Rủi ro của công ty khi kinh doanh
 Trong quá trình hoạt động doanh nghiệp có thể gặp những rủi ro. Vậy doanh nghiệp có thể gặp những rủi ro gì. Luật DeHa xin chia sẻ bài viết về các rủi ro của doanh nghiệp cần lưu ý khi kinh doanh.
 Rủi ro rất đa dạng và cũng thường xuyên biến đổi, “tiến hóa” theo sự thay đổi và tiến hóa của môi trường kinh doanh. Có nhiều cách thức phân chia các dạng rủi ro tùy theo lĩnh vực, nguồn gốc, tính chất, chức năng, phạm vi, đối tượng tác động, tần suất xuất hiện, mức độ tác hại…
 Và bản thân mỗi dạng rủi ro cũng có thể chồng lấn, bao trùm hoặc trùng khớp với các dạng khác trong nhiều trường hợp. Tuy vậy, có thể khái quát một số dạng rủi ro thường gặp trong môi trường kinh doanh ở Việt Nam như sau:
 – Rủi ro tài chính: Là những rủi ro trong lĩnh vực quản lý tài chính như rủi ro tín dụng, tỷ giá, lãi suất, thanh khoản, đầu tư, tài sản, công nợ, dòng tiền… Giai đoạn vừa qua, nhiều doanh nghiệp Việt Nam khốn đốn vì rủi ro lãi suất và đầu tư (lãi suất vay vọt lên quá cao, đầu tư kém hiệu quả); trong khi đó các ngân hàng thì lại lao đao vì rủi ro tín dụng (nợ xấu). Rủi ro về tỷ giá cũng khiến nhiều doanh nghiệp nhập khẩu lao đao khi ký hợp đồng mua hàng bằng ngoại tệ xong thì tỷ giá tăng cao bất ngờ.
 Rủi ro tài chính có thể xem là rủi ro bao trùm lên mọi rủi ro vì hệ quả cuối cùng của những rủi ro, dù là phi tài chính, ít nhiều đều kéo theo những thiệt hại về tài chính.
 – Rủi ro chính sách: Là những rủi ro liên quan đến chính sách nhà nước. Một chính sách thay đổi hoặc mới ra đời có thể đem lại cơ hội cho nhóm doanh nghiệp này, nhưng lại gây thiệt hại nặng nề cho nhóm doanh nghiệp khác. Chẳng hạn thay đổi chính sách từ bảo hộ sang không bảo hộ có thể gây khó khăn cho những doanh nghiệp có sức cạnh tranh yếu, đang cần sự bảo hộ của nhà nước. Chính sách mở cửa hay đóng cửa đối với doanh nghiệp nước ngoài có thể ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp trong nước. Một chính sách thuế thay đổi có thể làm nhiều chủ doanh nghiệp “rụng rời tay chân”.
 – Rủi ro chiến lược: Là những rủi ro liên quan đến việc hoạch định và thực thi chiến lược. Một chiến lược được lựa chọn theo cảm tính, thiếu phân tích kỹ có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro dẫn đến thất bại. Chiến lược đa ngành của nhiều doanh nghiệp vừa qua là ví dụ rõ nét về rủi ro chiến lược khi doanh nghiệp vội vàng tham gia vào ngành mới không dựa trên năng lực lõi của mình. Ngay cả một chiến lược được hoạch định đúng cũng có rủi ro thất bại trong quá trình thực thi. Ngoài ra, trên đường đi của một chiến lược dài hạn, có thể có những biến động sâu sắc mà nếu doanh nghiệp không có bước điều chỉnh thích hợp, rủi ro thất bại là không thể tránh khỏi.
 – Rủi ro thương hiệu: Là những rủi ro liên quan đến hình ảnh, uy tín thương hiệu. Một công ty có những hoạt động bất chính, lừa dối người tiêu dùng, hay gây tác hại về sức khỏe, môi trường chắc chắn sẽ làm xấu hình ảnh thương hiệu, dẫn đến bị khách hàng tẩy chay, có thể trở thành thua lỗ, thậm chí phá sản. Hoặc công ty khác, bỏ công xây dựng thương hiệu nhưng không bảo hộ, bị đối thủ bắt chước, làm hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng… cũng sẽ đi đến phá sản thương hiệu.
 – Rủi ro công nghệ: Là những rủi ro liên quan đến công nghệ, kỹ thuật. Một nhà máy sản xuất cáp đồng được đầu tư khá lớn, nhưng vừa hoàn thành đã phải hoạt động cầm chừng, rồi phải đóng cửa vì khách hàng đã chuyển sang dùng cáp quang theo xu hướng mới. Điện thoại bàn gần như sắp chết với sự phát triển của công nghệ điện thoại di động có mức phí thuê bao và sử dụng ngày càng rẻ.
 – Rủi ro pháp lý: Là những rủi ro liên quan đến pháp luật. Doanh nghiệp có thể vô tình hay cố ý vi phạm luật pháp. Luật pháp cũng có thể thay đổi theo chiều hướng bất lợi cho doanh nghiệp. Nếu không cập nhật thông tin pháp luật và sớm nhận diện những rủi ro liên quan đến pháp lý, doanh nghiệp dễ rơi vào tình trạng vi phạm pháp luật hoặc mất sức cạnh tranh khi buộc phải tuân thủ pháp luật.
 – Rủi ro nhân lực: Là những rủi ro liên quan đến nguồn nhân lực doanh nghiệp. Nhân tài và những cán bộ chủ chốt có thể bỏ doanh nghiệp ra đi vì một lý do nào đó. Chất xám của doanh nghiệp (thường kèm theo bí quyết công nghệ, bí mật kinh doanh) có thể “chảy” về đối thủ cạnh tranh. Ngược lại, doanh nghiệp có thể vô tình thu nhận những kẻ phá hoại vào làm việc tại doanh nghiệp. Một tổng giám đốc hay quản lý cấp cao thiếu năng lực, kém đạo đức có khả năng đưa một doanh nghiệp từ chỗ làm ăn hiệu quả trở thành lụn bại, phá sản. Đó là chưa kể những rủi ro khác liên quan đến đình công, bãi công, thiếu hụt hay dư thừa nguồn nhân lực… Rủi ro về nhân lực có thể xếp ngang hàng với những rủi ro về tài chính, kinh doanh, vì có tác hại không hề thua kém.
 – Rủi ro vận hành: Là những rủi ro liên quan đến năng lực quản lý, vận hành doanh nghiệp. Đó là những rủi ro về hệ thống quản lý, các quá trình hoạt động, các chính sách, quy định, quy chế, quy trình tác nghiệp, cung cách quản lý, điều hành…, và cả việc sử dụng con người trong hệ thống vận hành. Một hệ thống quản lý lỏng lẻo có thể tạo nhiều lỗ hổng, gây thất thoát tài sản, tiền bạc; một quy trình vận hành bất hợp lý hoặc thiếu kiểm soát chặt chẽ có thể làm phát sinh những sai phạm dẫn đến hư hỏng, thiệt hại. Việc bố trí nhân lực không đúng người, đúng việc không chỉ làm giảm hiệu suất làm việc mà còn gây cản trở, khó khăn, thậm chí nguy hại cho quá trình phát triển doanh nghiệp.
 – Rủi ro thị trường: Là những rủi ro liên quan đến sự vận động, thay đổi của thị trường, bao gồm cả sản phẩm, khách hàng, người tiêu dùng, nhà cung cấp, đối tác, đối thủ cạnh tranh… Những thay đổi về xu hướng tiêu dùng có thể gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp. Các cách thức cạnh tranh mới từ phía đối thủ có thể đe dọa trực tiếp đến hoạt động bình thường của doanh nghiệp (ví dụ, doanh nghiệp “dội bom” thông điệp “cà phê chỉ làm từ cà phê” có thể gây khó khăn cho những doanh nghiệp pha trộn cà phê với bột bắp, bột đậu…).
 – Rủi ro hợp đồng: Là những rủi ro liên quan đến việc ký kết các hợp đồng hợp tác, hợp đồng kinh tế, hợp đồng mua bán… Những điều khoản thiếu rõ ràng, không chặt chẽ, hoặc bị “cài bẫy” có thể gây bất lợi, dẫn đến thiệt hại cho doanh nghiệp khi có tranh chấp.
 – Rủi ro bảo mật: Đó là những rủi ro liên quan đến thông tin. Bí quyết công nghệ, bí mật kinh doanh có thể bị tiết lộ, hoặc rò rỉ. Ở mức độ thông thường, doanh nghiệp có thể bị đối thủ cạnh tranh “bắt bài”; còn ở mức độ nghiêm trọng, toàn bộ một kế hoạch hay chiến lược có thể bị phá sản.
 Ngoài ra, còn nhiều dạng rủi ro khác có thể kể đến như rủi ro thảm họa (thiên tai, cháy nổ, tai nạn, chiến tranh, bạo động…), rủi ro quan hệ, rủi ro truyền thông, rủi ro trong ứng dụng công nghệ thông tin…
 Hầu hết những dạng rủi ro này, doanh nghiệp Việt Nam rất thường gặp phải và buộc phải xử lý chuyện đã rồi. Nếu biết cách quản lý rủi ro, doanh nghiệp có nhiều khả năng tránh khỏi, vô hiệu hóa, giảm thiểu tác động tiêu cực, hoặc chí ít cũng chủ động đón nhận và ứng phó theo cách thức hợp lý nhất.
  tag: chứng khoán hiểm cổ phần sữa vinamilk pepsi đánh tiểu luận trị quốc lập danh tra cứu tnhh giải horus bán