căn bậc hai của một bình phương, căn bậc hai của một tích, căn bậc hai của một thương, đưa thừa số ra ngoài dấu căn bậc hai, đưa thừa số vào trong dấu căn bậc hai).

Căn thức bậc hai và căn thức bậc ba của biểu thức đại số – Nhận biết được khái niệm về căn thức bậc hai và căn thức bậc ba của một biểu thức đại số.

 – Thực hiện được một số phép biến đổi đơn giản về căn thức bậc hai của biểu thức đại số (căn thức bậc hai của một bình phương, căn thức bậc hai của một tích, căn thức bậc hai của một thương, trục căn thức ở mẫu).

Hàm số và đồ thị Hàm số y = ax2 (a ≠ 0) và đồ thị – Thiết lập được bảng giá trị của hàm số y = ax2 (a ≠ 0).

 – Vẽ được đồ thị của hàm số y = ax2 (a ≠ 0).

 – Nhận biết được tính đối xứng (trục) và trục đối xứng của đồ thị hàm số y = ax2 (a ≠ 0).

 – Giải quyết được một số vấn đề thực tiễn gắn với hàm số y = ax2 (a ≠ 0) và đồ thị (ví dụ: các bài toán liên quan đến chuyển động trong Vật lí,…).

Phương trình và hệ phương trình Phương trình quy về phương trình bậc nhất một ẩn – Giải được phương trình tích có dạng (a1x + b1).(a2x + b2) = 0.

 – Giải được phương trình chứa ẩn ở mẫu quy về phương trình bậc nhất.

Phương trình và hệ phương trình bậc nhất hai ẩn – Nhận biết được khái niệm phương trình bậc nhất hai ẩn, hệ hai phương trình bậc nhất hai ẩn.

 – Nhận biết được khái niệm nghiệm của hệ hai phương trình bậc nhất hai ẩn.

 – Giải được hệ hai phương trình bậc nhất hai ẩn.

 – Tính được nghiệm của hệ hai phương trình bậc nhất hai ẩn bằng máy tính cầm tay.

 – Giải quyết được một số vấn đề thực tiễn gắn với hệ hai phương trình bậc nhất hai ẩn (ví dụ: các bài toán liên quan đến cân bằng phản ứng trong Hoá học,…).

Phương trình bậc hai một ẩn. Định lí Viète – Nhận biết được khái niệm phương trình bậc hai một ẩn. Giải được phương trình bậc hai một ẩn.

 – Tính được nghiệm phương trình bậc hai một ẩn bằng máy tính cầm tay.

 – Giải thích được định lí Viète và ứng dụng (ví dụ: tính nhẩm nghiệm của phương trình bậc hai, tìm hai số biết tổng và tích của chúng,…).

 – Vận dụng được phương trình bậc hai vào giải quyết bài toán thực tiễn.

Bất phương trình bậc nhất một ẩn Bất đẳng thức. Bất phương trình bậc nhất một ẩn – Nhận biết được thứ tự trên tập hợp các số thực.

 – Nhận biết được bất đẳng thức và mô tả được một số tính chất cơ bản của bất đẳng thức (tính chất bắc cầu; liên hệ giữa thứ tự và phép cộng, phép nhân).

 – Nhận biết được khái niệm bất phương trình bậc nhất một ẩn, nghiệm của bất phương trình bậc nhất một ẩn.

 – Giải được bất phương trình bậc nhất một ẩn.

HÌNH HỌC VÀ ĐO LƯỜNG
Hình học trực quan
Các hình khối trong thực tiễn Hình trụ. Hình nón. Hình cầu – Mô tả (đường sinh, chiều cao, bán kính đáy), tạo lập được hình trụ.

 – Mô tả (đỉnh, đường sinh, chiều cao, bán kính đáy), tạo lập được hình nón.

 – Mô tả (tâm, bán kính), tạo lập được hình cầu, mặt cầu. Nhận biết được phần chung của mặt phẳng và hình cầu.

 – Tính được diện tích xung quanh của hình trụ, hình nón, diện tích mặt cầu.

 – Tính được thể tích của hình trụ, hình nón, hình cầu.

 – Giải quyết được một số vấn đề thực tiễn gắn với việc tính diện tích xung quanh, thể tích của hình trụ, hình nón, hình cầu (ví dụ: tính thể tích hoặc diện tích xung quanh của một số đồ vật quen thuộc có dạng hình trụ, hình nón, hình cầu,…).

Hình học phẳng
Hệ thức lượng trong tam giác vuông Tỉ số lượng giác của góc nhọn. Một số hệ thức về cạnh và góc trong tam giác vuông – Nhận biết được các giá trị sin (sine), côsin (cosine), tang (tangent), côtang (cotangent) của góc nhọn.

 – Giải thích được tỉ số lượng giác của các góc nhọn đặc biệt (góc 30o, 45o, 60o) và của hai góc phụ nhau.

 – Tính được giá trị (đúng hoặc gần đúng) tỉ số lượng giác của góc nhọn bằng máy tính cầm tay.

 – Giải thích được một số hệ thức về cạnh và góc trong tam giác vuông (cạnh góc vuông bằng cạnh huyền nhân với sin góc đối hoặc nhân với côsin góc kề; cạnh góc vuông bằng cạnh góc vuông kia nhân với tang góc đối hoặc nhân với côtang góc kề).

 – Giải quyết được một số vấn đề thực tiễn gắn với tỉ số lượng giác của góc nhọn (ví dụ: Tính độ dài đoạn thẳng, độ lớn góc và áp dụng giải tam giác vuông,…).

Đường tròn Đường tròn. Vị trí tương đối của hai đường tròn – Nhận biết được tâm đối xứng, trục đối xứng của đường tròn.

 – So sánh được độ dài của đường kính và dây.

 – Mô tả được ba vị trí tương đối của hai đường tròn (hai đường tròn cắt nhau, hai đường tròn tiếp xúc nhau, hai đường tròn không giao nhau).

Vị trí tương đối của đường thẳng và đường tròn. Tiếp tuyến của đường tròn – Mô tả được ba vị trí tương đối của đường thẳng và đường tròn (đường thẳng và đường tròn cắt nhau, đường thẳng và đường tròn tiếp xúc nhau, đường thẳng và đường tròn không giao nhau).

 – Giải thích được dấu hiệu nhận biết tiếp tuyến của đường tròn và tính chất của hai tiếp tuyến cắt nhau.

Góc ở tâm, góc nội tiếp – Nhận biết được góc ở tâm, góc nội tiếp.

 – Giải thích được mối liên hệ giữa số đo của cung với số đo góc ở tâm, số đo góc nội tiếp.

 – Giải thích được mối liên hệ giữa số đo góc nội tiếp và số đo góc ở tâm cùng chắn một cung.

Đường tròn ngoại tiếp tam giác. Đường tròn nội tiếp tam giác – Nhận biết được định nghĩa đường tròn ngoại tiếp tam giác.

 – Xác định được tâm và bán kính đường tròn ngoại tiếp tam giác, trong đó có tâm và bán kính đường tròn ngoại tiếp tam giác vuông, tam giác đều.

 – Nhận biết được định nghĩa đường tròn nội tiếp tam giác.

 – Xác định được tâm và bán kính đường tròn nội tiếp tam giác, trong đó có tâm và bán kính đường tròn nội tiếp tam giác đều.

Tứ giác nội tiếp – Nhận biết được tứ giác nội tiếp đường tròn và giải thích được định lí về tổng hai góc đối của tứ giác nội tiếp bằng 180o.

 – Xác định được tâm và bán kính đường tròn ngoại tiếp hình chữ nhật, hình vuông.

 – Tính được độ dài cung tròn, diện tích hình quạt tròn, diện tích hình vành khuyên (hình giới hạn bởi hai đường tròn đồng tâm).

 – Giải quyết được một số vấn đề thực tiễn gắn với đường tròn (ví dụ: một số bài toán liên quan đến chuyển động tròn trong Vật lí; tính được diện tích một số hình phẳng có thể đưa về những hình phẳng gắn với hình tròn, chẳng hạn hình viên phân,…).

Đa giác đều Đa giác đều – Nhận dạng được đa giác đều.

 – Nhận biết được phép quay.

 – Mô tả được các phép quay giữ nguyên hình đa giác đều.

 – Nhận biết được những hình phẳng đều trong tự nhiên, nghệ thuật, kiến trúc, công nghệ chế tạo,…

 – Nhận biết được vẻ đẹp của thế giới tự nhiên biểu hiện qua tính đều.

Thực hành trong phòng máy tính với phần mềm toán học (nếu nhà trường có điều kiện thực hiện)
– Sử dụng phần mềm để hỗ trợ việc học các kiến thức hình học.

 – Thực hành sử dụng phần mềm để vẽ hình và thiết kế đồ hoạ liên quan đến đường tròn, tam giác vuông, đa giác đều.

MỘT SỐ YẾU TỐ THỐNG KÊ VÀ XÁC SUẤT
Một số yếu tố thống kê
Thu thập và tổ chức dữ liệu Mô tả và biểu diễn dữ liệu trên các bảng, biểu đồ – Lí giải và thiết lập được dữ liệu vào bảng, biểu đồ thích hợp ở dạng: bảng thống kê; biểu đồ tranh; biểu đồ dạng cột/cột kép (column chart), biểu đồ hình quạt tròn (pie chart); biểu đồ đoạn thẳng (line graph).

 – Phát hiện và lí giải được số liệu không chính xác dựa trên mối liên hệ toán học đơn giản giữa các số liệu đã được biểu diễn trong những ví dụ đơn giản.

 – Lí giải và thực hiện được cách chuyển dữ liệu từ dạng biểu diễn này sang dạng biểu diễn khác.

Phân tích và xử lí dữ liệu Bảng tần số, biểu đồ tần số. – Xác định được tần số (frequency) của một giá trị.
Bảng tần số tương đối, biểu đồ tần số tương đối – Thiết lập được bảng tần số, biểu đồ tần số (biểu diễn các giá trị và tần số của chúng ở dạng biểu đồ cột hoặc biểu đồ đoạn thẳng).

 – Giải thích được ý nghĩa và vai trò của tần số trong thực tiễn.

 – Xác định được tần số tương đối (relative frequency) của một giá trị.

 – Thiết lập được bảng tần số tương đối, biểu đồ tần số tương đối (biểu diễn các giá trị và tần số tương đối của chúng ở dạng biểu đồ cột hoặc biểu đồ hình quạt tròn).

 – Giải thích được ý nghĩa và vai trò của tần số tương đối trong thực tiễn.

 – Thiết lập được bảng tần số ghép nhóm, bảng tần số tương đối ghép nhóm.

 – Thiết lập được biểu đồ tần số tương đối ghép nhóm (histogram) (ở dạng biểu đồ cột hoặc biểu đồ đoạn thẳng).

 – Nhận biết được mối liên hệ giữa thống kê với những kiến thức của các môn học khác trong Chương trình lớp 9 và trong thực tiễn.

Một số yếu tố xác suất
Một số yếu tố xác suất Phép thử ngẫu nhiên và không gian mẫu. Xác suất của biến cố trong một số mô hình xác suất đơn giản – Nhận biết được phép thử ngẫu nhiên và không gian mẫu.

 – Tính được xác suất của biến cố bằng cách kiểm đếm số trường hợp có thể và số trường hợp thuận lợi trong một số mô hình xác suất đơn giản.

Thực hành trong phòng máy tính với phần mềm toán học (nếu nhà trường có điều kiện thực hiện)
– Sử dụng được phần mềm để vẽ bảng tần số, biểu đồ tần số, bảng tần số tương đối, biểu đồ tần số tương đối.

 – Sử dụng được phần mềm mô tả thí nghiệm ngẫu nhiên.

HOẠT ĐỘNG THỰC HÀNH VÀ TRẢI NGHIỆM
Nhà trường tổ chức cho học sinh một số hoạt động sau và có thể bổ sung các hoạt động khác tuỳ vào điều kiện cụ thể.

 Hoạt động 1: Tìm hiểu một số kiến thức về tài chính như:

 – Thực hành lập kế hoạch đầu tư cá nhân.

 – Làm quen với bảo hiểm.

 – Làm quen với bài toán về tăng trưởng (xác định vốn đầu tư để đạt được tỉ lệ tăng trưởng mong đợi).

 Hoạt động 2: Thực hành ứng dụng các kiến thức toán học vào thực tiễn và các chủ đề liên môn, chẳng hạn:

 – Vận dụng kiến thức về hệ phương trình bậc nhất hai ẩn trong bài toán cân bằng hệ số ở phương trình hoá học.

 – Vận dụng kiến thức về xác suất trong việc tính xác suất kết quả đời con của các phép lai.

 Hoạt động 3: Tổ chức các hoạt động ngoài giờ chính khoá như thực hành ngoài lớp học, dự án học tập, các trò chơi học toán, cuộc thi về Toán, chẳng hạn:

 – Vận dụng kiến thức về tỉ số lượng giác trong thực tiễn (ví dụ: đo khoảng cách giữa hai vị trí mà giữa chúng có vật cản hoặc chỉ đến được một trong hai vị trí).

 – Vận dụng các công thức tính diện tích, thể tích vào thực tiễn: đo đạc và tính diện tích, thể tích của các hình khối trong khuôn viên của trường có liên quan đến hình trụ, hình nón, hình cầu.

 – Tìm kiếm hoặc thực hành tạo dựng các đoạn video liên quan đến đường tròn, tam giác vuông, đa giác đều và phép quay.

 Hoạt động 4 (nếu nhà trường có điều kiện thực hiện): Tổ chức giao lưu với các chuyên gia nhằm hiểu nhiều hơn về vai trò của Toán học trong thực tiễn và trong các ngành nghề.

 LỚP 10

Nội dung Yêu cầu cần đạt
ĐẠI SỐ VÀ MỘT SỐ YẾU TỐ GIẢI TÍCH
Đại số
Tập hợp. Mệnh đề Mệnh đề toán học. Mệnh đề phủ định. Mệnh đề đảo. Mệnh đề tương đương. Điều kiện cần và đủ. – Thiết lập và phát biểu được các mệnh đề toán học, bao gồm: mệnh đề phủ định; mệnh đề đảo; mệnh đề tương đương; mệnh đề có chứa kí hiệu “, $; điều kiện cần, điều kiện đủ, điều kiện cần và đủ.

 – Xác định được tính đúng/sai của một mệnh đề toán học trong những trường hợp đơn giản.

Tập hợp. Các phép toán trên tập hợp – Nhận biết được các khái niệm cơ bản về tập hợp (tập con, hai tập hợp bằng nhau, tập rỗng) và biết sử dụng các kí hiệu Ì, É, Æ.

 – Thực hiện được phép toán trên các tập hợp (hợp, giao, hiệu của hai tập hợp, phần bù của một tập con) và biết dùng biểu đồ Ven để biểu diễn chúng trong những trường hợp cụ thể.

 – Giải quyết được một số vấn đề thực tiễn gắn với phép toán trên tập hợp (ví dụ: những bài toán liên quan đến đếm số phần tử của hợp các tập hợp,…).

Bất phương trình và hệ bất phương trình bậc nhất hai ẩn Bất phương trình, hệ bất phương trình bậc nhất hai ẩn và ứng dụng – Nhận biết được bất phương trình và hệ bất phương trình bậc nhất hai ẩn.

 – Biểu diễn được miền nghiệm của bất phương trình và hệ bất phương trình bậc nhất hai ẩn trên mặt phẳng toạ độ.

 – Vận dụng được kiến thức về bất phương trình, hệ bất phương trình bậc nhất hai ẩn vào giải quyết bài toán thực tiễn (ví dụ: bài toán tìm cực trị của biểu thức F = ax + by trên một miền đa giác,…).

Hàm số và đồ thị Khái niệm cơ bản về hàm số và đồ thị – Nhận biết được những mô hình thực tế (dạng bảng, biểu đồ, công thức) dẫn đến khái niệm hàm số.

 – Mô tả được các khái niệm cơ bản về hàm số: định nghĩa hàm số, tập xác định, tập giá trị, hàm số đồng biến, hàm số nghịch biến, đồ thị của hàm số.

 – Mô tả được các đặc trưng hình học của đồ thị hàm số đồng biến, hàm số nghịch biến.

 – Vận dụng được kiến thức của hàm số vào giải quyết bài toán thực tiễn (ví dụ: xây dựng hàm số bậc nhất trên những khoảng khác nhau để tính số tiền y (phải trả) theo số phút gọi x đối với một gói cước điện thoại,…).

Hàm số bậc hai, đồ thị hàm số bậc hai và ứng dụng – Thiết lập được bảng giá trị của hàm số bậc hai.

 – Vẽ được Parabola (parabol) là đồ thị hàm số bậc hai.

 – Nhận biết được các tính chất cơ bản của Parabola như đỉnh, trục đối xứng.

 – Nhận biết và giải thích được các tính chất của hàm số bậc hai thông qua đồ thị.

 – Vận dụng được kiến thức về hàm số bậc hai và đồ thị vào giải quyết bài toán thực tiễn (ví dụ: xác định độ cao của cầu, cổng có hình dạng Parabola,…).

Dấu của tam thức bậc hai. Bất phương trình bậc hai một ẩn – Giải thích được định lí về dấu của tam thức bậc hai từ việc quan sát đồ thị của hàm bậc hai.

 – Giải được bất phương trình bậc hai.

 – Vận dụng được bất phương trình bậc hai một ẩn vào giải quyết bài toán thực tiễn (ví dụ: xác định chiều cao tối đa để xe có thể qua hầm có hình dạng Parabola,…).

Phương trình quy về phương trình bậc hai – Giải được phương trình chứa căn thức có dạng:
Đại số tổ hợp Các quy tắc đếm (quy tắc cộng, quy tắc nhân, chỉnh hợp, hoán vị, tổ hợp) và ứng dụng trong thực tiễn – Vận dụng được quy tắc cộng và quy tắc nhân trong một số tình huống đơn giản (ví dụ: đếm số khả năng xuất hiện mặt sấp/ngửa khi tung một số đồng xu,…).

 – Vận dụng được sơ đồ hình cây trong các bài toán đếm đơn giản các đối tượng trong Toán học, trong các môn học khác cũng như trong thực tiễn (ví dụ: đếm số hợp tử tạo thành trong Sinh học, hoặc đếm số trận đấu trong một giải thể thao,…).

 – Tính được số các hoán vị, chỉnh hợp, tổ hợp.

 – Tính được số các hoán vị, chỉnh hợp, tổ hợp bằng máy tính cầm tay.

Nhị thức Newton với số mũ không quá 5 Khai triển được nhị thức Newton (a + b)n với số mũ thấp (n = 4 hoặc n = 5) bằng cách vận dụng tổ hợp.
Thực hành trong phòng máy tính với phần mềm toán học (nếu nhà trường có điều kiện thực hiện)
– Sử dụng phần mềm để hỗ trợ việc học các kiến thức đại số.

 – Thực hành sử dụng phần mềm để vẽ đồ thị của hàm số bậc hai; sử dụng đồ thị để tạo các hình ảnh hoa văn, hình khối.

HÌNH HỌC VÀ ĐO LƯỜNG
Hình học phẳng
Hệ thức lượng trong tam giác. Vectơ Hệ thức lượng trong tam giác. Định lí côsin. Định lí sin. Công thức tính diện tích tam giác. Giải tam giác – Nhận biết được giá trị lượng giác của một góc từ 0o đến 180o.

 – Tính được giá trị lượng giác (đúng hoặc gần đúng) của một góc từ 0đến 180o bằng máy tính cầm tay.

 – Giải thích được hệ thức liên hệ giữa giá trị lượng giác của các góc phụ nhau, bù nhau.

 – Giải thích được các hệ thức lượng cơ bản trong tam giác: định lí côsin, định lí sin, công thức tính diện tích tam giác.

 – Mô tả được cách giải tam giác và vận dụng được vào việc giải một số bài toán có nội dung thực tiễn (ví dụ: xác định khoảng cách giữa hai địa điểm khi gặp vật cản, xác định chiều cao của vật khi không thể đo trực tiếp,…).

Vectơ, các phép toán (tổng và hiệu hai vectơ, tích của một số với vectơ, tích vô hướng của hai vectơ) và một số ứng dụng trong Vật lí – Nhận biết được khái niệm vectơ, vectơ bằng nhau, vectơ-không.

 – Biểu thị được một số đại lượng trong thực tiễn bằng vectơ.

 – Thực hiện được các phép toán trên vectơ (tổng và hiệu hai vectơ, tích của một số với vectơ, tích vô hướng của hai vectơ) và mô tả được những tính chất hình học (ba điểm thẳng hàng, trung điểm của đoạn thẳng, trọng tâm của tam giác,…) bằng vectơ.

 – Sử dụng được vectơ và các phép toán trên vectơ để giải thích một số hiện tượng có liên quan đến Vật lí và Hoá học (ví dụ: những vấn đề liên quan đến lực, đến chuyển động,…).

 – Vận dụng được kiến thức về vectơ để giải một số bài toán hình học và một số bài toán liên quan đến thực tiễn (ví dụ: xác định lực tác dụng lên vật,…).

Phương pháp toạ độ trong mặt phẳng Toạ độ của vectơ đối với một hệ trục toạ độ. Biểu thức toạ độ của các phép toán vectơ. Ứng dụng vào bài toán giải tam giác – Nhận biết được toạ độ của vectơ đối với một hệ trục toạ độ.

 – Tìm được toạ độ của một vectơ, độ dài của một vectơ khi biết toạ độ hai đầu mút của nó.

 – Sử dụng được biểu thức toạ độ của các phép toán vectơ trong tính toán.

 – Vận dụng được phương pháp toạ độ vào bài toán giải tam giác.

 – Vận dụng được kiến thức về toạ độ của vectơ để giải một số bài toán liên quan đến thực tiễn (ví dụ: vị trí của vật trên mặt phẳng toạ độ,…).

Đường thẳng trong mặt phẳng toạ độ. Phương trình tổng quát và phương trình tham số của đường thẳng. Khoảng cách từ một điểm đến một đường thẳng – Mô tả được phương trình tổng quát và phương trình tham số của đường thẳng trong mặt phẳng toạ độ.

 – Thiết lập được phương trình của đường thẳng trong mặt phẳng khi biết: một điểm và một vectơ pháp tuyến; biết một điểm và một vectơ chỉ phương; biết hai điểm.

 – Nhận biết được hai đường thẳng cắt nhau, song song, trùng nhau, vuông góc với nhau bằng phương pháp toạ độ.

 – Thiết lập được công thức tính góc giữa hai đường thẳng.

 – Tính được khoảng cách từ một điểm đến một đường thẳng bằng phương pháp toạ độ.

 – Giải thích được mối liên hệ giữa đồ thị hàm số bậc nhất và đường thẳng trong mặt phẳng toạ độ.

 – Vận dụng được kiến thức về phương trình đường thẳng để giải một số bài toán có liên quan đến thực tiễn.

Đường tròn trong mặt phẳng toạ độ và ứng dụng – Thiết lập được phương trình đường tròn khi biết toạ độ tâm và bán kính; biết toạ độ ba điểm mà đường tròn đi qua; xác định được tâm và bán kính đường tròn khi biết phương trình của đường tròn.

 – Thiết lập được phương trình tiếp tuyến của đường tròn khi biết toạ độ của tiếp điểm.

 – Vận dụng được kiến thức về phương trình đường tròn để giải một số bài toán liên quan đến thực tiễn (ví dụ: bài toán về chuyển động tròn trong Vật lí,…).

Ba đường conic trong mặt phẳng toạ độ và ứng dụng – Nhận biết được ba đường conic bằng hình học.

 – Nhận biết được phương trình chính tắc của ba đường conic trong mặt phẳng toạ độ.

 – Giải quyết được một số vấn đề thực tiễn gắn với ba đường conic (ví dụ: giải thích một số hiện tượng trong Quang học,…).

Thực hành trong phòng máy tính với phần mềm toán học (nếu nhà trường có điều kiện thực hiện)
– Sử dụng phần mềm để hỗ trợ việc học các kiến thức hình học.

 – Thực hành sử dụng phần mềm để biểu thị điểm, vectơ, các phép toán vectơ trong hệ trục toạ độ Oxy.

 – Thực hành sử dụng phần mềm để vẽ đường thẳng, đường tròn, các đường conic trên mặt phẳng toạ độ; xem xét sự thay đổi hình dạng của các hình khi thay đổi các yếu tố trong phương trình xác định chúng.

 – Thực hành sử dụng phần mềm để thiết kế đồ hoạ liên quan đến đường tròn và các đường conic.

THỐNG KÊ VÀ XÁC SUẤT
Thống kê
Số gần đúng Số gần đúng. Sai số – Hiểu được khái niệm số gần đúng, sai số tuyệt đối.

 – Xác định được số gần đúng của một số với độ chính xác cho trước.

 – Xác định được sai số tương đối của số gần đúng.

 – Xác định được số quy tròn của số gần đúng với độ chính xác cho trước.

 – Biết sử dụng máy tính cầm tay để tính toán với các số gần đúng.

Thu thập và tổ chức dữ liệu Mô tả và biểu diễn dữ liệu trên các bảng, biểu đồ Phát hiện và lí giải được số liệu không chính xác dựa trên mối liên hệ toán học đơn giản giữa các số liệu đã được biểu diễn trong nhiều ví dụ.
Phân tích và xử lí dữ liệu Các số đặc trưng đo xu thế trung tâm cho mẫu số liệu không ghép nhóm – Tính được số đặc trưng đo xu thế trung tâm cho mẫu số liệu không ghép nhóm: số trung bình cộng (hay số trung bình), trung vị (median), tứ phân vị (quartiles), mốt (mode).

 – Giải thích được ý nghĩa và vai trò của các số đặc trưng nói trên của mẫu số liệu trong thực tiễn.

 – Chỉ ra được những kết luận nhờ ý nghĩa của số đặc trưng nói trên của mẫu số liệu trong trường hợp đơn giản.

Các số đặc trưng đo mức độ phân tán cho mẫu số liệu không ghép nhóm – Tính được số đặc trưng đo mức độ phân tán cho mẫu số liệu không ghép nhóm: khoảng biến thiên, khoảng tứ phân vị, phương sai, độ lệch chuẩn.

 – Giải thích được ý nghĩa và vai trò của các số đặc trưng nói trên của mẫu số liệu trong thực tiễn.

 – Chỉ ra được những kết luận nhờ ý nghĩa của số đặc trưng nói trên của mẫu số liệu trong trường hợp đơn giản.

 – Nhận biết được mối liên hệ giữa thống kê với những kiến thức của các môn học trong Chương trình lớp 10 và trong thực tiễn.

Xác suất
Khái niệm về xác suất Một số khái niệm về xác suất cổ điển – Nhận biết được một số khái niệm về xác suất cổ điển: phép thử ngẫu nhiên; không gian mẫu; biến cố (biến cố là tập con của không gian mẫu); biến cố đối; định nghĩa cổ điển của xác suất; nguyên lí xác suất bé.

 – Mô tả được không gian mẫu, biến cố trong một số thí nghiệm đơn giản (ví dụ: tung đồng xu hai lần, tung đồng xu ba lần, tung xúc xắc hai lần).

Các quy tắc tính xác suất Thực hành tính toán xác suất trong những trường hợp đơn giản – Tính được xác suất của biến cố trong một số bài toán đơn giản bằng phương pháp tổ hợp (trường hợp xác suất phân bố đều).

 – Tính được xác suất trong một số thí nghiệm lặp bằng cách sử dụng sơ đồ hình cây (ví dụ: tung xúc xắc hai lần, tính xác suất để tổng số chấm xuất hiện trong hai lần tung bằng 7).

Các quy tắc tính xác suất – Mô tả được các tính chất cơ bản của xác suất.

 – Tính được xác suất của biến cố đối.

Thực hành trong phòng máy tính với phần mềm toán học (nếu nhà trường có điều kiện thực hiện)
– Sử dụng phần mềm để hỗ trợ việc học các kiến thức thống kê và xác suất.

 – Thực hành sử dụng phần mềm để tính được số đặc trưng đo xu thế trung tâm và đo mức độ phân tán cho mẫu số liệu không ghép nhóm.

 – Thực hành sử dụng phần mềm để tính xác suất theo định nghĩa cổ điển.

HOẠT ĐỘNG THỰC HÀNH VÀ TRẢI NGHIỆM
Nhà trường tổ chức cho học sinh một số hoạt động sau và có thể bổ sung các hoạt động khác tuỳ vào điều kiện cụ thể.

 Hoạt động 1: Thực hành ứng dụng các kiến thức toán học vào thực tiễn và các chủ đề liên môn, chẳng hạn:

 – Thực hành tổng hợp các hoạt động liên quan đến tính toán, đo lường, ước lượng và tạo lập hình, như: tính tiền khi đi taxi theo các khung giá: dưới 1km, từ 1 – 10km, từ 10 – 31km, trên 31km,…; đo đạc một vài yếu tố của vật thể mà chúng ta không thể dùng dụng cụ đo đạc để đo trực tiếp; tính chiều cao của công trình kiến trúc dạng Parabola (như cầu Nhật Tân, cầu Trường Tiền, cầu Mỹ Thuận,…); giải thích các hiện tượng, quy luật trong Vật lí; thực hành vẽ, cắt hình có dạng Ellipse (elip).

 – Thực hành mô tả và biểu diễn dữ liệu trên các bảng, biểu đồ.

 Hoạt động 2: Tìm hiểu một số kiến thức về tài chính, như:

 – Hiểu sự khác biệt giữa tiết kiệm và đầu tư.

 – Thực hành thiết lập kế hoạch đầu tư cá nhân để đạt được tỉ lệ tăng trưởng như mong đợi.

 Hoạt động 3: Tổ chức các hoạt động ngoài giờ chính khoá như các câu lạc bộ toán học, dự án học tập, trò chơi học toán, cuộc thi về Toán, chẳng hạn: thi tìm hiểu lịch sử toán học, tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ toán học theo các chủ đề (tìm hiểu các ứng dụng của hàm số bậc hai, vectơ trong thực tiễn,…).

 Hoạt động 4 (nếu nhà trường có điều kiện thực hiện): Tổ chức giao lưu học sinh giỏi trong trường và trường bạn, với các chuyên gia nhằm hiểu nhiều hơn về vai trò của Toán học trong thực tiễn và trong các ngành nghề.

 NỘI DUNG CHUYÊN ĐỀ LỚP 10:

 ỨNG DỤNG TOÁN HỌC VÀO GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ LIÊN MÔN VÀ THỰC TIỄN

 Chuyên đề 10.1: Phương pháp quy nạp toán học. Nhị thức Newton.

 Chuyên đề 10.2: Hệ phương trình bậc nhất ba ẩn.

 Chuyên đề 10.3: Ba đường conic và ứng dụng.

Chuyên đề Chủ đề Yêu cầu cần đạt
Chuyên đề 10.1: Phương pháp quy nạp toán học. Nhị thức Newton Phương pháp quy nạp toán học – Mô tả được các bước chứng minh tính đúng đắn của một mệnh đề toán học bằng phương pháp quy nạp.

 – Chứng minh được tính đúng đắn của một mệnh đề toán học bằng phương pháp quy nạp toán học.

 – Vận dụng được phương pháp quy nạp toán học để giải quyết một số vấn đề thực tiễn.

Nhị thức Newton – Khai triển được nhị thức Newton (a + b)n bằng cách vận dụng tổ hợp.

 – Xác định được các hệ số trong nhị thức Newton thông qua tam giác Pascal.

 – Xác định được hệ số của xk trong khai triển (ax + b)n thành đa thức.

Chuyên đề 10.2: Hệ phương trình bậc nhất ba ẩn Hệ phương trình bậc nhất ba ẩn – Nhận biết được khái niệm nghiệm của hệ phương trình bậc nhất ba ẩn.

 – Giải được hệ phương trình bậc nhất ba ẩn bằng phương pháp Gauss.

 – Tìm được nghiệm hệ phương trình bậc nhất ba ẩn bằng máy tính cầm tay.

Vận dụng hệ phương trình bậc nhất ba ẩn để giải một số bài toán liên môn và thực tiễn – Vận dụng được cách giải hệ phương trình bậc nhất ba ẩn vào giải quyết một số bài toán Vật lí (tính điện trở, tính cường độ dòng điện trong dòng điện không đổi,…), Hoá học (cân bằng phản ứng,…), Sinh học (bài tập nguyên phân, giảm phân,…).

 – Vận dụng cách giải hệ phương trình bậc nhất ba ẩn để giải quyết một số vấn đề thực tiễn cuộc sống (ví dụ: bài toán lập kế hoạch sản xuất, mô hình cân bằng thị trường, phân bố vốn đầu tư,…).

Chuyên đề 10.3: Ba đường conic và ứng dụng Ba đường conic và ứng dụng – Xác định được các yếu tố đặc trưng của đường conic (đỉnh, tiêu điểm, tiêu cự, độ dài trục, tâm sai, đường chuẩn, bán kính qua tiêu) khi biết phương trình chính tắc của đường conic đó.

 – Nhận biết được đường conic như là giao của mặt phẳng với mặt nón.

 – Giải quyết được một số vấn đề thực tiễn gắn với ba đường conic (ví dụ: giải thích một số hiện tượng trong Quang học, xác định quỹ đạo chuyển động của các hành tinh trong hệ Mặt Trời,…).

 LỚP 11

Nội dung Yêu cầu cần đạt
ĐẠI SỐ VÀ MỘT SỐ YẾU TỐ GIẢI TÍCH
Đại số
Hàm số lượng giác và phương trình lượng giác Góc lượng giác. Số đo của góc lượng giác. Đường tròn lượng giác. Giá trị lượng giác của góc lượng giác, quan hệ giữa các giá trị lượng giác. Các phép biến đổi lượng giác (công thức cộng; công thức nhân đôi; công thức biến đổi tích thành tổng; công thức biến đổi tổng thành tích) – Nhận biết được các khái niệm cơ bản về góc lượng giác: khái niệm góc lượng giác; số đo của góc lượng giác; hệ thức Chasles cho các góc lượng giác; đường tròn lượng giác.

 – Nhận biết được khái niệm giá trị lượng giác của một góc lượng giác.

 – Mô tả được bảng giá trị lượng giác của một số góc lượng giác thường gặp; hệ thức cơ bản giữa các giá trị lượng giác của một góc lượng giác; quan hệ giữa các giá trị lượng giác của các góc lượng giác có liên quan

 đặc biệt: bù nhau, phụ nhau, đối nhau, hơn kém nhau p.

 – Sử dụng được máy tính cầm tay để tính giá trị lượng giác của một góc lượng giác khi biết số đo của góc đó.

 – Mô tả được các phép biến đổi lượng giác cơ bản: công thức cộng; công thức góc nhân đôi; công thức biến đổi tích thành tổng và công thức biến đổi tổng thành tích.

 – Giải quyết được một số vấn đề thực tiễn gắn với giá trị lượng giác của góc lượng giác và các phép biến đổi lượng giác.

Hàm số lượng giác và đồ thị – Nhận biết được được các khái niệm về hàm số chẵn, hàm số lẻ, hàm số tuần hoàn.

 – Nhận biết được các đặc trưng hình học của đồ thị hàm số chẵn, hàm số lẻ, hàm số tuần hoàn.

 – Nhận biết được được định nghĩa các hàm lượng giác y = sin xy = cos xy = tan xy = cot x thông qua đường tròn lượng giác.

 – Mô tả được bảng giá trị của bốn hàm số lượng giác đó trên một chu kì.

 – Vẽ được đồ thị của các hàm số y = sin xy = cos xy = tan xy = cot x.

 – Giải thích được: tập xác định; tập giá trị; tính chất chẵn, lẻ; tính tuần hoàn; chu kì; khoảng đồng biến, nghịch biến của các hàm số y = sin xy = cos xy = tan xy = cot x dựa vào đồ thị.

 – Giải quyết được một số vấn đề thực tiễn gắn với hàm số lượng giác (ví dụ: một số bài toán có liên quan đến dao động điều hoà trong Vật lí,…).

Phương trình lượng giác cơ bản – Nhận biết được công thức nghiệm của phương trình lượng giác cơ bản: sin x = m; cos x = m; tan x = m; cot x = m bằng cách vận dụng đồ thị hàm số lượng giác tương ứng.

 – Tính được nghiệm gần đúng của phương trình lượng giác cơ bản bằng máy tính cầm tay.

 – Giải được phương trình lượng giác ở dạng vận dụng trực tiếp phương trình lượng giác cơ bản (ví dụ: giải phương trình lượng giác dạng sin 2x = sin 3x, sin x = cos 3x).

 – Giải quyết được một số vấn đề thực tiễn gắn với phương trình lượng giác (ví dụ: một số bài toán liên quan đến dao động điều hòa trong Vật lí,…).

Dãy số. Cấp số cộng. Cấp số nhân Dãy số. Dãy số tăng, dãy số giảm – Nhận biết được dãy số hữu hạn, dãy số vô hạn.

 – Thể hiện được cách cho dãy số bằng liệt kê các số hạng; bằng công thức tổng quát; bằng hệ thức truy hồi; bằng cách mô tả.

 – Nhận biết được tính chất tăng, giảm, bị chặn của dãy số trong những trường hợp đơn giản.

Cấp số cộng. Số hạng tổng quát của cấp số cộng. Tổng của n số hạng đầu tiên của cấp số cộng – Nhận biết được một dãy số là cấp số cộng.

 – Giải thích được công thức xác định số hạng tổng quát của cấp số cộng.

 – Tính được tổng của n số hạng đầu tiên của cấp số cộng.

 – Giải quyết được một số vấn đề thực tiễn gắn với cấp số cộng để giải một số bài toán liên quan đến thực tiễn (ví dụ: một số vấn đề trong Sinh học, trong Giáo dục dân số,…).

Cấp số nhân. Số hạng tổng quát của cấp số nhân. Tổng của n số hạng đầu tiên của cấp số nhân – Nhận biết được một dãy số là cấp số nhân.

 – Giải thích được công thức xác định số hạng tổng quát của cấp số nhân.

 – Tính được tổng của n số hạng đầu tiên của cấp số nhân.

 – Giải quyết được một số vấn đề thực tiễn gắn với cấp số nhân để giải một số bài toán liên quan đến thực tiễn (ví dụ: một số vấn đề trong Sinh học, trong Giáo dục dân số,…).

Một số yếu tố giải tích
Giới hạn. Hàm số liên tục Giới hạn của dãy số. Phép toán giới hạn dãy số. Tổng của một cấp số nhân lùi vô hạn – Nhận biết được khái niệm giới hạn của dãy số.

 – Giải thích được một số giới hạn cơ bản như:  (k Î *)

 (|q| < 1);  với c là hằng số.

 – Vận dụng được các phép toán giới hạn dãy số để tìm giới hạn của một số dãy số đơn giản (ví dụ:  ).

 – Tính được tổng của một cấp số nhân lùi vô hạn và vận dụng được kết quả đó để giải quyết một số tình huống thực tiễn giả định hoặc liên quan đến thực tiễn.

1.2. Giới hạn của hàm số. Phép toán giới hạn hàm số – Nhận biết được khái niệm giới hạn hữu hạn của hàm số, giới hạn hữu hạn một phía của hàm số tại một điểm.

 – Nhận biết được khái niệm giới hạn hữu hạn của hàm số tại vô cực và mô tả được một số giới hạn cơ bản như: ,  với c là hằng số và k là số nguyên dương.

 – Nhận biết được khái niệm giới hạn vô cực (một phía) của hàm số tại một điểm và hiểu được một số giới hạn cơ bản như:

 ;

 – Tính được một số giới hạn hàm số bằng cách vận dụng các phép toán trên giới hạn hàm số.

 – Giải quyết được một số vấn đề thực tiễn gắn với giới hạn hàm số.

1.3. Hàm số liên tục – Nhận dạng được hàm số liên tục tại một điểm, hoặc trên một khoảng, hoặc trên một đoạn.

 – Nhận dạng được tính liên tục của tổng, hiệu, tích, thương của hai hàm số liên tục.

 – Nhận biết được tính liên tục của một số hàm sơ cấp cơ bản (như hàm đa thức, hàm phân thức, hàm căn thức, hàm lượng giác) trên tập xác định của chúng.

Hàm số mũ và hàm số lôgarit Phép tính luỹ thừa với số mũ nguyên, số mũ hữu tỉ, số mũ thực. Các tính chất – Nhận biết được khái niệm luỹ thừa với số mũ nguyên của một số thực khác 0; luỹ thừa với số mũ hữu tỉ và luỹ thừa với số mũ thực của một số thực dương.

 – Giải thích được các tính chất của phép tính luỹ thừa với số mũ nguyên, luỹ thừa với số mũ hữu tỉ và luỹ thừa với số mũ thực.

 – Sử dụng được tính chất của phép tính luỹ thừa trong tính toán các biểu thức số và rút gọn các biểu thức chứa biến (tính viết và tính nhẩm, tính nhanh một cách hợp lí).

 – Tính được giá trị biểu thức số có chứa phép tính luỹ thừa bằng sử dụng máy tính cầm tay.

 – Giải quyết được một số vấn đề có liên quan đến môn học khác hoặc có liên quan đến thực tiễn gắn với phép tính luỹ thừa (ví dụ: bài toán về lãi suất, sự tăng trưởng,…).

Phép tính lôgarit (logarithm). Các tính chất – Nhận biết được khái niệm lôgarit cơ số a (a > 0, a ≠ 1) của một số thực dương.

 – Giải thích được các tính chất của phép tính lôgarit nhờ sử dụng định nghĩa hoặc các tính chất đã biết trước đó.

 – Sử dụng được tính chất của phép tính lôgarit trong tính toán các biểu thức số và rút gọn các biểu thức chứa biến (tính viết và tính nhẩm, tính nhanh một cách hợp lí).

 – Tính được giá trị (đúng hoặc gần đúng) của lôgarit bằng cách sử dụng máy tính cầm tay.

 – Giải quyết được một số vấn đề có liên quan đến môn học khác hoặc có liên quan đến thực tiễn gắn với phép tính lôgarit (ví dụ: bài toán liên quan đến độ pH trong Hoá học,…).

Hàm số mũ. Hàm số lôgarit – Nhận biết được hàm số mũ và hàm số lôgarit. Nêu được một số ví dụ thực tế về hàm số mũ, hàm số lôgarit.

 – Nhận dạng được đồ thị của các hàm số mũ, hàm số lôgarit.

 – Giải thích được các tính chất của hàm số mũ, hàm số lôgarit thông qua đồ thị của chúng.

 – Giải quyết được một số vấn đề có liên quan đến môn học khác hoặc có liên quan đến thực tiễn gắn với hàm số mũ và hàm số lôgarit (ví dụ: lãi suất, sự tăng trưởng,…).

Phương trình, bất phương trình mũ và lôgarit – Giải được phương trình, bất phương trình mũ, lôgarit ở dạng đơn giản

 (ví dụ  2x+1 = 23x+5; log2(x+1) = 3; log3(x+1) = log3(x2-1)).

 – Giải quyết được một số vấn đề có liên quan đến môn học khác hoặc có liên quan đến thực tiễn gắn với phương trình, bất phương trình mũ và lôgarit (ví dụ: bài toán liên quan đến độ pH, độ rung chấn,…).

Đạo hàm Khái niệm đạo hàm. Ý nghĩa hình học của đạo hàm – Nhận biết được một số bài toán dẫn đến khái niệm đạo hàm như: xác định vận tốc tức thời của một vật chuyển động không đều, xác định tốc độ thay đổi của nhiệt độ.

 – Nhận biết được định nghĩa đạo hàm. Tính được đạo hàm của một số hàm đơn giản bằng định nghĩa.

 – Nhận biết được ý nghĩa hình học của đạo hàm.

 – Thiết lập được phương trình tiếp tuyến của đồ thị hàm số tại một điểm thuộc đồ thị.

 – Nhận biết được số e thông qua bài toán mô hình hoá lãi suất ngân hàng.

Các quy tắc tính đạo hàm – Tính được đạo hàm của một số hàm số sơ cấp cơ bản (như hàm đa thức, hàm căn thức đơn giản, hàm số lượng giác, hàm số mũ, hàm số lôgarit).

 – Sử dụng được các công thức tính đạo hàm của tổng, hiệu, tích, thương của các hàm số và đạo hàm của hàm hợp.

 – Giải quyết được một số vấn đề có liên quan đến môn học khác hoặc có liên quan đến thực tiễn gắn với đạo hàm (ví dụ: xác định vận tốc tức thời của một vật chuyển động không đều,…).

Đạo hàm cấp hai – Nhận biết được khái niệm đạo hàm cấp hai của một hàm số.

 – Tính được đạo hàm cấp hai của một số hàm số đơn giản.

 – Giải quyết được một số vấn đề có liên quan đến môn học khác hoặc có liên quan đến thực tiễn gắn với đạo hàm cấp hai (ví dụ: xác định gia tốc từ đồ thị vận tốc theo thời gian của một chuyển động không đều,…).

Thực hành trong phòng máy tính với phần mềm toán học (nếu nhà trường có điều kiện thực hiện)
– Sử dụng phần mềm để hỗ trợ việc học các kiến thức đại số và giải tích.

 – Thực hành sử dụng phần mềm để vẽ đồ thị hàm số lượng giác và sử dụng đồ thị để tạo các hoa văn, hình khối.

 – Thực hành sử dụng phần mềm để tạo mô hình thao tác động mô tả giới hạn, mô tả hàm số liên tục.

 – Thực hành sử dụng phần mềm để vẽ đồ thị hàm số luỹ thừa, hàm số mũ, hàm số lôgarit và tìm hiểu đặc điểm của chúng.

 – Thực hành sử dụng phần mềm để tạo mô hình mô tả đạo hàm, ý nghĩa hình học của tiếp tuyến.

HÌNH HỌC VÀ ĐO LƯỜNG
Hình học không gian
Đường thẳng và mặt phẳng trong không gian Đường thẳng và mặt phẳng trong không gian. Cách xác định mặt phẳng. Hình chóp và hình tứ diện – Nhận biết được các quan hệ liên thuộc cơ bản giữa điểm, đường thẳng, mặt phẳng trong không gian.

 – Mô tả được ba cách xác định mặt phẳng (qua ba điểm không thẳng hàng; qua một đường thẳng và một điểm không thuộc đường thẳng đó; qua hai đường thẳng cắt nhau).

 – Xác định được giao tuyến của hai mặt phẳng; giao điểm của đường thẳng và mặt phẳng.

 – Vận dụng được các tính chất về giao tuyến của hai mặt phẳng; giao điểm của đường thẳng và mặt phẳng vào giải bài tập.

 – Nhận biết được hình chóp, hình tứ diện.

 – Vận dụng được kiến thức về đường thẳng, mặt phẳng trong không gian để mô tả một số hình ảnh trong thực tiễn.

Quan hệ song song trong không gian. Phép chiếu song song Hai đường thẳng song song – Nhận biết được vị trí tương đối của hai đường thẳng trong không gian: hai đường thẳng trùng nhau, song song, cắt nhau, chéo nhau trong không gian.

 – Giải thích được tính chất cơ bản về hai đường thẳng song song trong không gian.

 – Vận dụng được kiến thức về hai đường thẳng song song để mô tả một số hình ảnh trong thực tiễn.

Đường thẳng và mặt phẳng song song – Nhận biết được đường thẳng song song với mặt phẳng.

 – Giải thích được điều kiện để đường thẳng song song với mặt phẳng.

 – Giải thích được tính chất cơ bản về đường thẳng song song với mặt phẳng.

 – Vận dụng được kiến thức về đường thẳng song song với mặt phẳng để mô tả một số hình ảnh trong thực tiễn.

Hai mặt phẳng song song. Định lí Thalès trong không gian. Hình lăng trụ và hình hộp – Nhận biết được hai mặt phẳng song song trong không gian.

 – Giải thích được điều kiện để hai mặt phẳng song song.

 – Giải thích được tính chất cơ bản về hai mặt phẳng song song.

 – Giải thích được định lí Thalès trong không gian.

 – Giải thích được tính chất cơ bản của lăng trụ và hình hộp.

 – Vận dụng được kiến thức về quan hệ song song để mô tả một số hình ảnh trong thực tiễn.

Phép chiếu song song. Hình biểu diễn của một hình không gian – Nhận biết được khái niệm và các tính chất cơ bản về phép chiếu song song.

 – Xác định được ảnh của một điểm, một đoạn thẳng, một tam giác, một đường tròn qua một phép chiếu song song.

 – Vẽ được hình biểu diễn của một số hình khối đơn giản.

 – Sử dụng được kiến thức về phép chiếu song song để mô tả một số hình ảnh trong thực tiễn.

Quan hệ vuông góc trong không gian. Phép chiếu vuông góc Góc giữa hai đường thẳng. Hai đường thẳng vuông góc – Nhận biết được khái niệm góc giữa hai đường thẳng trong không gian.

 – Nhận biết được hai đường thẳng vuông góc trong không gian.

 – Chứng minh được hai đường thẳng vuông góc trong không gian trong một số trường hợp đơn giản.

 – Sử dụng được kiến thức về hai đường thẳng vuông góc để mô tả một số hình ảnh trong thực tiễn.

Đường thẳng vuông góc với mặt phẳng. Định lí ba đường vuông góc. Phép chiếu vuông góc – Nhận biết được đường thẳng vuông góc với mặt phẳng.

 – Xác định được điều kiện để đường thẳng vuông góc với mặt phẳng.

 – Giải thích được được định lí ba đường vuông góc.

 – Giải thích được được mối liên hệ giữa tính song song và tính vuông góc của đường thẳng và mặt phẳng.

 – Nhận biết được khái niệm phép chiếu vuông góc.

 – Xác định được hình chiếu vuông góc của một điểm, một đường thẳng, một tam giác.

 – Nhận biết được công thức tính thể tích của hình chóp, hình lăng trụ, hình hộp.

 – Tính được thể tích của hình chóp, hình lăng trụ, hình hộp trong những trường hợp đơn giản (ví dụ: nhận biết được đường cao và diện tích mặt đáy của hình chóp).

 – Vận dụng được kiến thức về đường thẳng vuông góc với mặt phẳng để mô tả một số hình ảnh trong thực tiễn.

Hai mặt phẳng vuông góc. Hình lăng trụ đứng, lăng trụ đều, hình hộp đứng, hình hộp chữ nhật, hình lập phương, hình chóp đều. – Nhận biết được hai mặt phẳng vuông góc trong không gian.

 – Xác định được điều kiện để hai mặt phẳng vuông góc.

 – Giải thích được tính chất cơ bản về hai mặt phẳng vuông góc.

 – Giải thích được tính chất cơ bản của hình lăng trụ đứng, lăng trụ đều, hình hộp đứng, hình hộp chữ nhật, hình lập phương, hình chóp đều.

 – Vận dụng được kiến thức về hai mặt phẳng vuông góc để mô tả một số hình ảnh trong thực tiễn.

Khoảng cách trong không gian – Xác định được khoảng cách từ một điểm đến một đường thẳng; khoảng cách từ một điểm đến một mặt phẳng; khoảng cách giữa hai đường thẳng song song; khoảng cách giữa đường thẳng và mặt phẳng song song; khoảng cách giữa hai mặt phẳng song song trong những trường hợp đơn giản.

 – Nhận biết được đường vuông góc chung của hai đường thẳng chéo nhau; tính được khoảng cách giữa hai đường thẳng chéo nhau trong những trường hợp đơn giản (ví dụ: có một đường thẳng vuông góc với mặt phẳng chứa đường thẳng còn lại).

 – Sử dụng được kiến thức về khoảng cách trong không gian để mô tả một số hình ảnh trong thực tiễn.

Góc giữa đường thẳng và mặt phẳng. Góc nhị diện và góc phẳng nhị diện – Nhận biết được khái niệm góc giữa đường thẳng và mặt phẳng.

 – Xác định và tính được góc giữa đường thẳng và mặt phẳng trong những trường hợp đơn giản (ví dụ: đã biết hình chiếu vuông góc của đường thẳng lên mặt phẳng).

 – Nhận biết được khái niệm góc nhị diện, góc phẳng nhị diện.

 – Xác định và tính được số đo góc nhị diện, góc phẳng nhị diện trong những trường hợp đơn giản (ví dụ: nhận biết được mặt phẳng vuông góc với cạnh nhị diện).

 – Sử dụng được kiến thức về góc giữa đường thẳng và mặt phẳng, góc nhị diện để mô tả một số hình ảnh trong thực tiễn.

Hình chóp cụt đều và thể tích – Nhận biết được hình chóp cụt đều.

 – Tính được thể tích khối chóp cụt đều.

 – Vận dụng được kiến thức về hình chóp cụt đều để mô tả một số hình ảnh trong thực tiễn.

Thực hành trong phòng máy tính với phần mềm toán học (nếu nhà trường có điều kiện thực hiện)
– Sử dụng phần mềm để hỗ trợ việc học các kiến thức hình học.

 – Thực hành sử dụng phần mềm để vẽ đường thẳng, mặt phẳng, giao điểm, giao tuyến, tạo hình trong không gian, xác định hình biểu diễn.

 – Thực hành sử dụng phần mềm hỗ trợ đồ hoạ và vẽ kĩ thuật.

THỐNG KÊ VÀ XÁC SUẤT
Thống kê
Phân tích và xử lí dữ liệu Các số đặc trưng của mẫu số liệu ghép nhóm – Tính được các số đặc trưng đo xu thế trung tâm cho mẫu số liệu ghép nhóm: số trung bình cộng (hay số trung bình), trung vị (median), tứ phân vị (quartiles), mốt (mode).

 – Hiểu được ý nghĩa và vai trò của các số đặc trưng nói trên của mẫu số liệu trong thực tiễn.

 – Rút ra được kết luận nhờ ý nghĩa của các số đặc trưng nói trên của mẫu số liệu trong trường hợp đơn giản.

 – Nhận biết được mối liên hệ giữa thống kê với những kiến thức của các môn học khác trong Chương trình lớp 11 và trong thực tiễn.

Xác suất
Khái niệm về xác suất Một số khái niệm về xác suất cổ điển Nhận biết được một số khái niệm về xác suất cổ điển: hợp và giao các biến cố; biến cố độc lập.
Các quy tắc tính xác suất Các quy tắc tính xác suất – Tính được xác suất của biến cố hợp bằng cách sử dụng công thức cộng.

 – Tính được xác suất của biến cố giao bằng cách sử dụng công thức nhân (cho trường hợp biến cố độc lập).

 – Tính được xác suất của biến cố trong một số bài toán đơn giản bằng phương pháp tổ hợp.

 – Tính được xác suất trong một số bài toán đơn giản bằng cách sử dụng sơ đồ hình cây.

Thực hành trong phòng máy tính với phần mềm toán học (nếu nhà trường có điều kiện thực hiện)
– Sử dụng phần mềm để hỗ trợ việc học các kiến thức thống kê và xác suất.

 – Sử dụng phần mềm để tính được các số đặc trưng đo xu thế trung tâm cho mẫu số liệu ghép nhóm.

 – Thực hành sử dụng phần mềm để tính xác suất.

HOẠT ĐỘNG THỰC HÀNH VÀ TRẢI NGHIỆM
Nhà trường tổ chức cho học sinh một số hoạt động sau và có thể bổ sung các hoạt động khác tuỳ vào điều kiện cụ thể.

 Hoạt động 1: Thực hành ứng dụng các kiến thức toán học vào thực tiễn và các chủ đề liên môn, chẳng hạn:

 Thực hành tổng hợp các hoạt động liên quan đến tính toán, đo lường, ước lượng và vận dụng các kiến thức hình học không gian vào đồ hoạ, vẽ kĩ thuật, như: vận dụng kiến thức về hàm số lượng giác vào tìm hiểu hệ thống hướng dẫn cất cánh và hạ cánh của máy bay, tìm hiểu hệ thống xác định phần tử bắn của pháo binh, tên lửa; vận dụng kiến thức về xác suất thống kê để giải thích các quy luật di truyền học; vận dụng các kiến thức hình học không gian vào đồ hoạ, vẽ kĩ thuật và thiết kế trong công nghệ.

 Hoạt động 2: Thực hành ứng dụng các kiến thức toán học vào lĩnh vực Giáo dục dân số, chẳng hạn: vận dụng cấp số cộng, cấp số nhân để giải thích quy luật tăng trưởng dân số; vận dụng hàm số mũ, hàm số lôgarit để giải thích ảnh hưởng của sự tăng trưởng dân số tới tiến bộ kinh tế – xã hội, giải thích mối liên hệ giữa sự tăng trưởng dân số với môi trường sinh thái,…

 Hoạt động 3: Tìm hiểu một số kiến thức về tài chính, như:

 – Thực hành lên kế hoạch và quản lí thu nhập và tích luỹ của cải trong khoảng thời gian ngắn hạn và trung hạn.

 – Xác định được các phương thức để bảo vệ bản thân khỏi rủi ro.

 Hoạt động 4: Tổ chức các hoạt động ngoài giờ chính khoá: câu lạc bộ toán học; cuộc thi về Toán, dự án học tập, ra báo tường (hoặc nội san) về Toán, như: câu lạc bộ về ứng dụng toán học trong khoa học máy tính và công nghệ thông tin,…

 Hoạt động 5 (nếu nhà trường có điều kiện thực hiện): Tổ chức giao lưu học sinh giỏi Toán trong trường và trường bạn, giao lưu với các chuyên gia nhằm hiểu rõ hơn về vai trò của Toán học trong thực tiễn và trong các ngành nghề.

  

 NỘI DUNG CHUYÊN ĐỀ LỚP 11:

 ỨNG DỤNG TOÁN HỌC VÀO GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ THỰC TIỄN, ĐẶC BIỆT LÀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ LIÊN QUAN ĐẾN ĐỒ HỌA VÀ VẼ KĨ THUẬT

 Chuyên đề 11.1: Phép biến hình phẳng.

 Chuyên đề 11.2: Một số yếu tố vẽ kĩ thuật.

 Chuyên đề 11.3: Làm quen với một số yếu tố của Lí thuyết đồ thị.

Chuyên đề Chủ đề Yêu cầu cần đạt
Chuyên đề 11.1: Phép biến hình phẳng Phép dời hình. Phép đối xứng trục. Phép đối xứng tâm. Phép tịnh tiến. Phép quay – Nhận biết được khái niệm phép dời hình.

 – Nhận biết được tính chất của phép đối xứng trục, phép đối xứng tâm, phép tịnh tiến và phép quay.

 – Xác định được ảnh của điểm, đoạn thẳng, tam giác, đường tròn qua phép đối xứng trục, phép đối xứng tâm, phép tịnh tiến và phép quay.

 – Vận dụng được các phép dời hình nói trên trong đồ hoạ và trong một số vấn đề thực tiễn (ví dụ: tạo các hoa văn, hình khối,…).

Phép đồng dạng phối cảnh (phép vị tự). Phép đồng dạng – Nhận biết được khái niệm phép đồng dạng phối cảnh (phép vị tự), phép đồng dạng.

 – Nhận biết được tính chất của phép vị tự.

 – Xác định được ảnh của điểm, đoạn thẳng, tam giác, đường tròn qua phép vị tự.

 – Vận dụng được phép đồng dạng trong đồ hoạ và trong một số vấn đề thực tiễn (ví dụ: tạo các hoa văn, hình khối,…).

Chuyên đề 11.2: Một số yếu tố vẽ kĩ thuật Một số yếu tố vẽ kĩ thuật – Nhận biết được hình biểu diễn của một hình, khối.

 – Nhận biết được một số nguyên tắc cơ bản của vẽ kĩ thuật.

 – Đọc được thông tin từ một số bản vẽ kĩ thuật đơn giản.

 – Vẽ được bản vẽ kĩ thuật đơn giản (gắn với phép chiếu song song và phép chiếu vuông góc).

Chuyên đề 11.3: Làm quen với một vài yếu tố của Lí thuyết đồ thị Giới thiệu một số bài toán về tìm đường đi trong những mô hình xuất phát từ thực tiễn – Nhận biết được khái niệm đồ thị.

 – Nhận biết được đường đi Euler, đường đi Hamilton từ đồ thị.

 – Nhận biết được thuật toán về tìm đường đi tối ưu trong những trường hợp đơn giản.

 – Sử dụng kiến thức về đồ thị để giải quyết một số tình huống liên quan đến thực tiễn (ví dụ: xác định đường đi, xác định đường đi ngắn nhất,…).

 LỚP 12

Nội dung Yêu cầu cần đạt
MỘT SỐ YẾU TỐ GIẢI TÍCH
Một số yếu tố giải tích
Ứng dụng đạo hàm để khảo sát và vẽ đồ thị của hàm số Tính đơn điệu của hàm số – Nhận biết được tính đồng biến, nghịch biến của một hàm số trên một khoảng dựa vào dấu của đạo hàm cấp một của nó.

 – Thể hiện được tính đồng biến, nghịch biến của hàm số trong bảng biến thiên.

 – Nhận biết được tính đơn điệu, điểm cực trị, giá trị cực trị của hàm số thông qua bảng biến thiên hoặc thông qua hình ảnh hình học của đồ thị hàm số.

Giá trị lớn nhất, giá trị nhỏ nhất của hàm số – Nhận biết được giá trị lớn nhất, giá trị nhỏ nhất của hàm số trên một tập xác định cho trước.

 – Xác định được giá trị lớn nhất, giá trị nhỏ nhất của hàm số bằng đạo hàm trong những trường hợp đơn giản.

Khảo sát và vẽ đồ thị của hàm số – Nhận biết được hình ảnh hình học của đường tiệm cận ngang, đường tiệm cận đứng, đường tiệm cận xiên của đồ thị hàm số.

 – Mô tả được sơ đồ tổng quát để khảo sát hàm số (tìm tập xác định, xét chiều biến thiên, tìm cực trị, tìm tiệm cận, lập bảng biến thiên, vẽ đồ thị).

 – Khảo sát được tập xác định, chiều biến thiên, cực trị, tiệm cận, bảng biến thiên và vẽ đồ thị của các hàm số:

 = ax3 + bx2 + cx + d (a ≠ 0);  (c ≠ 0, ad – bc ≠ 0);

 (a ≠  0, m ≠  0 và đa thức tử không chia hết cho đa thức mẫu).

 – Nhận biết được tính đối xứng (trục đối xứng, tâm đối xứng) của đồ thị các hàm số trên.

Ứng dụng đạo hàm để giải quyết một số vấn đề liên quan đến thực tiễn Vận dụng được đạo hàm và khảo sát hàm số để giải quyết một số vấn đề liên quan đến thực tiễn.
Nguyên hàm. Tích phân Nguyên hàm. Bảng nguyên hàm của một số hàm số sơ cấp – Nhận biết được khái niệm nguyên hàm của một hàm số.

 – Giải thích được tính chất cơ bản của nguyên hàm.

 – Xác định được nguyên hàm của một số hàm số sơ cấp như:

 y = xα (α ≠  – 1); ; y = sinxy = sinxy = cosx;

 ; ; y = ax; y = ex.

 – Tính được nguyên hàm trong những trường hợp đơn giản.

Tích phân. Ứng dụng hình học của tích phân – Nhận biết được định nghĩa và các tính chất của tích phân.

 – Tính được tích phân trong những trường hợp đơn giản.

 – Sử dụng được tích phân để tính diện tích của một số hình phẳng, thể tích của một số hình khối.

 – Vận dụng được tích phân để giải một số bài toán có liên quan đến thực tiễn.

Thực hành trong phòng máy tính với phần mềm toán học (nếu nhà trường có điều kiện thực hiện)
– Sử dụng phần mềm để hỗ trợ việc học các kiến thức đại số và giải tích.

 – Thực hành sử dụng phần mềm để vẽ các đồ thị; minh hoạ sự tương giao của các đồ thị; thực hiện các phép biến đổi đồ thị;

 tạo hoa văn, hình khối.

 – Thực hành sử dụng phần mềm để tạo mô hình khối tròn xoay trong một số bài toán ứng dụng tích phân xác định.

HÌNH HỌC VÀ ĐO LƯỜNG
Hình học không gian
Phương pháp toạ độ trong không gian Toạ độ của vectơ đối với một hệ trục toạ độ. Biểu thức toạ độ của các phép toán vectơ – Nhận biết được vectơ và các phép toán vectơ trong không gian (tổng và hiệu của hai vectơ, tích của một số với một vectơ, tích vô hướng của hai vectơ).

 – Nhận biết được toạ độ của một vectơ đối với hệ trục toạ độ.

 – Xác định được độ dài của một vectơ khi biết toạ độ hai đầu mút của nó và biểu thức toạ độ của các phép toán vectơ.

 – Xác định được biểu thức toạ độ của các phép toán vectơ.

 – Vận dụng được toạ độ của vectơ để giải một số bài toán có liên quan đến thực tiễn.

Phương trình mặt phẳng – Nhận biết được phương trình tổng quát của mặt phẳng.

 – Thiết lập được phương trình tổng quát của mặt phẳng trong hệ trục toạ độ Oxyz theo một trong ba cách cơ bản: qua một điểm và biết vectơ pháp tuyến; qua một điểm và biết cặp vectơ chỉ phương (suy ra vectơ pháp tuyến nhờ vào việc tìm vectơ vuông góc với cặp vectơ chỉ phương); qua ba điểm không thẳng hàng.

 – Thiết lập được điều kiện để hai mặt phẳng song song, vuông góc với nhau.

 – Tính được khoảng cách từ một điểm đến một mặt phẳng bằng phương pháp toạ độ.

 – Vận dụng được kiến thức về phương trình mặt phẳng để giải một số bài toán liên quan đến thực tiễn.

Phương trình đường thẳng trong không gian – Nhận biết được phương trình chính tắc, phương trình tham số, vectơ chỉ phương của đường thẳng trong không gian.

 – Thiết lập được phương trình của đường thẳng trong hệ trục toạ độ theo một trong hai cách cơ bản: qua một điểm và biết một vectơ chỉ phương, qua hai điểm.

 – Xác định được điều kiện để hai đường thẳng chéo nhau, cắt nhau, song song hoặc vuông góc với nhau.

 – Thiết lập được công thức tính góc giữa hai đường thẳng, giữa đường thẳng và mặt phẳng, giữa hai mặt phẳng.

 – Vận dụng được kiến thức về phương trình đường thẳng trong không gian để giải một số bài toán liên quan đến thực tiễn.

Phương trình mặt cầu – Nhận biết được phương trình mặt cầu.

 – Xác định được tâm, bán kính của mặt cầu khi biết phương trình của nó.

 – Thiết lập được phương trình của mặt cầu khi biết tâm và bán kính.

 – Vận dụng được kiến thức về phương trình mặt cầu để giải một số bài toán liên quan đến thực tiễn.

Thực hành trong phòng máy tính với phần mềm toán học (nếu nhà trường có điều kiện thực hiện)
– Sử dụng phần mềm để hỗ trợ việc học các kiến thức hình học.

 – Thực hành sử dụng phần mềm để biểu thị điểm, vectơ, các phép toán vectơ trong hệ trục toạ độ Oxyz.

 – Thực hành sử dụng phần mềm để vẽ đường thẳng, mặt phẳng, mặt cầu trong hệ trục toạ độ Oxyz; xem xét sự thay đổi hình dạng khi thay đổi các yếu tố trong phương trình của chúng.

THỐNG KÊ VÀ XÁC SUẤT
Thống kê
Phân tích và xử lí dữ liệu Các số đặc trưng của mẫu số liệu ghép nhóm – Tính được các số đặc trưng đo mức độ phân tán cho mẫu số liệu ghép nhóm: khoảng biến thiên, khoảng tứ phân vị, phương sai, độ lệch chuẩn.

 – Giải thích được ý nghĩa và vai trò của các số đặc trưng nói trên của mẫu số liệu trong thực tiễn.

 – Chỉ ra được những kết luận nhờ ý nghĩa của các số đặc trưng nói trên của mẫu số liệu trong trường hợp đơn giản.

 – Nhận biết được mối liên hệ giữa thống kê với những kiến thức của các môn học khác trong Chương trình lớp 12 và trong thực tiễn.

Xác suất
Khái niệm về xác suất có điều kiện Xác suất có điều kiện – Nhận biết được khái niệm về xác suất có điều kiện.

 – Giải thích được ý nghĩa của xác suất có điều kiện trong những tình huống thực tiễn quen thuộc.

Các quy tắc tính xác suất Các quy tắc tính xác suất – Mô tả được công thức xác suất toàn phần, công thức Bayes thông qua bảng dữ liệu thống kê 2×2 và sơ đồ hình cây.

 – Sử dụng được công thức Bayes để tính xác suất có điều kiện và vận dụng vào một số bài toán thực tiễn.

 – Sử dụng được sơ đồ hình cây để tính xác suất có điều kiện trong một số bài toán thực tiễn liên quan tới thống kê.

Thực hành trong phòng máy tính với phần mềm toán học (nếu nhà trường có điều kiện thực hiện)
– Sử dụng phần mềm để hỗ trợ việc học các kiến thức thống kê và xác suất.

 – Thực hành sử dụng phần mềm để tính phân bố nhị thức, tính toán thống kê.

HOẠT ĐỘNG THỰC HÀNH VÀ TRẢI NGHIỆM
Nhà trường tổ chức cho học sinh một số hoạt động sau và có thể bổ sung các hoạt động khác tuỳ vào điều kiện cụ thể.

 Hoạt động 1: Thực hành ứng dụng các kiến thức toán học vào thực tiễn và các chủ đề liên môn, chẳng hạn:

 – Thực hành tổng hợp các hoạt động liên quan đến tính toán, đo lường, ước lượng và tạo lập hình.

 – Vận dụng kiến thức về phương pháp toạ độ trong hình học không gian để tìm hiểu hệ thống GPS, tìm hiểu về đồ hoạ, vẽ kĩ thuật và thiết kế trong Công nghệ.

 – Vận dụng kiến thức về đạo hàm để giải thích các quy luật của Vật lí (quy luật âm học, quang học), Hoá học và giải quyết bài toán tối ưu về kinh tế, thời gian, quãng đường,…

 Hoạt động 2: Vận dụng các kiến thức toán học vào một số vấn đề liên quan đến tài chính.

 Hoạt động 3: Tổ chức các hoạt động ngoài giờ chính khoá: câu lạc bộ toán học; cuộc thi về Toán; dự án học tập; ra báo tường (hoặc nội san) về Toán, chẳng hạn: câu lạc bộ về ứng dụng toán học trong khoa học máy tính và công nghệ thông tin.

 Hoạt động 4 (nếu nhà trường có điều kiện thực hiện): Tổ chức giao lưu học sinh giỏi Toán trong trường và trường bạn, giao lưu với các chuyên gia nhằm hiểu vai trò của Toán học trong thực tiễn và trong các ngành nghề,…

 NỘI DUNG CHUYÊN ĐỀ LỚP 12:

 ỨNG DỤNG TOÁN HỌC VÀO GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ THỰC TIỄN, ĐẶC BIỆT LÀ NHỮNG VẤN ĐỀ LIÊN QUAN ĐẾN KINH TẾ VÀ TÀI CHÍNH

 Chuyên đề 12.1: Biến ngẫu nhiên rời rạc. Các số đặc trưng của biến ngẫu nhiên rời rạc.

 Chuyên đề 12.2: Ứng dụng toán học để giải quyết một số bài toán tối ưu.

 Chuyên đề 12.3: Ứng dụng toán học trong một số vấn đề liên quan đến tài chính.

Chuyên đề Chủ đề Yêu cầu cần đạt
Chuyên đề 12.1: Biến ngẫu nhiên rời rạc. Các số đặc trưng của biến ngẫu nhiên rời rạc Biến ngẫu nhiên rời rạc. Các số đặc trưng của biến ngẫu nhiên rời rạc – Nhận biết được khái niệm biến ngẫu nhiên rời rạc; phân bố xác suất của biến ngẫu nhiên rời rạc; kì vọng, phương sai, độ lệch chuẩn của biến ngẫu nhiên rời rạc.

 – Lập và đọc được bảng phân bố xác suất của biến ngẫu nhiên rời rạc với một số ít giá trị.

 – Tính được kì vọng, phương sai và độ lệch chuẩn của biến ngẫu nhiên rời rạc.

 – Giải thích được ý nghĩa thực tiễn của các số đặc trưng của biến ngẫu nhiên rời rạc.

 – Vận dụng được kiến thức về xác suất, các số đặc trưng của biến ngẫu nhiên rời rạc để giải quyết một số bài toán thực tiễn (ví dụ: tìm phương án cho năng suất cao, tìm phương án để rủi ro là ít nhất,…).

Phân bố Bernoulli. Phân bố nhị thức – Nhận biết được khái niệm về phép thử lặp và công thức Bernoulli.

 – Nhận biết được khái niệm phân bố nhị thức. Nhận biết được ý nghĩa của phân bố nhị thức.

 – Vận dụng phân bố nhị thức để giải một số bài toán liên quan đến

 thực tiễn.

Chuyên đề 12.2: Ứng dụng toán học để giải quyết một số bài toán tối ưu Vận dụng hệ bất phương trình bậc nhất để giải quyết một số bài toán quy hoạch tuyến tính Vận dụng được các kiến thức về hệ bất phương trình bậc nhất để giải quyết một số bài toán quy hoạch tuyến tính.
Vận dụng đạo hàm để giải quyết một số bài toán tối ưu trong thực tiễn, đặc biệt là trong kinh tế – Vận dụng được các kiến thức về đạo hàm để giải quyết một số bài toán tối ưu xuất hiện trong thực tiễn (ví dụ: bài toán tối ưu liên quan đến khoảng cách, thời gian,…).

 – Vận dụng được các kiến thức về đạo hàm để giải quyết một số bài toán tối ưu trong kinh tế (ví dụ: bài toán tối ưu hoá chi phí sản xuất, bài toán tối ưu hoá lợi nhuận,…).

Chuyên đề 12.3: Ứng dụng toán học trong một số vấn đề liên quan đến tài chính Vận dụng kiến thức toán học trong việc giải quyết một số vấn đề về lãi suất và vay nợ của các tổ chức tín dụng – Nhận biết được một số vấn đề về tiền tệ.

 – Thiết lập được kế hoạch tài chính cá nhân cho các nhu cầu dài hạn như giáo dục hoặc sống tự lập.

 – Nhận biết được một số vấn đề về lãi suất và vay nợ của các tổ chức tín dụng (như ngân hàng, quỹ tín dụng,…).

 – Tính được lãi suất được hưởng qua tiền tiết kiệm và các giá trị thực chất có tính đến lạm phát.

 – Tính được lãi suất cần trả cho thẻ tín dụng, phí sử dụng thẻ (bao gồm các giao dịch).

 – Nhận biết được kết quả của việc trả các khoản tiền nợ đúng thời hạn, bao gồm hồ sơ tín dụng và giá trị tín dụng.

 – Vận dụng được kiến thức toán học (như các kiến thức về tỉ số, tỉ số phần trăm, phép tính luỹ thừa và lôgarit) trong việc giải quyết một số vấn đề về lãi suất và vay nợ của các tổ chức tín dụng (như ngân hàng, quỹ tín dụng,…).

Vận dụng kiến thức toán học trong việc giải quyết một số vấn đề về đầu tư – Nhận biết được một số vấn đề về đầu tư.

 – Vận dụng được kiến thức toán học (như các kiến thức về tỉ số, tỉ số phần trăm, đạo hàm, cách tìm giá trị cực trị của biểu thức) trong việc giải quyết một số vấn đề về đầu tư.

 – Giải thích được rằng các khoản đầu tư có thể tăng giá trị, và cũng như tiền, có thể giảm giá trị nếu lạm phát vượt tỉ lệ lãi suất.

  1. PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC
  2. Phương pháp dạy học trong Chương trình môn Toán đáp ứng các yêu cầu cơ bản sau:
  3. a) Phù hợp với tiến trình nhận thức của học sinh (đi từ cụ thể đến trừu tượng, từ dễ đến khó); không chỉ coi trọng tính logic của khoa học toán học mà cần chú ý cách tiếp cận dựa trên vốn kinh nghiệm và sự trải nghiệm của học sinh;
  4. b) Quán triệt tinh thần “lấy người học làm trung tâm”, phát huy tính tích cực, tự giác, chú ý nhu cầu, năng lực nhận thức, cách thức học tập khác nhau của từng cá nhân học sinh; tổ chức quá trình dạy học theo hướng kiến tạo, trong đó học sinh được tham gia tìm tòi, phát hiện, suy luận giải quyết vấn đề;
  5. c) Linh hoạt trong việc vận dụng các phương pháp, kĩ thuật dạy học tích cực; kết hợp nhuần nhuyễn, sáng tạo với việc vận dụng các phương pháp, kĩ thuật dạy học truyền thống; kết hợp các hoạt động dạy học trong lớp học với hoạt động thực hành trải nghiệm, vận dụng kiến thức toán học vào thực tiễn. Cấu trúc bài học bảo đảm tỉ lệ cân đối, hài hoà giữa kiến thức cốt lõi, kiến thức vận dụng và các thành phần khác.
  6. d) Sử dụng đủ và hiệu quả các phương tiện, thiết bị dạy học tối thiểu theo quy định đối với môn Toán; có thể sử dụng các đồ dùng dạy học tự làm phù hợp với nội dung học và các đối tượng học sinh; tăng cường sử dụng công nghệ thông tin và các phương tiện, thiết bị dạy học hiện đại một cách phù hợp và hiệu quả;
  7. Định hướng phương pháp hình thành và phát triển các phẩm chất chủ yếu và năng lực chung
  8. a) Phương pháp hình thành, phát triển các phẩm chất chủ yếu

 Thông qua việc tổ chức các hoạt động học tập, môn Toán góp phần cùng các môn học và hoạt động giáo dục khác giúp học sinh rèn luyện tính trung thực, tình yêu lao động, tinh thần trách nhiệm, ý thức hoàn thành nhiệm vụ học tập; bồi dưỡng sự tự tin, hứng thú học tập, thói quen đọc sách và ý thức tìm tòi, khám phá khoa học.

  1. b) Phương pháp hình thành, phát triển các năng lực chung

 – Môn Toán góp phần hình thành và phát triển năng lực tự chủ và tự học thông qua việc rèn luyện cho người học biết cách lựa chọn mục tiêu, lập được kế hoạch học tập, hình thành cách tự học, rút kinh nghiệm và điều chỉnh để có thể vận dụng vào các tình huống khác trong quá trình học các khái niệm, kiến thức và kĩ năng toán học cũng như khi thực hành, luyện tập hoặc tự lực giải toán, giải quyết các vấn đề có ý nghĩa toán học.

 – Môn Toán góp phần hình thành và phát triển năng lực giao tiếp và hợp tác thông qua việc nghe hiểu, đọc hiểu, ghi chép, diễn tả được các thông tin toán học cần thiết trong văn bản toán học; thông qua sử dụng hiệu quả ngôn ngữ toán học kết hợp với ngôn ngữ thông thường để trao đổi, trình bày được các nội dung, ý tưởng, giải pháp toán học trong sự tương tác với người khác, đồng thời thể hiện sự tự tin, tôn trọng người đối thoại khi mô tả, giải thích các nội dung, ý tưởng toán học.

 – Môn Toán góp phần hình thành và phát triển năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo thông qua việc giúp học sinh nhận biết được tình huống có vấn đề; chia sẻ sự am hiểu vấn đề với người khác; biết đề xuất, lựa chọn được cách thức, quy trình giải quyết vấn đề và biết trình bày giải pháp cho vấn đề; biết đánh giá giải pháp đã thực hiện và khái quát hoá cho vấn đề tương tự.

  1. Phương pháp dạy học môn Toán góp phần hình thành và phát triển năng lực tính toán, năng lực ngôn ngữ và các năng lực đặc thù khác. Cụ thể:
  2. a) Môn Toán với ưu thế nổi trội, có nhiều cơ hội để phát triển năng lực tính toán thể hiện ở chỗ vừa cung cấp kiến thức toán học, rèn luyện kĩ năng tính toán, ước lượng, vừa giúp hình thành và phát triển các thành tố của năng lực toán học (năng lực tư duy và lập luận, năng lực mô hình hoá, năng lực giải quyết vấn đề; năng lực giao tiếp và năng lực sử dụng công cụ và phương tiện học toán).
  3. b) Môn Toán góp phần phát triển năng lực ngôn ngữ thông qua rèn luyện kĩ năng đọc hiểu, diễn giải, phân tích, đánh giá tình huống có ý nghĩa toán học, thông qua việc sử dụng hiệu quả ngôn ngữ toán học kết hợp với ngôn ngữ thông thường để trình bày, diễn tả các nội dung, ý tưởng, giải pháp toán học.
  4. c) Môn Toán góp phần phát triển năng lực tin học thông qua việc sử dụng các phương tiện, công cụ công nghệ thông tin và truyền thông như công cụ hỗ trợ trong học tập và tự học; tạo dựng môi trường học tập trải nghiệm.
  5. d) Môn Toán góp phần phát triển năng lực thẩm mĩ thông qua việc giúp học sinh làm quen với lịch sử toán học, với tiểu sử của các nhà toán học và thông qua việc nhận biết vẻ đẹp của Toán học trong thế giới tự nhiên.

 VII. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ GIÁO DỤC

 Mục tiêu đánh giá kết quả giáo dục môn Toán là cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, có giá trị về sự phát triển năng lực và sự tiến bộ của học sinh trên cơ sở yêu cầu cần đạt ở mỗi lớp học, cấp học; điều chỉnh các hoạt động dạy học, bảo đảm sự tiến bộ của từng học sinh và nâng cao chất lượng giáo dục môn Toán nói riêng và chất lượng giáo dục nói chung.

 Vận dụng kết hợp nhiều hình thức đánh giá (đánh giá quá trình, đánh giá định kì), nhiều phương pháp đánh giá (quan sát, ghi lại quá trình thực hiện, vấn đáp, trắc nghiệm khách quan, tự luận, kiểm tra viết, bài tập thực hành, các dự án/sản phẩm học tập, thực hiện nhiệm vụ thực tiễn,…) và vào những thời điểm thích hợp.

 Đánh giá quá trình (hay đánh giá thường xuyên) do giáo viên phụ trách môn học tổ chức, kết hợp với đánh giá của giáo viên các môn học khác, của bản thân học sinh được đánh giá và của các học sinh khác trong tổ, trong lớp hoặc đánh giá của cha mẹ học sinh. Đánh giá quá trình đi liền với tiến trình hoạt động học tập của học sinh, tránh tình trạng tách rời giữa quá trình dạy học và quá trình đánh giá, bảo đảm mục tiêu đánh giá vì sự tiến bộ trong học tập của học sinh.

 Đánh giá định kì (hay đánh giá tổng kết) có mục đích chính là đánh giá việc thực hiện các mục tiêu học tập. Kết quả đánh giá định kì và đánh giá tổng kết được sử dụng để chứng nhận cấp độ học tập, công nhận thành tích của học sinh. Đánh giá định kì do cơ sở giáo dục tổ chức hoặc thông qua các kì kiểm tra, đánh giá quốc gia.

 Đánh giá định kì còn được sử dụng để phục vụ quản lí các hoạt động dạy học, bảo đảm chất lượng ở cơ sở giáo dục và phục vụ phát triển chương trình môn Toán.

 Đánh giá năng lực học sinh thông qua các bằng chứng biểu hiện kết quả đạt được trong quá trình thực hiện các hành động của học sinh. Tiến trình đánh giá gồm các bước cơ bản như: xác định mục đích đánh giá; xác định bằng chứng cần thiết; lựa chọn các phương pháp, công cụ đánh giá thích hợp; thu thập bằng chứng; giải thích bằng chứng và đưa ra nhận xét.

 Chú trọng việc lựa chọn phương pháp, công cụ đánh giá các thành tố của năng lực toán học. Cụ thể:

 – Đánh giá năng lực tư duy và lập luận toán học: có thể sử dụng một số phương pháp, công cụ đánh giá như các câu hỏi (nói, viết), bài tập,… mà đòi hỏi học sinh phải trình bày, so sánh, phân tích, tổng hợp, hệ thống hoá kiến thức; phải vận dụng kiến thức toán học để giải thích, lập luận.

 – Đánh giá năng lực mô hình hoá toán học: lựa chọn những tình huống trong thực tiễn làm xuất hiện bài toán toán học. Từ đó, đòi hỏi học sinh phải xác định được mô hình toán học (gồm công thức, phương trình, bảng biểu, đồ thị,…) cho tình huống xuất hiện trong bài toán thực tiễn; giải quyết được những vấn đề toán học trong mô hình được thiết lập; thể hiện và đánh giá được lời giải trong ngữ cảnh thực tiễn và cải tiến được mô hình nếu cách giải quyết không phù hợp.

 – Đánh giá năng lực giải quyết vấn đề toán học: có thể sử dụng các phương pháp như yêu cầu người học nhận dạng tình huống, phát hiện và trình bày vấn đề cần giải quyết; mô tả, giải thích các thông tin ban đầu, mục tiêu, mong muốn của tình huống vấn đề đang xem xét; thu thập, lựa chọn, sắp xếp thông tin và kết nối với kiến thức đã có; sử dụng các câu hỏi (có thể yêu cầu trả lời nói hoặc viết) đòi hỏi người học vận dụng kiến thức vào giải quyết vấn đề, đặc biệt các vấn đề thực tiễn; sử dụng phương pháp quan sát (như bảng kiểm theo các tiêu chí đã xác định), quan sát người học trong quá trình giải quyết vấn đề; đánh giá qua các sản phẩm thực hành của người học (chẳng hạn sản phẩm của các dự án học tập); quan tâm hợp lí đến các nhiệm vụ đánh giá mang tính tích hợp.

 – Đánh giá năng lực giao tiếp toán học: có thể sử dụng các phương pháp như yêu cầu người học nghe hiểu, đọc hiểu, ghi chép (tóm tắt), phân tích, lựa chọn, trích xuất được được các thông tin toán học cơ bản, trọng tâm trong văn bản nói hoặc viết; sử dụng được ngôn ngữ toán học kết hợp với ngôn ngữ thông thường trong việc trình bày, diễn đạt, nêu câu hỏi, thảo luận, tranh luận các nội dung, ý tưởng, giải pháp toán học trong sự tương tác với người khác.

 – Đánh giá năng lực sử dụng công cụ, phương tiện học toán: có thể sử dụng các phương pháp như yêu cầu người học nhận biết được tên gọi, tác dụng, quy cách sử dụng, cách thức bảo quản, ưu điểm, hạn chế của các công cụ, phương tiện học toán; trình bày được cách sử dụng (hợp lí) công cụ, phương tiện học toán để thực hiện nhiệm vụ học tập hoặc để diễn tả những lập luận, chứng minh toán học.

 Khi giáo viên lên kế hoạch bài học, cần thiết lập các tiêu chí và cách thức đánh giá để bảo đảm ở cuối mỗi bài học học sinh đạt được các yêu cầu cơ bản dựa trên các tiêu chí đã nêu, trước khi thực hiện các hoạt động học tập tiếp theo.

 VIII. GIẢI THÍCH VÀ HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

  1. Giải thích thuật ngữ
  2. a) Một số thuật ngữ chuyên môn

 – Tạo lập: là tạo nên, lập nên. Ví dụ: Học sinh tạo lập được lục giác đều thông qua việc lắp ghép các tam giác đều.

 – Hình học trực quan: Quá trình nhận thức hình học của trẻ em phải đi từ cụ thể đến trừu tượng, từ hình ảnh trực quan đến những kiến thức hình học đã được trừu tượng hoá, hình thức hoá. Ví dụ: Trong giai đoạn từ lớp 1 đến lớp 6, học sinh được làm quen với việc học hình học thông qua hình ảnh trực quan hoặc các dụng cụ trực quan (vật thật), không có yếu tố suy luận; học sinh lớp 7, lớp 8, lớp 9 cũng được học hình học không gian với cách tiếp cận này. Vì thế, hình học được giảng dạy trong giai đoạn đầu của tiến trình nhận thức hình học của học sinh được gọi là hình học trực quan. Khi dạy học hình học trực quan, giáo viên không nhất thiết yêu cầu học sinh suy luận, tránh gây áp lực không tốt lên học sinh, nhưng cũng có thể đề cập đến những kiến thức hình học đã được hình thức hoá nếu điều kiện nhận thức của học sinh cho phép.

  1. b) Từ ngữ thể hiện mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt

 Chương trình môn Toán sử dụng một số động từ để thể hiện mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt của người học, được nêu trong bảng tổng hợp dưới đây. Một số động từ được sử dụng ở các mức độ khác nhau nhưng trong mỗi trường hợp thể hiện một hành động có đối tượng và yêu cầu cụ thể.

 Trong quá trình dạy học, đặc biệt là khi đặt câu hỏi thảo luận, ra đề kiểm tra đánh giá, giáo viên có thể dùng những động từ nêu trong bảng tổng hợp hoặc thay thế bằng các động từ có nghĩa tương đương cho phù hợp với tình huống sư phạm và nhiệm vụ cụ thể giao cho học sinh.

Mức độ Một số động từ mô tả mức độ Ví dụ minh hoạ
Biết

 (Nhận biết và nhớ lại các thông tin đã được tiếp nhận trước đó)

Đọc;

 Đếm;

 Viết;

 Làm quen;

 Nhận dạng;

 Nhận biết.

– Đếm, đọc, viết được các số trong phạm vi 10.

 – Làm quen với dãy số tự nhiên và đặc điểm.

 – Nhận dạng được hình tứ giác thông qua việc sử dụng bộ đồ dùng học tập cá nhân hoặc vật thật.

 – Nhận biết được số đối của một số nguyên.

Hiểu

 (Hiểu được ý nghĩa của thông tin, diễn đạt được thông tin theo ý hiểu của cá nhân)

Mô tả;

 Giải thích;

 Thể hiện;

 Sắp xếp.

– Đọc và mô tả được các số liệu ở dạng bảng.

 – Giải thích được định lí về dấu của tam thức bậc hai từ việc quan sát đồ thị của hàm bậc hai.

 – Thể hiện được các số đo đại lượng bằng cách dùng số thập phân.

 – Sắp xếp được số liệu vào biểu đồ cột.

Vận dụng

 (Vận dụng thông tin đã biết vào một tình huống, điều kiện mới hoặc để giải quyết vấn đề)

Tính;

 Vẽ;

 Thực hiện;

 Sử dụng;

 Vận dụng;

 So sánh;

 Phân biệt;

 Lí giải;

 Chứng minh;

 Giải quyết.

– Tính được độ dài đường gấp khúc khi biết độ dài các cạnh.

 – Vẽ được đường cao của hình tam giác.

 – Thực hiện được phép cộng hai số nguyên

 – Sử dụng được thuật ngữ tập hợp, phần tử thuộc (không thuộc) một tập hợp.

 – Vận dụng được kiến thức về phương trình mặt cầu để giải một số bài toán liên quan đến thực tiễn.

 – So sánh được hai phân số cho trước.

 – Phân biệt được góc nhị diện và góc giữa hai mặt phẳng.

 – Lí giải được cách chuyển dữ liệu từ dạng biểu diễn này sang dạng biểu diễn khác.

 – Chứng minh được tính đúng đắn của một mệnh đề toán học bằng phương pháp quy nạp toán học.

 – Giải quyết được một số vấn đề thực tiễn đơn giản liên quan đến hình phẳng và hình khối đã học.

  1. Thời lượng thực hiện chương trình
  2. a) Thời lượng thực hiện chương trình ở các lớp
Lớp Lớp 1 Lớp 2 Lớp 3 Lớp 4 Lớp 5 Lớp 6 Lớp 7 Lớp 8 Lớp 9 Lớp 10 Lớp 11 Lớp 12
Số tiết 105 175 175 175 175 140 140 140 140 105 105 105

 Riêng ở cấp trung học phổ thông, mỗi lớp có thêm 35 tiết/năm học cho các chuyên đề học tập lựa chọn.

  1. b) Thời lượng dành cho các nội dung giáo dục

 Ước lượng thời gian (tính theo %) cho các mạch nội dung ở từng lớp (không tính chuyên đề học tập) như sau:

Mạch kiến thức

 Cấp học/Lớp

Số, Đại số và Một số yếu tố giải tích Hình học và Đo lường Thống kê và Xác suất Hoạt động thực hành và trải nghiệm
Tiểu học 1 80% 15% 0% 5%
2 75% 17% 3% 5%
3 70% 22% 3% 5%
4 75% 16% 4% 5%
5 50% 40% 5% 5%
Toàn cấp 69% 23% 3% 5%
Trung học cơ sở 6 49% 30% 14% 7%
7 43% 36% 14% 7%
8 43% 36% 14% 7%
9 43% 36% 14% 7%
Toàn cấp 43% 36% 14% 7%
Trung học phổ thông 10 44% 35% 14% 7%
11 44% 35% 14% 7%
12 44% 35% 14% 7%
Toàn cấp 44% 35% 14% 7%
Toàn bộ chương trình 44% 35% 14% 7%
  1. Thiết bị dạy học
  2. a) Thiết bị dạy học môn Toán chứa đựng, mô tả những tri thức có khả năng hỗ trợ giáo viên và hỗ trợ học sinh hướng vào đối tượng toán học cụ thể (khái niệm, quan hệ, tính chất toán học,…) nhằm phát hiện, tìm tòi, khắc sâu kiến thức,… trong quá trình học tập môn Toán.
  3. b) Việc sử dụng thiết bị dạy học môn Toán cần bảo đảm một số yêu cầu sau:

 – Các thiết bị dạy học phải phục vụ cho mục tiêu dạy học môn Toán, phù hợp với nội dung học và các đối tượng học sinh, hỗ trợ đổi mới phương pháp dạy học và tránh làm tăng thêm nội dung dạy học, công việc của giáo viên và gây tốn kém không cần thiết.

 – Sử dụng đúng lúc, đúng chỗ, tránh hình thức hoặc lạm dụng gây phản tác dụng, làm giảm hiệu quả của quá trình dạy học; tạo điều kiện để học sinh thực sự được thực hành, thao tác trên các thiết bị dạy học, qua đó giúp học sinh chủ động, tích cực khám phá, phát hiện kiến thức và góp phần phát triển “năng lực sử dụng công cụ, phương tiện học toán”.

 – Khuyến khích sử dụng các phương tiện nghe nhìn, phương tiện kĩ thuật hiện đại hỗ trợ quá trình dạy học, đồng thời coi trọng việc sử dụng các phương tiện truyền thống. Khi có điều kiện, giáo viên hướng dẫn học sinh cách tìm kiếm thông tin, tư liệu trên Internet hoặc chương trình truyền hình có uy tín về giáo dục để mở rộng vốn hiểu biết và năng lực tự học.

 – Tăng cường thiết bị dạy học tự làm: Ngoài các thiết bị dạy học tối thiểu được quy định trong danh mục do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành cần huy động sáng kiến, sự sáng tạo của học sinh, giáo viên và phụ huynh trong việc khai thác, thiết kế và sử dụng các thiết bị dạy học tự làm.

 – Phối hợp sử dụng linh hoạt các loại hình thiết bị dạy học: Mỗi loại hình thiết bị đều có ưu điểm và hạn chế nhất định, do đó tùy thuộc nội dung bài học, phương pháp dạy học mà có thể kết hợp sử dụng các loại hình thiết bị dạy học và phối hợp một cách hợp lí, khoa học và sinh động.

  1. c) Căn cứ mục tiêu và yêu cầu cần đạt của chương trình môn Toán, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành danh mục thiết bị dạy học tối thiểu, bảo đảm đủ về số lượng và chủng loại. Cụ thể:

 – Cấp tiểu học:

 + Số và Phép tính: Gồm các bộ thiết bị dạy học về Số tự nhiên và các phép tính (cộng, trừ, nhân, chia) với số tự nhiên; Phân số và các phép tính (cộng, trừ, nhân, chia) với phân số; Số thập phân và Các phép tính về số thập phân; Tỉ số phần trăm.

 + Hình học và Đo lường: Gồm các bộ thiết bị dạy học về nhận biết, mô tả hình dạng và đặc điểm của một số hình phẳng và hình khối; thực hành đo, vẽ, lắp ghép, tạo hình (tương ứng với chương trình môn Toán mỗi lớp); thực hành cân, đo, đong, đếm, xem thời gian, mua bán.

 + Một số yếu tố thống kê và xác suất: Gồm các bộ thiết bị dạy học về Đọc, mô tả, biểu diễn số liệu vào các bảng, biểu đồ thống kê; làm quen với khả năng xảy ra của một sự kiện.

 – Cấp trung học cơ sở:

 + Số và Đại số: Gồm các bộ thiết bị dạy học về Số nguyên và Các phép tính với số nguyên; Tỉ số phần trăm; Hàm số và đồ thị.

 + Hình học và Đo lường: Bộ thiết bị dạy học về nhận biết, mô tả hình dạng và đặc điểm của một số hình phẳng và hình khối; về thực hành đo, vẽ, tạo hình gắn với các hình phẳng và hình khối đã học.

 + Một số yếu tố Thống kê và Xác suất: Bộ thiết bị dạy học về Thống kê và Xác suất.

 – Cấp trung học phổ thông:

 + Đại số và Một số yếu tố giải tích: Bộ thiết bị dạy và học về Hàm số và đồ thị.

 + Hình học và Đo lường: Bộ thiết dạy học về Nhận biết, mô tả hình dạng và đặc điểm hình chóp, hình lăng trụ, hình nón, hình cầu, hình trụ, các đường cônic.

 + Thống kê và Xác suất: Bộ thiết bị dạy học về Thống kê và Xác suất.

 CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG

 MÔN GIÁO DỤC CÔNG DÂN

 (Ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

 MỤC LỤC

  1. ĐẶC ĐIỂM MÔN HỌC
  2. QUAN ĐIỂM XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH

 III. MỤC TIÊU CHƯƠNG TRÌNH

  1. YÊU CẦU CẦN ĐẠT
  2. NỘI DUNG GIÁO DỤC

 LỚP 1

 LỚP 2

 LỚP 3

 LỚP 4

 LỚP 5

 LỚP 6

 LỚP 7

 LỚP 8

 LỚP 9

 LỚP 10

 LỚP 11

 LỚP 12

  1. PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC

 VII. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ GIÁO DỤC

 VIII.GIẢI THÍCH VÀ HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

  

  1. ĐẶC ĐIỂM MÔN HỌC

 Giáo dục công dân (môn Đạo đức ở cấp tiểu học, môn Giáo dục công dân ở cấp trung học cơ sở, môn Giáo dục kinh tế và pháp luật ở cấp trung học phổ thông) giữ vai trò chủ đạo trong việc giúp học sinh hình thành, phát triển ý thức và hành vi của người công dân. Thông qua các bài học về lối sống, đạo đức, pháp luật, kinh tế, môn Giáo dục công dân góp phần bồi dưỡng cho học sinh những phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi của người công dân, đặc biệt là tình cảm, niềm tin, nhận thức, cách ứng xử phù hợp với chuẩn mực đạo đức và quy định của pháp luật, có kĩ năng sống và bản lĩnh để học tập, làm việc và sẵn sàng thực hiện trách nhiệm công dân trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.

 Ở giai đoạn giáo dục cơ bản: Đạo đức và Giáo dục công dân là các môn học bắt buộc. Nội dung chủ yếu của môn học là giáo dục đạo đức, kĩ năng sống, pháp luật và kinh tế. Những nội dung này định hướng chính vào giáo dục về giá trị bản thân, gia đình, quê hương, cộng đồng, nhằm hình thành cho học sinh thói quen, nền nếp cần thiết trong học tập, sinh hoạt và ý thức tự điều chỉnh bản thân theo các chuẩn mực đạo đức và quy định của pháp luật.

 Ở giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp: Giáo dục kinh tế và pháp luật là môn học được lựa chọn theo nguyện vọng và định hướng nghề nghiệp của học sinh. Nội dung chủ yếu của môn học là học vấn phổ thông, cơ bản về kinh tế, pháp luật phù hợp với lứa tuổi; mang tính ứng dụng, thiết thực đối với đời sống và định hướng nghề nghiệp sau trung học phổ thông của học sinh; được lồng ghép với nội dung giáo dục đạo đức và kĩ năng sống, giúp học sinh có nhận thức đúng và thực hiện quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm công dân. Ở mỗi lớp 10, 11, 12, những học sinh có định hướng theo học các ngành Giáo dục chính trị, Giáo dục công dân, Kinh tế, Hành chính, Pháp luật,… hoặc có sự quan tâm, hứng thú đối với môn học được chọn học một số chuyên đề học tập. Các chuyên đề này nhằm tăng cường kiến thức về kinh tế, pháp luật và kĩ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn, đáp ứng sở thích, nhu cầu và định hướng nghề nghiệp của học sinh.

  1. QUAN ĐIỂM XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH

 Chương trình môn Giáo dục công dân tuân thủ các định hướng nêu trong Chương trình tổng thể, đồng thời, xuất phát từ đặc điểm môn học, nhấn mạnh các quan điểm sau:

  1. Chương trình môn Giáo dục công dân bảo đảm tính khoa học, tính sư phạm và tính thực tiễn, được xây dựng trên cơ sở: đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; các thành tựu nghiên cứu về tâm lí học, giáo dục học, đạo đức học, luật học, lí luận chính trị và kinh tế học; kinh nghiệm trong nước và quốc tế về phát triển chương trình môn Giáo dục công dân; các giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam và giá trị chung của nhân loại; thực tiễn xã hội, giáo dục, điều kiện kinh tế và truyền thống văn hoá Việt Nam, sự đa dạng của đối tượng học sinh xét về phương diện vùng miền, điều kiện và khả năng học tập.
  2. Chương trình môn Giáo dục công dân bảo đảm tính hệ thống. Ở giai đoạn giáo dục cơ bản, nội dung môn Đạo đức (cấp tiểu học) và môn Giáo dục công dân (cấp trung học cơ sở) được xây dựng theo hướng đồng tâm và phát triển,dựa trên các mạch nội dung giáo dục đạo đức, kĩ năng sống, kinh tế, pháp luật và xoay quanh các mối quan hệ của con người với bản thân và người khác, với cộng đồng, đất nước, nhân loại, công việc và môi trường tự nhiên; mở rộng và nâng cao dần từ cấp tiểu học đến cấp trung học cơ sở. Ở giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, nội dung môn Giáo dục kinh tế và pháp luật (cấp trung học phổ thông) được xây dựng theo hướng phát triển tuyến tính, xoay quanh các quan hệ kinh tế và pháp luật, từ kinh tế vĩ mô đến kinh tế vi mô, từ hệ thống chính trị và pháp luật đến quyền và nghĩa vụ công dân.
  3. Chương trình môn Giáo dục công dân chú trọng tích hợp các nội dung giáo dục trong nội bộ môn học về kĩ năng sống, đạo đức, pháp luật, kinh tế và tích hợp nhiều chủ đề giáo dục cần thiết như: môi trường, bình đẳng giới, di sản văn hoá, phòng chống tệ nạn xã hội, tài chính,… Những nội dung này gắn bó chặt chẽ với cuộc sống thực tiễn của học sinh, gắn liền với các sự kiện có tính thời sự trong đời sống đạo đức, pháp luật, kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội của địa phương, đất nước và thế giới.
  4. Chương trình môn Giáo dục công dân được xây dựng theo hướng mở. Chương trình chỉ quy định những yêu cầu cần đạt; những nội dung dạy học cơ bản, cốt lõi cho mỗi cấp học, lớp học nhằm đáp ứng yêu cầu cần đạt; những định hướng chung về phương pháp giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục. Căn cứ vào các yêu cầu cần đạt và định hướng chung của chương trình, các tác giả sách giáo khoa, cơ sở giáo dục và giáo viên môn Giáo dục công dân chủ động, sáng tạo trong quá trình thực hiện và phát triển chương trình.

 III. MỤC TIÊU CHƯƠNG TRÌNH

  1. Mục tiêu chung

 Chương trình môn Giáo dục công dân góp phần hình thành, phát triển ở học sinh các phẩm chất chủ yếu: yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực và trách nhiệm;các năng lực của người công dân Việt Nam, đặc biệt là năng lực điều chỉnh hành vi, năng lực phát triển bản thân, năng lực tìm hiểu và tham gia hoạt động kinh tế – xã hội,nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của cá nhân và yêu cầu của sự nghiệp xây dựng nhà nước pháp quyền và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh toàn cầu hoá và cách mạng công nghiệp mới.

  1. Mục tiêu cấp tiểu học
  2. a) Bước đầu hình thành, phát triển ở học sinh những hiểu biết ban đầu về chuẩn mực hành vi đạo đức, pháp luật và sự cần thiết thực hiện theo các chuẩn mực đó trong quan hệ với bản thân và người khác, với công việc, cộng đồng, đất nước, nhân loại và môi trường tự nhiên; thái độ tự trọng, tự tin; những tình cảm và hành vi tích cực: yêu gia đình, quê hương, đất nước; yêu thương, tôn trọng con người; đồng tình với cái thiện, cái đúng, cái tốt, không đồng tình với cái ác, cái sai, cái xấu; chăm học, chăm làm; trung thực; có trách nhiệm với thái độ, hành vi của bản thân.
  3. b) Giúp học sinh bước đầu nhận biết và điều chỉnh được cảm xúc, thái độ, hành vi của bản thân; biết quan sát, tìm hiểu về gia đình, quê hương, đất nước và về các hành vi ứng xử; biết lập kế hoạch và thực hiện kế hoạch cá nhân,hình thành thói quen, nền nếp cơ bản, cần thiết trong học tập, sinh hoạt.
  4. Mục tiêu cấp trung học cơ sở
  5. a) Giúp học sinh có hiểu biết về những chuẩn mực đạo đức, pháp luật cơ bản và giá trị, ý nghĩa của các chuẩn mực đó; tự hào về truyền thống gia đình, quê hương, dân tộc; tôn trọng, khoan dung, quan tâm, giúp đỡ người khác; tự giác, tích cực học tập và lao động; có thái độ đúng đắn, rõ ràng trước các hiện tượng, sự kiện trong đời sống; có trách nhiệm với bản thân, gia đình, nhà trường, xã hội, công việc và môi trường sống.
  6. b) Giúp học sinh có tri thức phổ thông, cơ bản về đạo đức, kĩ năng sống, kinh tế, pháp luật; đánh giá được thái độ, hành vi của bản thân và người khác; tự điều chỉnh và nhắc nhở, giúp đỡ bạn bè, người thân điều chỉnh thái độ, hành vi theo chuẩn mực đạo đức, pháp luật; thực hiện được các công việc để đạt mục tiêu, kế hoạch hoàn thiện, phát triển bản thân; biết cách thiết lập, duy trì mối quan hệ hoà hợp với những người xung quanh, thích ứng với xã hội biến đổi và giải quyết các vấn đề đơn giản trong đời sống của cá nhân, cộng đồng phù hợp với giá trị văn hoá, chuẩn mực đạo đức, quy tắc của cộng đồng, quy định của pháp luật và lứa tuổi.
  7. Mục tiêu cấp trung học phổ thông
  8. a) Giúp học sinh tiếp tục phát triển các phẩm chất đã được hình thành, phát triển ở cấp trung học cơ sở:Có hiểu biết và tình cảm, niềm tin về những giá trị đạo đức của dân tộc và thời đại,đường lối phát triển đất nước của Đảng và quy định của pháp luật về quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân; tích cực, tự giác học tập và tham gia lao động, sản xuất phù hợp với khả năng của bản thân;có trách nhiệm công dân trong thực hiện đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước để góp phần bảo vệ, xây dựng Tổ quốc; tôn trọng quyền, nghĩa vụ của tổ chức và cá nhân theo quy định của pháp luật; nhận thức, hành động theo lẽ phải và sẵn sàng đấu tranh bảo vệ lẽ phải, chống các hành vi, hiện tượng tiêu cực trong xã hội.
  9. b) Giúp học sinh củng cố, nâng cao các năng lực đã được hình thành, phát triển ở cấp trung học cơ sở:Phân tích, đánh giá được thái độ, hành vi của bản thân và người khác; tự điều chỉnh và nhắc nhở, giúp đỡ người khác điều chỉnh thái độ, hành vi theo chuẩn mực đạo đức, pháp luật; lập được mục tiêu, kế hoạch hoàn thiện, phát triển bản thân và thực hiện được các công việc học tập, rèn luyện để đạt mục tiêu kế hoạch đã đề ra; có kiến thức phổ thông, cơ bản về kinh tế, pháp luật; vận dụng được các kiến thức đã học để phân tích, đánh giá, xử lí các hiện tượng, vấn đề, tình huống trong thực tiễn cuộc sống; có khả năng tham gia các hoạt động phù hợp với lứa tuổi để thực hiện quyền, nghĩa vụ công dân trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và trong các hoạt động kinh tế; có kĩ năng sống, bản lĩnh để tiếp tục học tập, làm việc và thực hiện các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm công dân trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.
  10. YÊU CẦU CẦN ĐẠT
  11. Yêu cầu cần đạt về các phẩm chất chủ yếu và năng lực chung

 Môn Giáo dục công dân góp phần hình thành và phát triển phẩm chất chủ yếu và năng lực chung theo các mức độ phù hợp với môn học, cấp học đã được quy định trong Chương trình tổng thể.

  1. Yêu cầu cần đạt về năng lực đặc thù

 Các năng lực được hình thành, phát triển trong môn Giáo dục công dân(năng lực điều chỉnh hành vi, năng lực phát triển bản thân, năng lực tìm hiểu và tham gia hoạt động kinh tế – xã hội) là biểu hiện đặc thù của các năng lực chung và năng lực khoa học đã nêu trong Chương trình tổng thể. Yêu cầu cần đạt về các năng lực này đối với mỗi cấp học như sau:

Năng lực Cấp tiểu học Cấp trung học cơ sở Cấp trung học phổ thông
NĂNG LỰC ĐIỀU CHỈNH HÀNH VI
Nhận thức chuẩn mực hành vi – Nhận biết được một số chuẩn mực hành vi đạo đức và pháp luật thường gặp phù hợp với lứa tuổi và sự cần thiết của việc thực hiện theo các chuẩn mực đó.

 -Có kiến thức cần thiết, phù hợp để nhận thức, quản lí, tự bảo vệ bản thân và duy trì mối quan hệ hoà hợp với bạn bè.

 – Nhận biết được sự cần thiết của giao tiếp và hợp tác; trách nhiệm của bản thân và của nhóm trong hợp tác nhằm đáp ứng các nhu cầu của bản thân và giải quyết các vấn đề học tập, sinh hoạt hằng ngày.

– Nhận biết được những chuẩn mực đạo đức, pháp luật phổ thông, cơ bản, phù hợp với lứa tuổi và giá trị, ý nghĩa của các chuẩn mực hành vi đó.

 -Có kiến thức cơ bản để nhận thức, quản lí, tự bảo vệ bản thân và thích ứng với những thay đổi trong cuộc sống.

 – Nhận biết được mục đích, nội dung, phương thức giao tiếp và hợp tác trong việc đáp ứng các nhu cầu của bản thân và giải quyết các vấn đề học tập, sinh hoạt hằng ngày.

 – Nhận biết được sự cần thiết phải tiết kiệm tiền; nguyên tắc quản lí tiền; cách lập kế hoạch chi tiêu và tiêu dùng thông minh.

– Hiểu được trách nhiệm của công dân trong bảo vệ, xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính trị; chấp hành Hiến pháp, pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.

 – Hiểu được trách nhiệm của công dân trong thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về các hoạt động kinh tế; các chuẩn mực đạo đức trong sản xuất kinh doanh và tiêu dùng.

 – Có hiểu biết cơ bản về hội nhập kinh tế quốc tế.

Đánh giá hành vi của bản thân và người khác – Nhận xét được tính chất đúng – sai, tốt – xấu, thiện – ác của một số thái độ, hành vi đạo đức và pháp luật của bản thân và bạn bè trong học tập và sinh hoạt.

 – Thể hiện được thái độ đồng tình với cái thiện, cái đúng, cái tốt; không đồng tình với cái ác, cái sai, cái xấu.

 – Nhận xét được thái độ của đối tượng giao tiếp; một số đặc điểm nổi bật của các thành viên trong nhóm để phân công công việc và hợp tác.

– Đánh giá được tác dụng và tác hại của thái độ, hành vi đạo đức và pháp luật của bản thân và người khác trong học tập và sinh hoạt.

 – Đồng tình, ủng hộ những thái độ, hành vi tích cực; phê phán, đấu tranh với những thái độ, hành vi tiêu cực về đạo đức và pháp luật.

 – Đánh giá được bối cảnh giao tiếp, đặc điểm và thái độ của đối tượng giao tiếp; khả năng của bản thân và nguyện vọng, khả năng của các thành viên trong nhóm hợp tác.

– Phân tích, đánh giá được thái độ, hành vi, việc làm của bản thân và người khác trong chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

 – Đồng tình, ủng hộ những thái độ, hành vi, việc làm phù hợp với chuẩn mực đạo đức và chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phê phán, đấu tranh với những thái độ, hành vi, việc làm vi phạm chuẩn mực đạo đức, pháp luật trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Điều chỉnh hành vi – Tự làm được những việc của mình ở nhà, ở trường theo sự phân công, hướng dẫn; không dựa dẫm, ý lại người khác.

 – Bước đầu biết điều chỉnh và nhắc nhở bạn bè điều chỉnh cảm xúc, thái độ, hành vi, thói quen của bản thân phù hợp với chuẩn mực hành vi đạo đức, pháp luật và lứa tuổi; không nói hoặc làm những điều xúc phạm người khác; không mải chơi, làm ảnh hưởng đến việc học hành và các việc khác; biết sửa chữa sai sót, khuyết điểm trong học tập và sinh hoạt hằng ngày.

 – Thực hiện được một số hoạt động cần thiết, phù hợp để nhận thức, phát triển, tự bảo vệ bản thân và thiết lập, duy trì mối quan hệ hoà hợp với bạn bè.

 – Bước đầu biết thực hành tiết kiệm và sử dụng tiền hợp lí.

– Tự thực hiện những công việc của bản thân trong học tập và cuộc sống; phê phán những hành vi, thói quen sống dựa dẫm, ỷ lại.

 – Tự điều chỉnh và nhắc nhở, giúp đỡ bạn bè, người thân điều chỉnh được cảm xúc, thái độ, hành vi phù hợp với chuẩn mực đạo đức, pháp luật và lứa tuổi; sống tự chủ, không đua đòi, ăn diện lãng phí, nghịch ngợm, càn quấy, không làm những việc xấu (bạo lực học đường, mắc tệ nạn xã hội,…); biết rèn luyện, phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế của bản thân, hướng đến các giá trị xã hội.

 – Tự thực hiện và giúp đỡ bạn bè thực hiện được một số hoạt động cơ bản, cần thiết để nhận thức, phát triển, tự bảo vệ bản thân và thích ứng với những thay đổi trong cuộc sống.

 – Tiết kiệm tiền bạc, đồ dùng, thời gian, điện nước; bước đầu biết quản lí tiền, tạo nguồn thu nhập cá nhân và chi tiêu hợp lí.

Tự điều chỉnh và nhắc nhở, giúp đỡ người khác điều chỉnh được cảm xúc, thái độ, hành vi phù hợp với chuẩn mực đạo đức, pháp luật trong thực hiện quyền, nghĩa vụ công dân và thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước về kinh tế – xã hội.

 – Kiểm soát được tài chính cá nhân.

NĂNG LỰC PHÁT TRIỂN BẢN THÂN
Tự nhận thức bản thân Nhận biết được một số điểm mạnh, điểm yếu của bản thân theo chỉ dẫn của thầy giáo, cô giáo và người thân. Tự nhận biết được sở thích, điểm mạnh, điểm yếu, giá trị, vị trí và các quan hệ xã hội của bản thân. Tự đánh giá được điểm mạnh, điểm yếu, vai trò, giá trị, khả năng, điều kiện và các quan hệ xã hội của bản thân.
Lập kế hoạch phát triển bản thân – Nêu được các loại kế hoạch cá nhân, sự cần thiết phải lập kế hoạch cá nhân, cách lập kế hoạch cá nhân.

 – Lập được kế hoạch cá nhân của bản thân.

– Xác định được lí tưởng sống của bản thân; lập được mục tiêu, kế hoạch học tập và rèn luyện, kế hoạch chi tiêu cá nhân phù hợp theo hướng dẫn.

 – Xác định được hướng phát triển phù hợp của bản thân sau trung học cơ sở với sự tư vấn của thầy giáo, cô giáo và người thân.

– Tự đặt ra được mục tiêu, kế hoạch, biện pháp học tập, rèn luyện và kế hoạch tài chính phù hợp của bản thân.

 – Bước đầu biết tạo lập, xây dựng ý tưởng cho một hoạt động kinh doanh nhỏ; lựa chọn được mô hình hoạt động kinh tế thích hợp trong tương lai đối với bản thân.

 – Xác định được hướng phát triển phù hợp của bản thân sau trung học phổ thông.

Thực hiện kế hoạch phát triển bản thân – Thực hiện được các công việc của bản thân trong học tập và sinh hoạt theo kế hoạch đã đề ra với sự hướng dẫn của thầy giáo, cô giáo và người thân.

 – Có ý thức học hỏi thầy giáo, cô giáo, bạn bè, người khác và học tập, làm theo những gương tốt để hoàn thiện, phát triển bản thân.

– Kiên trì mục tiêu, kế hoạch học tập và rèn luyện; tự thực hiện được các công việc, nhiệm vụ của bản thân trong học tập và sinh hoạt hằng ngày.

 – Thực hiện được việc quản lí và chi tiêu tiền hợp lí theo kế hoạch đã đề ra.

– Thực hiện được và vận động, giúp đỡ người khác thực hiện các công việc, nhiệm vụ học tập, rèn luyện của bản thân để đạt mục tiêu, kế hoạch đã đề ra và hướng tới các giá trị xã hội.

 – Điều chỉnh được mục tiêu, kế hoạch, phương pháp học tập, rèn luyện phù hợp với cuộc sống thay đổi; khắc phục được sai sót, hạn chế của bản thân trong quá trình thực hiện mục tiêu, kế hoạch đã đề ra; lựa chọn được các môn học phù hợp với định hướng nghề nghiệp của bản thân.

NĂNG LỰC TÌM HIỂU VÀ THAM GIA HOẠT ĐỘNG KINH TẾ – XÃ HỘI
Tìm hiểu các hiện tượng kinh tế – xã hội – Bước đầu nhận biết được một số khái niệm cơ bản về xã hội và quan sát xã hội như: cá nhân, gia đình, xã hội, đất nước, tốt – xấu,…

 – Bước đầu biết quan sát, tìm hiểu về gia đình, quê hương, đất nước, các hành vi ứng xử trong đời sống hằng ngày với sự giúp đỡ của thầy giáo, cô giáo và người thân.

 – Nhận biết được vai trò của tiền; sự cần thiết phải bảo quản, tiết kiệm, sử dụng hợp lí tiền.

– Hiểu được một số kiến thức phổ thông, cơ bản về đạo đức, kĩ năng sống, kinh tế, pháp luật.

 – Nhận biết được một số hiện tượng, sự kiện, vấn đề của đời sống xã hội liên quan đến đạo đức, pháp luật, kĩ năng sống và kinh tế phù hợp với lứa tuổi.

 – Bước đầu biết cách thu thập, xử lí thông tin để tìm hiểu một số hiện tượng, sự kiện, vấn đề đạo đức, kĩ năng sống, pháp luật, kinh tế phù hợp với lứa tuổi.

– Hiểu được các kiến thức khoa học và một số vấn đề cơ bản về đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Hiến pháp, pháp luật, hệ thống chính trị của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; quyền và nghĩa vụ công dân; trách nhiệm của thanh niên với tư cách công dân.

 – Giải thích được một cách đơn giản một số hiện tượng, vấn đề kinh tế, pháp luật và đạo đức đang diễn ra ở Việt Nam và thế giới.

Tham gia hoạt động kinh tế – xã hội – Bước đầu nêu được cách giải quyết và tham gia giải quyết được các vấn đề đơn giản, phù hợp với lứa tuổi về đạo đức, pháp luật, kĩ năng sống trong học tập và sinh hoạt hằng ngày.

 – Có được cách cư xử, thói quen, nền nếp cơ bản, cần thiết trong học tập, sinh hoạt.

 – Đề xuất được phương án phân công công việc phù hợp; thực hiện được nhiệm vụ của bản thân; biết trao đổi, giúp đỡ thành viên khác để cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ trong nhóm theo sự phân công, hướng dẫn.

 – Tham gia các hoạt động phù hợp với lứa tuổi do nhà trường, địa phương tổ chức.

-Lựa chọn, đề xuất được cách giải quyết và tham gia giải quyết được các vấn đề thường gặp hoặc một số vấn đề về đạo đức, kĩ năng sống, pháp luật, kinh tế phù hợp với lứa tuổi trong những tình huống mới của cá nhân, gia đình, cộng đồng.

 – Hình thành, duy trì được mối quan hệ hoà hợp với những người xung quanh và thích ứng được với xã hội biến đổi.

 – Nêu được tình huống có vấn đề; hình thành được ý tưởng mới trong học tập và cuộc sống; có khả năng tham gia thảo luận, tranh luận về một số vấn đề đạo đức, kĩ năng sống, pháp luật, kinh tế phù hợp với lứa tuổi phù hợp với lứa tuổi.

 – Biết lắng nghe và phản hồi tích cực trong giao tiếp; đề xuất được phương án tổ chức, chủ động hoàn thành nhiệm vụ được giao; khiêm tốn học hỏi và giúp đỡ các thành viên khác cùng hoàn thành nhiệm vụ của nhóm trong hợp tác giải quyết các vấn đề học tập, lao động và hoạt động cộng đồng.

-Vận dụng được các kiến thức đã học để phân tích, đánh giá, xử lí các hiện tượng, vấn đề, tình huống trong thực tiễn cuộc sống; có khả năng tham gia thảo luận, tranh luận về một số vấn đề trong đời sống xã hội đương đại liên quan đến đạo đức, pháp luật và kinh tế.

 – Có khả năng tham gia một số hoạt động phù hợp với lứa tuổi để thực hiện quyền, nghĩa vụ công dân trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và trong các hoạt động kinh tế.

 – Bước đầu đưa ra được quyết định hợp lí và tham gia giải quyết được một số vấn đề của cá nhân, gia đình và cộng đồng bằng các hành vi, việc làm phù hợp với chuẩn mực đạo đức, pháp luật và lứa tuổi.

 – Tham gia và vận động người khác tham gia các hoạt động kinh tế – xã hội, các hoạt động phục vụ cộng đồng, các hoạt động tuyên truyền và thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phù hợp với lứa tuổi do nhà trường, địa phương tổ chức.

  1. NỘI DUNG GIÁO DỤC
  2. Nội dung khái quát
  3. a) Nội dung khái quát các cấp học
Nội dung Cấp tiểu học Cấp trung học cơ sở Cấp trung học phổ thông
Giáo dục đạo đức Yêu nước × × +
Nhân ái × × +
Chăm chỉ × × +
Trung thực × × +
Trách nhiệm × × +
Giáo dục kĩ năng sống Kĩ năng nhận thức, quản lí bản thân × × +
Kĩ năng tự bảo vệ × × +
Giáo dục kinh tế Hoạt động của nền kinh tế     ×
Hoạt động kinh tế của Nhà nước     ×
Hoạt động sản xuất kinh doanh     ×
Hoạt động tiêu dùng × × ×
Giáo dục pháp luật Chuẩn mực hành vi pháp luật ×    
Quyền và nghĩa vụ của công dân   × ×
Hệ thống chính trị và pháp luật     ×

 Chú thích: kí hiệu (×)biểu thị nội dung giáo dục chủ yếu; kí hiệu (+) biểu thị nội dung giáo dục lồng ghép.

  1. b) Nội dung khái quát cấp tiểu học
Nội dung Lớp 1 Lớp 2 Lớp 3 Lớp 4 Lớp 5
GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC Yêu nước Yêu thương gia đình Quê hương em Em yêu Tổ quốc Việt Nam Biết ơn người lao động Biết ơn những người có công với quê hương, đất nước
Nhân ái Quan tâm, chăm sóc người thân trong gia đình Kính trọng thầy giáo, cô giáo và yêu quý bạn bè Quan tâm hàng xóm láng giềng Cảm thông, giúp đỡ người gặp khó khăn Tôn trọng sự khác biệt của người khác
Chăm chỉ Tự giác làm việc của mình Quý trọng thời gian Ham học hỏi Yêu lao động Vượt qua khó khăn
Trung thực Thật thà Nhận lỗi và sửa lỗi Giữ lời hứa Tôn trọng tài sản của người khác Bảo vệ cái đúng, cái tốt
Trách nhiệm – Sinh hoạt nền nếp – Thực hiện nội quy trường, lớp Bảo quản đồ dùng cá nhân và gia đình Tích cực hoàn thành nhiệm vụ Bảo vệ của công Bảo vệ môi trường sống
GIÁO DỤC KĨ NĂNG SỐNG Kĩ năng nhận thức, quản lí bản thân Tự chăm sóc bản thân Thể hiện cảm xúc bản thân Khám phá bản thân Thiết lập và duy trì quan hệ bạn bè Lập kế hoạch cá nhân
Kĩ năng tự bảo vệ Phòng, tránh tai nạn, thương tích Tìm kiếm sự hỗ trợ Xử lí bất hoà với bạn bè   Phòng, tránh xâm hại
GIÁO DỤC KINH TẾ Hoạt động tiêu dùng       Quý trọng đồng tiền Sử dụng tiền hợp lí
GIÁO DỤC PHÁP LUẬT Chuẩn mực hành vi pháp luật   Tuân thủ quy định nơi công cộng Tuân thủ quy tắc an toàn giao thông Quyền và bổn phận trẻ em  
  1. c) Nội dung khái quát cấp trung học cơ sở
Nội dung Lớp 6 Lớp 7 Lớp 8 Lớp 9
GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC Yêu nước Tự hào về truyền thống gia đình, dòng họ Tự hào về truyền thống quê hương Tự hào về truyền thống dân tộc Việt Nam Sống có lí tưởng
Nhân ái Yêu thương con người Quan tâm, cảm thông và chia sẻ Tôn trọng sự đa dạng của các dân tộc Khoan dung
Chăm chỉ Siêng năng, kiên trì Học tập tự giác, tích cực Lao động cần cù, sáng tạo Tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng
Trung thực Tôn trọng sự thật Giữ chữ tín Bảo vệ lẽ phải Khách quan và công bằng
Trách nhiệm Tự lập Bảo tồn di sản văn hoá Bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên Bảo vệ hoà bình
GIÁO DỤC KĨ NĂNG SỐNG Kĩ năng nhận thức, quản lí bản thân Tự nhận thức bản thân Ứng phó với tâm lí căng thẳng Xác định mục tiêu cá nhân Quản lí thời gian hiệu quả
Kĩ năng tự bảo vệ Ứng phó với tình huống nguy hiểm Phòng, chống bạo lực học đường Phòng, chống bạo lực gia đình Thích ứng với thay đổi
GIÁO DỤC KINH TẾ Hoạt động tiêu dùng Tiết kiệm Quản lí tiền Lập kế hoạch chi tiêu Tiêu dùng thông minh
GIÁO DỤC PHÁP LUẬT Quyền và nghĩa vụ của công dân Công dân nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam Phòng, chống tệ nạn xã hội Phòng ngừa tai nạn vũ khí, cháy, nổ và các chất độc hại Vi phạm pháp luật và trách nhiệm pháp lí
Quyền trẻ em Quyền và nghĩa vụ của công dân trong gia đình Quyền và nghĩa vụ lao động của công dân Quyền tự do kinh doanh và nghĩa vụ đóng thuế
  1. d) Nội dung khái quát cấp trung học phổ thông
Nội dung Lớp 10 Lớp 11 Lớp 12
GIÁO DỤC KINH TẾ Hoạt động của nền kinh tế Nền kinh tế và các chủ thể của nền kinh tế Cạnh tranh, cung, cầu trong kinh tế thị trường Tăng trưởng và phát triển kinh tế
Thị trường và cơ chế thị trường Lạm phát, thất nghiệp Hội nhập kinh tế quốc tế
Hoạt động kinh tế của Nhà nước Ngân sách nhà nước và thuế Thị trường lao động, việc làm Bảo hiểm và an sinh xã hội
Hoạt động sản xuất kinh doanh Sản xuất kinh doanh và các mô hình sản xuất kinh doanh Ý tưởng, cơ hội kinh doanh và các năng lực cần thiết của người kinh doanh Lập kế hoạch kinh doanh
Tín dụng và cách sử dụng các dịch vụ tín dụng Đạo đức kinh doanh Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp
Hoạt động tiêu dùng Lập kế hoạch tài chính cá nhân Văn hoá tiêu dùng Quản lí thu, chi trong gia đình
GIÁO DỤC PHÁP LUẬT Quyền và nghĩa vụ của công dân   Quyền bình đẳng của công dân Một số quyền và nghĩa vụ của công dân về kinh tế
  Một số quyền dân chủ cơ bản của công dân Quyền và nghĩa vụ của công dân về văn hoá, xã hội
  Một số quyền tự do cơ bản của công dân  
Hệ thống chính trị và pháp luật Hệ thống chính trị nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam    
Pháp luật nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam    
Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam   Một số vấn đề cơ bản của pháp luật quốc tế
CHUYÊN ĐỀ HỌC TẬP Chuyên đề 10.1: Tình yêu, hôn nhân, gia đình Chuyên đề 11.1:Phát triển kinh tế và sự biến đổi môi trường tự nhiên Chuyên đề 12.1: Phát triển kinh tế và sự biến đổi văn hoá, xã hội
Chuyên đề 10.2:Mô hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ Chuyên đề 11.2:Một số vấn đề về pháp luật lao động Chuyên đề 12.2:Một số vấn đề về Luật Doanh nghiệp
Chuyên đề 10.3:Một số vấn đề về pháp luật hình sự Chuyên đề 11.3:Một số vấn đề về pháp luật dân sự Chuyên đề 12.3:Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế
  1. Nội dung cụ thể và yêu cầu cần đạt ở các lớp

 LỚP 1

Nội dung Yêu cầu cần đạt
Yêu thương gia đình – Nêu được những biểu hiện của tình yêu thương trong gia đình em.

 – Nhận biết được sự cần thiết của tình yêu thương gia đình.

 – Thực hiện được những việc làm thể hiện tình yêu thương người thân trong gia đình.

 – Đồng tình với thái độ, hành vi thể hiện tình yêu thương trong gia đình; không đồng tình với thái độ, hành vi không thể hiện tình yêu thương gia đình.

Quan tâm, chăm sóc người thân trong gia đình – Nhận biết được biểu hiện của sự quan tâm, chăm sóc người thân trong gia đình.

 – Thể hiện được sự quan tâm, chăm sóc người thân trong gia đình bằng những hành vi phù hợp với lứa tuổi.

 – Lễ phép, vâng lời ông bà, cha mẹ, anh chị; hiếu thảo với ông bà, cha mẹ; nhường nhịn và giúp đỡ em nhỏ.

Tự giác làm việc của mình – Nêu được những việc cần tự giác làm ở nhà, ở trường.

 – Biết vì sao phải tự giác làm việc của mình.

 – Thực hiện được hành động tự giác làm việc của mình ở nhà, ở trường.

Thật thà – Nêu được một số biểu hiện của tính thật thà.

 – Biết vì sao phải thật thà.

 – Thực hiện được lời nói và việc làm thật thà như: không nói dối; nhặt được của rơi trả lại người đánh mất; không lấy đồ dùng của người khác; biết nhận lỗi khi nói hoặc làm sai;…

 – Đồng tình với những thái độ, hành vi thật thà; không đồng tình với những thái độ, hành vi không thật thà.

Sinh hoạt nền nếp – Nêu được một số biểu hiện của sinh hoạt nền nếp.

 – Biết vì sao phải sinh hoạt nền nếp.

 – Bước đầu hình thành được một số nền nếp như: gọn gàng, ngăn nắp; học tập, sinh hoạt đúng giờ;…

Thực hiện nội quy trường, lớp – Nêu được những biểu hiện thực hiện đúng nội quy trường, lớp.

 – Biết vì sao phải thực hiện đúng nội quy trường, lớp.

 – Thực hiện đúng nội quy của trường, lớp.

 – Nhắc nhở bạn bè thực hiện đúng nội quy trường, lớp.

Tự chăm sóc bản thân -Nêu được những việc làm tự chăm sóc bản thân như: vệ sinh răng, miệng, tóc, cơ thể; ăn mặc chỉnh tề;…

 – Biết vì sao phải biết tự chăm sóc bản thân.

 – Tự làm được các việc chăm sóc bản thân vừa sức của mình.

Phòng, tránh tai nạn, thương tích -Nêu được một số tai nạn, thương tích trẻ em thường gặp (đuối nước, bỏng, ngộ độc thực phẩm, ngã, điện giật, tai nạn giao thông,…).

 – Nhận biết được nguyên nhân và hậu quả của tai nạn, thương tích.

 – Thực hiện được một số cách đơn giản và phù hợp để phòng, tránh tai nạn, thương tích.

 LỚP 2

Nội dung Yêu cầu cần đạt
Quê hương em – Nêu được địa chỉ của quê hương.

 – Bước đầu nhận biết được vẻ đẹp của thiên nhiên và con người ở quê hương mình.

 – Thực hiện được việc làm thiết thực, phù hợp với lứa tuổi thể hiện tình yêu quê hương: yêu thương gia đình; chăm sóc, bảo vệ vẻ đẹp thiên nhiên của quê hương; kính trọng, biết ơn những người có công với quê hương;…

Kính trọng thầy giáo, cô giáo và yêu quý bạn bè – Nêu được một số biểu hiện của sự kính trọng thầy giáo,cô giáo và yêu quý bạn bè.

 – Thực hiện được hành động và lời nói thể hiện sự kính trọng thầy giáo, cô giáo và yêu quý bạn bè.

 – Sẵn sàng tham gia hoạt động phù hợp với lứa tuổi để giúp đỡ các bạn gặp khó khăn hoặc có hoàn cảnh không may mắn, các bạn ở vùng sâu vùng xa hoặc vùng bị thiệt hại vì thiên tai.

Quý trọng thời gian – Nêu được một số biểu hiện của việc quý trọng thời gian.

 – Biết vì sao phải quý trọng thời gian.

 – Thực hiện được việc sử dụng thời gian hợp lí.

Nhận lỗi và sửa lỗi – Nêu được một số biểu hiện của nhận lỗi, sửa lỗi.

 – Biết vì sao phải nhận lỗi, sửa lỗi.

 – Thực hiện được việc nhận lỗi và sửa lỗi.

 – Đồng tình với việc biết nhận lỗi và sửa lỗi; không đồng tình với việc không biết nhận lỗi, sửa lỗi.

Bảo quản đồ dùng cá nhân và gia đình – Nêu được một số biểu hiện của việc biết bảo quản đồ dùng cá nhân và gia đình.

 – Biết vì sao phải bảo quản đồ dùng cá nhân và gia đình.

 – Thực hiện được việc bảo quản đồ dùng cá nhân và gia đình.

 – Nhắc nhở bạn bè, người thân bảo quản đồ dùng cá nhân và gia đình.

Thể hiện cảm xúc bản thân -Phân biệt được cảm xúc tích cực (thích, yêu, tự tin, vui vẻ, vui sướng, phấn khởi,…), cảm xúc tiêu cực (giận dữ, buồn chán, sợ hãi, tự ti, thất vọng,…).

 -Biết được ảnh hưởng của cảm xúc tích cực, cảm xúc tiêu cực đối với bản thân và mọi người xung quanh.

 – Biết kiềm chế các cảm xúc tiêu cực.

Tìm kiếm sự hỗ trợ -Nêu được một số tình huống cần tìm kiếm sự hỗ trợ.

 – Biết vì sao phải tìm kiếm sự hỗ trợ.

 – Biết tìm kiếm sự hỗ trợ khi cần thiết.

Tuân thủ quy định nơi công cộng – Nêu được một số quy định cần tuân thủ ở nơi công cộng.

 – Biết vì sao phải tuân thủ quy định nơi công cộng.

 – Thực hiện được các hành vi phù hợp để tuân thủ quy định nơi công cộng.

 – Đồng tình với những lời nói, hành động tuân thủ quy định nơi công cộng; không đồng tình với những lời nói, hành động vi phạm quy định nơi công cộng.

 LỚP 3

Nội dung Yêu cầu cần đạt
Em yêu Tổ quốc Việt Nam – Biết Quốc hiệu, Quốc kì, Quốc ca Việt Nam.

 – Nêu được một số nét cơ bản về vẻ đẹp của đất nước, con người Việt Nam.

 – Nhận ra Tổ quốc Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ.

 – Thực hiện được hành vi, việc làm thể hiện tình yêu Tổ quốc Việt Nam: nghiêm trang khi chào cờ và hát Quốc ca; yêu quý, bảo vệ thiên nhiên; trân trọng và tự hào về truyền thống lịch sử, văn hóa của đất nước.

 – Tự hào được là người Việt Nam.

Quan tâm hàng xóm láng giềng – Nêu được một số biểu hiện của việc quan tâm đến hàng xóm láng giềng.

 – Biết vì sao phải quan tâm đến hàng xóm láng giềng.

 – Quan tâm đến hàng xóm láng giềng bằng những lời nói, việc làm phù hợp.

 – Đồng tình với những lời nói, việc làm tốt;không đồng tình với những lời nói, việc làm không tốt đối với hàng xóm láng giềng.

Ham học hỏi – Nêu được một số biểu hiện của việc ham học hỏi.

 – Nhận biết được lợi ích của việc ham học hỏi đối với lứa tuổi của mình.

 – Thực hiện được việc làm thể hiện sự ham học hỏi.

Giữ lời hứa – Nêu được một số biểu hiện của việc giữ lời hứa.

 – Biết vì sao phải giữ lời hứa.

 – Thực hiện giữ lời hứa bằng lời nói, việc làm cụ thể.

 – Đồng tình với những lời nói, hành động thể hiện việc giữ lời hứa; không đồng tình với lời nói, hành động không giữ lời hứa.

Tích cực hoàn thành nhiệm vụ – Nêu được một số biểu hiện của tích cực hoàn thành nhiệm vụ.

 – Biết vì sao phải tích cực hoàn thành nhiệm vụ.

 – Hoàn thành nhiệm vụ đúng kế hoạch, có chất lượng.

 – Nhắc nhở bạn bè tích cực hoàn thành nhiệm vụ.

Khám phá bản thân – Nêu được một số điểm mạnh, điểm yếu của bản thân.

 – Biết vì sao phải biết điểm mạnh, điểm yếu của bản thân.

 – Thực hiện được một số cách đơn giản tự đánh giá điểm mạnh, điểm yếu của bản thân.

 – Rèn luyện để phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu của bản thân.

Xử lí bất hoà với bạn bè – Nêu được một số biểu hiện bất hoà với bạn bè.

 – Nhận biết được lợi ích của việc xử lí bất hoà với bạn bè.

 – Thực hiện được một số cách đơn giản, phù hợp để xử lí bất hoà với bạn bè.

 – Sẵn sàng giúp bạn bè xử lí bất hoà với nhau.

Tuân thủ quy tắc an toàn giao thông – Nêu được một số quy tắc an toàn giao thông thường gặp.

 – Nhận biết được sự cần thiết phải tuân thủ quy tắc an toàn giao thông.

 – Tuân thủ quy tắc an toàn giao thông phù hợp với lứa tuổi.

 – Đồng tình với những hành vi tuân thủ quy tắc an toàn giao thông; không đồng tình với những hành vi vi phạm quy tắc an toàn giao thông.

 LỚP 4

Nội dung Yêu cầu cần đạt
Biết ơn người lao động – Nêu được đóng góp của một số người lao động ở xung quanh.

 – Biết vì sao phải biết ơn người lao động.

 – Thể hiện được lòng biết ơn người lao động bằng lời nói, việc làm cụ thể phù hợp với lứa tuổi.

 – Nhắc nhở bạn bè, người thân có thái độ, hành vi biết ơn những người lao động.

Cảm thông, giúp đỡ người gặp khó khăn – Nêu được một số biểu hiện của sự cảm thông, giúp đỡ người gặp khó khăn.

 – Biết vì sao phải cảm thông, giúp đỡ người gặp khó khăn.

 – Cảm thông, giúp đỡ người gặp khó khăn bằng những lời nói, việc làm cụ thể phù hợp với lứa tuổi.

 – Sẵn sàng giúp đỡ người gặp khó khăn phù hợp với khả năng của bản thân.

Yêu lao động – Nêu được một số biểu hiện của yêu lao động.

 – Biết vì sao phải yêu lao động.

 – Tích cực, tự giác tham gia hoạt động lao động phù hợp với khả năng của bản thân.

 – Quý trọng người yêu lao động; không đồng tình với những biểu hiện lười lao động.

Tôn trọng tài sản của người khác – Nêu được một số biểu hiện tôn trọng tài sản của người khác.

 -Biết vì sao phải tôn trọng tài sản của người khác.

 – Thể hiện thái độ tôn trọng tài sản của người khác bằng những lời nói, việc làm cụ thể phù hợp.

 – Nhắc nhở bạn bè, người thân tôn trọng tài sản của người khác.

Bảo vệ của công – Nêu được một số biểu hiện của bảo vệ của công.

 – Biết vì sao phải bảo vệ của công.

 – Có những việc làm cụ thể để bảo vệ của công.

 – Nhắc nhở mọi người giữ gìn, bảo vệ của công.

Thiết lập và duy trì quan hệ bạn bè – Biết vì sao phải thiết lập và duy trì quan hệ bạn bè.

 – Nhận biết được cách đơn giản để thiết lập, duy trì quan hệ bạn bè.

 – Có quan hệ tốt với bạn bè ở trường học và làng xóm, khối phố.

Quý trọng đồng tiền – Nêu được vai trò của tiền.

 – Biết vì sao phải quý trọng đồng tiền.

 – Biết bảo quản và tiết kiệm tiền; mua sắm quần áo, đồ dùng, đồ chơi, quà bánh,… đúng mức, phù hợp với hoàn cảnh gia đình.

 – Nhắc nhở bạn bè chi tiêu tiết kiệm.

Quyền và bổn phận của trẻ em – Kể được một số quyền và bổn phận cơ bản của trẻ em.

 – Biết vì sao phải thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em.

 – Thực hiện được quyền và bổn phận của trẻ em phù hợp với lứa tuổi.

 – Nhắc nhở, giúp đỡ bạn bè thực hiện quyền và bổn phận trẻ em.

 LỚP 5

Nội dung Yêu cầu cần đạt
Biết ơn những người có công với quê hương, đất nước – Kể được tên và đóng góp của những người có công với quê hương, đất nước.

 – Biết vì sao phải biết ơn những người có công với quê hương, đất nước.

 – Thể hiện được lòng biết ơn bằng lời nói, việc làm cụ thể phù hợp với lứa tuổi.

 – Nhắc nhở bạn bè có thái độ, hành vi biết ơn những người có công với quê hương, đất nước.

Tôn trọng sự khác biệt của người khác – Kể được một số biểu hiện tôn trọng sự khác biệt (về đặc điểm cá nhân, giới tính, hoàn cảnh, dân tộc,…) của người khác.

 – Biết vì sao phải tôn trọng sự khác biệt giữa mọi người.

 – Thể hiện được bằng lời nói và hành động thái độ tôn trọng sự khác biệt của người khác.

 – Không đồng tình với những hành vi phân biệt đối xử vì sự khác biệt về đặc điểm cá nhân, giới tính, hoàn cảnh, dân tộc,….

Vượt qua khó khăn – Nhận biết được những khó khăn cần phải vượt qua trong học tập và trong cuộc sống.

 – Kể được một số biểu hiện của vượt qua khó khăn.

 – Biết vì sao phải vượt qua khó khăn.

 – Biết vượt qua một số khó khăn của bản thân trong học tập và sinh hoạt.

 – Quý trọng gương vượt khó trong học tập và cuộc sống.

Bảo vệ cái đúng, cái tốt – Nhận biết được cái đúng, cái tốt cần bảo vệ.

 – Biết vì sao phải bảo vệ cái đúng, cái tốt.

 -Biết một số cách đơn giản để bảo vệ cái đúng, cái tốt.

 – Mạnh dạn bảo vệ cái đúng, cái tốt.

Bảo vệ môi trường sống – Nêu được các loại môi trường sống.

 – Biết vì sao phải bảo vệ môi trường sống.

 – Biết bảo vệ môi trường sống ở nhà, ở trường, ở nơi công cộng bằng những việc làm cụ thể phù hợp với khả năng.

 – Không đồng tình với những hành vi gây ô nhiễm môi trường; nhắc nhở người thân, bạn bè bảo vệ môi trường sống.

Lập kế hoạch cá nhân – Nêu được các loại kế hoạch cá nhân.

 – Biết vì sao phải lập kế hoạch cá nhân.

 – Biết cách lập kế hoạch cá nhân và lập được kế hoạch cá nhân để thực hiện các công việc của bản thân trong học tập và cuộc sống.

Phòng, tránh xâm hại – Nêu được một số biểu hiện xâm hại.

 – Biết vì sao phải phòng, tránh xâm hại.

 – Nêu được một số quy định cơ bản của pháp luật về phòng, tránh xâm hại trẻ em.

 – Thực hiện được một số kĩ năng để phòng, tránh xâm hại.

Sử dụng tiền hợp lí – Nêu được biểu hiện của việc sử dụng tiền hợp lí.

 – Biết vì sao phải sử dụng tiền hợp lí.

 – Nêu được cách sử dụng tiền hợp lí.

 – Thực hiện được việc sử dụng tiền hợp lí.

 – Góp ý với bạn bè để sử dụng tiền hợp lí.

 LỚP 6

Nội dung Yêu cầu cần đạt
Tự hào về truyền thống gia đình, dòng họ – Nêu được một số truyền thống của gia đình, dòng họ.

 – Giải thích được một cách đơn giản ý nghĩa của truyền thống gia đình, dòng họ.

 – Biết giữ gìn, phát huy truyền thống gia đình, dòng họ bằng những việc làm cụ thể phù hợp.

Yêu thương con người – Nêu được khái niệm và biểu hiện của tình yêu thương con người.

 – Trình bày được giá trị của tình yêu thương con người.

 – Thực hiện được những việc làm thể hiện tình yêu thương con người.

 – Đánh giá được thái độ, hành vi thể hiện tình yêu thương của người khác.

 – Phê phán những biểu hiện trái với tình yêu thương con người.

Siêng năng, kiên trì – Nêu được khái niệm, biểu hiện của siêng năng, kiên trì.

 – Nhận biết được ý nghĩa của siêng năng, kiên trì.

 – Siêng năng, kiên trì trong lao động, học tập và cuộc sống hằng ngày.

 – Đánh giá được sự siêng năng, kiên trì của bản thân và người khác trong học tập, lao động.

 – Quý trọng những người siêng năng, kiên trì; góp ý cho những bạn có biểu hiện lười biếng, hay nản lòng để khắc phục hạn chế này.

Tôn trọng sự thật – Nhận biết được một số biểu hiện của tôn trọng sự thật.

 – Hiểu vì sao phải tôn trọng sự thật.

 – Luôn nói thật với người thân, thầy cô, bạn bè và người có trách nhiệm.

 – Không đồng tình với việc nói dối hoặc che giấu sự thật.

Tự lập – Nêu được khái niệm tự lập.

 – Liệt kê được các biểu hiện của người có tính tự lập.

 – Hiểu vì sao phải tự lập.

 – Đánh giá được khả năng tự lập của bản thân và người khác.

 – Tự thực hiện được nhiệm vụ của bản thân trong học tập, sinh hoạt hằng ngày, hoạt động tập thể ở trường và trong cuộc sống cộng đồng; không dựa dẫm, ỷ lại và phụ thuộc vào người khác.

Tự nhận thức bản thân – Nêu được thế nào là tự nhận thức bản thân.

 – Nhận biết được ý nghĩa của tự nhận thức bản thân.

 – Tự nhận thức được điểm mạnh, điểm yếu, giá trị, vị trí, tình cảm, các mối quan hệ của bản thân.

 – Biết tôn trọng bản thân.

 – Xây dựng được kế hoạch phát huy điểm mạnh và hạn chế điểm yếu của bản thân.

Ứng phó với tình huống nguy hiểm – Nhận biết được các tình huống nguy hiểm và hậu quả của những tình huống nguy hiểm đối với trẻ em.

 – Nêu được cách ứng phó với một số tình huống nguy hiểm.

 – Thực hành được cách ứng phó trước một số tình huống nguy hiểm để đảm bảo an toàn.

Tiết kiệm – Nêu được khái niệm tiết kiệm và biểu hiện của tiết kiệm (tiền bạc, đồ dùng, thời gian, điện, nước,…).

 – Hiểu vì sao phải tiết kiệm.

 – Thực hành tiết kiệm trong cuộc sống, học tập.

 – Nhận xét, đánh giá được việc thực hành tiết kiệm của bản thân và những người xung quanh.

 – Phê phán những biểu hiện lãng phí.

Công dân nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam – Nêu được khái niệm công dân; căn cứ xác định công dân nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

 – Nêu được quy định của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.

 – Bước đầu thực hiện được một số quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.

Quyền trẻ em – Nêu được các quyền cơ bản của trẻ em; ý nghĩa của quyền trẻ em và việc thực hiện quyền trẻ em; trách nhiệm của gia đình, nhà trường, xã hội trong việc thực hiện quyền trẻ em.

 – Phân biệt được hành vi thực hiện quyền trẻ em và hành vi vi phạm quyền trẻ em.

 – Thực hiện tốt quyền và bổn phận của trẻ em.

 – Nhận xét, đánh giá được việc thực hiện quyền trẻ em của bản thân, gia đình, nhà trường, cộng đồng; bày tỏ được nhu cầu để thực hiện tốt hơn quyền trẻ em.

 LỚP 7

Nội dung Yêu cầu cần đạt
Tự hào về truyền thống quê hương – Nêu được một số truyền thống văn hoá, truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm của quê hương.

 – Thực hiện được những việc làm phù hợp để giữ gìn, phát huy truyền thống của quê hương.

 – Phê phán những việc làm trái ngược với truyền thống tốt đẹp của quê hương.

Quan tâm, cảm thông và chia sẻ – Nêu được những biểu hiện của sự quan tâm, cảm thông và chia sẻ với người khác.

 – Hiểu vì sao mọi người phải quan tâm, cảm thông và chia sẻ với nhau.

 – Thường xuyên có những lời nói, việc làm thể hiện sự quan tâm, cảm thông và chia sẻ với mọi người.

 – Khích lệ, động viên bạn bè quan tâm, cảm thông và chia sẻ với người khác; phê phán thói ích kỉ, thờ ơ trước khó khăn, mất mát của người khác.

Học tập tự giác, tích cực – Nêu được các biểu hiện của học tập tự giác, tích cực.

 – Hiểu vì sao phải học tập tự giác, tích cực.

 – Thực hiện được việc học tập tự giác, tích cực.

 – Biết góp ý, nhắc nhở những bạn chưa tự giác, tích cực học tập để khắc phục hạn chế này.

Giữ chữ tín – Hiểu được chữ tín là gì, biểu hiện của giữ chữ tín và vì sao phải giữ chữ tín.

 – Phân biệt được hành vi giữ chữ tín và không giữ chữ tín.

 – Luôn giữ lời hứa với người thân, thầy cô, bạn bè và người có trách nhiệm.

 – Phê phán những người không biết giữ chữ tín.

Bảo tồn di sản văn hoá – Nêu được khái niệm di sản văn hoá và một số loại di sản văn hoá của Việt Nam.

 – Giải thích được ý nghĩa của di sản văn hoá đối với con người và xã hội.

 – Nêu được quy định cơ bản của pháp luật về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân đối với việc bảo vệ di sản văn hoá.

 – Nhận biết được trách nhiệm của học sinh trong việc bảo tồn di sản văn hoá.

 – Liệt kê được các hành vi vi phạm pháp luật về bảo tồn di sản văn hoá và cách đấu tranh, ngăn chặn các hành vi đó.

 – Thực hiện được một số việc cần làm phù hợp với lứa tuổi để góp phần bảo vệ di sản văn hoá.

Ứng phó với tâm lí căng thẳng – Nêu được các tình huống thường gây căng thẳng.

 – Nhận biết được biểu hiện của cơ thể khi bị căng thẳng.

 – Nêu được nguyên nhân và ảnh hưởng của căng thẳng

 – Nêu được cách ứng phó tích cực khi căng thẳng.

 – Thực hành được một số cách ứng phó tích cực khi căng thẳng.

Phòng, chống bạo lực học đường – Nêu được các biểu hiện của bạo lực học đường; nguyên nhân và tác hại của bạo lực học đường.

 – Nêu được một số quy định cơ bản của pháp luật liên quan đến phòng, chống bạo lực học đường.

 – Biết cách ứng phó trước, trong và sau khi bị bạo lực học đường.

 – Tham gia các hoạt động tuyên truyền phòng, chống bạo lực học đường do nhà trường, địa phương tổ chức.

 – Phê phán, đấu tranh với những hành vi bạo lực học đường; sống tự chủ, không để bị lôi kéo tham gia bạo lực học đường.

Quản lí tiền – Nêu được ý nghĩa của việc quản lí tiền hiệu quả.

 – Nhận biết được một số nguyên tắc quản lí tiền có hiệu quả.

 – Bước đầu biết quản lí tiền và tạo nguồn thu nhập của cá nhân.

Phòng, chống tệ nạn xã hội – Nêu được khái niệm tệ nạn xã hội và các loại tệ nạn xã hội phổ biến.

 – Giải thích được nguyên nhân, hậu quả của tệ nạn xã hội đối với bản thân, gia đình và xã hội.

 – Nêu được một số quy định của pháp luật về phòng, chống tệ nạn xã hội.

 – Thực hiện tốt các quy định của pháp luật về phòng, chống tệ nạn xã hội.

 – Tham gia các hoạt động phòng, chống tệ nạn xã hội do nhà trường, địa phương tổ chức.

 – Phê phán, đấu tranh với các tệ nạn xã hội và tuyên truyền, vận động mọi người tham gia các hoạt động phòng, chống tệ nạn xã hội.

Quyền và nghĩa vụ của công dân trong gia đình – Nêu được khái niệm và vai trò của gia đình; quy định cơ bản của pháp luật về quyền và nghĩa vụ của các thành viên trong gia đình.

 – Nhận xét được việc thực hiện quyền và nghĩa vụ trong gia đình của bản thân và của người khác.

 – Thực hiện được nghĩa vụ của bản thân đối với ông bà, cha mẹ và anh chị em trong gia đình bằng những việc làm cụ thể.

 LỚP 8

Nội dung Yêu cầu cần đạt
Tự hào về truyền thống dân tộc Việt Nam – Nêu được một số truyền thống của dân tộc Việt Nam.

 – Nhận biết được giá trị của các truyền thống của dân tộc Việt Nam.

 – Kể được một số biểu hiện của lòng tự hào về truyền thống của dân tộc Việt Nam.

 – Đánh giá được hành vi, việc làm của bản thân và những người xung quanh trong việc thể hiện lòng tự hào về truyền thống của dân tộc Việt Nam.

 – Thực hiện được những việc làm cụ thể để giữ gìn, phát huy truyền thống của dân tộc.

Tôn trọng sự đa dạng của các dân tộc -Nêu được một số biểu hiện của sự đa dạng của các dân tộc và các nền văn hoá trên thế giới.

 – Hiểu được ý nghĩa của việc tôn trọng sự đa dạng của các dân tộc và các nền văn hoá trên thế giới.

 – Thể hiện được bằng lời nói và việc làm thái độ tôn trọng sự đa dạng của các dân tộc và các nền văn hoá trên thế giới.

 – Phê phán những hành vi kì thị, phân biệt chủng tộc và văn hoá.

Lao động cần cù, sáng tạo – Nêu được khái niệm cần cù, sáng tạo trong lao động và một số biểu hiện của cần cù, sáng tạo trong lao động.

 – Giải thích được ý nghĩa của cần cù, sáng tạo trong lao động.

 – Thể hiện được sự cần cù, sáng tạo trong lao động của bản thân.

 – Trân trọng những thành quả lao động; quý trọng và học hỏi những tấm gương cần cù, sáng tạo trong lao động; phê phán những biểu hiện chây lười, thụ động trong lao động.

Bảo vệ lẽ phải – Giải thích được một cách đơn giản về sự cần thiết phải bảo vệ lẽ phải.

 – Thực hiện được việc bảo vệ lẽ phải bằng lời nói và hành động cụ thể, phù hợp với lứa tuổi.

 – Khích lệ, động viên bạn bè có thái độ, hành vi bảo vệ lẽ phải; phê phán những thái độ, hành vi không bảo vệ lẽ phải.

Bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên – Giải thích được sự cần thiết phải bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên.

 – Nêu được một số quy định cơ bản của pháp luật về bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên; một số biện pháp cần thiết để bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên.

 – Nêu được trách nhiệm của học sinh trong việc bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên.

 – Thực hiện được việc bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên bằng những việc làm phù hợp với lứa tuổi.

 – Phê phán, đấu tranh với những hành vi gây ô nhiễm môi trường và phá hoại tài nguyên thiên nhiên.

Xác định mục tiêu cá nhân – Nhận biết được thế nào là mục tiêu cá nhân; các loại mục tiêu cá nhân.

 – Hiểu vì sao phải xác định mục tiêu cá nhân.

 – Nêu được cách xác định mục tiêu và lập kế hoạch thực hiện mục tiêu cá nhân.

 – Xây dựng được mục tiêu cá nhân của bản thân và kế hoạch hành động nhằm đạt mục tiêu đó.

Phòng, chống bạo lực gia đình – Kể được các hình thức bạo lực gia đình phổ biến.

 – Phân tích được tác hại của hành vi bạo lực gia đình đối với cá nhân, gia đình và xã hội.

 – Nêu được một số quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình.

 – Biết cách phòng, chống bạo lực gia đình.

 – Phê phán các hành vi bạo lực gia đình trong gia đình và cộng đồng.

Lập kế hoạch chi tiêu – Nhận biết được sự cần thiết phải lập kế hoạch chi tiêu.

 – Nêu được cách lập kế hoạch chi tiêu.

 -Lập được kế hoạch chi tiêu và tạo thói quen chi tiêu hợp lí.

 -Giúp đỡ bạn bè, người thân lập kế hoạch chi tiêu hợp lí.

Phòng ngừa tai nạn vũ khí, cháy, nổ và các chất độc hại – Kể được tên một số tai nạn vũ khí, cháy, nổ và chất độc hại; nhận diện được một số nguy cơ dẫn đến tai nạn vũ khí, cháy, nổ và chất độc hại.

 – Trình bày được hậu quả của tai nạn vũ khí, cháy, nổ và chất độc hại.

 – Nêu được quy định cơ bản của pháp luật về phòng ngừa tai nạn vũ khí, cháy, nổ và các chất độc hại.

 – Nhận biết được trách nhiệm của công dân trong việc phòng ngừa tai nạn vũ khí, cháy, nổ và các chất độc hại.

 – Thực hiện được việc phòng ngừa tai nạn vũ khí, cháy, nổ và các chất độc hại.

 – Nhắc nhở, tuyên truyền người thân, bạn bè chủ động phòng ngừa tai nạn vũ khí, cháy, nổ và các chất độc hại.

Quyền và nghĩa vụ lao động của công dân – Phân tích được tầm quan trọng của lao động đối với đời sống con người.

 – Nêu được một số quy định của pháp luật về quyền, nghĩa vụ lao động của công dân và lao động chưa thành niên.

 – Nêu được một số quyền và nghĩa vụ cơ bản của các bên tham gia hợp đồng lao động; lập được hợp đồng lao động có nội dung đơn giản giữa người sử dụng lao động và người lao động.

 – Tích cực, chủ động tham gia lao động ở gia đình, trường, lớp và cộng đồng phù hợp lứa tuổi.

 LỚP 9

Nội dung Yêu cầu cần đạt
Sống có lí tưởng – Nêu được khái niệm sống có lí tưởng.

 – Giải thích được ý nghĩa của việc sống có lí tưởng.

 – Nhận biết được lí tưởng sống của thanh niên Việt Nam.

 – Xác định được lí tưởng sống của bản thân và nỗ lực học tập, rèn luyện theo lí tưởng.

Khoan dung – Nêu được khái niệm khoan dung và biểu hiện của khoan dung.

 – Nhận biết được giá trị của khoan dung.

 – Thực hiện được những việc làm thể hiện sự khoan dung trong những tình huống cụ thể, phù hợp với lứa tuổi.

 – Phê phán các biểu hiện thiếu khoan dung.

Tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng – Hiểu được thế nào là hoạt động cộng đồng; nêu được một số hoạt động cộng đồng.

 – Giải thích được sự cần thiết phải tham gia các hoạt động cộng đồng.

 – Nhận biết được trách nhiệm của học sinh trong việc tham gia vào các hoạt động cộng đồng.

 – Tham gia tích cực, tự giác các hoạt động chung của cộng đồng phù hợp với lứa tuổi do lớp, trường, địa phương tổ chức.

 – Phê phán biểu hiện thờ ơ, thiếu trách nhiệm với các hoạt động cộng đồng.

Khách quan và công bằng – Nhận biết được những biểu hiện khách quan, công bằng.

 – Hiểu được ý nghĩa của khách quan, công bằng; tác hại của sự thiếu khách quan, công bằng.

 – Thể hiện được thái độ khách quan, công bằng trong cuộc sống hằng ngày.

 – Phê phán những biểu hiện không khách quan, công bằng.

Bảo vệ hoà bình – Nêu được thế nào là hoà bình và bảo vệ hoà bình; các biểu hiện của hoà bình.

 – Giải thích được vì sao cần phải bảo vệ hoà bình.

 – Nhận ra được những biện pháp để thúc đẩy và bảo vệ hoà bình.

 – Biết lựa chọn và tham gia những hoạt động phù hợp để bảo vệ hoà bình.

 – Phê phán xung đột sắc tộc và chiến tranh phi nghĩa.

Quản lí thời gian hiệu quả -Hiểu được thế nào là quản lí thời gian hiệu quả.

 – Nhận biết được sự cần thiết phải quản lí thời gian hiệu quả.

 – Nêu được cách quản lí thời gian hiệu quả.

 – Thực hiện được kĩ năng quản lí thời gian hiệu quả.

Thích ứng với thay đổi – Nêu được một số thay đổi có khả năng xảy ra trong cuộc sống của bản thân và gia đình.

 – Nhận biết được ý nghĩa của việc thích ứng trước những thay đổi trong cuộc sống.

 – Nêu được các biện pháp để thích ứng với thay đổi trong cuộc sống.

 – Thích ứng được với một số thay đổi (nếu có) trong cuộc sống của bản thân.

Tiêu dùng thông minh – Nhận biết được thế nào là tiêu dùng thông minh;lợi ích của tiêu dùng thông minh.

 – Đánh giá được các hành vi tiêu dùng thông minh và kém thông minh.

 – Nêu được các cách tiêu dùng thông minh (nắm bắt thông tin về sản phẩm, sử dụng sản phẩm an toàn, nhận biết những hình thức quảng cáo khác nhau, xác định phương thức thanh toán,…).

 – Thực hiện được hành vi tiêu dùng thông minh trong một số tình huống cụ thể.

 – Khích lệ, giúp đỡ người thân, bạn bè trở thành người tiêu dùng thông minh.

Vi phạm pháp luật và trách nhiệm pháp lí – Nêu được khái niệm vi phạm pháp luật và trách nhiệm pháp lí; các loại vi phạm pháp luật và trách nhiệm pháp lí.

 – Nêu được ý nghĩa của trách nhiệm pháp lí.

 – Phân tích, đánh giá được các hành vi vi phạm pháp luật và trách nhiệm pháp lí trong một số tình huống cụ thể.

 – Nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật; tích cực ngăn ngừa và đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật.

Quyền tự do kinh doanh và nghĩa vụ đóng thuế – Nêu được quy định cơ bản của pháp luật về quyền tự do kinh doanh và nghĩa vụ đóng thuế.

 – Phân tích, đánh giá được hậu quả của hành vi vi phạm pháp luật về quyền tự do kinh doanh và nghĩa vụ đóng thuế.

 – Nhận biết được trách nhiệm công dân trong việc thực hiện quyền tự do kinh doanh và nghĩa vụ đóng thuế.

 – Vận động gia đình, người thân thực hiện tốt quyền tự do kinh doanh và nghĩa vụ đóng thuế.

 LỚP 10

Nội dung Yêu cầu cần đạt
Nền kinh tế và các chủ thể của nền kinh tế – Nêu được vai trò của các hoạt động kinh tế trong đời sống xã hội.

 – Nhận biết được vai trò của các chủ thể tham gia trong nền kinh tế.

 – Nhận diện được vai trò của bản thân, gia đình với tư cách là một chủ thể tham gia trong nền kinh tế.

 – Nhận biết được trách nhiệm của công dân trong việc tham gia vào các hoạt động kinh tế.

 – Tìm tòi, học hỏi và tham gia vào các hoạt động kinh tế phù hợp với lứa tuổi.

Thị trường và cơ chế thị trường – Nêu được khái niệm thị trường, cơ chế thị trường.

 – Liệt kê được các loại thị trường và chức năng của thị trường.

 – Nêu được ưu điểm và nhược điểm của cơ chế thị trường.

 – Hiểu được giá cả thị trường và chức năng của giá cả thị trường.

 – Phê phán những hành vi không đúng khi tham gia thị trường.

 – Tôn trọng tác động khách quan của cơ chế thị trường.

Ngân sách nhà nước và thuế – Nêu được khái niệm ngân sách nhà nước.

 – Liệt kê được đặc điểm và vai trò của ngân sách nhà nước.

 – Giải thích được vì sao nhà nước phải thu thuế.

 – Gọi tên được một số loại thuế phổ biến.

 – Nêu được quy định cơ bản của pháp luật về quyền và nghĩa vụ công dân trong việc thực hiện pháp luật ngân sách và pháp luật thuế.

 – Ủng hộ những hành vi chấp hành và phê phán những hành vi vi phạm pháp luật về thu, chi ngân sách và thuế.

Sản xuất kinh doanh và các mô hình sản xuất kinh doanh – Nêu được vai trò của sản xuất kinh doanh.

 – Nhận biết được một số mô hình sản xuất kinh doanh và đặc điểm của nó.

 – Lựa chọn được mô hình kinh tế thích hợp trong tương lai đối với bản thân.

Tín dụng và cách sử dụng các dịch vụ tín dụng – Nêu được khái niệm, đặc điểm và vai trò của tín dụng.

 – Kể tên được một số dịch vụ tín dụng và mô tả đặc điểm của chúng.

 – Nhận biết được sự chênh lệch giữa chi phí sử dụng tiền mặt và mua tín dụng.

 – Biết cách sử dụng một số dịch vụ tín dụng một cách có trách nhiệm.

Lập kế hoạch tài chính cá nhân – Nêu được khái niệm kế hoạch tài chính cá nhân, các loại kế hoạch tài chính cá nhân và tầm quan trọng của việc lập kế hoạch tài chính cá nhân.

 – Nhận biết được các bước lập kế hoạch tài chính cá nhân.

 – Lập được kế hoạch tài chính của cá nhân.

 – Kiểm soát được tài chính cá nhân.

Hệ thống chính trị nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam – Nêu được:

 + Đặc điểm, cấu trúc, nguyên tắc hoạt động của hệ thống chính trị nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

 + Đặc điểm, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; chức năng, cơ cấu tổ chức và hoạt động của các cơ quan trong bộ máy Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Hội đồng nhân dân,Uỷ ban nhân dân, Toà án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân.

 – Phê phán, đấu tranh với những hành vi chống phá Nhà nước và hệ thống chính trị ở nước ta.

 – Thực hiện được nghĩa vụ công dân trong bảo vệ, xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính trị ở Việt Nam bằng những hành vi cụ thể, phù hợp quy định của pháp luật.

Pháp luật nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam – Nêu được:

 + Khái niệm, đặc điểm, vai trò của pháp luật trong đời sống xã hội.

 + Hệ thống pháp luật và văn bản pháp luật Việt Nam.

 + Khái niệm và các hình thức thực hiện pháp luật.

 – Tự giác thực hiện các quy định của pháp luật.

 – Phân tích, đánh giá được việc thực hiện pháp luật trong một số tình huống thực tiễn; phê phán các hành vi vi phạm pháp luật.

Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam – Nêu được:

 + Khái niệm, đặc điểm, vị trí của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

 + Nội dung cơ bản của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 về chính trị, kinh tế, văn hoá, giáo dục, khoa học, công nghệ, môi trường; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; bộ máy nhà nước.

 – Thực hiện nghĩa vụ tuân theo Hiến pháp bằng những hành vi cụ thể, phù hợp với lứa tuổi.

 – Phê phán hành vi vi phạm Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

CHUYÊN ĐỀ HỌC TẬP
Chuyên đề 10.1:Tình yêu, hôn nhân, gia đình – Trình bày được thế nào là tình yêu chân chính và một số điều cần tránh trong tình yêu.

 – Nêu được khái niệm hôn nhân và các quy định của pháp luật về điều kiện kết hôn.

 – Nêu được khái niệm gia đình và các chức năng của gia đình.

 – Nêu được những điểm cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình ở nước ta hiện nay.

 – Trình bày được các yếu tố xây dựng gia đình hạnh phúc.

 – Xác định được trách nhiệm của các thành viên trong mối quan hệ gia đình.

 – Thực hiện được trách nhiệm của bản thân trong gia đình.

Chuyên đề 10.2: Mô hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ – Nêu được thế nào là doanh nghiệp nhỏ; những thuận lợi, khó khăn của doanh nghiệp nhỏ; các lĩnh vực kinh doanh thích hợp với doanh nghiệp nhỏ.

 – Nhận biết được mục tiêu và các nhân tố ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh trong một doanh nghiệp nhỏ cụ thể.

 – Lập được quy trình tổ chức, hoạt động của doanh nghiệp nhỏ.

 – Phân tích được những bài học thành công và thất bại trong quá trình sản xuất kinh doanh của một doanh nghiệp nhỏ cụ thể.

 – Yêu thích hoạt động sản xuất kinh doanh; chủ động học hỏi quy trình sản xuất kinh doanh và những bài học thành công của doanh nghiệp.

Chuyên đề 10.3: Một số vấn đề về pháp luật hình sự – Nêu được khái niệm, các nguyên tắc của pháp luật hình sự và nội dung cơ bản của pháp luật hình sự liên quan đến người chưa thành niên.

 – Nhận biết được tác hại, hậu quả của hành vi vi phạm pháp luật hình sự trong các tình huống đơn giản thường gặp.

 – Nêu được ý kiến phân tích, đánh giá trong thảo luận, tranh luận về một số vấn đề đơn giản, thường gặp liên quan đến pháp luật hình sự.

 – Tích cực, chủ động vận động người khác chấp hành các quy định của pháp luật hình sự.

 LỚP 11

Nội dung Yêu cầu cần đạt
Cạnh tranh, cung, cầu trong kinh tế thị trường – Cạnh tranh

 + Nêu được khái niệm cạnh tranh.

 + Giải thích được nguyên nhân dẫn đến cạnh tranh

 + Phân tích được vai trò của cạnh tranh trong nền kinh tế.

 + Phê phán những biểu hiện cạnh tranh không lành mạnh.

 – Cung, cầu và mối quan hệ cung – cầu.

 + Nêu được khái niệm cung và các nhân tố ảnh hưởng đến cung.

 + Nêu được khái niệm cầu và các nhân tố ảnh hưởng đến cầu.

 + Phân tích được mối quan hệ và vai trò của quan hệ cung – cầu trong nền kinh tế.

 + Phân tích được quan hệ cung – cầu trong hoạt động sản xuất kinh doanh cụ thể.

Lạm phát, thất nghiệp – Nêu được các khái niệm: lạm phát, thất nghiệp.

 – Liệt kê được các loại hình lạm phát và thất nghiệp.

 – Giải thích được nguyên nhân dẫn đến lạm phát, thất nghiệp.

 – Mô tả được hậu quả của lạm phát, thất nghiệp đối với nền kinh tế và xã hội.

 – Nêu được vai trò của Nhà nước trong việc kiểm soát và kiềm chế lạm phát, thất nghiệp.

 – Ủng hộ những hành vi chấp hành và phê phán những hành vi vi phạm chủ trương, chính sách của Nhà nước trong việc kiểm soát và kiềm chế lạm phát, thất nghiệp.

Thị trường lao động, việc làm – Nêu được các khái niệm: lao động, việc làm, thị trường lao động, thị trường việc làm.

 – Chỉ ra được mối quan hệ giữa thị trường lao động và thị trường việc làm.

 – Nhận ra được xu hướng tuyển dụng lao động của thị trường.

 – Xác định được trách nhiệm hoàn thiện bản thân để tham gia thị trường lao động và lựa chọn được nghề nghiệp, việc làm phù hợp.

Ý tưởng, cơ hội kinh doanh và các năng lực cần thiết của người kinh doanh – Nêu được thế nào là ý tưởng kinh doanh và cơ hội kinh doanh.

 – Giải thích được tầm quan trọng của việc xây dựng ý tưởng kinh doanh và xác định, đánh giá các cơ hội kinh doanh.

 – Nhận biết được tại sao cần có ý tưởng kinh doanh; các nguồn giúp tạo ý tưởng kinh doanh.

 – Chỉ ra được các năng lực cần thiết của người kinh doanh.

 – Xây dựng được ý tưởng kinh doanh dưới dạng bài tập thực hành; phân tích được ý tưởng kinh doanh và năng lực kinh doanh của bản thân.

Đạo đức kinh doanh – Nêu được quan niệm, vai trò của đạo đức kinh doanh.

 – Chỉ ra được các biểu hiện của đạo đức kinh doanh.

 – Biết tìm tòi, học hỏi phẩm chất đạo đức của nhà kinh doanh.

 – Vận động người thân trong gia đình thực hiện đạo đức kinh doanh.

 – Phê phán được những biểu hiện vi phạm đạo đức kinh doanh.

Văn hoá tiêu dùng – Nêu được vai trò của tiêu dùng đối với sự phát triển kinh tế.

 – Nêu được khái niệm và vai trò của văn hoá tiêu dùng.

 – Mô tả được một số đặc điểm trong văn hoá tiêu dùng Việt Nam và các biện pháp xây dựng văn hoá tiêu dùng.

 – Thực hiện được các hành vi tiêu dùng có văn hoá.

 – Phê phán những biểu hiện không có văn hoá trong tiêu dùng; tuyên truyền, vận động bạn bè, người thân làm người tiêu dùng có văn hoá.

Quyền bình đẳng của công dân – Nêu được các quy định cơ bản của pháp luật về:

 + Quyền bình đẳng của công dân trước pháp luật (bình đẳng về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lí).

 + Bình đẳng giới trong các lĩnh vực.

 + Quyền bình đẳng giữa các dân tộc, tôn giáo.

 – Nhận biết được ý nghĩa của quyền bình đẳng của công dân đối với đời sống con người và xã hội.

 – Đánh giá được các hành vi vi phạm quyền bình đẳng của công dân trong các tình huống đơn giản cụ thể của đời sống thực tiễn.

 – Thực hiện được quy định của pháp luật về quyền bình đẳng của công dân.

Một số quyền dân chủ cơ bản của công dân – Nêu được một số quy định cơ bản của pháp luật về:

 + Quyền và nghĩa vụ công dân trong tham gia quản lí nhà nước và xã hội.

 + Quyền và nghĩa vụ công dân về bầu cử và ứng cử.

 + Quyền và nghĩa vụ công dân về khiếu nại, tố cáo.

 + Quyền và nghĩa vụ công dân về bảo vệ Tổ quốc.

 – Nhận biết được hậu quả của hành vi vi phạm quyền dân chủ của công dân.

 – Tự giác thực hiện các quy định của pháp luật về các quyền dân chủ của công dân.

 – Phân tích, đánh giá được một số hành vi thường gặp trong đời sống liên quan đến quyền dân chủ của công dân.

Một số quyền tự do cơ bản của công dân – Nêu được một số quy định cơ bản của pháp luật về:

 + Quyền bất khả xâm phạm về thân thể.

 + Quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm.

 + Quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở.

 + Quyền được bảo đảm an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín.

 + Quyền và nghĩa vụ công dân về tự do ngôn luận, báo chí và tiếp cận thông tin.

 + Quyền và nghĩa vụ công dân về tự do tín ngưỡng và tôn giáo.

 – Nhận biết được hậu quả của hành vi vi phạm quyền tự do của công dân.

 – Hiểu được trách nhiệm của học sinh trong thực hiện các quyền tự do của công dân.

 – Phân tích, đánh giá được hành vi vi phạm quyền tự do của công dân trong một số tình huống đơn giản.

 – Tự giác thực hiện các quy định của pháp luật về quyền tự do của công dân bằng những hành vi cụ thể, phù hợp.

CHUYÊN ĐỀ HỌC TẬP
Chuyên đề 11.1:Phát triển kinh tế và sự biến đổi môi trường tự nhiên -Nêu được những tác động tiêu cực của phát triển kinh tế đến môi trường tự nhiên, xác định được nguyên nhân phát sinh những tác động đó.

 – Giải thích được sự cần thiết phải giải quyết vấn đề tác động tiêu cực của phát triển kinh tế đến môi trường tự nhiên.

 – Thực hiện được bài tập nghiên cứu về trường hợp cuộc sống của con người bị ảnh hưởng xấu do tác động tiêu cực của phát triển kinh tế đến môi trường tự nhiên.

 – Đánh giá được một số biện pháp và chính sách đang áp dụng trong thực tế nhằm khắc

 phục hoặc hạn chế tác động tiêu cực của phát triển kinh tế đến môi trường tự nhiên.

Chuyên đề 11.2: Một số vấn đề về pháp luật lao động – Nêu được khái niệm, nguyên tắc cơ bản của pháp luật lao động; quy định của pháp luật lao động về: hợp đồng lao động, tiền lương và tiền thưởng, bảo hiểm xã hội, tranh chấp và giải quyết tranh chấp lao động.

 – Phân tích, đánh giá được hậu quả của các hành vi vi phạm pháp luật lao động trong các tình huống đơn giản thường gặp; nêu được ý kiến thuyết phục trong thảo luận, tranh luận về một số vấn đề đang đặt ra trong đời sống liên quan đến pháp luật lao động.

 – Tích cực, chủ động vận động mọi người xung quanh thực hiện tốt pháp luật lao động.

Chuyên đề 11.3: Một số vấn đề về pháp luật dân sự – Nêu được khái niệm, các nguyên tắc và một số chế định cụ thể của pháp luật dân sự: hợp đồng dân sự, nghĩa vụ dân sự, thừa kế di sản, sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ, hôn nhân và gia đình.

 – Nhận biết được hậu quả của hành vi vi phạm pháp luật dân sự trong các tình huống cụ thể đơn giản thường gặp.

 – Nêu được ý kiến phân tích, đánh giá trong thảo luận, tranh luận về một số vấn đề đơn giản thường gặp liên quan đến pháp luật dân sự.

 – Điều chỉnh được hành vi pháp luật của bản thân trong giải quyết các vấn đề liên quan đến các quy định của pháp luật dân sự.

 – Tích cực, chủ động vận động người khác điều chỉnh hành vi pháp luật về dân sự; phê phán các hành vi vi phạm pháp luật dân sự.

 LỚP 12

Nội dung Yêu cầu cần đạt
Tăng trưởng và phát triển kinh tế – Phân biệt được tăng trưởng kinh tế và phát triển kinh tế.

 – Nêu được các chỉ tiêu của tăng trưởng và phát triển kinh tế.

 – Giải thích được vai trò của tăng trưởng và phát triển kinh tế.

 – Nhận biết được mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với sự phát triển bền vững.

 – Tham gia các hoạt động góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng, phát triển kinh tế.

 – Ủng hộ những hành vi, việc làm góp phần thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế; phê phán, đấu tranh với những hành vi, việc làm cản trở sự tăng trưởng, phát triển kinh tế.

Hội nhập kinh tế quốc tế – Nêu được khái niệm hội nhập kinh tế quốc tế.

 – Giải thích được hội nhập kinh tế quốc tế là cần thiết đối với mọi quốc gia.

 – Liệt kê được các hình thức hội nhập kinh tế quốc tế.

 – Xác định được trách nhiệm của bản thân trong hội nhập kinh tế quốc tế.

 – Ủng hộ những hành vi chấp hành và phê phán những hành vi không chấp hành chủ trương, chính sách hội nhập kinh tế quốc tế của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Bảo hiểm và an sinh xã hội – Nêu được các khái niệm: bảo hiểm; an sinh xã hội và vai trò của bảo hiểm, an sinh xã hội.

 – Giải thích được sự cần thiết của bảo hiểm và an sinh xã hội.

 – Liệt kê được một số loại hình bảo hiểm.

 – Gọi tên được một số chính sách an sinh xã hội cơ bản.

 – Thực hiện được trách nhiệm công dân về bảo hiểm và an sinh xã hội bằng những việc làm cụ thể và phù hợp.

Lập kế hoạch kinh doanh – Nêu được nội dung cơ bản của kế hoạch kinh doanh.

 – Giải thích được sự cần thiết phải lập kế hoạch kinh doanh.

 – Diễn giải được các bước lập kế hoạch kinh doanh.

 – Lập được kế hoạch kinh doanh và mô tả được kế hoạch kinh doanh của bản thân dưới hình thức bài tập thực hành.

Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp – Nêu được khái niệm trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

 – Liệt kê được các hình thức thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

 – Trình bày được ý nghĩa của việc thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

 – Xác định được trách nhiệm của công dân khi tham gia điều hành doanh nghiệp.

 – Phê phán những biểu hiện thiếu trách nhiệm đối với xã hội của một số doanh nghiệp.

Quản lí thu, chi trong gia đình – Nêu được thế nào là quản lí thu, chi trong gia đình

 – Giải thích được sự cần thiết phải quản lí thu, chi trong gia đình.

 – Đánh giá được thói quen chi tiêu và các mục tiêu tài chính của gia đình.

 – Tham gia lập kế hoạch và thực hiện kế hoạch thu, chi hợp lí trong gia đình.

Một số quyền và nghĩa vụ của công dân về kinh tế – Nêu được các quy định cơ bản của pháp luật về quyền và nghĩa vụ của công dân về kinh doanh, nộp thuế, sở hữu tài sản, tôn trọng tài sản của người khác.

 – Tự giác thực hiện các quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ của công dân về kinh tế bằng những hành vi phù hợp.

 – Phân tích, đánh giá được các hành vi vi phạm đơn giản thường gặp về quyền và nghĩa vụ của công dân về kinh tế; nhận biết được tác hại, hậu quả của hành vi vi phạm quyền và nghĩa vụ của công dân về kinh tế.

Quyền và nghĩa vụ của công dân về văn hoá,xã hội – Nêu được một số quy định cơ bản của pháp luật về quyền và nghĩa vụ của công dân trong hôn nhân và gia đình;học tập; bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ; đảm bảo an sinh xã hội; bảo vệ di sản văn hoá, môi trường và tài nguyên thiên nhiên.

 – Tự giác thực hiện các quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân về văn hoá, xã hội bằng những hành vi phù hợp.

 – Phân tích, đánh giá được các hành vi vi phạm quyền và nghĩa vụ của công dân trong một số tình huống đơn giản thường gặp về văn hoá, xã hội; nhận biết được tác hại, hậu quả của hành vi vi phạm quyền và nghĩa vụ công dân về văn hoá, xã hội.

Một số vấn đề cơ bản của pháp luật quốc tế – Nêu được khái niệm, vai trò, các nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế; mối quan hệ giữa pháp luật quốc tế và luật quốc gia.

 – Nhận biết được nội dung cơ bản của Công pháp quốc tế về:

 + Dân cư, lãnh thổ và biên giới quốc gia, các vùng biển thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của quốc gia.

 + Nguyên tắc cơ bản của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và hợp đồng thương mại quốc tế.

 – Phân tích, đánh giá được một số hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế đơn giản.

CHUYÊN ĐỀ HỌC TẬP
Chuyên đề 12.1: Phát triển kinh tế và sự biến đổi văn hoá, xã hội – Nêu được những biến đổi văn hoá, xã hội do tác động của sự phát triển kinh tế.

 – Chỉ ra được nguyên nhân của những biến đổi văn hoá, xã hội do tác động của sự phát triển kinh tế.

 – Thực hiện được bài tập nghiên cứu về tác động tích cực hoặc tiêu cực của phát triển kinh tế đến văn hoá, xã hội; giải pháp hạn chế, khắc phục tác động tiêu cực.

 – Biết đánh giá một số biện pháp và chính sách đang áp dụng trong thực tế xã hội nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến kinh tế, văn hoá, xã hội.

Chuyên đề 12.2: Một số vấn đề về Luật Doanh nghiệp – Nêu được khái niệm Luật Doanh nghiệp và nội dung cơ bản của Luật Doanh nghiệp.

 – Nhận biết được hậu quả của hành vi vi phạm các quy định của Luật Doanh nghiệp.

 – Phân tích, đánh giá, tham gia tranh luận được một số vấn đề đơn giản thường gặp trong đời sống liên quan đến Luật Doanh nghiệp.

 -Tích cực, chủ động vận động người khác thực hiện đúng Luật Doanh nghiệp; phê phán các hành vi vi phạm Luật Doanh nghiệp.

Chuyên đề 12.3: Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế – Bước đầu phân tích được những cơ hội và thách thức đối với Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế.

 – Nêu được đường lối, chính sách hội nhập kinh tế quốc tế của Đảng và Nhà nước.

 – Nêu được những thành tựu và hạn chế trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam; một số biện pháp và chính sách đang áp dụng trong thực tế nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến kinh tế, văn hoá, xã hội trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

 -Trình bày được khái niệm công dân toàn cầu và các vấn đề hợp tác quốc tế, giải quyết xung đột quốc tế về kinh tế trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế.

  1. PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC

 Môn Giáo dục công dân hình thành, phát triển ở học sinh các phẩm chất và năng lực của người công dân thông qua các bài học về lối sống, đạo đức, pháp luật, kinh tế, nghĩa là chuyển các giá trị văn hoá, đạo đức, các kiến thức pháp luật, kinh tế thành ý thức và hành vi của người công dân. Do vậy, giáo viên phải có phương pháp giáo dục phù hợp, cụ thể là:

  1. Chú trọng tổ chức, hướng dẫn các hoạt động để học sinh khám phá, phân tích, khai thác thông tin, xử lí tình huống thực tiễn, trường hợp điển hình; tăng cường sử dụng các thông tin, tình huống, trường hợp của thực tế cuộc sống xung quanh, gần gũi với đời sống học sinh trong việc phân tích, đối chiếu, minh hoạ để các bài học vừa có sức hấp dẫn, vừa nhẹ nhàng, hiệu quả; coi trọng tổ chức các hoạt động trải nghiệm để học sinh tự phát hiện và chiếm lĩnh kiến thức mới, phát triển kĩ năng và thái độ tích cực, trên cơ sở đó hình thành, phát triển phẩm chất và năng lực của người công dân tương lai.
  2. Kết hợp sử dụng các phương pháp dạy học truyền thống với các phương pháp dạy học hiện đại theo hướng tích cực hoá hoạt động của người học; tăng cường sử dụng các phương pháp dạy học đặc thù của môn học như: giải quyết vấn đề, phân tích trường hợp điển hình kết hợp nêu những tấm gương công dân tiêu biểu; xử lí tình huống có tính thời sự về đạo đức, pháp luật và kinh tế trong cuộc sống hằng ngày; thảo luận nhóm; đóng vai; dự án;…
  3. Kết hợp các hình thức dạy học theo hướng linh hoạt, phù hợp, hiệu quả: dạy học theo lớp, theo nhóm và cá nhân; dạy học ở trong lớp và ở ngoài lớp, ngoài khuôn viên nhà trường; tăng cường thực hành, rèn luyện kĩ năng trong các tình huống cụ thể của đời sống; tích cực sử dụng các phương tiện dạy học hiện đại nhằm đa dạng, cập nhật thông tin, tạo hứng thú cho học sinh.
  4. Phối hợp giáo dục trong nhà trường với giáo dục ở gia đình và xã hội.

 VII. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ GIÁO DỤC

 Đánh giá kết quả giáo dục là đánh giá mức độ đạt được của học sinh về phẩm chất và năng lực so với các yêu cầu cần đạt của mỗi lớp học, cấp học nhằm xác định vị trí và ghi nhận sự tiến bộ của mỗi học sinh tại thời điểm nhất định trong quá trình phát triển của bản thân;đồng thời cung cấp thông tin để giáo viên điều chỉnh việc dạy học và cơ quan quản lí giáo dục thực hiện phát triển chương trình. Đánh giá kết quả giáo dục phải bảo đảm các yêu cầu sau:

  1. Kết hợp đánh giá thông qua các nhiệm vụ học tập (bài kiểm tra dưới dạng trắc nghiệm, vấn đáp hoặc tự luận, bài tập thực hành, bài tiểu luận, bài thuyết trình, bài tập nghiên cứu, dự án nghiên cứu,…) với đánh giá thông qua quan sát biểu hiện về thái độ, hành vi của học sinh trong quá trình tham gia các hoạt động học tập được tổ chức trên lớp học, hoạt động nhóm, tập thể hay cộng đồng và trong sinh hoạt, giao tiếp hằng ngày.

 Chú trọng sử dụng các bài tập xử lí tình huống được xây dựng trên cơ sở gắn kiến thức của bài học với thực tiễn đời sống, đặc biệt là những tình huống, sự việc, vấn đề, hiện tượng của thực tế cuộc sống xung quanh, gần gũi với học sinh. Tăng cường các câu hỏi mở gắn với thực tiễn trong các bài tập kiểm tra, đánh giá để học sinh được thể hiện phẩm chất và năng lực.

 Việc đánh giá thông qua quan sát biểu hiện về thái độ, hành vi ứng xử của học sinh trong quá trình tham gia vào các hoạt động học tập, sinh hoạt ở trường, ở nhà và ở cộng đồng cần dựa trên phiếu nhận xét của giáo viên, học sinh, gia đình hoặc các tổ chức xã hội.

  1. Kết hợp đánh giá của giáo viên với tự đánh giá và đánh giá đồng đẳng của học sinh, đánh giá của phụ huynh học sinh và đánh giá của cộng đồng, trong đó đánh giá của giáo viên là quan trọng nhất; coi trọng đánh giá sự tiến bộ của học sinh.
  2. Kết quả đánh giá sau mỗi học kì và cả năm học đối với mỗi học sinh là kết quả tổng hợp đánh giá quá trình và đánh giá tổng kết theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

 VIII. GIẢI THÍCH VÀ HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

  1. Giải thích thuật ngữ
  2. a) Một số thuật ngữ chuyên môn sử dụng trong chương trình

 – Giáo dục công dân là quá trình tác động sư phạm có mục đích, có kế hoạch giúp học sinh hình thành, phát triển những phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi của người công dân, đặc biệt là tình cảm, nhận thức, niềm tin, cách ứng xử, kĩ năng sống, bản lĩnh để phát triển và sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm công dân trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.

 – Giáo dục đạo đức là quá trình tác động sư phạm có mục đích, có kế hoạch nhằm giáo dục học sinh ý thức, hành vi đạo đức phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội và quy định của pháp luật; trên cơ sở đó hình thành, phát triển cho học sinh các phẩm chất đạo đức chủ yếu và năng lực cốt lõi của người công dân Việt Nam, đáp ứng nhu cầu phát triển cá nhân và thực hiện quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm công dân.

 – Giáo dục kĩ năng sống là quá trình tác động sư phạm có mục đích, có kế hoạch để hình thành cho học sinh những hành động tích cực, hành vi lành mạnh, phù hợp với chuẩn mực đạo đức, pháp luật để tự nhận thức, quản lí và tự bảo vệ bản thân; trên cơ sở đó hình thành, phát triển cho học sinh các phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi của người công dân Việt Nam, đáp ứng nhu cầu phát triển cá nhân và thực hiện quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm công dân.

 – Giáo dục pháp luật là quá trình tác động sư phạm có mục đích, có kế hoạch giúp học sinh có ý thức, hành vi phù hợp với quy định của pháp luật; có tri thức phổ thông, cơ bản, thiết thực đối với đời sống và định hướng nghề nghiệp về pháp luật, trên cơ sở đó hình thành, phát triển các phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi của người công dân Việt Nam, đáp ứng nhu cầu phát triển cá nhân và thực hiện quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm công dân.

 – Giáo dục kinh tế là quá trình tác động sư phạm có mục đích, có kế hoạch giúp học sinh có ý thức và hoạt động kinh tế phù hợp với chuẩn mực đạo đức, pháp luật; có tri thức phổ thông, cơ bản, thiết thực đối với đời sống và định hướng nghề nghiệp về kinh tế; trên cơ sở đó hình thành, phát triển các phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi của người công dân Việt Nam, đáp ứng nhu cầu phát triển cá nhân và thực hiện quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm công dân.

 – Năng lực điều chỉnh hành vi là năng lực nhận biết chuẩn mực hành vi, đạo đức, pháp luật; đánh giá hành vi ứng xử của bản thân và người khác; từ đó có cách ứng xử phù hợp với chuẩn mực đạo đức, pháp luật.

 – Năng lực phát triển bản thân: là năng lực tự nhận thức bản thân; lập và thực hiện kế hoạch hoàn thiện bản thân nhằm nâng cao giá trị bản thân, đạt những mục tiêu cuộc sống phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

 – Năng lực tìm hiểu và tham gia hoạt động kinh tế – xã hội: là năng lực nhận thức các hiện tượng kinh tế – xã hội và tham gia các hoạt động phục vụ cộng đồng, lao động sản xuất phù hợp với chuẩn mực đạo đức, pháp luật và lứa tuổi.

  1. b) Một số từ ngữ mô tả mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt

 Chương trình môn Giáo dục công dân sử dụng một số động từ để thể hiện mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt về năng lực của người học. Một số động từ được sử dụng ở các mức độ khác nhau nhưng trong mỗi trường hợp thể hiện một hành động có đối tượng và yêu cầu cụ thể. Trong quá trình dạy học, đặc biệt là khi đặt câu hỏi thảo luận, ra đề kiểm tra đánh giá, giáo viên có thể dùng những động từ nêu dưới đây hoặc thay thế bằng các động từ có nghĩa tương đương cho phù hợp với tình huống sư phạm và nhiệm vụ cụ thể giao cho học sinh.

Mức độ Động từ mô tả mức độ
Biết – Phát biểu được hoặc nêu được (khái niệm, ý nghĩa một số chuẩn mực hành vi đạo đức, pháp luật;…).

 – Nêu được, liệt kê được, kể ra được, nhắc lại được (biểu hiện của chuẩn mực hành vi đạo đức và pháp luật; cách thể hiện cảm xúc, thái độ; vai trò của tiền, cách sử dụng tiền; các tình huống cần tìm kiếm sự hỗ trợ, các quy định của pháp luật;…).

 – Nhận biết được (sự cần thiết phải thực hiện chuẩn mực hành vi đạo đức, pháp luật; hậu quả của các tình huống nguy hiểm, không an toàn;…).

 – Phân biệt được (thái độ, hành vi phù hợp với chuẩn mực đạo đức, pháp luật và thái độ, hành vi vi phạm chuẩn mực đạo đức, pháp luật; tăng trưởng kinh tế và phát triển kinh tế;…).

 – Thu thập được, trích dẫn được, tìm được thông tin (về các hành vi, nhân vật, sự kiện, tình huống trong đời sống hằng ngày và trong sách, báo, mạng Internet;… để bổ sung dữ liệu cho nội dung bài học và nâng cao năng lực tự học).

Hiểu – Trình bày được, mô tả được (hậu quả của lạm phát, thất nghiệp; một số nét trong văn hoá tiêu dùng Việt Nam; kế hoạch kinh doanh của bản thân;…).

 – Giải thích được, diễn giải được (ý nghĩa, sự cần thiết của việc thực hiện chuẩn mực hành vi đạo đức, pháp luật; nguyên nhân dẫn đến cạnh tranh; tính hai mặt của cạnh tranh trong nền kinh tế; nguyên nhân của lạm phát, thất nghiệp; vai trò của tăng trưởng và phát triển kinh tế; sự cần thiết phải giải quyết các vấn đề tác động của phát triển kinh tế đến môi trường tự nhiên; sự cần thiết phải hội nhập kinh tế quốc tế;…).

 – Phân tích được, lí giải được (một số tình huống đơn giản trong đời sống về thực hiện pháp luật, vi phạm pháp luật, trách nhiệm pháp lí; bài học thành công hoặc thất bại trong quá trình kinh doanh của một doanh nghiệp nhỏ cụ thể; những nỗ lực của chính quyền và người dân nhằm giải quyết vấn đề môi trường phát sinh do tác động của đô thị hoá và phát triển kinh tế;…).

 – Đánh giá được, nhận xét được (thái độ, hành vi của bản thân và người khác theo chuẩn mực đạo đức, pháp luật; tác hại của hành vi vi phạm chuẩn mực đạo đức, pháp luật; một số vấn đề đơn giản thường gặp về pháp luật, kinh tế; một số biện pháp và chính sách đang áp dụng trong thực tế nhằm giải quyết tác động của phát triển kinh tế đến môi trường tự nhiên;…).

Vận dụng – Phát hiện được, chỉ ra được (các hiện tượng, sự kiện, tình huống, vấn đề của đời sống đạo đức, pháp luật và kinh tế; nguyên nhân của những biến động văn hoá, xã hội do tác động của phát triển kinh tế;…).

 – Xác định được (trách nhiệm của bản thân với tư cách công dân; lí tưởng sống của bản thân; định hướng nghề nghiệp của bản thân;…).

 – Thực hiện được (hành vi phù hợp chuẩn mực đạo đức và quy định của pháp luật; hành vi, hành động lành mạnh, tích cực để tự bảo vệ, phát triển bản thân;…).

 – Điều chỉnh được, kiểm soát được (cảm xúc, thái độ, hành vi, thói quen của bản thân phù hợp với chuẩn mực đạo đức, pháp luật và lứa tuổi).

 – Thích ứng được (những thay đổi của cuộc sống).

 – Hình thành được (nền nếp sinh hoạt)

 – Đồng tình, ủng hộ hoặc nhắc nhở, khích lệ, giúp đỡ (người khác thực hiện hành vi phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật).

 – Không đồng tình hoặc phê phán, phản đối (những thái độ, hành vi vi phạm chuẩn mực đạo đức, pháp luật).

 – Áp dụng được(các nguyên tắc, phương pháp quản lí tiền trong tình huống thực tế; biết cách tiết kiệm, tạo và quản lí ngân sách cá nhân).

 – Lập được, thiết kế được, xây dựng được (mục tiêu, kế hoạch của cá nhân để thực hiện các công việc của bản thân trong học tập và trong cuộc sống; kế hoạch kinh doanh của bản thân; kế hoạch thu, chi trong gia đình;…).

 – Có khả năng tham gia (một số hoạt động kinh tế – xã hội phù hợp với lứa tuổi).

 – Đề xuất được, thực hiện được, lựa chọn được (giải pháp phù hợp để xử lí một số tình huống đạo đức, pháp luật, kinh tế,…).

 2.Thời lượng thực hiện chương trình

  1. a) Thời lượng thực hiện chương trình ở các lớp (theo số tiết học)
Lớp 1 Lớp 2 Lớp 3 Lớp 4 Lớp 5 Lớp 6 Lớp 7 Lớp 8 Lớp 9 Lớp 10 Lớp 11 Lớp 12
35 35 35 35 35 35 35 35 35 70 70 70

 Ở cấp trung học phổ thông, mỗi lớp có thêm 35 tiết/năm học cho các chuyên đề học tập lựa chọn.

  1. b) Thời lượng dành cho các nội dung giáo dục ở các lớp

 Thời lượng dành cho các nội dung giáo dục do tác giả sách giáo khoa và giáo viên chủ động sắp xếp căn cứ vào yêu cầu cần đạt ở mỗi lớp và thực tế dạy học. Tỉ lệ % thời lượng các nội dung giáo dục như sau:

Nội dung giáo dục Tiểu học Trung học cơ sở Trung học phổ thông
Lớp 1 Lớp 2 Lớp 3 Lớp 4 Lớp 5 Lớp 6 Lớp 7 Lớp 8 Lớp 9 Lớp 10 Lớp 11 Lớp 12
Giáo dục đạo đức 60% 55% 55% 55% 55% 35% 35% 35% 35%      
Giáo dục kĩ năng sống 30% 25% 25% 15% 25% 20% 20% 20% 20%      
Giáo dục kinh tế       10% 10% 10% 10% 10% 10% 45% 45% 45%
Giáo dục pháp luật   10% 10% 10%   25% 25% 25% 25% 45% 45% 45%

 Thời lượng còn lại của chương trình dành cho các hoạt động đánh giá định kì.

  1. c) Thời lượng (số tiết) dành cho các chuyên đề học tập ở cấp trung học phổ thông,bao gồm cả thời lượng dành cho đánh giá như sau:
Tên chuyên đề học tập Lớp 10 Lớp 11 Lớp 12
Chuyên đề 10.1: Tình yêu, hôn nhân, gia đình 10    
Chuyên đề 10.2: Mô hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ 15    
Chuyên đề 10.3: Một số vấn đề về pháp luật hình sự 10    
Chuyên đề 11.1: Phát triển kinh tế và sự biến đổi môi trường tự nhiên   15  
Chuyên đề 11.2: Một số vấn đề về pháp luật lao động   10  
Chuyên đề 11.3: Một số vấn đề về pháp luật dân sự   10  
Chuyên đề 12.1: Phát triển kinh tế và sự biến đổi văn hoá, xã hội     10
Chuyên đề 12.2: Một số vấn đề về Luật Doanh nghiệp     10
Chuyên đề 12.3: Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế     15
  1. Thiết bị dạy học

 Ngoài các điều kiện thực hiện chương trình giáo dục phổ thông nêu trong Chương trình tổng thể, môn Giáo dục công dân cần được trang bị các tư liệu, phương tiện, đồ dùng dạy học phù hợp với đặc trưng của môn học và điều kiện thực tế như: tranh, ảnh, băng, đĩa, sách và tài liệu tham khảo có nội dung giáo dục về đạo đức, kĩ năng sống, kinh tế và pháp luật; máy chiếu; tivi;…

 CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG

 MÔN TỰ NHIÊN VÀ XÃ HỘI

 (Ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

 MỤC LỤC

  1. ĐẶC ĐIỂM MÔN HỌC
  2. QUAN ĐIỂM XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH

 III. MỤC TIÊU CHƯƠNG TRÌNH

  1. YÊU CẦU CẦN ĐẠT
  2. NỘI DUNG GIÁO DỤC

 LỚP 1

 LỚP 2

 LỚP 3

  1. PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC

 VII. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ GIÁO DỤC

 VIII. GIẢI THÍCH VÀ HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

  

  1. ĐẶC ĐIỂM MÔN HỌC

 Tự nhiên và Xã hội là môn học bắt buộc ở các lớp 1, 2, 3, được xây dựng dựa trên nền tảng khoa học cơ bản, ban đầu về tự nhiên và xã hội. Môn học cung cấp cơ sở quan trọng cho việc học tập các môn Khoa học, Lịch sử và Địa lí ở lớp 4, lớp 5 và các môn khoa học tự nhiên, khoa học xã hội ở các cấp học trên.

 Môn học coi trọng việc tổ chức cho học sinh trải nghiệm thực tế, tạo cho học sinh cơ hội tìm hiểu, khám phá thế giới tự nhiên và xã hội xung quanh; vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học vào thực tiễn, học cách ứng xử phù hợp với tự nhiên và xã hội.

  1. QUAN ĐIỂM XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH      

 Chương trình môn Tự nhiên và Xã hội quán triệt các quan điểm, mục tiêu, yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực, kế hoạch giáo dục và các định hướng về nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục được nêu trong Chương trình tổng thể. Đồng thời, xuất phát từ đặc thù của môn học, những quan điểm sau được nhấn mạnh trong xây dựng chương trình:

  1. Dạy học tích hợp

 Chương trình môn Tự nhiên và Xã hội được xây dựng dựa trên quan điểm dạy học tích hợp, coi con người, tự nhiên và xã hội là một chỉnh thể thống nhất có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, trong đó con người là cầu nối giữa tự nhiên và xã hội. Các nội dung giáo dục giá trị sống và kĩ năng sống, giáo dục sức khỏe, giáo dục môi trường, giáo dục tài chính được tích hợp vào môn Tự nhiên và Xã hội ở mức độ đơn giản, phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

  1. Dạy học theo chủ đề

 Nội dung giáo dục môn Tự nhiên và Xã hội được tổ chức theo các chủ đề: gia đình, trường học, cộng đồng địa phương, thực vật và động vật, con người và sức khoẻ, Trái Đất và bầu trời. Các chủ đề này được phát triển theo hướng mở rộng và nâng cao từ lớp 1 đến lớp 3. Mỗi chủ đề đều thể hiện mối liên quan, sự tương tác giữa con người với các yếu tố tự nhiên và xã hội. Tuỳ theo từng chủ đề, nội dung giáo dục giá trị sống và kĩ năng sống; giáo dục các vấn đề liên quan đến việc giữ gìn sức khoẻ, bảo vệ cuộc sống an toàn của bản thân, gia đình và cộng đồng, bảo vệ môi trường, phòng tránh thiên tai,… được thể hiện ở mức độ đơn giản và phù hợp.

  1. Tích cực hoá hoạt động của học sinh

 Chương trình môn Tự nhiên và Xã hội tăng cường sự tham gia tích cực của học sinh vào quá trình học tập, nhất là những hoạt động trải nghiệm; tổ chức hoạt động tìm hiểu, điều tra, khám phá; hướng dẫn học sinh học tập cá nhân, nhóm để tạo ra các sản phẩm học tập; khuyến khích học sinh vận dụng được những điều đã học vào đời sống.

 III. MỤC TIÊU CHƯƠNG TRÌNH

 Chương trình môn Tự nhiên và Xã hội góp phần hình thành, phát triển ở học sinh tình yêu con người, thiên nhiên; đức tính chăm chỉ; ý thức bảo vệ sức khoẻ của bản thân, gia đình, cộng đồng; ý thức tiết kiệm, giữ gìn, bảo vệ tài sản; tinh thần trách nhiệm với môi trường sống; các năng lực chung và năng lực khoa học.

  1. YÊU CẦU CẦN ĐẠT
  2. Yêu cầu cần đạt về phẩm chất chủ yếu và năng lực chung

 Môn Tự nhiên và Xã hội hình thành, phát triển ở học sinh phẩm chất chủ yếu và năng lực chung theo các mức độ phù hợp với môn học, cấp học đã được quy định tại Chương trình tổng thể.

  1. Yêu cầu cần đạt về năng lực đặc thù

 Môn Tự nhiên và Xã hội hình thành và phát triển ở học sinh năng lực khoa học, bao gồm các thành phần: nhận thức khoa học, tìm hiểu môi trường tự nhiên và xã hội xung quanh, vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học.

 Những biểu hiện của năng lực khoa học trong môn Tự nhiên và Xã hội được trình bày trong bảng sau:

Thành phần năng lực Biểu hiện
Nhận thức khoa học – Nêu, nhận biết được ở mức độ đơn giản một số sự vật, hiện tượng, mối quan hệ thường gặp trong môi trường tự nhiên và xã hội xung quanh như về sức khoẻ và sự an toàn trong cuộc sống, mối quan hệ của học sinh với gia đình, nhà trường, cộng đồng và thế giới tự nhiên,…

 – Mô tả được một số sự vật, hiện tượng tự nhiên và xã hội xung quanh bằng các hình thức biểu đạt như nói, viết, vẽ,…

 – Trình bày được một số đặc điểm, vai trò của một số sự vật, hiện tượng thường gặp trong môi trường tự nhiên và xã hội xung quanh.

 – So sánh, lựa chọn, phân loại được các sự vật, hiện tượng đơn giản trong tự nhiên và xã hội theo một số tiêu chí.

Tìm hiểu môi trường tự nhiên và xã hội xung quanh – Đặt được các câu hỏi đơn giản về một số sự vật, hiện tượng, mối quan hệ trong tự nhiên và xã hội xung quanh.

 – Quan sát, thực hành đơn giản để tìm hiểu được về sự vật, hiện tượng, mối quan hệ trong tự nhiên và xã hội xung quanh.

 – Nhận xét được về những đặc điểm bên ngoài, so sánh sự giống, khác nhau giữa các sự vật, hiện tượng xung quanh và sự thay đổi của chúng theo thời gian một cách đơn giản thông qua kết quả quan sát, thực hành.

Vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học – Giải thích được ở mức độ đơn giản một số sự vật, hiện tượng, mối quan hệ trong tự nhiên và xã hội xung quanh.

 – Phân tích được tình huống liên quan đến vấn đề an toàn, sức khoẻ của bản thân, người khác và môi trường sống xung quanh.

 – Giải quyết được vấn đề, đưa ra được cách ứng xử phù hợp trong các tình huống có liên quan (ở mức độ đơn giản); trao đổi, chia sẻ với những người xung quanh để cùng thực hiện; nhận xét được cách ứng xử trong mỗi tình huống.

  1. NỘI DUNG GIÁO DỤC
  2. Nội dung khái quát
Mạch nội dung Lớp 1 Lớp 2 Lớp 3
Gia đình – Thành viên và mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình

 – Nhà ở, đồ dùng trong nhà; sử dụng an toàn một số đồ dùng trong nhà

 – Sắp xếp đồ dùng cá nhân gọn gàng, ngăn nắp

– Các thế hệ trong gia đình

 – Nghề nghiệp của người lớn trong gia đình

 – Phòng tránh ngộ độc khi ở nhà

 – Giữ vệ sinh nhà ở

– Họ hàng nội, ngoại

 – Ngày kỉ niệm, sự kiện đáng nhớ của gia đình

 – Phòng tránh hoả hoạn khi ở nhà

 – Giữ vệ sinh xung quanh nhà

Trường học – Cơ sở vật chất của lớp học và trường học

 – Các thành viên và nhiệm vụ của một số thành viên trong lớp học, trường học

 – Hoạt động chính của học sinh ở lớp học và trường học

 – An toàn khi vui chơi ở trường và giữ lớp học sạch đẹp

– Một số sự kiện thường được tổ chức ở trường học

 – Giữ an toàn và vệ sinh khi tham gia một số hoạt động ở trường

– Hoạt động kết nối với xã hội của trường học

 – Truyền thống nhà trường

 – Giữ an toàn và vệ sinh ở trường hoặc khu vực xung quanh trường

Cộng đồng địa phương – Quang cảnh làng xóm, đường phố

 – Một số hoạt động của người dân trong cộng đồng

 – An toàn trên đường

– Hoạt động mua bán hàng hoá

 – Hoạt động giao thông

– Một số hoạt động sản xuất

 – Một số di tích văn hoá, lịch sử và cảnh quan thiên nhiên

Thực vật và động vật – Thực vật và động vật xung quanh

 – Chăm sóc, bảo vệ cây trồng và vật nuôi

– Môi trường sống của thực vật và động vật

 – Bảo vệ môi trường sống của thực vật, động vật

– Các bộ phận của thực vật, động vật và chức năng của các bộ phận đó

 – Sử dụng hợp lí thực vật và động vật

Con người và sức khoẻ – Các bộ phận bên ngoài và giác quan của cơ thể

 – Giữ cho cơ thể khoẻ mạnh và an toàn

– Một số cơ quan bên trong cơ thể: vận động, hô hấp, bài tiết nước tiểu

 – Chăm sóc và bảo vệ các cơ quan trong cơ thể

– Một số cơ quan bên trong cơ thể: tiêu hoá, tuần hoàn, thần kinh

 – Chăm sóc và bảo vệ các cơ quan trong cơ thể

Trái Đất và bầu trời – Bầu trời ban ngày, ban đêm

 – Thời tiết

– Các mùa trong năm

 – Một số thiên tai thường gặp

– Phương hướng

 – Một số đặc điểm của Trái Đất

 – Trái Đất trong hệ Mặt Trời

  1. Nội dung cụ thể và yêu cầu cần đạt ở các lớp

 LỚP 1

Nội dung Yêu cầu cần đạt
GIA ĐÌNH  
Thành viên và mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình – Giới thiệu được bản thân và các thành viên trong gia đình.

 – Nêu được ví dụ về bản thân và các thành viên trong gia đình làm công việc nhà và chia sẻ thời gian nghỉ ngơi, vui chơi cùng nhau.

 – Thể hiện được tình cảm và cách ứng xử phù hợp với các thành viên trong gia đình.

Nhà ở, đồ dùng trong nhà; sử dụng an toàn một số đồ dùng trong nhà – Nêu được địa chỉ nơi gia đình đang ở.

 – Nêu được một số đặc điểm của ngôi nhà hoặc căn hộ nơi gia đình đang ở, các phòng trong ngôi nhà hoặc căn hộ và một số đặc điểm xung quanh nơi ở.

 – Đặt được câu hỏi để tìm hiểu về một số đồ dùng, thiết bị trong gia đình.

 – Chỉ ra hoặc nêu được tên đồ dùng, thiết bị trong nhà nếu sử dụng không cẩn thận có thể làm bản thân hoặc người khác gặp nguy hiểm.

 – Nêu được cách sử dụng an toàn một số đồ dùng trong gia đình và lựa chọn được cách xử lí tình huống khi bản thân hoặc người nhà có nguy cơ bị thương hoặc đã bị thương do sử dụng một số đồ dùng không cẩn thận.

Sắp xếp đồ dùng cá nhân gọn gàng, ngăn nắp – Nêu được sự cần thiết phải sắp xếp đồ dùng cá nhân gọn gàng, ngăn nắp.

 – Làm được một số việc phù hợp để giữ nhà ở gọn gàng, ngăn nắp.

TRƯỜNG HỌC  
Cơ sở vật chất của lớp học và trường học – Nói được tên trường, địa chỉ của trường, tên lớp học.

 – Xác định được vị trí của lớp học, các phòng chức năng, một số khu vực khác của nhà trường như sân chơi, bãi tập, vườn trường, khu vệ sinh,…

 – Kể được tên một số đồ dùng, thiết bị có trong lớp học.

 – Thực hiện được việc giữ gìn và sử dụng cẩn thận, đúng cách các đồ dùng, thiết bị của lớp học và trường học.

Các thành viên và nhiệm vụ của một số thành viên trong lớp học, trường học – Xác định được các thành viên trong lớp học, trường học và nhiệm vụ của một số thành viên.

 – Thể hiện được tình cảm và cách ứng xử phù hợp với bạn bè, giáo viên và các thành viên khác trong nhà trường.

Hoạt động chính của học sinh ở lớp học và trường học – Kể được tên các hoạt động chính trong lớp học và trường học; nêu được cảm nhận của bản thân khi tham gia các hoạt động đó.
An toàn khi vui chơi ở trường và giữ lớp học sạch đẹp – Nói được về hoạt động vui chơi trong giờ nghỉ; biết lựa chọn và chơi những trò chơi an toàn.

 – Làm được những việc phù hợp để giữ lớp học sạch đẹp.

CỘNG ĐỒNG ĐỊA PHƯƠNG  
Quang cảnh làng xóm, đường phố – Giới thiệu được một cách đơn giản về quang cảnh làng xóm, đường phố qua quan sát thực tế cuộc sống hằng ngày và tranh ảnh hoặc video.

 – Bày tỏ được sự gắn bó, tình cảm của bản thân với làng xóm hoặc khu phố của mình.

Một số hoạt động của người dân trong cộng đồng – Nêu được một số công việc của người dân trong cộng đồng và đóng góp của công việc đó cho xã hội qua quan sát cuộc sống hằng ngày và tranh ảnh hoặc video.

 – Nhận biết được bất kì công việc nào đem lại lợi ích cho cộng đồng đều đáng quý.

 – Nêu được một số việc học sinh có thể làm để đóng góp cho cộng đồng địa phương.

 – Giới thiệu được tên, thời gian diễn ra một lễ hội truyền thống có sự tham gia của học sinh, gia đình và người dân ở cộng đồng.

 – Kể được một số công việc của các thành viên trong gia đình và người dân cho lễ hội đó.

 – Nêu được cảm xúc khi tham gia lễ hội đó.

An toàn trên đường – Nhận biết được một số tình huống nguy hiểm, các rủi ro có thể xảy ra trên đường và nêu được cách phòng tránh thông qua quan sát thực tế cuộc sống hằng ngày và tranh ảnh hoặc video.

 – Nói được tên và ý nghĩa của một số biển báo và đèn hiệu giao thông.

 – Thực hành đi bộ qua đường theo sơ đồ: đoạn đường không có đèn tín hiệu giao thông; đoạn đường có đèn tín hiệu giao thông.

THỰC VẬT VÀ ĐỘNG VẬT  
Thực vật và động vật xung quanh – Nêu tên và đặt được câu hỏi để tìm hiểu về một số đặc điểm bên ngoài nổi bật của cây và con vật thường gặp.

 – Vẽ hoặc sử dụng được sơ đồ có sẵn để chỉ và nói (hoặc viết) được tên các bộ phận bên ngoài của một số cây và con vật.

 – Phân biệt được một số cây theo nhu cầu sử dụng của con người (cây bóng mát, cây ăn quả, cây hoa,…).

 – Phân biệt được một số con vật theo ích lợi hoặc tác hại của chúng đối với con người.

Chăm sóc và bảo vệ cây trồng và vật nuôi – Nêu được việc làm phù hợp để chăm sóc, bảo vệ cây trồng và vật nuôi.

 – Làm được một số việc phù hợp để chăm sóc, bảo vệ cây trồng ở trường hoặc ở nhà và đối xử tốt với vật nuôi.

 – Có ý thức giữ an toàn cho bản thân khi tiếp xúc với một số cây, con vật và chia sẻ với những người xung quanh cùng thực hiện.

CON NGƯỜI VÀ SỨC KHOẺ  
Các bộ phận bên ngoài và giác quan của cơ thể – Xác định được tên, hoạt động các bộ phận bên ngoài của cơ thể; phân biệt được con trai và con gái.

 – Nêu được tên, chức năng của các giác quan.

 – Giải thích được ở mức độ đơn giản tại sao cần phải bảo vệ các giác quan.

 – Thực hiện được việc làm để bảo vệ các giác quan trong cuộc sống hằng ngày, đặc biệt biết cách phòng tránh cận thị học đường.

Giữ cho cơ thể khoẻ mạnh và an toàn – Nêu được những việc cần làm để giữ vệ sinh cơ thể và ích lợi của việc làm đó; thực hiện đúng các quy tắc giữ vệ sinh cơ thể; tự đánh giá được việc thực hiện giữ vệ sinh cơ thể.

 – Nêu được số bữa cần ăn trong ngày và tên một số thức ăn, đồ uống giúp cho cơ thể khoẻ mạnh và an toàn qua quan sát tranh ảnh và (hoặc) video; tự nhận xét được thói quen ăn uống của bản thân.

 – Xác định được các hoạt động vận động và nghỉ ngơi có lợi cho sức khoẻ qua quan sát tranh ảnh và (hoặc) video; liên hệ với những hoạt động hằng ngày của bản thân và đưa ra được hoạt động nào cần dành nhiều thời gian để cơ thể khoẻ mạnh.

 – Nhận biết được vùng riêng tư của cơ thể cần được bảo vệ.

 – Thực hành nói không và tránh xa người có hành vi động chạm hay đe doạ đến sự an toàn của bản thân.

 – Thực hành nói với người lớn tin cậy để được giúp đỡ khi cần.

TRÁI ĐẤT VÀ BẦU TRỜI  
Bầu trời ban ngày, ban đêm – Mô tả được bầu trời ban ngày và ban đêm qua quan sát thực tế, tranh ảnh hoặc video.

 – So sánh được ở mức độ đơn giản bầu trời ban ngày và ban đêm; bầu trời ban đêm vào các ngày khác nhau (nhìn thấy hay không nhìn thấy Mặt Trăng và các vì sao).

 – Nêu được ví dụ về vai trò của Mặt Trời đối với Trái Đất (sưởi ấm và chiếu sáng).

 – Có ý thức bảo vệ mắt, không nhìn trực tiếp vào Mặt Trời và chia sẻ với những người xung quanh cùng thực hiện.

Thời tiết – Mô tả được một số hiện tượng thời tiết: nắng, mưa, nóng, lạnh, gió,… ở mức độ đơn giản.

 – Nêu được sự cần thiết phải theo dõi dự báo thời tiết hằng ngày.

 – Thực hiện được việc sử dụng trang phục phù hợp với thời tiết: nắng, mưa, nóng, lạnh để giữ cho cơ thể khoẻ mạnh.

 LỚP 2

Nội dung Yêu cầu cần đạt
GIA ĐÌNH  
Các thế hệ trong gia đình – Nêu được các thành viên trong gia đình hai thế hệ, ba thế hệ và (hoặc) bốn thế hệ.

 – Vẽ, viết hoặc cắt dán ảnh gia đình có hai thế hệ, ba thế hệ vào sơ đồ cho trước.

 – Nói được sự cần thiết của việc chia sẻ, dành thời gian quan tâm, chăm sóc yêu thương nhau giữa các thế hệ trong gia đình.

 – Thể hiện được sự quan tâm, chăm sóc yêu thương của bản thân với các thế hệ trong gia đình.

Nghề nghiệp của người lớn trong gia đình – Đặt được câu hỏi để tìm hiểu thông tin về tên công việc, nghề nghiệp của những người lớn trong gia đình và ý nghĩa của những công việc, nghề nghiệp đó đối với gia đình và xã hội.

 – Thu thập được một số thông tin về những công việc, nghề có thu nhập, những công việc tình nguyện không nhận lương.

 – Chia sẻ được với các bạn, người thân về công việc, nghề nghiệp yêu thích sau này.

Phòng tránh ngộ độc khi ở nhà – Kể được tên một số đồ dùng và thức ăn, đồ uống nếu không được cất giữ, bảo quản cẩn thận có thể gây ngộ độc.

 – Thu thập được thông tin về một số lí do gây ngộ độc qua đường ăn uống.

 – Đề xuất được những việc bản thân và các thành viên trong gia đình có thể làm để phòng tránh ngộ độc.

 – Đưa ra được cách xử lí tình huống khi bản thân hoặc người nhà bị ngộ độc.

Giữ vệ sinh nhà ở – Giải thích được tại sao phải giữ sạch nhà ở (bao gồm cả nhà bếp và nhà vệ sinh).

 – Làm được một số việc phù hợp để giữ sạch nhà ở (bao gồm cả nhà bếp và nhà vệ sinh).

TRƯỜNG HỌC  
Một số sự kiện thường được tổ chức ở trường học – Nêu được tên, một số hoạt động và ý nghĩa của một đến hai sự kiện thường được tổ chức ở trường (ví dụ: lễ khai giảng; văn nghệ đầu tuần; ngày kỉ niệm 20/11, 8/3; hội chợ xuân, hội chợ sách,…).

 – Nhận xét được về sự tham gia của học sinh trong những sự kiện đó và chia sẻ cảm nhận của bản thân.

An toàn khi tham gia một số hoạt động ở trường và giữ vệ sinh trường học – Xác định được một số tình huống nguy hiểm, rủi ro có thể xảy ra trong khi tham gia những hoạt động ở trường và cách phòng tránh.

 – Thực hiện được việc giữ vệ sinh khi tham gia một số hoạt động ở trường.

CỘNG ĐỒNG ĐỊA PHƯƠNG  
Hoạt động mua bán hàng hoá – Kể được tên một số hàng hoá cần thiết cho cuộc sống hằng ngày.

 – Nêu được cách mua, bán hàng hoá trong cửa hàng, chợ, siêu thị hoặc trung tâm thương mại.

 – Nêu được lí do vì sao phải lựa chọn hàng hoá trước khi mua.

 – Thực hành (theo tình huống giả định) lựa chọn hàng hoá phù hợp về giá cả và chất lượng.

Hoạt động giao thông – Kể được tên các loại đường giao thông.

 – Nêu được một số phương tiện giao thông và tiện ích của chúng.

 – Phân biệt được một số loại biển báo giao thông (biển báo chỉ dẫn; biển báo cấm; biển báo nguy hiểm) qua hình ảnh.

 – Giải thích được sự cần thiết phải tuân theo quy định của các biển báo giao thông.

 – Nêu được quy định khi đi trên một số phương tiện giao thông (ví dụ: xe máy, xe buýt, đò, thuyền,…) và chia sẻ với những người xung quanh cùng thực hiện.

THỰC VẬT VÀ ĐỘNG VẬT  
Môi trường sống của thực vật và động vật – Đặt và trả lời được câu hỏi về nơi sống của thực vật và động vật thông qua quan sát thực tế, tranh ảnh và (hoặc) video.

 – Nêu được tên và nơi sống của một số thực vật, động vật xung quanh.

 – Phân loại được thực vật, động vật theo môi trường sống.

 – Tìm hiểu, điều tra một số thực vật và động vật có ở xung quanh và mô tả được môi trường sống của chúng.

Bảo vệ môi trường sống của thực vật, động vật – Thu thập được thông tin về một số việc làm của con người có thể làm thay đổi môi trường sống của thực vật, động vật.

 – Giải thích được ở mức độ đơn giản sự cần thiết phải bảo vệ môi trường sống của thực vật và động vật.

 – Nêu được những việc có thể làm để bảo vệ, hạn chế sự thay đổi môi trường sống của thực vật, động vật và chia sẻ với những người xung quanh cùng thực hiện.

CON NGƯỜI VÀ SỨC KHOẺ  
Một số cơ quan bên trong cơ thể: vận động, hô hấp, bài tiết nước tiểu – Chỉ và nói được tên các bộ phận chính của các cơ quan vận động, hô hấp và bài tiết nước tiểu trên sơ đồ, tranh ảnh.

 – Nhận biết được chức năng của các cơ quan nêu trên ở mức độ đơn giản ban đầu qua hoạt động hằng ngày của bản thân (ví dụ: nhận biết chức năng của xương và cơ quan hoạt động vận động; chức năng của cơ quan hô hấp qua hoạt động thở ra và hít vào; chức năng của cơ quan bài tiết qua việc thải ra nước tiểu).

 – Đưa ra được dự đoán điều gì sẽ xảy ra với cơ thể mỗi người nếu một trong các cơ quan trên không hoạt động.

Chăm sóc, bảo vệ các cơ quan trong cơ thể – Nhận biết và thực hiện được đi, đứng, ngồi, mang cặp đúng tư thế để phòng tránh cong vẹo cột sống.

 – Nêu được sự cần thiết và thực hiện được việc hít vào, thở ra đúng cách và tránh xa nơi có khói bụi để bảo vệ cơ quan hô hấp.

 – Nêu được sự cần thiết và thực hiện được việc uống đủ nước, không nhịn tiểu để phòng tránh bệnh sỏi thận.

TRÁI ĐẤT VÀ BẦU TRỜI  
Các mùa trong năm – Nêu được tên và một số đặc điểm của các mùa trong năm (ví dụ: mùa xuân, mùa hè, mùa thu, mùa đông; mùa mưa và mùa khô).

 – Lựa chọn được trang phục phù hợp theo mùa để giữ cơ thể khoẻ mạnh.

Một số thiên tai thường gặp – Nhận biết và mô tả được một số hiện tượng thiên tai (ví dụ: bão, lũ, lụt, giông sét, hạn hán,…) ở mức độ đơn giản.

 – Nêu được một số rủi ro dẫn đến các thiệt hại về tính mạng con người và tài sản do thiên tai gây ra.

 – Đưa ra được một số ví dụ về thiệt hại tính mạng con người và tài sản do thiên tai gây ra.

 – Nêu và luyện tập được một số cách ứng phó, giảm nhẹ rủi ro thiên tai thường xảy ra ở địa phương.

 – Chia sẻ với những người xung quanh và cùng thực hiện phòng tránh rủi ro thiên tai.

 LỚP 3

Nội dung Yêu cầu cần đạt
GIA ĐÌNH  
Họ hàng nội, ngoại – Nêu được mối quan hệ họ hàng nội, ngoại.

 – Xưng hô đúng với các thành viên trong gia đình thuộc họ nội, họ ngoại.

 – Vẽ, viết hoặc cắt dán ảnh vào sơ đồ gia đình và họ hàng nội, ngoại theo mẫu.

 – Bày tỏ được tình cảm, sự gắn bó của bản thân với họ hàng nội, ngoại.

Ngày kỉ niệm, sự kiện đáng nhớ của gia đình – Nêu được tên một số ngày kỉ niệm hay sự kiện quan trọng của gia đình và thông tin có liên quan đến những sự kiện đó (ví dụ: một chuyến đi dã ngoại, du lịch đáng nhớ của cả gia đình; thay đổi nơi ở, nơi học, công việc của thành viên gia đình,…).

 – Vẽ được đường thời gian theo thứ tự các sự kiện lớn, các mốc quan trọng đã xảy ra trong gia đình.

 – Nhận xét được sự thay đổi của gia đình theo thời gian qua một số ví dụ.

Phòng tránh hoả hoạn khi ở nhà – Nêu được một số nguyên nhân dẫn đến cháy nhà và nêu được những thiệt hại có thể xảy ra (về người, tài sản,…) do hoả hoạn.

 – Đưa ra được cách ứng xử phù hợp trong tình huống có cháy xảy ra; Nhận xét về những cách ứng xử đó.

 – Thực hành ứng xử trong tình huống giả định khi có cháy xảy ra.

 – Điều tra, phát hiện được những thứ có thể gây cháy trong nhà và nói với người lớn có biện pháp để phòng cháy.

Giữ vệ sinh xung quanh nhà – Kể tên và làm được một số việc phù hợp để giữ vệ sinh xung quanh nhà.

 – Giải thích được một cách đơn giản tại sao cần phải giữ vệ sinh xung quanh nhà.

TRƯỜNG HỌC  
Hoạt động kết nối với xã hội của trường học – Nêu được tên và ý nghĩa một đến hai hoạt động kết nối với xã hội của trường học (ví dụ: hoạt động bảo vệ môi trường, hoạt động truyền thông về an toàn giao thông, hoạt động ủng hộ đồng bào bị thiên tai,…) và mô tả được hoạt động đó.

 – Nhận xét được về sự tham gia của học sinh trong các hoạt động đó.

Truyền thống của nhà trường – Đặt được một số câu hỏi để tìm hiểu về truyền thống nhà trường (năm thành lập trường, thành tích dạy và học; các hoạt động khác,…).

 – Giới thiệu được một cách đơn giản về truyền thống nhà trường.

 – Bày tỏ được tình cảm hoặc mong ước của bản thân đối với nhà trường.

Giữ an toàn và vệ sinh ở trường hoặc khu vực xung quanh trường – Thực hành khảo sát về sự an toàn trong khuôn viên nhà trường hoặc khu vực xung quanh trường theo nhóm:

 + Lập được kế hoạch khảo sát về sự an toàn của phòng học, tường rào, sân chơi, bãi tập hoặc khu vực xung quanh trường theo mẫu.

 + Khảo sát được về sự an toàn liên quan đến cơ sở vật chất của nhà trường hoặc khu vực xung quanh trường theo sự phân công của nhóm.

 + Làm báo cáo, trình bày được kết quả khảo sát và đưa ra được ý tưởng khuyến nghị với nhà trường nhằm khắc phục, hạn chế những rủi ro có thể xảy ra.

 – Có ý thức giữ gìn và làm được một số việc phù hợp để giữ vệ sinh trường học và khu vực xung quanh trường.

CỘNG ĐỒNG ĐỊA PHƯƠNG  
Một số hoạt động sản xuất – Kể được tên, sản phẩm và ích lợi của một số hoạt động sản xuất (nông nghiệp, công nghiệp hoặc thủ công) ở địa phương.

 – Trình bày, giới thiệu được một trong số các sản phẩm của địa phương dựa trên các thông tin, tranh ảnh, vật thật,… sưu tầm được.

 – Viết, vẽ hoặc sử dụng tranh ảnh, video,… để chia sẻ với những người xung quanh về sự cần thiết phải tiêu dùng tiết kiệm, bảo vệ môi trường.

Di tích văn hoá, lịch sử và cảnh quan thiên nhiên – Giới thiệu được (bằng lời hoặc kết hợp lời nói với hình ảnh) một di tích lịch sử, văn hoá hoặc cảnh quan thiên nhiên ở địa phương.

 – Thể hiện sự tôn trọng và có ý thức giữ vệ sinh khi đi tham quan di tích văn hoá, lịch sử hoặc cảnh quan thiên nhiên.

THỰC VẬT VÀ ĐỘNG VẬT  
Các bộ phận của thực vật, động vật và chức năng của các bộ phận đó – Vẽ hoặc sử dụng sơ đồ sẵn có để chỉ vị trí và nói (hoặc viết) được tên một số bộ phận của thực vật và động vật.

 – Trình bày được chức năng của các bộ phận đó (sử dụng sơ đồ, tranh ảnh).

 – So sánh (hình dạng, kích thước, màu sắc) rễ, thân, lá, hoa, quả của các thực vật khác nhau; phân loại được thực vật dựa trên một số tiêu chí (ví dụ: đặc điểm của thân, rễ, lá,…).

 – So sánh được đặc điểm cấu tạo của một số động vật khác nhau; phân loại được động vật dựa trên một số tiêu chí (ví dụ: đặc điểm cơ quan di chuyển,…).

Sử dụng hợp lí thực vật và động vật – Nêu được ví dụ về việc sử dụng thực vật và động vật trong đời sống hằng ngày.

 – Liên hệ thực tế, nhận xét về cách sử dụng thực vật và động vật của gia đình và cộng đồng địa phương.

 – Lựa chọn và đề xuất cách sử dụng thực vật và động vật hợp lí. Chia sẻ với những người xung quanh để cùng thực hiện.

CON NGƯỜI VÀ SỨC KHOẺ  
Một số cơ quan bên trong cơ thể – Chỉ và nói được tên các bộ phận chính của các cơ quan tiêu hoá, tuần hoàn, thần kinh trên sơ đồ, tranh ảnh.

 – Nhận biết được chức năng của các cơ quan nêu trên ở mức độ đơn giản ban đầu qua hoạt động sống hằng ngày của bản thân (ví dụ: theo dõi việc ăn, uống và thải bã; phát hiện tim và mạch máu đập; phát hiện khả năng phản ứng của cơ thể như rụt tay lại khi sờ vào vật nóng và sự thay đổi cảm xúc, khóc khi bị ngã đau, vui khi được khen, buồn khi các bạn không cho chơi cùng).

Chăm sóc và bảo vệ các cơ quan trong cơ thể – Nêu được một số ví dụ về mối quan hệ với gia đình hoặc bạn bè có ảnh hưởng tốt hoặc xấu đến trạng thái cảm xúc (hoặc sức khoẻ tinh thần) của mỗi người.

 – Trình bày được một số việc cần làm hoặc cần tránh để giữ gìn, bảo vệ các cơ quan tiêu hoá, tuần hoàn và thần kinh.

 – Kể được tên một số thức ăn, đồ uống và hoạt động có lợi cho các cơ quan tiêu hoá, tim mạch, thần kinh.

 – Thu thập được thông tin về một số chất và hoạt động có hại đối với các cơ quan tiêu hoá, tim mạch, thần kinh (ví dụ: thuốc lá, rượu, ma tuý); nêu được cách phòng tránh.

 – Xây dựng và thực hiện được thời gian biểu phù hợp (theo mẫu) để có được thói quen học tập, vui chơi, ăn uống, nghỉ ngơi điều độ và ngủ đủ giấc.

TRÁI ĐẤT VÀ BẦU TRỜI  
Phương hướng – Kể được bốn phương chính trong không gian theo quy ước.

 – Thực hành xác định được các phương chính dựa trên phương Mặt Trời mọc, lặn hoặc sử dụng la bàn.

Một số đặc điểm của Trái Đất – Nhận biết ban đầu về hình dạng Trái Đất qua quả địa cầu.

 – Chỉ được cực Bắc, cực Nam, đường Xích đạo, bán cầu Bắc, bán cầu Nam và các đới khí hậu trên quả địa cầu.

 – Trình bày được một vài hoạt động tiêu biểu của con người ở từng đới khí hậu dựa vào tranh ảnh và (hoặc) video.

 – Tìm và nói được tên các châu lục và các đại dương trên quả địa cầu. Chỉ được vị trí của Việt Nam trên quả địa cầu.

 – Nêu được một số dạng địa hình của Trái Đất: đồng bằng, đồi, núi, cao nguyên; sông, hồ; biển, đại dương dựa vào tranh ảnh và (hoặc) video.

 – Xác định được nơi học sinh đang sống thuộc dạng địa hình nào.

Trái Đất trong hệ Mặt Trời – Chỉ và nói được vị trí của Trái Đất trong hệ Mặt Trời trên sơ đồ, tranh ảnh.

 – Chỉ và trình bày được chiều chuyển động của Trái Đất quanh mình nó và quanh Mặt Trời trên sơ đồ và (hoặc) mô hình.

 – Giải thích được ở mức độ đơn giản hiện tượng ngày và đêm, qua sử dụng mô hình hoặc video.

 – Chỉ được chiều chuyển động của Mặt Trăng quanh Trái Đất trên sơ đồ và (hoặc) mô hình.

 – Nêu được Trái Đất là một hành tinh trong hệ Mặt Trời, Mặt Trăng là vệ tinh của Trái Đất.

  1. PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC
  2. Định hướng chung

 Phương pháp giáo dục môn Tự nhiên và Xã hội được thực hiện theo các định hướng chung nêu tại Chương trình tổng thể, bảo đảm các yêu cầu sau:

  1. a) Khai thác những kiến thức, kinh nghiệm của học sinh về cuộc sống xung quanh; phát huy trí tò mò khoa học, hướng đến sự phát triển các mối quan hệ tích cực của học sinh với môi trường tự nhiên và xã hội xung quanh; hướng dẫn học sinh cách đặt câu hỏi, cách thu thập thông tin và tìm kiếm các bằng chứng, cách sử dụng các thông tin, bằng chứng thu thập được để đưa ra những nhận xét, kết luận mang tính khách quan, khoa học.
  2. b) Tổ chức cho học sinh học thông qua quan sát. Đối tượng quan sát là các sự vật, hiện tượng tự nhiên và xã hội từ tranh ảnh, vật thật, video, môi trường xung quanh. Hoạt động quan sát nhằm phát triển ở học sinh các kĩ năng nhận xét, so sánh, phân loại, phân tích, suy luận, khái quát hoá những gì đã quan sát được ở mức độ đơn giản.
  3. c) Tổ chức cho học sinh học thông qua trải nghiệm. Học sinh thực hiện các hoạt động điều tra, khám phá, vận dụng kiến thức vào thực tiễn cuộc sống xung quanh, qua đó, học cách giải quyết một số vấn đề đơn giản thường gặp; ứng xử phù hợp với sức khoẻ, sự an toàn của bản thân và những người xung quanh; bảo vệ môi trường sống.
  4. d) Tổ chức cho học sinh học thông qua tương tác. Học sinh thực hiện các hoạt động trò chơi, đóng vai, thảo luận, thực hành, xử lí tình huống thực tiễn để hình thành, phát triển năng lực giải quyết vấn đề, năng lực hợp tác, giao tiếp và sự tự tin.
  5. e) Lựa chọn, phối hợp, vận dụng các phương pháp giáo dục một cách linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với mục tiêu, nội dung giáo dục, đối tượng học sinh và điều kiện cụ thể.
  6. Định hướng về phương pháp hình thành, phát triển các phẩm chất chủ yếu và năng lực chung
  7. a) Phương pháp hình thành, phát triển các phẩm chất chủ yếu

 Phẩm chất học sinh được hình thành, phát triển nhờ tương tác, trải nghiệm trong các hoạt động học tập đa dạng, phong phú ở trường và ở gia đình, cộng đồng. Thông qua việc hướng dẫn học sinh tìm hiểu môi trường tự nhiên và xã hội, tham gia các công việc gia đình, trường lớp, cộng đồng vừa sức với bản thân, môn Tự nhiên và Xã hội hình thành và phát triển ở học sinh tình cảm yêu quý, trân trọng gia đình, bạn bè, cộng đồng; tình yêu thiên nhiên và ý thức bảo vệ môi trường tự nhiên; ý thức giữ vệ sinh cá nhân, thực hiện các quy tắc bảo vệ sức khoẻ và an toàn cho bản thân, gia đình, bạn bè và những người xung quanh; ý thức sử dụng tiết kiệm, giữ gìn, bảo vệ những đồ dùng, vật dụng của gia đình, xã hội; ý thức chăm sóc, bảo vệ thực vật và động vật, giữ vệ sinh môi trường; ý thức vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học vào cuộc sống.

  1. b) Phương pháp hình thành, phát triển các năng lực chung

 – Để góp phần hình thành và phát triển năng lực tự chủ và tự học ở học sinh, giáo viên đưa ra các nhiệm vụ học tập như quan sát mẫu vật hoặc tranh ảnh, đọc thông tin trong sách, khai thác các nguồn tư liệu bổ trợ, … và các câu hỏi hợp lí, giúp học sinh tích cực, tự lực chiếm lĩnh kiến thức, biết cách học độc lập.

 – Để góp phần hình thành và phát triển năng lực giao tiếp và hợp tác ở học sinh, giáo viên tổ chức các hoạt động học tập theo nhóm hoặc cả lớp; yêu cầu học sinh trao đổi chia sẻ thông tin đã thu thập được hoặc nội dung bài học (bằng lời nói, viết, vẽ,…) và cùng nhau hợp tác để hoàn thành sản phẩm học tập chung; tạo điều kiện để học sinh nhận xét, góp ý cho các sản phẩm học tập của học sinh khác, nhóm khác.

 – Để góp phần hình thành và phát triển năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo ở học sinh, giáo viên thiết kế các tình huống có vấn đề để tạo điều kiện cho học sinh tham gia tích cực vào giải quyết vấn đề của bài học, qua đó chiếm lĩnh được kiến thức mới và nâng cao năng lực giải quyết vấn đề. Giáo viên sử dụng các câu hỏi, bài tập, tình huống có nội dung thực tiễn, tạo điều kiện cho học sinh vận dụng phối hợp kiến thức, kĩ năng đã học vào thực tế cuộc sống; các câu hỏi mở, bài tập có nhiều cách giải hoặc các nhiệm vụ học tập (có thể bài tập, trò chơi,…) đòi hỏi sự sáng tạo; các câu hỏi, nhiệm vụ học tập phân hoá cho các nhóm đối tượng học sinh.

  1. Định hướng về phương pháp hình thành, phát triển năng lực khoa học
  2. a) Để hình thành và phát triển thành phần năng lực nhận thức khoa học, giáo viên tạo cho học sinh cơ hội huy động những hiểu biết, kinh nghiệm sẵn có để tham gia hình thành kiến thức mới; tổ chức các hoạt động trong đó học sinh được trình bày hiểu biết của mình, so sánh, phân loại các sự vật, hiện tượng trong tự nhiên và xã hội, giải thích một số mối quan hệ trong gia đình, trường học, cộng đồng và trong tự nhiên; hệ thống hoá kiến thức, kết nối được kiến thức mới với hệ thống kiến thức đã có.
  3. b) Để hình thành và phát triển thành phần năng lực tìm hiểu môi trường tự nhiên và xã hội, giáo viên cần chú ý tạo cơ hội để học sinh được đề xuất những câu hỏi, phát hiện vấn đề cần tìm hiểu và tích cực tham gia giải quyết vấn đề. Chú trọng cho học sinh quan sát, đọc tài liệu, thực hiện điều tra, thực hành đơn giản để tìm hiểu các sự vật, hiện tượng, các mối quan hệ trong tự nhiên và xã hội xung quanh; thu thập và ghi lại các dữ liệu đơn giản từ quan sát, thực hành; nhận xét về những đặc điểm bên ngoài, so sánh sự giống, khác nhau giữa các sự vật, hiện tượng xung quanh và sự thay đổi của chúng theo thời gian một cách đơn giản.
  4. c) Để hình thành và phát triển thành phần năng lực vận dụng kiến thức, kĩ năng vào thực tiễn và ứng xử phù hợp với tự nhiên, con người, xã hội, giáo viên sử dụng những câu hỏi, bài tập đòi hỏi học sinh phải vận dụng các kiến thức, kĩ năng,… đã học để giải quyết các nhiệm vụ học tập trong bối cảnh, tình huống mới gắn với thực tế cuộc sống, vừa sức với học sinh,…

 VII. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ GIÁO DỤC

 Đánh giá kết quả giáo dục môn Tự nhiên và Xã hội được thực hiện theo định hướng chung nêu tại Chương trình tổng thể, bảo đảm các yêu cầu sau:

  1. Mục tiêu đánh giá là cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, có giá trị về mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình môn Tự nhiên và Xã hội và sự tiến bộ của học sinh để điều chỉnh hoạt động dạy của giáo viên và quản lí của nhà trường, đồng thời hướng dẫn, khuyến khích, tạo động cơ và hứng thú học tập cho học sinh.
  2. Căn cứ đánh giá là các yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực được quy định trong Chương trình tổng thể và chương trình môn học. Bên cạnh đánh giá kiến thức, kĩ năng, tăng cường đánh giá thái độ của học sinh trong học tập; chú trọng đánh giá khả năng vận dụng kiến thức, kĩ năng trong học tập môn học.
  3. Kết hợp giữa đánh giá quá trình và đánh giá tổng kết; giữa đánh giá định tính và định lượng; giữa đánh giá của giáo viên với tự đánh giá và đánh giá đồng đẳng của học sinh, đánh giá của cha mẹ học sinh và đánh giá của cộng đồng.

 Đánh giá quá trình diễn ra trong suốt quá trình học tập của học sinh. Trong đánh giá quá trình, giáo viên sử dụng các công cụ khác nhau như câu hỏi, bài tập, biểu mẫu quan sát, bài thực hành, dự án học tập, sản phẩm,… Tham gia đánh giá quá trình có giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh và cộng đồng.

 Đánh giá tổng kết được thực hiện nhằm xác định mức độ học sinh đạt được các yêu cầu của chương trình môn học sau khi học xong các chủ đề về xã hội (gia đình, trường học, cộng đồng địa phương) và các chủ đề về tự nhiên (thực vật và động vật, con người và sức khoẻ, Trái Đất và bầu trời). Kết quả đánh giá tổng kết được ghi bằng điểm số kết hợp với nhận xét của giáo viên.

  1. Sử dụng các phương pháp, công cụ đánh giá khác nhau như đánh giá thông qua trả lời miệng, bài viết (bài tự luận, bài trắc nghiệm khách quan, bài thu hoạch tham quan, báo cáo kết quả sưu tầm,…); đánh giá thông qua quan sát (quan sát học sinh thực hiện các nhiệm vụ thực hành, thảo luận nhóm, học ngoài thực địa, tham quan,… bằng cách sử dụng bảng quan sát, bảng kiểm, hồ sơ học tập,…); đánh giá qua các sản phẩm thực hành của học sinh;…

 VIII. GIẢI THÍCH VÀ HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

  1. Từ ngữ thể hiện mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt

 Chương trình môn Tự nhiên và Xã hội sử dụng một số động từ để thể hiện mức độ các yêu cầu cần đạt của người học. Một số động từ được sử dụng ở các mức độ khác nhau nhưng trong mỗi trường hợp thể hiện một hành động có đối tượng và yêu cầu cụ thể. Trong bảng dưới đây, đối tượng, yêu cầu cụ thể của mỗi hành động được chỉ dẫn bằng các từ ngữ khác nhau đặt trong ngoặc đơn.

 Trong quá trình dạy học, đặc biệt là khi đặt câu hỏi thảo luận, ra đề kiểm tra đánh giá, giáo viên có thể dùng những động từ nêu trong bảng dưới đây hoặc thay thế bằng các động từ có nghĩa tương đương cho phù hợp với tình huống sư phạm và nhiệm vụ cụ thể giao cho học sinh.

Mức độ Động từ mô tả mức độ
Biết nêu được (công việc của người dân trong cộng đồng và đóng góp của công việc đó cho xã hội;…); kể được (tên các hoạt động chính trong lớp học và trường học;…); nói được (tên trường, địa chỉ của trường; tên lớp, vị trí của lớp học trong trường;…).
nhận biết được (tên gọi, chức năng các bộ phận bên ngoài và các giác quan của cơ thể;…); xác định được (các hoạt động vận động và nghỉ ngơi có lợi cho sức khoẻ; một số tình huống nguy hiểm, rủi ro có thể xảy ra trong khi tham gia các hoạt động ở trường và cách phòng tránh;…).
Hiểu mô tả được (một số hiện tượng thiên tai;…); vẽ được (đường thời gian theo thứ tự các sự kiện lớn, các mốc quan trọng đã xảy ra trong gia đình;…); giới thiệu được (một cách đơn giản về truyền thống nhà trường;…).
trình bày được (một số việc cần làm hoặc cần tránh để giữ gìn, bảo vệ cơ quan tiêu hoá, cơ quan tuần hoàn và thần kinh;…); nêu được ví dụ (về việc sử dụng thực vật và động vật trong đời sống hằng ngày;…).
so sánh được (đặc điểm cấu tạo của một số động vật khác nhau); phân loại được (thực vật dựa trên một số tiêu chí. Ví dụ: đặc điểm của thân, rễ, lá,…).
Vận dụng nhận xét được (sự thay đổi của gia đình theo thời gian qua một số ví dụ;…); đặt được câu hỏi (để tìm hiểu về truyền thống nhà trường: năm thành lập trường, thành tích dạy và học, các hoạt động khác,…).
giải thích được (một cách đơn giản tại sao cần phải giữ vệ sinh xung quanh nhà;…); thực hiện được (nhiệm vụ khảo sát về sự an toàn liên quan đến cơ sở vật chất của nhà trường hoặc khu vực xung quanh trường theo sự phân công của nhóm; đi, đứng, ngồi, mang cặp đúng tư thế để phòng tránh cong vẹo cột sống;…).
đưa ra được (cách xử lí tình huống khi học sinh hoặc người nhà bị ngộ độc; cách ứng xử phù hợp trong tình huống giả định có cháy xảy ra; nhận xét về những cách ứng xử đó;…); đề xuất (cách sử dụng thực vật và động vật hợp lí;…).
  1. Thời lượng thực hiện chương trình

 Thời lượng thực hiện chương trình mỗi lớp là 70 tiết/năm học, dạy trong 35 tuần. Ước lượng tỷ lệ % số tiết dành cho các chủ đề ở từng lớp như sau:

Chủ đề Lớp 1 Lớp 2 Lớp 3
Gia đình 14% 13% 12%
Trường học 13% 12% 12%
Cộng đồng địa phương 16% 16% 14%
Thực vật và động vật 16% 16% 17%
Con người và sức khoẻ 20% 20% 20%
Trái Đất và bầu trời 11% 13% 15%
Đánh giá định kì 10% 10% 10%
  1. Thiết bị dạy học

 Thiết bị dạy học được sử dụng để minh hoạ, làm rõ kiến thức, tạo hứng thú học tập cho học sinh đồng thời là phương tiện để phát triển tư duy, hình thành kiến thức cho học sinh thông qua các hoạt động quan sát, dự đoán, nhận xét, điền vào sơ đồ, thử nghiệm,… Các thiết bị dạy học phải có tính trực quan, cụ thể, gắn với thực tiễn cuộc sống, đồng thời phải đảm bảo tính logic, tính sư phạm, tính thẩm mĩ và tính giáo dục.

 Thiết bị dạy học của môn Tự nhiên và Xã hội gồm:

  1. a) Các thiết bị dùng chung cho cả lớp

 Tranh, video, mô hình về: phòng tránh hoả hoạn khi ở nhà; biển báo, đèn hiệu giao thông, an toàn giao thông; hoạt động sản xuất tạo ra sản phẩm hàng hoá; nơi sống của thực vật, động vật trên Trái Đất; di tích văn hoá lịch sử và cảnh quan thiên nhiên; hiện tượng thiên tai, ứng phó giảm nhẹ rủi ro thiên tai; hoạt động tiêu biểu của con người ở từng đới khí hậu; vị trí của Trái Đất trong hệ Mặt Trời, chuyển động của Trái Đất quanh Mặt Trời, chuyển động của Mặt Trăng quanh Trái Đất.

  1. b) Các thiết bị dùng để thực hành theo nhóm, cá nhân

 – Quả địa cầu.

 – Bộ tranh rời về: các loại nhà ở; các đồ dùng trong nhà; biển báo, đèn hiệu giao thông, an toàn giao thông; hoạt động nghề nghiệp trong xã hội; các thế hệ trong gia đình; họ hàng nội, ngoại; thực vật, động vật; các loại thức ăn; phòng tránh bị xâm hại; các cơ quan vận động, hô hấp, bài tiết, tiêu hoá, tuần hoàn, thần kinh.

 Ngoài ra, cần khai thác môi trường tự nhiên và xã hội xung quanh trong dạy học; kết hợp sử dụng những thiết bị dạy học được cung cấp với đồ dùng dạy học do giáo viên và học sinh tự làm.

 CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG

 MÔN LỊCH SỬ VÀ ĐỊA LÍ

 (CẤP TIỂU HỌC)

 (Ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

 MỤC LỤC

  1. ĐẶC ĐIỂM MÔN HỌC
  2. QUAN ĐIỂM XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH

 III. MỤC TIÊU CHƯƠNG TRÌNH

  1. YÊU CẦU CẦN ĐẠT
  2. NỘI DUNG GIÁO DỤC

 LỚP 4

 LỚP 5

  1. PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC

 VII. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ GIÁO DỤC

 VIII. GIẢI THÍCH VÀ HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

  

  1. ĐẶC ĐIỂM MÔN HỌC

 Lịch sử và Địa lí ở cấp tiểu học là môn học bắt buộc, được tổ chức dạy và học ở lớp 4 và lớp 5. Môn học được xây dựng trên cơ sở kế thừa và phát triển từ môn Tự nhiên và Xã hội các lớp 1, 2, 3 và là cơ sở để học môn Lịch sử và Địa lí ở cấp trung học cơ sở, đồng thời góp phần đặt nền móng ban đầu cho việc giáo dục về khoa học xã hội ở các cấp học trên. Môn học góp phần hình thành và phát triển ở học sinh những phẩm chất chủ yếu và năng lực chung đã được xác định trong Chương trình tổng thể.

 Chương trình môn Lịch sử và Địa lí cấp tiểu học gồm các mạch kiến thức và kĩ năng cơ bản, thiết yếu về địa lí, lịch sử của địa phương, vùng miền, đất nước Việt Nam, các nước láng giềng và một số nét cơ bản về địa lí, lịch sử thế giới. Nội dung chương trình môn Lịch sử và Địa lí còn liên quan trực tiếp với nhiều môn học và các hoạt động giáo dục khác như: Đạo đức, Tiếng Việt, Hoạt động trải nghiệm,…

  1. QUAN ĐIỂM XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH

 Chương trình môn Lịch sử và Địa lí cấp tiểu học tuân thủ các quy định nêu trong Chương trình tổng thể, đồng thời xuất phát từ đặc điểm môn học, nhấn mạnh một số quan điểm sau:

  1. Chương trình môn Lịch sử và Địa lí tích hợp nội dung giáo dục lịch sử, địa lí và một số nội dung văn hoá, xã hội trong các kết nối về không gian và thời gian; tích hợp nội dung bảo vệ môi trường, giáo dục giá trị nhân văn; gắn lí thuyết với thực hành, gắn nội dung giáo dục với thực tiễn nhằm hình thành, phát triển ở học sinh năng lực đặc thù của môn học và các phẩm chất chủ yếu, năng lực chung được quy định trong Chương trình tổng thể. Chương trình kết nối với các môn học và hoạt động giáo dục khác như: Tự nhiên và Xã hội, Khoa học, Đạo đức, Hoạt động trải nghiệm,… giúp học sinh vận dụng tích hợp kiến thức, kĩ năng của nhiều môn học và hoạt động giáo dục để giải quyết các vấn đề trong học tập và đời sống, phù hợp với lứa tuổi.
  2. Trên cơ sở kế thừa, phát huy ưu điểm của môn Lịch sử và Địa lí trong Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành và tiếp thu kinh nghiệm của các nước tiên tiến trên thế giới, chương trình môn Lịch sử và Địa lí chọn lọc những kiến thức cơ bản và sơ giản về tự nhiên, dân cư, một số hoạt động kinh tế, lịch sử, văn hoá của các vùng miền, đất nước Việt Nam và thế giới; các sự kiện, nhân vật lịch sử phản ánh những dấu mốc lớn của quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Nội dung môn học vừa bảo đảm tính khoa học, vừa phù hợp với đặc điểm tâm sinh lí và trình độ nhận thức của học sinh.
  3. Chương trình được thiết kế theo phạm vi mở rộng dần về không gian địa lí và không gian xã hội, từ địa lí, lịch sử của địa phương, vùng miền, đất nước Việt Nam đến địa lí, lịch sử của các nước láng giềng, khu vực và thế giới.
  4. Chương trình lựa chọn những nội dung thiết thực đối với việc hình thành, phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh thông qua phương pháp tổ chức các hoạt động học tập tích cực như: tìm hiểu các vấn đề lịch sử và địa lí, luyện tập và thực hành (ứng dụng những điều đã học để phát hiện và giải quyết những vấn đề có thực trong đời sống),…
  5. Chương trình được thiết kế theo hướng mở, linh hoạt để có thể điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của các địa phương; phù hợp với khả năng của giáo viên, với các nhóm đối tượng học sinh khác nhau và thực tiễn dạy học ở nhà trường, song vẫn bảo đảm trình độ chung của giáo dục phổ thông trên cả nước, tiếp cận dần với trình độ khu vực và thế giới.

 III. MỤC TIÊU CHƯƠNG TRÌNH

 Môn Lịch sử và Địa lí ở cấp tiểu học hình thành, phát triển ở học sinh năng lực lịch sử và địa lí với các thành phần: nhận thức khoa học lịch sử và địa lí; tìm hiểu lịch sử và địa lí; vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học; đồng thời góp phần hình thành và phát triển các năng lực chung: tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo.

 Môn Lịch sử và Địa lí ở cấp tiểu học giúp học sinh khám phá thế giới tự nhiên và xã hội xung quanh để bồi dưỡng lòng tự hào dân tộc, tình yêu thiên nhiên, quê hương, đất nước; ý thức bảo vệ thiên nhiên, giữ gìn và phát triển các giá trị văn hoá Việt Nam; tôn trọng sự khác biệt về văn hoá giữa các quốc gia và dân tộc, từ đó góp phần hình thành và phát triển các phẩm chất yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm.

  1. YÊU CẦU CẦN ĐẠT
  2. Yêu cầu cần đạt về các phẩm chất chủ yếu và năng lực chung

 Môn Lịch sử và Địa lí cấp tiểu học góp phần hình thành, phát triển ở học sinh các phẩm chất chủ yếu và năng lực chung theo các mức độ phù hợp với môn học, cấp học đã được quy định tại Chương trình tổng thể.

  1. Yêu cầu cần đạt về năng lực đặc thù

 Môn Lịch sử và Địa lí hình thành và phát triển ở học sinh năng lực lịch sử và địa lí, biểu hiện đặc thù của năng lực khoa học với các thành phần: nhận thức khoa học lịch sử và địa lí; tìm hiểu lịch sử và địa lí; vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học. Biểu hiện của các thành phần năng lực này được trình bày trong bảng sau:

Thành phần năng lực Biểu hiện
NHẬN THỨC KHOA HỌC LỊCH SỬ VÀ ĐỊA LÍ – Kể, nêu, nhận biết được các hiện tượng địa lí, sự kiện lịch sử diễn ra trong cuộc sống theo mối quan hệ không gian – thời gian; một số giá trị, truyền thống kết nối con người Việt Nam; một số nền văn minh; một số vấn đề khó khăn mà nhân loại đang phải đối mặt.

 – Trình bày, mô tả được một số nét chính về lịch sử và địa lí của địa phương, vùng miền, đất nước, thế giới.

 – Nêu được cách thức con người khai thác, sử dụng và bảo vệ tự nhiên.

TÌM HIỂU LỊCH SỬ VÀ ĐỊA LÍ – Biết quan sát, tra cứu tài liệu để tìm thông tin hoặc thực hiện điều tra ở mức độ đơn giản để tìm hiểu về các sự kiện lịch sử và hiện tượng địa lí; biết đọc lược đồ, biểu đồ, bản đồ tự nhiên, dân cư,… ở mức đơn giản.

 – Từ những nguồn tư liệu, số liệu, biểu đồ, lược đồ, bản đồ,… nêu được nhận xét về đặc điểm và mối quan hệ giữa các sự kiện lịch sử và các đối tượng, hiện tượng địa lí.

 – Trình bày được ý kiến của mình về một số sự kiện, nhân vật lịch sử và hiện tượng địa lí,…

 – So sánh, nhận xét, phân biệt được sự đa dạng về tự nhiên, dân cư, lịch sử, văn hoá ở một số vùng miền; nhận xét được tác động của thiên nhiên đến hoạt động sản xuất của con người và tác động của con người đến tự nhiên.

VẬN DỤNG KIẾN THỨC, KĨ NĂNG ĐÃ HỌC – Xác định được vị trí của một địa điểm, một phạm vi không gian trên bản đồ; sử dụng được đường thời gian để biểu diễn tiến trình phát triển của sự kiện, quá trình lịch sử.

 – Sử dụng được biểu đồ, số liệu,… để nhận xét về một số sự kiện lịch sử, hiện tượng địa lí.

 – Biết sưu tầm và sử dụng các nguồn tư liệu lịch sử và địa lí để thảo luận và trình bày quan điểm về một số vấn đề lịch sử, địa lí, xã hội đơn giản.

 – Vận dụng được kiến thức lịch sử và địa lí đã học để phân tích và nhận xét ở mức độ đơn giản tác động của một sự kiện, nhân vật lịch sử và hiện tượng địa lí,… đối với cuộc sống hiện tại.

 – Đề xuất được ý tưởng và thực hiện được một số hành động như: sử dụng tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo vệ di tích lịch sử, văn hoá,…

  1. NỘI DUNG GIÁO DỤC
  2. Nội dung khái quát

 1.1. Các mạch nội dung

Mạch nội dung Lớp 4 Lớp 5
Mở đầu Làm quen với phương tiện học tập môn Lịch sử và Địa lí x  
Địa phương và các vùng miền của Việt Nam Địa phương em (tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương) x  
Trung du và miền núi Bắc Bộ x  
Đồng bằng Bắc Bộ x  
Duyên hải miền Trung x  
Tây Nguyên x  
Nam Bộ x  
Việt Nam Đất nước và con người Việt Nam   x
Những quốc gia đầu tiên trên lãnh thổ Việt Nam   x
Xây dựng và bảo vệ đất nước Việt Nam   x
Thế giới Các nước láng giềng   x
Tìm hiểu thế giới   x
Chung tay xây dựng thế giới   x

 1.2. Các chủ đề

Mạch nội dung Chủ đề
Làm quen với phương tiện học tập môn Lịch sử và Địa lí Giới thiệu các phương tiện học tập môn Lịch sử và Địa lí

 Cách sử dụng một số phương tiện học tập môn Lịch sử và Địa lí

Địa phương em (tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương) Thiên nhiên và con người địa phương

 Lịch sử và văn hoá truyền thống địa phương

Trung du và miền núi Bắc Bộ Thiên nhiên

 Dân cư, hoạt động sản xuất và một số nét văn hoá

 Đền Hùng và lễ giỗ Tổ Hùng Vương

Đồng bằng Bắc Bộ Thiên nhiên

 Dân cư, hoạt động sản xuất và một số nét văn hoá

 Sông Hồng và văn minh sông Hồng

 Thăng Long – Hà Nội

 Văn Miếu – Quốc Tử Giám

Duyên hải miền Trung Thiên nhiên

 Dân cư, hoạt động sản xuất và một số nét văn hoá

 Cố đô Huế

 Phố cổ Hội An

Tây Nguyên Thiên nhiên

 Dân cư, hoạt động sản xuất và một số nét văn hoá

 Lễ hội Cồng Chiêng Tây Nguyên

Nam Bộ Thiên nhiên

 Dân cư, hoạt động sản xuất và một số nét văn hoá

 Thành phố Hồ Chí Minh

 Địa đạo Củ Chi

Đất nước và con người Việt Nam Vị trí địa lí, lãnh thổ, đơn vị hành chính, Quốc kì, Quốc huy, Quốc ca

 Thiên nhiên Việt Nam

 Biển, đảo Việt Nam

 Dân cư và dân tộc ở Việt Nam

Những quốc gia đầu tiên trên lãnh thổ Việt Nam Văn Lang, Âu Lạc

 Phù Nam

 Champa

Xây dựng và bảo vệ đất nước Việt Nam Đấu tranh giành độc lập thời kì Bắc thuộc

 Triều Lý và việc định đô ở Thăng Long

 Triều Trần và kháng chiến chống Mông – Nguyên

 Khởi nghĩa Lam Sơn và triều Hậu Lê

 Triều Nguyễn

 Cách mạng tháng Tám năm 1945

 Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954

 Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975

 Đất nước Đổi mới

Các nước láng giềng Nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc)

 Nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào

 Vương quốc Campuchia

 Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)

Tìm hiểu thế giới Các châu lục và đại dương trên thế giới

 Dân số và các chủng tộc trên thế giới

 Một số nền văn minh nổi tiếng thế giới

Chung tay xây dựng thế giới Xây dựng thế giới xanh – sạch – đẹp

 Xây dựng thế giới hoà bình

  1. Nội dung cụ thể và yêu cầu cần đạt ở các lớp

 LỚP 4

Nội dung Yêu cầu cần đạt
LÀM QUEN VỚI PHƯƠNG TIỆN HỌC TẬP MÔN LỊCH SỬ VÀ ĐỊA LÍ
Giới thiệu các phương tiện học tập môn Lịch sử và Địa lí – Kể được tên một số phương tiện hỗ trợ học tập môn Lịch sử và Địa lí: bản đồ, lược đồ, biểu đồ, tranh ảnh, hiện vật, nguồn tư liệu,…
Cách sử dụng một số phương tiện học tập môn Lịch sử và Địa lí – Sử dụng được một số phương tiện môn học vào học tập môn Lịch sử và Địa lí.
ĐỊA PHƯƠNG EM (TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG)
Thiên nhiên và con người địa phương – Xác định được vị trí địa lí của địa phương trên bản đồ Việt Nam.

 – Mô tả được một số nét chính về tự nhiên (ví dụ: địa hình, khí hậu,…) của địa phương có sử dụng lược đồ hoặc bản đồ.

 – Trình bày được một số hoạt động kinh tế ở địa phương.

 – Thể hiện được tình cảm với địa phương và sẵn sàng hành động bảo vệ môi trường xung quanh.

Lịch sử và văn hoá truyền thống địa phương – Mô tả được một số nét về văn hoá (ví dụ: nhà ở, phong tục, tập quán, lễ hội, trang phục, ẩm thực,…) của địa phương.

 – Lựa chọn và giới thiệu được ở mức độ đơn giản một món ăn, một loại trang phục hoặc một lễ hội tiêu biểu,… ở địa phương.

 – Kể lại được câu chuyện về một trong số các danh nhân ở địa phương.

TRUNG DU VÀ MIỀN NÚI BẮC BỘ
Thiên nhiên – Xác định được vị trí địa lí, một số địa danh tiêu biểu (ví dụ: dãy núi Hoàng Liên Sơn, đỉnh Fansipan, cao nguyên Mộc Châu,…) của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ trên bản đồ hoặc lược đồ.

 – Quan sát lược đồ, tranh ảnh, mô tả được một trong những đặc điểm thiên nhiên (ví dụ: địa hình, khí hậu, sông ngòi,…) của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ.

 – Nêu được một cách đơn giản ảnh hưởng của địa hình, khí hậu, sông ngòi đối với đời sống và sản xuất của người dân ở vùng trung du và miền núi Bắc Bộ.

 – Đưa ra được một số biện pháp bảo vệ thiên nhiên và phòng chống thiên tai ở vùng trung du và miền núi Bắc Bộ.

Dân cư, hoạt động sản xuất và một số nét văn hoá – Kể được tên một số dân tộc sinh sống ở vùng trung du và miền núi Bắc Bộ.

 – Nhận xét được một cách đơn giản về sự phân bố dân cư ở trung du và miền núi Bắc Bộ thông qua lược đồ phân bố dân cư

 – Kể được một số cách thức khai thác tự nhiên (ví dụ: làm ruộng bậc thang, xây dựng các công trình thuỷ điện, khai thác khoáng sản,…).

 – Mô tả được một số lễ hội văn hoá của các dân tộc ở vùng trung du và miền núi Bắc Bộ (ví dụ: lễ hội Gầu Tào, hát Then, múa xoè Thái, lễ hội Lồng Tồng, chợ phiên vùng cao,…).

Đền Hùng và lễ giỗ Tổ Hùng

 Vương

– Xác định được vị trí của khu di tích Đền Hùng trên bản đồ hoặc lược đồ, thời gian, địa điểm tổ chức lễ giỗ Tổ Hùng Vương hiện nay.

 – Đọc sơ đồ khu di tích, xác định được một số công trình kiến trúc chính trong quần thể di tích Đền Hùng.

 – Sử dụng tư liệu lịch sử và văn hoá dân gian, trình bày được những nét sơ lược về lễ hội giỗ Tổ Hùng Vương.

 – Kể lại được một số truyền thuyết có liên quan đến Hùng Vương.

 – Thể hiện được niềm tự hào về truyền thống dân tộc qua lễ giỗ Tổ Hùng Vương.

ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ
Thiên nhiên – Xác định được vị trí địa lí của vùng đồng bằng Bắc Bộ trên bản đồ hoặc lược đồ.

 – Nêu được một trong những đặc điểm thiên nhiên (ví dụ: địa hình, sông ngòi,…) của vùng đồng bằng Bắc Bộ.

 – Trình bày được một số thuận lợi và khó khăn của địa hình, sông ngòi đối với sản xuất và đời sống ở vùng đồng bằng Bắc Bộ.

 – Đưa ra được một số biện pháp bảo vệ thiên nhiên vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Dân cư, hoạt động sản xuất và một số nét văn hoá – Kể được tên một số dân tộc ở vùng đồng bằng Bắc Bộ.

 – Nhận xét và giải thích được ở mức độ đơn giản sự phân bố dân cư ở vùng đồng bằng Bắc Bộ thông qua bản đồ hoặc lược đồ phân bố dân cư.

 – Mô tả được một số hoạt động sản xuất truyền thống (trồng lúa nước, nghề thủ công,…) ở đồng bằng Bắc Bộ; Mô tả được một hệ thống đê và nêu được vai trò của đê điều trong trị thủy.

 – Mô tả được một số nét văn hoá ở làng quê vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Sông Hồng và văn minh sông Hồng – Xác định được sông Hồng trên bản đồ hoặc lược đồ.

 – Kể được một số tên gọi khác của sông Hồng.

 – Sưu tầm, sử dụng tư liệu lịch sử (tranh ảnh, đoạn trích tư liệu,…), trình bày được một số thành tựu tiêu biểu của văn minh sông Hồng.

 – Mô tả được một số nét cơ bản về đời sống vật chất và tinh thần của người Việt cổ thông qua quan sát một số hình ảnh về cuộc sống của người Việt cổ trong hoa văn trên trống đồng Đông Sơn, kết hợp với một số truyền thuyết (ví dụ: Sơn Tinh – Thuỷ Tinh; Sự tích bánh chưng, bánh dầy,…).

 – Đề xuất được ở mức độ đơn giản một số biện pháp để giữ gìn và phát huy giá trị của sông Hồng.

Thăng Long – Hà Nội – Xác định được vị trí địa lí của Thăng Long – Hà Nội trên bản đồ hoặc lược đồ.

 – Phân tích được đặc điểm tự nhiên của Thăng Long thể hiện ở Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn.

 – Nêu được một số tên gọi khác của Thăng Long – Hà Nội.

 – Trình bày được một số nét chính về lịch sử Thăng Long – Hà Nội thông qua các tư liệu tranh ảnh, câu chuyện lịch sử về Thăng Long tứ trấn, sự tích Hồ Gươm, Hoàng Diệu chống thực dân Pháp, chuyện Hà Nội đánh Mỹ.

 – Sử dụng các nguồn tư liệu lịch sử và địa lí, nêu được Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, giáo dục quan trọng của Việt Nam.

 – Thể hiện được ý thức giữ gìn và phát huy truyền thống văn hoá của Thăng Long – Hà Nội.

Văn Miếu – Quốc Tử Giám – Xác định được một số công trình tiêu biểu: Khuê Văn Các, nhà bia tiến sĩ, Văn Miếu, Quốc Tử Giám trên sơ đồ khu di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

 – Đọc tư liệu lịch sử, mô tả được kiến trúc và chức năng của một trong các công trình Văn Miếu, Quốc Tử Giám, nhà bia tiến sĩ.

 – Bày tỏ được cảm nghĩ về truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam.

 – Đề xuất được ở mức độ đơn giản một số biện pháp để giữ gìn các di tích lịch sử.

DUYÊN HẢI MIỀN TRUNG
Thiên nhiên – Xác định được trên bản đồ hoặc lược đồ vị trí địa lí, một số địa danh tiêu biểu (ví dụ: dãy núi Trường Sơn, dãy núi Bạch Mã, đèo Hải Vân, vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng,…) của vùng duyên hải miền Trung.

 – Quan sát lược đồ hoặc bản đồ, tranh ảnh, trình bày được một trong những đặc điểm thiên nhiên (ví dụ: địa hình, khí hậu, sông ngòi,…) của vùng duyên hải miền Trung.

 – Nêu được một số tác động của môi trường thiên nhiên đối với đời sống và hoạt động sản xuất trong vùng.

 – Đề xuất được ở mức độ đơn giản một số biện pháp phòng chống thiên tai ở vùng duyên hải miền Trung.

 – Thể hiện được thái độ cảm thông và sẵn sàng có hành động chia sẻ với người dân gặp thiên tai.

Dân cư, hoạt động sản xuất và một số nét văn hoá – Kể được tên một số vật dụng chủ yếu có liên quan đến đời sống của người dân ở vùng duyên hải miền Trung

 – Kể được tên một số bãi biển, cảng biển của vùng duyên hải miền Trung.

 – Nêu được một số hoạt động kinh tế biển ở vùng duyên hải miền Trung (làm muối, đánh bắt và nuôi trồng hải sản, du lịch biển, giao thông đường biển,…).

 – Xác định được các di sản thế giới ở vùng duyên hải miền Trung trên bản đồ hoặc lược đồ.

 – Trình bày được một số điểm nổi bật về văn hoá của vùng duyên hải miền Trung, có sử dụng tư liệu (tranh ảnh, câu chuyện,…).

Cố đô Huế – Xác định được vị trí địa lí của cố đô Huế trên bản đồ hoặc lược đồ.

 – Mô tả được vẻ đẹp của cố đô Huế qua hình ảnh sông Hương, núi Ngự và một số công trình tiêu biểu như: Kinh thành Huế, Chùa Thiên Mụ, các lăng của vua Nguyễn,…

 – Kể lại được một số câu chuyện lịch sử liên quan đến cố đô Huế.

 – Đề xuất được một số biện pháp để bảo tồn và gìn giữ giá trị của cố đô Huế.

Phố cổ Hội An – Xác định được vị trí địa lí của phố cổ Hội An trên bản đồ hoặc lược đồ.

 – Mô tả được một số công trình kiến trúc tiêu biểu ở phố cổ Hội An (ví dụ: Nhà cổ, Hội quán của người Hoa, Chùa Cầu Nhật Bản,…) có sử dụng tư liệu (tranh ảnh, câu chuyện,…).

 – Đề xuất được một số biện pháp để bảo tồn và phát huy giá trị của phố cổ Hội An.

TÂY NGUYÊN
Thiên nhiên – Xác định được vị trí địa lí của vùng Tây Nguyên, các cao nguyên ở Tây Nguyên trên bản đồ hoặc lược đồ.

 – Trình bày được một trong những đặc điểm thiên nhiên (ví dụ: địa hình, đất đai, khí hậu, rừng,…) của vùng Tây Nguyên.

 – Nêu được nét điển hình của khí hậu thông qua đọc số liệu về lượng mưa, nhiệt độ của một địa điểm ở vùng Tây Nguyên.

 – Nêu được vai trò của rừng đối với tự nhiên, hoạt động sản xuất và đời sống của người dân ở vùng Tây Nguyên.

 – Đưa ra được một số biện pháp bảo vệ rừng ở Tây Nguyên.

Dân cư, hoạt động sản xuất và một số nét văn hoá – Kể được tên một số dân tộc ở vùng Tây Nguyên.

 – Sử dụng lược đồ phân bố dân cư hoặc bảng số liệu, so sánh được sự phân bố dân cư ở vùng Tây Nguyên với các vùng khác.

 – Trình bày được một số hoạt động kinh tế chủ yếu ở vùng Tây Nguyên (ví dụ: trồng cây công nghiệp, chăn nuôi gia súc, phát triển thủy điện,…).

 – Mô tả được một số nét chính về văn hoá các dân tộc ở vùng Tây Nguyên.

 – Nêu được truyền thống đấu tranh yêu nước và cách mạng của đồng bào Tây Nguyên, có sử dụng một số tư liệu tranh ảnh, câu chuyện lịch sử về anh hùng Núp, N’Trang Lơng, Can Lịch,…

Lễ hội Cồng Chiêng Tây Nguyên – Kể được tên một số dân tộc là chủ nhân của không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên.

 – Nêu được vai trò của cồng chiêng trong đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.

 – Mô tả được những nét chính về lễ hội Cồng chiêng Tây Nguyên.

NAM BỘ
Thiên nhiên – Xác định được vị trí địa lí của vùng Nam Bộ, một số con sông lớn của vùng Nam Bộ trên bản đồ hoặc lược đồ.

 – Quan sát lược đồ hoặc bản đồ, trình bày được một trong những đặc điểm thiên nhiên (ví dụ: địa hình, khí hậu, đất và sông ngòi,…) ở vùng Nam Bộ.

 – Nêu được ảnh hưởng của môi trường thiên nhiên đến sản xuất và sinh hoạt của người dân vùng Nam Bộ.

Dân cư, hoạt động sản xuất và một số nét văn hoá – Kể được tên một số dân tộc ở vùng Nam Bộ.

 – Xác định được trên bản đồ hoặc lược đồ vùng Nam Bộ sự phân bố một số ngành công nghiệp, cây trồng, vật nuôi.

 – Trình bày được một số hoạt động sản xuất của người dân ở vùng Nam Bộ (ví dụ: sản xuất lúa, nuôi trồng thuỷ sản,…).

 – Mô tả được sự chung sống hài hòa với thiên nhiên của người dân thông qua một số nét văn hoá tiêu biểu (ví dụ: nhà ở, chợ nổi, vận tải đường sông,…).

 – Nêu được truyền thống đấu tranh yêu nước và cách mạng của đồng bào Nam Bộ, có sử dụng một số tư liệu tranh ảnh, câu chuyện lịch sử về một số nhân vật tiêu biểu của Nam Bộ, như: Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Thị Định,…

Thành phố Hồ Chí Minh – Xác định được vị trí địa lí của Thành phố Hồ Chí Minh trên bản đồ hoặc lược đồ.

 – Kể được một số tên gọi khác của Thành phố Hồ Chí Minh.

 – Trình bày được một số sự kiện lịch sử có liên quan đến Thành phố Hồ Chí Minh, có sử dụng một số tư liệu tranh ảnh, câu chuyện lịch sử, như: chuyện về bến cảng Nhà Rồng, Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước,…

 – Sử dụng tư liệu lịch sử và địa lí, nêu được Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế, văn hoá, giáo dục quan trọng của Việt Nam.

Địa đạo Củ Chi – Xác định được vị trí của Địa đạo Củ Chi trên bản đồ hoặc lược đồ.

 – Mô tả được một số công trình tiêu biểu trong Địa đạo Củ Chi, có sử dụng tranh ảnh, tài liệu lịch sử.

 – Sưu tầm và kể lại được một số câu chuyện lịch sử về đào hầm ở Củ Chi, chống Mỹ ở

 Địa đạo Củ Chi.

 LỚP 5

Nội dung Yêu cầu cần đạt
ĐẤT NƯỚC VÀ CON NGƯỜI VIỆT NAM
Vị trí địa lí, lãnh thổ, đơn vị hành chính, Quốc kì, Quốc huy, Quốc ca – Xác định được vị trí địa lí, của Việt Nam trên bản đồ hoặc lược đồ.

 – Trình bày được ảnh hưởng của vị trí địa lí đối với tự nhiên và hoạt động sản xuất.

 – Mô tả được hình dạng lãnh thổ phần đất liền của Việt Nam.

 – Nêu được số lượng đơn vị hành chính của Việt Nam, kể được tên một số tỉnh, thành phố của Việt Nam.

 – Nêu được ý nghĩa của Quốc kì, Quốc huy, Quốc ca của Việt Nam.

Thiên nhiên Việt Nam – Trình bày được một số đặc điểm của một trong những thành phần của thiên nhiên Việt Nam (ví dụ: địa hình, khí hậu, sông ngòi, đất, rừng,…).

 – Kể được tên và xác định được trên lược đồ hoặc bản đồ một số khoáng sản chính.

 – Nêu được vai trò của tài nguyên thiên nhiên đối với sự phát triển kinh tế.

 – Trình bày được một số khó khăn của môi trường thiên nhiên đối với sản xuất và đời sống.

 – Đưa ra được một số biện pháp bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và phòng chống thiên tai.

Biển, đảo Việt Nam – Xác định được vị trí địa lí của vùng biển, một số đảo, quần đảo lớn của Việt Nam trên bản đồ hoặc lược đồ.

 – Trình bày được công cuộc bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam ở biển Đông trong lịch sử, có sử dụng một số tư liệu, tranh ảnh, câu chuyện liên quan (Hải đội Hoàng Sa, lễ khao lề thế lính Hoàng Sa,…).

 – Sưu tầm, đọc và kể lại được một số câu chuyện, bài thơ về biển, đảo Việt Nam.

Dân cư và dân tộc ở Việt Nam – Nêu được số dân và so sánh được quy mô dân số Việt Nam với một số nước trong khu vực Đông Nam Á.

 – Nhận xét được sự gia tăng dân số ở Việt Nam và một số hậu quả do gia tăng dân số nhanh và phân bố dân cư chưa hợp lí ở Việt Nam, có sử dụng tranh ảnh, biểu đồ hoặc bảng số liệu.

 – Kể được tên một số dân tộc ở Việt Nam và kể lại được một số câu chuyện về tình đoàn kết của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

 – Bày tỏ được thái độ tôn trọng đối với sự đa dạng văn hoá của các dân tộc Việt Nam.

NHỮNG QUỐC GIA ĐẦU TIÊN TRÊN LÃNH THỔ VIỆT NAM
Văn Lang, Âu Lạc – Trình bày được sự ra đời của nước Văn Lang, Âu Lạc thông qua tìm hiểu một số truyền thuyết và bằng chứng khảo cổ học.

 – Sử dụng kiến thức lịch sử và một số truyền thuyết lịch sử (Sơn Tinh – Thuỷ Tinh, Thánh Gióng, Sự tích nỏ thần…), mô tả được đời sống kinh tế và công cuộc đấu tranh bảo vệ nhà nước Văn Lang, Âu Lạc.

Phù Nam – Trình bày được sự thành lập của nước Phù Nam qua truyền thuyết lập nước và một số bằng chứng khảo cổ học.

 – Mô tả được một số hiện vật khảo cổ học của Phù Nam.

Champa – Kể được tên và xác định được trên bản đồ hoặc lược đồ một số đền tháp Champa còn lại cho đến ngày nay.

 – Sưu tầm một số tư liệu (tranh ảnh, câu chuyện lịch sử,…) mô tả được một đền tháp Champa.

 – Tìm hiểu và kể lại được một số câu chuyện về đền tháp Champa.

XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ ĐẤT NƯỚC VIỆT NAM
Đấu tranh giành độc lập thời kì Bắc thuộc – Kể được tên và vẽ được đường thời gian thể hiện một số cuộc khởi nghĩa tiêu biểu trong thời kì Bắc thuộc (ví dụ: 179 TCN, 40, 248, 542, 938,…).

 – Sưu tầm và kể lại được một số câu chuyện về Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Bí, Phùng Hưng, Ngô Quyền,…

Triều Lý và việc định đô ở Thăng Long – Sưu tầm và giới thiệu được một số tư liệu lịch sử (câu chuyện, văn bản, tranh ảnh,…) liên quan đến triều Lý.

 – Trình bày được một số nét chính về lịch sử Việt Nam thời nhà Lý thông qua các câu chuyện về một số nhân vật lịch sử, như: Lý Công Uẩn, Lý Thường Kiệt, Nguyên phi Ỷ Lan, Từ Đạo Hạnh,…

 – Đọc và nêu nhận xét về nội dung và ý nghĩa của Chiếu dời đô.

Triều Trần và kháng chiến chống Mông – Nguyên – Sưu tầm và giới thiệu được một số tư liệu lịch sử (câu chuyện, văn bản, tranh ảnh,…) quan đến triều Trần và kháng chiến chống Mông – Nguyên.

 – Trình bày được những nét chính về lịch sử Việt Nam thời nhà Trần thông qua các câu chuyện về một số nhân vật lịch sử (ví dụ: Trần Nhân Tông, Trần Quốc Tuấn, Phạm Ngũ Lão, Trần Quốc Toản, Yết Kiêu, Dã Tượng, Nguyễn Hiền, Mạc Đĩnh Chi, Chu Văn An,…).

 – Kể lại được chiến thắng Bạch Đằng có sử dụng tư liệu lịch sử (lược đồ, tranh ảnh, câu chuyện về Trần Quốc Tuấn đánh giặc trên sông Bạch Đằng,…).

Khởi nghĩa Lam Sơn và triều Hậu Lê – Sưu tầm và giới thiệu được một số tư liệu lịch sử (câu chuyện, văn bản, tranh ảnh,…) liên quan đến khởi nghĩa Lam Sơn và triều Hậu Lê.

 – Kể lại được một số nét chính về khởi nghĩa Lam Sơn thông qua các câu chuyện về một số nhân vật lịch sử (ví dụ: Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Lê Lai, Nguyễn Chích,…).

 – Kể lại được chiến thắng Chi Lăng có sử dụng tư liệu lịch sử (lược đồ, tranh ảnh, câu chuyện về ải Chi Lăng, về Liễu Thăng,…).

 – Trình bày được những nét chính về lịch sử Việt Nam thời Hậu Lê thông qua các câu chuyện về một số nhân vật lịch sử (ví dụ: vua Lê Thánh Tông, Lương Thế Vinh, Ngô Sĩ Liên,…).

Triều Nguyễn – Sưu tầm và giới thiệu được một số tư liệu lịch sử (câu chuyện, văn bản, tranh ảnh,…) liên quan đến triều Nguyễn.

 – Trình bày được những nét chính về lịch sử Việt Nam thời nhà Nguyễn thông qua các câu chuyện về một số nhân vật lịch sử (ví dụ: vua Gia Long, vua Minh Mệnh, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Trường Tộ, Hàm Nghi, Phan Đình Phùng,…).

Cách mạng tháng Tám năm 1945 – Sưu tầm một số tư liệu (câu chuyện, văn bản, tranh ảnh,…) kể lại được thắng lợi ở một số địa phương lớn: Hà Nội, Huế, Sài Gòn,… trong Cách mạng tháng Tám năm 1945.

 – Kể lại được một số câu chuyện về Hồ Chí Minh khi hoạt động ở Pác Bó, Tân Trào, khi viết và đọc Tuyên ngôn Độc lập; chuyện về Kim Đồng, Võ Nguyên Giáp.

Chiến dịch Điện Biên Phủ năm

 1954

– Kể lại được diễn biến chính của chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 có sử dụng tư liệu lịch sử (lược đồ, tranh ảnh và các câu chuyện về kéo pháo ở Điện Biên Phủ, chuyện bắt sống tướng De Castries,…).

 – Sưu tầm và kể lại được một số câu chuyện về một số anh hùng trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 (ví dụ: Phan Đình Giót, Tô Vĩnh Diện, Bế Văn Đàn, Trần Can,…).

Chiến dịch Hồ Chí Minh năm

 1975

– Kể lại được diễn biến chính của chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, có sử dụng lược đồ, tư liệu lịch sử (tranh ảnh, câu chuyện ,…).

 – Kể lại được một số câu chuyện về chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975.

Đất nước Đổi mới – Sưu tầm một số tư liệu (tranh ảnh, hiện vật,…) và mô tả được một số hiện vật của thời bao cấp và thời kì Đổi mới ở Việt Nam.

 – Sưu tầm và kể lại được một số câu chuyện về thời bao cấp ở Việt Nam.

 – Nêu được một số thành tựu về kinh tế – xã hội của đất nước Việt Nam trong thời kì Đổi mới, có sử dụng tư liệu lịch sử (tranh ảnh, câu chuyện,…).

CÁC NƯỚC LÁNG GIỀNG
Nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) – Xác định được vị trí địa lí của Trung Quốc trên bản đồ hoặc lược đồ.

 – Nêu được một số đặc điểm cơ bản về tự nhiên và dân cư của Trung Quốc.

 – Sưu tầm một số tư liệu (tranh ảnh, câu chuyện lịch sử,…), tìm hiểu và mô tả được một số công trình tiêu biểu của Trung Quốc: Vạn lí trường thành và Cố cung Bắc Kinh,…

 – Sưu tầm và kể lại một số câu chuyện về Vạn lí trường thành, Kiến trúc sư Nguyễn An và Cố cung Bắc Kinh,…

Nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào – Xác định được vị trí địa lí của nước Lào trên bản đồ hoặc lược đồ.

 – Nêu được một số đặc điểm cơ bản về tự nhiên và dân cư của nước Lào.

 – Sưu tầm một số tư liệu (tranh ảnh, câu chuyện lịch sử,…), tìm hiểu và mô tả được một số công trình tiêu biểu của Lào: Thạt Luổng, Cánh đồng Chum, Cố đô Luang Prabang,…

Vương quốc Campuchia – Xác định được vị trí địa lí của Campuchia trên bản đồ hoặc lược đồ.

 – Nêu được một số đặc điểm cơ bản về tự nhiên và dân cư của Campuchia.

 – Sưu tầm một số tư liệu (tranh ảnh, câu chuyện lịch sử,…), tìm hiểu và mô tả được một số công trình tiêu biểu của Campuchia: Angkor Wat, Angkor Thom, Tượng đài các chiến sĩ tình nguyện Việt Nam,…

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) – Xác định được vị trí địa lí của khu vực Đông Nam Á và các nước trong khu vực Đông Nam Á trên bản đồ hoặc lược đồ.

 – Nêu được sự ra đời của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

 – Nêu được ý nghĩa của việc Việt Nam gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

TÌM HIỂU THẾ GIỚI
Các châu lục và đại dương trên thế giới – Xác định được vị trí địa lí, của các châu lục, một số dãy núi, cao nguyên, đồng bằng lớn trên thế giới trên bản đồ, lược đồ hoặc quả cầu.

 – Nêu và so sánh được một số đặc điểm tự nhiên (địa hình, khí hậu, sông ngòi, thiên nhiên,…) của các châu lục.

 – Kể được tên và xác định được vị trí địa lí của các đại dương trên bản đồ hoặc quả địa cầu.

 – Sử dụng bảng số liệu và lược đồ hoặc bản đồ, so sánh được diện tích, độ sâu của các đại dương.

Dân số và các chủng tộc trên thế giới – Sử dụng bảng số liệu dân số thế giới, so sánh được dân số giữa các châu lục trên thế giới.

 – Kể được tên và mô tả được những nét chính về ngoại hình của các chủng tộc trên thế giới.

 – Sử dụng lược đồ và trình bày được sự phân bố của các chủng tộc trên thế giới.

 – Biết ứng xử phù hợp thể hiện sự tôn trọng sự khác biệt chủng tộc.

Một số nền văn minh nổi tiếng thế giới  
– Ai Cập – Xác định được vị trí địa lí của nước Ai Cập hiện nay trên bản đồ hoặc lược đồ.

 – Sưu tầm một số tư liệu (tranh ảnh, câu chuyện lịch sử,…), tìm hiểu và mô tả được một số thành tựu tiêu biểu của văn minh Ai Cập: Kim tự tháp, đồng hồ mặt trời,…

 – Sưu tầm và kể lại được một số câu chuyện về Kim tự tháp, Pharaon,…

– Hy Lạp – Xác định được vị trí địa lí của nước Hy Lạp hiện nay trên bản đồ hoặc lược đồ.

 – Sưu tầm một số tư liệu (tranh ảnh, câu chuyện lịch sử,…), tìm hiểu và mô tả được một số thành tựu tiêu biểu về kiến trúc, điêu khắc,… của văn minh Hy Lạp.

 – Sưu tầm và kể lại được một số câu chuyện về lịch sử Olympic, về các vị thần của Hy Lạp.

CHUNG TAY XÂY DỰNG THẾ GIỚI
Xây dựng thế giới xanh – sạch – đẹp – Nêu được một số vai trò của thiên nhiên đối với cuộc sống con người.

 – Sử dụng kiến thức lịch sử, địa lí kết hợp với một số tư liệu (tranh ảnh, câu chuyện,…), liệt kê và trình bày được một số vấn đề môi trường (ví dụ: thiên tai, biến đổi khí hậu, suy giảm tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm môi trường,…).

 – Đề xuất được ở mức độ đơn giản một số biện pháp để xây dựng thế giới xanh – sạch – đẹp.

 – Thể hiện được sự quan tâm đến vấn đề môi trường trên thế giới qua hình thức vẽ tranh, viết thư,…

Xây dựng thế giới hoà bình – Sử dụng một số tư liệu (tranh ảnh, một số câu chuyện về Liên hợp quốc, truyền thuyết về chim bồ câu và cành olive, phong trào Chữ thập đỏ, Thế vận hội Olympic,…), trình bày được mong ước và cố gắng của nhân loại trong việc xây dựng một thế giới hoà bình.

 – Đề xuất được ở mức độ đơn giản một số biện pháp để xây dựng thế giới hoà bình.

 -Thể hiện được một thế giới trong tương lai qua hình thức vẽ tranh, viết thư, kể chuyện,…

  1. PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC
  2. Định hướng chung

 Phương pháp giáo dục môn Lịch sử và Địa lí cấp tiểu học được thực hiện theo các định hướng chung sau:

  1. a) Đề cao vai trò chủ thể học tập của học sinh, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo; tập trung rèn luyện năng lực tự học, bồi dưỡng phương pháp học tập để học sinh có thể tiếp tục tìm hiểu, mở rộng vốn văn hoá cần thiết cho bản thân; rèn luyện kĩ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn.
  2. b) Vận dụng các phương pháp, kĩ thuật dạy học một cách linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với mục tiêu, nội dung giáo dục, đối tượng học sinh và điều kiện cụ thể. Kết hợp các phương pháp dạy học truyền thống (thuyết trình, đàm thoại,…) với phương pháp dạy học tích cực (thảo luận, tranh luận, đóng vai, dự án,…). Chú trọng các phương pháp dạy học có tính đặc trưng cho môn học.
  3. c) Sử dụng hợp lí và có hiệu quả các thiết bị dạy học trong đó chú trọng các loại hình: mô hình hiện vật, tranh lịch sử, ảnh, băng ghi âm lời nói của các nhân vật lịch sử,…; bản đồ, sơ đồ, các bản thống kê, so sánh,…; phim video; các phiếu học tập có các nguồn sử liệu; phần mềm dạy học,…
  4. Phương pháp hình thành, phát triển các phẩm chất chủ yếu và năng lực chung
  5. a) Thông qua việc tổ chức các hoạt động học tập, giáo viên giúp học sinh hình thành và phát triển những phẩm chất chủ yếu như: yêu quý thiên nhiên, thực hiện trách nhiệm bảo vệ môi trường sinh thái xung quanh, yêu quý cộng đồng, yêu quê hương, quý trọng lịch sử và văn hoá dân tộc Việt Nam, tôn trọng sự khác biệt về văn hoá giữa các quốc gia và dân tộc trên thế giới.
  6. b) Giáo viên tổ chức cho học sinh thực hiện các hoạt động học tập nhằm góp phần hình thành và phát triển các năng lực chung đã được xác định trong Chương trình tổng thể, cụ thể:

 – Đối với năng lực tự chủ và tự học: Khuyến khích và tạo điều kiện cho học sinh tự mình thực hiện những nhiệm vụ được phân công khi học tập, tham quan; biết đặt ra các câu hỏi đơn giản, tự tìm kiếm và phân tích nguồn thông tin, trả lời câu hỏi về lịch sử và địa lí.

 – Đối với năng lực giao tiếp và hợp tác: Khuyến khích và hướng dẫn học sinh diễn đạt rõ ràng ý kiến của mình, tự tin khi đưa ra ý kiến, trao đổi, thảo luận khi có các quan điểm khác nhau; làm việc theo nhóm, chia sẻ suy nghĩ, lắng nghe ý kiến của người khác, cùng nhau xây dựng ý tưởng trong quá trình học tập các vấn đề về lịch sử và địa lí.

 – Đối với năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo: Khuyến khích và hướng dẫn học sinh phát hiện một số vấn đề trong cuộc sống xung quanh, đặt câu hỏi, tìm thông tin, thực hiện các thao tác phân tích, tổng hợp, giải thích, so sánh,… trong giải quyết vấn đề; đưa ra ý kiến, nhận xét, bình luận theo các cách khác nhau về các vấn đề địa lí và lịch sử trong cuộc sống xung quanh.

  1. Phương pháp hình thành và phát triển năng lực đặc thù

 Môn Lịch sử và Địa lí cấp tiểu học chú trọng tổ chức các hoạt động dạy học để giúp học sinh tự tìm hiểu, tự khám phá; chú trọng rèn luyện cho học sinh biết cách sử dụng sách giáo khoa và các tài liệu học tập, biết cách suy luận để tìm tòi và phát hiện kiến thức mới; tăng cường phối hợp tự học với học tập, thảo luận theo nhóm, đóng vai, làm dự án nghiên cứu; đa dạng hoá các hình thức tổ chức học tập, kết hợp việc học trên lớp với các hoạt động xã hội; tổ chức, hướng dẫn và tạo cơ hội cho học sinh thực hành, trải nghiệm, tiếp xúc với thực tiễn để tìm kiếm, thu thập thông tin, phát hiện và giải quyết vấn đề.

 Trong dạy học lịch sử, chú trọng lối kể chuyện, dẫn chuyện. Giáo viên giúp cho học sinh làm quen với lịch sử địa phương, lịch sử dân tộc, lịch sử khu vực và thế giới thông qua việc kết hợp giữa kiến thức lịch sử cơ bản và các câu chuyện lịch sử; tạo cơ sở để học sinh bước đầu nhận thức về khái niệm thời gian, không gian; đọc hiểu các nguồn sử liệu đơn giản về sự kiện, nhân vật lịch sử;… Đối với địa lí, dạy học gắn liền với việc khai thác kiến thức từ các nguồn tư liệu lược đồ, bản đồ, biểu đồ, sơ đồ, hình ảnh, số liệu; chú trọng dạy học khám phá, quan sát thực địa; tăng cường sử dụng các phương pháp dạy học phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh như: thảo luận, đóng vai, làm dự án nghiên cứu,… nhằm khơi dậy và nuôi dưỡng trí tò mò, sự ham hiểu biết khám phá của học sinh đối với thiên nhiên và đời sống xã hội, từ đó hình thành năng lực tự học và khả năng vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học vào thực tiễn.

 Tùy theo điều kiện cụ thể ở địa phương, giáo viên tổ chức các hoạt động dạy học ở ngoài lớp học và ngoài khuôn viên nhà trường như gặp gỡ các cá nhân, tập thể đã trực tiếp tham gia vào các sự kiện lịch sử, các hoạt động xã hội; tham quan các cảnh quan, di tích lịch sử – văn hoá, triển lãm, bảo tàng;…

 VII. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ GIÁO DỤC

 Đánh giá kết quả giáo dục môn Lịch sử và Địa lí cấp tiểu học phải bảo đảm các yêu cầu sau:

  1. a) Mục tiêu đánh giá là cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, có giá trị về mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình và sự tiến bộ của học sinh để hướng dẫn hoạt động học và điều chỉnh hoạt động dạy, hoạt động quản lí.
  2. b) Phương châm đánh giá là khuyến khích được sự say mê học tập, tìm hiểu, khám phá các vấn đề có liên quan đến môn học, giúp học sinh tự tin, chủ động sáng tạo và chăm chỉ học tập, rèn luyện.
  3. c) Căn cứ đánh giá là các yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực được quy định trong Chương trình tổng thể và chương trình môn Lịch sử và Địa lí cấp tiểu học; chú trọng khả năng vận dụng kiến thức, kĩ năng của học sinh trong những tình huống cụ thể.
  4. d) Bên cạnh đánh giá kiến thức, kĩ năng, cần tăng cường và áp dụng biện pháp thích hợp để đánh giá thái độ của học sinh trong học tập; chú trọng xem xét sự hiểu biết của học sinh về lịch sử, địa lí của địa phương, vùng miền, đất nước; hiểu biết bước đầu về thế giới và khả năng vận dụng những kiến thức lịch sử, địa lí để tìm hiểu môi trường xung quanh, vận dụng vào thực tiễn cuộc sống.

 đ) Kết hợp giữa đánh giá thường xuyên và đánh giá định kì; giữa đánh giá định tính và định lượng; giữa đánh giá của giáo viên với tự đánh giá và đánh giá đồng đẳng của học sinh, đánh giá của cha mẹ học sinh và đánh giá của cộng đồng.

  1. e) Sử dụng các hình thức đánh giá khác nhau: đánh giá thông qua bài viết (bài tự luận, bài trắc nghiệm khách quan, bài thu hoạch tham quan, báo cáo kết quả sưu tầm,…); đánh giá thông qua vấn đáp, thuyết trình; đánh giá thông qua quan sát (quan sát việc học sinh sử dụng các công cụ học tập, thực hiện các bài thực hành, thảo luận nhóm, học ngoài thực địa, tham quan, khảo sát địa phương,… bằng cách sử dụng bảng quan sát, bảng kiểm, hồ sơ học tập,…).

 VIII. GIẢI THÍCH VÀ HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

  1. Giải thích thuật ngữ

 Chương trình môn Lịch sử và Địa lí cấp tiểu học sử dụng các động từ hành động để thể hiện mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt về năng lực của học sinh. Một số động từ được sử dụng lặp lại ở các mức độ khác nhau, nhưng trong mỗi trường hợp thể hiện đối tượng, độ phức tạp và độ khó khác nhau. Trong bảng tổng hợp dưới đây, đối tượng, độ phức tạp và độ khó của mỗi hành động được chỉ dẫn bằng các từ ngữ đặt trong ngoặc đơn. Khi ra đề kiểm tra, giáo viên có thể thay thế các động từ trong bảng tổng hợp bằng động từ có nghĩa tương đương cho phù hợp với tình huống sư phạm và nhiệm vụ cụ thể giao cho học sinh.

Mức độ Động từ mô tả mức độ
Biết – Kể được tên (một số đối tượng địa lí; một số dân tộc; một số sự kiện, nhân vật lịch sử trong không gian và thời gian cụ thể).

 – Liệt kê được (số lượng đơn vị hành chính, số dân, sự kiện, sự vật, nhân vật).

 – Ghi lại được, kể lại được các mốc chính của một giai đoạn, quá trình lịch sử, nhân vật lịch sử,…

– Xác định được (vị trí địa lí của vùng miền, quốc gia, châu lục; vị trí một số đối tượng địa lí, địa điểm lịch sử trên bản đồ, lược đồ).

 – Đặt đúng vị trí (đối tượng trên bản đồ, sơ đồ); điền vào chỗ trống, ô trống (các từ, cụm từ phù hợp); nối (các đường còn thiếu trong sơ đồ); nối cặp (các từ có quan hệ logic nào đó).

– Tìm kiếm thông tin (nguồn sử liệu, hình ảnh, sự kiện, vấn đề lịch sử,…); tìm kiếm (một số đối tượng địa lí, đường đi trên bản đồ).
Hiểu – Trình bày được đặc điểm cơ bản của đối tượng địa lí, sự phân bố đối tượng địa lí; diễn trình của các sự kiện, nhân vật, quá trình lịch sử (từ đơn giản đến phức tạp).

 – Mô tả được (đặc điểm cơ bản của địa hình, khí hậu, sông ngòi, một số nét văn hoá, hoạt động sản xuất,…; một số nét cơ bản về sự kiện, nhân vật lịch sử, di tích lịch sử, lễ hội,…).

 – Vẽ được đường thời gian (timeline) hoặc xây dựng sơ đồ tiến trình lịch sử, diễn biến chính của một số cuộc khởi nghĩa, trận đánh lớn,…

 – Sử dụng bản đồ, lược đồ, các thông tin trên biểu đồ nêu được một số thông tin địa lí, sự kiện lịch sử,…

– Trình bày được (ảnh hưởng của vị trí địa lí, đặc điểm tự nhiên, sự thích ứng của con người với thiên nhiên, một số khó khăn do thiên nhiên gây ra; ý nghĩa của một sự kiện, hiện tượng lịch sử, địa lí; mối quan hệ giữa các sự kiện lịch sử, hiện tượng địa lí).
– Phân biệt được (các dạng địa hình, phương thức khai thác tự nhiên, đặc điểm tự nhiên của các châu lục).

 – So sánh được (đặc điểm khí hậu của hai địa điểm; phân bố dân cư của hai vùng).

 – Nêu được (tác động của tự nhiên đến sản xuất và đời sống của con người; ý nghĩa của sự kiện lịch sử, vai trò của một nhân vật lịch sử; nhận xét của cá nhân về các sự kiện, nhân vật, quá trình lịch sử trên cơ sở nhận thức và tư duy lịch sử,…).

Vận dụng – Xác định được (phương hướng ngoài thực địa, vị trí của một địa điểm, phạm vi không gian trên bản đồ, lược đồ).

 – Tìm hiểu được, khám phá được (một hiện tượng địa lí, lịch sử thông qua tài liệu và tham quan, khảo sát); đặt được câu hỏi (về một vấn đề); liên hệ được (thực tế địa phương).

– Đưa ra được (một số biện pháp phòng tránh thiên tai, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên ở một vùng cụ thể).

 – Vận dụng được (điều đã học) vào trường hợp cụ thể, hoàn cảnh cụ thể.

 – Đề xuất được ở mức độ đơn giản (giải pháp).

 – Thực hiện được (hành động chia sẻ với người dân vùng thiên tai).

– Vẽ được (bức tranh thể hiện một thế giới trong tương lai, sự quan tâm đến môi trường,…).

 – Sơ đồ hoá (một hiện tượng, quá trình, mối quan hệ nhân quả).

 – Trình bày được (kết quả làm việc cá nhân hay làm việc nhóm về một vấn đề lịch sử, địa lí).

  1. Thời lượng thực hiện chương trình

 Thời gian dành cho mỗi lớp học là 70 tiết/lớp/năm học, dạy trong 35 tuần. Dự kiến thời lượng dành cho mỗi mạch nội dung được trình bày trong bảng sau:

Nội dung Lớp 4 Lớp 5
Địa phương và các vùng của Việt Nam Làm quen với phương tiện học tập môn Lịch sử và Địa lí 3%  
Địa phương em (tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương) 6%  
Trung du và miền núi Bắc Bộ 14%  
Đồng bằng Bắc Bộ 20%  
Duyên hải miền Trung 17%  
Tây Nguyên 13%  
Nam Bộ 17%  
Việt Nam Đất nước và con người Việt Nam   16%
Những quốc gia đầu tiên trên lãnh thổ Việt Nam   10%
Xây dựng và bảo vệ đất nước Việt Nam   34%
Thế giới Các nước láng giềng   10%
Tìm hiểu thế giới   14%
Chung tay xây dựng thế giới   6%
Đánh giá định kì 10% 10%
  1. Thiết bị dạy học

 Bộ thiết bị dạy học tối thiểu môn Lịch sử và Địa lí bao gồm:

 – Mô hình hiện vật, tranh ảnh lịch sử, địa lí, băng ghi âm lời nói của các nhân vật lịch sử,…;

 – Bản đồ, lược đồ;

 – Sơ đồ, các bảng thống kê,…;

 – Phim video;

 – Các phiếu học tập có các nguồn sử liệu;

 – Các mẫu vật về tự nhiên;

 – Các dụng cụ, thiết bị thông thường để quan sát tự nhiên; một số dụng cụ thực hành;

 – Phần mềm dạy học (nghiên cứu và từng bước sử dụng rộng rãi).

 Thiết bị dạy học môn Lịch sử và Địa lí là các nguồn tư liệu phong phú, cụ thể, sinh động, giàu hình ảnh và giàu sức thuyết phục, không chỉ nhằm minh hoạ bài giảng của giáo viên mà còn hỗ trợ giáo viên tổ chức các hoạt động học tập, tự tìm tòi tri thức lịch sử, địa lí của học sinh một cách tích cực, sáng tạo. Giáo viên tạo điều kiện cho học sinh làm việc trực tiếp với các thiết bị dạy học theo phương châm: Hãy để cho học sinh tiếp xúc nhiều hơn với các thiết bị, suy nghĩ nhiều hơn, làm việc nhiều hơn và trình bày ý kiến của mình nhiều hơn.

  1. Về logic xây dựng và phát triển chương trình

 Một số kiến thức lịch sử và địa lí tiểu học đã được lồng ghép trong một số chủ đề của môn Tự nhiên và Xã hội ở các lớp 1, 2, 3. Đến lớp 4 và lớp 5, nội dung giáo dục lịch sử, địa lí được tổ chức thành một môn học độc lập nhằm giúp học sinh mở rộng và nâng cao hiểu biết về môi trường xung quanh, phù hợp với trình độ nhận thức của học sinh. Nội dung giáo dục lịch sử, địa lí gồm: những kiến thức ban đầu về tự nhiên, dân cư, một số hoạt động kinh tế, lịch sử – văn hoá của các vùng miền, của đất nước và thế giới; những sự kiện, nhân vật lịch sử phản ánh những cột mốc đánh dấu sự phát triển của các giai đoạn lịch sử, những thành tựu trong sự nghiệp dựng nước (kinh tế, chính trị, văn hoá,…) và giữ nước của dân tộc. Chương trình môn Lịch sử và Địa lí không tách thành hai phân môn riêng biệt. Các kiến thức lịch sử và địa lí được tích hợp trong các chủ đề và được mở rộng về không gian địa lí và xã hội (bắt đầu từ địa phương, vùng miền đến đất nước và thế giới). Logic này bảo đảm khi hoàn thành chương trình môn học ở cấp tiểu học, học sinh sẽ có kiến thức ban đầu về lịch sử và địa lí của địa phương, vùng miền, đất nước và thế giới để học tiếp môn Lịch sử và Địa lí ở cấp trung học cơ sở. Khi dạy học, giáo viên cần chú ý liên hệ nội dung bài học với những nét đặc thù, tiêu biểu của lịch sử, địa lí ở địa phương.

 Nội dung môn Lịch sử và Địa lí tập trung lựa chọn “điểm”. Kiến thức lịch sử được lựa chọn không tuân thủ nghiêm ngặt tính lịch đại mà phản ánh những sự kiện, nhân vật lịch sử tiêu biểu cho một số vùng miền, một số giai đoạn lịch sử. Đối với địa lí, các vùng được lựa chọn không chỉ dựa trên nét tương đồng về tự nhiên mà còn dựa trên vai trò lịch sử của vùng đất đó; mỗi vùng chỉ lựa chọn giới thiệu một số đặc điểm địa lí tiêu biểu, đặc trưng.

 Phạm vi nội dung giáo dục Địa phương em ở lớp 4 là cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Các địa phương căn cứ vào yêu cầu cần đạt quy định trong chương trình để xây dựng nội dung dạy học cụ thể phù hợp với đặc trưng của từng địa phương.

 CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG

 MÔN LỊCH SỬ VÀ ĐỊA LÍ

 (CẤP TRUNG HỌC CƠ SỞ)

 (Ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

 MỤC LỤC

  1. ĐẶC ĐIỂM MÔN HỌC
  2. QUAN ĐIỂM XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH

 III. MỤC TIÊU CHƯƠNG TRÌNH

  1. YÊU CẦU CẦN ĐẠT
  2. NỘI DUNG GIÁO DỤC

 LỚP 6

 LỚP 7

 LỚP 8

 LỚP 9

  1. PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC

 VII. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ GIÁO DỤC

 VIII. GIẢI THÍCH VÀ HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

  

  1. ĐẶC ĐIỂM MÔN HỌC

 Lịch sử và Địa lí cấp trung học cơ sở là môn học có vai trò quan trọng đối với việc hình thành, phát triển cho học sinh các phẩm chất chủ yếu, các năng lực chung và năng lực khoa học với biểu hiện đặc thù là năng lực lịch sử, năng lực địa lí; tạo tiền đề học sinh tiếp tục học lên trung học phổ thông, học nghề hoặc tham gia đời sống lao động, trở thành những công dân có ích.

 Lịch sử và Địa lí là môn học bắt buộc, được dạy học từ lớp 6 đến lớp 9. Môn học gồm các nội dung giáo dục lịch sử, địa lí và một số chủ đề liên môn, đồng thời lồng ghép, tích hợp kiến thức ở mức độ đơn giản về kinh tế, văn hoá, khoa học, tôn giáo,… Các mạch kiến thức lịch sử và địa lí được kết nối với nhau nhằm soi sáng và hỗ trợ lẫn nhau. Ngoài ra, môn học có thêm một số chủ đề mang tính tích hợp, như: bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông; đô thị – lịch sử và hiện tại; văn minh châu thổ sông Hồng và sông Cửu Long; các cuộc đại phát kiến địa lí,…

  1. QUAN ĐIỂM XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH

 Chương trình môn Lịch sử và Địa lí cấp trung học cơ sở tuân thủ các quy định trong Chương trình tổng thể, đồng thời nhấn mạnh một số quan điểm sau:

  1. Chương trình hướng tới hình thành, phát triển ở học sinh tư duy khoa học, nhìn nhận thế giới như một chỉnh thể theo cả chiều không gian và chiều thời gian trên cơ sở những kiến thức cơ bản, các công cụ học tập và nghiên cứu lịch sử, địa lí; từ đó, hình thành và phát triển các năng lực đặc thù và năng lực chung, đặc biệt là khả năng vận dụng kiến thức, kĩ năng vào thực tiễn và khả năng sáng tạo.
  2. Chương trình kế thừa, phát huy ưu điểm của môn Lịch sử và môn Địa lí trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành và tiếp thu kinh nghiệm phát triển chương trình môn học của các nước tiên tiến trên thế giới. Nội dung môn học bảo đảm trang bị cho học sinh tri thức phổ thông nền tảng, toàn diện, khoa học; phù hợp với đặc điểm tâm – sinh lí và trình độ nhận thức của học sinh, có tính đến các điều kiện dạy học của nhà trường Việt Nam.
  3. Nội dung giáo dục lịch sử được thiết kế theo tuyến tính thời gian, từ thời nguyên thuỷ qua cổ đại, trung đại đến cận đại và hiện đại; trong từng thời kì có sự đan xen lịch sử thế giới, lịch sử khu vực và lịch sử Việt Nam. Mạch nội dung giáo dục Địa lí đi từ địa lí đại cương đến địa lí khu vực và địa lí Việt Nam. Chú trọng lựa chọn các chủ đề, kết nối kiến thức và kĩ năng để hình thành và phát triển năng lực ở học sinh, đồng thời coi trọng đặc trưng khoa học lịch sử và khoa học địa lí.
  4. Chương trình chú trọng vận dụng các phương pháp giáo dục tích cực, nhấn mạnh việc sử dụng các phương tiện dạy học, đa dạng hoá hình thức dạy học và đánh giá kết quả giáo dục nhằm hình thành, phát triển phẩm chất, năng lực ở học sinh.
  5. Chương trình bảo đảm liên thông với chương trình môn Lịch sử và Địa lí cấp tiểu học và chương trình môn Lịch sử, chương trình môn Địa lí cấp trung học phổ thông; thống nhất, kết nối chặt chẽ giữa các lớp học, cấp học và các môn học, hoạt động giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông.
  6. Chương trình có tính mở, cho phép thực hiện mềm dẻo, linh hoạt tuỳ theo điều kiện của địa phương, đối tượng học sinh (học sinh vùng khó khăn, học sinh có nhu cầu hỗ trợ đặc biệt,…).

 III. MỤC TIÊU CHƯƠNG TRÌNH

 Môn Lịch sử và Địa lí cấp trung học cơ sở góp phần cùng các môn học và hoạt động giáo dục khác hình thành, phát triển ở học sinh các phẩm chất chủ yếu và năng lực chung.

 Môn Lịch sử và Địa lí cấp trung học cơ sở hình thành, phát triển ở học sinh năng lực lịch sử và năng lực địa lí trên nền tảng kiến thức cơ bản, có chọn lọc về lịch sử, địa lí thế giới, quốc gia và địa phương; các quá trình tự nhiên, kinh tế – xã hội và văn hoá diễn ra trong không gian và thời gian; sự tương tác giữa xã hội loài người với môi trường tự nhiên; giúp học sinh biết cách sử dụng các công cụ của khoa học lịch sử, khoa học địa lí để học tập và vận dụng vào thực tiễn; đồng thời góp phần cùng các môn học và hoạt động giáo dục khác hình thành, phát triển ở học sinh các phẩm chất chủ yếu và năng lực chung, đặc biệt là tình yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào về truyền thống dân tộc, thái độ tôn trọng sự đa dạng của lịch sử thế giới và văn hoá nhân loại, khơi dậy ở học sinh ước muốn khám phá thế giới xung quanh, vận dụng những điều đã học vào thực tế.

  1. YÊU CẦU CẦN ĐẠT
  2. Yêu cầu cần đạt về phẩm chất chủ yếu và năng lực chung

 Môn Lịch sử và Địa lí cấp trung học cơ sở góp phần hình thành và phát triển ở học sinh các phẩm chất chủ yếu và năng lực chung theo các mức độ phù hợp với môn học, cấp học đã được quy định tại Chương trình tổng thể.

  1. Yêu cầu cần đạt về năng lực đặc thù

 Môn Lịch sử và Địa lí cấp trung học cơ sở hình thành và phát triển ở học sinh năng lực lịch sử, năng lực địa lí với các biểu hiện được trình bày trong bảng sau:

  1. a) Năng lực lịch sử
Thành phần năng lực Mô tả chi tiết
TÌM HIỂU LỊCH SỬ – Bước đầu nhận diện và phân biệt được: các loại hình và dạng thức khác nhau của các nguồn tài liệu cơ bản của khoa học lịch sử, giá trị của tư liệu lịch sử trong việc tái hiện và nghiên cứu lịch sử.

 – Khai thác và sử dụng được thông tin của một số loại tư liệu lịch sử đơn giản.

 – Bước đầu nhận diện và phân biệt được: các loại hình tư liệu lịch sử, các dạng thức khác nhau của các nguồn tài liệu cơ bản của khoa học lịch sử, giá trị của tư liệu lịch sử trong việc tái hiện và nghiên cứu lịch sử.

 – Khai thác và sử dụng được thông tin của một số tư liệu lịch sử đơn giản dưới sự hướng dẫn của giáo viên trong các bài học lịch sử.

NHẬN THỨC VÀ TƯ DUY LỊCH SỬ – Mô tả và bước đầu trình bày được những nét chính của các sự kiện và quá trình lịch sử cơ bản với các yếu tố chính về thời gian, địa điểm, diễn biến, kết quả có sử dụng sơ đồ, lược đồ, bản đồ lịch sử,…

 – Trình bày bối cảnh lịch sử và đưa ra nhận xét về những nhân tố tác động đến sự kiện, hiện tượng, nhân vật lịch sử, quá trình lịch sử; giải thích được kết quả của sự kiện, diễn biến chính của lịch sử.

 – Phân tích được những tác động của bối cảnh không gian, thời gian đến các sự kiện, nhân vật, quá trình lịch sử.

 – Mô tả và bước đầu trình bày được những nét chính của các sự kiện lịch sử cơ bản với các yếu tố chính về thời gian, địa điểm, diễn biến, kết quả; diễn biến các trận đánh và cuộc chiến trên lược đồ, bản đồ lịch sử.

 – Trình bày bối cảnh lịch sử và đưa ra nhận xét về những nhân tố tác động đến sự kiện, hiện tượng, nhân vật lịch sử, quá trình lịch sử; giải thích được kết quả của sự kiện, diễn biến chính của lịch sử.

 – Phân tích được những tác động của bối cảnh không gian, thời gian đến các sự kiện lịch sử, nhân vật lịch sử.

 – Bước đầu giải thích được mối quan hệ giữa các sự kiện lịch sử, mối quan hệ tác động qua lại của các sự kiện, hiện tượng với hoàn cảnh lịch sử.

 – Trình bày được chủ kiến của mình về một số sự kiện, nhân vật, vấn đề lịch sử,… như lập luận khẳng định hoặc phủ định các nhận định, nhận xét về một sự kiện, hiện tượng, vấn đề hay nhân vật lịch sử.

VẬN DỤNG KIẾN THỨC, KĨ NĂNG ĐÃ HỌC – Sử dụng kiến thức lịch sử để giải thích, mô tả một số sự kiện, hiện tượng lịch sử trong cuộc sống.

 – Vận dụng được kiến thức lịch sử để phân tích và đánh giá tác động của một sự kiện, nhân vật, vấn đề lịch sử đối với cuộc sống hiện tại.

 – Vận dụng được kiến thức lịch sử để giải quyết những vấn đề thực tiễn, đồng thời giải thích các vấn đề thời sự đang diễn ra ở trong nước và thế giới.

  1. b) Năng lực địa lí
Thành phần năng lực Mô tả chi tiết
NHẬN THỨC KHOA HỌC ĐỊA LÍ Nhận thức thế giới theo quan điểm không gian

 – Định hướng không gian: biết sử dụng các phương tiện khác nhau, đặc biệt là địa bàn để xác định chính xác phương hướng; biết xác định vị trí địa lí của một địa điểm và phương hướng trên bản đồ; biết phân tích phạm vi, quy mô của một lãnh thổ.

 – Phân tích vị trí địa lí: biết phân tích ảnh hưởng của vị trí địa lí đến các quá trình tự nhiên và kinh tế – xã hội.

 – Phân tích sự phân bố: mô tả được đặc điểm phân bố của đối tượng, hiện tượng địa lí.

 – Diễn đạt nhận thức không gian: sử dụng được lược đồ trí nhớ để mô tả nhận thức về không gian; sử dụng được lược đồ để diễn tả mối quan hệ không gian giữa các hiện tượng, sự vật địa lí; mô tả được một địa phương với các dấu hiệu đặc trưng về tự nhiên, dân cư và kinh tế. Từ đó hình thành ý niệm về bản sắc của một địa phương, phân biệt địa phương này với địa phương khác.

Giải thích các hiện tượng và quá trình địa lí (tự nhiên, kinh tế – xã hội)

 – Phân tích các mối quan hệ qua lại và quan hệ nhân quả trong thiên nhiên

 + Mô tả được một số hiện tượng và quá trình địa lí trên Trái Đất; mô tả được sự phân hoá của thiên nhiên các châu lục; mô tả được các đặc điểm chủ yếu của thiên nhiên Việt Nam; giải thích được một số nhân tố ảnh hưởng đến sự phân hoá thiên nhiên Việt Nam.

 + Sơ đồ hoá để mô tả được sự tương tác giữa các hiện tượng và quá trình tự nhiên.

 + Nhận biết và phân tích được quan hệ nhân quả trong mối quan hệ giữa các thành phần tự nhiên trong một số tình huống.

 – Phân tích các mối quan hệ qua lại và quan hệ nhân quả trong kinh tế – xã hội

 + Mô tả được sự phân hoá không gian của các hiện tượng dân cư, quần cư, kinh tế, văn hoá; giải thích được một số nhân tố tác động tới sự phân hoá đó qua một ví dụ cụ thể.

 + Tìm được các minh chứng về mối quan hệ qua lại và quan hệ nhân quả trong sự phát triển, phân bố dân cư và các ngành kinh tế.

 + Sơ đồ hoá để mô tả được sự tương tác giữa các hiện tượng và quá trình kinh tế – xã hội.

 + Nhận biết và vận dụng được một số tình huống phân tích quan hệ nhân quả trong đời sống kinh tế – xã hội.

 – Phân tích tác động của điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên tới sự phân bố dân cư và sản xuất

 + Phân tích được tác động của các điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên đến việc lựa chọn phương thức khai thác tự nhiên của dân cư các châu lục.

 + Đánh giá được tác động của các điều kiện tự nhiên, cơ sở tài nguyên đến sự phân bố dân cư, sự phát triển các ngành kinh tế và hình thành cơ cấu kinh tế thông qua ví dụ cụ thể về địa lí Việt Nam.

 – Phân tích tác động của xã hội loài người lên môi trường tự nhiên

 + Phân tích được cách thức mà con người ở các châu lục, ở các vùng miền của nước ta đã khai thác, sử dụng và bảo vệ tự nhiên.

TÌM HIỂU ĐỊA LÍ Sử dụng các công cụ của địa lí học

 – Khai thác tài liệu văn bản: tìm được nội dung địa lí trong một đoạn văn; biết đặt tiêu đề, chú thích cho một bức ảnh, tranh vẽ từ góc nhìn địa lí; biết tìm kiếm tài liệu địa lí phục vụ cho một bài tập dự án về địa lí địa phương hay một chủ đề về địa lí Việt Nam.

 – Sử dụng bản đồ: nêu được các yếu tố bản đồ; biết đọc bản đồ tỉ lệ nhỏ về địa lí tự nhiên, địa lí dân cư, địa lí kinh tế để rút ra các thông tin, tri thức cần thiết; biết sử dụng tỉ lệ bản đồ để xác định khoảng cách thực tế giữa hai địa điểm; biết đọc lát cắt địa hình.

 – Tính toán, thống kê: kể được tên được một số đại lượng đo các hiện tượng, quá trình tự nhiên; vận dụng được một số chỉ tiêu về gia tăng dân số, phân bố dân cư và một số chỉ tiêu đo sự phát triển kinh tế và cơ cấu kinh tế.

 – Phân tích biểu đồ, sơ đồ: biết đọc biểu đồ khí hậu (nhiệt độ, lượng mưa); biết đọc các dạng biểu đồ thông dụng trong phân tích động thái, cơ cấu, quy mô và đặc điểm phân bố của hiện tượng và đối tượng địa lí; đọc hiểu các sơ đồ, mô hình đơn giản.

Tổ chức học tập ở thực địa

 Biết chuẩn bị điều kiện cần thiết trước khi thực hiện khảo sát thực địa; biết sử dụng một số công cụ đơn giản và thông dụng để thực hiện quan sát, quan trắc ngoài thực địa; biết ghi chép nhật kí thực địa; biết viết thu hoạch sau một ngày thực địa.

Khai thác Internet phục vụ môn học

 Biết lấy thông tin về tự nhiên, kinh tế – xã hội từ những trang web được giáo viên giới thiệu; biết xác định các từ khoá trong tìm kiếm thông tin theo chủ đề; biết đánh giá thông tin tiếp cận được; có kĩ năng tải xuống các tài liệu media và lưu giữ tài liệu làm hồ sơ cho một bài tập được giao.

VẬN DỤNG KIẾN THỨC, KĨ NĂNG ĐÃ HỌC Cập nhật thông tin, liên hệ thực tế

 Biết tìm kiếm các thông tin từ các nguồn tin cậy để cập nhật tri thức, số liệu,… về các địa phương, quốc gia được học, về xu hướng phát triển trên thế giới và trong nước; biết liên hệ thực tế để hiểu sâu sắc hơn kiến thức địa lí.

 Thực hiện chủ đề học tập khám phá từ thực tiễn

 Có khả năng hình thành và phát triển ý tưởng về một chủ đề học tập khám phá từ thực tiễn; có khả năng trình bày kết quả một bài tập dự án của cá nhân hay của nhóm.

  1. NỘI DUNG GIÁO DỤC
  2. Nội dung khái quát

 Môn Lịch sử và Địa lí cấp trung học cơ sở gồm phân môn Lịch sử và phân môn Địa lí, mỗi phân môn được thiết kế theo mạch nội dung riêng. Mức độ tích hợp được thể hiện ở ba cấp độ: tích hợp nội môn (trong từng nội dung giáo dục lịch sử và giáo dục địa lí); tích hợp nội dung lịch sử trong những phần phù hợp của bài Địa lí và tích hợp nội dung địa lí trong những phần phù hợp của bài Lịch sử; tích hợp theo các chủ đề chung.

 Mạch nội dung của phân môn Lịch sử được sắp xếp theo logic thời gian lịch sử từ thời nguyên thuỷ, qua cổ đại, trung đại, đến cận đại và hiện đại. Trong từng thời kì, không gian lịch sử được tái hiện từ lịch sử thế giới, khu vực đến Việt Nam để đối chiếu, lí giải, làm sáng rõ những vấn đề lịch sử.

 Mạch nội dung của phân môn Địa lí được sắp xếp theo logic không gian là chủ đạo, đi từ địa lí tự nhiên đại cương đến địa lí các châu lục, sau đó tập trung vào các nội dung của địa lí tự nhiên Việt Nam, địa lí dân cư và địa lí kinh tế Việt Nam.

 Mặc dù hai mạch nội dung được sắp xếp theo logic khác nhau, nhưng nhiều nội dung dạy học liên quan được bố trí gần nhau để hỗ trợ nhau. Bốn chủ đề chung mang tính tích hợp cao được phân phối phù hợp với mạch nội dung chính của mỗi lớp.

  1. Nội dung cụ thể và yêu cầu cần đạt ở các lớp

 LỚP 6

 ĐỊA LÍ

Nội dung Yêu cầu cần đạt
TẠI SAO CẦN HỌC ĐỊA LÍ?
– Những khái niệm cơ bản và kĩ năng chủ yếu – Hiểu được tầm quan trọng của việc nắm các khái niệm cơ bản, các kĩ năng địa lí trong học tập và trong sinh hoạt.
– Những điều lí thú khi học môn Địa lí – Hiểu được ý nghĩa và sự lí thú của việc học môn Địa lí.
– Địa lí và cuộc sống – Nêu được vai trò của Địa lí trong cuộc sống.
BẢN ĐỒ: PHƯƠNG TIỆN THỂ HIỆN BỀ MẶT TRÁI ĐẤT
– Hệ thống kinh vĩ tuyến. Toạ độ địa lí của một địa điểm trên bản đồ – Xác định được trên bản đồ và trên quả Địa Cầu: kinh tuyến gốc, xích đạo, các bán cầu; ghi được tọa độ địa lí của một địa điểm trên bản đồ.
– Các yếu tố cơ bản của bản đồ

  

– Nhận biết được một số lưới kinh vĩ tuyến của bản đồ thế giới.

 – Biết đọc các kí hiệu bản đồ và chú giải bản đồ hành chính, bản đồ địa hình.

 – Biết xác định hướng trên bản đồ và tính khoảng cách thực tế giữa hai địa điểm trên bản đồ theo tỉ lệ bản đồ.

– Các loại bản đồ thông dụng

  

– Biết đọc bản đồ, xác định được vị trí của đối tượng địa lí trên bản đồ.

 – Biết tìm đường đi trên bản đồ.

– Lược đồ trí nhớ – Vẽ được lược đồ trí nhớ thể hiện các đối tượng địa lí thân quen đối với cá nhân học sinh.
TRÁI ĐẤT – HÀNH TINH CỦA HỆ MẶT TRỜI
– Vị trí của Trái Đất trong hệ Mặt Trời – Xác định được vị trí của Trái Đất trong hệ Mặt Trời.
– Hình dạng, kích thước Trái Đất – Mô tả được hình dạng, kích thước Trái Đất.
– Chuyển động của Trái Đất và hệ quả địa lí – Mô tả được chuyển động của Trái Đất (quanh trục và quanh Mặt Trời).

 – Xác định được phương hướng ngoài thực tế dựa vào quan sát hiện tượng tự nhiên hoặc dùng địa bàn.

 – Nhận biết được giờ địa phương/giờ khu vực, so sánh được giờ của hai địa điểm trên Trái Đất.

 – Trình bày được hiện tượng ngày đêm luân phiên nhau và mô tả được sự lệch hướng chuyển động của vật thể theo chiều kinh tuyến.

 – Trình bày được hiện tượng ngày đêm dài ngắn theo mùa.

CẤU TẠO CỦA TRÁI ĐẤT. VỎ TRÁI ĐẤT
– Cấu tạo của Trái Đất – Trình bày được cấu tạo của Trái Đất gồm ba lớp.
– Các mảng kiến tạo – Xác định được trên lược đồ các mảng kiến tạo lớn, đới tiếp giáp của hai mảng xô vào nhau.
– Hiện tượng động đất, núi lửa và sức phá hoại của các tai biến thiên nhiên này

  

– Trình bày được hiện tượng động đất, núi lửa và nêu được nguyên nhân của hiện tượng này.

 – Biết tìm kiếm thông tin về các thảm hoạ thiên nhiên do động đất và núi lửa gây ra.

– Quá trình nội sinh và ngoại sinh. Hiện tượng tạo núi

  

– Phân biệt được quá trình nội sinh và ngoại sinh.

 – Trình bày được tác động đồng thời của quá trình nội sinh và ngoại sinh trong hiện tượng tạo núi.

– Các dạng địa hình chính

  

– Phân biệt được các dạng địa hình chính trên Trái Đất.

 – Biết đọc lược đồ địa hình tỉ lệ lớn và lát cắt địa hình đơn giản.

– Khoáng sản – Kể được tên một số loại khoáng sản.
KHÍ HẬU VÀ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU
– Các tầng khí quyển. Thành phần không khí – Mô tả được các tầng khí quyển, đặc điểm chính của tầng đối lưu và tầng bình lưu; hiểu được vai trò của oxy, hơi nước và khí carbonic.
– Các khối khí. Khí áp và gió – Kể được tên và nêu được đặc điểm về nhiệt độ, độ ẩm của một số khối khí.

 – Trình bày được sự phân bố các đai khí áp và các loại gió thổi thường xuyên trên Trái Đất.

– Nhiệt độ và mưa. Thời tiết, khí hậu – Trình bày được sự thay đổi nhiệt độ bề mặt Trái Đất theo vĩ độ.

 – Mô tả được hiện tượng hình thành mây, mưa.

 – Biết cách sử dụng nhiệt kế, ẩm kế, khí áp kế.

 – Phân biệt được thời tiết và khí hậu.

 – Trình bày được khái quát đặc điểm của một trong các đới khí hậu.

 – Phân tích được biểu đồ nhiệt độ, lượng mưa; xác định được đặc điểm về nhiệt độ và lượng mưa của một số địa điểm trên bản đồ khí hậu thế giới.

– Sự biến đổi khí hậu và biện pháp ứng phó – Nêu được một số biểu hiện của biến đổi khí hậu.

 – Trình bày được một số biện pháp phòng tránh thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.

NƯỚC TRÊN TRÁI ĐẤT
– Các thành phần chủ yếu của thuỷ quyển – Kể được tên được các thành phần chủ yếu của thuỷ quyển.
– Vòng tuần hoàn nước – Mô tả được vòng tuần hoàn lớn của nước.
– Sông, hồ và việc sử dụng nước sông, hồ

  

– Mô tả được các bộ phận của một dòng sông lớn; mối quan hệ giữa mùa lũ của sông với các nguồn cấp nước sông.

 – Nêu được tầm quan trọng của việc sử dụng tổng hợp nước sông, hồ.

– Biển và đại dương. Một số đặc điểm của môi trường biển – Xác định được trên bản đồ các đại dương thế giới.

 – Trình bày được các hiện tượng sóng, thuỷ triều, dòng biển.

 – Nêu được sự khác biệt về nhiệt độ và độ muối giữa vùng biển nhiệt đới và vùng biển ôn đới.

– Nước ngầm và băng hà – Nêu được tầm quan trọng của nước ngầm và băng hà.
ĐẤT VÀ SINH VẬT TRÊN TRÁI ĐẤT
– Lớp đất trên Trái Đất. Thành phần của đất – Nêu được các tầng đất và các thành phần chính của đất.
– Các nhân tố hình thành đất – Trình bày được một số nhân tố hình thành đất.
– Một số nhóm đất điển hình ở các đới thiên nhiên trên Trái Đất – Kể được tên và xác định được trên bản đồ một số nhóm đất điển hình ở vùng nhiệt đới hoặc ở vùng ôn đới.
– Sự sống trên hành tinh – Nêu được ví dụ về sự đa dạng của thế giới sinh vật ở lục địa và ở đại dương.
– Sự phân bố các đới thiên nhiên – Xác định được trên bản đồ sự phân bố các đới thiên nhiên trên thế giới.
– Rừng nhiệt đới – Trình bày được đặc điểm của rừng nhiệt đới.

 – Biết cách tìm hiểu môi trường tự nhiên qua tài liệu và tham quan địa phương.

CON NGƯỜI VÀ THIÊN NHIÊN
– Dân số thế giới – Đọc được biểu đồ quy mô dân số thế giới.
– Sự phân bố dân cư thế giới

  

– Trình bày và giải thích được đặc điểm phân bố dân cư trên thế giới.

 – Xác định được trên bản đồ một số thành phố đông dân nhất thế giới.

– Con người và thiên nhiên

  

– Nêu được các tác động của thiên nhiên lên hoạt động sản xuất và sinh hoạt của con người.

 – Trình bày được những tác động chủ yếu của loài người lên thiên nhiên Trái Đất.

– Bảo vệ tự nhiên, khai thác thông minh các tài nguyên vì sự phát triển bền vững – Nêu được ý nghĩa của việc bảo vệ tự nhiên và khai thác thông minh các tài nguyên vì sự phát triển bền vững. Liên hệ thực tế địa phương.

 – Biết cách tìm hiểu môi trường tự nhiên qua tài liệu và tham quan địa phương.

 LỊCH SỬ

Nội dung Yêu cầu cần đạt
TẠI SAO CẦN HỌC LỊCH SỬ?
– Lịch sử là gì? – Nêu được khái niệm lịch sử và môn Lịch sử.

 – Hiểu được lịch sử là những gì đã diễn ra trong quá khứ.

 – Giải thích được vì sao cần thiết phải học môn Lịch sử.

– Dựa vào đâu để biết và dựng lại lịch sử? – Phân biệt được các nguồn sử liệu cơ bản, ý nghĩa và giá trị của các nguồn sử liệu (tư liệu gốc, truyền miệng, hiện vật, chữ viết,…).
– Thời gian trong lịch sử – Biết được một số khái niệm và cách tính thời gian trong lịch sử: thập kỉ, thế kỉ, thiên niên kỉ, trước Công nguyên, sau Công nguyên, âm lịch, dương lịch,…
THỜI NGUYÊN THUỶ
– Nguồn gốc loài người – Giới thiệu được sơ lược quá trình tiến hoá từ vượn người thành người trên Trái Đất.

 – Xác định được những dấu tích của người tối cổ ở Đông Nam Á.

 – Kể được tên được những địa điểm tìm thấy dấu tích của người tối cổ trên đất nước Việt Nam.

– Xã hội nguyên thuỷ

  

– Mô tả được sơ lược các giai đoạn tiến triển của xã hội người nguyên thuỷ.

 – Trình bày được những nét chính về đời sống của người thời nguyên thuỷ (vật chất, tinh thần, tổ chức xã hội,…).

 – Nhận biết được vai trò của lao động đối với quá trình phát triển của người nguyên thuỷ cũng như của con người và xã hội loài người.

 – Nêu được đôi nét về đời sống của người nguyên thuỷ trên đất nước Việt Nam.

– Sự chuyển biến từ xã hội nguyên thuỷ sang xã hội có giai cấp – Trình bày được quá trình phát hiện ra kim loại và vai trò của nó đối với sự chuyển biến từ xã hội nguyên thuỷ sang xã hội có giai cấp.
– Sự chuyển biến và phân hóa của xã hội nguyên thuỷ – Mô tả được sự hình thành xã hội có giai cấp.

 – Giải thích được vì sao xã hội nguyên thuỷ tan rã.

 – Trình bày được quá trình phát hiện ra kim loại và vai trò của nó đối với sự chuyển biến và phân hóa của xã hội nguyên thuỷ.

 – Mô tả được sự hình thành xã hội có giai cấp.

 – Mô tả và giải thích được sự phân hóa không triệt để của xã hội nguyên thủy ở phương Đông.

 – Nêu được một số nét cơ bản của xã hội nguyên thủy ở Việt Nam (qua các nền văn hóa khảo cổ Phùng Nguyên – Đồng Đậu – Gò Mun).

XÃ HỘI CỔ ĐẠI
– Ai Cập và Lưỡng Hà

  

– Nêu được tác động của điều kiện tự nhiên (các dòng sông, đất đai màu mỡ) đối với sự hình thành nền văn minh Ai Cập và Lưỡng Hà.

 – Trình bày được quá trình thành lập nhà nước của người Ai Cập và người Lưỡng Hà.

 – Kể được tên và nêu được những thành tựu chủ yếu về văn hoá ở Ai Cập, Lưỡng Hà.

– Ấn Độ

  

– Giới thiệu được điều kiện tự nhiên của lưu vực sông Ấn, sông Hằng.

 – Trình bày được những điểm chính về chế độ xã hội của Ấn Độ.

 – Nhận biết được những thành tựu văn hoá tiêu biểu của Ấn Độ.

– Trung Quốc

  

– Giới thiệu được những đặc điểm về điều kiện tự nhiên của Trung Quốc cổ đại.

 – Mô tả được sơ lược quá trình thống nhất và sự xác lập chế độ phong kiến ở Trung Quốc dưới thời Tần Thuỷ Hoàng.

 – Xây dựng được đường thời gian từ đế chế Hán, Nam Bắc triều đến nhà Tuỳ.

 – Nêu được những thành tựu cơ bản của nền văn minh Trung Quốc.

– Hy Lạp và La Mã – Giới thiệu và nhận xét được tác động về điều kiện tự nhiên (hải cảng, biển đảo) đối với sự hình thành, phát triển của nền văn minh Hy Lạp và La Mã.

 – Trình bày được tổ chức nhà nước thành bang, nhà nước đế chế ở Hy Lạp và La Mã.

 – Nêu được một số thành tựu văn hoá tiêu biểu của Hy Lạp, La Mã.

ĐÔNG NAM Á TỪ NHỮNG THẾ KỈ TIẾP GIÁP CÔNG NGUYÊN ĐẾN THẾ KỈ X
  Khái lược về khu vực Đông Nam Á – Trình bày sơ lược về vị trí địa lí của vùng Đông Nam Á.
– Các vương quốc cổ ở Đông Nam Á – Trình bày được quá trình xuất hiện các vương quốc cổ ở Đông Nam Á từ đầu Công nguyên đến thế kỉ VII.

 – Nêu được sự hình thành và phát triển ban đầu của các vương quốc phong kiến từ thế kỉ VII đến thế kỉ X ở Đông Nam Á.

– Giao lưu thương mại và văn hóa ở Đông Nam Á từ đầu Công nguyên đến thế kỉ X – Phân tích được những tác động chính của quá trình giao lưu thương mại và văn hóa ở Đông Nam Á từ đầu Công nguyên đến thế kỉ X.
VIỆT NAM TỪ KHOẢNG THẾ KỈ VII TRƯỚC CÔNG NGUYÊN ĐẾN ĐẦU THẾ KỈ X
– Nhà nước Văn Lang, Âu Lạc

 + Nhà nước Văn Lang

 + Nhà nước Âu Lạc

  

– Nêu được khoảng thời gian thành lập và xác định được phạm vi không gian của nước Văn Lang, Âu Lạc trên bản đồ hoặc lược đồ.

 – Trình bày được tổ chức nhà nước của Văn Lang, Âu Lạc.

 – Mô tả được đời sống vật chất và tinh thần của cư dân Văn Lang, Âu Lạc.

– Thời kì Bắc thuộc và chống Bắc thuộc từ thế kỉ II trước Công nguyên đến năm 938  
+ Chính sách cai trị của các triều đại phong kiến phương Bắc – Nêu được một số chính sách cai trị của phong kiến phương Bắc trong thời kì Bắc thuộc.
+ Sự chuyển biến về kinh tế, văn hoá trong thời kì

 Bắc thuộc

– Nhận biết được một số chuyển biến quan trọng về kinh tế, xã hội, văn hoá ở Việt Nam trong thời kì Bắc thuộc.
+ Các cuộc đấu tranh giành lại độc lập và bảo vệ bản sắc văn hoá của dân tộc

  

– Lập được biểu đồ, sơ đồ và trình bày được những nét chính; giải thích được nguyên nhân, nêu được kết quả và ý nghĩa của các cuộc khởi nghĩa tiêu biểu của nhân dân Việt Nam trong thời kì Bắc thuộc (khởi nghĩa Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Bí, Mai Thúc Loan, Phùng Hưng,…).

 – Giới thiệu được những nét chính của cuộc đấu tranh về văn hoá và bảo vệ bản sắc văn hoá của nhân dân Việt Nam trong thời kì Bắc thuộc.

+ Bước ngoặt lịch sử ở đầu thế kỉ X

  

– Trình bày được những nét chính (nội dung, kết quả) về các cuộc vận động giành quyền tự chủ của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của họ Khúc và họ Dương.

 – Mô tả được những nét chính trận chiến Bạch Đằng lịch sử năm 938 và những điểm độc đáo trong tổ chức đánh giặc của Ngô Quyền.

 – Nêu được ý nghĩa lịch sử của chiến thắng Bạch Đằng năm 938.

– Vương quốc Champa

  

– Mô tả được sự thành lập, quá trình phát triển của Champa.

 – Trình bày được những nét chính về tổ chức xã hội và kinh tế của Champa.

 – Nhận biết được một số thành tựu văn hoá của Champa.

– Vương quốc Phù Nam – Mô tả được sự thành lập, quá trình phát triển và suy vong của Phù Nam.

 – Trình bày được những nét chính về tổ chức xã hội và kinh tế của Phù Nam.

 – Nhận biết được một số thành tựu văn hoá của Phù Nam.

 LỚP 7

 ĐỊA LÍ

Nội dung Yêu cầu cần đạt
CHÂU ÂU
– Vị trí địa lí, phạm vi châu Âu – Trình bày được đặc điểm vị trí địa lí, hình dạng và kích thước châu Âu.
– Đặc điểm tự nhiên – Phân tích được đặc điểm các khu vực địa hình chính của châu Âu, đặc điểm phân hoá khí hậu; xác định được trên bản đồ các sông lớn Rhein (Rainơ), Danube (Đanuyp), Volga (Vonga); các đới thiên nhiên.
– Đặc điểm dân cư, xã hội – Trình bày được đặc điểm của cơ cấu dân cư, di cư và đô thị hoá ở châu Âu.
– Phương thức con người khai thác, sử dụng và bảo vệ thiên nhiên – Lựa chọn và trình bày được một vấn đề bảo vệ môi trường ở châu Âu.
– Khái quát về Liên minh châu Âu (EU) – Nêu được dẫn chứng về Liên minh châu Âu (EU) như một trong bốn trung tâm kinh tế lớn trên thế giới.
CHÂU Á
– Vị trí địa lí, phạm vi châu Á – Trình bày được đặc điểm vị trí địa lí, hình dạng và kích thước châu Á.
– Đặc điểm tự nhiên

  

– Trình bày được một trong những đặc điểm thiên nhiên châu Á, ý nghĩa của đặc điểm này đối với việc sử dụng và bảo vệ tự nhiên.

 – Xác định được trên bản đồ các khu vực địa hình và các khoáng sản chính ở châu Á.

– Đặc điểm dân cư, xã hội – Trình bày được đặc điểm dân cư, tôn giáo; sự phân bố dân cư và các đô thị lớn.
– Bản đồ chính trị châu Á; các khu vực của châu Á

  

– Xác định được trên bản đồ chính trị các khu vực của châu Á.

 – Trình bày được đặc điểm tự nhiên của một trong các khu vực ở châu Á.

– Các nền kinh tế lớn và kinh tế mới nổi ở châu Á – Biết cách sưu tầm tư liệu và trình bày về một trong các nền kinh tế lớn và nền kinh tế mới nổi của châu Á (ví dụ: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore).
CHÂU PHI
– Vị trí địa lí, phạm vi châu Phi – Trình bày được đặc điểm vị trí địa lí, hình dạng và kích thước châu Phi.
– Đặc điểm tự nhiên

  

– Phân tích được một trong những đặc điểm thiên nhiên châu Phi; một trong những vấn đề môi trường trong sử dụng thiên nhiên (ví dụ: vấn đề săn bắn và buôn bán động vật hoang dã, lấy ngà voi, sừng tê giác,…).
– Đặc điểm dân cư, xã hội – Trình bày được một trong những vấn đề nổi cộm về dân cư, xã hội và di sản lịch sử châu Phi (ví dụ: vấn đề nạn đói, vấn đề xung đột quân sự,…).
– Phương thức con người khai thác, sử dụng và bảo vệ thiên nhiên – Trình bày được cách thức người dân châu Phi khai thác thiên nhiên ở các môi trường khác nhau.
– Khái quát về Cộng hoà Nam Phi – Biết cách sưu tầm tư liệu và trình bày được một số sự kiện lịch sử về Cộng hoà Nam Phi trong mấy thập niên gần đây.
CHÂU MỸ
– Vị trí địa lí, phạm vi châu Mỹ – Trình bày khái quát về vị trí địa lí, phạm vi châu Mỹ.
– Phát kiến ra châu Mỹ – Phân tích được các hệ quả địa lí – lịch sử của việc Christopher Colombus phát kiến ra châu Mỹ (1492 – 1502).
– Đặc điểm tự nhiên, dân cư, xã hội của các khu vực châu Mỹ (Bắc Mỹ, Trung và Nam Mỹ)

 – Phương thức con người khai thác, sử dụng và bảo vệ thiên nhiên ở các khu vực châu Mỹ

Bắc Mỹ:

 – Trình bày được một trong những đặc điểm của tự nhiên: sự phân hoá của địa hình, khí hậu; sông, hồ; các đới thiên nhiên.

 – Phân tích được một trong những vấn đề dân cư, xã hội: vấn đề nhập cư và chủng tộc, vấn đề đô thị hoá.

 – Phân tích được phương thức con người khai thác tự nhiên bền vững.

 – Xác định được trên bản đồ một số trung tâm kinh tế quan trọng.

 Trung và Nam Mỹ:

 – Trình bày được sự phân hoá tự nhiên theo chiều Đông – Tây, theo chiều Bắc – Nam và theo chiều cao (trên dãy núi Andes); đặc điểm của rừng nhiệt đới Amazon.

 – Trình bày được đặc điểm nguồn gốc dân cư Trung và Nam Mỹ, vấn đề đô thị hoá, văn hoá Mỹ Latinh.

 – Phân tích được vấn đề khai thác, sử dụng và bảo vệ thiên nhiên thông qua trường hợp rừng Amazon.

CHÂU ĐẠI DƯƠNG
– Vị trí địa lí, phạm vi châu Đại Dương – Xác định được các bộ phận của châu Đại Dương; vị trí địa lí, hình dạng và kích thước lục địa Australia.
– Đặc điểm thiên nhiên của các đảo, quần đảo và lục địa Australia – Xác định được trên bản đồ các khu vực địa hình và khoáng sản. Phân tích được đặc điểm khí hậu Australia, những nét đặc sắc của tài nguyên sinh vật ở Australia.
– Một số đặc điểm dân cư, xã hội và phương thức con người khai thác, sử dụng và bảo vệ thiên nhiên – Trình bày được đặc điểm dân cư, một số vấn đề về lịch sử và văn hoá độc đáo của Australia.

 – Phân tích được phương thức con người khai thác, sử dụng và bảo vệ thiên nhiên ở Australia.

CHÂU NAM CỰC
– Vị trí địa lí của châu Nam Cực – Trình bày được đặc điểm vị trí địa lí của châu Nam Cực.
– Lịch sử phát kiến châu Nam Cực – Trình bày được lịch sử khám phá và nghiên cứu châu Nam Cực.
– Đặc điểm tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên của châu Nam Cực – Trình bày được đặc điểm thiên nhiên nổi bật của châu Nam Cực.

 – Mô tả được kịch bản về sự thay đổi của thiên nhiên châu Nam Cực khi có biến đổi khí hậu toàn cầu.

 LỊCH SỬ

Nội dung Yêu cầu cần đạt
TÂY ÂU TỪ THẾ KỈ V ĐẾN NỬA ĐẦU THẾ KỈ XVI
– Quá trình hình thành và phát triển chế độ phong kiến ở Tây Âu

  

– Kể lại được những sự kiện chủ yếu về quá trình hình thành xã hội phong kiến ở Tây Âu.

 – Trình bày được đặc điểm của lãnh địa phong kiến và quan hệ xã hội của chế độ phong kiến Tây Âu.

 – Phân tích được vai trò của thành thị trung đại.

 – Mô tả được sơ lược sự ra đời của Thiên Chúa giáo.

– Các cuộc phát kiến địa lí – Sử dụng lược đồ hoặc bản đồ, giới thiệu được những nét chính về hành trình của một số cuộc phát kiến địa lí lớn trên thế giới.

 – Nêu được hệ quả của các cuộc phát kiến địa lí.

– Văn hoá Phục hưng – Giới thiệu được sự biến đổi quan trọng về kinh tế – xã hội của Tây Âu từ thế kỉ XIII đến thế kỉ XVI.

 – Trình bày được những thành tựu tiêu biểu của phong trào văn hoá Phục hưng.

 – Nhận biết được ý nghĩa và tác động của phong trào văn hoá Phục hưng đối với xã hội Tây Âu.

– Cải cách tôn giáo

  

– Nêu và giải thích được nguyên nhân của phong trào cải cách tôn giáo.

 – Mô tả khái quát được nội dung cơ bản của các cuộc cải cách tôn giáo.

 – Nêu được tác động của cải cách tôn giáo đối với xã hội Tây Âu.

– Sự hình thành quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa ở Tây Âu trung đại – Xác định được những biến đổi chính trong xã hội và sự nảy sinh phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa ở Tây Âu.
TRUNG QUỐC TỪ THẾ KỈ VII ĐẾN GIỮA THẾ KỈ XIX
– Khái lược tiến trình lịch sử của Trung Quốc từ thế kỉ VII đến giữa thế kỉ XIX

 – Thành tựu chính trị, kinh tế, văn hóa của Trung Quốc từ thế kỉ VII đến giữa thế kỉ XIX

– Lập được sơ đồ tiến trình phát triển của Trung Quốc từ thế kỉ VII đến giữa thế kỉ XIX (các thời Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh).

 – Nêu được những nét chính về sự thịnh vượng của Trung Quốc dưới thời Đường.

 – Mô tả được sự phát triển kinh tế dưới thời Minh – Thanh.

 – Giới thiệu và nhận xét được những thành tựu chủ yếu của văn hoá Trung Quốc từ thế kỉ VII đến giữa thế kỉ XIX (Nho giáo, sử học, kiến trúc,…).

ẤN ĐỘ TỪ THẾ KỈ IV ĐẾN GIỮA THẾ KỈ XIX
– Vương triều Gupta

 – Vương triều Hồi giáo Delhi

 – Đế quốc Mogul

– Nêu được những nét chính về điều kiện tự nhiên của Ấn Độ.

 – Trình bày khái quát được sự ra đời và tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của Ấn Độ dưới thời các vương triều Gupta, Delhi và đế quốc Mogul.

 – Giới thiệu và nhận xét được một số thành tựu tiêu biểu về văn hoá của Ấn Độ từ thế kỉ IV đến giữa thế kỉ XIX.

ĐÔNG NAM Á TỪ NỬA SAU THẾ KỈ X ĐẾN NỬA ĐẦU THẾ KỈ XVI
– Khái quát về Đông Nam Á từ nửa sau thế kỉ X đến nửa đầu thế kỉ XVI

  

– Mô tả được quá trình hình thành, phát triển của các quốc gia Đông Nam Á từ nửa sau thế kỉ X đến nửa đầu thế kỉ XVI.

 – Giới thiệu và nhận xét được những thành tựu văn hoá tiêu biểu của Đông Nam Á từ nửa sau thế kỉ X đến nửa đầu thế kỉ XVI.

– Vương quốc Campuchia

  

– Mô tả được quá trình hình thành và phát triển của Vương quốc Campuchia.

 – Nhận biết và đánh giá được sự phát triển của Vương quốc Campuchia thời Angkor.

 – Nêu được một số nét tiêu biểu về văn hoá của Vương quốc Campuchia.

– Vương quốc Lào – Mô tả được quá trình hình thành và phát triển của Vương quốc Lào.

 – Nhận biết và đánh giá được sự phát triển của Vương quốc Lào thời Lan Xang.

 – Nêu được một số nét tiêu biểu về văn hoá của Vương quốc Lào.

VIỆT NAM TỪ ĐẦU THẾ KỈ X ĐẾN ĐẦU THẾ KỈ XVI
– Việt Nam từ năm 938 đến năm 1009: thời Ngô – Đinh – Tiền Lê

  

– Nêu được những nét chính về thời Ngô.

 – Trình bày được công cuộc thống nhất đất nước của Đinh Bộ Lĩnh và sự thành lập nhà Đinh.

 – Mô tả được cuộc kháng chiến chống Tống của Lê Hoàn năm 981.

 – Giới thiệu được những nét chính về tổ chức chính quyền thời Ngô – Đinh – Tiền Lê.

 – Nhận biết được đời sống xã hội, văn hoá thời Ngô – Đinh – Tiền Lê.

– Việt Nam từ thế kỉ XI đến đầu thế kỉ XIII: thời Lý

  

– Trình bày được sự thành lập nhà Lý. Đánh giá được sự kiện dời đô ra Đại La của Lý Công Uẩn.

 – Mô tả được những nét chính về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, tôn giáo thời Lý.

 – Đánh giá được những nét độc đáo của cuộc kháng chiến chống Tống và vai trò của Lý Thường Kiệt trong cuộc kháng chiến chống Tống (1075 – 1077).

 – Giới thiệu được những thành tựu tiêu biểu về văn hoá, giáo dục thời Lý (Văn Miếu – Quốc Tử Giám, mở khoa thi,…).

– Việt Nam từ thế kỉ XIII đến đầu thế kỉ XV: thời Trần, Hồ  
+ Thời Trần

  

– Mô tả được sự thành lập nhà Trần.

 – Trình bày được những nét chính về tình hình chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, tôn giáo thời Trần.

 – Lập được lược đồ diễn biến chính của ba lần kháng chiến chống quân xâm lược Mông – Nguyên.

 – Phân tích được nguyên nhân thắng lợi, nêu được ý nghĩa lịch sử của ba lần kháng chiến chống quân xâm lược Mông – Nguyên, nhận thức được sâu sắc tinh thần đoàn kết và quyết tâm chống giặc ngoại xâm của quân dân Đại Việt.

 – Nêu được những thành tựu chủ yếu về văn hoá và đánh giá được vai trò của một số nhân vật lịch sử tiêu biểu thời Trần: Trần Thủ Độ, Trần Quốc Tuấn, Trần Nhân Tông,…

+ Thời Hồ

  

– Trình bày được sự ra đời của nhà Hồ.

 – Giới thiệu được một số nội dung chủ yếu trong cải cách của Hồ Quý Ly và nêu được tác động của những cải cách ấy đối với xã hội thời nhà Hồ.

 – Mô tả được những nét chính về cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Minh.

 – Giải thích được nguyên nhân thất bại của cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược.

– Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn (1418 – 1427)

  

– Trình bày được một số sự kiện tiêu biểu của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.

 – Giải thích được nguyên nhân chính dẫn đến thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.

 – Nêu được ý nghĩa của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và đánh giá được vai trò của một số nhân vật tiêu biểu: Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Nguyễn Chích,…

– Việt Nam thời Lê sơ (1428 – 1527)

  

– Mô tả được sự thành lập nhà Lê sơ.

 – Nhận biết được tình hình kinh tế – xã hội thời Lê sơ.

 – Giới thiệu được sự phát triển văn hoá, giáo dục và một số danh nhân văn hoá tiêu biểu thời Lê sơ.

– Vùng đất phía nam từ đầu thế kỉ X đến đầu thế kỉ

 XVI

Nêu được những diễn biến cơ bản về chính trị, kinh tế văn hoá ở vùng đất phía nam từ đầu thế kỉ X đến đầu thế kỉ XVI.

 CHỦ ĐỀ CHUNG

Nội dung Yêu cầu cần đạt
CÁC CUỘC ĐẠI PHÁT KIẾN ĐỊA LÍ
– Nguyên nhân của các cuộc phát kiến địa lí – Giải thích được nguyên nhân và những yếu tố tác động đến các cuộc đại phát kiến địa lí.
– Một số cuộc đại phát kiến địa lí

  

– Mô tả được các cuộc đại phát kiến địa lí: Christopher Colombus tìm ra châu Mỹ (1492 – 1502), cuộc thám hiểm của Ferdinand Magellan vòng quanh Trái Đất (1519 – 1522).
– Tác động của các cuộc đại phát kiến địa lí đối với tiến trình lịch sử – Phân tích được tác động của các cuộc đại phát kiến địa lí đối với tiến trình lịch sử.
ĐÔ THỊ: LỊCH SỬ VÀ HIỆN TẠI (1)
– Các đô thị cổ đại và các nền văn minh cổ đại – Phân tích được các điều kiện địa lí và lịch sử góp phần hình thành và phát triển một đô thị cổ đại và trung đại (qua một số trường hợp cụ thể).
– Các đô thị trung đại châu Âu và giới thương nhân – Trình bày được mối quan hệ giữa đô thị với các nền văn minh cổ đại; vai trò của giới thương nhân với sự phát triển đô thị châu Âu trung đại.

 LỚP 8

 ĐỊA LÍ

Nội dung Yêu cầu cần đạt
ĐẶC ĐIỂM VỊ TRÍ ĐỊA LÍ VÀ PHẠM VI LÃNH THỔ VIỆT NAM
– Đặc điểm vị trí địa lí và phạm vi lãnh thổ – Trình bày được đặc điểm vị trí địa lí.
– Ảnh hưởng của vị trí địa lí và phạm vi lãnh thổ đối với sự hình thành đặc điểm địa lí tự nhiên Việt Nam – Phân tích được ảnh hưởng của vị trí địa lí và phạm vi lãnh thổ đối với sự hình thành đặc điểm địa lí tự nhiên Việt Nam.
ĐẶC ĐIỂM ĐỊA HÌNH VÀ KHOÁNG SẢN VIỆT NAM
– Đặc điểm chung của địa hình – Trình bày được một trong những đặc điểm chủ yếu của địa hình Việt Nam.
– Các khu vực địa hình. Đặc điểm cơ bản của từng khu vực địa hình – Trình bày được đặc điểm của các khu vực địa hình: địa hình đồi núi; địa hình đồng bằng; địa hình bờ biển và thềm lục địa.
– Ảnh hưởng của địa hình đối với sự phân hoá tự nhiên và khai thác kinh tế – Tìm được ví dụ chứng minh ảnh hưởng của sự phân hoá địa hình đối với sự phân hoá lãnh thổ tự nhiên và khai thác kinh tế.
– Đặc điểm chung của tài nguyên khoáng sản Việt Nam. Các loại khoáng sản chủ yếu – Trình bày và giải thích được đặc điểm chung của tài nguyên khoáng sản Việt Nam.

 – Phân tích được đặc điểm phân bố các loại khoáng sản chủ yếu và vấn đề sử dụng hợp lí tài nguyên khoáng sản.

ĐẶC ĐIỂM KHÍ HẬU VÀ THUỶ VĂN VIỆT NAM
– Khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, phân hoá đa dạng – Trình bày được đặc điểm khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa của Việt Nam.

 – Vẽ và phân tích được biểu đồ khí hậu của một số trạm thuộc các vùng khí hậu khác nhau.

 – Chứng minh được sự phân hoá đa dạng của khí hậu Việt Nam.

– Tác động của biến đổi khí hậu đối với khí hậu và thuỷ văn Việt Nam – Phân tích được tác động của biến đổi khí hậu đối với khí hậu và thuỷ văn Việt Nam.

 – Tìm ví dụ về giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu.

– Đặc điểm sông ngòi. Chế độ nước sông của một số hệ thống sông lớn – Xác định được trên bản đồ lưu vực của các hệ thống sông lớn.

 – Phân tích được đặc điểm mạng lưới sông và chế độ nước sông của một số hệ thống sông lớn.

– Hồ, đầm và nước ngầm – Phân tích được vai trò của hồ, đầm và nước ngầm đối với sản xuất và sinh hoạt.
– Vai trò của tài nguyên khí hậu và tài nguyên nước đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của nước ta – Phân tích được ảnh hưởng của khí hậu đối với sản xuất nông nghiệp.

 – Phân tích được vai trò của khí hậu đối với sự phát triển du lịch ở một số điểm du lịch nổi tiếng của nước ta.

 – Lấy ví dụ chứng minh được tầm quan trọng của việc sử dụng tổng hợp tài nguyên nước ở một lưu vực sông.

ĐẶC ĐIỂM THỔ NHƯỠNG VÀ SINH VẬT VIỆT NAM
– Đặc điểm chung của lớp phủ thổ nhưỡng – Chứng minh được tính chất nhiệt đới gió mùa của lớp phủ thổ nhưỡng.
– Đặc điểm và sự phân bố của các nhóm đất chính – Trình bày được đặc điểm phân bố của ba nhóm đất chính.
– Vấn đề sử dụng hợp lí tài nguyên đất ở Việt Nam

  

– Phân tích được đặc điểm của đất feralit và giá trị sử dụng đất feralit trong sản xuất nông, lâm nghiệp.

 – Phân tích được đặc điểm của đất phù sa và giá trị sử dụng của đất phù sa trong sản xuất nông nghiệp, thuỷ sản.

 – Chứng minh được tính cấp thiết của vấn đề chống thoái hoá đất.

– Đặc điểm chung của sinh vật – Chứng minh được sự đa dạng của sinh vật ở Việt Nam.
– Vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam – Chứng minh được tính cấp thiết của vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam.
BIỂN ĐẢO VIỆT NAM
– Vị trí địa lí, đặc điểm tự nhiên vùng biển đảo Việt Nam

  

– Xác định được trên bản đồ phạm vi Biển Đông, các nước và vùng lãnh thổ có chung Biển Đông với Việt Nam.

 – Trình bày được đặc điểm tự nhiên vùng biển đảo Việt Nam.

– Các vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông

  

– Xác định được trên bản đồ các mốc xác định đường cơ sở, đường phân chia vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc; trình bày được các khái niệm vùng nội thuỷ, lãnh hải, tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam (theo Luật Biển Việt Nam).
– Môi trường và tài nguyên biển đảo Việt Nam – Nêu được đặc điểm môi trường biển đảo và vấn đề bảo vệ môi trường biển đảo Việt Nam.

 – Trình bày được các tài nguyên biển và thềm lục địa Việt Nam.

 LỊCH SỬ

Nội dung Yêu cầu cần đạt
CHÂU ÂU VÀ BẮC MỸ TỪ NỬA SAU THẾ KỈ XVI ĐẾN THẾ KỈ XVIII
– Cách mạng tư sản Anh

  

– Xác định được trên bản đồ thế giới địa điểm diễn ra các cuộc cách mạng tư sản tiêu biểu từ thế kỉ XVI đến thế kỉ XVIII.
– Chiến tranh giành độc lập của 13 thuộc địa Anh ở Bắc Mỹ. – Trình bày được những nét chung về nguyên nhân, kết quả, ý nghĩa, tính chất của cách mạng tư sản.
– Cách mạng tư sản Pháp – Nêu được một số đặc điểm chính của các cuộc cách mạng tư sản tiêu biểu ở Anh, Pháp, Mỹ.
– Cách mạng công nghiệp – Trình bày được những thành tựu tiêu biểu của cách mạng công nghiệp.

 – Nêu được những tác động quan trọng của cách mạng công nghiệp đối với sản xuất và đời sống.

ĐÔNG NAM Á TỪ NỬA SAU THẾ KỈ XVI ĐẾN THẾ KỈ XIX
– Quá trình xâm lược Đông Nam Á của thực dân phương Tây – Trình bày được những nét chính trong quá trình xâm nhập của tư bản phương Tây vào các nước Đông Nam Á.
– Tình hình chính trị, kinh tế, văn hoá – xã hội của các nước Đông Nam Á – Nêu được những nét nổi bật về tình hình chính trị, kinh tế, văn hoá – xã hội của các nước Đông Nam Á dưới ách đô hộ của thực dân phương Tây.
– Cuộc đấu tranh chống ách đô hộ của thực dân phương Tây ở Đông Nam Á – Mô tả được những nét chính về cuộc đấu tranh của các nước Đông Nam Á chống lại ách đô hộ của thực dân phương Tây.
VIỆT NAM TỪ ĐẦU THẾ KỈ XVI ĐẾN THẾ KỈ XVIII
– Xung đột Nam – Bắc triều, Trịnh – Nguyễn

  

– Nêu được những nét chính về sự ra đời của Vương triều Mạc.

 – Giải thích được nguyên nhân bùng nổ xung đột Nam – Bắc triều, Trịnh – Nguyễn.

 – Nêu được hệ quả của xung đột Nam – Bắc triều, Trịnh – Nguyễn.

– Những nét chính trong quá trình mở cõi từ thế kỉ XVI đến thế kỉ XVIII

  

– Trình bày được khái quát về quá trình mở cõi của Đại Việt trong các thế kỉ XVI – XVIII.

 – Mô tả và nêu được ý nghĩa của quá trình thực thi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của các chúa Nguyễn.

– Khởi nghĩa nông dân ở Đàng Ngoài thế kỉ XVIII – Nêu được một số nét chính (bối cảnh lịch sử, diễn biến, kết quả và ý nghĩa) của phong trào nông dân ở Đàng Ngoài thế kỉ XVIII.

 – Nêu được tác động của phong trào nông dân ở Đàng Ngoài đối với xã hội Đại Việt thế kỉ XVIII.

– Phong trào Tây Sơn

  

– Trình bày được một số nét chính về nguyên nhân bùng nổ và mô tả được một số thắng lợi tiêu biểu của phong trào Tây Sơn: lật đổ chúa Nguyễn, chúa Trịnh, vua Lê; đánh bại quân Xiêm xâm lược (1785) và đại phá quân Thanh xâm lược (1789),…

 – Nêu được nguyên nhân thắng lợi, ý nghĩa lịch sử và đánh giá được vai trò của Nguyễn Huệ – Quang Trung trong phong trào Tây Sơn.

– Kinh tế, văn hoá, tôn giáo trong các thế kỉ XVI – XVIII – Nêu được những nét chính về tình hình kinh tế.

 – Mô tả và nhận xét được những nét chính về sự chuyển biến văn hoá và tôn giáo ở Đại Việt trong các thế kỉ XVI – XVIII.

CHÂU ÂU VÀ NƯỚC MỸ TỪ CUỐI THẾ KỈ XVIII ĐẾN ĐẦU THẾ KỈ XX
– Sự hình thành của chủ nghĩa đế quốc – Mô tả được những nét chính về quá trình hình thành của chủ nghĩa đế quốc.
– Các nước Âu – Mỹ từ cuối thế kỉ XIX đến đầu thế kỉ XX

  

– Trình bày những nét chính về Công xã Paris (1871) và ý nghĩa lịch sử của việc thành lập nhà nước kiểu mới – nhà nước của giai cấp vô sản đầu tiên trên thế giới.

 – Nhận biết được những chuyển biến lớn về kinh tế, chính sách đối nội, đối ngoại của các đế quốc Anh, Pháp, Đức, Mỹ từ cuối thế kỉ XIX đến đầu thế kỉ XX.

– Phong trào công nhân và sự ra đời của chủ nghĩa Marx

  

– Nêu được sự ra đời của giai cấp công nhân.

 – Trình bày được một số hoạt động chính của Karl Marx, Friedrich Engels và sự ra đời của chủ nghĩa xã hội khoa học.

 – Mô tả được một số hoạt động tiêu biểu của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX (phong trào công nhân, sự ra đời và hoạt động của các Đảng và các tổ chức cộng sản,…).

– Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914 – 1918)

  

– Nêu được nguyên nhân bùng nổ Chiến tranh thế giới thứ nhất.

 – Phân tích, đánh giá được hậu quả và tác động của Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914 – 1918) đối với lịch sử nhân loại.

– Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917 – Nêu được một số nét chính (nguyên nhân, diễn biến, tác động và ý nghĩa lịch sử) của Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917.
SỰ PHÁT TRIỂN CỦA KHOA HỌC, KĨ THUẬT, VĂN HỌC, NGHỆ THUẬT TRONG CÁC THẾ KỈ XVIII – XIX
– Một số thành tựu khoa học, kĩ thuật, văn học, nghệ thuật của nhân loại trong các thế kỉ XVIII – XIX – Mô tả được một số thành tựu tiêu biểu về khoa học, kĩ thuật, văn học, nghệ thuật trong các thế kỉ XVIII – XIX.
– Tác động của sự phát triển khoa học, kĩ thuật, văn học, nghệ thuật trong các thế kỉ XVIII – XIX – Phân tích được tác động của sự phát triển khoa học, kĩ thuật, văn học, nghệ thuật trong các thế kỉ XVIII – XIX.
CHÂU Á TỪ NỬA SAU THẾ KỈ XIX ĐẾN ĐẦU THẾ KỈ XX
– Trung Quốc – Mô tả được quá trình xâm lược Trung Quốc của các nước đế quốc.

 – Trình bày được sơ lược về Cách mạng Tân Hợi.

 – Nhận biết được nguyên nhân thắng lợi và nêu được ý nghĩa của Cách mạng Tân Hợi.

– Nhật Bản – Nêu được những nội dung chính của cuộc Duy tân Minh Trị.

 – Trình bày được ý nghĩa lịch sử của cuộc Duy tân Minh Trị.

 – Trình bày được những biểu hiện của sự hình thành chủ nghĩa đế quốc ở Nhật Bản vào cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX.

– Ấn Độ – Trình bày được tình hình chính trị, kinh tế, xã hội Ấn Độ nửa sau thế kỉ XIX.
– Đông Nam Á – Nêu được một số sự kiện về phong trào giải phóng dân tộc ở Đông Nam Á từ nửa sau thế kỉ XIX đến đầu thế kỉ XX.
VIỆT NAM TỪ THẾ KỈ XIX ĐẾN ĐẦU THẾ KỈ XX
– Việt Nam nửa đầu thế kỉ XIX

  

– Mô tả được sự ra đời của nhà Nguyễn.

 – Trình bày được những nét chính về tình hình chính trị, sự phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của Việt Nam thời nhà Nguyễn.

 – Mô tả được quá trình thực thi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của các vua Nguyễn.

– Việt Nam nửa sau thế kỉ XIX

  

– Nêu được quá trình thực dân Pháp xâm lược Việt Nam và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân Việt Nam (1858 – 1884).

 – Nhận biết được nguyên nhân, một số nội dung chính trong các đề nghị cải cách của các quan lại, sĩ phu yêu nước.

 – Trình bày được một số cuộc khởi nghĩa tiêu biểu trong phong trào Cần vương và cuộc khởi nghĩa Yên Thế.

– Việt Nam đầu thế kỉ XX – Nêu được tác động của cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất của người Pháp đối với xã hội Việt Nam.

 – Giới thiệu được những nét chính về hoạt động yêu nước của Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Nguyễn Tất Thành.

 CHỦ ĐỀ CHUNG

Nội dung Yêu cầu cần đạt
VĂN MINH CHÂU THỔ SÔNG HỒNG VÀ SÔNG CỬU LONG (1)
– Quá trình hình thành và phát triển châu thổ; chế độ nước của các dòng sông chính – Trình bày được quá trình hình thành và phát triển châu thổ; mô tả được chế độ nước của các dòng sông chính.
– Quá trình con người khai khẩn và cải tạo châu thổ, chế ngự các dòng sông – Trình bày được quá trình con người khai khẩn và cải tạo châu thổ, chế ngự và thích ứng với chế độ nước của sông Hồng và sông Cửu Long.
BẢO VỆ CHỦ QUYỀN, CÁC QUYỀN VÀ LỢI ÍCH HỢP PHÁP CỦA VIỆT NAM Ở BIỂN ĐÔNG (1)
– Phạm vi các vùng biển và hải đảo Việt Nam – Xác định được vị trí, phạm vi của vùng biển và hải đảo Việt Nam (theo Luật Biển Việt Nam).
– Đặc điểm môi trường và tài nguyên biển, đảo – Trình bày được những nét chính về môi trường, tài nguyên thiên nhiên; phân tích được những thuận lợi và khó khăn đối với phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông.
– Quá trình xác lập chủ quyền biển đảo trong lịch sử Việt Nam – Trình bày được quá trình xác lập chủ quyền biển đảo của Việt Nam trong lịch sử.

 LỚP 9

 ĐỊA LÍ

Nội dung Yêu cầu cần đạt
ĐỊA LÍ DÂN CƯ VIỆT NAM
– Thành phần dân tộc – Trình bày được đặc điểm phân bố các dân tộc Việt Nam.
– Gia tăng dân số ở các thời kì – Vẽ và nhận xét được biểu đồ về gia tăng dân số.
– Cơ cấu dân số theo tuổi và giới tính – Phân tích được sự thay đổi cơ cấu tuổi và giới tính của dân cư.
– Phân bố dân cư – Đọc bản đồ Dân số Việt Nam để rút ra được đặc điểm phân bố dân cư.
– Các loại hình quần cư thành thị và nông thôn – Trình bày được sự khác biệt giữa quần cư thành thị và quần cư nông thôn.
– Lao động và việc làm – Phân tích được vấn đề việc làm ở địa phương.
– Chất lượng cuộc sống – Nhận xét được sự phân hoá thu nhập theo vùng từ bảng số liệu cho trước.
ĐỊA LÍ CÁC NGÀNH KINH TẾ
NÔNG, LÂM, THUỶ SẢN
– Các nhân tố chính ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố nông, lâm, thuỷ sản – Phân tích được một trong các nhân tố chính ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố nông nghiệp.
– Sự phát triển và phân bố nông, lâm, thuỷ sản – Phân tích được đặc điểm phân bố tài nguyên rừng và nguồn lợi thuỷ sản.

 – Trình bày được sự phát triển và phân bố nông, lâm, thuỷ sản.

 – Tìm kiếm thông tin, viết báo cáo ngắn về một số mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả.

– Vấn đề phát triển nông nghiệp xanh – Trình bày được ý nghĩa của việc phát triển nông nghiệp xanh.
CÔNG NGHIỆP
– Các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố công nghiệp – Phân tích được vai trò của một trong các nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố công nghiệp.
– Sự phát triển và phân bố của các ngành công nghiệp chủ yếu – Trình bày được sự phát triển và phân bố của một trong các ngành công nghiệp chủ yếu.

 – Xác định được trên bản đồ các trung tâm công nghiệp chính.

– Vấn đề phát triển công nghiệp xanh – Giải thích được tại sao cần phát triển công nghiệp xanh.
DỊCH VỤ
– Các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố các ngành dịch vụ – Phân tích được vai trò của một trong các nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố các ngành dịch vụ.
– Giao thông vận tải và bưu chính viễn thông

  

– Xác định được trên bản đồ các tuyến đường bộ huyết mạch, các tuyến đường sắt, các cảng biển lớn và các sân bay quốc tế chính.

 – Trình bày được sự phát triển ngành bưu chính viễn thông.

– Thương mại, du lịch – Phân tích được một số xu hướng phát triển mới trong ngành thương mại và du lịch.
SỰ PHÂN HOÁ LÃNH THỔ
VÙNG TRUNG DU VÀ MIỀN NÚI BẮC BỘ
– Vị trí địa lí, phạm vi lãnh thổ – Xác định được trên bản đồ vị trí địa lí và phạm vi lãnh thổ của vùng.
– Các đặc điểm nổi bật về điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên – Trình bày được đặc điểm phân hoá thiên nhiên giữa Đông Bắc và Tây Bắc; các thế mạnh để phát triển công nghiệp, lâm – nông – thuỷ sản, du lịch.

 – Vẽ được sơ đồ tư duy thể hiện các thế mạnh về tự nhiên để phát triển kinh tế – xã hội của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.

– Các đặc điểm nổi bật về dân cư, xã hội của vùng

  

– Nhận xét được đặc điểm nổi bật về thành phần dân tộc, phân bố dân cư và chất lượng cuộc sống dân cư (sử dụng bản đồ và bảng số liệu).
– Đặc điểm phát triển và phân bố các ngành kinh tế của vùng – Trình bày được sự phát triển và phân bố một trong các ngành kinh tế của vùng (sử dụng bản đồ và bảng số liệu).
VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG
– Vị trí địa lí, phạm vi lãnh thổ – Trình bày được đặc điểm vị trí địa lí và phạm vi lãnh thổ của vùng.
– Các đặc điểm nổi bật về điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên – Phân tích được thế mạnh của vùng về tài nguyên thiên nhiên đối với sự phát triển nông – lâm – thuỷ sản; vấn đề phát triển kinh tế biển.
– Các đặc điểm nổi bật về dân cư, xã hội của vùng – Phân tích được đặc điểm dân cư, nguồn lao động và ảnh hưởng của các nhân tố này đến sự phát triển kinh tế – xã hội của vùng.

 – Phân tích được vấn đề đô thị hoá ở Đồng bằng sông Hồng; vị thế của Thủ đô Hà Nội.

– Đặc điểm phát triển và phân bố các ngành kinh tế của vùng – Trình bày được sự phát triển và phân bố kinh tế ở vùng Đồng bằng sông Hồng (sử dụng bản đồ và bảng số liệu).
– Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ – Sưu tầm tư liệu và trình bày được về vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
VÙNG BẮC TRUNG BỘ
– Vị trí địa lí, phạm vi lãnh thổ – Xác định được trên bản đồ vị trí địa lí và phạm vi lãnh thổ của vùng.
– Các đặc điểm nổi bật về điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên

  

– Trình bày được đặc điểm phân hoá của tự nhiên và giải thích ảnh hưởng của tự nhiên đến sự hình thành cơ cấu kinh tế của vùng.

 – Trình bày được vấn đề phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu ở Bắc Trung Bộ.

– Các đặc điểm nổi bật về dân cư, xã hội của vùng – Trình bày và giải thích được đặc điểm phân bố dân cư ở vùng Bắc Trung Bộ.
– Đặc điểm phát triển và phân bố các ngành kinh tế của vùng – Phân tích được sự phát triển và phân bố kinh tế ở vùng Bắc Trung Bộ (sử dụng bản đồ và bảng số liệu).

 – Phân tích được thế mạnh về du lịch ở vùng Bắc Trung Bộ.

 – Phân tích được vấn đề phát triển kinh tế biển ở vùng Bắc Trung Bộ.

VÙNG DUYÊN HẢI NAM TRUNG BỘ
– Vị trí địa lí, phạm vi lãnh thổ – Trình bày được đặc điểm vị trí địa lí và phạm vi lãnh thổ của vùng.
– Các đặc điểm nổi bật về điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên – Phân tích được đặc điểm tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên, các thế mạnh và hạn chế chính.
– Các đặc điểm nổi bật về dân cư, xã hội của vùng – Trình bày được sự phân bố dân cư, dân tộc.
– Đặc điểm phát triển và phân bố các ngành kinh tế của vùng

  

– Phân tích được những chuyển biến trong sự phát triển và phân bố kinh tế của vùng.

 – Phân tích được sự phát triển của một số ngành kinh tế thế mạnh của vùng (sử dụng bản đồ và bảng số liệu).

 – Sử dụng sơ đồ tư duy để phân tích được ảnh hưởng của nạn hạn hán và sa mạc hoá đối với sự phát triển kinh tế – xã hội ở vùng khô hạn Ninh Thuận – Bình Thuận.

– Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung – Trình bày được về vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
VÙNG TÂY NGUYÊN
– Vị trí địa lí, phạm vi lãnh thổ – Trình bày được đặc điểm vị trí địa lí và phạm vi lãnh thổ của vùng.
– Các đặc điểm nổi bật về điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên – Trình bày được các thế mạnh và hạn chế về điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên của vùng.
– Các đặc điểm nổi bật về dân cư, xã hội của vùng – Nhận xét được đặc điểm dân cư, văn hoá của các dân tộc Tây Nguyên.
– Đặc điểm phát triển và phân bố các ngành kinh tế của vùng – Trình bày được sự phát triển và phân bố các ngành kinh tế thế mạnh của vùng Tây Nguyên; các vấn đề môi trường trong phát triển.
VÙNG ĐÔNG NAM BỘ
– Vị trí địa lí, phạm vi lãnh thổ – Trình bày được đặc điểm vị trí địa lí và phạm vi lãnh thổ của vùng.
– Các đặc điểm nổi bật về điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên

 – Các đặc điểm nổi bật về dân cư, xã hội của vùng

– Phân tích được các thế mạnh và hạn chế về điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên của vùng.

 – Trình bày được đặc điểm về dân cư, đô thị hoá ở vùng Đông Nam Bộ.

– Đặc điểm phát triển và phân bố các ngành kinh tế của vùng

  

– Trình bày được sự phát triển và phân bố một trong các ngành kinh tế thế mạnh của vùng (sử dụng bản đồ và bảng số liệu).

 – Phân tích được ý nghĩa của việc tăng cường kết nối liên vùng đối với sự phát triển của vùng.

 – Phân tích được vị thế của Thành phố Hồ Chí Minh.

– Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam – Tìm kiếm thông tin, viết báo cáo ngắn về sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG
– Vị trí địa lí, phạm vi lãnh thổ – Trình bày được đặc điểm vị trí địa lí và phạm vi lãnh thổ của vùng.
– Các đặc điểm nổi bật về điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên – Phân tích được các thế mạnh và hạn chế về điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên của vùng.
– Các đặc điểm nổi bật về dân cư, xã hội của vùng – Phân tích được đặc điểm dân cư; một số vấn đề xã hội của vùng.
– Đặc điểm phát triển và phân bố các ngành kinh tế của vùng

  

– Trình bày được sự phát triển và phân bố một số ngành kinh tế thế mạnh của vùng (sử dụng bản đồ và bảng số liệu).

 – Tìm hiểu thông tin và phân tích được tác động của biến đổi khí hậu đối với Đồng bằng sông Cửu Long; đề xuất giải pháp ứng phó.

– Vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long – Trình bày được về vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
PHÁT TRIỂN TỔNG HỢP KINH TẾ VÀ BẢO VỆ TÀI NGUYÊN, MÔI TRƯỜNG BIỂN ĐẢO
– Biển và đảo Việt Nam

  

– Trình bày được trên sơ đồ các vùng biển quốc gia; xác định trên bản đồ các huyện đảo và các tỉnh có các huyện đảo đó.
– Phát triển tổng hợp kinh tế biển

  

– Trình bày được nội dung phát triển tổng hợp các ngành kinh tế biển; ý nghĩa của việc phát triển tổng hợp kinh tế biển đảo đối với việc bảo vệ tài nguyên, môi trường và giữ vững chủ quyền, các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông.
– Khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đảo – Phân tích được vấn đề khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường và giữ vững chủ quyền, các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông.

 LỊCH SỬ

Nội dung Yêu cầu cần đạt
THẾ GIỚI TỪ NĂM 1918 ĐẾN NĂM 1945
– Nước Nga và Liên Xô từ năm 1918 đến năm 1945

  

– Nêu được những nét chính về nước Nga trước khi Liên Xô được thành lập.

 – Trình bày được những thành tựu và chỉ ra được hạn chế của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô.

– Châu Âu và nước Mỹ từ năm 1918 đến năm 1945

  

– Trình bày được những nét chính về: phong trào cách mạng và sự thành lập Quốc tế Cộng sản; đại suy thoái kinh tế 1929 – 1933; sự hình thành chủ nghĩa phát xít ở châu Âu.

 – Nhận biết được tình hình chính trị và sự phát triển kinh tế của nước Mỹ giữa hai cuộc chiến tranh thế giới.

– Châu Á từ năm 1918 đến năm 1945 – Nêu được những nét chính về tình hình châu Á từ năm 1918 đến năm 1945.
– Chiến tranh thế giới thứ hai (1939 – 1945) – Trình bày được nguyên nhân và diễn biến chủ yếu của Chiến tranh thế giới thứ hai.

 – Phân tích được hậu quả của Chiến tranh thế giới thứ hai đối với lịch sử nhân loại.

 – Nêu được nguyên nhân thắng lợi, ý nghĩa lịch sử, vai trò của Liên Xô và các nước trong Đồng minh trong chiến thắng chủ nghĩa phát xít.

VIỆT NAM TỪ NĂM 1918 ĐẾN NĂM 1945
– Phong trào dân tộc dân chủ những năm 1918 – 1930 – Mô tả được những nét chính của phong trào dân tộc dân chủ những năm 1918 – 1930.
– Hoạt động của Nguyễn Ái Quốc và sự thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam

  

– Nêu được những nét chính về hoạt động của Nguyễn Ái Quốc trong những năm 1918 – 1930.

 – Nhận biết được quá trình và ý nghĩa của việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; đánh giá được vai trò của Nguyễn Ái Quốc trong quá trình thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

– Phong trào cách mạng Việt Nam thời kì 1930 – 1939 – Mô tả được những nét chủ yếu của phong trào cách mạng giai đoạn 1930 – 1931 và 1936 – 1939.
– Cách mạng tháng Tám năm 1945 – Nêu được tình hình Việt Nam dưới ách thống trị của Pháp – Nhật Bản.

 – Nhận biết được sự chuẩn bị của nhân dân Việt Nam tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền: chuyển hướng chiến lược của Đảng Cộng sản Đông Dương; sự ra đời của Mặt trận Việt Minh; cao trào kháng Nhật cứu nước.

 – Trình bày được diễn biến chính của Cách mạng tháng Tám năm 1945 và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

 – Nêu được nguyên nhân thắng lợi, ý nghĩa lịch sử của Cách mạng tháng Tám năm 1945 và đánh giá được vai trò của Đảng Cộng sản Đông Dương trong Cách mạng tháng Tám năm 1945.

THẾ GIỚI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 1991
– Chiến tranh lạnh (1947 – 1989) – Nhận biết được nguyên nhân, những biểu hiện và hậu quả của Chiến tranh lạnh.
– Liên Xô và các nước Đông Âu từ năm 1945 đến năm 1991

  

– Trình bày được tình hình chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá của Liên Xô và Đông Âu từ năm 1945 đến năm 1991.

 – Giải thích được sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu.

– Nước Mỹ và các nước Tây Âu từ năm 1945 đến năm 1991 – Nêu được những nét chính về chính trị, kinh tế của nước Mỹ và các nước Tây Âu từ năm 1945 đến năm 1991.
– Mỹ Latinh từ năm 1945 đến năm 1991

  

– Mô tả được đôi nét về các nước Mỹ Latinh từ năm 1945 đến năm 1991.

 – Trình bày được một cách khái quát về cách mạng Cuba và đánh giá được kết quả công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Cuba.

– Châu Á từ năm 1945 đến năm 1991 – Giới thiệu được những nét chính về Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ từ năm 1945 đến năm 1991.

 – Trình bày được cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và quá trình phát triển của các nước Đông Nam Á, sự hình thành và phát triển của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

VIỆT NAM TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 1991
– Việt Nam trong năm đầu sau Cách mạng tháng Tám

  

– Nhận biết được những biện pháp chủ yếu để xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng, giải quyết những khó khăn về kinh tế, văn hoá, giáo dục, quân sự,… trong năm đầu sau Cách mạng tháng Tám năm 1945.

 – Trình bày được những nét chính về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân Nam Bộ.

– Việt Nam từ năm 1946 đến năm 1954 – Giải thích được nguyên nhân bùng nổ cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp xâm lược (1946).

 – Nhận biết và giải thích được đường lối kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của Đảng.

 – Mô tả được những thắng lợi tiêu biểu trên mặt trận quân sự, kinh tế, văn hoá, ngoại giao,… trong kháng chiến chống thực dân Pháp.

 – Nêu được ý nghĩa lịch sử và nguyên nhân thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 – 1954).

– Việt Nam từ năm 1954 đến năm 1975

  

– Giới thiệu được những thành tựu tiêu biểu trong công cuộc xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa (hoàn thành cải cách ruộng đất, khôi phục và phát triển kinh tế, chi viện cho cách mạng miền Nam, chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ,…).

 – Mô tả được các thắng lợi tiêu biểu về quân sự của nhân dân miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giai đoạn 1954 – 1975 (phong trào Đồng khởi; đánh bại các chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, “Chiến tranh cục bộ” và “Việt Nam hoá chiến tranh” của Mỹ; Tổng tiến công nổi dậy năm 1968, 1972; Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975,…).

 – Nêu được nguyên nhân thắng lợi và ý nghĩa lịch sử của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

– Việt Nam trong những năm 1976 – 1991 – Trình bày được sự thống nhất đất nước về mặt nhà nước, cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc ở vùng biên giới Tây Nam và vùng biên giới phía Bắc trong những năm 1975 – 1979, đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo.

 – Nêu được tình hình chính trị, kinh tế, xã hội Việt Nam trong những năm 1976 – 1985.

 – Mô tả được đường lối Đổi mới của Đảng và Nhà nước ta, giải thích được nguyên nhân, nêu được kết quả và ý nghĩa của công cuộc Đổi mới trong giai đoạn 1986 – 1991.

 – Đánh giá được thành tựu và hạn chế trong việc thực hiện đường lối Đổi mới.

THẾ GIỚI TỪ NĂM 1991 ĐẾN NAY
– Trật tự thế giới mới – Nhận biết được xu hướng và sự hình thành trật tự thế giới mới sau Chiến tranh lạnh.
– Liên bang Nga từ năm 1991 đến nay – Nêu được tình hình chính trị, kinh tế của Liên bang Nga từ năm 1991 đến nay.
– Nước Mỹ từ năm 1991 đến nay – Trình bày được tình hình chính trị, kinh tế của nước Mỹ từ năm 1991 đến nay.
– Châu Á từ năm 1991 đến nay – Giới thiệu được sự phát triển kinh tế – xã hội của các nước Đông Bắc Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) từ năm 1991 đến nay.

 – Mô tả được quá trình phát triển của ASEAN từ năm 1991 đến nay và những nét chính của Cộng đồng ASEAN.

VIỆT NAM TỪ NĂM 1991 ĐẾN NAY
– Khái lược công cuộc Đổi mới đất nước từ năm 1991 đến nay

 – Thành tựu của công cuộc Đổi mới đất nước từ năm 1991 đến nay

– Chỉ ra được những thành tựu tiêu biểu (trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, quốc phòng, an ninh,…) của công cuộc Đổi mới đất nước từ năm 1991 đến nay.
CÁCH MẠNG KHOA HỌC KĨ THUẬT VÀ XU THẾ TOÀN CẦU HOÁ
  – Mô tả được những thành tựu chủ yếu của cách mạng khoa học kĩ thuật trên thế giới và ảnh hưởng của cuộc cách mạng đó đến Việt Nam.

 – Trình bày được những nét cơ bản về xu hướng toàn cầu hoá và đánh giá được tác động của toàn cầu hoá đối với thế giới và Việt Nam.

 CHỦ ĐỀ CHUNG

Nội dung Yêu cầu cần đạt
ĐÔ THỊ: LỊCH SỬ VÀ HIỆN TẠI (2)
– Các đô thị hiện đại – Trình bày được vai trò của đô thị đối với sự phát triển vùng với tư cách là trung tâm quyền lực và kinh tế của vùng, đất nước, khu vực.
– Xu hướng đô thị hoá trên thế giới – Mô tả được quá trình đô thị hoá thời kì xã hội công nghiệp và hậu công nghiệp.
– Đô thị hoá ở Việt Nam; đô thị và phát triển vùng – Nêu được tác động của đô thị hoá đối với sự phát triển kinh tế –

 xã hội.

VĂN MINH CHÂU THỔ SÔNG HỒNG VÀ SÔNG CỬU LONG (2)
– Văn minh các dòng sông – Trình bày được những nét đặc sắc về văn hoá ở châu thổ sông Hồng và sông Cửu Long thông qua việc tìm hiểu về văn minh các dòng sông.
– Biến đổi khí hậu và biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu ở vùng châu thổ của hai đồng bằng hiện đại – Phân tích được những biểu hiện của biến đổi khí hậu ở hai vùng châu thổ sông Hồng và sông Cửu Long.

 – Nêu được tác động của biến đổi khí hậu đối với sự phát triển kinh tế – xã hội ở châu thổ sông Hồng và sông Cửu Long.

 – Đề xuất được ở mức độ đơn giản một số biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu liên quan đến vùng châu thổ của hai đồng bằng hiện đại.

BẢO VỆ CHỦ QUYỀN, CÁC QUYỀN VÀ LỢI ÍCH HỢP PHÁP CỦA VIỆT NAM Ở BIỂN ĐÔNG (2)
– Chứng cứ lịch sử, pháp lí về chủ quyền biển đảo của Việt Nam – Trình bày được những chứng cứ lịch sử, pháp lí về chủ quyền biển đảo Việt Nam.
– Vai trò chiến lược của biển đảo Việt Nam – Nêu được vai trò chiến lược của biển đảo Việt Nam trong việc khẳng định và bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông.

 – Có hành động cụ thể thể hiện trách nhiệm đối với việc bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông.

  1. PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC
  2. Định hướng chung
  3. a) Đề cao vai trò chủ thể học tập của học sinh, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo; khắc phục lối truyền thụ áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc; tập trung rèn luyện kĩ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn, bồi dưỡng phương pháp học tập, năng lực tự học để học sinh có thể tiếp tục tìm hiểu, mở rộng vốn văn hoá cần thiết cho bản thân.
  4. b) Vận dụng các phương pháp, kĩ thuật dạy học một cách linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với mục tiêu, nội dung giáo dục, đối tượng học sinh và điều kiện cụ thể. Phối hợp sử dụng các phương pháp dạy học truyền thống (thuyết trình, đàm thoại,…) theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh với việc tăng cường sử dụng các phương pháp dạy học tiên tiến đề cao vai trò chủ thể học tập của học sinh (thảo luận, tranh luận, đóng vai, dự án,…). Đa dạng hoá và sử dụng linh hoạt các hình thức tổ chức dạy học: Kết hợp các hình thức học cá nhân, học nhóm, học ở lớp, học ngoài thực địa, học theo dự án học tập,… Chú trọng các phương pháp dạy học có tính đặc trưng môn học.
  5. c) Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông, sử dụng hợp lí và có hiệu quả các thiết bị dạy học như: mô hình hiện vật, tranh lịch sử, ảnh, băng ghi âm lời nói của các nhân vật lịch sử,…; bản đồ, sơ đồ, các bản thống kê, so sánh,…; phim video; các phiếu học tập có các nguồn sử liệu; phần mềm dạy học,… nhằm minh hoạ bài giảng của giáo và hỗ trợ các hoạt động học tập của học sinh.
  6. Định hướng về phương pháp hình thành, phát triển các phẩm chất chủ yếu và năng lực chung cho học sinh
  7. a) Phương pháp hình thành, phát triển các phẩm chất chủ yếu:

 Thông qua nội dung môn học và các hoạt động thu thập, phân tích dữ liệu, tham quan dã ngoại, khảo sát thực địa, tiếp xúc với các nhân chứng lịch sử,… hình thành và bồi dưỡng ở học sinh nhận thức và tình cảm về lịch sử nhân loại, về quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, về mối quan hệ giữa xã hội và môi trường, về sự lựa chọn các con đường phát triển của các quốc gia, về đất nước và con người Việt Nam. Từ đó, hình thành và phát triển ở học sinh các phẩm chất yêu nước, yêu quê hương, yêu thiên nhiên; ý thức, niềm tin và hành động trong việc sử dụng hợp lí tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường, bảo vệ di sản văn hoá nhân loại; biết yêu quý người lao động, tôn trọng những giá trị nhân văn khác nhau, rèn luyện sự tự tin, trung thực, khách quan.

  1. b) Phương pháp hình thành, phát triển các năng lực chung

 – Năng lực tự chủ và tự học được hình thành, phát triển ở học sinh thông qua việc tự tổ chức, quản lí các hoạt động học tập; tự tìm kiếm, tổ chức và phân tích nguồn thông tin, tri thức bổ sung; đặt và trả lời các câu hỏi lịch sử và địa lí; thực hiện những nhiệm vụ được phân công khi tham quan dã ngoại, khảo sát thực địa và trong các tình huống làm việc độc lập khác.

 – Năng lực giao tiếp và hợp tác được hình thành và phát triển ở học sinh thông qua việc thực hiện và phối hợp cùng các thành viên khác trong nhóm, trong lớp thực hiện những nhiệm vụ được phân công trong học tập, thảo luận, nghiên cứu, tham quan dã ngoại, khảo sát thực địa,…

 – Năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo được hình thành, phát triển ở học sinh thông qua việc thực hiện các hoạt động học tập tích cực, như: nghiên cứu tài liệu, thu thập và phân tích tư liệu, làm dự án nghiên cứu, thuyết trình, tranh luận,…

  1. Định hướng về phương pháp hình thành, phát triển năng lực lịch sử, năng lực địa lí
  2. a) Phương pháp hình thành, phát triển năng lực lịch sử

 Năng lực lịch sử của học sinh được hình thành, phát triển thông qua việc tổ chức, hướng dẫn học sinh đọc hiểu, giải mã các văn bản lịch sử (kênh hình, kênh chữ, hiện vật lịch sử,…), từ đó tái hiện quá khứ, nhận thức sự thật lịch sử, đưa ra suy luận, đánh giá về bối cảnh, nguồn gốc, sự tiến hoá của sự kiện, hiện tượng, nhân vật lịch sử và quá trình phát triển lịch sử; trở thành “người đóng vai lịch sử”, hay “người làm lịch sử” để khám phá kiến thức lịch sử, vận dụng sáng tạo những hiểu biết về lịch sử, văn hoá, xã hội Việt Nam và thế giới vào các tình huống học tập và thực tiễn cuộc sống.

  1. b) Phương pháp hình thành, phát triển năng lực địa lí

 Để hình thành, phát triển năng lực địa lí cho học sinh, giáo viên lựa chọn các kiến thức thực tế tiêu biểu, sử dụng hiệu quả các phương tiện trực quan như mô hình, bản đồ, video clip,… để hình thành các biểu tượng địa lí;… hướng dẫn học sinh học từ thấp đến cao về các mối liên hệ và quan hệ nhân quả diễn ra trong thiên nhiên, trong xã hội và trong mối quan hệ giữa xã hội, con người và môi trường.

 Để hình thành, phát triển năng lực địa lí cho học sinh, giáo viên hướng dẫn học sinh tham gia vào quá trình tìm kiếm, sắp xếp, phân tích thông tin bằng cách khai thác tri thức từ các nguồn tư liệu bản đồ, biểu đồ, sơ đồ, hình ảnh, số liệu,… kết hợp với quan sát thực địa; chú trọng phát triển tư duy không gian, với các câu hỏi: “Cái gì?”, “Ở đâu?”, “Như thế nào?”, “Các hình mẫu không gian?”, “Các đặc trưng của một địa phương, quốc gia?”; khơi dậy và nuôi dưỡng trí tò mò, sự ham hiểu biết khám phá của học sinh đối với thiên nhiên và đời sống xã hội, thái độ tích cực đối với phát triển bền vững; rèn luyện khả năng và thói quen liên hệ với thực tế địa phương, đất nước để phát triển tư duy địa lí;…

 Một trong những biện pháp quan trọng nhất để học địa lí là rèn luyện kĩ năng sử dụng các công cụ học tập như: bản đồ, atlat, biểu đồ, bảng số liệu thống kê, một số ứng dụng trong điện thoại như la bàn, bản đồ chỉ đường, hệ thống định vị toàn cầu, nhiệt kế, ẩm kế, khí áp kế,… tranh ảnh, đĩa DVD tra cứu các tài liệu đa phương thức, sách e-book,…

 Các hình thức tổ chức dạy học cũng cần được đa dạng hoá: kết hợp các hình thức học cá nhân, học nhóm, học ở lớp, trên thực địa, học theo dự án học tập,…

 VII. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ GIÁO DỤC

 Đánh giá kết quả giáo dục trong chương trình môn Lịch sử và Địa lí phải bảo đảm các yêu cầu sau:

  1. Mục tiêu đánh giá là cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, có giá trị về mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình môn Lịch sử và Địa lí và sự tiến bộ của học sinh để hướng dẫn, điều chỉnh hoạt động dạy của giáo viên và hoạt động học của học sinh.
  2. Căn cứ đánh giá là yêu cầu cần đạt về phẩm chất chủ yếu, năng lực chung và năng lực đặc thù lịch sử và địa lí được qui định trong Chương trình tổng thể và chương trình môn Lịch sử và Địa lí;
  3. Bên cạnh nội dung lí thuyết, cần tăng cường đánh giá các kĩ năng của học sinh như: làm việc với bản đồ, atlat, biểu đồ, sơ đồ, bảng số liệu, tranh ảnh, quan sát, thu thập, xử lí và hệ thống hoá thông tin, sử dụng các dụng cụ học tập ngoài trời, sử dụng công nghệ và thông tin truyền thông trong học tập,… Đánh giá khả năng vận dụng tri thức vào những tình huống cụ thể, không lấy việc kiểm tra khả năng tái hiện kiến thức lịch sử hay địa lí làm trung tâm của việc đánh giá.
  4. Đa dạng hóa các hình thức đánh giá, tăng cường đánh giá thường xuyên đối với tất cả học sinh bằng các hình thức khác nhau: đánh giá qua việc quan sát các hoạt động trên lớp; đánh giá qua hồ sơ học tập, sản phẩm học tập; đánh giá qua báo cáo kết quả thực hiện dự án học tập, báo cáo kết quả thực hành, bài thuyết trình về kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập. Tạo điều kiện để học sinh được tham gia vào quá trình đánh giá kết quả giáo dục.
  5. Kết quả giáo dục được đánh giá bằng các hình thức định tính và định lượng thông qua đánh giá thường xuyên, định kì, trên cơ sở đó tổng hợp việc đánh giá chung về phẩm chất, năng lực và sự tiến bộ của học sinh.

 VIII. GIẢI THÍCH VÀ HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

  1. Giải thích thuật ngữ
  2. a) Thuật ngữ lịch sử

 – Lịch sử thế giới, hay còn gọi là lịch sử loài người, bắt đầu từ thời đại đồ đá cũ; lịch sử thế giới khác với lịch sử Trái Đất (bao gồm cả lịch sử địa chất Trái Đất và lịch sử tiến hoá sự sống trước khi có sự xuất hiện của con người).

 – Nguyên thuỷ là thời kì đầu tiên của xã hội, bắt đầu từ khi con người và xã hội xuất hiện đến lúc xã hội phân chia thành giai cấp và nhà nước ra đời. Đặc trưng của thời kì này là việc chiếm hữu chung về tư liệu sản xuất, mọi người cùng làm cùng hưởng, trình độ sản xuất thấp, không có của cải dư thừa, không có giai cấp, không có chế độ bóc lột, không có nhà nước,…

 – Cổ đại là thuật ngữ chỉ thời kì lịch sử trước thời trung đại. Điểm khởi đầu thời cổ đại thay đổi theo cách hiểu khác nhau về khái niệm lịch sử: có thể là từ khi xuất hiện loài người (nếu cho rằng từ lúc đó đã là lịch sử) hoặc từ khi có chữ viết (nếu cho rằng trước đó mới chỉ là thời tiền sử và sơ sử). Nhiều ý kiến coi mốc kết thúc của thời cổ đại trên phạm vi thế giới là sự sụp đổ của đế quốc La Mã (khoảng năm 476). Ngày nay, cổ đại thường được quan niệm một cách mềm dẻo hơn. Đó là thời đại của các quốc gia đầu tiên (theo chế độ chuyên chế cổ đại hoặc chiếm hữu nô lệ) ở các khu vực trên thế giới, hoặc là thời đại của những nền văn minh đầu tiên của nhân loại. Trong từng nước, khung thời gian của thời cổ đại thường không khớp nhau. Ở Việt Nam, nhiều người quan niệm cổ đại là thời đại của những quốc gia đầu tiên trên lãnh thổ Việt Nam ngày nay (Văn Lang – Âu Lạc, Phù Nam và Champa), trong khoảng thiên niên kỉ I trước Công nguyên và thiên niên kỉ I sau Công nguyên.

 – Trung đại là thời kì lịch sử nằm sau cổ đại và trước cận đại, “thời kì ở giữa” theo nghĩa tiếng Anh “Middle Age”, hay tiếng Pháp “Moyen Age”. Người Tây Âu hiểu “ở giữa” là giữa cổ đại và thời của họ, mà họ gọi là “Thời mới” (“Temps moderne”). Về niên đại cụ thể, có người coi là từ sự sụp đổ của đế quốc La Mã (476) đến cuộc phát kiến địa lí đầu tiên (1488). Từ điển “Larousse” giải thích: trung đại là thời gian từ năm 395 (khi đế quốc La Mã bị chia làm hai, Đông và Tây đế quốc La Mã) đến năm 1453 (khi người Turk chiếm Constantinople và cản trở đường tiếp xúc của châu Âu với phương Đông). Nếu hiểu theo xuất xứ của từ ngữ thì ý nghĩa và niên điểm của trung đại chỉ có thể ứng với lịch sử Tây Âu. Về sau, nhiều nhà sử học gắn ý nghĩa của thời trung đại với một thời kì phát triển kinh tế – xã hội mà nội dung của nó là thời kì tồn tại chủ yếu của chế độ phong kiến. Như thế, vấn đề sẽ phức tạp hơn vì năm bắt đầu và kết thúc của chế độ phong kiến ở mỗi nước khác nhau. Mốc kết thúc ở châu Âu có thể là thế kỉ XVI (Hà Lan) hoặc XVII (Anh) hoặc XVIII (Pháp), còn ở châu Á nói chung là thế kỉ XIX. Do đó, đối với lịch sử dân tộc, người ta thường thận trọng khi dùng thuật ngữ phân kì lịch sử đại cương.

 – Cận đại là thuật ngữ chỉ thời kì lịch sử tiếp nối thời trung đại, có liên quan tới thời hiện đại. Có nhiều cách giải thích khác nhau về khung thời gian của lịch sử cận đại thế giới, theo những tiêu chí chính trị và văn minh: hoặc từ khi đế quốc Ottoman xâm chiếm Constantinople (1453) đến Cách mạng tư sản Pháp (1789), hoặc từ Cách mạng tư sản Anh (1640) đến Cách mạng tháng Mười Nga (1917), hoặc từ sau phát kiến địa lí (cuối thế kỉ XV) cho đến trước cuộc Cách mạng khoa học kĩ thuật đương đại (giữa thế kỉ XX). Những nội dung lịch sử cơ bản thường được gắn liền với thời cận đại là sự phát triển của chủ nghĩa tư bản thế giới, cuộc cách mạng công nghiệp – cơ khí, sự ra đời và củng cố các thể chế nhà nước dân chủ, sự xung đột và sự giao lưu giữa hai nền văn minh Đông – Tây. Ở các nước phương Đông, thời cận đại thường được quan niệm bắt đầu bằng sự xâm nhập của chủ nghĩa thực dân Âu – Mỹ với những nội dung chính: quá trình xâm lược và chống xâm lược, sự chuyển biến hình thái kinh tế – xã hội theo chiều hướng tư bản chủ nghĩa, quá trình cải cách và cách mạng của những cơ cấu quyền lực chính trị. Đối với Việt Nam, khung thời gian của lịch sử cận đại được nhiều người chấp nhận là từ khi Pháp bắt đầu xâm lược (1858) cho tới Cách mạng tháng Tám năm 1945.

 Trong tiếng Việt, thuật ngữ này theo nghĩa hẹp chỉ tương ứng với “hậu kì cận đại” (late modern period) bắt đầu vào giữa thế kỉ XVIII; theo nghĩa rộng, thuật ngữ này còn bao gồm cả “sơ kì cận đại” (early modern period) bắt đầu vào khoảng năm 1500 hoặc trước đó vài thập kỉ, là thời kì diễn ra những sự kiện như nghệ thuật Phục hưng phổ biến rộng khắp châu Âu, Đế quốc Byzantine sụp đổ và thời đại Ánh sáng. Thời kì cận đại gắn liền với sự phát triển của chủ nghĩa tư bản, những tiến bộ công nghệ và các cuộc cách mạng.

 – Hiện đại là thuật ngữ chỉ thời kì lịch sử sau thời kì cận đại. Khái niệm về thời kì hiện đại trong lịch sử thế giới còn chưa thống nhất. Nhiều nước trên thế giới thường lấy mốc mở đầu lịch sử hiện đại của mình bằng sự kiện chính trị đánh dấu bước ngoặt lịch sử dân tộc. Ở Pháp, đó là cuộc Cách mạng tư sản 1789. Các nhà sử học mácxít xem Cách mạng tháng Mười Nga 1917 là mốc mở đầu lịch sử hiện đại thế giới. Ở Việt Nam, thời kì lịch sử hiện đại được xác định thống nhất bắt đầu từ Cách mạng tháng Tám 1945.

  1. b) Thuật ngữ địa lí

 – Địa lí tự nhiên là một nhánh chính của khoa học địa lí, nghiên cứu một cách tổng hợp các thành phần cấu thành nên vỏ địa lí của Trái Đất cũng như các bộ phận riêng biệt của Trái Đất. Địa lí tự nhiên thường được phân chia thành địa lí tự nhiên đại cương nghiên cứu các quy luật chung của vỏ địa lí và các khoa học địa lí tự nhiên bộ phận nghiên cứu các địa quyển (như Địa mạo học nghiên cứu về địa hình; Khí hậu học và Khí tượng học nghiên cứu về khí quyển; Thuỷ văn học nghiên cứu về sông, hồ, nước ngầm; Thổ nhưỡng học nghiên cứu về lớp đất; Địa lí sinh vật nghiên cứu về các quần xã thực vật và động vật, các hệ sinh thái,…). Các địa hệ thống (các tổng hợp thể lãnh thổ địa lí tự nhiên) là đối tượng nghiên cứu của Cảnh quan học và phân vùng địa lí tự nhiên.

 – Địa lí kinh tế – xã hội là một nhánh chính của khoa học địa lí, nghiên cứu sự tổ chức lãnh thổ đời sống xã hội ở các nước, các vùng, các địa phương khác nhau. Địa lí kinh tế – xã hội bao gồm địa lí dân cư, địa lí kinh tế và địa lí xã hội.

 – Địa lí dân cư là một khoa học trong địa lí kinh tế – xã hội, nghiên cứu các quy luật và các đặc điểm không gian hình thành và phát triển của cơ cấu dân cư hiện đại và của các điểm dân cư trong các điều kiện tự nhiên, lịch sử, kinh tế và xã hội khác nhau.

 – Các công cụ địa lí là các phương tiện được sử dụng trong quá trình học tập, nghiên cứu địa lí. Số lượng công cụ địa lí ngày càng nhiều hơn, đặc biệt trong điều kiện của cách mạng công nghệ. Trong học tập địa lí, các công cụ sau đây được sử dụng rộng rãi: atlat địa lí và các loại bản đồ, lược đồ, sơ đồ, biểu đồ, bảng số liệu, tranh ảnh, dụng cụ học tập ngoài trời,… Kĩ năng sử dụng các công cụ địa lí là một trong những nền tảng quan trọng để hình thành các năng lực địa lí.

 – Lược đồ trí nhớ (Mental Map) là thông tin không gian về thế giới, được giữ lại trong trí óc con người. Sự hình thành lược đồ trí nhớ nhìn chung là một quá trình tiềm thức và bắt đầu từ tuổi ấu thơ. Nhờ lược đồ trí nhớ (bản đồ trong não người) mà người xưa từ hàng nghìn năm trước có thể tìm được đường đi đến nơi kiếm thức ăn và trở lại nơi ở của mình. Một đứa trẻ nhờ lược đồ trí nhớ mà có thể đi đến những nơi thân thuộc của bé như nhà của họ hàng, trường học, cửa hàng bán bánh kẹo, đồ chơi, hay sân chơi,…

 Lược đồ trí nhớ đặc trưng bởi sự đánh dấu các địa điểm mà một người đã từng gặp, từng đến. Một lược đồ trí nhớ của một người phản ánh sự cảm nhận của người đó về không gian sống (không gian xung quanh) như thế nào, và không gian ấy có ý nghĩa như thế nào đối với cá nhân. Một người cũng có thể xây dựng một lược đồ trí nhớ cho những nơi họ chưa từng đến, ví dụ, một du khách có thể đánh dấu trên sơ đồ các địa điểm họ muốn đến thăm, thông qua tìm hiểu thông tin từ các nguồn khác nhau.

 Học sinh học xong địa lí Tổ quốc, hình dung được trong đầu (và vẽ ra theo ý mình) hình dáng lãnh thổ đất nước, các đối tượng địa lí quan trọng, đó cũng là một lược đồ trí nhớ.

  1. c) Từ ngữ thể hiện mức độ đáp ứng các yêu cầu cần đạt

 Chương trình môn Lịch sử và Địa lí cấp trung học cơ sở sử dụng một số động từ để thể hiện mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt về năng lực của học sinh. Một số động từ được sử dụng ở các mức độ khác nhau nhưng trong mỗi trường hợp thể hiện một hành động có đối tượng và yêu cầu cụ thể. Trong bảng liệt kê dưới đây, đối tượng, yêu cầu cụ thể của mỗi hành động được chỉ dẫn bằng các từ ngữ khác nhau đặt trong ngoặc đơn.

 Trong quá trình dạy học, đặc biệt là khi đặt câu hỏi thảo luận, ra đề kiểm tra đánh giá, giáo viên có thể dùng những động từ nêu trong bảng liệt kê hoặc thay thế bằng các động từ có nghĩa tương đương cho phù hợp với tình huống sư phạm và nhiệm vụ cụ thể giao cho học sinh.

Mức độ Động từ mô tả mức độ
Biết – Kể tên được (các loại khoáng sản); nêu được (một số chính sách cai trị của phong kiến phương Bắc; hệ quả của cải cách tôn giáo); phát biểu được định nghĩa (một thuật ngữ, khái niệm); liệt kê được (sự kiện, sự vật, nhân vật); ghi lại/kể lại được; đưa ra được dẫn chứng; lấy ví dụ chứng minh,…

 – Xác định được (vị trí Trái Đất trong hệ Mặt Trời; một/một số đối tượng địa lí trên bản đồ, lược đồ); đặt đúng vị trí (đối tượng trên bản đồ, sơ đồ); điền (vào chỗ trống, ô trống các từ ngữ phù hợp); nối (các đường còn thiếu trong sơ đồ); nối cặp (các từ có quan hệ logic nào đó),…

 – Tìm kiếm thông tin (bài viết, hình ảnh bằng công cụ tìm kiếm, sử dụng từ khoá); tìm kiếm (đối tượng, đường đi trên bản đồ),…

Hiểu – Trình bày được (cấu tạo bên trong Trái Đất; sự phân bố đối tượng địa lí); nêu/trình bày được (đặc điểm phân bố các trung tâm công nghiệp chính; những sự kiện chủ yếu); đọc bản đồ, mô tả được (thiên nhiên dọc theo một lát cắt trên bản đồ; các đối tượng địa lí gặp trên một tuyến du khảo bằng đường bộ); vẽ biểu đồ đơn giản (không cần xử lí số liệu); lập được (sơ đồ tiến trình lịch sử, sơ đồ diễn biến chính của cuộc chiến đấu); mô tả được (đời sống vật chất và tinh thần); sử dụng lược đồ (giới thiệu hành trình của một số cuộc phát kiến địa lí); giới thiệu được (những biến đổi quan trọng về xã hội),…

 – Phân tích được tác động, mối quan hệ qua lại và quan hệ nhân quả (giữa các thành phần/quá trình địa lí tự nhiên; giữa các quá trình kinh tế – xã hội; của tự nhiên lên sản xuất xã hội; của con người lên tự nhiên); phân tích được nguyên nhân thành công hay thất bại (của một biến cố lịch sử, một phong trào); trình bày được (mối quan hệ giữa đô thị và các nền văn minh cổ đại),…

 – Phân biệt được (các dạng địa hình; phương thức khai thác tự nhiên); so sánh được (đặc điểm khí hậu của hai địa điểm; phân bố dân cư của hai vùng); xếp thứ tự từ cao xuống thấp (mật độ dân số của các tỉnh, thành phố; giá trị sản xuất công nghiệp của các tỉnh/thành phố); nhận định; phân nhóm/lựa chọn được các đối tượng (theo một bộ tiêu chí và chỉ tiêu nào đó; ví dụ lựa chọn các tỉnh có nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế – xã hội, lập luận tại sao lại chọn như vậy); đánh giá được (ý nghĩa và tác động của sự kiện),…

Vận dụng – Xác định được (phương hướng ngoài thực địa, giờ địa phương); tìm hiểu (thông qua tài liệu và tham quan) về một vấn đề, một chủ đề lịch sử và địa lí; liên hệ (thực tế địa phương); đặt câu hỏi (về một vấn đề); khám phá,…

 – Trình bày được (một số biện pháp phòng tránh thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu ở một vùng cụ thể); vận dụng được (điều đã học) vào trường hợp cụ thể, hoàn cảnh cụ thể; đề xuất được (giải pháp); đưa ra được (khuyến nghị).

 – Xây dựng/vẽ được (lược đồ trí nhớ để tổng kết nội dung bài học, biểu đồ thích hợp); sơ đồ hoá (một hiện tượng, quá trình, mối quan hệ nhân quả); xây dựng được hồ sơ tư liệu (về một vấn đề); đọc Atlat (khai thác thông tin từ các trang bản đồ khác nhau) để trình bày được (một vấn đề về sự phát triển và phân bố một ngành kinh tế, về đặc điểm tự nhiên, kinh tế – xã hội của một lãnh thổ); viết được một báo cáo ngắn (trên cơ sở thu thập và phân tích, tổng hợp thông tin từ các nguồn khác nhau); thuyết trình được về một vấn đề bằng PowerPoint (là kết quả làm việc cá nhân hay làm việc nhóm); tranh luận (về một vấn đề); lên kế hoạch (một chuyến tham quan học tập trong ngày dưới sự chỉ dẫn của giáo viên); thiết kế được (một áp phích về bảo vệ môi trường),…

  1. Thời lượng thực hiện chương trình

 Thời lượng dành cho môn học là 105 tiết/lớp/năm học. Tỉ lệ % số tiết dành cho các mạch nội dung trong bảng sau:

Mạch nội dung Lớp 6 Lớp 7 Lớp 8 Lớp 9 Toàn cấp
Địa lí 45 42 41 40 42
Địa lí tự nhiên đại cương 45       11
Địa lí các châu lục   42     11
Địa lí tự nhiên Việt Nam     41   10
Địa lí kinh tế – xã hội Việt Nam       40 10
Lịch sử 45 42 41 40 42
Thế giới 22 20 20 19 20
Việt Nam 23 22 21 21 22
Chủ đề chung   6 8 10 6
Đánh giá định kì 10 10 10 10 10
  1. Thiết bị dạy học

 Thiết bị dạy học tối thiểu môn Lịch sử và Địa lí bao gồm một số loại hình như sau:

 – Các bản đồ giáo khoa treo tường (về thế giới, các khu vực, Việt Nam) phù hợp với nội dung từng chủ đề của từng lớp học và phù hợp với đặc điểm nhận thức của học sinh;

 – Các tập Atlat địa lí tự nhiên đại cương, Atlat địa lí các châu lục và Atlat địa lí Việt Nam, tập bản đồ lịch sử;

 – Mô hình hiện vật, tranh lịch sử, ảnh, băng ghi âm lời nói của các nhân vật lịch sử,…;

 – Các mẫu vật về tự nhiên;

 – Các tranh ảnh (in trên giấy, hình digital tĩnh và động), các sơ đồ, lược đồ, các video clip được biên tập cho mục đích giáo dục, phù hợp với nội dung của từng chủ đề;

 – Các phiếu học tập có các nguồn sử liệu; Các tờ bài tập (bản đồ, lược đồ, biểu đồ, sơ đồ);

 – Các dụng cụ, thiết bị thông thường để quan sát tự nhiên (địa bàn, nhiệt kế, ẩm kế, khí áp kế);

 – Một số dụng cụ thực hành, thực địa;

 – Các thư viện digital chứa các kho tư liệu dạy học Lịch sử và Địa lí;

 – Phần mềm dạy học.

 Ở những địa phương có điều kiện nên tổ chức các phòng bộ môn.

 Việc sử dụng các thiết bị dạy học có mục đích chủ yếu nhằm tạo điều kiện cơ sở vật chất kĩ thuật để tổ chức các hoạt động học tập, tự tìm tòi tri thức lịch sử và địa lí của học sinh một cách tích cực, sáng tạo.

  1. Về logic phát triển chương trình

 Nội dung giáo dục lịch sử của cả ba cấp học khác với chương trình hiện hành ở chỗ hầu như không thiết kế đồng tâm từ thấp lên cao. Ở cấp trung học cơ sở, học sinh sẽ được học lịch sử từ nguyên thuỷ cho đến ngày nay. Do đó, những sự kiện, hiện tượng, nhân vật lịch sử tiêu biểu của lịch sử thế giới và lịch sử dân tộc được sắp xếp theo lịch đại. Sự khác biệt về mức độ trong chương trình trung học cơ sở không phải chỉ ở khối lượng nội dung, ở chi tiết các sự kiện lịch sử, mà điều chủ yếu là mức độ nhận thức rất cơ bản về bản chất của các sự kiện lịch sử, về nguyên nhân của các biến chuyển lịch sử, của sự đa dạng các mô hình xã hội, về lí luận nhận thức xã hội và ở sự chú trọng rèn luyện các kĩ năng học tập, vận dụng kiến thức vào các tình huống mới.

 Ở cấp trung học cơ sở, căn cứ vào tâm lí lứa tuổi của học sinh và đặc điểm môn học, phân môn Địa lí được phát triển theo logic: từ địa lí tự nhiên đại cương ở lớp 6 đến địa lí các châu lục ở lớp 7, sau đó đến địa lí tự nhiên Việt Nam (lớp 8) và địa lí kinh tế – xã hội Việt Nam (lớp 9). Logic này đảm bảo khi hoàn thành chương trình môn học ở trung học cơ sở, học sinh sẽ có kiến thức cơ bản và phổ thông về địa lí học, đặc biệt là về địa lí Việt Nam để học tiếp trung học phổ thông hay tham gia lao động.

 Trong dạy học địa lí, quá trình hình thành khái niệm cơ bản thường là đi từ biểu tượng địa lí đến khái niệm địa lí. Việc hình thành biểu tượng địa lí càng có ý nghĩa quan trọng đối với các học sinh học sinh lớp 6, lớp 7; bảo đảm cho học sinh dễ ghi nhớ các biểu tượng và các khái niệm, kết nối được khái niệm với cuộc sống thực tế. Hình thành khái niệm cơ bản là một quá trình, trong một số trường hợp phải thông qua nhiều bài, nhiều chương. Có những khái niệm được hình thành từng bước trong cả một cấp học, một chương trình môn học. Đây là điều mà giáo viên cần lưu ý khi dạy học, để tránh quá tải ở lớp dưới, và tạo sự liên kết dọc giữa các lớp. Nhiều khái niệm địa lí tự nhiên đại cương chỉ được hình thành bước đầu ở lớp 6, sau đó được phát triển thêm ở lớp 7, lớp 8. Ví dụ, khái niệm về hoàn lưu khí quyển ở lớp 6 chỉ được trình bày qua sơ đồ về các vành đai khí áp và gió. Khái niệm về hoàn lưu khí quyển được sử dụng và phát triển khi học sinh học Địa lí 7, chẳng hạn như hoàn lưu gió mùa được nói đến ở khu vực châu Á gió mùa. Còn các khái niệm liên quan đến front hay hội tụ nhiệt đới có thể được sử dụng khi học sinh học ở lớp 8, lớp 9 về địa lí Việt Nam. Một số khái niệm về địa lí kinh tế – xã hội có thể được đề cập ở chừng mực đơn giản ở lớp 7, được sử dụng ở cấp độ cao hơn khi học về địa lí kinh tế – xã hội Việt Nam ở lớp 9. Những khái niệm có tính liên môn càng đòi hỏi thời gian dài hơn để hình thành và phát triển.

  1. Tích hợp trong dạy học
  2. a) Tích hợp nội môn

 Tích hợp nội môn được hiểu là tích hợp các nội dung thuộc cùng môn học theo các chủ đề, các chương, bài cụ thể nhất định. Đây chính là việc hệ thống hoá theo từng khối kiến thức, nhằm làm nổi bật tư tưởng chủ đạo của nội dung môn học. Tích hợp nội môn còn thể hiện ở cấu trúc môn học bảo đảm thuận lợi cho việc hệ thống hoá kiến thức môn học.

 Tích hợp nội môn ở phân môn Lịch sử thể hiện rõ mối quan hệ giữa bản chất của khoa học lịch sử với những ưu tiên trong giáo dục lịch sử. Trục xuyên suốt Chương trình Lịch sử ở trung học cơ sở là lịch đại (thời gian), vì thế, ở mỗi giai đoạn lịch sử đều thiết kế theo mô hình: lịch sử thế giới – lịch sử khu vực – lịch sử Việt Nam – lịch sử địa phương, trong đó lấy lịch sử Việt Nam làm trọng tâm. Ở lớp 6, học sinh học về lịch sử thế giới và Việt Nam từ thời nguyên thuỷ đến thời cổ đại, ở lớp 7 học về lịch sử thế giới và Việt Nam thời cổ đại đến thời trung đại, ở lớp 8 học về lịch sử thế giới và Việt Nam từ thời trung đại đến thời cận đại, ở lớp 9 học về lịch sử thế giới và Việt Nam thời hiện đại. Việc đặt lịch sử Việt Nam trong bối cảnh của lịch sử thế giới và khu vực trong những thời đại và giai đoạn lịch sử nhất định không chỉ giúp học sinh hiểu sâu sắc hơn lịch sử dân tộc, mà còn giúp học sinh hiểu đúng vị trí của Việt Nam trong tiến trình lịch sử nhân loại, những đóng góp của dân tộc Việt Nam đối với những tiến bộ của xã hội loài người, từ đó xây dựng niềm tự hào dân tộc và ý thức dân tộc chính đáng. Cấu trúc chương trình cũng tạo điều kiện để gắn kết lịch sử địa phương với lịch sử dân tộc, lịch sử quân sự – chính trị – ngoại giao – kinh tế – văn hoá với nhau.

 Tích hợp trong khoa học địa lí và trong dạy học Địa lí là tích hợp đa tầng và đa chiều, không đơn giản là tích hợp “song phương” giữa Địa lí và một môn học nhất định. Khi học Địa lí, dù ở quy mô các châu lục đến quy mô Việt Nam và các địa phương, học sinh đều tìm hiểu từ đặc điểm môi trường và tài nguyên thiên nhiên; điều kiện dân cư – xã hội (có thể cả điều kiện về lịch sử, văn hóa, thể chế) cho đến các ngành kinh tế và các trung tâm kinh tế. Những hiểu biết này không để rời rạc, mà đặt trong sự tương tác, ví dụ điều kiện tự nhiên và cơ sở tài nguyên bị biến đổi do khai thác kinh tế và sự biến đổi này tác động trở lại đến nền kinh tế, đến dân cư, quần cư và đến tận thượng tầng kiến trúc; chính sách phát triển sẽ tác động đến sự phân bố dân cư, cơ cấu kinh tế theo ngành và lãnh thổ, môi trường và cơ sở tài nguyên của quốc gia và từng vùng,… Điều này chỉ ra rằng tích hợp nội môn và liên môn trong dạy học Địa lí là rất lớn, có thể vận dụng từ thấp đến cao. Trong mọi trường hợp đều có khả năng thực hiện tích hợp nội môn và điều này làm tăng chất lượng dạy học Địa lí, tăng hứng thú cho học sinh khi học Địa lí.

  1. b) Tích hợp lịch sử – địa lí trong nội dung cụ thể của chương trình

 Sự bổ sung lẫn nhau giữa tư duy lịch sử và tư duy địa lí khi học Lịch sử đòi hỏi học sinh biết đặt các sự kiện lịch sử trong các bối cảnh địa lí, biết đánh giá tác động của các nhân tố địa lí đối với tiến trình lịch sử. Đối với sự hình thành các xã hội cổ đại, các vương quốc cổ, đó là các điều kiện cổ địa lí của chính thời đại đó. Vì thế, ngay ở chương trình lớp 6, trong nội dung dạy học về xã hội cổ đại (Ai Cập và Lưỡng Hà cổ đại, Ấn Độ cổ đại, Trung Quốc cổ đại, Hy Lạp và La Mã cổ đại), về sự hình thành các vương quốc cổ ở Đông Nam Á, các nhân tố địa lí đã được chọn lọc để lí giải sự hình thành các xã hội cổ đại và các vương quốc cổ này. Việc sử dụng thường xuyên các bản đồ lịch sử trong dạy học sẽ nâng cao chất lượng dạy học Lịch sử.

 Sự bổ sung lẫn nhau giữa tư duy lịch sử và tư duy địa lí đòi hỏi học sinh khi học Địa lí biết phân tích tầm cỡ ảnh hưởng của các sự kiện lịch sử đối với các quá trình địa lí, phân tích các đối tượng địa lí trong sự vận động và phát triển, biết đặt các phân tích địa lí trong bối cảnh lịch sử cụ thể. Khi xem xét một hiện tượng địa lí có quá trình hình thành, phát triển, biến đổi, suy thoái là đã thấm nhuần quan điểm lịch sử. Ở lớp 6, với chủ đề “Con người và thiên nhiên”, học sinh bước đầu nhận thức được mối tác động qua lại giữa thiên nhiên và đời sống con người, sự cần thiết phải bảo vệ tự nhiên và khai thác thông minh các tài nguyên. Những kiến thức về lịch sử xã hội loài người được khai thác từ các bài Lịch sử đã được lồng ghép ở các bài Địa lí 7 (Đặc điểm dân cư, xã hội, bản đồ chính trị của các châu lục), Địa lí 8 (Biển đảo Việt Nam), và Địa lí 9.

  1. c) Tích hợp theo các chủ đề

 Chương trình có một số chủ đề tích hợp giữa lịch sử và địa lí với thời lượng phù hợp ở các lớp. Nội dung các chủ đề này được trình bày cụ thể ở Khoản 6.

  1. d) Kết hợp giáo dục các vấn đề xuyên môn (môi trường, giới, phát triển bền vững,…)

 Do bản chất của khoa học địa lí có tính tích hợp cao, nên chương trình môn Lịch sử và Địa lí chứa đựng khả năng tích hợp nhiều chủ đề cần thiết, có tính thời sự và cũng có ý nghĩa lâu dài như giáo dục môi trường, giáo dục dân số, giáo dục về giới, giáo dục vì sự phát triển bền vững,… Việc tích hợp đúng mức trong giáo dục về các vấn đề có liên quan, khai thác những thế mạnh của địa lí học, sẽ không ảnh hưởng đến giáo dục địa lí, mà ngược lại, làm cho nội dung dạy học địa lí trở nên sinh động, thiết thực, hấp dẫn hơn.

 Những nội dung tích hợp này có thể đưa vào địa lí đại cương (lớp 6), địa lí Việt Nam (lớp 8, lớp 9).

  1. Dạy học các chủ đề tích hợp lịch sử – địa lí
  2. a) Triển khai chủ đề gắn với từng phân môn, với mức độ kiến thức lịch sử, địa lí khác nhau

 Trong Chương trình Lịch sử và Địa lí, phân môn Địa lí chọn cách tiếp cận về không gian, nên chọn cách thiết kế chương trình theo logic đại cương – thế giới – Việt Nam và cuối cùng là địa lí địa phương. Còn Lịch sử chọn cách tiếp cận theo tiến trình lịch sử, nên thiết kế chương trình theo logic nguyên thuỷ – cổ đại – trung đại – cận đại – hiện đại. Cách làm này khai thác thế mạnh của mỗi phân môn và tuỳ theo thiết kế của phân môn mà một chủ đề có thể dạy vào thời điểm thích hợp của mỗi phân môn.

  1. b) Triển khai chủ đề tích hợp lịch sử – địa lí

 Việc xây dựng chủ đề chung, tích hợp lịch sử – địa lí dựa trên những nội dung gần nhau, giao nhau.

 Trong chương trình môn Lịch sử và Địa lí, các chủ đề được lựa chọn là: Các cuộc đại phát kiến địa lí; Đô thị: Lịch sử và hiện tại; Văn minh châu thổ sông Hồng và sông Cửu Long; Bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông.

 Dạy học các chủ đề tích hợp lịch sử – địa lí là tạo ra không gian môn học, ở đó học sinh có thể vận dụng các khái niệm cơ bản của lịch sử và địa lí, tìm hiểu thêm các tư liệu lịch sử và địa lí dưới sự hướng dẫn của giáo viên, rèn luyện tư duy lịch sử và tư duy địa lí.

 – Chủ đề Các cuộc đại phát kiến địa lí: Các cuộc đại phát kiến địa lí có ý nghĩa hết sức to lớn về lịch sử giao thương trên thế giới, trong đó nổi bật là cuộc thám hiểm của Christopher Colombus tìm ra châu Mỹ (1492 -1502), cuộc thám hiểm của Ferdinand Magellan vòng quanh Trái Đất (1519 – 1522). Hai cuộc đại phát kiến địa lí này đã mở đầu cho thời kì thực dân hoá các vùng đất mới, đánh dấu thời kì phát triển mới của lực lượng sản xuất tư bản chủ nghĩa, và cũng đánh dấu thời kì đầu của toàn cầu hoá. Đối với địa lí học, nhờ các phát kiến địa lí cả về sau này (chuyến đi vòng quanh thế giới (1831 – 1836) của nhà bác học Charles Darwin và học thuyết tiến hoá các loài), địa lí học đã bước vào thời kì tích luỹ các dữ kiện khổng lồ về Trái Đất, phát triển nền địa lí học hiện đại cũng như các khoa học Trái Đất khác. Các cuộc đại phát kiến địa lí được đề cập ở cả phân môn Địa lí và phân môn Lịch sử, đồng thời được tổ chức thành một chủ đề chung ở lớp 7

 – Chủ đề Đô thị: Lịch sử và hiện tại. Chủ đề này được dạy một phần ở lớp 7 và trọng tâm ở lớp 9. Đây là chủ đề được đề cập trong nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau, từ cổ đại, trung đại đến cận đại và hiện đại.

 Ở lớp 7, học sinh được học về các đô thị cổ đại và các nền văn minh cổ đại; các đô thị trung đại châu Âu và giới thương nhân (tương ứng với các thời đại lịch sử); đô thị và đô thị hoá (khi học địa lí các châu lục); một số xu hướng đô thị hoá trên thế giới (châu Âu, châu Á, châu Mỹ).

 Ở lớp 9, học sinh được học sâu hơn về đô thị hoá trên thế giới. Học sinh hiểu được rằng các đô thị hiện đại là nơi tập trung quyền lực và các nguồn lực phát triển; đô thị hoá tạo ra động lực mạnh mẽ của sự phát triển, nhưng đô thị hoá không phù hợp có thể làm tăng thêm sự bất bình đẳng trong phát triển vùng; việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đã thúc đẩy đô thị hoá ở Việt Nam.

 – Chủ đề Văn minh châu thổ sông Hồng và sông Cửu Long: Chủ đề này được dạy ở lớp 8 và lớp 9. Chủ đề này có nội dung lịch sử và văn hoá nhiều hơn, nhưng tích hợp kiến thức địa lí. Ở lớp 8, học sinh tìm hiểu về quá trình hình thành và phát triển châu thổ, chế độ nước của các dòng sông chính, quá trình con người khai khẩn và cải tạo, chế ngự tự nhiên cũng như thích ứng với môi trường thiên nhiên, từ đó hình thành nên các nền văn hoá đặc sắc ở châu thổ sông Hồng và sông Cửu Long. Ở lớp 9, học sinh hiểu được tại sao ở đồng bằng sông Hồng, ông cha ta chọn việc đắp đê, trị thuỷ kết hợp thuỷ lợi (dẫn thuỷ nhập điền); còn ở đồng bằng sông Cửu Long, ông cha ta lại chọn chung sống với lũ, cùng nhiều vấn đề khác về sự khác biệt của hai nền văn minh châu thổ. Học sinh có dịp tìm hiểu, quan tâm đến tác động của biến đổi khí hậu đối với hai vùng châu thổ, nhất là ở đồng bằng sông Cửu Long.

 – Chủ đề Bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông: Chủ đề này được thiết kế một phần ở lớp 8 và một phần lớn hơn ở lớp 9. Những nội dung trong chủ đề này đan xen giữa Lịch sử và Địa lí.

 Ở lớp 8, học sinh được nghiên cứu về quá trình các chúa Nguyễn và các vua Nguyễn xác lập chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, những bằng chứng về quá trình này, khẳng định “Biển là không gian sinh tồn của dân tộc Việt”.

 Ở lớp 9, học sinh được nghiên cứu tiếp về quá trình thực thi chủ quyền đối với các vùng biển và hải đảo Việt Nam thời hiện đại. Ở góc độ địa lí, học sinh có các khái niệm cơ bản về các vùng biển và thềm lục địa mà Việt Nam khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền, đặc quyền kinh tế theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) và Luật Biển Việt Nam; vai trò chiến lược của hệ thống đảo nước ta trong việc khẳng định chủ quyền và quyền chủ quyền vùng biển và vùng thềm lục địa; cuộc đấu tranh để bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông; vai trò của kinh tế biển trong nền kinh tế Việt Nam hiện đại và trong việc phát huy chủ quyền biển đảo.

 CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG

 MÔN LỊCH SỬ

 (Ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 25 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

 MỤC LỤC

  1. ĐẶC ĐIỂM MÔN HỌC
  2. QUAN ĐIỂM XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH

 III. MỤC TIÊU CHƯƠNG TRÌNH

  1. YÊU CẦU CẦN ĐẠT
  2. NỘI DUNG GIÁO DỤC

 LỚP 10

 LỚP 11

 LỚP 12

  1. PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC

 VII. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ GIÁO DỤC

 VIII. GIẢI THÍCH VÀ HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

  

  1. ĐẶC ĐIỂM MÔN HỌC

 Lịch sử là môn học thuộc nhóm Khoa học xã hội, được lựa chọn theo định hướng nghề nghiệp ở cấp trung học phổ thông.

 Môn Lịch sử có sứ mệnh giúp học sinh hình thành và phát triển năng lực lịch sử, thành phần của năng lực khoa học đồng thời góp phần hình thành, phát triển những phẩm chất chủ yếu và năng lực chung được xác định trong Chương trình tổng thể. Môn Lịch sử giữ vai trò chủ đạo trong việc giáo dục lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, truyền thống lịch sử và văn hoá dân tộc, giúp học sinh nhận thức và vận dụng được các bài học lịch sử giải quyết những vấn đề của thực tế cuộc sống, phát triển tầm nhìn, củng cố các giá trị nhân văn, tinh thần cộng đồng, lòng khoan dung, nhân ái; góp phần hình thành, phát triển những phẩm chất của công dân Việt Nam, công dân toàn cầu trong xu thế phát triển của thời đại.

 Môn Lịch sử hình thành, phát triển cho học sinh tư duy lịch sử, tư duy hệ thống, tư duy phản biện, kĩ năng khai thác và sử dụng các nguồn sử liệu, nhận thức và trình bày lịch sử trong logic lịch đại và đồng đại, kết nối quá khứ với hiện tại.

 Môn Lịch sử giúp học sinh nhận thức được giá trị khoa học và giá trị thực tiễn của sử học trong đời sống xã hội hiện đại, hiểu biết và có tình yêu đối với lịch sử, văn hoá dân tộc và nhân loại; góp phần định hướng cho học sinh lựa chọn những nghề nghiệp như: nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn, ngoại giao, quản lí, hoạt động du lịch, công nghiệp văn hoá, thông tin truyền thông,…

 Chương trình môn Lịch sử hệ thống hoá, củng cố kiến thức thông sử ở giai đoạn giáo dục cơ bản, đồng thời giúp học sinh tìm hiểu sâu hơn các kiến thức lịch sử cốt lõi thông qua các chủ đề, chuyên đề học tập về lịch sử thế giới, lịch sử khu vực Đông Nam Á và lịch sử Việt Nam. Phương pháp dạy học môn Lịch sử được thực hiện trên nền tảng những nguyên tắc cơ bản của sử học và phương pháp giáo dục hiện đại.

  1. QUAN ĐIỂM XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH

 Chương trình môn Lịch sử quán triệt đầy đủ quan điểm, mục tiêu, định hướng chung về xây dựng và phát triển chương trình giáo dục phổ thông nêu tại Chương trình tổng thể, đặc biệt là quan điểm phát triển phẩm chất và năng lực cho học sinh, đồng thời nhấn mạnh một số quan điểm sau:

  1. Khoa học, hiện đại

 Chương trình môn Lịch sử giúp học sinh tiếp cận lịch sử trên cơ sở vận dụng những thành tựu hiện đại của khoa học lịch sử và khoa học giáo dục. Cụ thể:

  1. a) Chương trình quán triệt đường lối, quan điểm của Đảng và Nhà nước Việt Nam;
  2. b) Chương trình coi trọng những nguyên tắc nền tảng của khoa học lịch sử, đảm bảo tôn trọng sự thật lịch sử, tính đa diện, phong phú của lịch sử; khách quan, toàn diện trong trình bày và diễn giải lịch sử;
  3. c) Chương trình hướng tới việc hướng dẫn và khuyến khích học sinh tự tìm hiểu, khám phá lịch sử theo những nguyên tắc của khoa học lịch sử, thông qua đó giúp học sinh phát triển tư duy lịch sử và tư duy phản biện;
  4. d) Chương trình góp phần xây dựng khả năng phân tích, đánh giá các nhân vật, sự kiện, quá trình lịch sử một cách khoa học, giúp học sinh nhận thức được những quy luật, bài học lịch sử và vận dụng vào thực tiễn.
  5. Hệ thống, cơ bản

 Trục phát triển chính của Chương trình môn Lịch sử là hệ thống các chủ đề và chuyên đề học tập về những vấn đề cơ bản của lịch sử thế giới, lịch sử khu vực Đông Nam Á và lịch sử Việt Nam, nhằm nâng cao và mở rộng kiến thức thông sử mà học sinh đã được học ở cấp trung học cơ sở. Cụ thể:

  1. a) Các chủ đề và chuyên đề lịch sử của chương trình mang tính hệ thống, cơ bản, xuất phát từ yêu cầu phát triển năng lực và giáo dục lịch sử đối với từng lớp học;
  2. b) Các hợp phần kiến thức của chương trình bảo đảm tính logic (trong mối liên hệ lịch đại và đồng đại, sự tương tác giữa lịch sử Việt Nam với lịch sử khu vực và lịch sử thế giới…);
  3. c) Chương trình bảo đảm cho học sinh tiếp cận những tri thức lịch sử cơ bản trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá, tư tưởng; phát triển cho học sinh năng lực tự học lịch sử suốt đời và khả năng ứng dụng vào cuộc sống những hiểu biết về lịch sử, văn hoá, xã hội của thế giới, khu vực và Việt Nam.
  4. Thực hành, thực tiễn

 Chương trình môn Lịch sử coi trọng nội dung thực hành lịch sử, kết nối lịch sử với thực tiễn cuộc sống. Cụ thể:

  1. a) Chương trình coi thực hành là một nội dung quan trọng và là công cụ thiết thực, hiệu quả để phát triển năng lực học sinh;
  2. b) Chương trình tăng cường thời lượng thực hành; đa dạng hoá các loại hình thực hành thông qua các hình thức tổ chức giáo dục như hoạt động nhóm, cá nhân tự học; học ở trên lớp, bảo tàng, thực địa; học qua dự án, di sản;…;
  3. c) Chương trình bảo đảm phù hợp với thực tiễn và điều kiện kinh tế – xã hội của đất nước và của các địa phương. Thông qua hệ thống chủ đề và chuyên đề học tập, các hình thức tổ chức giáo dục, chương trình tạo ra độ mềm dẻo, linh hoạt để có thể điều chỉnh phù hợp với các địa phương và các nhóm đối tượng học sinh, đồng thời bảo đảm trình độ chung của giáo dục phổ thông trong cả nước, tương thích với trình độ khu vực và thế giới.
  4. Dân tộc, nhân văn

 Chương trình môn Lịch sử giúp học sinh nhận thức đúng về những giá trị truyền thống của dân tộc, hình thành và phát triển những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam và những giá trị phổ quát của công dân toàn cầu. Cụ thể:

  1. a) Chương trình giúp học sinh có nhận thức đúng về chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc chân chính, tiến bộ của dân tộc Việt Nam, vị thế của quốc gia – dân tộc trong khu vực và trên thế giới trong các thời kì lịch sử, hướng tới xây dựng lòng tự hào dân tộc chân chính, nhận thức được thế mạnh và cả những hạn chế trong di tồn lịch sử của dân tộc;
  2. b) Chương trình giúp học sinh hình thành, phát triển các giá trị nhân văn, tinh thần cộng đồng, chống các định kiến, kì thị về xã hội, văn hoá, sắc tộc, tôn giáo; hướng tới các giá trị khoan dung, nhân ái, tôn trọng sự khác biệt và bình đẳng giữa các dân tộc, các cộng đồng người, các giới và nhóm xã hội; hướng tới hoà bình, hoà giải, hoà hợp và hợp tác;
  3. c) Chương trình giúp học sinh có thái độ đúng đắn, tích cực đối với các vấn đề bảo vệ tài nguyên, thiên nhiên, môi trường, hướng tới phát triển bền vững và đấu tranh vì thế giới hoà bình, xã hội tiến bộ, minh bạch, công bằng, văn minh.
  4. Mở, liên thông

 Chương trình môn Lịch sử có tính mở, tính liên thông. Cụ thể:

  1. a) Cấu trúc kiến thức, kĩ năng môn Lịch sử tạo cơ hội cho học sinh kết nối, liên thông với kiến thức, kĩ năng các môn học khác như Địa lí, Ngữ văn, Giáo dục công dân, Giáo dục quốc phòng và an ninh,…;
  2. b) Chương trình dành quyền chủ động cho địa phương và nhà trường phát triển kế hoạch giáo dục phù hợp với điều kiện của địa phương, dành không gian sáng tạo cho giáo viên nhằm thực hiện chủ trương “một chương trình, nhiều sách giáo khoa”; chú trọng phối hợp giữa nhà trường với gia đình và xã hội trong giáo dục lịch sử;
  3. c) Chương trình bảo đảm nguyên tắc tích hợp cao ở các lớp học dưới, phân hóa dần ở các lớp học trên; kết nối chặt chẽ giữa các cấp học, giữa các lớp học trong từng cấp học và liên thông với chương trình giáo dục nghề nghiệp và chương trình giáo dục đại học.

 III. MỤC TIÊU CHƯƠNG TRÌNH

 Chương trình môn Lịch sử giúp học sinh phát triển năng lực lịch sử, biểu hiện của năng lực khoa học đã được hình thành ở cấp trung học cơ sở; góp phần giáo dục tinh thần dân tộc, lòng yêu nước, các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tinh hoa văn hoá nhân loại, các phẩm chất, năng lực của người công dân Việt Nam, công dân toàn cầu phù hợp với xu thế phát triển của thời đại; giúp học sinh tiếp cận và nhận thức rõ vai trò, đặc điểm của khoa học lịch sử cũng như sự kết nối giữa sử học với các lĩnh vực khoa học và ngành nghề khác, tạo cơ sở để học sinh định hướng nghề nghiệp trong tương lai.

  1. YÊU CẦU CẦN ĐẠT
  2. Yêu cầu cần đạt về phẩm chất chủ yếu và năng lực chung

 Môn Lịch sử góp phần hình thành, phát triển phẩm chất chủ yếu và năng lực chung theo các mức độ phù hợp với môn học, cấp học đã được quy định tại Chương trình tổng thể.

  1. Yêu cầu cần đạt về năng lực đặc thù

 Chương trình môn Lịch sử giúp học sinh phát triển năng lực lịch sử trên nền tảng kiến thức cơ bản và nâng cao về lịch sử thế giới, khu vực và Việt Nam thông qua hệ thống chủ đề, chuyên đề về lịch sử chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá, văn minh. Năng lực lịch sử có các thành phần là: tìm hiểu lịch sử; nhận thức và tư duy lịch sử; vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học.

 Các biểu hiện cụ thể của năng lực lịch sử được trình bày trong bảng sau:

Thành phần năng lực Biểu hiện
TÌM HIỂU LỊCH SỬ – Nhận diện được các loại hình tư liệu lịch sử; hiểu được nội dung, khai thác và sử dụng được tư liệu lịch sử trong quá trình học tập.

 – Tái hiện và trình bày được dưới hình thức nói hoặc viết diễn trình của các sự kiện, nhân vật, quá trình lịch sử từ đơn giản đến phức tạp; xác định được các sự kiện lịch sử trong không gian và thời gian cụ thể.

NHẬN THỨC VÀ TƯ DUY LỊCH SỬ – Giải thích được nguồn gốc, sự vận động của các sự kiện lịch sử từ đơn giản đến phức tạp; chỉ ra được quá trình phát triển của lịch sử theo lịch đại và đồng đại; so sánh sự tương đồng và khác biệt giữa các sự kiện lịch sử, lí giải được mối quan hệ nhân quả trong tiến trình lịch sử.

 – Đưa ra được những ý kiến nhận xét, đánh giá của cá nhân về các sự kiện, nhân vật, quá trình lịch sử trên cơ sở nhận thức và tư duy lịch sử; hiểu được sự tiếp nối và thay đổi của lịch sử; biết suy nghĩ theo những chiều hướng khác nhau khi xem xét, đánh giá, hay đi tìm câu trả lời về một sự kiện, nhân vật, quá trình lịch sử.

VẬN DỤNG KIẾN THỨC, KĨ NĂNG ĐÃ HỌC Rút ra được bài học lịch sử và vận dụng được kiến thức lịch sử để lí giải những vấn đề của thực tiễn cuộc sống; trên nền tảng đó, có khả năng tự tìm hiểu những vấn đề lịch sử, phát triển năng lực sáng tạo, có khả năng tiếp cận và xử lí thông tin từ những nguồn khác nhau, có ý thức và năng lực tự học lịch sử suốt đời.
  1. NỘI DUNG GIÁO DỤC
  2. Nội dung khái quát

 1.1. Nội dung cốt lõi

Mạch nội dung Lớp 10 Lớp 11 Lớp 12
CHỦ ĐỀ ĐỊNH HƯỚNG NGHỀ NGHIỆP      
– Lịch sử và Sử học x    
– Vai trò của Sử học x    
LỊCH SỬ THẾ GIỚI      
– Một số nền văn minh thế giới thời kì cổ – trung đại x    
– Các cuộc cách mạng công nghiệp trong lịch sử thế giới x    
– Cách mạng tư sản và sự phát triển của chủ nghĩa tư bản   x  
– Sự hình thành và phát triển của chủ nghĩa xã hội   x  
– Thế giới trong và sau Chiến tranh lạnh     x
– Quá trình phát triển kinh tế – xã hội của nước Mỹ từ năm 1945 đến nay     x
– Công cuộc cải cách mở cửa ở Trung Quốc từ năm 1978 đến nay     x
LỊCH SỬ ĐÔNG NAM Á      
– Văn minh Đông Nam Á x    
– Quá trình giành độc lập dân tộc của các quốc gia Đông Nam Á   x  
– ASEAN: Những chặng đường lịch sử     x
LỊCH SỬ VIỆT NAM      
– Một số nền văn minh trên đất nước Việt Nam (trước năm 1858) x    
– Cộng đồng các dân tộc Việt Nam x    
– Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và chiến tranh giải phóng dân tộc trong lịch sử Việt Nam (trước Cách mạng tháng Tám năm 1945)   x  
– Làng xã Việt Nam trong lịch sử   x  
– Một số cuộc cải cách lớn trong lịch sử Việt Nam (trước năm 1858)   x  
– Lịch sử bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam ở Biển

 Đông

  x  
– Cách mạng tháng Tám năm 1945, chiến tranh giải phóng dân tộc và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trong lịch sử Việt Nam (từ tháng 8 năm 1945 đến nay)     x
– Công cuộc Đổi mới ở Việt Nam từ năm 1986 đến nay     x
– Lịch sử quan hệ đối ngoại Việt Nam     x
– Hồ Chí Minh trong lịch sử Việt Nam     x

 1.2. Chuyên đề học tập

  1. a) Mục tiêu

 Bên cạnh nội dung giáo dục cốt lõi, trong mỗi năm học, những học sinh có thiên hướng khoa học xã hội và nhân văn được chọn học một số chuyên đề học tập. Mục tiêu của các chuyên đề này là:

 – Mở rộng, nâng cao kiến thức và năng lực lịch sử đáp ứng yêu cầu phân hoá sâu ở cấp trung học phổ thông.

 – Giúp học sinh hiểu sâu hơn vai trò của sử học trong đời sống thực tế, những ngành nghề có liên quan đến lịch sử để học sinh có cơ sở định hướng nghề nghiệp sau này cũng như có đủ năng lực để giải quyết những vấn đề có liên quan đến lịch sử và tiếp tục tự học lịch sử suốt đời.

 – Tăng cường hoạt động trải nghiệm thực tế, giúp học sinh phát triển tình yêu, sự say mê, ham thích tìm hiểu lịch sử dân tộc Việt Nam, lịch sử thế giới.

  1. b) Nội dung các chuyên đề học tập
Mạch nội dung Lớp 10 Lớp 11 Lớp 12
CHUYÊN ĐỀ ĐỊNH HƯỚNG NGHỀ NGHIỆP      
Chuyên đề 10.1: Các lĩnh vực của Sử học x    
CHUYÊN ĐỀ HOẠT ĐỘNG TRẢI NGHIỆM THỰC TẾ      
Chuyên đề 10.2: Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá ở Việt Nam x    
Chuyên đề 11.1: Lịch sử nghệ thuật truyền thống Việt Nam   x  
Chuyên đề 12.1: Lịch sử tín ngưỡng và tôn giáo ở Việt Nam     x
CHUYÊN ĐỀ NÂNG CAO KIẾN THỨC      
Chuyên đề 10.3: Nhà nước và pháp luật Việt Nam trong lịch sử x    
Chuyên đề 11.2: Chiến tranh và hoà bình trong thế kỉ XX   x  
Chuyên đề 11.3: Danh nhân trong lịch sử Việt Nam   x  
Chuyên đề 12.2: Nhật Bản: Hành trình lịch sử từ năm 1945 đến nay     x
Chuyên đề 12.3: Quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam     x
  1. Nội dung cụ thể và yêu cầu cần đạt ở các lớp

 LỚP 10

Nội dung Yêu cầu cần đạt
LỊCH SỬ VÀ SỬ HỌC
Lịch sử hiện thực và nhận thức lịch sử  
Lịch sử

 – Lịch sử hiện thực

 – Lịch sử được con người nhận thức

– Trình bày được khái niệm lịch sử.

 – Phân biệt được lịch sử hiện thực và lịch sử được con người nhận thức thông qua ví dụ cụ thể.

Sử học

 – Khái niệm sử học

 – Đối tượng nghiên cứu của sử học

 – Chức năng, nhiệm vụ

– Giải thích được khái niệm sử học.

 – Trình bày được đối tượng nghiên cứu của sử học thông qua ví dụ cụ thể.

 – Nêu được chức năng, nhiệm vụ của sử học thông qua ví dụ cụ thể.

– Một số nguyên tắc cơ bản của sử học – Nêu được ý nghĩa của một số nguyên tắc cơ bản của sử học: khách quan, trung thực, tiến bộ.
– Khái quát về các nguồn sử liệu – Phân biệt được các nguồn sử liệu: chữ viết, hiện vật lịch sử,…
– Một số phương pháp cơ bản của sử học – Nêu được một số phương pháp cơ bản của sử học: phương pháp lịch sử, phương pháp logic, phương pháp trình bày lịch sử theo lịch đại và đồng đại, phương pháp tiếp cận liên ngành. Bước đầu vận dụng được một số phương pháp cơ bản của sử học thông qua các bài tập cụ thể (ở mức độ đơn giản).
Tri thức lịch sử và cuộc sống  
Vai trò, ý nghĩa của tri thức lịch sử  
– Nhu cầu nhận thức về cội nguồn, về bản sắc văn hoá của con người trong mọi thời đại

 – Đúc rút và vận dụng kinh nghiệm trong thực tế cuộc sống

 – Dự báo về tương lai

– Nêu được vai trò và ý nghĩa của tri thức lịch sử đối với đời sống của cá nhân và xã hội hiện đại thông qua ví dụ cụ thể.
Học tập và khám phá lịch sử suốt đời  
– Sự cần thiết của việc học tập, khám phá lịch sử suốt đời – Giải thích được sự cần thiết phải học tập lịch sử suốt đời.
– Thu thập thông tin, sử liệu, làm giàu tri thức lịch sử – Biết cách sưu tầm, thu thập, xử lí thông tin, sử liệu để học tập, khám phá lịch sử.
– Kết nối kiến thức, bài học lịch sử vào cuộc sống – Vận dụng kiến thức, bài học lịch sử để giải thích những vấn đề thời sự trong nước và thế giới, những vấn đề trong thực tiễn cuộc sống (ở mức độ đơn giản).

 – Quan tâm, yêu thích và tham gia các hoạt động tìm hiểu lịch sử, văn hoá của dân tộc Việt Nam và thế giới.

VAI TRÒ CỦA SỬ HỌC
Sử học với các lĩnh vực khoa học khác  
Sử học với các ngành khoa học xã hội và nhân văn

 – Sử học – môn khoa học liên ngành

– Giải thích được sử học là môn khoa học liên ngành: kết hợp phương pháp, tri thức từ các ngành nghiên cứu khác nhau để giải quyết vấn đề một cách toàn diện, hiệu quả, khoa học.
– Mối liên hệ giữa sử học và các ngành khoa học xã hội, nhân văn khác – Phân tích được mối liên hệ giữa sử học với các ngành khoa học xã hội và nhân văn khác: Sử học cung cấp thông tin, bối cảnh lịch sử,… cho các ngành địa lí, văn học, nghệ thuật,… Ngược lại, các ngành khoa học xã hội và nhân văn khác hỗ trợ việc tìm hiểu, nghiên cứu lịch sử.
Sử học với các môn khoa học tự nhiên và công nghệ  
– Vai trò của các môn khoa học tự nhiên và công nghệ đối với sử học. – Nêu được vai trò của các môn khoa học tự nhiên và công nghệ đối với công tác nghiên cứu lịch sử: cung cấp tri thức, công nghệ, kĩ thuật,…
– Vai trò của sử học với các ngành khoa học tự nhiên và công nghệ. – Giải thích được sự hỗ trợ của sử học đối với các ngành khoa học tự nhiên và công nghệ: cung cấp thông tin, bối cảnh lịch sử, lịch sử phát triển ngành,…
Sử học với một số lĩnh vực, ngành nghề hiện đại  
Sử học với công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá, di sản thiên nhiên  
– Mối quan hệ giữa sử học với công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hoá – Phân tích được mối quan hệ giữa sử học với công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá, di sản thiên nhiên.
– Vai trò của công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá và thiên nhiên – Vận động được các bạn và mọi người ở xung quanh cùng tham gia bảo vệ các di sản văn hoá, di sản thiên nhiên ở địa phương.
Sử học với sự phát triển công nghiệp văn hoá  
– Vai trò của sử học đối với một số ngành, nghề trong lĩnh vực công nghiệp văn hoá – Phân tích được vai trò của sử học đối với một số ngành, nghề trong lĩnh vực công nghiệp văn hoá: Sử học cung cấp tri thức, ý tưởng và cảm hứng cho các ngành công nghiệp văn hoá.
– Vai trò của các ngành nghề thuộc lĩnh vực công nghiệp văn hoá đối với sử học

  

– Trình bày được tác động của sự phát triển của các ngành nghề thuộc lĩnh vực công nghiệp văn hoá đối với việc quảng bá cho truyền thống lịch sử và giá trị văn hoá của dân tộc; tri thức lịch sử và văn hoá nhân loại.
Sử học với sự phát triển du lịch  
– Vai trò của lịch sử và văn hoá đối với sự phát triển du lịch – Giải thích được vai trò của lịch sử và văn hoá đối với sự phát triển du lịch thông qua ví dụ cụ thể.
– Vai trò của du lịch đối với việc bảo tồn di tích lịch sử và di sản văn hoá – Phân tích được tác động của du lịch với công tác bảo tồn di tích lịch sử, văn hoá: du lịch mang lại nguồn lực hỗ trợ cho việc bảo tồn di tích lịch sử, văn hoá.
MỘT SỐ NỀN VĂN MINH THẾ GIỚI THỜI KÌ CỔ – TRUNG ĐẠI
Khái niệm văn minh thế giới  
Khái niệm văn minh

 – Khái niệm văn minh

 – Phân biệt văn minh và văn hoá

– Giải thích được khái niệm văn minh.

 – Phân biệt được ở mức cơ bản khái niệm văn minh, văn hoá.

Khái quát lịch sử văn minh thế giới  
– Khái quát tiến trình phát triển lịch sử văn minh thế giới – Trình bày được sự phát triển của các nền văn minh trên thế giới theo tiến trình lịch sử trên đường thời gian.

 – Có ý thức trân trọng và góp phần bảo tồn những thành tựu của văn minh thế giới.

Một số nền văn minh phương Đông

 Văn minh Ai Cập

– Biết cách sưu tầm và sử dụng tư liệu lịch sử để tìm hiểu về các nền văn minh cổ đại phương Đông.
– Cơ sở hình thành – Giải thích được cơ sở hình thành văn minh Ai Cập cổ đại: điều kiện tự nhiên, dân cư, sự phát triển kinh tế, chính trị – xã hội,…
– Những thành tựu cơ bản – Nêu được ý nghĩa của những thành tựu chính của văn minh Ai Cập: chữ viết, khoa học tự nhiên, kiến trúc, điêu khắc,…
Văn minh Trung Hoa  
– Cơ sở hình thành – Phân tích được cơ sở hình thành văn minh Trung Hoa: điều kiện tự nhiên, dân cư, sự phát triển kinh tế, chính trị – xã hội,…
– Những thành tựu cơ bản – Nêu được ý nghĩa của những thành tựu cơ bản của văn minh Trung Hoa: chữ viết, văn học nghệ thuật, sử học, khoa học tự nhiên, y học, thiên văn học, lịch pháp, tư tưởng, tôn giáo,…
Văn minh Ấn Độ  
– Cơ sở hình thành – Phân tích được cơ sở hình thành văn minh Ấn Độ: điều kiện tự nhiên, dân cư, sự phát triển kinh tế, chính trị – xã

 hội,…

– Những thành tựu cơ bản – Nêu được ý nghĩa của những thành tựu cơ bản của văn minh Ấn Độ: chữ viết, văn học nghệ thuật, khoa học tự nhiên, tư tưởng, tôn giáo,…
Một số nền văn minh phương Tây

 Văn minh Hy Lạp – La Mã

 – Cơ sở hình thành

  

– Biết cách sưu tầm và sử dụng tư liệu lịch sử để tìm hiểu về các nền văn minh phương Tây thời kì cổ – trung đại.

 – Phân tích được cơ sở hình thành văn minh Hy Lạp – La Mã: điều kiện tự nhiên, dân cư, kinh tế, chính trị – xã hội, ảnh hưởng và giao lưu văn hoá,…

– Những thành tựu cơ bản

  

– Nêu được ý nghĩa của những thành tựu cơ bản của văn minh Hy Lạp – La Mã: chữ viết, thiên văn học, lịch pháp, văn học, nghệ thuật, khoa học tự nhiên, tư tưởng, tôn giáo, thể thao,…
Văn minh thời Phục hưng  
– Bối cảnh lịch sử – Phân tích được bối cảnh lịch sử, những tiền đề kinh tế, chính trị, xã hội,… hình thành Phong trào Văn hoá Phục hưng.
– Những thành tựu cơ bản – Nêu được ý nghĩa của những thành tựu cơ bản của văn minh thời Phục hưng: tư tưởng, văn học, nghệ thuật, khoa học kĩ thuật, thiên văn học,…
CÁC CUỘC CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP TRONG LỊCH SỬ THẾ GIỚI
Cách mạng công nghiệp thời kì cận đại

 Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất

– Biết cách sưu tầm và sử dụng một số tư liệu để tìm hiểu về các cuộc cách mạng công nghiệp.
– Bối cảnh lịch sử – Trình bày được những nét chính về bối cảnh lịch sử diễn ra Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất (nửa sau thế kỉ XVIII – nửa đầu thế kỉ XIX).
– Những thành tựu cơ bản

  

– Nêu được thành tựu cơ bản của Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất: phát minh và sử dụng máy hơi nước, động cơ đốt trong để cơ giới hoá sản xuất, phát triển giao thông vận tải,…
Cách mạng công nghiệp lần thứ hai  
– Bối cảnh lịch sử – Trình bày được nét chính về bối cảnh lịch sử diễn ra Cách mạng công nghiệp lần thứ hai (nửa sau thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX).
– Những thành tựu cơ bản – Nêu được những thành tựu cơ bản của Cách mạng công nghiệp lần thứ hai: sử dụng điện năng, động cơ điện gắn với quá trình điện khí hoá, sản xuất dây chuyền, sự phát triển của các ngành công nghiệp hoá chất, dầu mỏ, thép, điện lực, in ấn,…
Ý nghĩa của Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất và lần thứ hai  
– Về kinh tế – Nêu được ý nghĩa của Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất và lần thứ hai đối với sự phát triển kinh tế (tăng năng suất lao động, thúc đẩy quá trình công nghiệp hoá,…).
– Về xã hội, văn hoá – Phân tích được tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất và lần thứ hai đối với xã hội, văn hoá: sự phát triển của giai cấp tư sản công nghiệp và vô sản công nghiệp, quá trình đô thị hoá; những thay đổi về lối sống, văn hoá.
Cách mạng công nghiệp thời kì hiện đại  
Cách mạng công nghiệp lần thứ ba

 – Bối cảnh lịch sử

– Trình bày được nét chính về bối cảnh lịch sử diễn ra Cách mạng công nghiệp lần thứ ba (nửa sau thế kỉ XX).
– Những thành tựu cơ bản – Nêu được những thành tựu cơ bản của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ ba: tự động hoá dựa vào máy tính, thiết bị điện tử, công nghệ thông tin, Internet,…
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Cách mạng 4.0)  
– Bối cảnh lịch sử

  

– Trình bày được nét chính về bối cảnh diễn ra Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (những năm đầu thế kỉ XXI).
– Những thành tựu cơ bản – Nêu được những thành tựu cơ bản của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư: sự phát triển kĩ thuật số, trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học và sự phát triển của các công nghệ liên ngành, đa ngành,…
Ý nghĩa của Cách mạng công nghiệp lần thứ ba và lần thứ tư  
– Về kinh tế – Nêu được ý nghĩa của Cách mạng công nghiệp lần thứ ba và lần thứ tư đối với sự phát triển kinh tế của thế giới thông qua ví dụ cụ thể.
– Về xã hội, văn hoá – Phân tích được tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ ba và lần thứ tư đối với xã hội, văn hoá.

 – Có thái độ trân trọng những thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp đối với sự phát triển của lịch sử.

 – Vận dụng được những hiểu biết về tác động hai mặt của Cách mạng công nghiệp lần thứ ba và lần thứ tư để tuân thủ những quy định của pháp luật trong cách thức giao tiếp trên Internet, mạng xã hội,…

VĂN MINH ĐÔNG NAM Á
Cơ sở hình thành văn minh Đông Nam Á  
Cơ sở tự nhiên

 – Vị trí địa lí

 – Điều kiện tự nhiên, khí hậu

– Phân tích được tác động của vị trí địa lí, điều kiện tự nhiên, khí hậu đối với sự hình thành văn minh Đông Nam Á.
Cơ sở xã hội

 – Cư dân, tộc người

 – Tổ chức xã hội

– Nêu được nét khái quát về cơ sở xã hội của văn minh Đông Nam Á: cư dân, tộc người, tổ chức xã hội.
Ảnh hưởng của văn hoá Trung Quốc, Ấn Độ

 – Ảnh hưởng của văn hoá Trung Quốc

 – Ảnh hưởng của văn hoá Ấn Độ

– Phân tích được những ảnh hưởng của văn hoá Trung Quốc đối với văn minh Đông Nam Á.

 – Phân tích được những ảnh hưởng của văn hoá Ấn Độ đối với văn minh Đông Nam Á.

Hành trình phát triển và thành tựu của văn minh Đông Nam Á

 Hành trình phát triển của văn minh Đông Nam Á

– Biết cách sưu tầm và sử dụng một số tư liệu để tìm hiểu về lịch sử văn minh Đông Nam Á.

 – Trình bày được các thời kì phát triển của văn minh Đông Nam Á trên đường thời gian.

– Các thời kì phát triển của văn minh Đông Nam Á

 Một số thành tựu tiêu biểu của văn minh Đông Nam Á

 – Tôn giáo và tín ngưỡng

 – Văn tự và văn học

 – Kiến trúc và điêu khắc

– Nêu được một số thành tựu tiêu biểu của văn minh Đông Nam Á: tôn giáo và tín ngưỡng, văn tự và văn học, kiến trúc và điêu khắc,…

 – Biết trân trọng giá trị trường tồn của các di sản văn minh Đông Nam Á, tham gia bảo tồn các di sản văn minh Đông Nam Á nói chung và ở Việt Nam nói riêng.

MỘT SỐ NỀN VĂN MINH TRÊN ĐẤT NƯỚC VIỆT NAM (TRƯỚC NĂM 1858)
Một số nền văn minh cổ trên đất nước Việt Nam

 Văn minh sông Hồng

– Biết cách sưu tầm và sử dụng tư liệu lịch sử để tìm hiểu về văn minh sông Hồng.
– Cơ sở hình thành – Nêu được cơ sở hình thành văn minh sông Hồng: điều kiện tự nhiên, cơ sở xã hội,…
– Những thành tựu tiêu biểu – Nêu được những thành tựu tiêu biểu của nền văn minh sông Hồng: đời sống vật chất, đời sống tinh thần, tổ chức xã hội, Nhà nước,…
Văn minh Champa

 – Cơ sở hình thành

 – Những thành tựu tiêu biểu

– Nêu được cơ sở hình thành văn minh Champa.

 – Trình bày được những thành tựu tiêu biểu của văn minh Champa: đời sống vật chất, đời sống tinh thần, tổ chức xã hội, Nhà nước,…

  

Văn minh Phù Nam

 – Cơ sở hình thành

 – Những thành tựu tiêu biểu

– Nêu được cơ sở hình thành văn minh Phù Nam.

 – Trình bày được những thành tựu tiêu biểu của văn minh Phù Nam: đời sống vật chất, đời sống tinh thần, tổ chức xã hội, Nhà nước.

 – Biết vận dụng hiểu biết về các nền văn minh cổ nói trên để giới thiệu về đất nước, con người Việt Nam. Nhận thức được giá trị trường tồn của các nền văn minh cổ trên đất nước Việt Nam. Có ý thức trân trọng truyền thống lao động cần cù, sáng tạo của dân tộc Việt Nam trong lịch sử. Có ý thức trách nhiệm trong việc góp phần bảo tồn các di sản văn hoá của dân tộc.

Văn minh Đại Việt

 Cơ sở hình thành và quá trình phát triển của văn minh Đại Việt

 
– Khái niệm văn minh Đại Việt

 – Cơ sở hình thành

 – Quá trình phát triển

– Giải thích được khái niệm văn minh Đại Việt.

 – Phân tích được cơ sở hình thành văn minh Đại Việt: kế thừa văn minh Văn Lang – Âu Lạc, nền độc lập tự chủ của đất nước, tiếp thu ảnh hưởng của văn hoá Trung Quốc.

 – Nêu được quá trình phát triển của văn minh Đại Việt trên đường thời gian.

Một số thành tựu của văn minh Đại Việt

 – Về kinh tế

 – Về chính trị

 – Về tư tưởng, tôn giáo

 – Về văn hoá, giáo dục, văn học, nghệ thuật

– Biết cách sưu tầm và sử dụng tư liệu lịch sử để tìm hiểu về những thành tựu của văn minh Đại Việt.

 – Nêu được một số thành tựu cơ bản của nền văn minh Đại Việt về kinh tế, chính trị, tư tưởng, tôn giáo, văn hoá, giáo dục, văn học, nghệ thuật,…

Ý nghĩa của văn minh Đại Việt trong lịch sử dân tộc Việt Nam  
– Ưu điểm và hạn chế của văn minh Đại Việt – Nêu được nhận xét về những ưu điểm và hạn chế của văn minh Đại Việt.
– Ý nghĩa của nền văn minh Đại Việt trong lịch sử dân tộc Việt Nam – Phân tích được ý nghĩa của nền văn minh Đại Việt trong lịch sử dân tộc Việt Nam.

 – Trân trọng giá trị của nền văn minh Đại Việt, vận dụng hiểu biết về văn minh Đại Việt để giới thiệu, quảng bá về đất nước, con người, di sản văn hoá Việt Nam.

CỘNG ĐỒNG CÁC DÂN TỘC VIỆT NAM
Các dân tộc trên đất nước Việt Nam  
Thành phần dân tộc theo dân số – Nêu được thành phần dân tộc theo dân số.
Thành phần dân tộc theo ngữ hệ  
– Khái niệm ngữ hệ và việc phân chia tộc người theo ngữ hệ – Trình bày được khái niệm ngữ hệ và việc phân chia tộc người theo ngữ hệ.
Khái quát về đời sống vật chất và tinh thần của cộng đồng các dân tộc Việt Nam  
– Đời sống vật chất – Trình bày được nét chính về đời sống vật chất của cộng đồng các dân tộc Việt Nam: sản xuất nông nghiệp, ngành nghề thủ công,…
– Đời sống tinh thần – Nêu được nét chính về đời sống tinh thần của cộng đồng các dân tộc Việt Nam: sự đa dạng về văn hoá, tôn giáo, tín ngưỡng,…
Khối đại đoàn kết dân tộc trong lịch sử Việt Nam  
Khối đại đoàn kết dân tộc trong lịch sử Việt Nam  
– Sự hình thành khối đại đoàn kết dân tộc – Nêu được nét chính về sự hình thành khối đại đoàn kết dân tộc trong lịch sử Việt Nam.
– Vai trò của khối đại đoàn kết dân tộc trong lịch sử dựng nước và giữ nước – Phân tích được vai trò, tầm quan trọng của khối đại đoàn kết dân tộc trong lịch sử dựng nước và giữ nước.
– Vai trò của khối đại đoàn kết dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay – Phân tích được vai trò, tầm quan trọng của khối đại đoàn kết dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước hiện nay  
– Quan điểm của Đảng và Nhà nước về chính sách dân tộc – Nêu được quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước về chính sách dân tộc: “Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tương trợ nhau cùng phát triển”.
– Nội dung cơ bản trong chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước – Phân tích được nội dung cơ bản trong chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước hiện nay về phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh quốc phòng,…

 – Có ý thức trân trọng sự bình đẳng giữa các dân tộc, có hành động cụ thể góp phần tham gia vào việc giữ gìn khối đại đoàn kết dân tộc.

THỰC HÀNH LỊCH SỬ
– Tiến hành các hoạt động giáo dục lịch sử gắn với thực địa, tham quan di sản lịch sử, văn hoá,…

 – Tham quan các bảo tàng, xem phim tài liệu lịch sử.

 – Tổ chức các câu lạc bộ “Em yêu lịch sử”, “Nhà sử học trẻ tuổi”,…

 – Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu lịch sử, các trò chơi lịch sử,…

 CHUYÊN ĐỀ LỚP 10

Nội dung Yêu cầu cần đạt
Chuyên đề 10.1: CÁC LĨNH VỰC CỦA SỬ HỌC
Thông sử và Lịch sử theo lĩnh vực

 Khái quát về một số cách trình bày lịch sử truyền thống

 
– Kể chuyện về quá khứ

 – Lịch sử biên niên

 – …

 Thông sử

– Tóm tắt được một số cách trình bày lịch sử truyền thống thông qua ví dụ cụ thể.

  

– Khái niệm – Giải thích được khái niệm thông sử.
– Nội dung chính – Nêu được nội dung chính của thông sử.
Lịch sử theo lĩnh vực  
– Khái quát về các lĩnh vực của lịch sử – Nêu được nét khái quát về các lĩnh vực của lịch sử
– Ý nghĩa của việc phân chia lịch sử theo lĩnh vực – Giải thích được ý nghĩa của việc phân chia lịch sử theo lĩnh vực.
Lịch sử dân tộc và lịch sử thế giới  
– Lịch sử dân tộc

 – Lịch sử thế giới

– Nêu được khái niệm và nội dung chính của lịch sử dân tộc

 – Nêu được khái niệm và nội dung chính của lịch sử thế giới.

Một số lĩnh vực của lịch sử Việt Nam  
Lịch sử văn hoá Việt Nam  
– Đối tượng và phạm vi của lịch sử văn hoá Việt Nam – Nêu được đối tượng và phạm vi của lịch sử văn hoá Việt Nam.
– Khái lược tiến trình lịch sử văn hoá Việt Nam – Tóm tắt được nét chính của lịch sử văn hoá Việt Nam trên đường thời gian.
Lịch sử tư tưởng Việt Nam  
– Đối tượng, phạm vi của lịch sử tư tưởng Việt Nam – Nêu được đối tượng và phạm vi của lịch sử tư tưởng Việt Nam.
– Khái lược lịch sử tư tưởng Việt Nam – Tóm tắt được nét chính của lịch sử tư tưởng Việt Nam trên đường thời gian.
Lịch sử xã hội Việt Nam  
– Đối tượng của lịch sử xã hội – Giải thích được đối tượng của lịch sử xã hội.
– Khái lược về xã hội Việt Nam truyền thống và hiện đại – Tóm tắt được nét chính của lịch sử xã hội Việt Nam trên đường thời gian.
Lịch sử kinh tế Việt Nam  
– Đối tượng của lịch sử kinh tế – Giải thích được đối tượng của lịch sử kinh tế.
– Khái lược lịch sử kinh tế Việt Nam – Tóm tắt được nét chính của lịch sử kinh tế Việt Nam trên đường thời gian.
Chuyên đề 10.2: BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN VĂN HOÁ Ở VIỆT NAM
Di sản văn hoá  
Khái niệm di sản văn hoá  
– Khái niệm di sản văn hoá – Giải thích được khái niệm di sản văn hoá.
– Ý nghĩa của di sản văn hoá – Nêu được ý nghĩa của di sản văn hoá: tài sản vô giá của cộng đồng, dân tộc, nhân loại được kế thừa từ các thế hệ trước cho các thế hệ mai sau.
Phân loại di sản văn hoá và xếp hạng di tích lịch sử – văn hoá  
– Phân loại di sản văn hóa – Chỉ ra được một số cách phân loại, xếp hạng di sản văn hoá.
– Xếp hạng di sản văn hoá – Phân tích được mục đích và ý nghĩa của việc phân loại, xếp hạng di sản văn hoá.
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá  
Mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển  
– Khái niệm bảo tồn di sản văn hoá – Giải thích được khái niệm bảo tồn di sản văn hoá.
– Mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá

  

– Phân tích được mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá: bảo tồn phải đặt trong bối cảnh phát triển bền vững để bảo tồn không trở thành gánh nặng và rào cản của phát triển.
Giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản  
– Cơ sở khoa học của công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá – Phân tích được cơ sở khoa học của công tác bảo tồn di sản văn hoá trong quá trình phát triển bền vững của đất nước.
– Các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá

  

– Nêu được các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá: tuyên truyền giáo dục ý thức bảo tồn di sản, đầu tư cơ sở vật chất, tăng cường biện pháp bảo vệ di sản,…
Vai trò, trách nhiệm của các bên liên quan  
– Vai trò của hệ thống chính trị, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư và của mỗi cá nhân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá. – Giải thích được vai trò của hệ thống chính trị, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư và của mỗi cá nhân trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá.
– Trách nhiệm của các bên liên quan: Nhà nước, tổ chức xã hội, nhà trường, cộng đồng, công dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hoá – Trình bày được trách nhiệm của Nhà nước, tổ chức xã hội, nhà trường, cộng đồng, công dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản thông qua ví dụ cụ thể.

 – Có ý thức trách nhiệm và sẵn sàng đóng góp và vận động người khác cùng tham gia vào việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hoá ở địa phương và đất nước.

Một số di sản văn hoá tiêu biểu của dân tộc Việt Nam (gợi ý)  
Giới thiệu một số di sản văn hoá phi vật thể tiêu biểu

 – Dân ca quan họ Bắc Ninh

 – Ca trù

 – Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên

 – Nhã nhạc cung đình Huế

 – Đờn ca tài tử Nam Bộ

 – …

– Xác định được vị trí phân bố các di sản văn hoá phi vật thể tiêu biểu trên bản đồ.

 – Giới thiệu được nét cơ bản về một trong số những di sản văn hoá phi vật thể tiêu biểu.

Giới thiệu một số di sản văn hoá vật thể tiêu biểu  
– Trống đồng Đông Sơn

 – Thành Cổ Loa

 – Hoàng thành Thăng Long

 – Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội)

 – Quảng trường Ba Đình và Di tích lịch sử Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh

 – Thành Nhà Hồ

 – Cố đô Huế

 – Tháp Chăm

 – …

– Xác định được vị trí phân bố các di sản lịch sử văn hoá vật thể tiêu biểu trên bản đồ.

 – Giới thiệu được nét cơ bản về một trong số di sản lịch sử văn hoá vật thể tiêu biểu.

  

Giới thiệu một số di sản thiên nhiên tiêu biểu  
– Các Công viên địa chất: Cao nguyên đá Đồng Văn, Non nước Cao Bằng

 – Vịnh Hạ Long

 – Vườn quốc gia Cúc Phương

 – Vườn quốc gia Cát Tiên

 – …

  

– Xác định vị trí phân bố các di sản thiên nhiên tiêu biểu trên bản đồ.

 – Giới thiệu được những nét cơ bản về một trong số những di sản thiên nhiên tiêu biểu.

  

Giới thiệu một số di sản phức hợp tiêu biểu  
– Khu di tích – danh thắng Tràng An (Ninh Bình)

 – Khu di tích – danh thắng Yên Tử (Quảng Ninh)

– Xác định được vị trí phân bố các di sản phức hợp tiêu biểu trên bản đồ.

 – Giới thiệu được những nét cơ bản về một trong số các di sản phức hợp tiêu biểu.

Chuyên đề 10.3: NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT VIỆT NAM TRONG LỊCH SỬ
Nhà nước và pháp luật trong lịch sử Việt Nam (trước năm 1858)

 Một số mô hình nhà nước quân chủ Việt Nam tiêu biểu

 – Nhà nước quân chủ thời Lý – Trần

 – Nhà nước quân chủ thời Lê sơ

 – Nhà nước quân chủ thời Nguyễn

– Sưu tầm tư liệu để tìm hiểu về một số mô hình nhà nước quân chủ Việt Nam tiêu biểu: Nhà nước quân chủ thời Lý – Trần, thời Lê sơ, thời Nguyễn.

 – Nêu và phân tích được đặc điểm của mô hình nhà nước quân chủ Việt Nam thông qua ví dụ cụ thể: Nhà nước quân chủ thời Lý – Trần, thời Lê sơ, thời Nguyễn.

Một số bộ luật tiêu biểu trong lịch sử Việt Nam trước năm 1858  
– Quốc triều hình luật

 – Hoàng Việt luật lệ

– Phân tích được nét chính của hai bộ luật tiêu biểu của nhà nước quân chủ Việt Nam: Quốc triều hình luật và Hoàng Việt luật lệ.
Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (1945 – 1976)  
Sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà  
– Bối cảnh ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà – Phân tích được bối cảnh ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
– Ý nghĩa lịch sử của việc ra đời Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà – Nêu được ý nghĩa của việc ra đời Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
Vai trò của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà  
– Đặc điểm và tính chất của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà – Phân tích được đặc điểm và tính chất của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
– Vai trò của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà trong quá trình kháng chiến chống giặc ngoại xâm và xây dựng đất nước thời kì 1945 – 1976 – Nêu được vai trò của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà trong quá trình kháng chiến chống giặc ngoại xâm và xây dựng đất nước thời kì 1945 – 1976.
Nhà nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ năm 1976 đến nay

 Sự ra đời của Nhà nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam

 
– Bối cảnh ra đời của Nhà nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa

 Việt Nam

– Phân tích được bối cảnh ra đời của Nhà nước Cộng hoà

 Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

– Ý nghĩa lịch sử của việc ra đời Nhà nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam – Nêu được ý nghĩa lịch sử của việc ra đời Nhà nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Vai trò của Nhà nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam  
– Vai trò của Nhà nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế – Nêu được vai trò của Nhà nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế.
Một số bản Hiến pháp Việt Nam từ năm 1946 đến nay

 Một số điểm chung của các bản Hiến pháp Việt Nam từ năm 1946 đến nay

 
– Bối cảnh ra đời của các bản Hiến pháp Việt Nam: các năm 1946, 1959, 1980, 1992 và 2013 – Nêu được điểm chung về bối cảnh ra đời của các bản Hiến pháp ở Việt Nam từ năm 1946 đến nay (1946, 1959, 1980, 1992 và 2013): những thay đổi quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá, gắn với một giai đoạn phát triển của lịch sử dân tộc.
– Một số điểm chung của các bản Hiến pháp Việt Nam

  

– Phân tích được một số điểm chính của các bản Hiến pháp Việt Nam: cơ sở pháp lí để xây dựng hệ thống pháp luật, tổ chức hoạt động của bộ máy Nhà nước,…
Hiến pháp đầu tiên của Việt Nam: Hiến pháp năm 1946  
– Một số nội dung chính của Hiến pháp năm 1946

  

– Nêu được một số nội dung chính của Hiến pháp năm 1946: ghi nhận thành quả của Cách mạng tháng Tám 1945, quyền bình đẳng và nghĩa vụ công dân, cơ cấu hệ thống chính trị,…
– Ý nghĩa lịch sử

  

– Phân tích được ý nghĩa của Hiến pháp năm 1946 – Hiến pháp đầu tiên trong lịch sử Việt Nam.
Hiến pháp của thời kì đổi mới: Hiến pháp năm 1992 và Hiến pháp năm 2013  
– Hiến pháp năm 1992: Hiến pháp đầu tiên của thời kì đổi mới

  

– Nêu được một số nét chính của Hiến pháp năm 1992: ban hành trong những năm đầu của công cuộc Đổi mới, là cơ sở chính trị – pháp lí quan trọng để thực hiện công cuộc Đổi mới,…
– Hiến pháp năm 2013: Hiến pháp thứ hai của thời kì đổi mới – Phân tích được điểm mới của Hiến pháp năm 2013: sự tiến bộ về tư tưởng dân chủ, cơ cấu Nhà nước, kĩ thuật lập hiến,…

 – Có ý thức trân trọng lịch sử lập hiến của dân tộc, có trách nhiệm và sẵn sàng vận động người khác cùng tuân thủ pháp luật.

 LỚP 11

Nội dung Yêu cầu cần đạt
CÁCH MẠNG TƯ SẢN VÀ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA CHỦ NGHĨA TƯ BẢN
Một số vấn đề chung về cách mạng tư sản  
Tiền đề của cách mạng tư sản

 – Kinh tế

 – Chính trị

 – Xã hội

 – Tư tưởng

– Phân tích được tiền đề của cách mạng tư sản: kinh tế, chính trị, xã hội, tư tưởng thông qua ví dụ cụ thể của các cuộc cách mạng tư sản tiêu biểu như: Cách mạng tư sản Anh, Chiến tranh giành độc lập ở Bắc Mỹ, Cách mạng tư sản Pháp.

  

Mục tiêu, nhiệm vụ, giai cấp lãnh đạo, động lực của cách mạng tư sản  
– Mục tiêu và nhiệm vụ

 – Giai cấp lãnh đạo và động lực cách mạng

– Phân tích được mục tiêu, nhiệm vụ, giai cấp lãnh đạo, động lực của cách mạng tư sản thông qua dẫn chứng cụ thể của các cuộc cách mạng tư sản tiêu biểu như: Cách mạng tư sản Anh, Chiến tranh giành độc lập ở Bắc Mỹ, Cách mạng tư sản Pháp.
Các loại hình, tính chất và đặc điểm

 – Các loại hình

– Nêu được các loại hình cách mạng tư sản thông qua ví dụ cụ thể.
– Tính chất và đặc điểm – Phân tích được tính chất và đặc điểm của cách mạng tư sản thông qua dẫn chứng cụ thể của các cuộc cách mạng tư sản tiêu biểu như: Cách mạng tư sản Anh, Chiến tranh giành độc lập ở Bắc Mỹ, Cách mạng tư sản Pháp.
Kết quả, ý nghĩa của các cuộc cách mạng tư sản

 – Kết quả của các cuộc cách mạng tư sản

 – Ý nghĩa của các cuộc cách mạng tư sản

– Trình bày được kết quả, ý nghĩa của các cuộc cách mạng tư sản thông qua ví dụ cụ thể của các cuộc cách mạng tư sản tiêu biểu như: Cách mạng tư sản Anh, Chiến tranh giành độc lập ở Bắc Mỹ, Cách mạng tư sản Pháp.
Sự phát triển của chủ nghĩa tư bản  
Sự xác lập chủ nghĩa tư bản ở châu Âu và Bắc Mỹ

 – Sự xác lập chủ nghĩa tư bản ở châu Âu và Bắc Mỹ

– Trình bày được sự xác lập của chủ nghĩa tư bản ở châu Âu và Bắc Mỹ trên bản đồ hoặc đường thời gian.
Sự phát triển của chủ nghĩa tư bản

 – Chủ nghĩa đế quốc và quá trình xâm lược thuộc địa

 – Sự mở rộng và phát triển của chủ nghĩa tư bản

 – Chủ nghĩa tư bản từ tự do cạnh tranh sang độc quyền

– Giải thích được tầm quan trọng của thuộc địa đối với sự phát triển của chủ nghĩa đế quốc thông qua ví dụ cụ thể.

 – Phân tích được sự mở rộng và phát triển của chủ nghĩa tư bản.

 – Phân tích được sự phát triển của chủ nghĩa tư bản từ tự do cạnh tranh sang độc quyền.

Chủ nghĩa tư bản hiện đại  
– Khái niệm chủ nghĩa tư bản hiện đại

 – Tiềm năng và thách thức của chủ nghĩa tư bản hiện đại

– Giải thích được khái niệm chủ nghĩa tư bản hiện đại.

 – Chỉ ra được tiềm năng và thách thức của chủ nghĩa tư bản hiện đại.

 – Có nhận thức đúng đắn về tiềm năng và những hạn chế của chủ nghĩa tư bản. Vận dụng được những hiểu biết về lịch sử chủ nghĩa tư bản để giải thích những vấn đề thời sự của xã hội tư bản hiện nay.

SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA CHỦ NGHĨA XÃ HỘI
Sự ra đời của chủ nghĩa xã hội khoa học  
Bối cảnh lịch sử  
– Sự phát triển của phong trào công nhân

  

– Trình bày được bối cảnh lịch sử xuất hiện chủ nghĩa xã hội khoa học: sự phát triển và trưởng thành của giai cấp công nhân và phong trào công nhân,…
– Chủ nghĩa xã hội không tưởng – Phân tích được nét chính của chủ nghĩa xã hội không tưởng về các mặt tích cực, hạn chế.
Sự ra đời của chủ nghĩa xã hội khoa học  
– Những nhà sáng lập chủ nghĩa xã hội khoa học – Tóm tắt được nét cơ bản về những nhà sáng lập chủ nghĩa xã hội khoa học (K. Marx, F. Engels): thân thế, sự nghiệp, đóng góp chính.
– Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản và những luận điểm cơ bản về chủ nghĩa xã hội khoa học – Sưu tầm và khai thác thông tin từ Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản để hiểu những luận điểm cơ bản về chủ nghĩa xã hội khoa học.
Sự hình thành và phát triển của chủ nghĩa xã hội  
Sự hình thành Nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới  
– Quá trình hình thành Nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới. – Phân tích được quá trình hình thành Liên bang Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xô viết – Nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới.
– Ý nghĩa của việc xuất hiện Nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới. – Nêu được ý nghĩa của việc xuất hiện Nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới.
Sự phát triển của chủ nghĩa xã hội sau Chiến tranh thế giới thứ hai  
– Sự phát triển của chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu – Trình bày được sự phát triển của chủ nghĩa xã hội ở các nước Đông Âu sau Chiến tranh thế giới thứ hai.
– Sự mở rộng chủ nghĩa xã hội ở châu Á và Cuba – Phân tích được sự mở rộng của chủ nghĩa xã hội ở khu vực châu Á (Trung Quốc, Việt Nam, Lào), ở khu vực Mỹ Latinh (Cuba).
– Nguyên nhân khủng hoảng và sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu và Liên Xô – Giải thích được nguyên nhân dẫn tới sự sụp đổ mô hình chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu, Liên Xô.
Chủ nghĩa xã hội từ năm 1991 đến nay  
– Thành tựu chính của công cuộc cải cách mở cửa ở Trung Quốc và công cuộc Đổi mới ở Việt Nam – Nêu được ý nghĩa của công cuộc cải cách mở cửa của Trung Quốc và công cuộc Đổi mới ở Việt Nam đối với sự phát triển chủ nghĩa xã hội.
– Thách thức và triển vọng của chủ nghĩa xã hội ở Trung Quốc, Việt Nam – Nêu được nét chính về những thách thức và triển vọng của chủ nghĩa xã hội ở Trung Quốc, Việt Nam.

 – Có ý thức trân trọng những thành tựu, giá trị của chủ nghĩa xã hội, sẵn sàng tham gia đóng góp vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

QUÁ TRÌNH GIÀNH ĐỘC LẬP DÂN TỘC CỦA CÁC QUỐC GIA ĐÔNG NAM Á
Quá trình xâm lược và cai trị của chủ nghĩa thực dân ở Đông Nam Á  
Quá trình xâm lược và cai trị của thực dân phương Tây đối với Đông Nam Á  
– Đông Nam Á hải đảo

 – Đông Nam Á lục địa

– Phân tích được quá trình các nước thực dân phương Tây xâm lược và thiết lập nền thống trị ở Đông Nam Á (Đông Nam Á hải đảo và Đông Nam Á lục địa).
Công cuộc cải cách ở Xiêm

 – Công cuộc cải cách ở Xiêm

 – Ý nghĩa của công cuộc cải cách ở Xiêm

– Giải thích được vì sao Xiêm là nước duy nhất ở Đông Nam Á không trở thành thuộc địa của thực dân phương Tây.
Hành trình đi đến độc lập dân tộc ở Đông Nam Á  
Phong trào đấu tranh chống thực dân xâm lược ở Đông Nam Á

 – Đông Nam Á hải đảo

 – Đông Nam Á lục địa

– Tóm tắt được nét chính về cuộc đấu tranh chống thực dân xâm lược ở một số nước Đông Nam Á hải đảo (Indonesia, Philippines) và Đông Nam Á lục địa (Myanmar, ba nước Đông Dương).
Các giai đoạn phát triển của cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc ở Đông Nam Á  
– Cuối thế kỉ XIX đến năm 1920

 – Từ năm 1920 đến năm 1945

 – Từ năm 1945 đến năm 1975

– Chỉ ra được các giai đoạn phát triển của cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc ở Đông Nam Á trên đường thời gian.

  

Các con đường khác nhau đi đến độc lập dân tộc ở Đông Nam Á

 – Các cuộc kháng chiến chống thực dân, giải phóng dân tộc ở các thuộc địa của Pháp

 – Đàm phán hoà bình với chính quyền thực dân ở các thuộc địa của Anh, Mỹ,…

– Giải thích được sự đa dạng của cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc ở Đông Nam Á.

 – Có ý thức trân trọng thành quả đấu tranh giải phóng của các dân tộc bị áp bức.

Thời kì tái thiết và phát triển sau khi giành được độc lập  
– Những ảnh hưởng của chế độ thực dân – Đánh giá được những ảnh hưởng của chế độ thực dân đối với các thuộc địa. Liên hệ với thực tế ở Việt Nam.
– Quá trình tái thiết và phát triển – Tóm tắt được nét chính về quá trình tái thiết và phát triển ở Đông Nam Á.

 – Vận dụng được những hiểu biết về quá trình giành độc lập dân tộc và phát triển ở Đông Nam Á để giải thích về sự đa dạng của các nước Đông Nam Á hiện nay.

CHIẾN TRANH BẢO VỆ TỔ QUỐC VÀ CHIẾN TRANH GIẢI PHÓNG DÂN TỘC TRONG LỊCH SỬ VIỆT NAM (TRƯỚC CÁCH MẠNG THÁNG TÁM NĂM 1945)
Khái quát về chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trong lịch sử Việt Nam  
Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trong lịch sử Việt Nam  
– Vị trí địa chiến lược của Việt Nam

 – Vai trò, ý nghĩa của chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trong lịch sử Việt Nam

  

– Đánh giá được vị trí địa chiến lược của Việt Nam.

 – Phân tích được vai trò, ý nghĩa của chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trong lịch sử Việt Nam.

 – Biết trân trọng truyền thống đấu tranh bảo vệ Tổ quốc của các thế hệ Việt Nam trong lịch sử, tham gia vào công tác đền ơn đáp nghĩa ở địa phương.

Một số cuộc kháng chiến thắng lợi tiêu biểu  
– Cuộc kháng chiến chống quân Nam Hán và chiến thắng Bạch Đằng năm 938

 – Cuộc kháng chiến chống Tống năm 981 và năm 1075 – 1077

 – Ba lần kháng chiến chống quân Mông – Nguyên

 – Kháng chiến chống quân Xiêm năm 1784 – 1785

 – Kháng chiến chống quân Thanh năm 1789

– Xây dựng bảng tóm tắt nội dung chính của các cuộc kháng chiến thắng lợi tiêu biểu của dân tộc Việt Nam: thời gian, địa điểm, đối tượng xâm lược, những trận đánh lớn, kết quả,…

 – Giải thích được nguyên nhân chính dẫn đến thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống xâm lược.

 – Biết cách sưu tầm và sử dụng tư liệu lịch sử để tìm hiểu về các cuộc kháng chiến thắng lợi tiêu biểu của dân tộc Việt Nam.

Một số cuộc kháng chiến không thành công

 – Kháng chiến chống quân Triệu

 – Kháng chiến chống Minh

 – Kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược nửa sau thế kỉ XIX

  

– Xây dựng bảng tóm tắt nội dung chính của các cuộc kháng chiến không thành công (kháng chiến chống quân Triệu, kháng chiến chống Minh, kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược nửa sau thế kỉ XIX) về: thời gian, địa điểm, đối tượng xâm lược, những trận đánh lớn, kết quả,…

 – Giải thích được nguyên nhân không thành công của một số cuộc kháng chiến trong lịch sử.

– Nguyên nhân không thành công – Vận dụng kiến thức đã học, rút ra được những bài học lịch sử cơ bản từ lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, nhận thức được giá trị của các bài học lịch sử đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

 – Có ý thức trân trọng, tự hào về truyền thống đấu tranh bảo vệ, xây dựng đất nước của dân tộc Việt Nam và sẵn sàng tham gia đóng góp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Một số cuộc khởi nghĩa và chiến tranh giải phóng trong lịch sử Việt Nam (từ thế kỉ III TCN – đến cuối thế kỉ XIX)  
Một số cuộc khởi nghĩa tiêu biểu trong thời kì Bắc thuộc

 – Khởi nghĩa Hai Bà Trưng

 – Khởi nghĩa Bà Triệu

 – Khởi nghĩa Lý Bí

 – Khởi nghĩa Phùng Hưng

– Xây dựng bảng tóm tắt nội dung chính của các cuộc khởi nghĩa tiêu biểu trong thời kì Bắc thuộc: thời gian, địa điểm, lãnh tụ, những trận đánh lớn, kết quả,…

 – Đánh giá được ý nghĩa của một số cuộc khởi nghĩa tiêu biểu.

Khởi nghĩa Lam Sơn

 – Bối cảnh lịch sử

 – Diễn biến chính

 – Ý nghĩa lịch sử

– Phân tích được bối cảnh lịch sử của khởi nghĩa Lam Sơn.

 – Trình bày được diễn biến chính của khởi nghĩa Lam Sơn trên bản đồ.

 – Nêu được ý nghĩa của khởi nghĩa Lam Sơn.

Phong trào Tây Sơn

 – Bối cảnh lịch sử

 – Diễn biến chính

 – Ý nghĩa lịch sử

– Biết cách sưu tầm và sử dụng tư liệu lịch sử về phong trào Tây Sơn.

 – Phân tích được bối cảnh lịch sử và những diễn biến chính của phong trào Tây Sơn.

 – Nêu được ý nghĩa của phong trào Tây Sơn.

Một số bài học lịch sử  
– Về quá trình tập hợp lực lượng

 – Về vai trò của khối đại đoàn kết dân tộc

 – Về nghệ thuật quân sự

– Rút ra những bài học lịch sử chính của các cuộc khởi nghĩa và chiến tranh giải phóng trong lịch sử Việt Nam: quá trình vận động, tập hợp quần chúng nhân dân tham gia, vai trò của khối đại đoàn kết dân tộc, nghệ thuật quân sự,…
– Giá trị của các bài học lịch sử đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay – Giải thích được giá trị của các bài học lịch sử đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

 – Tự hào về truyền thống đấu tranh bất khuất của dân tộc Việt Nam trong lịch sử, sẵn sàng tham gia đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

LÀNG XÃ VIỆT NAM TRONG LỊCH SỬ
Giới thiệu chung về làng xã  
– Khái niệm làng xã – Giải thích được khái niệm làng xã.
– Các loại hình làng xã – Phân biệt được các loại hình làng xã.
– Tên gọi làng xã – Giải thích được cách thức đặt tên các làng xã qua một số ví dụ cụ thể.
Nguồn gốc và quá trình phát triển của làng xã Việt Nam  
– Nguồn gốc của làng xã

 – Quá trình phát triển làng xã Việt Nam

– Giải thích được nguồn gốc của làng xã Việt Nam.

 – Nêu được nét chính về sự phát triển của làng xã qua các thời kì lịch sử.

Kinh tế làng xã  
– Kinh tế nông nghiệp và chế độ sở hữu ruộng đất

 – Thương nghiệp, thủ công nghiệp làng xã

– Phân tích được nét chính về kinh tế của làng xã Việt Nam: kinh tế nông nghiệp, chế độ sở hữu ruộng đất, thương nghiệp, thủ công nghiệp làng xã.
Tổ chức xã hội ở làng xã Việt Nam  
– Các loại hình tổ chức xã hội – Phân biệt được các hình thức tổ chức xã hội của làng xã Việt Nam.
– Bộ máy quản lí – Trình bày được sơ lược về bộ máy quản lí làng xã ở Việt Nam.
– Hương ước, luật tục – Nhận diện được thế nào là hương ước, luật tục và ý nghĩa của nó.
Phong tục, tập quán và một số lễ hội làng xã cổ truyền  
– Phong tục, tập quán

 – Lễ hội truyền thống

– Mô tả được một số phong tục, tập quán trong làng xã.

 – Giới thiệu được một số lễ hội truyền thống tiêu biểu của làng xã Việt Nam.

 – Có ý thức tôn trọng phong tục, tập quán, lễ hội của làng xã ở địa phương và trong cả nước nói chung.

MỘT SỐ CUỘC CẢI CÁCH LỚN TRONG LỊCH SỬ VIỆT NAM (TRƯỚC NĂM 1858)
Khái lược về cải cách  
– Khái niệm cải cách – Giải thích được khái niệm cải cách.
– Một số biểu hiện của các cuộc cải cách – Phân tích được những biểu hiện của các cuộc cải cách.
Một số cuộc cải cách lớn trong lịch sử Việt Nam trước năm 1858  
Cuộc cải cách của Hồ Quý Ly và triều Hồ (đầu thế kỉ XV)

  

 
– Bối cảnh lịch sử

 – Nội dung chính

 – Kết quả

– Tóm tắt được bối cảnh lịch sử, nội dung và đánh giá ý nghĩa cuộc cải cách của nhà Hồ.

 – Nêu được nhận xét về nguyên nhân thất bại của triều Hồ trong sự nghiệp cải cách và kháng chiến bảo vệ Tổ quốc.

Cuộc cải cách của Lê Thánh Tông thế kỉ XV  
– Bối cảnh lịch sử

 – Nội dung chính

 – Kết quả

– Phân tích được bối cảnh lịch sử, nội dung và ý nghĩa của cuộc cải cách thời Lê Thánh Tông.

  

Cuộc cải cách Minh Mạng nửa đầu thế kỉ XIX  
– Bối cảnh lịch sử

 – Nội dung chính

 – Kết quả

– Phân tích được bối cảnh lịch sử, nội dung và ý nghĩa của cuộc cải cách thời Minh Mạng.

 – Đánh giá kết quả và nêu được bài học kinh nghiệm của cuộc cải cách Minh Mạng.

 – Có ý thức trân trọng giá trị của các cuộc cải cách trong lịch sử dân tộc.

LỊCH SỬ BẢO VỆ CHỦ QUYỀN, CÁC QUYỀN VÀ LỢI ÍCH HỢP PHÁP CỦA VIỆT NAM Ở BIỂN ĐÔNG
Vị trí và tầm quan trọng của Biển Đông

 Vị trí của Biển Đông

 
– Vị trí – Xác định được vị trí của Biển Đông trên bản đồ.
– Đặc điểm – Nêu được những đặc điểm của Biển Đông.
Tầm quan trọng chiến lược của Biển Đông  
– Tuyến đường giao thông biển huyết mạch

 – Địa bàn chiến lược quan trọng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương

 – Nguồn tài nguyên thiên nhiên biển

– Giải thích được tầm quan trọng chiến lược của Biển Đông về giao thông biển, vị trí chiến lược, nguồn tài nguyên thiên nhiên biển,…
Tầm quan trọng chiến lược của các đảo và quần đảo ở Biển Đông  
– Vị trí, đặc điểm của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa – Xác định được vị trí của các đảo và quần đảo ở Biển Đông trên bản đồ.
– Tầm quan trọng chiến lược của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa – Giải thích được tầm quan trọng chiến lược của các đảo và quần đảo ở Biển Đông.
Việt Nam và Biển Đông  
Tầm quan trọng của Biển Đông đối với Việt Nam

 – Về quốc phòng, an ninh

 – Về phát triển các ngành kinh tế trọng điểm

– Phân tích được tầm quan trọng chiến lược của Biển Đông đối với Việt Nam về quốc phòng, an ninh, về phát triển các ngành kinh tế trọng điểm.
Lịch sử bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa  
– Việt Nam là Nhà nước đầu tiên xác lập chủ quyền và quản lí liên tục

  

– Giải thích được Việt Nam là Nhà nước đầu tiên xác lập chủ quyền và quản lí liên tục đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong lịch sử.
– Tình hình tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông: quá khứ và hiện tại – Trình bày được tình hình tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
– Cuộc đấu tranh bảo vệ và thực thi chủ quyền, các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông – Nêu được nét chính về cuộc đấu tranh bảo vệ và thực thi chủ quyền, các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông.
Chủ trương của Việt Nam giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hoà bình

 – Ban hành văn bản pháp luật khẳng định chủ quyền

 – Tham gia Công ước Luật biển năm 1982 của Liên hợp quốc (UNCLOS)

 – Thông qua Luật Biển Việt Nam năm 2012

 – Thúc đẩy và thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)

 – Tiến tới xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)

– Giải thích được chủ trương của Việt Nam giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hoà bình.

 – Trân trọng những thành quả đấu tranh bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông trong lịch sử, sẵn sàng tham gia đóng góp vào cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước Việt Nam.

THỰC HÀNH LỊCH SỬ
– Tiến hành các hoạt động giáo dục lịch sử gắn với thực địa, tham quan di tích lịch sử, văn hoá.

 – Tham quan các bảo tàng, xem phim tài liệu lịch sử,…

 – Tổ chức các câu lạc bộ: “Em yêu lịch sử”, “Nhà sử học trẻ tuổi”,…

 – Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu lịch sử, các trò chơi lịch sử,…

 CHUYÊN ĐỀ LỚP 11

Nội dung Yêu cầu cần đạt
Chuyên đề 11.1: LỊCH SỬ NGHỆ THUẬT TRUYỀN THỐNG VIỆT NAM
Nghệ thuật thời Lý – Trần  
Nghệ thuật thời Lý

 – Kiến trúc

 – Điêu khắc

– Nêu được những nét cơ bản của nghệ thuật thời Lý về kiến trúc, điêu khắc thông qua hoạt động trải nghiệm thực tế hoặc sưu tầm tranh ảnh, tài liệu,…

  

Nghệ thuật thời Trần

 – Kiến trúc

 – Điêu khắc

– Nêu được những thành tựu nghệ thuật chính thời Trần về kiến trúc và điêu khắc thông qua hoạt động trải nghiệm thực tế hoặc sưu tầm tranh ảnh, tài liệu,…
Nghệ thuật thời Lê sơ và thời Mạc  
Nghệ thuật thời Lê sơ

 – Kiến trúc

 – Điêu khắc

– Nêu được những thành tựu nghệ thuật chính thời Lê sơ về kiến trúc và điêu khắc thông qua hoạt động trải nghiệm thực tế hoặc sưu tầm tranh ảnh, tài liệu,…
Nghệ thuật thời Mạc

 – Kiến trúc

 – Điêu khắc

– Liệt kê được những thành tựu nghệ thuật chính thời Mạc.

 – Nêu được những điểm chính của nghệ thuật kiến trúc thời Mạc.

Nghệ thuật thời Lê trung hưng và thời Nguyễn  
Nghệ thuật thời Lê trung hưng

 – Kiến trúc

 – Điêu khắc

 – Mỹ thuật

– Nêu được những nét cơ bản của nghệ thuật thời Lê trung hưng về kiến trúc, điêu khắc, mỹ thuật thông qua hoạt động trải nghiệm thực tế hoặc sưu tầm tranh ảnh, tài liệu,…

 – Phân tích được những điểm mới về nghệ thuật thời Lê trung hưng.

Nghệ thuật thời Nguyễn

 – Kiến trúc

 – Điêu khắc

 – Mỹ thuật

 – Âm nhạc

– Mô tả được những nét cơ bản về nghệ thuật thời Nguyễn về kiến trúc, điêu khắc, mỹ thuật, âm nhạc thông qua hoạt động trải nghiệm thực tế hoặc sưu tầm tranh ảnh, tài liệu,…

 – Nêu được những điểm mới của nghệ thuật thời Nguyễn.

Chuyên đề 11.2: CHIẾN TRANH VÀ HOÀ BÌNH TRONG THẾ KỈ XX
Chiến tranh và hoà bình nửa đầu thế kỉ XX

 Hai cuộc chiến tranh thế giới nửa đầu thế kỉ XX

 
– Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914 – 1918): nguyên nhân, hậu quả và tác động – Giải thích được nguyên nhân cơ bản dẫn đến hai cuộc chiến tranh thế giới.
– Chiến tranh thế giới thứ hai (1939 – 1945): nguyên nhân, hậu quả và tác động – Đánh giá được những hậu quả và tác động của hai cuộc chiến tranh thế giới.
Cuộc đấu tranh vì hoà bình giữa hai cuộc chiến tranh thế giới  
– Sắc lệnh hoà bình của Lênin năm 1917, chính sách ngoại giao hoà bình của Liên Xô

 – Hệ thống an ninh tập thể ở châu Âu giữa hai cuộc chiến tranh thế giới

 – Phong trào Mặt trận nhân dân chống phát xít và nguy cơ chiến tranh

– Phân tích được khát vọng hoà bình và cuộc đấu tranh vì hoà bình của nhân dân thế giới thông qua ví dụ cụ thể: Sắc lệnh hoà bình của Lênin năm 1917, chính sách ngoại giao hoà bình của Liên Xô; Những nỗ lực xây dựng hệ thống an ninh tập thể ở châu Âu; Phong trào Mặt trận nhân dân chống phát xít và nguy cơ chiến tranh,…
Phong trào kháng chiến chống phát xít trong Chiến tranh thế giới thứ hai  
– Phong trào kháng chiến chống phát xít ở châu Âu, châu Á, châu Phi – Nêu được ý nghĩa của phong trào kháng chiến chống phát xít vì hoà bình của nhân dân thế giới trong Chiến tranh thế giới thứ hai.
– Cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của nhân dân Liên Xô – Phân tích được ý nghĩa của cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của nhân dân Liên Xô.
Chiến tranh và hoà bình từ sau năm 1945 đến nay

 Chiến tranh lạnh (1947 – 1989)

 
– Nguyên nhân, đặc điểm

 – Hậu quả

– Nêu được nét chính về nguyên nhân, đặc điểm của Chiến tranh lạnh.
– Kết thúc Chiến tranh lạnh: nguyên nhân và tác động

  

– Đánh giá được những hậu quả của cuộc Chiến tranh lạnh đối với thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

 – Phân tích được nguyên nhân kết thúc Chiến tranh lạnh và tác động đối với thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

Chiến tranh, xung đột quân sự sau Chiến tranh lạnh  
– Các cuộc nội chiến, xung đột quân sự khu vực

 – Cuộc tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001 và cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu của Mỹ

– Giải thích được vì sao sau Chiến tranh lạnh, các cuộc chiến tranh, xung đột vẫn tiếp diễn thông qua ví dụ cụ thể: sự kiện ngày 11 tháng 9 năm 2001, cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu của Mỹ, chiến tranh Iraq, Afghanistan, các cuộc chiến tranh ở khu vực Trung Đông,…
Đấu tranh vì hoà bình của nhân dân thế giới  
– Đấu tranh chống chạy đua vũ trang, vì hoà bình của nhân dân thế giới trong Chiến tranh lạnh

  

– Sưu tầm tư liệu để tìm hiểu về cuộc đấu tranh vì hoà bình của nhân dân thế giới trong Chiến tranh lạnh: Đại hội hoà

 bình thế giới ngày 26 tháng 4 năm 1949 (Paris), sự thành lập Hội đồng Hoà bình thế giới và các hoạt động chính.

– Phong trào quốc tế ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam

  

– Nêu được nét chính về phong trào quốc tế ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam thông qua ví dụ cụ thể.
– Đấu tranh vì hoà bình của nhân dân thế giới sau Chiến tranh lạnh – Giải thích được vì sao cuộc đấu tranh vì hoà bình của nhân dân thế giới vẫn tiếp diễn sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc.

 – Có ý thức trân trọng và góp phần tham gia vào cuộc đấu tranh vì hoà bình của nhân dân thế giới.

Chuyên đề 11.3: DANH NHÂN TRONG LỊCH SỬ VIỆT NAM
Khái quát về danh nhân trong lịch sử dân tộc  
Khái niệm danh nhân

 Vai trò của danh nhân trong lịch sử dân tộc

– Giải thích được khái niệm danh nhân.

 – Nêu được nét chính về vai trò của danh nhân trong lịch sử dân tộc.

Một số nhà chính trị nổi tiếng của Việt Nam thời cổ – trung đại (Gợi ý lựa chọn)

 Đinh Bộ Lĩnh

 Trần Thủ Độ

 Lê Thánh Tông

 Minh Mệnh

 

– Biết cách sưu tầm và sử dụng tư liệu lịch sử để hiểu được thân thế, sự nghiệp của một số nhà chính trị nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam thời cổ – trung đại.

 – Nêu được nhận xét về những đóng góp chính của các nhà chính trị nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam thời cổ – trung đại.

 – Có ý thức trân trọng những đóng góp của các nhà chính trị nổi tiếng trong lịch sử dân tộc.

Một số danh nhân quân sự Việt Nam (Gợi ý lựa chọn)

 Ngô Quyền

 Trần Quốc Tuấn

 Nguyễn Huệ

 Võ Nguyên Giáp

 

– Biết cách sưu tầm và sử dụng tư liệu lịch sử để hiểu được thân thế, sự nghiệp của một số danh nhân quân sự trong lịch sử Việt Nam.

 – Đánh giá được vai trò của danh nhân quân sự trong lịch sử Việt Nam.

 – Có ý thức trân trọng những đóng góp của danh nhân quân sự trong lịch sử dân tộc.

Một số danh nhân văn hoá Việt Nam (Gợi ý lựa chọn)

 Trần Nhân Tông Nguyễn Trãi Nguyễn Du

 Hồ Xuân Hương

 

– Biết cách sưu tầm và sử dụng tư liệu lịch sử để hiểu về một số danh nhân văn hoá trong lịch sử Việt Nam.

 – Nêu được nhận xét về những đóng góp chính của danh nhân văn hoá trong lịch sử Việt Nam thông qua ví dụ cụ thể.

 – Có ý thức trân trọng những đóng góp của danh nhân văn hoá trong lịch sử dân tộc.

Một số danh nhân Việt Nam trong lĩnh vực khoa học – công nghệ và giáo dục – đào tạo (Gợi ý lựa chọn)

 Chu Văn An

 Lê Quý Đôn

 Tuệ Tĩnh

 Trần Đại Nghĩa

 Tôn Thất Tùng

 Đào Duy Anh

 

– Biết cách sưu tầm và sử dụng tư liệu lịch sử để hiểu về một số danh nhân trong lịch sử Việt Nam về lĩnh vực khoa học – công nghệ và giáo dục – đào tạo.

 – Nêu được nhận xét về đóng góp chính của danh nhân trong lĩnh vực khoa học – công nghệ và giáo dục – đào tạo thông qua ví dụ cụ thể.

 – Có ý thức trân trọng những đóng góp của danh nhân khoa học – công nghệ và giáo dục – đào tạo trong lịch sử dân tộc.

 LỚP 12

Nội dung Yêu cầu cần đạt
THẾ GIỚI TRONG VÀ SAU CHIẾN TRANH LẠNH
Liên hợp quốc  
Một số vấn đề cơ bản về Liên hợp quốc

 – Lịch sử hình thành

– Biết cách sưu tầm và sử dụng tư liệu lịch sử để tìm hiểu về quá trình thành lập Liên hợp quốc.

 – Phân tích được bối cảnh lịch sử và quá trình hình thành Liên hợp quốc.

– Mục tiêu, nguyên tắc hoạt động – Trình bày được mục tiêu và nguyên tắc cơ bản của Liên hợp quốc.
– Cơ cấu tổ chức – Biết cách sưu tầm và sử dụng tài liệu để tìm hiểu về cơ cấu tổ chức của Liên hợp quốc.
Vai trò của Liên hợp quốc  
– Trong lĩnh vực hoà bình, an ninh quốc tế

 – Trong lĩnh vực phát triển

– Nêu được vai trò của Liên hợp quốc trong việc duy trì hoà bình, an ninh quốc tế thông qua ví dụ cụ thể.

 – Phân tích được vai trò của Liên hợp quốc trong lĩnh vực thúc đẩy phát triển, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế, tài chính, thương mại quốc tế, nâng cao đời sống người dân.

– Trong lĩnh vực quyền con người, văn hoá, xã hội và các lĩnh vực khác – Phân tích được vai trò của Liên hợp quốc trong việc đảm bảo quyền con người, phát triển văn hoá, xã hội và các lĩnh vực khác.
Liên hợp quốc và Việt Nam  
– Hoạt động của các tổ chức quốc tế của Liên hợp quốc ở Việt Nam – Nêu được nhận xét về vai trò của các tổ chức quốc tế của Liên hợp quốc ở Việt Nam thông qua ví dụ cụ thể.

  

– Đóng góp của Việt Nam đối với các hoạt động của Liên hợp quốc – Nêu được nhận xét về đóng góp của Việt Nam đối với các hoạt động của Liên hợp quốc. Tự hào về vai trò và đóng góp của Việt Nam và có ý thức sẵn sàng đóng góp sự nghiệp chung của Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế.
Trật tự thế giới trong Chiến tranh lạnh

 Trật tự thế giới hai cực Yalta

– Biết cách sưu tầm và sử dụng tư liệu lịch sử để tìm hiểu về Trật tự thế giới hai cực Yalta.
– Sự hình thành – Phân tích được sự hình thành Trật tự thế giới hai cực Yalta.
– Nội dung – Trình bày được những nét chính của Trật tự thế giới hai cực Yalta.
Sự sụp đổ của Trật tự thế giới hai cực Yalta  
– Nguyên nhân sụp đổ – Nêu được nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của Trật tự thế giới hai cực Yalta.
– Hệ quả và tác động – Phân tích được hệ quả và tác động sự sụp đổ Trật tự thế giới hai cực Yalta đối với tình hình thế giới.
Trật tự thế giới sau Chiến tranh lạnh

 Những chuyển biến của tình hình thế giới sau Chiến tranh lạnh

 
– Xu thế phát triển chính của thế giới sau Chiến tranh lạnh – Phân tích được xu thế phát triển chính của thế giới sau Chiến tranh lạnh.
– Sự điều chỉnh chiến lược phát triển của các quốc gia – Giải thích được vì sao các quốc gia phải điều chỉnh chiến lược phát triển sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc.
Xu thế đa cực trong quan hệ quốc tế  
– Khái niệm đa cực

 – Xu thế đa cực

– Trình bày được khái niệm đa cực.

 – Giải thích được vì sao thế giới hướng tới xu thế đa cực trong quan hệ quốc tế sau Chiến tranh lạnh.

 – Vận dụng được những hiểu biết về thế giới sau Chiến tranh lạnh để hiểu và giải thích những vấn đề thời sự trong quan hệ quốc tế.

QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ – XÃ HỘI MỸ TỪ NĂM 1945 ĐẾN NAY
Giai đoạn từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến năm 1973  
Sự phát triển kinh tế (1945 – 1973)  
– Sự phát triển kinh tế (1945 – 1960)

 – Sụ suy giảm kinh tế (1960 – 1973)

– Giải thích được nguyên nhân dẫn đến sự phát triển (1945 – 1960) và sự suy giảm của nền kinh tế Mỹ (1960 – 1973).
Tình hình chính trị – xã hội (1945 – 1973)  
– Các chương trình cải cách xã hội

 – Phong trào đòi quyền công dân

– Giải thích được vì sao những năm 1960 – 1973 ở Mỹ được gọi là “thời kì của những thay đổi”.
Giai đoạn từ năm 1973 đến năm 2000  
Cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973 và tác động đối với nước Mỹ  
– Nước Mỹ với cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973

 – Thời kì lạm phát, đình đốn của nền kinh tế

 – Những vấn đề chính trị – xã hội

– Biết cách sưu tầm và sử dụng tư liệu lịch sử để tìm hiểu về diễn biến cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973.

 – Chỉ ra được tác động của cuộc khủng hoảng dầu mỏ đối với nước Mỹ.

 – Phân tích được nét chính về tình hình kinh tế, chính trị – xã hội của nước Mỹ trong thập niên 70 của thế kỉ XX.

Những biện pháp điều chỉnh kinh tế – xã hội thập niên 80 của thế kỉ XX  
– Chính sách kinh tế của Chính quyền Reagan – Phân tích được những nội dung chính của chính sách kinh tế của chính quyền Reagan.
– Tình hình chính trị – xã hội – Nêu được nét chính về tình hình chính trị – xã hội nước Mỹ thập niên 80 của thế kỉ XX.
Thời kì tăng trưởng (thập niên 90 của thế kỉ XX)

 – Tăng trưởng kinh tế, tự do hoá thương mại

 – Tình hình chính trị – xã hội

– Giải thích được nguyên nhân kinh tế Mỹ tăng trưởng trong thập niên 90 của thế kỉ XX.

 – Nêu được nét chính về tình hình chính trị – xã hội nước Mỹ thập niên 90 của thế kỉ XX.

Những năm đầu thế kỉ XXI đến nay  
Nước Mỹ từ đầu thế kỉ XXI đến nay  
– Tác động của sự kiện ngày 11 tháng 9 năm 2001 đối với nước Mỹ – Giải thích được tác động của cuộc tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001 đối với nước Mỹ.
– Khái lược tình hình kinh tế – xã hội Mỹ những năm đầu thế kỉ XXI – Nêu được những sự kiện chính về tình hình kinh tế, chính trị, xã hội Mỹ những năm đầu thế kỉ XXI.
Những nét chính về quá trình phát triển kinh tế – xã hội Mỹ từ năm 1945 đến nay

 – Về sự phát triển kinh tế

 – Về những biến đổi chính trị, xã hội

– Phân tích được nét chính về sự phát triển kinh tế của nước Mỹ từ năm 1945 đến nay.

 – Phân tích được những nét chính về những biến đổi chính trị, xã hội nước Mỹ từ năm 1945 đến nay.

 – Vận dụng được hiểu biết về quá trình phát triển kinh tế – xã hội Mỹ để giải thích được vấn đề thời sự của Mỹ hiện nay.

CÔNG CUỘC CẢI CÁCH MỞ CỬA Ở TRUNG QUỐC TỪ NĂM 1978 ĐẾN NAY
Bối cảnh lịch sử

 Khái quát các thời kì phát triển chính của Trung Quốc từ năm 1949 đến năm 1978

– Nêu được các thời kì phát triển chính của Trung Quốc trên đường thời gian: Thập niên đầu xây dựng chế độ mới (1949 – 1959); hai thập niên không ổn định (1959 – 1978).
Bối cảnh Trung Quốc tiến hành cải cách mở cửa

 – Những sai lầm về đường lối phát triển kinh tế xã hội trong hai thập niên 1959 – 1978

 – Khủng hoảng trầm trọng về kinh tế – xã hội

– Giải thích được vì sao Trung Quốc phải tiến hành cải cách mở cửa: khủng hoảng kinh tế – xã hội trầm trọng do những sai lầm về đường lối phát triển kinh tế – xã hội trong hai thập niên 1959 – 1978.
Quá trình cải cách mở cửa

 Đường lối cải cách

 
– Trọng tâm cải cách: phát triển kinh tế

 – Kiên trì bốn nguyên tắc cơ bản

 – Tiến hành cải cách mở cửa, phát triển kinh tế thị trường

 – Xây dựng chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc

– Phân tích được những nội dung chính của đường lối cải cách, mở cửa của Trung Quốc: phát triển kinh tế, kiên trì bốn nguyên tắc cơ bản, tiến hành cải cách mở cửa, phát triển kinh tế thị trường, xây dựng chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc.

  

Các giai đoạn cải cách mở cửa:

 – Giai đoạn 1978 – 1991

 – Giai đoạn 1992 – 2000

 – Giai đoạn 2001 – 2012

 – Giai đoạn 2012 – 2020

– Trình bày được các giai đoạn cải cách mở cửa của Trung Quốc trên đường thời gian: Giai đoạn khởi đầu (1978 – 1991); xây dựng thể chế kinh tế thị trường (1992 – 2000); từng bước hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường (2001 – 2012); cải cách mở cửa sâu rộng (2012 – 2020).
Thành tựu chính và một số đặc điểm của cải cách mở cửa

 Những thành tựu chính

 
– Về kinh tế – xã hội

 – Về khoa học công nghệ, văn hoá, giáo dục

 – Về đối ngoại

– Phân tích được những thành tựu chính của công cuộc cải cách, mở cửa của Trung Quốc trên các lĩnh vực kinh tế – xã hội, khoa học công nghệ, văn hoá, giáo dục,…

 – Nêu được một số nét chính về chính sách đối ngoại của Trung Quốc.

Một số đặc điểm của cải cách mở cửa

 – Về bối cảnh lịch sử

 – Về phương thức cải cách mở cửa

 – Về quá trình cải cách mở cửa

– Phân tích được những đặc điểm của công cuộc cải cách mở cửa ở Trung Quốc về bối cảnh lịch sử, về phương thức mang “đặc sắc Trung Quốc”, phương châm “dò đá qua sông”; về quá trình cải cách: tính đồng bộ và phối hợp, lựa chọn trọng điểm,…
ASEAN: NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG LỊCH SỬ
Sự ra đời và phát triển của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)  
Quá trình hình thành ASEAN

 – Quá trình hình thành ASEAN

 – Mục đích thành lập của ASEAN

– Biết cách sưu tầm và sử dụng tư liệu để tìm hiểu về quá trình thành lập ASEAN.

 – Trình bày được quá trình hình thành và mục đích thành lập của ASEAN.

Hành trình phát triển của ASEAN

 – Từ ASEAN 5 (1967) đến ASEAN 10 (1999)

 – Các giai đoạn phát triển chính của ASEAN (1967 đến nay)

– Phân tích được quá trình phát triển từ ASEAN 5 đến ASEAN 10.

 – Nêu được các giai đoạn phát triển chính của ASEAN (1967 đến nay) trên đường thời gian.

Cơ cấu tổ chức của ASEAN (trình bày theo sơ đồ)

 – Hội nghị Cấp cao ASEAN

 – Hội đồng Điều phối ASEAN

 – Các Hội đồng Cộng đồng ASEAN

 – Các Hội nghị Bộ trưởng chuyên ngành

 – Tổng Thư kí ASEAN và Ban Thư kí ASEAN

 – Ban Thư kí ASEAN quốc gia

– Trình bày được cơ cấu tổ chức của ASEAN thông qua sơ đồ.

  

Nguyên tắc cơ bản và phương thức hoạt động của ASEAN

 – Nguyên tắc cơ bản (theo Hiến chương ASEAN)

 – Phương thức ra quyết định của ASEAN

– Chỉ ra được những nguyên tắc cơ bản của ASEAN.

 – Giải thích được phương thức ASEAN (ASEAN Way) là cách tiếp cận riêng của ASEAN trong việc giải quyết các vấn đề của khu vực và duy trì quan hệ giữa các nước thành viên.

Cộng đồng ASEAN: Từ ý tưởng đến hiện thực

 Ý tưởng và kế hoạch xây dựng Cộng đồng ASEAN

 
– Ý tưởng xây dựng Cộng đồng ASEAN

 – Mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN

 – Kế hoạch xây dựng Cộng đồng ASEAN

– Biết cách sưu tầm và sử dụng tài liệu để tìm hiểu về quá trình hình thành và mục tiêu của Cộng đồng ASEAN.

 – Nêu được nét chính về ý tưởng, mục tiêu và kế hoạch xây dựng Cộng đồng ASEAN.

Ba trụ cột của Cộng đồng ASEAN  
– Cộng đồng Chính trị – An ninh ASEAN (APSC)

 – Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC)

 – Cộng đồng Văn hoá – Xã hội (ASCC)

– Phân tích được nội dung ba trụ cột của Cộng đồng ASEAN: Cộng đồng Chính trị – An ninh ASEAN (APSC),

 Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Cộng đồng Văn hoá – Xã hội (ASCC).

Cộng đồng ASEAN sau năm 2015

 – Tầm nhìn ASEAN sau năm 2015

 – Những thách thức và triển vọng của Cộng đồng ASEAN

– Nêu được nhận xét về thuận lợi, khó khăn của Cộng đồng ASEAN. Có ý thức sẵn sàng tham gia vào các hoạt động xây dựng Cộng đồng ASEAN.
CÁCH MẠNG THÁNG TÁM NĂM 1945, CHIẾN TRANH GIẢI PHÓNG DÂN TỘC VÀ CHIẾN TRANH BẢO VỆ TỔ QUỐC TRONG LỊCH SỬ VIỆT NAM (TỪ THÁNG 8 NĂM 1945 ĐẾN NAY)
Cách mạng tháng Tám năm 1945  
Khái quát về Cách mạng tháng Tám năm 1945  
– Bối cảnh lịch sử

 – Diễn biến chính

– Trình bày được nét khái quát về bối cảnh lịch sử, diễn biến chính của Cách mạng tháng Tám năm 1945.

  

Nguyên nhân thắng lợi, vị trí, ý nghĩa của Cách mạng tháng Tám năm 1945 trong tiến trình lịch sử Việt Nam  
– Nguyên nhân thắng lợi

  

– Nêu được nguyên nhân thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945.
– Ý nghĩa lịch sử – Phân tích được vị trí, ý nghĩa lịch sử của Cách mạng tháng Tám năm 1945 trong tiến trình lịch sử Việt Nam.
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 – 1954)  
Khái quát về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp

 – Bối cảnh lịch sử

– Biết cách sưu tầm và sử dụng tư liệu lịch sử để tìm hiểu về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
– Những diễn biến chính – Trình bày được nét khái quát về bối cảnh lịch sử, diễn biến chính của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Nguyên nhân thắng lợi, vị trí, ý nghĩa lịch sử của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trong tiến trình lịch sử Việt Nam  
– Nguyên nhân thắng lợi

 – Vị trí, ý nghĩa lịch sử

– Nêu được nguyên nhân thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

 – Phân tích được vị trí, ý nghĩa lịch sử của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trong tiến trình lịch sử Việt Nam.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 – 1975)

 Khái quát về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

 
– Bối cảnh lịch sử – Biết cách sưu tầm và sử dụng tư liệu lịch sử để tìm hiểu về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
– Các giai đoạn phát triển chính – Trình bày được nét khái quát về bối cảnh lịch sử, các giai đoạn phát triển chính của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Nguyên nhân thắng lợi, vị trí, ý nghĩa lịch sử của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trong tiến trình lịch sử Việt Nam  
– Nguyên nhân thắng lợi

 – Vị trí, ý nghĩa lịch sử

– Nêu được nguyên nhân thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

 – Phân tích vị trí, ý nghĩa lịch sử của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trong tiến trình lịch sử Việt Nam.

 – Trân trọng, tự hào về truyền thống bất khuất của cha ông trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tham gia vào công tác đền ơn đáp nghĩa ở địa phương.

Đấu tranh bảo vệ Tổ quốc từ sau tháng 4 năm 1975 đến nay  
Khái quát về cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc từ sau tháng 4 năm 1975 đến nay

 – Bối cảnh lịch sử

 – Diễn biến chính

  

– Biết cách sưu tầm và sử dụng tư liệu lịch sử để tìm hiểu về các cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc từ sau tháng 4 năm 1975 đến nay.

 – Trình bày được những nét khái quát về bối cảnh lịch sử, diễn biến chính của: cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở vùng biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc (từ sau tháng 4 năm 1975 đến đầu những năm 80 của thế kỉ XX), cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia ở vùng biên giới phía Bắc và ở Biển Đông từ năm 1979 đến nay.

Ý nghĩa lịch sử của cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc từ sau tháng 4 năm 1975 đến nay  
– Ý nghĩa lịch sử – Nêu được ý nghĩa lịch sử của cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc từ sau tháng 4 năm 1975 đến nay.
Một số bài học lịch sử  
– Về đại nghĩa dân tộc, tinh thần yêu nước

 – Về vai trò của khối đoàn kết dân tộc

 – Về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại

 – Về nghệ thuật lãnh đạo, nghệ thuật quân sự

– Rút ra được những bài học cơ bản của các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc từ năm 1945 đến nay: bài học về đại nghĩa dân tộc, tinh thần yêu nước; về vai trò của khối đoàn kết dân tộc trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc từ năm 1945 đến nay; về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; nghệ thuật lãnh đạo và nghệ thuật quân sự.

 – Phân tích được giá trị thực tiễn của những bài học lịch sử của các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc từ năm 1945 đến nay. Trân trọng những bài học kinh nghiệm trong lịch sử và sẵn sàng góp phần tham gia bảo vệ Tổ quốc khi Tổ quốc cần.

CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI Ở VIỆT NAM TỪ NĂM 1986 ĐẾN NAY
Khái quát về công cuộc Đổi mới từ năm 1986 đến nay – Xây dựng đường thời gian về các giai đoạn phát triển của công cuộc Đổi mới đất nước từ năm 1986 đến nay, điểm lại các giai đoạn phát triển chính trên đường thời gian:
Giai đoạn 1986 – 1995 + Giai đoạn 1986 – 1995: khởi đầu công cuộc Đổi mới.
Giai đoạn 1996 – 2006 + Giai đoạn 1996 – 2006: đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập kinh tế quốc tế.
Giai đoạn 2007 đến nay + Giai đoạn từ năm 2007 đến nay: tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế sâu rộng.
Đặc điểm của công cuộc Đổi mới ở Việt Nam từ năm 1986 đến nay  
Về bối cảnh lịch sử

 – Bối cảnh quốc tế, khu vực

 – Bối cảnh trong nước

– Phân tích được công cuộc Đổi mới ở Việt Nam diễn ra trong bối cảnh quốc tế, khu vực có nhiều biến đổi. Kinh nghiệm cải cách của các nước gợi mở cho Việt Nam trong quá trình đổi mới.
Về quá trình đổi mới  
– Đổi mới ở Việt Nam bắt đầu từ lĩnh vực kinh tế

 – Đổi mới kinh tế là trọng tâm, đồng thời từng bước đổi mới về chính trị, xã hội, văn hoá

– Giải thích được quá trình đổi mới của Việt Nam bắt đầu từ lĩnh vực kinh tế. Đổi mới kinh tế là trọng tâm, song song với đổi mới kinh tế, từng bước đổi mới về chính trị, xã hội, văn hoá.
Về phương thức

 – Đổi mới ở Việt Nam diễn ra từ hai chiều: vừa có sự chỉ đạo từ trên xuống, vừa có sự sáng tạo của nhân dân từ dưới lên

– Phân tích được công cuộc Đổi mới ở Việt Nam diễn ra từ hai chiều: vừa có sự chỉ đạo từ trên xuống, vừa có sự sáng tạo của nhân dân từ dưới lên (các địa phương, các hợp tác xã, doanh nghiệp).
– Đổi mới gắn liền với quá trình hội nhập quốc tế – Giải thích được công cuộc Đổi mới ở Việt Nam gắn liền với quá trình hội nhập quốc tế: mở rộng quan hệ đối ngoại và chủ động gia nhập ASEAN, hội nhập kinh tế quốc tế, thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, rộng mở, đa phương hoá, đa dạng hoá các quan hệ quốc tế.
Thành tựu cơ bản và bài học của công cuộc Đổi mới ở Việt Nam từ năm 1986 đến nay  
Thành tựu cơ bản  
– Chấm dứt tình trạng khủng hoảng kinh tế – xã hội kéo dài trong nhiều năm – Giải thích được công cuộc Đổi mới đã đưa Việt Nam thoát khỏi khủng hoảng kinh tế – xã hội và tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình.
– Chuyển đổi quan trọng về mô hình kinh tế và mô hình quản lí kinh tế – Phân tích được sự chuyển đổi quan trọng từ mô hình kinh tế kế hoạch hoá tập trung sang mô hình mới – kinh tế hàng hoá nhiều thành phần; từ mô hình quản lí kinh tế theo cơ chế tập trung, quan liêu bao cấp chuyển sang mô hình quản lí kinh tế theo cơ chế thị trường.
– Xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính trị – Trình bày được những nét chính về quá trình xây dựng và đổi mới trong cơ chế, chính sách, tổ chức bộ máy nhà nước, nâng cao hiệu quả của hệ thống chính trị.
– Vượt qua tình trạng bị bao vây cấm vận, tích cực và chủ động hội nhập quốc tế – Giải thích được Việt Nam đã vượt qua thế bị bao vây, cấm vận, tích cực và chủ động hội nhập kinh tế khu vực và toàn cầu, quan hệ quốc tế và thương mại quốc tế mở rộng mạnh mẽ.
– Giải quyết các vấn đề xã hội, phát triển văn hoá, con người – Phân tích được nét chính về việc giải quyết các vấn đề xã hội, phát triển văn hoá, con người, chú trọng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Gắn kết tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.
Một số bài học kinh nghiệm  
– Kiên trì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh – Phân tích được đổi mới là sự vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và vai trò lãnh đạo của Đảng.
– Đổi mới toàn diện, đồng bộ, có bước đi, hình thức và cách làm phù hợp – Giải thích được sự cần thiết phải đổi mới đồng bộ tất cả các mặt của đời sống xã hội, có những bước đi thích hợp.
– Đổi mới phải vì lợi ích của nhân dân, phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của nhân dân – Vận dụng những hiểu biết về vai trò của quần chúng nhân dân trong lịch sử để phân tích được vai trò của quần chúng nhân dân trong công cuộc Đổi mới.
– Kết hợp sức mạnh nội lực và ngoại lực, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong điều kiện mới – Trình bày được vai trò của việc kết hợp nội lực với ngoại lực, phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại như là cách thức để tận dụng thời cơ, vận hội để tiếp tục công cuộc Đổi mới.

 – Có ý thức trân trọng những thành tựu của công cuộc Đổi mới, sẵn sàng tham gia đóng góp vào công cuộc Đổi mới ở địa phương và đất nước.

LỊCH SỬ QUAN HỆ ĐỐI NGOẠI VIỆT NAM
Quan hệ bang giao Việt Nam thời cổ – trung đại  
Quan hệ bang giao Việt Nam với Trung Quốc  
– Sự thiết lập quan hệ bang giao Việt Nam – Trung Quốc ở thế kỉ X – Tóm tắt được những nét chính về sự thiết lập quan hệ bang giao Việt Nam – Trung Quốc ở thế kỉ thứ X.
– Đặc điểm của quan hệ bang giao Việt Nam – Trung Quốc – Phân tích được những đặc điểm của quan hệ bang giao Việt Nam – Trung Quốc.
Quan hệ bang giao Việt Nam với Đông Nam Á  
– Quan hệ bang giao Việt Nam – Đông Nam Á – Nêu được nhưng nét chính trong quan hệ bang giao Việt Nam – Đông Nam Á.
Quan hệ đối ngoại Việt Nam thời cận – hiện đại  
Hoạt động đối ngoại của Việt Nam trong đấu tranh giành độc lập dân tộc (đầu thế kỉ XX đến Cách mạng tháng Tám năm 1945)

 – Bối cảnh lịch sử

 – Hoạt động đối ngoại chủ yếu

 Quan hệ đối ngoại Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp (1945 – 1954)

– Nêu được nét khái quát về bối cảnh lịch sử và những hoạt động đối ngoại chủ yếu của Việt Nam trong đấu tranh giành độc lập dân tộc (từ đầu thế kỉ XX đến Cách mạng tháng Tám năm 1945).
– Hoàn cảnh lịch sử

 – Chủ trương đối ngoại

 – Những thành tựu chính

– Nêu được tác động của hoàn cảnh lịch sử đến các hoạt động đối ngoại trong kháng chiến chống Pháp.

 – Nêu được nhận xét về những thành tựu của hoạt động đối ngoại của Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp.

Quan hệ đối ngoại Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ (1954 – 1975)  
– Hoàn cảnh lịch sử

 – Chủ trương đối ngoại

 – Những thành tựu chính

– Nêu được tác động của bối cảnh lịch sử đến các hoạt động đối ngoại trong kháng chiến chống Mỹ.

 – Đánh giá được những thành tựu đối ngoại của Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ.

Quan hệ đối ngoại Việt Nam trong giai đoạn 1975 – 1985

 – Hoàn cảnh lịch sử

 – Chủ trương đối ngoại

 – Những thành tựu chính

– Nêu được tác động của hoàn cảnh lịch sử đối với hoạt động đối ngoại của Việt Nam trong giai đoạn 1975 – 1985.

 – Đánh giá được những thành tựu của đối ngoại Việt Nam trong giai đoạn 1975 – 1985.

Quan hệ đối ngoại Việt Nam thời kì Đổi mới (từ năm 1986 đến nay)

 – Hoàn cảnh lịch sử

 – Chủ trương hội nhập quốc tế

 – Thành tựu và thách thức của đối ngoại Việt Nam thời kì Đổi mới

– Sưu tầm và sử dụng tư liệu để hiểu về quan hệ đối ngoại Việt Nam thời kì Đổi mới.

 – Giải thích được vì sao Việt Nam chủ trương hội nhập quốc tế.

 – Đánh giá được những thành tựu và thách thức của đối ngoại Việt Nam thời kì Đổi mới.

 – Tự hào về truyền thống ngoại giao của cha ông trong lịch sử, góp phần vào việc xây dựng hình ảnh đẹp, thân thiện của đất nước Việt Nam trong cộng đồng quốc tế.

HỒ CHÍ MINH TRONG LỊCH SỬ VIỆT NAM
Khái quát về cuộc đời và sự nghiệp của Hồ Chí Minh

 Những yếu tố ảnh hưởng đến cuộc đời và sự nghiệp của Hồ Chí Minh

 – Hoàn cảnh đất nước

 – Hoàn cảnh quê hương

 – Hoàn cảnh gia đình

– Biết cách sưu tầm và sử dụng tư liệu lịch sử để tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của Hồ Chí Minh.

 – Phân tích được một số yếu tố ảnh hưởng đến cuộc đời và sự nghiệp của Hồ Chí Minh.

Tiểu sử Hồ Chí Minh  
– Xuất thân

 – Quê quán

– Tóm tắt được những nét cơ bản trong tiểu sử của Hồ Chí Minh.
Khái quát về sự nghiệp của Hồ Chí Minh  
– Tuổi trẻ

 – Hoạt động ở nước ngoài (1911 – 1941)

 – Trở về Việt Nam

 – Trong nhà tù ở Trung Quốc

 – Hoạt động lãnh đạo cách mạng

– Nêu được tiến trình hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh trên đường thời gian.
Hồ Chí Minh – Anh hùng giải phóng dân tộc  
Xác định con đường cứu nước

 – Hành trình đi tìm đường cứu nước

 – Con đường cứu nước

 – Ý nghĩa của việc tìm ra con đường cứu nước

  

– Giới thiệu được hành trình đi tìm đường cứu nước của Hồ Chí Minh trên bản đồ.

 – Phân tích được nội dung cơ bản của con đường cứu nước của Hồ Chí Minh.

 – Nêu được ý nghĩa của sự kiện Hồ Chí Minh tìm ra con đường cứu nước.

Sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam  
– Chuẩn bị về chính trị, tư tưởng, tổ chức cho sự ra đời của Đảng

 – Triệu tập và chủ trì hội nghị thành lập Đảng Cộng sản

 Việt Nam

 – Ý nghĩa của việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam

– Phân tích được quá trình chuẩn bị về chính trị, tư tưởng, tổ chức của Hồ Chí Minh cho sự ra đời của Đảng Cộng sản.

 – Nêu được vai trò của Hồ Chí Minh đối với việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và ý nghĩa của việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Lãnh đạo Cách mạng tháng Tám 1945  
– Triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương 8 (tháng 5 năm 1941)

 – Sáng lập Mặt trận Việt Minh (ngày 19 tháng 5 năm 1941)

 – Trực tiếp lãnh đạo và tiến hành các hoạt động đấu tranh ngoại giao trong thời gian từ năm 1941 đến năm 1945

 – Cùng Trung ương Đảng và Mặt trận Việt Minh lãnh đạo Cách mạng tháng Tám năm 1945 thắng lợi, lập ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà

– Nêu được vai trò của Hồ Chí Minh đối với việc triệu tập Hội nghị Trung ương 8 (tháng 5 năm 1941).

 – Phân tích được ý nghĩa của việc thành lập Mặt trận Việt Minh (ngày 19 tháng 5 năm 1941) và vai trò của Hồ Chí Minh.

Lãnh đạo kháng chiến chống Pháp (1945 – 1954) và chống Mỹ (1954 – 1969)

 – Giai đoạn 1945 – 1946

 – Giai đoạn 1946 – 1954

 – Giai đoạn 1954 – 1969

– Nêu được vai trò của Hồ Chí Minh trong giai đoạn sau Cách mạng tháng Tám (1945 – 1946) khi thực hiện chủ trương “hoà để tiến” thông qua việc kí Hiệp định Sơ bộ (ngày 06 tháng 3 năm 1946) và bản Tạm ước (ngày 14 tháng 9 năm 1946).

 – Phân tích được vai trò của Hồ Chí Minh trong kháng chiến chống Pháp (1946 – 1954).

 – Phân tích được vai trò của Hồ Chí Minh trong kháng chiến chống Mỹ (1954 – 1969).

 – Có ý thức trân trọng công lao, đóng góp của Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam.

Dấu ấn Hồ Chí Minh trong lòng nhân dân thế giới và Việt Nam  
Hồ Chí Minh trong lòng nhân dân thế giới  
– Danh hiệu:

 + Năm 1987, UNESCO công nhận Hồ Chí Minh là anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hoá lớn

 + Nhân dân thế giới đánh giá cao những cống hiến và những giá trị tư tưởng và văn hoá của Hồ Chí Minh

 – Tưởng niệm: Nhà lưu niệm; Đài kỉ niệm; Đặt tên một số đại lộ,…

– Giải thích được vì sao nhân dân thế giới đánh giá cao những cống hiến và giá trị tư tưởng, văn hoá của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Hồ Chí Minh trong lòng nhân dân Việt Nam  
– Bảo tàng, Nhà lưu niệm

 – Hình tượng văn học, nghệ thuật

 – Phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh

– Giải thích được vì sao Chủ tịch Hồ Chí Minh sống mãi trong lòng dân tộc Việt Nam.

 – Có ý thức trân trọng những cống hiến và giá trị tư tưởng văn hoá của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tích cực tham gia phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh.

THỰC HÀNH LỊCH SỬ
– Tiến hành các hoạt động giáo dục lịch sử gắn với thực địa, tham quan di tích lịch sử, văn hoá.

 – Tham quan các bảo tàng, xem phim tài liệu lịch sử,…

 – Tổ chức các câu lạc bộ “Em yêu lịch sử”, “Nhà sử học trẻ tuổi”,…

 – Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu lịch sử, các trò chơi lịch sử,…

 CHUYÊN ĐỀ LỚP 12

Nội dung Yêu cầu cần đạt
Chuyên đề 12.1: LỊCH SỬ TÍN NGƯỠNG VÀ TÔN GIÁO Ở VIỆT NAM
Khái lược về tín ngưỡng và tôn giáo  
Khái niệm tín ngưỡng

 Khái niệm tôn giáo

– Giải thích được khái niệm tín ngưỡng, tôn giáo.
Một số tín ngưỡng ở Việt Nam  
Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên và Quốc tổ Hùng Vương

 Thờ Mẫu

 Thờ Thành hoàng

 Thờ anh hùng dân tộc

– Liệt kê được các tín ngưỡng ở Việt Nam

 – Chỉ ra được một số nét chính của các tín ngưỡng thông qua hoạt động trải nghiệm thực tế, tham quan thực tế ở địa phương.

Một số tôn giáo ở Việt Nam

 Nho giáo

 Phật giáo

  

– Phân tích được những biểu hiện của Nho giáo trong đời sống văn hoá – xã hội Việt Nam.

 – Chỉ ra được những biểu hiện của Phật giáo trong đời sống văn hoá – xã hội thông qua trải nghiệm thực tế, thăm quan chùa chiền ở địa phương.

Cơ Đốc giáo

 Đạo giáo

 Tôn giáo khác

– Nêu được những biểu hiện của Cơ Đốc giáo, Đạo giáo trong đời sống văn hoá – xã hội.

 – Nêu được một số nét chính về một số tôn giáo khác

 – Có ý thức tôn trọng, vận động người khác tôn trọng sự đa dạng về tín ngưỡng và tôn giáo ở Việt Nam.

Chuyên đề 12.2: NHẬT BẢN: HÀNH TRÌNH LỊCH SỬ TỪ NĂM 1945 ĐẾN NAY
Nhật Bản sau Chiến tranh thế giới thứ hai (1945 – 1973)  
Thời kì Nhật Bản bị quân đội Đồng minh chiếm đóng (1945 – 1952)

 – Quá trình dân chủ hoá

 – Những chuyển biến về kinh tế, xã hội

– Nêu được những chuyển biến của Nhật Bản trong thời kì bị chiếm đóng: quá trình dân chủ hoá, những chuyển biến về kinh tế, xã hội.
Thời kì tăng trưởng cao về kinh tế (1952 – 1973)

 – Nguyên nhân của “sự thần kì” kinh tế

– Sưu tầm và sử dụng tư liệu lịch sử để hiểu về “sự thần kì” kinh tế của Nhật Bản.

 – Giải thích được nguyên nhân dẫn đến “sự thần kì” kinh tế của Nhật Bản.

– Tình hình chính trị – xã hội – Phân tích được nét chính về tình hình chính trị – xã hội Nhật Bản trong những năm 1952 – 1973.
Nhật Bản từ năm 1973 đến nay  
Thời kì khủng hoảng và điều chỉnh (1973 – 2000)

 – Sự phát triển không ổn định về kinh tế

 – Tình hình chính trị, xã hội

– Giải thích được nguyên nhân của sự phát triển không ổn định về kinh tế của Nhật Bản kể từ sau năm 1973.

 – Nêu được những nét chính về tình hình chính trị, xã hội Nhật Bản.

Nhật Bản những năm đầu thế kỉ XXI

 – Cải cách và quá trình phục hồi kinh tế

 – Những chuyển biến về chính trị, xã hội

– Trình bày được quá trình cải cách và phục hồi kinh tế của Nhật Bản những năm đầu thế kỉ XXI.

 – Phân tích được những chuyển biến về chính trị, xã hội của Nhật Bản những năm đầu thế kỉ XXI: mặt tích cực, mặt tiêu cực.

Bài học thành công từ lịch sử Nhật Bản – Nêu được nhận xét về những bài học thành công của Nhật Bản:
– Về nhân tố con người + Nguồn nhân lực được đào tạo chu đáo, có ý chí vươn lên, cần cù lao động, đề cao kỉ luật và coi trọng tiết kiệm;
– Về vai trò của Nhà nước + Vai trò quan trọng của nhà nước trong việc đề ra các chiến lược phát triển và sự điều tiết cần thiết để đưa nền kinh tế liên tục tăng trưởng;
– Về hệ thống tổ chức, quản lí sản xuất + Hệ thống tổ chức quản lí có hiệu quả của các xí nghiệp, công ti Nhật Bản;
– Về truyền thống lịch sử, văn hoá + Truyền thống văn hoá và việc giữ gìn bản sắc lâu đời của người Nhật.

 – Trân trọng và có ý thức học hỏi những phẩm chất cần cù, kỉ luật, coi trọng bản sắc văn hoá dân tộc của người Nhật.

Chuyên đề 12.3: QUÁ TRÌNH HỘI NHẬP QUỐC TẾ CỦA VIỆT NAM
Một số khái niệm  
Toàn cầu hoá

 – Khái niệm toàn cầu hoá

 – Những biểu hiện của toàn cầu hoá

 – Tác động của toàn cầu hoá: tích cực và tiêu cực

– Giải thích được khái niệm toàn cầu hoá.

 – Sưu tầm và sử dụng tư liệu để tìm hiểu về toàn cầu hoá.

 – Phân tích được những biểu hiện và tác động tích cực và tiêu cực của toàn cầu hoá thông qua ví dụ cụ thể.

Hội nhập quốc tế

 – Khái niệm hội nhập quốc tế

 – Các lĩnh vực hội nhập quốc tế

– Giải thích được khái niệm hội nhập quốc tế.

 – Nêu được các lĩnh vực hội nhập quốc tế: kinh tế, chính trị, an ninh – quốc phòng, văn hoá, giáo dục,… thông qua ví dụ cụ thể.

Việt Nam hội nhập khu vực và quốc tế

 Tác động của toàn cầu hoá đối với Việt Nam

 
– Tác động tích cực

 – Tác động tiêu cực

– Giải thích được những tác động (tích cực và tiêu cực) của toàn cầu hoá đối với Việt Nam thông qua ví dụ cụ thể.
Việt Nam hội nhập khu vực và quốc tế

  

– Biết cách sưu tầm và sử dụng tư liệu để tìm hiểu quá trình Việt Nam hội nhập khu vực và thế giới.
– Việt Nam hội nhập khu vực Đông Nam Á, vai trò và đóng góp của Việt Nam trong ASEAN – Phân tích được vai trò và đóng góp của Việt Nam trong tổ chức ASEAN (trên các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, an ninh, văn hoá, xã hội,…).
– Việt Nam tham gia các tổ chức quốc tế – Nêu được những nét chính về quá trình Việt Nam tham gia các tổ chức quốc tế (Liên hợp quốc, các tổ chức khác).

 – Trân trọng và có ý thức đóng góp vào những thành tựu hội nhập khu vực và quốc tế của Việt Nam.

  1. PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC
  2. Định hướng chung

 Chương trình môn Lịch sử được xây dựng theo định hướng phát triển năng lực, vì vậy phương pháp dạy học chủ đạo là tích cực hoá hoạt động của người học. Phương pháp dạy học tích cực chú trọng tổ chức cho học sinh thực hiện các hoạt động học tập gắn với những tình huống của cuộc sống; gắn hoạt động trí tuệ với hoạt động thực hành, thực tiễn; tăng cường tự học, làm việc trong nhóm nhằm phát triển các phẩm chất chủ yếu, các năng lực chung (năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo) và năng lực lịch sử cho học sinh, đáp ứng mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông.

  1. Định hướng phương pháp hình thành, phát triển các phẩm chất chủ yếu và năng lực chung
  2. a) Phương pháp hình thành và phát triển các phẩm chất chủ yếu

 Thông qua việc tổ chức các hoạt động học tập, giáo viên giúp học sinh từng bước hình thành và phát triển lòng yêu nước, tinh thần dân tộc chân chính; niềm tự hào về truyền thống lịch sử của quê hương, đất nước; phát triển các giá trị nhân văn, nhân ái, trung thực, tinh thần trách nhiệm với cộng đồng và xã hội, sẵn sàng tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, thông qua các bài học lịch sử, giáo viên truyền cảm hứng để học sinh yêu thích lịch sử, có ý thức tìm tòi, khám phá lịch sử.

  1. b) Phương pháp hình thành và phát triển các năng lực chung

 Trong dạy học môn Lịch sử, giáo viên giúp học sinh hình thành và phát triển những năng lực chung thông qua các nội dung học tập và hoạt động thực hành, thực tế. Cụ thể:

 – Năng lực tự chủ và tự học: được hình thành và phát triển thông qua các hoạt động học tập như thu thập thông tin từ các nguồn sử liệu; trình bày ý kiến cá nhân về sự kiện, nhân vật, quá trình lịch sử; khảo sát, thực hành lịch sử trên thực địa, di tích lịch sử và văn hóa ở địa phương; vận dụng kiến thức lịch sử để giải thích các vấn đề thực tế; tìm tòi, khám phá và tự học lịch sử;…

 – Năng lực giao tiếp và hợp tác: được hình thành và phát triển thông qua các hoạt động nhóm; hoạt động trải nghiệm tại thực địa, bảo tàng, di tích lịch sử và văn hóa; hoạt động phỏng vấn nhân chứng lịch sử;…

 – Năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo: được hình thành và phát triển thông qua các hoạt động phát hiện vấn đề, nêu giả thuyết, ý kiến cá nhân về sự kiện, nhân vật lịch sử; tìm logic trong cách thức giải quyết vấn đề, đánh giá giải pháp giải quyết vấn đề trong lịch sử; vận dụng bài học kinh nghiệm lịch sử trong thực tế cuộc sống;…

  1. Định hướng phương pháp hình thành, phát triển năng lực lịch sử

 Phương pháp hình thành, phát triển năng lực lịch sử được thực hiện trên nền tảng những nguyên tắc cơ bản của khoa học lịch sử: thông qua các nguồn sử liệu khác nhau để tái hiện lịch sử, phục dựng một cách chân thực, khách quan quá trình hình thành, phát triển của các sự kiện, quá trình lịch sử, đồng thời đặt quá trình phát triển đó trong sự tương tác với các nhân tố liên quan trong suốt quá trình vận động của chúng.

 Dạy học môn Lịch sử theo phương pháp dạy học tích cực, giáo viên không đặt trọng tâm vào việc truyền đạt kiến thức lịch sử cho học sinh mà chú trọng hướng dẫn học sinh nhận diện và khai thác các nguồn sử liệu, từ đó tái hiện quá khứ, nhận thức lịch sử, đưa ra suy luận, đánh giá về bối cảnh, nguồn gốc, sự phát triển của sự kiện, quá trình lịch sử để tìm kiếm sự thật lịch sử một cách khoa học, vận dụng kiến thức lịch sử vào thực tiễn, từ đó hình thành và phát triển năng lực lịch sử cho học sinh.

 Phương pháp dạy học lịch sử theo định hướng phát triển năng lực chú trọng việc phát hiện và giải quyết vấn đề, sử dụng các phương tiện trực quan (hiện vật lịch sử, tranh ảnh lịch sử, bản đồ, biểu đồ, sa bàn, mô hình, phim tài liệu lịch sử,…). Giáo viên giúp học sinh biết cách tìm tòi, khai thác các nguồn sử liệu, đồng thời biết cách phân tích sự kiện, quá trình lịch sử và tự mình rút ra những nhận xét, đánh giá, tạo cơ sở phát triển năng lực tự học lịch sử suốt đời và khả năng ứng dụng vào cuộc sống những hiểu biết về lịch sử, văn hoá, xã hội Việt Nam và thế giới.

 Các hình thức tổ chức dạy học môn Lịch sử bao gồm các hoạt động dạy học ở trong và ngoài lớp học. Giáo viên cần tăng cường mở rộng không gian dạy học trên thực địa (di tích lịch sử, di sản văn hoá, bảo tàng, triển lãm,…), kết hợp các hoạt động dạy học trong lớp học với hoạt động trải nghiệm trên thực tế. Thông qua việc kết hợp các hình thức hoạt động đa dạng như thảo luận nhóm, làm việc nhóm, làm việc cá nhân,… giáo viên giúp học sinh trở thành “người đóng vai lịch sử” để khám phá lịch sử, vận dụng sáng tạo kiến thức vào các tình huống học tập và thực tiễn cuộc sống.

 Để nâng cao hiệu quả của hoạt động giáo dục lịch sử, cần chú trọng kết hợp giữa giáo dục lịch sử trong nhà trường với gia đình và xã hội. Sự phối hợp giữa ba môi trường giáo dục (nhà trường, gia đình, xã hội) là nền tảng quan trọng để hình thành năng lực lịch sử. Giáo viên cần chủ động thiết lập và duy trì mối liên hệ thường xuyên giữa nhà trường với gia đình và xã hội trong công tác giáo dục lịch sử thông qua các mô hình phối hợp như: tổ chức hoạt động giáo dục truyền thống lịch sử, giáo dục về chủ quyền quốc gia cho học sinh có sự tham gia của cha mẹ học sinh và các tổ chức xã hội.

 Chương trình môn Lịch sử chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông; khuyến khích học sinh tự tìm đọc, thu thập tư liệu lịch sử trên mạng Internet, trong thư viện và trong các hệ thống cơ sở dữ liệu khác để thực hiện các nghiên cứu của cá nhân hoặc nhóm; phát triển kĩ năng sử dụng các phương tiện công nghệ thông tin để hỗ trợ việc tái hiện, tìm hiểu, nghiên cứu lịch sử.

 VII. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ GIÁO DỤC

 Mục đích đánh giá kết quả giáo dục lịch sử là xác định mức độ đáp ứng của học sinh đối với yêu cầu cần đạt về kiến thức và năng lực lịch sử ở từng chủ đề, từng lớp học, từ đó điều chỉnh hoạt động dạy – học nhằm đạt được mục tiêu của chương trình. Hoạt động đánh giá phải khuyến khích được sự say mê học tập, tìm hiểu, khám phá các vấn đề lịch sử của học sinh; giúp học sinh có thêm sự tự tin, chủ động sáng tạo trong học tập.

 Nội dung đánh giá cần chú trọng khả năng vận dụng sáng tạo kiến thức lịch sử đã học trong những tình huống cụ thể, không lấy việc kiểm tra khả năng tái hiện kiến thức lịch sử, thuộc lòng và ghi nhớ máy móc làm trọng tâm.

 Thông qua đánh giá, giáo viên có thể nắm được tình hình học tập, mức độ phân hoá về trình độ học lực của học sinh trong lớp, từ đó có biện pháp giúp đỡ học sinh chưa đạt yêu cầu về kiến thức, năng lực, phát hiện và bồi dưỡng học sinh có năng khiếu về lịch sử, đồng thời điều chỉnh, hoàn thiện phương pháp giáo dục lịch sử.

 Về hình thức đánh giá, cần kết hợp giữa đánh giá thường xuyên và đánh giá định kì, giữa đánh giá của giáo viên và tự đánh giá của học sinh; kết hợp kiểm tra miệng, kiểm tra viết, bài tập thực hành, dự án nghiên cứu; kết hợp đánh giá bằng trắc nghiệm khách quan và tự luận.

 VIII. GIẢI THÍCH VÀ HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

  1. Giải thích thuật ngữ

 Chương trình môn Lịch sử sử dụng một số từ ngữ để thể hiện mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt về năng lực của người học. Trong bảng liệt kê dưới đây, đối tượng, mức độ cần đạt được chỉ dẫn bằng các động từ khác nhau. Trong quá trình dạy học, đặc biệt là khi đặt câu hỏi thảo luận, ra đề kiểm tra đánh giá, giáo viên có thể dùng những động từ nêu trong bảng này hoặc thay thế bằng các động từ có nghĩa tương đương cho phù hợp với tình huống sư phạm và nhiệm vụ cụ thể giao cho học sinh.

Mức độ Động từ mô tả mức độ
Biết

  

– Biết cách tìm kiếm thông tin bằng công cụ tìm kiếm, sử dụng từ khoá tra cứu trên Internet, thư viện điện tử, thư viện truyền thống,…

 – Nhận diện tư liệu lịch sử: phân biệt được các loại hình tư liệu lịch sử (chữ viết, hiện vật lịch sử,…).

 – Biết cách khai thác tư liệu lịch sử: bước đầu hiểu được nội dung, khai thác và sử dụng được một số tư liệu lịch sử trong quá trình học tập.

 – Kể được tên các sự kiện, nhân vật lịch sử trong không gian và thời gian cụ thể.

 – Nêu được, chỉ ra được diễn biến chính của các sự kiện, nhân vật lịch sử ở mức đơn giản, trong tình huống không thay đổi.

 – Liệt kê được, ghi lại hoặc kể lại được các mốc chính của một giai đoạn, quá trình lịch sử, nhân vật lịch sử,…

 – Phát biểu hoặc nêu được định nghĩa về các thuật ngữ, khái niệm lịch sử cơ bản.

 – Xác định được vị trí của sự kiện, nhân vật, giai đoạn trong tiến trình lịch sử.

 – Đặt đúng vị trí của sự kiện, nhân vật, giai đoạn lịch sử (trên đường thời gian, bản đồ, biểu đồ lịch sử,…).

 – Kết nối được các sự kiện, nhân vật, quá trình lịch sử có quan hệ logic hoặc có liên quan với nhau.

Hiểu – Tái hiện và trình bày được (nói hoặc viết) diễn trình của các sự kiện, nhân vật, quá trình lịch sử (từ đơn giản đến phức tạp).

 – Mô tả được bằng ngôn ngữ của mình những nét cơ bản về sự kiện, nhân vật, giai đoạn lịch sử, một số nền văn minh trên thế giới và Việt Nam (đời sống vật chất, tinh thần, các thành tựu tiêu biểu,…).

 – Sử dụng được bản đồ, lược đồ, biểu đồ để giới thiệu về các sự kiện, hành trình lịch sử, những biến đổi quan trọng về kinh tế, chính trị, xã hội ở một số quốc gia trên thế giới và Việt Nam.

 – Lập được đường thời gian (timeline) hoặc xây dựng được sơ đồ tiến trình lịch sử, diễn biến chính của các sự kiện (các cuộc chiến tranh, khởi nghĩa, trận đánh lớn, các cuộc cách mạng, cải cách,…).

– Giải thích được nguồn gốc, nguyên nhân, sự vận động của các sự kiện lịch sử từ đơn giản đến phức tạp; chỉ ra được quá trình phát triển của lịch sử theo lịch đại và đồng đại.

 – Phân tích được tác động, mối quan hệ qua lại giữa các sự kiện, nhân vật, quá trình lịch sử.

 – Lí giải được mối quan hệ nhân quả trong tiến trình lịch sử (giữa các sự kiện, quá trình lịch sử; giữa điều kiện tự nhiên với sự phát triển xã hội, giữa con người với con người,…).

 – Phân tích được nguyên nhân thành công hay thất bại (của các sự kiện, biến cố lịch sử, phong trào cách mạng, chiến tranh, cải cách,…).

 – So sánh được sự tương đồng và khác biệt giữa các sự kiện, nhân vật, quá trình lịch sử.

 – Đưa ra được những ý kiến nhận xét, đánh giá của cá nhân về các sự kiện, nhân vật, quá trình lịch sử trên cơ sở nhận thức và tư duy lịch sử.

 – Phân tích được sự tiếp nối và sự thay đổi của các sự kiện, nhân vật, vấn đề trong tiến trình lịch sử.

 – Biết suy nghĩ theo những chiều hướng khác nhau khi xem xét, đánh giá, hay đi tìm câu trả lời về một sự kiện, nhân vật, quá trình lịch sử.

Vận dụng – Xác định được vấn đề cần giải quyết về các sự kiện, nhân vật, giai đoạn trong tiến trình lịch sử.

 – Tự tìm hiểu, đặt câu hỏi để khám phá những khía cạnh, bối cảnh, phương diện khác nhau của các sự kiện, nhân vật, quá trình lịch sử.

 – Xác định được vị trí, vai trò của sự kiện, nhân vật, vấn đề trong tiến trình lịch sử.

– Đưa ra được đề xuất về phương hướng giải quyết, lí giải vấn đề lịch sử.

 – Hoàn thành được các bài tập vận dụng kiến thức trong các tình huống không thay đổi nhằm rèn luyện kĩ năng cơ bản, củng cố kiến thức lịch sử.

 – Biết tìm tòi, khám phá thông qua sử liệu, tài liệu hoặc tham quan, dã ngoại để trả lời các câu hỏi khác nhau về một sự kiện, vấn đề, nhân vật lịch sử.

 – Rút ra được bài học lịch sử, vận dụng được các kiến thức, bài học lịch sử để giải quyết vấn đề trong một tình huống mới. Có khả năng kết nối những vấn đề lịch sử trong quá khứ với cuộc sống hiện tại.

 – Hoàn thành được các bài tập đòi hỏi sự phân tích, tổng hợp, đánh giá, vận dụng kiến thức lịch sử vào những tình huống thay đổi, giải quyết vấn đề với sự sáng tạo của người học.

 – Lập được kế hoạch học tập cho một buổi học trên thực địa, tham quan bảo tàng, di tích dưới sự hướng dẫn của giáo viên.

 – Xây dựng, thuyết trình được báo cáo ngắn trên cơ sở thu thập và phân tích, tổng hợp thông tin từ các nguồn sử liệu khác nhau (thông qua kết quả làm việc cá nhân hoặc của nhóm).

 – Liên hệ thực tế địa phương, vận dụng được kiến thức đã học về lịch sử thế giới, lịch sử Việt Nam vào trường hợp cụ thể, hoàn cảnh cụ thể của địa phương.

 – Thiết kế được một kế hoạch hành động hoặc một áp phích vận động mọi người cùng chung tay bảo tồn các di sản lịch sử – văn hoá ở địa phương.

 – Có khả năng tự tìm hiểu những vấn đề lịch sử, tiếp cận và xử lí thông tin từ những nguồn khác nhau, có ý thức và năng lực tự học lịch sử suốt đời.

  1. Thời lượng thực hiện chương trình

 Thời lượng cho mỗi lớp học là 105 tiết/năm học, dạy trong 35 tuần. Trong đó, thời lượng dành cho các chủ đề của nội dung cốt lõi là 70 tiết. Dự kiến tỉ lệ % thời lượng dành cho mỗi mạch nội dung như sau:

Mạch nội dung Lớp 10 Lớp 11 Lớp 12
CHỦ ĐỀ ĐỊNH HƯỚNG NGHỀ NGHIỆP      
– Lịch sử và Sử học 8%    
– Vai trò của Sử học 8%    
LỊCH SỬ THẾ GIỚI      
– Một số nền văn minh thế giới thời kì cổ – trung đại 10%    
– Các cuộc cách mạng công nghiệp trong lịch sử thế giới 10%    
– Cách mạng tư sản và sự phát triển của chủ nghĩa tư bản   10%  
– Sự hình thành và phát triển của chủ nghĩa xã hội   10%  
– Thế giới trong và sau Chiến tranh lạnh     8%
– Quá trình phát triển kinh tế – xã hội của nước Mỹ từ năm 1945 đến nay     7%
– Công cuộc cải cách mở cửa ở Trung Quốc từ năm 1978 đến nay     7%
LỊCH SỬ ĐÔNG NAM Á      
– Văn minh Đông Nam Á 8%    
– Quá trình giành độc lập dân tộc của các quốc gia Đông Nam Á   8%  
– ASEAN: Những chặng đường lịch sử     8%
LỊCH SỬ VIỆT NAM      
– Một số nền văn minh trên đất nước Việt Nam (trước năm 1858) 16%    
– Cộng đồng các dân tộc Việt Nam 10%    
– Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và chiến tranh giải phóng dân tộc trong lịch sử Việt Nam (trước Cách mạng tháng Tám năm 1945)   12%  
– Làng xã Việt Nam trong lịch sử   10%  
– Một số cuộc cải cách lớn trong lịch sử Việt Nam (trước năm 1858)   12%  
– Lịch sử bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông   8%  
– Cách mạng Tháng Tám năm 1945, chiến tranh giải phóng dân tộc và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trong lịch sử Việt Nam (từ tháng Tám năm 1945 đến nay)     12%
– Công cuộc Đổi mới ở Việt Nam từ năm 1986 đến nay     10%
– Lịch sử quan hệ đối ngoại Việt Nam     10%
– Hồ Chí Minh trong lịch sử Việt Nam     8%
ĐÁNH GIÁ ĐỊNH KÌ 10% 10% 10%
THỰC HÀNH LỊCH SỬ 20% 20% 20%

 Thời lượng dành cho các chuyên đề học tập là 35 tiết. Dự kiến số tiết của các chuyên đề học tập (bao gồm cả kiểm tra, đánh giá) như sau:

Mạch nội dung Lớp 10 Lớp 11 Lớp 12
CHUYÊN ĐỀ ĐỊNH HƯỚNG NGHỀ NGHIỆP      
Chuyên đề 10.1: Các lĩnh vực của Sử học 10    
CHUYÊN ĐỀ HOẠT ĐỘNG TRẢI NGHIỆM THỰC TẾ      
Chuyên đề 10.2: Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá ở Việt Nam 15    
Chuyên đề 11.1: Lịch sử nghệ thuật truyền thống Việt Nam   15  
Chuyên đề 12.1: Lịch sử tín ngưỡng và tôn giáo ở Việt Nam     15
CHUYÊN ĐỀ NÂNG CAO KIẾN THỨC      
Chuyên đề 10.3: Nhà nước và pháp luật Việt Nam trong lịch sử 10    
Chuyên đề 11.2: Chiến tranh và hoà bình trong thế kỉ XX   10  
Chuyên đề 11.3: Danh nhân trong lịch sử Việt Nam   10  
Chuyên đề 12.2: Nhật Bản: Hành trình lịch sử từ năm 1945 đến nay     10
Chuyên đề 12.3: Quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam     10
  1. Thiết bị dạy học

 Sử dụng thiết bị dạy học là một trong những điều kiện quyết định thành công của việc đổi mới phương pháp dạy học môn Lịch sử theo định hướng phát triển năng lực.

 Cơ sở giáo dục cần có các thiết bị dạy học tối thiểu như: hệ thống bản đồ (bản đồ thế giới, bản đồ các châu lục, bản đồ Đông Nam Á và Việt Nam); tranh ảnh lịch sử, sa bàn, sơ đồ, biểu đồ với sự hỗ trợ của các phương tiện kĩ thuật như máy tính, đèn chiếu, máy chiếu, tivi, radio, video, các loại băng đĩa,…

 Lịch sử là môn học có hệ thống kiến thức thuộc về quá khứ, học sinh không thể trực tiếp quan sát. Công nghệ thông tin sẽ hỗ trợ việc tái hiện lịch sử thông qua các phim tài liệu, nguồn sử liệu, hình ảnh, video,… Giáo viên cần khai thác, sử dụng các chức năng cơ bản của Internet và các phần mềm tin học để đưa vào bài giảng các hình ảnh, âm thanh, tư liệu lịch sử,… góp phần nâng cao hiệu quả dạy học, truyền cảm hứng để học sinh yêu thích môn Lịch sử.

 CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG

 MÔN ĐỊA LÍ

 (Ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

 MỤC LỤC

  1. ĐẶC ĐIỂM MÔN HỌC
  2. QUAN ĐIỂM XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH

 III. MỤC TIÊU CHƯƠNG TRÌNH

  1. YÊU CẦU CẦN ĐẠT
  2. NỘI DUNG GIÁO DỤC

 LỚP 10: ĐỊA LÍ ĐẠI CƯƠNG

 LỚP 11: ĐỊA LÍ KINH TẾ – XÃ HỘI THẾ GIỚI

 LỚP 12: ĐỊA LÍ VIỆT NAM

  1. PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC

 VII. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ GIÁO DỤC

 VIII. GIẢI THÍCH VÀ HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

  

  1. ĐẶC ĐIỂM MÔN HỌC

 Giáo dục địa lí được thực hiện ở tất cả các cấp học phổ thông. Ở tiểu học và trung học cơ sở, nội dung giáo dục địa lí nằm trong môn Lịch sử và Địa lí; ở trung học phổ thông, Địa lí là môn học thuộc nhóm môn khoa học xã hội được lựa chọn theo nguyện vọng và định hướng nghề nghiệp của học sinh.

 Môn Địa lí vừa thuộc lĩnh vực khoa học xã hội (Địa lí kinh tế – xã hội) vừa thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên (Địa lí tự nhiên), giúp học sinh có được những hiểu biết cơ bản về khoa học địa lí, các ngành nghề có liên quan đến địa lí, khả năng ứng dụng kiến thức địa lí trong đời sống; đồng thời củng cố và mở rộng nền tảng tri thức, kĩ năng phổ thông cốt lõi đã được hình thành ở giai đoạn giáo dục cơ bản, tạo cơ sở vững chắc giúp học sinh tiếp tục theo học các ngành nghề liên quan.

  1. QUAN ĐIỂM XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH
  2. Chương trình bảo đảm phát triển phẩm chất và năng lực học sinh

 Chương trình môn Địa lí xác định rõ các phẩm chất và năng lực có thể hình thành, phát triển qua môn học. Một mặt, chương trình căn cứ vào các yêu cầu cần đạt về phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi làm cơ sở và điểm xuất phát để lựa chọn các nội dung giáo dục; mặt khác, chương trình hình thành và phát triển các phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi cho học sinh thông qua việc hướng dẫn học sinh tiếp thu và vận dụng nội dung giáo dục của môn học vào thực tiễn.

  1. Chương trình bảo đảm kết nối giữa các lớp học, cấp học và đáp ứng yêu cầu định hướng nghề nghiệp

 Nội dung chương trình được thiết kế theo ba mạch: địa lí đại cương, địa lí thế giới, địa lí Việt Nam, bao gồm các kiến thức cốt lõi và chuyên đề học tập; phát triển, mở rộng và nâng cao nội dung giáo dục địa lí đã học ở cấp trung học cơ sở; bảo đảm tinh gọn, cơ bản, cập nhật các tri thức khoa học, hiện đại của địa lí học, các vấn đề về phát triển của thế giới, khu vực, Việt Nam và địa phương. Các nội dung giáo dục và yêu cầu cần đạt của chương trình có tính đến sự phù hợp với thực tế dạy học ở trường phổ thông trong định hướng phát triển.

 Đối với những học sinh có định hướng nghề nghiệp liên quan đến kiến thức địa lí, ngoài kiến thức cốt lõi, chương trình có các chuyên đề học tập ở mỗi lớp, nhằm thực hiện yêu cầu phân hoá sâu, đáp ứng yêu cầu định hướng nghề nghiệp.

  1. Chương trình bảo đảm tính kế thừa, hiện đại

 Chương trình môn Địa lí kế thừa phát huy ưu điểm của những chương trình đã có, tiếp thu kinh nghiệm phát triển chương trình môn học của các nước có nền giáo dục tiên tiến, tiếp cận với những thành tựu của khoa học kĩ thuật hiện đại; phù hợp với thực tiễn xã hội, giáo dục, điều kiện và khả năng học tập của học sinh ở các vùng, miền khác nhau.

  1. Chương trình chú trọng tích hợp, thực hành và vận dụng

 Chương trình môn Địa lí chú trọng tích hợp, thực hành, gắn nội dung giáo dục của môn học với thực tiễn nhằm rèn luyện cho học sinh kĩ năng vận dụng kiến thức địa lí vào việc tìm hiểu và giải quyết ở mức độ nhất định một số vấn đề của thực tiễn, đáp ứng đòi hỏi của cuộc sống.

 Tính tích hợp được thể hiện ở nhiều mức độ và hình thức khác nhau: tích hợp giữa các kiến thức địa lí tự nhiên, địa lí dân cư, xã hội và địa lí kinh tế trong môn học; lồng ghép các nội dung liên quan (giáo dục môi trường, biển đảo, phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu; giáo dục dân số, giới tính, di sản, an toàn giao thông,…) vào nội dung địa lí; vận dụng kiến thức các môn học khác (Vật lí, Hoá học, Sinh học, Lịch sử,…) trong việc làm sáng rõ các kiến thức địa lí; kết hợp kiến thức nhiều lĩnh vực khác nhau để xây dựng thành các chủ đề có tính tích hợp cao.

 Chương trình xác định thực hành, luyện tập, vận dụng là nội dung quan trọng, đồng thời là công cụ thiết thực, hiệu quả để phát triển năng lực của học sinh. Nội dung này chú trọng việc vận dụng kiến thức địa lí vào thực tiễn nhằm góp phần phát triển các năng lực đặc thù của môn học.

  1. Chương trình được xây dựng theo hướng mở

 Trên cơ sở bảo đảm định hướng, yêu cầu cần đạt và những nội dung giáo dục cốt lõi thống nhất trong cả nước, chương trình dành thời lượng nhất định để các trường hướng dẫn học sinh thực hành tìm hiểu địa lí địa phương phù hợp với điều kiện của mình; đồng thời triển khai kế hoạch giáo dục phù hợp với đối tượng giáo dục và điều kiện của cơ sở giáo dục, của địa phương.

 Chương trình được xây dựng theo hướng khái quát, không quá chi tiết, tạo điều kiện cho tác giả sách giáo khoa và giáo viên các trường chủ động, sáng tạo thực hiện chương trình trong điều kiện khoa học, công nghệ và xã hội liên tục phát triển, thường xuyên đặt ra những yêu cầu mới cho giáo dục.

 III. MỤC TIÊU CHƯƠNG TRÌNH

 Trên nền tảng những kiến thức cơ bản và phương pháp giáo dục đề cao hoạt động chủ động, tích cực, sáng tạo của học sinh, Chương trình môn Địa lí giúp học sinh hình thành, phát triển năng lực địa lí – một biểu hiện của năng lực khoa học; đồng thời góp phần cùng các môn học và hoạt động giáo dục khác phát triển ở học sinh các phẩm chất chủ yếu và năng lực chung đã được hình thành trong giai đoạn giáo dục cơ bản, đặc biệt là tình yêu quê hương, đất nước; thái độ ứng xử đúng đắn với môi trường tự nhiên, xã hội; khả năng định hướng nghề nghiệp; để hình thành nhân cách công dân, sẵn sàng đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

  1. YÊU CẦU CẦN ĐẠT
  2. Yêu cầu cần đạt về phẩm chất chủ yếu và năng lực chung

 Môn Địa lí góp phần hình thành và phát triển ở học sinh các phẩm chất chủ yếu và năng lực chung theo các mức độ phù hợp với môn học, cấp học đã được quy định tại Chương trình tổng thể.

  1. Yêu cầu cần đạt về năng lực đặc thù
Thành phần năng lực Biểu hiện
NHẬN THỨC KHOA HỌC ĐỊA LÍ
Nhận thức thế giới theo quan điểm không gian

  

– Sử dụng được bản đồ địa hình kết hợp với địa bàn để xác định vị trí của một điểm trên thực địa; xác định được vị trí của một sự vật, hiện tượng địa lí trên bản đồ.

 – Phân tích được ý nghĩa của vị trí địa lí đối với tự nhiên, phát triển kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng.

 – Xác định và lí giải được sự phân bố các đối tượng địa lí.

 – Sử dụng được lược đồ trí nhớ để mô tả nhận thức về không gian; sử dụng bản đồ hoặc lược đồ để trình bày về mối quan hệ không gian của các đối tượng địa lí; phát hiện, chọn lọc, tổng hợp và trình bày được đặc trưng địa lí của một địa phương; từ đó, hình thành ý niệm về bản sắc của một địa phương, phân biệt các địa phương với nhau.

Giải thích các hiện tượng và quá trình địa lí – Giải thích được cơ chế diễn ra một số hiện tượng, quá trình tự nhiên trên Trái Đất; sự hình thành, phát triển và phân bố của một số yếu tố hoặc thành phần tự nhiên; một số đặc điểm của sự vật, hiện tượng tự nhiên trên Trái Đất và ở lãnh thổ Việt Nam; phát hiện và giải thích được một số hiện tượng, quá trình địa lí tự nhiên trong thực tế địa phương.

 – Giải thích được các sự vật, hiện tượng; sự phân bố, đặc điểm, quá trình phát triển về kinh tế – xã hội ở mỗi quốc gia, khu vực và ở Việt Nam.

 – Giải thích được các sự vật, hiện tượng, quá trình kinh tế – xã hội trên cơ sở vận dụng mối liên hệ và tác động của tự nhiên.

 – Giải thích được những hệ quả (tích cực, tiêu cực) do con người tác động đến môi trường tự nhiên; giải thích được tính cấp thiết của việc sử dụng hợp lí tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường.

TÌM HIỂU ĐỊA LÍ
Sử dụng các công cụ địa lí học

  

– Tìm kiếm, chọn lọc được thông tin từ các văn bản tài liệu phù hợp với nội dung, chủ đề nghiên cứu; sử dụng được tranh, ảnh địa lí để miêu tả những hiện tượng, quá trình địa lí; lập được bộ sưu tập hình ảnh (bản giấy và bản kĩ thuật số).

 – Đọc được bản đồ để khai thác thông tin, kiến thức cần thiết; khai thác được các kênh thông tin bổ sung (biểu đồ, tranh ảnh,…) từ bản đồ, atlat địa lí; đọc được lát cắt địa hình; sử dụng được một số bản đồ thông dụng trong thực tế.

 – Thực hiện được một số tính toán đơn giản (tính GDP bình quân đầu người, tốc độ tăng trưởng kinh tế,…); nhận xét, phân tích được bảng số liệu thống kê; xây dựng được bảng thống kê có cấu trúc phù hợp với ý tưởng phân tích số liệu; vẽ được một số loại biểu đồ thể hiện động thái, cơ cấu, quy mô,… của đối tượng địa lí từ số liệu đã cho.

 – Nhận xét được biểu đồ và giải thích; đọc hiểu các sơ đồ, mô hình địa lí.

Tổ chức học tập ở thực địa

  

– Xây dựng được kế hoạch học tập thực địa; sử dụng được những kĩ năng cần thiết để thu thập tài liệu sơ cấp ngoài thực địa: quan sát, quan trắc, chụp ảnh thực địa, phỏng vấn, vẽ lược đồ, sơ đồ,… trình bày được những thông tin thu thập được từ thực địa.
Khai thác Internet phục vụ môn học – Tìm kiếm, thu thập, chọn lọc và hệ thống hoá được các thông tin địa lí cần thiết từ các trang web; đánh giá và sử dụng được các thông tin trong học tập và thực tiễn.
VẬN DỤNG KIẾN THỨC, KĨ NĂNG ĐÃ HỌC
Cập nhật thông tin và liên hệ thực tế

  

– Tìm kiếm được thông tin từ các nguồn tin cậy để cập nhật số liệu, tri thức về thế giới, khu vực, đất nước, về xu hướng phát triển trên thế giới và trong nước; liên hệ được thực tế địa phương, đất nước,… để làm sáng rõ hơn kiến thức địa lí.
Thực hiện chủ đề học tập khám phá từ thực tiễn – Trình bày ý tưởng và xác định được cụ thể chủ đề nghiên cứu ở địa phương; vận dụng được kiến thức, kĩ năng địa lí vào việc nghiên cứu chủ đề, viết được báo cáo hoàn chỉnh và trình bày kết quả nghiên cứu theo các hình thức khác nhau.
Vận dụng tri thức địa lí giải quyết một số vấn đề thực tiễn – Vận dụng được các kiến thức, kĩ năng địa lí để giải quyết một số vấn đề thực tiễn phù hợp với trình độ học sinh và ứng xử phù hợp với môi trường sống.
  1. NỘI DUNG GIÁO DỤC
  2. Nội dung khái quát

 Nội dung giáo dục môn Địa lí gồm địa lí đại cương, địa lí kinh tế – xã hội thế giới, địa lí Việt Nam (địa lí tự nhiên và địa lí kinh tế – xã hội). Ngoài các kiến thức cốt lõi, nội dung giáo dục môn Địa lí còn có các chuyên đề học tập, được phân phối phù hợp với mạch nội dung chính của mỗi lớp.

  1. a) Kiến thức cốt lõi
Kiến thức cốt lõi Lớp 10 Lớp 11 Lớp 12
MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG      
Môn Địa lí với định hướng nghề nghiệp cho học sinh x    
Sử dụng bản đồ x    
ĐỊA LÍ ĐẠI CƯƠNG      
Địa lí tự nhiên x    
Địa lí kinh tế – xã hội x    
ĐỊA LÍ KINH TẾ – XÃ HỘI THẾ GIỚI      
Một số vấn đề về kinh tế – xã hội thế giới   x  
Địa lí khu vực và quốc gia   x  
ĐỊA LÍ VIỆT NAM      
Địa lí tự nhiên     x
Địa lí dân cư     x
Địa lí các ngành kinh tế     x
Địa lí các vùng kinh tế     x
Thực hành tìm hiểu địa lí địa phương (tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương)     x
  1. b) Các chuyên đề học tập
Tên chuyên đề Lớp 10 Lớp 11 Lớp 12
Chuyên đề 10.1: Biến đổi khí hậu x    
Chuyên đề 10.2: Đô thị hoá x    
Chuyên đề 10.3: Phương pháp viết báo cáo địa lí x    
Chuyên đề 11.1: Một số vấn đề về khu vực Đông Nam Á

 (Uỷ hội sông Mê Công; Hợp tác hoà bình trong khai thác Biển Đông)

  x  
Chuyên đề 11.2: Một số vấn đề về du lịch thế giới   x  
Chuyên đề 11.3: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0)   x  
Chuyên đề 12.1: Thiên tai và biện pháp phòng chống     x
Chuyên đề 12.2: Phát triển vùng     x
Chuyên đề 12.3: Phát triển làng nghề     x
  1. Nội dung cụ thể và yêu cầu cần đạt ở các lớp

 LỚP 10: ĐỊA LÍ ĐẠI CƯƠNG

Nội dung Yêu cầu cần đạt
MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG
Môn Địa lí với định hướng nghề nghiệp cho học sinh
– Khái quát về môn Địa lí ở trường phổ thông, vai trò của môn Địa lí đối với cuộc sống – Khái quát được đặc điểm cơ bản của môn Địa lí.

 – Xác định được vai trò của môn Địa lí đối với đời sống.

– Định hướng nghề nghiệp – Xác định được những ngành nghề có liên quan đến kiến thức địa lí.
Sử dụng bản đồ
– Một số phương pháp biểu hiện các đối tượng địa lí trên bản đồ – Phân biệt được một số phương pháp biểu hiện các đối tượng địa lí trên bản đồ: kí hiệu, đường chuyển động, chấm điểm, khoanh vùng, bản đồ – biểu đồ.
– Phương pháp sử dụng bản đồ trong học tập địa lí và trong đời sống – Sử dụng được bản đồ trong học tập địa lí và đời sống.
– Một số ứng dụng của GPS (Global Positioning System – Hệ thống định vị toàn cầu) và bản đồ số trong đời sống – Xác định và sử dụng được một số ứng dụng của GPS và bản đồ số trong đời sống.
ĐỊA LÍ TỰ NHIÊN
Trái Đất
– Sự hình thành Trái Đất, vỏ Trái Đất và vật liệu cấu tạo vỏ Trái Đất – Trình bày được nguồn gốc hình thành Trái Đất, đặc điểm của vỏ Trái Đất, các vật liệu cấu tạo vỏ Trái Đất.
– Thuyết kiến tạo mảng – Trình bày được khái quát thuyết kiến tạo mảng; vận dụng để giải thích được nguyên nhân hình thành các vùng núi trẻ, các vành đai động đất, núi lửa.
– Hệ quả địa lí các chuyển động của Trái Đất – Phân tích được hệ quả địa lí của các chuyển động chính của Trái Đất: Chuyển động tự quay (sự luân phiên ngày đêm, giờ trên Trái Đất); chuyển động quanh Mặt Trời (các mùa trong năm, ngày đêm dài ngắn theo vĩ độ).

 – Liên hệ được thực tế địa phương về các mùa trong năm và chênh lệch thời gian ngày đêm.

 – Sử dụng hình vẽ, lược đồ để phân tích được các hệ quả chuyển động của Trái Đất.

Thạch quyển
– Khái niệm thạch quyển – Trình bày được khái niệm thạch quyển; phân biệt được thạch quyển với vỏ Trái Đất.
– Nội lực và ngoại lực – Trình bày khái niệm nội lực, ngoại lực; nguyên nhân của chúng; tác động đến sự hình thành địa hình bề mặt Trái Đất.

 – Phân tích được sơ đồ, lược đồ, tranh ảnh về tác động của nội lực, ngoại lực đến địa hình bề mặt Trái Đất.

– Sự phân bố các vành đai động đất, núi lửa – Nhận xét và giải thích được sự phân bố các vành đai động đất, núi lửa trên bản đồ.
Khí quyển
– Khái niệm khí quyển – Nêu được khái niệm khí quyển.
– Nhiệt độ không khí – Trình bày được sự phân bố nhiệt độ không khí trên Trái Đất theo vĩ độ địa lí; lục địa, đại dương; địa hình.
– Khí áp và gió – Trình bày được sự hình thành các đai khí áp trên Trái Đất, nguyên nhân của sự thay đổi khí áp.

 – Trình bày được một số loại gió chính trên Trái Đất; một số loại gió địa phương.

– Mưa – Phân tích được các nhân tố ảnh hưởng đến lượng mưa và trình bày được sự phân bố mưa trên thế giới.

 – Phân tích được bảng số liệu, hình vẽ, bản đồ, lược đồ về một số yếu tố của khí quyển (nhiệt độ, khí áp, gió, mưa).

– Các đới và kiểu khí hậu trên Trái Đất – Đọc được bản đồ các đới khí hậu trên Trái Đất; phân tích được biểu đồ một số kiểu khí hậu.

 – Giải thích được một số hiện tượng thời tiết và khí hậu trong thực tế.

Thuỷ quyển
– Khái niệm thuỷ quyển – Nêu được khái niệm thuỷ quyển.
– Nước trên lục địa – Phân tích được các nhân tố ảnh hưởng tới chế độ nước sông.

 – Trình bày được chế độ nước của một con sông cụ thể.

 – Phân biệt được các loại hồ theo nguồn gốc hình thành.

 – Trình bày được đặc điểm chủ yếu của nước băng tuyết và nước ngầm.

 – Nêu được các giải pháp bảo vệ nguồn nước ngọt.

– Nước biển và đại dương – Trình bày được tính chất của nước biển và đại dương.

 – Giải thích được hiện tượng sóng biển và thuỷ triều.

 – Trình bày được chuyển động của các dòng biển trong đại dương.

 – Nêu được vai trò của biển và đại dương đối với phát triển kinh tế – xã hội.

 – Vẽ được sơ đồ; phân tích được bản đồ và hình vẽ về thuỷ quyển.

Sinh quyển
– Đất – Trình bày được khái niệm về đất; phân biệt được lớp vỏ phong hoá và đất.

 – Trình bày được các nhân tố hình thành đất; liên hệ được thực tế ở địa phương.

– Sinh quyển – Trình bày được khái niệm sinh quyển; phân tích được đặc điểm và giới hạn của sinh quyển, các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển, phân bố của sinh vật; liên hệ được thực tế ở địa phương.
– Sự phân bố của đất và sinh vật trên Trái Đất – Phân tích được sơ đồ, hình vẽ, bản đồ phân bố các nhóm đất và sinh vật trên thế giới.
Một số quy luật của vỏ địa lí
– Khái niệm vỏ địa lí – Trình bày khái niệm vỏ địa lí; phân biệt được vỏ địa lí và vỏ Trái Đất.
– Quy luật thống nhất và hoàn chỉnh của vỏ địa lí – Trình bày được khái niệm, biểu hiện và ý nghĩa thực tiễn của quy luật thống nhất và hoàn chỉnh của vỏ địa lí; liên hệ được thực tế ở địa phương.
– Quy luật địa đới và phi địa đới – Trình bày khái niệm, biểu hiện và ý nghĩa thực tiễn của quy luật địa đới và phi địa đới; liên hệ được thực tế ở địa phương.

 – Giải thích được một số hiện tượng phổ biến trong môi trường tự nhiên bằng các quy luật địa lí.

ĐỊA LÍ KINH TẾ – XÃ HỘI
Địa lí dân cư
– Dân số và sự phát triển dân số trên thế giới – Trình bày được đặc điểm và tình hình phát triển dân số trên thế giới.
– Gia tăng dân số – Phân biệt được gia tăng dân số tự nhiên (tỉ suất sinh, tỉ suất tử) và cơ học (xuất cư, nhập cư), trình bày được khái niệm về gia tăng dân số thực tế; phân tích được các nhân tố tác động đến gia tăng dân số.
– Cơ cấu dân số

  

– Trình bày được các loại cơ cấu dân số: cơ cấu sinh học (tuổi và giới), cơ cấu xã hội (lao động, trình độ văn hoá).
– Phân bố dân cư – Phân tích được tác động của các nhân tố tự nhiên, kinh tế – xã hội đến phân bố dân cư.
– Đô thị hoá – Trình bày được khái niệm, phân tích được các nhân tố tác động đến đô thị hoá và ảnh hưởng của đô thị hoá đến sự phát triển kinh tế – xã hội và môi trường.

 – So sánh được các loại tháp dân số tiêu biểu.

 – Vẽ được biểu đồ về dân số (quy mô, động thái, cơ cấu).

 – Phân tích được biểu đồ, số liệu thống kê về dân số; xử lí số liệu.

 – Nhận xét, giải thích được sự phân bố dân cư thông qua bản đồ, tài liệu, số liệu,…

 – Giải thích được một số hiện tượng về dân số trong thực tiễn.

Các nguồn lực, một số tiêu chí đánh giá sự phát triển kinh tế
– Các nguồn lực phát triển kinh tế – Trình bày được khái niệm và phân loại các nguồn lực, phân tích được vai trò của mỗi loại nguồn lực đối với phát triển kinh tế.
– Cơ cấu nền kinh tế – Trình bày được khái niệm cơ cấu kinh tế; phân biệt được các loại cơ cấu kinh tế theo ngành, theo thành phần kinh tế, theo lãnh thổ.
– Tổng sản phẩm trong nước và tổng thu nhập quốc gia – So sánh được một số tiêu chí đánh giá sự phát triển kinh tế: tổng sản phẩm trong nước (GDP), tổng thu nhập quốc gia (GNI), GDP và GNI bình quân đầu người.

 – Liên hệ được một số tiêu chí đánh giá sự phát triển kinh tế ở địa phương.

 – Phân tích được sơ đồ nguồn lực và cơ cấu nền kinh tế.

 – Vẽ được biểu đồ cơ cấu nền kinh tế và nhận xét, giải thích.

Địa lí các ngành kinh tế
– Nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản

  

– Trình bày được vai trò, đặc điểm của nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản.

 – Phân tích được các nhân tố ảnh hưởng tới sự phát triển và phân bố nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản; những định hướng phát triển nông nghiệp trong tương lai.

 – Trình bày được vai trò, đặc điểm của các ngành trong nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản.

 – Trình bày và giải thích được sự phân bố của một số cây trồng, vật nuôi chính trên thế giới.

 – Trình bày được quan niệm, vai trò của tổ chức lãnh thổ nông nghiệp; phân biệt được vai trò, đặc điểm một số hình thức tổ chức lãnh thổ nông nghiệp.

 – Nêu được một số vấn đề phát triển nền nông nghiệp hiện đại trên thế giới.

 – Vận dụng được các kiến thức đã học vào việc giải thích thực tế sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản ở địa phương.

 – Đọc được bản đồ; xử lí, phân tích được số liệu thống kê và vẽ được biểu đồ về nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản.

– Công nghiệp

  

– Trình bày được vai trò, đặc điểm, cơ cấu ngành công nghiệp.

 – Phân tích được các nhân tố ảnh hưởng tới sự phát triển và phân bố công nghiệp.

 – Nêu được những định hướng phát triển công nghiệp trong tương lai.

 – Trình bày được vai trò, đặc điểm và giải thích được sự phân bố của một số ngành: Khai thác than, dầu khí, quặng kim loại; điện lực; điện tử, tin học; sản xuất hàng tiêu dùng; thực phẩm.

 – Phân tích được tác động của công nghiệp đối với môi trường, sự cần thiết phải phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo.

 – Trình bày được quan niệm, vai trò của tổ chức lãnh thổ công nghiệp; phân biệt được vai trò và đặc điểm của các hình thức tổ chức lãnh thổ công nghiệp.

 – Thu thập tài liệu, trình bày và báo cáo được một vấn đề về công nghiệp.

 – Đọc được bản đồ công nghiệp; vẽ và phân tích được biểu đồ về công nghiệp.

– Dịch vụ – Trình bày được cơ cấu, vai trò, đặc điểm của dịch vụ; phân tích được các nhân tố ảnh hưởng tới phát triển và phân bố dịch vụ.

 – Trình bày được vai trò và đặc điểm của ngành giao thông vận tải, bưu chính viễn thông, thương mại, du lịch, tài chính ngân hàng.

 – Phân tích được các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố của giao thông vận tải, bưu chính viễn thông, thương mại, du lịch, tài chính ngân hàng; trình bày được tình hình phát triển và phân bố các ngành giao thông vận tải, bưu chính viễn thông, thương mại, du lịch, tài chính ngân hàng trên thế giới.

 – Vẽ được biểu đồ, sơ đồ; đọc và phân tích được bản đồ, số liệu thống kê ngành dịch vụ.

 – Liên hệ được các hoạt động dịch vụ tại địa phương.

 – Viết được báo cáo tìm hiểu về một ngành dịch vụ.

Phát triển bền vững và tăng trưởng xanh
– Môi trường và tài nguyên thiên nhiên – Phân biệt được khái niệm, đặc điểm của môi trường và tài nguyên thiên nhiên.

 – Phân tích được vai trò của môi trường, tài nguyên thiên nhiên đối với sự phát triển của xã hội loài người.

– Phát triển bền vững – Trình bày được khái niệm và sự cần thiết phải phát triển bền vững.
– Tăng trưởng xanh – Trình bày được khái niệm và biểu hiện của tăng trưởng xanh.

 – Liên hệ được một số vấn đề về tăng trưởng xanh tại địa phương.

 Chuyên đề 10.1: Biến đổi khí hậu

Nội dung Yêu cầu cần đạt
– Khái niệm, biểu hiện, nguyên nhân của biến đổi khí hậu – Trình bày được khái niệm, các biểu hiện của biến đổi khí hậu.

 – Giải thích được nguyên nhân của biến đổi khí hậu.

– Các tác động của biến đổi khí hậu và hậu quả

  

– Phân tích được các tác động của biến đổi khí hậu và hậu quả trên phạm vi toàn cầu.

 – Giải thích được tầm quan trọng và sự cấp bách của ứng phó với biến đổi khí hậu.

– Ứng phó với biến đổi khí hậu – Hệ thống hoá được các nhóm giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu.

 Chuyên đề 10.2: Đô thị hoá

Nội dung Yêu cầu cần đạt
– Đô thị hoá

  

– Trình bày được khái niệm về đô thị hoá theo nghĩa hẹp và nghĩa rộng.

 – Nêu được ý nghĩa của tỉ lệ dân thành thị.

– Đô thị hoá ở các nước phát triển – Phân tích được đặc điểm đô thị hoá ở các nước phát triển.

 – Phân biệt được quy mô của các đô thị.

 – Nhận xét và giải thích được xu hướng đô thị hoá ở các nước phát triển.

– Đô thị hoá ở các nước đang phát triển

  

– Phân tích được đặc điểm đô thị hoá ở các nước đang phát triển.

 – Nhận xét và giải thích được xu hướng đô thị hoá ở các nước đang phát triển.

 – So sánh được đặc điểm đô thị hoá giữa hai nhóm nước: phát triển, đang phát triển.

– Tác động của đô thị hoá đến dân số, kinh tế – xã hội và môi trường ở các nước đang phát triển – Phân tích được tác động tích cực và tiêu cực của quá trình đô thị hoá đến dân số, kinh tế, xã hội và môi trường ở các nước đang phát triển.

 – Liên hệ được với thực tế Việt Nam.

– Vẽ biểu đồ, tìm hiểu siêu đô thị trên thế giới – Vẽ được biểu đồ cơ cấu dân số phân theo thành thị và nông thôn của thế giới hoặc một số nước.

 – Xác định được trên bản đồ, lược đồ thế giới một số siêu đô thị.

 Chuyên đề 10.3: Phương pháp viết báo cáo địa lí

Nội dung Yêu cầu cần đạt
– Những vấn đề chung – Nêu được quan niệm về báo cáo địa lí.

 – Trình bày được cấu trúc của một báo cáo địa lí.

– Quy trình viết một báo cáo địa lí – Xác định được các bước cần thực hiện để viết một báo cáo địa lí: Chọn đề tài, xây dựng đề cương; thu thập, chọn lọc, xử lí và hệ thống hoá tư liệu; trình bày báo cáo.

 + Xác định được ý tưởng và chọn đề tài báo cáo địa lí.

 + Xác định được cấu trúc của một đề cương báo cáo khoa học địa lí và nội dung chính của các đề mục.

 + Xác định và hình thành được kĩ năng thu thập, chọn lọc, xử lí thông tin, hệ thống hoá thông tin.

 + Xác định được cách thức trình bày báo cáo.

 – Trình bày được kĩ thuật viết một báo cáo địa lí; hình thành được kĩ năng viết và trình bày báo cáo địa lí.

 LỚP 11: ĐỊA LÍ KINH TẾ – XÃ HỘI THẾ GIỚI

Nội dung Yêu cầu cần đạt
MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ KINH TẾ – XÃ HỘI THẾ GIỚI
Sự khác biệt về trình độ phát triển kinh tế – xã hội của các nhóm nước
– Các nhóm nước

  

– Phân biệt được các nước trên thế giới theo trình độ phát triển kinh tế: nước phát triển và nước đang phát triển với các chỉ tiêu về thu nhập bình quân (tính theo GNI/người); cơ cấu kinh tế và chỉ số phát triển con người.
– Sự khác biệt về kinh tế – xã hội – Trình bày được sự khác biệt về kinh tế và một số khía cạnh xã hội của các nhóm nước.

 – Sử dụng được bản đồ để xác định sự phân bố các nhóm nước, phân tích được bảng số liệu về kinh tế – xã hội của các nhóm nước.

 – Thu thập được tư liệu về kinh tế – xã hội của một số nước từ các nguồn khác nhau.

Toàn cầu hoá, khu vực hoá kinh tế và an ninh toàn cầu
– Toàn cầu hoá kinh tế – Trình bày được các biểu hiện, hệ quả của toàn cầu hoá kinh tế, phân tích ảnh hưởng của toàn cầu hoá kinh tế đối với các nước trên thế giới.
– Khu vực hoá kinh tế – Trình bày được các biểu hiện, hệ quả của khu vực hoá kinh tế; phân tích được ý nghĩa của khu vực hoá kinh tế đối với các nước trên thế giới.
– Một số tổ chức khu vực và quốc tế

  

– Trình bày được một số tổ chức khu vực và quốc tế: Liên hợp quốc (UN), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC).

 – Sưu tầm và hệ thống hoá được các tư liệu, số liệu về toàn cầu hoá, khu vực hoá.

 – Trao đổi, thảo luận được về cơ hội và thách thức của toàn cầu hoá, khu vực hoá đối với các nước đang phát triển.

– An ninh toàn cầu – Nêu được một số vấn đề an ninh toàn cầu hiện nay và khẳng định được sự cần thiết phải bảo vệ hoà bình.
Nền kinh tế tri thức
– Đặc điểm

 – Các biểu hiện

– Thu thập tư liệu, viết được báo cáo tìm hiểu về đặc điểm và các biểu hiện của nền kinh tế tri thức.
ĐỊA LÍ KHU VỰC VÀ QUỐC GIA
Khu vực Mỹ Latinh
– Vị trí địa lí và điều kiện tự nhiên

  

– Phân tích được ảnh hưởng của vị trí địa lí và một số đặc điểm nổi bật về tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên đến phát triển kinh tế – xã hội.
– Dân cư, xã hội – Trình bày được vấn đề đô thị hoá, một số vấn đề về dân cư, xã hội và phân tích ảnh hưởng đến phát triển kinh tế – xã hội.
– Kinh tế

  

– Trình bày và giải thích được tình hình phát triển kinh tế chung của khu vực.

 – Đọc được bản đồ, rút ra nhận xét; phân tích được số liệu, tư liệu.

 – Vẽ được biểu đồ, rút ra nhận xét.

 – Khai thác được thông tin từ các nguồn khác nhau về địa lí khu vực Mỹ Latinh.

– Cộng hoà Liên bang Brasil (Bra-xin): Tình hình phát triển kinh tế và những vấn đề xã hội cần phải giải quyết – Viết được báo cáo truyền đạt những nét cơ bản về tình hình phát triển kinh tế Brasil và những vấn đề xã hội cần phải giải quyết.
Liên minh châu Âu (EU)
– Một liên kết kinh tế khu vực lớn – Xác định được quy mô, mục tiêu, thể chế hoạt động của EU.
– Vị thế của khu vực trong nền kinh tế thế giới

  

– Phân tích được vị thế của EU trong nền kinh tế thế giới và một số biểu hiện của hợp tác và liên kết trong khu vực.

 – Đọc được bản đồ, rút ra nhận xét; phân tích được số liệu, tư liệu.

 – Vẽ được biểu đồ, nhận xét.

 – Khai thác được thông tin từ các nguồn khác nhau về địa lí của EU, hệ thống hoá và trình bày theo chủ đề.

– Cộng hoà Liên bang Đức: Công nghiệp – Viết được báo cáo tìm hiểu về sự phát triển công nghiệp của Cộng hoà Liên bang Đức.
Khu vực Đông Nam Á
– Vị trí địa lí và điều kiện tự nhiên – Phân tích được ảnh hưởng của vị trí địa lí, phạm vi lãnh thổ, đặc điểm tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên đến phát triển kinh tế – xã hội.
– Dân cư, xã hội – Phân tích được tác động của các đặc điểm dân cư, xã hội tới phát triển kinh tế – xã hội.
– Kinh tế – Trình bày và giải thích được tình hình phát triển kinh tế chung, sự phát triển các ngành kinh tế của khu vực Đông Nam Á.
– Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)

  

– So sánh được với EU về mục tiêu của ASEAN; cơ chế hoạt động, một số hợp tác cụ thể trong kinh tế, văn hoá; phân tích được các thành tựu và thách thức của ASEAN.

 – Chứng minh được sự hợp tác đa dạng và vai trò của Việt Nam trong ASEAN.

 – Đọc được bản đồ, rút ra nhận xét; phân tích được số liệu, tư liệu.

 – Khai thác, chọn lọc, hệ thống hoá được các tư liệu từ các nguồn khác về địa lí khu vực ASEAN.

– Hoạt động kinh tế đối ngoại – Vẽ được biểu đồ, nhận xét biểu đồ, phân tích bảng số liệu và truyền đạt được thông tin địa lí về hoạt động du lịch; xuất, nhập khẩu của khu vực Đông Nam Á.
Khu vực Tây Nam Á
– Vị trí địa lí và điều kiện tự nhiên

 – Dân cư, xã hội

– Phân tích được ảnh hưởng của vị trí địa lí, của một số đặc điểm nổi bật về tự nhiên, dân cư, xã hội đến phát triển kinh tế – xã hội.

  

– Kinh tế

  

– Trình bày và giải thích được tình hình phát triển kinh tế chung của khu vực.

 – Khai thác, chọn lọc, thu thập được các tư liệu từ các nguồn khác nhau về địa lí khu vực Tây Nam Á.

 – Đọc được bản đồ, rút ra nhận xét; phân tích được số liệu, tư liệu.

– Vấn đề dầu mỏ – Viết được báo cáo trình bày một số thông tin nổi bật về tài nguyên dầu mỏ và việc khai thác ở khu vực Tây Nam Á.
Hợp chúng quốc Hoa Kì
– Vị trí địa lí và điều kiện tự nhiên – Phân tích được ảnh hưởng của vị trí địa lí, đặc điểm tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên đến phát triển kinh tế – xã hội.
– Dân cư, xã hội – Phân tích được tác động của quy mô và sự gia tăng dân số, sự đa dạng về chủng tộc, nhập cư, sự phân bố dân cư tới phát triển kinh tế – xã hội.
– Kinh tế – Giải thích được đặc điểm của nền kinh tế hàng đầu thế giới; trình bày được sự phát triển, phân bố của các ngành kinh tế (công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ), sự chuyển dịch cơ cấu ngành và sự phân hoá lãnh thổ của nền kinh tế Hoa Kì.

 – Đọc được bản đồ, rút ra nhận xét; phân tích được số liệu, tư liệu.

 – Vẽ được biểu đồ, nhận xét và giải thích.

 – Khai thác được thông tin từ các nguồn khác nhau về địa lí Hoa Kì.

Liên bang Nga
– Vị trí địa lí và điều kiện tự nhiên – Phân tích được ảnh hưởng của vị trí địa lí, phạm vi lãnh thổ, đặc điểm tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên đến phát triển kinh tế – xã hội.
– Dân cư, xã hội – Phân tích được tác động của các đặc điểm dân cư, xã hội tới phát triển kinh tế – xã hội.
– Kinh tế

  

– Trình bày được tình hình phát triển các ngành kinh tế, đặc điểm nổi bật của một số vùng kinh tế.

 – Đọc được bản đồ, rút ra nhận xét; phân tích được số liệu, tư liệu, tháp tuổi; vẽ được biểu đồ.

 – Sưu tầm, hệ thống hoá được các thông tin, hình ảnh về địa lí Liên bang Nga từ các nguồn khác nhau.

– Công nghiệp khai thác dầu khí – Vẽ được biểu đồ, rút ra được các nhận xét về phát triển công nghiệp khai thác dầu khí.
Nhật Bản
– Vị trí địa lí và điều kiện tự nhiên – Phân tích được ảnh hưởng của vị trí địa lí, đặc điểm tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên đến phát triển kinh tế – xã hội.
– Dân cư, xã hội – Phân tích được tác động của các đặc điểm dân cư, xã hội tới phát triển kinh tế – xã hội.
– Kinh tế

  

– Giải thích được tình hình phát triển kinh tế; trình bày được sự phát triển, phân bố các ngành kinh tế; so sánh được các vùng kinh tế theo những đặc điểm nổi bật.

 – Đọc được bản đồ, rút ra được nhận xét; phân tích được số liệu, tư liệu.

 – Khai thác, chọn lọc được các tư liệu từ các nguồn khác nhau về địa lí Nhật Bản.

 – Vẽ được biểu đồ, nhận xét.

– Hoạt động kinh tế đối ngoại – Viết được báo cáo truyền đạt những nét nổi bật về hoạt động kinh tế đối ngoại.
Cộng hoà nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc)
– Vị trí địa lí và điều kiện tự nhiên – Phân tích được ảnh hưởng của vị trí địa lí, phạm vi lãnh thổ, đặc điểm tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên đến phát triển kinh – xã hội.
– Dân cư, xã hội – Phân tích được tác động của các đặc điểm dân cư, xã hội tới phát triển kinh tế – xã hội.
– Kinh tế

  

– Trình bày được đặc điểm chung phát triển kinh tế, sự phát triển, phân bố của một số ngành kinh tế và vị thế của nền kinh tế Trung Quốc trên thế giới; phân tích được nguyên nhân phát triển kinh tế.

 – Đọc được bản đồ, rút ra nhận xét; phân tích được số liệu, tư liệu.

 – Khai thác, chọn lọc được các tư liệu từ các nguồn khác nhau về địa lí Trung Quốc.

– Sự thay đổi của nền kinh tế – Vẽ được biểu đồ, nhận xét.

 – Viết được báo cáo về những thay đổi trong GDP, giá trị xuất, nhập khẩu và sự phát triển kinh tế tại vùng duyên hải.

Australia (Ô-xtrây-li-a)
– Kinh tế – Xác định được sự phân bố kinh tế trên bản đồ.

 – Khai thác, chọn lọc, thu thập được tư liệu từ các nguồn khác nhau về địa lí Australia.

 – Đọc được bản đồ, rút ra nhận xét; phân tích được số liệu, tư liệu.

 – Viết được báo cáo về tình hình phát triển kinh tế của Australia.

Cộng hoà Nam Phi
– Vị trí địa lí và điều kiện tự nhiên

  

– Phân tích được ảnh hưởng của vị trí địa lí, đặc điểm tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên đến phát triển kinh tế.
– Dân cư, xã hội – Phân tích được tác động của đặc điểm dân cư, xã hội tới phát triển kinh tế – xã hội.
– Kinh tế – Trình bày được khái quát sự phát triển nền kinh tế, các điểm nổi bật của các ngành kinh tế.

 – Đọc được bản đồ, rút ra nhận xét; phân tích được số liệu, tư liệu.

 – Khai thác, chọn lọc, thu thập được tư liệu từ các nguồn khác nhau về địa lí Cộng hoà Nam Phi.

 Chuyên đề 11.1: Một số vấn đề về khu vực Đông Nam Á

Nội dung Yêu cầu cần đạt
– Uỷ hội sông Mê Công (MRC)

  

– Nêu được khái quát về lưu vực sông Mê Công.

 – Trình bày được lí do ra đời, mục tiêu của Uỷ hội sông Mê Công.

 – Giới thiệu được một số hoạt động của Uỷ hội sông Mê Công.

 – Xác định được vai trò của Việt Nam trong Uỷ hội sông Mê Công.

– Hợp tác hoà bình trong khai thác Biển Đông – Nêu và đánh giá được các biểu hiện của sự hợp tác trong khai thác tài nguyên thiên nhiên, phát triển giao thông vận tải, bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc phòng ở Biển Đông.

 Chuyên đề 11.2: Một số vấn đề về du lịch thế giới

Nội dung Yêu cầu cần đạt
– Tài nguyên du lịch thế giới – Chứng minh được sự đa dạng, phong phú của các loại tài nguyên du lịch trên thế giới, liên hệ được với tài nguyên du lịch Việt Nam.
– Một số loại hình du lịch phổ biến và xu hướng phát triển du lịch trên thế giới hiện nay

  

– Trình bày được một số loại hình du lịch phổ biến trên thế giới hiện nay, liên hệ được với hoạt động du lịch ở Việt Nam.

 – Trình bày được một số xu hướng phát triển du lịch trên thế giới.

 – Liên hệ để hiểu được các định hướng phát triển du lịch Việt Nam.

– Định hướng nghề nghiệp – Liên hệ được các ngành nghề liên quan đến du lịch.

 Chuyên đề 11.3: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0)

Nội dung Yêu cầu cần đạt
– Nội dung chủ yếu – Trình bày được quan niệm về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; so sánh được đặc điểm và nội dung của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với các cuộc cách mạng công nghiệp trước.
– Tác động đến phát triển kinh tế – xã hội thế giới – Phân tích được các tác động chủ yếu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đến phát triển kinh tế – xã hội trên toàn thế giới.

 – Nêu được một số xu hướng chính của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

 – Vận dụng được hiểu biết về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào việc định hướng nghề nghiệp và liên hệ với việc học tập.

 LỚP 12: ĐỊA LÍ VIỆT NAM

Nội dung Yêu cầu cần đạt
ĐỊA LÍ TỰ NHIÊN
Vị trí địa lí và phạm vi lãnh thổ
– Vị trí địa lí, phạm vi lãnh thổ – Xác định được đặc điểm vị trí địa lí, phạm vi lãnh thổ Việt Nam trên bản đồ.
– Ảnh hưởng đối với tự nhiên, kinh tế – xã hội và an ninh quốc phòng – Phân tích được ảnh hưởng của vị trí địa lí, phạm vi lãnh thổ đến tự nhiên, kinh tế

 – xã hội và an ninh quốc phòng.

Thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa và ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống
– Biểu hiện của thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa – Trình bày được các biểu hiện của thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa thông qua khí hậu và các thành phần tự nhiên khác.
– Ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống – Phân tích được ảnh hưởng của thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa đến sản xuất và đời sống.

 – Sử dụng được atlat địa lí Việt Nam, bản đồ tự nhiên Việt Nam, số liệu thống kê để trình bày đặc điểm thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa.

Sự phân hoá đa dạng của thiên nhiên
– Sự phân hoá đa dạng của thiên nhiên – Chứng minh được sự phân hoá đa dạng của thiên nhiên Việt Nam theo Bắc – Nam, Đông – Tây, độ cao.
– Các miền địa lí tự nhiên

  

– Trình bày được đặc điểm tự nhiên của ba miền: Bắc và Đông Bắc Bắc Bộ, Tây Bắc và Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Nam Bộ.
– Ảnh hưởng đến phát triển kinh tế – xã hội – Phân tích được ảnh hưởng của sự phân hoá đa dạng thiên nhiên đến phát triển kinh tế – xã hội đất nước.

 – Sử dụng được atlat địa lí Việt Nam, bản đồ tự nhiên Việt Nam, số liệu thống kê để chứng minh sự phân hoá đa dạng của thiên nhiên nước ta.

 – Thu thập tài liệu, trình bày được báo cáo về sự phân hoá tự nhiên Việt Nam.

Vấn đề sử dụng hợp lí tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường
– Sử dụng hợp lí tài nguyên thiên nhiên – Trình bày và giải thích được sự suy giảm các loại tài nguyên thiên nhiên ở nước ta.

 – Nêu được một số giải pháp sử dụng hợp lí tài nguyên thiên nhiên ở nước ta.

– Bảo vệ môi trường – Chứng minh và giải thích được hiện trạng ô nhiễm môi trường ở Việt Nam.

 – Nêu được các giải pháp bảo vệ môi trường.

 – Viết được đoạn văn ngắn tuyên truyền mọi người trong cộng đồng tham gia vào việc sử dụng hợp lí tài nguyên hoặc bảo vệ môi trường ở địa phương.

ĐỊA LÍ DÂN CƯ
Dân số
– Đặc điểm

 – Thế mạnh và hạn chế về dân số

– Trình bày được đặc điểm dân số, phân tích các thế mạnh và hạn chế về dân số.

  

– Chiến lược phát triển dân số – Nêu được chiến lược và giải pháp phát triển dân số, liên hệ được một số vấn đề dân số ở địa phương.

 – Vẽ được biểu đồ về dân số.

 – Sử dụng được atlat địa lí Việt Nam, bản đồ dân cư Việt Nam, số liệu thống kê để nhận xét, giải thích về đặc điểm dân số Việt Nam.

 – Giải thích được một số vấn đề thực tế liên quan đến dân số nước ta.

Lao động và việc làm
– Đặc điểm nguồn lao động

 – Sử dụng lao động

– Trình bày được đặc điểm nguồn lao động; phân tích được tình hình sử dụng lao động theo ngành, theo thành phần kinh tế, theo thành thị và nông thôn ở nước ta.
– Vấn đề việc làm và hướng giải quyết – Phân tích được vấn đề việc làm ở nước ta.

 – Nêu được các hướng giải quyết việc làm ở nước ta.

 – Liên hệ được thực tế địa phương về vấn đề lao động, việc làm.

 – Phân tích được các biểu đồ, bảng số liệu về lao động và việc làm.

Đô thị hoá
– Đặc điểm đô thị hoá

 – Phân bố mạng lưới đô thị

– Trình bày được đặc điểm đô thị hoá ở Việt Nam và sự phân bố mạng lưới đô thị.

  

– Ảnh hưởng của đô thị hoá đến phát triển kinh tế – xã hội – Phân tích được ảnh hưởng của đô thị hoá đến phát triển kinh tế – xã hội.

 – Sử dụng được atlat địa lí Việt Nam, bản đồ dân cư Việt Nam, số liệu thống kê để nhận xét và giải thích về đô thị hoá ở nước ta.

 – Viết được báo cáo giới thiệu về một trong các chủ đề (dân số, lao động và việc làm, đô thị hoá) ở Việt Nam.

ĐỊA LÍ CÁC NGÀNH KINH TẾ
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế
– Ý nghĩa – Phân tích được ý nghĩa của sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nước ta.
– Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá – Chứng minh và giải thích được sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của nước ta theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
– Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo ngành, theo thành phần kinh tế, theo lãnh thổ – Chứng minh và giải thích được sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo ngành, theo thành phần kinh tế, theo lãnh thổ ở nước ta.

 – Nêu và đánh giá được vai trò của mỗi thành phần kinh tế trong nền kinh tế đất nước hiện nay.

 – Vẽ được biểu đồ, phân tích biểu đồ và số liệu thống kê liên quan đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Vấn đề phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản
– Khái quát – Khái quát được vai trò của nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và xây dựng nông thôn mới.
– Nông nghiệp

  

– Phân tích được các thế mạnh, hạn chế đối với phát triển nền nông nghiệp ở nước ta.

 – Trình bày được sự chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp và sự phát triển, phân bố nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi) thông qua atlat địa lí Việt Nam, bảng số liệu, tư liệu,…

 – Nêu được xu hướng phát triển trong nông nghiệp nước ta.

– Lâm nghiệp

  

– Phân tích được các thế mạnh và hạn chế đối với phát triển lâm nghiệp.

 – Trình bày được tình hình phát triển và phân bố lâm nghiệp thông qua atlat địa lí Việt Nam, bảng số liệu, tư liệu,…

 – Trình bày được vấn đề quản lí và bảo vệ tài nguyên rừng.

– Ngành thuỷ sản

  

– Phân tích được các thế mạnh và hạn chế đối với phát triển ngành thuỷ sản.

 – Trình bày được sự chuyển dịch cơ cấu, tình hình phát triển và phân bố ngành thuỷ sản thông qua atlat địa lí Việt Nam, bảng số liệu, tư liệu,…

– Tổ chức lãnh thổ nông nghiệp – Phân tích được một số hình thức tổ chức lãnh thổ nông nghiệp ở Việt Nam: trang trại, vùng chuyên canh, vùng nông nghiệp.

 – Vẽ được biểu đồ, nhận xét, giải thích về tình hình phát triển và chuyển dịch cơ cấu ngành của các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản.

Vấn đề phát triển công nghiệp
– Chuyển dịch cơ cấu công nghiệp – Trình bày và giải thích được sự chuyển dịch cơ cấu công nghiệp theo ngành, theo thành phần kinh tế, theo lãnh thổ.
– Một số ngành công nghiệp – Trình bày được đặc điểm phát triển và phân bố của một số ngành: Khai thác than, dầu, khí; sản xuất điện; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính; sản xuất, chế biến thực phẩm; sản xuất đồ uống; dệt, may; giày dép thông qua atlat địa lí Việt Nam, bảng số liệu, tư liệu,…
– Tổ chức lãnh thổ công nghiệp – Phân tích được một số hình thức tổ chức lãnh thổ công nghiệp ở Việt Nam: khu công nghiệp, khu công nghệ cao, trung tâm công nghiệp.

 – Vẽ được biểu đồ, nhận xét và giải thích tình hình phát triển và chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp.

Vấn đề phát triển dịch vụ
– Giao thông vận tải

 – Bưu chính viễn thông

 – Thương mại

– Khái quát được vai trò; phân tích được các nhân tố ảnh hưởng của các ngành dịch vụ.

 – Trình bày được sự phát triển và phân bố ngành giao thông vận tải, bưu chính viễn thông, thương mại, du lịch ở Việt Nam.

– Du lịch – Phân tích được sự phân hoá lãnh thổ du lịch (các trung tâm, vùng du lịch), du lịch với sự phát triển bền vững.

 – Tìm hiểu thực tế, viết được đoạn văn ngắn giới thiệu, quảng bá về một số hoạt động và sản phẩm dịch vụ độc đáo của địa phương, nhất là về du lịch.

 – Vẽ được biểu đồ và sử dụng bản đồ, số liệu để nhận xét, giải thích liên quan đến các ngành dịch vụ (giao thông vận tải, bưu chính viễn thông, thương mại và du lịch).

ĐỊA LÍ CÁC VÙNG KINH TẾ
Khai thác thế mạnh ở Trung du và miền núi Bắc Bộ
– Khái quát về vùng – Trình bày được vị trí địa lí, phạm vi lãnh thổ và dân số của vùng.
– Khai thác các thế mạnh phát triển kinh tế – Chứng minh được các thế mạnh để phát triển kinh tế của vùng về khoáng sản và thuỷ điện, cây trồng có nguồn gốc cận nhiệt và ôn đới (cây công nghiệp, rau quả), chăn nuôi gia súc lớn và về kinh tế biển.

 – Trình bày được việc khai thác các thế mạnh phát triển kinh tế của vùng và nêu được hướng phát triển.

– Ý nghĩa của phát triển kinh tế – xã hội đối với quốc phòng an ninh – Nêu được ý nghĩa của phát triển kinh tế – xã hội đối với quốc phòng an ninh.

 – Sử dụng được atlat địa lí Việt Nam, bản đồ và bảng số liệu để trình bày về thế mạnh và việc khai thác các thế mạnh phát triển kinh tế của vùng.

Phát triển kinh tế – xã hội ở Đồng bằng sông Hồng
– Khái quát về vùng – Trình bày được vị trí địa lí, phạm vi lãnh thổ và dân số của vùng.
– Các thế mạnh để phát triển kinh tế

  

– Phân tích được các thế mạnh, hạn chế đối với việc phát triển kinh tế – xã hội của Đồng bằng sông Hồng.
– Một số vấn đề phát triển kinh tế – xã hội – Phân tích được một số vấn đề về phát triển kinh tế – xã hội của vùng: Vấn đề phát triển công nghiệp, vấn đề phát triển dịch vụ.

 – Sử dụng được atlat địa lí Việt Nam, bản đồ và bảng số liệu để trình bày về các thế mạnh của vùng.

Phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản ở Bắc Trung Bộ
– Khái quát về vùng – Trình bày được vị trí địa lí, phạm vi lãnh thổ và dân số của vùng.
– Thế mạnh, hạn chế để hình thành và phát triển cơ cấu nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản – Phân tích được các thế mạnh và hạn chế đối với việc hình thành và phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản của vùng.

 – Trình bày được một số đặc điểm nổi bật về nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản của vùng.

 – Sử dụng được atlat địa lí Việt Nam, bản đồ và bảng số liệu để trình bày về thế mạnh và hạn chế của vùng.

Phát triển kinh tế biển ở Duyên hải Nam Trung Bộ
– Khái quát về vùng – Trình bày được vị trí địa lí, phạm vi lãnh thổ và dân số của vùng.
– Thế mạnh, hạn chế và việc phát triển các ngành kinh tế biển

  

– Phân tích được các thế mạnh và hạn chế đối với phát triển các ngành kinh tế biển: khai thác tài nguyên sinh vật biển, giao thông vận tải biển, du lịch biển, khai thác khoáng sản biển.

 – Trình bày được việc phát triển các ngành kinh tế biển và nêu được hướng phát triển kinh tế biển của vùng.

 – Sử dụng được atlat địa lí Việt Nam, bản đồ và bảng số liệu để trình bày về thế mạnh phát triển các ngành kinh tế biển của vùng.

– Ý nghĩa của phát triển kinh tế biển đối với quốc phòng an ninh – Liên hệ được phát triển kinh tế biển với quốc phòng an ninh.
Khai thác thế mạnh để phát triển kinh tế ở Tây Nguyên
– Khái quát về vùng

 – Thế mạnh, hạn chế và việc phát triển các ngành kinh tế

  

– Trình bày được vị trí địa lí, phạm vi lãnh thổ và dân số của vùng.

 – Phân tích được các thế mạnh và hạn chế đối với phát triển kinh tế ở Tây Nguyên về cây công nghiệp lâu năm, thuỷ điện, lâm nghiệp, khoáng sản (bôxit), du lịch.

 – Trình bày được sự phát triển và phân bố của cây công nghiệp lâu năm, phát triển thuỷ điện, hoạt động lâm nghiệp và bảo vệ rừng, khai thác bôxit, phát triển du lịch.

– Ý nghĩa của phát triển kinh tế – xã hội đối với quốc phòng an ninh – Nêu được ý nghĩa của phát triển kinh tế – xã hội đối với quốc phòng an ninh.

 – Sử dụng được atlat địa lí Việt Nam, bản đồ và bảng số liệu để trình bày về thế mạnh và việc khai thác các thế mạnh của vùng.

Phát triển kinh tế – xã hội ở Đông Nam Bộ
– Khái quát về vùng – Trình bày được vị trí địa lí, phạm vi lãnh thổ và dân số của vùng.
– Các thế mạnh và hạn chế để phát triển kinh tế – Phân tích được các thế mạnh và hạn chế đối với phát triển kinh tế của vùng.
– Phát triển các ngành kinh tế

  

– Trình bày được tình hình phát triển các ngành kinh tế: công nghiệp, dịch vụ;

 nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản.

– Vấn đề bảo vệ môi trường – Trình bày được mối quan hệ giữa phát triển kinh tế – xã hội với bảo vệ môi trường.

 – Sử dụng được atlat địa lí Việt Nam, bản đồ, số liệu thống kê để trình bày về các thế mạnh và hiện trạng phát triển các ngành kinh tế.

Sử dụng hợp lí tự nhiên để phát triển kinh tế ở Đồng bằng sông Cửu Long
– Khái quát về vùng – Trình bày được vị trí địa lí, phạm vi lãnh thổ và dân số của vùng.
– Sử dụng hợp lí tự nhiên

  

– Chứng minh được các thế mạnh, hạn chế để phát triển kinh tế của vùng; trình bày được hướng sử dụng hợp lí tự nhiên của vùng.

 – Giải thích được tại sao phải sử dụng hợp lí tự nhiên ở Đồng bằng sông Cửu Long.

– Phát triển sản xuất lương thực và thực phẩm – Trình bày được vai trò, tình hình phát triển sản xuất lương thực và thực phẩm của vùng.
– Du lịch – Trình bày được tài nguyên du lịch và tình hình phát triển du lịch của vùng.

 – Thu thập được tài liệu và viết báo cáo về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với Đồng bằng sông Cửu Long, các giải pháp ứng phó.

 – Sử dụng atlat địa lí Việt Nam, bản đồ, số liệu thống kê, tư liệu, trình bày được các thế mạnh, tình hình phát triển sản xuất lương thực, thực phẩm, du lịch của vùng.

 – Vẽ được biểu đồ kinh tế – xã hội, nhận xét và giải thích.

Phát triển các vùng kinh tế trọng điểm
– Đặc điểm vùng kinh tế trọng điểm – Phân tích được đặc điểm chung của các vùng kinh tế trọng điểm ở nước ta.
– Quá trình hình thành và phát triển, nguồn lực, thực trạng, định hướng phát triển của các vùng kinh tế trọng điểm – Trình bày được quá trình hình thành và phát triển, các nguồn lực, thực trạng và định hướng phát triển của các vùng kinh tế trọng điểm: Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

 – Vẽ được biểu đồ, nhận xét và giải thích được nội dung liên quan đến các vùng kinh tế trọng điểm.

 – Sử dụng số liệu, atlat địa lí Việt Nam, bản đồ và các nguồn tài liệu khác, nhận xét và giải thích được những vấn đề liên quan đến các vùng kinh tế trọng điểm.

Phát triển kinh tế và đảm bảo quốc phòng an ninh ở Biển Đông và các đảo, quần đảo
– Khái quát về Biển Đông và các đảo, quần đảo

  

– Trình bày được khái quát về Biển Đông.

 – Trình bày được vùng biển Việt Nam, các đảo và quần đảo là một bộ phận quan trọng của nước ta.

– Tài nguyên thiên nhiên

  

– Chứng minh được vùng biển nước ta, các đảo và quần đảo có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng.
– Khai thác tổng hợp tài nguyên biển – đảo – Trình bày được tình hình khai thác tổng hợp tài nguyên biển – đảo (khai thác sinh vật, khai thác khoáng sản, giao thông vận tải và du lịch biển); giải thích được sự cần thiết phải bảo vệ môi trường biển ở nước ta.
– Ý nghĩa chiến lược của Biển Đông trong việc phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh cho đất nước; hướng chung trong giải quyết các tranh chấp vùng biển – đảo – Phân tích được ý nghĩa chiến lược của Biển Đông trong việc phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh cho đất nước; trình bày được hướng chung trong việc giải quyết các tranh chấp vùng biển – đảo ở Biển Đông.

 – Sử dụng được atlat địa lí Việt Nam, bản đồ, số liệu thống kê để trình bày về các tài nguyên thiên nhiên và việc khai thác tổng hợp tài nguyên biển – đảo.

 – Thu thập được tài liệu, tranh ảnh, video,… để viết và trình bày báo cáo tuyên truyền về bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

THỰC HÀNH TÌM HIỂU ĐỊA LÍ ĐỊA PHƯƠNG
Thực hành tìm hiểu Địa lí địa phương (tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương) theo các chủ đề sau đây:
– Vị trí địa lí, phạm vi lãnh thổ và sự phân chia hành chính – Trình bày được vị trí địa lí, phạm vi lãnh thổ và sự phân chia hành chính của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương dựa trên bản đồ của địa phương, Việt Nam hoặc atlat địa lí Việt Nam và kiến thức đã có.
– Tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên

 – Dân cư và xã hội

 – Kinh tế

– Sử dụng bản đồ, lược đồ, biểu đồ, số liệu thống kê,…, phân tích được một số đặc điểm nổi bật về tự nhiên, dân cư – xã hội, kinh tế của địa phương.

 – Thu thập được tài liệu, tranh ảnh, số liệu,… để giới thiệu về địa lí địa phương.

 – Viết được báo cáo giới thiệu địa lí địa phương theo một số chủ đề.

 Chuyên đề 12.1: Thiên tai và biện pháp phòng chống

Nội dung Yêu cầu cần đạt
– Những vấn đề chung – Trình bày được quan niệm, đặc điểm, nguyên nhân, phân loại thiên tai.
– Một số thiên tai, nguyên nhân, hậu

 quả, biện pháp phòng chống

– Trình bày được một số thiên tai và nơi thường xảy ra (bão, lũ lụt, hạn hán, các thiên tai khác); phân tích được nguyên nhân, hậu quả của mỗi loại và xác định được các biện pháp phòng chống.

 – Liên hệ, tìm hiểu được về một thiên tai cụ thể tại địa phương (hiện trạng, nguyên nhân, hậu quả, giải pháp).

 – Thu thập được tranh ảnh, số liệu, video clip,… để trưng bày một số chủ đề về thiên tai ở nước ta.

 – Viết được đoạn văn ngắn tuyên truyền mọi người trong cộng đồng về thiên tai và các biện pháp phòng chống.

 Chuyên đề 12.2: Phát triển vùng

Nội dung Yêu cầu cần đạt
– Quan niệm về vùng

  

– Trình bày được quan niệm về vùng, ý nghĩa của vùng và cơ sở hình thành vùng trong nền kinh tế đất nước.
– Các loại vùng kinh tế

  

– Phân biệt được các loại vùng kinh tế (theo các tiêu chí cụ thể): vùng kinh tế, vùng kinh tế trọng điểm, vùng ngành,…

 – Trình bày (tóm tắt) được các loại vùng kinh tế ở Việt Nam.

– Đặc điểm của các loại vùng kinh tế – Trình bày được đặc điểm và giải thích được sự hình thành của một số loại vùng kinh tế.

 Chuyên đề 12.3: Phát triển làng nghề

Nội dung Yêu cầu cần đạt
– Những vấn đề chung – Trình bày được khái niệm, đặc điểm, quá trình hình thành và phát triển làng nghề.
– Phát triển làng nghề và các tác động – Phân tích được vai trò của làng nghề, thực trạng và định hướng phát triển làng nghề; tác động của làng nghề đến kinh tế, xã hội và tài nguyên, môi trường.

 – Liên hệ được thực tế ở địa phương.

  1. PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC
  2. Định hướng chung

 Phương pháp giáo dục môn Địa lí được thực hiện theo các định hướng chung sau đây:

  1. a) Tích cực hoá hoạt động của học sinh; trong đó giáo viên là người tổ chức, hướng dẫn, khuyến khích, tạo môi trường học tập thân thiện cho học sinh; học sinh học tập chủ động, tích cực, sáng tạo, tập trung rèn luyện năng lực tự học.
  2. b) Tăng cường các hoạt động trải nghiệm cho học sinh, gắn bài học địa lí với thực tiễn địa phương, đất nước, thế giới; vận dụng kiến thức vào việc giải quyết các vấn đề về môi trường, kinh tế – xã hội tại địa phương, từ đó phát triển nhận thức, kĩ năng, hình thành phẩm chất, năng lực đặc thù và năng lực chung.
  3. c) Đa dạng hóa các phương pháp dạy học, kết hợp linh hoạt các phương pháp dạy học tiên tiến, các phương pháp dạy học đặc thù của môn học như: sử dụng bản đồ, sơ đồ, số liệu thống kê, biểu đồ, tranh ảnh, mô hình, quan sát, thực địa,…; cải tiến và sử dụng theo hướng phát huy tính tích cực các phương pháp dạy học truyền thống như: thuyết trình, hỏi đáp,…
  4. d) Thực hiện các hình thức tổ chức dạy học một cách đa dạng và linh hoạt, kết hợp các hình thức dạy học cá nhân, dạy học theo nhóm, dạy học theo lớp; dạy học trên lớp, dạy học ngoài trời, dạy học trong thực tế, thực địa; tham quan, khảo sát địa phương, sưu tầm, hệ thống hoá thông tin, trưng bày, giới thiệu, triển lãm, trò chơi học tập,…
  5. e) Tổ chức, hướng dẫn, tạo điều kiện để học sinh tìm tòi, khám phá, khai thác và chiếm lĩnh kiến thức từ các phương tiện dạy học địa lí như: bản đồ, atlat, tranh ảnh, mô hình, các dụng cụ quan trắc, dụng cụ đo vẽ, tài liệu, tư liệu,… Khuyến khích, tạo điều kiện, xây dựng môi trường học tập thuận lợi cho học sinh khai thác thông tin từ Internet để phục vụ học tập; rèn luyện cho học sinh kĩ năng xử lí, trình bày thông tin địa lí bằng công nghệ thông tin và truyền thông,…; tăng cường tự làm các thiết bị dạy học với việc ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (lập các trang website học tập, xây dựng hệ thống bài học, bài tập, thực hành, bài kiểm tra bằng các phần mềm thông dụng và thích hợp, xây dựng các video clip giới thiệu sự vật, hiện tượng địa lí,…).
  6. Định hướng phương pháp hình thành, phát triển các phẩm chất chủ yếu và năng lực chung
  7. a) Phương pháp hình thành, phát triển các phẩm chất chủ yếu

 Thông qua việc tổ chức các hoạt động học tập, môn Địa lí giáo dục cho học sinh thế giới quan khoa học, lòng yêu nước, tình yêu thiên nhiên, tình cảm yêu thương người lao động, thái độ tôn trọng những giá trị nhân văn khác nhau; ý thức, niềm tin, trách nhiệm và hành động cụ thể trong việc sử dụng hợp lí tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường; rèn luyện cho học sinh các đức tính chăm chỉ, trung thực trong học tập và nghiên cứu khoa học.

  1. b) Phương pháp hình thành, phát triển các năng lực chung

 Môn Địa lí có nhiều ưu thế hình thành và phát triển các năng lực chung đã quy định trong Chương trình tổng thể.

 – Năng lực tự chủ và tự học: được hình thành và phát triển thông qua các hoạt động học tập như thu thập thông tin và trình bày báo cáo địa lí; khảo sát, điều tra thực tế địa phương, vận dụng kiến thức để giải quyết các vấn đề thực tế,…

 – Năng lực giao tiếp và hợp tác: được hình thành và phát triển thông qua các hoạt động nhóm và phương pháp dạy học thảo luận, dạy học dự án, xêmina,…

 – Năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo: được hình thành và phát triển thông qua các hoạt động phát hiện vấn đề, nêu giả thuyết hoặc giả định, tìm lôgic trong giải quyết vấn đề, đề xuất được giải pháp giải quyết vấn đề, đánh giá giải pháp giải quyết vấn đề, tưởng tượng khoa học, giải quyết vấn đề mới, tự học về lí thuyết và công cụ địa lí.

  1. Định hướng phương pháp hình thành, phát triển năng lực địa lí
  2. a) Để phát triển thành phần năng lực nhận thức khoa học địa lí, giáo viên tạo cho học sinh cơ hội huy động những hiểu biết, kinh nghiệm sẵn có để tham gia hình thành kiến thức mới. Chú ý tổ chức các hoạt động tiếp cận sự vật và hiện tượng địa lí diễn ra trong cuộc sống theo mối quan hệ không gian – thời gian, trả lời các câu hỏi cơ bản: cái gì, ở đâu, như thế nào…; rèn luyện cho học sinh kĩ năng phân tích các mối liên hệ (tương hỗ, nhân quả) giữa các hiện tượng, quá trình địa lí tự nhiên, giữa các hiện tượng, quá trình địa lí kinh tế – xã hội cũng như giữa hệ thống tự nhiên và hệ thống kinh tế – xã hội.
  3. b) Để phát triển thành phần năng lực tìm hiểu địa lí, giáo viên tạo điều kiện cho học sinh sử dụng các công cụ của địa lí học như: atlat địa lí, bản đồ, lược đồ, biểu đồ, sơ đồ, lát cắt, mô hình, khối đồ, bảng số liệu, tranh ảnh,… tìm tòi, khám phá các tri thức địa lí; tăng cường khai thác Internet trong học tập, tổ chức cho học sinh học tập ngoài thực địa, trong môi trường tự nhiên, kinh tế – xã hội địa phương.
  4. c) Để phát triển thành phần năng lực vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học về địa lí, học sinh cần được tạo cơ hội để cập nhật thông tin và liên hệ thực tế, tiếp cận với các tình huống thực tiễn, thực hiện các chủ đề học tập khám phá từ thực tiễn; vận dụng được các kiến thức, kĩ năng địa lí để giải quyết một số vấn đề thực tiễn phù hợp. Giáo viên cần quan tâm rèn luyện cho học sinh các kĩ năng phát hiện vấn đề, lập kế hoạch nghiên cứu, giải quyết vấn đề, đánh giá kết quả giải quyết vấn đề, nêu giải pháp khắc phục hoặc cải tiến, tăng cường sử dụng các bài tập đòi hỏi vận dụng kiến thức thực tế và tư duy phản biện, sáng tạo.

 VII. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ GIÁO DỤC

  1. Định hướng chung
  2. a) Đánh giá kết quả giáo dục trong môn Địa lí nhằm cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, có giá trị về mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình và sự tiến bộ của học sinh để hướng dẫn hoạt động học tập.
  3. b) Căn cứ để đánh giá kết quả giáo dục của học sinh là các yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực được quy định trong chương trình tổng thể và chương trình môn Địa lí.
  4. c) Về nội dung đánh giá, bên cạnh đánh giá kiến thức, cần tăng cường đánh giá các kĩ năng của học sinh như: làm việc với bản đồ, atlat, biểu đồ, sơ đồ, bảng số liệu, tranh ảnh, quan sát, thu thập, xử lí và hệ thống hoá thông tin, sử dụng các dụng cụ học tập ngoài trời, sử dụng công nghệ và thông tin truyền thông trong học tập,… Chú trọng đánh giá khả năng vận dụng tri thức vào những tình huống cụ thể.
  5. d) Đa dạng hóa các hình thức đánh giá, tăng cường đánh giá thường xuyên đối với tất cả học sinh bằng các hình thức khác nhau. Kết hợp việc đánh giá của giáo viên với tự đánh giá và đánh giá lẫn nhau của học sinh.
  6. e) Kết quả giáo dục được đánh giá bằng các hình thức định tính và định lượng thông qua đánh giá thường xuyên, định kì, trên cơ sở đó tổng hợp kết quả đánh giá chung về phẩm chất, năng lực và sự tiến bộ của học sinh.
  7. Một số hình thức kiểm tra, đánh giá

 Môn Địa lí sử dụng các hình thức đánh giá chủ yếu như sau:

  1. a) Đánh giá thông qua bài viết: bài tự luận, bài trắc nghiệm khách quan, bài tiểu luận, bài thu hoạch tham quan, báo cáo kết quả sưu tầm, báo cáo kết quả nghiên cứu, điều tra,…
  2. b) Đánh giá thông qua vấn đáp, thuyết trình: trả lời câu hỏi vấn đáp, phỏng vấn, thuyết trình vấn đề nghiên cứu,…
  3. c) Đánh giá thông qua quan sát: quan sát quá trình học sinh sử dụng các công cụ học tập, thực hiện các bài thực hành, thảo luận nhóm, học ngoài thực địa, tham quan, khảo sát địa phương, tham gia dự án nghiên cứu,… bằng cách sử dụng bảng quan sát, hồ sơ học tập,…

 VIII. GIẢI THÍCH VÀ HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

  1. Giải thích thuật ngữ
  2. a) Một số thuật ngữ chuyên môn

 – Địa lí tự nhiên: Địa lí tự nhiên nghiên cứu một cách tổng hợp các thành phần cấu thành nên vỏ địa lí của Trái Đất cũng như các bộ phận lãnh thổ khác nhau của Trái Đất. Địa lí tự nhiên thường được phân chia thành địa lí tự nhiên đại cương (nghiên cứu các quy luật chung của vỏ địa lí) và các khoa học địa lí tự nhiên bộ phận nghiên cứu các địa quyển (như Địa mạo học nghiên cứu về địa hình; Khí hậu học và khí tượng học nghiên cứu về khí quyển; Thuỷ văn học nghiên cứu về sông, hồ, nước ngầm; Thổ nhưỡng học nghiên cứu về lớp đất; Địa lí sinh vật nghiên cứu về các quần xã thực vật và động vật, các hệ sinh thái,…).

 – Địa lí kinh tế – xã hội: Địa lí kinh tế – xã hội nghiên cứu tổ chức lãnh thổ về kinh tế – xã hội ở các nước, các vùng, các địa phương khác nhau. Địa lí kinh tế – xã hội bao gồm địa lí dân cư, địa lí kinh tế và địa lí xã hội.

 – Địa lí dân cư: Địa lí dân cư nghiên cứu các quy luật và đặc điểm không gian về sự hình thành và phát triển của cơ cấu dân cư hiện đại và của các điểm dân cư trong các điều kiện tự nhiên, lịch sử, kinh tế và xã hội khác nhau.

 – Địa lí kinh tế: Địa lí kinh tế nghiên cứu tổ chức lãnh thổ sản xuất xã hội, các quá trình không gian và các hình thức tổ chức đời sống của con người trước hết là từ quan điểm hiệu quả sản xuất. Địa lí kinh tế bao gồm nhiều khoa học bộ phận như: địa lí nông nghiệp, địa lí công nghiệp, địa lí dịch vụ,…

 – Địa lí xã hội: Địa lí xã hội nghiên cứu các quá trình không gian và các hình thức tổ chức lãnh thổ đời sống của con người, mà trước hết là trên quan điểm về điều kiện lao động, sinh hoạt, nghỉ dưỡng, phát triển nhân cách và tái sản xuất đời sống con người. Nhiều vấn đề đặc thù của địa lí xã hội như địa lí về giới, địa lí về chất lượng cuộc sống,…

 – Địa lí khu vực: Địa lí khu vực nghiên cứu về các khu vực trên thế giới có sự phân định rõ không gian, tập trung vào các đặc điểm nổi bật về tự nhiên, dân cư, xã hội, kinh tế của một lãnh thổ cụ thể.

 – Địa lí vùng: Địa lí vùng nghiên cứu về các bộ phận lãnh thổ thường là ở trong phạm vi một quốc gia, được phân biệt bởi các ranh giới. Về tự nhiên, vùng được hiểu với nhiều cấp độ khác nhau, ví dụ như: miền địa lí tự nhiên, khu địa lí tự nhiên,… Về kinh tế, có nhiều loại vùng khác nhau, như: vùng kinh tế ngành, vùng kinh tế tổng hợp, vùng kinh tế trọng điểm,…; mỗi vùng có những đặc điểm riêng, khác với vùng khác về tự nhiên, dân cư, xã hội, kinh tế và có mối liên hệ trong vùng với nhau, cũng như với các vùng khác.

 – Địa lí địa phương: Địa lí địa phương nghiên cứu về vị trí địa lí, thiên nhiên và hoạt động kinh tế – xã hội ở các lãnh thổ như một làng; xã; huyện; tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

 – Đối tượng địa lí: Đối tượng địa lí là các sự vật, hiện tượng, quá trình,… tự nhiên hay nhân tạo như là một chỉnh thể ở trong lớp vỏ địa lí. Mỗi đối tượng địa lí đều có vị trí địa lí xác định.

 – Vị trí địa lí: Vị trí địa lí là vị trí của đối tượng địa lí đối với bề mặt Trái Đất cũng như đối với các đối tượng khác mà chúng có quan hệ tương tác với nhau. Vị trí địa lí là đặc trưng quan trọng của đối tượng, vì ở một mức độ đáng kể, nó cung cấp biểu tượng về các điều kiện tự nhiên và điều kiện kinh tế – xã hội cũng như các đặc điểm địa phương của sự định vị đối tượng. Vị trí địa lí được xác định nhờ toạ độ địa lí. Có thể đánh giá vị trí địa lí về các phương diện khác nhau: vị trí địa lí tự nhiên, vị trí địa lí kinh tế, vị trí địa lí vận tải, vị trí địa lí quân sự, vị trí địa chiến lược (địa chính trị),…

  1. b) Từ ngữ thể hiện mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt

 Chương trình môn Địa lí sử dụng một số từ ngữ để thể hiện mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt về năng lực của học sinh. Trong bảng liệt kê dưới đây, đối tượng, mức độ cần đạt được chỉ dẫn bằng các động từ khác nhau. Trong quá trình dạy học, đặc biệt là khi đặt câu hỏi thảo luận, ra đề kiểm tra đánh giá, giáo viên có thể dùng những động từ nêu trong bảng này hoặc thay thế bằng các động từ có nghĩa tương đương cho phù hợp với tình huống sư phạm và nhiệm vụ cụ thể giao cho học sinh.

Mức độ Động từ mô tả mức độ
Biết – Nêu được (một số vai trò, đặc điểm); kể tên được (các sự vật, hiện tượng); phát biểu được (định nghĩa, thuật ngữ, khái niệm); liệt kê được (các dấu hiệu, đặc điểm); ghi lại; kể được; lặp lại được; đưa lại được dẫn chứng.

 – Quan sát được; nhận dạng được (cấu trúc Trái Đất, vỏ Trái Đất, vỏ địa lí, một hoặc một số đối tượng địa lí trên thực địa, trên bản đồ, lược đồ, hình vẽ, tranh ảnh); thống kê được (các đối tượng hoặc dấu hiệu của đối tượng địa lí); đọc được (các kí hiệu bản đồ, địa danh nước ngoài).

 – Sưu tầm được; thu thập được (các tư liệu địa lí cần thiết); trích dẫn được tài liệu; tìm được (vị trí địa lí của đối tượng trên thực địa, trên bản đồ); tìm được các thông tin (bài viết, hình ảnh bằng các công cụ tìm kiếm, sử dụng từ khoá).

Hiểu – Mô tả được (một sự vật, hiện tượng); diễn giải được (vai trò, đặc điểm, tình hình phát triển); trình bày được (thuận lợi, khó khăn, vai trò, tình hình phát triển, đặc điểm, ý nghĩa, biểu hiện, tác động của đối tượng địa lí); tóm tắt được (đặc trưng của một quốc gia, một vùng); truyền đạt được (thông tin địa lí); xác định được (vị trí địa lí, phạm vi lãnh thổ của một lãnh thổ trên bản đồ); nêu được các ví dụ hoặc biểu hiện về vai trò, đặc điểm, tình hình phát triển, mối liên hệ nhân quả, quy luật của sự vật, hiện tượng địa lí; vẽ biểu đồ đơn giản (không cần xử lí số liệu); giới thiệu được (một hoặc một số đối tượng địa lí).

 – Đưa ra được các lí do, cơ sở, nhân tố tác động đến kết quả, phụ thuộc vào tình huống cụ thể; lựa chọn được hoặc bổ sung được, sắp xếp được những thông tin cần thiết để giải quyết một vấn đề; phân tích được các đặc điểm nổi bật của đối tượng địa lí và các nhân tố tác động; chứng minh được (các đặc điểm, tình hình phát triển, vai trò, tác động của đối tượng địa lí); giải thích được (một số vấn đề thực tế, các nhận xét rút ra từ bản đồ, biểu đồ, bảng số liệu, các kết quả quan sát hoặc quan trắc từ môi trường).

 – Khái quát hoá được (vai trò, đặc điểm, tình hình phát triển, phân bố); xác định được (vai trò, nguyên nhân, hệ quả); lựa chọn được (các đặc điểm, giải pháp) theo tiêu chí đã có; so sánh được; phân biệt được (các đối tượng địa lí); nhận xét được (đặc điểm, sự phân bố); phân loại được (các đối tượng địa lí) theo những cơ sở nhất định; khẳng định được (thế mạnh, hạn chế, tác động của các nhân tố tới phát triển kinh tế – xã hội); liên hệ được (thực tế địa phương); phản biện được; bình luận được; dự báo được (về các vấn đề địa lí); xác định được (định hướng phát triển kinh tế của một lãnh thổ).

Vận dụng – Nhận xét được (đối tượng địa lí trên bản đồ, biểu đồ, tranh ảnh, sơ đồ); trình bày được (dựa vào atlat, bản đồ, lát cắt địa lí, số liệu thống kê, tư liệu); xác định được (đặc điểm chủ yếu, quan trọng nhất của đối tượng trên cơ sở so sánh vai trò, ý nghĩa, giải pháp, yếu tố, nhân tố); phát hiện được (những kết luận thiếu chính xác, thông tin thiếu cập nhật, liên hệ thực tế thiếu phù hợp trong quá trình thảo luận, seminar); chỉnh sửa được; cập nhật được (các kiến thức thực tế); đọc được bản đồ, lược đồ, sơ đồ, bảng số liệu, chỉ ra được (sự phân bố, mối liên hệ giữa các thành phần, yếu tố, thông số); khám phá được (cấu trúc, đặc trưng của đối tượng địa lí, các mối liên hệ phổ biến, những biểu hiện cụ thể của quy luật địa lí); sưu tầm được; khai thác được; chọn lọc được (các tư liệu địa lí từ Internet và các nguồn khác nhau).

 – Giải quyết được (những tình huống mới bằng cách vận dụng các khái niệm, mối liên hệ phổ biến, quy luật đã biết); sử dụng được nhận thức địa lí (vào giải quyết một số vấn đề trong môi trường sống, vào việc định hướng nghề nghiệp); lựa chọn được các biểu đồ thích hợp và biểu đồ thích hợp nhất (cần vẽ từ bảng số liệu đã cho); xử lí được (số liệu thống kê); phân tích được (tranh ảnh, số liệu thống kê, hiện tượng thực tế); sử dụng được hình vẽ, lược đồ (để phân tích được các hiện tượng địa lí); sử dụng được các công cụ địa lí (để khảo sát, thu thập thông tin từ thực địa); sử dụng được bản đồ (trong học tập địa lí và trong đời sống).

 – Vẽ được (biểu đồ, lược đồ); sơ đồ hoá được (một hiện tượng, quá trình địa lí); mở rộng được; biến đổi được (các mô hình, sơ đồ đã có để phù hợp với nội dung thông tin mới); hệ thống hoá được (các tài liệu, tư liệu thu thập được); viết được (báo cáo địa lí); thuyết trình được về một vấn đề trên PowerPoint (là kết quả làm việc cá nhân hay làm việc nhóm); khái quát hoá được (những vấn đề riêng lẻ, cụ thể thành vấn đề tổng quát mới); đề xuất được (các giải pháp, biện pháp, định hướng); dự báo được (những thay đổi); lên kế hoạch (một chuyến tham quan học tập trong ngày dưới sự chỉ dẫn của giáo viên); thiết kế được (một áp phích về bảo vệ môi trường).

  1. Thời lượng thực hiện chương trình

 Thời lượng thực hiện chương trình trong mỗi năm học cho mỗi lớp là 105 tiết (gồm 70 tiết dành cho các kiến thức cốt lõi và 35 tiết dành cho các chuyên đề học tập), dạy trong 35 tuần.

  1. a) Thời lượng (70 tiết) dành cho mạch nội dung các kiến thức cốt lõi dự kiến được phân phối theo tỉ lệ % như sau:
Mạch nội dung Lớp 10 Lớp 11 Lớp 12
MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG 6%    
ĐỊA LÍ ĐẠI CƯƠNG      
Địa lí tự nhiên 42%    
Địa lí kinh tế – xã hội 42%    
Đánh giá định kì 10%    
ĐỊA LÍ KINH TẾ – XÃ HỘI THẾ GIỚI      
Một số vấn đề về kinh tế – xã hội thế giới   10%  
Địa lí khu vực và quốc gia   80%  
Đánh giá định kì   10%  
ĐỊA LÍ VIỆT NAM      
Địa lí tự nhiên     20%
Địa lí dân cư     5%
Địa lí các ngành kinh tế     30%
Địa lí các vùng kinh tế     30%
Thực hành tìm hiểu địa lí địa phương (tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương)     5%
Đánh giá định kì     10%
  1. b) Phân bổ số tiết cho các chuyên đề học tập ở mỗi lớp (bao gồm cả kiểm tra, đánh giá) như sau:
Mạch nội dung Lớp 10 Lớp 11 Lớp 12
Chuyên đề 10.1: Biến đổi khí hậu 10    
Chuyên đề 10.2: Đô thị hoá 15    
Chuyên đề 10.3: Phương pháp viết báo cáo Địa lí 10    
Chuyên đề 11.1: Một số vấn đề về khu vực Đông Nam Á   15  
Chuyên đề 11.2: Một số vấn đề về du lịch thế giới   10  
Chuyên đề 11.3: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0)   10  
Chuyên đề 12.1: Thiên tai và biện pháp phòng chống     10
Chuyên đề 12.2: Phát triển vùng     15
Chuyên đề 12.3: Phát triển làng nghề     10
  1. Thiết bị dạy học

 Trong dạy học địa lí theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực, các thiết bị dạy học có vai trò rất quan trọng. Các thiết bị dạy học của môn Địa lí bao gồm:

 – Bản đồ, atlat địa lí, tập bản đồ địa lí.

 – Các biểu đồ, sơ đồ, lược đồ, lát cắt.

 – Tài liệu, tư liệu (niên giám thống kê, số liệu kinh tế – xã hội,…).

 – Tranh ảnh về các sự vật, hiện tượng địa lí tự nhiên và địa lí kinh tế – xã hội.

 – Mô hình, mẫu vật.

 – Các dụng cụ, thiết bị (địa bàn, nhiệt kế, ẩm kế, khí áp kế, máy ảnh,…).

 – Các phần mềm dạy học, video clip; các thư viện số (digital) chứa các kho tư liệu dạy học địa lí.

 CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG

 MÔN KHOA HỌC

 (Ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

 MỤC LỤC

  1. ĐẶC ĐIỂM MÔN HỌC
  2. QUAN ĐIỂM XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH

 III. MỤC TIÊU CHƯƠNG TRÌNH

  1. YÊU CẦU CẦN ĐẠT
  2. NỘI DUNG GIÁO DỤC

 LỚP 4

 LỚP 5

  1. PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC

 VII. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ GIÁO DỤC

 VIII. GIẢI THÍCH VÀ HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

  

  1. ĐẶC ĐIỂM MÔN HỌC

 Trên cơ sở kế thừa và phát triển môn Tự nhiên và Xã hội (ở các lớp 1, 2, 3), môn Khoa học (ở các lớp 4, 5) được xây dựng dựa trên nền tảng cơ bản, ban đầu của khoa học tự nhiên và các lĩnh vực nghiên cứu về giáo dục sức khoẻ, giáo dục môi trường. Môn học đóng vai trò quan trọng trong việc giúp học sinh học tập môn Khoa học tự nhiên ở cấp trung học cơ sở và các môn Vật lí, Hoá học, Sinh học ở cấp trung học phổ thông.

 Môn học chú trọng khơi dậy trí tò mò khoa học, bước đầu tạo cho học sinh cơ hội tìm hiểu, khám phá thế giới tự nhiên; vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học vào thực tiễn, học cách giữ gìn sức khoẻ và ứng xử phù hợp với môi trường sống xung quanh.

  1. QUAN ĐIỂM XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH

 Chương trình môn Khoa học quán triệt các quan điểm, mục tiêu, yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực, kế hoạch giáo dục và các định hướng về nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục được nêu trong Chương trình tổng thể. Đồng thời, xuất phát từ đặc thù của môn học, những quan điểm sau được nhấn mạnh trong xây dựng chương trình:

  1. Dạy học tích hợp

 Chương trình môn Khoa học được xây dựng dựa trên quan điểm dạy học tích hợp nhằm bước đầu hình thành cho học sinh phương pháp nghiên cứu, tìm hiểu thế giới tự nhiên; nhận thức cơ bản, ban đầu về môi trường tự nhiên, về con người, sức khoẻ và an toàn; khả năng vận dụng kiến thức khoa học vào thực tiễn. Môn học cũng chú trọng đến việc tích hợp giáo dục giá trị và kĩ năng sống ở mức độ đơn giản, phù hợp.

  1. Dạy học theo chủ đề

 Chương trình môn Khoa học tổ chức nội dung giáo dục theo các chủ đề: chất; năng lượng; thực vật và động vật; nấm, vi khuẩn; con người và sức khoẻ; sinh vật và môi trường. Những chủ đề này được phát triển từ lớp 4 đến lớp 5. Tuỳ theo từng chủ đề, nội dung giáo dục giá trị và kĩ năng sống; giáo dục sức khoẻ, công nghệ, giáo dục môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng tránh giảm nhẹ rủi ro thiên tai,… được thể hiện ở mức độ đơn giản và phù hợp.

  1. Tích cực hoá hoạt động của học sinh

 Chương trình môn Khoa học tăng cường sự tham gia tích cực của học sinh vào quá trình học tập. Học sinh học khoa học qua tìm hiểu, khám phá, qua quan sát, thí nghiệm, thực hành, làm việc theo nhóm. Từ đó hình thành và phát triển ở học sinh năng lực khoa học tự nhiên.

 III. MỤC TIÊU CHƯƠNG TRÌNH

 Môn Khoa học góp phần hình thành, phát triển ở học sinh tình yêu con người, thiên nhiên; trí tưởng tượng khoa học, hứng thú tìm hiểu thế giới tự nhiên; ý thức bảo vệ sức khoẻ của bản thân, gia đình, cộng đồng; ý thức tiết kiệm và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên; tinh thần trách nhiệm với môi trường sống.

 Môn học góp phần hình thành và phát triển ở học sinh năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo. Đặc biệt, môn học góp phần hình thành và phát triển ở học sinh năng lực khoa học tự nhiên, giúp các em có những hiểu biết ban đầu về thế giới tự nhiên, bước đầu có kĩ năng tìm hiểu môi trường tự nhiên xung quanh và khả năng vận dụng kiến thức để giải thích các sự vật, hiện tượng, mối quan hệ trong tự nhiên, giải quyết các vấn đề đơn giản trong cuộc sống, ứng xử phù hợp bảo vệ sức khoẻ của bản thân và những người khác, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường xung quanh.

  1. YÊU CẦU CẦN ĐẠT
  2. Yêu cầu cần đạt về phẩm chất chủ yếu và năng lực chung

 Môn Khoa học góp phần hình thành và phát triển phẩm chất chủ yếu và năng lực chung theo các mức độ phù hợp với môn học, cấp học đã được quy định tại Chương trình tổng thể.

  1. Yêu cầu cần đạt về năng lực đặc thù

 Môn Khoa học hình thành và phát triển ở học sinh năng lực khoa học tự nhiên, bao gồm các thành phần: nhận thức khoa học tự nhiên; tìm hiểu môi trường tự nhiên xung quanh; vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học.

 Những biểu hiện của năng lực khoa học tự nhiên trong môn Khoa học được trình bày trong bảng sau:

Thành phần năng lực Biểu hiện
Nhận thức khoa học tự nhiên − Kể tên, nêu, nhận biết được một số sự vật và hiện tượng đơn giản trong tự nhiên và đời sống, bao gồm một số vấn đề về chất, năng lượng, thực vật, động vật, nấm và vi khuẩn, con người và sức khoẻ, sinh vật và môi trường.

 − Trình bày được một số thuộc tính của một số sự vật và hiện tượng đơn giản trong tự nhiên và đời sống.

 − Mô tả được sự vật và hiện tượng bằng các hình thức biểu đạt như ngôn ngữ nói, viết, sơ đồ, biểu đồ.

 − So sánh, lựa chọn, phân loại được các sự vật và hiện tượng dựa trên một số tiêu chí xác định.

 − Giải thích được về mối quan hệ (ở mức độ đơn giản) giữa các sự vật và hiện tượng (nhân quả, cấu tạo – chức năng,…).

Tìm hiểu môi trường tự nhiên xung quanh − Quan sát và đặt được câu hỏi về sự vật, hiện tượng, mối quan hệ trong tự nhiên, về thế giới sinh vật bao gồm con người và vấn đề sức khoẻ.

 − Đưa ra dự đoán về sự vật, hiện tượng, mối quan hệ giữa các sự vật, hiện tượng (nhân quả, cấu tạo – chức năng,…).

 − Đề xuất được phương án kiểm tra dự đoán.

 − Thu thập được các thông tin về sự vật, hiện tượng, mối quan hệ trong tự nhiên và sức khoẻ bằng nhiều cách khác nhau (quan sát các sự vật và hiện tượng xung quanh, đọc tài liệu, hỏi người lớn, tìm trên Internet,…).

 − Sử dụng được các thiết bị đơn giản để quan sát, thực hành, làm thí nghiệm tìm hiểu những sự vật, hiện tượng, mối quan hệ trong tự nhiên và ghi lại các dữ liệu đơn giản từ quan sát, thí nghiệm, thực hành,…

 − Từ kết quả quan sát, thí nghiệm, thực hành,… rút ra được nhận xét, kết luận về đặc điểm và mối quan hệ giữa sự vật, hiện tượng.

Vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học − Giải thích được một số sự vật, hiện tượng và mối quan hệ trong tự nhiên, về thế giới sinh vật, bao gồm con người và các biện pháp giữ gìn sức khoẻ.

 − Giải quyết được một số vấn đề thực tiễn đơn giản trong đó vận dụng kiến thức khoa học và kiến thức kĩ năng từ các môn học khác có liên quan.

 − Phân tích tình huống, từ đó đưa ra được cách ứng xử phù hợp trong một số tình huống có liên quan đến sức khoẻ của bản thân, gia đình, cộng đồng và môi trường tự nhiên xung quanh; trao đổi, chia sẻ, vận động những người xung quanh cùng thực hiện.

 − Nhận xét, đánh giá được phương án giải quyết và cách ứng xử trong các tình huống gắn với đời sống.

  1. NỘI DUNG GIÁO DỤC
  2. Nội dung khái quát
Mạch nội dung Lớp 4 Lớp 5
Chất − Nước

 − Không khí

− Đất

 − Hỗn hợp và dung dịch

 − Sự biến đổi của chất

Năng lượng − Ánh sáng

 − Âm thanh

 − Nhiệt

− Vai trò của năng lượng

 − Năng lượng điện

 − Năng lượng chất đốt

 − Năng lượng mặt trời, gió và nước chảy

Thực vật và động vật − Nhu cầu sống của thực vật và động vật

 − Ứng dụng thực tiễn về nhu cầu sống của thực vật, động vật trong chăm sóc cây trồng và vật nuôi

− Sự sinh sản ở thực vật và động vật

 − Sự lớn lên và phát triển của thực vật và động vật

Nấm, vi khuẩn − Nấm − Vi khuẩn
Con người và sức khoẻ − Dinh dưỡng ở người

 − Một số bệnh liên quan đến dinh dưỡng

 − An toàn trong cuộc sống: Phòng tránh đuối nước

− Sự sinh sản và phát triển ở người

 − Chăm sóc sức khoẻ tuổi dậy thì

 − An toàn trong cuộc sống: Phòng tránh bị xâm hại

Sinh vật và môi trường − Chuỗi thức ăn

 − Vai trò của thực vật trong chuỗi thức ăn

− Vai trò của môi trường đối với sinh vật nói chung và con người nói riêng

 − Tác động của con người đến môi trường

  1. Nội dung cụ thể và yêu cầu cần đạt ở các lớp

 LỚP 4

Nội dung Yêu cầu cần đạt
CHẤT  
Nước  
− Tính chất, vai trò của nước; vòng tuần hoàn của nước trong tự nhiên

  

− Quan sát và làm được thí nghiệm đơn giản để phát hiện ra một số tính chất và sự chuyển thể của nước.

 − Nêu được một số tính chất của nước (không màu, không mùi, không vị, không có hình dạng nhất định; chảy từ cao xuống thấp, chảy lan ra khắp mọi phía; thấm qua một số vật và hoà tan một số chất).

 − Vận dụng được tính chất của nước trong một số trường hợp đơn giản.

 − Vẽ sơ đồ và sử dụng được các thuật ngữ: bay hơi, ngưng tụ, đông đặc, nóng chảy để mô tả sự chuyển thể của nước.

 − Vẽ được sơ đồ và ghi chú được “Vòng tuần hoàn của nước trong tự nhiên”.

 − Nêu được và liên hệ thực tế ở gia đình và địa phương về: ứng dụng một số tính chất của nước; vai trò của nước trong đời sống, sản xuất và sinh hoạt.

− Ô nhiễm và bảo vệ môi trường nước − Nêu được và liên hệ thực tế ở gia đình và địa phương về: nguyên nhân gây ra ô nhiễm nguồn nước; sự cần thiết phải bảo vệ nguồn nước và phải sử dụng tiết kiệm nước.
− Làm sạch nước; nguồn nước sinh hoạt − Trình bày được một số cách làm sạch nước; liên hệ thực tế về cách làm sạch nước ở gia đình và địa phương.

 − Thực hiện được và vận động những người xung quanh cùng bảo vệ nguồn nước và sử dụng nước tiết kiệm.

Không khí  
− Tính chất; thành phần; vai trò; sự chuyển động của không khí

  

− Kể được tên thành phần chính của không khí: nitơ (nitrogen), oxi (oxygen), khí cacbonic (carbon dioxide).

 − Quan sát và (hoặc) làm thí nghiệm để:

 + Nhận biết được sự có mặt của không khí.

 + Xác định được một số tính chất của không khí.

 + Nhận biết được trong không khí có hơi nước, bụi,…

 + Giải thích được vai trò của không khí đối với sự cháy.

 + Nhận biết được không khí chuyển động gây ra gió và nguyên nhân làm không khí chuyển động (khối không khí nóng bốc lên cao, khối không khí lạnh tới thay thế).

 − Nhận xét, so sánh được mức độ mạnh của gió qua quan sát thực tế hoặc tranh ảnh, video clip; nêu và thực hiện được một số việc cần làm để phòng tránh bão.

 − Trình bày được vai trò và ứng dụng tính chất của không khí đối với sự sống.

− Ô nhiễm và bảo vệ môi trường không khí − Giải thích được nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí; sự cần thiết phải bảo vệ bầu không khí trong lành.

 − Thực hiện được việc làm phù hợp để bảo vệ bầu không khí trong lành và vận động những người xung quanh cùng thực hiện.

NĂNG LƯỢNG  
Ánh sáng  
− Nguồn sáng; sự truyền ánh sáng − Nêu được ví dụ về các vật phát sáng và các vật được chiếu sáng.
− Vật cho ánh sáng truyền qua và vật cản ánh sáng

  

− Nêu được cách làm và thực hiện được thí nghiệm tìm hiểu về sự truyền thẳng của ánh sáng; về vật cho ánh sáng truyền qua và vật cản ánh sáng.

 − Vận dụng được kiến thức về tính chất cho ánh sáng truyền qua hay không cho ánh sáng truyền qua của các vật để giải thích được một số hiện tượng tự nhiên và ứng dụng thực tế.

 − Thực hiện được thí nghiệm để tìm hiểu nguyên nhân có bóng của vật và sự thay đổi của bóng khi vị trí của vật hoặc của nguồn sáng thay đổi.

 − Vận dụng được trong thực tế, ở mức độ đơn giản kiến thức về bóng của vật.

− Vai trò, ứng dụng của ánh sáng trong đời sống − Nêu được vai trò của ánh sáng đối với sự sống; liên hệ được với thực tế.
− Ánh sáng và bảo vệ mắt − Biết tránh ánh sáng quá mạnh chiếu vào mắt; không đọc, viết dưới ánh sáng quá yếu; thực hiện được tư thế ngồi học, khoảng cách đọc, viết phù hợp để bảo vệ mắt, tránh bị cận thị.
Âm thanh  
− Âm thanh; nguồn âm; sự lan truyền âm thanh

  

− Lấy được ví dụ thực tế hoặc làm thí nghiệm để minh hoạ các vật phát ra âm thanh đều rung động.

 − Nêu được dẫn chứng về âm thanh có thể truyền qua chất khí, chất lỏng, chất rắn.

 − So sánh được độ to của âm thanh khi lại gần hoặc ra xa nguồn âm.

− Vai trò, ứng dụng của âm thanh trong đời sống

  

− Trình bày được ích lợi của âm thanh trong cuộc sống.

 − Thu thập, so sánh và trình bày được ở mức độ đơn giản thông tin về một số nhạc cụ thường gặp (một số bộ phận chính, cách làm phát ra âm thanh).

− Chống ô nhiễm tiếng ồn − Trình bày được tác hại của tiếng ồn và một số biện pháp chống ô nhiễm tiếng ồn.

 − Thực hiện các quy định giữ trật tự nơi công cộng; biết cách phòng chống ô nhiễm tiếng ồn trong cuộc sống.

Nhiệt  
− Nhiệt độ; sự truyền nhiệt − Trình bày được vật nóng hơn thì có nhiệt độ cao hơn, vật lạnh hơn thì có nhiệt độ thấp hơn.

 − Vận dụng được kiến thức nhiệt truyền từ vật nóng hơn sang vật lạnh hơn để giải thích, đưa ra cách làm vật nóng lên hay lạnh đi trong tình huống đơn giản.

 − Sử dụng được nhiệt kế để xác định nhiệt độ cơ thể, nhiệt độ không khí.

− Các vật dẫn nhiệt tốt và dẫn nhiệt kém; ứng dụng trong đời sống − Đề xuất được cách làm thí nghiệm để tìm hiểu tính dẫn nhiệt của vật (dẫn nhiệt tốt hay dẫn nhiệt kém).

 − Vận dụng được kiến thức về vật dẫn nhiệt tốt hoặc kém để giải thích một số hiện tượng tự nhiên; để giải quyết một số vấn đề đơn giản trong cuộc sống.

THỰC VẬT VÀ ĐỘNG VẬT  
Nhu cầu sống của thực vật và động vật  
− Nhu cầu ánh sáng, không khí, nước, nhiệt độ, chất khoáng đối với thực vật

  

− Nhận biết được các yếu tố cần cho sự sống và phát triển của thực vật (ánh sáng, không khí, nước, chất khoáng và nhiệt độ) thông qua thí nghiệm hoặc quan sát tranh ảnh, video clip.

 − Trình bày được thực vật có khả năng tự tổng hợp chất dinh dưỡng cần cho sự sống.

 − Vẽ được sơ đồ đơn giản (hoặc điền vào sơ đồ cho trước) về sự trao đổi khí, nước, chất khoáng của thực vật với môi trường.

− Nhu cầu ánh sáng, không khí, nước, nhiệt độ, thức ăn đối với động vật − Đưa ra được dẫn chứng cho thấy động vật cần ánh sáng, không khí, nước, nhiệt độ và thức ăn để sống và phát triển.

 − Trình bày được động vật không tự tổng hợp được các chất dinh dưỡng, phải sử dụng các chất dinh dưỡng của thực vật và động vật khác để sống và phát triển.

 − Vẽ được sơ đồ đơn giản (hoặc điền vào sơ đồ cho trước) về sự trao đổi khí, nước, thức ăn của động vật với môi trường.

Ứng dụng thực tiễn về nhu cầu sống của thực vật, động vật trong chăm sóc cây trồng và vật nuôi − Vận dụng được kiến thức về nhu cầu sống của thực vật và động vật để đề xuất việc làm cụ thể trong chăm sóc cây trồng và vật nuôi, giải thích được tại sao cần phải làm công việc đó.

 − Thực hiện được việc làm phù hợp để chăm sóc cây trồng (ví dụ: tưới nước, bón phân,…) và (hoặc) vật nuôi ở nhà.

NẤM, VI KHUẨN  
Nấm Nhận ra được nấm có hình dạng, kích thước, màu sắc và nơi sống rất khác nhau qua quan sát tranh ảnh và (hoặc) video.
Nấm có lợi  
− Nấm ăn

  

− Nêu được tên và một số đặc điểm (hình dạng, màu sắc) của nấm được dùng làm thức ăn qua quan sát tranh ảnh và (hoặc) video.

 − Có ý thức không ăn nấm lạ để phòng tránh ngộ độc.

 − Vẽ được sơ đồ (hoặc sử dụng sơ đồ đã cho) và ghi chú được tên các bộ phận của nấm.

− Nấm sử dụng trong chế biến thực phẩm − Khám phá được ích lợi của một số nấm men trong chế biến thực phẩm (ví dụ: làm bánh mì,…) thông qua thí nghiệm thực hành hoặc quan sát tranh ảnh, video.
Nấm có hại − Nhận biết được tác hại của một số nấm mốc gây hỏng thực phẩm thông qua thí nghiệm hoặc quan sát tranh ảnh, video.

 − Vận dụng được kiến thức về nguyên nhân gây hỏng thực phẩm, nêu được một số cách bảo quản thực phẩm (làm lạnh, sấy khô, ướp muối,…).

CON NGƯỜI VÀ SỨC KHOẺ  
Dinh dưỡng ở người  
− Các nhóm chất dinh dưỡng có trong thức ăn và vai trò của chúng đối với cơ thể

 − Chế độ ăn uống cân bằng

  

− Kể được tên các nhóm chất dinh dưỡng có trong thức ăn và nêu được vai trò của chúng đối với cơ thể.

 − Nêu được ví dụ về các thức ăn khác nhau cung cấp cho cơ thể các chất dinh dưỡng và năng lượng ở mức độ khác nhau.

 − Trình bày được sự cần thiết phải ăn phối hợp nhiều loại thức ăn, ăn nhiều rau, hoa quả và uống đủ nước mỗi ngày.

 − Nêu được ở mức độ đơn giản về chế độ ăn uống cân bằng.

 − Nhận xét được bữa ăn có cân bằng, lành mạnh không dựa vào sơ đồ tháp dinh dưỡng của trẻ em và đối chiếu với thực tế bữa ăn trong ngày ở nhà hoặc ở trường.

− An toàn thực phẩm − Nêu được tóm tắt thế nào là thực phẩm an toàn và lí do cần phải sử dụng thực phẩm an toàn.

 − Nhận biết được một số dấu hiệu nhận biết thực phẩm an toàn thông qua vật thật hoặc tranh ảnh, video clip.

Một số bệnh liên quan đến dinh dưỡng − Nêu được tên, dấu hiệu chính và nguyên nhân của một số bệnh do thiếu hoặc thừa chất dinh dưỡng.

 − Thực hiện được một số việc làm để phòng, tránh một số bệnh liên quan đến dinh dưỡng và vận động mọi người trong gia đình cùng thực hiện.

An toàn trong cuộc sống: Phòng tránh đuối nước − Nêu được những việc nên và không nên làm để phòng tránh đuối nước.

 − Thực hành luyện tập kĩ năng phân tích và phán đoán tình huống có nguy cơ dẫn đến đuối nước và thuyết phục, vận động các bạn tránh xa những nguy cơ đó.

 − Cam kết thực hiện các nguyên tắc an toàn khi bơi hoặc tập bơi.

SINH VẬT VÀ MÔI TRƯỜNG  
Chuỗi thức ăn − Trình bày được mối liên hệ giữa các sinh vật trong tự nhiên thông qua chuỗi thức ăn.

 − Nêu được ví dụ về chuỗi thức ăn.

 − Sử dụng được sơ đồ đơn giản để mô tả sinh vật này là thức ăn của sinh vật khác trong tự nhiên.

Vai trò của thực vật trong chuỗi thức ăn − Trình bày được vai trò quan trọng của thực vật đối với việc cung cấp thức ăn cho con người và động vật.

 − Thực hiện được một số việc làm giữ cân bằng chuỗi thức ăn trong tự nhiên và vận động gia đình cùng thực hiện.

 LỚP 5

Nội dung Yêu cầu cần đạt
CHẤT  
Đất  
− Thành phần của đất − Nêu được một số thành phần của đất.
− Vai trò của đất − Trình bày được vai trò của đất đối với cây trồng.
− Vấn đề ô nhiễm, xói mòn đất và bảo vệ môi trường đất − Nêu được nguyên nhân, tác hại của ô nhiễm, xói mòn đất và biện pháp chống ô nhiễm, xói mòn đất.

 − Đề xuất, thực hiện được việc làm giúp bảo vệ môi trường đất và vận động những người xung quanh cùng thực hiện.

Hỗn hợp và dung dịch − Phân biệt được hỗn hợp và dung dịch từ các ví dụ đã cho.

 − Thực hành tách muối hoặc đường ra khỏi dung dịch muối hoặc đường.

Sự biến đổi của chất  
− Sự biến đổi trạng thái

  

− Nêu được ở mức độ đơn giản một số đặc điểm của chất ở trạng thái rắn, lỏng, khí.

 − Trình bày được ví dụ về biến đổi trạng thái của chất.

− Sự biến đổi hoá học – Trình bày được một số ví dụ đơn giản gần gũi với cuộc sống về biến đổi hoá học (ví dụ: đinh bị gỉ, giấy cháy, than cháy,…).
NĂNG LƯỢNG  
Vai trò của năng lượng Trình bày được một số nguồn năng lượng thông dụng và việc sử dụng chúng trong cuộc sống hằng ngày.
Năng lượng điện  
− Mạch điện đơn giản

 − Vật dẫn điện và vật cách điện

  

− Mô tả được cấu tạo và hoạt động của mạch điện thắp sáng gồm: nguồn điện, công tắc và bóng đèn.

 − Giải thích được lí do sử dụng vật dẫn điện, vật cách điện trong một số đồ vật, tình huống thường gặp.

 − Đề xuất được cách làm thí nghiệm để xác định vật dẫn điện, vật cách điện.

− Sử dụng năng lượng điện − Nêu được một số quy tắc cơ bản về an toàn điện và tuân thủ các quy tắc an toàn điện trong tình huống thường gặp.

 − Nêu và thực hiện được việc làm thiết thực để tiết kiệm năng lượng điện ở trường và ở nhà.

 − Đề xuất và trình bày được những việc cần làm để sử dụng an toàn, tiết kiệm năng lượng điện một cách đơn giản, dễ nhớ (như dùng hình ảnh, sơ đồ,…) để vận động gia đình và cộng đồng cùng thực hiện.

Năng lượng chất đốt  
− Một số nguồn năng lượng chất đốt − Nêu được một số nguồn năng lượng chất đốt và vai trò của chúng trong đời sống và sản xuất.
− Sử dụng an toàn, tiết kiệm năng lượng chất đốt − Trình bày được biện pháp phòng chống cháy, nổ, ô nhiễm khi sử dụng năng lượng chất đốt.

 − Nêu và thực hiện được việc làm thiết thực để tiết kiệm năng lượng chất đốt.

Năng lượng mặt trời, gió và nước chảy  
− Sử dụng năng lượng mặt trời

 − Sử dụng năng lượng gió

 − Sử dụng năng lượng nước chảy

− Kể được tên một số phương tiện, máy móc và hoạt động của con người sử dụng năng lượng mặt trời, gió và nước chảy.

 − Thu thập, xử lí thông tin và trình bày được (bằng những hình thức khác nhau) về việc khai thác, sử dụng các dạng năng lượng nêu trên.

THỰC VẬT VÀ ĐỘNG VẬT  
Sự sinh sản ở thực vật và động vật  
− Sự sinh sản của thực vật có hoa

  

− Đặt được câu hỏi về sự sinh sản của thực vật có hoa.

 − Xác định được cơ quan sinh sản của thực vật có hoa; phân biệt được hoa đơn tính và hoa lưỡng tính.

 − Vẽ sơ đồ (hoặc sử dụng sơ đồ đã cho), ghi chú được tên các bộ phận của hoa và các bộ phận của hạt.

 − Dựa trên sơ đồ nêu được vai trò của nhị và nhuỵ trong quá trình thụ phấn, thụ tinh, tạo hạt và quả.

 − Nêu được ví dụ về cây con mọc ra từ thân, rễ, lá của một số thực vật có hoa.

 − Thực hành: Trồng cây bằng hạt và trồng cây bằng thân (hoặc lá, rễ).

− Sự sinh sản của động vật − Đặt được câu hỏi về sự sinh sản của động vật.

 − Nêu được tên một số động vật đẻ trứng, đẻ con và các hình thức sinh sản của chúng qua quan sát tranh ảnh và (hoặc) video.

Sự lớn lên và phát triển của thực vật và động vật − Sử dụng sơ đồ đã cho, ghi chú được tên một số giai đoạn phát triển chính của cây con mọc lên từ hạt và cây con mọc lên từ một số bộ phận của cây mẹ; trình bày được sự lớn lên của cây con.

 − Sử dụng sơ đồ đã cho, ghi chú được vòng đời của một số động vật đẻ trứng và đẻ con; trình bày được sự lớn lên của con non nở ra từ trứng và con non được sinh ra từ thú mẹ.

NẤM, VI KHUẨN  
Vi khuẩn Nhận ra được vi khuẩn có kích thước nhỏ, không thể nhìn thấy bằng mắt thường; chúng sống ở khắp nơi trong đất, nước, sinh vật khác,… qua quan sát tranh ảnh, video.
Vi khuẩn có lợi Trình bày được một đến hai ví dụ về việc sử dụng vi khuẩn có ích trong chế biến thực phẩm.
Vi khuẩn có hại Kể được tên một đến hai bệnh ở người do vi khuẩn gây ra; nêu được nguyên nhân gây bệnh và cách phòng tránh.
CON NGƯỜI VÀ SỨC KHOẺ  
Sự sinh sản và phát triển ở người  
− Sự sinh sản ở người

  

− Nêu được ý nghĩa của sự sinh sản ở người.

 − Phân biệt được đặc điểm sinh học và đặc điểm xã hội của nam và nữ; thể hiện được thái độ và thực hiện tôn trọng các bạn cùng giới và khác giới.

 − Sử dụng được sơ đồ và một số thuật ngữ (trứng, tinh trùng, sự thụ tinh,…) để trình bày quá trình hình thành cơ thể người.

− Các giai đoạn phát triển của cơ thể người − Phân biệt được một số giai đoạn phát triển chính của con người (tuổi ấu thơ, tuổi dậy thì, tuổi trưởng thành,…).
Chăm sóc sức khoẻ tuổi dậy thì − Nêu và thực hiện được những việc cần làm để chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ về thể chất và tinh thần ở tuổi dậy thì.

 − Giải thích được sự cần thiết phải giữ vệ sinh cơ thể, đặc biệt là ở tuổi dậy thì.

 − Có ý thức và kĩ năng thực hiện vệ sinh cơ thể, đặc biệt là vệ sinh cơ quan sinh dục ngoài.

An toàn trong cuộc sống: Phòng tránh bị xâm hại − Nói được về cảm giác an toàn và quyền được an toàn, bảo vệ sự toàn vẹn của cá nhân và phản đối mọi sự xâm hại.

 − Trình bày được những nguy cơ dẫn đến bị xâm hại tình dục và cách phòng tránh, ứng phó khi có nguy cơ bị xâm hại.

 − Lập được danh sách những người đáng tin cậy để được giúp đỡ khi cần.

 − Đưa ra được yêu cầu giúp đỡ khi bản thân hoặc bạn bè có nguy cơ bị xâm hại.

SINH VẬT VÀ MÔI TRƯỜNG  
Vai trò của môi trường đối với sinh vật nói chung và con người nói riêng − Trình bày được các chức năng cơ bản của môi trường đối với sinh vật nói chung và con người nói riêng:

 + Cung cấp chỗ ở, thức ăn và những nhu cầu sống thiết yếu khác.

 + Nơi chứa đựng các chất thải do con người và sinh vật tạo ra trong quá trình sống.

 + Bảo vệ con người và sinh vật khỏi những tác động từ bên ngoài.

Tác động của con người đến môi trường − Thu thập được một số thông tin, bằng chứng cho thấy con người có những tác động tiêu cực và những tác động tích cực đến môi trường và tài nguyên thiên nhiên.

 − Thực hiện được một số việc làm thiết thực, phù hợp để góp phần bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường.

 − Xây dựng được nội dung và sử dụng cách trình bày phù hợp như dùng hình ảnh, sơ đồ,… để vận động mọi người cùng sống hoà hợp với thiên nhiên, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học ở địa phương.

  1. PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC
  2. Định hướng chung

 Phương pháp giáo dục môn Khoa học được thực hiện theo các định hướng chung nêu tại Chương trình tổng thể, bảo đảm các yêu cầu sau:

  1. a) Tổ chức các hoạt động học tập phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh. Chú trọng tạo cơ hội cho học sinh học qua trải nghiệm; học qua điều tra, khám phá thế giới tự nhiên, qua quan sát, thí nghiệm, thực hành, xử lí tình huống thực tiễn, qua hợp tác, trao đổi với bạn; học ở trong và ngoài lớp học, ngoài khuôn viên nhà trường.
  2. b) Dạy học gắn liền với thực tiễn; quan tâm rèn luyện năng lực vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học để phát hiện và giải quyết các vấn đề trong đời sống thực của học sinh.
  3. c) Vận dụng các phương pháp giáo dục một cách linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với mục tiêu, nội dung giáo dục, đối tượng học sinh và điều kiện cụ thể; quan tâm đến hứng thú và chú ý tới sự khác biệt về khả năng của học sinh để áp dụng phương pháp dạy học phù hợp, hiệu quả nhằm hình thành, phát triển phẩm chất và năng lực ở mỗi học sinh.
  4. Định hướng về phương pháp hình thành, phát triển các phẩm chất chủ yếu và năng lực chung
  5. a) Phương pháp hình thành, phát triển các phẩm chất chủ yếu

 Thông qua các hoạt động quan sát, thí nghiệm, thực hành trải nghiệm, điều tra, khám phá thế giới tự nhiên, học sinh được bồi dưỡng tình cảm yêu quý, trân trọng con người; tình yêu thiên nhiên và ý thức bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học; ý thức giữ vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống, vệ sinh môi trường và phòng tránh dịch bệnh; ý thức tự giác rèn luyện thân thể, chăm sóc sức khoẻ, giữ an toàn cho bản thân và người khác; ý thức sử dụng tiết kiệm các đồ dùng, vật dụng và năng lượng trong cuộc sống; ham tìm hiểu, tích cực vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học vào đời sống hằng ngày.

  1. b) Phương pháp hình thành, phát triển các năng lực chung

 – Để góp phần hình thành, phát triển năng lực tự chủ và tự học ở học sinh, giáo viên đưa ra các nhiệm vụ học tập như quan sát mẫu vật hoặc tranh ảnh, đọc thông tin trong sách, khai thác các nguồn tư liệu bổ trợ, … và những câu hỏi định hướng để học sinh tìm và ghi lại thông tin; tạo điều kiện cho học sinh tự xác định vấn đề cần tìm hiểu, lập kế hoạch và thực hiện việc tìm hiểu; yêu cầu học sinh tự nhận xét, đánh giá về việc học; giúp học sinh tích cực, tự lực chiếm lĩnh kiến thức, biết cách học độc lập.

 – Để góp phần hình thành và phát triển năng lực giao tiếp và hợp tác ở học sinh, giáo viên tổ chức các hoạt động học tập theo nhóm hoặc cả lớp; yêu cầu học sinh trao đổi, chia sẻ thông tin đã thu thập được hoặc nội dung bài học (bằng lời nói, viết, vẽ,…) và cùng nhau hợp tác để hoàn thành sản phẩm học tập chung; tạo điều kiện để học sinh nhận xét, góp ý cho các sản phẩm học tập của học sinh khác, nhóm khác.

 – Để góp phần hình thành và phát triển năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo ở học sinh, giáo viên thiết kế các tình huống có vấn đề, tạo điều kiện cho học sinh tham gia tích cực vào giải quyết vấn đề; sử dụng các câu hỏi, bài tập, tình huống có nội dung thực tiễn, tạo điều kiện cho học sinh vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học vào thực tế cuộc sống; các câu hỏi mở, bài tập có nhiều cách giải hoặc các nhiệm vụ học tập (bài tập, trò chơi,…) đòi hỏi sự sáng tạo; các câu hỏi, nhiệm vụ học tập phân hoá cho các nhóm đối tượng học sinh.

  1. Định hướng về phương pháp hình thành, phát triển năng lực khoa học tự nhiên
  2. a) Để hình thành và phát triển thành phần năng lực nhận thức khoa học tự nhiên, giáo viên tạo cơ hội cho học sinh huy động những hiểu biết, kinh nghiệm sẵn có để tham gia hình thành kiến thức mới; tổ chức các hoạt động trong đó học sinh được trình bày hiểu biết, nhận xét, so sánh, phân loại các sự vật, hiện tượng tự nhiên xung quanh; giải thích một số mối quan hệ đơn giản, thường gặp trong tự nhiên và đời sống; hệ thống hoá kiến thức, kết nối kiến thức mới với hệ thống kiến thức đã có.
  3. b) Để hình thành và phát triển thành phần năng lực tìm hiểu môi trường tự nhiên xung quanh, giáo viên tạo cơ hội để học sinh được đề xuất câu hỏi, đưa ra dự đoán về sự vật, hiện tượng, mối quan hệ giữa các sự vật, hiện tượng trong tự nhiên và đời sống và phương án kiểm tra dự đoán; thu thập các thông tin về sự vật, hiện tượng, mối quan hệ trong tự nhiên và đời sống bằng nhiều cách khác nhau; sử dụng các thiết bị đơn giản để quan sát, thực hành, làm thí nghiệm tìm hiểu những sự vật, hiện tượng, mối quan hệ trong tự nhiên và ghi lại các dữ liệu đơn giản rút ra nhận xét, kết luận về đặc điểm và mối quan hệ giữa các sự vật, hiện tượng cần tìm hiểu.
  4. c) Để hình thành và phát triển thành phần năng lực vận dụng kiến thức, kĩ năng vào thực tiễn, giáo viên sử dụng những câu hỏi, bài tập đòi hỏi học sinh phải vận dụng các kiến thức, kĩ năng,… đã học để giải quyết các nhiệm vụ học tập trong bối cảnh, tình huống mới, gắn với thực tế cuộc sống, vừa sức với học sinh; tạo cơ hội cho học sinh liên hệ, vận dụng phối hợp kiến thức, kĩ năng từ các lĩnh vực khác nhau trong môn học và các môn học khác như Toán, Tin học và Công nghệ, … vào giải quyết những vấn đề thực tế trong cuộc sống ở mức độ phù hợp với khả năng của học sinh.

 VII. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ GIÁO DỤC

 Đánh giá kết quả giáo dục môn Khoa học được thực hiện theo định hướng chung nêu tại Chương trình tổng thể, bảo đảm các yêu cầu sau:

  1. Mục tiêu đánh giá là cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, có giá trị về mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình môn Khoa học và sự tiến bộ của học sinh để hướng dẫn hoạt động học và điều chỉnh hoạt động dạy, hoạt động quản lí; khuyến khích học sinh phát huy điểm mạnh, chăm chỉ học tập, tìm hiểu, khám phá các vấn đề có liên quan đến môn Khoa học.
  2. Căn cứ đánh giá là các yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực được quy định trong Chương trình tổng thể và chương trình môn học. Bên cạnh đánh giá kiến thức, kĩ năng, tăng cường và áp dụng biện pháp thích hợp để đánh giá thái độ của học sinh trong học tập; chú trọng đánh giá khả năng vận dụng kiến thức, kĩ năng vào những tình huống khác nhau trong học tập môn học.
  3. Kết hợp giữa đánh giá quá trình và đánh giá tổng kết; giữa đánh giá định tính và định lượng; giữa đánh giá của giáo viên với tự đánh giá và đánh giá đồng đẳng của học sinh, đánh giá của cha mẹ học sinh và đánh giá của cộng đồng.

 Đánh giá quá trình diễn ra trong suốt quá trình học tập của học sinh. Trong đánh giá quá trình, giáo viên sử dụng nhiều công cụ khác nhau như câu hỏi, bài tập, biểu mẫu quan sát, bài thực hành, dự án học tập, sản phẩm,… Tham gia đánh giá quá trình có giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh và cộng đồng.

 Đánh giá tổng kết được thực hiện nhằm xác định mức độ học sinh đạt được các yêu cầu của chương trình môn Khoa học sau một giai đoạn học tập. Kết quả đánh giá tổng kết được ghi bằng điểm số kết hợp với nhận xét của giáo viên.

  1. Sử dụng các phương pháp, công cụ đánh giá khác nhau như đánh giá thông qua trả lời miệng, bài viết (bài tự luận, bài trắc nghiệm khách quan, bài thu hoạch tham quan, báo cáo kết quả sưu tầm,…); đánh giá thông qua quan sát (quan sát học sinh thực hiện các nhiệm vụ thực hành, thảo luận nhóm, học ngoài thực địa, tham quan,… bằng cách sử dụng bảng quan sát, bảng kiểm, hồ sơ học tập,…); đánh giá qua các sản phẩm thực hành của học sinh;…

 VIII. GIẢI THÍCH VÀ HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

  1. Từ ngữ thể hiện mức độ các yêu cầu cần đạt

 Chương trình môn Khoa học sử dụng một số động từ để thể hiện mức độ yêu cầu cần đạt của học sinh. Một số động từ được sử dụng ở các mức độ khác nhau nhưng trong mỗi trường hợp thể hiện một hành động có đối tượng và yêu cầu cụ thể. Trong bảng dưới đây, đối tượng, yêu cầu cụ thể của mỗi hành động được chỉ dẫn bằng các từ ngữ khác nhau đặt trong ngoặc đơn.

 Trong quá trình dạy học, đặc biệt là khi đặt câu hỏi thảo luận, ra đề kiểm tra đánh giá, giáo viên có thể dùng những động từ nêu trong bảng dưới đây hoặc thay thế bằng các động từ có nghĩa tương đương cho phù hợp với tình huống sư phạm và nhiệm vụ cụ thể giao cho học sinh.

Mức độ Động từ mô tả mức độ
Biết nêu được (một số tính chất của nước;…); kể được (tên một đến hai bệnh ở người do vi khuẩn gây ra;…).
xác định được (cơ quan sinh sản của thực vật có hoa;…).
Hiểu mô tả được (cấu tạo và hoạt động của mạch điện thắp sáng đơn giản;…); vẽ được (sơ đồ và ghi chú “Vòng tuần hoàn của nước trong tự nhiên”;…).
trình bày được (một số cách làm sạch nước; về khả năng của thực vật tự tổng hợp chất dinh dưỡng cần cho sự sống;…); nêu được ví dụ (về chuỗi thức ăn;…).
so sánh được (một số đặc điểm của chất khi tồn tại ở các trạng thái rắn, lỏng, khí;…); phân biệt được (hoa đơn tính và hoa lưỡng tính; đặc điểm sinh học và đặc điểm xã hội của nam và nữ;…).
Vận dụng nhận xét được (bữa ăn có cân bằng, lành mạnh không dựa vào sơ đồ tháp dinh dưỡng của trẻ em và đối chiếu với thực tế bữa ăn trong ngày ở nhà hoặc ở trường;…); đặt được câu hỏi (về việc sử dụng vật dẫn điện, vật cách điện trong một số đồ vật, tình huống thường gặp; về sự sinh sản của thực vật có hoa và của động vật;…).
giải thích được (nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí; sự cần thiết phải giữ vệ sinh cơ thể, đặc biệt là ở tuổi dậy thì;…); vận dụng được (kiến thức về tính chất cho ánh sáng truyền qua của các vật để giải thích một số hiện tượng tự nhiên và ứng dụng thực tế; kiến thức về nhu cầu sống của thực vật và động vật để đề xuất việc làm cụ thể trong chăm sóc cây trồng và vật nuôi, giải thích được tại sao cần phải làm công việc đó;…); thực hiện được (và vận động những người xung quanh cùng bảo vệ nguồn nước và sử dụng nước tiết kiệm;…).
đưa ra được (giải pháp cho một số tình huống cần làm vật nóng lên hay lạnh đi; yêu cầu giúp đỡ khi bản thân hoặc bạn bè có nguy cơ bị xâm hại;…); đề xuất được (phương án thí nghiệm để xác định vật dẫn điện, vật cách điện;…); xây dựng được (nội dung và sử dụng cách trình bày phù hợp như dùng hình ảnh, sơ đồ,… để vận động mọi người cùng sống hoà hợp với thiên nhiên, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học ở địa phương;…).
  1. Thời lượng thực hiện chương trình

 Thời lượng thực hiện chương trình mỗi lớp là 70 tiết/năm học, dạy trong 35 tuần. Ước lượng tỷ lệ % số tiết dành cho các chủ đề ở từng lớp như sau:

Chủ đề Lớp 4 Lớp 5
Chất 18% 17%
Năng lượng 18% 17%
Thực vật và động vật 13% 15%
Nấm, vi khuẩn 10% 10%
Con người và sức khoẻ 21% 21%
Sinh vật và môi trường 10% 10%
Đánh giá định kì 10% 10%
  1. Thiết bị dạy học

 Trong dạy học môn Khoa học, thiết bị dạy học không chỉ là phương tiện để minh hoạ kiến thức, gây hứng thú học tập cho học sinh mà còn là phương tiện để học sinh tìm hiểu, khám phá các sự vật, hiện tượng tự nhiên và cuộc sống xung quanh; rèn luyện, phát triển năng lực tư duy; rèn luyện năng lực thực hành

 Các thiết bị dạy học của môn Khoa học bao gồm:

  1. a) Các thiết bị dùng chung cả lớp:

 Tranh, video, mô hình về: các lớp đất; nguyên nhân, tác hại và biện pháp chống ô nhiễm, xói mòn đất, sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng gió, nước chảy; sơ đồ hệ thống làm sạch nước; nấm, vi khuẩn; dinh dưỡng, sinh sản và phát triển ở thực vật, động vật và người; sinh vật và môi trường.

  1. b) Các thiết bị dùng để học sinh thực hành theo nhóm, cá nhân:

 – Các dụng cụ đo: nhiệt kế; kính lúp và (hoặc) kính hiển vi.

 – Các dụng cụ thí nghiệm về: đối lưu không khí; không khí cần cho sự cháy; vai trò của ánh sáng đối với sự nhìn thấy vật; sự phát ra âm thanh; sự giãn nở vì nhiệt; sự biến đổi hoá học; lắp mạch điện đơn giản.

 – Sơ đồ câm, mũi tên và ghi chú rời về: “Vòng tuần hoàn của nước trong tự nhiên”; dinh dưỡng, sinh sản và phát triển ở thực vật, động vật và người.

 – Bộ tranh rời về: những việc nên làm và không nên làm để đảm bảo an toàn về điện; các chất dinh dưỡng có trong thức ăn; chuỗi thức ăn trong tự nhiên; chăm sóc sức khoẻ tuổi dậy thì; phòng tránh bị xâm hại; tác động của con người đến môi trường.

 Ngoài ra, cần chú ý khai thác môi trường tự nhiên và xã hội xung quanh trong dạy học, đồng thời khuyến khích giáo viên tự làm thiết bị dạy học bằng những vật liệu sẵn có ở địa phương và sử dụng công nghệ thông tin cũng như những phương tiện dạy học hiện đại khác.

  1. Tích hợp giáo dục các vấn đề có liên quan vào môn học

 Thực hiện tích hợp vào môn Khoa học một số nội dung như: giáo dục môi trường (bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học và thích ứng với biến đổi khí hậu), giáo dục giới tính, phòng tránh bị xâm hại,…trên cơ sở bảo đảm các nội dung được tích hợp có chọn lọc, không gượng ép, không làm thay đổi đặc trưng của môn học và không gây quá tải cho học sinh.

 CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG

 MÔN KHOA HỌC TỰ NHIÊN

 (Ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

 MỤC LỤC

  1. ĐẶC ĐIỂM MÔN HỌC
  2. QUAN ĐIỂM XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH

 III. MỤC TIÊU CHƯƠNG TRÌNH

  1. YÊU CẦU CẦN ĐẠT
  2. NỘI DUNG GIÁO DỤC

 LỚP 6

 LỚP 7

 LỚP 8

 LỚP 9

  1. PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC

 VII. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ GIÁO DỤC

 VIII. GIẢI THÍCH VÀ HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

  

  1. ĐẶC ĐIỂM MÔN HỌC

 Trong chương trình giáo dục phổ thông, môn Khoa học tự nhiên là môn học bắt buộc, được dạy ở trung học cơ sở, giúp học sinh phát triển các phẩm chất, năng lực đã được hình thành và phát triển ở cấp tiểu học; hoàn thiện tri thức, kĩ năng nền tảng và phương pháp học tập để tiếp tục học lên trung học phổ thông, học nghề hoặc tham gia vào cuộc sống lao động.

 Môn Khoa học tự nhiên được xây dựng và phát triển trên nền tảng các khoa học vật lí, hoá học, sinh học và khoa học Trái Đất. Đối tượng nghiên cứu của Khoa học tự nhiên là các sự vật, hiện tượng, quá trình, các thuộc tính cơ bản về sự tồn tại, vận động của thế giới tự nhiên. Trong Chương trình môn Khoa học tự nhiên, nội dung giáo dục về những nguyên lí và khái niệm chung nhất của thế giới tự nhiên được tích hợp theo nguyên lí của tự nhiên, đồng thời bảo đảm logic bên trong của từng mạch nội dung.

 Đối tượng nghiên cứu của môn Khoa học tự nhiên gần gũi với đời sống hằng ngày của học sinh. Bản thân các khoa học tự nhiên là khoa học thực nghiệm. Vì vậy, thực hành, thí nghiệm trong phòng thực hành và phòng học bộ môn, ở thực địa và các cơ sở sản xuất có vai trò, ý nghĩa quan trọng và là hình thức dạy học đặc trưng của môn học này. Thông qua việc tổ chức các hoạt động thực hành, thí nghiệm, môn Khoa học tự nhiên giúp học sinh khám phá thế giới tự nhiên, phát triển nhận thức, tư duy logic và khả năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn.

 Khoa học tự nhiên luôn đổi mới để đáp ứng yêu cầu của cuộc sống hiện đại. Do vậy, giáo dục phổ thông phải liên tục cập nhật những thành tựu khoa học mới, phản ánh được những tiến bộ của các ngành khoa học, công nghệ và kĩ thuật. Đặc điểm này đòi hỏi chương trình môn Khoa học tự nhiên phải tinh giản các nội dung có tính mô tả để tổ chức cho học sinh tìm hiểu, nhận thức các kiến thức khoa học có tính nguyên lí, làm cơ sở cho quy trình ứng dụng khoa học vào thực tiễn.

 Khoa học tự nhiên là môn học có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển toàn diện của học sinh, có vai trò nền tảng trong việc hình thành và phát triển thế giới quan khoa học của học sinh cấp trung học cơ sở. Cùng với các môn Toán học, Công nghệ và Tin học, môn Khoa học tự nhiên góp phần thúc đẩy giáo dục STEM – một trong những hướng giáo dục đang được quan tâm phát triển trên thế giới cũng như ở Việt Nam, góp phần đáp ứng yêu cầu cung cấp nguồn nhân lực trẻ cho giai đoạn công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước.

  1. QUAN ĐIỂM XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH

 Chương trình môn Khoa học tự nhiên cụ thể hoá những mục tiêu và yêu cầu của Chương trình tổng thể, đồng thời nhấn mạnh các quan điểm sau:

  1. Dạy học tích hợp

 Chương trình môn Khoa học tự nhiên được xây dựng dựa trên quan điểm dạy học tích hợp. Khoa học tự nhiên là một lĩnh vực thống nhất về đối tượng, phương pháp nhận thức, những khái niệm và nguyên lí chung nên việc dạy học môn Khoa học tự nhiên cần tạo cho học sinh nhận thức được sự thống nhất đó. Mặt khác, định hướng phát triển năng lực, gắn với các tình huống thực tiễn cũng đòi hỏi thực hiện dạy học tích hợp. Chương trình môn Khoa học tự nhiên còn tích hợp, lồng ghép một số nội dung giáo dục như: giáo dục kĩ thuật, giáo dục sức khoẻ, giáo dục bảo vệ môi trường, phát triển bền vững,…

  1. Kế thừa và phát triển

 Chương trình môn Khoa học tự nhiên bảo đảm kế thừa và phát triển những ưu điểm của các chương trình môn học đã có của Việt Nam, đồng thời tiếp thu kinh nghiệm xây dựng chương trình môn Khoa học tự nhiên của những nền giáo dục tiên tiến trên thế giới; bảo đảm kết nối chặt chẽ giữa các lớp học với nhau và liên thông với chương trình các môn Tự nhiên và Xã hội, Khoa học ở cấp tiểu học, Vật lí, Hoá học, Sinh học ở cấp trung học phổ thông và chương trình giáo dục nghề nghiệp.

  1. Giáo dục toàn diện

 Chương trình môn Khoa học tự nhiên góp phần hình thành và phát triển phẩm chất và năng lực học sinh thông qua nội dung giáo dục với những kiến thức, kĩ năng cơ bản, thiết thực, thể hiện tính toàn diện, hiện đại và cập nhật; chú trọng thực hành, vận dụng kiến thức, kĩ năng để giải quyết vấn đề trong học tập và đời sống; thông qua các phương pháp, hình thức tổ chức giáo dục phát huy tính chủ động và tiềm năng của mỗi học sinh; các phương pháp kiểm tra, đánh giá phù hợp với mục tiêu giáo dục. Chương trình bảo đảm sự phát triển năng lực của học sinh qua các cấp học, lớp học; tạo thuận lợi cho việc chuyển đổi giữa các giai đoạn trong giáo dục; tạo cơ sở cho học tập suốt đời.

  1. Kết hợp lí thuyết với thực hành và phù hợp với thực tiễn Việt Nam

 Thông qua hoạt động thực hành trong phòng thực hành và trong thực tế, chương trình môn Khoa học tự nhiên giúp học sinh nắm vững lí thuyết, đồng thời có khả năng vận dụng kiến thức, kĩ năng khoa học tự nhiên vào thực tiễn đời sống.

 Môn Khoa học tự nhiên quan tâm tới những nội dung kiến thức gần gũi với cuộc sống hằng ngày của học sinh, tăng cường vận dụng kiến thức, kĩ năng khoa học vào các tình huống thực tế; góp phần phát triển ở học sinh khả năng thích ứng trong một thế giới biến đổi không ngừng.

 Chương trình môn Khoa học tự nhiên bảo đảm tính khả thi, phù hợp với các nguồn lực để thực hiện chương trình như giáo viên, thời lượng, cơ sở vật chất,…

 III. MỤC TIÊU CHƯƠNG TRÌNH

 Môn Khoa học tự nhiên hình thành, phát triển ở học sinh năng lực khoa học tự nhiên, bao gồm các thành phần: nhận thức khoa học tự nhiên, tìm hiểu tự nhiên, vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học; đồng thời cùng với các môn học và hoạt động giáo dục khác góp phần hình thành, phát triển các phẩm chất chủ yếu và năng lực chung, đặc biệt là tình yêu thiên nhiên, thế giới quan khoa học, sự tự tin, trung thực, khách quan, thái độ ứng xử với thế giới tự nhiên phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững để trở thành người công dân có trách nhiệm, người lao động có văn hoá, cần cù, sáng tạo, đáp ứng nhu cầu phát triển của cá nhân và yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước trong thời đại toàn cầu hoá và cách mạng công nghiệp mới.

  1. YÊU CẦU CẦN ĐẠT
  2. Yêu cầu cần đạt về phẩm chất chủ yếu và năng lực chung

 Môn Khoa học tự nhiên góp phần hình thành và phát triển ở học sinh các phẩm chất chủ yếu và năng lực chung theo các mức độ phù hợp với môn học, cấp học đã được quy định tại Chương trình tổng thể.

  1. Yêu cầu cần đạt về năng lực đặc thù

 Môn Khoa học tự nhiên hình thành và phát triển cho học sinh năng lực khoa học tự nhiên, bao gồm các thành phần: nhận thức khoa học tự nhiên; tìm hiểu tự nhiên; vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học.

 Những biểu hiện cụ thể của năng lực khoa học tự nhiên được trình bày trong bảng sau:

Thành phần năng lực Biểu hiện
Nhận thức khoa học tự nhiên Trình bày, giải thích được những kiến thức cốt lõi về thành phần cấu trúc, sự đa dạng, tính hệ thống, quy luật vận động, tương tác và biến đổi của thế giới tự nhiên. Các biểu hiện cụ thể:

 – Nhận biết và nêu được tên các sự vật, hiện tượng, khái niệm, quy luật, quá trình của tự nhiên.

 – Trình bày được các sự vật, hiện tượng; vai trò của các sự vật, hiện tượng và các quá trình tự nhiên bằng các hình thức biểu đạt như ngôn ngữ nói, viết, công thức, sơ đồ, biểu đồ,….

 – So sánh, phân loại, lựa chọn được các sự vật, hiện tượng, quá trình tự nhiên theo các tiêu chí khác nhau.

 – Phân tích được các đặc điểm của một sự vật, hiện tượng, quá trình của tự nhiên theo logic nhất định.

 – Tìm được từ khoá, sử dụng được thuật ngữ khoa học, kết nối được thông tin theo logic có ý nghĩa, lập được dàn ý khi đọc và trình bày các văn bản khoa học.

 – Giải thích được mối quan hệ giữa các sự vật và hiện tượng (quan hệ nguyên nhân – kết quả, cấu tạo – chức năng, …).

 – Nhận ra điểm sai và chỉnh sửa được; đưa ra được những nhận định phê phán có liên quan đến chủ đề thảo luận.

Tìm hiểu tự nhiên Thực hiện được một số kĩ năng cơ bản để tìm hiểu, giải thích sự vật hiện tượng trong tự nhiên và đời sống. Chứng minh được các vấn đề trong thực tiễn bằng các dẫn chứng khoa học. Các biểu hiện cụ thể:

 – Đề xuất vấn đề, đặt câu hỏi cho vấn đề

 + Nhận ra và đặt được câu hỏi liên quan đến vấn đề.

 + Phân tích bối cảnh để đề xuất được vấn đề nhờ kết nối tri thức và kinh nghiệm đã có và dùng ngôn ngữ của mình để biểu đạt vấn đề đã đề xuất.

 – Đưa ra phán đoán và xây dựng giả thuyết

 + Phân tích vấn đề để nêu được phán đoán.

 + Xây dựng và phát biểu được giả thuyết cần tìm hiểu.

 – Lập kế hoạch thực hiện

 + Xây dựng được khung logic nội dung tìm hiểu

 + Lựa chọn được phương pháp thích hợp (quan sát, thực nghiệm, điều tra, phỏng vấn, hồi cứu tư liệu, …).

 + Lập được kế hoạch triển khai tìm hiểu.

 – Thực hiện kế hoạch

 + Thu thập, lưu giữ được dữ liệu từ kết quả tổng quan, thực nghiệm, điều tra.

 + Đánh giá được kết quả dựa trên phân tích, xử lí các dữ liệu bằng các tham số thống kê đơn giản.

 + So sánh kết quả với giả thuyết, giải thích, rút ra được kết luận và điều chỉnh khi cần thiết.

 – Viết, trình bày báo cáo và thảo luận

 + Sử dụng được ngôn ngữ, hình vẽ, sơ đồ, biểu bảng để biểu đạt quá trình và kết quả tìm hiểu.

 + Viết được báo cáo sau quá trình tìm hiểu.

 + Hợp tác được với đối tác bằng thái độ lắng nghe tích cực và tôn trọng quan điểm, ý kiến đánh giá do người khác đưa ra để tiếp thu tích cực và giải trình, phản biện, bảo vệ kết quả tìm hiểu một cách thuyết phục.

 – Ra quyết định và đề xuất ý kiến

 + Đưa ra được quyết định và đề xuất ý kiến xử lí cho vấn đề đã tìm hiểu.

Vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học Vận dụng được kiến thức, kĩ năng về khoa học tự nhiên để giải thích những hiện tượng thường gặp trong tự nhiên và trong đời sống; những vấn đề về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững; ứng xử thích hợp và giải quyết những vấn đề đơn giản liên quan đến bản thân, gia đình, cộng đồng. Các biểu hiện cụ thể::

 – Nhận ra, giải thích được vấn đề thực tiễn dựa trên kiến thức khoa học tự nhiên.

 – Dựa trên hiểu biết và các cứ liệu điều tra, nêu được các giải pháp và thực hiện được một số giải pháp để bảo vệ tự nhiên; thích ứng với biến đổi khí hậu; có hành vi, thái độ phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững.

  1. NỘI DUNG GIÁO DỤC
  2. Nội dung khái quát

 Nội dung giáo dục môn Khoa học tự nhiên được xây dựng dựa trên sự kết hợp các chủ đề khoa học: Chất và sự biến đổi của chất, vật sống, năng lượng và sự biến đổi, Trái Đất và bầu trời; các nguyên lí, khái niệm chung về thế giới tự nhiên: sự đa dạng, tính cấu trúc, tính hệ thống, sự vận động và biến đổi, sự tương tác.

 Các chủ đề được sắp xếp chủ yếu theo logic tuyến tính, có kết hợp ở mức độ nhất định với cấu trúc đồng tâm, đồng thời có thêm một số chủ đề liên môn, tích hợp nhằm hình thành các nguyên lí, quy luật chung của thế giới tự nhiên.

Mạch nội dung Lớp 6 Lớp 7 Lớp 8 Lớp 9
Mở đầu – Giới thiệu về môn Khoa học tự nhiên

 – Các lĩnh vực chủ yếu của Khoa học tự nhiên

 – Một số dụng cụ đo và quy tắc an toàn trong phòng thực hành

– Sử dụng được một số dụng cụ đo trong môn Khoa học tự nhiên 7

 – Một số phương pháp trong học tập môn Khoa học tự nhiên (Phương pháp tìm hiểu tự nhiên; kĩ năng tiến trình: quan sát, phân loại, liên kết, đo, dự báo)

– Dụng cụ, hoá chất, thiết bị điện trong nội dung môn Khoa học tự nhiên 8

 – Quy tắc sử dụng hoá chất an toàn, sử dụng điện an toàn

– Dụng cụ và hoá chất trong nội dung môn Khoa học tự nhiên 9

 – Viết và trình bày báo cáo về một vấn đề khoa học

CHẤT VÀ SỰ BIẾN ĐỔI CỦA CHẤT
Chất có ở xung quanh ta – Các thể (trạng thái) của chất

 – Oxygen và không khí

 – Một số vật liệu, nhiên liệu, nguyên liệu, lương thực, thực phẩm thông dụng

 – Dung dịch

 – Tách chất ra khỏi hỗn hợp

Thành phần hoá học, cấu trúc và tính chất của nước. Trao đổi nước ở sinh vật   – DNA (Deoxyribonucleic acid) và RNA (Ribonucleic acid) và gene
Cấu trúc của chất   – Nguyên tử

 – Nguyên tố hoá học

 – Sơ lược về bảng tuần hoàn các nguyên tố hoá học

 – Phân tử; đơn chất; hợp chất

 – Sơ lược về liên kết hoá học

 – Hoá trị; công thức hoá học

   
Chuyển hoá hoá học     – Biến đổi vật lí và biến đổi hoá học

 – Phản ứng hoá học

 – Năng lượng trong các phản ứng hoá học

 – Định luật bảo toàn khối lượng

 – Phương trình hoá học

 – Tính theo phương trình hoá học

 – Mol và tỉ khối của chất khí

 – Nồng độ dung dịch

 – Tốc độ phản ứng và chất xúc tác

 – Acid – Base – pH – Oxide – Muối

 – Phân bón hoá học

– Tính chất chung của kim loại

 – Dãy hoạt động hoá học của kim loại

 – Tách kim loại và việc sử dụng hợp kim

 – Sự khác nhau cơ bản giữa phi kim và kim loại

 – Giới thiệu về chất hữu cơ

 – Alkane và alkene

 – Ethylic alcohol và acetic acid

 – Lipid – Carbohydrate – Protein

 – Polymer

VẬT SỐNG
Tế bào – đơn vị cơ sở của sự sống – Khái niệm

 – Cấu tạo và chức năng tế bào

 – Từ tế bào đến cơ thể

     
Đa dạng thế giới sống        
– Sự đa dạng các nhóm sinh vật

 – Vai trò của đa dạng sinh học trong tự nhiên

 – Bảo vệ đa dạng sinh học

– Phân loại thế giới sống      
– Virus và vi khuẩn

 – Đa dạng nguyên sinh vật

 – Đa dạng nấm

 – Đa dạng thực vật

 – Đa dạng động vật

     
– Vai trò của đa dạng sinh học trong tự nhiên và trong thực tiễn      
– Sự cần thiết bảo vệ đa dạng sinh học      
Tìm hiểu sinh vật ngoài thiên nhiên – Phương pháp tìm hiểu sinh vật ngoài thiên nhiên

 – Vai trò của sinh vật trong tự nhiên

     
Trao đổi chất và chuyển hoá năng lượng ở sinh vật   – Khái quát trao đổi chất và chuyển hoá năng lượng

 – Vai trò trao đổi chất và chuyển hoá năng lượng

 – Chuyển hoá năng lượng ở tế bào

 – Trao đổi khí

 – Trao đổi nước và các chất dinh dưỡng ở sinh vật

   
Cảm ứng ở sinh vật   – Cảm ứng ở thực vật

 – Cảm ứng ở động vật

 – Tập tính ở động vật

 – Vai trò của cảm ứng đối với sinh vật

   
Sinh trưởng và phát triển ở sinh vật   – Cơ chế sinh trưởng ở thực vật và động vật

 – Các giai đoạn sinh trưởng và phát triển ở sinh vật

 – Các nhân tố ảnh hưởng

 – Điều hoà sinh trưởng và các phương pháp điều khiển sinh trưởng, phát triển

   
Sinh sản ở sinh vật   – Khái niệm sinh sản ở sinh vật

 – Sinh sản vô tính

 – Sinh sản hữu tính

 – Các yếu tố ảnh hưởng đến sinh sản ở sinh vật

 – Điều hoà, điều khiển sinh sản ở sinh vật

   
Cơ thể sinh vật là một thể thống nhất   – Quan hệ giữa tế bào với cơ thể và môi trường

 – Quan hệ giữa các quá trình sinh lí trong cơ thể

   
Sinh học cơ thể người        
– Khái quát về cơ thể người     – Các cơ quan và hệ cơ quan trong cơ thể người  
– Hệ vận động ở người     – Chức năng, sự phù hợp giữa cấu tạo với chức năng của hệ vận động (hệ cơ xương)

 – Bảo vệ hệ vận động

 – Vai trò của tập thể dục, thể thao

 – Sức khoẻ học đường

 
– Dinh dưỡng và tiêu hoá ở người     – Chức năng, sự phù hợp giữa cấu tạo với chức năng của hệ tiêu hoá

 – Chế độ dinh dưỡng của con người

 – Bảo vệ hệ tiêu hoá

 – An toàn vệ sinh thực phẩm

 
– Máu và hệ tuần hoàn của cơ thể người     – Chức năng, sự phù hợp giữa cấu tạo với chức năng của máu và hệ tuần hoàn

 – Bảo vệ hệ tuần hoàn và một số bệnh phổ biến về máu và hệ tuần hoàn

 – Miễn dịch: kháng nguyên, kháng thể; vaccine

 
– Hệ hô hấp ở người     – Chức năng, sự phù hợp giữa cấu tạo với chức năng của hệ hô hấp

 – Bảo vệ hệ hô hấp

 
– Hệ bài tiết ở người     – Các cơ quan và chức năng của hệ bài tiết

 – Bảo vệ hệ bài tiết

 
– Điều hoà môi trường trong của cơ thể     – Khái niệm môi trường trong của cơ thể

 – Duy trì sự ổn định môi trường trong của cơ thể

 
– Hệ thần kinh và các quan ở người     – Chức năng, sự phù hợp giữa cấu tạo với chức năng của hệ thần kinh và các giác quan

 – Bảo vệ hệ thần kinh và các giác quan

 – Sức khoẻ học đường có liên quan tới hệ thần kinh và giác quan

 
– Hệ nội tiết ở người     – Chức năng của các tuyến nội tiết

 – Bảo vệ hệ nội tiết

 
– Da và điều hoà thân nhiệt ở người     – Chức năng và cấu tạo da người

 – Chăm sóc và bảo vệ da

 – Thân nhiệt

 
– Sinh sản     – Chức năng, cấu tạo của hệ sinh dục

 – Bảo vệ hệ sinh dục

 – Bảo vệ sức khoẻ sinh sản

 
Môi trường và các nhân tố sinh thái     – Khái niệm

 – Nhân tố sinh thái vô sinh, hữu sinh

 
Hệ sinh thái     Quần thể; quần xã; hệ sinh thái; Sinh quyển  
Cân bằng tự nhiên     – Khái niệm, nguyên nhân gây mất cân bằng tự nhiên

 – Biện pháp duy trì cân bằng tự nhiên

 
Bảo vệ môi trường     – Tác động của con người đối với môi trường

 – Ô nhiễm môi trường

 – Biến đổi khí hậu

 – Gìn giữ thiên nhiên

 – Hạn chế ô nhiễm môi trường

 
Hiện tượng di truyền       – Khái niệm di truyền, biến dị

 – Gene

Mendel và khái niệm nhân tố di truyền (gene)       – Phương pháp nghiên cứu di truyền của Mendel

 – Thuật ngữ, kí hiệu

 – Lai 1 cặp tính trạng

 – Lai 2 cặp tính trạng

Từ gene đến protein       – Bản chất hoá học của gene

 – Đột biến gene

 – Quá trình tái bản DNA

 – Quá trình phiên mã

 – Quá trình dịch mã

 – Từ gene đến tính trạng

Nhiễm sắc thể       – Khái niệm nhiễm sắc thể

 – Cấu trúc nhiễm sắc thể

 – Đặc trưng bộ nhiễm sắc thể

 – Bộ nhiễm sắc thể: lưỡng bội, đơn bội

 – Đột biến nhiễm sắc thể

Di truyền nhiễm sắc thể       – Nguyên phân

 – Giảm phân

 – Cơ chế xác định giới tính

 – Di truyền liên kết

Di truyền học với con người       – Tính trạng ở người

 – Bệnh và tật di truyền ở người

 – Di truyền học với hôn nhân

Ứng dụng công nghệ di truyền vào đời sống       – Ứng dụng công nghệ di truyền

 – Đạo đức sinh học

Tiến hoá       – Khái niệm tiến hoá

 – Bằng chứng tiến hoá

 – Chọn lọc tự nhiên

 – Chọn lọc nhân tạo

 – Cơ chế tiến hoá

 – Sự phát sinh và phát triển sự sống trên Trái Đất

 – Khái quát sự hình thành loài người

NĂNG LƯỢNG VÀ SỰ BIẾN ĐỔI
Các phép đo – Đo chiều dài, khối lượng và thời gian

 – Thang nhiệt độ Celsius, đo nhiệt độ

     
Lực và chuyển động – Lực và tác dụng của lực

 – Lực tiếp xúc và lực không tiếp xúc

 – Ma sát

 – Khối lượng và trọng lượng

 – Biến dạng của lò xo

– Tốc độ chuyển động

 – Đo tốc độ

 – Đồ thị quãng đường

 – thời gian

– Lực có thể làm quay vật

 – Đòn bẩy và moment lực

 – Hoạt động của cơ, xương của hệ vận động ở người

 
Khối lượng riêng và áp suất     – Khái niệm khối lượng riêng

 – Đo khối lượng riêng

 – Áp suất trên một bề mặt

 – Tăng, giảm áp suất

 – Áp suất trong chất lỏng, trong chất khí

 – Áp suất ở rễ, áp suất thẩm thấu ở tế bào

 
Năng lượng và cuộc sống – Khái niệm về năng lượng

 – Một số dạng năng lượng

 – Sự chuyển hoá năng lượng

 – Năng lượng hao phí

 – Năng lượng tái tạo

 – Tiết kiệm năng lượng

– Năng lượng sinh học (quang hợp ở thực vật, hô hấp ở tế bào) – Năng lượng nhiệt

 – Đo năng lượng nhiệt

 – Dẫn nhiệt, đối lưu, bức xạ nhiệt

 – Điều hoà thân nhiệt ở người

 – Dòng năng lượng trong hệ sinh thái

– Năng lượng cơ học

 – Vòng năng lượng trên Trái Đất

 – Năng lượng hoá thạch

 – Năng lượng tái tạo

Âm thanh   – Mô tả sóng âm

 – Độ to và độ cao của âm

 – Phản xạ âm

– Thu nhận âm thanh ở cơ quan thính giác  
Ánh sáng   – Ánh sáng, tia sáng

 – Sự phản xạ ánh sáng

 – Ảnh của vật tạo bởi gương phẳng

– Thu nhận và điều tiết ánh sáng ở mắt – Sự khúc xạ

 – Sự tán sắc

 – Màu sắc

 – Sự phản xạ toàn phần

 – Lăng kính

 – Thấu kính

 – Kính lúp

Điện     – Hiện tượng nhiễm điện

 – Dòng điện

 – Tác dụng của dòng điện

 – Nguồn điện

 – Mạch điện đơn giản

 – Đo cường độ dòng điện và hiệu điện thế

– Điện trở

 – Định luật Ohm

 – Đoạn mạch một chiều mắc nối tiếp, mắc song song

 – Năng lượng điện và công suất điện

Từ   – Nam châm

 – Trường từ (Từ trường)

 – Từ trường Trái Đất

 – Nam châm điện

  – Cảm ứng điện từ

 – Nguyên tắc tạo ra dòng điện xoay chiều

 – Tác dụng của dòng điện xoay chiều

TRÁI ĐẤT VÀ BẦU TRỜI
Trái Đất và bầu trời – Chuyển động nhìn thấy của Mặt Trời

 – Chuyển động nhìn thấy của Mặt Trăng

 – Hệ Mặt Trời

 – Ngân Hà

  – Chu trình các chất trong hệ sinh thái

 – Sinh quyển và các khu sinh học trên Trái Đất

– Khai thác tài nguyên từ vỏ Trái Đất

 + Sơ lược hoá học về vỏ Trái Đất” và khai thác tài nguyên từ vỏ Trái Đất

 + Khai thác đá vôi

 +Công nghiệp silicate

 + Khai thác nhiên liệu hoá thạch

 + Nguồn carbon. Chu trình carbon và sự ấm lên toàn cầu

  1. Nội dung cụ thể và yêu cầu cần đạt ở các lớp

 LỚP 6

Nội dung Yêu cầu cần đạt
Mở đầu
Giới thiệu về Khoa học tự nhiên – Nêu được khái niệm Khoa học tự nhiên.

 – Trình bày được vai trò của Khoa học tự nhiên trong cuộc sống.

Các lĩnh vực chủ yếu của Khoa học tự nhiên – Phân biệt được các lĩnh vực Khoa học tự nhiên dựa vào đối tượng nghiên cứu.

 – Dựa vào các đặc điểm đặc trưng, phân biệt được vật sống và vật không sống.

Giới thiệu một số dụng cụ đo và quy tắc an toàn trong phòng thực hành – Trình bày được cách sử dụng một số dụng cụ đo thông thường khi học tập môn Khoa học tự nhiên (các dụng cụ đo chiều dài, thể tích, …).

 – Biết cách sử dụng kính lúp và kính hiển vi quang học.

 – Nêu được các quy định an toàn khi học trong phòng thực hành.

 – Phân biệt được các kí hiệu cảnh báo trong phòng thực hành.

 – Đọc và phân biệt được các hình ảnh quy định an toàn phòng thực hành.

Các thể (trạng thái) của chất  
– Sự đa dạng của chất

 – Ba thể (trạng thái) cơ bản của chất

 – Sự chuyển đổi thể (trạng thái) của chất

– Nêu được sự đa dạng của chất (chất có ở xung quanh chúng ta, trong các vật thể tự nhiên, vật thể nhân tạo, vật vô sinh, vật hữu sinh…).

 – Trình bày được một số đặc điểm cơ bản ba thể (rắn; lỏng; khí) thông qua quan sát.

 – Đưa ra được một số ví dụ về một số đặc điểm cơ bản ba thể của chất.

 – Nêu được một số tính chất của chất (tính chất vật lí, tính chất hoá học).

 – Nêu được khái niệm về sự nóng chảy; sự sôi; sự bay hơi; sự ngưng tụ, đông đặc.

 – Tiến hành được thí nghiệm về sự chuyển thể (trạng thái) của chất.

 – Trình bày được quá trình diễn ra sự chuyển thể (trạng thái): nóng chảy, đông đặc; bay hơi, ngưng tụ; sôi.

Oxygen (oxi) và không khí  
  – Nêu được một số tính chất của oxygen (trạng thái, màu sắc, tính tan, …).

 – Nêu được tầm quan trọng của oxygen đối với sự sống, sự cháy và quá trình đốt nhiên liệu.

 – Nêu được thành phần của không khí (oxygen, nitơ, carbon dioxide (cacbon đioxit), khí hiếm, hơi nước).

 – Tiến hành được thí nghiệm đơn giản để xác định thành phần phần trăm thể tích của oxygen trong không khí.

 – Trình bày được vai trò của không khí đối với tự nhiên.

 – Trình bày được sự ô nhiễm không khí: các chất gây ô nhiễm, nguồn gây ô nhiễm không khí, biểu hiện của không khí bị ô nhiễm.

 – Nêu được một số biện pháp bảo vệ môi trường không khí.

Một số vật liệu, nhiên liệu, nguyên liệu, lương thực, thực phẩm thông dụng; tính chất và ứng dụng của chúng

 – Một số vật liệu

 – Một số nhiên liệu

 – Một số nguyên liệu

 – Một số lương thực – thực phẩm

– Trình bày được tính chất và ứng dụng của một số vật liệu, nhiên liệu, nguyên liệu, lương thực, thực phẩm thông dụng trong cuộc sống và sản xuất như:

 + Một số vật liệu (kim loại, nhựa, gỗ, cao su, gốm, thuỷ tinh, …);

 + Một số nhiên liệu (than, gas, xăng dầu, …); sơ lược về an ninh năng lượng;

 + Một số nguyên liệu (quặng, đá vôi, …);

 + Một số lương thực – thực phẩm.

 – Đề xuất được phương án tìm hiểu về một số tính chất (tính cứng, khả năng bị ăn mòn, bị gỉ, chịu nhiệt, …) của một số vật liệu, nhiên liệu, nguyên liệu, lương thực – thực phẩm thông dụng.

 – Thu thập dữ liệu, phân tích, thảo luận, so sánh để rút ra được kết luận về tính chất của một số vật liệu, nhiên liệu, nguyên liệu, lương thực – thực phẩm.

 – Nêu được cách sử dụng một số nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu an toàn, hiệu quả và bảo đảm sự phát triển bền vững.

Chất tinh khiết, hỗn hợp, dung dịch  
  – Nêu được khái niệm hỗn hợp, chất tinh khiết.

 – Thực hiện được thí nghiệm để biết dung môi, dung dịch là gì; phân biệt được dung môi và dung dịch.

 – Phân biệt được hỗn hợp đồng nhất, hỗn hợp không đồng nhất.

 – Quan sát một số hiện tượng trong thực tiễn để phân biệt được dung dịch với huyền phù, nhũ tương.

 – Nhận ra được một số khí cũng có thể hoà tan trong nước để tạo thành một dung dịch; các chất rắn hoà tan và không hoà tan trong nước.

 – Nêu được các yếu tố ảnh hưởng đến lượng chất rắn hoà tan trong nước.

Tách chất ra khỏi hỗn hợp  
  – Trình bày được một số cách đơn giản để tách chất ra khỏi hỗn hợp và ứng dụng của các cách tách đó.

 – Sử dụng được một số dụng cụ, thiết bị cơ bản để tách chất ra khỏi hỗn hợp bằng cách lọc, cô cạn, chiết.

 – Chỉ ra được mối liên hệ giữa tính chất vật lí của một số chất thông thường với phương pháp tách chúng ra khỏi hỗn hợp và ứng dụng của các chất trong thực tiễn.

Tế bào – đơn vị cơ sở của sự sống  
– Khái niệm tế bào – Nêu được khái niệm tế bào, chức năng của tế bào.
– Hình dạng và kích thước tế bào – Nêu được hình dạng và kích thước của một số loại tế bào.
– Cấu tạo và chức năng tế bào

 – Sự lớn lên và sinh sản của tế bào

 – Tế bào là đơn vị cơ sở của sự sống

– Trình bày được cấu tạo tế bào và chức năng mỗi thành phần (ba thành phần chính: màng tế bào, chất tế bào, nhân tế bào); nhận biết được lục lạp là bào quan thực hiện chức năng quang hợp ở cây xanh.

 – Nhận biết được tế bào là đơn vị cấu trúc của sự sống.

 – Phân biệt được tế bào động vật, tế bào thực vật; tế bào nhân thực, tế bào nhân sơ thông qua quan sát hình ảnh.

 – Dựa vào sơ đồ, nhận biết được sự lớn lên và sinh sản của tế bào (từ 1 tế bào → 2 tế bào → 4 tế bào… → n tế bào).

 – Nêu được ý nghĩa của sự lớn lên và sinh sản của tế bào.

 – Thực hành quan sát tế bào lớn bằng mắt thường và tế bào nhỏ dưới kính lúp và kính hiển vi quang học.

Từ tế bào đến cơ thể  
– Từ tế bào đến mô

 – Từ mô đến cơ quan

 – Từ cơ quan đến hệ cơ quan

 – Từ hệ cơ quan đến cơ thể

– Thông qua hình ảnh, nêu được quan hệ từ tế bào hình thành nên mô, cơ quan, hệ cơ quan và cơ thể (từ tế bào đến mô, từ mô đến cơ quan, từ cơ quan đến hệ cơ quan, từ hệ cơ quan đến cơ thể). Từ đó, nêu được các khái niệm mô, cơ quan, hệ cơ quan, cơ thể. Lấy được các ví dụ minh hoạ.

 – Nhận biết được cơ thể đơn bào và cơ thể đa bào thông qua hình ảnh. Lấy được ví dụ minh hoạ (cơ thể đơn bào: vi khuẩn, tảo đơn bào, …; cơ thể đa bào: thực vật, động vật,…).

 – Thực hành:

 + Quan sát và vẽ được hình cơ thể đơn bào (tảo, trùng roi, …);

 + Quan sát và mô tả được các cơ quan cấu tạo cây xanh;

 + Quan sát mô hình và mô tả được cấu tạo cơ thể người.

Đa dạng thế giới sống  
– Phân loại thế giới sống – Nêu được sự cần thiết của việc phân loại thế giới sống.

 – Thông qua ví dụ nhận biết được cách xây dựng khoá lưỡng phân và thực hành xây dựng được khoá lưỡng phân với đối tượng sinh vật.

 – Dựa vào sơ đồ, nhận biết được năm giới sinh vật. Lấy được ví dụ minh hoạ cho mỗi giới.

 – Dựa vào sơ đồ, phân biệt được các nhóm phân loại từ nhỏ tới lớn theo trật tự: loài, chi, họ, bộ, lớp, ngành, giới.

 – Lấy được ví dụ chứng minh thế giới sống đa dạng về số lượng loài và đa dạng về môi trường sống.

 – Nhận biết được sinh vật có hai cách gọi tên: tên địa phương và tên khoa học.

– Sự đa dạng các nhóm sinh vật  
+ Virus và vi khuẩn:

 ● Khái niệm

 ● Cấu tạo sơ lược

 ● Sự đa dạng

 ● Một số bệnh gây ra bởi virus và vi khuẩn

– Quan sát hình ảnh và mô tả được hình dạng và cấu tạo đơn giản của virus (gồm vật chất di truyền và lớp vỏ protein) và vi khuẩn.

 – Phân biệt được virus và vi khuẩn (chưa có cấu tạo tế bào và đã có cấu tạo tế bào).

 – Dựa vào hình thái, nhận ra được sự đa dạng của vi khuẩn.

 – Nêu được một số bệnh do virus và vi khuẩn gây ra. Trình bày được một số cách phòng và chống bệnh do virus và vi khuẩn gây ra.

 – Nêu được một số vai trò và ứng dụng virus và vi khuẩn trong thực tiễn.

 – Vận dụng được hiểu biết về virus và vi khuẩn vào giải thích một số hiện tượng trong thực tiễn (ví dụ: vì sao thức ăn để lâu bị ôi thiu và không nên ăn thức ăn ôi thiu; biết cách làm sữa chua, …).

 – Thực hành quan sát và vẽ được hình vi khuẩn quan sát được dưới kính hiển vi quang học.

+ Đa dạng nguyên sinh vật:  
● Sự đa dạng của nguyên sinh vật

 ● Một số bệnh do nguyên sinh vật gây nên

– Nhận biết được một số đối tượng nguyên sinh vật thông qua quan sát hình ảnh, mẫu vật (ví dụ: trùng roi, trùng đế giày, trùng biến hình, tảo silic, tảo lục đơn bào, …).

 – Dựa vào hình thái, nêu được sự đa dạng của nguyên sinh vật.

 – Nêu được một số bệnh do nguyên sinh vật gây nên. Trình bày được cách phòng và chống bệnh do nguyên sinh vật gây ra.

 – Thực hành quan sát và vẽ được hình nguyên sinh vật dưới kính lúp hoặc kính hiển vi.

+ Đa dạng nấm:  
● Sự đa dạng của nấM

 ● Vai trò của nấm

 ● Một số bệnh do nấm gây ra

– Nhận biết được một số đại diện nấm thông qua quan sát hình ảnh, mẫu vật (nấm đơn bào, đa bào. Một số đại diện phổ biến: nấm đảm, nấm túi, …). Dựa vào hình thái, trình bày được sự đa dạng của nấm.

 – Trình bày được vai trò của nấm trong tự nhiên và trong thực tiễn (nấm được trồng làm thức ăn, dùng làm thuốc, …).

 – Nêu được một số bệnh do nấm gây ra. Trình bày được cách phòng và chống bệnh do nấm gây ra.

 – Vận dụng được hiểu biết về nấm vào giải thích một số hiện tượng trong đời sống như kĩ thuật trồng nấm, nấm ăn được, nấm độc, …

 – Thông qua thực hành, quan sát và vẽ được hình nấm (quan sát bằng mắt thường hoặc kính lúp).

+ Đa dạng thực vật:  
● Sự đa dạng

 ● Thực hành

– Dựa vào sơ đồ, hình ảnh, mẫu vật, phân biệt được các nhóm thực vật: Thực vật không có mạch (Rêu); Thực vật có mạch, không có hạt (Dương xỉ); Thực vật có mạch, có hạt (Hạt trần); Thực vật có mạch, có hạt, có hoa (Hạt kín).

 – Trình bày được vai trò của thực vật trong đời sống và trong tự nhiên: làm thực phẩm, đồ dùng, bảo vệ môi trường (trồng và bảo vệ cây xanh trong thành phố, trồng cây gây rừng, …).

 – Quan sát hình ảnh, mẫu vật thực vật và phân chia được thành các nhóm thực vật theo các tiêu chí phân loại đã học.

+ Đa dạng động vật:  
● Sự đa dạng

 ● Thực hành

– Phân biệt được hai nhóm động vật không xương sống và có xương sống. Lấy được ví dụ minh hoạ.

 – Nhận biết được các nhóm động vật không xương sống dựa vào quan sát hình ảnh hình thái (hoặc mẫu vật, mô hình) của chúng (Ruột khoang, Giun; Thân mềm, Chân khớp). Gọi được tên một số con vật điển hình.

 – Nhận biết được các nhóm động vật có xương sống dựa vào quan sát hình ảnh hình thái (hoặc mẫu vật, mô hình) của chúng (Cá, Lưỡng cư, Bò sát, Chim, Thú). Gọi được tên một số con vật điển hình.

 – Nêu được một số tác hại của động vật trong đời sống.

 – Thực hành quan sát (hoặc chụp ảnh) và kể được tên một số động vật quan sát được ngoài thiên nhiên.

– Vai trò của đa dạng sinh học

 trong tự nhiên

– Nêu được vai trò của đa dạng sinh học trong tự nhiên và trong thực tiễn (làm thuốc, làm thức ăn, chỗ ở, bảo vệ môi trường,…).
– Bảo vệ đa dạng sinh học – Giải thích được vì sao cần bảo vệ đa dạng sinh học.
– Tìm hiểu sinh vật ngoài thiên nhiên  
  – Thực hiện được một số phương pháp tìm hiểu sinh vật ngoài thiên nhiên: quan sát bằng mắt thường, kính lúp, ống nhòm; ghi chép, đo đếm, nhận xét và rút ra kết luận.

 – Nhận biết được vai trò của sinh vật trong tự nhiên (Ví dụ, cây bóng mát, điều hòa khí hậu, làm sạch môi trường, làm thức ăn cho động vật, …).

 – Sử dụng được khoá lưỡng phân để phân loại một số nhóm sinh vật.

 – Quan sát và phân biệt được một số nhóm thực vật ngoài thiên nhiên.

 – Chụp ảnh và làm được bộ sưu tập ảnh về các nhóm sinh vật (thực vật, động vật có xương sống, động vật không xương sống).

 – Làm và trình bày được báo cáo đơn giản về kết quả tìm hiểu sinh vật ngoài thiên nhiên.

Các phép đo  
– Đo chiều dài, khối lượng và thời gian

 – Thang nhiệt độ Celsius, đo nhiệt độ

– Lấy được ví dụ chứng tỏ giác quan của chúng ta có thể cảm nhận sai một số hiện tượng.

 – Nêu được cách đo, đơn vị đo và dụng cụ thường dùng để đo khối lượng, chiều dài, thời gian.

 – Dùng thước, cân, đồng hồ để chỉ ra một số thao tác sai khi đo và nêu được cách khắc phục một số thao tác sai đó.

 – Đo được chiều dài, khối lượng, thời gian bằng thước, cân, đồng hồ (thực hiện đúng thao tác, không yêu cầu tìm sai số).

 – Phát biểu được: Nhiệt độ là số đo độ “nóng”, “lạnh” của vật.

 – Nêu được cách xác định nhiệt độ trong thang nhiệt độ Celsius.

 – Nêu được sự nở vì nhiệt của chất lỏng được dùng làm cơ sở để đo nhiệt độ.

 – Hiểu được tầm quan trọng của việc ước lượng trước khi đo; ước lượng được khối lượng, chiều dài, thời gian, nhiệt độ trong một số trường hợp đơn giản.

 – Đo được nhiệt độ bằng nhiệt kế (thực hiện đúng thao tác, không yêu cầu tìm sai số).

Lực  
– Lực và tác dụng của lực

 – Lực tiếp xúc và lực không tiếp xúc

 – Ma sát

 – Khối lượng và trọng lượng

 – Biến dạng của lò xo

– Lấy được ví dụ để chứng tỏ lực là sự đẩy hoặc sự kéo.

 – Biểu diễn được một lực bằng một mũi tên có điểm đặt tại vật chịu tác dụng lực, có độ lớn và theo hướng của sự kéo hoặc đẩy.

 – Lấy được ví dụ về tác dụng của lực làm: thay đổi tốc độ, thay đổi hướng chuyển động, biến dạng vật.

 – Đo được lực bằng lực kế lò xo, đơn vị là niu tơn (Newton, kí hiệu N) (không yêu cầu giải thích nguyên lí đo).

 – Nêu được: Lực tiếp xúc xuất hiện khi vật (hoặc đối tượng) gây ra lực có sự tiếp xúc với vật (hoặc đối tượng) chịu tác dụng của lực; lấy được ví dụ về lực tiếp xúc.

 – Nêu được: Lực không tiếp xúc xuất hiện khi vật (hoặc đối tượng) gây ra lực không có sự tiếp xúc với vật (hoặc đối tượng) chịu tác dụng của lực; lấy được ví dụ về lực không tiếp xúc.

 – Nêu được: Lực ma sát là lực tiếp xúc xuất hiện ở bề mặt tiếp xúc giữa hai vật; khái niệm về lực ma sát trượt; khái niệm về lực ma sát nghỉ.

 – Sử dụng tranh, ảnh (hình vẽ, học liệu điện tử) để nêu được: Sự tương tác giữa bề mặt của hai vật tạo ra lực ma sát giữa chúng.

 – Nêu được tác dụng cản trở và tác dụng thúc đẩy chuyển động của lực ma sát.

 – Lấy được ví dụ về một số ảnh hưởng của lực ma sát trong an toàn giao thông đường bộ.

 – Thực hiện được thí nghiệm chứng tỏ vật chịu tác dụng của lực cản khi chuyển động trong nước (hoặc không khí).

 – Nêu được các khái niệm: khối lượng (số đo lượng chất của một vật), lực hấp dẫn (lực hút giữa các vật có khối lượng), trọng lượng của vật (độ lớn lực hút của Trái Đất tác dụng lên vật).

 – Thực hiện thí nghiệm chứng minh được độ giãn của lò xo treo thẳng đứng tỉ lệ với khối lượng của vật treo.

Năng lượng  
– Khái niệm về năng lượng

 – Một số dạng năng lượng

 – Sự chuyển hoá năng lượng

 – Năng lượng hao phí

 – Năng lượng tái tạo

 – Tiết kiệm năng lượng

– Từ tranh ảnh (hình vẽ, hoặc học liệu điện tử) hiện tượng trong khoa học hoặc thực tế, lấy được ví dụ để chứng tỏ năng lượng đặc trưng cho khả năng tác dụng lực.

 – Phân loại được năng lượng theo tiêu chí.

 – Nêu được: Vật liệu giải phóng năng lượng, tạo ra nhiệt và ánh sáng khi bị đốt cháy gọi là nhiên liệu.

 – Nêu được sự truyền năng lượng trong một số trường hợp đơn giản trong thực tiễn.

 – Lấy ví dụ chứng tỏ được: Năng lượng có thể chuyển từ dạng này sang dạng khác, từ vật này sang vật khác.

 – Nêu được định luật bảo toàn năng lượng và lấy được ví dụ minh hoạ.

 – Nêu được: Năng lượng hao phí luôn xuất hiện khi năng lượng được chuyển từ dạng này sang dạng khác, từ vật này sang vật khác.

 – Lấy được ví dụ về một số loại năng lượng tái tạo thông dụng.

 – Đề xuất được biện pháp để tiết kiệm năng lượng trong các hoạt động hằng ngày.

Trái Đất và bầu trời  
– Chuyển động nhìn thấy của Mặt Trời

 – Chuyển động nhìn thấy của Mặt Trăng

 – Hệ Mặt Trời

 – Ngân Hà

– Giải thích được một cách định tính và sơ lược: từ Trái Đất thấy Mặt Trời mọc và lặn hằng ngày.

 – Nêu được Mặt Trời và sao là các thiên thể phát sáng; Mặt Trăng, các hành tinh và sao chổi phản xạ ánh sáng Mặt Trời.

 – Thiết kế mô hình thực tế (hoặc vẽ hình) để giải thích được một số hình dạng nhìn thấy của Mặt Trăng trong Tuần Trăng.

 – Mô tả được sơ lược cấu trúc của hệ Mặt Trời, nêu được các hành tinh cách Mặt Trời các khoảng cách khác nhau và có chu kì quay khác nhau.

 – Sử dụng tranh ảnh (hình vẽ hoặc học liệu điện tử) chỉ ra được hệ Mặt Trời là một phần nhỏ của Ngân Hà.

 LỚP 7

Nội dung Yêu cầu cần đạt
Mở đầu – Trình bày và vận dụng được một số phương pháp và kĩ năng trong học tập môn Khoa học tự nhiên:

 + Phương pháp tìm hiểu tự nhiên;

 + Thực hiện được các kĩ năng tiến trình: quan sát, phân loại, liên kết, đo, dự báo;

 + Sử dụng được một số dụng cụ đo (trong nội dung môn Khoa học tự nhiên 7);

 + Làm được báo cáo, thuyết trình.

Nguyên tử. Nguyên tố hoá học – Trình bày được mô hình nguyên tử của Rutherford – Bohr (mô hình sắp xếp electron trong các lớp vỏ nguyên tử).

 – Nêu được khối lượng của một nguyên tử theo đơn vị quốc tế amu (đơn vị khối lượng nguyên tử).

 – Phát biểu được khái niệm về nguyên tố hoá học và kí hiệu nguyên tố hoá học.

 – Viết được công thức hoá học và đọc được tên của 20 nguyên tố đầu tiên.

Sơ lược về bảng tuần hoàn các nguyên tố hoá học – Nêu được các nguyên tắc xây dựng bảng tuần hoàn các nguyên tố hoá học.

 – Mô tả được cấu tạo bảng tuần hoàn gồm: ô, nhóm, chu kì.

 – Sử dụng được bảng tuần hoàn để chỉ ra các nhóm nguyên tố/nguyên tố kim loại, các nhóm nguyên tố/nguyên tố phi kim, nhóm nguyên tố khí hiếm trong bảng tuần hoàn.

Phân tử  
– Phân tử; đơn chất; hợp chất – Nêu được khái niệm phân tử, đơn chất, hợp chất. Đưa ra được một số ví dụ về đơn chất và hợp chất.

 – Tính được khối lượng phân tử theo đơn vị amu.

– Giới thiệu về liên kết hoá học (ion, cộng hoá trị) – Nêu được mô hình sắp xếp electron trong vỏ nguyên tử của một số nguyên tố khí hiếm; sự hình thành liên kết cộng hoá trị theo nguyên tắc dùng chung electron để tạo ra lớp vỏ electron của nguyên tố khí hiếm (Áp dụng được cho các phân tử đơn giản như H2, Cl2, NH3, H2O, CO2, N2,….).

 – Nêu được được sự hình thành liên kết ion theo nguyên tắc cho và nhận electron để tạo ra ion có lớp vỏ electron của nguyên tố khí hiếm (Áp dụng cho phân tử đơn giản như NaCl, MgO,…).

 – Chỉ ra được sự khác nhau về một số tính chất của chất ion và chất cộng hoá trị.

– Hoá trị; công thức hoá học – Trình bày được khái niệm về hoá trị (cho chất cộng hoá trị). Cách viết công thức hoá học.

 – Viết được công thức hoá học của một số chất và hợp chất đơn giản thông dụng.

 – Nêu được mối liên hệ giữa hoá trị của nguyên tố với công thức hoá học.

 – Tính được phần trăm (%) nguyên tố trong hợp chất khi biết công thức hoá học của hợp chất.

 – Xác định được công thức hoá học của hợp chất dựa vào phần trăm (%) nguyên tố và khối lượng phân tử.

Tốc độ  
– Tốc độ chuyển động

 – Đo tốc độ

 – Đồ thị quãng đường – thời gian

– Nêu được ý nghĩa vật lí của tốc độ, xác định được tốc độ qua quãng đường vật đi được trong khoảng thời gian tương ứng, tốc độ = quãng đường vật đi/thời gian đi quãng đường đó.

 – Liệt kê được một số đơn vị đo tốc độ thường dùng.

 – Mô tả được sơ lược cách đo tốc độ bằng đồng hồ bấm giây và cổng quang điện trong dụng cụ thực hành ở nhà trường; thiết bị “bắn tốc độ” trong kiểm tra tốc độ các phương tiện giao thông.

 – Vẽ được đồ thị quãng đường – thời gian cho chuyển động thẳng.

 – Từ đồ thị quãng đường – thời gian cho trước, tìm được quãng đường vật đi (hoặc tốc độ, hay thời gian chuyển động của vật).

 – Dựa vào tranh ảnh (hoặc học liệu điện tử) thảo luận để nêu được ảnh hưởng của tốc độ trong an toàn giao thông.

Âm thanh  
– Mô tả sóng âm

 – Độ to và độ cao của âm

 – Phản xạ âm

– Thực hiện thí nghiệm tạo sóng âm (như gảy đàn, gõ vào thanh kim loại,…) để chứng tỏ được sóng âm có thể truyền được trong chất rắn, lỏng, khí.

 – Giải thích được sự truyền sóng âm trong không khí.

 – Từ hình ảnh hoặc đồ thị xác định được biên độ và tần số sóng âm.

 – Nêu được đơn vị của tần số là hertz (kí hiệu là Hz).

 – Nêu được sự liên quan của độ to của âm với biên độ âm.

 – Sử dụng nhạc cụ (hoặc học liệu điện tử, dao động kí) chứng tỏ được độ cao của âm có liên hệ với tần số âm.

 – Lấy được ví dụ về vật phản xạ âm tốt, vật phản xạ âm kém.

 – Giải thích được một số hiện tượng đơn giản thường gặp trong thực tế về sóng âm; đề xuất được phương án đơn giản để hạn chế tiếng ồn ảnh hưởng đến sức khoẻ.

Ánh sáng  
– Ánh sáng, tia sáng

 – Sự phản xạ ánh sáng

 – Ảnh của vật tạo bởi gương phẳng

– Thực hiện thí nghiệm thu được năng lượng ánh sáng; từ đó, nêu được ánh sáng là một dạng của năng lượng.

 – Thực hiện thí nghiệm tạo ra được mô hình tia sáng bằng một chùm sáng hẹp song song.

 – Vẽ được hình biểu diễn vùng tối do nguồn sáng rộng và vùng tối do nguồn sáng hẹp.

 – Phân biệt được phản xạ và phản xạ khuếch tán.

 – Vẽ được hình biểu diễn và nêu được các khái niệm: tia sáng tới, tia sáng phản xạ, pháp tuyến, góc tới, góc phản xạ, mặt phẳng tới, ảnh.

 – Thực hiện được thí nghiệm rút ra định luật và phát biểu được nội dung của định luật phản xạ ánh sáng.

 – Nêu được tính chất ảnh của vật qua gương phẳng và dựng được ảnh của một vật tạo bởi gương phẳng.

 – Vận dụng được định luật phản xạ ánh sáng trong một số trường hợp đơn giản.

Từ  
– Nam châm

 – Từ trường (Trường từ)

 – Từ trường Trái Đất

 – Nam châm điện

– Tiến hành thí nghiệm để nêu được:

 + Tác dụng của nam châm đến các vật liệu khác nhau;

 + Sự định hướng của thanh nam châm (kim nam châm).

 – Xác định được cực Bắc và cực Nam của một thanh nam châm.

 – Nêu được vùng không gian bao quanh một nam châm (hoặc dây dẫn mang dòng điện), mà vật liệu có tính chất từ đặt trong nó chịu tác dụng lực từ, được gọi là từ trường.

 – Nêu được khái niệm từ phổ và tạo được từ phổ bằng mạt sắt và nam châm.

 – Nêu được khái niệm đường sức từ và vẽ được đường sức từ quanh một thanh nam châm.

 – Dựa vào ảnh (hoặc hình vẽ, đoạn phim khoa học) khẳng định được Trái Đất có từ trường.

 – Nêu được cực Bắc địa từ và cực Bắc địa lí không trùng nhau.

 – Chế tạo được nam châm điện đơn giản và làm thay đổi được từ trường của nó bằng thay đổi dòng điện.

 – Sử dụng la bàn để tìm được hướng địa lí.

Trao đổi chất và chuyển hoá năng lượng ở sinh vật  
– Khái quát trao đổi chất và chuyển hoá năng lượng  
+ Vai trò trao đổi chất và chuyển hoá năng lượng – Phát biểu được khái niệm trao đổi chất và chuyển hoá năng lượng.

 – Nêu được vai trò trao đổi chất và chuyển hoá năng lượng trong cơ thể.

+ Chuyển hoá năng lượng ở tế bào

 ● Quang hợp

 ● Hô hấp tế bào

– Trình bày được quá trình chuyển hoá năng lượng ở tế bào, bao gồm:

 + Mô tả được một cách tổng quát quá trình quang hợp ở tế bào lá cây: Nêu được vai trò lá cây với chức năng quang hợp. Nêu được khái niệm, nguyên liệu, sản phẩm của quang hợp. Viết được phương trình quang hợp (dạng chữ). Vẽ được sơ đồ diễn tả quang hợp diễn ra ở lá cây, qua đó nêu được quan hệ giữa trao đổi chất và chuyển hoá năng lượng.

 + Vận dụng hiểu biết về quang hợp để giải thích được ý nghĩa thực tiễn của việc trồng và bảo vệ cây xanh.

 + Mô tả được một cách tổng quát quá trình hô hấp ở tế bào (ở thực vật và động vật): Nêu được khái niệm; viết được phương trình hô hấp dạng chữ thể hiện hai chiều tổng hợp và phân giải.

 + Nêu được một số yếu tố chủ yếu ảnh hưởng đến quang hợp, hô hấp tế bào.

 + Nêu được một số vận dụng hiểu biết về hô hấp tế bào trong thực tiễn (ví dụ: bảo quản hạt cần phơi khô,…).

 + Tiến hành được thí nghiệm chứng minh quang hợp ở cây xanh.

 + Tiến hành được thí nghiệm về hô hấp tế bào ở thực vật thông qua sự nảy mầm của hạt.

– Trao đổi chất và chuyển hoá năng lượng  
+ Trao đổi khí – Sử dụng hình ảnh để mô tả được quá trình trao đổi khí qua khí khổng của lá.

 – Dựa vào hình vẽ mô tả được cấu tạo khí khổng, nêu được chức năng của khí khổng.

 – Dựa vào sơ đồ khái quát mô tả được con đường đi của khí qua các cơ quan của hệ hô hấp ở động vật (ví dụ ở người).

+ Trao đổi nước và các chất dinh dưỡng ở sinh vật – Nêu được vai trò của nước và các chất dinh dưỡng đối với cơ thể sinh vật.

 – Dựa vào sơ đồ (hoặc mô hình) nêu được thành phần hoá học và cấu trúc, tính chất của nước.

 – Mô tả được quá trình trao đổi nước và các chất dinh dưỡng, lấy được ví dụ ở thực vật và động vật, cụ thể:

 + Dựa vào sơ đồ đơn giản mô tả được con đường hấp thụ, vận chuyển nước và khoáng của cây từ môi trường ngoài vào miền lông hút, vào rễ, lên thân cây và lá cây;

 + Dựa vào sơ đồ, hình ảnh, phân biệt được sự vận chuyển các chất trong mạch gỗ từ rễ lên lá cây (dòng đi lên) và từ lá xuống các cơ quan trong mạch rây (dòng đi xuống);

 + Nêu được vai trò thoát hơi nước ở lá và hoạt động đóng, mở khí khổng trong quá trình thoát hơi nước;

 + Nêu được một số yếu tố chủ yếu ảnh hưởng đến trao đổi nước và các chất dinh dưỡng ở thực vật;

 + Tiến hành được thí nghiệm chứng minh thân vận chuyển nước và lá thoát hơi nước;

 + Trình bày được con đường trao đổi nước và nhu cầu sử dụng nước ở động vật (lấy ví dụ ở người);

 + Dựa vào sơ đồ khái quát (hoặc mô hình, tranh ảnh, học liệu điện tử) mô tả được con đường thu nhận và tiêu hoá thức ăn trong ống tiêu hoá ở động vật (đại diện ở người);

 + Mô tả được quá trình vận chuyển các chất ở động vật (thông qua quan sát tranh, ảnh, mô hình, học liệu điện tử), lấy ví dụ cụ thể ở hai vòng tuần hoàn ở người.

 – Vận dụng được những hiểu biết về trao đổi chất và chuyển hoá năng lượng ở thực vật vào thực tiễn (ví dụ giải thích việc tưới nước và bón phân hợp lí cho cây).

 – Vận dụng được những hiểu biết về trao đổi chất và chuyển hoá năng lượng ở động vật vào thực tiễn (ví dụ về dinh dưỡng và vệ sinh ăn uống, …).

Cảm ứng ở sinh vật  
– Khái niệm cảm ứng

 – Cảm ứng ở thực vật

 – Cảm ứng ở động vật

 – Tập tính ở động vật: khái niệm, ví dụ minh hoạ

 – Vai trò cảm ứng đối với sinh vật

– Phát biểu được khái niệm cảm ứng ở sinh vật. Lấy được ví dụ về các hiện tượng cảm ứng ở sinh vật (ở thực vật và động vật).

 – Nêu được vai trò cảm ứng đối với sinh vật.

 – Trình bày được cách làm thí nghiệm chứng minh tính cảm ứng ở thực vật (ví dụ hướng sáng, hướng nước, hướng tiếp xúc).

 – Phát biểu được khái niệm tập tính ở động vật; lấy được ví dụ minh hoạ.

 – Nêu được vai trò của tập tính đối với động vật.

 – Thực hành: quan sát, ghi chép và trình bày được kết quả quan sát một số tập tính của động vật.

 – Vận dụng được các kiến thức cảm ứng vào giải thích một số hiện tượng trong thực tiễn (ví dụ trong học tập, chăn nuôi, trồng trọt).

Sinh trưởng và phát triển ở sinh vật  
– Khái niệm sinh trưởng và phát triển

 – Cơ chế sinh trưởng ở thực vật và động vật

 – Các giai đoạn sinh trưởng và phát triển ở sinh vật

 – Các nhân tố ảnh hưởng – điều hoà sinh trưởng và các phương pháp điều khiển sinh trưởng, phát triển

– Phát biểu được khái niệm sinh trưởng và phát triển ở sinh vật. Nêu được mối quan hệ giữa sinh trưởng và phát triển.

 – Tiến hành được thí nghiệm chứng minh cây có sự sinh trưởng.

 – Chỉ ra được mô phân sinh trên sơ đồ cắt ngang thân cây Hai lá mầm và trình bày được chức năng của mô phân sinh làm cây lớn lên.

 – Dựa vào hình vẽ vòng đời của một sinh vật (một ví dụ về thực vật và một ví dụ về động vật), trình bày được các giai đoạn sinh trưởng và phát triển của sinh vật đó.

 – Nêu được các nhân tố chủ yếu ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của sinh vật (nhân tố nhiệt độ, ánh sáng, nước, dinh dưỡng).

 – Trình bày được một số ứng dụng sinh trưởng và phát triển trong thực tiễn (ví dụ điều hoà sinh trưởng và phát triển ở sinh vật bằng sử dụng chất kính thích hoặc điều khiển yếu tố môi trường).

 – Vận dụng được những hiểu biết về sinh trưởng và phát triển sinh vật giải thích một số hiện tượng thực tiễn (tiêu diệt muỗi ở giai đoạn ấu trùng, phòng trừ sâu bệnh, chăn nuôi).

 – Thực hành quan sát và mô tả được sự sinh trưởng, phát triển ở một số thực vật, động vật.

Sinh sản ở sinh vật  
– Khái niệm sinh sản ở sinh vật

 – Sinh sản vô tính

 – Sinh sản hữu tính

 – Các yếu tố ảnh hưởng đến sinh sản ở sinh vật

 – Điều hoà, điều khiển sinh sản ở sinh vật

– Phát biểu được khái niệm sinh sản ở sinh vật.

 – Nêu được khái niệm sinh sản vô tính ở sinh vật.

 – Dựa vào hình ảnh hoặc mẫu vật, phân biệt được các hình thức sinh sản sinh dưỡng ở thực vật. Lấy được ví dụ minh hoạ.

 – Dựa vào hình ảnh, phân biệt được các hình thức sinh sản vô tính ở động vật. Lấy được ví dụ minh hoạ.

 – Nêu được vai trò của sinh sản vô tính trong thực tiễn.

 – Trình bày được các ứng dụng của sinh sản vô tính vào thực tiễn (nhân giống vô tính cây, nuôi cấy mô).

 – Nêu được khái niệm sinh sản hữu tính ở sinh vật. Phân biệt được sinh sản vô tính và sinh sản hữu tính.

 – Dựa vào sơ đồ mô tả được quá trình sinh sản hữu tính ở thực vật:

 + Mô tả được các bộ phận của hoa lưỡng tính, phân biệt với hoa đơn tính.

 + Mô tả được thụ phấn; thụ tinh và lớn lên của quả.

 – Dựa vào sơ đồ (hoặc hình ảnh) mô tả được khái quát quá trình sinh sản hữu tính ở động vật (lấy ví dụ ở động vật đẻ con và đẻ trứng).

 – Nêu được vai trò của sinh sản hữu tính và một số ứng dụng trong thực tiễn.

 – Nêu được một số yếu tố ảnh hưởng đến sinh sản ở sinh vật và điều hoà, điều khiển sinh sản ở sinh vật.

 – Vận dụng được những hiểu biết về sinh sản hữu tính trong thực tiễn đời sống và chăn nuôi (thụ phấn nhân tạo, điều khiển số con, giới tính). Giải thích được vì sao phải bảo vệ một số loài côn trùng thụ phấn cho cây.

Cơ thể sinh vật là một thể thống nhất  
  – Dựa vào sơ đồ mối quan hệ giữa tế bào với cơ thể và môi trường (tế bào – cơ thể – môi trường và sơ đồ quan hệ giữa các hoạt động sống: trao đổi chất và chuyển hoá năng lượng – sinh trưởng, phát triển – cảm ứng – sinh sản) chứng minh cơ thể sinh vật là một thể thống nhất.

 LỚP 8

Nội dung Yêu cầu cần đạt
Mở đầu – Nhận biết được một số dụng cụ và hoá chất sử dụng trong môn Khoa học tự nhiên 8.

 – Nêu được quy tắc sử dụng hoá chất an toàn (chủ yếu những hoá chất trong môn Khoa học tự nhiên 8).

 – Nhận biết được các thiết bị điện trong môn Khoa học tự nhiên 8 và trình bày được cách sử dụng điện an toàn.

Phản ứng hoá học  
– Biến đổi vật lí và biến đổi hoá học – Nêu được khái niệm sự biến đổi vật lí, biến đổi hoá học.

 – Phân biệt được sự biến đổi vật lí, biến đổi hoá học. Đưa ra được ví dụ về sự biến đổi vật lí và sự biến đổi hoá học.

– Phản ứng hoá học – Tiến hành được một số thí nghiệm về sự biến đổi vật lí và biến đổi hoá học.

 – Nêu được khái niệm phản ứng hoá học, chất đầu và sản phẩm.

 – Nêu được sự sắp xếp khác nhau của các nguyên tử trong phân tử chất đầu và sản phẩm

 – Chỉ ra được một số dấu hiệu chứng tỏ có phản ứng hoá học xảy ra.

– Năng lượng trong các phản ứng hoá học – Nêu được khái niệm và đưa ra được ví dụ minh hoạ về phản ứng toả nhiệt, thu nhiệt.

 – Trình bày được các ứng dụng phổ biến của phản ứng toả nhiệt (đốt cháy than, xăng, dầu).

– Định luật bảo toàn khối lượng – Tiến hành được thí nghiệm để chứng minh: Trong phản ứng hoá học, khối lượng được bảo toàn.

 – Phát biểu được định luật bảo toàn khối lượng.

– Phương trình hoá học – Nêu được khái niệm phương trình hoá học và các bước lập phương trình hoá học.

 – Trình bày được ý nghĩa của phương trình hoá học.

 – Lập được sơ đồ phản ứng hoá học dạng chữ và phương trình hoá học (dùng công thức hoá học) của một số phản ứng hoá học cụ thể.

– Mol và tỉ khối của chất khí – Nêu được khái niệm về mol (nguyên tử, phân tử).

 – Tính được khối lượng mol (M); Chuyển đổi được giữa số mol (n) và khối lượng (m)

 – Nêu được khái niệm tỉ khối, viết được công thức tính tỉ khối của chất khí.

 – So sánh được chất khí này nặng hay nhẹ hơn chất khí khác dựa vào công thức tính tỉ khối.

 – Nêu được khái niệm thể tích mol của chất khí ở áp suất 1 bar và 25 0C.

 – Sử dụng được công thức n(mol) =  để chuyển đổi giữa số mol và thể tích chất khí ở điều kiện chuẩn: áp suất 1 bar ở 25 0C.

– Tính theo phương trình hoá học – Tính được lượng chất trong phương trình hóa học theo số mol, khối lượng hoặc thể tích ở điều kiện 1 bar và 25 0C.

 – Nêu được khái niệm hiệu suất của phản ứng và tính được hiệu suất của một phản ứng dựa vào lượng sản phẩm thu được theo lí thuyết và lượng sản phẩm thu được theo thực tế.

– Nồng độ dung dịch – Nêu được dung dịch là hỗn hợp lỏng đồng nhất của các chất đã tan trong nhau.

 – Nêu được định nghĩa độ tan của một chất trong nước, nồng độ phần trăm, nồng độ mol.

 – Tính được độ tan, nồng độ phần trăm; nồng độ mol theo công thức.

 – Tiến hành được thí nghiệm pha một dung dịch theo một nồng độ cho trước.

Tốc độ phản ứng và chất xúc tác – Nêu được khái niệm về tốc độ phản ứng (chỉ mức độ nhanh hay chậm của phản ứng hoá học).

 – Trình bày được một số yếu tố ảnh hưởng đến tốc độ phản ứng và nêu được một số ứng dụng thực tế.

 – Tiến hành được thí nghiệm và quan sát thực tiễn:

 + So sánh được tốc độ một số phản ứng hoá học;

 + Nêu được các yếu tố làm thay đổi tốc độ phản ứng;

 + Nêu được khái niệm về chất xúc tác.

Acid – Base – pH – Oxide – Muối  
– Acid (axit) – Nêu được khái niệm acid (tạo ra ion H+).

 – Tiến hành được thí nghiệm của hydrochloric acid (làm đổi màu chất chỉ thị; phản ứng với kim loại), nêu và giải thích được hiện tượng xảy ra trong thí nghiệm (viết phương trình hoá học) và rút ra nhận xét về tính chất của acid.

 – Trình bày được một số ứng dụng của một số acid thông dụng (HCl, H2SO4, CH3COOH).

– Base (bazơ) – Nêu được khái niệm base (tạo ra ion OH).

 – Nêu được kiềm là các hydroxide tan tốt trong nước.

 – Tiến hành được thí nghiệm base là làm đổi màu chất chỉ thị, phản ứng với acid tạo muối, nêu và giải thích được hiện tượng xảy ra trong thí nghiệm (viết phương trình hoá học) và rút ra nhận xét về tính chất của base.

 – Tra được bảng tính tan để biết một hydroxide cụ thể thuộc loại kiềm hoặc base không tan.

– Thang đo pH – Nêu được thang pH, sử dụng pH để đánh giá độ acid – base của dung dịch.

 – Tiến hành được một số thí nghiệm đo pH (bằng giấy chỉ thị) một số loại thực phẩm (đồ uống, hoa quả,…).

 – Liên hệ được pH trong dạ dày, trong máu, trong nước mưa, đất.

– Oxide (oxit) – Nêu được khái niệm oxide là hợp chất của oxygen với một nguyên tố khác.

 – Viết được phương trình hoá học tạo oxide từ kim loại/phi kim với oxygen.

 – Phân loại được các oxide theo khả năng phản ứng với acid/base (oxide acid, oxide base, oxide lưỡng tính, oxide trung tính).

 – Tiến hành được thí nghiệm oxide kim loại phản ứng với acid; oxide phi kim phản ứng với base; nêu và giải thích được hiện tượng xảy ra trong thí nghiệm (viết phương trình hoá học) và rút ra nhận xét về tính chất hoá học của oxide.

– Muối – Nêu được khái niệm về muối (các muối thông thường là hợp chất được hình thành từ sự thay thế ion H+ của acid bởi ion kim loại hoặc ion  ).

 – Chỉ ra được một số muối tan và muối không tan từ bảng tính tan.

 – Trình bày được một số phương pháp điều chế muối.

 – Đọc được tên một số loại muối thông dụng.

 – Tiến hành được thí nghiệm muối phản ứng với kim loại, với acid, với base, với muối; nêu và giải thích được hiện tượng xảy ra trong thí nghiệm (viết phương trình hoá học) và rút ra kết luận về tính chất hoá học của muối.

 – Trình bày được mối quan hệ giữa acid, base, oxide và muối; rút ra được kết luận về tính chất hoá học của acid, base, oxide.

Phân bón hoá học – Trình bày được vai trò của phân bón (một trong những nguồn bổ sung một số nguyên tố: đa lượng, trung lượng, vi lượng dưới dạng vô cơ và hữu cơ) cho đất, cây trồng.

 – Nêu được thành phần và tác dụng cơ bản của một số loại phân bón hoá học đối với cây trồng (phân đạm, phân lân, phân kali, phân N-P-K).

 – Trình bày được ảnh hưởng của việc sử dụng phân bón hoá học (không đúng cách, không đúng liều lượng) đến môi trường của đất, nước và sức khoẻ của con người.

 – Đề xuất được biện pháp giảm thiểu ô nhiễm của phân bón.

Khối lượng riêng và áp suất  
– Khái niệm khối lượng riêng

 – Đo khối lượng riêng

 – Áp suất trên một bề mặt

 – Tăng, giảm áp suất

 – Áp suất trong chất lỏng, trong chất khí

– Nêu được định nghĩa khối lượng riêng, xác định được khối lượng riêng qua khối lượng và thể tích tương ứng, khối lượng riêng = khối lượng/thể tích.

 – Liệt kê được một số đơn vị đo khối lượng riêng thường dùng.

 – Thực hiện thí nghiệm để xác định được khối lượng riêng của một khối hộp chữ nhật, của một vật có hình dạng bất kì, của một lượng chất lỏng.

 – Thực hiện thí nghiệm khảo sát tác dụng của chất lỏng lên vật đặt trong chất lỏng, rút ra được: Điều kiện định tính về vật nổi, vật chìm; định luật Archimedes (Acsimet).

 – Dùng dụng cụ thực hành, khẳng định được: áp suất sinh ra khi có áp lực tác dụng lên một diện tích bề mặt, áp suất = áp lực/diện tích bề mặt.

 – Liệt kê được một số đơn vị đo áp suất thông dụng.

 – Thảo luận được công dụng của việc tăng, giảm áp suất qua một số hiện tượng thực tế.

 – Nêu được: Áp suất tác dụng vào chất lỏng sẽ được chất lỏng truyền đi nguyên vẹn theo mọi hướng; lấy được ví dụ minh hoạ.

 – Thực hiện được thí nghiệm để chứng tỏ tồn tại áp suất khí quyển và áp suất này tác dụng theo mọi phương.

 – Mô tả được sự tạo thành tiếng động trong tai khi tai chịu sự thay đổi áp suất đột ngột.

 – Giải thích được một số ứng dụng về áp suất không khí trong đời sống (ví dụ như: giác mút, bình xịt, tàu đệm khí).

Tác dụng làm quay của lực  
– Lực có thể làm quay vật

 – Đòn bẩy và moment lực

– Thực hiện thí nghiệm để mô tả được tác dụng làm quay của lực.

 – Dùng dụng cụ đơn giản, minh họa được đòn bẩy có thể làm thay đổi hướng tác dụng của lực.

 – Lấy được ví dụ về một số loại đòn bẩy khác nhau trong thực tiễn.

 – Nêu được: tác dụng làm quay của lực lên một vật quanh một điểm hoặc một trục được đặc trưng bằng moment lực.

 – Sử dụng kiến thức, kĩ năng về đòn bẩy để giải quyết được một số vấn đề thực tiễn.

Điện  
– Hiện tượng nhiễm điện

 – Dòng điện

 – Tác dụng của dòng điện

 – Nguồn điện

 – Mạch điện đơn giản

 – Đo cường độ dòng điện và hiệu điện thế

– Giải thích được sơ lược nguyên nhân một vật cách điện nhiễm điện do cọ xát.

 – Giải thích được một vài hiện tượng thực tế liên quan đến sự nhiễm điện do cọ xát.

 – Định nghĩa được dòng điện là dòng chuyển dời có hướng của các hạt mang điện.

 – Nêu được nguồn điện có khả năng cung cấp năng lượng điện và liệt kê được một số nguồn điện thông dụng trong đời sống.

 – Phân loại được vật dẫn điện, vật không dẫn điện.

 – Thực hiện thí nghiệm để minh hoạ được các tác dụng cơ bản của dòng điện: nhiệt, phát sáng, hoá học, sinh lí.

 – Vẽ được sơ đồ mạch điện với kí hiệu mô tả: điện trở, biến trở, chuông, ampe kế (ammeter), vôn kế (voltmeter), đi ốt (diode) và đi ốt phát quang.

 – Mắc được mạch điện đơn giản với: pin, công tắc, dây nối, bóng đèn.

 – Mô tả được sơ lược công dụng của cầu chì, rơ le (relay), cầu dao tự động, chuông điện.

 – Thực hiện thí nghiệm để nêu được số chỉ của ampe kế là giá trị của cường độ dòng điện.

 – Thực hiện thí nghiệm để nêu được khả năng sinh ra dòng điện của pin (hay ắc quy) được đo bằng hiệu điện thế (còn gọi là điện áp) giữa hai cực của nó.

 – Nêu được đơn vị đo cường độ dòng điện và đơn vị đo hiệu điện thế.

 – Đo được cường độ dòng điện và hiệu điện thế bằng dụng cụ thực hành.

Nhiệt  
– Năng lượng nhiệt

 – Đo năng lượng nhiệt

 – Dẫn nhiệt, đối lưu, bức xạ nhiệt

 – Sự nở vì nhiệt

– Nêu được khái niệm năng lượng nhiệt, khái niệm nội năng.

 – Nêu được: Khi một vật được làm nóng, các phân tử của vật chuyển động nhanh hơn và nội năng của vật tăng.

 – Đo được năng lượng nhiệt mà vật nhận được khi bị đun nóng (có thể sử dụng joulemeter hay oát kế (wattmeter).

 – Lấy được ví dụ về hiện tượng dẫn nhiệt, đối lưu, bức xạ nhiệt và mô tả sơ lược được sự truyền năng lượng trong mỗi hiện tượng đó.

 – Mô tả được sơ lược sự truyền năng lượng trong hiệu ứng nhà kính.

 – Phân tích được một số ví dụ về công dụng của vật dẫn nhiệt tốt, công dụng của vật cách nhiệt tốt.

 – Thực hiện thí nghiệm để chứng tỏ được các chất khác nhau nở vì nhiệt khác nhau.

 – Lấy được một số ví dụ về công dụng và tác hại của sự nở vì nhiệt.

 – Vận dụng kiến thức về sự truyền nhiệt, sự nở vì nhiệt, giải thích được một số hiện tượng đơn giản thường gặp trong thực tế.

Khái quát về cơ thể người – Nêu được tên và vai trò chính của các cơ quan và hệ cơ quan trong cơ thể người.
Hệ vận động ở người  
– Chức năng, sự phù hợp giữa cấu tạo với chức năng của hệ vận động (hệ cơ xương)

 – Bảo vệ hệ vận động

 – Vai trò của tập thể dục, thể thao

 – Sức khoẻ học đường

– Nêu được chức năng của hệ vận động ở người.

 – Dựa vào sơ đồ (hoặc hình vẽ), mô tả được cấu tạo sơ lược các cơ quan của hệ vận động. Phân tích được sự phù hợp giữa cấu tạo với chức năng của hệ vận động. Liên hệ được kiến thức đòn bẩy vào hệ vận động.

 – Trình bày được một số bệnh, tật liên quan đến hệ vận động và một số bệnh về sức khoẻ học đường liên quan hệ vận động (ví dụ: cong vẹo cột sống). Nêu được một số biện pháp bảo vệ các cơ quan của hệ vận động và cách phòng chống các bệnh, tật.

 – Nêu được ý nghĩa của tập thể dục, thể thao và chọn phương pháp luyện tập thể thao phù hợp (tự đề xuất được một chế độ luyện tập cho bản thân nhằm nâng cao thể lực và thể hình).

 – Vận dụng được hiểu biết về hệ vận động và các bệnh học đường để bảo vệ bản thân và tuyên truyền, giúp đỡ cho người khác.

 – Vận dụng được hiểu biết về lực và thành phần hoá học của xương để giải thích sự co cơ, khả năng chịu tải của xương.

 – Nêu được tác hại của bệnh loãng xương.

 – Thực hành: Thực hiện được sơ cứu và băng bó khi người khác bị gãy xương; tìm hiểu được tình hình mắc các bệnh về hệ vận động trong trường học và khu dân cư.

Dinh dưỡng và tiêu hoá ở người  
– Chức năng, sự phù hợp giữa cấu tạo với chức năng của hệ tiêu hoá

 – Chế độ dinh dưỡng của con người

 – Bảo vệ hệ tiêu hoá

 – An toàn vệ sinh thực phẩm

– Nêu được khái niệm dinh dưỡng, chất dinh dưỡng. Nêu được mối quan hệ giữa tiêu hoá và dinh dưỡng.

 – Trình bày được chức năng của hệ tiêu hoá.

 – Quan sát hình vẽ (hoặc mô hình, sơ đồ khái quát) hệ tiêu hoá ở người, kể tên được các cơ quan của hệ tiêu hoá. Nêu được chức năng của mỗi cơ quan và sự phối hợp các cơ quan thể hiện chức năng của cả hệ tiêu hoá.

 – Trình bày được chế độ dinh dưỡng của con người ở các độ tuổi.

 – Nêu được nguyên tắc lập khẩu phần thức ăn cho con người. Thực hành xây dựng chế độ dinh dưỡng cho bản thân và những người trong gia đình.

 – Nêu được một số bệnh về đường tiêu hoá và cách phòng và chống (bệnh răng, miệng; bệnh dạ dày; bệnh đường ruột, …).

 – Vận dụng được hiểu biết về dinh dưỡng và tiêu hoá để phòng và chống các bệnh về tiêu hoá cho bản thân và gia đình.

 – Trình bày được một số vấn đề về an toàn thực phẩm, cụ thể:

 + Nêu được khái niệm an toàn thực phẩm. Trình bày được một số điều cần biết về vệ sinh thực phẩm;

 + Nêu được một số nguyên nhân chủ yếu gây ngộ độc thực phẩm. Lấy được ví dụ minh hoạ. Kể được tên một số loại thực phẩm dễ bị mất an toàn vệ sinh thực phẩm do sinh vật, hoá chất, bảo quản, chế biến;

 + Kể được tên một số hoá chất (độc tố), cách chế biến, cách bảo quản gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm;

 + Trình bày được cách bảo quản, chế biến thực phẩm an toàn;

 + Trình bày được một số bệnh do mất vệ sinh an toàn thực phẩm và cách phòng và chống các bệnh này.

 – Vận dụng được hiểu biết về an toàn vệ sinh thực phẩm để đề xuất các biện pháp lựa chọn, bảo quản, chế biến, chế độ ăn uống an toàn cho bản thân và gia đình; đọc và hiểu được ý nghĩa của các thông tin ghi trên nhãn hiệu bao bì thực phẩm và biết cách sử dụng thực phẩm đó một cách phù hợp.

 – Thực hiện được dự án điều tra về vệ sinh an toàn thực phẩm tại địa phương; dự án điều tra một số bệnh đường tiêu hoá trong trường học hoặc tại địa phương (bệnh sâu răng, bệnh dạ dày,…).

Máu và hệ tuần hoàn của cơ thể người  
– Chức năng, sự phù hợp giữa cấu tạo với chức năng của máu và hệ tuần hoàn

 – Bảo vệ hệ tuần hoàn và một số bệnh phổ biến về máu và hệ tuần hoàn

 – Miễn dịch: kháng nguyên, kháng thể; vaccine

– Nêu được chức năng của máu và hệ tuần hoàn.

 – Nêu được các thành phần của máu và chức năng của mỗi thành phần (hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu, huyết tương).

 – Nêu được khái niệm nhóm máu. Phân tích được vai trò của việc hiểu biết về nhóm máu trong thực tiễn (ví dụ trong cấp cứu phải truyền máu; ý nghĩa của truyền máu, cho máu và tuyên truyền cho người khác).

 – Quan sát mô hình (hoặc hình vẽ, sơ đồ khái quát) hệ tuần hoàn ở người, kể tên được các cơ quan của hệ tuần hoàn. Nêu được chức năng của mỗi cơ quan và sự phối hợp các cơ quan thể hiện chức năng của cả hệ tuần hoàn.

 – Nêu được khái niệm miễn dịch, kháng nguyên, kháng thể.

 – Nêu được vai trò vaccine (vacxin) và vai trò của tiêm vaccine trong việc phòng bệnh.

 – Dựa vào sơ đồ, trình bày được cơ chế miễn dịch trong cơ thể người. Giải thích được vì sao con người sống trong môi trường có nhiều vi khuẩn có hại nhưng vẫn có thể sống khoẻ mạnh.

 – Nêu được một số bệnh về máu, tim mạch và cách phòng chống các bệnh đó.

 – Vận dụng được hiểu biết về máu và tuần hoàn để bảo vệ bản thân và gia đình.

 – Thực hành:

 + Thực hiện được tình huống giả định cấp cứu người bị chảy máu, tai biến, đột quỵ; băng bó vết thương khi bị chảy nhiều máu;

 + Thực hiện được các bước đo huyết áp.

 – Thực hiện được dự án, bài tập: Điều tra bệnh cao huyết áp, tiểu đường tại địa phương.

 – Tìm hiểu được phong trào hiến máu nhân đạo ở địa phương.

Hệ hô hấp ở người  
– Chức năng, sự phù hợp giữa cấu tạo với chức năng của hệ hô hấp

 – Bảo vệ hệ hô hấp

– Nêu được chức năng của hệ hô hấp.

 – Quan sát mô hình (hoặc hình vẽ, sơ đồ khái quát) hệ hô hấp ở người, kể tên được các cơ quan của hệ hô hấp. Nêu được chức năng của mỗi cơ quan và sự phối hợp các cơ quan thể hiện chức năng của cả hệ hô hấp.

 – Nêu được một số bệnh về phổi, đường hô hấp và cách phòng chống.

 – Vận dụng được hiểu biết về hô hấp để bảo vệ bản thân và gia đình.

 – Trình bày được vai trò của việc chống ô nhiễm không khí liên quan đến các bệnh về hô hấp.

 – Điều tra được một số bệnh về đường hô hấp trong trường học hoặc tại địa phương, nêu được nguyên nhân và cách phòng tránh.

 – Tranh luận trong nhóm và đưa ra được quan điểm nên hay không nên hút thuốc lá và kinh doanh thuốc lá.

 – Thực hành:

 + Thực hiện được tình huống giả định hô hấp nhân tạo, cấp cứu người đuối nước;

 + Thiết kế được áp phích tuyên truyền không hút thuốc lá.

Hệ bài tiết ở người  
– Các cơ quan của hệ bài tiết

 – Chức năng của hệ bài tiết

 – Bảo vệ hệ bài tiết

– Nêu được chức năng của hệ bài tiết.

 – Dựa vào hình ảnh hay mô hình, kể tên được các cơ quan của hệ bài tiết nước tiểu.

 – Dựa vào hình ảnh sơ lược, kể tên được các bộ phận chủ yếu của thận.

 – Trình bày được một số bệnh về hệ bài tiết và cách phòng chống các bệnh đó.

 – Vận dụng được hiểu biết về hệ bài tiết để bảo vệ sức khoẻ.

 – Thực hiện được dự án, bài tập: Điều tra bệnh về thận như sỏi thận, viêm thận,… trong trường học hoặc tại địa phương.

 – Tìm hiểu được một số thành tựu ghép thận, chạy thận nhân tạo.

Điều hoà môi trường trong của cơ thể  
– Khái niệm môi trường trong của cơ thể

 – Duy trì sự ổn định môi trường trong của cơ thể

– Nêu được khái niệm môi trường trong của cơ thể.

 – Nêu được khái niệm cân bằng môi trường trong và vai trò của sự duy trì ổn định môi trường trong của cơ thể (ví dụ nồng độ glucose, nồng độ muối trong máu, urea, uric acid, pH).

 – Đọc và hiểu được thông tin một ví dụ cụ thể về kết quả xét nghiệm nồng độ đường và uric acid trong máu.

Hệ thần kinh và các giác quan ở người  
– Chức năng, sự phù hợp giữa cấu tạo với chức năng của hệ thần kinh và các giác quan

 – Bảo vệ hệ thần kinh và các giác quan

 – Sức khoẻ học đường có liên quan tới hệ thần kinh và giác quan

– Nêu được chức năng của hệ thần kinh và các giác quan.

 – Dựa vào hình ảnh kể tên được hai bộ phận của hệ thần kinh là bộ phận trung ương (não, tuỷ sống) và bộ phận ngoại biên (các dây thần kinh, hạch thần kinh).

 – Trình bày được một số bệnh về hệ thần kinh và cách phòng các bệnh đó.

 – Nêu được tác hại của các chất gây nghiện đối với hệ thần kinh. Không sử dụng các chất gây nghiện và tuyên truyền hiểu biết cho người khác.

 – Nêu được chức năng của các giác quan thị giác và thính giác.

 – Dựa vào hình ảnh hay sơ đồ, kể tên được các bộ phận của mắt và sơ đồ đơn giản quá trình thu nhận ánh sáng. Liên hệ được kiến thức truyền ánh sáng trong thu nhận ánh sáng ở mắt.

 – Dựa vào hình ảnh hay sơ đồ, kể tên được các bộ phận của tai ngoài, tai giữa, tai trong và sơ đồ đơn giản quá trình thu nhận âm thanh. Liên hệ được cơ chế truyền âm thanh trong thu nhận âm thanh ở tai.

 – Trình bày được một số bệnh về thị giác và thính giác và cách phòng và chống các bệnh đó (ví dụ: bệnh về mắt: bệnh đau mắt đỏ, …; tật về mắt: cận thị, viễn thị, …).

 – Vận dụng được hiểu biết về các giác quan để bảo vệ bản thân và người thân trong gia đình;

 – Tìm hiểu được các bệnh và tật về mắt trong trường học (cận thị, viễn thị,…), tuyên truyền chăm sóc và bảo vệ đôi mắt.

Hệ nội tiết ở người  
– Chức năng của các tuyến nội tiết

 – Bảo vệ hệ nội tiết

– Kể được tên và nêu được chức năng của các tuyến nội tiết.

 – Nêu được một số bệnh liên quan đến hệ nội tiết (tiểu đường, bướu cổ do thiếu iodine, …) và cách phòng chống các bệnh đó.

 – Vận dụng được hiểu biết về các tuyến nội tiết để bảo vệ sức khoẻ bản thân và người thân trong gia đình.

 – Tìm hiểu được các bệnh nội tiết ở địa phương (ví dụ bệnh tiểu đường, bướu cổ).

Da và điều hoà thân nhiệt ở người  
– Chức năng và cấu tạo da người

 – Chăm sóc và bảo vệ da

 – Thân nhiệt

– Nêu được cấu tạo sơ lược và chức năng của da. Trình bày được một số bệnh về da và các biện pháp chăm sóc, bảo vệ và làm đẹp da an toàn.

 – Nêu được khái niệm thân nhiệt. Thực hành được cách đo thân nhiệt và nêu được ý nghĩa của việc đo thân nhiệt.

 – Nêu được vai trò và cơ chế duy trì thân nhiệt ổn định ở người.

 – Nêu được vai trò của da và hệ thần kinh trong điều hoà thân nhiệt.

 – Trình bày được một số phương pháp chống nóng, lạnh cho cơ thể. Nêu được một số biện pháp chống cảm lạnh, cảm nóng.

 – Vận dụng được hiểu biết về da để chăm sóc da, trang điểm an toàn cho da.

 – Thực hiện được tình huống giả định cấp cứu khi cảm nóng hoặc lạnh.

 – Tìm hiểu được các bệnh về da trong trường học hoặc trong khu dân cư.

 – Tìm hiểu được một số thành tựu ghép da trong y học.

Sinh sản  
– Chức năng, cấu tạo của hệ sinh dục

 – Bảo vệ hệ sinh dục

 – Bảo vệ sức khoẻ sinh sản

– Nêu được chức năng của hệ sinh dục.

 – Kể tên được các cơ quan và trình bày được chức năng của các cơ quan sinh dục nam và nữ.

 – Nêu được khái niệm thụ tinh và thụ thai.

 – Nêu được hiện tượng kinh nguyệt và cách phòng tránh thai.

 – Kể tên được một số bệnh lây truyền qua đường sinh dục và trình bày được cách phòng chống các bệnh đó (bệnh HIV/AIDS, giang mai, lậu,…).

 – Nêu được ý nghĩa và các biện pháp bảo vệ sức khoẻ sinh sản vị thành niên. Vận dụng được hiểu biết về sinh sản để bảo vệ sức khoẻ bản thân.

 – Điều tra được sự hiểu biết của học sinh trong trường về sức khoẻ sinh sản vị thành niên (an toàn tình dục).

Môi trường và các nhân tố sinh thái  
– Khái niệm môi trường sống, các loại môi trường

 – Nhân tố sinh thái vô sinh, hữu sinh

– Nêu được khái niệm môi trường sống của sinh vật, phân biệt được 4 môi trường sống chủ yếu: môi trường trên cạn, môi trường dưới nước, môi trường trong đất và môi trường sinh vật. Lấy được ví dụ minh hoạ các môi trường sống của sinh vật.

 – Nêu được khái niệm nhân tố sinh thái. Phân biệt được nhân tố sinh thái vô sinh và nhân tố hữu sinh (bao gồm cả nhân tố con người). Lấy được ví dụ minh hoạ các nhân tố sinh thái và ảnh hưởng của nhân tố sinh thái lên đời sống sinh vật.

 – Trình bày được sơ lược khái niệm về giới hạn sinh thái, lấy được ví dụ minh hoạ.

Hệ sinh thái  
– Quần thể: khái niệm, đặc trưng, ví dụ, biện pháp bảo vệ – Phát biểu được khái niệm quần thể sinh vật. Nêu được các đặc trưng cơ bản của quần thể (đặc trưng về số lượng, giới tính, lứa tuổi, phân bố). Lấy được ví dụ minh hoạ.

 – Nêu được một số biện pháp bảo vệ quần thể.

– Quần xã: khái niệm, ví dụ, đặc trưng, biện pháp bảo vệ đa dạng sinh học trong quần xã – Phát biểu được khái niệm quần xã sinh vật. Nêu được một số đặc điểm cơ bản của quần xã (Đặc điểm về độ đa dạng: số lượng loài và số cá thể của mỗi loài; đặc điểm về thành phần loài: loài ưu thế, loài đặc trưng). Lấy được ví dụ minh hoạ.

 – Nêu được một số biện pháp bảo vệ đa dạng sinh học trong quần xã.

– Hệ sinh thái: khái niệm, các kiểu hệ sinh thái, bảo vệ hệ sinh thái

 – Trao đổi chất và chuyển hoá năng lượng trong hệ sinh thái: chuỗi, lưới thức ăn, tháp sinh thái

– Phát biểu được khái niệm hệ sinh thái. Lấy được ví dụ về các kiểu hệ sinh thái (hệ sinh thái trên cạn, hệ sinh thái nước mặn, hệ sinh thái nước ngọt).

 – Nêu được khái niệm chuỗi, lưới thức ăn; sinh vật sản xuất, sinh vật tiêu thụ, sinh vật phân giải, tháp sinh thái. Lấy được ví dụ chuỗi thức ăn, lưới thức ăn trong quần xã.

 – Quan sát sơ đồ vòng tuần hoàn của các chất trong hệ sinh thái, trình bày được khái quát quá trình trao đổi chất và chuyển hoá năng lượng trong hệ sinh thái.

 – Nêu được tầm quan trọng của bảo vệ một số hệ sinh thái điển hình của Việt Nam: các hệ sinh thái rừng, hệ sinh thái biển và ven biển, các hệ sinh thái nông nghiệp.

 – Thực hành: điều tra được thành phần quần xã sinh vật trong một hệ sinh thái.

– Sinh quyển – Nêu được khái niệm sinh quyển.
Cân bằng tự nhiên  
– Khái niệm, nguyên nhân gây mất cân bằng tự nhiên – Nêu được khái niệm cân bằng tự nhiên. Trình bày được các nguyên nhân gây mất cân bằng tự nhiên.
– Biện pháp duy trì cân bằng tự nhiên – Phân tích được một số biện pháp bảo vệ, duy trì cân bằng tự nhiên.
Bảo vệ môi trường  
– Tác động của con người đối với môi trường

 – Ô nhiễm môi trường

 – Biến đổi khí hậu

 – Bảo vệ thiên nhiên

 – Hạn chế ô nhiễm môi trường

– Trình bày được tác động của con người đối với môi trường qua các thời kì phát triển xã hội; tác động của con người làm suy thoái môi trường tự nhiên; vai trò của con người trong bảo vệ và cải tạo môi trường tự nhiên.

 – Nêu được khái niệm ô nhiễm môi trường. Trình bày được sơ lược về một số nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường (ô nhiễm do chất thải sinh hoạt và công nghiệp, ô nhiễm hoá chất bảo vệ thực vật, ô nhiễm phóng xạ, ô nhiễm do sinh vật gây bệnh) và biện pháp hạn chế ô nhiễm môi trường.

 – Trình bày được sự cần thiết phải bảo vệ động vật hoang dã, nhất là những loài có nguy cơ bị tuyệt chủng cần được bảo vệ theo Công ước quốc tế về buôn bán các loài động, thực vật hoang dã (CITES) (ví dụ như các loài voi, tê giác, hổ, sếu đầu đỏ và các loài linh trưởng,…).

 – Nêu được khái niệm khái quát về biến đổi khí hậu và một số biện pháp chủ yếu nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu.

 – Điều tra được hiện trạng ô nhiễm môi trường ở địa phương.

 LỚP 9

Nội dung Yêu cầu cần đạt
Mở đầu – Nhận biết được một số dụng cụ và hoá chất sử dụng trong dạy học môn Khoa học tự nhiên 9.

 – Trình bày được các bước viết và trình bày báo cáo; làm được bài thuyết trình một vấn đề khoa học.

Năng lượng cơ học  
– Động năng và thế năng

 – Cơ năng

 – Công và công suất

– Viết được biểu thức tính động năng của vật.

 – Viết được biểu thức tính thế năng của vật ở gần mặt đất.

 – Nêu được cơ năng là tổng động năng và thế năng của vật.

 – Vận dụng khái niệm cơ năng phân tích được sự chuyển hoá năng lượng trong một số trường hợp đơn giản.

 – Phân tích ví dụ cụ thể để rút ra được: công có giá trị bằng lực nhân với quãng đường dịch chuyển theo hướng của lực, công suất là tốc độ thực hiện công.

 – Liệt kê được một số đơn vị thường dùng đo công và công suất.

 – Tính được công và công suất trong một số trường hợp đơn giản.

Ánh sáng  
– Sự khúc xạ

 – Sự tán sắc

 – Màu sắc

 – Lăng kính

 – Sự phản xạ toàn phần

 – Thấu kính

 – Kính lúp

– Thực hiện thí nghiệm chứng tỏ được khi truyền từ môi trường này sang môi trường khác, tia sáng có thể bị khúc xạ (bị lệch khỏi phương truyền ban đầu).

 – Nêu được chiết suất có giá trị bằng tỉ số tốc độ ánh sáng trong không khí (hoặc chân không) với tốc độ ánh sáng trong môi trường.

 – Thực hiện được thí nghiệm để rút ra và phát biểu được định luật khúc xạ ánh sáng.

 – Vận dụng được biểu thức n = sini / sinr trong một số trường hợp đơn giản.

 – Vẽ được sơ đồ đường truyền của tia sáng qua lăng kính.

 – Thực hiện thí nghiệm với lăng kính tạo được quang phổ của ánh sáng trắng qua lăng kính.

 – Giải thích được một cách định tính sự tán sắc ánh sáng Mặt Trời qua lăng kính.

 – Từ kết quả thí nghiệm truyền ánh sáng qua lăng kính, nêu được khái niệm về ánh sáng màu.

 – Nêu được màu sắc của một vật được nhìn thấy phụ thuộc vào màu sắc của ánh sáng bị vật đó hấp thụ và phản xạ.

 – Thực hiện thí nghiệm để rút ra được điều kiện xảy ra phản xạ toàn phần và xác định được góc tới hạn.

 – Giải thích được nguyên lí hoạt động của thấu kính bằng việc sử dụng sự khúc xạ của một số các lăng kính nhỏ.

 – Nêu được các khái niệm: quang tâm, trục chính, tiêu điểm chính và tiêu cự của thấu kính.

 – Tiến hành thí nghiệm rút ra được đường đi một số tia sáng qua thấu kính (tia qua quang tâm, tia song song quang trục chính).

 – Vẽ được ảnh qua thấu kính.

 – Thực hiện thí nghiệm khẳng định được: Ảnh thật là ảnh hứng được trên màn; ảnh ảo là ảnh không hứng được trên màn.

 – Vẽ được sơ đồ tỉ lệ để giải các bài tập đơn giản về thấu kính hội tụ.

 – Mô tả được cấu tạo và sử dụng được kính lúp.

 – Đo được tiêu cự của thấu kính hội tụ bằng dụng cụ thực hành.

 – Vận dụng kiến thức về sự truyền ánh sáng, màu sắc ánh sáng, giải thích được một số hiện tượng đơn giản thường gặp trong thực tế.

Điện  
– Điện trở

 – Định luật Ohm

 – Đoạn mạch một chiều mắc nối tiếp, mắc song song

 – Năng lượng của dòng điện và công suất điện

– Thực hiện thí nghiệm đơn giản để nêu được điện trở có tác dụng cản trở dòng điện trong mạch.

 – Nêu được (không yêu cầu thành lập): Công thức tính điện trở của một đoạn dây dẫn (theo độ dài, tiết diện, điện trở suất); công thức tính điện trở tương đương của đoạn mạch một chiều nối tiếp, song song.

 – Sử dụng công thức đã cho để tính được điện trở của một đoạn dây dẫn, điện trở tương đương của đoạn mạch một chiều nối tiếp, song song trong một số trường hợp đơn giản.

 – Thực hiện thí nghiệm để xây dựng được định luật Ohm: cường độ dòng điện đi qua một đoạn dây dẫn tỉ lệ thuận với hiệu điện thế giữa hai đầu đoạn dây và tỉ lệ nghịch với điện trở của nó.

 – Thực hiện thí nghiệm để rút ra được: Trong đoạn mạch điện mắc nối tiếp, cường độ dòng điện là như nhau cho mọi điểm; trong đoạn mạch điện mắc song song, tổng cường độ dòng điện trong các nhánh bằng cường độ dòng điện chạy trong mạch chính.

 – Tính được cường độ dòng điện trong đoạn mạch một chiều mắc nối tiếp, mắc song song, trong một số trường hợp đơn giản.

 – Nêu được công suất điện định mức của dụng cụ điện (công suất mà dụng cụ tiêu thụ khi hoạt động bình thường).

 – Lấy ví dụ để chứng tỏ được dòng điện có năng lượng.

 – Tính được năng lượng của dòng điện và công suất điện trong trường hợp đơn giản.

 – Lắp được mạch điện và đo được giá trị cường độ dòng điện trong một đoạn mạch điện mắc nối tiếp.

 – Lắp được mạch điện và đo được giá trị cường độ dòng điện trong một đoạn mạch điện mắc song song.

Điện từ  
– Cảm ứng điện từ

 – Nguyên tắc tạo ra dòng điện xoay chiều

 – Tác dụng của dòng điện xoay chiều

– Thực hiện thí nghiệm để rút ra được: Khi số đường sức từ xuyên qua tiết diện của cuộn dây dẫn kín biến thiên thì trong cuộn dây đó xuất hiện dòng điện cảm ứng.

 – Thực hiện thí nghiệm để nêu được nguyên tắc tạo ra dòng điện xoay chiều (dòng điện luân phiên đổi chiều).

 – Lấy được ví dụ chứng tỏ dòng điện xoay chiều có tác dụng nhiệt, phát sáng, tác dụng từ, tác dụng sinh lí.

Năng lượng với cuộc sống  
– Vòng năng lượng trên Trái Đất

 – Năng lượng hoá thạch

 – Năng lượng tái tạo

– Dựa vào ảnh (hoặc hình vẽ) mô tả vòng năng lượng trên Trái Đất để rút ra được: năng lượng của Trái Đất đến từ Mặt Trời.

 – Nêu được sơ lược ưu điểm và nhược điểm của năng lượng hoá thạch.

 – Lấy được ví dụ chứng tỏ việc đốt cháy các nhiên liệu hoá thạch có thể gây ô nhiễm môi trường.

 – Thảo luận để chỉ ra được giá nhiên liệu phụ thuộc vào chi phí khai thác nó.

 – Nêu được sơ lược ưu điểm và nhược điểm của một số dạng năng lượng tái tạo (năng lượng Mặt Trời, năng lượng từ gió, năng lượng từ sóng biển, năng lượng từ dòng sông).

 – Thảo luận để nêu được một số biện pháp sử dụng hiệu quả năng lượng và bảo vệ môi trường.

Kim loại  
– Tính chất chung của kim loại – Nêu được tính chất vật lí của kim loại.

 – Trình bày được tính chất hoá học cơ bản của kim loại: Tác dụng với phi kim (oxygen, lưu huỳnh, chlorine), nước hoặc hơi nước, dung dịch hydrochloric acid (axit clohiđric), dung dịch muối.

 – Mô tả được một số khác biệt về tính chất giữa các kim loại thông dụng (nhôm, sắt, vàng…).

– Dãy hoạt động hoá học – Tiến hành được một số thí nghiệm hoặc mô tả được thí nghiệm (qua hình vẽ hoặc học liệu điện tử thí nghiệm) khi cho kim loại tiếp xúc với nước, hydrochloric acid…

 – Nêu được dãy hoạt động hoá học (K, Na, Ca, Mg, Al, Zn, Fe, Pb, H, Cu, Ag, Au).

 – Trình bày được ý nghĩa của dãy hoạt động hoá học.

– Tách kim loại và việc sử dụng hợp kim – Nêu được phương pháp tách kim loại theo mức độ hoạt động hoá học của chúng.

 – Trình bày được quá trình tách một số kim loại có nhiều ứng dụng, như:

 + Tách sắt ra khỏi iron(III) oxide (sắt(III) oxit) bởi carbon oxide (oxit cacbon);

 + Tách nhôm ra khỏi aluminium oxide (nhôm oxit) bởi phản ứng điện phân;

 + Tách kẽm khỏi zinc sulfide (kẽm sunfua) bởi oxygen và carbon (than)

 – Nêu được khái niệm hợp kim.

 – Giải thích vì sao trong một số trường hợp thực tiễn, kim loại được sử dụng dưới dạng hợp kim;

 – Nêu được thành phần, tính chất đặc trưng của một số hợp kim phổ biến, quan trọng, hiện đại.

 – Trình bày được các giai đoạn cơ bản sản xuất gang và thép trong lò cao từ nguồn quặng chứa iron (III) oxide.

Sự khác nhau cơ bản giữa phi kim và kim loại – Nêu được ứng dụng của một số đơn chất phi kim thiết thực trong cuộc sống (than, lưu huỳnh, khí chlorine…).

 – Chỉ ra được sự khác nhau cơ bản về một số tính chất giữa phi kim và kim loại: Khả năng dẫn điện, nhiệt độ nóng chảy, nhiệt độ sôi, khối lượng riêng; khả năng tạo ion dương, ion âm; phản ứng với oxygen tạo oxide acid, oxide base.

Khai thác tài nguyên từ vỏ Trái đất

 – Sơ lược về hoá học vỏ Trái Đất và khai thác tài nguyên từ vỏ Trái Đất

– Nêu được hàm lượng các nguyên tố hoá học chủ yếu trong vỏ Trái Đất.

 – Phân loại được các dạng chất chủ yếu trong vỏ Trái Đất (oxide, muối, …).

 – Trình bày được những lợi ích cơ bản về kinh tế, xã hội từ việc khai thác vỏ Trái Đất (nhiên liệu, vật liệu, nguyên liệu); lợi ích của sự tiết kiệm và bảo vệ nguồn tài nguyên, sử dụng vật liệu tái chế, … phục vụ cho sự phát triển bền vững.

– Khai thác đá vôi – Trình bày được nguồn đá vôi, thành phần chính của đá vôi trong tự nhiên; các ứng dụng từ đá vôi: sản phẩm đá vôi nghiền, calcium oxide, calcium hydroxide, nguyên liệu sản xuất xi măng.
– Công nghiệp silicate – Nêu được một số ứng dụng quan trọng của silicon (silic) và hợp chất của silicon.

 – Trình bày được sơ lược ngành công nghiệp silicate.

 – Mô tả được các công đoạn chính sản xuất đồ gốm, thuỷ tinh, xi măng.

– Khai thác nhiên liệu hoá thạch – Nêu được khái niệm nhiên liệu hoá thạch.

 – Trình bày được lợi ích của việc sử dụng nhiên liệu hoá thạch và thực trạng của việc khai thác nhiên liệu hoá thạch hiện nay.

 – Nêu được một số giải pháp hạn chế việc sử dụng nhiên liệu hoá thạch

– Nguồn carbon. Chu trình carbon và sự ấm lên toàn cầu – Nêu được một số dạng tồn tại phổ biến của nguyên tố carbon trong tự nhiên (than, kim cương, carbon dioxide, các muối carbonate, các hợp chất hữu cơ).

 – Trình bày được sản phẩm và sự phát năng lượng từ quá trình đốt cháy than, các hợp chất hữu cơ; chu trình carbon trong tự nhiên và vai trò của carbon dioxide trong chu trình đó.

 – Trình bày được nguồn gốc tự nhiên và nguồn gốc nhân tạo của methane (metan).

 – Nêu được khí carbon dioxide và methane là nguyên nhân chính gây hiệu ứng nhà kính, sự ấm lên toàn cầu

 – Trình bày được những bằng chứng của biến đổi khí hậu, thời tiết do tác động của sự ấm lên toàn cầu trong thời gian gần đây; những dự đoán về các tác động tiêu cực trước mắt và lâu dài.

 – Nêu được được một số biện pháp giảm lượng khí thải carbon dioxide ở trong nước và ở phạm vi toàn cầu.

Giới thiệu về chất hữu cơ – Nêu được khái niệm hợp chất hữu cơ, hoá học hữu cơ.

 – Nêu được khái niệm công thức phân tử, công thức cấu tạo và ý nghĩa của nó; đặc điểm cấu tạo hợp chất hữu cơ.

 – Phân biệt được chất vô cơ hay hữu cơ theo công thức phân tử.

 – Trình bày được sự phân loại sơ bộ hợp chất hữu cơ gồm hydrocarbon (hiđrocacbon) và dẫn xuất của hydrocarbon.

Hydrocarbon (hiđrocacbon) và nguồn nhiên liệu  
– Hydrocarbon

 + Alkane (ankan)

– Nêu được khái niệm hydrocarbon, alkane.

 – Viết được công thức cấu tạo và gọi tên được một số alkane (ankan) đơn giản và thông dụng (C1 – C4).

 – Viết được phương trình hoá học phản ứng đốt cháy của butane.

 – Tiến hành được (hoặc quan sát qua học liệu điện tử) thí nghiệm đốt cháy butane từ đó rút ra được tính chất hoá học cơ bản của alkane.

 – Trình bày được ứng dụng làm nhiên liệu của alkane trong thực tiễn.

+ Alkene (Anken) – Nêu được khái niệm về alkene.

 – Viết được công thức cấu tạo và nêu được tính chất vật lí của ethylene.

 – Trình bày được tính chất hoá học của ethylene (phản ứng cháy, phản ứng làm mất màu nước bromine (nước brom), phản ứng trùng hợp. Viết được các phương trình hoá học xảy ra.

 – Tiến hành được thí nghiệm (hoặc quan sát thí nghiệm) của ethylene: phản ứng đốt cháy, phản ứng làm mất màu nước bromine, quan sát và giải thích được tính chất hoá học cơ bản của alkene.

 – Trình bày được một số ứng dụng của ethylene: tổng hợp ethylic alcohol, tổng hợp nhựa polyethylene (PE).

– Nguồn nhiên liệu – Nêu được khái niệm, thành phần, trạng thái tự nhiên của dầu mỏ, khí thiên nhiên và khí mỏ dầu.

 – Trình bày được phương pháp khai thác dầu mỏ, khí thiên nhiên và khí mỏ dầu; một số sản phẩm chế biến từ dầu mỏ; ứng dụng của dầu mỏ và khí thiên nhiên (là nguồn nhiên liệu và nguyên liệu quý trong công nghiệp).

 – Nêu được khái niệm về nhiên liệu, các dạng nhiên liệu phổ biến (rắn, lỏng, khí).

 – Trình bày được cách sử dụng nhiên liệu (gas, dầu hỏa, than…), từ đó có cách ứng xử thích hợp đối với việc sử dụng nhiên liệu (gas, xăng, dầu hỏa, than…) trong cuộc sống.

Ethylic alcohol (ancol etylic) và acetic acid (axit axetic)  
– Ethylic alcohol – Viết được công thức phân tử, công thức cấu tạo và nêu được đặc điểm cấu tạo của ethylic alcohol.

 – Quan sát mẫu vật hoặc hình ảnh, trình bày được một số tính chất vật lí của ethylic alcohol: trạng thái, màu sắc, mùi vị, tính tan, khối lượng riêng, nhiệt độ sôi.

 – Nêu được khái niệm và ý nghĩa của độ cồn.

 – Trình bày được tính chất hoá học của ethylic alcohol: phản ứng cháy, phản ứng với natri.

 Viết được các phương trình hoá học xảy ra.

 – Tiến hành được (hoặc quan sát qua video) thí nghiệm phản ứng cháy, phản ứng với natri của ethylic alcohol, nêu và giải thích hiện tượng thí nghiệm, nhận xét và rút ra kết luận về tính chất hoá học cơ bản của ethylic alcohol.

 – Trình bày được phương pháp điều chế ethylic alcohol từ tinh bột và từ ethylene.

 – Nêu được ứng dụng của ethylic alcohol (dung môi, nhiên liệu,…).

 – Trình bày được tác hại của việc lạm dụng rượu bia.

– Acetic acid – Quan sát mô hình hoặc hình vẽ, viết được công thức phân tử, công thức cấu tạo; nêu được đặc điểm cấu tạo của acid acetic.

 – Quan sát mẫu vật hoặc hình ảnh, trình bày được một số tính chất vật lí của acetic acid: trạng thái, màu sắc, mùi vị, tính tan, khối lượng riêng, nhiệt độ sôi.

 – Trình bày được phương pháp điều chế acetic acid bằng cách lên men ethylic alcohol.

 – Trình bày được tính chất hoá học của acetic acid: phản ứng với quỳ tím, đá vôi, kim loại, oxide kim loại, base, phản ứng cháy, phản ứng ester hoá. Viết được các phương trình hoá học xảy ra.

 – Tiến hành được (hoặc quan sát qua video) thí nghiệm của acid acetic (phản ứng với quỳ tím, đá vôi, kim loại, oxide kim loại, base, phản ứng cháy, phản ứng ester hoá), nhận xét, rút ra được tính chất hoá học cơ bản của acetic acid.

 – Nêu được khái niệm ester và phản ứng ester hoá.

 – Trình bày được ứng dụng của acetic acid (làm nguyên liệu, làm giấm).

Lipid (Lipit) -Carbohydrate (cacbohiđrat) – Protein  
– Lipid (lipid) và chất béo – Nêu được khái niệm lipid, khái niệm chất béo, trạng thái thiên nhiên, công thức tổng quát của chất béo đơn giản là (R-COO)3C3H5, đặc điểm cấu tạo.

 – Trình bày được tính chất vật lí của chất béo (trạng thái, tính tan) và tính chất hoá học (phản ứng xà phòng hoá). Viết được phương trình hoá học xảy ra.

 – Nêu được vai trò của lipid tham gia vào cấu tạo tế bào và tích lũy năng lượng trong cơ thể.

 – Trình bày được ứng dụng của chất béo và đề xuất biện pháp sử dụng chất béo cho phù hợp trong việc ăn uống hàng ngày để có cơ thể khoẻ mạnh, tránh được bệnh béo phì.

– Carbohydrate (cacbohiđrat)

 + Glucose (glucozơ) và saccharose (saccarozơ)

– Nêu được thành phần nguyên tố, công thức chung của carbohydrate.

 – Nêu được công thức phân tử, trạng thái tự nhiên, tính chất vật lí (trạng thái, màu sắc, mùi, vị, tính tan, khối lượng riêng) của glucose và saccharose.

 – Trình bày được tính chất hoá học của glucose (phản ứng tráng bạc, phản ứng lên men rượu), của saccharose (phản ứng thuỷ phân có xúc tác axit hoặc enzyme). Viết được các phương trình hoá học xảy ra dưới dạng công thức phân tử.

 – Tiến hành được thí nghiệm (hoặc quan sát thí nghiệm) phản ứng tráng bạc của glucose.

 – Trình bày được vai trò và ứng dụng của glucose (chất dinh dưỡng quan trọng của nguời và động vật) và của saccharose (nguyên liệu quan trọng trong công nghiệp thực phẩm). Ý thức được tầm quan trọng của việc sử dụng hợp lí saccharose. Nhận biết được các loại thực phẩm giàu saccharose và hoa quả giàu glucose.

+ Tinh bột và cellulose (xenlulozơ) – Nêu được trạng thái tự nhiên, tính chất vật lí của tinh bột và cellulose.

 – Trình bày được tính chất hoá học của tinh bột và cellulose (xenlulozơ): phản ứng thuỷ phân; hồ tinh bột có phản ứng màu với iodine (iot). Viết được các phương trình hoá học của phản ứng thuỷ phân dưới dạng công thức phân tử.

 – Tiến hành được (hoặc quan sát qua video) thí nghiệm phản ứng thuỷ phân; phản ứng màu với iodine; nêu được hiện tượng thí nghiệm, nhận xét và rút ra kết luận về tính chất hoá học của tinh bột và cellulose (xenlulozơ).

 – Trình bày được ứng dụng của tinh bột và cellulose trong đời sống và sản xuất, sự tạo thành tinh bột, cellulose và vai trò của chúng trong cây xanh.

 – Nêu được tầm quan trọng của sự tạo thành tinh bột, cellulose trong cây xanh.

 – Nhận biết được các loại lương thực, thực phẩm giàu tinh bột và biết cách sử dụng hợp lí tinh bột.

– Protein – Nêu được khái niệm, đặc điểm cấu tạo phân tử (do nhiều amino acid tạo nên, liên kết peptit) và khối lượng phân tử của protein.

 – Trình bày được tính chất hoá học của protein: Phản ứng thuỷ phân có xúc tác acid, base hoặc enzyme, bị đông tụ khi có tác dụng của acid, base hoặc nhiệt độ; dễ bị phân huỷ khi đun nóng mạnh.

 – Tiến hành được (hoặc quan sát qua video) thí nghiệm của protein: bị đông tụ khi có tác dụng của HCl, nhiệt độ, dễ bị phân huỷ khi đun nóng mạnh.

 – Phân biệt được protein (len lông cừu, tơ tằm) với chất khác (tơ nylon).

 – Trình bày được vai trò của protein đối với cơ thể con người.

Polymer (polime) – Nêu được khái niệm polymer, monomer, mắt xích…, cấu tạo, phân loại polymer (polymer thiên nhiên và polymer tổng hợp).

 – Trình bày được tính chất vật lí chung của polymer (trạng thái, khả năng tan).

 – Viết được các phương trình hoá học của phản ứng điều chế PE, PP từ các monomer.

 – Nêu được khái niệm chất dẻo, tơ, cao su, vật liệu composite và cách sử dụng, bảo quản một số vật dụng làm bằng chất dẻo, tơ, cao su trong gia đình an toàn, hiệu quả.

 – Trình bày được ứng dụng của polyethylene; vấn đề ô nhiễm môi trường khi sử dụng polymer không phân huỷ sinh học (polyethylene) và các cách hạn chế gây ô nhiễm môi trường khi sử dụng vật liệu polymer trong đời sống.

Hiện tượng di truyền  
– Khái niệm di truyền, khái niệm biến dị

 – Gene

– Nêu được khái niệm di truyền, khái niệm biến dị.

 – Nêu được gene quy định di truyền và biến dị ở sinh vật, qua đó gene được xem là trung tâm của di truyền học.

Mendel và khái niệm nhân tố di truyền (gene)  
– Phương pháp nghiên cứu di truyền của Mendel

 – Thuật ngữ, kí hiệu

 – Lai 1 cặp tính trạng

 – Lai 2 cặp tính trạng

– Nêu được ý tưởng của Mendel là cơ sở cho những nghiên cứu về nhân tố di truyền (gene).

 – Dựa vào thí nghiệm lai một cặp tính trạng, nêu được các thuật ngữ trong nghiên cứu các quy luật di truyền: tính trạng, nhân tố di truyền, cơ thể thuần chủng, cặp tính trạng tương phản, tính trạng trội, tính trạng lặn, kiểu hình, kiểu gene, allele (alen), dòng thuần.

 – Phân biệt, sử dụng được một số kí hiệu trong nghiên cứu di truyền học (P, F1, F2, …).

 – Dựa vào công thức lai 1 cặp tính trạng và kết quả lai trong thí nghiệm của Mendel, phát biểu được quy luật phân li; giải thích được kết quả thí nghiệm theo Mendel.

 – Trình bày được thí nghiệm lai phân tích. Nêu được vai trò của phép lai phân tích.

 – Dựa vào công thức lai 2 cặp tính trạng và kết quả lai trong thí nghiệm của Mendel, phát biểu được quy luật phân li độc lập và tổ hợp tự do. Giải thích được kết quả thí nghiệm theo Mendel.

Từ gene đến protein  
– Bản chất hoá học của gene

 – Đột biến gen

– Nêu được khái niệm nucleic acid. Kể tên được các loại nucleic acid: DNA (Deoxyribonucleic acid) và RNA (Ribonucleic acid).

 – Thông qua hình ảnh, mô tả được DNA có cấu trúc xoắn kép, gồm các đơn phân là 4 loại nucleotide, các nucleotide liên kết giữa 2 mạch theo nguyên tắc bổ sung.

 – Nêu được chức năng của DNA trong việc lưu giữ, bảo quản, truyền đạt thông tin di truyền.

 – Giải thích được vì sao chỉ từ 4 loại nucleotide nhưng tạo ra được sự đa dạng của phân tử DNA.

 – Trình bày được RNA có cấu trúc 1 mạch, chứa 4 loại ribonucleotide.

 – Phân biệt được các loại RNA dựa vào chức năng.

 – Nêu được khái niệm gene.

 – Phát biểu được khái niệm đột biến gene. Lấy được ví dụ minh hoạ. Trình bày được ý nghĩa và tác hại của đột biến gene.

 – Nêu được sơ lược về tính đặc trưng cá thể của hệ gene và một số ứng dụng của phân tích DNA trong xác định huyết thống, truy tìm tội phạm,…

– Quá trình tái bản DNA – Quan sát hình ảnh (hoặc sơ đồ), mô tả sơ lược quá trình tái bản của DNA gồm các giai đoạn: tháo xoắn tách hai mạch đơn, các nucleotide tự do trong môi trường tế bào kết hợp 2 mạch đơn theo nguyên tắc bổ sung. Kết quả tạo 2 DNA con giống DNA mẹ, từ đó nêu được ý nghĩa di truyền của tái bản DNA.
– Quá trình phiên mã – Dựa vào sơ đồ, hình ảnh quá trình phiên mã, nêu được khái niệm phiên mã.
– Quá trình dịch mã – Nêu được khái niệm mã di truyền, giải thích được từ 4 loại nucleotide tạo ra được sự đa dạng của mã di truyền; nêu được ý nghĩa của đa dạng mã di truyền, mã di truyền quy định thành phần hoá học và cấu trúc của protein.

 – Dựa vào sơ đồ hoặc hình ảnh quá trình dịch mã, nêu được khái niệm dịch mã.

– Từ gene đến tính trạng – Dựa vào sơ đồ, nêu được mối quan hệ giữa DNA – RNA – protein – tính trạng thông qua phiên mã, dịch mã và ý nghĩa di truyền của mối quan hệ này.

 – Vận dụng kiến thức “từ gene đến tính trạng”, nêu được cơ sở của sự đa dạng về tính trạng của các loài.

Nhiễm sắc thể  
– Khái niệm nhiễm sắc thể

 – Cấu trúc nhiễm sắc thể

 – Đặc trưng bộ nhiễm sắc thể

 – Bộ nhiễm sắc thể: lưỡng bội, đơn bội

 – Đột biến nhiễm sắc thể

– Nêu được khái niệm nhiễm sắc thể. Lấy được ví dụ chứng minh mỗi loài có bộ nhiễm sắc thể đặc trưng.

 – Mô tả được hình dạng nhiễm sắc thể thông qua hình vẽ nhiễm sắc thể ở kì giữa với tâm động, các cánh.

 – Dựa vào hình ảnh (hoặc mô hình, học liệu điện tử) mô tả được cấu trúc nhiễm sắc thể có lõi là DNA và cách sắp xếp của gene trên nhiễm sắc thể.

 – Phân biệt được bộ nhiễm sắc thể lưỡng bội, đơn bội. Lấy được ví dụ minh hoạ.

 – Nêu được khái niệm đột biến nhiễm sắc thể. Lấy được ví dụ minh hoạ. Trình bày được ý nghĩa và tác hại của đột biến nhiễm sắc thể.

 – Quan sát được tiêu bản nhiễm sắc thể dưới kính hiển vi.

Di truyền nhiễm sắc thể  
– Nguyên phân

 – Giảm phân

 – Cơ chế xác định giới tính

 – Di truyền liên kết

– Dựa vào hình vẽ (hoặc sơ đồ, học liệu điện tử) về quá trình nguyên phân nêu được khái niệm nguyên phân.

 – Dựa vào hình vẽ (hoặc sơ đồ, học liệu điện tử) về quá trình giảm phân nêu được khái niệm giảm phân.

 – Phân biệt được nguyên phân và giảm phân; nêu được ý nghĩa của nguyên phân, giảm phân trong di truyền và mối quan hệ giữa hai quá trình này trong sinh sản hữu tính.

 – Nêu được nhiễm sắc thể vừa là vật chất mang thông tin di truyền vừa là đơn vị truyền đạt vật chất di truyền qua các thế hệ tế bào và cơ thể.

 – Trình bày được cơ chế biến dị tổ hợp thông qua sơ đồ đơn giản về quá trình giảm phân và thụ tinh (minh hoạ bằng sơ đồ lai 2 cặp gene).

 – Trình bày được các ứng dụng và lấy được ví dụ của nguyên phân và giảm phân trong thực tiễn.

 – Nêu khái niệm nhiễm sắc thể giới tính và nhiễm sắc thể thường.

 – Trình bày được cơ chế xác định giới tính. Nêu được một số yếu tố ảnh hưởng đến sự phân hoá giới tính.

 – Dựa vào sơ đồ phép lai trình bày được khái niệm di truyền liên kết và phân biệt với quy luật phân li độc lập. Nêu được một số ứng dụng về di truyền liên kết trong thực tiễn.

Di truyền học với con người  
– Tính trạng ở người

 – Bệnh và tật di truyền ở người

– Nêu được một số ví dụ về tính trạng ở người.

 – Nêu được khái niệm về bệnh và tật di truyền ở người.

 – Trình bày được một số tác nhân gây bệnh di truyền như: các chất phóng xạ từ các vụ nổ, thử vũ khí hạt nhân, hoá chất do công nghiệp, thuốc trừ sâu, diệt cỏ.

 – Kể tên được một số hội chứng và bệnh di truyền ở người (Down (Đao), Turner (Tơcnơ), bệnh câm điếc bẩm sinh, bạch tạng).

 – Dựa vào ảnh (hoặc học liệu điện tử) kể tên được một số tật di truyền ở người (hở khe môi, hàm; dính ngón tay).

 – Tìm hiểu được một số bệnh di truyền ở địa phương.

– Di truyền học với hôn nhân – Nêu được vai trò của di truyền học với hôn nhân và trình bày được quan điểm về lựa chọn giới tính trong sinh sản ở người. Nêu được ý nghĩa của việc cấm kết hôn gần huyết thống.

 – Tìm hiểu được tuổi kết hôn ở địa phương.

Ứng dụng công nghệ di truyền vào đời sống – Nêu được một số ứng dụng công nghệ di truyền trong y học, pháp y, làm sạch môi trường, nông nghiệp, an toàn sinh học.

 – Nêu được một số vấn đề về đạo đức sinh học trong nghiên cứu và ứng dụng công nghệ di truyền.

 – Tìm hiểu được một số sản phẩm ứng dụng công nghệ di truyền tại địa phương.

Tiến hoá  
– Khái niệm tiến hoá – Phát biểu được khái niệm tiến hoá.
– Chọn lọc nhân tạo – Phát biểu được khái niệm chọn lọc nhân tạo.

 – Trình bày được một số bằng chứng của quá trình chọn lọc do con người tiến hành đưa đến sự đa dạng và thích nghi của các loài vật nuôi và cây trồng từ vài dạng hoang dại ban đầu.

– Chọn lọc tự nhiên – Phát biểu được khái niệm chọn lọc tự nhiên. Dựa vào các hình ảnh hoặc sơ đồ, mô tả được quá trình chọn lọc tự nhiên.

 – Thông qua phân tích các ví dụ về tiến hoá thích nghi, chứng minh được vai trò của chọn lọc tự nhiên đối với sự hình thành đặc điểm thích nghi và đa dạng của sinh vật.

– Cơ chế tiến hoá – Nêu được quan điểm của Lamark về cơ chế tiến hoá.

 – Trình bày được quan điểm của Darwin về cơ chế tiến hoá.

 – Trình bày được một số luận điểm về tiến hoá theo quan niệm của thuyết tiến hoá tổng hợp hiện đại (cụ thể: nguồn biến dị di truyền của quần thể, các nhân tố tiến hoá, cơ chế tiến hoá lớn).

– Sự phát sinh và phát triển sự sống trên Trái Đất – Dựa vào sơ đồ, trình bày được khái quát sự phát triển của thế giới sinh vật trên Trái Đất; nguồn gốc xuất hiện của sinh vật nhân thực từ sinh vật nhân sơ; sự xuất hiện và sự đa dạng hoá của sinh vật đa bào.

 – Dựa vào sơ đồ, trình bày được khái quát sự hình thành loài người.

  1. PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC
  2. Định hướng chung

 Phương pháp giáo dục môn Khoa học tự nhiên được thực hiện theo các định hướng chung sau đây:

  1. a) Phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh; tránh áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc; bồi dưỡng năng lực tự chủ và tự học để học sinh có thể tiếp tục tìm hiểu, mở rộng vốn tri thức, tiếp tục phát triển sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở.
  2. b) Rèn luyện kĩ năng vận dụng kiến thức khoa học tự nhiên để phát hiện và giải quyết các vấn đề trong thực tiễn; khuyến khích và tạo điều kiện cho học sinh được trải nghiệm, sáng tạo trên cơ sở tổ chức cho học sinh tham gia các hoạt động học tập, tìm tòi, khám phá, vận dụng kiến thức, kĩ năng.
  3. c) Vận dụng các phương pháp giáo dục một cách linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với mục tiêu, nội dung giáo dục, đối tượng học sinh và điều kiện cụ thể. Tùy theo yêu cầu cần đạt, giáo viên có thể sử dụng phối hợp nhiều phương pháp dạy học trong một chủ đề. Các phương pháp dạy học truyền thống (thuyết trình, đàm thoại,…) được sử dụng theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh. Tăng cường sử dụng các phương pháp dạy học hiện đại đề cao vai trò chủ thể học tập của học sinh (dạy học thực hành, dạy học dựa trên giải quyết vấn đề, dạy học dựa trên dự án, dạy học dựa trên trải nghiệm, khám phá; dạy học phân hoá,… cùng những kĩ thuật dạy học phù hợp).
  4. d) Các hình thức tổ chức dạy học được thực hiện đa dạng và linh hoạt; kết hợp các hình thức học cá nhân, học nhóm, học ở lớp, học theo dự án học tập, tự học,… Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy học khoa học tự nhiên. Coi trọng sử dụng các nguồn tư liệu ngoài sách giáo khoa và hệ thống các thiết bị dạy học được trang bị; khai thác triệt để những lợi thế của công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy học, tăng cường sử dụng các học liệu điện tử (như video về các thí nghiệm, thí nghiệm ảo, thí nghiệm mô phỏng, …).
  5. Định hướng về phương pháp hình thành, phát triển các phẩm chất chủ yếu và năng lực chung

 2.1. Phương pháp hình thành và phát triển các phẩm chất chủ yếu

 Thông qua việc tổ chức các hoạt động học tập, giáo viên giúp học sinh hình thành và phát triển thế giới quan khoa học, rèn luyện tính trung thực, tình yêu lao động và tinh thần trách nhiệm; dựa vào các hoạt động thực nghiệm, thực hành, đặc biệt là tham quan, thực hành ở phòng thực hành, cơ sở sản xuất và các địa bàn khác nhau để góp phần nâng cao nhận thức của học sinh về việc bảo vệ và sử dụng hợp lí các nguồn tài nguyên thiên nhiên, tinh thần trách nhiệm của người lao động và nguyên tắc bảo đảm an toàn trong lao động sản xuất. Giáo viên cũng cần vận dụng các hình thức học tập đa dạng để bồi dưỡng hứng thú và sự tự tin trong học tập, yêu thích tìm tòi khám phá khoa học, biết trân trọng những thành quả, công lao của các nhà khoa học, biết vận dụng kiến thức khoa học cho học sinh.

 2.2. Phương pháp hình thành, phát triển các năng lực chung a) Năng lực tự chủ và tự học

 Thông qua phương pháp tổ chức dạy học, môn Khoa học tự nhiên rèn luyện cho học sinh phương pháp tự học, tự khám phá để chiếm lĩnh kiến thức khoa học. Năng lực tự chủ và tự học được hình thành và phát triển thông qua các hoạt động thực hành, làm dự án, thiết kế các hoạt động thực nghiệm trong phòng thực hành, ngoài thực địa, đặc biệt trong tổ chức tìm hiểu tự nhiên.

  1. b) Năng lực giao tiếp và hợp tác

 Năng lực giao tiếp và hợp tác được hình thành và phát triển thông qua các hoạt động như quan sát, xây dựng giả thuyết khoa học, lập và thực hiện kế hoạch kiểm chứng giả thuyết, thu thập và xử lí dữ kiện, tổng hợp kết quả và trình bày báo cáo kết quả nghiên cứu,…. Đó là những kĩ năng thường xuyên được rèn luyện trong dạy học các chủ đề của môn học.

 Môn Khoa học tự nhiên góp phần hình thành và phát triển năng lực hợp tác khi học sinh thường xuyên thực hiện các dự án học tập, các bài thực hành, thực tập theo nhóm, các hoạt động trải nghiệm. Khi thực hiện các hoạt động đó, học sinh cần làm việc theo nhóm, trong đó mỗi thành viên thực hiện các phần khác nhau của cùng một nhiệm vụ, học sinh được trao đổi, trình bày, chia sẻ ý tưởng, nội dung học tập.

  1. c) Năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo

 Giải quyết vấn đề và sáng tạo là hoạt động đặc thù trong quá trình tìm hiểu và khám phá thế giới tự nhiên. Năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo được hình thành và phát triển bằng biện pháp tổ chức cho học sinh đề xuất vấn đề, nêu giả thuyết, lập kế hoạch, thực hiện kế hoạch tìm hiểu các hiện tượng đa dạng của thế giới tự nhiên, gần gũi với cuộc sống hàng ngày.

  1. Định hướng về phương pháp hình thành, phát triển năng lực khoa học tự nhiên

 – Để phát triển thành phần năng lực nhận thức khoa học tự nhiên, giáo viên tạo cho học sinh cơ hội huy động những hiểu biết, kinh nghiệm sẵn có để tham gia hình thành kiến thức mới. Chú ý tổ chức các hoạt động, trong đó học sinh có thể diễn đạt hiểu biết bằng cách riêng; thực hiện so sánh, phân loại, hệ thống hoá kiến thức, vận dụng kiến thức đã học để giải thích các sự vật, hiện tượng hay giải quyết vấn đề đơn giản, qua đó, kết nối được kiến thức mới với hệ thống kiến thức.

 – Để phát triển thành phần năng lực tìm hiểu tự nhiên, giáo viên tạo điều kiện để học sinh đưa ra câu hỏi, vấn đề cần tìm hiểu; tạo cho học sinh cơ hội tham gia quá trình hình thành kiến thức mới, đề xuất và kiểm tra dự đoán, giả thuyết; thu thập bằng chứng, phân tích, xử lí để rút ra kết luận, đánh giá kết quả thu được.

 Giáo viên cần vận dụng một số phương pháp có ưu thế phát triển năng lực thành phần này như: thực nghiệm, điều tra, dạy học giải quyết vấn đề, dạy học dự án,… Học sinh có thể tự tìm các bằng chứng để kiểm tra các dự đoán, các giả thuyết qua việc thực hiện thí nghiệm, hoặc tìm kiếm, thu thập thông tin qua sách, internet, điều tra,…; phân tích, xử lí thông tin để kiểm tra dự đoán. Việc phát triển năng lực thành phần này cũng gắn với việc tạo cơ hội cho học sinh hình thành và phát triển kĩ năng lập kế hoạch, hợp tác trong hoạt động nhóm và kĩ năng giao tiếp qua các hoạt động trình bày, báo cáo hoặc thảo luận. Ngoài ra, xử lí dữ liệu khi làm các bài tập lí thuyết và thực hành để rút ra kết luận cũng giúp học sinh phát triển năng lực tìm hiểu tự nhiên.

 – Để phát triển thành phần năng lực vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học, giáo viên tạo cơ hội cho học sinh đề xuất hoặc tiếp cận với các tình huống thực tiễn. Học sinh được đọc, giải thích, trình bày thông tin về vấn đề thực tiễn cần giải quyết, trong đó kiến thức khoa học tự nhiên có thể được sử dụng để giải thích và đưa ra giải pháp. Cần quan tâm rèn luyện các kĩ năng góp phần hình thành và phát triển năng lực giải quyết vấn đề cho học sinh: phát hiện vấn đề; chuyển vấn đề thành dạng có thể giải quyết bằng vận dụng kiến thức khoa học tự nhiên; giải quyết vấn đề (thu thập, trình bày thông tin, xử lí thông tin để rút ra kết luận); nêu giải pháp khắc phục hoặc cải tiến.

 Giáo viên cần vận dụng một số phương pháp có ưu thế phát triển thành phần năng lực vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học như: dạy học giải quyết vấn đề, thực nghiệm, dạy học dự án,… Cần tạo cho học sinh những cơ hội để liên hệ, vận dụng phối hợp kiến thức, kĩ năng từ các lĩnh vực khác nhau trong môn học cũng như với các môn học khác vào giải quyết những vấn đề thực tế. Cần quan tâm sử dụng các bài tập đòi hỏi tư duy phản biện, sáng tạo (câu hỏi mở, có nhiều cách giải, gắn kết với sự phản hồi trong quá trình học,…). Cần kết hợp giáo dục STEM trong dạy học nhằm phát triển cho học sinh khả năng tích hợp các kiến thức, kĩ năng của các lĩnh vực khoa học tự nhiên, công nghệ, kĩ thuật, toán vào giải quyết một số tình huống thực tiễn.

 VII. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ GIÁO DỤC

  1. Định hướng chung

 Mục tiêu đánh giá kết quả giáo dục là cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, có giá trị về mức độ đạt chuẩn (yêu cầu cần đạt) của chương trình và sự tiến bộ của học sinh để hướng dẫn hoạt động học tập, điều chỉnh các hoạt động dạy học, quản lí và phát triể̉n chương trình, bảo đảm sự tiến bộ của từng học sinh và nâng cao chất lượng giáo dục.

 Căn cứ đánh giá là các yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực được quy định trong Chương trình tổng thể và chương trình môn học. Phạm vi đánh giá là toàn bộ nội dung và yêu cầu cần đạt của chương trình môn Khoa học tự nhiên. Đánh giá dựa trên các minh chứng là quá trình rèn luyện, học tập và các sản phẩm trong quá trình học tập của học sinh.

 Kết quả giáo dục được đánh giá bằng các hình thức định tính và định lượng thông qua đánh giá quá trình, đánh giá tổng kết ở cơ sở giáo dục, các kì đánh giá trên diện rộng ở cấp quốc gia, cấp địa phương và các kì đánh giá quốc tế.

 Việc đánh giá quá trình do giáo viên phụ trách môn học tổ chức, dựa trên kết quả đánh giá của giáo viên, của phụ huynh học sinh, của bản thân học sinh được đánh giá và của các học sinh khác trong tổ, trong lớp.

 Việc đánh giá tổng kết do cơ sở giáo dục tổ chức. Việc đánh giá trên diện rộng ở cấp quốc gia, cấp địa phương do tổ chức kiểm định chất lượng cấp quốc gia hoặc cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức để phục vụ công tác quản lí các hoạt động dạy học, phát triển chương trình và nâng cao chất lượng giáo dục.

 Phương thức đánh giá bảo đảm độ tin cậy, khách quan, phù hợp với từng lứa tuổi, từng cấp học, không gây áp lực lên học sinh, hạn chế tốn kém cho ngân sách nhà nước, gia đình học sinh và xã hội. Kiểm tra, đánh giá phải thực hiện được các chức năng và yêu cầu chính sau:

 – Đánh giá mức độ đạt được yêu cầu cần đạt và phương pháp dạy học.

 – Cung cấp thông tin phản hồi đầy đủ, chính xác kịp thời về kết quả học tập có giá trị cho học sinh tự điều chỉnh quá trình học; cho giáo viên điều chỉnh hoạt động dạy học; cho cán bộ quản lí nhà trường để có giải pháp cải thiện chất lượng giáo dục; cho gia đình để giám sát, giúp đỡ học sinh.

 – Tự đánh giá và đánh giá đồng đẳng của học sinh được chú ý và xem đó là biện pháp rèn luyện năng lực như tự học, tư duy phê phán; hình thành phẩm chất chăm học, vượt khó, tự chủ, tự tin,….

 – Kết hợp kiểm tra, đánh giá quá trình với đánh giá tổng kết; đánh giá định tính với đánh giá định lượng, trong đó đánh giá định lượng phải dựa trên đánh giá định tính được phản hồi kịp thời, chính xác.

 – Kiểm tra, đánh giá được phối hợp nhiều hình thức khác nhau bảo đảm đánh giá toàn diện nội dung, năng lực chung, năng lực đặc thù, phẩm chất.

 – Đánh giá yêu cầu tích hợp nội dung, kĩ năng để giải quyết vấn đề nhận thức và thực tiễn. Đây là phương thức hiệu quả đặc trưng cho đánh giá năng lực học sinh.

 – Chú trọng đánh giá kĩ năng thực hành khoa học tự nhiên.

  1. Một số hình thức kiểm tra, đánh giá

 Môn Khoa học tự nhiên sử dụng các hình thức đánh giá sau:

 – Đánh giá thông qua bài viết: bài tự luận, bài trắc nghiệm khách quan, bài tiểu luận, báo cáo, …

 – Đánh giá thông qua vấn đáp: câu hỏi vấn đáp, phỏng vấn, thuyết trình,…

 – Đánh giá thông qua quan sát: quan sát thái độ, hoạt động của học sinh qua bài thực hành thí nghiệm, thảo luận nhóm, học ngoài thực địa, tham quan các cơ sở khoa học, cơ sở sản xuất, thực hiện dự án vận dụng kiến thức vào thực tiễn,.. bằng một số công cụ như sử dụng bảng quan sát, bảng kiểm, hồ sơ học tập,…

 VIII. GIẢI THÍCH VÀ HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

  1. Giải thích thuật ngữ

 Trong Chương trình môn Khoa học tự nhiên, thuật ngữ hoá học được sử dụng theo khuyến nghị của Liên minh Quốc tế về Hoá học thuần tuý và Hoá học ứng dụng (IUPAC – International Union of Pure and Applied Chemistry) và Tiêu chuẩn Việt Nam (Tiêu chuẩn 5529:2010 và 5530:2010 của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng; Quyết định số 2950- QĐ/BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ; và Công văn 1041/BGDĐT-GDTrH của Bộ Giáo dục và Đào tạo, kí ngày 18 tháng 3 năm 2016). Trong trường hợp tiếng Việt đã có thuật ngữ dễ hiểu thì dùng tiếng Việt, cụ thể sử dụng tên tiếng Việt của 13 nguyên tố ở dạng đơn chất: vàng, bạc, đồng, chì, sắt, nhôm, kẽm, lưu huỳnh, thiếc, nitơ, natri, kali và thuỷ ngân; đồng thời ghi chú thuật ngữ tiếng Anh trong ngoặc đơn để tiện tra cứu. Một số thuật ngữ có nguồn gốc tiếng nước ngoài được chuyển ngữ thống nhất, ví dụ: “gravitional field”: trường hấp dẫn; “electric field”: trường điện hoặc theo thói quen dùng là điện trường; “magnettic field”: trường từ hoặc theo thói quen dùng là từ trường. Khi dùng các thuật ngữ này, người thực hiện chương trình sử dụng cách chuyển ngữ đồng nhất cho các thuật ngữ đó.

  1. a) Một số thuật ngữ chuyên môn

 Trong chương trình môn Khoa học tự nhiên, các thuật ngữ dưới đây được hiểu như sau:

 – Khoá lưỡng phân: là khoá phân loại một nhóm đối tượng thành hai nhóm dựa vào những nét đối lập.

 – Kĩ năng: là khả năng của học sinh nhận biết một vấn đề, đề xuất và thực hiện phương án để kiểm chứng giả thuyết và rút ra kết luận; mức độ khéo léo khi thực hiện các thao tác thực hành, thí nghiệm hoặc các thao tác khác theo yêu cầu của quá trình học tập.

 – Kĩ năng tiến trình: là khả năng của học sinh thực hiện các bước khảo sát, điều tra, nghiên cứu theo tiến trình nghiên cứu khoa học. Ví dụ, học sinh thực hiện liên hoàn các bước từ đặt câu hỏi nghiên cứu, đề xuất giả thuyết, đề xuất thứ tự giải quyết vấn đề đến thực hiện giải quyết vấn đề và rút ra kết luận.

 – Sự đa dạng: là sự phong phú, với số lượng nhiều và sự khác nhau của các đối tượng nghiên cứu trong tự nhiên.

 – Sự tương tác: là sự tác động qua lại lẫn nhau giữa các thành phần trong tự nhiên.

 – Sự vận động và biến đổi: Mọi sự vật, hiện tượng trong thế giới tự nhiên đều luôn vận động và biến đổi, làm thay đổi những đặc điểm của sự vật và hiện tượng so với sự vật và hiện tượng khác và so với ban đầu.

 – Thế giới quan khoa học: là toàn bộ những quan điểm, quan niệm có cơ sở khoa học của cá nhân hay xã hội về thế giới tự nhiên, về bản thân con người, về cuộc sống và vị trí của con người trong thế giới tự nhiên ấy.

 – Tính cấu trúc: là cấu tạo của sự vật, thể hiện ở sự sắp xếp các thành tố phù hợp với mối quan hệ giữa các thành tố và chức năng của sự vật, có tác dụng phân biệt sự vật đó với những sự vật cùng loại và khác loại. Tính cấu trúc là đặc điểm có cấu tạo riêng của sự vật.

 – Tính hệ thống: là sự tập hợp nhiều phần tử, nhiều yếu tố, đơn vị cùng loại hoặc cùng chức năng, có quan hệ hoặc liên hệ với nhau chặt chẽ trong tự nhiên.

 – Vật sống: là vật có các biểu hiện sống, như trao đổi chất và chuyển hoá năng lượng, sinh trưởng, phát triển, vận động, cảm ứng, sinh sản. Các dạng vật sống gồm: virus, vi khuẩn, nấm, nguyên sinh vật, thực vật, động vật,….

  1. b) Từ ngữ thể hiện mức độ các yêu cầu cần đạt

 Chương trình môn Khoa học tự nhiên sử dụng một số động từ để thể hiện mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt về năng lực của người học. Các động từ được sử dụng ở các mức độ khác nhau nhưng trong mỗi trường hợp thể hiện một hành động có đối tượng và yêu cầu cụ thể. Trong bảng tổng hợp dưới đây, đối tượng, yêu cầu cụ thể của mỗi hành động được chỉ dẫn bằng các từ ngữ khác nhau đặt trong ngoặc đơn.

 Trong quá trình dạy học, đặc biệt là khi đặt câu hỏi thảo luận, ra đề kiểm tra đánh giá, giáo viên có thể dùng những động từ nêu trong bảng tổng hợp hoặc thay thế bằng các động từ có nghĩa tương đương cho phù hợp với tình huống sư phạm và nhiệm vụ cụ thể giao cho học sinh.

Mức độ Động từ mô tả mức độ
Biết – nhận biết được sự vật và hiện tượng của tự nhiên; ví dụ: nhận biết được (một số khí cũng có thể hoà tan trong nước);

 – kể tên được sự vật và hiện tượng của tự nhiên; ví dụ: kể tên, liệt kê được (một số cơ quan tham gia điều hoà cân bằng nội môi và hằng số nội môi cơ thể);

 – phát biểu được sự vật và hiện tượng của tự nhiên; ví dụ: phát biểu được (nhiệt độ là số đo độ “nóng”, “lạnh” của vật);

 – nêu được sự vật và hiện tượng của tự nhiên; ví dụ: nêu được (khái niệm khối lượng).

– trình bày được các sự kiện, đặc điểm, vai trò của các đối tượng và các quá trình của tự nhiên bằng các hình thức biểu đạt như ngôn ngữ nói, viết, công thức, sơ đồ, biểu đồ,…; ví dụ: trình bày được, lấy đựơc ví dụ (mô hình nguyên tử của Rutherford – Bohr).
Hiểu – phân loại được các vật, sự vật theo các tiêu chí khác nhau; ví dụ: phân loại được (oxide (oxide acid, oxide base, oxide lưỡng tính, oxide trung tính)).
– phân tích được các đặc điểm của một đối tượng, sự vật, quá trình theo một logic nhất định; ví dụ: phân tích được (sự phù hợp giữa cấu tạo với chức năng của hệ vận động).
– so sánh, lựa chọn được các đối tượng, khái niệm hoặc quá trình dựa theo các tiêu chí; ví dụ: so sánh được (chất khí này nặng hay nhẹ hơn chất khí khác dựa vào công thức tính tỉ khối).
– giải thích được mối quan hệ giữa các sự vật và hiện tượng; ví dụ: giải thích được (cơ chế học tập ở người).
Vận dụng – nhận ra được điểm sai và chỉnh sửa được điểm sai đó; ví dụ: nhận ra được (một số thao tác sai khi sử dụng dụng cụ đo (thước đo chiều dài, cân đo khối lượng, đồng hồ đo thời gian) và khắc phục các thao tác sai đó).
– chứng minh được các vấn đề trong thực tiễn bằng các dẫn chứng khoa học; ví dụ: chứng minh được (vai trò của chọn lọc tự nhiên đối với sự hình thành đặc điểm thích nghi và đa dạng của sinh vật).
– đề xuất được vấn đề, đặt được câu hỏi cho vấn đề tìm hiểu; ví dụ: đề xuất được (biện pháp tưới nước và bón phân hợp lí cho cây trồng).
– lập được dàn ý, tìm được từ khoá; sử dụng được ngôn ngữ khoa học khi viết báo cáo và trình bày các văn bản khoa học, kết nối thông tin theo logic có ý nghĩa; ví dụ: lập được dàn ý, viết được báo cáo (về kết quả tìm hiểu sinh vật ngoài thiên nhiên).
– lập được kế hoạch và thực hiện được (tiến hành được) kế hoạch tìm hiểu tự nhiên; ví dụ: lập được kế hoạch (cho buổi thực hành tìm hiểu tự nhiên và thực hiện được một số kĩ năng thực hành như quan sát bằng mắt thường, kính lúp, ống nhòm; ghi chép, đo đếm, nhận xét và rút ra kết luận,…).
– ra quyết định, đề xuất được ý kiến cho vấn đề đã tìm hiểu; ví dụ: đề xuất được (các biện pháp hạn chế việc sử dụng nhiên liệu hoá thạch); ví dụ: đưa ra được quan điểm (về sử dụng sinh vật biến đổi gene).
  1. Thời lượng thực hiện chương trình

 Thời lượng dành cho mỗi lớp học là 140 tiết/năm học, dạy trong 35 tuần. Dự kiến tỷ lệ % số tiết dành cho mỗi chủ đề được trình bày trong bảng sau:

Nội dung Lớp
6 7 8 9
Mở đầu 5% 4% 2% 2%
Chất và sự biến đổi của chất 15% 20% 29% 31%
Các thể (trạng thái) của chất 3%      
Oxygen và không khí 2%      
Một số vật liệu, nhiên liệu, nguyên liệu, lương thực, thực phẩm thông dụng 6%      
Dung dịch; Tách chất ra khỏi hỗn hợp 4%      
Nguyên tử. Nguyên tố hoá học   6%    
Phân tử   9%    
Sơ lược về bảng tuần hoàn các nguyên tố hoá học   5%    
Phản ứng hoá học     12%  
Tốc độ phản ứng và chất xúc tác     3%  
Acid – Base – pH – Oxide – Muối; Phân bón hoá học     14%  
Kim loại       8%
Sự khác nhau cơ bản giữa phi kim và kim loại       4%
Giới thiệu về chất hữu cơ

 Hydrocarbon và nguồn nhiên liệu

      7%
Ethylic alcohol, acetic acid; Lipid (lipit) – Carbohydrate (Cacbohiđrat) – Protein Polymer (Polime)       12%
Vật sống 38% 38% 29% 25%
Tế bào – đơn vị cơ sở của sự sống 11%      
Đa dạng thế giới sống 27%      
Trao đổi chất và chuyển hoá năng lượng ở sinh vật   23%    
Cảm ứng ở sinh vật   3%    
Sinh trưởng và phát triển ở sinh vật   5%    
Sinh sản ở sinh vật; Cơ thể sinh vật là một thể thống nhất   7%    
Sinh học cơ thể người     20%  
Môi trường; hệ sinh thái     9%  
Hiện tượng di truyền       19%
Tiến hoá       6%
Năng lượng và sự biến đổi 25% 28% 28% 28%
Các phép đo 7%      
Lực 11% 8% 6%  
Khối lượng riêng và áp suất     8%  
Năng lượng và cuộc sống 7%   6% 7%
Âm thanh   7%    
Ánh sáng   6%   9%
Điện     8% 7%
Từ   7%   5%
Trái Đất và bầu trời 7% 0% 2% 4%
Chuyển động nhìn thấy của Mặt Trời, Mặt Trăng; hệ Mặt Trời; Ngân Hà 7%      
Sinh quyển và các khu sinh học trên Trái Đất     2%  
Khai thác tài nguyên từ vỏ Trái đất; Sơ lược “Hoá học về vỏ Trái Đất”       4%
Đánh giá định kì 10% 10% 10% 10%
  1. Thiết bị dạy học

 Thiết bị và phương tiện dạy học có thể được các công ty thiết bị sản xuất, cung cấp hoặc do giáo viên tự chế tạo bằng các nguyên liệu dễ kiếm ở địa phương. Thiết bị dạy học cần kế thừa những gì đã trang bị cho chương trình hiện hành.

 Bộ thiết bị dạy học môn Khoa học tự nhiên gồm có:

  1. a) Các thiết bị dùng để trình diễn, chứng minh

 – Bộ tranh, ảnh, hình vẽ về: tác dụng của lực, hiện tượng “mất trọng lượng”, một số dụng cụ, thiết bị tiêu thụ điện trong gia đình, chuyển động của Trái Đất, hình dạng nhìn thấy của Mặt Trăng trong tuần trăng, mô phỏng trật tự, kích thước tương đối của Mặt Trời và các hành tinh trong hệ Mặt Trời, “súng bắn tốc độ”, tốc kế, đại lượng mô tả sóng, từ trường của Trái Đất, cấu trúc của chất rắn, lỏng, khí, thiết bị truyền áp suất chất lỏng, tụ điện, điện trở, biến trở, điện trở quang, đi ốt, đi ốt phát quang, pin và ăc quy, cấu trúc phân tử của chất khí, khoảng cách phanh xe với các tốc độ khác nhau, một số biển báo khoảng cách trên đường, cấu trúc sợi quang và quá trình dẫn sáng bên trong sợi quang, mô hình vòng năng lượng trên Trái Đất.

 – Bảng quy định, các quy tắc an toàn phòng thực hành, bảng tuần hoàn các nguyên tố hoá học, bảng tính tan (độ tan của muối và hydroxide), tranh về vòng tuần hoàn của nước, tranh về sơ đồ chưng cất chế hoá và ứng dụng của dầu mỏ, về ứng dụng vai trò của glucose và tinh bột trong cuộc sống.

 – Bộ tranh, học liệu điện tử về: trao đổi chất và chuyển hoá năng lượng, cảm ứng ở sinh vật, sinh trưởng và phát triển ở sinh vật, sinh sản ở sinh vật.

 – Bộ tranh, học liệu điện tử về cơ thể người: hệ vận động của người, dinh dưỡng và tiêu hoá, máu và hệ tuần hoàn, hệ hô hấp, hệ bài tiết, hệ thần kinh, hệ nội tiết, da và điều hòa thân nhiệt, sinh sản ở người.

 – Tranh về sinh vật và môi trường, chu trình carbon, chu trình nitơ, chu trình nước trong tự nhiên.

 – Bộ tranh, slide, mô hình, học liệu điện tử về các dạng biến dị, phương pháp nghiên cứu di truyền của Mendel; tranh mô tả từ gene đến tính trạng; bộ nhiễm sắc thể và gene định vị trên nhiễm sắc thể; nguyên phân, giảm phân, phát sinh giao tử, thụ tinh; cơ sở tế bào học của liên kết gen; các dạng đột biến nhiễm sắc thể và hình ảnh về cá thể mang gene đột biến; tiêu bản hiển vi về nhiễm sắc thể thường, nhiễm sắc thể giới tính; quan hệ kiểu gene – môi trường – kiểu hình; di truyền học với con người; chọn lọc tự nhiên, chọn lọc nhân tạo, nguồn gốc các loài, sự phát sinh và phát triển sự sống trên Trái Đất.

 – Các học liệu điện tử về tác dụng của lực, hiện tượng “mất trọng lượng”, chuyển động của Trái Đất, hình dạng nhìn thấy của Mặt Trăng trong tuần Trăng, mô phỏng trật tự, kích thước tương đối của Mặt Trời và các hành tinh trong hệ Mặt Trời, “súng bắn tốc độ”, tốc kế, đại lượng mô tả sóng, từ trường của Trái Đất, cấu trúc của chất rắn, lỏng, khí, thiết bị truyền áp suất chất lỏng, cấu trúc phân tử của chất khí, khoảng cách phanh xe với các tốc độ khác nhau, cấu trúc sợi quang và quá trình dẫn sáng bên trong sợi quang, vòng năng lượng trên Trái Đất, hiệu ứng nhà kính.

 – Học liệu điện tử: phần mềm mô hình phân tử, phần mềm mô phỏng thí nghiệm hoá học, thí nghiệm ảo; thí nghiệm độc hại, nguy hiểm, gây nổ… ví dụ như các thí nghiệm với chlorine, bromine,…

  1. b) Các thiết bị, mẫu vật, hoá chất dùng để thực hành

 – Dụng cụ đo chiều dài, diện tích, thể tích, khối lượng, nhiệt độ, thời gian; xe đo có tích hợp cảm biến vị trí, cảm biến lực để khảo sát chuyển động, khảo sát lực ma sát; lực kế, thước đo độ dài, thanh nam châm vĩnh cửu, cân lò xo; máy phát âm tần, âm thoa, dao động kí; dụng cụ tạo và hiển thị được tia sáng, tạo vùng sáng, vùng tối, trộn màu ánh sáng; gương phẳng, lăng kính; dụng cụ tạo từ phổ, la bàn học sinh; nam châm vĩnh cửu, nam châm điện; thiết bị khảo sát được khối lượng riêng của một vật và áp suất tác dụng lên một bề mặt; dụng cụ đơn giản tạo đòn bẩy; dụng cụ tạo, phân bố lại điện tích (van de Graaff generator, miếng lụa mềm, lược nhựa…); bộ dụng cụ đo năng lượng điện (joulemeter); bộ dụng cụ khảo sát sự phản xạ ánh sáng; bộ dụng cụ khảo sát sự khúc xạ ánh sáng; cân hiện số; pH mét cầm tay; dụng cụ thuỷ tinh như: ống nghiệm, bình cầu, lọ, cốc, phễu, chậu, ống hút…; hoá chất: các loại hoá chất tối thiểu cần thiết cho thí nghiệm biểu diễn và thực hành.

 – Mẫu vật về phân bón; mô hình, bộ lắp ráp phân tử dạng rỗng, dạng đặc của alkane, alcohol ethylic, acetic acid.

 – Bộ tiêu bản hiển vi về tế bào và các bào quan tế bào; bộ dụng cụ làm tiêu bản ép khô thực vật, làm tiêu bản ngâm động vật; bộ dụng cụ tìm hiểu sinh vật ngoài thiên nhiên.

 – Dụng cụ dạy thực hành băng bó cho người bị gãy xương, máy đo huyết áp, dụng cụ băng bó vết thương khi bị chảy máu. c) Phòng bộ môn

 – Diện tích phòng đủ để sắp xếp thiết bị, mẫu vật và bàn ghế đủ cho học sinh tiến hành các bài thực hành, vòi nước và bồn rửa, thiết bị phòng cháy và chữa cháy,…

 – Thiết bị cố định: bảng viết, tủ đựng mẫu vật, vật liệu tiêu hao (hoá chất, dụng cụ thuỷ tinh, khay làm thí nghiệm), giá để hoá chất và dụng cụ thí nghiệm, giá treo tranh, bàn thực hành lát đá, tủ lạnh, tủ sấy, máy hút ẩm, quạt thông gió, thiết bị bảo hộ, các dụng cụ sử dụng theo bài thực hành,…,

 – Các thiết bị điện tử và quang học, nghe nhìn: kính hiển vi, kính lúp, ống nhòm, máy tính, máy chiếu projector, màn hình, tivi,…

  1. Sự kết hợp ba trục cơ bản trong chương trình

 Chương trình môn Khoa học tự nhiên được xây dựng dựa trên sự kết hợp của ba trục cơ bản là: Chủ đề khoa học, các nguyên lí và khái niệm chung về thế giới tự nhiên, hình thành và phát triển năng lực. Các kiến thức, kĩ năng về vật lí, hoá học, sinh học, Trái Đất và bầu trời là những dữ liệu vừa được tích hợp với các nguyên lí tự nhiên để làm sáng tỏ các nguyên lí tự nhiên, vừa được tích hợp theo các logic khác nhau trong hoạt động khám phá tự nhiên, trong giải quyết vấn đề công nghệ, các vấn đề tác động đến đời sống của cá nhân và xã hội. Sự phù hợp của mỗi chủ đề vật lí, hoá học, sinh học, Trái Đất và bầu trời với các nguyên lí chung của khoa học tự nhiên được lựa chọn ở các mức độ khác nhau. Hiểu biết về các nguyên lí của tự nhiên, cùng với hoạt động khám phá tự nhiên, vận dụng kiến thức khoa học tự nhiên vào giải quyết các vấn đề của thực tiễn là yêu cầu cần thiết để hình thành và phát triển năng lực khoa học tự nhiên ở học sinh.

 Hình 1. Sơ đồ minh hoạ sự liên kết của các trục:

 Chủ đề khoa học – Các nguyên lí và khái niệm chung của khoa học – Hình thành và phát triển năng lực

 CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG

 MÔN VẬT LÍ

 (Ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

 MỤC LỤC

  1. ĐẶC ĐIỂM MÔN HỌC
  2. QUAN ĐIỂM XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH

 III. MỤC TIÊU CHƯƠNG TRÌNH

  1. YÊU CẦU CẦN ĐẠT
  2. NỘI DUNG GIÁO DỤC

 LỚP 10

 CÁC CHUYÊN ĐỀ LỚP 10

 LỚP 11

 CÁC CHUYÊN ĐỀ LỚP 11

 LỚP 12

 CÁC CHUYÊN ĐỀ LỚP 12

  1. PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC

 VII. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ GIÁO DỤC

 VIII. GIẢI THÍCH VÀ HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

  

  1. ĐẶC ĐIỂM MÔN HỌC

 Vật lí học là ngành khoa học nghiên cứu các dạng vận động đơn giản, tổng quát nhất của vật chất và tương tác giữa chúng.

 Trong nhà trường phổ thông, giáo dục vật lí được thực hiện ở cả ba cấp học với các mức độ khác nhau.

 Ở giai đoạn giáo dục cơ bản (cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở), nội dung giáo dục vật lí được đề cập trong các môn học: Tự nhiên và Xã hội (lớp 1, lớp 2, lớp 3); Khoa học (lớp 4, lớp 5); Khoa học tự nhiên (từ lớp 6 đến lớp 9).

 Ở giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (cấp trung học phổ thông), Vật lí là môn học thuộc nhóm môn Khoa học tự nhiên, được lựa chọn theo nguyện vọng và định hướng nghề nghiệp của học sinh. Những học sinh có định hướng nghề nghiệp cần vận dụng nhiều kiến thức, kĩ năng vật lí được học thêm các chuyên đề học tập. Môn Vật lí giúp học sinh tiếp tục phát triển các phẩm chất, năng lực đã được định hình trong giai đoạn giáo dục cơ bản, tạo điều kiện để học sinh bước đầu nhận biết đúng năng lực, sở trường của bản thân, có thái độ tích cực đối với môn học. Trên cơ sở nội dung nền tảng đã trang bị cho học sinh ở giai đoạn giáo dục cơ bản, Chương trình môn Vật lí lựa chọn phát triển những vấn đề cốt lõi thiết thực nhất, đồng thời chú trọng đến các vấn đề mang tính ứng dụng cao là cơ sở của nhiều ngành kĩ thuật, khoa học và công nghệ.

 Thí nghiệm, thực hành đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc hình thành khái niệm, quy luật, định luật vật lí. Vì vậy, Chương trình môn Vật lí chú trọng rèn luyện cho học sinh khả năng tìm hiểu các thuộc tính của đối tượng vật lí thông qua các nội dung thí nghiệm, thực hành dưới các góc độ khác nhau.

 Chương trình môn Vật lí coi trọng việc rèn luyện khả năng vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học để tìm hiểu và giải quyết ở mức độ nhất định một số vấn đề của thực tiễn, đáp ứng đòi hỏi của cuộc sống; vừa bảo đảm phát triển năng lực vật lí – biểu hiện của năng lực khoa học tự nhiên, vừa đáp ứng yêu cầu định hướng nghề nghiệp của học sinh.

 Thông qua Chương trình môn Vật lí, học sinh hình thành và phát triển được thế giới quan khoa học; rèn luyện được sự tự tin, trung thực, khách quan; cảm nhận được vẻ đẹp của thiên nhiên; yêu thiên nhiên, tự hào về thiên nhiên của quê hương, đất nước; tôn trọng các quy luật của thiên nhiên, trân trọng, giữ gìn và bảo vệ thiên nhiên, ứng xử với thiên nhiên phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững; đồng thời hình thành và phát triển được các năng lực tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo.

  1. QUAN ĐIỂM XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH

 Chương trình môn Vật lí quán triệt đầy đủ các quy định cơ bản được nêu trong Chương trình tổng thể, về quan điểm, mục tiêu, yêu cầu cần đạt, kế hoạch giáo dục, nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục và đánh giá kết quả, điều kiện thực hiện và phát triển chương trình; định hướng xây dựng chương trình các môn học và hoạt động giáo dục; đồng thời nhấn mạnh một số quan điểm sau:

  1. Chương trình môn Vật lí một mặt kế thừa và phát huy ưu điểm của chương trình hiện hành và mặt khác, tiếp thu kinh nghiệm xây dựng chương trình môn học của các nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, đồng thời tiếp cận những thành tựu của khoa học giáo dục và khoa học vật lí phù hợp với trình độ nhận thức và tâm, sinh lí lứa tuổi của học sinh, có tính đến điều kiện kinh tế và xã hội Việt Nam.
  2. Chương trình môn Vật lí chú trọng bản chất, ý nghĩa vật lí của các đối tượng, đề cao tính thực tiễn; tránh khuynh hướng thiên về toán học; tạo điều kiện để giáo viên giúp học sinh phát triển tư duy khoa học dưới góc độ vật lí, khơi gợi sự ham thích ở học sinh, tăng cường khả năng vận dụng kiến thức, kĩ năng vật lí trong thực tiễn. Các chủ đề được thiết kế, sắp xếp từ trực quan đến trừu tượng, từ đơn giản đến phức tạp, từ hệ được xem như một hạt đến nhiều hạt; bước đầu tiếp cận với một số nội dung hiện đại mang tính thiết thực, cốt lõi.
  3. Chương trình môn Vật lí được xây dựng theo hướng mở, thể hiện ở việc không quy định chi tiết về nội dung dạy học mà chỉ quy định những yêu cầu học sinh cần đạt; chỉ đưa ra các định nghĩa cụ thể cho các khái niệm trong trường hợp có những cách hiểu khác nhau. Căn cứ vào các yêu cầu cần đạt, các tác giả sách giáo khoa chủ động, sáng tạo trong việc triển khai các nội dung dạy học cụ thể theo yêu cầu phát triển chương trình. Trên cơ sở bám sát mục tiêu và đáp ứng yêu cầu cần đạt của Chương trình môn Vật lí, giáo viên có thể lựa chọn, sử dụng một hay kết hợp nhiều sách giáo khoa, nhiều nguồn tư liệu khác nhau để dạy học. Trong một lớp, thứ tự dạy học các chủ đề (bao gồm các chủ đề bắt buộc và các chuyên đề tự chọn) là không cố định “cứng”, các tác giả sách giáo khoa, giáo viên có thể sáng tạo một cách hợp lí, sao cho không làm mất logic hình thành kiến thức, kĩ năng và không hạn chế cơ hội hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh. Thứ tự dạy học các chủ đề được thực hiện sao cho chủ đề mô tả hiện tượng vật lí được thực hiện trước để cung cấp bức tranh toàn cảnh về hiện tượng, sau đó đến chủ đề giải thích và nghiên cứu hiện tượng để cung cấp cơ sở vật lí sâu hơn, rồi đến chủ đề ứng dụng của hiện tượng đó trong khoa học hoặc thực tiễn.
  4. Các phương pháp giáo dục của môn Vật lí góp phần phát huy tính tích cực, chủ động và sáng tạo của người học, nhằm hình thành, phát triển năng lực vật lí cũng như góp phần hình thành, phát triển các phẩm chất và năng lực chung được quy định trong Chương trình tổng thể.

 III. MỤC TIÊU CHƯƠNG TRÌNH

  1. Cùng với các môn học và hoạt động giáo dục khác, giúp học sinh hình thành, phát triển các phẩm chất chủ yếu và năng lực chung được quy định trong Chương trình tổng thể.
  2. Giúp học sinh hình thành, phát triển năng lực vật lí, với các biểu hiện sau:
  3. a) Có được những kiến thức, kĩ năng phổ thông cốt lõi về: mô hình hệ vật lí; năng lượng và sóng; lực và trường;
  4. b) Vận dụng được một số kĩ năng tiến trình khoa học để khám phá, giải quyết vấn đề dưới góc độ vật lí;
  5. c) Vận dụng được một số kiến thức, kĩ năng trong thực tiễn, ứng xử với thiên nhiên phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững xã hội và bảo vệ môi trường;
  6. d) Nhận biết được năng lực, sở trường của bản thân, định hướng được nghề nghiệp và có kế hoạch học tập, rèn luyện đáp ứng yêu cầu của định hướng nghề nghiệp.
  7. YÊU CẦU CẦN ĐẠT
  8. Yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực chung

 Môn Vật lí góp phần thực hiện các yêu cầu cần đạt về phẩm chất chủ yếu và năng lực chung theo các mức độ phù hợp với môn học, cấp học đã được quy định trong Chương trình tổng thể.

  1. Yêu cầu cần đạt về năng lực đặc thù

 Môn Vật lí hình thành và phát triển ở học sinh năng lực vật lí, với những biểu hiện cụ thể sau đây:

  1. a) Nhận thức vật lí

 Nhận thức được kiến thức, kĩ năng phổ thông cốt lõi về: mô hình hệ vật lí; năng lượng và sóng; lực và trường; nhận biết được một số ngành, nghề liên quan đến vật lí; biểu hiện cụ thể là:

 – Nhận biết và nêu được các đối tượng, khái niệm, hiện tượng, quy luật, quá trình vật lí.

 – Trình bày được các hiện tượng, quá trình vật lí; đặc điểm, vai trò của các hiện tượng, quá trình vật lí bằng các hình thức biểu đạt: nói, viết, đo, tính, vẽ, lập sơ đồ, biểu đồ.

 – Tìm được từ khoá, sử dụng được thuật ngữ khoa học, kết nối được thông tin theo logic có ý nghĩa, lập được dàn ý khi đọc và trình bày các văn bản khoa học.

 – So sánh, lựa chọn, phân loại, phân tích được các hiện tượng, quá trình vật lí theo các tiêu chí khác nhau.

 – Giải thích được mối quan hệ giữa các sự vật, hiện tượng, quá trình.

 – Nhận ra điểm sai và chỉnh sửa được nhận thức hoặc lời giải thích; đưa ra được những nhận định phê phán có liên quan đến chủ đề thảo luận.

 – Nhận ra được một số ngành nghề phù hợp với thiên hướng của bản thân.

  1. b) Tìm hiểu thế giới tự nhiên dưới góc độ vật lí

 Tìm hiểu được một số hiện tượng, quá trình vật lí đơn giản, gần gũi trong đời sống và trong thế giới tự nhiên theo tiến trình; sử dụng được các chứng cứ khoa học để kiểm tra các dự đoán, lí giải các chứng cứ, rút ra các kết luận; biểu hiện cụ thể là:

 – Đề xuất vấn đề liên quan đến vật lí: Nhận ra và đặt được câu hỏi liên quan đến vấn đề; phân tích được bối cảnh để đề xuất được vấn đề nhờ kết nối tri thức, kinh nghiệm đã có và dùng ngôn ngữ của mình để biểu đạt vấn đề đã đề xuất.

 – Đưa ra phán đoán và xây dựng giả thuyết: Phân tích vấn đề để nêu được phán đoán; xây dựng và phát biểu được giả thuyết cần tìm hiểu.

 – Lập kế hoạch thực hiện: Xây dựng được khung logic nội dung tìm hiểu; lựa chọn được phương pháp thích hợp (quan sát, thực nghiệm, điều tra, phỏng vấn, tra cứu tư liệu); lập được kế hoạch triển khai tìm hiểu.

 – Thực hiện kế hoạch: Thu thập, lưu giữ được dữ liệu từ kết quả tổng quan, thực nghiệm, điều tra; đánh giá được kết quả dựa trên phân tích, xử lí các dữ liệu bằng các tham số thống kê đơn giản; so sánh được kết quả với giả thuyết; giải thích, rút ra được kết luận và điều chỉnh khi cần thiết.

 – Viết, trình bày báo cáo và thảo luận: Sử dụng ngôn ngữ, hình vẽ, sơ đồ, biểu bảng để biểu đạt được quá trình và kết quả tìm hiểu; viết được báo cáo sau quá trình tìm hiểu; hợp tác được với đối tác bằng thái độ tích cực và tôn trọng quan điểm, ý kiến đánh giá do người khác đưa ra để tiếp thu tích cực và giải trình, phản biện, bảo vệ được kết quả tìm hiểu một cách thuyết phục.

 – Ra quyết định và đề xuất ý kiến, giải pháp: Đưa ra được quyết định xử lí cho vấn đề đã tìm hiểu; đề xuất được ý kiến khuyến nghị vận dụng kết quả tìm hiểu, nghiên cứu, hoặc vấn đề nghiên cứu tiếp.

  1. c) Vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học

 Vận dụng được kiến thức, kĩ năng đã học trong một số trường hợp đơn giản, bước đầu sử dụng toán học như một ngôn ngữ và công cụ để giải quyết được vấn đề; biểu hiện cụ thể là:

 – Giải thích, chứng minh được một vấn đề thực tiễn.

 – Đánh giá, phản biện được ảnh hưởng của một vấn đề thực tiễn.

 – Thiết kế được mô hình, lập được kế hoạch, đề xuất và thực hiện được một số phương pháp hay biện pháp mới.

 – Nêu được giải pháp và thực hiện được một số giải pháp để bảo vệ thiên nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu; có hành vi, thái độ hợp lí nhằm phát triển bền vững.

 Trong Chương trình môn Vật lí, mỗi thành tố của các năng lực chung cũng như năng lực đặc thù nói trên được đưa vào từng chủ đề, từng mạch nội dung dạy học, dưới dạng các yêu cầu cần đạt, với các mức độ khác nhau.

  1. NỘI DUNG GIÁO DỤC
  2. Nội dung khái quát
Mạch nội dung Lớp 10 Lớp 11 Lớp 12 Ghi chú
Mở đầu x      
Vật lí trong một số ngành nghề x     Chuyên đề 10.1
Động học x      
Động lực học x      
Công, năng lượng, công suất x      
Động lượng x      
Chuyển động tròn x      
Biến dạng của vật rắn x      
Trái Đất và bầu trời x     Chuyên đề 10.2
Vật lí với giáo dục về bảo vệ môi trường x     Chuyên đề 10.3
Trường hấp dẫn   x   Chuyên đề 11.1
Dao động   x    
Sóng   x    
Truyền thông tin bằng sóng vô tuyến   x   Chuyên đề 11.2
Trường điện (Điện trường)   x    
Dòng điện, mạch điện   x    
Mở đầu về điện tử học   x   Chuyên đề 11.3
Vật lí nhiệt     x  
Khí lí tưởng     x  
Trường từ (Từ trường)     x  
Dòng điện xoay chiều     x Chuyên đề 12.1
Vật lí hạt nhân và phóng xạ     x  
Một số ứng dụng vật lí trong chẩn đoán y học     x Chuyên đề 12.2
Vật lí lượng tử     x Chuyên đề 12.3
  1. Nội dung và yêu cầu cần đạt ở từng lớp

 LỚP 10

Nội dung Yêu cầu cần đạt
Mở đầu  
Giới thiệu mục đích học tập môn Vật lí – Nêu được đối tượng nghiên cứu của Vật lí học và mục tiêu của môn Vật lí.

 – Phân tích được một số ảnh hưởng của vật lí đối với cuộc sống, đối với sự phát triển của khoa học, công nghệ và kĩ thuật.

 – Nêu được ví dụ chứng tỏ kiến thức, kĩ năng vật lí được sử dụng trong một số lĩnh vực khác nhau.

 – Nêu được một số ví dụ về phương pháp nghiên cứu vật lí (phương pháp thực nghiệm và phương pháp lí thuyết).

 – Mô tả được các bước trong tiến trình tìm hiểu thế giới tự nhiên dưới góc độ vật lí.

 – Thảo luận để nêu được:

 + Một số loại sai số đơn giản hay gặp khi đo các đại lượng vật lí và cách khắc phục chúng;

 + Các quy tắc an toàn trong nghiên cứu và học tập môn Vật lí.

Động học  
Mô tả chuyển động – Lập luận để rút ra được công thức tính tốc độ trung bình, định nghĩa được tốc độ theo một phương.

 – Từ hình ảnh hoặc ví dụ thực tiễn, định nghĩa được độ dịch chuyển.

 – So sánh được quãng đường đi được và độ dịch chuyển.

 – Dựa vào định nghĩa tốc độ theo một phương và độ dịch chuyển, rút ra được công thức tính và định nghĩa được vận tốc.

 – Thực hiện thí nghiệm (hoặc dựa trên số liệu cho trước), vẽ được đồ thị độ dịch chuyển – thời gian trong chuyển động thẳng.

 – Tính được tốc độ từ độ dốc của đồ thị độ dịch chuyển – thời gian.

 – Xác định được độ dịch chuyển tổng hợp, vận tốc tổng hợp.

 – Vận dụng được công thức tính tốc độ, vận tốc.

 – Thảo luận để thiết kế phương án hoặc lựa chọn phương án và thực hiện phương án, đo được tốc độ bằng dụng cụ thực hành.

 – Mô tả được một vài phương pháp đo tốc độ thông dụng và đánh giá được ưu, nhược điểm của chúng.

Chuyển động biến đổi – Thực hiện thí nghiệm và lập luận dựa vào sự biến đổi vận tốc trong chuyển động thẳng, rút ra được công thức tính gia tốc; nêu được ý nghĩa, đơn vị của gia tốc.

 – Thực hiện thí nghiệm (hoặc dựa trên số liệu cho trước), vẽ được đồ thị vận tốc – thời gian trong chuyển động thẳng.

 – Vận dụng đồ thị vận tốc – thời gian để tính được độ dịch chuyển và gia tốc trong một số trường hợp đơn giản.

 – Rút ra được các công thức của chuyển động thẳng biến đổi đều (không được dùng tích phân).

 – Vận dụng được các công thức của chuyển động thẳng biến đổi đều.

 – Mô tả và giải thích được chuyển động khi vật có vận tốc không đổi theo một phương và có gia tốc không đổi theo phương vuông góc với phương này.

 – Thảo luận để thiết kế phương án hoặc lựa chọn phương án và thực hiện phương án, đo được gia tốc rơi tự do bằng dụng cụ thực hành.

 – Thực hiện được dự án hay đề tài nghiên cứu tìm điều kiện ném vật trong không khí ở độ cao nào đó để đạt độ cao hoặc tầm xa lớn nhất.

Động lực học  
Ba định luật Newton về chuyển động – Thực hiện thí nghiệm, hoặc sử dụng số liệu cho trước để rút ra được a ~ F, a ~ 1/m, từ đó rút ra được biểu thức a = F/m hoặc F = ma (định luật 2 Newton).

 – Từ kết quả đã có (lấy từ thí nghiệm hay sử dụng số liệu cho trước), hoặc lập luận dựa vào a = F/m, nêu được khối lượng là đại lượng đặc trưng cho mức quán tính của vật.

 – Phát biểu định luật 1 Newton và minh hoạ được bằng ví dụ cụ thể.

 – Vận dụng được mối liên hệ đơn vị dẫn xuất với 7 đơn vị cơ bản của hệ SI.

 – Nêu được: trọng lực tác dụng lên vật là lực hấp dẫn giữa Trái Đất và vật; trọng tâm của vật là điểm đặt của trọng lực tác dụng vào vật; trọng lượng của vật được tính bằng tích khối lượng của vật với gia tốc rơi tự do.

 – Mô tả được bằng ví dụ thực tế về lực bằng nhau, không bằng nhau.

 – Mô tả được một cách định tính chuyển động rơi trong trường trọng lực đều khi có sức cản của không khí.

 – Thực hiện được dự án hay đề tài nghiên cứu ứng dụng sự tăng hay giảm sức cản không khí theo hình dạng của vật.

 – Phát biểu được định luật 3 Newton, minh hoạ được bằng ví dụ cụ thể; vận dụng được định luật 3 Newton trong một số trường hợp đơn giản.

Một số lực trong thực tiễn – Mô tả được bằng ví dụ thực tiễn và biểu diễn được bằng hình vẽ: Trọng lực; Lực ma sát; Lực cản khi một vật chuyển động trong nước (hoặc trong không khí); Lực nâng (đẩy lên trên) của nước; Lực căng dây.

 – Giải thích được lực nâng tác dụng lên một vật ở trong trong nước (hoặc trong không khí).

Cân bằng lực, moment lực – Dùng hình vẽ, tổng hợp được các lực trên một mặt phẳng.

 – Dùng hình vẽ, phân tích được một lực thành các lực thành phần vuông góc.

 – Thảo luận để thiết kế phương án hoặc lựa chọn phương án và thực hiện phương án, tổng hợp được hai lực đồng quy bằng dụng cụ thực hành.

 – Nêu được khái niệm moment lực, moment ngẫu lực; Nêu được tác dụng của ngẫu lực lên một vật chỉ làm quay vật.

 – Phát biểu và vận dụng được quy tắc moment cho một số trường hợp đơn giản trong thực tế.

 – Thảo luận để rút ra được điều kiện để vật cân bằng: lực tổng hợp tác dụng lên vật bằng không và tổng moment lực tác dụng lên vật (đối với một điểm bất kì) bằng không.

 – Thảo luận để thiết kế phương án hoặc lựa chọn phương án và thực hiện phương án, tổng hợp được hai lực song song bằng dụng cụ thực hành.

Khối lượng riêng, áp suất chất lỏng – Nêu được khối lượng riêng của một chất là khối lượng của một đơn vị thể tích của chất đó.

 – Thành lập và vận dụng được phương trình Δp = ρgΔh trong một số trường hợp đơn giản; đề xuất thiết kế được mô hình minh hoạ.

Công, năng lượng, công suất
Công và năng lượng – Chế tạo mô hình đơn giản minh hoạ được định luật bảo toàn năng lượng, liên quan đến một số dạng năng lượng khác nhau.

 – Trình bày được ví dụ chứng tỏ có thể truyền năng lượng từ vật này sang vật khác bằng cách thực hiện công.

 – Nêu được biểu thức tính công bằng tích của lực tác dụng và độ dịch chuyển theo phương của lực, nêu được đơn vị đo công là đơn vị đo năng lượng (với 1 J = 1 Nm); Tính được công trong một số trường hợp đơn giản.

Động năng và thế năng – Từ phương trình chuyển động thẳng biến đổi đều với vận tốc ban đầu bằng không, rút ra được động năng của vật có giá trị bằng công của lực tác dụng lên vật.

 – Nêu được công thức tính thế năng trong trường trọng lực đều, vận dụng được trong một số trường hợp đơn giản.

 – Phân tích được sự chuyển hoá động năng và thế năng của vật trong một số trường hợp đơn giản.

 – Nêu được khái niệm cơ năng; phát biểu được định luật bảo toàn cơ năng và vận dụng được định luật bảo toàn cơ năng trong một số trường hợp đơn giản.

Công suất và hiệu suất – Từ một số tình huống thực tế, thảo luận để nêu được ý nghĩa vật lí và định nghĩa công suất.

 – Vận dụng được mối liên hệ công suất (hay tốc độ thực hiện công) với tích của lực và vận tốc trong một số tình huống thực tế.

 – Từ tình huống thực tế, thảo luận để nêu được định nghĩa hiệu suất, vận dụng được hiệu suất trong một số trường hợp thực tế.

Động lượng  
Định nghĩa động lượng – Từ tình huống thực tế, thảo luận để nêu được ý nghĩa vật lí và định nghĩa động lượng.
Bảo toàn động lượng – Thực hiện thí nghiệm và thảo luận, phát biểu được định luật bảo toàn động lượng trong hệ kín.

 – Vận dụng được định luật bảo toàn động lượng trong một số trường hợp đơn giản.

Động lượng và va chạm – Rút ra được mối liên hệ giữa lực tổng hợp tác dụng lên vật và tốc độ thay đổi của động lượng (lực tổng hợp tác dụng lên vật là tốc độ thay đổi của động lượng của vật).

 – Thực hiện thí nghiệm và thảo luận được sự thay đổi năng lượng trong một số trường hợp va chạm đơn giản.

 – Thảo luận để giải thích được một số hiện tượng đơn giản.

 – Thảo luận để thiết kế phương án hoặc lựa chọn phương án, thực hiện phương án, xác định được tốc độ và đánh giá được động lượng của vật trước và sau va chạm bằng dụng cụ thực hành.

Chuyển động tròn
Động học của chuyển động tròn đều – Từ tình huống thực tế, thảo luận để nêu được định nghĩa radian và biểu diễn được độ dịch chuyển góc theo radian.

 – Vận dụng được khái niệm tốc độ góc.

Gia tốc hướng tâm và lực hướng tâm – Vận dụng được biểu thức gia tốc hướng tâm a = rω2, a = v2/r.

 – Vận dụng được biểu thức lực hướng tâm F = mrω2, F = mv2/r.

 – Thảo luận và đề xuất giải pháp an toàn cho một số tình huống chuyển động tròn trong thực tế.

Biến dạng của vật rắn
Biến dạng kéo và biến dạng nén; – Thực hiện thí nghiệm đơn giản (hoặc sử dụng tài liệu đa phương tiện), nêu được sự biến dạng kéo,
Đặc tính của lò xo. biến dạng nén; mô tả được các đặc tính của lò xo: giới hạn đàn hồi, độ dãn, độ cứng.
Định luật Hooke – Thảo luận để thiết kế phương án hoặc lựa chọn phương án và thực hiện phương án, tìm mối liên hệ giữa lực đàn hồi và độ biến dạng của lò xo, từ đó phát biểu được định luật Hooke.

 – Vận dụng được định luật Hooke trong một số trường hợp đơn giản.

 CÁC CHUYÊN ĐỀ LỚP 10

Nội dung Yêu cầu cần đạt
Chuyên đề 10.1. Vật lí trong một số ngành nghề
Sơ lược về sự phát triển của vật lí học – Thảo luận, đề xuất, chọn phương án và thực hiện được Nhiệm vụ học tập để:

 + Nêu được sơ lược sự ra đời và những thành tựu ban đầu của vật lí thực nghiệm.

 + Nêu được sơ lược vai trò của cơ học Newton đối với sự phát triển của Vật lí học.

 + Liệt kê được một số nhánh nghiên cứu chính của vật lí cổ điển.

 + Nêu được sự khủng hoảng của vật lí cuối thế kỉ XIX, tiền đề cho sự ra đời của vật lí hiện đại.

 + Liệt kê được một số lĩnh vực chính của vật lí hiện đại.

Giới thiệu các lĩnh vực nghiên cứu trong vật lí học – Nêu được đối tượng nghiên cứu; liệt kê được một vài mô hình lí thuyết đơn giản, một số phương pháp thực nghiệm của một số lĩnh vực chính của vật lí hiện đại.

 – Thảo luận, đề xuất, chọn phương án và thực hiện được Nhiệm vụ học tập tìm hiểu về các mô hình, lí thuyết khoa học đã phát triển và được áp dụng để cải thiện các công nghệ hiện tại cũng như phát triển các công nghệ mới.

Giới thiệu các ứng dụng của vật lí trong một số ngành nghề – Mô tả được ví dụ thực tế về việc sử dụng kiến thức vật lí trong một số lĩnh vực (Quân sự; Công nghiệp hạt nhân; Khí tượng; Nông nghiệp, Lâm nghiệp; Tài chính; Điện tử; Cơ khí, tự động hoá; Thông tin, truyền thông; Nghiên cứu khoa học).
Chuyên đề 10.2. Trái Đất và bầu trời
Xác định phương hướng – Xác định được trên bản đồ sao (hoặc bằng dụng cụ thực hành) vị trí của các chòm sao: Gấu lớn, Gấu nhỏ, Thiên Hậu.

 – Xác định được vị trí sao Bắc Cực trên nền trời sao.

Đặc điểm chuyển động nhìn thấy của một số thiên thể trên nền trời sao – Sử dụng mô hình hệ Mặt Trời, thảo luận để nêu được một số đặc điểm cơ bản của chuyển động nhìn thấy của Mặt Trời, Mặt Trăng, Kim Tinh và Thuỷ Tinh trên nền trời sao.

 – Dùng mô hình nhật tâm của Copernic giải thích được một số đặc điểm quan sát được của Mặt Trời, Mặt Trăng, Kim Tinh và Thuỷ Tinh trên nền trời sao.

Một số hiện tượng thiên văn – Dùng ảnh (hoặc tài liệu đa phương tiện), thảo luận để giải thích được một cách sơ lược và định tính các hiện tượng: nhật thực, nguyệt thực, thuỷ triều.
Chuyên đề 10.3. Vật lí với giáo dục về bảo vệ môi trường
Sự cần thiết phải bảo vệ môi trường – Thảo luận, đề xuất, chọn phương án và thực hiện được Nhiệm vụ học tập tìm hiểu:

 + Sự cần thiết bảo vệ môi trường trong chiến lược phát triển của các quốc gia.

 + Vai trò của cá nhân và cộng đồng trong bảo vệ môi trường.

Vật lí với giáo dục bảo vệ môi trường – Thảo luận, đề xuất, chọn phương án và thực hiện được Nhiệm vụ học tập tìm hiểu:

 + Tác động của việc sử dụng năng lượng hiện nay đối với môi trường, kinh tế và khí hậu Việt Nam.

 + Sơ lược về các chất ô nhiễm trong nhiên liệu hoá thạch, mưa axit, năng lượng hạt nhân, sự suy giảm tầng ozon, sự biến đổi khí hậu.

 – Thảo luận, đề xuất, chọn phương án và thực hiện được Nhiệm vụ học tập tìm hiểu:

 + Phân loại năng lượng hoá thạch và năng lượng tái tạo.

 + Vai trò của năng lượng tái tạo.

 + Một số công nghệ cơ bản để thu được năng lượng tái tạo.

 LỚP 11

Nội dung Yêu cầu cần đạt
Dao động
Dao động điều hoà – Thực hiện thí nghiệm đơn giản tạo ra được dao động và mô tả được một số ví dụ đơn giản về dao động tự do.

 – Dùng đồ thị li độ – thời gian có dạng hình sin (tạo ra bằng thí nghiệm, hoặc hình vẽ cho trước), nêu được định nghĩa: biên độ, chu kì, tần số, tần số góc, độ lệch pha.

 – Vận dụng được các khái niệm: biên độ, chu kì, tần số, tần số góc, độ lệch pha để mô tả dao động điều hoà.

 – Sử dụng đồ thị, phân tích và thực hiện phép tính cần thiết để xác định được: độ dịch chuyển, vận tốc và gia tốc trong dao động điều hoà.

 – Vận dụng được các phương trình về li độ và vận tốc, gia tốc của dao động điều hoà.

 – Vận dụng được phương trình a = – w2x của dao động điều hoà.

 – Sử dụng đồ thị, phân tích và thực hiện phép tính cần thiết để mô tả được sự chuyển hoá động năng và thế năng trong dao động điều hoà.

Dao động tắt dần, hiện tượng cộng hưởng – Nêu được ví dụ thực tế về dao động tắt dần, dao động cưỡng bức và hiện tượng cộng hưởng.

 – Thảo luận, đánh giá được sự có lợi hay có hại của cộng hưởng trong một số trường hợp cụ thể.

Sóng  
Mô tả sóng – Từ đồ thị độ dịch chuyển – khoảng cách (tạo ra bằng thí nghiệm, hoặc hình vẽ cho trước), mô tả được sóng qua các khái niệm bước sóng, biên độ, tần số, tốc độ và cường độ sóng.

 – Từ định nghĩa của vận tốc, tần số và bước sóng, rút ra được biểu thức v = lf.

 – Vận dụng được biểu thức v = lf.

 – Nêu được ví dụ chứng tỏ sóng truyền năng lượng.

 – Sử dụng mô hình sóng giải thích được một số tính chất đơn giản của âm thanh và ánh sáng.

 – Thực hiện thí nghiệm (hoặc sử dụng tài liệu đa phương tiện), thảo luận để nêu được mối liên hệ các đại lượng đặc trưng của sóng với các đại lượng đặc trưng cho dao động của phần tử môi trường.

Sóng dọc và sóng ngang – Quan sát hình ảnh (hoặc tài liệu đa phương tiện) về chuyển động của phần tử môi trường, thảo luận để so sánh được sóng dọc và sóng ngang.

 – Thảo luận để thiết kế phương án hoặc lựa chọn phương án và thực hiện phương án, đo được tần số của sóng âm bằng dao động kí hoặc dụng cụ thực hành.

Sóng điện từ – Nêu được trong chân không, tất cả các sóng điện từ đều truyền với cùng tốc độ.

 – Liệt kê được bậc độ lớn bước sóng của các bức xạ chủ yếu trong thang sóng điện từ.

Giao thoa sóng kết hợp – Thực hiện (hoặc mô tả) được thí nghiệm chứng minh sự giao thoa hai sóng kết hợp bằng dụng cụ thực hành sử dụng sóng nước (hoặc sóng ánh sáng).

 – Phân tích, đánh giá kết quả thu được từ thí nghiệm, nêu được các điều kiện cần thiết để quan sát được hệ vân giao thoa.

 – Vận dụng được biểu thức i = lD/a cho giao thoa ánh sáng qua hai khe hẹp.

Sóng dừng – Thực hiện thí nghiệm tạo sóng dừng và giải thích được sự hình thành sóng dừng.

 – Sử dụng hình ảnh (tạo ra bằng thí nghiệm, hoặc hình vẽ cho trước), xác định được nút và bụng của sóng dừng.

 – Sử dụng các cách biểu diễn đại số và đồ thị để phân tích, xác định được vị trí nút và bụng của sóng dừng.

Đo tốc độ truyền âm – Thảo luận để thiết kế phương án hoặc lựa chọn phương án và thực hiện phương án, đo được tốc độ truyền âm bằng dụng cụ thực hành.
Trường điện (Điện trường)
Lực điện tương tác giữa các điện tích – Thực hiện thí nghiệm hoặc bằng ví dụ thực tế, mô tả được sự hút (hoặc đẩy) của một điện tích vào một điện tích khác.

 – Phát biểu được định luật Coulomb và nêu được đơn vị đo điện tích.

 – Sử dụng biểu thức F = q1q2/4πεor2, tính và mô tả được lực tương tác giữa hai điện tích điểm đặt trong chân không (hoặc trong không khí).

Khái niệm điện trường – Nêu được khái niệm điện trường là trường lực được tạo ra bởi điện tích, là dạng vật chất tồn tại quanh điện tích và truyền tương tác giữa các điện tích.

 – Sử dụng biểu thức E = Q/4πεor2, tính và mô tả được cường độ điện trường do một điện tích điểm Q đặt trong chân không hoặc trong không khí gây ra tại một điểm cách nó một khoảng r.

 – Nêu được ý nghĩa của cường độ điện trường và định nghĩa được cường độ điện trường tại một điểm được đo bằng tỉ số giữa lực tác dụng lên một điện tích dương đặt tại điểm đó và độ lớn của điện tích đó.

 – Dùng dụng cụ tạo ra (hoặc vẽ) được điện phổ trong một số trường hợp đơn giản.

 – Vận dụng được biểu thức E = Q/4πεor2.

Điện trường đều – Sử dụng biểu thức E = U/d, tính được cường độ của điện trường đều giữa hai bản phẳng nhiễm điện đặt song song, xác định được lực tác dụng lên điện tích đặt trong điện trường đều.

 – Thảo luận để mô tả được tác dụng của điện trường đều lên chuyển động của điện tích bay vào điện trường đều theo phương vuông góc với đường sức và nêu được ví dụ về ứng dụng của hiện tượng này.

Điện thế và thế năng điện – Thảo luận qua quan sát hình ảnh (hoặc tài liệu đa phương tiện) nêu được điện thế tại một điểm trong điện trường đặc trưng cho điện trường tại điểm đó về thế năng, được xác định bằng công dịch chuyển một đơn vị điện tích dương từ vô cực về điểm đó; thế năng của một điện tích q trong điện trường đặc trưng cho khả năng sinh công của điện trường khi đặt điện tích q tại điểm đang xét.

 – Vận dụng được mối liên hệ thế năng điện với điện thế, V = A/q; mối liên hệ cường độ điện trường với điện thế.

Tụ điện và điện dung – Định nghĩa được điện dung và đơn vị đo điện dung (fara).

 – Vận dụng được (không yêu cầu thiết lập) công thức điện dung của bộ tụ điện ghép nối tiếp, ghép song song.

 – Thảo luận để xây dựng được biểu thức tính năng lượng tụ điện.

 – Lựa chọn và sử dụng thông tin để xây dựng được báo cáo tìm hiểu một số ứng dụng của tụ điện trong cuộc sống.

Dòng điện, mạch điện
Cường độ dòng điện – Thực hiện thí nghiệm (hoặc dựa vào tài liệu đa phương tiện), nêu được cường độ dòng điện đặc trưng cho tác dụng mạnh yếu của dòng điện và được xác định bằng điện lượng chuyển qua tiết diện thẳng của vật dẫn trong một đơn vị thời gian.

 – Vận dụng được biểu thức I = Snve cho dây dẫn có dòng điện, với n là mật độ hạt mang điện, S là tiết diện thẳng của dây, v là tốc độ dịch chuyển của hạt mang điện tích e.

 – Định nghĩa được đơn vị đo điện lượng coulomb là lượng điện tích chuyển qua tiết diện thẳng của dây dẫn trong 1 s khi có cường độ dòng điện 1 A chạy qua dây dẫn.

Mạch điện và điện trở – Định nghĩa được điện trở, đơn vị đo điện trở và nêu được các nguyên nhân chính gây ra điện trở.

 – Vẽ phác và thảo luận được về đường đặc trưng I – U của vật dẫn kim loại ở nhiệt độ xác định.

 – Mô tả được sơ lược ảnh hưởng của nhiệt độ lên điện trở của đèn sợi đốt, điện trở nhiệt (thermistor).

 – Phát biểu được định luật Ohm cho vật dẫn kim loại.

 – Định nghĩa được suất điện động qua năng lượng dịch chuyển một điện tích đơn vị theo vòng kín.

 – Mô tả được ảnh hưởng của điện trở trong của nguồn điện lên hiệu điện thế giữa hai cực của nguồn.

 – So sánh được suất điện động và hiệu điện thế.

 – Thảo luận để thiết kế phương án hoặc lựa chọn phương án và thực hiện phương án, đo được suất điện động và điện trở trong của pin hoặc acquy (battery hoặc accumulator) bằng dụng cụ thực hành.

Năng lượng điện, công suất điện – Nêu được năng lượng điện tiêu thụ của đoạn mạch được đo bằng công của lực điện thực hiện khi dịch chuyển các điện tích; công suất tiêu thụ năng lượng điện của một đoạn mạch là năng lượng điện mà đoạn mạch tiêu thụ trong một đơn vị thời gian.

 – Tính được năng lượng điện và công suất tiêu thụ năng lượng điện của đoạn mạch.

 CÁC CHUYÊN ĐỀ LỚP 11

Nội dung Yêu cầu cần đạt
Chuyên đề 11.1. Trường hấp dẫn
Khái niệm trường hấp dẫn – Nêu được ví dụ chứng tỏ tồn tại lực hấp dẫn của Trái Đất.

 – Thảo luận (qua hình vẽ, tài liệu đa phương tiện), nêu được: Mọi vật có khối lượng đều tạo ra một trường hấp dẫn xung quanh nó; Trường hấp dẫn là trường lực được tạo ra bởi vật có khối lượng, là dạng vật chất tồn tại quanh một vật có khối lượng và tác dụng lực hấp dẫn lên vật có khối lượng đặt trong nó.

Lực hấp dẫn – Nêu được: Khi xét trường hấp dẫn ở một điểm ngoài quả cầu đồng nhất, khối lượng của quả cầu có thể xem như tập trung ở tâm của nó.

 – Vận dụng được định luật Newton về hấp dẫn F = Gm1m2/r2 cho một số trường hợp chuyển động đơn giản trong trường hấp dẫn.

Cường độ trường hấp dẫn – Nêu được định nghĩa cường độ trường hấp dẫn.

 – Từ định luật hấp dẫn và định nghĩa cường độ trường hấp dẫn, rút ra được phương trình g = GM/r2 cho trường hợp đơn giản.

 – Vận dụng được phương trình g = GM/r2 để đánh giá một số hiện tượng đơn giản về trường hấp dẫn.

 – Nêu được tại mỗi vị trí ở gần bề mặt của Trái Đất, trong một phạm vi độ cao không lớn lắm, g là hằng số.

Thế hấp dẫn và thế năng hấp dẫn – Thảo luận (qua hình ảnh, tài liệu đa phương tiện) để nêu được định nghĩa thế hấp dẫn tại một điểm trong trường hấp dẫn.

 – Vận dụng được phương trình f = – GM/r trong trường hợp đơn giản.

 – Giải thích được sơ lược chuyển động của vệ tinh địa tĩnh, rút ra được công thức tính tốc độ vũ trụ cấp 1.

Chuyên đề 11.2. Truyền thông tin bằng sóng vô tuyến
Biến điệu – So sánh được biến điệu biên độ (AM) và biến điệu tần số (FM).

 – Liệt kê được tần số và bước sóng được sử dụng trong các kênh truyền thông khác nhau.

 – Thảo luận để rút ra được ưu, nhược điểm tương đối của kênh AM và kênh FM.

Tín hiệu tương tự và tín hiệu số – Mô tả được các ưu điểm của việc truyền dữ liệu dưới dạng số so với việc truyền dữ liệu dưới dạng tương tự.

 – Thảo luận để rút ra được: sự truyền giọng nói hoặc âm nhạc liên quan đến chuyển đổi tương tự – số (ADC) trước khi truyền và chuyển đổi số – tương tự (DAC) khi nhận.

 – Mô tả được sơ lược hệ thống truyền kĩ thuật số về chuyển đổi tương tự – số và số – tương tự.

Suy giảm tín hiệu – Thảo luận được ảnh hưởng của sự suy giảm tín hiệu đến chất lượng tín hiệu được truyền; nêu được độ suy giảm tín hiệu tính theo dB và tính theo dB trên một đơn vị độ dài.
Chuyên đề 11.3. Mở đầu về điện tử học
Khuếch đại thuật toán – Thảo luận, đề xuất, chọn phương án và thực hiện được Dự án tìm hiểu:

 + Phân loại cảm biến (sensor) theo: nguyên tắc hoạt động, phạm vi sử dụng, hiệu quả kinh tế.

 + Nguyên tắc hoạt động của: điện trở phụ thuộc ánh sáng (LDR), điện trở nhiệt.

 + Nguyên tắc hoạt động của sensor sử dụng: điện trở phụ thuộc ánh sáng (LDR), điện trở nhiệt.

 + Tính chất cơ bản của bộ khuếch đại thuật toán (op-amp) lí tưởng.

Thiết bị đầu ra – Thảo luận, đề xuất, chọn phương án và thực hiện được Dự án tìm hiểu ba thiết bị đầu ra:

 + Nguyên tắc hoạt động của mạch op-amp – relays.

 + Nguyên tắc hoạt động của mạch op-amp – LEDs (light-emitting diode).

 + Nguyên tắc hoạt động của mạch op-amp – CMs (calibrated meter).

 + Thiết kế được một số mạch điện ứng dụng đơn giản có sử dụng thiết bị đầu ra.

Thiết bị cảm biến

 (sensing devices)

– Tham quan thực tế (hoặc qua tài liệu đa phương tiện), thảo luận để nêu được một số ứng dụng chính của thiết bị cảm biến và nguyên tắc hoạt động của thiết bị cảm biến.

 LỚP 12

Nội dung Yêu cầu cần đạt
Vật lí nhiệt
Sự chuyển thể – Sử dụng mô hình động học phân tử, nêu được sơ lược cấu trúc của chất rắn, chất lỏng, chất khí.

 – Giải thích được sơ lược một số hiện tượng vật lí liên quan đến sự chuyển thể: sự nóng chảy, sự hoá hơi.

Nội năng, định luật 1 của nhiệt động lực học – Thực hiện thí nghiệm, nêu được: mối liên hệ nội năng của vật với năng lượng của các phân tử tạo nên vật, định luật 1 của nhiệt động lực học.

 – Vận dụng được định luật 1 của nhiệt động lực học trong một số trường hợp đơn giản.

Thang nhiệt độ, nhiệt kế – Thực hiện thí nghiệm đơn giản, thảo luận để nêu được sự chênh lệch nhiệt độ giữa hai vật tiếp xúc nhau có thể cho ta biết chiều truyền năng lượng nhiệt giữa chúng; từ đó nêu được khi hai vật tiếp xúc với nhau, ở cùng nhiệt độ, sẽ không có sự truyền năng lượng nhiệt giữa chúng.

 – Thảo luận để nêu được mỗi độ chia (1oC) trong thang Celsius bằng 1/100 của khoảng cách giữa nhiệt độ tan chảy của nước tinh khiết đóng băng và nhiệt độ sôi của nước tinh khiết (ở áp suất tiêu chuẩn), mỗi độ chia (1 K) trong thang Kelvin bằng 1/(273,16) của khoảng cách giữa nhiệt độ không tuyệt đối và nhiệt độ điểm mà nước tinh khiết tồn tại đồng thời ở thể rắn, lỏng và hơi (ở áp suất tiêu chuẩn).

 – Nêu được nhiệt độ không tuyệt đối là nhiệt độ mà tại đó tất cả các chất có động năng chuyển động nhiệt của các phân tử hoặc nguyên tử bằng không và thế năng của chúng là tối thiểu.

 – Chuyển đổi được nhiệt độ đo theo thang Celsius sang nhiệt độ đo theo thang Kelvin và ngược lại.

Nhiệt dung riêng, nhiệt nóng chảy riêng, nhiệt hoá hơi riêng – Nêu được định nghĩa nhiệt dung riêng, nhiệt nóng chảy riêng, nhiệt hoá hơi riêng.

 – Thảo luận để thiết kế phương án hoặc lựa chọn phương án và thực hiện phương án, đo được nhiệt dung riêng, nhiệt nóng chảy riêng, nhiệt hoá hơi riêng bằng dụng cụ thực hành.

Khí lí tưởng
Mô hình động học phân tử chất khí – Phân tích mô hình chuyển động Brown, nêu được các phân tử trong chất khí chuyển động hỗn loạn.

 – Từ các kết quả thực nghiệm hoặc mô hình, thảo luận để nêu được các giả thuyết của thuyết động học phân tử chất khí.

Phương trình trạng thái – Thực hiện thí nghiệm khảo sát được định luật Boyle: Khi giữ không đổi nhiệt độ của một khối lượng khí xác định thì áp suất gây ra bởi khí tỉ lệ nghịch với thể tích của nó.

 – Thực hiện thí nghiệm minh hoạ được định luật Charles: Khi giữ không đổi áp suất của một khối lượng khí xác định thì thể tích của khí tỉ lệ với nhiệt độ tuyệt đối của nó.

 – Sử dụng định luật Boyle và định luật Charles rút ra được phương trình trạng thái của khí lí tưởng.

 – Vận dụng được phương trình trạng thái của khí lí tưởng.

Áp suất khí theo mô hình động học phân tử – Giải thích được chuyển động của các phân tử ảnh hưởng như thế nào đến áp suất tác dụng lên thành bình và từ đó rút ra được hệ thức p = ()nmv2 với n là số phân tử trong một đơn vị thể tích (dùng mô hình va chạm một chiều đơn giản, rồi mở rộng ra cho trường hợp ba chiều bằng cách sử dụng hệ thức , không yêu cầu chứng minh một cách chính xác và chi tiết).
Động năng phân tử – Nêu được biểu thức hằng số Boltzmann, k = R/NA.

 – So sánh pV = ()Nm với pV = nRT, rút ra được động năng tịnh tiến trung bình của phân tử tỉ lệ với nhiệt độ T.

Trường từ (Từ trường)
Khái niệm từ trường – Thực hiện thí nghiệm tạo ra được các đường sức từ bằng các dụng cụ đơn giản.

 – Nêu được từ trường là trường lực gây ra bởi dòng điện hoặc nam châm, là một dạng của vật chất tồn tại xung quanh dòng điện hoặc nam châm mà biểu hiện cụ thể là sự xuất hiện của lực từ tác dụng lên một dòng điện hay một nam châm đặt trong đó.

Lực từ tác dụng lên đoạn dây dẫn mang dòng điện; Cảm ứng từ – Thực hiện thí nghiệm để mô tả được hướng của lực từ tác dụng lên đoạn dây dẫn mang dòng điện đặt trong từ trường.

 – Xác định được độ lớn và hướng của lực từ tác dụng lên đoạn dây dẫn mang dòng điện đặt trong từ trường.

 – Định nghĩa được cảm ứng từ B và đơn vị tesla.

 – Nêu được đơn vị cơ bản và dẫn xuất để đo các đại lượng từ.

 – Thảo luận để thiết kế phương án, lựa chọn phương án, thực hiện phương án, đo được (hoặc mô tả được phương pháp đo) cảm ứng từ bằng cân “dòng điện”.

 – Vận dụng được biểu thức tính lực F = BILsinθ.

Từ thông;

 Cảm ứng điện từ

– Định nghĩa được từ thông và đơn vị weber.

 – Tiến hành các thí nghiệm đơn giản minh hoạ được hiện tượng cảm ứng điện từ.

 – Vận dụng được định luật Faraday và định luật Lenz về cảm ứng điện từ.

 – Giải thích được một số ứng dụng đơn giản của hiện tượng cảm ứng điện từ.

 – Mô tả được mô hình sóng điện từ và ứng dụng để giải thích sự tạo thành và lan truyền của các sóng điện từ trong thang sóng điện từ.

 – Thảo luận để thiết kế phương án (hoặc mô tả được phương pháp) tạo ra dòng điện xoay chiều.

 – Nêu được: chu kì, tần số, giá trị cực đại, giá trị hiệu dụng của cường độ dòng điện và điện áp xoay chiều.

 – Thảo luận để nêu được một số ứng dụng của dòng điện xoay chiều trong cuộc sống, tầm quan trọng của việc tuân thủ quy tắc an toàn khi sử dụng dòng điện xoay chiều trong cuộc sống.

Vật lí hạt nhân và phóng xạ
Cấu trúc hạt nhân – Rút ra được sự tồn tại và đánh giá được kích thước của hạt nhân từ phân tích kết quả thí nghiệm tán xạ hạt α.

 – Biểu diễn được kí hiệu hạt nhân của nguyên tử bằng số nucleon và số proton.

 – Mô tả được mô hình đơn giản của nguyên tử gồm proton, neutron và electron.

Độ hụt khối và năng lượng liên kết hạt nhân – Viết được đúng phương trình phân rã hạt nhân đơn giản.

 – Thảo luận hệ thức E = mc2, nêu được liên hệ giữa khối lượng và năng lượng.

 – Nêu được mối liên hệ giữa năng lượng liên kết riêng và độ bền vững của hạt nhân.

 – Nêu được sự phân hạch và sự tổng hợp hạt nhân.

 – Thảo luận để đánh giá được vai trò của một số ngành công nghiệp hạt nhân trong đời sống.

Sự phóng xạ và chu kì bán rã – Nêu được bản chất tự phát và ngẫu nhiên của sự phân rã phóng xạ.

 – Định nghĩa được độ phóng xạ, hằng số phóng xạ và vận dụng được liên hệ H = lN.

 – Vận dụng được công thức x = x0e-lt, với x là độ phóng xạ, số hạt chưa phân rã hoặc tốc độ số hạt đếm được.

 – Định nghĩa được chu kì bán rã.

 – Mô tả được sơ lược một số tính chất của các phóng xạ α, β và γ.

 – Nhận biết được dấu hiệu vị trí có phóng xạ thông qua các biển báo.

 – Nêu được các nguyên tắc an toàn phóng xạ; tuân thủ quy tắc an toàn phóng xạ.

 CÁC CHUYÊN ĐỀ LỚP 12

Nội dung Yêu cầu cần đạt
Chuyên đề 12.1. Dòng điện xoay chiều
Các đặc trưng của dòng điện xoay chiều – Thảo luận để thiết kế phương án, chọn phương án, thực hiện phương án, đo được (hoặc mô tả được phương pháp đo): tần số, điện áp xoay chiều bằng dụng cụ thực hành.

 – Nêu được: công suất toả nhiệt trung bình trên điện trở thuần bằng một nửa công suất cực đại của dòng điện xoay chiều hình sin (chạy qua điện trở thuần này).

 – Mô tả được bằng biểu thức đại số hoặc đồ thị: cường độ dòng điện, điện áp xoay chiều; so sánh được giá trị hiệu dụng và giá trị cực đại.

 – Thảo luận để thiết kế phương án hoặc lựa chọn phương án và thực hiện phương án, khảo sát được đoạn mạch xoay chiều RLC mắc nối tiếp bằng dụng cụ thực hành.

Máy biến áp – Nêu được nguyên tắc hoạt động của máy biến áp.

 – Nêu được ưu điểm của dòng điện và điện áp xoay chiều trong truyền tải năng lượng điện về phương diện khoa học và kinh tế.

 – Thảo luận để đánh giá được vai trò của máy biến áp trong việc giảm hao phí năng lượng điện khi truyền dòng điện đi xa.

Chỉnh lưu dòng điện xoay chiều – Thực hiện thí nghiệm, vẽ được đồ thị biểu diễn quan hệ giữa dòng điện chạy qua diode bán dẫn và điện áp giữa hai cực của nó.

 – Vẽ được mạch chỉnh lưu nửa chu kì sử dụng diode.

 – Vẽ được mạch chỉnh lưu cả chu kì sử dụng cầu chỉnh lưu.

 – So sánh được đồ thị chỉnh lưu nửa chu kì và chỉnh lưu cả chu kì.

Chuyên đề 12.2. Một số ứng dụng vật lí trong chẩn đoán y học
Bản chất và cách tạo ra tia X – Nêu được cách tạo ra tia X, cách điều khiển tia X, sự suy giảm tia X.

 – Thảo luận để đánh giá được vai trò của tia X trong đời sống và trong khoa học.

Chẩn đoán bằng tia X – Mô tả được sơ lược cách chụp ảnh bằng tia X.

 – Từ tranh ảnh (tài liệu đa phương tiện) thảo luận để rút ra được một số cách cải thiện ảnh chụp bằng tia X: giảm liều chiếu, cải thiện độ sắc nét, cải thiện độ tương phản.

Chẩn đoán bằng siêu âm – Nêu được sơ lược cách tạo siêu âm.

 – Nêu được sơ lược cách tạo ra hình ảnh siêu âm các cấu trúc bên trong cơ thể.

 – Từ tranh ảnh (tài liệu đa phương tiện) thảo luận để đánh giá được vai trò của siêu âm trong đời sống và trong khoa học.

Chụp cắt lớp, cộng hưởng từ – Mô tả được sơ lược cách chụp ảnh cắt lớp.

 – Thực hiện dự án hay đề tài nghiên cứu, thiết kế được một mô hình chụp cắt lớp đơn giản.

 – Nêu được sơ lược nguyên lí chụp cộng hưởng từ.

Chuyên đề 12.3. Vật lí lượng tử
Hiệu ứng quang điện và năng lượng của photon – Nêu được tính lượng tử của bức xạ điện từ, năng lượng photon.

 – Vận dụng được công thức tính năng lượng photon, E = hf.

 – Nêu được hiệu ứng quang điện là bằng chứng cho tính chất hạt của bức xạ điện từ, giao thoa và nhiễu xạ là bằng chứng cho tính chất sóng của bức xạ điện từ.

 – Mô tả được khái niệm giới hạn quang điện, công thoát.

 – Giải thích được hiệu ứng quang điện dựa trên năng lượng photon và công thoát.

 – Giải thích được: động năng ban đầu cực đại của quang điện tử không phụ thuộc cường độ chùm sáng, cường độ dòng quang điện bão hoà tỉ lệ với cường độ chùm sáng chiếu vào.

 – Vận dụng được phương trình Einstein để giải thích các định luật quang điện.

 – Ước lượng được năng lượng của các bức xạ điện từ cơ bản trong thang sóng điện từ.

 – Thảo luận để thiết kế phương án hoặc lựa chọn phương án và thực hiện phương án, khảo sát được dòng quang điện bằng dụng cụ thực hành.

Lưỡng tính sóng hạt – Mô tả (hoặc giải thích) được tính chất sóng của electron bằng hiện tượng nhiễu xạ electron.

 – Vận dụng được công thức bước sóng de Broglie: λ = h/p với p là động lượng của hạt.

Quang phổ vạch của nguyên tử – Mô tả được sự tồn tại của các mức năng lượng dừng của nguyên tử.

 – Giải thích được sự tạo thành vạch quang phổ.

 – So sánh được quang phổ phát xạ và quang phổ vạch hấp thụ.

 – Vận dụng được biểu thức chuyển mức năng lượng hf = E1 – E2.

Vùng năng lượng – Nêu được các vùng năng lượng trong chất rắn theo mô hình vùng năng lượng đơn giản.

 – Sử dụng được lí thuyết vùng năng lượng đơn giản để giải thích được: Sự phụ thuộc vào nhiệt độ của điện trở kim loại và bán dẫn không pha tạp; Sự phụ thuộc của điện trở của các điện trở quang (LDR) vào cường độ sáng.

  1. PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC
  2. Định hướng chung

 Phương pháp giáo dục môn Vật lí được thực hiện theo những định hướng chung sau đây:

  1. a) Phát triển phẩm chất chủ yếu, năng lực chung và năng lực vật lí cho học sinh thông qua các hoạt động thực hành, trải nghiệm, tìm hiểu, khám phá hiện tượng, quá trình vật lí trong thế giới tự nhiên; vận dụng kiến thức, kĩ năng để phát hiện và giải quyết vấn đề trong thực tiễn. Chú trọng tổ chức cho học sinh được tự học theo kế hoạch và sự hướng dẫn của giáo viên, phù hợp với tâm sinh lí lứa tuổi và khả năng của mỗi học sinh.
  2. b) Vận dụng linh hoạt các phương pháp, kĩ thuật, hình thức tổ chức dạy học nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vốn hiểu biết, kinh nghiệm sống của học sinh trong học tập; tránh áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc. Bên cạnh hình thức dạy học chủ yếu là học ở lớp học hoặc ở phòng thực hành, tổ chức cho học sinh một số hoạt động trải nghiệm ở ngoài lớp học như tại thực địa, trong cơ sở sản xuất kinh doanh, làng nghề theo quy mô lớp hoặc nhóm học sinh. Chú trọng vận dụng, khai thác lợi thế của công nghệ thông tin – truyền thông và các thiết bị thí nghiệm, thực hành trong tổ chức hoạt động học cho học sinh.
  3. c) Thực hiện giáo dục tích hợp, đặc biệt là giáo dục tích hợp khoa học, công nghệ, kĩ thuật và toán (giáo dục STEM); giáo dục tích hợp bảo vệ môi trường, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của xã hội.
  4. Định hướng về phương pháp hình thành, phát triển các phẩm chất chủ yếu và năng lực chung

 Môn Vật lí góp phần đắc lực vào việc hình thành và phát triển thế giới quan khoa học cho học sinh, tạo cơ hội để học sinh cảm nhận được vẻ đẹp của thiên nhiên qua hệ thống các quy luật vật lí, đồng thời giáo dục học sinh trách nhiệm công dân trong việc tôn trọng các quy luật của thiên nhiên, biết trân trọng, giữ gìn, bảo vệ và ứng xử với thiên nhiên phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững.

 Trong hoạt động thực hành, thí nghiệm, tìm hiểu khoa học, cùng với cơ hội tiếp thu kiến thức, rèn luyện kĩ năng, học sinh cũng được rèn luyện và phát triển nhiều đức tính như cẩn thận, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm,…

 Năng lực tự chủ và tự học được hình thành và phát triển trong môn Vật lí thông qua các hoạt động thực hành, làm dự án, thiết kế và thực hiện các phép đo đại lượng vật lí; đặc biệt là trong việc thực hiện hoạt động tìm hiểu khoa học.

 Trong môn Vật lí, học sinh thường xuyên phải thực hiện các dự án học tập, các bài thực hành, thực tập theo nhóm. Khi thực hiện các nhiệm vụ học tập này, học sinh được trao đổi, trình bày, chia sẻ ý tưởng, nội dung học tập. Đó là những cơ hội tốt để học sinh có thể hình thành và phát triển năng lực giao tiếp và hợp tác.

 Giải quyết vấn đề và sáng tạo là một đặc thù của hoạt động tìm hiểu khoa học. Ở môn Vật lí, năng lực này được hình thành, phát triển trong đề xuất vấn đề, lập kế hoạch, thực hiện kế hoạch tìm hiểu thế giới tự nhiên dưới góc độ vật lí – những nội dung xuyên suốt từ cấp tiểu học đến cấp trung học phổ thông và được hiện thực hoá thông qua các mạch thực hành, trải nghiệm với các mức độ khác nhau. Năng lực này cũng được hình thành và phát triển thông qua việc vận dụng kiến thức, kĩ năng vật lí để giải quyết các vấn đề thực tiễn.

  1. Định hướng về phương pháp hình thành, phát triển năng lực vật lí

 Để phát triển năng lực nhận thức vật lí, giáo viên cần tạo cho học sinh cơ hội huy động những hiểu biết, kinh nghiệm sẵn có để tham gia hình thành kiến thức, kĩ năng mới. Chú ý tổ chức các hoạt động, trong đó học sinh có thể diễn đạt hoặc mô tả bằng cách riêng, phân tích, giải thích so sánh, hệ thống hoá, áp dụng trực tiếp kiến thức, kĩ năng đã được học để giải quyết thành công tình huống, vấn đề trong học tập; qua đó, kết nối được kiến thức, kĩ năng mới với vốn kiến thức, kĩ năng đã có.

 Để phát triển năng lực tìm hiểu thế giới tự nhiên dưới góc độ vật lí, giáo viên cần vận dụng một số phương pháp dạy học có ưu thế như: phương pháp trực quan (đặc biệt là thực hành, thí nghiệm,…), phương pháp dạy học nêu và giải quyết vấn đề, phương pháp dạy học theo dự án,… tạo điều kiện để học sinh đưa ra câu hỏi, xác định vấn đề cần tìm hiểu, tự tìm các bằng chứng để phân tích thông tin, kiểm tra các dự đoán, giả thuyết qua việc tiến hành thí nghiệm, hoặc tìm kiếm, thu thập thông tin qua sách, mạng Internet,…; đồng thời chú trọng các bài tập đòi hỏi tư duy phản biện, sáng tạo (bài tập mở, có nhiều cách giải,…), các bài tập có nội dung gắn với thực tiễn thể hiện bản chất vật lí, giảm các bài tập tính toán,…

 Để phát triển năng lực vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học, giáo viên cần chú ý tạo cơ hội cho học sinh tương tác tích cực thông qua quá trình phát hiện, đề xuất ý tưởng, giải quyết vấn đề bằng cách: đưa ra phán đoán và xây dựng giả thuyết; lập kế hoạch thực hiện; tìm kiếm thông tin qua tài liệu in và tài liệu đa phương tiện; thu thập, lưu trữ dữ liệu từ các thí nghiệm trong phòng thực hành hoặc quan sát ở thiên nhiên; phân tích, xử lí, đánh giá các dữ liệu dựa trên các tham số thống kê đơn giản; so sánh kết quả với giả thuyết, giải thích, rút ra được kết luận; viết, trình bày báo cáo và thảo luận; vận dụng kiến thức, kĩ năng vật lí để đưa ra những phản hồi hợp lí hoặc giải quyết thành công tình huống, vấn đề mới trong học tập, trong cuộc sống.

 VII. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ GIÁO DỤC

  1. Định hướng chung

 Mục tiêu đánh giá kết quả giáo dục là thu thập thông tin trung thực, kịp thời, có giá trị về mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt và sự tiến bộ của học sinh; qua đó, hướng dẫn hoạt động học tập và điều chỉnh hoạt động dạy học.

 Căn cứ đánh giá trong môn Vật lí là các yêu cầu cần đạt về năng lực chung và năng lực vật lí được quy định trong Chương trình tổng thể và Chương trình môn Vật lí. Đối tượng đánh giá là quá trình học tập, rèn luyện và sản phẩm của học sinh thông qua học tập môn Vật lí.

 Để đánh giá được năng lực của học sinh, cần thiết kế các tình huống xuất hiện vấn đề cần giải quyết, giúp học sinh bộc lộ năng lực của mình. Mặt khác, cần lưu ý xác định, lựa chọn các phương pháp, công cụ, tiêu chí đánh giá sao cho phù hợp.

  1. Trọng tâm và hình thức đánh giá

 Trọng tâm đánh giá kết quả học tập môn Vật lí là năng lực nhận thức vấn đề, giải quyết vấn đề và các kĩ năng thực hành, thí nghiệm, cụ thể là nhận thức cốt lõi về: mô hình hệ vật lí, năng lượng và sóng, lực và trường, ngành nghề liên quan đến vật lí; các kĩ năng thí nghiệm, thực hành, tìm hiểu khoa học, vận dụng những điều đã học để giải thích một số hiện tượng vật lí đơn giản, bước đầu giải quyết một số vấn đề thực tiễn và cách ứng xử thích hợp với môi trường thiên nhiên.

 Cần phối hợp một cách hợp lí việc đánh giá của giáo viên với đánh giá đồng đẳng và tự đánh giá của học sinh; đánh giá qua quan sát hoạt động nhóm ở trong và ngoài lớp học, quan sát thao thác thực hành, thí nghiệm vật lí, phân tích các bài thuyết trình; đánh giá qua vấn đáp và đánh giá qua bài tập, bài kiểm tra, vở ghi chép, bản báo cáo kết quả thực hành, kết quả dự án học tập, kết quả đề tài nghiên cứu khoa học và các hồ sơ học tập khác; đánh giá theo hình thức tự luận kết hợp trắc nghiệm khách quan; kết hợp đánh giá quá trình, đánh giá tổng kết; đánh giá thường xuyên và định kì.

 VIII. GIẢI THÍCH VÀ HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

  1. Giải thích thuật ngữ
  2. a) Một số thuật ngữ chuyên môn

 Các thuật ngữ vật lí trong văn bản chương trình này được Việt hóa từ các thuật ngữ chuyên ngành tiếng Anh theo các từ điển chuyên ngành Việt Nam. Một số thuật ngữ có nguồn gốc tiếng nước ngoài được chuyển ngữ thống nhất, ví dụ: “gravitional field”: trường hấp dẫn; “electric field”: trường điện, hoặc theo thói quen: điện trường; “magnettic field”: trường từ, hoặc theo thói quen: từ trường. Khi dùng các thuật ngữ này, người thực hiện chương trình nên sử dụng cách chuyển ngữ thống nhất cho cả ba thuật ngữ.

  1. b) Từ ngữ thể hiện mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt

 Chương trình sử dụng một số động từ để thể hiện mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt về năng lực của người học, với nghĩa giới hạn như dưới đây. Trong quá trình dạy học, đặc biệt là khi đặt câu hỏi thảo luận, ra đề kiểm tra, đánh giá, giáo viên có thể dùng những động từ nêu ở đây hoặc thay thế bằng các động từ tương đương cho phù hợp với tình huống cụ thể.

 – Định nghĩa được: nhắc lại được các phát biểu chính thức hoặc tương đương, bao gồm cả biểu thức và các đại lượng trong đó, nếu có.

 – Liệt kê được: đưa ra được các điểm liên quan mà không cần sáng tạo và không yêu cầu liệt kê tất cả các điểm liên quan.

 – Nêu được: nhắc lại được định nghĩa, khái niệm, biểu thức, cùng với một số nhận xét liên quan đến ý nghĩa, phạm vi của đối tượng cần nêu, đặc biệt khi có hai hay nhiều đối tượng ở trong cùng một câu hỏi.

 – Phát biểu được: đưa ra được một nhận xét cụ thể, kèm theo hoặc không kèm theo lập luận về chủ đề, đối tượng được hỏi.

 – Mô tả được: đưa ra được phát biểu bằng lời (và công thức, đồ thị khi cần thiết) về các điểm chính của chủ đề hay đối tượng.

 – Ước lượng được: đưa ra được bậc độ lớn hoặc một giá trị định lượng lấy từ một mẫu thử.

 – Vẽ phác được: vẽ được hình dạng, vị trí một cách gần đúng, định tính.

 – Vẽ được: đưa ra được đồ thị hoặc hình vẽ với các thông tin đầy đủ, vẽ trên giấy hoặc máy in.

 – Giải thích được: đưa ra được các lí do, các căn cứ làm sáng tỏ được vấn đề đặt ra.

 – Phân tích được: phân chia được một đối tượng ra thành các thành phần hoặc các khía cạnh.

 – So sánh được: nêu được các đặc điểm giống nhau và khác nhau giữa các đối tượng.

 – Đo được: sử dụng các dụng cụ thông thường để đưa ra được giá trị của đại lượng cần xác định, ví dụ như đo độ dài bằng thước hay đo góc bằng thước đo độ.

 – Xác định được: tìm được vị trí của một đối tượng hoặc giá trị của một đại lượng bằng cách tính qua công thức.

 – Tính được: đưa ra được câu trả lời bằng số (thường bao gồm cả cách làm).

 – Rút ra được: từ các thông tin đã có, đưa ra được đặc điểm hoặc quy luật vận động của đối tượng.

 – Vận dụng được: sử dụng khái niệm, công thức vật lí để giải quyết được các vấn đề hoặc tình huống liên quan.

 – Thực hiện được: làm theo trình tự nhất định một việc nào đó.

 – Thực hiện thí nghiệm: làm được các bước thí nghiệm (theo phương án đã định hoặc đề xuất).

 – Thiết kế được: trình bày được tài liệu (hoặc phương án thí nghiệm, thực hành) có bản vẽ, phép tính, sản phẩm.

  1. Thời lượng thực hiện chương trình

 Thời lượng dành cho cho mỗi lớp là 105 tiết trong một năm học (trong đó có 35 tiết dành cho các chuyên đề học tập), dạy trong 35 tuần. Dự kiến phân bố thời lượng cho mỗi mạch nội dung được trình bày trong bảng sau.

Mạch nội dung Lớp 10 (số tiết) Lớp 11 (số tiết) Lớp 12 (số tiết) Cả cấp học (tỷ lệ %)
Mở đầu 4     1,3
Động học 16     5,1
Động lực học 18     5,7
Công, năng lượng, công suất 10     3,2
Động lượng 6     1,9
Chuyển động tròn 4     1,3
Biến dạng của vật rắn 4     1,3
Dao động   14   4,4
Sóng   16   5,1
Trường điện (Điện trường)   18   5,7
Dòng điện, mạch điện   14   4,4
Vật lí nhiệt     14 4,4
Khí lí tưởng     12 3,8
Trường từ (Từ trường)     18 5,7
Vật lí hạt nhân và phóng xạ     16 5,1
Chuyên đề 10.1 10     11,1
Chuyên đề 11.1   15  
Chuyên đề 12.1     10
Chuyên đề 10.2 10     9,5
Chuyên đề 11.2   10  
Chuyên đề 12.2     10
Chuyên đề 10.3 15     12,7
Chuyên đề 11.3   10  
Chuyên đề 12.3     15
Đánh giá định kì 8 8 10 9,0
  1. Thiết bị dạy học

 Việc hình thành khái niệm, quy luật, định luật vật lí, không thể thiếu các nội dung thí nghiệm, thực hành. Một phần không nhỏ năng lực vật lí của học sinh được hình thành thông qua các nội dung thí nghiệm, thực hành. Chính vì thế để thực hiện hiệu quả Chương trình môn Vật lí, cần bảo đảm các yêu cầu tối thiểu về thiết bị thí nghiệm, thực hành như sau:

  1. a) Các thiết bị dùng để trình diễn, chứng minh

 – Tranh ảnh, hình vẽ, sơ đồ, biểu đồ, bản đồ sao; dụng cụ xác định vị trí sao Bắc cực; ảnh (hoặc hình vẽ, mô hình) mô tả: hệ Nhật tâm; hiện tượng nhật thực, nguyệt thực, thuỷ triều, các đại lượng sóng.

 – Tài liệu đa phương tiện về: chuyển động của vật bị ném; hiện tượng nhật thực, nguyệt thực, thuỷ triều; một số ứng dụng vật lí trong y học (chụp ảnh bằng tia X, chụp ảnh cắt lớp, chụp cộng hưởng từ).

 – Xe đo có tích hợp cảm biến vị trí, cảm biến lực để vẽ đồ thị độ dịch chuyển – thời gian, đồ thị vận tốc – thời gian; dụng cụ nghiệm lại định luật bảo toàn năng lượng; máy phát và hiển thị hình ảnh sóng âm; dụng cụ dùng để tổng hợp hai lực đồng quy, song song.

  1. b) Các thiết bị dùng để thực hành

 Xe đo có tích hợp cảm biến vị trí, cảm biến lực để đo tốc độ, đo gia tốc rơi tự do, xác định tốc độ và đánh giá động lượng của vật trước và sau va chạm đàn hồi; dụng cụ đo tần số của sóng âm, đo tốc độ truyền âm bằng phương pháp sóng dừng, xác định suất điện động và điện trở trong của pin hoặc acquy, khảo sát hiện tượng quang điện, đo nhiệt dung riêng, nhiệt nóng chảy riêng, nhiệt hoá hơi, đo cảm ứng từ.

  1. c) Phòng thực hành

 Ở những nơi có điều kiện thuận lợi, cần bố trí phòng thực hành vật lí. Phòng phải có đủ diện tích để sắp xếp thiết bị, mẫu vật và bàn ghế cho học sinh làm thực hành; có máy tính, máy chiếu (projector), màn hình, máy quay, máy ảnh, dụng cụ thực hành, tủ đựng dụng cụ, vật liệu tiêu hao, bảng viết, bàn ghế thực hành, tủ sấy, máy hút ẩm, quạt thông gió, dụng cụ bảo hộ, thiết bị phòng cháy và chữa cháy, vòi nước và bồn rửa; có nội quy phòng thực hành.

 Trong một số trường hợp, những vùng còn khó khăn, thiếu thốn về thiết bị dạy học có thể thực hiện một số yêu cầu cần đạt ở mức độ đơn giản hơn. Ví dụ, trong trường hợp nhất định, Chương trình môn Vật lí nêu ra 2 mức đáp ứng cho một yêu cầu cần đạt: thực hiện thí nghiệm hoặc dựa trên số liệu cho sẵn để rút ra kết luận. Học sinh ở những trường không đủ điều kiện về thiết bị dạy học có thể chỉ dựa trên số liệu cho trước (mức 2) mà không thực hiện thí nghiệm (mức 1). Tuy nhiên, để bảo đảm sự đồng bộ và thống nhất về kiến thức, kĩ năng đối với học sinh cả nước, trong Chương trình môn Vật lí cũng chỉ có một số trường hợp được lựa chọn hai mức yêu cầu cần đạt như vậy. Các địa phương cần bảo đảm yêu cầu tối thiểu về thiết bị dạy học được quy định trên đây để thực hiện được đầy đủ các mức độ yêu cầu cần đạt của Chương trình môn Vật lí.

 CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG

 MÔN HOÁ HỌC

 (Ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

 MỤC LỤC

  1. ĐẶC ĐIỂM MÔN HỌC
  2. QUAN ĐIỂM XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH

 III. MỤC TIÊU CHƯƠNG TRÌNH

  1. YÊU CẦU CẦN ĐẠT
  2. NỘI DUNG GIÁO DỤC

 LỚP 10

 LỚP 11

 LỚP 12

  1. PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC

 VII. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ GIÁO DỤC

 VIII. GIẢI THÍCH VÀ HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

  

  1. ĐẶC ĐIỂM MÔN HỌC

 Hoá học là ngành khoa học thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, nghiên cứu về thành phần cấu trúc, tính chất và sự biến đổi của các đơn chất và hợp chất.

 Hoá học kết hợp chặt chẽ giữa lí thuyết và thực nghiệm, là cầu nối các ngành khoa học tự nhiên khác như vật lí, sinh học, y dược và địa chất học. Những tiến bộ trong lĩnh vực hoá học gắn liền với sự phát triển của những phát hiện mới trong các lĩnh vực của các ngành sinh học, y học và vật lí. Hoá học đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống, sản xuất, góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội. Những thành tựu của hoá học được ứng dụng vào các ngành vật liệu, năng lượng, y dược, công nghệ sinh học, nông – lâm – ngư nghiệp và nhiều lĩnh vực khác.

 Trong chương trình giáo dục phổ thông, Hoá học là môn học thuộc nhóm môn khoa học tự nhiên ở cấp trung học phổ thông, được học sinh lựa chọn theo định hướng nghề nghiệp, sở thích và năng lực của bản thân. Môn Hoá học giúp học sinh có được những tri thức cốt lõi về hoá học và ứng dụng những tri thức này vào cuộc sống, đồng thời có mối quan hệ với nhiều lĩnh vực giáo dục khác. Cùng với Toán học, Vật lí, Sinh học, Tin học và Công nghệ, môn Hoá học góp phần thúc đẩy giáo dục STEM, một trong những xu hướng giáo dục đang được coi trọng ở nhiều quốc gia trên thế giới.

 Nội dung môn Hoá học được thiết kế thành các chủ đề vừa bảo đảm củng cố các mạch nội dung, phát triển kiến thức và kĩ năng thực hành đã hình thành từ cấp học dưới, vừa giúp học sinh có hiểu biết sâu sắc hơn về các kiến thức cơ sở chung của hoá học, làm cơ sở để học tập, làm việc, nghiên cứu.

 Trong mỗi năm học, những học sinh có định hướng nghề nghiệp cần sử dụng nhiều kiến thức hoá học được chọn ba chuyên đề học tập phù hợp với nguyện vọng của bản thân và điều kiện tổ chức của nhà trường. Các chuyên đề này nhằm thực hiện yêu cầu phân hoá sâu, giúp học sinh tăng cường kiến thức và kĩ năng thực hành, vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học để giải quyết những vấn đề của thực tiễn, đáp ứng yêu cầu định hướng nghề nghiệp.

  1. QUAN ĐIỂM XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH

 Chương trình môn Hoá học tuân thủ đầy đủ các quy định được nêu trong Chương trình tổng thể, đồng thời, xuất phát từ đặc điểm môn học, nhấn mạnh các quan điểm sau:

  1. Bảo đảm tính kế thừa và phát triển
  2. a) Chương trình môn Hoá học kế thừa và phát huy ưu điểm của chương trình hiện hành, tiếp thu kinh nghiệm xây dựng chương trình môn học của các nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới và trong khu vực; đồng thời, tiếp cận những thành tựu của khoa học giáo dục, khoa học hoá học phù hợp với trình độ nhận thức, tâm sinh lí lứa tuổi của học sinh, có tính đến điều kiện kinh tế và xã hội Việt Nam.
  3. b) Chương trình môn Hoá học kế thừa và phát triển các nội dung giáo dục của môn Khoa học tự nhiên ở cấp trung học cơ sở theo cấu trúc đồng tâm kết hợp cấu trúc tuyến tính nhằm mở rộng và nâng cao kiến thức, kĩ năng cho học sinh. Ở cấp trung học cơ sở, thông qua môn Khoa học tự nhiên, học sinh mới làm quen với một số kiến thức hoá học cơ bản ở mức độ định tính, mô tả trực quan. Ở cấp trung học phổ thông, môn Hoá học chú trọng trang bị cho học sinh các kiến thức cơ sở hoá học chung về cấu tạo, tính chất và ứng dụng của các đơn chất và hợp chất để học sinh giải thích được bản chất của quá trình biến đổi hoá học ở mức độ cần thiết.
  4. Bảo đảm tính thực tiễn

 Chương trình môn Hoá học đề cao tính thực tiễn; tránh khuynh hướng thiên về tính toán; chú trọng trang bị các khái niệm công cụ và phương pháp sử dụng công cụ, đặc biệt là giúp học sinh có kĩ năng thực hành thí nghiệm, kĩ năng vận dụng các tri thức hoá học vào việc tìm hiểu và giải quyết ở mức độ nhất định một số vấn đề của thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống.

  1. Thực hiện yêu cầu định hướng nghề nghiệp

 Chương trình môn Hoá học cụ thể hoá mục tiêu giáo dục định hướng nghề nghiệp. Trên cơ sở xác định các lĩnh vực ngành nghề và quá trình công nghệ đòi hỏi tri thức hoá học chuyên sâu, chương trình lựa chọn nội dung giáo dục cốt lõi và các chuyên đề học tập, giúp học sinh tìm hiểu sâu hơn các tri thức hoá học có nhiều ứng dụng trong thực tiễn, có tác dụng chuẩn bị cho định hướng nghề nghiệp.

  1. Phát huy tính tích cực của học sinh

 Các phương pháp giáo dục của môn Hoá học góp phần phát huy tính tích cực, chủ động và sáng tạo của học sinh, nhằm hình thành năng lực hoá học và góp phần hình thành, phát triển các phẩm chất chủ yếu và năng lực chung được quy định trong Chương trình tổng thể.

 III. MỤC TIÊU CHƯƠNG TRÌNH

 Môn Hoá học hình thành, phát triển ở học sinh năng lực hoá học; đồng thời góp phần cùng các môn học, hoạt động giáo dục khác hình thành, phát triển ở học sinh các phẩm chất chủ yếu và năng lực chung, đặc biệt là thế giới quan khoa học; hứng thú học tập, nghiên cứu; tính trung thực; thái độ tôn trọng các quy luật của thiên nhiên, ứng xử với thiên nhiên phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững; khả năng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực và sở thích, điều kiện và hoàn cảnh của bản thân.

  1. YÊU CẦU CẦN ĐẠT
  2. Yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực chung

 Môn Hoá học góp phần hình thành và phát triển ở học sinh các phẩm chất và năng lực chung theo các mức độ phù hợp với môn học, cấp học đã được quy định tại Chương trình tổng thể.

  1. Yêu cầu cần đạt về năng lực đặc thù

 Môn Hoá học hình thành và phát triển ở học sinh năng lực hoá học – một biểu hiện đặc thù của năng lực khoa học tự nhiên với các thành phần: nhận thức hoá học; tìm hiểu thế giới tự nhiên dưới góc độ hoá học; vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học.

 Các biểu hiện cụ thể của năng lực hoá học được trình bày ở bảng tổng hợp dưới đây:

Thành phần năng lực Biểu hiện
Nhận thức hoá học Nhận thức được các kiến thức cơ sở về cấu tạo chất; các quá trình hoá học; các dạng năng lượng và bảo toàn năng lượng; một số chất hoá học cơ bản và chuyển hoá hoá học; một số ứng dụng của hoá học trong đời sống và sản xuất. Các biểu hiện cụ thể:

 – Nhận biết và nêu được tên của các đối tượng, sự kiện, khái niệm hoặc quá trình hoá học.

 – Trình bày được các sự kiện, đặc điểm, vai trò của các đối tượng, khái niệm hoặc quá trình hoá học.

 – Mô tả được đối tượng bằng các hình thức nói, viết, công thức, sơ đồ, biểu đồ, bảng.

 – So sánh, phân loại, lựa chọn được các đối tượng, khái niệm hoặc quá trình hoá học theo các tiêu chí khác nhau.

 – Phân tích được các khía cạnh của các đối tượng, khái niệm hoặc quá trình hoá học theo logic nhất định.

 – Giải thích và lập luận được về mối quan hệ giữa các các đối tượng, khái niệm hoặc quá trình hoá học (cấu tạo – tính chất, nguyên nhân – kết quả,…).

 – Tìm được từ khoá, sử dụng được thuật ngữ khoa học, kết nối được thông tin theo logic có ý nghĩa, lập được dàn ý khi đọc và trình bày các văn bản khoa học.

 – Thảo luận, đưa ra được những nhận định phê phán có liên quan đến chủ đề.

Tìm hiểu thế giới tự nhiên dưới góc độ hoá học Quan sát, thu thập thông tin; phân tích, xử lí số liệu; giải thích; dự đoán được kết quả nghiên cứu một số sự vật, hiện tượng trong tự nhiên và đời sống. Các biểu hiện cụ thể:

 – Đề xuất vấn đề: nhận ra và đặt được câu hỏi liên quan đến vấn đề; phân tích được bối cảnh để đề xuất vấn đề; biểu đạt được vấn đề.

 – Đưa ra phán đoán và xây dựng giả thuyết: phân tích được vấn đề để nêu được phán đoán; xây dựng và phát biểu được giả thuyết nghiên cứu.

 – Lập kế hoạch thực hiện: xây dựng được khung logic nội dung tìm hiểu; lựa chọn được phương pháp thích hợp (quan sát, thực nghiệm, điều tra, phỏng vấn,…); lập được kế hoạch triển khai tìm hiểu.

 – Thực hiện kế hoạch: thu thập được sự kiện và chứng cứ (quan sát, ghi chép, thu thập dữ liệu, thực nghiệm); phân tích được dữ liệu nhằm chứng minh hay bác bỏ giả thuyết; rút ra được kết luận và và điều chỉnh được kết luận khi cần thiết.

 – Viết, trình bày báo cáo và thảo luận: sử dụng được ngôn ngữ, hình vẽ, sơ đồ, biểu bảng để biểu đạt quá trình và kết quả tìm hiểu; viết được báo cáo sau quá trình tìm hiểu; hợp tác với đối tác bằng thái độ lắng nghe tích cực và tôn trọng quan điểm, ý kiến đánh giá do người khác đưa ra để tiếp thu tích cực và giải trình, phản biện, bảo vệ kết quả tìm hiểu một cách thuyết phục.

Vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học Vận dụng được kiến thức, kĩ năng đã học để giải quyết một số vấn đề trong học tập, nghiên cứu khoa học và một số tình huống cụ thể trong thực tiễn. Các biểu hiện cụ thể:

 – Vận dụng được kiến thức hoá học để phát hiện, giải thích được một số hiện tượng tự nhiên, ứng dụng của hoá học trong cuộc sống.

 – Vận dụng được kiến thức hoá học để phản biện, đánh giá ảnh hưởng của một vấn đề thực tiễn.

 – Vận dụng được kiến thức tổng hợp để đánh giá ảnh hưởng của một vấn đề thực tiễn và đề xuất một số phương pháp, biện pháp, mô hình, kế hoạch giải quyết vấn đề.

 – Định hướng được ngành, nghề sẽ lựa chọn sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông.

 – Ứng xử thích hợp trong các tình huống có liên quan đến bản thân, gia đình và cộng đồng phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững xã hội và bảo vệ môi trường.

  1. NỘI DUNG GIÁO DỤC
  2. Nội dung khái quát

 1.1. Nội dung cốt lõi:

Mạch nội dung Lớp 10 Lớp 11 Lớp 12
Kiến thức cơ sở hoá học chung      
Cấu tạo nguyên tử x    
Bảng tuần hoàn các nguyên tố hoá học x    
Liên kết hoá học x    
Năng lượng hoá học x    
Tốc độ phản ứng hoá học x    
Phản ứng oxi hoá – khử x    
Cân bằng hoá học   x  
Pin điện và điện phân     x
Hoá học vô cơ      
Nguyên tố nhóm VIIA x    
Nitrogen và Sulfur   x  
Đại cương về kim loại     x
Nguyên tố nhóm IA và nhóm IIA     x
Sơ lược về dãy kim loại chuyển tiếp thứ nhất và phức chất     x
Hoá học hữu cơ      
Đại cương về Hoá học hữu cơ   x  
Hydrocarbon   x  
Dẫn xuất halogen – Alcohol – Phenol   x  
Hợp chất carbonyl (Aldehyde – Ketone) – Carboxylic acid   x  
Ester – Lipid     x
Carbohydrate     x
Hợp chất chứa nitrogen     x
Polymer     x
Các chuyên đề học tập x x x

 1.2. Chuyên đề học tập

  1. a) Mục tiêu

 Bên cạnh nội dung giáo dục cốt lõi, trong mỗi năm học, những học sinh có thiên hướng khoa học tự nhiên được chọn học một số chuyên đề học tập. Mục tiêu của các chuyên đề này là:

 – Mở rộng, nâng cao kiến thức đáp ứng yêu cầu phân hóa sâu ở cấp trung học phổ thông.

 – Tăng cường rèn luyện kĩ năng thực hành, hoạt động trải nghiệm thực tế làm cơ sở giúp học sinh hiểu rõ hơn các quy trình kĩ thuật, công nghệ thuộc các ngành nghề liên quan đến hoá học.

 – Giúp học sinh hiểu sâu hơn vai trò của hoá học trong đời sống thực tế, những ngành nghề có liên quan đến hoá học để học sinh có cơ sở định hướng nghề nghiệp sau này cũng như có đủ năng lực để giải quyết những vấn đề có liên quan đến hoá học và tiếp tục tự học hoá học suốt đời.

  1. b) Nội dung các chuyên đề học tập
Chuyên đề học tập Lớp 10 Lớp 11 Lớp 12
CHUYÊN ĐỀ NÂNG CAO KIẾN THỨC      
Chuyên đề 10.1. Cơ sở hoá học x    
Chuyên đề 12.3. Một số vấn đề cơ bản về phức chất     x
Chuyên đề 12.1. Cơ chế phản ứng trong hoá học hữu cơ     x
CHUYÊN ĐỀ THỰC HÀNH      
Chuyên đề 10.3. Thực hành: Hoá học và công nghệ thông tin x    
Chuyên đề 11.2. Trải nghiệm, thực hành hoá học hữu cơ   x  
Chuyên đề 12.2. Trải nghiệm, thực hành hoá học vô cơ     x
CHUYÊN ĐỀ GIỚI THIỆU MỘT SỐ NGÀNH NGHỀ CÓ LIÊN QUAN ĐẾN HÓA HỌC      
Chuyên đề 10.2. Hoá học trong việc phòng chống cháy nổ x    
Chuyên đề 11.1. Phân bón   x  
Chuyên đề 11.3. Dầu mỏ và chế biến dầu mỏ   x  
  1. Nội dung cụ thể và yêu cầu cần đạt ở các lớp

 LỚP 10

Nội dung Yêu cầu cần đạt
Nhập môn hoá học – Nêu được đối tượng nghiên cứu của hoá học.

 – Trình bày được phương pháp học tập và nghiên cứu hoá học.

 – Nêu được vai trò của hoá học đối với đời sống, sản xuất,…

CẤU TẠO NGUYÊN TỬ
Các thành phần của nguyên tử – Trình bày được thành phần của nguyên tử (nguyên tử vô cùng nhỏ; nguyên tử gồm 2 phần: hạt nhân và lớp vỏ nguyên tử; hạt nhân tạo nên bởi các hạt proton (p), neutron (n); Lớp vỏ tạo nên bởi các electron (e); điện tích, khối lượng mỗi loại hạt).

 – So sánh được khối lượng của electron với proton và neutron, kích thước của hạt nhân với kích thước nguyên tử.

Nguyên tố hoá học – Trình bày được khái niệm về nguyên tố hoá học, số hiệu nguyên tử và kí hiệu nguyên tử.

 – Phát biểu được khái niệm đồng vị, nguyên tử khối.

 – Tính được nguyên tử khối trung bình (theo amu) dựa vào khối lượng nguyên tử và phần trăm số nguyên tử của các đồng vị theo phổ khối lượng được cung cấp.

Cấu trúc lớp vỏ electron nguyên tử – Trình bày và so sánh được mô hình của Rutherford – Bohr với mô hình hiện đại mô tả sự chuyển động của electron trong nguyên tử.

 – Nêu được khái niệm về orbital nguyên tử (AO), mô tả được hình dạng của AO (s, p), số lượng electron trong 1 AO.

 – Trình bày được khái niệm lớp, phân lớp electron và mối quan hệ về số lượng phân lớp trong một lớp. Liên hệ được về số lượng AO trong một phân lớp, trong một lớp.

 – Viết được cấu hình electron nguyên tử theo lớp, phân lớp electron và theo ô orbital khi biết số hiệu nguyên tử Z của 20 nguyên tố đầu tiên trong bảng tuần hoàn.

 – Dựa vào đặc điểm cấu hình electron lớp ngoài cùng của nguyên tử dự đoán được tính chất hoá học cơ bản (kim loại hay phi kim) của nguyên tố tương ứng.

BẢNG TUẦN HOÀN CÁC NGUYÊN TỐ HOÁ HỌC
Cấu tạo của bảng tuần hoàn các nguyên tố hoá học – Nêu được về lịch sử phát minh định luật tuần hoàn và bảng tuần hoàn các nguyên tố hoá học.

 – Mô tả được cấu tạo của bảng tuần hoàn các nguyên tố hoá học và nêu được các khái niệm liên quan (ô, chu kì, nhóm).

 – Nêu được nguyên tắc sắp xếp của bảng tuần hoàn các nguyên tố hoá học (dựa theo cấu hình electron).

 – Phân loại được nguyên tố (dựa theo cấu hình electron: nguyên tố s, p, d, f; dựa theo tính chất hoá học: kim loại, phi kim, khí hiếm).

Xu hướng biến đổi một số tính chất của nguyên tử các nguyên tố trong một chu kì và trong một nhóm – Giải thích được xu hướng biến đổi bán kính nguyên tử trong một chu kì, trong một nhóm (nhóm A) (dựa theo lực hút tĩnh điện của hạt nhân với electron ngoài cùng và dựa theo số lớp electron tăng trong một nhóm theo chiều từ trên xuống dưới).

 – Nhận xét và giải thích được xu hướng biến đổi độ âm điện và tính kim loại, phi kim của nguyên tử các nguyên tố trong một chu kì, trong một nhóm (nhóm A).

Xu hướng biến đổi thành phần và một số tính chất của hợp chất trong một chu kì – Nhận xét được xu hướng biến đổi thành phần và tính chất acid/base của các oxide và các hydroxide theo chu kì. Viết được phương trình hoá học minh hoạ.
Định luật tuần hoàn và ý nghĩa của bảng tuần hoàn các nguyên tố hoá học – Phát biểu được định luật tuần hoàn.

 – Trình bày được ý nghĩa của bảng tuần hoàn các nguyên tố hoá học: Mối liên hệ giữa vị trí (trong bảng tuần hoàn các nguyên tố hoá học) với tính chất và ngược lại.

LIÊN KẾT HOÁ HỌC
Quy tắc octet – Trình bày và vận dụng được quy tắc octet trong quá trình hình thành liên kết hoá học cho các nguyên tố nhóm A.
Liên kết ion – Trình bày được khái niệm và sự hình thành liên kết ion (nêu một số ví dụ điển hình tuân theo quy tắc octet).

 – Nêu được cấu tạo tinh thể NaCl. Giải thích được vì sao các hợp chất ion thường ở trạng thái rắn trong điều kiện thường (dạng tinh thể ion).

Liên kết cộng hoá trị – Trình bày được khái niệm và lấy được ví dụ về liên kết cộng hoá trị (liên kết đơn, đôi, ba) khi áp dụng quy tắc octet.

 – Viết được công thức Lewis của một số chất đơn giản.

 – Trình bày được khái niệm về liên kết cho nhận.

 – Phân biệt được các loại liên kết (liên kết cộng hoá trị không phân cực, phân cực, liên kết ion) dựa theo độ âm điện.

 – Giải thích được sự hình thành liên kết s và liên kết p qua sự xen phủ AO.

 – Trình bày được khái niệm năng lượng liên kết (cộng hoá trị).

 – Lắp được mô hình phân tử, tinh thể NaCl (theo mô hình có sẵn).

Liên kết hydrogen và tương tác (liên kết) van der Waals – Trình bày được khái niệm liên kết hydrogen. Vận dụng để giải thích được sự xuất hiện liên kết hydrogen (với nguyên tố có độ âm điện lớn: N, O, F).

 – Nêu được vai trò, ảnh hưởng của liên kết hydrogen tới tính chất vật lí của H2O.

 – Nêu được khái niệm về tương tác van der Waals và ảnh hưởng của tương tác này tới nhiệt độ nóng chảy, nhiệt độ sôi của các chất.

PHẢN ỨNG OXI HOÁ – KHỬ
Phản ứng oxi hoá – khử – Nêu được khái niệm và xác định được số oxi hoá của nguyên tử các nguyên tố trong hợp chất.

 – Nêu được khái niệm về phản ứng oxi hoá – khử và ý nghĩa của phản ứng oxi hoá – khử.

 – Mô tả được một số phản ứng oxi hoá – khử quan trọng gắn liền với cuộc sống.

 – Cân bằng được phản ứng oxi hoá – khử bằng phương pháp thăng bằng electron.

NĂNG LƯỢNG HOÁ HỌC
Sự biến thiên enthalpy trong các phản ứng hoá học – Trình bày được khái niệm phản ứng toả nhiệt, thu nhiệt; điều kiện chuẩn (áp suất 1 bar và thường chọn nhiệt độ 25oC hay 298 K); enthalpy tạo thành (nhiệt tạo thành) ∆f , và biến thiên enthalpy (nhiệt phản ứng) của phản ứng ∆r.

 – Nêu được ý nghĩa của dấu và giá trị ∆r.

 – Tính được ∆rcủa một phản ứng dựa vào bảng số liệu năng lượng liên kết, nhiệt tạo thành cho sẵn, vận dụng công thức:

 b (cđ ) , E b (sp) là tổng năng lượng liên kết trong phân tử chất đầu và sản phẩm phản ứng.

TỐC ĐỘ PHẢN ỨNG HOÁ HỌC
Phương trình tốc độ phản ứng và hằng số tốc độ của phản ứng – Trình bày được khái niệm tốc độ phản ứng hoá học và cách tính tốc độ trung bình của phản ứng.

 – Viết được biểu thức tốc độ phản ứng theo hằng số tốc độ phản ứng và nồng độ (còn gọi là định luật tác dụng khối lượng (M. Guldberg và P. Waage, 1864) chỉ đúng cho phản ứng đơn giản nên không tùy ý áp dụng cho mọi phản ứng). Từ đó nêu được ý nghĩa hằng số tốc độ phản ứng.

Các yếu tố ảnh hưởng tới tốc độ phản ứng – Thực hiện được một số thí nghiệm nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng tới tốc độ phản ứng (nồng độ, nhiệt độ, áp suất, diện tích bề mặt, chất xúc tác).

 – Giải thích được các yếu tố ảnh hưởng tới tốc độ phản ứng như: nồng độ, nhiệt độ, áp suất, diện tích bề mặt, chất xúc tác.

 -Nêu được ý nghĩa của hệ số nhiệt độ Van’t Hoff (γ).

 – Vận dụng được kiến thức tốc độ phản ứng hoá học vào việc giải thích một số vấn đề trong cuộc sống và sản xuất.

NGUYÊN TỐ NHÓM VIIA
Tính chất vật lí và hoá học các đơn chất nhóm VIIA – Phát biểu được trạng thái tự nhiên của các nguyên tố halogen.

 – Mô tả được trạng thái, màu sắc, nhiệt độ nóng chảy, nhiệt độ sôi của các đơn chất halogen.

 – Giải thích được sự biến đổi nhiệt độ nóng chảy, nhiệt độ sôi của các đơn chất halogen dựa vào tương tác van der Waals.

 – Trình bày được xu hướng nhận thêm 1 electron (từ kim loại) hoặc dùng chung electron (với phi kim) để tạo hợp chất ion hoặc hợp chất cộng hoá trị dựa theo cấu hình electron.

 – Thực hiện được (hoặc quan sát video) thí nghiệm chứng minh được xu hướng giảm dần tính oxi hoá của các halogen thông qua một số phản ứng: Thay thế halogen trong dung dịch muối bởi một halogen khác; Halogen tác dụng với hydrogen và với nước.

 – Giải thích được xu hướng phản ứng của các đơn chất halogen với hydrogen theo khả năng hoạt động của halogen và năng lượng liên kết H-X (điều kiện phản ứng, hiện tượng phản ứng và hỗn hợp chất có trong bình phản ứng).

 – Viết được phương trình hoá học của phản ứng tự oxi hoá – khử của chlorine trong phản ứng với dung dịch sodium hydroxide ở nhiệt độ thường và khi đun nóng; ứng dụng của phản ứng này trong sản xuất chất tẩy rửa.

 – Thực hiện được (hoặc quan sát video) một số thí nghiệm chứng minh tính oxi hoá mạnh của các halogen và so sánh tính oxi hoá giữa chúng (thí nghiệm tính tẩy màu của khí chlorine ẩm; thí nghiệm nước chlorine, nước bromine tương tác với các dung dịch sodium chloride, sodium bromide, sodium iodide).

Hydrogen halide và một số phản ứng của ion halide (halogenua) – Nhận xét (từ bảng dữ liệu về nhiệt độ sôi) và giải thích được xu hướng biến đổi nhiệt độ sôi của các hydrogen halide từ HCl tới HI dựa vào tương tác van der Waals. Giải thích được sự bất thường về nhiệt độ sôi của HF so với các HX khác.

 – Trình bày được xu hướng biến đổi tính acid của dãy hydrohalic acid.

 – Thực hiện được thí nghiệm phân biệt các ion F, Cl, Br, I– bằng cách cho dung dịch silver nitrate vào dung dịch muối của chúng.

 – Trình bày được tính khử của các ion halide (Cl, Br, I) thông qua phản ứng với chất oxi hoá là sulfuric acid đặc.

 – Nêu được ứng dụng của một số hydrogen halide.

 CHUYÊN ĐỀ HỌC TẬP

Nội dung Yêu cầu cần đạt
Chuyên đề 10.1: CƠ SỞ HOÁ HỌC
Liên kết hoá học – Viết được công thức Lewis, sử dụng được mô hình VSEPR để dự đoán hình học cho một số phân tử đơn giản.

 – Trình bày được khái niệm về sự lai hoá AO (sp, sp2, sp3), vận dụng giải thích liên kết trong một số phân tử (CO2; BF3; CH4;…).

Phản ứng hạt nhân – Nêu được sơ lược về sự phóng xạ tự nhiên; Lấy được ví dụ về sự phóng xạ tự nhiên.

 -Vận dụng được các định luật bảo toàn số khối và điện tích cho phản ứng hạt nhân.

 – Nêu được sơ lược về sự phóng xạ nhân tạo, phản ứng hạt nhân.

 – Nêu được ứng dụng của phản ứng hạt nhân phục vụ nghiên cứu khoa học, đời sống và sản xuất.

 – Nêu được các ứng dụng điển hình của phản ứng hạt nhân: xác định niên đại cổ vật, các ứng dụng trong lĩnh vực y tế, năng lượng,…

Năng lượng hoạt hoá của phản ứng hoá học – Trình bày được khái niệm năng lượng hoạt hoá (theo khía cạnh ảnh hưởng đến tốc độ phản ứng).

 – Nêu được ảnh hưởng của năng lượng hoạt hoá và nhiệt độ tới tốc độ phản ứng thông qua phương trình Arrhenius k = A..

 – Giải thích được vai trò của chất xúc tác.

Entropy và biến thiên năng lượng tự do Gibbs – Nêu được khái niệm về Entropy S (đại lượng đặc trưng cho độ mất trật tự của hệ).

 – Nêu được ý nghĩa của dấu và trị số của biến thiên năng lượng tự do Gibbs (không cần giải thích ΔrG là gì, chỉ cần nêu: Để xác định chiều hướng phản ứng, người ta dựa vào biến thiên năng lượng tự do ΔrG) của phản ứng (ΔG) để dự đoán hoặc giải thích chiều hướng của một phản ứng hoá học.

 – Tính được ΔrGtheo công thức ΔrG= ΔrH– T.ΔrStừ bảng cho sẵn các giá trị ΔfHvà Scủa các chất.

Chuyên đề 10.2: HOÁ HỌC TRONG VIỆC PHÒNG CHỐNG CHÁY NỔ
Sơ lược về phản ứng cháy và nổ – Nêu được khái niệm, đặc điểm của phản ứng cháy (thuộc loại phản ứng oxi hoá – khử và là phản ứng toả nhiệt, phát ra ánh sáng).

 – Nêu được một số ví dụ về sự cháy các chất vô cơ và hữu cơ (xăng, dầu cháy trong không khí; Mg cháy trong CO2,…).

 – Nêu được điều kiện cần và đủ để phản ứng cháy xảy ra.

 – Nêu được khái niệm, đặc điểm cơ bản của phản ứng nổ (xảy ra với tốc độ rất nhanh kèm theo sự tăng thể tích đột ngột và toả lượng nhiệt lớn)

 – Nêu được khái niệm phản ứng nổ vật lí và nổ hoá học.

 – Trình bày được khái niệm về “nổ bụi” (nổ bụi là vụ nổ gây bởi các hạt bụi rắn có kích thước hạt nhỏ (hầu hết các vật liệu hữu cơ rắn như bột nhựa, bột đường, bột ngũ cốc cũng như bột kim loại có khả năng tác dụng với oxi và toả nhiệt mạnh) trong không khí)

 – Trình bày được những sản phẩm độc hại thường sinh ra trong các phản ứng cháy: CO2, CO, HCl, SO2,… và tác hại của chúng với con người.

 (CO rất độc với con người. Ở nồng độ 1,28%CO, con người bất tỉnh sau 2 – 3 hơi thở, chết sau 2 – 3 phút)

Điểm chớp cháy (Nhiệt độ chớp cháy), nhiệt độ tự bốc cháy và nhiệt độ cháy – Nêu được khái niệm về điểm chớp cháy (là nhiệt độ thấp nhất ở áp suất của khí quyển mà một hợp chất hữu cơ hoặc vật liệu dễ bay hơi (có thể thay bằng cụm từ chất lỏng cháy dễ bay hơi vì nhiều hợp chất hữu cơ không có khả năng cháy) tạo thành lượng hơi đủ để bốc cháy trong không khí khi gặp nguồn phát tia lửa).

 – Nêu được khái niệm về nhiệt độ tự bốc cháy (là nhiệt độ thấp nhất mà tại đó, chất cháy tự cháy mà không cần tiếp xúc với nguồn nhiệt tại điều kiện áp suất khí quyển).

 – Trình bày được việc sử dụng điểm chớp cháy để phân biệt chất lỏng dễ cháy và có thể gây cháy. (chất lỏng có điểm chớp cháy nhỏ hơn 37,8°C được gọi là chất lỏng dễ cháy. Trong khi các chất lỏng có điểm chớp cháy trên nhiệt độ đó gọi là chất lỏng có thể gây cháy).

 – Trình bày được khái niệm nhiệt độ cháy.

 – Phân tích được dấu hiệu để nhận biết về những nguy cơ và cách giảm nguy cơ gây cháy, nổ; cách xử lí khi có cháy, nổ. (Chú ý tìm hiểu, thu thập thông tin về điểm chớp cháy, nhiệt độ cháy của những chất hay gặp trong cuộc sống như: xăng, dầu, vật liệu xây dựng)

Hoá học về phản ứng cháy, nổ – Tính được ΔrHmột số phản ứng cháy, nổ (theo ΔfHhoặc năng lượng liên kết) để dự đoán mức độ mãnh liệt của phản ứng cháy, nổ.

 – Tính được sự thay đổi của tốc độ phản ứng cháy, “tốc độ phản ứng hô hấp” theo giả định về sự phụ thuộc vào nồng độ O2.

 – Nêu được các nguyên tắc chữa cháy (làm giảm tốc độ phản ứng cháy) dựa vào các yếu tố ảnh hưởng đến tốc độ phản ứng hoá học.

 – Giải thích được vì sao lại hay dùng COđể chữa cháy (cách li và làm giảm nồng độ O2; COnặng hơn không khí).

 – Giải thích được vì sao lại hay dùng nước để chữa cháy (làm giảm nhiệt độ xuống dưới nhiệt độ cháy,…).

 – Giải thích được lí do vì sao một số trường hợp không được dùng nước để chữa cháy (cháy xăng, dầu; đám cháy chứa hoá chất phản ứng với nước,…) mà lại phải dùng cát, CO2

 – Giải thích được tại sao đám cháy có mặt các kim loại hoạt động mạnh như kim loại kiềm, kiềm thổ và nhôm… không sử dụng nước, CO2, cát (thành phần chính là SiO2), bọt chữa cháy (hỗn hợp không khí, nước và chất hoạt động bề mặt) để dập tắt đám cháy.

Chuyên đề 10.3: THỰC HÀNH HOÁ HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÔNG TIN

 (Chọn 2 trong 3 nội dung dưới đây)

– Vẽ cấu trúc phân tử – Vẽ được công thức cấu tạo, công thức Lewis của một số chất vô cơ và hữu cơ.

 – Lưu được các file, chèn được hình ảnh vào file Word, PowerPoint.

– Thực hành thí nghiệm hoá học ảo – Thực hiện được các thí nghiệm ảo theo nội dung được cho trước từ giáo viên. Phân tích và lí giải được kết quả thí nghiệm ảo.
– Tính tham số cấu trúc và năng lượng – Nêu được quy trình tính toán bằng phương pháp bán kinh nghiệm (nhập file đầu vào, chọn phương pháp tính, thực hiện tính toán, lưu kết quả).

 – Sử dụng được kết quả tính toán để thấy được hình học phân tử, xu hướng thay đổi độ dài, góc liên kết và năng lượng phân tử trong dãy các chất (cùng nhóm, chu kì, dãy đồng đẳng,…).

 LỚP 11

Nội dung Yêu cầu cần đạt
CÂN BẰNG HOÁ HỌC
Khái niệm về cân bằng hoá học – Trình bày được khái niệm phản ứng thuận nghịch và trạng thái cân bằng của một phản ứng thuận nghịch.

 – Viết được biểu thức hằng số cân bằng (KC) của một phản ứng thuận nghịch.

 – Thực hiện được thí nghiệm nghiên cứu ảnh hưởng của nhiệt độ tới chuyển dịch cân bằng:

 (1) Phản ứng: 2NO N2O4

 (2) Phản ứng thuỷ phân sodium acetate.

 – Vận dụng được nguyên lí chuyển dịch cân bằng Le Chatelier để giải thích ảnh hưởng của nhiệt độ, nồng độ, áp suất đến cân bằng hoá học.

Cân bằng trong dung dịch nước – Nêu được khái niệm sự điện li, chất điện li, chất không điện li.

 – Trình bày được thuyết Brønsted – Lowry về acid – base.

 – Nêu được khái niệm và ý nghĩa của pH trong thực tiễn (liên hệ giá trị pH ở các bộ phận trong cơ thể với sức khoẻ con người, pH của đất, nước tới sự phát triển của động thực vật,…).

 – Viết được biểu thức tính pH (pH = -lg[H+] hoặc [H+] = 10-pH) và biết cách sử dụng các chất chỉ thị để xác định pH (môi trường acid, base, trung tính) bằng các chất chỉ thị phổ biến như giấy chỉ thị màu, quỳ tím, phenolphthalein,…

 – Nêu được nguyên tắc xác định nồng độ acid, base mạnh bằng phương pháp chuẩn độ.

 – Thực hiện được thí nghiệm chuẩn độ acid – base: Chuẩn độ dung dịch base mạnh (sodium hydroxide) bằng acid mạnh (hydrochloric acid).

 – Trình bày được ý nghĩa thực tiễn cân bằng trong dung dịch nước của ion Al3+, Fe3+ và .

NITROGEN VÀ SULFUR
Đơn chất nitơ (nitrogen) – Phát biểu được trạng thái tự nhiên của nguyên tố nitrogen.

 – Giải thích được tính trơ của đơn chất nitơ ở nhiệt độ thường thông qua liên kết và giá trị năng lượng liên kết.

 – Trình bày được sự hoạt động của đơn chất nitơ ở nhiệt độ cao đối với hydrogen, oxygen. Liên hệ được quá trình tạo và cung cấp nitrate (nitrat) cho đất từ nước mưa.

 – Giải thích được các ứng dụng của đơn chất nitơ khí và lỏng trong sản xuất, trong hoạt động nghiên cứu.

Ammonia và một số hợp chất ammonium – Mô tả được công thức Lewis và hình học của phân tử ammonia.

 – Dựa vào đặc điểm cấu tạo của phân tử ammonia, giải thích được tính chất vật lí (tính tan), tính chất hoá học (tính base, tính khử). Viết được phương trình hoá học minh hoạ.

 – Vận dụng được kiến thức về cân bằng hoá học, tốc độ phản ứng, enthalpy cho phản ứng tổng hợp ammonia từ nitơ và hydrogen trong quá trình Haber.

 – Trình bày được tính chất cơ bản của muối ammonium (dễ tan và phân li, chuyển hoá thành ammonia trong kiềm, dễ bị nhiệt phân) và nhận biết được ion ammonium trong dung dịch.

 – Trình bày được ứng dụng của ammonia (chất làm lạnh; sản xuất phân bón như: đạm, ammophos; sản xuất nitric acid; làm dung môi…); của ammonium nitrate và một số muối ammonium tan như: phân đạm, phân ammophos…

 – Thực hiện được (hoặc quan sát video) thí nghiệm nhận biết được ion ammonium trong phân đạm chứa ion ammonium.

Một số hợp chất với oxygen của nitrogen – Phân tích được nguồn gốc của các oxide của nitrogen trong không khí và nguyên nhân gây hiện tượng mưa acid.

 – Nêu được cấu tạo của HNO3, tính acid, tính oxi hoá mạnh trong một số ứng dụng thực tiễn quan trọng của nitric acid.

 – Giải thích được nguyên nhân, hệ quả của hiện tượng phú dưỡng hoá (eutrophication).

Lưu huỳnh và sulfur dioxide – Nêu được các trạng thái tự nhiên của nguyên tố sulfur.

 – Trình bày được cấu tạo, tính chất vật lí, hoá học cơ bản và ứng dụng của lưu huỳnh đơn chất.

 – Thực hiện được thí nghiệm chứng minh lưu huỳnh đơn chất vừa có tính oxi hoá (tác dụng với kim loại), vừa có tính khử (tác dụng với oxygen).

 – Trình bày được tính oxi hoá (tác dụng với hydrogen sulfide) và tính khử (tác dụng với nitrogen dioxide, xúc tác nitrogen oxide trong không khí) và ứng dụng của sulfur dioxide (khả năng tẩy màu, diệt nấm mốc,…).

 – Trình bày được sự hình thành sulfur dioxide do tác động của con người, tự nhiên, tác hại của sulfur dioxide và một số biện pháp làm giảm thiểu lượng sulfur dioxide thải vào không khí.

Sulfuric acid và muối sulfate – Trình bày được tính chất vật lí, cách bảo quản, sử dụng và nguyên tắc xử lí sơ bộ khi bỏng acid.

 – Trình bày được cấu tạo H2SO4; tính chất vật lí, tính chất hoá học cơ bản, ứng dụng của sulfuric acid loãng, sulfuric acid đặc và những lưu ý khi sử dụng sulfuric acid.

 – Thực hiện được một số thí nghiệm chứng minh tính oxi hoá mạnh và tính háo nước của sulfuric acid đặc (với đồng, da, than, giấy, đường, gạo,…).

 – Vận dụng được kiến thức về năng lượng phản ứng, chuyển dịch cân bằng, vấn đề bảo vệ môi trường để giải thích các giai đoạn trong quá trình sản xuất sulfuric acid theo phương pháp tiếp xúc.

 – Nêu được ứng dụng của một số muối sulfate quan trọng: barium sulfate (bari sunfat), ammonium sulfate (amoni sunfat), calcium sulfate (canxi sunfat), magnesium sulfate (magie sunfat) và nhận biết được ion  trong dung dịch bằng ion Ba2+.

ĐẠI CƯƠNG HOÁ HỌC HỮU CƠ
Hợp chất hữu cơ và hoá học hữu cơ – Nêu được khái niệm hợp chất hữu cơ và hoá học hữu cơ; đặc điểm chung của các hợp chất hữu cơ.

 – Phân loại được hợp chất hữu cơ (hydrocarbon và dẫn xuất).

 – Nêu được khái niệm nhóm chức và một số loại nhóm chức cơ bản.

 – Sử dụng được bảng tín hiệu phổ hồng ngoại (IR) để xác định một số nhóm chức cơ bản.

Phương pháp tách biệt và tinh chế hợp chất hữu cơ – Trình bày được nguyên tắc và cách thức tiến hành các phương pháp tách biệt và tinh chế hợp chất hữu cơ: chưng cất, chiết, kết tinh và sơ lược về sắc kí cột.

 – Thực hiện được các thí nghiệm về chưng cất thường, chiết.

 – Vận dụng được các phương pháp: chưng cất thường, chiết, kết tinh để tách biệt và tinh chế một số hợp chất hữu cơ trong cuộc sống.

Công thức phân tử hợp chất hữu cơ – Nêu được khái niệm về công thức phân tử hợp chất hữu cơ.

 – Sử dụng được kết quả phổ khối lượng (MS) để xác định phân tử khối của hợp chất hữu cơ.

 – Lập được công thức phân tử hợp chất hữu cơ từ dữ liệu phân tích nguyên tố và phân tử khối.

Cấu tạo hoá học hợp chất hữu cơ – Trình bày được nội dung thuyết cấu tạo hoá học trong hoá học hữu cơ.

 – Giải thích được hiện tượng đồng phân trong hoá học hữu cơ.

 – Nêu được khái niệm chất đồng đẳng và dãy đồng đẳng.

 – Viết được công thức cấu tạo của một số hợp chất hữu cơ đơn giản (công thức cấu tạo đầy đủ, công thức cấu tạo thu gọn).

 – Nêu được chất đồng đẳng, chất đồng phân dựa vào công thức cấu tạo cụ thể của các hợp chất hữu cơ.

HYDROCARBON
Alkane (ankan) – Nêu được khái niệm về alkane, nguồn alkane trong tự nhiên, công thức chung của alkane.

 – Trình bày được quy tắc gọi tên theo danh pháp thay thế; áp dụng gọi được tên cho một số alkane (C1 – C10) mạch không phân nhánh và một số alkane mạch nhánh chứa không quá 5 nguyên tử C.

 – Trình bày và giải thích được đặc điểm về tính chất vật lí (nhiệt độ nóng chảy, nhiệt độ sôi, tỉ khối, tính tan) của một số alkane.

 – Trình bày được đặc điểm về liên kết hoá học trong phân tử alkane, hình dạng phân tử của methane, ethane; phản ứng thế, cracking, reforming, phản ứng oxi hoá hoàn toàn, phản ứng oxi hoá không hoàn toàn.

 – Thực hiện được thí nghiệm: cho hexane vào dung dịch thuốc tím, cho hexane tương tác với nước bromine ở nhiệt độ thường và khi đun nóng (hoặc chiếu sáng), đốt cháy hexane; quan sát, mô tả các hiện tượng thí nghiệm và giải thích được tính chất hoá học của alkane.

 – Trình bày được các ứng dụng của alkane trong thực tiễn và cách điều chế alkane trong công nghiệp.

 – Trình bày được một trong các nguyên nhân gây ô nhiễm không khí là do các chất trong khí thải của các phương tiện giao thông; Hiểu và thực hiện được một số biện pháp hạn chế ô nhiễm môi trường do các phương tiện giao thông gây ra.

Hydrocarbon không no – Nêu được khái niệm về alkene và alkyne, công thức chung của alkene; đặc điểm liên kết, hình dạng phân tử của ethylene và acetylene.

 – Gọi được tên một số alkene, alkyne đơn giản (C2 – C5), tên thông thường một vài alkene, alkyne thường gặp.

 – Nêu được khái niệm và xác định được đồng phân hình học (cis, trans) trong một số trường hợp đơn giản.

 – Nêu được đặc điểm về tính chất vật lí (nhiệt độ nóng chảy, nhiệt độ sôi, tỉ khối, khả năng hoà tan trong nước) của một số alkene, alkyne.

 – Trình bày được các tính chất hoá học của alkene, alkyne: Phản ứng cộng hydrogen, cộng halogen (bromine); cộng hydrogen halide (HBr) và cộng nước; quy tắc Markovnikov; Phản ứng trùng hợp của alkene; Phản ứng của alk-1-yne với dung dịch AgNOtrong NH3; Phản ứng oxi hoá (phản ứng làm mất màu thuốc tím của alkene, phản ứng cháy của alkene, alkyne).

 – Thực hiện được thí nghiệm điều chế và thử tính chất của ethylene và acetylene (phản ứng cháy, phản ứng với nước bromine, phản ứng làm mất màu thuốc tím); mô tả các hiện tượng thí nghiệm và giải thích được tính chất hoá học của alkene, alkyne.

 – Trình bày được ứng dụng của các alkene và acetylene trong thực tiễn; phương pháp điều chế alkene, acetylene trong phòng thí nghiệm (phản ứng dehydrate hoá alcohol điều chế alkene, từ calcium carbide điều chế acetylene) và trong công nghiệp (phản ứng cracking điều chế alkene, điều chế acetylene từ methane).

Arene

 (hydrocarbon thơm)

– Nêu được khái niệm về arene.

 – Viết được công thức và gọi được tên của một số arene (benzene, toluene, xylene, styrene, naphthalene).

 – Trình bày được đặc điểm về tính chất vật lí, trạng thái tự nhiên của một số arene, đặc điểm liên kết và hình dạng phân tử benzene.

 – Trình bày được tính chất hoá học đặc trưng của arene (hoặc qua mô tả thí nghiệm): Phản ứng thế của benzene và toluene, gồm phản ứng halogen hoá, nitro hoá (điều kiện phản ứng, quy tắc thế); Phản ứng cộng chlorine, hydrogen vào vòng benzene; Phản ứng oxi hoá hoàn toàn, oxi hoá nhóm alkyl.

 – Thực hiện được (hoặc quan sát qua video hoặc qua mô tả) thí nghiệm nitro hoá benzene, cộng chlorine vào benzene, oxi hoá benzene và toluene bằng dung dịch KMnO4; mô tả các hiện tượng thí nghiệm và giải thích được tính chất hoá học của arene.

 – Trình bày được ứng dụng của arene và đưa ra được cách ứng xử thích hợp đối với việc sử dụng arene trong việc bảo vệ sức khoẻ con người và môi trường.

 – Trình bày được phương pháp điều chế arene trong công nghiệp (từ nguồn hydrocarbon thiên nhiên, từ phản ứng reforming).

DẪN XUẤT HALOGEN – ALCOHOL – PHENOL
Dẫn xuất halogen – Nêu được khái niệm dẫn xuất halogen.

 – Viết được công thức cấu tạo, gọi được tên theo danh pháp thay thế (C1 – C5) và danh pháp thường của một vài dẫn xuất halogen thường gặp.

 – Nêu được đặc điểm về tính chất vật lí của một số dẫn xuất halogen.

 – Trình bày được tính chất hoá học cơ bản của dẫn xuất halogen: Phản ứng thế nguyên tử halogen (với OH); Phản ứng tách hydrogen halide theo quy tắc Zaisev.

 – Thực hiện được (hoặc quan sát video) thí nghiệm thuỷ phân ethyl bromide (hoặc ethyl chloride); mô tả được các hiện tượng thí nghiệm, giải thích được tính chất hoá học của dẫn xuất halogen.

 – Trình bày được ứng dụng của các dẫn xuất halogen; tác hại của việc sử dụng các hợp chất chlorofluorocarbon (CFC) trong công nghệ làm lạnh. Đưa ra được cách ứng xử thích hợp đối với việc lạm dụng các dẫn xuất halogen trong đời sống và sản xuất (thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, chất kích thích tăng trưởng thực vật…).

Alcohol – Nêu được khái niệm alcohol; công thức tổng quát của alcohol no, đơn chức, mạch hở; khái niệm về bậc của alcohol; đặc điểm liên kết và hình dạng phân tử của methanol, ethanol.

 – Viết được công thức cấu tạo, gọi được tên theo danh pháp thay thế một số alcohol đơn giản (C1 – C5), tên thông thường một vài alcohol thường gặp.

 – Trình bày được đặc điểm về tính chất vật lí của alcohol (trạng thái, xu hướng của nhiệt độ sôi, độ tan trong nước), giải thích được ảnh hưởng của liên kết hydrogen đến nhiệt độ sôi và khả năng hoà tan trong nước của các alcohol.

 – Trình bày được tính chất hoá học của alcohol: Phản ứng thế nguyên tử H của nhóm -OH (phản ứng chung của R-OH, phản ứng riêng của polyalcohol); Phản ứng tạo thành alkene hoặc ether; Phản ứng oxi hoá alcohol bậc I, bậc II thành aldehyde, ketone bằng CuO; Phản ứng đốt cháy.

 – Thực hiện được các thí nghiệm đốt cháy ethanol, glycerol tác dụng với copper(II) hydroxide; mô tả các hiện tượng thí nghiệm và giải thích được tính chất hoá học của alcohol.

 – Trình bày được ứng dụng của alcohol, tác hại của việc lạm dụng rượu bia và đồ uống có cồn; Nêu được thái độ, cách ứng xử của cá nhân với việc bảo vệ sức khoẻ bản thân, gia đình và cộng đồng.

 – Trình bày được phương pháp điều chế ethanol bằng phương pháp hydrate hoá ethylene, lên men tinh bột; điều chế glycerol từ propylene.

Phenol – Nêu được khái niệm về phenol, tên gọi, công thức cấu tạo một số phenol đơn giản, đặc điểm cấu tạo và hình dạng phân tử của phenol.

 – Nêu được tính chất vật lí (trạng thái, nhiệt độ nóng chảy, độ tan trong nước) của phenol.

 – Trình bày được tính chất hoá học cơ bản của phenol: Phản ứng thế H ở nhóm -OH (tính acid: thông qua phản ứng với sodium hydroxide, sodium carbonate), phản ứng thế ở vòng thơm (tác dụng với nước bromine, với HNOđặc trong H2SOđặc).

 – Thực hiện được (hoặc quan sát video, hoặc qua mô tả) thí nghiệm của phenol với sodium hydroxide, sodium carbonate, với nước bromine, với HNOđặc trong H2SOđặc; mô tả hiện tượng thí nghiệm, giải thích được tính chất hoá học của phenol.

 – Trình bày được ứng dụng của phenol và điều chế phenol (từ cumene và từ nhựa than đá).

HỢP CHẤT CARBONYL (ALDEHYDE – KETONE) – CARBOXYLIC ACID
Hợp chất carbonyl – Nêu được khái niệm hợp chất carbonyl (aldehyde và ketone).

 – Gọi được tên theo danh pháp thay thế một số hợp chất carbonyl đơn giản (C1 – C5); tên thông thường một vài hợp chất carbonyl thường gặp.

 – Mô tả được đặc điểm liên kết của nhóm chức carbonyl, hình dạng phân tử của methanal, ethanal.

 – Nêu được đặc điểm về tính chất vật lí (trạng thái, nhiệt độ sôi, tính tan) của hợp chất carbonyl.

 – Trình bày được tính chất hoá học của aldehyde, ketone: Phản ứng khử (với NaBHhoặc LiAlH4); Phản ứng oxi hoá aldehyde (với nước bromine, thuốc thử Tollens, Cu(OH2)/OH); Phản ứng cộng vào nhóm carbonyl (với HCN); Phản ứng tạo iodoform.

 – Thực hiện được (hoặc quan sát qua video, hoặc qua mô tả) các thí nghiệm: phản ứng tráng bạc, phản ứng với Cu(OH)2/OH, phản ứng tạo iodoform từ acetone; mô tả hiện tượng thí nghiệm, giải thích được tính chất hoá học của hợp chất carbonyl và xác định được hợp chất có chứa nhóm CH3CO.

 – Trình bày được ứng dụng của hợp chất carbonyl và phương pháp điều chế acetaldehyde bằng cách oxi hoá ethylene, điều chế acetone từ cumene.

 Chú ý: Phản ứng khử của hợp chất carbonyl bằng LiAlHhay NaBHchỉ viết dưới dạng sơ đồ: R-CO-R’ + [H] → R-CH(OH)-R’

Carboxylic acid – Nêu được khái niệm về carboxylic acid.

 – Viết được công thức cấu tạo và gọi được tên một số acid theo danh pháp thay thế (C1 – C5) và một vài acid thường gặp theo tên thông thường.

 – Trình bày được đặc điểm cấu tạo và hình dạng phân tử acetic acid.

 – Nêu và giải thích được đặc điểm về tính chất vật lí (trạng thái, nhiệt độ sôi, tính tan) của carboxylic acid.

 – Trình bày được tính chất hoá học cơ bản của carboxylic acid: Thể hiện tính acid (Phản ứng với chất chỉ thị, phản ứng với kim loại, oxide kim loại, base, muối) và phản ứng ester hoá.

 – Thực hiện được thí nghiệm về phản ứng của acetic acid (hoặc citric acid) với quỳ tím, sodium carbonate (hoặc calcium carbonate), magnesium; điều chế ethyl acetate (hoặc quan sát qua video thí nghiệm); mô tả được các hiện tượng thí nghiệm và giải thích được tính chất hoá học của carboxylic acid.

 – Trình bày được ứng dụng của một số carboxylic acid thông dụng và phương pháp điều chế carboxylic acid (điều chế acetic acid bằng phương pháp lên men giấm và phản ứng oxi hoá alkane).

 CHUYÊN ĐỀ HỌC TẬP

Nội dung Yêu cầu cần đạt
Chuyên đề 11.1: PHÂN BÓN
Giới thiệu chung về phân bón – Trình bày được phân bón là sản phẩm có chức năng cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng hoặc có tác dụng cải tạo đất; việc sử dụng phân bón phụ thuộc vào các loại cây trồng, thời gian sinh trưởng của cây, vùng đất khác nhau.

 – Tìm hiểu được thông tin về một số loại phân bón được dùng phổ biến trên thị trường Việt Nam.

Phân bón vô cơ – Phân loại được các loại phân bón vô cơ: Phân bón đơn, đa lượng hay còn gọi là phân khoáng đơn (đạm, lân, kali); phân bón trung lượng; phân bón vi lượng; phân bón phức hợp; phân bón hỗn hợp.

 – Mô tả được vai trò của một số chất dinh dưỡng trong phân bón vô cơ cần thiết cho cây trồng.

 – Trình bày được quy trình sản xuất một số loại phân bón vô cơ.

 – Trình bày được cách sử dụng và bảo quản của một số loại phân bón thông dụng.

Phân bón hữu cơ – Phân loại được phân bón hữu cơ: phân hữu cơ truyền thống; phân hữu cơ sinh học; phân hữu cơ khoáng.

 – Nêu được thành phần, ưu nhược điểm của một số loại phân bón hữu cơ.

 – Trình bày được vai trò của phân bón hữu cơ, cách sử dụng và bảo quản của một số loại phân bón hữu cơ thông dụng và một số quy trình sản xuất phân bón hữu cơ.

 – Nêu được tác động của việc sử dụng phân bón đến môi trường.

Chuyên đề 11.2: TRẢI NGHIỆM, THỰC HÀNH HOÁ HỌC HỮU CƠ
Tách tinh dầu từ các nguồn thảo mộc tự nhiên – Vận dụng được phương pháp chiết hoặc chưng cất để tách tinh dầu từ các nguồn thảo mộc tự nhiên (tùy điều kiện địa phương và nhà trường có thể chọn tách tinh dầu sả, dầu dừa, dầu vỏ bưởi, cam, quýt….).
Chuyển hoá chất béo thành xà phòng – Thực hiện được thí nghiệm điều chế xà phòng từ chất béo (tùy điều kiện địa phương và nhà trường có thể chọn chế hóa từ dầu ăn, dầu dừa, dầu cọ, mỡ động vật…).
Điều chế glucosamine hydrochloride từ vỏ tôm – Thực hiện được thí nghiệm điều chế glucosamine hydrochloride từ vỏ tôm.
Chuyên đề 11.3: DẦU MỎ VÀ CHẾ BIẾN DẦU MỎ
Nguồn gốc dầu mỏ – Trình bày được nguồn gốc của dầu mỏ.
Thành phần và phân loại dầu mỏ – Trình bày được thành phần (hydrocarbon và phi hydrocarbon) và phân loại dầu mỏ (theo thành phần hoá học và theo bản chất vật lí).
Chế biến dầu mỏ – Trình bày được các giai đoạn chế biến dầu mỏ: tiền xử lí, chưng cất, cracking (cracking nhiệt, cracking xúc tác), reforming.

 – Trình bày được các sản phẩm của dầu mỏ (xăng, dầu hoả, diesel, xăng phản lực, dầu đốt, dầu bôi trơn, nhựa đường, sản phẩm hoá dầu).

 – Nêu được khái niệm chỉ số octane và chỉ số octane của một số hydrocarbon, ý nghĩa của chỉ số octane đến chất lượng của xăng. Trình bày được các biện pháp nâng cao chỉ số octane cho xăng và cách sử dụng nhiên liệu an toàn, tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường và sức khoẻ con người.

Ngành sản xuất dầu mỏ trên thế giới và ở Việt Nam – Trình bày được trữ lượng dầu mỏ, sự tiêu thụ dầu mỏ và sự phát triển của công nghiệp dầu mỏ của một số nước/khu vực trên thế giới.

 – Trình bày được lượng dầu mỏ, sự tiêu thụ dầu mỏ và sự phát triển của công nghiệp dầu mỏ ở Việt Nam.

Sản xuất dầu mỏ và vấn đề môi trường – Trình bày được các nguy cơ (sự cố tràn dầu, các vấn đề rác dầu) gây ô nhiễm môi trường trong quá trình khai thác dầu mỏ và các cách xử lí.
Một số nguồn nhiên liệu thay thế dầu mỏ – Trình bày được một số nguồn nhiên liệu thay thế dầu mỏ (than đá, đá nhựa, đá dầu, khí thiên nhiên, hydrogen).

 LỚP 12

Nội dung Yêu cầu cần đạt
ESTER – LIPID
  – Nêu được khái niệm về lipid, chất béo, acid béo, đặc điểm cấu tạo phân tử ester.

 – Viết được công thức cấu tạo và gọi được tên một số ester đơn giản (số nguyên tử C trong phân tử ≤ 5) và thường gặp.

 – Trình bày được phương pháp điều chế ester và ứng dụng của một số ester.

 – Trình bày được đặc điểm về tính chất vật lí và tính chất hoá học cơ bản của ester (phản ứng thuỷ phân) và của chất béo (phản ứng hydrogen hoá chất béo lỏng, phản ứng oxi hoá chất béo bởi oxygen không khí).

 – Trình bày được ứng dụng của chất béo và acid béo (omega-3 và omega-6).

 – Nêu được khái niệm, đặc điểm về cấu tạo và tính chất chất giặt rửa của xà phòng và chất giặt rửa tự nhiên, tổng hợp.

 – Trình bày được một số phương pháp sản xuất xà phòng, phương pháp chủ yếu sản xuất chất giặt rửa tổng hợp.

 – Thực hiện được (hoặc quan sát video) thí nghiệm về phản ứng xà phòng hoá chất béo.

 – Trình bày được cách sử dụng hợp lí, an toàn xà phòng và chất giặt rửa tổng hợp trong đời sống.

CARBOHYDRATE
  – Nêu được khái niệm, cách phân loại carbohydrate, trạng thái tự nhiên của glucose, fructose, saccharose, maltose, tinh bột và cellulose.

 – Viết được công thức cấu tạo dạng mạch hở, dạng mạch vòng và gọi được tên của một số carbohydrate: glucose và fructose; saccharose, maltose; tinh bột và cellulose.

 – Trình bày được tính chất hoá học cơ bản của glucose và fructose (phản ứng với copper(II) hydroxide, nước bromine, thuốc thử Tollens, phản ứng lên men của glucose, phản ứng riêng của nhóm -OH hemiacetal khi glucose ở dạng mạch vòng).

 – Trình bày được tính chất hoá học cơ bản của saccharose (phản ứng với copper(II) hydroxide, phản ứng thuỷ phân).

 – Trình bày được tính chất hoá học cơ bản của tinh bột (phản ứng thuỷ phân, phản ứng với iodine); của cellulose (phản ứng thuỷ phân, phản ứng với nitric acid và với nước Schweizer (Svayde).

 – Thực hiện được (hoặc quan sát video) thí nghiệm về phản ứng của glucose (với copper(II) hydroxide, nước bromine, thuốc thử Tollens); của saccharose (phản ứng với copper(II) hydroxide); của tinh bột (phản ứng thuỷ phân, phản ứng của hồ tinh bột với iodine); của cellulose (phản ứng thuỷ phân, phản ứng với nitric acid và tan trong nước Schweizer). Mô tả các hiện tượng thí nghiệm và giải thích được tính chất hoá học của glucose, fructose, saccharose, tinh bột và cellulose.

 – Trình bày được sự chuyển hoá tinh bột trong cơ thể, sự tạo thành tinh bột trong cây xanh và ứng dụng của một số carbohydrate.

HỢP CHẤT CHỨA NITROGEN
Amine (Amin) – Nêu được khái niệm amine và phân loại amine (theo bậc của amine và bản chất gốc hydrocarbon).

 – Viết được công thức cấu tạo và gọi được tên một số amine theo danh pháp thế, danh pháp gốc – chức (số nguyên tử C trong phân tử ≤ 5), tên thông thường của một số amine hay gặp.

 – Nêu được đặc điểm về tính chất vật lí của amine (trạng thái, nhiệt độ sôi, nhiệt độ nóng chảy, khả năng hoà tan).

 – Trình bày được đặc điểm cấu tạo phân tử và hình dạng phân tử methylamine và aniline.

 – Trình bày được tính chất hoá học đặc trưng của amine: tính chất của nhóm -NH(tính base (với quỳ tím, với HCl, với FeCl3), phản ứng với nitrous acid (axit nitrơ), phản ứng thế ở nhân thơm (với nước bromine) của aniline (anilin), phản ứng tạo phức của methylamine (hoặc ethylamine) với Cu(OH)2.

 – Thực hiện được (hoặc quan sát video) thí nghiệm về phản ứng của dung dịch methylamine (hoặc ethylamine) với quỳ tím (chất chỉ thị), với HCl, với iron(III) chloride (FeCl3), với copper(II) hydroxide (Cu(OH)2); phản ứng của aniline với nước bromine; mô tả được các hiện tượng thí nghiệm và giải thích được tính chất hoá học của amine.

 – Trình bày được ứng dụng của amine (ứng dụng của diamine và aniline); các phương pháp điều chế amine (khử hợp chất nitro và thế nguyên tử H trong phân tử ammonia).

Amino acid (amino axit), peptide (peptit) và protein – Nêu được khái niệm về amino acid, amino acid thiên nhiên, amino acid trong cơ thể; gọi được tên một số amino acid thông dụng, đặc điểm cấu tạo phân tử của amino acid.

 – Nêu được đặc điểm về tính chất vật lí của amino acid (trạng thái, nhiệt độ sôi, khả năng hoà tan).

 – Trình bày được tính chất hoá học đặc trưng của amino acid (tính lưỡng tính, phản ứng ester hoá; phản ứng trùng ngưng của e- và w-amino acid).

 – Nêu được khả năng di chuyển của amino acid trong điện trường ở các giá trị pH khác nhau (tính chất điện di).

 – Nêu được khái niệm peptide và viết được cấu tạo của peptide.

 – Trình bày được tính chất hoá học đặc trưng của peptide (phản ứng thuỷ phân, phản ứng màu biuret).

 – Thực hiện được thí nghiệm phản ứng màu biuret của peptide.

Protein và enzyme (enzim) – Nêu được khái niệm, đặc điểm cấu tạo phân tử, tính chất vật lí của protein.

 – Trình bày được tính chất hoá học đặc trưng của protein (phản ứng thuỷ phân, phản ứng màu của protein với nitric acid và copper(II) hydroxide; sự đông tụ bởi nhiệt, bởi acid, kiềm và muối kim loại nặng).

 – Thực hiện được thí nghiệm về phản ứng đông tụ của protein: đun nóng lòng trắng trứng hoặc tác dụng của acid, kiềm với lòng trắng trứng; phản ứng của lòng trắng trứng với nitric acid; mô tả các hiện tượng thí nghiệm, giải thích được tính chất hoá học của protein.

 – Nêu được vai trò của protein đối với sự sống; vai trò của enzyme trong phản ứng sinh hoá và ứng dụng của enzyme trong công nghệ sinh học.

POLYMER
Đại cương về polymer – Viết được công thức cấu tạo và gọi được tên của một số polymer thường gặp (polyethylene (PE), polypropylene (PP), polystyrene (PS), poly(vinyl chloride) (PVC), polybutadiene, polyisoprene, poly(methyl methacrylate), poly(phenol formaldehyde) (PPF), capron, nylon-6,6).

 – Nêu được đặc điểm về tính chất vật lí (trạng thái, nhiệt độ nóng chảy, tính chất cơ học) và tính chất hoá học (phản ứng cắt mạch (tinh bột, cellulose, polyamide, polystyrene), tăng mạch (lưu hoá cao su), giữ nguyên mạch của một số polymer).

 – Trình bày được phương pháp trùng hợp, trùng ngưng để tổng hợp một số polymer thường gặp.

Chất dẻo và vật liệu composite – Nêu được khái niệm về chất dẻo.

 – Trình bày được thành phần phân tử và phản ứng điều chế polyethylene (PE), polypropylene (PP), polystyrene (PS), poly(vinyl chloride) (PVC), polybutadiene, polyisoprene, poly(methyl methacrylate), poly(phenol formaldehyde) (PPF).

 – Trình bày được ứng dụng của chất dẻo và tác hại của việc lạm dụng chất dẻo trong đời sống và sản xuất. Nêu được một số biện pháp để hạn chế sử dụng một số loại chất dẻo để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khoẻ con người.

 – Nêu được khái niệm về composite.

 – Trình bày được ứng dụng của một số loại composite.

– Nêu được khái niệm và phân loại về tơ.

 – Trình bày được cấu tạo, tính chất và ứng dụng một số tơ tự nhiên (bông, sợi, len lông cừu, tơ tằm,…), tơ nhân tạo (tơ tổng hợp như nylon-6,6; capron; nitron hay olon,… và tơ bán tổng hợp như visco, cellulose acetate,…).

Cao su – Nêu được khái niệm cao su, cao su thiên nhiên, cao su nhân tạo.

 – Trình bày được đặc điểm cấu tạo, tính chất, ứng dụng của cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (cao su buna, cao su buna-S, cao su buna-N, chloroprene).

 – Trình bày được phản ứng điều chế cao su tổng hợp (cao su buna, cao su buna-S, cao su buna-N, chloroprene).

 – Nêu được bản chất và ý nghĩa của quá trình lưu hoá cao su.

Keo dán tổng hợp – Nêu được khái niệm về keo dán.

 – Trình bày được thành phần, tính chất, ứng dụng một số keo dán (nhựa vá săm, keo dán epoxy, keo dán poly(urea-formaldehyde)).

PIN ĐIỆN VÀ ĐIỆN PHÂN
Thế điện cực và nguồn điện hoá học – Mô tả được cặp oxi hoá – khử kim loại.

 – Nêu được giá trị thế điện cực chuẩn là đại lượng đánh giá khả năng khử giữa các dạng khử, khả năng oxi hoá giữa các dạng oxi hoá trong điều kiện chuẩn.

 – Sử dụng bảng giá trị thế điện cực chuẩn để: So sánh được tính khử, tính oxi hoá giữa các cặp oxi hoá – khử; Dự đoán được chiều hướng xảy ra phản ứng giữa hai cặp oxi hoá – khử; Tính được sức điện động của pin điện hoá tạo bởi hai cặp oxi hoá – khử.

 – Nêu được cấu tạo, nguyên tắc hoạt động của pin Galvani, ưu nhược điểm chính một số loại pin khác như acquy (accu), pin nhiên liệu; pin mặt trời…

 – Lắp ráp được pin đơn giản (Pin đơn giản: 2 thanh kim loại khác nhau cắm vào quả chanh, lọ nước muối…) và đo được sức điện động của pin.

Điện phân – Trình bày được nguyên tắc (thứ tự) điện phân dung dịch, điện phân nóng chảy.

 – Thực hiện được (hoặc quan sát video) thí nghiệm điện phân dung dịch copper(II) sulfate, dung dịch sodium chloride (tự chế tạo nước Javel để tẩy rửa).

 – Nêu được ứng dụng của một số hiện tượng điện phân trong thực tiễn (mạ điện, tinh chế kim loại).

 – Trình bày được giai đoạn điện phân aluminium oxide trong sản xuất nhôm (aluminium), tinh luyện đồng (copper) bằng phương pháp điện phân, mạ điện.

ĐẠI CƯƠNG VỀ KIM LOẠI
Đặc điểm cấu tạo và liên kết kim loại – Trình bày được đặc điểm cấu tạo của nguyên tử kim loại và tinh thể kim loại.

 – Nêu được đặc điểm của liên kết kim loại.

Tính chất vật lí và tính chất hoá học của kim loại – Giải thích được một số tính chất vật lí chung của kim loại (tính dẻo, tính dẫn điện, tính dẫn nhiệt, tính ánh kim).

 – Trình bày được ứng dụng từ tính chất vật lí chung và riêng của kim loại.

 – Sử dụng bảng giá trị thế điện cực chuẩn của một số cặp oxi hoá – khử phổ biến của ion kim loại/ kim loại (có bổ sung thế điện cực chuẩn các cặp: H2O/OH– + 1/2H2; 2H+/H2;  + 4H+/SO+ 2H2O) để giải thích được các trường hợp kim loại phản ứng với dung dịch HCl, H2SO4 loãng và đặc; nước; dung dịch muối.

 – Trình bày được phản ứng của kim loại với phi kim (chlorine, oxygen, lưu huỳnh) và viết được các phương trình hoá học.

 – Thực hiện được một số thí nghiệm của kim loại tác dụng với phi kim, acid (HCl, H2SO4), muối.

Quặng, mỏ kim loại trong tự nhiên và các phương pháp tách kim loại – Nêu được khái quát trạng thái tự nhiên của kim loại và một số quặng, mỏ kim loại phổ biến.

 – Trình bày và giải thích được phương pháp tách kim loại hoạt động mạnh như sodium, magnesium, nhôm (aluminium); Phương pháp tách kim loại hoạt động trung bình như kẽm (zinc), sắt (iron); Phương pháp tách kim loại kém hoạt động như đồng (copper).

 – Trình bày được nhu cầu và thực tiễn tái chế kim loại phổ biến sắt, nhôm, đồng…

Hợp kim – Trình bày được khái niệm hợp kim và việc sử dụng phổ biến hợp kim.

 – Trình bày được một số tính chất của hợp kim so với kim loại thành phần.

 – Nêu được thành phần, tính chất và ứng dụng một số hợp kim quan trọng của sắt và nhôm (gang, thép, dural,…).

Sự ăn mòn kim loại – Nêu được khái niệm ăn mòn kim loại từ sự biến đổi của một số kim loại, hợp kim trong tự nhiên.

 – Trình bày được các dạng ăn mòn kim loại và các phương pháp chống ăn mòn kim loại.

 – Thực hiện được (hoặc quan sát qua video) thí nghiệm ăn mòn điện hoá đối với sắt và thí nghiệm bảo vệ sắt bằng phương pháp điện hoá, mô tả hiện tượng thí nghiệm, giải thích và nhận xét.

NGUYÊN TỐ NHÓM IA VÀ NHÓM IIA
Nguyên tố nhóm IA
Đơn chất – Nêu được trạng thái tự nhiên của nguyên tố nhóm IA.

 – Nêu được xu hướng biến đổi nhiệt độ nóng chảy, nhiệt độ sôi của kim loại nhóm IA.

 – Giải thích được nguyên nhân khối lượng riêng nhỏ và độ cứng thấp của kim loại nhóm IA.

 – Giải thích được nguyên nhân kim loại nhóm IA có tính khử mạnh hơn so với các nhóm kim loại khác.

 – Thông qua mô tả thí nghiệm (hoặc quan sát qua video), nêu được mức độ phản ứng tăng dần từ lithium, sodium, potassium khi chúng phản ứng với nước, chlorine và oxygen.

 – Trình bày được cách bảo quản kim loại nhóm IA.

 – Giải thích được trạng thái tồn tại của nguyên tố nhóm IA trong tự nhiên.

Một số ứng dụng và quá trình liên quan đến hợp chất nhóm IA – Nêu được khả năng tan trong nước của các hợp chất nhóm IA.

 – Thực hiện được thí nghiệm (hoặc qua quan sát video thí nghiệm) phân biệt các ion Li+, Na+, Kbằng màu ngọn lửa.

 – Tìm hiểu và trình bày được ứng dụng của sodium chloride.

 – Trình bày được quá trình điện phân dung dịch sodium chloride và các sản phẩm cơ bản của công nghiệp chlorine – kiềm.

 – Giải thích được các ứng dụng phổ biến của sodium hydrogen carbonate (natri hiđrocacbonat), sodium carbonate (natri cacbonat) và phương pháp Solvay sản xuất soda.

Nguyên tố nhóm IIA
Đơn chất – Nêu được trạng thái tự nhiên của nguyên tố nhóm IIA.

 – Nêu các đại lượng vật lí cơ bản của kim loại nhóm IIA (bán kính nguyên tử, nhiệt độ nóng chảy, khối lượng riêng).

 – Giải thích được nguyên nhân tính kim loại tăng dần từ trên xuống dưới trong cùng nhóm của kim loại nhóm IIA tạo M2+ (dựa vào bán kính nguyên tử, điện tích hạt nhân).

 – Trình bày được phản ứng của kim loại IIA với oxygen. Nhận biết được đơn chất và các hợp chất của Ca2+, Sr2+, Ba2+ dựa vào màu ngọn lửa.

 – Nêu được mức độ tương tác của kim loại IIA với nước. Chứng minh được xu hướng tăng hoặc giảm dần mức độ các phản ứng dựa vào tính kiềm của dung dịch thu được cùng với độ tan của các hydroxide nhóm IIA.

Tính chất cơ bản của một số loại hợp chất nhóm IIA – Nêu được tương tác giữa muối carbonate với nước và với acid loãng.

 – Viết được phương trình hoá học sự phân huỷ nhiệt của muối carbonate và muối nitrate.

 – Giải thích được quy luật biến đổi độ bền nhiệt của muối carbonate, muối nitrate theo biến thiên enthalpy phản ứng.

 – Nêu được khả năng tan trong nước của các muối carbonate, sulfate, nitrate nhóm IIA.

 – Thực hiện được thí nghiệm so sánh định tính độ tan giữa calcium sulfate và barium sulfate từ phản ứng của calcium chloride, barium chloride với dung dịch copper(II) sulfate.

 – Sử dụng được bảng tính tan, độ tan của muối và hydroxide.

 – Thực hiện được thí nghiệm kiểm tra sự có mặt từng ion riêng biệt Ca2+, Ba2+, ,  trong dung dịch.

Một số ứng dụng – Tìm hiểu và trình bày được ứng dụng của kim loại dạng nguyên chất, hợp kim; ứng dụng của đá vôi, vôi, nước vôi, thạch cao, khoáng vật apatite,… dựa trên một số tính chất hoá học và vật lí của chúng; vai trò một số hợp chất của calcium trong cơ thể con người.
Nước cứng và làm mềm nước cứng – Nêu được khái niệm nước cứng, phân loại nước cứng.

 – Trình bày được tác hại của nước cứng.

 – Đề xuất được cơ sở các phương pháp làm mềm nước cứng.

SƠ LƯỢC VỀ DÃY KIM LOẠI CHUYỂN TIẾP THỨ NHẤT VÀ PHỨC CHẤT
Đại cương về kim loại chuyển tiếp dãy thứ nhất – Nêu được đặc điểm cấu hình electron của nguyên tử kim loại chuyển tiếp dãy thứ nhất (từ Sc đến Cu).

 – Trình bày được một số tính chất vật lí của kim loại chuyển tiếp (nhiệt độ nóng chảy, khối lượng riêng, độ dẫn điện và dẫn nhiệt, độ cứng) và ứng dụng của kim loại chuyển tiếp ứng từ các tính chất đó.

 – Nêu được sự khác biệt các số liệu về nhiệt độ nóng chảy, khối lượng riêng, độ dẫn điện, độ cứng,… giữa một số kim loại chuyển tiếp so với kim loại họ s.

 – Nêu được xu hướng có nhiều số oxi hoá của nguyên tố chuyển tiếp.

 – Nêu được các trạng thái oxi hoá phổ biến, cấu hình electron, đặc tính có màu của một số ion kim loại chuyển tiếp dãy thứ nhất.

 – Thực hiện được (hoặc quan sát video) thí nghiệm xác định hàm lượng muối Fe(II) bằng dung dịch thuốc tím.

 – Thực hiện được thí nghiệm kiểm tra sự có mặt từng ion riêng biệt: Cu2+, Fe3+.

Sơ lược về phức chất và sự hình thành phức chất của ion kim loại chuyển tiếp trong dung dịch – Nêu được nguyên tử trung tâm; phối tử; liên kết cho nhận giữa nguyên tử trung tâm và phối tử trong phức chất.

 – Nêu được một số dạng hình học của phức chất (tứ diện, vuông phẳng, bát diện).

 – Trình bày được một số dấu hiệu của phản ứng tạo phức chất trong dung dịch (đổi màu, kết tủa, hoà tan…).

 – Trình bày được sự hình thành phức chất aqua của ion kim loại chuyển tiếp và H2O trong dung dịch nước.

 – Mô tả được phản ứng thay thế phối tử của phức chất bởi một số phối tử đơn giản trong dung dịch nước.

 – Thực hiện được một số thí nghiệm tạo phức chất của một ion kim loại chuyển tiếp trong dung dịch với một số phối tử đơn giản khác nhau (ví dụ: sự tạo phức của dung dịch Cu(II) với NH3, OH, Cl– ,…).

 – Nêu được một số ứng dụng của phức chất.

 CHUYÊN ĐỀ HỌC TẬP

Nội dung Yêu cầu cần đạt
Chuyên đề 12.1: CƠ CHẾ PHẢN ỨNG TRONG HOÁ HỌC HỮU CƠ
Khái niệm về cơ chế phản ứng – Nêu được khái niệm về cơ chế phản ứng.
Các kiểu phân cắt liên kết cộng hoá trị và các tiểu phân trung gian – Trình bày được cách phân cắt đồng li liên kết cộng hoá trị tạo thành gốc tự do, cách phân cắt dị li tạo liên kết cộng hoá trị tạo thành carbocation và carbanion.

 – Nêu được vai trò, ảnh hưởng của gốc tự do trong cơ thể con người, độ bền tương đối của các gốc tự do, các carbocation và carbanion.

Một số cơ chế phản ứng trong hoá học hữu cơ – Nêu được khái niệm về tác nhân electrophile và nucleophile.

 – Trình bày được một số cơ chế phản ứng trong hoá học hữu cơ: Cơ chế thế gốc S(vào carbon no của alkane), cơ chế cộng electrophile A(vào nối đôi C=C của alkene), cơ chế thế electrophile SE2Ar (vào nhân thơm), cơ chế thế nucleophile SN1, SN2 (phản ứng thuỷ phân dẫn xuất halogen), cơ chế cộng nucleophile A(vào hợp chất carbonyl).

 – Giải thích được sự tạo thành sản phẩm và hướng của một số phản ứng (Cơ chế thế gốc Svào carbon no của alkane và cơ chế cộng electrophile Avào nối đôi C=C của alkene theo quy tắc cộng Markovnikov).

Chuyên đề 12.2: TRẢI NGHIỆM, THỰC HÀNH HOÁ HỌC VÔ CƠ
Tìm hiểu quy trình thủ công tái chế kim loại hoặc tìm hiểu một số ngành nghề liên quan đến hoá học tại địa phương – Trình bày được ý nghĩa của quá trình tái chế kim loại nói chung.

 – Trình bày được quy trình tái chế kim loại (nhôm, sắt, đồng,…) của các nước tiên tiến và của Việt Nam.

 – Trình bày được tác động đến môi trường của quy trình tái chế thủ công.

Tìm hiểu công nghiệp silicate – Nêu được thành phần hoá học và tính chất cơ bản của thuỷ tinh, đồ gốm, xi măng.

 – Trình bày được phương pháp sản xuất các loại vật liệu trên từ nguồn nguyên liệu có trong tự nhiên nói chung và trong tự nhiên Việt Nam nói riêng.

Xử lí nước sinh hoạt – Trình bày được các vật liệu và hoá chất thông dụng có thể được sử dụng như than trong xử lí nước (hoặc than hoạt tính); cát, đá, sỏi; các loại phèn, PAC (poly aluminium chloride),…

 – Thực hiện được thí nghiệm xử lí làm giảm độ đục và màu của mẫu nước sinh hoạt.

 – Nêu được một số hoá chất xử lí sinh học đối với nước sinh hoạt.

Chuyên đề 12.3: MỘT SỐ VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ PHỨC CHẤT
Một số khái niệm cơ bản về phức chất – Phân tích được các thành phần của các phân tử phức chất phổ biến, gồm: nhân trung tâm (cation, nguyên tử trung hoà) và phối tử (anion, phân tử trung hoà), số phối trí của nhân trung tâm, dung lượng phối trí của phối tử.
Liên kết và cấu tạo của phức chất – Trình bày được sự hình thành liên kết trong phức chất theo thuyết Liên kết hoá trị áp dụng cho phức chất tứ diện và phức chất bát diện.

 – Biểu diễn được dạng hình học của một số phức chất đơn giản.

 – Viết được một số loại đồng phân cơ bản phức chất: đồng phân cis, trans, đồng phân ion hoá, đồng phân liên kết.

Vai trò và ứng dụng của phức chất – Nêu được vai trò của một số phức chất sinh học: chlorophyll, heme B, vitamin B12,…

 – Nêu được ứng dụng của phức chất trong tự nhiên, y học, đời sống và sản xuất, hoá học.

  1. PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC
  2. Định hướng chung

 Phương pháp giáo dục môn Hoá học được thực hiện theo các định hướng chung sau đây:

  1. a) Phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh; tránh áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc; tập trung bồi dưỡng năng lực tự chủ và tự học để học sinh có thể tiếp tục tìm hiểu, mở rộng vốn tri thức, tiếp tục phát triển các phẩm chất, năng lực sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông.
  2. b) Rèn luyện kĩ năng vận dụng kiến thức hoá học để phát hiện và giải quyết các vấn đề trong thực tiễn; khuyến khích và tạo điều kiện cho học sinh được trải nghiệm, sáng tạo trên cơ sở tổ chức cho học sinh tham gia các hoạt động học tập, tìm tòi, khám phá, vận dụng.
  3. c) Vận dụng các phương pháp giáo dục một cách linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với mục tiêu, nội dung giáo dục, đối tượng học sinh và điều kiện cụ thể. Tuỳ theo yêu cầu cần đạt, giáo viên có thể sử dụng phối hợp nhiều phương pháp dạy học trong một chủ đề. Các phương pháp dạy học truyền thống (thuyết trình, đàm thoại,…) được sử dụng theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh. Tăng cường sử dụng các phương pháp dạy học đề cao vai trò chủ thể học tập của học sinh (dạy học thực hành, dạy học dựa trên giải quyết vấn đề, dạy học dựa trên dự án, dạy học dựa trên trải nghiệm, khám phá; dạy học phân hoá,… bằng những kĩ thuật dạy học phù hợp).
  4. d) Các hình thức tổ chức dạy học được thực hiện một cách đa dạng và linh hoạt; kết hợp các hình thức học cá nhân, học nhóm, học ở lớp, học theo dự án học tập, tự học,… Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy học hoá học. Coi trọng các nguồn tư liệu ngoài sách giáo khoa và hệ thống các thiết bị dạy học được trang bị; khai thác triệt để những lợi thế của công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy học trên các phương tiện kho tri thức – đa phương tiện, tăng cường sử dụng các tư liệu điện tử (như phim thí nghiệm, thí nghiệm ảo, thí nghiệm mô phỏng,…).
  5. Định hướng về phương pháp hình thành, phát triển các phẩm chất chủ yếu và năng lực chung
  6. a) Phương pháp hình thành, phát triển các phẩm chất chủ yếu

 Thông qua việc tổ chức các hoạt động học tập, giáo viên giúp học sinh hình thành và phát triển thế giới quan khoa học, rèn luyện tính trung thực, tình yêu lao động và tinh thần trách nhiệm; dựa vào các hoạt động thực nghiệm, thực hành, đặc biệt là tham quan, thực hành ở phòng thí nghiệm, cơ sở sản xuất và các địa bàn khác nhau để góp phần nâng cao nhận thức của học sinh về việc bảo vệ và sử dụng hợp lí các nguồn tài nguyên thiên nhiên, tinh thần trách nhiệm của người lao động và nguyên tắc bảo đảm an toàn trong lao động sản xuất, đặc biệt trong các ngành liên quan đến hoá học. Giáo viên vận dụng các hình thức học tập đa dạng để bồi dưỡng cho học sinh hứng thú và sự tự tin trong học tập, tìm tòi khám phá khoa học, thái độ trân trọng thành quả lao động khoa học, khả năng vận dụng kiến thức khoa học vào đời sống.

  1. b) Phương pháp hình thành, phát triển các năng lực chung

 – Trong dạy học môn Hoá học, giáo viên tổ chức cho học sinh thực hiện các hoạt động tìm tòi, khám phá, thực hành khoa học, đặc biệt là tra cứu, xử lí các nguồn tài nguyên hỗ trợ tự học (trong đó có nguồn tài nguyên số), thiết kế và thực hiện các thí nghiệm, các dự án học tập để nâng cao năng lực tự chủ và tự học ở học sinh.

 – Môn Hoá học có nhiều lợi thế trong hình thành và phát triển năng lực giao tiếp và hợp tác khi học sinh thường xuyên được thực hiện các dự án học tập, các bài thực hành thí nghiệm theo nhóm được trao đổi, trình bày, chia sẻ ý tưởng, nội dung học tập, tạo cơ hội để giao tiếp và hợp tác.

 – Giải quyết vấn đề và sáng tạo là đặc thù của việc tìm hiểu, khám phá thế giới khoa học. Thông qua các hoạt động học tập môn Hoá học, giáo viên tạo cơ hội cho học sinh vận dụng kiến thức hoá học, từ đó tìm tòi, khám phá, phát hiện vấn đề trong thế giới tự nhiên và đề xuất cách giải quyết, lập kế hoạch và thực hiện kế hoạch để giải quyết vấn đề một cách sáng tạo. Vận dụng phương pháp học tập theo dự án và hình thức làm việc nhóm để giúp học sinh phát hiện và giải quyết vấn đề một cách khách quan, trung thực trên cơ sở phân tích khoa học.

  1. Định hướng về phương pháp hình thành, phát triển năng lực hoá học
  2. a) Để phát triển năng lực nhận thức hoá học, giáo viên tạo cho học sinh cơ hội huy động những hiểu biết, kinh nghiệm sẵn có để tham gia hình thành kiến thức mới. Chú trọng tổ chức các hoạt động kết nối kiến thức mới với hệ thống kiến thức đã học như: so sánh, phân loại, hệ thống hoá kiến thức, vận dụng kiến thức đã học để giải thích các sự vật, hiện tượng hay giải quyết vấn đề đơn giản,…
  3. b) Để phát triển năng lực tìm hiểu thế giới tự nhiên dưới góc độ hoá học, giáo viên vận dụng một số phương pháp dạy học có ưu thế như: phương pháp trực quan (đặc biệt là thực hành thí nghiệm,…), phương pháp dạy học nêu và giải quyết vấn đề, phương pháp dạy học theo dự án,… tạo điều kiện để học sinh đưa ra câu hỏi, xác định vấn đề cần tìm hiểu, tự tìm các bằng chứng để phân tích thông tin, kiểm tra các dự đoán, giả thuyết qua việc tiến hành thí nghiệm, hoặc tìm kiếm, thu thập thông tin qua sách, mạng Internet,…; đồng thời chú trọng phát triển tư duy hóa học cho học sinh thông qua các bài tập hoá học đòi hỏi tư duy phản biện, sáng tạo (bài tập mở, có nhiều cách giải,…), các bài tập có nội dung gắn với thực tiễn thể hiện bản chất hoá học, giảm các bài tập tính toán,…
  4. c) Để phát triển năng lực vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học, giáo viên tạo cơ hội cho học sinh được đọc, tiếp cận, trình bày thông tin về những vấn đề thực tiễn cần đến kiến thức hoá học và đưa ra giải pháp. Giáo viên cần quan tâm rèn luyện các kĩ năng phát hiện vấn đề; lập kế hoạch nghiên cứu; giải quyết vấn đề (thu thập, trình bày thông tin, xử lí thông tin để rút ra kết luận); đánh giá kết quả giải quyết vấn đề; nêu giải pháp khắc phục, cải tiến; đồng thời kết hợp giáo dục STEM trong dạy học nhằm phát triển cho học sinh khả năng tích hợp các kiến thức, kĩ năng của các môn Toán, Công nghệ và Hoá học vào việc nghiên cứu giải quyết một số tình huống thực tiễn.

 VII. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ GIÁO DỤC

  1. Mục tiêu đánh giá kết quả giáo dục là cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, có giá trị về mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình và sự tiến bộ của học sinh để hướng dẫn hoạt động học tập, điều chỉnh các hoạt động dạy, quản lí và phát triển chương trình, bảo đảm sự tiến bộ của từng học sinh và nâng cao chất lượng giáo dục.
  2. Căn cứ đánh giá là các yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực được quy định trong Chương trình tổng thể và chương trình môn Hóa học. Phạm vi đánh giá là toàn bộ nội dung và yêu cầu cần đạt của chương trình môn Hoá học.
  3. Hình thức, phương pháp và công cụ đánh giá:
  4. a) Hình thức đánh giá: Kết hợp các hình thức đánh giá quá trình (đánh giá thường xuyên), đánh giá tổng kết (đánh giá định kì) đánh giá trên diện rộng ở cấp quốc gia, cấp địa phương và các kì đánh giá quốc tế bảo đảm đánh giá toàn diện, thường xuyên và tích hợp vào trong các hoạt động dạy và học của giáo viên và học sinh.
  5. b) Phương pháp đánh giá và công cụ đánh giá:

 – Kết hợp đánh giá của giáo viên với tự đánh giá và đánh giá đồng đẳng của học sinh. Phối hợp đánh giá tình huống; đánh giá qua trắc nghiệm; đánh giá qua dự án và hồ sơ; đánh giá thông qua phản hồi và phản ánh; đánh giá thông qua quan sát.

 – Kết hợp đánh giá sản phẩm học tập (bài kiểm tra tự luận, bài kiểm tra trắc nghiệm khách quan, trả lời miệng, thuyết trình, bài thực hành thí nghiệm, dự án nghiên cứu,…) với đánh giá qua quan sát (thái độ và hành vi trong thảo luận, làm việc nhóm, làm thí nghiệm, tham quan thực địa,…).

  1. Lựa chọn các phương pháp, công cụ phù hợp để đánh giá một năng lực cụ thể.
  2. a) Để đánh giá thành phần năng lực nhận thức hoá học, có thể sử dụng các câu hỏi (nói, viết), bài tập,… đòi hỏi học sinh phải trình bày, so sánh, hệ thống hoá kiến thức hay phải vận dụng kiến thức để giải thích, chứng minh, giải quyết vấn đề.
  3. b) Để đánh giá thành phần năng lực tìm hiểu thế giới tự nhiên dưới góc độ hoá học, có thể sử dụng các phương pháp, công cụ sau:

 – Bảng kiểm hoặc ghi chép kết quả quan sát của giáo viên theo các tiêu chí đã xác định về tiến trình thực hiện thí nghiệm và các nhiệm vụ tìm tòi, khám phá của học sinh,…

 – Các câu hỏi, bài kiểm tra nhằm đánh giá hiểu biết của học sinh về kĩ năng thí nghiệm; khả năng suy luận để rút ra hệ quả, phương án kiểm nghiệm, xử lí các dữ liệu đã cho để rút ra kết luận; khả năng thiết kế thí nghiệm hoặc nghiên cứu để thực hiện một nhiệm vụ học tập được giao và đề xuất các thiết bị, kĩ thuật thích hợp,…

 – Báo cáo kết quả thí nghiệm, thực hành, làm dự án nghiên cứu,…

  1. c) Để đánh giá thành phần năng lực vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học, có thể yêu cầu học sinh trình bày vấn đề thực tiễn cần giải quyết, trong đó phải sử dụng được ngôn ngữ hoá học, các bảng biểu, mô hình, kĩ năng thực nghiệm,… để mô tả, giải thích hiện tượng hoá học trong vấn đề đang xem xét; sử dụng các câu hỏi (có thể yêu cầu trả lời nói hoặc viết) đòi hỏi học sinh vận dụng kiến thức, kĩ năng vào giải quyết vấn đề học tập, đặc biệt là các vấn đề thực tiễn.

 VIII. GIẢI THÍCH VÀ HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

  1. Giải thích thuật ngữ
  2. a) Nguyên tắc sử dụng thuật ngữ

 Việc sử dụng thuật ngữ hoá học và danh pháp hoá học trong văn bản chương trình môn Hoá học tuân theo các nguyên tắc sau:

 – Nguyên tắc khoa học: Khái niệm mà thuật ngữ biểu thị phải được cập nhật phù hợp với sự phát triển của khoa học thế giới; hình thức của thuật ngữ phải bảo đảm tính hệ thống.

 – Nguyên tắc thống nhất: Thuật ngữ phải có cách hiểu thống nhất trong toàn bộ Chương trình môn Hoá hoc và Chương trình giáo dục phổ thông nói chung.

 – Nguyên tắc hội nhập: Danh pháp hoá học sử dụng theo khuyến nghị của Liên minh Quốc tế về Hoá học thuần tuý và Hoá học ứng dụng IUPAC (International Union of Pure and Applied Chemistry) có tham khảo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN 5529:2010 và 5530:2010 của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Quyết định số 2950-QĐ/BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ), phù hợp với thực tiễn Việt Nam, từng bước đáp ứng yêu cầu thống nhất và hội nhập.

 – Nguyên tắc thực tế: Sử dụng tên 13 nguyên tố đã quen dùng trong tiếng Việt: vàng, bạc, đồng, chì, sắt, nhôm, kẽm, lưu huỳnh, thiếc, nitơ, natri, kali và thuỷ ngân; đồng thời có chú thích thuật ngữ tiếng Anh để tiện tra cứu. Hợp chất của các nguyên tố này được gọi tên theo khuyến nghị của IUPAC.

  1. b) Từ ngữ thể hiện mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt

 Chương trình môn Hoá học sử dụng một số động từ để thể hiện mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt của học sinh. Một số động từ được sử dụng ở các mức độ khác nhau nhưng trong mỗi trường hợp thể hiện một hành động có đối tượng và yêu cầu cụ thể. Trong bảng liệt kê dưới đây, đối tượng, yêu cầu cụ thể của mỗi hành động được chỉ dẫn bằng các từ ngữ khác nhau đặt trong ngoặc đơn.

 Trong quá trình dạy học, đặc biệt là khi đặt câu hỏi thảo luận, ra đề kiểm tra đánh giá, giáo viên có thể dùng những động từ nêu trong bảng này hoặc thay thế bằng các động từ có nghĩa tương đương cho phù hợp với tình huống sư phạm và nhiệm vụ cụ thể giao cho học sinh.

Mức độ Động từ mô tả mức độ
Biết – Gọi được tên (tên chất hoá học, công thức hoá học của chất và hợp chất), viết được, biểu diễn được, lập được (công thức hoá học của chất hoặc hợp chất; cấu hình electron của nguyên tố hoá học;…), phát biểu được, phân biệt được, nêu được (nội dung định luật, thuyết, khái niệm như: định luật tuần hoàn các nguyên tố hoá học; sự điện li;…).
– Xác định được (khối lượng mol của chất, công thức hoá học của chất hoặc một đại lượng cần thiết thông qua các công thức, dữ kiện và thông tin đã cho), nhận ra được các dụng cụ, hoá chất cần thiết để tiến hành một thí nghiệm hoá học.
– Tìm kiếm hoặc tìm hiểu thông tin (có trong bài viết hoặc hình ảnh bằng công cụ tìm kiếm, sử dụng từ khoá), sử dụng hoặc tra cứu được thông tin cần thiết trong các bảng, biểu đã cho như bảng tính tan, bảng tuần hoàn, bảng tín hiệu phổ, bảng Enthalpy ∆fHo298K của một số chất; bảng “Giá trị thế điện cực chuẩn”… để hoàn thành yêu cầu đặt ra.
Hiểu – Trình bày được nội dung bằng ngôn ngữ của cá nhân học sinh (trình bày được tính chất hoá học của một chất nào đó; trình bày được các loại liên kết; trình bày được các giai đoạn sản xuất một chất nào đó…).

 – Mô tả, nhận xét được thông tin thông qua tài liệu hoặc mô tả được thí nghiệm qua xem video, nêu và giải thích được hiện tượng thí nghiệm, nhận xét và rút ra kết luận.

– Thực hiện được thí nghiệm (lựa chọn được dụng cụ, hoá chất, lắp ráp dụng cụ và tiến hành được thí nghiệm), quan sát, mô tả được các hiện tượng của thí nghiệm và giải thích được các hiện tượng đó, nhận xét và rút ra kết luận.

 – Phân tích được một vấn đề đưa ra bằng cách sử dụng những lí lẽ, lập luận của mình dựa trên cơ sở các thông tin đã biết (phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu suất của phản ứng hoá học; phân tích các nguyên nhân, giải thích được hiện tượng như hiệu ứng nhà kính, mưa acid…).

– Phân loại được các loại chất dựa vào những đặc điểm cơ bản theo các tiêu chí để phân thành các loại chất oxide, acid, base, muối, các loại chất vô cơ và hữu cơ như: các nhóm IA; IIA; nhóm VIIA; hydrocarbon, dẫn xuất halogen,… phân loại theo nhóm chức,…;

 – So sánh được các đặc điểm giống nhau và khác nhau giữa các đối tượng (chất, nhóm chất; tính acid, tính base; tính oxi hoá, tính khử… giữa các chất trong cùng nhóm, cùng chu kì,…);

 – Dự đoán được, giải thích được tính chất của các chất, nhóm chất dựa vào đặc điểm cấu tạo nguyên tử, phân tử, liên kết, trạng thái tập hợp,… của chúng và chứng minh được các dự đoán đó; viết được phương trình hoá học để chứng minh các dự đoán đó.

Vận dụng – Vận dụng được kiến thức để giải thích, vận dụng công thức để tính toán trong các tình huống tương tự, các tình huống quen thuộc, ví dụ: vận dụng được công thức tính enthalpy vào trong các trường hợp cụ thể tương tự,…);

 – Đặt câu hỏi, phát hiện được một số hiện tượng đơn giản trong thực tiễn và sử dụng kiến thức hoá học để giải thích, đề xuất được phương án thí nghiệm để giải quyết các tình huống thực tiễn, xác định được các mối liên hệ giữa các đại lượng liên quan để giải quyết một vấn đề, bài toán trong tình huống mới và tình huống có liên quan đến thực tiễn.

– Vận dụng được những kiến thức đã được cung cấp hoặc đã biết để áp dụng cho một tình huống mới, tình huống gắn với thực tiễn (ví dụ: vận dụng được công thức tính enthalpy vào trong các trường hợp tính toán năng lượng của phản ứng hoá học trong thực tiễn để dự đoán khả năng dễ diễn ra/khó diễn ra của phản ứng; so sánh và giải thích mức độ diễn ra giữa các phản ứng trong thực tiễn).

 – Phân tích được các mối liên hệ giữa các đại lượng liên quan để giải quyết một vấn đề, bài toán trong tình huống mới và tình huống có liên quan đến thực tiễn (ví dụ như: Tại sao methane dễ tham gia phản ứng thế bởi chlorine trong khi ethylene thì ngược lại?, Tại sao ethanol có thể dùng làm nhiên liệu sạch?,…).

 – Phát hiện được một số hiện tượng trong thực tiễn và sử dụng được kiến thức hoá học để giải thích; đề xuất được phương án thí nghiệm để chứng minh, giải quyết các tình huống thực tiễn đó. (Chẳng hạn từ hiện tượng đóng cặn trong thiết bị gia dụng, thiết bị nhà máy: sử dụng kiến thức về nước cứng và làm mềm nước,…, đánh giá và lựa chọn được phương án thực nghiệm tối ưu)

– Đề xuất được ý kiến về một vấn đề nào đó để hiểu rõ hơn hoặc lập luận để phản biện luận điểm nào đó đã được đưa ra trong chủ đề, viết được một báo cáo ngắn (trên cơ sở thu thập và phân tích, tổng hợp thông tin từ các nguồn khác nhau);
– Thuyết trình được về một vấn đề trên PowerPoint (là kết quả làm việc cá nhân hay làm việc theo nhóm), tranh luận (về một vấn đề); thiết kế, vẽ được một poster về bảo vệ môi trường,…

 – Xây dựng được hồ sơ tư liệu (về một vấn đề); lập được kế hoạch tìm tòi thông tin, đề xuất các phương án giải quyết một vấn đề của một dự án học tập hoặc dự án theo mô hình STEM.

  1. Thời lượng thực hiện chương trình

 Thời lượng cho mỗi lớp là 105 tiết/năm học, dạy trong 35 tuần. Trong đó, thời lượng dành cho nội dung cốt lõi là 70 tiết. Dự kiến tỷ lệ % thời lượng dành cho mỗi mạch nội dung như sau:

Lớp Chủ đề Tỉ lệ %
Lớp 10 Cấu tạo của nguyên tử 18%
Bảng tuần hoàn các nguyên tố hoá học 13%
Liên kết hoá học 17%
Phản ứng oxi hoá – khử 5%
Năng lượng hoá học 14%
Tốc độ phản ứng hoá học 9%
Nguyên tố nhóm VIIA 14%
Đánh giá định kì 10%
Lớp 11 Cân bằng hoá học 14%
Nitrogen và Sulfur 14%
Đại cương về Hoá học hữu cơ 14%
Hydrocarbon 17%
Dẫn xuất halogen (Alcohol -Phenol) 14%
Hợp chất carbonyl (Aldehyde – Ketone) – Carboxylic acid 17%
Đánh giá định kì 10%
Lớp 12 Ester – Lipid 5%
Carbohydrate 9%
Hợp chất chứa nitrogen 9%
Polymer 9%
Pin điện và điện phân 17%
Đại cương về kim loại 14%
Nguyên tố nhóm IA và nhóm IIA 13%
Sơ lược về dãy kim loại chuyển tiếp thứ nhất và phức chất 14%
Đánh giá định kì 10%

 Thời lượng dành cho các chuyên đề học tập là 35 tiết/năm học. Dự kiến thời lượng (số tiết) của các chuyên đề học tập (bao gồm cả kiểm tra đánh giá) như sau:

Chuyên đề học tập Lớp 10 Lớp 11 Lớp 12
Chuyên đề 10.1. Cơ sở hoá học 15    
Chuyên đề 10.2. Hoá học trong việc phòng chống cháy nổ 10    
Chuyên đề 10.3. Thực hành: Hoá học và công nghệ thông tin 10    
Chuyên đề 11.1. Phân bón   10  
Chuyên đề 11.2. Thực hành trải nghiệm hoá học hữu cơ   15  
Chuyên đề 11.3. Dầu mỏ và chế biến dầu mỏ   10  
Chuyên đề 12.1. Cơ chế phản ứng trong hoá học hữu cơ     10
Chuyên đề 12.2. Trải nghiệm, thực hành hoá học vô cơ     15
Chuyên đề 12.3. Một số vấn đề cơ bản về phức chất     10
  1. Thiết bị dạy học

 Bộ thiết bị dạy học Hoá học gồm có:

  1. a) Các thiết bị dùng để trình diễn, chứng minh

 – Bảng tuần hoàn các nguyên tố hoá học; bảng tính tan/độ tan của muối và hydroxide; bảng cấu hình electron kim loại/ ion kim loại chuyển tiếp dãy thứ nhất; bảng màu sắc của một số hợp chất của kim loại chuyển tiếp.

 – Tranh ảnh giới thiệu hình học của một số phức chất, của muối Cu2+ trong dung môi nước; cấu tạo của một số phức chất sinh học heme B, chlorophyll, vitamin B12 và dùng trong y học như cisplatin, carboplatin,…; biểu tượng 3R; tái chế nhôm; công nghiệp silicate; sản xuất xi măng, gốm sứ công nghiệp và thủ công. Tranh vẽ sơ đồ chưng cất, chế hoá và ứng dụng của dầu mỏ. Tranh ảnh về ứng dụng của alkane, alkene, alkadiene, arene trong thực tiễn; ứng dụng của dẫn xuất halogen; alcohol và phenol trong thực tiễn; vai trò của amino acid, vai trò của glucose, tinh bột trong cuộc sống.

 – Mô hình/bộ lắp ráp phân tử dạng rỗng, dạng đặc của một số alkane; benzene, dẫn xuất halogen, ethylic alcohol (ancol etylic) và phenol; amine, amino acid, peptide và protein.

 – Học liệu điện tử:

 + Phần mềm: phần mềm để tính toán; phần mềm thí nghiệm ảo.

 + Video một số thí nghiệm độc hại, nguy hiểm gây nổ, thí nghiệm phức tạp,… ví dụ như các thí nghiệm với chlorine, bromine,… kim loại kiềm, kiềm thổ tương tác với nước,…

  1. b) Các thiết bị dùng để thực hành

 – Dụng cụ phân tích, đo lường: bộ dụng cụ điện phân dung dịch copper (II) sulfate và dung dịch sodium chloride; dụng cụ thử tính dẫn điện; pH mét cầm tay;…

 – Có đủ thiết bị, dụng cụ, hóa chất theo danh mục thiết bị dạy học tối thiếu do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định.

 CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG

 MÔN SINH HỌC

 (Ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

 MỤC LỤC

  1. ĐẶC ĐIỂM MÔN HỌC
  2. QUAN ĐIỂM XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH

 III. MỤC TIÊU CHƯƠNG TRÌNH

  1. YÊU CẦU CẦN ĐẠT
  2. NỘI DUNG GIÁO DỤC

 LỚP 10

 LỚP 11

 LỚP 12

  1. PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC

 VII. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ GIÁO DỤC

 VIII. GIẢI THÍCH VÀ HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

  

  1. ĐẶC ĐIỂM MÔN HỌC

 Sinh học là môn học được lựa chọn trong nhóm môn khoa học tự nhiên ở giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp.

 Môn Sinh học hình thành, phát triển ở học sinh năng lực sinh học, đồng thời góp phần cùng các môn học, hoạt động giáo dục khác hình thành, phát triển ở học sinh các phẩm chất chủ yếu và năng lực chung.

 Chương trình môn Sinh học vừa hệ thống hoá, củng cố kiến thức, phát triển kĩ năng và giá trị cốt lõi của sinh học đã được học ở giai đoạn giáo dục cơ bản; vừa giúp học sinh tìm hiểu sâu hơn các tri thức sinh học cốt lõi, các phương pháp nghiên cứu và ứng dụng sinh học, các nguyên lí và quy trình công nghệ sinh học thông qua các chủ đề: sinh học tế bào; sinh học phân tử; sinh học vi sinh vật; sinh lí thực vật; sinh lí động vật; di truyền học; tiến hoá và sinh thái học.

 Đối tượng nghiên cứu của sinh học là thế giới sinh vật gần gũi với đời sống hằng ngày của học sinh. Bản thân sinh học là khoa học thực nghiệm. Sự phát triển của sinh học đang ngày càng rút ngắn khoảng cách giữa kiến thức lí thuyết cơ bản với công nghệ ứng dụng. Vì vậy thực nghiệm là phương pháp nghiên cứu sinh học, đồng thời cũng là phương pháp dạy học đặc trưng của môn học này. Thông qua việc tổ chức các hoạt động thực nghiệm, thực hành, môn Sinh học giúp học sinh khám phá thế giới tự nhiên, phát triển khả năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn và khả năng định hướng nghề nghiệp sau giáo dục phổ thông.

  1. QUAN ĐIỂM XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH

 Chương trình môn Sinh học tuân thủ các quy định được nêu trong Chương trình tổng thể, đồng thời, xuất phát từ đặc điểm môn học, nhấn mạnh các quan điểm sau:

  1. Tiếp cận với xu hướng quốc tế

 Bên cạnh việc tiếp thu, kế thừa thành công, ưu điểm của chương trình môn Sinh học hiện hành của Việt Nam, Chương trình môn Sinh học còn được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu sâu chương trình môn học này của một số quốc gia, vùng lãnh thổ và tổ chức quốc tế (Anh, Australia, Cộng hoà Liên bang Đức, Hàn Quốc, một số bang của Hoa Kỳ, Liên bang Nga, Singapore, Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Tổ chức Olympic Sinh học quốc tế, UNESCO,…). Kết quả nghiên cứu đó cho phép rút ra các xu hướng chung trong xây dựng chương trình môn Sinh học phổ thông có thể vận dụng cho Việt Nam:

  1. a) Ở cấp trung học cơ sở, kiến thức sinh học là một phần của môn Khoa học tự nhiên. Ở cấp trung học phổ thông, môn Sinh học được tách ra thành môn học riêng với các mục tiêu dạy học chuyên sâu chuẩn bị cho học sinh có thể tiếp tục học lên cao theo ngành nghề liên quan trực tiếp đến sinh học.
  2. b) Nội dung giáo dục sinh học ở cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông được xây dựng theo hướng đồng tâm để học sinh có điều kiện mở rộng và học sâu hơn về nội dung, phương pháp nghiên cứu và nguyên lí ứng dụng công nghệ sinh học trong môn Sinh học ở cấp trung học phổ thông.
  3. c) Chương trình môn Sinh học thể hiện nguyên tắc tích hợp thông qua sự kết nối các nội dung dạy học cốt lõi quanh các nguyên lí cơ bản của khoa học tự nhiên, của thế giới sống.
  4. Thực hiện giáo dục định hướng nghề nghiệp

 Nội dung môn Sinh học được xây dựng làm cơ sở cho các quy trình công nghệ gắn với các lĩnh vực ngành nghề, vì vậy trong yêu cầu cần đạt của từng chủ đề luôn yêu cầu học sinh liên hệ với các ngành nghề liên quan.

 Nội dung môn Sinh học vừa phản ánh các thuộc tính cơ bản của tổ chức sống ở các cấp độ phân tử, tế bào, cơ thể, quần thể, quần xã – hệ sinh thái, sinh quyển; vừa giới thiệu các nguyên lí công nghệ ứng dụng sinh học nhằm định hướng cho học sinh lựa chọn ngành nghề trong bối cảnh phát triển của công nghệ sinh học và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

 Để thực hiện định hướng trên, Chương trình môn Sinh học được thiết kế theo các chủ đề có tính khái quát và dành nhiều thời gian để tổ chức các hoạt động dạy học giúp học sinh khám phá khoa học, phát triển năng lực nhận thức, trong đó chú ý tổ chức các hoạt động trải nghiệm, thực hành, ứng dụng và tìm hiểu các ngành nghề liên quan.

  1. Thực hiện giáo dục phát triển bền vững

 Chương trình môn Sinh học chú trọng giúp học sinh phát triển khả năng thích ứng trong một thế giới biến đổi không ngừng; khả năng chung sống hài hoà với thiên nhiên và bảo vệ môi trường để phát triển bền vững. .

 Chương trình môn Sinh học quan tâm tới những nội dung gần gũi với cuộc sống hằng ngày, tạo điều kiện để học sinh tăng cường vận dụng kiến thức khoa học vào thực tiễn, từ thực tiễn nhận thức rõ những vấn đề về môi trường và phát triển bền vững, xây dựng ý thức bảo vệ môi trường, rèn luyện khả năng thích ứng trong một thế giới biến đổi không ngừng.

 III. MỤC TIÊU CHƯƠNG TRÌNH

 Môn Sinh học hình thành, phát triển ở học sinh năng lực sinh học; đồng thời góp phần cùng các môn học, hoạt động giáo dục khác hình thành, phát triển ở học sinh các phẩm chất chủ yếu và năng lực chung, đặc biệt là tình yêu thiên nhiên, niềm tự hào về thiên nhiên của quê hương, đất nước; thái độ tôn trọng các quy luật của thiên nhiên, trân trọng, giữ gìn và bảo vệ thiên nhiên, ứng xử với thiên nhiên phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững; rèn luyện cho học sinh thế giới quan khoa học, tính trung thực, tinh thần trách nhiệm, tình yêu lao động, các năng lực tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo.

  1. YÊU CẦU CẦN ĐẠT
  2. Yêu cầu cần đạt về phẩm chất chủ yếu và năng lực chung

 Môn Sinh học góp phần hình thành và phát triển phẩm chất chủ yếu và năng lực chung theo các mức độ phù hợp với môn học, cấp học đã được quy định trong Chương trình tổng thể.

  1. Yêu cầu cần đạt về năng lực đặc thù

 Môn Sinh học hình thành và phát triển ở học sinh năng lực sinh học, biểu hiện của năng lực khoa học tự nhiên, bao gồm các thành phần năng lực: nhận thức sinh học; tìm hiểu thế giới sống; vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học.

 Những biểu hiện của năng lực sinh học được trình bày trong bảng sau:

Thành phần năng lực Biểu hiện
Nhận thức sinh học Trình bày, phân tích được các kiến thức sinh học cốt lõi và các thành tựu công nghệ sinh học trong các lĩnh vực. Cụ thể như sau:

 – Nhận biết, kể tên, phát biểu, nêu được các đối tượng, khái niệm, quy luật, quá trình sống.

 – Trình bày được các đặc điểm, vai trò của các đối tượng và các quá trình sống bằng các hình thức biểu đạt như ngôn ngữ nói, viết, công thức, sơ đồ, biểu đồ,…

 – Phân loại được các đối tượng, hiện tượng sống theo các tiêu chí khác nhau.

 – Phân tích được các đặc điểm của một đối tượng, sự vật, quá trình theo một logic nhất định.

 – So sánh, lựa chọn được các đối tượng, khái niệm, các cơ chế, quá trình sống dựa theo các tiêu chí nhất định.

 – Giải thích được mối quan hệ giữa các sự vật và hiện tượng (nguyên nhân – kết quả, cấu tạo – chức năng,…).

 – Nhận ra và chỉnh sửa được những điểm sai; đưa ra được những nhận định có tính phê phán liên quan tới chủ đề trong thảo luận.

 – Tìm được từ khoá, sử dụng được thuật ngữ khoa học, kết nối được thông tin theo logic có ý nghĩa, lập được dàn ý khi đọc và trình bày các văn bản khoa học; sử dụng được các hình thức ngôn ngữ biểu đạt khác nhau. .

Tìm hiểu thế giới sống Thực hiện được quy trình tìm hiểu thế giới sống. Cụ thể như sau:

 – Đề xuất vấn đề liên quan đến thế giới sống: đặt ra được các câu hỏi liên quan đến vấn đề; phân tích được bối cảnh để đề xuất vấn đề; dùng ngôn ngữ của mình biểu đạt được vấn đề đã đề xuất.

 – Đưa ra phán đoán và xây dựng giả thuyết: phân tích được vấn đề để nêu được phán đoán; xây dựng và phát biểu được giả thuyết nghiên cứu.

 – Lập kế hoạch thực hiện: xây dựng được khung logic nội dung nghiên cứu; lựa chọn được phương pháp thích hợp (quan sát, thực nghiệm, điều tra, phỏng vấn, hồi cứu tư liệu,…); lập được kế hoạch triển khai hoạt động nghiên cứu.

 – Thực hiện kế hoạch: thu thập, lưu giữ được dữ liệu từ kết quả tổng quan, thực nghiệm, điều tra; đánh giá được kết quả dựa trên phân tích, xử lí các dữ liệu bằng các tham số thống kê đơn giản; so sánh được kết quả với giả thuyết, giải thích, rút ra kết luận và điều chỉnh (nếu cần); đề xuất được ý kiến khuyến nghị vận dụng kết quả nghiên cứu, hoặc vấn đề nghiên cứu tiếp.

 – Viết, trình bày báo cáo và thảo luận: sử dụng được ngôn ngữ, hình vẽ, sơ đồ, biểu bảng để biểu đạt quá trình và kết quả nghiên cứu; viết được báo cáo nghiên cứu; hợp tác được với đối tác bằng thái độ lắng nghe tích cực và tôn trọng quan điểm, ý kiến đánh giá do người khác đưa ra để tiếp thu tích cực và giải trình, phản biện, bảo vệ kết quả nghiên cứu một cách thuyết phục.

Vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học Vận dụng được kiến thức, kĩ năng đã học để giải thích, đánh giá hiện tượng thường gặp trong tự nhiên và trong đời sống; có thái độ và hành vi ứng xử thích hợp. Cụ thể như sau:

 – Giải thích thực tiễn: giải thích, đánh giá được những hiện tượng thường gặp trong tự nhiên và trong đời sống, tác động của chúng đến phát triển bền vững; giải thích, đánh giá, phản biện được một số mô hình công nghệ ở mức độ phù hợp.

 – Có hành vi, thái độ thích hợp: đề xuất, thực hiện được một số giải pháp để bảo vệ sức khoẻ bản thân, gia đình và cộng đồng; bảo vệ thiên nhiên, môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.

  1. NỘI DUNG GIÁO DỤC
  2. Nội dung khái quát
  3. a) Nội dung giáo dục cốt lõi

 Nội dung giáo dục cốt lõi của môn Sinh học bao quát các cấp độ tổ chức sống, gồm: phân tử, tế bào, cơ thể, quần thể, quần xã – hệ sinh thái, sinh quyển. Kiến thức về mỗi cấp độ tổ chức sống bao gồm: cấu trúc, chức năng; mối quan hệ giữa cấu trúc, chức năng và môi trường sống. Từ kiến thức về các cấp độ tổ chức sống, chương trình môn học khái quát thành các đặc tính chung của thế giới sống như: trao đổi chất và chuyển hoá năng lượng, sinh trưởng và phát triển, sinh sản, cảm ứng, di truyền, biến dị và tiến hoá. Thông qua các chủ đề nội dung, chương trình môn học trình bày các thành tựu công nghệ sinh học trong chăn nuôi, trồng trọt, xử lí ô nhiễm môi trường, nông nghiệp và thực phẩm sạch; trong y – dược học.

Mạch nội dung Lớp 10 Lớp 11 Lớp 12
Giới thiệu khái quát chương trình môn Sinh học – Đối tượng và các lĩnh vực nghiên cứu của sinh học

 – Mục tiêu và vai trò của môn Sinh học

 – Sinh học trong tương lai

 – Các ngành nghề liên quan đến sinh học

   
Sinh học và sự phát triển bền vững – Phát triển bền vững môi trường tự nhiên

 – Phát triển xã hội: đạo đức sinh học; kinh tế; công nghệ

   
Các phương pháp nghiên cứu và học tập môn Sinh học – Phương pháp nghiên cứu

 – Vật liệu, thiết bị

 – Kĩ năng tiến trình

   
Giới thiệu chung về các cấp độ tổ chức của thế giới sống – Khái niệm và đặc điểm của các cấp độ tổ chức sống

 – Các cấp độ tổ chức sống

 – Quan hệ giữa các cấp độ tổ chức sống

   
Sinh học tế bào – Khái quát về tế bào

 – Thành phần hoá học của tế bào

 – Cấu trúc tế bào

 – Trao đổi chất và chuyển hoá năng lượng ở tế bào

 – Thông tin ở tế bào

 – Chu kì tế bào và phân bào

 – Công nghệ tế bào và một số thành tựu

 – Công nghệ enzyme và ứng dụng

– Hô hấp tế bào

 – Tế bào thần kinh

– Cơ sở nhiễm sắc thể của sự di truyền

 – Nhiễm sắc thể: hình thái, cấu trúc siêu hiển vi

Sinh học vi sinh vật và virus – Khái niệm và các nhóm vi sinh vật

 – Các phương pháp nghiên cứu vi sinh vật

 – Quá trình tổng hợp và phân giải ở vi sinh vật

 – Quá trình sinh trưởng và sinh sản ở vi sinh vật

 – Một số ứng dụng vi sinh vật trong thực tiễn

 – Virus và các ứng dụng

   
Sinh học cơ thể   – Trao đổi chất và chuyển hoá năng lượng ở sinh vật

 – Cảm ứng ở sinh vật

 – Sinh trưởng và phát triển ở sinh vật

 – Sinh sản ở sinh vật

 – Dinh dưỡng khoáng – tăng năng suất cây trồng và nông nghiệp sạch

 – Một số bệnh dịch ở người và cách phòng trừ

 – Vệ sinh an toàn thực phẩm

 
Di truyền học     – Di truyền phân tử

 – Di truyền nhiễm sắc thể

 – Di truyền gene ngoài nhân

 – Mối quan hệ kiểu gene – môi trường – kiểu hình

 – Thành tựu chọn, tạo giống bằng các phương pháp lai hữu tính

 – Di truyền quần thể

 – Di truyền học người

Tiến hoá     – Các bằng chứng tiến hoá

 – Quan niệm của Darwin về chọn lọc tự nhiên và hình thành loài

 – Thuyết tiến hoá tổng hợp hiện đại

 – Tiến hoá lớn và phát sinh chủng loại

Sinh thái học và môi trường     – Môi trường và các nhân tố sinh thái

 – Sinh thái học quần thể

 – Sinh thái học quần xã

 – Hệ sinh thái

 – Sinh quyển

 – Sinh thái học phục hồi, bảo tồn và phát triển bền vững

 – Kiểm soát sinh học

 – Sinh thái nhân văn

  1. b) Chuyên đề học tập

 Bên cạnh nội dung giáo dục cốt lõi, trong mỗi năm học, những học sinh có thiên hướng hoặc hứng thú với sinh học và công nghệ sinh học được chọn học một số chuyên đề học tập.

 Hệ thống các chuyên đề học tập môn Sinh học chủ yếu được phát triển từ nội dung các chủ đề sinh học ứng với chương trình mỗi lớp 10, 11, 12. Các chuyên đề nhằm mở rộng, nâng cao kiến thức, rèn luyện kĩ năng thực hành, tìm hiểu ngành nghề để trực tiếp định hướng, làm cơ sở cho các quy trình kĩ thuật, công nghệ thuộc các ngành nghề liên quan đến sinh học. Nội dung các chuyên đề hướng đến các lĩnh vực của nền công nghiệp 4.0 như: công nghệ sinh học trong nông nghiệp, y – dược, chế biến thực phẩm, bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo,… Các lĩnh vực công nghệ này ứng dụng theo cách tích hợp các thành tựu không chỉ của sinh học mà còn của các khoa học liên ngành (giải trình tự gene, bản đồ gene, liệu pháp gene,…), trong đó công nghệ thông tin có vai trò đặc biệt quan trọng.

 Hệ thống chuyên đề học tập trong bảng sau:

Chuyên đề Lớp 10 Lớp 11 Lớp 12
Chuyên đề 10.1: Công nghệ tế bào và một số thành tựu x    
Chuyên đề 10.2: Công nghệ enzyme và ứng dụng x    
Chuyên đề 10.3: Công nghệ vi sinh vật trong xử lí ô nhiễm môi trường x    
Chuyên đề 11.1: Dinh dưỡng khoáng – tăng năng suất cây trồng và nông nghiệp sạch   x  
Chuyên đề 11.2: Một số bệnh dịch ở người và cách phòng ngừa, điều trị   x  
Chuyên đề 11.3: Vệ sinh an toàn thực phẩm   x  
Chuyên đề 12.1: Sinh học phân tử     x
Chuyên đề 12.2: Kiểm soát sinh học     x
Chuyên đề 12.3: Sinh thái nhân văn     x
  1. Nội dung cụ thể và yêu cầu cần đạt ở các lớp

 LỚP 10

 Học xong chương trình Sinh học lớp 10, học sinh củng cố, hệ thống hoá được các kiến thức, kĩ năng đã học ở giai đoạn giáo dục cơ bản, đặc biệt từ môn Khoa học tự nhiên. Thông qua các chủ đề sinh học hiện đại như sinh học tế bào, sinh học vi sinh vật và virus, sinh học và phát triển bền vững, sinh học trong tương lai, công nghệ tế bào, công nghệ enzyme, công nghệ vi sinh vật,… học sinh vừa được trang bị cách nhìn tổng quan về thế giới sống, làm cơ sở cho việc tìm hiểu các cơ chế, quá trình, quy luật hoạt động của các đối tượng sống thuộc các cấp độ tế bào, cơ thể và trên cơ thể; vừa có hiểu biết khái quát về sinh học, công nghệ sinh học và vai trò của sinh học đối với con người.

Nội dung Yêu cầu cần đạt
MỞ ĐẦU
Giới thiệu khái quát chương trình môn Sinh học
– Đối tượng và các lĩnh vực nghiên cứu của sinh học – Nêu được đối tượng và các lĩnh vực nghiên cứu của sinh học.
– Mục tiêu của môn Sinh học – Trình bày được mục tiêu môn Sinh học.
– Vai trò của sinh học – Phân tích được vai trò của sinh học với cuộc sống hằng ngày và với sự phát triển kinh tế -xã hội; vai trò sinh học với sự phát triển bền vững môi trường sống và những vấn đề toàn cầu.
– Sinh học trong tương lai – Nêu được triển vọng phát triển sinh học trong tương lai.
– Các ngành nghề liên quan đến sinh học – Kể được tên các ngành nghề liên quan đến sinh học và ứng dụng sinh học. Trình bày được các thành tựu từ lí thuyết đến thành tựu công nghệ của một số ngành nghề chủ chốt (y – dược học, pháp y, công nghệ thực phẩm, bảo vệ môi trường, nông nghiệp, lâm nghiệp,…). Nêu được triển vọng của các ngành nghề đó trong tương lai.
Sinh học và sự phát triển bền vững – Trình bày được định nghĩa về phát triển bền vững.

 – Trình bày được vai trò của sinh học trong phát triển bền vững môi trường sống.

 – Phân tích được mối quan hệ giữa sinh học với những vấn đề xã hội: đạo đức sinh học, kinh tế, công nghệ.

Các phương pháp nghiên cứu và học tập môn Sinh học – Trình bày và vận dụng được một số phương pháp nghiên cứu sinh học, cụ thể:

 + Phương pháp quan sát;

 + Phương pháp làm việc trong phòng thí nghiệm (các kĩ thuật phòng thí nghiệm);

 + Phương pháp thực nghiệm khoa học.

 – Nêu được một số vật liệu, thiết bị nghiên cứu và học tập môn Sinh học.

 – Trình bày và vận dụng được các kĩ năng trong tiến trình nghiên cứu:

 + Quan sát: logic thực hiện quan sát; thu thập, lưu giữ kết quả quan sát; lựa chọn hình thức biểu đạt kết quả quan sát;

 + Xây dựng giả thuyết;

 + Thiết kế và tiến hành thí nghiệm;

 + Điều tra, khảo sát thực địa;

 + Làm báo cáo kết quả nghiên cứu;

 – Giới thiệu được phương pháp tin sinh học (Bioinfomatics) như là công cụ trong nghiên cứu và học tập sinh học.

GIỚI THIỆU CHUNG VỀ CÁC CẤP ĐỘ TỔ CHỨC CỦA THẾ GIỚI SỐNG
– Khái niệm và đặc điểm của cấp độ tổ chức sống – Phát biểu được khái niệm cấp độ tổ chức sống.

 – Trình bày được các đặc điểm chung của các cấp độ tổ chức sống.

– Các cấp độ tổ chức sống – Dựa vào sơ đồ, phân biệt được cấp độ tổ chức sống.
– Quan hệ giữa các cấp độ tổ chức sống – Giải thích được mối quan hệ giữa các cấp độ tổ chức sống.
SINH HỌC TẾ BÀO
Khái quát về tế bào – Nêu được khái quát học thuyết tế bào.

 – Giải thích được tế bào là đơn vị cấu trúc và chức năng của cơ thể sống.

Thành phần hoá học của tế bào  
– Các nguyên tố hoá học trong tế bào

  

– Liệt kê được một số nguyên tố hoá học chính có trong tế bào (C, H, O, N, S, P).

 – Nêu được vai trò của các nguyên tố vi lượng, đa lượng trong tế bào.

 – Nêu được vai trò quan trọng của nguyên tố carbon trong tế bào (cấu trúc nguyên tử C có thể liên kết với chính nó và nhiều nhóm chức khác nhau).

– Nước trong tế bào – Trình bày được đặc điểm cấu tạo phân tử nước quy định tính chất vật lí, hoá học và sinh học của nước, từ đó quy định vai trò sinh học của nước trong tế bào.
– Các phân tử sinh học trong tế bào – Nêu được khái niệm phân tử sinh học.

 – Trình bày được thành phần cấu tạo (các nguyên tố hoá học và đơn phân) và vai trò của các phân tử sinh học trong tế bào: carbohydrate, lipid, protein, nucleic acid.

 – Phân tích được mối quan hệ giữa cấu tạo và vai trò của các phân tử sinh học.

 – Nêu được một số nguồn thực phẩm cung cấp các phân tử sinh học cho cơ thể.

 – Vận dụng được kiến thức về thành phần hoá học của tế bào vào giải thích các hiện tượng và ứng dụng trong thực tiễn (ví dụ: ăn uống hợp lí; giải thích vì sao thịt lợn, thịt bò cùng là protein nhưng có nhiều đặc điểm khác nhau; giải thích vai trò của DNA trong xác định huyết thống, truy tìm tội phạm,…).

 – Thực hành xác định (định tính) được một số thành phần hoá học có trong tế bào (protein, lipid,…).

Cấu trúc tế bào  
– Tế bào nhân sơ – Mô tả được kích thước, cấu tạo và chức năng các thành phần của tế bào nhân sơ.
– Tế bào nhân thực – Phân tích được mối quan hệ phù hợp giữa cấu tạo và chức năng của thành tế bào (ở tế bào thực vật) và màng sinh chất.

 – Nêu được cấu tạo và chức năng của tế bào chất.

 – Trình bày được cấu trúc của nhân tế bào và chức năng quan trọng của nhân.

 – Phân tích được mối quan hệ giữa cấu tạo và chức năng của các bào quan trong tế bào.

 – Quan sát hình vẽ, lập được bảng so sánh cấu tạo tế bào thực vật và động vật.

 – Lập được bảng so sánh tế bào nhân sơ và tế bào nhân thực.

 – Thực hành làm được tiêu bản và quan sát được tế bào sinh vật nhân sơ (vi khuẩn).

 – Làm được tiêu bản hiển vi tế bào nhân thực (củ hành tây, hành ta, thài lài tía, hoa lúa, bí ngô, tế bào niêm mạc xoang miệng,…) và quan sát nhân, một số bào quan trên tiêu bản đó.

Trao đổi chất và chuyển hoá năng lượng ở tế bào  
– Khái niệm trao đổi chất ở tế bào – Nêu được khái niệm trao đổi chất ở tế bào.
– Sự vận chuyển các chất qua màng sinh chất

 + Vận chuyển thụ động

 + Vận chuyển chủ động

 + Nhập, xuất bào

  

– Phân biệt được các hình thức vận chuyển các chất qua màng sinh chất: vận chuyển thụ động, chủ động. Nêu được ý nghĩa của các hình thức đó. Lấy được ví dụ minh hoạ.

 – Trình bày được hiện tượng nhập bào và xuất bào thông qua biến dạng của màng sinh chất. Lấy được ví dụ minh hoạ.

 – Vận dụng những hiểu biết về sự vận chuyển các chất qua màng sinh chất để giải thích một số hiện tượng thực tiễn (muối dưa, muối cà).

 – Làm được thí nghiệm và quan sát hiện tượng co và phản co nguyên sinh (tế bào hành, tế bào máu,…); thí nghiệm tính thấm có chọn lọc của màng sinh chất tế bào sống.

– Các loại năng lượng

  

– Phân biệt được các dạng năng lượng trong chuyển hoá năng lượng ở tế bào.

 – Giải thích được năng lượng được tích luỹ và sử dụng cho các hoạt động sống của tế bào là dạng hoá năng (năng lượng tiềm ẩn trong các liên kết hoá học).

 – Phân tích được cấu tạo và chức năng của ATP về giá trị năng lượng sinh học.

  

– Khái niệm trao đổi chất và chuyển hoá năng lượng trong tế bào – Phát biểu được khái niệm chuyển hoá năng lượng trong tế bào.

 – Trình bày được quá trình tổng hợp và phân giải ATP gắn liền với quá trình tích lũy, giải phóng năng lượng.

– Enzyme

  

– Trình bày được vai trò của enzyme trong quá trình trao đổi chất và chuyển hoá năng lượng. Nêu được khái niệm, cấu trúc và cơ chế tác động của enzyme.

 – Phân tích được các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động xúc tác của enzyme.

 – Thực hành: làm được thí nghiệm phân tích ảnh hưởng của một số yếu tố đến hoạt tính của enzyme; thí nghiệm kiểm tra hoạt tính thuỷ phân tinh bột của amylase.

– Tổng hợp các chất và tích luỹ năng lượng trong tế bào – Nêu được khái niệm tổng hợp các chất trong tế bào. Lấy được ví dụ minh hoạ (tổng hợp protein, lipid, carbohydrate,…).

 – Trình bày được quá trình tổng hợp các chất song song với tích luỹ năng lượng.

 – Nêu được vai trò quan trọng của quang hợp trong việc tổng hợp các chất và tích luỹ năng lượng trong tế bào thực vật.

 – Nêu được vai trò của hoá tổng hợp và quang khử ở vi khuẩn.

– Phân giải các chất và giải phóng năng lượng trong tế bào – Phát biểu được khái niệm phân giải các chất trong tế bào.

 – Trình bày được các giai đoạn phân giải hiếu khí (hô hấp tế bào) và các giai đoạn phân giải kị khí (lên men).

 – Trình bày được quá trình phân giải các chất song song với giải phóng năng lượng.

 – Phân tích được mối quan hệ giữa tổng hợp và phân giải các chất trong tế bào.

Thông tin ở tế bào  
– Khái niệm – Nêu được khái niệm về thông tin giữa các tế bào.
– Quá trình – Dựa vào sơ đồ thông tin giữa các tế bào, trình bày được các quá trình:

 + Tiếp nhận: Một phân tử truyền tin liên kết vào một protein thụ thể làm thụ thể thay đổi hình dạng;

 + Truyền tin: các chuỗi tương tác phân tử chuyển tiếp tín hiệu từ các thụ thể tới các phân tử đích trong tế bào;

 + Đáp ứng: Tế bào phát tín hiệu điều khiển phiên mã, dịch mã hoặc điều hoà hoạt động của tế bào.

Chu kì tế bào và phân bào  
– Chu kì tế bào và nguyên phân

  

– Nêu được khái niệm chu kì tế bào. Dựa vào sơ đồ, trình bày được các giai đoạn và mối quan hệ giữa các giai đoạn trong chu kì tế bào.

 – Dựa vào cơ chế nhân đôi và phân li của nhiễm sắc thể để giải thích được quá trình nguyên phân là cơ chế sinh sản của tế bào.

 – Giải thích được sự phân chia tế bào một cách không bình thường có thể dẫn đến ung thư. Trình bày được một số thông tin về bệnh ung thư ở Việt Nam. Nêu được một số biện pháp phòng tránh ung thư.

 – Thực hành làm được tiêu bản nhiễm sắc thể để quan sát quá trình nguyên phân (hành tây, hành ta, đại mạch, cây tỏi, lay ơn, khoai môn,…).

– Quá trình giảm phân – Dựa vào cơ chế nhân đôi và phân li của nhiễm sắc thể để giải thích được quá trình giảm phân, thụ tinh cùng với nguyên phân là cơ sở của sinh sản hữu tính ở sinh vật.

 – Trình bày được một số nhân tố ảnh hưởng đến quá trình giảm phân.

 – Lập được bảng so sánh quá trình nguyên phân và quá trình giảm phân.

 – Vận dụng kiến thức về nguyên phân và giảm phân vào giải thích một số vấn đề trong thực tiễn.

 – Làm được tiêu bản quan sát quá trình giảm phân ở tế bào động vật, thực vật (châu chấu đực, hoa hành,…).

Công nghệ tế bào – Nêu được khái niệm, nguyên lí công nghệ và một số thành tựu của công nghệ tế bào thực vật.

 – Nêu được khái niệm, nguyên lí công nghệ và một số thành tựu công nghệ tế bào động vật.

SINH HỌC VI SINH VẬT VÀ VIRUS
Vi sinh vật  
– Khái niệm và các nhóm vi sinh vật – Nêu được khái niệm vi sinh vật. Kể tên được các nhóm vi sinh vật.

 – Phân biệt được các kiểu dinh dưỡng ở vi sinh vật.

– Các phương pháp nghiên cứu vi sinh vật – Trình bày được một số phương pháp nghiên cứu vi sinh vật.

 – Thực hành được một số phương pháp nghiên cứu vi sinh vật thông dụng.

– Quá trình tổng hợp và phân giải ở vi sinh vật – Nêu được một số ví dụ về quá trình tổng hợp và phân giải các chất ở vi sinh vật.

 – Phân tích được vai trò của vi sinh vật trong đời sống con người và trong tự nhiên.

– Quá trình sinh trưởng và sinh sản ở vi sinh vật

  

– Nêu được khái niệm sinh trưởng ở vi sinh vật. Trình bày được đặc điểm các pha sinh trưởng của quần thể vi khuẩn.

 – Phân biệt được các hình thức sinh sản ở vi sinh vật nhân sơ và vi sinh vật nhân thực.

 – Trình bày được các yếu tố ảnh hưởng đến sinh trưởng của vi sinh vật.

 – Trình bày được ý nghĩa của việc sử dụng kháng sinh để ức chế hoặc tiêu diệt vi sinh vật gây bệnh và tác hại của việc lạm dụng thuốc kháng sinh trong chữa bệnh cho con người và động vật.

– Một số ứng dụng vi sinh vật trong thực tiễn – Kể tên được một số thành tựu hiện đại của công nghệ vi sinh vật.

 – Trình bày được cơ sở khoa học của việc ứng dụng vi sinh vật trong thực tiễn.

 – Trình bày được một số ứng dụng vi sinh vật trong thực tiễn (sản xuất và bảo quản thực phẩm, sản xuất thuốc, xử lí môi trường,…).

 – Thực hiện được dự án hoặc đề tài tìm hiểu về các sản phẩm công nghệ vi sinh vật. Làm được tập san các bài viết, tranh ảnh về công nghệ vi sinh vật.

 – Làm được một số sản phẩm lên men từ vi sinh vật (sữa chua, dưa chua, bánh mì,…).

 – Phân tích được triển vọng công nghệ vi sinh vật trong tương lai.

 – Kể tên được một số ngành nghề liên quan đến công nghệ vi sinh vật và triển vọng phát triển của ngành nghề đó.

Virus và các ứng dụng  
– Khái niệm và đặc điểm virus – Nêu được khái niệm và các đặc điểm của virus. Trình bày được cấu tạo của virus.
– Quá trình nhân lên của virus trong tế bào chủ – Trình bày được các giai đoạn nhân lên của virus trong tế bào chủ. Từ đó giải thích được cơ chế gây bệnh do virus.
– Một số thành tựu ứng dụng virus trong sản xuất – Kể tên được một số thành tựu ứng dụng virus trong sản xuất chế phẩm sinh học; trong y học và nông nghiệp; sản xuất thuốc trừ sâu từ virus.
– Virus gây bệnh – Trình bày được phương thức lây truyền một số bệnh do virus ở người, thực vật và động vật (HIV, cúm, sởi,…) và cách phòng chống. Giải thích được các bệnh do virus thường lây lan nhanh, rộng và có nhiều biến thể.

 – Thực hiện được dự án hoặc đề tài điều tra một số bệnh do virus gây ra và tuyên truyền phòng chống bệnh.

 CHUYÊN ĐỀ HỌC TẬP

 Chuyên đề 10.1: CÔNG NGHỆ TẾ BÀO VÀ MỘT SỐ THÀNH TỰU

 Nội dung chuyên đề này được phát triển từ chủ đề sinh học tế bào, đặc biệt là sinh học phát triển tế bào làm cơ sở cho công nghệ tế bào. Học sinh được làm quen với các thành tựu công nghệ tế bào như nuôi cấy mô, ứng dụng tế bào gốc, ứng dụng trong tạo giống mới, y dược,… Học chuyên đề này, học sinh biết lựa chọn, huy động kiến thức tế bào học đã học để giải thích được các quy trình công nghệ, qua đó phát triển kĩ năng ứng dụng và tư duy công nghệ.

Nội dung Yêu cầu cần đạt
– Thành tựu công nghệ tế bào – Kể được tên một số thành tựu hiện đại của công nghệ tế bào.
– Các giai đoạn của công nghệ tế bào – Trình bày được tính toàn năng và các giai đoạn chung của công nghệ tế bào. Lấy được ví dụ về công nghệ tế bào thực vật, công nghệ tế bào động vật.
– Tế bào gốc và ứng dụng – Nêu được khái niệm tế bào gốc. Trình bày được một số thành tựu trong sử dụng tế bào gốc.

 – Phân tích được triển vọng của công nghệ tế bào trong tương lai.

 – Thực hiện được dự án hoặc đề tài tìm hiểu về các thành tựu nuôi cấy mô, thành tựu tế bào gốc. Thiết kế được tập san các bài viết, tranh ảnh về công nghệ tế bào.

 – Trình bày được quan điểm của bản thân về tầm quan trọng của việc sử dụng tế bào gốc trong thực tiễn.

 – Tranh luận, phản biện được quan điểm về nhân bản vô tính động vật, con người.

 Chuyên đề 10.2: CÔNG NGHỆ ENZYME VÀ ỨNG DỤNG

 Chuyên đề này có nội dung phát triển sâu hơn nội dung tế bào học theo hướng làm cơ sở cho ứng dụng công nghệ enzyme. Học xong chuyên đề này, học sinh có thể: nêu được một số thành tựu của công nghệ enzyme và triển vọng của lĩnh vực này; củng cố được kiến thức sinh hoá tế bào, enzyme với mục đích làm cơ sở cho công nghệ enzyme. Trong chuyên đề này, học sinh cũng sẽ trình bày được một số ứng dụng của enzyme trong các lĩnh vực: công nghệ thực phẩm, y dược, kĩ thuật di truyền.

Nội dung Yêu cầu cần đạt
– Cơ sở khoa học ứng dụng công nghệ enzyme – Trình bày được một số thành tựu của công nghệ enzyme.

 – Phân tích được cơ sở khoa học ứng dụng công nghệ enzyme.

– Quy trình công nghệ sản xuất enzyme – Trình bày được quy trình công nghệ sản xuất enzyme. Lấy được một số ví dụ minh hoạ.
– Ứng dụng của công nghệ enzyme – Trình bày được một số ứng dụng của enzyme trong các lĩnh vực: công nghệ thực phẩm, y dược, kĩ thuật di truyền.

 – Phân tích được triển vọng công nghệ enzyme trong tương lai.

 – Thực hiện được dự án hoặc đề tài tìm hiểu về ứng dụng enzyme.

 Chuyên đề 10.3: CÔNG NGHỆ VI SINH VẬT TRONG XỬ LÍ Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG

 Nội dung chuyên đề là tổ chức học sinh tìm hiểu quy trình công nghệ vi sinh trong xử lí một số chất thải phổ biến hiện nay. Chuyên đề giúp học sinh vừa nâng cao kiến thức vi sinh vật học, vừa biết phân tích những nội dung kiến thức sâu hơn làm cơ sở khoa học cho công nghệ ứng dụng vi sinh vật trong lĩnh vực xử lí ô nhiễm môi trường – một vấn đề cấp bách đang được cả thế giới và Việt Nam quan tâm giải quyết.

Nội dung Yêu cầu cần đạt
– Vai trò của vi sinh vật trong xử lí ô nhiễm môi trường

 – Vi sinh vật trong việc phân huỷ các hợp chất

 – Một số công nghệ ứng dụng vi sinh vật trong xử lí môi trường

– Nêu được vai trò của vi sinh vật trong xử lí ô nhiễm môi trường.

 – Mô tả được quá trình phân giải các hợp chất trong xử lí môi trường bằng công nghệ vi sinh: phân giải hiếu khí, kị khí, lên men.

 – Trình bày được một số công nghệ ứng dụng vi sinh vật trong xử lí môi trường.

 + Xử lí ô nhiễm môi trường đất;

 + Xử lí nước thải và làm sạch nước;

 + Thu nhận khí sinh học;

 + Xử lí chất thải rắn.

 – Thực hiện được dự án: Điều tra công nghệ ứng dụng vi sinh vật xử lí ô nhiễm môi trường tại địa phương (xử lí rác thải, nước thải,…).

 LỚP 11

 Học xong chương trình Sinh học 11, học sinh phân tích được các đặc tính của chung của tổ chức sống cấp độ cơ thể, trong đó phần sinh học cơ thể động vật chú trọng cơ thể người, từ đó học sinh được thực hành ứng dụng liên quan đến trồng trọt, chăn nuôi, y học, bảo vệ sức khoẻ. Sinh học 11 được trình bày theo các quá trình sống cấp độ cơ thể tương đồng ở thực vật và động vật, ở mỗi quá trình sống trình bày khái quát những đặc điểm chung cho cấp độ cơ thể, sau đó đi sâu nghiên cứu những điểm đặc trưng ở cơ thể thực vật và cơ thể động vật.

Nội dung Yêu cầu cần đạt
SINH HỌC CƠ THỂ
Trao đổi chất và chuyển hoá năng lượng ở sinh vật  
– Khái quát trao đổi chất và chuyển hoá năng lượng trong sinh giới:  
+ Trao đổi chất và chuyển hoá năng lượng – Phân tích được vai trò của trao đổi chất và chuyển hoá năng lượng đối với sinh vật.

 – Nêu được các dấu hiệu đặc trưng của trao đổi chất và chuyển hoá năng lượng (thu nhận các chất từ môi trường, vận chuyển các chất, biến đổi các chất, tổng hợp các chất và tích luỹ năng lượng, phân giải các chất và giải phóng năng lượng, đào thải các chất ra môi trường, điều hoà).

 – Dựa vào sơ đồ chuyển hoá năng lượng trong sinh giới, mô tả được tóm tắt ba giai đoạn chuyển hoá năng lượng (tổng hợp, phân giải và huy động năng lượng).

 – Trình bày được mối quan hệ giữa trao đổi chất và chuyển hoá năng lượng ở cấp tế bào và cơ thể.

+ Các phương thức trao đổi chất và chuyển hoá năng lượng – Nêu được các phương thức trao đổi chất và chuyển hoá năng lượng (tự dưỡng và dị dưỡng). Lấy được ví dụ minh hoạ.

 – Nêu được khái niệm tự dưỡng và dị dưỡng.

 – Phân tích được vai trò của sinh vật tự dưỡng trong sinh giới.

– Trao đổi chất và chuyển hoá năng lượng ở thực vật  
+ Trao đổi nước và khoáng ở thực vật  
● Vai trò của nước

  

– Trình bày được nước có vai trò vừa là thành phần cấu tạo tế bào thực vật, là dung môi hoà tan các chất, môi trường cho các phản ứng sinh hoá, điều hoà thân nhiệt và vừa là phương tiện vận chuyển các chất trong hệ vận chuyển ở cơ thể thực vật.
● Sự hấp thụ nước và khoáng ở rễ

  

– Dựa vào sơ đồ, mô tả được quá trình trao đổi nước trong cây, gồm: sự hấp thụ nước ở rễ, sự vận chuyển nước ở thân và sự thoát hơi nước ở lá.

 – Trình bày được cơ chế hấp thụ nước và khoáng ở tế bào lông hút của rễ.

● Sự vận chuyển các chất trong cây – Nêu được sự vận chuyển các chất trong cây theo hai dòng: dòng mạch gỗ và dòng mạch rây.

 – Trình bày được sự vận chuyển nước và khoáng trong cây phụ thuộc vào: động lực hút của lá (do thoát hơi nước tạo ra), động lực đẩy nước của rễ (do áp suất rễ tạo ra) và động lực trung gian (lực liên kết giữa các phân tử nước và lực bám giữa các phân tử nước với thành mạch dẫn).

 – Nêu được sự vận chuyển các chất hữu cơ trong mạch rây cung cấp cho các hoạt động sống của cây và dự trữ trong cây.

● Sự thoát hơi nước ở lá

  

– Trình bày được cơ chế đóng mở khí khổng thực hiện chức năng điều tiết quá trình thoát hơi nước. Giải thích được vai trò quan trọng của sự thoát hơi nước đối với đời sống của cây.
● Vai trò của các nguyên tố khoáng – Nêu được khái niệm dinh dưỡng ở thực vật và vai trò sinh lí của một số nguyên tố khoáng đối với thực vật (cụ thể một số nguyên tố đa lượng, vi lượng).

 – Quan sát và nhận biết được một số biểu hiện của cây do thiếu khoáng.

● Dinh dưỡng nitơ – Nêu được các nguồn cung cấp nitơ cho cây.

 – Trình bày được quá trình hấp thụ và biến đổi nitrate và ammonium ở thực vật.

● Các nhân tố ảnh hưởng đến trao đổi nước và dinh dương khoáng ở thực vât và ứng dụng – Phân tích được một số nhân tố ảnh hưởng đến trao đổi nước ở thực vật và ứng dụng hiểu biết này vào thực tiễn.

 – Giải thích được sự cân bằng nước và việc tưới tiêu hợp lí; các phản ứng chống chịu hạn, chống chịu ngập úng, chống chịu mặn của thực vật và chọn giống cây trồng có khả năng chống chịu.

 – Trình bày được các nhân tố ảnh hưởng đến quá trình dinh dưỡng khoáng ở cây, đặc biệt là nhiệt độ và ánh sáng. Ứng dụng được kiến thức này vào thực tiễn.

 – Phân tích được vai trò của phân bón đối với năng suất cây trồng.

 – Thông qua thực hành, quan sát được cấu tạo khí khổng ở lá.

 – Thực hiện được các thí nghiệm chứng minh sự hút nước ở rễ; vận chuyển nước ở thân và thoát hơi nước ở lá. Thực hành tưới nước chăm sóc cây.

 – Thực hiện được các bài thực hành về thuỷ canh, khí canh.

+ Quang hợp ở thực vật  
● Khái quát về quang hợp – Phát biểu được khái niệm quang hợp ở thực vật. Viết được phương trình quang hợp. Nêu được vai trò của quang hợp ở thực vật (vai trò đối với cây, với sinh vật và sinh quyển).
●Các giai đoạn của quá trình quang hợp

  

– Trình bày được vai trò của sắc tố trong việc hấp thụ năng lượng ánh sáng. Nêu được các sản phẩm của quá trình biến đổi năng lượng ánh sáng thành năng lượng hoá học (ATP và NADPH).

 – Nêu được các con đường đồng hoá carbon trong quang hợp. Chứng minh được sự thích nghi của thực vật C4 và CAM trong điều kiện môi trường bất lợi.

 – Trình bày được vai trò của sản phẩm quang hợp trong tổng hợp chất hữu cơ (chủ yếu là tinh bột), đối với cây và đối với sinh giới.

●Các nhân tố ảnh hưởng đến quang hợp ở thực vật – Phân tích được ảnh hưởng của các điều kiện đến quang hợp (ánh sáng, CO2, nhiệt độ).
●Quang hợp và năng suất cây trồng. – Phân tích được mối quan hệ giữa quang hợp và năng suất cây trồng.

 – Vận dụng hiểu biết về quang hợp để giải thích được một số biện pháp kĩ thuật và công nghệ nâng cao năng suất cây trồng.

 – Thực hành, quan sát được lục lạp trong tế bào thực vật; nhận biết, tách chiết các sắc tố (chlorophyll a, b; carotene và xanthophyll) trong lá cây.

 – Thiết kế và thực hiện được các thí nghiệm về sự hình thành tinh bột; thải oxygen trong quá trình quang hợp.

+ Hô hấp ở thực vật  
● Khái niệm – Nêu được khái niệm hô hấp ở thực vật.
● Vai trò của hô hấp – Phân tích được vai trò của hô hấp ở thực vật.
● Các giai đoạn hô hấp ở thực vật – Trình bày được sơ đồ các giai đoạn của hô hấp ở thực vật.
● Các nhân tố ảnh hưởng đến hô hấp ở thực vật – Phân tích được ảnh hưởng của điều kiện môi trường đến hô hấp ở thực vật. Vận dụng được hiểu biết về hô hấp giải thích các vấn đề thực tiễn (ví dụ: bảo quản hạt và nông sản, cây ngập úng sẽ chết,…). Thực hành được thí nghiệm hô hấp ở thực vật.
● Ứng dụng

 ● Quan hệ giữa quang hợp và hô hấp

– Phân tích được mối quan hệ giữa quang hợp và hô hấp.
– Trao đổi chất và chuyển hoá năng lượng ở động vật  
+ Dinh dưỡng và tiêu hoá ở động vật  
● Quá trình dinh dưỡng – Trình bày được quá trình dinh dưỡng bao gồm: lấy thức ăn; tiêu hoá thức ăn; hấp thu chất dinh dưỡng và đồng hoá các chất.
● Các hình thức tiêu hoá ở động vật – Dựa vào sơ đồ (hoặc hình ảnh), trình bày được hình thức tiêu hoá ở động vật chưa có cơ quan tiêu hoá; động vật có túi tiêu hoá; động vật có ống tiêu hoá.
● Ứng dụng – Vận dụng được hiểu biết về dinh dưỡng trong xây dựng chế độ ăn uống và các biện pháp dinh dưỡng phù hợp ở mỗi lứa tuổi và trạng thái cơ thể.

 – Vận dụng được hiểu biết về hệ tiêu hoá để phòng các bệnh về tiêu hoá.

 – Giải thích được vai trò của việc sử dụng thực phẩm sạch trong đời sống con người.

 – Thực hiện tìm hiểu được các bệnh về tiêu hoá ở người và các bệnh học đường liên quan đến dinh dưỡng như béo phì, suy dinh dưỡng.

+ Hô hấp và trao đổi khí ở động vật  
● Vai trò hô hấp – Phân tích được vai trò của hô hấp ở động vật: trao đổi khí với môi trường và hô hấp tế bào.
● Các hình thức hô hấp – Dựa vào hình ảnh, sơ đồ, trình bày được các hình thức trao đổi khí: qua bề mặt cơ thể; ống khí; mang; phổi.
● Ứng dụng – Giải thích được một số hiện tượng trong thực tiễn, ví dụ: nuôi tôm, cá thường cần có máy sục khí oxygen, nuôi ếch chú ý giữ môi trường ẩm ướt,…

 – Vận dụng hiểu biết về hô hấp trao đổi khí để phòng các bệnh về đường hô hấp.

 – Giải thích được tác hại của hút thuốc lá đối với sức khoẻ.

 – Giải thích được vai trò của thể dục, thể thao; thực hiện được việc tập thể dục thể thao đều đặn.

 – Giải thích được tác hại của ô nhiễm không khí đến hô hấp.

 – Tìm hiểu được các bệnh về đường hô hấp.

 – Trình bày được quan điểm của bản thân về việc xử phạt người hút thuốc lá ở nơi công cộng và cấm trẻ em dưới 16 tuổi hút thuốc lá.

+ Vận chuyển các chất trong cơ thể động vật  
● Khái quát hệ vận chuyển – Trình bày được khái quát hệ vận chuyển trong cơ thể động vật. Nêu được một số dạng hệ vận chuyển ở các nhóm động vật khác nhau.
● Các dạng hệ tuần hoàn – Dựa vào hình ảnh, sơ đồ, phân biệt được các dạng tuần hoàn ở động vật: tuần hoàn kín và tuần hoàn hở; tuần hoàn đơn và tuần hoàn kép.
● Cấu tạo và hoạt động của tim và hệ mạch – Trình bày được cấu tạo và hoạt động của tim và sự phù hợp giữa cấu tạo và chức năng của tim. Giải thích được khả năng tự phát nhịp gây nên tính tự động của tim.
● Vận chuyển máu trong hệ mạch – Dựa vào hình ảnh, sơ đồ, mô tả được cấu tạo và hoạt động của hệ mạch.

 – Mô tả được quá trình vận chuyển máu trong hệ mạch (huyết áp, vận tốc máu và sự trao đổi chất giữa máu với các tế bào).

● Điều hoà hoạt động tim mạch – Nêu được hoạt động tim mạch được điều hoà bằng cơ chế thần kinh và thể dịch.
● Ứng dụng – Phân tích được tác hại của việc lạm dụng rượu, bia đối với sức khoẻ của con người, đặc biệt là hệ tim mạch.

 – Trình bày được vai trò của thể dục, thể thao đối với tuần hoàn.

 – Kể được các bệnh thường gặp về hệ tuần hoàn. Trình bày được một số biện pháp phòng chống các bệnh tim mạch.

 – Thực hành: Đo được huyết áp ở người và nhận biết được trạng thái sức khoẻ từ kết quả đo. Đo nhịp tim người ở các trạng thái hoạt động khác nhau và giải thích kết quả.

 – Thực hành: mổ được tim ếch và tìm hiểu tính tự động của tim; tìm hiểu được vai trò của dây thần kinh giao cảm và đối giao cảm; tìm hiểu được tác động của adrenalin đến hoạt động của tim.

 – Đánh giá được ý nghĩa việc xử phạt người tham gia giao thông khi sử dụng rượu, bia.

+ Miễn dịch ở động vật  
● Nguyên nhân gây bệnh

  

– Nêu được các nguyên nhân bên trong và bên ngoài gây nên các bệnh ở động vật và người.

 – Giải thích được vì sao nguy cơ mắc bệnh ở người rất lớn, nhưng xác suất bị bệnh rất nhỏ.

● Khái niệm miễn dịch – Phát biểu được khái niệm miễn dịch.
● Hệ miễn dịch – Mô tả được khái quát về hệ miễn dịch ở người: các tuyến và vai trò của mỗi tuyến.
● Miễn dịch đặc hiệu và không đặc hiệu

  

– Phân biệt được miễn dịch không đặc hiệu và đặc hiệu.

 – Trình bày được cơ chế mắc bệnh và cơ chế chống bệnh ở động vật.

 – Phân tích được vai trò của việc chủ động tiêm phòng vaccine.

● Ứng dụng – Giải thích được cơ sở của hiện tượng dị ứng với chất kích thích, thức ăn; cơ chế thử phản ứng khi tiêm kháng sinh.

 – Trình bày được quá trình phá vỡ hệ miễn dịch của các tác nhân gây bệnh trong cơ thể người bệnh: HIV, ung thư, tự miễn.

 – Điều tra việc thực hiện tiêm phòng bệnh, dịch trong trường học hoặc tại địa phương.

+ Bài tiết và cân bằng nội môi  
● Bài tiết và cơ chế bài tiết – Phát biểu được khái niệm bài tiết. Trình bày được vai trò của bài tiết.
● Vai trò của thận trong bài tiết – Trình bày được vai trò của thận trong bài tiết và cân bằng nội môi.
● Khái niệm nội môi, cân bằng động – Nêu được các khái niệm: nội môi, cân bằng động (Lấy ví dụ ở người về các chỉ số cân bằng pH, đường, nước).
● Cân bằng nội môi

  

– Kể tên được một số cơ quan tham gia điều hoà cân bằng nội môi và hằng số nội môi cơ thể.

 – Dựa vào sơ đồ, giải thích được cơ chế chung điều hoà nội môi.

● Ứng dụng – Trình bày được các biện pháp bảo vệ thận: điều chỉnh chế độ ăn và uống đủ nước; không sử dụng quá nhiều loại thuốc; không uống nhiều rượu, bia.

 – Vận dụng được kiến thức bài tiết để phòng và chống được một số bệnh liên quan đến thận và bài tiết (suy thận, sỏi thận,…).

 – Nêu được tầm quan trọng của việc xét nghiệm định kì các chỉ số sinh hoá liên quan đến cân bằng nội môi. Giải thích được các kết quả xét nghiệm.

Cảm ứng ở sinh vật  
– Khái quát về cảm ứng ở sinh vật  
+ Khái niệm cảm ứng – Phát biểu được khái niệm cảm ứng ở sinh vật.
+ Vai trò của cảm ứng đối với sinh vật – Trình bày được vai trò của cảm ứng đối với sinh vật.
+ Cơ chế của cảm ứng – Trình bày được cơ chế cảm ứng ở sinh vật (thu nhận kích thích, dẫn truyền kích thích, phân tích và tổng hợp, trả lời kích thích).
– Cảm ứng ở thực vật  
+ Khái niệm, vai trò của cảm ứng – Nêu được khái niệm cảm ứng ở thực vật. Phân tích được vai trò cảm ứng đối với thực vật.
+ Đặc điểm và cơ chế cảm ứng – Trình bày được đặc điểm và cơ chế cảm ứng ở thực vật.
+ Các hình thức biểu hiện – Nêu được một số hình thức biểu hiện của cảm ứng ở thực vật: vận động hướng động và vận động cảm ứng.
+ Ứng dụng – Vận dụng được hiểu biết về cảm ứng ở thực vật để giải thích một số hiện tượng trong thực tiễn.

 – Thực hành quan sát được hiện tượng cảm ứng ở một số loài cây.

 – Thực hiện được thí nghiệm về cảm ứng ở một số loài cây.

– Cảm ứng ở động vật  
+ Các hình thức cảm ứng ở các nhóm động vật khác nhau – Trình bày được các hình thức cảm ứng ở các nhóm động vật khác nhau.
+ Cơ chế cảm ứng ở động vật có hệ thần kinh  
● Các dạng hệ thần kinh – Dựa vào hình vẽ (hoặc sơ đồ), phân biệt được hệ thần kinh dạng ống với hệ thần kinh dạng lưới và dạng chuỗi hạch.
● Tế bào thần kinh – Dựa vào hình vẽ, nêu được cấu tạo và chức năng của tế bào thần kinh.
● Truyền tin qua synapse – Dựa vào sơ đồ, mô tả được cấu tạo synapse và quá trình truyền tin qua synapse.
● Phản xạ

  

– Nêu được khái niệm phản xạ.

 – Dựa vào sơ đồ, phân tích được một cung phản xạ (các thụ thể, dẫn truyền, phân tích, đáp ứng).

 – Nêu được các dạng thụ thể, vai trò của chúng (các thụ thể cảm giác về: cơ học, hoá học, điện, nhiệt, đau).

 – Nêu được vai trò các cảm giác vị giác, xúc giác và khứu giác trong cung phản xạ.

 – Phân tích được cơ chế thu nhận và phản ứng kích thích của các cơ quan cảm giác (tai, mắt).

 – Phân tích được đáp ứng của cơ xương trong cung phản xạ.

 – Phân biệt được phản xạ không điều kiện và phản xạ có điều kiện:

 + Nêu được đặc điểm và phân loại được phản xạ không điều kiện. Lấy được các ví dụ minh hoạ.

 + Trình bày được đặc điểm, các điều kiện và cơ chế hình thành phản xạ có điều kiện. Lấy được các ví dụ minh hoạ.

● Các bệnh liên quan hệ thần kinh – Nêu được một số bệnh do tổn thương hệ thần kinh như mất khả năng vận động, mất khả năng cảm giác…

 – Vận dụng hiểu biết về hệ thần kinh để giải thích được cơ chế giảm đau khi uống và tiêm thuốc giảm đau.

 – Đề xuất được các biện pháp bảo vệ hệ thần kinh: không lạm dụng chất kích thích; phòng chống nghiện và cai nghiện các chất kích thích.

+ Tập tính ở động vật  
● Khái niệm, phân loại tập tính

  

– Nêu được khái niệm tập tính ở động vật.

 – Phân tích được vai trò của tập tính đối với đời sống động vật.

● Một số dạng tập tính phổ biến ở động vật – Lấy được một số ví dụ minh hoạ các dạng tập tính ở động vật.

 – Phân biệt được tập tính bẩm sinh và tập tính học được. Lấy được ví dụ minh hoạ.

● Pheromone – Lấy được ví dụ chứng minh pheromone là chất được sử dụng như những tín hiệu hoá học của các cá thể cùng loài.
● Một số hình thức học tập ở động vật – Nêu được một số hình thức học tập ở động vật. Lấy được ví dụ minh hoạ.

 – Giải thích được cơ chế học tập ở người.

 – Trình bày được một số ứng dụng: dạy động vật làm xiếc; dạy trẻ em học tập; ứng dụng trong chăn nuôi; bảo vệ mùa màng; ứng dụng pheromone trong thực tiễn.

 – Quan sát và mô tả được tập tính của một số động vật.

Sinh trưởng và phát triển ở sinh vật  
– Khái quát về sinh trưởng và phát triển ở sinh vật  
+ Khái niệm sinh trưởng và phát triển ở sinh vật – Nêu được khái niệm sinh trưởng và phát triển ở sinh vật. Trình bày được các dấu hiệu đặc trưng của sinh trưởng và phát triển ở sinh vật (tăng khối lượng và kích thước tế bào, tăng số lượng tế bào, phân hoá tế bào và phát sinh hình thái, chức năng sinh lí, điều hoà).
+ Mối quan hệ giữa sinh trưởng và phát triển – Phân tích được mối quan hệ giữa sinh trưởng và phát triển.
+ Vòng đời và tuổi thọ của sinh vật – Nêu được khái niệm vòng đời và tuổi thọ của sinh vật. Lấy được ví dụ minh hoạ.

 – Trình bày được một số ứng dụng hiểu biết về vòng đời của sinh vật trong thực tiễn.

 – Trình bày được một số yếu tố ảnh hưởng đến tuổi thọ của con người.

– Sinh trưởng và phát triển ở thực vật  
+ Đặc điểm – Nêu được đặc điểm sinh trưởng và phát triển ở thực vật. Phân tích được một số yếu tố môi trường ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển ở thực vật.
+ Mô phân sinh – Nêu được khái niệm mô phân sinh. Trình bày được vai trò của mô phân sinh đối với sinh trưởng ở thực vật. Phân biệt được các loại mô phân sinh.
+ Sinh trưởng sơ cấp, sinh trưởng thứ cấp – Trình bày được quá trình sinh trưởng sơ cấp và sinh trưởng thứ cấp ở thực vật.
+ Hormone thực vật

  

– Nêu được khái niệm và vai trò hormone thực vật. Phân biệt được các loại hormone kích thích tăng trưởng và hormone ức chế tăng trưởng.

 – Trình bày được sự tương quan các hormone thực vật và nêu được ví dụ minh hoạ.

 – Trình bày được một số ứng dụng của hormone thực vật trong thực tiễn.

+ Phát triển ở thực vật có hoa – Dựa vào sơ đồ vòng đời, trình bày được quá trình phát triển ở thực vật có hoa.

 – Trình bày được các nhân tố chi phối quá trình phát triển ở thực vật có hoa. Lấy được ví dụ minh hoạ.

 – Vận dụng được hiểu biết về sinh trưởng và phát triển ở thực vật để giải thích một số ứng dụng trong thực tiễn (ví dụ: kích thích hay hạn chế sinh trưởng, giải thích vòng gỗ,…).

 – Thực hành, quan sát được tác dụng của bấm ngọn, tỉa cành, phun kích thích tố lên cây, tính tuổi cây.

– Sinh trưởng và phát triển ở động vật  
+ Đặc điểm – Nêu được đặc điểm sinh trưởng và phát triển ở động vật.
+ Các giai đoạn phát triển ở động vật và người – Dựa vào sơ đồ vòng đời, trình bày được các giai đoạn chính trong quá trình sinh trưởng và phát triển ở động vật (giai đoạn phôi và giai đoạn hậu phôi).
+ Các hình thức sinh trưởng và phát triển – Phân biệt các hình thức phát triển qua biến thái và không qua biến thái.

 – Phân tích được ý nghĩa của sự phát triển qua biến thái hoàn toàn ở động vật đối với đời sống của chúng.

 – Dựa vào hình ảnh (hoặc sơ đồ, video), trình bày được các giai đoạn phát triển của con người từ hợp tử đến cơ thể trưởng thành. Vận dụng được hiểu biết về các giai đoạn phát triển để áp dụng chế độ ăn uống hợp lí.

+ Các nhân tố ảnh hưởng – Nêu được ảnh hưởng của các nhân tố bên trong đến sinh trưởng và phát triển động vật (di truyền; giới tính; hormone sinh trưởng và phát triển).

 – Nêu được vai trò của một số hormone đối với hoạt động sống của động vật.

 – Vận dụng hiểu biết về hormone để giải thích một số hiện tượng trong thực tiễn (ví dụ: không lạm dụng hormone trong chăn nuôi; thiến hoạn động vật;…).

 – Trình bày được ảnh hưởng của các nhân tố bên ngoài đến sinh trưởng và phát triển động vật (nhiệt độ, thức ăn,…).

 – Phân tích được khả năng điều khiển sự sinh trưởng và phát triển ở động vật.

 – Vận dụng được hiểu biết về sinh trưởng và phát triển ở động vật vào thực tiễn (ví dụ: đề xuất được một số biện pháp hợp lí trong chăn nuôi nhằm tăng nhanh sự sinh trưởng và phát triển của vật nuôi; tiêu diệt côn trùng, muỗi;…).

+ Tuổi dậy thì, tránh thai và bệnh, tật – Phân tích đặc điểm tuổi dậy thì ở người và ứng dụng hiểu biết về tuổi dậy thì để bảo vệ sức khoẻ, chăm sóc bản thân và người khác.
+ Thực hành quan sát sinh trưởng và phát triển ở động vật – Thực hành quan sát được quá trình biến thái ở động vật (tằm, ếch nhái,…).
Sinh sản ở sinh vật  
– Khái quát về sinh sản ở sinh vật  
+ Khái niệm sinh sản

  

– Phát biểu được khái niệm sinh sản, sinh sản vô tính, sinh sản hữu tính. Nêu được các dấu hiệu đặc trưng của sinh sản ở sinh vật (vật chất di truyền, truyền đạt vật chất di truyền, hình thành cơ thể mới, điều hoà sinh sản).
+ Vai trò sinh sản – Trình bày được vai trò của sinh sản đối với sinh vật.
+ Các hình thức sinh sản ở sinh vật – Phân biệt được các hình thức sinh sản ở sinh vật (sinh sản vô tính, sinh sản hữu tính).
– Sinh sản ở thực vật  
+ Sinh sản vô tính – Phân biệt được các hình thứ c sinh sản vô tính ở thực vật (sinh sản bằng bào tử, sinh sản sinh dưỡng).
+ Ứng dụng của sinh sản vô tính ở thực vật – Trình bày được các phương pháp nhân giống vô tính ở thực vật.

 – Trình bày được ứng dụng của sinh sản vô tính ở thực vật trong thực tiễn.

+ Sinh sản hữu tính – So sánh được sinh sản hữu tính với sinh sản vô tính ở thực vật.

 – Trình bày được quá trình sinh sản hữu tính ở thực vật có hoa: Nêu được cấu tạo chung của hoa. Trình bày được quá trình hình thành hạt phấn, túi phôi, thụ phấn, thụ tinh, hình thành hạt, quả.

 – Thực hành được nhân giống cây bằng sinh sản sinh dưỡng; thụ phấn cho cây (thụ phấn hoặc quan sát thụ phấn ở ngô).

– Sinh sản ở động vật  
+ Sinh sản vô tính – Phân biệt được các hình thức sinh sản vô tính ở động vật.
+ Sinh sản hữu tính – Phân biệt được các hình thức sinh sản hữu tính ở động vật.

 – Trình bày được quá trình sinh sản hữu tính ở động vật (lấy ví dụ ở người): hình thành tinh trùng, trứng; thụ tinh tạo hợp tử; phát triển phôi thai; sự đẻ.

+ Điều hoà sinh sản – Phân tích được cơ chế điều hoà sinh sản ở động vật.

 – Trình bày được một số ứng dụng về điều khiển sinh sản ở động vật và sinh đẻ có kế hoạch ở người.

 – Nêu được một số thành tựu thụ tinh trong ống nghiệm.

 – Trình bày được các biện pháp tránh thai.

– Mối quan hệ giữa các quá trình sinh lí trong cơ thể – Trình bày được mối quan hệ giữa các quá trình sinh lí trong cơ thể. Từ đó chứng minh được cơ thể là một hệ thống mở tự điều chỉnh.
– Một số ngành nghề liên quan đến sinh học cơ thể – Nêu được một số ngành nghề liên quan đến sinh học cơ thể và triển vọng của các ngành nghề đó trong tương lai.

 CHUYÊN ĐỀ HỌC TẬP

 Chuyên đề 11.1: DINH DƯỠNG KHOÁNG – TĂNG NĂNG SUẤT CÂY TRỒNG VÀ NÔNG NGHIỆP SẠCH

 Học xong chuyên đề này, học sinh biết huy động kiến thức đã học về sinh lí dinh dưỡng của cơ thể thực vật làm cơ sở cho việc xây dựng các quy trình kĩ thuật, công nghệ sử dụng khoáng trong trồng trọt nhằm tăng năng suất cây trồng theo hướng nông nghiệp sạch, bền vững. Học sinh được làm quen với kĩ năng triển khai dự án liên quan đến sử dụng phân bón ở địa phương.

Nội dung Yêu cầu cần đạt
– Khái niệm nông nghiệp sạch – Nêu được khái niệm nông nghiệp sạch.

  

– Nguyên tắc sử dụng khoáng – Phân tích được các nguyên tắc sử dụng khoáng trong việc tăng năng suất cây trồng (phù hợp thời vụ, giai đoạn sinh trưởng, phát triển, hàm lượng, phối hợp khoáng,…).
– Biện pháp kĩ thuật sử dụng dinh dưỡng khoáng nhằm tạo nền nông nghiệp sạch – Phân tích được một số biện pháp kĩ thuật sử dụng dinh dưỡng khoáng nhằm tạo nền nông nghiệp sạch. Lấy được ví dụ minh hoạ.

 – Trình bày được mô hình thuỷ canh theo hướng phát triển nông nghiệp sạch.

 – Thực hiện được dự án: Điều tra sử dụng phân bón ở địa phương hoặc thực hành trồng cây với các kĩ thuật bón phân phù hợp.

 – Làm được thí nghiệm chứng minh tác dụng của loại phân bón, cách bón, hàm lượng đối với cây trồng.

 Chuyên đề 11.2: MỘT SỐ BỆNH DỊCH Ở NGƯỜI VÀ CÁCH PHÒNG, CHỐNG

 Chuyên đề này nhằm giúp học sinh biết vận dụng kiến thức đã học về sinh học cơ thể người ở tiểu học, trung học cơ sở và Sinh học 11 vào giữ gìn và bảo vệ sức khoẻ của bản thân, gia đình và cộng đồng. Qua chuyên đề này, học sinh lựa chọn, kết nối được kiến thức sinh học cơ thể người, sinh học vi sinh vật, sinh thái học để giải thích cơ sở khoa học của các bệnh dịch, nguyên nhân và cách phòng chống một số bệnh dịch phổ biến, nguy hiểm đối với con người. Đồng thời, thực hành nghiên cứu điều tra một số bệnh dịch phổ biến ở địa phương, qua đó rèn luyện được các kĩ năng tiến trình gồm: quan sát, điều tra, thu thập, xử lí tư liệu thu thập được, kết luận, làm báo cáo kết quả nghiên cứu và truyền thông.

Nội dung Yêu cầu cần đạt
– Một số bệnh dịch phổ biến ở người.

 – Nguyên nhân gây bệnh dịch ở người

 – Các biện pháp phòng chống bệnh dịch

– Kể tên được một số bệnh và tác nhân gây bệnh (vi khuẩn, virus,…). Trình bày được một số nguyên nhân lây nhiễm, gây dịch bệnh ở người (ví dụ: vệ sinh cơ thể không đúng cách, nhà cửa không sạch sẽ, ô nhiễm môi trường, vệ sinh giao tiếp với người bệnh không đúng cách,…).

 – Phân tích được một số biện pháp phòng chống các bệnh dịch phổ biến ở người: bệnh sốt xuất huyết; bệnh cúm; bệnh lao phổi; bệnh sởi,…

 – Thực hiện được các biện pháp phòng chống một số bệnh dịch phổ biến ở người.

 – Thực hiện được dự án: Điều tra được một số bệnh dịch phổ biến ở người và tuyên truyền phòng chống bệnh (Bệnh cúm, dịch tả, sốt xuất huyết, HIV/AIDS,…).

 Chuyên đề 11.3: VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM

 Chuyên đề này được xây dựng trên nền tảng tích hợp nhiều nội dung không chỉ trong lĩnh vực sinh học mà cả trong các lĩnh vực y tế, sức khoẻ, xã hội. Đặc biệt nội dung liên quan trực tiếp tới chủ đề sinh học động vật, trong đó sinh lí người thuộc Sinh học 11 có tỉ trọng lớn. Học chuyên đề này học sinh cần huy động kiến thức đã học về vi sinh vật, sinh lí động vật, đặc biệt là sinh lí vệ sinh cơ thể người để giải thích các biện pháp sản xuất, bảo quản, sử dụng thực phẩm an toàn. Học sinh được thực hành triển khai dự án điều tra, tìm hiểu về vệ sinh an toàn thực phẩm ở địa phương.

Nội dung Yêu cầu cần đạt
– Khái niệm vệ sinh an toàn thực phẩm

 – Các nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm

 – Tác hại của mất vệ sinh an toàn thực phẩm

 – Biện pháp phòng và điều trị ngộ độc thực phẩm

– Nêu được định nghĩa vệ sinh an toàn thực phẩm.

 – Phân tích được một số nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm. Lấy được ví dụ minh hoạ.

 – Phân tích được tác hại của việc mất an toàn vệ sinh thực phẩm đối với sức khoẻ con người.

 – Phân tích được một số biện pháp phòng và điều trị ngộ độc thực phẩm. Lấy được ví dụ minh hoạ.

 – Thực hiện được dự án: Điều tra về hiện trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm tại địa phương.

 LỚP 12

 Học xong chương trình Sinh học lớp 12, học sinh phân tích được các đặc tính cơ bản của tổ chức sống: di truyền, biến dị, tiến hoá, quan hệ với môi trường. Các chủ đề này giúp học sinh phân tích sâu hơn về sinh học các cấp độ trên cơ thể: quần thể, quần xã – hệ sinh thái; Sinh quyển và khái niệm về loài, cơ chế hình thành đa dạng sinh học; từ đó tìm hiểu sâu hơn về cơ sở sinh học của các giải pháp công nghệ như công nghệ gene, kiểm soát sinh học, sinh thái nhân văn.

Nội dung Yêu cầu cần đạt
DI TRUYỀN HỌC  
Di truyền phân tử  
– Gene và cơ chế truyền thông tin di truyền  
+ Chức năng của DNA – Dựa vào cấu trúc hoá học của phân tử DNA, trình bày được chức năng của DNA. Nêu được ý nghĩa của các kết cặp đặc hiệu A-T và G-C.
+ Cấu trúc và chức năng của gene – Nêu được khái niệm và cấu trúc của gene. Phân biệt được các loại gene dựa vào cấu trúc và chức năng.
+ Tái bản DNA – Phân tích được cơ chế tái bản của DNA là một quá trình tự sao thông tin di truyền từ tế bào mẹ sang tế bào con hay từ thế hệ này sang thế hệ sau.
+ RNA và phiên mã – Phân biệt được các loại RNA. Phân tích được bản chất phiên mã thông tin di truyền là cơ chế tổng hợp RNA dựa trên DNA.

 – Nêu được khái niệm phiên mã ngược và ý nghĩa.

+ Mã di truyền và dịch mã

  

– Nêu được khái niệm và các đặc điểm của mã di truyền.

 – Trình bày được cơ chế tổng hợp protein từ bản sao là RNA có bản chất là quá trình dịch mã.

+ Mối quan hệ DNA – RNA – protein – Vẽ và giải thích được sơ đồ liên kết ba quá trình thể hiện cơ chế di truyền ở cấp phân tử là quá trình truyền đạt thông tin di truyền.

 – Thực hành tách chiết được DNA.

– Điều hoà biểu hiện gene  
+ Cơ chế điều hoà

  

– Trình bày được thí nghiệm trên operon Lac của E.coli.

 – Phân tích được ý nghĩa của điều hoà biểu hiện của gene trong tế bào và trong quá trình phát triển cá thể.

+ Ứng dụng – Nêu được các ứng dụng của điều hoà biểu hiện gene.
– Hệ gene  
+ Khái niệm – Phát biểu được khái niệm hệ gene.
+ Giải mã hệ gene người và ứng dụng – Trình bày được một số thành tựu và ứng dụng của việc giải mã hệ gene người.
– Đột biến gene  
+ Khái niệm, các dạng – Nêu được khái niệm đột biến gene. Phân biệt được các dạng đột biến gene.
+ Nguyên nhân, cơ chế phát sinh – Phân tích được nguyên nhân, cơ chế phát sinh của đột biến gene.
+ Vai trò – Trình bày được vai trò của đột biến gene trong tiến hoá, trong chọn giống và trong nghiên cứu di truyền.
– Công nghệ gene  
+ Khái niệm, nguyên lí – Nêu được khái niệm, nguyên lí và một số thành tựu của công nghệ DNA tái tổ hợp.
+ Một số thành tựu – Nêu được khái niệm, nguyên lí và một số thành tựu tạo thực vật và động vật biến đổi gene.

 – Tranh luận, phản biện được về việc sản xuất và sử dụng sản phẩm biến đổi gene và đạo đức sinh học.

Di truyền nhiễm sắc thể  
– Nhiễm sắc thể là vật chất di truyền  
+ Hình thái và cấu trúc siêu hiển vi của nhiễm sắc thể – Dựa vào sơ đồ (hoặc hình ảnh), trình bày được cấu trúc siêu hiển vi của nhiễm sắc thể.
+ Gene phân bố trên các nhiễm sắc thể – Mô tả được cách sắp xếp các gene trên nhiễm sắc thể, mỗi gene định vị tại mỗi vị trí xác định gọi là locus.
+ Cơ chế di truyền nhiễm sắc thể – Trình bày được ý nghĩa của nguyên phân, giảm phân và thụ tinh trong nghiên cứu di truyền. Từ đó, giải thích được nguyên phân, giảm phân và thụ tinh quyết định quy luật vận động và truyền thông tin di truyền của các gene qua các thế hệ tế bào và cá thể.

 – Phân tích được sự vận động của nhiễm sắc thể (tự nhân đôi, phân li, tổ hợp, tái tổ hợp) trong nguyên phân, giảm phân và thụ tinh là cơ sở của sự vận động của gene được thể hiện trong các quy luật di truyền, biến dị tổ hợp và biến dị số lượng nhiễm sắc thể.

 – Trình bày được nhiễm sắc thể là vật chất di truyền.

– Thí nghiệm của Mendel  
+ Lịch sử ra đời thí nghiệm của Mendel – Nêu được bối cảnh ra đời thí nghiệm của Mendel.
+ Thí nghiệm – Trình bày được cách bố trí và tiến hành thí nghiệm của Mendel.

 – Nêu được tính quy luật của hiện tượng di truyền và giải thích thí nghiệm của Mendel.

+ Ý nghĩa – Trình bày được cơ sở tế bào học của các thí nghiệm của Mendel dựa trên mối quan hệ giữa nguyên phân, giảm phân và thụ tinh. Nêu được vì sao các quy luật di truyền của Mendel đặt nền móng cho di truyền học hiện đại.
+ Mở rộng học thuyết Mendel – Giải thích được sản phẩm của các allele của cùng một gene và của các gene khác nhau có thể tương tác với nhau quy định tính trạng.
– Thí nghiệm của Morgan  
+ Lịch sử ra đời thí nghiệm của Morgan – Nêu được bối cảnh ra đời thí nghiệm của Morgan.
+ Thí nghiệm  
● Liên kết gen – Trình bày được cách bố trí và tiến hành thí nghiệm của Morgan, từ đó phát biểu được khái niệm liên kết gene.

 – Phân tích được cơ sở tế bào học và ý nghĩa của liên kết gene.

● Hoán vị gene

  

– Trình bày được thí nghiệm của Morgan, từ đó phát biểu được khái niệm hoán vị gene.

 – Phân tích được cơ sở tế bào học và ý nghĩa của hoán vị gen.

● Di truyền giới tính và liên kết với giới tính

  

– Trình bày được cách bố trí thí nghiệm của Morgan, qua đó nêu được khái niệm di truyền liên kết với giới tính.

 – Nêu được khái niệm nhiễm sắc thể giới tính; di truyền giới tính.

 – Phân tích được cơ chế di truyền xác định giới tính.

 – Giải thích được tỉ lệ lí thuyết giới tính trong tự nhiên thường là 1 : 1.

 – Trình bày được quan điểm của bản thân về việc điều khiển giới tính ở người theo ý muốn.

+ Ý nghĩa – Trình bày được phương pháp lập bản đồ di truyền (thông qua trao đổi chéo). Nêu được ý nghĩa của việc lập bản đồ di truyền.

 – Vận dụng những hiểu biết về di truyền giới tính và liên kết với giới tính để giải thích các vấn đề trong thực tiễn (Ví dụ: điều khiển giới tính trong chăn nuôi, phát hiện bệnh do rối loạn cơ chế phân li, tổ hợp nhiễm sắc thể giới tính,…).

 – Nêu được quan điểm của Mendel và Morgan về tính quy luật của hiện tượng di truyền.

– Đột biến nhiễm sắc thể  
+ Đột biến cấu trúc nhiễm sắc thể

  

– Phát biểu được khái niệm đột biến nhiễm sắc thể.

 – Trình bày được nguyên nhân và cơ chế phát sinh đột biến cấu trúc nhiễm sắc thể. Phân biệt được các dạng đột biến cấu trúc nhiễm sắc thể.

+ Đột biến số lượng nhiễm sắc thể

  

– Trình bày được nguyên nhân và cơ chế phát sinh đột biến số lượng nhiễm sắc thể. Phân biệt được các dạng đột biến số lượng nhiễm sắc thể. Lấy được ví dụ minh hoạ.

 – Phân tích được tác hại của một số dạng đột biến nhiễm sắc thể đối với sinh vật.

+ Vai trò – Trình bày được vai trò của đột biến nhiễm sắc thể trong tiến hoá, trong chọn giống và trong nghiên cứu di truyền.

 – Thực hành, quan sát được đột biến nhiễm sắc thể trên tiêu bản cố định và tạm thời; tìm hiểu được tác hại gây đột biến ở người của một số chất độc (dioxin, thuốc diệt cỏ 2,4D,…). Phân tích được mối quan hệ giữa di truyền và biến dị.

Di truyền gene ngoài nhân  
– Thí nghiệm của Correns

  

– Trình bày được bối cảnh ra đời thí nghiệm của Correns.

 – Trình bày được thí nghiệm chứng minh di truyền gene ngoài nhân của Correns, từ đó giải thích được gene không những tồn tại trong nhân mà còn tồn tại ngoài nhân (trong các bào quan như ti thể, lạp thể).

– Đặc điểm di truyền của gene ngoài nhân – Trình bày được đặc điểm di truyền của gene ngoài nhân và một số ứng dụng.
Mối quan hệ kiểu gene – môi trường – kiểu hình  
– Sự tương tác kiểu gene và môi trường – Phân tích được sự tương tác kiểu gene và môi trường.
– Mức phản ứng – Nêu được khái niệm mức phản ứng. Lấy được các ví dụ minh hoạ.

 – Trình bày được bản chất di truyền là di truyền mức phản ứng.

 – Vận dụng được hiểu biết về thường biến và mức phản ứng của một kiểu gene giải thích một số ứng dụng trong thực tiễn (tạo và chọn giống, kĩ thuật chăn nuôi, trồng trọt,…).

 – Thực hành trồng cây chứng minh được thường biến.

Thành tựu chọn, tạo giống bằng các phương pháp lai hữu tính – Nêu được một số thành tựu chọn, tạo giống cây trồng.

 – Nêu được một số thành tựu chọn, tạo giống vật nuôi.

Di truyền quần thể  
– Khái niệm di truyền quần thể – Phát biểu được khái niệm quần thể (từ góc độ di truyền học). Lấy được ví dụ minh hoạ.

 – Phát biểu được khái niệm di truyền quần thể.

– Các đặc trưng di truyền của quần thể – Trình bày được các đặc trưng di truyền của quần thể (tần số của các allele, tần số của các kiểu gene).

 – Trình bày được ảnh hưởng của tự thụ phấn, giao phối gần, ngẫu phối chi phối tần số của các allele và thành phần kiểu gene của một quần thể.

– Cấu trúc di truyền quần thể ngẫu phối – Nêu được cấu trúc di truyền của quần thể ngẫu phối: Mô tả được trạng thái cân bằng di truyền của quần thể.
– Cấu trúc di truyền quần thể tự thụ phấn và giao phối gần – Phân tích được cấu trúc di truyền của quần thể tự thụ phấn và quần thể giao phối gần.
– Định luật Hardy – Weinberg – Trình bày được định luật Hardy – Weinberg và điều kiện nghiệm đúng.
– Ứng dụng – Giải thích một số vấn đề thực tiễn: vấn đề hôn nhân gia đình; vấn đề cho cây tự thụ phấn, động vật giao phối gần giảm năng suất, chất lượng.
Di truyền học người  
– Di truyền y học – Nêu được khái niệm và vai trò di truyền học người, di truyền y học.

 – Nêu được một số phương pháp nghiên cứu di truyền người (tập trung vào phương pháp phả hệ). Xây dựng được phả hệ để xác định được sự di truyền tính trạng trong gia đình.

– Y học tư vấn

  

– Nêu được khái niệm y học tư vấn. Trình bày được cơ sở của y học tư vấn.

 – Giải thích được vì sao cần đến cơ sở tư vấn hôn nhân gia đình trước khi kết hôn và sàng lọc trước sinh.

– Liệu pháp gene – Nêu được khái niệm liệu pháp gene. Vận dụng hiểu biết về liệu pháp gene để giải thích việc chữa trị các bệnh di truyền.

 – Trình bày được một số thành tựu và ứng dụng của liệu pháp gene.

TIẾN HOÁ  
Các bằng chứng tiến hoá – Trình bày được các bằng chứng tiến hoá: bằng chứng hoá thạch, giải phẫu so sánh, tế bào học và sinh học phân tử.
Quan niệm của Darwin về chọn lọc tự nhiên và hình thành loài – Nêu được phương pháp mà Darwin đã sử dụng để xây dựng học thuyết về chọn lọc tự nhiên và hình thành loài (quan sát, hình thành giả thuyết, kiểm chứng giả thuyết).
Thuyết tiến hoá tổng hợp hiện đại – Nêu được khái niệm tiến hoá nhỏ và quần thể là đơn vị tiến hoá nhỏ.

 – Trình bày được các nhân tố tiến hoá (đột biến, di – nhập gene, chọn lọc tự nhiên, yếu tố ngẫu nhiên, giao phối không ngẫu nhiên).

 – Phát biểu được khái niệm thích nghi và trình bày được cơ chế hình thành đặc điểm thích nghi.

 – Giải thích được các đặc điểm thích nghi chỉ hợp lí tương đối. Lấy được ví dụ minh hoạ.

 – Phát biểu được khái niệm loài sinh học và cơ chế hình thành loài.

Tiến hoá lớn và phát sinh chủng loại

 – Tiến hoá lớn

 – Sự phát sinh chủng loại

– Phát biểu được khái niệm tiến hoá lớn. Phân biệt được tiến hoá lớn và tiến hoá nhỏ.

 – Dựa vào sơ đồ cây sự sống, trình bày được sinh giới có nguồn gốc chung và phân tích được sự phát sinh chủng loại là kết quả của tiến hoá.

 – Làm được bài tập sưu tầm tài liệu về sự phát sinh và phát triển của sinh giới hoặc của loài người.

– Quá trình phát sinh sự sống trên Trái Đất – Vẽ được sơ đồ ba giai đoạn phát sinh sự sống trên Trái Đất (tiến hoá hoá học, tiến hoá tiền sinh học, tiến hoá sinh học).
– Quá trình phát triển sinh vật qua các đại địa chất – Dựa vào sơ đồ, trình bày được các đại địa chất và biến cố lớn thể hiện sự phát triển của sinh vật trong các đại đó. Nêu được một số minh chứng về tiến hoá lớn.
– Các giai đoạn chính trong quá trình phát sinh loài người – Vẽ được sơ đồ các giai đoạn chính trong quá trình phát sinh loài người; nêu được loài người hiện nay (H. sapiens) đã tiến hoá từ loài vượn người (Australopithecus) qua các giai đoạn trung gian.
SINH THÁI HỌC VÀ MÔI TRƯỜNG
Môi trường và các nhân tố sinh thái  
– Môi trường sống của sinh vật – Phát biểu được khái niệm môi trường sống của sinh vật.
– Các nhân tố sinh thái

  

– Nêu được khái niệm nhân tố sinh thái. Phân biệt được các nhân tố sinh thái vô sinh và hữu sinh. Lấy được ví dụ về tác động của các nhân tố sinh thái lên đời sống sinh vật và thích nghi của sinh vật với các nhân tố đó.

 – Trình bày được các quy luật về tác động của các nhân tố sinh thái lên đời sống sinh vật (giới hạn sinh thái; tác động tổng hợp của các nhân tố sinh thái; tác động không đồng đều của các nhân tố sinh thái). Phân tích được những thay đổi của sinh vật có thể tác động làm thay đổi môi trường sống của chúng.

– Nhịp sinh học – Phát biểu được khái niệm nhịp sinh học; giải thích được nhịp sinh học chính là sự thích nghi của sinh vật với những thay đổi có tính chu kì của môi trường.

 – Tìm hiểu được nhịp sinh học của chính cơ thể mình.

 

Sinh thái học quần thể  
– Khái niệm quần thể sinh vật – Phát biểu được khái niệm quần thể sinh vật (dưới góc độ sinh thái học). Lấy được ví dụ minh hoạ.

 – Phân tích được các mối quan hệ hỗ trợ và cạnh tranh trong quần thể. Lấy được ví dụ minh hoạ.

– Đặc trưng của quần thể sinh vật

  

– Trình bày được các đặc trưng cơ bản của quần thể sinh vật (số lượng cá thể, kích thước quần thể, tỉ lệ giới tính, nhóm tuổi, kiểu phân bố, mật độ cá thể). Lấy được ví dụ chứng minh sự ổn định của quần thể phụ thuộc sự ổn định của các đặc trưng đó.
– Tăng trưởng quần thể sinh vật

  

– Phân biệt được các kiểu tăng trưởng quần thể sinh vật (tăng trưởng theo tiềm năng sinh học và tăng trưởng trong môi trường có nguồn sống bị giới hạn).

 – Nêu được các yếu tố ảnh hưởng tới tăng trưởng quần thể.

– Điều chỉnh tăng trưởng quần thể sinh vật

  

– Trình bày được các kiểu biến động số lượng cá thể của quần thể.

 – Giải thích được cơ chế điều hoà mật độ của quần thể.

 – Phân biệt được ba kiểu đường cong sống sót của quần thể.

 – Giải thích được quần thể là một cấp độ tổ chức sống.

– Quần thể người – Nêu được các đặc điểm tăng trưởng của quần thể người; phân tích được hậu quả của tăng trưởng dân số quá nhanh.
– Ứng dụng – Phân tích được các ứng dụng hiểu biết về quần thể trong thực tiễn (trồng trọt, chăn nuôi, bảo tồn,…).

 – Thực hành tính được kích thước của quần thể thực vật và các động vật ít di chuyển; tính được kích thước của quần thể động vật theo phương pháp “bắt, đánh dấu, thả, bắt lại”.

Sinh thái học quần xã  
– Khái niệm quần xã sinh vật – Phát biểu được khái niệm quần xã sinh vật.
– Đặc trưng quần xã sinh vật – Phân tích được các đặc trưng cơ bản của quần xã: thành phần loài (loài ưu thế, loài đặc trưng, loài chủ chốt); chỉ số đa dạng và độ phong phú trong quần xã; cấu trúc không gian; cấu trúc chức năng dinh dưỡng. Giải thích được sự cân bằng của quần xã được bảo đảm bởi sự cân bằng chỉ số các đặc trưng đó.
– Quan hệ giữa các loài trong quần xã sinh vật – Trình bày được khái niệm và phân biệt được các mối quan hệ giữa các loài trong quần xã (cạnh tranh, hợp tác, cộng sinh, hội sinh, ức chế, kí sinh, động vật ăn thực vật, vật ăn thịt con mồi).
– Ổ sinh thái – Trình bày được khái niệm ổ sinh thái và vai trò của cạnh tranh trong việc hình thành ổ sinh thái.
– Tác động của con người lên quần xã sinh vật – Phân tích được tác động của việc du nhập các loài ngoại lai hoặc giảm loài trong cấu trúc quần xã đến trạng thái cân bằng của hệ sinh thái. Lấy được ví dụ minh hoạ.

 – Giải thích được quần xã là một cấp độ tổ chức sống và trình bày được một số biện pháp bảo vệ quần xã.

 – Thực hành: Tính được độ phong phú của loài trong quần xã; tính được độ đa dạng của quần xã theo chỉ số Shannon.

Hệ sinh thái  
– Khái quát về hệ sinh thái

  

– Phát biểu được khái niệm hệ sinh thái. Phân biệt được các thành phần cấu trúc của hệ sinh thái và các kiểu hệ sinh thái chủ yếu của Trái Đất, bao gồm các hệ sinh thái tự nhiên (hệ sinh thái trên cạn, dưới nước) và các hệ sinh thái nhân tạo.
– Dòng năng lượng và trao đổi vật chất trong hệ sinh thái – Phân tích được quá trình trao đổi vật chất và chuyển hoá năng lượng trong hệ sinh thái, bao gồm:
+ Chuỗi thức ăn

 + Lưới thức ăn

+ Trình bày được khái niệm chuỗi thức ăn, các loại chuỗi thức ăn, lưới thức ăn, bậc dinh dưỡng. Vẽ được sơ đồ chuỗi và lưới thức ăn trong quần xã.
+ Hiệu suất sinh thái

  

+ Trình bày được dòng năng lượng trong một hệ sinh thái (bao gồm: phân bố năng lượng trên Trái Đất, sơ đồ khái quát về dòng năng lượng trong hệ sinh thái, sơ đồ khái quát năng lượng chuyển qua các bậc dinh dưỡng trong hệ sinh thái).
+ Tháp sinh thái

  

+ Nêu được khái niệm hiệu suất sinh thái (sản lượng sơ cấp, sản lượng thứ cấp); tháp sinh thái. Phân biệt được các dạng tháp sinh thái. Tính được hiệu suất sinh thái của một hệ sinh thái.

 + Giải thích được ý nghĩa của nghiên cứu hiệu suất sinh thái và tháp sinh thái trong thực tiễn.

– Chu trình sinh – địa – hoá các chất

  

– Phát biểu được khái niệm chu trình sinh – địa – hoá các chất. Vẽ được sơ đồ khái quát chu trình trao đổi chất trong tự nhiên. Trình bày được chu trình sinh – địa – hoá của một số chất: nước, carbon, nitơ (nitrogen) và ý nghĩa sinh học của các chu trình đó, đồng thời vận dụng kiến thức về các chu trình đó vào giải thích các vấn đề của thực tiễn.
– Sự biến động của hệ sinh thái

 + Diễn thế sinh thái

 + Sự ấm lên toàn cầu

 + Phì dưỡng

 + Sa mạc hoá

– Phân tích được sự biến động của hệ sinh thái, bao gồm:

 + Nêu được khái niệm diễn thế sinh thái. Phân biệt được các dạng diễn thế sinh thái, từ đó nêu được dạng nào có bản chất là sự tiến hoá thiết lập trạng thái thích nghi cân bằng của quần xã. Phân tích được nguyên nhân và tầm quan trọng của diễn thế sinh thái trong tự nhiên và trong thực tiễn.

 + Phân tích được diễn thế sinh thái ở một hệ sinh thái tại địa phương. Đề xuất được một số biện pháp bảo tồn hệ sinh thái đó.

  + Nêu được một số hiện tượng ảnh hưởng đến hệ sinh thái như: sự ấm lên toàn cầu; sự phì dưỡng; sa mạc hoá. Giải thích được vì sao các hiện tượng đó vừa tác động đến hệ sinh thái, vừa là nguyên nhân của sự mất cân bằng của hệ sinh thái.

 Thực hành: Thiết kế được một bể nuôi cá cảnh vận dụng hiểu biết hệ sinh thái hoặc thiết kế được hệ sinh thái thuỷ sinh, hệ sinh thái trên cạn.

– Sinh quyển

 + Khái niệm

– Phát biểu được khái niệm Sinh quyển; giải thích được Sinh quyển là một cấp độ tổ chức sống lớn nhất hành tinh; trình bày được một số biện pháp bảo vệ Sinh quyển.

  

+ Các khu sinh học (Biome) trên cạn – Phát biểu được khái niệm khu sinh học. Trình bày được đặc điểm của các khu sinh học trên cạn chủ yếu và các khu sinh học nước ngọt, khu sinh học nước mặn trên Trái Đất.
+ Các khu sinh học dưới nước. – Trình bày được các biện pháp bảo vệ tài nguyên sinh học của các khu sinh học đó.
Sinh thái học phục hồi, bảo tồn và phát triển bền vững  
– Sinh thái học phục hồi và bảo tồn  
+ Khái niệm

  

– Nêu được khái niệm sinh thái học phục hồi, bảo tồn. Giải thích được vì sao cần phục hồi, bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên.
+ Các phương pháp phục hồi hệ sinh thái

  

– Trình bày được một số phương pháp phục hồi hệ sinh thái.

 – Thực hiện được bài tập (hoặc dự án, đề tài) về thực trạng bảo tồn hệ sinh thái ở địa phương và đề xuất giải pháp bảo tồn.

– Phát triển bền vững  
+ Khái niệm phát triển bền vững – Trình bày được khái niệm phát triển bền vững. Phân tích được khái quát về tác động giữa kinh tế – xã hội – môi trường tự nhiên.
+ Sử dụng hợp lí tài nguyên thiên nhiên – Phân tích được vai trò và các biện pháp sử dụng hợp lí tài nguyên thiên nhiên (đất, nước, rừng, năng lượng).
+ Hạn chế gây ô nhiễm môi trường – Phân tích được những biện pháp chủ yếu hạn chế gây ô nhiễm môi trường.
+ Bảo tồn đa dạng sinh học – Trình bày được khái niệm và các biện pháp bảo tồn đa dạng sinh học.
+ Phát triển nông nghiệp bền vững – Nêu được khái niệm và vai trò phát triển nông nghiệp bền vững.
+ Vấn đề phát triển dân số

 + Giáo dục bảo vệ môi trường

– Trình bày được các vấn đề dân số hiện nay và vai trò của chính sách dân số, kế hoạch hoá gia đình trong phát triển bền vững.

 – Phân tích được vai trò của giáo dục bảo vệ môi trường đối với phát triển bền vững đất nước.

 – Đề xuất các hoạt động bản thân có thể làm được nhằm góp phần phát triển bền vững.

 CHUYÊN ĐỀ HỌC TẬP

 Chuyên tập 12.1: SINH HỌC PHÂN TỬ

 Nội dung chuyên đề nhằm nâng cao kiến thức đã học về cơ sở vật chất của tính di truyền (cấp phân tử) làm cơ sở cho việc tìm hiểu các thành tựu về lí thuyết và công nghệ ứng dụng di truyền phân tử vào đời sống con người trong cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0. Công nghệ gene được mô tả như là ví dụ cho các thành tựu đó để gây hứng thú học tập và định hướng lựa chọn ngành nghề có liên quan đến sinh học nói chung và sinh học phân tử nói riêng.

Nội dung Yêu cầu cần đạt
– Khái quát sinh học phân tử và các thành tựu

  

– Nêu được khái niệm sinh học phân tử.

 – Trình bày được một số thành tựu hiện đại về lí thuyết và ứng dụng của sinh học phân tử.

 – Phân tích được các nguyên tắc ứng dụng sinh học phân tử trong thực tiễn.

– Các nguyên lí của phương pháp tách chiết DNA

 – Công nghệ gene

 – Triển vọng công nghệ gene

– Nêu được các nguyên lí của phương pháp tách chiết DNA từ tế bào.

 – Dựa vào sơ đồ, mô tả được các bước trong công nghệ gene. Trình bày được các bước tạo thực vật chuyển gene và tạo động vật chuyển gene. Lấy được ví dụ minh hoạ.

 – Giải thích được cơ sở khoa học chuyển gene và vì sao phải sử dụng vector để truyền gene từ tế bào này sang tế bào khác.

 – Thực hiện được dự án hoặc đề tài tìm hiểu về các sản phẩm chuyển gene. Làm được tập san các bài viết, tranh ảnh về công nghệ chuyển gene.

 – Thu thập được các thông tin đánh giá về triển vọng của công nghệ gene trong tương lai.

 – Thực hiện được các kĩ năng: làm báo cáo, thuyết trình, tập san, thiết kế video.

 Chuyên đề 12.2: KIỂM SOÁT SINH HỌC

 Học xong chuyên đề này, học sinh lĩnh hội sâu hơn mối quan hệ giữa sinh vật với sinh vật, cơ sở của quy luật bảo đảm cân bằng sinh học qua cơ chế điều hoà số lượng cá thể trong quần thể, quần xã trong tự nhiên. Chuyên đề góp phần xây dựng cơ sở khoa học cho các giải pháp kĩ thuật, công nghệ, ứng dụng quy luật kiểm soát sinh học trong tự nhiên, phát triển hệ sinh thái sạch, phát triển bền vững. Thông qua việc tiến hành dự án điều tra thực trạng sử dụng các biện pháp bảo vệ thực vật và ứng dụng quy luật kiểm soát sinh học trong trồng trọt tại địa phương, học sinh phát triển được các năng lực chung và năng lực đặc thù.

Nội dung Yêu cầu cần đạt
– Khái niệm kiểm soát sinh học – Nêu được khái niệm kiểm soát sinh học.
– Vai trò của kiểm soát sinh học – Phân tích được vai trò của kiểm soát sinh học.
– Cơ sở của kiểm soát sinh học – Phân tích được cơ sở của kiểm soát sinh học.
– Biện pháp kiểm soát sinh học – Trình bày được một số biện pháp kiểm soát sinh học (bảo vệ các loài thiên địch; sử dụng hợp lí thuốc trừ sâu, phân bón).

 – Thực hành: Sưu tầm hoặc điều tra được ứng dụng kiểm soát sinh học tại địa phương.

 Chuyên đề 12.3: SINH THÁI NHÂN VĂN

 Học xong chuyên đề này, học sinh phân tích được khái niệm sinh thái nhân văn, giá trị sinh thái nhân văn đối với sự phát triển bền vững kinh tế – xã hội, môi trường. Từ những hiểu biết đó, học sinh nhận thức được sinh thái nhân văn trong xã hội hiện đại là một lĩnh vực khoa học, văn hoá, đạo đức xã hội; phát triển các phẩm chất như yêu thiên nhiên, trách nhiệm bảo vệ thiên nhiên, tôn trọng các quy định của pháp luật và các công ước quốc tế về bảo vệ môi trường. Chuyên đề thể hiện cách tiếp cận tích hợp các lĩnh vực tri thức khác nhau trong giáo dục sinh học.

Nội dung Yêu cầu cần đạt
– Khái niệm sinh thái nhân văn

 – Giá trị của sinh thái nhân văn trong việc phát triển bền vững

 – Một số lĩnh vực sinh thái nhân văn

– Nêu được khái niệm sinh thái nhân văn.

 – Phân tích được giá trị của sinh thái nhân văn trong việc phát triển bền vững.

 – Phân tích được giá trị của sinh thái nhân văn trong một số lĩnh vực như:

 + Nông nghiệp;

 + Phát triển đô thị;

 + Bảo tồn và phát triển;

 + Thích ứng với biến đổi khí hậu.

 – Thực hiện dự án: Điều tra tìm hiểu về một trong các lĩnh vực sinh thái nhân văn tại địa phương.

  1. PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC
  2. Định hướng chung

 Phương pháp giáo dục môn Sinh học được thực hiện theo các định hướng chung sau:

  1. a) Phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh; tránh áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc; tập trung bồi dưỡng năng lực tự chủ và tự học để học sinh có thể tiếp tục tìm hiểu, mở rộng vốn tri thức, tiếp tục phát triển các phẩm chất, năng lực cần thiết sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông.
  2. b) Rèn luyện kĩ năng vận dụng kiến thức sinh học để phát hiện và giải quyết các vấn đề trong thực tiễn; khuyến khích và tạo điều kiện cho học sinh được trải nghiệm, sáng tạo trên cơ sở tổ chức cho học sinh tham gia các hoạt động học tập, khám phá, vận dụng.
  3. c) Vận dụng các phương pháp giáo dục một cách linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với mục tiêu, nội dung giáo dục, đối tượng học sinh và điều kiện cụ thể. Tuỳ theo yêu cầu cần đạt, giáo viên có thể sử dụng phối hợp nhiều phương pháp dạy học trong một chủ đề. Các phương pháp dạy học truyền thống (thuyết trình, đàm thoại,…) được sử dụng theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh. Tăng cường sử dụng các phương pháp dạy học hiện đại đề cao vai trò chủ thể học tập của học sinh (dạy học thực hành, dạy học dựa trên giải quyết vấn đề, dạy học bằng dự án, dạy học dựa trên trải nghiệm, khám phá; dạy học phân hoá,… cùng các kĩ thuật dạy học phù hợp).
  4. d) Các hình thức tổ chức dạy học được thực hiện một cách đa dạng và linh hoạt; kết hợp các hình thức học cá nhân, học nhóm, học ở lớp, học theo hợp đồng, học đảo ngược, học trực tuyến,… Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy học sinh học. Coi trọng các nguồn tư liệu ngoài sách giáo khoa và hệ thống các thiết bị dạy học; khai thác triệt để những lợi thế của công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy học trên các phương tiện kho tri thức, đa phương tiện, tăng cường sử dụng các tư liệu điện tử (như phim thí nghiệm, thí nghiệm ảo, thí nghiệm mô phỏng,…).

 đ) Dạy học tích hợp thông qua các chủ đề kết nối nhiều kiến thức với nhau. Dạy các chủ đề này, giáo viên cần xây dựng các tình huống đòi hỏi học sinh vận dụng kiến thức, kĩ năng để giải quyết các vấn đề về nhận thức, thực tiễn và công nghệ.

  1. Định hướng phương pháp hình thành, phát triển các phẩm chất chủ yếu và năng lực chung
  2. a) Phương pháp hình thành, phát triển các phẩm chất chủ yếu

 Thông qua việc tổ chức cho học sinh tham gia các hoạt động thực hành, dã ngoại, thảo luận, làm việc nhóm, thực hiện dự án nghiên cứu,… môn Sinh học giáo dục cho học sinh tình yêu thiên nhiên, niềm tự hào về sự đa dạng và phong phú của tài nguyên sinh vật Việt Nam, trách nhiệm công dân trong việc giữ gìn, phát huy và bảo tồn sự đa dạng, phong phú của tài nguyên thiên nhiên; rèn luyện cho học sinh các đức tính chăm chỉ, trung thực trong học tập và nghiên cứu khoa học.

  1. b) Phương pháp hình thành, phát triển các năng lực chung

 Môn Sinh học có nhiều ưu thế hình thành và phát triển các năng lực chung đã quy định trong Chương trình tổng thể. Phát triển các năng lực đó cũng chính là để nâng cao chất lượng giáo dục sinh học.

 – Năng lực tự chủ và tự học: Trong dạy học môn Sinh học, năng lực tự chủ được hình thành và phát triển thông qua các hoạt động thực hành, làm dự án, thiết kế các hoạt động thực nghiệm trong phòng thực hành , ngoài thực địa, đặc biệt trong tổ chức tìm hiểu thế giới sống. Định hướng tự chủ, tích cực, chủ động trong phương pháp dạy học mà môn Sinh học chú trọng là cơ hội giúp học sinh hình thành và phát triển năng lực tự học.

 – Năng lực giao tiếp và hợp tác: Trong môn Sinh học, việc tìm kiếm, trao đổi thông tin trong quá trình quan sát, xây dựng giả thuyết khoa học, lập và thực hiện kế hoạch kiểm chứng giả thuyết, thu thập và xử lí dữ kiện, tổng hợp kết quả và trình bày báo cáo kết quả nghiên cứu giúp học sinh phát triển các kĩ năng giao tiếp và hợp tác. Đặc biệt, khi thực hiện các bài thực hành, các dự án nghiên cứu, các hoạt động trải nghiệm theo nhóm, mỗi thành viên có trách nhiệm thực hiện các phần việc khác nhau, trao đổi thông tin, trình bày, chia sẻ ý tưởng với nhau để hoàn thành nhiệm vụ chung. Đó là những cơ hội mà môn Sinh học tạo ra để phát triển năng lực giao tiếp và hợp tác ở học sinh.

 – Năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo: Giải quyết vấn đề và sáng tạo là hoạt động đặc thù trong quá trình tìm hiểu và khám phá thế giới sống, vì vậy, phát triển năng lực này là một trong những nội dung giáo dục cốt lõi của môn Sinh học. Năng lực chung này được hình thành, phát triển trong quá trình tổ chức cho học sinh đề xuất vấn đề, nêu giả thuyết, lập kế hoạch, thực hiện kế hoạch tìm hiểu các hiện tượng đa dạng của thế giới sống gần gũi với cuộc sống hằng ngày.

  1. Định hướng phương pháp hình thành, phát triển năng lực sinh học
  2. a) Đối với thành phần năng lực nhận thức sinh học, giáo viên tạo cho học sinh cơ hội huy động những hiểu biết, kinh nghiệm sẵn có để tham gia hình thành kiến thức mới. Chú ý tổ chức các hoạt động, trong đó học sinh có thể diễn đạt hiểu biết bằng cách riêng, so sánh, phân loại, hệ thống hoá kiến thức; vận dụng kiến thức đã được học để giải thích các sự vật, hiện tượng hay giải quyết vấn đề đơn giản; qua đó, kết nối được kiến thức mới với hệ thống kiến thức.
  3. b) Đối với thành phần năng lực tìm hiểu thế giới sống, giáo viên tạo điều kiện để học sinh đưa ra câu hỏi, vấn đề cần tìm hiểu; tạo cho học sinh cơ hội tham gia quá trình hình thành kiến thức mới, đề xuất và kiểm tra, giả thuyết; thu thập bằng chứng, phân tích, xử lí để rút ra kết luận, đánh giá kết quả thu được. Dựa vào một số phương pháp dạy học như: thực nghiệm, điều tra, dạy học giải quyết vấn đề, dạy học dự án,… giáo viên có thể tổ chức cho học sinh tự tìm các bằng chứng để kiểm tra các giả thuyết qua việc thực hiện thí nghiệm, hoặc tìm kiếm, thu thập thông tin qua sách, Internet, điều tra, phân tích, xử lí thông tin để kiểm tra dự đoán,…
  4. c) Đối với thành phần năng lực vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học về sinh học, học sinh được tạo cơ hội đề xuất hoặc tiếp cận với các tình huống thực tiễn, tìm kiếm, giải thích, trình bày thông tin, lập luận và đưa ra giải pháp trên cơ sở kiến thức, kĩ năng sinh học đã học; học sinh cần được quan tâm rèn luyện các kĩ năng: phát hiện vấn đề, lập kế hoạch nghiên cứu, giải quyết vấn đề (thu thập, trình bày thông tin, xử lí thông tin để rút ra kết luận), đánh giá kết quả giải quyết vấn đề, nêu giải pháp khắc phục hoặc cải tiến. Cần quan tâm sử dụng các bài tập đòi hỏi tư duy phản biện, sáng tạo (câu hỏi mở, có nhiều cách giải, gắn kết với sự phản hồi trong quá trình học).

 VII. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ GIÁO DỤC

  1. Định hướng chung

 Việc đánh giá kết quả giáo dục phải thực hiện được các yêu cầu sau:

 – Cung cấp thông tin phản hồi đầy đủ, chính xác, kịp thời về kết quả học tập giúp học sinh tự điều chỉnh quá trình học, giáo viên điều chỉnh hoạt động dạy, cán bộ quản lí nhà trường có giải pháp cải thiện chất lượng giáo dục, gia đình theo dõi, giúp đỡ con em học tập.

 – Nội dung đánh giá bảo đảm tích hợp đánh giá kiến thức, kĩ năng thực hành, vận dụng những điều đã học để giải quyết vấn đề thực tiễn.

 – Kết hợp đánh giá quá trình với đánh giá tổng kết; đánh giá định tính với đánh giá định lượng, trong đó đánh giá định lượng phải dựa trên đánh giá định tính được phản hồi kịp thời, chính xác.

 – Phối hợp nhiều hình thức đánh giá khác nhau để bảo đảm đánh giá toàn diện mức độ đáp ứng các yêu cầu cần đạt đã quy định trong chương trình.

 – Kết hợp việc đánh giá của giáo viên với tự đánh giá và đánh giá đồng đẳng của học sinh để rèn luyện cho học sinh năng lực tự chủ và tự học, tư duy phê phán.

  1. Một số hình thức kiểm tra, đánh giá

 Môn Sinh học sử dụng các hình thức đánh giá chủ yếu như sau:

 – Đánh giá thông qua bài viết: bài tự luận, bài trắc nghiệm khách quan, bài tiểu luận, báo cáo kết quả sưu tầm, báo cáo kết quả nghiên cứu, điều tra,…

 – Đánh giá thông qua vấn đáp, thuyết trình: trả lời câu hỏi vấn đáp, phỏng vấn, thuyết trình vấn đề nghiên cứu,…

 – Đánh giá thông qua quan sát: quan sát quá trình học sinh thực hiện các bài thực hành thí nghiệm, thảo luận nhóm, học ngoài thực địa, tham quan các cơ sở khoa học, sản xuất, tham gia dự án nghiên cứu,… bằng cách sử dụng bảng quan sát, bảng kiểm, hồ sơ học tập,…

 VIII. GIẢI THÍCH VÀ HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

  1. Giải thích thuật ngữ
  2. a) Một số thuật ngữ chuyên môn

 – Cấp độ tổ chức sống: là một hệ thống được cấu thành bởi cơ chế tương tác giữa các yếu tố cấu trúc, giữa các chức năng, giữa cấu trúc và chức năng. Hệ thống sinh giới có các cấp độ khác nhau về đặc tính nổi trội tồn tại theo trật tự thứ bậc: phân tử – tế bào – cơ thể – quần thể – quần xã (hệ sinh thái) – sinh quyển.

 – Công nghệ sinh học: là một tập hợp các ngành khoa học (sinh học phân tử, sinh học tế bào, di truyền học, vi sinh vật học, hóa sinh học và công nghệ học) nhằm tạo ra các công nghệ khai thác ở quy mô công nghiệp về hoạt động sống của vi sinh vật, của tế bào thực vật và tế bào động vật, hoặc các quá trình sản xuất ở quy mô công nghiệp có sự tham gia của tác nhân sinh học (ở mức độ cơ thể hoặc tế bào hoặc phân tử) dựa trên các thành tựu tổng hợp của nhiều bộ môn khoa học phục vụ cho việc tăng của cải vật chất cho xã hội và bảo vệ lợi ích của con người. Dựa vào tác nhân sinh học, có thể chia thành: công nghệ sinh học thực vật, công nghệ sinh học động vật, công nghệ sinh học vi sinh vật và công nghệ gene và protein.

 – Kĩ năng tiến trình: là khả năng của học sinh thực hiện các bước theo tiến trình nghiên cứu khoa học. Ví dụ, học sinh thực hiện liên hoàn các bước từ đặt câu hỏi nghiên cứu, đề xuất giả thuyết, đề xuất các bước giải quyết vấn đề, thực hiện giải quyết vấn đề và rút ra kết luận.

 – Sự đa dạng: sự phong phú, sự nhiều, sự khác nhau của các đối tượng trong tự nhiên.

 – Thế giới quan khoa học: là toàn bộ những quan điểm, quan niệm có cơ sở khoa học của cá nhân hay xã hội, về thế giới tự nhiên, về bản thân con người, về cuộc sống và vị trí của con người trong thế giới tự nhiên ấy.

 – Thế giới sống: là toàn bộ các loài thực vật, động vật, vi sinh vật tồn tại trong quan hệ tương tác với nhau được phân bố trên Trái Đất ở các môi trường đa dạng: dưới nước, trên cạn, trong đất, trong không khí.

 – Tìm hiểu thế giới sống: là quá trình chủ động trong việc đặt câu hỏi, tìm hiểu, điều tra để phát hiện những điều chưa được biết về thế giới tự nhiên của học sinh. Thực hiện phương pháp khám phá trong học tập, học sinh không những có được những hiểu biết sâu sắc, mà còn được rèn luyện và phát triển năng lực tư duy như một nhà khoa học, phát triển năng lực giải quyết vấn đề, kĩ năng giao tiếp và cộng tác với người khác,…

  1. b) Từ ngữ thể hiện mức độ đáp ứng các yêu cầu cần đạt

 Chương trình môn Sinh học sử dụng một số động từ để thể hiện mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt về năng lực của học sinh. Một số động từ được sử dụng ở các mức độ khác nhau nhưng trong mỗi trường hợp thể hiện một hành động có đối tượng và yêu cầu cụ thể. Trong bảng tổng hợp dưới đây, đối tượng, yêu cầu cụ thể của mỗi hành động được chỉ dẫn bằng các từ ngữ khác nhau đặt trong ngoặc đơn.

 Trong quá trình dạy học, đặc biệt là khi đặt câu hỏi thảo luận, ra đề kiểm tra đánh giá, giáo viên có thể dùng những động từ nêu trong bảng tổng hợp hoặc thay thế bằng các động từ có nghĩa tương đương cho phù hợp với tình huống sư phạm và nhiệm vụ cụ thể giao cho học sinh.

Mức độ Động từ mô tả mức độ
Biết – nhận biết (nhận biết được một số biểu hiện của cây do thiếu khoáng), kể tên (kể tên được một số cơ quan tham gia điều hoà cân bằng nội môi và hằng số nội môi cơ thể), phát biểu (phát biểu được khái niệm bài tiết), nêu các đối tượng, khái niệm, quá trình sống (nêu được các khái niệm: nội môi, cân bằng động).

 – trình bày các đặc điểm, vai trò của các đối tượng và các quá trình sống bằng các hình thức biểu đạt như ngôn ngữ nói, viết, công thức, sơ đồ, biểu đồ,… (trình bày được vai trò của thận trong bài tiết và cân bằng nội môi).

Hiểu – phân loại các vật, sự vật theo các tiêu chí khác nhau (phân biệt được hệ thần kinh dạng ống với hệ thần kinh dạng lưới và dạng chuỗi hạch).

 – phân tích các đặc điểm của một đối tượng, sự vật, quá trình theo một logic nhất định (phân tích được cơ chế thu nhận và phản ứng kích thích của các cơ quan cảm giác (tai, mắt)).

 – so sánh, lựa chọn các đối tượng, khái niệm hoặc quá trình dựa theo các tiêu chí (so sánh được sinh sản hữu tính với sinh sản vô tính ở thực vật).

– lập dàn ý, tìm từ khoá; sử dụng ngôn ngữ khoa học khi đọc và trình bày các văn bản khoa học, sử dụng các hình thức ngôn ngữ biểu đạt khác nhau; kết nối thông tin theo logic có ý nghĩa (lập dàn ý, viết được báo cáo khi điều tra sử dụng phân bón ở địa phương hoặc thực hành trồng cây với các kĩ thuật bón phân phù hợp).

 – giải thích mối quan hệ giữa các sự vật và hiện tượng (nhân – quả, cấu tạo – chức năng,…) (giải thích được sự phân chia tế bào một cách không bình thường có thể dẫn đến ung thư).

– nhận ra điểm sai và chỉnh sửa điểm sai đó; thảo luận đưa ra những nhận định có tính phê phán liên quan tới chủ đề (thảo luận về một vấn đề hoặc bài báo cáo).
Vận dụng – nhận ra, giải thích được vấn đề thực tiễn và mô hình công nghệ dựa trên kiến thức sinh học và dẫn ra được các bằng chứng về vấn đề đó (giải thích được một số vấn đề thực tiễn: vấn đề hôn nhân gia đình; vấn đề cho cây tự thụ phấn, động vật giao phối gần giảm năng suất, chất lượng).

 – phản biện, đánh giá được tác động của một vấn đề thực tiễn (đánh giá được ý nghĩa việc xử phạt người tham gia giao thông khi sử dụng rượu, bia).

 – dựa trên hiểu biết và các cứ liệu điều tra, nêu được các giải pháp và thực hiện được một số giải pháp để bảo vệ sức khoẻ bản thân, gia đình và cộng đồng; bảo vệ thiên nhiên, môi trường; thích ứng với biến đổi khí hậu và có hành vi, thái độ hợp lí nhằm phát triển bền vững (thực hiện được các biện pháp phòng chống một số bệnh dịch phổ biến ở người; điều tra được một số bệnh dịch phổ biến ở người và tuyên truyền phòng chống bệnh (bệnh cúm, dịch tả, sốt xuất huyết, HIV/AIDS,…)).

  1. Thời lượng thực hiện chương trình

 Thời lượng cho mỗi lớp là 105 tiết/năm học, dạy trong 35 tuần. Trong đó, thời lượng dành cho nội dung cốt lõi là 70 tiết. Dự kiến tỷ lệ % thời lượng dành cho mỗi mạch nội dung như sau:

LỚP Chủ đề Thời lượng
Lớp 10 Mở đầu 6%
Giới thiệu chung về các cấp độ tổ chức của thế giới sống 3%
Sinh học tế bào 54%
Sinh học vi sinh vật và virus 27%
Đánh giá định kì 10%
Lớp 11 Trao đổi chất và chuyển hoá năng lượng ở sinh vật 41%
Cảm ứng ở sinh vật 17%
Sinh trưởng và phát triển ở sinh vật 18%
Sinh sản ở sinh vật 14%
Đánh giá định kì 10%
Lớp 12 Di truyền học 46%
Tiến hoá 18%
Sinh thái học và môi trường 26%
Đánh giá định kì 10%

 Thời lượng dành cho các chuyên đề học tập là 35 tiết. Dự kiến số tiết của các chuyên đề học tập (bao gồm cả kiểm tra, đánh giá) như sau:

Tên chuyên đề Lớp 10 Lớp 11 Lớp 12
Chuyên đề 10.1: Công nghệ tế bào và một số thành tựu 15    
Chuyên đề 10.2: Công nghệ enzyme và ứng dụng 10    
Chuyên đề 10.3: Công nghệ vi sinh vật trong xử lí ô nhiễm môi trường 10    
Chuyên đề 11.1: Dinh dưỡng khoáng – tăng năng suất cây trồng và nông nghiệp sạch   10  
Chuyên đề 11.2: Một số bệnh dịch ở người và cách phòng ngừa, điều trị   15  
Chuyên đề 11.3: Vệ sinh an toàn thực phẩm   10  
Chuyên đề 12.1: Sinh học phân tử     15
Chuyên đề 12.2: Kiểm soát sinh học     10
Chuyên đề 12.3: Sinh thái nhân văn     10
  1. Thiết bị dạy học

 Sinh học là môn khoa học thực nghiệm, vì vậy, thực hành thí nghiệm vừa là nội dung, vừa là phương pháp, phương tiện dạy học. Mặt khác, chương trình được xây dựng theo hướng phát triển năng lực, gắn lí thuyết với thực hành, học lí thuyết bằng thực hành. Theo định hướng này, cần trang bị các thiết bị dạy học đa dạng về chủng loại: tranh, ảnh, mô hình, mẫu vật thật, dụng cụ, vật liệu, hoá chất, thiết bị kĩ thuật nghe nhìn, các loại máy móc.

 Bộ thiết bị dạy học môn Sinh học gồm có:

  1. a) Các thiết bị dùng để trình diễn, minh hoạ

 – Tranh, ảnh: bộ tranh, ảnh về các cấp độ tổ chức sống; tế bào; trao đổi chất chuyển hoá năng lượng; thông tin giữa các tế bào; chu kì tế bào và phân bào; vi sinh vật và virus; chuyển hoá năng lượng trong sinh giới; trao đổi chất và chuyển hoá năng lượng ở thực vật; trao đổi chất và chuyển hoá năng lượng ở động vật; máu và tuần hoàn; hệ bài tiết; cảm ứng ở sinh vật; sinh trưởng, phát triển ở thực vật và động vật; các tuyến nội tiết; sinh sản ở sinh vật; cơ sở phân tử của di truyền; nhiễm sắc thể và di truyền nhiễm sắc thể; cơ sở tế bào học của các thí nghiệm của Mendel, liên kết gen, hoán vị gen, tương tác gen, di truyền giới tính; quan hệ kiểu gene – môi trường – kiểu hình; bằng chứng và cơ chế tiến hoá; Sinh quyển; hệ sinh thái; quần xã; quần thể và các mối quan hệ giữa sinh vật – sinh vật và sinh vật với môi trường; ô nhiễm môi trường; các mô hình về phát triển bền vững; một số loài sinh vật điển hình trong sách Đỏ Việt Nam.

 – Video clip: bộ video về các cấp độ tổ chức sống; tế bào; trao đổi chất chuyển hoá năng lượng; thông tin giữa các tế bào; chu kì tế bào và phân bào; vi sinh vật và virus; chuyển hoá năng lượng trong sinh giới; trao đổi chất và chuyển hoá năng lượng ở thực vật và động vật; máu và tuần hoàn; hệ bài tiết; sinh trưởng, phát triển ở thực vật và động vật; sinh sản ở sinh vật; cơ sở phân tử của di truyền; nhiễm sắc thể và di truyền nhiễm sắc thể; video về cơ sở tế bào học của các thí nghiệm của Mendel, liên kết gene, hoán vị gene, di truyền giới tính; Sinh quyển; hệ sinh thái; quần xã; quần thể và các mối quan hệ giữa sinh vật – sinh vật và sinh vật với môi trường; ô nhiễm môi trường; các mô hình về phát triển bền vững; một số loài sinh vật điển hình trong sách Đỏ Việt Nam.

 – Mô hình: cơ thể người; hệ tuần hoàn; cảm ứng ở sinh vật; cấu trúc vật chất di truyền; quan hệ kiểu gene – môi trường

 – kiểu hình; bằng chứng và cơ chế tiến hoá.

  1. b) Các thiết bị dùng để thực hành

 – Bộ tiêu bản hiển vi: tế bào.

 – Bộ dụng cụ thực hành về: tế bào; phân bào; vi sinh vật và virus; trao đổi chất và chuyển hoá năng lượng ở thực vật; mổ tim ếch; băng bó vết thương và cầm máu; sinh trưởng, phát triển ở thực vật; quan sát đột biến nhiễm sắc thể.

 – Hộp mẫu vật: phân loại sinh vật, các dạng thích nghi,…

 – Bộ dụng cụ đo: đo dung lượng hô hấp và hoạt động của cơ hoành ở động vật, đo huyết áp, nhịp tim, độ pH,…

 CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG

 MÔN CÔNG NGHỆ

 (Ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

 MỤC LỤC

  1. ĐẶC ĐIỂM MÔN HỌC
  2. QUAN ĐIỂM XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH

 III. MỤC TIÊU CHƯƠNG TRÌNH

  1. YÊU CẦU CẦN ĐẠT
  2. NỘI DUNG GIÁO DỤC

 TIỂU HỌC

 LỚP 3

 LỚP 4

 LỚP 5

 TRUNG HỌC CƠ SỞ

 LỚP 6

 LỚP 7

 LỚP 8

 LỚP 9

 TRUNG HỌC PHỔ THÔNG: ĐỊNH HƯỚNG CÔNG NGHIỆP

 LỚP 10

 LỚP 11

 LỚP 12

 TRUNG HỌC PHỔ THÔNG: ĐỊNH HƯỚNG NÔNG NGHIỆP

 LỚP 10

 LỚP 11

 LỚP 12

  1. PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC

 VII. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ GIÁO DỤC

 VIII. GIẢI THÍCH VÀ HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

  1. ĐẶC ĐIỂM MÔN HỌC

 Công nghệ bao gồm kiến thức, thiết bị, phương pháp và các hệ thống dùng trong việc tạo ra hàng hoá và cung cấp dịch vụ. Trong mối quan hệ giữa khoa học và công nghệ thì khoa học hướng tới khám phá, tìm hiểu, giải thích thế giới; còn công nghệ, dựa trên những thành tựu của khoa học, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ công nghệ để giải quyết các vấn đề đặt ra trong thực tiễn, cải tạo thế giới, định hình môi trường sống của con người.

 Trong Chương trình giáo dục phổ thông, giáo dục công nghệ được thực hiện từ lớp 3 đến lớp 12 thông qua môn Tin học và Công nghệ ở cấp tiểu học và môn Công nghệ ở cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông.

 Công nghệ là môn học bắt buộc trong giai đoạn giáo dục cơ bản; là môn học lựa chọn, thuộc nhóm môn Công nghệ và Nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật) trong giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp.

 Nội dung giáo dục công nghệ rộng, đa dạng, thuộc nhiều lĩnh vực kĩ thuật, công nghệ khác nhau. Trong dạy học công nghệ, có những nội dung cơ bản, cốt lõi, phổ thông tất cả học sinh đều phải học. Bên cạnh đó, có những nội dung đặc thù, chuyên biệt nhằm đáp ứng nguyện vọng, sở thích của học sinh, phù hợp với yêu cầu của từng địa phương, vùng miền.

 Sự đa dạng về lĩnh vực kĩ thuật, công nghệ trong nội dung môn Công nghệ cũng mang lại ưu thế của môn học trong việc lồng ghép, tích hợp nội dung giáo dục hướng nghiệp trong môn học thông qua các chủ đề về lựa chọn nghề nghiệp; các nội dung giới thiệu về ngành nghề chủ yếu thuộc các lĩnh vực sản xuất môn Công nghệ đề cập; các hoạt động trải nghiệm nghề nghiệp qua các mô đun kĩ thuật, công nghệ tự chọn.

 Cũng như các lĩnh vực giáo dục khác, giáo dục công nghệ góp phần hình thành và phát triển các phẩm chất chủ yếu và năng lực chung được đề cập trong Chương trình tổng thể. Với việc coi trọng phát triển tư duy thiết kế, giáo dục công nghệ có ưu thế trong hình thành và phát triển năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo.

 Môn Công nghệ có mối quan hệ với nhiều lĩnh vực giáo dục khác, đặc biệt là với Toán học và Khoa học. Cùng với Toán học, Khoa học tự nhiên, môn Công nghệ góp phần thúc đẩy giáo dục STEM – một trong những xu hướng giáo dục đang được coi trọng ở nhiều quốc gia trên thế giới.

  1. QUAN ĐIỂM XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH

 Chương trình môn Công nghệ tuân thủ quy định trong Chương trình tổng thể, đồng thời xuất phát từ đặc điểm môn học, nhấn mạnh các quan điểm sau:

  1. Khoa học, thực tiễn: Chương trình dựa trên các thành tựu về lí luận dạy học kĩ thuật; tham chiếu các mô hình giáo dục kĩ thuật, công nghệ đang được sử dụng phổ biến trên thế giới như mô hình định hướng lao động thủ công, mô hình giáo dục kĩ thuật tổng hợp, mô hình công nghệ đại cương, mô hình thiết kế kĩ thuật và mô hình định hướng kĩ thuật tương lai; đồng thời, chương trình được xây dựng bám sát và phù hợp với thực tiễn Việt Nam.
  2. Kế thừa, phát triển: Chương trình kế thừa những ưu điểm của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành trên các phương diện quan điểm xây dựng chương trình, mục tiêu, nội dung, chuẩn cần đạt, phương pháp và hình thức tổ chức dạy học; đồng thời phản ánh cách tiếp cận mới về vị trí, đặc điểm, mục tiêu, nội dung, phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá của môn Công nghệ.
  3. Hội nhập, khả thi: Chương trình phản ánh xu hướng quốc tế, coi thiết kế kĩ thuật là một trong những tư tưởng chủ đạo của giáo dục công nghệ, đặc biệt là ở cấp trung học phổ thông; có tính đến những yếu tố đặc thù và điều kiện của Việt Nam để đảm bảo tính khả thi của chương trình.
  4. Hướng nghiệp: Chương trình thực hiện giáo dục hướng nghiệp trên cả hai phương diện định hướng và trải nghiệm nghề nghiệp. Nội dung hướng nghiệp trong môn Công nghệ đồng bộ, nhất quán với các hoạt động giáo dục hướng nghiệp khác trong Chương trình giáo dục phổ thông.
  5. Mở, linh hoạt: Chương trình phản ánh những tri thức phổ thông, thiết thực, cốt lõi mà tất cả học sinh cần phải có, đồng thời bảo đảm tính mở nhằm đáp ứng sự đa dạng, phong phú của công nghệ, nhu cầu, sở thích của học sinh, phù hợp với đặc điểm của từng địa phương; phản ánh được tinh thần cơ bản của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

 III. MỤC TIÊU CHƯƠNG TRÌNH

  1. Mục tiêu chung

 Chương trình môn Công nghệ hình thành, phát triển ở học sinh năng lực công nghệ và những phẩm chất đặc thù trong lĩnh vực kĩ thuật, công nghệ để học tập, làm việc hiệu quả trong môi trường công nghệ ở gia đình, nhà trường, xã hội và lựa chọn ngành nghề thuộc các lĩnh vực kĩ thuật, công nghệ; đồng thời cùng với các môn học và hoạt động giáo dục khác, góp phần hình thành, phát triển các phẩm chất chủ yếu, các năng lực chung; thực hiện các nội dung xuyên chương trình như phát triển bền vững, biến đổi khí hậu, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, tài chính,…

  1. Mục tiêu cấp tiểu học

 Giáo dục công nghệ ở cấp tiểu học bước đầu hình thành và phát triển ở học sinh năng lực công nghệ trên cơ sở các mạch nội dung về công nghệ và đời sống, thủ công kĩ thuật; khơi dậy hứng thú học tập và tìm hiểu công nghệ. Kết thúc tiểu học, học sinh sử dụng được một số sản phẩm công nghệ thông dụng trong gia đình đúng cách, an toàn; thiết kế được sản phẩm thủ công kĩ thuật đơn giản; trao đổi được một số thông tin đơn giản về các sản phẩm công nghệ trong phạm vi gia đình, nhà trường; nhận xét được ở mức độ đơn giản về sản phẩm công nghệ thường gặp; nhận biết được vai trò của công nghệ đối với đời sống trong gia đình, ở nhà trường.

  1. Mục tiêu cấp trung học cơ sở

 Chương trình môn Công nghệ ở cấp trung học cơ sở tiếp tục phát triển năng lực công nghệ mà học sinh đã tích luỹ được ở cấp tiểu học. Kết thúc trung học cơ sở, học sinh đọc được thông số kĩ thuật, nhận biết và sử dụng đúng cách một số sản phẩm công nghệ trong gia đình; trao đổi được thông tin về sản phẩm, quy trình công nghệ thông qua lập và đọc bản vẽ kĩ thuật đơn giản; đánh giá và thiết kế được sản phẩm công nghệ đơn giản; có hiểu biết về những nguyên lí cơ bản, những kĩ năng ban đầu trong các lĩnh vực nông – lâm nghiệp, thuỷ sản và công nghiệp; có tri thức và trải nghiệm về lựa chọn nghề trong lĩnh vực công nghệ, góp phần lựa chọn hướng đi phù hợp sau trung học cơ sở; phát huy hứng thú học tập; rèn luyện được tính cẩn thận, kiên trì trong các hoạt động kĩ thuật, công nghệ.

  1. Mục tiêu cấp trung học phổ thông

 Giáo dục công nghệ ở cấp trung học phổ thông tiếp tục phát triển năng lực công nghệ mà học sinh đã tích luỹ được sau khi kết thúc trung học cơ sở; rèn luyện ý thức lao động, tác phong công nghiệp cho học sinh. Kết thúc trung học phổ thông, học sinh có hiểu biết đại cương và định hướng nghề về công nghệ thông qua các nội dung: thiết kế và công nghệ, công nghệ cơ khí, công nghệ điện – điện tử (đối với định hướng Công nghiệp); công nghệ trồng trọt, công nghệ chăn nuôi, lâm nghiệp và thuỷ sản (đối với định hướng Nông nghiệp); có năng lực công nghệ phù hợp với các ngành nghề kĩ thuật, công nghệ thuộc định hướng Công nghiệp hoặc định hướng Nông nghiệp.

  1. YÊU CẦU CẦN ĐẠT
  2. Yêu cầu cần đạt về phẩm chất chủ yếu và năng lực chung

 Môn Công nghệ góp phần hình thành và phát triển ở học sinh các phẩm chất chủ yếu và năng lực chung theo các mức độ phù hợp với môn học, cấp học đã được quy định tại Chương trình tổng thể.

  1. Yêu cầu cần đạt về năng lực đặc thù

 Môn Công nghệ hình thành và phát triển ở học sinh năng lực công nghệ, bao gồm các thành phần: Nhận thức công nghệ, Giao tiếp công nghệ, Sử dụng công nghệ, Đánh giá công nghệ, Thiết kế kĩ thuật. Biểu hiện cụ thể của năng lực công nghệ ở từng cấp học được trình bày ở bảng sau:

Thành phần năng lực Cấp tiểu học Cấp trung học cơ sở Cấp trung học phổ thông
Nhận thức công nghệ<a]< span=”” style=”box-sizing: border-box; user-select: initial !important; line-height: 1.6; font-size: 16px !important;”></a]<> <a1.1]: nhận=”” ra=”” được=”” sự=”” khác=”” biệt=”” của=”” môi=”” trường=”” tự=”” nhiên=”” và=”” sống=”” do=”” con=”” người=”” tạo=”” ra.<=”” span=”” style=”box-sizing: border-box; user-select: initial !important; line-height: 1.6; font-size: 16px !important;”></a1.1]:>

 <a1.2]: nêu=”” được=”” vai=”” trò=”” của=”” các=”” sản=”” phẩm=”” công=”” nghệ=”” trong=”” đời=”” sống=”” gia=”” đình,=”” nhà=”” trường.<=”” span=”” style=”box-sizing: border-box; user-select: initial !important; line-height: 1.6; font-size: 16px !important;”></a1.2]:>

 <a1.3]: kể=”” được=”” về=”” một=”” số=”” nhà=”” sáng=”” chế=”” tiêu=”” biểu=”” cùng=”” các=”” sản=”” phẩm=”” nổi=”” tiếng=”” có=”” tác=”” động=”” lớn=”” tới=”” cuộc=”” sống=”” của=”” con=”” người.<=”” span=”” style=”box-sizing: border-box; user-select: initial !important; line-height: 1.6; font-size: 16px !important;”></a1.3]:>

 <a1.4]: nhận=”” biết=”” được=”” sở=”” thích,=”” khả=”” năng=”” của=”” bản=”” thân=”” đối=”” với=”” các=”” hoạt=”” động=”” kĩ=”” thuật,=”” công=”” nghệ=”” đơn=”” giản.<=”” span=”” style=”box-sizing: border-box; user-select: initial !important; line-height: 1.6; font-size: 16px !important;”></a1.4]:>

 <a1.5]: trình=”” bày=”” được=”” quy=”” làm=”” một=”” số=”” sản=”” phẩm=”” thủ=”” công=”” kĩ=”” thuật=”” đơn=”” giản.<=”” span=”” style=”box-sizing: border-box; user-select: initial !important; line-height: 1.6; font-size: 16px !important;”></a1.5]:>

<a2.1]: mô=”” tả=”” được=”” một=”” số=”” sản=”” phẩm=”” công=”” nghệ=”” và=”” tác=”” động=”” của=”” nó=”” trong=”” đời=”” sống=”” gia=”” đình.<=”” span=”” style=”box-sizing: border-box; user-select: initial !important; line-height: 1.6; font-size: 16px !important;”></a2.1]:>

 <a2.2]: nhận=”” thức=”” được=”” nội=”” dung=”” cơ=”” bản=”” về=”” vai=”” trò,=”” các=”” quá=”” trình=”” kĩ=”” thuật=”” và=”” công=”” nghệ,=”” nghề=”” nghiệp=”” có=”” liên=”” quan=”” của=”” một=”” số=”” lĩnh=”” vực=”” sản=”” xuất=”” chủ=”” yếu=”” trong=”” nền=”” kinh=”” tế=”” việt=”” nam=”” như=”” nông=”” -=”” lâm=”” nghiệp,=”” thuỷ=”” sản,=”” nghiệp.<=”” span=”” style=”box-sizing: border-box; user-select: initial !important; line-height: 1.6; font-size: 16px !important;”></a2.2]:>

 <a2.3]: nhận=”” thức=”” được=”” một=”” số=”” nội=”” dung=”” cơ=”” bản=”” về=”” nghề=”” nghiệp=”” và=”” lựa=”” chọn=”” trong=”” lĩnh=”” vực=”” kĩ=”” thuật,=”” công=”” nghệ.<=”” span=”” style=”box-sizing: border-box; user-select: initial !important; line-height: 1.6; font-size: 16px !important;”></a2.3]:>

 <a2.4]: tóm=”” tắt=”” được=”” các=”” tri=”” thức,=”” kĩ=”” năng=”” cơ=”” bản=”” của=”” một=”” số=”” quá=”” trình=”” thuật,=”” công=”” nghệ=”” có=”” tính=”” nghề=”” phù=”” hợp=”” với=”” sở=”” thích,=”” lực=”” thân.<=”” span=”” style=”box-sizing: border-box; user-select: initial !important; line-height: 1.6; font-size: 16px !important;”></a2.4]:>

<a3.1]: làm=”” rõ=”” được=”” một=”” số=”” vấn=”” đề=”” về=”” bản=”” chất=”” kĩ=”” thuật,=”” công=”” nghệ;=”” mối=”” quan=”” hệ=”” giữa=”” nghệ=”” với=”” con=”” người,=”” tự=”” nhiên,=”” xã=”” hội;=”” các=”” lĩnh=”” vực=”” khoa=”” học=”” khác;=”” đổi=”” mới=”” và=”” phát=”” triển=”” nghệ,=”” phân=”” loại,=”” thiết=”” kế=”” đánh=”” giá=”” ở=”” mức=”” đại=”” cương.<=”” span=”” style=”box-sizing: border-box; user-select: initial !important; line-height: 1.6; font-size: 16px !important;”></a3.1]:>

 <a3.2]: hiểu=”” biết=”” được=”” tổng=”” quan,=”” đại=”” cương=”” về=”” những=”” vấn=”” đề=”” nguyên=”” lí,=”” cốt=”” lõi,=”” nền=”” tảng,=”” có=”” tính=”” chất=”” định=”” hướng=”” nghề=”” cho=”” học=”” sinh=”” của=”” một=”” số=”” công=”” nghệ=”” phổ=”” biến=”” thuộc=”” trong=”” hai=”” nghiệp=”” và=”” nông=”” nghiệp.<=”” span=”” style=”box-sizing: border-box; user-select: initial !important; line-height: 1.6; font-size: 16px !important;”></a3.2]:>

 <a3.3]: nhận=”” thức=”” được=”” cá=”” tính=”” và=”” giá=”” trị=”” sống=”” của=”” bản=”” thân;=”” tìm=”” những=”” thông=”” tin=”” chính=”” về=”” thị=”” trường=”” lao=”” động,=”” yêu=”” cầu=”” triển=”” vọng=”” một=”” số=”” ngành=”” nghề=”” trong=”” lĩnh=”” vực=”” kĩ=”” thuật,=”” công=”” nghệ;=”” đánh=”” sự=”” phù=”” hợp=”” thân=”” mối=”” quan=”” hệ=”” với=”” đó.<=”” span=”” style=”box-sizing: border-box; user-select: initial !important; line-height: 1.6; font-size: 16px !important;”></a3.3]:>

Giao tiếp công nghệ [b] [b1.1]: Nói, vẽ hay viết để mô tả những thiết bị, sản phẩm công nghệ phổ biến trong gia đình.

[b1.2]: Phác thảo bằng hình vẽ cho người khác hiểu được ý tưởng thiết kế một sản phẩm công nghệ đơn giản.
[b2.1]: Biểu diễn được vật thể hay ý tưởng thiết kế bằng các hình biểu diễn cơ bản.

[b2.2]: Đọc được các bản vẽ, kí hiệu, quy trình công nghệ thuộc một số lĩnh vực sản xuất chủ yếu.
[b3.1]: Sử dụng được ngôn ngữ kĩ thuật trong giao tiếp về sản phẩm, dịch vụ kĩ thuật, công nghệ.

[b3.2]: Lập được bản vẽ kĩ thuật đơn giản bằng tay hoặc với sự hỗ trợ của máy tính.
Sử dụng công nghệ [c] [c1.1]: Thực hiện được một số thao tác kĩ thuật đơn giản với các dụng cụ kĩ thuật.

[c1.2]: Sử dụng được một số sản phẩm công nghệ phổ biến trong gia đình.

[c1.3]: Nhận biết và phòng tránh được những tình huống nguy hiểm trong môi trường công nghệ ở gia đình.

[c1.4]: Thực hiện được một số công việc chăm sóc hoa và cây cảnh trong gia đình.
[c2.1]: Đọc được tài liệu hướng dẫn sử dụng các thiết bị, sản phẩm công nghệ phổ biến trong gia đình.

[c2.2]: Sử dụng đúng cách, hiệu quả một số sản phẩm công nghệ phổ biến trong gia đình.

[c2.3]: Phát hiện, đề xuất được giải pháp xử lí các tình huống mất an toàn cho người và sản phẩm công nghệ trong gia đình.

[c2.4]: Thực hiện được một số thao tác sơ cứu đơn giản cho người trong những tình huống khẩn cấp.

[c2.5]: Thực hiện được một số kĩ thuật đơn giản trong sản xuất nông – lâm nghiệp và thuỷ sản.
[c3.1]: Sử dụng một số sản phẩm công nghệ an toàn, hiệu quả.

[c3.2]: Sử dụng được một số dịch vụ phổ biến, có ứng dụng công nghệ.

[c3.3]: Thực hiện được một số quy trình kĩ thuật phổ biến trong lĩnh vực nông – lâm nghiệp và thuỷ sản.

[c3.4]: Thực hiện được một số công đoạn trong quy trình công nghệ trồng trọt và chăn nuôi công nghệ cao.
Đánh giá công nghệ [d] [d1.1]: Đưa ra được lí do thích hay không thích một sản phẩm công nghệ.

[d1.2]: Bước đầu so sánh và nhận xét được về các sản phẩm công nghệ cùng chức năng.
[d2.1]: Đưa ra được nhận xét cho một sản phẩm công nghệ về chức năng, độ bền, tính thẩm mĩ, tính hiệu quả và an toàn khi sử dụng.

[d2.2]: Lựa chọn được sản phẩm công nghệ phù hợp trên cơ sở các tiêu chí đánh giá sản phẩm.
[d3.1]: Nhận biết và đánh giá được một số xu hướng phát triển công nghệ.

[d3.2]: Đề xuất được tiêu chí chính cho việc lựa chọn, sử dụng một sản phẩm công nghệ thông dụng.
Thiết kế kĩ thuật [e] [e1.1]: Nhận thức được: muốn tạo ra sản phẩm công nghệ cần phải thiết kế; thiết kế là quá trình sáng tạo.

[e1.2]: Kể tên được các công việc chính khi thiết kế.

[e1.3]: Nêu được ý tưởng và làm được một số đồ vật đơn giản từ những vật liệu thông dụng theo gợi ý, hướng dẫn.
[e2.1]: Phát hiện được nhu cầu, vấn đề cần giải quyết trong bối cảnh cụ thể.

[e2.2]: Đề xuất được giải pháp và tạo được sản phẩm công nghệ đơn giản dựa trên quy trình thiết kế kĩ thuật và kiến thức, kĩ năng về công nghệ.
[e3.1]: Xác định được các yếu tố ảnh hưởng tới hoạt động thiết kế kĩ thuật.

[e3.2]: Sử dụng được một số phần mềm đơn giản hỗ trợ thiết kế. [e3.3]: Thiết kế được sản phẩm đơn giản đáp ứng yêu cầu cho trước.
  1. NỘI DUNG GIÁO DỤC
  2. Nội dung khái quát
Nội dung Lớp
3 4 5 6 7 8 9 10 11 12
CÔNG NGHỆ VÀ ĐỜI SỐNG
– Bản chất của công nghệ x             x    
– Vai trò của công nghệ   x x x       x    
– Sản phẩm công nghệ x x x x            
– An toàn với công nghệ x x x x   x x x x x
LĨNH VỰC SẢN XUẤT CHỦ YẾU
– Nông nghiệp         x     x x  
– Lâm nghiệp         x         x
– Thuỷ sản         x         x
– Công nghiệp           x     x x
THIẾT KẾ VÀ ĐỔI MỚI CÔNG NGHỆ
– Thủ công kĩ thuật x x x              
– Ngôn ngữ kĩ thuật           x   x    
– Thiết kế kĩ thuật     x     x   x    
– Đổi mới công nghệ               x x x
CÔNG NGHỆ VÀ HƯỚNG NGHIỆP
– Định hướng nghề nghiệp         x x x x x x
– Trải nghiệm nghề nghiệp             x      
  1. Nội dung cụ thể và yêu cầu cần đạt ở các lớp

 CẤP TIỂU HỌC

 LỚP 3

 TIN HỌC VÀ CÔNG NGHỆ (PHẦN CÔNG NGHỆ)

Nội dung Yêu cầu cần đạt
CÔNG NGHỆ VÀ ĐỜI SỐNG
Tự nhiên và Công nghệ – Phân biệt được đối tượng tự nhiên và sản phẩm công nghệ.

 – Nêu được tác dụng của một số sản phẩm công nghệ trong gia đình.

 – Có ý thức giữ gìn sản phẩm công nghệ trong gia đình.

Sử dụng đèn học – Nêu được tác dụng và mô tả được các bộ phận chính của đèn học.

 – Nhận biết được một số loại đèn học thông dụng.

 – Xác định vị trí đặt đèn; bật, tắt, điều chỉnh được độ sáng của đèn học.

 – Nhận biết và phòng tránh được những tình huống mất an toàn khi sử dụng đèn học.

Sử dụng quạt điện – Nêu được tác dụng và mô tả được các bộ phận chính của quạt điện.

 – Nhận biết được một số loại quạt điện thông dụng.

 – Xác định vị trí đặt quạt; bật, tắt, điều chỉnh được tốc độ quạt phù hợp với yêu cầu sử dụng.

 – Nhận biết và phòng tránh được những tình huống mất an toàn khi sử dụng quạt điện.

Sử dụng máy thu thanh – Nêu được tác dụng của máy thu thanh.

 – Dựa vào sơ đồ khối, mô tả được mối quan hệ đơn giản giữa đài phát thanh và máy thu thanh.

 – Kể tên và nêu được nội dung phát thanh của một số chương trình phù hợp với lứa tuổi học sinh trên đài phát thanh.

 – Chọn được kênh phát thanh, thay đổi âm lượng theo ý muốn.

Sử dụng máy thu hình – Trình bày được tác dụng của máy thu hình (ti vi) trong gia đình.

 – Dựa vào sơ đồ khối, mô tả được mối quan hệ đơn giản giữa đài truyền hình và ti vi.

 – Kể được tên và nêu được nội dung của một số kênh truyền hình phổ biến, phù hợp với học sinh.

 – Lựa chọn được vị trí ngồi đảm bảo góc nhìn và khoảng cách hợp lí khi xem ti vi.

 – Chọn được kênh, điều chỉnh được âm thanh của ti vi theo ý muốn.

An toàn với môi trường công nghệ trong gia đình – Nhận biết và phòng tránh được một số tình huống không an toàn (Ví dụ: các tình huống liên quan đến điện, nhiệt, khói, khí ga, các đồ vật sắc, nhọn,…) cho người từ môi trường công nghệ trong gia đình.

 – Báo cho người lớn biết khi có sự cố, tình huống mất an toàn xảy ra.

THỦ CÔNG KĨ THUẬT
Làm đồ dùng học tập – Lựa chọn được vật liệu làm đồ dùng học tập đúng yêu cầu.

 – Sử dụng được các dụng cụ để làm đồ dùng học tập đúng cách, an toàn.

 – Làm được một đồ dùng học tập đơn giản theo các bước cho trước, đảm bảo yêu cầu về kĩ thuật, thẩm mĩ.

Làm biển báo giao thông – Nêu được ý nghĩa của một số biển báo giao thông.

 – Lựa chọn được vật liệu phù hợp.

 – Lựa chọn và sử dụng được dụng cụ đúng cách, an toàn để làm được một số biển báo giao thông quen thuộc dưới dạng mô hình theo các bước cho trước.

 – Có ý thức tuân thủ các quy định khi tham gia giao thông.

Làm đồ chơi – Nhận biết và sử dụng an toàn một số đồ chơi đơn giản phù hợp với lứa tuổi.

 – Làm được một đồ chơi đơn giản theo hướng dẫn.

 – Tính toán được chi phí cho một đồ chơi đơn giản.

 LỚP 4

 TIN HỌC VÀ CÔNG NGHỆ (PHẦN CÔNG NGHỆ)

Nội dung Yêu cầu cần đạt
CÔNG NGHỆ VÀ ĐỜI SỐNG
Hoa và cây cảnh trong đời sống – Nêu được lợi ích của hoa và cây cảnh đối với đời sống.

 – Nhận biết được một số loại hoa và cây cảnh phổ biến.

 – Có hứng thú với việc trồng, chăm sóc và bảo vệ hoa, cây cảnh.

Trồng hoa và cây cảnh trong chậu – Trình bày được đặc điểm của một số loại chậu trồng hoa và cây cảnh.

 – Nêu được một số loại giá thể dùng để trồng hoa và cây cảnh trong chậu.

 – Tóm tắt được nội dung các bước gieo hạt, trồng cây con trong chậu.

 – Mô tả được các công việc chủ yếu để chăm sóc một số loại hoa và cây cảnh phổ biến.

 – Thực hiện được việc gieo hạt trong chậu.

 – Sử dụng được một số dụng cụ trồng hoa, cây cảnh đơn giản.

 – Trồng và chăm sóc được một số loại hoa và cây cảnh trong chậu.

THỦ CÔNG KĨ THUẬT
Lắp ghép mô hình kĩ thuật – Kể tên, nhận biết được các chi tiết của bộ lắp ghép mô hình kĩ thuật.

 – Lựa chọn và sử dụng được một số dụng cụ và chi tiết để lắp ghép được một số mô hình kĩ thuật đơn giản.

Làm đồ chơi dân gian – Nhận biết và sử dụng được một số đồ chơi dân gian phù hợp với lứa tuổi.

 – Làm được đồ chơi dân gian phù hợp với lứa tuổi theo hướng dẫn.

 – Tính toán chi phí cho một đồ chơi dân gian tự làm.

 LỚP 5

 TIN HỌC VÀ CÔNG NGHỆ (PHẦN CÔNG NGHỆ)

Nội dung Yêu cầu cần đạt
CÔNG NGHỆ VÀ ĐỜI SỐNG
Vai trò của công nghệ – Trình bày được vai trò của sản phẩm công nghệ trong đời sống.

 – Nhận biết được những mặt trái khi sử dụng công nghệ.

Nhà sáng chế – Nêu được vai trò của sáng chế trong đời sống và sự phát triển của công nghệ.

 – Tóm tắt được thông tin về một số nhà sáng chế nổi bật trong lịch sử loài người.

 – Nêu được lịch sử sáng chế ra sản phẩm công nghệ tiêu biểu.

 – Nêu được một số đức tính cần có để trở thành nhà sáng chế.

Tìm hiểu thiết kế – Nhận thức được muốn tạo ra sản phẩm công nghệ cần phải thiết kế; thiết kế là một quá trình sáng tạo.

 – Kể được tên các công việc chính khi thiết kế.

 – Vẽ phác thảo, nêu được ý tưởng thiết kế một sản phẩm công nghệ đơn giản.

 – Thiết kế được một sản phẩm thủ công kĩ thuật đơn giản theo hướng dẫn.

Sử dụng điện thoại – Trình bày được tác dụng của điện thoại; nhận biết được các bộ phận cơ bản của điện thoại; nhận biết được các biểu tượng thể hiện trạng thái và chức năng hoạt động của điện thoại.

 – Ghi nhớ, thực hiện được cuộc gọi tới các số điện thoại của người thân và các số điện thoại khẩn cấp khi cần thiết.

 – Sử dụng điện thoại an toàn, tiết kiệm, hiệu quả và phù hợp với quy tắc giao tiếp.

Sử dụng tủ lạnh – Trình bày được tác dụng của tủ lạnh trong gia đình.

 – Nhận biết được vị trí, vai trò các khoang khác nhau trong tủ lạnh.

 – Thực hiện được việc sắp xếp, bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh đúng cách, an toàn.

 – Nhận ra được một số biểu hiện bất thường của tủ lạnh trong quá trình sử dụng.

THỦ CÔNG KĨ THUẬT
Lắp ráp mô hình xe điện chạy bằng pin – Kể tên, nhận biết được các chi tiết của bộ lắp ghép mô hình xe điện chạy bằng pin.

 – Lắp ráp, vận hành được được mô hình xe điện chạy bằng pin.

Lắp ráp mô hình máy phát điện gió – Mô tả được cách tạo ra điện từ gió.

 – Nhận biết và mô tả được các bộ phận chính của mô hình máy phát điện gió.

 – Lắp ráp được mô hình máy phát điện gió.

 – Kiểm tra được hoạt động của mô hình với các tốc độ gió khác nhau.

Lắp ráp mô hình điện mặt trời – Mô tả được cách tạo ra điện từ ánh sáng mặt trời.

 – Nhận biết và mô tả được các bộ phận chính của mô hình điện dùng năng lượng mặt trời.

 – Lắp ráp được mô hình điện mặt trời.

 – Kiểm tra được hoạt động của mô hình với những độ sáng mặt trời khác nhau.

  

 CẤP TRUNG HỌC CƠ SỞ

 LỚP 6

 CÔNG NGHỆ TRONG GIA ĐÌNH

Nội dung Yêu cầu cần đạt
Nhà ở – Nêu được vai trò và đặc điểm chung của nhà ở; một số kiến trúc nhà ở đặc trưng ở Việt Nam.

 – Kể được tên một số vật liệu, mô tả các bước chính để xây dựng một ngôi nhà.

 – Mô tả, nhận diện được những đặc điểm của ngôi nhà thông minh.

 – Thực hiện được một số biện pháp sử dụng năng lượng trong gia đình tiết kiệm, hiệu quả.

Bảo quản và chế biến thực phẩm – Nhận biết được một số nhóm thực phẩm chính, dinh dưỡng từng loại, ý nghĩa đối với sức khoẻ con người.

 – Nêu được vai trò, ý nghĩa của bảo quản và chế biến thực phẩm.

 – Trình bày được một số phương pháp bảo quản, chế biến thực phẩm phổ biến.

 – Lựa chọn và chế biến được món ăn đơn giản theo phương pháp không sử dụng nhiệt.

 – Hình thành thói quen ăn, uống khoa học; chế biến thực phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh.

 – Tính toán sơ bộ được dinh dưỡng, chi phí tài chính cho một bữa ăn gia đình.

Trang phục và thời trang – Nhận biết được vai trò, sự đa dạng của trang phục trong cuộc sống; các loại vải thông dụng được dùng để may trang phục.

 – Trình bày được những kiến thức cơ bản về thời trang, nhận ra và bước đầu hình thành xu hướng thời trang của bản thân.

 – Lựa chọn được trang phục phù hợp với đặc điểm và sở thích của bản thân, tính chất công việc và điều kiện tài chính của gia đình.

 – Sử dụng và bảo quản được một số loại hình trang phục thông dụng.

Đồ dùng điện trong gia đình – Nhận biết và nêu được chức năng của các bộ phận chính, vẽ được sơ đồ khối, mô tả được nguyên lí làm việc và công dụng của một số đồ dùng điện trong gia đình (Ví dụ: nồi cơm điện, bếp điện, đèn điện, quạt điện, máy điều hoà,…).

 – Sử dụng được một số đồ dùng điện trong gia đình đúng cách, tiết kiệm và an toàn.

 – Lựa chọn được đồ dùng điện tiết kiệm năng lượng, phù hợp với điều kiện gia đình.

 LỚP 7

 NÔNG – LÂM NGHIỆP VÀ THUỶ SẢN

Nội dung Yêu cầu cần đạt
TRỒNG TRỌT
Mở đầu về trồng trọt – Trình bày được vai trò, triển vọng của trồng trọt, kể tên được các nhóm cây trồng phổ biến ở Việt Nam.

 – Nêu được một số phương thức trồng trọt phổ biến ở Việt Nam.

 – Nhận biết được những đặc điểm cơ bản của trồng trọt công nghệ cao.

 – Trình bày được đặc điểm cơ bản của một số ngành nghề phổ biến trong trồng trọt.

 – Nhận thức được sở thích, sự phù hợp của bản thân với các ngành nghề trong trồng trọt.

Quy trình trồng trọt – Nêu được các bước trong quy trình trồng trọt.

 – Trình bày được mục đích, yêu cầu kĩ thuật của các bước trong quy trình trồng trọt.

 – Thực hiện được việc nhân giống cây trồng bằng phương pháp giâm cành.

 – Lập được kế hoạch, tính toán được chi phí cho việc trồng và chăm sóc một loại cây trồng phổ biến trong gia đình.

 – Thực hiện được một số công việc trong quy trình trồng và chăm sóc một loại cây trồng phổ biến.

 – Tích cực vận dụng kiến thức vào thực tiễn, có ý thức về an toàn lao động và bảo vệ môi trường trong trồng trọt.

Trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng – Trình bày được vai trò của rừng, phân biệt được các loại rừng phổ biến ở nước ta.

 – Tóm tắt được quy trình trồng, chăm sóc cây rừng và các biện pháp bảo vệ rừng.

 – Có ý thức trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng và môi trường sinh thái.

CHĂN NUÔI
Mở đầu về chăn nuôi – Trình bày được vai trò, triển vọng của chăn nuôi, nhận biết được một số vật nuôi được nuôi nhiều, các loại vật nuôi đặc trưng vùng miền ở nước ta.

 – Nêu được một số phương thức chăn nuôi phổ biến ở Việt Nam.

 – Trình bày được đặc điểm cơ bản của một số ngành nghề phổ biến trong chăn nuôi.

 – Nhận thức được sở thích, sự phù hợp của bản thân với các ngành nghề trong chăn nuôi.

Nuôi dưỡng, chăm sóc và phòng, trị bệnh cho vật nuôi – Trình bày được vai trò của việc nuôi dưỡng, chăm sóc và phòng, trị bệnh cho vật nuôi.

 – Nêu được các công việc cơ bản trong nuôi dưỡng, chăm sóc vật nuôi non, vật nuôi đực giống, vật nuôi cái sinh sản.

 – Trình bày được kĩ thuật nuôi, chăm sóc và phòng, trị bệnh cho một loại vật nuôi phổ biến.

 – Lập được kế hoạch, tính toán được chi phí cho việc nuôi dưỡng và chăm sóc một loại vật nuôi trong gia đình.

 – Có ý thức vận dụng kiến thức vào thực tiễn và bảo vệ môi trường trong chăn nuôi.

Nuôi thuỷ sản – Trình bày được vai trò của thuỷ sản; nhận biết được một số thuỷ sản có giá trị kinh tế cao ở nước ta.

 – Nêu được quy trình kĩ thuật nuôi, chăm sóc, phòng, trị bệnh, thu hoạch một loại thuỷ sản phổ biến.

 – Lập được kế hoạch, tính toán được chi phí cho việc nuôi và chăm sóc một loại thuỷ sản phù hợp.

 – Đo được nhiệt độ, độ trong của nước nuôi thuỷ sản bằng phương pháp đơn giản.

 – Có ý thức bảo vệ môi trường nuôi thuỷ sản và nguồn lợi thuỷ sản.

 LỚP 8

 CÔNG NGHIỆP VÀ THIẾT KẾ KĨ THUẬT

Nội dung Yêu cầu cần đạt
Vẽ kĩ thuật – Mô tả được tiêu chuẩn về khổ giấy, tỉ lệ, đường nét và ghi kích thước.

 – Vẽ được hình chiếu vuông góc của một số khối đa diện, khối tròn xoay thường gặp theo phương pháp chiếu góc thứ nhất.

 – Vẽ và ghi được kích thước các hình chiếu vuông góc của vật thể đơn giản.

 – Đọc được bản vẽ chi tiết, bản vẽ lắp đơn giản.

 – Đọc được bản vẽ nhà đơn giản.

Cơ khí – Nhận biết được một số vật liệu thông dụng.

 – Trình bày được nội dung cơ bản của truyền và biến đổi chuyển động; cấu tạo, nguyên lí làm việc của một số cơ cấu truyền và biến đổi chuyển động.

 – Trình bày được một số phương pháp và quy trình gia công cơ khí bằng tay.

 – Tháo lắp và tính toán được tỉ số truyền của một số bộ truyền và biến đổi chuyển động.

 – Thực hiện được một số phương pháp gia công vật liệu bằng dụng cụ cầm tay.

 – Trình bày được đặc điểm cơ bản, nhận biết được sự phù hợp của bản thân đối với một số ngành nghề phổ biến trong lĩnh vực cơ khí.

An toàn điện – Nhận biết được một số nguyên nhân gây tai nạn điện.

 – Trình bày được một số biện pháp an toàn điện.

 – Sử dụng được một số dụng cụ bảo vệ an toàn điện.

 – Thực hiện được một số động tác cơ bản sơ cứu người bị tai nạn điện.

Kĩ thuật điện – Trình bày được cấu trúc chung của mạch điện, thành phần và chức năng của các bộ phận chính trên mạch điện (Ví dụ: các bộ phận: nguồn, tải, truyền dẫn, đóng cắt, điều khiển và bảo vệ mạch điện).

 – Vẽ và mô tả được sơ đồ khối của mạch điện điều khiển đơn giản; phân loại và nêu được vai trò của một số mô đun cảm biến trong mạch điện điều khiển đơn giản.

 – Lắp ráp được các mạch điện điều khiển đơn giản có sử dụng một mô đun cảm biến: mô đun cảm biến ánh sáng, mô đun cảm biến nhiệt độ và mô đun cảm biến độ ẩm.

 – Trình bày được đặc điểm cơ bản, nhận biết được sự phù hợp của bản thân đối với một số ngành nghề phổ biến trong lĩnh vực kĩ thuật điện.

Thiết kế kĩ thuật – Trình bày được mục đích và vai trò của thiết kế kĩ thuật.

 – Kể tên được một số ngành nghề chính liên quan tới thiết kế.

 – Mô tả được các bước cơ bản trong thiết kế kĩ thuật.

 – Thiết kế được một sản phẩm đơn giản theo gợi ý, hướng dẫn.

 LỚP 9

 CÔNG NGHỆ VÀ HƯỚNG NGHIỆP

Nội dung Yêu cầu cần đạt
ĐỊNH HƯỚNG NGHỀ NGHIỆP
Nghề nghiệp trong lĩnh vực kĩ thuật, công nghệ – Trình bày được khái niệm nghề nghiệp, tầm quan trọng của nghề nghiệp đối với con người và xã hội, ý nghĩa của việc lựa chọn đúng đắn nghề nghiệp của mỗi người.

 – Kể tên và phân tích được đặc điểm, những yêu cầu chung của các ngành nghề trong lĩnh vực kĩ thuật, công nghệ.

Giáo dục kĩ thuật, công nghệ trong hệ thống giáo dục quốc dân – Mô tả được cơ cấu hệ thống giáo dục tại Việt Nam.

 – Nhận ra và giải thích được các thời điểm có sự phân luồng và cơ hội lựa chọn nghề nghiệp kĩ thuật, công nghệ trong hệ thống giáo dục.

 – Hiểu được sau khi kết thúc trung học cơ sở có những hướng đi nào liên quan tới nghề nghiệp trong lĩnh vực kĩ thuật, công nghệ.

Thị trường lao động kĩ thuật, công nghệ tại Việt Nam – Trình bày được khái niệm về thị trường lao động, các yếu tố ảnh hưởng tới thị trường lao động, vai trò của thị trường lao động trong việc định hướng nghề nghiệp thuộc lĩnh vực kĩ thuật, công nghệ.

 – Mô tả được những vấn đề cơ bản của thị trường lao động tại Việt Nam hiện nay.

 – Tìm kiếm được các thông tin về thị trường lao động trong lĩnh vực kĩ thuật và công nghệ.

Lựa chọn nghề nghiệp trong lĩnh vực kĩ thuật, công nghệ – Tóm tắt được một số lí thuyết cơ bản về lựa chọn nghề nghiệp.

 – Giải thích được các bước trong quy trình lựa chọn nghề nghiệp.

 – Tự đánh giá được năng lực, sở thích, cá tính của bản thân, bối cảnh của gia đình về mức độ phù hợp với một số ngành nghề thuộc lĩnh vực kĩ thuật, công nghệ.

 – Nhận ra và giải thích được các yếu tố ảnh hưởng tới quyết định lựa chọn nghề nghiệp của bản thân trong lĩnh vực kĩ thuật, công nghệ.

TRẢI NGHIỆM NGHỀ NGHIỆP
Mô đun tự chọn

 (Học sinh lựa chọn học 1 trong 15 mô đun thuộc ba lĩnh vực công nghiệp; nông – lâm nghiệp và thủy sản; dịch vụ)

Các mô đun công nghiệp
Lắp đặt mạng điện trong nhà – Mô tả được chức năng, cấu tạo và thông số kĩ thuật của thiết bị đóng cắt, lấy điện trong gia đình.

 – Sử dụng được một số dụng cụ đo điện cơ bản.

 – Thiết kế được sơ đồ nguyên lí và sơ đồ lắp đặt mạng điện trong nhà.

 – Lựa chọn được thiết bị, dụng cụ, vật liệu phù hợp cho mạng điện trong nhà.

 – Lắp đặt được mạng điện trong nhà theo thiết kế.

 – Kiểm tra, thử nghiệm mạng điện hoạt động đúng yêu cầu, an toàn.

 – Tính toán được chi phí cho một mạng điện trong nhà đơn giản.

 – Thực hiện an toàn, vệ sinh lao động, nghiêm túc, trách nhiệm trong công việc.

 – Đánh giá được khả năng và sở thích của bản thân đối với một số ngành nghề liên quan.

Lắp đặt mạch điện trang trí, báo hiệu – Mô tả cấu tạo, chức năng và kiểm tra được một số linh kiện thông dụng dùng trong mạch điện trang trí, báo hiệu.

 – Sử dụng được một số dụng cụ đo điện cơ bản.

 – Thiết kế được sơ đồ mạch điện trang trí, báo hiệu đơn giản.

 – Lựa chọn được linh kiện, dụng cụ, vật liệu cần thiết và phù hợp cho mạch điện trang trí, báo hiệu.

 – Lắp đặt được mạch điện theo thiết kế.

 – Kiểm tra, điều chỉnh thông số của mạch đúng yêu cầu, an toàn.

 – Tính toán được chi phí để lắp đặt một mạch điện trang trí, báo hiệu đơn giản.

 – Thực hiện an toàn, vệ sinh lao động, nghiêm túc, trách nhiệm trong công việc.

 – Đánh giá được khả năng và sở thích của bản thân đối với một số ngành nghề liên quan.

Lắp đặt hệ thống điều khiển chiếu sáng cho ngôi nhà thông minh – Mô tả được đặc điểm cơ bản của một ngôi nhà thông minh.

 – Sử dụng được một số dụng cụ đo điện cơ bản.

 – Nhận biết được một số cảm biến ánh sáng, rơ le thời gian thông dụng.

 – Thiết kế được một hệ thống điều khiển chiếu sáng tự động cho ngôi nhà.

 – Lựa chọn được linh kiện, dụng cụ, vật liệu cần thiết và phù hợp cho hệ thống.

 – Lắp đặt, kiểm tra, điều chỉnh thông số của hệ thống đúng yêu cầu, an toàn.

 – Tính toán được chi phí để lắp đặt một hệ thống điều khiển chiếu sáng đơn giản cho ngôi nhà thông minh.

 – Thực hiện an toàn, vệ sinh lao động, nghiêm túc, trách nhiệm trong công việc.

 – Đánh giá được khả năng và sở thích của bản thân đối với một số ngành nghề liên quan.

Lắp đặt mạng điện an ninh, bảo vệ trong ngôi nhà thông minh – Mô tả được đặc điểm cơ bản của một ngôi nhà thông minh.

 – Sử dụng được một số dụng cụ đo điện cơ bản.

 – Trình bày được khái niệm cảm biến, nguyên tắc hoạt động của một số loại cảm biến cơ bản: khí gas, khói, hồng ngoại, siêu âm.

 – Thiết kế được mạch điện báo rò khí gas, báo cháy, báo trộm.

 – Lựa chọn được linh kiện, dụng cụ, vật liệu cần thiết và phù hợp cho hệ thống.

 – Lắp đặt, kiểm tra, hiệu chỉnh sự hoạt động của mạch điện theo yêu cầu.

 – Tính toán được chi phí để lắp đặt hệ thống đảm bảo an ninh, an toàn cho ngôi nhà thông minh.

 – Thực hiện an toàn, vệ sinh lao động, nghiêm túc, trách nhiệm trong công việc.

 – Đánh giá được khả năng và sở thích của bản thân với một số ngành nghề liên quan.

Lắp đặt mạch điện tiện ích trong gia đình sử dụng kit vi điều khiển ứng dụng – Sử dụng được một số dụng cụ đo điện cơ bản.

 – Trình bày được nguyên tắc hoạt động của một số thiết bị đóng cắt thông dụng: Rơle điện từ, công tắc tơ.

 – Mô tả được ba thành phần cơ bản của một hệ thống điều khiển (Tín hiệu vào – Bộ điều khiển

 – Tín hiệu ra).

 – Nhận biết được một số loại cảm biến thông dụng: cảm biến nhiệt độ, cảm biến độ ẩm, cảm biến ánh sáng, cảm biến siêu âm.

 – Mô tả được các chân chức năng cơ bản trên kit lập trình vi điều khiển.

 – Thiết kế được mạch điện tự động bơm nước, mạch điện tưới nước tự động, mạch điện điều khiển đèn chiếu sáng tự động có sử dụng kit vi điều khiển.

 – Vẽ được lưu đồ thuật toán, viết được chương trình điều khiển sử dụng các câu lệnh thông dụng của ngôn ngữ lập trình Pascal, C.

 – Nạp được chương trình (dạng file hex) vào kit lập trình tương ứng.

 – Lựa chọn được linh kiện, dụng cụ, vật liệu cần thiết và phù hợp cho hệ thống.

 – Lắp đặt, kiểm tra, hiệu chỉnh sự hoạt động của mạch điện theo yêu cầu.

 – Thực hiện an toàn, vệ sinh lao động, nghiêm túc, trách nhiệm trong công việc.

 – Đánh giá được khả năng và sở thích của bản thân với một số ngành nghề liên quan.

Gia công gỗ – Nhận biết được một số loại gỗ thông dụng.

 – Lựa chọn và sử dụng được dụng cụ thông thường để gia công gỗ.

 – Đọc được bản vẽ lắp và chi tiết một số sản phẩm gỗ đơn giản.

 – Gia công, lắp ráp và hoàn thiện được một số sản phẩm gỗ đơn giản.

 – Thực hiện an toàn, vệ sinh lao động.

 – Đánh giá được khả năng và sở thích của bản thân với một số ngành nghề liên quan.

Các mô đun nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản
Trồng cây ăn quả – Trình bày được vai trò của cây ăn quả.

 – Phân tích được đặc điểm thực vật học, yêu cầu ngoại cảnh của một số loại cây ăn quả phổ biến ở địa phương.

 – Nêu được quy trình trồng, chăm sóc và kĩ thuật tỉa cành tạo tán, điều khiển ra hoa, đậu quả của một số loại cây ăn quả phổ biến.

 – Thực hiện được kĩ thuật nhân giống vô tính một số loại cây ăn quả phổ biến.

 – Trồng và chăm sóc một loại cây ăn quả.

 – Tính toán được chi phí và hiệu quả kinh tế khi trồng cây ăn quả.

 – Có ý thức bảo vệ môi trường và an toàn lao động.

 – Đánh giá được khả năng và sở thích của bản thân với một số ngành nghề liên quan.

Nuôi gà lấy thịt theo tiêu chuẩn VietGAP – Trình bày được ý nghĩa, các tiêu chí của việc chăn nuôi gà lấy thịt theo tiêu chuẩn VietGAP.

 – Giải thích được các điều kiện cần thiết để chăn nuôi gà theo tiêu chuẩn VietGAP.

 – Lựa chọn được mô hình chăn nuôi thích hợp.

 – Thực hiện được công việc nuôi dưỡng, chăm sóc gà và phòng, trị một số loại bệnh thường gặp.

 – Tính toán được chi phí và hiệu quả kinh tế khi nuôi gà lấy thịt theo tiêu chuẩn VietGAP.

 – Có ý thức về an toàn lao động và bảo vệ môi trường.

 – Đánh giá được khả năng và sở thích của bản thân với một số ngành nghề liên quan.

Nuôi cá nước ngọt – Trình bày được vai trò và triển vọng phát triển của nghề nuôi cá ở Việt Nam.

 – Phân tích đặc điểm sinh học và yêu cầu dinh dưỡng, ngoại cảnh của các loại cá nuôi phổ biến ở địa phương.

 – Thực hiện được công việc chuẩn bị ao/lồng nuôi cá.

 – Thực hiện được việc chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho một loại cá nuôi phổ biến.

 – Tính toán được chi phí và hiệu quả kinh tế khi nuôi cá nước ngọt.

 – Có ý thức về an toàn lao động và bảo vệ môi trường.

 – Đánh giá được khả năng và sở thích của bản thân với một số ngành nghề liên quan.

Trồng cây rừng – Trình bày được vai trò, ý nghĩa của rừng và việc trồng rừng; đặc điểm, yêu cầu của công việc trồng cây rừng.

 – Phân tích đặc điểm thực vật và yêu cầu ngoại cảnh của một số cây thường được dùng để trồng rừng.

 – Thực hiện được việc nhân giống vô tính một loại cây rừng.

 – Trồng và chăm sóc một loại cây rừng phổ biến.

 – Có ý thức bảo vệ rừng.

 – Đánh giá được khả năng và sở thích của bản thân đối với một số ngành nghề liên quan.

Nông nghiệp 4.0 – Mô tả được các thành phần cơ bản của mô hình nông nghiệp công nghệ cao trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

 – Trình bày được vai trò của khoa học, kĩ thuật và công nghệ đối với những thành tựu của nền nông nghiệp.

 – Nhận biết được một số loại cảm biến thông dụng: cảm biến nhiệt độ, cảm biến độ ẩm đất, cảm biến ánh sáng, cảm biến PH, thời gian thực.

 – Thiết kế được mạch điện ứng dụng công nghệ tưới tiêu tự động trong trồng trọt.

 – Lắp đặt, kiểm tra, hiệu chỉnh sự hoạt động của mạch điện theo yêu cầu.

 – Thực hiện an toàn, vệ sinh lao động, nghiêm túc, trách nhiệm trong công việc.

 – Đánh giá được xu thế phát triển của nền nông nghiệp công nghệ cao. Có ý thức vươn lên, tinh thần khởi nghiệp.

Các mô đun dịch vụ
Cắt may – Lựa chọn được kiểu dáng trang phục phù hợp với người mặc và xu hướng thời trang.

 – Lập được bản vẽ cắt may một số sản phẩm đơn giản theo mẫu thiết kế, đạt yêu cầu kĩ thuật.

 – May được một số sản phẩm đơn giản theo mẫu thiết kế.

 – Có ý thức thực hiện công việc theo quy trình công nghệ, ý thức thực hiện an toàn lao động.

 – Yêu thích lao động, tỉ mỉ, kiên nhẫn, sáng tạo trong công việc.

 – Đánh giá được khả năng và sở thích của bản thân đối với một số ngành nghề liên quan.

Chế biến thực phẩm – Phân tích được vai trò của các chất dinh dưỡng và các biện pháp bảo quản chất dinh dưỡng có trong thực phẩm.

 – Lựa chọn được các loại thực phẩm thông dụng.

 – Chế biến được một số món ăn đặc trưng cho các phương pháp chế biến, đạt yêu cầu kĩ thuật.

 – Tính toán được chi phí cho một bữa ăn theo thực đơn cho trước .

 – Có ý thức thực hiện an toàn lao động và an toàn vệ sinh thực phẩm.

 – Yêu thích lao động, tỉ mỉ, kiên nhẫn, cẩn thận, sáng tạo trong công việc.

 – Đánh giá được khả năng và sở thích của bản thân đối với một số ngành nghề liên quan.

Làm hoa giấy, hoa vải – Lựa chọn được dụng cụ, vật liệu cần thiết và phù hợp để làm sản phẩm hoa giấy, hoa vải.

 – Làm được một số loại hoa giấy, hoa vải đơn giản.

 – Có ý thức thực hiện công việc theo quy trình công nghệ, có ý thức về an toàn lao động và bảo vệ môi trường.

 – Tính toán được chi phí và hiệu quả kinh tế khi làm hoa giấy, hoa vải.

 – Yêu thích lao động, kiên nhẫn, tỉ mỉ, sáng tạo trong công việc.

 – Đánh giá được khả năng và sở thích của bản thân đối với một số ngành nghề liên quan.

Cắm hoa nghệ thuật – Lựa chọn được dụng cụ, vật liệu cần thiết và phù hợp với bình hoa hoặc bó hoa.

 – Thực hiện được một số bình hoa và bó hoa trang trí đơn giản.

 – Có ý thức thực hiện công việc theo quy trình công nghệ; có ý thức về an toàn lao động và bảo vệ môi trường.

 – Yêu thích công việc, thể hiện óc thẩm mĩ, kiên nhẫn, sáng tạo trong công việc.

 – Đánh giá được khả năng và sở thích của bản thân đối với một số ngành nghề liên quan.

 CẤP TRUNG HỌC PHỔ THÔNG: ĐỊNH HƯỚNG CÔNG NGHIỆP

 LỚP 10

 THIẾT KẾ VÀ CÔNG NGHỆ

 NỘI DUNG CƠ BẢN

Nội dung Yêu cầu cần đạt
Khái quát về công nghệ – Nêu được các khái niệm khoa học, kĩ thuật, công nghệ và mối liên hệ giữa chúng.

 – Mô tả được mối quan hệ giữa công nghệ với tự nhiên, con người và xã hội.

 – Trình bày được khái niệm, cấu trúc của hệ thống kĩ thuật.

 – Kể tên và tóm tắt được nội dung cơ bản của một số công nghệ phổ biến.

 – Trình bày được yêu cầu và triển vọng, những thông tin chính về thị trường lao động của một số ngành nghề trong lĩnh vực kĩ thuật, công nghệ; đánh giá được sự phù hợp của bản thân đối với những ngành nghề đó.

Đổi mới công nghệ – Tóm tắt được nội dung cơ bản, vai trò, đặc điểm của các cuộc cách mạng công nghiệp.

 – Trình bày được bản chất và hướng ứng dụng của một số công nghệ mới.

 – Giải thích được các tiêu chí cơ bản trong đánh giá công nghệ.

 – Đánh giá được một số sản phẩm công nghệ phổ biến.

Vẽ kĩ thuật – Trình bày được khái niệm, vai trò của bản vẽ kĩ thuật, mô tả các tiêu chuẩn trình bày bản vẽ kĩ thuật.

 – Vẽ được hình chiếu vuông góc; hình cắt, mặt cắt; hình chiếu trục đo; hình chiếu phối cảnh; hình biểu diễn quy ước ren của vật thể đơn giản.

 – Vẽ được một số hình biểu diễn của vật thể đơn giản với sự hỗ trợ của máy tính.

 – Lập và đọc được bản vẽ chi tiết đơn giản, đọc được bản vẽ lắp của vật thể đơn giản.

 – Lập và đọc được bản vẽ xây dựng đơn giản.

Thiết kế kĩ thuật – Trình bày được vai trò, ý nghĩa của hoạt động thiết kế kĩ thuật.

 – Nêu được các nguyên tắc thiết kế kĩ thuật.

 – Giải thích được quy trình thiết kế kĩ thuật; trình bày được các công việc cụ thể, phương pháp thực hiện, phương tiện hỗ trợ trong từng bước của quá trình thiết kế.

 – Phân tích được các yếu tố ảnh hưởng trong quá trình thiết kế kĩ thuật.

 – Mô tả được đặc điểm, tính chất của một số nghề nghiệp liên quan tới thiết kế.

 – Thiết kế được sản phẩm đơn giản.

 CHUYÊN ĐỀ HỌC TẬP

Tên chuyên đề Yêu cầu cần đạt
Vẽ và thiết kế với sự hỗ trợ của máy tính – Trình bày được vai trò của công nghệ thông tin trong các hoạt động tạo lập bản vẽ và thiết kế kĩ thuật.

 – Sử dụng được phần mềm CAD để lập bản vẽ kĩ thuật của vật thể đơn giản.

Thiết kế mạch điều khiển cho ngôi nhà thông minh – Trình bày được sơ đồ khối và nguyên tắc hoạt động của một hệ thống điều khiển cho ngôi nhà thông minh.

 – Kể tên, mô tả được cấu tạo, nguyên tắc hoạt động của một số cảm biến thông dụng.

 – Thiết kế được một hệ thống điều khiển đơn giản cho ngôi nhà thông minh.

Nghề nghiệp STEM – Tóm tắt một được một số vấn đề cơ bản về STEM, nghề nghiệp STEM.

 – Tìm hiểu được các thông tin về nhu cầu nghề nghiệp STEM trong tương lai gần tại Việt Nam.

 – Lập và thực hiện được kế hoạch để thích ứng với nghề nghiệp STEM.

 LỚP 11

 CÔNG NGHỆ CƠ KHÍ

 NỘI DUNG CƠ BẢN

Nội dung Yêu cầu cần đạt
CƠ KHÍ CHẾ TẠO
Giới thiệu chung về cơ khí chế tạo – Trình bày được khái niệm, vai trò và đặc điểm của cơ khí chế tạo.

 – Mô tả được các bước cơ bản trong quy trình chế tạo cơ khí.

 – Nhận biết được một số ngành nghề phổ biến thuộc lĩnh vực cơ khí chế tạo.

Vật liệu cơ khí – Trình bày được khái niệm cơ bản và phân loại của vật liệu cơ khí.

 – Mô tả được công dụng, tính chất của một số vật liệu cơ khí thông dụng, vật liệu mới.

 – Nhận biết được tính chất cơ bản của một số vật liệu phổ biến bằng phương pháp đơn giản.

Các phương pháp gia công cơ khí – Trình bày được khái niệm, phân loại phương pháp gia công cơ khí.

 – Tóm tắt được những nội dung cơ bản của một số phương pháp gia công cơ khí.

 – Lập được quy trình công nghệ gia công một chi tiết đơn giản.

 – Gia công được một chi tiết cơ khí đơn giản sử dụng phương pháp gia công cắt gọt.

Sản xuất cơ khí – Phân tích được các bước của quá trình sản xuất cơ khí.

 – Mô tả được dây truyền sản xuất tự động hoá có sử dụng robot công nghiệp.

 – Nhận biết được tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong tự động hoá quá trình sản xuất.

 – Nhận thức được tầm quan trọng của an toàn lao động và bảo vệ môi trường trong sản xuất cơ khí.

CƠ KHÍ ĐỘNG LỰC
Giới thiệu chung về cơ khí động lực – Trình bày được cấu tạo, vai trò của từng bộ phận trong hệ thống cơ khí động lực.

 – Kể tên được một số máy móc thường gặp thuộc lĩnh vực cơ khí động lực.

 – Nhận biết được một số ngành nghề phổ biến liên quan đến cơ khí động lực.

Động cơ đốt trong – Trình bày được khái niệm, phân loại động cơ đốt trong.

 – Mô tả được cấu tạo, giải thích được nguyên lí làm việc của động cơ đốt trong.

 – Giải thích được ý nghĩa một số thông số kĩ thuật cơ bản của động cơ đốt trong.

Ô tô – Trình bày được vai trò của ô tô trong đời sống và sản xuất.

 – Mô tả được cấu tạo chung của ô tô dưới dạng sơ đồ khối.

 – Trình bày được cấu tạo và nguyên lí làm việc của các bộ phận chính trên ô tô.

 – Nhận biết được những nội dung cơ bản về sử dụng, bảo dưỡng ô tô và an toàn khi tham gia giao thông.

 CHUYÊN ĐỀ HỌC TẬP

Tên chuyên đề Yêu cầu cần đạt
Dự án nghiên cứu lĩnh vực kĩ thuật cơ khí – Mô tả được đặc điểm của một dự án nghiên cứu thuộc lĩnh vực kĩ thuật cơ khí.

 – Liệt kê được một số nội dung kĩ thuật có liên quan trong thực hiện dự án nghiên cứu thuộc lĩnh vực kĩ thuật cơ khí.

 – Hình thành được ý tưởng, lập kế hoạch và triển khai nghiên cứu một dự án thuộc lĩnh vực kĩ thuật cơ khí.

 – Báo cáo được kết quả triển khai dự án nghiên cứu.

Công nghệ CAD/CAM-CNC – Trình bày được vai trò và chức năng của CAD/CAM-CNC trong sản xuất cơ khí.

 – Nêu đặc điểm, mô tả cấu trúc chung, nhận biết được các bộ phận của máy CNC.

 – Tóm tắt được quy trình gia công với máy CNC tại một cơ sở sản xuất, giáo dục tại địa phương.

Công nghệ in 3D – Trình bày được đặc điểm, ứng dụng của công nghệ in 3D và cấu trúc chung, nguyên lí làm việc của máy in 3D.

 – Mô tả được một số công nghệ in 3D.

 – Phân tích được triển vọng và xu hướng phát triển công nghệ in 3D.

 – Lập trình, kết nối và in được vật thể đơn giản bằng máy in 3D.

 LỚP 12

 CÔNG NGHỆ ĐIỆN – ĐIỆN TỬ

 NỘI DUNG CƠ BẢN

Nội dung Yêu cầu cần đạt
CÔNG NGHỆ ĐIỆN
Giới thiệu chung về kĩ thuật điện – Trình bày được khái niệm kĩ thuật điện.

 – Tóm tắt được vị trí, vai trò và triển vọng phát triển của kĩ thuật điện trong sản xuất và đời sống.

 – Nhận biết được một số ngành nghề thuộc lĩnh vực kĩ thuật điện.

Hệ thống điện quốc gia – Trình bày được khái niệm và nguyên lí tạo ra dòng điện xoay chiều ba pha; mô tả được cách nối nguồn, tải ba pha và xác định các thông số hiệu dụng của mạch điện ba pha đối xứng.

 – Vẽ và mô tả được cấu trúc chung và vai trò của từng thành phần trong hệ thống điện quốc gia.

 – Trình bày được nội dung cơ bản về một số phương pháp sản xuất điện năng chủ yếu (thuỷ điện, nhiệt điện, điện hạt nhân, điện gió, điện mặt trời), ưu điểm và hạn chế của mỗi phương pháp.

 – Mô tả được cấu trúc chung, các thiết bị và vai trò của chúng trong mạng điện sản xuất quy mô nhỏ.

 – Vẽ và trình bày được sơ đồ, các thông số kĩ thuật của mạng điện hạ áp dùng trong sinh hoạt.

Hệ thống điện trong gia đình – Vẽ và mô tả được cấu trúc chung của hệ thống điện trong gia đình.

 – Trình bày được chức năng và thông số kĩ thuật của một số thiết bị điện phổ biến được sử dụng trong hệ thống điện trong gia đình.

 – Thiết kế và lắp đặt được một mạch điều khiển điện đơn giản trong gia đình.

 – Vẽ được sơ đồ nguyên lí và sơ đồ lắp đặt của hệ thống điện trong gia đình; xác định thông số kĩ thuật cho thiết bị đóng cắt, bảo vệ, truyền dẫn điện trong hệ thống điện.

An toàn và tiết kiệm điện năng – Trình bày được khái niệm an toàn điện và tiết kiệm điện năng.

 – Tóm tắt được các biện pháp an toàn và tiết kiệm điện năng.

 – Thực hiện được một số biện pháp an toàn và tiết kiệm điện năng trong cuộc sống.

CÔNG NGHỆ ĐIỆN TỬ
Giới thiệu chung về kĩ thuật điện tử – Trình bày được khái niệm kĩ thuật điện tử.

 – Tóm tắt được vị trí, vai trò và triển vọng phát triển của kĩ thuật điện tử trong sản xuất và đời sống.

 – Nhận biết được một số ngành nghề thuộc lĩnh vực kĩ thuật điện tử.

 – Kể tên và mô tả được một số dịch vụ phổ biến trong xã hội có ứng dụng kĩ thuật điện tử.

Linh kiện điện tử – Vẽ được kí hiệu, trình bày được công dụng và thông số kĩ thuật của một số linh kiện điện tử.

 – Nhận biết, đọc số liệu kĩ thuật, lựa chọn, kiểm tra được một số linh kiện điện tử phổ biến.

 – Lắp ráp, kiểm tra được một mạch điện tử đơn giản (Ví dụ: mạch điện tử ứng dụng, sử dụng ít nhất năm linh kiện).

Điện tử tương tự – Trình bày được nội dung cơ bản về tín hiệu, một số mạch xử lí tín hiệu (mạch khuếch đại, mạch điều chế, mạch giải điều chế) của điện tử tương tự.

 – Trình bày được kí hiệu, nguyên lí làm việc và ứng dụng cơ bản của mạch khuếch đại thuật toán.

 – Lắp ráp và kiểm tra được một mạch điện tử ứng dụng khuếch đại thuật toán.

Điện tử số – Trình bày được nội dung cơ bản về tín hiệu, một số mạch xử lí tín hiệu (thuộc mạch tổ hợp và mạch dãy) trong điện tử số.

 – Vẽ kí hiệu, trình bày được công dụng và nhận biết được một số cổng logic cơ bản.

 – Lắp ráp, kiểm tra được mạch điện tử số đơn giản dùng các cổng logic cơ bản.

Vi điều khiển – Trình bày được khái niệm, phân loại và ứng dụng của vi điều khiển.

 – Vẽ và giải thích được sơ đồ chức năng của vi điều khiển.

 – Mô tả được cấu trúc, ứng dụng và công cụ lập trình của một bo mạch lập trình vi điều khiển.

 – Thiết kế, lắp ráp, kiểm tra được mạch điện tử ứng dụng dùng bo mạch lập trình vi điều khiển.

 CHUYÊN ĐỀ HỌC TẬP

Chuyên đề Yêu cầu cần đạt
Thiết kế hệ thống cảnh báo trong gia đình – Nhận biết được nhu cầu và các tình huống cần cảnh báo tự động trong gia đình.

 – Trình bày được cấu trúc, nguyên lí hoạt động của hệ thống cảnh báo sử dụng vi điều khiển.

 – Thiết kế, chế tạo được một hệ thống cảnh báo trong gia đình.

Dự án nghiên cứu lĩnh vực hệ thống nhúng – Mô tả được đặc điểm của một dự án nghiên cứu thuộc lĩnh vực hệ thống nhúng.

 – Liệt kê được các nội dung liên quan trong một dự án cụ thể thuộc lĩnh vực hệ thống nhúng.

 – Hình thành được ý tưởng, lập kế hoạch và triển khai nghiên cứu một dự án thuộc lĩnh vực hệ thống nhúng.

 – Báo cáo được kết quả triển khai dự án nghiên cứu.

Dự án nghiên cứu lĩnh vực robot và máy thông minh – Mô tả được đặc điểm của một dự án nghiên cứu thuộc lĩnh vực robot và máy thông minh.

 – Liệt kê được các nội dung liên quan trong một dự án cụ thể thuộc lĩnh vực robot và máy thông minh.

 – Hình thành được ý tưởng, lập kế hoạch và triển khai nghiên cứu một dự án thuộc lĩnh vực robot và máy thông minh.

 – Báo cáo được kết quả triển khai dự án nghiên cứu.

 CẤP TRUNG HỌC PHỔ THÔNG: ĐỊNH HƯỚNG NÔNG NGHIỆP

 LỚP 10

 CÔNG NGHỆ TRỒNG TRỌT

 NỘI DUNG CƠ BẢN

Nội dung Yêu cầu cần đạt
Giới thiệu chung về trồng trọt – Trình bày được vai trò và triển vọng của trồng trọt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

 – Phân loại được các nhóm cây trồng theo nguồn gốc, đặc tính sinh vật học và mục đích sử dụng.

 – Phân tích được mối quan hệ giữa cây trồng với các yếu tố chính trong trồng trọt.

 – Nêu được một số thành tựu nổi bật của việc ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt.

 – Trình bày được những yêu cầu cơ bản với người lao động của một số ngành nghề phổ biến trong trồng trọt.

Đất trồng – Trình bày được khái niệm, thành phần, tính chất của đất trồng.

 – Giải thích được cơ sở khoa học của các biện pháp sử dụng, cải tạo, bảo vệ đất trồng.

 – Nêu được một số ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất đất/giá thể trồng cây (Ví dụ: Sản xuất đất/giá thể trồng cây từ xơ dừa, từ trấu, từ đất sét,…).

 – Xác định được độ mặn, độ chua của đất.

 – Vận dụng được kiến thức về sử dụng, cải tạo đất trồng vào thực tiễn.

Phân bón – Trình bày được khái niệm về phân bón, vai trò của phân bón trong trồng trọt; đặc điểm của một số loại phân bón phổ biến.

 – So sánh được các biện pháp sử dụng và bảo quản phân bón phổ biến.

 – Trình bày được một số ứng dụng của công nghệ hiện đại trong sản xuất phân bón (Ví dụ: công nghệ vi sinh, công nghệ nano).

 – Nhận biết được một số loại phân bón thông thường.

 – Vận dụng được kiến thức về sử dụng và bảo quản phân bón vào thực tiễn.

Công nghệ giống cây trồng – Trình bày được khái niệm, vai trò của giống cây trồng.

 – Mô tả được các phương pháp chọn, tạo và nhân giống cây trồng phổ biến.

 – Trình bày được ứng dụng của công nghệ sinh học trong chọn, tạo và nhân giống cây trồng

 (Ví dụ: tạo cây trồng biến đổi gen, nhân giống bằng nuôi cấy mô tế bào).

 – Thực hiện được việc nhân giống cây trồng bằng phương pháp nhân giống vô tính.

Phòng, trừ sâu, bệnh hại cây trồng – Trình bày được tác hại của sâu, bệnh và ý nghĩa của việc phòng, trừ sâu, bệnh hại cây trồng.

 – Mô tả được đặc điểm nhận biết, nêu được nguyên nhân và biện pháp phòng, trừ một số loại sâu, bệnh hại cây trồng thường gặp.

 – Nêu được ứng dụng công nghệ vi sinh trong phòng, trừ sâu, bệnh hại cây trồng.

 – Lựa chọn được các biện pháp an toàn cho con người và môi trường trong phòng, trừ sâu, bệnh hại cây trồng.

 – Nhận biết được một số loại sâu, bệnh hại cây trồng thường gặp.

Kĩ thuật trồng trọt – Mô tả được các bước trong quy trình trồng trọt.

 – Nêu được một số ứng dụng nổi bật của cơ giới hoá trồng trọt.

 – Nêu được một số ứng dụng công nghệ cao trong thu hoạch, bảo quản và chế biến sản phẩm trồng trọt.

 – Lập được kế hoạch, tính toán được chi phí cho việc trồng và chăm sóc một loại cây trồng.

 – Chế biến được một số sản phẩm trồng trọt bằng phương pháp đơn giản.

 – Tham gia trồng và chăm sóc một số loại cây trồng phổ biến ở địa phương.

Trồng trọt công nghệ cao – Trình bày được những vấn đề cơ bản của trồng trọt công nghệ cao.

 – Mô tả được một số mô hình trồng trọt công nghệ cao. Giải thích được cơ sở khoa học của các hệ thống trồng cây không dùng đất (Ví dụ: trồng cây trong nhà có mái che, công nghệ tưới nhỏ giọt, hệ thống trồng cây thông minh; hệ thống trồng cây thuỷ canh, khí canh).

 – Thực hiện được việc trồng cây bằng phương pháp không dùng đất.

Bảo vệ môi trường trong trồng trọt – Trình bày được sự cần thiết phải bảo vệ môi trường trong trồng trọt.

 – Nêu được ứng dụng của công nghệ vi sinh trong bảo vệ môi trường và xử lí chất thải trồng trọt.

 – Thực hiện được một số công việc đơn giản trong quy trình xử lí chất thải trồng trọt.

 CHUYÊN ĐỀ HỌC TẬP

Tên chuyên đề Yêu cầu cần đạt
Công nghệ sinh học trong trồng trọt – Trình bày được khái niệm, vai trò và một số thành tựu của công nghệ sinh học trong trồng trọt.

 – Phân tích được một số hướng ứng dụng phổ biến của công nghệ sinh học trong trồng trọt ở Việt Nam và trên thế giới.

 – Đánh giá được triển vọng của công nghệ sinh học trong trồng trọt.

 – Có ý thức về an toàn lao động và đạo đức nghề nghiệp.

Trồng và chăm sóc hoa, cây cảnh – Trình bày được vai trò của hoa, cây cảnh đối với đời sống con người.

 – Nêu được đặc điểm thực vật học và yêu cầu ngoại cảnh của một số loại hoa, cây cảnh phổ biến.

 – Lựa chọn được quy trình nhân giống phù hợp cho một số loại hoa, cây cảnh phổ biến.

 – Mô tả được quy trình trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch, bảo quản một số loại hoa, cây cảnh phổ biến.

 – Trồng và chăm sóc được một loại hoa, cây cảnh.

 – Yêu thích công việc trồng và chăm sóc hoa, cây cảnh, có ý thức về an toàn lao động và bảo vệ môi trường.

Trồng trọt theo tiêu chuẩn VietGAP – Trình bày được khái niệm, ý nghĩa, các tiêu chí của trồng trọt theo tiêu chuẩn VietGAP.

 – Tóm tắt được các yêu cầu về: chọn đất trồng, nguồn nước tưới, giống, phân bón, phòng, trừ sâu bệnh, thu hoạch, sơ chế và kiểm tra, vận chuyển, bảo quản và sử dụng sản phẩm trong trồng trọt theo tiêu chuẩn VietGAP.

 – Mô tả được các bước trong quy trình trồng trọt theo tiêu chuẩn VietGAP.

 – Lựa chọn được mô hình trồng trọt thích hợp cho một số loại cây trồng phổ biến.

 – Thực hiện được một số công việc trong quy trình trồng trọt theo tiêu chuẩn VietGAP.

 – Có ý thức về an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường trong trồng trọt.

 LỚP 11

 CÔNG NGHỆ CHĂN NUÔI

 NỘI DUNG CƠ BẢN

Nội dung Yêu cầu cần đạt
Giới thiệu chung về chăn nuôi – Trình bày được vai trò và triển vọng của chăn nuôi trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

 – Phân loại được vật nuôi theo nguồn gốc, đặc tính sinh vật học và mục đích sử dụng.

 – Nêu được một số thành tựu nổi bật của việc ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi.

 – Nêu được các phương thức chăn nuôi chủ yếu ở nước ta; xu hướng phát triển của chăn nuôi ở Việt Nam và trên thế giới (Ví dụ: Các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm sạch, mô hình chăn nuôi bền vững, phát triển chăn nuôi theo chuỗi khép kín).

 – Nêu được đặc điểm cơ bản của chăn nuôi bền vững, chăn nuôi thông minh.

 – Trình bày được những yêu cầu cơ bản với người lao động của một số ngành nghề phổ biến trong chăn nuôi.

Công nghệ giống vật nuôi – Trình bày được khái niệm và vai trò của giống trong chăn nuôi.

 – Nêu được các chỉ tiêu cơ bản và phương pháp chọn giống vật nuôi.

 – Lựa chọn được phương pháp chọn, nhân giống phù hợp với mục đích.

 – Phân tích được ứng dụng của công nghệ sinh học trong chọn và nhân giống vật nuôi.

Công nghệ thức ăn chăn nuôi – Trình bày được nhu cầu dinh dưỡng, tiêu chuẩn ăn và khẩu phần ăn của vật nuôi.

 – Giải thích được thành phần dinh dưỡng và vai trò của các nhóm thức ăn đối với vật nuôi.

 – Mô tả được các phương pháp sản xuất, bảo quản một số loại thức ăn chăn nuôi.

 – Trình bày được một số ứng dụng công nghệ cao trong chế biến và bảo quản thức ăn chăn nuôi.

 – Thực hiện được việc chế biến, bảo quản một số loại thức ăn chăn nuôi.

Phòng, trị bệnh cho vật nuôi – Trình bày được vai trò của phòng, trị bệnh trong chăn nuôi.

 – Mô tả được đặc điểm, nêu được nguyên nhân và biện pháp phòng, trị một số bệnh phổ biến trong chăn nuôi.

 – Đề xuất được biện pháp an toàn cho người, vật nuôi và môi trường.

 – Trình bày được ứng dụng của công nghệ sinh học trong phòng, trị bệnh cho vật nuôi.

 – Vận dụng được kiến thức về phòng, trị bệnh cho vật nuôi vào thực tiễn.

Công nghệ chăn nuôi – Mô tả được quy trình nuôi dưỡng và chăm sóc một số loại vật nuôi phổ biến.

 – Trình bày được những yêu cầu về chuồng nuôi của một số loại vật nuôi phổ biến.

 – Đề xuất được một số biện pháp đảm bảo vệ sinh chuồng nuôi và bảo vệ môi trường trong chăn nuôi.

 – Phân tích được quy trình chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP.

 – Mô tả được một số mô hình chăn nuôi công nghệ cao (Ví dụ: hệ thống chăn nuôi cung cấp khẩu phần ăn tự động; hệ thống chăn nuôi thu gom, phân loại trứng tự động; hệ thống chăn nuôi vắt sữa bò tự động).

 – Nêu được một số ứng dụng công nghệ cao trong bảo quản, chế biến sản phẩm chăn nuôi.

 – Chế biến được một số sản phẩm chăn nuôi bằng phương pháp đơn giản.

 – Thực hiện được một số công việc đơn giản trong quy trình kĩ thuật chăn nuôi.

Bảo vệ môi trường trong chăn nuôi – Trình bày được sự cần thiết phải bảo vệ môi trường trong chăn nuôi.

 – Mô tả được một số biện pháp phổ biến trong xử lí chất thải chăn nuôi.

 – Nêu được ứng dụng của công nghệ sinh học trong bảo vệ môi trường chăn nuôi (Ví dụ: đệm lót sinh học, các chế phẩm và quy trình thu gom, xử lí chất thải chăn nuôi).

 – Có ý thức bảo vệ môi trường, vận dụng vào thực tiễn chăn nuôi ở gia đình và địa phương.

 CHUYÊN ĐỀ HỌC TẬP

Tên chuyên đề Yêu cầu cần đạt
Công nghệ sinh học trong chăn nuôi – Trình bày được khái niệm, vai trò và một số thành tựu của công nghệ sinh học trong chăn nuôi.

 – Phân tích được một số hướng ứng dụng phổ biến của công nghệ sinh học trong chăn nuôi (Ví dụ: chọn tạo giống, công nghệ sinh sản, sản xuất thức ăn, chẩn đoán bệnh, sản xuất vắc-xin, sản xuất đệm lót sinh học) ở Việt Nam và trên thế giới.

 – Đánh giá triển vọng của công nghệ sinh học trong chăn nuôi.

 – Có ý thức về an toàn lao động và đạo đức nghề nghiệp.

Nuôi dưỡng và chăm sóc động vật cảnh – Trình bày được đặc điểm và yêu cầu điều kiện sống của một số động vật cảnh phổ biến.

 – Lựa chọn được thức ăn phù hợp cho một số động vật cảnh phổ biến.

 – Mô tả được quy trình nuôi dưỡng, chăm sóc, phòng, trị bệnh cho một số động vật cảnh phổ biến.

 – Thực hiện được một số công việc trong nuôi dưỡng và chăm sóc động vật cảnh.

 – Yêu thích công việc nuôi dưỡng và chăm sóc động vật cảnh; có ý thức về an toàn lao động và bảo vệ môi trường.

Chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP – Trình bày được khái niệm, ý nghĩa, các tiêu chí của chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP.

 – Tóm tắt được các yêu cầu về: chọn vị trí, chuồng trại, con giống, thức ăn chăn nuôi, nước uống, vệ sinh thú y, quản lí chất thải trong chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP.

 – Nhận biết được các bước trong quy trình chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP.

 – Lựa chọn được mô hình chăn nuôi thích hợp cho một số đối tượng vật nuôi phổ biến.

 – Thực hiện được một số công việc đơn giản trong quy trình chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP.

 – Có ý thức về an toàn lao động và bảo vệ môi trường trong chăn nuôi.

 LỚP 12

 LÂM NGHIỆP – THUỶ SẢN

 NỘI DUNG CƠ BẢN

Nội dung Yêu cầu cần đạt
LÂM NGHIỆP
Giới thiệu chung về lâm nghiệp – Trình bày được vai trò, triển vọng của lâm nghiệp đối với đời sống và môi trường.

 – Nêu được một số hoạt động lâm nghiệp cơ bản.

 – Phân tích được một số nguyên nhân chủ yếu làm suy thoái tài nguyên rừng và giải pháp khắc phục.

 – Nêu được các đặc trưng cơ bản của sản xuất lâm nghiệp; những yêu cầu cơ bản với người lao động của một số ngành nghề phổ biến trong lâm nghiệp.

Trồng và chăm sóc rừng – Trình bày được vai trò, nhiệm vụ của việc trồng và chăm sóc rừng.

 – Phân tích được quy luật sinh trưởng, phát triển của cây rừng.

 – Giải thích được việc bố trí thời vụ và mô tả được kĩ thuật trồng, chăm sóc rừng.

Bảo vệ và khai thác tài nguyên rừng bền vững – Trình bày được ý nghĩa, nhiệm vụ của việc bảo vệ và khai thác tài nguyên rừng bền vững.

 – Mô tả được một số biện pháp bảo vệ và khai thác tài nguyên rừng phổ biến.

 – Đánh giá được thực trạng trồng, chăm sóc, bảo vệ và khai thác rừng ở địa phương.

 – Đề xuất được biện pháp nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên rừng.

THUỶ SẢN
Giới thiệu chung về thuỷ sản – Trình bày được vai trò và triển vọng của thuỷ sản trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

 – Phân loại được các nhóm thuỷ sản theo nguồn gốc và đặc tính sinh vật học.

 – Nêu được một số phương thức nuôi thuỷ sản phổ biến ở nước ta, ưu và nhược điểm của từng phương thức.

 – Phân tích được xu hướng phát triển của thuỷ sản ở Việt Nam và trên thế giới.

 – Trình bày được những yêu cầu cơ bản với người lao động của một số ngành nghề phổ biến trong thuỷ sản.

Môi trường nuôi thuỷ sản – Trình bày được các yêu cầu chính của môi trường nuôi thuỷ sản.

 – Phân tích được các yếu tố ảnh hưởng đến môi trường nuôi thuỷ sản.

 – Mô tả được một số biện pháp cơ bản xử lí môi trường trước và sau nuôi thuỷ sản; các biện pháp quản lí môi trường nuôi thuỷ sản.

 – Trình bày được ứng dụng công nghệ sinh học trong xử lí môi trường nuôi thuỷ sản.

 – Xác định được một số chỉ tiêu cơ bản của nước nuôi thuỷ sản.

 – Có ý thức vận dụng kiến thức về quản lí môi trường nuôi thuỷ sản vào thực tiễn.

Công nghệ giống thuỷ sản – Trình bày được vai trò của giống trong nuôi thuỷ sản.

 – Phân tích được đặc điểm sinh sản của cá và tôm.

 – Mô tả được kĩ thuật ương, nuôi cá và tôm giống.

 – Phân tích được ứng dụng công nghệ sinh học trong chọn và nhân giống thuỷ sản.

 – Có ý thức vận dụng kiến thức về giống thuỷ sản vào thực tiễn.

Công nghệ thức ăn thuỷ sản – Trình bày được thành phần dinh dưỡng và vai trò của các nhóm thức ăn thuỷ sản.

 – Mô tả được một số phương pháp bảo quản, chế biến thức ăn thuỷ sản.

 – Trình bày được ứng dụng công nghệ sinh học trong bảo quản, chế biến thức ăn thuỷ sản.

 – Thực hiện được một phương pháp bảo quản, chế biến thức ăn thuỷ sản ở quy mô nhỏ.

Phòng, trị bệnh thuỷ sản – Trình bày được vai trò của việc phòng, trị bệnh thuỷ sản.

 – Mô tả được đặc điểm, nêu được nguyên nhân và biện pháp phòng, trị một số loại bệnh thuỷ sản phổ biến.

 – Trình bày được ứng dụng công nghệ sinh học trong phòng, trị bệnh thuỷ sản.

 – Vận dụng được kiến thức về phòng, trị bệnh thuỷ sản vào thực tiễn.

Công nghệ nuôi thuỷ sản – Mô tả được quy trình nuôi, chăm sóc một số loại thuỷ sản phổ biến ở Việt Nam.

 – Đề xuất được biện pháp đảm bảo vệ sinh ao nuôi và bảo vệ môi trường trong nuôi thuỷ sản.

 – Phân tích được quy trình nuôi thuỷ sản theo tiêu chuẩn VietGAP.

 – Mô tả được một số ứng dụng công nghệ cao trong nuôi thuỷ sản (Ví dụ: Ứng dụng công nghệ Semi-biofloc, công nghệ Biofloc).

 – Trình bày được một số phương pháp thu hoạch, bảo quản và chế biến thuỷ sản phổ biến.

 – Nêu được một số ứng dụng công nghệ cao trong bảo quản, chế biến thuỷ sản.

 – Thực hiện được một số công việc đơn giản trong bảo quản, chế biến và nuôi thuỷ sản.

Bảo vệ và khai thác nguồn lợi thuỷ sản – Trình bày được ý nghĩa, nhiệm vụ của việc bảo vệ, khai thác nguồn lợi thuỷ sản.

 – Mô tả được một số biện pháp phổ biến trong khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản.

 – Đề xuất được biện pháp nâng cao ý thức bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản.

 CHUYÊN ĐỀ HỌC TẬP

Tên chuyên đề Yêu cầu cần đạt
Công nghệ sinh học trong lâm nghiệp – Trình bày được khái niệm, vai trò và một số thành tựu của công nghệ sinh học trong lâm nghiệp.

 – Phân tích được một số hướng ứng dụng phổ biến của công nghệ sinh học trong lâm nghiệp ở Việt Nam.

 – Đánh giá triển vọng của công nghệ sinh học trong lâm nghiệp.

 – Có ý thức về an toàn lao động và đạo đức nghề nghiệp.

Công nghệ sinh học trong thuỷ sản – Trình bày được khái niệm, vai trò và một số thành tựu của công nghệ sinh học trong thuỷ sản.

 – Phân tích được một số hướng ứng dụng phổ biến của công nghệ sinh học trong thuỷ sản (chọn tạo giống, công nghệ sinh sản, sản xuất thức ăn, chẩn đoán bệnh, sản xuất vắc-xin, xử lí môi trường thuỷ sản) ở Việt Nam và trên thế giới.

 – Đánh giá được triển vọng của công nghệ sinh học trong thuỷ sản.

 – Có ý thức về an toàn lao động và đạo đức nghề nghiệp.

Nuôi cá cảnh – Trình bày được đặc điểm động vật học và yêu cầu ngoại cảnh của một số loại cá cảnh phổ biến.

 – Lựa chọn được thức ăn phù hợp cho một số loại cá cảnh phổ biến.

 – Mô tả được quy trình nuôi dưỡng, chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho một số loại cá cảnh phổ biến.

 – Thực hiện được một số công việc trong nuôi và chăm sóc cá cảnh.

 – Yêu thích công việc nuôi và chăm sóc cá cảnh, có ý thức về an toàn lao động và bảo vệ môi trường.

  1. PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC
  2. Định hướng chung

 Phương pháp giáo dục môn Công nghệ bám sát định hướng về phương pháp giáo dục được nêu trong Chương trình tổng thể, đồng thời bảo đảm các yêu cầu sau:

  1. a) Vận dụng linh hoạt các phương pháp, kĩ thuật dạy học phát huy tính chủ động, sáng tạo, tích cực và phù hợp với sự hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh; coi trọng học tập dựa trên hành động, trải nghiệm; coi trọng thực hành, vận dụng kiến thức giải quyết các vấn đề thực tiễn nhằm nâng cao hứng thú học tập của học sinh.
  2. b) Khai thác có hiệu quả hệ thống các thiết bị dạy học tối thiểu theo nguyên lí thiết bị, phương tiện dạy học là nguồn tri thức về đối tượng công nghệ. Coi trọng các nguồn tư liệu ngoài sách giáo khoa; khai thác lợi thế của công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy học trên các phương diện lưu trữ tri thức, đa phương tiện, mô phỏng, kết nối, môi trường học tập.
  3. c) Vận dụng sáng tạo quan điểm giáo dục tích hợp Khoa học, Công nghệ, Kĩ thuật và Toán học (STEM) góp phần hình thành, phát triển năng lực, phẩm chất gắn với giáo dục hướng nghiệp cho học sinh.
  4. Định hướng về phương pháp hình thành, phát triển các phẩm chất chủ yếu và năng lực chung

 2.1. Phương pháp hình thành, phát triển các phẩm chất chủ yếu

 Môn Công nghệ có lợi thế giúp học sinh phát triển các phẩm chất chủ yếu, đặc biệt là tính chăm chỉ, đức trung thực, tinh thần trách nhiệm thông qua những nội dung giáo dục liên quan tới môi trường công nghệ con người đang sống và những tác động của nó; thông qua các hoạt động thực hành, lao động, trải nghiệm nghề nghiệp; và môi trường giáo dục ở nhà trường trong mối quan hệ chặt chẽ với gia đình và xã hội.

 2.2. Phương pháp hình thành, phát triển các năng lực chung

  1. a) Năng lực tự chủ và tự học

 Trong giáo dục công nghệ, năng lực tự chủ của học sinh được biểu hiện thông qua sự tự tin và sử dụng hiệu quả các sản phẩm công nghệ trong gia đình, cộng đồng, trong học tập, công việc; bình tĩnh, xử lí có hiệu quả những sự cố kĩ thuật, công nghệ; ý thức và tránh được những tác hại (nếu có) do công nghệ mang lại,… Năng lực tự chủ được hình thành và phát triển ở học sinh thông qua các hoạt động thực hành, làm dự án, thiết kế và chế tạo các sản phẩm công nghệ, sử dụng và đánh giá các sản phẩm công nghệ, bảo đảm an toàn trong thế giới công nghệ ở gia đình, cộng đồng và trong học tập, lao động.

 Để hình thành, phát triển năng lực tự học, giáo viên coi trọng việc phát huy tính tích cực, tự lực, chủ động của học sinh, đồng thời quan tâm tới nguồn học liệu hỗ trợ tự học (đặc biệt là học liệu số), phương pháp, tiến trình tự học và đánh giá kết quả học tập của học sinh.

  1. b) Năng lực giao tiếp và hợp tác

 Năng lực giao tiếp và hợp tác được thể hiện qua giao tiếp công nghệ, một thành phần cốt lõi của năng lực công nghệ. Việc hình thành và phát triển ở học sinh năng lực này được thực hiện thông qua dạy học hợp tác trong nhóm nhỏ, khuyến khích học sinh trao đổi, trình bày, chia sẻ ý tưởng,…khi thực hiện các dự án học tập và sử dụng, đánh giá các sản phẩm công nghệ được đề cập trong chương trình.

  1. c) Năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo

 Giáo dục công nghệ có nhiều ưu thế trong hình thành và phát triển ở học sinh năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo thông qua các hoạt động tìm tòi, sáng tạo sản phẩm mới; giải quyết các vấn đề về kĩ thuật, công nghệ trong thực tiễn. Trong Chương trình môn Công nghệ, tư tưởng thiết kế được nhấn mạnh và xuyên suốt từ cấp tiểu học đến cấp trung học phổ thông và được thực hiện thông qua các mạch nội dung, thực hành, trải nghiệm từ đơn giản đến phức tạp là điều kiện để hình thành, phát triển năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo.

  1. Định hướng về phương pháp hình thành, phát triển năng lực công nghệ

 Năng lực công nghệ và các mạch nội dung của môn Công nghệ là hai thành phần cốt lõi của chương trình môn học, có tác động hỗ trợ qua lại. Năng lực công nghệ góp phần định hướng lựa chọn mạch nội dung; ngược lại, mạch nội dung là chất liệu và môi trường góp phần hình thành phát triển năng lực, định hướng hoàn thiện khung năng lực công nghệ.

 Năng lực công nghệ được hình thành và phát triển thông qua các hoạt động dạy và học. Mỗi hoạt động dạy học cụ thể đều xác định rõ mục tiêu phát triển năng lực trên cơ sở phân tích đặc điểm nội dung dạy học và tham chiếu khung năng lực chung, năng lực công nghệ.

 VII. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ GIÁO DỤC

 Chương trình môn Công nghệ thực hiện định hướng về đánh giá kết quả giáo dục trong Chương trình tổng thể, đồng thời nhấn mạnh các yêu cầu sau:

  1. a) Mục đích đánh giá là cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, có giá trị về mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực và những tiến bộ của học sinh trong suốt quá trình học tập môn học, qua đó điều chỉnh hoạt động dạy và học;
  2. b) Căn cứ đánh giá, các tiêu chí đánh giá và hình thức đánh giá bảo đảm phù hợp với mục tiêu, yêu cầu cần đạt về phẩm chất chủ yếu, năng lực chung và năng lực công nghệ. Coi trọng đánh giá hoạt động thực hành; vận dụng kiến thức, kĩ năng làm ra sản phẩm của học sinh; vận dụng kiến thức vào thực tiễn;
  3. c) Sử dụng đa dạng các phương pháp, hình thức đánh giá khác nhau bảo đảm đánh giá toàn diện học sinh; chú trọng đánh giá bằng quan sát trong đánh giá theo tiến trình và đánh giá theo sản phẩm. Với mỗi nhiệm vụ học tập, tiêu chí đánh giá được thiết kế đầy đủ, dựa trên yêu cầu cần đạt và được công bố ngay từ đầu để định hướng cho học sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ học tập; công cụ đánh giá phải phản ánh được yêu cầu cần đạt nêu trong mỗi chủ đề, mạch nội dung.
  4. d) Kết hợp giữa đánh giá quá trình và đánh giá tổng kết; trong đó, đánh giá quá trình phải được tiến hành thường xuyên, liên tục và tích hợp vào trong các hoạt động dạy học, đảm bảo mục tiêu đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh; khuyến khích tự đánh giá và đánh giá đồng đẳng.

 VIII. GIẢI THÍCH VÀ HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

  1. Giải thích thuật ngữ

 1.1. Một số thuật ngữ chuyên môn

  1. a) Thuật ngữ chung

 – Công nghệ: là quy trình chế biến vật liệu và thông tin, bao gồm hệ thống tri thức, thiết bị, phương pháp và các hệ thống khác để tạo ra hàng hóa và cung cấp dịch vụ.

 – Kĩ thuật: là ứng dụng khoa học để giải quyết các vấn đề thực tiễn, tạo ra sản phẩm, công nghệ đáp ứng nhu cầu của cuộc sống; là kinh nghiệm và thủ thuật của một dạng hoạt động nhất định.

 – Thiết kế: là toàn bộ các quá trình bao gồm xác định, điều tra, làm rõ vấn đề; khám phá các ý tưởng giải pháp đã có; đề xuất hình thành giải pháp mới; hiện thực hoá và đánh giá giải pháp mới để giải quyết vấn đề.

 – Công nghiệp: là ngành sản xuất vật chất bao gồm các hoạt động khai thác của cải có sẵn trong thiên nhiên mà lao động của con người chưa tác động vào; chế biến, chế tạo; sửa chữa máy móc và các vật phẩm tiêu dùng.

 – Nông nghiệp: là ngành sản xuất vật chất cơ bản của xã hội, sử dụng đất đai để trồng trọt và chăn nuôi, khai thác cây trồng và vật nuôi làm tư liệu và nguyên liệu lao động chủ yếu để tạo ra lương thực, thực phẩm và một số nguyên liệu cho công nghiệp. Nông nghiệp bao gồm các chuyên ngành: trồng trọt, chăn nuôi, sơ chế nông sản.

 – Lâm nghiệp: là ngành sản xuất vật chất có chức năng phát triển rừng, quản lí bảo vệ rừng, khai thác rừng, chế biến lâm sản và phát huy các chức năng phòng hộ văn hoá, xã hội của rừng.

 – Thuỷ sản: là ngành sản xuất vật chất liên quan đến những nguồn lợi, sản vật đem lại cho con người từ môi trường nước và được con người khai thác, nuôi trồng, thu hoạch sử dụng làm thực phẩm, nguyên liệu. Trong các hoạt động thuỷ sản, thông dụng nhất là hoạt động đánh bắt, nuôi trồng và khai thác các loại cá, tôm.

 – Sản phẩm công nghệ: là sản phẩm do con người tạo ra dựa trên công nghệ.

 – Môi trường công nghệ: là môi trường do con người tạo ra bao gồm sản phẩm, quá trình, dịch vụ công nghệ.

 – Thủ công kĩ thuật: là hoạt động bằng tay có tính chất kĩ thuật, với công cụ giản đơn, thô sơ để tạo ra các sản phẩm.

 – Nghề nghiệp STEM: là các nghề nghiệp thuộc vào hoặc liên quan tới các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kĩ thuật, toán học.

  1. b) Các năng lực thành phần của năng lực công nghệ

 – Nhận thức công nghệ: là năng lực làm chủ kiến thức phổ thông cốt lõi về công nghệ trên các phương diện bản chất của công nghệ; mối quan hệ giữa công nghệ, con người, xã hội; một số công nghệ phổ biến, các quá trình sản xuất chủ yếu có ảnh hưởng và tác động lớn tới kinh tế, xã hội trong hiện tại và tương lai; phát triển và đổi mới công nghệ; nghề nghiệp và định hướng nghề nghiệp trong lĩnh vực kĩ thuật, công nghệ chủ yếu ở Việt Nam.

 – Giao tiếp công nghệ: là năng lực lập, đọc, trao đổi tài liệu kĩ thuật về các sản phẩm, quá trình, dịch vụ công nghệ trong sử dụng, đánh giá công nghệ và thiết kế kĩ thuật.

 – Sử dụng công nghệ: là năng lực khai thác sản phẩm, quá trình, dịch vụ công nghệ đúng chức năng, đúng kĩ thuật, an toàn và hiệu quả; tạo ra sản phẩm công nghệ.

 – Đánh giá công nghệ: là năng lực đưa ra những nhận định về một sản phẩm, quá trình, dịch vụ công nghệ với góc nhìn đa chiều về vai trò, chức năng, chất lượng, kinh tế – tài chính, tác động môi trường và những mặt trái của kĩ thuật, công nghệ.

 – Thiết kế kĩ thuật: là năng lực phát hiện nhu cầu, vấn đề cần giải quyết, cần đổi mới trong thực tiễn; đề xuất giải pháp kĩ thuật, công nghệ đáp ứng nhu cầu, giải quyết vấn đề đặt ra; hiện thực hoá giải pháp kĩ thuật, công nghệ; thử nghiệm và đánh giá mức độ đáp ứng nhu cầu, vấn đề đặt ra. Quá trình trên được thực hiện trên cơ sở xem xét đầy đủ các khía cạnh về tài nguyên, môi trường, kinh tế và nhân văn.

 1.2. Từ ngữ thể hiện mức độ yêu cầu cần đạt

 Chương trình môn Công nghệ sử dụng một số động từ để thể hiện mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt về năng lực của người học. Một số động từ được sử dụng ở các mức độ khác nhau nhưng trong mỗi trường hợp thể hiện một hành động có đối tượng và yêu cầu cụ thể. Trong bảng tổng hợp dưới đây, đối tượng, yêu cầu cụ thể của mỗi hành động được chỉ dẫn bằng các từ ngữ khác nhau đặt trong ngoặc đơn.

 Trong quá trình dạy học, đặc biệt là khi đặt câu hỏi thảo luận và thực hành, ra đề kiểm tra đánh giá, giáo viên có thể dùng những động từ nêu trong bảng tổng hợp hoặc thay thế bằng các động từ có nghĩa tương đương cho phù hợp với tình huống sư phạm và nhiệm vụ cụ thể giao cho học sinh.

Mức độ Động từ mô tả mức độ
Biết Kể tên, liệt kê, trình bày, nhận biết, nhận ra, phát hiện, tìm kiếm, nêu, mô tả, ghi nhớ.
Hiểu Phân biệt, tính toán, vẽ, so sánh, phân tích, giải thích, đọc, tóm tắt, trao đổi, làm rõ, đánh giá, biểu diễn, thao tác, bảo quản, sử dụng, khắc phục, liên hệ, nhận định, lựa chọn, nhận thức, xác định.
Vận dụng Khai thác, tạo lập, vận hành, xác định thông số, chăm sóc, bảo dưỡng, đề xuất, thử nghiệm, điều chỉnh, lập kế hoạch, chế tạo, kiểm tra, thử nghiệm, hoàn thiện, thiết kế, phác thảo, thực hiện, lắp ráp.
  1. Thời lượng thực hiện chương trình

 Thời lượng dành cho phân môn Công nghệ trong môn Tin học và Công nghệ ở cấp tiểu học và môn Công nghệ ở lớp 6, lớp 7 cấp trung học cơ sở là 35 tiết/lớp/năm học; ở lớp 8, lớp 9 là 52 tiết/lớp/năm học. Ở cấp trung học phổ thông, thời lượng dành cho môn Công nghệ là 70 tiết/lớp/năm học cho các nội dung cơ bản. Ngoài ra, còn có các cụm chuyên đề học tập môn Công nghệ theo hai định hướng Công nghiệp và Nông nghiệp, mỗi định hướng 35 tiết/lớp/năm học.

 Thời lượng dành cho các nội dung giáo dục do tác giả sách giáo khoa và giáo viên chủ động sắp xếp căn cứ vào yêu cầu cần đạt ở mỗi lớp và thực tế dạy học. Tỉ lệ % thời lượng dành cho các nội dung ở mỗi lớp theo hai định hướng Công nghiệp và Nông nghiệp như sau:

  1. a) Định hướng Công nghiệp
Nội dung Thời lượng cho từng mạch nội dung theo lớp (%) Tổng % cả môn
3 4 5 6 7 8 9 10 11 12
CÔNG NGHỆ VÀ ĐỜI SỐNG  
– Bản chất của công nghệ 8             8     1,7
– Vai trò của công nghệ   8 8 25       8     4,1
– Sản phẩm công nghệ 32 35 20 58             10,4
– An toàn với công nghệ 14 10 10 5   6 10 8 8 8 7,9
LĨNH VỰC SẢN XUẤT CHỦ YẾU  
– Nông nghiệp         30           2,1
– Lâm nghiệp         18           1,3
– Thuỷ sản         26           1,9
– Công nghiệp           24     66 66 21,4
THIẾT KẾ VÀ ĐỔI MỚI CÔNG NGHỆ  
– Thủ công kĩ thuật 34 35 35               7,4
– Ngôn ngữ kĩ thuật           24   24     6,0
– Thiết kế kĩ thuật     15     24   24     7,1
– Đổi mới công nghệ               8 4 4 2,3
CÔNG NGHỆ VÀ HƯỚNG NGHIỆP  
– Định hướng nghề nghiệp         14 10 30 8 10 10 9,3
– Trải nghiệm nghề nghiệp             48       5,1
ĐÁNH GIÁ ĐỊNH KÌ 12 12 12 12 12 12 12 12 12 12 12,0
  1. b) Định hướng Nông nghiệp
Nội dung Thời lượng cho từng mạch nội dung theo lớp (%) Tổng % cả môn
3 4 5 6 7 8 9 10 11 12
CÔNG NGHỆ VÀ ĐỜI SỐNG  
– Bản chất của công nghệ 8                   0,6
– Vai trò của công nghệ   8 8 25             2,9
– Sản phẩm công nghệ 32 35 20 58             10,4
– An toàn với công nghệ 14 10 10 5   6 10 8 8 8 7,9
LĨNH VỰC SẢN XUẤT CHỦ YẾU  
– Nông nghiệp         30     64 66   20,8
– Lâm nghiệp         18         20 4,2
– Thuỷ sản         26         46 8,4
– Công nghiệp           24         2,6
THIẾT KẾ VÀ ĐỔI MỚI CÔNG NGHỆ  
– Thủ công kĩ thuật 34 35 35               7,4
– Ngôn ngữ kĩ thuật           24         2,6
– Thiết kế kĩ thuật     15     24         3,6
– Đổi mới công nghệ               8 4 4 2,3
CÔNG NGHỆ VÀ HƯỚNG NGHIỆP  
– Định hướng nghề nghiệp         14 10 30 8 10 10 9,3
– Trải nghiệm nghề nghiệp             48       5,1
ĐÁNH GIÁ ĐỊNH KÌ 12 12 12 12 12 12 12 12 12 12 12,0
  1. Thiết bị dạy học

 Để hình thành và phát triển năng lực công nghệ cho học sinh, giáo dục công nghệ tăng cường thực hành và hoạt động trải nghiệm. Cơ sở giáo dục phổ thông cần có đủ thiết bị dạy học tối thiểu theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

 Định hướng về thiết bị dạy học cho các mạch nội dung chủ yếu của môn Công nghệ được trình bày trong bảng sau:

Nội dung Định hướng thiết bị dạy học
CÔNG NGHỆ VÀ ĐỜI SỐNG
– Bản chất của công nghệ Tranh vẽ, video về tự nhiên, công nghệ, vai trò của công nghệ; khai thác tối đa các ứng dụng công nghệ thông tin để làm rõ bản chất, vai trò của công nghệ…
– Vai trò của công nghệ
– Sản phẩm công nghệ Tranh vẽ về sản phẩm công nghệ, thể hiện cấu tạo, thể hiện nguyên lí, thể hiện các thao tác kĩ thuật; một số sản phẩm công nghệ có trong chương trình; các dụng cụ để thao tác với các sản phẩm công nghệ; video, mô phỏng về hình dạng, cấu tạo, cách sử dụng các sản phẩm công nghệ. Cùng với đó là các tranh vẽ, dụng cụ, video về các nội dung an toàn với công nghệ…
– An toàn với công nghệ
LĨNH VỰC SẢN XUẤT CHỦ YẾU
– Nông nghiệp Các tranh vẽ, mô hình, đa phương tiện sử dụng trong giới thiệu chung về các lĩnh vực sản xuất, các ngành nghề chính trong mỗi lĩnh vực sản xuất, thể hiện một số quá trình kĩ thuật, công nghệ trong mỗi lĩnh vực sản xuất chủ yếu; các dụng cụ thí nghiệm, thực hành có tính chất minh hoạ, vận dụng quá trình kĩ thuật, công nghệ; chú trọng mô phỏng, ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ hoạt động dạy học…
– Lâm nghiệp
– Thuỷ sản
– Công nghiệp
THIẾT KẾ VÀ ĐỔI MỚI CÔNG NGHỆ
– Thủ công kĩ thuật Bộ tranh ảnh, video về sản phẩm, quy trình công nghệ, hướng dẫn thao tác trong các hoạt động thủ công kĩ thuật, thiết kế kĩ thuật; bộ dụng cụ vẽ kĩ thuật; các linh kiện, dụng cụ, máy in 3D để hỗ trợ hoạt động thủ công kĩ thuật và thiết kế kĩ thuật hiệu quả; phòng học thiết kế và công nghệ (Makerspaces); chú trọng khai thác ứng dụng các phần mềm mô phỏng, thiết kế…
– Ngôn ngữ kĩ thuật
– Thiết kế kĩ thuật
– Đổi mới công nghệ
CÔNG NGHỆ VÀ HƯỚNG NGHIỆP
– Định hướng nghề nghiệp Tranh ảnh, video có liên quan tới các nội dung định hướng nghề; các dụng cụ, cơ sở vật chất cho hoạt động trải nghiệm nghề…
– Trải nghiệm nghề nghiệp
  1. Thực hiện chương trình phù hợp với điều kiện thực tế và đối tượng học sinh
  2. a) Về thực hiện giáo dục hướng nghiệp và định hướng nghề nghiệp

 Trong chương trình giáo dục công nghệ, nội dung giáo dục hướng nghiệp được thể hiện ở các lớp cấp trung học cơ sở và các lớp trung học phổ thông.

 Ở lớp 7 và lớp 8, giáo dục hướng nghiệp được thể hiện thông qua các nội dung giới thiệu về những ngành nghề chính liên quan tới các lĩnh vực sản xuất chủ yếu là nông – lâm nghiệp, thuỷ sản và công nghiệp; ở lớp 9, học sinh được học những kiến thức cơ bản về phương pháp lựa chọn nghề nghiệp trong lĩnh vực kĩ thuật, công nghệ, trải nghiệm nghề nghiệp. Ngoài nội dung bắt buộc về giáo dục hướng nghiệp trong lĩnh vực kĩ thuật, công nghệ, học sinh được tự chọn học một trong các mô đun (35 tiết/mô đun) thuộc các lĩnh vực kĩ thuật, công nghệ khác nhau nhằm đáp ứng nhu cầu, sở thích của học sinh.

 Ở lớp 10, lớp 11 và lớp 12, học sinh được tiếp cận tổng quát về công nghệ, các lĩnh vực công nghệ và ngành nghề liên quan, được học tập để thích ứng các nghề liên quan tới kĩ thuật, công nghệ. Nội dung học tập cho cả hai định hướng Công nghiệp và Nông nghiệp đều mang tính đại cương, nguyên lí, cơ bản, cốt lõi và nền tảng cho mỗi lĩnh vực, giúp học sinh tự tin và thành công khi lựa chọn ngành nghề kĩ thuật, công nghệ sau khi kết thúc trung học phổ thông.

  1. b) Về thực hiện các nội dung giáo dục xuyên chương trình

 Cùng với các môn học và hoạt động giáo dục khác, môn Công nghệ thực hiện tích hợp, lồng ghép các nội dung ưu tiên, các vấn đề có tính chất toàn cầu như: phát triển bền vững, biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, giáo dục tài chính,…; đồng thời, thực hiện giáo dục tích hợp liên môn giữa Khoa học, Công nghệ, Kĩ thuật, Toán học để thúc đẩy giáo dục STEM.

  1. c) Về sử dụng sản phẩm công nghệ của địa phương

 Trường hợp những sản phẩm công nghệ được đề cập ở cấp tiểu học và các lớp đầu cấp trung học cơ sở không phổ biến hoặc chưa có ở địa phương thì sản phẩm công nghệ đó có thể được thay thế bằng các sản phẩm công nghệ khác gần gũi, phù hợp với học sinh ở địa phương.

 CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG

 MÔN TIN HỌC

 (Ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

 MỤC LỤC

  1. ĐẶC ĐIỂM MÔN HỌC
  2. QUAN ĐIỂM XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH

 III. MỤC TIÊU CHƯƠNG TRÌNH

  1. YÊU CẦU CẦN ĐẠT
  2. NỘI DUNG GIÁO DỤC

 LỚP 3

 LỚP 4

 LỚP 5

 LỚP 6

 LỚP 7

 LỚP 8

 LỚP 9

 LỚP 10

 LỚP 11

 LỚP 12

  1. PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC

 VII. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ GIÁO DỤC

 VIII. GIẢI THÍCH VÀ HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

  

  1. ĐẶC ĐIỂM MÔN HỌC

 Giáo dục tin học đóng vai trò chủ đạo trong việc chuẩn bị cho học sinh khả năng tìm kiếm, tiếp nhận, mở rộng tri thức và sáng tạo trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư và toàn cầu hoá. Tin học có ảnh hưởng lớn đến cách sống, cách suy nghĩ và hành động của con người, là công cụ hiệu quả hỗ trợ biến việc học thành tự học suốt đời.

 Môn Tin học giúp học sinh thích ứng và hoà nhập được với xã hội hiện đại, hình thành và phát triển cho học sinh năng lực tin học để học tập, làm việc và nâng cao chất lượng cuộc sống, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 Nội dung môn Tin học phát triển ba mạch kiến thức hoà quyện: Học vấn số hoá phổ thông (DL), Công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), Khoa học máy tính (CS) và được phân chia theo hai giai đoạn:

 – Giai đoạn giáo dục cơ bản:

 Môn Tin học giúp học sinh hình thành và phát triển khả năng sử dụng công cụ kĩ thuật số, làm quen và sử dụng Internet; bước đầu hình thành và phát triển tư duy giải quyết vấn đề với sự hỗ trợ của máy tính và hệ thống máy tính; hiểu và tuân theo các nguyên tắc cơ bản trong trao đổi và chia sẻ thông tin.

 Ở cấp tiểu học, chủ yếu học sinh học sử dụng các phần mềm đơn giản hỗ trợ học tập và sử dụng thiết bị tin học tuân theo các nguyên tắc giữ gìn sức khoẻ, đồng thời bước đầu được hình thành tư duy giải quyết vấn đề có sự hỗ trợ của máy tính.

 Ở cấp trung học cơ sở, học sinh học cách sử dụng, khai thác các phần mềm thông dụng để làm ra sản phẩm số phục vụ học tập và đời sống; thực hành phát hiện và giải quyết vấn đề một cách sáng tạo với sự hỗ trợ của công cụ và các hệ thống tự động hoá của công nghệ kĩ thuật số; học cách tổ chức lưu trữ, quản lí, tra cứu và tìm kiếm dữ liệu số, đánh giá và lựa chọn thông tin.

 – Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp:

 Môn Tin học có sự phân hoá sâu. Tuỳ theo sở thích và dự định về nghề nghiệp trong tương lai, học sinh lựa chọn một trong hai định hướng: Tin học ứng dụng và Khoa học máy tính.

 Hai định hướng có chung một số chủ đề con và mỗi định hướng này còn có những chủ đề con riêng.

 Định hướng Tin học ứng dụng đáp ứng nhu cầu sử dụng máy tính như một công cụ của công nghệ kĩ thuật số trong cuộc sống, học tập và làm việc, đem lại sự thích ứng và khả năng phát triển dịch vụ trong xã hội số.

 Định hướng Khoa học máy tính đáp ứng mục đích bước đầu tìm hiểu nguyên lí hoạt động của hệ thống máy tính, phát triển tư duy máy tính, khả năng tìm tòi, khám phá các hệ thống tin học, phát triển ứng dụng trên hệ thống máy tính.

 Bên cạnh nội dung giáo dục cốt lõi, học sinh có thể chọn một số chuyên đề học tập tuỳ theo sở thích, nhu cầu và định hướng nghề nghiệp. Những chuyên đề thuộc định hướng Tin học ứng dụng nhằm tăng cường thực hành ứng dụng, giúp học sinh thành thạo hơn trong sử dụng các phần mềm thiết yếu, làm ra sản phẩm số thiết thực cho học tập và cuộc sống. Những chuyên đề thuộc định hướng Khoa học máy tính nhằm giới thiệu lập trình điều khiển robot giáo dục, kĩ thuật thiết kế thuật toán, một số cấu trúc dữ liệu và một số nguyên tắc thiết kế mạng máy tính.

  1. QUAN ĐIỂM XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH

 Chương trình môn Tin học cụ thể hoá các quan điểm của Chương trình tổng thể, chú trọng các yêu cầu sau đây:

  1. Tính kế thừa và phát triển
  2. a) Kế thừa chương trình môn Tin học hiện hành

 Chương trình môn Tin học kế thừa và phát triển những ưu điểm cơ bản của chương trình hiện hành là tính hệ thống và tính khoa học, đồng thời tránh thiên về lí thuyết trong một số nội dung và sự trùng lặp giữa các cấp học, gây quá tải.

  1. b) Khai thác chương trình môn Tin học phổ thông của các nước tiên tiến

 Trong bối cảnh nhiều nước coi trọng phát triển chương trình giáo dục tin học nhằm đào tạo nguồn nhân lực cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Chương trình môn Tin học khai thác, chọn lọc vận dụng chương trình môn Tin học của các nước tiên tiến nhằm hội nhập, hướng tới trình độ quốc tế.

  1. Tính khoa học, hiện đại và sư phạm

 Chương trình môn Tin học chọn lọc các nội dung cơ bản, phổ thông và hiện đại của ba mạch kiến thức DL, ICT,CS, đồng thời quan tâm đúng mức đến nội dung về đạo đức, pháp luật, văn hoá và ảnh hưởng của tin học đến xã hội, bảo đảm nguyên lí “vừa dạy chữ vừa dạy người” và coi trọng tính nhân văn trong thời đại có sự kết nối cao của thế giới thực và thế giới số.

 Chương trình được thiết kế với các nguyên tắc sư phạm: bảo đảm tính vừa sức, phát triển mạch kiến thức vừa theo đường thẳng vừa đồng tâm, xây dựng hệ thống khái niệm cốt lõi. Chương trình chọn lọc nội dung và yêu cầu phù hợp lứa tuổi, xen kẽ những nội dung lí thuyết với thực hành, trừu tượng với trực quan. Các chủ đề lớn xuyên suốt các cấp học với yêu cầu cần đạt nâng cao dần. Các khái niệm cốt lõi được bắt đầu hình thành ở cấp tiểu học và được phát triển hoàn chỉnh dần ở các cấp học cao hơn.

  1. Tính thiết thực
  2. a) Phục vụ định hướng nghề nghiệp

 Trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư có nhiều ngành nghề và việc làm mới xuất hiện đòi hỏi kiến thức, kĩ năng tin học chuyên sâu, Chương trình môn Tin học thể hiện khả năng kết nối và lan toả sâu rộng của tin học đến tất cả các lĩnh vực khác nhau của đời sống, xác lập cho các đối tượng học sinh khác nhau một phổ rộng các ngành nghề chuyên sâu và các ngành nghề ứng dụng tin học.

 b)Thực hiện giáo dục STEM

 Định hướng giáo dục STEM đang được triển khai như một hướng đi quan trọng trong giáo dục và đào tạo tại nhiều nước trên thế giới. Với tư cách là công nghệ nền tảng, hội tụ đủ tất cả bốn yếu tố giáo dục STEM (Khoa học (S), Công nghệ (T), Kĩ thuật (E) và Toán học (M)), môn Tin học có vai trò trung tâm kết nối các môn học khác, đẩy mạnh giáo dục STEM, phát huy sáng tạo của học sinh nhằm tạo ra sản phẩm số có hàm lượng ICT cao. Chương trình môn Tin học khai thác ưu thế về tích hợp liên môn bằng cách yêu cầu học sinh làm ra sản phẩm số của cá nhân và của nhóm học tập để thu hẹp khoảng cách giữa giáo dục hàn lâm và thực tiễn.

  1. Tính mở
  2. a) Nội dung chương trình mở

 Chương trình môn Tin học có các chủ đề bắt buộc, đồng thời có các chủ đề lựa chọn. Các chủ đề nội dung không phụ thuộc vào thiết bị phần cứng và phần mềm cụ thể, không phân biệt phần mềm và học liệu mở hay đóng, tạo thuận lợi cho việc vận dụng phù hợp với khả năng các địa phương và các đối tượng học sinh khác nhau. Do đặc thù riêng, Chương trình môn Tin học cần được cập nhật và điều chỉnh theo định kì ngắn hạn theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm bảo đảm tính hiện đại và thời sự, đáp ứng sự phát triển rất nhanh của công nghệ kĩ thuật số, phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của đất nước.

  1. b)  Hình thức giáo dục đa dạng

 Chương trình môn Tin học chọn lọc các chủ đề thiết thực và hấp dẫn, tạo điều kiện cho học sinh học tập và ứng dụng tin học không chỉ trong phạm vi môn Tin học mà cả trong các môn học khác, không chỉ trong khuôn viên nhà trường mà ở cả các môi trường ngoài khuôn viên trường học (ở nhà, qua mạng máy tính, trong câu lạc bộ và trong thực tế).

 III. MỤC TIÊU CHƯƠNG TRÌNH

  1. Mục tiêu chung

 Chương trình môn Tin học góp phần hình thành, phát triển những phẩm chất chủ yếu và năng lực chung đã được xác định trong Chương trình tổng thể, đồng thời góp phần chủ yếu hình thành, phát triển năng lực tin học cho học sinh. Môn Tin học trang bị cho học sinh hệ thống kiến thức tin học phổ thông gồm ba mạch kiến thức hoà quyện:

 – Học vấn số hoá phổ thông nhằm giúp học sinh hoà nhập với xã hội hiện đại, sử dụng được các thiết bị số và phần mềm cơ bản thông dụng một cách có đạo đức, văn hoá và tuân thủ pháp luật.

 – Công nghệ thông tin và truyền thông nhằm giúp học sinh sử dụng và áp dụng hệ thống máy tính giải quyết vấn đề thực tế một cách hiệu quả và sáng tạo.

 – Khoa học máy tính nhằm giúp học sinh hiểu biết các nguyên tắc cơ bản và thực tiễn của tư duy máy tính, tạo cơ sở cho việc thiết kế và phát triển các hệ thống máy tính.

  1. Mục tiêu cấp tiểu học

 Chương trình môn Tin học ở cấp tiểu học giúp học sinh bước đầu làm quen với công nghệ kĩ thuật số, bắt đầu hình thành năng lực tin học và chuẩn bị cho học sinh tiếp tục học môn Tin học ở cấp trung học cơ sở, cụ thể là:

 – Bước đầu hình thành cho học sinh tư duy giải quyết vấn đề với sự trợ giúp của máy tính: Hình thành nhu cầu thu thập, sử dụng thông tin, ý tưởng điều khiển máy tính thông qua việc tạo chương trình đơn giản bằng ngôn ngữ lập trình trực quan.

 – Giúp học sinh sử dụng phần mềm tạo ra được những sản phẩm số đơn giản như một văn bản ngắn, thiệp chúc mừng, đoạn hoạt hình vui,…

 – Giúp học sinh bước đầu quen với công nghệ kĩ thuật số thông qua việc sử dụng máy tính để vui chơi, học tập, xem và tìm kiếm thông tin trên Internet; rèn luyện cho học sinh một số kĩ năng cơ bản trong sử dụng máy tính; biết bảo vệ sức khoẻ khi sử dụng máy tính, bước đầu có ý thức phòng tránh những tác hại khi sử dụng Internet và ý thức tôn trọng bản quyền.

  1. Mục tiêu cấp trung học cơ sở

 Chương trình môn Tin học ở cấp trung học cơ sở giúp học sinh tiếp tục phát triển năng lực tin học đã hình thành ở cấp tiểu học và hoàn thiện năng lực đó ở mức cơ bản, cụ thể là:

 – Giúp học sinh phát triển tư duy và khả năng giải quyết vấn đề; biết chọn dữ liệu và thông tin phù hợp, hữu ích; biết chia một vấn đề lớn thành những nhiệm vụ nhỏ hơn; bước đầu có tư duy mô hình hoá một bài toán qua việc hiểu và sử dụng khái niệm thuật toán và lập trình trực quan; biết sử dụng mẫu trong quá trình thiết kế và tạo ra các sản phẩm số; biết đánh giá kết quả sản phẩm số cũng như biết điều chỉnh, sửa lỗi các sản phẩm đó.

 – Giúp học sinh có khả năng sử dụng các phương tiện, thiết bị và phần mềm; biết tổ chức lưu trữ, khai thác nguồn tài nguyên đa phương tiện; tạo ra và chia sẻ sản phẩm số đơn giản phục vụ học tập, cuộc sống; có ý thức và khả năng ứng dụng ICT phục vụ cá nhân và cộng đồng.

 – Giúp học sinh quen thuộc với dịch vụ số và phần mềm thông dụng để phục vụ cuộc sống, học và tự học, giao tiếp và hợp tác trong cộng đồng; có hiểu biết cơ bản về pháp luật, đạo đức và văn hoá liên quan đến sử dụng tài nguyên thông tin và

 giao tiếp trên mạng; bước đầu nhận biết được một số ngành nghề chính thuộc lĩnh vực tin học.

  1. Mục tiêu cấp trung học phổ thông

 Chương trình môn Tin học ở cấp trung học phổ thông giúp học sinh củng cố và nâng cao năng lực tin học đã được hình thành, phát triển ở giai đoạn giáo dục cơ bản, đồng thời cung cấp cho học sinh tri thức mang tính định hướng nghề nghiệp thuộc lĩnh vực tin học hoặc ứng dụng tin học, cụ thể là:

 – Giúp học sinh có những hiểu biết cơ bản về hệ thống máy tính, một số kĩ thuật thiết kế thuật toán, tổ chức dữ liệu và lập trình; củng cố và phát triển hơn nữa cho học sinh tư duy giải quyết vấn đề, khả năng đưa ra ý tưởng và chuyển giao nhiệm vụ cho máy tính thực hiện.

 – Giúp học sinh có khả năng ứng dụng tin học, tạo ra sản phẩm số phục vụ cộng đồng và nâng cao hiệu quả công việc; có khả năng lựa chọn, sử dụng, kết nối các thiết bị số, dịch vụ mạng và truyền thông, phần mềm và các tài nguyên số khác.

 – Giúp học sinh có khả năng hoà nhập và thích ứng được với sự phát triển của xã hội số, ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong học và tự học; tìm kiếm và trao đổi thông tin theo cách phù hợp, tuân thủ pháp luật, có đạo đức, ứng xử văn hoá và có trách nhiệm; có hiểu biết thêm một số ngành nghề thuộc lĩnh vực tin học, chủ động và tự tin trong việc định hướng nghề nghiệp tương lai của bản thân.

  1. YÊU CẦU CẦN ĐẠT

 1.Yêu cầu cần đạt về phẩm chất chủ yếu và năng lực chung

 Môn Tin học góp phần thực hiện các yêu cầu cần đạt về phẩm chất chủ yếu và năng lực chung theo các mức độ phù hợp với môn học, cấp học đã được quy định trong Chương trình tổng thể.

  1. Yêu cầu cần đạt về năng lực đặc thù

 Học sinh hình thành, phát triển được năng lực tin học với năm thành phần năng lực sau đây:

 – NLa: Sử dụng và quản lí các phương tiện công nghệ thông tin và truyền thông;

 – NLb: Ứng xử phù hợp trong môi trường số;

 – NLc: Giải quyết vấn đề với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin và truyền thông;

 – NLd: Ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong học và tự học;

 – NLe: Hợp tác trong môi trường số.

 Các bảng dưới đây quy định yêu cầu cần đạt đối với mỗi thành phần nêu trên của năng lực tin học ở mỗi cấp học.

 2.1. Ở cấp tiểu học

 Học sinh sử dụng được máy tính hỗ trợ vui chơi, giải trí và học tập, thông qua đó biết được một số lợi ích mà thiết bị kĩ thuật số có thể đem lại cho con người, trước hết cho cá nhân học sinh. Đồng thời học sinh có được những khả năng ban đầu về tư duy và nền nếp thích ứng với việc sử dụng máy tính và thiết bị số thông minh, với yêu cầu cụ thể sau đây:

Thành phần năng lực Biểu hiện
NLa Nhận diện, phân biệt được hình dạng và chức năng của các thiết bị kĩ thuật số thông dụng; thực hiện được một số thao tác cơ bản với phần mềm hỗ trợ học tập, vui chơi, giải trí trên một số thiết bị kĩ thuật số quen thuộc.
NLb Nêu được sơ lược lí do cần bảo vệ và biết bảo vệ thông tin số hoá của cá nhân, biết và thực hiện được quyền sở hữu trí tuệ ở mức đơn giản. Ví dụ: Biết sản phẩm số (bài làm, tranh vẽ, bài thơ, video, chương trình máy tính,…) của mỗi người thuộc quyền sở hữu của người đó, không được sao chép khi không được phép. Biết bảo vệ sức khoẻ khi sử dụng thiết bị kĩ thuật số (thao tác đúng cách, bố trí thời gian vận động và nghỉ xen kẽ,…).
NLc Nhận biết và nêu được nhu cầu tìm kiếm thông tin từ nguồn dữ liệu số khi giải quyết công việc, tìm được thông tin trong máy tính và trên Internet theo hướng dẫn; biết sử dụng tài nguyên thông tin và kĩ thuật của ICT để giải quyết một số vấn đề phù hợp với lứa tuổi. Ví dụ: tạo một album ảnh đẹp giới thiệu một danh lam thắng cảnh, tìm nghĩa và tra cứu cách đọc một từ tiếng Anh,…; diễn đạt được các bước giải quyết vấn đề theo kiểu thuật toán (quy trình gồm các bước có thứ tự để giải quyết được vấn đề).
NLd Sử dụng được một số phần mềm trò chơi hỗ trợ học tập, phần mềm học tập; tạo được các sản phẩm số đơn giản để phục vụ học tập và vui chơi. Ví dụ bài trình chiếu đơn giản, bưu thiệp, bức vẽ hay một chương trình trò chơi đơn giản,…
NLe Sử dụng được các công cụ kĩ thuật số thông dụng theo hướng dẫn để chia sẻ, trao đổi thông tin với bạn bè và người thân.

 2.2. Ở cấp trung học cơ sở

 Học sinh có được những kiến thức, kĩ năng cơ bản để hoà nhập, thích ứng với xã hội số; tạo được sản phẩm số phục vụ bản thân và cộng đồng; bước đầu có tư duy điều khiển các thiết bị số. Năng lực tin học đạt được ở cuối cấp trung học cơ sở góp phần chuẩn bị cho học sinh học tiếp giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, học trường nghề hoặc tham gia lao động với yêu cầu cụ thể sau đây:

Thành phần năng lực Biểu hiện
NLa Sử dụng đúng cách các thiết bị, các phần mềm thông dụng và mạng máy tính phục vụ cuộc sống và học tập; có ý thức và biết cách khai thác môi trường số, biết tổ chức và lưu trữ dữ liệu; bước đầu tạo ra được sản phẩm số phục vụ cuộc sống nhờ khai thác phần mềm ứng dụng. Ví dụ bức ảnh đẹp, bản quảng cáo, bản thiết kế thời trang, đoạn video phục vụ một chủ đề nào đó,…
NLb Biết và nêu được một số quy định cơ bản liên quan đến quyền sở hữu và sử dụng tài nguyên số, tôn trọng bản quyền và quyền an toàn thông tin của người khác; hiểu và ứng xử có văn hoá trong thế giới ảo; sử dụng được cách thông dụng bảo vệ thông tin cá nhân và cộng đồng, tránh tác động tiêu cực tới bản thân và cộng đồng; có ý thức tự bảo vệ sức khoẻ trong khai thác và ứng dụng ICT.
NLc Hiểu được tầm quan trọng của thông tin và xử lí thông tin trong xã hội hiện đại; tìm kiếm được thông tin từ nhiều nguồn với các chức năng đơn giản của công cụ tìm kiếm, đánh giá được sự phù hợp của thông tin và dữ liệu đã tìm thấy với nhiệm vụ đặt ra; thao tác được với phần mềm và môi trường lập trình trực quan để bước đầu có tư duy thiết kế và điều khiển hệ thống.
NLd Sử dụng được một số phần mềm học tập; sử dụng được môi trường mạng máy tính để tìm kiếm, thu thập, cập nhật và lưu trữ thông tin phù hợp với mục tiêu học tập, chủ động khai thác các tài nguyên hỗ trợ tự học.
NLe Biết lựa chọn và sử dụng được các công cụ, các dịch vụ ICT thông dụng để chia sẻ, trao đổi thông tin và hợp tác một cách an toàn; giao lưu được trong xã hội số một cách văn hoá; có khả năng làm việc nhóm, hợp tác được trong việc tạo ra, trình bày và giới thiệu được sản phẩm số; nhận biết được sơ lược một số ngành nghề chính thuộc lĩnh vực tin học.

 2.3. Ở cấp trung học phổ thông

 Chương trình môn Tin học ở cấp trung học phổ thông thể hiện sự phân hoá sâu hơn về định hướng nghề nghiệp. Do vậy, chương trình có các yêu cầu cần đạt chung về năng lực tin học bắt buộc đối với mọi học sinh và có các yêu cầu bổ sung riêng tương ứng với học sinh chọn định hướng Tin học ứng dụng hoặc Khoa học máy tính.

 a)Yêu cầu chung

Thành phần năng lực Biểu hiện
NLa Phối hợp và sử dụng được đúng cách các hệ thống kĩ thuật số thông dụng; mô tả được chức năng các bộ phận chính bên trong máy tính, những thông số cơ bản của các thiết bị số; bước đầu tuỳ chỉnh được chế độ hoạt động cho máy tính; trình bày được khái quát mối quan hệ giữa phần cứng, hệ điều hành và chương trình ứng dụng; biết sử dụng một số chức năng chủ yếu trong hệ điều hành để nâng cao hiệu quả sử dụng máy tính; so sánh được mạng LAN và Internet, biết được khái niệm IoT; giới thiệu được chức năng cơ bản của một số thiết bị và giao thức mạng thông dụng, sử dụng được một số ứng dụng thiết thực trên mạng; nhận biết được vai trò quan trọng của các hệ thống tự động hoá xử lí và truyền thông tin trong xã hội tri thức.
NLb Trình bày và nêu được ví dụ minh họa một số quy định về quyền thông tin và bản quyền, tránh được những vi phạm khi sử dụng thông tin, tài nguyên số; hiểu khái niệm, cơ chế phá hoại, lây lan của phần mềm độc hại và cách phòng chống; biết cách tự bảo vệ thông tin, dữ liệu và tài khoản cá nhân; hiểu được rõ ràng hơn những mặt trái của Internet, nhận diện được những hành vi lừa đảo, thông tin mang nội dung xấu và biết cách xử lí phù hợp; thể hiện tính nhân văn khi tham gia thế giới ảo; có hiểu biết tổng quan về nhu cầu nhân lực, tính chất công việc của các ngành nghề trong lĩnh vực tin học cũng như các ngành nghề khác có sử dụng ICT; sẵn sàng, tự tin, có tinh thần trách nhiệm và sáng tạo khi tham gia các hoạt động tin học.
NLc Biết được các cấu trúc dữ liệu cơ bản, các thuật toán sắp xếp và tìm kiếm cơ bản, viết được chương trình, tạo được trang web đơn giản; biết khái niệm hệ cơ sở dữ liệu, biết kiến trúc hệ cơ sở dữ liệu tập trung và phân tán; sử dụng được máy tìm kiếm để khai thác thông tin một cách hiệu quả, an toàn và hợp pháp; tìm kiếm, lựa chọn được thông tin phù hợp và tin cậy; sử dụng được các công cụ kĩ thuật số để tổ chức, chia sẻ dữ liệu và thông tin trong quá trình phát hiện và giải quyết vấn đề; có những hiểu biết và hình dung ban đầu về trí tuệ nhân tạo và nêu được một số ứng dụng điển hình của trí tuệ nhân tạo.
NLd Khai thác được các dịch vụ tra cứu và trao đổi thông tin, các nguồn học liệu mở để cập nhật kiến thức, hỗ trợ học tập và tự học; sử dụng được một số phần mềm hỗ trợ học tập, tự tin, sẵn sàng tìm hiểu những phần mềm tương tự, qua đó có ý thức và khả năng tìm kiếm tri thức mới, tìm hiểu về nghề mình quan tâm.
NLe Biết cách hợp tác trong công việc; sử dụng được phần mềm để lập kế hoạch, phân chia và quản lí công việc; lựa chọn và sử dụng được những kênh phù hợp để trao đổi thông tin, thảo luận, hợp tác và mở mang tri thức; giao tiếp, hoà nhập được một cách an toàn trong môi trường số, biết tránh các tác động xấu thông qua một số biện pháp phòng tránh cơ bản.
  1. b) Yêu cầu bổ sung theo định hướng ICT và CS
Thành phần năng lực Biểu hiện
Định hướng ICT Định hướng CS
NLa và NLc – Kết nối được PC với các thiết bị số thông dụng

 – Biết tổ chức lưu trữ, khai thác được dữ liệu phục vụ bài toán quản lí đơn giản trong thực tế.

 – Sử dụng được một số chức năng cơ bản của phần mềm quản lí dự án.

 – Biết bảo vệ dữ liệu, cài đặt hay gỡ bỏ được phần mềm trên máy tính và thiết bị di động khi cần thiết.

 – Sử dụng được các phần mềm thiết kế đồ hoạ, chỉnh sửa ảnh và làm phim hoạt hình để tạo ra sản phẩm số phục vụ học tập và đáp ứng sở thích của cá nhân.

 – Sử dụng thành thạo các phần mềm tin học văn phòng, tạo được sản phẩm số có chất lượng thông qua các dự án giải quyết vấn đề thực tế.

 -Phân tích được dữ liệu với phần mềm bảng tính.

– Hiểu biết được nguyên lí hoạt động của hệ thống thông tin bao gồm máy tính và các thiết bị số khác.

 – Hiểu được các phép toán nhị phân cơ bản và ứng dụng hệ nhị phân trong tin học.

 – Trình bày được sơ lược việc thiết kế mạng.

 – Hiểu và vận dụng được các phương pháp làm mịn dần, thiết kế mô đun trong lập trình.

 – Xác định được cấu trúc dữ liệu thích hợp để biểu diễn thông tin, lựa chọn và xây dựng được thuật toán hiệu quả để giải quyết vấn đề; sử dụng được ngôn ngữ lập trình bậc cao, qua đó phát triển tư duy điều khiển và tự động hoá; tạo được những sản phẩm số thiết thực như chương trình điều khiển robot giáo dục.

 – Biết được mục tiêu và một số thành tựu của Khoa học dữ liệu và Học máy.

 – Biết được vai trò của phần mềm mô phỏng.

  1. NỘI DUNG GIÁO DỤC
  2. Nội dung khái quát

 1.1. Nội dung cốt lõi

 Chủ đề A. Máy tính và xã hội tri thức

 Chủ đề B. Mạng máy tính và Internet

 Chủ đề C. Tổ chức lưu trữ, tìm kiếm và trao đổi thông tin

 Chủ đề D. Đạo đức, pháp luật và văn hoá trong môi trường số

 Chủ đề E. Ứng dụng tin học

 Chủ đề F. Giải quyết vấn đề với sự trợ giúp của máy tính

 Chủ đề G. Hướng nghiệp với tin học

 1.2. Chuyên đề học tập

  1. a) Định hướng Tin học ứng dụng
Lớp Chuyên đề Mục tiêu
10 Thực hành làm việc với các tệp văn bản Giúp học sinh rèn luyện kĩ năng sử dụng các phần mềm soạn thảo văn bản, trình chiếu, bảng tính.
Thực hành sử dụng phần mềm trình chiếu
Thực hành sử dụng phần mềm bảng tính
11 Thực hành sử dụng phần mềm vẽ trang trí Giúp học sinh rèn luyện kĩ năng sử dụng phần mềm vẽ trang trí, làm phim hoạt hình và chỉnh sửa ảnh.
Thực hành sử dụng phần mềm làm phim hoạt hình
Thực hành sử dụng phần mềm chỉnh sửa ảnh
12 Thực hành sử dụng phần mềm quản lí dự án Giúp học sinh:rèn luyện kĩ năng sử dụng phần mềm quản lí dự án; biết các giải pháp thông dụng để bảo vệ dữ liệu; có khả năng cài đặt, gỡ bỏ phần mềm; phân tích được dữ liệu với phần mềm bảng tính.
Thực hành bảo vệ dữ liệu, cài đặt và gỡ bỏ phần mềm
Thực hành phân tích dữ liệu với phần mềm bảng tính
  1. b) Định hướng Khoa học máy tính
Lớp Chuyên đề Mục tiêu
10 Thực hành với các bộ phận của robot giáo dục Giúp học sinh có kĩ năng lắp ráp robot giáo dục.
Kết nối robot giáo dục với máy tính Giúp học sinh có kĩ năng kết nối máy tính với robot giáo dục và cài đặt phần mềm hỗ trợ.
Lập trình điều khiển robot giáo dục Giúp học sinh hình thành khả năng lập trình điều khiển robot giáo dục.
11 Thực hành thiết kế thuật toán theo kĩ thuật Đệ quy Giúp học sinh có khả năng thiết kế thuật toán theo kĩ thuật Đệ quy.
Thực hành thiết kế thuật toán theo kĩ thuật Chia để trị Giúp học sinh có khả năng thiết kế thuật toán theo kĩ thuật Chia để trị.
Thực hành thiết kế thuật toán theo kĩ thuật Duyệt Giúp học sinh có khả năng thiết kế thuật toán theo kĩ thuật Duyệt.
12 Tìm hiểu một vài kiểu dữ liệu tuyến tính Giúp học sinh hiểu một số khái niệm cơ bản và ứng dụng một số kiểu dữ liệu tuyến tính.
Tìm hiểu Cây tìm kiếm nhị phân trong sắp xếp và tìm kiếm Giúp học sinh hiểu một số khái niệm cơ bản và ứng dụng

 Cây tìm kiếm nhị phân trong sắp xếp và tìm kiếm.

Tìm hiểu kĩ thuật duyệt Đồ thị và ứng dụng Giúp học sinh hiểu kĩ thuật duyệt Đồ thị theo chiều rộng, chiều sâu và một vài ứng dụng.
  1. Nội dung cụ thể và yêu cầu cần đạt ở các lớp
  2. a) Nội dung giáo dục và yêu cầu cần đạt ở cấp tiểu học

 NỘI DUNG GIÁO DỤC TOÀN CẤP HỌC

Chủ đề Lớp 3 Lớp 4 Lớp 5
Chủ đề A. Máy tính và em Thông tin và xử lí thông tin Phần cứng và phần mềm Những việc em có thể làm được nhờ máy tính
Khám phá máy tính
Làm quen với cách gõ bàn phím Lợi ích của việc gõ bàn phím đúng cách
Chủ đề B. Mạng máy tính và Internet Xem tin và giải trí trên trang web Thông tin trên trang web Tìm kiếm thông tin trên website
Chủ đề C. Tổ chức lưu trữ, tìm kiếm và trao đổi thông tin Sắp xếp để dễ tìm Bước đầu tìm kiếm thông tin trên Internet Tìm kiếm thông tin trong giải quyết vấn đề
Làm quen với thư mục lưu trữ thông tin trong máy tính Tổ chức cây thư mục lưu trữ thông tin trong máy tính Cây thư mục và tìm tệp trên máy tính
Chủ đề D. Đạo đức, pháp luật và văn hoá trong môi trường số Sử dụng thông tin cá nhân trong môi trường số một cách phù hợp Bản quyền sử dụng phần mềm Bản quyền nội dung thông tin
Chủ đề E. Ứng dụng tin học Làm quen với bài trình chiếu đơn giản Tạo bài trình chiếu  
  Tập soạn thảo văn bản Thực hành soạn thảo văn bản
Chọn ít nhất 1 trong 2 chủ đề con sau đây:

 – Sử dụng công cụ đa phương tiện để tìm hiểu thế giới tự nhiên

 – Sử dụng phần mềm luyện tập thao tác với chuột máy tính

Chọn ít nhất 1 trong 2 chủ đề con sau đây:

 – Sử dụng công cụ đa phương tiện để tìm hiểu lịch sử, văn hoá

 – Sử dụng phần mềm luyện tập gõ bàn phím

Chọn ít nhất 1 trong 2 chủ đề con sau đây:

 – Sử dụng phần mềm đồ hoạ tạo sản phẩm số đơn giản

 – Sử dụng công cụ đa phương tiện hỗ trợ tạo sản phẩm đơn giản

Chủ đề F. Giải quyết vấn đề với sự trợ giúp của máy tính Thực hiện công việc theo các bước Làm quen với môi trường lập trình trực quan Chơi và khám phá trong môi trường lập trình trực quan
Nhiệm vụ của em và sự trợ giúp của máy tính

 YÊU CẦU CẦN ĐẠT VÀ NỘI DUNG GIÁO DỤC Ở CÁC LỚP

 LỚP 3

Yêu cầu cần đạt Nội dung
Chủ đề A. Máy tính và em
– Nêu được ví dụ đơn giản minh hoạ cho vai trò quan trọng của thông tin thu nhận hàng ngày đối với việc ra quyết định của con người. Nhận biết được trong ví dụ của giáo viên, cái gì là thông tin và đâu là quyết định.

 – Nhận biết được ba dạng thông tin hay gặp: chữ, âm thanh, hình ảnh. Nhận ra được trong ví dụ của giáo viên: Thông tin thu nhận và được xử lí là gì, kết quả của xử lí là hành động hay ý nghĩ gì. Nêu được ví dụ minh hoạ cho nhận xét: Bộ óc của con người là một bộ phận xử lí thông tin.

 – Nêu được ví dụ minh hoạ cho nhận xét: Cuộc sống quanh ta có những máy móc tiếp nhận thông tin để quyết định hành động. Nhận ra được trong ví dụ của giáo viên, máy đã xử lí thông tin nào và kết quả xử lí ra sao.

Thông tin và xử lí thông tin
– Nhận diện và phân biệt được hình dạng thường gặp của những máy tính thông dụng như máy tính để bàn, máy tính xách tay, máy tính bảng, điện thoại thông minh cùng các thành phần cơ bản của chúng (màn hình, thân máy, bàn phím, chuột).

 – Nêu được sơ lược về chức năng của bàn phím và chuột, màn hình và loa. Nhận biết được màn hình cảm ứng của máy tính bảng, điện thoại thông minh,… cũng là thiết bị tiếp nhận thông tin vào.

 – Cầm được chuột đúng cách, thực hiện được các thao tác cơ bản: di chuyển, nháy, nháy đúp, kéo thả chuột.

 – Khởi động được máy tính. Kích hoạt được một phần mềm ứng dụng. Ra khỏi được hệ thống đang chạy theo đúng cách. Nêu được ví dụ cụ thể về những thao tác không đúng cách sẽ gây tổn hại cho thiết bị khi sử dụng.

 – Biết và ngồi đúng tư thế khi làm việc với máy tính, biết vị trí phù hợp của màn hình (với mắt, với nguồn sáng trong phòng,…). Nêu được tác hại của việc ngồi sai tư thế hoặc sử dụng máy tính quá thời gian quy định cho lứa tuổi. Nhận ra được tư thế ngồi sai khi làm việc với máy tính.

 – Biết thực hiện quy tắc an toàn về điện, có ý thức đề phòng tai nạn về điện khi sử dụng máy tính.

Khám phá máy tính
– Chỉ ra được khu vực chính của bàn phím và nêu được tên các hàng phím.

 – Biết vị trí đặt các ngón tay trên hàng phím cơ sở và thực hiện được thao tác gõ các phím ở hàng cơ sở, hàng trên, hàng dưới đúng quy định của cách gõ bàn phím.

Làm quen với cách gõ bàn phím
Chủ đề B. Mạng máy tính và Internet
– Nêu được ví dụ về tin tức và chương trình giải trí có thể xem được khi truy cập Internet (như xem tin dự báo thời tiết, nghe ca nhạc,…).

 – Nêu được ví dụ thông tin nào đó không có sẵn trong máy tính đang sử dụng nhưng có thể tìm thấy trên Internet.

 – Biết được không phải thông tin nào trên Internet cũng phù hợp với lứa tuổi.

Xem tin và giải trí trên trang web
Chủ đề C. Tổ chức lưu trữ, tìm kiếm và trao đổi thông tin
– Giải thích được nếu sắp xếp những gì ta có một cách hợp lí thì khi cần sẽ tìm được nhanh hơn.

 – Sắp xếp được đồ vật hay dữ liệu hợp lí theo một số yêu cầu cụ thể. Ví dụ: xếp một số mảnh bìa có ghi chữ cái theo thứ tự abc; xếp sách vở vào một ngăn tủ, xếp ảnh vào một ngăn tủ khác, quần áo vào ngăn khác nữa, trong ngăn tủ lớn xếp sách có thể chia làm các ngăn nhỏ hơn (ngăn chứa sách, ngăn chứa vở, ngăn chứa truyện,…).

 – Nêu được cách tìm đúng và nhanh đối tượng cần tìm dựa trên sự sắp xếp.

 – Biết được có thể biểu diễn một sắp xếp, phân loại cụ thể bằng sơ đồ hình cây.

Sắp xếp để dễ tìm
– Nhận biết được tệp, thư mục và ổ đĩa.

 – Mô tả sơ lược được vai trò của cấu trúc cây thư mục trong việc lưu các tệp và các thư mục.

 – Tìm hiểu được cấu trúc cây của một thư mục để biết nó chứa những thư mục con nào, những tệp nào.

 – Thực hiện được việc tạo, xoá, đổi tên thư mục.

 – Tìm được tệp ở thư mục cho trước theo yêu cầu.

Làm quen với thư mục lưu trữ thông tin trong máy tính
Chủ đề D. Đạo đức, pháp luật và văn hoá trong môi trường số
– Biết được thông tin cá nhân và gia đình có thể được lưu trữ và trao đổi nhờ máy tính.

 – Có ý thức bảo vệ thông tin cá nhân và gia đình khi giao tiếp qua máy tính; biết được việc người xấu có thể lợi dụng những thông tin này gây hại cho em và gia đình.

Sử dụng thông tin cá nhân trong môi trường số một cách phù hợp
Chủ đề E. Ứng dụng tin học  
– Nhận biết được biểu tượng của phần mềm trình chiếu và kích hoạt được bằng cách nháy chuột vào biểu tượng.

 – Tạo được tệp trình chiếu, gõ được một vài dòng văn bản đơn giản không dấu, đưa được ảnh vào một trang chiếu, lưu và đặt được tên cho tệp trình chiếu.

Làm quen với bài trình chiếu đơn giản
– Nhận thấy nhờ sử dụng máy tính mà con người quan sát được và biết thêm về thế giới tự nhiên một cách sinh động và trực quan. Ví dụ: Máy tính giúp quan sát về loài vật, về Trái Đất quay quanh Mặt Trời.

 – Kể lại được những gì quan sát đã đem lại thêm hiểu biết mới.

Chủ đề con (lựa chọn):

 Sử dụng công cụ đa phương tiện để tìm hiểu thế giới tự nhiên

– Cầm chuột đúng cách.

 – Thực hiện được các thao tác với chuột: di chuyển con trỏ chuột, kéo thả chuột, nháy nút chuột, nháy đúp, sử dụng nút cuộn của chuột.

 – Nhận thấy phần mềm đã hướng dẫn thao tác đúng với chuột máy tính.

Chủ đề con (lựa chọn):

 Sử dụng phần mềm luyện tập thao tác với chuột máy tính

Chủ đề F. Giải quyết vấn đề với sự trợ giúp của máy tính
– Nêu được một số công việc hàng ngày được thực hiện theo từng bước, mỗi bước là một việc nhỏ hơn, các bước phải được sắp xếp thứ tự.

 – Nhận biết được việc chia một nhiệm vụ lớn thành những nhiệm vụ nhỏ hơn là để dễ hiểu và dễ thực hiện hơn.

 – Nêu được ví dụ về một việc thường làm có thể chia thành những việc nhỏ hơn, chẳng hạn làm một phép tính hay chuẩn bị cặp sách trước khi đi học có thể gồm một số bước.

 – Sử dụng được cách nói “Nếu…Thì…” thể hiện quyết định thực hiện một việc hay không tuỳ thuộc vào một điều kiện có được thoả mãn hay không.

Thực hiện công việc theo các bước
– Phát biểu được nhiệm vụ đặt ra bằng cách xác định những gì đã cho trước, cần làm gì hay cần tạo ra sản phẩm số nào.

 – Chia được một công việc cụ thể thành những việc nhỏ hơn, trong đó có những việc có thể thực hiện với trợ giúp của máy tính.

 – Thực hiện được nhiệm vụ do giáo viên đặt ra, có sử dụng máy tính.

Nhiệm vụ của em và sự trợ giúp của máy tính

 LỚP 4

Yêu cầu cần đạt Nội dung
Chủ đề A. Máy tính và em
– Nêu được tên một số thiết bị phần cứng và phần mềm đã biết.

 – Nêu được sơ lược về vai trò của phần cứng, phần mềm và mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau giữa chúng.

 – Nêu được ví dụ cụ thể về một số thao tác không đúng sẽ gây ra lỗi cho phần cứng và phần mềm trong quá trình sử dụng máy tính.

Phần cứng và phần mềm
– Giải thích được lợi ích của việc gõ bàn phím đúng cách.

 – Biết vị trí đặt các ngón tay trên hàng phím số và thực hiện được thao tác gõ đúng cách.

 – Gõ được đúng cách một đoạn văn bản ngắn khoảng 50 từ.

Lợi ích của việc gõ bàn phím đúng cách
Chủ đề B. Mạng máy tính và Internet
– Nhận biết và phân biệt được các loại thông tin chính trên trang web: văn bản, hình ảnh, âm thanh, siêu văn bản.

 – Giải thích được sơ lược tác hại khi trẻ em cố tình truy cập vào những trang web không phù hợp lứa tuổi và không nên xem.

Thông tin trên trang web
Chủ đề C. Tổ chức lưu trữ, tìm kiếm và trao đổi thông tin
– Xác định được chủ đề (từ khoá) của thông tin cần tìm.

 – Biết cách dùng máy tìm kiếm để tìm thông tin theo chủ đề (từ khoá).

 – Thực hiện được việc tìm kiếm thông tin trên Internet có sự trợ giúp của giáo viên hoặc phụ huynh.

Bước đầu tìm kiếm thông tin trên Internet
– Thực hiện được các thao tác cơ bản với thư mục và tệp: tạo và xoá thư mục, xoá tệp, di chuyển một thư mục hay một tệp vào trong thư mục khác, sao chép thư mục và tệp, đổi tên tệp.

 – Nêu được tác hại khi thao tác nhầm, từ đó có ý thức cẩn thận khi thực hiện những thao tác nêu trên.

Tổ chức cây thư mục lưu trữ thông tin trong máy tính
Chủ đề D. Đạo đức, pháp luật và văn hoá trong môi trường số
– Nêu được một vài ví dụ cụ thể về phần mềm miễn phí và phần mềm không miễn phí.

 – Biết rằng chỉ được sử dụng phần mềm có bản quyền khi được phép.

Bản quyền sử dụng phần mềm
Chủ đề E. Ứng dụng tin học
– Thực hiện được thành thạo việc kích hoạt và ra khỏi phần mềm trình chiếu.

 – Tạo được tệp trình chiếu đơn giản (khoảng 4 trang) có chữ hoa và chữ thường, có ảnh, có sử dụng công cụ gạch đầu dòng. Biết lưu tệp sản phẩm vào đúng thư mục theo yêu cầu.

 – Định dạng được kiểu, màu, kích thước chữ cho văn bản trên trang chiếu.

 – Sử dụng được một vài hiệu ứng chuyển trang đơn giản.

Tạo bài trình chiếu
– Nhận biết được biểu tượng của phần mềm soạn thảo văn bản và kích hoạt được bằng chuột.

 – Soạn thảo được văn bản tiếng Việt có chữ hoa, có dấu và lưu trữ được vào thư mục theo yêu cầu.

 Mở được tệp có sẵn, đặt và đổi được tên tệp.

 – Đưa được hình ảnh vào văn bản.

 – Chỉnh sửa được văn bản với các thao tác chọn, xoá, sao chép, di chuyển một đoạn văn bản.

Tập soạn thảo văn bản
– Nêu được ví dụ minh hoạ việc sử dụng phần mềm máy tính hoặc video giúp biết thêm những thông tin sinh động về lịch sử, văn hoá.

 – Kể lại được điều quan sát và biết thêm qua sử dụng công cụ đa phương tiện.

Chủ đề con (lựa chọn):

 Sử dụng công cụ đa phương tiện để tìm hiểu lịch sử, văn hoá

– Nhận thấy được phần mềm có thể giúp tập gõ đúng cách, có thể “hướng dẫn” luyện gõ bằng hệ thống bảng chọn và các thông báo.

 – Quen được với giao diện của phần mềm luyện gõ và tập gõ được theo yêu cầu thấp nhất, ví dụ như tập gõ phím Shift tạo chữ hoa, các dấu và các số.

Chủ đề con (lựa chọn):

 Sử dụng phần mềm luyện tập gõ bàn phím

Chủ đề F. Giải quyết vấn đề với sự trợ giúp của máy tính
– Nhận ra được chương trình máy tính qua các trò chơi.

 – Nêu được ví dụ cụ thể về sử dụng chương trình máy tính để diễn tả ý tưởng, câu chuyện theo từng bước.

 – Tự thiết lập và tạo được chương trình đơn giản, ví dụ điều khiển một nhân vật chuyển động trên màn hình.

Làm quen với môi trường lập trình trực quan

 LỚP 5

Yêu cầu cần đạt Nội dung
Chủ đề A. Máy tính và em
– Nêu được ví dụ máy tính giúp giải trí, học tập, tìm kiếm, trao đổi thông tin, hợp tác với bạn bè và tạo ra sản phẩm số theo ý tưởng của bản thân.

 – Thể hiện được mong muốn biết sử dụng máy tính thành thạo để làm được nhiều việc hơn.

Những việc em có thể làm được nhờ máy tính
Chủ đề B. Mạng máy tính và Internet
– Tìm được trên website cho trước những thông tin phù hợp và có ích cho nhiệm vụ đặt ra.

 – Hợp tác, chia sẻ được thông tin với các bạn trong nhóm để hoàn thành công việc được giao.

Tìm kiếm thông tin trên website
Chủ đề C. Tổ chức lưu trữ, tìm kiếm và trao đổi thông tin
– Giải thích được sự cần thiết, tầm quan trọng của việc thu thập và tìm kiếm thông tin trong giải quyết vấn đề.

 – Tìm kiếm và chọn được thông tin phù hợp với vấn đề cần giải quyết.

 – Thể hiện được sự hợp tác với người khác để giải quyết vấn đề cụ thể.

Tìm kiếm thông tin trong giải quyết vấn đề
– Tạo được các thư mục với cấu trúc cây hợp lí.

 – Sử dụng được công cụ tìm kiếm trên máy tính để tìm các thư mục và các tệp.

Cây thư mục và tìm tệp trên máy tính
Chủ đề D. Đạo đức, pháp luật và văn hoá trong môi trường số
– Giải thích được một số khái niệm liên quan đến bản quyền nội dung thông tin.

 – Nhận biết và giải thích sơ lược được một số vấn đề đạo đức và tính hợp lệ của việc truy cập nội dung, việc bảo mật thông tin.

 – Thể hiện được sự tôn trọng tính riêng tư và bản quyền nội dung thông tin.

 – Thể hiện được sự không đồng tình với hiện tượng sai trái, gian dối trong học tập và đời sống như xem thư riêng hay sao chép tệp của bạn khi chưa được sự đồng ý,…

Bản quyền nội dung thông tin
Chủ đề E. Ứng dụng tin học
– Thực hiện thành thạo các thao tác chọn, xoá, sao chép, di chuyển một đoạn văn bản.

 – Định dạng được kí tự để trình bày văn bản đẹp hơn: chọn kiểu, kích thước, màu sắc cho chữ.

 – Đưa được hình ảnh vào trong văn bản một cách thành thạo.

Thực hành soạn thảo văn bản
Tạo được sản phẩm số đơn giản nhờ sử dụng phần mềm đồ hoạ, ví dụ thiệp chúc mừng để tặng người thân nhân một dịp đặc biệt. Chủ đề con (lựa chọn):

 Sử dụng phần mềm đồ hoạ tạo sản phẩm số đơn giản

Tạo được sản phẩm thủ công theo video hướng dẫn,ví dụ: gấp giấy, tạo đồ dùng tiện lợi cho gia đình,… Chủ đề con(lựa chọn):

 Sử dụng công cụ đa phương tiện hỗ trợ tạo sản phẩm đơn giản

Chủ đề F. Giải quyết vấn đề với sự trợ giúp của máy tính
– Nêu được ví dụ cụ thể mô tả các cấu trúc tuần tự, lặp, rẽ nhánh và sử dụng được các cấu trúc điều khiển này trong một số chương trình đơn giản.

 – Sử dụng được biến nhớ và biểu thức trong một số chương trình đơn giản.

 – Hợp tác được theo nhóm để viết kịch bản và chương trình thể hiện kịch bản.

 – Chạy thử được chương trình.

Chơi và khám phá trong môi trường lập trình trực quan
  1. b) Nội dung giáo dục và yêu cầu cần đạt ở cấp trung học cơ sở

 NỘI DUNG GIÁO DỤC TOÀN CẤP HỌC

Chủ đề Lớp 6 Lớp 7 Lớp 8 Lớp 9
Chủ đề A. Máy tính và cộng đồng Thông tin và dữ liệu Sơ lược về các thành phần của máy tính Sơ lược về lịch sử phát triển máy tính Vai trò của máy tính trong đời sống
Biểu diễn thông tin và lưu trữ dữ liệu trong máy tính Khái niệm hệ điều hành và phần mềm ứng dụng
Chủ đề B. Mạng máy tính và Internet Giới thiệu về mạng máy tính và Internet      
Chủ đề C. Tổ chức lưu trữ, tìm kiếm và trao đổi thông tin World Wide Web, thư điện tử và công cụ tìm kiếm thông tin Mạng xã hội và một số kênh trao đổi thông tin thông dụng trên Internet Đặc điểm của thông tin trong môi trường số Đánh giá chất lượng thông tin trong giải quyết vấn đề
Thông tin với giải quyết vấn đề
Chủ đề D. Đạo đức, pháp luật và văn hoá trong môi trường số Đề phòng một số tác hại khi tham gia Internet Văn hoá ứng xử qua phương tiện truyền thông số Đạo đức và văn hoá trong sử dụng công nghệ kĩ thuật số Một số vấn đề pháp lí về sử dụng dịch vụ Internet
Chủ đề E. Ứng dụng tin học Soạn thảo văn bản cơ bản Bảng tính điện tử cơ bản Xử lí và trực quan hoá dữ liệu bằng bảng tính điện tử Phần mềm mô phỏng và khám phá tri thức
Sơ đồ tư duy và phần mềm sơ đồ tư duy Phần mềm trình chiếu cơ bản Chủ đề con (lựa chọn):

 Soạn thảo văn bản và phần mềm trình chiếu nâng cao

Chủ đề con (lựa chọn):

 Làm quen với phần mềm chỉnh sửa ảnh

Trình bày thông tin trong trao đổi và hợp tác
Chủ đề con (lựa chọn):

 Sử dụng bảng tính điện tử nâng cao

Chủ đề con (lựa chọn):

 Làm quen với phần mềm làm video

Chủ đề F. Giải quyết vấn đề với sự trợ giúp của máy tính Khái niệm thuật toán và biểu diễn thuật toán Một số thuật toán sắp xếp và tìm kiếm cơ bản Lập trình trực quan Giải bài toán bằng máy tính
Chủ đề G. Hướng nghiệp với tin học     Tin học và ngành nghề Tin học và định hướng nghề nghiệp

 YÊU CẦU CẦN ĐẠT VÀ NỘI DUNG GIÁO DỤC Ở CÁC LỚP

 LỚP 6

Yêu cầu cần đạt Nội dung
Chủ đề A. Máy tính và cộng đồng
– Phân biệt được thông tin với vật mang tin.

 – Nhận biết được sự khác nhau giữa thông tin và dữ liệu.

 – Nêu được ví dụ minh hoạ mối quan hệ giữa thông tin và dữ liệu.

 – Nêu được ví dụ minh hoạ tầm quan trọng của thông tin.

 – Giải thích được máy tính là công cụ hiệu quả để thu thập, lưu trữ, xử lí và truyền thông tin. Nêu được ví dụ minh hoạ cụ thể.

 – Nêu được các bước cơ bản trong xử lí thông tin.

Thông tin và dữ liệu
– Giải thích được có thể biểu diễn thông tin chỉ với hai kí hiệu 0 và 1.

 – Biết được bit là đơn vị nhỏ nhất trong lưu trữ thông tin.

 – Nêu được tên và độ lớn (xấp xỉ theo hệ thập phân) của các đơn vị cơ bản đo dung lượng thông tin: Byte, KB, MB, GB, quy đổi được một cách gần đúng giữa các đơn vị đo lường này. Ví dụ: 1KB bằng xấp xỉ 1 ngàn byte, 1 MB xấp xỉ 1 triệu byte, 1 GB xấp xỉ 1 tỉ byte.

 – Nêu được sơ lược khả năng lưu trữ của các thiết bị nhớ thông dụng như đĩa cứng, USB, CD, thẻ nhớ, …

Biểu diễn thông tin và lưu trữ dữ liệu trong máy tính
Chủ đề B. Mạng máy tính và Internet
– Nêu được khái niệm và lợi ích của mạng máy tính.

 – Nêu được ví dụ cụ thể về trường hợp mạng không dây tiện dụng hơn mạng có dây.

 – Nêu được các thành phần chủ yếu của một mạng máy tính (máy tính và các thiết bị kết nối) và tên của một vài thiết bị mạng cơ bản như máy tính, cáp nối, Switch, Access Point,…

 – Giới thiệu tóm tắt được các đặc điểm và ích lợi chính của Internet.

Giới thiệu về mạng máy tính và Internet
Chủ đề C. Tổ chức lưu trữ, tìm kiếm và trao đổi thông tin
– Trình bày được sơ lược về các khái niệm WWW, website, địa chỉ của website, trình duyệt.

 – Xem và nêu được những thông tin chính trên trang web cho trước.

 – Khai thác được thông tin trên một số trang web thông dụng như tra từ điển, xem thời tiết, tin thời sự,…

 – Nêu được công dụng của máy tìm kiếm.

 – Xác định được từ khoá ứng với một mục đích tìm kiếm cho trước.

 – Nêu được những ưu, nhược điểm cơ bản của dịch vụ thư điện tử so với các phương thức liên lạc khác.

 – Biết cách đăng kí tài khoản thư điện tử, thực hiện được một số thao tác cơ bản: đăng nhập tài khoản email, soạn và gửi email, thoát ra.

World Wide Web, thư điện tử và công cụ tìm kiếm thông tin
Chủ đề D. Đạo đức, pháp luật và văn hoá trong môi trường số
– Giới thiệu được sơ lược về một số tác hại và nguy cơ bị hại khi tham gia Internet.Nêu và thực hiện được một số biện pháp phòng ngừa cơ bản với sự hướng dẫn của giáo viên.

 – Trình bày được tầm quan trọng của sự an toàn và hợp pháp của thông tin cá nhân và tập thể, nêu được ví dụ minh hoạ.

 – Bảo vệ được thông tin và tài khoản cá nhân với sự hỗ trợ của người lớn.

 – Nêu được một vài cách thông dụng để chia sẻ thông tin của bản thân và tập thể sao cho an toàn và hợp pháp.

 – Nhận diện được một số thông điệp (chẳng hạn email, yêu cầu kết bạn, lời mời tham gia câu lạc bộ,…) lừa đảo hoặc mang nội dung xấu.

Đề phòng một số tác hại khi tham gia Internet
Chủ đề E. Ứng dụng tin học
– Trình bày được tác dụng của công cụ căn lề, định dạng, tìm kiếm, thay thế trong phần mềm soạn thảo văn bản.

 – Thực hiện được việc định dạng văn bản, trình bày trang văn bản và in.

 – Sử dụng được công cụ tìm kiếm và thay thế của phần mềm soạn thảo.

 – Trình bày được thông tin ở dạng bảng.

 – Soạn thảo được văn bản phục vụ học tập và sinh hoạt hàng ngày.

 – Nêu được các chức năng đặc trưng của những phần mềm soạn thảo văn bản.

Soạn thảo văn bản cơ bản
– Sắp xếp được một cách logic và trình bày được dưới dạng sơ đồ tư duy các ý tưởng, khái niệm.

 – Giải thích được lợi ích của sơ đồ tư duy, nêu được nhu cầu sử dụng phần mềm sơ đồ tư duy trong học tập và trao đổi thông tin.

 – Sử dụng được phần mềm để tạo sơ đồ tư duy đơn giản phục vụ học tập và trao đổi thông tin.

Sơ đồ tư duy và phần mềm sơ đồ tư duy
Chủ đề F. Giải quyết vấn đề với sự trợ giúp của máy tính
– Diễn tả được sơ lược khái niệm thuật toán, nêu được một vài ví dụ minh hoạ.

 – Mô tả được thuật toán đơn giản có các cấu trúc tuần tự, rẽ nhánh và lặp dưới dạng liệt kê hoặc sơ đồ khối.

 – Biết được chương trình là mô tả một thuật toán để máy tính “hiểu” và thực hiện được.

Khái niệm thuật toán và biểu diễn thuật toán

 LỚP 7

Yêu cầu cần đạt Nội dung
Chủ đề A. Máy tính và cộng đồng
– Biết và nhận ra được các thiết bị vào – ra có nhiều loại, hình dạng khác nhau,biết được chức năng của mỗi loại thiết bị này trong thu thập, lưu trữ, xử lí và truyền thông tin.

 – Thực hiện đúng các thao tác với các thiết bị thông dụng của máy tính. Nêu được ví dụ cụ thể về những thao tác không đúng cách sẽ gây ra lỗi cho các thiết bị và hệ thống xử lí thông tin.

Sơ lược về các thành phần của máy tính
– Giải thích được sơ lược chức năng điều khiển và quản lí của hệ điều hành, qua đó phân biệt được hệ điều hành với phần mềm ứng dụng.

 – Nêu được tên một số phần mềm ứng dụng đã sử dụng.

 – Giải thích được phần mở rộng của tên tệp cho biết tệp thuộc loại gì, nêu được ví dụ minh hoạ.

 – Thao tác thành thạo với tệp và thư mục:tạo, sao chép, di chuyển, đổi tên, xoá tệp và thư mục.

 – Biết được tệp chương trình cũng là dữ liệu, có thể được lưu trữ trong máy tính.

 – Nêu được ví dụ về biện pháp bảo vệ dữ liệu như sao lưu, phòng chống virus,…

Khái niệm hệ điều hành và phần mềm ứng dụng
Chủ đề C. Tổ chức lưu trữ, tìm kiếm và trao đổi thông tin
– Nêu được một số chức năng cơ bản của mạng xã hội. Nhận biết được một số website là mạng xã hội.

 – Sử dụng được một số chức năng cơ bản của một mạng xã hội để giao lưu và chia sẻ thông tin.

 – Nêu được tên một kênh trao đổi thông tin thông dụng trên Internet và loại thông tin trao đổi trên kênh đó.

 – Nêu được ví dụ cụ thể về hậu quả của việc sử dụng thông tin vào mục đích sai trái.

Mạng xã hội và một số kênh trao đổi thông tin thông dụng trên Internet
Chủ đề D. Đạo đức, pháp luật và văn hoá trong môi trường số
– Nêu được một số ví dụ truy cập không hợp lệ vào các nguồn thông tin và kênh truyền thông tin.

 – Thực hiện được giao tiếp qua mạng (trực tuyến hay không trực tuyến) theo đúng quy tắc và bằng ngôn ngữ lịch sự, thể hiện ứng xử có văn hoá.

 – Biết được tác hại của bệnh nghiện Internet, từ đó có ý thức phòng tránh.

 – Nêu được cách ứng xử hợp lí khi gặp trên mạng hoặc các kênh truyền thông tin số những thông tin có nội dung xấu, thông tin không phù hợp lứa tuổi.

 – Biết nhờ người lớn giúp đỡ, tư vấn khi cần thiết, chẳng hạn khi bị bắt nạt trên mạng.

Văn hoá ứng xử qua phương tiện truyền thông số
Chủ đề E. Ứng dụng tin học
– Nêu được một số chức năng cơ bản của phần mềm bảng tính.

 – Thực hiện được một số phép toán thông dụng, sử dụng được một số hàm đơn giản như MAX, MIN, SUM, AVERAGE, COUNT,…

 – Sử dụng được công thức và dùng được địa chỉ trong công thức, tạo được bảng tính đơn giản có số liệu tính toán bằng công thức.

 – Thực hiện được một số thao tác đơn giản:chọn phông chữ, căn chỉnh dữ liệu trong ô tính, thay đổi độ rộng cột.

 – Sử dụng được bảng tính điện tử để giải quyết một vài công việc cụ thể đơn giản.

 – Giải thích được việc đưa các công thức vào bảng tính là một cách điều khiển tính toán tự động trên dữ liệu.

Bảng tính điện tử cơ bản
– Nêu được một số chức năng cơ bản của phần mềm trình chiếu.

 – Tạo được một báo cáo có tiêu đề, cấu trúc phân cấp, ảnh minh hoạ, hiệu ứng động; biết sử dụng các định dạng cho văn bản, ảnh minh hoạ và hiệu ứng một cách hợp lí.

 – Sao chép được dữ liệu từ tệp văn bản sang trang trình chiếu.

Phần mềm trình chiếu cơ bản
Chủ đề F. Giải quyết vấn đề với sự trợ giúp của máy tính
– Giải thích được một vài thuật toán sắp xếp và tìm kiếm cơ bản, bằng các bước thủ công (không cần dùng máy tính) biểu diễn và mô phỏng được hoạt động của thuật toán đó trên một bộ dữ liệu vào có kích thước nhỏ.

 – Giải thích được mối liên quan giữa sắp xếp và tìm kiếm, nêu được ví dụ minh hoạ.

 – Nêu được ý nghĩa của việc chia một bài toán thành những bài toán nhỏ hơn.

Một số thuật toán sắp xếp và tìm kiếm cơ bản

 LỚP 8

Yêu cầu cần đạt Nội dung
Chủ đề A. Máy tính và cộng đồng
– Trình bày được sơ lược lịch sử phát triển máy tính.

 – Nêu được ví dụ cho thấy sự phát triển máy tính đã đem đến những thay đổi lớn lao cho xã hội loài người.

Sơ lược về lịch sử phát triển máy tính
Chủ đề C. Tổ chức lưu trữ, tìm kiếm và trao đổi thông tin
– Nêu được các đặc điểm của thông tin số: đa dạng, được thu thập ngày càng nhanh và nhiều, được lưu trữ với dung lượng khổng lồ bởi nhiều tổ chức và cá nhân, có tính bản quyền, có độ tin cậy rất khác nhau, có các công cụ tìm kiếm, chuyển đổi, truyền và xử lí hiệu quả.

 – Trình bày được tầm quan trọng của việc biết khai thác các nguồn thông tin đáng tin cậy, nêu được ví dụ minh hoạ.

 – Sử dụng được công cụ tìm kiếm, xử lí và trao đổi thông tin trong môi trường số. Nêu được ví dụ minh hoạ.

Đặc điểm của thông tin trong môi trường số
– Chủ động tìm kiếm được thông tin để thực hiện nhiệm vụ (thông qua bài tập cụ thể).

 – Đánh giá được lợi ích của thông tin tìm được trong giải quyết vấn đề, nêu được ví dụ minh hoạ.

Thông tin với giải quyết vấn đề
Chủ đề D. Đạo đức, pháp luật và văn hoá trong môi trường số
– Nhận biết và giải thích được một số biểu hiện vi phạm đạo đức và pháp luật, biểu hiện thiếu văn hoá khi sử dụng công nghệ kĩ thuật số. Ví dụ: thu âm, quay phim, chụp ảnh khi không được phép, dùng các sản phẩm văn hoá vi phạm bản quyền,…

 – Bảo đảm được các sản phẩm số do bản thân tạo ra thể hiện được đạo đức, tính văn hoá và không vi phạm pháp luật.

Đạo đức và văn hoá trong sử dụng công nghệ kĩ thuật số
Chủ đề E. Ứng dụng tin học
– Thực hiện được các thao tác tạo biểu đồ, lọc và sắp xếp dữ liệu.Nêu được một số tình huống thực tế cần sử dụng các chức năng đó của phần mềm bảng tính.

 – Giải thích được sự khác nhau giữa địa chỉ tương đối và địa chỉ tuyệt đối của một ô tính.

 – Giải thích được sự thay đổi địa chỉ tương đối trong công thức khi sao chép công thức.

 – Sao chép được dữ liệu từ các tệp văn bản, trang trình chiếu sang trang tính.

 – Sử dụng được phần mềm bảng tính trợ giúp giải quyết bài toán thực tế.

Xử lí và trực quan hoá dữ liệu bằng bảng tính điện tử
– Sử dụng được phần mềm soạn thảo:

 + Thực hiện được các thao tác: chèn thêm, xoá bỏ, co dãn hình ảnh, vẽ hình đồ hoạ trong văn bản, tạo danh sách dạng liệt kê, đánh số trang, thêm đầu trang và chân trang.

 + Tạo được một số sản phẩm là văn bản có tính thẩm mĩ phục vụ nhu cầu thực tế.

 – Sử dụng được phần mềm trình chiếu:

 + Chọn đặt được màu sắc, cỡ chữ hài hoà và hợp lí với nội dung.

 + Đưa được vào trong trang chiếu đường dẫn đến video hay tài liệu khác.

 + Thực hiện được thao tác đánh số trang, thêm đầu trang và chân trang.

 + Sử dụng được các bản mẫu (template).

 + Tạo được các sản phẩm số phục vụ học tập, giao lưu và trao đổi thông tin.

Chủ đề con (lựa chọn):

 Soạn thảo văn bản và phần mềm trình chiếu nâng cao

– Nêu được một vài chức năng chính và thực hiện được một số thao tác cơ bản với phần mềm chỉnh sửa ảnh.

 – Tạo được một vài sản phẩm số đơn giản đáp ứng nhu cầu cá nhân, gia đình, trường học và địa phương.

Chủ đề con(lựa chọn):

 Làm quen với phần mềm chỉnh sửa ảnh

Chủ đề F. Giải quyết vấn đề với sự trợ giúp của máy tính
– Mô tả được kịch bản đơn giản dưới dạng thuật toán và tạo được một chương trình đơn giản.

 – Hiểu được chương trình là dãy các lệnh điều khiển máy tính thực hiện một thuật toán.

 – Thể hiện được cấu trúc tuần tự, rẽ nhánh và lặp ở chương trình trong môi trường lập trình trực quan.

 – Nêu được khái niệm hằng, biến, kiểu dữ liệu, biểu thức và sử dụng được các khái niệm này ở các chương trình đơn giản trong môi trường lập trình trực quan.

 – Chạy thử, tìm lỗi và sửa được lỗi cho chương trình.

Lập trình trực quan
Chủ đề G. Hướng nghiệp với tin học
– Nêu được một số nghề nghiệp mà ứng dụng tin học sẽ làm tăng hiệu quả công việc.

 – Nêu được tên một số nghề thuộc lĩnh vực tin học và một số nghề liên quan đến ứng dụng tin học.

 – Nhận thức và trình bày được vấn đề bình đẳng giới trong việc sử dụng máy tính và trong ứng dụng tin học, nêu được ví dụ minh hoạ.

Tin học

 và ngành nghề

 LỚP 9

Yêu cầu cần đạt Nội dung
Chủ đề A. Máy tính và cộng đồng
– Nhận biết được sự có mặt của các thiết bị có gắn bộ xử lí thông tin ở khắp nơi (trong gia đình, ở trường học, cửa hàng, bệnh viện, công sở, nhà máy,…), trong mọi lĩnh vực (y tế, ngân hàng, hàng không, toán học,sinh học,…), nêu được ví dụ minh hoạ.

 – Nêu được khả năng của máy tính và chỉ ra được một số ứng dụng thực tế của nó trong khoa học kĩ thuật và đời sống.

 – Giải thích được tác động của công nghệ thông tin lên giáo dục và xã hội thông qua các ví dụ cụ thể.

Vai trò của máy tính trong đời sống
Chủ đề C. Tổ chức lưu trữ, tìm kiếm và trao đổi thông tin
– Giải thích được sự cần thiết phải quan tâm đến chất lượng thông tin khi tìm kiếm, tiếp nhận và trao đổi thông tin.Nêu được ví dụ minh hoạ.

 – Giải thích được tính mới, tính chính xác, tính đầy đủ, tính sử dụng được của thông tin.Nêu được ví dụ minh hoạ.

Đánh giá chất lượng thông tin trong giải quyết vấn đề
Chủ đề D. Đạo đức, pháp luật và văn hoá trong môi trường số
– Trình bày được một số tác động tiêu cực của công nghệ kĩ thuật số đối với đời sống con người và xã hội, nêu được ví dụ minh hoạ.

 – Nêu được một số nội dung liên quan đến luật Công nghệ thông tin, nghị định về sử dụng dịch vụ Internet, các khía cạnh pháp lí của việc sở hữu, sử dụng và trao đổi thông tin.

 – Nêu được một số hành vi vi phạm pháp luật, trái đạo đức,thiếu văn hoá khi hoạt động trong môi trường số thông qua một vài ví dụ.

Một số vấn đề pháp lí về sử dụng dịch vụ Internet
Chủ đề E. Ứng dụng tin học
– Nêu được ví dụ phần mềm mô phỏng.

 – Nêu được những kiến thức đã thu nhận từ việc khai thác một vài phần mềm mô phỏng.

 – Nhận biết được sự mô phỏng thế giới thực nhờ máy tính có thể giúp con người khám phá tri thức và giải quyết vấn đề.

Phần mềm mô phỏng và khám phá tri thức
– Biết được khả năng đính kèm văn bản, ảnh, video, trang tính vào sơ đồ tư duy.

 – Sử dụng được hình ảnh, biểu đồ, video một cách hợp lí.

 – Sử dụng được bài trình chiếu và sơ đồ tư duy trong trao đổi thông tin và hợp tác.

Trình bày thông tin trong trao đổi và hợp tác
– Thực hiện được dự án sử dụng bảng tính điện tử góp phần giải quyết một bài toán liên quan đến quản lí tài chính, dân số,… Ví dụ: quản lí chi tiêu của gia đình, quản lí thu chi quỹ lớp. Chủ đề con (lựa chọn):

 Sử dụng bảng tính điện tử nâng cao

– Nêu được một số chức năng và thực hiện được một số thao tác cơ bản trong sử dụng một phần mềm làm video.

 – Tạo được một vài đoạn video đáp ứng nhu cầu cuộc sống của cá nhân, gia đình, trường học, địa phương.

Chủ đề con (lựa chọn):

 Làm quen với phần mềm làm video

Chủ đề F. Giải quyết vấn đề với sự trợ giúp của máy tính
Thông qua các ví dụ về lập trình trực quan:

 – Trình bày được quá trình giải quyết vấn đề và mô tả được giải pháp dưới dạng thuật toán (hoặc bằng phương pháp liệt kê các bước hoặc bằng sơ đồ khối).

 – Sử dụng được cấu trúc tuần tự, rẽ nhánh, lặp trong mô tả thuật toán.

 – Giải thích được trong quy trình giải quyết vấn đề có những bước (những vấn đề nhỏ hơn) có thể chuyển giao cho máy tính thực hiện, nêu được ví dụ minh hoạ.

 – Giải thích được khái niệm bài toán trong tin học là một nhiệm vụ có thể giao cho máy tính thực hiện, nêu được ví dụ minh hoạ.

 – Giải thích được chương trình là bản mô tả thuật toán bằng ngôn ngữ mà máy tính có thể “hiểu” và thực hiện.

 – Nêu được quy trình con người giao bài toán cho máy tính giải quyết.

Giải bài toán bằng máy tính
Chủ đề G. Hướng nghiệp với tin học
– Trình bày được công việc đặc thù và sản phẩm chính của người làm tin học trong ít nhất ba nhóm nghề.

 – Nêu và giải thích được ý kiến cá nhân (thích hay không thích,…) về một nhóm nghề nào đó.

 – Nhận biết được đặc trưng cơ bản của nhóm nghề thuộc hướng Tin học ứng dụng và nhóm nghề thuộc hướng Khoa học máy tính.

 – Tìm hiểu được (thông qua Internet và những kênh thông tin khác) công việc ở một số doanh nghiệp, công ty có sử dụng nhân lực thuộc các nhóm ngành đã được giới thiệu.

 – Giải thích được cả nam và nữ đều có thể thích hợp với các ngành nghề trong lĩnh vực tin học, nêu được ví dụ minh hoạ.

Tin học và định hướng nghề nghiệp
  1. c) Nội dung giáo dục và yêu cầu cần đạt ở cấp trung học phổ thông

 NỘI DUNG CỐT LÕI

Chủ đề Lớp 10 Lớp 11 Lớp 12
Chủ đề A. Máy tính và xã hội tri thức Tin học và xử lí thông tin Hệ điều hành và phần mềm ứng dụng Giới thiệu Trí tuệ nhân tạo
CS

 Biểu diễn thông tin

Thế giới thiết bị số ICT

 Thực hành kết nối thiết bị số

Chủ đề B. Mạng máy tính và Internet Internet hôm nay và ngày mai   Kết nối mạng
CS

 Phác thảo thiết kế mạng máy tính

Chủ đề C. Tổ chức lưu trữ, tìm kiếm và trao đổi thông tin   Tìm kiếm và trao đổi thông tin trên mạng  
Chủ đề D. Đạo đức, pháp luật và văn hoá trong môi trường số Nghĩa vụ tuân thủ pháp lí trong môi trường số Ứng xử văn hoá và an toàn trên mạng Gìn giữ tính nhân văn trong thế giới ảo
Chủ đề E. Ứng dụng tin học ICT

 Phần mềm thiết kế đồ hoạ

ICT

 Phần mềm chỉnh sửa ảnh và làm video

ICT

 Thực hành sử dụng phần mềm tạo trang web

Chủ đề F. Giải quyết vấn đề với sự trợ giúp của máy tính Lập trình cơ bản Giới thiệu các hệ Cơ sở dữ liệu Tạo trang web
ICT  
Thực hành tạo và khai thác Cơ sở dữ liệu  
CS

 Kĩ thuật lập trình

CS

 Giới thiệu Học máy và Khoa học dữ liệu

CS

 Mô phỏng trong giải quyết vấn đề

Chủ đề G. Hướng nghiệp với tin học Giới thiệu nhóm nghề thiết kế và lập trình Giới thiệu nghề Quản trị cơ sở dữ liệu Giới thiệu nhóm nghề dịch vụ và quản trị
Giới thiệu một số nghề ứng dụng tin học và một số ngành thuộc lĩnh vực tin học

 CHUYÊN ĐỀ HỌC TẬP

Chuyên đề Lớp 10 Lớp 11 Lớp 12
ĐỊNH HƯỚNG TIN HỌC ỨNG DỤNG
Chuyên đề 1 Thực hành làm việc với các tệp văn bản Thực hành sử dụng phần mềm vẽ trang trí Thực hành sử dụng phần mềm quản lí dự án
Chuyên đề 2 Thực hành sử dụng phần mềm trình chiếu Thực hành sử dụng phần mềm làm phim hoạt hình Thực hành bảo vệ dữ liệu, cài đặt và gỡ bỏ phần mềm
Chuyên đề 3 Thực hành sử dụng phần mềm bảng tính Thực hành sử dụng phần mềm chỉnh sửa ảnh Thực hành phân tích dữ liệu với phần mềm bảng tính
ĐỊNH HƯỚNG KHOA HỌC MÁY TÍNH
Chuyên đề 1 Thực hành với các bộ phận của robot giáo dục Thực hành thiết kế thuật toán theo kĩ thuật Đệ quy Tìm hiểu một vài kiểu dữ liệu tuyến tính
Chuyên đề 2 Kết nối robot giáo dục với máy tính Thực hành thiết kế thuật toán theo kĩ thuật Chia để trị Tìm hiểu Cây tìm kiếm nhị phân trong sắp xếp và tìm kiếm
Chuyên đề 3 Lập trình điều khiển robot giáo dục Thực hành thiết kế thuật toán theo kĩ thuật Duyệt Tìm hiểu kĩ thuật duyệt Đồ thị và ứng dụng

 YÊU CẦU CẦN ĐẠT VÀ NỘI DUNG CỐT LÕI Ở CÁC LỚP

 LỚP 10

Yêu cầu cần đạt Nội dung
Chủ đề A. Máy tính và xã hội tri thức
– Phân biệt được thông tin và dữ liệu, nêu được ví dụ minh hoạ.

 – Chuyển đổi được giữa các đơn vị lưu trữ thông tin: B, KB, MB,…

 – Nêu được sự ưu việt của việc lưu trữ, xử lí và truyền thông tin bằng thiết bị số.

Dữ liệu, thông tin và xử lí thông tin Tin học và xử lí thông

 tin

– Trình bày được những đóng góp cơ bản của tin học đối với xã hội, nêu được ví dụ minh hoạ.

 – Nêu được ví dụ cụ thể về thiết bị thông minh. Giải thích được vai trò của những thiết bị thông minh đối với sự phát triển của xã hội và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

 – Nhận biết được một vài thiết bị số thông dụng khác ngoài máy tính để bàn và laptop, giải thích được các thiết bị đó cũng là những hệ thống xử lí thông tin.

 – Giới thiệu được các thành tựu nổi bật ở một số mốc thời gian để minh hoạ sự phát triển của ngành tin học.

Vai trò của máy tính và các thiết bị thông minh trong nền kinh tế tri thức
– Khởi động được một số thiết bị số thông dụng, sử dụng được các tệp dữ liệu, các chức năng và phần mềm ứng dụng cơ bản cài sẵn trên các thiết bị đó. Kĩ năng sử dụng thiết bị số của mỗi công dân.
– Thực hiện được các phép tính cơ bản AND, OR, NOT, giải thích được ứng dụng của hệ nhị phân trong tin học. Giải thích được sơ lược việc số hoá văn bản, hình ảnh, âm thanh.

 – Giải thích được sơ lược về chức năng của bảng mã chuẩn quốc tế (Ví dụ: Unicode).

CS

 Biểu diễn thông tin

Chủ đề B. Mạng máy tính và Internet
– Trình bày được những thay đổi về chất lượng cuộc sống, phương thức học tập và làm việc trong xã hội mà ở đó mạng máy tính được sử dụng phổ biến.

 – So sánh được mạng LAN và Internet.

 – Nêu được một số dịch vụ cụ thể mà Điện toán đám mây cung cấp cho người dùng.

 – Nêu được khái niệm Internet vạn vật (IoT).

 – Nêu được ví dụ cụ thể về thay đổi trong cuộc sống mà IoT đem lại. Phát biểu ý kiến cá nhân về ích lợi của IoT.

Khái niệm mạng máy tính, Internet, IoT. Phân loại mạng máy tính. Internet hôm nay và ngày mai
– Sử dụng được một số chức năng xử lí thông tin trên máy PC và thiết bị số,ví dụ dịch tự động văn bản hay tiếng nói.

 – Khai thác được một số nguồn học liệu mở trên Internet.

 – Nêu được những nguy cơ và tác hại nếu tham gia các hoạt động trên Internet một cách bất cẩn và thiếu hiểu biết. Trình bày được một số cách đề phòng những tác hại đó.

 – Nêu được một vài cách phòng vệ khi bị bắt nạt trên mạng.

 – Biết cách tự bảo vệ dữ liệu của cá nhân.

 – Trình bày được sơ lược về phần mềm độc hại. Sử dụng được một số công cụ thông dụng để ngăn ngừa và diệt phần mềm độc hại.

Sử dụng dịch vụ web. Tự bảo vệ khi tham gia mạng
Chủ đề D. Đạo đức, pháp luật và văn hoá trong môi trường số
– Nêu được một số vấn đề nảy sinh về pháp luật, đạo đức, văn hoá khi việc giao tiếp qua mạng trở nên phổ biến.

 – Nêu được ví dụ minh hoạ sự vi phạm bản quyền thông tin và sản phẩm số, qua ví dụ đó giải thích được sự vi phạm đã diễn ra thế nào và có thể dẫn tới hậu quả gì.

 – Trình bày và giải thích được một số nội dung cơ bản của Luật Công nghệ thông tin, Nghị định về quản lí, cung cấp, sử dụng các sản phẩm và dịch vụ Công nghệ thông tin, Luật An ninh mạng. Nêu được ví dụ minh hoạ.

 – Giải thích được một số khía cạnh pháp lí của vấn đề bản quyền, của việc sở hữu, sử dụng và trao đổi thông tin trong môi trường số. Nêu được ví dụ minh hoạ.

 – Vận dụng được Luật và Nghị định nêu trên để xác định được tính hợp pháp của một hành vi nào đó trong lĩnh vực quản lí, cung cấp, sử dụng các sản phẩm và dịch vụ Công nghệ thông tin.

 – Nêu được ví dụ về những tác hại của việc chia sẻ và phổ biến thông tin một cách bất cẩn.

 – Nêu được một vài biện pháp đơn giản và thông dụng để nâng cao tính an toàn và hợp pháp của việc chia sẻ thông tin trong môi trường số.

Nghĩa vụ tuân thủ pháp lí trong môi trường số
Chủ đề E. Ứng dụng tin học
– Sử dụng được một số chức năng cơ bản của phần mềm thiết kế đồ hoạ.

 – Tạo được sản phẩm số đơn giản, hữu ích và thực tế như thiết kế logo, tạo banner, topic quảng cáo, băng-rôn, áp phích, poster và thiệp chúc mừng,…

ICT

 Phần mềm thiết kế đồ hoạ

Chủ đề F. Giải quyết vấn đề với sự trợ giúp của máy tính
– Viết và thực hiện được một vài chương trình có sử dụng:hằng, biến, các cấu trúc điều khiển, các toán tử, các kiểu dữ liệu chuẩn và mảng, các câu lệnh vào – ra. Qua đó phát triển được năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo, rèn luyện được phẩm chất chăm chỉ, kiên trì và cẩn thận trong học và tự học. Môi trường và các yếu tố cơ bản của một ngôn ngữ lập trình bậc cao Lập trình cơ bản
– Viết được chương trình có sử dụng chương trình con trong thư viện chuẩn.

 – Viết được chương trình con biểu diễn một thuật toán đơn giản và viết được chương trình có sử dụng chương trình con này.

Chương trình con
– Đọc hiểu được chương trình đơn giản.

 – Kiểm thử và gỡ lỗi được chương trình.

 – Viết và thực hiện được chương trình giải quyết bài toán đơn giản có vận dụng kiến thức liên môn.

Giải quyết bài toán bằng lập trình
Chủ đề G. Hướng nghiệp với tin học
– Trình bày được thông tin hướng nghiệp về nhóm nghề Thiết kế và Lập trình thông qua phân tích nghiệp vụ của một số nghề điển hình (Ví dụ: Thiết kế đồ hoạ, Thiết kế trò chơi máy tính, Lập trình viên, Phân tích thiết kế hệ thống,…):

 + Những nét sơ lược về công việc chính mà người làm nghề phải thực hiện.

 + Yêu cầu thiết yếu về kiến thức và kĩ năng cần có để làm nghề.

 + Ngành học có liên quan ở các bậc học tiếp theo.

 + Nhu cầu nhân lực hiện tại và tương lai của nhóm nghề đó.

 – Tự tìm kiếm và khai thác được thông tin hướng nghiệp (qua các chương trình đào tạo, thông báo tuyển dụng nhân lực,…) về một vài ngành nghề khác trong lĩnh vực tin học.

 – Giao lưu được với bạn bè qua các kênh truyền thông tin số để tham khảo và trao đổi ý kiến về những thông tin trên.

Giới thiệu nhóm nghề thiết kế và lập trình

 LỚP 11

Yêu cầu cần đạt Nội dung
Chủ đề A. Máy tính và xã hội tri thức
– Trình bày được sơ lược lịch sử phát triển của hai hệ điều hành thông dụng cho PC, một hệ điều hành là phần mềm thương mại và hệ điều hành còn lại là phần mềm nguồn mở. Sử dụng được một số chức năng cơ bản của một trong hai hệ điều hành đó.

 – Trình bày được vài nét chính về một hệ điều hành thông dụng cho thiết bị di động và sử dụng được một số tiện ích cơ bản của hệ điều hành đó.

 – Trình bày được một cách khái quát mối quan hệ giữa phần cứng, hệ điều hành và phần mềm ứng dụng. Trình bày được vai trò riêng của mỗi thành phần trong hoạt động chung của cả hệ thống.

Khái niệm cơ bản về hệ điều hành và phần mềm ứng dụng Hệ điều hành và phần mềm ứng dụng
– Trình bày được một số khái niệm có liên quan tới phần mềm nguồn mở: bản quyền phần mềm, giấy phép công cộng, phần mềm miễn phí. So sánh được phần mềm nguồn mở với phần mềm thương mại (nguồn đóng). Nêu được vai trò của phần mềm nguồn mở và phần mềm thương mại đối với sự phát triển của ICT.

 – Nêu được tên một số phần mềm soạn thảo văn bản, phần mềm bảng tính và phần mềm trình chiếu nguồn mở, chẳng hạn Writer, Calc và Impress trong bộ OpenOffice.

 – Sử dụng được một số tiện ích có sẵn của hệ điều hành để nâng cao hiệu suất sử dụng máy tính.

 – Kích hoạt và sử dụng được một vài chức năng cơ bản của một phần mềm soạn thảo văn bản, một phần mềm bảng tính và một phần mềm trình chiếu chạy trên Internet. Ví dụ các phần mềm trong gói Google Docs.

Phần mềm nguồn mở, phần mềm chạy trên Internet
– Nhận diện được hình dạng, mô tả được chức năng của các bộ phận chính bên trong thân máy tính như CPU, RAM và các thiết bị lưu trữ. Nêu được tên và giải thích được đơn vị đo hiệu năng của chúng như GHz, GB,…

 – Nhận biết được sơ đồ của các mạch logic AND, OR, NOT, giải thích được vai trò của các mạch logic đó trong thực hiện các tính toán nhị phân.

 – Tuỳ chỉnh được một vài chức năng cơ bản của máy tính và các thiết bị vào – ra thông dụng để phù hợp với nhu cầu sử dụng và đạt hiệu quả tốt hơn.

Những bộ phận chính bên trong máy tính Thế giới thiết bị số
– Đọc hiểu được một số điểm chính trong tài liệu hướng dẫn về thiết bị số thông dụng. Thực hiện được một số những chỉ dẫn trong tài liệu đó.

 – Đọc hiểu và giải thích được một số thông số cơ bản như kích thước màn hình, CPU, RAM, dung lượng lưu trữ, độ phân giải camera,… của các thiết bị số thông dụng.Ví dụ: PC, máy tính bảng, điện thoại thông minh, tivi có khả năng kết nối Internet,…

 – Biết được cách kết nối các bộ phận thân máy, bàn phím, chuột, màn hình của máy tính với nhau.

 – Biết được cách kết nối PC với các thiết bị số thông dụng như máy in, điện thoại thông minh, máy ảnh số,…

Chức năng và hoạt động của những thiết bị ngoại vi và thiết bị số thông dụng
Chủ đề C. Tổ chức lưu trữ, tìm kiếm và trao đổi thông tin
– Sử dụng được một số công cụ trực tuyến như Google Driver hay Dropbox,… để lưu trữ và chia sẻ tệp tin.

 – Sử dụng được máy tìm kiếm, chẳng hạn máy tìm kiếm của Google, Yahoo, Bing,… trên PC và thiết bị số thông minh để tìm kiếm thông tin bằng cách gõ từ khoá hoặc bằng tiếng nói.

 – Xác lập được các lựa chọn theo tiêu chí tìm kiếm để nâng cao hiệu quả tìm kiếm thông tin.

 – Sử dụng được những chức năng nâng cao của dịch vụ mạng xã hội.

 – Biết cách phân loại và đánh dấu các email.

Tìm kiếm và trao đổi thông tin trên mạng
Chủ đề D. Đạo đức, pháp luật và văn hoá trong môi trường số
– Nêu được một số dạng lừa đảo phổ biến trên mạng và những biện pháp phòng tránh.

 – Giao tiếp được trên mạng qua email, chat, mạng xã hội,… và trong môi trường số một cách văn minh, phù hợp với các quy tắc và văn hoá ứng xử.

Ứng xử văn hoá và an toàn trên mạng
Chủ đề E. Ứng dụng tin học
– Thực hiện được các thao tác xử lí ảnh cơ bản: cắt, phóng to, thu nhỏ, di chuyển, tẩy xoá ảnh và tạo ảnh động. Chỉnh sửa ảnh, tạo ảnh động ICT

 Phần mềm chỉnh sửa ảnh và làm video

– Tạo được các đoạn phim, nhập tư liệu từ ảnh và video có sẵn, biên tập được đoạn phim phục vụ học tập và giải trí.

 – Sử dụng được một số công cụ cơ bản biên tập phim: chỉnh sửa hình ảnh, âm thanh, tạo phụ đề, tạo các hiệu ứng chuyển cảnh, căn chỉnh thời gian.

 – Tạo được đoạn phim hoạt hình từ ảnh, có hội thoại giữa các nhân vật và có phụ đề.

Làm phim hoạt hình, video
Chủ đề F. Giải quyết vấn đề với sự trợ giúp của máy tính
– Nhận biết được nhu cầu lưu trữ dữ liệu và khai thác thông tin cho bài toán quản lí.

 – Diễn đạt được khái niệm hệ Cơ sở dữ liệu, các khái niệm cơ bản trong mô hình Cơ sở dữ liệu quan hệ như quan hệ (bảng), khoá, khoá ngoài, truy vấn, cập nhật dữ liệu,…

 – Nêu được những khái niệm cơ bản của hệ Cơ sở dữ liệu. Giải thích được các khái niệm đó qua ví dụ minh hoạ.

 – Phân biệt được hai loại kiến trúc hệ Cơ sở dữ liệu là tập trung và phân tán.

 – Nêu được tầm quan trọng và một số biện pháp bảo mật hệ Cơ sở dữ liệu.

Giới thiệu các hệ Cơ sở dữ liệu
Thực hiện được việc tạo lập Cơ sở dữ liệu cho một bài toán quản lí nhỏ bằng cách sử dụng một hệ Quản trị cơ sở dữ liệu quan hệ. Cụ thể là:

 – Tạo được các bảng và chỉ định được khoá cho mỗi bảng, thiết lập được mối quan hệ giữa các bảng qua việc chỉ định khoá ngoài.

 – Thực hiện được việc cập nhật Cơ sở dữ liệu.

 – Nêu được một vài tổ chức cần ứng dụng Cơ sở dữ liệu để quản lí hoạt động của mình.

 – Thể hiện được tính cẩn thận, chăm chỉ,trách nhiệm trong việc lưu trữ và quản lí dữ liệu.

Thực hành tạo và cập nhật Cơ sở dữ liệu ICT

 Thực hành tạo và khai thác Cơ sở dữ liệu

Thực hiện được việc khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu cho một bài toán quản lí nhỏ bằng cách sử dụng một hệ Quản trị cơ sở dữ liệu quan hệ. Cụ thể là:

 – Sử dụng được các truy vấn để tìm kiếm và kết xuất thông tin từ Cơ sở dữ liệu.

 – Nêu được một vài nhận xét so sánh kết quả bài thực hành với một phần mềm quản lí do giáo viên giới thiệu hoặc đã từng biết.

 – Giải thích được tính ưu việt của việc quản lí dữ liệu một cách khoa học nhờ ứng dụng Cơ sở dữ liệu.

 – Tìm hiểu được thêm một vài chức năng của hệ Quản trị cơ sở dữ liệu.

Thực hành khai thác Cơ sở dữ liệu
– Phát biểu được bài toán sắp xếp và bài toán tìm kiếm.

 – Viết được chương trình cho một vài thuật toán sắp xếp và tìm kiếm.

 – Vận dụng được các thuật toán đã học để giải quyết một bài toán cụ thể.

Viết chương trình cho một số thuật toán sắp xếp, tìm kiếm cơ bản CS

 Kĩ thuật lập trình

– Biết được việc kiểm thử giúp lập trình viên phát hiện lỗi, làm tăng độ tin cậy của chương trình nhưng chưa chứng minh được tính đúng của chương trình.

 – Trình bày được sơ lược khái niệm độ phức tạp thời gian của thuật toán và phép toán tích cực. Nêu được ví dụ minh hoạ.

 – Vận dụng được những quy tắc thực hành xác định độ phức tạp thời gian của một số thuật toán, chương trình đã biết.

Kiểm thử và đánh giá hiệu quả của chương trình
– Giải thích và vận dụng được phương pháp làm mịn dần trong lập trình.

 – Giải thích và vận dụng được phương pháp thiết kế chương trình thành các mô đun cho một bài toán cụ thể.

 – Nhận biết được lợi ích của phương pháp nêu trên:Hỗ trợ làm việc đồng thời, dễ dàng bảo trì, phát triển chương trình và tái sử dụng các mô đun.

Phương pháp làm mịn dần và sử dụng mô đun trong lập trình
– Trình bày được cấu trúc dữ liệu mảng (một và hai chiều) và danh sách liên kết.

 – Tạo được một thư viện nhỏ và viết được chương trình có sử dụng thư viện vừa tạo ra.

 – Viết được chương trình vận dụng những kiến thức tích hợp liên môn để giải quyết vấn đề.

Tổ chức dữ liệu trong chương

 trình

Chủ đề G. Hướng nghiệp với tin học
– Trình bày được thông tin hướng nghiệp về nghề Quản trị cơ sở dữ liệu theo các yếu tố sau:

 + Những nét sơ lược về công việc chính mà người làm nghề phải thực hiện.

 + Yêu cầu thiết yếu về kiến thức và kĩ năng cần có để làm nghề.

 + Ngành học có liên quan ở các bậc học tiếp theo.

 + Nhu cầu nhân lực của xã hội trong hiện tại và tương lai gần về nghề đó.

 – Tự tìm kiếm và khai thác được thông tin hướng nghiệp (qua các chương trình đào tạo, thông báo tuyển dụng nhân lực,…) về một vài ngành nghề khác trong lĩnh vực tin học.

 – Giao lưu được với bạn bè qua các kênh truyền thông số để tham khảo và trao đổi ý kiến về những thông tin trên.

Giới thiệu nghề Quản trị cơ sở dữ liệu

 LỚP 12

Yêu cầu cần đạt Nội dung
Chủ đề A. Máy tính và xã hội tri thức
– Giải thích được sơ lược về khái niệm Trí tuệ nhân tạo (AI – Artificial Intelligence).

 – Nêu được ví dụ minh hoạ cho một số ứng dụng điển hình của AI như điều khiển tự động, chẩn đoán bệnh, nhận dạng chữ viết tay, nhận dạng tiếng nói và khuôn mặt, trợ lí ảo,…

 – Chỉ ra được một số lĩnh vực của khoa học công nghệ và đời sống đã và đang phát triển mạnh mẽ dựa trên những thành tựu to lớn của AI.

 – Nêu được ví dụ để thấy một hệ thống AI có tri thức, có khả năng suy luận và khả năng học,…

 – Nêu được một cảnh báo về sự phát triển của AI trong tương lai.

Giới thiệu Trí tuệ nhân tạo
– Kết nối được PC với các thiết bị số thông dụng như điện thoại di động, tivi có khả năng kết nối Internet, vòng đeo tay thông minh, thiết bị thực tại ảo,… ICT

 Thực hành kết nối thiết bị số

Chủ đề B. Mạng máy tính và Internet
– Nêu được chức năng chính của một số thiết bị mạng thông dụng. Ví dụ: Access Point, Switch, Modem. Kết nối được các thiết bị đó với PC.

 – Mô tả sơ lược được vai trò và chức năng của giao thức mạng nói chung và giao thức TCP/IP nói riêng.

Thiết bị và giao thức mạng Kết nối mạng
– Sử dụng được các chức năng mạng của hệ điều hành để chia sẻ tài nguyên. Các chức năng mạng của hệ điều hành
– Kết nối được thiết bị di động vào mạng máy tính trong điều kiện phần cứng và phần mềm đã được chuẩn bị đầy đủ. Thiết lập kết nối và sử dụng mạng trên thiết bị di động
– Nhận diện hình dạng và phân biệt được chức năng các thiết bị mạng: Server, Switch, Modem, Access Point, cáp mạng.

 – Nêu được khái niệm và ứng dụng của một số loại đường truyền hữu tuyến và vô tuyến thông dụng.

 – Trình bày và giải thích sơ lược được việc thiết kế mạng LAN cho một tổ chức nhỏ, ví dụ cho một trường phổ thông.

CS

 Phác thảo thiết kế mạng máy tính

Chủ đề D. Đạo đức, pháp luật và văn hoá trong môi trường số
– Phân tích được ưu và nhược điểm về giao tiếp trong thế giới ảo qua các ví dụ cụ thể.

 – Phân tích được tính nhân văn trong ứng xử ở một số tình huống tham gia thế giới ảo.

Gìn giữ tính nhân văn trong thế giới ảo
Chủ đề E. Ứng dụng tin học
– Sử dụng được một số chức năng cơ bản của phần mềm tạo trang web.

 – Tạo được một trang web tĩnh đơn giản gồm một vài thành phần cơ bản:

 + Menu: bảng chọn chính để liên kết đến các trang web tĩnh khác.

 + Content:tiêu đề trang, khung hiển thị các bài viết, ảnh đại diện, mẫu biểu (form).

ICT

 Thực hành sử dụng phần mềm tạo trang web

Chủ đề F. Giải quyết vấn đề với sự trợ giúp của máy tính
– Hiểu và giải thích được cấu trúc của một trang web dưới dạng HTML.

 – Sử dụng được các thẻ HTML để trình bày trang web:

 + Định dạng văn bản, phông chữ, tạo liên kết, danh sách.

 + Đưa các tệp dữ liệu đa phương tiện vào trang web (Ví dụ: ảnh, âm thanh, video).

 + Tạo bảng, khung (frame).

 + Tạo mẫu biểu (form).

Cấu trúc trang web dưới dạng HTML Tạo trang web
– Hiểu và sử dụng được một số thuộc tính cơ bản của CSS: màu sắc, phông chữ, nền, đường viền, kích cỡ,…

 – Sử dụng được các yếu tố của vùng chọn (selector) như class, id, tag,…

 – Sử dụng được CSS làm trang web đẹp, đa dạng và sinh động hơn.

Sử dụng CSS trong tạo trang web
– Nêu được sơ lược về mục tiêu và một số thành tựu của Khoa học dữ liệu, nêu được ví dụ minh hoạ.

 – Biết được vai trò của máy tính đối với sự phát triển của Khoa học dữ liệu.

 – Biết được tính ưu việt trong việc sử dụng máy tính và thuật toán hiệu quả để xử lí khối dữ liệu lớn, nêu được ví dụ minh hoạ.

 – Nêu được trải nghiệm của bản thân trong việc trích rút thông tin và tri thức hữu ích từ dữ liệu đã có.

Giới thiệu

 Khoa học dữ liệu

CS

 Giới thiệu

 Học máy và Khoa học dữ liệu

– Giải thích được sơ lược về khái niệm Học máy.

 – Nêu được vai trò của Học máy trong những công việc như lọc thư rác, chẩn đoán bệnh, phân tích thị trường, nhận dạng tiếng nói và chữ viết, dịch tự động,…

Giới thiệu

 Học máy

– Nêu được một vài lĩnh vực trong đời sống có sử dụng kĩ thuật mô phỏng.

 – Nêu được một vài vấn đề thực tế mà ở đó có thể cần dùng kĩ thuật mô phỏng để giải quyết.

 – Sử dụng và giải thích được lợi ích của một vài phần mềm mô phỏng.

CS

 Mô phỏng trong giải quyết vấn đề

Chủ đề G. Hướng nghiệp với tin học
Trình bày được thông tin hướng nghiệp nhóm nghề Dịch vụ và Quản trị (Sửa chữa và bảo trì máy tính, Quản trị mạng, Bảo mật hệ thống thông tin, Quản trị và bảo trì hệ thống) theo các yếu tố sau:

 + Những nét sơ lược về công việc chính mà người làm nghề phải thực hiện.

 + Yêu cầu thiết yếu về kiến thức và kĩ năng cần có để làm nghề.

 + Ngành học có liên quan ở các bậc học tiếp theo.

 + Nhu cầu nhân lực của xã hội trong hiện tại và tương lai gần về nhóm nghề đó.

 – Tự tìm kiếm và khai thác được thông tin hướng nghiệp qua các chương trình đào tạo, thông báo tuyển dụng nhân lực,…) về một vài ngành nghề khác trong lĩnh vực tin học.

 – Giao lưu được với bạn bè qua các kênh truyền thông số để tham khảo và trao đổi ý kiến về những thông tin trên.

Giới thiệu nhóm nghề dịch vụ và quản trị
– Nêu được tên một số ngành nghề và lĩnh vực có sử dụng nhân lực tin học, đồng thời giải thích được vai trò và công việc của chuyên viên tin học trong một số ngành nghề.

 – Tìm hiểu được thông tin ngành đào tạo của một số cơ sở đào tạo Công nghệ thông tin.

Giới thiệu một số nghề ứng dụng tin học và một số ngành thuộc lĩnh vực tin học

 YÊU CẦU CẦN ĐẠT VÀ NỘI DUNG CHUYÊN ĐỀ HỌC TẬP THEO ĐỊNH HƯỚNG TIN HỌC ỨNG DỤNG

 Chuyên đề học tập định hướng Tin học ứng dụng giúp học sinh thành thạo hơn trong sử dụng các phần mềm thông dụng thiết yếu để nâng cao hiệu suất công việc, tạo cơ hội cho học sinh làm ra sản phẩm số thiết thực cho học tập và cuộc sống.

 LỚP 10

Yêu cầu cần đạt Nội dung
Chuyên đề 10.1:Thực hành làm việc với các tệp văn bản
– Tạo được một số văn bản hữu ích, thiết thực, đáp ứng nhu cầu học tập và đời sống như:

 + Tiểu luận hay báo cáo về một chủ đề thuộc môn học nào đó.

 + Biên bản buổi họp bầu cán bộ lớp.

 + Hướng dẫn thể thức tham gia câu lạc bộ ca nhạc.

 + Chương trình thi đấu thể thao.

 + Giới thiệu một vài điểm du lịch tại địa phương.

 – Sản phẩm văn bản đáp ứng được yêu cầu thực tế đặt ra, có thông tin đa dạng, phong phú, hình ảnh và hoạ tiết hấp dẫn được thu thập từ nhiều nguồn dữ liệu khác nhau.

 – Làm việc được theo nhóm với tinh thần hợp tác.

Dự án: Soạn thảo tài liệu văn bản
Chuyên đề 10.2: Thực hành sử dụng phần mềm trình chiếu
– Tạo được bài thuyết trình với sử dụng phần mềm trình chiếu, đạt các yêu cầu sau:

 + Nội dung thiết thực, thu hút được sự quan tâm của người nghe, có cấu trúc logic và hợp lí.

 + Có các đoạn video, hình ảnh, hoạ tiết, hiệu ứng tương tác hấp dẫn để minh hoạ.

 – Làm việc được theo nhóm với tinh thần hợp tác.

Dự án: Chuẩn bị bài thuyết trình về một chủ đề thực tế
Chuyên đề 10.3: Thực hành sử dụng phần mềm bảng tính
– Đọc hiểu được một số công thức cơ bản trong bảng tính điện tử. Tạo được các công thức tính toán và hiển thị được các thông tin thống kê trong bảng tính,ví dụ tỉ lệ xếp loại kết quả học tập, số tiền thu chi hàng tháng,…

 – Tạo được bảng tính có cấu trúc hợp lí, có tính thẩm mĩ và được minh hoạ bằng những đồ thị, biểu đồ sinh động.

 – Tạo được bảng tính hỗ trợ bài toán quản lí có nhiều số liệu và tính toán đáp ứng nhu cầu thực tế. Ví dụ: bảng tổng kết điểm của lớp, quản lí chi tiêu quỹ lớp,…

 – Làm việc được theo nhóm với tinh thần hợp tác.

Dự án: Tạo bảng tính quản lí dữ liệu thực tế

 LỚP 11

Yêu cầu cần đạt Nội dung
Chuyên đề 11.1:Thực hành sử dụng phần mềm vẽ trang trí
-Tạo được sản phẩm thiết thực như logo, trang báo tường, thiệp chúc mừng,…với sử dụng các phần mềm đồ hoạ, thoả mãn các yêu cầu sau:

 + Bố cục hợp lí, sinh động, có hoạ tiết mang tính thẩm mĩ.

 + Thể hiện được thông điệp cần truyền tải.

Thực hành sử dụng phần mềm vẽ trang trí
Chuyên đề 11.2: Thực hành sử dụng phần mềm làm phim hoạt hình
– Tạo được một vài đoạn phim hoạt hình 2D hoặc 3D bằng cách sử dụng các chức năng chính của một phần mềm làm phim hoạt hình 2D, 3D.

 – Thiết kế được các nhân vật hoạt hình, tạo được các hình động, các đoạn hội thoại giữa các nhân vật bằng âm thanh và phụ đề.

 – Tạo được đoạn phim hoạt hình từ các nguồn dữ liệu khác nhau.

 – Cắt, chỉnh sửa được ảnh và tạo được bộ sưu tập ảnh.

Thực hành sử dụng phần mềm làm phim hoạt hình
Chuyên đề 11.3: Thực hành sử dụng phần mềm chỉnh sửa ảnh
– Sử dụng được các chức năng chính của phần mềm chỉnh sửa ảnh:

 + Tạo và chỉnh sửa được ảnh động từ các ảnh tĩnh với tốc độ hiển thị hợp lí.

 + Tạo được hiệu ứng chữ chạy, thêm các hiệu ứng vào ảnh động.

 + Biên tập và chỉnh sửa được màu sắc ảnh động, biến đổi được ảnh theo yêu cầu.

Thực hành sử dụng phần mềm chỉnh sửa ảnh

 LỚP 12

Yêu cầu cần đạt Nội dung
Chuyên đề 12.1:Thực hành sử dụng phần mềm quản lí dự án
Với một dự án thực tế gồm nhiều học sinh tham gia, ví dụ dự án làm website giới thiệu về trường, tỉnh hoặc thành phố, biết sử dụng các chức năng chính của phần mềm quản lí dự án để:

 + Thực hiện được chức năng đặt tiến độ cho các nhiệm vụ cần thực hiện.

 + Thực hiện được chức năng phân bổ nguồn lực và chi phí cho các công việc.

 + Quản lí được dự án theo tiến độ.

 + Chia sẻ được dữ liệu với những thành viên trong nhóm để tăng năng suất làm việc.

 + Chuẩn bị được báo cáo.

 + Nêu được tính ưu việt của việc sử dụng phần mềm quản lí dự án.

Thực hành sử dụng phần mềm quản lí dự án
Chuyên đề 12.2: Thực hành bảo vệ dữ liệu, cài đặt và gỡ bỏ phần mềm
– Nêu được một số tình huống có thể dẫn tới mất dữ liệu, hỏng tệp dữ liệu và giải thích được tác hại của các sự cố đó.

 – Thực hiện được một số biện pháp bảo vệ dữ liệu: sao lưu và khôi phục dữ liệu, phòng chống và diệt virus, nén và giải nén dữ liệu có sử dụng mật khẩu.

 – Nêu được một số tình huống dẫn tới việc phải cài đặt, cài đặt lại hay gỡ bỏ hệ điều hành hoặc một vài phần mềm trên máy tính và thiết bị di động.

 – Thực hiện được các bước cài đặt hệ điều hành trên máy tính cá nhân.

 – Thực hiện được các bước cài đặt một phần mềm trên máy tính cá nhân hay thiết bị thông minh.

 – Thực hiện được các bước gỡ bỏ một phần mềm trên máy tính cá nhân và thiết bị thông minh.

 – Viết được bản hướng dẫn mô tả các bước cài đặt hay gỡ bỏ hệ điều hành hoặc phần mềm.

Thực hành bảo vệ dữ liệu, cài đặt và gỡ bỏ phần mềm
Chuyên đề 12.3:Thực hành phân tích dữ liệu với phần mềm bảng tính
– Sử dụng được các hàm (Ví dụ: RAND, RANDBETWEEN,…) chọn trực tiếp ngẫu nhiên các mẫu dữ liệu.

 – Sử dụng được các hàm tổ hợp (Ví dụ: COMBINA, PERMUT,…) tính xác suất một biến cố theo xác suất cổ điển, tính xác suất biến ngẫu nhiên theo phân phối nhị thức (BINOMDIST) trong một số bài toán đơn giản.

 -Mô tả được dữ liệu thống kê của một bài toán thực tế với sử dụng phần mềm bảng tính:

 + Trình bày được dữ liệu thống kê bằng: bảng tần số, tần suất một, hai chiều, bảng thống kê theo số liệu gộp nhóm và bảng tổng hợp nhiều chiều;

 + Mô tả được các thống kê của bảng số liệu tổng hợp bằng các loại biểu đồ thông dụng (pie chart, column chart, histogram);

 + Sử dụng được các hàm tính các đặc trưng về độ tập trung: trung bình cộng (mean), trung vị (median), tứ phân vị (quartile), mốt (mode);

 + Sử dụng được các hàm tính các đặc trưng về độ phân tán: khoảng biến thiên, phương sai và độ lệch chuẩn, hệ số biến thiên;

 + Giải quyết được bài toán thực tế đơn giản về kiểm định giả thuyết, dựa trên số trung bình của quần thể và sự khác biệt hai số trung bình quần thể.

 – Phân tích được dữ liệu về tương quan tuyến tính ở mức đơn giản trong một bài toán thực tế với sử dụng phần mềm bảng tính.

Thực hành phân tích dữ liệu với phần mềm bảng tính

 YÊU CẦU CẦN ĐẠT VÀ NỘI DUNG CHUYÊN ĐỀ HỌC TẬP THEO ĐỊNH HƯỚNG KHOA HỌC MÁY TÍNH

 Chuyên đề học tập định hướng Khoa học máy tính nhằm giúp học sinh: tìm hiểu robot giáo dục; thực hành thiết kế thuật toán theo các kĩ thuật Đệ quy, Chia để trị và Duyệt; tìm hiểu và biết ứng dụng một số kiểu dữ liệu tuyến tính, cây và đồ thị.

 LỚP 10

Yêu cầu cần đạt Nội dung
Chuyên đề 10.1: Thực hành với các bộ phận của robot giáo dục
– Trình bày được sơ lược về phân loại, vai trò và cơ chế hoạt động của những bộ phận chính của robot giáo dục như: pin (pin đũa, pin cúc,…), động cơ (động cơ DC, động cơ servo hoặc động cơ bước), bảng mạch, cảm biến, đèn LED, loa, còi, dây cáp, bánh xe, thiết bị điều khiển từ xa,…

 – Lắp ráp được robot giáo dục từ các bộ phận và linh kiện (gắn pin, lắp bánh xe, gắn động cơ,…).

 – Kiểm tra được tình trạng sẵn sàng hoạt động của robot giáo dục.

– Tìm hiểu các thành phần của robot giáo dục

 – Lắp ráp robot giáo dục

Chuyên đề 10.2: Kết nối robot giáo dục với máy tính
– Cài đặt được phần mềm hỗ trợ và kết nối được robot giáo dục với máy tính, máy tính bảng hoặc điện thoại thông minh thông qua các cổng như wifi, bluetooth hay USB, …

 – Kiểm tra được kết quả kết nối robot giáo dục với máy tính.

– Cài đặt những gói phần mềm hỗ trợ

 – Lắp ráp thiết bị kết nối robot giáo dục với máy tính

Chuyên đề 10.3: Lập trình điều khiển robot giáo dục
– Cài đặt được phần mềm hỗ trợ lập trình (khi cần) để lập trình điều khiển robot giáo dục.

 – Viết và thực hiện được chương trình điều khiển robot làmmột vài thao tác đơn giản như cử động cánh tay, di chuyển tiến lùi, …

Lập trình điều khiển robot giáo dục

 LỚP 11

Yêu cầu cần đạt Nội dung
Chuyên đề 11.1:Thực hành thiết kế thuật toán theo kĩ thuật Đệ quy
– Trình bày được tính đệ quy trong một vài định nghĩa sự vật, sự việc.

 – Xác định được phần cơ sở và phần đệ quy trong mô tả đệ quy.

 – Ứng dụng được kĩ thuật Đệ quy trong thiết kế một vài thuật toán như:

 + Tính an (hoặc n!).

 + Tìm phần tử thứ n của dãy Fibonaci.

 + Bài toán Tháp Hà Nội.

 – Viết được chương trình sử dụng kĩ thuật Đệ quy cho một vài bài toán đơn giản.

 – Nhận biết được tính ưu việt của kĩ thuật Đệ quy trong định nghĩa sự vật, mô tả và thiết kế thuật toán.

– Khái niệm Đệ quy

 – Thực hành thiết kế thuật toán theo kĩ thuật Đệ quy

Chuyên đề 11.2:Thực hành thiết kế thuật toán theo kĩ thuật Chia để trị
– Giải thích được sơ lược về kĩ thuật Chia để trị (Divide and Conquer).

 – Nêu được ý tưởng thiết kế thuật toán theo kĩ thuật Chia để trị, giải thích được mối liên hệ giữa thiết kế thuật toán theo kĩ thuật Chia để trị và Đệ quy, nêu được ví dụ minh hoạ.

 – Viết được chương trình đơn giản có sử dụng kĩ thuật Chia để trị.

Thực hành thiết kế thuật toán theo kĩ thuật Chia để trị
Chuyên đề 11.3: Thực hành thiết kế thuật toán theo kĩ thuật Duyệt
– Nêu được ý tưởng của kĩ thuật Duyệt và ví dụ minh hoạ (như tìm phần tử lớn nhất hoặc nhỏ nhất trong một dãy số, tìm một số trong một dãy số,…).

 – Nêu được ý tưởng của kĩ thuật Quay lui và nêu được ví dụ minh hoạ (như in các xâu nhị phân độ dài n, tìm tất cả các hoán vị của n phần tử,…).

 – Nhận ra được mối liên quan giữa thiết kế thuật toán theo kĩ thuật Quay lui và kĩ thuật Đệ quy.

 – Viết được chương trình đơn giản có sử dụng kĩ thuật Duyệt.

 – Viết được chương trình đơn giản có sử dụng kĩ thuật Quay lui.

– Kĩ thuật Duyệt

 – Kĩ thuật Quay lui

 LỚP 12

Yêu cầu cần đạt Nội dung
Chuyên đề 12.1: Tìm hiểu một vài kiểu dữ liệu tuyến tính
– Mô tả được khái niệm kiểu dữ liệu Hàng đợi và Ngăn xếp thông qua cơ chế hoạt động của các kiểu dữ liệu này.

 – Biểu diễn được Hàng đợi và Ngăn xếp bằng mảng một chiều.

 – Giải thích và viết được chương trình con thực hiện các phép toán cơ bản: khởi tạo, thêm, bớt phần tử cho Hàng đợi và Ngăn xếp.

 – Nêu được một số ứng dụng kiểu dữ liệu Hàng đợi và Ngăn xếp.

– Kiểu dữ liệu Hàng đợi và Ngăn xếp

 – Biểu diễn Hàng đợi, Ngăn xếp

 – Ứng dụng Hàng đợi và Ngăn xếp

Chuyên đề 12.2:Tìm hiểu Cây tìm kiếm nhị phân trong sắp xếp và tìm kiếm
– Nêu được khái niệm Cây, Cây nhị phân và biểu diễn được Cây nhị phân bằng mảng một chiều.

 – Trình bày và mô phỏng được các phép toán Duyệt trước, Duyệt giữa và Duyệt sau Cây nhị phân được cho bằng biểu diễn trực quan.

 – Trình bày được khái niệm Cây tìm kiếm nhị phân.

 – Mô phỏng được thuật toán tạo Cây tìm kiếm nhị phân biểu diễn một tập số nguyên dương và thuật toán xác định một giá trị đã cho có thuộc tập hợp đó hay không.

 – Viết được chương trình duyệt Cây nhị phân.

 – Ứng dụng được Cây tìm kiếm nhị phân giải bài toán sắp xếp và tìm kiếm.

– Cây nhị phân,biểu diễn và duyệt Cây nhị phân

 – Cây tìm kiếm nhị phân và ứng dụng trong sắp xếp và tìm kiếm

Chuyên đề 12.3: Tìm hiểu kĩ thuật duyệt Đồ thị và ứng dụng
– Trình bày được khái niệm Đồ thị.

 – Biểu diễn được đồ thị bằng ma trận kề và danh sách đỉnh kề.

 – Trình bày được ý tưởng của duyệt đồ thị theo chiều rộng và chiều sâu.

 – Mô phỏng được thuật toán duyệt theo chiều rộng và theo chiều sâu một đồ thị cụ thể cho bằng biểu diễn trực quan.

 – Nêu được vài ứng dụng của kĩ thuật duyệt Đồ thị trong một số bài toán thực tế.

– Biểu diễn và duyệt đồ thị theo chiều rộng và chiều sâu

 – Một số ứng dụng của duyệt đồ thị theo chiều rộng và chiều sâu

  1. PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC
  2. Định hướng chung
  3. a) Phát huy khả năng phát hiện và giải quyết vấn đề thực tiễn; bồi dưỡng sự tự tin và khả năng tự học, tự rèn luyện kĩ năng sử dụng các công cụ kĩ thuật số giúp học sinh có thể liên tục phát triển năng lực tin học, thích ứng được với những thay đổi nhanh chóng của công nghệ kĩ thuật số.
  4. b) Tổ chức và hướng dẫn hoạt động để học sinh tích cực, chủ động và sáng tạo trong khám phá kiến thức, trong vận dụng tri thức giải quyết vấn đề. Khuyến khích học sinh làm ra sản phẩm số.
  5. c) Vận dụng các phương pháp giáo dục và các hình thức tổ chức dạy học một cách linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với mục tiêu, nội dung giáo dục, đối tượng học sinh và điều kiện cụ thể. Chủ động phối hợp với những môn học khác để đạt hiệu quả trong dạy học liên môn và dạy học theo định hướng STEM.
  6. Định hướng về phương pháp hình thành, phát triển phẩm chất chủ yếu và năng lực chung

 Môn Tin học có nhiều cơ hội kết hợp việc hình thành và phát triển năng lực tin học với việc hình thành và phát triển cho học sinh năm phẩm chất chủ yếu và ba năng lực chung đã được quy định trong Chương trình tổng thể.

  1. a) Phương pháp hình thành và phát triển phẩm chất chủ yếu

 Một số chủ đề của môn Tin học giúp giáo viên có cơ hội hình thành và phát triển một cách hiệu quả cho học sinh những phẩm chất chủ yếu: yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực và trách nhiệm. Các chủ đề tập trung vào nội dung thuật toán và lập trình, các chủ đề “Đạo đức, pháp luật và văn hoá trong môi trường số”, “Ứng dụng tin học” và “Hướng nghiệp với tin học” tạo ra nhiều tình huống bộc lộ được phẩm chất qua các ứng xử, đặc biệt trong môi trường số. Giáo viên cần căn cứ vào các biểu hiện của những phẩm chất được mô tả trong Chương trình tổng thể để hình thành và phát triển phẩm chất cho học sinh trong suốt cả quá trình giáo dục tin học.

  1. b) Phương pháp hình thành và phát triển năng lực chung

 Nội dung và các yêu cầu cần đạt của một số chủ đề trong Chương trình môn Tin học giúp hình thành và phát triển trực tiếp ba thành phần của năng lực tin học: (NLd) “Ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong học và tự học”; (NLe) “Hợp tác trong môi trường số” và (NLc) “Giải quyết vấn đề với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin và truyền thông”. Thông qua các chủ đề đó, giáo viên cần kết hợp góp phần cụ thể, trực tiếp phát triển ba năng lực chung “tự chủ và tự học”, “giao tiếp và hợp tác”, “giải quyết vấn đề và sáng tạo”. Giáo viên cần căn cứ vào tình huống cụ thể trong môi trường số và dựa vào các biểu hiện được mô tả trong Chương trình tổng thể để phát triển các năng lực chung nêu trên.

  1. Định hướng về phương pháp, hình thức tổ chức dạy học đặc thù trong giáo dục tin học

 Trong quá trình tổ chức dạy học, giáo viên cần:

  1. a) Áp dụng các phương pháp dạy học tích cực, coi trọng dạy học trực quan và thực hành. Khuyến khích sử dụng phương pháp dạy học theo dự án để phát huy khả năng làm việc nhóm, khả năng tự học và tính chủ động của học sinh. Việc dạy học ở phòng thực hành máy tính cần được tổ chức linh hoạt nhằm đem lại cho học sinh sự hào hứng, chủ động khám phá, nhưng phải bảo đảm thực hiện nhiệm vụ được giao.
  2. b) Tuỳ theo nội dung bài, ở mỗi hoạt động, lựa chọn hình thức tổ chức dạy học phù hợp. Một số chủ đề liên quan trực tiếp đến lập luận, suy diễn logic, tư duy thuật toán và giải quyết vấn đề có thể được dạy học không nhất thiết phải sử dụng máy tính.
  3. c) Gắn nội dung kiến thức với các vấn đề thực tế, yêu cầu học sinh không chỉ đề xuất giải pháp cho vấn đề mà còn phải biết kiểm chứng hiệu quả của giải pháp thông qua sản phẩm số.
  4. d) Chú ý thực hiện dạy học phân hoá. Ở cấp trung học cơ sở, giúp học sinh lựa chọn những chủ đề thích hợp, khơi gợi niềm đam mê và giúp học sinh phát hiện khả năng của bản thân đối với môn Tin học, chuẩn bị cho sự lựa chọn môn Tin học ở cấp trung học phổ thông. Ở cấp trung học phổ thông, hai định hướng Khoa học máy tính và Tin học ứng dụng khác nhau không chỉ về nội dung kiến thức mà cả về phương pháp dạy học. Phương pháp dạy học thực hành rất quan trọng trong các chủ đề định hướng Tin học ứng dụng với mục tiêu rèn luyện và phát triển kĩ năng sử dụng công cụ kĩ thuật số. Phương pháp dạy học nêu và giải quyết vấn đề phù hợp với nhiều chủ đề của định hướng Khoa học máy tính với mục tiêu phát triển tư duy máy tính cho học sinh.

 VII. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ GIÁO DỤC

  1. Định hướng chung
  2. a) Đánh giá thường xuyên hay định kì đều bám sát năm thành phần của năng lực tin học và các mạch nội dung DL, ICT, CS, đồng thời cũng dựa vào các biểu hiện năm phẩm chất chủ yếu và ba năng lực chung được xác định trong chương trình tổng thể.
  3. b) Với các chủ đề có trọng tâm là ICT, cần coi trọng đánh giá khả năng vận dụng kiến thức kĩ năng làm ra sản phẩm. Với các chủ đề có trọng tâm là CS, chú trọng đánh giá năng lực sáng tạo và tư duy có tính hệ thống. Với mạch nội dung DL, phải phối hợp đánh giá cách học sinh xử lí tình huống cụ thể với đánh giá thông qua quan sát thái độ, tình cảm, hành vi ứng xử của học sinh trong môi trường số. Giáo viên cần lập hồ sơ học tập dưới dạng cơ sở dữ liệu đơn giản để lưu trữ, cập nhật kết quả đánh giá thường xuyên đối với mỗi học sinh trong cả quá trình học tập của năm học, cấp học.
  4. c) Kết luận đánh giá của giáo viên về năng lực tin học của mỗi học sinh dựa trên sự tổng hợp các kết quả đánh giá thường xuyên và kết quả đánh giá định kì.
  5. Một số lưu ý trong đánh giá
  6. a) Đánh giá năng lực tin học trên diện rộng phải căn cứ yêu cầu cần đạt đối với các chủ đề bắt buộc; tránh xây dựng công cụ đánh giá dựa vào nội dung của chủ đề lựa chọn cụ thể.
  7. b) Cần tạo cơ hội cho học sinh đánh giá chất lượng sản phẩm bằng cách khuyến khích học sinh giới thiệu rộng rãi sản phẩm số của mình cho bạn bè, thầy cô và người thân để nhận được nhiều nhận xét góp ý.
  8. c) Để đánh giá chính xác và khách quan hơn, giáo viên thu thập thêm thông tin bằng cách tổ chức các buổi giới thiệu sản phẩm số do học sinh làm ra, khích lệ học sinh tự do trao đổi thảo luận với nhau hoặc với giáo viên.

 VIII. GIẢI THÍCH VÀ HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

  1. Giải thích thuật ngữ

 Trong Chương trình môn Tin học, các thuật ngữ dưới đây được dùng với nghĩa như sau:

  1. a) Một số thuật ngữ tin học

 Các thuật ngữ được sắp xếp theo thứ tự ABC; có chú thích thuật ngữ tiếng Anh trong dấu ngoặc đơn ( ).

Thuật ngữ Giải thích
Ba mạch kiến thức DL, ICT, CS hoà quyện Mỗi mạch trong ba mạch kiến thức DL, ICT, CS tự nó chứa ít nhiều những kiến thức thuộc một hoặc cả hai mạch kiến thức còn lại, không thể tách rời; do đó mỗi kiến thức cung cấp cho học sinh có sự hoà lẫn, bện chặt vào nhau của ba mạch kiến thức;tuỳ theo ý nghĩa và vai trò trọng tâm của một nội dung trong hệ thống kiến thức Tin học phổ thông mà xem nội dung đó thuộc về mạch kiến thức nào.
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (IR 4.0) Cuộc cách mạng công nghiệp dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp các công nghệ thông minh để tạo ra quy trình, phương thức sản xuất mới. Sự tích hợp Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo, tự động hoá, điện toán đám mây cùng các tiến bộ đột phá trong công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ nano và các công nghệ khác vào trung tâm của hệ thống sản xuất và sản phẩm cho phép làm mờ ranh giới giữa các hệ thống thực (thế giới vật lí, thế giới các thực thể) và các hệ thống ảo (thế giới số, không gian số). Điều đó tạo ra một nền sản xuất thông minh mà ở đó sản phẩm được sản xuất trong thế giới vật lí nhưng quá trình tính toán, thiết kế, tạo mẫu,… được thực hiện trên không gian số.
Công nghệ thông tin và Truyền thông (Information and Communication Technology – ICT) Tập hợp các phương pháp khoa học, các phương tiện và công cụ kĩ thuật hiện đại – chủ yếu là kĩ thuật máy tính và viễn thông – nhằm tổ chức khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên thông tin phong phú và tiềm năng trong mọi lĩnh vực hoạt động của con người và xã hội.
Công nghệ số

 (Digital Technology)

Công nghệ về các tài nguyên số bao gồm việc số hoá và quản trị, xử lí các dữ liệu số.
Dữ liệu lớn

 (Big Data)

Tập hợp dữ liệu rất lớn, đa dạng và phức tạp mà các công nghệ xử lí dữ liệu truyền thống không xử lí được. Công nghệ xử lí dữ liệu lớn bao gồm việc phân tích, thu thập, giám sát, tìm kiếm, chia sẻ, lưu trữ, khai phá ngữ nghĩa và truyền dữ liệu.
Học vấn số hoá phổ thông

 (Digital Literacy – DL)

Khả năng sử dụng các hệ thống máy tính một cách tự tin và hiệu quả, bao gồm:

 + Các kĩ năng cơ bản sử dụng bàn phím, chuột,…

 + Sử dụng các chức năng cơ bản của phần mềm soạn thảo văn bản, trình chiếu, bảng tính,…

 + Sử dụng Internet để duyệt web, tìm kiếm thông tin, tạo ra nội dung cho các trang web. Liên lạc và hợp tác qua e-mail, mạng xã hội, các diễn đàn thảo luận,…

Internet vạn vật

 (Internet of Things – IoT)

Hệ thống liên mạng bao gồm các phương tiện và vật dụng, các thiết bị thông minh được cài đặt các cảm biến, phần mềm chuyên dụng giúp chúng có thể tự động kết nối, thu thập và trao đổi dữ liệu trên cơ sở hạ tầng Internet mà không nhất thiết có sự tương tác trực tiếp giữa con người với con người, hay con người với máy tính.
Kinh tế tri thức

 (Knowledge Economy)

Nền kinh tế chủ yếu dựa vào tri thức trên cơ sở phát triển khoa học và công nghệ cao, lấy tri thức làm động lực chủ yếu cho tăng trưởng kinh tế.
Khoa học dữ liệu

 (Data Science)

Khoa học về các quá trình và các hệ thống trích chọn tri thức từ dữ liệu ở các dạng khác nhau để tạo ra các quyết định dẫn dắt hành động. Khoa học dữ liệu được phát triển tiếp nối từ phân tích dữ liệu, khoa học thống kê, khai phá dữ liệu,…
Khoa học máy tính

 (Computer Science – CS)

Khoa học nghiên cứu các nguyên lí và thực hành làm cơ sở cho sự hiểu biết và mô hình hoá tính toán, ứng dụng của chúng trong việc phát triển máy tính và các hệ thống máy tính. Ngày nay, khoa học máy tính được xem là nền tảng cho các ngành khác trong lĩnh vực ICT nghiên cứu về các nguyên tắc cơ bản và thực tiễn của việc tính toán, tư duy máy tính và ứng dụng chúng trong việc thiết kế và phát triển phần cứng, phần mềm, các hệ thống máy tính.
Mạng cảm biến không dây

 (Wireless Sensor Network)

Mạng kết nối các cảm biến (sensor) với nhau thông qua sóng vô tuyến hoặc ánh sáng.
Mạng xã hội

 (Social Network)

Mạng kết nối người dùng lại với nhau thông qua Internet để chia sẻ các sở thích hay thông tin cùng quan tâm, không phân biệt đối tượng tham gia, không phụ thuộc không gian và thời gian. Dịch vụ mạng xã hội có những loại hình như chat, e-mail, phim ảnh, voice chat, chia sẻ tệp và xã luận,…
Robot giáo dục Loại robot được thiết kế phục vụ mục đích giáo dục, giúp học sinh hiểu và thực hành những kiến thức kĩ năng về cơ khí, điện tử và điều khiển tự động.
Scratch Ngôn ngữ lập trình trực quan được MIT phát triển và đang được sử dụng ở nhiều trường phổ thông trên thế giới.
Thế giới ảo (Virtual World) Thế giới do con người tạo ra trong môi trường số.
Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence – AI) Khả năng máy tính và thiết bị bắt chước cách “nhận thức”, “xử lí” và “giải quyết vấn đề” giống như con người nói riêng và các sinh vật thông minh nói chung. Con người viết và cài đặt các chương trình để máy tính và các thiết bị có được khả năng đó. Trí tuệ nhân tạo là một lĩnh vực và đối tượng nghiên cứu của ngành khoa học máy tính.
Tư duy máy tính (Computer Thinking hoặc Computational Thinking) Quá trình nhận biết các khía cạnh tính toán trong thế giới xung quanh ta, từ đó giúp giải quyết vấn đề.Ví dụ biết cách chia vấn đề thành những phần có thể giải quyết và đưa ra các thuật toán để giải quyết chúng. Tư duy máy tính là kĩ năng cơ bản và cần thiết đối với tất cả mọi người, không chỉ cho các nhà khoa học máy tính. Tư duy máy tính là một quá trình nhận thức và suy luận logic để giải quyết vấn đề, là khả năng:

 – Phân rã công việc và dữ liệu.

 – Khái quát hoá, xác định và sử dụng các dạng mẫu.

 – Trừu tượng hoá, lựa chọn cách biểu diễn.

 – Đánh giá và ước lượng.

 – Phát triển thuật toán.

 Tư duy máy tính không chỉ cho phép học sinh tiếp cận các chủ đề tin học một cách thuận lợi, mà quan trọng hơn, nó phát triển cho học sinh kĩ năng tư duy giải quyết vấn đề trong học tập và cuộc sống.

  1. b) Từ ngữ thể hiện mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt

 Chương trình môn Tin học sử dụng một số động từ để thể hiện mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt về năng lực của học sinh. Một số động từ được sử dụng ở các mức độ khác nhau nhưng trong mỗi trường hợp thể hiện một hành động có đối tượng và yêu cầu cụ thể. Trong bảng tổng hợp dưới đây, đối tượng, yêu cầu cụ thể của mỗi hành động được chỉ dẫn bằng các từ ngữ khác nhau đặt trong ngoặc đơn.

 Trong quá trình dạy học, đặc biệt là khi đặt câu hỏi thảo luận, ra đề kiểm tra đánh giá, giáo viên có thể dùng những động từ nêu trong bảng tổng hợp hoặc thay thế bằng các động từ có nghĩa tương đương cho phù hợp với tình huống sư phạm và nhiệm vụ cụ thể giao cho học sinh.

Mức độ Động từ mô tả mức độ
Biết – Kể lại được (điều quan sát, điều biết thêm), nêu được (công việc, ví dụ, tên thiết bị, tên nghề, tên thành phần, tên và độ lớn đơn vị đo dung lượng, vai trò, lợi ích, khả năng, khái niệm, thông tin chính, công dụng, ưu điểm, nhược điểm, tác hại, nhu cầu, chức năng, ý nghĩa, đặc điểm, nội dung liên quan đến Luật Công nghệ thông tin, hành vi vi phạm pháp luật, các bước, quy trình, dịch vụ, cách, dạng lừa đảo phổ biến trên mạng, cảnh báo, mục tiêu và thành tựu, trải nghiệm của bản thân, lĩnh vực sử dụng kĩ thuật mô phỏng, ý tưởng của kĩ thuật, ứng dụng của đường truyền, ứng dụng của kiểu dữ liệu tuyến tính, ứng dụng của Duyệt đồ thị, tình huống dẫn đến mất dữ liệu, tình huống phải cài đặt phần mềm).

 – Khởi động được (máy tính, một số thiết bị thông dụng), kích hoạt được (phần mềm).

 – Biết được (không phải thông tin nào trên Internet cũng phù hợp với lứa tuổi, tác hại của bệnh nghiện Internet, người xấu có thể lợi dụng, thông tin cá nhân có thể được lưu trữ, có thể biểu diễn sắp xếp phân loại, chức năng của thiết bị, cách kết nối các bộ phận, cách kết nối PC với thiết bị, bit là đơn vị nhỏ nhất, chương trình máy tính là một mô tả thuật toán, tệp chương trình cũng là dữ liệu, việc kiểm thử chương trình giúp phát hiện lỗi, khả năng đính kèm, vai trò của máy tính, tính ưu việt của việc sử dụng máy tính), nhận biết được (cái gì là thông tin và đâu là quyết định, ba dạng thông tin hay gặp, màn hình cảm biến, tệp, thư mục, ổ đĩa, nhu cầu lưu trữ dữ liệu, biểu tượng của phần mềm, mục đích chia một nhiệm vụ lớn thành các nhiệm vụ nhỏ hơn, sự khác nhau giữa thông tin và dữ liệu, sự có mặt của các thiết bị, thiết bị số thông dụng, sơ đồ mạch logic, mạng xã hội, sự mô phỏng thế giới thực, đặc trưng cơ bản của nhóm nghề, lợi ích của phương pháp làm mịn dần, tính ưu việt của kĩ thuật Đệ quy), nhận thấy (phần mềm có thể giúp tập gõ bàn phím), biết cách (dùng máy tìm kiếm, đăng kí tài khoản thư điện tử).

 – Nhận ra được (thông tin thu nhận và được xử lí là gì, chương trình máy tính, thiết bị vào – ra), nhận diện được

 (hình dạng các bộ phận chính, một số thông điệp lừa đảo trên mạng), chỉ ra được (khu vực chính của bàn phím, lĩnh vực phát triển mạnh mẽ dựa trên AI).

 – Thực hiện được (các thao tác, quyền sở hữu trí tuệ ở mức đơn giản, tạo thư mục, tìm kiếm thông tin, ra khỏi phần mềm, định dạng, các phép tính cơ bản AND OR NOT, chương trình, chỉ dẫn trong tài liệu, tạo lập cơ sở dữ liệu, cập nhật cơ sở dữ liệu, một số chức năng trong phần mềm), tìm kiếm được (thông tin).

Hiểu – Diễn tả được (khái niệm thuật toán), diễn đạt được (một số khái niệm trong chủ đề cơ sở dữ liệu), mô tả được (chức năng của các bộ phận, dữ liệu thống kê, khái niệm kiểu dữ liệu tuyến tính, thuật toán, kịch bản, giải pháp), trình bày được (tác dụng của một số công cụ, thông tin ở dạng bảng, ý tưởng dưới dạng sơ đồ tư duy, khái niệm, tầm quan trọng, lịch sử máy tính, vấn đề bình đẳng giới, tác động tiêu cực, quá trình giải quyết vấn đề, công việc đặc thù và sản phẩm chính, thông tin hướng nghiệp, những đóng góp cơ bản, những thay đổi, phương thức học tập và làm việc, cách đề phòng, lịch sử của hệ điều hành, cấu trúc dữ liệu, vai trò và cơ chế hoạt động, tính đệ quy, ý tưởng của kĩ thuật duyệt), phát biểu được (nhiệm vụ đặt ra, bài toán sắp xếp và tìm kiếm), nêu được (ví dụ minh hoạ, nhận xét, mối quan hệ, vấn đề nảy sinh về đạo đức và pháp luật khi giao tiếp trên mạng).

 – Giải thích được (ví dụ minh hoạ, lợi ích, máy tính là công cụ hiệu quả, sự cần thiết, tính chất của thông tin, một số khái niệm, có những bước có thể chuyển giao cho máy tính, chương trình là bản mô tả thuật toán, biểu diễn thông tin chỉ với hai kí hiệu 0 và 1, ứng dụng của hệ nhị phân, vai trò của các mạch logic, việc số hoá văn bản, chức năng của bảng mã, chức năng của hệ điều hành, phần mở rộng của tên tệp, việc đưa các công thức vào bảng tính, sự khác nhau giữa địa chỉ tương đối và địa chỉ tuyệt đối, sự thay đổi địa chỉ tương đối, thuật toán sắp xếp và tìm kiếm, mối liên quan giữa sắp xếp và tìm kiếm, tác hại, sự cần thiết và tầm quan trọng, những biểu hiện, tác động, ý kiến, sự bình đẳng giới trong tin học, vai trò của thiết bị, sự vi phạm bản quyền, nội dung của luật, đơn vị đo hiệu năng, thông số, tính ưu việt, cấu trúc của trang web, kĩ thuật thiết kế thuật toán.

 – Hiểu được (chương trình là dãy các lệnh điều khiển máy tính), tìm hiểu được (cấu trúc cây của thư mục, chức năng của hệ quản trị cơ sở dữ liệu, công việc ở một số doanh nghiệp, thông tin ngành đào tạo), mô phỏng được (các phép toán Duyệt cây nhị phân, thuật toán tạo Cây tìm kiếm nhị phân, thuật toán duyệt Duyệt đồ thị), biểu diễn được (Hàng đợi và Ngăn xếp, Cây tìm kiếm nhị phân, Đồ thị), phân tích được (thiết bị số khác cũng là hệ thống xử lí thông tin, ưu nhược điểm về giao tiếp trong thế giới ảo, tính nhân văn trong ứng xử, tương quan tuyến tính), đọc hiểu được (chương trình, tài liệu hướng dẫn, công thức trong bảng tính điện tử), phân biệt được (hình dạng, các loại thông tin, thông tin với vật mang tin, hệ điều hành với phần mềm ứng dụng, thông tin và dữ liệu, hai loại kiến trúc tập trung và phân tán của hệ Cơ sở dữ liệu, chức năng), so sánh được (mạng LAN và Internet, phần mềm nguồn mở với phần mềm thương mại), đánh giá được (lợi ích của thông tin).

Vận dụng – Tìm được (tệp, thông tin), biên tập được (phim, màu sắc ảnh), cắt được (ảnh), chuẩn bị được (báo cáo của dự án), thể hiện được (mong muốn biết sử dụng máy tính, sự hợp tác của mình, sự tôn trọng tính riêng tư và bản quyền nội dung thông tin), biết dùng (công cụ gạch đầu dòng), dùng được (địa chỉ trong công thức), chạy thử được (chương trình), chuyển đổi được (giữa các đơn vị lưu trữ thông tin), cài đặt được (phần mềm), kết nối được (PC với các thiết bị số), chia sẻ được (thông tin, dữ liệu), khai thác được (thông tin, một số nguồn học liệu mở), lưu trữ được (văn bản), chỉnh sửa được (văn bản, ảnh, màu sắc), tuỳ chỉnh được (chức năng của máy tính), xác lập được (các lựa chọn theo tiêu chí tìm kiếm), định dạng được (kí tự, kiểu chữ, màu chữ, kích thước chữ), lắp ráp được (robot giáo dục), soạn thảo được (văn bản), tạo được (tệp, chương trình, thư viện, thư mục, sản phẩm số).

 – Xác định được (cấu trúc dữ liệu thích hợp, chủ đề của thông tin cần tìm, phần cơ sở và phần đệ quy trong mô tả đệ quy), chia được (công việc thành những việc nhỏ hơn), chọn được (thông tin phù hợp), chuẩn bị được (báo cáo), thiết lập được (mối quan hệ giữa các bảng), sử dụng được (công cụ tìm kiếm, biến nhớ và biểu thức, phần mềm), vận dụng được (quy tắc thực hành, phương pháp làm mịn dần).

 – Thực hiện được (biện pháp bảo vệ dữ liệu, cài đặt hoặc gỡ bỏ phần mềm, biện pháp phòng ngừa, nhiệm vụ giáo viên đặt ra, giao tiếp qua mạng, dự án, khai thác cơ sở dữ liệu, thao tác xử lí ảnh), bảo vệ được (thông tin), hợp tác được (theo nhóm để viết kịch bản), kiểm thử được (chương trình), viết được (chương trình, bản hướng dẫn), thiết kế được (các nhân vật hoạt hình), quản lí được (dự án).

  1. Thời lượng thực hiện chương trình

 Thời lượng dành cho phân môn Tin học trong môn Tin học và Công nghệ ở cấp tiểu học và môn Tin học ở cấp trung học cơ sở là 35 tiết/lớp/năm học. Ở cấp trung học phổ thông, thời lượng dành cho môn Tin học là 70 tiết/lớp/năm học. Ngoài ra, có chuyên đề học tập Tin học theo hai định hướng ICT và CS, mỗi định hướng 35 tiết/lớp/năm học.

 Thời lượng dành cho các nội dung giáo dục do tác giả sách giáo khoa và giáo viên chủ động sắp xếp căn cứ vào yêu cầu cần đạt ở mỗi lớp và thực tế dạy học. Tuy nhiên, cần bảo đảm tỉ lệ hợp lí giữa các nội dung. Dưới đây là phương án đề xuất thời lượng tham khảo theo tỉ lệ % dành cho các nội dung ở mỗi lớp.

 a)Thời lượng dành cho các nội dung ở mỗi lớp cấp tiểu học (tỉ lệ % số tiết)

Chủ đề Lớp 3 Lớp 4 Lớp 5
Chủ đề A. Máy tính và em 40% 11% 9%
Chủ đề B. Mạng máy tính và Internet 6% 6% 6%
Chủ đề C. Tổ chức lưu trữ, tìm kiếm và trao đổi thông tin 14% 14% 11%
Chủ đề D. Đạo đức, pháp luật và văn hoá trong môi trường số 3% 3% 3%
Chủ đề E. Ứng dụng tin học 14% 37% 20%
Chủ đề F. Giải quyết vấn đề với sự trợ giúp của máy tính 17% 23% 45%
Đánh giá định kì 6% 6% 6%

 Chú thích: Với mỗi nội dung, thời lượng thực hành khoảng 35%.

  1. b) Thời lượng dành cho các nội dung ở mỗi lớp cấp trung học cơ sở (tỉ lệ % số tiết)
Chủ đề Lớp 6 Lớp 7 Lớp 8 Lớp 9
Chủ đề A. Máy tính và cộng đồng 17% 17% 6% 6%
Chủ đề B. Mạng máy tính và Internet 11% 0% 0% 0%
Chủ đề C. Tổ chức lưu trữ, tìm kiếm và trao đổi thông tin 17% 8% 11% 9%
Chủ đề D. Đạo đức, pháp luật và văn hoá trong môi trường số 9% 6% 3% 6%
Chủ đề E. Ứng dụng tin học 26% 49% 45% 48%
Chủ đề F. Giải quyết vấn đề với sự trợ giúp của máy tính 14% 14% 23% 17%
Chủ đề G. Hướng nghiệp với tin học 0% 0% 6% 8%
Đánh giá định kì 6% 6% 6% 6%

 Chú thích: Với mỗi nội dung, thời lượng thực hành khoảng 40%.

 – Ở lớp 8 cần chọn 1 trong 2 chủ đề con (mỗi chủ đề con lựa chọn đều khoảng 28%).

 – Ở lớp 9 cần chọn 1 trong 2 chủ đề con(mỗi chủ đề con lựa chọn đều khoảng 37%).

  1. c) Thời lượng dành cho các nội dung ở mỗi lớp cấp trung học phổ thông (tỉ lệ % số tiết)
Chủ đề Lớp 10 Lớp 11 Lớp 12
Chủ đề A. Máy tính và xã hội tri thức 11% 14% 5%
ICT

 0%

CS

 10%

0% ICT

 6%

CS

 0%

Chủ đề B. Mạng máy tính và Internet 10% 0% 10%
ICT

 0%

CS

 12%

Chủ đề C. Tổ chức lưu trữ, tìm kiếm và trao đổi thông tin 0% 8% 0%
Chủ đề D. Đạo đức, pháp luật và văn hoá trong môi trường số 5% 4% 4%
Chủ đề E. Ứng dụng tin học ICT

 10%

CS

 0%

ICT

 20%

CS

 0%

ICT

 23%

CS

 0%

Chủ đề F. Giải quyết vấn đề với sự trợ giúp của máy tính 54% 21% 37%
ICT

 26%

CS

 46%

ICT

 0%

CS

 17%

Chủ đề G. Hướng nghiệp với tin học 7% 4% 10%
Đánh giá định kì 3% 3% 5%

 Chú thích:

 – Thời lượng thực hành của định hướng Tin học ứng dụng khoảng 50%, của định hướng Khoa học máy tính khoảng 35%.

 – Thời lượng dành cho mỗi chủ đề bao gồm: Thời lượng chung cho cả hai định hướng ICT và CS; thời lượng dành cho mỗi định hướng: Tin học ứng dụng (ICT), Khoa học máy tính (CS).

  1. d) Thời lượng dành cho các chuyên đề học tập ở mỗi lớp cấp trung học phổ thông (số tiết)

 Phân bổ số tiết dành cho các chuyên đề học tập (bao gồm cả đánh giá định kì) ở các lớp như sau:

Chuyên đề Lớp 10 Lớp 11 Lớp 12
Chuyên đề 10.1, chuyên đề 11.1, chuyên đề 12.1 10 10 10
Chuyên đề 10.2, chuyên đề 11.2, chuyên đề 12.2 10 10 10
Chuyên đề 10.3, chuyên đề 11.3, chuyên đề 12.3 15 15 15
  1. Thiết bị dạy học
  2. a) Thiết bị phục vụ giáo viên dạy học: máy tính cá nhân, máy chiếu, màn hình chiếu.
  3. b) Thiết bị phục vụ học sinh thực hành

 – Máy tính

 + Số lượng máy tính trong giờ thực hành: Ở cấp tiểu học, tối thiểu 1 máy tính/3 học sinh. Ở cấp trung học cơ sở: tối thiểu 1 máy tính/2 học sinh. Ở cấp trung học phổ thông: 1 máy tính/1 học sinh.

 + Cấu hình máy tính: Phải đáp ứng cài đặt được các hệ điều hành và phần mềm thông dụng. Các máy tính phải được kết nối mạng LAN và Internet, có trang bị những thiết bị phục vụ thực hành như loa, tai nghe, micro, camera,…

 + Phần mềm: Các máy tính cần được cài đặt hệ điều hành và các phần mềm ứng dụng thuộc loại có bản quyền, mã nguồn mở hoặc miễn phí.

 – Các thiết bị khác:

 + Thiết bị mạng bao gồm Switch, Modem, Access Point, cáp mạng, dây mạng dùng để kết nối mạng LAN và Internet cho các máy tính, phục vụ học sinh thực hành các bài học về thiết bị số và thiết kế mạng.

 + Máy chiếu và màn hình.

 + Robot: Trong giờ học chuyên đề về robot, cần có ít nhất 1 robot giáo dục/mỗi nhóm (tối đa 8 học sinh).

  1. c) Phòng thực hành máy tính

 Phòng thực hành phải có đủ diện tích để sắp xếp thiết bị; có máy tính, máy chiếu, màn hình, máy in; có máy tính dùng làm server để lưu trữ các học liệu điện tử, cài đặt các phần mềm quản lí học tập, phần mềm quản lí nhà trường và phần mềm tường lửa; có nội quy phòng thực hành,…

  1. Thực hiện chương trình phù hợp với điều kiện thực tế và đối tượng học sinh

 Chương trình môn Tin học được thiết kế theo hướng mở để đáp ứng đặc thù của tin học và phù hợp với tính chất của một môn học bắt buộc có một số chủ đề lựa chọn (phân hoá). Tính mở của chương trình khích lệ hứng thú học tập, đáp ứng sở thích cá nhân và đem lại nhiều cơ hội hướng nghiệp cho học sinh, đồng thời tạo thuận lợi cho địa phương tổ chức, triển khai dạy tin học khả thi và có hiệu quả hơn.

  1. a) Về các chủ đề con bắt buộc và lựa chọn

 Để thực hiện theo định hướng phân hoá, chương trình môn Tin học thiết kế có tính mở:

 – Có chủ đề con bắt buộc đối với tất cả học sinh trong toàn quốc.

 – Có các chủ đề con lựa chọn để cơ sở giáo dục lựa chọn với yêu cầu bảo đảm số lượng chủ đề và tổng thời lượng theo quy định. Việc lựa chọn là linh hoạt, có thể thay đổi hằng năm.

  1. b) Về bảo đảm liên thông

 Nội dung dạy học phải bảo đảm yếu tố sư phạm, phù hợp lứa tuổi, tâm – sinh lí và khả năng tiếp thu của học sinh. Vì vậy, trong chương trình có nhiều chủ đề phân bố xuyên suốt qua một số lớp khác nhau (Ví dụ: thuật toán, lập trình, xử lí thông tin, ứng dụng tin học, soạn thảo văn bản, trình chiếu,…). Cùng một chủ đề, ở các lớp khác nhau có thể có các tiêu đề giống nhau, nhưng với các yêu cầu cần đạt khác nhau và mức độ nâng cao dần. Chương trình bảo đảm tính liên thông, hệ thống, đồng tâm, không trùng lặp và ở mỗi lớp, học sinh có đủ kiến thức, kĩ năng tạo được sản phẩm số hoàn thiện, đạt yêu cầu tương ứng với nội dung chương trình lớp đó.

  1. c) Về lựa chọn phần cứng và phần mềm

 Các cơ sở giáo dục cần quan tâm đầu tư để phòng máy tính được kết nối mạng và Internet. Cần có lộ trình tăng cường đầu tư các thiết bị phần cứng để học sinh làm quen, sử dụng. Các trường có điều kiện nên trang bị thêm các thiết bị kĩ thuật số hiện đại như máy ảnh số, máy tính bảng, thiết bị thông minh (điện thoại thông minh, robot giáo dục,…). Những cơ sở giáo dục chưa đủ điều kiện có thể thu thập hình ảnh các thiết bị đó trên mạng để giới thiệu cho học sinh.

 Cơ sở giáo dục cần thu thập, lưu trữ không chỉ các phần mềm phổ biến thiết yếu như các phần mềm soạn thảo, trình chiếu, bảng tính,… mà cả các phần mềm học tập, vui chơi, giải trí, phần mềm đồ hoạ, thiết kế, công cụ hoạt hình, mô phỏng,… nhằm cung cấp không chỉ cho môn Tin học mà cho tất cả các môn học và hoạt động giáo dục khác.

  1. d) Về phần mềm mã nguồn đóng và mã nguồn mở

 – Về hệ điều hành, bộ phần mềm văn phòng và các phần mềm khác: Chương trình chỉ đưa ra yêu cầu cần đạt mà không bắt buộc sử dụng phần mềm cụ thể nào; không phân biệt là mã nguồn mở hay mã nguồn đóng. Khuyến khích lựa chọn các phiên bản mới, thông dụng và miễn phí.

 – Các phần mềm học tập, vui chơi, giải trí: Trong chương trình có các nội dung yêu cầu phải sử dụng các loại phần mềm học tập, phần mềm trò chơi, giải trí với các yêu cầu cần đạt tương ứng. Khuyến khích giáo viên, tác giả sách giáo khoa chủ động khai thác, lựa chọn nguồn tài nguyên ở các kho học liệu số (chủ yếu trên Internet) rất phong phú, đa dạng và phần lớn là miễn phí để biên soạn giáo án và sách giáo khoa. Trên thị trường, các loại phần mềm khác nhau và các phiên bản mới liên tục ra đời. Do vậy, cần định kì thu thập, cập nhật các phần mềm mới, phiên bản mới.

  1. e) Về lựa chọn các định hướng Tin học ứng dụng, Khoa học máy tính

 Ở mỗi lớp trung học phổ thông, chương trình môn Tin học cũng như chuyên đề học tập đều đưa ra hai định hướng phân hoá lựa chọn là Tin học ứng dụng và Khoa học máy tính. Tuỳ theo nguyện vọng của học sinh và cha mẹ học sinh, tuỳ điều kiện tổ chức dạy học, nhà trường có thể chọn chương trình định hướng Tin học ứng dụng cho một số lớp và chọn chương trình theo định hướng Khoa học máy tính cho một số lớp khác. Không quy định tỉ lệ chọn, có thể thay đổi tỉ lệ này hằng năm tuỳ theo nguyện vọng lựa chọn ngành nghề của học sinh và xu thế phát triển nhu cầu nhân lực của xã hội.

  1. g) Về lựa chọn các chủ đề con cụ thể của dự án học tập, sản phẩm số

 Một trong những điểm mới của chương trình là khuyến khích dạy học theo dự án và học sinh làm ra sản phẩm số hoàn thiện, vận dụng kiến thức liên môn trong dạy học giải quyết vấn đề thực tế. Chương trình chỉ đưa ra các yêu cầu cần đạt và một số gợi ý có tính định hướng. Việc đưa ra các chủ đề, nhiệm vụ cụ thể cho mỗi nhóm hoặc mỗi cá nhân học sinh thực hiện do tác giả sách giáo khoa và giáo viên tự quyết định. Ngoài ra, giáo viên cũng có thể khuyến khích học sinh tự đề xuất nhiệm vụ với sự trợ giúp, hướng dẫn và phê duyệt của giáo viên. Cách thức, kế hoạch thực hiện, hình thức kiểm tra giám sát và đánh giá kết quả hoàn toàn do giáo viên và tổ chuyên môn quyết định.

  1. Cách tiếp cận mới của chương trình

 5.1. Quan hệ giữa năng lực tin học với các mạch kiến thức tin học

  1. a) Chương trình môn Tin học thực hiện mục tiêu hình thành, phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh thông qua giáo dục thái độ, trang bị kiến thức và rèn luyện kĩ năng cho học sinh. Năm thành phần năng lực tin học và ba mạch kiến thức tin học có mối quan hệ tương hỗ chặt chẽ. Khi vận dụng kiến thức, kĩ năng đến một mức độ nhất định để đáp ứng yêu cầu của thực tế, năng lực tin học của học sinh sẽ được phát triển. Đồng thời, khi năng lực tin học của học sinh được phát triển lên một mức mới thì những kiến thức, kĩ năng đã học sẽ được củng cố vững chắc, góp phần quan trọng để học sinh tiếp thu những kiến thức mới, phát triển những kĩ năng mới.
  2. b) Mối quan hệ tương hỗ biện chứng giữa năm thành phần của năng lực tin học, ba mạch kiến thức và bảy chủ đề nội dung được mô tả trong hình vẽ dưới đây, trong đó:

 – DL, ICT, CS có phần hoà quyện được thể hiện bằng hình tròn ở tâm. Mũi tên một chiều thể hiện phần này được tạo ra từ cả ba mạch kiến thức.

 – Mỗi mạch kiến thức thể hiện ở các hình vành khăn. Mỗi một chủ đề trong bảy chủ đề (A, B, C, D, E, F, G) đều góp phần phát triển ba mạch kiến thức, tuy mức độ khác nhau. Tên các chủ đề ghi ở mỗi một trong ba vành khăn thể hiện mức độ ảnh hưởng cao hơn đối với mạch kiến thức đó.

 – Năm thành phần (vành ngoài cùng), ba mạch kiến thức, bảy chủ đề nội dung có mối quan hệ tương hỗ trực tiếp hoặc gián tiếp(thể hiện bằng mũi tên hai chiều) và kênh truyền liên kết.

Năm thành phần

NLa: Sử dụng và quản lí các phương tiện công nghệ thông tin và truyền thông.

 NLb: Ứng xử phù hợp trong môi trường số.

 NLc: Giải quyết vấn đề với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin và truyền thông.

 NLd: Ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong học và tự học.

 Ba mạch kiến thức

DL: Học vấn số hoá phổ thông.

 ICT: Công nghệ thông tin và truyền thông.

 CS: Khoa học máy tính.

 Bảy chủ đề nội dung

Chủ đề A: Máy tính và xã hội tri thức.

 Chủ đề B: Mạng máy tính và Internet.

 Chủ đề C: Tổ chức lưu trữ, tìm kiếm và trao đổi thông tin.

 Chủ đề D: Đạo đức, pháp luật và văn hoá trong môi trường số.

 Chủ đề E: Ứng dụng tin học.

 Chủ đề F: Giải quyết vấn đề với sự trợ giúp của máy tính.

 Chủ đề G: Hướng nghiệp với tin học.

  

 5.2. Một số nội dung và cách tiếp cận mới của chương trình

  1. a) Về sự hoà quyện ba mạch kiến thức DL, ICT, CS

 Chương trình môn Tin học mới của Việt Nam cũng như các nước tiên tiến nói chung đều bao gồm ba mạch kiến thức DL, ICT, CS.

 – DL đề cập đến khả năng sử dụng các công cụ kĩ thuật số thông dụng để hoà nhập với cộng đồng, thích ứng với thời đại một cách an toàn, có trách nhiệm. DL còn bao gồm cả khía cạnh đạo đức, pháp luật, ứng xử có văn hoá và ảnh hưởng của tin học đối với xã hội số.

 – ICT đề cập đến việc máy tính và các công cụ kĩ thuật số làm việc ra sao và có thể ứng dụng chúng như thế nào. ICT chú trọng việc lựa chọn, đánh giá để sử dụng và áp dụng hệ thống máy tính; cài đặt phần cứng, phần mềm, hỗ trợ hoạt động của các tổ chức, giải quyết vấn đề thực tế một cách sáng tạo và có hiệu quả.

 – CS đề cập đến các nguyên lí và thực hành làm cơ sở để hiểu biết và mô hình hoá tính toán, ứng dụng chúng trong việc phát triển máy tính và các hệ thống máy tính. CS giúp nhận biết và phân tích các vấn đề theo cách tiếp cận tin học. Mục tiêu cốt lõi của CS là hình thành và phát triển tư duy máy tính. Tư duy máy tính sử dụng phương pháp trừu tượng hoá, cách phân rã một nhiệm vụ, một thiết kế lớn và phức tạp thành những vấn đề nhỏ, đơn giản hơn để có thể đưa ra các thuật toán giải quyết chúng. Tư duy máy tính bóc tách các mối quan hệ để trích chọn các đặc trưng, biểu đạt ngắn gọn vấn đề hoặc mô hình hoá các khía cạnh quan trọng của vấn đề, làm cho vấn đề đó dễ khai báo và có thể xử lí được.

 Như vậy, CS đề cập đến các yếu tố khoa học cơ bản, có tính độc lập cao với các công nghệ cụ thể nên bền vững, ít thay đổi nhanh. ICT và DL liên quan đến yếu tố công nghệ, sử dụng và áp dụng công nghệ số, có tốc độ phát triển, thay đổi nhanh. Do vậy, theo định kì ngắn hạn (2,3 năm một lần),Chương trình môn Tin học cần được cập nhật, nhất là mạch ICT và DL nhằm đáp ứng tính thời sự, hiện đại.

 Mỗi một trong ba mạch kiến thức DL, ICT, CS tự nó chứa ít nhiều những kiến thức thuộc một hoặc cả hai mạch kiến thức còn lại, không thể tách rời.Các chủ đề khác nhau trong chương trình có hàm lượng DL, ICT, CS khác nhau. Quá trình giải quyết bài toán cụ thể thường đòi hỏi phải vận dụng tích hợp kiến thức, kĩ năng của đồng thời ba mạch kiến thức DL, ICT, CS và của các môn học khác.

 Những năm gần đây, với nhu cầu phát triển nhân lực cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong chương trình giáo dục phổ thông của nhiều nước tiên tiến như Anh, Mĩ, Nga,…, mạch tri thức CS đã được điều chỉnh gia tăng đáng kể và được cung cấp cho học sinh ngay từ các lớp đầu cấp tiểu học. Do những hạn chế của điều kiện thực tế ở Việt Nam nên chương trình mới chưa thể đưa CS thành mạch kiến thức cốt lõi như chương trình các nước tiên tiến. Chương trình chỉ đặt mục tiêu trước mắt là hướng tới chuẩn chương trình các nước phát triển. Bên cạnh việc tiếp tục coi trọng các mạch kiến thức, kĩ năng ICT và DL như chương trình hiện hành, điểm mới là mạch kiến thức CS được chú trọng hơn đối với tất cả học sinh ngay từ giai đoạn giáo dục cơ bản và được tăng cường ở giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp. Mỗi học sinh không chỉ được rèn luyện kĩ năng sử dụng ICT và DL mà còn được trang bị khả năng tự học, tư duy giải quyết vấn đề để thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ kĩ thuật số trong tương lai.

  1. b) Về thuật toán và lập trình, tổ chức lưu trữ, tìm kiếm và trao đổi thông tin

 – Thuật toán là phương pháp giải quyết một bài toán, một vấn đề cụ thể. Thuật toán có thể được mô tả bằng chương trình để máy tính thực hiện, hoặc cũng có thể mô tả bằng văn bản hay bằng sơ đồ khối để con người hiểu và thực hiện. Học sinh cần hiểu được có thể có một vài thuật toán khác nhau giải quyết cùng một vấn đề. Học sinh cần được chuẩn bị để đánh giá tính hiệu quả của thuật toán về mặt thời gian thực hiện và về mức độ khó để chuyển đổi sang chương trình máy tính.

 – Có thể coi lập trình là khía cạnh thực hành của CS, là con đường tốt để học sinh học tin học nói chung và CS nói riêng. Học lập trình để học cách tư duy máy tính, để hiểu phần mềm hoạt động như thế nào. Đây cũng là tri thức cơ bản khi chúng ta sống trong thế giới công nghệ số, có rất nhiều hệ thống và thiết bị vận hành tự động, được điều khiển bằng chương trình máy tính. Thông qua học lập trình, học sinh có được khả năng tìm giải pháp giải quyết vấn đề bằng tư duy logic, trừu tượng hoá, mô hình hoá, tổng quát hoá và điều khiển. Học lập trình không chỉ là học ngôn ngữ lập trình và viết các dòng lệnh mà thông qua lập trình học sinh có thể tạo ra sản phẩm số hoàn thiện cho bản thân.

 – Việc chọn ngôn ngữ lập trình cụ thể thích hợp trong dạy học cũng rất quan trọng và nên dựa trên một số yếu tố sau đây:

 +Bộ công cụ ngôn ngữ lập trình phải thông dụng trong và ngoài nước, có sẵn tài nguyên để dễ dàng khai thác sử dụng, có giải pháp khả thi về bản quyền, có xu hướng ngày càng phát triển.

 + Ngôn ngữ lập trình đã chọn được cộng đồng giáo viên ưa thích, dễ dàng cài đặt trên máy (ở nhà và ở trường) giúp học sinh tự học thuận lợi và trao đổi rộng lớn trong cộng đồng.

 + Ngôn ngữ lập trình được chọn phải phù hợp lứa tuổi. Chẳng hạn ở cấp tiểu học, trung học cơ sở, nên chọn các ngôn ngữ lập trình trực quan như Scratch, Logo,…; ở cấp trung học phổ thông, nên chọn các ngôn ngữ lập trình vạn năng như C#, Python, Java,…

 Chương trình môn Tin học chỉ đưa ra các định hướng chung về tiêu chí lựa chọn chứ không xác định ngôn ngữ lập trình cụ thể.

 – Tổ chức lưu trữ, tìm kiếm và trao đổi thông tin là một trong các mạch kiến thức, kĩ năng cốt yếu trong chương trình. Ở cấp tiểu học, học sinh bước đầu có nhận thức về vai trò quan trọng của thông tin, biết xem thông tin và giải trí khi truy cập Internet. Ở cấp trung học cơ sở, học sinh biết sử dụng máy tìm kiếm, một số dịch vụ khai thác, trao đổi thông tin như qua email, biết biểu diễn và lưu trữ thông tin các dạng văn bản, âm thanh, hình ảnh và số trong máy tính. Ở cấp trung học phổ thông, học sinh biết tìm kiếm, khai thác đánh giá nguồn thông tin trên mạng để đáp ứng nhu cầu cá nhân, hỗ trợ giải quyết vấn đề thực tế, nhận biết nhu cầu tổ chức lưu trữ và khai thác dữ liệu cho bài toán quản lí, bước đầu có khái niệm về dữ liệu lớn và trích chọn tri thức.

  1. c) Về hai định hướng trong chuyên đề học tập

 – Cụm chuyên đề Tin học ứng dụng

 Cụm chuyên đề Tin học ứng dụng theo định hướng thực hành, hướng nghiệp, không đòi hỏi kiến thức sâu của tin học, nhằm rèn luyện nâng cao năng lực chủ yếu về DL và ICT. Các chuyên đề trong định hướng Tin học ứng dụng nhằm giúp học sinh có thêm cơ hội thực hành dưới sự hướng dẫn của giáo viên để trau dồi kĩ năng sử dụng các phần mềm công cụ. Đồng thời, Chương trình có một số chuyên đề về những thành tựu mới của công nghệ kĩ thuật số, có tính thời sự, nhằm đáp ứng sở thích vui chơi, giải trí, học tập của đại bộ phận giới trẻ.

 Với những học sinh không chọn học môn Tin học thì chọn học cụm chuyên đề Tin học ứng dụng là một cơ hội phát triển kĩ năng tin học để chuẩn bị học các ngành nghề khác nhau một cách hiệu quả, hoặc để đáp ứng nhu cầu cá nhân. Học sinh trung học phổ thông đã có thể làm ra các sản phẩm số hoàn thiện, có chất lượng cao, có thể ứng dụng được trong thực tế. Cần khuyến khích học sinh tham gia các diễn đàn, mạng xã hội để giới thiệu, trao đổi, đánh giá sản phẩm số của bản thân và của bạn bè. Cần khuyến khích học sinh tự học bằng việc khai thác học liệu thông qua Internet một cách hợp lí.

 – Cụm chuyên đề Khoa học máy tính

 Cụm chuyên đề theo định hướng Khoa học máy tính chú trọng hơn đến mạch kiến thức CS nhằm cung cấp kiến thức chuyên sâu tin học cho học sinh thuộc nhóm đối tượng có nguyện vọng tiếp tục học lên hoặc ra đời lập nghiệp trong lĩnh vực tin học.

 Các chuyên đề theo định hướng khoa học máy tính tập trung phát triển tư duy máy tính, năng lực phân tích bài toán, lựa chọn kiểu dữ liệu và thiết kế thuật toán.

  1. d) Về giáo dục STEM, thực hành, trải nghiệm sáng tạo và làm ra sản phẩm số

 Một yêu cầu quan trọng của chương trình là phải gắn kết học lí thuyết với thực hành, sáng tạo ra các sản phẩm số của cá nhân, của nhóm. Sản phẩm có thể chỉ đơn giản là một văn bản, một hình vẽ hay phức tạp hơn như một phần mềm trò chơi được thiết kế theo trí tưởng tượng phù hợp với sở thích cá nhân, một phần mềm học tập, một trang web đơn giản của cá nhân,…

  1. e) Về tích hợp nội môn, liên môn

 Môn Tin học thực hiện dạy học tích hợp, thể hiện ở những điểm sau:

 – Tích hợp nội môn, giữa các mạch kiến thức DL, ICT, CS nhằm phát triển hài hoà năm thành phần, qua đó nâng cao dần năng lực tin học.

 – Tích hợp liên môn với các môn học khác bằng cách ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông vào các môn học đó. Việc ứng dụng này chủ yếu do chính các môn học và hoạt động giáo dục chủ động thực hiện. Tuy nhiên, giáo viên tin học cần thông qua các ví dụ, bài tập và nhất là các dự án, vận dụng kiến thức, kĩ năng của các môn học khác giúp học sinh nâng cao khả năng giải quyết vấn đề, tích hợp kiến thức và kĩ năng liên môn làm ra sản phẩm số hoàn thiện.

  1. g) Về giáo dục tin học với giáo dục hướng nghiệp, khởi nghiệp và bình đẳng giới

 Mục tiêu giáo dục hướng nghiệp trong lĩnh vực giáo dục tin học là nhằm cung cấp cho học sinh những hiểu biết tổng quát về các ngành nghề, nghề nghiệp tin học và các ứng dụng, dịch vụ tin học rất đa dạng, phong phú trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ và kinh tế,..; vai trò và ảnh hưởng của tin học trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Thêm nữa, học sinh cần biết một cách khái quát yêu cầu chính về: năng lực, kiến thức và kĩ năng, phẩm chất con người; nguồn lực, chi phí cần có của mỗi người khi chọn lựa ngành nghề, nghề nghiệp trong lĩnh vực tin học; nhu cầu của xã hội hiện tại và dự báo tương lai về việc làm, thị trường lao động trong lĩnh vực tin học. Điều đó cũng tạo điều kiện ban đầu và cơ hội cho tuổi trẻ tự tin khởi nghiệp.Chương trình quan tâm đến vấn đề bình đẳng giới, tránh quan niệm sai lầm cho rằng, nghề nghiệp trong lĩnh vực tin học chỉ dành riêng cho nam giới. Hơn nữa, đức tính chịu khó, chăm chỉ, kiên nhẫn, khéo léo, có tính thẩm mĩ,…của nữ giới là một lợi thế giúp họ có nhiều cơ hội việc làm và thành đạt trong lĩnh vực tin học.

 CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG

 MÔN ÂM NHẠC

 (Ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

 MỤC LỤC

  1. ĐẶC ĐIỂM MÔN HỌC
  2. QUAN ĐIỂM XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH

 III. MỤC TIÊU CHƯƠNG TRÌNH

  1. YÊU CẦU CẦN ĐẠT
  2. NỘI DUNG GIÁO DỤC
  3. Nội dung khái quát
  4. Nội dung cụ thể và yêu cầu cần đạt ở các lớp

 LỚP 1

 LỚP 2

 LỚP 3

 LỚP 4

 LỚP 5

 LỚP 6

 LỚP 7

 LỚP 8

 LỚP 9

 LỚP 10

 LỚP 11

 LỚP 12

  1. PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC

 VII. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ GIÁO DỤC

 VIII. GIẢI THÍCH VÀ HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

  

  1. ĐẶC ĐIỂM MÔN HỌC

 Âm nhạc là loại hình nghệ thuật sử dụng âm thanh để diễn tả cảm xúc, thái độ, nhận thức và tư tưởng của con người. Âm nhạc là một phần thiết yếu của các nền văn hoá, gắn bó và ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống xã hội. Âm nhạc làm phong phú những giá trị tinh thần của nhân loại, là phương tiện giúp con người khám phá thế giới, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

 Trong nhà trường, giáo dục âm nhạc tạo cơ hội cho học sinh được trải nghiệm và phát triển năng lực âm nhạc – biểu hiện của năng lực thẩm mĩ với các thành phần sau: thể hiện âm nhạc, cảm thụ và hiểu biết âm nhạc, ứng dụng và sáng tạo âm nhạc; góp phần phát hiện, bồi dưỡng những học sinh có năng khiếu âm nhạc. Đồng thời, thông qua nội dung các bài hát, các hoạt động âm nhạc và phương pháp giáo dục của nhà sư phạm, giáo dục âm nhạc góp phần phát triển ở học sinh các phẩm chất yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm, cùng các năng lực tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo để trở thành những công dân phát triển toàn diện về nhân cách, hài hoà về thể chất và tinh thần.

 Trong chương trình giáo dục phổ thông, nội dung môn Âm nhạc được phân chia theo hai giai đoạn.

 Giai đoạn giáo dục cơ bản: Âm nhạc là môn học bắt buộc từ lớp 1 đến lớp 9, bao gồm những kiến thức và kĩ năng cơ bản về hát, nhạc cụ, nghe nhạc, đọc nhạc, lí thuyết âm nhạc, thường thức âm nhạc. Chương trình giáo dục âm nhạc giúp học sinh trải nghiệm, khám phá và thể hiện bản thân thông qua các hoạt động âm nhạc nhằm phát triển năng lực thẩm mĩ, nhận thức được sự đa dạng của thế giới âm nhạc và mối liên hệ giữa âm nhạc với văn hoá, lịch sử cùng các loại hình nghệ thuật khác; đồng thời hình thành ý thức bảo vệ và phổ biến các giá trị âm nhạc truyền thống.

 Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp: Âm nhạc là môn học được lựa chọn theo nguyện vọng và định hướng nghề nghiệp của học sinh. Nội dung môn học bao gồm kiến thức và kĩ năng mở rộng, nâng cao về hát, nhạc cụ, nghe nhạc, đọc nhạc, lí thuyết âm nhạc, thường thức âm nhạc. Những học sinh có sở thích, năng khiếu hoặc định hướng nghề nghiệp liên quan còn được chọn thêm các chuyên đề học tập. Nội dung giáo dục âm nhạc ở giai đoạn này giúp học sinh tiếp tục phát triển các kĩ năng thực hành, mở rộng hiểu biết về âm nhạc trong mối tương quan với các yếu tố văn hoá, lịch sử và xã hội, ứng dụng kiến thức vào đời sống, đáp ứng sở thích cá nhân và tiếp cận với những nghề nghiệp liên quan đến âm nhạc.

  1. QUAN ĐIỂM XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH

 Chương trình môn Âm nhạc tuân thủ các quy định cơ bản được nêu trong Chương trình tổng thể, bao gồm: những định hướng chung cho tất cả các môn học (quan điểm, mục tiêu, yêu cầu cần đạt, kế hoạch giáo dục và các định hướng về nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục, điều kiện thực hiện và phát triển chương trình); định hướng xây dựng chương trình môn Âm nhạc ở ba cấp học. Đồng thời, xuất phát từ đặc điểm môn học, các quan điểm sau được nhấn mạnh trong xây dựng chương trình:

  1. Chương trình tập trung phát triển ở học sinh năng lực âm nhạc, biểu hiện của năng lực thẩm mĩ trong lĩnh vực âm nhạc thông qua nội dung giáo dục với những kiến thức cơ bản, thiết thực; chú trọng thực hành; góp phần phát triển hài hoà đức, trí, thể, mĩ và định hướng nghề nghiệp cho học sinh.
  2. Chương trình kế thừa và phát huy những ưu điểm của chương trình môn Âm nhạc hiện hành, đồng thời tiếp thu kinh nghiệm xây dựng chương trình của một số nền giáo dục tiên tiến trên thế giới. Nội dung giáo dục của chương trình được thiết kế theo hướng kết hợp giữa đồng tâm với tuyến tính; thể hiện rõ đặc trưng nghệ thuật âm nhạc và bản sắc văn hoá dân tộc; tích hợp cao ở các lớp học dưới, phân hoá dần ở các lớp học trên.
  3. Chương trình xây dựng những hoạt động học tập đa dạng, với sự phong phú về nội dung và hình thức, nhằm đáp ứng nhu cầu, sở thích của học sinh; tạo được cảm xúc, niềm vui và hứng thú trong học tập.
  4. Chương trình vừa bảo đảm những nội dung giáo dục cốt lõi thống nhất trong cả nước, vừa có tính mở để phù hợp với sự đa dạng về điều kiện và khả năng học tập của học sinh các vùng miền.

 III. MỤC TIÊU CHƯƠNG TRÌNH

  1. Mục tiêu chung

 Chương trình môn Âm nhạc giúp học sinh hình thành, phát triển năng lực âm nhạc dựa trên nền tảng kiến thức âm nhạc phổ thông và các hoạt động học tập đa dạng để trải nghiệm và khám phá nghệ thuật âm nhạc; nuôi dưỡng cảm xúc thẩm mĩ và tình yêu âm nhạc, nhận thức được sự đa dạng của thế giới âm nhạc và mối liên hệ giữa âm nhạc với văn hoá, lịch sử, xã hội cùng các loại hình nghệ thuật khác, hình thành ý thức bảo vệ và phổ biến các giá trị âm nhạc truyền thống; có đời sống tinh thần phong phú với những phẩm chất cao đẹp, có định hướng nghề nghiệp phù hợp, phát huy tiềm năng hoạt động âm nhạc và phát triển các năng lực chung của học sinh.

  1. Mục tiêu cấp tiểu học

 Chương trình môn Âm nhạc cấp tiểu học giúp học sinh bước đầu làm quen với kiến thức âm nhạc phổ thông, sự đa dạng của thế giới âm nhạc và các giá trị âm nhạc truyền thống; hình thành một số kĩ năng âm nhạc ban đầu; nuôi dưỡng cảm xúc thẩm mĩ và tình yêu âm nhạc, hứng thú tham gia các hoạt động âm nhạc phù hợp với lứa tuổi; góp phần hình thành và phát triển cho học sinh những phẩm chất chủ yếu (yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm) và các năng lực chung (tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo).

  1. Mục tiêu cấp trung học cơ sở

 Chương trình môn Âm nhạc cấp trung học cơ sở giúp học sinh phát triển năng lực âm nhạc dựa trên nền tảng kiến thức âm nhạc phổ thông và các hoạt động trải nghiệm, khám phá nghệ thuật âm nhạc; nuôi dưỡng cảm xúc thẩm mĩ và tình yêu âm nhạc; tiếp tục hình thành một số kĩ năng âm nhạc cơ bản, phát huy tiềm năng hoạt động âm nhạc; nhận thức được sự đa dạng của thế giới âm nhạc và mối liên hệ giữa âm nhạc với văn hoá, lịch sử, xã hội cùng các loại hình nghệ thuật khác, hình thành ý thức bảo vệ và phổ biến các giá trị âm nhạc truyền thống; góp phần phát triển những phẩm chất chủ yếu và năng lực chung đã được hình thành từ cấp tiểu học.

  1. Mục tiêu cấp trung học phổ thông

 Chương trình môn Âm nhạc cấp trung học phổ thông giúp học sinh phát triển năng lực âm nhạc, những phẩm chất chủ yếu và năng lực chung đã được hình thành từ cấp trung học cơ sở; định hình thị hiếu thẩm mĩ; mở rộng hiểu biết về âm nhạc trong mối tương quan với các yếu tố lịch sử, văn hoá và xã hội, biết trân trọng và có ý thức giữ gìn, bảo vệ, phổ biến các giá trị âm nhạc truyền thống; phát huy tiềm năng hoạt động âm nhạc, vận dụng kiến thức, kĩ năng âm nhạc vào đời sống; có định hướng nghề nghiệp phù hợp với khả năng của bản thân.

  1. YÊU CẦU CẦN ĐẠT
  2. Yêu cầu cần đạt về phẩm chất chủ yếu và năng lực chung

 Chương trình môn Âm nhạc góp phần hình thành và phát triển ở học sinh các phẩm chất chủ yếu và năng lực chung theo các mức độ phù hợp với môn học, cấp học đã được quy định tại Chương trình tổng thể.

  1. Yêu cầu cần đạt về năng lực đặc thù

 Chương trình môn Âm nhạc tập trung hình thành và phát triển ở học sinh năng lực âm nhạc, bao gồm các thành phần năng lực sau:

 – Thể hiện âm nhạc: biết tái hiện, trình bày hoặc biểu diễn âm nhạc thông qua các hoạt động hát, chơi nhạc cụ, đọc nhạc với nhiều hình thức và phong cách.

 – Cảm thụ và hiểu biết âm nhạc: biết thưởng thức và cảm nhận những giá trị nổi bật, những điều sâu sắc và đẹp đẽ của âm nhạc được thể hiện trong tác phẩm hoặc một bộ phận của tác phẩm; biết biểu lộ thái độ và cảm xúc bằng lời nói và ngôn ngữ cơ thể; biết nhận xét và đánh giá về các phương tiện diễn tả của âm nhạc.

 – Ứng dụng và sáng tạo âm nhạc: biết kết hợp và vận dụng kiến thức, kĩ năng âm nhạc vào thực tiễn; ứng tác và biến tấu, đưa ra những ý tưởng hoặc sản phẩm âm nhạc hay, độc đáo; hiểu và sử dụng âm nhạc trong các mối quan hệ với lịch sử, văn hoá và các loại hình nghệ thuật khác.

 Yêu cầu cần đạt ở các cấp học:

Thành phần năng lực Cấp tiểu học Cấp trung học cơ sở Cấp trung học phổ thông
Thể hiện âm nhạc – Bước đầu biết hát một mình và hát cùng người khác, thể hiện đúng giai điệu và lời ca, diễn tả được sắc thái và tình cảm của bài hát.

 – Đọc nhạc đúng tên nốt, đọc đúng cao độ và trường độ.

 – Biết chơi nhạc cụ một mình và cùng người khác, thể hiện đúng tiết tấu và giai điệu.

– Biết hát một mình và hát cùng người khác, thể hiện đúng giai điệu và lời ca, diễn tả được sắc thái và tình cảm của bài hát, biết hát bè đơn giản.

 – Đọc nhạc đúng tên nốt, cao độ và trường độ, thể hiện được tính chất âm nhạc; biết đánh nhịp một số loại nhịp.

 – Biết chơi nhạc cụ một mình và cùng người khác, thể hiện đúng tiết tấu, giai điệu và hoà âm đơn giản.

– Biết hát một mình và hát cùng người khác; thể hiện đúng giai điệu và lời ca, diễn tả được sắc thái và tình cảm của bài hát, có kĩ năng hát bè.

 – Đọc nhạc đúng tên nốt, cao độ và trường độ, thể hiện được tính chất âm nhạc; biết đánh nhịp một số loại nhịp.

 – Biết chơi nhạc cụ với hình thức độc tấu và hoà tấu, thể hiện đúng tiết tấu, giai điệu, hoà âm và sắc thái âm nhạc.

Cảm thụ và hiểu biết âm nhạc – Bước đầu cảm nhận được vẻ đẹp của tác phẩm âm nhạc, phân biệt được sự khác nhau trong từng thuộc tính âm nhạc.

 – Biết vận động cơ thể phù hợp với nhịp điệu.

 – Nhận biết được câu, đoạn trong bài hát có hình thức rõ ràng, nhận biết được sự giống nhau hoặc khác nhau của các nét nhạc.

 – Bước đầu biết đánh giá kĩ năng thể hiện âm nhạc của bản thân và người khác.

– Cảm nhận được vẻ đẹp của tác phẩm âm nhạc; cảm nhận và phân biệt được các phương tiện diễn tả của âm nhạc; nhận thức được sự đa dạng của thế giới âm nhạc và mối liên hệ giữa âm nhạc với văn hoá, lịch sử, xã hội cùng các loại hình nghệ thuật khác.

 – Vận động cơ thể phù hợp với nhịp điệu và tính chất âm nhạc; biết chia sẻ cảm xúc âm nhạc với người khác.

 – Nhận biết được câu, đoạn trong bài hát, bản nhạc có hình thức rõ ràng.

 – Biết nhận xét và đánh giá kĩ năng thể hiện âm nhạc.

– Cảm nhận và đánh giá được vẻ đẹp, giá trị nghệ thuật của tác phẩm âm nhạc; cảm nhận và phân tích được các phương tiện diễn tả của âm nhạc và phong cách trình diễn; nhận thức được sự đa dạng của thế giới âm nhạc và mối tương quan giữa âm nhạc với các yếu tố lịch sử, văn hoá và xã hội.

 – Biết biểu lộ thái độ và cảm xúc âm nhạc thông qua vận động hoặc ngôn ngữ cơ thể; biết chia sẻ cảm xúc âm nhạc với người khác.

 – Nhận biết được câu, đoạn trong bài hát, bản nhạc có hình thức rõ ràng.

 – Biết nhận xét và đánh giá kĩ năng thể hiện âm nhạc.

Ứng dụng và sáng tạo âm nhạc – Bước đầu biết mô phỏng, tái hiện một số âm thanh quen thuộc trong cuộc sống; biết lặp lại có thay đổi mẫu tiết tấu và giai điệu đơn giản theo hướng dẫn của giáo viên.

 – Biết làm dụng cụ học tập đơn giản theo hướng dẫn của giáo viên; biết tưởng tượng khi nghe nhạc không lời.

 – Biết chia sẻ hiểu biết về âm nhạc với người khác; biết biểu diễn các tiết mục âm nhạc với hình thức phù hợp.

– Mô phỏng, tái hiện được một số âm thanh quen thuộc trong cuộc sống; biết lặp lại có thay đổi mẫu tiết tấu hoặc giai điệu theo hướng dẫn của giáo viên.

 – Biết làm dụng cụ học tập đơn giản; biết tưởng tượng khi nghe nhạc không lời.

 – Có ý thức bảo vệ và phổ biến các giá trị âm nhạc truyền thống; biết chia sẻ kiến thức âm nhạc với người khác, nhận ra khả năng âm nhạc của bản thân, bước đầu định hình thị hiếu âm nhạc; biết dàn dựng và biểu diễn các tiết mục âm nhạc với hình thức phù hợp.

– Biết kết hợp và vận dụng kiến thức, kĩ năng âm nhạc vào các hoạt động nghệ thuật; biết ứng tác hoặc biến tấu đơn giản.

 – Biết làm dụng cụ học tập âm nhạc; biết tưởng tượng khi nghe nhạc không lời.

 – Biết cách phổ biến kiến thức và kĩ năng âm nhạc; biết dàn dựng và biểu diễn các tiết mục âm nhạc với hình thức phù hợp; nhận ra khả năng âm nhạc của bản thân, định hình thị hiếu âm nhạc, có định hướng nghề nghiệp phù hợp.

  1. NỘI DUNG GIÁO DỤC
  2. Nội dung khái quát
  3. a) Nội dung giáo dục cốt lõi
Nội dung Lớp
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12
Hát
Bài hát tuổi học sinh x x x x x x x x x x x x
Dân ca Việt Nam x x x x x x x x x x x x
Bài hát nước ngoài x x x x x x x x x x x x
Nghe nhạc
Nhạc có lời x x x x x x x x x x x x
Nhạc không lời x x x x x x x x x x x x
Đọc nhạc
Giọng Đô trưởng x x x x x x x x x      
Giọng La thứ           x x x x      
Giọng Son trưởng, Mi thứ, Pha trưởng, Rê thứ                   x x x
Nhạc cụ
Tiết tấu x x x x x x x x x x x x
Giai điệu       x x x x x x x x x
Hoà âm           x x x x x x x
 thuyết âm nhạc
Kí hiệu âm nhạc và các loại nhịp       x x x x x x      
Một số kiến thức cơ bản khác           x x x x x x x
Thường thức âm nhạc
Tìm hiểu nhạc cụ x x x x x x x x x      
Câu chuyện âm nhạc x x x x x              
Tác giả và tác phẩm       x x x x x x      
Hình thức biểu diễn và thể loại âm nhạc       x x x x x x x x x
Âm nhạc và đời sống           x x x x x x x
  1. b) Chuyên đề học tập
Nội dung Lớp 10 Lớp 11 Lớp 12
Chuyên đề 10.1: Hệ thống các hợp âm ba, hợp âm bảy của điệu thức x    
Chuyên đề 10.2: Phương pháp xác định giọng và đặt hợp âm đệm cho ca khúc và bản nhạc x    
Chuyên đề 10.3: Phương pháp xác định tiết điệu đệm x    
Chuyên đề 11.1: Kĩ năng biểu diễn thanh nhạc   x  
Chuyên đề 11.2: Kĩ năng biểu diễn nhạc cụ   x  
Chuyên đề 11.3: Kĩ năng chỉ huy   x  
Chuyên đề 12.1: Phần mềm chép nhạc     x
Chuyên đề 12.2: Phần mềm biên tập âm thanh và thu âm     x
Chuyên đề 12.3: Phần mềm hoà âm tự động     x
  1. Nội dung cụ thể và yêu cầu cần đạt ở các lớp

 Căn cứ yêu cầu cần đạt về năng lực và nội dung giáo dục âm nhạc đối với từng cấp học, chương trình môn Âm nhạc xác định nội dung giáo dục và yêu cầu cần đạt ở mỗi lớp. Các yêu cầu cần đạt ở mỗi lớp vừa cụ thể hoá yêu cầu đối với cấp học vừa thể hiện kết quả giáo dục gắn với mỗi nội dung giáo dục, chủ đề học tập cụ thể. Mỗi lớp học sau đều có những yêu cầu riêng cao hơn, đồng thời bao gồm yêu cầu đối với các lớp học trước đó. Một số yêu cầu cần đạt tuy được lặp lại ở nhiều lớp hoặc tất cả các lớp nhưng gắn với nội dung giáo dục, chủ đề học tập cụ thể nên vẫn thể hiện mức độ cao hơn của lớp sau so với lớp trước.

 LỚP 1

Nội dung Yêu cầu cần đạt
Hát

 Bài hát tuổi học sinh (6 – 7 tuổi), đồng dao, dân ca Việt Nam, bài hát nước ngoài. Các bài hát ngắn gọn, đơn giản, có nội dung, âm vực phù hợp với độ tuổi; đa dạng về loại nhịp và tính chất âm nhạc.

– Bước đầu biết hát với giọng hát tự nhiên, tư thế phù hợp.

 – Bước đầu hát đúng cao độ, trường độ.

 – Hát rõ lời và thuộc lời.

 – Bước đầu biết hát với các hình thức đơn ca, tốp ca, đồng ca.

 – Nêu được tên bài hát.

 – Bước đầu biết hát kết hợp gõ đệm, vận động đơn giản hoặc trò chơi.

Nghe nhạc

 – Quốc ca Việt Nam.

 – Một số bản nhạc có lời và không lời phù hợp với độ tuổi.

– Biết lắng nghe và vận động cơ thể phù hợp với nhịp điệu.

 – Bước đầu biết cảm nhận về đặc trưng của âm thanh trong cuộc sống và trong âm nhạc; cảm nhận âm thanh cao – thấp, dài – ngắn.

 – Nêu được tên bản nhạc.

Đọc nhạc

 Giọng Đô trưởng. Các mẫu âm ngắn, đơn giản, dễ đọc, âm vực phù hợp với độ tuổi. Chủ yếu sử dụng trường độ: trắng, đen, móc đơn, và dấu lặng đen.

– Đọc đúng tên nốt; bước đầu đọc đúng cao độ và trường độ các nốt nhạc.

 – Bước đầu cảm nhận và phân biệt được âm thanh cao – thấp, dài – ngắn, to – nhỏ.

Nhạc cụ

 Một số mẫu tiết tấu ngắn, đơn giản. Chủ yếu sử dụng trường độ: trắng, đen, móc đơn, và dấu lặng đen.

– Bước đầu biết chơi nhạc cụ đúng tư thế và đúng cách.

 – Bước đầu thể hiện được mẫu tiết tấu theo hướng dẫn của giáo viên.

 – Bước đầu biết sử dụng nhạc cụ để đệm cho bài hát.

Thường thức âm nhạc

 – Tìm hiểu nhạc cụ: Một số nhạc cụ gõ của Việt Nam và nước ngoài.

– Nêu được tên của một số nhạc cụ phổ biến được học.

 – Nhận biết được nhạc cụ khi xem biểu diễn.

– Câu chuyện âm nhạc: Một số câu chuyện âm nhạc phù hợp với độ tuổi. – Nêu được tên các nhân vật yêu thích.

 – Kể được câu chuyện ngắn theo hình ảnh minh họa.

 LỚP 2

Nội dung Yêu cầu cần đạt
Hát

 Bài hát tuổi học sinh (7 – 8 tuổi), đồng dao, dân ca Việt Nam, bài hát nước ngoài. Các bài hát ngắn gọn, đơn giản, có nội dung, âm vực phù hợp với độ tuổi; đa dạng về loại nhịp và tính chất âm nhạc.

– Hát với giọng hát tự nhiên, tư thế phù hợp.

 – Bước đầu hát đúng cao độ, trường độ, sắc thái.

 – Hát rõ lời và thuộc lời; duy trì được tốc độ ổn định.

 – Biết hát với các hình thức đơn ca, song ca, tốp ca, đồng ca.

 – Nêu được tên bài hát và tên tác giả.

 – Biết hát kết hợp gõ đệm, vận động đơn giản hoặc trò chơi.

Nghe nhạc

 Một số bản nhạc có lời và không lời phù hợp với độ tuổi.

– Biết lắng nghe và vận động cơ thể hoặc gõ đệm phù hợp với nhịp điệu.

 – Bước đầu biết cảm nhận về đặc trưng của âm thanh trong cuộc sống và trong âm nhạc; cảm nhận âm thanh cao – thấp, dài – ngắn, to – nhỏ, các loại âm sắc, nhịp độ nhanh – chậm.

 – Nêu được tên bản nhạc.

Đọc nhạc

 Giọng Đô trưởng. Các mẫu âm ngắn, đơn giản, dễ đọc, âm vực phù hợp với độ tuổi. Chủ yếu sử dụng trường độ: trắng, đen, móc đơn, và dấu lặng đen.

– Đọc đúng tên nốt; bước đầu thể hiện đúng cao độ và trường độ các mẫu âm.

 – Cảm nhận và phân biệt được âm thanh cao – thấp, dài – ngắn, to – nhỏ.

Nhạc cụ

 Một số mẫu tiết tấu ngắn, đơn giản. Chủ yếu sử dụng trường độ: trắng, đen, móc đơn, và dấu lặng đen.

– Biết chơi nhạc cụ đúng tư thế và đúng cách.

 – Bước đầu thể hiện đúng trường độ các mẫu tiết tấu; duy trì được tốc độ ổn định.

 – Biết sử dụng nhạc cụ để đệm cho bài hát.

Thường thức âm nhạc

 – Tìm hiểu nhạc cụ: Một số nhạc cụ phổ biến của Việt Nam và nước ngoài.

– Nêu được tên của một số nhạc cụ phổ biến được học.

 – Nhận biết được nhạc cụ khi xem biểu diễn.

– Câu chuyện âm nhạc: Một số câu chuyện âm nhạc phù hợp với độ tuổi. – Nêu được tên các nhân vật yêu thích.

 – Kể được câu chuyện ngắn theo hình ảnh minh họa.

 – Bước đầu biết minh họa cho một số tình tiết của câu chuyện bằng âm thanh hoặc động tác theo hướng dẫn của giáo viên.

 LỚP 3

Nội dung Yêu cầu cần đạt
Hát

 – Quốc ca Việt Nam.

 – Bài hát tuổi học sinh (8 – 9 tuổi), đồng dao, dân ca Việt Nam, bài hát nước ngoài. Các bài hát ngắn gọn, đơn giản, có nội dung, âm vực phù hợp với độ tuổi; đa dạng về loại nhịp và tính chất âm nhạc.

– Bước đầu hát đúng cao độ, trường độ, sắc thái.

 – Hát rõ lời và thuộc lời; biết cách lấy hơi; duy trì được tốc độ ổn định.

 – Biết hát với các hình thức đơn ca, song ca, tốp ca, đồng ca.

 – Cảm nhận được tình cảm của bài hát.

 – Nêu được tên bài hát và tên tác giả.

 – Biết hát kết hợp gõ đệm, vận động hoặc trò chơi.

Nghe nhạc

 Một số bản nhạc có lời và không lời phù hợp với độ tuổi.

– Biết lắng nghe và biểu lộ cảm xúc; biết vận động cơ thể hoặc gõ đệm phù hợp với nhịp điệu.

 – Cảm nhận về đặc trưng của các loại âm sắc khác nhau; bước đầu biết tưởng tượng khi nghe nhạc.

 – Nêu được tên bản nhạc.

Đọc nhạc

 Giọng Đô trưởng. Các mẫu âm ngắn, đơn giản, dễ đọc, âm vực phù hợp với độ tuổi. Chủ yếu sử dụng trường độ: trắng, đen, móc đơn, và dấu lặng đen.

– Đọc đúng tên nốt; thể hiện đúng cao độ và trường độ các mẫu âm.

 – Cảm nhận và phân biệt được âm thanh cao – thấp, dài – ngắn, to – nhỏ.

Nhạc cụ

 Một số mẫu tiết tấu ngắn, đơn giản. Chủ yếu sử dụng trường độ: trắng, đen, móc đơn, và dấu lặng đen.

– Thể hiện đúng trường độ các mẫu tiết tấu; duy trì được tốc độ ổn định.

 – Biết điều chỉnh cường độ để tạo nên sự hài hoà.

 – Biết sử dụng nhạc cụ để đệm cho bài hát.

Thường thức âm nhạc

 – Tìm hiểu nhạc cụ: Một số nhạc cụ phổ biến của Việt Nam và nước ngoài.

– Nêu được tên của một số nhạc cụ phổ biến; mô tả được động tác chơi nhạc cụ.

 – Nhận biết được một số nhạc cụ khi xem biểu diễn.

– Câu chuyện âm nhạc: Một số câu chuyện âm nhạc phù hợp với độ tuổi. – Nêu được tên các nhân vật yêu thích hoặc ý nghĩa của câu chuyện.

 – Kể được câu chuyện ngắn theo hình ảnh minh họa.

 – Bước đầu biết minh họa cho một số tình tiết của câu chuyện bằng âm thanh hoặc động tác.

 LỚP 4

Nội dung Yêu cầu cần đạt
Hát

 Bài hát tuổi học sinh (9 – 10 tuổi), dân ca Việt Nam và bài hát nước ngoài. Các bài hát có nội dung, âm vực phù hợp với độ tuổi; đa dạng về loại nhịp và tính chất âm nhạc.

– Hát đúng cao độ, trường độ, sắc thái.

 – Hát rõ lời và thuộc lời; biết cách lấy hơi; duy trì được tốc độ ổn định.

 – Biết hát với các hình thức đơn ca, song ca, tốp ca, đồng ca.

 – Cảm nhận được tình cảm của bài hát.

 – Nêu được tên bài hát, tên tác giả và nội dung của bài hát.

 – Phân biệt được sự giống nhau hoặc khác nhau giữa các câu hát.

 – Bước đầu biết nhận xét về việc trình diễn bài hát của bản thân hoặc người khác.

 – Biết hát kết hợp gõ đệm, vận động hoặc trò chơi.

 – Biết biểu diễn bài hát ở trong và ngoài nhà trường với hình thức phù hợp.

Nghe nhạc

 Một số bản nhạc có lời và không lời phù hợp với độ tuổi.

– Biết lắng nghe và biểu lộ cảm xúc; biết vận động cơ thể hoặc gõ đệm phù hợp với nhịp điệu.

 – Bước đầu cảm nhận được vẻ đẹp của tác phẩm âm nhạc; biết tưởng tượng khi nghe nhạc.

 – Nêu được tên bản nhạc và tên tác giả.

Đọc nhạc

 Giọng Đô trưởng. Các bài đọc nhạc ngắn, dễ đọc, âm vực phù hợp với độ tuổi. Sử dụng trường độ: trắng, trắng có chấm dôi, đen, móc đơn, và các dấu lặng.

– Đọc đúng cao độ gam Đô trưởng.

 – Đọc đúng tên nốt; thể hiện đúng cao độ và trường độ bài đọc nhạc.

 – Hiểu được các kí hiệu trong bài đọc nhạc.

 – Biết đọc nhạc kết hợp gõ đệm.

Nhạc cụ

 Một số bài tập tiết tấu và giai điệu đơn giản. Sử dụng trường độ: trắng, trắng có chấm dôi, đen, móc đơn, và các dấu lặng.

– Bước đầu biết chơi nhạc cụ đúng tư thế và đúng kĩ thuật.

 – Thể hiện đúng cao độ, trường độ các bài tập tiết tấu và giai điệu; duy trì được tốc độ ổn định.

 – Biết điều chỉnh cường độ để tạo nên sự hài hoà.

 – Biết sử dụng nhạc cụ để đệm cho bài hát.

 – Tự làm được nhạc cụ gõ đơn giản từ chất liệu sẵn có (vỏ chai nhựa, cốc nhựa, mảnh gỗ,…).

 – Biết biểu diễn nhạc cụ ở trong và ngoài nhà trường với hình thức phù hợp.

Lí thuyết âm nhạc

 – Khuông nhạc, khoá Son, dòng kẻ phụ, nốt nhạc.

 – Các hình nốt: tròn, trắng, đen, móc đơn, móc kép và các dấu lặng.

 – 7 bậc cơ bản và vị trí trên khuông.

– Nhận biết và thể hiện được một số kí hiệu âm nhạc thông qua thực hành.

 – Biết ghi chép bản nhạc đơn giản theo hướng dẫn của giáo viên.

Thường thức âm nhạc

 – Tìm hiểu nhạc cụ: Một số nhạc cụ phổ biến của Việt Nam và nước ngoài.

– Nêu được tên và một vài đặc điểm của nhạc cụ; mô tả được động tác chơi nhạc cụ.

 – Cảm nhận và phân biệt được âm sắc của nhạc cụ; nhận biết được một số nhạc cụ khi xem biểu diễn.

– Câu chuyện âm nhạc: Một số câu chuyện âm nhạc phù hợp với độ tuổi. – Nêu được tên các nhân vật yêu thích hoặc ý nghĩa của câu chuyện.

 – Biết kể lại câu chuyện theo cách riêng.

 – Biết minh họa cho một số tình tiết của câu chuyện bằng âm thanh hoặc động tác.

– Tác giả và tác phẩm: Một số nhạc sĩ sáng tác ca khúc thiếu nhi. – Nêu được đôi nét về cuộc đời nhạc sĩ và kể tên một vài ca khúc tiêu biểu.

 – Cảm nhận được vẻ đẹp của giai điệu và lời ca trong ca khúc.

 – Biết vận dụng một vài ca khúc tiêu biểu vào các hoạt động âm nhạc.

– Hình thức biểu diễn: Đơn ca, song ca, tốp ca, đồng ca. – Phân biệt được hình thức biểu diễn đơn ca, song ca, tốp ca, đồng ca.

 – Vận dụng phù hợp các hình thức đơn ca, song ca, tốp ca, đồng ca trong hoạt động âm nhạc.

 LỚP 5

Nội dung Yêu cầu cần đạt
Hát

 Bài hát tuổi học sinh (10 – 11 tuổi), dân ca Việt Nam và bài hát nước ngoài. Các bài hát có nội dung, âm vực phù hợp với độ tuổi; đa dạng về loại nhịp và tính chất âm nhạc.

– Hát đúng cao độ, trường độ, sắc thái.

 – Hát rõ lời và thuộc lời; biết cách lấy hơi; duy trì được tốc độ ổn định.

 – Biết hát với các hình thức đơn ca, song ca, tốp ca, đồng ca.

 – Cảm nhận được sắc thái và tình cảm của bài hát; biết điều chỉnh giọng hát để tạo nên sự hài hoà.

 – Nêu được tên bài hát, tên tác giả và nội dung của bài hát.

 – Phân biệt được sự giống nhau hoặc khác nhau giữa các câu hát.

 – Bước đầu biết nhận xét về việc trình diễn bài hát của bản thân hoặc người khác.

 – Biết hát kết hợp gõ đệm hoặc vận động.

 – Biết biểu diễn bài hát ở trong và ngoài nhà trường với hình thức phù hợp.

Nghe nhạc

 Một số bản nhạc có lời và không lời phù hợp với độ tuổi.

– Biết lắng nghe và biểu lộ cảm xúc; biết vận động cơ thể hoặc gõ đệm phù hợp với nhịp điệu.

 – Bước đầu cảm nhận được vẻ đẹp của tác phẩm âm nhạc; biết tưởng tượng khi nghe nhạc.

 – Nêu được tên bản nhạc và tên tác giả.

Đọc nhạc

 Giọng Đô trưởng. Các bài đọc nhạc ngắn, dễ đọc, âm vực phù hợp với độ tuổi. Sử dụng trường độ: trắng, trắng có chấm dôi, đen, đen có chấm dôi, móc đơn, và các dấu lặng.

– Đọc đúng cao độ gam Đô trưởng.

 – Đọc đúng tên nốt; thể hiện đúng cao độ và trường độ bài đọc nhạc.

 – Hiểu được các kí hiệu trong bài đọc nhạc; phân biệt được sự giống nhau hoặc khác nhau của các nét nhạc.

 – Biết đọc nhạc kết hợp gõ đệm.

Nhạc cụ

 Một số bài tập tiết tấu và giai điệu đơn giản. Sử dụng trường độ: trắng, trắng có chấm dôi, đen, đen có chấm dôi, móc đơn, và các dấu lặng.

– Bước đầu biết chơi nhạc cụ đúng tư thế và đúng kĩ thuật.

 – Thể hiện đúng cao độ, trường độ, sắc thái các bài tập tiết tấu và giai điệu; duy trì được tốc độ ổn định.

 – Biết điều chỉnh cường độ để tạo nên sự hài hoà; biểu lộ cảm xúc phù hợp với tính chất âm nhạc.

 – Biết chơi nhạc cụ với hình thức độc tấu và hoà tấu.

 – Biết sử dụng nhạc cụ để đệm cho bài hát.

 – Biết biểu diễn nhạc cụ ở trong và ngoài nhà trường với hình thức phù hợp.

Lí thuyết âm nhạc

 – Trọng âm, phách, ô nhịp, vạch nhịp.

 – Nhịp .

– Nhận biết và thể hiện được một số kí hiệu âm nhạc thông qua thực hành.

 – Cảm nhận được tính chất nhịp .

 – Biết ghi chép bản nhạc đơn giản theo hướng dẫn của giáo viên.

Thường thức âm nhạc

 – Tìm hiểu nhạc cụ: Một số nhạc cụ phổ biến của Việt Nam và nước ngoài.

– Nêu được tên và một vài đặc điểm của nhạc cụ; mô tả được động tác chơi nhạc cụ.

 – Cảm nhận và phân biệt được âm sắc của nhạc cụ; nhận biết được một số nhạc cụ khi xem biểu diễn.

– Câu chuyện âm nhạc: Một số câu chuyện âm nhạc phù hợp với độ tuổi. – Nêu được tên các nhân vật yêu thích hoặc ý nghĩa của câu chuyện.

 – Biết kể lại câu chuyện theo cách riêng.

 – Biết minh họa cho một số tình tiết của câu chuyện bằng âm thanh hoặc động tác.

– Tác giả và tác phẩm: Một số nhạc sĩ sáng tác ca khúc thiếu nhi. – Nêu được đôi nét về cuộc đời nhạc sĩ và kể tên một vài ca khúc tiêu biểu.

 – Cảm nhận được vẻ đẹp của giai điệu và lời ca trong ca khúc.

 – Biết vận dụng một vài ca khúc tiêu biểu vào các hoạt động âm nhạc.

– Hình thức biểu diễn: Độc tấu, hoà tấu. – Phân biệt được hình thức biểu diễn độc tấu, hoà tấu.

 – Vận dụng phù hợp các hình thức độc tấu, hoà tấu trong hoạt động âm nhạc.

 LỚP 6

Nội dung Yêu cầu cần đạt
Hát

 Bài hát tuổi học sinh (11 – 12 tuổi), dân ca Việt Nam và bài hát nước ngoài. Các bài hát có nội dung, âm vực phù hợp với độ tuổi; đa dạng về loại nhịp và tính chất âm nhạc. Một số bài có 2 bè đơn giản.

– Hát đúng cao độ, trường độ, sắc thái.

 – Hát rõ lời và thuộc lời; biết chủ động lấy hơi; duy trì được tốc độ ổn định.

 – Biết hát đơn ca, song ca; hát tốp ca, đồng ca với 2 bè đơn giản.

 – Cảm nhận được sắc thái và tình cảm của bài hát; biết điều chỉnh giọng hát để tạo nên sự hài hoà.

 – Nêu được tên bài hát, tên tác giả và nội dung của bài hát.

 – Phân biệt được sự giống nhau hoặc khác nhau giữa các câu hát; nhận biết được câu, đoạn trong bài hát có hình thức rõ ràng.

 – Biết nhận xét về việc trình diễn bài hát của bản thân hoặc người khác.

 – Biết hát kết hợp gõ đệm, vận động hoặc đánh nhịp.

 – Biết biểu diễn bài hát ở trong và ngoài nhà trường với hình thức phù hợp.

Nghe nhạc

 Nghe một số bản nhạc có lời và không lời phù hợp với độ tuổi.

– Biết lắng nghe và biểu lộ cảm xúc; biết vận động cơ thể hoặc gõ đệm phù hợp với nhịp điệu.

 – Cảm nhận được vẻ đẹp của tác phẩm âm nhạc; biết tưởng tượng khi nghe nhạc.

 – Nêu được tên bản nhạc và tên tác giả.

Đọc nhạc

 Giọng Đô trưởng. Bài luyện tập cơ bản về quãng, về tiết tấu. Các bài đọc nhạc dễ đọc, âm vực phù hợp với độ tuổi. Sử dụng trường độ: tròn, trắng, trắng có chấm dôi, đen, đen có chấm dôi, móc đơn, và các dấu lặng. Một số bài có 2 bè đơn giản.

– Đọc đúng cao độ gam Đô trưởng.

 – Đọc đúng tên nốt; thể hiện đúng cao độ và trường độ bài đọc nhạc.

 – Cảm nhận được tính chất của bài đọc nhạc.

 – Hiểu được các kí hiệu trong bài đọc nhạc; phân biệt được sự giống nhau hoặc khác nhau của các nét nhạc.

 – Biết đọc nhạc kết hợp gõ đệm.

Nhạc cụ

 Một số bài tập tiết tấu, giai điệu và hoà âm đơn giản. Sử dụng trường độ: tròn, trắng, trắng có chấm dôi, đen, đen có chấm dôi, móc đơn, và các dấu lặng.

– Biết chơi nhạc cụ đúng tư thế và đúng kĩ thuật.

 – Thể hiện đúng cao độ, trường độ, sắc thái các bài tập tiết tấu, giai điệu, hoà âm; duy trì được tốc độ ổn định.

 – Biết điều chỉnh cường độ để tạo nên sự hài hoà; biểu lộ cảm xúc phù hợp với tính chất âm nhạc.

 – Biết chơi nhạc cụ với hình thức độc tấu và hoà tấu.

 – Biết kết hợp các loại nhạc cụ để hoà tấu hoặc đệm cho bài hát.

 – Biết nhận xét về cách chơi nhạc cụ của bản thân hoặc người khác.

 – Tự làm được nhạc cụ gõ đơn giản từ chất liệu sẵn có.

 – Biết biểu diễn nhạc cụ ở trong và ngoài nhà trường với hình thức phù hợp.

Lí thuyết âm nhạc

 – Các thuộc tính cơ bản của âm thanh có tính nhạc.

 – Kí hiệu âm bằng hệ thống chữ cái Latin.

 – Nhịp .

 – Cung, nửa cung.

 – Các bậc chuyển hoá, dấu hoá.

– Nhận biết và thể hiện được một số kí hiệu âm nhạc thông qua thực hành.

 – Giải thích được ý nghĩa của một số kí hiệu và thuật ngữ âm nhạc.

 – Cảm nhận được tính chất nhịp .

 – Biết ghi chép bản nhạc đơn giản.

Thường thức âm nhạc

 – Tìm hiểu nhạc cụ: Một số nhạc cụ phổ biến của Việt Nam và nước ngoài.

– Cảm nhận và phân biệt được âm sắc của nhạc cụ.

 – Nêu được tên và các đặc điểm của nhạc cụ.

 – Nhận biết được nhạc cụ khi nghe hoặc xem biểu diễn.

– Tác giả và tác phẩm: Một số nhạc sĩ tiêu biểu của Việt Nam và thế giới. – Nêu được đôi nét về cuộc đời và thành tựu âm nhạc của nhạc sĩ; kể tên một vài tác phẩm tiêu biểu.

 – Cảm nhận được vẻ đẹp của tác phẩm âm nhạc.

 – Biết vận dụng kiến thức đã học vào các hoạt động âm nhạc.

– Hình thức biểu diễn: Hát bè. – Nêu được đặc điểm và tác dụng của hát bè.

 – Nhận biết được một số hình thức hát bè đơn giản.

 – Vận dụng hát bè vào các hoạt động âm nhạc.

– Âm nhạc và đời sống: Một số nghệ sĩ, nghệ nhân, nhà nghiên cứu,… có nhiều đóng góp cho nền âm nhạc Việt Nam. – Nêu được đôi nét về cuộc đời và những đóng góp cho nền âm nhạc của nghệ sĩ, nghệ nhân, nhà nghiên cứu,…

 – Cảm nhận được vẻ đẹp của tác phẩm âm nhạc do nghệ sĩ trình diễn.

 LỚP 7

Nội dung Yêu cầu cần đạt
Hát

 Bài hát tuổi học sinh (12 – 13 tuổi), dân ca Việt Nam và bài hát nước ngoài. Các bài hát có nội dung, âm vực phù hợp với độ tuổi; đa dạng về loại nhịp và tính chất âm nhạc. Một số bài có 2 bè đơn giản.

– Hát đúng cao độ, trường độ, sắc thái.

 – Hát rõ lời và thuộc lời; biết chủ động lấy hơi; duy trì được tốc độ ổn định.

 – Biết hát đơn ca, song ca; hát tốp ca, đồng ca với 2 bè đơn giản.

 – Cảm nhận được sắc thái và tình cảm của bài hát; biết điều chỉnh giọng hát để tạo nên sự hài hoà.

 – Nêu được tên bài hát, tên tác giả và nội dung của bài hát.

 – Nhận biết được câu, đoạn trong bài hát có hình thức rõ ràng.

 – Biết nhận xét về việc trình diễn bài hát của bản thân hoặc người khác.

 – Biết hát kết hợp gõ đệm, vận động hoặc đánh nhịp.

 – Biết biểu diễn bài hát ở trong và ngoài nhà trường với hình thức phù hợp.

Nghe nhạc

 Nghe một số bản nhạc có lời và không lời phù hợp với độ tuổi.

– Biết lắng nghe và biểu lộ cảm xúc; biết vận động cơ thể hoặc gõ đệm phù hợp với nhịp điệu.

 – Cảm nhận được vẻ đẹp của tác phẩm âm nhạc; biết tưởng tượng khi nghe nhạc.

 – Nêu được tên bản nhạc và tên tác giả.

Đọc nhạc

 Giọng Đô trưởng. Bài luyện tập cơ bản về quãng, về tiết tấu. Các bài đọc nhạc dễ đọc, âm vực phù hợp với độ tuổi. Sử dụng trường độ: tròn, trắng, trắng có chấm dôi, đen, đen có chấm dôi, móc đơn, và các dấu lặng. Một số bài có 2 bè đơn giản.

– Đọc đúng cao độ gam Đô trưởng.

 – Đọc đúng tên nốt, cao độ và trường độ bài đọc nhạc; thể hiện được tính chất âm nhạc.

 – Bước đầu cảm nhận được sự hoà quyện của âm thanh khi đọc nhạc có bè.

 – Giải thích được ý nghĩa của các kí hiệu trong bài đọc nhạc; phân biệt được sự giống nhau hoặc khác nhau của các nét nhạc.

 – Biết đọc nhạc kết hợp gõ đệm hoặc đánh nhịp.

Nhạc cụ

 Một số bài tập tiết tấu, giai điệu và hoà âm đơn giản. Sử dụng trường độ: tròn, trắng, trắng có chấm dôi, đen, đen có chấm dôi, móc đơn, và các dấu lặng.

– Thể hiện đúng cao độ, trường độ, sắc thái các bài tập tiết tấu, giai điệu, hoà âm; duy trì được tốc độ ổn định.

 – Biết điều chỉnh cường độ để tạo nên sự hài hoà; biểu lộ cảm xúc phù hợp với tính chất âm nhạc.

 – Biết chơi nhạc cụ với hình thức độc tấu và hoà tấu.

 – Biết kết hợp các loại nhạc cụ để hoà tấu hoặc đệm cho bài hát.

 – Biết biểu diễn nhạc cụ ở trong và ngoài nhà trường với hình thức phù hợp.

Lí thuyết âm nhạc

 – Nhịp lấy đà.

 – Kí hiệu để tăng trường độ nốt nhạc: dấu nối, dấu chấm dôi, dấu miễn nhịp.

 – Một số kí hiệu, thuật ngữ về nhịp độ, cường độ và sắc thái.

 – Dấu nhắc lại, dấu quay lại, khung thay đổi.

– Nhận biết và thể hiện được một số kí hiệu âm nhạc thông qua thực hành.

 – Giải thích được ý nghĩa của một số kí hiệu và thuật ngữ âm nhạc.

 – Biết ghi chép bản nhạc đơn giản.

Thường thức âm nhạc

 – Tìm hiểu nhạc cụ: Một số nhạc cụ phổ biến của Việt Nam và nước ngoài.

– Cảm nhận và phân biệt được âm sắc của nhạc cụ.

 – Nêu được tên và các đặc điểm của nhạc cụ.

 – Nhận biết được nhạc cụ khi nghe hoặc xem biểu diễn.

– Tác giả và tác phẩm: Một số nhạc sĩ tiêu biểu của Việt Nam và thế giới. – Nêu được đôi nét về cuộc đời và thành tựu âm nhạc của nhạc sĩ; kể tên một vài tác phẩm tiêu biểu.

 – Cảm nhận được vẻ đẹp của tác phẩm âm nhạc.

 – Biết vận dụng kiến thức đã học vào các hoạt động âm nhạc.

– Thể loại âm nhạc: Một số thể loại ca khúc. – Nêu được đặc điểm một số thể loại ca khúc.

 – Nhận biết được một số thể loại ca khúc.

 – Vận dụng một số thể loại ca khúc vào các hoạt động âm nhạc.

– Âm nhạc và đời sống: Dân ca một số vùng miền Việt Nam. – Nhận biết được dân ca một số vùng miền.

 – Nêu được đặc điểm dân ca một số vùng miền.

 – Vận dụng một số bài dân ca vào các hoạt động âm nhạc.

 LỚP 8

Nội dung Yêu cầu cần đạt
Hát

 Bài hát tuổi học sinh (13 – 14 tuổi), dân ca Việt Nam và bài hát nước ngoài. Các bài hát có nội dung, âm vực phù hợp với độ tuổi; đa dạng về loại nhịp và tính chất âm nhạc. Một số bài có 2 hoặc 3 bè đơn giản.

– Hát đúng cao độ, trường độ, sắc thái.

 – Hát rõ lời và thuộc lời; biết chủ động lấy hơi; duy trì được tốc độ ổn định.

 – Biết hát đơn ca, song ca; hát tốp ca, đồng ca với 2 hoặc 3 bè đơn giản.

 – Cảm nhận được sắc thái và tình cảm của bài hát; biết điều chỉnh giọng hát để tạo nên sự hài hoà; biểu lộ cảm xúc phù hợp với tính chất âm nhạc.

 – Nêu được tên bài hát, tên tác giả, nội dung hoặc giá trị nghệ thuật của bài hát.

 – Nhận biết được câu, đoạn trong bài hát có hình thức rõ ràng.

 – Biết nhận xét về việc trình diễn bài hát của bản thân hoặc người khác.

 – Biết hát kết hợp gõ đệm, vận động hoặc đánh nhịp.

 – Biết dàn dựng và biểu diễn bài hát ở trong và ngoài nhà trường.

Nghe nhạc

 Nghe một số bản nhạc có lời và không lời phù hợp với độ tuổi.

– Biết lắng nghe và biểu lộ cảm xúc; biết vận động cơ thể hoặc gõ đệm phù hợp với nhịp điệu.

 – Cảm nhận được vẻ đẹp của tác phẩm âm nhạc; biết tưởng tượng khi nghe nhạc.

 – Nhận ra tên bản nhạc và tên tác giả từ một vài nét nhạc điển hình.

Đọc nhạc

 Giọng Đô trưởng và La thứ. Bài luyện tập cơ bản về quãng, về tiết tấu. Các bài đọc nhạc dễ đọc, âm vực phù hợp với độ tuổi. Sử dụng trường độ: tròn, trắng, trắng có chấm dôi, đen, đen có chấm dôi, móc đơn, móc kép và các dấu lặng. Một số bài có 2 hoặc 3 bè đơn giản.

– Đọc đúng cao độ gam Đô trưởng và gam La thứ.

 – Đọc đúng tên nốt, cao độ và trường độ bài đọc nhạc; thể hiện được tính chất âm nhạc.

 – Cảm nhận được sự hoà quyện của âm thanh khi đọc nhạc có bè.

 – Giải thích được ý nghĩa của các kí hiệu trong bài đọc nhạc; phân biệt được sự giống nhau hoặc khác nhau của các nét nhạc.

 – Biết đọc nhạc kết hợp gõ đệm hoặc đánh nhịp.

Nhạc cụ

 Một số bài tập tiết tấu, giai điệu và hoà âm đơn giản. Sử dụng trường độ: tròn, trắng, trắng có chấm dôi, đen, đen có chấm dôi, móc đơn, móc kép và các dấu lặng.

– Thể hiện đúng cao độ, trường độ, sắc thái các bài tập tiết tấu, giai điệu, hoà âm; duy trì được tốc độ ổn định.

 – Biết điều chỉnh cường độ để tạo nên sự hài hoà; biểu lộ cảm xúc phù hợp với tính chất âm nhạc.

 – Biết chơi nhạc cụ với hình thức độc tấu và hoà tấu.

 – Biết kết hợp các loại nhạc cụ để hoà tấu hoặc đệm cho bài hát.

 – Biết bảo quản nhạc cụ và điều chỉnh âm thanh đúng cách.

 – Biết dàn dựng và biểu diễn nhạc cụ ở trong và ngoài nhà trường với hình thức phù hợp.

Lí thuyết âm nhạc

 – Sơ lược về giọng, giọng Đô trưởng, giọng La thứ.

 – Đảo phách.

 – Nhịp , .

– Nhận biết và thể hiện được một số kí hiệu âm nhạc thông qua thực hành.

 – Nhận biết được một số bản nhạc viết ở giọng Đô trưởng hoặc giọng La thứ.

 – Cảm nhận được tính chất nhịp , .

 – So sánh được sự khác nhau giữa các loại nhịp đã học.

 – Biết vận dụng kiến thức đã học khi hát, đọc nhạc, chơi nhạc cụ, tìm hiểu bản nhạc,…

 – Biết ghi chép bản nhạc.

Thường thức âm nhạc

 – Tìm hiểu nhạc cụ: Một số nhạc cụ phổ biến của Việt Nam và nước ngoài.

– Cảm nhận và phân biệt được âm sắc của nhạc cụ.

 – Nêu được tên và các đặc điểm của nhạc cụ.

 – Nhận biết được nhạc cụ khi nghe hoặc xem biểu diễn.

 – Gọi được tên hình thức biểu diễn mà nhạc cụ tham gia diễn tấu như song tấu, tam tấu, tứ tấu,…

– Tác giả và tác phẩm: Một số nhạc sĩ tiêu biểu của Việt Nam và thế giới. – Nêu được đôi nét về cuộc đời và thành tựu âm nhạc của nhạc sĩ; kể tên một vài tác phẩm tiêu biểu.

 – Cảm nhận được vẻ đẹp của tác phẩm âm nhạc.

 – Biết vận dụng kiến thức đã học vào các hoạt động âm nhạc.

– Thể loại âm nhạc: Hợp xướng. – Nêu được đặc điểm và tác dụng của hợp xướng.

 – Phân biệt được hát hợp xướng và các hình thức ca hát khác.

– Âm nhạc và đời sống: Một số di sản văn hoá phi vật thể (liên quan đến âm nhạc) được UNESCO công nhận. – Nhận biết được những di sản văn hoá đã học.

 – Nêu được vài nét về di sản văn hoá đã học.

 – Giới thiệu về di sản văn hoá cho người khác.

 LỚP 9

Nội dung Yêu cầu cần đạt
Hát

 Bài hát tuổi học sinh (14 – 15 tuổi), dân ca Việt Nam và bài hát nước ngoài. Các bài hát có nội dung, âm vực phù hợp với độ tuổi; đa dạng về loại nhịp và tính chất âm nhạc. Một số bài có 2 hoặc 3 bè đơn giản.

– Hát đúng cao độ, trường độ, sắc thái.

 – Hát rõ lời và thuộc lời; biết chủ động lấy hơi; duy trì được tốc độ ổn định.

 – Biết hát đơn ca, song ca; hát tốp ca, đồng ca với 2 hoặc 3 bè đơn giản.

 – Cảm nhận được sắc thái và tình cảm của bài hát; biết điều chỉnh giọng hát để tạo nên sự hài hoà; biểu lộ cảm xúc phù hợp với tính chất âm nhạc.

 – Nêu được tên bài hát, tên tác giả, nội dung hoặc giá trị nghệ thuật của bài hát.

 – Nhận biết được câu, đoạn trong bài hát có hình thức rõ ràng.

 – Biết nhận xét, đánh giá về việc trình diễn bài hát của bản thân hoặc người khác.

 – Biết hát kết hợp gõ đệm, vận động hoặc đánh nhịp.

 – Biết dàn dựng và biểu diễn bài hát ở trong và ngoài nhà trường.

Nghe nhạc

 Nghe một số bản nhạc có lời và không lời phù hợp với độ tuổi.

– Biết lắng nghe và biểu lộ cảm xúc; biết vận động cơ thể hoặc gõ đệm phù hợp với nhịp điệu.

 – Cảm nhận được vẻ đẹp của tác phẩm âm nhạc; biết tưởng tượng khi nghe nhạc.

 – Nhận ra tên bản nhạc và tên tác giả từ một vài nét nhạc điển hình.

Đọc nhạc

 Giọng Đô trưởng và La thứ. Bài luyện tập cơ bản về quãng, về tiết tấu. Các bài đọc nhạc dễ đọc, âm vực phù hợp với độ tuổi. Sử dụng trường độ: tròn, trắng, trắng có chấm dôi, đen, đen có chấm dôi, móc đơn, móc kép và các dấu lặng. Một số bài có 2 hoặc 3 bè đơn giản.

– Đọc đúng cao độ gam Đô trưởng và gam La thứ.

 – Đọc đúng tên nốt, cao độ và trường độ bài đọc nhạc; thể hiện được tính chất âm nhạc.

 – Phân biệt được màu sắc âm nhạc của điệu trưởng và điệu thứ.

 – Cảm nhận được sự hoà quyện của âm thanh khi đọc nhạc có bè.

 – Giải thích được ý nghĩa của các kí hiệu trong bài đọc nhạc; phân biệt và giải thích được sự giống nhau hoặc khác nhau của các nét nhạc.

 – Biết đọc nhạc kết hợp gõ đệm hoặc đánh nhịp.

Nhạc cụ

 Một số bài tập tiết tấu, giai điệu và hoà âm đơn giản. Sử dụng trường độ: tròn, trắng, trắng có chấm dôi, đen, đen có chấm dôi, móc đơn, móc kép và các dấu lặng.

– Thể hiện đúng cao độ, trường độ, sắc thái các bài tập tiết tấu, giai điệu, hoà âm; duy trì được tốc độ ổn định.

 – Biết điều chỉnh cường độ để tạo nên sự hài hoà; biểu lộ cảm xúc phù hợp với tính chất âm nhạc.

 – Biết chơi nhạc cụ với hình thức độc tấu và hoà tấu.

 – Biết kết hợp các loại nhạc cụ để hoà tấu hoặc đệm cho bài hát, bản nhạc.

 – Biết bảo quản nhạc cụ và điều chỉnh âm thanh đúng cách.

 – Biết dàn dựng và biểu diễn nhạc cụ ở trong và ngoài nhà trường với hình thức phù hợp.

Lí thuyết âm nhạc

 – Sơ lược về quãng, xác định và gọi tên quãng theo độ lớn số lượng.

 – Sơ lược về dịch giọng.

 – Sơ lược về hợp âm. Một số hợp âm của các giọng Đô trưởng, La thứ.

– Thể hiện được một số kí hiệu âm nhạc thông qua thực hành.

 – Giải thích được ý nghĩa của một số kí hiệu và thuật ngữ âm nhạc.

 – So sánh được độ lớn số lượng của các quãng.

 – Nhận biết được một số hợp âm của giọng Đô trưởng và giọng La thứ.

 – Biết vận dụng kiến thức đã học khi hát, đọc nhạc, chơi nhạc cụ, tìm hiểu bản nhạc,…

 – Biết ghi chép bản nhạc; dịch giọng bản nhạc theo hướng dẫn của giáo viên.

Thường thức âm nhạc

 – Tìm hiểu nhạc cụ: Một số nhạc cụ phổ biến của Việt Nam và nước ngoài.

– Cảm nhận và phân biệt được âm sắc của nhạc cụ.

 – Nêu được tên và các đặc điểm của nhạc cụ.

 – Nhận biết được nhạc cụ khi nghe hoặc xem biểu diễn.

 – Gọi được tên hình thức biểu diễn mà nhạc cụ tham gia diễn tấu như song tấu, tam tấu, tứ tấu,…

– Tác giả và tác phẩm: Một số nhạc sĩ tiêu biểu của Việt Nam và thế giới. – Nêu được đôi nét về cuộc đời và thành tựu âm nhạc của nhạc sĩ; kể tên một vài tác phẩm tiêu biểu.

 – Cảm nhận được vẻ đẹp của tác phẩm âm nhạc.

 – Biết vận dụng kiến thức đã học vào các hoạt động âm nhạc.

– Thể loại âm nhạc: Một số thể loại nhạc đàn. – Nêu được đặc điểm một số thể loại nhạc đàn.

 – Nhận biết được một số thể loại nhạc đàn.

 – Vận dụng kiến thức đã học vào các hoạt động âm nhạc.

– Âm nhạc và đời sống: Một số di sản văn hoá phi vật thể (liên quan đến âm nhạc) được UNESCO công nhận. – Nhận biết được những di sản văn hoá đã học.

 – Nêu được vài nét về di sản văn hoá đã học.

 – Giới thiệu về di sản văn hoá cho người khác.

 LỚP 10

Nội dung Yêu cầu cần đạt
Hát

 Bài hát tuổi học sinh (15 – 16 tuổi), dân ca Việt Nam và bài hát nước ngoài. Các bài hát có nội dung, âm vực phù hợp với độ tuổi; đa dạng về loại nhịp và tính chất âm nhạc. Một số bài hợp xướng đơn giản.

– Hát đúng cao độ, trường độ, sắc thái.

 – Hát rõ lời và thuộc lời; điều tiết hơi thở hợp lí; mở rộng âm vực; duy trì được tốc độ ổn định.

 – Biết hát hợp xướng đơn giản.

 – Biết hát đơn ca, song ca; hát tốp ca, đồng ca với 2 hoặc 3 bè đơn giản.

 – Cảm nhận được sắc thái và tình cảm của bài hát, sự hoà quyện của các bè; biết điều chỉnh giọng hát để tạo nên sự hài hoà; biểu lộ cảm xúc phù hợp với tính chất âm nhạc.

 – Nêu được tên bài hát, tên tác giả, nội dung, thể loại hoặc giá trị nghệ thuật của bài hát.

 – Nhận biết được câu, đoạn trong bài hát có hình thức rõ ràng.

 – Biết nhận xét, đánh giá về việc trình diễn bài hát của bản thân hoặc người khác.

 – Biết hát kết hợp gõ đệm, vận động hoặc đánh nhịp.

 – Biết dàn dựng và biểu diễn bài hát, bài hợp xướng ở trong và ngoài nhà trường.

Nghe nhạc

 Nghe một số bản nhạc có lời và không lời phù hợp với độ tuổi.

– Biết lắng nghe và biểu lộ cảm xúc; biết vận động cơ thể hoặc gõ đệm phù hợp với nhịp điệu.

 – Cảm nhận được vẻ đẹp, giá trị nghệ thuật của tác phẩm âm nhạc; biết tưởng tượng khi nghe nhạc.

 – Liệt kê được một số loại nhạc cụ tham gia hoà tấu nhạc không lời.

 – Nhận ra tên bản nhạc và tên tác giả từ một vài nét nhạc điển hình; nhắc lại được chủ đề chính của bản nhạc.

Đọc nhạc

 Giọng Son trưởng, Mi thứ. Bài luyện tập cơ bản về quãng, về tiết tấu. Các bài đọc nhạc phù hợp với năng lực học sinh. Một số bài có 2 hoặc 3 bè đơn giản.

– Đọc đúng cao độ gam Son trưởng và gam Mi thứ.

 – Đọc đúng giai điệu và thể hiện được tính chất âm nhạc của bài đọc nhạc có 1 dấu thăng ở hóa biểu.

 – Phân biệt được màu sắc âm nhạc của điệu trưởng và điệu thứ.

 – Cảm nhận được sự hoà quyện của âm thanh khi đọc nhạc có bè.

 – Giải thích được ý nghĩa của các kí hiệu trong bài đọc nhạc; phân biệt và giải thích được sự giống nhau hoặc khác nhau của các nét nhạc.

 – Biết đọc nhạc kết hợp gõ đệm hoặc đánh nhịp.

 – Tự đọc được một số giai điệu đơn giản viết ở các giọng có 1 dấu thăng.

Nhạc cụ

 Các bài tập tiết tấu, giai điệu và hoà âm.

– Biết chơi nhạc cụ đúng tư thế và đúng kĩ thuật.

 – Thể hiện đúng cao độ, trường độ, sắc thái các bài tập tiết tấu, giai điệu, hoà âm; duy trì được tốc độ ổn định.

 – Bước đầu biết xác định tiết điệu và đặt hợp âm chính cho bản nhạc; biết ứng tác và biến tấu đơn giản khi chơi nhạc cụ.

 – Biết điều chỉnh cường độ để tạo nên sự hài hoà; biểu lộ cảm xúc phù hợp với tính chất âm nhạc.

 – Biết chơi nhạc cụ với hình thức độc tấu và hoà tấu.

 – Biết kết hợp các loại nhạc cụ để hoà tấu hoặc đệm cho bài hát, bản nhạc.

 – Biết nhận xét, đánh giá về cách chơi nhạc cụ của bản thân hoặc người khác.

 – Tự làm được một số nhạc cụ gõ đơn giản từ chất liệu sẵn có.

 – Biết bảo quản nhạc cụ và điều chỉnh âm thanh đúng cách.

 – Biết dàn dựng và biểu diễn nhạc cụ ở trong và ngoài nhà trường.

Lí thuyết âm nhạc

 – Quãng hoà thanh, quãng giai điệu, các loại quãng (quãng đơn, quãng diatonic), tính chất các quãng.

 – Sơ lược về điệu thức (trưởng và thứ tự nhiên, thứ hoà thanh); giọng và gam.

 – Giọng và gam: Son trưởng, Mi thứ.

 – Một số hợp âm của các giọng: Son trưởng, Mi thứ.

– Nhận biết được các loại quãng (quãng đơn, quãng diatonic), biết tính chất các quãng.

 – Giải thích được một số thuật ngữ âm nhạc.

 – Cảm nhận được sự khác nhau về tính chất âm nhạc giữa giọng trưởng và giọng thứ, sự hoà quyện của các âm trong hợp âm.

 – Nhận biết được bản nhạc viết ở giọng Son trưởng, Mi thứ.

 – Nhận biết được một số hợp âm của các giọng: Son trưởng, Mi thứ.

 – Biết vận dụng kiến thức đã học khi hát, đọc nhạc, chơi nhạc cụ, tìm hiểu bản nhạc,…

 – Biết ghi chép các bản nhạc.

Thường thức âm nhạc

 – Thể loại âm nhạc: Sơ lược về âm nhạc giao hưởng.

– Nêu được một số đặc điểm của âm nhạc giao hưởng.

 – Liệt kê được một số loại nhạc cụ trong dàn nhạc giao hưởng.

 – Cảm nhận được giá trị nghệ thuật của một số tác phẩm âm nhạc giao hưởng.

– Âm nhạc và đời sống: Vài nét về lịch sử âm nhạc thế giới. – Nêu được vài nét về các giai đoạn lịch sử âm nhạc thế giới; kể được tên một số nhạc sĩ tiêu biểu của từng giai đoạn.

 – Cảm nhận được giá trị nghệ thuật của một số tác phẩm âm nhạc.

 CHUYÊN ĐỀ HỌC TẬP

Nội dung Yêu cầu cần đạt
Chuyên đề 10.1: Hệ thống các hợp âm ba, hợp âm bảy của điệu thức – Thể hiện được các hợp âm ba, hợp âm bảy trên nhạc cụ.

 – Cảm nhận được màu sắc của các loại hợp âm.

 – Cảm nhận được sự ổn định, không ổn định của các hợp âm ba chính, hợp âm ba phụ.

 – Biết vận dụng kiến thức về hợp âm ba, hợp âm bảy trong các hoạt động âm nhạc.

Chuyên đề 10.2: Phương pháp xác định giọng và đặt hợp âm đệm cho ca khúc và bản nhạc – Thể hiện được sơ đồ hợp âm đệm trên nhạc cụ.

 – Cảm nhận được sự hoà quyện giữa hợp âm và giai điệu ca khúc.

 – Phân tích được các đặc điểm của bản nhạc về giọng điệu, giai điệu, tính chất âm nhạc, cấu trúc,…

 – Xác định đúng giọng của bản nhạc và đặt các hợp âm phù hợp.

 – Thử nghiệm ý tưởng mới khi đặt hợp âm cho bản nhạc.

 – Biết vận dụng đặt hợp âm trong các hoạt động âm nhạc.

Chuyên đề 10.3: Phương pháp xác định tiết điệu đệm – Thể hiện được phần đệm trên nhạc cụ.

 – Cảm nhận được sự phù hợp giữa tiết điệu đệm và tính chất âm nhạc.

 – Phân tích được các đặc điểm của bản nhạc về giọng điệu, giai điệu, nhịp điệu, tính chất âm nhạc, cấu trúc,…

 – Xác định tiết điệu đệm phù hợp.

 – Thử nghiệm ý tưởng mới khi lựa chọn tiết điệu đệm cho bản nhạc.

 – Biết vận dụng chọn tiết điệu đệm trong các hoạt động âm nhạc.

 LỚP 11

Nội dung Yêu cầu cần đạt
Hát

 Bài hát tuổi học sinh (16 – 17 tuổi), dân ca Việt Nam và bài hát nước ngoài. Các bài hát có nội dung, âm vực phù hợp với độ tuổi; đa dạng về loại nhịp và tính chất âm nhạc. Một số bài hợp xướng đơn giản.

– Hát đúng cao độ, trường độ, sắc thái.

 – Hát rõ lời và thuộc lời; điều tiết hơi thở hợp lí; mở rộng âm vực; duy trì được tốc độ ổn định.

 – Biết hát hợp xướng đơn giản, biết vận dụng các kĩ thuật thanh nhạc.

 – Biết hát đơn ca, song ca; hát tốp ca, đồng ca với 2 hoặc 3 bè đơn giản.

 – Cảm nhận được sắc thái và tình cảm của bài hát, sự hoà quyện của các bè; biết điều chỉnh giọng hát để tạo nên sự hài hoà; biểu lộ cảm xúc phù hợp với tính chất âm nhạc.

 – Nêu được tên bài hát, tên tác giả, nội dung, thể loại hoặc giá trị nghệ thuật của bài hát.

 – Nhận biết được câu, đoạn trong bài hát có hình thức rõ ràng.

 – Biết nhận xét, đánh giá về việc trình diễn bài hát của bản thân hoặc người khác.

 – Biết hát kết hợp gõ đệm, vận động hoặc đánh nhịp.

 – Biết dàn dựng và biểu diễn bài hát, bài hợp xướng ở trong và ngoài nhà trường.

Nghe nhạc

 Nghe một số bản nhạc có lời và không lời phù hợp với độ tuổi.

– Biểu lộ thái độ và cảm xúc âm nhạc thông qua vận động hoặc ngôn ngữ cơ thể.

 – Cảm nhận và đánh giá được vẻ đẹp, giá trị nghệ thuật của tác phẩm âm nhạc; biết tưởng tượng khi nghe nhạc.

 – Liệt kê được một số loại nhạc cụ tham gia hoà tấu nhạc không lời.

 – Nhận ra tên bản nhạc và tên tác giả từ một vài nét nhạc điển hình; nhắc lại được chủ đề chính của bản nhạc.

Đọc nhạc

 Giọng Pha trưởng, Rê thứ. Bài luyện tập cơ bản về quãng, về tiết tấu. Các bài đọc nhạc phù hợp với năng lực học sinh. Một số bài có 2 hoặc 3 bè đơn giản.

– Đọc đúng cao độ gam Pha trưởng và gam Rê thứ.

 – Đọc đúng giai điệu và thể hiện được tính chất âm nhạc của bài đọc nhạc có 1 dấu giáng ở hóa biểu.

 – Phân biệt được màu sắc âm nhạc của điệu trưởng và điệu thứ.

 – Cảm nhận được sự hoà quyện của âm thanh khi đọc nhạc có bè.

 – Giải thích được ý nghĩa của các kí hiệu trong bài đọc nhạc; phân biệt và giải thích được sự giống nhau hoặc khác nhau của các nét nhạc.

 – Biết đọc nhạc kết hợp gõ đệm hoặc đánh nhịp.

 – Tự đọc được một số giai điệu đơn giản viết ở các giọng có 1 dấu giáng.

Nhạc cụ

 Các bài tập tiết tấu, giai điệu và hoà âm.

– Thể hiện đúng cao độ, trường độ, sắc thái các bài tập tiết tấu, giai điệu, hoà âm; duy trì được tốc độ ổn định.

 – Biết xác định tiết điệu và đặt hợp âm chính cho bản nhạc; biết ứng tác và biến tấu đơn giản khi chơi nhạc cụ.

 – Biết điều chỉnh cường độ để tạo nên sự hài hoà; biểu lộ cảm xúc phù hợp với tính chất âm nhạc.

 – Biết chơi nhạc cụ với hình thức độc tấu và hoà tấu.

 – Biết kết hợp các loại nhạc cụ để hoà tấu hoặc đệm cho bài hát, bản nhạc.

 – Biết bảo quản nhạc cụ và điều chỉnh âm thanh đúng cách.

 – Biết dàn dựng và biểu diễn nhạc cụ ở trong và ngoài nhà trường.

Lí thuyết âm nhạc

 – Giọng và gam: Pha trưởng, Rê thứ.

 – Một số hợp âm của các giọng: Pha trưởng, Rê thứ.

– Nhận biết được bản nhạc viết ở giọng Pha trưởng, Rê thứ.

 – Nhận biết được một số hợp âm của các giọng Pha trưởng, Rê thứ.

 – Cảm nhận được sự khác nhau về tính chất âm nhạc giữa giọng trưởng và giọng thứ, sự hoà quyện của các âm trong hợp âm.

 – Biết vận dụng kiến thức đã học khi hát, đọc nhạc, chơi nhạc cụ, tìm hiểu bản nhạc,…

 – Biết ghi chép các bản nhạc.

Thường thức âm nhạc

 – Thể loại âm nhạc: Sơ lược về âm nhạc thính phòng.

– Nêu được một số đặc điểm của âm nhạc thính phòng.

 – Liệt kê được một số loại nhạc cụ tham gia hoà tấu nhạc thính phòng.

 – Cảm nhận được giá trị nghệ thuật của một số tác phẩm âm nhạc thính phòng.

– Âm nhạc và đời sống: Vài nét về lịch sử âm nhạc Việt Nam. – Nêu được vài nét về các giai đoạn lịch sử âm nhạc Việt Nam; kể được tên một số nhạc sĩ tiêu biểu.

 – Cảm nhận được giá trị nghệ thuật của một số tác phẩm âm nhạc.

 CHUYÊN ĐỀ HỌC TẬP

Nội dung Yêu cầu cần đạt
Chuyên đề 11.1: Kĩ năng biểu diễn thanh nhạc – Biểu diễn các tiết mục hát với sự nâng cao về kĩ thuật và thái độ tự tin; biểu lộ cảm xúc phù hợp với nội dung và tính chất âm nhạc.

 – Biểu diễn các tiết mục hát với nhiều hình thức, chủ động điều chỉnh giọng hát để tạo nên sự hài hoà.

 – Cảm nhận được nội dung, sắc thái và tình cảm của các bài hát; cảm nhận về sự hoà hợp giữa giọng hát và phần nhạc đệm.

 – Phân tích tiết mục biểu diễn về các mặt: thể loại, nội dung, cấu trúc, giai điệu, lời ca, sắc thái, giá trị nghệ thuật, hình thức biểu diễn,…

 – Tự đánh giá về khả năng biểu diễn của bản thân, phân tích được ưu điểm và hạn chế.

 – Sử dụng đạo cụ và trang phục phù hợp; tạo được động tác vũ điệu trong biểu diễn.

 – Dàn dựng và biểu diễn các tiết mục hát ở trong và ngoài nhà trường theo nhiều hình thức.

Chuyên đề 11.2: Kĩ năng biểu diễn nhạc cụ – Biểu diễn các tiết mục nhạc cụ với sự nâng cao về kĩ thuật và thái độ tự tin; biểu lộ cảm xúc phù hợp với tính chất âm nhạc.

 – Biểu diễn các tiết mục nhạc cụ với nhiều hình thức, chủ động điều chỉnh âm thanh của nhạc cụ để tạo nên sự hài hoà.

 – Cảm nhận được nội dung, sắc thái và tình cảm của các tác phẩm âm nhạc; cảm nhận sự hoà hợp của âm thanh khi biểu diễn.

 – Phân tích tiết mục biểu diễn về các mặt: thể loại, nội dung, cấu trúc, giai điệu, sắc thái, giá trị nghệ thuật, hình thức biểu diễn,…

 – Tự đánh giá về khả năng biểu diễn của bản thân, phân tích được ưu điểm và hạn chế.

 – Dàn dựng và biểu diễn các tiết mục nhạc cụ ở trong và ngoài nhà trường theo nhiều hình thức.

Chuyên đề 11.3: Kĩ năng chỉ huy – Thực hiện được động tác chỉ huy một số loại nhịp cơ bản; biểu lộ cảm xúc phù hợp với tính chất âm nhạc.

 – Cảm nhận được nội dung, sắc thái và tình cảm của tác phẩm âm nhạc; cảm nhận sự hoà hợp của âm thanh khi biểu diễn.

 – Phân tích tiết mục biểu diễn về các mặt: thể loại, nội dung, cấu trúc, giai điệu, lời ca, sắc thái, giá trị nghệ thuật, hình thức biểu diễn,…

 – Tự đánh giá về khả năng chỉ huy của bản thân, phân tích được ưu điểm và hạn chế.

 – Chỉ huy các tiết mục đồng ca, hợp xướng ở trong và ngoài nhà trường.

 LỚP 12

Nội dung Yêu cầu cần đạt
Hát

 Bài hát tuổi học sinh (17 – 18 tuổi), dân ca Việt Nam và bài hát nước ngoài. Các bài hát có nội dung, âm vực phù hợp với độ tuổi; đa dạng về loại nhịp và tính chất âm nhạc. Một số bài hợp xướng đơn giản.

– Hát đúng cao độ, trường độ, sắc thái.

 – Hát rõ lời và thuộc lời; điều tiết hơi thở hợp lí; mở rộng âm vực; duy trì được tốc độ ổn định.

 – Biết hát hợp xướng, biết vận dụng các kĩ thuật thanh nhạc.

 – Biết hát đơn ca, song ca; hát tốp ca, đồng ca với 2 hoặc 3 bè đơn giản.

 – Cảm nhận được sắc thái và tình cảm của bài hát, sự hoà quyện của các bè; biết điều chỉnh giọng hát để tạo nên sự hài hoà; biểu lộ cảm xúc phù hợp với tính chất âm nhạc.

 – Nêu được tên bài hát, tên tác giả, nội dung, thể loại hoặc giá trị nghệ thuật của bài hát.

 – Nhận biết được câu, đoạn trong bài hát có hình thức rõ ràng.

 – Biết nhận xét, đánh giá về việc trình diễn bài hát của bản thân hoặc người khác.

 – Biết hát kết hợp gõ đệm, vận động hoặc đánh nhịp.

 – Biết dàn dựng và biểu diễn bài hát, bài hợp xướng ở trong và ngoài nhà trường.

Nghe nhạc

 Nghe một số bản nhạc có lời và không lời phù hợp với độ tuổi.

– Biểu lộ thái độ và cảm xúc âm nhạc thông qua vận động hoặc ngôn ngữ cơ thể.

 – Cảm nhận và đánh giá được vẻ đẹp, giá trị nghệ thuật của tác phẩm âm nhạc; biết tưởng tượng khi nghe nhạc.

 – Liệt kê được một số loại nhạc cụ tham gia hoà tấu nhạc không lời.

 – Nhận ra tên bản nhạc và tên tác giả từ một vài nét nhạc điển hình; nhắc lại được chủ đề chính của bản nhạc.

Đọc nhạc

 Giọng Son trưởng, Mi thứ, Pha trưởng, Rê thứ. Bài luyện tập cơ bản về quãng, về tiết tấu. Các bài đọc nhạc phù hợp với năng lực học sinh. Một số bài có 2 hoặc 3 bè đơn giản.

– Đọc đúng cao độ gam: Son trưởng, Mi thứ, Pha trưởng, Rê thứ.

 – Đọc đúng giai điệu và thể hiện được tính chất âm nhạc của bài đọc nhạc có 1 dấu thăng hoặc có 1 dấu giáng ở hóa biểu.

 – Phân biệt được màu sắc âm nhạc của điệu trưởng và điệu thứ.

 – Cảm nhận được sự hoà quyện của âm thanh khi đọc nhạc có bè.

 – Giải thích được ý nghĩa của các kí hiệu trong bài đọc nhạc; phân biệt và giải thích được sự giống nhau hoặc khác nhau của các nét nhạc.

 – Biết đọc nhạc kết hợp gõ đệm hoặc đánh nhịp.

 – Tự đọc được một số giai điệu đơn giản viết ở các giọng có 1 dấu thăng hoặc 1 dấu giáng; vận dụng kĩ năng đọc nhạc khi hát và chơi nhạc cụ.

Nhạc cụ

 Các bài tập tiết tấu, giai điệu và hoà âm.

– Thể hiện đúng cao độ, trường độ, sắc thái các bài tập tiết tấu, giai điệu, hoà âm; duy trì được tốc độ ổn định.

 – Biết xác định tiết điệu và đặt hợp âm cho bản nhạc; biết ứng tác và biến tấu đơn giản khi chơi nhạc cụ.

 – Biết điều chỉnh cường độ để tạo nên sự hài hoà; biểu lộ cảm xúc phù hợp với tính chất âm nhạc.

 – Biết chơi nhạc cụ với hình thức độc tấu và hoà tấu.

 – Biết kết hợp các loại nhạc cụ để hoà tấu hoặc đệm cho bài hát, bản nhạc.

 – Biết bảo quản nhạc cụ và điều chỉnh âm thanh đúng cách.

 – Biết dàn dựng và biểu diễn nhạc cụ ở trong và ngoài nhà trường.

Lí thuyết âm nhạc

 – Quãng ghép, cách gọi tên quãng ghép.

 – Một số hợp âm của các giọng: Son trưởng, Mi thứ, Pha trưởng, Rê thứ.

– Nhận biết được quãng ghép; gọi đúng tên một số quãng.

 – Cảm nhận được sự hoà quyện của các âm trong hợp âm.

 – Nhận biết được một số hợp âm của các giọng: Son trưởng, Mi thứ, Pha trưởng, Rê thứ.

 – Biết vận dụng kiến thức đã học khi hát, đọc nhạc, chơi nhạc cụ, tìm hiểu bản nhạc,…

 – Biết ghi chép các bản nhạc.

Thường thức âm nhạc

 – Thể loại âm nhạc: Sơ lược về thể loại nhạc nhẹ phổ biến.

– Nêu được đặc điểm của một số thể loại nhạc nhẹ.

 – Liệt kê được một số loại nhạc cụ tham gia hoà tấu nhạc nhẹ.

 – Cảm nhận được giá trị nghệ thuật của một số tác phẩm nhạc nhẹ.

 – Vận dụng kiến thức đã học vào các hoạt động âm nhạc.

– Âm nhạc và đời sống: Sơ lược về một số loại hình nghệ thuật truyền thống: tuồng, chèo, cải lương,… – Nêu được đặc điểm và giá trị của một số loại hình nghệ thuật truyền thống.

 – Cảm nhận được giá trị nghệ thuật của một số tác phẩm nghệ thuật truyền thống.

 CHUYÊN ĐỀ HỌC TẬP

Nội dung Yêu cầu cần đạt
Chuyên đề 12.1: Phần mềm chép nhạc – Hiểu và khai thác được các tính năng cơ bản của phần mềm chép nhạc.

 – Biết nhận xét và đánh giá sản phẩm được tạo ra từ phần mềm chép nhạc.

 – Ghi chép và lưu được các bản nhạc dưới dạng văn bản, hình ảnh hoặc âm thanh.

 – Sử dụng linh hoạt và hiệu quả phần mềm chép nhạc trong các hoạt động âm nhạc.

Chuyên đề 12.2: Phần mềm biên tập âm thanh và thu âm – Hiểu và khai thác được các tính năng cơ bản của phần mềm biên tập âm thanh và thu âm.

 – Nhận biết được tính chất âm nhạc để biên tập âm thanh hoặc thu âm cho phù hợp.

 – Biết nhận xét và đánh giá sản phẩm được tạo ra từ phần mềm biên tập âm thanh và thu âm.

 – Biên tập, thu âm được các định dạng file âm thanh (.midi, .wave, .mp3,…).

 – Sử dụng linh hoạt và hiệu quả phần mềm biên tập âm thanh và thu âm trong các hoạt động âm nhạc.

Chuyên đề 12.3: Phần mềm hoà âm tự động – Hiểu và khai thác được các tính năng cơ bản của phần mềm hoà âm tự động.

 – Nhận biết được tính chất âm nhạc để phối nhạc cho phù hợp.

 – Biết nhận xét và đánh giá sản phẩm được tạo ra từ phần mềm hoà âm tự động.

 – Phối nhạc được một số bài hát.

 – Sử dụng linh hoạt và hiệu quả phần mềm hoà âm tự động trong các hoạt động âm nhạc.

  1. PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC
  2. Định hướng chung

 Chương trình môn Âm nhạc thực hiện phương pháp dạy và học theo xu hướng giáo dục hiện đại, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh trong học tập và phát triển tiềm năng hoạt động âm nhạc.

 Giáo viên chủ động xây dựng môi trường học tập thân thiện để học sinh có cơ hội giao tiếp, hợp tác, trải nghiệm, tìm tòi kiến thức và phát huy tiềm năng âm nhạc; linh hoạt kết hợp nhóm phương pháp dạy học dùng lời với nhóm phương pháp tổ chức hoạt động; tăng cường cho học sinh trải nghiệm và khám phá nghệ thuật âm nhạc thông qua học trong lớp, xem biểu diễn ca nhạc, tham quan di sản văn hoá, giao lưu với các nghệ sĩ, nhạc sĩ, nghệ nhân; dành thời gian thích hợp cho những học sinh có năng khiếu âm nhạc thực hiện vai trò hạt nhân và phát triển năng lực âm nhạc cá nhân.

 Quá trình phát triển năng lực âm nhạc là quá trình rèn luyện các kĩ năng thực hành, luyện tập, biểu diễn,… một cách thường xuyên và lâu dài. Vì vậy, trong mỗi tiết học, giáo viên cần linh hoạt xác định mục tiêu với một số yêu cầu cụ thể, phù hợp với nội dung và thời lượng dạy học để tập trung hướng dẫn học sinh thực hành, luyện tập.

  1. Định hướng về phương pháp hình thành, phát triển các phẩm chất chủ yếu và năng lực chung
  2. a) Phương pháp hình thành, phát triển các phẩm chất chủ yếu

 Các phẩm chất yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm được hình thành, phát triển ở học sinh thông qua nội dung học tập, cách thức tổ chức các hoạt động học tập, trải nghiệm, khám phá âm nhạc trong và ngoài nhà trường. Các tác phẩm âm nhạc ca ngợi lòng yêu nước, giàu tính nhân văn, có nội dung giáo dục sâu sắc và hình thức hấp dẫn cùng với phương pháp tổ chức hoạt động của giáo viên sẽ góp phần tích cực giáo dục học sinh tình yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào về truyền thống của dân tộc; cảm xúc thẩm mĩ, ý thức trân trọng, giữ gìn, bảo vệ cái đẹp; ý thức học hỏi các nền văn hoá; hình thành, phát triển ở học sinh nhận thức thẩm mĩ trong tu dưỡng bản thân và ứng xử với bạn bè, thầy cô, gia đình, cộng đồng và thiên nhiên.

  1. b) Phương pháp hình thành, phát triển các năng lực chung

 Chương trình môn Âm nhạc góp phần giúp học sinh hình thành và phát triển những năng lực chung được quy định trong Chương trình tổng thể:

 – Năng lực tự chủ và tự học

 Giáo viên hướng dẫn học sinh luyện tập, tìm hiểu các tác phẩm âm nhạc với nhiều hình thức và thể loại khác nhau; tạo điều kiện để học sinh được trải nghiệm những hoạt động âm nhạc phong phú; có những định hướng cụ thể giúp học sinh biết suy ngẫm về bản thân, tự nhận thức và phát huy ưu điểm, sở trường, khắc phục hạn chế, điều chỉnh hành vi trong học tập và sinh hoạt. Nhờ đó, học sinh phát triển được vốn sống; có khả năng nhận biết cảm xúc, tình cảm, sở thích, cá tính và năng lực của bản thân; biết tự chủ để có hành vi phù hợp, có sự tự tin, tinh thần lạc quan trong học tập và đời sống, không ngừng học hỏi để tự hoàn thiện.

 – Năng lực giao tiếp và hợp tác

 Giáo viên tổ chức các hoạt động âm nhạc tập thể, tạo điều kiện cho học sinh được trải nghiệm trong môi trường giao tiếp rộng rãi và có tính hợp tác cao; chú trọng phát triển cảm xúc thẩm mĩ cho học sinh. Nhờ đó, học sinh biết quan tâm đến suy nghĩ, tình cảm, thái độ của người khác; biết sống hoà hợp với bạn bè và cộng đồng.

 – Năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo

 Giáo viên khuyến khích học sinh tích cực, chủ động, sáng tạo trong hoạt động học tập; thường xuyên tổ chức những hoạt động sáng tạo âm nhạc từ dễ đến khó, giúp học sinh biết đề xuất ý tưởng, tạo ra sản phẩm mới, không suy nghĩ theo lối mòn, hiểu và sử dụng âm nhạc trong các mối quan hệ với lịch sử, văn hoá và các loại hình nghệ thuật khác. Nhờ đó, học sinh biết vận dụng những kiến thức, kĩ năng đã học để tiếp thu những kiến thức mới, hình thành những kĩ năng mới, phát huy tiềm năng để tích cực tham gia các hoạt động âm nhạc, phát hiện và giải quyết những vấn đề nảy sinh trong học tập và đời sống.

  1. Định hướng về phương pháp hình thành, phát triển năng lực đặc thù

 Căn cứ vào nội dung dạy học, yêu cầu cần đạt và điều kiện thực tế, giáo viên vận dụng linh hoạt các hoạt động dạy học âm nhạc đặc thù (nghe, đọc, tái hiện, phản ứng, trình diễn, phân tích, đánh giá, ứng dụng, sáng tạo) cho phù hợp và hiệu quả; sử dụng những nhạc cụ có cao độ chuẩn để giúp học sinh phát triển kĩ năng nghe và hát đúng nhạc; hướng dẫn học sinh hoà tấu hoặc đệm cho bài hát, bản nhạc bằng cách kết hợp giữa các loại nhạc cụ và động tác tay, chân (vỗ tay, giậm chân, búng ngón tay,…).

 – Cấp tiểu học

 Tập trung phát triển cảm xúc thẩm mĩ và tình yêu âm nhạc; lựa chọn các hoạt động học tập phù hợp với sở thích và nhận thức của học sinh: nghe nhạc, vận động, chơi các trò chơi, kể chuyện,…; thiết kế các hoạt động trải nghiệm và khám phá âm nhạc tích hợp trong các nội dung học tập. Học sinh cần được tiếp cận âm thanh trước khi học kí hiệu âm nhạc, tiếp cận lí thuyết thông qua trải nghiệm thực hành. Lí thuyết âm nhạc không học tách biệt mà được tích hợp trong các nội dung hát, nhạc cụ, đọc nhạc. Ở lớp 1, lớp 2, lớp 3 cần chủ yếu sử dụng phương pháp đọc nhạc theo kí hiệu bàn tay và nốt nhạc hình tượng; từ lớp 4 trở lên cần kết hợp giữa đọc nhạc theo kí hiệu bàn tay và kí hiệu ghi nhạc.

 – Cấp trung học cơ sở

 Tập trung phát triển các kĩ năng âm nhạc cơ bản; lựa chọn các hoạt động học tập phù hợp với hứng thú và nhận thức của học sinh: nghe nhạc, vận động, đánh giá, phân tích, ứng dụng, sáng tạo,…; thường xuyên củng cố và vận dụng những kiến thức, kĩ năng đã học; tiếp tục vận dụng phương pháp dạy học lí thuyết âm nhạc như ở cấp tiểu học.

 – Cấp trung học phổ thông

 Tập trung nâng cao năng lực âm nhạc, đặc biệt là thể hiện âm nhạc; lựa chọn các hoạt động học tập phù hợp với sở trường, phong cách cá nhân, phát triển năng lực tự học; sử dụng kết hợp giữa hệ Đô di động và Đô cố định trong đọc nhạc và hát; thực hiện phân hóa sâu trong dạy học, tạo điều kiện để những học sinh có năng khiếu âm nhạc phát huy khả năng của mình.

 VII. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ GIÁO DỤC

  1. Định hướng chung

 Đánh giá kết quả giáo dục trong môn Âm nhạc nhằm cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, có giá trị về mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình và sự tiến bộ của học sinh; hướng dẫn, điều chỉnh hoạt động dạy học, quản lí và phát triển chương trình để nâng cao chất lượng giáo dục âm nhạc. Giáo viên đánh giá phẩm chất và năng lực dựa vào những yêu cầu cần đạt; kết hợp đánh giá định tính với đánh giá định lượng; chú trọng đánh giá chẩn đoán kết hợp với đánh giá quá trình học tập, luyện tập, biểu diễn, sáng tạo âm nhạc để thấy được sự tiến bộ của học sinh về ý thức, về năng lực âm nhạc.

  1. Một số hình thức đánh giá

 – Đánh giá chẩn đoán: sử dụng vào đầu giai đoạn dạy học, nhằm giúp giáo viên thu thập những thông tin về kiến thức và kĩ năng âm nhạc của từng học sinh, cũng như những điểm mạnh, những nhu cầu của học sinh, từ đó xây dựng kế hoạch và phương pháp giáo dục thích hợp.

 – Đánh giá thường xuyên và đánh giá định kì

 Đánh giá thường xuyên (đánh giá quá trình): bao gồm đánh giá chính thức thông qua các hoạt động thực hành, luyện tập, biểu diễn hoặc sáng tạo âm nhạc, dùng bài kiểm tra giấy kết hợp âm thanh, câu hỏi trắc nghiệm khách quan, viết tiểu luận hoặc báo cáo,…; và đánh giá không chính thức như: tìm hiểu hồ sơ học tập, quan sát trên lớp, đối thoại, học sinh tự đánh giá hoặc đánh giá đồng đẳng,… nhằm thu thập những thông tin về quá trình hình thành, phát triển năng lực năng âm nhạc của từng học sinh.

 Đánh giá định kì (đánh giá tổng kết): sử dụng ở cuối học kì, cuối năm học, cuối cấp học nhằm phối hợp với đánh giá thường xuyên cung cấp thông tin để phân loại học sinh và điều chỉnh nội dung, phương pháp giáo dục.

 – Đánh giá định tính và đánh giá định lượng

 Đánh giá định tính: kết quả học tập được mô tả bằng lời nhận xét hoặc biểu thị bằng các chữ cái. Học sinh sử dụng hình thức này để tự đánh giá sau khi kết thúc mỗi nội dung, mỗi chủ đề; giáo viên sử dụng để đánh giá chẩn đoán và đánh giá thường xuyên không chính thức. Đánh giá định tính được sử dụng chủ yếu ở cấp tiểu học.

 Đánh giá định lượng: kết quả học tập được biểu thị bằng điểm số. Đánh giá định lượng được sử dụng chủ yếu ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông, bảo đảm quan điểm phân hoá dần ở các lớp học trên.

 VIII. GIẢI THÍCH VÀ HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

  1. Giải thích thuật ngữ
  2. a) Một số thuật ngữ và khái niệm âm nhạc
Thuật ngữ, khái niệm Giải thích
Âm vực (tiếng Anh: musical range, tiếng Pháp: registre/etendue, tiếng Italia: registro) Phạm vi tạo thanh của nhạc cụ và giọng hát, từ thấp đến cao.
Biến tấu (tiếng Anh: variation, tiếng Pháp: variation, tiếng Italia: variazione) Nhắc lại chủ đề, có phát triển, biến đổi.
Đọc nhạc theo kí hiệu bàn tay (tiếng Anh: reading music with hand signs) Đọc các nốt nhạc được kí hiệu bằng tư thế khác nhau của bàn tay (phương pháp Kodály).
Đọc nhạc theo hệ Đô cố định (tiếng Anh: fixed Do) Phương pháp đọc nhạc mà mỗi tên nốt (Đô, Rê, Mi, Pha, Son, La, Si) luôn gắn liền với một cao độ cố định.
Đọc nhạc theo hệ Đô di động (tiếng Anh: movable Do) Phương pháp đọc nhạc mà các tên nốt (Đô, Rê, Mi, Pha, Son, La, Si) di chuyển theo các giọng: Đô luôn là âm chủ của giọng trưởng; La luôn là âm chủ của giọng thứ.
Độc tấu (tiếng Anh, tiếng Pháp: solo, tiếng Italia: assolo) Một người biểu diễn, dùng một nhạc cụ thể hiện là chính.
Hoà tấu (tiếng Anh: ensemble) Nhiều người cùng biểu diễn một bản nhạc, bằng nhiều nhạc cụ.
Kèn phím Nhạc cụ được chơi bằng cách kết hợp giữa thổi và bấm phím. Nhạc cụ này có nhiều tên gọi như: melodica, pianica, melodeon, blow-organ, key harmonica, free-reed clarinet, melodyhorn,…
Nhạc cụ gõ (tiếng Anh: percussion instrument) Những loại nhạc cụ được chơi bằng cách đập gõ, vỗ, chà xát, rung lắc,… để tạo ra âm thanh. Nhạc cụ gõ thường được chia thành 2 loại: nhạc cụ định âm (có cao độ, ví dụ: xylophone); nhạc cụ không định âm (không có cao độ, ví dụ: trống, thanh phách, song loan, động tác tay, chân tạo ra tiết tấu,…).
Nốt nhạc hình tượng (tiếng Anh: iconic/graphic notation) Các nốt nhạc được biểu thị bằng hình ảnh tượng trưng, nhằm thu hút thị giác, giúp học sinh dễ nhớ, dễ học.
Phương tiện diễn tả của âm nhạc Bao gồm: giai điệu, hoà âm, tiết tấu, nhịp độ, âm sắc, âm vực, cường độ,…
Tiết điệu (tiếng Anh: styles of music) Các phong cách, nhịp điệu âm nhạc đặc trưng, ví dụ: bebop, cha cha cha, country rock, disco, foxtrot, mambo, pasodoble, rumba, samba, tango, waltz,…
Ứng tác (tiếng Anh: improvise, tiếng Pháp: improviser, tiếng Italia: improvvisare) Sáng tác và biểu diễn tại chỗ.
  1. b) Từ ngữ thể hiện mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt

 Chương trình môn Âm nhạc sử dụng một số động từ để thể hiện mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt về năng lực của học sinh. Một số động từ được sử dụng ở các mức độ khác nhau nhưng trong mỗi trường hợp thể hiện một hành động có đối tượng và yêu cầu cụ thể. Trong quá trình dạy học, đặc biệt là khi đặt câu hỏi thảo luận, ra đề kiểm tra đánh giá, giáo viên có thể dùng những động từ nêu dưới đây hoặc thay thế bằng các động từ có nghĩa tương đương cho phù hợp với tình huống sư phạm và nhiệm vụ cụ thể giao cho học sinh.

Mức độ Động từ mô tả mức độ
Biết Gọi được tên (hình thức biểu diễn), kể được tên (một số nhạc sĩ tiêu biểu), liệt kê được (một số loại nhạc cụ), nhắc lại được (nội dung bài hát), phát biểu được, thuộc (lời ca); nhận biết (các nốt nhạc, các kí hiệu ghi nhạc), xác định được, đọc đúng (cao độ và trường độ các nốt nhạc),…
Hiểu Mô tả được (động tác chơi nhạc cụ), nêu được ví dụ; tóm tắt được, giải thích được (ý nghĩa của một số kí hiệu và thuật ngữ âm nhạc); so sánh được (sự khác nhau giữa các loại nhịp),…
Vận dụng Biểu diễn được (các tiết mục âm nhạc); điều chỉnh được (giọng hát để tạo nên sự hài hoà); tổ chức được (hoạt động âm nhạc phù hợp với lứa tuổi); xếp loại được, đánh giá được (kĩ năng thể hiện âm nhạc của bản thân và người khác),…
  1. Thời lượng thực hiện chương trình
  2. a) Giai đoạn giáo dục cơ bản

 Từ lớp 1 đến lớp 9, thời lượng dạy học là 35 tiết trong một năm học.

 Thời lượng (tính theo %) dành cho các nội dung:

Nội dung Cấp tiểu học Cấp trung học cơ sở
Hát 35% 30%
Nhạc cụ 20% 20%
Nghe nhạc, đọc nhạc, lí thuyết âm nhạc, thường thức âm nhạc 35% 40%

 Thời lượng dành cho đánh giá định kì: 10%

  1. b) Giai đoạn định hướng nghề nghiệp

 Từ lớp 10 đến lớp 12, thời lượng dạy học là 70 tiết trong một năm học. Học sinh lựa chọn 1 trong 2 phương án sau:

Phương án 1 Phương án 2
Hát: 50% Nhạc cụ: 50%
Nghe nhạc, đọc nhạc, nhạc cụ, lí thuyết âm nhạc, thường thức âm nhạc: 40% Hát, nghe nhạc, đọc nhạc, lí thuyết âm nhạc, thường thức âm nhạc: 40%
Thời lượng dành cho đánh giá định kì: 10% Thời lượng dành cho đánh giá định kì: 10%

 Bên cạnh nội dung giáo dục cốt lõi, những học sinh có định hướng theo học ngành văn hoá – nghệ thuật được lựa chọn các chuyên đề học tập với thời lượng 35 tiết trong một năm học. Thời lượng (tính theo số tiết) dành cho các chuyên đề học tập, bao gồm cả đánh giá như sau:

Nội dung Lớp 10 Lớp 11 Lớp 12
Chuyên đề 10.1: Hệ thống các hợp âm ba, hợp âm bảy của điệu thức 10    
Chuyên đề 10.2: Phương pháp xác định giọng và đặt hợp âm đệm cho ca khúc và bản nhạc 15    
Chuyên đề 10.3: Phương pháp xác định tiết điệu đệm 10    
Chuyên đề 11.1: Kĩ năng biểu diễn thanh nhạc   15  
Chuyên đề 11.2: Kĩ năng biểu diễn nhạc cụ   10  
Chuyên đề 11.3: Kĩ năng chỉ huy   10  
Chuyên đề 12.1: Phần mềm chép nhạc     15
Chuyên đề 12.2: Phần mềm biên tập âm thanh và thu âm     10
Chuyên đề 12.3: Phần mềm hoà âm tự động     10
  1. Thiết bị dạy học
  2. a) Thiết bị để dạy học của giáo viên

 – Nhạc cụ: đàn phím điện tử hoặc piano kĩ thuật số;

 – Tư liệu âm nhạc: tranh ảnh về nhạc cụ, tác giả âm nhạc, nghệ sĩ, nghệ nhân; tranh minh họa câu chuyện âm nhạc; video biểu diễn âm nhạc,…

  1. b) Thiết bị để thực hành của học sinh
  Cấp tiểu học Cấp trung học cơ sở Cấp trung học phổ thông
Nhạc cụ tiết tấu

 (học sinh tất cả các trường)

Trống nhỏ, song loan, thanh phách, tambourine, triangle, nhạc cụ tiết tấu phổ biến ở địa phương, nhạc cụ gõ tự làm,… Trống nhỏ, song loan, thanh phách, tambourine, triangle, nhạc cụ tiết tấu phổ biến ở địa phương, nhạc cụ gõ tự làm,… Trống bongo, trống cajon, tambourine, nhạc cụ tiết tấu phổ biến ở địa phương, nhạc cụ gõ tự làm,…
Nhạc cụ giai điệu

 (học sinh những trường có đủ điều kiện)

Kèn phím, recorder, nhạc cụ giai điệu phổ biến ở địa phương,… Kèn phím, recorder, ukulele, nhạc cụ giai điệu phổ biến ở địa phương,… Kèn phím, đàn phím điện tử, recorder, ukulele, guitar, nhạc cụ giai điệu phổ biến ở địa phương,…
  1. c) Phòng học bộ môn

 Ở những nơi có điều kiện thuận lợi, cần bố trí phòng học riêng cho môn Âm nhạc, vị trí cách biệt với các phòng học khác hoặc ở tầng cao nhất để cách âm. Phòng học Âm nhạc cần sử dụng loại bàn ghế dễ di chuyển, dễ xếp gọn, tạo không gian cho học sinh vận động, tham gia các hoạt động âm nhạc hoặc biểu diễn; có tủ, giá để cất giữ các thiết bị dạy học; có bảng viết, các phương tiện nghe nhìn (máy tính, máy chiếu, màn hình,…), thiết bị phòng cháy và chữa cháy; có nội quy phòng học.

 CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG

 MÔN MĨ THUẬT

 (Ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

 MỤC LỤC

  1. ĐẶC ĐIỂM MÔN HỌC
  2. QUAN ĐIỂM XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH

 III. MỤC TIÊU CHƯƠNG TRÌNH

  1. YÊU CẦU CẦN ĐẠT VỀ PHẨM CHẤT VÀ NĂNG LỰC
  2. NỘI DUNG GIÁO DỤC

 LỚP 1

 LỚP 2

 LỚP 3

 LỚP 4

 LỚP 5

 LỚP 6

 LỚP 7

 LỚP 8

 LỚP 9

 LỚP 10

 LỚP 11

 LỚP 12

  1. PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC

 VII. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ GIÁO DỤC

 VIII. GIẢI THÍCH VÀ HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

  

  1. ĐẶC ĐIỂM MÔN HỌC

 Mĩ thuật là môn học thuộc lĩnh vực giáo dục nghệ thuật. Trong chương trình giáo dục phổ thông, môn Mĩ thuật hình thành, phát triển ở học sinh năng lực mĩ thuật, biểu hiện của năng lực thẩm mĩ trong lĩnh vực mĩ thuật; đồng thời góp phần cùng các môn học và hoạt động giáo dục khác hình thành, phát triển ở học sinh các phẩm chất chủ yếu và năng lực chung, đặc biệt là giáo dục ý thức kế thừa, phát huy văn hoá nghệ thuật dân tộc phù hợp với sự phát triển của thời đại.

 Chương trình môn Mĩ thuật được xây dựng theo cấu trúc tuyến tính và đồng tâm với hai mạch nội dung Mĩ thuật tạo hình và Mĩ thuật ứng dụng; tạo cơ hội cho học sinh được trải nghiệm và vận dụng mĩ thuật vào đời sống; giúp học sinh nhận thức được mối liên hệ giữa mĩ thuật với văn hoá, xã hội, kết nối mĩ thuật với các môn học và hoạt động giáo dục khác; làm tiền đề cho học sinh định hướng nghề nghiệp trong tương lai, cũng như chủ động tham gia các hoạt động văn hoá nghệ thuật và đời sống xã hội.

 Nội dung giáo dục mĩ thuật được phân chia theo hai giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp.

 – Giai đoạn giáo dục cơ bản: Mĩ thuật là nội dung giáo dục bắt buộc từ lớp 1 đến lớp 9. Chương trình tạo cơ hội cho học sinh làm quen và trải nghiệm kiến thức mĩ thuật thông qua nhiều hình thức hoạt động; hình thành, phát triển ở học sinh khả năng quan sát và cảm thụ nghệ thuật, nhận thức và biểu đạt thế giới; khả năng cảm nhận và tìm hiểu, thể nghiệm các giá trị văn hoá, thẩm mĩ trong đời sống và nghệ thuật.

 – Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp: Mĩ thuật là môn học được lựa chọn theo nguyện vọng và định hướng nghề nghiệp của học sinh. Nội dung giáo dục mĩ thuật được mở rộng, phát triển kiến thức, kĩ năng mĩ thuật đã hình thành ở giai đoạn giáo dục cơ bản, tiếp cận các nhóm ngành nghề liên quan đến nghệ thuật thị giác và có tính ứng dụng trong thực tiễn; giúp học sinh phát triển tư duy độc lập, khả năng phản biện phân tích và sáng tạo nghệ thuật; hiểu được vai trò và ứng dụng của mĩ thuật trong đời sống; tạo cơ sở cho học sinh được tìm hiểu và có định hướng nghề nghiệp phù hợp với bản thân dựa trên nhu cầu thực tế, thích ứng với xã hội.

  1. QUAN ĐIỂM XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH

 Chương trình môn Mĩ thuật quán triệt quan điểm và các định hướng được nêu trong Chương trình tổng thể; đồng thời, xuất phát từ đặc điểm môn học, nhấn mạnh một số quan điểm sau:

  1. Chương trình môn Mĩ thuật tạo cơ hội cho học sinh tiếp cận văn hoá, nghệ thuật dân tộc và thế giới trên cơ sở vận dụng những kiến thức cơ bản của mĩ thuật, kết hợp với khoa học giáo dục.
  2. Chương trình môn Mĩ thuật chọn lọc những kiến thức phù hợp với mục tiêu giáo dục phổ thông, đặc điểm tâm – sinh lí lứa tuổi học sinh và điều kiện dạy học. Thông qua các nội dung, hình thức tổ chức dạy học, trên cơ sở bảo đảm các yêu cầu cần đạt, chương trình được thiết kế linh hoạt, có thể điều chỉnh phù hợp với các nhóm đối tượng học sinh, các cơ sở giáo dục và địa phương. Trong quá trình thực hiện, chương trình thường xuyên được cập nhật, phát triển phù hợp với sự phát triển nghệ thuật và yêu cầu của thực tiễn.

 III. MỤC TIÊU CHƯƠNG TRÌNH

  1. Mục tiêu chung

 Chương trình môn Mĩ thuật giúp học sinh hình thành, phát triển năng lực mĩ thuật dựa trên kiến thức và kĩ năng mĩ thuật; nhận thức được mối quan hệ giữa mĩ thuật với đời sống, xã hội và các loại hình nghệ thuật khác; có ý thức trân trọng di sản văn hoá, nghệ thuật và khả năng ứng dụng kiến thức, kĩ năng mĩ thuật vào đời sống; có hiểu biết tổng quát về ngành nghề liên quan đến nghệ thuật thị giác và khả năng định hướng được nghề nghiệp cho bản thân; trải nghiệm và khám phá mĩ thuật thông qua nhiều hình thức hoạt động; góp phần hình thành, phát triển các phẩm chất yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm; các năng lực tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo.

  1. Mục tiêu cấp tiểu học

 Môn Mĩ thuật giúp học sinh bước đầu hình thành, phát triển năng lực mĩ thuật thông qua các hoạt động trải nghiệm; biết thể hiện cảm xúc, trí tưởng tượng về thế giới xung quanh, từ đó hình thành năng lực giao tiếp, hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo; bước đầu làm quen, tìm hiểu và cảm nhận vẻ đẹp của sản phẩm, tác phẩm nghệ thuật, hình thành năng lực tự chủ và tự học; góp phần hình thành các phẩm chất yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm.

  1. Mục tiêu cấp trung học cơ sở

 Môn Mĩ thuật giúp học sinh tiếp tục hình thành, phát triển năng lực mĩ thuật dựa trên nền tảng kiến thức, kĩ năng mĩ thuật ở cấp tiểu học, thông qua các hoạt động thảo luận, thực hành, trải nghiệm; phát triển năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo; có ý thức kế thừa, phát huy các giá trị văn hoá, nghệ thuật truyền thống dân tộc, tiếp cận giá trị thẩm mĩ của thời đại, làm nền tảng cho việc phát triển các phẩm chất yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm; có hiểu biết về mối quan hệ giữa mĩ thuật với đời sống, nuôi dưỡng cảm xúc thẩm mĩ và tình yêu nghệ thuật, phát triển năng lực tự chủ và tự học, có ý thức định hướng nghề nghiệp sau khi kết thúc cấp học.

  1. Mục tiêu cấp trung học phổ thông

 Môn Mĩ thuật giúp học sinh tiếp tục phát triển năng lực mĩ thuật đã được hình thành ở giai đoạn giáo dục cơ bản và các phẩm chất yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm thông qua nhiều hình thức hoạt động; phát triển tư duy phản biện, khả năng giải quyết vấn đề và sáng tạo, kĩ năng thực hành, giao tiếp và hợp tác; ý thức tôn trọng và phát huy văn hoá, nghệ thuật truyền thống dân tộc, tiếp cận giá nghệ thuật và thành tựu khoa học, công nghệ của thời đại, phát triển năng lực tự chủ và tự học; tăng cường hiểu biết về kiến thức mĩ thuật trong các lĩnh vực ngành nghề có liên quan, bồi dưỡng cảm xúc thẩm mĩ và tình yêu nghệ thuật, có định hướng nghề nghiệp phù hợp với bản thân và nhu cầu xã hội.

  1. YÊU CẦU CẦN ĐẠT VỀ PHẨM CHẤT VÀ NĂNG LỰC
  2. Yêu cầu cần đạt về phẩm chất chủ yếu và năng lực chung

 Chương trình môn Mĩ thuật góp phần hình thành và phát triển các phẩm chất chủ yếu và các năng lực chung với các mức độ cụ thể được quy định cho từng cấp học trong Chương trình tổng thể.

  1. Yêu cầu cần đạt về năng lực đặc thù

 Chương trình môn Mĩ thuật giúp học sinh hình thành và phát triển năng lực mĩ thuật với các thành phần: quan sát và nhận thức thẩm mĩ, sáng tạo và ứng dụng thẩm mĩ, phân tích và đánh giá thẩm mĩ thông qua các biểu hiện sau:

Thành phần năng lực Cấp tiểu học Cấp trung học cơ sở Cấp trung học phổ thông
QUAN SÁT VÀ NHẬN THỨC THẨM MĨ
Quan sát thẩm mĩ – Nhận biết được một số yếu tố thẩm mĩ cơ bản trong đời sống và ở sản phẩm, tác phẩm mĩ thuật.

 – Nhận biết được một số yếu tố tạo hình ở đối tượng thẩm mĩ.

 – Nhận biết được dấu hiệu của một số nguyên lí tạo hình ở sản phẩm, tác phẩm mĩ thuật.

– Nhận biết được yếu tố thẩm mĩ trong đời sống.

 – Nhận biết được yếu tố, nguyên lí tạo hình ở đối tượng thẩm mĩ.

 – Nhận biết được giá trị thẩm mĩ ở sản phẩm, tác phẩm mĩ thuật, di sản văn hóa nghệ thuật.

– Nhận biết được yếu tố thẩm mĩ đặc trưng của một số ngành nghề liên quan đến nghệ thuật thị giác.

 – Nhận biết được giá trị thẩm mĩ của sản phẩm, tác phẩm mĩ thuật đặc trưng của một số ngành nghề, liên quan đến nghệ thuật thị giác.

Nhận thức thẩm mĩ – Bước đầu cảm nhận được vẻ đẹp của đối tượng thẩm mĩ.

 – Nhận biết được chủ đề của sản phẩm, tác phẩm mĩ thuật.

 – Bước đầu nhận biết được giá trị của sản phẩm, tác phẩm mĩ thuật trong đời sống.

 – Biết liên tưởng vẻ đẹp của đối tượng thẩm mĩ với thực hành sáng tạo.

– Cảm nhận được vẻ đẹp của đối tượng thẩm mĩ.

 – Nhận biết được ý tưởng thẩm mĩ của sản phẩm, tác phẩm mĩ thuật.

 – Nhận biết được giá trị của sản phẩm, tác phẩm mĩ thuật trong đời sống.

 – Biết liên hệ giá trị thẩm mĩ ở sản phẩm, tác phẩm mĩ thuật, di sản văn hóa nghệ thuật với thực hành sáng tạo.

– Cảm nhận được đặc điểm thẩm mĩ của một số ngành nghề liên quan đến nghệ thuật thị giác.

 – Nhận biết được ý tưởng thẩm mĩ của sản phẩm, tác phẩm đặc trưng của một số ngành nghề liên quan đến nghệ thuật thị giác.

 – Nhận biết được giá trị của sản phẩm, tác phẩm mĩ thuật đặc trưng của một số ngành nghề trong đời sống.

 – Liên hệ được yếu tố thẩm mĩ đặc trưng của một số ngành nghề liên quan đến nghệ thuật thị giác với thực hành, sáng tạo

SÁNG TẠO VÀ ỨNG DỤNG THẨM MĨ
Sáng tạo thẩm mĩ – Nêu được ý tưởng thể hiện đối tượng thẩm mĩ ở mức độ đơn giản.

 – Vận dụng được một số hình thức thực hành, sáng tạo thể hiện ý tưởng thẩm mĩ.

 – Vận dụng được một số yếu tố, nguyên lí tạo hình trong thực hành sáng tạo ở mức độ đơn giản.

 – Sử dụng được một số công cụ, thiết bị trong thực hành sáng tạo.

– Nêu được ý tưởng thể hiện đối tượng thẩm mĩ.

 – Lựa chọn được hình thức thực hành, sáng tạo thể hiện ý tưởng thẩm mĩ.

 – Vận dụng được một số yếu tố, nguyên lí tạo hình trong thực hành sáng tạo.

 – Sử dụng được một số công cụ, thiết bị công nghệ trong thực hành sáng tạo.

– Đề xuất được ý tưởng thể hiện đối tượng thẩm mĩ một cách có cơ sở lí luận.

 – Lựa chọn được hình thức thực hành, sáng tạo thể hiện yếu tố thẩm mĩ đặc trưng của một số ngành nghề liên quan đến nghệ thuật thị giác.

 – Vận dụng được một số yếu tố, nguyên lí tạo hình trong thực hành, sáng tạo thể hiện yếu tố thẩm mĩ đặc trưng của một số ngành nghề liên quan đến nghệ thuật thị giác.

 – Phối hợp sử dụng được công cụ, thiết bị công nghệ trong thực hành sáng tạo.

Ứng dụng thẩm mĩ – Biết thể hiện tính ứng dụng của sản phẩm trong thực hành, sáng tạo ở mức độ đơn giản.

 – Biết trưng bày, giới thiệu sản phẩm mĩ thuật của cá nhân và nhóm học tập.

 – Biết vận dụng sản phẩm, tác phẩm nghệ thuật phục vụ cho học tập và đời sống.

– Thể hiện được tính ứng dụng của sản phẩm trong thực hành, sáng tạo.

 – Biết cách trưng bày, giới thiệu sản phẩm mĩ thuật của cá nhân và nhóm học tập.

 – Vận dụng được sản phẩm, tác phẩm nghệ thuật phục vụ cho học tập và đời sống.

– Biết cách thể hiện tính ứng dụng của sản phẩm trong thực hành, sáng tạo.

 – Biết cách truyền thông về sản phẩm mĩ thuật của cá nhân và nhóm học tập.

 – Vận dụng được ý tưởng thẩm mĩ, khả năng hiện thực hoá ý tưởng thẩm mĩ để sáng tạo sản phẩm nghệ thuật phục vụ cho học tập và đời sống.

PHÂN TÍCH VÀ ĐÁNH GIÁ THẨM MĨ
Phân tích thẩm mĩ – Chia sẻ được cảm nhận về đối tượng thẩm mĩ ở mức độ đơn giản.

 – Biết tìm hiểu tác giả, sản phẩm, tác phẩm mĩ thuật.

 – Mô tả được một số yếu tố, dấu hiệu của nguyên lí tạo hình ở sản phẩm, tác phẩm mĩ thuật trong thực hành, thảo luận và liên hệ thực tiễn.

– Phân tích, chia sẻ được cảm nhận về đối tượng thẩm mĩ.

 – Biết cách thu thập và trình bày một số thông tin về tác giả, tác phẩm, trường phái, phong cách nghệ thuật.

 – Mô tả, phân tích được yếu tố, nguyên lí tạo hình ở sản phẩm, tác phẩm, phong cách, trường phái nghệ thuật trong thực hành, thảo luận và liên hệ thực tiễn.

– Phân tích được yếu tố thẩm mĩ đặc trưng một số ngành nghề trong thực tiễn, liên quan đến nghệ thuật thị giác.

 – Biết cách thu thập và trình bày một số thông tin về tác giả, tác phẩm đặc trưng một số ngành nghề liên quan đến nghệ thuật thị giác.

 – Mô tả, phân tích được giá trị thẩm mĩ và công năng sử dụng của sản phẩm, tác phẩm đặc trưng của một số ngành nghề liên quan đến nghệ thuật thị giác trong thực tiễn đời sống.

 – Thể hiện được quan điểm cá nhân trong cảm thụ, phân tích nghệ thuật.

Đánh giá thẩm mĩ – Bước đầu đánh giá được đối tượng thẩm mĩ thông qua một số yếu tố và nguyên lí tạo hình.

 – Bước đầu học hỏi được kinh nghiệm thực hành sáng tạo thông qua đánh giá đối tượng thẩm mĩ.

– Đánh giá được đối tượng thẩm mĩ thông qua yếu tố và nguyên lí tạo hình.

 – Học hỏi được kinh nghiệm thực hành sáng tạo thông qua đánh giá đối tượng thẩm mĩ.

– Đánh giá được một số yếu tố thẩm mĩ thể hiện đặc trưng ngành nghề ở sản phẩm, tác phẩm nghệ thuật thị giác.

 – Biết vận dụng vào thực tiễn kinh nghiệm thực hành sáng tạo học hỏi được thông qua đánh giá đối tượng thẩm mĩ.

  1. NỘI DUNG GIÁO DỤC
  2. Nội dung khái quát
  3. a) Nội dung giáo dục cốt lõi

 Chương trình môn Mĩ thuật phát triển hai mạch nội dung Mĩ thuật tạo hình và Mĩ thuật ứng dụng, trong đó nền tảng kiến thức cơ bản dựa trên yếu tố và nguyên lí tạo hình. Ở cấp tiểu học, nội dung giáo dục gồm Lí luận và lịch sử mĩ thuật, Hội hoạ, Đồ hoạ, Điêu khắc, Thủ công; trong đó, nội dung Lí luận và lịch sử mĩ thuật được giới hạn trong phạm vi làm quen với tìm hiểu tác giả, sản phẩm, tác phẩm, di sản văn hóa nghệ thuật và được giới thiệu, lồng ghép trong thực hành, thảo luận mĩ thuật. Ở cấp trung học cơ sở, nội dung giáo dục gồm Lí luận và lịch sử mĩ thuật, Hội hoạ, Đồ hoạ, Điêu khắc, Thiết kế công nghiệp, Thiết kế thời trang, Thiết kế đồ hoạ; trong đó, nội dung Lí luận và lịch sử mĩ thuật được giới hạn trong phạm vi tìm hiểu tác giả, sản phẩm, tác phẩm, di sản văn hóa nghệ thuật và được giới thiệu, lồng ghép trong thực hành, thảo luận mĩ thuật. Ở cấp trung học phổ thông, học sinh mỗi lớp 10, 11, 12 được lựa chọn 04 nội dung trong 10 nội dung bao gồm: Lí luận và lịch sử mĩ thuật, Hội hoạ, Đồ hoạ, Điêu khắc, Thiết kế công nghiệp, Thiết kế thời trang, Thiết kế đồ hoạ, Thiết kế mĩ thuật sân khấu, điện ảnh, Thiết kế mĩ thuật đa phương tiện, Kiến trúc; trong đó, nội dung Lí luận và lịch sử mĩ thuật vừa được thực hiện độc lập vừa bảo đảm lồng ghép trong thực hành, thảo luận mĩ thuật.

  1. b) Phân bố mạch nội dung ở các lớp
Mạch nội dung Lớp 1 Lớp 2 Lớp 3 Lớp 4 Lớp 5 Lớp 6 Lớp 7 Lớp 8 Lớp 9 Lớp 10 Lớp 11 Lớp 12
Lí luận và lịch sử mĩ thuật + + + + + + + + + × × ×
Hội hoạ × × × × × × × × × × × ×
Đồ hoạ (tranh in) × × × × × × × × × × × ×
Điêu khắc × × × × × × × × × × × ×
Thủ công × × × × ×              
Thiết kế công nghiệp           × × × × × × ×
Thiết kế đồ hoạ           × × × × × × ×
Thiết kế thời trang           × × × × × × ×
Thiết kế mĩ thuật sân khấu, điện ảnh                   × × ×
Thiết kế mĩ thuật đa phương tiện                   × × ×
Kiến trúc                   × × ×

 Kí hiệu “x”: nội dung giáo dục độc lập.

 Kí hiệu “+”: nội dung giáo dục được lồng ghép trong thực hành, thảo luận mĩ thuật.

  1. Chuyên đề học tập

 Chuyên đề học tập ở cấp trung học phổ thông là nội dung giáo dục lựa chọn, dành cho những học sinh yêu thích và có thiên hướng mĩ thuật. Mỗi năm học, học sinh được lựa chọn 3 chuyên đề với tổng thời lượng 35 tiết. Nội dung các chuyên đề phân bố ở các lớp như sau:

Nội dung Lớp 10 Lớp 11 Lớp 12
Chuyên đề 10.1: Thực hành vẽ hình hoạ 1 ×    
Chuyên đề 10.2: Thực hành vẽ trang trí 1 ×    
Chuyên đề 10.3: Thực hành vẽ tranh bố cục 1 ×    
Chuyên đề 11.1: Thực hành vẽ hình họa 2   ×  
Chuyên đề 11.2: Thực hành vẽ trang trí 2   ×  
Chuyên đề 11.3: Thực hành vẽ tranh bố cục 2   ×  
Chuyên đề 12.1: Thực hành hình họa 3     ×
Chuyên đề 12.2: Thực hành vẽ trang trí 3     ×
Chuyên đề 12.3: Thực hành vẽ tranh bố cục 3     ×
  1. Yêu cầu cần đạt và nội dung cụ thể ở các lớp

 LỚP 1

Yêu cầu cần đạt Nội dung
MĨ THUẬT TẠO HÌNH
Quan sát và nhận thức thẩm mĩ:

 – Biết được mĩ thuật có ở xung quanh.

 – Biết được một số đồ dùng, màu vẽ và vật liệu sẵn có để thực hành, sáng tạo.

 – Nhận biết được yếu tố tạo hình: chấm, nét, hình, khối, màu sắc.

 Sáng tạo và ứng dụng thẩm mĩ:

 – Đọc được tên một số màu trong thực hành, sáng tạo.

 – Tạo được chấm bằng nhiều cách khác nhau, biết sử dụng chấm trong tạo hình và trang trí sản phẩm.

 – Tạo được một số loại nét khác nhau, biết sử dụng nét để mô phỏng đối tượng.

 – Tạo được hình, khối dạng cơ bản.

 – Sử dụng được vật liệu sẵn có để thực hành, sáng tạo.

 – Sắp xếp được sản phẩm của cá nhân tạo thành sản phẩm nhóm học tập.

 – Biết cách sử dụng, bảo quản một số vật liệu, chất liệu thông dụng như màu vẽ, đất nặn, giấy màu,… trong thực hành, sáng tạo.

 Phân tích và đánh giá thẩm mĩ:

 – Trưng bày và nêu được tên sản phẩm, chia sẻ cảm nhận về sản phẩm của cá nhân, của bạn bè.

 – Nêu được tên một số màu; bước đầu mô tả, chia sẻ được cảm nhận về hình ảnh chính ở sản phẩm, tác phẩm mĩ thuật.

Yếu tố và nguyên lí tạo hình

 Lựa chọn, kết hợp:

 Yếu tố tạo hình

 – Chấm, nét, hình, khối, màu sắc, đậm nhạt, chất cảm, không gian.

 Nguyên lí tạo hình

 – Cân bằng, tương phản, lặp lại, nhịp điệu, nhấn mạnh, chuyển động, tỉ lệ, hài hoà.

 Thể loại

 Lựa chọn, kết hợp:

 – Lí luận và lịch sử mĩ thuật

 – Hội hoạ

 – Đồ hoạ (tranh in)

 – Điêu khắc

 Hoạt động thực hành và thảo luận

 Thực hành

 – Thực hành sáng tạo sản phẩm mĩ thuật 2D.

 – Thực hành sáng tạo sản phẩm mĩ thuật 3D.

 Thảo luận

 Lựa chọn, kết hợp:

 – Tìm hiểu tác giả, tác phẩm, di sản văn hoá nghệ thuật.

 – Sản phẩm thực hành của học sinh.

 Định hướng chủ đề

 Lựa chọn, kết hợp:

 – Thiên nhiên; Con người; Gia đình; Nhà trường.

MĨ THUẬT ỨNG DỤNG
Quan sát và nhận thức thẩm mĩ:

 – Nêu được tên một số công cụ, vật liệu để thực hành, sáng tạo.

 – Nhận biết được yếu tố tạo hình: chấm, nét, hình, khối, màu ở sản phẩm thủ công.

 Sáng tạo và ứng dụng thẩm mĩ:

 – Biết cách sử dụng công cụ phù hợp với vật liệu và an toàn trong thực hành, sáng tạo.

 – Thực hiện được các bước trong thực hành tạo ra sản phẩm.

 – Vận dụng được nét để tạo nên sản phẩm.

 – Tạo được sản phẩm từ vật liệu dạng hình, khối.

 – Sử dụng được chấm, nét, màu sắc khác nhau để trang trí sản phẩm.

 Phân tích và đánh giá thẩm mĩ:

 – Trưng bày, chia sẻ được cảm nhận về sản phẩm.

 – Biết chia sẻ ý định sử dụng sản phẩm và bảo quản một số đồ dùng học tập.

Yếu tố và nguyên lí tạo hình

 Lựa chọn, kết hợp:

 Yếu tố tạo hình

 – Chấm, nét, hình, khối, màu sắc, đậm nhạt, chất cảm, không gian.

 Nguyên lí tạo hình

 – Cân bằng, tương phản, lặp lại, nhịp điệu, nhấn mạnh, chuyển động, tỉ lệ, hài hoà.

 Thể loại: Thủ công

 Lựa chọn, kết hợp:

 – Đồ thủ công bằng vật liệu tự nhiên.

 – Đồ thủ công bằng vật liệu nhân tạo.

 – Đồ thủ công bằng vật liệu sưu tầm, tái sử dụng.

 Hoạt động thực hành và thảo luận

 Thực hành

 – Thực hành sáng tạo sản phẩm thủ công 2D.

 – Thực hành sáng tạo sản phẩm thủ công 3D.

 Thảo luận

 Lựa chọn, kết hợp:

 – Sản phẩm thủ công.

 – Sản phẩm thực hành của học sinh.

 Định hướng chủ đề

 Lựa chọn, kết hợp:

 – Đồ chơi, đồ dùng học tập.

 LỚP 2

Yêu cầu cần đạt Nội dung
MĨ THUẬT TẠO HÌNH
Quan sát và nhận thức thẩm mĩ:

 – Nhận biết và đọc được tên các màu cơ bản.

 – Nhận biết được yếu tố tạo hình: chấm, nét, hình, khối, màu sắc, đậm nhạt.

 – Biết xác định nội dung chủ đề và lựa chọn công cụ, vật liệu để thực hành.

 Sáng tạo và ứng dụng thẩm mĩ:

 – Sử dụng được công cụ phù hợp với vật liệu sẵn có trong thực hành, sáng tạo.

 – Tạo được nét bằng các hình thức khác nhau, sử dụng nét mô phỏng đối tượng và trang trí sản phẩm.

 – Sử dụng được các màu cơ bản; màu đậm, màu nhạt trong thực hành, sáng tạo.

 – Tạo được sản phẩm có dạng hình, khối cơ bản.

 – Biết vận dụng tính chất lặp lại, nhịp điệu của chấm, nét hoặc hình, màu trong thực hành, sáng tạo.

 – Thể hiện được sự hiểu biết ban đầu về bản in trong thực hành, sáng tạo.

 – Biết giữ vệ sinh trường, lớp, đồ dùng học tập,… trong thực hành, sáng tạo.

 Phân tích và đánh giá thẩm mĩ:

 – Trưng bày, giới thiệu, chia sẻ được cảm nhận về sản phẩm.

 – Nhận ra được cùng một chủ đề có thể sử dụng chất liệu hoặc hình thức tạo hình khác nhau.

Yếu tố và nguyên lí tạo hình

 Lựa chọn, kết hợp:

 Yếu tố tạo hình

 – Chấm, nét, hình, khối, màu sắc, đậm nhạt, chất cảm, không gian.

 Nguyên lí tạo hình

 – Cân bằng, tương phản, lặp lại, nhịp điệu, nhấn mạnh, chuyển động, tỉ lệ, hài hoà.

 Thể loại

 Lựa chọn, kết hợp:

 – Lí luận và lịch sử mĩ thuật

 – Hội hoạ

 – Đồ hoạ (tranh in)

 – Điêu khắc

 Hoạt động thực hành và thảo luận

 Thực hành

 – Thực hành sáng tạo sản phẩm mĩ thuật 2D.

 – Thực hành sáng tạo sản phẩm mĩ thuật 3D.

 Thảo luận

 Lựa chọn, kết hợp:

 – Tìm hiểu tác giả, tác phẩm, di sản văn hoá nghệ thuật.

 – Sản phẩm thực hành của học sinh.

 Định hướng chủ đề

 Lựa chọn, kết hợp:

 – Thiên nhiên; Con người; Gia đình; Nhà trường; Xã hội.

MĨ THUẬT ỨNG DỤNG
Quan sát và nhận thức thẩm mĩ:

 – Nhận biết được đặc điểm của một số sản phẩm thủ công.

 – Lựa chọn được đối tượng làm hình mẫu để thực hành sáng tạo.

 Sáng tạo và ứng dụng thẩm mĩ:

 – Biết kết hợp vẽ, cắt, xé dán,… trong thực hành, sáng tạo.

 – Tạo được sản phẩm có sự lặp lại của hình, khối dạng cơ bản.

 – Thể hiện được màu đậm, màu nhạt ở sản phẩm.

 – Biết vận dụng tính chất lặp lại, nhịp điệu của chấm, nét hoặc hình, màu trong thực hành, sáng tạo.

 – Biết cách bảo quản sản phẩm và công cụ thực hành.

 Phân tích và đánh giá thẩm mĩ:

 – Biết trưng bày sản phẩm ở trong hoặc ngoài lớp học.

 – Trả lời được các câu hỏi: Sản phẩm dùng để làm gì? Dùng như thế nào?

Yếu tố và nguyên lí tạo hình

 Lựa chọn, kết hợp:

 Yếu tố tạo hình

 – Chấm, nét, hình, khối, màu sắc, đậm nhạt, chất cảm, không gian.

 Nguyên lí tạo hình

 – Cân bằng, tương phản, lặp lại, nhịp điệu, nhấn mạnh, chuyển động, tỉ lệ, hài hoà.

 Thể loại: Thủ công

 Lựa chọn, kết hợp:

 – Đồ thủ công bằng vật liệu tự nhiên.

 – Đồ thủ công bằng vật liệu nhân tạo.

 – Đồ thủ công bằng vật liệu sưu tầm, tái sử dụng.

 Hoạt động thực hành và thảo luận

 Thực hành

 – Thực hành sáng tạo sản phẩm thủ công 2D.

 – Thực hành sáng tạo sản phẩm thủ công 3D.

 Thảo luận

 Lựa chọn, kết hợp:

 – Sản phẩm thủ công.

 – Sản phẩm thực hành của học sinh.

 Định hướng chủ đề

 Lựa chọn, kết hợp:

 – Đồ chơi, đồ dùng học tập, đồ dùng cá nhân.

 LỚP 3

Yêu cầu cần đạt Nội dung
MĨ THUẬT TẠO HÌNH
Quan sát và nhận thức thẩm mĩ:

 – Nhận biết được yếu tố tạo hình: chấm, nét, hình, khối, màu sắc, đậm nhạt.

 – Biết phân biệt màu cơ bản và màu thứ cấp.

 – Biết liên hệ nội dung chủ đề với hình ảnh trong thực tiễn.

 Sáng tạo và ứng dụng thẩm mĩ:

 – Tạo được màu thứ cấp và đọc được tên các màu đó trong thực hành, sáng tạo.

 – Vận dụng được đậm, nhạt của chấm, nét để trang trí sản phẩm.

 – Biết vận dụng sự tương phản của hình, khối dạng cơ bản để mô phỏng đối tượng.

 – Tạo được cảm giác bề mặt chất liệu ở sản phẩm, như: mịn, mềm, thô ráp,…

 – Tạo được sự biểu đạt hình động cho sản phẩm.

 – Thể hiện được chi tiết, hình ảnh làm trọng tâm ở sản phẩm.

 – Phân biệt được vẽ, in và nặn trong thực hành, sáng tạo.

 Phân tích và đánh giá thẩm mĩ:

 – Trưng bày, trao đổi, chia sẻ được cảm nhận về sản phẩm và ý tưởng vận dụng.

 – Biết mô tả, chia sẻ cảm nhận về tác phẩm mĩ thuật ở mức độ đơn giản.

Yếu tố và nguyên lí tạo hình

 Lựa chọn, kết hợp:

 Yếu tố tạo hình

 – Chấm, nét, hình, khối, màu sắc, đậm nhạt, chất cảm, không gian.

 Nguyên lí tạo hình

 – Cân bằng, tương phản, lặp lại, nhịp điệu, nhấn mạnh, chuyển động, tỉ lệ, hài hoà.

 Thể loại

 Lựa chọn, kết hợp:

 – Lí luận và lịch sử mĩ thuật

 – Hội hoạ

 – Đồ hoạ (tranh in)

 – Điêu khắc

 Hoạt động thực hành và thảo luận

 Thực hành

 – Thực hành sáng tạo sản phẩm mĩ thuật 2D.

 – Thực hành sáng tạo sản phẩm mĩ thuật 3D.

 Thảo luận

 Lựa chọn, kết hợp:

 – Tìm hiểu tác giả, tác phẩm, di sản văn hoá nghệ thuật.

 – Sản phẩm thực hành của học sinh.

 Định hướng chủ đề

 Lựa chọn, kết hợp:

 – Thiên nhiên; Con người; Gia đình; Nhà trường; Xã hội; Quê hương.

MĨ THUẬT ỨNG DỤNG
Quan sát và nhận thức thẩm mĩ:

 – Hiểu được một số thao tác, công đoạn cơ bản để làm nên sản phẩm.

 – Nhận biết được tính chất tương phản của hình, khối ở sản phẩm thủ công.

 Sáng tạo và ứng dụng thẩm mĩ:

 – Tạo được sản phẩm có sự tương phản của hình, khối dạng cơ bản.

 – Tạo được màu đậm, màu nhạt ở sản phẩm bằng vật liệu sẵn có.

 – Thể hiện được chi tiết hoặc hình ảnh trọng tâm ở sản phẩm.

 – Vận dụng được sự khác nhau của chấm, đường hướng của nét để trang trí sản phẩm.

 – Tạo được cảm giác bề mặt chất liệu ở sản phẩm.

 Phân tích và đánh giá thẩm mĩ:

 – Trưng bày, giới thiệu được sản phẩm, chia sẻ mục đích sử dụng.

 – Biết phân biệt vật liệu tự nhiên, vật liệu nhân tạo ở sản phẩm thủ công.

Yếu tố và nguyên lí tạo hình

 Lựa chọn, kết hợp:

 Yếu tố tạo hình

 – Chấm, nét, hình, khối, màu sắc, đậm nhạt, chất cảm, không gian.

 Nguyên lí tạo hình

 – Cân bằng, tương phản, lặp lại, nhịp điệu, nhấn mạnh, chuyển động, tỉ lệ, hài hoà.

 Thể loại: Thủ công

 Lựa chọn, kết hợp:

 – Đồ thủ công bằng vật liệu tự nhiên.

 – Đồ thủ công bằng vật liệu nhân tạo.

 – Đồ thủ công bằng vật liệu sưu tầm, tái sử dụng.

 Hoạt động thực hành và thảo luận

 Thực hành

 – Thực hành sáng tạo sản phẩm thủ công 2D.

 – Thực hành sáng tạo sản phẩm thủ công 3D

 Thảo luận

 Lựa chọn, kết hợp:

 – Sản phẩm thủ công.

 – Sản phẩm thực hành của học sinh.

 Định hướng chủ đề

 Lựa chọn, kết hợp:

 – Đồ chơi, đồ dùng học tập, đồ dùng cá nhân, đồ lưu niệm.

 LỚP 4

Yêu cầu cần đạt Nội dung
MĨ THUẬT TẠO HÌNH
Quan sát và nhận thức thẩm mĩ:

 – Nhận biết được yếu tố tạo hình: chấm, nét, hình, khối, màu sắc, đậm nhạt, chất cảm, không gian.

 – Nhận biết được màu nóng, màu lạnh; không gian xa, gần.

 – Xác định được nội dung chủ đề và hình thức thực hành, sáng tạo.

 Sáng tạo và ứng dụng thẩm mĩ:

 – Phối hợp được một số kĩ năng: cắt, xé, dán, vẽ, in, ghép, nặn, uốn,… trong thực hành, sáng tạo.

 – Vận dụng được độ đậm nhạt, nóng lạnh của màu trong thực hành, sáng tạo.

 – Tạo được mật độ khác nhau của chấm, nét ở sản phẩm.

 – Vận dụng được sự biến thể của hình, khối cơ bản để mô phỏng đối tượng.

 – Thể hiện được khoảng cách, vị trí khác nhau cho các yếu tố tạo hình ở sản phẩm.

 – Tạo được sự khác nhau về cảm giác bề mặt chất liệu ở sản phẩm.

 – Thể hiện sự hiểu biết về hài hòa của yếu tố tạo hình trong thực hành, sáng tạo.

 Phân tích và đánh giá thẩm mĩ:

 – Vận dụng được ngôn ngữ nói hoặc viết, biểu đạt cơ thể, diễn hoạt hình ảnh động, xây dựng câu chuyện,… để giới thiệu sản phẩm, tác phẩm mĩ thuật.

 – Nhận biết chủ đề của sản phẩm, tác phẩm; bước đầu biết đặt câu hỏi, trả lời và trao đổi để tìm hiểu tác giả, tác phẩm mĩ thuật.

Yếu tố và nguyên lí tạo hình

 Lựa chọn, kết hợp:

 Yếu tố tạo hình

 – Chấm, nét, hình, khối, màu sắc, đậm nhạt, chất cảm, không gian.

 Nguyên lí tạo hình

 – Cân bằng, tương phản, lặp lại, nhịp điệu, nhấn mạnh, chuyển động, tỉ lệ, hài hoà.

 Thể loại

 Lựa chọn, kết hợp:

 – Lí luận và lịch sử mĩ thuật

 – Hội hoạ

 – Đồ hoạ (tranh in)

 – Điêu khắc

 Hoạt động thực hành và thảo luận

 Thực hành

 – Tạo sản phẩm mĩ thuật 2D.

 – Tạo sản phẩm mĩ thuật 3D.

 Thảo luận

 Lựa chọn, kết hợp:

 – Tìm hiểu tác giả, tác phẩm, di sản văn hoá nghệ thuật.

 – Sản phẩm thực hành của học sinh.

 Định hướng chủ đề

 Lựa chọn, kết hợp:

 – Thiên nhiên; Con người; Gia đình; Nhà trường; Xã hội; Quê hương; Đất nước.

MĨ THUẬT ỨNG DỤNG
Quan sát và nhận thức thẩm mĩ:

 – Nhận biết được cấu trúc tỉ lệ và công dụng của một số sản phẩm thủ công, liên hệ ở địa phương.

 – Xác định được mục đích, đối tượng sáng tạo cho sản phẩm cá nhân, sản phẩm nhóm.

 Sáng tạo và ứng dụng thẩm mĩ:

 – Phối hợp được một số kĩ năng: cắt, dán, xếp, gắn, vẽ,… trong thực hành, sáng tạo.

 – Tạo được sản phẩm có sự biến thể từ hình, khối cơ bản.

 – Vận dụng được mật độ, khoảng cách của chấm, của nét để trang trí sản phẩm.

 – Biết phối hợp vật liệu khác nhau để tạo màu, tạo chất ở sản phẩm.

 – Bước đầu thể hiện được sự hài hòa về cấu trúc tỉ lệ cho sản phẩm.

 Phân tích và đánh giá thẩm mĩ:

 – Lựa chọn, xác định được vị trí trưng bày sản phẩm.

 – Biết giới thiệu quá trình hoặc thao tác thực hành tạo ra sản phẩm, thể hiện học hỏi kinh nghiệm và tôn trọng chia sẻ của bạn bè.

Yếu tố và nguyên lí tạo hình

 Lựa chọn, kết hợp:

 Yếu tố tạo hình

 – Chấm, nét, hình, khối, màu sắc, đậm nhạt, chất cảm, không gian.

 Nguyên lí tạo hình

 – Cân bằng, tương phản, lặp lại, nhịp điệu, nhấn mạnh, chuyển động, tỉ lệ, hài hoà.

 Thể loại: Thủ công

 Lựa chọn, kết hợp:

 – Đồ thủ công bằng vật liệu tự nhiên.

 – Đồ thủ công bằng vật liệu nhân tạo.

 – Đồ thủ công bằng vật liệu sưu tầm, tái sử dụng.

 Hoạt động thực hành và thảo luận

 Thực hành

 – Thực hành sáng tạo sản phẩm thủ công 2D.

 – Thực hành sáng tạo sản phẩm thủ công 3D.

 Thảo luận

 Lựa chọn, kết hợp:

 – Sản phẩm thủ công.

 – Sản phẩm thực hành của học sinh.

 Định hướng chủ đề

 Lựa chọn, kết hợp:

 – Đồ chơi, đồ dùng học tập, đồ dùng cá nhân, đồ lưu niệm, đồ gia dụng.

 LỚP 5

Yêu cầu cần đạt Nội dung
MĨ THUẬT TẠO HÌNH
Quan sát và nhận thức thẩm mĩ:

 – Nhận biết được một số yếu tố và dấu hiệu của nguyên lí tạo hình ở sản phẩm, tác phẩm mĩ thuật.

 – Phân biệt được tranh vẽ, tranh in, tượng và phù điêu.

 – Nhận biết được yếu tố thẩm mĩ ở sản phẩm, tác phẩm mĩ thuật, liên hệ thực tiễn.

 Sáng tạo và ứng dụng thẩm mĩ:

 – Lựa chọn, phối hợp được vật liệu khác nhau để thực hành, sáng tạo.

 – Sử dụng được một số yếu tố tạo hình để mô phỏng đối tượng thẩm mĩ.

 – Trao đổi, chia sẻ và vận dụng được kinh nghiệm trong thực hành sáng tạo.

 – Thể hiện được yếu tố chính, phụ ở sản phẩm.

 – Vận dụng được một số nguyên lí tạo hình như: cân bằng, tương phản, lặp lại,… ở mức độ đơn giản trong thực hành, sáng tạo.

 – Biết làm quen với sử dụng thiết bị công nghệ trong thực hành, sáng tạo hoặc lưu giữ sản phẩm.

 – Phân biệt được một số hình thức tạo sản phẩm hội họa, đồ họa, điêu khắc trong thực hành, sáng tạo.

 Phân tích và đánh giá thẩm mĩ:

 – Lựa chọn được hình thức giới thiệu, biết mô tả yếu tố tạo hình ở sản phẩm; biết tự đánh giá hoạt động thực hành, thảo luận.

 – Bước đầu biết sử dụng một số yếu tố, nguyên lí tạo hình để chia sẻ cảm nhận về sản phẩm, tác phẩm mĩ thuật.

Yếu tố và nguyên lí tạo hình

 Lựa chọn, kết hợp:

 Yếu tố tạo hình

 – Chấm, nét, hình, khối, màu sắc, đậm nhạt, chất cảm, không gian.

 Nguyên lí tạo hình

 – Cân bằng, tương phản, lặp lại, nhịp điệu, nhấn mạnh, chuyển động, tỉ lệ, hài hoà.

 Thể loại

 Lựa chọn, kết hợp:

 – Lí luận và lịch sử mĩ thuật

 – Hội hoạ

 – Đồ hoạ (tranh in)

 – Điêu khắc

 Hoạt động thực hành và thảo luận

 Thực hành

 – Thực hành sáng tạo sản phẩm mĩ thuật 2D.

 – Thực hành sáng tạo sản phẩm mĩ thuật 3D.

 Thảo luận

 Lựa chọn, kết hợp:

 – Tìm hiểu tác giả, tác phẩm, di sản văn hoá nghệ thuật.

 – Sản phẩm thực hành của học sinh.

 Định hướng chủ đề

 Lựa chọn, kết hợp:

 – Thiên nhiên; Con người; Gia đình; Nhà trường; Xã hội; Quê hương; Đất nước; Thế giới.

MĨ THUẬT ỨNG DỤNG
Quan sát và nhận thức thẩm mĩ:

 – Nhận biết được yếu tố và dấu hiệu của nguyên lí tạo hình ở sản phẩm thủ công.

 – Phân biệt được vật liệu tự nhiên, vật liệu nhân tạo, vật liệu sưu tầm, tái sử dụng ở sản phẩm thủ công.

 Sáng tạo và ứng dụng thẩm mĩ:

 – Xác định được đối tượng thể hiện, mục đích sáng tạo.

 – Làm được sản phẩm dựa trên đặc điểm của sản phẩm thủ công mĩ nghệ.

 – Biết sử dụng yếu tố tạo hình làm trọng tâm ở sản phẩm.

 – Lựa chọn, phối hợp được các vật liệu khác nhau để làm nên sản phẩm.

 – Biết vận dụng dấu hiệu của một số nguyên lí tạo hình như cân bằng, tương phản hoặc lặp lại, nhịp điệu,… trong thực hành, sáng tạo.

 Phân tích và đánh giá thẩm mĩ:

 – Lựa chọn, thực hiện được hình thức giới thiệu sản phẩm.

 – Chia sẻ điều học hỏi được trong trưng bày, thảo luận và đánh giá sản phẩm.

Yếu tố và nguyên lí tạo hình

 Lựa chọn, kết hợp:

 Yếu tố tạo hình

 – Chấm, nét, hình, khối, màu sắc, đậm nhạt, chất cảm, không gian.

 Nguyên lí tạo hình

 – Cân bằng, tương phản, lặp lại, nhịp điệu, nhấn mạnh, chuyển động, tỉ lệ, hài hoà.

 Thể loại: Thủ công

 Lựa chọn, kết hợp:

 – Đồ thủ công bằng vật liệu tự nhiên.

 – Đồ thủ công bằng vật liệu nhân tạo.

 – Đồ thủ công bằng vật liệu sưu tầm, tái sử dụng.

 Hoạt động thực hành và thảo luận

 Thực hành

 – Thực hành sáng tạo sản phẩm thủ công 2D.

 – Thực hành sáng tạo sản phẩm thủ công 3D.

 Thảo luận

 Lựa chọn, kết hợp:

 – Sản phẩm thủ công.

 – Sản phẩm thực hành của học sinh.

 Định hướng chủ đề

 Lựa chọn, kết hợp:

 – Đồ chơi, đồ dùng học tập, đồ dùng cá nhân, đồ lưu niệm, đồ gia dụng, đồ trang trí nội thất.

 LỚP 6

Yêu cầu cần đạt Nội dung
MĨ THUẬT TẠO HÌNH
Quan sát và nhận thức thẩm mĩ:

 – Xác định được nội dung chủ đề.

 – Nhận biết đặc điểm cơ bản của thể loại Hội hoạ, Đồ hoạ, Điêu khắc.

 – Nhận biết được nguyên lí tạo hình: cân bằng, tương phản.

 – Nêu được các bước thực hành, sáng tạo.

 Sáng tạo và ứng dụng thẩm mĩ:

 – Biết vận dụng giá trị thẩm mĩ của di sản văn hoá nghệ thuật vào thực hành sáng tạo.

 – Vận dụng được nguyên lí cân bằng, tương phản và một số yếu tố tạo hình vào thực hành sáng tạo.

 – Biết cách sử dụng một số chất liệu trong thực hành, sáng tạo.

 – Biết ứng dụng sản phẩm vào thực tế cuộc sống.

 Phân tích và đánh giá thẩm mĩ:

 – Nhận xét, đánh giá được sản phẩm cá nhân, nhóm.

 – Biết đặt câu hỏi, trả lời và trao đổi về tác giả, tác phẩm.

 – Phân tích được vẻ đẹp của tác phẩm mĩ thuật.

 – Hiểu được mối liên hệ giữa mĩ thuật với một số môn học, hoạt động giáo dục khác.

Yếu tố và nguyên lí tạo hình

 Lựa chọn, kết hợp:

 Yếu tố tạo hình

 – Chấm, nét, hình, khối, màu sắc, đậm nhạt, chất cảm, không gian.

 Nguyên lí tạo hình

 – Cân bằng, tương phản, lặp lại, nhịp điệu, nhấn mạnh, chuyển động, tỉ lệ, hài hoà.

 Thể loại

 Lựa chọn, kết hợp:

 – Lí luận và lịch sử mĩ thuật

 – Hội hoạ

 – Đồ hoạ (tranh in)

 – Điêu khắc

 Hoạt động thực hành và thảo luận

 Thực hành

 – Thực hành sáng tạo sản phẩm mĩ thuật 2D.

 – Thực hành sáng tạo sản phẩm mĩ thuật 3D.

 Thảo luận

 – Tìm hiểu tác giả, tác phẩm, di sản văn hoá nghệ thuật.

 – Sản phẩm thực hành của học sinh.

 Định hướng chủ đề

 Lựa chọn, kết hợp:

 – Văn hoá, xã hội

 – Nghệ thuật Tiền sử và Cổ đại Việt Nam, thế giới.

MĨ THUẬT ỨNG DỤNG
Quan sát và nhận thức thẩm mĩ:

 – Xác định được mục đích sử dụng của sản phẩm.

 – Phân biệt được giá trị thẩm mĩ và công năng sử dụng của sản phẩm thiết kế.

 – Chỉ ra được các bước cơ bản trong thực hành, sáng tạo sản phẩm.

 – Xác định được các loại vật liệu phù hợp để tạo nên sản phẩm.

 Sáng tạo và ứng dụng thẩm mĩ:

 – Vận dụng được nguyên lí cân bằng, tương phản của một số yếu tố tạo hình vào thiết kế sản phẩm.

 – Sáng tạo từ những đồ vật, vật liệu sẵn có thành sản phẩm mới.

 – Vận dụng được một số giá trị thẩm mĩ từ di sản văn hoá nghệ thuật vào thiết kế sản phẩm.

 – Biết cách trưng bày sản phẩm cá nhân, nhóm.

 Phân tích và đánh giá thẩm mĩ:

 – Nhận xét, đánh giá được sản phẩm cá nhân, sản phẩm nhóm học tập.

 – Biết đặt câu hỏi, trả lời, trao đổi về sản phẩm và học hỏi kinh nghiệm thực hành trong đánh giá.

 – Phân tích được giá trị thẩm mĩ của sản phẩm thiết kế.

 – Hiểu được tính ứng dụng của sản phẩm thiết kế.

Yếu tố và nguyên lí tạo hình

 Lựa chọn, kết hợp:

 Yếu tố tạo hình

 – Chấm, nét, hình, khối, màu sắc, đậm nhạt, chất cảm, không gian.

 Nguyên lí tạo hình

 – Cân bằng, tương phản, lặp lại, nhịp điệu, nhấn mạnh, chuyển động, tỉ lệ, hài hoà.

 Thể loại

 Lựa chọn, kết hợp:

 – Lí luận và lịch sử mĩ thuật

 – Thiết kế công nghiệp

 – Thiết kế đồ hoạ

 – Thiết kế thời trang

 Hoạt động thực hành và thảo luận

 Thực hành

 – Thực hành sáng tạo sản phẩm thiết kế 2D.

 – Thực hành sáng tạo sản phẩm thiết kế 3D.

 Thảo luận

 – Tìm hiểu tác giả, tác phẩm, sản phẩm, di sản văn hoá nghệ thuật.

 – Sản phẩm thực hành của học sinh.

 Định hướng chủ đề

 Lựa chọn, kết hợp:

 – Văn hoá, xã hội

 – Nghệ thuật Tiền sử và Cổ đại Việt Nam, thế giới.

 LỚP 7

Yêu cầu cần đạt Nội dung
MĨ THUẬT TẠO HÌNH
Quan sát và nhận thức thẩm mĩ:

 – Xác định được mục đích sáng tạo sản phẩm.

 – Nhận biết được giá trị thẩm mĩ của một số trường phái nghệ thuật.

 – Phân biệt được sự mô phỏng lại và lặp lại trên sản phẩm, tác phẩm.

 – Xây dựng được kế hoạch học tập sát với quá trình thực hành sáng tạo.

 Sáng tạo và ứng dụng thẩm mĩ:

 – Xác định, diễn tả được nguồn sáng và đối tượng được chiếu sáng.

 – Mô phỏng lại được “mẫu” (đối tượng nghệ thuật) đúng trình tự và phương pháp.

 – Vận dụng được nhịp điệu của đường nét, hoa văn, hoạ tiết,… vào sáng tạo sản phẩm.

 – Vận dụng được giá trị thẩm mĩ của nghệ thuật truyền thống vào thực hành, sáng tạo.

 Phân tích và đánh giá thẩm mĩ:

 – Lựa chọn được hình thức giới thiệu, không gian trưng bày sản phẩm.

 – Sử dụng được thuật ngữ chuyên môn để mô tả tác phẩm mĩ thuật.

 – Chỉ ra được vai trò của tác phẩm hội hoạ, đồ hoạ trong không gian nội thất.

 – Phân biệt được một số chất liệu trong hội hoạ và đồ hoạ.

Yếu tố và nguyên lí tạo hình

 Lựa chọn, kết hợp:

 Yếu tố tạo hình

 – Chấm, nét, hình, khối, màu sắc, đậm nhạt, chất cảm, không gian.

 Nguyên lí tạo hình

 – Cân bằng, tương phản, lặp lại, nhịp điệu, nhấn mạnh, chuyển động, tỉ lệ, hài hoà.

 Thể loại

 Lựa chọn, kết hợp:

 – Lí luận và lịch sử mĩ thuật

 – Hội hoạ

 – Đồ hoạ (tranh in)

 – Điêu khắc

 Hoạt động thực hành và thảo luận

 Thực hành

 – Thực hành sáng tạo sản phẩm mĩ thuật 2D.

 – Thực hành sáng tạo sản phẩm mĩ thuật 3D.

 Thảo luận

 – Tìm hiểu tác giả, tác phẩm, di sản văn hoá nghệ thuật.

 – Sản phẩm thực hành của học sinh.

 Định hướng chủ đề

 Lựa chọn, kết hợp:

 – Văn hoá, xã hội.

 – Nghệ thuật Trung đại Việt Nam và thế giới.

MĨ THUẬT ỨNG DỤNG
Quan sát và nhận thức thẩm mĩ:

 – Nêu được tính chất biểu tượng của logo thương hiệu.

 – Xác định được phong cách chủ đạo, ngôn ngữ thiết kế sử dụng trong sản phẩm, tác phẩm.

 – Biết được một số kĩ thuật cơ bản tạo nên sản phẩm.

 – Biết chọn lọc giá trị thẩm mĩ của nghệ thuật truyền thống cho ý tưởng thiết kế.

 Sáng tạo và ứng dụng thẩm mĩ:

 – Sao chép, mô phỏng và phát triển được sản phẩm dựa theo mẫu có sẵn.

 – Vận dụng được tính chất lặp lại của hình ảnh, chữ,… vào thiết kế sản phẩm.

 – Vận dụng được nhịp điệu của hoa văn, hoạ tiết vào thiết kế sản phẩm.

 – Cải tiến, tái chế được công cụ, phương tiện và vật liệu.

 Phân tích và đánh giá thẩm mĩ:

 – Hoàn thiện được sản phẩm sẵn sàng cho việc trưng bày hoặc triển lãm, bán hàng.

 – Phân tích được ý tưởng thẩm mĩ của sản phẩm, tác phẩm.

 – Hiểu được sự phù hợp của sản phẩm với những đối tượng sử dụng khác nhau.

 – Phân tích được vai trò của thị hiếu thẩm mĩ với nhu cầu sử dụng sản phẩm thiết kế.

Yếu tố và nguyên lí tạo hình

 Lựa chọn, kết hợp:

 Yếu tố tạo hình

 – Chấm, nét, hình, khối, màu sắc, đậm nhạt, chất cảm, không gian.

 Nguyên lí tạo hình

 – Cân bằng, tương phản, lặp lại, nhịp điệu, nhấn mạnh, chuyển động, tỉ lệ, hài hoà.

 Thể loại

 Lựa chọn, kết hợp:

 – Lí luận và lịch sử mĩ thuật

 – Thiết kế công nghiệp

 – Thiết kế đồ hoạ

 – Thiết kế thời trang

 Hoạt động thực hành và thảo luận

 Thực hành

 – Thực hành sáng tạo sản phẩm thiết kế 2D.

 – Thực hành sáng tạo sản phẩm thiết kế 3D.

 Thảo luận

 – Tìm hiểu tác giả, tác phẩm, sản phẩm, di sản văn hoá nghệ thuật.

 – Sản phẩm thực hành của học sinh.

 Định hướng chủ đề

 Lựa chọn, kết hợp:

 – Văn hoá, xã hội.

 – Nghệ thuật Trung đại Việt Nam và thế giới.

 LỚP 8

Yêu cầu cần đạt Nội dung
MĨ THUẬT TẠO HÌNH
Quan sát và nhận thức thẩm mĩ:

 – Thu thập được tư liệu, tài liệu,… cho việc thực hiện sản phẩm.

 – Phân biệt được tính tượng trưng, tính biểu tượng trong tác phẩm mĩ thuật.

 – Phân biệt được yếu tố chính, phụ, trung gian,… ở sản phẩm, tác phẩm.

 – Lựa chọn được công cụ, phương tiện và vật liệu để thực hành, sáng tạo.

 Sáng tạo và ứng dụng thẩm mĩ:

 – Vận dụng được phong cách, bút pháp của một số trường phái nghệ thuật vào thực hành sáng tạo.

 – Xác định và thể hiện được điểm nhấn trong thực hành, sáng tạo.

 – Thể hiện được phương hướng chuyển động của yếu tố tạo hình ở sản phẩm.

 – Vận dụng được yếu tố văn hoá nghệ thuật truyền thống của một số dân tộc ít người vào thực hành, sáng tạo.

 Phân tích và đánh giá thẩm mĩ:

 – Tóm tắt được vài nét về cuộc đời và sự nghiệp của một số nghệ sĩ nổi tiếng Việt Nam và thế giới.

 – Nhận định được tiến trình phát triển của một số phong cách, trào lưu, trường phái nghệ thuật (Ấn tượng, Lập thể, Biểu hiện,…).

 – Phân tích, so sánh được sự tương đồng và khác biệt giữa hai tác phẩm cùng phong cách, trường phái.

 – Trình bày được quan điểm cá nhân về sản phẩm, tác phẩm mĩ thuật.

Yếu tố và nguyên lí tạo hình

 Lựa chọn, kết hợp:

 Yếu tố tạo hình

 – Chấm, nét, hình, khối, màu sắc, đậm nhạt, chất cảm, không gian.

 Nguyên lí tạo hình

 – Cân bằng, tương phản, lặp lại, nhịp điệu, nhấn mạnh, chuyển động, tỉ lệ, hài hoà.

 Thể loại

 Lựa chọn, kết hợp:

 – Lí luận và lịch sử mĩ thuật

 – Hội hoạ

 – Đồ hoạ (tranh in)

 – Điêu khắc

 Hoạt động thực hành và thảo luận

 Thực hành

 – Thực hành sáng tạo sản phẩm mĩ thuật 2D.

 – Thực hành sáng tạo sản phẩm mĩ thuật 3D.

 Thảo luận

 – Tìm hiểu tác giả, tác phẩm, di sản văn hoá nghệ thuật.

 – Sản phẩm thực hành của học sinh.

 Định hướng chủ đề

 Lựa chọn, kết hợp:

 – Văn hoá, xã hội.

 – Nghệ thuật Hiện đại Việt Nam và thế giới.

MĨ THUẬT ỨNG DỤNG
Quan sát và nhận thức thẩm mĩ:

 – Xác định được ý tưởng sáng tạo phù hợp với mục đích sử dụng.

 – Nhận biết và hiểu được tính tượng trưng, tính biểu tượng của sản phẩm, tác phẩm thiết kế.

 – Nhận biết được tác động của khoa học kĩ thuật đối với ngành nghề thiết kế.

 – Nêu được ý tưởng cải tiến, thiết kế sản phẩm, tác phẩm.

 Sáng tạo và ứng dụng thẩm mĩ:

 – Vận dụng được chi tiết hình ảnh làm trọng tâm cho sản phẩm.

 – Thể hiện được phương hướng chuyển động của hoa văn, hoạ tiết ở sản phẩm.

 – Sử dụng được màu sắc tự thân của vật liệu để thiết kế, trang trí sản phẩm.

 – Biết vận dụng yếu tố văn hoá nghệ thuật truyền thống của một số dân tộc ít người vào thiết kế sản phẩm.

 Phân tích và đánh giá thẩm mĩ:

 – Giải thích được tính phổ biến của hình ảnh thương hiệu trong sự phát triển sản phẩm.

 – Phân tích, so sánh được sự tương đồng và khác biệt giữa hai sản phẩm, tác phẩm thiết kế cùng thể loại, mục đích.

 – Phân tích được giá trị thẩm mĩ, công năng, tiện ích của sản phẩm, tác phẩm thiết kế; biết rút kinh nghiệm cho thực hành, sáng tạo.

 – Nhận định được đời sống văn hoá xã hội thông qua hình ảnh trên di sản văn hoá nghệ thuật.

Yếu tố và nguyên lí tạo hình

 Lựa chọn, kết hợp:

 Yếu tố tạo hình

 – Chấm, nét, hình, khối, màu sắc, đậm nhạt, chất cảm, không gian.

 Nguyên lí tạo hình

 – Cân bằng, tương phản, lặp lại, nhịp điệu, nhấn mạnh, chuyển động, tỉ lệ, hài hoà.

 Thể loại

 Lựa chọn, kết hợp:

 – Lí luận và lịch sử mĩ thuật

 – Thiết kế công nghiệp

 – Thiết kế đồ hoạ

 – Thiết kế thời trang

 Hoạt động thực hành và thảo luận

 Thực hành

 – Thực hành sáng tạo sản phẩm thiết kế 2D.

 – Thực hành sáng tạo sản phẩm thiết kế 3D.

 Thảo luận

 – Tìm hiểu tác giả, sản phẩm, tác phẩm, di sản văn hoá nghệ thuật.

 – Sản phẩm thực hành của học sinh.

 Định hướng chủ đề

 Lựa chọn, kết hợp:

 – Văn hoá, xã hội.

 – Nghệ thuật thiết kế Hiện đại Việt Nam và thế giới.

CHỦ ĐỀ: HƯỚNG NGHIỆP
Quan sát và nhận thức thẩm mĩ:

 – Liệt kê được một số ngành nghề liên quan đến mĩ thuật tạo hình.

 – Nêu được yếu tố đặc trưng của một số ngành nghề liên quan đến mĩ thuật tạo hình.

 Sáng tạo và ứng dụng thẩm mĩ:

 – Viết được một bài luận hoặc làm một đoạn Video clip,… giới thiệu ngành nghề liên quan đến mĩ thuật tạo hình.

 – Thể hiện được kiến thức, kĩ năng liên môn thông qua sản phẩm cụ thể.

 Phân tích và đánh giá thẩm mĩ:

 – Hiểu được vai trò của mĩ thuật trong đời sống văn hoá xã hội.

 – Nhận định được lĩnh vực chuyên ngành phù hợp với sở thích cá nhân.

Hoạt động thực hành và thảo luận

 Thực hành

 Lựa chọn, kết hợp

 – Tìm hiểu ngành nghề liên quan đến mĩ thuật tạo hình.

 – Thực hành, sáng tạo sản phẩm mĩ thuật tạo hình.

 Thảo luận

 Lựa chọn, kết hợp

 – Một số ngành nghề liên quan đến mĩ thuật tạo hình.

 – Sản phẩm thực hành của học sinh.

 Định hướng chủ đề: Mĩ thuật tạo hình và ngành nghề.

 LỚP 9

Yêu cầu cần đạt Nội dung
MĨ THUẬT TẠO HÌNH
Quan sát và nhận thức thẩm mĩ:

 – Tiếp cận và cập nhật được một số trào lưu nghệ thuật đương đại.

 – Nhận biết được sự hài hoà về tỉ lệ của các yếu tố tạo hình.

 – Xác định được bố cục khuôn hình (cắt cảnh) trong thực hành sáng tạo.

 – Biết liên tưởng cảm hứng cá nhân với ý tưởng sáng tạo.

 Sáng tạo và ứng dụng thẩm mĩ:

 – Vận dụng được hình ảnh từ thực tiễn đời sống vào thực hành sáng tạo.

 – Mô phỏng được hình ảnh có tỉ lệ phù hợp với “nguyên mẫu”.

 – Thể hiện được ý tưởng bố cục sản phẩm.

 – Lập được danh mục tác phẩm, nhật kí sáng tạo, lưu trữ hình ảnh.

 Phân tích và đánh giá thẩm mĩ:

 – Hiểu được mỗi nghệ sĩ đều có phong cách riêng; phong cách thể hiện quan điểm, tư tưởng của nghệ sĩ đó.

 – Nhận thức được vai trò của nghệ sĩ (tác giả) trong sáng tạo nghệ thuật và vai trò của người xem (khán giả, công chúng) trong thưởng thức, đánh giá tác phẩm.

 – Nhận định được giá trị thẩm mĩ của nghệ thuật đương đại.

 – Hiểu được sự tác động của đời sống văn hoá, xã hội đến mĩ thuật.

Yếu tố và nguyên lí tạo hình

 Lựa chọn, kết hợp:

 Yếu tố tạo hình

 – Chấm, nét, hình, khối, màu sắc, đậm nhạt, chất cảm, không gian.

 Nguyên lí tạo hình

 – Cân bằng, tương phản, lặp lại, nhịp điệu, nhấn mạnh, chuyển động, tỉ lệ, hài hoà.

 Thể loại

 Lựa chọn, kết hợp:

 – Lí luận và lịch sử mĩ thuật

 – Hội hoạ

 – Đồ hoạ (tranh in)

 – Điêu khắc

 Hoạt động thực hành và thảo luận

 Thực hành

 – Thực hành sáng tạo sản phẩm mĩ thuật 2D.

 – Thực hành sáng tạo sản phẩm mĩ thuật 3D.

 Thảo luận

 – Tìm hiểu tác giả, tác phẩm, di sản văn hoá nghệ thuật.

 – Sản phẩm thực hành của học sinh.

 Định hướng chủ đề

 Lựa chọn, kết hợp:

 – Văn hoá, xã hội.

 – Nghệ thuật Đương đại Việt Nam và thế giới.

MĨ THUẬT ỨNG DỤNG
Quan sát và nhận thức thẩm mĩ:

 – Hiểu được vai trò của “nhận diện hình ảnh thương hiệu” trong sản phẩm, tác phẩm thiết kế.

 – Cập nhật được xu hướng thẩm mĩ của thời đại và hình thành ý tưởng thiết kế.

 – Nhận định được sự tác động của internet đối với thị hiếu tiêu dùng.

 – Nêu được giải pháp, phác thảo phương án cho thiết kế sản phẩm.

 Sáng tạo và ứng dụng thẩm mĩ:

 – Lựa chọn được chi tiết có tỉ lệ phù hợp với kích thước sản phẩm.

 – Tạo được sự hài hoà giữa hình và nền trên sản phẩm thiết kế.

 – Vận dụng được nguyên lí của sự sắp xếp (hay còn gọi là bố cục) trong thiết kế.

 – Biết ứng dụng khoa học công nghệ vào thiết kế sản phẩm.

 Phân tích và đánh giá thẩm mĩ:

 – Xác định, giải thích được địa điểm, không gian có thể phù hợp cho việc trưng bày sản phẩm, tác phẩm.

 – Phân loại được sản phẩm thiết kế đồ hoạ, thiết kế thời trang, thiết kế công nghiệp.

 – Sử dụng được thông điệp hình ảnh để giới thiệu, truyền thông sản phẩm, tác phẩm.

 – Nhận định, phân tích được sự hài hoà giữa sản phẩm, tác phẩm và môi trường xung quanh.

Yếu tố và nguyên lí tạo hình

 Lựa chọn, kết hợp:

 Yếu tố tạo hình

 – Chấm, nét, hình, khối, màu sắc, đậm nhạt, chất cảm, không gian.

 Nguyên lí tạo hình

 – Cân bằng, tương phản, lặp lại, nhịp điệu, nhấn mạnh, chuyển động, tỉ lệ, hài hoà.

 Thể loại

 Lựa chọn, kết hợp:

 – Lí luận và lịch sử mĩ thuật

 – Thiết kế công nghiệp

 – Thiết kế đồ hoạ

 – Thiết kế thời trang

 Hoạt động thực hành và thảo luận

 Thực hành

 – Thực hành sáng tạo sản phẩm thiết kế 2D.

 – Thực hành sáng tạo sản phẩm thiết kế 3D.

 Thảo luận

 – Tìm hiểu tác giả, tác phẩm, sản phẩm, di sản văn hoá nghệ thuật.

 – Sản phẩm thực hành của học sinh.

 Định hướng chủ đề

 Lựa chọn, kết hợp:

 – Văn hoá, xã hội.

 – Nghệ thuật thiết kế Đương đại Việt Nam và thế giới.

CHỦ ĐỀ: HƯỚNG NGHIỆP
Quan sát và nhận thức thẩm mĩ:

 – Liệt kê được một số ngành nghề liên quan đến mĩ thuật ứng dụng.

 – Nêu được yếu tố đặc trưng của một số ngành nghề liên quan đến nghệ thuật thiết kế.

 Sáng tạo và ứng dụng thẩm mĩ:

 – Thể hiện được đặc trưng của lĩnh vực ngành nghề thông qua sản phẩm cụ thể.

 – Viết được một bài luận hoặc thực hiện một đoạn Video clip,… giới thiệu ngành nghề liên quan đến mĩ thuật ứng dụng.

 Phân tích và đánh giá thẩm mĩ:

 – Phân tích được nhu cầu xã hội đối với các ngành nghề mĩ thuật ứng dụng.

 – Định hướng được nghề nghiệp trong tương lai.

Hoạt động thực hành và thảo luận

 Thực hành

 Lựa chọn, kết hợp

 – Tìm hiểu ngành nghề liên quan đến mĩ thuật ứng dụng.

 – Thực hành sáng tạo sản phẩm mĩ thuật ứng dụng.

 Thảo luận

 Lựa chọn, kết hợp

 – Một số ngành nghề liên quan đến mĩ thuật ứng dụng.

 – Sản phẩm thực hành của học sinh.

 Định hướng chủ đề: Mĩ thuật ứng dụng và ngành nghề.

 LỚP 10

Yêu cầu cần đạt Nội dung
LÍ LUẬN VÀ LỊCH SỬ MĨ THUẬT
Quan sát và nhận thức thẩm mĩ:

 – Biết được một số nét tiêu biểu về lịch sử mĩ thuật Việt Nam và thế giới.

 Sáng tạo và ứng dụng thẩm mĩ:

 – Lập được danh mục tư liệu liên quan đến lịch sử mĩ thuật Việt Nam và thế giới.

 – Tóm tắt được đặc điểm một số nền mĩ thuật của Việt Nam và thế giới.

 Phân tích và đánh giá thẩm mĩ:

 – Trao đổi được thông tin, tư liệu, kiến thức đã thu thập.

 – Biết được mối quan hệ liên ngành giữa Lịch sử mĩ thuật và Khảo cổ học.

Thể loại

 – Lịch sử mĩ thuật.

 Hoạt động thực hành và thảo luận

 Thực hành

 – Tìm hiểu, khai thác tư liệu mĩ thuật.

 Thảo luận

 – Trao đổi, bàn luận về lịch sử mĩ thuật.

 – Sản phẩm thực hành của học sinh.

 Định hướng chủ đề

 – Lịch sử mĩ thuật Việt Nam.

 – Lịch sử mĩ thuật thế giới.

HỘI HOẠ
Quan sát và nhận thức thẩm mĩ:

 – Biết được vài nét về nghệ thuật Hội họa và đặc điểm tranh chất liệu chì hoặc than

 – Lựa chọn được thể loại tranh để thực hành, sáng tạo.

 Sáng tạo và ứng dụng thẩm mĩ:

 – Thực hiện được phác thảo và hoàn thiện tranh bằng chất liệu chì hoặc than.

 – Bước đầu biểu đạt được cảm xúc thông qua cách vẽ.

 – Vận dụng được một số yếu tố và nguyên lí tạo hình trong thực hành, sáng

 tạo.

 Phân tích và đánh giá thẩm mĩ:

 – Phân tích, trao đổi, thảo luận trong quá trình trưng bày, đánh giá sản phẩm.

 – Giới thiệu được tác giả và vẻ đẹp của tác phẩm hội họa chất liệu chì hoặc than.

Thể loại

 Lựa chọn:

 – Tranh phong cảnh

 – Tranh tĩnh vật

 – Tranh chân dung

 – Tranh sinh hoạt

 Hoạt động thực hành và thảo luận

 Thực hành

 – Chất liệu chì hoặc than

 Thảo luận

 – Đặc điểm tranh vẽ bằng chất liệu chì hoặc than.

 – Sản phẩm thực hành của học sinh.

 Định hướng chủ đề: Tự chọn.

ĐỒ HOẠ (TRANH IN)
Quan sát và nhận thức thẩm mĩ:

 – Biết được vài nét về nghệ thuật Đồ họa (tranh in) và đặc điểm của tranh in bản dập.

 – Lựa chọn thể loại tranh để thực hành, sáng tạo.

 Sáng tạo và ứng dụng thẩm mĩ:

 – Thực hiện được phác thảo và hoàn thiện tranh in bản dập.

 – Bước đầu biểu đạt được cảm xúc thông qua kĩ thuật in bản dập.

 – Vận dụng được một số yếu tố và nguyên lí tạo hình trong thực hành, sáng tạo.

 Phân tích và đánh giá thẩm mĩ:

 – Phân tích, trao đổi, thảo luận trong quá trình trưng bày, đánh giá tranh in bản dập.

 – Giới thiệu được tác giả và vẻ đẹp của tác phẩm tranh in bản dập.

Thể loại

 Lựa chọn:

 – Tranh phong cảnh

 – Tranh tĩnh vật

 – Tranh chân dung

 – Tranh sinh hoạt

 Hoạt động thực hành và thảo luận

 Thực hành

 – Tranh in bản dập.

 Thảo luận

 – Đặc điểm tranh in bản dập.

 – Sản phẩm thực hành của học sinh.

 Định hướng chủ đề: Tự chọn.

ĐIÊU KHẮC
Quan sát và nhận thức thẩm mĩ:

 – Biết được vài nét về nghệ thuật Điêu khắc và đặc điểm thể loại phù điêu.

 – Lựa chọn được đối tượng để thực hành, sáng tạo.

 Sáng tạo và ứng dụng thẩm mĩ:

 – Thực hiện được phác thảo và hoàn thiện phù điêu.

 – Bước đầu biểu đạt được cảm xúc thông qua kĩ thuật thể hiện phù điêu.

 – Vận dụng được một số yếu tố và nguyên lí tạo hình trong thực hành, sáng tạo.

 Phân tích và đánh giá thẩm mĩ:

 – Phân tích, trao đổi, thảo luận trong quá trình trưng bày, đánh giá phù điêu.

 – Giới thiệu được đặc điểm của thể loại phù điêu thông qua sản phẩm thực hành và tác phẩm liên quan đến chủ đề.

Thể loại: Phù điêu

 Hoạt động thực hành và thảo luận

 Thực hành

 – Làm phù điêu.

 Thảo luận

 – Đặc điểm của phù điêu.

 – Sản phẩm thực hành của học sinh.

 Định hướng chủ đề: Tự chọn.

THIẾT KẾ CÔNG NGHIỆP
Quan sát và nhận thức thẩm mĩ:

 – Hiểu được khái niệm thiết kế công nghiệp và mối quan hệ của thiết kế công nghiệp với đời sống.

 – Nhận biết được tính chất và đặc điểm chất liệu của một số thể loại đồ chơi.

 Sáng tạo và ứng dụng thẩm mĩ:

 – Thực hiện được phác thảo và hoàn thiện thiết kế đồ chơi.

 – Vận dụng được một số yếu tố và nguyên lí tạo hình trong thực hành, sáng tạo.

 – Thể hiện được sự kết hợp giữa thẩm mĩ và ứng dụng thông qua sản phẩm.

 Phân tích và đánh giá thẩm mĩ:

 – Phân tích được mối quan hệ giữa tính thẩm mĩ và tính ứng dụng của các sản phẩm đồ chơi.

 – Đánh giá được vai trò của nghệ thuật thiết kế đồ chơi trong đời sống xã hội.

Thể loại

 – Thiết kế đồ chơi.

 Hoạt động thực hành và thảo luận

 Thực hành

 – Thiết kế đồ chơi cho trẻ em bằng vật liệu sẵn có.

 Thảo luận

 – Đặc điểm nghệ thuật thiết kế đồ chơi cho trẻ em.

 – Sản phẩm thực hành của học sinh.

 Định hướng chủ đề: Tự chọn.

THIẾT KẾ ĐỒ HOẠ
Quan sát và nhận thức thẩm mĩ:

 – Biết được vài nét về thiết kế đồ họa và đặc điểm thiết kế logo.

 – Biết lựa chọn chữ và hình để thực hành, sáng tạo.

 Sáng tạo và ứng dụng thẩm mĩ:

 – Thực hiện được phác thảo và hoàn thiện thiết kế logo đơn giản.

 – Bước đầu biểu đạt được ý tưởng nội dung ở logo.

 – Vận dụng được một số yếu tố và nguyên lí tạo hình trong thực hành, sáng tạo.

 Phân tích và đánh giá thẩm mĩ:

 – Phân tích, trao đổi, thảo luận trong quá trình trưng bày, đánh giá sản phẩm.

 – Giới thiệu được ý tưởng thẩm mĩ ở sản phẩm, tác phẩm thiết kế logo.

Thể loại

 – Nghệ thuật chữ và hình.

 Hoạt động thực hành và thảo luận

 Thực hành

 – Thiết kế logo đơn giản.

 Thảo luận

 – Đặc điểm của logo.

 – Sản phẩm thực hành của học sinh.

 Định hướng chủ đề: Tự chọn

THIẾT KẾ THỜI TRANG
Quan sát và nhận thức thẩm mĩ:

 – Lựa chọn được loại trang phục để thực hành, sáng tạo.

 – Nhận biết được đặc điểm vẽ mẫu thời trang và loại trang phục đã lựa chọn.

 Sáng tạo và ứng dụng thẩm mĩ:

 – Thực hiện được phác thảo và hoàn thiện thiết kế mẫu trang phục đơn giản.

 – Bước đầu kết hợp được sáng tạo và ứng dụng ở sản phẩm.

 – Vận dụng được một số yếu tố và nguyên lí tạo hình trong thực hành, sáng tạo.

 Phân tích và đánh giá thẩm mĩ:

 – Phân tích, trao đổi, thảo luận trong quá trình trưng bày, đánh giá sản phẩm.

 – Giới thiệu được ý tưởng thẩm mĩ ở sản phẩm, tác phẩm mẫu trang phục trong giới hạn chủ đề.

Thể loại

 – Vẽ mẫu thời trang.

 Hoạt động thực hành và thảo luận

 Thực hành

 – Tập phác thảo mẫu trang phục đơn giản.

 Thảo luận

 – Đặc điểm vẽ mẫu thời trang.

 – Sản phẩm thực hành của học sinh.

 Định hướng chủ đề: Tự chọn.

THIẾT KẾ MĨ THUẬT SÂN KHẤU, ĐIỆN ẢNH
Quan sát và nhận thức thẩm mĩ:

 – Nhận biết được đặc điểm của thiết kế mĩ thuật sân khấu.

 – Hiểu được mục đích thẩm mĩ và công năng của thiết kế mĩ thuật sân khấu.

 Sáng tạo và ứng dụng thẩm mĩ:

 – Lựa chọn được loại hình sân khấu để thực hành, sáng tạo.

 – Thực hiện được phác thảo, hoàn thiện mô hình hoặc bản vẽ đơn giản về sân khấu theo chủ đề lựa chọn.

 – Vận dụng được một số yếu tố và nguyên lí tạo hình trong thực hành, sáng

 tạo.

 – Thể hiện được mục đích và ý tưởng thiết kế trong thực hành, sáng tạo.

 Phân tích và đánh giá thẩm mĩ:

 – Phân tích, trao đổi, thảo luận trong quá trình trưng bày, đánh giá sản phẩm.

Thể loại

 – Thiết kế mĩ thuật sân khấu.

 Hoạt động thực hành và thảo luận

 Thực hành

 – Tập làm thiết kế mĩ thuật sân khấu (mô hình hoặc bản vẽ đơn giản).

 Thảo luận

 – Đặc điểm thiết kế mĩ thuật sân khấu.

 – Sản phẩm thực hành của học sinh.

 Định hướng chủ đề: Tự chọn.

THIẾT KẾ MĨ THUẬT ĐA PHƯƠNG TIỆN
Quan sát và nhận thức thẩm mĩ:

 – Nhận biết được đặc điểm của thể loại nhiếp ảnh.

 – Biết sử dụng phương tiện sẵn có để thực hành, sáng tạo.

 Sáng tạo và ứng dụng thẩm mĩ:

 – Thực hiện được thao tác với phương tiện sẵn có để chụp và xử lí ảnh.

 – Xác định được đối tượng, khuôn hình và nguồn sáng.

 – Thể hiện được ý tưởng nội dung chủ đề.

 Phân tích và đánh giá thẩm mĩ:

 – Phân tích, trao đổi, thảo luận trong quá trình trưng bày, đánh giá sản phẩm nhiếp ảnh.

 – Nhận định được vai trò của nhiếp ảnh trong đời sống thực tiễn.

Thể loại

 – Nhiếp ảnh.

 Hoạt động thực hành và thảo luận

 Thực hành

 – Chụp và xử lí ảnh bằng thiết bị sẵn có.

 Thảo luận

 – Đặc điểm nhiếp ảnh.

 – Sản phẩm thực hành của học sinh.

 Định hướng chủ đề: Tự chọn.

KIẾN TRÚC
Quan sát và nhận thức thẩm mĩ:

 – Nhận biết được đặc điểm của thể loại kiến trúc.

 – Xác định được mục đích thẩm mĩ và công năng của công trình kiến trúc.

 Sáng tạo và ứng dụng thẩm mĩ:

 – Sử dụng được một số kĩ năng tạo hình cơ bản để mô phỏng công trình kiến trúc (bản vẽ hoặc mô hình).

 – Sử dụng được các vật liệu sẵn có (bìa, giấy hoặc nan tre,…) để thực hành, sáng tạo.

 – Vận dụng được một số yếu tố và nguyên lí tạo hình trong thực hành, sáng tạo.

 Phân tích và đánh giá thẩm mĩ:

 – Phân tích, đánh giá được vai trò của yếu tố và nguyên lí tạo hình trong thẩm mĩ kiến trúc.

 – Chỉ ra được mối quan hệ tương tác giữa mĩ thuật và kiến trúc.

Thể loại

 – Kiến trúc.

 Hoạt động thực hành và thảo luận

 Thực hành

 – Mô phỏng công trình kiến trúc (bản vẽ hoặc mô hình).

 Thảo luận

 – Đặc điểm nghệ thuật kiến trúc.

 – Sản phẩm thực hành của học sinh.

 Định hướng chủ đề: Tự chọn.

 CHUYÊN ĐỀ HỌC TẬP

Yêu cầu cần đạt Nội dung
Chuyên đề 10.1: THỰC HÀNH VẼ HÌNH HOẠ 1
Quan sát và nhận thức thẩm mĩ:

 – Phân loại được một số khối cơ bản trong mẫu vẽ.

 – Phân biệt được đặc điểm và tính chất của khối cơ bản trong không gian.

 Sáng tạo và ứng dụng thẩm mĩ:

 – Sắp xếp được bố cục trên khổ giấy.

 – Thực hiện được các bước vẽ khối cơ bản trong thực hành.

 – Thể hiện được cấu trúc, diễn tả khối trong không gian bằng chất liệu chì.

 Phân tích và đánh giá thẩm mĩ:

 – Phân tích được mối quan hệ giữa ánh sáng và khối trong không gian.

 – Đánh giá được bố cục, hình, khối, không gian.

Yếu tố và nguyên lí tạo hình

 Lựa chọn, kết hợp:

 Yếu tố tạo hình

 – Chấm, nét, hình, khối, màu sắc, đậm nhạt, chất cảm, không gian.

 Nguyên lí tạo hình

 – Cân bằng, tương phản, lặp lại, nhịp điệu, nhấn mạnh, chuyển động, tỉ lệ, hài hoà.

 Hoạt động thực hành và thảo luận

 Thực hành

 – Vẽ nghiên cứu khối cơ bản bằng chất liệu chì.

 Thảo luận

 – Trao đổi về hình hoạ: Khối cơ bản.

Chuyên đề 10.2: THỰC HÀNH VẼ TRANG TRÍ 1
Quan sát và nhận thức thẩm mĩ:

 – Nhận biết được đặc điểm của trang trí hình vuông.

 – Lựa chọn được hoạ tiết, chất liệu để thực hành.

 Sáng tạo và ứng dụng thẩm mĩ:

 – Sử dụng được chất liệu màu bột hoặc màu nước, chất liệu tương đương để thực hành, sáng tạo.

 – Sắp xếp được hoạ tiết trong trang trí hình vuông dựa trên các yếu tố và nguyên lí tạo hình.

 – Tạo được hoà sắc trong trang trí hình vuông.

 Phân tích và đánh giá thẩm mĩ:

 – Trao đổi, phân tích về trang trí hình vuông.

 – Liên hệ được tính ứng dụng của trang trí hình vuông trong đời sống.

Yếu tố và nguyên lí tạo hình

 Lựa chọn, kết hợp:

 Yếu tố tạo hình

 – Chấm, nét, hình, khối, màu sắc, đậm nhạt, chất cảm, không gian.

 Nguyên lí tạo hình

 – Cân bằng, tương phản, lặp lại, nhịp điệu, nhấn mạnh, chuyển động, tỉ lệ, hài hoà.

 Hoạt động thực hành và thảo luận

 Thực hành

 – Trang trí hình vuông.

 Thảo luận

 – Trao đổi về trang trí hình vuông

 – Sản phẩm thực hành của học sinh.

Chuyên đề 10.3: THỰC HÀNH VẼ TRANH BỐ CỤC 1
Quan sát và nhận thức thẩm mĩ:

 – Nhận biết được đặc điểm tranh bố cục phong cảnh.

 – Lựa chọn được phong cảnh, chất liệu để thực hành.

 Sáng tạo và ứng dụng thẩm mĩ:

 – Sử dụng được chất liệu màu bột, màu nước hoặc chất liệu tương đương để thực hành, sáng tạo.

 – Có khả năng xây dựng được bố cục hợp lí và sinh động.

 – Ứng dụng được cách phối màu, hoà sắc trong bố cục tranh.

 Phân tích và đánh giá thẩm mĩ:

 – Trao đổi, phân tích về tranh bố cục phong cảnh.

 – Có khả năng phát triển được sản phẩm cá nhân trong trưng bày, đánh giá và tìm hiểu tác giả, tác phẩm tranh bố cục phong cảnh.

Yếu tố và nguyên lí tạo hình

 Lựa chọn, kết hợp:

 Yếu tố tạo hình

 – Chấm, nét, hình, khối, màu sắc, đậm nhạt, chất cảm, không gian.

 Nguyên lí tạo hình

 – Cân bằng, tương phản, lặp lại, nhịp điệu, nhấn mạnh, chuyển động, tỉ lệ, hài hoà.

 Hoạt động thực hành và thảo luận

 Thực hành

 – Vẽ tranh bố cục phong cảnh (có thể có người) bằng chất liệu màu bột, màu nước hoặc chất liệu tương đương.

 Thảo luận

 – Tranh bố cục phong cảnh.

 – Sản phẩm thực hành của học sinh.

 Định hướng chủ đề: Tự chọn.

 LỚP 11

Yêu cầu cần đạt Nội dung
LÍ LUẬN VÀ LỊCH SỬ MĨ THUẬT
Quan sát và nhận thức thẩm mĩ:

 – Biết được một số đặc điểm về lí luận mĩ thuật.

 – Chọn lọc được một số tác giả, tác phẩm tiêu biểu để phân tích.

 Sáng tạo và ứng dụng thẩm mĩ:

 – Lập được dàn ý bài viết về tác giả, tác phẩm.

 – Viết được một bài luận ngắn về tác giả, tác phẩm.

 – Thể hiện được khả năng vận dụng phương tiện công nghệ trong nội dung bài luận.

 Phân tích và đánh giá thẩm mĩ:

 – Nhận xét, trao đổi và đánh giá được bài luận.

 – Phân tích được mối liên hệ giữa tác giả, tác phẩm và đời sống xã hội.

Thể loại

 – Lí luận mĩ thuật.

 Hoạt động thực hành và thảo luận

 Thực hành

 – Tìm hiểu tác giả, phân tích tác phẩm.

 Thảo luận

 – Bài viết về tác giả, tác phẩm.

 – Sản phẩm thực hành của học sinh.

 Định hướng chủ đề

 – Tác giả, tác phẩm tiêu biểu của mĩ thuật Việt Nam, thế giới.

HỘI HOẠ
Quan sát và nhận thức thẩm mĩ:

 – Nhận biết được đặc điểm tranh chất liệu màu nước.

 – Lựa chọn được thể loại tranh để thực hành, sáng tạo.

 Sáng tạo và ứng dụng thẩm mĩ:

 – Thực hiện được phác thảo và hoàn thiện tranh bằng chất liệu màu nước.

 – Biểu đạt được cảm xúc thông qua cách vẽ.

 – Vận dụng được một số yếu tố và nguyên lí tạo hình trong thực hành, sáng tạo.

 Phân tích và đánh giá thẩm mĩ:

 – Phân tích, trao đổi, thảo luận trong quá trình trưng bày, đánh giá sản phẩm thực hành tranh chất liệu màu nước.

 – Thể hiện quan điểm cá nhân trong cảm thụ và đánh giá sản phẩm, tác phẩm hội họa chất liệu màu nước.

Thể loại

 Lựa chọn:

 – Tranh phong cảnh

 – Tranh tĩnh vật

 – Tranh chân dung

 – Tranh sinh hoạt

 Hoạt động thực hành và thảo luận

 Thực hành

 – Chất liệu màu nước

 Thảo luận

 – Đặc điểm tranh chất liệu màu nước.

 – Sản phẩm thực hành của học sinh.

 Định hướng chủ đề: Tự chọn.

ĐỒ HOẠ (TRANH IN)
Quan sát và nhận thức thẩm mĩ:

 – Nhận biết được đặc điểm tranh in nổi.

 – Lựa chọn chất liệu, thể loại tranh in để thực hành, sáng tạo.

 Sáng tạo và ứng dụng thẩm mĩ:

 – Thực hiện được phác thảo, khắc ván in và in tranh.

 – Bước đầu biểu đạt được cảm xúc thông qua kĩ thuật khắc, in tranh.

 – Vận dụng được một số yếu tố và nguyên lí tạo hình trong thực hành, sáng tạo.

 Phân tích và đánh giá thẩm mĩ:

 – Phân tích, trao đổi, thảo luận trong quá trình trưng bày, đánh giá tranh in nổi.

 – Đánh giá được quá trình thực hành, sáng tạo tranh in nổi.

Thể loại

 Lựa chọn:

 – Tranh phong cảnh

 – Tranh tĩnh vật

 – Tranh chân dung

 – Tranh sinh hoạt

 Hoạt động thực hành và thảo luận

 Thực hành

 – Khắc ván in và in tranh in nổi (lựa chọn vật liệu mềm như: bìa, thạch cao,…).

 Thảo luận

 – Đặc điểm tranh in nổi.

 – Sản phẩm thực hành của học sinh.

 Định hướng chủ đề: Tự chọn.

ĐIÊU KHẮC
Quan sát và nhận thức thẩm mĩ:

 – Nhận biết được đặc điểm thể loại tượng tròn, liên hệ ý tưởng thể hiện.

 – Biết lựa chọn chất liệu, đối tượng để thực hành, sáng tạo.

 Sáng tạo và ứng dụng thẩm mĩ:

 – Thực hiện được phác thảo và hoàn thiện tượng chân dung.

 – Bước đầu biểu đạt được cảm xúc thông qua kĩ thuật thể hiện.

 – Vận dụng được một số yếu tố và nguyên lí tạo hình trong thực hành, sáng tạo.

 Phân tích và đánh giá thẩm mĩ:

 – Phân tích, trao đổi, thảo luận về giá trị thẩm mĩ ở sản phẩm, tác phẩm điêu khắc tượng tròn.

 – Biết tự đánh giá được quá trình thực hành, sáng tạo.

Thể loại

 – Tượng tròn.

 Hoạt động thực hành và thảo luận

 Thực hành

 – Làm tượng chân dung (nam hoặc nữ) bằng chất liệu đất (đất sét hoặc đất nặn).

 Thảo luận

 – Đặc điểm của tượng tròn.

 – Sản phẩm thực hành của học sinh.

 Định hướng chủ đề: Tự chọn.

THIẾT KẾ CÔNG NGHIỆP
Quan sát và nhận thức thẩm mĩ:

 – Nhận biết được đặc điểm thiết kế đồ trang sức.

 – Biết được mối quan hệ của thiết kế đồ trang sức với đời sống, liên hệ ý tưởng thể hiện.

 Sáng tạo và ứng dụng thẩm mĩ:

 – Thực hiện được phác thảo và hoàn thiện thiết kế đồ trang sức.

 – Vận dụng được một số yếu tố và nguyên lí tạo hình trong thực hành, sáng tạo.

 – Bước đầu thể hiện được tính thẩm mĩ và tính ứng dụng ở sản phẩm.

 Phân tích và đánh giá thẩm mĩ:

 – Phân tích, trao đổi, thảo luận trong trưng bày và đánh giá sản phẩm.

 – Nhận định được mối quan hệ giữa tính thẩm mĩ và tính ứng dụng của sản phẩm đồ trang sức.

Thể loại

 – Thiết kế đồ trang sức.

 Hoạt động thực hành và thảo luận

 Thực hành

 – Thiết kế đồ trang sức bằng vật liệu sẵn có.

 Thảo luận

 – Đặc điểm nghệ thuật thiết kế đồ trang sức.

 – Sản phẩm thực hành của học sinh.

 Định hướng chủ đề: Tự chọn.

THIẾT KẾ ĐỒ HOẠ
Quan sát và nhận thức thẩm mĩ:

 – Nhận biết được đặc điểm thiết kế xuất bản phẩm.

 – Lựa chọn được nội dung chủ đề thể hiện.

 Sáng tạo và ứng dụng thẩm mĩ:

 – Thực hiện được phác thảo và hoàn thiện thiết kế bìa sách.

 – Bước đầu biểu đạt được ý tưởng nội dung ở bìa sách.

 – Vận dụng được một số yếu tố và nguyên lí tạo hình trong thực hành, sáng tạo.

 Phân tích và đánh giá thẩm mĩ:

 – Phân tích, trao đổi, thảo luận trong quá trình trưng bày, đánh giá sản phẩm thiết kế xuất bản phẩm.

 – Phân biệt được đặc điểm thiết kế bìa sách và thiết kế logo.

Thể loại

 – Thiết kế xuất bản phẩm.

 Hoạt động thực hành và thảo luận

 Thực hành

 – Thiết kế bìa sách.

 Thảo luận

 – Đặc điểm thiết kế bìa sách.

 – Sản phẩm thực hành của học sinh.

 Định hướng chủ đề: Tự chọn.

THIẾT KẾ THỜI TRANG
Quan sát và nhận thức thẩm mĩ:

 – Lựa chọn được loại phụ kiện thời trang để thực hành, sáng tạo.

 – Nhận biết được đặc điểm thiết kế phụ kiện thời trang và loại phụ kiện thời trang đã lựa chọn.

 Sáng tạo và ứng dụng thẩm mĩ:

 – Thực hiện được phác thảo và hoàn thiện thiết kế phụ kiện thời trang.

 – Bước đầu thể hiện được sự kết hợp giữa ý tưởng sáng tạo và ứng dụng ở sản phẩm.

 – Vận dụng được một số yếu tố và nguyên lí tạo hình trong thực hành, sáng tạo.

 – Vận dụng và phối hợp được các chất liệu trong thiết kế phụ kiện thời trang.

 Phân tích và đánh giá thẩm mĩ:

 – Phân tích, trao đổi, thảo luận trong quá trình trưng bày, đánh giá phụ kiện thời trang.

Thể loại

 – Thiết kế phụ kiện thời trang.

 Hoạt động thực hành và thảo luận

 Thực hành

 – Tập làm phụ kiện thời trang đơn giản (túi, khăn, thắt lưng, ví, cặp,…).

 Thảo luận

 – Đặc điểm thiết kế phụ kiện thời trang.

 – Sản phẩm thực hành của học sinh.

 Định hướng chủ đề: Tự chọn.

THIẾT KẾ MĨ THUẬT SÂN KHẤU, ĐIỆN ẢNH
Quan sát và nhận thức thẩm mĩ:

 – Nhận biết được đặc điểm của thiết kế mĩ thuật điện ảnh.

 – Lựa chọn được nội dung chủ đề để thực hành, sáng tạo.

 Sáng tạo và ứng dụng thẩm mĩ:

 – Thực hiện được phác thảo, hoàn thiện mô hình hoặc bản vẽ đơn giản về bối cảnh phim theo chủ đề lựa chọn.

 – Vận dụng được một số yếu tố và nguyên lí tạo hình trong thực hành, sáng tạo.

 – Thể hiện được mục đích và yêu cầu của thiết kế mĩ thuật bối cảnh phim hoạt hình.

 Phân tích và đánh giá thẩm mĩ:

 – Trình bày được ý tưởng thiết kế mĩ thuật bối cảnh phim hoạt hình ở sản phẩm.

 – Phân tích, trao đổi, thảo luận trong quá trình trưng bày, đánh giá sản phẩm thiết kế mĩ thuật bối cảnh phim hoạt hình.

Thể loại

 – Thiết kế mĩ thuật điện ảnh.

 Hoạt động thực hành và thảo luận

 Thực hành

 – Tập làm thiết kế mĩ thuật bối cảnh phim hoạt hình

 (mô hình hoặc bản vẽ đơn giản).

 Thảo luận

 – Đặc điểm thiết kế mĩ thuật bối cảnh phim hoạt hình.

 – Sản phẩm thực hành của học sinh.

 Định hướng chủ đề: Tự chọn.

THIẾT KẾ MĨ THUẬT ĐA PHƯƠNG TIỆN
Quan sát và nhận thức thẩm mĩ:

 – Nhận biết được đặc điểm, vai trò của video clip.

 – Biết lựa chọn chủ đề, phương tiện sẵn có để thực hành, sáng tạo.

 Sáng tạo và ứng dụng thẩm mĩ:

 – Phác thảo được các phân cảnh cho một video clip trên giấy.

 – Thực hiện được thao tác với phương tiện sẵn có để làm video clip.

 – Thực hiện được các công đoạn tạo một video clip theo chủ đề.

 – Thể hiện được ý tưởng chủ đề thông qua sản phẩm.

 Phân tích và đánh giá thẩm mĩ:

 – Phân tích, trao đổi, thảo luận trong quá trình thực hiện và đánh giá sản phẩm video clip.

Thể loại

 – Video clip.

 Hoạt động thực hành và thảo luận

 Thực hành

 – Thực hiện một video clip mức độ cơ bản.

 Thảo luận

 – Đặc điểm video clip.

 – Sản phẩm thực hành của học sinh.

 Định hướng chủ đề: Tự chọn.

KIẾN TRÚC
Quan sát và nhận thức thẩm mĩ:

 – Nhận biết được đặc điểm của thiết kế nội thất.

 – Xác định được mục đích thẩm mĩ và công năng của thiết kế nội thất.

 Sáng tạo và ứng dụng thẩm mĩ:

 – Sử dụng được một số kĩ năng tạo hình cơ bản để mô phỏng thiết kế nội thất (bản vẽ hoặc mô hình).

 – Sử dụng hoặc phối hợp được các vật liệu sẵn có (bìa, giấy, nan tre, gỗ, xốp,…) để thực hành, sáng tạo.

 – Bước đầu thể hiện được mối liên hệ giữa không gian kiến trúc với thiết kế nội thất.

 Phân tích và đánh giá thẩm mĩ:

 – Phân tích, đánh giá được vai trò của yếu tố và nguyên lí tạo hình trong thiết kế nội thất.

 – Chỉ ra được mối quan hệ giữa mĩ thuật và thiết kế nội thất.

Thể loại

 – Thiết kế nội thất.

 Thực hành

 – Mô phỏng không gian nội thất đơn giản (bản vẽ hoặc mô hình).

 Thảo luận

 – Đặc điểm thiết kế nội thất.

 – Sản phẩm thực hành của học sinh.

 Định hướng chủ đề: Tự chọn.

 CHUYÊN ĐỀ HỌC TẬP

Yêu cầu cần đạt Nội dung
Chuyên đề 11.1: THỰC HÀNH VẼ HÌNH HOẠ 2
Quan sát và nhận thức thẩm mĩ:

 – Nhận biết được đặc điểm cấu trúc hình khối của tượng phạt mảng.

 – Nêu được các bước tiến hành thực hiện bài vẽ tượng phạt mảng.

 Sáng tạo và ứng dụng thẩm mĩ:

 – Sắp xếp được bố cục trên khổ giấy.

 – Vận dụng được các bước vẽ khối cơ bản trong thực hành.

 – Thể hiện được cấu trúc, diễn tả khối trong không gian.

 Phân tích và đánh giá thẩm mĩ:

 – Phân tích được mối quan hệ giữa ánh sáng, hình và khối trong không gian.

 – Đánh giá được bố cục và diễn tả đậm nhạt, sáng tối, diện mảng,… ở sản phẩm.

Yếu tố và nguyên lí tạo hình

 Lựa chọn, kết hợp:

 Yếu tố tạo hình

 – Chấm, nét, hình, khối, màu sắc, đậm nhạt, chất cảm, không gian.

 Nguyên lí tạo hình

 – Cân bằng, tương phản, lặp lại, nhịp điệu, nhấn mạnh, chuyển động, tỉ lệ, hài hoà.

 Hoạt động thực hành và thảo luận

 Thực hành

 – Vẽ nghiên cứu tượng chân dung phạt mảng bằng chất liệu chì hoặc than.

 Thảo luận

 – Trao đổi về hình hoạ: Tượng chân dung phạt mảng.

Chuyên đề 11.2: THỰC HÀNH VẼ TRANG TRÍ 2
Quan sát và nhận thức thẩm mĩ:

 – Nhận biết được đặc điểm của trang trí hình tròn.

 – Lựa chọn được họa tiết, chất liệu để thực hành.

 Sáng tạo và ứng dụng thẩm mĩ:

 – Sử dụng được chất liệu màu bột, màu nước hoặc chất liệu tương đương để thực hành, sáng tạo.

 – Sắp xếp được các hoạ tiết trong trang trí hình tròn dựa trên các yếu tố và nguyên lí tạo hình.

 – Tạo được hoà sắc trong trang trí hình tròn.

 Phân tích và đánh giá thẩm mĩ:

 – Trao đổi, phân tích về vẻ đẹp của trang trí hình tròn.

 – Liên hệ được tính ứng dụng của trang trí hình tròn trong đời sống.

Yếu tố và nguyên lí tạo hình

 Lựa chọn, kết hợp:

 Yếu tố tạo hình

 – Chấm, nét, hình, khối, màu sắc, đậm nhạt, chất cảm,

 không gian.

 Nguyên lí tạo hình

 – Cân bằng, tương phản, lặp lại, nhịp điệu, nhấn mạnh, chuyển động, tỉ lệ, hài hoà.

 Hoạt động thực hành và thảo luận

 Thực hành

 – Trang trí hình tròn.

 Thảo luận

 – Trao đổi về trang trí hình tròn.

 – Sản phẩm thực hành của học sinh.

Chuyên đề 11.3: THỰC HÀNH VẼ TRANH BỐ CỤC 2
Quan sát và nhận thức thẩm mĩ:

 – Nhận biết được đặc điểm tranh bố cục nhân vật.

 – Lựa chọn được chủ đề, chất liệu để thực hành.

 Sáng tạo và ứng dụng thẩm mĩ:

 – Sử dụng được chất liệu màu bột, màu nước hoặc chất liệu tương đương để thực hành, sáng tạo.

 – Có khả năng xây dựng được bố cục hợp lí và sinh động.

 – Ứng dụng được cách phối màu, hoà sắc trong bố cục nhân vật.

 Phân tích và đánh giá thẩm mĩ:

 – Trao đổi, phân tích về tranh bố cục nhân vật.

 – Thể hiện được quan điểm cá nhân trong đánh giá tranh bố cục nhân vật.

Yếu tố và nguyên lí tạo hình

 Lựa chọn, kết hợp:

 Yếu tố tạo hình

 – Chấm, nét, hình, khối, màu sắc, đậm nhạt, chất cảm, không gian.

 Nguyên lí tạo hình

 – Cân bằng, tương phản, lặp lại, nhịp điệu, nhấn mạnh, chuyển động, tỉ lệ, hài hoà.

 Hoạt động thực hành và thảo luận

 Thực hành

 – Vẽ tranh bố cục nhân vật bằng chất liệu màu bột, màu nước hoặc chất liệu tương đương.

 Thảo luận

 – Tranh bố cục nhân vật.

 – Sản phẩm thực hành của học sinh.

 Định hướng chủ đề: Tự chọn.

 LỚP 12

Yêu cầu cần đạt Nội dung
LÍ LUẬN VÀ LỊCH SỬ MĨ THUẬT
Quan sát và nhận thức thẩm mĩ:

 – Xác định được nội dung, hình thức trưng bày và giới thiệu sản phẩm, tác phẩm.

 – Nhận thức được vai trò của hoạt động tổ chức trưng bày và giới thiệu sản phẩm, tác phẩm.

 Sáng tạo và ứng dụng thẩm mĩ:

 – Xác định được không gian trưng bày sản phẩm.

 – Xây dựng và thực hiện được kế hoạch trưng bày, giới thiệu sản phẩm, tác phẩm.

 – Vận dụng được kiến thức mĩ thuật trong thuyết trình, giới thiệu sản phẩm, tác phẩm.

 Phân tích và đánh giá thẩm mĩ:

 – Đánh giá được hiệu quả thẩm mĩ của trưng bày sản phẩm, tác phẩm.

 – Nhận xét, đánh giá được kĩ năng thuyết trình trong giới thiệu sản phẩm, tác phẩm.

Thể loại

 – Giới thiệu và trưng bày sản phẩm, tác phẩm.

 Hoạt động thực hành và thảo luận

 Thực hành

 – Tổ chức triển lãm mĩ thuật trong lớp, trường.

 Thảo luận

 – Đặc điểm triển lãm mĩ thuật.

 – Triển lãm mĩ thuật thực hiện trong lớp, trường.

 Định hướng chủ đề

 – Sản phẩm mĩ thuật của học sinh.

 – Triển lãm sản phẩm thực hành, sáng tạo của học sinh.

HỘI HOẠ
Quan sát và nhận thức thẩm mĩ:

 – Nhận biết được đặc điểm tranh chất liệu màu bột (hoặc chất liệu tương đương).

 – Lựa chọn được chất liệu, thể loại tranh để thực hành, sáng tạo.

 Sáng tạo và ứng dụng thẩm mĩ:

 – Thực hiện được phác thảo và hoàn thiện tranh bằng chất liệu màu bột (hoặc chất liệu tương đương).

 – Biểu đạt được cảm xúc thông qua chất liệu màu bột (hoặc chất liệu tương đương).

 – Vận dụng được một số yếu tố và nguyên lí tạo hình trong thực hành, sáng tạo.

 Phân tích và đánh giá thẩm mĩ:

 – Phân tích, trao đổi, thảo luận, phản biện về sản phẩm, tác phẩm hội họa chất liệu màu bột (hoặc chất liệu tương đương).

 – Nêu được quan điểm cá nhân trong trưng bày, đánh giá sản phẩm và thưởng thức tác phẩm hội họa giới thiệu trong chủ đề.

Thể loại

 Lựa chọn:

 – Tranh phong cảnh

 – Tranh tĩnh vật

 – Tranh chân dung

 – Tranh sinh hoạt

 Hoạt động thực hành và thảo luận

 Thực hành

 – Chất liệu màu bột (hoặc chất liệu tương đương).

 Thảo luận

 – Đặc điểm tranh chất liệu màu bột (hoặc màu tương đương).

 – Sản phẩm thực hành của học sinh.

 Định hướng chủ đề: Tự chọn.

ĐỒ HOẠ (TRANH IN)
Quan sát và nhận thức thẩm mĩ:

 – Nhận biết được đặc điểm tranh in độc bản.

 – Biết lựa chọn loại hình tranh in độc bản để thực hành, sáng tạo.

 Sáng tạo và ứng dụng thẩm mĩ:

 – Thực hiện được phác thảo, chế bản và in tranh.

 – Bước đầu biểu đạt được cảm xúc thông qua kĩ thuật chế bản, in tranh.

 – Vận dụng được một số yếu tố và nguyên lí tạo hình trong thực hành, sáng tạo.

 Phân tích và đánh giá thẩm mĩ:

 – Phân tích, trao đổi, thảo luận trong quá trình trưng bày, đánh giá tranh in độc bản.

 – Phân biệt được một số đặc điểm giữa tranh in bản dập, tranh in nổi và tranh in độc bản.

Thể loại

 Lựa chọn:

 – Tranh phong cảnh

 – Tranh tĩnh vật

 – Tranh chân dung

 – Tranh sinh hoạt

 Hoạt động thực hành và thảo luận

 Thực hành

 – Tranh in độc bản.

 Thảo luận

 – Đặc điểm tranh in độc bản.

 – Sản phẩm thực hành của học sinh.

 Định hướng chủ đề: Tự chọn.

ĐIÊU KHẮC
Quan sát và nhận thức thẩm mĩ:

 – Biết lựa chọn đối tượng để thực hành, sáng tạo.

 – Hình thành được ý tưởng sắp đặt sản phẩm điêu khắc.

 Sáng tạo và ứng dụng thẩm mĩ:

 – Thực hiện được phác thảo và hoàn thiện sản phẩm sắp đặt.

 – Bước đầu biểu đạt được ý tưởng chủ đề thông qua sản phẩm sắp đặt.

 – Vận dụng được một số yếu tố và nguyên lí tạo hình trong thực hành, sáng tạo.

 – Sử dụng và phối hợp được các chất liệu, vật liệu sẵn có để thực hành, sáng tạo.

 Phân tích và đánh giá thẩm mĩ:

 – Phân tích, trao đổi, thảo luận trong quá trình trưng bày, đánh giá sản phẩm sắp đặt.

 – Nhận định được vai trò của thảo luận trong thực hành, sáng tạo và trưng bày sản phẩm.

Thể loại

 – Sắp đặt, trưng bày sản phẩm điêu khắc.

 Hoạt động thực hành và thảo luận

 Thực hành

 – Thực hành sắp đặt sản phẩm điêu khắc bằng vật liệu sẵn có.

 Thảo luận

 – Ý tưởng, chủ đề thực hành sắp đặt.

 – Sản phẩm thực hành của học sinh.

 Định hướng chủ đề: Tự chọn.

THIẾT KẾ CÔNG NGHIỆP
Quan sát và nhận thức thẩm mĩ:

 – Nhận biết được một số đặc điểm thiết kế tạo dáng công nghiệp.

 – Hiểu được mối quan hệ của thiết kế tạo dáng công nghiệp với đời sống.

 Sáng tạo và ứng dụng thẩm mĩ:

 – Thực hiện được phác thảo và hoàn thiện thiết kế đồ dùng sinh hoạt bằng vật liệu sẵn có.

 – Vận dụng được một số yếu tố và nguyên lí tạo hình trong thực hành, sáng tạo.

 – Thể hiện được sự kết hợp giữa giá trị thẩm mĩ và tính ứng dụng ở sản phẩm.

 Phân tích và đánh giá thẩm mĩ:

 – Phân tích được mối quan hệ giữa tính thẩm mĩ và tính ứng dụng ở sản phẩm.

 – Nhận định được tầm quan trọng của thiết kế tạo dáng công nghiệp với thực tiễn đời sống.

Thể loại

 – Thiết kế tạo dáng công nghiệp.

 Hoạt động thực hành và thảo luận

 Thực hành

 – Thiết kế đồ dùng sinh hoạt bằng vật liệu sẵn có.

 Thảo luận

 – Đặc điểm nghệ thuật thiết kế đồ dùng sinh hoạt.

 – Sản phẩm thực hành của học sinh.

 Định hướng chủ đề: Tự chọn.

THIẾT KẾ ĐỒ HOẠ
Quan sát và nhận thức thẩm mĩ:

 – Nhận biết được đặc điểm thiết kế tranh áp phích.

 – Lựa chọn được chủ đề và thể loại thiết kế tranh áp phích để thực hành, sáng tạo.

 Sáng tạo và ứng dụng thẩm mĩ:

 – Thực hiện được phác thảo và hoàn thiện thiết kế áp phích.

 – Bước đầu biểu đạt được ý tưởng nội dung chủ đề thông qua tranh áp phích.

 – Vận dụng được một số yếu tố và nguyên lí tạo hình trong thực hành, sáng tạo.

 Phân tích và đánh giá thẩm mĩ:

 – Phân tích, trao đổi, thảo luận trong quá trình trưng bày, đánh giá tranh áp phích.

 – Nhận định được vai trò của tranh áp phích trong đời sống, văn hoá xã hội.

Thể loại

 – Tranh áp phích.

 Hoạt động thực hành và thảo luận

 Thực hành

 – Thiết kế áp phích đơn giản.

 Thảo luận

 – Đặc điểm thiết kế tranh áp phích.

 – Sản phẩm thực hành của học sinh.

 Định hướng chủ đề: Tự chọn.

THIẾT KẾ THỜI TRANG
Quan sát và nhận thức thẩm mĩ:

 – Nhận biết được đặc điểm thiết kế trang phục.

 – Lựa chọn được vật liệu và thể loại trang phục để thực hành, sáng tạo.

 Sáng tạo và ứng dụng thẩm mĩ:

 – Phác thảo và thực hiện được thiết kế trang phục đơn giản.

 – Vận dụng được một số yếu tố và nguyên lí tạo hình trong thực hành, sáng tạo.

 – Vận dụng và phối hợp được các vật liệu sẵn có trong thiết kế trang phục.

 Phân tích và đánh giá thẩm mĩ:

 – Phân tích, nhận định được tính sáng tạo và tính ứng dụng ở sản phẩm.

 – Bước đầu nhận định được vai trò của thị hiếu thẩm mĩ trong thiết kế thời trang.

Thể loại

 – Thiết kế trang phục.

 Hoạt động thực hành và thảo luận

 Thực hành

 – Thiết kế trang phục đơn giản (vật liệu sẵn có).

 Thảo luận

 – Đặc điểm nghệ thuật thiết kế thời trang.

 – Sản phẩm thực hành của học sinh.

 Định hướng chủ đề: Tự chọn.

THIẾT KẾ MĨ THUẬT SÂN KHẤU, ĐIỆN ẢNH
Quan sát và nhận thức thẩm mĩ:

 – Nhận biết được đặc điểm của thiết kế trang phục nghệ thuật.

 – Lựa chọn được chất liệu, thể loại trang phục nghệ thuật để thực hành thiết kế.

 Sáng tạo và ứng dụng thẩm mĩ:

 – Thực hiện được phác thảo, hoàn thiện mô hình hoặc bản vẽ đơn giản về trang phục nghệ thuật theo chủ đề lựa chọn.

 – Vận dụng được một số yếu tố và nguyên lí tạo hình trong thực hành, sáng tạo.

 – Bước đầu thể hiện được mục đích và yêu cầu của thiết kế trang phục nghệ thuật.

 Phân tích và đánh giá thẩm mĩ:

 – Phân tích, trao đổi, thảo luận trong quá trình trưng bày, đánh giá sản phẩm thiết kế trang phục nghệ thuật.

 – Nhận định được vai trò của thiết kế trang phục nghệ thuật với một số loại hình nghệ thuật khác.

Thể loại

 – Thiết kế trang phục nghệ thuật.

 Hoạt động thực hành và thảo luận

 Thực hành

 – Thiết kế trang phục sân khấu, điện ảnh (vật liệu sẵn có).

 Thảo luận

 – Đặc điểm thiết kế trang phục sân khấu điện ảnh.

 – Sản phẩm thực hành của học sinh.

 Định hướng chủ đề: Tự chọn.

THIẾT KẾ MĨ THUẬT ĐA PHƯƠNG TIỆN
Quan sát và nhận thức thẩm mĩ:

 – Nhận biết được đặc điểm, vai trò của thiết kế mĩ thuật website.

 – Xác định được chủ đề và lựa chọn công cụ, phương tiện để thực hành, sáng tạo.

 Sáng tạo và ứng dụng thẩm mĩ:

 – Thực hiện được thao tác với phương tiện sẵn có để thiết kế mĩ thuật website.

 – Phác thảo được các phân trang giao diện trên giấy.

 – Thể hiện được ý tưởng nội dung chủ đề trong thực hành, sáng tạo.

 – Vận dụng được một số yếu tố và nguyên lí tạo hình trong thiết kế mĩ thuật website.

 Phân tích và đánh giá thẩm mĩ:

 – Phân tích, trao đổi, thảo luận trong quá trình thực hiện, đánh giá sản phẩm.

Thể loại

 – Thiết kế mĩ thuật website.

 Hoạt động thực hành và thảo luận

 Thực hành

 – Tập thiết kế mĩ thuật giao diện website mức độ đơn giản.

 Thảo luận

 – Đặc điểm thiết kế mĩ thuật website.

 – Sản phẩm thực hành của học sinh.

 Định hướng chủ đề: Tự chọn.

KIẾN TRÚC
Quan sát và nhận thức thẩm mĩ:

 – Nhận biết được đặc điểm bảo tồn di sản kiến trúc.

 – Lựa chọn được công trình, di sản kiến trúc cần bảo tồn để thực hành.

 Sáng tạo và ứng dụng thẩm mĩ:

 – Sử dụng được một số kĩ năng tạo hình để mô phỏng công trình, di sản kiến trúc.

 – Sử dụng, phối hợp được các vật liệu sẵn có (bìa, giấy, nan tre, gỗ, xốp,…) để thực hành, sáng tạo.

 – Bước đầu thể hiện được yếu tố thẩm mĩ của công trình, di sản kiến trúc thông qua sản phẩm.

 Phân tích và đánh giá thẩm mĩ:

 – Phân tích, thảo luận về giá trị thẩm mĩ và công năng của công trình, di sản kiến trúc trong trưng bày, đánh giá.

 – Nhận định được vai trò của bảo tồn di sản kiến trúc trong giáo dục thẩm mĩ và phát triển nghệ thuật truyền thống.

Thể loại

 – Bảo tồn di sản kiến trúc.

 Hoạt động thực hành và thảo luận

 Thực hành

 – Mô phỏng công trình, di sản kiến trúc (bản vẽ, bản dập chi tiết kiến trúc hoặc mô hình).

 Thảo luận

 – Đặc điểm bảo tồn di sản kiến trúc.

 – Sản phẩm thực hành của học sinh.

 Định hướng chủ đề: Tự chọn.

 CHUYÊN ĐỀ HỌC TẬP

Yêu cầu cần đạt Nội dung
Chuyên đề 12.1: THỰC HÀNH VẼ HÌNH HOẠ 3
Quan sát và nhận thức thẩm mĩ:

 – Hiểu được đặc điểm, cấu trúc cơ bản của tượng chân dung.

 – Xác định nguồn sáng và vị trí quan sát mẫu để thực hành.

 Sáng tạo và ứng dụng thẩm mĩ:

 – Tiến hành được các bước thực hiện bài vẽ tượng chân dung.

 – Sắp xếp được bố cục trên khổ giấy.

 – Thể hiện được cấu trúc, diễn tả khối trong không gian bằng chất liệu chì hoặc than.

 Phân tích và đánh giá thẩm mĩ:

 – Phân tích được mối quan hệ giữa ánh sáng, hình và khối trong không gian.

 – Đánh giá được bố cục, hình, khối, không gian ở sản phẩm.

Yếu tố và nguyên lí tạo hình

 Lựa chọn, kết hợp:

 Yếu tố tạo hình

 – Chấm, nét, hình, khối, màu sắc, đậm nhạt, chất cảm, không gian.

 Nguyên lí tạo hình

 – Cân bằng, tương phản, lặp lại, nhịp điệu, nhấn mạnh, chuyển động, tỉ lệ, hài hoà.

 Hoạt động thực hành và thảo luận

 Thực hành

 – Vẽ nghiên cứu tượng chân dung bằng chất liệu chì hoặc than.

 Thảo luận

 – Trao đổi về hình hoạ: Tượng chân dung.

Chuyên đề 12.2: THỰC HÀNH VẼ TRANG TRÍ 3
Quan sát và nhận thức thẩm mĩ:

 – Nhận biết được đặc điểm của trang trí đường diềm.

 – Lựa chọn được hoạ tiết, chất liệu để thực hành.

 Sáng tạo và ứng dụng thẩm mĩ:

 – Sử dụng được chất liệu màu bột hoặc màu nước, chất liệu tương đương để thực hành, sáng tạo.

 – Sắp xếp được các hoạ tiết trong trang trí hình tròn dựa trên các yếu tố và nguyên lí tạo hình.

 – Tạo được hoà sắc trong trang trí đường diềm.

 Phân tích và đánh giá thẩm mĩ:

 – Trao đổi, phân tích về trang trí đường diềm.

 – Liên hệ được ứng dụng của trang trí đường diềm trong đời sống.

Yếu tố và nguyên lí tạo hình

 Lựa chọn, kết hợp:

 Yếu tố tạo hình

 – Chấm, nét, hình, khối, màu sắc, đậm nhạt, chất cảm, không gian.

 Nguyên lí tạo hình

 – Cân bằng, tương phản, lặp lại, nhịp điệu, nhấn mạnh, chuyển động, tỉ lệ, hài hoà.

 Hoạt động thực hành và thảo luận

 Thực hành

 – Trang trí đường diềm.

 Thảo luận

 – Trao đổi về trang trí đường diềm

 – Sản phẩm thực hành của học sinh.

Chuyên đề 12.3: THỰC HÀNH VẼ TRANH BỐ CỤC 3
Quan sát và nhận thức thẩm mĩ:

 – Nhận biết được đặc điểm tranh bố cục từ những hình khối cơ bản.

 – Lựa chọn được chủ đề, chất liệu để thực hành.

 Sáng tạo và ứng dụng thẩm mĩ:

 – Sử dụng được chất liệu màu bột (hoặc màu nước, hoặc chất liệu tương đương) để thực hành, sáng tạo.

 – Bước đầu thể hiện được ý tưởng chủ đề thông qua sắp xếp hình khối ở tranh bố cục.

 – Thể hiện được hoà sắc cho tranh bố cục bằng chất liệu màu bột (hoặc màu nước, hoặc chất liệu tương đương).

 – Bước đầu thể hiện được đặc điểm của chất liệu màu bột (hoặc màu nước, chất liệu tương đương) trong thực hành, sáng tạo.

 Phân tích và đánh giá thẩm mĩ:

 – Trao đổi, phân tích về tranh bố cục từ những hình khối cơ bản.

Yếu tố và nguyên lí tạo hình

 Lựa chọn, kết hợp:

 Yếu tố tạo hình

 – Chấm, nét, hình, khối, màu sắc, đậm nhạt, chất cảm, không gian.

 Nguyên lí tạo hình

 – Cân bằng, tương phản, lặp lại, nhịp điệu, nhấn mạnh, chuyển động, tỉ lệ, hài hoà.

 Hoạt động thực hành và thảo luận

 Thực hành

 – Vẽ tranh bố cục từ những hình khối cơ bản bằng chất liệu màu bột (hoặc màu nước, hoặc chất liệu tương đương).

 Thảo luận

 – Tranh bố cục hình khối cơ bản.

 – Sản phẩm thực hành của học sinh.

 Định hướng chủ đề: Tự chọn.

  1. PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC
  2. Định hướng chung

 Phương pháp giáo dục trong Chương trình môn Mĩ thuật phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của người học, trong đó nhấn mạnh những yêu cầu sau:

  1. a) Tích hợp, lồng ghép nội dung lí thuyết trong thực hành, thảo luận; kết hợp liên hệ kiến thức, kĩ năng của môn Mĩ thuật với kiến thức, kĩ năng của các môn học, hoạt động giáo dục khác một cách phù hợp, thiết thực.
  2. b) Chú trọng dạy học trải nghiệm; vận dụng linh hoạt các phương pháp, kĩ thuật dạy học và các hình thức tổ chức, không gian hoạt động học tập nhằm huy động kiến thức, kinh nghiệm, kích thích trí tưởng tượng, tư duy hình ảnh thẩm mĩ của học sinh, tạo cơ hội để học sinh được vận dụng kiến thức, kĩ năng vào thực hành, thể nghiệm ý tưởng sáng tạo và đưa các sản phẩm sáng tạo vào đời sống.
  3. c) Khai thác, sử dụng hợp lí thiết bị dạy học, mạng Internet; tận dụng các chất liệu, vật liệu sẵn có ở địa phương.
  4. Định hướng về phương pháp hình thành, phát triển các phẩm chất chủ yếu và năng lực chung
  5. a) Phương pháp hình thành, phát triển các phẩm chất chủ yếu

 Thông qua việc tổ chức các hoạt động thảo luận, thực hành, trải nghiệm, sáng tạo, giáo viên giúp học sinh nuôi dưỡng cảm xúc thẩm mĩ về bản thân và thế giới xung quanh, tình yêu nghệ thuật và cuộc sống; góp phần nâng cao nhận thức về tình yêu gia đình, quê hương, tình thân ái giữa con người với con người, ý thức bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên và không gian văn hóa, thẩm mĩ; trân trọng các sản phẩm, tác phẩm mĩ thuật và sự sáng tạo của nghệ sĩ; bồi dưỡng niềm tự hào về truyền thống văn hóa, nghệ thuật dân tộc, ý thức tôn trọng sự đa dạng về văn hóa của các dân tộc. Đồng thời, rèn luyện cho học sinh đức chuyên cần, tính trung thực, tình yêu lao động và ý thức trách nhiệm của bản thân trong học tập, làm việc và sử dụng, bảo quản các đồ dùng, công cụ, thiết bị dạy học; kích thích hứng thú, khích lệ sự tự tin ở học sinh trong học tập và tham gia các hoạt động nghệ thuật, góp phần xây dựng và phát triển đời sống thẩm mĩ của cá nhân, cộng đồng.

  1. b) Phương pháp hình thành, phát triển các năng lực chung

 – Trong dạy học môn Mĩ thuật, giáo viên tổ chức các hoạt động học tập, thực hành, trải nghiệm, sáng tạo đa dạng với sự tham gia tích cực, chủ động của học sinh. Đặc biệt, cần khích lệ học sinh sẵn sàng cho việc thực hành, sáng tạo và thảo luận nghệ thuật thông qua việc chuẩn bị, xác lập mục tiêu học tập, thiết kế nội dung, kế hoạch, dự án học tập,… và thực hiện kế hoạch, nhiệm vụ học tập của cá nhân, của nhóm, góp phần nâng cao năng lực tự chủ và tự học ở học sinh.

 – Dạy học Mĩ thuật có nhiều ưu thế hình thành và phát triển ở học sinh năng lực giao tiếp và hợp tác. Thông qua các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học kết hợp lồng ghép thảo luận và thực hành nghệ thuật, học sinh được thường xuyên tham gia trao đổi, chia sẻ về tác giả, nghệ sĩ, về tác phẩm, sản phẩm mĩ thuật, di sản văn hóa nghệ thuật; giới thiệu kết quả học tập, thực hành của cá nhân, bạn bè; bày tỏ cảm nhận, suy nghĩ, quan điểm về thẩm mĩ,… tạo nên kết quả học tập của nhóm dựa trên những cách thức hợp tác khác nhau.

 – Giải quyết vấn đề và sáng tạo là đặc trưng trong học tập mĩ thuật. Trong tổ chức hoạt động dạy học, giáo viên vận dụng các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học thích hợp, giúp học sinh có cơ hội vận dụng kiến thức, kĩ năng và kinh nghiệm của bản thân để tìm hiểu, khám phá và thực hành, trải nghiệm, phát hiện yếu tố thẩm mĩ trong nghệ thuật và đời sống; khích lệ học sinh đề xuất vấn đề, ý tưởng thẩm mĩ và lựa chọn giải pháp thể hiện; khuyến khích học sinh tiếp tục đổi mới trong tiến trình học tập trên cơ sở nhận thức và tư duy phản biện thẩm mĩ, góp phần hình thành, phát triển năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo ở học sinh.

  1. Định hướng về phương pháp hình thành, phát triển năng lực mĩ thuật
  2. a) Để hình thành, phát triển hoạt động quan sát và nhận thức thẩm mĩ ở học sinh, trong tổ chức dạy học, giáo viên khuyến khích và tạo cơ hội để học sinh được quan sát, nhận thức về đối tượng thẩm mĩ từ bao quát, tổng thể đến chi tiết, bộ phận và đối chiếu, so sánh để tìm ra đặc điểm, vẻ đẹp của đối tượng, phát hiện các giá trị thẩm mĩ của đối tượng. Tùy theo nội dung, mục đích dạy học và tâm lí lứa tuổi, khả năng nhận thức của học sinh, giáo viên đặt ra yêu cầu quan sát một cách phù hợp, nhằm thúc đẩy, phát triển ở học sinh ý thức tìm tòi, khám phá cuộc sống, môi trường xung quanh và thưởng thức nghệ thuật. Quan sát, nhận thức thẩm mĩ cần được kết hợp, lồng ghép trong hoạt động thực hành sáng tạo, thảo luận, phân tích, đánh giá thẩm mĩ của tiến trình dạy học và liên hệ, ứng dụng thực tiễn.
  3. b) Để hình thành, phát triển hoạt động sáng tạo và ứng dụng thẩm mĩ ở học sinh, trong tổ chức dạy học, giáo viên vận dụng các yếu tố kích thích khả năng thực hành, sáng tạo của học sinh bằng những cách thức khác nhau; khuyến khích học sinh thử nghiệm và đổi mới, kích thích tư duy, khả năng giao tiếp, hợp tác, giải quyết vấn đề và liên hệ, ứng dụng thực tiễn. Đồng thời, cần có những hướng dẫn cụ thể để học sinh chủ động chuẩn bị, sẵn sàng học tập, sáng tạo nhằm tăng cường ý thức trách nhiệm, thúc đẩy sự hứng khởi ở học sinh. Khi sử dụng các phương pháp, kĩ thuật dạy học, giáo viên cần tích hợp, lồng ghép hoạt động thực hành, sáng tạo, ứng dụng thẩm mĩ với thảo luận, cũng như kết hợp quan sát, nhận thức và phân tích, đánh giá thẩm mĩ trong tiến trình dạy học.
  4. c) Để hình thành, phát triển hoạt động phân tích và đánh giá thẩm mĩ ở học sinh, trong tổ chức dạy học, giáo viên khích lệ học sinh tích cực tham gia hoạt động học tập; vận dụng đa dạng các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, tạo điều kiện để học sinh được tiếp cận và khám phá nghệ thuật bằng nhiều cách khác nhau; kết hợp liên hệ truyền thống văn hóa, bối cảnh xã hội và khai thác thiết bị công nghệ, nguồn Internet; quan tâm đến sự khác biệt về giới tính, đa dạng sắc tộc, đặc điểm văn hoá vùng miền và tính thời đại. Các yếu tố này cần được cân nhắc, phù hợp với đặc điểm tâm – sinh lí lứa tuổi học sinh và điều kiện dạy học thực tế; đồng thời, cần chú ý đến mối liên hệ và tương tác giữa các thành phần năng lực khác của năng lực mĩ thuật trong tiến trình dạy học.

 VII. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ GIÁO DỤC

  1. Định hướng chung

 Mục tiêu đánh giá kết quả giáo dục môn Mĩ thuật là cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, có giá trị về mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt phẩm chất, năng lực và sự tiến bộ của từng học sinh; giúp học sinh tự đánh giá sự tiến bộ của bản thân và tự điều chỉnh hoạt động học tập; giúp giáo viên biết được những tiến bộ và hạn chế của học sinh, từ đó có hướng dẫn kịp thời cho học sinh và điều chỉnh kế hoạch, hoạt động dạy học một cách phù hợp; giúp nhà quản lí hiểu rõ chất lượng giáo dục, làm căn cứ để có những điều chỉnh và nâng cao chất lượng giáo dục; giúp cha mẹ học sinh hiểu rõ những tiến bộ của con và có những biện pháp, phối hợp giáo dục với nhà trường. Đối tượng đánh giá là sản phẩm và quá trình học tập, rèn luyện của học sinh.

 Đánh giá cần bảo đảm các yêu cầu sau:

 – Phù hợp với mục tiêu giáo dục và yêu cầu cần đạt đối với mỗi lớp học, cấp học; coi trọng đánh giá khả năng vận dụng kiến thức, kĩ năng của học sinh trong học tập và những tình huống khác nhau.

 – Đánh giá phẩm chất của học sinh trong giáo dục Mĩ thuật chủ yếu bằng định tính, thông qua quan sát, ghi chép, nhận xét bằng lời về thái độ, tình cảm, hành vi ứng xử của học sinh khi tham gia các hoạt động mĩ thuật.

 – Đánh giá năng lực đặc thù của môn học chủ yếu bằng định lượng, thông qua đánh giá các thành phần của năng lực thẩm mĩ; chú ý đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh.

 – Sử dụng công cụ đánh giá tin cậy, đảm bảo toàn diện, khách quan, chính xác và phân hoá; kết hợp, vận dụng linh hoạt các phương pháp và hình thức đánh giá, bao gồm việc học sinh tự đánh giá, đánh giá đồng đẳng; quan tâm đến những học sinh có sự khác biệt so với các học sinh khác về tâm lí, sở thích, về khả năng và điều kiện tối thiểu học tập; thông tin kịp thời về thời điểm đánh giá, hình thức đánh giá, công cụ đánh giá để học sinh chủ động tham gia quá trình đánh giá.

 – Kết hợp hài hoà giữa đánh giá thường xuyên (quá trình) và đánh giá tổng kết (định kì); trong đó, đánh giá thường xuyên được thực hiện trong toàn bộ tiến trình dạy học và tích hợp trong các hoạt động dạy học; đánh giá tổng kết được thực hiện ở thời điểm gần hoặc cuối một giai đoạn học tập (cuối học kì, cuối năm học, cuối cấp học).

  1. Hình thức đánh giá
  2. a) Đánh giá chẩn đoán: Sử dụng vào thời điểm đầu của một giai đoạn dạy học, nhằm giúp giáo viên thu thập những thông tin về kiến thức, kĩ năng mĩ thuật, những điểm mạnh và nhu cầu của từng học sinh, từ đó xây dựng kế hoạch và phương pháp giáo dục thích hợp.
  3. b) Đánh giá kết quả, bao gồm đánh giá thường xuyên và đánh giá tổng kết.

 Đánh giá thường xuyên căn cứ vào việc học sinh chuẩn bị đồ dùng, công cụ, vật liệu,… trả lời câu hỏi, phát biểu ý kiến, thảo luận, chia sẻ, thuyết trình, bài viết, kết quả thực hành, thực hiện trưng bày, tham gia nhận xét, đánh giá,… trong quá trình học tập. Đánh giá thường xuyên có sự tham gia của các chủ thể khác nhau: giáo viên đánh giá học sinh, học sinh đánh giá đồng đẳng, học sinh tự đánh giá.

 Đánh giá tổng kết căn cứ vào các sản phẩm thực hành, kết quả dự án học tập, video clip, bài tự luận,…

  1. c) Đánh giá định tính và đánh giá định lượng: Đánh giá định tính được thực hiện chủ yếu ở cấp tiểu học; đánh giá định lượng được sử dụng chủ yếu ở cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông, bảo đảm phân hoá dần ở các lớp học trên.

 VIII. GIẢI THÍCH VÀ HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

  1. Giải thích thuật ngữ

 Các thuật ngữ dùng trong văn bản chương trình môn Mĩ thuật được hiểu theo nghĩa dưới đây:

  1. a) Một số thuật ngữ mĩ thuật
Thuật ngữ Giải thích
Cân bằng Là tạo sự hợp lí cho cảm nhận của thị giác, gồm hai loại phổ biến: cân bằng đối xứng, cân bằng bất đối xứng.
Chấm Là đơn vị đầu tiên của ngôn ngữ tạo hình, làm mốc để tạo nét, hình, khối hoặc tự bản thân đứng độc lập tạo ra các đặc tính riêng.
Chất cảm Là cảm giác cấu trúc bề mặt của chất liệu tạo hình, ví dụ: sự mềm, mịn, thô ráp,…
Chuyển động Là sự sắp xếp các yếu tố, nguyên lí tạo hình để tạo các hướng khác nhau ở đối tượng nghệ thuật hoặc tạo sự di chuyển của thị giác trên đối tượng nghệ thuật.
Đậm nhạt Là chỉ số thể hiện mức độ sáng hay tối của màu sắc hoặc sự chuyển biến của ánh sáng và bóng tối trên đối tượng.
Nhấn mạnh

 (Điểm nhấn)

Là một yếu tố hoặc phần của tác phẩm, sản phẩm nghệ thuật thu hút thị giác ở đối tượng nghệ thuật.
Hài hoà Là sự sắp xếp các yếu tố tạo hình, nguyên lí tạo hình một cách hợp lí trong một tổng thể chung trên đối tượng thẩm mĩ.
Hình Là hiệu quả thụ cảm thị giác đối với vật thể trong không gian do tác động của ánh sáng; hoặc được tạo bởi các yếu tố tạo hình với những nét khu biệt trên mặt phẳng hay đường nét chu vi của các diện được khép kín trong không gian.
Khối Là biểu hiện thể tích trên mặt phẳng, trong không gian thực, được tạo bởi các diện mảng của vật thể chiếm một vị trí nhất định.
Không gian Là khoảng cách có thể đo được giữa các điểm hoặc hình ảnh, khoảng trống xung quanh một tác phẩm, sản phẩm, hay một hình, một yếu tố nào đó ở đối tượng của nghệ thuật.
Lặp lại Là sự sắp xếp, bố trí các hình, nét, màu sắc,… nhắc lại trên cùng một đối tượng thẩm mĩ; hoặc là sự mô phỏng lại đối tượng.
Màu thứ cấp Là màu được tạo ra từ màu cơ bản.
Nét Là đường tạo thành do sự dịch chuyển của một điểm hoặc chấm, gồm nhiều loại: thẳng, cong, xiên, gấp khúc,… Nét còn gọi là đường viền hay đường chu vi, là ranh giới giữa vật này với vật khác hay giữa một vật với không gian xung quanh.
Nhịp điệu Là sự nhắc lại một cách có chủ đích (đều, nhanh – chậm, dày đặc – thưa thớt,…) các hình dạng, hình khối, màu sắc,… trên đối tượng nghệ thuật.
Sản phẩm Là bài vẽ, bức tranh, hình thể, vật thể,… được tạo ra trong quá trình thực hành, sáng tạo của học sinh.
Sản phẩm thủ công Là sản phẩm được tạo nên bởi cá nhân hoặc tập thể người lao động, nghệ nhân, nghệ sĩ,… có tính phổ biến, được xã hội công nhận.
Tác phẩm Là sản phẩm mĩ thuật của một cá nhân hoặc một nhóm nghệ sĩ mang phong cách và dấu ấn riêng, được xã hội công nhận.
Thảo luận mĩ thuật Là sự trao đổi, chia sẻ, phân tích, giải thích, phản biện, đánh giá,… thẩm mĩ thông qua hình thức học tập tương tác giữa học sinh với học sinh, học sinh với giáo viên,…
Thẩm mĩ Là phạm trù triết học đề cập đến bản chất, giá trị của nghệ thuật và hình thức cảm nhận giác quan về cái đẹp.
Thủ công Là những thao tác tạo hình đòi hỏi kĩ năng làm hoặc tạo tác phẩm, sản phẩm bằng tay mang công năng sử dụng.
Tỉ lệ Là mối quan hệ so sánh giữa hai hay nhiều yếu tố trong một thành phần liên quan đến kích thước, màu sắc, số lượng, sắp xếp, sắc độ,…
Tương phản Là sự đối lập của các đối tượng liên quan khác nhau ở cạnh nhau, ví dụ: màu nóng, màu lạnh; nét thẳng, nét cong,…
Vật liệu Là đồ dùng, đồ vật được sưu tầm, tái sử dụng hoặc sẵn có trong tự nhiên, như: giấy báo, giấy bìa, vỏ hộp, chai nhựa, vải vụn, sợi dây len, cọng rơm, lá cây,…
2D, 3D Là tác phẩm, sản phẩm mĩ thuật được tạo ra trên mặt phẳng hai chiều hoặc trong không gian ba chiều.
  1. b) Từ ngữ thể hiện mức độ cần đạt

 Chương trình môn Mĩ thuật sử dụng một số động từ để thể hiện mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt về năng lực của học sinh. Một số động từ được sử dụng ở các mức độ khác nhau nhưng trong mỗi trường hợp thể hiện một hành động có đối tượng và yêu cầu cụ thể. Trong bảng tổng hợp dưới đây, đối tượng, yêu cầu cụ thể của mỗi hành động được chỉ dẫn bằng các từ ngữ khác nhau đặt trong ngoặc đơn.

 Trong quá trình dạy học, đặc biệt là khi đặt câu hỏi thảo luận và thực hành, ra đề kiểm tra đánh giá, giáo viên có thể dùng những động từ nêu trong bảng tổng hợp hoặc thay thế bằng các động từ có nghĩa tương đương cho phù hợp với tình huống sư phạm và nhiệm vụ cụ thể giao cho học sinh.

Mức độ Động từ mô tả mức độ
Biết Nhận biết được (yếu tố tạo hình, nguyên lí tạo hình, đặc điểm,…), đọc được tên (màu sắc, tác giả, sản phẩm, tác phẩm, trường phái,…), liệt kê được (đồ dùng, công cụ, vật liệu, ngành nghề,…), nêu được (yếu tố đặc trưng, ý tưởng, giải pháp,…), xác định được (chủ đề, mục đích, đối tượng,…),…
Hiểu Trình bày được (cảm nhận, sự liên hệ, quan điểm,…), biểu đạt được (cảm xúc, ý tưởng, nội dung,… ), giới thiệu được (tác giả, sản phẩm, tác phẩm,…), tóm tắt được (giá trị nghệ thuật, cuộc đời, sự nghiệp,…), giải thích được (sắp xếp bố cục, tính phổ biến, địa điểm,…), phân tích được (vẻ đẹp, mối quan hệ giữa tính thẩm mĩ và tính ứng dụng, nhu cầu xã hội,…), phân loại được (thể loại, hình thức), phân biệt được (tranh vẽ, tranh in, một số chất liệu,…), đánh giá được (sản phẩm, hoạt động thực hành, thảo luận, mối quan hệ giữa tính thẩm mĩ và tính ứng dụng,…), nhận định được (giá trị thẩm mĩ, tiến trình phát triển, sự tác động của internet),…
Vận dụng Mô phỏng được (đối tượng thẩm mĩ), phác thảo được (ý tưởng), lựa chọn được (công cụ, vật liệu, chất liệu, hình thức thực hành, vị trí trưng bày,…), sử dụng được (vật liệu, công cụ, phương tiện,…), thực hiện được (thao tác, các bước thực hành, phác thảo,…), vận dụng được (yếu tố tạo hình, nguyên lí tạo hình, yếu tố văn hóa nghệ thuật, nhịp điệu của hoa văn,…), phối hợp được (kĩ năng, vật liệu, công cụ, phương tiện,…), thể hiện được (ý tưởng, đặc trưng, cấu trúc, mục đích,…), tạo được (sản phẩm, sự hài hòa, hòa sắc,…),…
  1. Thời lượng thực hiện chương trình

 2.1. Thời lượng thực hiện chương trình ở các lớp (theo số tiết học)

Lớp 1 Lớp 2 Lớp 3 Lớp 4 Lớp 5 Lớp 6 Lớp 7 Lớp 8 Lớp 9 Lớp 10 Lớp 11 Lớp 12
35 35 35 35 35 35 35 35 35 70 70 70

 Riêng ở cấp trung học phổ thông, mỗi lớp có thêm các chuyên đề học tập lựa chọn, thời lượng 35 tiết/năm học.

 2.2. Thời lượng dành cho các nội dung giáo dục

 Thời lượng dành cho các nội dung giáo dục do tác giả sách giáo khoa và giáo viên chủ động sắp xếp căn cứ vào yêu cầu cần đạt và thực tế dạy học. Tỉ lệ % thời lượng dành cho các nội dung giáo dục như sau:

  1. a) Cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở
Nội dung Thời lượng
CẤP TIỂU HỌC
Mĩ thuật tạo hình 60%
Mĩ thuật ứng dụng 30%
Đánh giá định kì 10%
CẤP TRUNG HỌC CƠ SỞ
LỚP 6, LỚP 7
Mĩ thuật tạo hình 50%
Mĩ thuật ứng dụng 40%
Chủ đề hướng nghiệp 0%
Đánh giá định kì 10%
LỚP 8, LỚP 9
Mĩ thuật tạo hình 40%
Mĩ thuật ứng dụng 40%
Chủ đề hướng nghiệp 10%
Đánh giá định kì 10%
  1. b) Cấp trung học phổ thông

 – Thời lượng dành cho các nội dung lựa chọn:

Nội dung Thời lượng
Lí luận và lịch sử mĩ thuật 22%
Hội họa 22%
Đồ họa (tranh in) 22%
Điêu khắc 22%
Thiết kế công nghiệp 22%
Thiết kế đồ họa 22%
Thiết kế thời trang 22%
Thiết kế mĩ thuật sân khấu, điện ảnh 22%
Thiết kế mĩ thuật đa phương tiện 22%
Kiến trúc 22%
Đánh giá định kì 12%

 – Thời lượng (số tiết) dành cho mỗi chuyên đề (bao gồm cả đánh giá) được phân bố như sau:

Chuyên đề học tập Thời lượng (số tiết)
Chuyên đề 10.1: Thực hành vẽ hình họa 1 15
Chuyên đề 10.2: Thực hành vẽ trang trí 1 10
Chuyên đề 10.3: Thực hành vẽ tranh bố cục 1 10
Chuyên đề 11.1: Thực hành vẽ hình họa 2 15
Chuyên đề 11.2: Thực hành vẽ trang trí 2 10
Chuyên đề 11.3: Thực hành vẽ tranh bố cục 2 10
Chuyên đề 12.1: Thực hành vẽ hình họa 3 15
Chuyên đề 12.2: Thực hành vẽ trang trí 3 10
Chuyên đề 12.3: Thực hành vẽ tranh bố cục 3 10
  1. Định hướng về thiết bị dạy học
  2. a) Phòng học bộ môn

 – Nhà trường có phòng dành riêng cho hoạt động dạy học Mĩ thuật, đặc biệt ở giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp. Vị trí phòng học mĩ thuật cần tương đối độc lập với các phòng học khác trong nhà trường.

 – Trang thiết bị trong phòng học:

 + Bàn ghế học sinh phù hợp với việc di chuyển trong lớp học.

 + Bảng vẽ cá nhân; dụng cụ để trưng bày sản phẩm mĩ thuật.

 + Bục đặt mẫu vẽ có thể điều chỉnh được kích thước khi cần thiết.

 + Giá vẽ có thể điều chỉnh kích thước phù hợp với chiều cao của từng học sinh.

 + Tủ, giá để lưu giữ sản phẩm thực hành và các dụng cụ, công cụ học tập.

 + Phương tiện hỗ trợ: máy tính, đèn chiếu (overhead), máy chiếu (projector),…

  1. b) Đồ dùng dạy học: khối cơ bản, tượng chân dung phạt mảng, tượng chân dung, tranh, ảnh tư liệu mĩ thuật,…

 Ngoài các thiết bị dạy học tối thiểu được quy định trong danh mục do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, giáo viên cần tự làm thiết bị, đồ dùng dạy học; đồng thời, nhà trường cần phối hợp, huy động sự giúp đỡ của các cá nhân, tổ chức ở địa phương để bổ sung đồ dùng dạy học phù hợp với chương trình.

  1. Thực hiện chương trình phù hợp với điều kiện thực tế và đối tượng học sinh

 Chương trình môn Mĩ thuật là căn cứ để biên soạn sách giáo khoa, các tài liệu hướng dẫn, chỉ đạo dạy học và đánh giá kết quả giáo dục. Căn cứ yêu cầu cần đạt của chương trình, các nhà trường xây dựng và phát triển kế hoạch thực hiện chương trình phù hợp với đặc điểm của nhà trường, địa phương và đối tượng học sinh.

 Ở giai đoạn giáo dục cơ bản, căn cứ vào điều kiện thực tế, nhà trường xây dựng thời khoá biểu luân phiên giữa các khối. Ở giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, nhà trường hướng dẫn học sinh lựa chọn các nội dung học tập phù hợp với sở thích ngành nghề và khả năng của bản thân; các hướng lựa chọn có thể tập trung khám phá, tìm hiểu ngành nghề liên quan đến mĩ thuật tạo hình, liên quan đến mĩ thuật ứng dụng hoặc kết hợp lựa chọn tìm hiểu ngành nghề vừa liên quan đến mĩ thuật tạo hình, vừa liên quan đến mĩ thuật ứng dụng; đồng thời, nhà trường cần xây dựng thời khoá biểu thuận lợi cho việc tổ chức hoạt động dạy học phù hợp với đặc thù môn học lấy hoạt động thực hành, sáng tạo làm trọng tâm.

 Đối với học sinh có năng khiếu mĩ thuật, giáo viên chú trọng dạy các nội dung thực hành, sáng tạo đa dạng theo mức độ nâng cao dần; khích lệ học sinh tham gia các phong trào, các hình thức hoạt động mĩ thuật trong và ngoài nhà trường phù hợp với khả năng; đồng thời, tư vấn, phối hợp với gia đình tạo cơ hội để học sinh phát triển năng khiếu nghệ thuật theo sở thích và thiên hướng của bản thân.

 Đối với học sinh có thể trạng đặc biệt, căn cứ vào yêu cầu cần đạt của chương trình, nhà trường, giáo viên xây dựng kế hoạch giáo dục, vận dụng các phương pháp dạy học phù hợp với tâm – sinh lí lứa tuổi và khả năng nhận thức, vận động của học sinh, giúp học sinh có những hiểu biết thiết yếu về mĩ thuật trên cơ sở nội dung thực hành, sáng tạo ở mức độ đơn giản; đồng thời, phối hợp với gia đình, giúp học sinh từng bước nâng cao thể trạng của bản thân và phát triển học tập, hòa nhập vào đời sống.

 Đối với học sinh vùng khó khăn, nhà trường, giáo viên xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế, giúp học sinh có hiểu biết cần thiết về mĩ thuật thông qua các nội dung thực hành, sáng tạo ở mức độ đơn giản, kết hợp với hoạt động trải nghiệm gắn với đời sống thực tiễn; đồng thời, khuyến khích, động viên học sinh nỗ lực học tập, tham gia các hoạt động mĩ thuật phù hợp với bản thân.

 CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG

 MÔN GIÁO DỤC THỂ CHẤT

 (Ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

 MỤC LỤC

  1. ĐẶC ĐIỂM MÔN HỌC
  2. QUAN ĐIỂM XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH

 III. MỤC TIÊU CHƯƠNG TRÌNH

  1. YÊU CẦU CẦN ĐẠT
  2. NỘI DUNG GIÁO DỤC

 LỚP 1

 LỚP 2

 LỚP 3

 LỚP 4

 LỚP 5

 LỚP 6

 LỚP 7

 LỚP 8

 LỚP 9

 LỚP 10

 LỚP 11

 LỚP 12

  1. PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC

 VII. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ GIÁO DỤC

 VIII. GIẢI THÍCH VÀ HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

  

  1. ĐẶC ĐIỂM MÔN HỌC

 Giáo dục thể chất là môn học bắt buộc, được thực hiện từ lớp 1 đến lớp 12.

 Môn Giáo dục thể chất góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh, trọng tâm là: trang bị cho học sinh kiến thức và kĩ năng chăm sóc sức khoẻ; kiến thức và kĩ năng vận động; hình thành thói quen tập luyện, khả năng lựa chọn môn thể thao phù hợp để luyện tập nâng cao sức khoẻ, phát triển thể lực và tố chất vận động; trên cơ sở đó giúp học sinh có ý thức, trách nhiệm đối với sức khoẻ của bản thân, gia đình và cộng đồng, thích ứng với các điều kiện sống, sống vui vẻ, hoà đồng với mọi người.

 Nội dung chủ yếu của môn Giáo dục thể chất là rèn luyện kĩ năng vận động và phát triển tố chất thể lực cho học sinh bằng những bài tập thể chất đa dạng như: các bài tập đội hình đội ngũ, các bài tập thể dục, các trò chơi vận động, các môn thể thao và kĩ năng phòng tránh chấn thương trong hoạt động thể dục thể thao.

 Nội dung giáo dục thể chất được phân chia theo hai giai đoạn: Giai đoạn giáo dục cơ bản và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp

 – Giai đoạn giáo dục cơ bản: Môn Giáo dục thể chất giúp học sinh biết cách chăm sóc sức khoẻ và vệ sinh thân thể; hình thành thói quen tập luyện nâng cao sức khoẻ; thông qua các trò chơi vận động và tập luyện thể dục, thể thao hình thành các kĩ năng vận động cơ bản, phát triển các tố chất thể lực, làm cơ sở để phát triển toàn diện. Học sinh được lựa chọn nội dung hoạt động thể dục thể thao phù hợp với thể lực của mình và khả năng đáp ứng của nhà trường.

 – Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp: Môn Giáo dục thể chất được thực hiện thông qua hình thức câu lạc bộ thể dục thể thao. Học sinh được chọn nội dung hoạt động thể thao phù hợp với nguyện vọng của mình và khả năng đáp ứng của nhà trường để tiếp tục phát triển kĩ năng chăm sóc sức khoẻ và vệ sinh thân thể, phát triển về nhận thức và năng khiếu thể thao, đồng thời giúp những học sinh có năng khiếu thể thao tự chọn định hướng nghề nghiệp phù hợp.

  1. QUAN ĐIỂM XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH

 Chương trình môn Giáo dục thể chất quán triệt đầy đủ quan điểm, mục tiêu, yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực, kế hoạch giáo dục và định hướng về nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục được quy định tại Chương trình tổng thể. Xuất phát từ đặc trưng của môn học, một số quan điểm sau được nhấn mạnh trong xây dựng chương trình:

  1. Chương trình môn Giáo dục thể chất được xây dựng dựa trên nền tảng lí luận và thực tiễn, cập nhật thành tựu của khoa học thể dục thể thao và khoa học sư phạm hiện đại, trong đó có các kết quả nghiên cứu về giáo dục học, tâm lí học, sinh lí học, phương pháp giáo dục thể chất và huấn luyện thể thao; kinh nghiệm xây dựng chương trình môn Giáo dục thể chất của Việt Nam và các nước có nền giáo dục tiên tiến; kết quả phân tích thực tiễn giáo dục, điều kiện kinh tế – xã hội Việt Nam và sự đa dạng của học sinh.
  2. Chương trình môn Giáo dục thể chất bảo đảm phù hợp với tâm – sinh lí lứa tuổi và quy luật phát triển thể chất của học sinh; phát huy tính chủ động và tiềm năng của mỗi học sinh thông qua các phương pháp, hình thức tổ chức giáo dục; vận dụng các phương pháp kiểm tra, đánh giá phù hợp với đặc điểm của môn học, hỗ trợ việc hình thành, phát triển phẩm chất, năng lực ở học sinh.
  3. Chương trình môn Giáo dục thể chất có tính mở, tạo điều kiện để học sinh được lựa chọn các hoạt động phù hợp với thể lực, nguyện vọng của bản thân và khả năng tổ chức của nhà trường; đồng thời tạo điều kiện để nhà trường xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế và đặc điểm của mỗi địa phương.

 III. MỤC TIÊU CHƯƠNG TRÌNH

  1. Mục tiêu chung

 Môn Giáo dục thể chất giúp học sinh hình thành, phát triển kĩ năng chăm sóc sức khoẻ, kĩ năng vận động, thói quen tập luyện thể dục thể thao và rèn luyện những phẩm chất, năng lực để trở thành người công dân phát triển hài hoà về thể chất và tinh thần, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế, góp phần phát triển tầm vóc, thể lực người Việt Nam; đồng thời phát hiện và bồi dưỡng tài năng thể thao.

  1. Mục tiêu cấp tiểu học

 Môn Giáo dục thể chất giúp học sinh biết cách chăm sóc sức khoẻ và vệ sinh thân thể, bước đầu hình thành các kĩ năng vận động cơ bản, thói quen tập luyện thể dục thể thao, tham gia tích cực các hoạt động thể dục, thể thao nhằm phát triển các tố chất thể lực, làm cơ sở để phát triển toàn diện và phát hiện năng khiếu thể thao.

  1. Mục tiêu cấp trung học cơ sở

 Môn Giáo dục thể chất giúp học sinh tiếp tục củng cố và phát triển các kĩ năng chăm sóc sức khoẻ, vệ sinh thân thể và vận động cơ bản, thói quen tập luyện và kĩ năng thể dục thể thao; nếp sống lành mạnh, hoà đồng và trách nhiệm; ý thức tự giác, tích cực vận dụng những điều đã học để tham gia các hoạt động thể dục, thể thao; bồi dưỡng năng khiếu thể thao.

  1. Mục tiêu cấp trung học phổ thông

 Môn Giáo dục thể chất giúp học sinh lựa chọn môn thể thao phù hợp để rèn luyện hoàn thiện thể chất; vận dụng những điều đã học để điều chỉnh chế độ sinh hoạt và tập luyện, tham gia tích cực các hoạt động thể dục, thể thao; có ý thức tự giác, tự tin, trung thực, dũng cảm, có tinh thần hợp tác thân thiện, thể hiện khát khao vươn lên; từ đó có những định hướng cho tương lai phù hợp với năng lực, sở trường, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.

  1. YÊU CẦU CẦN ĐẠT
  2. Yêu cầu cần đạt về phẩm chất chủ yếu và năng lực chung

 Môn Giáo dục thể chất góp phần hình thành và phát triển ở học sinh các phẩm chất chủ yếu và năng lực chung theo các mức độ phù hợp với môn học, cấp học đã được quy định tại Chương trình tổng thể.

  1. Yêu cầu cần đạt về năng lực đặc thù

 Chương trình môn Giáo dục thể chất giúp học sinh hình thành và phát triển năng lực thể chất với các thành phần sau: năng lực chăm sóc sức khỏe, năng lực vận động cơ bản, năng lực hoạt động thể dục thể thao. Yêu cầu cần đạt về năng lực thể chất được thể hiện trong bảng sau:

Thành phần năng lực Cấp tiểu học Cấp trung học cơ sở Cấp trung học phổ thông
Chăm sóc sức khoẻ – Biết và bước đầu thực hiện được vệ sinh cá nhân, vệ sinh chung và vệ sinh trong tập luyện thể dục thể thao.

 – Biết và bước đầu thực hiện được một số yêu cầu cơ bản của chế độ dinh dưỡng để bảo vệ, tăng cường sức khoẻ.

 – Nhận ra và bước đầu có ứng xử thích hợp với một số yếu tố cơ bản của môi trường tự nhiên có lợi và có hại cho sức khoẻ.

– Hình thành được nền nếp vệ sinh cá nhân, vệ sinh trong tập luyện thể dục thể thao.

 – Có kiến thức cơ bản và ý thức thực hiện chế độ dinh dưỡng trong tập luyện và đời sống hằng ngày để bảo vệ, tăng cường sức khoẻ.

 – Tích cực tham gia các hoạt động tập thể trong môi trường tự nhiên để rèn luyện sức khoẻ.

– Nhận thức rõ vai trò của vệ sinh cá nhân, vệ sinh trong tập luyện thể dục thể thao và thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, vệ sinh trong tập luyện thể dục thể thao.

 – Biết lựa chọn chế độ dinh dưỡng phù hợp với bản thân trong quá trình tập luyện và đời sống hằng ngày để bảo vệ, tăng cường sức khoẻ.

 – Tích cực tham gia các hoạt động tập thể rèn luyện sức khoẻ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Vận động cơ bản – Nhận biết được các vận động cơ bản trong chương trình môn học.

 – Thực hiện được các kĩ năng vận động cơ bản.

 – Có ý thức thường xuyên vận động để phát triển các tố chất thể lực.

– Hiểu được vai trò quan trọng của các kĩ năng vận động cơ bản đối với việc phát triển các tố chất thể lực.

 – Thực hiện thuần thục các kĩ năng vận động cơ bản được học trong chương trình môn học.

 – Hình thành được thói quen vận động để phát triển các tố chất thể lực.

– Đánh giá được tầm quan trọng của các hoạt động vận động đối với việc phát triển các tố chất thể lực và hoạt động thể dục thể thao.

 – Biết lựa chọn các hình thức tập luyện thể dục thể thao phù hợp để hoàn thiện kĩ năng vận động, đáp ứng yêu cầu cuộc sống hiện đại.

 – Biết hướng dẫn, giúp đỡ mọi người tập luyện, vận động để phát triển các tố chất thể lực.

Hoạt động thể dục thể thao – Nhận biết được vai trò của hoạt động thể dục thể thao đối với cơ thể.

 – Thực hiện được kĩ thuật cơ bản của một số nội dung thể thao phù hợp với bản thân.

 – Tự giác, tích cực trong tập luyện thể dục thể thao.

– Hiểu được vai trò, ý nghĩa của thể dục thể thao đối với cơ thể và cuộc sống.

 – Lựa chọn được và thường xuyên tập luyện nội dung thể thao phù hợp để nâng cao sức khoẻ, phát triển thể lực.

 – Tham gia có trách nhiệm, hoà đồng với tập thể trong tập luyện thể dục thể thao và các hoạt động khác trong cuộc sống.

– Cảm nhận được vẻ đẹp của hoạt động thể dục thể thao và thể hiện nhu cầu tập luyện thể dục thể thao.

 – Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao, biết lựa chọn nội dung, phương pháp tập luyện phù hợp để phát triển các tố chất thể lực, nâng cao thành tích thể thao.

 – Có khả năng giao tiếp, hợp tác với mọi người để tổ chức hoạt động thể dục thể thao trong cuộc sống.

  1. NỘI DUNG GIÁO DỤC
  2. Nội dung khái quát
Mạch nội dung môn học Nội dung cho mỗi lớp
Lớp 1 Lớp 2 Lớp 3 Lớp 4 Lớp 5 Lớp 6 Lớp 7 Lớp 8 Lớp 9 Lớp 10 Lớp 11 Lớp 12
Kiến thức chung về Giáo dục thể chất × × × × × × × × × × × ×
Vận động cơ bản × × × × × × × × ×      
Thể thao tự chọn × × × × × × × × × × × ×
  1. Yêu cầu cần đạt và nội dung ở các lớp

 LỚP 1

Yêu cầu cần đạt Nội dung
– Biết thực hiện vệ sinh sân tập, chuẩn bị dụng cụ trong tập luyện.

 – Biết quan sát tranh ảnh và động tác làm mẫu của giáo viên để tập luyện.

 – Thực hiện được nội dung đội hình đội ngũ; các động tác bài tập thể dục; các tư thế và kĩ năng vận động cơ bản; các động tác cơ bản của nội dung thể thao được học.

 – Tham gia chơi tích cực các trò chơi vận động rèn luyện tư thế, tác phong, phản xạ và bổ trợ môn thể thao ưa thích.

 – Hoàn thành lượng vận động của bài tập.

 – Nghiêm túc, tích cực trong tập luyện và hoạt động tập thể. Bước đầu hình thành thói quen tập thể dục.

KIẾN THỨC CHUNG

 Vệ sinh sân tập, chuẩn bị dụng cụ trong tập luyện.

 VẬN ĐỘNG CƠ BẢN

 Đội hình đội ngũ

 – Các tư thế đứng nghiêm, đứng nghỉ

 – Tập hợp đội hình hàng dọc, hàng ngang, dóng hàng, điểm số.

 – Động tác quay các hướng

 – Trò chơi rèn luyện đội hình đội ngũ

 Bài tập thể dục

 – Các động tác thể dục phù hợp với đặc điểm lứa tuổi

 – Trò chơi bổ trợ khéo léo

 Tư thế và kĩ năng vận động cơ bản

 – Các tư thế hoạt động vận động cơ bản của đầu, cổ, tay, chân

 – Các hoạt động vận động phối hợp của cơ thể

 – Trò chơi rèn luyện kĩ năng vận động và phản xạ

 THỂ THAO TỰ CHỌN

 – Tập luyện một trong các nội dung thể thao phù hợp với đặc điểm lứa tuổi

 – Trò chơi vận động bổ trợ môn thể thao ưa thích

 LỚP 2

Yêu cầu cần đạt Nội dung
– Biết thực hiện vệ sinh cá nhân, đảm bảo an toàn trong tập luyện.

 – Biết quan sát tranh ảnh và động tác làm mẫu của giáo viên để tập luyện.

 – Thực hiện được nội dung đội hình đội ngũ; các động tác bài tập thể dục; các tư thế và kĩ năng vận động cơ bản; các động tác cơ bản của nội dung thể thao và vận dụng được vào trong các hoạt động tập thể.

 – Tham gia tích cực các trò chơi vận động rèn luyện tư thế, tác phong, phản xạ và bổ trợ môn thể thao ưa thích.

 – Hoàn thành lượng vận động của bài tập.

 – Nghiêm túc, tích cực trong tập luyện và hoạt động tập thể. Bước đầu hình thành thói quen tập luyện thể dục thể thao.

KIẾN THỨC CHUNG

 Vệ sinh cá nhân, đảm bảo an toàn trong tập luyện.

 VẬN ĐỘNG CƠ BẢN

 Đội hình đội ngũ

 – Biến đổi đội hình

 – Động tác giậm chân tại chỗ, đứng lại

 – Trò chơi rèn luyện đội hình đội ngũ

 Bài tập thể dục

 – Các động tác thể dục phù hợp với đặc điểm lứa tuổi

 – Trò chơi bổ trợ khéo léo

 Tư thế và kĩ năng vận động cơ bản

 – Các bài tập phối hợp di chuyển các hướng

 – Các động tác quỳ, ngồi cơ bản

 – Trò chơi rèn luyện kĩ năng vận động và phản xạ

 THỂ THAO TỰ CHỌN

 – Tập luyện một trong các nội dung thể thao phù hợp với đặc điểm lứa tuổi

 – Trò chơi vận động bổ trợ môn thể thao ưa thích

 LỚP 3

Yêu cầu cần đạt Nội dung
– Bước đầu biết lựa chọn môi trường tự nhiên có lợi trong tập luyện.

 – Biết quan sát tranh ảnh và động tác làm mẫu của giáo viên để tập luyện.

 – Thực hiện được nội dung đội hình đội ngũ; các động tác bài tập thể dục; các tư thế và kĩ năng vận động cơ bản; các động tác cơ bản của nội dung thể thao và vận dụng được vào trong các hoạt động tập thể.

 – Tham gia tích cực các trò chơi vận động rèn luyện tư thế, tác phong, phản xạ và bổ trợ môn thể thao ưa thích.

 – Bước đầu tự sửa sai động tác thông qua nghe, quan sát và tập luyện.

 – Hoàn thành lượng vận động của bài tập.

 – Nghiêm túc, tích cực, trung thực trong tập luyện. Hình thành thói quen tập luyện thể dục thể thao.

KIẾN THỨC CHUNG

 Những yếu tố môi trường tự nhiên có lợi, có hại trong tập luyện.

 VẬN ĐỘNG CƠ BẢN

 Đội hình đội ngũ

 – Biến đổi đội hình

 – Động tác đi đều

 – Trò chơi rèn luyện đội hình đội ngũ

 Bài tập thể dục

 – Các động tác thể dục phù hợp với đặc điểm lứa tuổi

 – Trò chơi bổ trợ khéo léo

 Tư thế và kĩ năng vận động cơ bản

 – Các bài tập di chuyển vượt chướng ngại vật

 – Các bài tập rèn luyện kĩ năng tung, bắt bằng tay

 – Trò chơi rèn luyện kĩ năng vận động và phản xạ

 THỂ THAO TỰ CHỌN

 – Tập luyện một trong các nội dung thể thao phù hợp với đặc điểm lứa tuổi

 – Trò chơi vận động bổ trợ môn thể thao ưa thích

 LỚP 4

Yêu cầu cần đạt Nội dung
– Biết và thực hiện vệ sinh đảm bảo an toàn trong giờ tập luyện của môn Giáo dục thể chất.

 – Quan sát tranh ảnh, động tác làm mẫu của giáo viên để tập luyện và tự sửa sai động tác.

 – Thực hiện được nội dung đội hình đội ngũ; các động tác bài tập thể dục có kết hợp với đạo cụ; các tư thế và kĩ năng vận động cơ bản; các động tác cơ bản của nội dung thể thao ưa thích; xử lí được một số tình huống trong tập luyện; vận dụng được vào trong các hoạt động tập thể.

 – Biết điều khiển tổ, nhóm tập luyện và giúp đỡ bạn trong tập luyện.

 – Hoàn thành lượng vận động của bài tập.

 – Thể hiện sự yêu thích và thường xuyên tập luyện thể dục thể thao.

KIẾN THỨC CHUNG

 Vệ sinh trong giờ học: khởi động, tập luyện, hồi phục, nghỉ ngơi sau tập luyện.

 VẬN ĐỘNG CƠ BẢN

 Đội hình đội ngũ

 – Động tác đi đều vòng các hướng

 – Trò chơi rèn luyện đội hình đội ngũ

 Bài tập thể dục

 – Các động tác thể dục kết hợp sử dụng các đạo cụ (cờ, hoa, vòng, gậy, …) phù hợp với đặc điểm lứa tuổi

 – Trò chơi bổ trợ khéo léo

 Tư thế và kĩ năng vận động cơ bản

 – Các bài tập rèn luyện kĩ năng thăng bằng

 – Các bài tập rèn luyện kĩ năng bật, nhảy

 – Trò chơi rèn luyện kĩ năng phối hợp vận động

 THỂ THAO TỰ CHỌN

 – Tập luyện một trong các nội dung thể thao phù hợp với đặc điểm lứa tuổi

 – Trò chơi vận động bổ trợ môn thể thao ưa thích

 LỚP 5

Yêu cầu cần đạt Nội dung
– Biết thực hiện theo hướng dẫn về chế độ dinh dưỡng trong tập luyện nhằm tăng khả năng vận động.

 – Thực hiện được nội dung đội hình đội ngũ; các động tác bài tập thể dục có kết hợp với đạo cụ; các tư thế và kĩ năng vận động cơ bản; các động tác cơ bản của nội dung thể thao ưa thích; xử lí được một số tình huống trong tập luyện.

 – Bước đầu vận dụng được kiến thức, kĩ năng đã học vào

 các hoạt động tập thể, tổ chức chơi được một số trò chơi vận động phù hợp với yêu cầu.

 – Biết sửa sai động tác thông qua nghe, quan sát và tập luyện.

 – Hoàn thành lượng vận động của bài tập.

 – Có trách nhiệm với tập thể và ý thức giúp đỡ bạn trong tập luyện.

 – Tự giác, dũng cảm, thường xuyên tập luyện thể dục thể thao.

KIẾN THỨC CHUNG

 Chế độ ăn uống đảm bảo dinh dưỡng trong tập luyện.

 VẬN ĐỘNG CƠ BẢN

 Đội hình đội ngũ

 – Luyện tập các nội dung đội hình, đội ngũ đã học

 – Trò chơi rèn luyện đội hình đội ngũ

 Bài tập thể dục

 – Các động tác thể dục kết hợp sử dụng đạo cụ (cờ, hoa, vòng, gậy, …) phù hợp với đặc điểm lứa tuổi

 – Trò chơi phát triển khéo léo

 Tư thế và kĩ năng vận động cơ bản

 – Các bài tập rèn luyện kĩ năng lăn, lộn

 – Các bài tập rèn luyện kĩ năng leo, trèo

 – Trò chơi rèn luyện kĩ năng phối hợp vận động

 THỂ THAO TỰ CHỌN

 – Tập luyện một trong các nội dung thể thao phù hợp với đặc điểm cá nhân và lứa tuổi

 – Trò chơi vận động bổ trợ môn thể thao ưa thích

 LỚP 6

Yêu cầu cần đạt Nội dung
– Nhận biết được các yếu tố dinh dưỡng cơ bản có ảnh hưởng trong tập luyện và phát triển thể chất.

 – Biết một số điều luật cơ bản ở các nội dung: Chạy cự li ngắn; Ném bóng; Chạy cự li trung bình và môn thể thao lựa chọn.

 – Thực hiện được các động tác bổ trợ kĩ thuật chạy; làm quen với các giai đoạn chạy cự li ngắn (60m), chạy cự li trung bình.

 – Thực hiện được các động tác bổ trợ kĩ thuật ném bóng. Thực hiện được kĩ thuật ném bóng.

 – Thực hiện đúng các động tác trong bài tập thể dục liên hoàn.

 – Thực hiện được các bài tập bổ trợ và động tác kĩ thuật cơ bản của môn thể thao lựa chọn. Thực hiện được một số tình huống phối hợp vận động với đồng đội trong bài tập.

 – Biết lựa chọn và tham gia các hoạt động trò chơi vận động phù hợp với yêu cầu, nội dung bài học nhằm phát triển tố chất thể lực.

 – Biết điều chỉnh, sửa sai động tác thông qua nghe, quan sát và tập luyện.

 – Hoàn thành lượng vận động của bài tập.

 – Tự giác, tích cực, đoàn kết và giúp đỡ bạn trong tập luyện. Biết điều khiển tổ, nhóm tập luyện và nhận xét kết quả tập luyện.

 – Vận dụng được kiến thức, kĩ năng đã học để rèn luyện hằng ngày.

KIẾN THỨC CHUNG

 Chế độ dinh dưỡng trong tập luyện thể dục thể thao.

 VẬN ĐỘNG CƠ BẢN

 Chạy cự li ngắn (60m)

 – Các động tác bổ trợ kĩ thuật chạy

 – Chạy cự li ngắn 60m

 – Một số trò chơi phát triển sức nhanh

 Ném bóng

 – Các động tác bổ trợ kĩ thuật ném bóng

 – Kĩ thuật ném bóng

 – Trò chơi phát triển sức mạnh tay – ngực

 Chạy cự li trung bình

 – Các động tác bổ trợ kĩ thuật chạy

 – Kĩ thuật chạy cự li trung bình

 – Trò chơi phát triển sức bền

 Bài tập thể dục

 – Bài thể dục liên hoàn dành cho học sinh lớp 6

 – Trò chơi phát triển khéo léo

 THỂ THAO TỰ CHỌN

 – Căn cứ vào điều kiện thực tế của địa phương và nhà trường, định hướng cho học sinh lựa chọn một trong những nội dung thể thao phù hợp với đặc điểm cá nhân và lứa tuổi: Điền kinh; Thể dục; Bơi; Bóng đá; Bóng chuyền; Bóng rổ; Cầu lông; Đá cầu; Bóng bàn; Võ; Khiêu vũ thể thao; Thể dục nhịp điệu; các môn thể thao truyền thống của địa phương;…

 – Trò chơi vận động bổ trợ cho môn thể thao lựa chọn

 LỚP 7

Yêu cầu cần đạt Nội dung
– Biết lựa chọn và sử dụng các yếu tố của môi trường tự nhiên có lợi cho sức khoẻ để tập luyện.

 – Biết một số điều luật cơ bản ở các nội dung: Chạy cự li ngắn; Nhảy xa kiểu ngồi; Chạy cự li trung bình và môn thể thao lựa chọn.

 – Biết khắc phục hiện tượng “cực điểm” xảy ra khi chạy cự li trung bình.

 – Thực hiện được các động tác bổ trợ kĩ thuật chạy; thực hiện được các giai đoạn chạy cự li ngắn (60m), chạy cự li trung bình.

 – Thực hiện được các động tác bổ trợ kĩ thuật nhảy xa kiểu ngồi và thực hiện được các giai đoạn kĩ thuật nhảy xa kiểu ngồi.

 – Thực hiện được bài tập thể dục liên hoàn lớp 7. Hô đúng nhịp động tác của bài tập thể dục liên hoàn.

 – Thực hiện được các bài tập bổ trợ và động tác kĩ thuật cơ bản của môn thể thao lựa chọn. Xử lí được một số tình huống khi tổ chức phối hợp với đồng đội.

 – Biết lựa chọn và tham gia các hoạt động trò chơi vận động phù hợp với yêu cầu, nội dung bài học nhằm phát triển tố chất thể lực.

 – Biết điều chỉnh, sửa sai động tác thông qua nghe, quan sát và tập luyện.

 – Hoàn thành lượng vận động của bài tập.

 – Tự giác, tích cực, đoàn kết và giúp đỡ bạn trong tập luyện. Biết điều khiển tổ, nhóm tập luyện và nhận xét kết quả tập luyện.

 – Vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học để rèn luyện hằng ngày.

KIẾN THỨC CHUNG

 Lựa chọn và sử dụng các yếu tố của môi trường tự nhiên trong tập luyện.

 VẬN ĐỘNG CƠ BẢN

 Chạy cự li ngắn (60m)

 – Các động tác bổ trợ kĩ thuật chạy

 – Chạy cự li ngắn 60m

 – Một số trò chơi phát triển sức nhanh

 Nhảy xa kiểu ngồi

 – Các động tác bổ trợ kĩ thuật nhảy xa kiểu ngồi

 – Kĩ thuật nhảy xa kiểu ngồi

 – Trò chơi phát triển sức mạnh

 Chạy cự li trung bình

 – Các động tác bổ trợ kĩ thuật chạy

 – Kĩ thuật chạy cự li trung bình

 – Trò chơi phát triển sức bền

 Bài tập thể dục

 – Bài thể dục liên hoàn dành cho học sinh lớp 7

 – Trò chơi phát triển sự khéo léo

 THỂ THAO TỰ CHỌN

 – Căn cứ vào điều kiện thực tế của địa phương và nhà trường, định hướng cho học sinh lựa chọn một trong những nội dung thể thao phù hợp để học tập và rèn luyện: Điền kinh; Thể dục; Bơi; Bóng đá; Bóng chuyền; Bóng rổ; Cầu lông; Đá cầu; Bóng bàn; Võ; Khiêu vũ thể thao; Thể dục nhịp điệu; các môn thể thao truyền thống của địa phương;…

 – Trò chơi vận động bổ trợ cho môn thể thao lựa chọn

 LỚP 8

Yêu cầu cần đạt Nội dung
– Biết lựa chọn và sử dụng chế độ dinh dưỡng thích hợp với bản thân trong tập luyện thể dục thể thao.

 – Biết một số điều luật cơ bản ở các nội dung: Chạy cự li ngắn; Nhảy cao kiểu bước qua; Chạy cự li trung bình và môn thể thao lựa chọn.

 – Khắc phục được hiện tượng “cực điểm” xảy ra khi chạy cự li trung bình.

 – Thực hiện được các động tác bổ trợ kĩ thuật chạy. Thực hiện được các giai đoạn chạy cự li ngắn (100m), chạy cự li trung bình.

 – Thực hiện được các động tác bổ trợ kĩ thuật nhảy cao kiểu bước qua. Thực hiện được các giai đoạn kĩ thuật nhảy cao kiểu bước qua.

 – Thực hiện được bài tập thể dục nhịp điệu lớp 8. Hô đúng nhịp bài tập thể dục nhịp điệu của học sinh lớp 8.

 – Thực hiện được các bài tập bổ trợ và động tác kĩ thuật cơ bản của môn thể thao lựa chọn. Xử lí linh hoạt một số tình huống khi phối hợp với đồng đội.

 – Lựa chọn và tham gia các hoạt động trò chơi vận động phù hợp với yêu cầu, nội dung bài học nhằm phát triển tố chất thể lực.

 – Biết điều khiển tổ, nhóm tập luyện và nhận xét kết quả tập luyện.

 – Vận dụng những hiểu biết về môn thể thao ưa thích khi tham gia thi đấu.

 – Hoàn thành lượng vận động của bài tập.

 – Tham gia có trách nhiệm, trung thực, đoàn kết, giúp đỡ bạn trong tập luyện và các hoạt động khác trong cuộc sống.

KIẾN THỨC CHUNG

 Sử dụng chế độ dinh dưỡng thích hợp với bản thân trong tập luyện thể dục thể thao.

 VẬN ĐỘNG CƠ BẢN

 Chạy cự li ngắn (100m)

 – Các động tác bổ trợ kĩ thuật chạy

 – Chạy cự li ngắn 100m

 – Một số trò chơi phát triển sức nhanh

 Nhảy cao kiểu bước qua

 – Các động tác bổ trợ kĩ thuật nhảy cao kiểu bước qua

 – Kĩ thuật nhảy cao kiểu bước qua

 – Trò chơi phát triển sức mạnh

 Chạy cự li trung bình

 – Các động tác bổ trợ kĩ thuật chạy

 – Kĩ thuật chạy cự li trung bình

 – Trò chơi phát triển sức bền

 Bài tập thể dục

 – Bài thể dục nhịp điệu dành cho học sinh lớp 8

 – Trò chơi phát triển sự khéo léo

 THỂ THAO TỰ CHỌN

 – Căn cứ vào điều kiện thực tế của địa phương và nhà trường, định hướng cho học sinh lựa chọn một trong những nội dung thể thao phù hợp để học tập và rèn luyện:

 Điền kinh; Thể dục; Bơi; Bóng đá; Bóng chuyền; Bóng rổ; Cầu lông; Đá cầu; Bóng bàn; Võ; Khiêu vũ thể thao; Thể dục nhịp điệu; các môn thể thao truyền thống của địa phương;…

 – Trò chơi vận động bổ trợ cho môn thể thao lựa chọn

 LỚP 9

Yêu cầu cần đạt Nội dung
– Bước đầu biết sử dụng các yếu tố tự nhiên (không khí, nước, ánh sáng,…) và dinh dưỡng để rèn luyện sức khoẻ và phát triển tố chất thể lực.

 – Biết những điều luật cơ bản ở các nội dung: Chạy cự li ngắn; Nhảy cao kiểu nằm nghiêng; Chạy cự li trung bình và môn thể thao lựa chọn.

 – Khắc phục được hiện tượng “cực điểm” xảy ra khi chạy cự li trung bình.

 – Thực hiện được các động tác bổ trợ kĩ thuật chạy. Hoàn thành được các giai đoạn chạy cự li ngắn (100m), chạy cự li trung bình.

 – Thực hiện được các động tác bổ trợ kĩ thuật nhảy cao kiểu nằm nghiêng. Hoàn thành được các giai đoạn kĩ thuật nhảy cao kiểu nằm nghiêng.

 – Thực hiện được bài tập thể dục nhịp điệu dành cho học sinh lớp 9. Hô đúng nhịp động tác bài tập thể dục nhịp điệu của học sinh lớp 9.

 – Thực hiện được các bài tập bổ trợ và động tác kĩ thuật cơ bản của môn thể thao lựa chọn. Phán đoán, xử lí một số tình huống linh hoạt, phối hợp được với đồng đội trong tập luyện và thi đấu môn thể thao ưa thích.

 – Biết điều chỉnh, sửa sai động tác thông qua nghe, quan sát và tập luyện.

 – Lựa chọn và tham gia các hoạt động trò chơi vận động phù hợp với yêu cầu, nội dung bài học nhằm phát triển các tố chất thể lực.

 – Thể hiện được khả năng điều khiển tổ, nhóm tập luyện và nhận xét kết quả tập luyện.

 – Vận dụng được những hiểu biết về môn thể thao ưa thích để tập luyện hằng ngày.

 – Hoàn thành lượng vận động của bài tập.

 – Có trách nhiệm, hoà đồng với tập thể trong tập luyện thể thao và các hoạt động khác trong cuộc sống.

KIẾN THỨC CHUNG

 Sử dụng các yếu tố tự nhiên (không khí, nước, ánh sáng,…) và dinh dưỡng để rèn luyện sức khoẻ và phát triển thể chất.

 VẬN ĐỘNG CƠ BẢN

 Chạy cự li ngắn (100m)

 – Các động tác bổ trợ kĩ thuật chạy

 – Chạy cự li ngắn 100m

 – Một số trò chơi phát triển sức nhanh

 Nhảy cao kiểu nằm nghiêng

 – Các động tác bổ trợ kĩ thuật nhảy cao kiểu nằm nghiêng.

 – Kĩ thuật nhảy cao kiểu nằm nghiêng

 – Trò chơi phát triển sức mạnh

 Chạy cự li trung bình

 – Các động tác bổ trợ kĩ thuật chạy

 – Kĩ thuật chạy cự li trung bình

 – Trò chơi phát triển sức bền

 Bài tập thể dục

 – Bài thể dục nhịp điệu dành cho học sinh lớp 9

 – Trò chơi phát triển sự khéo léo

 THỂ THAO TỰ CHỌN

 – Căn cứ vào điều kiện thực tế của địa phương và nhà trường, định hướng cho học sinh lựa chọn một trong những nội dung thể thao phù hợp để học tập và rèn luyện:

 Điền kinh; Thể dục; Bơi; Bóng đá; Bóng chuyền; Bóng rổ; Cầu lông; Đá cầu; Bóng bàn; Võ; Khiêu vũ thể thao; Thể dục nhịp điệu; các môn thể thao truyền thống của địa phương;…

 – Trò chơi vận động bổ trợ cho môn thể thao lựa chọn

 LỚP 10

Yêu cầu cần đạt Nội dung
– Sử dụng được một số yếu tố tự nhiên (không khí, nước, ánh sáng,…) và dinh dưỡng để rèn luyện sức khoẻ và phát triển các tố chất thể lực.

 – Có hiểu biết sơ giản về lịch sử môn thể thao được lựa chọn.

 – Vận dụng được một số điều luật của môn thể thao lựa chọn vào trong tập luyện.

 – Thực hiện được các kĩ thuật cơ bản của môn thể thao lựa chọn.

 – Biết điều chỉnh, sửa sai một số động tác thông qua nghe, quan sát, tập luyện của bản thân và tổ, nhóm.

 – Biết phán đoán, xử lí các tình huống linh hoạt và phối hợp được với đồng đội trong tập luyện và thi đấu môn thể thao ưa thích.

 – Vận dụng được những hiểu biết về môn thể thao đã lựa chọn để tập luyện hằng ngày.

 – Thể hiện sự tăng tiến thể lực trong tập luyện.

 – Đạt tiêu chuẩn đánh giá thể lực học sinh theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

 – Có ý thức tự giác, tinh thần tập thể, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau trong tập luyện.

 – Thể hiện sự yêu thích môn thể thao trong học tập và rèn luyện.

KIẾN THỨC CHUNG

 Sử dụng các yếu tố tự nhiên (không khí, nước, ánh sáng,…) và dinh dưỡng để rèn luyện sức khoẻ và phát triển thể chất.

 MÔN THỂ THAO TỰ CHỌN

 Căn cứ vào điều kiện dạy học của địa phương và nhà trường, định hướng cho học sinh lựa chọn nội dung thể thao phù hợp trong số các môn thể thao được sử dụng trong Hội khoẻ Phù đổng các cấp, trong giải thi đấu quốc gia và quốc tế, các môn thể thao truyền thống của địa phương: Điền kinh; Thể dục; Bơi; Bóng đá; Bóng chuyền; Bóng rổ; Cầu lông; Đá cầu; Bóng bàn; Võ (Vovinam, Võ dân tộc cổ truyền, Karatedo, Taekwondo,…); Quần vợt; Bóng ném; Khiêu vũ thể thao; Thể dục nhịp điệu; Cầu mây; các môn thể thao truyền thống của địa phương;…

 LỚP 11

Yêu cầu cần đạt Nội dung
– Hiểu và sử dụng được các yếu tố tự nhiên (không khí, nước, ánh sáng,…) và dinh dưỡng để rèn luyện sức khoẻ, phát triển các tố chất thể lực.

 – Biết được vai trò, tác dụng cơ bản của môn thể thao lựa chọn đối với sự phát triển thể chất.

 – Nêu và phân tích, vận dụng được một số điều luật của môn thể thao được lựa chọn vào trong tập luyện và đấu tập.

 – Thực hiện đúng các kĩ thuật, chiến thuật cơ bản trong tập luyện và biết vận dụng vào thi đấu môn thể thao lựa chọn.

 – Tự điều chỉnh, sửa sai được động tác thông qua nghe, quan sát và tập luyện.

 – Có khả năng phán đoán, xử lí các tình huống một cách linh hoạt và phối hợp được với đồng đội trong tập luyện và thi đấu môn thể thao ưa thích.

 – Vận dụng được những kiến thức, kĩ năng về môn thể thao được lựa chọn để tập luyện hằng ngày nhằm hoàn thiện kĩ năng, kĩ xảo vận động, đáp ứng yêu cầu chuyên môn.

 – Thể hiện sự phát triển thể lực trong rèn luyện và đấu tập.

 – Đạt tiêu chuẩn đánh giá thể lực học sinh theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

 – Thể hiện khả năng và sự đam mê thể thao trong sinh hoạt, học tập hằng ngày.

 – Tự giác, tích cực, đoàn kết giúp đỡ bạn trong tập luyện, thi đấu và trong cuộc sống.

KIẾN THỨC CHUNG

 Sử dụng các yếu tố tự nhiên (không khí, nước, ánh sáng,…) và dinh dưỡng để rèn luyện sức khoẻ và phát triển thể chất.

 MÔN THỂ THAO TỰ CHỌN

 Căn cứ vào điều kiện dạy học của địa phương và nhà trường, định hướng cho học sinh lựa chọn nội dung môn thể thao phù hợp trong số các môn thể thao được sử dụng trong Hội khoẻ Phù đổng các cấp, trong giải thi đấu quốc gia và quốc tế, các môn thể thao truyền thống của địa phương: Điền kinh; Thể dục; Bơi; Bóng đá; Bóng chuyền; Bóng rổ; Cầu lông; Đá cầu; Bóng bàn; Võ (Vovinam, Võ dân tộc cổ truyền, Karatedo, Taekwondo,…); Quần vợt; Bóng ném; Khiêu vũ thể thao; Thể dục nhịp điệu; Cầu mây; các môn thể thao truyền thống của địa phương;…

 LỚP 12

Yêu cầu cần đạt Nội dung
– Hướng dẫn được người khác sử dụng các yếu tố tự nhiên (không khí, nước, ánh sáng,..) và dinh dưỡng để rèn luyện sức khoẻ, phát triển các tố chất thể lực.

 – Hiểu được vai trò, ảnh hưởng của môn thể thao lựa chọn đối với sức khoẻ và xã hội.

 – Hiểu và phân tích được những điều luật của môn thể thao đã lựa chọn để áp dụng vào trong luyện tập và thi đấu.

 – Thực hiện thuần thục, ổn định các kĩ thuật, chiến thuật cơ bản trong luyện tập và thi đấu môn thể thao lựa chọn.

 – Có khả năng quan sát, điều chỉnh, sửa sai động tác trong tập luyện và thi đấu.

 – Biết lập kế hoạch tập luyện môn thể thao ưa thích.

 – Thể hiện năng khiếu về môn thể thao lựa chọn trong học tập và thi đấu.

 – Phát triển thể lực và thành tích trong thi đấu.

 – Đạt tiêu chuẩn đánh giá thể lực học sinh theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

 -Tích cực tham gia công tác trọng tài điều khiển các trận thi đấu nhằm nâng cao hiệu quả học tập và rèn luyện

 – Thể hiện được ý thức tự giác, tinh thần tập thể, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau trong luyện tập và thi đấu.

 – Cảm nhận được vẻ đẹp của hoạt động thể dục thể thao

 và thể hiện được nhu cầu luyện tập hằng ngày.

 – Thể hiện sự ham thích, đam mê thể thao trong sinh hoạt, học tập và cuộc sống hằng ngày.

KIẾN THỨC CHUNG

 Sử dụng các yếu tố tự nhiên (không khí, nước, ánh sáng,…) và dinh dưỡng để rèn luyện sức khoẻ và phát triển thể chất.

 MÔN THỂ THAO TỰ CHỌN

 Căn cứ vào điều kiện dạy học của địa phương và nhà trường, định hướng cho học sinh lựa chọn nội dung môn thể thao phù hợp trong số các môn thể thao được sử dụng trong Hội khoẻ Phù đổng các cấp, trong giải thi đấu quốc gia và quốc tế, các môn thể thao truyền thống của địa phương,… : Điền kinh; Thể dục; Bơi; Bóng đá; Bóng chuyền; Bóng rổ; Cầu lông; Đá cầu; Bóng bàn; Võ (Vovinam, Võ dân tộc cổ truyền, Karatedo, Taekwondo,…); Quần vợt; Bóng ném; Khiêu vũ thể thao; Thể dục nhịp điệu; Cầu mây; các môn thể thao truyền thống của địa phương;…

  1. PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC
  2. Định hướng chung

 Môn Giáo dục thể chất vận dụng phương pháp giáo dục tích cực, lấy học sinh làm trung tâm, thực hiện chuyển quá trình giáo dục thành tự giáo dục; giáo viên là người thiết kế, tổ chức, cố vấn, trọng tài, hướng dẫn hoạt động tập luyện cho học sinh, tạo môi trường học tập thân thiện để khuyến khích học sinh tích cực tham gia các hoạt động tập luyện, tự mình trải nghiệm, tự phát hiện bản thân và phát triển thể chất.

 Giáo viên vận dụng linh hoạt các phương pháp dạy học đặc trưng như: trực quan, sử dụng lời nói, tập luyện, sửa sai, trò chơi, thi đấu, trình diễn,…; sử dụng nguyên tắc đối xử cá biệt, phù hợp với sức khoẻ học sinh; kết hợp dụng cụ, thiết bị phù hợp, sử dụng hiệu quả các thành tựu của công nghệ thông tin để tạo nên giờ học sinh động, hiệu quả.

 Đa dạng hoá các hình thức tổ chức dạy học, cân đối giữa hoạt động tập thể lớp, hoạt động nhóm nhỏ và cá nhân, giữa dạy học bắt buộc và dạy học tự chọn, để đảm bảo vừa phát triển năng lực thể chất, vừa phát triển các phẩm chất chủ yếu và năng lực chung. Tích hợp kiến thức một số môn học khác, một số bài hát, bản nhạc,… để tạo không khí vui tươi, hưng phấn trong tập luyện, làm cho học sinh yêu thích và đam mê tập luyện thể thao.

  1. Định hướng phương pháp hình thành, phát triển phẩm chất chủ yếu và năng lực chung
  2. a) Phương pháp hình thành, phát triển phẩm chất chủ yếu

 Thông qua việc tổ chức các hoạt động học tập, giáo viên giúp học sinh rèn luyện tính trung thực, tình cảm bạn bè, đồng đội, tinh thần trách nhiệm và ý thức tự giác, chăm chỉ tập luyện để phát triển hài hoà về thể chất, tinh thần, có những phẩm chất và năng lực cần thiết để trở thành người công dân có trách nhiệm, có sức khoẻ, có văn hoá, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

  1. b) Phương pháp hình thành, phát triển năng lực chung

 – Đối với năng lực tự chủ và tự học: Trong dạy học môn Giáo dục thể chất, giáo viên tổ chức cho học sinh thực hiện các hoạt động tìm tòi, khám phá, tra cứu thông tin, lập kế hoạch và thực hiện các bài tập thực hành, từ đó hình thành và phát triển năng lực tự chủ và tự học cho học sinh.

 – Đối với năng lực giao tiếp và hợp tác: Môn Giáo dục thể chất tạo cơ hội cho học sinh thường xuyên được trao đổi, trình bày, chia sẻ và phối hợp thực hiện ý tưởng trong các bài thực hành, các trò chơi, các hoạt động thi đấu có tính đồng đội. Từ đó, học sinh được hình thành và phát triển năng lực giao tiếp và hợp tác.

 – Đối với năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo: Thông qua các hoạt động luyện tập, trò chơi, thi đấu và vận dụng linh hoạt các phương pháp tập luyện, giáo viên tạo cơ hội cho học sinh vận dụng kiến thức để phát hiện vấn đề và đề xuất cách giải quyết, biết cách lập kế hoạch và thực hiện kế hoạch để giải quyết vấn đề một cách khách quan, trung thực và sáng tạo.

  1. Định hướng phương pháp hình thành, phát triển năng lực thể chất
  2. a) Hình thành, phát triển năng lực chăm sóc sức khoẻ: Giáo viên tạo cơ hội cho học sinh huy động những hiểu biết, kinh nghiệm sẵn có để hình thành ý thức và kiến thức về chăm sóc sức khoẻ; đồng thời tăng cường giao nhiệm vụ ở nhà, đồng thời phối hợp với cha mẹ học sinh giúp đỡ học sinh thực hiện nền nếp giữ gìn vệ sinh, chăm sóc sức khoẻ bản thân.
  3. b) Hình thành, phát triển năng lực vận động cơ bản: Giáo viên khai thác ưu thế của Giáo dục thể chất là một loại hình giáo dục mà nội dung chuyên biệt là dạy học vận động (động tác) và sự phát triển có chủ định các tố chất vận động của con người. Các giai đoạn dạy học động tác nhằm hình thành ở học sinh kĩ năng vận động, khả năng vận dụng vào thực tế. Việc tổ chức các hoạt động vận động (bài tập và trò chơi vận động,…) giúp cho học sinh hình thành và phát triển được các tố chất thể lực cơ bản như: nhanh, mạnh, bền, khéo léo, mềm dẻo,… cũng như khả năng thích ứng của cơ thể và trí nhớ vận động.
  4. c) Hình thành, phát triển năng lực hoạt động thể dục thể thao: Giáo viên vận dụng nguyên tắc giáo dục cá biệt, quan tâm phát hiện và hướng dẫn học sinh tập luyện các môn thể dục thể thao phù hợp với sở thích, sở trường; tạo cơ hội cho học sinh được quan sát và tham gia các trò chơi, các hoạt động cổ vũ và thi đấu thể thao, từ đó khơi dậy niềm đam mê hoạt động thể dục thể thao, khả năng hoạt động thể dục thể thao, phát triển khả năng trình diễn và thi đấu.

 VII. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ GIÁO DỤC

  1. Mục tiêu đánh giá

 Đánh giá kết quả giáo dục thể chất là hoạt động thu thập thông tin và so sánh mức độ đạt được của học sinh so với yêu cầu cần đạt của môn học nhằm cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, có giá trị về sự tiến bộ của học sinh, mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình để trên cơ sở đó điều chỉnh hoạt động dạy học và cách tổ chức quản lí nhằm không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục.

  1. Nguyên tắc đánh giá
  2. a) Đánh giá kết quả giáo dục phải căn cứ vào mục tiêu và các yêu cầu cần đạt đối với từng lớp học, cấp học trong chương trình môn Giáo dục thể chất, theo các tiêu chuẩn đánh giá thể lực học sinh do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, chú trọng kĩ năng vận động và hoạt động thể dục thể thao của học sinh;
  3. b) Đánh giá phải bảo đảm toàn diện, khách quan, có phân hoá; kết hợp giữa đánh giá thường xuyên và định kì; kết hợp giữa đánh giá của giáo viên, tự đánh giá và đánh giá đồng đẳng của học sinh, đánh giá của cha mẹ học sinh. Học sinh được biết thông tin về hình thức, thời điểm, cách đánh giá và chủ động tham gia quá trình đánh giá.
  4. c) Đánh giá phải coi trọng sự tiến bộ của học sinh về năng lực, thể lực và ý thức học tập; có tác dụng thúc đẩy và hỗ trợ học sinh phát triển các phẩm chất và năng lực; tạo được hứng thú và khích lệ tinh thần tập luyện của học sinh, qua đó khuyến khích học sinh tham gia các hoạt động thể dục thể thao ở trong và ngoài nhà trường.
  5. Hình thức đánh giá
  6. a) Đánh giá thường xuyên và đánh giá định kì

 – Đánh giá thường xuyên: Bao gồm đánh giá chính thức (thông qua các hoạt động thực hành, tập luyện, trình diễn,…) và đánh giá không chính thức (bao gồm quan sát trên lớp, đối thoại, học sinh tự đánh giá,…) nhằm thu thập những thông tin về quá trình hình thành, phát triển năng lực của từng học sinh.

 – Đánh giá định kì: Nội dung đánh giá chú trọng đến kĩ năng thực hành, thể lực của học sinh; phối hợp với đánh giá thường xuyên cung cấp thông tin để phân loại học sinh và điều chỉnh nội dung, phương pháp giáo dục.

  1. b) Đánh giá định tính và đánh giá định lượng

 – Đánh giá định tính: Kết quả học tập được mô tả bằng lời nhận xét hoặc biểu thị bằng các mức xếp loại. Học sinh có thể sử dụng hình thức này để tự đánh giá sau khi kết thúc mỗi nội dung, mỗi chủ đề, hoặc giáo viên sử dụng để đánh giá thường xuyên (không chính thức). Đánh giá định tính được sử dụng chủ yếu ở cấp tiểu học.

 – Đánh giá định lượng: Kết quả học tập được biểu thị bằng điểm số theo thang điểm 10. Giáo viên sử dụng hình thức đánh giá này đối với đánh giá thường xuyên chính thức và đánh giá định kì. Đánh giá định lượng được sử dụng chủ yếu ở cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông.

 VIII. GIẢI THÍCH VÀ HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

  1. Giải thích thuật ngữ
  2. a) Một số thuật ngữ chuyên môn

 – Cảm giác dùng sức: là khả năng dùng lực và phân phối lực một cách chính xác khi thực hiện động tác hoặc liên kết động tác.

 – Định hướng không gian: là xác định và nhận biết sự thay đổi vị trí và động tác của cơ thể trong không gian, có liên quan đến môi trường hoạt động nhất định.

 – Liên kết vận động: là sự phối hợp các bộ phận của từng động tác, các hoạt động của từng bộ phận cơ thể trong mối quan hệ với hoạt động chung của cơ thể.

 – Năng lực thể chất: là năng lực đặc thù được hình thành, phát triển nhờ tố chất sẵn có và quá trình học tập, rèn luyện của học sinh, bao gồm khả năng chăm sóc sức khỏe, khả năng vận động cơ bản và khả năng hoạt động thể dục thể thao.

 – Nhịp điệu: là sự luân chuyển của các chuyển động trong mỗi động tác, quyết định chất lượng thực hiện cũng như tính nghệ thuật của các động tác kĩ thuật, nhất là các động tác có độ khó cao.

 – Phản ứng của cơ thể: là khả năng dẫn truyền và đáp ứng một cách hợp lí, nhanh chóng của cơ thể đối với một tín hiệu đơn giản hoặc phức tạp.

 – Thể chất: là toàn bộ hình thái và chức năng cơ thể được hình thành và phát triển do bẩm sinh di truyền điều kiện sống và sự rèn luyện.

 – Tố chất thể lực: là yếu tố của năng lực thể chất, được xác định bằng sức mạnh, sức nhanh, sức bền, sự khéo léo, mềm dẻo và các phẩm chất tâm lí phù hợp.

 – Thích ứng của cơ thể: là sự điều chỉnh các hệ thống chức năng tâm – sinh lí của cơ thể để phù hợp với điều kiện sống dưới ảnh hưởng của các nhân tố bên ngoài cơ thể.

 – Trí nhớ vận động: là khả năng lưu giữ những thông tin về hoạt động vận động được cung cấp trở lại và vận dụng một cách hợp lí trong trường hợp cần thiết.

  1. b) Từ ngữ thể hiện mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt

 Chương trình môn Giáo dục thể chất sử dụng một số động từ để thể hiện mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt về năng lực của người học. Một số động từ được sử dụng ở các mức độ khác nhau nhưng trong mỗi trường hợp thể hiện một hành động có đối tượng và yêu cầu cụ thể. Trong bảng tổng hợp dưới đây, đối tượng, yêu cầu cụ thể của mỗi hành động được chỉ dẫn bằng các từ ngữ khác nhau đặt trong ngoặc đơn.

 Trong quá trình dạy học, đặc biệt là khi đặt câu hỏi thảo luận, ra đề kiểm tra đánh giá, giáo viên có thể dùng những động từ nêu trong bảng tổng hợp dưới đây hoặc thay thế bằng các động từ có nghĩa tương đương cho phù hợp với tình huống sư phạm và nhiệm vụ cụ thể giao cho học sinh.

Mức độ Động từ mô tả mức độ
Biết – Kể được tên (trò chơi vận động, các môn thể thao);

 – Liệt kê được (tên dụng cụ của các môn thể thao);

 – Nêu được tên (động tác kĩ thuật, tư thế vận động cơ bản);

 – Phát biểu được, thuộc (một số điều luật thể thao);

 – Xác định được, biết được (các tư thế động tác, phương hướng, biên độ động tác);

 – Nhận biết được (chế độ dinh dưỡng, các yếu tố vệ sinh, thiên nhiên có lợi, có hại trong tập luyện);

 – Biết được (một cách sơ giản về lịch sử của môn thể thao ưa thích);

 – Khắc phục được (hiện tượng “cực điểm” xảy ra khi chạy cự li trung bình)

Hiểu – Nêu được (vai trò, ý nghĩa của vệ sinh trong tập luyện);

 – Mô tả được (động tác kĩ thuật);

 – So sánh được (sự khác nhau giữa kĩ thuật và chiến thuật của môn thể thao);

 – Giới thiệu được (những biến đổi quan trọng về phát triển các kĩ thuật môn nhảy cao);

 – Chỉ ra được (nguyên nhân dẫn đến động tác sai và cách khắc phục động tác sai đó);

 – Đánh giá được (tầm quan trọng của các hoạt động vận động đến phát triển thể lực và sức khoẻ);

 – Phân biệt được (các sơ đồ chiến thuật thi đấu một môn thể thao);

 – So sánh được (nội dung, phương pháp tập luyện phù hợp để nâng cao sức khoẻ).

Vận dụng – Thực hiện được (cách chăm sóc sức khoẻ phù hợp với bản thân);

 – Hướng dẫn được (người khác cách chăm sóc sức khoẻ và bảo vệ môi trường tập luyện);

 – Rèn luyện được (khả năng thích ứng của cơ thể với những biến đổi của môi trường);

 – Biểu diễn được (các động tác kĩ thuật, bài tập liên hoàn);

 – Tự sửa được (động tác thông qua nghe, quan sát và tập luyện);

 – Vận dụng được (các kĩ thuật đã học vào luyện tập và thi đấu);

 – Áp dụng được (các động tác chiến thuật hợp lí vào thi đấu);

 – Vận dụng được (điều luật thể thao vào tổ chức thi đấu);

 – Đề xuất được (giải pháp phù hợp cho tổ chức thi đấu);

 – Xử lí được (các tình huống trong tập luyện và thi đấu);

 – Xác định được (một số biện pháp phòng tránh chấn thương);

 – Lập được (kế hoạch, thời gian tập luyện để phát triển tố chất thể lực).

  1. Thời lượng thực hiện chương trình

 Thời lượng dành cho môn Giáo dục thể chất ở mỗi lớp là 70 tiết trong năm học, được phân bổ cho các nội dung giáo dục với tỉ lệ (%) như sau:

Nội dung Thời lượng
CẤP TIỂU HỌC  
Vận động cơ bản Đội hình đội ngũ 20%
Tư thế và kĩ năng vận động cơ bản 35%
Bài tập thể dục 10%
Thể thao tự chọn 25%
Đánh giá cuối học kì, cuối năm học 10%
CẤP TRUNG HỌC CƠ SỞ  
Vận động cơ bản 45%
Bài tập thể dục 10%
Thể thao tự chọn 35%
Đánh giá cuối học kì, cuối năm học 10%
CẤP TRUNG HỌC PHỔ THÔNG  
Các môn thể thao tự chọn 90%
Đánh giá cuối học kì, cuối năm học 10%
  1. Thiết bị dạy học
  2. a) Thiết bị để minh hoạ, trình diễn: Dụng cụ mẫu để hướng dẫn tập luyện các nội dung đội hình đội ngũ, vận động cơ bản, hoạt động thể dục, các môn thể thao; tranh ảnh, băng đĩa hình kĩ thuật các hoạt động thể dục, các môn thể thao; loa, ampli, máy chiếu (projector),…
  3. b) Thiết bị để thực hành: Dụng cụ tập luyện vận động cơ bản và các môn thể thao; dụng cụ, phương tiện tổ chức chơi các trò chơi vận động; đồng hồ bấm giây thể thao, còi, cờ, thước dây,…
  4. c) Khu vực tập luyện: Sân tập, đường chạy, nhà tập đa năng,…
  5. Thực hiện chương trình phù hợp với điều kiện thực tế và đối tượng học sinh

 Chương trình môn Giáo dục thể chất có nhiều lựa chọn dành cho nhà trường và học sinh. Đầu năm học, giáo viên và nhà trường căn cứ kết quả kiểm tra sức khoẻ tại trường hoặc giấy chứng nhận sức khoẻ của cơ sở y tế có thẩm quyền cấp cho học sinh, tổ chức cho học sinh học môn Giáo dục thể chất bảo đảm tất cả học sinh đều được học tập, rèn luyện với nội dung phù hợp, đáp ứng các yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực quy định trong chương trình.

 Các môn thể thao tự chọn trong chương trình môn Giáo dục thể chất là hệ thống các môn thể thao được tổ chức trong Hội khoẻ Phù đổng các cấp, trong hệ thống giải thi đấu quốc gia, quốc tế và các môn thể thao truyền thống của địa phương.

 Ở lớp 1, lớp 2 và lớp 3, nội dung thể thao tự chọn chủ yếu là trò chơi vận động gắn với một số môn thể thao phù hợp với thể lực của học sinh và khả năng tổ chức của nhà trường.

 Từ lớp 4 đến lớp 9, học sinh được hướng dẫn luyện tập và tham gia thi đấu các môn thể thao phù hợp.

 Ở cấp trung học phổ thông, nội dung thể thao tự chọn gồm 3 nhóm: (a) Nhóm kĩ thuật cơ bản, dành cho lớp 10; (b) nhóm kĩ thuật nâng cao, dành cho lớp 11, (c) nhóm vận dụng, thi đấu, dành cho lớp 12. Tuỳ theo khả năng tổ chức của nhà trường, học sinh có thể lựa chọn một môn thể thao cho cả ba năm học hoặc mỗi năm học lựa chọn một môn thể thao.

 Những học sinh học một môn thể thao trong cả ba năm học thì được học đầy đủ ba nội dung (a), (b) và (c). Những học sinh chọn học hai môn thể thao thì được học các nội dung (a) và (b) ở một môn thể thao, môn thể thao còn lại chỉ học nội dung (a). Những học sinh chọn học ba môn thể thao thì chỉ học nội dung (a).

 Giáo viên được quyền tham gia xây dựng và chủ động thực hiện kế hoạch giáo dục của môn học phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương, nhà trường và lớp học mà mình phụ trách trên cơ sở bảo đảm mục tiêu giáo dục và yêu cầu cần đạt của chương trình đối với cấp học, lớp học.

 CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG

 HOẠT ĐỘNG TRẢI NGHIỆM VÀ HOẠT ĐỘNG TRẢI NGHIỆM, HƯỚNG NGHIỆP

 (Ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

 MỤC LỤC

  1. ĐẶC ĐIỂM HOẠT ĐỘNG TRẢI NGHIỆM VÀ HOẠT ĐỘNG TRẢI NGHIỆM, HƯỚNG NGHIỆP
  2. QUAN ĐIỂM XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH

 III. MỤC TIÊU CHƯƠNG TRÌNH

  1. YÊU CẦU CẦN ĐẠT
  2. NỘI DUNG GIÁO DỤC

 LỚP 1

 LỚP 2

 LỚP 3

 LỚP 4

 LỚP 5

 LỚP 6

 LỚP 7

 LỚP 8

 LỚP 9

 LỚP 10

 LỚP 11

 LỚP 12

  1. PHƯƠNG THỨC TỔ CHỨC VÀ LOẠI HÌNH HOẠT ĐỘNG

 VII. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ GIÁO DỤC

 VIII. GIẢI THÍCH VÀ HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

  

  1. ĐẶC ĐIỂM HOẠT ĐỘNG TRẢI NGHIỆM VÀ HOẠT ĐỘNG TRẢI NGHIỆM, HƯỚNG NGHIỆP

 Hoạt động trải nghiệm (cấp tiểu học) và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp (cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông) là hoạt động giáo dục bắt buộc được thực hiện từ lớp 1 đến lớp 12.

 Hoạt động trải nghiệm và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp là hoạt động giáo dục do nhà giáo dục định hướng, thiết kế và hướng dẫn thực hiện, tạo cơ hội cho học sinh tiếp cận thực tế, thể nghiệm các cảm xúc tích cực, khai thác những kinh nghiệm đã có và huy động tổng hợp kiến thức, kĩ năng của các môn học để thực hiện những nhiệm vụ được giao hoặc giải quyết những vấn đề của thực tiễn đời sống nhà trường, gia đình, xã hội phù hợp với lứa tuổi; thông qua đó, chuyển hoá những kinh nghiệm đã trải qua thành tri thức mới, hiểu biết mới, kĩ năng mới góp phần phát huy tiềm năng sáng tạo và khả năng thích ứng với cuộc sống, môi trường và nghề nghiệp tương lai.

 Hoạt động trải nghiệm và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp góp phần hình thành, phát triển các phẩm chất chủ yếu, năng lực chung và các năng lực đặc thù cho học sinh; nội dung hoạt động được xây dựng dựa trên các mối quan hệ của cá nhân học sinh với bản thân, với xã hội, với tự nhiên và với nghề nghiệp.

 Nội dung Hoạt động trải nghiệm và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp được phân chia theo hai giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp.

 – Giai đoạn giáo dục cơ bản:

 Ở cấp tiểu học, nội dung Hoạt động trải nghiệm tập trung vào các hoạt động khám phá bản thân, hoạt động rèn luyện bản thân, hoạt động phát triển quan hệ với bạn bè, thầy cô và người thân trong gia đình. Các hoạt động xã hội và tìm hiểu một số nghề nghiệp gần gũi với học sinh cũng được tổ chức thực hiện với nội dung, hình thức phù hợp với lứa tuổi.

 Ở cấp trung học cơ sở, nội dung Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp tập trung hơn vào các hoạt động xã hội, hoạt động hướng đến tự nhiên và hoạt động hướng nghiệp; đồng thời hoạt động hướng vào bản thân vẫn được tiếp tục triển khai để phát triển các phẩm chất và năng lực của học sinh.

 – Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp:

 Ngoài các hoạt động hướng đến cá nhân, xã hội, tự nhiên, nội dung Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp ở cấp trung học phổ thông tập trung hơn vào hoạt động giáo dục hướng nghiệp nhằm phát triển năng lực định hướng nghề nghiệp. Thông qua các hoạt động hướng nghiệp, học sinh được đánh giá và tự đánh giá về năng lực, sở trường, hứng thú liên quan đến nghề nghiệp, làm cơ sở để tự chọn cho mình ngành nghề phù hợp và rèn luyện phẩm chất và năng lực để thích ứng với nghề nghiệp tương lai.

  1. QUAN ĐIỂM XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH

 Chương trình Hoạt động trải nghiệm và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp quán triệt quan điểm, mục tiêu, yêu cầu cần đạt, kế hoạch giáo dục, nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục, đánh giá kết quả giáo dục, điều kiện thực hiện và phát triển chương trình giáo dục phổ thông nêu tại Chương trình tổng thể, đồng thời nhấn mạnh các quan điểm sau:

  1. Chương trình được xây dựng dựa trên lí thuyết hoạt động, lí thuyết về nhân cách, lí thuyết học tập trải nghiệm và lí luận giáo dục nói chung; các ưu điểm của chương trình hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, hoạt động giáo dục hướng nghiệp hiện hành; kinh nghiệm quốc tế trong phát triển chương trình Hoạt động trải nghiệm, Hoạt động hướng nghiệp; bản sắc văn hoá các vùng miền, văn hoá truyền thống Việt Nam và các giá trị văn hoá chung của thời đại.
  2. Chương trình bảo đảm tính chỉnh thể, sự nhất quán và phát triển liên tục qua các lớp, các cấp học. Chương trình được thiết kế theo hướng vừa đồng tâm, vừa tuyến tính, xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 12 với các mạch nội dung hoạt động thống nhất: Hoạt động hướng vào bản thân, Hoạt động hướng đến xã hội, Hoạt động hướng đến tự nhiên và Hoạt động hướng nghiệp.
  3. Chương trình bảo đảm tính mở, linh hoạt. Cơ sở giáo dục và giáo viên chủ động lựa chọn nội dung, phương thức, không gian, thời gian hoạt động phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện của mình trên nguyên tắc bảo đảm mục tiêu giáo dục và các yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực đối với mỗi lớp học, cấp học.

 III. MỤC TIÊU CHƯƠNG TRÌNH

  1. Mục tiêu chung

 Hoạt động trải nghiệm và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp hình thành, phát triển ở học sinh năng lực thích ứng với cuộc sống, năng lực thiết kế và tổ chức hoạt động, năng lực định hướng nghề nghiệp; đồng thời góp phần hình thành, phát triển các phẩm chất chủ yếu và năng lực chung quy định trong Chương trình tổng thể.

 Hoạt động trải nghiệm và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp giúp học sinh khám phá bản thân và thế giới xung quanh, phát triển đời sống tâm hồn phong phú, biết rung cảm trước cái đẹp của thiên nhiên và tình người, có quan niệm sống và ứng xử đúng đắn, đồng thời bồi dưỡng cho học sinh tình yêu đối với quê hương, đất nước, ý thức về cội nguồn và bản sắc của dân tộc để góp phần giữ gìn, phát triển các giá trị tốt đẹp của con người Việt Nam trong một thế giới hội nhập.

  1. Mục tiêu cấp tiểu học

 Hoạt động trải nghiệm hình thành cho học sinh thói quen tích cực trong cuộc sống hằng ngày, chăm chỉ lao động; thực hiện trách nhiệm của người học sinh ở nhà, ở trường và địa phương; biết tự đánh giá và tự điều chỉnh bản thân; hình thành những hành vi giao tiếp, ứng xử có văn hoá; có ý thức hợp tác nhóm và hình thành được năng lực giải quyết vấn đề.

  1. Mục tiêu cấp trung học cơ sở

 Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp giúp học sinh củng cố thói quen tích cực, nền nếp trong học tập và sinh hoạt, hành vi giao tiếp ứng xử có văn hoá và tập trung hơn vào phát triển trách nhiệm cá nhân: trách nhiệm với bản thân, trách nhiệm với gia đình, cộng đồng; hình thành các giá trị của cá nhân theo chuẩn mực chung của xã hội; hình thành và phát triển năng lực giải quyết vấn đề trong cuộc sống; biết tổ chức công việc một cách khoa học; có hứng thú, hiểu biết về một số lĩnh vực nghề nghiệp, có ý thức rèn luyện những phẩm chất cần thiết của người lao động và lập được kế hoạch học tập, rèn luyện phù hợp với định hướng nghề nghiệp khi kết thúc giai đoạn giáo dục cơ bản.

  1. Mục tiêu cấp trung học phổ thông

 Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp giúp học sinh phát triển các phẩm chất, năng lực đã được hình thành ở cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở. Kết thúc giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, học sinh có khả năng thích ứng với các điều kiện sống, học tập và làm việc khác nhau; thích ứng với những thay đổi của xã hội hiện đại; có khả năng tổ chức cuộc sống, công việc và quản lí bản thân; có khả năng phát triển hứng thú nghề nghiệp và ra quyết định lựa chọn được nghề nghiệp tương lai; xây dựng được kế hoạch rèn luyện đáp ứng yêu cầu nghề nghiệp và trở thành người công dân có ích.

  1. YÊU CẦU CẦN ĐẠT
  2. Yêu cầu cần đạt về phẩm chất chủ yếu

 Hoạt động trải nghiệm và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp góp phần hình thành và phát triển các phẩm chất chủ yếu theo các mức độ phù hợp với mỗi cấp học đã được quy định trong Chương trình tổng thể.

  1. Yêu cầu cần đạt về năng lực

 Hoạt động trải nghiệm và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp giúp hình thành và phát triển ở học sinh các năng lực tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo được biểu hiện qua các năng lực đặc thù: năng lực thích ứng với cuộc sống, năng lực thiết kế và tổ chức hoạt động, năng lực định hướng nghề nghiệp. Yêu cầu cần đạt về các năng lực đặc thù này được thể hiện trong bảng sau:

Năng lực Cấp tiểu học Cấp trung học cơ sở Cấp trung học phổ thông
NĂNG LỰC THÍCH ỨNG VỚI CUỘC SỐNG
Hiểu biết về bản thân và môi trường sống – Nhận biết được sự thay đổi của cơ thể, cảm xúc, suy nghĩ của bản thân.

 – Hình thành được một số thói quen, nếp sống sinh hoạt và kĩ năng tự phục vụ.

 – Nhận ra được nhu cầu phù hợp và nhu cầu không phù hợp.

 – Phát hiện được vấn đề và tự tin trao đổi những suy nghĩ của mình.

 – Chỉ ra được sự khác biệt giữa các cá nhân về thái độ, năng lực, sở thích và hành động.

 – Nhận diện được một số nguy hiểm từ môi trường sống đối với bản thân.

– Xác định được những nét đặc trưng về hành vi và lời nói của bản thân.

 – Thể hiện được sở thích của mình theo hướng tích cực.

 – Thể hiện được chính kiến khi phản biện, bình luận về các hiện tượng xã hội và giải quyết mâu thuẫn.

 – Giải thích được ảnh hưởng của sự thay đổi cơ thể đến các trạng thái cảm xúc, hành vi của bản thân.

 – Tìm được giá trị, ý nghĩa của bản thân đối với gia đình và bạn bè.

 – Giải thích được tác động của sự đa dạng về thế giới, văn hoá, con người và môi trường thiên nhiên đối với cuộc sống.

 – Nhận biết được những nguy cơ từ môi trường tự nhiên và xã hội ảnh hưởng đến cuộc sống con người.

– Xác định được phong cách của bản thân.

 – Thể hiện được hứng thú của bản thân và tinh thần lạc quan về cuộc sống.

 – Thể hiện được tư duy độc lập và giải quyết vấn đề của bản thân.

 – Đánh giá được điểm mạnh, yếu và khả năng thay đổi của bản thân.

 – Khẳng định được vai trò, vị thế của cá nhân trong gia đình, nhà trường và xã hội.

 – Giải thích được vì sao con người, sự vật, hiện tượng xung quanh luôn biến đổi và rút ra được bài học cho bản thân từ sự hiểu biết này.

 – Phân tích được ảnh hưởng của môi trường tự nhiên và xã hội đến sức khoẻ và trạng thái tâm lí của cá nhân và chỉ ra được sự tác động của con người đến môi trường tự nhiên, xã hội.

Kĩ năng điều chỉnh bản thân và đáp ứng với sự thay đổi – Đề xuất được những cách giải quyết khác nhau cho cùng một vấn đề.

 – Làm chủ được cảm xúc, thái độ và hành vi của mình và thể hiện sự tự tin trước đông người.

 – Tự lực trong việc thực hiện một số việc phù hợp với lứa tuổi.

 – Biết cách thoả mãn nhu cầu phù hợp và kiềm chế nhu cầu không phù hợp.

 – Thực hiện được các nhiệm vụ với những yêu cầu khác nhau.

 – Biết cách xử lí trong một số tình huống nguy hiểm.

– Vận dụng được kiến thức, kĩ năng đã học để giải quyết vấn đề trong những tình huống khác nhau.

 – Làm chủ được cảm xúc của bản thân trong các tình huống giao tiếp, ứng xử khác nhau.

 – Tự chuẩn bị kiến thức và kĩ năng cần thiết để đáp ứng với nhiệm vụ được giao.

 – Thực hiện được các nhiệm vụ với những yêu cầu khác nhau.

 – Thể hiện được cách giao tiếp, ứng xử phù hợp với tình huống.

 – Biết cách ứng phó với nguy cơ, rủi ro từ môi trường tự nhiên và xã hội.

– Điều chỉnh được những hiểu biết, kĩ năng, kinh nghiệm của bản thân phù hợp với bối cảnh mới.

 – Thay đổi được cách suy nghĩ, biểu hiện thái độ, cảm xúc của bản thân để đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ, hoàn cảnh mới.

 – Thể hiện được khả năng tự học trong những hoàn cảnh mới.

 – Thực hiện được các nhiệm vụ trong hoàn cảnh mới.

 – Thể hiện được sự tự tin trong giao tiếp, ứng xử và trong các mối quan hệ khác nhau.

 – Giải quyết được một số vấn đề về môi trường tự nhiên và xã hội phù hợp với khả năng của mình.

NĂNG LỰC THIẾT KẾ VÀ TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG
Kĩ năng lập kế hoạch – Xác định được mục tiêu cho các hoạt động cá nhân và hoạt động nhóm.

 – Tham gia xác định được nội dung và cách thức thực hiện hoạt động cá nhân, hoạt động nhóm.

 – Dự kiến được thời gian thực hiện nhiệm vụ.

– Xác định được mục tiêu, đề xuất được nội dung và phương thức phù hợp cho các hoạt động cá nhân và hoạt động nhóm.

 – Dự kiến được nhân sự tham gia hoạt động và phân công nhiệm vụ phù hợp cho các thành viên.

 – Dự kiến được thời gian hoàn thành nhiệm vụ.

– Xác định được mục tiêu, nội dung hoạt động, phương tiện và hình thức hoạt động phù hợp.

 – Dự kiến được nguồn lực cần thiết cho hoạt động: nhân sự, tài chính, điều kiện thực hiện khác.

 – Dự kiến được thời gian cho từng hoạt động và sắp xếp chúng trong một trật tự thực hiện hoạt động hợp lí.

Kĩ năng thực hiện kế hoạch và điều chỉnh hoạt động – Thực hiện được kế hoạch hoạt động của cá nhân.

 – Biết tìm sự hỗ trợ khi cần thiết.

 – Tham gia tích cực vào hoạt động nhóm.

 – Thể hiện được sự chia sẻ và hỗ trợ bạn trong hoạt động.

 – Biết cách giải quyết mâu thuẫn nảy sinh trong hoạt động.

– Thực hiện được kế hoạch hoạt động của cá nhân và linh hoạt điều chỉnh khi cần để đạt được mục tiêu.

 – Thể hiện được sự hợp tác, giúp đỡ, hỗ trợ mọi người để cùng thực hiện nhiệm vụ.

 – Biết cách tự khích lệ và động viên người khác để cùng hoàn thành nhiệm vụ.

 – Giải quyết được vấn đề nảy sinh trong hoạt động và trong quan hệ với người khác.

– Hoàn thành được các kế hoạch hoạt động theo thời gian đã xác định và linh hoạt điều chỉnh hoạt động khi cần.

 – Thể hiện được sự chủ động hợp tác, hỗ trợ mọi người trong hoạt động để đạt mục tiêu chung.

 – Lãnh đạo được bản thân và nhóm, tạo động lực và huy động sức mạnh nhóm hoàn thành nhiệm vụ theo kế hoạch.

 – Lựa chọn được hoạt động thay thế cho phù hợp hơn với đối tượng, điều kiện và hoàn cảnh.

 – Xử lí được tình huống, giải quyết vấn đề nảy sinh trong hoạt động một cách sáng tạo.

Kĩ năng đánh giá hoạt động – Nêu được ý nghĩa của hoạt động đối với bản thân và tập thể.

 – Chỉ ra được sự tiến bộ của bản thân sau hoạt động.

 – Chỉ ra được những điểm cần rút kinh nghiệm trong tổ chức hoạt động và sự tích cực hoạt động của cá nhân, nhóm.

– Đánh giá được sự hợp lí/chưa hợp lí của kế hoạch hoạt động.

 – Đánh giá được những yếu tố ảnh hưởng đến quá trình thực hiện hoạt động.

 – Chỉ ra được những đóng góp của bản thân và người khác vào kết quả hoạt động.

 – Rút ra được những kinh nghiệm học được khi tham gia các hoạt động.

– Đánh giá được những yếu tố khách quan và chủ quan ảnh hưởng đến quá trình tổ chức hoạt động và kết quả hoạt động.

 – Đánh giá được một cách khách quan, công bằng sự đóng góp của bản thân và người khác khi tham gia hoạt động.

 – Rút ra được bài học kinh nghiệm và đề xuất được phương án cải tiến.

NĂNG LỰC ĐỊNH HƯỚNG NGHỀ NGHIỆP
Hiểu biết về nghề nghiệp – Nêu được nét đặc trưng và ý nghĩa của một số công việc, nghề nghiệp của người thân và nghề ở địa phương.

 – Chỉ ra được một số phẩm chất và năng lực cần có để làm một số nghề quen thuộc.

 – Mô tả được một số công cụ của nghề và cách sử dụng an toàn.

– Giới thiệu được các nghề/nhóm nghề phổ biến ở địa phương và ở Việt Nam, chỉ ra được vai trò kinh tế – xã hội của các nghề đó.

 – Phân tích được yêu cầu về phẩm chất, năng lực của người làm nghề mà bản thân quan tâm.

 – Trình bày được xu thế phát triển của nghề ở Việt Nam.

 – Giới thiệu được các nhóm kiến thức cần học và các cơ sở đào tạo nghề liên quan đến định hướng nghề nghiệp.

 – Chỉ ra được các công cụ của các ngành nghề, những nguy cơ mất an toàn có thể xảy ra và cách đảm bảo sức khoẻ nghề nghiệp.

– Giải thích được các điều kiện làm việc, công việc và vị trí việc làm của các nghề/nhóm nghề.

 – Phân tích được yêu cầu về phẩm chất, năng lực của người làm nghề.

 – Trình bày được nhu cầu xã hội đối với các nghề và sự phát triển của các nghề đó trong xã hội.

 – Giới thiệu được các thông tin về trường cao đẳng, đại học, các trường trung cấp học nghề và các cơ sở đào tạo nghề liên quan đến định hướng nghề nghiệp của bản thân.

 – Phân tích được vai trò của các công cụ của các ngành nghề, cách sử dụng an toàn, những nguy cơ tai nạn có thể xảy ra và cách đảm bảo sức khoẻ nghề nghiệp.

Hiểu biết và rèn luyện phẩm chất, năng lực liên quan đến nghề nghiệp – Thể hiện được sự quan tâm và sở thích đối với một số nghề quen thuộc với bản thân.

 – Hình thành được trách nhiệm trong công việc và sự tuân thủ các quy định.

 – Thực hiện và hoàn thành được các nhiệm vụ.

 – Biết sử dụng một số công cụ lao động trong gia đình một cách an toàn.

– Hình thành được hứng thú nghề nghiệp và biết cách nuôi dưỡng hứng thú, đam mê nghề nghiệp.

 – Chỉ ra được một số điểm mạnh và chưa mạnh về phẩm chất và năng lực của bản thân có liên quan đến nghề yêu thích.

 – Rèn luyện được một số phẩm chất và năng lực cơ bản của người lao động.

 – Biết giữ an toàn và sức khoẻ nghề nghiệp.

– Thể hiện được hứng thú đối với nghề hoặc lĩnh vực nghề nghiệp và thường xuyên thực hiện hoạt động trong lĩnh vực nghề nghiệp đó.

 – Xác định được những phẩm chất và năng lực của bản thân phù hợp hoặc chưa phù hợp với yêu cầu của nhóm nghề và nghề định lựa chọn.

 – Rèn luyện được những phẩm chất, năng lực cơ bản đáp ứng yêu cầu của nghề định lựa chọn và với nhiều nghề khác nhau.

 – Biết cách giữ an toàn và sức khoẻ nghề nghiệp.

Kĩ năng ra quyết định và lập kế hoạch học tập theo định hướng nghề nghiệp   – Lựa chọn được hướng đi phù hợp cho bản thân khi kết thúc giai đoạn giáo dục cơ bản.

 – Lập được kế hoạch học tập và rèn luyện phù hợp với hướng đi đã chọn.

– Tổng hợp và phân tích được các thông tin chủ quan, khách quan liên quan đến nghề định lựa chọn.

 – Ra được quyết định lựa chọn nghề, trường đào tạo nghề, hướng học tập nghề nghiệp.

 – Lập được kế hoạch học tập và phát triển nghề nghiệp.

  1. NỘI DUNG GIÁO DỤC
  2. Nội dung khái quát
Mạch nội dung hoạt động Hoạt động Nội dung hoạt động
Hoạt động hướng vào bản thân Hoạt động khám phá bản thân – Tìm hiểu hình ảnh và tính cách của bản thân.
– Tìm hiểu khả năng của bản thân.
Hoạt động rèn luyện bản thân – Rèn luyện nền nếp, thói quen tự phục vụ và ý thức trách nhiệm trong cuộc sống.
– Rèn luyện các kĩ năng thích ứng với cuộc sống.
Hoạt động hướng đến xã hội Hoạt động chăm sóc gia đình – Quan tâm, chăm sóc người thân và các quan hệ trong gia đình.
– Tham gia các công việc của gia đình.
Hoạt động xây dựng nhà trường – Xây dựng và phát triển quan hệ với bạn bè và thầy cô.
– Tham gia xây dựng và phát huy truyền thống của nhà trường và của tổ chức Đoàn, Đội.
Hoạt động xây dựng cộng đồng – Xây dựng và phát triển quan hệ với mọi người.
– Tham gia các hoạt động xã hội, hoạt động giáo dục truyền thống, giáo dục chính trị, đạo đức, pháp luật.
Hoạt động hướng đến tự nhiên Hoạt động tìm hiểu và bảo tồn cảnh quan thiên nhiên – Khám phá vẻ đẹp, ý nghĩa của cảnh quan thiên nhiên.
– Tham gia bảo tồn cảnh quan thiên nhiên.
Hoạt động tìm hiểu và bảo vệ môi trường – Tìm hiểu thực trạng môi trường.
– Tham gia bảo vệ môi trường.
Hoạt động hướng nghiệp Hoạt động tìm hiểu nghề nghiệp – Tìm hiểu ý nghĩa, đặc điểm và yêu cầu của nghề.
– Tìm hiểu yêu cầu về an toàn và sức khoẻ nghề nghiệp.
– Tìm hiểu thị trường lao động.
Hoạt động rèn luyện phẩm chất, năng lực phù hợp với định hướng nghề nghiệp – Tự đánh giá sự phù hợp của bản thân với định hướng nghề nghiệp.
– Rèn luyện phẩm chất và năng lực phù hợp với định hướng nghề nghiệp.
Hoạt động lựa chọn hướng nghề nghiệp và lập kế hoạch học tập theo định hướng nghề nghiệp – Tìm hiểu hệ thống trường trung cấp, cao đẳng, đại học và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác của địa phương, trung ương.
– Tham vấn ý kiến của thầy cô, người thân và chuyên gia về định hướng nghề nghiệp.
– Lựa chọn cơ sở đào tạo trong tương lai và lập kế hoạch học tập phù hợp với định hướng nghề nghiệp.
  1. Nội dung cụ thể và yêu cầu cần đạt ở các lớp

 LỚP 1

Nội dung hoạt động Yêu cầu cần đạt
HOẠT ĐỘNG HƯỚNG VÀO BẢN THÂN
Hoạt động khám phá bản thân – Mô tả được hình thức bên ngoài của bản thân.

 – Thể hiện được một số biểu hiện cảm xúc và hành vi yêu thương phù hợp với hoàn cảnh giao tiếp thông thường.

Hoạt động rèn luyện bản thân – Thực hiện được một số việc tự chăm sóc bản thân phù hợp với lứa tuổi.

 – Nêu được những hành động an toàn, không an toàn khi vui chơi và thực hiện được một số hành vi tự bảo vệ.

HOẠT ĐỘNG HƯỚNG ĐẾN XÃ HỘI
Hoạt động chăm sóc gia đình – Thực hiện được lời nói, việc làm thể hiện tình yêu thương với các thành viên trong gia đình phù hợp với lứa tuổi.

 – Biết tham gia sắp xếp nhà cửa gọn gàng.

 – Biết cách sử dụng một số dụng cụ gia đình một cách an toàn.

Hoạt động xây dựng nhà trường – Làm quen được với bạn mới, thể hiện sự thân thiện với bạn bè, thầy cô.

 – Nhận biết được những việc nên làm vào giờ học, những việc nên làm vào giờ chơi và thực hiện được những việc đó.

 – Tham gia các hoạt động giáo dục của Sao Nhi đồng và của nhà trường.

Hoạt động xây dựng cộng đồng – Biết thiết lập các mối quan hệ với hàng xóm.

 – Tham gia một số hoạt động xã hội phù hợp với lứa tuổi.

HOẠT ĐỘNG HƯỚNG ĐẾN TỰ NHIÊN
Hoạt động tìm hiểu và bảo tồn cảnh quan thiên nhiên – Giới thiệu được với bạn bè, người thân về vẻ đẹp của cảnh quan thiên nhiên nơi mình sinh sống.

 – Biết bảo vệ vẻ đẹp của cảnh quan thiên nhiên nơi mình sinh sống.

Hoạt động tìm hiểu và bảo vệ môi trường – Nhận biết được thế nào là môi trường sạch, đẹp và chưa sạch, đẹp.

 – Thực hiện được một số việc làm cụ thể phù hợp với lứa tuổi để bảo vệ môi trường xung quanh luôn sạch, đẹp.

 LỚP 2

Nội dung hoạt động Yêu cầu cần đạt
HOẠT ĐỘNG HƯỚNG VÀO BẢN THÂN
Hoạt động khám phá bản thân – Nhận diện được hình ảnh thân thiện, luôn vui vẻ của bản thân.

 – Thể hiện được sự khéo léo, cẩn thận của bản thân thông qua sản phẩm tự làm.

Hoạt động rèn luyện bản thân – Biết sắp xếp đồ dùng sinh hoạt cá nhân ngăn nắp, gọn gàng.

 – Thực hiện được một số công việc tự phục vụ phù hợp với lứa tuổi.

 – Nhận biết được những tình huống có nguy cơ bị lạc, bị bắt cóc và thực hiện được những việc làm để phòng tránh bị lạc, bị bắt cóc.

 – Nhận biết đồng tiền được sử dụng trong trao đổi hàng hoá.

HOẠT ĐỘNG HƯỚNG ĐẾN XÃ HỘI
Hoạt động chăm sóc gia đình – Thực hiện được một số việc làm thể hiện sự quan tâm chăm sóc, lòng biết ơn đến các thành viên trong gia đình phù hợp với lứa tuổi.

 – Trao đổi được với người thân về một số hoạt động chung trong gia đình.

Hoạt động xây dựng nhà trường – Nhận diện được những việc làm để thể hiện tình bạn và biết nói những lời phù hợp khi giao tiếp với bạn.

 – Biết tìm kiếm sự hỗ trợ từ thầy cô, bạn bè khi tự mình không giải quyết được vấn đề trong mối quan hệ với bạn.

 – Biết thể hiện lòng biết ơn với thầy cô.

 – Tham gia hoạt động lao động giữ gìn cảnh quan nhà trường.

 – Tham gia hoạt động giáo dục của Sao Nhi Đồng, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh và của nhà trường.

Hoạt động xây dựng cộng đồng – Làm quen được với những người bạn hàng xóm, tạo được quan hệ gần gũi, thân thiện với bạn bè trong cộng đồng.

 – Biết thể hiện sự đồng cảm và chia sẻ với người gặp hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống và trong hoạt động vì cộng đồng.

 – Tham gia vào một số hoạt động hướng đến cộng đồng do nhà trường tổ chức.

HOẠT ĐỘNG HƯỚNG ĐẾN TỰ NHIÊN
Hoạt động tìm hiểu và bảo tồn cảnh quan thiên nhiên – Giới thiệu được với bạn bè, người thân về vẻ đẹp của cảnh quan ở địa phương.

 – Biết cách chăm sóc, bảo vệ cảnh quan xung quanh nơi mình sinh sống.

Hoạt động tìm hiểu và bảo vệ môi trường – Tìm hiểu được thực trạng vệ sinh môi trường xung quanh.

 – Thực hiện được những việc làm phù hợp với lứa tuổi để giữ gìn vệ sinh môi trường ở nhà trường.

HOẠT ĐỘNG HƯỚNG NGHIỆP
Hoạt động tìm hiểu về nghề nghiệp – Tìm hiểu được công việc của bố mẹ hoặc người thân.

 – Nêu được một số đức tính của bố, mẹ, người thân có liên quan đến nghề nghiệp của họ.

 – Biết cách sử dụng an toàn một số dụng cụ lao động quen thuộc.

HOẠT ĐỘNG HƯỚNG VÀO BẢN THÂN
Hoạt động khám phá bản thân – Nhận ra được những nét riêng của bản thân.

 – Giới thiệu được các sở thích của bản thân và sản phẩm được làm theo sở thích.

Hoạt động rèn luyện bản thân – Sắp xếp được thứ tự các hoạt động, công việc trong ngày của bản thân và bước đầu thực hiện được thời gian biểu đề ra.

 – Có thói quen giữ gìn nhà cửa gọn gàng, ngăn nắp, sạch sẽ.

 – Nhận thức được các nguy cơ nếu không thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm và thực hiện những việc làm đảm bảo an toàn trong ăn uống.

 – Xác định được những thứ thực sự cần mua để tránh lãng phí trong một số tình huống cụ thể.

HOẠT ĐỘNG HƯỚNG ĐẾN XÃ HỘI
Hoạt động chăm sóc gia đình – Thể hiện được lòng biết ơn, sự quan tâm, chăm sóc đến bố mẹ, người thân bằng lời nói, thái độ và việc làm cụ thể.

 – Biết tiết kiệm khi sử dụng điện, nước trong gia đình.

 – Tham gia vào các hoạt động trang trí nhà cửa.

 – Tìm hiểu được thu nhập của các thành viên trong gia đình.

Hoạt động xây dựng nhà trường – Kể lại được điều ấn tượng nhất về thầy giáo, cô giáo và thể hiện tình cảm với thầy cô bằng sản phẩm tự làm.

 – Biết cách hoà giải bất đồng trong quan hệ bạn bè.

 – Thực hiện được ý tưởng về việc trang trí, lao động vệ sinh lớp học, có ý thức giữ an toàn trong khi trang trí lớp học.

 – Tham gia các hoạt động giáo dục, hoạt động lao động của Sao Nhi đồng, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh và của nhà trường.

Hoạt động xây dựng cộng đồng – Thực hiện được một số việc làm phù hợp với lứa tuổi thể hiện sự quan tâm đến các thành viên trong cộng đồng.

 – Tham gia một số hoạt động tình nguyện, nhân đạo, giáo dục truyền thống do nhà trường, địa phương tổ chức.

HOẠT ĐỘNG HƯỚNG ĐẾN TỰ NHIÊN
Hoạt động tìm hiểu và bảo tồn cảnh quan thiên nhiên – Nhận diện được vẻ đẹp của cảnh quan thiên nhiên ở địa phương.

 – Tuyên truyền tới bạn bè, người thân về việc bảo vệ vẻ đẹp của cảnh quan thiên nhiên ở địa phương.

Hoạt động tìm hiểu và bảo vệ môi trường – Nhận biết được những biểu hiện của ô nhiễm môi trường.

 – Tham gia tích cực vào các hoạt động phù hợp với lứa tuổi trong phòng, chống ô nhiễm môi trường.

HOẠT ĐỘNG HƯỚNG NGHIỆP
Hoạt động tìm hiểu về nghề nghiệp – Kể tên được một số đức tính cần có của người lao động trong nghề nghiệp mà mình yêu thích.

 – Nhận ra được một số đức tính của bản thân liên quan đến nghề yêu thích.

 – Biết giữ an toàn trong lao động.

HOẠT ĐỘNG HƯỚNG VÀO BẢN THÂN
Hoạt động khám phá bản thân – Giới thiệu được đặc điểm, những việc làm đáng tự hào của bản thân.

 – Nhận diện được khả năng điều chỉnh cảm xúc và suy nghĩ của bản thân trong một số tình huống đơn giản.

Hoạt động rèn luyện bản thân – Thể hiện được nền nếp sinh hoạt, bước đầu hình thành thói quen tư duy khoa học.

 – Tự lực thực hiện nhiệm vụ của mình theo sự phân công, hướng dẫn.

 – Nhận biết được nguy cơ bị xâm hại và thực hiện được những hành động để phòng tránh bị xâm hại.

 – Lựa chọn được mặt hàng muốn mua phù hợp với khả năng tài chính của bản thân và gia đình.

HOẠT ĐỘNG HƯỚNG ĐẾN XÃ HỘI
Hoạt động chăm sóc gia đình – Biết tạo sự gắn kết yêu thương giữa các thành viên trong gia đình bằng các cách khác nhau.

 – So sánh được giá của các mặt hàng phổ biến trong sinh hoạt hằng ngày của gia đình và có ý thức tiết kiệm cho gia đình.

Hoạt động xây dựng nhà trường – Thực hiện được những lời nói, việc làm để duy trì và phát triển quan hệ với bạn bè, thầy cô.

 – Nêu được một số vấn đề thường xảy ra trong quan hệ với bạn bè và đề xuất được cách giải quyết.

 – Lập và thực hiện được kế hoạch lao động trong nhà trường.

 – Tham gia hoạt động giáo dục theo chủ đề của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh và của nhà trường.

Hoạt động xây dựng cộng đồng – Thực hiện được hành vi có văn hoá nơi công cộng.

 – Đề xuất được một số hoạt động kết nối những người sống xung quanh.

 – Tham gia tích cực vào các hoạt động đền ơn đáp nghĩa và hoạt động giáo dục truyền thống ở địa phương.

HOẠT ĐỘNG HƯỚNG ĐẾN TỰ NHIÊN
Hoạt động tìm hiểu và bảo tồn cảnh quan thiên nhiên – Giới thiệu được với bạn bè, người thân về cảnh quan thiên nhiên ở địa phương.

 – Thực hiện được một số việc làm cụ thể để chăm sóc, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên.

Hoạt động tìm hiểu và bảo vệ môi trường – Tìm hiểu được thực trạng vệ sinh trường, lớp.

 – Thực hiện được những việc làm cụ thể để giữ gìn trường học xanh, sạch, đẹp.

HOẠT ĐỘNG HƯỚNG NGHIỆP
Hoạt động tìm hiểu về nghề nghiệp – Tìm hiểu được những thông tin cơ bản về nghề truyền thống ở địa phương.

 – Trải nghiệm một số công việc của nghề truyền thống ở địa phương và thể hiện được hứng thú với nghề truyền thống của địa phương.

 – Biết giữ an toàn trong lao động khi làm nghề truyền thống.

 LỚP 5

Nội dung hoạt động Yêu cầu cần đạt
HOẠT ĐỘNG HƯỚNG VÀO BẢN THÂN
Hoạt động khám phá bản thân – Nhận diện sự thay đổi của bản thân thông qua các tư liệu, các sản phẩm được lưu giữ.

 – Nhận diện được khả năng kiểm soát cảm xúc của bản thân.

Hoạt động rèn luyện bản thân – Rèn luyện được một số đức tính cần thiết để thích ứng với môi trường học tập mới.

 – Biết tự chủ và đảm bảo an toàn khi giao tiếp trên mạng.

 – Nhận biết được những nguyên nhân gây hoả hoạn để phòng chống và biết cách thoát hiểm khi gặp hoả hoạn.

 – Tham gia lập kế hoạch kinh doanh dựa trên hoạt động do trường tổ chức.

HOẠT ĐỘNG HƯỚNG ĐẾN XÃ HỘI
Hoạt động chăm sóc gia đình – Thể hiện được trách nhiệm, lòng biết ơn của mình với các thành viên trong gia đình bằng thái độ, lời nói, việc làm cụ thể.

 – Biết tạo bầu không khí vui vẻ, đầm ấm trong gia đình.

 – Biết lập sổ tay ghi chép chi tiêu của gia đình.

Hoạt động xây dựng nhà trường – Đề xuất được những cách làm cụ thể để nuôi dưỡng, giữ gìn tình bạn, tình thầy trò.

 – Giải quyết được một số vấn đề nảy sinh trong mối quan hệ với bạn bè và thầy cô.

 – Tham gia tổ chức sự kiện về truyền thống tôn sư trọng đạo và các truyền thống khác của nhà trường.

 – Tham gia các hoạt động giáo dục của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh.

Hoạt động xây dựng cộng đồng – Thiết lập được quan hệ thân thiện với những người sống xung quanh.

 – Tham gia tích cực các hoạt động xã hội, hoạt động lao động công ích và các lễ hội truyền thống ở địa phương.

 – Đánh giá được sự đóng góp và sự tiến bộ của các thành viên khi tham gia hoạt động xã hội.

HOẠT ĐỘNG HƯỚNG ĐẾN TỰ NHIÊN
Hoạt động tìm hiểu và bảo tồn cảnh quan thiên nhiên – Thể hiện được cảm xúc và niềm tự hào đối với cảnh quan thiên nhiên của địa phương và đất nước.

 – Đề xuất được một số biện pháp bảo tồn cảnh quan thiên nhiên.

Hoạt động tìm hiểu và bảo vệ môi trường – Tìm hiểu được thực trạng môi trường nơi sinh sống.

 – Tự nguyện tham gia và vận động được người thân cùng tham gia lao động công ích, giữ vệ sinh môi trường khu dân cư.

HOẠT ĐỘNG HƯỚNG NGHIỆP
Hoạt động tìm hiểu về nghề nghiệp – Tìm hiểu được những thông tin cơ bản về nghề mình mơ ước.

 – Tìm hiểu được về an toàn nghề nghiệp của nghề mơ ước.

 – Trình bày được ước mơ nghề nghiệp của bản thân.

 LỚP 6

Nội dung hoạt động Yêu cầu cần đạt
HOẠT ĐỘNG HƯỚNG VÀO BẢN THÂN
Hoạt động khám phá bản thân – Nhận ra được sự thay đổi tích cực của bản thân, giới thiệu được đức tính đặc trưng của bản thân.

 – Phát hiện được sở thích, khả năng và những giá trị khác của bản thân; tự tin với sở thích, khả năng của mình.

Hoạt động rèn luyện bản thân – Sắp xếp được góc học tập, nơi sinh hoạt cá nhân gọn gàng, ngăn nắp.

 – Biết chăm sóc bản thân và điều chỉnh bản thân phù hợp môi trường học tập mới, phù hợp với hoàn cảnh giao tiếp.

 – Nhận biết được những dấu hiệu của thiên tai và biết cách tự bảo vệ trong một số tình huống thiên tai cụ thể.

 – Xác định được những khoản chi ưu tiên khi số tiền của mình hạn chế.

HOẠT ĐỘNG HƯỚNG ĐẾN XÃ HỘI
Hoạt động chăm sóc gia đình – Thể hiện được sự động viên, chăm sóc người thân trong gia đình bằng lời nói và hành động cụ thể.

 – Thể hiện được sự chủ động, tự giác thực hiện một số công việc trong gia đình.

 – Biết tham gia giải quyết một số vấn đề nảy sinh trong quan hệ gia đình.

Hoạt động xây dựng nhà trường – Thiết lập được các mối quan hệ với bạn, thầy cô và biết gìn giữ tình bạn, tình thầy trò.

 – Xác định và giải quyết được một số vấn đề nảy sinh trong quan hệ bạn bè.

 – Giới thiệu được những nét nổi bật của nhà trường và chủ động, tự giác tham gia xây dựng truyền thống nhà trường.

 – Tham gia hoạt động giáo dục theo chủ đề của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, của nhà trường.

Hoạt động xây dựng cộng đồng – Thiết lập được các mối quan hệ với cộng đồng, thể hiện được sự sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn.

 – Thể hiện được hành vi văn hoá nơi công cộng.

 – Lập và thực hiện được kế hoạch hoạt động thiện nguyện tại địa phương; biết vận động người thân và bạn bè tham gia các hoạt động thiện nguyện ở nơi cư trú.

 – Giới thiệu được một số truyền thống của địa phương.

HOẠT ĐỘNG HƯỚNG ĐẾN TỰ NHIÊN
Hoạt động tìm hiểu và bảo tồn cảnh quan thiên nhiên – Thể hiện được cảm xúc, hứng thú với khám phá cảnh quan thiên nhiên.

 – Thực hiện được những việc làm cụ thể để bảo tồn cảnh quan thiên nhiên.

Hoạt động tìm hiểu và bảo vệ môi trường – Chỉ ra được những tác động của biến đổi khí hậu đến sức khoẻ con người.

 – Tuyên truyền, vận động người thân, bạn bè có ý thức thực hiện các việc làm giảm thiểu biến đổi khí hậu.

 – Vận động người thân, bạn bè không sử dụng các đồ dùng có nguồn gốc từ những động vật quý hiếm.

HOẠT ĐỘNG HƯỚNG NGHIỆP
Hoạt động tìm hiểu nghề nghiệp – Tìm hiểu được một số nghề truyền thống ở Việt Nam.

 – Nêu được hoạt động đặc trưng, những yêu cầu cơ bản, trang thiết bị, dụng cụ lao động của các nghề truyền thống.

 – Nhận biết được một số đặc điểm của bản thân phù hợp hoặc chưa phù hợp với công việc của nghề truyền thống.

 – Nhận biết được về an toàn sử dụng công cụ lao động trong các nghề truyền thống.

 – Nhận diện được giá trị của các nghề trong xã hội và có thái độ tôn trọng đối với lao động nghề nghiệp khác nhau.

 LỚP 7

Nội dung hoạt động Yêu cầu cần đạt
HOẠT ĐỘNG HƯỚNG VÀO BẢN THÂN
Hoạt động khám phá bản thân – Nhận diện được điểm mạnh, điểm hạn chế của bản thân trong học tập và cuộc sống.

 – Nhận ra được khả năng kiểm soát cảm xúc của bản thân.

Hoạt động rèn luyện bản thân – Thể hiện được thói quen ngăn nắp, gọn gàng, sạch sẽ ở gia đình cũng như ở trường.

 – Biết cách vượt qua khó khăn trong một số tình huống cụ thể.

 – Rèn luyện được tính kiên trì, sự chăm chỉ trong công việc.

 – Xác định được một số tình huống nguy hiểm và biết cách tự bảo vệ trong các tình huống đó.

 – Biết kiểm soát các khoản chi và biết tiết kiệm tiền.

HOẠT ĐỘNG HƯỚNG ĐẾN XÃ HỘI
Hoạt động chăm sóc gia đình – Bước đầu có kĩ năng chăm sóc người thân khi bị mệt, ốm.

 – Thể hiện được sự lắng nghe tích cực khi tiếp nhận những ý kiến đóng góp và sự chia sẻ từ các thành viên trong gia đình.

 – Lập kế hoạch và thực hiện được kế hoạch lao động tại gia đình.

 – Lập được kế hoạch chi tiêu cho một số sự kiện trong gia đình phù hợp với lứa tuổi.

Hoạt động xây dựng nhà trường – Phát triển được mối quan hệ hoà đồng với bạn bè, thầy cô và hài lòng về các mối quan hệ này.

 – Hợp tác được với thầy cô, bạn bè để thực hiện các nhiệm vụ chung và giải quyết được những vấn đề nảy sinh.

 – Giới thiệu được những nét nổi bật, tự hào về nhà trường.

 – Tham gia hoạt động giáo dục theo chủ đề của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, của nhà trường.

Hoạt động xây dựng cộng đồng – Thể hiện được hành vi giao tiếp, ứng xử có văn hoá khi tham gia các hoạt động trong cộng đồng.

 – Tôn trọng sự khác biệt giữa mọi người, không đồng tình với những hành vi kì thị về giới tính, dân tộc, địa vị xã hội.

 – Tham gia các hoạt động thiện nguyện, nhân đạo và vận động người thân, bạn bè tham gia.

 – Giới thiệu được những truyền thống đáng tự hào của địa phương mình.

HOẠT ĐỘNG HƯỚNG ĐẾN TỰ NHIÊN
Hoạt động tìm hiểu và bảo tồn cảnh quan thiên nhiên – Thiết kế được một số sản phẩm thể hiện sự hiểu biết, cảm xúc của bản thân sau chuyến tham quan cảnh quan thiên nhiên.

 – Thực hiện được các hành vi, việc làm bảo vệ di tích, danh lam thắng cảnh tại những nơi đến tham quan.

Hoạt động tìm hiểu và bảo vệ môi trường – Tìm hiểu được ảnh hưởng của hiệu ứng nhà kính đến sự sống trên Trái Đất.

 – Thực hiện được chiến dịch truyền thông bảo vệ môi trường thiên nhiên, giảm thiểu hiệu ứng nhà kính bằng các hình thức khác nhau.

HOẠT ĐỘNG HƯỚNG NGHIỆP
Hoạt động tìm hiểu nghề nghiệp – Xác định được một số nghề hiện có ở địa phương.

 – Nêu được công việc đặc trưng, trang thiết bị, dụng cụ lao động cơ bản của một số nghề ở địa phương.

 – Nêu được những phẩm chất và năng lực cần có của người làm các nghề ở địa phương.

 – Chỉ ra được một số phẩm chất và năng lực của bản thân phù hợp hoặc chưa phù hợp với một số yêu cầu của một số ngành nghề ở địa phương.

 – Nhận diện được những nguy hiểm có thể xảy ra và cách giữ an toàn khi làm những nghề ở địa phương.

 LỚP 8

Nội dung hoạt động Yêu cầu cần đạt
HOẠT ĐỘNG HƯỚNG VÀO BẢN THÂN
Hoạt động khám phá bản thân – Nhận diện được những nét đặc trưng trong tính cách của bản thân.

 – Nhận diện được sự thay đổi cảm xúc của bản thân và biết điều chỉnh theo hướng tích cực.

 – Nhận diện được khả năng tranh biện, thương thuyết của bản thân để bảo vệ quan điểm của mình trong một số tình huống.

Hoạt động rèn luyện bản thân – Xác định được trách nhiệm với bản thân và với mọi người xung quanh.

 – Thể hiện được trách nhiệm của bản thân trong các hoạt động, thực hiện được các cam kết đề ra.

 – Nhận biết được những tình huống cần từ chối và thực hiện được kĩ năng từ chối trong một số tình huống cụ thể.

 – Nhận ra ảnh hưởng của các yếu tố bên ngoài như tiếp thị, quảng cáo đến quyết định chi tiêu cá nhân để có quyết định phù hợp.

 – Thể hiện được sự tự chủ trong các mối quan hệ trong đời sống và quan hệ trên mạng xã hội.

HOẠT ĐỘNG HƯỚNG ĐẾN XÃ HỘI
Hoạt động chăm sóc gia đình – Thực hiện được những việc làm và lời nói để người thân hài lòng.

 – Tôn trọng ý kiến khác nhau của các thành viên trong gia đình và thể hiện được khả năng thuyết phục.

 – Biết sắp xếp công việc và hoàn thành các công việc trong gia đình.

 – Thể hiện cách sống tiết kiệm trong sinh hoạt gia đình.

 – Lập được kế hoạch kinh doanh của bản thân phù hợp với lứa tuổi.

Hoạt động xây dựng nhà trường – Xây dựng được tình bạn và biết cách gìn giữ tình bạn.

 – Nhận diện được dấu hiệu bắt nạt học đường và có kĩ năng phòng, tránh bắt nạt học đường.

 – Thực hiện được các việc làm cụ thể góp phần xây dựng truyền thống nhà trường.

 – Tham gia hoạt động giáo dục theo chủ đề của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh và nhà trường.

Hoạt động xây dựng cộng đồng – Biết tìm sự hỗ trợ từ những người xung quanh khi gặp khó khăn trong giải quyết vấn đề.

 – Lập và thực hiện được kế hoạch hoạt động thiện nguyện.

 – Tham gia các hoạt động giáo dục truyền thống và phát triển cộng đồng ở địa phương.

HOẠT ĐỘNG HƯỚNG ĐẾN TỰ NHIÊN
Hoạt động tìm hiểu và bảo tồn cảnh quan thiên nhiên – Thiết kế được sản phẩm thể hiện vẻ đẹp danh lam thắng cảnh, cảnh quan thiên nhiên của địa phương.

 – Tổ chức sự kiện giới thiệu về vẻ đẹp cảnh quan thiên nhiên, danh lam thắng cảnh của địa phương và cách bảo tồn.

Hoạt động tìm hiểu và bảo vệ môi trường – Sưu tầm được tài liệu và viết được báo cáo về thiên tai và thiệt hại do thiên tai gây ra cho địa phương trong một số năm.

 – Xây dựng và thực hiện được kế hoạch truyền thông cho người dân địa phương về những biện pháp đề phòng thiên tai và giảm nhẹ rủi ro khi gặp thiên tai.

HOẠT ĐỘNG HƯỚNG NGHIỆP
Hoạt động tìm hiểu nghề nghiệp – Lập được danh mục những nghề phổ biến trong xã hội hiện đại.

 – Nêu được việc làm đặc trưng, trang thiết bị, dụng cụ lao động cơ bản của những nghề phổ biến trong xã hội hiện đại.

 – Nêu được những thách thức, phẩm chất và năng lực cần có của người làm nghề trong xã hội hiện đại.

Hoạt động rèn luyện phẩm chất, năng lực phù hợp với định hướng nghề nghiệp – Xây dựng và thực hiện được kế hoạch khảo sát hứng thú nghề nghiệp của học sinh trong trường.

 – Rèn luyện được sức khoẻ, độ bền, tính kiên trì, sự chăm chỉ trong công việc và có thái độ tôn trọng đối với lao động nghề nghiệp.

 – Tự đánh giá được việc rèn luyện phẩm chất và năng lực của bản thân phù hợp với yêu cầu của người lao động trong xã hội hiện đại.

Hoạt động lựa chọn hướng nghề nghiệp và lập kế hoạch học tập theo định hướng nghề nghiệp – Định hướng được các nhóm môn học ở trung học phổ thông liên quan đến hướng nghiệp.

 – Xây dựng được kế hoạch học tập hướng nghiệp.

 LỚP 9

Nội dung hoạt động Yêu cầu cần đạt
HOẠT ĐỘNG HƯỚNG VÀO BẢN THÂN
Hoạt động khám phá bản thân – Nhận diện được điểm tích cực và điểm chưa tích cực trong hành vi giao tiếp, ứng xử của bản thân.

 – Khám phá được khả năng thích nghi của bản thân với sự thay đổi trong một số tình huống của cuộc sống.

Hoạt động rèn luyện bản thân – Thực hiện có trách nhiệm các nhiệm vụ được giao.

 – Ứng phó được với những căng thẳng trong quá trình học tập và trước các áp lực của cuộc sống.

 – Biết cách tạo động lực cho bản thân để thực hiện hoạt động.

 – Xây dựng được ngân sách cá nhân hợp lí trong đó tính đến các khoản thu, chi, tiết kiệm, cho, tặng.

HOẠT ĐỘNG HƯỚNG ĐẾN XÃ HỘI
Hoạt động chăm sóc gia đình – Tạo được bầu không khí vui vẻ, yêu thương trong gia đình, cùng các thành viên xây dựng gia đình hạnh phúc.

 – Biết giải quyết bất đồng trong quan hệ giữa bản thân với các thành viên trong gia đình hoặc giữa các thành viên.

 – Tổ chức, sắp xếp được các công việc trong gia đình một cách khoa học.

 – Đề xuất được một số biện pháp phát triển kinh tế gia đình.

Hoạt động xây dựng nhà trường – Tôn trọng sự khác biệt và sống hài hoà với bạn bè, thầy cô.

 – Xây dựng được kế hoạch tổ chức hoạt động phòng chống bắt nạt học đường; tham gia thực hiện và đánh giá được hiệu quả của hoạt động này.

 – Xác định được mục tiêu và xây dựng được kế hoạch cho các buổi lao động công ích ở trường.

 – Làm được các sản phẩm đóng góp xây dựng truyền thống nhà trường.

 – Tham gia các hoạt động của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Hoạt động xây dựng cộng đồng – Biết cách xây dựng mạng lưới quan hệ cộng đồng.

 – Thực hiện được đề tài khảo sát về thực trạng giao tiếp của học sinh trên mạng xã hội.

 – Xây dựng và thực hiện được kế hoạch truyền thông trong cộng đồng về những vấn đề học đường.

 – Tham gia các hoạt động giáo dục truyền thống và phát triển cộng đồng ở địa phương.

HOẠT ĐỘNG HƯỚNG ĐẾN TỰ NHIÊN
Hoạt động tìm hiểu và bảo tồn cảnh quan thiên nhiên – Thiết kế được sản phẩm thể hiện vẻ đẹp danh lam thắng cảnh, cảnh quan thiên nhiên của đất nước.

 – Xây dựng và thực hiện được kế hoạch quảng bá về cảnh quan thiên nhiên, danh lam thắng cảnh của đất nước.

Hoạt động tìm hiểu và bảo vệ môi trường – Thực hiện được đề tài khảo sát về nguyên nhân ô nhiễm môi trường (đất, nước, không khí) tại địa bàn sinh sống.

 – Tham gia tuyên truyền đến người dân địa phương các biện pháp phòng chống ô nhiễm và bảo vệ môi trường.

HOẠT ĐỘNG HƯỚNG NGHIỆP
Hoạt động tìm hiểu nghề nghiệp – Kể tên được những nghề mà mình quan tâm.

 – Nêu được hoạt động đặc trưng, trang thiết bị, dụng cụ lao động của những nghề mà mình quan tâm.

 – Nêu được những phẩm chất và năng lực cần có của người làm những nghề mà mình quan tâm.

 – Nhận diện được những nguy hiểm có thể có và cách giữ an toàn khi làm những nghề mà mình quan tâm.

Hoạt động rèn luyện phẩm chất, năng lực phù hợp với định hướng nghề nghiệp – Đánh giá và rèn luyện phẩm chất và năng lực liên quan đến nghề mình quan tâm.

 – Thực hiện được kế hoạch phát triển bản thân để đạt được yêu cầu của định hướng nghề nghiệp.

 – Tự đánh giá được hiệu quả của việc rèn luyện phẩm chất và năng lực cần có của người lao động.

Hoạt động lựa chọn hướng nghề nghiệp và lập kế hoạch học tập theo định hướng nghề nghiệp – Tìm hiểu được hệ thống các trường trung học chuyên nghiệp và đào tạo nghề của trung ương và địa phương.

 – Tham vấn được ý kiến của người thân, thầy cô về con đường tiếp theo sau trung học cơ sở.

 – Ra quyết định lựa chọn con đường học tập, làm việc sau trung học cơ sở.

 LỚP 10

Nội dung hoạt động Yêu cầu cần đạt
HOẠT ĐỘNG HƯỚNG VÀO BẢN THÂN
Hoạt động khám phá bản thân – Chỉ ra được những đặc điểm tính cách, quan điểm sống của bản thân và biết cách phát huy điểm mạnh, hạn chế điểm yếu.

 – Nhận diện được khả năng điều chỉnh tư duy theo hướng tích cực cho bản thân.

 – Thể hiện được sự chủ động của bản thân trong môi trường học tập, giao tiếp khác nhau.

Hoạt động rèn luyện bản thân – Thực hiện tốt nội quy, quy định của trường, lớp, cộng đồng.

 – Có trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao và hỗ trợ những người cùng tham gia.

 – Hình thành được tư duy phản biện khi đánh giá sự vật hiện tượng.

 – Thể hiện được sự tự chủ, lòng tự trọng, ý chí vượt khó để đạt được mục tiêu đề ra.

 – Xây dựng được kế hoạch tài chính cá nhân một cách hợp lí.

HOẠT ĐỘNG HƯỚNG ĐẾN XÃ HỘI
Hoạt động chăm sóc gia đình – Ứng xử phù hợp với các tình huống giao tiếp khác nhau trong gia đình.

 – Thực hiện được trách nhiệm của bản thân với bố mẹ, người thân.

 – Thể hiện được trách nhiệm đối với các hoạt động lao động trong gia đình.

 – Đề xuất các biện pháp phát triển kinh tế và góp phần phát triển kinh tế cho gia đình.

Hoạt động xây dựng nhà trường – Thể hiện sự tự tin trong các tình huống giao tiếp, ứng xử và biết cách thể hiện sự thân thiện với bạn bè, thầy cô.

 – Biết cách thu hút các bạn vào hoạt động chung.

 – Lập và thực hiện được kế hoạch giáo dục truyền thống nhà trường.

 – Đánh giá được ý nghĩa của hoạt động giáo dục truyền thống nhà trường.

 – Thực hiện các hoạt động theo chủ đề của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Hoạt động xây dựng cộng đồng – Thực hiện được các biện pháp mở rộng quan hệ và thu hút cộng đồng vào các hoạt động xã hội.

 – Lập và thực hiện được kế hoạch tuyên truyền trong cộng đồng về văn hoá ứng xử nơi công cộng.

 – Tham gia một số hoạt động cộng đồng phù hợp và đánh giá được kết quả hoạt động phát triển cộng đồng.

HOẠT ĐỘNG HƯỚNG ĐẾN TỰ NHIÊN
Hoạt động tìm hiểu và bảo tồn cảnh quan thiên nhiên – Xây dựng và thực hiện được kế hoạch tuyên truyền, kêu gọi mọi người chung tay bảo vệ cảnh quan thiên nhiên.

 – Nhận xét, đánh giá được các hành vi, việc làm của tổ chức, cá nhân trong việc bảo tồn cảnh quan thiên nhiên.

Hoạt động tìm hiểu và bảo vệ môi trường – Phân tích, đánh giá được thực trạng môi trường tự nhiên tại địa phương; tác động của con người tới môi trường tự nhiên.

 – Thuyết trình được với các đối tượng khác nhau về ý nghĩa của việc bảo vệ môi trường tự nhiên.

 – Đề xuất được và tham gia thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường tự nhiên.

HOẠT ĐỘNG HƯỚNG NGHIỆP
Hoạt động tìm hiểu nghề nghiệp – Xác định được những hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương và nêu được thông tin, yêu cầu cơ bản về các nhóm nghề này.

 – Biết cách tìm hiểu các thông tin về nhóm nghề mình quan tâm, yêu cầu về năng lực, phẩm chất theo nhóm nghề.

 – Tìm hiểu được những điều kiện đảm bảo an toàn và sức khoẻ nghề nghiệp trong từng lĩnh vực nghề nghiệp.

 – Phân tích được phẩm chất và năng lực cần có của người lao động thông qua trải nghiệm một nghề cụ thể và yêu cầu của nhà tuyển dụng.

Hoạt động rèn luyện phẩm chất, năng lực phù hợp với định hướng nghề nghiệp – Đánh giá được sự phù hợp của bản thân với nhóm nghề định lựa chọn.

 – Xây dựng và thực hiện kế hoạch rèn luyện bản thân theo định hướng nghề nghiệp.

 – Lựa chọn được cách rèn luyện phù hợp về phẩm chất và năng lực cần thiết cho nhóm nghề định lựa chọn.

Hoạt động lựa chọn hướng nghề nghiệp và lập kế hoạch học tập theo định hướng nghề nghiệp – Trình bày được một số thông tin cơ bản về hệ thống trường đào tạo liên quan đến nghề định lựa chọn.

 – Tham vấn ý kiến thầy cô, gia đình, bạn bè về dự định lựa chọn nghề và định hướng học tập của bản thân.

 – Xây dựng và thực hiện kế hoạch học tập, rèn luyện theo nhóm nghề lựa chọn.

 LỚP 11

Nội dung hoạt động Yêu cầu cần đạt
HOẠT ĐỘNG HƯỚNG VÀO BẢN THÂN
Hoạt động khám phá bản thân – Nhận diện được nét riêng và thể hiện được sự tự tin về đặc điểm riêng của bản thân.

 – Phân tích được những điểm mạnh, điểm yếu của bản thân và biết điều chỉnh bản thân để thích ứng với sự thay đổi.

 – Nhận diện được hứng thú, sở trường của bản thân và có kế hoạch phát triển sở trường liên quan đến định hướng nghề nghiệp trong tương lai.

Hoạt động rèn luyện bản thân – Tuân thủ kỉ luật, quy định của nhóm, tập thể trường, lớp, cộng đồng.

 – Thể hiện được sự nỗ lực hoàn thiện bản thân; biết thu hút các bạn cùng phấn đấu hoàn thiện.

 – Quản lí được cảm xúc của bản thân và ứng xử hợp lí trong các tình huống giao tiếp khác nhau.

 – Thực hiện được kế hoạch tài chính cá nhân một cách hợp lí.

HOẠT ĐỘNG HƯỚNG ĐẾN XÃ HỘI
Hoạt động chăm sóc gia đình – Thể hiện được sự quan tâm chăm sóc thường xuyên những người thân trong gia đình.

 – Biết cách hoá giải những mâu thuẫn, xung đột xảy ra trong gia đình.

 – Thể hiện sự tự giác và trách nhiệm tham gia các hoạt động lao động khác nhau trong gia đình.

 – Thể hiện sự tự tin trong việc tổ chức sắp xếp hợp lí công việc gia đình.

 – Lập được kế hoạch chi tiêu phù hợp với thu nhập trong gia đình và thực hiện được mục tiêu tiết kiệm tài chính trong gia đình.

Hoạt động xây dựng nhà trường – Biết cách phát triển mối quan hệ tốt đẹp với thầy cô, bạn bè.

 – Làm chủ và kiểm soát được các mối quan hệ với bạn bè ở trường cũng như qua mạng xã hội.

 – Hợp tác được với bạn để cùng xây dựng và thực hiện các hoạt động xây dựng và phát triển nhà trường.

 – Đánh giá được hiệu quả của hoạt động phát huy truyền thống nhà trường.

 – Thực hiện các hoạt động theo chủ đề của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Hoạt động xây dựng cộng đồng – Biết cách xây dựng và phát triển các mối quan hệ với mọi người trong cộng đồng

 – Thể hiện được hành vi văn minh nơi công cộng và trách nhiệm của bản thân với cộng đồng.

 – Xây dựng được kế hoạch tổ chức hoạt động phát triển cộng đồng và đề xuất được giải pháp quản lí việc thực hiện hoạt động đó.

 – Đánh giá được ý nghĩa của hoạt động phát triển cộng đồng.

 – Xây dựng và thực hiện được kế hoạch truyền thông trong cộng đồng về vấn đề văn hoá mạng xã hội.

HOẠT ĐỘNG HƯỚNG ĐẾN TỰ NHIÊN
Hoạt động tìm hiểu và bảo tồn cảnh quan thiên nhiên – Nhận ra ý nghĩa của cảnh quan thiên nhiên đối với trạng thái cảm xúc của bản thân.

 – Chủ động, tích cực thực hiện việc bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, quảng bá hình ảnh cảnh quan thiên nhiên và kêu gọi mọi người cùng thực hiện.

 – Đánh giá được thực trạng bảo tồn danh lam thắng cảnh của cộng đồng dân cư tại địa phương.

Hoạt động tìm hiểu và bảo vệ môi trường – Nghiên cứu, khảo sát thực trạng môi trường tự nhiên ở địa phương, tác động của sự phát triển sản xuất kinh doanh đến môi trường và báo cáo kết quả khảo sát.

 – Đưa ra được các kiến nghị về bảo vệ môi trường từ số liệu khảo sát.

 – Tuyên truyền đến người dân địa phương các biện pháp bảo vệ tài nguyên.

HOẠT ĐỘNG HƯỚNG NGHIỆP
Hoạt động tìm hiểu nghề nghiệp – Phân loại được các nhóm nghề cơ bản; chỉ ra được đặc trưng, yêu cầu của từng nhóm nghề.

 – Phân tích được yêu cầu của nhà tuyển dụng về phẩm chất và năng lực của người lao động.

 – Giải thích được ý nghĩa của việc đảm bảo an toàn và sức khoẻ nghề nghiệp của người lao động.

 – Sưu tầm được tài liệu về xu hướng phát triển nghề trong xã hội và thị trường lao động.

Hoạt động rèn luyện phẩm chất, năng lực phù hợp với định hướng nghề nghiệp – Đánh giá được điểm mạnh, điểm yếu của bản thân đối với từng nhóm nghề và chỉ ra được phẩm chất và năng lực của bản thân phù hợp hoặc không phù hợp với nhóm nghề, nghề lựa chọn.

 – Đánh giá được khó khăn, thuận lợi trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch rèn luyện theo nhóm nghề lựa chọn.

 – Đề xuất được giải pháp học tập, rèn luyện theo định hướng nghề nghiệp.

Hoạt động lựa chọn hướng nghề nghiệp và lập kế hoạch học tập theo định hướng nghề nghiệp – Trình bày được các thông tin cơ bản về các trường trung cấp, cao đẳng, đại học liên quan đến nhóm nghề, nghề mà bản thân định lựa chọn.

 – Tham vấn được ý kiến của thầy cô, gia đình, bạn bè về dự kiến ngành, nghề lựa chọn.

 – Xác định được những trường đào tạo nghề liên quan đến việc học tập hướng nghiệp của bản thân.

 – Xây dựng và thực hiện kế hoạch học tập theo định hướng ngành, nghề lựa chọn.

 LỚP 12

Nội dung hoạt động Yêu cầu cần đạt
HOẠT ĐỘNG HƯỚNG VÀO BẢN THÂN
Hoạt động khám phá bản thân – Nhận diện được sự trưởng thành của bản thân.

 – Nhận diện được phẩm chất ý chí và sự đam mê của bản thân.

 – Nhận diện được khả năng tư duy độc lập và khả năng thích ứng với sự thay đổi của bản thân.

Hoạt động rèn luyện bản thân – Thể hiện được tinh thần trách nhiệm, sự trung thực, tuân thủ nội quy, quy định của pháp luật trong đời sống.

 – Thể hiện được bản lĩnh và của bản thân trong việc thực hiện đam mê theo đuổi nghề yêu thích.

 – Thực hiện được công việc theo kế hoạch, tuân thủ thời gian và thực hiện cam kết đề ra.

 – Điều chỉnh được cảm xúc của bản thân và ứng xử hợp lí trong những tình huống giao tiếp khác nhau.

 – Lập và thực hiện được kế hoạch phát triển tài chính cho bản thân trong điều kiện phù hợp.

HOẠT ĐỘNG HƯỚNG ĐẾN XÃ HỘI
Hoạt động chăm sóc gia đình – Thể hiện sự chăm sóc chu đáo đến các thành viên trong gia đình.

 – Thể hiện sự chủ động tham gia giải quyết những vấn đề nảy sinh trong gia đình.

 – Thực hiện được vai trò, trách nhiệm của bản thân trong việc tổ chức cuộc sống gia đình và thấy được giá trị gia đình đối với cá nhân và xã hội.

 – Phân tích được chi phí sinh hoạt trong gia đình có thể bị ảnh hưởng bởi thu nhập thực tế, quyết định chi tiêu và lối sống.

Hoạt động xây dựng nhà trường – Nuôi dưỡng, giữ gìn và mở rộng được các quan hệ tốt đẹp với thầy cô, bạn bè.

 – Thể hiện được lập trường quan điểm phù hợp khi phân tích dư luận xã hội về quan hệ bạn bè trên mạng xã hội.

 – Hợp tác được với mọi người trong hoạt động và biết giải quyết mâu thuẫn trong các quan hệ bạn bè.

 – Đánh giá được ý nghĩa của hoạt động phát triển các mối quan hệ và xây dựng truyền thống nhà trường đối với cá nhân và tập thể.

 – Thực hiện các hoạt động theo chủ đề của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Hoạt động xây dựng cộng đồng – Thể hiện được sự chủ động và tự tin trong thiết lập các mối quan hệ xã hội, sẵn sàng chia sẻ giúp đỡ cộng đồng.

 – Thực hiện được các hoạt động giáo dục tinh thần đoàn kết dân tộc, hoà bình hữu nghị.

 – Thể hiện được sự hứng thú, ham hiểu biết khi khám phá các nền văn hoá khác nhau; thể hiện được thái độ tôn trọng sự khác biệt giữa các nền văn hoá.

 – Xây dựng và triển khai được dự án hoạt động tình nguyện nhân đạo và quản lí dự án hiệu quả.

 – Đánh giá được ý nghĩa của hoạt động xã hội.

HOẠT ĐỘNG HƯỚNG ĐẾN TỰ NHIÊN
Hoạt động tìm hiểu và bảo tồn cảnh quan thiên nhiên – Đánh giá được thực trạng bảo tồn một số danh lam thắng cảnh ở địa phương.

 – Đề xuất và thực hiện được các giải pháp tích cực, sáng tạo trong việc bảo tồn cảnh quan thiên nhiên.

 – Thực hiện được việc tuyên truyền trong cộng đồng về ý nghĩa của cảnh quan thiên nhiên và hành động chung tay gìn giữ cảnh quan thiên nhiên.

Hoạt động tìm hiểu và bảo vệ môi trường – Lập và thực hiện được kế hoạch khảo sát thực trạng thế giới động, thực vật và bảo vệ thế giới động, thực vật ở địa phương.

 – Thực hiện và tuyên truyền được đến người thân, cộng đồng các biện pháp bảo vệ thế giới động, thực vật.

 – Nhận xét, đánh giá hành vi, việc làm của cá nhân, tổ chức trong việc bảo tồn thế giới tự nhiên và động vật hoang dã.

HOẠT ĐỘNG HƯỚNG NGHIỆP
Hoạt động tìm hiểu nghề nghiệp – Trình bày được xu hướng phát triển nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.

 – Chỉ ra được những phẩm chất và năng lực cần có của người lao động trong xã hội hiện đại

 – Tìm hiểu tính chuyên nghiệp trong công việc, đảm bảo yêu cầu về an toàn và sức khoẻ nghề nghiệp.

 – Phân tích được những thông tin cơ bản về thị trường lao động, nhu cầu sử dụng của thị trường lao động.

Hoạt động rèn luyện phẩm chất, năng lực phù hợp với định hướng nghề nghiệp – Đánh giá được sự phù hợp của nghề với khả năng và sở thích của bản thân.

 – Xác định những phẩm chất, năng lực, hứng thú, sở trường của bản thân phù hợp với ngành, nghề lựa chọn.

 – Rèn luyện được một số phẩm chất và năng lực phù hợp với nghề định lựa chọn và có thể chuyển đổi nghề khi cần thiết.

 – Tự tin về bản thân và tự tin với định hướng nghề nghiệp của mình.

Hoạt động lựa chọn hướng nghề nghiệp và lập kế hoạch học tập theo định hướng nghề nghiệp – Phân tích và xử lí được các thông tin nghề nghiệp, thông tin về các cơ sở đào tạo và giáo dục nghề nghiệp.

 – Tham khảo được ý kiến của gia đình, thầy cô, chuyên gia làm cơ sở cho việc chọn hướng học tập nghề nghiệp phù hợp với bản thân.

 – Đưa ra được quyết định lựa chọn nghề, nhóm nghề hoặc lựa chọn được ngành học, trường học và chuẩn bị tâm lí thích ứng với môi trường làm việc hoặc học tập tương lai.

 – Có tâm thế sẵn sàng bước vào thế giới nghề nghiệp, sẵn sàng tham gia và hoà nhập với lực lượng lao động xã hội.

  1. PHƯƠNG THỨC TỔ CHỨC VÀ LOẠI HÌNH HOẠT ĐỘNG
  2. Phương thức tổ chức

 1.1. Định hướng chung

  1. a) Phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh; làm cho mỗi học sinh đều sẵn sàng tham gia trải nghiệm tích cực.
  2. b) Tạo điều kiện cho học sinh trải nghiệm, sáng tạo thông qua các hoạt động tìm tòi, vận dụng kiến thức và kinh nghiệm đã có vào đời sống; hình thành, phát triển kĩ năng giải quyết vấn đề và ra quyết định dựa trên những tri thức và ý tưởng mới thu được từ trải nghiệm.
  3. c) Tạo cơ hội cho học sinh suy nghĩ, phân tích, khái quát hoá những trải nghiệm để kiến tạo kinh nghiệm, kiến thức và kĩ năng mới.
  4. d) Lựa chọn linh hoạt, sáng tạo các phương pháp giáo dục phù hợp: phương pháp nêu gương; phương pháp giáo dục bằng tập thể; phương pháp thuyết phục; phương pháp tranh luận; phương pháp luyện tập; phương pháp khích lệ, động viên; phương pháp tạo sản phẩm và các phương pháp giáo dục khác.

 1.2. Một số phương thức tổ chức chủ yếu

  1. a) Phương thức Khám phá: là cách tổ chức hoạt động tạo cơ hội cho học sinh trải nghiệm thế giới tự nhiên, thực tế cuộc sống và công việc, giúp học sinh khám phá những điều mới lạ, tìm hiểu, phát hiện vấn đề từ môi trường xung quanh, bồi dưỡng những cảm xúc tích cực và tình yêu quê hương đất nước. Nhóm phương thức tổ chức này bao gồm các hoạt động tham quan, cắm trại, thực địa và các phương thức tương tự khác.
  2. b) Phương thức Thể nghiệm, tương tác: là cách tổ chức hoạt động tạo cơ hội cho học sinh giao lưu, tác nghiệp và thể nghiệm ý tưởng như diễn đàn, đóng kịch, hội thảo, hội thi, trò chơi và các phương thức tương tự khác.
  3. c) Phương thức Cống hiến: là cách tổ chức hoạt động tạo cơ hội cho học sinh mang lại những giá trị xã hội bằng những đóng góp và cống hiến thực tế của mình thông qua các hoạt động tình nguyện nhân đạo, lao động công ích, tuyên truyền và các phương thức tương tự khác.
  4. d) Phương thức Nghiên cứu: là cách tổ chức hoạt động tạo cơ hội cho học sinh tham gia các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học nhờ cảm hứng từ những trải nghiệm thực tế, qua đó đề xuất những biện pháp giải quyết vấn đề một cách khoa học. Nhóm hình thức tổ chức này bao gồm các hoạt động khảo sát, điều tra, làm dự án nghiên cứu, sáng tạo công nghệ, nghệ thuật và các phương thức tương tự khác.
  5. Loại hình hoạt động

 Hoạt động trải nghiệm và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp được tổ chức trong và ngoài lớp học, trong và ngoài trường học; theo quy mô nhóm, lớp học, khối lớp hoặc quy mô trường; với bốn loại hình hoạt động chủ yếu là Sinh hoạt dưới cờ, Sinh hoạt lớp, Hoạt động giáo dục theo chủ đề và Hoạt động câu lạc bộ; với sự tham gia, phối hợp, liên kết của nhiều lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường như: giáo viên chủ nhiệm lớp, giáo viên môn học, cán bộ tư vấn tâm lí học đường, cán bộ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, cán bộ Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, cán bộ phụ trách Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, cán bộ quản lí nhà trường, cha mẹ học sinh, chính quyền địa phương, các tổ chức, cá nhân trong xã hội.

 VII. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ GIÁO DỤC

 Đánh giá kết quả giáo dục trong Hoạt động trải nghiệm và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp phải bảo đảm các yêu cầu sau:

  1. Mục đích đánh giá là thu thập thông tin chính xác, kịp thời, có giá trị về mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt so với chương trình; sự tiến bộ của học sinh trong và sau các giai đoạn trải nghiệm. Kết quả đánh giá là căn cứ để định hướng học sinh tiếp tục rèn luyện hoàn thiện bản thân và cũng là căn cứ quan trọng để các cơ sở giáo dục, các nhà quản lí và đội ngũ giáo viên điều chỉnh chương trình và các hoạt động giáo dục trong nhà trường.
  2. Nội dung đánh giá là các biểu hiện của phẩm chất và năng lực đã được xác định trong chương trình: năng lực thích ứng với cuộc sống, năng lực thiết kế và tổ chức hoạt động, năng lực định hướng nghề nghiệp. Các yêu cầu cần đạt về sự phát triển phẩm chất và năng lực của mỗi cá nhân chủ yếu được đánh giá thông qua hoạt động theo chủ đề, hoạt động hướng nghiệp, thông qua quá trình tham gia hoạt động tập thể và các sản phẩm của học sinh trong mỗi hoạt động.

 Đối với Sinh hoạt dưới cờ và Sinh hoạt lớp, nội dung đánh giá chủ yếu tập trung vào sự đóng góp của học sinh cho các hoạt động tập thể, số giờ tham gia các hoạt động và việc thực hiện có kết quả hoạt động chung của tập thể. Ngoài ra, các yếu tố như động cơ, tinh thần, thái độ, ý thức trách nhiệm, tính tích cực đối với hoạt động chung của học sinh cũng được đánh giá thường xuyên trong quá trình tham gia hoạt động.

  1. Kết hợp đánh giá của giáo viên với tự đánh giá và đánh giá đồng đẳng của học sinh, đánh giá của cha mẹ học sinh và đánh giá của cộng đồng; giáo viên chủ nhiệm lớp chịu trách nhiệm tổng hợp kết quả đánh giá.
  2. Cứ liệu đánh giá dựa trên thông tin thu thập được từ quan sát của giáo viên, từ ý kiến tự đánh giá của học sinh, đánh giá đồng đẳng của các học sinh trong lớp, ý kiến nhận xét của cha mẹ học sinh và cộng đồng; thông tin về số giờ (số lần) tham gia hoạt động trải nghiệm (hoạt động tập thể, hoạt động trải nghiệm thường xuyên, hoạt động xã hội và phục vụ cộng đồng, hoạt động hướng nghiệp, hoạt động lao động,…); số lượng và chất lượng các sản phẩm hoàn thành được lưu trong hồ sơ hoạt động.
  3. Kết quả đánh giá đối với mỗi học sinh là kết quả tổng hợp đánh giá thường xuyên và định kì về phẩm chất và năng lực và có thể phân ra làm một số mức để xếp loại. Kết quả đánh giá Hoạt động trải nghiệm và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp được ghi vào hồ sơ học tập của học sinh (tương đương một môn học).

 VIII. GIẢI THÍCH VÀ HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

  1. Giải thích thuật ngữ
  2. a) Các thuật ngữ về năng lực đặc thù

 – Năng lực thích ứng với cuộc sống: đáp ứng được các yêu cầu trong đời sống hằng ngày và điều chỉnh bản thân để thích ứng với thay đổi trong cuộc sống dựa trên sự hiểu biết về đặc điểm cá nhân và môi trường sống, dựa trên sự sẵn sàng thay đổi và chuẩn bị các điều kiện, các kĩ năng khác nhau cho hoàn cảnh mới.

 – Năng lực thiết kế và tổ chức hoạt động: lập được kế hoạch hoạt động; thực hiện được các nhiệm vụ hoạt động: tạo động lực cho bản thân, thu hút người khác, hỗ trợ và tìm kiếm sự hỗ trợ, tư duy độc lập, linh hoạt điều chỉnh hoạt động, giải quyết vấn đề một cách sáng tạo; đánh giá được kết quả hoạt động một cách khách quan.

 – Năng lực định hướng nghề nghiệp: lựa chọn được hướng học tập hoặc nghề nghiệp phù hợp với sở thích, hứng thú, phẩm chất và năng lực của bản thân dựa trên những hiểu biết về nghề hoặc nhóm nghề và có kế hoạch hoàn thiện bản thân để đáp ứng yêu cầu của định hướng nghề nghiệp.

  1. b) Từ ngữ thể hiện mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt

 Chương trình Hoạt động trải nghiệm và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp sử dụng một số động từ để thể hiện mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt về năng lực của người học. Một số động từ được sử dụng ở các mức độ khác nhau nhưng trong mỗi trường hợp thể hiện một hành động có đối tượng và yêu cầu cụ thể. Trong bảng tổng hợp dưới đây, đối tượng, yêu cầu cụ thể của mỗi hành động được chỉ dẫn bằng các từ ngữ khác nhau đặt trong ngoặc đơn.

 Trong quá trình tổ chức hoạt động, đặc biệt là khi đánh giá sự tiến bộ của học sinh, giáo viên có thể dùng những động từ nêu trong bảng tổng hợp hoặc thay thế bằng các động từ có nghĩa tương đương cho phù hợp với tình huống sư phạm và nhiệm vụ cụ thể giao cho học sinh.

Mức độ Động từ mô tả mức độ
Biết kể được (những việc làm tốt,…); nêu/nói được (những hành động an toàn, mục tiêu lao động an toàn,…); nhận biết được (những việc nên làm,…); nhận diện được (nguy hiểm, sở thích của bản thân,…); tôn trọng (người khác, sự khác biệt,…); có ý thức (giữ vệ sinh chung,…); tìm hiểu được (thu nhập của người thân, công việc của bố mẹ,…); biết cách làm (tìm kiếm sự hỗ trợ,…).
Hiểu trình bày được (ước mơ nghề nghiệp,…); mô tả được (hình ảnh bản thân, đức tính, vẻ đẹp thiên nhiên,…); giới thiệu được (vẻ đẹp quê em, nhân vật và sự kiện,…); chỉ ra được (ý nghĩa của hoạt động, tác động của biến đổi khí hậu,…); phân tích được (điểm mạnh, điểm yếu, thông tin nghề nghiệp,…); đánh giá được (giá trị xã hội, hiệu quả hoạt động,…); nhận xét được (sự tiến bộ của bản thân, giá trị của cá nhân,…).
Vận dụng xác định được (nghề, nhóm nghề,…); khảo sát được (nhu cầu, hứng thú,…); vận động được (người thân tham gia bảo vệ môi trường,…); đề xuất được (phương án giải quyết vấn đề, việc hợp tác,…); đưa ra được (ý kiến giải quyết vấn đề,…); thực hiện được (việc chăm sóc bản thân,…); làm quen được (với bạn mới, hàng xóm,…); thuyết trình được; lên kế hoạch (truyền thông trong cộng đồng,…); rèn luyện được (một số đức tính, thói quen,…); làm được (công việc tự phục vụ,…); thể hiện được (cảm xúc, sự đồng cảm, hành vi văn hoá,…); biết làm (sử dụng công cụ lao động an toàn, chăm sóc sức khoẻ,…); thiết lập được (quan hệ,…); xây dựng được (quan hệ, tình bạn, chiến dịch truyền thông,…); tổ chức được (sự kiện, buổi lao động,…); ứng phó được (với căng thẳng, thiên tai,…).
  1. Thời lượng thực hiện chương trình

 Thời lượng dành cho Hoạt động trải nghiệm và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp là 3 tiết/tuần.

 Thời lượng thực hiện các loại hoạt động có thể được phân bổ theo tỉ lệ % như sau:

Nội dung hoạt động Tiểu học Trung học cơ sở Trung học phổ thông
Hoạt động hướng vào bản thân 60% 40% 30%
Hoạt động hướng đến xã hội 20% 25% 25%
Hoạt động hướng đến tự nhiên 10% 15% 15%
Hoạt động hướng nghiệp 10% 20% 30%
  1. Thiết bị giáo dục

 Để thực hiện chương trình Hoạt động trải nghiệm và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, cần có những thiết bị cơ bản sau:

  1. a) Đồ dùng để trình diễn, hướng dẫn: video clip về các nội dung giáo dục; phần mềm về hướng nghiệp; dụng cụ lao động phù hợp với hoạt động lao động;
  2. b) Đồ dùng để phục vụ hoạt động tập thể: loa đài, ampli; bộ lều trại;
  3. c) Đồ dùng để thực hành: bộ tranh ảnh về quần áo, giày dép,… theo mùa, theo giới tính, theo lứa tuổi của học sinh; bộ tranh ảnh về trang phục các dân tộc Việt Nam; bộ tranh ảnh về trang phục các dân tộc trên thế giới; bộ tranh về các nghề, làng nghề truyền thống; bộ tranh về các lễ hội; bảng trắc nghiệm nhân cách; dụng cụ lao động phù hợp với hoạt động lao động;
  4. d) Đồ dùng khác phù hợp với chủ đề hoạt động cụ thể.

 CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG

 LÀM QUEN TIẾNG ANH LỚP 1 VÀ LỚP 2

 (Ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

 MỤC LỤC

  1. ĐẶC ĐIỂM MÔN HỌC
  2. QUAN ĐIỂM XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH

 III. MỤC TIÊU CHƯƠNG TRÌNH

  1. Mục tiêu chung
  2. Mục tiêu cụ thể
  3. YÊU CẦU CẦN ĐẠT
  4. Yêu cầu cần đạt về năng lực và phẩm chất
  5. Yêu cầu cần đạt về năng lực đặc thù
  6. NỘI DUNG GIÁO DỤC
  7. Nội dung khái quát
  8. Nội dung cụ thể
  9. PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC
  10. Đối với giáo viên
  11. Đối với học sinh

 VII. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ GIÁO DỤC

 VIII. GIẢI THÍCH VÀ HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

  1. Phân bổ thời lượng dạy học
  2. Điều kiện thực hiện Chương trình

  

  1. ĐẶC ĐIỂM MÔN HỌC

 Chương trình Làm quen Tiếng Anh lớp 1 và lớp 2 (sau đây gọi tắt là Chương trình) được xây dựng để đáp ứng nhu cầu làm quen với tiếng Anh của học sinh lớp 1 và lớp 2 trong bối cảnh môn học Tiếng Anh được đưa vào chương trình học chính thức cho học sinh tiểu học bắt đầu từ lớp 3. Với vai trò là một trong những môn học có tính công cụ ở trường phổ thông, môn học này không chỉ giúp học sinh hình thành và phát triển năng lực giao tiếp bằng tiếng Anh mà còn hình thành và phát triển các năng lực chung và năng lực thẩm mĩ; để sống và làm việc hiệu quả; để học tập tốt các môn học khác cũng như để học suốt đời.

 Chương trình được xây dựng như một môn ngoại ngữ tự chọn cho học sinh lớp 1, lớp 2 và đảm bảo tính liên thông với chương trình môn Tiếng Anh được dạy từ lớp 3 đến lớp 12. Trong quá trình tổ chức thực hiện môn học này với tư cách là môn tự chọn, nhà trường cần xét đến các điều kiện thực hiện phù hợp để Chương trình đạt hiệu quả cao nhất.

 Đặc điểm của học sinh lứa tuổi sáu, bảy là phát triển ngôn ngữ thông qua trải nghiệm thế giới. Học sinh có thiên hướng lĩnh hội ngôn ngữ một cách tự nhiên hơn là lĩnh hội ngôn ngữ một cách có chủ đích. Đồng thời, các em cũng đang trong giai đoạn học đọc và viết tiếng mẹ đẻ. Vì những lí do này, Chương trình ưu tiên phát triển kĩ năng nghe hiểu thông qua những tình huống giao tiếp đơn giản hằng ngày, câu chuyện, bài vè và bài hát. Kĩ năng nói đơn giản có thể được phát triển theo độ sẵn sàng của học sinh.

 Chương trình được thiết kế và phân bổ cho 140 tiết học trong 4 học kì (2 kì của lớp 1 và 2 kì của lớp 2). Nội dung Chương trình và mục tiêu dạy học được lựa chọn và sắp xếp dựa theo mục tiêu năng lực giao tiếp. Việc kiểm tra đánh giá được lồng ghép vào các hoạt động trên lớp.

  1. QUAN ĐIỂM XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH
  2. Chương trình tuân thủ các quy định cơ bản được nêu trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể gồm định hướng chung cho tất cả các môn học về quan điểm, mục tiêu, yêu cầu cần đạt, kế hoạch giáo dục và các định hướng về nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục, điều kiện thực hiện và phát triển chương trình.
  3. Chương trình được xây dựng dựa trên nền tảng lí luận và thực tiễn, cập nhật thành tựu của khoa học hiện đại. Cơ sở lí luận và thực tiễn của chương trình: Các kết quả nghiên cứu về giáo dục học, tâm lí học và phương pháp dạy học Tiếng Anh hiện đại; các thành tựu nghiên cứu về ngôn ngữ tiếng Anh; phương pháp xây dựng chương trình môn Tiếng Anh như một ngoại ngữ của một số nước trên thế giới và kinh nghiệm xây dựng chương trình của Việt Nam; thực tiễn xã hội, giáo dục, điều kiện kinh tế và truyền thống văn hoá Việt Nam, chú ý đến sự đa dạng của đối tượng học sinh xét về phương diện vùng miền, điều kiện và khả năng học tập.
  4. Chương trình được xây dựng theo đường hướng giao tiếp. Theo đó, năng lực giao tiếp là mục tiêu của quá trình dạy học; kiến thức ngôn ngữ là một trong các phương tiện để hình thành và phát triển các kĩ năng giao tiếp. Ở hai lớp đầu cấp Tiểu học này, việc dạy học cần nhấn mạnh đến kĩ năng nghe hiểu. Kĩ năng nói đơn giản có thể được phát triển tuỳ theo mức độ sẵn sàng của học sinh.
  5. Chương trình được sắp xếp theo mục tiêu phát triển năng lực giao tiếp. Mục tiêu ngôn ngữ được xác định làm phương tiện để hình thành và phát triển năng lực giao tiếp tương ứng. Hệ thống chủ điểm, chủ đề được lựa chọn gần gũi với người học, có thể lặp lại, mở rộng qua các năm học để củng cố năng lực giao tiếp của học sinh.
  6. Chương trình được xây dựng theo quan điểm Thiết kế Trung tâm. Trong quan điểm này, phương pháp dạy học là yếu tố được xem xét đầu tiên để từ đó xác định nội dung và yêu cầu đầu ra. Chương trình nhấn mạnh đến những yếu tố sau đây:
  7. a) Phương pháp và các nguyên tắc dạy học là nhân tố rất quan trọng trong quá trình dạy và học.
  8. b) Tiến trình học tập của người học được chú trọng hơn mục tiêu, yêu cầu cần đạt đã xác định từ trước.
  9. c) Học sinh phát triển năng lực giao tiếp bằng tiếng Anh thông qua hoạt động học tập tích cực, chủ động và sáng tạo; thông qua hoạt động trải nghiệm; với tư cách là những cá thể độc lập. d) Điều kiện dạy học tiếng Anh đa dạng ở các địa phương.

 đ) Giáo viên đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức, hướng dẫn quá trình dạy học, khuyến khích học sinh tích cực tham gia vào các hoạt động học tập.

 III. MỤC TIÊU CHƯƠNG TRÌNH

  1. Mục tiêu chung

 Chương trình Làm quen Tiếng Anh lớp 1 và lớp 2 nhằm giúp học sinh bước đầu có nhận thức đơn giản nhất về tiếng Anh, làm quen, khám phá và trải nghiệm để hình thành kĩ năng tiếng Anh theo các ngữ cảnh phù hợp với năng lực tư duy, cảm xúc và tâm sinh lí của lứa tuổi, giúp các em tự tin khi bước vào học tiếng Anh lớp 3 và hình thành cho các em niềm yêu thích đối với môn học.

  1. Mục tiêu cụ thể

 Hoàn thành Chương trình này, học sinh có thể:

  1. a) Nghe và nhận biết được tên các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Anh. b) Nghe và nhận biết một số âm cơ bản trong bảng chữ cái tiếng Anh.
  2. c) Nghe hiểu các số đếm trong phạm vi 20.
  3. d) Nghe hiểu được các từ và cụm từ gần gũi với hoạt động của học sinh trong ngữ cảnh.

 đ) Nghe hiểu và hồi đáp phi ngôn ngữ trong tình huống giao tiếp đơn giản, gần gũi với đời sống của học sinh lớp 1 và lớp 2.

  1. e) Nghe hiểu và thực hiện theo các hướng dẫn đơn giản trong lớp học bằng tiếng Anh.
  2. g) Nghe hiểu và có phản hồi bằng tiếng Anh một cách đơn giản trong các tình huống hỏi đáp rất đơn giản, quen thuộc với người học.
  3. h) Trả lời các câu hỏi đơn giản quen thuộc gắn liền với trải nghiệm của học sinh, có thể ở cấp độ từ hoặc câu đơn giản.
  4. i) Bước đầu đưa ra một số chỉ dẫn quen thuộc khi tham gia vào các hoạt động đơn giản trên lớp.
  5. k) Nhận biết và đọc thành lời các từ và một số cụm từ quen thuộc, đơn giản và cụ thể.
  6. l) Viết được một số từ rất đơn giản trong chủ đề quen thuộc.
  7. m) Bước đầu hình thành sự yêu thích đối với môn học.
  8. YÊU CẦU CẦN ĐẠT
  9. Yêu cầu cần đạt về năng lực và phẩm chất

 Chương trình góp phần hình thành và phát triển ở học sinh năng lực giao tiếp, năng lực hợp tác, tự phục vụ, tự quản, tự học và khả năng giải quyết vấn đề. Đồng thời Chương trình cũng tập trung bồi dưỡng và phát triển các phẩm chất như chăm học, chăm làm, tự tin, trách nhiệm, trung thực, kỉ luật, đoàn kết và yêu thương của học sinh. Thông qua việc làm quen với tiếng Anh, học sinh có thái độ tích cực đối với bộ môn, có hiểu biết về các nền văn hoá khác và thấy được giá trị của nền văn hoá dân tộc mình.

  1. Yêu cầu cần đạt về năng lực đặc thù

 Các năng lực đặc thù cần đạt đối với học sinh được mô tả thông qua bốn kĩ năng giao tiếp, đặc biệt chú trọng đến kĩ năng nghe hiểu. Kĩ năng nói trong các tình huống giao tiếp rất đơn giản có thể được phát triển theo mức độ sẵn sàng của người học, bước đầu góp phần hình thành năng lực giao tiếp ở mức độ đơn giản nhất cho học sinh tiểu học.

 2.1. Đối với học sinh lớp 1

 Hết lớp 1, học sinh có thể:

  1. a) Bước đầu nhắc lại được các cụm từ, câu đơn giản, bài vè, bài hát phù hợp với năng lực tư duy, cảm xúc và tâm sinh lí lứa tuổi lớp 1.
  2. b) Nhận biết được các số từ 1 đến 10 và dùng các số đếm này để đếm hoặc trả lời một số câu hỏi về số lượng đơn giản.
  3. c) Nhận biết và gọi tên được các từ vựng cụ thể, đơn giản theo chủ đề đã học trong ngữ cảnh giao tiếp.
  4. d) Phản hồi được bằng tiếng Anh một cách đơn giản trong các tình huống hỏi đáp rất đơn giản, gắn liền với trải nghiệm của học sinh lớp 1.

 đ) Nghe hiểu được và biết cách hồi đáp phi ngôn ngữ trong các hội thoại rất đơn giản và ngắn gọn, câu lệnh đơn giản trong lớp học.

  1. e) Biết cách chào hỏi, tạm biệt rất đơn giản.

 2.2. Đối với học sinh lớp 2

 Hết lớp 2, học sinh có thể:

  1. a) Nhắc lại được các cụm từ, câu đơn giản, bài vè, bài hát phù hợp với năng lực tư duy, cảm xúc và tâm sinh lí lứa tuổi lớp 2.
  2. b) Nhận biết được và gọi tên các danh từ cụ thể, các động từ theo chủ đề đã học trong ngữ cảnh giao tiếp cụ thể.
  3. c) Nhận biết được các số từ 1 – 20 và có thể dùng các số đếm này để đếm hoặc trả lời một số câu hỏi về số lượng đơn giản.
  4. d) Nghe hiểu và phản hồi được bằng tiếng Anh một cách đơn giản trong các tình huống hỏi đáp rất đơn giản và quen thuộc.

 đ) Làm theo và thực hiện được các câu lệnh rất đơn giản trong lớp học, mở rộng hơn về số lượng và độ dài câu lệnh.

  1. e) Đưa ra được một số câu lệnh quen thuộc khi tham gia một số hoạt động tập thể trong giờ học, có mở rộng về số lượng và cấu trúc so với lớp 1.
  2. g) Trả lời được câu hỏi đơn giản và hồi đáp được bằng một hoặc hai từ trong ngữ cảnh cụ thể và quen thuộc.
  3. NỘI DUNG GIÁO DỤC
  4. Nội dung khái quát

 1.1. Kiến thức ngôn ngữ

  1. a) Ngữ âm:Một số âm cơ bản (nguyên âm, phụ âm đứng đầu và cuối của từ), tên các chữ cái trong bảng chữ cái trong chương trình học.
  2. b) Từ vựng:Từ và cụm từ đơn giản, chỉ các khái niệm, sự vật, hiện tượng cụ thể gắn với các tình huống và chủ đề quen thuộc với cuộc sống các em. Số lượng từ cần làm quen khoảng 70-140 từ.
  3. c) Cấu trúc:Một số cấu trúc đơn giản hay sử dụng trong tình huống giao tiếp quen thuộc.

 1.2. Kĩ năng ngôn ngữ

  1. a) Nghe:Nghe hiểu và hồi đáp phi ngôn ngữ hoặc câu trả lời đơn giản, có thể chỉ ở cấp độ từ, trong các hội thoại giao tiếp đơn giản trong lớp học và trong các tình huống hoặc chủ đề đơn giản đã học. Nghe hiểu và thực hiện theo các chỉ dẫn đơn giản bằng tiếng Anh trong lớp học. Nghe hiểu từ và cụm từ gần gũi với hoạt động của học sinh trong ngữ cảnh và chủ đề quen thuộc (trong phạm vi vốn từ khoảng 70 – 140 từ).
  2. b) Nói:Trả lời đơn giản trong các tình huống hỏi đáp trong phạm vi chủ đề quen thuộc. Học sinh tham gia vào các hoạt động, trò chơi trên lớp và bước đầu có thể đưa ra một số chỉ dẫn. Học sinh nghe và nhắc lại các cụm từ, câu đơn giản, bài vè, bài hát phù hợp với với lứa tuổi trong nội dung bài học. Học sinh nói các từ quen thuộc, cụ thể và đơn giản trong ngữ cảnh.
  3. c) Đọc:Đọc các từ, câu đơn giản có tranh minh hoạ. Học sinh nghe và đọc theo, nhận biết từ và hiểu nghĩa của từ trong chủ đề đã học.
  4. d) Viết:Tô chữ, viết lại từ, hoàn thành từ trong ngữ cảnh cụ thể.

 1.3. Hệ thống chủ đề

 Chương trình Làm quen Tiếng Anh lớp 1 và lớp 2 khai thác các chủ đề quen thuộc với cuộc sống của học sinh. Dưới đây là một số chủ đề gợi ý:

Màu sắc Hoạt động hằng ngày Hoạt động vui chơi
Động vật Hoạt động trong lớp học Các phòng trong nhà
Đồ chơi Đồ dùng học tập Các loại quả
Trường học Bộ phận cơ thể Thức ăn
Gia đình Ngày trong tuần Cảm xúc
Hình cơ bản Quần áo Giác quan
Địa điểm Phương tiện giao thông Trò chơi
  1. Nội dung cụ thể

 Nội dung dạy học từng lớp lấy năng lực giao tiếp (thể hiện ở các kĩ năng giao tiếp cụ thể Nghe, Nói, Đọc và Viết) trong ngữ cảnh cụ thể làm điểm xuất phát để xác định kiến thức và chủ đề cụ thể dùng để phát triển năng lực giao tiếp. Việc lựa chọn chủ đề và kiến thức ngôn ngữ có thể được lặp lại và mở rộng. Phần kiến thức ngôn ngữ và chủ đề mang tính gợi ý.

 Lớp 1

Kĩ năng giao tiếp Kiến thức ngôn ngữ Chủ đề Chủ điểm
Nghe

 – Nghe các chữ cái đã học (khoảng 13 chữ cái).

 – Nghe các âm cơ bản đã học.

 – Nghe các số đếm trong phạm vi 10.

 – Nghe các từ và cụm từ gần gũi với hoạt động của học sinh trong ngữ cảnh (trong phạm vi khoảng 35 – 70 từ quen thuộc).

 – Nghe và phản hồi phi ngôn ngữ trong một số tình huống giao tiếp rất đơn giản khi đã được thực hành nhiều lần.

 – Nghe và thực hiện theo các hướng dẫn rất đơn giản trong lớp học khi đã được thực hành nhiều lần.

 – Nghe và phản hồi bằng tiếng Anh trong một số tình huống hỏi đáp rất quen thuộc khi đã được thực hành nhiều lần.

Ngữ âm

 – 13 chữ cái

 – Một số âm đơn giản ở vị trí bắt đầu của từ.

 Từ vựng

 – Số đếm 1 – 10

 – Khoảng 35 – 70 từ vựng trong các chủ đề quen thuộc, ưu tiên danh từ và động từ.

– Màu sắc

 – Các con vật

 – Đồ vật trong lớp

 – Đồ chơi

 – Hoạt động hằng ngày

 – Số đếm

 – Hoạt động trong lớp/ gia đình

 – Ngôi nhà

 – Các loại quả/ đồ ăn

 – Bộ phận cơ thể

 – Số đếm

 – …

– Em và những người bạn của em

 – Em và trường học của em

 – Em và gia đình của em

 – Em và thế giới quanh em

 – …

Nói

 – Nhắc lại một số cụm từ, câu đơn giản, bài đọc vè, bài hát phù hợp với lứa tuổi.

 – Nói các từ quen thuộc chỉ sự vật trong ngữ cảnh (trong phạm vi khoảng 35-70 từ quen thuộc).

 – Nghe và nhắc lại các âm cơ bản đã học.

 – Trả lời đơn giản, có thể chỉ ở cấp độ từ hoặc cụm từ, các câu hỏi rất đơn giản trong các tình huống giao tiếp đơn giản hoạt động hằng ngày.

Đọc

 – Đọc thành lời các từ và một số cụm từ quen thuộc, đơn giản và cụ thể.

Viết

 – Tô hoặc chép lại chữ cái trong từ.

 – Viết chữ cái trong từ

 Lớp 2

Kĩ năng giao tiếp Kiến thức ngôn ngữ Chủ đề Chủ điểm
Nghe

 – Nghe và nhận biết các chữ cái đã học (khoảng 13 chữ cái).

 – Nghe và nhận biết các âm đã học ở vị trí bắt đầu hoặc kết thúc của từ.

 – Nghe hiểu các số đếm trong phạm vi 20.

 – Nghe hiểu các từ và cụm từ gần gũi với hoạt động của học sinh trong ngữ cảnh (thêm khoảng 35 – 70 từ so với lớp 1).

 – Nghe hiểu và phản hồi phi ngôn ngữ trong một số tình huống giao tiếp đơn giản.

 – Nghe hiểu và thực hiện theo các hướng dẫn đơn giản trong lớp học.

 – Nghe hiểu và tham gia vào các hoạt động trên lớp có chỉ dẫn bằng tiếng Anh.

 – Nghe hiểu và phản hồi bằng tiếng Anh trong một số tình huống hỏi đáp quen thuộc.

Ngữ âm

 – 13 chữ cái

 – Một số âm đơn giản ở vị trí bắt đầu và kết thúc của từ.

 Từ vựng

 – Số đếm từ 1 – 20

 – Thêm khoảng 35-70 từ vựng; ưu tiên danh từ, động từ và tính từ.

– Ngày trong tuần

 – Hoạt động trong lớp

 – Cảm xúc

 – Hoạt động ở sân chơi

 – Hình cơ bản

 – Số đếm

 – Quần áo

 – Phương tiện giao thông

 – Động vật

 – Trò chơi trong lớp học

 – …

– Em và những người bạn của em

 – Em và trường học của em

 – Em và gia đình của em

 – Em và thế giới quanh em

 – …

Nói

 – Nhắc lại một số cụm từ, câu đơn giản, bài vè, bài hát phù hợp với lứa tuổi.

 – Nói các từ quen thuộc chỉ sự vật trong ngữ cảnh (thêm khoảng 35 – 70 từ so với lớp 1).

 – Nghe và nhắc lại các âm cơ bản đã học.

 – Trả lời các câu hỏi đơn giản quen thuộc gắn liền với trải nghiệm của học sinh, có thể ở cấp độ từ hoặc câu đơn giản.

 – Đưa ra một số chỉ dẫn quen thuộc khi tham gia vào các hoạt động đơn giản trên lớp.

Đọc

 – Đọc thành lời các từ và một số cụm từ quen thuộc, đơn giản và cụ thể.

 – Đọc hiểu nội dung chính của một cụm từ hoặc câu ngắn.

Viết

 – Tô hoặc chép lại chữ cái trong từ.

 – Viết chữ cái trong từ.

 – Viết được từ rất đơn giản.

  1. PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC

 Chương trình Làm quen Tiếng Anh lớp 1 và lớp 2 được xây dựng theo Đường hướng giao tiếp. Các phương pháp theo đường hướng này nhấn mạnh vào việc hình thành và phát triển năng lực giao tiếp của học sinh. Năng lực giao tiếp ở giai đoạn này có thể chỉ dừng lại ở việc hiểu các ngữ cảnh giao tiếp và từng bước phản hồi phi ngôn ngữ hoặc bằng ngôn ngữ đơn giản. Ngoài ra, phương pháp dạy học cũng chú trọng đến quá trình lĩnh hội ngôn ngữ một cách tự nhiên của học sinh ở lứa tuổi này. Một số định hướng và cách tiếp cận chủ đạo trong phương pháp dạy học bao gồm:

  1. Đối với giáo viên

 Giáo viên là người tổ chức và hướng dẫn hoạt động dạy học. Giáo viên cần hiểu rõ đặc điểm tâm – sinh lí của học sinh đầu cấp Tiểu học và cách tiếp cận chủ đạo trong giảng dạy tiếng Anh ở giai đoạn này.

 Giáo viên sử dụng phối hợp các phương pháp dạy học phù hợp với đối tượng học sinh và điều kiện dạy học cụ thể. Thông qua các phương pháp dạy học như: Hồi đáp phi ngôn ngữ (Total Physical Response), học tập trải nghiệm (Experiential Learning), học tập dựa trên nhiệm vụ (Task-based learning), học tập dựa trên dự án (Project-based learning), giáo viên giúp học sinh được trải nghiệm ngôn ngữ ở dạng tự nhiên nhất theo trình tự nghe – nói – đọc – viết với mục đích giúp học sinh làm quen và yêu thích tiếng Anh. Đặc biệt, giáo viên không dạy học sinh kiến thức ngôn ngữ (ngữ âm, từ, cấu trúc ngữ pháp) tách rời khỏi ngữ cảnh.

 Giáo viên cần tôn trọng giai đoạn lĩnh hội ngôn ngữ qua nghe hiểu không đi kèm hồi đáp bằng lời (Silent Period) giúp trẻ tích luỹ đủ ngữ liệu trước khi sẵn sàng sản sinh lời nói. Do đó, học sinh cần được nghe và tham gia các hoạt động giao tiếp có ngữ cảnh nhưng không đòi hỏi phải nói khi các em chưa sẵn sàng. Các hoạt động đọc viết được giới thiệu từng bước sao cho phù hợp với khả năng nhận thức cũng như tương thích với giai đoạn đọc viết tiếng mẹ đẻ.

 Giáo viên sử dụng phối hợp các tình huống, trò chơi hoặc bài hát kèm hành động, bài vè, sách truyện rất đơn giản bằng tiếng Anh, dễ nhớ, gần gũi với lứa tuổi lớp 1 và lớp 2. Đồng thời, các hoạt động dạy học giúp học sinh làm quen với hệ thống âm, bước đầu nhận diện các từ ngữ đơn giản trong các tình huống giao tiếp và có thể tham gia vào các hội thoại ngắn và quen thuộc. Giáo viên sử dụng các ứng dụng công nghệ tiên tiến và học liệu phong phú trong quá trình dạy học để nâng cao hiệu quả dạy học.

  1. Đối với học sinh

 Học sinh là chủ thể tham gia tích cực trong quá trình học tập. Học sinh cần được tạo cơ hội để trải nghiệm ngôn ngữ và tự tìm ra quy luật. Học sinh học thông qua trò chơi, bài hát, bài vè, kể chuyện, học để trải nghiệm ngôn ngữ chứ không phải phân tích và ghi nhớ, phát triển khả năng nhận diện hệ thống âm, chữ viết, từ vựng và cấu trúc.

 Học sinh cần được ưu tiên phát triển kĩ năng nghe hiểu và khuyến khích hồi đáp phi ngôn ngữ trong các tình huống giao tiếp trước khi được yêu cầu hồi đáp ngắn gọn, đơn giản bằng lời. Học sinh được phát triển kĩ năng nói trong tình huống đơn giản khi các em đã sẵn sàng.

 Học sinh hình thành năng lực giao tiếp thông qua việc tham gia các hoạt động học phong phú, học mà chơi dưới các hình thức tương tác cá nhân, theo cặp, theo nhóm và cả lớp, tương tác giữa học sinh với giáo viên, giữa học sinh với học sinh và giữa học sinh với học liệu (bao gồm cả học liệu điện tử). Học sinh được tiếp cận với các ứng dụng công nghệ tiên tiến và học liệu phong phú.

 Học sinh luôn cần được giúp đỡ, khích lệ để duy trì hứng thú khi tham gia các hoạt động học tập. Học sinh tích cực học tập hơn khi nhận được hướng dẫn, gợi ý kịp thời và thân thiện từ phía giáo viên. Việc khuyến khích và biểu dương thường xuyên giúp học sinh tự tin và có động lực học tập.

 VII. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ GIÁO DỤC

 Trong quá trình thực hiện kiểm tra đánh giá việc làm quen với tiếng Anh của học sinh lớp 1 và lớp 2, giáo viên cần lưu ý các yêu cầu dưới đây:

 Hoạt động kiểm tra đánh giá được tiến hành nhằm cung cấp thông tin phản hồi về năng lực giao tiếp bằng tiếng Anh mà học sinh đạt được trong quá trình học tập để giáo viên đánh giá sự tiến bộ của học sinh, động viên, hướng dẫn học sinh và làm cơ sở cho những điều chỉnh định hướng về phương pháp, học liệu và kế hoạch học tập.

 Việc kiểm tra đánh giá được tiến hành thường xuyên để giúp nâng cao chất lượng và hiệu quả của quá trình dạy học. Đối với học sinh đầu cấp Tiểu học, hoạt động kiểm tra đánh giá tập trung vào việc xây dựng sự tự tin vào khả năng học tiếng Anh cho học sinh. Nội dung kiểm tra đánh giá phải bám sát mục tiêu và yêu cầu cần đạt trong Chương trình. Các hoạt động kiểm tra đánh giá tập trung vào năng lực giao tiếp của học sinh, đặc biệt ưu tiên kĩ năng nghe hiểu.

 Giáo viên là người chịu trách nhiệm chính thực hiện các hoạt động kiểm tra đánh giá, giúp chỉ ra được những điểm người học đã làm được và chưa làm được, viết nhận xét chi tiết, cụ thể khi cần thiết và có biện pháp giúp đỡ kịp thời. Các hoạt động đánh giá được thực hiện một cách thân thiện, nhẹ nhàng ngay trong quá trình học tập.

 Việc tổng hợp kết quả kiểm tra đánh giá thường xuyên và sử dụng kết quả đánh giá được thực hiện theo quy định hiện hành về kiểm tra đánh giá ở Tiểu học.

 VIII. GIẢI THÍCH VÀ HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

  1. Phân bổ thời lượng dạy học

 Chương trình Làm quen Tiếng Anh lớp 1 và lớp 2 được thiết kế với thời lượng 2 tiết/ tuần.

  1. Điều kiện thực hiện Chương trình

 2.1. Giáo viên

 Đảm bảo đủ số lượng giáo viên tham gia giảng dạy Chương trình Làm quen Tiếng Anh lớp 1 và lớp 2. Đồng thời, giáo viên phải có năng lực ngoại ngữ và năng lực sư phạm phù hợp, có hiểu biết về Chương trình và người học ở lứa tuổi này. Giáo viên và cán bộ quản lí cần được bồi dưỡng và tập huấn định kì về Chương trình, tài liệu và cách thức tổ chức triển khai, giám sát.

 2.2. Cơ sở vật chất

 Các trường triển khai Chương trình phải có phòng học rộng rãi, thoáng mát, đầy đủ ánh sáng cho học sinh đầu cấp Tiểu học. Các phòng học có đủ trang thiết bị tối thiểu cho việc dạy và học Chương trình theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ở các nơi có điều kiện, khuyến khích sử dụng các trang thiết bị đa phương tiện như máy chiếu, ti vi, bảng thông minh, máy tính có kết nối Internet.

 2.3. Điều kiện về kế hoạch dạy học

 Khi triển khai Chương trình Làm quen Tiếng Anh lớp 1 và lớp 2, đơn vị quản lí giáo dục xây dựng hướng dẫn triển khai dạy học tiếng Anh cấp Tiểu học cho từng năm học trong đó có các hướng dẫn cơ bản về dạy học Tiếng Anh lớp 1, lớp 2; bao gồm các yêu cầu về chương trình, tài liệu, thời lượng, đội ngũ giáo viên, trang thiết bị dạy học, chế độ cho giáo viên, tình nguyện viên, giám sát, các quy định về kiểm tra đánh giá, đảm bảo tính liên thông, liên tục, hiệu quả, đảm bảo thực hiện các mục tiêu giáo dục và nhiệm vụ giáo dục của địa phương.

 Việc lựa chọn tài liệu dạy học được thực hiện dựa trên các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo để phù hợp với điều kiện và kế hoạch triển khai của địa phương.

 2.4. Điều kiện về nội dung và hình thức dạy học

 Nội dung và hình thức dạy học phải phù hợp với lứa tuổi, được thực hiện thông qua các hoạt động ngôn ngữ vui vẻ, nhẹ nhàng như trò chơi, bài vè, bài hát, ghép tranh ảnh, tô màu, đố vui, diễn kịch, xem phim hoạt hình để tạo niềm vui, hứng thú cho học sinh. Trong quá trình phát triển năng lực giao tiếp cho học sinh, cần ưu tiên phát triển kĩ năng nghe hiểu trên nền tảng ngữ âm tốt.

 CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG

 CHƯƠNG TRÌNH MÔN TIẾNG ANH

 (Ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

 MỤC LỤC

  1. ĐẶC ĐIỂM MÔN HỌC
  2. QUAN ĐIỂM XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH

 III. MỤC TIÊU CHƯƠNG TRÌNH

  1. Mục tiêu chung
  2. Mục tiêu cụ thể
  3. YÊU CẦU CẦN ĐẠT
  4. Yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực chung
  5. Yêu cầu cần đạt về năng lực đặc thù
  6. NỘI DUNG GIÁO DỤC
  7. Nội dung khái quát
  8. Nội dung cụ thể
  9. PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC

 VII. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ GIÁO DỤC

 VIII. GIẢI THÍCH VÀ HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

  

  1. ĐẶC ĐIỂM MÔN HỌC

 Tiếng Anh là môn học bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông từ lớp 3 đến lớp 12. Là một trong những môn học công cụ ở trường phổ thông, môn Tiếng Anh không chỉ giúp học sinh hình thành và phát triển năng lực giao tiếp bằng tiếng Anh mà còn góp phần hình thành và phát triển các năng lực chung, để sống và làm việc hiệu quả hơn, để học tập tốt các môn học khác cũng như để học suốt đời.

 Môn Tiếng Anh cung cấp cho học sinh một công cụ giao tiếp quốc tế quan trọng, giúp các em trao đổi thông tin, tri thức khoa học và kỹ thuật tiên tiến, tìm hiểu các nền văn hoá, qua đó góp phần tạo dựng sự hiểu biết giữa các dân tộc, hình thành ý thức công dân toàn cầu, góp phần vào việc phát triển phẩm chất và năng lực cá nhân. Thông qua việc học Tiếng Anh và tìm hiểu các nền văn hóa khác nhau, học sinh có thể hiểu rõ hơn, thêm yêu ngôn ngữ và nền văn hóa của dân tộc mình.

 Với tư cách là môn học bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông, môn Tiếng Anh còn liên quan trực tiếp và có tác động qua lại với nhiều môn học/nội dung giáo dục khác như Ngữ văn/Tiếng Việt, Tự nhiên và xã hội, Lịch sử và Địa lí, Nghệ thuật, Giáo dục thể chất, Tin học, Hoạt động trải nghiệm. Tiếng Anh còn là công cụ để dạy và học các môn học khác, đặc biệt là môn Toán và các môn khoa học tự nhiên.

 Mục tiêu cơ bản của Chương trình giáo dục phổ thông môn Tiếng Anh là giúp học sinh hình thành và phát triển năng lực giao tiếp thông qua rèn luyện các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết và các kiến thức ngôn ngữ (ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp). Các kỹ năng giao tiếp và kiến thức ngôn ngữ được xây dựng trên cơ sở các đơn vị năng lực giao tiếp cụ thể, trong các chủ điểm và chủ đề phù hợp với nhu cầu và khả năng của học sinh phổ thông nhằm giúp các em đạt được các yêu cầu quy định trong Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (ban hành theo Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24 tháng 01 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo), cụ thể là học sinh kết thúc cấp tiểu học đạt Bậc 1, học sinh kết thúc cấp trung học cơ sở đạt Bậc 2, học sinh kết thúc cấp trung học phổ thông đạt Bậc 3.

 Nội dung của Chương trình giáo dục phổ thông môn Tiếng Anh thể hiện những định hướng cơ bản được nêu trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cụ thể là:

 Ở cấp tiểu học (lớp 3-5), việc dạy học Tiếng Anh giúp học sinh bước đầu hình thành và phát triển năng lực giao tiếp thông qua bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, chú trọng nhiều hơn đến hai kỹ năng nghe và nói.

 Ở cấp trung học cơ sở, việc dạy học Tiếng Anh tiếp tục giúp học sinh hình thành và phát triển năng lực giao tiếp, đồng thời phát triển năng lực tư duy và nâng cao sự hiểu biết của học sinh về văn hoá, xã hội của các quốc gia trên thế giới cũng như hiểu biết sâu hơn về văn hoá, xã hội của dân tộc mình.

 Ở cấp trung học phổ thông, việc dạy học Tiếng Anh giúp học sinh phát triển năng lực giao tiếp bằng tiếng Anh dựa trên nền tảng chương trình Tiếng Anh các cấp tiểu học và trung học cơ sở, trang bị cho học sinh kỹ năng học tập suốt đời để không ngừng học tập và phát triển năng lực làm việc trong tương lai.

  1. QUAN ĐIỂM XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH
  2. Chương trình giáo dục phổ thông môn Tiếng Anhtuân thủ các quy định được nêu trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ Giáo dục và Đào tạo, gồm các định hướng chung về quan điểm, mục tiêu, yêu cầu cần đạt, kế hoạch giáo dục và các định hướng về nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục, đánh giá kết quả học tập và điều kiện thực hiện chương trình.
  3. Chương trình giáo dục phổ thông môn Tiếng Anhđược xây dựng theo quan điểm lấy năng lực giao tiếp là mục tiêu của quá trình dạy học; kiến thức ngôn ngữ là phương tiện để hình thành và phát triển các kỹ năng giao tiếp thông qua nghe, nói, đọc, viết. Ở cấp tiểu học (lớp 3-5), cần ưu tiên phát triển hai kỹ năng nghe và nói. Ở cấp trung học cơ sở, các kỹ năng giao tiếp nghe và nói vẫn được tiếp tục phát triển và thông qua luyện tập kết hợp các kỹ năng để tiến tới phát triển đồng đều cả bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết ở cấp trung học phổ thông.
  4. Chương trình giáo dục phổ thông môn Tiếng Anhđược thiết kế trên cơ sở hệ thống chủ điểm, chủ đề có liên quan chặt chẽ với nhau, có ý nghĩa và phù hợp với môi trường học tập, sinh hoạt của học sinh, phù hợp với việc phát triển năng lực giao tiếp theo yêu cầu cần đạt quy định cho mỗi cấp học. Hệ thống chủ điểm, chủ đề phản ánh văn hoá cần mang tính dân tộc và quốc tế; nội dung dạy học cần được lựa chọn và có thể lặp lại, mở rộng qua các năm học theo hướng đồng tâm xoắn ốc nhằm củng cố và phát triển năng lực giao tiếp của học sinh. Thông qua việc triển khai hệ thống chủ điểm và chủ đề trong Chương trình, học sinh có thể được trang bị thêm nội dung của các môn học khác ở mức độ phù hợp và khả thi.
  5. Chương trình giáo dục phổ thông môn Tiếng Anhđảm bảo lấy hoạt động học của học sinh làm trung tâm trong quá trình dạy học. Năng lực giao tiếp bằng tiếng Anh của học sinh được phát triển thông qua hoạt động học tập tích cực, chủ động, sáng tạo. Giáo viên là người tổ chức, hướng dẫn quá trình dạy học, khuyến khích học sinh tham gia hoạt động luyện tập ngôn ngữ ở mức tối đa và từng bước nâng cao khả năng tự học.
  6. Chương trình giáo dục phổ thông môn Tiếng Anhđảm bảo tính liên thông và tiếp nối của việc dạy học Tiếng Anh giữa các cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông. Tính liên thông và tiếp nối được thể hiện ở chỗ sau mỗi cấp học, học sinh đạt một bậc trình độ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.
  7. Chương trình giáo dục phổ thông môn Tiếng Anhđảm bảo tính linh hoạt, mềm dẻo và tính mở nhằm đáp ứng nhu cầu và phù hợp với điều kiện dạy học Tiếng Anh đa dạng ở các địa phương.

 III. MỤC TIÊU CHƯƠNG TRÌNH

  1. Mục tiêu chung

 1.1. Chương trình giáo dục phổ thông môn Tiếng Anh giúp học sinh có một công cụ giao tiếp mới, hình thành và phát triển cho học sinh năng lực giao tiếp bằng tiếng Anh thông qua các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Kết thúc chương trình giáo dục phổ thông, học sinh có khả năng giao tiếp đạt trình độ Bậc 3 của Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dành cho Việt Nam, tạo nền tảng cho học sinh sử dụng tiếng Anh trong học tập, hình thành thói quen học tập suốt đời để trở thành những công dân toàn cầu trong thời kỳ hội nhập.

 1.2. Chương trình giáo dục phổ thông môn Tiếng Anh giúp học sinh có hiểu biết khái quát về đất nước, con người và nền văn hoá của một số quốc gia nói tiếng Anh và của các quốc gia khác trên thế giới; có thái độ và tình cảm tốt đẹp đối với đất nước, con người, nền văn hoá và ngôn ngữ của các quốc gia đó. Ngoài ra, Chương trình giáo dục phổ thông môn Tiếng Anh còn góp phần hình thành và phát triển cho học sinh những phẩm chất và năng lực cần thiết đối với người lao động: ý thức và trách nhiệm lao động, định hướng và lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực, sở thích, khả năng thích ứng trong bối cảnh cách mạng công nghiệp mới.

  1. Mục tiêu các cấp học

 2.1. Mục tiêu cấp tiểu học

 Sau khi hoàn thành chương trình môn Tiếng Anh cấp tiểu học, học sinh có thể:

 – Giao tiếp đơn giản bằng tiếng Anh thông qua bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, trong đó nhấn mạnh hai kỹ năng nghe và nói.

 – Có kiến thức cơ bản và tối thiểu về tiếng Anh bao gồm ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp; thông qua tiếng Anh có những hiểu biết ban đầu về đất nước, con người và nền văn hoá của các quốc gia nói tiếng Anh và của các quốc gia khác trên thế giới.

 – Có thái độ tích cực đối với việc học tiếng Anh; biết tự hào, yêu quý và trân trọng nền văn hoá và ngôn ngữ của dân tộc mình.

 – Hình thành cách học tiếng Anh hiệu quả, tạo cơ sở cho việc học các ngoại ngữ khác trong tương lai.

 2.2. Mục tiêu cấp trung học cơ sở

 Sau khi hoàn thành chương trình môn Tiếng Anh cấp trung học cơ sở, học sinh có thể:

 – Sử dụng tiếng Anh như một công cụ giao tiếp thông qua bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết nhằm đáp ứng các nhu cầu giao tiếp cơ bản và trực tiếp trong những tình huống gần gũi và thường nhật.

 – Có kiến thức cơ bản về tiếng Anh, bao gồm ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp; thông qua tiếng Anh, có những hiểu biết khái quát về đất nước, con người, nền văn hoá của các quốc gia nói tiếng Anh và của các quốc gia khác trên thế giới, đồng thời có hiểu biết và tự hào về những giá trị của nền văn hoá dân tộc mình.

 – Có thái độ tích cực đối với môn học và việc học tiếng Anh, bước đầu biết sử dụng tiếng Anh để tìm hiểu các môn học khác trong chương trình giáo dục phổ thông.

 – Hình thành và áp dụng các phương pháp và chiến lược học tập khác nhau để phát triển năng lực giao tiếp bằng tiếng Anh trong và ngoài lớp học, quản lý thời gian học tập và hình thành thói quen tự học.

 2.3. Mục tiêu cấp trung học phổ thông

 Sau khi hoàn thành chương trình môn Tiếng Anh cấp trung học phổ thông, học sinh có thể:

 – Sử dụng tiếng Anh như một công cụ giao tiếp thông qua bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết nhằm đáp ứng các nhu cầu giao tiếp cơ bản và thiết thực về những chủ đề quen thuộc liên quan đến nhà trường, hoạt động vui chơi, giải trí, nghề nghiệp, …

 – Tiếp tục hình thành và phát triển kiến thức cơ bản về tiếng Anh, bao gồm ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp; thông qua tiếng Anh có những hiểu biết sâu rộng hơn về đất nước, con người, nền văn hoá của các nước nói tiếng Anh và của các quốc gia khác trên thế giới, hiểu và tôn trọng sự đa dạng của các nền văn hoá, đồng thời bước đầu phản ánh được giá trị nền văn hoá Việt Nam bằng tiếng Anh.

 – Sử dụng tiếng Anh để nâng cao chất lượng học tập các môn học khác trong chương trình giáo dục phổ thông.

 – Sử dụng tiếng Anh để theo đuổi mục tiêu học tập cao hơn hoặc có thể làm việc ngay sau khi học xong cấp trung học phổ thông.

 – Áp dụng các phương pháp học tập khác nhau để quản lý thời gian học tập, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc học và tự học, củng cố phương pháp tự học, tự đánh giá và chịu trách nhiệm về kết quả học tập, hình thành thói quen học tập suốt đời.

  1. YÊU CẦU CẦN ĐẠT
  2. Yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực chung

 Chương trình giáo dục phổ thông môn Tiếng Anh góp phần hình thành và phát triển các phẩm chất chủ yếu (yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm) và các năng lực chung (tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo).

  1. Yêu cầu cần đạt về năng lực đặc thù

 2.1. Cấp tiểu học

 – Sau khi học xong môn Tiếng Anh cấp tiểu học, học sinh có thể đạt được trình độ tiếng Anh Bậc 1 của Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Cụ thể là: “Có thể hiểu, sử dụng các cấu trúc quen thuộc thường nhật; các từ ngữ cơ bản đáp ứng nhu cầu giao tiếp cụ thể. Có thể tự giới thiệu bản thân và người khác; có thể trả lời những thông tin về bản thân như nơi sinh sống, người thân/bạn bè, … Có thể giao tiếp đơn giản nếu người đối thoại nói chậm, rõ ràng và sẵn sàng hợp tác giúp đỡ”.

 – Thông qua môn Tiếng Anh, học sinh có những hiểu biết ban đầu về đất nước, con người và nền văn hoá của một số nước nói tiếng Anh và của các quốc gia khác trên thế giới; có thái độ tích cực đối với việc học tiếng Anh; biết tự hào, yêu quý và trân trọng ngôn ngữ và nền văn hoá của dân tộc mình; phát triển các phẩm chất như yêu thương, tôn trọng bản thân, bạn bè, gia đình, môi trường, chăm chỉ và trung thực.

 2.2. Cấp trung học cơ sở

 – Sau khi học xong môn Tiếng Anh cấp trung học cơ sở, học sinh có thể đạt được trình độ tiếng Anh Bậc 2 của Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Cụ thể là: “Có thể hiểu được các câu và cấu trúc được sử dụng thường xuyên liên quan đến nhu cầu giao tiếp cơ bản (như các thông tin về gia đình, bản thân, đi mua hàng, hỏi đường, việc làm,…). Có thể trao đổi thông tin về những chủ đề đơn giản, quen thuộc hằng ngày. Có thể mô tả đơn giản về bản thân, môi trường xung quanh và những vấn đề thuộc nhu cầu thiết yếu”.

 – Thông qua môn Tiếng Anh, học sinh có những hiểu biết khái quát về đất nước, con người, nền văn hoá của các nước nói tiếng Anh và của các quốc gia khác trên thế giới; có thái độ tích cực đối với môn học và việc học Tiếng Anh; đồng thời có hiểu biết và tự hào về những giá trị của nền văn hoá dân tộc mình; phát triển các phẩm chất như nhân ái, yêu thương gia đình, tự hào về quê hương, bảo vệ môi trường, có ý thức tự rèn luyện học tập, có trách nhiệm với bản thân và gia đình.

 2.3. Cấp trung học phổ thông

 – Sau khi học xong môn Tiếng Anh cấp trung học phổ thông, học sinh có thể đạt được trình độ tiếng Anh Bậc 3 của Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Cụ thể là: “Có thể hiểu được các ý chính của một đoạn văn hay bài phát biểu chuẩn mực, rõ ràng về các chủ đề quen thuộc trong công việc, trường học, giải trí, … Có thể xử lý hầu hết các tình huống xảy ra ở những nơi ngôn ngữ đó được sử dụng. Có thể viết đoạn văn đơn giản liên quan đến các chủ đề quen thuộc hoặc cá nhân quan tâm. Có thể mô tả được những kinh nghiệm, sự kiện, ước mơ, hy vọng, hoài bão và có thể trình bày ngắn gọn các lý do, giải thích ý kiến và kế hoạch của mình”.

 – Thông qua môn Tiếng Anh, học sinh có những hiểu biết sâu rộng hơn về đất nước, con người, nền văn hoá của các nước nói tiếng Anh và của các quốc gia khác trên thế giới; hiểu và tôn trọng sự đa dạng của các nền văn hoá, đồng thời bước đầu phản ánh được giá trị nền văn hoá của Việt Nam bằng tiếng Anh; phát triển các phẩm chất yêu đất nước, con người, trung thực, nhân ái và có trách nhiệm với môi trường, cộng đồng.

  1. NỘI DUNG GIÁO DỤC
  2. Nội dung khái quát

 Nội dung dạy học trong Chương trình giáo dục phổ thông môn Tiếng Anh được thiết kế theo kết cấu đa thành phần, bao gồm:

 (i) hệ thống các chủ điểm (khái quát), các chủ đề (cụ thể); (ii) các năng lực giao tiếp liên quan đến các chủ điểm, chủ đề; (iii) danh mục kiến thức ngôn ngữ (ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp). Nội dung văn hoá được dạy học lồng ghép, tích hợp trong hệ thống các chủ điểm, chủ đề.

 1.1. Hệ thống chủ điểm, chủ đề

 1.1.1. Hệ thống chủ điểm

 Nội dung Chương trình giáo dục phổ thông môn Tiếng Anh được xây dựng trên cơ sở các chủ điểm phù hợp với mỗi cấp học. Các chủ điểm liên quan chặt chẽ với nhau và được thiết kế lặp lại có mở rộng qua các năm học ở mỗi cấp học, theo hướng đồng tâm xoắn ốc nhằm củng cố và phát triển năng lực giao tiếp của học sinh. Tên gọi của các chủ điểm có thể được thay đổi theo cấp học nhằm đáp ứng nhu cầu, mối quan tâm, hứng thú của học sinh cũng như yêu cầu hình thành và phát triển các phẩm chất, năng lực cần thiết cho người học.

 Các chủ điểm gợi ý trong dạy học môn Tiếng Anh ở các cấp học là:

 – Cấp tiểu học: Em và những người bạn của em, Em và trường học của em, Em và gia đình em, Em và thế giới quanh em.

 – Cấp trung học cơ sở: Cộng đồng của chúng ta, Di sản của chúng ta, Thế giới của chúng ta, Tầm nhìn tương lai.

 – Cấp trung học phổ thông: Cuộc sống của chúng ta, Xã hội của chúng ta, Môi trường của chúng ta, Tương lai của chúng ta.

 1.1.2. Hệ thống chủ đề

 Hệ thống chủ đề được xây dựng trên cơ sở các chủ điểm. Mỗi chủ điểm bao gồm nhiều chủ đề để có thể bao phủ 1155 tiết học. Các chủ điểm và chủ đề có mối liên quan chặt chẽ với nhau, phù hợp với đặc điểm lứa tuổi và môi trường sinh hoạt, học tập của học sinh. Các chủ đề được lựa chọn theo hướng mở, phù hợp với các giá trị văn hoá, xã hội của Việt Nam, đảm bảo tính hội nhập quốc tế và phù hợp với yêu cầu phát triển năng lực giao tiếp quy định cho mỗi cấp học. Người biên soạn tài liệu dạy học và giáo viên có thể điều chỉnh, bổ sung các chủ đề sao cho phù hợp với chủ điểm, đáp ứng nhu cầu, sở thích và khả năng học tập của học sinh để đạt được các mục tiêu đề ra trong Chương trình. Dưới đây là ví dụ minh hoạ mang tính gợi ý cho các chủ đề theo chủ điểm ở ba cấp học.

 Cấp tiểu học

Chủ điểm Chủ đề
Em và những người bạn của em – Bản thân

 – Những người bạn của em

 – Những việc có thể làm

 – Hoạt động hằng ngày

 – Hoạt động tương lai

 – Thói quen, sở thích

 

Em và trường học của em – Trường học của em

 – Lớp học của em

 – Đồ dùng, phương tiện học tập

 – Thời khoá biểu và các môn học ở trường

 – Hoạt động học tập ở trường

 – Hoạt động ngoại khoá ở trường

 

Em và gia đình em – Ngôi nhà của em

 – Phòng và đồ vật trong nhà

 – Thành viên trong gia đình

 – Ngoại hình, nghề nghiệp của các thành viên trong gia đình

 – Hoạt động của các thành viên trong gia đình

 

Em và thế giới quanh em – Đồ chơi của em

 – Động vật

 – Màu sắc yêu thích

 – Quần áo

 – Chỉ đường và biển chỉ dẫn

 – Mùa và thời tiết

 – Phương tiện giao thông

 

 Cấp trung học cơ sở

Chủ điểm Chủ đề
Cộng đồng của chúng ta – Ngôi trường của tôi

 – Sở thích

 – Những người bạn của tôi

 – Tuổi thiếu niên

 – Hoạt động trong thời gian rảnh rỗi

 – Môi trường địa phương

 – Dịch vụ cộng đồng

 

Di sản của chúng ta – Kỳ quan và địa danh nổi tiếng

 – Lễ hội

 – Phong tục và tập quán

 – Thức ăn và đồ uống

 – Âm nhạc và mỹ thuật

 

Thế giới của chúng ta – Các thành phố trên thế giới

 – Văn hoá của các quốc gia trên thế giới

 – Lễ hội

 – Giao thông

 – Các môn thể thao và trò chơi

 – Du lịch

 – Giải trí

 

Tầm nhìn tương lai – Cuộc sống tương lai

 – Ngôi nhà mơ ước

 – Nghề nghiệp tương lai

 – Thế giới xanh

 – Bảo vệ môi trường

 – Truyền thông trong tương lai

 – Giải trí trong tương lai

 

 Cấp trung học phổ thông

Chủ điểm Chủ đề
Cuộc sống của chúng ta – Cuộc sống gia đình

 – Khoảng cách thế hệ

 – Giải trí

 – Lối sống lành mạnh

 – Cuộc sống tự lập

 – Câu chuyện cuộc sống

 – Tốt nghiệp và chọn nghề

 

Xã hội của chúng ta – Các vấn đề xã hội

 – Giáo dục

 – Phục vụ cộng đồng

 – Phương tiện truyền thông đại chúng

 – Bản sắc văn hoá

 – Việt Nam và các tổ chức quốc tế

 

Môi trường của chúng ta – Bảo tồn di sản

 – Biến đổi khí hậu

 – Bảo tồn môi trường tự nhiên

 – Con người và môi trường

 – Môi trường xanh

 – Du lịch sinh thái

 

Tương lai của chúng ta – Giáo dục trong tương lai

 – Học tập suốt đời

 – Trí tuệ nhân tạo

 – Tương lai của các thành phố

 – Sức khoẻ và tuổi thọ

 – Thế giới công việc

 

 1.2. Năng lực giao tiếp

 Năng lực giao tiếp là khả năng sử dụng kiến thức ngôn ngữ (ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp) để tham gia vào các hoạt động giao tiếp (nghe, nói, đọc, viết) trong những tình huống hay ngữ cảnh có nghĩa với các đối tượng giao tiếp khác nhau nhằm đáp ứng các nhu cầu giao tiếp của bản thân hay yêu cầu giao tiếp của xã hội. Trong Chương trình giáo dục phổ thông môn Tiếng Anh, năng lực giao tiếp được thể hiện thông qua các chức năng và nhiệm vụ giao tiếp dưới dạng nghe, nói, đọc, viết. Các năng lực giao tiếp được lựa chọn theo hướng mở, có liên hệ chặt chẽ với các chủ điểm, chủ đề. Dưới đây là danh mục gợi ý các năng lực giao tiếp cho từng cấp học:

 1.2.1. Cấp tiểu học

Chủ điểm Năng lực giao tiếp
Em và những người bạn của em – Chào hỏi và tạm biệt

 – Cảm ơn

 – Xin lỗi

 – Đánh vần

 – Giới thiệu (về mình, về người khác)

 – Hỏi và xác định các bộ phận cơ thể

 – Hỏi và trả lời về ngày tháng

 – Hỏi và trả lời về bạn bè

 – Hỏi và trả lời về khả năng, ước mơ, sở thích

 – Hỏi và trả lời về địa điểm

 – Hỏi và trả lời về nghề nghiệp

 – Mô tả các khả năng đơn giản của bản thân

 – Miêu tả địa điểm

 – Nêu tên quốc gia và quốc tịch

 – Hỏi và trả lời về kế hoạch tương lai

 

Em và trường học của em – Hỏi và trả lời về trường học (địa điểm, tên trường, đồ dùng học tập, môn học, …)

 – Mô tả đơn giản về vị trí, số lượng, tính chất, đặc điểm của sự vật và người

 – Hỏi và định danh các vật cụ thể, đơn giản

 – Hỏi và trả lời về các hoạt động học tập và giải trí ở trường

 – Hỏi và trả lời về một người/vật/sự kiện yêu thích

 – Hỏi và trả lời về mức độ thường xuyên

 – Thực hiện và hồi đáp các xin phép và đề xuất đơn giản

 – Diễn đạt và hồi đáp các mệnh lệnh phổ biến trong lớp học

 – Hỏi và trả lời ai đang làm gì

 

Em và gia đình em – Giới thiệu các thành viên trong gia đình (tên, tuổi, nghề nghiệp, nơi làm việc, …)

 – Xác định địa chỉ nhà và vị trí các đồ vật trong nhà

 – Hỏi và trả lời về nhà cửa, đồ dùng, tiện ích trong gia đình

 – Hỏi và trả lời về các hoạt động của các thành viên trong gia đình

 – Hỏi và trả lời về vị trí và số lượng

 – Miêu tả công việc thường ngày

 – Hỏi và trả lời về sở thích ăn, uống

 – Đưa ra lời khuyên về các vấn đề sức khoẻ thông thường

 – Diễn đạt sự sở hữu

 – Hỏi và trả lời về thời gian

 

Em và thế giới quanh em – Hỏi và trả lời về đồ chơi, thú cưng, động vật trong sở thú

 – Hỏi và trả lời về quần áo (số lượng, màu sắc, giá cả, …)

 – Hỏi và trả lời về các phương tiện giao thông

 – Hỏi và trả lời về khoảng cách

 – Đưa ra chỉ dẫn

 – Hỏi và trả lời về mùa và thời tiết

 – Hỏi và trả lời về vị trí của sự vật/hiện tượng/người

 – Hỏi và đưa ra ý kiến về một địa điểm

 – Diễn đạt các so sánh hơn, kém đơn giản

 – Hỏi và diễn đạt lý do đơn giản

 – Thực hiện các gợi ý đơn giản và phản hồi gợi ý

 

  

 1.2.2. Cấp trung học cơ sở

Chủ điểm Năng lực giao tiếp
Cộng đồng của chúng ta – Miêu tả hoạt động yêu thích ở trường

 – Miêu tả một người cụ thể (ngoại hình, tính cách, …)

 – Miêu tả trải nghiệm đơn giản

 – Hỏi và miêu tả những địa danh nổi tiếng

 – Nói về các hoạt động trong thời gian rảnh rỗi

 – Nói về các loại dịch vụ cộng đồng

 – Viết các văn bản đơn giản (lời nhắn, ghi chép, thiệp mời, …)

 

Di sản của chúng ta – Diễn đạt sự đồng ý/không đồng ý và giải thích lý do

 – Đưa ra lời khuyên đơn giản

 – Miêu tả và so sánh một kỳ quan, thảo luận cách thức bảo vệ, bảo tồn các kỳ quan

 – Miêu tả gia đình truyền thống

 – Miêu tả các lễ hội

 – Miêu tả thức ăn và đồ uống của một địa phương

 – Thảo luận về phong tục và truyền thống gia đình

 

Thế giới của chúng ta – Nói về các lợi ích của việc sử dụng tiếng Anh

 – Giới thiệu con người và địa điểm du lịch ở các quốc gia trên thế giới

 – Hỏi và trả lời về những người nổi tiếng

 – Miêu tả lịch trình của một chuyến du lịch

 – Nói về các vấn đề về môi trường và cách thức bảo vệ môi trường

 – Nói về các thắng cảnh trên thế giới

 – Nói về các hình thức giải trí phổ biến

 – Thảo luận đặc điểm của phong cách sống lành mạnh

 – Hỏi và chỉ đường

 – Thảo luận về các phương tiện giao thông

 – Viết bưu thiếp đơn giản

 

Tầm nhìn tương lai – Dự đoán về cuộc sống tương lai

 – Diễn đạt sự quan tâm và đưa ra lời khuyên

 – Miêu tả nghề nghiệp trong tương lai

 – Diễn đạt ý kiến về các vấn đề có thể xảy ra trong tương lai

 – Trình bày cách thức bảo vệ môi trường và xây dựng một thế giới tốt đẹp

 – Nói về truyền thông và các hình thức giải trí trong tương lai

 – Viết về một ngôi nhà, công việc, cuộc sống mơ ước

 

 1.2.3. Cấp trung học phổ thông

Chủ điểm Năng lực giao tiếp
Cuộc sống của chúng ta – Nói về cuộc sống gia đình

 – Trao đổi ý kiến về công việc nhà và vai trò của các thành viên trong gia đình

 – Viết về việc làm/việc nhà trong gia đình

 – Thảo luận về chế độ ăn uống lành mạnh

 – Thảo luận về các loại hình giải trí ưa thích

 – Hỏi và đưa ra lời khuyên về nghề nghiệp

 – Viết/điền các biểu mẫu đơn giản (biểu mẫu đăng kí khoá học, mẫu đơn xin việc làm, …)

 

Xã hội của chúng ta – Hiểu và diễn đạt ý kiến về các hoạt động cộng đồng

 – Diễn đạt quan điểm về các vấn đề xã hội, giáo dục đơn giản

 – Nói về sự lựa chọn phong cách sống và ảnh hưởng của nó tới sức khoẻ

 – Đọc hiểu một bài viết về bình đẳng giới

 – Chia sẻ ý kiến về những nghề nghiệp khác nhau

 – Nói về các hoạt động tình nguyện

 – Hỏi và trả lời các thông tin cơ bản về đất nước, con người, văn hoá của một đất nước

 

Môi trường của chúng ta – Nói về các cách thức đơn giản để bảo tồn di sản

 – Viết giới thiệu để quảng bá du lịch sinh thái

 – Nói về sự ảnh hưởng đến môi trường từ các hoạt động của con người

 – Đọc hiểu được một văn bản về các mối đe doạ đối với môi trường tự nhiên

 – Viết về các vấn đề môi trường và đưa ra giải pháp để bảo vệ môi trường tự nhiên

 – Đề xuất các địa điểm du lịch sinh thái yêu thích

 – Viết một đoạn văn đơn giản về một địa danh nổi tiếng

 – Nói về cách sống thân thiện với môi trường

 

Tương lai của chúng ta – Nói về công nghệ và cuộc sống

 – Viết về cách thức sử dụng mạng Internet

 – Diễn đạt các dự đoán về những thành phố trong tương lai

 – Nói về các lời khuyên chăm sóc sức khoẻ

 – Đọc hiểu một bài báo về các yếu tố làm tăng tuổi thọ

 – Đọc hiểu một bài viết về các cơ hội học đại học

 – Nói về công việc trong tương lai

 

 1.3. Kiến thức ngôn ngữ

 Kiến thức ngôn ngữ trong Chương trình giáo dục phổ thông môn Tiếng Anh bao gồm ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp. Kiến thức ngôn ngữ có vai trò như một phương tiện giúp học sinh hình thành và phát triển năng lực giao tiếp thông qua bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Hệ thống kiến thức ngôn ngữ dạy học trong Chương trình bao gồm:

 1.3.1. Cấp tiểu học

Ngữ âm Nội dung dạy học ngữ âm ở cấp tiểu học được thể hiện trong hai lĩnh vực: ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết.

 – Ngôn ngữ nói: các nguyên âm, phụ âm và một số tổ hợp phụ âm; trọng âm từ, trọng âm câu và ngữ điệu cơ bản.

 – Ngôn ngữ viết: mối quan hệ tương ứng giữa âm thanh và chữ viết để đánh vần, đọc và viết đúng những từ, ngữ đã học.

Từ vựng Nội dung dạy học từ vựng ở cấp tiểu học là những từ thông dụng, đơn giản, cụ thể ở Bậc 1 trong tiếng Anh phục vụ cho các tình huống giao tiếp trong phạm vi hệ thống chủ điểm và chủ đề của Chương trình. Số lượng từ vựng được quy định ở cấp tiểu học khoảng 600 – 700 từ.
Ngữ pháp Nội dung dạy học ngữ pháp ở cấp tiểu học bao gồm các cấu trúc phục vụ phát triển năng lực giao tiếp ở Bậc 1 như câu trần thuật, câu hỏi, câu mệnh lệnh, câu khẳng định, câu phủ định, câu đơn, thì hiện tại đơn, thì hiện tại tiếp diễn, thì quá khứ đơn, thì tương lai đơn, động từ tình thái, danh từ số ít, danh từ số nhiều, đại từ nhân xưng, đại từ chỉ định, đại từ nghi vấn, tính từ sở hữu, đại từ sở hữu, trạng từ, số đếm, số thứ tự, giới từ thông dụng, liên từ thông dụng, mạo từ…

 1.3.2. Cấp trung học cơ sở

Ngữ âm Nội dung dạy học ngữ âm ở cấp trung học cơ sở bao gồm: các nguyên âm đơn, nguyên âm đôi, bán nguyên âm, phụ âm, tổ hợp phụ âm; trọng âm từ, trọng âm câu, nhịp điệu và ngữ điệu câu cơ bản.
Từ vựng Nội dung dạy học từ vựng ở cấp trung học cơ sở bao gồm những từ thông dụng được thể hiện trong hai lĩnh vực ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết liên quan đến các chủ điểm và chủ đề trong Chương trình. Số lượng từ vựng được quy định ở cấp trung học cơ sở khoảng 800 – 1000 từ ở Bậc 2 (không bao gồm các từ đã học ở tiểu học).
Ngữ pháp Nội dung dạy học ngữ pháp ở cấp trung học cơ sở tiếp tục củng cố và mở rộng các nội dung đã học ở cấp tiểu học và bao gồm các cấu trúc phục vụ phát triển năng lực giao tiếp ở Bậc 2 như câu trần thuật, câu hỏi, câu mệnh lệnh, câu cảm thán, câu khẳng định, câu phủ định, câu đơn, câu ghép đơn giản, câu điều kiện (loại 1), mệnh đề quan hệ, thì hiện tại đơn, thì hiện tại tiếp diễn, thì quá khứ đơn, thì quá khứ tiếp diễn, thì tương lai đơn, thì tương lai gần, động từ tình thái, động từ nguyên thể, danh động từ, tính động từ, danh từ đếm được, danh từ không đếm được, sở hữu cách của danh từ, số thứ tự, so sánh tính từ, đại từ chỉ định, đại từ nghi vấn, đại từ quan hệ, đại từ phản thân, đại từ sở hữu, giới từ, trạng từ, liên từ, mạo từ xác định, mạo từ không xác định…

 1.3.3. Cấp trung học phổ thông

Ngữ âm Nội dung dạy học ngữ âm ở cấp trung học phổ thông bao gồm: các nguyên âm đôi, phụ âm, tổ hợp phụ âm, trọng âm từ, dạng phát âm mạnh và dạng phát âm yếu, tỉnh lược âm, đồng hoá âm, nối âm, trọng âm câu, nhịp điệu, ngữ điệu.
Từ vựng Nội dung dạy học từ vựng ở cấp trung học phổ thông bao gồm những từ thông dụng được thể hiện trong hai lĩnh vực ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết liên quan đến các chủ điểm và chủ đề trong Chương trình. Số lượng từ vựng được quy định ở cấp trung học phổ thông khoảng 600 – 800 từ ở Bậc 3 (không bao gồm các từ đã học ở các cấp tiểu học và trung học cơ sở). Sau khi học xong chương trình phổ thông, số lượng từ vựng học sinh cần nắm được khoảng 2500 từ.
Ngữ pháp Nội dung dạy học ngữ pháp ở cấp trung học phổ thông tiếp tục củng cố và mở rộng các nội dung đã học ở cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở, bao gồm các cấu trúc phục vụ phát triển năng lực giao tiếp ở Bậc 3 như mệnh đề quan hệ, câu điều kiện (loại 2 và loại 3), câu chủ động, câu bị động, câu trực tiếp, câu gián tiếp, câu ghép, câu phức, thì hiện tại đơn, thì hiện tại tiếp diễn, thì hiện tại hoàn thành, thì quá khứ đơn, thì quá khứ tiếp diễn, thì quá khứ hoàn thành, thì tương lai đơn, thì tương lai tiếp diễn, thì tương lai gần, liên từ, động từ tình thái, ngữ động từ, thể bị động…
  1. Nội dung cụ thể

 Lớp 3

Chủ điểm Chủ đề Kỹ năng ngôn ngữ Kiến thức ngôn ngữ
– Em và những người bạn của em

 – Em và trường học của em

 – Em và gia đình em

 – Em và thế giới quanh em

– Bản thân

 – Những người bạn của em

 – Sở thích

 – Trường học của em

 – Lớp học của em

 – Đồ dùng học tập

 – Ngôi nhà của em

 – Phòng và đồ vật trong nhà

 – Thành viên trong gia đình

 – Đồ chơi của em

 – Màu sắc yêu thích

 – Các con vật nuôi

 

Nghe

 – Nghe hiểu các từ và cụm từ quen thuộc, đơn giản.

 – Nghe hiểu và làm theo những chỉ dẫn rất đơn giản trong lớp học.

 – Nghe và trả lời các câu hỏi rất đơn giản về các chủ đề quen thuộc được nói chậm và rõ ràng.

 – Nghe hiểu các đoạn hội thoại ngắn, rất đơn giản khoảng 20 – 30 từ về các chủ đề quen thuộc được nói chậm và rõ ràng.

Ngữ âm

 Nguyên âm đơn, nguyên âm đôi, phụ âm, tổ hợp phụ âm

 Từ vựng

 Các từ liên quan đến chủ điểm, chủ đề của lớp 3

 Ngữ pháp

 Thì hiện tại đơn

 Thì hiện tại tiếp diễn

 Câu đơn

 Đại từ chỉ định:

 this/that/these/those

 There is/There are

 Câu hỏi có từ để hỏi: what, where, who, how, how old…

 Câu hỏi nghi vấn (Yes/No question)

 Câu mệnh lệnh: Stand up, please. Don’t talk, please,…

 Động từ tình thái: may, can

 Đại từ nhân xưng: I, you, he, she, it, we, they

 Tính từ sở hữu: my, your, his, her, its, our, their

 Danh từ (số ít, số nhiều): pen(s), book(s), chair(s), …

 Tính từ miêu tả: big, small, new, old, …

 Từ chỉ số lượng: a lot, many, some, …

 Liên từ: and

 Mạo từ: a/an, the

 Giới từ (chỉ địa điểm): in, at, on, …

 

Nói

 – Nói các từ và cụm từ quen thuộc, đơn giản.

 – Hỏi và trả lời các câu hỏi rất đơn giản về bản thân và những người khác.

 – Hỏi và trả lời các câu hỏi thường dùng trong lớp học.

 – Nói về một số chủ đề quen thuộc, sử dụng các từ và cụm từ rất đơn giản (có sự trợ giúp).

Đọc

 – Đọc đúng chữ cái trong bảng chữ cái, chữ cái trong từ.

 – Đọc hiểu nghĩa các từ và cụm từ quen thuộc, rất đơn giản.

 – Đọc hiểu các câu ngắn, rất đơn giản.

 – Đọc hiểu các văn bản ngắn, rất đơn giản khoảng 30 – 40 từ về các chủ đề trong nội dung Chương trình.

Viết

 – Viết các từ, cụm từ rất đơn giản.

 – Điền thông tin cá nhân vào các mẫu rất đơn giản (tên, địa chỉ…).

 – Viết các văn bản ngắn khoảng 10 – 20 từ (có gợi ý) trong phạm vi các chủ đề trong Chương trình.

 Lớp 4

Chủ điểm Chủ đề Kỹ năng ngôn ngữ Kiến thức ngôn ngữ
– Em và những người bạn của em

 – Em và trường học của em

 – Em và gia đình em

 – Em và thế giới quanh em

– Bản thân và bạn bè

 – Những việc có thể làm

 – Hoạt động hằng ngày

 – Thói quen, sở thích

 – Hoạt động học tập ở trường

 – Hoạt động ngoại khoá ở trường

 – Ngoại hình, nghề nghiệp của các thành viên trong gia đình

 – Hoạt động của các thành viên trong gia đình

 – Động vật

 – Chỉ đường và biển chỉ dẫn

 – Thời tiết

 

Nghe

 – Nghe hiểu và làm theo những chỉ dẫn đơn giản trong lớp học.

 – Nghe hiểu và làm theo những chỉ dẫn đơn giản được truyền đạt chậm và rõ ràng.

 – Nghe và trả lời các câu hỏi rất đơn giản về các chủ đề quen thuộc.

 – Nghe hiểu các đoạn hội thoại ngắn, rất đơn giản khoảng 35 – 40 từ về các chủ đề quen thuộc.

Ngữ âm

 Nguyên âm đơn, phụ âm, tổ hợp phụ âm, trọng âm từ

 Từ vựng

 Các từ liên quan đến chủ điểm, chủ đề của lớp 4

 Ngữ pháp

 Thì hiện tại đơn (củng cố và mở rộng)

 Thì hiện tại tiếp diễn (củng cố và mở rộng)

 Thì quá khứ đơn

 Câu đơn

 Câu hỏi có từ để hỏi

 Câu hỏi nghi vấn (Yes/No question)

 Động từ tình thái: can, would

 Đại từ chỉ định (củng cố và mở rộng)

 Liên từ: and, but, or, because

 Giới từ: with, near, behind, next to, opposite, by,…

 

Nói

 – Nói các cụm từ và các câu đơn giản.

 – Nói các chỉ dẫn và đề nghị ngắn gọn, đơn giản.

 – Hỏi và trả lời các câu hỏi đơn giản về chủ đề trong nội dung Chương trình.

 – Nói về một số chủ đề quen thuộc, sử dụng các từ và cụm từ đơn giản (có sự trợ giúp).

Đọc

 – Đọc các câu ngắn và đơn giản.

 – Đọc hiểu các câu ngắn, đơn giản về chủ đề quen thuộc.

 – Đọc hiểu các đoạn văn bản ngắn, đơn giản khoảng 45 – 55 từ về các chủ đề trong Chương trình.

Viết

 – Viết các câu trả lời rất đơn giản.

 – Điền thông tin vào các mẫu đơn giản (thời khoá biểu, thiếp sinh nhật, nhãn vở, …).

 – Viết các văn bản ngắn, rất đơn giản khoảng 20 – 30 từ (có gợi ý) về các chủ đề quen thuộc.

 Lớp 5

Chủ điểm Chủ đề Kỹ năng ngôn ngữ Kiến thức ngôn ngữ
– Em và những người bạn của em

 – Em và trường học của em

 – Em và gia đình em

 – Em và thế giới quanh em

– Bản thân và bạn bè

 – Nơi em sinh sống

 – Sở thích, ước mơ

 – Môn học và hoạt động yêu thích ở trường

 – Nghề nghiệp

 – Kỳ nghỉ, lễ hội

 – Các món ăn và đồ uống

 – Mùa và thời tiết

 – Sức khoẻ và các bệnh thường gặp

 – Phương tiện giao thông

 – Danh lam thắng cảnh

 

Nghe

 – Nghe và nhận biết trọng âm từ.

 – Nghe hiểu và làm theo những chỉ dẫn đơn giản.

 – Nghe và trả lời các câu hỏi đơn giản về các chủ đề trong Chương trình.

 – Nghe hiểu các đoạn hội thoại, độc thoại ngắn, cấu trúc đơn giản khoảng 45 – 60 từ về các chủ đề trong Chương trình.

 – Nghe hiểu nội dung chính các câu chuyện ngắn rất đơn giản về các chủ đề quen thuộc (có sự trợ giúp).

Ngữ âm

 Trọng âm từ, nhịp điệu và ngữ điệu

 Từ vựng

 Các từ liên quan đến chủ điểm, chủ đề của lớp 5

 Ngữ pháp:

 Thì quá khứ đơn (củng cố và mở rộng)

 Thì tương lai đơn

 Câu hỏi có từ để hỏi

 Câu hỏi nghi vấn (Yes/No question) (củng cố và mở rộng)

 Động từ tình thái: should, could, would

 Tính từ chỉ tính chất đơn giản

 Trạng từ (chỉ cách thức hành động): fast, hard, well, …; Trạng từ (chỉ tần suất): always, usually, often, never,…

 Giới từ: by, on, …

 

Nói

 – Nói các câu chỉ dẫn và đề nghị; khởi đầu và trả

 lời những câu lệnh đơn giản trong và ngoài lớp học.

 – Hỏi và trả lời những câu hỏi đơn giản về những chủ đề quen thuộc như bản thân, gia đình, trường học, … hoặc liên quan đến nhu cầu giao tiếp tối thiểu hằng ngày.

 – Nói về một số chủ đề trong Chương trình (có sự trợ giúp).

 – Trả lời các câu hỏi trực tiếp trong những phỏng vấn đơn giản với tốc độ nói chậm và rõ ràng về những chủ đề quen thuộc.

Đọc

 – Đọc những đoạn văn bản ngắn, đơn giản đã được chuẩn bị trước về những chủ đề quen thuộc như bạn bè, gia đình, nhà trường, …

 – Đọc hiểu các đoạn văn bản ngắn, đơn giản khoảng 60 – 80 từ về các chủ đề quen thuộc.

 – Đọc hiểu các thông điệp ngắn, đơn giản trên bưu thiếp; các chỉ dẫn ngắn, đơn giản.

Viết

 – Viết các cụm từ, câu đơn giản về các chủ đề quen thuộc như bản thân, gia đình, trường học, bạn bè, …

 – Viết các đoạn văn bản ngắn, đơn giản khoảng 30 – 40 từ (có gợi ý) về các chủ đề quen thuộc.

 – Viết hoặc điền thông tin vào biểu bảng đơn giản, tin nhắn, …

 Lớp 6

Chủ điểm Chủ đề Kỹ năng ngôn ngữ Kiến thức ngôn ngữ
– Cộng đồng của chúng ta

 – Di sản của chúng ta

 – Thế giới của chúng ta

 – Tầm nhìn tương lai

– Ngôi trường của tôi

 – Nơi tôi sinh sống

 – Những người bạn của tôi

 – Môi trường địa phương

 – Dịch vụ cộng đồng

 – Những kỳ quan trong nước

 – Lễ hội

 – Vô tuyến truyền hình

 – Các thành phố trên thế giới

 – Nhà ở trong tương lai

 

Nghe

 – Nghe và nhận biết âm, trọng âm, ngữ điệu và nhịp điệu trong các câu ngắn và đơn giản khác nhau.

 – Nghe hiểu các chỉ dẫn ngắn, đơn giản sử dụng trong các hoạt động học tập trong lớp học.

 – Nghe hiểu nội dung chính, nội dung tương đối chi tiết các đoạn hội thoại, độc thoại đơn giản khoảng 80 – 100 từ về các chủ đề trong Chương trình; nghe hiểu được nội dung chính các câu chuyện đơn giản về các chủ đề quen thuộc.

Ngữ âm

 Nguyên âm đơn, nguyên âm đôi, phụ âm, tổ hợp phụ âm, trọng âm từ, trọng âm câu, nhịp điệu và ngữ điệu

 Từ vựng

 Các từ liên quan đến chủ điểm, chủ đề của lớp 6

 Ngữ pháp

 Thì hiện tại đơn (củng cố và mở rộng)

 Thì hiện tại tiếp diễn (củng cố và mở rộng)

 Thì tương lai đơn (củng cố và mở rộng)

 Thì quá khứ đơn (củng cố và mở rộng)

 Câu đơn

 Câu ghép

 Động từ tình thái: should/shouldn’t, might

 Câu hỏi có từ để hỏi

 Câu hỏi nghi vấn (Yes/No question)

 Câu mệnh lệnh: khẳng định/phủ định

 Danh từ: đếm được/không đếm được

 Tính từ

 Tính từ so sánh tương đối và tuyệt đối

 Sở hữu cách

 Đại từ sở hữu: mine, yours, …

 Lượng từ không xác định: some, any, …

 Giới từ chỉ vị trí, thời gian, …

 Trạng từ chỉ tần suất

 Liên từ: because, …

 Mạo từ: a/an, the

 Câu điều kiện (loại 1)

 

Nói

 – Phát âm các âm, trọng âm, ngữ điệu và nhịp điệu trong các câu ngắn và đơn giản khác nhau.

 – Nói các chỉ dẫn ngắn, đơn giản sử dụng trong lớp học; những câu đơn giản, liền ý về các chủ đề quen thuộc (có gợi ý).

 – Hỏi và trả lời ngắn gọn về các chủ đề trong Chương trình như nhà trường, bạn bè, lễ hội, danh lam thắng cảnh, …

 – Trình bày có chuẩn bị trước và có gợi ý các dự án về các chủ đề trong Chương trình.

Đọc

 – Đọc hiểu nội dung chính, nội dung tương đối chi tiết các đoạn hội thoại, độc thoại đơn

 giản về các chủ đề trong Chương trình.

 – Đọc hiểu nội dung chính các thư cá nhân, thông báo, đoạn văn ngắn, đơn giản khoảng

 100 – 120 từ thuộc phạm vi các chủ đề quen thuộc (có thể có một số từ, cấu trúc mới).

Viết

 – Viết (có hướng dẫn) một đoạn văn ngắn, đơn giản khoảng 40 – 60 từ về các chủ đề trong Chương trình.

 – Viết thư, bưu thiếp, tin nhắn hoặc ghi chép cá nhân ngắn, đơn giản liên quan đến nhu cầu giao tiếp hằng ngày trong phạm vi các chủ đề trong Chương trình.

 Lớp 7

Chủ điểm Chủ đề Kỹ năng ngôn ngữ Kiến thức ngôn ngữ
– Cộng đồng của chúng ta

 – Di sản của chúng ta

 – Thế giới của chúng ta

 – Tầm nhìn tương lai

– Sở thích

 – Những vấn đề về sức khoẻ

 – Dịch vụ cộng đồng

 – Âm nhạc và nghệ thuật

 – Thức ăn và đồ uống

 – Giáo dục

 – Các quốc gia nói tiếng Anh

 – Lễ hội trên thế giới

 – Giao thông trong tương lai

 – Các nguồn năng lượng

 

Nghe

 – Nghe và nhận biết âm, trọng âm, ngữ điệu

 và nhịp điệu trong các câu đơn giản.

 – Nghe hiểu các chỉ dẫn ngắn, đơn giản sử dụng trong các hoạt động học tập trong và ngoài lớp học.

 – Nghe hiểu nội dung chính, nội dung chi tiết các đoạn hội thoại, độc thoại đơn giản khoảng 120 – 140 từ về các chủ đề trong Chương trình.

Ngữ âm

 Nguyên âm đơn, nguyên âm đôi, phụ âm, tổ hợp phụ âm, trọng âm từ, trọng âm câu, nhịp điệu và ngữ điệu

 Từ vựng

 Các từ liên quan đến chủ điểm, chủ đề của lớp 7

 Ngữ pháp

 Thì hiện tại đơn (củng cố và mở rộng)

 Thì hiện tại tiếp diễn (củng cố và mở rộng)

 Thì quá khứ đơn (củng cố và mở rộng)

 Thì tương lai đơn (củng cố và mở rộng)

 Câu đơn

 Động từ tình thái: should/ should not, …

 Câu hỏi nghi vấn (Yes/No question)

 Cách so sánh: like, (not) as … as, different from, …

 Đại từ sở hữu: mine, yours, his, …

 Lượng từ không xác định: some, lots of, a lot of, …

 Giới từ chỉ vị trí, thời gian: in, on, at…

 Từ nối: although, however, …

 Mạo từ: a/an, the, zero article

 ….

Nói

 – Phát âm các âm, trọng âm, ngữ điệu và nhịp điệu trong các câu đơn giản khác nhau.

 – Nói các chỉ dẫn ngắn sử dụng trong các hoạt động trong và ngoài lớp học.

 – Trao đổi các thông tin cơ bản về các chủ đề quen thuộc.

 – Trình bày có chuẩn bị trước và có gợi ý các dự án về các chủ đề trong Chương trình.

Đọc

 – Đọc hiểu nội dung chính, nội dung chi tiết các đoạn hội thoại, độc thoại đơn giản khoảng 120 – 150 từ về các chủ đề trong Chương trình.

 – Đọc hiểu nội dung chính các mẩu tin, thực đơn, quảng cáo… ngắn, đơn giản thuộc phạm vi chủ đề quen thuộc (có thể có một số từ, cấu trúc mới).

Viết

 – Viết một đoạn văn ngắn, đơn giản, có gợi ý khoảng 60 – 80 từ để mô tả các sự kiện, hoạt động cá nhân liên quan đến các chủ đề trong Chương trình.

 – Viết thư, bưu thiếp, tin nhắn hoặc ghi chép cá nhân ngắn, đơn giản liên quan đến nhu cầu giao tiếp hằng ngày trong phạm vi các chủ đề trong Chương trình.

 Lớp 8

Chủ điểm Chủ đề Kỹ năng ngôn ngữ Kiến thức ngôn ngữ
– Cộng đồng của chúng ta

 – Di sản của chúng ta

 – Thế giới của chúng ta

 – Tầm nhìn tương lai

– Tuổi thiếu niên

 – Hoạt động trong thời gian rảnh rỗi

 – Cuộc sống ở nông thôn

 – Phong tục và tập quán

 – Các dân tộc ở Việt Nam

 – Thảm hoạ thiên nhiên

 – Bảo vệ môi trường

 – Khoa học và công nghệ

 – Cuộc sống trên các hành tinh khác

 

Nghe

 – Nghe và nhận biết âm, trọng âm, ngữ điệu và nhịp điệu trong các câu ghép cơ bản.

 – Nghe hiểu nội dung chính, nội dung chi tiết các đoạn hội thoại, độc thoại đơn giản khoảng 140 – 160 từ về các chủ đề trong Chương trình.

 – Nghe hiểu nội dung chính các thông báo đơn giản, được nói rõ ràng liên quan đến các chủ đề trong Chương trình.

Ngữ âm

 Nguyên âm đơn, nguyên âm đôi, phụ âm, tổ hợp phụ âm, trọng âm từ, trọng âm câu, nhịp điệu và ngữ điệu

 Từ vựng

 Các từ liên quan đến chủ điểm, chủ đề của lớp 8

 Ngữ pháp

 Thì tương lai đơn (củng cố và mở rộng)

 Thì quá khứ tiếp diễn

 Thì hiện tại đơn với nghĩa tương lai

 Động từ (chỉ sự thích) + danh động từ (V-ing)

 Động từ (chỉ sự thích) + động từ nguyên thể có to

 Câu hỏi có từ để hỏi, câu hỏi nghi vấn (Yes/No question)

 Các loại câu: câu đơn/câu nối/câu phức

 Câu điều kiện loại 1 (củng cố và mở rộng)

 Câu tường thuật: câu kể, câu hỏi

 Trạng từ chỉ tần suất

 Trạng từ so sánh

 Giới từ chỉ vị trí, thời gian

 Danh từ đếm được/không đếm được

 Đại từ sở hữu

 Mạo từ: a/an, the, zero article

 

Nói

 – Phát âm các âm, trọng âm, ngữ điệu và nhịp điệu trong các câu ghép cơ bản.

 – Nói các chỉ dẫn đơn giản sử dụng trong giao tiếp hằng ngày liên quan đến các chủ điểm đã học.

 – Tham gia các hội thoại ngắn, đơn giản về các chủ điểm quen thuộc.

 – Trình bày ngắn gọn, có chuẩn bị trước các dự án về các chủ điểm quen thuộc.

Đọc

 – Đọc hiểu nội dung chính, nội dung chi tiết các đoạn hội thoại, độc thoại đơn giản khoảng 150 – 180 từ về các chủ đề quen thuộc.

 – Đọc hiểu nội dung chính, nội dung chi tiết các chỉ dẫn, thông báo, biển báo… ngắn, đơn giản về các chủ đề quen thuộc trong cuộc sống hằng ngày.

 – Đọc hiểu và đoán được nghĩa của từ mới dựa vào ngữ cảnh.

Viết

 – Viết (có hướng dẫn) một đoạn văn ngắn, đơn giản về các chủ đề quen thuộc trong cuộc sống hằng ngày.

 – Viết các hướng dẫn, chỉ dẫn, thông báo, … ngắn, đơn giản khoảng 80 – 100 từ liên quan đến các chủ đề quen thuộc.

 Lớp 9

Chủ điểm Chủ đề Kỹ năng ngôn ngữ Kiến thức ngôn ngữ
– Cộng đồng của chúng ta

 – Di sản của chúng ta

 – Thế giới của chúng ta

 – Tầm nhìn tương lai

– Môi trường sống

 – Cuộc sống đô thị

 – Việt Nam – xưa và nay

 – Cuộc sống trong quá khứ

 – Sống lành mạnh

 – Kỳ quan thiên nhiên

 – Du lịch

 – Nghề nghiệp tương lai

 – Tiếng Anh trên thế giới

 

Nghe

 – Nghe hiểu các cụm từ, chỉ dẫn và cách diễn đạt đơn giản liên quan tới nhu cầu giao

 tiếp hằng ngày.

 – Nghe hiểu nội dung chính, nội dung chi tiết các đoạn hội thoại, độc thoại đơn giản khoảng 160 – 180 từ về các chủ đề trong Chương trình.

 – Nghe hiểu và xác định được những ý chính trong các giao dịch quen thuộc hằng ngày, các thông báo, bản tin, … ngắn, rõ ràng và đơn giản.

Ngữ âm

 Nguyên âm đơn, nguyên âm đôi, phụ âm, tổ hợp phụ âm, trọng âm từ, trọng âm câu, nhịp điệu và ngữ điệu

 Từ vựng

 Các từ liên quan đến chủ điểm, chủ đề của lớp 9

 Ngữ pháp

 Thì quá khứ tiếp diễn (củng cố và mở rộng)

 Thì quá khứ đơn với wish

 Động từ tình thái với if

 Động từ tình thái

 Cụm động từ

 Cấu trúc Suggest + danh động từ (V-ing)

 Danh động từ (V-ing) đi sau một số động từ: like, dislike, love, enjoy, hate, …

 Động từ nguyên thể (verb + to infinitive)

 Từ để hỏi trước động từ nguyên thể có to

 Câu tường thuật

 Mệnh đề phụ chỉ nguyên nhân, kết quả, nhượng bộ

 Đại từ quan hệ

 Mệnh đề quan hệ (mệnh đề xác định và không xác định)

 Tính từ so sánh

 

Nói

 – Phát âm rõ ràng, tương đối chính xác âm, trọng âm, ngữ điệu, nhịp điệu các cụm từ và câu.

 – Tham gia các hội thoại ngắn, đơn giản về những vấn đề quen thuộc liên quan đến công việc và cuộc sống hằng ngày.

 – Trình bày ngắn gọn, có chuẩn bị trước các dự án về các chủ đề quen thuộc; nêu lý do và giải thích ngắn gọn về quan điểm cá nhân.

 – Trao đổi ý kiến, thông tin về những chủ đề quen thuộc bằng các diễn ngôn đơn giản.

Đọc

 – Đọc hiểu các văn bản khoảng 180 – 200 từ về các chủ đề quen thuộc và cụ thể, có thể sử dụng những từ thường gặp trong đời sống hằng ngày.

 – Đọc hiểu và xác định thông tin cụ thể trong các văn bản liên quan đến các chủ đề về đời sống hằng ngày như quảng cáo, biển báo, thông báo,… các bài báo ngắn mô tả sự kiện.

 – Đọc hiểu và đoán nghĩa của từ mới dựa vào văn cảnh và suy luận, nhận biết tổ chức của đoạn văn ngắn, đơn giản.

Viết

 – Viết (có hướng dẫn) một đoạn văn ngắn khoảng 100 – 120 từ về gia đình; viết thư cá nhân, tin nhắn ngắn, đơn giản liên quan các vấn đề thuộc lĩnh vực quan tâm.

 – Viết tóm tắt thông tin, viết những đoạn văn theo lối đơn giản, sử dụng cách hành văn và trình tự như trong văn bản gốc.

 Lớp 10

Chủ điểm Chủ đề Kỹ năng ngôn ngữ Kiến thức ngôn ngữ
– Cuộc sống của chúng ta

 – Xã hội của chúng ta

 – Môi trường của chúng ta

 – Tương lai của chúng ta

– Cuộc sống gia đình

 – Giải trí

 – Phục vụ cộng đồng

 – Các phát minh làm thay đổi thế giới

 – Bình đẳng giới

 – Bảo tồn môi trường tự nhiên

 – Du lịch sinh thái

 – Con người và môi trường

 – Các phương thức học tập mới

 – Việt Nam và các tổ chức quốc tế

 

Nghe

 – Nghe hiểu nội dung các cuộc hội thoại hằng ngày được nói rõ ràng.

 – Nghe hiểu ý chính các đoạn hội thoại, độc thoại khoảng 180 – 200 từ về những chủ đề quen thuộc.

 – Nghe hiểu những thông tin, chỉ dẫn thông thường.

Ngữ âm

 Phụ âm, tổ hợp phụ âm, trọng âm từ, trọng âm câu, nhịp điệu và ngữ điệu

 Từ vựng

 Các từ liên quan đến chủ điểm, chủ đề của lớp 10

 Ngữ pháp

 Thì hiện tại hoàn thành

 Thì hiện tại đơn và hiện tại tiếp diễn (củng cố và mở rộng)

 Thì tương lai đơn và thì tương lai với be going to (củng cố và mở rộng)

 Thì quá khứ đơn và quá khứ tiếp diễn với when và while

 Động từ nguyên thể có to và không có to

 Danh động từ và động từ nguyên thể (dùng để mô tả)

 Câu bị động, câu bị động với động từ tình thái

 Câu ghép

 Mệnh đề quan hệ: xác định và không xác định

 Câu điều kiện loại 1 (củng cố và mở rộng)

 Câu điều kiện loại 2

 Câu tường thuật

 Tính từ so sánh hơn và so sánh hơn nhất

 Tính từ chỉ thái độ

 Mạo từ

 ….

Nói

 – Phát âm rõ ràng, tương đối chính xác các tổ hợp phụ âm, ngữ điệu, nhịp điệu trong câu.

 – Bắt đầu, duy trì và kết thúc các cuộc hội thoại trực tiếp, đơn giản.

 – Đồng ý, phản đối một cách lịch sự; đưa ra lời khuyên.

 – Trình bày các dự án một cách cơ bản, có chuẩn bị trước về các chủ đề trong Chương trình.

Đọc

 – Đọc hiểu những ý chính của văn bản khoảng 220 – 250 từ về các chủ đề mang tính thời sự và quen thuộc.

 – Đọc hiểu những thông tin quan trọng trong các tờ thông tin, quảng cáo thường nhật.

 – Đọc hiểu những thông điệp đơn giản và các thông tin truyền thông về các chủ đề phổ biến.

Viết

 – Viết đoạn văn liền mạch, đơn giản khoảng 120 – 150 từ về các chủ điểm mà cá nhân quan tâm và bày tỏ quan điểm, ý kiến cá nhân.

 – Viết các thông điệp cá nhân cho bạn bè hoặc người thân, đề nghị cung cấp thông tin và tường thuật các sự kiện liên quan.

 Lớp 11

Chủ điểm Chủ đề Kỹ năng ngôn ngữ Kiến thức ngôn ngữ
– Cuộc sống của chúng ta

 – Xã hội của chúng ta

 – Môi trường của chúng ta

 – Tương lai của chúng ta

– Lối sống lành mạnh

 – Khoảng cách thế hệ

 – Cuộc sống tự lập

 – Các vấn đề xã hội

 – Việt Nam và ASEAN

 – Sự nóng lên toàn cầu

 – Bảo tồn di sản thế giới

 – Hệ sinh thái

 – Giáo dục trong tương lai

 – Sức khoẻ và tuổi thọ

 – Tương lai của các thành phố

 

Nghe

 – Nghe hiểu những ý chính của các đoạn hội thoại, độc thoại khoảng 200 – 230 từ về những chủ đề mà cá nhân quan tâm trong phạm vi Chương trình.

 – Nghe hiểu những ý chính trong các cuộc thảo luận, với điều kiện nội dung thảo luận được trình bày rõ ràng.

 – Nghe bản tường thuật ngắn và đưa ra các giả thuyết về những điều sẽ xảy ra tiếp theo.

Ngữ âm

 Dạng phát âm mạnh và yếu của từ, các dạng viết/phát âm tắt, nối âm giữa phụ âm và nguyên âm, trọng âm câu và nhịp điệu, nuốt âm

 Ngữ điệu lên và xuống, câu hỏi nghi vấn (Yes/No question) và câu hỏi có từ để hỏi, câu hỏi thay thế, câu hỏi đuôi, câu hỏi thể hiện câu mời, câu gợi ý, …

 Từ vựng

 Các từ liên quan đến chủ điểm, chủ đề của lớp 11

 Ngữ pháp

 Thì quá khứ đơn và hiện tại hoàn thành

 Động từ tình thái: must vs. have to…

 Động từ nối (be, seem, …)

 Động từ trạng thái dùng ở thì tiếp diễn

 Danh động từ (dùng như chủ ngữ, như tân ngữ, …)

 Phân từ và mệnh đề với động từ nguyên thể có to

 Danh động từ hoàn thành và phân từ hoàn thành

 Từ nối

 Cấu tạo từ (danh từ ghép)

 Câu chẻ: It is/was … that + mệnh đề

 ….

Nói

 – Phát âm rõ ràng, tương đối chính xác trọng âm, nối âm, ngữ điệu, nhịp điệu các câu khác nhau.

 – Bắt đầu, duy trì và kết thúc một cuộc hội thoại; thảo luận về các chủ đề trong Chương trình.

 – Đưa ra những chỉ dẫn chi tiết.

 – Trình bày các dự án một cách cơ bản, có chuẩn bị trước về các chủ đề trong Chương trình.

Đọc

 – Đọc hiểu các ý chính, nội dung chi tiết của văn bản khoảng 250 – 280 từ về các chủ đề mang tính thời sự và quen thuộc.

 – Đọc hiểu các ý chính, nội dung chi tiết các bản tin, bài báo,… về các chủ đề hoặc sự kiện mang tính thời sự và hiểu toàn bộ ý nghĩa của văn bản.

 – Đọc lướt các văn bản ngắn để tìm kiếm các sự kiện và thông tin cần thiết.

Viết

 – Viết văn bản (có mở đầu, thân bài, kết luận) khoảng 150 – 180 từ về các chủ đề quen thuộc.

 – Viết thư cá nhân yêu cầu cung cấp thông tin hoàn chỉnh và chi tiết về sản phẩm hoặc dịch vụ.

 – Viết để truyền tải những thông tin, sự kiện ngắn gọn, đơn giản tới bạn bè và người thân.

 Lớp 12

Chủ điểm Chủ đề Kỹ năng ngôn ngữ Kiến thức ngôn ngữ
– Cuộc sống của chúng ta

 – Xã hội của chúng ta

 – Môi trường của chúng ta

 – Tương lai của chúng ta

– Tốt nghiệp và chọn nghề

 – Câu chuyện cuộc sống

 – Đô thị hoá

 – Phương tiện truyền thông đại chúng

 – Đa dạng văn hoá

 – Môi trường xanh

 – Thế giới công việc

 – Trí tuệ nhân tạo

 – Học tập suốt đời

 

Nghe

 – Nghe hiểu và xác định nội dung chính, nội dung chi tiết trong các đoạn hội thoại, độc thoại khoảng 230 – 250 từ về những chủ đề thường gặp trong cuộc sống, công việc, học tập,… trong phạm vi Chương trình.

 – Nghe hiểu các hướng dẫn đơn giản như công thức nấu ăn, cách sử dụng các đồ dùng thông dụng…

 – Nghe hiểu và đoán nghĩa (thông qua biểu hiện thái độ, tình cảm của của người nói) trong các độc thoại, hội thoại quen thuộc của cuộc sống hằng ngày.

 – Nghe hiểu những ý chính trong các chương trình điểm tin, phát thanh, phỏng vấn,… về các đề tài quen thuộc được diễn đạt rõ ràng, bằng ngôn ngữ đơn giản, kèm hình ảnh minh hoạ.

Ngữ âm

 Nguyên âm đôi

 Các từ có trọng âm (trường hợp đặc biệt) – Các từ không mang trọng âm

 Trọng âm câu, sự đồng hoá, nối nguyên âm với nguyên âm

 Ngữ điệu câu hỏi (củng cố và mở rộng)

 Từ đồng âm

 Từ vựng

 Các từ liên quan đến chủ điểm, chủ đề của lớp 12

 Ngữ pháp

 Thì hiện tại hoàn thành (củng cố và mở rộng)

 Thì quá khứ đơn và quá khứ tiếp diễn

 Các loại câu: câu đơn, câu ghép, câu phức (củng cố và mở rộng)

 Mạo từ (củng cố và mở rộng)

 Câu tường thuật: tường thuật câu mệnh lệnh, đề nghị, mời, câu khuyên nhủ và câu hướng dẫn

 Mệnh đề quan hệ với which đề cập tới cả mệnh đề

 Giới từ sau một số động từ

 Ngữ động từ (gồm động từ, trạng từ và giới từ)

 Mẫu câu so sánh kép dùng để diễn tả những điều đang thay đổi

 Câu chỉ nguyên nhân: chủ động và bị động

 Mệnh đề trạng ngữ chỉ điều kiện, so sánh

 Mệnh đề trạng ngữ chỉ cách thức, kết quả

 

Nói

 – Phát âm rõ ràng, tương đối chính xác các từ có hoặc không có trọng âm, trọng âm câu, đồng hoá âm, nối âm.

 – Nói và tương tác với người đồng thoại về các chủ đề quen thuộc, thể hiện quan điểm cá nhân và trao đổi thông tin về các chủ đề quy định trong Chương trình.

 – Mô tả bằng các diễn ngôn đơn giản về các chủ đề quen thuộc, kể lại một câu chuyện ngắn có nội dung gần gũi với các chủ đề đã học.

 – Trình bày các dự án một cách cơ bản, có chuẩn bị trước về các chủ đề được quy định trong Chương trình.

Đọc

 – Đọc hiểu các ý chính, nội dung chi tiết của văn bản khoảng 280 – 300 từ về các chủ đề mang tính thời sự và quen thuộc.

 – Đọc hiểu mạch lập luận của văn bản, xác định được các kết luận chính trong các văn bản có sử dụng ngôn ngữ rõ ràng.

 – Đọc hiểu để tìm và tóm tắt các văn bản ngắn sử dụng hằng ngày như thư từ, tờ thông tin đơn giản, sử dụng các từ và cấu trúc từ văn bản gốc.

Viết

 – Viết bài có tính liên kết, mạch lạc khoảng 180 – 200 từ; viết được các báo cáo ngắn, theo gợi ý, cung cấp những thông tin thực tế và nêu lý do cho những kiến nghị đưa ra trong báo cáo; tập hợp thông tin ngắn từ một vài nguồn và tóm tắt lại thông tin.

 – Hoàn thành (viết/điền) các biểu mẫu hành chính phổ biến như sơ yếu lý lịch, đơn xin việc…

 – Viết bài mô tả biểu đồ, biểu bảng đơn giản.

  1. PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC

 Phương pháp giáo dục chủ đạo trong Chương trình giáo dục phổ thông môn Tiếng Anh là đường hướng dạy ngôn ngữ giao tiếp. Đường hướng dạy ngôn ngữ giao tiếp cho phép sử dụng nhiều phương pháp dạy học khác nhau, nhấn mạnh vào việc hình thành và phát triển năng lực giao tiếp của học sinh, vào khả năng sử dụng các quy tắc ngữ pháp để tạo ra các câu đúng và phù hợp thông qua các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Đường hướng dạy ngôn ngữ giao tiếp có những điểm tương đồng với đường hướng lấy người học làm trung tâm trong giáo dục học. Hai đường hướng chủ đạo này quy định lại vai trò của giáo viên và học sinh trong quá trình dạy – học.

  1. Vai trò giáo viên

 Trong đường hướng dạy ngôn ngữ giao tiếp, giáo viên đảm nhiệm nhiều vai trò, trong đó bốn vai trò sau đây được cho là nổi bật: (i) người dạy học và nhà giáo dục, (ii) người cố vấn; (iii) người tham gia vào quá trình học tập; (iv) người học và người nghiên cứu.

 Với vai trò là người dạy học và nhà giáo dục, giáo viên giúp học sinh học kiến thức và phát triển kĩ năng giao tiếp bằng tiếng Anh, giáo dục các em trở thành những công dân tốt, có trách nhiệm.Với vai trò là người cố vấn, giáo viên là người tạo điều kiện cho quá trình giao tiếp giữa học sinh với nhau trong lớp học, giữa học sinh với sách giáo khoa và với các nguồn học liệu khác. Là cố vấn cho quá trình học tập, giáo viên sẽ giúp cho chính mình hiểu được những gì học sinh cần trong quá trình học tập, những gì là sở thích của các em, và những gì các em có thể tự làm được để chuyển giao một số nhiệm vụ cho các em tự quản; khuyến khích học sinh thể hiện rõ những ý định của mình để qua đó phát huy được vai trò chủ động và sáng tạo của các em trong học tập; hướng sự tham gia tích cực của học sinh vào những mục tiêu thực tế nhất trong khi học tiếng Anh để đạt hiệu quả cao trong học tập.

 Trong vai trò là người tham gia vào quá trình học tập, giáo viên hoạt động như là một thành viên tham gia vào quá trình học tập ở trên lớp của các nhóm học sinh. Với tư cách vừa là người cố vấn vừa là người cùng tham gia vào quá trình học tập, giáo viên còn đảm nhiệm thêm một vai trò quan trọng nữa, đó là nguồn tham khảo cho học sinh, hướng dẫn, giải đáp thắc mắc, giúp học sinh tháo gỡ những khó khăn trong quá trình học tập, trong thực hành giao tiếp ở trong và ngoài lớp học.

 Trong vai trò là người học và người nghiên cứu, giáo viên, ở một mức độ nào đó, có điều kiện trở lại vị trí của người học để hiểu và chia sẻ những khó khăn cũng như những trách nhiệm học tập với học sinh. Có thực hiện được vai trò là người học thì giáo viên mới có thể phát huy được vai trò tích cực của học sinh, mới có thể lựa chọn được những phương pháp và thủ thuật dạy học phù hợp. Với tư cách là người nghiên cứu, giáo viên có thể đóng góp khả năng và kiến thức của mình vào việc tìm hiểu bản chất của quá trình dạy – học ngoại ngữ, bản chất của giao tiếp trong lớp học, những yếu tố ngôn ngữ, tâm lý và xã hội ảnh hưởng đến quá trình học một ngoại ngữ. Ngoài ra, thông qua nghiên cứu, giáo viên sẽ ý thức được rằng dạy – học là một nhiệm vụ liên nhân (liên chủ thể) – một nhiệm vụ mà cả người dạy và người học đều có trách nhiệm tham gia, trong đó học có vai trò trung tâm, dạy có vai trò tạo điều kiện và mục tiêu học tập chi phối toàn bộ quá trình dạy – học.

 Những vai trò đã nêu trên đòi hỏi giáo viên có trách nhiệm (i) xây dựng ý thức học tập cho học sinh, (ii) giúp học sinh ý thức được trách nhiệm của mình với tư cách là những người học và về mục đích học tập của mình, (iii) giúp học sinh lựa chọn các phương pháp học tập phù hợp, (iv) giúp học sinh có quan niệm toàn diện về thế nào là biết một ngoại ngữ. Khía cạnh thứ nhất liên quan đến việc xây dựng động cơ học ngoại ngữ đúng đắn cho học sinh, những cố gắng mà các em sẵn sàng bỏ ra để học tập, thái độ của các em đối với tiếng Anh. Khía cạnh thứ hai bao gồm việc giúp học sinh phát triển sự hiểu biết của mình về việc học tiếng Anh nhằm những mục đích gì, trên cơ sở đó đề ra những mục tiêu phù hợp trong từng giai đoạn học tập. Khía cạnh thứ ba liên quan đến việc giúp học sinh xây dựng phong cách hay phương pháp học đúng đắn, có các chiến lược học tập phù hợp để đạt kết quả học tập cao nhất và các hoạt động khác nhau có thể thúc đẩy quá trình học tập trên lớp cũng như ở ngoài lớp. Khía cạnh thứ tư yêu cầu giáo viên, thông qua giảng dạy, giúp học sinh hiểu được khái niệm “thế nào là biết một ngoại ngữ”; nghĩa là ngôn ngữ được cấu tạo và sử dụng như thế nào trong các tình huống giao tiếp.

  1. Vai trò học sinh

 Trong đường hướng dạy ngôn ngữ giao tiếp, học sinh phải được tạo điều kiện tối đa để thực sự trở thành (i) người đàm phán tích cực và có hiệu quả với chính mình trong quá trình học tập, (ii) người đàm phán tích cực và có hiệu quả với các thành viên trong nhóm và trong lớp học, (iii) người tham gia vào môi trường cộng tác dạy – học.

 Người học ngoại ngữ trong thời đại công nghiệp 4.0 không chỉ là người thu nhận kiến thức từ người dạy và từ sách vở, mà quan trọng hơn, còn phải là người biết cách học như thế nào. Học sinh có những nhu cầu và mục đích học tiếng Anh rất khác nhau. Trong quá trình học tập, các em thường xuyên điều chỉnh kế hoạch của mình cho phù hợp với những mục tiêu của môn học. Kiến thức thường xuyên được định nghĩa lại khi học sinh học được nhiều hơn, và trong khi xây dựng kế hoạch học tập cho riêng mình, các em có thể nhận ra rằng các chiến lược học tập trước đó có thể không còn phù hợp và có thể bị thay thế bằng các chiến lược học tập mới phù hợp hơn. Quá trình điều chỉnh này được gọi là quá trình đàm phán với chính mình trong quá trình học tập.

 Học không hoàn toàn là một hoạt động cá nhân mà nó xảy ra trong một môi trường văn hoá xã hội nhất định, trong đó sự tương tác giữa những học sinh với nhau có vai trò quan trọng trong việc thu nhận kiến thức và phát triển các kỹ năng giao tiếp tiếng Anh. Thực tế này đòi hỏi học sinh trong đường hướng dạy ngôn ngữ giao tiếp phải đảm nhiệm vai trò của người cùng đàm phán với các thành viên trong nhóm và trong lớp học.

 Vì dạy – học là một hoạt động không thể tách rời nhau, cho nên học sinh trong đường hướng dạy ngôn ngữ giao tiếp còn phải đảm nhiệm thêm một vai trò quan trọng nữa, đó là người tham gia vào môi trường cộng tác dạy – học. Trong vai trò này, học sinh hoạt động như là người đàm phán với giáo viên, cung cấp cho giáo viên những thông tin về bản thân mình như trình độ, khó khăn, thuận lợi, nhu cầu, mong muốn của cá nhân về môn học và những thông tin phản hồi về những nội dung trong sách giáo khoa và phương pháp dạy học của giáo viên,… để giáo viên hiểu được mình và có thể điều chỉnh nội dung, phương pháp và thủ thuật dạy học phù hợp.

 VII. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ GIÁO DỤC

 Kiểm tra, đánh giá là yếu tố quan trọng trong quá trình dạy học nhằm cung cấp thông tin phản hồi về năng lực giao tiếp bằng tiếng Anh mà học sinh đạt được trong quá trình cũng như tại thời điểm kết thúc một giai đoạn học tập. Điều này góp phần khuyến khích và định hướng học sinh trong quá trình học tập, giúp giáo viên và nhà trường đánh giá kết quả học tập của học sinh, qua đó điều chỉnh việc dạy học môn học một cách hiệu quả ở các cấp học.

 Việc đánh giá hoạt động học tập của học sinh phải bám sát mục tiêu và nội dung dạy học của Chương trình, dựa trên yêu cầu cần đạt đối với các kỹ năng giao tiếp ở từng cấp lớp, hướng tới việc giúp học sinh đạt được các bậc quy định về năng lực giao tiếp khi kết thúc các cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông.

 Hoạt động kiểm tra, đánh giá cần được thực hiện theo hai hình thức: đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ. Đánh giá thường xuyên được thực hiện liên tục thông qua các hoạt động dạy học trên lớp. Trong quá trình dạy học, cần chú ý ưu tiên đánh giá thường xuyên nhằm giúp học sinh và giáo viên theo dõi tiến độ thực hiện những mục tiêu đã đề ra trong Chương trình. Việc đánh giá định kỳ được thực hiện vào các thời điểm ấn định trong năm học để đánh giá mức độ đạt so với yêu cầu cần đạt đã được quy định cho mỗi cấp lớp. Việc đánh giá cuối cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông phải dựa vào yêu cầu về năng lực ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, cụ thể là Bậc 1 đối với cấp tiểu học, Bậc 2 đối với cấp trung học cơ sở và Bậc 3 đối với cấp trung học phổ thông.

 Việc đánh giá được tiến hành thông qua các hình thức khác nhau như định lượng, định tính và kết hợp giữa định lượng và định tính trong cả quá trình học tập, kết hợp đánh giá của giáo viên, đánh giá lẫn nhau của học sinh và tự đánh giá của học sinh. Các loại hình kiểm tra, đánh giá cần phù hợp với phương pháp dạy học được áp dụng trong lớp học, bao gồm kiểm tra nói (hội thoại, độc thoại) và kiểm tra viết dưới dạng tích hợp các kỹ năng và kiến thức ngôn ngữ, kết hợp giữa hình thức trắc nghiệm khách quan, tự luận và các hình thức đánh giá khác.

 VIII. GIẢI THÍCH VÀ HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

  1. Phân bổ thời lượng dạy học

 Chương trình giáo dục phổ thông môn Tiếng Anh được dạy từ lớp 3 đến lớp 12 và tuân thủ các quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ Giáo dục và Đào tạo về thời lượng dạy học môn học, cụ thể như sau:

Tiểu học
(4 tiết/tuần)
Trung học cơ sở
(3 tiết/tuần)
Trung học phổ thông
(3 tiết/tuần)
Tổng số
Lớp 3 Lớp 4 Lớp 5 Lớp 6 Lớp 7 Lớp 8 Lớp 9 Lớp 10 Lớp 11 Lớp 12  
140 tiết 140 tiết 140 tiết 105 tiết 105 tiết 105 tiết 105 tiết 105 tiết 105 tiết 105 tiết
420 tiết 420 tiết 315 tiết 1155 tiết
  1. Điều kiện thực hiện Chương trình

 Để việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông môn Tiếng Anh đạt hiệu quả, cần bảo đảm các điều kiện cơ bản sau:

 2.1. Giáo viên

 – Đảm bảo đủ số lượng giáo viên để thực hiện đủ số tiết học theo kế hoạch dạy học ở trường phổ thông. Giáo viên phải đạt chuẩn năng lực tiếng Anh và năng lực sư phạm phù hợp với cấp học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

 – Giáo viên phải được tập huấn đầy đủ để triển khai Chương trình này. Đối với giáo viên đã đạt chuẩn nghiệp vụ, công tác bồi dưỡng giáo viên cần được tổ chức thường xuyên để thực hiện đúng mục tiêu, nội dung và phương pháp dạy học do Chương trình quy định. Giáo viên cần được tập huấn về kiểm tra, đánh giá kết quả học tập và sử dụng các trang thiết bị hiện đại trong dạy học.

 – Giáo viên cần được bồi dưỡng năng lực đánh giá sách giáo khoa, tài liệu dạy học nhằm đáp ứng chuẩn đầu ra quy định cho mỗi cấp học.

 – Các cơ sở đào tạo và bồi dưỡng giáo viên Tiếng Anh cần tham khảo Chương trình giáo dục phổ thông môn Tiếng Anh để đảm bảo chương trình đào tạo, bồi dưỡng sát với yêu cầu thực tế.

 – Cần tạo điều kiện bồi dưỡng cho giáo viên về năng lực thiết kế các hoạt động đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ phù hợp, hỗ trợ học sinh phát triển năng lực giao tiếp theo các cấp độ của Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.

 2.2. Cơ sở vật chất

 – Đảm bảo các điều kiện tối thiểu về sách giáo khoa, cơ sở hạ tầng và trang thiết bị theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

 – Những trường có điều kiện cần nối mạng Internet, trang bị máy tính, màn hình và đầu chiếu, phần mềm dạy học tiếng Anh; khuyến khích sử dụng thiết bị công nghệ thông tin hỗ trợ việc dạy học tiếng Anh.

 – Số lượng học sinh cho một lớp học không vượt quá quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

  1. Định hướng phát triển một số năng lực chung

 3.1. Phương pháp học tập

 Có phương pháp học tập tốt sẽ giúp học sinh phát triển năng lực giao tiếp bằng tiếng Anh một cách hiệu quả. Học sinh cần hình thành một số phương pháp học tập cơ bản như: cách xác định mục tiêu và kế hoạch học tập, cách luyện tập các kỹ năng giao tiếp và học kiến thức ngôn ngữ, cách sử dụng tài liệu học tập và học liệu điện tử, cách thức tham gia tích cực và chủ động vào các hoạt động học tập tương tác, tự đánh giá và điều chỉnh hoạt động, kế hoạch học tập của bản thân.

 Học sinh lựa chọn các phương pháp học tập phù hợp với năng lực, đặc điểm và điều kiện học tập của cá nhân. Các phương pháp học tập phù hợp giúp học sinh học tập tích cực và có hiệu quả, trở thành những người học có khả năng tự học một cách độc lập trong tương lai.

 3.2. Thói quen học tập suốt đời

 Thế giới đang trong quá trình toàn cầu hoá mạnh mẽ. Toàn cầu hoá vừa tạo ra những cơ hội, vừa đặt ra những thách thức đối với mỗi quốc gia, mỗi cá nhân. Để có thể cạnh tranh trên phạm vi toàn cầu, học sinh cần liên tục phát triển năng lực cập nhật kiến thức và kỹ năng của mình. Việc học tập không dừng lại khi học sinh tốt nghiệp phổ thông mà vẫn tiếp tục ngay cả khi các em không theo đuổi con đường học hành. Do đó, Chương trình giáo dục phổ thông môn Tiếng Anh cần tạo lập cho học sinh những phương pháp học tập phù hợp, từng bước định hướng và hình thành cho học sinh thói quen học tập suốt đời.

 Chương trình giáo dục phổ thông môn Tiếng Anh giúp học sinh phát triển các kỹ năng và năng lực cần thiết để trở thành người học độc lập, tận dụng các cơ hội từ giáo dục chính quy và không chính quy để đáp ứng nhu cầu học tập cá nhân. Cùng với việc giúp học sinh hình thành và phát triển năng lực tự đánh giá những kiến thức và kỹ năng của bản thân để định hướng phát triển trong tương lai, Chương trình cần trang bị cho học sinh nền tảng vững chắc để hình thành và phát triển các kỹ năng học tập độc lập, học tập suốt đời, qua đó định hướng nghề nghiệp trong tương lai để các em có thể đóng góp vào sự phát triển của đất nước trong suốt cuộc đời của mình.

  

  

 Tag: 32/2018/bgdđt