Thực trạng xâm phạm quyền tác giả ở việt nam

 Thực trạng xâm phạm quyền tác giả ở việt nam

 Ở Việt Nam hiện nay, thực trạng xâm phạm quyền tác giả xảy ra khá phổ biến, rộng khắp các lĩnh vực: Báo chí, xuất bản, âm nhạc, phát thanh truyền hình, biểu diễn, trên mạng internet… Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số và internet đã mang đến những tiện ích mới cho người sử dụng nhưng cũng mở ra các lối đi khác cho nạn xâm phạm bản quyền ngày càng tinh vi và phức tạp hơn. Pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam đã có những quy định điều chỉnh về hành vi xâm phạm quyền tác giả. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng các quy định này trong việc xác định và xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Qua việc phân tích các quy định về hành vi xâm phạm quyền tác giả trong pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam, bài viết chỉ ra những bất cập và đề xuất giải pháp hoàn thiện.

 Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2010 và được hợp nhất năm 2013) quy định về hành vi xâm phạm quyền tác giả, trong đó có thể chia thành ba nhóm hành vi xâm phạm: (i) Các hành vi xâm phạm các quyền nhân thân; (ii) Các hành vi xâm phạm quyền tài sản; (iii) Các hành vi xâm phạm đến các biện pháp bảo vệ quyền tác giả. Để hướng dẫn các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu, Điều 5 Nghị định số 105/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, được sửa đổi, bổ sung theo quy định của Nghị định số 119/2010/NĐ-CP ngày 30/12/2010 quy định các căn cứ chung để xác định hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nói chung, xâm phạm quyền tác giả nói riêng, bao gồm:

 Thứ nhất, đối tượng bị xem xét thuộc phạm vi các đối tượng đang được bảo hộ quyền tác giả.
Theo khoản 7 Điều 3 Nghị định số 105/2006/NĐ-CP, “đối tượng bị xem xét” là đối tượng bị nghi ngờ và bị xem xét nhằm đưa ra kết luận đó có phải là đối tượng xâm phạm hay không. Như vậy, đối tượng bị xem xét của hành vi xâm phạm quyền tác giả là tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học đang được bảo hộ quyền tác giả. Quyền tác giả được bảo hộ tự động kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và thể hiện dưới hình thức vật chất nhất định, không phụ thuộc vào việc đã được đăng ký hay chưa đăng ký[1]. Theo Điều 6 Nghị định số 105/2006/NĐ-CP, việc xác định đối tượng được bảo hộ được thực hiện bằng cách xem xét các tài liệu, chứng cứ chứng minh căn cứ phát sinh, xác lập quyền theo Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ. Đối với quyền tác giả không đăng ký bảo hộ tại cơ quan có thẩm quyền (Cục Bản quyền tác giả), thì quyền này được xác định trên cơ sở bản gốc tác phẩm và các tài liệu liên quan (nếu có). Nếu bản gốc tác phẩm và các tài liệu liên quan không còn tồn tại, quyền tác giả được xem là có thực dựa trên cơ sở các thông tin về tác giả được thể hiện thông thường trên các bản sao được công bố hợp pháp. Đối với quyền tác giả đã được đăng ký bảo hộ tại cơ quan có thẩm quyền, thì việc xác định đối tượng được bảo hộ dựa vào Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả và các tài liệu kèm theo. Theo Điều 27 Luật Sở hữu trí tuệ, các quyền nhân thân thuộc quyền tác giả (trừ quyền công bố tác phẩm) được bảo hộ vô thời hạn; Quyền công bố và các quyền tài sản thuộc quyền tác giả được bảo hộ có thời hạn, nên hành vi chỉ bị coi là xâm phạm quyền tác giả khi tác phẩm đang trong thời hạn bảo hộ. Nếu tác phẩm đã kết thúc thời hạn bảo hộ thì thuộc về công chúng, mọi tổ chức, cá nhân đều có quyền sử dụng tác phẩm nhưng phải tôn trọng các quyền nhân thân như quyền đặt tên, đứng tên, bảo vệ sự toàn vẹn đối với tác phẩm[2]. Một điểm cần lưu ý thêm là “đối tượng bị xem xét” không phải là các đối tượng không thuộc phạm vi bảo hộ quyền tác giả theo Điều 15 Luật Sở hữu trí tuệ như: Tin tức thời sự thuần tuý đưa tin; văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, văn bản khác thuộc lĩnh vực tư pháp và bản dịch chính thức của văn bản đó; quy trình, hệ thống, phương pháp hoạt động, khái niệm, nguyên lý, số liệu.

 Thứ hai, có yếu tố xâm phạm trong đối tượng bị xem xét.

 Khoản 1 Điều 7 Nghị định 105/2006/NĐ- CP (đã được sửa đổi, bổ sung), yếu tố xâm phạm quyền tác giả có thể thuộc một trong các dạng sau đây:

  1. a) Bản sao tác phẩm được tạo ra một cách trái phép;
  2. b) Tác phẩm phái sinh được tạo ra một cách trái phép;
  3. c) Tác phẩm giả mạo tên, chữ ký của tác giả, mạo danh hoặc chiếm đoạt quyền tác giả;
  4. d) Phần tác phẩm bị trích đoạn, sao chép, lắp ghép trái phép;

 đ) Sản phẩm có gắn thiết bị kỹ thuật bảo vệ quyền tác giả bị vô hiệu hoá trái phép.

 Quy định trên chỉ đề cập tới yếu tố xâm phạm quyền nhân thân của tác giả là: “Tác phẩm giả mạo tên, chữ ký của tác giả, mạo danh hoặc chiếm đoạt quyền tác giả”. Đối chiếu với Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ, bên cạnh những hành vi như “chiếm đoạt quyền tác giả” (khoản 1 Điều 28); Mạo danh tác giả (khoản 2 Điều 28), điều luật còn đề cập tới các hành vi xâm phạm quyền nhân thân khác như: Công bố tác phẩm mà không được phép của tác giả (khoản 3); Công bố tác phẩm có đồng tác giả mà không được phép của đồng tác giả đó (khoản 4); Sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả (khoản 5). Thiếu sót của Nghị định 105/2006/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung) có thể dẫn đến khó khăn trong thực tế khi xác định hành vi xâm phạm quyền tác giả đối với những hành vi này.

 Bên cạnh đó, pháp luật sở hữu trí tuệ cũng chưa phân biệt rõ hành vi chiếm đoạt quyền tác giả với trường hợp mạo danh tác giả. Theo chúng tôi, hành vi mạo danh tác giả là là hành vi đưa tên người không phải là tác giả lên bản sao tác phẩm, làm cho công chúng hiểu nhầm người đó là tác giả thực hiện một phần hay toàn bộ tác phẩm. Hành vi này thường do những chủ thể không phải là tác giả thực hiện như lấy toàn bộ hay một phần tác phẩm của người khác rồi đề tên mình vào vị trí của tác giả. Hành vi mạo danh đơn thuần chỉ xâm phạm quyền nhân thân của tác giả tại khoản 2 Điều 19 Luật Sở hữu trí tuệ. Ngoài việc mạo danh đối với toàn bộ nội dung tác phẩm, trường hợp khá phổ biến trên thực tế là việc trích dẫn một đoạn tác phẩm mà không nêu rõ nguồn gốc trích dẫn, người thực hiện hành vi xâm phạm này đã tự nhận “đoạn tác phẩm” đó là của mình. Theo chúng tôi, hành vi này cũng là mạo danh tác giả. Còn hành vi chiếm đoạt quyền tác giả, do pháp luật không có sự giải thích cụ thể nên có nhiều quan điểm khác nhau. Trong cuốn “Từ điển thuật ngữ quyền tác giả” do Nhà xuất bản Thế giới và Cục bản quyền tác giả phối hợp xuất bản, “chiếm đoạt quyền sử dụng tác phẩm” được hiểu là sao chép tác phẩm mà không có sự đồng ý của chủ thể quyền[3]. Chúng tôi không nhất trí với quan điểm này khi đánh đồng hành vi “sao chép tác phẩm” và “chiếm đoạt quyền tác giả”, vì việc sao chép tác phẩm đã được quy định là một hành vi độc lập. Theo chúng tôi, “chiếm đoạt quyền tác giả” là lấy toàn bộ nội dung tác phẩm của người khác. Tuy nhiên khác với hành vi mạo danh chỉ xâm phạm đến quyền nhân thân của tác giả và có thể mạo danh đối với toàn bộ hoặc một phần tác phẩm, hành vi chiếm đoạt quyền tác giả được hiểu là việc biến tác phẩm của người khác thành tác phẩm của mình để được hưởng các lợi ích từ quyền tác giả. Theo cách hiểu này thì hành vi “chiếm đoạt quyền tác giả” là hành vi khai thác các quyền tác giả đối với tác phẩm mà không được phép.
Sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả: Đây là hành vi vi phạm diễn ra khá phổ biến trong các hoạt động sử dụng tác phẩm như: Xuất bản, biểu diễn, sản xuất bản ghi âm, ghi hình… Theo quy định tại khoản 5 Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ, hành vi chỉ coi là hành vi xâm phạm nếu việc “sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm” “gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả”. Theo quy định này thì việc sửa chữa, cắt xén không gây phương hại đến danh dự, uy tín của tác giả, thậm chí làm cho tác phẩm hay hơn thì không bị coi là xâm phạm quyền tác giả. Tuy nhiên, việc sửa chữa, cắt xén có làm phương hại đến danh dự, uy tín của tác giả không là rất khó xác định và không có tiêu chí để đánh giá. Thực tế, người cắt xén, sửa chữa tác phẩm có thể cho là việc làm của họ khiến cho tác phẩm hay hơn, nhưng ngược lại, tác giả lại phản đối và cho rằng việc sửa chữa đó làm ảnh hưởng xấu đến tác phẩm cũng như danh dự, uy tín của tác giả. Quy định của Luật Sở hữu trí tuệ cũng không thống nhất với hướng dẫn tại khoản 3 Điều 22 Nghị định số 100/2006/NĐ-CP, theo đó, quyền bảo vệ sự toàn vẹn đối với tác phẩm là “việc không cho người khác sửa chữa, cắt xén tác phẩm, trừ trường hợp có thỏa thuận với tác giả”. Theo tinh thần của quy định này, bất cứ việc sửa chữa, cắt xén tác phẩm nào mà không có sự đồng ý của tác giả thì đều bị coi là xâm phạm quyền tác giả. Chúng tôi tán thành quan điểm thể hiện trong khoản 3 Điều 22 Nghị định 100/2006/NĐ-CP vì tác phẩm là “đứa con tinh thần của tác giả”, là một thể thống nhất thể hiện nội dung, tư tưởng, ý đồ nghệ thuật của tác giả. Việc sửa chữa, cắt xén tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào có thể làm ảnh hưởng đến giá trị nội dung cũng như nghệ thuật của tác phẩm, làm sai lệch, thậm chí bóp méo tư tưởng, chủ đề mà tác giả gửi gắm trong tác phẩm của họ. Vì vậy, không có chủ thể nào khác ngoài tác giả có quyền thay đổi nội dung của tác phẩm kể cả trong trường hợp việc thay đổi nhằm làm tăng giá trị nghệ thuật, giá trị thực tiễn của tác phẩm, trừ trường hợp được tác giả cho phép. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý một số ngoại lệ của quyền này: (i) Trường hợp trích dẫn hợp lý tác phẩm vì mục đích giảng dạy, nghiên cứu không bị coi là xâm phạm quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm; (ii) Trường hợp sau khi tác phẩm được công bố, những người khác làm tác phẩm phái sinh, có những thay đổi, sáng tạo mới về nội dung, hình thức thể hiện hay truyền đạt so với tác phẩm ban đầu cũng không bị coi làm xâm phạm quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng cần phải có sự thống nhất giữa quy định của Luật SHTT và văn bản hướng dẫn về việc xác định hành vi xâm phạm đến tính toàn vẹn của tác phẩm, để việc áp dụng được rõ ràng, chính xác, tranh gây ra nhiều tranh chấp về vấn đề này.

 Theo khoản 1 Điều 7 Nghị định số 105/2006/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung), yếu tố xâm phạm quyền tài sản của tác giả bao gồm các dạng: Bản sao tác phẩm được tạo ra một cách trái phép; tác phẩm phái sinh được tạo ra một cách trái phép; phần tác phẩm bị trích đoạn, sao chép, lắp ghép trái phép.
“Sao chép tác phẩm mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả” là một trong những hành vi xâm phạm quyền tài sản phổ biến nhất. Khoản 10 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ giải thích về hành vi sao chép “là việc tạo ra một hoặc nhiều bản sao của tác phẩm hoặc bản ghi âm, ghi hình bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào, bao gồm cả việc tạo ra bản sao dưới hình thức điện tử”. Nếu như trước đây, sao chép tác phẩm thường được hiểu là việc làm các bản sao dưới các hình thức vật chất hữu hình như văn bản, băng, đĩa… thì quy định này đã mở rộng phạm vi quyền sao chép đến cả các hình thức điện tử. Quy định này hoàn toàn phù hợp với khái niệm sao chép trong Điều 9 Công ước Berne “tác giả được hưởng độc quyền cho phép sao chép tác phẩm dưới bất kỳ phương tiện hay hình thức nào” cũng như hai Hiệp ước Internet của WIPO. Theo khoản 5 Điều 1 Nghị định 85/2011/NĐ-CP, quyền sao chép thuộc về chủ sở hữu quyền tác giả hoặc người khác được chủ sở hữu quyền tác giả cho phép thực hiện. Tác giả chỉ có quyền sao chép tác phẩm khi tác giả đồng thời là chủ sở hữu quyền tác giả hoặc người được chủ sở hữu quyền tác giả cho phép thực hiện.

 Để xác định một bản sao hoặc tác phẩm có phải là yếu tố xâm phạm quyền tác giả hay không, cần so sánh bản sao đó với bản gốc tác phẩm hoặc tác phẩm gốc. Bản sao tác phẩm bị coi là yếu tố xâm phạm trong các trường hợp: Bản sao là bản sao chép một phần hoặc toàn bộ tác phẩm của người khác; Tác phẩm (phần tác phẩm) là một phần hoặc toàn bộ tác phẩm của người khác; Tác phẩm, phần tác phẩm có nhân vật, hình tượng, cách thể hiện tính cách nhân vật, hình tượng, tình tiết của tác phẩm đang được bảo hộ của người khác.

 Quyền sao chép là một trong những quyền tài sản quan trọng nhất của chủ sở hữu quyền tác giả và cũng là quyền thường bị xâm phạm nhiều nhất trong môi trường truyền thống (tác phẩm in, bản ghi âm, ghi hình) cũng như trong môi trường Internet. Quyền sao chép theo đúng nghĩa của nó là việc làm bản sao tác phẩm ở bất kỳ hình thức vật chất nào, không phụ thuộc vào việc hành vi đó được thực hiện ở đâu, khi nào; những bảo sao sẽ được đưa ra công chúng hay không. Bên cạnh đó hành vi sao chép không đòi hỏi phải có một số lượng bản sao nhất định để đáp ứng được nhu cầu hợp lý của công chúng. Việc xác định hành vi xâm phạm quyền sao chép trong môi trường Internet liên quan đến việc xác định các bản sao tạm thời có được pháp luật quyền tác giả bảo hộ hay không? Ví dụ, việc lưu giữ tự động của máy tính khi mở một website có chứa văn bản có gọi là bản sao không? Việc lưu giữ này chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn (chỉ lúc người sử dụng mở website đó mà không copy về máy mình những thông tin có trên website). Nếu coi là một “bản sao dưới hình thức điện tử” thì khi đọc truyện trực tuyến, xem phim trực tuyến hay khi mở bất cứ một văn bản nào trên Internet cũng phải xin phép tác giả là vô lý, điều này cũng sẽ dẫn đến sự hủy diệt của Internet. Theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều 23 Nghị định số 100/2006/NĐ-CP, “sao chép tác phẩm là quyền của chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện việc tạo ra bản sao của tác phẩm bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào, bao gồm cả việc lưu trữ thường xuyên hoặc tạm thời tác phẩm dưới hình thức điện tử”. Theo hướng dẫn này thì bản sao tạm thời tác phẩm cũng thuộc phạm vi bảo hộ của quyền sao chép. Tuy nhiên, Nghị định số 85/2011/NĐ-CP sửa đổi một số điều của Nghị định số 100/2006/NĐ-CP đã bỏ quy định về bản sao tạm thời tác phẩm, theo đó, “Quyền sao chép tác phẩm… việc tạo ra bản sao tác phẩm bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào, bao gồm cả việc tạo ra bản sao dưới hình thức điện tử”. Với quy định mới này, “bản sao tạm thời” không thuộc độc quyền sao chép của chủ sở hữu quyền tác giả, nên hành vi tạo ra bản sao tạm thời không bị coi là xâm phạm quyền tác giả. Chỉ khi nào chủ thể copy (ghi chép) dữ liệu điện tử về máy tính của mình thì mới coi là bản sao điện tử.

 Pháp luật Sở hữu trí tuệ chỉ đặt ra một số ngoại lệ đối với quyền sao chép (Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ) như tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu, giảng dạy của cá nhân hay sao chép một bản để lưu trữ trong thư viện (việc sao chép này cũng không áp dụng đối với tác phẩm kiến trúc, tạo hình, chương trình máy tính). Như vậy, hành vi sao chép ngoài những trường hợp nêu trên dù thực hiện dưới bất kỳ hình thức nào (có thể là bản in, sao chép lên băng đĩa, thông qua các phương tiện kỹ thuật số, ghi chép vào dữ liệu máy tính…), thực hiện ở đâu, các bản sao có được phát hành đến công chúng hay không… đều có thể bị xem là hành vi xâm phạm quyền tác giả. Tuy nhiên, trên môi trường Internet, việc sao chép và lưu trữ tác phẩm được tiến hành một cách dễ dàng, nhanh chóng với số lượng rất lớn các bản sao. Vì vậy, thực tế khó có thể kiểm soát được số lượng tác phẩm được sao chép gắn với mục đích giảng dạy, nghiên cứu khoa học cũng như việc lưu trữ bản sao kỹ thuật số của thư viện. Đây là một thách thức lớn trong việc xác định hành vi xâm phạm quyền sao chép tác phẩm.

 Khoản 7 Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ quy định: “Làm tác phẩm phái sinh mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh, trừ trường hợp quy định tại điểm i khoản 1 Điều 25 của Luật Sở hữu trí tuệ” là hành vi xâm phạm quyền tác giả. Theo quy định của Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ, quyền làm tác phẩm phái sinh thuộc độc quyền của chủ sở hữu quyền tác giả. Do đó, khi người khác tạo ra tác phẩm phái sinh trên cơ sở tác phẩm gốc như: Dịch, phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn… tác phẩm thì phải xin phép (nếu tác phẩm chưa được công bố), trả tiền nhuận bút, thù lao… cho chủ sở hữu tác phẩm gốc.

 Nghị định số 105/2006/NĐ-CP chỉ đề cập đến hai hành vi xâm phạm quyền tác giả kể trên. Trong khi đó, Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ còn quy định về các hành vi xâm phạm quyền tài sản của tác giả, bao gồm các hành vi: Phân phối tác phẩm mà không được phép của tác giả (khoản 3), và phân phối tác phẩm có đồng tác giả mà không được phép của đồng tác giả đó (khoản 4); Sử dụng tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả, không trả tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất khác (khoản 8); Cho thuê tác phẩm mà không trả tiền nhuận bút, thù lao và quyền lợi vật chất khác cho tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả (khoản 9); Nhân bản, sản xuất bản sao, phân phối, trưng bày hoặc truyền đạt tác phẩm đến công chúng qua mạng truyền thông và các phương tiện kỹ thuật số mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả (khoản 10); Xuất bản tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả (khoản 11); Xuất khẩu, nhập khẩu, phân phối bản sao tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả (khoản 16).

 Hành vi phân phối tác phẩm được hiểu là việc thực hiện bằng bất kỳ hình thức, phương tiện kỹ thuật nào mà công chúng có thể tiếp cận được để bán, cho thuê hoặc các hình thức chuyển nhượng khác bản gốc hoặc bản sao tác phẩm. Tương tự như quyền sao chép, khái niệm quyền phân phối cũng được mở rộng để phù hợp với sự phát triển của môi trường kỹ thuật số. Phân phối tác phẩm có thể thực hiện bằng bất kỳ hình thức hay phương tiện kỹ thuật nào, ví dụ việc bán bản sao tác phẩm có thể được thực hiện trên Internet…
Theo khoản 3 Điều 23 Nghị định số 100/2006/NĐ-CP, quyền phân phối tác phẩm thuộc về chủ sở hữu quyền tác giả hoặc người được chủ sở hữu quyền tác giả cho phép thực hiện. Nếu tác giả (hoặc các đồng tác giả) đồng thời là chủ sở hữu quyền tác giả thì phải được sự cho phép của tác giả (hoặc các đồng tác giả) đó. Do đó, muốn phân phối tác phẩm thì phải được sự cho phép của chủ sở hữu quyền tác giả, bất kể là tác phẩm đó có đồng tác giả hay không. Như vậy, quy định trên là không phù hợp, cần bỏ quy định về hành vi phân phối tác phẩm mà không được phép của đồng tác giả đó tại khoản 4, và sửa lại khoản 3 Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ như sau: “3… phân phối tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả”.
Khoản 3 Điều 28 Luật Sỡ hữu trí tuệ bao gồm hai hành vi: Công bố và phân phối tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả. Quy định như vậy chưa thực sự hợp lý, bởi lẽ hai hành vi trên xâm phạm đến các quyền khác nhau thuộc quyền tác giả, cụ thể là hành vi công bố tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả là hành vi xâm phạm quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm – quyền nhân thân của tác giả tại khoản 3 Điều 19 Luật Sở hữu trí tuệ; trong khi đó hành vi phân phối tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả là hành vi xâm phạm quyền phân phối tác phẩm – quyền tài sản của tác giả tại điểm d khoản 1 Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ. Vì vậy, theo chúng tôi, Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ nên quy định theo hướng tách riêng hai hành vi trên
Với sự thay đổi nhanh chóng trong cách thức thể hiện tác phẩm, trong thời đại hiện nay, các phương tiện truyền tải tác phẩm cũng ngày càng phong phú, đa dạng hơn, cho phép việc chuyển tải tác phẩm đến công chúng với phạm vi không bị hạn chế trong thời gian nhanh chất, chất lượng tốt nhất. Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ ghi nhận: “Quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác” là một trong các độc quyền thuộc quyền tác giả. Chủ sở hữu quyền tác giả có độc quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng bất kỳ phương tiện nào mà công chúng có thể tiếp cận được tại địa điểm và thời gian do chính họ lựa chọn. Đây cũng là quy định thể hiện sự tiếp cận mới của pháp luật Việt Nam đối với việc bảo hộ quyền tác giả trong kỷ nguyên kỹ thuật số, khi mà Internet trở thành một phương tiện truyển tải tác phẩm phổ biến với những đặc thù: Truyền đạt tác phẩm không bị hạn chế về phạm vi lãnh thổ; công chúng có thể tiếp cận tại bất kỳ đâu, bất kỳ thời điểm nào do họ lựa chọn.

 Có thể nhận thấy yếu tố xâm phạm trong nhiều trường hợp như: Biểu diễn tác phẩm trước công chúng; nhân bản; xuất bản, phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm; truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng các phương tiện kỹ thuật; cho thuê tác phẩm… chưa được pháp luật quy định cụ thể. Vì vậy, chúng tôi kiến nghị bổ sung yếu tố xâm phạm đối với các hành vi này là: “Tác phẩm bị sử dụng mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả, không trả tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất khác theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 25 của Luật Sở hữu trí tuệ”.
Liên quan đến hành vi xâm phạm đến các biện pháp bảo vệ quyền tác giả, điểm đ khoản 1 Điều 7 Nghị định 105/2006/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung) quy định yếu tố xâm phạm trong đối tượng bị xem xét là: “Sản phẩm có gắn thiết bị kỹ thuật bảo vệ quyền tác giả bị vô hiệu hóa trái phép”Hành vi xâm phạm quyền ở đây là hành vi làm vô hiệu hóa các thiết bị kỹ thuật để bảo vệ quyền tác giả. Tuy nhiên, khoản 14 Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ khi quy định về các hành vi xâm phạm còn quy định việc: “Sản xuất, lắp ráp, biến đổi, phân phối, nhập khẩu, xuất khẩu, bán hoặc cho thuê thiết bị khi biết hoặc có cơ sở để biết thiết bị đó làm vô hiệu các biện pháp kỹ thuật do chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện để bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm của mình” cũng là hành vi xâm phạmTheo quy định này thì hành vi xâm phạm quyền tác giả không chỉ là những hành vi tác động trực tiếp để làm vô hiệu hóa các thiết bị bảo vệ quyền tác giả, mà còn bao gồm những hành vi làm tiền đề cho hành vi xâm phạm kể trên như sản xuất, lắp ráp, biến đổi, phân phối, nhập khẩu, xuất khẩu, bán hoặc cho thuê những thiết bị này cũng là hành vi xâm phạm. Quy định này hoàn toàn phù hợp với quy định tại Điều 18.68 Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) khi TPP yêu cầu các thành viên có các biện pháp chế tài pháp lý hiệu quả (bao gồm cả các biện pháp xử lý hình sự và yêu cầu bồi thường thiệt hại) đối với những chủ thể có hành vi: (i) Làm vô hiệu hóa các biện pháp công nghệ mà chủ thể quyền sử dụng để kiểm soát việc truy cập tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm của họ; (ii) Sản xuất, nhập khẩu, phân phối, chào bán, cho thuê, cung cấp thiết bị, sản phẩm, linh kiện… để vô hiệu hóa các biện pháp bảo vệ của chủ thể quyền.

 Khoản 13 Điều 28 quy định hành vi “cố ý xoá, thay đổi thông tin quản lý quyền dưới hình thức điện tử có trong tác phẩm” là hành vi xâm phạm quyền tác giả. Các chủ thể quyền có thể áp dụng biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền tác giả bằng cách đưa các thông tin quản lý quyền gắn với bản gốc, bản sao tác phẩm; hoặc đưa thông tin quản lý quyền xuất hiện cùng với việc truyền đạt tác phẩm tới công chúng nhằm xác định tác phẩm, tác giả của tác phẩm, chủ sở hữu quyền, thông tin về thời hạn, điều kiện sử dụng tác phẩm và mọi số liệu hoặc mã, ký hiệu thể hiện thông tin đó để bảo vệ quyền tác giả. Đồng thời các chủ thể quyền có thể áp dụng các biện pháp công nghệ để bảo vệ các thông tin quản lý quyền, ngăn chặn các hành vi tiếp cận tác phẩm, khai thác bất hợp pháp quyền sở hữu của mình theo quy định của pháp luật. Các thông tin quản lý quyền dưới hình thức điện tử có trong tác phẩm có thể là: mã nguồn của các chương trình, các mã chống sao chép, các mã cho phép số lần sử dụng hay thời hạn sử dụng đĩa CD, VCD chứa tác phẩm…Điều 18.69 của Hiệp định TPP quy định hành vi gỡ bỏ hoặc làm thay đổi thông tin quản lý quyền…trên tác phẩm hành vi xâm phạm quyền tác giả. Như vậy, việc bảo hộ quyền tác giả đã được mở rộng, không chỉ giới hạn ở hành vi xâm phạm quyền mà thậm chí đối với những hành vi xâm phạm công nghệ bảo vệ tác phẩm, hoặc xâm phạm vào các thông tin quản lí quyền.
Thứ ba, người thực hiện hành vi bị xem xét không phải là chủ thể quyền tác giả và không phải là người được pháp luật hoặc cơ quan có thẩm quyền cho phép theo quy định tại các Điều 25, 26  Luật Sở hữu trí tuệ
Chủ thể của quyền tác giả có thể là chính tác giả (đồng tác giả), hoặc chủ sở hữu quyền tác giả hoặc tổ chức, cá nhân được chủ sở hữu quyền tác giả chuyển giao quyền tác giả. Theo Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ, pháp luật cho phép tổ chức, cá nhân được sử dụng các tác phẩm đang được bảo hộ trong những trường hợp giới hạn mà không phải xin phép, trả nhuận bút, thù lao, với những điều kiện phù hợp như: việc sử dụng không nhằm mục đích thương mại (như: sao chép tác phẩm để nghiên cứu khoa học, giảng dạy; trích dẫn để bình luận, minh họa…); không được làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường tác phẩm; không gây phương hại đến các quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả; phải thông tin về tên tác giả và nguồn gốc, xuất xứ của tác phẩm. Điều 26 Luật Sở hữu trí tuệ cho phép tổ chức phát sóng được sử dụng các tác phẩm (trừ tác phẩm điện ảnh) đã công bố không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao cho chủ sở hữu quyền tác giả.

 Thứ tư, hành vi bị xem xét xảy ra tại Việt Nam.

 Hành vi xem xét bị coi là xảy ra tại Việt Nam khi hành vi đó được bắt đầu thực hiện tại Việt Nam, kết thúc tại Việt Nam hoặc hành vi bắt đầu và kết thúc ở nước ngoài, nhưng có một giai đoạn được thực hiện tại Việt Nam. Hành vi xảy ra trên mạng internet nhưng nhằm vào người tiêu dùng hoặc người dùng tin tại Việt Nam. Hành vi này có thể hiểu là hành vi xảy ra trên mạng internet nhắm vào các trang web phổ biến mà phần lớn người tiêu dùng hoặc người dùng tin tại Việt Nam thường hay truy cập.
Có thể thấy rằng cho đến thời điểm hiện nay, chúng ta đã có những văn bản điều chỉnh hành vi xâm phạm quyền tác giả. Tuy nhiên, các quy định về hành vi xâm phạm quyền tác giả vẫn còn thiếu hệ thống, chưa thực sự đầy đủ, đồng bộ. Vẫn còn những quy định chưa phù hợp, đặc biệt với sự phát triển của internet và bảo vệ quyền tác giả trong kỷ nguyên kỹ thuật số. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả bảo hộ quyền tác giả ở Việt Nam thì một trong những yêu cầu quan trọng là xây dựng hệ thống văn bản pháp luật đầy đủ, đồng bộ, có tính hệ thống cao để người dân dễ hiểu và dễ thực hiện, các chủ thể có thẩm quyền dễ áp dụng vào thực tế.

 Ví dụ về hành vi xâm phạm quyền tác giả

 Ví dụ: về việc mạo danh tác phẩm: Tác phẩm họa sĩ Thành Chương vẽ một người bạn gái khoảng năm 1970-1971 bị gắn tên danh họa Tạ Tỵ và trưng bày ở Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM vào tháng 7/2016. Sao chép tác phẩm mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả là hành vi xâm phạm bản quyền tác giả.