Tứ bất tử (chữ Hán: 四不死) là tên gọi chung của bốn vị thánh bất tử trong tín ngưỡng Việt Nam; đó là Tản Viên Sơn Thánh, Phù Đổng Thiên vương, Chử Đồng Tử và Công chúa Liễu Hạnh.
- Tản Viên Sơn Thánh, hay Sơn Tinh, là vị thần núi Tản Viên (Ba Vì), núi tổ của các núi ở Việt Nam. Tản Viên tượng trưng cho ước vọng chinh phục tự nhiên, chiến thắng thiên tai.
- Phù Đổng Thiên Vương hay Thánh Gióng, tượng trưng cho tinh thần chống ngoại xâm và sức mạnh tuổi trẻ.
- Chử Đồng Tử, còn được gọi là Chử Đạo Tổ; tượng trưng cho lòng hiếu nghĩa, tình yêu, hôn nhân và sự sung túc, giàu có.
- Công chúa Liễu Hạnh hay Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Liễu Hạnh; tượng trưng cho cuộc sống tinh thần, đức hạnh, trí tuệ, sự thịnh vượng, thơ văn.
 Trong 4 vị trên thì 3 vị nam thần đầu tiên theo truyền thuyết có từ thời Hùng Vương và đã được thờ ở rất nhiều nơi từ rất lâu. Riêng Mẫu Liễu Hạnh là người phụ nữ duy nhất, mới được đưa vào hệ thống Thần Thánh từ thời Hậu Lê.
 Chuyện về Tản Viên Sơn Thánh
 Tản Viên Sơn Thánh (hay còn gọi là Sơn Tinh) là một nhân vật trong truyền thuyết Việt Nam. Theo quan niệm dân gian vị thần này cai quản dãy núi Ba Vì (tức núi Tản Viên). Trong tâm thức dân gian của người Việt, Tản Viên Sơn Thánh là vị thánh biểu đạt cho những khả năng to lớn và vĩnh viễn của cộng đồng trong lao động sáng tạo ra nguồn của cải vô tận và trong chiến đấu chống thiên tai, lũ lụt để bảo vệ mùa màng và cuộc sống.
 Ông được xem là người đứng đầu trong trong bốn vị thánh. Và câu chuyện gắn liền với vị thánh này ai nấy cũng đều được biết đến đó chính là: Sơn Tinh – Thủy Tinh.
 Phù Đổng Thiên Vương (Sóc Thiên Vương) thường được biết đến với tên gọi Thánh Gióng, là một nhân vật trong truyền thuyết Việt Nam. Thông qua một câu chuyện một đứa trẻ kì lạ, lên 3 rồi mà chẳng biết nói cười gì cả. Vậy mà khi giặc Ân từ phương Bắc tới thì cậu bé tầm thường kia bỗng nhiên đổi khác, đứng dậy nói năng hết sức dõng dạc và mau chóng lớn thành một tráng sĩ.
 Vị tráng sĩ này cưỡi ngựa sắt, đội nón sắt, cầm gậy sắt … một mình xông pha trận tiền. Đánh tan giặc Ân, rồi bỏ lại tất cả, một mình một ngựa bay thẳng lên trời. Ông tượng trưng cho tinh thần ngoan cường chống ngoại xâm, sức mạnh tuổi trẻ, tình đoàn kết dân tộc và còn là tình mẫu tử thiêng liêng.
Thánh Gióng tượng trưng cho tinh thần chống ngoại xâm và sức mạnh tuổi trẻ
 Chử Đồng Tử là nhân vật thứ 3 trong “Tứ bất tử”, ông tượng trưng cho tình yêu, hôn nhân và sự sung túc, giàu sang. Huyền thoại Chử Đồng Tử (Chử Đạo Tổ) là câu chuyện của Đạo Giáo, Đạo Thần Tiên, một tín ngưỡng vốn du nhập từ Trung Hoa vào nước ta từ rất sớm.
 Cốt lõi huyền thoại cũng như tín ngưỡng Chử Đạo Tổ là tín ngưỡng Đạo giáo lại mang màu sắc tín ngưỡng dân gian thuần Việt. Chử Đồng Tử chính là người đi tiên phong trong cuộc thụ phép thần tiên để tế độ và truyền dạy cho người khác. Dân gian tôn vinh Chử Đồng Tử là Chử Đạo Tổ là vì thế.
Lễ hội Chử Đồng Tử – Tiên Dung diễn ra vào ngày 10 tháng 2 âm lịch được xem là một trong những ngày lễ lớn của tỉnh Hưng Yên
 Trong tiềm thức của người Việt Nam, Thánh Mẫu Liễu Hạnh là một vị thần biểu tượng cho khát vọng tự do, phóng khoáng, thoát khỏi những quy tắc ràng buộc của xã hội dành cho người phụ nữ. Bà đã được các triều đại phong kiến từ thời nhà Hậu Lê đến thời nhà Nguyễn cấp nhiều sắc, tôn phong là “Mẫu nghi thiên hạ – Mẹ của muôn dân” và cuối cùng quy y cửa Phật. Bà còn được cho là người đứng đầu hệ thống Tam phủ, Tứ phủ thờ đạo Mẫu.
 Nhiều làng xã và các đô thị ở phía bắc Việt Nam đều có đền thờ bà. Lễ hội Thánh Mẫu Liễu Hạnh hàng năm được tổ chức vào ngày 3 tháng 3 âm lịch – ngày giỗ của bà, tại nhiều tỉnh phía Bắc Việt Nam.
Thánh Mẫu Liễu Hạnh là người đứng đầu hệ thống Tam phủ, Tứ phủ thờ đạo Mẫu
 Cả hai vị đều “giáng sinh” trong một triều đại sớm của lịch sử Việt Nam, đều hóa thân sau khi mất và đầu thai thành nhiều kiếp. Từ hai vị này làm nảy nở những câu chuyện đậm màu sắc Đạo giáo – một tín ngưỡng sớm đến với Việt Nam và có nhiều khả năng hội nhập với tín ngưỡng bản địa. Và trong số các tài liệu đó cũng chứng minh rằng Sơn Tinh – Tản Viên Sơn Thánh là nói tới cả ba anh em thần núi. Như vậy, đương nhiên cả ba vị thần đó đều thuộc Tứ bất tử.
 “Tứ bất tử” dù chỉ là 4 hay nhiều hơn nữa thì việc phụng thờ họ là một tín ngưỡng dân gian khắc sâu vào đời sống tâm linh của người Việt Nam. Họ đã là chỗ dựa tinh thần lớn cho người Việt suốt chiều dài lịch sử đấu tranh “dựng nước và giữ nước”, là một bộ phận không thể tách rời trong di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam.