Tìm Hiểu Về Kế Toán Quản Trị

 I. Kế toán quản trị công ty là gì

 Kế toán quản trị là một nhánh mới của ngành kế toán được ra đời trong thời gian hơn 15 năm trở lại đây và đang trở thành xu thế mới của kế toán hiện đại.

 Một cách dễ hiểu nhất thì Kế toán quản trị là lĩnh vực chuyên môn của kế toán nhằm nắm bắt các vấn đề thực trạng, đặc biệt là thực trạng tài chính của doanh nghiệp. Qua đó giúp nhà quản lý doanh nghiệp ra quyết định điều hành một cách tối ưu nhất. Thông tin của kế toán quản trị đặc biệt quan trọng trong vận hành doanh nghiệp, đồng thời phục vụ kiểm soát và đánh giá doanh nghiệp đó.

 Có hai loại thông tin mà kế toán quản trị sẽ cung cấp bao gồm thông tin tài chính và thông tin phi tài chính. Tất cả các thông tin này được gọi chung lại là thông tin quản lý. Thông tin mà kế toán quản trị cung cấp không phải là thông tin tài chính đơn thuần, trước khi cung cấp thông tin thì kế toán quản trị cần biết rõ mục đích của những thông tin đó.

 II. Nội dung cơ bản của kế toán quản trị doanh nghiệp

 Kế toán quản trị có nội dung rất rộng, sau đây là một số nội dung cơ bản:

 – Xét theo nội dung các thông tin mà kế toán quản trị cung cấp, có thể khái quát kế toán quản trị bao gồm:

 + Kế toán quản trị các yếu tố sản xuất kinh doanh ( mua sắm, sử dụng các đối tượng lao động – hàng tồn kho, tư liệu lao động – tài sản cố định, tuyển dụng và sử dụng lao động – lao động và tiền lương,…)

 + Kế toán quản trị về chi phí và giá thành sản phẩm ( nhận diện sản phẩm , phân loại chi phí, giá thành sản phẩm, lập dự toán chi phí, tập hợp, tính toán, phân bổ chi phí, giá thành, lập báo cáo phân tích chi phí theo bộ phận, theo các tình huống quyết định..)

 + Kế toán quản trị về doanh thu và kết quả kinh doanh ( phân loại doanh thu, xác định giá bán, lập dự toán doanh thu, tính toán, hạch toán chi tiết doanh thu, phân bổ chi phí chung, xác định kết quả chi tiết, lập báo cáo phân tích kết quả chi tiết theo bộ phận, theo các tình huống ra quyết định..)

 + Kế toán quản trị các khoản nợ

 + Kế toán quản trị các hoạt động đầu tư tài chính

 + Kế toán quản trị các hoạt động khác của doanh nghiệp

 => nội dung chủ yếu của kế toán quản trị là lĩnh vực chi phí. Vì vậy, một số tác giả cho rằng kế toán quản trị là kế toán chi phí.

 – Xét theo quá trình kế toán quản trị trong mối quan hệ với chức năng quản lý, kế toán quản trị bao gồm:

 + chính thức hóa các mục tiêu của đơn vị thành các chỉ tiêu kinh tế

 + lập dự toán chung và các dự toán chi tiết

 + thu thập, cung cấp thông tin về kết quả thực hiện các mục tiêu

 + soạn thảo báo cáo kế toán quản trị

 – Thông tin của kế toán quản trị không chỉ là thông tin quá khứ ( thông tin thực hiện ) mà còn bao gồm các thông tin về tương lai ( kế hoạch, dự toán, dự tính,..) Mặt khác, thông tin kế toán quản trị không chỉ là các thông tin về giá trị còn bao gồm các thông tin khác ( hiện vật, thời gian lao động …)

 III. Vai trò của nhân viên kế toán quản trị trong tổ chức

 Vai trò số 1 của người làm kế toán quản trị là thu thập và cung cấp thông tin thích hợp và nhanh chóng cho các nhà quản lý để họ thực hiện viêc điều hành, kiểm soát hoạt động của tổ chức và ra quyết định.

 Các giám đốc sản xuất thường vạch kế hoạch và ra quyết định về các phương án và lịch trình sản xuất, các giám đốc marketing thì ra các quyết định về quảng cáo, khuyến mãi và định giá sản phẩm. Các giám đốc tài chính thường ra các quyết định về huy động vốn và đầu tư. Tựu chung lại ứng với mỗi mục tiêu, nhà quản lý đều cần thông tin cho các quyết định. Người làm kế toán quản trị sẽ cung cấp các thông tin hữu ích cho các nhà quản lý các cấp trong tổ chức. Vì vậy, một yêu cầu đặt ra cho các nhân viên kế toán quản trị là họ phải am hiểu các tình huống ra quyết định của các nhà quản lý.

 IV. Kế toán quản trị giống và khác kế toán tài chính ở điểm nào?

 Mục tiêu là điểm khác nhau căn bản của kế toán tài chính và kế toán quản trị. Nếu như mục tiêu của kế toán tài chính là cung cấp thông tin cho đối tượng bên ngoài tổ chức bao gồm cổ đông, nhà đầu tư hiện tại và tiềm năng, chủ nợ, các cơ quan nhà nước, các nhà phân tích đầu tư chứng khoán, khách hàng thì kế toán quản trị cung cấp thông tin phục vụ cho nhà quản lý của chính tổ chức đó. Họ có thể là các giám đốc điều hành, giám đốc marketing, giám đốc tài chính vv…

 Tuy vậy, hệ thống kế toán quản trị và kế toán tài chính cũng có nhiều điểm giống nhau bởi vì cả hai hệ thống này đều dựa vào dữ liệu thu thập được từ hệ thống kế toán cơ bản của tổ chức. Hệ thống này bao gồm thủ tục, nhân sự, và hệ thông máy tính để thu thập và lưu trữ các dự liệu tài chính của tổ chức. Một phần của hệ thống kế toán chung này là hệ thống kế toán chi phí (cost accounting), có nhiệm vụ thu thập thông tin chi phí được sử dụng trong cả hệ thống kế toán quản trị và kế toán tài chính. Ví dụ, số liệu về giá thành sản phẩm được nhà quản lý sử dụng để định giá bán sản phẩm, đó là một mục đích sử dụng thông tin của kế toán quản trị. Tuy vậy, số liệu giá thành cũng được sử dụng để xác định giá trị hàng tồn kho trên bảng cân đối kế toán, đó lại là một mục đích sử dụng thông tin của kế toán tài chính.

 V. Xu hướng mới của Kế toán quản trị hiện đại.

 Người làm kế toán quản trị đang chứng kiến một xu thế mới trong ngành kế toán trước sự thay đổi của khoa học công nghệ. Trước đây các kế toán viên thường dành 80% -90% thời lượng công việc cho các nghiệp vụ kế toán hàng ngày như ghi chép sổ sách, đối chiếu giao dịch, lập sổ, theo dõi và quản lý tồn kho, định khoản, lập báo cáo tài chính… Thì ngày nay mọi chuyện đã trở nên rất khác. Việc ra đời các phần mềm kế toán, các ứng dụng tài chính, các phần mềm như CRM, ERP đã giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian cho các kế toán viên tài chính. Một xu thế mới đang dần hình thành khi nghề kế toán trở thành một nghề thiên nhiều đến quản trị thông tin tài chính. Các kế toán viên sẽ dành nhiều thời gian cho việc phân tích, lập kế hoạch, dự toán, dự báo, lập ngân sách hoặc đưa ra các thông tin hỗ trợ, tham mưu cho ban lãnh đạo doanh nghiệp về kế toán quản trị.

 Xu hướng này làm cho vai trò của kế toán quản trị ngày càng lớn dần lên, tăng dần lên trong các doanh nghiệp, dần thay thế dần kế toán tài chính trước đây. Vai trò của kế toán tài chính sẽ thu nhỏ lại, và các người chủ doanh nghiệp sẽ cần những người làm kế toán quản trị có thể tham mưu cho Ban lãnh đạo để quản trị doanh nghiệp tốt nhất.

 VI. Yêu cầu xây dựng mô hình kế toán quản trị chi phí

 Để có thể cung cấp thông tin cho nhà quản trị trong việc ra quyết định ngắn hạn đúng đắn, hoạch định chiến lược kinh doanh dài hạn phù hợp đòi hỏi mô hình KTQT chi phí phải cung cấp những thông tin tối ưu. Do đó, khi xây dựng mô hình KTQT chi phí phải đáp ứng được một số yêu cầu sau:

 Thứ nhất, đảm bảo tính khái quát. Theo đó, mô hình được xây dựng phải phản ánh được những nội dung cơ bản thể hiện được vai trò của công tác KTQT chi phí. Mục đích của việc xây dựng mô hình nhằm giúp các nhà quản trị DN nhận diện và kiểm soát được chi phí sản xuất kinh doanh. Qua đó, cung cấp đầy đủ, kịp thời những thông tin về chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm giúp các nhà quản trị ra các quyết định điều hành cũng như các quyết định có tính chiến lược. Vì vậy, tính khái quát của mô hình KTQT chi phí phải cung cấp được những thông tin đảm bảo tính trung thực, hợp lý và tính kịp thời.

 Thứ hai, đảm bảo tính đơn giản. Tính đơn giản của mô hình KTQT chi phí được gắn với trình độ của đội ngũ kế toán, năng lực của các nhà quản trị và quy trình của hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.

 Thứ ba, phải cung cấp được các thông tin tổng hợp và chi tiết theo yêu cầu của nhà quản trị. Quản trị DN là một hoạt động khép kín từ khâu lập kế hoạch, tổ chức thực hiện và kiểm tra, đánh giá việc thực hiện. Mô hình KTQT chi phí được xây dựng phải trở thành một công cụ hỗ trợ đắc lực cho các nhà quản quản trị. Thông tin từ mô hình được thu thập, xử lý phải trung thực, kịp thời và chi tiết theo yêu cầu của nhà quản trị.

 VII. Nguyên tắc xây dựng hệ thống mô hình kế toán quản trị chi phí

 Theo Lê Thế Anh (2017), mô hình KTQT chi phí là một công cụ cung cấp thông tin cho các cấp quản trị trong nội bộ DN nên khi xây dựng cần tuân thủ các nguyên tắc cơ bản sau:
Thứ nhất, đảm bảo tính khách quan và phù hợp với đặc điểm hoạt động sản xuất kinh doanh của DN: Hoạt động của DN rất đa dạng và phong phú. Mỗi DN, mỗi lĩnh vực sản xuất có quy trình công nghệ sản xuất khác nhau. Do đó, việc xây dựng mô hình KTQT chi phí phải dựa trên cơ sở các nguyên tắc phù hợp với từng loại hình DN, từ đó mới phát huy được vai trò là công cụ đắc lực cho các nhà quản trị.

 Thứ hai, đáp ứng được nhu cầu thông tin đa dạng của các nhà quản trị và mục tiêu kiểm soát chi phí của DN: Trong môi trường kinh doanh cạnh tranh khốc liệt, nhu cầu cung cấp thông tin mà các nhà quản trị rất đa dạng để ra các quyết định khác nhau từ các quyết định điều hành thường nhật đến việc hoạch định các chiến lược phát triển của DN. Nhu cầu đó đòi hỏi hệ thống KTQT chi phí phải vừa cung cấp được những thông tin chi tiết, cụ thể về từng hoạt động trong DN, vừa phải cung cấp những thông tin mang tính khái quát, so sánh, đánh giá các mặt hoạt động của DN…

 Thứ ba, đảm bảo nguyên tắc hiệu quả và tiết kiệm: Để xây dựng và vận hành mô hình KTQT chi phí, các DN sẽ phải có những đầu tư về nhân lực, vật lực, phải có những thay đổi trong cách thức quản lý và tổ chức công tác kế toán. Tuy nhiên, mô hình KTQT chi phí cần có sự kết hợp hài hòa với hệ thống kế toán tài chính, không gây khó khăn trong việc tổ chức công tác kế toán chung, không quá tốn kém nhưng đảm bảo thông tin phải được cung cấp một cách hiệu quả.