Thủ tục đầu tư dự án điện mặt trời

 Thủ tục đầu tư dự án điện mặt trời

 Theo Thông tư số 16/2017/TT-BCT của Bộ Công thương, trình tự mua bán điện giữa bên mua điện là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (hoặc các đơn vị thành viên được ủy quyền) và các tổ chức, cá nhân là chủ đầu tư các dự án điện mặt trời nối lưới, điện mặt trời mái nhà được thực hiện như sau:

 Với dự án điện mặt trời nối lưới:

 Chủ đầu tư chỉ được lập dự án đầu tư điện mặt trời có trong các Quy hoạch: Quy hoạch phát triển điện mặt trời cấp tỉnh, cấp quốc gia; Quy hoạch phát triển điện lực cấp tỉnh, cấp quốc gia được phê duyệt. Nội dung dự án đầu tư điện mặt trời tuân thủ theo các quy định về quản lý đầu tư xây dựng công trình và các yêu cầu sau:

 a) Đánh giá ảnh hưởng của phương án đấu nối dự án điện mặt trời đối với hệ thống điện trong khu vực;

 b) Có thiết bị kết nối với hệ thống SCADA hoặc thông tin điều độ để thông tin dự báo về sản lượng điện phát theo giờ đến cơ quan Điều độ có quyền điều khiển;

 Đối với các dự án này, tỷ lệ vốn chủ sở hữu của các dự án điện mặt trời nối lưới không được thấp hơn hai mươi phần trăm (20 %) tổng mức đầu tư và diện tích sử dụng đất lâu dài không quá 1,2 ha/ 01 MWp.

 Với dự án điện mặt trời mái nhà:

 Dự án điện mặt trời mái nhà có công suất nhỏ hơn 1 MW:

 Để thực hiện mua bán điện, Chủ đầu tư đăng ký đấu nối với Công ty điện lực tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương (viết tắt là Công ty điện lực tỉnh) các thông tin chính về công suất dự kiến, thông số kỹ thuật của tấm pin quang điện… Để đảm bảo an toàn cho hệ thống lưới điện, bộ biến đổi điện từ một chiều sang xoay chiều phải có chức năng chống hòa lưới khi lưới điện không có điện và đảm bảo các tiêu chuẩn về điện áp, tần số theo quy định.

 Dự án điện mặt trời mái nhà có công suất bằng hoặc lớn hơn 1 MW:

 Chủ đầu tư thực hiện thủ tục bổ sung dự án điện mặt trời vào quy hoạch phát triển điện mặt trời cấp tỉnh hoặc quốc gia theo trình tự bổ sung dự án vào quy hoạch điện lực tỉnh hoặc quốc gia, quy định tại Thông tư số 43/2013/TT-BCT ngày 31/12/2013. Đối với dự án điện mặt trời chưa có trong danh mục của một trong các Quy hoạch: Quy hoạch phát triển điện mặt trời cấp tỉnh; Quy hoạch phát triển điện mặt trời cấp quốc gia; Quy hoạch phát triển điện lực cấp tỉnh; Quy hoạch phát triển điện lực cấp quốc gia được phê duyệt, Bộ Công Thương xem xét, phê duyệt bổ sung quy hoạch dự án điện mặt trời có quy mô công suất nhỏ hơn hoặc bằng 50 MW; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung quy hoạch dự án điện mặt trời có quy mô công suất lớn hơn 50 MW.

 Sau khi Chủ đầu tư hoàn thành thủ tục đăng ký phát triển dự án điện mặt trời mái nhà, Công ty điện lực tỉnh phối hợp với nhà đầu tư lắp đặt công tơ hai chiều và ghi nhận sản lượng điện tiêu thụ và sản lượng điện mặt trời sản xuất hàng tháng. Chi phí đầu tư công tơ hai chiều do Công ty điện lực tỉnh chịu trách nhiệm chi trả. Các dự án điện mặt trời mái nhà phải áp dụng hợp đồng mua bán điện mẫu quy định tại Thông tư 16/2017/TT-BCT.

 Thông tư số 16/2017/TT-BCT cũng quy định rõ, dự án điện mặt trời nối lưới, dự án điện mặt trời mái nhà có công suất bằng hoặc lớn hơn 1MW phải được cấp giấy phép hoạt động điện lực, và tuân thủ theo quy định tại Thông tư số 12/2017/TT-BCT ngày 31/7/2017 của Bộ Công thương.

 Với cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời theo Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các tổ chức, cá nhân thực hiện đầu tư dự án điện mặt trời tại Việt Nam được hưởng các khoản ưu đãi về vốn đầu tư, thuế nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi về đất đai… như đối với các dự án thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư do Chính phủ quy định.

 Có nên đầu tư điện mặt trời áp mái

 Sau gần 10 tháng chờ đợi, Chính phủ đã có quyết định chính thức về giá mua lại điện mặt trời. Đây là lúc nhiều nhà đầu tư tính toán tiếp tục đầu tư để được hưởng mức giá mới.

 Cụ thể, với hình thức điện mặt trời áp mái đang được nhiều hộ gia đình và doanh nghiệp quan tâm đầu tư, lượng điện sản xuất được và đưa lên lưới sẽ được mua lại với mức giá là 1.943 đồng/kWh (tương đương 8,38 cent/kWh). Do thời hạn áp dụng giá mua bán cố định mới sẽ kéo dài trong 20 năm nhưng chỉ áp dụng cho các dự án đấu nối, vận hành thương mại đến hết ngày 31/12/2020, các doanh nghiệp sẽ phải chạy đua để được hưởng mức giá Chính phủ vừa ban hành.

 Xu hướng đầu tư điện mặt trời trên mái nhà vẫn khá tốt

 Ngày 7/4, Tổng công ty Điện lực miền Nam cho biết chỉ riêng trong tháng 3, Tổng công ty đã ký biên bản lắp đặt công tơ 2 chiều cho gần 600 khách hàng và tổng số khách hàng lắp đặt điện mặt trời đã lên đến 1.615. Lũy kế đến tháng 3, Tổng công ty đã thanh toán tiền mua điện mặt trời trên mái nhà cho hơn 4.000 khách hàng gần 145 tỷ đồng.

 Đầu năm nay, ông Lê Ngọc Rạng (huyện Hóc Môn, TP.HCM) đã lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà với tổng công suất lắp đặt 6 kW (diện tích mái khoảng 30m2). Đầu tư gần 100 triệu đồng và đã phát điện lên lưới hơn 3.500 kWh nhưng do chờ giá mới nên ngành điện chưa thanh toán. Ông Rạng cho biết với giá vừa được Chính phủ ban hành, dự kiến ông sẽ được nhận về gần 7 triệu đồng tiền bán điện và sẽ tính toán tiếp tục đầu tư nếu bài toán lợi nhuận khả quan.

 Ông Lê Anh Vũ, Giám đốc Công ty TNHH Nguồn năng lượng (Source Energy) cho biết riêng với giá điện mặt trời trên mái nhà, dù không cao như kỳ vọng, song các hộ dân vẫn có thể lắp đặt bởi giá mua bán điện không giảm quá sâu trong khi chi phí thiết bị đã hạ so với trước. Riêng doanh nghiệp của ông đã lắp theo dạng hình thức đầu tư bán lên lưới, công suất lắp đặt 100 kW từ cuối năm ngoái, đến nay đã phát lên lưới 25.000 kWh.

 Ông Vũ nhận định giá mới sẽ vẫn thúc đẩy làn sóng đầu tư điện trên mái nhà ở hình thức hộ dân lẫn các cao ốc, mái nhà xưởng. Tuy vậy, quyết định có hiệu lực từ ngày 22/5 và kéo dài đến 31/12/2020, tức thời gian thực hiện chỉ còn hơn 7 tháng sẽ rất khó cho các nhà đầu tư lẫn các DN muốn lắp trên mái nhà xưởng. Đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay khi tình hình dịch COVID-19 đang còn tiếp diễn đã ảnh hưởng đến tiến độ lắp đặt thiết bị, đặt hàng nhập khẩu.

 Cùng chung nhận định, ông Vũ Đình Khánh, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển năng lượng HIGG cũng cho rằng hiện nay nhu cầu lắp đặt điện mặt trời của người dân rất cao.

 Từ tháng 8/2019 đến nay, DN của ông đã lắp đặt hơn 100 công trình điện trên mái nhà, tổng công suất lắp đặt khoảng 1,5 MW dù chưa có giá mới. Số lượng công trình này sẽ thực hiện ngay sau khi có giá mới này cũng rơi vào khoảng 3,5 MW và DN này dự kiến đầu tư hơn 10 MW công suất lắp đặt ở các tỉnh.

 Theo ông Khánh, cái khó hiện nay là số lượng thiết bị chỉ đủ cho vài chục kWp, nếu nhiều hơn thì DN phải đặt hàng và thời gian trung bình 20-30 ngày mới có. Với tình hình dịch bệnh hiện nay, thời gian đặt hàng có thể kéo dài hơn trong khi thời gian hưởng chính sách khuyến khích chỉ kéo dài đến ngày 31/12 là khá ngắn.

 Tuy nhiên, ông Khánh đánh giá chắc chắn thị trường lắp đặt điện mặt trời ở miền Nam sẽ sôi động trở lại và đây sẽ là cuộc chạy đua nước rút để hoàn thành trước khi chính sách hết hiệu lực.

  

  

 Tag: đãi máy quả gió việt thoại