Hợp đồng ppp là gì
 Hợp đồng PPP (public private partnership) là thỏa thuận hợp tác giữa Nhà nước và khu vực tư nhân trong đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và cung cấp các dịch vụ công, theo đó một phần hoặc toàn bộ công việc sẽ được chuyển giao cho khu vực tư nhân thực hiện với sự hỗ trợ của Nhà nước
 Đặc điểm của hợp đồng ppp
 Đầu tư theo hình thức đối tác công tư có các đặc điểm sau:
 a. Chủ thể tham gia hợp đồng hợp tác công tư (PPP)
 Theo khái niệm về hợp đồng này đã được nêu ở trên thì chủ thể tham gia vào hợp đồng bao gồm cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án.
 Cơ quan nhà nước có thẩm quyền là các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương Cơ quan nhà nước có thẩm quyền là một bên tham gia ký kết Hợp đồng dự án và thực hiện các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm theo thỏa thuận với Nhà đầu tư tại Hợp đồng dự án. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập đơn vị quản lý dự án hoặc giao ban quản lý dự án đã được thành lập, có đủ năng lực, chuyên môn thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ của mình theo hợp đồng dự án, nhưng trong mọi trường hợp phải chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ theo hợp đồng dự án đã ký kết/
 Nhà đầu tư là tổ chức, cá nhân cùng phối hợp với Nhà nước thực hiện Dự án phát triển kết cấu hạ tầng, cung cấp dịch vụ công trên cơ sở Hợp đồng dự án. Nhà đầu tư là một bên tham gia ký kết hợp đồng dự án với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trong đó nhà nước nhượng quyền cho Nhà đầu tư được phép đầu tư, khai thác công trình, cung cấp dịch vụ công trong một thời gian nhất định. Doanh nghiệp do nhà đầu tư thành lập theo quy định của pháp luật để quản lý và thực hiện Dự án trên cơ sở Giấy chứng nhận đầu tư và Hợp đồng dự án. Doanh nghiệp dự án, sau khi được thành lập, ký Hợp đồng dự án để cùng với Nhà đầu tư hợp thành một bên của Hợp đồng dự án.
 b. Lĩnh vực đầu tư theo hình thức hợp đồng PPP
 Các dự án đầu tư theo hình thức này đều mang tính chất lợi ích công nên các dự án này chủ yếu tập trung vào các công trình xây dựng kết cấu hạ tầng, trang thiết bị hoặc dịch vụ công như:
- Giao thông vận tải;
- Nhà máy điện, đường dây tải điện;
- Hệ thống chiếu sáng công cộng; hệ thống cung cấp nước sạch; hệ thống thoát nước; hệ thống thu gom, xử lý nước thải, chất thải; công viên; nhà, sân bãi để ô tô, xe, máy móc, thiết bị; nghĩa trang;
- Trụ sở cơ quan nhà nước; nhà ở công vụ; nhà ở xã hội; nhà ở tái định cư;
- Y tế; giáo dục, đào tạo, dạy nghề; văn hóa; thể thao; du lịch; khoa học và công nghệ, khí tượng thủy văn; ứng dụng công nghệ thông tin;
- Hạ tầng thương mại; hạ tầng khu đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ thông tin tập trung; hạ tầng kỹ thuật công nghệ cao; cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa;
- Nông nghiệp và phát triển nông thôn; dịch vụ phát triển liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp;
- Các lĩnh vực khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
 c. Nguồn vốn thực hiện dự án
 Đây là hình thức đầu tư đối tác công tư nên nguồn vốn xuất phát từ hai nguồn chính đó là (i) vốn chủ sở hữu và vốn huy động của nhà đầu tư; (ii) Phần vốn của nhà nước tham gia trong dự án
 Đối với vốn chủ sở hữu: Tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư không được thấp hơn 20% tổng vốn đầu tư. Đối với dự án có tổng vốn đầu tư trên 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu được xác định theo nguyên tắc lũy tiến từng phần như sau:
- Đối với phần vốn đến 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu không được thấp hơn 15% của phần vốn này;
- Đối với phần vốn trên 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu không được thấp hơn 10% của phần vốn này.
 Đối với vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án: bao gồm vốn ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu chính phủ, vốn trái phiếu chính quyền địa phương, vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài. Vốn đầu tư của Nhà nước được sử dụng để:
- Hỗ trợ xây dựng công trình đối với dự án có hoạt động kinh doanh, thu phí từ người sử dụng, những khoản thu không đủ để thu hồi vốn đầu tư và lợi nhuận;
- Thanh toán cho nhà đầu tư cung cấp dịch vụ theo hợp đồng BTL, hợp đồng BLT và các hợp đồng tương tự khác;
- Hỗ trợ xây dựng công trình phụ trợ, tổ chức bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư.
 d. Quy trình thực hiện dự án đầu tư
 Việc thực hiện dự án đầu tư theo hình thức này phải trải qua quy trình gồm các bước được quy định tại Nghị định 63/2018/NĐ-CP, cụ thể như sau:
 Bước 1: Đề xuất dự án đầu tư
 Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc nhà đầu tư có thể đề xuất dự án đầu tư.
 Bước 2: Thẩm định và phê duyệt dự án
 Các tiêu chí và trình tự thẩm định và phê duyệt dự án được quy định chi tiết tại Thông tư 02/2016/TT-BKHĐT hướng dẫn lựa chọn sơ bộ dự án, lập, thẩm định, phê duyệt đề xuất dự án và báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Thời hạn thẩm định và phê duyệt là 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.
 Bước 3: Công bố dự án
 Trong vòng 7 ngày kể từ ngày dự án được phê duyệt, dự án sẽ được công bố trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Đối với đề xuất dự án có nội dung liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, bí mật thương mại, công nghệ hoặc các thỏa thuận huy động vốn để thực hiện dự án cần bảo mật, nhà đầu tư thỏa thuận với Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về nội dung công bố.
 Bước 4: Lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi
 Chủ thể thực hiện: Với dự án do Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đề xuất thì Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án làm cơ sở để lập hồ sơ mời thầu lựa chọn nhà đầu tư và đàm phán hợp đồng dự án. Với dự án do nhà đầu tư đề xuất thì nhà đầu tư thực hiện báo cáo nghiên cứu khả thi trên cơ sở thỏa thuận bằng văn bản với Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
 Chủ thể thẩm định: Hội đồng thẩm định nhà nước hoặc các đơn vị đầu mối về PPP do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
 Chủ thể phê duyệt: Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
 Bước 5: Lựa chọn nhà đầu tư, ký kết thỏa thuận đầu tư, ký kết hợp đồng dự án
 Cách thức lựa chọn nhà đầu tư: đấu thầu rộng rãi hoặc chỉ định thầu.
 Bước 6: Đăng ký đầu tư và thành lập doanh nghiệp dự án
 Nhà đầu tư thực hiện thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và thành lập doanh nghiệp dự án để thực hiện dự án theo pháp luật doanh nghiệp.
 Bước 7: Triển khai thực hiện dự án
 Bước 8: Quyết toán và bàn giao dự án
 Trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày hoàn thành công trình dự án, nhà đầu tư thực hiện quyết toán vốn đầu tư xây dựng công trình. Việc kiểm toán giá trị vốn đầu tư được thực hiện bởi một tổ chức kiểm toán độc lập do cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư thỏa thuận lựa chọn.
 Đối với các hợp đồng dự án có quy định về việc chuyển giao công trình dự án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư thỏa thuận trong hợp đồng dự án các điều kiện, thủ tục chuyển giao.
 Mẫu hợp đồng ppp
 Theo quy định tại Điều 40 Nghị định 63/2018/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (có hiệu lực thi hành từ ngày 19/6/2018) thì nội dung hợp đồng dự án PPP được quy định cụ thể như sau:
 1. Căn cứ Mục tiêu, tính chất và loại hợp đồng dự án, các bên thỏa thuận toàn bộ hoặc một số nội dung cơ bản sau đây:
 a) Mục tiêu, quy mô, địa điểm, thời hạn và tiến độ thực hiện dự án; thời gian xây dựng công trình dự án;
 b) Yêu cầu kỹ thuật, công nghệ, chất lượng công trình dự án, sản phẩm hoặc dịch vụ được cung cấp;
 c) Tổng vốn đầu tư và phương án tài chính của dự án;
 d) Giá trị, Điều kiện, tỷ lệ và tiến độ thực hiện Phần Nhà nước tham gia trong dự án PPP (nếu có); nguyên tắc xử lý khi quy hoạch của quỹ đất dự kiến thanh toán cho nhà đầu tư trong dự án BT được cấp có thẩm quyền Điều chỉnh dẫn đến giá trị quyền sử dụng đất thay đổi;
 đ) Điều kiện sử dụng đất và công trình liên quan;
 e) Bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư;
 g) Thi công xây dựng; yêu cầu về kiểm tra, giám sát, quản lý chất lượng trong quá trình thi công xây dựng; nghiệm thu, quyết toán công trình dự án hoàn thành;
 h) Giám định, vận hành, bảo dưỡng, kinh doanh và khai thác công trình dự án; chuyển giao công trình;
 i) Bảo đảm an toàn và bảo vệ môi trường;
 k) Điều kiện, thủ tục tiếp nhận dự án của bên cho vay;
 l) Phân chia rủi ro và trách nhiệm của các bên trong hợp đồng bao gồm cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cơ quan được ủy quyền (trường hợp ủy quyền ký kết) và nhà đầu tư; nguyên tắc xử lý khi phát sinh tranh chấp; sự kiện bất khả kháng;
 m) Các hình thức ưu đãi và bảo đảm đầu tư (nếu có);
 n) Luật Điều chỉnh quan hệ hợp đồng dự án, hợp đồng có liên quan và cơ chế giải quyết tranh chấp;
 o) Hiệu lực và thời hạn hợp đồng dự án;
 p) Các nguyên tắc, Điều kiện sửa đổi, bổ sung, chấm dứt hợp đồng dự án; chuyển nhượng quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng dự án;
 q) Các nội dung khác theo thỏa thuận giữa các bên ký kết.
 2. Các tài liệu kèm theo hợp đồng dự án (nếu có) bao gồm phụ lục, tài liệu và giấy tờ khác là bộ phận không tách rời của hợp đồng dự án.
 3. Hợp đồng hỗn hợp quy định tại Khoản 10 Điều 3 Nghị định này do bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định trên cơ sở đảm bảo hiệu quả kinh tế, tài chính dự án và nguyên tắc hài hòa lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư, người sử dụng.
 4. Trường hợp áp dụng loại hợp đồng khác các loại hợp đồng quy định tại các Khoản 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9 và 10 Điều 3 Nghị định này:
 a) Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập đề xuất áp dụng loại hợp đồng khác, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận.
 b) Đề xuất áp dụng loại hợp đồng khác gồm các nội dung sau đây: Sự cần thiết và lợi thế của việc áp dụng loại hợp đồng khác so với các loại hợp đồng quy định tại Điều 3 Nghị định này; phương thức xây dựng, sở hữu, quản lý, kinh doanh, vận hành, khai thác và chuyển giao công trình dự án; phương thức cung cấp dịch vụ, thu hồi vốn đầu tư và lợi nhuận của nhà đầu tư; kinh nghiệm quốc tế về việc áp dụng loại hợp đồng đang được đề xuất (nếu có).
 5. Căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều này, bộ, cơ quan ngang bộ hướng dẫn chi tiết mẫu hợp đồng dự án phù hợp với yêu cầu thực hiện dự án của ngành, lĩnh vực mình quản lý.