Đạo đức kinh doanh là gì
 Đạo đức kinh doanh là một tập hợp các nguyên tắc, chuẩn mực có tác dụng điều chỉnh, đánh giá, hướng dẫn và kiểm soát hành vi của các chủ thể kinh doanh. Đạo đức kinh doanh chính là phạm trù đạo đức được vận dụng vào hoạt động kinh doanh. Đạo đức không phải mơ hồ, nó thực sự gắn liền với lợi ích kinh doanh.
 Ví dụ đạo đức trong kinh doanh
 thành lập các quỹ từ thiện hoặc không nói xấu đối thủ cạnh tranh, dùng chiêu trò để lôi kéo khách hàng….
 Vai trò của đạo đức kinh doanh
 Chúng ta đang sống trong thời kỳ toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, trong đó các nền kinh tế, doanh nghiệp trên thế giới đang đồng thời vừa hợp tác vừa cạnh tranh gay gắt. Đặc biệt, doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước những cơ hội cũng như những thách thức to lớn, đòi hỏi phải nâng cao năng lực cạnh tranh không chỉ bằng nguồn vốn, chiến lược kinh doanh, công nghệ, năng suất, chất lượng, hiệu quả, mẫu mã sản phẩm mà còn bằng uy tín, thương hiệu và đạo đức kinh doanh. Quan niệm chung trên thế giới hiện nay đều khẳng định rằng cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong môi trường toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế chính là cạnh tranh về văn hóa, trong đó đạo đức kinh doanh là một yếu tố có ý nghĩa quyết định.
 Vậy, đạo đức kinh doanh là gì? Nhiều nước trên thế giới từ lâu đã chú trọng vấn đề đạo đức kinh doanh. Đạo đức kinh doanh là một bộ phận cấu thành và không tách rời của đạo đức xã hội nói chung. Có nhiều định nghĩa về đạo đức kinh doanh, tuy nhiên qua tổng hợp các ý kiến tại các cuộc hội thảo, trên báo chí và trong xã hội, có thể định nghĩa khái quát như sau: Đạo đức kinh doanh là một tập hợp những nguyên tắc, quy tắc, chuẩn mực đạo đức hoặc luật lệ có tác dụng chỉ dẫn, điều chỉnh và kiểm soát hành vi nhằm bảo đảm chuẩn mực và sự trung thực trong hoạt động của chủ thể kinh doanh. Với tư cách là một dạng đạo đức nghề nghiệp mang tính đặc thù cao vì gắn liền với các lợi ích kinh tế, đạo đức kinh doanh chính là phạm trù đạo đức được vận dụng vào hoạt động kinh doanh nhưng nó không tách rời nền tảng của nó là đạo đức xã hội chung và phải chịu sự chi phối bởi một hệ giá trị và chuẩn mực đạo đức xã hội.
 Đạo đức kinh doanh bao gồm các nguyên tắc và chuẩn mực gì? Có hai yếu tố quan trọng nhất, đó là tính trung thực và sự tôn trọng con người. Tính trung thực đòi hỏi chủ thể kinh doanh không dùng các thủ đoạn gian xảo hoặc phi pháp để kiếm lời, cạnh tranh không lành mạnh. Đối với đối tác, khách hàng và người tiêu dùng, chủ thể kinh doanh phải giữ chữ tín trong kinh doanh, theo đó doanh nghiệp, doanh nhân phải giữ chữ tín trong quan hệ, bảo đảm thực hiện đúng nghĩa vụ và cam kết; không sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng độc hại cho sức khỏe con người, quảng cáo sai sự thật, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, nhãn mác và xuất xứ hàng hóa. Chủ thể kinh doanh phải chấp hành nghiêm luật pháp của Nhà nước, theo đó doanh nghiệp, doanh nhân không trốn thuế, lậu thuế, sản xuất kinh doanh những mặt hàng quốc cấm. Đối với xã hội, chủ thể kinh doanh không được làm ô nhiễm môi trường tự nhiên (xả thải độc hại ra môi trường, tàn phá hệ sinh thái) và môi trường xã hội (kinh doanh những hàng hóa hay dịch vụ có hại cho thuần phong mỹ tục, ảnh hưởng đến giáo dục con người), thực hiện các trách nhiệm xã hội.
 Nguyên tắc tôn trọng con người đòi hỏi chủ thể kinh doanh phải tôn trọng phẩm giá, quyền lợi chính đáng (lương, bảo hiểm, hưu trí, các chế độ chính sách); bảo đảm an toàn lao động; tạo điều kiện phát triển về thể lực và trí tuệ của đội ngũ cán bộ, công nhân viên trong doanh nghiệp; mở rộng dân chủ và khuyến khích phát huy sáng kiến, cải tiến công nghệ; tôn trọng nhu cầu, sở thích và tâm lý khách hàng; cạnh tranh lành mạnh và công bằng với đối thủ cạnh tranh, thúc đẩy không khí vừa hợp tác vừa cạnh tranh lành mạnh; gắn lợi ích của doanh nghiệp với lợi ích của khách hàng và xã hội, coi trọng hiệu quả kinh doanh gắn với trách nhiệm xã hội.
 Đối tượng điều chỉnh của đạo đức kinh doanh là chủ thể hoạt động kinh doanh bao gồm tất cả các chủ thể của các quan hệ và hành vi kinh doanh, trong đó có doanh nhân và tổ chức kinh doanh như hộ gia đình, công ty, xí nghiệp, tập đoàn cũng như đối tác và khách hàng. Đạo đức kinh doanh có phạm vi áp dụng rộng rãi bao gồm tất cả các thể chế xã hội, tổ chức và cá nhân liên quan hay tác động đến hoạt động kinh doanh như thể chế chính trị, chính phủ, công đoàn, nhà cung ứng, khách hàng, cổ đông, chủ doanh nghiệp, cán bộ công nhân viên trong doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh…
  Đạo đức kinh doanh có vai trò như thế nào đối với sự phát triển của doanh nghiệp – những chủ thể tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh?
 Thực tế cho thấy mức độ phát triển bền vững của doanh nghiệp phụ thuộc vào đạo đức kinh doanh và sự tăng trưởng về lợi nhuận thu được gắn liền với việc thực hành đạo đức kinh doanh.
 Đạo đức kinh doanh như một bộ phận cấu thành quan trọng nhất của văn hóa kinh doanh, là yếu tố nền tảng tạo nên sự tin cậy của đối tác, khách hàng và người tiêu dùng đối với doanh nghiệp. Đạo đức kinh doanh chính là cơ sở để xây dựng lòng tin, sự gắn kết và trung thành của đội ngũ cán bộ công nhân viên trong doanh nghiệp, bảo đảm từ lãnh đạo đến toàn thể cán bộ công nhân viên trong doanh nghiệp có những ứng xử đúng chuẩn mực đạo đức, qua đó không ngừng nâng cao hình ảnh, uy tín và thương hiệu của doanh nghiệp. Sự tồn vong, phát triển cũng như lợi nhuận của doanh nghiệp chính là do người tiêu dùng quyết định, do đó doanh nghiệp muốn đạt được tỷ suất lợi nhuận cao và thành công bền vững thì phải xây dựng được nền tảng đạo đức kinh doanh cho doanh nghiệp mình.
 Việc xây dựng và thực thi đạo đức kinh doanh là nhân tố đem lại lợi ích to lớn cho doanh nghiệp. Theo công trình nghiên cứu của hai giáo sư thuộc Trường Đào tạo quản lý kinh doanh Harvard (Hoa Kỳ) là John Kotter và James Heskeu (tác giả cuốn sách “Văn hóa công ty và chỉ số hoạt động hữu ích”), các công ty với những chuẩn mực và truyền thống đạo đức kinh doanh khác nhau thì đạt được những thành quả khác nhau. Hai giáo sư đã đưa ra những con số thống kê ấn tượng, theo đó, trong vòng 11 năm, những công ty chú trọng thực hành đạo đức kinh doanh đã nâng được mức thu nhập của mình lên tới 682% so với 36% của các công ty không coi trọng thực hành các chuẩn mực đạo đức trong kinh doanh. Các công ty này cũng tăng được 90% giá trị cổ phiếu của họ trên thị trường chứng khoán so với 74% của các công ty không thực sự coi trọng đạo đức kinh doanh; tăng được 756% lợi nhuận ròng, vượt xa các công ty không coi trọng việc thực hành đạo đức kinh doanh.
 Thực trạng vấn đề đạo đức kinh doanh ở Việt Nam trong những năm qua và hiện nay như thế nào? Tại nhiều nước trên thế giới đã có quá trình xây dựng nền sản xuất kinh doanh trong cơ chế kinh tế thị trường qua hàng trăm năm, hoặc ít nhất 70-80 năm như Nhật Bản, Hàn Quốc, trong đó cơ chế thị trường và hệ thống luật pháp đã được hoàn thiện ở mức cao, đạo đức kinh doanh đã trở thành chuẩn mực và truyền thống trong xã hội. Việt Nam mới chỉ bước vào xây dựng kinh tế thị trường từ khi bắt đầu công cuộc Đổi mới với Đại hội Đảng lần thứ VI năm 1986, lại xuất phát từ một nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp. Văn hóa kinh doanh, trong đó quan trọng nhất là đạo đức kinh doanh, đến nay dư luận chung trong xã hội vẫn cho là còn “bỏ ngỏ”. Trong hoạt động sản xuất kinh doanh đã xảy ra hàng vạn vụ vi phạm luật pháp và đạo đức kinh doanh với rất nhiều hiện tượng tiêu cực như sử dụng các thủ đoạn không chính đáng, kể cả bất hợp pháp, để đạt lợi nhuận càng nhiều càng tốt; sản xuất, nhập khẩu hoặc kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng quốc cấm, hàng kém chất lượng, độc hại, kể cả trong sản xuất kinh doanh dược phẩm và thực phẩm không an toàn; không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các chế độ chính sách đối với người lao động như về tiền lương, bảo hiểm, an toàn lao động, chế độ hưu trí; thiếu tôn trọng lợi ích người tiêu dùng, khách hàng và đối tác; trốn thuế, buôn lậu, gian lận thương mại; gây ô nhiễm môi trường tự nhiên và môi trường xã hội; không thực hiện các trách nhiệm xã hội, v.v…
 Tình trạng vi phạm đạo đức kinh doanh đã trở thành một vấn đề “nhức nhối” trong xã hội hiện nay. Chỉ riêng vấn đề vi phạm đạo đức kinh doanh trong sản xuất thực phẩm đã dấy lên hồi chuông báo động đỏ – như một đại biểu Quốc hội đã phát biểu: “Con đường từ dạ dày đến nghĩa địa chưa bao giờ ngắn và dễ dàng như hiện nay!”. Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 15/3 hằng năm là Ngày Bảo vệ quyền người tiêu dùng Việt Nam và chủ đề của năm 2016 là “Quyền được an toàn của người tiêu dùng”. Đài Truyền hình Việt Nam cũng có hẳn một chuyên mục “Nói không với thực phẩm bẩn!”
  Giải pháp nào cho việc tăng cường đạo đức kinh doanh ở Việt Nam? Xuất phát từ thực trạng đạo đức kinh doanh và những nguyên nhân của tình trạng yếu kém trong thực thi đạo đức kinh doanh ở Việt Nam, cần đẩy mạnh các công tác chủ yếu sau:
- Hoàn thiện khung luật pháp nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho đạo đức kinh doanh. Hiện nay, có tình trạng chưa đủ quy định về pháp lý đối với những vi phạm trong đạo đức kinh doanh, thủ tục pháp lý chưa được quy chuẩn rõ ràng nên khó xử lý khi phát hiện vi phạm, chế tài chưa đủ mạnh để răn đe và ngăn chặn các biểu hiện vi phạm đạo đức kinh doanh, từ đó dẫn đến tình trạng “nhờn luật”, cố tình vi phạm nhưng các cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn trong xử lý.
- Cần nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp, của người tiêu dùng và toàn xã hội về vấn đề đạo đức kinh doanh, đặc biệt sự nhận thức và trách nhiệm của doanh nghiệp, doanh nhân là những chủ thể hoạt động kinh doanh; gắn chặt và đề cao tinh thần trách nhiệm của doanh nghiệp, doanh nhân đối với đối tác, khách hàng, người tiêu dùng và toàn xã hội (về chất lượng sản phẩm, trách nhiệm hậu mãi, trách nhiệm bảo vệ môi trường tự nhiên và xã hội).
- Tăng cường phổ biến và giáo dục về đạo đức kinh doanh cho các chủ thể kinh doanh, từng cá nhân doanh nghiệp, doanh nhân để họ có nhận thức đúng và đầy đủ về các quy định luật pháp, trách nhiệm cũng như đạo đức kinh doanh. Bên cạnh đó cũng cần giáo dục nâng cao nhận thức của người tiêu dùng và toàn xã hội về những quy định của pháp luật và vấn đề đạo đức kinh doanh để người tiêu dùng và khách hàng (thường được gọi là “thượng đế”) có thể giám sát việc tuân thủ luật pháp và những chuẩn mực về đạo đức kinh doanh của doanh nghiệp, doanh nhân.
- Cần có những biện pháp khuyến khích doanh nghiệp, doanh nhân nâng cao đạo đức kinh doanh. Nhà nước cần phổ biến Bộ Tiêu chí về đạo đức kinh doanh để thực thi rộng rãi trong cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và toàn xã hội; tiến hành một cuộc vận động thường xuyên về xây dựng và thực hiện đạo đức kinh doanh; áp dụng những hình thức tôn vinh xứng đáng các doanh nghiệp, doanh nhân thực hiện xuất sắc những chuẩn mực của đạo đức kinh doanh.
- Nâng cao vai trò của các cơ quan bộ, ban, ngành, địa phương, tổ chức xã hội (như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở Trung ương và các cấp, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), các hội và hiệp hội (như Hội Bảo vệ quyền người tiêu dùng, Hiệp hội Phát triển Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam, Hội Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các khu công nghiệp, các hội và hiệp hội ngành nghề…
- Tăng cường công tác thông tin, truyền thông rộng rãi về vấn đề đạo đức kinh doanh, khuyến khích báo chí vào cuộc nhằm phát hiện và đưa ra công luận những cá nhân và hành vi vi phạm pháp luật và đạo đức kinh doanh, đồng thời nêu những tấm gương điển hình tốt về những cá nhân và tổ chức doanh nghiệp, doanh nhân có thành tích xuất sắc trong việc xây dựng và thực hiện đạo đức kinh doanh.
 Mặc dù còn ở trong giai đoạn đầu và có nhiều khiếm khuyết, việc xây dựng và thực hành đạo đức kinh doanh ở Việt Nam đang ngày càng nhận được sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, người tiêu dùng và toàn xã hội. Việc thực thi văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân, trong đó đạo đức kinh doanh là yếu tố quan trọng hàng đầu, đã và đang trở thành một yêu cầu bức thiết đối với doanh nghiệp, doanh nhân nhằm tạo lòng tin và sự ủng hộ của người tiêu dùng và toàn xã hội. Thực hiện tốt đạo đức kinh doanh sẽ giúp doanh nghiệp thành công và phát triển bền vững trên thương trường. Đặc biệt, trong thời kỳ toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, khi mà doanh nghiệp Việt Nam, nền kinh tế Việt Nam trở thành một mắt xích trong chuỗi cung ứng toàn cầu, là một bộ phận không tách rời của thị trường toàn cầu và người tiêu dùng có quyền và khả năng rộng rãi lựa chọn sản phẩm hàng hóa và dịch vụ phù hợp nhất cho mình thì văn hóa kinh doanh nói chung, trong đó có đạo đức kinh doanh, trở thành một yêu cầu quan trọng nhất. Đạo đức kinh doanh của doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam cần được xây dựng và thực thi trên cơ sở phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc Việt Nam như Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 5 khóa VIII (năm 1998) đã nêu bật là lòng yêu nước, ý chí độc lập và tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết dân tộc, tính gắn kết cộng đồng, lòng nhân ái, sự khoan dung, trọng nghĩa tình đạo lý, cần cù sáng tạo trong lao động, tinh tế trong ứng xử, giản dị trong lối sống kết hợp với sự tiếp thụ tinh hoa văn hóa và những nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức kinh doanh của nhân loại.
 Bộ quy tắc đạo đức kinh doanh
 Tổng quan
Bộ Quy tắc Ứng xử và Đạo đức Kinh doanh của CONMED áp dụng cho CONMED Corporation và tất cả các đơn vị thành viên trên toàn cầu do Công ty kiểm soát.
Bộ Quy tắc áp dụng cho tất cả giám đốc, cán bộ và nhân viên của CONMED: từ CEO, CFO, Kiểm soát viên và các thành viên còn lại trong ban quản lý điều hành,
giám sát viên sản xuất và nhân viên làm việc theo giờ, cho đến từng nhân viên kinh doanh.
Bộ Quy tắc không chỉ nêu lên những quy tắc mà chúng ta phải cam kết tuân thủ, mà còn đề cập đến những nguyên tắc và giá trị cơ bản là cơ sở để dựa vào đó
chúng ta sẽ tiến hành hoạt động và đưa ra quyết định. Bộ Quy tắc cũng được giải thích và triển khai rộng hơn qua các Chính sách và Chương trình Doanh nghiệp
được công ty thông qua trong từng thời kỳ.
Hoạt động hàng ngày của chúng ta sẽ tuân thủ các quy tắc sau:
Chúng ta sẽ tuân thủ pháp luật.
Chúng ta sẽ hành động với thiện ý.
Chúng ta sẽ nỗ lực gây dựng lòng tin, thể hiện sự tôn trọng và hành động với sự chính trực.
Chúng ta sẽ xem xét tác động từ quyết định của mình tới tất cả các bên hữu quan và sẽ nỗ lực để đạt được kết quả công bằng.
 Câu chuyện về đạo đức kinh doanh
 Trục lợi trên sức cộng đồng
 Khẩu trang là phương tiện bảo hộ hiệu quả trong mùa dịch virus corona. Sự bùng phát của dịch bệnh này khiến một số người đẩy giá khẩu trang lên cao để kiếm lời. Vào thời điểm Việt Nam mới bắt đầu bùng phát dịch bệnh, tại Hapulico – khu chợ thuốc lớn nhất miền Bắc – lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều trường hợp là cá nhân, cửa hàng găm khẩu trang bán với giá gấp 4, 5 lần so với giá gốc. Cộng đồng mạng đã lên án gay gắt hành vi này; cũng đã xuất hiện những lời hô hào tẩy chay những cửa hàng kinh doanh khẩu trang thiếu đạo đức. Chính phủ cũng ngay lập tức vào cuộc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo làm rõ, nếu người tiêu dùng có bằng chứng, hình ảnh về bất kỳ cửa hàng dược, thiết bị y tế nào nâng giá khẩu trang, không cần thanh tra, Bộ Y tế sẽ ngay lập tức rút giấy phép kinh doanh của cửa hàng đó. Theo Phó Thủ tướng, đây là câu chuyện của đạo đức.
 Có cung ắt sẽ có cầu, những kẻ kinh doanh vô đạo đức không từ bất cứ thủ đoạn nào để trục lợi trên sự khủng hoảng sức khỏe của cộng đồng. Lợi dụng sự khan hiếm của khẩu trang và nhu cầu rất cấp thiết của người tiêu dùng, những loại khẩu trang rởm ngay lập tức xuất hiện để thâm nhập thị trường hòng kiếm chác.
 Đó không phải là những trường hợp cá biệt hay đơn lẻ, lực lượng quản lý thị trường trên cả nước sau đó còn phát hiện và bắt giữ rất nhiều trường hợp tương tư, và tất cả những vụ việc như thế đều được các cơ quan chức năng xử lý triệt để, lấy lại niềm tin của người dân, góp phần bình ổn thị trường. Kẻ làm sai tất phải chịu tội, nhưng điều này đã rung lên một hồi chuông cảnh tỉnh về ý thức và đạo đức kinh doanh.
 Không chỉ có khẩu trang y tế, ngay cả những thiết bị bảo hộ để phục vụ công tác phòng chống dịch tại những cơ sở y tế cũng bị những kẻ đầu cơ làm giả, trục lợi hàng tỷ đồng, gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngân sách nhà nước.
 Cụ thể, từ đầu năm 2020, nhằm đáp ứng nhu cầu xét nghiệm phòng, chống dịch Covid-19, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội) đã thực hiện mua sắm một số hệ thống Realtime PCR tự động, bao gồm các máy: tách chiết mẫu, máy phân tích mẫu và phụ tùng; chi phí bảo trì từ các doanh nghiệp. Do thời gian gấp nên việc mua sắm này được CDC Hà Nội thực hiện theo phương thức chỉ định thầu. Qua xác minh bước đầu, C03 phát hiện hệ thống Realtime PCR tự động khi nhập khẩu về Việt Nam chỉ có giá khoảng 2,3 tỷ đồng nhưng được CDC Hà Nội mua vào với giá hơn 7 tỷ đồng.
 Theo lãnh đạo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03), việc “thổi giá” hệ thống Realtime PCR tự động được các doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối mua bán lòng vòng với nhau. Sau đó, được Công ty CP định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành căn cứ để đề xuất mức giá và được CDC Hà Nội “nhắm mắt” mua.
 Và những tấm lòng nhân ái cao cả
 Trong dịch bệnh Covid-19 này, đâu phải chúng ta chỉ nhìn thấy những điều tiêu cưc. Trong lúc khó khăn cũng là thời điểm xuất hiện bao câu chuyện thấm đẫm tình người, bao tấm lòng nhân ái cao cả và sự sẻ chia vô tư lợi, mang nặng nghĩa tình của mọi tầng lớp nhân dân.
 Nếu những kẻ cơ hội lợi dụng dịch bệnh để tăng giá khẩu trang bán kiếm lời, thì bên cạnh đó, có rất nhiều tổ chức, cá nhân sẵn sàng đứng ra phân phát khẩu trang miễn phí cho cộng đồng. Hình ảnh về việc phát khẩu trang miễn phí xuất hiện tràn ngập trên mạng xã hội. Đó là chủ các cơ sở kinh doanh dược, thiết bị y tế; là các doanh nhân, học sinh, sinh viên. Câu chuyện một bà Mẹ Việt Nam Anh hùng 94 tuổi ở Quảng Nam mang 1,5 triệu đồng tiền tiết kiệm của mình lên phường ủng hộ để phòng chống dịch Covid-19 đã lay động trái tim chúng ta. Hay như câu chuyện bà Lê Thị Bỉ (ngụ xã Lộ 25, huyện Thống Nhất, Đồng Nai), một cụ bà thu mua ve chai đã mang 2 triệu đồng dành dụm được để ủng hộ quỹ phòng chống dịch Covid-19. Rồi cả các em học sinh tuy còn nhỏ tuổi nhưng sẵn sàng đập những con lợn đất tiền tiết kiệm để mang đóng góp ủng hộ. Những tấm gương đó đã truyền đi cảm hứng, lan tỏa những giá trị nhân văn trong cộng đồng và đã làm nhiều người thật sự xúc động.
 Tại các khu cách ly cũng xuất hiện những tấm lòng vàng của người dân. Họ đóng góp bằng tấm lòng của mình và bằng tất cả những gì họ có trong tay.
 Thông tin về một hộ dân ở Quảng Trị đã ủng hộ quỹ phòng chống dịch Covid-19 bằng 300 con gà thịt đã làm rất nhiều người cảm thấy vừa gần gũi, vừa… dễ thương. Hay như chuyện anh nông dân Từ Hữu Thuận (thôn Văn Cử, xã Xuân Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) dù hoàn cảnh khó khăn, nhưng đã chở 1.000 quả trứng vịt của nhà mình đến hỗ trợ khu cách ly trong mùa dịch. Tại những khu cách ly, từng bó rau, quả bầu, vài cân gạo hay chục quả trứng, một thùng mì… tuy vật chất không nhiều, nhưng lại ẩn trong đó bao nhiêu lòng nhân ái, nó thể hiện tinh thần đoàn kết, yêu thương, sẵn sàng san sẻ của người dân. Trong thời điểm hiện tại, tất cả đều đáng trân trọng và góp phần lan tỏa, nhân rộng câu chuyện tử tế trong mùa dịch trên khắp các miền quê.
 Đó không còn là những hình ảnh hiếm hoi mà nó đã trở thành làn sóng lan tỏa sự sẻ chia “bầu ơi thương lấy bí cùng”, có thể xuất hiện bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu trên mảnh đất thân thương hình chữ S của chúng ta. Nó là biểu tượng tinh thần cho tính tương thân tương ái, nghĩa “ đồng bào’ của dân tộc Việt.
 Có thể khẳng định, trong giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 này, chúng ta đã thấy lòng nhân ái, tính cộng đồng được nhân lên và lan tỏa. Khi cả xã hội thức tỉnh trước nguy cơ của đại dịch, việc con người sát gần với nhau, đồng tâm hiệp lực cùng chung tay đẩy lùi nguy cơ dịch bệnh, thì nhất định chúng ta sẽ chiến thắng, Việt Nam sẽ chiến thắng đại dịch!
 tag: dđạo tiểu luận vinamilk nghề khái niệm giáo trạng algorithm bài cứu vấn mối giữa môn formosa thứ mấy nhận diện marketing huống cà phê di thuyết samsung chăm sóc vedan