Tiểu sử luật sư nguyễn hữu thọ

 Tiểu sử luật sư nguyễn hữu thọ

 Luật sư – Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ, bí danh là Ba Nghĩa, sinh ngày 10/7/1910 trong một gia đình công chức trung lưu tại làng Long Phú, tổng Long Hưng Hạ quận Trung Quận, tỉnh Chợ Lớn (nay thuộc thị trấn Bến Lức, tỉnh Long An).
Luật sư Nguyễn Hữu Thọ: Nhà trí thức yêu nước vĩ đại
Cố Luật sư Nguyễn Hữu Thọ.

 Năm 1921, mới 11 tuổi, Nguyễn Hữu Thọ từ giã quê hương, một mình lên tàu vượt đại dương sang Pháp du học. Suốt 11 năm miệt mài đèn sách ở xứ người, năm 1933 ông tốt nghiệp cử nhân luật hạng ưu và trở về nước mở Văn phòng luật sư tại Mỹ Tho, Vĩnh Long, Cần Thơ và tại Sài Gòn – Chợ Lớn.

 Sống tại mảnh đất Nam Kỳ tự trị, được đào tạo tại “chính quốc”, thông thạo lịch sử, văn chương, văn hóa Pháp, có văn bằng cấp cao, điều kiện vật chất ổn định lại có môi trường gia đình, xã hội thuận lợi, luật sư trẻ Nguyễn Hữu Thọ có đủ mọi thứ để được ưu đãi và để cho mình có một cuộc sống giàu sang, một vị trí xã hội xứng đáng.

 Song, luật sư đã khước từ tất cả và quyết định dấn thân vào con đường đấu tranh của nhân dân – con đường đấu tranh cách mạng đầy cam go, nguy hiểm và đã trở thành nhà lãnh đạo nổi tiếng của phong trào cách mạng Việt Nam.

 Năm 1947, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ tham gia phong trào yêu nước của trí thức Sài Gòn – Chợ Lớn đòi Chính phủ Pháp thương lượng với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa để chấm dứt chiến tranh xâm lược.

 Năm 1948, Luật sư lên chiến khu hoạt động theo lời mời của Ủy ban kháng chiến Nam bộ với mong muốn được trực tiếp chiến đấu ở bưng biền.

 Song với ý thức chấp hành kỷ luật cao, Luật sư đã trở lại Sài Gòn hoạt động công khai theo sự phân công của tổ chức.

 Lấy tòa án làm chiến trường, với tài hùng biện xuất chúng và am hiểu sâu sắc luật pháp nước Pháp cũng như luật pháp xứ thuộc địa, Luật sư đã biện hộ thành công cho nhiều đồng bào, đồng chí của mình chẳng may sa vào tay giặc, đồng thời tố cáo trước dư luận trong nước và thế giới cuộc chiến tranh xâm lược dã man cũng như chế độ cai trị thuộc địa tàn bạo của thực dân Pháp.

 Ngày 16/10/1949, Luật sư được bí mật kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.

 Năm 1950, đồng chí tham gia thành lập phái đoàn đại biểu các giới tại Sài Gòn và làm Trưởng phái đoàn đại biểu đấu tranh đòi các quyền tự do, dân chủ, các quyền dân sinh, chống khủng bố, đàn áp.

 Đầu năm 1950 đế quốc Mỹ công khai đưa tàu chiến chở vũ khí, xe tăng và cả máy bay vào cảng Sài Gòn để giúp quân đội xâm lược Pháp.

 Ngày 19/3/1950, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ được tổ chức phân công tham gia lãnh đạo cuộc biểu tình chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ. Đây là cuộc biểu tình chống Mỹ đầu tiên ở nước ta.

 Khí thế đấu tranh sôi sục của cả nước và hàng triệu người dân thành phố đã buộc hai tầu chiến của Mỹ rút khỏi cảng Sài Gòn, ra khỏi miền Nam Việt Nam.

 Lo sợ trước ảnh hưởng to lớn của Luật sư, thực dân Pháp đã bắt và đầy Luật sư ra Bắc quản thúc tại bản Giàng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu và khi quân đội nhân dân Việt Nam giải phóng Tây Bắc thì chúng đưa Luật sư về giam ở Sơn Tây.

 Trước phong trào đấu tranh mạnh mẽ của Đoàn Luật sư và các nhân sĩ, trí thức có tên tuổi ở Sài Gòn – Gia Định, tháng 11/1952 Luật sư được trả tự do và trở về Sài Gòn, mở lại văn phòng luật và tiếp tục chiến đấu với kẻ thù ngay tại sào huyệt của chúng.

 Tháng 8/1954, Luật sư tham gia thành lập phong trào bảo vệ hòa bình Sài Gòn – Chợ Lớn đấu tranh đòi Chính phủ Pháp và chính quyền bù nhìn thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Giơ-ne-vơ, đòi thả tù chính trị, thực hiện quyền tự do, dân chủ và được cử làm Phó Chủ tịch Phong trào.

 Địch hoảng sợ, một mặt ra tay đàn áp, giải tán phong trào; mặt khác để ngăn chặn ảnh hưởng to lớn của Luật sư trong phong trào chống Mỹ ở thành phố lớn nhất và quan trọng nhất ở Nam bộ lúc đó, ngày 15/11/1954, Luật sư bị bắt giam và lưu đầy gần 7 năm ở Tuy Hòa và miền núi Củng Sơn tỉnh Phú Yên.

 Ngày 20/12/1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời.

 Ngày 30/10/1961, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ được nhân dân và các lực lượng vũ trang Phú Yên giải thoát và đưa về Trung ương Cục miền Nam lúc đó đóng ở chiến khu Dương Minh Châu.

 Tháng 2/1962, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam mở Đại hội lần thứ nhất.

 Tại Đại hội Luật sư Nguyễn Hữu Thọ được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Trung ương giải phóng miền Nam Việt Nam, trực tiếp lãnh đạo cuộc chiến đấu đầy gian khổ, hy sinh của đồng bào và chiến sĩ miền Nam.

 Tháng 3/1964, Đại hội lần thứ hai Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam bầu Luật sư làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.

 Có sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Luật sư – Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ đã góp phần to lớn vào việc động viên quân và dân miền Nam tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, buộc đế quốc Mỹ phải xuống thang, ngồi vào bàn đàm phán tại Hội nghị Paris với sự có mặt của đại diện Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.

 Ngày 6/6/1969, tại Đại hội đại biểu quốc dân miền Nam Việt Nam, Luật sư được cử giữ chức Chủ tịch Hội đồng cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

 Với cương vị người đứng đầu Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Chủ tịch Hội đồng cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam, Luật sư đã lãnh đạo Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam cùng Liên Minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam tập hợp, đoàn kết, động viên quân và dân miền Nam tiến hành cuộc đấu tranh vũ trang, chính trị, ngoại giao, binh vận gay go và ác liệt vào bậc nhất trong thế kỷ XX chống đế quốc Mỹ xâm lược và ngụy quyền Sài Gòn theo lời kêu gọi thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là “không có gì quý hơn độc lập, tự do”, “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” và đã giành được thắng lợi hoàn toàn, đất nước thống nhất, Bắc – Nam sum họp một nhà.

 Sau khi thống nhất đất nước, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ được nhân dân bầu làm đại biểu Quốc hội các khóa VI, VII, VIII và được Quốc hội bầu làm Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (tháng 6/1976), Quyền Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (tháng 4/1986), Chủ tịch Quốc hội và Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (tháng 7 năm 1981).

 Đối với công tác Mặt trận, tại Đại hội thống nhất các tổ chức Mặt trận họp từ 31/1 đến ngày 4 tháng 2 năm 1977, Luật sư được bầu làm Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

 Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III họp tháng 11/1988, Bộ Chính trị giới thiệu đồng chí Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ tịch Mặt trận song đồng chí từ chối với lý do “tuổi đã cao, sức yếu”. Đích thân Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã hai lần trực tiếp gặp gỡ, thuyết phục nhưng Luật sư vẫn khước từ.

 Trước tình hình đó, Đại hội trù bị giới thiệu Luật sư Phan Anh thay thế. Các đoàn đại biểu miền Nam xin lùi thời gian bàn nhân sự để tiếp tục vận động, thuyết phục Luật sư.

 Chiều đó, đại biểu 14 đoàn miền Tây Nam bộ đến gặp Luật sư nêu rõ nguyện vọng đồng thời là yêu cầu của đồng bào miền Nam muốn Luật sư tiếp tục giương cao ngọn cờ đại đoàn kết.

 Như Luật sư đã phát biểu: “Đảng giao tôi có thể từ chối vì tuổi cao, sức yếu. Song dân giao tôi phải làm”. Luật sư Nguyễn Hữu Thọ được Đại hội bầu làm Chủ tịch và Luật sư Phan Anh được bầu làm Phó Chủ tịch thứ nhất.

 Là người chấp bút Dự thảo Diễn văn bế mạc Đại hội, Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ yêu cầu tôi bổ sung và nhấn mạnh ý sau:

 “Đại hội chúng ta đã thành công tốt đẹp. Nhưng cũng mới thành công trong Hội trường. Nhân dân đòi hỏi chúng ta đồng tâm, hiệp lực, thống nhất hành động để biến những thành công trong Hội trường thành hiện thực trong cuộc sống.

 Với lòng mong muốn đó, tôi tuyên bố Bế mạc Đại hội ở Hội trường này và khai mạc Đại hội hành động trong cuộc sống”.

 Tinh thần chủ đạo, nội dung xuyên suốt trong chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa III (1988 – 1993) mà Luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ tịch là: “Tham gia xây dựng và phát triển nền dân chủ xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ hàng đầu với yêu cầu: Xây dựng chính quyền nhân dân trong sạch, vững mạnh; tổ chức thực hiện tốt quyền kiểm tra, giám sát của nhân dân; thiết thực tham gia cuộc vận động “làm trong sạch và nâng cao sức chiến đấu của tổ chức Đảng, làm trong sạch và nâng cao hiệu lực quản lý của bộ máy Nhà nước, làm lành mạnh các quan hệ xã hội…”.

 Để báo Đại Đoàn Kết – cơ quan ngôn luận của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực sự là tờ báo nói lên tiếng nói, đại diện cho ý chí của các tầng lớp nhân dân, góp phần tích cực vào việc xây dựng và phát triển nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, được Ban Bí thư Trung ương Đảng đồng ý, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ – Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã trực tiếp làm Chủ nhiệm báo Đại Đoàn Kết. Đây là tờ báo duy nhất có chức danh Chủ nhiệm thời đó.

 Với nhận thức “Muốn đoàn kết thực sự phải có dân chủ thực sự” mà Bác Hồ đã tổng kết, Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ đã cùng tập thể lãnh đạo Mặt trận Trung ương dành thời gian, tâm huyết tìm hiểu thực trạng, tháo gỡ khó khăn trong công tác Mặt trận nhằm phát huy dân chủ, kiến nghị với Đảng và Nhà nước những cơ chế, chính sách và giải pháp nhằm vun đắp, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, mở rộng và phát huy vai trò Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam trong thời kỳ mới.

 Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã hiến dâng trọn đời cho Tổ quốc, cho dân tộc. Như Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh lúc đương nhiệm đã đánh giá: “Luật sư Nguyễn Hữu Thọ quả là một nhà yêu nước vĩ đại”.