Khu bảo tồn đa dạng sinh học là gì
 Khu bảo tồn đa dạng sinh học được định nghĩa là một vùng đất hoặc vùng biển được xác định để nhằm bảo vệ và duy trì đa dạng sinh học, nguồn tài nguyên thiên nhiên, văn hóa được kết hợp và được quản lý thông qua các phương tiện pháp lý và một số phương tiện giúp tăng độ hiệu quả cho việc bảo tồn khác.
 Việc thành lập hệ thống các khu bảo tồn là một trong những bước đi vô cùng quan trọng trong việc bảo tồn các loài, quần xã sinh vật và hệ sinh thái.
 Cho đến nay thì khu bảo tồn đa dạng sinh học trên thế giới vẫn chưa có một hướng dẫn chung nào cho việc thiết kế một khi bảo tồn. Thay vào đó thì hầu hết các khu bảo tồn đều được thiết kế tùy thuộc vào sự sẵn có của đất đai, nguồn kinh phí và những nhận thức của cộng đồng.
 Tuy vậy đã có những sự thừa nhận rằng các khu bảo tồn đa dạng sinh học lớn sẽ có khả năng bảo tồn loài, quần xã sinh vật cũng như hệ sinh thái đích tốt hơn vì nó có thể duy trì các quá trình sinh thái được diễn ra trong khu bảo tồn một cách an toàn và toàn vẹn hơn ở các khu bảo tồn nhỏ.
 Với nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, một khu bảo tồn đa dạng sinh học sẽ rất khó khăn và thậm chí là không thể nào bảo vệ được các giá trị đa dạng sinh học của mình nếu không có một kế hoạch chiến lược cho việc bảo tồn và phát triển nó mà không tính đến sự phát triển kinh tế xã hội của người dân địa phương. Do vậy, ngay từ những bước đầu lập kế hoạch cho chiến lược bảo tồn thì cần phải tiến hành việc bàn bạc và thỏa thuận với người dân địa phương sống quanh khu bảo tồn về những cách thức bảo tồn có sự tham gia góp sức và các giải pháp tìm nguồn sinh kế thay thế và giúp tăng thu nhập đời sống cho cộng đồng.
 Thành lập cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học
 1. Cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học được thành lập nhằm mục đích bảo tồn đa dạng sinh học, nghiên cứu khoa học, du lịch sinh thái, bao gồm:
 a) Cơ sở nuôi, trồng loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ;
 b) Cơ sở cứu hộ loài hoang dã;
 c) Cơ sở lưu giữ giống cây trồng, vật nuôi, vi sinh vật và nấm đặc hữu, nguy cấp, quý, hiếm có giá trị đặc biệt về khoa học, y tế, kinh tế, sinh thái, cảnh quan, môi trường hoặc văn hóa – lịch sử; cơ sở lưu giữ, bảo quản nguồn gen và mẫu vật di truyền.
 2. Cơ sở có đủ các điều kiện sau đây được cấp giấy chứng nhận cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học:
 a) Diện tích đất, chuồng trại, cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu về nuôi, trồng, nuôi sinh sản loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; cứu hộ loài hoang dã; lưu giữ, bảo quản nguồn gen và mẫu vật di truyền;
 b) Cán bộ kỹ thuật có chuyên môn phù hợp;
 c) Năng lực tài chính, quản lý cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học.
 3. Hồ sơ đăng ký thành lập cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học gồm có:
 a) Đơn đăng ký thành lập;
 b) Dự án thành lập;
 c) Giấy tờ chứng minh có đủ các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều này.
 4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy chứng nhận cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học.
 5. Chính phủ quy định cụ thể điều kiện nuôi, trồng loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, cứu hộ loài hoang dã, lưu giữ giống cây trồng, vật nuôi, vi sinh vật và nấm đặc hữu, lưu giữ, bảo quản nguồn gen và mẫu vật di truyền, đăng ký thành lập, cấp, thu hồi giấy chứng nhận cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học.