Thủ tục thành lập cơ sở bảo trợ xã hội

 Thủ tục thành lập cơ sở bảo trợ xã hội

 Các cơ sở mái ấm tình thương là một trong cơ sở bảo trợ xã hội. Vậy để thành lập cơ sở mái ấm cần thực hiện thủ tục sau:

 a) Trình tự thực hiện:

 – Đối với đối tượng thực hiện TTHC: Cơ quan, đơn vị đề nghị thành lập cơ sở bảo trợ xã hội lập hồ sơ theo quy định, gửi đến Phòng Nội vụ.

 – Đối với cơ quan thực hiện TTHC: Cơ quan tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ.

 + Nếu hồ sơ không hợp lệ, cơ quan hướng dẫn đối tượng bổ sung cho đầy đủ.

 + Nếu hồ sơ hợp lệ, cơ quan cấp giấy biên nhận cho đối tượng thực hiện TTHC.

 Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Phòng Nội vụ tiến hành thẩm định hồ sơ theo quy định và trình Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định thành lập cơ sở bảo trợ xã hội.

 Trường hợp khi thẩm định xác định hồ sơ đề nghị thành lập cơ sở bảo trợ xã hội không đủ điều kiện theo quy định thì phải trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do không đủ điều kiện thành lập cơ sở bảo trợ xã hội trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

 b) Cách thức thực hiện: Nộp hồ sơ trực tiếp tại trụ sở cơ quan.

 c) Thành phần, số lượng hồ sơ:

 – Thành phần hồ sơ:

 + Đơn đề nghị thành lập cơ sở bảo trợ xã hội (theo Mẫu số 5 ban hành tại Phụ lục kèm theo Nghị định số 81/2012/NĐ-CP của Chính phủ).

 + Đề án thành lập (theo Mẫu số 2 ban hành tại Phụ lục kèm theo Nghị định số 81/2012/NĐ-CP của Chính phủ).

 + Giấy tờ hợp pháp về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở hoặc tài sản gắn liền với đất phục vụ cho hoạt động của cơ sở bảo trợ xã hội.

 + Quy chế hoạt động của cơ sở bảo trợ xã hội (theo Mẫu số 3 ban hành tại Phụ lục kèm theo Nghị định số 81/2012/NĐ-CP của Chính phủ).

 + Lý lịch trích ngang của người dự kiến làm giám đốc cơ sở bảo trợ xã hội, có xác nhận của UBND cấp xã nơi cư trú hoặc tổ chức thành lập cơ sở bảo trợ xã hội.

 + Có ý kiến bằng văn bản của UBND cấp xã, trong đó nêu rõ đồng ý hay không đồng ý nơi cơ sở bảo trợ xã hội đặt trụ sở hoạt động.

 + Văn bản thẩm định và đề nghị của tổ chức, đoàn thể, tôn giáo cấp tỉnh nếu là cơ sở bảo trợ xã hội của tổ chức, đoàn thể, tôn giáo thuộc thẩm quyền quyết định của UBND cấp tỉnh.

 – Số lượng hồ sơ: 01 bộ.

 d) Thời hạn giải quyết: 30 ngày làm việc.

 đ) Đối tượng thực hiện TTHC: Các tổ chức, cá nhân thành lập cơ sở bảo trợ xã hội.

 e) Cơ quan thực hiện TTHC: Phòng Nội vụ (UBND cấp huyện).

 g) Kết quả thực hiện TTHC: Quyết định thành lập cơ sở bảo trợ xã hội.

 h) Lệ phí: Không.

 i) Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai: Quy định tại Phụ lục kèm theo Nghị định số 81/2012/NĐ-CP của Chính phủ:

 + Đơn đề nghị thành lập cơ sở bảo trợ xã hội Mẫu số 5;

 + Đề án thành lập cơ sở bảo trợ xã hội Mẫu số 2;

 + Quy chế hoạt động của cơ sở bảo trợ xã hội Mẫu số 3.

 k) Yêu cầu, điều kiện thực hiện TTHC: Cơ sở bảo trợ xã hội phải đáp ứng các điều kiện về môi trường, cơ sở vật chất, cán bộ nhân viên và tiêu chuẩn chăm sóc đối tượng theo quy định tại Chương II của Nghị định số 68/2008/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 04/2011/TT-BLĐTBXH ngày 25/02/2011 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

 l) Căn cứ pháp lý:

 + Nghị định 68/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ quy định điều kiện, thủ tục thành lập, tổ chức, hoạt động và giải thể cơ sở bảo trợ xã hội.

 + Nghị định số 81/2012/NĐ-CP ngày 08/10/2012 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2008/NĐ-CP.

 + Thông tư số 04/2011/TT-BLĐTBXH ngày 25/02/2011 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định tiêu chuẩn chăm sóc tại các cơ sở bảo trợ xã hội.