Công tác cán bộ là gì – Liên hệ bản thân về công tác cán bộ

Cán bộ & công tác cán bộ là gì

 Cán bộ theo nghĩa chung nhất là người có chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc nhà chuyên môn, khoa học hay công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan, tổ chức của hệ thống chính trị; hưởng lương hay phụ cấp từ ngân sách nhà nước hoặc từ nguồn kinh phí khác, hình thành từ bầu cử, tuyển dụng, bổ nhiệm, đề bạt và được phân công công tác … có trách nhiệm quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả đường lối, chính sách của Đảng, bổ sung, hoàn thiện đường lối, chính sách.

 Từ thực tiễn cách mạng ViệtNam, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Xuất phát từ quan điểm đó, trong suốt cuộc đời cách mạng, Chủ tịch HCM luôn chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ của đảng, người đã đặt công tác đào tạo, bồi dưỡng huấn luyện cán bộ lên hàng đầu.

 Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn coi cán bộ là khâu then chốt trong toàn bộ hoạt động lãnh đạo của Đảng, là nguyên nhân thành bại của cách mạng. Đảng đã khẳng định: “Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, gắn liền với vận mệnh của Đảng, của đất nước và của chế độ, là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng”.

 Công tác cán bộ nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ là tổng thể các biện pháp của các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể trong xây dựng tiêu chuẩn cán bộ; đánh giá cán bộ; quy hoạch cán bộ; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; luân chuyển, điều động cán bộ; bố trí, sử dụng, bổ nhiệm, đề bạt, khen thưởng, kỷ luật cán bộ, …  nhằm phát huy năng lực đội ngũ cán bộ theo hướng bố trí số lượng hợp lý, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ (vừa hồng vừa chuyên), đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu hoạt động của Hệ thống chính trị trong tình hình mới.

 Thực hiện Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước theo tinh thần Nghị quyết TW 3 Khoá VIII, đội ngũ cán bộ của chúng ta đã có những ưu điểm nổi bật, đó là: Đa số cán bộ phấn khởi và tin tưởng vào thành công của công cuộc đổi mới, kiên định mục tiêu mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn; số cán bộ được đào tạo cơ bản ngày càng nhiều cả về lý luận chính trị, khoa học kỹ thuật, quản lý kinh tế, quản lý nhà nước; năng lực, trình độ lãnh đạo, quản lý kinh tế – xã hội có nhiều tiến bộ. Đội ngũ cán bộ được tăng cường về số lượng, trình độ các mặt được nâng lên; cơ cấu đội ngũ cán bộ ngày càng hợp lý hơn. Về cơ bản đã khắc phục được những biểu hiện mơ hồ, dao động về lý tưởng của một bộ phận cán bộ. Số đông cán bộ vẫn giữ được phẩm chất đạo đức, lối sống lành mạnh, giản dị, gắn bó, gần gũi với nhân dân.

 Song bên cạnh đó đội ngũ cán bộ vẫn còn những mặt yếu kém, khuyết điểm như Hội nghị TW4 – khoá XI (01/2012),Trung ương đã chỉ ra các khuyết điểm của đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ là: một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái nghiêm trọng về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, thể hiện ở chỗ: phai nhạt lý tưởng, không kiên định con đường XHCN, dao động, thiếu niềm tin; xa sút ý chí chiến đấu, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh, thậm chí còn phụ hoạ với những quan điểm sai trái; sống ích kỷ, cơ hội, vụ lợi, hám danh, tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm; tình trạng bè phái, cục bộ, mất đoàn kết và phong cách quan liêu, xa dân, vô cảm trước những  khó khăn, bức xúc của dân. Tình hình đó đã làm sói mòn và suy giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, tác động tiêu cực đến uy tín, sức chiến đấu và vai trò lãnh đạo của Đảng. Việc xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có đủ phẩm chất, năng lực có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhất là cấp ở Trung ương chưa được chỉ đạo và xây dựng một cách cơ bản nên dẫn đến tình trạng hẫng hụt, chắp vá, không đồng bộ. Một số trường hợp đánh giá cán bộ chưa thật công tâm, khách quan, không đúng với năng lực, sở trường của cán bộ, đã ảnh hưởng lớn đến uy tín của Đảng, sự phát triển của ngành, địa phương. Việc chấp hành các nguyên tắc tổ chức của Đảng không được chặt chẽ và còn bị vi phạm, đã dẫn đến tình trạng không rõ ràng, rành mạch về thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị. Nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” nhiều nơi rơi vào hình thức do không xác định rõ trách nhiệm, mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân; khi có khuyết điểm thì đổ lỗi cho tập thể, không ai chịu trách nhiệm.

 Những yếu kém, khuyết điểm đó có nhiều nguyên nhân, nguyên nhân khách quan là do dấu ấn của nền sản xuất nhỏ chi phối; nguyên nhân chủ quan là do bước vào thời kỳ đất nước đổi mới các cấp ủy đảng chưa dự báo được những tình huống; chưa hiểu dầy đủ nội dung, yêu cầu đổi mới đối với cán bộ, nhiều tổ chức đảng và cơ quan chưa chủ động xây dựng quy hoạch cán bộ, không tích cực chuẩn bị người bổ sung thay thế, công tác giáo dục, bồi dưỡng về nhận thức, lý tưởng cho cán bộ, đảng viên còn hạn chế; bản thân cán bộ thiếu tự giác học tập, rèn luyện, tu dưỡng; công tác quản lý, kiểm tra, bố trí sử dụng và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ còn nhiều bất cập, yếu kém; kỷ luật cán bộ không nghiêm. Chưa có chính sách thu hút và tạo nguồn phát triển cán bộ trong nhiều lĩnh vực; chưa phát huy hết năng lực, trách nhiệm của cán bộ; chưa sàng lọc, bảo vệ và chăm lo tốt cho đội ngũ cán bộ. Mặt khác, nền kinh tế nước ta còn lạc hậu; trình độ khoa học, công nghệ thấp, chưa tiếp cận được với sự phát triển của kinh tế tri thức; hệ thống giáo dục còn bất cập, chậm đổi mới, thiếu đồng bộ; thiếu cơ chế phát hiện, tuyển chọn, đào tạo và sử dụng người có đức, có tài, cán bộ khoa học, chuyên gia giỏi. Nhiều cơ chế, chính sách chậm đổi mới, còn cào bằng, thậm chí lạc hậu, thiếu động lực, kìm hãm sự phát triển, làm nản lòng cán bộ, làm thui chột tài năng; tình trạng phân hoá giàu ngheo trong xã hội và việc giàu lên nhanh chóng của một bộ phận cán bộ gây tâm lý băn khoăn, lo lắng, làm giảm niềm tin, sự phấn đấu của đội ngũ cán bộ.

Liên hệ bản thân về công tác cán bộ

1. Phương hướng phấn đấu, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, lối sống của bản thân theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh

 Một là, mỗi cán bộ, đảng viên cần nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm với công việc. Học và làm theo Bác không phải là bằng những điều cao siêu, to lớn, mà cần bắt đầu từ những lời nói, việc làm, bằng thái độ, cách ứng xử trong xử lý và giải quyết công việc hằng ngày. Đó là sự tự ý thức về trách nhiệm của mình trong công việc chung, là việc cố gắng, nỗ lực hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ ở cương vị công tác. Mỗi người cần thấm nhuần, khắc sâu lời Bác dạy: Cán bộ, đảng viên “là người đày tớ trung thành và tận tụy của nhân dân”; “phục vụ nhân dân là phục tùng chân lý”; “làm công bộc cho dân là một việc làm cao thượng”.

 Học tập ý thức, tinh thần trách nhiệm phục vụ nhân dân của Bác cần xuất phát từ tinh thần tự giác, sự thôi thúc của con tim, từ danh dự và lương tâm của chính bản thân mỗi người. Làm việc với một niềm hăng say, phấn khởi, tin tưởng, hạnh phúc, với mong muốn được cống hiến, đóng góp một phần nhỏ bé vào sự phát triển của cơ quan, đơn vị, tổ chức mà mình là thành viên, rộng hơn là của xã hội, đất nước, chứ không phải vì danh lợi, chạy theo thành tích. Cần nhận thức rõ rằng, trở thành một cán bộ, công chức, một đảng viên là niềm vinh dự, tự hào, nhưng cũng là trách nhiệm, nghĩa vụ to lớn. Vinh dự, trách nhiệm đó đòi hỏi mỗi người cần cố gắng, phấn đấu, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng, năng lực chuyên môn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được tổ chức phân công, giao phó.

 Học tập tinh thần trách nhiệm của Bác còn là việc phải luôn đau đáu, trăn trở với những tâm tư, suy nghĩ, mong mỏi của người dân và xã hội, muốn đóng góp sức lực nhỏ bé của mình vào việc xây dựng một xã hội tiến bộ, tốt đẹp hơn; nói đi đôi với làm, lý luận liên hệ với thực tiễn; biết thông cảm, thấu cảm, biết đau trước những khó khăn, mất mát của người dân; biết vui mừng, sẻ chia trước hạnh phúc, niềm vui của nhân dân. Thấu hiểu và cảm thông với nhân dân, xuất phát từ lợi ích của nhân dân sẽ giúp mỗi cán bộ, đảng viên luôn tìm tòi, suy nghĩ để giải quyết công việc vừa ích nước, vừa lợi dân.

 Hai là, trong xử lý và giải quyết công việc cần khắc ghi sâu sắc nguyên tắc lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, của Đảng là tối thượng, bất khả xâm phạm, kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân. Người cán bộ, đảng viên trước bất cứ công việc gì, dù ở cương vị, hoàn cảnh nào cũng phải luôn đặt lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, của Đảng lên trước. Lợi ích của cá nhân, của bộ phận, của giai cấp phải phục tùng và không được làm tổn hại đến lợi ích dân tộc; đồng thời, linh hoạt, mềm dẻo, “dĩ bất biến ứng vạn biến” trong thực hiện nguyên tắc này. Vì vậy, trong quá trình hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giải quyết một cách đúng đắn, sáng tạo yêu cầu, đòi hỏi, nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam; đoàn kết, tập hợp được sức mạnh của cả dân tộc làm nên thắng lợi vĩ đại trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.

 Để luôn đứng vững trên lập trường dân tộc, lấy quyền lợi của Tổ quốc và nhân dân làm tối thượng, cần chống chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm, tư tưởng cục bộ, óc bè phái, kéo bè kéo cánh, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần chỉ ra. Chủ nghĩa cá nhân “là một thứ vi trùng rất độc, một thứ rất gian giảo, xảo quyệt”. Do chủ nghĩa cá nhân mà ngại khó khăn, gian khổ, tham danh, trục lợi, thích địa vị, quyền hành, xa rời quần chúng, mất đoàn kết, kém tinh thần trách nhiệm,… Nó là nguyên nhân của mọi thói hư tật xấu, của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Do vậy, phải “kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân” – kẻ thù bên trong của mỗi chúng ta.

 Ba là, học tập và làm theo Bác, mỗi cán bộ, đảng viên cần không ngừng rèn luyện về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, chuyên môn, nghiệp vụ. Trong một xã hội vận động và biến đổi nhanh chóng, đất nước hội nhập sâu rộng với thế giới đã và đang đặt ra yêu cầu, đòi hỏi rất cao về năng lực, chuyên môn, phẩm chất, đạo đức, bản lĩnh chính trị đối với mỗi người cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Do vậy, để tránh tụt hậu, đáp ứng được yêu cầu của công việc, tiến tới có đủ năng lực làm việc được trong môi trường quốc tế, không có cách nào khác, mỗi người cần có tinh thần cầu thị, không ngừng cố gắng, nỗ lực học tập, rèn luyện để tự hoàn thiện bản thân, ngày càng tiến bộ.

 Mỗi cán bộ, đảng viên phải coi việc tự học tập, rèn luyện là nhiệm vụ tự thân, là chế độ, quy định bắt buộc. Học tập là con đường duy nhất để tiến bộ và phát triển. Học tập phải được coi là nghĩa vụ, là khát vọng, niềm say mê, nguồn vui để làm việc và làm người cán bộ, đảng viên tốt. Không học tập và rèn luyện sẽ bị tụt hậu, đào thải, không đáp ứng được yêu cầu về phẩm chất đạo đức và năng lực chuyên môn. Do vậy, cần xác định học tập là công việc suốt đời, “còn sống là còn phải học”. Có nhiều cách học: học ở trường lớp, học đồng nghiệp, học trong sách vở, tự học. Nói tóm lại, phải thấm nhuần lời dạy của V.I.Lê-nin được Hồ Chí Minh nhắc đi nhắc lại nhiều lần: “Học, học nữa, học mãi”

2. Tự liên hệ về việc rèn luyện tu dưỡng đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên

 Để phòng, chống tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay, cần triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ một hệ thống các nhóm giải pháp.

 Nhóm giải pháp trong công tác xây dựng Đảng:

 Một là, đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học, nghiên cứu lý luận chính trị.

 Hai là, tăng cường công tác tư tưởng đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân.

 Ba làđẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016, của Bộ Chính trị một cách thiết thực, gắn với công việc, sự rèn luyện, tu dưỡng hằng ngày của mỗi cán bộ.

 Bốn làtừng cơ quan, đơn vị, địa phương cần rà soát và có kế hoạch sửa chữa, khắc phục hạn chế.

 Năm là, về tổ chức, cán bộ và sinh hoạt đảng, các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị cần bổ sung, sửa đổi quy chế làm việc cho phù hợp với Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.

 Sáu tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố.

 Bảy khẩn trương rà soát, loại bỏ các cơ chế, chính sách không còn phù hợp.

 Nhóm giải pháp tăng cường quản lý nhà nước:

 Một làxây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật.

 Hai làxây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý kinh tế – xã hội.

 Ba là, tăng cường công tác thanh tra nhà nước.

 Nhóm giải pháp phát huy vai trò của nhân dân, các đoàn thể chính trị – xã hội, báo chí và dư luận xã hội:

 Một là, phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của nhân dân.

 Hai là, phát huy vai trò của dư luận xã hội.

 Ba là, phát huy vai trò của báo chí, truyền thông.

 Bốn là, phát huy vai trò, ảnh hướng, tác động của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

 Nhóm giải pháp hạn chế tác động tiêu cực từ bên ngoài

 Một là, tổ chức đấu tranh có hiệu quả với các quan điểm sai trái, các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch xung quanh vấn đề tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

 Hai là, hạn chế tác động của lối sống thực dụng phương Tây trong điều kiện toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

 Một số giải pháp cần đặc biệt tập trung thực hiện:

 1- Cần nhìn thẳng vào sự thật để thấy nguyên nhân sâu xa nhất của tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên nằm trong sự lạc hậu, hạn chế của công tác lý luận.

 2- Để khắc phục sự yếu kém về lý luận nhằm chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cần thực hiện tốt một số hướng cơ bản sau đây:

 3- Để khắc phục các khiếm khuyết, bất hợp lý trong cơ cấu tổ chức, cơ chế hoạt động của hệ thống chính trị nói chung, trong hệ thống pháp luật và cơ chế điều hành, quản lý đất nước nói riêng, dễ tác động tiêu cực đến tư tưởng chính trị trong cán bộ, đảng viên, cần coi trọng các giải pháp

  • Để khắc phục sự suy thoái về đạo đức, lối sống, ngoài các giải pháp cơ bản nêu trên, cần tập trung vào những vấn đề chính
  • Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, kiên định mục tiêu, lý tưởng cách mạng
  • Thực hiện nghiêm nguyên tắc Đảng lãnh đạo công tác cán bộ trong hệ thống chính trị.
  • Thực sự quan tâm đến việc nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên bằng việc ban hành và thực thi quy định chặt chẽ hơn
  • Kiên quyết thực hiện ngay việc công khai tài sản, thu nhập của cán bộ, đảng viên, công chức.
  • Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong Đảng.

 Nhận thức và tự liên hệ về việc rèn luyện tu dưỡng đạo đức, lối sống

 Về ý thức trách nhiệm, tâm huyết với công việc: Đối với mỗi một người giáo viên công việc chính là giảng dạy truyền thụ tri thức và rèn luyện nhân cách cho học sinh, một công việc hết sức khó khăn nhưng cũng đầy tự hào. Thấm nhuần được đạo đức, tư tưởng và mong ước của Người tôi đã, sẽ không ngừng học tập nâng cao trình độ về chuyên môn nghiệp vụ để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Tôi luôn khát khao mình sẽ đóng góp được một phần nhỏ bé vào công cuộc trồng người và cống hiến cho đất nước những người con đủ đức, đủ tài để phần nào thoả lòng mong ước của Người, tôi luôn tự hào và sẽ cố gắng hết mình để thực hiện tốt điều đó.

 Về chống chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng, thực hiện Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh:

 – Tích cực lao động, học tập, công tác với tinh thần lao động sáng tạo, có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao; biết quý trọng công sức lao động và tài sản của tập thể, của nhân dân; không xa hoa, lãng phí, không phô trương, hình thức.

 – Kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, lối sống thực dụng; thẳng thắn, trung thực, bảo vệ chân lý, bảo vệ đường lối, quan điểm của Đảng, bảo vệ người tốt; chân thành, khiêm tốn; không chạy theo chủ nghĩa thành tích, không bao che, giấu giếm khuyết điểm…đặc biệt bản thân sống có trách nhiệm, ủng hộ và thực hiện tốt cuộc vận động “Hai không” trong giáo dục

 – Kiên quyết chống bệnh lười biếng, lối sống hưởng thụ, vị kỷ, nói không đi đôi với làm, nói nhiều, làm ít, miệng nói lời cao đạo nhưng tư tưởng, tình cảm và việc làm thì mang nặng đầu óc cá nhân.

 – Luôn có ý thức giữ gìn đoàn kết toàn dân, đoàn kết trong Đảng, trong cơ quan, đơn vị; kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng trước mọi mưu đồ của các thế lực thù địch, cơ hội hòng chia rẽ dân tộc, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, chia rẽ Đảng với nhân dân. Đoàn kết là yêu nước, chia rẽ là làm hại cho đất nước. Mọi biểu hiện cục bộ, bản vị là trái với tinh thần yêu nước chân chính.

 Về ý thức tổ chức kỷ luật, thực hiện tự phê bình và phê bình theo tấm gương Hồ Chí Minh:

 Bản thân tôi luôn đặt mình trong tổ chức, trong tập thể, phải tôn trọng nguyên tắc, pháp luật, kỷ cương không kéo bè, kéo cánh để làm rối loạn kỷ cương, để cầu danh, trục lợi hoặc chuyên quyền, độc đoán, đứng trên tập thể, đứng trên quần chúng…, làm cho nhân dân bất bình, cần phải lên án và loại bỏ.

 Dù ở bất cứ cương vị nào phải gần gũi với mọi người, học tập và có trách nhiệm với những người xung quanh.

 Luôn có ý thức phải rất coi trọng tự phê bình và phê bình. Bản thân tôi không sợ phê bình, không sợ khuyết điểm mà chỉ sợ không nhận ra khuyết điểm dẫn đến những sai phạm nghiêm trọng hơn vì vậy phải tự nghiêm khắc với chính mình và phê bình luôn có mục đích xây dựng. Cần phê phán những biểu hiện xuất phát từ những động cơ cá nhân, vụ lợi mà “đấu đá”, nhân danh phê bình để đả kích, lôi kéo, chia rẽ, làm rối nội bộ.

 Luôn động viên những người thân trong gia đình và xã hội giữ gìn đạo đức lối sống, xây dựng gia đình văn hoá.

 Nhược điểm:

 Tôi nhận thấy rằng bản thân mình đã cố gắng rất nhiều trên tất cả các mặt song vẫn còn có những hạn chế nên kết quả chưa cao .

 – Trong việc đấu tranh phê bình và tự phê bình đôi lúc còn rụt rè, còn cả nể trong việc đánh giá xếp loại .

 – Việc nắm bắt thông tin, ứng dụng những tiến bộ của khoa học công nghệ vào công việc chuyên môn còn có những hạn chế nhất định .

 Phương hướng phấn đấu, rèn luyện tu dưỡng đạo đức lối sống của bản thân:

 Phấn đấu hoàn thành tốt và giữ vững những kết quả đã đạt được. Luôn là người giáo viên mẫu mực xứng đáng với niềm tin yêu của học sinh. Luôn gương mẫu trong các hoạt động, tích cực vận dụng phương pháp giảng dạy mới để phát huy tính tích cực của học sinh, phải luôn nêu gương về mặt đạo đức, giữ vững lập trường của người đảng viên Đảng cộng sản.

 Sự nghiệp đổi mới đất nước đã và đang đặt ra những yêu cầu ngày càng cao đối với sự hình thành và phát triển những phẩm chất đạo đức tốt đẹp của người Việt Nam, đồng thời tạo ra những thuận lợi và thử thách đối với mỗi chúng ta trong lĩnh vực đạo đức. Hơn lúc nào hết chúng ta hãy kế thừa và phát huy truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc ta, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để tạo nên động lực cho sự phát triển bền vững của đất nước. Và điều quan trọng nhất là mỗi chúng ta phải nhận thức đầy đủ vị trí của vấn đề đạo đức, thường xuyên tự giác, nỗ lực học tập, rèn luyện tu dưỡng đạo đức theo gương Bác Hồ vĩ đại.

  

  

  

  

  

  

  

  

  

 Tag: 26 26-nq/tw 7 khóa 12 đoạn bài cáo quân tiểu huống tầm kiến nghiệm khái niệm 6 37 12-kl/tw 4 lệ ca nạp kêt lien he than 2017 bai bí thư 2012 cong tac van dong nhan dan o co so phan tich cư trú 09-hd/btctw 05-6-2017về 2018 chương sở?