Mục 9
 HỢP ĐỒNG DỊCH VỤ
 Điều 513. Hợp đồng dịch vụ
 Hợp đồng dịch vụ là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên sử dụng dịch vụ, bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ.
 Điều 514. Đối tượng của hợp đồng dịch vụ
 Đối tượng của hợp đồng dịch vụ là công việc có thể thực hiện được, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
 Điều 515. Nghĩa vụ của bên sử dụng dịch vụ
 1. Cung cấp cho bên cung ứng dịch vụ thông tin, tài liệu và các phương tiện cần thiết để thực hiện công việc, nếu có thoả thuận hoặc việc thực hiện công việc đòi hỏi.
 2. Trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ theo thoả thuận.
 Điều 516. Quyền của bên sử dụng dịch vụ
 1. Yêu cầu bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc theo đúng chất lượng, số lượng, thời hạn, địa điểm và thoả thuận khác.
 2. Trường hợp bên cung ứng dịch vụ vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ thì bên sử dụng dịch vụ có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
 Điều 517. Nghĩa vụ của bên cung ứng dịch vụ
 1. Thực hiện công việc đúng chất lượng, số lượng, thời hạn, địa điểm và thoả thuận khác.
 2. Không được giao cho người khác thực hiện thay công việc nếu không có sự đồng ý của bên sử dụng dịch vụ.
 3. Bảo quản và phải giao lại cho bên sử dụng dịch vụ tài liệu và phương tiện được giao sau khi hoàn thành công việc.
 4. Báo ngay cho bên sử dụng dịch vụ về việc thông tin, tài liệu không đầy đủ, phương tiện không bảo đảm chất lượng để hoàn thành công việc.
 5. Giữ bí mật thông tin mà mình biết được trong thời gian thực hiện công việc, nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định.
 6. Bồi thường thiệt hại cho bên sử dụng dịch vụ, nếu làm mất, hư hỏng tài liệu, phương tiện được giao hoặc tiết lộ bí mật thông tin.
 Điều 518. Quyền của bên cung ứng dịch vụ
 1. Yêu cầu bên sử dụng dịch vụ cung cấp thông tin, tài liệu và phương tiện để thực hiện công việc.
 2. Được thay đổi điều kiện dịch vụ vì lợi ích của bên sử dụng dịch vụ mà không nhất thiết phải chờ ý kiến của bên sử dụng dịch vụ, nếu việc chờ ý kiến sẽ gây thiệt hại cho bên sử dụng dịch vụ, nhưng phải báo ngay cho bên sử dụng dịch vụ.
 3. Yêu cầu bên sử dụng dịch vụ trả tiền dịch vụ.
 Điều 519. Trả tiền dịch vụ
 1. Bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ theo thoả thuận.
 2. Khi giao kết hợp đồng, nếu không có thoả thuận về giá dịch vụ, phương pháp xác định giá dịch vụ và không có bất kỳ chỉ dẫn nào khác về giá dịch vụ thì giá dịch vụ được xác định căn cứ vào giá thị trường của dịch vụ cùng loại tại thời điểm và địa điểm giao kết hợp đồng.
 3. Bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ tại địa điểm thực hiện công việc khi hoàn thành dịch vụ, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
 4. Trường hợp dịch vụ được cung ứng không đạt được như thoả thuận hoặc công việc không được hoàn thành đúng thời hạn thì bên sử dụng dịch vụ có quyền giảm tiền dịch vụ và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
 Điều 520. Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng dịch vụ
 1. Trường hợp việc tiếp tục thực hiện công việc không có lợi cho bên sử dụng dịch vụ thì bên sử dụng dịch vụ có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng, nhưng phải báo cho bên cung ứng dịch vụ biết trước một thời gian hợp lý; bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền công theo phần dịch vụ mà bên cung ứng dịch vụ đã thực hiện và bồi thường thiệt hại.
 2. Trường hợp bên sử dụng dịch vụ vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ thì bên cung ứng dịch vụ có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
 Điều 521. Tiếp tục hợp đồng dịch vụ
 Sau khi kết thúc thời hạn thực hiện công việc theo hợp đồng dịch vụ mà công việc chưa hoàn thành và bên cung ứng dịch vụ vẫn tiếp tục thực hiện công việc, bên sử dụng dịch vụ biết nhưng không phản đối thì hợp đồng dịch vụ đương nhiên được tiếp tục thực hiện theo nội dung đã thoả thuận cho đến khi công việc được hoàn thành.
 Mục 10
 HỢP ĐỒNG VẬN CHUYỂN
 Tiểu mục 1
 HỢP ĐỒNG VẬN CHUYỂN HÀNH KHÁCH
 Điều 522. Hợp đồng vận chuyển hành khách
 Hợp đồng vận chuyển hành khách là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên vận chuyển chuyên chở hành khách, hành lý đến địa điểm đã định theo thoả thuận, hành khách phải thanh toán cước phí vận chuyển.
 Điều 523. Hình thức hợp đồng vận chuyển hành khách
 1. Hợp đồng vận chuyển hành khách có thể được lập thành văn bản, bằng lời nói hoặc được xác lập bằng hành vi cụ thể.
 2. Vé là bằng chứng của việc giao kết hợp đồng vận chuyển hành khách giữa các bên.
 Điều 524. Nghĩa vụ của bên vận chuyển
 1. Chuyên chở hành khách từ địa điểm xuất phát đến đúng địa điểm, đến đúng giờ, bằng phương tiện đã thoả thuận một cách an toàn, theo lộ trình; bảo đảm đủ chỗ cho hành khách và không chuyên chở vượt quá trọng tải.
 2. Mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với hành khách theo quy định của pháp luật.
 3. Bảo đảm thời gian xuất phát đã được thông báo hoặc theo thoả thuận.
 4. Chuyên chở hành lý và trả lại cho hành khách hoặc người có quyền nhận hành lý tại địa điểm thoả thuận theo đúng thời gian, lộ trình.
 5. Hoàn trả cho hành khách cước phí vận chuyển theo thoả thuận hoặc theo quy định của pháp luật.
 Điều 525. Quyền của bên vận chuyển
 1. Yêu cầu hành khách trả đủ cước phí vận chuyển hành khách, cước phí vận chuyển hành lý mang theo người vượt quá mức quy định.
 2. Từ chối chuyên chở hành khách trong trường hợp sau đây:
 a) Hành khách không chấp hành quy định của bên vận chuyển hoặc có hành vi làm mất trật tự công cộng, cản trở công việc của bên vận chuyển, đe dọa đến tính mạng, sức khoẻ, tài sản của người khác hoặc có hành vi khác không bảo đảm an toàn trong hành trình; trong trường hợp này, hành khách không được trả lại cước phí vận chuyển và phải chịu phạt vi phạm, nếu điều lệ vận chuyển có quy định;
 b) Do tình trạng sức khoẻ của hành khách mà bên vận chuyển thấy rõ rằng việc vận chuyển sẽ gây nguy hiểm cho chính hành khách đó hoặc người khác trong hành trình;
 c) Để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan.
 Điều 526. Nghĩa vụ của hành khách
 1. Trả đủ cước phí vận chuyển hành khách, cước phí vận chuyển hành lý vượt quá mức quy định và tự bảo quản hành lý mang theo người.
 2. Có mặt tại điểm xuất phát đúng thời gian đã thoả thuận.
 3. Tôn trọng, chấp hành đúng quy định của bên vận chuyển và quy định khác về bảo đảm an toàn giao thông.
 Điều 527. Quyền của hành khách
 1. Yêu cầu được chuyên chở đúng bằng phương tiện vận chuyển và giá trị theo cước phí vận chuyển với lộ trình đã thoả thuận.
 2. Được miễn cước phí vận chuyển đối với hành lý ký gửi và hành lý xách tay trong hạn mức theo thoả thuận hoặc theo quy định của pháp luật.
 3. Yêu cầu thanh toán chi phí phát sinh hoặc bồi thường thiệt hại, nếu bên vận chuyển có lỗi trong việc không chuyên chở đúng thời hạn, địa điểm đã thoả thuận.
 4. Nhận lại toàn bộ hoặc một phần cước phí vận chuyển trong trường hợp quy định tại điểm b và điểm c khoản 2 Điều 525 của Bộ luật này và trường hợp khác do pháp luật quy định hoặc theo thoả thuận.
 5. Nhận hành lý tại địa điểm đã thoả thuận theo đúng thời gian, lộ trình.
 6. Yêu cầu tạm dừng hành trình trong thời hạn và theo thủ tục do pháp luật quy định.
 Điều 528. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại
 1. Trường hợp tính mạng, sức khoẻ và hành lý của hành khách bị thiệt hại thì bên vận chuyển phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
 2. Bên vận chuyển không phải bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và hành lý của hành khách nếu thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của hành khách, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
 3. Trường hợp hành khách vi phạm điều kiện vận chuyển đã thoả thuận, quy định của điều lệ vận chuyển mà gây thiệt hại cho bên vận chuyển hoặc người thứ ba thì phải bồi thường.
 Điều 529. Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng vận chuyển hành khách
 1. Bên vận chuyển có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng trong trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 525 của Bộ luật này.
 2. Hành khách có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng trong trường hợp bên vận chuyển vi phạm nghĩa vụ quy định tại các khoản 1, 3 và 4 Điều 524 của Bộ luật này.
 Tiểu mục 2
 HỢP ĐỒNG VẬN CHUYỂN TÀI SẢN
 Điều 530. Hợp đồng vận chuyển tài sản
 Hợp đồng vận chuyển tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên vận chuyển có nghĩa vụ chuyển tài sản đến địa điểm đã định theo thoả thuận và giao tài sản đó cho người có quyền nhận, bên thuê vận chuyển có nghĩa vụ trả cước phí vận chuyển.
 Điều 531. Hình thức hợp đồng vận chuyển tài sản
 1. Hợp đồng vận chuyển tài sản được giao kết bằng văn bản, bằng lời nói hoặc được xác lập bằng hành vi cụ thể.
 2. Vận đơn hoặc chứng từ vận chuyển tương đương khác là bằng chứng của việc giao kết hợp đồng giữa các bên.
 Điều 532. Giao tài sản cho bên vận chuyển
 1. Bên thuê vận chuyển có nghĩa vụ giao tài sản cho bên vận chuyển đúng thời hạn, địa điểm và đóng gói theo đúng quy cách đã thoả thuận; phải chịu chi phí xếp, dỡ tài sản lên phương tiện vận chuyển, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
 2. Trường hợp bên thuê vận chuyển giao tài sản không đúng thời hạn, địa điểm đã thoả thuận thì phải thanh toán chi phí chờ đợi và tiền vận chuyển tài sản đến địa điểm đã thoả thuận trong hợp đồng cho bên vận chuyển.
 Trường hợp bên vận chuyển chậm tiếp nhận tài sản tại địa điểm đã thỏa thuận thì phải chịu chi phí phát sinh do việc chậm tiếp nhận.
 Điều 533. Cước phí vận chuyển
 1. Mức cước phí vận chuyển do các bên thoả thuận; nếu pháp luật có quy định về mức cước phí vận chuyển thì áp dụng mức cước phí đó.
 2. Bên thuê vận chuyển phải thanh toán đủ cước phí vận chuyển sau khi tài sản được chuyển lên phương tiện vận chuyển, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
 Điều 534. Nghĩa vụ của bên vận chuyển
 1. Bảo đảm vận chuyển tài sản đầy đủ, an toàn đến địa điểm đã định, theo đúng thời hạn.
 2. Giao tài sản cho người có quyền nhận.
 3. Chịu chi phí liên quan đến việc chuyên chở tài sản, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
 4. Mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự theo quy định của pháp luật.
 5. Bồi thường thiệt hại cho bên thuê vận chuyển trong trường hợp bên vận chuyển để mất, hư hỏng tài sản, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
 Điều 535. Quyền của bên vận chuyển
 1. Kiểm tra sự xác thực của tài sản, của vận đơn hoặc chứng từ vận chuyển tương đương khác.
 2. Từ chối vận chuyển tài sản không đúng với loại tài sản đã thoả thuận trong hợp đồng.
 3. Yêu cầu bên thuê vận chuyển thanh toán đủ cước phí vận chuyển đúng thời hạn.
 4. Từ chối vận chuyển tài sản cấm giao dịch, tài sản có tính chất nguy hiểm, độc hại, nếu bên vận chuyển biết hoặc phải biết.
 Điều 536. Nghĩa vụ của bên thuê vận chuyển
 1. Trả đủ tiền cước phí vận chuyển cho bên vận chuyển theo đúng thời hạn, phương thức đã thoả thuận.
 2. Cung cấp thông tin cần thiết liên quan đến tài sản vận chuyển để bảo đảm an toàn cho tài sản vận chuyển.
 3. Trông coi tài sản trên đường vận chuyển, nếu có thoả thuận. Trường hợp bên thuê vận chuyển trông coi tài sản mà tài sản bị mất, hư hỏng thì không được bồi thường.
 Điều 537. Quyền của bên thuê vận chuyển
 1. Yêu cầu bên vận chuyển chuyên chở tài sản đến đúng địa điểm, thời điểm đã thoả thuận.
 2. Trực tiếp hoặc chỉ định người thứ ba nhận lại tài sản đã thuê vận chuyển.
 Điều 538. Giao tài sản cho bên nhận tài sản
 1. Bên nhận tài sản có thể là bên thuê vận chuyển tài sản hoặc là người thứ ba được bên thuê vận chuyển chỉ định nhận tài sản.
 2. Bên vận chuyển phải giao tài sản đầy đủ, đúng thời hạn và địa điểm cho bên nhận tài sản theo thoả thuận.
 3. Trường hợp tài sản đã được chuyển đến địa điểm giao tài sản đúng thời hạn nhưng không có bên nhận tài sản thì bên vận chuyển có thể gửi số tài sản đó tại nơi nhận gửi giữ và phải báo ngay cho bên thuê vận chuyển hoặc người thứ ba được bên thuê vận chuyển chỉ định nhận tài sản. Bên thuê vận chuyển hoặc người thứ ba được bên thuê vận chuyển chỉ định nhận tài sản phải chịu chi phí hợp lý phát sinh từ việc gửi giữ tài sản.
 Nghĩa vụ giao tài sản hoàn thành khi tài sản đã được gửi giữ và bên thuê vận chuyển hoặc người thứ ba được bên thuê vận chuyển chỉ định nhận tài sản đã được thông báo về việc gửi giữ.
 Điều 539. Nghĩa vụ của bên nhận tài sản
 1. Xuất trình cho bên vận chuyển vận đơn hoặc chứng từ vận chuyển tương đương khác và nhận tài sản đúng thời hạn, địa điểm đã thoả thuận.
 2. Chịu chi phí xếp, dỡ tài sản vận chuyển, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
 3. Thanh toán chi phí hợp lý phát sinh do việc chậm tiếp nhận tài sản.
 4. Trường hợp bên nhận tài sản là người thứ ba được bên thuê vận chuyển chỉ định thì phải thông báo cho bên thuê vận chuyển về việc nhận tài sản và thông tin cần thiết khác theo yêu cầu của bên thuê vận chuyển.
 Điều 540. Quyền của bên nhận tài sản
 1. Kiểm tra số lượng, chất lượng tài sản được vận chuyển đến.
 2. Nhận tài sản được vận chuyển đến.
 3. Yêu cầu bên vận chuyển thanh toán chi phí hợp lý phát sinh do phải chờ nhận tài sản nếu bên vận chuyển chậm giao.
 4. Yêu cầu bên vận chuyển bồi thường thiệt hại do tài sản bị mất, hư hỏng.
 Điều 541. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại
 1. Bên vận chuyển phải bồi thường thiệt hại cho bên thuê vận chuyển nếu để tài sản bị mất hoặc hư hỏng, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 536 của Bộ luật này.
 2. Bên thuê vận chuyển phải bồi thường thiệt hại cho bên vận chuyển và người thứ ba về thiệt hại do tài sản vận chuyển có tính chất nguy hiểm, độc hại mà không có biện pháp đóng gói, bảo đảm an toàn trong quá trình vận chuyển.
 3. Trường hợp bất khả kháng dẫn đến tài sản vận chuyển bị mất, hư hỏng hoặc bị hủy hoại trong quá trình vận chuyển thì bên vận chuyển không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
 Mục 11
 HỢP ĐỒNG GIA CÔNG
 Điều 542. Hợp đồng gia công
 Hợp đồng gia công là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên nhận gia công thực hiện công việc để tạo ra sản phẩm theo yêu cầu của bên đặt gia công, bên đặt gia công nhận sản phẩm và trả tiền công.
 Điều 543. Đối tượng của hợp đồng gia công
 Đối tượng của hợp đồng gia công là vật được xác định trước theo mẫu, theo tiêu chuẩn mà các bên thoả thuận hoặc pháp luật có quy định.
 Điều 544. Nghĩa vụ của bên đặt gia công
 1. Cung cấp nguyên vật liệu theo đúng số lượng, chất lượng, thời hạn và địa điểm đã thỏa thuận cho bên nhận gia công; cung cấp giấy tờ cần thiết liên quan đến việc gia công.
 2. Chỉ dẫn cho bên nhận gia công thực hiện hợp đồng.
 3. Trả tiền công theo đúng thoả thuận.
 Điều 545. Quyền của bên đặt gia công
 1. Nhận sản phẩm gia công theo đúng số lượng, chất lượng, phương thức, thời hạn và địa điểm đã thoả thuận.
 2. Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại khi bên nhận gia công vi phạm nghiêm trọng hợp đồng.
 3. Trường hợp sản phẩm không bảo đảm chất lượng mà bên đặt gia công đồng ý nhận sản phẩm và yêu cầu sửa chữa nhưng bên nhận gia công không thể sửa chữa được trong thời hạn thoả thuận thì bên đặt gia công có quyền hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
 Điều 546. Nghĩa vụ của bên nhận gia công
 1. Bảo quản nguyên vật liệu do bên đặt gia công cung cấp.
 2. Báo cho bên đặt gia công biết để đổi nguyên vật liệu khác, nếu nguyên vật liệu không bảo đảm chất lượng; từ chối thực hiện gia công, nếu biết hoặc phải biết việc sử dụng nguyên vật liệu có thể tạo ra sản phẩm nguy hại cho xã hội.
 3. Giao sản phẩm cho bên đặt gia công đúng số lượng, chất lượng, phương thức, thời hạn và địa điểm đã thoả thuận.
 4. Giữ bí mật thông tin về quy trình gia công và sản phẩm tạo ra.
 5. Chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm, trừ trường hợp sản phẩm không bảo đảm chất lượng do nguyên vật liệu mà bên đặt gia công cung cấp hoặc do sự chỉ dẫn không hợp lý của bên đặt gia công.
 6. Hoàn trả nguyên vật liệu còn lại cho bên đặt gia công sau khi hoàn thành hợp đồng.
 Điều 547. Quyền của bên nhận gia công
 1. Yêu cầu bên đặt gia công giao nguyên vật liệu đúng chất lượng, số lượng, thời hạn và địa điểm đã thoả thuận.
 2. Từ chối sự chỉ dẫn không hợp lý của bên đặt gia công trong quá trình thực hiện hợp đồng, nếu thấy chỉ dẫn đó có thể làm giảm chất lượng sản phẩm, nhưng phải báo ngay cho bên đặt gia công.
 3. Yêu cầu bên đặt gia công trả đủ tiền công theo đúng thời hạn và phương thức đã thoả thuận.
 Điều 548. Trách nhiệm chịu rủi ro
 Cho đến khi giao sản phẩm cho bên đặt gia công, bên nào là chủ sở hữu của nguyên vật liệu thì phải chịu rủi ro đối với nguyên vật liệu hoặc sản phẩm được tạo ra từ nguyên vật liệu đó, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
 Khi bên đặt gia công chậm nhận sản phẩm thì phải chịu rủi ro trong thời gian chậm nhận, kể cả trong trường hợp sản phẩm được tạo ra từ nguyên vật liệu của bên nhận gia công, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
 Khi bên nhận gia công chậm giao sản phẩm mà có rủi ro đối với sản phẩm gia công thì phải bồi thường thiệt hại xảy ra cho bên đặt gia công.
 Điều 549. Giao, nhận sản phẩm gia công
 Bên nhận gia công phải giao sản phẩm và bên đặt gia công phải nhận sản phẩm theo đúng thời hạn và tại địa điểm đã thoả thuận.
 Điều 550. Chậm giao, chậm nhận sản phẩm gia công
 1. Trường hợp bên nhận gia công chậm giao sản phẩm thì bên đặt gia công có thể gia hạn; nếu hết thời hạn đó mà bên nhận gia công vẫn chưa hoàn thành công việc thì bên đặt gia công có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
 2. Trường hợp bên đặt gia công chậm nhận sản phẩm thì bên nhận gia công có thể gửi sản phẩm đó tại nơi nhận gửi giữ và phải báo ngay cho bên đặt gia công. Nghĩa vụ giao sản phẩm hoàn thành khi đáp ứng được các điều kiện đã thoả thuận và bên đặt gia công đã được thông báo. Bên đặt gia công phải chịu mọi chi phí phát sinh từ việc gửi giữ.
 Điều 551. Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng gia công
 1. Mỗi bên đều có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng gia công, nếu việc tiếp tục thực hiện hợp đồng không mang lại lợi ích cho mình, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác, nhưng phải báo cho bên kia biết trước một thời gian hợp lý.
 2. Bên đặt gia công đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thì phải trả tiền công tương ứng với công việc đã làm, trừ trường hợp có thoả thuận khác. Bên nhận gia công đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thì không được trả tiền công, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
 3. Bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng mà gây thiệt hại cho bên kia thì phải bồi thường.
 Điều 552. Trả tiền công
 1. Bên đặt gia công phải trả đủ tiền công vào thời điểm nhận sản phẩm, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
 2. Trường hợp không có thoả thuận về mức tiền công thì áp dụng mức tiền công trung bình đối với việc tạo ra sản phẩm cùng loại tại địa điểm gia công và vào thời điểm trả tiền.
 3. Bên đặt gia công không có quyền giảm tiền công, nếu sản phẩm không bảo đảm chất lượng do nguyên vật liệu mà mình đã cung cấp hoặc do sự chỉ dẫn không hợp lý của mình.
 Điều 553. Thanh lý nguyên vật liệu
 Khi hợp đồng gia công chấm dứt, bên nhận gia công phải hoàn trả nguyên vật liệu còn lại cho bên đặt gia công, trừ trường hợp có thoả thuận khác.