Thành Lập Phòng Khám Tư Nhân

 I. Về đối tượng được thành lập phòng khám tư nhân

 – Theo quy định này, bác sĩ bệnh viện công vẫn được phép mở các phòng khám tư nhân như phòng khám răng, khám nhi, khám đa khoa, sản phụ khoa…

 – Tuy nhiên, bác sĩ bệnh viện công không được phép đứng ra thành lập, quản lý các bệnh viện tư nhân hoạt động theo hình thức doanh nghiệp, hợp tác xã.

 II. Thủ tục thành lập phòng khám tư nhân

 Bước 1: Thành lập hộ kinh doanh, kinh doanh ngành nghề khám chữa bệnh.

 – Bạn nộp hồ sơ thành lập hộ kinh doanh tại UBND huyện nơi bạn đăng ký thường trú.

 – Thời gian giải quyết: 3 ngày làm việc kể từ ngày hồ sơ được nộp hợp lệ.

 Bước 2. Xin Giấy phép hoạt động.

 – Bạn chuẩn bị một bộ hồ sơ và nộp tại Sở y tế nơi bạn đặt phòng khám tư nhân, gồm có:

 + Đơn đề nghị cấp giấy phép hoạt động theo mẫu quy định tại Phụ lục 13;

 + Bản sao có chứng thực quyết định thành lập đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân hoặc giấy chứng nhận đầu tư đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có vốn đầu tư nước ngoài;

 + Bản sao có chứng thực chứng chỉ hành nghề của tất cả người hành nghề;

 + Danh sách người đăng ký hành nghề của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo mẫu quy định tại Phụ lục 6;

 + Bản kê khai cơ sở vật chất, thiết bị y tế, của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo mẫu quy định tại Phụ lục 14;

 + Hồ sơ nhân sự của người làm việc chuyên môn y tế tại cơ sở nhưng không thuộc diện phải cấp chứng chỉ hành nghề;

 + Tài liệu chứng minh cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đáp ứng điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị y tế, tổ chức nhân sự phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn của một trong các hình thức tổ chức quy định tại Mục 1 Chương III Thông tư 41/2014/TT-BYT;

 + Dự kiến phạm vi hoạt động chuyên môn: Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đề xuất phạm vi hoạt động chuyên môn, danh mục kỹ thuật dự kiến thực hiện trên cơ sở danh mục kỹ thuật chuyên môn do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành.

 – Thời gian giải quyết:

 + Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Sở Y tế sẽ xem xét thẩm định hồ sơ và thẩm định tại cơ sở xin cấp Giấy phép hoạt động:

 +Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ thì trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày ghi trên Phiếu tiếp nhận hồ sơ, Sở Y tế phải có văn bản thông báo cho cơ sở xin cấp giấy phép hoàn chỉnh hồ sơ. Thời gian giải quyết thủ tục sẽ tính từ ngày nhận đủ hồ sơ bổ sung.

 + Trường hợp hồ sơ đã đầy đủ và hợp lệ, Sở Y tế thành lập đoàn thẩm định và tiến hành thẩm định tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để cấp giấy phép hoạt động.

 III. Hồ sơ thành lập phòng khám

 * Hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận hành nghề – y tư nhân đối với hộ kinh doanh cá thể:

 – Đơn đề nghị cấp GCNHN-YTƯ NHÂN;

 – Bản photo hợp pháp chứng chỉ hành nghề y tư nhân;

 – Bản photo hợp pháp giấy chứng nhận ĐKKD;

 – Bản kê khai danh sách nhân sự, trang thiết bị chuyên môn, cơ sở vật chất kỹ thuật;

 – Bản cam kết thực hiện đúng quy định pháp luật về giá;

 – Ảnh chụp biển hiệu cơ sở;

 – 3 ảnh cá nhân cỡ 3cm x 4cm;

 *Hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện mở phòng khám đa khoa tư nhân (PKĐK)

 1- Đơn đề nghị cấp GCNHN-YTN mô hình PKĐK.

 2- Bản photo hợp pháp chứng chỉ hành nghề của trưởng PKĐK.

 3- Bản photo hợp pháp giấy chứng nhận .

 4- Đề án hoạt động của PKĐK ( Tóm tắt về tổ chức nhân sự có danh sách trích ngang kèm theo- hoạt động chuyên môn – trang thiết bị y tế – điều kiện phòng cháy chữa cháy – bảo vệ vệ sinh môi trường của phòng khám).

 5- Hồ sơ cá nhân của các bác sỹ phụ trách các phòng khám chuyên khoa hoạt động trong PKĐK.

 6- (Trong các hồ sơ này có bản đề xuất danh sách nhân sự của phòng khám chuyên khoa)

 7- 1 ảnh chụp biển hiệu của PKĐK.

 8- 3 ảnh cá nhân 3cm x 4cm.

 IV. Điều kiện thành lập phòng khám bệnh

 Theo quy định tại Điều 42 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009 thì để mở được một phòng khám tư nhân cần đáp ứng hai điều kiện sau:
Thứ nhất, được thành lập hợp pháp

 Phòng khám tư nhân được thành lập hợp pháp theo luật định thì phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận được phép đầu tư vào Việt Nam.

 Thứ hai, được phép hoạt động

 Phòng khám tư nhân phải có Giấy phép hoạt động do Giám đốc Sở Y tế cấp. Để được cấp giấy phép hoạt động thì phòng khám tư nhân phải đáp ứng những điều kiện chung sau:

 + Đáp ứng được đầy đủ các quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành về cơ sở khám, chữa bệnh.

 + Có đủ số lượng người hành nghề phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn

 + Người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của phòng khám tư nhân phải có ít nhất 36 tháng hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.

 Ngoài điều kiện chung thì đối với từng loại hình phòng khám tư nhân cần đáp ứng thêm những điều kiện cụ thể như:

 + Đối với phòng khám đa khoa:

 Quy mô: có bộ phận xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh phải có ít nhất 02 chuyên khoa thuộc một trong các khoa sau: khoa nội, khoa ngoại, khoa sản, khoa nhi.

 Cơ sở vật chất: tất cả các phòng khám, chữa bệnh trong phòng khám đa khoa như nơi để cấp cứu, nơi lưu trú của bệnh nhân, nơi thực hiện tiểu phẫu (nếu có) và phòng khám chuyên khoa phải đủ diện tích tối thiểu để thực hiện kỹ thuật chuyên môn.

 Thiết bị y tế: Có đủ thuốc cấp cứu chuyên khoa và hộp thuốc chống sốc.

 Nhân sự: Số bác sỹ khám chữa bệnh hành nghề, làm việc cố định tại phòng khám đa khoa phải chiếm ít nhất 1/2 tổng số bác sỹ hành nghề khám chữa bệnh tại phòng khám đa khoa. Người phụ trách các phòng khám chuyên khoa, phụ trách bộ phận xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh tại phòng khám đa khoa phải là bác sỹ hành nghề hữu cơ.

 + Đối với phòng khám chuyên khoa:

 Cơ sở vật chất: Phải có 02 phòng riêng biệt để thực hiện kỹ thuật nội soi tiêu hóa trên và nội soi tiêu hóa dưới (nếu phòng khám đăng ký thực hiện cả hai kỹ thuật này). Hoặc phải có phòng (hay khu vực) riêng biệt đủ diện tích để thực hiện thủ thuật nếu làm kỹ thuật cấy ghép răng, châm cứu, xoa bóp day ấn huyệt. Hoặc phải có bộ phận xét nghiệm sinh hóa nếu khám điều trị bệnh nghề nghiệp.

 Thiết bị y tế: Có đủ thuốc cấp cứu chuyên khoa và hộp thuốc chống sốc.

 Người đứng đầu phòng khám chuyên khoa phải có bằng cấp chuyên môn phù hợp với phòng khám chuyên khoa đã đăng ký.

 + Đối với phòng khám bác sỹ gia đình:

 Thiết bị y tế: có đầy đủ các loại thuốc, thiết bị và dụng cụ y tế đáp ứng được chuyên môn mà phòng khám hoạt động.

 Người đứng đầu phòng khám chuyên khoa phải có bằng cấp chuyên môn của phòng khám bác sỹ gia đình.

 + Đối với phòng chẩn trị y học cổ truyền:

 Cơ sở vật chất: Phải có phòng chẩn trị đủ diện tích theo luật định và có nơi đón tiếp người bệnh

 Thiết bị y tế: có đủ thuốc để thực hiện việc khám bệnh, kê đơn, bốc thuốc (nếu có) hay thực hiện việc châm cứu, xoa bóp, ấn huyệt

 Người đứng đầu phòng chẩn trị y học cổ truyền phải có bằng cấp chuyên môn mà phòng khám đã đăng ký và có đủ thời gian thực hành theo luật định.

 Đặc biệt chú ý về điều kiện được phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh của người mở phòng khám tư nhân (người đứng đầu phòng khám) hoặc những người làm việc cơ hữu tại phòng khám phải có chứng chỉ hành nghề. Những điều kiện để được cấp chứng chỉ hành nghề gồm:

 + Có văn bằng chuyên môn liên quan đến y tế được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở Việt Nam cấp hoặc công nhận.

 + Ngoại trừ lương y, người khám, chữa bệnh có phương pháp gia truyền hay có bài thuốc gia truyền thì để được cấp chứng chỉ cần có văn bản xác nhận thời gian thực hành về cả trình độ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp.

 + Có đủ điều kiện về sức khỏe để hành nghề khám bệnh, chữa bệnh,

 + Không thuộc trường hợp bị Tòa án ra quyết định, bản án mà có nội dung cấm hành nghề, làm việc chuyên môn về y, dược; vi phạm hành chính hay vi phạm hình sự mà đang trong thời gian truy tố, xét xử hay thực hiện án phạt tù, bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục, chữa bệnh; vi phạm và đang trong thời gian bị xử lý kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên; bị Tòa án tuyên là mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.

 + Nếu trong trường hợp là người nước ngoài hay người Việt Nam định cư ở nước ngoài nay về Việt Nam thành lập phòng khám tư nhân thì cần đáp ứng thêm điều kiện: sử dụng được ngôn ngữ Việt Nam trong việc khám bệnh, chữa bệnh; có lý lịch tư pháp của cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại nước sở tại cấp; có giấy phép lao động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại Việt Nam cấp.

  

  

  

  

 Tag: nha đông vực hướng dẫn dịch vụ hàm mặt kế hoạch mỹ cách tự