Cục bản quyền tác giả

 Cục bản quyền tác giả

BỘ VĂN HÓA THỂ THAO VÀ DU LỊCH

  

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

 Độc lập -Tự do – Hạnh phúc

Số:3954/QĐ-BVHTTDL Hà Nội, ngày 20 tháng 10 năm 2017

 

 QUYẾT ĐỊNH

 Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức

 của Cục Bản quyền tác giả

 

 BỘ TRƯỞNG BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH

 

 Căn cứ Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;

 Căn cứ Nghị định số 79/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch;

 Căn cứ Nghị định số 100/2006/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Dân sự, Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan và Nghị định số 85/NĐ-CP ngày 20 tháng 9 năm 2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2006/NĐ-CP;

 Căn cứ Nghị định số 105/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ; Nghị định số 119/2010/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 105/2006/NĐ-CP;

 Căn cứ Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ; Nghị định số 119/2010/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 105/2006/NĐ-CP;

 Căn cứ Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 08 ngày 09 tháng 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

 Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả và Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,

 QUYẾT ĐỊNH:

 Điều 1. Vị trí và chức năng

 Cục Bản quyền tác giả là tổ chức thuộc Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch có chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng thực hiện quản lý nhà nước về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan và công nghiệp văn hóa trong cả nước theo chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.

 Cục Bản quyền tác giả có con dấu riêng, có tài khoản tại Kho bạc Nhà nước.

 Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn

 1. Trình Bộ trưởng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, cơ chế, chính sách, kế hoạch về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan và phát triển công nghiệp văn hóa; dự thảo phương án đàm phán các Điều ước quốc tế, cam kết quốc tế, chương trình hợp tác quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan, công nghiệp văn hóa và tổ chức thực hiện sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

 2. Trình Bộ trưởng quy định về việc phát triển công nghiệp văn hóa; cung cấp, hợp tác, đặt hàng và đảm bảo quyền tác giả đối với tác phẩm, quyền liên quan đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt.

 3. Tổ chức thực hiện các biện pháp phát triển công nghiệp văn hóa; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, tổ chức, cá nhân về quyền tác giả, quyền liên quan.

 4. Quản lý quyền tác giả đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học, quyền liên quan đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng thuộc Nhà nước theo quy định của pháp luật.

 5. Xây dựng và quản lý bộ máy về quyền tác giả, quyền liên quan, về công nghiệp văn hóa; tổ chức bồi dưỡng cán bộ về quyền tác giả, quyền liên quan, phát triển công nghiệp văn hóa.

 6. Hướng dẫn nghiệp vụ bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan và phát triển công nghiệp văn hóa cho cán bộ, công chức, viên chức của các Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, các ngành, địa phương, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội.

 7. Quản lý các hoạt động của các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan theo quy định của pháp luật

 8. Quản lý hoạt động giám định quyền tác giả, quyền liên quan, hoạt động đại diện, tư vấn dịch vụ về quyền tác giả, quyền liên quan theo quy định của pháp luật.

 9. Cấp, cấp lại, đổi, huỷ bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan.

 10. Phối hợp tổ chức hoạt động giáo dục, tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, cơ chế, chính sách về quyền tác giả, quyền liên quan và phát triển công nghiệp văn hóa.

 11. Tổ chức các hoạt động thông tin, thống kê, xuất bản Niên giám đăng ký về quyền tác giả, quyền liên quan và về công nghiệp văn hóa.

 12. Giải quyết khiếu nại, tố cáo về quyền tác giả, quyền liên quan theo quy định của pháp luật.

 13. Đề xuất khen thưởng các tổ chức và cá nhân có thành tích trong công tác bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan và phát triển công nghiệp văn hóa theo quy định của pháp luật.

 14. Thực hiện hợp tác quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan và công nghiệp văn hóa theo quyết định của Bộ trưởng.

 15. Giúp Bộ trưởng phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng các chủ trương, chính sách, pháp luật chung về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, tổng hợp thông tin chung về sở hữu trí tuệ, thực hiện các dự án hợp tác quốc tế chung về sở hữu trí tuệ và các công việc chung khác có liên quan.

 16. Giúp Bộ trưởng chủ trì và phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng các chủ trương, chính sách pháp luật chung về phát triển công nghiệp văn hóa, tổng hợp thông tin chung về công nghiệp văn hóa, thực hiện các dự án hợp tác quốc tế chung về phát triển công nghiệp văn hóa.

 17. Thực hiện các nội dung cải cách hành chính theo chương trình, kế hoạch của Bộ.

 18. Quản lý tổ chức bộ máy, biên chế, thực hiện chính sách, chế độ với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc phạm vi quản lý Cục; quản lý, sử dụng tài chính, tài sản và các nguồn lực khác được giao quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ trưởng.

 19. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Bộ trường giao.

 Điều 3. Cơ cấu tổ chức

 1. Cục trưởng, các Phó Cục trưởng.

 2. Các phòng chuyên môn, nghiệp vụ:

 a) Văn phòng Cục;

 b) Phòng Quản lý quyền tác giả, quyền liên quan;

 c) Phòng Đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan;

 d) Phòng Thông tin và Hợp tác quốc tế;

 đ) Phòng Quản lý công nghiệp văn hóa;

 e) Văn phòng đại diện Cục Bản quyền tác giả tại TP Hồ Chí Minh;

 g) Văn phòng đại diện Cục Bản quyền tác giả tại TP Đà Nẵng.

 Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao của Cục; có trách nhiệm quy định chức năng nhiệm vụ cụ thể của các phòng, tổ chức trực thuộc; sắp xếp, bố trí công chức theo cơ cấu chức danh và tiêu chuẩn nghiệp vụ; xây dựng và ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Cục.

 Điều 4. Hiệu lực thi hành

 Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký, thay thế Quyết định số 1436/QĐ-BVHTTDL ngày 06/5/2015 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Bản quyền tác giả.

 Điều 5. Trách nhiệm thi hành

 Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Nơi nhận:

 – Như điều 5;

 – Bộ trưởng và các Thứ trưởng;

 – Các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ;

 – Cổng Thông tin điện tử Bộ;

 – Lưu: VT, Vụ TCCB, Hồ sơ nội vụ, 100.

BỘ TRƯỞNG

  

 Đã ký

  

  

 Nguyễn Ngọc Thiện

 

 

 Ngày 20 tháng 2 năm 1987, Hãng bảo hộ Quyền tác giả Việt Nam, tiền thân của Cục Bản quyền tác giả được thành lập. Trong bối cảnh đất nước bước vào thực hiện công cuộc đổi mới, những người chuẩn bị và đưa ra quyết định thành lập Hãng bảo hộ Quyền tác giả đã thấy được vai trò của quyền sở hữu trí tuệ trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội của Việt Nam. Đó là lựa chọn đúng đắn để hướng tới văn minh nhân loại. Sự ra đời của Cục Bản quyền tác giả gắn liền với chính sách phát triển sở hữu trí tuệ Việt Nam, vì vậy những thành tựu của sự nghiệp bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước trong 25 năm qua có sự đồng hành của cơ quan quản lý là Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

 Hai mươi lăm năm là khoảng thời gian chưa dài của một tổ chức, nhưng là một chặng đường không ngắn để đặt dấu ấn vào lịch sử công tác bảo hộ quyền tác giả ở Việt Nam. Trải qua hai mươi lăm năm xây dựng và trưởng thành, Cục Bản quyền tác giả đã có những đóng góp không nhỏ vào những thành tựu đạt được trong công tác bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, trong đó có quyền tác giả, quyền liên quan của đất nước.

 Hệ thống pháp luật được hình thành, điều chỉnh hầu hết các quan hệ xã hội liên quan đến hoạt động sáng tạo, bảo hộ quyền đối với tài sản do công dân tạo ra

 Cục Bản quyền tác giả đã chủ trì và phối hợp với các tổ chức, cơ quan tổ chức nghiên cứu, xây dựng và trình các cấp có thẩm quyền ban hành trên 30 loại văn bản quy phạm pháp luật, với tổng số trên 620 điều luật. Đây là khối lượng công việc đã được ghi nhận tại các văn bản pháp luật từ các quy định tại Hiến pháp, Bộ luật Dân sự, Luật Hành chính, Bộ luật Hình sự, Luật Sở hữu trí tuệ, các luật chuyên ngành báo chí, xuất bản, điện ảnh, di sản, quảng cáo, hải quan cùng các Chỉ thị, Nghị định và các Thông tư. Khối lượng các điều khoản về quyền tác giả, quyền liên quan chứa đựng các nội dung rất mới mẻ, chưa có tiền lệ và đặc biệt phức tạp.

 Các văn bản pháp luật nêu trên được ban hành và sửa đổi phù hợp với tình hình mới, đủ sức để bảo hộ thành quả của lao động sáng tạo tại quốc gia và hội nhập quốc tế, vì vậy đã góp phần quan trọng khẳng định chính sách sở hữu trí tuệ của Việt Nam và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Hiện tại có 226 Điều luật đang có hiệu lực thi hành trên phạm vi cả nước. Các công việc lập pháp nêu trên là thành quả của quá trình thể chế hóa hiến pháp qua các thời kỳ.

 Tham gia 8 Điều ước quốc tế song phương và đa phương về quyền tác giả, quyền liên quan, đưa Việt Nam hội nhập sâu rộng vào cộng đồng quốc tế:

 Năm Công ước và Hiệp ước quốc tế gồm: Berne, Rome, Geneva, TRIPs, Brussel bảo hộ tác phẩm văn học nghệ thuật, khoa học và các cuộc biểu diễn, bản ghi âm, chương trình máy tính, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa, đã lần lượt có hiệu lực tại Việt Nam. Trong đó Công ước Berne có hiệu lực trước tiên vào ngày 26/4/2004, Hiệp định TRIPs về các khía cạnh thương mại của quyền sở hữu trí tuệ có hiệu lực ngày 11 tháng 01 năm 2007 đồng thời với thời điểm Việt Nam là thành viên của WTO.

 Ba điều ước quốc tế song phương gồm Hiệp định thiết lập quan hệ quyền tác giả và Hiệp định thương mại với Hoa Kỳ, Hiệp đinh bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ với Liên bang Thụy Sĩ cũng đã lần lượt có hiệu lực tại các quốc gia ký kết. Ngoài ra, tại các Hiệp định đa phương và song phương về kinh tế, thương mại, đầu tư, dịch vụ v.v… mà Việt Nam đã ký kết, tham gia cũng bao gồm các cam kết về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, trong đó có quyền tác giả, quyền liên quan như Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản hoặc Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương mà Việt Nam đang tham gia đàm phán cùng 8 quốc gia khác.

 Các Điều ước và Hiệp ước quốc tế, Hiệp định nêu trên có khoảng trên 200 điều luật, là những quy định về quyền và nghĩa vụ của các bên. Công dân và pháp nhân các quốc gia thành viên phải có nghĩa vụ khi khai thác các quyền tác giả, quyền liên quan của công dân và pháp nhân Việt Nam, ngược lại công dân và pháp nhân Việt Nam phải thực hiện nghĩa vụ pháp lý khi khai thác, sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan của công dân và pháp nhân của các quốc gia thành viên liên quan.

 Các Công ước và Hiệp ước quốc tế nêu trên đã và đang tác động sâu sắc đến toàn bộ đời sống văn học, nghệ thuật của Việt Nam, với những diễn biến tích cực và cả những hạn chế.

 Hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật được triển khai với nhiều hình thức phong phú, đa dạng đã góp phần nâng cao nhận thức tư tưởng, hiểu biết về quyền tác giả, quyền liên quan

 Có tổng số 50 Cuốn sách đã được xuất bản với các nội dung là văn bản pháp luật quốc gia và quốc tế. Các sách nghiên cứu, tham khảo, phổ cập về quyền tác giả, quyền liên quan đã được xuất bản, phát hành tới các đối tượng. Các Điều ước quốc tế, pháp luật của Việt Nam và luật pháp của một số quốc gia như Luật Bản quyền Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, Luật Bản quyền của Liên Bang Thụy Sĩ cũng đã được dịch sang tiếng Việt để xuất bản và phát hành tới các đối tượng.

 Bộ niên giám đăng ký quyền tác giả được hệ thống hóa và xuất bản thường niên sau mỗi năm thực hiện việc cấp Giấy chứng nhận. Số liệu đăng ký từ 1987 đến nay được số hóa chuyển lên website quyền tác giả Việt Nam. Bộ niên giám công khai hóa dữ liệu đăng ký hàng năm, góp phần hỗ trợ công dân và các tổ chức khai thác, sử dụng tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, chương trình phát sóng, đồng thời là dữ liệu để công dân có thể phát hiện các trường hợp xâm phạm quyền của tổ chức, công dân khác để nộp hồ sơ đăng ký.

 Bộ tranh truyện bản quyền được xuất bản lần đầu tiên với 5 tập liên quan đến việc lựa chọn nghệ nghiệp trong các lĩnh vực sáng tạo, đến quyền của người biểu diễn, quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, quyền của tổ chức phát sóng và trong môi trường số. Với các nhân vật nhỏ tuổi được hóa thân trong “Chì tẩy”, “Latop”, “Aten” là các công cụ truyền thống và thiết bị hiện đại hỗ trợ hoạt động sáng tạo, tìm hiểu luật sở hữu trí tuệ. Dr.Tễu là nhân vật dân gian được hóa thân trong vai trò tiến sĩ, luật sư sở hữu trí tuệ, tư vấn về việc lựa chọn ngành nghề và giải đáp thắc mắc cho các em tình hiểu luật sở hữu trí tuệ. Sách được in 50 nghìn bản, với màu sắc rực rỡ, hài hòa, phát hành đến thư viện các tỉnh, thành phố phục vụ học sinh từ độ tuổi lớp 3 trở lên và những người quan tâm khác.

 100.000 tờ rơi đã được xuất bản để phát hành trong các trường đại học và cao đẳng với các trích dẫn Nghị quyết của Đảng và các điều luật quan trọng, nhằm phổ biến kiến thức cho sinh viên.

 Website quyền tác giả Việt Nam với hệ thống dữ liệu đầy đủ về luật pháp, về tổ chức quản lý và thực thi quyền tác giả, quyền liên quan của quốc gia và quốc tế, đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, tìm hiểu của công dân Việt Nam cũng như người nước ngoài, với hai thứ tiếng gồm tiếng Việt và tiếng Anh. Các hoạt động trong nước và quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan được thông tin kịp thời, bằng ngôn ngữ văn tự và bằng cả âm thanh, hình ảnh.

 Bộ phim tư liệu về “trí tuệ Việt Nam thông điệp từ những di sản” là những tác phẩm điện ảnh giới thiệu về kiến trúc, điêu khắc cổ, về di sản vật thể và phi vật thể được bảo hộ quyền tác giả như hát sẩm, chèo truyền thống, văn hóa phồn thực, văn hóa rượu v.v… ; góp phần bảo tồn và phát triển văn học nghệ thuật dân gian được bảo hộ theo luật sở hữu trí tuệ.

 Hệ thống dữ liệu của Website và các thông tin cập nhật được thực hiện bởi đội ngũ cán bộ và công chức Cục Bản quyền tác giả, với sự hợp tác của các chuyên gia liên quan.

 Các hoạt động chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai và kiểm tra thi hành luật pháp quốc gia và các điều ước quốc tế đã được thực hiện thường xuyên trên phạm vi toàn quốc

 Các văn bản quy phạm pháp luật được phổ biến kịp thời, ngay sau khi được các cấp có thẩm quyền ký ban hành, thông qua các cuộc họp báo, đưa tin trên trang web quyền tác giả Việt Nam, in sách phát hành tới các đối tượng. Các hội nghị tập huấn triển khai thi hành được tổ chức trong phạm vi toàn quốc cho giới sáng tạo, nhà khai thác, sử dụng, các cơ quan quản lý và thực thi thuộc Trung ương và địa phương. Các hội thảo thực thi về bản quyền trong các lĩnh vực như báo chí, xuất bản, điện ảnh, mỹ thuật tạo hình, sân khấu, di sản văn hóa, quảng cáo, trong các trường đại học và cao đẳng cũng đã được tổ chức thực hiện. Các hội thảo thực thi chuyên sâu cho các loại hình được bảo hộ như sách dịch, chương trình máy tính, bản ghi âm, sao chép điện tử, trong môi trường kỹ thuật số…v.v, cũng đã được tổ chức thực hiện. Các hội thảo liên quan đến chuyên môn, nghiệp vụ cấp phép, thu và phân phối tiền bản quyền, quản lý dữ liệu và quản trị hoạt động của các tổ chức quản lý tập thể cũng đã được triển khai. Đồng thời với các hội thảo trên liên quan đến quản lý và thực thi, là các hội thảo liên quan đến chiến lược, cơ chế, chính sách về sở hữu trí tuệ nói chung, quyền tác giả, quyền liên quan nói riêng cũng được tổ chức, để phân tích toàn cảnh về tình trạng bảo hộ, dự báo xu hướng phát triển ở lĩnh vực này. Các hội thảo trên là các hội thảo quốc gia, hoặc hội thảo quốc tế được tổ chức tại Việt Nam với sự hỗ trợ của WIPO, CISAC, IFPI và các tổ chức quốc tế và các quốc gia khác.

 Trong 25 năm Cục Bản quyền tác giả đã chủ trì và phối hợp với các tổ chức, thực hiện 115 lượt hội thảo, lớp tập huấn, với sự tham dự của hàng nghìn lượt người.

 Hình thành hệ thống quản lý tập thể quyền tác giả, quyền liên quan để góp phần thực hiện vai trò tự quản lý quyền của các chủ thể

 Hệ thống tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả, quyền liên quan được hình thành với 4 tổ chức gồm: Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) quản lý quyền của các nhà soạn nhạc, soạn lời; Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV) quản lý quyền của nhà sản xuất bản ghi âm; Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả văn học Việt Nam (VLCC) quản lý quyền của tác giả tác phẩm văn học; Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam (VIETTRO) quản lý quyền sao chép. Đây là loại hình tổ chức lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam, sau các chuyến nghiên cứu, khảo sát hoạt động và kinh nghiệm từ các nước có nền công nghiệp bản quyền phát triển, và sau nhiều hội nghị, hội thảo được tổ chức. Là tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận, thực hiện ủy thác quyền từ các chủ sở hữu, các tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả, quyền liên quan tiến hành các công việc cấp phép sử dụng quyền, thu và phân phối tiền bản quyền cho các chủ thể quyền đã ủy thác.

 Các tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả, quyền liên quan đã có nhiều cố gắng để thực hiện sứ mệnh của mình, có tổ chức hoạt động mang lại hiệu quả thiết thực như VCPMC.  Tính đến hết năm 2011, VCPMC đã thu hơn 101 tỷ đồng tiền sử dụng tác phẩm âm nhạc. Hiện tại, các tổ chức này đang đứng trước tình trạng bất hợp tác, trốn tránh nghĩa vụ pháp lý khi khai thác sử dụng tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, chương trình phát sóng của nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân.

 Tất cả các hoạt động từ việc ký hợp đồng ủy thác quyền, cấp phép sử dụng quyền, thu và phân phối tiền, bảo vệ quyền lợi của hội viên có quyền được khai thác sử dụng ở nước ngoài và ngược lại, cũng như các hoạt động quản trị đều là những công việc mới mẻ, chưa có tiền lệ, vì vậy các tổ chức quản lý tập thể phải học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia để thực hiện vai trò của mình.

 Tổ chức bộ máy cuả Cục Bản quyền tác giả được tăng cường với đội ngũ cán bộ, công chức được đào tạo cơ bản, từng bước đáp ứng yêu cầu quản lý, thực thi luật pháp quốc gia và quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan

 Ngày đầu tiên, với 4 biên chế nhưng phải đảm đương toàn bộ các công việc từ nghiên cứu xây dựng pháp luật đến tổ chức, hành chính, văn thư hậu cần. Đến nay, Cục Bản quyền tác giả đã có bộ máy tổ chức tương đối hoàn thiện, với tổng số 25 cán bộ, công chức trong biên chế để thực hiện vai trò quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan. Văn phòng Cục, Phòng Quyền tác giả, Phòng Quyền liên quan, Phòng Thông tin là 4 tổ chức chuyên môn thực hiện chức năng tham mưu và thi hành công vụ quản lý hành chính nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan. Văn phòng đại diện tại thành phố Hồ Chí Minh và Văn phòng đại diện tại thành phố Đà Nẵng, là 2 tổ chức đại diện của Cục Bản quyền tác giả tại 2 khu vực miền Nam và miền Trung. Website quyền tác giả Việt Nam là kênh thông tin và công cụ quan trọng, hữu hiệu để chỉ đạo hướng dẫn các hoạt động quyền tác giả, quyền liên quan theo thẩm quyền của Cục Bản quyền tác giả.

 Trong những năm qua, Cục Bản quyền tác giả đã coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức ở các chức danh khác nhau. Đó là các khóa đào tạo về lý luận chính trị, quản lý hành chính theo tiêu chuẩn chức danh công chức nhà nước, tham gia các chương trình đào tạo do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) và các tổ chức quốc tế liên quan tổ chức. Hầu hết cán bộ, công chức làm nhiệm vụ quản lý quyền tác giả, quyền liên quan sử dụng được tiếng Anh trong các diễn đàn quốc tế, dịch tài liệu liên quan, một số người có hai ngoại ngữ. Một số cán bộ, công chức đã tham gia các đoàn đàm phán Chính phủ của các Hiệp định có cam kết về quyền tác giả, quyền liên quan. 30% cán bộ, công chức làm công tác quản lý hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan có trình độ tiến sĩ và thạc sĩ. Cục Bản quyền tác giả có 15 Đảng viên với 1 Chi Bộ Đảng, 1 tổ chức Công đoàn và 1 Chi đoàn Thanh niên, đóng vài trò quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị do Đảng và Nhà nước giao.

 

 Cục Bản quyền tác giả

 Giấy phép số: 105/GP-BC, Ngày 10/03/2004. Chịu trách nhiệm: Lê Hồng Phong

 Trụ sở: Số 33 Ngõ 294/2 Kim Mã, Quận Ba Đình, TP.Hà Nội

 Điện thoại: 024.38 234 304 ; Fax: 024.38 432 630; Email: cbqtg@hn.vnn.vn

 Tại TP Hồ Chí Minh tphcm  : 170 Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3, Điện thoại: 028. 39 308 086; Fax: 028. 39 308 087; Email: covhcm@vnn.vn

 Tại TP Đà Nẵng: Số 58 Phan Chu Trinh, Quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng. ĐT: 023.63 606 967; Email: covdanang@vnn.vn

 Website được thiết lập bởi Chương trình hợp tác đặc biệt về sở hữu trí tuệ giữa Việt Nam và Thụy Sỹ (SPC)

 Nâng cấp tháng 12 năm 2017