Viện khoa học lao động và xã hội

 Viện khoa học lao động và xã hội

 Viện Khoa học Lao động được thành lập theo Quyết định số 79/CP ngày 14/4/1978 của Hội đồng Chính phủ. Đến năm 1987 Viện được đổi tên thành Viện Khoa học Lao động và Các vấn đề Xã hội và đến năm 2002 được đổi tên thành Viện Khoa học Lao động và Xã hội.

 Viện Khoa học Lao động và Xã hội  là viện đầu ngành có nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng cung cấp luận cứ phục vụ xây dựng chính sách, chiến lược thuộc lĩnh vực Lao động, người có công và Xã hội.

 Chặng đường 35 năm nỗ lực xây dựng, Viện đã từng bước khẳng định được vị thế trong hệ thống các viện nghiên cứu khoa học xã hội ở nước ta. Các công trình và kết quả nghiên cứu của Viện ngày càng gắn nhiều hơn với nhiệm vụ quản lý Nhà nước của ngành, cung cấp những luận cứ khoa học cho việc hoạch định và thực hiện chính sách lao động, người có công và xã hội trong các thời kỳ.

 Quá trình xây dựng và trưởng thành của Viện gắn liền với quá trình phát triển của ngành Lao động – Thương binh và Xã hội, có thể chia thành 4 giai đoạn: trước “Đổi mới” (từ khi thành lập năm 1978 đến năm 1986); giai đoạn sau đổi mới 1986-1996; 1996-2007 và từ 2008 đến nay.

 1. Giai đoạn 1978-1986

 Các nghiên cứu hợp tác quốc tế với các quốc gia thuộc Hội đồng tương trợ kinh tế (SEV), đặc biệt là Liên Xô cũ được tăng cường, tập trung vào các lĩnh vực tổ chức lao động khoa học, định mức lao động, tiền lương, Ergonomy,…

Các công trình nghiên cứu của Viện đã phục vụ kịp thời cho việc xây dựng chính sách, cải tiến quản lý lao động; giúp các doanh nghiệp tổ chức lại lao động một cách khoa học nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất. Đến nay, nhiều nghiên cứu về định mức lao động, tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật, năng suất lao động,… vẫn tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện, nhiều công trình nghiên cứu khoa học là tài liệu tham khảo tốt để phục vụ cho xây dựng chính sách trong lĩnh vực lao động.

 2. Giai đoạn 1986-1996

 Những năm 1986-1996 đánh dấu bước ngoặt trong hoạt động nghiên cứu của Viện gắn với công cuộc đổi mới đất nước,đổi mới tư duy phù hợp với quá trình chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hoá, tập trung sang phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước.

 Nhiệm vụ của nghiên cứu bao gồm các cơ sở lý luận, phương pháp luận mới, đồng thời giải quyết những vấn đề bức xúc trong quá trình chuyển đổi (giải quyết lao động dôi dư trong sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước, vấn đề việc làm cho lao động xã hội, cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo trợ xã hội…). Các đề tài khoa học cấp nhà nước về đổi mới chính sách tiền lương và đổi mới chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) phù hợp với nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần đã góp phần tích cực vào đề án trình Chính phủ về cải cách tiền lương và BHXH (1993); các đề tài cấp Bộ đã cung cấp cơ sở khoa học xây dựng Bộ Luật Lao động (1995); các nghiên cứu về lao động nữ và giới, điều kiện lao động và môi trường lao động, tệ nạn xã hội.. đã góp phần xây dựng các chính sách đối với các đối tượng có công với cách mạng, chính sách bảo trợ xã hội, xoá đói giảm nghèo…

 Một loạt các cuộc điều tra cơ bản do Viện thực hiện đã cung cấp các thông tin đa chiều và có hệ thống để đánh giá tác động các chính sách lao động và xã hội, cung cấp căn cứ thực tiễn để xây dựng nhiều báo cáo chuyên đề về lao động, việc làm cung cấp luận cứ cho Bộ góp ý kiến vào các Nghị quyết TW khoá VI, khoá VI.

 Viện đã chủ động phối hợp với các địa phương xây dựng nhiều qui hoạch phát triển ngành lao động-thương binh và xã hội cho một số tỉnh và vùng kinh tế.

 Trong lĩnh vực hợp tác quốc tế, Viện mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế với các tổ chức song phương và đa phương như: SIDA Thuỵ Điển, ILO, trường Kinh tế Stockholm và các tổ chức  quốc tế khác…, qua đó góp phần tạo điều kiện cập nhật các khái niệm, công ước, tiêu chuẩn quốc tế trong lĩnh vực lao động và xã hội. Năm 1995, Viện đã trở thành thành viên mạng lưới các Viện nghiên cứu lao động khu vực Châu á – Thái Bình Dương.

 3. Giai đoạn 1997-2007

 Thời kỳ này, đất nước tiếp tục đạt được nhiều thành tựu kinh tế và xã hội quan trọng. Tuy nhiên, nhiều vấn đề xã hội được đặt ra, cần giải quyết cả về lý thuyết lẫn thực tiễn. Nét nổi bật của thời kỳ này là Viện đã chủ trì hoặc tham gia vào:

(i) cung cấp các căn cứ phụ vụ Hội nghị Trung ương, Đại hội Đảng toàn quốc (lần thứ IX, X): nghiên cứu “Kết hợp tăng trưởng kinh tế với công bằng xã hội”; chính sách lao động trong khu vực kinh tế tư nhân; tổng kết các vấn đề lý luận và thực tiễn 20 năm đổi mới trong lĩnh vực lao động và xã hội phục vụ mục tiêu hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh hội nhập, phát triển kinh tế nhanh và bền vững

 (ii) xây dựng các chiến lược và đề án lớn của ngành: Chiến lược và chương trình Việc làm và Xóa đói giảm nghèo các thời kỳ 1998-2000, 2001-2005 và 2006- 2010;

(iii) cung cấp các bằng chứng khoa học cho việc bổ sung, sửa đổi luật pháp, cơ chế chính sách lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội: Bộ Luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Dạy nghề,…;

 (iv) các nghiên cứu đánh giá hoặc đề xuất thay đổi cơ chế, chính sách: nghiên cứu về tuần làm việc 40 giờ; cơ chế trả lương và quản lý nhà nước về tiền lương đối với doanh nghiệp Nhà nước, khu vực ngoài quốc doanh, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, quản lý nhà nước về công tác dạy nghề, cơ cấu lao động nông thôn; công tác xã hội hóa nguồn lực nhà nước và các tiêu chí xác định hộ nghèo, xã nghèo…;

(v) Viện đã chủ trì xây dựng một số báo cáo quốc gia của Chính phủ: Sáng kiến 20/20 về dịch vụ xã hội cơ bản của Việt Nam; kiểm điểm tình hình thực hiện các cam kết tại Hội nghị thượng đỉnh thế giới Copenhaghen về phát triển xã hội ở Việt Nam…;

 (vi) Hỗ trợ các địa phương và các tổng công ty, cơ sở sản xuất triển khai các chủ trương, luật pháp, chính sách lớn của ngành: quy hoạch ngành Lao động – Thương binh và Xã hội tại một số tỉnh; quy hoạch các cơ sở đào tạo nghề một số tỉnh, thành phố; xây dựng cơ chế trả lương, tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật và chức danh bộ máy quản lý, rà soát định mức lao động; rà soát điều kiện lao động;… ở một số tổng công ty, doanh nghiệp.

 4. Giai đoạn 2008 đến nay

 Nhiệm vụ trọng tâm của nghiên cứu trong thời kỳ này là phục vụ triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X và XI, Viện đã  tham gia xây dựng  Đề án” Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020 (Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 01/6/2012) của Ban chấp hành TW Đảng; Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW (Nghị quyết số 70/NQ-CP ngày1/11/2012).

 Viện đã đấu thầu thành công 04 đề tài nghiên cứu cấp nhà nước về các vấn đề mới phát sinh trong quá trình chuyển sang nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế thuộc lĩnh vực lao động, người có công và xã hội: Phát triển lực lượng lao động và thị trường lao động chuyên môn kỹ thuật cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; Vấn đề lao động nước ngoài ở Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế; Xây dựng hệ thống quan điểm, định hướng hoàn thiện cơ chế, chính sách và giải pháp cụ thể, khả thi cho việc xác lập mô hình và phương pháp định lượng xác định sàn an sinh xã hội giai đoạn 2011-2020; Nghiên cứu nhận dạng các biểu hiện mới, xu hướng vận động của những loại hình tệ nạn xã hội phổ biến ở nước ta trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế và các yêu cầu đối với chính sách mới để quản lý hiệu quả các tệ nạn xã hội.

 Viện cũng chủ trì nhiều nghiên cứu phục vụ công tác rà soát và điều chỉnh luật pháp, chính sách thuộc lĩnh vực lao động, người có công và xã hội: báo cáo “Chính sách dân số, lao động và gia đình” phục vụ đề án Chính sách dân số và lao động;  đề án “Phát triển thị trường lao động Việt Nam đến năm 2020”;  nghiên cứu “Quan hệ tiền lương thấp nhất – trung bình – tối đa” phục vụ đề án cải cách tiền lương giai đoạn 2011-2015; xây dựng và triển khai “Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của ngành LĐ-TB&XH giai đoạn 2011-2015”…).

 Viện chủ động làm đầu mối chủ trì và phối hợp với các cơ quan trong nước và quốc tế khởi thảo một số chương trình nghiên cứu trong lĩnh vực ASXH (mức sống tối thiểu cho mọi người dân); Nghiên cứu phục vụ việc triển khai các chính sách chăm sóc, bảo vệ trẻ em…

 Phục vụ cho việc xây dựng chiến lược và chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020, Viện đã chủ trì các nghiên cứu như: “Xây dựng hệ thống chỉ tiêu theo dõi, đánh giá mức độ bình đẳng giới ở Việt Nam”, “Tác động xã hội của phụ nữ Việt Nam lấy chồng nước ngoài”… Các kết quả nghiên cứu đã đóng góp sửa đổi chính sách thai sản đối với lao động nữ, chính sách tuổi nghỉ hưu dưới khía cạnh bình đẳng giới…

 Viện cũng đã hỗ trợ chuẩn bị các báo cáo kỹ thuật cho Bộ tham gia các hoạt động trong khối ASEAN (Sáng kiến sàn An sinh xã hội của Việt Nam, diễn đàn cấp cao ASEM về Việc làm và Chính sách xã hội, Hội nghị Bộ trưởng ASEM LEMC4.. ); phối hợp với các đơn vị có liên quan chủ trì nội dung của “Diễn đàn ASEM về Lưới an toàn xã hội”.

 Viện tiếp tục hỗ trợ các địa phương và các tổng công ty, cơ sở sản xuất triển khai các chủ trương, luật pháp, chính sách lao động, người có công và xã hội.

 Trong hợp tác quốc tế, Viện đã phát triển quan hệ hợp tác chặt chẽ và lâu dài với các tổ chức quốc tế như: WB, ADB, UNDP, UNICEF, ILO, UN Women, DANIDA (Đan Mạch), Cơ quan hợp tác và phát triển Tây Ban Nha, GIZ, HSF, Viện FES, EVAPLAN (Cộng hoà Liên Bang Đức), Đại học Monash (Úc), Đại học Nihon (Nhật Bản), Tổ chức Manpower (Hoa Kỳ)….

 Tóm lại, qua 35 năm hoạt động, Viện đã từng bước khẳng định vai trò là một Viện nghiên cứu đầu ngành trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội. Nghiên cứu của Viện đã chuyển dần từ nghiên cứu vi mô sang các chính sách ngành, vĩ mô và gắn kết hơn với các nhiệm vụ của ngành. Hoạt động hợp tác nghiên cứu trong và ngoài nước ngày càng được mở rộng, chất lượng các công trình nghiên cứu được nâng cao. Một số công trình nghiên cứu của Viện đã góp phần làm phong phú thêm lý luận và thực tiễn trong các lĩnh vực của ngành; góp phần giải quyết các vấn đề xã hội mới phát sinh thông qua đóng góp vào xây dựng các chiến lược, cơ chế, chính sách, luật pháp, các chương trình mục tiêu về lao động, người có công và xã hội.

Ghi nhận những đóng góp của Viện, liên tục trong nhiều năm Viện đã được tặng cờ thi đua xuất sắc và bằng khen của Bộ; năm 1997, nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày thành lập, Viện đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba; năm 2003, nhân dịp kỷ niệm 25 năm ngày thành lập, Viện vinh dự được tặng thưởng Huân Chương Lao động Hạng Hai; năm 2013, Viện được tặng Huân chương Độc lập Hạng Ba.

 Viện Khoa học Lao động và Xã hội đang nỗ lực không ngừng để đóng góp nhiều hơn nữa các luận cứ khoa học phục vụ cho việc hoạch định chiến lược, chính sách phát triển nguồn nhân lực, lao động, việc làm và ổn định xã hội.

  

  

 tag: tạp gian thiết phân là: gì