Tìm Hiểu Lịch Sử – Nhà Ngô

 Nhà Ngô 26 năm (939-965), kinh đô Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội)

 Năm 938, Ngô Quyền tập hợp lực lượng từ Ái châu ra đánh Kiều Công Tiễn. Công Tiễn sai sứ sang nước Nam Hán xin quân cứu viện. Vua Nam Hán là Lưu Nghiễm cho con là Vạn vương Hoằng Tháo đem quân sang cứu, tự mình đóng quân làm thanh viện. Ngô Quyền hạ thành Đại La, giết Công Tiễn rồi bày trận trên sông Bạch Đằng đón quân Nam Hán.

 Tháng 11 năm 938, quân Hoằng Tháo bị Ngô Quyền đánh tan trong trận Bạch Đằng. Hoằng Tháo bị giết chết. Năm 939, Ngô Quyền lên ngôi, tức là Tiền Ngô Vương, đóng đô ở Cổ Loa, lập Dương thị làm hoàng hậu

 1. Ngô Vương (Ngô Quyền 939-944)

 Ngô Quyền sinh ngày 12 tháng 3 năm Đinh Tỵ (897) ở Đường Lâm (thuộc huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây ngày nay), cha là Ngô Mân, một hào trưởng có tài đức.

 Ngô Quyền thông minh, khôi ngô, mắt sáng như chớp, văn võ toàn tài, được Dương Đình Nghệ tin yêu, gả con gái là Dương Thị Ngọc và giao cho Ngô Quyền cai quản đất ái Châu (Thanh Hóa).

 Khi nghe tin bố vợ bị Kiều Công Tiễn giết hại, Nhà Nam Hán lại cho con là Vạn Vương Hoàng Thao đưa quân sang xâm lược nước ta. Ngô Quyền đã nhanh chóng tập hợp lực lượng, đem quân giết chết tên phản bội Kiều Công Tiễn và đón đánh quân Nam Hán.

 Để đánh thắng quân xâm lược Nam Hán, ông cho bố trí một trận địa cọc nhọn bịt sắt cắm xuống lòng sông Bạch Đằng.

 Tháng 10 năm Mậu Tuất (11-938) các chiến thuyền của giặc hùng hổ vượt biển tiến vào sông Bạch Đằng, quân ta nhử cho thuyền giặc vượt qua trận địa cọc, đợi cho nước thủy triều xuống, quân ta bắt đầu tấn công dữ dội, đánh vỗ mặt và hai bên sườn, làm cho thuyền giặc tháo chạy va vào cọc nhọn bịt sắt bị đắm gần hết, Hoàng Thao bị đâm chết tại trận, quân ta giết và bắt sống gần hết quân Nam Hán. Đây là chiến thắng Bạch Đằng lần thứ nhất trong lịch sử nước ta.

 Sau chiến thắng vang dội trên sông Bạch Đằng. Ngô Quyền lên ngôi Vua, đóng đô ở Cổ Loa (Hà Nội), đặt ra các quan văn, võ, đặt ra nghi lễ triều đình, thể hiện nền độc lập tự chủ của đất nước ta.

 Ngô Quyền làm Vua được 5 năm (939-944) thì mất, thọ 48 tuổi. Ngô Quyền mất, em vợ là Dương Tam Kha cướp ngôi tự lập làm vua là Dương Bình Vương (944-950).

 2. Hậu Ngô Vương (950-965)

 Nam Tấn Vương (Ngô Xương Căn 950-965):

 Ngô Xương Căn là con thứ hai của Ngô Quyền và Dương Thị Ngọc, năm 950 đã dùng mưu lật đổ Dương Tam Kha giành lại ngôi Vua cho nhà Ngô. Theo thỉnh cầu của các tướng lĩnh và triều thần, được sự chuẩn tấu của Dương Thái hậu, Ngô Xương Căn lên ngôi Vua lấy niên hiệu là Nam Tấn Vương (950-965) đóng đô ở Cổ Loa.

 Nam Tấn Vương cho người đi tìm anh là Thái tử Ngô Xương Ngập, giả làm thầy đồ trốn ở Nam Sách (Hải Dương) lấy vợ và có con trai là Ngô Xương Văn. Được Dương Thái Hậu chuẩn tấu cả hai anh em đều làm Vua (như vậy nước ta lúc đó có hai Vua).

 Thiên Sách Vương (Ngô Xương Ngập 951-959): Ngô Xương Ngập lên ngôi vua, đặt niên hiệu là Thiên Sách Vương (951-959) sau Ngô Xương Ngập bị bệnh thượng mã phong mà chết. Làm vua được 8 năm.

 Loạn 12 sứ quân (966-968):
Từ khi Dương Tam Kha cướp ngôi nhà Ngô, các nơi không chịu thuần phục, giặc giã nổi lên như ong, mỗi thủ lĩnh cát cứ một vùng thường đem quân đánh chiếm lẫn nhau gây ra cảnh “nồi da nấu thịt” kéo dài gần 20 năm.

 Năm 965, Nam Tấn Vương Ngô Xương Văn bị bắn chết trong một trận giao chiến ở Thái Bình, con Thiên Sách Vương là Ngô Xương Xí nối nghiệp làm vua, thế lực ngày càng yếu kém phải lui về giữ đất Bình Kiều, từ 966 hình thành 12 sứ quân như sau:

 1. Ngô Xương Xí giữ Bình Kiều (Khoái Châu, Hưng Yên)

 2. Đỗ Cảnh Thạc, giữ Đỗ Động Giang (Thanh Oai, Hà Đông).

 3. Trần Lãm, giữ Bố Hải Khẩu (Kỳ Bố, Thái Bình).

 4. Kiều Công Hãn, giữ Phong Châu (Bạch Hạc, Phú Thọ).

 5. Nguyễn Khoan, giữ Tam Đái (Vĩnh Tường, Sơn Tây).

 6. Ngô Nhật Khánh, giữ Đường Lâm (Phú Thọ, Sơn Tây).

 7. Lý Khê, giữ Siêu Loại (Thuận Thành, Bắc Ninh).

 8. Nguyễn Thủ Tiệp, giữ Tiên Du (Bắc Ninh).

 9. Lý Đường, giữ Tế Giang (Văn Giang, Hưng Yên).

 10. Nguyễn Siêu, giữ Tây Phù Liệt (Thanh Trì, Hà Đông).

 11. Kiều Thuận, giữ Hởi Hồ (Cẩm Khê, Sơn Tây).

 12. Phạm Bạch Hổ, giữ Đằng Châu (Hưng Yên).

 Đinh Bộ Lĩnh là con nuôi của Thủ lĩnh Trần Lãm, sứ quân Bố Hải Khẩu. Trần Lãm chết, Đinh Bộ Lĩnh được trao quyền, đã dẹp xong “Loạn 12 sứ quân” quy giang sơn về một mối, lập nên cơ nghiệp nhà Đinh.

  

  

  

  

  

 Tag: thời gian nào hoàn đời