Vai trò của kinh tế tư nhân

 Kinh tế tư nhân là gì

 Kinh tế tư nhân (tiếng Anh: Individual Economy) là thành phần kinh tế dựa trên chế độ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất. Kinh tế tư nhân là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân.

 Kinh tế tư nhân ở nước ta hiện nay

 “Kinh tế tư nhân đã trở thành “chân kiềng” vững chắc của nền kinh tế Việt Nam”, phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân 2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Khu vực kinh tế tư nhân trong nước đang tạo ra khoảng 40% GDP, 30% ngân sách nhà nước, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động cả nước. Những thay đổi về thể chế, chính sách đã tạo nên những thành tựu trong sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam.

 Kinh tế tư nhân – “chân kiềng” của nền kinh tế Việt Nam

 

 Sau hơn 30 năm đổi mới, từ vị trí không được thừa nhận, bị hạn chế phát triển, kinh tế tư nhân (KTTN) ở Việt Nam đã có những thay đổi đáng kể, với việc từng bước được “cởi trói” và dần trở thành một thành phần không thể thiếu trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN).

 

 Dấu mốc quan trọng đầu tiên đối với khu vực tư nhân đó là Nghị quyết số 14-NQ/TW ngày 18/3/2002 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương (khoá IX) “Về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích, tạo điều kiện phát triển KTTN”. KTTN đã chính thức được khuyến khích phát triển với nhiều giải pháp quan trọng. Nghị quyết các kỳ Đại hội của Đảng tiếp tục khẳng định và nhấn mạnh vai trò của khu vực KTTN. Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 về “Phát triển KTTN trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN”. Những thay đổi về thể chế, chính sách đã tạo nên nhiều thành tựu trong sự phát triển của khu vực KTTN, gồm:

 

 Thứ nhất, về số lượng doanh nghiệp (DN) và lao động

 

 Tính đến cuối năm 2018, số lượng các cơ sở kinh doanh trong khu vực KTTN (gồm các doanh nghiệp của tư nhân, các hộ kinh doanh cá thể) khoảng 6 triệu đơn vị, khoảng 700 nghìn DN. Trung bình, trong giai đoạn 2011- 2018, mỗi năm số cơ sở kinh doanh tăng 3,4%. Xét riêng khu vực DN, tỷ trọng số lượng DN ngoài nhà nước (tư nhân) chiếm khoảng 96-97% trong tổng số DN trong giai đoạn 2010- 2018 và tỷ trọng này dự báo vẫn được duy trì trong năm 2019 và 2020. Trong khi đó, số lượng hộ kinh doanh cá thể tăng từ hơn 4,12 triệu năm 2010 lên trên 5,14 triệu năm 2018, trung bình tăng 3,25%/năm trong cả giai đoạn.

 

 Số DN trung bình trên 1.000 người dân liên tục tăng lên trong giai đoạn 2010-2018, từ 3,2 DN (2010) lên mức 7,6 DN/1.000 dân (2018). Tốc độ tăng bình quân đạt trên 11,5%/năm trong cả giai đoạn 2011-2018.

 

 Kinh tế tư nhân Việt Nam: Động lực phát triển và những kỳ vọng mới  – Ảnh 1

 Số lượng DN thành lập mới liên tục tăng trong giai đoạn 2011-2018, trung bình đạt gần 6,5%/năm, trong đó mức tăng trong giai đoạn 2011-2015 là 3,3% và giai đoạn 2016-2018 là 11,6%. Trong giai đoạn 2016-2018 cho thấy, số lượng DN thành lập mới đã vượt mức 100 nghìn DN/năm. Bên cạnh đó, số lượng DN ngừng hoạt động quay trở lại hoạt động trong giai đoạn 2013- 2018 trung bình đạt 30,6%/năm (24,3% trong giai đoạn 2013-2015 và 36,8% trong giai đoạn 2016-2018). Trong khi đó, tỷ lệ số lượng DN ngừng hoạt động, giải thể trung bình hàng năm khoảng 74,2% tổng số DN đăng ký mới trong giai đoạn 2011- 2018 (trong đó giai đoạn 2011- 2015 ở mức 80,2% và giai đoạn 2016-2018 ở mức 64,3%).

 

 Chia theo ngành nghề, thống kê cho thấy, số lượng DN trong ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng từ 66% đến trên 70,6% trong giai đoạn 2010- 2016. Theo dự báo, tỷ trọng số lượng DN trong ngành dịch vụ tiếp tục tăng và chiếm tỷ lệ trên 71% vào năm 2019 và gần 72% năm 2020. Trong khi đó, tỷ lệ hộ kinh doanh trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ chiếm trên 80%.

 

 Theo Tổng cục Thống kê, tổng số lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong khu vực kinh tế ngoài nhà nước (KTNNN) năm 2018 khoảng 45,19 triệu người, chiếm 83,3% tổng số lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong nền kinh tế (khoảng 54,25 triệu người). Tỷ trọng lao động làm việc trong khu vực KTNNN trong tổng số lao động trên 15 tuổi làm việc trong nền kinh tế, giai đoạn 2010- 2018 dao động từ 83,3- 86,3%. Tính riêng khu vực kinh doanh (gồm các DN và hộ kinh doanh), năm 2017 tổng số lao động làm việc trong khu vực này khoảng 23,2 triệu người (gồm 14,5 triệu người trong các DN và hơn 8,7 triệu người trong khu vực hộ kinh doanh).

 

 Thứ hai, đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân

 

 – Đóng góp vào GDP: Trong giai đoạn 2010-2018, đóng góp vào GDP của khu vực KTNNN (bao gồm KTTN và kinh tế tập thể) chiếm tỷ trọng lớn nhất, khoảng 43%, trong đó khu vực KTTN chiếm tỷ trọng từ 38% – 40,6%. Khu vực kinh tế nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài trong cùng giai đoạn chiếm tỷ trọng tương ứng lần lượt là từ 27,7% – 29,4% và từ 15,15% – 20,3%.

 

 Xét ở khía cạnh đóng góp vào tốc độ tăng trưởng GDP, tốc độ tăng trưởng của khu vực KTNNN trong GDP cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế trong giai đoạn 2010- 2012. Tuy nhiên, tốc độ này thấp hơn mức tăng trưởng chung trong giai đoạn 2013- 2017.

 

 – Đóng góp cho NSNN: Khu vực KTNNN chiếm tỷ trọng ngày càng tăng trong giai đoạn từ 2010-2017, từ 28,3% (2010) lên 33,2% (2016). Khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài đóng góp ngày càng cao trong cơ cấu thu ngân sách nhà nước (NSNN), từ 26,3% (2010) lên 34,4% (2016) và hiện là khu vực có tỷ trọng đóng góp cao nhất. Trong khi đó, tỷ trọng đóng góp vào NSNN của khu vực kinh tế nhà nước đã giảm khá nhanh, từ 45,4% (2010) xuống chỉ còn 32,3% và là khu vực có tỷ trọng thấp nhất.

 – Đầu tư của khu vực KTNNN trong tổng đầu tư toàn xã hội: Đã vươn lên vị trí số 1 kể từ năm 2015, chiếm tỷ trọng 38,7% và đạt mức trên 43% năm 2018. Ngược lại, tỷ trọng đầu tư của khu vực kinh tế nhà nước có xu hướng giảm mạnh, từ 47,1% (2005) xuống 38% (2015) và còn 33,3% (2018). Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng khoảng 21,6% – 25% trong giai đoạn 2010 -2018. Nếu chỉ tính trong khu vực kinh doanh (gồm các DNNN, khu vực DN tư nhân và cư dân, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài), đầu tư của khu vực KTTN chiếm tới 53% – 56,3% tổng đầu tư của khu vực này trong giai đoạn 2010-2018 và cho thấy xu hướng tăng lên theo thời gian (khu vực DN nhà nước chiếm khoảng 9% – 16%; khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm khoảng 30% – 38% trong cùng giai đoạn. Dự báo đến năm 2020, tỷ trọng của khu vực tư nhân chiếm khoảng 60% tổng vốn đầu tư của khu vực kinh doanh. Khu vực KTTN có tốc độ tăng trưởng vốn đầu tư ổn định nhất trong 3 khu vực trong giai đoạn 2011- 2018, dao động từ 7,14% – 18,86% (trung bình đạt 13,2%/năm) và được dự báo tiếp tục tăng ở mức trên 16% trong năm 2019 và 2020.

 

 – Về tổng tài sản trong kinh doanh: Khu vực DN tư nhân có tỷ trọng tổng tài sản cao nhất (dao động từ 48,2% đến 53,5% trong tổng tài sản của khu vực DN). Khu vực này tạo ra doanh thu lớn nhất trong 3 khu vực (dao động ở mức 50,8% – 56,8%). Tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu của khu vực DN của tư nhân trong giai đoạn 2010- 2017 dao động trong khoảng 1,83 – 2,3 lần, thấp hơn mức trung bình của toàn bộ khu vực DN (bằng khoảng từ 54,4% – 74% so với khu vực DNNN và khoảng 108% – 148% khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài). Tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu của DN khu vực tư nhân duy trì mức ổn định trong giai đoạn 2010-2015 và có xu hướng tăng trong 2 năm (2016 và 2017).

 

 – Hoạt động kinh doanh của KTTN, đặc biệt là khu vực DN tư nhân có cải thiện đáng kể. Tỷ suất lợi nhuận trên tài sản của khu vực tư nhân trong giai đoạn 2011-2017 dao động từ 0,86- 1,86%, trong khi đó, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của khu vực này trong cùng giai đoạn dao động ở mức 2,63% – 5,5%.

 

 Kinh tế tư nhân Việt Nam: Động lực phát triển và những kỳ vọng mới  – Ảnh 3

 – Về năng suất lao động, thu nhập của người lao động: Mặc dù, năng suất của khu vực DN tư nhân xét ở thước đo doanh thu bình quân một lao động là thấp nhất, song nếu xét năng suất lao động theo thước đo giá trị gia tăng bình quân một lao động tạo ra trong một năm, khu vực DN tư nhân có mức năng suất cao nhất từ năm 2014 và cho thấy xu hướng tăng liên tục trong cả giai đoạn 2010-2017. Trong khi đó, năng suất của khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài có xu hướng giảm trong giai đoạn 2010-2016. Khu vực kinh tế cá thể có mức năng suất lao động thấp nhất trong cả ba khu vực và có xu hướng tăng trong giai đoạn 2010- 2016. Thu nhập bình quân lao động khu vực DN tư nhân thấp nhất trong 3 khu vực, ở mức từ 3,4 – 7,4 triệu đồng/người/tháng trong giai đoạn 2010-2017, bằng khoảng 49%- 65,5% so với lao động trong khu vực DNNN và 73%- 83% so với lao động trong DN thuộc khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, nếu xét về tốc độ tăng trưởng thu nhập bình quân thì lao động khu vực DN ngoài nhà nước có mức tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011-2017 cao nhất, đạt tỷ lệ 16,5% so với mức 16,1% của khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài và 11,7% của khu vực DNNN.

 

 Nhìn chung, kể từ khi Nghị quyết số 10-NQ/ TW của Hội nghị Trung ương 5 (khóa XII) được ban hành, Chính phủ và các bộ, ngành đã nỗ lực vào cuộc để thực hiện mục tiêu mang đến sự bứt phá toàn diện cho khu vực KTTN. Bên cạnh những kết quả đạt được, phát triển KTTN vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn và thách thức, cụ thể như:

 

 – Đóng góp của KTTN vào tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng. Tỷ trọng của KTTN trong GDP ít thay đổi trong 10 năm qua. Mục tiêu đóng góp khoảng 50% GDP vào năm 2020 gặp nhiều thách thức.

 

 – Quy mô bình quân các đơn vị KTTN trong nước còn nhỏ, chủ yếu là kinh tế cá thể đóng góp tới 30% GDP, các DN tư nhân chỉ đóng góp khoảng 9% GDP.

 

 – Năng suất lao động xã hội của khu vực KTTN thấp hơn mức bình quân của nền kinh tế.

 

 – Năng lực tài chính, trình độ công nghệ và hiệu quả kinh doanh của KTTN chưa cao; chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh chưa nổi bật; khả năng tham gia chuỗi giá trị và mạng sản xuất khu vực và toàn cầu còn hạn chế, chủ yếu tập trung ở các công đoạn có giá trị gia tăng thấp.

 

 Những kỳ vọng mới

 

 Tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của KTTN trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, một số mục tiêu tiếp tục đặt ra đối với phát triển khu vực kinh tế ở nước ta trong thời gian tới như sau:

 

 – Phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 1,5 triệu DN và năm 2030 là khoảng 2 triệu DN hoạt động có hiệu quả.

 

 – Tốc độ tăng trưởng của KTTN cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của khu vực KTTN vào GDP khoảng 55%, đến năm 2030 khoảng 60 – 65%.

 

 – Bình quân trong giai đoạn 2020- 2025, năng suất lao động tăng khoảng 4 – 5%/năm. Đến năm 2030, trình độ công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực, năng lực cạnh tranh của DN và tỷ lệ tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu được nâng lên ngang bằng với các nước dẫn đầu trong khối ASEAN (ASEAN-4).

 

 – Trong giai đoạn 2021- 2030, DN tư nhân có mức tăng trưởng bình quân số lao động khoảng 6- 8%; tăng trưởng bình quân thu nhập của người lao động đạt khoảng 25 – 30% và tăng trưởng bình quân mức đóng góp vào NSNN đạt khoảng 25%/năm.

 

 Để đạt được những mục tiêu trên, thời gian tới cần tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp sau:

 

 Thứ nhất, tiếp tục triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ giải pháp về phát triển KTTN đã đặt ra tại Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XII) về phát triển KTTN trở thành một động lực của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và các quy định và văn bản chính sách cụ thể hóa Nghị quyết này. Cụ thể:

 

 – Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, đặc biệt là hoàn thiện khung pháp luật, chính sách về thành lập, tổ chức và hoạt động của các tổ chức kinh doanh, đặc biệt là các DN thông qua sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật như: Luật DN (sửa đổi), Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Quản lý thuế, Bộ luật Lao động (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi)… và các văn bản hướng dẫn thi hành để đảm bảo tính đồng bộ, cụ thể và minh bạch; có tính khả thi cao và dễ thực hiện.

 

 – Triển khai có hiệu quả các quy định của Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa và các văn bản hướng dẫn thi hành, đặc biệt cần tiếp tục thực hiện quyết liệt các Nghị quyết số 35/NQ-CP, Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN; Nghị quyết về cắt giảm chi phí cho DN (số 139/NQ-CP ngày 09/11/2018 của Chính phủ); Rà soát cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh nhằm đảm bảo duy trì niềm tin và tăng cường đầu tư kinh doanh bền vững.

 

 Thứ hai, thúc đẩy khởi nghiệp, chú trọng khởi nghiệp sáng tạo trong một số ngành có lợi thế và tiềm năng; tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa mô hình kinh doanh mới và kinh tế truyền thống theo hướng rà soát, bãi bỏ các quy định về điều kiện kinh doanh không phù hợp với lĩnh vực kinh doanh truyền thống; xây dựng khung thể chế thí điểm cho mô hình kinh doanh mới trong một số lĩnh vực có tiềm năng rủi ro cao.

 

 Thứ ba, tăng cường hiệu quả triển khai Chính phủ điện tử, cơ chế một cửa quốc gia; khuyến khích DN ứng dụng khoa học công nghệ, khai thác cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

 

 Thứ tư, nghiên cứu để có quy định, chính sách khuyến khích, hỗ trợ KTTN tham gia vào hợp tác phát triển, đặc biệt là tham gia vào các dự án đầu tư công; nhanh chóng ban hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và các văn bản hướng dẫn thi hành.

 

 Vai trò của kinh tế tư nhân

 Kinh tế tư nhân chiếm gần 40% GDP

 

 Qua các kỳ Đại hội Đảng, vị trí và vai trò của khu vực kinh tế tư nhân dần được khẳng định và nhấn mạnh. Điển hình như: Văn kiện Đại hội X của Đảng năm 2006 với nhận định: Kinh tế tư nhân là khu vực “có vai trò quan trọng, là một trong những động lực của nền kinh tế”; Nghị quyết Đại hội XI của Đảng năm 2011 cho rằng: “Hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát triển mạnh kinh tế tư nhân trở thành một trong những động lực của nền kinh tế”;

 

 Nghị quyết Đại hội XII của Đảng năm 2016 cũng chỉ rõ: “Hoàn thiện cơ chế chính sách để tạo thuận lợi phát triển mạnh kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế, trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa, DN khởi nghiệp. Khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế”.

 

 Gần đây nhất, Hội nghị Trung ương 5 khóa XII (tháng 5/2017) đã ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân, với mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đưa kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững, đa dạng với tốc độ tăng trưởng cao cả về số lượng, quy mô, chất lượng và tỷ trọng trong tổng sản phẩm nội địa (GDP). Nghị quyết được đánh giá là một bước tiến mới, tạo động lực thúc đẩy phát triển cho khu vực kinh tế tư nhân và toàn bộ nền kinh tế.

 

 Điều này khẳng định, quan điểm của Đảng ta về kinh tế tư nhân là quá trình phát triển liên tục. Báo cáo tổng kết 15 năm (2002 – 2017) thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX “Về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân” cũng cho thấy: Trong 15 năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành và lãnh đạo tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp quan trọng về khuyến khích và tạo điều kiện để kinh tế tư nhân phát triển.

 

 Vai trò, vị trí của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế ngày càng được nhận thức rõ hơn và đánh giá đúng hơn. Kinh tế tư nhân ngày càng đóng góp lớn hơn trong huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, cơ cấu lại nền kinh tế, tăng thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết các vấn đề xã hội.

 

 Tỷ trọng trong GDP của khu vực kinh tế tư nhân, bao gồm cả kinh tế cá thể luôn duy trì ổn định trong khoảng 39-40%. Bước đầu đã hình thành được một số tập đoàn kinh tế tư nhân có quy mô lớn, hoạt động đa ngành, có khả năng cạnh tranh tốt hơn trên thị trường trong nước và quốc tế; đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh. Số lượng DN của tư nhân tăng nhanh với nhiều loại hình đa dạng; phong trào khởi nghiệp được đẩy mạnh…

 

 Mức độ đóng góp vào tổng sản phẩm trong nước của kinh tế tư nhân luôn chiếm tỷ trọng lớn và tăng liên tục trong những năm qua. Tính đến nay, cả nước có khoảng trên 500.000 DN tư nhân đang hoạt động và mỗi năm có thêm hàng vạn DN được thành lập mới; Thu hút khoảng 51% lực lượng lao động cả nước và tạo khoảng 1,2 triệu việc làm cho người lao động mỗi năm, góp phần quan trọng vào quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, tăng thu nhập cho người dân…

 

 Đề xuất, khuyến nghị

 

 Mặc dù đã khẳng được vị trí, vai trò quan trọng trong nền kinh tế, song khu vực kinh tế tư tư nhân đã bộc lộ không ít những hạn chế, yếu kém. Tốc độ tăng trưởng của kinh tế tư nhân có xu hướng giảm trong những năm gần đây (Giai đoạn 2003-2010 là 11,93%/năm, thì giai đoạn 2011-2015 chỉ còn 7,54%/năm).

 

 Xuất phát điểm phát triển và năng lực nội tại của kinh tế tư nhân nhìn chung còn thấp; chủ yếu vẫn là kinh tế hộ, cá thể. Đáng nói hơn, có tới 97% DN tư nhân có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, trình độ công nghệ thấp và chậm đổi mới, năng lực tài chính, năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh còn thấp, trình độ quản trị, tính liên kết còn yếu; khả năng tham gia chuỗi giá trị trong nước và quốc tế còn thấp.

 

 Việc tham gia sâu vào nền kinh tế thế giới, chuỗi giá trị toàn cầu của nền kinh tế Việt Nam cũng đang tạo nên những thách thức không nhỏ đối với khu vực kinh tế tư nhân. Cụ thể là DN khu vực này sẽ phải cạnh tranh quyết liệt, gay gắt hơn với nhiều đối thủ trên bình diện rộng và sâu hơn ngay cả ở thị trường trong nước.

 

 Để kinh tế tư nhân ngày càng phát triển mạnh mẽ, đúng đắn và lành mạnh hơn, thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế, cần có sự hỗ trợ đặc biệt từ phía Nhà nước, cụ thể như:

 

 – Cần tiếp tục nâng cao nhận thức để tạo sự thống nhất trong thực hiện Nghị quyết của Đảng; Khẳng định vai trò của kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế, nhất là tạo việc làm và an sinh xã hội; Đồng thời, chủ động khắc phục những biểu hiện tiêu cực trong phát triển kinh tế tư nhân, nhất là ý thức chấp hành pháp luật.

 

 – Tiếp tục thể chế hóa một số nội dung Nghị quyết phù hợp giai đoạn 2017 – 2020, xác định rõ những nội dung tiếp tục phải được thể chế hóa và nội dung không còn phù hợp, cần phải điều chỉnh, để tiếp tục đổi mới hơn nữa cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân.

 

 Điển hình như: Đẩy mạnh thực hiện Luật DN, Luật Đầu tư, cần quy định rõ việc thành lập và hoạt động của tổ chức cơ sở đảng, các đoàn thể trong DN tư nhân. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ công tác theo dõi, phân tích và cung cấp thông tin cho hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu cho kinh tế tư nhân.

 

 – Thúc đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với việc cơ cấu lại các DN, trong đó có DN tư nhân. Thực hiện đúng chính sách bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; khuyến khích và mở rộng các hình thức hợp tác, liên kết, liên doanh giữa DN tư nhân với DN nhà nước, hợp tác xã và các DN có vốn đầu tư nước ngoài, tạo mối quan hệ hợp tác, cạnh tranh, cùng có lợi.

 

 – Tiếp tục đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và quản lý nhà nước đối với kinh tế tư nhân; kịp thời động viên, khen thưởng, tôn vinh những DN, doanh nhân thành đạt và uốn nắn những lệch lạc, sai phạm của kinh tế tư nhân, sớm có quy chế, tiêu chí thống nhất về xét thưởng, tôn vinh kinh tế tư nhân…

 

 Ngoài những cơ chế, chính sách của Chính phủ cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của các hội nghề nghiệp và nguồn vốn đầu tư của các ngân hàng. Đặc biệt, bản thân các DN tư nhân cũng cần phải nâng cao năng lực, đẩy mạnh liên doanh liên kết, có như vậy mới có thể nâng cao khả năng cạnh tranh trong nền kinh tế.

  

  

  

  

 tag: khái niệm tiếng anh ví dụ mỹ tự cổ danh bất hứa kiến bạch phòng thái phim